Download as doc, pdf, or txt
Download as doc, pdf, or txt
You are on page 1of 33

HỒNG ÂN VÀ HUYỀN NHIỆM

ĐGH Gioan Phaolô II

GIỚI THIỆU HỒI KÝ CỦA ĐGH GIOAN PHAOLÔ II


KỶ NIỆM LỄ KIM KHÁNH LINH MỤC

HỒNG ÂN VÀ HUYỀN NHIỆM


GIFT AND MYSTERY
HỒNG ÂN VÀ HUYỀN NHIỆM
ĐGH Gioan Phaolô II

HỒNG ÂN VÀ HUYỀN NHIỆM (GIFT AND MYSTERY by JPII)- Phần Giới Thiệu
HỒNG ÂN VÀ HUYỀN NHIỆM (GIFT AND MYSTERY by JPII)- Phần II
HỒNG ÂN VÀ HUYỀN NHIỆM (GIFT AND MYSTERY by JPII)- Phần III
HỒNG ÂN VÀ HUYỀN NHIỆM (GIFT AND MYSTERY by JPII)- Phần IV
HỒNG ÂN VÀ HUYỀN NHIỆM (GIFT AND MYSTERY by JPII)- Phần V
HỒNG ÂN VÀ HUYỀN NHIỆM (GIFT AND MYSTERY by JPII)- Phần VI
HỒNG ÂN VÀ HUYỀN NHIỆM (GIFT AND MYSTERY by JPII)- Phần VII
HỒNG ÂN VÀ HUYỀN NHIỆM (GIFT AND MYSTERY by JPII)- Phần VIII
HỒNG ÂN VÀ HUYỀN NHIỆM (GIFT AND MYSTERY by JPII)- Phần IX
HỒNG ÂN VÀ HUYỀN NHIỆM (GIFT AND MYSTERY by JPII)- Phần X

Hoàng Quý chuyển ngữ - Phụng Sự Productions xuất bản 1996

Nguồn: Tiếng nói giáo dân

ĐGH Gioan Phaolô II - Hoàng Quý chuyển ngữ - Phụng Sự Productions xuất
bản 1996

Tôi còn nhớ rất rõ về buổi họp mặt thật tươi vui tại Vatican vào mùa thu năm vừa
qua (27-10-95), nhờ sáng kiến của Bộ Giáo sĩ, mừng kỷ niệm năm thứ ba mươi sau
ngày phổ biến Sắc Lệnh về Phẩm Trật Linh mục (Presbyterium Ordinis) của Công
đồng Vatican II. Trong bầu không khí tưng bừng của buổi gặp mặt thân thương đó,
một số linh mục đã chia sẻ về ơn gọi của mình, và tôi cũng làm chứng nhân về ơn
gọi làm linh mục của tôi. Một dịp để các linh mục nâng đỡ nhau như thế này trước sự
hiện diện của Dân Chúa, thật là một điều tốt đẹp và đáng quý vô cùng. Những lời
chia sẻ của tôi trong dịp đó đã được đón nhận thật nồng hậu. Và kết quả, nhiều
người thúc dục tôi phát biểu nhiều hơn về ơn gọi của tôi trong năm nay mừng Kim
Khánh Linh mục.

Tôi phải thú nhận, lúc đầu tôi đón nhận ý kiến đó với sự dè dặt thường lệ. Nhưng sau
đó, tôi cảm thấy bổn phận của tôi là phải nhận lời mời như một phần vụ liên quan
đến mục vụ của Giáo hoàng. Nhờ ông Gioan Franco Svidercoschi đưa một số câu hỏi
gợi ý như một dàn bài, tôi thả hồn cho từng đợt sóng ký ức tràn ngập tự do, với
không một ý định sắp xếp thành một thứ tài liệu lớp lang.

Điều tôi kể ra ở đây thuộc về thâm tâm sâu thẳm nhất của tôi, về kinh nghiệm thầm
kín nhất nơi tôi, vượt lên trên và ra ngoài mọi biến cố ngoại cảnh. Tôi ghi nhớ lại tất
cả những sự việc này, trước hết và trên hết, để cảm tạ Thiên Chúa. "Con ca ngợi lòng
xót thương của Chúa đến muôn đời!" (Misericordias Domini in aeternum cantabo!)
Cha trao tặng tập hồi ký này tới các linh mục và tới tất cả Dân Chúa như một chứng
tá của yêu thương.

I
LÚC KHỞI ĐẦU... MỘT HUYỀN NHIỆM!

Câu chuyện về ơn gọi linh mục của tôi sao? Chúa biết rõ nhất. Trong tiềm thức sâu
thẳm nhất, mỗi ơn gọi linh mục là một huyền nhiệm thật cao trọng, là một hồng ân
vượt lên trên con người một cách vô biên. Mỗi linh mục cảm nghiệm điều này thật rõ
ràng qua suốt dòng đời của mình. Đối diện với hồng ân cao cả này, chúng ta cảm
thấy mình thật bất xứng.

Ơn gọi là một lựa chọn huyền diệu của Chúa: "Không phải các con chọn Ta, nhưng Ta
đã chọn các con và chỉ định các con phải lên đường sinh hoa trái và hoa trái của các
con tồn tại" (Ga 15:16). "Và không ai được tự hãnh huống về vinh dự ấy, nhưng phải
được Thiên Chúa kêu gọi, như Aaron thuở xưa" (Dt 5:4). "Trước khi tạo thành con
trong cung lòng, Cha đã biết con và trước khi con chào đời, Cha đã cung hiến con;
Cha đã chỉ định con làm ngôn sứ cho các dân tộc" (Jr 1:5). Những lời linh ứng này
không thể không lay động thật thâm sâu trái tim của mỗi linh mục.

Do đó, trong một số cơ hội - thí dụ Lễ Kim Khánh Linh Mục - chúng ta nói về thiên
chức linh mục và làm chứng từ những gì mình chia sẻ với tất cả khiêm tốn, vì biết
rằng Thiên Chúa "đã gọi chúng ta với lời mời gọi thánh thiện, không phải vì công đức
của chúng ta, nhưng do kế hoạch của Ngài và ân huệ đã ban cho chúng ta" (2Tim
1:9). Cùng một lúc chúng ta nhận ra rằng ngôn từ loài người không đủ để diễn tả vẻ
cao cả về huyền nhiệm thiên chức linh mục. Với tôi, những lời mở đầu vừa rồi thật
cần thiết để minh định những gì tôi nói về con đường dẫn đưa tôi tới thiên chức linh
mục, có thể được hiểu biết một cách chính xác.

NHỮNG DẤU HIỆU KHỞI ĐẦU ƠN GỌI

Tổng Giám mục Giáo khu Cracow, Đức Giáo Chủ Adam Stefan Sapieha đến thăm giáo
xứ Wadowice khi tôi mới là học sinh trung học. Linh mục dậy giáo lý, Cha Edward
Zacher đã chọn tôi đọc diễn từ chúc mừng. Đó là lần đầu tiên tôi có cơ hội hiện diện
trước mặt một nhân vật được mọi người kính trọng. Cha biết sau bài diễn từ, Đức
Tổng Giám mục hỏi Cha Zacher xem sau này cậu học sinh ấy sẽ học gì ở đại học sau
khi tốt nghiệp trung học. Cha Zacher trả lời: "Cậu ấy sẽ học ngôn ngữ và văn chương
Ba Lan." Đức Tổng Giám mục hình như nói thêm: "Thật đáng tiếc, đó không phải là
môn thần học."

Trong thời kỳ đó, ơn gọi làm linh mục của tôi chưa chín mùi, dầu cho nhiều người
chung quanh nghĩ tôi nên vào chủng viện. Có lẽ một số người trong họ suy nghĩ, nếu
một người trẻ với đầy khuynh hướng tôn giáo rõ ràng như thế mà không vào chủng
viện, chắc hẳn đó là dấu hiệu cậu theo đuổi những tình yêu hoặc những sở thích nào
khác. Thật vậy, tôi quen biết nhiều bạn gái cùng trường và khi tôi tham gia vào câu
lạc bộ kịch nghệ, tôi đã có nhiều cơ hội kết thân với những người trẻ khác. Nhưng đó
không phải là vấn đề nói ở đây. Vào thời gian đó, tôi hoàn toàn say mê văn chương,
nhất là ngành bi kịch và kịch nghệ. Tôi đã được giới thiệu vào kịch trường nhờ
Mieczyslaw Kotlarczyk, một giáo sư dậy tiếng Balan lớn hơn tôi mấy tuổi. Ông thực là
một người tiên phong trong bộ môn kịch nghệ tài tử và đã nuôi nhiều tham vọng dàn
dựng một ban kịch giá trị.

THEO HỌC TẠI ĐẠI HỌC JAGELLON

Tháng năm 1938 tôi thi đậu trung học và tôi ghi danh vào Đại học chọn ngôn ngữ và
văn chương Ba Lan. Vì lý do này, hai cha con tôi từ Wadowice dời về Cracow và sống
tại ngôi nhà số 10 đường Tyniecka, trong quận Debniki. Ngôi nhà này của những
người bà con bên ngoại. Tôi bắt đầu theo học tại Phân khoa Triết học tại Đại học
Jagellon, lấy một số lớn về ngôn ngữ và môn văn chương Ba Lan. Và tôi chỉ học xong
một năm đầu, rồi Đệ Nhị Thế Chiến bùng nổ vào ngày mồng một tháng chín năm
1939.

Về các môn học, tôi muốn nêu lên điểm này là việc lựa chọn theo học ngôn ngữ và
văn chương Ba Lan đã được khẳng định nhờ thiên khiếu rõ ràng về văn chương. Ngay
từ lúc bắt đầu học năm thứ nhất, tôi đã bị lôi cuốn theo học môn ngôn ngữ. Tôi đã
học văn phạm diễn giải tiếng Ba Lan tân thời cũng như lịch sử những biến hóa của
ngôn ngữ này, với sự chú tâm đặc biệt vào các tiếng gốc của cổ ngữ Slavic. Nhờ đó,
những chân trời hoàn toàn mới mẻ trải rộng trước mặt tôi dẫn đưa tôi vào thế giới
huyền diệu của chính ngôn ngữ.

Lời nói, trước khi được diễn tả trên sân khấu, đã thực sự hiện diện trong lịch sử nhân
linh như một kích thước nền tảng của kinh nghiệm tâm linh nơi con người. Cuối cùng,
bức màn kỳ diệu của ngôn ngữ đưa chúng ta trở về với huyền diệu vô lường của
chính Thiên Chúa. Nhờ thẩm định được năng lực kỳ diệu của lời nói trong các môn
văn chương và ngôn ngữ, tôi càng tiến gần tới sự huyền diệu của Ngôi Lời - Lời mà
hàng ngày chúng ta đọc trong kinh Truyền Tin Angelus: "Và Ngôi Lời đã trở nên xác
phàm và cư ngụ giữa chúng ta" (Gio 1:14). Sau này tôi nhận ra môn ngôn ngữ học
và văn chương Ba Lan đã chuẩn bị đất dụng võ cho tôi đi vào một sở thích khác và
môn học khác: tôi đã được chuẩn bị làm quen với triết học và thần học.

ĐỆ NHỊ THẾ CHIẾN BÙNG NỔ

Chúng ta trở lại với ngày mồng 1 tháng 9 năm 1939. Thế chiến bùng nổ đã thay đổi
tận gốc dòng đời của tôi. Đúng vậy, các giáo sư Đại học Jagellon đã cố công mở lại
niên học mới theo thường lệ, nhưng công việc giảng dậy chỉ kéo dài tới ngày mồng 6
tháng 11 năm 1939. Vào ngày đó, chính quyền Đức Quốc Xã đã tập trung tất cả các
giáo sư trong phòng họp và kết thúc bằng việc đầy ải các học giả nổi tiếng vào trại
tập trung Sachsenhausen. Giai đoạn tôi dốc toàn lực theo đuổi ngôn ngữ học và văn
chương Ba Lan đã đi vào hồi kết thúc và thời điểm Đức Quốc Xã chiếm đóng mở
màn. Trong thời gian này, trước tiên tôi cố công đọc và viết thật nhiều. Những tác
phẩm văn chương của tôi đã khởi sự vào thời kỳ đó.

Để tránh khỏi bị cưỡng bách đi lao động tại nước Đức, tôi bắt đầu làm việc như một
nhân công vào mùa thu năm 1940 tại hầm đá trực thuộc xưởng hoá chất ở Solvay.
Đó là vùng Zakrzowek, cách xa nhà tôi tại Deniki nửa giờ đồng hồ và hàng ngày tôi
phải đi bộ tới đó. Sau này tôi đã viết một số bài thơ về hầm đá này. Sau nhiều năm
có dịp đọc lại, tôi vẫn còn nhận thấy những vần thơ ấy diễn tả thật sống động những
kinh nghiệm rất kỳ diệu:
"Hãy lắng nghe tiếng búa đập đều đều
Khuơ vang động thật nhịp nhàng
Ta hướng tới những người dân của ta
Phải chịu đựng sức mạnh của từng cú đập.
Nào hãy lắng nghe những dòng điện
Đang cắt ngang qua dòng sông ngổn ngang đá tảng.
Và một tư tưởng lớn lên trong ta mỗi ngày:
Lao động thật cao cả tiềm tàng trong mỗi con người.
(Hầm Đá, I, Vật liệu, 1).

Tôi cũng đã hiện diện trong những lúc mìn nổ, những tảng đá tung lên cao và rớt
xuống trúng một nhân công và giết chết anh. Kinh nghiệm ấy đã in dấu sâu đậm
trong tâm khảm tôi:
Đồng bạn đã khiêng xác anh và bước đi trong thầm lặng.
Người công nhân ấy còn lảng vảng chung quanh một ý nghĩa của số phận bất công...
(Hầm đá, IV, tưởng niệm một thân hữu nhân công, 2-3)

Quản lý của hầm đá là những người Ba Lan, họ tìm cách miễn cho bọn sinh viên như
tôi khỏi những lao động cực nhọc. Trường hợp của tôi, họ cho tôi làm phụ tá cho
nhân viên nổ mìn đá: tên ông là Fraciszek Labus. Tôi còn nhớ ông vì có lần ông nói
với tôi: "Karol ơi, anh nên làm linh mục. Anh có giọng nói thật tốt và anh sẽ hát hay,
rồi anh sẽ sống đích đáng..." Ông nói điều đó với tất cả đơn sơ tâm thành, diễn tả
một cái nhìn chung trong xã hội mong muốn các linh mục phải sống như thế nào.
Những lời nói của người nhân công lớn tuổi này đã ghi sâu vào tâm khảm tôi nhiều
lắm.

BAN KỊCH THƠ

Trong thời gian đó tôi vẫn giữ liên lạc với ban kịch thơ do Mieczyslaw
Kotlarczyk đã thành lập và tiếp tục điều khiển trong bí mật. Ban đầu khi dấn
thân vào kịch trường tôi được Kotlarczyk và vợ ông là Sofia giúp đỡ qua việc
họ ở trọ trong nhà tôi. Họ đã tìm cách di động từ Wadowice tới Cracow nằm
trong lãnh thổ của viên Tướng Cầm quyền. Chúng tôi cùng chung sống trong
một nhà. Tôi làm việc như một nhân công. Lúc đầu ông lái xe điện và sau đó
làm nhân viên văn phòng. Cùng ở chung một nhà, không những chúng tôi
tiếp tục đàm đạo với nhau về kịch nghệ, nhưng cũng tìm cách diễn xuất thực
sự một đồi lần. Đúng đây là hình thức một ban kịch thơ. Thật giản dị vô
cùng. Phong cảnh và trang hoàng giảm thiểu tối đa, tất cả cố công của
chúng tôi tập trung chính yếu vào diễn tả các lời thơ.

Chúng tôi trình diễn trước một nhóm nhỏ những người quen biết và trước
những khách mời có sở thích đặc biệt về văn học, được coi như những "người
nhập cuộc." Điều chính yếu là phải giữ bí mật những trình diễn kịch nghệ
này; nếu không, chúng tôi sẽ bị các lực lượng chiếm đóng trừng trị đích
đáng, có khi bị đưa vào các trại tập trung. Tôi phải nhìn nhận rằng toàn bộ
những kinh nghiệm kịch trường này đã để lại ấn tượng thâm sâu nơi tôi, cho
dầu vào một lúc nào đó tôi đã nhận ra đó không phải là ơn gọi thực sự của
mình.

QUYẾT ĐỊNH VÀO CHỦNG VIỆN

Mùa thu năm 1942, tôi quyết định dứt khoát vào chủng viện Cracow được điều hành
một cách lén lút. Cha Bề Trên Jan Piwowarczyk nhận tôi gia nhập. Công việc này phải
được giữ thật bí mật, ngay cả đối với các người thân nhất. Tôi bắt đầu theo học Phân
khoa Thần học thuộc đại học Jagellon, cũng được điều hành bí mật, trong lúc tôi vẫn
tiếp tục làm việc như một công nhân tại Solvay.

Trong thời kỳ bị chiếm đóng, Đức Tổng Giám mục thiết lập chủng viện bí mật ngay
tại chỗ ngài ở. Bất cứ lúc nào, với công việc này, các bề trên và chủng sinh có thể bị
chính quyền Đức Quốc Xã đàn áp nghiêm khắc. Tôi bắt đầu cư ngụ ngay trong chủng
viện bất thường này với vị Giáo chủ đáng kính vào tháng 9 năm 1944 và tôi có thể ở
đó với các đồng môn cho tới ngày 18 tháng giêng năm 1945, ngày - đúng hơn là
đêm - giải phóng. Thật ra ngay đêm hôm đó Hồng Quân tiến vào vùng ngoại ô
Cracow. Đoàn quân Đức quốc rút lui đã phá nổ chiếc cầu Dedniki. Tôi còn nhớ một
tiếng nổ kinh thiên động địa: tiếng nổ mãnh liệt đã làm bể tan tất cả các cửa sổ của
tòa Giám mục. Lúc đó chúng tôi đang ở trong nhà nguyện tham dự nghi lễ với Đức
Tổng Giám mục. Ngày hôm sau chúng tôi ra tay gấp rút sửa chữa các hư hại.

Nhưng bây giờ tôi cần trở lại những tháng dài trước lúc giải phóng này. Như tôi đã
nói, tôi sống với những người trẻ khác trong Toà Đức Tổng Giám mục. Ngay từ lúc
đầu ngài đã giới thiệu chúng tôi với một vị linh mục trẻ làm linh hướng. Đó là cha
Stanislaw Smolenski, một linh mục sống nội tâm sâu sắc đã tốt nghiệp tiến sĩ tại
Roma: ngày nay ngài là Giám mục Phụ tá hưu trí của Cracow. Cha Smolenski nhận
lãnh công tác chuẩn bị chu đáo cho chúng tôi lãnh chức linh mục. Trước đây cha
Kazimierz Klosak, bề trên duy nhất của chúng tôi đã là trưởng tràng. Ngài đã theo
học tại Louvain và là giáo sư triết học; chúng tôi kính trọng và rất thán phục ngài
sống khắc kỷ và từ tâm. Ngài trực tiếp nhận trách nhiệm với Đức Tổng Giám mục để
điều hành chủng viện chui trực thuộc ngài. Sau mùa nghỉ hè năm 1945, Cha Karol
Kozlowski, trước đây đến từ Wadowice và đã là cha linh hướng chủng viện trước
chiến tranh, đã được mời thay thế cha Jan Piwowarczyk làm giám đốc chủng viện, nơi
đây ngài phục vụ hầu như suốt cuộc đời.
Những năm được đào tạo tại chủng viện qua đi như thế đó. Hai năm đầu tiên miệt
mài học triết học. Tôi đã tốt nghiệp trong bí mật, trong khi làm việc như một công
nhân. Hai năm sau, 1944 và 1945 tôi gia tăng nỗ lực và thời giờ tại Đại học Jagellon,
dầu cho chương trình học còn rất khiếm khuyết trong năm đó theo sau chiến tranh.
Tuy nhiên, niên khoá 1945-1946 lại là một năm học bình thường. Tại Phân khoa Thần
học, tôi thật may mắn gặp được một số các giáo sư thời danh, như cha Wladyslaw
Wicher, giáo sư thần học luân lý và cha Ignacy Rozycki, giáo sư thần học tín lý, người
đã hướng dẫn tôi đi vào khoa phương pháp khoa học trong thần học. Ngày nay nhớ
lại, tôi vô cùng biết ơn tất cả các vị bề trên, các cha linh hướng và các giáo sư đã góp
phần vào công cuộc đào tạo tôi tại chủng viện. Xin Thiên Chúa trả công bội hậu cho
những cố công và hy sinh của các ngài!

Vào đầu niên khóa thứ năm, Đức Tổng Giám mục đã quyết định tôi đi Roma hoàn tất
học trình của tôi. Và nhờ vậy, tôi đã được thụ phong linh mục sớm hơn các đồng bạn
vào ngày mồng một tháng mười một, năm 1946. Dĩ nhiên, vào năm đó, nhóm của tôi
chưa được đông lắm: chúng tôi có tất cả bẩy người. Ngày nay chỉ còn lại ba người
còn sống. Nhóm ít người như thế có nhiều điểm thuận lợi: chúng tôi có cơ hội quen
biết nhau tường tận và kết bạn với nhau thân tình. Đàng khác, nhờ vậy chúng tôi
cũng sống thật ân nghĩa với các bề trên và giáo sư, cả trong giai đoạn học hành lén
lút cũng như trong thời gian ngắn ngủi theo học chính thức tại Đại học.

NHỮNG NGÀY NGHỈ HÈ CỦA MỘT CHỦNG SINH

Ngay từ giai đoạn đầu gia nhập chủng viện, tôi bắt đầu nghỉ hè theo một cách thức
mới. Đức Tổng Giám mục gửi tôi tới giáo xứ Raciborowice, tại vùng ngoại ô Cracow.
Tôi phải tri ân sâu xa linh mục chánh xứ Jozef Jamroz và các linh mục phó xứ này đã
trở thành những người bạn vững bền với một chủng sinh chui còn non trẻ. Đặc biệt
tôi nhớ đến linh mục Franciszek Szymonek, sau này, trong thời kỳ kinh hoàng của
Staline, tôi đã bị buộc tội và xử án với mục đích đe dọa các chức sắc của Giáo hội tại
Cracow: ngài đã bị kết án tử hình. Nhưng thật may mắn, chỉ sau một thời gian ngắn,
ngài được hoãn thi hành bản án tử hình. Tôi cũng nhớ đến Linh mục Adam Biela,
người đã học trước tôi một vài năm trung học tại Wadowice. Nhờ những linh mục trẻ
trung này, tôi quen với nếp sống Kitô hữu của toàn giáo xứ.

hẳng bao lâu sau đó, người ta thiết kế một quận hạt rộng lớn được gọi là Nowa Huta
trong vùng chung quanh làng Bienczyce, là một phần lãnh địa của giáo xứ
Raciborowice. Tôi đã nghỉ hè nhiều ngày tại đây vào năm 1944 cũng như năm 1945,
sau khi chiến tranh kết thúc. Tôi thường đi thăm viếng nhà thờ cổ kính tại
Raciborowice, có từ thời của Jan Dlugosz. Tôi đã suy niệm nhiều giờ tại đây khi đi
bách bộ trong nghĩa trang. Tôi đã mang theo tới đây nhiều sách vở cần thiết cho
công việc học hành: những pho sách của Thánh Tôma với phần dẫn giải. Có thể nói
được tôi đã học thần học từ ”trung tâm” của một truyền thống thần học uyên bác.
Lúc đó tôi cũng bắt đầu viết luận án về Thánh Gioan Thánh Giá, và sau này tôi còn
tiếp tục dưới sự hướng dẫn của cha Ignacy Rozycki, giảng viên tại Đại học Cracow,
khi Đại học này được mở cửa lại. Về sau tôi đã hoàn thành luận án này tại Đại học
Angelicum, dưới sự khải đạo của cha Garrigou Lagrange.

HỒNG Y ADAM STEFAN SAPIEHA

Một ảnh hưởng mãnh liệt đã tác động trong suốt giai đoạn tôi được đào tạo làm linh
mục chính là hình ảnh thời danh của Đức Tổng Giám mục Giáo chủ, đó là Đức Hồng Y
tương lai Adam Stefan Sapieha, tôi hằng ghi nhớ với tất cả thương mến và biết ơn.
Ảnh hưởng của ngài nơi chúng tôi được gia tăng nhiều nhất trong giai đoạn chuyển
tiếp trước khi chủng viện được mở cửa lại. Chúng tôi sống tại nơi cư ngụ của ngài và
được gặp mặt ngài hàng ngày. Đức Giáo chủ Tổng Giám mục Cracow đã được phong
chức hồng y liền ngay sau khi chiến tranh kết kiễu, lúc đó ngài đã già cả rồi. Mọi
người đều hân hoan chào mừng việc tấn phong này như một sự đền đáp xứng đáng
cho những công trạng của một đại nhân suốt trong thời kỳ Đức Quốc xã chiếm đóng,
đã thành công nêu cao danh dự tổ quốc, biểu dương rõ rệt phẩm giá của mình trên
hết tất cả. Tôi còn nhớ vào ngày của tháng Ba ấy, trong Mùa Chay, khi Đức Tổng
Giám mục trở về từ Roma với chiếc nón hồng y.

Các sinh viên đã nhấc bổng chiếc xe của ngài và khiêng đi xa một quãng bằng đi tới
Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Mông Triệu tại Công trường Chợ. Đó là cách thức
các sinh viên bộc lộ lòng ái quốc và mộ đạo được thôi thúc nơi dân chúng, trước việc
ngài được vinh thăng hồng y.
NHỮNG ẢNH HƯỞNG ƠN GỌI
Tôi đã nói nhiều về kinh nghiệm tại chủng viện vì chắc chắn đó là ảnh hưởng lớn lao
nhất trong tiến trình đào luyện tôi thành linh mục. Nhưng nhìn bức tranh một cách
toàn vẹn hơn, tôi thấy rõ ràng một số hoàn cảnh và cá nhân khác đã tác động nơi tôi
một ảnh hưởng tích cực và chắc chắn Thiên Chúa đã dùng những người này để tiếng
Ngài được vang động.

GIA ĐÌNH

Việc chuẩn bị tôi cho thiên chức linh mục tại chủng viện, theo một ý nghĩa nào đó, đã
đến sau việc gia đình chuẩn bị cho tôi, nhờ đời sống và gương sáng của song thân
tôi. Trước tiên, tôi phải biết ơn cha tôi góa vợ lúc ngài còn trẻ. Tôi chưa được Rước Lễ
Lần Đầu thì đã mất mẹ: khi ấy tôi mới lên chín tuổi. Do đó tôi chưa ý thức được rõ
ràng những gì mẹ tôi đã đóng góp cho công việc rèn luyện đời sống đạo của tôi,
nhưng chắc chắn phải lớn lao. Sau khi mẹ tôi chết, rồi tiếp theo đó người anh cả
cũng chết theo, và như vậy tôi sống đơn côi với cha tôi, một người có lòng đạo đức
thâm sâu. Hàng ngày tôi có thể quan sát thấy lối sống khắc kỷ của ngài. Trước đây
ngài theo binh nghiệp, và sau khi mẹ tôi qua đời, cuộc sống của ngài trở thành lời
cầu nguyện liên lỉ. Thỉnh thoảng thức giấc nửa đêm, tôi nhìn thấy ngài vẫn quỳ gối,
như tôi thường thấy ngài quỳ trong nhà thờ. Chúng tôi không bao giờ nói về ơn gọi
linh mục, nhưng gương sáng của ngài chính là chủng viện đầu tiên, một loại chủng
viện tại gia.

XƯỞNG MÁY SOLVAY

Sau những năm đầu ấy, hầm đá và xưởng lọc nước trong xưởng hóa chất tại Borek
Falecky trở thành chủng viện của tôi; đó không chỉ là một 'trường thử' như tại
Wadowice. Với tôi, tại thời điểm này, nhà máy đã thực sự là một chủng viện, dẫu là
một chủng viện bí mật. Tôi bắt đầu làm việc tại hầm đá vào tháng chín năm 1940;
một năm sau tôi qua xưởng lọc nước. Đó là những năm dẫn đưa quyết định cuối cùng
của tôi đến chỗ chín mùi. Mùa thu 1942, tôi bắt đầu theo học tại chủng viện chui như
một sinh viên văn khoa cũ, trong lúc vẫn là một công nhân tại Solvay. Khi ấy tôi
chưa nhận ra được tầm quan trọng của những kinh nghiệm này. Chỉ sau này, khi là
linh mục theo học tại Roma, các đồng môn tại Đại học Bỉ đã giúp tôi ý thức về vấn đề
của các linh mục thợ thuyền và Phong trào Thanh Lao Công (JOC), lúc đó tôi mới
nhận ra tầm quan trọng của những tiếp xúc với thế giới lao động mà Giáo hội và các
linh mục Phương Tây phải đương đầu. Giao tiếp này đã ghi khắc sâu kinh nghiệm vào
cuộc đời tôi.

Thực sự, kinh nghiệm của tôi không phải là kinh nghiệm của một "linh mục thợ
thuyền" nhưng của "chủng sinh thợ thuyền". Bằng đôi tay lao động, tôi đã hiểu rất rõ
ý nghĩa của lao động thể xác. Hàng ngày tôi sinh sống với những người lam lũ nặng
nhọc. Tôi đã đến để hiểu được những hoàn cảnh sống của họ, gia đình họ, những
quan tâm của họ, những giá trị nhân linh nơi họ và cả tư cách của họ nữa. Đích thân
tôi đã cảm nghiệm được những tấm lòng hào hiệp của họ. Họ biết tôi là một sinh viên
và họ đều biết rằng khi hoàn cảnh cho phép, tôi sẽ trở lại công việc học hành. Không
bao giờ tôi gặp thù nghịch nơi họ về mục đích này. Tôi không làm họ bực bội khi
mang theo sách đi lao động. Họ thường nói, "Chúng tôi canh chừng cho đó: cứ tiếp
tục đọc sách đi!" Chuyện này đặc biệt xẩy ra vào những ca ban đêm. Họ thường nói:
"Cậu đi kiếm chỗ nghỉ đi, chúng tôi coi chừng cho!"

Tôi kết thân với các thợ thuyền. Đôi khi họ mời tôi về thăm nhà họ. Sau này khi đã
làm linh mục và giám mục, tôi rửa tội cho con cháu họ, làm đám cưới cho các con
cháu họ và chủ tế những đám tang của họ nữa. Tôi cũng đã có thể quan sát được
lòng đạo đức thâm sâu đầy trầm lặng của họ và sự hiểu biết sâu rộng của họ về cuộc
sống. Những giao tiếp này vẫn tiếp tục rất thân tình với tôi, cả sau khi cuộc chiếm
đóng của Đức Quốc Xã đã chấm dứt, cho đến ngày tôi được chọn làm Giám Mục
Roma. Một vài người trong họ vẫn liên lạc thư từ với tôi.

GIÁO XỨ DEBNIKI: DÒNG SALÊSIÊNG

Tôi phải lùi trở lại thời gian trước khi vào chủng viện. Tôi không thể không nhắc tới
một địa danh đặc biệt và một nhân vật tại đó, người mà tôi đã học hỏi rất nhiều
trong thời kỳ đó. Địa danh ấy chính là giáo xứ của tôi được dâng hiến cho Thánh
Stanislaus Kostka, tại Debniki, trong Tổng Giáo phận Cracow. Các cha dòng
Salêsiêng coi sóc giáo xứ này và vào một ngày đen tối, các ngài bị Đức Quốc Xã lùa
vào trại tập trung. Chỉ còn lại cha xứ già cả và vị giám tỉnh. Tất cả những linh mục
khác đều bị giam giữ tại Dachau. Tôi vẫn tin rằng sự hiện diện của các linh mục Dòng
Salêsiêng đóng một vai trò quan trọng trong công việc đào tạo ơn gọi cho tôi.

Trong giáo xứ có một nhân vật nổi bật: tôi muốn nói tới Jan Tyranowski. Nghề nghiệp
của ông là thư ký, nhưng ông đã chọn làm việc cho tiệm may của cha ông. Ông nói
làm việc như người thợ may dễ giúp ông phát triển đời sống nội tâm. Ông đặc biệt có
đời sống nội tâm thâm trầm. Các cha Dòng Salêsiêng thật can đảm khởi động công
việc giữa giới trẻ vào giai đoạn khó khăn này, khi giao cho ông trọng trách thiết lập
một mạng lưới giao tiếp với giới trẻ qua phương thức "Chuỗi Mân Côi Sống" (Living
Rosary). Lúc điều hành công việc này, Jan Tyranowski không tổ chức đơn độc một
mình; ông cũng quan tâm tới việc phải đào tạo tâm linh cho những người trẻ ông tiếp
xúc. Nhờ đó tôi đã học được những phương pháp căn bản tự đào tạo mình mà sau
này được xác quyết và khai triển trong chương trình đào tạo chủng sinh. Việc đào
luyện cuộc sống tâm linh của Tyranowski dựa trên các tác phẩm của Thánh Gioan
Thánh Giá và Mẹ Têrêsa Avila. Tyranowski đã giúp tôi đọc các tác phẩm này, một việc
làm được coi như khác thường với lứa tuổi của tôi.

CÁC CHA DÒNG CAMÊLÔ

Đây là điểm giúp tôi quan tâm tới linh đạo Dòng Kín (Carmelite). Tại Cracow, trên
đường phố Rakowicka có tu viện của các cha Dòng Camêlô cải cách. Tôi đã đến đây
nhiều lần và trải qua một tuần tĩnh tâm với các ngài, dưới sự hướng dẫn của cha
Leonard thuộc Dòng Đức Mẹ Sầu Bi.
Có một thời gian tôi cũng có ý nghĩ gia nhập Dòng Camêlô. Những phân vân của tôi
đã được Đức Hồng y Tổng Giám mục Sapieha giúp giải quyết, khi ngài nói một câu
thật ngắn gọn: "Trước tiên con phải hoàn tất những gì con đã khởi sự." Và đó là tất
cả những gì đã tiếp diễn.

CHA KAZIMIERZ FIGLEWICZ

Trong những năm đó, cha linh hướng và giải tội của tôi là linh mục Kazimierz
Figlewicz. Lần đầu tiên tôi gặp ngài lúc ấy tôi theo học năm đầu tại trung học ở
Wadowice. Cha Figlewicz là cha phó của giáo xứ Wadowice, dậy giáo lý cho chúng tôi.
Nhờ ngài, tôi gần gũi với giáo xứ hơn và trở thành chú giúp lễ và những tay tổ chức
nhóm giúp lễ. Khi ngài dời Wadowice về phục vụ tại Vương Cung Thánh Đường
Cracow, nằm tại vùng cổ Lâu đài Hoàng gia Wawel, tôi vẫn tiếp tục liên lạc với ngài.
Tôi còn nhớ vào năm thứ năm trung học, ngài đã mời tôi tới Cracow tham dự Tuần
Tam Nhật Thánh (Sacred Triduum), bắt đầu với "Kinh Những Bóng Tối" vào buổi
chiều Thứ Tư Tuần Thánh. Kinh nghiệm này đã gây những ấn tượng thâm sâu nơi tôi.

Sau khi tốt nghiệp, ba tôi và tôi dời về Cracow. Khi ấy tôi gần gũi với linh mục
Figlewixz hơn; ngài là linh mục phó xứ Vương Cung Thánh Đường. Tôi thường tới
xưng tội và thăm ngài trong thời kỳ Đức Quốc Xã chiếm đóng.

Không bao giờ tôi quên ngày mồng một tháng chín năm 1939. Đó là ngày Thứ Sáu
Đầu Tháng. Tôi tới Wawel xưng tội. Vương Cung Thánh Đường hoàn toàn trống vắng.
Có lẽ đó là lần cuối cùng tôi có thể bước vào nhà thờ một cách tự do. Sau này nhà
thờ bị đóng cửa và Lâu Đài Hoàng Gia tại Wawel trở thành Tổng hành dinh của vị
tướng chỉ huy trong chính phủ Đức Quốc Xã, tướng Hans Frank. Cha Figlewicz là linh
mục duy nhất được cử hành Thánh lễ hai lần một tuần trong Vương Cung Thánh
Đường đóng cửa và dưới sự canh chừng của cảnh sát Đức. Vào những thời buổi khó
khăn ấy, thật rõ ràng tất cả đều mang một ý nghĩa với ngài - Vương Cung Thánh
Đường, lăng tẩm, bàn thờ Thánh Stanislaus, một Giám mục Tử Đạo. Cho tới khi qua
đời, cha Figlewicz vẫn là người canh giữ trung thành linh địa đặc biệt ấy của Giáo hội
và Quốc gia; ngài đã truyền đạt nơi tôi lòng mộ mến đặc biệt đối với Vương Cung
Thánh Đường tại Wawel, nơi mà một ngày nào đó đã trở thành Vương Cung Thánh
Đường Tòa Giám mục của tôi.

Vào ngày mồng một năm 1946, tôi được thụ phong linh mục. Ngày hôm sau, lễ mở
tay, tôi cử hành tại hầm mộ Thánh Leonard trong Vương Cung Thánh Đường. Cha
Figlewicz đứng bên cạnh và hướng dẫn tôi. Vị linh mục khả kính này giờ đây đã an
giấc ngàn thu cách đây vài năm. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể trả công cho ngài về
tất cả những công trạng ngài đã trợ giúp tôi.

DÒNG LỊCH SỬ THÁNH MẪU

Thật tự nhiên, khi đề cập đến nguồn gốc ơn gọi linh mục của tôi, tôi không thể bỏ
qua dòng lịch sử Thánh Mẫu. Tôi đã học được những truyền thống tôn sùng Mẹ Thiên
Chúa nơi gia đình và nơi họ đạo của tôi tại Wadowice. Tôi còn nhớ, trong nhà thờ họ
đạo, một bên nguyện đường được dành tôn kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Vào các
buổi sáng, học sinh trung học đến viếng Đức Mẹ trước giờ học. Buổi chiều, sau giờ
học, nhiều học sinh tới đó cầu nguyện với Mẹ Đồng Trinh.

Cũng thế, trên một đỉnh đồi ở Wadowice, Dòng Khổ Tu Camêlô đã được thành lập từ
thời Thánh Raphael Kalinowski. Người dân từ Wadowice leo lên đây đông đảo và nhờ
vậy việc tôn sùng đeo Dây Đức Bà Núi Camêlô trở thành phổ thông. Tôi cũng nhận
được Dây Đức Bà và tôi nghĩ lúc đó mới lên mười và tôi còn đeo tới ngày nay. Các tín
hữu cũng còn đến đây xưng tội. Và như vậy, cả tại giáo xứ và tại thánh đường của
dòng khổ tu Camêlô, lòng sùng kính Mẹ Maria của tôi đã được hình thành ngay từ
những năm thơ ấu, rồi niên thiếu và qua những năm trung học.

Khi lớn lên ở Cracow, tại Debniki, tôi gia nhập nhóm "Chuỗi kinh Mân Côi Sống" trong
giáo xứ của các cha dòng Salêsiêng. Nơi đó lòng tôn kính thật đặc biệt với Mẹ Maria,
Đấng Phù Trợ các Kitô hữu. Tại Debniki, vào thời điểm ơn gọi linh mục của tôi triển
nở dưới ảnh hưởng của Jan Tyranowski, tôi nhớ có một thay đổi trong kiến thức về
lòng tôn sùng Mẹ Thiên Chúa. Tôi đã xác tín rằng Mẹ Maria dẫn dắt chúng ta tới Chúa
Kitô, nhưng vào thời điểm này, tôi cũng bắt đầu nhận ra Chúa Kitô dẫn dắt chúng ta
tới Mẹ Ngài. Ở một điểm nào đó, tôi bắt đầu đặt câu hỏi về lòng tôn sùng Mẹ Maria
khi tin rằng, nếu lòng tôn sùng đó mãnh liệt quá, chắc hẳn sẽ phương hại đến việc
ưu tiên tôn thờ Chúa Kitô. Lúc đó, tôi đã dựa rất nhiều vào cuốn sách của Thánh
Louis Marie Grignion de Montfort mang tựa đề "Luận án về sùng kính Đức Trinh Nữ."
Nơi đây tôi đã tìm được các câu trả lời. Phải, Mẹ Maria dẫn đưa chúng ta gần gũi với
Chúa Kitô hơn; Mẹ dìu dắt chúng ta tới Chúa, miễn là chúng ta sống huyền nhiệm
của ngài trong Chúa Kitô. Luận án này của Thánh Louis Marie Grignion de Montfort
có phần gây ra bối rối, qua lối hành văn hoa mỹ và kỳ dị, nhưng người ta không thể
chối cãi được những chân lý thần học chính yếu trong đó. Tác giả là một nhà thần
học lừng danh. Những tư tưởng Thánh Mẫu học của ngài đã đâm rễ sâu từ mầu
nhiệm Chúa Ba Ngôi và chân lý Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa.

Rồi tôi mới hiểu lý do tại sao Giáo hội đọc kinh Truyền Tin (Angelus) ba lần một ngày.
Tôi nhận ra những lời kinh đó thật quan trọng: "Thánh Thiên Thần truyền tin cho Đức
Bà chịu thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần... Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời: tôi xin
vâng như lời Thánh Thiên Thần truyền... Chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người
và ở cùng chúng tôi..." Thật là những lời thần lực! Những lời ấy diễn tả thực tế thâm
sâu của một biến cố trọng đại nhất đi vào lịch sử nhân loại.

Đó là gốc nguồn của khẩu hiệu Totus Tuus. Câu nói này phát xuất từ Thánh Louis
Marie Grignion de Monfort. Đó là lời nguyện tắt của câu nghi thức tín thác đầy đủ hơn
nơi Mẹ Thiên Chúa được diễn tả như sau: "Totus Tuus ego sum et omnia mea Tua
sunt. Accipio Te in mea omnia. Praebe mihi cor Tuum, Maria." (Con đây là Tất cả của
Mẹ và mọi sự của con là Của Mẹ. Con nhận lãnh Mẹ trong tất cả mọi sự của con. Xin
Mẹ hãy cho con mượn trái tim Mẹ, lạy Mẹ Maria).

Và như thế, nhờ Thánh Louis, tôi bắt đầu khám phá ra những kho tàng bao la trong
việc sùng kính Mẹ Maria theo những nhãn quan mới. Thí dụ, khi còn trẻ thơ, tôi
thường nghe hát "Giờ kinh Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội" trong nhà thờ giáo xứ,
nhưng chỉ sau này tôi mới nhận ra được nội dung thần học và Thánh Kinh phong phú.
Cũng thế, các bài hát dân ca như những bản Thánh ca Giáng Sinh Ba Lan và Kinh
Cầu Chịu Nạn trong Mùa Chay làm nổi bật những lời tâm hồn than vãn với Mẹ Sầu Bi.

Những kinh nghiệm thiêng liêng này đã là nền tảng hình thành cho hành trình cầu
nguyện và chiêm niệm dần dần dẫn đưa tôi tới thiên chức linh mục và sau này vẫn
tiếp tục dẫn hướng tôi trong mọi biến cố cuộc đời. Suốt từ hồi thơ ấu và cho tới khi
làm linh mục và giám mục, hành trình cầu nguyện và chiêm niệm này vẫn dẫn dắt
tôi thường xuyên lên đường hành hương Thánh Mẫu về Kalwaria Zebrzydowska.
Kalwaria là một linh địa kính Đức Mẹ chính yếu của Tổng Giáo phận Cracow. Tôi
thường đến đó, đi dọc theo lối mòn trong thanh vắng và trong lời kinh, tôi trình bầy
với Chúa nhiều vấn đề đa dạng trong Giáo hội, nhất là vào những thời kỳ đầy khó
khăn trong cuộc chiến đấu chống Cộng sản. Khi nhìn lại, tôi thấy tất cả mọi chuyện
được nối kết với nhau: ngày nay cũng như quá khứ, chúng ta nhận ra mình cũng bị
lôi vào một huyền nhiệm thật thâm sâu.

ANH THÁNH ALBERT

Đôi khi tôi tự hỏi không biết Anh Thánh Albert đã đóng góp gì vào ơn gọi của tôi.
Adam Chmielowski, chính là tên anh. Anh không phải là linh mục. Nhưng mọi người
dân Balan đều biết anh là ai. Trong thời kỳ say mê theo đuổi diễn kịch và nghệ thuật,
khuôn mặt của con người can đảm này đã gợi hứng cho tôi rất nhiều. Anh đã tham
dự vào cuộc "Nổi Dậy Tháng Giêng" năm 1864 và cụt mất một chân trong cuộc chiến
đấu này. Anh Albert là một họa sĩ đã theo học tại Munich. Những tác phẩm nghệ
thuật anh để lại đã chứng tỏ tài nghệ xuất chúng của anh. Tuy nhiên, vào một giai
đoạn nào đó trong cuộc đời, anh đã bỏ lại dang dở những đeo đuổi nghệ thuật, chỉ vì
anh nhận ra Chúa đã gọi anh cho những trách vụ quan trọng hơn nhiều. Một lần kia,
anh ý thức được những hoàn cảnh bi đát của các người nghèo khổ tại Cracow. Họ
thường tụ họp nhau lại tại nhà ngủ công cộng được coi như một "tụ điểm xách động"
trên đường phố Krakowska, và Adam Chmielowski quyết định trở thành một thành
viên trong bọn họ, không phải như một người phát chẩn từ bên ngoài đến phân phát
quà, nhưng như một người hoàn toàn hiến thân phục vụ những kẻ xấu số.

Gương hy sinh đầy nhiệt hứng này đã lôi kéo được nhiều người nhập cuộc. Nhiều
người thuộc cả hai phái nam nữ đến tụ tập chung quanh Anh Albert. Hai dòng tu hiến
thân phục vụ những người nghèo khổ nhất được khai sinh. Tất cả xẩy ra hồi đầu kỷ
nguyên của chúng ta, đúng vào thời điểm trước Đệ Nhất Thế Chiến.

Anh Thánh Albert không còn sống để được nhìn thấy ngày nay BaLan đã dành lại độc
lập. Anh chết vào Lễ Giáng Sinh 1916. Tuy thế, những việc làm của anh còn tiếp tục
sau khi anh quá cố và vẫn trở thành một diễn tả của truyền thống Balan đi theo lý
tưởng nền tảng của Tin Mừng, theo vết chân Thánh Phanxicô Assisi và Thánh Gioan
Thánh Giá.

Anh Albert có một chỗ đứng đặc biệt trong lịch sử tu đức của BaLan. Với tôi, anh
đóng một vai trò quan trọng đặc biệt, vì tôi tìm thấy nơi anh một nâng đỡ và gương
mẫu linh thiêng thực sự, khi bỏ lại đàng sau thế giới nghệ thuật, văn chương và kịch
nghệ để quyết định một lựa chọn rốt ráo đeo đuổi ơn gọi làm linh mục. Một trong
những niềm vui trọng đại của tôi khi làm Giáo hoàng chính là cất nhắc con người
nghèo khổ này của Cracow, ăn mặc bộ đồ xám, lên tới danh dự được tôn vinh trên
bàn thờ, trước tiên với việc phong chân phước tại Blonie Krakowskie trong lần đầu tôi
về thăm viếng Balan vào năm 1983 và tiếp tới là phong thánh tại Roma vào tháng
mười một năm 1989 đáng ghi nhớ. Nhiều nhà văn đã bất tử hoá khuôn mặt của Anh
Albert trong văn học Ba Lan. Xứng đáng được ghi nhớ giữa những tác phẩm nghệ
thuật khác nhau, cũng như trong tiểu thuyết và kịch nghệ, chúng ta phải kể tới linh
mục Konstanty Michalski đã viết một cuốn biên khảo dâng tặng anh. Còn tôi, là một
linh mục trẻ, khi tôi còn là phó xứ nhà thờ Saint Florian tại Cracow, tôi đã soạn một
vở bi kịch vinh danh anh với nhan đề Người Em Của Chúa Chúng Ta (Le Frère de
notre Dieu). Đó là cách thức tôi đền đáp công ơn anh.

KINH NGHIỆM CHIẾN TRANH

Như tôi vẫn thường nói, ơn gọi linh mục đã chín mùi dứt khoát vào thời điểm Đệ Nhị
Thế Chiến, trong thời Đức Quốc chiếm đóng. Phải chăng đây chỉ là chuyện tình cờ
hay là một nối kết thâm sâu hơn giữa những gì đang phát triển trong tôi với những
biến động lịch sử bên ngoài? Thực khó trả lời cho một câu hỏi như thế. Chắc chắn,
trong kế hoạch của Thiên Chúa, chẳng có gì xẩy ra ngẫu nhiên cả. Tất cả những gì
tôi muốn nói chính là thảm kịch chiến tranh đã đem tới diễn trình chín mùi cho một
chọn lựa ơn gọi một cách độc đáo.. Điều đó đã giúp tôi hiểu theo một cách thức mới
về giá trị và tầm quan trọng của ơn gọi. Đối diện với những tội ác hoành hành và
những thảm khốc của chiến tranh, tôi cũng hiểu được ý nghĩa và sứ mạng của thiên
chức linh mục trong thế giới.
Chiến tranh bùng nổ đã đẩy tôi xa khỏi đại học và công việc bút nghiên và theo học
Đại học. Vào thời điểm này, tôi cũng mất người cha thân yêu là một thành phần thân
thuộc trực tiếp cuối cùng trong gia đình tôi. Một cách khách quan, tất cả những
chuyện đó đã đem tôi thoát dần khỏi những kế hoạch đầu đời của tôi, giống như đã
bị đánh bật rễ khỏi mảnh đất đã vun trồng nhân loại tính của tôi cho đến lúc đó.

Tiến trình này không chỉ tiêu cực như thế, nhưng cùng lúc một điểm sáng bắt đầu
chiếu rọi rõ rệt hơn bao giờ hết trong ký ức tôi: Thiên Chúa muốn tôi trở thành linh
mục của Ngài. Một ngày kia tôi nhìn thấy điều này thật rõ rệt tựa như một khai ngộ
nội giới đem đến cho tôi niềm hân hoan và chắc chắn về một ơn gọi mới. Chính tâm
thức này đã làm ngập tràn hồn tôi niềm an bình thâm sâu cao cả.

Tất cả những chuyện này xẩy ra đối kháng lại đấu trường của những biến cố kinh
hoàng đang xẩy ra chung quanh tôi tại Cracow, Ba Lan, Âu Châu và trên thế giới. Tôi
chỉ trực tiếp cảm nghiệm được một phần nhỏ những gì mà những người đồng hương
của tôi đã phải trải qua từ năm 1939 về sau. Tôi đặc biệt nghĩ đến các bạn học cùng
lớp tại Wadowice, những người bạn thân thiết, và một số trong họ là người Do Thái.
Một số đã đăng ký vào quân đội từ năm 1938. Tôi tin rằng người đầu tiên bỏ mình
trong cuộc chiến chính là người trẻ nhất trong lớp tôi. Sau này tôi biết được một cách
đại quan về số phận của những người khác đã ngã gục trên những chiến tuyến khác,
hoặc chết trong các trại tập trung, hoặc chiến đấu tại Tobruk và Montecassino, hoặc
bị đem đi đầy ải tại các lãnh thổ của Liên Bang Sô Viết: Nga Sô và Kazakhstan. Lúc
đầu tôi biết được những chuyện này một phần, nhưng sau đó đầy đủ hơn trong buổi
họp mặt các bạn học cũ tổ chức năm 1948 tại Wadiwice, nhân dịp kỷ niệm năm thứ
mười ngày tốt nghiệp của chúng tôi.
Tôi đã được che chở rất nhiều khỏi tấn thảm kịch rộng lớn và hãi hùng của Đệ Nhị
Thế Chiến.

Tôi có thể bị bắt giữ bất cứ ngày nào tại nhà, nơi hầm đá, trong công xưởng và bị
đưa đến trại tập trung. Đôi khi tôi tự hỏi: vô số người trẻ cùng trang lứa đã thiệt
mạng, tại sao không phải tôi? Ngày nay tôi hiểu rằng đó không chỉ là số may. Giữa
những chồng chất của tội ác chiến tranh như thế, những gì xẩy ra trong cuộc sống cá
nhân của tôi đều hướng đến lợi ích cho ơn gọi của tôi. Tôi không thể quên những tấm
lòng từ nhân biểu lộ nơi những người Chúa đã đặt định trong bước đường đời của tôi
vào giai đoạn cực kỳ khó khăn đó, kể cả những phần tử trong gia đình tôi, đồng môn
của tôi cũng như những bạn hữu của tôi.

CÁC LINH MỤC BALAN HY SINH

Điều này nói lên một khía cạnh khác thật đặc biệt và chất chứa đầy ý nghĩa. Những
năm Đức Quốc Xã chiếm đóng Tây Âu và Liên Xô chiếm đóng Đông Âu đã đưa tới hậu
quả là một con số khổng lồ các linh mục Ba Lan bị đẩy vào các trại tập trung. Tại
nguyên một trại Dachau đã có khoảng ba ngàn linh mục bị giam giữ. Còn có nhiều
trại khác như Auschwitz, nơi Cha Thánh Maximilian Maria Kolbe, một linh mục dòng
Phanxicô tại Niepokalanow đã hiến thân cho Chúa Kitô. Ngài đã trở thành vị linh mục
đầu tiên được phong thánh sau chiến tranh. Trong số các tù nhân tại trại Dachau có
Đức Giám Mục Michal Kozal thuộc Giáo phận Wloclawek, năm 1987 tôi đã hân hoan
phong chân phước cho ngài tại Warsaw. Sau chiến tranh, một số linh mục bị giam giữ
trong các trại tập trung, đã được phong chức Giám mục. Hai Đức Tổng Giám mục
Kazimierz Majdanski và Kozlowiecki và Đức Giám Mục Ignacy Jez ngày nay vẫn còn
sống. Ba vị Giám mục cuối cùng đã chứng kiến những gì đã xẩy ra tại trại diệt chủng
Dachau. Các ngài hiểu biết rất rõ những kinh nghiệm ấy đem lại bao ý nghĩa cho
cuộc sống nhiều linh mục. Để hoàn chỉnh bức tranh ấy, tôi cũng phải nhắc tới các linh
mục Đức Quốc trong thời điểm đó cũng cùng chia sẻ số phận trong các trại tập trung.
Tôi đã được vinh dự tôn phong chân phước cho một số linh mục: trước tiên là cha
Rupert Mayer tại Munich và rồi mới đây trong chuyến tông du tới Đức quốc, là Đức
Ông Bernhard Lichtenberg, cha sở của Vương Cung Thánh Đường Bá Linh và sau
cùng là Cha Karl Leisner trong giáo phận Munster. Cha Leisner được phong chức linh
mục trong trại tập trung năm 1944 và chỉ có thể cử hành Thánh Lễ một lần sau khi
được phong chức.

Thực ra tôi phải nhắc nhở đặc biệt đến các linh mục tử đạo trong khi bị giam giữ
trong các trại tại Bây Bá Lợi Á và trong các trại khác thuộc lãnh thổ của Liên Bang Sô
Viết. Trong số rất đông đảo những người bị giam cầm tại đó, tôi muốn nhắc đến Cha
Tadeusz Fedorowicz, một khuôn mặt nổi danh tại Ba Lan, vị linh mục mà tôi đã mang
nợ khá nhiều về những hướng dẫn tâm linh.
Cha Fedorowicz, một linh mục trẻ thuộc Tổng Giáo phận Lwow đã tự nguyện đến xin
Đức Tổng Giám mục cho phép ngài đi theo nhóm người Ba Lan bị đầy đi miền Đông.
Đức Tổng Giám mục Twardowski đã ưng thuận và cha Fedorowicz đã có thể thực hiện
theo sứ vụ linh mục sống giữa các đồng hương bị phân tán trên khắp các lãnh thổ
của Liên Bang Sô Viết, và đặc biệt tại Kazakhstan. Ngài đã mô tả những biến cố bi
thảm này trong một cuốn sách thật tuyệt diệu.

Dĩ nhiên, những gì tôi nói về các trại tập trung chỉ phản ảnh một phần, thật bi thảm,
của cuốn "sách khải huyền" của thế kỷ chúng ta. Tôi đã khơi lên để muốn nhấn mạnh
rằng chức vụ linh mục của tôi, ngay lúc khởi đầu, đã mang dấu vết những hy sinh lớn
lao của vô vàn các người cùng thế hệ với tôi. Chúa Quan phòng đã miễn trừ cho tôi
những kinh nghiệm khổ ải nhất: và như vậy tôi cảm thấy mình mang ơn nghĩa thật
nhiều, cả với những người tôi quen biết cũng như với bao người tôi không quen biết.
Tất cả, không phân biệt quốc tịch hay ngôn ngữ, bằng những hy sinh trên bàn thờ
diệu kỳ của lịch sử, đã giúp ơn gọi làm linh mục của tôi trở thành hiện thực. Một cách
nào đó, tất cả những con người ấy đã dẫn hướng tôi đi theo lối đường này. Bằng
những hy sinh của mình, các ngài đã chỉ cho tôi chân lý thâm sâu nhất và chính yếu
nhất về thiên chức linh mục của Chúa Kitô.

CẢM NGHIỆM LÒNG THIỆN HẢO GIỮA NHỮNG KHẮC


NGHIỆT CỦA CHIẾN TRANH

Tôi vẫn thường nói rằng giữa những năm tháng chiến tranh khó khăn, tôi đã cảm
nghiệm được bao tấm lòng thiện hảo của nhiều người. Đặc biệt tôi nhớ đến một gia
đình, thực ra nhiều gia đình, tôi quen biết trong thời ngoại bang chiếm đóng. Tôi đã
làm việc chung với Juliusz Kydrynski, trước tiên trong hầm đá, rồi trong xưởng
Solvay. Chúng tôi thuộc nhóm sinh viên-nhân công, gồm có cả Wojciech Zukrowski,
người em Antoni của Wojciech và Wieslaw Kaczmarczyk. Juliusz Kydrynski và tôi biết
nhau trước chiến tranh, đã học chung với nhau năm thứ nhất văn chương và ngôn
ngữ Ba Lan. Trong thời gian chiến tranh, tình bạn giữa chúng tôi khắng khít. Tôi biết
má anh goá bụa, rồi chị anh và em trai anh. Gia đình Kydrynsky rất ân cần và
thương mến tôi và quan tâm lo lắng cho tôi rất nhiều khi cha tôi qua đời vào ngày 18
tháng hai năm 1941. Tôi nhớ ngày ấy thật rõ: khi đi làm về, tôi thấy cha tôi đã chết
rồi. Tình bạn giữa tôi với gia đình Kydrynskis đã là niềm an ủi lớn lao cho tôi vào thời
điểm đó. Rồi tình bạn giữa chúng tôi gia tăng để tôi kết thân với các gia đình khác
nữa, nhất là gia đình Szkocki sống trên đường phố Ksiecia Jozefa. Tôi bắt đầu học
tiếng Pháp nhờ ơn bà Jadwiga Lewaj đang sống trong gia đình ấy. Con gái đầu của
gia đình Szkockis, cô Zofia Pozniak có chồng đang bị giam giữ trong trại, đã mời
chúng tôi tới tham dự những buổi hòa nhạc tổ chức trong nhà họ. Nhờ vậy, thời kỳ
đen tối của chiến tranh và quê hương bị chiếm đóng đã được âm nhạc và thơ văn làm
sáng rực lên. Tất cả những chuyện này diễn ra thời gian trước khi tôi bước vào chủng
viện.

HỒNG ÂN VÀ HUYỀN NHIỆM

IV
ĐGH Gioan Phaolô II

MỘT LINH MỤC!

Tôi được phong chức linh mục vào một ngày khác thường đối với bao nghi lễ như thế
này: đó là ngày mồng một tháng mười một, ngày Lễ Các Thánh. Ngày đó phụng vụ
trong Giáo hội hoàn toàn quy hướng về cử hành mầu nhiệm Các Thánh Thông Công
và chuẩn bị kính nhớ các tín hữu đã lìa trần. Đức Tổng Giám mục đã chọn ngày này
vì tôi đã được sắp xếp đi Roma tiếp tục công việc học hành. Tôi được phong chức một
mình trong nhà nguyện riêng của các Đức Tổng Giám mục Cracow. Các đồng môn
của tôi được truyền chức vào năm sau trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá.
Tôi đã được truyền chức trợ phó trế và phó tế trong tháng mười. Đó là tháng cầu
nguyện cao độ, được xen kẽ bằng nhiều buổi tĩnh tâm nhằm chuẩn bị cho tôi chịu các
Chức Thánh: sáu ngày tĩnh tâm trước chức Trợ Phó tế, rồi ba ngày trước chức Phó tế
và sáu ngày trước khi thụ phong Linh mục. Trong đợt tĩnh tâm cuối cùng, tôi đã tĩnh
tâm một mình trong nhà nguyện chủng viện. Buổi sáng ngày Lễ Các Thánh, tôi đã có
mặt tại Tòa Tổng Giám mục Cracow, số 3 đường Franciszkanska để thụ phong linh
mục. Chỉ có một nhóm nhỏ thân quyến và bạn hữu hiện diện trong nghi lễ này.

GHI NHỚ NGƯỜI ANH EM TRONG ƠN GỌI LINH MỤC

Như tôi vừa nói, tôi đã được truyền chức linh mục trong ngôi nguyện đường riêng của
các Đức Tổng Giám mục Cracow. Tôi nhớ trong thời gian quân đội Đức chiếm đóng
này, tôi thường đến đây vào mỗi buổi sáng giúp lễ Đức Tổng Giám mục Giáo khu. Tôi
cũng nhớ trong một thời gian có một chủng sinh chui khác, tên anh là Jerzy Zachuta,
cũng thường đi lễ với tôi. Một ngày kia anh mất dạng. Sau Thánh Lễ tôi ghé qua nhà
anh tại Ludwinow (gần Debniki) và tôi hay biết anh đã bị bọn công an Gastapo bắt đi
ban đêm. Ngay sau đó, tên anh xuất hiện trong danh sách các người Ba Lan bị xử
bắn. Được truyền chức trong chính nguyện đường này, nơi chúng tôi thường gặp
nhau nhiều lần, làm sao tôi quên được người anh em của tôi trong ơn gọi linh mục,
người mà Chúa Kitô đã nối kết theo một cách thức khác đi vào huyền nhiệm Tử Nạn
và Phục Sinh của Ngài.

VENI, CREATOR SPIRITUS!

Tôi vẫn còn nhớ, lúc tôi hát kinh Veni Creator Spiritus (Lậy Chúa Thánh Thần Tạo
Dựng, xin Ngài hãy đến) và Kinh Cầu Các Thánh, tôi nằm sóng soài trên sàn nhà
nguyện đường này với hai tay trải ngang theo hình thánh giá chờ đợi giây phút Đức
Tổng Giám mục đặt tay. Thật là những kinh nghiệm rung động! Sau này khi làm
Giám mục và Giáo hoàng, tôi đã chủ tế các nghi thức này rất nhiều lần. Một điều gây
nhiều xúc động chính là khi những người chịu chức nằm rạp xuống, tượng trưng cho
một thái độ tùng phục hoàn toàn trước uy quyền Thiên Chúa và hoàn toàn cởi mở
trước tác động của Chúa Thánh Linh đang ngự xuống trên họ và thánh hiến họ. Veni,
Creator Spritus, mentes Tuorum visita, imple superna gratia quae Tu creasti pectora.
(Lạy Chúa Thánh Thần Tạo Dựng, xin Ngài hãy đến, xin Ngài hãy thăm viếng các tâm
trí của những người thuộc về Ngài, xin Ngài đổ tràn ơn thánh siêu nhiên nơi các tâm
hồn Ngài đã tạo dựng). Cũng như thể thức trong Thánh Le,ã Chúa Thánh Thần biến
thể bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô, thì trong Bí Tích truyền chức các
Chức Thánh, Ngài cũng tác động việc thánh hiến linh mục và giám mục như thế. Vị
Giám mục cử hành Bí Tích Truyền Các Chức Thánh chính là con người phân phát mầu
nhiệm Thiên Chúa. Nghi thức đặt tay chính là một tiếp nối cử chỉ Giáo hội tiên khởi
thường dùng để chỉ Chúa Thánh Thần đang ngự xuống trao cho một sứ mệnh đặc
biệt. (xem CVTĐ 6:6, 8:17, 13:3). Thánh Phaolô đặt tay lên môn đệ Timothê (2Tim
1:6, 1Tim 4:14), và cử chỉ này đã tồn tại trong Giáo hội (1Tim 5:22) như dấu hiệu
đầy năng lực của Chúa Thánh Linh đang hiện diện sống động trong Bí Tích Truyền
Chức Thánh.

SÀN NHÀ THỜ

Ai nhận lãnh các Chức Thánh phải nằm phủ phục hoàn toàn và đặt trán sát với sàn
nhà thờ, đó là một biểu hiện mình hoàn toàn mong muốn đảm nhận chức vụ được tín
thác này. Nghi thức này đã in sâu vào đời sống linh mục của tôi. Những năm về sau,
trong Đền Thánh Phêrô (vào mỗi lúc bắt đầu Công đồng), tôi đã nhớ lại giờ phút
được thụ phong linh mục và tôi đã sáng tác một bài thơ. Tôi xin chia sẻ đôi dòng thơ
ở đây:

Thưa Phêrô, Ngài là sàn nhà thờ và bao người khác có thể bước lên trên Ngài...
và Ngài muốn họ đi tới nơi đâu, những bước chân Ngài đang dẫn hướng...
Ngài muốn phục vụ những đôi chân họ bước qua
như tảng đá phục vụ những móng chân đàn chiên.
Tảng đá là sàn đền thờ khổng lồ
Và Thập giá là đồng cỏ.
(Giáo hội: Các Mục tử và những Mùa Xuân, Đền Thờ Thánh Phêrô, Mùa Thu 1962:
11.X - 8.XII)

Khi viết những dòng chữ này, tôi nghĩ đến Thánh Phêrô và đến tất cả thực tại của
chức linh mục và cố công khám phá ra ý nghĩa thâm sâu của nghi thức phủ phục này.
Khi nằm phủ phục trên sàn nhà theo hình thập giá trước khi chịu chức, khi chấp nhận
thập giá Chúa Kitô cho cuộc đời mình và giống như Phêrô và cùng với Thánh Tông đồ
này trở thành "sàn nhà" cho các anh chị em chúng ta, mình sẽ tìm được ý nghĩa
thâm sâu của tất cả linh đạo làm linh mục.

THÁNH LỄ MỞ TAY

Sau khi được thụ phong linh mục vào Lễ Các Thánh, tôi đã cử hành Thánh Lễ Mở Tay
vào ngày Lễ Các Linh Hồn, ngày mồng 2 tháng 11 năm 1946. Vào ngày đó, mỗi linh
mục được phép cử hành ba Thánh Lễ vì lợi ích các tín hữu. Như vậy hóa ra tôi đã cử
hành ba Thánh Lễ Mở Tay. Thực là một cảm nghiệm rung động sâu xa. Tôi đã cử
hành ba Thánh Lễ nơi hầm mộ Thánh Leonard. Hầm mộ này trong nhà thờ Chính Toà
Wawel tại Cracow, là phần phía trước của nơi được mệnh danh là nhà thờ Chánh Tòa
Herman của Tòa Giám mục. Ngày nay hầm mộ là phần của tòa nhà dưới hầm nơi các
ngôi mộ hoàng gia được chôn cất. Tôi đã chọn nơi đây để cử hành các Thánh Lễ Mở
Tay để bộc lộ những mối giây liên kết linh thiêng với những vị được chôn cất trong
ngôi Nhà Thờ Chính Tòa này. Mang đầy vết tích lịch sử, đây là công trình kiến trúc vô
tiền khoáng hậu. Khác xa bất cứ ngôi thánh đường Ba Lan nào, Vương Cung Thánh
Đường Wawel mang nhiều ý nghĩa lịch sử và thần học. Các vua chúa Ba Lan được
chôn cất nơi đây, bắt đầu với Wladyslaw Lokietek: nơi đó các ngài được phong vương
và cũng là nơi an nghỉ giấc ngàn thu. Tất cả những ai đến viếng thánh địa này đều
nhận thấy mình chìm đắm trong lịch sử dân tộc.
Và đó là lý do tại sao tôi muốn cử hành các Thánh Lễ Mở Tay nơi hầm mộ Thánh
Leonard: tôi muốn diễn tả mối giây liên kết thiêng liêng với lịch sử Ba Lan, một lịch
sử được biểu tượng bằng ngọn đồi Wawel. Nhưng còn nhiều nữa. Việc lựa chọn của
tôi còn mang một ý nghĩa thần học đặc biệt. Như tôi đã nói, tôi đã được truyền chức
vào ngày trước đó, ngày Lễ kính Trọng Thể Các Thánh, khi Giáo hội diễn tả bằng
phụng vụ về thực tại Các Thánh Cùng Thông Công - communio sanctorum. Các
Thánh là những người đã chấp nhận Huyền Nhiệm Phục Sinh của Chúa Kitô bằng đức
tin, và bây giờ đang chờ cuộc phục sinh tối hậu.

Tất cả những vị có di hài trong các mồ nơi Vương Cung Thánh Đường Cracow, đều
đang nằm đó chờ ngày sống lại. Như vậy toàn bộ Vương Cung Thánh Đường xem ra
như đang vang vọng lời kinh Tin Kính của các Tông đồ: "Tôi trông đợi kẻ chết sống
lại và sự sống đời sau." Chân lý của niềm tin này cũng chiếu dọi vào lịch sử các dân
tộc. Tất cả những vị ấy đều là những "bậc thượng trí" dìu dắt quốc gia qua mọi thời
đại. Trong hàng ngũ các ngài, không những chúng ta chỉ tìm thấy các bậc vua chúa,
các hoàng hậu, hoặc các giám mục và hồng y, nhưng còn cả các thi nhân, các bậc đại
văn hào đã ảnh hưởng rất nhiều vào công việc giáo dục tôi thành một Kitô hữu và
một nhà ái quốc.

Có ít người tham dự các Thánh Lễ Mở Tay của tôi được cử hành trên đồi Wawel: trong
số đó, tôi còn nhớ mẹ đỡ đầu Maria Wiadrowska, người chị của mẹ tôi. Mieczyslaw
Malinski giúp lễ, một cách nào đó, anh chính là một hiện thân tâm trí và thể xác của
Jan Tyranowski, lúc đó đang đau nặng. Sau này, khi là linh mục và giám mục, tôi
luôn luôn tới thăm viếng hầm mộ Thánh Leonard với đầy xúc động. Và tôi thích thú
biết bao nếu được cử hành Thánh Lễ kỷ niệm 50 năm thụ phong linh mục tại đó!

GIỮA DÂN THIÊN CHÚA

Những Lễ Mở Tay khác nối tiếp: trong nhà thờ giáo xứ Thánh Stanislaus Kostka ở
Debniki và Chúa Nhật sau đó tại Wadowice, trong Thánh đường Mẹ Thiên Chúa Dâng
Mình. Tôi cũng đã cử hành Thánh Lễ tại Tòa Thánh Stanislaus trong Vương Cung
Thánh Đường Wawel cho các bạn hữu thuộc giới kịch nghệ và cho tổ chức bí mật
Unia (Đoàn kết) tôi đã có nhiều liên hệ trong thời Đức Quốc Xã chiếm đóng.

Hồng Ân và Huyền Nhiệm

V
Hồi Ký ĐGH Gioan Phaolô II

RÔMA

Tháng mười một qua đi thật mau lẹ: giờ đã đến thời điểm lên đường đi Rôma. Khi
ngày dự định đã đến, tôi lên tầu lửa, lòng bồi hồi khôn tả. Đi theo tôi có anh
Stanislaw Starowieyski, một đồng môn trẻ trung hơn tôi cũng đã được gửi đi học
toàn khoa thần học tại Rôma. Lần đầu tiên tôi dời biên giới quê hương. Từ cửa sổ của
con tầu đang chuyển động, tôi nhìn thấy những thành phố trước đây chỉ được biết
trong các sách địa lý. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy Prague, Nuremberg, Strasbourg và
Paris, nơi đây chúng tôi dừng chân thăm chủng viện Ba Lan tọa lạc trên đường phố
Irlandais. Chúng tôi ở đó chỉ trong một thời gian thật ngắn ngủi vì thời gian cấp bách
và chúng tôi đạt chân tới Roma trong những ngày cuối cùng của tháng mười một. Nơi
đây chúng tôi thật vui khi được các linh mục Pallottine tiếp đón nồng hậu. Tôi còn
nhớ ngày Chúa Nhật đầu tiên sau khi tới Rôma, lúc ấy tôi đi với Stanislaw
Starowieyski tới Đền Thánh Phêrô và tham dự lễ nghi trọng thể Đức Giáo hoàng tôn
kính một vị mới được phong Chân Phước. Từ xa, tôi nhìn thấy Đức Giáo hoàng Piô XII
được khiêng trên chiếc kiệu gọi là sedia gestatoria. Sự tham dự của Đức Giáo hoàng
trong nghi lễ phong thánh vào thời kỳ ấy được giới hạn vào việc ngài chỉ đọc kinh cầu
nguyện dâng lên vị tân Chân Phước, trong lúc nghi lễ đã được một trong các Hồng y
cử hành vào buổi sáng. Truyền thống này đã thay đổi, bắt đầu với Linh mục
Maximilian Maria Kolbe, khi vào tháng 10 năm 1971 Đức Phaolô VI đã đích thân cử
hành lễ phong chân phước cho vị Thánh Tử đạo Ba Lan của trại tập trung Auschwitz
trong Thánh Lễ đồng tế trọng thể với Đức Hồng y Wyszynski và các Giám mục Ba
Lan. Tôi cũng thật hân hoan cùng đồng tế trong buổi lễ ấy.

“HỌC HỎI RÔMA”

Không bao giờ tôi quên được những cảm nghĩ trong những ngày đầu tiên tới Rôma,
khi vào năm 1946 tôi bắt đầu biết được Kinh Thành Muôn Thuở này. Tôi đã ghi danh
học theo chương trình tiến sĩ hai năm tại Đại học Angelicum. Viện trưởng của Phân
khoa Thần học là cha Mario Luigi Ciappi, O.P., sau này là nhà thần học riêng của Giáo
hoàng và là Hồng y.

Cha Karol Kozlowski, giám đốc Chủng việc Cracow đã đôi lần bảo tôi rằng những ai
may mắn được theo học tại kinh đô Thiên Chúa Giáo, hơn là chỉ chuyên chủ học hành
(thật ra, bằng tiến sĩ thần học có thể lấy được ở các nơi khác!), điều quan trọng là
phải ”học hỏi chính Rôma.” Tôi cố công theo ý kiến của ngài. Tôi đã đến Rôma với
mong muốn mãnh liệt đi nhìn xem Kinh Thành Muôn Thuở, bắt đầu với các hang toại
đạo. Cùng với các bạn hữu theo học Đại học Bỉ nơi tôi ở, tôi có thể thám hiểm kinh
thành này một cách có hệ thống dưới sự hướng dẫn của những người thành thạo về
các đền đài và lịch sử. Trong mùa nghỉ Giáng Sinh và Phục Sinh chúng tôi có thể đi
thăm viếng các thành phố Ý khác. Tôi nhớ mùa nghỉ hè đầu tiên khi tôi sử dụng cuốn
sách do tác giả Lorgensen người Đan Mạch đã viết như một hướng dẫn viên, chúng
tôi ra đi khám phá những địa danh có liên hệ với đời sống Thánh Phanxicô.

Nhưng Rôma luôn luôn là trung tâm ban cho chúng tôi rất nhiều kinh nghiệm. Tôi
thường lên đường mỗi ngày từ Đại học Bỉ số 26 đường Quirinale để dự các lớp giảng
dậy tại Đại học Angelicum. Tôi luôn luôn dừng lại thánh đường Sant'Andrea al
Quirinale của Dòng Tên, nơi hài cốt Thánh Stanislaus Kostka được cất giữ. Thánh
Stanislaus đã sống trong nhà tập bên cạnh và chết ở đó. Tôi nhớ trong số những du
khách tới viếng mộ ngài, có nhiều chủng sinh người Đức được nhận diện dễ dàng nhờ
các chiếc áo dòng đặc biệt mầu đỏ. Tại trung tâm Kitô giáo các tín hữu, và trong ánh
sáng của các Thánh, dân chúng của các dân tộc thuộc các quốc gia khác nhau cùng
đến nơi đây, như báo hiệu, ngoài cuộc chiến bi thảm đã để lại những dấu vết thương
tổn trong chúng ta, một thế giới chẳng còn chia lìa nữa.

NHỮNG VIỄN ẢNH MỤC VỤ

Công việc đào tạo chức linh mục, thần học và mục vụ của tôi, một phần tôi đã kinh
nghiệm được tại Rôma ngay từ lúc khởi đầu. Hai năm theo học được hoàn tất vào
năm 1948 với cấp bằng tiến sĩ, đó là thời gian tôi dành hết công sức ”học cho biết
Rôma”. Đại học Bỉ đã giúp tôi vun trồng chức linh mục vững mạnh từng ngày ngay
giữa cuộc sống của thủ đô Công giáo. Nơi đây còn tạo cơ hội cho tôi đi vào những
giao tiếp với một số những phương thức sáng tạo trong công tác tông đồ lúc đó đang
phát triển trong Giáo Hội. Ở đây tôi đặc biệt nhớ tới cuộc gặp gỡ Cha Jozef Cardijn,
sáng lập viên của Phong Trào Thanh Lao Công và sau này được vinh thăng Hồng y.

Ngài thỉnh thoảng tới đây gặp gỡ các linh mục học viên và nói với chúng tôi về kinh
nghiệm nhân linh của công việc lao động. Ở một mức độ nào đó, tôi đã được chuẩn
bị cho kinh nghiệm này nhờ thời gian lao động trong hầm đá và trong nhà máy lọc
nước Solvay. Nhưng tại Rôma tôi càng có thể lãnh hội đầy đủ hơn phương thức làm
thế nào để chức vụ linh mục phải nối kết nhiều hơn với công tác mục vụ và công việc
tông đồ giáo dân. Một sự nối kết chặt chẽ, hay tốt hơn, một sự tương giao hỗn hợp
phải được tồn tại giữa công việc phục vụ của linh mục và tông đồ giáo dân. Khi tôi
suy nghĩ về những vấn đề mục vụ này, tôi mới thẩm định rõ ràng hơn bao giờ hết ý
nghĩa và giá trị của chính chức vụ linh mục.

CHÂN TRỜI ÂU CHÂU

Kinh nghiệm của tôi tại Đại học Bỉ sau này được trải rộng không phải chỉ nhờ những
tiếp xúc trực tiếp với chính nước Bỉ, nhưng còn với Pháp quốc và Hoà Lan. Được sự
đồng ý của Đức Hồng Y Sapieha, cha Stanislaw Starowieyski và tôi có thể đến thăm
các quốc gia này vào mùa hè năm 1947. Tại đây tôi có dịp thẩm định Âu Châu rộng
lớn. Tại Paris, tôi ở trong Chủng viện Ba Lan và tôi có cơ hội tiếp xúc với phong trào
linh mục thợ thuyền và các vấn đề đặt ra do các cha Henri Godin và Yvan Danel ghi
lại trong cuốn sách ”Nước Pháp, xứ sở thừa sai?” và công việc mục vụ đang được tiến
hành trong các vùng ngoại ô Paris, đặc biệt trong giáo xứ do cha Michonneau đang
đem lại sống động. Những kinh nghiệm này đã gây nhiều chú tâm quan trọng nơi tôi
trong những năm thứ nhất và thứ nhì của chức vụ linh mục.

Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, nhất là cha mẹ của cố linh mục Alfred Delmé, Stanislaw
Starowieyski và tôi được đi nghỉ mười ngày tại Hòa Lan. Tôi cảm kích trước sức sống
hăng hái của Giáo hội và mục vụ tông đồ tại xứ sở này, nơi có những tổ chức hoạt
động hăng say và các cộng đồng giáo hội sống động.

Nhờ những góc cạnh khác biệt và bổ xung cho nhau, tôi càng quý mến miền Tây Âu:
Âu châu của thời đại sau chiến tranh, một Âu châu với những vương cung thánh
đường nguy nga tráng lệ xây theo kiểu Gothic và dầu vậy một Âu Châu cũng đang bị
cao trào tục hóa bành trướng đe dọa. Tôi hiểu được thách thức này đang đặt ra cho
Giáo hội và nhu cầu phải đương đầu ngăn chặn hiểm họa sắp xẩy đến nhờ những
phương thức mới mẻ trong sinh hoạt mục vụ mở ra cho giáo dân tham dự rộng rãi
hơn.

NƠI NHỮNG NGƯỜI DI DÂN

Nhưng tôi đã trải qua gần hết mùa hè tại Bỉ quốc. Vào tháng chín, tôi đã đảm nhận
công tác coi sóc cộng đồng Công giáo Ba Lan tiếp xúc với các phu mỏ trong vùng
chung quanh Charleroi. Đây quả là một kinh nghiệm thành công thật quý giá. Đây là
lần đầu tiên tôi đến thăm mỏ than và tôi đã có thể đích thân chứng kiến công việc
nặng nhọc của các phu mỏ. Tôi đã đến thăm các gia đình di dân Ba Lan, chuyện trò
với họ và gặp gỡ giới trẻ cùng các trẻ em. Tôi luôn luôn đối đãi tử tế và nồng hậu
như khi tôi làm việc tại xưởng Solvay.

CHÂN DUNG CHA THÁNH GIOAN VIANNEY

Trên đường từ Bỉ về Rôma, tôi có thể dừng chân một thời gian tại giáo xứ Ars. Lúc đó
vào cuối tháng mười năm 1947, Lễ Chúa Kitô Vua. Thật cảm động vô vàn khi tôi
viếng thăm ngôi nhà thờ nhỏ cổ kính nơi Thánh Gioan Vianney đã giải tội, dậy giáo lý
và thuyết giảng. Đó là một kỷ niệm không bao giờ nhạt nhòa trong tôi. Ngay từ
những năm trong chủng viện tôi đã cảm kích trước khuôn mặt Cha Sở xứ Ars, nhất là
sau khi đọc cuốn tiểu sử về thánh nhân do Đức Ông Trochu biên soạn. Thánh Gioan
Maria Vianney làm chúng ta ngạc nhiên vì nơi ngài chúng ta nhìn thấy thần lực ơn
thánh hoạt động qua những phương tiện nghèo nàn của con người. Chính việc cha
thánh Vianney phục vụ một cách phi thường trong tòa cáo giải đã đặc biệt đánh động
tôi. Vị linh mục khiêm tốn ấy đã giải tội hơn mười giờ mỗi ngày, ăn rất ít và ngủ chỉ
một vài giờ, đã có thể giữa thời buổi khó khăn của lịch sử, khơi động một loại cách
mạng tâm linh tại Pháp quốc và không phải chỉ tại nước Pháp mà thôi. Hàng ngàn
người đã đi ngang qua xứ Ars và đã đến quỳ xưng tội. Để chống lại trào lưu tấn kích
Giáo hội và hàng giáo sĩ trong thế kỷ thứ mười chín, chứng tá của ngài đã thực sự là
một biến cố cách mạng.

Việc gặp gỡ khuôn mặt thánh thiện này đã xác quyết với tôi trong niềm xác tín rằng
linh mục nào hoàn thành một phần chính yếu của nhiệm vụ mình nơi tòa giải tội -
chính là tự nguyện ”nhốt mình trong tòa cáo giải.” Nhiều lần, khi tôi giải tội trong
giáo xứ đầu tiên của tôi tại Niegowic và rồi tại Cracow, ý nghĩ tôi tự dưng quay trở lại
với kinh nghiệm đáng nhớ này. Tôi luôn luôn cố công duy trì mối dây liên kết này với
tòa giải tội, cả trong những năm tôi giảng dậy tại Cracow và khi tôi giải tội phần lớm
tại Vương Cung Thánh Đường Đức Trinh Nữ Mria Thăng Thiên, và bây giờ tại Rôma,
dầu chỉ làm tượng trưng, khi hàng năm vào ngày Thứ sáu Tuần Thánh tôi ngồi giải tội
trong Đền Thánh Phêrô.

LÒNG BIẾT ƠN CHÂN TÌNH

Tôi không thể kết thúc những suy tư này với không một diễn tả lòng biết ơn nồng
thắm đến tất cả mọi thành phần trong Đại học Bỉ tại Rôma, các vị bề trên, và các
đồng môn thời đó mà nhiều người đã quá cố. Tôi đặc biệt biết ơn cha Viện trưởng
Maximilien de Furstenberg, sau này trở thành Hồng y. Làm sao tôi có thể quên được
trong thời gian nghị hội năm 1978 Hồng y Furstenberg đến bên tôi một lúc nào đó và
bộc phát những lời đầy ý nghĩa: Dominus adest et vocat te? (Gio 11,28) (Thầy có
mặt và gọi em đấy?) Lời đó tựa như ngài đã hoàn thành một nhiệm vụ tinh tế và bí
nhiệm của một Viện trưởng Đại học Bỉ, trong tiến trình đào luyện tôi làm linh mục.
TRỞ VỀ BA LAN

Vào đầu tháng bẩy năm 1948 tôi đã trình luận án tiến sĩ tại Đại học Angelicum và
liền sau đó tôi trở về Ba Lan. Như đã nói trước đây, tôi phải cố công trong hai năm ở
tại Kinh Thành Muôn Thuở để ”học hỏi Rôma”: Rôma của các hang toại đạo, Rôma
của các Thánh Tử đạo, Rôma của Thánh Phêrô và Phaolô, Rôma của các người tuyên
xưng niềm tin. Tôi thường nhớ lại những năm tháng ấy với đầy xúc động. Khi tôi dời
Rôma, không những tôi mang theo kho kiến thức thần học rộng mở hơn, nhưng cũng
được một thiên chức linh mục kiên cường hơn và một viễn ảnh, một quan niệm thâm
sâu hơn về Giáo hội. Thời kỳ học vấn miệt mài này gần bên mộ phần các Thánh Tông
đồ đã cống hiến cho tôi nhiều lắm, từ mọi quan điểm.

Dĩ nhiên tôi có thể thêm nhiều chi tiết khác về những kinh nghiệm quyết đáp này.
Nhưng tôi có thể tổng kết như sau, tại Rôma, những năm đầu trong cuộc đời linh
mục đã mang kích thước của cả Âu châu lẫn thế giới. Tôi từ Rôma trở về Cracow
mang theo ý niệm tính cách phổ quát của sứ mệnh linh mục, được trình bầy chính
thức trong Công đồng Vatican II, đặc biệt trong Hiến chế về Giáo hội, Lumen
Gentium (Ánh sáng muôn dân). Không phải chỉ có các giám mục, nhưng từng linh
mục phải đích thân quan tâm tới toàn thể Giáo hội cũng phải cảm thấy mình có trách
nhiệm đối với toàn thể Giáo hội trong một phương cách nào đó.

Hồng Ân và Huyền Nhiệm

ĐGH Gioan Phaolô II

VI

NIEGOWIC: MỘT GIÁO XỨ MIỀN QUÊ

Khi vừa đặt chân tới Cracow, tôi liền đi tới Văn phòng Tổng Giám mục khu để nhận
”bài sai” đầu tiên được gọi là Aplikata. Lúc đó Đức Tổng Giám mục đã đi Rôma,
nhưng ngài đã để lại những chỉ thị viết tay. Tôi đã vui vẻ nhận bài sai. Ngay lập tức
tôi hỏi đường đi Niegowic và sắp đặt chương trình đến đó vào ngày chỉ định. Tôi đi từ
Cracow tới Gdow bằng xe buýt và từ đó một người dân địa phương cho quá giang tới
ngôi làng Marszowice; từ chỗ này ông khuyên tôi hãy đi bộ ngang qua cánh đồng. Từ
xa tôi đã có thể nhìn thấy ngôi thánh đường Niegowic. Đang là mùa gặt. Tôi đi ngang
qua cánh đồng lúa một phần đã được gặt, và phần kia đang lượn khúc theo chiều
gió. Và sau cùng khi tới địa hạt giáo xứ Niegowic, tôi quỳ xuống và hôn đất. Đó là cử
chỉ tôi đã học được từ Thánh Gioan Maria Vianney. Vào thánh đường, tôi viếng Thánh
Thể và sau đó trình diện với cha sở, đó là Đức Ông Kazimierz Buzala, vừa là linh mục
quản hạt Niepolomice vừa là cha sở Niegowic. Ngài tiếp đón tôi thật thân tình và sau
câu chuyện ngắn ngủi, ngài chỉ cho tôi chỗ ở của linh mục phó xứ.
Và như vậy tôi bắt tay vào công việc mục vụ trong giáo xứ đầu tiên của tôi và kéo
dài được một năm gồm những công tác thường lệ được giao cho một linh mục phó xứ
và phụ trách dậy giáo lý. Tôi được giao đảm trách năm trường tiểu học trong các
làng thuộc giáo xứ Niegowic. Người ta thường chở tôi tới đó bằng xe bò hay xe ngựa.
Tôi vẫn nhớ tình thân hữu của các giáo viên và những giáo dân trong xứ đối với tôi.
Các lớp học hoàn toàn khác nhau: một số học sinh rất đàng hoàng yên tĩnh, một số
lớp khác lại thật ồn ào. Cho đến ngày nay đôi khi tôi còn nhớ tới những giờ phút yên
lặng hồi tâm bao trùm các lớp học trong Mùa Chay, lúc tôi giảng giải về Cuộc Thương
Khó của Chúa Kitô.
Vào thời kỳ đó giáo xứ Niegowic đang chuẩn bị cử hành lễ kỷ niệm lễ Kim Khánh linh
mục của cha sở. Vì ngôi nhà thờ cổ kính này không còn tương xứng với các nhu cầu
giáo xứ nữa, các giáo dân đã quyết định dâng món quà quý giá nhất cho ngày lễ Kim
Khánh này chính là phải xây dựng một ngôi thánh đường mới. Nhưng chẳng bao lâu
sau, bề trên lại đổi tôi khỏi cộng đoàn thân thương này.

GIÁO XỨ THÁNH FLORIAN TẠI CRACOW

Và như vậy, sau một năm tôi được chuyển về giáo xứ Thánh Florian tại Cracow. Cha
sở là Đức Ông Tadeusz Kurowski đã trao phó cho tôi dậy giáo lý các lớp lớn trung học
và lo săn sóc mục vụ cho các sinh viên đại học. Vào thời kỳ đó, công tác tuyên uý đại
học tại Cracow được tập trung tại Nhà thờ Thánh Anna, nhưng vì có các phân khoa
mới, nên cần phải lập thêm một trung tâm mới tại giáo xứ Thánh Florian. Nơi đây tôi
bắt đầu tiếp xúc nói chuyện với các bạn trẻ tại đại học; vào mỗi ngày thứ năm tôi nói
chuyện với họ về những vấn đề nền tảng liên quan đến Thiên Chúa hiện hữu và bản
chất linh thiêng của linh hồn con người. Đó là những vấn đề cực kỳ quan trọng do
chủ nghĩa vô thần hiếu chiến đang được chế độ cộng sản cổ võ.

CÔNG VIỆC ĐÈN SÁCH

Trong mùa hè 1951, sau hai năm phục vụ tại giáo xứ Thánh Florian, Đức Tổng Giám
mục Eugeniusz Baziak, kế vị Đức Hồng y Sapieha cai quản Tổng Giáo phận Cracow,
đã chỉ thị tôi trở lại công việc học hành. Tôi phải chuẩn bị lấy thêm chứng chỉ để dậy
môn đạo đức và luân lý thần học. Như vậy tôi phải bớt thời giờ làm mục vụ tôi rất
yêu thích. Đây là một hy sinh và kể từ thời gian ấy tôi đã luôn luôn tâm niệm rằng:
việc hiến thân theo học thần học và triết học sẽ không làm tôi ”quên” rằng tôi đã là
linh mục của Chúa, nhưng đúng hơn, còn phải giúp tôi trở thành một linh mục uyên
thâm.

Hồng Ân và Huyền Nhiệm

ĐGH Gioan Phaolô II

VII
XIN TẠ ƠN GIÁO HỘI BA LAN!

Trong chứng từ dịp Lễ Kim Khánh này làm sao tôi không diễn tả niềm tri ân tới toàn
thể Giáo Hội Ba Lan, nơi thiên chức linh mục của tôi đã phát sinh và triển nở? Đây là
một Giáo hội được đánh dấu để lại một gia tài ngàn năm đức tin, một Giáo hội hàng
thế kỷ đã sản sinh bao thánh nhân và chân phước, một Giáo hội đã tín thác nơi hai vị
Giám mục và Tử đạo thánh thiện làm quan thầy bảo trợ: Adalbert và Stanislaus. Đây
là một Giáo hội nối kết chặt chẽ với dân tộc và văn hóa Ba Lan, một Giáo hội đã luôn
luôn chống đỡ và bảo vệ dân tộc này, nhất là trong các giai đoạn đau thương của lịch
sử. Đây cũng là một Giáo hội đã trải qua những thử thách nghiêm trọng trong kỷ
nguyên này: Giáo hội phải gánh chịu cuộc chiến đấu bi thảm để sống còn chống lại
hai hệ thống chuyên chính: chế độ do Đức Quốc Xã nhào nặn trong Đệ Nhị Thế Chiến
và trong thời kỳ hậu chiến lâu dài do chế độ cộng sản độc tài và chủ nghĩa vô thần
hiếu chiến thống trị.

Từ hai cuộc thử thách này Giáo hội Ba Lan đã vươn lên vẻ vang, nhờ các hy sinh của
các Giám mục, các linh mục và hàng hà sa số giáo dân; nhờ các gia đình Ba Lan luôn
”vững mạnh trong Chúa.” Giữa các Giám mục sống thời kỳ chiến tranh, tôi không thể
không nhắc nhở khuôn mặt trung kiên của vị Tổng Giám mục Cracow, Đức Adam
Stefan Sapieha, và giữa những khuôn mặt khác của những năm sau chiến tranh, đó
là Đức Hồng y Wyszynski. Giáo hội Ba Lan là một Giáo hội bảo vệ con người, nhân
phẩm và những quyền căn bản của mình; đó là Giáo hội đã tranh đấu can đảm để
bảo vệ quyền lợi các tín hữu tuyên xưng đức tin. Và đó là Giáo hội vẫn năng động phi
thường, dầu cho bao khó khăn và trở ngại cản ngăn lối tiến.

Trong bầu không khí linh thiêng nồng nhiệt này, sứ mệnh của tôi như một linh mục
và giám mục đã dần dần triển nở. Hai hệ thống chuyên chính đã đánh dấu bi thảm
thế kỷ chúng ta - một đàng Đức Quốc Xã với những kinh hoàng của chiến tranh và
những trại tập trung, và đàng khác chủ nghĩa Cộng sản với chế độ áp bức và khủng
bố - có thể nói, tôi đã hiểu biết được từ bên trong. Và như vậy thật dễ dàng hiểu
được mối quan tâm thâm sâu của tôi đến nhân phẩm của mỗi người và sự thiết cần
phải tôn trọng nhân quyền, bắt đầu từ quyền sống. Mối quan tâm này đã được hình
thành ngay trong những năm đầu tôi làm linh mục và đã lớn mạnh dần với thời gian.
Cũng thật dễ hiểu mối quan tâm của tôi đối với gia đình và giới trẻ. Tất cả những mối
quan tâm này đã quyện lẫn vào nhau và phát triển có hệ thống trong tôi, chính nhờ
kết quả của những kinh nghiệm thương đau ấy.

CỘNG ĐỒNG LINH MỤC TẠI CRACOW

Vào dịp kỷ niệm năm mươi năm được thụ phong linh mục, tôi đặc biệt nghĩ đến”Cộng
đồng linh mục” của Giáo hội tại Cracow, nơi tôi đã là một phần tử như linh mục và rồi
lãnh đạo cộng đồng đó trong chức vụ Tổng Giám mục. Biết bao linh mục chính xứ và
phó xứ xuất sắc đã hiện lên trong tâm trí tôi, mà giờ đây tôi không thể nhắc nhớ
từng vị một được. Trước đây và bây giờ, những mối giây thân tình vẫn nối kết tôi với
các ngài. Gương sống thánh thiện và nhiệt thành tông đồ của các ngài đã khai sáng
cho tôi thực nhiều vô kể. Chắc chắn các ngài đã ảnh hưởng thâm sâu nơi cuộc sống
linh mục của tôi. Từ các ngài, tôi đã học được ý nghĩa thế nào là một vị chủ chiên
năng động.
Tôi thâm tín sâu xa về vai trò quyết đáp của Cộng đồng linh mục tại giáo phận tác
động nơi cuộc sống của mỗi linh mục. Cộng đồng linh mục, được đâm rễ sâu từ ”bí
tích huynh đệ” chân thực, là một cảnh vực quan trọng đầu tiên cho công cuộc đào
luyện tâm linh và mục vụ. Như một quy luật, linh mục không thể làm gì nếu thiếu
vắng cộng đồng này. Cộng đồng linh mục sẽ giúp linh mục lớn mạnh trong sức sống
thánh thiện và là một yểm trợ chắc chắn trong những giờ phút khó khăn. Nhân dịp lễ
Kim Khánh của tôi, làm sao tôi không bộc lộ niềm tri ân đến tất cả các linh mục của
Tổng Giáo phận Cracow về tất cả những gì các ngài đã góp phần cho thiên chức linh
mục của tôi?

QUÀ TẶNG GIÁO DÂN

Lúc này đây tôi cũng nghĩ tới tất cả những người giáo dân mà Chúa đã cho tôi gặp
trong sứ vụ linh mục và giám mục của tôi. Tất cả đã là quà tặng duy nhất cho tôi, và
tôi cám ơn Chúa Quan Phòng cho họ hàng ngày. Những anh chị em giáo dân này thật
đông đảo đến nỗi tôi không thể liệt kê từng tên được, nhưng tôi mang tất cả trong
tâm khảm tôi, vì mỗi anh chị em giáo dân đã đóng góp cho cuộc sống linh mục của
tôi lớn mạnh. Bằng cách thức này hay cách thức khác, những người giáo dân này đã
chỉ đường cho tôi khi giúp đỡ tôi hiểu biết công tác mục vụ của tôi hoàn hảo hơn và
sống chức linh mục của tôi toàn vẹn hơn. Những giao tiếp thường xuyên của tôi với
các giáo dân nam nữ đã luôn luôn chứng tỏ hữu ích và đã giúp tôi học hiểu được
nhiều. Trong số đó có những nhân công bình thường, những nghệ sĩ và văn sĩ nam
nữ và những nhà khoa học uyên thâm. Những tiếp xúc này làm phát sinh tình thân
hữu tốt đẹp và ngày nay tôi vẫn còn vui thích liên lạc. Nhờ những tín hữu giáo dân
này, công việc mục vụ của tôi được nhân lên và tôi có thể vượt qua các hàng rào cản
để tiến sâu vào các môi trường rất khó khăn đạt tới được nếu không có họ.

Thực vậy, tôi luôn luôn rất ý thức về nhu cầu khẩn thiết của vai trò tông đồ giáo dân
trong Giáo hội. Khi Công đồng Vatican II đề cập tới ơn gọi và sứ mệnh của người giáo
dân trong Giáo hội và thế giới, tôi thật vui mừng: Những gì Công đồng đã chỉ dậy
thật tương hợp với những xác tín đã hướng dẫn các hoạt động của tôi ngay từ những
năm đầu của sứ vụ linh mục.

VIII
AI LÀ LINH MỤC?

Trong chứng từ cá nhân này, tôi cũng cảm thấy cần phải đi xa hơn việc chỉ gợi nhớ lại
những biến cố và những cá nhân để hướng tầm nhìn đi vào thâm sâu hơn và tìm ra,
đúng như thực tế, huyền nhiệm trong suốt năm mươi năm qua đã cùng đồng hành
và bao bọc tôi.

Linh mục có ý nghĩa gì? Theo Thánh Phaolô, trên hết linh mục là người quản lý các
huyền nhiệm của Thiên Chúa: "Vậy chớ gì thiên hạ coi chúng tôi như những đầy tớ
của Đức Kitô, những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Mà người ta chỉ
đòi hỏi ở người quản lý một điều là phải chứng tỏ lòng trung thành." (1Cor 4:1-2).
Danh từ "đầy tớ - giúp việc" không thể có một danh từ nào khác thay thế. Danh từ
này bám rễ sâu trong Kinh Thánh: Danh từ ấy nhắc ta nhớ lại dụ ngôn người đầy tớ
trung thành và người đầy tớ bất trung (xem Lc 12:41-48). Người đầy tớ không phải
là một chủ nhân, nhưng là người được ông chủ tín cẩn giao cho tài sản để phải quản
lý thế nào cho chính trực và có trách nhiệm. Cũng đúng như thế, linh mục nhận lãnh
nơi Chúa Kitô các kho tàng cứu độ để phải đúng lúc phân phát cho những người linh
mục được sai phái tới. Đó là những kho tàng đức tin. Như vậy linh mục là người của
Lời Thiên Chúa, một người của bí tích, một người của "huyền nhiệm đức tin." Nhờ
đức tin, linh mục tiến gần lại các kho tàng vô hình đang cấu tạo nên gia tài Ơn Cứu
Độ cho thế giới do Con Thiên Chúa. Không linh mục nào được coi mình như "chủ
nhân" của các kho tàng này; những kho tàng ấy dành cho mọi người chúng ta. Như
vậy, do Chúa Kitô đã đạt định, linh mục có trách vụ quản trị các kho tàng ấy.

TRAO ĐỔI KỲ DIỆU!

Ơn gọi linh mục là một huyền nhiệm. Đó là mầu nhiệm của một việc "trao đổi kỳ
diệu" - admirabile commercium - giữa con người và Thiên Chúa. Con người hiến dâng
nhân tính của mình cho Chúa Kitô để Ngài có thể sử dụng họ như lợi khí cứu độ, biến
họ thành một Kitô khác. Nếu không nắm vững huyền nhiệm "trao đổi" này, chúng ta
sẽ chẳng thể hiểu được làm thế nào một chàng trai trẻ, khi nghe tiếng gọi "Hãy bước
theo ta!," lại có thể từ bỏ mọi chuyện để theo Chúa Kitô, với niềm xác tín rằng nếu
họ đi theo lối đường này, họ sẽ tìm thấy nhân cách mình được thực hiện viên mãn.

Trong thế giới chúng ta, còn có gì viên mãn cho nhân loại tính chúng ta hơn là hàng
ngày có thể làm hiện diện lại lễ hy tế cứu độ nơi Ngôi thể Chúa Kitô (persona
Christi), cũng một lễ hy tế Chúa Kitô đã dâng trên thập giá? Một mặt, trong lễ hy tế
này, huyền nhiệm của Ba Ngôi đang hiện diện một cách thâm sâu nhất và mặt khác
toàn thể vũ trụ thụ tạo được "nối kết" vào (xem Eph 1:10). Phép Thánh Thể cũng
được cử hành để dâng hiến "những lao công và khốn khổ của thế giới trên bàn thờ
của toàn trái đất," theo lối diễn tả ý vị của cha Teilhard de Chardin. Đó là lý do tại
sao trong phần tạ ơn sau Thánh Lễ, lời thánh ca Cựu Ước của ba người trẻ được đọc
lên: Benedicite omnia opera Domini Domino (Hãy chúc tụng mọi công trình của Thiên
Chúa lên Thiên Chúa). Vì trong Phép Thánh Thể, mọi vật thụ tạo hữu hình cũng như
vô hình và đặc biệt con người, chúc tụng Thiên Chúa như Đấng Tạo Dựng và Người
Cha; tất cả đều chúc tụng Ngài với những lời kinh và hành động của Chúa Kitô, Con
Thiên Chúa.

LINH MỤC VÀ PHÉP THÁNH THỂ

"L?y Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho
bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người
bé mọn...Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết
Chúa Cha là ai, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho" (Lc 10:21-
22). Những lời vừa rồi của Tin Mừng Thánh Luca dẫn dắt chúng ta đi vào trung tâm
của huyền nhiệm Chúa Kitô và giúp chúng ta đến gần huyền nhiệm Thánh Thể. Trong
phép Thánh Thể, Chúa Con thuộc về cùng một bản thể với Chúa Cha, là người mà chỉ
Chúa Cha biết, hiến dâng chính mình làm lễ hiến tế cho Chúa Cha để cứu vãn nhân
loại và mọi vật được tạo dựng. Trong phép Thánh Thể, Chúa Kitô trao lại cho Chúa
Cha tất cả những gì Ngài đã ban cho. Như thế dẫn đến một huyền nhiệm thâm sâu
của đức công chính về phần loài thụ tạo đối đãi với Đấng Tạo Dựng. Con người cần
vinh danh Đấng Tạo Dựng bằng việc dâng hiến lên Ngài tất cả những gì mình đã
nhận được, bằng hành vi tạ ơn và chúc tụng. Con người không bao giờ được đánh
mất tầm nhìn về món nợ này, mà một mình con người, trong số những thực tại khác
trên trái đất, có khả năng ghi nhận và trả món nợ này trong tư thế là một sinh vật
được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Ngài. Đồng thời, xét về những hạn
chế của một sinh vật được tạo dựng và trong điều kiện tội lỗi, con người không có
khả năng thực thi hành động công chính đối với Đấng Tạo Hoá, nếu không phải chính
Chúa Kitô, người Con cùng bản thể với Chúa Cha và là con người thực sự, đã sáng
kiến ra phép Thánh Thể trước tiên.

Chức vụ linh mục, trong thực tại thâm sâu nhất, chính là thiên chức linh mục của
Chúa Kitô. Chính Chúa Kitô dâng hiến chính mình, xác thịt và dòng máu, làm hiến
vật dâng lên Thiên Chúa Cha, và nhờ lễ hy tế này, toàn thể nhân loại và gián tiếp là
mọi tạo vật được công chính hóa trước mặt Chúa Cha. Linh mục, trong việc cử hành
Thánh Thể hàng ngày, tiến vào trung tâm của huyền nhiệm này. Do đó việc cử hành
Thánh Thể phải là cao điểm quan trọng nhất trong một ngày của người linh mục, là
trung tâm điểm cuộc sống linh mục.

IN PERSONA CHRISTI

Những lời chúng ta nhắc lại vào cuối Kinh Tiền Tụng - "Chúc tụng Đấng nhân danh
Chúa mà đến" - đem chúng ta trở lại với những biến cố bi thảm của Ngày Chúa Nhật
Lễ Lá. Chúa Giêsu đi tới Giêrusalem để đối diện với lễ hy tế đẫm máu của Ngày Thứ
Sáu Tuần Thánh. Nhưng một ngày trước đó, trong bữa Tiệc Ly, Ngài thiết lập bí tích
hy tế này. Ngài đọc những lời hiến tế trên bánh mì và rượu nho: "Này là Mình Thầy
sẽ bị nộp vì các con... Này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới, giao ước vĩnh cửu sẽ
đổ ra cho các con và mọi người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến
Thầy."

Việc này thuộc loại "ghi nhớ" nào? Chúng ta biết rằng từ ngữ này phải mang một ý
nghĩa trọng đại, một ý nghĩa vượt xa sự ghi nhớ chỉ mang tính cách lịch sử. Ở đây
chúng ta nói đến việc "ghi nhớ" theo ý nghĩa Thánh Kinh, việc ghi nhớ làm hiện diện
trở lại chính biến cố ấy. Đây là việc ghi nhớ-hiện diện. Bí mật của phép lạ này chính
là hoạt động của Chúa Thánh Linh mà linh mục kêu mời khi giơ tay trên các lễ vật
bánh miến và rượu nho: "Chúng con xin Cha đổ ơn Thánh Thần xuống mà thánh hóa
của lễ này để biến thành Mình và Máu Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con." Như vậy
không phải chỉ nguyên linh mục nhắc lại các biến cố Thương Khó, Tử Nạn và Phục
Sinh của Chúa Kitô, nhưng cũng chính của Chúa Thánh Linh giúp cho biến cố này trở
thành hiện thân trên bàn thờ qua thừa tác vụ linh mục. Linh mục thực sự hành động
nơi thân thể Chúa Kitô. Những gì Chúa Kitô hoàn thành trên bàn thờ Thánh giá và
trước đó Ngài đã thiết lập như một bí tích trong Phòng Tiệc Ly, thì giờ đây linh mục
diễn lại nhờ thần lực Chúa Thánh Linh, và những lời linh mục đọc lên có cùng một
hiệu năng như những lời Chúa Kitô đã đọc tại Bữa Tiệc Ly.

MYSTERIUM FIDEI (HUYỀN NHIỆM ĐỨC TIN)

Tại Thánh Lễ, sau khi truyền phép, linh mục nói những lời này, Mysterium fidei, Đây
là mầu nhiệm đức tin! Những lời nói ấy dĩ nhiên đề cập tới phép Thánh Thể. Tuy
nhiên, một cách thức nào đó, những lời ấy cũng liên hệ tới chức linh mục. Không thể
có phép Thánh Thể nếu không có chức linh mục, cũng như không thể có chức linh
mục nếu không có phép Thánh Thể. Không phải chỉ có nghiệp vụ linh mục mới liên
kết chặt chẽ với phép Thánh Thể, nhưng chức linh mục chung cho mọi tín hữu đã
được rửa tội cũng đâm rễ sâu trong huyền nhiệm này. Đáp lại những lời của vị chủ
tế, toàn dân thưa: "Khi chúng con ăn bánh này và uống chén này chúng con công bố
việc Chúa Giêsu đã chịu chết, cho đến ngày Chúa đến trong vinh quang." Như Công
đồng Vatican II nhắc nhở chúng ta, những người tín hữu khi chia sẻ vào Lễ Hy Tế
Thánh Thể trở thành chứng tá cho Chúa kitô bị Đóng Đinh và Sống Lại và cam kết
sống sứ mệnh ba chiều - tư tế, tiên tri và vương quyền - mà họ đã nhận lãnh ngày
Rửa Tội.

Linh mục, như người đầy tớ các "huyền nhiệm của Thiên Chúa," phải đi vào phục vụ
chức linh mục tổng quát của người tín hữu. Nhờ công bố lời Chúa và cử hành các bí
tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể, linh mục hãy làm cho toàn thể Dân Chúa ý thức
nhiều hơn về phần mình chia sẻ vào chức linh mục của Chúa Kitô, và đồng thời
khuyến khích mọi người hãy sống vẹn toàn chức vụ linh mục ấy. Sau truyền phép,
khi linh mục đọc những lời Mysterium Fidei, tất cả mọi người được mời gọi cân nhắc ý
nghĩa hiện tồn phong phú của lời công bố này, có liên quan tới huyền nhiệm Chúa
Kitô, Thánh Thể và chức linh mục.

Đó không phải là lý do thâm sâu nhất nằm đàng sau ơn gọi linh mục sao? Chắc chắn
lý do đó hoàn toàn hiện diện vào lúc truyền chức, nhưng cần được nội tâm hóa và
đào sâu thêm cho suốt cuộc đời còn lại của linh mục. Chỉ có cách thức này người linh
mục mới có thể khám phá thấy tận thâm cung của kho tàng cao cả Thiên Chúa đã tín
thác cho ngài. Năm mươi năm sau khi chịu chức, tôi có thể nói rằng trong những lời
Mysterium Fidei, chúng ta sẽ mỗi ngày hiểu thêm ý nghĩa của chức vụ linh mục. Đây
là tiêu chuẩn để đánh giá hồng ân linh mục và đây cũng là tiêu chuẩn để đánh giá sự
đáp trả lại những gì hồng này đòi hỏi. Hồng ân luôn luôn gia tăng! Và đây là một
điều tuyệt diệu. Và tuyệt diệu tới nỗi con người không bao giờ có thể nói mình đã đáp
trả trọn vẹn được hồng ân ấy. Luôn luôn tồn tại cả hồng ân lẫn trách vụ! Điều chính
yếu là ý thức được như thế để có thể sống thiên chức linh mục của chúng ta thật trọn
vẹn.

CHÚA KITÔ, LINH MỤC VÀ VẬT HIẾN TẾ

Chân lý về chức linh mục của Chúa Kitô luôn luôn đánh động tôi một cách thật phi
thường qua lời Kinh Cầu hùng hồn thường được đọc trong chủng viện tại Cracow,
nhất là vào buổi chiều tối trước ngày thụ phong linh mục. Tôi muốn nói tới Kinh Cầu
Chúa Giêsu Kitô, Linh mục và Hiến vật. Lời kinh này đã nhắc nhớ những suy tư thâm
sâu biết bao. Trong lễ Hy tế trên Thánh Giá, được tái diễn lại trong mỗi Thánh lễ,
Chúa Kitô dâng hiến chính mình để cứu độ nhân loại.

Những lời kêu xin của Kinh Cầu gợi nhớ lại nhiều khía cạnh của Huyền nhiệm này.
Những lời kêu xin được tôi nhớ lại với tất cả biểu tượng phong phú nơi các hình ảnh
Thánh Kinh được nối kết mật thiết lại với nhau. Tôi còn lặp lại những lời kinh ấy bằng
tiếng La Tinh, ngôn ngữ mà tôi đã đọc lúc còn trong chủng viện và rất thông thường
những năm sau này nữa:

Jesu, Sacerdos et Victima,


Jesu, Saerdos in aeternum secundum ordinem Melchisedech,
Jesu, Pontifex ex hominibus assumpte,
Jesu, pro hominibus constitute,
Jesu, Pontifex futurorum bonorum,
Jesu, Pontifex fidelis et misericors,
Jesu, Pontifex qui dilexisti nos et lavisti nos a peccatis in sangune tuo,
Jesu, Pontifex qui tradidisti temetipsum Deo oblationem et hostiam,
Jesu, Hostia sancta et immaculata,
Jesu, Hostia in qua habemus fiduciam et accessum ad Deum,
Jesu, Hostia vivens in saecula saeculorum.
(Lời Kinh Cầu đầy đủ nằm trong phần phụ chú ở cuối sách và có phần Kinh Cầu bằng
tiếng Việt).

Những lời diễn tả này thật chứa đựng nhiều tư tưởng thần học thâm sâu vô cùng. Đó
là những lời kêu xin đâm rễ sâu trong Thánh Kinh, nhất là trong Thư gửi tín hữu Do
Thái. Chúng ta chỉ cần đọc lại đoạn này: "Chúa Kitô...như thầy thượng phẩm đem
phúc lộc đến... Người đã một lần thay cho tất cả bước vào cung thánh, không phải
với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, như vậy Người lãnh
được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta. Vì nếu máu các con dê, con bò... đem rẩy
lên mình những kẻ nhiễm uế, còn thánh hóa được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở
nên trong sạch, thì máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần
hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa.
Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi việc đưa tới sự chết, để chúng ta
xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống" (Heb 9:11-14). Chúa Kitô là linh mục
vì Ngài là Đấng Cứu Thế của thế giới. Chức linh mục của mọi tư tế là một phần của
huyền nhiệm Cứu Thế. Chân lý về Ơn Cứu Chuộc và Đấng Cứu Thế đã trở thành chủ
yếu đối với tôi; chân lý ấy đã tồn tại trong tôi trong những năm này, đã thấm nhập
vào mọi kinh nghiệm mục vụ của tôi, và vẫn tiếp tục ban cho tôi những kho tàng
mới.

Trong năm mươi năm đời sống linh mục này, tôi đã đi tới nhận định rằng việc Cứu
Chuộc, cái giá đã phải trả cho tội lỗi, đưa đến một khám phá tân trang, một loại "tạo
dựng mới" của toàn thể trật tự tạo dựng: việc khám phá trở lại con người như một
nhân vị, con người được Thiên Chúa tạo dựng như người nam người nữ; việc khám
phá trở lại chân lý thâm sâu nhất về tất cả những công trình của con người, nền văn
hóa và văn minh nhân loại, về tất cả những thành đạt và khả năng sáng tạo của con
người. Sau khi được bầu làm Giáo hoàng, thôi thúc tâm linh đầu tiên đến với tôi,
chính là quy hướng về Chúa Kitô là Đấng Cứu Chúa. Đây là nguồn gốc của tông huấn
Redemptor Hominis. Khi suy tư về tất cả những biến cố này, tôi càng nhìn ra rõ ràng
việc nối kết chặt chẽ giữa sứ điệp của Tông huấn này và tất cả những gì được tìm
thấy trong tâm khảm con người, nhờ việc chia sẻ vào chức vụ linh mục của Chúa
Kitô.

Hồng Ân và Huyền Nhiệm

IX

LÀM LINH MỤC NGÀY NAY


Năm mươi năm làm linh mục quả là một thời gian dài dẵng. Biết bao chuyện đã xẩy
ra trong nửa thế kỷ của lịch sử! Nhiều vấn đề mới, lối sống mới và thách thức mới đã
xuất hiện. Và như vậy khi đặt câu hỏi sau đây cũng là chuyện bình thương thôi: làm
linh mục ngày nay có ý nghĩa gì trong một thời kỳ luôn luôn có đổi thay, khi chúng ta
bước vào Thiên Niên Đệ Tam?

Chắc chắn linh mục, cùng với toàn thể Giáo hội, là một thành phần của thời đại người
linh mục sống; linh mục cần phải chú tâm và sống biết thông cảm, nhưng đồng thời
cũng phải biết phê phán và canh chừng trước những phát triển của lịch sử. Công
đồng đã lưu ý đến khả năng và nhu cầu cho một đổi mới chính cống, hoàn toàn trung
thành với Lời Thiên Chúa và Truyền Thống. Nhưng tôi xác tín người linh mục, khi
sống cam kết cho mục vụ đổi mới cần thiết này, phải đồng thời không lo ngại mình
”đi sau thời đại,” vì con người ”ngày nay” của mỗi linh mục được hàm chứa trong cái
”ngày nay” của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chúa. Đối với mỗi linh mục, trong từng thời
đại, nhiệm vụ cao cả nhất chính là mỗi ngày khám phá ra cái ”ngày nay” riêng tư của
linh mục trong cái ”ngày nay” của Chúa Kitô mà Thánh Thư gửi tín hữu Do Thái vẫn
nhắc nhở. Cái ”ngày nay” của Chúa Kitô hoà trộn trong cái toàn bộ của lịch sử -
trong quá khứ và tương lai của thế giới, của từng con người nhân linh và của mỗi linh
mục. ”Chúa Giêsu Kitô vẫn là một hôm qua cũng như hôm nay và như vậy mãi đến
muôn đời” (Dt 13:8). Nếu chúng ta hội nhập “ngày hôm nay” của bản chất nhân linh
và linh mục trong ”ngày hôm nay” của Chúa Giêsu Kitô, như vậy chẳng có gì nguy
hiểm khi chúng ta trở thành con người lỗi thời, thuộc về ”ngày hôm qua”. Chúa Kitô
chính là tiêu chuẩn của mỗi thời đại. Trong bản chất thiên tính, nhân linh và linh mục
của ”ngày hôm nay” của Ngài, cuộc xung đột giữa chủ nghĩa ”truyền thống” và ”cấp
tiến” - đã một lần được tranh luận sôi động - đang tìm ra lối giải quyết tối hậu.

NHỮNG TRÔNG ĐỢI THÂM SÂU CỦA NHÂN LOẠI

Nếu chúng ta nhìn kỹ những gì các nam nữ tín hữu đương thời xem họ đang trông
đợi nơi các linh mục, chúng ta sẽ nhận ra ngay, cuối cùng họ chỉ có một trông đợi to
lớn duy nhất: họ khát khao Chúa Kitô. Tất cả những chuyện khác - nhu cầu kinh tế,
xã hội và chính trị - họ có thể được thỏa mãn bởi bất cứ một nhóm người nào khác.
Nơi linh mục họ đòi hỏi Chúa Kitô! Và họ có quyền nhận lãnh Chúa Kitô từ nơi các
linh mục, và trước tiên qua những lời công bố Tin Mừng. Công đồng đã chỉ dậy, các
linh mục ”có bổn phận ưu tiên công bố Tin Mừng của Chúa cho mọi người”
(Presbyterorum Ordinis, 4). Nhưng lời công bố này tìm cách đưa con người đến gặp
gỡ Chúa Kitô, nhất là trong huyền nhiệm Thánh thể, là trung tâm sống động của
Giáo hội và của nếp sống linh mục. Linh mục có quyền năng huyền diệu và mạnh mẽ
trên Thánh Thể Chúa Kitô. Nhờ năng lực này, linh mục trở thành người quản gia kho
tàng Cứu Thế trọng đại nhất, vì linh mục ban phát chính Chúa Cứu Thế cho mỗi
người. Cử hành Thánh thể là một chức vụ cao cả nhất và thánh thiện nhất của mỗi
linh mục. Về phần tôi, ngay từ những năm đầu tiên trong chức vụ linh mục, việc cử
hành Thánh Thể không những là một bổn phận thánh đức nhất, nhưng trên hết đó là
nhu cầu thâm sâu nhất của linh hồn tôi.

MỤC TỬ CỦA TÌNH THƯƠNG

Là quản gia của Bí Tích Hòa Giải, linh mục hoàn thành mệnh lệnh do Chúa Kitô ban
hành cho các môn đệ sau khi Phục sinh, ”Các con hãy nhận lấy Thánh Thần. Các con
tha tội cho ai, người đó được tha, các con cầm buộc ai, người đó bị cầm buộc” (Ga
20:22-23). Linh mục là chứng tá và lợi khí của tình xót thương Thiên Chúa! Thừa tác
vụ cáo giải quan trọng biết bao trong cuộc đời linh mục! Chính trong tòa cáo giải vai
trò người cha thiêng liêng được thực hiện viên mãn nhất. Chính trong tòa cáo giải
mỗi linh mục trở thành chứng tá của những phép lạ trọng đại khi lòng nhân hậu của
Thiên Chúa thể hiện trong các tâm hồn nhận lãnh ân huệ hoán cải đời sống. Tuy
nhiên, thật cần thiết mỗi linh mục khi phục vụ các anh chị em của mình trong tòa
cáo giải cũng phải chính mình cảm nghiệm được chính lòng thương xót này của Thiên
Chúa, nhờ thường xuyên chính mình đi xưng tội và nhận lãnh những hướng dẫn tâm
linh.

Như một quản gia các bí nhiệm của Thiên Chúa, linh mục là một chứng tá đặc biệt
cho Đấng Vô Hình giữa trần giới. Vì vậy linh mục là quản gia những kho tàng vô hình
và vô giá thuộc trật tự tâm linh và siêu nhiên.

MỘT CON NGƯỜI GIAO TIẾP VỚI THIÊN CHÚA

Như một quản gia của các kho tàng này, linh mục luôn luôn phải giao tiếp đặc biệt
với Thiên Chúa Thánh Thiện, ”Thánh, Thánh, Chí Thánh, Thiên Chúa, chúa tể càn
khôn là Đấng Thánh. Trời đất rạng ngời vinh quang Chúa.” Vẻ oai nghi của Thiên
Chúa là vẻ oai nghiêm thánh thiện. Trong bậc linh mục, con người như được cất nhắc
tới lãnh vực thánh thiện này; một cách thức nào đó, linh mục đạt tới tột đỉnh, nơi mà
Tiên tri Isaia đã một lần được vinh danh. Và đích thực viễn tượng này của nhà Tiên
tri đang vang dội trong Phụng vụ Thánh Thể: Sanctus, Sanctus, Sanctus Dominus
Deus Sabaoth. Pleni sunt caeli et terra gloria tua. Hosanna in excelsis. (Thánh,
Thánh, Thánh Thiên Chúa các đạo binh. Trời đất đầy vinh quang Chúa. Hoan hô Chúa
trên các tầng trời).

Cùng một lúc ấy, linh mục cảm nghiệm thấy hàng ngày và liên tục nguồn ơn thánh
thiện của Thiên Chúa đổ xuống trên con người: Benedictus qui venit in nomine
Domimi. (Chúc tụng Đấng đang đến nhân danh Thiên Chúa). Đám đông thành
Giêrusalem chúc tụng Chúa Kitô bằng những lời chúc tụng ấy khi Ngài tiến vào kinh
thành để hoàn tất lễ hy tế đem Ơn Cứu độ đến cho nhân loại. Vẻ thánh thiện siêu
việt, theo nghĩa ”vượt ra khỏi thế giới”, đang trở thành nơi Chúa Kitô vẻ thánh thiện
”đi vào trong thế giới.” Đó là vẻ thánh thiện của Mầu nhiệm Vượt Qua.

ĐƯỢC KÊU GỌI NÊN THÁNH

Luôn luôn giao tiếp với Thiên Chúa thánh thiện, linh mục chính mình cũng phải trở
nên thánh thiện. Chức vụ thừa tác viên đòi hỏi linh mục phải cam kết sống theo lối
sống được khơi hứng từ tính chất cấp tiến của Tin Mừng. Điều này giải thích nhu cầu
đặc biệt của linh mục phải sống theo tinh thần Tin Mừng nhắn nhủ: trong sạch,
nghèo khó và vâng lời. Nơi đây chúng ta cũng nhìn thấy lối sống độc thân thật đặc
biệt thích hợp. Chúng ta cũng nhìn thấy nhu cầu đặc biệt phải cầu nguyện trong cuộc
sống: cầu nguyện tìm thấy gốc nguồn nơi Thiên Chúa thánh thiện và đồng thời đó
cũng là câu trả lời của chúng ta phải tiến lên mức thánh thiện này. Đã có lần tôi viết:
”Cầu nguyện tạo nên linh mục và linh mục tự đào tạo mình nhờ cầu nguyện.” Trước
tất cả mọi chuyện, linh mục phải thực sự trở thành con người của cầu nguyện, xác
tín rằng thời giờ cống hiến cho những lần gặp gỡ tư riêng với Chúa luôn luôn phải
được tận dụng tối đa, vì không những điều đó đem lại ơn ích cho chính linh mục,
nhưng còn đem lại lợi ích cho công việc tông đồ của mình nữa.

Trong khi Công đồng Vatican II đề cập tới lời mời gọi đại đồng nên thánh, thì trong
trường hợp các linh mục, chúng ta phải bàn về lời mời gọi đặc biệt nên thánh. Chúa
Kitô cần các linh mục sống thánh thiện! Thế giới ngày nay đòi hỏi các linh mục thánh
thiện! Chỉ có linh mục sống thánh thiện, trong một thế giới mỗi ngày mỗi tục hóa,
mới làm chứng tá hùng hồn cho Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài. Và chỉ như vậy linh
mục mới có thể trở thành người hướng đạo cho các tín hữu nam nữ và là thầy dậy
thánh thiện. Mọi người, nhất là người trẻ đang đi kiếm tìm những hướng đạo viên
như thế. Một linh mục chỉ có thể làm linh hướng và là thầy dậy tùy theo mức độ linh
mục đó trở thành một chứng tá chính cống, đích thực!

CURA ANIMARUM

Kinh nghiệm lâu dài của tôi bây giờ, giữa bao hoàn cảnh khác nhau, đã quyết đáp
niềm xác tín của tôi rằng chỉ mình linh mục thánh thiện mới là thửa đất mầu mỡ có
thể nuôi dưỡng một hoạt động mục vụ hiệu năng, một hình thức ”phục vụ các linh
hồn” đích thực. Bí quyết trung thực nhất cho một thành công mục vụ đích thực
không tựa nơi các phương tiện vật chất, huống hồ nơi các chương trình phù vinh giả
tạo.

Những kết quả lâu dài của những hăng say mục vụ phát sinh từ nơi linh mục thánh
thiện. Đó là nền tảng đấy! Khỏi cần phải nói nữa, tự đào luyện, học hỏi và cập nhật
cải tiến là những điều rất cần thiết; nói tóm lại, việc chuẩn bị xứng hợp giúp cho mỗi
linh mục đáp ứng được những nhu cầu cần thiết và xác định được những ưu tiên mục
vụ. Nhưng điều đó còn nói lên rằng các ưu tiên ấy còn tùy thuộc nơi hoàn cảnh và
mỗi linh mục được mời gọi nhận diện và theo đuổi các hoàn cảnh ấy, nếu được phép
Giám mục và phù hợp với các đường lối của Giáo hội hoàn vũ. Riêng trong cuộc đời,
tôi đã nhận biết các ưu tiên này nơi công tác tông đồ giáo dân và đặc biệt nơi công
tác mục vụ gia đình - một lãnh vực mà chính các giáo dân đã giúp đỡ tôi rất nhiều -
nơi mục vụ giới trẻ và trong các cuộc đối thoại nghiêm chỉnh với thế giới trí thức và
văn hóa. Tất cả những chuyện này đều được phản ảnh trong hoạt động học thức và
văn chương của tôi. Đó là nguồn gốc của công trình nghiên cứu của tôi về ”Tình yêu
và Trách nhiệm” và trong số những công trình khác, tác phẩm The Jeweler's Shop,
(tiệm kim hòan) được đặt cho tiền đề là những bài Suy niệm về Bí tích Hôn phối.

Và một ưu tiên không tránh được ngày nay chính là mối quan tâm ưu tiên đến những
người nghèo khổ, sống bên lề cuộc đời và di dân. Linh mục phải thực sự là một
”người cha” đối với những người xấu số đó. Các phương tiện vật chất cần thiết thật
đấy như những gì do kỹ thuật tân tiến cung ứng. Nhưng bí quyết đích thực luôn luôn
vẫn là linh mục phải sống thánh thiện được thể hiện bằng cầu nguyện, suy niệm,
sống tinh thần hy sinh và nhiệt thành truyền giáo. Khi tôi hồi tưởng lại những năm
thi hành mục vụ như một linh mục và giám mục, tôi càng ngày càng xác quyết hơn
rằng đó là chân lý và là nền tảng.

NGƯỜI CỦA LỜI THIÊN CHÚA

Đã có lần tôi nhắc đến, để trở thành một linh hướng chính danh trong cộng đồng và
là người quản gia đích thực của các huyền nhiệm Thiên Chúa, linh mục còn được gọi
là người của Lời Thiên Chúa, một người rao giảng Tin Mừng quảng đại và không biết
mệt mỏi. Ngày nay sự khẩn thiết của nhiệm vụ này còn được nhìn thấy rõ ràng hơn
dưới ánh sáng của công tác rộng lớn ”Tân Phúc Âm Hoá.”

Sau nhiều năm làm thừa tác viên Lời Chúa, nhất là trong triều đại giáo hoàng, tôi đã
trở thành khách hành hương đi tới khắp nơi trên thế giới, tôi không thể không suy
nghĩ tới những nhãn quan xa rộng hơn liên quan tới chiều kích của đời sống mục tử.
Đây là một chiều kích đang có nhu cầu, vì con người ngày nay trông đợi linh mục ”đã
sống Lời Chúa” trước khi nhìn xem linh mục rao giảng Lời Ngài. Linh mục bắt buộc
phải sống Lời Thiên Chúa. Nhưng đồng thời linh mục cũng phải cố công chuẩn bị trí
tuệ để hiểu biết thâm sâu Lời Thiên Chúa và tìm cách rao giảng hữu hiệu. Ngày nay,
tất cả đều đòi hỏi phải có chuyên môn cao độ trong mọi lãnh vực đời sống, như vậy
việc đào tạo tri thức trở thành cực kỳ quan trọng. Được đào tạo như thế mới giúp linh
mục có khả năng dấn thân vào cuộc đối thoại nghiêm chỉnh và sáng tạo với tư tưởng
đương thời. Học hiểu về nhân bản, về triết lý và về những kiến thức thần học là con
đường dẫn đến công cuộc đào tạo tri thức này, và cần được tiếp tục cho suốt cuộc
sống của mỗi người. Để trở thành một con người được đào luyện chính danh, công
việc học hiểu này cần phải đi song hành với cầu nguyện, suy niệm và kêu xin các ân
huệ của Chúa Thánh Linh: khôn ngoan, thấu hiểu, bàn hỏi, dũng cảm, uyên bác, đạo
đức và kính sợ Thiên Chúa. Thánh Tôma Aquina cắt nghĩa, với các ân huệ của Chúa
Thánh Linh, làm cách nào tất cả đời sống tâm linh của mỗi người phải trở thành đáp
ứng được ánh sáng của Chúa, không phải chỉ nguyên ánh sáng kiến thức, nhưng còn
là lan truyền linh cảm của yêu thương. Tôi vẫn cầu nguyện xin các ân sủng của Chúa
Thánh Linh từ thời trai trẻ và vẫn còn tiếp tục cầu xin như vậy mãi.

ĐÀO SÂU KIẾN THỨC

Dĩ nhiên Thánh Tôma cũng dậy rằng ”kiến thức thiên phú” (infused knowledge), hoa
quả do Thánh Thần tác động đặc biệt, sẽ không giải phóng chúng ta khỏi nhiệm vụ
phải ”trau dồi kiến thức” (acquired knowledge).
Trường hợp của tôi, như đã nói, ngay sau khi được thụ phong linh mục, tôi được gửi
tới Roma hoàn tất học trình. Sau này, theo chỉ thị của Tổng Giám mục, tôi đã phải
lao mình vào công việc học hành trở thành giáo sư luân lý tại Phân khoa Thần học
Cracow và tại Đại học Công giáo Lublin. Công việc học hỏi này đã đem lại thành quả
tôi đậu tiến sĩ với luận án về Thánh Gioan Thánh Giá và rồi bài khảo luận của tôi về
Max Scheler đã giúp tôi đủ tư cách trở thành giáo sư đại học; nói một cách chính xác
hơn, tôi đã viết góp phần vào hệ thống đạo đức theo chiều hướng hiện tượng luận
của Scheler để có thể phát triển nền thần học luân lý. Công cuộc khảo cứu này đã
đem lại cho tôi nhiều lợi ích. Phương pháp hiện tượng luận đã làm phong phú cho
công việc đào tạo theo hệ Aristote-Tôma và chính nhờ đó tôi đã có thể theo được một
số những môn học sáng tạo. Trước hết tôi đang suy nghĩ về cuốn sách của tôi, cuốn
The Acting Person. Bằng phương thức này, tôi đã tham dự vào trào lưu triết học nhân
vị đương thời, và những học hỏi của tôi đã đem lại thành quả cho tôi trong lãnh vực
mục vụ. Tôi cũng thường lưu ý rằng nhiều tư tưởng được khai triển trong những công
việc học hỏi này đã giúp tôi trong những lần gặp gỡ riêng tư cũng như với đông đảo
các tín hữu trong các cuộc tông du của tôi. Công việc đào luyện tôi trong nhãn quan
văn hóa của thuyết Nhân vị cũng đã đem lại cho tôi những hiểu biết thâm sâu hơn về
từng cá nhân như một con người độc hữu. Tôi nghĩ rằng việc ý thức này thực rất
quan trọng đối với mỗi linh mục.

ĐỐI THOẠI VỚI TƯ TƯỞNG ĐƯƠNG THỜI


Nhờ những buổi hội họp và thảo luận với các chuyên gia trong các khoa học tự nhiên,
với các nhà vật lý và sinh vật học cũng như với các sử gia, tôi đã học hỏi để thẩm
định được tầm quan trọng của những ngành kiến thức khác liên hệ đến những môn
khoa học. Những môn này có khả năng đạt tới chân lý từ những nhãn quan khác
nhau. Hào quang chân lý - Veritatis Splendor - luôn luôn cần thiết phải đi đồng hành
để có thể giúp con người gặp gỡ, trao đổi tư tưởng và làm phong phú cho nhau. Tại
Roma, tôi vẫn giữ truyền thống tổ chức những buổi gặp mặt định kỳ chung cho các
môn học như ở Cracow. Những buổi gặp mặt này thường diễn ra trong mùa hè tại
dinh thự Castel Gandolfo. Tôi cố công theo đuổi thói quen tốt đẹp này.

“Labia sacerdotum scientiam custodiant...” (chính miệng lưỡi linh mục bảo vệ kiến
thức...) (xem Mal 2:7). Tôi thích nhắc lại lời này của Tiên tri Malachia, được tìm thấy
trong Kinh Cầu Chúa Giêsu, Linh mục và Tế Vật, bởi vì những lời ấy tiêu biểu một loại
chương trình cho ai được gọi là thừa tác viên Lời Chúa. Linh mục phải luôn luôn là
một con người của kiến thức theo ý nghĩa cao cả nhất và thánh thiện nhất. Linh mục
phải thụ lãnh và truyền đạt ”kiến thức về Thiên Chúa”, không phải chỉ là một mớ
chân lý giáo điều nhưng còn là một cảm nghiệm cá biệt và sống động về Huyền
Nhiệm, theo ý nghĩa được Thánh Sử Gioan diễn tả trong lời kinh nguyện cao cả về
linh mục: ”Đây là cuộc sống vĩnh hằng, mong sao họ nhận biết Cha, Thiên Chúa Duy
Nhất Chân Thực và Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cha đã sai đến với họ” (Ga 17:3).

HỒNG ÂN VÀ HUYỀN NHIỆM

X
TRAO ĐẾN CÁC ANH EM LINH MỤC

Khi đi vào phần kết thúc những chứng từ về ơn gọi làm linh mục của tôi, tôi ước ao
được nói với tất cả các anh em linh mục: từng người một! Tôi xin mượn lời Thánh
Phêrô: ”Hỡi anh em, anh em hãy nhiệt thành xác quyết hơn ơn Chúa gọi và tuyển
chọn anh em, vì nếu anh em làm như thế, anh em sẽ không sa ngã” (2Pet 1:10).
Anh em hãy yêu mến chức linh mục! Hãy trung kiên cho đến cùng! Anh em hãy nhìn
ra kho tàng Tin Mừng trong chức vụ linh mục, do đó, từ bỏ mọi sự cũng xứng đáng
lắm. (xem Mat 13:44).

Một cách đặc biệt tôi hướng về những người anh em nào đang phải trải nghiệm
những giờ phút khó khăn hoặc đang bị khủng hoảng trong ơn gọi của mình. Tôi
mong ước chứng nghiệm của tôi - chứng từ của một linh mục và của Giám mục
thành Rôma, đang mừng Lễ Kim Khánh linh mục - có thể giúp anh em phần nào và
lời mời gọi anh em hãy sống trung thành. Tôi đã viết những lời này khi nghĩ đến từng
người trong anh em, và tôi ôm ấp từng người anh em trong kinh nguyện của tôi.

PUPILLA OCULI (Con ngươi của mắt)


Tôi cũng nghĩ đến nhiều chủng sinh trẻ đang chuẩn bị lãnh chức linh mục. Thật
thường xuyên Giám mục hướng tâm trí tới chủng sinh! Đó là đối tượng đầu tiên cho
những lo toan của ngài. Chúng ta có câu ngạn ngữ nói rằng đối với Giám mục, chủng
sinh là ”con ngươi của mắt ngài.” Mọi người bảo vệ con mắt vì con mắt giúp con
người nhìn xem. Cũng thế, giám mục nhìn xem Giáo hội qua chủng viện, vì đời sống
giáo hội tùy thuộc biết bao vào các ơn gọi linh mục. Ân huệ có đông đảo ơn gọi và ơn
gọi thánh thiện lên chức linh mục sẽ giúp giám mục nhìn tới tương lai sứ vụ của mình
với lòng đầy tự tin.

Tôi nói điều này dựa vào nhiều năm kinh nghiệm làm Giám mục. Tôi đã được phong
chức Giám mục sau mười hai năm làm linh mục: một phần lớn của năm mươi năm
này đã được dành riêng cho việc quan tâm đến các ơn gọi. Niềm vui của giám mục
thật trọng đại khi Chúa ban nhiều ơn gọi cho Giáo hội, trong lúc những thiếu vắng ơn
gọi sẽ tạo nơi ngài bao lắng lo và quan ngại. Chúa Giêsu đã so sánh việc quan tâm
này với thợ gặt: ”Lúa chín đầy đồng, nhưng thợ gặt lại ít; vậy các con hãy xin Chúa
mùa gặt sai nhiều thợ ra gặt lúa về.” (Mt 9:37).

TẠ ƠN CHÚA!

Tôi không thể kết thúc những suy tư này trong năm mừng Lễ Kim Khánh linh mục
với không lời bầy tỏ lòng biết ơn thâm sâu lên Chúa mùa gặt vì Ngài đã ban cho tôi
quà tặng ơn gọi, vì hồng ân của thiên chức linh mục, vì những ơn gọi linh mục trên
khắp thế giới. Tôi tạ ơn cùng hiệp thông với tất cả các giám mục, những vị cùng chia
sẽ một mối quan tâm lo cho ơn gọi và cùng cảm nghiệm niềm vui khi con số ơn gọi
gia tăng. Tạ ơn Chúa, một số khủng hoảng nào đó về ơn gọi linh mục trong Giáo hội
đang dần dần lướt qua. Mỗi một tân linh mục mang theo mình lời chúc phúc đặc biệt:
”Phúc cho những ai nhân danh Chúa mà đến.” Vì trong mỗi linh mục chính Chúa Kitô
đang đến. Như Thánh Cyprianô phát biểu, nếu Kitô hữu là ”một Chúa Kitô khác” -
Christianus alter Christus - thì như vậy càng có lý do hơn để có thể nói rằng:
Sacerdos alter Christus.

Nguyện cầu Chúa duy trì nơi tất cả các linh mục ý thức biết ơn về quà tặng đã nhận
lãnh từ nơi Thiên Chúa; nguyện cầu Ngài cũng thức tỉnh nhiều người trẻ sẵn sàng
đáp lại tiếng gọi của Ngài một cách quảng đại để hiến thân hoàn toàn cho chính
nghĩa Tin Mừng. Những người nam và nữ trong thời đại chúng ta đang cần tới ý nghĩa
và hy vọng cho cuộc sống, sẽ giúp ích rất nhiều bằng những chứng tá của họ. Và
cộng đồng Kitô hữu sẽ hân hoan, vì biết rằng mình có thể hướng nhìn về phía trước
trong tin tưởng tạo vận hội mới khi Thiên Niên Đệ Tam đang tiến tới gần.

Nguyện xin Trinh Nữ Maria nhận lấy chứng tá của tôi để tỏ lòng con thảo tôn kính để
vinh danh Chúa Ba Ngôi Chí Thánh. Nguyện xin Mẹ làm sinh hoa kết trái chứng từ
này trong các tâm hồn của các anh em linh mục của con và của nhiều thành phần
trong Giáo hội. Nguyện xin Mẹ cũng làm dậy men huynh đệ chứng tá này cho nhiều
người khác, dù không chia sẻ cùng niềm tin, cũng biết lắng nghe những lời chia sẻ
của con và sẵn sàng đối thoại chân tình với con.

You might also like