Về Một Số Thư Liệu Của Việt Nam - Nguyễn Kỳ Phong

You might also like

You are on page 1of 61

VỀ MỘT SỐ THƯ LIỆU CỦA VIỆT NAM

Nguyễn Kỳ Phong

Trong cuộc chiến đấu nào, hiểu nhiều về đối phương cũng là một lợi điểm. Điều đó ai cũng biết.
Kẻ hở của đối phương thường đến từ tư tưởng của họ. Đọc sách của người Cộng Sản ta thấy được sự che dấu
và ngụy tạo lịch sử. Và chúng ta dùng sách của họ để chất vấn chính họ là một cách tranh luận, chiến đấu
hữu hiệu nhất. Một số sách sau đây cho chúng ta một cái nhìn tổng quát vào cơ cấu nhân sự và quân sự của
Cộng Sản Việt Nam.

QUYỂN SÁCH CHUNG MỘT BÓNG CỜ

Đây là một tuyển tập hồi ký của nhiều đảng viên, cảm tình viên Cộng Sản. Sách do Nguyễn Văn
Linh nhuận bút (đại khái như là chủ bút). Hội đồng chỉ đạo biên tập và ban biên tập gồm những khuôn mặt
quan trọng của Cộng Sản ở miền Nam. Quyển sách này cho ta thấy "ai là ai" trong hàng ngũ Cộng Sản ở
miền Nam. Nguyễn Hữu Thọ, Trần Văn Trà, Trần Nam Trung, Trần Bạch Đằng, Ung Ngọc Kỳ, v.v. Sách dầy
gần 1,000 trang, viết theo loại hồi ký, kể lại những hoạt động của hơn 100 nhân vật. Sách đồng vạch mặt một
số cán bộ, cảm tình viên nằm vùng của Cộng Sản Việt Nam. Một vài văn nghệ sĩ hiện sinh hoạt với chúng ta
đã là cảm tình viên có tuyên thệ với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN. Sách này tương đương
như một niên-giám về Mặt Trận Giải Phóng.

QUYỂN SÁCH LỊCH SỬ KHÁNG CHIẾN SAIGON-CHỢ LỚN, 1945-75

Sách dầy 800 trang, thuộc dạng tuyển-tập. Tương tự như quyển Chung Một Bóng Cờ, nhưng thiên
về quân sự hơn. Sách do Võ Chí Công chủ biên (chỉ đạo). Đây là một cuốn sách quí cho bạn nào muốn biết
về các nhân vật quân sự của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và Cộng Sản Bắc Việt (CSBV). Sách ghi nhiều
chi tiết quan trọng về nhân sự và guồng máy kháng chiến của Cộng Sản từ thời chống Pháp. Hầu hết các
nhân vật hiện thời trong chánh quyền-quân sự đều có tên trong sách.

Chúng ta biết được gốc gác các tay như Cao Đăng Chiếm (viên đại-tá ra lệnh bắt giam cải tạo tất
cả quân nhân công chức Miền Nam sau năm 1975). Liên hệ giữa các tay kháng chiến kỳ cựu như Nguyễn
Hộ, Nguyễn Văn Trấn, Lê Duẩn, Võ Chí Công, Trần Văn Trà, Nguyễn Vẵn Linh, Võ Văn Kiệt. Sách có
nhiều chi tiết về Bình Xuyên và tại sao Bình Xuyên theo theo Pháp, rồi sao đó lại chống lại Việt Nam Cộng
Hòa (VNCH). Hay là tên tuổi các tay đặc công quan trọng chuyên ám sát hiện đang quản trị guồng máy
chính quyền tại Saigon-Hà Nội. Sách đồng thời ghi lại các địa điểm bí mật chứa vũ khí cho cuộc tổng công
kích Mậu Thân 1968. Hay nhất là địa chỉ và tên các chủ nhà ở mỗi địa điểm.

QUYỂN SÁCH TỰ ĐIỂN BÁCH KHOA QUÂN SỰ VIỆT NAM

Hơn một ngàn trang từ điển về quân sự và nhân vật quân sự. Tuy nói là quân sự Việt Nam, nhưng
sách có liệt kê các tướng lãnh, chiến dịch quân sự của ngoại quốc (thí dụ như thống tướng Nga Veroshilov,
chiến dịch Belarussia, chiến dịch Normandie, tên các nhân vật Hoa Kỳ). Sách liệt kê khá nhiều về các tướng
lãnh, chiến binh của Cộng Sản Việt Nam. Tuy nhiên rất thiên vị: Những tướng lãnh, cựu chiến binh mặc dù
lão thành và có tiếng, nhưng vì chống lại Đảng và đường lối cầm quyền của Cộng Sản Việt Nam, nên không
được liệt kê vào sách.

Sách do Thượng Tướng Đào Đình Luyện làm chủ biên, và ban biên tập gồm các tướng như Đặng
Vũ Hiệp (Tham Mưu Trưởng Mặt Trận B3, Tây Nguyên vào thời 1975), Hoàng Minh Thảo (Tư Lệnh Mặt
Trận Tây Nguyên), Nguyễn Thới Bưng (Tư Lệnh Quân Khu 7 và 9 ở Miền Nam). Ngày tháng và lý lịch cá
nhân của của các tay quân sự Cộng Sản Việt Nam là một điểm quí của quyển tự điển này.

SÁCH HỒI KÝ CỦA CÁC TƯỚNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Trong chế độ Cộng Sản, viết sách ghi lại chi tiết lịch sử rất khó. Khó không phải là không có điều
kiện viết, mà khó là vì cấp trên (Đảng Cộng Sản Việt Nam) kiểm soát ý tưởng của tác giả. Ở Việt Nam, nhiều
tướng lãnh muốn viết nhưng không nhà xuất bản nào dám in, hay xin được giấy phép xuất bản.

Hồi ký quân sự của Cộng Sản Việt Nam phần lớn do các cấp tướng viết. Một số đại tá cũng có
sách. Nhưng đây là các đại tá quan trọng của những ngành như Đặc Công và Tình Báo. Đọc sách quân sự
của họ ta thấy được nhiều điểm hay, nhưng nhiều khi thấy cười vì tính cách thiếu sự thật và phóng đại của
họ. Các ông này viết sách hình như viết theo trí nhớ và không có các con số chính xác trong tay. Nhiều
trường hợp họ tiêu diệt số quân Mỹ nhiều hơn số quân Mỹ đang có mặt trong vùng. Hay là họ bắn rớt số
trược thăng nhiều hơn số trực thăng được trưng dụng cho một đơn vị.

Chúng ta đọc sách nhưng không vội tin vào sách, nhất là sách của Cộng Sản. Chúng ta đọc sách
để so sánh những con số và chi tiết họ đưa ra, và từ đó ta thấy được sự bóp méo lịch sử của những người
Cộng Sản.

SÁCH CỦA VÕ NGUYÊN GIÁP

Đối với tôi, Võ Nguyên Giáp là người viết sách về sử và quân sự tệ nhất so với các tướng khác.
Tôi không hiểu ông Bùi Tín thấy gì ở tướng Giáp mà khen ông này đáo để. Ông Giáp có thể là một tướng
giỏi về tham mưu (ông ta chưa cầm quân một ngày nào trong đời ông), nhưng về viết sách thì quá tệ. Có
tiếng là một giáo sư dạy sử, nhưng lối viết "sử" của tướng Giáp làm cho hậu thế dốt về sử thêm. Tôi đọc một
số sách của Võ Nguyên Giáp như, Những Năm Tháng Không Thể Nào Quên, Điện Biên Phủ, Chiến Tranh
Giải Phóng và Chiến Tranh Giữ Nước, và một số sách khác gom góp từ các bài giảng quân huấn, tuyên
truyền (đại khái như: Tư Tưởng Hồ Chí Minh, Hồ Chủ Tịch, Nhà Chiến Lược Thiên Tài, v.v." ) của Võ
Nguyên Giáp. Càng đọc, tôi càng nhận rõ Giáp chỉ là một hảo danh, lây vinh quang trên các chiến hữu khác.
Tướng Giáp được chức tư lệnh quân đội nhân dân có vì có học hơn các sĩ quan khác. Nhưng về sự dũng cảm
và hào khí của một dũng sĩ thì ông ta hoàn toàn không có. Ông Giáp là một tác giả háo danh: chỉ muốn tên
một mình mình được ghi nhớ.

Lấy thí dụ về quyển Điện Biên Phủ. Điện Biên Phủ là một chiến thắng chung của Việt Nam.
Không phải riêng của những người Cộng Sản. Nhưng khi viết quyển đó, tướng Giáp không nhắc tên đến một
đồng đội, tướng lãnh đang xả thân ngoài mặt trận. Sách sử về quân sự mà không có một lời về tư lệnh các
quân chủng, sư đoàn hay ai làm cái gì, đánh ở mặt trận nào. Trong khi đó thì hầu như cách 10 trang giấy thì
có một lời hiệu-triệu của Tổng Tư Lệnh Quân Đội, bên dưới ký tên là Võ Nguyên Giáp! Đọc sách Võ
Nguyên Giáp, trừ khi phải nghiên cứu tài liệu, chỉ tốn thì giờ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp hình như bị hạ bệ từ sau năm 1965. Một phần vì bị nghi ngờ là chủ
mưu của nhóm "phản đảng xét lại" (nhóm thân Sô Viết, lên án Stalin. Những nhân vật bị nghi ngờ trong
nhóm này như các tướng Nguyễn Văn Vịnh, Đặng Kim Giang). Theo tin tức tình báo của trung tướng Philip
B. Davision (xếp tình báo, J-2 MACV), ông Giáp bị đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ trích về tội xa xỉ, khi
dùng trực thăng đưa vợ ra tắm ở bờ biển Đồ Sơn. Lê Duẩn và Lê Đức Thọ cũng không thích tướng Giáp (hai
quyển sách của Bùi Tín có đề cập sơ về vụ này). Đọc sách Võ Nguyên Giáp thấy không hay. Ông Giáp viết
sách quân sự mà thiếu nhịp quân hành.

Một số tướng lãnh tôi đã đọc qua gồm: Từ Đồng Quan Đến Điện Biên của Đại tướng Lê Trọng
Tấn. Cuộc Tiến Công Chiến Lược Đông Xuân và Điện Biên Phủ Chiến Dịch Lịch Sử của Đại tướng Hoàng
Văn Thái, và đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Những Bài Chọn Lọc về Quân Sự.

Lê Trọng Tấn (tên thật Lê Trọng Tố) là sĩ quan đánh trận. Sách viết có chi tiết quân sự. Ông ta coi
Sư Đoàn 312 từ trận Điện Biên Phủ, vào miền Nam làm phó tư lệnh cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, sau
đó làm tư lệnh trận Hạ Lào năm 1971, rồi làm tư lệnh quân đội Cộng Sản Việt Nam tại Lào. Sách có nhiều
chi tiết về thời 1945-54.

Cuộc Tiến Công Chiến Lược Đông Xuân và Điện Biên Phủ Chiến Dịch Lịch Sử của Đại tướng
Hoàng Văn Thái: Tướng Hoàng Văn Thái (tên thật Hoàng Văn Xiêm) thâm niên hơn Lê Trọng Tấn. Khi
tưóng Tấn coi Trung Đoàn 209 của Sư Đoàn 312 , thì Hoàng Văn Thái đã là tham mưu trưởng cho Võ
Nguyên Giáp. Sau Trận Điện Biên Phủ, ông Thái coi cấp quân khu. Tư lệnh Quân Khu 5, rồi sau đó tư lệnh
toàn miền Nam. Hoàng Văn Thái viết sách mạch lạc, có tên tuổi, chi tiết kiểm chứng được, có ghi nhiều chi
tiết về trận Điện Biên Phủ.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với quyển Những Bài Chọn Lọc về Quân Sự. Có một nguồn tin đồn
là tướng Nguyễn Chí Thanh bị ám sát khi ra Hà Nội năm 1967. Vào năm 1967, đang là tư lệnh Miền Nam,
Nguyễn Chí Thanh trở về Hà Nội trình diện, và chết bệnh vào sáng ngày 2 tháng 7, 1967. Trong quyển
Những Bài Chọn Lọc về Quân Sự, có một bài viết của ông đăng ngày 26 tháng 6. Không biết hai sự kiện này
có liên hệ với nhau hay không, và không biết ông về Hà Nội ngày nào, lý do gì. Đây là loại sách lý luận và
tuyên truyền. Không có chi tiết gì đáng nhớ. Tướng Thanh không phải là tướng đánh trận, nhưng là tay lý
luận quân sự dữ dằn của Cộng Sản Việt Nam. Nguyễn Chí Thanh có vây cánh trong nhóm xuất thân từ miền
Trung (Lê Duẩn là người Quảng Trị như Thanh).

SÁCH CỦA THƯỢNG TƯỚNG TRẦN VĂN TRÀ

Năm 1982, Nhà xuất bản Văn Nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh phát hành một quyển sách có tên là
Những Chặng Đường Lịch Sử Của B2 Thành Đồng: Kết Thúc Cuộc Chiến 30 Năm, của thượng tướng Trần
Văn Trà (thượng tướng là một chức sĩ quan theo truyền thống quân đội Cộng Sản Nga Sô. Chức này trên
trung tướng, và dưới đại tướng). Sách ra được một tháng thì bị tịch thu và gây ra một sôi động nhỏ trong giới
quân nhân tướng lãnh gốc Hà Nội. Trong sách, ngoài một vài thái độ khó chịu về ban tham mưu quân sự ở
Hà Nội, tướng Trà chỉ trích giới quân sự miền Bắc là nhát và đánh giặc kiểu nhà giàu. Theo ông, công chiến
thắng ở Miền Nam đến từ mặt trận B2, mà ông là một trong những tư lệnh của chiến trường đó. Cũng theo
ông Trần Văn Trà, ông là người đề nghị đánh thẳng vào Ban Mê Thuột thay gì tấn công lẻ tẻ các quận nhỏ.

Kết Thúc Cuộc Chiến 30 Năm là quyển thứ 5 trong một bộ sách 5 quyển mà tướng Trà viết với tên
Những Chặng Đường Lịch Sử Của B2 Thành Đồng. Ông viết được hai quyển. Quyển thứ nhất có tên Chiến
Tranh Hay Hòa Bình (quyển 1 xuất bản năm 1982, quyển 5 xuất bản năm 1992). Chưa kịp hoàn tất bộ sách
sử thì tướng Trà đã qua đời vào năm 1996.

So với các tướng khác, ông Trà viết sách mạch lạc hơn. Quyển sách Kết Thúc Cuộc Chiến 30
Năm bắt đầu từ giai đoạn 1973, sau Hiệp Định Paris, và chấm dứt lúc Miền Nam thất thủ. Quyển sách có
nhiều chi tiết về kế hoạch quân sự của Cộng Sản Việt Nam trong mùa khô 1974-75, và các hoạch định khác
cho năm 1976 tiếp theo. Sách của ông Trà xác định ý đồ của phía Cộng Sản mà chúng ta đã biết quá rõ: Hiệp
Định Paris chỉ là một cơ hội tốt cho Cộng Sản Việt Nam chỉnh đốn lại kế hoạch toàn thu miền Nam mà thôi.

Trong ba tháng đầu của Hiệp Định, tướng Trà là trưởng ban quân sự, đại diện cho Mặt Trận Giải
Phóng Miền Nam ở Tân Sơn Nhất. Nhưng vào tháng 6 năm 1974, tướng Trà được lệnh ra trình diện ở Hà
Nội để bàn về kế hoạch tấn công miền Nam. Lệnh của Hà Nội là trong thời gian này là Mặt Trận B2 sẽ nhận
thêm vũ khí, chiến cụ để trang bị đủ cho một quân đoàn. Trong sáu tháng cuối cùng của năm 1973, Mặt Trận
B2 của tướng Trà nhận đuợc 30 ngàn tấn quân dụng. Trong nửa năm đầu 1974, mặt trận B2 lập ra bốn sư
đoàn, nâng B2 thành một quân khu, gọi là quân Khu 4, do tướng Hoàng Cầm làm tư lệnh. Thêm vào đó, B2
được chi viện thêm Trung Đoàn Đặc Công 429 từ Khu 5, nâng tổng số đặc công lên 16 ngàn người, chia ra
làm 6 đoàn bao quanh Saigon.

Ngay trong Saigon-Gia Định thì có toán 316 Biệt Động Nội Thành phụ trách. Thời gian ngưng
chiến chỉ là một cơ hội cho Mặt Trận B2 chuẩn bị những kế hoạch lớn. Kế hoạch của tướng Trà là dứt điểm
Đồng Xoài, Bù Đốp, và Tây Ninh. Trước khi kế hoạch này được hiện, tướng Trà lại được gọi về Hà Nội vào
tháng 11, 1974 để hội kiến với Bộ Tổng Tham Mưu Hà Nội thêm một lần nữa. Cùng đi với tướng Trà là
Phạm Hùng, Bí Thư Trung Ương Cục Miền Nam. Lúc đó Trà đang là tư lệnh Mặt Trận B2 (B2 là phân nửa
của miền Nam, B3 là vùng từ cao nguyên về hướng tây, Khu 5 là những tỉnh còn lại, và quân khu Bình Trị
Thiên thì riêng biệt), Lê Đức Anh là phó tư lệnh và Trần Độ là chính ủy.

Sự va chạm đầu tiên của tướng Trà (và Phạm Hùng) đối với Ban Quân Ủy Trung Ương (tên gọi
của Bộ Tổng Tham Mưu Cộng Sản Việt Nam) xảy ra khi đề nghị đánh Đồng Xoài của tướng Trà bị phản đối.
Chẳng những Ban Quân Ủy hản đối, họ còn đánh điện-văn về B2 ra lệnh cho Lê Đức Anh thay đổi kế hoạch
B2 đã soạn thảo cho mùa khô 1974, và được Hà Nội chấp nhận, trước khi Trà và Phạm Hùng ra Hà Nội trình
diện.

Nhưng Phạm Hùng và Trần Văn Trà tìm được một vị cứu tinh cho kế hoạch của họ: Lê Duẩn. Lúc
đó ở Hà Nội, Lê Duẩn là tiếng nói của thẩm quyền (Trà, Phạm Hùng và Lê Duẩn rất gần nhau trong thời gian
Lê Duẩn ở miền nam trong thời kỳ chống Pháp). Khi tướng Trà hỏi tại sao kế hoạch đánh Đồng Xoài đã
được chấp thuận rồi, bây giờ lại hủy bỏ. Lê Duẩn trả lời là Ban Quân Ủy báo cáo là tướng Trà muốn dùng
một lực lượng mạnh (thiết giáp và đại bác 130mm, lúc đó B2 muốn xài pháo 130mm ở chiến trường thì phải
có sự đồng ý từ Hà Nội) để triệt tiêu Đồng Xoài và thị xã Phước Long.

Tướng Trà trả lời là B2 đánh Đồng Xoài và các cứ điểm chung quanh rất dễ, không cần một lực
lượng mạnh. Lê Duẩn đã biết tướng Trà từ lâu nên cho phép. Và Trà đã ra lệnh B2 đánh Đồng Xoài và Bù
Đốp. Đồng Xoài mất ngày 26 tháng 12 năm 1974. Được đà, tướng Hoàng Cầm dùng Quân Đoàn 4 đánh
chiếm Phước Long. Phước Long mất ngày 6 tháng 1 năm 1975. Mất Phước Long, con đường huyết mạch từ
Saigon lên Kontum bị tê liệt. Lúc đó Bộ Tư Lệnh B3 của tướng Hoàng Minh Thảo sẵn sàng chuẩn bị đánh
Kontum. Cho đến khi tướng Trà có ý kiến.

Tướng Trà phản đối (có ý kiến thì đúng hơn) với Văn Tiến Dũng và Võ Nguyên Giáp khi họ cho
phép tướng Hoàng Minh Thảo (Tư Lệnh Mặt Trận B3 Tây Nguyên) mượn một sư đoàn của B2 để đánh
Kontum. Ông đề nghị: nếu đánh thì đánh Ban Mê Thuột, vì đó là điểm đối phương không chú ý. Trong khi
Quân Ủy cãi tới cãi lui về mục tiêu của họ ở Tây Nguyên, Lê Duẩn và Lê Đức Thọ nghe theo đề nghị của
tướng Trà: Ban Mê Thuột là mục tiêu chánh.

Trong hồi ký của Văn Tiến Dũng (quyển Đại Thắng Mùa Xuân), ông kể lại trong một buổi họp
Quân Ủy Trung Ương để quyết định đánh vùng nào ở Tây Nguyên, thì Lê Đức Thọ bất thình lình bước vào
phòng họp và "chỉ đạo" các tư lệnh quân sự đang họp: Lệnh là phải đánh Ban Mê Thuột, không được bàn cãi.
Sau đó Thọ nhấn mạnh thêm một câu, "Chúng ta có năm sư đoàn ở Tây Nguyên mà đánh Ban Mê Thuột
không được là như thế nào?"
Thật ra Cộng Sản Việt Nam huy động nhiều hơn năm sư đoàn để đánh Ban Mê Thuột. Ngày 17
tháng 2, 1975, mặt trận B3 huy động một lực lượng như sau:

 Bốn sư đoàn: 10, 320, 316, và 968

 Bốn trung đoàn: 95A, 95B, 25, và 271

 Năm trung đoàn pháo binh và phòng không

 Một trung đoàn thiết giáp

 Một trung đoàn đặc công

 Hai trung đoàn công binh

Và tất cả là để dứt điểm Ban Mê Thuột. Ngày 4 tháng 3 năm 1975, Trung Đoàn 95B giả bộ đánh
vào Quốc Lộ 19 như muốn tấn công Pleiku. Ngày 10 tháng 3, quân của B3 đánh Ban Mê Thuột, và Ban Mê
Thuột mất 10 ngày sau đó.

Kinh nghiệm quân sự của tướng Trà làm nhiều tư lệnh quân sự Hà Nội ghen ghét. Đó cũng là lý
do tại sao sách của ông ta bị thâu hồi khi vừa được xuất bản. Trần Văn Trà viết sách rất lý thú, cho độc giả
nhiều chi tiết hơn tất cả các tướng lãnh viết sách khác. Ông Trà thích gọi các tướng khác bằng bí danh. Ngoài
một số bí danh quen thuộc mà chúng ta đã biết như Anh Ba (Lê Duẩn), Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh), qua
sách của tướng Trà ta biết đưuọc thêm một số tên khác như, Anh Bốn (Võ Chí Công), Mười Khang, (Hoàng
Văn Thái), Chín Vinh (Trần Độ), Sáu Dân (Võ Văn Kiệt), Bảy Cường (Phạm Hùng), Sáu Thọ (Lê Đức Thọ,
còn gọi là Sáu Mạnh), và "Sáu Nam" (Lê Đức Anh).

Về quyển Chiến Tranh Hay Hòa Bình (quyển 1 của bộ sách): quyển này không hay lắm. Mấy
chục trang đầu trích lại một số tài liệu của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ mà chúng ta đã biết. Một vài chi tiết quan
trọng của cuốn này nói về các lực lượng tập kết ra Bắc, và có một thời gian lực lượng này (Sư Đoàn 335) nổi
loạn chống lại Cộng Sản Việt Nam nhưng bị đè bẹp. Sách kể chi tiết về con đường mòn Hồ Chí Minh và
khởi thủy của Đoàn 595, 959 và 759, là các đoàn phụ trách đưa người vào Nam. Tiếc là Trần Văn Trà qua
đời trước khi hoàn tất bộ sách của ông. Không biết ông ta sẽ nói gì về những năm khốn đốn, 1967-69 của
Mặt Trận B2.

MỘT SỐ THƯ LIỆU KHÁC

Dưới đây là một số thư liệu của Cộng Sản Việt Nam mà người viết có cơ hội đọc qua không quan
trọng so với những cuốn đã nói đến.

* Lịch Sử Quân Đội Nhân Dân Việt Nam: Từ năm 1966 cho đến nay, Tổng Cục Chiến Tranh
Chính Trị Cộng Sản Việt Nam cho in nhiếu ấn bản về lịch sử quân đội của họ. Ngưòi viết coi qua hai ấn bản
(edition), cả hai có nhiều chi tiết khác nhau, và đó là một sự mâu thuẩn trầm trọng khi ghi lại lịch sử. Một ấn
bản đến từ Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị. Ấn bản kia đến từ Viện Quân Sử. Bộ sách này chưa xứng đáng
gọi là sách sử vì chi tiết rời rạc và thiếu mạch lạc.

** Lực Lượng Vũ Trang Tây Nguyên: Tây Nguyên là căn cứ của Bộ Tư Lệnh Mặt Trận B3. Và B3
đi đôi với tướng Hoàng Minh Thảo. Quyển này do Hoàng Minh Thảo và Đặng Vũ Hiệp đồng soạn. Sách ghi
các sự kiện quân sự từ 1954 cho đến 1975. Một chi tiết đáng được để ý là sách ghi rõ ràng về trận đánh vào
Quốc Lộ 14, Quốc Lộ 19, và Ban Mê Thuột.

*** Pháo Binh Xuân 1975, Lịch Sử Đặc Công, Lịch Sử Ngành Điện Báo: Như tựa của sách, ba
quyển nói về Pháo Binh, Truyền Tin, và binh chủng Đặc Công của Cộng Sản Việt Nam. Cuốn Lịch Sử Đặc
Công viết được, ghi lại một số tên tuổi cán bộ đặc cộng Cộng Sản. Võ Viết Dũng, hiện nay (năm 2000) là
phó chủ tịch Thành Ủy Sài Gòn (sau Trương Tấn Sang) từng là một đặc công quan trọng của lực lượng đó.
Sách có ghi chi tiết về các trận đánh vào kho xăng Nhà Bè, tấn công vào phi trường Pleiku, pháo kích vào
phi trưuờng Biên Hòa. Sách có phụ chú về những cán bộ được tuyên dưong anh hùng quân đội nhân dân. Hai
quyển về Truyền Tin và Pháo Binh, chỉ là những thư liệu thưòng.

Vũng Lầy Của Bạch Ốc: Người Mỹ và Chiến Tranh Việt Nam 1945-1975.

Lời mở đầu

Trong lời giới thiệu tập 1, tác phẩm Người Mỹ và Chiến Tranh Việt Nam , người viết dự định tập 2
sẽ ra mắt khoảng mười hai tháng sau khi tập 1 ra mắt độc giả.

Nhưng nhiều thay đổi đã xảy ra trong dự án làm việc.

Một số sử liệu về chiến tranh Việt Nam được giải mật thêm, và do tính quan trọng của tài liệu, bài
viết cần được bổ túc dù phải chậm trễ.

Thêm nữa, người viết sử dụng một hệ thống thảo chương tiếng Việt không còn nhiều nhà xuất bản
sử dụng vì bây giờ nhà in không còn in từ “hard copy” như thập niên trước. Những tiến triển của kỹ thuật ấn
loát đã gây nhiều trở ngại cho người viết vốn thiếu kiến thức về kỹ thuật hiện đại.

Những lý do đó khiến tập 2 đến tay dộc giả quá trễ so với dự định.
Có hai thay đổi quan trọng sau khi người viết hoàn tất tập 2:

– Qua đề nghị của nhà xuất bản Tiếng Quê Hương, tựa tác phẩm sẽ được đổi là Vũng Lầy Của
Bạch Ốc: Người Mỹ và Chiến Tranh Việt Nam 1945 - 1975 . Tựa đề này phản ảnh đúng về đường lối của
chánh phủ Mỹ, nhất là Tòa Bạch Ốc, khi họ thực thi những quyết định về cuộc chiến Việt Nam.

– Thay đổi thứ hai là trong ấn bản này, người viết gom hai tập lại thành một tập. Đây là sự thiệt
thòi cho những độc giả đã đọc qua Tập 1. Tuy nhiên người viết nghĩ đây là cơ hội để sửa nhiều lỗi trong tác
phẩm đầu tay, và đúc kết hai phần viết lại thành một sẽ tạo được tính liên tục cho sự thưởng ngoạn của độc
giả.

Với những độc giả lần đầu tiên đọc tác phẩm này, người viết xin sơ lược lại cấu trúc chủ đề chính
của tác phẩm.

Vũng Lầy Của Bạch Ốc: Người Mỹ và Chiến Tranh Việt Nam 1945 - 1975 gồm có 13 chương.

Chương 1, Roosevelt và Truman , điểm lại tình hình tổng quát trên thế giới sau thế chiến thứ hai,
thái độ chính trị và ngoại giao của hai tổng thống Mỹ, Roosevelt và Truman, đối với người Pháp về vấn đề
thuộc địa của họ ở Đông Dương.

Chương 2, Chận Làn Sóng Đỏ , lược ghi về nguồn gốc Chiến Tranh Lạnh, một sự kiện quan trọng
đã chia thế giới ra hai khối rõ rệt từ sau thế chiến. Nga và Trung Cộng cố bành trướng chủ thuyết cộng sản
trong khi Hoa Kỳ và khối tư bản cố ngăn chận làn sóng đỏ đang dâng tràn nhiều nơi trên thế giới. Trong thời
điểm này, các quốc gia nhược tiểu không có nhiều chọn lựa ngoài sự ngả theo bên này hay bên kia. Chương
2 cũng bàn về ba biến cố lớn ở Á Châu là Trung Cộng toàn thâu lục địa Trung Hoa, cuộc chiến bất phân
thắng bại ở Triều Tiên giữa Đồng Minh với Trung Cộng và Pháp thất trận ở Điện Biên Phủ.

Chương 3, Việt Nam Cộng Hòa , đề cập đến liên hệ Mỹ - Việt trong thời kỳ phôi thai của một
quốc gia vừa thành hình khi Hoa Kỳ thay Pháp ở Việt Nam. Chương 3 cũng đề cập đến những trở ngại trong
liên hệ ngoại giao, quân sự với tổng thống Ngô Đình Diệm từ sau năm 1960.

Chưong 4, Quân Sư Danh Tướng và Khoa Bảng , trình bày tổng quát những chi tiết về đường lối
ngoại giao cùng kế hoạch quân sự bí mật của chính quyền Kennedy đối với Việt Nam Cộng Hòa và đối với
cá nhân tổng thống Ngô Đình Diệm. Trong giai đoạn này, Hoa Kỳ dùng mọi nhân tài, danh tướng, phương
sách, để cố tìm một giải pháp cho các mối liên hệ Mỹ - Việt Nam . Chương 4 chấm dứt khi tổng thống Ngô
Đình Diệm bị giết và tổng thống Kennedy bị ám sát.

Chưong 5, Cuộc chiến của Johnson và McNamara , bắt đầu từ lúc Lyndon Johnson lên thay
Kennedy, và người Mỹ thật sự liên hệ đến chiến tranh sau cuộc đụng độ ngoài khơi vịnh Bắc Việt. Hoa Kỳ
đổ quân vào Việt Nam , chiến lược chiến thuật thay đổi, quyết tâm lãnh đạo trong cuộc chiến Việt Nam của
tổng thống Johnson và bộ trưởng quốc phòng McNamara.

Chương 6, Binh Hùng Tướng Mạnh , diễn tả hệ thống quân đội, chiến thuật, chiến lược của
MACV. Cuộc chiến lan rộng với số quân dưới 1000 vào đầu năm 1960 tăng đến nửa triệu giữa năm 1969.
Chương 6 chú trọng nhiều về vấn đề quân sự, cơ cấu quân đội, chi tiết về Bộ Tư Lệnh Quân Đội Hoa Kỳ và
các bộ tư lệnh ở chiến trường Việt Nam.
Chương 7, Chỉ Huy và Điều Khiển , ghi lại chi tiết hơn về hệ thống chỉ huy và điều khiển của
quân đội Hoa Kỳ ở Việt Nam . Quyền hạn của bộ tư lệnh MACV ra sao, dưới tay có bao nhiêu quân, được
quyền hay không được quyền làm gì và liên hệ quân giai của bộ tư lệnh này đối với các thẩm quyền quân sự,
dân sự, cao hơn.

Chương 8, Chiến Tranh Việt Nam , bàn về ý nghĩa chính xác và diễn tiến đích thực của cuộc
chiến: Hoa Kỳ đánh trận như thế nào, hỏa lực chiến thuật, chiến lược, phương thức tác chiến ra sao.
Westmoreland sai lầm hay không khi chuyển từ chiến lược “enclave” qua “search and destroy” và mức tốn
kém về phương diện kinh tế.

Chương 9, Những Con Khỉ của Năm Mậu Thân là tựa đề mà người viết muốn tạo một chút hài
hước khi đặt tên cho chương này. Thực ra, những con khỉ của năm Con Khỉ là những khó khăn của Hoa Kỳ
và Việt Nam Cộng Hòa trong năm 1968. Hoa Kỳ gặp nhiều khó khăn vì tất cả định chế xã hội bị đảo lộn do
phong trào phản chiến bùng phát. Kèm theo là những bạo động xảy ra từ phong trào đòi bình đẳng của dân
da đen ở nội dịa. Trong năm 1968, mọi định chế của Hoa Kỳ hầu như đều bị lay chuyển. Các nghị viên quốc
hội lần lượt ra mặt chống lại đường lối của chính phủ đối với cuộc chiến.

Chương 10, Nixon và Kissinger , ghi nhận chi tiết về tư cách, tinh thần, thái độ của ngoại trưởng
Henry Kissinger và tổng thống Richard Nixon đối với Việt Nam trong giai đoạn thứ nhì của cuộc chiến: giai
đoạn hòa đàm và chuẩn bị lui quân. Phần này có nhiều tài liệu vừa được giải mật gần đây, nói về các mánh
khóe và sự gian dối của Kissinger khi ông ta thương lượng với Trung Cộng, Nga và Bắc Việt.

Chưong 11, Việt Nam Hóa và Rút Quân , với kế hoạch giao trọn trách nhiệm chiến đấu cho Việt
Nam Cộng Hòa, trong khì quân đội Hoa Kỳ và đồng minh lần lượt rút đi. Chương này ghi lại khả năng gánh
vác cuộc chiến của quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

Chương 12, Bức Tử , vụ Watergate và sự bất tín nhiệm của quốc hội và dân chúng Mỹ đối với
tổng thống Nixon, đưa đến những quyết định bất lợi khi quốc hội Hoa Kỳ biểu quyết các ngân khoản viện trợ
kinh tế, quân sự cho tài khóa thường niên. Mặt khác, từ những thay đổi chiến lược ở Đông Nam Á, người Mỹ
không còn coi Việt Nam như một đồng minh cần được bảo vệ.

Chương 13, Tinh Thần Người Mỹ Trong Cuộc Chiến , đưa lại cái nhìn tổng quát về tinh thần
người Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam : những người hùng và những người hèn của cuộc chiến, cảm nghĩ của
những thẩm quyền Hoa Kỳ khi họ phản tỉnh về kinh nghiệm của họ.

Sau khi tập 1 ra đời, người viết nhận được nhiều thư độc giả ủng hộ tác phẩm. Những khuyến
khích và ủng hộ từ độc giả là một khích lệ tinh thần vô giá cho ngưòi viết. Dĩ nhiên, bên cạnh những thư
khen ngợi cũng có nhiều lá thư khuyến cáo về các lỗi chính tả, cú pháp, hay những sai lạc hiển nhiên. Với
những quan tâm đó, người viết thành thật cảm tạ độc giả.

Như một tác giả nào đó đã nói: “ Lịch sử là một tranh luận không bao giờ kết thúc ”, cuộc chiến
Việt Nam sẽ còn được tranh luận, phát giác nhiều trong tương lai. Cái nhìn và lời giải thích của người viết
chỉ là một quan điểm cá nhân. Dù với tất cả khách quan, cái nhìn và lối giải thích này vẫn có thể bị coi là
thiếu vô tư trong một trường hợp nào đó. Vô tư hay thiên vị, người viết hoàn toàn chịu trách nhiệm về mọi
điều đã trình bày. Một tác phẩm 700 trang ghi lại một giai đoạn phức tạp xảy ra trong 30 năm không thể
không thiếu sót. Người viết chỉ mong độc giả thông cảm khi những khiếm khuyết xảy ra. Một lần nữa, tác
giả rất hân hạnh đón nhận những đề nghị hay bình phẩm về tác phẩm này từ người đọc.

Cuối cùng, ở đây người viết muốn ghi lại lời cảm ơn hai người bạn đã góp ý và giúp đỡ người viết
trong tác phẩm này: anh Uyên Thao Vũ Quốc Châu của Tủ Sách Tiếng Quê Hương đưa ra ý kiến in hai tập
thành một và hoán chuyển tất cả bản thảo ra hệ thống thảo chương hiện đại để tiện việc lưu trữ và lưu
chuyển. Ở giai đoạn hoán chuyển từ thảo chưong cũ ra mới, nếu không có sự giúp đỡ của Phan Lê Dũng,
người viết không biết phải cần bao nhiêu thời gian nữa để sửa hàng ngàn ký hiệu bị mất hoặc sai lạc trong
tiến trình hoán chuyển. Với những giúp đỡ đó, người viết chân thành cảm ơn.

NKP

Centreville , Virginia , Tháng 12, 2005

Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Hậu Cần Chiến Dịch Trong Kháng Chiến Chống Thực Dân Pháp, Giải
Phóng Quân Huế, 1945: Ba quyển này có nhiều chi tiết về nhũng năm đầu của cuộc kháng chiến chống
Pháp. Một số nhân vật có tên trogn sách sau này là các tư lệnh quân sự chính trị quan trọng của Cộng Sản
Việt Nam. Trong cuốn Nam Kỳ Khởi Nghĩa, ta thấy Cộng Sản Việt Nam lý luận khi họ triệt tiêu nhóm Đệ Tứ
Cộng Sản. Sách nói đến hầu hết các tay cách mạng cũ ở miền Nam như Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh
Khai, Nguyễn Hữu Xuyến,Nguyễn văn Kỉnh, v.v. Đây là một "Who's Who" về các tay cách mạng Cộng Sản
gốc miền Nam.

Cuốn Hậu Cần Chiến Dịch nói về các công tác hậu cần (tiếp liệu) của Việt Minh/Cộng Sản Việt
Nam trong thời kháng Pháp. Sách đưa ra chi tiết về chiến dịch tiếp liệu cho trận Điện Biên Phủ. Qua sách
này chúng ta có thể suy đoán Việt Minh/Cộng Sản Việt Nam có bao nhiêu quân khi họ bao vây Điện Biên
Phủ. Về quyển Giải Phóng Quân Huế, cũng tương tựa như sách về cuộc kháng chiến ở miền Nam. sách nói
về những nhân vật gốc Huế, có ghi lại nhiều nhân vật tên tuổi của Huế trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Cách tìm thư liệu Cộng Sản Việt Nam: Ngoài sách vở, người viết nhờ bạn bè mua khi họ có cơ
hội. Người viết theo dõi những bản tin của Foreign Broadcasting Information Services. Đây là một co quan
của đài Voice of America. Cơ quan này chuyên nghe các đài phát thanh của CSVN và dịch ra Anh ngữ các
chi tiết cần cho các cơ quan tình báo Hoa Kỳ. Đây là cơ quan dịch lại các tác phẩm của Trần Văn Trà và Văn
Tiến Dũng ra Anh ngữ. Từ cơ quan này, chúng ta đọc được nội dung của các kỳ họp chính trị hay trung ương
đảng của Cộng Sản Việt Nam.

Các chi tiết về chính quyền và nhân sự của Cộng Sản Việt Nam cũng có thể tìm thấy trong một ấn
bản phát hành bởi National Technical Information Services. Ấn bản hàng năm ghi danh sách của chính phủ
Cộng Sản Việt Nam và các tư lệnh quân đội, vùng và các cơ quan quan trọng. Danh sách trung ương đảng
cũng đến từ đây. Mặt đầu tài liệu đến từ Bộ Thương Mại (NTIS là một nha của Bộ Thương Mại Hoa Kỳ)
nhưng chắc chắn tin tức đến từ các cơ quan tình báo Hoa Kỳ. NTIS phát hành hàng năm tin tức của tất chính
phủ trên toàn thế giới. NTIS bán tài liệu này qua Bộ Thương Mại.

______________________

Người Mỹ và chiến tranh Việt Nam

Nguyễn Kỳ Phong

Như những cậu học trò không thuộc bài bị gọi lên bảng, phái đoàn Hoa Kỳ đến Geneva rất lưỡng
lự. Nhưng họ phải đến vì vấn đề Đại Hàn. Đối với cuộc thương lượng về Đông Dương, họ có mặt như một
quan sát viên--một nhân chứng thì đúng hơn. Hoa Kỳ không muốn Pháp thương thuyết để đình chiến với
Việt Minh trong lúc nàỵ Phái đoàn được lệnh không đối thoại với Trung Cộng và không nên có ý kiến gì về
những liên lạc giữa Pháp và Việt Minh. Hoa Kỳ muốn cho Pháp thủ vai chánh như Pháp đã làm từ mấy chục
năm nay ở Đông Dương.

Theo chương trình đã định trước, tất cả nhân viên quan trọng của phái đoàn sẽ ra về sau khi tiết
mục Đại Hàn chấm dứt vào ngày 9 hay 10 tháng 6. Trưởng phái đoàn là John Dulles, nhưng người thật sự đại
diện là phó ngoại trưởng W. Bedell Smith, một đại tướng lục quân rất thân cận với Eisenhower từ đệ nhị thế
chiến. Bedell Smith vừa rời chức giám đốc CIA (Central Intelligence Agency, cơ quan tình báo Hoa Kỳ) để
qua bộ ngoại giao theo lời yêu cầu của Eisenhower. Là tham mưu trưởng của Eisenhower ở Luân Đôn trong
thời gian chiến tranh, Bedell Smith biết hầu hết những nhân vật trong hai đoàn ngoại giao Anh, Pháp. Tuy
mục đích của phái đoàn rất giới hạn, phái đoàn có gần một trăm người, gồm một số nhân viên quan trọng ở
bộ ngoại giao.

Chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ Việt Nam quốc gia quyết định sẽ chống lại về bất cứ một thoả
hiệp nào giữa Pháp với Việt Minh, nhất là đề nghị tạm chia Việt Nam ra làm hai giới tuyến trong thời gian
đình chiến. Chính phủ Hồ Chí Minh, đang thắng thế, lại càng không muốn như vậy. Pháp thì muốn thương
lượng hưu chiến, tạm thời chia Việt Nam làm đôi để có thể di tản chiến thuật. Trung Cộng và Nga đóng vai
cố vấn, nhưng nếu cần sẽ bắt buộc hai đàn em Bắc Hàn và Cộng sản Việt Nam làm theo ý họ. Tất cả còn tuỳ
vào sự nhân nhượng họ kỳ kèo được từ Pháp và Anh Quốc.

Người Pháp không muốn gì hơn là xin thương lượng một cuộc đình chiến lập tức để chỉnh đốn
tình hình quân sự và chính trị. Họ phải xin vì tình hình quân sự của Pháp ở miền bắc rất hiểm nghèo sau khi
Điện Biên Phủ mất. Năm sư đoàn Việt Minh, diệt xong Điện Biên Phủ, đang trên đường tiến về Hà Nội với
một khí thế hùng dũng. Chính quyền Pháp ở nhiều địa phương lần lượt rút khỏi nhiều vùng ở Phủ Lý, Hưng
Yên, Nam Định, Thái Bình.
Hình chụp sau trận Điện Biên Phủ với một số tù binh Pháp bị Việt Minh áp giải khỏi trại giam để
chuẩn bị cho cuộc trao trả tù binh sau Hiệp định Geneve. Pháp muốn thương lượng chia đôi Việt Nam để
tạm thời di tản chiến thuật, nhưng quân đội Việt Minh đang thắng lớn ở miền bắc nên chính phủ của Pierre
Mendès-France không có lợi thế về việc đàm phán. Lúc đó Hoa Kỳ đã muốn can thiệp bằng quân sự, nhưng
chưa có sự yêu cầu của Pháp và Anh Quốc, và Hoa Kỳ cũng không có lý do chánh đáng gì để can thiệp nên
đành đứng ngoài giữ vai trò quan sát viên và "cố vấn" cho Pháp. (VNCTLS sưu tầm)

Pháp đã hết tinh thần cho cuộc chiến. Họ bị thua trận nầy qua trận nọ. Giữa tháng sáu, trong lúc
hội nghị Geneva đang diễn tiến, Chiến Đoàn Lưu Động 100 trên đường ra tiếp viện cho miền trung, bị đánh
tan trên Quốc lộ 14 ở khoảng giữa Ban Mê Thuộc và Pleiku. Đây là một lực lượng mới tinh, với đa số lính
được tiếp viện từ mặt trận Nam Hàn. Thắng thêm trận nầy, Việt Minh thật sự cắt quân đội Pháp ra làm đôi.

Cái tang Điện Biên Phủ, về mặt chính trị đưa đến một số thay đổi trong chính phủ Pháp. Uy tín
của chính phủ Laniel ở quốc hội rất mỏng manh. Trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ngày 13 tháng 5, Laniel chỉ
thắng được hai phiếu, 289-287, và đến ngày 17 tháng 6 thì phải nhường lại cho lãnh tụ của phái thiên tả
Pierre Mendes-France lập một chính phủ mới.

Tướng Ely chuẩn bị sang thay tướng Navarre. Với một chính phủ thân cộng ở Ba Lê (Paris), bộ
chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương yêu cầu mẫu quốc phải thương thuyết nhanh với Việt Minh, nếu
không họ phải di tản đám tàn quân còn lại ở miền Bắc vào Nam. Di tản trong tình trạng quân sự như vậy
cũng đồng nghĩa như thua và phải chạy. Và đó là một sỉ nhục nếu xảy ra cho quân đội viễn chinh "Phú Lang
Sa". Pháp phải thương thuyết để có đường rút khỏi Việt Nam trong vinh dự.

Pháp còn một lá bài trong tay đủ để thương lượng: họ sẽ nhờ Nga và Trung Cộng làm áp lực với
Việt Minh trong cuộc hội nghị. Từ đầu cuộc hội nghị, Phạm Văn Đồng của phái đoàn Việt Minh khẳng định
không muốn chia Việt Nam ra làm hai giới tuyến. Với chiến thắng vừa qua, quân đội Việt Minh có thể đánh
bại Pháp trong vòng một hai năm nữa. Nhưng vì thế lực của các đàn anh Cộng sản bắt phải chia ranh giới để
đình chiến, Việt Minh bây giờ muốn ranh giới ở vĩ tuyến thứ 13, trong khi Pháp muốn vĩ tuyến thứ 18.
Pháp biết họ có thể nhờ ngoại trưởng Nga Vyacheslav Molotov vì Nga cũng muốn thương lượng
với Pháp một vấn đề hệ trọng, có ảnh hưởng trực tiếp với cán cân quân sự ở Đông Âu. Sau hiệp ước NATO
(North Atlantic Treaty Organization, Hiệp Ước Liên Minh Bắc đại tây Dương) năm 1949, Anh và Mỹ muốn
Pháp hợp tác lập ra Cộng Đồng Phòng Thủ Âu Châu (EDC--European Defense Community) trong đó có một
hội viên quan trọng là Tây Đức.

Nhưng Pháp rất lo ngại về việc tái võ trang cho Tây Đức. Pháp đã thành công trong việc ngăn
chặn Tây Đức được nhận làm hội viên của NATO. Gót giầy đế quốc Đức vào đệ nhị thế chiến vẫn còn làm
Pháp sợ. Bây giờ tái trang bị cho Tây Đức thì chẳng khác nào nối giáo cho giặc. Biết được tâm lý của Pháp,
Nga thúc đẩy Pháp đừng ủng hộ cộng đồng phòng thủ EDC, đổi lại Nga sẽ thúc đẩy Việt Minh tìm một thoả
hiệp với Pháp.

Với tình hình chính trị thay đổi như chong chóng của Pháp, mỗi tháng một chính phủ mới,
Molotov nghĩ ông nên thương lượng với chính phủ thiên tả Mendes-France thì hơn. Hơn nữa, sau cái chết
của Stalin, Molotov thấy chiều hướng bộ chính trị Nga muốn hoà hoãn với tây phương (sự hoà hoãn cực
thịnh dưới thời của Kruchchev, từ 1957-62, khi Suslov hạ bệ Kruchchev để làm nóng lại chiến tranh lạnh).

Về phía Trung Cộng: Pháp và Anh Quốc ngầm hứa hẹn công nhận Trung Cộng ở Liên Hiệp Quốc
nếu Trung Cộng làm áp lực được với Việt Minh. Trung Cộng cũng muốn thúc giục Việt Minh đình chiến
ngay vì sợ Hoa Kỳ đem quân vào can thiệp và thiết lập một đầu cầu trên lục địa Đông Nam Á.

Trung Cộng, lần đầu tiên được dự một hội nghị quốc tế (mặc dù sự hiện diện bị phủ nhận bởi Hoa
Kỳ và Việt Nam Tự Do), muốn làm một cái gì để chứng tỏ mình cũng có tiếng nói trên chính trường quốc tế.
Tuần lễ đầu của tháng sáu, Chu Ân Lai bay về Nam Kinh để nói chuyện với Hồ Chí Minh, sau đó trở lại
Geneva gặp riêng thủ tướng Mendes-France một vài lần nhưng Mendes-France từ chối tiết lộ nội dung cuộc
đàm đạo.

Về phía Hoa Kỳ: Hoa Kỳ rất muốn can thiệp bằng quân sự nhưng không được Pháp yêu cầu hoặc
Anh ủng hộ. Từ ngày Điện Biên Phủ mất cho đến ngày bản Tuyên ngôn Geneva được hoàn tất, quân đội Hoa
Kỳ được lệnh chuẩn bị ứng chiến trong trường hợp quân Cộng sản tràn xuống phía nam Đông Dương.
National Security Council (NCS), Hội đồng an ninh quốc gia dưới sự thúc đẩy của John Dulles, họp tới họp
lui tìm một lý do để can thiệp nhưng không tìm được lý do nào chính đáng.

Có ba nhân vật của chính phủ Eisenhower đáng được nhắc đến trong thời khoản nầy vì quyết định
của họ ảnh hưởng đến đường lối ngoại giao Hoa Kỳ đối với Đông Dương trong những năm còn lại của thập
niên 1950. Ba người đó là tổng thống Eisenhower, Ngoại Trưởng Dulles, và Tư lệnh lục quân Matthew
Ridgway. Dulles và Eisenhower muốn đánh, nhưng Ridgway phản đối.

John Foster Dulles, như đã nói ở đoạn trên, là một người chống cộng mãnh liệt. Con của một nhà
giảng đạo, thuộc giòng họ có địa vị chính trị. Ông ngoại John W. Foster và ông cậu Robert Lansing đều là
tổng trưởng ngoại giao. Năm 15 tuổi đã học hết bậc trung học. Theo ngành thần học ở Princeton, tin vào luật
và coi đó như một đạo lý trong liên hệ giữa con người. Cha mẹ muốn ông học thần học để trở thành một mục
sư giảng đạo. Nhưng sau khi học hết bậc cử nhân, ông xin gia đình đi học luật để có thể trở thành một luật sư
cho đạo giáo.
Khi còn đi học luật ở trường đại học George Washington, Dulles chơi thân với hai con trai của
tổng thống đương nhiệm William H. Taft, là Robert và Charles. Và để cho huyền thoại về Dulles được đậm
đà hơn, truyện ký trong ngành ngoại giao Hoa Kỳ còn thêm vào là, vợ của Robert Taft (sau này là một nghị
sĩ và ứng cử viên tổng thống) từng là đào cũ của Dulles trong những lần tụ tập nhẩy đầm.

Hình chụp ngày 11 tháng 11 năm 1954, Ngoại trưởng John Dulles đang điều trần trước Quốc hội
Mỹ về việc thành lập một hiệp hội "ngũ nhạc kiếm phái" SEATO (Southeast Asia Treaty Organization) để
chống lại sự bành trướng của Cộng sản đang lớn mạnh ở vùng Đông Nam Á. Thật ra khối SEATO có sự
tham dự của tổng cộng là 8 quốc gia: Hoa Kỳ, Anh Quốc, Pháp, Philippines, New Zealand, Australia, Thái
Lan, và Hồi Quốc (Pakistan). Trong số những người làm việc cho tổng thống Eisenhower thì John Dulles là
nhân vật chống Cộng mãnh liệt. Lúc đầu, John Dulles đồng ý với chiến lược "containment" (ngăn chặn), tức
là dàn quân nằm đó chờ quân Cộng sản tràn đến thì mới đánh trả, nhưng chỉ là xuất chiêu để phòng thủ mà
thôi chứ không phải đánh cho đến nơi đến-chốn để "phế công lực" kẻ thù. Nhưng về sau, đến năm 1954 thì
Dulles đã thay đổi lối suy nghĩ. Lúc đó ông nghĩ Hoa Kỳ phải theo đuổi một chiến lược khác táo bạo hơn:
Đó là chiến lược mà Hoa Kỳ sẽ sử dụng vũ khí nguyên tử để trả đũa những quốc gia nào dám cả gan gây
hấn. (Al Muto)

Ra trường, làm luật sư cho văn phòng luật Sullivan & Cromwell, một văn phòng luật nổi tiếng
nhất nước Mỹ. Dulles là một trong những người luật sư đầu tiên chuyên lo về thương lượng chính trị. Văn
phòng luật Sullivan & Cromwell đang là đại diện cho chính phủ Mỹ ở Panama trong việc quản trị Kinh Đào
Panama. Dulles được ông cậu Lansing (đang là Ngoại Trưởng Hoa Kỳ) nhờ vả nhiều công chuyện ngoại giao
quan trọng. Những chuyện như thương lượng sự ủng hộ của những quốc gia ở Nam Mỹ khi Hoa Kỳ tuyên
chiến với Đức vào đệ nhất thế chiến.
Năm 1918 Dulles theo phái đoàn của tổng thống Woodrow Wilson tham dự hội nghị hoà bình
Versailles, và một năm sau trở thành đại diện chính thức của tổng thống Wilson ở hội nghị đó. Năm 1942 khi
đang giữ chức Chủ tịch Liên Hội Nhà Nguyện (The Federal Council of Churches), Dulles viết một tiểu luận
về nền tảng luật pháp và chính trị cho toàn thế giới, qua vai trò của Liên Hiệp Quốc, có tên là Sáu Cột Trụ
Của Hoà Bình.

Tiểu luận có sáu điểm chánh: 1) phải có một thoả ước chính trị vững chắc để các quốc gia liên
hiệp có thể trừng trị những kẻ gây hấn, 2) phải hợp tác chặt chẽ về kinh tế và tài chánh, 3) thoả ước chính trị
phải uyển chuyển để có thể thay đổi trong tương lai, nếu cần, 4) tất cả dân tộc trên thế giới đều có quyền tự
trị, 5) phải có cơ quan kiểm soát về quân sự binh bị, 6) và mọi người đều có quyền tự do tôn giáo và tự do tri
thức.

Tiểu luận được sự chú ý của tổng thống Roosevelt, và đó cũng là nền tảng căn bản cho văn kiện
Liên Hiệp Quốc. Theo Dulles, muốn có một nền hoà bình vĩnh cửu trên thế giới, thủ lãnh chính trị của các
đại cường quốc phải biết uyển chuyển với các quốc gia yếu thế. Luật pháp của hoà ước phải có đạo đức.
Muốn có sự uyển chuyển này, chính trị gia phải thay đổi lý thuyết liên tục để có thể phù hợp với một thế giới
không ngừng thay đổi. Hoà bình không có nghĩa là tất cả sẽ bất động, không thay đổi, để chính trị gia hưởng
nhàn.

Dulles lấy thí dụ về nước Đức sau khi thua trận đệ nhất thế chiến rồi lại trở thành Đức Quốc Xã
gây ra đệ nhị thế chiến như một trường hợp điển hình: vì các quốc gia chiến thắng chèn ép Đức quá mức sau
đệ nhất thế chiến. Trong một văn kiện đầu hàng Đức bị bắt buộc ký là phải bồi thường suốt đời cho những
quốc gia nạn nhân của thế chiến thứ nhất. [Quân đội] Đồng Minh không hạn định cho số tiền Đức phải bồi
thường. Đó là một sự vô lý quá đáng, nhưng kẻ chiến thắng có lý do của họ.

Allen Dulles, em của John, kể lại là khi đọc xong văn kiện đầu hàng, đại biểu của Đức đứng lên
không nổi vì cái trách nhiệm quá nặng của bản hiệp ước. Sau này, Hitler khi tuyên chiến thế giới, đã lấy cớ
(và tất cả dân Đức đồng ý) về sự vô lý của hiệp ước Versailles, cho đó là một sự vô luân của luật pháp thế
giới. Với kinh nghiệm đó, Dulles cho rằng một cơ quan chính trị quân sự quốc tế (như Liên Hiệp Quốc)
thành công là một cơ quan biết được giới hạn và cá tính dân tộc của mỗi quốc gia. Cơ quan quốc tế đó phải
sẵn sàng trừng trị những quốc gia phạm luật.

Tài thương nghị và ngoại giao của Dulles sáng hơn khi ông được tổng thống Truman cử đi thương
nghị với Nhật vào năm 1950. Kết quả của hiệp ước là Nhật trở thành một đồng minh mạnh nhất của Mỹ ở Á
Châu.

Là người của đảng Cộng hoà, Dulles liên lạc với nghị sĩ Robert Taft, thống đốc Thomas Dewey,
cả hai đều là ứng cử viên tổng thống với nhiều hậu thuẫn của cử tri đoàn. Nhưng năm bầu cử 1952, Dulles
chọn Eisenhower vì chỉ có Eisenhower mới có khả năng dành lại ghế tổng thống mà đảng Dân Chủ đã giữ
hơn hai mươi năm nay (12 năm Roosevelt, 8 năm Truman).

Ban đầu Eisenhower không chịu ra tranh cử, viện cớ phải mặc áo nhà binh suốt đời (lúc đó
Eisenhower là Thống tướng Tư lệnh Quân Đội NATO. Luật Mỹ bắt tướng năm sao phải tại ngũ vĩnh viễn, trừ
khi được quốc hội cho phép giãi ngũ). Chính Dulles là một trong hai người thuyết phục được Eisenhower đổi
ý (người kia là Henry Cabot Lodge, cựu thông dịch viên Pháp ngữ cho Eisenhower vào đệ nhị thế chiến,
đang là thượng nghị sĩ).

Khi đắc cử tổng thống, dù nể và kính trọng Dulles, Eisenhower rất băn khoăn không biết có nên
chọn Dulles làm ngoại trưởng. Eisenhower sợ Dulles quá già (65 tuổi) và quá quyền thế, khó làm việc với
nhau được. Eisenhower sợ là phải, vì Dulles dù chỉ lớn hơn Eisenhower mười hai tuổi nhưng đã bước lên
quyền thế chính trị lâu hơn Eisenhower nhiều: khi Eisenhower vừa tốt nghiệp trường võ bị West Point (khoá
năm 1915) được vài ba năm, Dulles đã là đại diện cho tổng thống trên chính trường quốc tế. Những tháng
ngày đầu, Eisenhower và Dulles không có vẻ hợp với nhau. Nhưng sau một năm, Eisenhower hoàn toàn tin
tưởng vào Dulles.

Về đường lối và kỹ thuật chống cộng, Dulles đồng ý chủ thuyết "Containment" (ngăn chặn) của
George Kennan là hay. Tuy nhiên chủ thuyết có một khuyết điểm là phải kiên nhẫn, kiên nhẫn để chứng tỏ lý
thuyết "giai cấp vô sản sẽ ngự trị là một hiển nhiên của lịch sử" là sai.

Nhưng người Mỹ không có kiên nhẫn để chặn Cộng sản theo từng địa phương, từng chiến tuyến,
vì phải lo nhiều mặt như vậy chiến lược Mỹ trở thành hỗn tạp, mất đi tính đồng nhất. Chủ thuyết
Containment, trên bình diện cao hơn, mang tính phòng thủ chứ không phải tấn công.

Đầu năm 1954 Dulles đề nghị một chiến lược quân sự khác, một kế hoạch quân sự mà khi dùng
có thể đưa nhân loại vào hố thẳm: Hoa Kỳ sẽ dùng hoả lực nguyên tử để trả đũa toàn diện, quyết liệt, những
quốc gia gây hấn. Dulles nói ngày vui nhất trong đời của ông là ngày tổng thống Truman ra lệnh quân đội
Mỹ được phép dùng mọi hoả lực trong tay để đánh bại cuộc xâm lăng Đại Hàn. Chủ thuyết của Dulles được
mệnh danh là "Brinkmanship" (brink là bờ của cái hố, vực thẳm). Nhưng Dulles biện minh cho chủ thuyết
của ông là: đưa nhân loại đến gần hố thẳm là một nghệ thuật. Cái hay là lúc nào mình biết kéo nhân loại trở
lại đừng cho rớt.

Một tháng trước khi Điện Biên Phủ bị tràn ngập, Dulles tìm mọi cách để đưa quân vào tham chiến
ở Việt Nam nhưng không thành. Sau Điện Biên Phủ, tuy không còn tin vào khả năng quân sự hay chính trị
của Pháp, Dulles vẫn khuyên Pháp giữ bình tĩnh.

Khi được tin tướng Cogny ở Bắc Việt đòi di tản khỏi Hà Nội, Hoa Kỳ nói với Pháp, tuy Điện Biên
Phủ là một thất bại, nhưng sự thất bại đó không có nghĩa là Pháp phải đình chiến và thương lượng với Việt
Minh. Nếu Pháp cắt ra một vùng cho Cộng sản như một điều kiện để đình chiến, Cộng sản sẽ dùng nơi đó
như một bàn đạp, nuốt trọn phần đất tự do còn lạị
Hình chụp vào tháng 8 năm 1962, một sĩ quan cố vấn Biệt động quân Hoa Kỳ đang huấn luyện
một số binh sĩ Việt Nam quốc gia cách thức chiến đấu căn bản với súng trường và đánh xáp lá cà với lưỡi lê.
Trong giai đoạn đầu khi quân đội Hoa Kỳ chưa chánh thức gia nhập cuộc chiến thì một số đông nhân viên
dân-sự và quân-nhân Mỹ đã được tuyển chọn để giúp đỡ quân đội Nam Việt Nam. Giữa năm 1962, có
12,000 người Mỹ (cố vấn quân sự, chuyên viên, huấn luyện viên, v.v.) trợ giúp cho Nam Việt Nam. Đến năm
1963, vì nhu cầu và cường độ chiến tranh gia tăng, con số này đã tăng lên đến 16,000 người. (VNCTLS sưu
tầm)

Hoa Kỳ đề nghị nếu Pháp yêu cầu một cách công khai qua Liên Hiệp Quốc, thì Hoa Kỳ sẽ dùng
mọi biện pháp can thiệp vào Đông Dương ngay (Pháp chưa bao giờ chính thức yêu cầu Hoa Kỳ hay thế giới
tự do can thiệp, vì sợ bị buộc trả lại độc lập hoàn toàn cho Việt Nam và bị hạch hỏi về các thuộc địa khác ở
Bắc Phi).

Cũng nên nói thêm, một trong những điều kiện để Hoa Kỳ can thiệp là sau khi giúp Pháp lấy quân
bình lại tình hình quân sự, Pháp phải cho Mỹ có quyết định vào vấn đề Đông Dương trong tương lai. Đây là
một đòi hỏi Pháp không chấp nhận cho đến năm cuối cùng, năm 1956, của chính quyền Pháp ở Việt Nam).

Nhưng Pháp, một mặt vì tự ái, một mặt không còn đủ nhân lực, tinh thần hay tiền bạc để tiếp tục
chiến đấu, không chấp nhận đề nghị của Hoa Kỳ. Khi thủ tướng Laniel từ chức và tân thủ tướng Mendes-
France tuyên bố ông sẽ thương thuyết thẳng với Việt Minh, Dulles không còn chọn lựa nào khác hơn là để
cho Pháp đi một mình ở Geneva, và Hoa Kỳ sẽ tìm cách đi một mình ở Việt Nam. Đường lối ngoại giao của
Mỹ rất rõ qua lời tuyên bố của ngoại trưởng Dulles: "Tốt nhất là để người Pháp rút ra, sau đó chúng ta sẽ lập
một nền tảng mới". Thái độ của Dulles cũng được thể hiện khi ông và số đông các đại diện quan trọng của
phái đoàn Hoa Kỳ rời Geneva sau khi vấn đề Đại Hàn kết thúc.

Gần ba tuần sau khi hội nghị Geneva hoàn tất, ngày 12 tháng 8 Hội đồng an ninh quốc gia dưới
quyền chủ toạ của Dulles chấp thuận huấn lệnh NSC 5412 (Huấn Lệnh Của Hội đồng an ninh quốc gia về
các hoạt động bí mật). Huấn lệnh cho phép các cơ quan liên hệ dùng mọi khả năng để hoạt động bí mật gây
chia rẽ trong khối Cộng sản, phá hoại chính quyền miền Bắc bằng mọi cách, và xâm nhập tình báo vào đất
của đối phương. Đây chỉ là huấn lệnh đầu tiên của nhiều huấn lệnh mà Dulles và em là Allen, giám đốc cơ
quan tình báo CIA, cho phép đại diện Hoa Kỳ tại các địa phương hoạt động bí mật phá hoại Cộng sản.

Hai quyết định tương phản, đánh và không đánh, giữa tổng thống Eisenhower và tư lệnh lục quân
Ridgway cho thấy hai sự kiện về cách hoạt động và đường lối ngoại giao của Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Thứ
nhất là một tinh thần dân chủ thật sự. Thứ hai là sự không đồng nhất về những quyết định có tính cách chiến
lược quốc gia của chính phủ Hoa Kỳ đối với tình hình Việt Nam.

Eisenhower là tổng thống nhưng Ridgway không nhất thiết phải đi theo lối suy nghĩ của thẩm
quyền. Nhất là khi cả hai đều là lính lục quân và biết nhau từ lâu. Khi phản đối đem lục quân tham chiến ở
Việt Nam, Ridgway đưa ra nhiều lý do rất hữu lý. Ông nói nếu muốn đánh, Hoa Kỳ phải tổng động viên và
tăng ngân sách quốc phòng. Muốn "bình định" quân Cộng sản ở Việt Nam, Mỹ cần tối thiểu là 500,000 quân
và ít nhất là bảy năm. Nếu Trung Cộng đem quân sang giúp Việt Minh, Mỹ phải sử dụng võ khí nguyên tử.
Đừng tin vào khả năng cơ giới của quân đội Mỹ vì tất cả khả năng đó sẽ trở thành vô dụng đối với địa hình ở
Việt Nam.

Khi cố vấn như vậy, Matthew Ridgway đã rút tỉa kinh nghiệm của mình về địa chiến trong hai
trận chiến của binh nghiệp. Nhỏ hơn Eisenhower năm tuổi, nhưng Ridgway ra trường West Point sau
Eisenhower có hai khoá (Eisenhower khoá năm 1915, Ridgway 1917), và đã từng theo Douglas MacArthur
khi ông trời con nầy còn nắm quyền sinh sát ở Philippines. Cùng mang chức đại tá như Eisenhower vào năm
1941, khi Mỹ tham gia vào đệ nhị thế chiến, Ridgway nhiệm chức thẳng lên thiếu tướng chỉ huy Sư đoàn 82
nhảy dù. Sang năm sau được lên trung tướng và coi Quân đoàn 18 nhảy dù (XVIII Airborne Corp, gồm các
Sư đoàn 82, 101, và 17).

Ridgway mang chức trung tướng sau thế chiến, khi vị tư lệnh của chiến trường Đại Hàn bị tử
thương, Ridgway về nắm chức tư lệnh tiền phương của Lộ quân thứ tám, một lộ quân mà chỉ huy trưởng
thường là đại tướng và có nhiều cơ hội trở thành tư lệnh lục quân tương lai, nếu không nói là tham mưu
trưởng liên quân.

Ở chiến trường Đại Hàn, Ridgway thấy tận mắt thế nào là chiến thuật biển người, thế nào là một
chiến tranh giới hạn và những khó khăn chính trị kèm theo. Không phải một mình Ridgway nghĩ quân đội
Mỹ không nên tham chiến ở Việt Nam, phần lớn các sĩ quan cao cấp của lục quân cũng suy luận như ông
(Maxwell Taylor, đang là tư lệnh ở Đại Hàn cũng không đồng ý gửi lục quân qua Việt Nam).

Rời Đại Hàn, Ridgway về giữ chức tư lệnh lục quân, ông thấy nhiệm vụ của ông là phải trả lời
thành thật về khả năng của lục quân khi được hỏi đến. Và khi được Eisenhower hỏi, câu trả lời của Ridgway
là không, dù đó là câu trả lời ngược lại ý kiến của Eisenhower. Trong lần cuối cùng thuyết trình cho
Eisenhower về quyết định của lục quân, Eisenhower ngồi nghe và chỉ hỏi rất vắn tắt. Không có sự ủng hộ
của Ridgway, quyết định can thiệp [vào Việt Nam] của Eisenhower thất bại. Để chắc chắn hơn, Ridgway gửi
một toán thám báo cao cấp sang Việt Nam để quan sát địa hình. Bản báo cáo xác định suy luận của Ridgway
là đúng.
Cá nhân Eisenhower muốn can thiệp bằng quân sự. Nhưng vì là tổng thống và là một nhà ngoại
giao giỏi, ông yên lặng chờ ý kiến của các thẩm quyền ở Bộ Quốc Phòng, Ngoại Giao và bên Hành Pháp,
chưa kể ý nghĩ riêng của hai nhà lãnh đạo Pháp và Anh.

Tấm hình chụp tại chiến trường Đại Hàn vào ngày 6 tháng 4 năm 1951, với ba vị tướng Hoa Kỳ
tại Bộ chỉ huy Quân đoàn của lực lượng Nam Triều Tiên đóng tại một địa điểm 24 km về phía bắc vĩ tuyến
38. Ngồi bên trái là trung tướng Matthew Ridgway, chỉ huy trưởng của Lộ Quân Số 8 lục quân Hoa Kỳ. Ngồi
giữa là thiếu tướng Doyle O. Hickey, Chánh văn phòng Bộ tư lệnh hành quân Mỹ tại vùng Đông Á. Và ngồi
phía bên phải, đeo kính đen với chiếc khăn trắng, là "ông trời con" đại tướng Douglas McAthur. Rời chiến
trường Đại Hàn, trung tướng Matthew Ridgway trở về Mỹ, được thăng đại tướng và giữ chức Tư lệnh lục
quân. Ridgway là người không đồng ý với tổng thống Eisenhower về việc mang quân bộ-chiến Mỹ sang Việt
Nam để ngăn chặn làn sóng Cộng sản. Ridgway cho rằng đó là một việc rất tốn kém và nguy hiểm. Nếu
muốn làm, Hoa Kỳ sẽ cần phải huy động 500,000 quân và việc này có thể sẽ kéo dài đến 7 năm. Đó là chưa
nói đến việc trong trường hợp Trung Quốc đem quân sang giúp Bắc Việt thì Mỹ sẽ phải sử dụng vũ khí
nguyên tử để đánh lại. (VNCTLS sưu tầm).

Là một nhà quân sự tài ba, ông thấy được những khó khăn chính trị và địa lý của chiến trường Á
Châu. Nhưng nỗi ám ảnh của lý thuyết domino (nếu Đông Dương mất vào tay Cộng sản, cả Đông Nam và
Tây Nam Á Châu sẽ mất) làm Eisenhower không thể đứng yên nhìn những thất bại quân sự của Pháp ở Đông
Dương. Đối với Eisenhower, Đông Dương không thuộc riêng của Pháp. Đông Dương là của thế giới tự do.

Dấu hiệu về sự lo lắng đó được thể hiện vào đầu năm 1953 khi ông cử thiếu tướng William
Donovan, cựu tư lệnh tình báo OSS (Office Of Strategic Services), đi làm đại sứ ở Thái Lan như là một tai
mắt của ông, trông coi tình hình chung cho vùng Đông Nam Á. Để phản công Cộng sản, ông đã chấp thuận
hầu hết những đề nghị của ngoại trưởng Dulles và tham mưu trưởng Radford: từ chuyện đem hàng không
mẫu hạm đến eo biển Formosa để dằn mặt Trung Cộng về vấn đề Đài Loan, đến chuyện thả điệp viên Tây
Tạng vào lục địa Trung Cộng và Bắc Hàn để thâu thập tin tức. Và luôn cả chuyện gửi phi cơ oanh tạc và 200
chuyên viên cơ khí hàng không qua hổ trợ Pháp cho đến chuyện phát hoạ kế hoạch dùng vũ khí nguyên tử
chiến thuật để chống lại biển người.

Sử gia Mỹ đồng ý Eisenhower là một nhà lãnh đạo văn võ song toàn, tham mưu giỏi và văn
chương thì khúc triết. Điều đó rất đúng nếu ta đọc sách huấn lệnh do Eisenhower viết. Đó cũng là lý do tại
sao tướng Marshall chọn ông làm tư lệnh quân đồng minh ở Âu Châu trên 335 sĩ quan thâm niên khác. Và
ông chứng tỏ tài lãnh đạo quân sự qua cuộc hành quân Overlord đổ bộ lên Normandy.

Nhưng Eisenhower có kinh nghiệm về chiến trường ở Á Châu hay không thì lại là một nghi vấn.
Trong cuộc đời binh nghiệp, ông chỉ thấy Á Châu qua đôi mắt của một sĩ quan tham mưu khi ông làm tuỳ
viên cho tướng Douglas MacArthur ở Philippines từ 1935 đến 1939 (tương tựa như Ridgway). Ngoài ra,
Eisenhower không biết gì về chiến tranh ở Á Châu.

Eisenhower để lộ sự khiếm khuyết về kinh nghiệm đó khi ông chấp nhận một vài kế hoạch giải
cứu Điện Biên Phủ của tướng O'Daniel và tướng Radford. O'Daniel, trưởng phái đoàn Cố Vấn Viện Trợ quân
sự (Military Assistance Advisory Group, viết tắt là MAAG) đề nghị tướng Navarre dùng tất cả lực lượng cơ
hữu (thiết giáp và thiết kỵ) và bộ binh, từ Hà Nội theo Quốc lộ 6 đánh thẳng ra Điện Biên Phủ.

Trong hồi ký, Eisenhower ngạc nhiên hỏi tại sao Navarre không làm theo kế hoạch của O'Daniel.
Rõ ràng Eisenhower không hiểu gì về địa lý của núi rừng miền nhiệt đới. Làm sao di chuyển được một đoàn
quân cơ giới trong rừng trên một lộ trình dài hai trăm cây số, nhất là miền rừng núi thượng Lào.

Đã bao nhiêu lần trong chiến tranh Việt-Pháp, quân đội cơ giới Pháp chỉ có thể hoạt động trong
một phạm vi bốn mươi, năm mươi cây số là tối đa. Những lần tấn công lên Việt Trì, Hoà Bình, đã chứng
minh sự giới hạn của quân cơ giới và bộ binh. Sự huỷ diệt của đoàn cơ giới Groupe Mobile 100 trên đoạn
đường giữa Pleiku và Kontum là một chứng minh cho sự khó khăn đó.

Chính Eisenhower đã kinh nghiệm được sự giới hạn của cơ giới ngay trong đệ nhị thế chiến. Sau
khi cuộc đổ bộ lên Normandy thành công, Eisenhower ra lệnh cho Sư đoàn 1 nhảy dù (Anh Quốc) nhảy vào
chiếm Arnhem, Hoà Lan, trên bờ sông Rheine để giữ những chiếc cầu trên sông đó đừng cho Đức phá sập.
Từ căn cứ chính của Đồng Minh đến Arnhem chừng 220 cây số, Eisenhower hứa với quân nhảy dù là ráng
giữ Arnhem chừng hai tuần, bộ binh và cơ giới sẽ đến thay.

Quân Dù cầm cự hơn một tháng với gần 12,000 quân chết nhưng bộ binh cơ giới vẫn không qua
nổi những cuộc phục kích của quân Đức dọc trên lộ trình để tiếp cứu Arnhem. Về địa hình, đất ở Âu Châu
quang đãng, đường di chuyển rộng, tiện cho cơ giới nhiều hơn địa hình ở Việt Nam, vậy mà quân đồng mnh
tiến không nổi, thì làm sao Pháp có thể đánh từ Hà Nội ra Điện Biên?

Kế hoạch của tham mưu trưởng Radford cũng không kém hào hứng: dùng máy bay thả một số xe
ủi đất xuống một địa điểm cách Điện Biên Phủ chừng 70 cây số để thiết lập một phi trường. Dùng phi trường
đó để đổ bộ chiến cụ và lực lượng tiếp cứu, rồi từ đó đánh vào giải vây Điện Biên Phủ. Nhưng nghĩ cho kỹ,
kế hoạch của Radford lại tạo ra thêm một Điện Biên Phủ nhỏ nữa: Việt Minh sẽ bao vây toán lính và thợ xây
phi trường. Hơn nữa, Pháp không đủ phi cơ và phi công để bay tiếp tế cho Điện Biên Phủ, làm gì họ còn khả
năng để thực hiện kế hoạch của Radford.
Thái độ "diều hâu" của Eisenhower về sự can thiệp vào Việt Nam bộc lộ rõ hơn khi Anh Quốc từ
chối ủng hộ kế hoạch của Hoa Kỳ, Eisenhower tuyên bố: "Mỹ không cần sự hỗ trợ của Anh Quốc ở Á Châu".
Hoa Kỳ, dưới sự lãnh đạo của Eisenhower, quyết định đi một mình ở Việt Nam.

Trong lúc hội nghị Geneva đang diễn ra, Hoa Kỳ tìm sự ủng hộ của Việt Nam quốc gia qua quốc
trưởng Bảo Đại. Trong tiến trình đó, Hoa Kỳ cũng dòm ngó tìm người để có thể ủng hộ trong tương lai. Ngày
18 tháng 5 năm 1954, phó đại biểu của phái đoàn là Phó Ngoại Trưởng Bedell Smith được mời đến nói
chuyện với Ngô Đình Luyện, đại diện đặc biệt của Bảo Đại ở Geneva (đại diện chính thức của Việt Nam
quốc gia là Nguyễn Quốc Định, từ giữa tháng sáu trở đi là Trần Văn Đỗ).

Trong cuộc hội kiến, Ngô Đình Luyện nói Bảo Đại muốn cử Ngô Đình Diệm làm thủ tướng trong
vài ngày sắp đến. Bedell Smith đồng ý và yêu cầu toà đại sứ Mỹ ở Ba Lê liên lạc với Diệm. Hai ngày 24 và
25 cùng tháng, Diệm được mời đến nói chuyện với đại sứ Dillon. Sau lần gặp gỡ, Dillon gởi Washington
nhận xét của ông về Ngô Đình Diệm: "Thật là một điều khó tin khi chọn ông Diệm là thủ tướng. Dáng dấp
như một thầy tu đạo Lão mà phải chuẩn bị nhận lãnh trách nhiệm hệ trọng của một thủ tướng. Nhưng sự khó
tin đó sẽ không còn vô lý vì nghĩ cho kỹ, ông Diệm khá hơn những người tiền nhiệm của ông". (Những thủ
tướng tiền nhiệm mà Dillon nói đến là Bửu Lộc, Nguyễn Văn Tâm, Trần Văn Hữu và Nguyễn Văn Xuân).

Trung tuần tháng sáu, như đã sắp đặt trước, thủ tướng Bửu Lộc từ chức và Bảo Đại chỉ định Ngô
Đình Diệm lên thay. Ngày 25 tháng 6/1954 ông Diệm về Saigon để chuẩn bị tựu chức. Sau khi đưa ông Diệm
về Việt Nam, Mỹ tính tới vấn đề Bảo Đại. Cùng trong tháng, đại sứ Dillon cố vấn Washington làm thế nào để
điều khiển Bảo Đại. Theo ông, Hoa Kỳ không nên truất phế Bảo Đại vào lúc này. Ngược lại phải mua chuộc
vị quốc vương bằng tiền bạc. Nếu cần, Hoa Kỳ sẽ hợp tác với Pháp, kiểm soát vấn đề tài chánh và lợi tức của
Bảo Đại để buộc ông làm theo mục đích của Hoa Kỳ. Vậy là Hoa Kỳ quyết định chọn Ngô Đình Diệm làm
thủ tướng. Điều đó cũng có nghĩa Hoa Kỳ sẽ dùng ông Diệm để thay thế quốc trưởng Bảo Đại trong tương
lai, một điều mà họ muốn làm từ năm 1951.

Cho đến đầu năm 1953, CIA (Central Intelligence Agency, cơ quan tình báo Hoa Kỳ) chưa có hồ
sơ hay tài liệu gì về Ngô Đình Diệm. Cơ quan CIA chỉ tình cờ biết đến ông Diệm vào mùa xuân 1954. Theo
Robert Amory, phó giám đốc CIA đương thời, trong một buổi tiệc ông nghe tên ông Diệm qua Thẩm P+hán
Tối Cao Pháp Viện William Douglas (Douglas biết ông Diệm trong một lần qua thăm Saigon vào năm 1952).
Douglas nói với Armory một người Việt hiện đang ở Mỹ có thể hổ trợ đường lối ngoại giao của Hoa Kỳ ở
Việt Nam. Người đó là Diệm.

Amory ghi chi tiết cuộc đối thoại vào sổ tay và nhờ nhân viên tìm thêm về lý lịch của Diệm ngày
hôm sau, nhưng cơ quan CIA không có hồ sơ gì về ông Diệm. Trong một buổi họp tiếp theo, Amory đem
chuyện đó nói cho giám đốc Allen Dulles và phó giám đốc Frank Wisner. Từ đó Wisner lập một hồ sơ về ông
Diệm.

Tình báo CIA làm việc hơi chậm. Bộ ngoại giao Mỹ đã biết đến Ngô Đình Diệm từ năm 1950 khi
ông và linh mục Ngô Đình Thục xin giấy xuất cảnh qua thăm Mỹ. Chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Diệm
được sự bảo trợ của trường đại học Michigan State. Lý do đại học Michigan State có liên hệ đến chuyến
viếng thăm của ông Diệm là vì một giáo sư của đại học biết và mời Diệm qua thăm Mỹ. (Vài năm trước, khi
ông Diệm qua Nhật ông quen được Wesley R. Fishel. Lúc đó có tin đồn Fishel đang làm việc cho CIA.
Chuyện này không biết đúng hay không, nhưng sau khi ông Diệm về nước, trường đại học Michigan ký được
một hợp đồng với chính phủ Hoa Kỳ, đảm trách việc huấn luyện về hành chánh và cảnh sát cho Việt Nam
cộng hoà. Fishel là trưởng nhóm của đại học Michigan. Sau này vài giáo sư của nhóm khai rằng 4 nhân viên
của nhóm là nhân viên của CIA.).

Trước khi ông đi, lãnh sự Hoa Kỳ ở Saigon là Edmund A. Gullion có đánh một điện tín về
Washington nói sơ lược về thái độ chính trị của hai ông Diệm và Thục. Gullion nói hai ông là nhà ái quốc
nhưng đồng thời cũng là những chính trị gia đón gió trở cờ. Đến Mỹ, Diệm và Thục được tiếp đón ở Bộ
ngoại giao. Nhờ sự quen biết của ông Thục với Hồng Y Francis Spellman, hai anh em ông được giới thiệu
đến nhiều nhân vật trong chính quyền Hoa Kỳ. Ông Diệm quen được các thượng nghị sĩ có tiếng như Mike
Mansfield, Clement J. Zablocki, và John McCormack. McCormack hai năm sau là chủ tịch Hạ Viện và
Zablocki là chủ tịch Uỷ ban Ngoại Giao.

Thẩm phán Douglas đã đưa ông Diệm đi ăn trưa với thượng nghị sĩ Kennedy. Nhưng sự quen biết
với Hồng Y Spellman là quan trọng nhất đối với cuộc đời chính trị của ông Diệm. Cùng là người công giáo,
Hồng Y Spellman biết và thân với cha của Thượng Nghị Sĩ Kennedy. Joseph Kennedy lúc đó là đại sứ ở Anh
Quốc, khi có gì cần, Spellman thường gọi nói chuyện thẳng với ông đại sứ.

Vai trò của Spellman đối với Diệm quan trọng hơn khi Kennedy trở thành tổng thống bảy năm
sau. Ông Diệm sống gần hai năm ở Mỹ, cư ngụ phần lớn ở chủng viện Mary Knoll ở New Jersey và New
York. Thỉnh thoảng ông đi diễn thuyết ở đại học Cornell. Chính nhờ một bài diễn văn đọc ở Hội Nghiên Cứu
Á Châu (Association of Asian Studies), người Mỹ chú ý về Diệm nhiều hơn.

Từ đầu năm 1951, giới ngoại giao Hoa Kỳ có ý định muốn thay Bảo Đại, và Diệm là một trong
những người có thể thế chỗ. Những tay ngoại giao như Livingston Merchant (Thứ Trưởng Vụ Viễn Đông),
Edmund Gullion, các dân biểu Kennedy, Edna Kelly (một uỷ viên của ban ngoại giao hạ viện) đang tạo áp
lực để thay Bảo Đại vì họ nghĩ ông không xứng đáng.

Một số đông dân chúng nghĩ ông là một thất vọng đối với đất nước. Địa vị ông bị người Pháp sử
dụng như một công cụ Chức quốc trưởng chỉ là một tước vị theo đúng nghĩa của nó. Nhưng thế lực của Pháp
và Bảo Đại quá mạnh vào những năm đó, người Mỹ chưa chen vào nội bộ của Pháp và Việt Nam được. Bảo
Đại rất quyền thế, ông thay thủ tướng như cơm bữa. Trong 5năm từ 1949 đến 1954, Bảo Đại thay bốn thủ
tướng và ra lệnh họ đổi nội các tám lần. Chuyện thay đổi rất dễ vì ngân sách quốc gia nằm trong tay Pháp, và
Pháp có tiếng nói với Bảo Đại. Phải chờ đến năm 1954 khi nước đã đến chân và người Pháp không còn chỗ
nào chạy, Mỹ mới "đảo chánh" được Pháp và đưa Ngô Đình Diệm vào.l

Hơn một tháng sau ngày thủ tướng Diệm tựu chức, Hội đồng an ninh quốc gia Hoa Kỳ ra huấn
lệnh NSC 5429 cho Bộ ngoại giao giúp Diệm nới rộng thế lực chính trị, và dùng mọi biện pháp để truất phế
Bảo Đại. Hai mục tiêu chính của huấn lệnh NSC 5429 là giúp Việt Nam quốc gia và hoạt động phá hoại
chính phủ của Việt Minh ở miền Bắc cùng các nhóm thân cộng ở Cam Bốt và Lào. Với huấn lệnh mang tên
"Thẩm định lại đường lối của Hoa Kỳ ở Viễn Đông", người Mỹ trực tiếp liên hệ vào tương lai của Việt Nam,
Lào và Cam Bốt gần hai mươi năm sau.
Tháng 6 năm 1954 là tháng rất bận rộn của chính phủ Hoa Kỳ về Việt Nam. Sự bổ nhiệm cựu
giám đốc tình báo OSS, William J. Donovan, làm đại sứ ở Thái Lan, và đại tá không quân Edward G.
Lansdale làm phụ tá cho tướng O'Daniel ở MAAG là dấu hiệu sự "phản công" của Mỹ ở Đông Nam Á.

Sau khi kỳ kèo bớt một thêm hai giữa Anh, Pháp, Trung Cộng và Nga đã xong, hiệp định Geneve
bắt đầu thành hình. Báo chí quốc tế ca tụng về sự "kiên nhẫn" của Molotov và Chu Ân Laii. Họ phải kiên
nhẫn vì quyền lợi tương lai của họ đang được quyết định trong thoả ước. Vào những ngày cuối cùng của hội
nghị, Anh năn nỉ Hoa Kỳ nên gửi đại diện qua để chứng kiến sự biểu quyết của bản văn kiện. Hoa Kỳ đồng ý
với điều kiện Mendes-France phải hứa đem vấn đề EDC ra quốc hội để biểu quyết (dự thảo EDC được đưa ra
quốc hội Pháp để biểu quyết vào cuối tháng tám, và quốc hội biểu quyết… là nên gác lại dự thảo đó cho đến
lần họp tới. Sáu tháng sau, nội các Mendes-France bị lật).

Bedell Smith nhận lệnh trở lại Geneva với chỉ thị của Bộ ngoại giao là Hoa Kỳ chỉ ghi nhận chứ
không được công nhận những tuyên ngôn của các quốc gia tham dự.

Mười hai giờ đêm ngày 20 tháng 7, 1954 hiệp ước đình chiến ở Việt Nam được ký giữa Chuẩn
tướng Henri Deltiel, đại diện Pháp và thứ trưởng quốc phòng Tạ Quang Bửu của chính phủ Việt Nam Dân
Chủ Cộng hoà. Hiệp ước này thiết lập những tiêu chuẩn có tính cách quân sự để kiểm soát lẫn nhau.

Hiệp ước gồm sáu chương với 47 điều. Những điều quan trọng là tạm chia Việt Nam ra làm hai
vùng kể từ vĩ tuyến 17, hai bên có 300 ngày để rút quân về vùng của mình, dân hai vùng có quyền di tản qua
lại cho đến ngày hết hạn rút quân (300 ngày), hai vùng không được du nhập thêm vũ khí, binh lính hoặc quân
dụng, và hai quốc gia Việt Nam Dân Chủ Cộng hoà (VNDCCH) và Pháp có bổn phận thi hành và bảo đảm
hiệp định dưới sự kiểm soát của Uỷ ban quốc tế kiểm soát đình chiến (uỷ viên đến từ Ấn Độ, Ba Lan và
Canada).
Hình chụp vào tháng 8 năm 1954 tại Hải Phòng. Một giang vận hạm Pháp đang chuẩn bị đưa
một số người từ miền Bắc về Đà Nẵng. Trong cuộc di cư vĩ đại này, đã có khoảng 900,000 người dân đã rời
quê hương xứ sở tại miền Bắc để vào Nam định cư. (VNCTLS sưu tầm).

Ngày hôm sau, 21 tháng 7, tất cả quốc gia tham dự (Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Trung Cộng, Nga, Việt
Nam Dân Chủ Cộng hoà, Việt Nam quốc gia, Lào và Cam Bốt) họp lại phát biểu những cam kết chung về
Hiệp định Geneve. Chính trong lần phát biểu cuối cùng này, các quốc gia tham dự đồng ý hai miền nam và
bắc Việt Nam sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào năm tới để quyết định cuộc tổng tuyển cử vào ngày
20 tháng 7, 1956 nhằm tiến đến việc thống nhất đất nước. Sau đó, mỗi quốc gia được phát biểu ý kiến riêng
của họ về Hiệp định Geneve.

Hoa Kỳ và Việt Nam quốc gia phát biểu sự phản đối đối với hiệp định. Không quốc gia nào ký tên
vào bản văn kiện. Họ chỉ đồng ý bằng miệng. Hội nghị Geneva kết thúc như đã bắt đầu: sự thương lượng chỉ
là một quyết định chiến thuật, nghỉ một chút để dưỡng quân rồi đánh lại. Hiệp định Geneve là một thí dụ về
trường hợp vận mệnh của các quốc gia nhỏ nằm trong tay những cường quốc lớn, và bị buộc phải làm theo ý
của họ. Hiệp định Geneve là một thất bại về phương diện luân lý của công pháp quốc tế, một triết lý chính trị
mà ngoại trưởng John Dulles tôn sùng.

Pháp cho Việt Nam quốc gia được độc lập (dù là trên giấy tờ), nhưng Việt Nam quốc gia không
được có ý kiến về hiệp ước đình chiến. Việt Nam Dân Chủ Cộng hoà không muốn đình chiến, nhưng Nga và
Trung Cộng bắt họ phải đình chiến. Hoa Kỳ hứa sẽ không làm gì ngược lại (nhưng không có nghĩa là tuân
theo) những điều khoản của hiệp định, nhưng đây chỉ là hứa miệng vì bộ máy tình báo của họ đã được lệnh
hoạt động với mục đích phá vỡ những cam kết giữa Pháp và ba quốc gia Đông Dương.

Hiệp định Geneve khai sinh hai nước nam, bắc Việt Nam từ hai người bảo trợ có hai ý thức hệ
chính trị khác nhau. Trong một hoàn cảnh bất khả kháng đó, mỗi quốc gia phải hiện hữu theo cái mô hình
đang có, không phải vì họ muốn mà tại vì họ phải làm như thế. Cả hai đều phải theo một guồng máy chính trị
của dưỡng phụ mình. Chính phủ của Hồ Chí Minh ở miền bắc và chính phủ của Ngô Đình Diệm ở miền nam
không có chọn lựa nào khác hơn.

Trong bản Ước lượng tình báo quốc gia (NIE, viết tắt là National Intelligence Estimate) đầu tiên
về Việt Nam của cơ quan CIA, tương lai miền nam trong vài năm sắp đến không được khả quan lắm. Trung
ương Tình Báo tiên đoán miền nam sẽ có nhiều khó khăn về chính trị, quân sự và hành chánh. Cán bộ liên hệ
với Việt Minh còn nằm vùng ở miền nam sẽ gây khó khăn về an ninh cho chính phủ. Liên hệ Việt-Pháp sẽ có
nhiều sóng gió vì Pháp không có vẻ ủng hộ ông Diệm. Và nếu cuộc bầu cử thống nhất hai miền được tổ chức
như thời gian đã định (20 tháng 7 năm 1955), chính phủ Hồ Chí Minh sẽ chắc thắng.

Vào giữa tháng 10 năm 54, Hoa Kỳ có một kế hoạch để củng cố chánh quyền miền nam và để
dành hẳn Việt Nam quốc gia khỏi tay người Pháp: Hoa Kỳ thông báo cho thủ tướng Mendes-Frances là từ
đây về sau tất cả viện trợ sẽ được giao thẳng cho chính phủ Việt, Cam Bốt và Lào chứ không còn qua tay
Pháp. Đồng thời, để cho Pháp thấy ai đang là ông chủ mới ở Đông Dương, Mỹ thiết lập toà đại sứ ở Cam Bốt
và Lào, và cam kết huấn luyện quân sự cho quân đội của ba quốc gia nếu có lời yêu cầu.
Với cái "may mắn" Điện Biên Phủ, sau Hiệp định Geneve người Mỹ có dịp tẩy xoá ảnh hưởng
của Pháp ở Đông Dương để bắt đầu làm lại. "Điện Biên Phủ là một tai hoạ cho Pháp nhưng là một dịp may
cho Hoa Kỳ". Ngoại trưởng Dulles đã một lần thổ lộ như thế.

Trong năm 1954, Việt Nam cộng hoà (VNCH) trải qua một thời kỳ nhiễu nhương nhất của lịch sử
kể từ lúc Pháp chiếm Nam Kỳ gần 90 năm về trước. Nước Việt Nam cộng hoà mà thủ tướng Ngô Đình Diệm
và người Mỹ phải đối diện chính là một "quốc gia trong những quốc gia".

Không như miền Bắc, miền Nam có một đặc tính tự do chính trị mà miền bắc không có. Chuyện
đó dễ hiểu: người miền nam đã có kinh nghiệm dân chủ tây phương hơn miền Bắc hai thập niên. Và kinh
nghiệm đó làm tinh thần người Nam khác người Bắc. Sự tự do chính trị ở miền nam đưa đến bốn "quân đội"
của Hoà Hảo, Cao Đài, Bình Xuyên và của tướng thân Nguyễn Văn Hinh, và mười hai đảng phái chính trị
khác. Tất cả đều đại diện một nhóm nào đó ở miền nam. Vả tất cả đều muốn có tiếng nói trong chính phủ.

Quân đội Việt Nam cộng hoà(i) nói là độc lập nhưng cao uỷ Pháp vẫn còn gắn lon và giao nhiệm
vụ quan trọng cho những người họ thích. Chính quyền Trung ương bị cô lập vì mỗi địa phương bị cai trị bởi
một lãnh sứ. Quản trị hành chánh của chính quyền Trung ương gần như vô hiệu lực vì không có người điều
khiển hay biết điều khiển. Chính phủ nhận "tối hậu thư" của đảng phái đối lập hàng ngày. Chính quyền Pháp
có mặt ở Việt Nam chỉ để bảo vệ quyền lợi của kiều dân Pháp, chính quyền Việt Nam thì quá yếu để có áp
lực trong buổi giao thời. Trong hai năm đầu tiên, các vấn đề về kinh tế, tài chánh, quân sự, và nhân lực là
những vấn đề ưu tiên người Mỹ thấy cần phải giải quyết.

Quân đội Việt Nam quốc gia có chừng 150,000 quân chủ lực và hơn 50,000 quân Bảo An. Nhưng
đó chỉ là những con số. Đơn vị cao nhất là cấp tiểu đoàn, cấp bực cao nhất là đại tá, với một số sĩ quan mang
quốc tịch Pháp (các tướng lãnh trong cuộc đảo chánh năm 1963 đang còn mang cấp năm 1955). Ban tham
mưu cao cấp của quân đội còn trong tay người Pháp. Tinh thần "huynh đệ chi binh" vẫn chưa thật sự hiện
hữu vì sĩ quan và binh sĩ không thật sự sống gần nhau cho đến những năm cuối cùng của cuộc chiến (vì trước
đó cấp chỉ huy là Pháp).
Tấm hình chụp vào ngày 2 tháng 6 năm 1954 với những người lính Việt Nam thuộc tiểu đoàn 3
nhảy dù trong cuộc diễn hành tại Hà Nội. Vào thời đó, lực lượng nhảy dù còn nằm trong hệ thống chỉ huy
của quân đội Pháp (quân đội liên hiệp). Tháng 7 năm 1954, hiệp định Geneve được ký kết, các đơn vị nhảy
dù đồn trú tại miền Bắc gồm có: tiểu đoàn 3 của Trung uý Phan Trọng Chinh, tiểu đoàn 5 của đại uý Le
Chaud, và tiểu đoàn 7 của đại uý Trịnh Xuân Nghiêm. Hai tháng sau, ngày 29 tháng 9/1954 tại Nha Trang
quân đội Pháp chính thức bàn giao quyền chỉ huy các đơn vị nhảy dù lại cho Việt Nam. Đó là ngày Liên
Đoàn nhảy dù Việt Nam chính thức ra đời và được đặt dưới quyền chỉ huy của trung tá Đỗ Cao Trí.
(VNCTLS sưu tầm).

Tỉ số sĩ quan, hạ sĩ quan và lính rất chênh lệch: khoảng 650 sĩ quan hiện dịch cho một quân đội
hai trăm ngàn người. Trường hợp thiếu sĩ quan đã đưa đến hoàn cảnh sĩ quan cấp đại uý đã được chỉ huy cấp
trung đoàn (đúng tiêu chuẩn phải là trung tá hoặc đại tá). Đó là chưa kể một số sĩ quan tốt nghiệp trường võ
bị nhưng vẫn còn ý tưởng chống lại quân đội Pháp hoặc Việt Nam cộng hoà. Dân chúng rất thờ ơ và lãnh
đạm với quân đội, vì dưới mắt họ quân đội này chỉ là một quân đội của thực dân.

Nếu quân đội chỉ là những con số tượng trưng, thì kinh tế và tài chánh là một con số không: kinh
tế nằm trong tay Pháp, và Pháp sắp dọn đi, đem theo tất cả tài sản tích luỹ được trong những năm đô hộ. Nền
kinh tế thực dân Pháp xây dựng ở Việt Nam được đặt trên một căn bản duy nhất: làm lợi cho mẫu quốc. Theo
chiều hướng đó, kỹ nghệ chỉ sản xuất những gì mẫu quốc cần từ tài nguyên thuộc địa, và nhập cảng từ Pháp
những gì nội địa cần. Bị giới hạn vào kinh tế thực dân, kỹ nghệ Việt Nam không phải là kỹ nghệ để phát triển
quốc gia. Thêm vào khuyết điểm đó, chín năm chiến tranh làm hao mòn cơ cấu địa hình cần thiết cho việc
phát triển kinh tế (đường giao thông thuỷ và địa lộ, cầu cống, nhà máy, tài nguyên thiên nhiên, v.v.).

Trong năm 1954, Việt Nam xuất cảng được 1 tỉ 700 triệu nhưng phải nhập cảng hơn 9 tỉ đồng.
Trong khi đó ngân quỹ quốc gia bị thâm lạm trầm trọng. Tổng sản lượng quốc gia trong năm 1955 là 5 tỉ 500
triệu, so với số chi tiêu là 13 tỉ 300 triệu. Số tiền thiếu hụt gần 8 tỉ này tìm ở đâu ra nếu không nhờ vào viện
trợ.

Về phương diện tài chánh, người Pháp không ra đi với bàn tay trắng. Trong suốt năm 1953 và
1954, Pháp kiều chuyển một số lớn tài sản ngược về nước họ. Vì tài sản tích luỹ ở Việt Nam chỉ nằm trong
tay hai hoặc ba ngàn gia đình đại tư bản, sự chuyển ngân rất dễ và nhanh chóng. Chuyện chuyển ngân ngược
về Pháp là một chuyện khó tin trong nền kinh tế hiện đại, nhưng đó là những gì đã xảy ra dưới nền kinh tế
thực dân (ngày nay, khi đầu tư ở một nước khác, công ty chỉ có thể tái hoàn món tiền đầu tư --repatriation of
capital investment-- sau một thời gian từ 15 đến 25 năm, và chỉ được đem về một phần nào mà thôi).

Chưa hết, trong năm sau cùng của cuộc chiến, Cao uỷ Đông Dương đã mượn ngân hàng Đông
Dương hơn tám tỉ đồng để xung vào quỹ chiến tranh, và bây giờ Việt Nam có trách nhiệm phải trả. Mười
năm về trước, khi nhận định về thực dân Pháp, tổng thống Rooservelt nói Pháp đã cai trị Việt Nam gần một
trăm năm rồi, và sau thời gian đô hộ đó Việt nam còn tệ hơn lúc người Pháp chưa đến. Tình cảnh của Việt
Nam vào năm 1954 đúng như lời phát biểu của Rooservelt.

Tài nguyên thiên nhiên và tính chăm chỉ cần cù của một dân tộc chưa đủ để xây dựng cho quốc
gia hùng mạnh. Đất nước còn phải có cán bộ, chuyên viên để quản trị việc hành chánh của cơ cấu chính
quyền. Nói đơn giản hơn, quốc gia cần có thợ để chạy bộ máy nhà nước. Việt Nam không đủ chuyên viên
thay Pháp để quản trị một cách độc lập guồng máy quốc gia do người Pháp giao lại. Cũng như chánh sách
kinh tế, mục đích của nền giáo dục Pháp ở Việt Nam chỉ để huấn luyện học sinh hoặc chuyên viên đủ trình
độ làm việc cho họ, chứ không quá cao để họ phản lại người Pháp.

Trừ một số người được may mắn qua Pháp học và được tiến thân không giới hạn, học sinh ở Việt
Nam gần như bị giới hạn vào bậc cử nhân (cho đến năm 1955 lần đầu tiên mới có luận án tiến sĩ trình ở
Saigon). Trong niên khoá 1953-54, chỉ có 190 người đậu tú tài I và 111 người đậu tú tài hai. Bậc trung học
thì có 649 đậu bằng trung học đệ nhất cấp (trên tổng số 1,376 thí sinh).

Cùng niên khoá, có 38,024 thí sinh dự thi bằng tiểu học, nhưng chỉ có 25,662 người đậu. Ở cấp
cao hơn, bậc đại học có 415 sinh viên được giảng dạy bởi 75 giáo sư. Ở trường chuyên nghiệp có 530 học
viên với 36 giảng viên. Đây là một tỉ lệ rất nhỏ so với một dân số mười sáu triệu người. Những trường cần
thiết để đào tạo chuyên viên như cao đẳng công chánh, sư phạm hoặc quốc gia hành chánh, chỉ đào tạo được
một số rất ít chuyên viên hàng năm, không đủ cung ứng cho những đòi hỏi địa phương. Những ngành như tài
chánh, kinh tế, thuế vụ, nông nghiệp thì số chuyên viên chỉ đếm được trên đầu ngón tay nếu không muốn nói
là không có.

Cộng vào tất cả những khó khăn của hạ tầng cơ sở nói trên, Việt Nam vẫn chưa hoàn tất được cái
thượng tầng cơ sở quan trọng: về chính trị, từ khi độc lập cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa viết được một
hiến pháp để nói lên thể chế và ý thức hệ chính trị của miền nam tự do. Ở ngoài bắc, chính phủ Hồ Chí Minh
đã có một hiến pháp từ 1949, dù hiến pháp đó có là tiếng nói của toàn dân hay không.

Với bao nhiêu khó khăn đang chờ sẵn, đây là một "dịp may" cho người Mỹ nhảy vào để chứng tỏ
họ có thể quản trị và biến Việt Nam thành một tiền đồn ở Đông Nam Á. Người Mỹ đã chờ cơ hội này từ lâu.
Một tháng trước ngày ông Diệm về Việt Nam, một vị cứu tinh đã chờ ông ở Saigon. Vị cứu tinh
đó là Edward Geary Lansdale. Lansdale đến Saigon với một nhiệm vụ tối khẩn là phải xây dựng một nền
móng vững chắc cho Việt Nam cộng hoà.

Viết về lịch sử của Việt Nam trong giai đoạn đầu tiên mà không nhắc đến Lansdale là một thiếu
sót. Lansdale gắn liền với nền đệ nhất cộng hoà như chính hai ông Diệm và Nhu. Tuy phục vụ ở Việt Nam
được hơn ba năm (hai năm 1954, 1956, và năm 1967 khi làm phụ tá đặc biệt cho đại sứ Ellsworth Bunker)
nhưng Lansdale đã để lại một ảnh hưởng sâu rộng với những cơ sở chính quyền đầu tiên của Việt Nam cộng
hoà.

Đại tá không quân Edward Lansdale đến thăm Việt Nam lần đầu cùng với phái đoàn của tướng
O'Daniel vào tháng 6 năm 1953. Tháng 4 năm 1954 giám đốc cơ quan tình báo CIA là Allen Dulles ra lệnh
Lansdale trở lại Việt Nam với một nhiệm vụ mới. Allen Dulles không nói rõ nhiệm vụ của Lansdale là gì, chỉ
biết ông dặn Lansdale đến Việt Nam làm việc "âm thầm," làm giống như những gì Lansdale đã làm ở
Philippines (Philippines).

Sanh năm 1908, Lansdale là một chuyên viên về quảng cáo thương mại trước khi bị động viên.
Gia nhập binh chủng lục quân vào Đệ Nhị Thế Chiến, Lansdale phục vụ trong sở tình báo OSS (Office of
Strategic Services), lo về tâm lý chiến. Khi binh chủng không quân được thành lập năm 1947, ông xin thuyên
chuyển qua và được phục vụ ở Philippines. Tuy nói là dân không quân nhưng Lansdale được tình báo CIA
"mượn" về làm việc hơn 12 năm (sở OSS bị giải tán năm 1945, sở CIA được thành lập năm 1947).
Tấm hình chụp vào ngày 26 tháng 6 năm 1955 trước Toà Đô Chánh tại Saigon. Trên hai tấm biểu
ngữ có ghi kết quả của cuộc trưng cầu dân ý trên toàn quốc, bày tỏ sự ủng hộ của người dân về việc bầu ông
Ngô Đình Diệm lên làm vị tổng thống đầu tiên của nước Việt Nam cộng hoà. quốc gia này được chánh thức
được khai sanh vào ngày 26 tháng 10 năm 1955. Lúc đó quân đội VNCH có khoảng 167,000 binh sĩ hiện
dịch. (VNCTLS sưu tầm). Không có bao nhiêu sách nói về cuộc đời của Lansdale vì hành tung và nhiệm vụ
của ông được xếp vào loại tối mật. Ngay chính cả Lansdale, khi viết cuốn hồi ký về đời mình mười tám năm
sau, cũng nói rất sơ lược về những gì mình đã làm. Nhiệm vụ của Lansdale bí mật đến độ chính Tổng Trưởng
Ngoại Giao Dean Rusk chỉ biết được mặt thật của Lansdale vào năm 1961 khi Lansdale được chính tổng
thống Kennedy giao điệp vụ ám sát Fidel Castro vào năm 1961. (Vì tin tức tình báo của Mỹ được phân phối
theo căn bản "need-to-know-basis," tức là được biết tin có liên hệ đến nhiệm vụ của mình mà thôi, nên có lẽ
ngoại trưởng Rusk không biết gì về nhiệm vụ của Lansdale).

Hành tung của Lansdale chỉ bị lộ khi một số tài liệu mật của Ngũ Giác Đài về chiến tranh Việt
Nam lọt vào tay báo chí năm 1971. Lansdale được cơ quan CIA trọng dụng vì những thành công đạt được ở
Philippines. Là cố vấn về chính trị cho tổng thống Ramon Magsaysay, Lansdale bày ra nhiều đường lối đấu
tranh chính trị và phản du kích rất hiệu nghiệm.
Một trong những mánh khoé Lansdale dùng để đánh bại phiến loạn HUK (ii) cho ta thấy khả năng
hiểu biết của Lansdale về tâm lý và tánh dị đoan của dân địa phương: sau khi tung tin đồn là một vùng của
phiến loạn HUK đang chiếm đóng có nhiều ma lai (ma dơi) hút máu người, Lansdale cho lính bắt hai du kích
quân Huk, giết chết rồi đâm hai lỗ nhỏ nơi cổ cho máu chảy ra hết. Sau đó hai xác chết được quăng trên con
đường mòn du kích quân thường di chuyển. Khi du kích quân tìm được xác chết, họ lập tức rút đi nơi khác,
nghĩ rằng vùng đó có ma như lời đồn.

Ở Việt Nam, Lansdale có nhiều chuyện để làm hơn là chỉ tung tin đồn về ma quỉ. Nằm dưới dạng
một tuỳ viên quân sự không quân của cơ quan MAAG (Military Assistance Advisory Group, Phái Đoàn Viện
Trợ và Cố Vấn quân sự), Lansdale đến Saigon thiết lập một tổ tình báo hỗn hợp có tên là Saigon Military
Mission (SMM, tạm dịch là Nhóm Quân Báo Saigon). Trên nguyên tắc, tất cả quân nhân Hoa Kỳ có mặt ở
Việt Nam đều thuộc về Phái Đoàn Cố Vấn quân sự MAAG với Trung tướng Mike O'Daniel là chỉ huy trưởng
như đã thoả thuận với Pháp. Nhưng toán SMM là một ngoại lệ. Tuy toán SMM có nhân viên CIA làm việc
trong đó, nhưng toán này không lệ thuộc vào trưởng phòng CIA ở Saigon. Nhóm SMM cũng có cả nhân viên
quân sự làm việc trong đó, nhưng lại không lệ thuộc vào tướng O'Daniel hay Đại Sứ Donald Heath (sau đó là
J. Lawton Collins).

Lansdale chỉ trả lời cho giám đốc cơ quan CIA là Allen Dulles ở Washington mà thôi. Toán có tất
cả mười hai nhân viên, phân nửa có nhiệm vụ ra Bắc để đào đào tạo điệp viên nằm vùng và phá hoại hạ tầng
cơ sở của chính quyền, phân nửa còn lại ở Saigon lo xây dựng cơ sở chiến lược. Nhân viên của toán SMM
những năm về sau nắm nhiều chức vụ quan trọng của Bộ tư lệnh Mỹ ở Saigon (trung tá Thuỷ quân lục chiến
Victor J. Croizat, đã ra Bắc, là cố vấn sư đoàn Thuỷ quân lục chiến đầu tiên của Việt Nam cộng hoà, trung tá
William Rosson về sau này lên cấp tướng và làm tham mưu trưởng cho Westmoreland ở MACV, về hưu với
cấp bậc đại tướng, thiếu tá Lucien Conein là liên lạc viên giữa đại sứ Cabot Lodge và nhóm tướng lãnh đảo
chánh năm 1963, Trung uý Rufus Phillips sau này là nhân viên CIA trá hình với chức phó giám đốc USOM
lo về dân sự vụ).

Ở ngoài Bắc, lợi dụng điều khoản của Hiệp định Geneva cho phép dân hai miền đi lại tự do trong
300 ngày, toán SMM đem người gài vào cơ cấu chính quyền mà sắp được giao lại cho Việt Nam Dân Chủ
Cộng hoà. Họ chuyên chở vũ khí giấu ở hai bờ sông Hồng Hà để chờ thời cơ tạo một cơ sở tiếp liệu, trú ẩn
cho những nhân viên tình báo nhảy ra Bắc trong tương lai. Họ phá những nguồn tiếp liệu hay máy móc kỹ
nghệ bằng cách pha đường vào dầu, xăng hay nguyên liệu. Đồng thời, toán SMM phản tuyên truyền về
những dự định tương lai của Hoa Kỳ và Cộng sản (Mỹ sẽ dội bom miền bắc, Việt Minh sẽ tạo ra một chánh
quyền vô sản lệ thuộc vào Trung Cộng, v.v.) nhằm vào mục đích doạ dân miền Bắc để họ di cư vào nam
nhiều hơn.

Ở miền Nam, nhân viên của SMM trà trộn vào các nhóm kháng chiến sắp tập kết ra Bắc, tung tin
khuyên họ nên đem theo nhiều áo ấm vì họ sẽ được đưa qua Tàu làm lao công. Sự tương phản về số người di
cư vào nam và tập kết ra bắc (880 ngàn so với 120 ngàn) cho thấy ảnh hưởng tuyên truyền của toán SMM
thành công như thế nào.

Trong khi đó ở Saigon, về mặt chính trị, không những Lansdale phải đương đầu với nhiều đảng
phái đang chống đối chính quyền của Ngô Đình Diệm, Lansdale còn cố vấn cho Diệm làm thế nào để trở
thành thủ tướng của người dân. Mặc dầu không dính dáng gì đến quyết định chọn ông Diệm làm thủ tướng,
Lansdale có một cảm tình riêng khi thấy lối sống thanh đạm và sự ngây thơ trong đường lối hành chánh của
ông thủ tướng.

Ông Diệm, nói cho cùng, chưa bao giờ có kinh nghiệm nhiều lãnh đạo một quốc gia. Cái kinh
nghiệm hành chánh mà ông Diệm có được khi còn làm Thượng Thư Bộ Lại (Bộ Nội Vụ) vào năm 1933 thì
quá cũ và quá lỗi thời. Năm 1933 nước Việt Nam là một thuộc địa và phần lớn người dân an phận như vậy.
Nhưng năm 1954 là một niên kỷ khác: loạn lạc, cách mạng, chia rẽ ý thức hệ, tất cả sôi lên và chờ một dịp để
bùng nổ. Ông Diệm, đã quen sống trong bức tường đạo lý, phải nhờ đến Lansdale để thăng bằng con tàu
quốc gia trong cơn bão chính trị.

Đường lối của Mỹ đối với đảng phái chống lại thủ tướng Diệm rất đơn giản: mua chuộc nếu có
thể được, nhưng sẽ triệt tiêu nếu chống lại. Các thủ lãnh như Trình Minh Thế, Trần Văn Soái, Lâm Thành
Nguyên, Nguyễn Thành Phương đều lần lượt qui thuận chính quyền. Lansdale được phép dùng tiền hối lộ
hoặc trả lương cho lực lượng đối lập nếu họ đứng về phía chính quyền.

Trong các nhóm đối lập, lực lượng của tướng Nguyễn Văn Hinh và Bảy Viễn (Lê Văn Viễn, nhóm
Bình Xuyên có được Lai Hữu Sang đang chỉ huy ngành công an-cảnh sát) là cứng đầu hơn hết. Hinh được sự
ủng hộ gián tiếp của Pháp và không bị lệ thuộc vào tiền hối lộ của Hoa Kỳ. Gần một năm họ kháng cự ảnh
hưởng của tân chính phủ rất mãnh liệt. Nhưng áp lực của Mỹ đối với Pháp và Bảo Đại quá mạnh, cuối cùng
tướng Hinh phải rời Việt Nam đi Pháp.

Chính Lansdale đã cản tướng Hinh nhiều lần khi ông này đòi đảo chánh thủ tướng Diệm. Sự
chống đối của tướng Hinh gây một hiềm khích lớn giữa hai phe trong quân đội. Từng là tư lệnh quân đội Việt
Nam trong giai đoạn thành hình, tướng Hinh có nhiều ủng hộ của một số quân nhân. Sự chia rẽ trong quân
đội làm mất đi tiềm năng chống Cộng của một quốc gia đang thành hình.

Trong sáu tháng hỗn loạn sau cùng của năm 1954, ông Diệm trông cậy vào Lansdale nhiều nhất.
Lansdale hiểu thế nào là tâm lý dân Á Châu và những biến động chính trị của họ. Trong khi những cấp lãnh
đạo ở Washington muốn hối thúc Diệm và Lansdale bình định miền nam nhanh hơn, nhưng đối với Lansdale,
bình định về chính trị không thể đi nhanh được. Nhất là khi lực lượng đối lập có vũ khí trong taỵ "Người tây
phương phải kiên nhẫn. Mình không thể hối thúc người Á Châu về bất cứ chuyện gì," Lansdale đã cố vấn các
cấp trên như vậy nhiều lần. thủ tướng Diệm càng phụ thuộc Lansdale nhiều hơn vào cuối tháng 10 năm 1954,
khi ở Washington và Saigon đã có tin đồn Hoa Kỳ muốn thay thủ tướng Diệm.

Một số người Mỹ từng ủng hộ ông Diệm bây giờ lại muốn thay đổi. Điều đó không lạ lắm nếu ta
hiểu về tinh thần của người Mỹ. Dân Mỹ là một dân tộc có tiếng về muốn cái mới, cái gì khác hơn là cái
đang có. Lúc nào họ cũng thay đổị Họ là một giống dân không muốn thấy cái cũ. Trừ bản Hiến Pháp Hoa Kỳ
ra, tất cả nền tảng trong xã hội Mỹ thay đổi liên tục (câu hứa đầu môi của ứng cử viên là… sẽ đổi mới).

Tương tự, đường lối ngoại giao Mỹ thay đổi theo mỗi chính quyền mới, nếu không muốn nói là
theo sự bổ nhiệm nhân viên mới trong từng cơ quan của guồng máy chính quyền. Từ lúc Eisenhower nhậm
chức cho đến lúc này chưa đầy hai năm nhưng ở Bộ ngoại giao và quốc phòng đã có một số thay đổi, không
quan trọng nhưng có nhiều ảnh hưởng.
Hình chụp vào tháng 7 năm 1950 với Luis Taruc (cầm tờ báo), thủ lãnh của nhóm phiến loạn
HUK tại Philippines. Năm 1945, Thế Chiến Thứ Hai kết thúc, phong trào du kích HUK bắt đầu nổi lên
chống đối với chính phủ Phi, tạo nhiều cuộc khủng bố mà đa số nạn nhân đều là người dân vô tội. Về sau,
một sĩ quan tình báo OSS Hoa Kỳ là Edward Landsdale, một người Mỹ nhưng đã từng làm cố vấn chính trị
cho tổng thống Ramon Magsaysay, đã giúp chính phủ Phi tiêu diệt các nhóm du kích này. Đến năm 1953,
Landsdale đã có mặt tại Việt Nam lần đầu tiên. Và năm 1954 thì cơ quan tình báo CIA đã trao cho Landsdale
một nhiệm vụ mới là hoạch định "kế hoạch phản-kế-hoạch" để ngăn cuộc nam chinh của quân đội Cộng sản
từ miền Bắc, tương tựa như quá trình làm việc chống quân du kích HUK tại Philippines trước đây. (VNCTLS
sưu tầm).

Herbert Hoover, Jr. (con trai của vị tổng thống Hoa Kỳ thứ 31) thay đại tướng Bedell Smith ở
chức phó ngoại trưởng. Kenneth T. Young, một cố vấn về quân sự Á Châu từ Bộ Quốc Phòng về thay Philip
W. Bonsal ở Phòng Philippines và Nam Á Châu (lúc đó chưa có Phòng Đông Nam Á). Ở trên đầu phòng này,
Vụ Viễn Đông, thì Dean Dean Rusk về hưu nhường lại cho Walter S. Robertson (đến năm 1961 Dean Rusk
trở lại làm ngoại trưởng dưới thời Kennedy). Ở Saigon, hai ông cố vấn chính trị và đệ nhất tham vụ của toà
đại sứ bị thay. Lúc đó ông đại sứ Donald Heath thì đã sắp mãn nhiệm về hưu. Ở Bộ Quốc Phòng, tướng
Ridgway thay Collins ở chức Tư lệnh lục quân và nhiệm kỳ sẽ hết hạn vào tháng 6 năm 1955.

Với những bất đồng với Eisenhower về đường lối quân sự ở Việt Nam trong trận Điện Biên Phủ
vừa qua, Eisenhower không muốn giữ Ridgway lại một nhiệm kỳ nữa (tư lệnh binh chủng có nhiệm kỳ là hai
năm, thêm hai năm nữa nếu được giữ lại, hoặc được lên chức Tham mưu trưởng Liên Quân). Có tin
Eisenhower sẽ đưa tướng Maxwell Taylor về thay Ridgway. Một sự thay đổi tương tự sẽ xảy ra ở binh chủng
Hải Quân. Nhưng sự thay đổi quan trọng nhất là đường lối ngoại giao của Hoa Kỳ về thủ tướng Diệm.

Trong một buổi họp của Hội đồng an ninh quốc gia (National Security Council, viết tắt là NSC)
về tình hình Việt Nam vào ngày 22 tháng 10 năm 1954, sau khi nghe nhiều lý do thuận, nghịch về ông Diệm,
tổng thống Eisenhower quyết định tiếp tục yểm trợ chính phủ Diệm với một lý do duy nhất: Mỹ chưa tìm
được một lãnh tụ nào có thể thay Diệm. Eisenhower phát biểu: "Trong xứ mù, thằng chột làm vua".

Lời phát biểu của Eisenhower cho thấy thế kẹt của chính phủ Mỹ. Dù Diệm không hoàn hảo,
nhưng dưới mắt của Mỹ, ông Diệm khá hơn và không nằm trong ảnh hưởng của Pháp như những người tiền
nhiệm. Hơn nữa, Diệm đã được chọn lựa qua sự đồng ý của Pháp, Bảo Đại, Quốc hội (mà đại diện là Thượng
Nghị Sĩ Mike Mansfield của Uỷ ban Ngoại Giao) và một số nhân vật uy tín của giới lãnh đạo ở Bộ Quốc
Phòng và ngoại giao.

Khi người Mỹ chọn ông Diệm vào thời điểm Hiệp định Geneva, họ chọn ông để đáp ứng một tình
trạng chiến thuật: phải tìm người làm thủ lãnh cho một quốc gia mới sanh trong thời gian thật cấp bách. Họ
chọn ông Diệm không qua một gạn lọc kỹ lưỡng. Họ chọn ông chỉ vì ông có đó lúc họ cần. Bây giờ, với bao
nhiêu ý kiến bi quan về vận mệnh Việt Nam và khả năng lãnh đạo của ông Diệm, tổng thống Eisenhower
muốn duyệt xét lại người họ đã đưa lên ngôi.

Đầu tháng 11 năm 1954, Eisenhower cử đại tướng Collins qua Saigon như một đại sứ đặc biệt của
tổng thống để duyệt xét tình hình. Nhiệm vụ thứ nhất của Collins là thị sát đại sứ Heath và trưởng phái đoàn
MAAG, tướng O'Daniel.

Hai vị đại diện tiền phương của ngoại giao và quân sự Hoa Kỳ không hoàn toàn đồng ý với nhau
về một số vấn đề: O'Daniel thích, và nghĩ tướng Nguyễn Duy Hinh có thể hợp tác được với chính phủ Diệm,
trong khi đại sứ Heath muốn tướng Hinh rời khỏi quân đội VNCH để quân đội thật sự độc lập đối với Pháp.
"Hinh là một người Pháp, có vợ Pháp, trong quân đội Pháp, để cho Hinh trong quân đội thì còn gì ý nghĩa
của quân đội quốc gia". Đó là ý kiến của đại sứ Heath về Hinh. Và để chứng tỏ quyền uy của mình, Heath
cấm tất cả nhân viên Hoa Kỳ liên lạc với tướng Hinh và Ely.

Trong hoàn cảnh này, Mỹ và Pháp không thể nói chuyện với nhau để xây dựng một Việt Nam
vững mạnh như họ đã thoả thuận: Heath thì không muốn nói chuyện với Ely, O'Daniel thì bị cấm nói chuyện
với bất cứ ai. Trong khi đó tình báo Mỹ có bằng cớ Pháp đang âm thầm giúp đỡ một vài giáo phái và quân
đội Bình Xuyên. Nhiệm vụ thứ hai của Collins là giải quyết sự bất hoà giữa Mỹ-Pháp và Diệm-Ely này.
Collins đến Saigon trong tay có một sự vụ lệnh cho phép giải quyết tại chỗ mọi dị biệt.

Đại tướng Collins, về hưu sau khi đạt đến danh vọng của một quân nhân với chức tư lệnh lục
quân, nhận lời mời của Eisenhower đến Việt Nam với tư cách đại sứ đặc biệt của tổng thống. Sứ mạng của
Collins là đến Việt Nam để nói cho người Pháp và ông Diệm biết Hoa Kỳ muốn thấy Việt Nam vững mạnh
để trở thành một tuyến đầu chống Cộng.

Trước khi lên đường, Collins được Ngoại Trưởng Dulles dặn dò: với tình hình hỗn độn ở Việt
Nam, phần thắng của ông chỉ được một phần mườị Và về ông Diệm, Dulles nói dù biết ông Diệm không
hoàn toàn, nhưng người Mỹ không có một chọn lựa nào khác hơn.

Với hỗn danh là "Lightning Joe," tánh tình của Collins nóng và thẳng thắn. Cho đến bây giờ thuộc
cấp của ông vẫn không biết hỗn danh "Joe Sấm Sét" bắt nguồn từ lý do ông đã là tư lệnh Sư đoàn 25 bộ binh
(hỗn danh của sư đoàn 25 là "Sấm sét miền nhiệt đới") lúc còn đánh nhau với Nhật ở đảo Guadalcanal, hay là
vì mỗi lúc ông nổi trận lôi đình giọng ông vang lên như sấm.
Collins là tư lệnh lục quân từ năm 1949 đến 1953, hầu như nguyên giai đoạn của chiến tranh Đại
Hàn. Ông không có nhiều ý kiến về cuộc chiến vì lúc đó vai chánh vẫn là Thống tướng MacArthur. Collins
được nể trọng vì ông là một sĩ quan gương mẫu đối với hạ cấp cũng như thượng cấp.

Đại sứ Collins đến Việt Nam vào đầu tháng 11 năm 1954. Đầu tiên, ông bay lên Đà Lạt họp với
tướng Ely để tìm một sự cộng tác giữa ba quân đội Mỹ-Việt-Pháp. Kế đến, ông gặp Lansdale để thông báo
cho ông "phó thủ tướng Việt Nam" biết là từ đây mọi việc phải qua tay ông. Collins cũng không quên dặn
Lansdale là nên dọn cái ổ chuột SMM (Saigon Military Mission, văn phòng đặc biệt của Lansdale tại Việt
Nam, bắt đầu làm việc vào tháng 6/1954) sạch sẽ lại.

Tấm hình chụp tại Saigon vào năm 1955 trước khu vực nhà thờ Đức Bà (Andre Frassati)

Cuộc nói chuyện giữa hai người căng thẳng đến độ Lansdale tuyên bố với Collins là ông sẽ từ
chức nếu Collins làm quá. Không đầy một tháng, Collins đạt được một số thoả thuận với người Pháp: quân
đội Việt Nam sẽ tự trị bắt đầu từ tháng 7 năm 1955, quân đội Mỹ sẽ thay Pháp đảm nhận chương trình huấn
luyện quân đội, và quân đội Pháp sẽ bắt đầu rút khỏi Việt Nam vào đầu năm 1956.

Để đổi lấy sự ưng thuận, Mỹ sẽ viện trợ cho Pháp 100 triệu Mỹ kim trong niên khoá 1955 (Pháp
đòi 330 triệu Mỹ kim). Người Pháp không thể nào nói không với những đề nghị của Mỹ. Họ không còn gì
nữa để thương lượng. Biết Mỹ đang ép, nhưng Pháp cần tiền và sự ủng hộ của Mỹ để tiếp tục chính sách
thuộc địa của họ ở Bắc Phi (Pháp đang cố giữ thuộc địa ở Algeria tại Phi Châu). Về phía Việt Nam, Collins
đề nghị giảm quân đội xuống mức 100,000 người để nằm trong mức chi tiêu của ngân sách Mỹ. Đề nghị của
Hoa Kỳ rất dễ hiểu: Mỹ muốn Pháp rời khỏi Việt Nam để Mỹ dễ quản trị.

Nhưng sau khi đề nghị của Collins được Washington (Washington D.C.) duyệt xét kỹ, đề nghị có
một yếu điểm: nếu quân đội Pháp rút nhanh quá trong khi quân đội Việt Nam chưa đủ khả năng, nếu Cộng
sản tấn công bất thần thì sao? Hơn nữa, với đề nghị giảm quân xuống duới 100,000, Việt Nam làm sao đủ
quân để phòng vệ? Washington sợ Cộng sản sẽ "làm ẩu".

Hai tháng trước, tháng 9 năm 1954, Trung Cộng pháo kích và chuẩn bị tấn công các đảo của Đài
Loan ở eo biển Pescadore. Hoa Kỳ phải cảnh cáo lên, cảnh cáo xuống khi gởi hàng không mẫu hạm đến eo
biển ngăn chặn Trung Cộng. Mỹ không thể hớ hên ở Việt Nam được. Trung Cộng và quân đội miền Bắc có
thể tràn xuống chiếm miền nam như chơi.

Hoa kỳ sửa đề nghị của Collins bằng cách cấp tốc huấn luyện quân đội VNCH, tạm thời giữ
nguyên quân số, và thay đổi cơ quan MAAG để có thể đem huấn luyện viên người Mỹ vào Việt Nam nhiều
hơn số người đang có mặt. Cơ quan MAAG được nới rộng thẩm quyền để lập thêm toán Training Relations
and Instruction Mission (TRIM, Phái Đoàn Hướng Dẫn và Huấn Luyện). Lý do phải thay đổi nhiệm vụ của
MAAG vì Hiệp định Geneva không cho du nhập thêm quân đội Mỹ (hay bất cứ quân đội nào) vào Việt Nam.
Cách duy nhất để Mỹ đem quân vào là thay Pháp huấn luyện và hướng dẫn quân đội. Từ một số 20 sĩ quan,
TRIM cóphái đoàn đến 217 người vào giữa năm 1955 chưa kể hơn 300 người của toán MAAG.

Về phương diện chính trị, sau vài lần hội họp với thủ tướng Ngô Đình Diệm, Collins báo cáo về
Mỹ ông Diệm không đủ khả năng lãnh đạo và tỏ ra rất khó khăn đối với những lời cố vấn của ông. Collins đề
nghị nếu tình hình an ninh ở miền Nam không thay đổi trong thời gian sắp đến, Hoa kỳ phải tìm người thay
ông Diệm. Nhưng nếu không còn ai để thay Diệm thì Hoa Kỳ nên từ từ trao lại trách nhiệm cho người Việt
Nam và rút đi.

Sự khó khăn giữa Diệm và Collins bắt đầu khi Collins đề nghị thủ tướng Diệm nên đề cử ông
Phan Huy Quát làm phó thủ tướng để có được cảm tình với một số đảng phái đứng sau lưng ông Quát. Ông
Diệm từ chối, viện cớ là các giáo phái chống đối ông Quát. Collins đề nghị Diệm cho ngoại trưởng Trần Văn
Đỗ nhiều quyền hơn thay vì chỉ mang cái tước ngoại trưởng, ông Diệm cũng không muốn làm vậy (ngoại
trưởng Đỗ từ chức vào tháng 5 năm 1955 cũng vì lý do đó). Collins thấy được khuynh hướng gia đình trị và
độc tài về quyền bính của của chính quyền Ngô Đình Diệm từ khi đặt chân đến Saigon.

Trong hai tháng đầu năm 1955, Collins nói thẳng với Diệm về vấn đề hai ông Nhu và Cẩn. Sự có
mặt và ảnh hưởng của Nhu và Cẩn gây một ảnh hưởng xấu cho chính quyền, vì Collins nhận thấy, Diệm chỉ
nghe lời cố vấn của Nhu và Cẩn, trong khi những công chức quan trọng khác trong chính phủ thì bị coi
thường khi cố vấn.

Collins nói ông có trong tay tài liệu về việc ông Cẩn đang lập một đảng phái Công Giáo trong
quân đội và thăng thưởng quân nhân theo lập trường chính trị đó. Collins đề nghị đưa ông Nhu ra khỏi Việt
Nam đi làm đại sứ, và cho ông Cẩn qua Mỹ chữa bịnh tim. Ông Diệm chối về những ảnh hưởng của Nhu
Cẩn, nói rằng hai ông Nhu Cẩn thân với ông, nhưng ông không làm theo lời họ. Collins đem chuyện nầy nói
với giám mục Ngô Đình Thục, hy vọng người anh lớn trong nhà sẽ có anh hưởng với ông Diệm, nhưng ông
Thục cũng không giải quyết được gì. Theo Collins, ông Diệm rất sợ giao quyền cho ai, dù đó chỉ là quyền
hành chánh.

Collins báo về Bộ ngoại giao là, biết chuyện bỏ Diệm sẽ làm mất mặt Hoa Kỳ vì vừa ủng hộ, bây
giờ lại bỏ. Nhưng thà mất mặt một chút còn hơn để Việt Nam tự do mất vào tay Cộng sản.
Trong khi Hoa Kỳ còn đang lưỡng lự về câu hỏi ai sẽ thay ông Diệm, tình hình an ninh ở Việt
Nam rối loạn hơn vào đầu năm 1955. Một số quân đội giáo phái bây giờ quây ra chống lại chính phủ. Thêm
vào đó công an Bình Xuyên hống hách hơn. Ngày 26 tháng 3, khi thủ tướng Diệm thiết lập sở Cảnh Sát Đô
Thành và cho trực thuộc vào Đô Trưởng Saigon thay vì thuộc về Tổng Giám đốc Lai Văn Sáng, Công An
Bình Xuyên tấn công sở Cảnh Sát Đô Thành vào rạng sáng 29 tháng 3. Và nguyên tháng Tư, Saigon không
còn là một thủ đô nữa, Saigon là một bãi chiến trường giữa quân đội và Bình Xuyên, khi Bình Xuyên pháo
kích vào Bộ Tổng tham mưu của quân đội quốc gia.

Trong tình cảnh đó, ngày 7 tháng 4, đặc sứ Collins gởi điện văn về Mỹ, xác định lại ý kiến của
ông là phải thay ông Diệm. Ngày 11 tháng 4, ở Washington, ngoại trưởng John Dulles, xếp CIA Allen Dulles,
và tổng thống Eisenhower đồng ý phải thay Diệm. Ngày 17, Collins được triệu hồi về Mỹ để tường trình về
tình hình Việt Nam.

Vài ngày sau, trong một buổi họp giữa hai bộ Quốc Phòng, Ngoại Giao và cơ quan CIA, giới lãnh
đạo của ba cơ quan quyết định đồng ý Phan Huy Quát sẽ là tổng thống, Trần Văn Đỗ là phó tổng thống. thủ
tướng Diệm sẽ là chủ tịch một hội đồng cố vấn. Thể chế nầy sẽ hoạt động cho đến ngày một quốc hội lâm
thời được thành lập. Tuy nhiên trong thời gian đó, nếu giới lãnh đạo vẫn chưa đồng ý về một ứng cử viên để
trình lên cho Quốc Trưởng Bảo Đại bổ nhiệm làm thủ tướng, Collins và Ely sẽ có thẩm quyền chỉ định một
người.

Mỹ đề nghị Phan Huy Quát và Pháp đang đề nghị Bửu Hội. Chính phủ Mỹ vẫn ủng hộ ông Diệm
trong thể chế trên, nhưng nếu ông Diệm không đồng ý, Mỹ vẫn tiến hành kế hoạch đã vạch. Ngày 27 tháng
4, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ gởi chỉ thị trên cho hai toà đại sứ Mỹ ở Saigon và Ba Lệ Bức điện tín còn căn dặn
thêm: mặc dù người Mỹ quyết định theo ý họ, toà đại sứ ở Saigon phải dàn xếp một cách nào đó để thế giới
và người Việt nghĩ sự thay đổi đến từ ý kiến của giới lãnh đạo Việt Nam chứ không vì người Mỹ ép buộc.

Nhìn lại những biến cố của hơn ba mươi năm liên hệ Việt-Mỹ, bức điện tín này và bức điện tín
ngày 24 tháng 8 năm 1963 (chính quyền Kennedy ra lệnh bỏ/giết tổng thống Diệm) là những bằng chứng
hiển nhiên cho thấy người Mỹ sẵn sàng nhúng tay vào nội bộ của một quốc gia để lái quốc gia đó đi theo
chiều hướng họ đã quyết định. Trong khi vận mệnh của thủ tướng Diệm đã được quyết định trong bức điện
tín 27 tháng 4, một biến chuyển quan trọng xảy ra làm thay đổi hoàn toàn quyết định của Hoa Kỳ.

Mỹ và Pháp, như hai cầu thủ đã "en jeu" với nhau, cùng quyết định một lúc: khi bức điện tín từ
Washington được gởi đi rồi, ở Saigon ngày 28 tháng 4/1955, ông Diệm nhận được hai bức điện tín của Bảo
Đại gởi từ Pháp (ngày 27 ở Pháp và Mỹ, và ngày 28 ở Saigon). Nội dung của hai bức điện tín Bảo Đại gởi
cho thủ tướng Diệm có tất cả ba mệnh lệnh. Một là Bảo Đại công nhận sự phản đối của lực lượng Bình
Xuyên về chính sách của chính phủ Diệm (đóng cửa sòng bạc, lấy quyền cảnh sát ra khỏi tổng giám đốc Lai
Văn Sáng), hai là ra lệnh cho thủ tướng Diệm giao quyền tổng tham mưu trưởng quân đội cho thiếu tướng
Nguyễn Văn Vỹ, và thứ ba là ông Diệm phải qua Pháp trình diện Quốc Trưởng Bảo Đạị

Ba mệnh lệnh gởi từ Pháp về buộc ông Diệm phải hành động. tướng Vỹ, như đã nói ở đoạn trên,
sáu tháng trước còn là một đại tá gốc nhảy dù trong quân đội Pháp. tướng Vỹ thân Pháp trong giai đoạn làm
việc dưới quyền của đại tá tình báo Pháp Carbonel, và Conein trước năm 1945 khi Conein còn trong những
toán Maquis. Theo ông Lansdale, vì muốn lấy đi ảnh hưởng của Vỹ trong quân đội VNCH, Lansdale đề nghị
Bộ trưởng quốc phòng Lê Ngọc Chấn cho ông lên thiếu tướng (không có cấp chuẩn tướng trong quân đội lúc
đó) và đưa đi làm tư lệnh khỏi Saigon.

Sau khi tướng Hinh bị mất chức vào cuối năm, tướng Vỹ còn lại là cái gạch nối duy nhất trong
quân đội thân với Pháp. Ý định của Bảo Đại và Pháp trong điện văn quá rõ: bổ nhiệm tướng Vỹ thay tướng
Lê Văn Tỵ, gọi ông Diệm qua Pháp để cách chức rồi thay một thủ tướng mới. Đây là một cuộc đảo chánh
nhỏ của người Pháp (nghe nói tướng Hinh đang trên đường đến Nam Vang nằm chờ tình hình).

Nhưng ông Diệm từ chối qua Pháp trình diện hay là trao quyền tư lệnh quân đội lại cho tướng Vỹ.
Với sự cố vấn của ông Nhu và Lansdale, thủ tướng Diệm phản công. Một mặt ông Nhu vận động đảng phái
chính trị lên tiếng ủng hộ chính phủ Diệm, mặt kia Lansdale cố vấn cho quân đội tấn công lại quân đội Bình
Xuyên. Trong khi đó ông Diệm cầu cứu với hai đại tá Dương Văn Minh và Trần Văn Đôn. Khi gặp ông Đôn,
ông Diệm hứa sẽ cho thăng Đôn lên chức thiếu tướng. Dù ông Diệm không nói ra, nhưng đại tá Đôn biết
phải làm gì để được lên tướng.

Sau khi lột lon tướng Vỹ ở dinh thủ tướng và tước vũ khí của đội Ngự Lâm Quân trên đường từ
Đà Lạt về Saigon, nhóm tướng lãnh ủng hộ Diệm ra tuyên cáo phủ nhận mệnh lệnh của Bảo Đại. Năm ngày
sau, mười tám hội đoàn biểu tình trước Toà Đô Sảnh Saigon yêu cầu truất phế Bảo Đại. Về loạn quân Bình
Xuyên, đến ngày 2 tháng 5 quân Bình Xuyên bị ba tiểu đoàn nhảy dù loại khỏi vòng chiến và phải rút khỏi
Saigon.

Sau một tuần chiến đấu, ông Diệm vô hiệu hoá tất cả các đối thủ đáng lo ngại: không còn Bảo
Đại, không còn tướng Hinh, Trần Văn Soái hay Trình Minh Thế (ông Thế bị lạc đạn chết trong lúc tấn công
Bình Xuyên) để làm áp lực với chính phủ. May mắn thoát ra khỏi những xáo trộn quân sự chính trị đó, dưới
mắt người Mỹ, ông Diệm có được sự ủng hộ của đa số đảng phái Việt Nam. Quan trọng nhất, ông Diệm tẩy
sạch được ảnh hưởng của Pháp ở Việt Nam dùm cho Mỹ.

Ngoại trưởng Dulles đang dự tiệc khi một tuỳ phái đưa cho ông bức điện tín của Lansdale. Trong
đó, Lansdale nói chính phủ Diệm đã bình định được đám loạn quân và có được ủng hộ của dân để truất phế
Bảo Đạị Ông yêu cầu Dulles huỷ bỏ mệnh lệnh ngày 24 tháng 7 vừa qua. Dulles lập tức đến toà Bạch Ốc
thông báo cho tổng thống Eisenhower biết sự vụ. Sau khi nghe tin, Eisenhower ưng thuận ủng hộ tối đa
chính phủ Diệm. Mỹ không còn thấy những yếu điểm ở Diệm nữa cho đến tám năm sau.

Mỹ thắng có nghĩa là Pháp thua. Và hình như Pháp đã thua trên chính trường và chiến trường từ
Đệ Nhất Thế Chiến. Với hệ thống chính trị đa đảng, Pháp không có được một chính phủ nào tồn tại hơn một
năm để xây dựng những kế hoạch chiến lược. Nội các Mendes-France bị thay bởi Edgar Faure vào cuối
tháng Ba. Đây là nội các thứ 18 hay 19 của Pháp từ 1945. Lá cờ tam tài của Pháp lần lượt bị kéo xuống nhiều
nơi trên thế giới. Tương tự, ảnh hưởng chính trị của thực dân Pháp đối với Việt Nam cũng tàn lụn vào những
tháng cuối năm 1955.

Nhưng người Pháp không đi khỏi Đông Dương với một thái độ thân thiện. Mối hiềm khích Pháp-
Mỹ và Pháp-Việt gia tăng khi tân thủ tướng Pháp Faure tuyên bố với Ngoại Trưởng Dulles ngày 8 tháng
5/1955, Pháp sẽ rút hết quân khỏi Việt Nam nhanh hơn thời khoá biểu đã dự trù. Từ lâu, "rút hết quân ra khỏi
Việt Nam" là lá bài Pháp dùng để làm eo với Mỹ. Mỹ muốn Pháp rời Việt Nam, nhưng phải từ từ. Mỹ sợ
Pháp rút quân nhanh quá khi quân đội Việt Nam chưa trưởng thành là một bất lợi nếu không nói là nguy
hiểm về quân sự.

Trong khi chính phủ miền Nam bắt đầu giải ngũ lính để đem số quân xuống dưới 100,000 theo lời
đề nghị của Mỹ, ở miền Bắc quân đội Cộng sản từ 7 sư đoàn đã tăng lên 12. Gần 200,000 quân với vô số
chiến cụ tối tân viện trợ từ Trung Cộng và Đông Âu. Lời hăm doạ của thủ tướng Pháp làm Hoa Kỳ lo lắng.
Ngoại trưởng Dulles coi lời tuyên bố của Faure là một tối hậu thư. Nhưng đã ngồi trên lưng hổ rồi, Hoa Kỳ
không thể leo xuống.

Ngày hôm sau, 9 tháng 5, Ban Tham mưu liên quân đề nghị ngoại trưởng Dulles nên "bắt" cây bài
Pháp đang "tố". Giới quân sự Hoa Kỳ nghĩ Pháp đang tố vì 4 lý do sau đây: 1) Pháp đang còn nhiều quyền
lợi kinh tế ở miền Nam, 2) Pháp là người ký vào Hiệp định Geneva và chịu trách nhiệm về miền Nam chứ
không phải Mỹ, 3) phải cần ít nhất một năm Pháp mới di tản hết lính và quân dụng ra khỏi Việt Nam (Pháp
có 175 ngàn quân vào đầu 1955), với thời gian đó Mỹ đủ thời giờ huấn luyện và trang bị quân đội Việt Nam,
4) đi hay là ở, Pháp cần sự ủng hộ về tiền bạc và chính trị của Mỹ để tiếp tục chính sách thuộc địa ở Bắc Phi
và nhiều nơi khác trên thế giới trong tương laị

Về phía Việt Nam, Pháp dọn đi thì càng tốt cho tinh thần quốc gia của quân đội. Câu hỏi quan
trọng là quân đội có trung thành với chính phủ hay không. Sau vụ lộn xộn vào đầu tháng năm vừa qua, câu
trả lời phải là xác định. Sự phân tích của ban tham mưu quá đúng: sau vài ngày làm hùng làm hổ với Hoa
Kỳ, người Pháp tỏ ra "hiểu biết" hơn và trở lại tình trạng trước lời tuyên bố.

Đầu năm 1956, tổng thống Diệm yêu cầu Pháp rút hết 35,000 quân còn lại. Ngày 26 tháng 4/1956,
lá cờ Pháp ở Bộ tư lệnh Quân đoàn Viễn Chinh Pháp được hạ xuống lần cuối. Từ lúc đoàn quân viễn chinh
Pháp đánh chiếm Đà Nẵng vào tháng 7 năm 1858 cho đến khi rời Việt Nam năm 1956, đế quốc Pháp đã cai
trị Việt Nam được 97 năm 9 tháng.

Với Việt Nam cộng hoà bây giờ đã hoàn toàn nằm trong vòng tay, Hoa Kỳ gấp rút thực hiện một
số kế hoạch để chỉnh đốn quốc gia này trước ngày trưng cầu dân ý tháng 7 năm 1955, và ngày tổng bầu cử
hai miền tháng 7 năm 1956 như đã thoả thuận trong Hiệp định Geneva.
Hình chụp vào tháng 5 năm 1955 tại Hải Phòng với các bộ đội Việt Minh đang di chuyển vào
thành phố. Trước mặt họ là một toán lính Pháp đang quan sát và chuẩn bị rút đi. Theo một bài viết đăng trong
tuần-báo Time Magazine, xuất bản ngày 23 tháng 5/1955, thì đó là tuần lễ cuối cùng của người Pháp tại Hải
Phòng. Trong cuộc rút lui này, người Pháp mang theo 150,000 quân nhân, 300,000 tấn quân-cụ đủ loại, và di
tản khoảng 800,000 thường dân. Và đó cũng là lúc phía Việt Minh Cộng sản cho 10,000 bộ đội của Sư đoàn
Điện Biên tiến quân vào tiếp thu thành phố. (VNCTLS sưu tầm).

Ở Hoa Kỳ, hội "Người Mỹ Bạn Việt Nam" (American Friends of Vietnam) được thành lập để
tuyên truyền cộng đồng Mỹ về chính phủ Việt Nam. Hội viên của hội là những nhân vật có tăm tiếng trong
chính quyền Hoa Kỳ như các nghị sĩ Kennedy, Mansfield, Zablocki, tướng O'Daniel, tướng Donovan, thẩm
phán tối cao pháp viện William Douglas, chủ báo Henry Luce, sử gia Arthur Schlesinger và 32 dân biểu của
quốc hội Mỹ trong đó có chủ tịch Hạ Viện McCormack.

Hội lo mọi mặt về ngoại giao công cộng cho chính phủ Diệm đối với thế giới. Joseph Buttinger,
chủ tịch của hội, là người viết diễn văn cho tổng thống Diệm trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ năm 1957, và
nhiều bài xã luận ủng hộ chính phủ VNCH trên báo và tạp chí của Henry Luce. Ngân sách của hội nghe nói
đến từ quỹ của CIA.

Trong khi đó ở Saigon, Frederick Rheinardt được cử qua thay Collins như là một đại sứ chánh
thức để bắt đầu một "nhiệm kỳ" mới với chính phủ Ngô Đình Diệm. tướng Samuel T. Williams sang thay
tướng O'Daniel ở MAAG.

Về chuyện bầu cử như đã được ghi trong Hiệp định Geneva, Mỹ và Việt Nam "nhẩn nha" về
chuyện trưng cầu dân ý và tổng tuyển cử. Nếu nhớ lại, cả hai đã không đồng ý về bất cứ một điều khoản nào
của Hiệp định Geneva và đã lên tiếng như vậy. Sau khi hội nghị Geneva kết thúc, Ngoại Trưởng Dulles giao
bản hiệp đnh cho luật sư của bộ để coi những gì Hoa Kỳ có thể và không có thể làm chiếu theo điều lệ của
Hiệp định. Ban công pháp quốc tế trả lời là trừ khi Hoa Kỳ muốn tuân theo điều lệ Geneva để làm vừa lòng
người Pháp, Hoa Kỳ không bị lệ thuộc vào một điều khoản nào của hiệp ước. Đó là nền tảng luật pháp cho
những huấn lệnh của Hội đồng an ninh quốc gia khi cơ quan nầy cho phép các cơ sở tình báo nghiên cứu kế
hoạch phá hoại Cộng sản miền Bắc, trong khi áp dụng mọi biện pháp để củng cố chính phủ miền Nam theo
chiều hướng chính trị của Mỹ.

Ngày 17 tháng 5, Hội đồng an ninh quốc gia trong huấn lệnh NSC-5519, đề nghị chính phủ
VNCH chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý tháng 7 năm 1956 nếu muốn. Tuy nhiên, VNCH nên yêu cầu
chính phủ miền Bắc phải bảo đảm những điều kiện dân chủ tiên quyết như quyền tự do đầu phiếu và phát
biểu tư tưởng chính trị trong cuộc bầu cử. Liên Hiệp Quốc, chứ không riêng gì Uỷ ban Kiểm Soát Đình
Chiến, phải có mặt để kiểm soát cuộc bầu cử.

Huấn lệnh NSC-5519 rất khôn khéo khi đề nghị VNCH phản ứng như thế nào trong trường hợp
thua bầu cử: Việt Nam sẽ không chấp nhận một thể chế mới nếu thể chế nầy có đa số đại diện của Cộng sản.
Trong mọi hoàn cảnh, tốt nhất là nên giữ hai chính phủ ở miền riêng biệt như trường hợp Đại Hàn hoặc Đức.

Vài tuần sau, không hiểu vì lý do nào, trong một buổi họp tiếp theo vào ngày 9 tháng 6, Hội đồng
an ninh quốc gia quyết định không cho Việt Nam tổ chức cuộc trưng cầu dân ý hay tổng tuyển cử. Ngày 19
tháng 7, Phạm Văn Đồng gởi Ngô Đình Diệm một lá thư yêu cầu Việt Nam cử đại diện để thực hiện cuộc
trưng cầu dân ý. Thay vì trả lời lá thư của Phạm Văn Đồng, chính phủ VNCH tuyên bố không có trách nhiệm
về Hiệp định Geneva, và sẽ không thương lượng với miền Bắc nếu đảng Cộng sản còn lãnh đạo chính phủ.
Với lời tuyên bố đó, chuyện bầu cử để thống nhất đất nước kể như là bỏ. Vài tháng sau, Bộ ngoại giao Anh
thông báo cho Nga biết Việt Nam không phải theo những điều khoản nào của hiệp định. Sự đồng ý của các
cường quốc về hai nước Việt Nam riêng biệt rõ ràng hơn khi Nga chỉ phản đối lấy lệ về đường lối của Việt
Nam cộng hoà.

Ngày 23 tháng 10, một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức để quyết định sự lãnh đạo giữa thủ
tướng Diệm và Quốc Trưởng Bảo Đạị Với tổng số 5,721,907 cử tri, 5,721,735 bỏ phiếu truất phế Bảo Đại và
suy tôn lãnh tụ Ngô Đình Diệm. Ngày 26 tháng 10 năm 1955 chính phủ VNCH được thành lập. Đây là nền
tảng của Đệ Nhất Cộng hoà.

______________________

Vũng lầy của tòa Bạch Ốc

Tác giả: Nguyễn Kỳ Phong

http://vietnam.ictglobal.net/modules.php?name=News&file=article&sid=218
Tháng Giêng năm 1959, trong kỳ họp thứ 15 của trung ương đảng Cộng sản Việt Nam, đệ nhất bí
thư Lê Duẩn tuyên bố con đường duy nhất để thống nhất hai miền Nam Bắc Việt Nam phải là con đường bạo
lực. Nói một cách khác, Bộ chính trị cộng sản Bắc Việt quyết định cưỡng chiếm miền Nam bằng quân sự.
Các nhà quân sử Hà Nội sau này gọi Nghị Quyết 15 là "một thành công điển hình của Đảng ta về phương
pháp tiến hành cách mạng bạo lực, về nghệ thuật chỉ đạo khởi sự cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam."

Sau nghị quyết thứ 15, tháng 5 năm 1959 Ban quân uỷ trung ương thực hiện một kế hoạch để xâm
nhập người và vũ khí vào nam. Bộ Tổng tư lệnh thành lập một đơn vị có tên là Đoàn 559. Đơn vị này có
nhiệm vụ khai triển những con đường mòn dọc theo phía đông và tây của dãy trường Sơn, bên này lãnh thổ
Việt Nam hay sâu vào trong nội địa Lào, để di chuyển người và vũ khí vào miền Nam. Ngoài Đoàn 559, Bắc
Việt còn thành lập Đoàn 759 và 959 để phụ trách phần xâm nhập theo miền duyên hải và sâu bên trong nội
địa Lào và Cam Bốt. Trong ba Đoàn vận tải chuyên chở này, chỉ có Đoàn 559 phụ trách đường xâm nhập Hồ
Chí Minh là quan trọng nhất. Người được giao trách nhiệm thành lập cơ cấu đầu tiên là thượng tá Võ Bẩm,
một sĩ quan đã có nhiều kinh nghiệm trong chiến tranh Việt-Pháp. Người chỉ huy trực tiếp Võ Bẩm là trung
tướng Trần Văn Trà đang được chỉ định thay mặt Quân uỷ Trung ương để điều khiển cuộc xâm nhập vào
nam trong những ngày đầu tiên.

Bộ tư lệnh đầu tiên của Đoàn 559 đóng tại Sơn La, phía đông nam Điện Biên Phủ. Cách Sơn La
không xa ở phía nam, gần biên giới Lào, là Na Sản, một căn cứ chiến lược của Pháp xây để ngăn chặn Việt
Minh di chuyển qua lại giữa Lào và Việt Nam trong thời chiến tranh Pháp-Việt. Con đường có phiến danh
"Đường mòn Hồ Chí Minh" không phải là một trục lộ đơn giản xuôi nam mà ấn tượng của hai chữ đường
mòn in vào đầu óc chúng ta. Trái lại, đường xâm nhập Hồ Chí Minh là một hệ thống đường lớn nhỏ, chằng
chịt, với tổng số hơn mười ngàn ngàn cây số, gồm hàng chục trục giao thông ngược xuôi qua lại: hai mươi
đường đi theo hướng bắc nam và mười đường theo tây đông. Hệ thống đường chia ra làm hai loại rõ ràng:
đường xâm nhập người và đường xâm nhập quân cụ.
Các chuyến xâm nhập bắt đầu từ Vinh, Đồng Hới, Hà Tỉnh, băng qua biên giới Lào ở đèo Mụ Già,
Ban Karai, Keo Neua, Sam Nuea. Khi qua biên giới Lào đến khoảng Tchephone, những toán xâm nhập tẽ ra
những hệ thống đường khác để đi về các mật khu của Cộng sản Bắc Việt trên toàn lãnh thổ Việt Nam cộng
hòa. Có toán khi qua biên giới, rẽ phải, đi về hướng đông để xâm nhập vào chiến trường Khu 5 (tương đương
với lãnh thổ của Quân đoàn 1 VNCH). Các toán khác đi sâu về hướng tây vào nội địa Lào có khi đến bình
nguyên Bolevens, Saravane, rồi theo một vòng cung đi xuống tận các mật khu ở mặt trận B3 (Vùng 2 chiến
thuật của VNCH), hay Khu 9 (Tây Ninh) và Khu 10 (Phước Long) để tiếp tế, bổ sung cho căn cứ của Cộng
sản Bắc Việt ở đó.

Từng đoàn từ vài chục đến vài trăm cán binh Bắc Việt phải cần chừng sáu tháng, có khi một năm
đi bộ, từ lúc khởi hành cho đến lúc đặt chân đến mật khu của họ ở miền Nam. Nhưng khi cường độ của cuộc
chiến gia tăng, số thương vong của Bắc Việt gia tăng, mức độ xâm nhập phải gia tăng để cung ứng cho chiến
trường miền Nam. Khoảng năm 1966, Ban Quân uỷ Trung ương Hà Nội quyết định cơ giới hóa đường dây
xâm nhập và phương tiện vận chuyển vào Nam. Để bảo vệ hành lang xâm nhập được mở rộng và an toàn,
Bắc Việt có hơn hai sư đoàn đóng trong nội địa Lào để bảo vệ cánh đông của đường xâm nhập.

Ở phía đông và dọc theo trục lộ Đường mòn Hồ Chí Minh, có từ 13 đến 17 binh trạm, mỗi binh
trạm có số quân tương đương với một trung đoàn bộ đội để phụ trách chuyển vận người và quân nhu liệu dọc
theo đường. Đóng chung với số binh trạm này là 3 sư đoàn phòng không để chống lại các cuộc không kích,
dội bom của không lực Hoa Kỳ. Có một chiến lược gia nào đó đã quan sát là, nếu muốn làm chủ Việt Nam
thì phải làm chủ miền Tây Nguyên (vùng Kontum, Pleiku và Ban Mê Thuột), thì trong cuộc chiến Việt Nam,
chúng ta có thể thêm vào một quan sát nữa: nếu muốn làm chủ Đông Dương thì phải làm chủ Lào. Quan sát
này đúng trong trường hợp con đường xâm nhập Hồ Chí Minh. Với tất khả năng và sức mạnh không lực Hoa
Kỳ có trong tay, với hàng chục ngàn phi vụ oanh tạc và máy điện tử báo động, Hoa Kỳ và Việt nam cộng hòa
không thể ngăn chặn con đường xâm nhập đó.

Hoa Kỳ càng oanh tạc những con đường đi dọc theo dãy trường sơn, Bắc Việt lại càng mở thêm
nhiều đường lấn sâu vào nội địa Lào và Cam Bốt. Bắc Việt lập ra hai mặt trận để bảo vệ cơ sở hậu cần và
binh trạm ở Lào. Ở hướng bắc Thượng Lào, vùng Long Tieng, Muong Soui, Xieng Khoang (các vùng chung
quanh Cánh Đồng Chum) họ có một sư đoàn rưỡi cộng với các đơn vị Pathet Lào (Cộng sản Lào). Ở bắc Hạ
Lào, Bắc Việt có một lực lượng tương tự ở chung quanh Pansake, bình nguyên Bolevens, để bảo vệ các toán
quân công xây thêm nhiều con đường mới đi vòng sâu vào nội địa Lào trước khi trở ngược lại, đi vào miền
Nam để vào vùng B2 hay B3.

Dần dần, đường mòn Hồ Chí Minh giống như một con bạch tuột với hàng trăm cánh tay tủa ra ở
Lào, Cam Bốt và dọc theo hành lang dãy Trường Sơn. Muốn chặn đứng con đường xâm nhập này, Hoa Kỳ
phải dội bom phân nửa nước Lào, hoặc làm một tuyến kiểm soát chạy dài từ Đông Hà cho đến Savannakhet.
Nhưng Hoa Kỳ đã không thực sự quyết định hai kế hoạch đó trong suốt cuộc chiến. Từ con số khoản 9,800
tấn quân nhu liệu xâm nhập vào Nam trong năm 1966, năm 1974 sau hiệp định Paris, sau khi không quân
Hoa Kỳ không còn ở Việt Nam thì binh đoàn 559 đưa vào số quân nhu liệu tăng gấp 22 lần là 217 ngàn tấn.
Con số đó tăng gấp đôi, lên đến 413 ngàn tấn, vào năm 1975 khi Bắc Việt chuẩn bị thực hiện những kế hoạch
cuối cùng cưỡng chiếm miền Nam.
Một người lính tại căn cứ hỏa lực Ann, nằm cách Chu Lai 16 km về hướng đông-nam (Daniel
Bartos)

Cuối năm 1963 đầu 1964 các tư lệnh quân sự quan trọng của Bắc Việt được Ban Quân uỷ Trung
ương chỉ thị xâm nhập vào Nam, bằng đường bộ hoặc đường biển. Trần Văn Trà, Nguyễn Chí Thanh, Lê
Trọng Tấn, Trần Độ, Hoàng Cầm, Hoàng Văn Thái, Đoàn Khuê, Đặng Vũ Hiệp, v.v. lần lược vào Nam và lập
các bộ tư lệnh ở các mặt trận B1 (Khu 5), B2 và B3 để trực tiếp điều khiển cuộc chiến ở miền Nam.

Trong lúc đó đường xâm nhập Hồ Chi Minh càng lúc càng được được phát triển và nới rộng. Từ
giữa năm 1964, quân cấp số tiểu đoàn, trung đoàn, chỉ cần ba tháng thì có thể đi từ sông Bến Hải xuống tận
miền Tây Nguyên của chiến trường B3. Đầu năm 1964 cho đến giữa năm 1965, quân đội VNCH liên tiếp
đánh nhiều trận lớn với các đơn vị chủ lực của CSBV vừa xâm nhập vào Nam tại Bình Giả, Đồng Xoài, Ba
Gia (còn gọi là Đồn Ba Giá ở tỉnh Quảng Ngãi). Thiệt hại về thương vong của đôi bên rất nặng.

Cho đến mùa thu năm 1965, quân đội Hoa Kỳ vẫn chưa chạm mặt với quân chánh quy CSBV ở
cấp trên đại đội. Một tối mùa hè năm 1965 ở Washington, hơn tám giờ đêm tại Tòa Bạch Ốc nhưng Cố vấn
an ninh quốc gia McGeorge Bundy vẫn còn ở lại trễ để làm việc. Ông đang viết một bản tường trình cho tổng
thống Johnson. Trước đó vài ngày tổng thống Johnson yêu cầu McGeorge Bundy cho ông biết chi tiết và lịch
sử của cuộc đổ quân Hoa Kỳ vào Việt Nam kể từ ngày ông nhiệm chức. Johnson có phản ứng này vì chỉ từ
ngày 7 tháng 3 (ngày Thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ lên Đà Nẵng) cho đến ngày 8 tháng 5 (ngày Lữ đoàn
173 nhảy dù đến Biên Hòa), đại tướng Williams Westmoreland (tư lệnh MACV, tức Military Assistance
Command Vietnam, (Bộ tư lệnh viện trợ quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam) đã yêu cầu và được chấp thuận 13
tiểu đoàn quân tác chiến và yểm trợ. Nhưng không hơn một tháng sau, ngày 7 tháng 6, Wesmoreland đánh
điện về xin Bộ tổng tham mưu lục quân cho thêm 44 tiểu đoàn tác chiến hỗn hợp lục quân Hoa Kỳ và Thủy
quân lục chiến Đại Hàn (khoản 125-150 ngàn quân).
Khi điện văn xin viện quân đến tay tổng thống Johnson, ông suy nghĩ nhiều và muốn McGeorge
Bundy tường trình đầu đuôi lịch sử những lần gởi quân qua Việt Nam từ ngày ông thành tổng thống, trước
khi ông có quyết định về lời yêu cầu mới nhất của vị tư lệnh MACV. Trong tờ tường trình ngày 24 tháng 7,
sau khi McGeorge Bundy cho biết ngày tháng và số quân Hoa Kỳ đang có mặt ở Việt Nam, chưa kể số quân
Westmoreland đang xin, Bundy kết luận tờ trường trình bằng vài ý nghĩ rất cá nhân của ông.

Bundy nói thẩm quyền Hoa Kỳ rất thận trọng mỗi khi quyết định gởi quân qua Việt Nam. Một thí
dụ điển hình là ngay cả anh của ông, người đang phụ trách vấn đề Việt Nam ở Bộ quốc phòng, là một người
hoàn toàn ủng hộ kế hoạch quân sự ở Việt Nam, cũng rất do dự mỗi lần thỏa mãn những yêu cầu của Bộ tư
lệnh MACV. Bundy nhấn mạnh: Westmoreland có toàn quyền xin viện trợ, và thẩm quyền bên này có quyền
từ chối. Tôi nghĩ chúng ta nên thỏa mãn yêu cầu [của Westmoreland] lần này. Nhưng cùng lúc chúng ta phải
nhấn mạnh quyết định gởi quân hay không là quyết định tối hậu của chúng ta. Dù sao đi nữa, cho đến bây
giờ quân đội Hoa Kỳ vẫn chưa đụng quân CSBV ở cấp đại đội bao giờ. Bundy chấm dứt bản tường trình
bằng sự quan sát đó.

Đầu mùa thu năm 1965, sư đoàn 304 nhận lệnh xâm nhập vào Nam. Sư đoàn rời Bỉm Sơn, Thanh
Hóa, ngày 24 tháng 8. Chừng 90 ngày thì họ sẽ đến Tây Nguyên. Trong khi đó, ở bên kia bờ Thái Bình
Dương, Sư đoàn 11 không kích (thoát thân từ Sư đoàn 11 nhảy dù) được chính thức cải danh thành Sư đoàn 1
không kỵ. Sự vụ lệnh mới của sư đoàn là Việt Nam. Xuống tàu ở tiểu bang Georgia, sư đoàn khởi hành cho
chuyến viễn du sang Việt Nam vào ngày 16 tháng 8.

McGeorge Bundy nói đúng: cho đến tháng 7, 1965 Hoa Kỳ chưa đụng trận nào với các đơn vị chủ
lực BV trên cấp đại đội. Nhưng không lâu, quân đội Hoa Kỳ sẽ có dịp đụng với quân đội CSBV ở cấp sư
đoàn.

Chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến tranh duy nhất trong lịch sử chiến tranh nhân loại trong ý
nghĩa về cường độ, tốn kém, nhân lực, và số vũ khí sử dụng. Một vài thí dụ để chứng minh: Trong trận Dakto
năm 1967, từ ngày 4 đến ngày 23 tháng 11, Hoa Kỳ sử dụng 151 ngàn đạn pháo binh, bay 2,096 phi vụ chiến
thuật; 257 phi vụ B-52, để yểm trợ cho mặt trận. Hoa Kỳ chết 344, bị thương 1,441, ba trung đoàn 32, 66 và
174 Cộng sản Bắc Việt bỏ lại mặt trận 1,644 người. Tính theo kinh tế của chiến tranh: 92 viên đạn đại bác và
1,5 phi vụ oanh tạc để giết một đối phương.

Cũng nói về kinh tế chiến tranh, trong chiến dịch dội bom Rolling Thunder năm 1965, không
quân Hoa Kỳ tốn 460 triệu mỹ kim để gây thiệt hại tương đương 70 triệu cho Bắc Việt. Năm 1966, với phí
tổn dội bom tăng gắp ba lần, 1 tỉ 247 triệu, nhưng chỉ gây được thiệt hại chừng 94 triệu mỹ kim ở miền Bắc.
Ở Vùng 1 chiến thuật, pháo binh TQLC Hoa Kỳ có tháng bắn đến 54 ngàn quả đại bác. Năm đầu tiên vừa
đến Vùng 1, pháo binh quân đoàn 3 TQLC bắn yểm trợ hơn 100 ngàn đạn đại bác. Để bảo vệ quân phòng thủ
căn cứ Khe Sanh, trong 77 ngày chiến đấu, không quân Mỹ dội chung quanh căn cứ hơn 110 ngàn tấn bom,
bắn 142 ngàn quả đại bác, và cung cấp trung bình 182 tấn quân nhu liệu mỗi ngày cho quân trú phòng. Trong
cuộc dội bom năm 1972, máy bay tiếp tế nhiên liệu của Bộ tư lệnh không quân Chiến lược bay 34,700 phi
vụ, tiếp tế trên không 115 ngàn lần với số nhiên liệu là 1 tỉ 400 triệu cân anh xăng. Phần lớn những máy bay
tiếp tế nhiên liệu phải bay trên 5,000 cây số để đến điểm hẹn trên trời.
Theo Bernard Fall, tác giả am tường về chiến tranh Việt-Pháp, tất cả bom không quân Pháp trong
trận chiến 55 ngày ở Điện Biên Phủ không bằng Hoa Kỳ bỏ một ngày ở Việt Nam. Với những con số tượng
trưng ở trên, trong một chu vi giới hạn như lãnh thổ Việt Nam cộng hòa, chúng ta phải nói cường độ của
chiến tranh Việt Nam có thể xếp vào hàng khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh trên thế giới. Ở chương này
chúng ta sẽ nói về chiến thuật, chiến lược, khả năng và hỏa lực của quân đội Hoa Kỳ trong cuộc chiến.

Hình chụp ngày 20-6-1966, một tàu chở vũ khí của Việt Cộng bị tuần-duyên đỉnh của Hải quân
Hoa Kỳ bắn cháy trên sông. Lúc 6 giờ sáng, chiếc tàu bốc cháy rồi phát nổ. Các thủy thủ Mỹ và VNCH dập
tắt được ngọn lửa và tịch thâu được 250 tấn vũ khí cùng đạn dược. Hai chiếc tàu này "gặp nhau" nhau tại
một khúc sông khoảng 128 cây số về hướng đông-nam Saigon. (Nguồn: Hải quân Hoa Kỳ).

Cuối tháng 11, 1965, khi Bộ quốc phòng nhận được tin một tiểu đoàn của Sư đoàn 1 không kỵ
đụng với ba trung đoàn CSBV ở thung lũng Ia Drang, gần biên giới Lào, một phụ tá của McNamara chỉ địa
điểm chiến trường trên bản đồ và hỏi McNamara một câu bâng quơ: "Nghe nói Westmoreland chỉ đóng quân
chung quanh các enclave để bảo vệ căn cứ... tại sao lại đụng trận ở tận biên giới Lào?" McNamara cũng trả
lời bâng quơ: "Westmoreland là tư lệnh chiến trường, chúng ta không nên đón mò hay xen vào chiến thuật
chiến lược của ông ta."

Chiến luợc quân sự của Westmoreland thay đỗi từ enclave qua attrition chỉ trong vòng ba tháng.
Tại sao? Cuộc chiến Việt Nam có thay đổi nếu Westmoreland chọn chiến lược này hay chiến lược kia không?
Enclave, trong Anh ngữ là nơi cư ngụ hay một khu vực riêng của kiều dân nào đó. Trong chiến tranh Việt
Nam, enclave là những căn cứ hay nơi đồn trú của quân đội Hoa Kỳ. Attrition là mài cho mòn, làm thiệt hại,
làm hao tổn tiềm năng, về người và vật chất của đối phương. Attrition đi đôi với cụm chữ search and
destroy, vì muốn làm hao tổn đối phương ta phải "tìm-diệt" đối phương. Giết càng nhiều, phá hủy càng nhiều
là mục đích tối hậu của attrition.

Sau khi hai phi trường Biên Hòa và Pleiku bị đặc công Cộng sản đánh phá, Westmoreland xin Ban
tham mưu liên quân cho một số đơn vị Thủy quân lục chiến và nhảy dù để phòng giữ căn cứ và phi trường
hay những nơi tập trung nhiều cơ sở của quân đội Mỹ. Chiếc lược mà Westmoreland giải thích và đề nghị với
Ban tham mưu liên quân lúc đó là enclave, quân tác chiến Mỹ chỉ được dùng để bảo vệ phi trường và cơ sở
quân sự. Quân tác chiến Mỹ chỉ tác chiến trong trường hợp tự vệ mà thôi. Kế hoạch enclave được sự ủng hộ
mạnh mẻ của đại sứ Taylor từng là tư lệnh lục quân, rồi tham mưu trưởng liên quân trước khi làm đại sứ.

Nhưng từ đầu năm 1964, Cộng sản Bắc Việt liên tiếp tấn công nhiều quân lỵ của Việt Nam cộng
hòa và các căn cứ Lực lượng đặc biệt Mỹ ở Vùng 1, 2 và 3, với nhiều bằng chứng cho thấy có sự hiện diện
của nhiều trung đoàn CSBV mới xâm nhập từ Bắc. Sau trận Pleime, Westmoreland sợ Bắc Việt dùng hai sư
đoàn 325 và 304 đánh cắt ngang Vùng 2 chiến thuật, nên ông đem sư đoàn không kỵ lên phía tây của Vùng 2
để đề phòng bất trắc. Cũng từ sau trận Pleime, với nhiều bằng chứng cho thấy Bắc Việt sẵn sàng dùng quân
chủ lực mới xâm nhập để thử lửa với quân đội Mỹ.

Westmoreland suy luận là chiến lược quân sự của Bắc Việt đang cuyển sang giai đoạn 3 của lý
thuyết chiến tranh cách mạng của Mao Trạch Đông. Trong lý thuyết chiến tranh của Mao, giai đoạn 1 là xây
dựng căn cứ, chiêu mộ đảng viên. Giai đoạn 2 là dùng những căn cứ xây dựng ở nông thôn để bao vây thành
thị, dùng du kich chiến làm tiêu hao lực lược đối phương, hay chỉ đánh khi mình hoàn toàn nắm thế thượng
phong. Giai đọan 3 là giai đoạn quân cách mạng sử dụng đơn vị có cấp số quân lớn tiêu diệt đối phương, đi
đến giai đoạn sau cùng của lý thuyết chiến tranh cách mạng.

Lý do Westmoreland thay đổi từ chiến lược enclave qua search and destroy (truy lùng và tiêu
diệt), vì ông nghĩ nếu Bắc Việt chuyển qua giai đoạn 3 thì đây là cơ hội để tiêu diệt các đơn vị chủ lực của
đối phương. Tâm lý của Westmoreland giống như tâm lý của tướng Navarre khi ông trông chờ quân Việt
Minh đánh vào Điện Biên Phủ: đánh địa chiến, đánh qui ước, đánh bằng cấp số quân lớn để biết thắng thua
cho nhanh, chớ quân đội Tây phương viễn chinh không bao giờ có thì giờ cho chiến tranh du kích ở chiến
trường Á Châu.

Với suy luận đó Westmoreland ra lệnh cho Sư đoàn 1 không kỵ đóng quân ở An Khê ở khoảng
Đèo Mang Yang trên quốc lộ 19, một địa điểm thuận tiện để canh chừng hay truy kích quân Bắc Việt qua
vùng biên giới Lào. Trong hai tháng 5 và 6 năm 1965, sau các trận đánh đẫm máu ở Sông Bé và Đồng Xoài
trong tỉnh Phước Long, Ba Gia ở tỉnh Quảng Ngãi, và Đắc-Tô ở tỉnh Kontum, Westmoreland suốt ruột: Quân
đội Hoa Kỳ đang có mặt nhưng họ chỉ đứng nhìn vì chiến lược enclave bắt họ phải bó tay.

Ba ngày trước trận Đồng Xoài (10 tháng 6 năm 1965), Westmoreland đánh điện về đô đốc Ulysses
Grant Sharp (tư lệnh quân đội Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương), cho biết tình hình quân sự đang có phần thất lợi
về phía Việt Nam cộng hòa. Westmoreland đề nghị xin cho ông thêm quân để phản công: 44 tiểu đoàn, một
lực lượng có số quân vừa tác chiến vừa yểm trợ khoảng 125-150 ngàn người, gồm quân Hoa Kỳ, Đại Hàn, và
Australia. Westmoreland muốn đem chiến trường đến đối phương. Westmoreland muốn thay đổi chiến lược
từ bảo vệ căn cứ mình qua đánh vào cứ địa của địch. Đô đốc Sharp trả lời Westmoreland rất dè dặt, nếu
không nói là không ưng thuận. Sharp không muốn đem Sư đoàn không kỵ đi quá xa đường tiếp liệu trung
bình. Sư đoàn không kỵ cần từ 600 đến 800 tấn tiếp tế mỗi ngày, và vấn đề không vận sẽ khó khăn nếu Quốc
lộ 19 nối liền Qui Nhơn, An Khê, và Pleiku bị cô lập.

Đô đốc Sharp muốn giữ Sư đoàn không kỵ ở lại vùng Bình Định hay Qui Nhơn để bảo vệ dân và
cơ sở như trong chiến lược enclave. Vấn đề bàn cãi chưa được dứt khoát thì ngay sau trận Đồng Xoài, Ban
tham mưu liên quân nhận được một điện tín từ đại sứ Taylor với nội dung tương tự như điện tín của
Westmoreland: Bắc Việt đang dùng các đơn vị vừa xâm nhập tấn công nhiều đơn vị và tiền đồn của Việt
Nam cộng hòa ở mọi vùng chiến thuật. Điện tín của đại sứ Taylor như thêm dầu vào lửa cho quyết định của
Bộ quốc phòng và Ban tham mưu liên quân.

Ngày 22 tháng 6, Ban tham mưu liên quân thông báo với Westmoreland chuẩn bị nhận 44 tiểu
đoàn tác chiến sắp được gởi qua. Ngày 26 cùng tháng, Ban tham mưu liên quân cho phép tư lệnh MACV sử
dụng quân tác chiến Hoa Kỳ khi cần để củng cố vị thế của quân đội VNCH khi cần thiết. Với quân lệnh
trong tay, hôm sau, 27 tháng 6 năm 1965, Westmoreland đưa hai tiểu đoàn của Lữ đoàn 173 nhảy dù, một
tiểu đoàn Australia, và 5 tiểu đoàn VNCH đánh thẳng vào chiến khu D. Như vậy, chỉ trong ba tháng, chiến
lược phòng thủ coi như chết và chiến lược "tìm diệt" được mở màn.

Các chiến lược gia quân sự sau này chia làm hai phe củng hộ và phản đối Westmoreland. Phe
chống đối chỉ trích Westmoreland đã suy nghĩ không tận tường khi ông chuyển thay từ chiến lược enclave
qua search and destroy. Theo họ, khi du kích chiến chuyển qua gia đoạn 3 để tấn công bằng cấp số quân lớn,
tất cả đồng ý đây là một cơ hội tốt cho quân đội đồng minh dùng hỏa lực mạnh để tiêu diệt đối phương.
Nhưng trong chiến tranh du kích, nếu gặp thất bại ở giai đoạn 3, Cộng sản có thể dể dàng quay lại giai đoạn
2. Khi Cộng sản thất bại ở gian đoạn 3 và phải quay lại giai đoạn 2, điều đó không có nghĩa là chúng ta
thắng. Ở giai đoạn 2, cộng sản chỉ tiếp tục làm lại kế hoạch dân-vận nhắm vào những khiếm khuyết của xã
hội và chính trị của đối phương và chờ thời như trong ý nghĩa trường kỳ kháng chiến.

Như vậy, trong chiến lược trường kỳ kháng chiến, quay trở giai đoạn 2 không nhất thiết là thua,
mà còn thắng nếu tính chất thời gian là một trở ngại cho phía bên kia (Hoa Kỳ). Westmoreland đã viện quân
quá nhiều với hy vọng rút ngắn thời gian của cuộc chiến bằng một vài trận đánh quyết liệt với quân chủ lực
Bắc Việt. Sau vài lần thấy được hỏa lực của Hoa Kỳ và lực lượng đồng minh, Bắc Việt lập tức quay trở lại
giai đoạn 2 và dùng thời gian như một vũ khí đối với sự thiếu kiên nhẫn của quốc nội Hoa Kỳ. Đó là yếu tố
mà người tư lệnh MACV nghĩ không thấu đáo.

Phe bênh vực biện luận là Westmoreland không còn, hay có một chọn lựa nào khác hơn là áp
dụng chiến lược "tìm-diệt". Với tất cả những qui luật giao chiến áp dụng cho chiến trường Việt Nam, với
nhiều bó buộc về chính trị và với áp lực của thời gian, Westmoreland phải đem chiến trường đến địch quân
chứ không thể chờ đợi lâu. Thẩm quyền dân sự muốn Westmoreland ngăn chặn sự xâm lược của Bắc Việt,
nhưng không cho phép MACV tấn công qua các căn cứ hậu cần của Bắc Việt ở Lào và Cam Bốt. Thẩm
quyền dân sự muốn dội bom để phá hủy bộ máy chiến tranh của Hà Nội ở miền Bắc nhưng bỏ bom làm sao
để không có vẻ gây hấn hay khiêu khích Nga và Trung Cộng để họ không có cớ nhảy vào cuộc chiến.

Khi thẩm quyền dân sự bát bỏ kế hoạch của Westmoreland, Việt Nam cộng hòa và Ban tham mưu
liên quân về đề nghị xây một phòng tuyến trải dài từ Đông Hà đến Savannakhet để hoàn toàn cắt đứt đường
xâm nhập vào Nam, Westmoreland không còn chọn lựa nào khác hơn là phải truy lùng và triệt tiêu các đơn
vị địch ở bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam cộng hòa mà ông có thể "tìm-diệt" được. Nhưng trong cuộc
chiến Việt Nam, với một địa hình thật khó khăn cho người đi truy lùng và thật thuận lợi cho người lẩn trốn,
các đơn vị hùng mạnh của quân đội Hoa Kỳ không có nhiều dịp để triệt tiêu đối phương: Hỏa lực kinh khủng
của Hoa Kỳ và đồng minh trở thành vô ích vì họ không tìm được đối phương đễ áp dụng.
Trực thăng UH-1 thuộc Phi đoàn 282 không chiến (VNCTLS sưu tầm)

Sau trận Pleime, 19 tháng 10 năm 1965, quân đội Hoa Kỳ bắt đầu nhiều chiến dịch, kế hoạch
hành quân, để đem chiến trường đến đất địch. Hai trung đoàn 320 và 33 của Bắc Việt, sau khi bị thiệt hại
nặng trong trận Pleime, rút về căn cứ chung quanh dãy núi Chu Phong đóng chung với trung đoàn 66 vừa từ
Bắc đặt chân vào Nam. Sư đoàn không kỵ được lệnh truy lùng vào sào huyệt của hai sư đoàn 325 và 304.
Trong trận đụng độ đầu tiên ở cấp sư đoàn, cả Hoa Kỳ và Cộng sản Bắc Việt học được những ưu và khuyết
điểm của đối phương. Phía Hoa Kỳ phải nhờ vào hỏa lực của không lực và pháo binh, phương tiện vận
chuyển cơ giới để đương đầu với địa hình. Phía Bắc Việt thì rất kinh hoàng khi lần đầu tiên họ đối diện pháo
đài B-52. Sau khi trừ đi cộng lại thiệt hại đôi bên, Bộ tư lệnh MACV quyết định theo đuổi chiến lược "tìm-
diệt".

Với địa hình khó khăn ở Việt Nam, Bộ tư lệnh MACV lúc nào cũng cần quân nhiều hơn để thực
hiện chiến lược "tìm-diệt". Từ con số dưới 60 ngàn quân vào tháng 6, quân số Hoa Kỳ tăng lên 185 ngàn
cuối năm 1965, rồi 385 ngàn vào năm 1966, 485 ngàn vào năm 1967, 536 ngàn vào cuối năm 1968, và số
quân lên cao nhất là vào tháng 4 năm 1969 với 534 ngàn quân. Số lính lục quân cao nhất ở chiến trường Việt
Nam là 363 ngàn, Thủy quân lục chiến là 83 ngàn, hải quân có 36 ngàn, và không quân với 61 ngàn.

Vùng hoạt động của lục quân Mỹ đóng kèm theo Vùng chiến thuật của Việt Nam cộng hòa. Vì
Vùng 1 được giao cho Thủy quân lục chiến đảm nhiệm, phần lớn quân Lục quân đóng ở Vùng 2 và Vùng 3
chiến thuật VNCH. Bộ tư lệnh lục quân Mỹ ở Vùng 2 được gọi là Quân đoàn 1 Dã Chiến (I Field Force), và
tương tự, ở Vùng 2 VNCH thì do Quân đoàn 2 Dã Chiến (II Field Force) đảm nhiệm.

Quân đoàn dã chiến thường do một trung tướng chỉ huy, dưới tay có từ hai đến bốn sư đoàn tác
chiến. Lục quân tuy có số quân hơn 360 ngàn, nhưng số lính đi hành quân tác chiến thật sự ngoài chiến
trường thì chưa đến 90 ngàn quân. Tỉ lệ lính tác chiến trên lính trợ-lực của quân đội Mỹ ở chiến trường Việt
Nam là 1 trên 4: cần 4 người ở phía sau để giúp một người ở chiến trường. Với quân số tiếp viện ào ạt vào
miền Nam, Bộ tư lệnh Tiếp-Vận Mỹ gặp nhiều khó khăn để tiếp viện cho tất cả các đơn vị có mặt khắp nơi
trên lãnh thổ. Hệ thống chuyển vận đường bộ Việt Nam quá nhỏ để có thể cung ứng cho phương tiện di
chuyển cơ giới của Hoa Kỳ.

Với khoảng cách hơn 10 ngàn cây số từ bờ biển phía tây Hoa Kỳ đến Việt Nam, và từ đó đến bờ
biển phía đông là thêm một khoảng hơn 4,000 cây số nữa (trừ Bộ tư lệnh không quân chiến lược là nằm giữa
Mỹ, tất cả các bộ tư lệnh còn lại nằm dọc theo hai bờ biển đông và tây Hoa Kỳ). Tiếp liệu được đưa qua Việt
Nam bằng vận tải hạm và thương thuyền xuyên đại dương, và bằng phi cơ vận tải chiến lược.

Trong khi khi vấn đề vận tải bằng máy bay tương đối dể giải quyết, vấn đề vận chuyển bằng
đường biển thì vô cùng khó khăn tron giai đoạn đầu. Bến tàu và hải cảng Việt Nam không đủ khả năng bốc
hàng theo nhu cầu cập bến của các vận-tải hạm đang nối đuôi nhau chuyên chở quân nhu liệu để cung cấp
cho hơn một triệu quân Hoa Kỳ và đồng minh đang có mặt ở chiến trường. Vấn đề ứ động ở các cảng bốc
hàng nghiêm trọng đến độ nhiều tàu chuyên chở phải nằm ngoài khơi một, hai tuần để cập bến. Thương
thuyền không có quyền ưu tiên đôi khi phải chờ cả tháng.

Bộ tư lệnh hải vận (Military Sealift Command) có 527 tàu chuyên chở xuyên đại dương và hàng
chục đoàn xà lan để vận chuyển quân nhu liệu qua Việt Nam. Bộ tư lệnh không vận (Military Airlift
Command), với 32 không đoàn gồm nhiều loại phi cơ vận tải chiến lược, lo về không vận từ Mỹ qua Việt
Nam. Trong nội địa Việt Nam, vấn đề chuyển đường bộ thì do hai liên đoàn quân xa phụ trách. Không vận
thì do Lữ đoàn không lực 1 (1st Aviation Brigade) với gần 5 ngàn trực thăng, phi cơ đủ loại, và 24 ngàn quân
nhân trực thuộc.

Để quản trị hành chánh của vấn đề tiếp liệu, MACV thành lập Bộ tư lệnh tiếp liệu 1 (1 st
Logisatical Command) với cấp số quân đoàn để lo vấn đề phân phối đến tay người nhận. Bộ tư lệnh này có
số quân khoảng 50 ngàn người, với bốn bộ tư lệnh nằm ở Saigon, Cam Ranh, Qui Nhơn và Đà Nẵng. Chỉ tại
bộ tư lệnh chính ở Saigon, 1 st Logistical Command có 33 ngàn quân nhân phục vụ. Cũng nên nhấn mạnh ở
đây, các đơn vị được kể tên ở trên hoàn toàn thuộc về lục quân và chỉ phục vụ cho quân chủng của họ. Trong
nội địa Việt Nam, mỗi quân chủng tự lo lấy vấn đề chuyên chở tiếp liệu, không vận riêng. (Thủy quân lục
chiến Hoa Kỳ ở Vùng 1 nhận tiếp tế từ hải quân qua Bộ tư lệnh Thái Bình Dương cho đến đầu năm 1969, khi
bộ tư lệnh của họ bị đặt dưới quyền chỉ huy của Lục quân, thì họ nhận tiếp tế từ lục quân).

______________________

Tìm nguyên nhân sụp đổ của VNCH

Tác phẩm Abandoning Vietnam: How America Left and South Vietnam Lost Its War của James H.
Willbanks, do nhà xuất bản đại học Kansas ấn hành, 2004.

Một bài đã viết trên BBC Vietnamese năm 2006.


Cuốn sách này của James H. Willbanks đã bị một số bài điểm sách phê bình là mang tựa đề gây
hiểu nhầm và ‘giật gân’ không cần thiết.

Tựa cuốn sách Abandoning Vietnam: How America Left and South Vietnam Lost Its War có ngụ ý
về một quan hệ nhân quả, rằng do Hoa Kỳ ra đi, miền Nam Việt Nam đã thất thủ.

Tuy nhiên, thực ra nội dung cuốn sách chỉ xem việc Hoa Kỳ triệt thoái năm 1973 là một trong
nhiều yếu tố dẫn đến thất bại của miền Nam.

Một nhà điểm sách đã cho rằng một tựa đề phù hợp hơn nên là: “Lịch sử chiến tranh Việt Nam,
1968-75: Tác động của quyết định Việt Nam hóa chiến tranh và của việc Mỹ triệt thoái đối với các trận đánh
và thất bại của miền Nam.”

Tác giả cuốn sách, một cựu quân nhân có khoảng thời gian ở Việt Nam, cho rằng nhiều yếu tố dẫn
đến sự sụp đổ của miền Nam: sự giảm sút ủng hộ trong Quốc hội Mỹ năm 1973-74, vụ Watergate khiến
Nixon từ chức, tổng thống Ford không thuyết phục được Quốc hội cung cấp tài chính và trợ giúp quân sự
cho Sài Gòn năm 1975, việc miền Nam không thực hiện các cải tổ chính trị, xã hội và kinh tế nghiêm túc.

Các nguyên nhân khác được kể ra là việc quân đội Bắc Việt được phép ở lại miền Nam sau ngừng
bắn, và sự thiếu ý chí chiến thắng và tài lãnh đạo của phía miền Nam.

Nhưng yếu tố tác giả nhấn mạnh nhiều nhất là thất bại của quyết định Việt Nam hóa chiến tranh,
được định nghĩa là “sự đào tạo, cải thiện khả năng đối đầu với đối phương của quân lực miền Nam.”

Có mấy ý chính quanh quá trình Việt Nam hóa. Thứ nhất, Việt Nam hóa lẽ ra phải bắt đầu từ lâu
trước khi Nixon thực hiện chính sách này năm 1969.

Theo Willbanks, năm 1963 sẽ là thời điểm tốt. Đến năm 1969, đã không còn đủ thời gian để
chuyển hóa quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

Chính sách này cũng làm mích lòng người miền Nam vì nó ngụ ý rằng họ đã trốn tránh việc lâm
chiến, để trách nhiệm lại cho quân Mỹ. (Một ước tính nói rằng từ 1960 đến 1975, 275.000 quân nhân miền
Nam đã tử trận, so với 46000 số tử vong khi lâm trận của quân Mỹ.)
Thứ hai, Hoa Kỳ, với kinh nghiệm chiến tranh gần nhất là ở Triều Tiên, đã đưa vào Việt Nam một
quân đội chính quy được đào tạo chống lại sự xâm lấn xuyên biên giới trong khi đe dọa thực sự là từ cuộc
nổi dậy địa phương.

Cũng theo Willbanks, trong quan hệ với Sài Gòn, Hoa Kỳ lẽ ra ngay từ đầu cần buộc chính quyền
thực hiện những cải cách căn bản trong quân đội để tạo nên một đội quân thật thiện chiến.

Bình luận

Nhận định về quyền sách, bài trên Journal of Military History cho rằng thật ra ngay từ năm 1963,
chính sách “cố vấn và hỗ trợ” của Mỹ ở Việt Nam cũng phần nào tương tự quá trình Việt Nam hóa: người
miền Nam đánh trận, và Hoa Kỳ cung cấp vũ khí, đào tạo và thiết bị.

Hai năm sau, chính sách này thất bại và Mỹ mới bắt đầu gửi quân vào để ngăn miền Nam khỏi
sụp đổ.

Về ý của Willbanks rằng Sài Gòn lẽ ra cần có các cải tổ thực chất hơn, bài điểm sách này nói
những nhân vật có thể đưa ra quyết định như thế - như Robert McNamara, Henry Cabot Lodge và Maxwell
Taylor - sẽ không thực hiện đề nghị như của tác giả Willbanks.

Lý do là vì họ là những chiến binh thời Chiến tranh Lạnh, những người nhấn mạnh một đồng
minh chiến đấu chống lại Cộng sản mà lại thực hiện cải cách ngay giữa cuộc xung đột sẽ là một chuyện chưa
từng có tiền lệ.

Trong khi đó, một bài điểm sách trên Journal of American History khen tác phẩm này là “bản ghi
chép tốt nhất đến nay về chính sách chính trị và quân sự của Mỹ từ sau Tết Mậu Thân đến 1975.”

______________________

The Vietnamese War, trích dịch

Về tác giả: David W.P. Elliott tốt nghiệp ĐH Yale trước khi phục vụ trong quân ngũ Hoa Kỳ thời
gian 1962-65. Sau một năm học tiếng Việt, Elliott phục vụ ở Việt Nam từ 1963-65. Năm 1965, ông vào làm
tại tổ chức Rand Corporation và giám sát một nghiên cứu về phong trào Việt Cộng ở tỉnh Mỹ Tho (khi đó
mang tên Định Tường và hiện là Tiền Giang) cho đến 1967. Sau khi lấy bằng tiến sĩ ở ĐH Cornell, Elliott
dạy ở Cornell một năm và rồi chuyển sang Pomona College, nơi ông giảng dạy từ 1977 đến nay.
Về tác phẩm: Dày hơn 1500 trang, cuốn The Vietnamese War: Revolution and Social Change in
the Mekong Delta (Cuộc chiến của người Việt: Cách mạng và thay đổi xã hội ở đồng bằng sông Cửu Long,
do M.E. Sharpe ấn hành đầu năm 2003) có lẽ là tác phẩm dài nhất về chiến tranh Việt Nam trong một thập
niên qua và là một trong các sách được đánh giá cao. Jayne Werner viết trong bài điểm sách của tạp chí The
Journal of Asian Studies, tháng 11-2004, rằng: “Sau 30 năm, cách mạng Việt Nam cuối cùng đã tìm thấy sử
gia của mình. Với tầm bao quát lịch sử và khả năng liên kết tính địa phương với thế giới bên ngoài, sự chú
tâm đến chi tiết, sự tinh thông chiến lược quân sự và phần tích văn hóa, sự mô tả sắc sảo hoạt động của các
bên, và cách tác phẩm nắm bắt cá tính của các nhân vật cách mạng chính, quyển sách này là bản đánh giá
đầy đủ tính học thuật về sự phát triển của cách mạng miền Nam, từ lúc khởi thủy thập niên 1920 đến 1975.”

Cuốn sách tập trung vào một tỉnh Mỹ Tho, nơi David Elliott thực hiện phỏng vấn cho Rand
Corporation với những người chiêu hồi và tù nhân của chính quyền Sài Gòn từ 1965-68, rồi năm 1971, và
1972-74. Hiện ra trên trang sách là một câu chuyện mang tính cá nhân, về một người bắt đầu với sứ mạng
tìm hiểu đối phương và kết thúc bằng tác phẩm về quan hệ con người.

Mỹ Tho được dùng như một nghiên cứu tỉ mỉ ở cấp độ địa phương, mà qua đó giúp có những
nhận xét về toàn bộ cục diện chiến tranh. Theo Jayne Werner, Mỹ Tho có ích cho nghiên cứu bởi nhiều thành
viên ban đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam sinh ở Mỹ Tho. Trụ sở chi bộ miền Nam của Đảng đặt ở đây thập
niên 1930 và 1940. Tỉnh này cũng giữ vị trí chiến lược trong cả cuộc chiến ở các giai đoạn quan trọng.

Văn bản giới thiệu ở đây là trích dịch từ phần phụ lục B ‘Reflections’, mang tính chất kết luận của
sách.

Ghi chú: Phần phụ lục không có chú thích ở cuối trang. Vì độ dài cuốn sách, nên nếu chỉ đọc phần
phụ lục này sẽ có nhiều điểm gây mơ hồ. Các chú thích do người dịch bổ sung là phần dịch thêm một số
đoạn liên quan trong sách, ngõ hầu làm rõ nghĩa hơn.

Câu chuyện về cuộc cánh mạng ở Mỹ Tho từ 1930 đến 1975 phức tạp và khúc khuỷu. Tuy vậy, có
một số kết luận tổng quát có thể đóng góp vào việc hiểu rõ hơn về cuộc chiến Việt Nam (1959-1975). Có lẽ
điểm quan trọng nhất là trái với ấn tượng của nhiều người Mỹ, những người nghĩ rằng cuộc xung đột bắt đầu
khi họ đặt chân đến nước này, thì thật ra đã có một lịch sử tranh đấu lâu dài từ trước đó. Đường đi của những
sự kiện trước đó, và di sản của những thái độ tạo nên từ những sự kiện này, đã tạo ra những ràng buộc trong
hành vi của toàn bộ người Việt trong các giai đoạn sau của cuộc xung đột, và vì thế (một cách vô tình) cũng
tạo ra ràng buộc cho người Mỹ. Dù vai trò của Mỹ trong cuộc chiến có quan trọng đến đâu, thì kết quả cuối
cùng được quyết định, một cách căn bản, bởi những hành động của người Việt Nam. Những hành động này
lại dựa trên những nhận thức và niềm tin đã có nguồn gốc lịch sử sâu xa. Vì vậy, tác giả sách này xem dự án
khảo sát chi tiết “cuộc chiến của người Việt” (Vietnamese War) và thời kì trước khi Mỹ có sự can dự lớn là
một tiền đề cần thiết để hiểu sự kiện vốn thường được nhắc đến dưới tên gọi “Vietnam War” – một tên gọi
tập trung nặng vào những gì người Mỹ đã làm ở Việt Nam, và những gì họ nhận.

Mặc dù cuộc chiến Việt Nam (Vietnam War) chủ yếu là một sản phẩm của Chiến tranh Lạnh và sự
can thiệp bên ngoài, nhưng các yếu tố mà sau cùng đã làm hỏng mục tiêu và kế hoạch của Hoa Kỳ lại có
nguồn gốc từ Việt Nam. Phong trào chống thực dân và chế độ chiếm hữu ruộng đất đã tạo nên các yếu tố của
một phong trào cách mạng. Cách mạng tháng Tám 1945 là một chuyển động lịch sử quan trọng, đó là lúc các
yếu tố này gắn kết và tạo ra một phong trào quần chúng. Các xu hướng khác biệt bên trong phong trào cách
mạng ở Mỹ Thọ, mỗi xu hướng lại có một nền tảng xã hội riêng. Ngay sau cách mạng tháng Tám, chúng hòa
lẫn vào sự nghiệp cách mạng lâu dài; tuy nhiên, nhiều thành phần tinh hoa ở đô thị và nông thôn từng bị thu
hút bởi cách mạng thì nay rời bỏ – nền tảng xã hội của cuộc cách mạng ngày càng dựa vào tầng lớp nông dân
nghèo hơn ở nông thôn.

Một tập hợp các yếu tố lịch sử đặc thù đã dẫn đến chiến thắng cách mạng ở miền Bắc Việt Nam.
Nghiên cứu này chỉ ra tại sao phong trào cách mạng ở miền Nam ban đầu lại kém thành công hơn - vì sự đa
dạng của các động lực chính trị và xã hội cũng như những hoàn cảnh lịch sử kém may mắn hơn (sau khi
Nhật đầu hàng, người Anh quản lý miền Nam và làm ngơ trước sự quay lại của Pháp). Ngay cả trong giai
đoạn kháng chiến chống Pháp, sự phức tạp của xã hội miền Nam đã khiến người Pháp tạm thời thành công
trong việc “bình định” đồng bằng sông Cửu Long. Một bài học quan trọng trong thời kì này là: thành công
tạm thời ở một khu vực ở Việt Nam trong một giai đoạn nhất định vẫn không bao giờ đủ để đánh bại những
nhà cách mạng. Khi tình hình xấu đi ở các khu vực khác, sự bình định của Pháp tan vỡ. Nếu kháng chiến tiếp
tục, Việt Minh gần như chắc chắn sẽ chiến thắng tại miền Nam giống như họ đã làm ở miền Bắc.

Hiệp định Geneva khiến lực lượng vũ trang tập kết ra Bắc, còn du kích thì giải ngũ. Không còn sự
bảo vệ, những cán bộ còn ở lại bị chính quyền Ngô Đình Diệm săn đuổi có hệ thống – chính quyền Sài Gòn,
giống như đối phương ở miền Bắc, cũng không cảm thấy bị mấy ràng buộc về cảm kết bảo vệ quyền tự do
chính trị. Nghiên cứu này không nhắm đến phân tích câu hỏi về tính hợp pháp của thời kì này, hay ngay cả
tính chất đạo đức tương đối của hai phe. Tuy nhiên, dữ liệu từ các cuộc phỏng vấn cho thấy những thành tựu
ngắn hạn của chính phủ Diệm do sự đàn áp dân số nông thôn ở các nơi như Mỹ Tho đã tạo ra những hậu quả
lâu dài cho chế độ của ông. Mặc dù không ai nghi ngờ phong trào cách mạng có một trung tâm quyền lực –
Hà Nội – nhưng dữ liệu nêu ra trong sách cũng chứng tỏ mức độ mà những cán bộ miền Nam đã gây sức ép
cho một miền Bắc miễn cưỡng để đưa đến cuộc nổi dậy mà sau cùng dẫn đến chiến tranh Việt Nam.

Một vấn đề gặp ở nhiều nghiên cứu về phong trào cách mạng ở Việt Nam là thiên hướng hay đưa
ra những sự phân chia sai lầm: giải phóng / khủng bố, nông dân đau khổ / đảng viên Marx-Lenin bảo thủ.
Cuốn sách này ghi lại rõ rệt vai trò của bạo lực cách mạng trong các cuộc nổi dậy năm 1959-60 và sự quan
trọng của vài trăm nhà tổ chức chính trị ở tỉnh Mỹ Tho. Mục tiêu của họ không chỉ nhằm đe dọa, tiêu diệt
người ủng hộ và viên chức của chính quyền Sài Gòn, mà còn để cân bằng lại sự sợ hãi mà chính quyền Diệm
đã tạo nên trong nông dân, những người mà nếu không bị chính quyền đe dọa thì có thể có cảm tình với cách
mạng. Vì thế bạo lực lúc này là để làm vô hiệu ưu thế của ông Diệm vào giai đoạn khi những người cách
mạng thua kém phía Sài Gòn về người và vũ khí.

Một sự quan sát kỹ cách thức phong trào cách mạng hồi phục sau 1960 đưa đến hai kết luận. Thứ
nhất, có một sự ủng hộ rộng lớn thật sự cho cách mạng tại những nơi như Mỹ Tho, đặc biệt ở thời kì 1961-
64. Nhiều cuốn sách lịch sử phương Tây có khuynh hướng nhìn lại toàn bộ cuộc chiến thông qua lăng kính
sau 1975, vì thế đã có kết luận là cuộc cách mạng chưa bao giờ có nền tảng vững chắc ở miền Nam. Những
ghi chép từ các cuộc phỏng vấn thời kì này chứng tỏ rõ ràng là có cao trào cách mạng trong những năm đầu
của chiến tranh Việt Nam. Giống như năm 1945 và 1954, những người cách mạng gần như chắc chắn sẽ
chiến thắng nếu Hoa Kỳ không can thiệp vào năm 1965. Trên thực tế, gần như toàn bộ các ghi chép đương
thời của các nhà hoạch định chính sách Mỹ từ thời kì này nói rõ điểm này. Nói như thế không có nghĩa là
những người cách mạng có cả một vùng đất chính trị thoải mái cho họ. Họ có nhiều kẻ thù nhưng, tại những
nơi như Mỹ Tho, họ không có một lựa chọn chính trị khác thay thế họ. Những đối thủ của cách mạng, tuy
nhiều, nhưng chia rẽ và quá phụ thuộc vào sự hỗ trợ bên ngoài.

Một kết luận thứ hai rút ra từ nghiên cứu thời kì sau 1960 là mặc dù cách mạng thường thất thế,
nhưng nó không bao giờ thất bại (while the rovolution was often down, it was never out.) Những người cách
mạng luôn tìm ra câu trả lời cho những vấn đề họ gặp ở những thời điểm nhất định. Nhiều nghiên cứu về
chiến tranh Việt Nam viết trong thời hậu chiến cho rằng “giá như” đã có những chiến thuật, chương trình hay
vũ khí nhất định áp dụng đúng lúc, kết cục chiến tranh đã khác đi. Tuy nhiên, cuộc xung đột mở ra theo “thời
gian thực” (real time). Luôn có một lý do vì sao những phương thuốc hữu hiệu này không được áp dụng vào
lúc chúng có thể xoay đổi cục diện. Lấy hai ví dụ: cải cách ruộng đất và vũ khí thông minh. Chương trình
“Trả đất cho dân cày” của chính quyền Sài Gòn có thể có ảnh hưởng đến người nông dân nếu nó được thực
hiện trong thập niên 1950 thay vì các cải cách như ông Diệm đã làm. Nhưng dĩ nhiên, ông Diệm không bao
giờ nghĩ đến chương trình này cũng như về mặt chính trị, ông cũng không có khả năng thực hiện [1] . Nói về
vũ khí cao cấp, đúng là bom thông minh và công nghệ vũ khí cao cấp có thể hiệu quả hơn loại vũ khí kém
tinh vi mà Mỹ và chính phủ miền Nam sử dụng thời gian đầu. Nhưng ở giai đoạn chiến tranh du kích rải rác
này, họ cũng không có nhiều mục tiêu để dùng vũ khí hiện đại đến thế. Và người cách mạng cũng không
đứng yên. Bắt đầu năm 1945 với dao rựa, họ bước vào thập niên 1970 bằng tên lửa SAM. Dĩ nhiên, vũ khí
này do Trung Quốc và Liên Xô cung cấp, nhưng ý tôi muốn nói rằng cuộc xung đột là sự diễn biến của các
hành động và phản ứng mang tính biện chứng; ở đó mọi phát kiến mới để chống cách mạng lại sẽ tạo ra cơ
chế phản ứng từ đối phương. Những kịch bản “giá mà” là phi lịch sử và vô ích. Điều có ý nghĩa là những gì
đã xảy ra vào thời điểm đó, và sức mạnh của mỗi bên vào một khoảnh khắc cụ thể.

Yếu tố Bắc Việt mang tính quyết định vào giai đoạn cuối là điều quan trọng, nhưng cũng cho thấy
cuộc xung đột ngay từ đầu đã đặt trên một vũ đài toàn quốc. Việc Mỹ xác quyết rằng lằn ranh thích hợp của
cuộc xung đột là vĩ tuyết 17 chia đôi Bắc – Nam là vấn đề chủ chốt trong cuộc chiến. Những người cách
mạng bác bỏ quan điểm này, xem nó không tương thích với định nghĩa về chủ nghĩa quốc gia Việt Nam, và
quan điểm của họ chiến thắng. Các cuộc phỏng vấn trong sách thể hiện nhiều lần có sự phản kháng của
người miền Nam trước người Bắc, nhưng các cuộc phỏng vấn cũng thể hiện rõ là những người cách mạng
miền Nam ở Mỹ Tho hoàn toàn chia sẻ quyết tâm về một Việt Nam thống nhất, mặc dù họ muốn có nhiều
tiếng nói hơn trong cách lãnh đạo đất nước và thường bất bình vì vị thế trội hơn của bộ máy lãnh đạo đặt ở
miền Bắc [2] .

Những gì xảy ra tại Mỹ Tho rọi sáng vào một số tranh cãi lịch sử. Trước đó tôi đã nói, nghiên cứu
giúp cho việc hiểu nguồn gốc miền Nam trong việc hồi phục phong trào nổi dậy. Và tình thế quân sự mà về
cơ bản là bế tắc ngay trước cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968 – dù một sư đoàn Mỹ đã dành cả một năm
hoạt động tại Mỹ Tho và các tỉnh xung quanh – cho thấy cuộc tấn công Tết Mậu Thân không phải là một ván
cờ tuyệt vọng như một số sách thường mô tả. Nó cũng chứng tỏ ngay cả trong địa thế bất lợi ở đồng bằng
sông Cửu Long, những người cách mạng đã tìm ra cách đối phó với quân Mỹ theo các quy tắc giao chiến đã
tồn tại từ trước Mậu Thân. Khi ấy không ai chú ý chi tiết có một cuộc nổi dậy của nông dân – nhiều người
tuy rằng ngắn ngủi – đã xảy ra ở Mỹ Tho vào tháng Hai 1968. (Các nghiên cứu về sự kiện Mậu Thân đôi khi
chỉ ra việc không có nổi dậy tại các đô thị, xem đây là bằng chứng rằng cách mạng thiếu sự ủng hộ. Và có lẽ
quả thật ở các khu đô thị như Sài Gòn và thành phố Mỹ Tho, không có mấy người ủng hộ sẵn sàng đổ xuống
đường trong lúc đạn đang bay vèo vèo.) Dĩ nhiên có nhiều người ủng hộ một cách có điều kiện và những
người cơ hội đã tham gia cuộc nổi dậy ở nông thôn mà tôi nhắc ở trên. Mục đích của họ là chấm dứt chiến
tranh hơn là đạt thắng lợi cho cách mạng. Nhưng cần nhớ đã không có sự tuần hành nào tương tự thể hiện sự
ủng hộ chính quyền Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1971 khi cách mạng có vẻ thoái trào. Và ngoài những
người cơ hội, thì nhiều người tham gia ủng hộ cách mạng trong phong trào quần chúng ngắn ngủi này cũng
là những người ủng hộ tiềm năng; họ phản ứng trước một tình thế mới khi việc ra mặt ủng hộ đã bớt nguy
hiểm và khả năng có lợi tăng lên.

Các cuộc nổi dậy nông thôn ở Mỹ Tho có lẽ không phải là các sự kiện riêng lẻ. Một trong những
mục đích của việc tấn công vào các đô thị chính là để giải tỏa sức ép cho các căn cứ cách mạng ở nông thôn.
Trong các hồi ký thời hậu chiến của nhiền cán bộ ở đồng bằng sông Cửu Long, thường lặp lại bình luận chua
chát rằng họ đã không tận dụng được sự gần suy sụp của cơ cấu an ninh tại nông thôn bởi vì lãnh đạo ở Hà
Nội và Trung ương Cục miền Nam đã ra lệnh họ phải tiếp tục các cuộc tấn công vô vọng vào các vùng ven
đô trong suốt hơn một năm sau Tết. Trong mấy năm cuối cùng của chiến tranh có sự tăng cường quân từ
miền Bắc. Lực lượng này đóng vai trò chủ chốt cho chiến thắng, mà cũng là cần thiết bởi các quyết định từ
Hà Nội trước đó đã khiến quân cách mạng miền Nam suy sụp. Điều này xảy ra không chỉ vì các tổn thất ban
đầu của đợt tấn công đầu tiên hồi Tết, mà còn qua cả một thời gian dài một năm sau Tết Mậu Thân.

Một số nghiên cứu viết sau chiến tranh kết luận rằng có thể Mỹ đã nên tiếp tục tận dụng ưu thế
quân sự sau Tết và thế là giành chiến thắng. Một số sách khác cho rằng chỉ sau Tết, Mỹ mới tìm ra một chỉ
huy (tướng Creighton Abrams), chiến thuật (chương trình Phượng hoàng và “bình định”) và chính sách
(chương trình “Trả đất cho dân cày”) mà có thể đã giúp chiến thắng. Nhưng những gì xảy ra ở Mỹ Tho sau
Mậu Thân không đem lại nhiều sự ủng hộ cho các luận cứ này. Các hoạt động quân sự của sư đoàn Chín
quân Mỹ năm 1968 và nửa đầu 1969 hiệu quả về quân sự, nhưng do họ không bị hạn chế như trước Tết Mậu
Thân trong việc dùng đạn pháo đánh vào khu dân cư, nên họ cũng không chinh phục được tình cảm người
dân. Chủ trương bình định thì tạm thời thành công, nhưng chủ yếu dựa trên việc giảm số dân ở nông thôn,
được tạo ra bởi việc đánh bom không kiềm chế vào các khu vực lớn ở tỉnh. Chương trình Phượng hoàng ở
Mỹ Tho không hiệu quả. Chương trình “Trả đất cho dân cày” cũng không thành công bởi ngay cả vào năm
1971, khi đa số trong tỉnh đã được “bình định”, các khu đất từng thuộc về nông dân thì hoặc vẫn nằm trong
các nơi không an toàn, không có người sống, hoặc không còn trồng trọt được. Ngay cả với những người có
ruộng, một câu hỏi lại đặt ra là liệu họ có đủ biết ơn chính phủ Sài Gòn để ủng hộ chính phủ khi thất thế hay
không. Nghiên cứu này đưa ra một số bằng chứng sinh động, tuy còn mang tính truyền khẩu, về mức độ
chính quyền Sài Gòn bị xa lánh bởi những người có thế lực tại thị trấn và làng xã ở Mỹ Tho. Như thế, nó
cũng không tạo được nền tảng cho một cộng đồng chung của các thế lực chính trị phi cộng sản [3] .

Ngay cả khi phong trào cách mạng rơi xuống điểm thấp nhất năm 1971, một nhóm cán bộ ít người
nhưng quyết tâm vẫn ở lại hàng ngũ. Năm 1972, một cuộc tổng tiếng công mùa xuân được thực hiện. Mặc dù
giao tranh diễn ra ác liệt nhất ở miền Trung và các khu vực tây bắc của Mỹ Tho, nhưng một trong các tác
động của diễn biến này là nó kéo quân Sài Gòn ra khỏi đồng bằng sông Cửu Long và giải tỏa sức ép cho các
chốt cách mạng ở những nơi như Mỹ Tho. Như các báo cáo của Mỹ và phỏng vấn với người địa phương cho
thấy, điều này đem lại thất vọng cho chương trình “bình định” và chấm dứt chương trình “Trả đất cho dân
cày”. Nó cũng đặt câu hỏi về tính khả thi của chính sách ‘Việt Nam hóa’ sau khi quân Mỹ rút đi [4] . Nghiên
cứu này cho thấy ưu thế gần tuyệt đối của chính quyền VNCH ở tỉnh Mỹ Tho năm 1971 chỉ là ảo giác. Sự
hồi phục phong trào cách mạng được dẫn dắt chủ yếu, nhưng không phải tuyệt đối, bởi quân đội Bắc Việt.

Nghiên cứu này giúp giải thích vì sao những người cách mạng đã thắng lợi trong cuộc đấu tranh
30 năm chống lại đối phương có sự hỗ trợ từ ngoài. Nó cũng đặt giả thiết vì sao giai đoạn tiếp theo của cuộc
cách mạng lại khó khăn đến thế. Nền tảng xã hội mà cách mạng dựa vào đã bị đổi thay tận gốc vào cuối cuộc
chiến. Xã hội miền Nam không sẵn sàng chấp nhận nhãn hiệu xã hội chủ nghĩa áp đặt lên họ sau 1975, như
các sự kiện sau đó chứng minh. Nhưng xem những diễn biến trước 1975 từ cái nhìn của những gì diễn ra sau
1975 là rất phản lịch sử. Cuộc cách mạng xuất phát từ những bất bình có thật. Nó xây dựng được một nền
tảng ủng hộ của dân chúng. Quan trọng nhất, cách mạng để dấu ấn sâu sắc trong tâm trí những người Việt ở
các nơi như Mỹ Tho.

Một kết luận khác từ nghiên cứu này là nguy cơ đưa ra những khái quát từ một giai đoạn dài và
phức tạp như từ 1930 đến 1975, ngay cả khi nghiên cứu được thu hẹp ở một tỉnh tại một nước tương đối nhỏ.
Không có khái quát nào về hành động chính trị lại đúng ở một thời điểm cho toàn bộ dân tộc. Cũng chỉ có ít
những khái quát đúng cho một thời điểm nhất định hoặc một nhóm người cụ thể [5] . Cơ cấu của phong trào
cách mạng phức tạp. Các giá trị, thái độ và hành vi của lớp cán bộ cốt cán ở Mỹ Tho khác so với lớp người
hỗ trợ họ. Mỗi nhóm, và các cá nhân trong mỗi nhóm, hành động dựa trên các nhóm giá trị và động cơ khác
nhau. Sự phục hồi theo từng giai đoạn của cả nhóm cán bộ lẫn những người ủng hộ họ hời hợt ở Mỹ Tho
(sau các thoái trào năm 1950-52, 1955-59, 1966-67 và 1970-71) chứng tỏ rằng phong trào cách mạng không
tiến triển theo cách lũy tiến đi lên và cũng không liên tục đi xuống. Các nhóm người khác nhau vẫn là những
người ủng hộ tiềm năng ngay cả khi họ không thể hay sẽ không hành động dựa trên cảm tình của mình.

Một điểm liên quan là không có gì kéo dài vĩnh viễn. Tính chính danh giành được trong cách
mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp đã giúp Đảng vượt qua các thời kì khó khăn. Nhưng tính chính
danh cũng giống như tiền trong ngân hàng. Khi tài khoản bị rút bớt, thì nó cần bổ sung thêm. Những người
cách mạng đã làm điều này và nhận được lòng tin cho sự hy sinh và lòng yêu nước của ho [6] ̣. Tuy nhiên,
những đòi hỏi liên miên và không nhân nhượng của Đảng đã làm con số người xa lánh ngày càng tăng, và
khiến số ủng hộ viên tiềm năng chựng lại. Số lượng nông dân trung lưu tăng lên và, nhưng Đảng đã lo ngại,
số này ngày càng rời bỏ “ân nhân” của họ và tập trung cho quyền lợi cá nhân. Sự rút quân dần dần của Mỹ
phần nào đã giảm bớt sự độc quyền về tinh thần quốc gia mà cuộc cách mạng từng có. Tuy nhiên, xét cho
cùng, VNCH đã không thể thu hút đủ sự ủng hộ từ những người rời bỏ cách mạng. Các lý do giải thích điều
này đòi hỏi một nghiên cứu sâu về VNCH và những người ủng hộ trung thành với họ, nhưng dữ liệu rút ra từ
nghiên cứu này đặt giả thuyết là mặc dù nhiều người không còn sẵn sàng ủng hộ cách mạng dựa trên nền
tảng đạo đức (đảng đồng nghĩa với tính chính danh), thì Đảng lại vẫn có khả năng tước bỏ tính chính danh
này ra khỏi chế độ VNCH – một chế độ thiếu một nòng cốt chính trị vững chắc, một điều bị lộ rõ trong giai
đoạn cuối cuộc xung đột.

Có một khoảng giữa hai yếu tố - giữa sự nhiệt tâm tuyệt đối tham gia hoạt động chính trị và sự
tách biệt tuyệt đối khỏi chính trị (một điều không khôn ngoan và thường không thể làm được trong một khu
vực do cách mạng kiểm soát). Người ta cần ghi nhớ rằng khi tiếp cận vấn đề mà có lẽ trọng tâm nhất của đa
số nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam – tức là liệu nông dân là một lực lượng trung lập, thờ ơ với mọi phe,
hay họ quyết tâm đi theo một phe duy nhất. Tôi tin rằng dữ liệu trong nghiên cứu này không ủng hộ quan
niệm về người nông dân trung lập. Nhưng đồng thời, nó cũng nhắc không nên kết luận về một sự thống nhất
giữa quyền lợi của nông dân và chính sách của Đảng. Đã có nhiều ví dụ chứng tỏ người nông dân đáp ứng có
chọn lọc các mệnh lệnh của cách mạng. Nó chứng tỏ mối quan hệ đôi khi lỏng lẻo. Đồng thời, cũng có nhiều
ví dụ cho thấy người cách mạng thành công trong việc sử dụng sức ép cộng đồng và khuôn xã hội làng xã
theo cách đáp ứng mục tiêu của cách mạng. Sự bảo thủ của người nông dân trong mấy năm cuối cuộc chiến
có lẽ cũng là bằng chứng về gốc rễ nông thôn của cuộc cách mạng [7] . Nhưng mà điều này cũng đặt vấn đề
liệu những người cách mạng có phải là giới được chuẩn bị tốt cho giai đoạn phát triển kinh tế và chính trị
thời hậu chiến. Đó là giai đoạn đòi hỏi những kỹ năng và thái độ khác, dựa trên một nền tảng xã hội đã thay
đổi và phát triển trong một thế giới thay đổi với sự tan rã của chủ nghĩa thực dân và suy tàn của Chiến tranh
Lạnh.

Những người phê phán cách mạng vì những khiếm khuyết rõ rệt – sự tàn nhẫn, nghi kị, và xu
hướng toàn trị - cũng cần ghi nhớ rằng các phong trào xã hội chủ yếu được định nghĩa và định hình bởi
những lực lượng tạo ra phong trào ấy. Các phong trào dân tộc chủ nghĩa ở các thuộc địa, nơi Anh quốc có
thái độ khoan dung hơn, thường hướng đến một kiểu chính trị tương đối cởi mở. Các nhà dân tộc chủ nghĩa ở
những nơi như Việt Nam bị buộc phải tàn nhẫn và bí ẩn vì đó là cách duy nhất mà một nhóm đối lập có thể
tồn tại trong môi trường đàn áp của thực dân Pháp và sự đàn áp trong thời ông Diệm. Ở hoàn cảnh nào, sự
tàn nhẫn và đàn áp cũng là điều đáng khinh, nhưng nếu gán nhãn “khủng bố” cho những người cách mạng
thì cũng không đúng. Bi kịch của Việt Nam là môi trường chính trị vận động quần chúng tương đối cởi mở
của giai đoạn Cách mạng tháng Tám đã bị thay thế bằng chính trị khép kín của chiến tranh cách mạng. Mà
loại chính trị này lại được tạo ra bởi việc người Pháp quay lại và chế độ độc đoán không thua kém của Ngô
Đình Diệm – và chưa nói đến nhu cầu cần sống còn sau những cố gắng tiêu diệt của người Mỹ.

Từ 1930 đến 1975, đồng bằng sông Cửu Long đã trải qua một loạt biến đổi. Có lẽ quan trọng nhất
là sự biến chuyển trong thế giới tâm hồn của người nông dân, biến từ con dân thành công dân [8] . Sự dịch
chuyển dân số ghê gớm trong chiến tranh đã thay đổi bộ mặt của các tỉnh như Mỹ Tho, nơi mà trong thế kỷ
19, người Pháp mô tả “chỉ toàn là làng với làng”. Cơ cấu xã hội vùng thôn quê bị thay đổi vì ưu thế tăng lên
của lớp “nông dân trung lưu”, những người này dần dần thay thế lớp nông dân nghèo và không có ruộng để
trở thành lực lượng xã hội chính ở nông thôn. Không ngạc nhiên khi năm 1975, lúc bà quay lại Mỹ Tho sau
hai thập niên lưu lại miền Bắc, bà Nguyễn Thị Thập gần như không nhận ra con người và cảnh vật – và
những nhà cách mạng sống sót qua thời kì 1930-75 như bà cũng chỉ còn rất ít.

Nói về cảm giác cá nhân, ấn tượng mạnh nhất của tôi từ những năm nói chuyện với những người
tham gia cách mạng là khả năng quan sát và phân tích phi thường mà đa số những người này chứng tỏ. Một
phần lý do là các yếu tố văn hóa chung – như sự trọng giáo dục, và trí thông minh mà nhiều người nước
ngoài nhanh chóng bình luận. Nhưng cũng còn là nhờ sự đào tạo khắc nghiệt mà họ nhận từ phong trào cách
mạng. Chắc chắn nó bị hạn chế trong cái nhìn, cách nghĩ và có những đường biên bị giới hạn. Nhưng dù vậy,
các phiên giảng chính trị và những kinh nghiệm tức thời của việc làm cách mạng trong tình huống sống chết
đã là một ngôi trường đại học tầm cỡ quốc tế về chính trị học. Cuối cùng, giá trị của những tư liệu rút ra từ
các cuộc thảo luận với những con người nuôi dưỡng trong các hoàn cảnh khiêm tốn đã là chứng từ thể hiện
họ, thể hiện khả năng của những cá nhân phi thường này, dù cho cuối cùng định mệnh đã định đoạt số phận
họ theo cách nào.

© 2005 talawas

[1]Các tác động dồn lại của toàn bộ các cuộc cải cách ruộng đất liên tiếp, bắt đầu từ chương trình
của Việt Minh giai đoạn đầu kháng chiến, là rất sâu sắc, nhưng ảnh hưởng chính của chúng xảy ra sau năm
1975 và như thế quá muộn để giúp cho VNCH. Một giai cấp nông dân độc lập - điều những người Mỹ ủng
hộ chương trình “Trả đất cho dân cày” dự đoán sẽ là nền tảng chính trị cho VNCH – quả thật đã xuất hiện.
Các khảo sát đồng bằng sông Cửu Long thời hậu chiến bộc lộ mức độ biến đổi này. Khảo sát năm 1983 cho
biết gần 70% là giới nông dân trung lưu, và khoảng 12% là nông dân thật giàu có sở hữu 23% đất đai. Tầng
lớp trung lưu nông thôn này quả thật trở thành một lực lượng chính trị, nhưng chỉ sau năm 1975, và trong
một hoàn cảnh khi họ chống đối tập thể hóa. Phần nào đó, những thay đổi xã hội nông thôn diễn ra trong 30
năm xung đột đã khiến miền Nam miễn nhiễm với chủ nghĩa xã hội. Nếu mục tiêu của chiến tranh là không
để cho CNXH chiến thắng ở nông thôn miền Nam, thì cuộc xung đột có thể xem là thành công của chính
sách Mỹ. Nhưng như thường xảy ra ở Việt Nam, thực tế lại phản ánh điều tồi tệ nhất của cả hai thế giới.
Người cách mạng thắng trận chỉ để thấy giấc mơ về CNXH tan biến, còn đối phương của họ lại chỉ có sự hài
lòng phù phiếm khi thấy những thất vọng của Hà Nội chỉ sau khi họ đã thất trận. (trích trang 1242)

[2][Trong giai đoạn từ 1972-75] viễn cảnh về những phần thưởng cách mạng đem lại đã bắt đầu
giảm sút do thực tế về tiến triển của cách mạng ở cả Bắc lẫn Nam. Người nông dân đã thấy lợi ích của các
khoản cấp đất cách mạng có thể không chắc chắn thế nào. Và một hậu quả bất ngờ của việc đưa quân miền
Bắc vào Nam là thông qua những liên lạc và nói chuyện, người nông dân miền Nam bắt đầu có ý niệm về
cuộc sống dưới CNXH, và đa số không thích điều họ nghe – đặc biệt là khả năng đất của họ sẽ bị tập thể hóa.
Không may cho chế độ VNCH, sự giảm sút nhiệt tình cách mạng đã không làm tăng mức độ ủng hộ tương
ứng cho VNCH. Ở tầm mức toàn quốc, nguyên nhân là việc chính quyền không củng cố được nền tảng chính
trị của những người đã mất nhiệt tình cách mạng. Còn ở mức địa phương tại những nơi như Mỹ Tho, vấn đề
là ở hành vi của các viên chức và quân đội. Những người này không chinh phục được những người dân đã
rời bỏ cách mạng. Sài Gòn đã không vận động được họ để làm thành trì chống cách mạng. Những người
nông dân này, cùng với những lực lượng khác vốn vẫn chống cách mạng, sau đó trở thành tầng lớp phản
kháng các định chế XHCN áp đặt lên miền Nam sau 1975. Nhưng trong giai đoạn 1972-75, mặc dù sự ủng
hộ phong trào cách mạng giảm về số lượng, nhưng mức độ ủng hộ của những người vẫn còn đi theo cách
mạng thì tăng lên so với giai đoạn 70-71. ( ̣ trích trang 1296)

[3]Làm sao chế độ VNCH lại để mất ưu thế rõ rệt ở đồng bằng sông Cửu Long trong vòng một
năm, từ 1971 đến 1972? Một phần câu trả lời là sự tăng viện quân miền Bắc và giảm hỗ trợ của Mỹ, nhưng
các yếu tố chủ chốt mang tính chính trị và tâm lý. Một phần giải thích việc chế độ VNCH không thể chuyển
sức mạnh quân sự thành ưu thế chính trị là vì ngay cả khi Đảng Cộng sản đã khiến người ủng hộ xa lánh, uy
tín dân tộc chủ nghĩa của Đảng có từ thời Cách mạng tháng Tám vẫn nhiều hơn VNCH, vốn có nguồn gốc từ
thời thuộc địa và phụ thuộc lộ liễu và trực tiếp vào nước ngoài. Rõ ràng khi chiến tranh tiếp diễn, điều này
bắt đầu thay đổi khi nhiều người Việt bắt đầu thấy có giá trị trong tuyên ngôn của VNCH rằng họ đại diện
cho ‘người quốc gia’. Tuy nhiên, chính phủ Sài Gòn đã không đủ khả năng củng cố các lực lượng trong xã
hội Việt Nam. (trích trang 1214)
[4]Cuốn The Fall of South Vietnam, một nghiên cứu của Rand Corporation làm năm 1980, qua
phỏng vấn với các tướng lĩnh quân đội VNCH, kết luận rằng trong cái nhìn của các viên tướng, tham nhũng
là ‘nhân tố chủ chốt của chính thể miền Nam’. Ở mức địa phương, tham nhũng và sự độc đoán là trải nghiệm
của đa số dân ở nông thôn và khiến họ không thích thú với hệ thống chính quyền VNCH – mặc dù nói một
cách khách quan, chính quyền VNCH ít đòi hỏi và ít ngột ngạt hơn so với hệ thống kiểm soát cách mạng. Sự
tham nhũng và vô hiệu năng của chính quyền Sài Gòn lẽ ra có thể khiến những nông dân bị thúc ép cảm thấy
dễ thở hơn (thông qua việc hối lộ), nhưng với những người dưới đáy không tiền và những người chịu sự sách
nhiễu của quân lính, thì mối quan hệ tiền bạc không phải là sự thay thế hấp dẫn cho những giá trị cứng rắn
nhưng công bằng hơn trong các cộng đồng do cách mạng kiểm soát. (trích trang 1217)

[5]Nối hoài nhớ nhiệt thành về lá cờ miền Nam của người Việt hải ngoại là một chỉ dấu nói rằng
các xã hội và chính thể thay đổi theo thời gian. Ưu thế chính trị của cuộc cách mạng trong việc nhận mình
đại diện cho chủ nghĩa dân tộc bị bào mòn theo thời gian, mặc dù nhiều, nếu không nói đa số, viên chức Sài
Gòn trong những khoảnh khắc nội tâm hơn cũng thừa nhận cảm giác là phe họ không đủ so sánh với đối
phương về vấn đề chủ nghĩa dân tộc. Bất chấp sự thông minh và tài năng của nhiều người trung thành, nhưng
với tư cách một hệ thống, VNCH bị tê liệt vì tham nhũng thể chế; và với tư cách một phong trào chính trị,
nói chung họ đã không thể tạo ra các lãnh tụ có ảnh hưởng và được kính trọng – chỉ có một số ngoại lệ. Sự
phụ thuộc hỗ trợ của nước ngoài cũng giảm sút sức hút dân tộc của họ trong mắt nhiều người Việt Nam.
(trích trang 1380) Khi ra nước ngoài, giọng điệu của viên chức cũ trở nên tự tin hơn, và mặc cảm thua kém
trước đây nay lùi vào quá khứ, đặc biệt vào lúc đối phương ngày xưa của họ lúng túng trong việc đưa Việt
Nam vào thế kỷ 21. Giữa nhiều người miền Nam mà trước đây từng chỉ trích lãnh đạo VNCH, thì quá khứ đã
được trình bày lại và VNCH được khôi phục lại như một thời kì vàng son của dân chủ và thịnh vượng. (trích
trang 1380)

[6][Những thành viên cách mạng còn sống đến phút cuối cuộc chiến] thường là những người cứng
rắn, giáo điều và tin tưởng tuyệt đối vào cách mạng. Nhưng đây không phải lúc nào cũng là những người đủ
khả năng đưa VN đi tiếp trên đường phát triển. Họ đã từng thể hiện sự dũng cảm phi thường, thậm chí anh
hùng. Nhưng họ cũng đã học những thói quen để sống còn mà giờ đây kiềm chế sự phát triển của một hệ
thống cởi mở hơn thời hậu chiến. Ngoài một số ngoại lệ đặc biệt, niềm tin của họ về sự khổ hạnh và hy sinh,
tuy đáng trọng trong thời chiến, lại không giúp cho phát triển kinh tế. Quan trọng nhất, niềm tin rằng phong
trào cách mạng quan trọng hơn mọi quyền lợi cá nhân đã dẫn tới sự coi thường quyền và lợi ích của nhân
dân, và thường trở thành cớ cho việc lạm dụng quyền lực của những cán bộ, những người coi thường quy tắc
pháp trị tư sản và cho rằng mục tiêu cách mạng có thể biện minh cho phương pháp. (trích trang 1382)

[7]Ở một mức độ ngạc nhiên, sự bảo thủ của nông dân – chứ không phải ý thức hệ hay sự tính
toán lý trí - giúp giải thích rõ hơn vì sao những người cách mạng ở Mỹ Tho lại gắn bó với cách mạng trong
lúc khó khăn. Những thay đổi lớn trong cách sống ở vùng đô thị đã đổ về nông thôn, khi các ‘cô gái bar’ và
‘cao bồi’ thỉnh thoảng trở về thăm làng xưa, hay được thấy bởi dân làng họ ở vùng thành thị…Nói chung ở
những ngôi làng càng xa khu vực do VNCH kiểm soát và có thời gian lâu dài bị kiểm soát bởi cách mạng thì
thù địch hơn trước các ảnh hưởng văn hóa của VNCH. Đó không chỉ là quan điểm chính trị của các cán bộ,
mà còn là phản ứng bảo thủ của nông dân trước các tác động đô thị xúc phạm quan niệm của họ về sự đúng
đắn. (trích trang 122
[8]Như các sự kiện sau này đã chứng tỏ, chủ nghĩa cá nhân ăn sâu trong người dân ở nông thôn
miền Nam. Cách mạng đã có một ảnh hưởng biến đổi lớn lên những nông dân này, bằng việc giáo dục họ để
hiểu những quyền lợi của chính mình và đấu tranh cho chúng. Đến khi sau chiến tranh, khi những quyền lợi
này trở nên khác quyền lợi của Đảng, ít ai ngạc nhiên khi thấy những nông dân này đã đứng lên bảo vệ bản
thân.

Nguồn: Trích David W.P. Elliott, The Vietnamese War: Revolution and Social Change in the
Mekong Delta, 2003

______________________
i
Thật ra danh xưng Quân Đội Việt Nam cộng hoà chưa có mãi cho đến ngày 26 tháng 10 năm
1955 khi nền Đệ Nhất Cộng hoà được khai sinh dưới thời của tổng thống Ngô Đình Diệm. Trong bài viết, tác
giả sử dụng chữ Quân Đội Việt Nam cộng hoà khi nói về một vài điểm thời gian trước tháng 10/1955 (trước
khi miền Nam được gọi là VNCH), nhưng vì "Quốc Gia Việt Nam" và "Việt Nam cộng hoà" thường được sử
dụng theo thói quen của một số biên-khảo viên, cũng như độc giả, nên nhóm chủ trương website VNCTLS
vẫn giữ nguyên văn là Quân Đội Việt Nam cộng hoà như tác giả đã ghi trong sách.
ii
HUK là tiếng Philippines, viết tắt của các chữ Hukbo ng Bayan Laban sa Hapon là một phong
trào du kích chống lại sự chiếm đóng của quân đội Nhật tại Philippines trong thế chiến 2i. Khi chiến tranh
kết thúc năm 1945, phong trào du kích HUK trở thành một lực lượng đối đầu đáng ngại cho chánh phủ Phi.
Đối với tất cả những ai không về hợp tác với nhóm HUK, kể cả thường dân, đều sẽ bị nhóm HUK thi hành
chánh sách tàn độc để trừng trị. Tuy nhiên trong giai đoạn từ 1949 đến 1951, nhóm HUK bắt đầu suy yếu dần
dà, thường bị quân đội Phi truy nã, và phải sống ẩn náu trong rừng hay tại một số hoang đảo xa xôi hẻo lánh.

You might also like