Download as doc, pdf, or txt
Download as doc, pdf, or txt
You are on page 1of 11

Lời bạt

Những nhà binh gia cho rằng, cái lẽ suy yếu, hưng thịnh của thiên thời và nguyên
nhân tiến thóai, tồn vong của nhân sự chính là do trời đất chuyển biến ra. Họ chỉ
liếc sơ vào kinh thánh mà tiến hành giảng giải sai lầm, điều này cũng không phải là
ít, đã có bao kẻ ngộ nhận ngọc trong đá là chuột bọ, xanh gọi ra vàng? Thầy ta,
Ngộ Nguyên, tạo được tinh của tính mệnh, chứng tới sự huyền bí của người, trời,
thể hội được lòng từ bi giác ngộ về thế gian của thánh nhân xưa, muốn khơi dậy
những điều bị che lấp, thương người học đời sau vất vả mà không có nơi để theo,
nên đã giảng giải kinh này tường tận, quét bỏ những lời lẽ sai lầm, khôi phục, sự
chân chính của âm phù. Trong đó, cái học về tận tính chí mệnh (nắm lấy mọi tri
thức sâu xa về tính và mệnh), lý lẽ về vô vi, hữu vi, không có chỗ nào không giảng
rõ, khiến cho âm phù bị mai một mấy nghìn năm đến nay lộ ra hòan tòan ý chỉ ban
đầu, mà không có chút dư thừa nào. Kinh viết: "Quán thiên chi đạo, chấp thiên chi
hành, tận hĩ (xem xét đạo trời, nắm lấy sự vận hành của trời, chỉ thế thôi)", tôi xin
nói: "Thánh kinh chi tinh, thánh đạo chi vi, tận hĩ (kinh của thánh tinh tế, đạo của
thánh huyền vi, thế thôi)".
Năm thứ ba niên hiệu Gia Khánh (năm Mậu Ngọ), ngày mồng chín tháng chín, môn
nhân học đạo Vương Phụ Thanh Vân - Phong Phủ Mộc kính đề

Âm là mờ tối, thầm lặng, người không thể thấy, không thể biết, mà riêng ta thấy,
riêng ta biết; phù là hợp lại, hai mà hợp với nhau, đây và đó như một; kinh là con
đường, là đường lối, là thường xuyên, con đường thường đi, lâu mà không đổi. Âm
phù kinh tức là con đường vận hành thầm lặng của thần minh, lặng lẽ hợp cùng tạo
hóa. Lặng lẽ hợp cùng tạo hóa thì người hợp cùng trời, nhất động nhất tĩnh đều là
thiên cơ, người cũng chính là nhất thiên (trời). Ba thiên thượng, trung, hạ không
chương nào không làm rõ ba chữ Âm phù kinh, hiểu được ba chữ này có thể suy ra
đại ý của ba thiên.

Thiên thượng

Quán thiên chi đạo, chấp thiên chi hành, tận hĩ.
Tìm hiểu đạo trời, tu luyện theo sự vận hành của trời, chỉ thế thôi.

Đạo về tính mệnh tức đạo của trời. Đạo của trời là đạo của âm dương. Người tu
luyện hiểu được sự huyền diệu sâu kín của đạo trời thì thần minh lặng lẽ vận hành,
chiếm lấy khí âm dương, đọat quyền tạo hóa, có thể trường sinh bất tử, có thể
không sinh ra không chết đi. Nhưng chỗ tối quan trọng của nó là có thể quán và có
thể chấp. Thế nào là quán? Cách vật trí tri (nghiên cứu đến nơi đến chốn nguyên lý
của sự vật để có sự hiểu biết) đó gọi là quán. Thế nào là chấp? Chuyên tâm dốc chí
gọi là chấp, dốc tòan bộ sức lực thực hiện gọi là chấp, càng lâu càng mạnh mẽ gọi
là chấp. Quán thiên đạo là công phu vô vi, là sự đốn ngộ nhằm triệt để nắm được
tính; chấp thiên hành là sự học hỏi hữu vi, dần tu thành, nhằm thấu triệt mệnh.
Quán được, chấp được, dùng đạo âm dương thóat khỏi âm dương, dựa vao thế gian
pháp mà thóat khỏi thế gian, tính mệnh đều nắm cả, tâm và pháp đều quên đi,
vượt khỏi trời đất, muôn kiếp trường tồn. Chỉ hai câu này mà làm thành thang trời
giúp thành tiên thành Phật, đó là đạo để trở thành thánh nhân, hiền nhân. Ngòai nó
ra tất cả đều là tà thuyết, nên nói là "tận (hết)".

Thiên hữu ngũ tặc, kiến chi giả xương


Trời có năm mối giặc, nhận ra nó thì tốt đẹp.

Ngũ tặc là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. trời dùng âm dương ngũ hành biến hóa sinh ra
vạn vật, lấy khí làm thành hình, nên con người nhờ thọ nhận khí này mà sinh ra và
lớn lên. Nhưng dương cực thì sinh âm, tiên thiên nhập vao hậu thiên, ngũ hành
không thể hòa hợp, tự tương hại lẫn nhau, mỗi thứ một tính. Mộc xem kim là giặc,
kim xem hỏa là giặc, hỏa xem thủy là giặc, thủy xem thổ là giặc, đây gọi là năm
mối giặc (ngũ tặc) của trời. Năm mối giặc này thường ngay trăm họ đều dùng đến
mà không biết, cứ thuận theo khí của nó nên sinh rồi tử, tử rồi sinh, sinh tử không
ngừng. Nếu có người nhận ra nó, chuyển nghịch tạo hóa, điên đảo ngũ hành thì:
kim vốn khắc mộc, mộc ngược lại nhờ nó mà lớn mạnh; mộc vốn khắc thổ, thổ
ngược lại nhờ nó mà màu mỡ; thổ vốn khắc thủy, thủy ngược lại nhờ nó mà không
lan tràn; thủy vốn khắc hỏa, hỏa ngược lại nhờ nó mà không khô nóng; hỏa vốn
khắc kim, kim ngược lại nhờ nó mà phát sáng. Trong khắc có sinh, ngũ tặc chuyển
thành ngũ báu (năm thứ quý báu), nhất khí hỗn độn, hòan nguyên phản bản, đó
không phải là điều tốt đẹp ư!

Ngũ tặc tại tâm, thi hành vu thiên. Vũ trụ tại hồ thủ, vạn hóa sinh hồ thân
Năm mối giặc nằm ở tâm, thi hành nơi trời. vũ trụ trong bàn tay, vạn sự biết hóa
sinh nơi thân.

Con người nhận lấy khí của ngũ hành mà sinh ra thân, trong thân đã sẵn có khí ngũ
hành. Nhưng tâm là chủ của thân, thân là nhà của tâm, ngũ tặc ở nơi thân mà thật
ra là ở nơi tâm. Nhưng tâm có phân biệt nhân tâm và đạo tâm. Nhân tâm toan tính
sự việc thì ngũ tặc sinh ra thành ngũ vật: vui, buồn, mừng, giận và thích muốn;
đạo tâm họat động thì ngũ tặc biến thành ngũ đức: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Nếu có
thể "quán thiên" mà rõ được chân tướng của ngũ hành, vận dụng đạo tâm từng
bước tiến tới, cuối cùng ra khỏi trời mà không cầu nhờ người nào khác, vũ trụ tuy
lớn mà như nằm trong lòng bàn tay; muôn sự chuyển hóa tuy là nhiều nhưng
không ở ngòai thân. hội tụ ngũ hành, hòa hợp tứ tượng, thì việc nắm tòan bộ tính
mệnh cũng không khó gì.

Thiên tính nhân dã, nhân tâm cơ dã, lập thiên chi đạo, dĩ định nhân dã.
Thiên tính là người, nhân tâm là cơ tâm, thiết lập đạo trời để định nhân tâm.

Thiên tính là tính mà trời phú cho, tức tính chân như, là cái được gọi là chân tâm,
nó không có sự nhận biết mà chỉ thuận theo nguyên tắc của trời, nhưng con người
có được nó nên gọi nó là người. Nhân tâm là tính của khí chất, tức tính của tri thức,
là cái được gọi là cơ tâm, thấy cảnh sinh ra tình, tùy lúc mà thây đổi, và con người
vì có nó mà có sinh có tử. Thiên tính là thiên cơ, tức thiên đạo (đạo trời); nhân tâm
là nhân cơ, tức nhân đạo (đường lối của con người). Giữ lấy thiên cơ thì còn, thuận
theo nhân cơ là mất. Duy có đại thánh nhân biết "quán thiên đạo, chấp thiên hành",
đứng ở giữa không thiên lệch, tịch nhiên bất động, cảm đến thì thông, tu chân tính
để chuyển hóa khí tính, giữ đạo trời mà định nhân tâm, không để chút khí nào bên
ngòai tạp nhiễm vào trong tâm.

Thiên phát sát cơ, di tinh dịch tú; địa phát sát cơ, long xà khởi lục; nhân
phát sát cơ, thiên địa phản phúc; thiên nhân hợp phát, vạn hóa định cơ.
Trời nổi sát cơ di chuyển tinh tú; đất nổi sát cơ rồng rắn chồm lên; người khởi sát
cơ đất trời đảo lộn; trời người cùng hợp khởi định vạn biến hóa.

Sát cơ là khí âm tiêu điều lạnh lẽo có thể tổn thương vật, nhưng không có âm
không thể sinh dương, không có sát không thể có sinh, nên sát cơ của trời phát lên
thì lan khắp một vòng rồi trở lại ban đầu, khiếu tinh tú dời chuyển, đuôi sao đẩu
quay về phương dần; sát cơ của đất phát lên thì xấu cực đến lúc hồi sinh, rồng rắn
chồm dậy, tĩnh cực thì sinh động. con người cũng có một trời đất, cũng có âm
dương này nên có thể bắt chước cách của trờ, dấy lên sát cơ thì ngũ hành điên đảo
và trời đất giao hòa tốt đẹp. Vì sao vậy? Nếu nhân tâm hợp cùng thiên tâm, điên
đảo âm dương chỉ phút chốc thiên thời nhấn sự hợp nhất, gốc biến hóa của vạn vật
nằm ở đây và định được . Đây chính là điều Trung dung nói: Gắng đạt đến Trung
hòa, trời đất ở vào vị trí thỏa đáng, muôn vật được sinh sôi phát triển.

Tính hữu xảo chuyết, khả dĩ phục tàng


Tính có khéo vụng, có thể thu phục mà giấu kín đi.

Con người bẩm thụ khí âm dương để thành hình, lấy lương tri lương năng làm tính.
Tính không có tính nào xấu, nhưng khí có trong đục. Bẩm thụ khí trong là xảo
(khéo tốt), bẩm thụ khí đục là chuyết (xấu vụng). Tính khéo tốt thì lắm cơ mưu,
tính chuyết vụng thì nhiều thâm sân. Tính khéo tốt và tính xấu vụng đều là tính của
khí chất, là chủ của nhân tâm, không phải thiên tính vốn có. Đạo tu chân là hái tiên
thiên, chuyển hóa hậu thiên, và tất cả những tính khéo vụng này đều bị hàng phục
mà giấu kín đi, không cần dùng đến.

Cửu khiếu chi tà, tại hồ tam yêu, khả dĩ động tĩnh.
Tà khí ở chín lỗ chủ yếu có ở ba cửa quan trọng, có thể động tĩnh tùy lúc.
Chín lỗ này là bảy lỗ ở thân trên và hai lỗ ở thân dưới trên cơ thể con người. Ba cửa
quan trọng là mắt, mũi, miệng. Chín lỗ ở thân người đều là nơi nhận tà khí, mà
trong đó mắt, tai, miệng là những nơi chủ yếu triệu tà khí tới. tai nghe âm thanh thì
tinh dao động, mắt nhìn sắc thì thần chạy đi, miệng nói nhiều thì khí thất tán. Tinh,
khí, thần một khi bị tổn thương thì tòan thân suy yếu, tính mệnh không tránh được
chết chóc. Con người có thể thu tầm mắt lại, lắng nghe bên trong mình, ít nói, đóng
những cánh cửa trọng yếu, gửi chí vào hư vô, ý niệm bên trong không đi ra ngòai,
niệm tưởng bên ngòai không lấn vào trong. Tinh, khí, thần, ba lọai đại dược được
ngưng kết không tan mất. chín lỗ có thể động có thể tĩnh, lúc động lúc tĩnh đều
theo thiên cơ, không phải nhân cơ, vậy còn có tà khí nào không bị tiêu diệt?

Hỏa sinh vu mộc, họa phát tất khắc; gian sinh vu quốc, thời động tất hội. tri
chi tu luyện, vị chi thánh nhân.
Hỏa sinh từ mộc, hỏa phát lên thì khắc mộc (hại mộc); kẻ gian tà xuất hiện trong
đất nước, khi nó lộng hành thì đất nước tan nát. biết đó mà tu luyện, gọi là thánh
nhân.

Hỏa ví với tà tâm, mộc ví với tính, gian chỉ sự âm độc, quốc chỉ thân. Mọc vốn sinh
hỏa, hỏa cháy lên thì hai họa cho mộc, nên là thứ khắc mộc; tà sinh ở tâm, tà phát
sinh thì họa đến tâm, tính rối lọan; trong nước có kẻ gian trá, sự gian trá của nó nổi
lên làm tan vỡ quốc gia và mất nước; âm tàng ẩn ở thân, âm thịnh thì hủy họai
thân, làm suy sụp mệnh. Thân tâm đều bị lụy, tính mệnh cũng suy theo đó. Lúc này
âm thầm tu luyện, "quán thiên đạo, hành thiên chấp", hàng phục thân tâm, bảo
tòan tính mệnh, không bị ngũ hành hậu thiên ràng buộc, nếu không là thánh nhân
thì ai có thể đạt tới điều này?

Thiên trung

Thiên sinh thiên sát, đạo chi lý dã.


Trời sinh trời sát, đó là lý của đạo.

Đạo trời chỉ là âm dương mà thôi, dương chủ về sinh, âm chủ về sát, chưa từng có
dương mà không có âm, có sinh mà không có sát. Nên xuân sinh hạ trưởng thu
liễm đông tàng (mùa xuân sinh sôi, mùa hạ trưởng thành, mùa thu thu họach, mùa
đông cất giữ), bốn mùa theo thứ tự, hết vòng thì lại bắt đầu, tuần hòan không
ngừng, mãi mãi như vậy.

Thiên địa, vạn vật chi đạo; vạn vật, nhân chi đạo; nhân, vạn vật chi đạo.
tam đạo kỳ nghi, tam tài kỳ an. cố viết: thực kỳ thời, bách hài lý; động kỳ
cơ, vạn hóa an.
Trời đất là kẻ cướp đối với vạn vật, vạn vật là kẻ cướp đối với con người, con người
là kẻ cướp đối với vạn vật. ba sự cướp đọat này đạt được chỗ thích hợp thì tam tài
(trời, người, đất) an ổn. Nên nói: ăn đúng thời, xương cốt ngay ngắn, động đúng
lúc thì vạn biến hóa đều an.

Trời làm ra vạn vật, đất sinh ra vạn vật. nhưng sinh ra rồi lại giết đi, nên trờiđất là
kẻ cướp đối với vạn vật; thế gian có vạn vật, con ngừoi nhìn chúng mà sinh ra tình,
tình phóng túng, dục vọng buông tuồng nên tiên tan thần khí, nhỏ thì lớn lên, lớn
rồi già đi, già rồi chết, nên vạn vật là kẻ cướp đối với con người. Con người là anh
linh của vạn vật, vạn vật tuy có thẻ cướp lấy khí của con người nhưng con người lại
ăn tinh hoa của vạn vật, mượn lấy khí của vạn vật mà sinh sôi phát triển, nên con
người là kẻ cướp đối với vạn vật. Bậc đại tu hành có thể đọat lấy khí của vạn vật
mà dùng cho bản thân, lại có thẻ thừa lúc vạn vật đọat khí của mình mà cướp lấy
nó, và thừa lúc trời đất đọat lấy khí của vạn vật mà chiếm nốt, lấy ba sự chiếm đọat
này quy về một. Trong sát có sinh, ba sự chiếm đọat đều có chỗ hợp lẽ của chúng.
Bá sự chiếm đọat đã có chỗ hợp lẽ thì người hợp đức cùng trời đất, cùng song hành
mà không đối chọi lẫn nhau, tam tài đều an ổn. Tam tài đã an thì đạo khí trường
tồn, vạn vật không thể bẻ cong, tạo hóa không thể níu lấy. Nhưng bí mật của sự
cướp lấy nằm ở công phu nhất thời, phải không trước không sau, không đón không
đưa, không được thái quá, không được bất cập, khảm đến thì ly nhận lấy, đó đến
thì đây đãi đằng, dương trở lại thì âm tiếp đón, cơ bản không để mất thời, không để
lỡ cơ hội. Nên nói, ăn đúng thời, xương cốt ngay ngắn, động đúng lúc vạn biến hóa
đều an. Ăn đúng thời là thừa thời mà nuốt lấy khí tiên thiên; động đúng lúc là thừa
theo cơ hội mà xoay chuyển cán sinh sát. Ăn đúng thời thì khí hậu thiên biến hóa,
xương cốt ngay ngắn có thể bảo tòan được hình; động đúng lúc thì khí tiên thiên trở
lại, vạn sự biến hóa đền an ổn, kéo dài tuổi đời. Thời chính là cơ (tạm dịch là lúc)
thật khó nói rõ. Phải biết thời này chính là thiên thời, cơ này chính là thiên cơ, nếu
không nhìn thấu tạo hóa, thông tỏ âm dương, sao có thể hiểu. Ôi! Ngày 15 tháng 8
trăng sáng rạng rỡ, đúng là lúc kim tinh lớn mạnh, nếu có nhất dương vừa trỗi dậy
nên tiến hỏa chớ chậm trễ.

Nhân tri kỳ thần nhi thần, bất tri bất thần chi thần nhi sở dĩ thần.
Người biết thần là thần, mà không biết thần không thần mới chính là thần.

Người học xưa nay đều cho rằng thức thần sáng tỏ, nhanh nhạy là nguyên thần vốn
có, nên chấp vào tướng vào không, đến già vẫn không tu thành, đến chết thì thôi.
Họ không biết thần này là thần hậu thiên, không phải là thần tiên thiên, là thần mà
thực ra không phải à thần. Thần tiên thiên, không sắc cũng không không, rất hư vô
mà hàm chưa mọi hữu, rất trống trãi mà hàm chứa sự dồi dao, là thần không thần
mà kỳ thực rất thần thông. Người đời chỉ biết thần hậu thiên là thần, cam chịu đi
vào vòng luân hòi, mà không hiểu chính cái thần tiên thiên không thần, có thể bảo
hộ tính mệnh. Chẳng trách vạn vật cướp khí của ta mà ta vẫn không biết.
Nhật nguyệt hữu số, đại tiểu hữu định, thánh công sinh yên, thần minh
xuất yên. Kỳ đạo cơ dã, thiên hạ mạc năng kiến, mạc năng tri. Quân tử đắc
chi cố cùng, tiểu nhân đắc chi khinh mệnh.
Mặt trời mặt trăng có số, lớn nhỏ được định rõ, công phu bậc thánh sinh ở đây, thần
minh đi ra từ đây. Cơ chế của sự cướp lấy, thiên hạ không ai thấy, không ai biết.
Quân tử có được thì theo đuổi đến cùng, tiểu nhân được nó lại khinh suất.

Con người sở dĩ cướp được khí của trời đất và vạn vật là do trời đất, vạn vật có định
số; trời đất, vạn vật không thể cướp được khí của con người do thánh đạo không
hình không ảnh. Như mặt trời mặt trăng tuy cao nhưng có thể quy tính ra số đo,
mặt trời một năm một chu kỳ, trời có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông có thể theo đó
mà biết. Mặt trăng ba mươi ngày là một chu kỳ, trăng có lúc tròn lúc khuyết, lúc
sáng lúc tối có thể thấy được. Lớn là dương, nhỏ là âm, dương cực sinh ra âm, âm
cực sinh ra dương, lớn đi nhỏ đến, nhỏ đi lớn đến, âm dương tuần hòan, là đạo lý cố
định không thay đổi. Và con người nhờ đó mà suy ra đặc điểm của âm dương tạo
hóa, dụng công chỉ trong buổi sáng mà hái lấy khí hỗn độn chưa phân chia làm đan
mẫu, đọat số đầy khuyết của trời đất làm gốc tính mệnh. Tiên thiên mà trời không
ràng buộc, hậu thiên mà đón được thiên thời, công phu hàng thánh sinh ở đây, thần
minh sinh ở đây. Công phu này, thần minh này chính là cơ chế của sự cướp lấy. Dù
là trời hay quỷ thần đều không lường được, huống chi con người! Thiên hạ sao có
thể thấy, sao có thê biết? Nếu có thể thấy có thể biết thì sao trộm được? Nên đây
mới chính là thánh chính là thần. Đạo này, nếu không phải hàng tôi trung, con hiếu,
đại hiền đại đức thì không biết được, không phải anh hùng trượng phu ngước thấy
vạn hữu đều là không thì không thể thi hành. Nếu là bậc quân tử tu đạo chân chính,
được ý quên lời, đại trí mà như ngu ngơ, vô cùng khéo léo mà như vụng về, không
hiểu hết tính mệnh thì không thôi, cố gắng hiểu đến cùng mà như vô tri. Còn như
hàng tiểu nhân bạc phước, tình cờ nếm được mùi vị đã tự mãn, lại không xem trọng
tính mệnh của mình, không mà làm ra có, trống rỗng mà làm như dồi dào, hạn hẹp
mà làm như to lớn, đến nỗi tự tạo ra tội lỗi, không những vô ích mà còn hại thân.

Thiên hạ
Cổ giả thiện thính, lung giả thiện thị. Tuyệt lợi nhất nguyên, dụng sư thập
bội. Tam phản trú dạ, dụng sư vạn bộ.
Người mù thính tai, người điếc mắt tỏ. Dứt tuyệt nguồn gốc của lợi, công phu gấp
mười lần việc nhờ thầy. Ngày đêm phản bản hòan nguyên, công phu gấp vạn lần
thầy truyền.

Người mù nghe rất thính mà không nhìn thấy. Mắt không nhìn thấy nên thần tàng ở
tai giúp nghe rõ. người điếc nhìn rất tỏ mà không nghe thấy. Do tai không nghe
thấy nên khí vận tập trung ở mắt, giúp nhìn rõ. Nghiên cứu hai dạng người này thì
thấy nhắm mắt tai sẽ thính, nghẽn tai mắt sẽ sáng, huống chi phục lấy khí tiên
thiên, rũ bỏ giả tạo tu lấy chân, giữ sự chân thực mà bỏ điều vọng tưởng, sao lại sợ
không thể trường sinh? Thanh tĩnh kinh viết: "Chúng sinh sở dĩ không có chân đạo
là vì có vọng tâm (tâm sai lầm); đã có vọng tâm thì kinh động thần; đã kinh động
thần tức bám vào vạn vật đã bám vào vạn vật thì sinh ra tham muốn, tức rướt lấy
phiền não. Phiền não, vọng tưởng làm khổ sở thân tâm, nên rơi vào ô trọc, lưu lạc
trong sự sống chết, luôn chìm vào biển khổ, vĩnh viễn mất đi đạo Chân. Vọng tưởng
tham muốn là nguồn gốc của lợi lọc. Con người có thể dứt bỏ nguồn gốc này thì vạn
hữu giai không, mọi ưu lo tắt ngấm, còn hơn gấp mười lần công phu do thầy truyền
cho, lại có thể liên tục tự phản hòan, giữ sự chân thực, bỏ vọng tưởng. Sớm tối
chuyên cần, ngày đêm dụng công, trong mười hai canh giờ, không lúc nào gián
đọan, dần quay về nơi chí thiện không còn chút xấu xa nào, có công phu gấp vạn
lần công phu thầy dạy cho. Bởi công phu của thầy có thể thay đổi bề ngàoi mà
không thây đổi được tâm; có thể uốn nắn người mà không làm cho người trở nên
hay tốt. Dứt bỏ lợi, tự quay về nguồn gốc, chính tâm tu luyện, lo sợ thận trọng ở
chỗ người không nhìn thấy không nghe thấy. Đó là những việc mà sức thầy sao làm
nổi cho ta? Bậc chí thánh Khổng tử nói: "Một ngày tu dưỡng bản thân quay về với lễ
thì thiên hạ trở lại đức nhân." Để có đức nhân cho mình, lẽ nào do nơi người? Chính
đây là lời dạy kỳ diệu.

Tâm sinh vu vật, tử vu vật, cơ tại mục.


Tâm sinh ở vật, chết ở vật, cơ chế này nằm ở mắt.

Tâm như chủ nhân, khách như cánh cửa. Chân tâm vốn có trống không và hun hút,
không ta không người không vật, cùng một thể với thái hư, thế nên sao có sinh tử.
Có sinh tử là tâm (tức trái tim) hậu thiên. Tâm không thể thấy được, nó nhờ vào
vật mà biểu hiện ra, thấy vật là thấy tâm, không có vật tâm không hiện. Người chủ
này lúc sông lúc chết, vật sinh ra nó, vật làm chết nó. Và điều khiến vật có thể sinh
hoặc giết tâm là do sự mở cửa của đôi mắt. Những điều mắt thấy tâm cảm lấy nó,
do đó nguyên nhân khiến tâm sinh ra, chết đi thực sự nằm ở mắt. Người có thể
quay nhìn lại, soi chiếu vào bên trong tâm mình thì ngoại vật không còn tác động
được, nên sinh tử từ đâu mà đến? Người xưa nói: Không đưa mắt nhìn chi nữa thì
có thể xua đi sự già lão, chính là nói ý này.

Thiên chi vô ân, nhi đại ân sinh. Huân lôi liệt phong, mạc bất xuẩn nhiên.
Chí lạc tính dư, chí tĩnh tính khiêm.
Trời không thi ân mà tạo được ân huệ lớn. Sấm mạnh, gió to, không vật gì không
cho là tự nhiên. Thật vui thích thì tính được thể hiện thỏai mái, vô cùng tĩnh thì tính
thanh liêm.

Trời vô cùng cao mà vạn vật vô cùng thấp, trời và vật cách xa nhau, tựa hồ trời
không gia ân chi cho vật. Nhưng chính trong sự không thi ân đó thực ra có ân rất
lớn mà không ai hiểu. Khí của trời động lên thành sấm, thổi lên thành gió; sấm
chấn động làm vạn vật sinh ra, gió mạnh thổi làm vạn vật phồn vinh. Sinh ra và
phồn vinh, vạn vật đều ngu ngơ cho rằng tự nhiên mình được thế. Không thi ân mà
tạo được ân huệ lớn như vậy, trời có cái tâm thế nào? Cho nên, thật vui thích thì
vạn vật khó cong khuất, không câu thúc thì tính luôn được thể hiện đầy đủ. Vô cùng
tĩnh thì vạn vật khó dời đổi, không tham không ái, tính luôn liêm khiết. Vui thích thì
không cố tâm tâm thỏai mái mà vẫn thỏai mái, tĩnh là không cố tâm thanh liêm mà
tự thanh liêm. Cũng như trời không gia ân mà có ân huệ lớn với vạn vật. Chỗ dụng
của vô tâm thật thần diệu!

Thiên chi chí tư, dụng chi chí công, cầm chi chế tại khí.
Trời vô cùng riêng tư, cái dụng của nó lại chung cho tất cả, sự chế phục nằm ở khí.

Đạo trời thi hành ở chỗ không hình, vận động ở nơi không ảnh, là thứ duy nhất
không có hai, nên nó vô cùng riêng tư. Nhưng bốn mùa vận hành thì vạn vật sinh
nên chỗ dụng của nó lại chung cho tất cả. Suy theo sự huyền diệu sâu thẳm của nó
thì nhất khí lưu hành sẽ chế ước vạn vật chăng? "Cầm" tức nắm lấy, thống suất;
chế là tạo tác. "Cầm chế" là thống suất vạn vật, chế tạo vạn vật nằm ở nhất khí.
Nhất khí bay lên thì vạn vật theo nó mà sinh trưởng, nhất khi hạ xuống vạn vật
theo nó mà thu lại ẩn đi. Sinh trưởng rồi thu tàng đều do nhất khí điều khiển, từ
một gốc phát tán ra vạn cái khác nhau, vạn cái khác nhau lại quay về một gốc. Tư
mà công, công mà tư, không tư không công, là tư là công, nhất khí lưu hành, tuần
hòan không có điểm bắt đầu cũng như kết thúc, hết sức sống động.

Sinh giả tử chi căn, tử giả sinh chi căn. Ân sinh vu hại, hại sinh vu ân.
Sinh là gốc của tử, tử là gốc của sinh. Ân huệ sinh nơi tàn hại, tàn hại sinh trong ân
huệ.

Đạo trời sinh ra vật chính là nhất khí. Trên dưới đều dùng đến nhất khí, trên là
dương, dưới là âm. Dương là sinh, la ân huệ; âm là chết chốc, là tàn hại. Nhưng có
sinh tất có tử, có tử tất có sinh, nên sinh lấy tử làm gốc của nó, tử lấy sinh làm gốc
của nó. Có ân huệ tất có tàn hại, có tàn hại tất có ân huệ, nên ân sinh ra ở hại, hại
sinh ra ở ân. Nếu con người trong cái chết biết tìm ra sự sống ất được trường sinh
bất tử, con người có thể tìm ra ân huệ trong sự tàn hại thì có ân mà không có hại,
ra khỏi cái này đi vào cái kia, có thể không thận trọng được sao.

Ngu nhân dĩ thiên địa văn lý thánh, ngã dĩ thời vật văn lý triết.
Người ngu xem những đường nét hữu hình trong trời đất (thiên văn địa lý) là thánh,
ta dựa vào sự lý vô hình của thời và vật mà sáng tỏ.
Người ngu không hiểu sinh, tử, ân huệ, tàn hại là bí mật trong vòng tuần hòan của
tạo hóa trong trời đất, nên luôn xem đường nét, hình tượng của trời đất là thánh
thần. Ta cho rằng thiên căn có tượng, địa lý có hình, lộ ra bên ngòai có thể thấy mà
biết được, nên chúng không đáng xem là thánh thần trong trời đất. Còn như sự lý
của thời của vật mà vô hình vô ảnh, là đường lối vận hành của thần, tàng ẩn bên
trong, không thấy hay biết được, đó chính là chỗ sáng suốt của trời đất. Bởi vật có
lúc sống, có lúc chết đi. Đang lúc sống thì sống không thể chết; đến lúc chết thì
chết không thể không chết. Để cho sống là ân huệ, làm cho chết là tàn hại. Sống
rồi chết, chết rồi sống, ân huệ mà có sự tàn hại trong đó, tàn hại mà có ẩn ân huệ.
Sinh tử, ân hại đều theo thời mà vận hành đến đi, cũng không phải là không do
thần đạo trong trời đất vận hành nó. Thần đạo trong trời đất không thể nhìn thấy,
theo vật mà nhìn thấy nó, xem ở sự sinh tử có thời của vật mà biết chỗ sáng suốt
của thần đạo trong trời đất.

Nhân dĩ ngu ngu thánh, ngã dĩ bất ngu ngu thánh; nhân dĩ kỳ kỳ thánh,
ngã dĩ bất kỳ kỳ thánh.
Người cho rằng thánh nhân là ngu dốt, ta không cho như vật; người cho rằng thánh
nhân là kỳ quái, ta không cho như vậy.

Đạo về tính mệnh, bắt đầu ở hữu vi mọi người khó nhìn ra, đến khi vô vi mọi người
mới biết. Những chân nhân, thánh nhân xưa nay, khi hữu vi thì che lấp thông minh
hủy bỏ trí tuệ, tránh cái sáng dưỡng cái tối, xoay thiên quan, kéo lại đuôi sao Đẩu,
hái thuốc nơi thấp thóang mập mời sâu thẳm tối tăm, tiến hành hỏa hậu chỗ vô tri
vô thức, gửi chí vào hư vô, thần minh lặng lẽ vận hành, dù trời đất dù quỷ thần
cũng không lường được, huống chi con người! Là do con người không biết sự kỳ
diệu sâu xa trong đó, có kẻ cho thánh nhân là ngu dốt, họ sao biết đồ qúy cất nơi
kín đáo, như không có mà thực là có, không thể ngu ngốc mang ra dùng? Đến lúc
vô vi, cùng hòa đồng với thế gian, tích lũy công đức, biết rõ thời thế, hô một câu
mà trăm tiếng hưởng ứng, thần thông quảng đại, trí tuệ vô biên. Mà người ta có kẻ
co thánh nhân là người kỳ dị. Họ nào biết chân luôn thích ứng với vật và âm thầm
vận hành không có gì kỳ dị cả. Thánh nhân không ngu, họ có sự sáng suốt trong sự
lý của thời vật, thánh nhân không kỳ quái, họ bình thường như hình tượng đường
nét lộ rõ của trời đất. Thánh nhân là người có thể tham gia vào sự hóa dục của trời
đất và hợp đức cùng trời đầt.

Trầm thủy nhập hỏa, tự thủ diệt vong


Chìm vào nước, rơi vào lửa, tự nhận lấy sự diệt vong.

Sự tham lam ân ái của con người như vực nước sâu; tửu sắc của cải như hố lửa. Tất
cả những người bình thường, không hiểu hết lý lẽ của tạo hóa trong trời đất, không
nghiên cứu cái học về tính mệnh, công phu của bậc thánh, tự ngông cuồng lấy giả
làm thật, lấy khổ làm vui, chìm đắm trong vực nước sâu mà không biết, rơi vào
trong hố lửa mà chẳng hay, tự diệt bản thân thì còn trách ai được.

Tự nhiên chi đạo tĩnh, cố thiên địa vạn vật sinh. Thiên địa chi đạo tẩm, cố
âm dương thắng. Âm dương tương thôi, nhi biến hóa thuận.
Đạo của tự nhiên tĩnh nên trời đất, vạn vật được sinh ra. Đạo của trời đất thấm
nhuần nên âm dương hài hòa. Âm dương đưa đẩy nhau mà mọi biến hóa thuận
theo đó.

Đạo lớn không hình sinh ra đất trời; đạo lớn không danh, nuôi lớn vạn vật. Không
hình không danh là đạo tự nhiên và cực tĩnh. Nhưng tĩnh là gốc của động, tĩnh cực
sinh động, trời đất vạn vật nhờ vậy mà sinh sôi. Một khi sinh ra trời đất thì trời đất
liền lấy đạo tự nhiên làm đạo, nên trời đất thấm đạo. Thấm là thấm nhuần, là dần
ngấm vào, có nghĩa là tự nhiên. Duy chỉ có thấm nhuần tự nhiên, động mà không
rời bỏ tĩnh, tĩnh mà không rời bỏ động, một động một tĩnh làm gốc cho nhau, nên
âm dương hài hòa. Động là dương, tĩnh là âm, động cực thì sinh tĩnh, tĩnh cực thì
sinh động, âm cực sinh dương, dương cực sinh âm, âm dương đưa đẩy lẫn nhau,
bốn mùa đến đi tuần tự, vạn vật sinh thành, biến biến hóa hóa, không gì không
thuận theo đó, tạo vật nào có toan tính gì trong đó. Bởi đạo tự nhiên không hình,
không hình mà có thể biến hóa, nên sự biến hóa đó là vô cùng.

Thị cố thánh nhân tri tự nhiên chi đạo bất khả vi, nhân nhi chế chi. Chí tĩnh
chi đạo, luật lịch sở bất năng khế. Viên hữu kỳ khí, thị sinh vạn tượng, bát
quái giáp tý, thần cơ quỷ tàng. Âm dương tương thắng chi thuật, chiêu
chiêu hồ tiến vu tượng hĩ.
Do thánh nhân biết đạo tự nhiên không thể làm trái, theo đó mà chế phục tạo hóa.
Đạo cực tĩnh, lịch thời gian không thể khớp được. Vì có kỳ khí nên sinh ra vạn
tượng, bát quái, tý ngọ (thời gian), thần cơ quỷ tàng. Thuật âm dương tương hòa
soi rõ vào hình tượng.

Thánh nhân là người hợp đức cùng đất trời. vì hợp đức cùng đất trời nên không trái
với đạo tự nhiên của trời đất, thế nên có quyền định đọat biến thông, có cùng tác
dụng như trời đất. Vì sao vậy? Đạo của tự nhiên, không sắc cũng không không, chí
vô (vô cùng trống trãi) mà lại hàm chứa tất cả cái hữu, chí hư (vô cùng rỗng
không) mà lại hàm chứa sự dồi dào (chí thực). Hữu và vô đều có, hư và thực ứng
với nhau. Cho nên nói nó vô là nhất khí hư vô không âm thanh không mùi vị, nó là
đạo chí tĩnh, tĩnh đến cùng cực. Dù là quy định theo lịch thời gian cũng có chỗ
không khớp đến. Lịch thời gian có thể hợp với cái hữu hình, không thể hợp với cái
vô hình, cực tĩnh tức là vô hình, lịch thời gian sao có thể khớp với nó được? [Tín/Tí]
Lăng Sư cho rằng có vật có trước trời đất, không tên và vốn tĩnh lặng. Nói nó là hữu
thì tạo hóa không lường được, nó bao trùm tất cả, nói nó là khí thì khí này vô cùng
kỳ lạ nên gọi là thần khí. Thần là bởi nó kỳ diệu hơn vạn vật. Cho nên muôn hình
vạn trạng, bát quát tác động lẫn nhau, thời gian tuần hòan, thần duỗi ra, quỷ cong
khuất, không gì không nắm cả trong sự bao chứa của nó. [Tín/Tí] Lăng Sư cho rằng
nó có thể làm chủ vạn tượng, không bị chi phối bởi bốn mùa. Đạo tĩnh lặng là cái
bản thủy của trời đất được gọi là vô, thần khí là bà mẹ của vạn vật được gọi là hữu.
Lão tử bảo: Vô là để xét cái thể vi diệu của nó (đạo), tức xét cái bản thủy; hữu là
xét cái (dụng) vô biên của nó, tức xem xét bà mẹ của vạn vật. Không có hữu thì
không thể thành vô, không xem chỗ dụng khó xét đến chỗ vi diệu (đạo). Cách để
xem xét chỗ vi diệu là xem vạn hữu giai không, vô vi không làm gì cả. Cách xem
chỗ dụng là nhìn âm dương biến hóa, có tu có chứng đắc. Thánh nhân không trái
với đạo của tự nhiên, do đó mà chế phục nó, "quán thiên đạo, chấp thiên hành", từ
hậu thiên trở về tiên thiên, trong sát cơ trộm lấy sinh cơ, điên đảo ngũ hành,
chuyển ngược tạo hóa, dùng âm dưỡng dương, dùng dương chuyển hóa âm. Dương
mạnh thì âm thuận theo, âm dương hòa lẫn. Từ xem cái dụng mà xét được cái đạo,
từ thần khí nhập vào chỗ cực tĩnh, từ miễn cưỡng đến tự nhiên, hữu và vô nhất trí
với nhau, công lực thuần thục, âm dương hài hòa, chiếu rõ ra ngòai thế giới sắc và
hình tượng. Phải biết thuật này không phải là thuật tầm thường mà là thuật trộm
âm dương, đọat tạo hóa, là thuật xoay chuyển tuyền cơ, thóat vòng sinh tử. Xưa
Hòang Đế luyện nó mà cưỡi rồng lên tới trời; Trường Cát Hứa tu nó mà vượt phàm
nhập thánh. Để "đội nhà tám trăm bay lên ba nghìn", không ai không từ đạo này
mà tu thành. Ôi! Âm phù kinh hơn ba trăm chữ, từng câu đều mang vị cam lộ, từng
chữ đều là châu ngọc, chỉ ra bài thuốc bất tử cho tính mệnh, mở ra con đường tu
Chân cho vạn đời. Thiên cơ đã lộ rõ, các sách đan đời sau tuy vi von nhiều cách,
không đâu không nói ra thuật âm dương tương hòa, người có chí nếu xem kinh này,
thành tâm kính cẩn mà đọc, cầu thầy cho một khẩu quyết để có thể luyện ngay, đại
ngộ triệt để, cẩn thận tu luyện có thể ứng với lời sấm về "bát bách", có gì không
thể.

You might also like