Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 195

TÍN ĐỒ ĐÍCH THỰC

Về bản chất của những phong trào quần chúng


THE TRUE BELIEVER
Thoughts on the nature of mass movements
Erich Hoffer
Bản dịch Việt Ngữ: Đỗ Tư Nghĩa
[Bản thảo chưa xuất bản]
==o))((o==
* Con người mong ước được vĩ đại, và thấy mình nhỏ bé; mong
ước được hạnh phúc, và thấy mình khốn khổ; mong ước được hoàn
hảo, và thấy mình đầy những bất toàn; mong ước được yêu mến và
nể trọng bởi những người khác, và thấy rằng, những lầm lỗi của
mình chỉ xứng đáng với sự ghét bỏ và sự khinh bỉ của họ. Sự bối
rối mà y thấy mình rơi vào, tạo ra trong y những cảm xúc cuồng
nhiệt, bất chính và vô đạo đức nhất có thể tưởng tượng được – bởi
vì y nuôi một lòng thù hận không đội trời chung, chống lại cái chân
lý vốn trách cứ y, buộc y phải xác tín về những lỗi lầm của mình.
Pascal, Pensées.

* Và họ dùng bùn đất để làm hồ vữa.


Sách Sáng thế ký II [Cựu Ước].
==o))((o==

ĐÔI DÒNG CỦA NGƯỜI DỊCH


MỤC LỤC:
Lời nói đầu
PHẦN MỘT : SỰ HẤP DẪN CỦA NHỮNG PHONG TRÀO
QUẦN CHÚNG.
Chương I : Ước mơ thay đổi hiện trạng.
Chương II: Ước mơ có những cái thay thế.
Chương III : Tính khả-hoán của những phong trào quần chúng.

PHẦN HAI: NHỮNG KẺ TÂN TÒNG TIỀM NĂNG [the


potential converts].
Chương IV : Vai trò của những kẻ “khó ưa” [the undesirables]
trong những vụ việc của con người.
Chương V : Những người nghèo.
+ Người mới nghèo.
+ Người nghèo túng quẫn.
+ Người nghèo tự do.
+ Người nghèo sáng tạo.
+ Người nghèo được hợp-nhất thành đội ngũ.
Chương VI: Những kẻ bất thích nghi.
Chương VII : Những kẻ ích kỷ quá đáng.
Chương VIII : Những kẻ nhiều tham vọng đối mặt với những cơ
hội vô giới hạn.
Chương IX : Những người thiểu số [minorities].
Chương X : Những kẻ chán chường.
Chương XI: Những kẻ tội lỗi.

PHẦN BA : HÀNH ĐỘNG HỢP QUẦN VÀ SỰ HY SINH


QUÊN MÌNH.
Chương XII: Lời nói đầu.
Chương XIII : Những nhân tố phát huy sự hy sinh quên mình.
+ Đồng hóa với một cái-toàn-bộ có tính tập thể [a collective
whole].
+ Sự giả vờ.
+ Sự phê phán nhắm vào hiện tại.
+ “Những cái không hiện hữu.”
+ Học thuyết.
+ Sự cuồng tín.
+ Những phong trào quần chúng và những đội quân.
Chương XIV : Những tác nhân tạo ra sự đoàn kết, hợp-nhất
[unifying agents].
+ Lòng thù hận.
+ Sự bắt chước.
+ Sự thuyết phục và sự cưỡng chế.
+ Sự lãnh đạo.
+ Hành động.
+ Sự ngờ vực.
+ Những tác dụng của sự đoàn kết.

PHẦN BỐN : SỰ KHỞI ĐẦU VÀ SỰ KẾT THÚC.


Chương XV: Những con-người-của-lời-nói.
Chương XVI : Những kẻ cuồng tín.
Chương XVII : Những con-người-của-hành-động có đầu óc sáng
suốt.
Chương XVIII: Những phong trào quần chúng tốt và xấu.
+ Sự bất lợi và tính vô-sinh [sterility] của giai đoạn năng động.
+ Vài yếu tố quy định độ dài của giai đoạn năng động.
+ Những phong trào quần chúng hữu ích.

ĐÔI DÒNG CỦA NGƯỜI DỊCH


1. Đây là một cuốn sách bàn về bản chất của một phong trào quần
chúng – bất luận đó là những phong trào tôn giáo, xã hội, hay dân
tộc chủ nghĩa.
Tác giả đã đưa ra những luận cứ rất sâu sắc, thường là “nghịch lý,”
và có thể gây tranh cãi, nhưng chúng có sức gợi mở rất lớn.
Theo chúng tôi, đây là một cuốn sách “kinh điển” bàn về đề tài này
- rất súc tích, và hầu như mỗi trang sách đều có những ý tưởng rất
đáng suy ngẫm. Nó có thể cho ta một cái nhìn tổng quan về mọi
phong trào quần chúng, từ thời cổ đại cho đến nay.
Tín đồ đích thực được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1951. Tuy
vậy, theo chúng tôi, thì hiện nay, tính thời sự của nó vẫn còn
nguyên vẹn.
Xin gửi đến bạn đọc, như một chia sẻ chân tình.

2. Sau đây, xin trích một số đoạn nói về The True Believer từ từ
điển Wikipedia:
+ “Kể từ lần xuất bản đầu tiên, 1951, cho đến 2002, thì The True
Believer đã in 23 lần.”
+ “Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower đọc The True Believer vào
năm 1952, và mua thêm nhiều bản để tặng bạn hữu...”
+ “Allen Scarbrough chọn The True Believer như là một trong 25
cuốn sách mà “bạn cần đọc để biết về mọi sự.”
+ “The True Believer lại được dư luận chú ý sau các cuộc tấn công
khủng bố vào ngày 11 tháng 9, 2001.”
3. Trong bản dịch này, có hai loại ghi chú: a/ của tác giả, đặt ở cuối
sách, được thể hiện bằng chữ số, thí dụ : (1), (2). b/ của người dịch,
được thể hiện bằng dấu hiệu, thí dụ : [*] hoặc []... đặt ở cuối
trang.
4. Để bạn đọc dễ bề tham khảo, chúng tôi có đưa vào phần cước
chú một số từ [ngữ] tiếng Anh.
5. Mặc dù chúng tôi đã cố gắng rất nhiều, nhưng chắc chắn là khó
tránh khỏi những sai sót. Xin bạn đọc góp ý, để bản dịch được hoàn
thiện hơn. Xin chân thành cám ơn.

ĐỖ TƯ
NGHĨA
D A L A T 8.
8. 2017

LỜI NÓI ĐẦU

Cuốn sách này đề cập đến một số nét đặc thù chung cho mọi
phong trào quần chúng – bất luận đó là những phong trào tôn giáo,
xã hội, hay dân tộc chủ nghĩa. Nó không chủ trương rằng, mọi
phong trào đều giống hệt nhau; nhưng nó cho rằng, chúng chia sẻ
những đặc tính cốt tủy nhất định, vốn đem lại cho chúng một sự
giống nhau có tính họ hàng.
Mọi phong trào quần chúng đều làm phát sinh trong những kẻ trung
thành của chúng sự sẵn sàng chết và một khuynh hướng muốn hành
động cùng nhau, trong một tập thể dính kết; tất cả chúng – bất luận
cái học thuyết mà chúng rao giảng, và cái chương trình mà chúng
đề xướng ra sao – đều nuôi dưỡng sự cuồng tín, lòng nhiệt huyết,
niềm hy vọng, sự thù hận và sự bất khoan dung cuồng nhiệt; tất cả
chúng đều có khả năng phóng thích một lưu lượng hùng mạnh của
sự hoạt động trong những lãnh vực nào đó của cuộc sống; tất cả
chúng đều đòi hỏi đức tin mù quáng và sự trung thành triệt để.
Mọi phong trào – bất luận chúng khác nhau ra sao trong học thuyết
và cảm hứng – đều thu hút những ủng hộ viên đầu tiên của chúng
từ cùng một mẫu người; tất cả chúng đều lôi cuốn cùng một mẫu
tâm thức [mind].
Mặc dù có nhiều khác nhau hiển nhiên giữa người Ki-tô giáo cuồng
tín, người Hồi giáo cuồng tín, người dân tộc chủ nghĩa cuồng tín,
người cộng sản và đảng viên Quốc xã cuồng tín, nhưng đúng là, sự
cuồng tín vốn kích hoạt họ, có thể được nhìn và xử lý như là một.
Điều tương tự cũng đúng cho cái lực vốn thúc đẩy họ đi tới sự bành
trướng và mộng thống trị thế giới. Có một sự “đồng phục”
[uniformity] nhất định trong mọi loại dâng hiến, đức tin, mọi theo
đuổi quyền lực, sự đoàn kết và sự hy sinh quên mình. Có những
khác biệt to lớn trong những nội dung của những “sự nghiệp thần
thánh” và những học thuyết, nhưng có một sự giống nhau nhất định
trong những nhân tố vốn làm cho chúng hữu hiệu. Kẻ nào mà, như
Pascal, tìm thấy những lý do chính xác cho tính hữu hiệu
[efffectiveness] của học thuyết Ki-tô giáo, cũng tìm thấy những lý
do cho tính hữu hiệu của học thuyết Cộng sản, Quốc xã, và dân tộc
chủ nghĩa. Bất luận những “sự nghiệp thần thánh,” mà vì chúng
người ta chết, có khác nhau ra sao, thì, có lẽ, họ cơ bản chết cho
cùng một sự-thể.
Cuốn sách này quan tâm chủ yếu đến giai đoạn năng động [active],
có tính phục hưng [revivalist] của những phong trào quần chúng.
Giai đoạn này được thống trị bởi “tín đồ đích thực” – con người
của đức tin cuồng tín, sẵn sàng hy sinh đời mình cho một “sự
nghiệp thần thánh.” Chúng tôi đã nỗ lực để truy nguyên cội nguồn
của y và phác họa bản chất của y. Như là một trợ-cụ trong nỗ lực
này, một giả thiết tạm thời được sử dụng. Khởi đi từ sự kiện rằng,
những kẻ phẫn chí (1) chiếm số lượng đông đảo nhất trong số
những ủng hộ viên trung thành đầu tiên của những phong trào quần
chúng, và rằng, họ thường gia nhập một cách tự nguyện, chúng tôi
giả định rằng: (a) Sự phẫn chí – một mình nó, không cần bất cứ sự
thúc đẩy, vận động nào từ bên ngoài – có thể làm phát sinh phần
lớn trong số những đặc tính riêng có của tín đồ đích thực. (b) Một
kỹ thuật “chuyển đổi” [conversion] hữu hiệu, về cơ bản, bao gồm
việc “nhồi sọ” và ổn định hóa những khuynh hướng và những đáp
ứng vốn đặc-hữu trong cái tâm thức phẫn chí.
_________
 True believer: Để cho gọn, tạm dịch như trên, nhưng cần nhớ,
trong cuốn sách này, nó chỉ có nghĩa là “con người của đức tin
cuồng tín, sẵn sàng hy sinh đời mình cho một “sự nghiệp thần
thánh.” Bạn đọc cần nhớ kỹ định nghĩa này, vì nó sẽ được dùng
trong suốt cuốn sách này.

Để trắc nghiệm tính hiệu lực [validity] của những giả định này, cần
thiết phải điều-nghiên những bất hạnh mà những kẻ phẫn chí phải
chịu, họ phản ứng ra sao với chúng, cái mức độ mà những phản
ứng này tương ứng với những đáp ứng của tín đồ đích thực, và, sau
cùng, cái thể cách mà trong đó những đáp ứng này có thể tạo điều
kiện dễ dàng cho sự nổi lên và lan rộng của một phong trào quần
chúng. Cũng cần thiết phải xem xét những phương pháp thực hành
của những phong trào đương đại – nơi mà những kỹ thuật hữu hiệu
của việc chuyển đổi đã được hoàn thiện và áp dụng – để ngõ hầu
khám phá ra, liệu chúng có củng cố cái quan điểm rằng, một phong
trào quần chúng đang chiêu mộ thành viên, [luôn] cố ý vun đắp
trong những ủng hộ viên trung thành của nó một tâm trạng phẫn
chí, và rằng, nó tự động phát huy việc phục vụ cho những quyền
lợi của nó, khi nó ủng hộ những khuynh hướng của những kẻ phẫn
chí.
Hiện nay, phần lớn chúng ta cần có cái nhìn sâu [insight] nào đó
về những động lực và những đáp ứng của tín đồ đích thực. Bởi vì,
mặc dù thời đại chúng ta là một thời đại phi thần linh [godless age],
nhưng nó chính là cái đối lập với thời đại phi tôn giáo. Tín đồ đích
thực đang tiến quân khắp nơi, và bằng cách chuyển đổi và chống
đối, y đang uốn nắn thế giới theo hình ảnh của chính mình. Và bất
luận chúng ta đứng trong hàng ngũ của y hay chống lại y, thì chúng
ta cũng cần biết tất cả những gì mà chúng ta có thể, về bản chất và
những tiềm năng của y.
Có lẽ, cũng không thừa, để đưa ra một lời cảnh báo. Khi chúng tôi
nói về sự giống nhau có tính họ hàng của những phong trào quần
chúng, thì chúng tôi dùng từ “họ hàng” theo một nghĩa của khoa
phân loại sinh vật học [taxonomical]. Trái cà chua và trái cà độc là
cùng một “dòng họ,” thuộc họ Solanaceae. Mặc dù một cái thì bổ
dưỡng, và cái kia độc hại, nhưng chúng có nhiều nét chung về mặt
hình thái, sinh lý và cơ thể học [anatomical], đến nỗi, ngay cả một
người không phải là nhà thực vật học, cũng nhận ra sự giống nhau
có tính họ hàng giữa chúng. Cái giả định rằng, những phong trào
quần chúng có nhiều nét chung, không hàm ý rằng, mọi phong trào
đều tốt lành và độc hại ngang nhau. Cuốn sách này không đưa ra
một phán đoán nào, và không biểu đạt một sở thích riêng tư nào.
Nó chỉ cố gắng giải thích; và những lời giải thích – tất cả đều là
những lý thuyết; trong bản chất, tất cả đều là những gợi ý và những
luận cứ [chủ quan. ND], ngay cả khi nó được trình bày trong một
giọng điệu có vẻ như dứt khoát. Tôi không thể làm cái gì tốt hơn
là việc trích dẫn Montaigne: “Tất cả những gì tôi nói, là để trình
bày, chứ không phải để khuyên nhủ. Tôi sẽ không nói một cách
quá bạo dạn như thế, nếu người ta có bổn phận phải tin tôi.”

===========
(1) Từ “frustrated” [những kẻ phẫn chí], trong cuốn sách này,
không được dùng như là một từ có tính lâm sàng. Ở đây, nó chỉ
những người mà, vì lý do này hay lý do nọ, cảm thấy rằng, đời họ
bị hỏng hay bị lãng phí.

PHẦN MỘT :
SỰ HẤP DẪN CỦA NHỮNG PHONG TRÀO QUẦN CHÚNG.

CHƯƠNG I
ƯỚC MƠ THAY ĐỔI HIỆN TRẠNG
1
Đương nhiên là, nhiều người tham gia một phong trào cách mạng
đang nổi lên, bị hấp dẫn bởi cái viễn ảnh về sự thay đổi đột ngột và
ngoạn mục trong những điều kiện sống của họ. Một phong trào
cách mạng là một công cụ của sự thay đổi – đây là điều dễ hiểu, dễ
thấy.
Nhưng sự kiện rằng, những phong trào tôn giáo và dân tộc chủ
nghĩa, cũng có thể là những phương tiện của sự thay đổi, thì không
hiển nhiên như vậy. Rõ ràng là, muốn thực hiện sự thay đổi to lớn
và nhanh chóng, cần phải có một loại nhiệt tình hay sự hào hứng
rộng khắp nào đó. Nó (sự nhiệt tình, sự hào hứng) có thể phát sinh
từ nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn, từ một mong đợi về
sự giàu có vô hạn, hay [được phát sinh] bởi một phong trào quần
chúng năng động, vân vân.Và có vẻ như, việc cái sự phấn khởi này
phát sinh từ đâu, đó không phải là vấn đề quan trọng. Trên đất nước
này,• thì những thay đổi ngoạn mục kể từ cuộc Nội Chiến, đều
được diễn ra trong một bầu không khí tràn đầy nhiệt huyết, sinh ra
bởi những cơ hội thần kỳ cho việc tiến thân. Ở nơi nào mà sự tiến
thân không thể, hay không được phép, trở thành một lực-đẩy, thì
những nguồn nhiệt huyết khác phải được tìm thấy, nếu muốn thực
hiện và duy trì những thay đổi hệ trọng – chẳng hạn, việc đánh thức
và [việc] canh tân một xã hội trì trệ, hoặc những cải cách triệt để
trong tính chất và “khuôn mẫu sống” của một cộng đồng. Những
phong trào tôn giáo, cách mạng và dân tộc chủ nghĩa, là những
“nhà máy” như thế : chúng “sản xuất ra” lòng nhiệt huyết chung.

Trong quá khứ, dễ nhận thấy rằng, những phong trào tôn giáo là
những phương tiện của sự thay đổi. Sự bảo thủ của một tôn giáo –
sự “chính thống” [orthodoxy] của nó – là cái sự đông đặc trì trệ của
một cái mà xưa kia vốn từng là cái có tính phản kháng cao.  Nét
đặc trưng của một phong trào tôn giáo đang lên, là sự thay đổi và
sự thử nghiệm toàn diện – cởi mở trước những quan điểm và những
kỹ thuật mới từ mọi tầng lớp xã hội. Hồi giáo, khi nó mới nổi lên,
là một phương tiện có tính tổ chức và hiện đại hóa. Ki-tô giáo, là
một ảnh hưởng có tính khai hóa và hiện đại hóa giữa những bộ lạc
man dã của châu Âu. Những cuộc Thập Tự Chinh và Phong Trào
Cải Cách, cả hai, đều là những nhân tố cốt tủy trong việc lay động
thế giới phương Tây ra khỏi sự trì trệ của thời Trung Cổ.
__________
• Ở đây, tác giả đang nói đến Hoa Kỳ.
 Highly reactive: Có tính phản ứng, phản kháng cao. Ý nói, các
tôn giáo, từ khởi thủy, luôn có tính cách mạng. Nhưng về sau, khi
đã được xác lập vững chắc, thì nó thường trở nên giáo điều, trì trệ,
và đánh mất “tính cách mạng” của nó.

Trong thời hiện đại, thì những phong trào quần chúng có dính líu
đến việc thực hiện sự thay đổi to lớn và nhanh chóng, là những
phong trào cách mạng và dân tộc chủ nghĩa – một cách riêng rẽ,
hay kết hợp cả hai. Peter Đại Đế có lẽ là kẻ ngang hàng – về sự tận
tụy, quyền lực và sự tàn bạo – của nhiều trong số những lãnh tụ
cách mạng hoặc dân tộc chủ nghĩa thành công nhất. Thế nhưng,
ông thất bại trong mục đích chính của mình, là biến nước Nga
thành một dân tộc phương Tây. Và lý do mà ông thất bại, là bởi vì
ông đã không “tiêm” vào quần chúng Nga lòng nhiệt huyết sôi sục.
Hoặc, ông không nghĩ là nó cần thiết, hoặc, ông không biết cách
[để] biến mục đích của ông thành một “sự nghiệp thần thánh.”
Không có gì lạ rằng, những nhà cách mạng Bolshevik – đã xóa
sạch những Nga hoàng và những người Romanov cuối cùng – lại
có một cảm thức họ hàng với Peter, một Nga hoàng và là một người
thuộc dòng dõi Romanov. Bởi vì mục đích của ông bây giờ là mục
đích của họ,  và họ hy vọng sẽ thành công nơi mà ông đã thất
bại. Cuộc cách mạng Bolshevik có thể hiện ra trong lịch sử như là
một toan tính để hiện đại hóa 1/6 diện tích của thế giới, và [cũng
như là một toan tính] để xây dựng một nền kinh tế cộng sản chủ
nghĩa.
Cả Cách mạng Pháp lẫn Cách mạng Nga đều biến thành những
phong trào dân tộc chủ nghĩa – sự kiện đó có vẻ như chỉ ra rằng,
trong thời hiện đại, thì chủ nghĩa dân tộc là nguồn suối dồi dào và
bền vững nhất của lòng nhiệt huyết quần chúng, và cái nhiệt huyết
dân tộc chủ nghĩa phải được khai thác, nếu muốn hoàn tất những
thay đổi mạnh mẽ đã được “dự phóng” và khởi động bởi nhiệt tình
cách mạng. Người ta tự hỏi, phải chăng những khó khăn mà chính
phủ Lao Động tại Anh quốc gặp phải, một phần là do sự kiện rằng,
cái toan tính nhằm thay đổi nền kinh tế và lối sống của 49 triệu
người, đã được khởi động trong một bầu không khí hết sức thiếu
vắng lòng nhiệt huyết, sự phấn khởi và niềm hy vọng cuồng nhiệt.
Sự ghê tởm đối với những khuôn mẫu xấu xa – được triển khai bởi
phần lớn những phong trào quần chúng đương thời – đã khiến cho
những vị lãnh tụ “văn minh” và đứng đắn nhất của đảng Lao Động
e sợ nhiệt tình cách mạng. Vẫn còn khả tính là, tình huống lúc đó
có thể đã buộc họ phải sử dụng một hình thức sô-vanh chủ nghĩa
ôn hòa • nào đó, để cho, tại Anh quốc, nữa, “sự xã hội hóa đất nước
có thể diễn ra như là hệ luận tự nhiên của nó – sự quốc hữu hóa của
chủ nghĩa xã hội.” (1)
_______
 Mệnh đề “bởi vì mục đích của ông bây giờ là mục đích của họ,”
có lẽ chưa hoàn toàn chính xác?
• Some mild form of chauvinism. “Sô-vanh chủ nghĩa,” mà lại “ôn
hòa”?

Công cuộc hiện đại hóa thần kỳ của Nhật Bản, có lẽ đã không thể
thực hiện được, nếu không có cái tinh thần phục hưng của chủ
nghĩa dân tộc Nhật. Có lẽ, cũng đúng rằng, sự hiện đại hóa nhanh
chóng của vài nước châu Âu [nhất là Đức], thì, tới một mức độ nào
đó, được đẩy nhanh bởi cái bộc phát và sự khuếch tán triệt để của
nhiệt tình dân tộc chủ nghĩa. Nếu xét qua những dấu chỉ hiện tại,
thì sự phục hưng của châu Á sẽ được thực hiện qua phương tiện
của những phong trào dân tộc chủ nghĩa, hơn là do những phương
tiện khác. Chính là sự nổi lên của một phong trào dân tộc chủ nghĩa
đích thực, mà đã khiến cho Kemal Ataturk có thể hiện đại hóa Thổ
Nhĩ Kỳ hầu như qua một đêm. Tại Ai Cập, không bị tác động bởi
một phong trào quần chúng, thì việc hiện đại hóa lại chậm chạp,
ngập ngừng mặc dù những nhà lãnh đạo của nó, từ thời Mehmed,
đã chào đón những ý kiến của phương Tây, và những tiếp xúc với
phương Tây cũng nhiều và thâm tình. Chủ nghĩa phục quốc Do
Thái là một công cụ để canh tân một đất nước chậm tiến và [để]
chuyển hóa những chủ tiệm và những người làm việc bằng trí óc
thành những nông dân, những người lao động và những binh sĩ.
Nếu Tưởng Giới Thạch đã biết cách phát động một phong trào quần
chúng đích thực – hay, ít ra, nuôi dưỡng nhiệt tình dân tộc chủ
nghĩa, vốn được nhen nhúm bởi cuộc xâm lược Nhật – thì có lẽ,
bây giờ ông đang đóng vai trò của một nhà cách tân của Trung
Quốc. Bởi vì ông không biết cách, ông dễ dàng bị đẩy sang một
bên bởi những vị thầy của nghệ thuật “tôn giáo hóa” – nghệ thuật
biến những mục đích thực tiễn thành những “sự nghiệp thần
thánh.”
Thật không khó để thấy tại sao Hoa Kỳ và Vương quốc Anh [hay
bất cứ nền dân chủ phương Tây nào] đã không thể đóng một vai
trò trực tiếp và chủ đạo trong việc đánh thức những nước châu Á
ra khỏi sự chậm tiến và sự trì trệ của chúng: những nền dân chủ
không có khuynh hướng, và có lẽ, cũng không thể nhen nhúm một
tinh thần phục hưng trong hàng triệu người châu Á. Sự đóng góp
của những nền dân chủ phương Tây vào việc đánh thức phương
Đông chỉ là gián tiếp, và chắc chắn là không cố ý. Chúng [những
nền dân chỉ phương Tây] đã nhen nhúm một sự phẫn hận mạnh mẽ
chống lại phương Tây, và chính cái niềm phẫn hận này, là cái mà
hiện nay đang đánh thức phương Đông ra khỏi sự trì trệ của nó,
vốn đã kéo dài hàng thế kỷ. (2)
Mặc dù ước mơ thay đổi [hiện trạng] không phải không thường
xuyên là một lực hời hợt, nhưng cũng đáng bỏ công để khám phá
xem, liệu một thăm dò về loại ước mơ này có chiếu chút ánh sáng
nào trên cái “vận hành nội tại” của những phong trào quần chúng
hay không. Do vậy, chúng ta sẽ thăm dò bản chất của cái ước muốn
thay đổi này.
2
Chúng ta thường cho rằng, những lực vốn định hình sự hiện hữu
của mình, những lực đó nằm bên ngoài chúng ta. Sự thành công và
thất bại thì luôn luôn được nối kết, trong tâm trí chúng ta, với trạng
thái của những sự-thể xung quanh mình. Do vậy, mà những người
với một cảm thức về sự mãn nguyện nghĩ rằng, thế giới hiện tại là
tốt lành, và họ muốn duy trì nó như nguyên trạng, trong khi những
kẻ phẫn chí lại ủng hộ một thay đổi triệt để. Cái khuynh hướng tìm
kiếm mọi nguyên nhân [của sự thất bại] ở bên ngoài mình, vẫn tiếp
tục hiện hữu – ngay cả khi rõ ràng rằng, cái trạng thái tồn tại của
ta là sản phẩm của những phẩm tính cá nhân như năng lực, tính
cách, ngoại hình, sức khỏe, vân vân. “Nếu bất cứ cái gì làm cho
một người khổ sở,” Thoreau nói, “khiến cho y không thể thực hiện
những chức năng của mình – nếu y bị đau bao tử, thậm chí…thì
ngay lập tức, y bắt tay vào việc cải cách thế giới.” (3)
Có thể hiểu được rằng, những ai thất bại, sẽ có khuynh hướng trách
cứ thế giới về sự thất bại của mình. Nhưng điều đáng chú ý là,
những người thành công – bất luận họ tự hào ra sao về sự nhìn xa
trông rộng của họ, cái nghị lực của họ, sự tiết kiệm và những “phẩm
chất tuyệt vời” của họ – đều xác tín, tận đáy lòng, rằng sự thành
công của họ là kết quả của một sự kết hợp ngẫu nhiên của hoàn
cảnh của mình. Lòng tự tin, ngay cả ở người thành công một cách
vững chắc, thì không bao giờ tuyệt đối. Họ không bao giờ chắc
chắn rằng, họ biết mọi thành tố mà cấu thành sự thành công của
họ. Cái thế giới bên ngoài, đối với họ, có vẻ như là một bộ máy
được giữ cho thăng bằng một cách bấp bênh, và bao lâu mà nó còn
vận hành tốt cho họ, thì họ sợ việc mày mò sửa chữa nó. Như thế,
việc chống lại sự thay đổi và ước mơ cháy bỏng muốn thay đổi, cả
hai đều khởi phát từ cùng một xác tín, và cái này cũng dữ dội như
cái kia.

3
Sự bất mãn, một mình nó, không tất yếu tạo ra một ước mơ về sự
thay đổi. Những yếu tố khác phải có mặt, thì sự bất mãn mới có thể
biến thành sự chống đối. Một trong những yếu tố này, là một cảm
thức về quyền lực.
Những ai bị kinh hãi bởi môi trường xung quanh họ, không nghĩ
về sự thay đổi, bất luận điều kiện sống của họ có khốn khổ đến đâu.
Khi lối sống của chúng ta quá bấp bênh, và rõ ràng rằng, chúng ta
không thể kiểm soát hoàn cảnh của đời mình, thì chúng ta có
khuynh hướng bám chặt vào cái đã được trắc nghiệm và cái quen
thuộc. Chúng ta chống lại một cảm nhận sâu xa về sự bất an, bằng
cách biến đời ta thành một lề thói cố định. Do vậy, chúng ta thủ
đắc cái ảo tưởng rằng, chúng ta đã “thuần hóa” cái không thể đoán
trước. Những ngư dân, những người du mục, và những nông dân,
vốn chiến đấu chống lại những sức mạnh bướng bỉnh của thiên
nhiên, kẻ lao động sáng tạo vốn lệ thuộc vào cảm hứng, kẻ man dã
bị kinh hãi bởi môi trường của họ – tất cả họ đều sợ sự thay đổi.
Họ đối mặt với thế giới như thể đang đối mặt với một bồi thẩm
viên đầy quyền lực. Những kẻ nghèo một cách túng quẫn, cũng sợ
hãi thế giới xung quanh họ và không thích sự thay đổi. Chúng ta
sống một cuộc sống nguy hiểm khi cái đói và cái lạnh theo chúng
ta bén gót. Như thế, sự bảo thủ của những kẻ bần cùng cũng sâu xa
như sự bảo thủ của những kẻ có đặc quyền, và sự bảo thủ của những
kẻ bần cùng, cũng là một nhân tố trong sự duy trì trật tự xã hội, hệt
như sự bảo thủ của những kẻ có đặc quyền.
Những người lao vào những công trình mang lại sự thay đổi to lớn,
thường cảm nhận rằng, họ sở hữu một quyền lực vô địch nào đó.
Cái thế hệ mà đã “làm” cuộc Cách mạng Pháp, có một quan niệm
cực đoan về sự toàn năng của lý tính con người và tầm mức vô hạn
của trí thông minh của y. De Tocqueville nói, chưa bao giờ nhân
loại tự hào hơn về chính họ, cũng như chưa bao giờ họ có nhiều
niềm tin như thế vào sự toàn năng của mình. Và kết nối với lòng
tự tin được phóng đại này, là một niềm khao khát đại đồng đối với
sự thay đổi – niềm khao khát này đến một cách tự nhiên với mọi
tâm trí (4). Lenin và những người Bolshevik – lao một cách liều
lĩnh vào trong sự hỗn loạn của việc sáng tạo ra một thế giới mới –
đều có niềm tin mù quáng vào sự toàn năng của học thuyết Mác-
xít. Những người Đức Quốc Xã không có cái gì hùng mạnh như
cái học thuyết đó, nhưng họ có niềm tin vào một lãnh tụ không thể
sai lầm và niềm tin vào một kỹ thuật mới. Bởi vì, chủ nghĩa Quốc
Xã khó lòng có được sự tiến triển nhanh chóng như thế, nếu không
vì cái xác tín đầy phấn khởi rằng, những kỹ thuật mới về “tấn công
chớp nhoáng” và sự tuyên truyền sẽ làm cho nước Đức trở thành
vô địch.
Ngay cả một ước mơ tỉnh táo về sự tiến bộ, cũng được nuôi dưỡng
bởi niềm tin – niềm tin vào lòng tốt bẩm sinh của bản chất con
người và [niềm tin] vào sự toàn năng của khoa học. Đó là một niềm
tin đầy thách thức và phạm thánh, rất giống như niềm tin của những
người bắt tay vào việc xây dựng “một thành phố và một cái tháp,
mà cái chóp của nó có thể chạm bầu trời,” và của những người tin
rằng, “những gì mà họ dự định làm, sẽ không có gì ngăn cản được
họ.” (5)

4
Một cách tự nhiên, người ta thường tin rằng, việc sở hữu quyền lực
– và không cần thêm cái gì khác – sẽ tự động dẫn tới một thái độ
tự phụ đối với thế giới và [dẫn tới] việc sẵn sàng đón nhận sự thay
đổi. Nhưng không phải luôn luôn như vậy. Những người hùng
mạnh cũng có thể rụt rè như kẻ yếu đuối. Cái dường như quan trọng
hơn việc sở hữu những công cụ của quyền lực, là niềm tin vào
tương lai. Nơi nào mà quyền lực không được kết nối với niềm tin
vào tương lai, thì nó được dùng chủ yếu để ngăn cản cái mới và
duy trì cái status quo.• Mặt khác, niềm hy vọng thái quá, ngay cả
khi nó không được hậu thuẫn bởi thực quyền, thì cũng có thể làm
phát sinh một sự táo bạo liều lĩnh nhất. Bởi vì kẻ hy vọng [vào
tương lai. ND] có thể lấy sức mạnh từ những nguồn sức mạnh lố
bịch nhất – một khẩu hiệu, một từ ngữ, một phù hiệu. Không có
niềm tin nào hùng mạnh, trừ phi nó cũng có niềm tin vào tương lai;
[trừ phi niềm tin ấy có một lịch sử hàng ngàn năm]. Do vậy, một
học thuyết hữu hiệu là một nguồn sức mạnh, nhưng nó cũng phải
tự khẳng định rằng, nó là một chìa khóa để mở cuốn sách của tương
lai. (6)
_____
• Status quo: Nguyên trạng; hiện trạng.

Những ai muốn chuyển hóa một dân tộc hay thế giới, không thể
làm như vậy bằng cách nuôi dưỡng và “lèo lái” sự bất mãn, hoặc
bằng cách chứng minh sự hợp lý và sự đáng ao ước của những thay
đổi sẽ xảy ra [theo hoạch định], hoặc bằng cách cưỡng bức dân
chúng sống một lối sống mới. Họ phải biết cách nhen nhúm và làm
bùng lên một niềm hy vọng cực đoan. Bất luận đó là niềm hy vọng
về một vương quốc trên trời, về thiên đàng hạ giới, về chiến lợi
phẩm và của cải vô hạn, về sự thành tựu thần kỳ hay sự thống trị
thế giới – thì cái quan trọng là niềm hy vọng, còn hy vọng về cái
gì, đó không phải là điều quan trọng. Nếu những người Cộng sản
chinh phục được châu Âu và một phần rộng lớn của thế giới, thì
không phải là bởi vì họ biết cách khơi dậy sự bất mãn, hay biết
cách tiêm sự thù hận vào dân chúng, mà bởi vì, họ biết cách rao
giảng niềm hy vọng.

5
Như thế, những khác biệt giữa những người bảo thủ và những
người “cấp tiến,” có vẻ như phát xuất chủ yếu từ thái độ của họ đối
với tương lai. Nỗi sợ hãi về tương lai khiến chúng ta dựa vào và
bám chặt vào hiện tại, trong khi niềm tin vào tương lai khiến chúng
ta dễ tiếp nhận sự thay đổi. Cả người nghèo lẫn người giàu, người
mạnh lẫn kẻ yếu, kẻ đã thành tựu nhiều hay ít, đều có thể sợ hãi
tương lai. Khi hiện tại có vẻ như quá hoàn hảo – đến nỗi, cái tối đa
mà chúng ta có thể mong đợi, là sự tiếp tục đều đặn của nó trong
tương lai – thì sự thay đổi chỉ có thể có nghĩa là sự suy thoái. Do
vậy, những người có thành tựu nổi bật và những người sống cuộc
sống đầy đủ, hạnh phúc, thường chống lại sự canh tân mạnh mẽ.
Sự bảo thủ của những kẻ tàn phế và những người quá tuổi trung
niên, cũng phát xuất từ nỗi sợ hãi về tương lai. Họ “cảnh giác”
những dấu hiệu về suy thoái, và cảm thấy rằng, bất cứ sự thay đổi
nào, đều rất có thể là xấu hơn, thay vì tốt hơn. Kẻ nghèo một cách
quẫn bách, không có niềm tin vào tương lai. Đối với họ, tương lai
dường như là một cái bẫy treo, bị chôn giấu trên con đường trước
mặt. Người ta phải bước đi một cách thận trọng. Thay đổi những
sự-thể, là chuốc lấy sự rắc rối.
Đối với những kẻ lạc quan, đầy hy vọng, thì có vẻ như, việc ai bị
vồ chụp bởi một hy vọng cuồng nhiệt, thì cũng như nhau. Bất luận
đó là một nhà trí thức nhiệt huyết, một nông dân khát khao có
ruộng, một kẻ đầu cơ muốn làm giàu nhanh chóng, một thương
nhân tỉnh táo hay một địa chủ quý tộc – tất cả họ đều có hành động
liều lĩnh đối với hiện tại, phá hủy nó nếu cần thiết, và sáng tạo ra
một thế giới mới. Như thế, có thể có những cuộc cách mạng bởi
những kẻ có đặc quyền, cũng như bởi những kẻ “thấp cổ bé họng.”
Phong trào “xây hàng rào” trong thế kỷ 16 và 17 tại nước Anh, là
một cuộc cách mạng bởi những người giàu. Kỹ nghệ len phát đạt
cao, và ngành chăn nuôi trở nên có nhiều lợi nhuận hơn việc trồng
trọt. Những địa chủ xua đuổi những người mướn đất của họ, xây
hàng rào xung quanh những đồng cỏ và tạo ra những thay đổi sâu
xa trong kết cấu xã hội và kinh tế của đất nước này. “Những địa
chủ và những nhà quý tộc đang làm đảo lộn trật tự xã hội, phá sập
luật lệ và phong tục cổ xưa, đôi khi bằng phương tiện của bạo động,
thường khi bằng áp lực và đe dọa.”(7). Một cuộc cách mạng Anh
khác, xảy ra ở cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19. Đó là cuộc Cách
mạng Công nghiệp. Những tiềm năng thần kỳ của sự cơ giới hóa
làm nức lòng những nhà sản xuất và những thương nhân. Họ bắt
đầu một cuộc cách mạng “cực đoan và triệt để, vốn đã từng kích
động đầu óc của những tín đồ cuồng tín,” (8) và trong một thời gian
tương đối ngắn, những công dân khả kính, “sợ Thượng đế” này đã
hoàn toàn làm thay đổi bộ mặt của nước Anh, đến nỗi người ta
không còn nhận ra nó nữa.
Khi những niềm hy vọng và những giấc mơ “được thả rong” trên
đường phố, thì kẻ rụt rè nên khóa cửa sổ, cửa lớn và nằm im, cho
đến khi cơn phẫn hận đã qua đi. Bởi vì, thường hay có một bất
tương hợp quái đản giữa những niềm hy vọng – bất luận cao
thượng và đáng yêu đến đâu – và cái hành động theo sau chúng.

6
Để lao đầu một cách xốc nổi vào một dự án mang lại sự thay đổi
to lớn, người ta phải bất mãn sâu sắc, nhưng không túng quẫn, và
họ phải có cái cảm nhận rằng, bằng cách sở hữu một học thuyết
hữu hiệu nào đó, một vị lãnh tụ không thể sai lầm nào đó, hay một
kỹ thuật mới nào đó, họ tiếp cận được một nguồn sức mạnh vô
địch. Họ cũng phải có một quan niệm cực đoan về cái viễn ảnh và
những tiềm năng của tương lai. Sau cùng, họ phải hoàn toàn không
biết đến những khó khăn có dính líu tới cái dự án to lớn của họ.
Những người khởi xướng cuộc Cách mạng Pháp, thì hoàn toàn
không có kinh nghiệm về chính trị. Điều tương tự cũng đúng với
những người Bolshevik, những đảng viên Quốc Xã và những nhà
cách mạng tại châu Á. “Con người áp-phe” giàu kinh nghiệm, là
“một kẻ đến muộn.” Anh ta bước vào phong trào khi nó đã có cơ
sở vững chắc. Chính cái kinh nghiệm chính trị của người Anh, là
cái khiến cho anh ta e sợ những phong trào quần chúng.

==========
(1). E. H. Carr, Nationalism and After (New York: Macmillan
Company, 1945), p. 20.
(2). See end of Section 104.
(3). Henry David Thoreau, Waiden, Modern Library edition (New
York: Random House, 1937), p. 69.
(4). Alexis de Tocqueville, On the State of Society in France
Before the Revolution of 1789 (London: John Murray, 1888), pp.
198–199.
(5). Genesis 11:4, 6.
(6). See Section 58.
(7). Karl Polanyi, The Great Transformation (New York: Farrar
and Rinehart, Inc., 1944), p. 35.
(8). Ibid., p. 40.

CHƯƠNG II
ƯỚC MƠ CÓ NHỮNG CÁI THAY THẾ
7
Có một khác biệt nền tảng giữa sự hấp dẫn của một phong
trào quần chúng và của một tổ chức thực tiễn. Tổ chức thực tiễn
cung ứng những cơ hội cho việc tiến thân, và sự hấp dẫn của nó
chủ yếu là tư lợi. Trái lại, một phong trào quần chúng – nhất là
trong giai đoạn năng động và có tính phục hưng của nó – không
hấp dẫn đối với những ai chú tâm đến việc nâng đỡ và thăng tiến
một bản ngã yêu dấu, nhưng [hấp dẫn] đối với những ai khao khát
thoát khỏi một bản ngã vô dụng. Một phong trào quần chúng lôi
cuốn dân chúng đi theo, không phải bởi vì nó có thể thỏa mãn ước
mơ tiến thân, mà bởi vì nó có thể thỏa mãn niềm đam mê về “sự
quên mình.” 
_____
 Self-renunciation. Chú ý: Chữ “quên mình” ở đây không phải
là sự quên mình vị tha; nó có nghĩa tiêu cực: “muốn quên đi cái
tôi bị hỏng, hoặc bất lực, xấu xa, vô dụng của mình.” Về sau, ta sẽ
rõ hơn.

Những người thấy đời mình [như là] bị hỏng một cách vô phương
cứu chữa, không thể tìm thấy một mục đích xứng đáng trong việc
tiến thân. Viễn ảnh về một sự nghiệp cá nhân không thể thúc đẩy
họ làm một nỗ lực to lớn; nó cũng không thể gợi dậy trong họ niềm
tin và sự tận tụy toàn tâm toàn trí. Họ nhìn tư lợi như là một cái gì
đó đồi bại và xấu xa, một cái gì đó dơ bẩn và không may mắn. Bất
cứ cái gì được thực hiện dưới sự hướng dẫn của bản ngã, đối với
họ, có vẻ như bị thất bại một cách tiền định. Tất cả những gì mà có
gốc rễ và những lý do trong bản ngã, đều không thể tốt lành và cao
thượng. Niềm khao khát sâu kín của họ, là có một cuộc sống mới,
một sự tái sinh. Hoặc, nếu không thành công trong việc này, thì họ
khao khát một cơ hội thủ đắc những yếu tố mới của lòng tự hào, sự
tự tin, niềm hy vọng – một cảm thức về mục đích và giá trị, bằng
việc tự đồng hóa mình với một “sự nghiệp thần thánh.” Một phong
trào quần chúng năng động cung ứng cho họ những cơ hội cho cả
hai. Nếu họ gia nhập phong trào như những “kẻ tân tòng” toàn
phần, thì họ được tái sinh, có một cuộc sống mới trong một tổ chức
có kỷ luật chặt chẽ; hoặc, nếu là những cảm tình viên, thì họ tìm
thấy những yếu tố của lòng tự hào, niềm tự tin và mục đích, bằng
cách tự đồng hóa với những nỗ lực, những thành tựu và những viễn
ảnh của phong trào.
Đối với những kẻ phẫn chí, thì một phong trào quần chúng cung
ứng những cái thay thế, hoặc cho toàn bộ bản ngã, hoặc cho những
yếu tố mà khiến cho đời dễ chịu đựng, và những cái mà họ không
thể khơi dậy từ những tài nguyên cá nhân của mình.
Đúng là, trong số những phần tử trung kiên đầu tiên của một phong
trào quần chúng, cũng có những “kẻ phiêu lưu,” họ gia nhập với
hy vọng rằng, phong trào sẽ cho họ một cú hích vào cái “bánh xe
vận mệnh” của họ, và đưa họ đến danh vọng và quyền lực. Về mặt
khác, thì một mức độ của sự tận tụy “vô ngã,” đôi khi được biểu lộ
bởi những kẻ gia nhập những công ty, những đảng chính trị “chính
thống,” và những tổ chức thực tiễn khác. Tuy nhiên, sự kiện vẫn
là, một mối quan tâm thực tiễn không thể kéo dài, trừ phi nó có thể
hấp dẫn, và thỏa mãn tư lợi; trái lại, cái khí thế và sự tăng trưởng
của một phong trào đang lên, tùy thuộc vào cái năng lực của nó
trong việc kích thích và thỏa mãn niềm đam mê đối với “sự quên
đi chính mình.” Khi một phong trào quần chúng bắt đầu thu hút
những người vốn quan tâm đến sự nghiệp cá nhân của họ, thì nó là
một dấu hiệu cho thấy rằng, nó đã qua giai đoạn mãnh liệt của nó;
rằng nó không còn dấn mình vào việc “định hình” một thế giới
mới, mà chỉ quan tâm đến việc sở hữu và duy trì hiện tại. Lúc đó,
nó thôi không còn là một phong trào và trở thành một xí nghiệp
[enterprise]. Theo Hitler, thì nếu một phong trào càng có nhiều
“chức vụ và vị trí để phân phát, nó sẽ càng lôi cuốn những phần tử
thấp kém, và cuối cùng, những “kẻ cơ hội về chính trị” này quá
tràn ngập một đảng thành công, trong một số lượng quá to lớn, đến
nỗi mà, những chiến sĩ trung thực [honest] của những ngày trước
đây, đã không còn nhận ra cái phong trào cũ nữa… Khi việc này
xảy ra, thì “cái sứ mệnh” nguyên thủy của một phong trào đã bị kết
liễu.” (1)
Bản chất của cái thay thế toàn phần được cung cấp bởi “sự chuyển
đổi”  sẽ được thảo luận trong những chương về sự hy sinh và
hành động hợp quần trong phần III. Ở đây, chúng ta sẽ đề cập đến
những cái thay thế từng phần.
______
 Conversion: Sự chuyển đổi; sự tân tòng. Đi từ động từ “to
convert,” có nghĩa là “chuyển đổi.” Trong cuốn sách này, thì
“chuyển đổi” có 2 nghĩa chính: 1. Sự cải đạo: chuyển đổi từ một
đạo này sang một đạo khác. Kẻ mới cải đạo, gọi là kẻ “tân tòng.”
2. Chuyển đổi từ một tổ chức, một đảng nào đó, sang một tổ chức,
một đảng khác.

8
Niềm tin vào một “sự nghiệp thần thánh,” ở một mức độ đáng kể,
là một cái thay thế cho niềm tin vào chính mình, mà đã bị đánh
mất.

9
Một người càng ít có lý do chính đáng trong việc khẳng định sự
xuất chúng của cái bản ngã của chính mình, thì anh ta càng sẵn
sàng khẳng định toàn bộ sự xuất chúng của dân tộc mình, tôn giáo
mình, sắc tộc mình, hay “sự nghiệp thần thánh” của mình.
10
Có khả năng là, một người chú tâm đến công việc của riêng mình,
khi nó xứng đáng được chú tâm. Khi nó không xứng đáng, thì
người ấy gạt bỏ những vụ việc vô nghĩa của mình ra khỏi đầu óc,
bằng cách chú tâm đến công việc của những người khác.
Việc chú tâm đến công việc của những người khác tự biểu hiện ra
trong sự đàm tiếu, sự tò mò tọc mạch và việc chõ mũi vào chuyện
của người khác; và nó cũng biểu lộ ra trong sự quan tâm “hăng
say” đối với những vụ việc của cộng đồng, của dân tộc, và của sắc
tộc mình. Trong việc chạy khỏi chính mình, chúng ta hoặc “rơi
xuống” trên vai người láng giềng của ta, hoặc “bay vào” cổ họng
anh ta.

11
Cái xác tín cháy bỏng rằng, chúng ta có một bổn phận thiêng liêng
đối với những người khác, thường là một cách buộc chặt cái bản
ngã đang chết đuối của chúng ta vào một cái bè đang trôi qua. Cái
có vẻ như là việc giúp đỡ người khác, thường là việc níu vào một
cái phao để cứu mạng sống thân yêu [của chính mình]. Nếu bị lấy
mất những bổn phận của ta, thì đời ta trở thành nhỏ bé và vô nghĩa.
Không nghi ngờ gì, trong việc trao đổi một cuộc sống quy-
ngã • cho một cuộc sống “vô ngã,” chúng ta có thêm nhiều lòng tự
trọng. Niềm tự cao của những người “vô ngã,” – ngay cả những
người thực hành sự khiêm cung lớn nhất – là vô hạn.
____
 Đây là một nhận xét rất sâu sắc, mặc dù, có vẻ như “nghịch lý.”
Nhìn chung, nó đúng. Tuy nhiên, không nên “vơ đũa cả nắm”:
công bình mà nói, thì có một số người vị tha thực sự, và có lẽ, họ
là “những ngoại lệ.”
• A self-centered life
12
Một trong những cái hấp dẫn hùng mạnh nhất của một phong trào
quần chúng, là việc nó cung ứng một cái thay thế cho niềm hy vọng
cá nhân. Sự hấp dẫn này thì đặc biệt hữu hiệu trong một xã hội
thấm nhuần với ý tưởng về sự tiến bộ. Bởi vì trong quan niệm về
sự tiến bộ, thì “ngày mai” hiện ra to lớn, và sự phẫn chí do việc
không có gì để mong đợi, lại càng thấm thía. Hermann Rauschning
nói về nước Đức thời tiền-Hitler : “cái cảm nhận rằng mọi sự đã
kết thúc, là một trong những điều gây bất an tồi tệ nhất mà chúng
ta gặp phải sau cuộc chiến bại đó” (2). Trong một xã hội hiện đại,
thì người ta có thể sống mà không có hy vọng, chỉ khi nào bị làm
cho choáng váng và đứt hơi bởi sự bươn chải không ngừng nghỉ.
Sự tuyệt vọng tạo ra bởi nạn thất nghiệp, nó đến không chỉ từ sự
đe dọa của sự bần cùng, mà còn từ cái nhìn đột xuất về cái hư vô
bao la đằng trước mặt. Những kẻ thất nghiệp dễ dàng đi theo những
“kẻ bán rong” niềm hy vọng, hơn là đi theo những người phát
chẩn.
Những phong trào quần chúng thường bị cáo buộc là huyễn hoặc
những người đi theo chúng với niềm hy vọng về tương lai, trong
khi lừa gạt họ, tước mất của họ sự hưởng thụ trong hiện tại. Thế
nhưng, đối với những kẻ phẫn chí, thì hiện tại đã bị hỏng một cách
vô phương cứu chữa. Những tiện nghi và những lạc thú không thể
làm cho nó [hiện tại] lành lặn trở lại. Không có sự hài lòng hay sự
an ủi thực sự nào có thể nổi lên trong tâm trí họ, ngoài niềm hy
vọng. (3)

13
Khi những tư lợi cá nhân của chúng ta và những viễn ảnh [tương
lai] dường như không xứng đáng cho ta theo đuổi, thì chúng ta hết
sức cần một cái gì đó tách biệt khỏi chúng ta để theo đuổi. Mọi
hình thức tận tụy, lòng trung thành và sự quên đi chính mình, trong
yếu tính, là một sự bám víu tuyệt vọng vào một cái gì đó mà có thể
đem lại giá trị và ý nghĩa cho cuộc đời bị hỏng, vô dụng của chúng
ta. Do vậy, việc ôm ghì một cái thay thế, sẽ tất yếu là mãnh liệt và
cực đoan. Niềm tự tin của chúng ta vào chính mình, nó có thể có
mức độ; nhưng niềm tin mà chúng ta có vào dân tộc ta, tôn giáo ta,
hay “sự nghiệp thần thánh” của ta, thì phải cực đoan và không
khoan nhượng. Một cái thay thế được đón nhận trong sự ôn hòa,
thì không thể thay thế và xóa bỏ cái bản ngã mà chúng ta muốn
quên. Chúng ta không thể chắc rằng, chúng ta có một cái gì đó
xứng đáng để theo đuổi, trừ phi chúng ta sẵn sàng chết cho nó. Sự
sẵn sàng chết này là bằng chứng đối với chính chúng ta và những
kẻ khác rằng, cái mà chúng ta đã phải nhận lấy như là một cái thay
thế cho một lựa chọn đầu tiên – đã bị hỏng và bị bỏ lỡ không thể
vãn hồi – thì quả thực là cái tốt nhất mà đã từng có.

========
(1). Adolph Hitler, Mein Kampf (Boston: Houghton Mi􀁁in
Company, 1943), p. 105.
(2). Hermann Rauschning, The Conservative Revolution (New
York: G. P. Putnam’s Sons, 1941), p. 189.
(3). Thomas Gray, Letters, Vol. I, p. 137. Quoted by Gamaliel
Bradford, Bare Souls (New York: Harper & Brothers, 1924), p. 71.

CHƯƠNG III
TÍNH KHẢ-HOÁN CỦA NHỮNG PHONG TRÀO QUẦN
CHÚNG
14
Khi dân chúng đã chín muồi cho một phong trào quần chúng,
thì họ thường chín muồi cho bất cứ phong trào hữu hiệu  nào, và
không chỉ [chín muồi] cho một học thuyết hay một chương trình
đặc thù nào. Tại nước Đức tiền-Hitler, khi một chàng trai trẻ đang
trăn trở tìm hướng đi, thì việc gia nhập vào hàng ngũ những người
Cộng sản hay Quốc Xã, thường là một “trò sấp ngửa.” Tại cái biên
giới đông nghịt của nước Nga do Nga Hoàng cai trị, nơi mà quần
chúng Do Thái đang sôi sục, thì tình hình đã chín muồi cho cả cách
mạng lẫn chủ nghĩa phục quốc Do Thái. Trong cùng một gia đình,
thì một thành viên sẽ gia nhập hàng ngũ những nhà cách mạng, và
người kia, theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái. Dr. Chaim
Weizmann trích dẫn một lời nói của mẹ ông trong những ngày đó:
“Bất cứ cái gì xảy ra, đều tốt cho mẹ. Nếu Shemuel [đứa con trai
theo phe cách mạng] đúng, thì chúng ta sẽ đều hạnh phúc tại Nga;
và nếu Chaim [người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái ] đúng,
thì mẹ sẽ đến sống tại Palestine.” (1)
_________
 Effective: Hữu hiệu; có hiệu quả; có ảnh hưởng.

Việc dễ bị lôi cuốn bởi mọi phong trào quần chúng, không luôn
luôn ngừng lại ngay cả khi kẻ “tín đồ đích thực” tiềm năng đã trở
thành kẻ tân tòng nhiệt thành của một phong trào đặc thù nào đó.
Nơi nào mà những phong trào quần chúng đang cạnh tranh quyết
liệt với nhau, thì thường xuyên có những trường hợp tân tòng –
thậm chí, những kẻ tân tòng hăng say nhất – dịch chuyển sự trung
thành của họ từ phong trào này sang phong trào nọ. Một Saul biến
thành một Paul, không phải là hiếm có, cũng không phải là một
chuyện kỳ lạ. Trong thời đại chúng ta, thì mỗi phong trào quần
chúng đang chiêu mộ những kẻ tân tòng, có vẻ như xem những
phần tử trung kiên của đối thủ của nó, như là những kẻ tân tòng
tiềm năng của chính nó. Hitler nhìn những người Cộng sản Đức
như là những người Quốc Xã tiềm năng: “Thành viên của đảng
Dân chủ Xã hội tiểu tư sản và lãnh tụ công đoàn, sẽ không bao giờ
trở thành một người Quốc Xã, nhưng người Cộng sản thì luôn luôn
sẽ” (2).
Ernst Röhm khoe rằng, ông có thể biến người Cộng sản “đỏ nhất”
thành một người dân tộc chủ nghĩa nhiệt thành trong vòng 4
tuần (3). Trái lại, Karl Radek xem những đảng viên Quốc Xã Sơ
mi nâu (S.A) như là một lực lượng trừ bị cho những “tân tòng”
Cộng sản tương lai. (4)
Bởi vì mọi phong trào quần chúng đều thu hút những phần tử trung
kiên của chúng từ cùng một loại người và hấp dẫn cùng những loại
tâm trí, hệ luận là: ( a) mọi phong trào quần chúng đều có tính cạnh
tranh, và nếu một phong trào có thêm những phần tử trung kiên,
thì những phong trào khác lại mất đi chính những phần tử đó; (b)
mọi phong trào quần chúng đều khả-hoán. Một phong trào sẵn sàng
tự hoán chuyển thành một phong trào khác. Một phong trào tôn
giáo có thể phát triển thành một cuộc cách mạng xã hội hay một
phong trào dân tộc chủ nghĩa; một cuộc cách mạng xã hội, thành
chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến hay một phong trào tôn giáo; một
phong trào dân tộc chủ nghĩa, thành một cuộc cách mạng xã hội
hay một phong trào tôn giáo.

15
Thật hiếm có một phong trào quần chúng nào mà hoàn toàn chỉ có
một tính chất. Thường thường, nó biểu lộ vài sắc thái của những
loại phong trào khác, và đôi khi, nó là 2 hay 3 phong trào trong
một. Cuộc di cư hàng loạt của người Hebrew [người Do Thái cổ]
từ Ai Cập, là một cuộc phản kháng của nô lệ, một phong trào tôn
giáo, và một phong trào dân tộc chủ nghĩa. Chủ nghĩa dân tộc hiếu
chiến của người Nhật chủ yếu [trong bản chất] là có tính tôn giáo.
Cuộc Cách Mạng Pháp là một tôn giáo mới. Nó có “giáo điều của
nó, những nguyên lý thiêng liêng của Cách Mạng – Tự Do và sự
Bình đẳng thần thánh. Nó có hình thức thờ phụng của nó, một
phóng tác của nghi lễ Công giáo, vốn được được triển khai trong
sự kết nối với những lễ hội dân sự. Nó có những vị thánh của nó,
những vị anh hùng và những kẻ tử đạo của tự do” (5). Đồng thời,
cuộc Cách mạng Pháp cũng là một phong trào dân tộc chủ nghĩa.
Vào năm 1972, Quốc hội lập hiến ra sắc luật rằng, những bàn thờ
phải được thiết lập khắp mọi nơi, mang khẩu hiệu: “người công
dân sinh ra, sống và chết cho Tổ Quốc.” (6)
Những phong trào tôn giáo của Phong Trào Cải Cách có một
phương diện cách mạng, mà tự biểu lộ ra trong những cuộc nổi dậy
của nông dân, và chúng cũng là những phong trào dân tộc chủ
nghĩa. Luther nói: “Trong mắt của những người Ý, thì những người
Đức chúng ta chỉ là những con lợn Teutonic hèn hạ. Họ bóc lột
chúng ta như những tên lang băm và hút máu đất nước ta tận xương
tủy. Hỡi nước Đức, hãy tỉnh dậy!” (7).
Tính chất tôn giáo của những cuộc cách mạng Bolshevik và Đức
Quốc Xã, được công nhận một cách rộng rãi. Cái búa liềm và chữ
vạn, là cùng loại với chữ thập. Nghi lễ của những cuộc diễu hành
của chúng, là nghi lễ của một đám rước tôn giáo. Chúng có những
điều khoản của đức tin, những vị thánh, những kẻ tử đạo, và những
nấm mồ thiêng liêng. Những cuộc cách mạng Bolshevik và Đức
Quốc Xã cũng là những phong trào dân tộc chủ nghĩa được phát
triển đầy đủ. Cuộc cách mạng Đức Quốc Xã đã là như vậy ngay từ
ban đầu, trong khi chủ nghĩa dân tộc của những người Bolshevik,
là một phát triển muộn.
Chủ nghĩa phục quốc Do Thái là một phong trào dân tộc chủ nghĩa
và một cuộc cách mạng xã hội. Đối với người Do Thái chính thống,
nó cũng là một phong trào tôn giáo. Chủ nghĩa dân tộc Ái Nhĩ Lan
có một sắc thái tôn giáo đậm nét. Những phong trào quần chúng
hiện tại ở châu Á, thì vừa có tính dân tộc chủ nghĩa, vừa có tính
cách mạng.

16
Vấn đề chặn đứng một phong trào quần chúng, thường là một vấn
đề thay thế một phong trào này bằng một phong trào khác. Một
cuộc cách mạng xã hội có thể được chặn đứng, bằng cách phát huy
một phong trào tôn giáo hay dân tộc chủ nghĩa. Như thế, tại những
đất nước mà ở đó Công giáo đã lấy lại tinh thần của phong trào
quần chúng của nó, thì nó phản công chống lại sự lan tràn của chủ
nghĩa cộng sản. Tại Nhật Bản, thì chính chủ nghĩa dân tộc đã vạch
hướng đi cho mọi phong trào phản kháng xã hội. Tại miền Nam
chúng ta, thì phong trào liên đới sắc tộc có vai trò như là một biện
pháp để ngăn ngừa mọi biến động xã hội. Một tình huống tương tự
có thể được quan sát thấy giữa những người Pháp tại Canada và
những người Boers tại Nam Phi.
Phương pháp để chặn đứng một phong trào bằng cách thay thế nó
bằng một phong trào khác, thì không luôn luôn là không nguy
hiểm, và nó thường phải trả giá không rẻ. Bởi vì tình huống hiện
tại [luôn] ở vào thế bất lợi, khi một phong trào quần chúng đích
thực đang tiến công. Tại nước Ý và nước Đức thời tiền chiến tranh,
thì những nhà doanh nghiệp có đầu óc thực tiễn, hành động trong
một cách thức hoàn toàn hợp logic, khi họ động viên một phong
trào Phát-xít và Đức Quốc Xã để ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản.
Nhưng khi làm như vậy, thì những con người có đầu óc thực tiễn
và logic này đẩy nhanh sự phá sản của chính mình.
Những phong trào quần chúng có thể được thay thế bởi những cái
an toàn hơn. Nói chung, bất cứ sự sắp xếp nào – mà hoặc để ngăn
cản chủ nghĩa cá nhân hoặc việc tạo điều kiện thuận lợi cho sự quên
mình, hay việc cung cấp những cơ hội cho hành động và cho những
khởi đầu mới – đều có khuynh hướng phản công chống lại sự nổi
lên và lan rộng của những phong trào quần chúng. Những đề tài
này sẽ được thảo luận trong những chương về sau. Ở đây, chúng ta
sẽ bàn sơ qua về sự di dân, mà ít ai ngờ rằng, nó có thể là một cái
thay thế cho những phong trào quần chúng.

17
Sự di dân cung cấp một trong những cái mà những kẻ phẫn chí hy
vọng tìm thấy khi họ gia nhập một phong trào quần chúng, cụ thể
là, sự thay đổi và một cơ hội cho một khởi đầu mới. Những mẫu
người tương tự, vốn tràn ngập hàng ngũ của một phong trào quần
chúng đang lên, rất có thể cũng tìm kiếm một cơ hội để di dân. Sự
di dân có thể đóng vai trò như một thay thế cho một phong trào
quần chúng. Chẳng hạn, rất có khả năng là, nếu Hoa Kỳ và Đế quốc
Anh đã hoan nghênh sự di dân hàng loạt từ châu Âu sau Thế Chiến
I, thì có lẽ đã không có một cuộc cách mạng Phát-xít hay Đức Quốc
Xã. Trên đất nước này [Hoa Kỳ], thì sự di dân tự do và dễ dàng
qua một lục địa bao la, góp phần vào sự ổn định xã hội.
Tuy nhiên, bởi vì cái “chất liệu con người” • của chúng, nên những
cuộc di dân hàng loạt là miếng đất màu mỡ cho sự nổi lên của
những phong trào quần chúng đích thực. Đôi khi khó mà nói, một
cuộc di dân chấm dứt ở đâu, và một phong trào quần chúng bắt đầu
ở đâu – và cái nào đến trước. Sự di dân của những người Hebrews
từ Ai Cập, phát triển thành một phong trào tôn giáo và dân tộc chủ
nghĩa. Những cuộc di dân của những kẻ man dã trong những ngày
tàn của Đế quốc La Mã, thì không chỉ là những dịch chuyển của
dân số. Có những bằng chứng cho thấy rằng, những kẻ man dã
tương đối ít về số lượng, nhưng, một khi họ xâm lăng một đất nước,
thì họ được gia nhập bởi những kẻ bị áp bức và bất mãn trong mọi
tầng lớp xã hội: “nó là một cuộc cách mạng xã hội được khởi động
và ngụy trang, trên bề mặt, bởi sự chinh phục của ngoại bang.” (8)
_________
• Human material.

Mọi phong trào quần chúng, trong một nghĩa nào đó, là một cuộc
di dân – một phong trào tiến về phía một vùng đất hứa; và, khi
thuận lợi và đúng thời điểm, thì một cuộc di dân thực xảy ra. Cái
này xảy trong trong trường hợp của những người Thanh giáo,
những người Anabaptist, những người Mormon, những người
Dukhobor, và những kẻ theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái. Sự di
dân hàng loạt củng cố tinh thần và sự đoàn kết của một phong trào;
và bất luận trong hình thức nào – một cuộc chinh phục của ngoại
bang, một cuộc thập tự chinh, sự hành hương hay tái định cư trên
vùng đất mới – thì nó đều được thực hiện bởi những phong trào
quần chúng năng động nhất.

========
(1). Chaim Weizmann, Trial and Error (New York: Harper &
Brothers, 1949), p. 13.
(2). Hermann Rauschning, Hitler Speaks (New York: G. P.
Putnam’s Sons, 1940), p. 134.
(3). Konrad Heiden, Der Fuehrer (Boston: Houghton Mi􀁁in
Company, 1944), p. 30.
(4). Fritz August Voigt, Unto Caesar (G. P. Putnam’s Sons, 1938),
p. 283.
(5). Carl L. Becker, The Heavenly City of the Eighteenth-Century
Philosophers (New Haven: Yale University Press, 1932), p. 155.
(6). A. Mathiez, “Les Origins des Cultes Revolutionnaires,” p. 31.
Quoted by Carlton J. H. Hayes, Essays on Nationalism (New York:
Macmillan Company, 1926), p. 103.
(7). Frantz Funck-Brentano, Luther (London: Jonathan Cape,
Ltd., 1939), p. 278.
(8). H. G. Wells, The Outline of History (New York: Macmillan
Company, 1922), pp. 482–484.

CHƯƠNG IV
VAI TRÒ CỦA “NHỮNG KẺ KHÓ ƯA” TRONG NHỮNG VỤ
VIỆC CỦA CON NGƯỜI
18
Có một xu hướng đánh giá một sắc tộc, một dân tộc, hay bất
cứ nhóm xác định nào, bằng những thành viên ít giá trị nhất của
nó. Mặc dù không hợp lý, nhưng rõ ràng là, xu hướng này có một
sự biện minh nào đó. Bởi vì tính cách và vận mệnh của một nhóm,
thường được định đoạt bởi những phần tử hạ đẳng của nó.
Khối quần chúng ù lỳ của một dân tộc, chẳng hạn, là khu vực ở
giữa của nó. Những con người đàng hoàng, trung bình – họ làm
công việc của dân tộc trong những thành phố và trên đất liền – thì
bị tác động và được định hình bởi những thiểu số ở hai đầu : những
kẻ ưu tú nhất và những kẻ tồi tệ nhất. (1)
Cá nhân thượng đẳng – bất luận trong chính trị, văn học, khoa học,
thương mại hay công nghiệp – đóng một vai trò to lớn trong việc
định hình một dân tộc, nhưng những cá nhân ở những thái-cực
khác, cũng vậy – những kẻ thất bại, những kẻ bất thích nghi, những
kẻ bị xã hội ruồng bỏ, những tội phạm, và những người đã đánh
mất chỗ đứng của họ, hay chưa bao giờ có một chỗ đứng trong
hàng ngũ của nhân loại đáng kính. Trò chơi của lịch sử thường
được chơi bởi những kẻ tinh hoa nhất và những kẻ tồi tệ nhất trên
đầu của đa số ở giữa.
Lý do cắt nghĩa tại sao những phần tử hạ đẳng của một dân tộc lại
có thể tạo ra một ảnh hưởng rõ nét trên hướng đi của nó, là bởi vì
họ hoàn toàn không tôn kính hiện tại. Họ nhìn đời mình và hiện tại
như là bị hỏng không còn cứu vãn được nữa, và họ sẵn sàng vứt bỏ
và phá hủy cả hai. Sự bất kính đối với hiện tại tất yếu dẫn họ đến
sự liều lĩnh và khuynh hướng ưa thích sự hỗn loạn và tình trạng vô
chính phủ. Họ cũng khao khát muốn giải tan cái bản ngã bị hỏng,
vô nghĩa của họ, trong một dự án cộng đồng ngoạn mục và hào
hứng nào đó – hệ quả là, họ có khuynh hướng muốn hành động
trong một đội ngũ nào đó. Như thế, họ ở trong số những “tân binh”
đầu tiên của những cuộc cách mạng, những cuộc di dân hàng loạt,
và những phong trào tôn giáo, sắc tộc hay sô vanh chủ nghĩa, và
họ đặt dấu ấn của họ lên những cuộc biến động và những phong
trào này, vốn định hình tính cách và lịch sử của một dân tộc.
Những kẻ bị vứt bỏ và bị từ khước, thường là nhiên liệu cho tương
lai của một dân tộc. Hòn đá mà những kẻ xây dựng vứt bỏ, trở
thành hòn đá nền móng của một thế giới mới. Một dân tộc không
có những cặn bã và những kẻ bất mãn, là một dân tộc có trật tự,
đàng hoàng, hòa bình và thú vị, nhưng có lẽ nó không có hạt giống
của những sự-thể tương lai. Sự kiện rằng, những kẻ bị ruồng bỏ
trong những đất nước của châu Âu đã băng qua một đại dương để
xây dựng một thế giới mới trên lục địa này – đó không phải là điều
mỉa mai của lịch sử. Chỉ có họ mới có thể làm được điều ấy.

19
Mặc dù những kẻ bất mãn được tìm thấy trong mọi tầng lớp xã hội,
nhưng thường xuyên nhất, họ rơi vào những phạm trù sau đây:
(a) những người nghèo.
(b) những kẻ bất thích nghi.
(c) Những kẻ bị ruồng bỏ.
(d) Những người thiểu số.
( e) Giới trẻ [vừa đến tuổi thành niên].
( f) Những kẻ nhiều tham vọng [bất luận họ đối mặt với những trở
ngại không thể vượt qua, hay sự hạn chế về cơ hội].
(g) Những người bị vướng vào những tật xấu hay sự ám ảnh nào
đó.
( h) Những kẻ bất lực [trong thể xác hay trong tâm hồn].
(I ) Những kẻ ích kỷ thái quá.
( j) Những kẻ chán chường.
( k) Những kẻ tội lỗi.
Các tiết 20 – 42 sẽ đề cập tới những loại người này.

========
(1). A mild instance of the combined shaping by the best and
worst is to be observed in the case of language. The respectable
middle section of a nation sticks to the dictionary. Innovations
come from the best—statesmen, poets, writers, scientists,
specialists—and from the worst—slang makers.

PHẦN HAI :
NHỮNG KẺ TÂN TÒNG TIỀM NĂNG.
CHƯƠNG V
NHỮNG NGƯỜI NGHÈO
NHỮNG NGƯỜI MỚI NGHÈO
20
Không phải mọi người nghèo đều phẫn chí. Một số những
người nghèo sống tù đọng trong những khu ổ chuột của những
thành phố, thì mãn nguyện, an phận trong sự tàn tạ của họ. Họ run
rẩy trước ý tưởng về cuộc sống bên ngoài cái ao tù đọng quen thuộc
của họ. Ngay cả những người nghèo đáng kính, thì khi sự nghèo
của họ đã trở thành thâm căn cố đế, vẫn ở trong tình trạng ù lỳ. Họ
sợ hãi tính bất biến của trật tự sự vật. Cần có một biến động lớn
– một cuộc xâm lăng, một trận dịch hay một tai họa cộng đồng nào
đó – để mở mắt họ ra trước sự phù du của trật tự vĩnh cửu.
_____
 Immutability.

Thường thường, những người xưa kia không nghèo, mà chỉ mới
nghèo gần đây, kẻ nghèo mới, là những người sôi sục với chất men
của sự phẫn chí. Ký ức về những điều tốt đẹp xưa kia, cháy như
lửa trong mạch máu họ. Những kẻ bị truất quyền thừa kế và bị truất
hữu hóa, là những kẻ sẵn sàng gia nhập mọi phong trào quần chúng
đang nổi lên. Chính những kẻ nghèo mới, trong thế kỷ 17 của nước
Anh, là những người bảo đảm sự thành công của cuộc Cách Mạng
Thanh giáo. Trong phong trào “xây rào” [xem tiết 5], hàng ngàn
điền chủ đuổi những người mướn đất của họ và biến những cánh
đồng của họ thành những đồng cỏ. “Những nông dân mạnh mẽ và
năng động, yêu mến miếng đất vốn đã nuôi dưỡng họ, bị chuyển
hoán thành những kẻ làm thuê, hay những kẻ hành khất vạm vỡ;
… những đường phố đầy những kẻ bần cùng”(1). Chính khối quần
chúng bị truất hữu hóa này, đã cung cấp những tân binh cho quân
đội kiểu mới của Cromwell.
Tại Ý và Đức, những “người nghèo mới” đến từ một giai cấp trung
lưu bị khánh kiệt, tạo thành chỗ dựa chính yếu của những cuộc
cách mạng Đức Quốc Xã và Phát-xít. Những nhà cách mạng tiềm
năng tại nước Anh hiện nay, không phải là những công nhân, mà
là những công chức bị truất quyền thừa kế và những doanh nhân.
Giai cấp này có một ký ức sống động về sự phồn vinh và sự thống
trị [đã qua] và có vẻ như không tự thỏa hiệp được với những điều
kiện sống quẫn bách và sự bất lực về chính trị.
Gần đây, cả ở đây lẫn tại những đất nước khác, có một sự gia tăng
định kỳ to lớn của một loại nghèo mới, và sự xuất hiện của họ chắc
chắn đã góp phần vào sự nổi lên và lan rộng của những phong trào
quần chúng đương đại. Trước đây, thì những người-nghèo-mới chủ
yếu đến từ những giai cấp hữu sản, bất luận tại những thành phố
hay trên đất liền [on the land]; nhưng gần đây, và có lẽ lần đầu tiên
trong lịch sử, người công nhân bình dị xuất hiện trong vai trò này.
Bao lâu mà người ta sống ở một mức “tay làm, hàm nhai,” thì họ
được xem, và tự cảm thấy, như là những người nghèo mãn tính.
Họ cảm thấy nghèo trong cả thời buổi kinh tế khó khăn lẫn trong
thời buổi phát đạt. Những cuộc khủng hoảng kinh tế, bất luận
nghiêm trọng đến đâu, cũng không được xem như là những cái bất
bình thường và xấu xa đáng ghê tởm. Nhưng với sự phổ biến của
một mức sống cao, thì những cuộc suy thoái kinh tế và nạn thất
nghiệp mà chúng đem đến, mang một khía cạnh mới. Người công
nhân hiện nay tại thế giới phương Tây, cảm thấy nạn thất nghiệp
như là một sự xuống cấp. Anh ta thấy mình bị truất quyền thừa kế
và bị tổn thương bởi một trật tự bất công của sự vật, và sẵn sàng
nghe theo những ai kêu gọi một “thương vụ” mới.

NHỮNG NGƯƠI NGHÈO TÚNG QUẪN


21
Những người nghèo nào mà ở trên ranh giới của sự chết đói, họ
sống cuộc sống có mục đích. Dấn mình vào một cuộc chiến đấu
cam go cho thực phẩm và nơi trú ẩn, là hoàn toàn thoát khỏi một
cảm thức về sự vô dụng. Những mục đích [của họ] đều cụ thể và
tức thì. Mọi bữa ăn là một thành tựu; đi ngủ với một cái bao tử đầy,
là một thắng lợi; và mọi “của trời cho”, là một phép mầu. Họ không
cần đến “một mục tiêu cá nhân đầy cảm hứng, tuyệt vời, mà sẽ đem
lại ý nghĩa và phẩm cách cho đời họ.” Họ được miễn dịch đối với
sự kêu gọi của một phong trào quần chúng. Angelica Balabanoff
mô tả tác dụng của sự nghèo nàn túng quẫn trên nhiệt tình cách
mạng của những nhà cấp tiến nổi tiếng, mà đã lũ lượt kéo đến
Moscow vào những ngày đầu tiên của cách mạng Bolshevik. “Ở
đây, tôi thấy những người đàn ông và đàn bà mà trước đây đã sống
trọn đời họ cho những ý tưởng, và đã tự nguyện từ bỏ những thuận
lợi vật chất, sự tự do, hạnh phúc và tình cảm gia đình cho việc thực
hiện những lý tưởng của họ – nhưng bây giờ, mối bận tâm duy nhất
của họ, là làm sao thoát khỏi cái đói và cái lạnh.” (2)
Ở đâu mà người ta lao động cật lực từ bình minh đến hoàng hôn
chỉ để có cái nhét vào bao tử, thì họ không nuôi dưỡng mối bất bình
nào và không mơ giấc mơ nào. Một trong những lý do cắt nghĩa tại
sao quần chúng tại Trung Quốc không nổi dậy, là bởi vì ở đó, người
ta phải dồn hết mọi nỗ lực mới có được miếng ăn. Cuộc đấu tranh
khốc liệt cho sinh tồn, “có một ảnh hưởng tĩnh tại [static] hơn là
năng động.”(3)

22
Sự khốn khổ không tự động làm phát sinh sự bất mãn, cũng như,
cường độ của sự bất mãn không trực tiếp tỷ lệ thuận với mức độ
của sự khốn khổ.
Sự bất mãn có vẻ như là ở mức cao nhất, khi sự khốn khổ là có thể
chịu đựng được, khi những điều kiện đã được cải thiện, đến nỗi,
một tình trạng lý tưởng gần như đang ở trong tầm tay. Một mối bất
bình là sắc bén nhất, khi nó đã được xoa dịu ở mức cao nhất. De
Tocqueville – trong những nghiên cứu của mình về tình trạng của
xã hội tại Pháp trước cách mạng – kinh ngạc bởi sự khám phá rằng,
“sau cuộc cách mạng 1789, thì không có giai đoạn nào mà trong
đó sự thịnh vượng của Pháp lại gia tăng nhanh chóng, so với 20
năm đi trước biến cố đó” (4). Ông buộc phải kết luận : “những
người Pháp thấy rằng, khi vị trí của họ càng tốt hơn, thì họ thấy nó
càng không thể chịu đựng” (5). Tại cả Pháp lẫn Nga, vào thời điểm
cách mạng bùng nổ, thì những nông dân khát khao có ruộng, đã
làm chủ hầu như chính xác 1/3 đất nông nghiệp, và phần lớn đất
đai ấy, đều được thủ đắc trong một hoặc hai thế hệ đi trước cuộc
cách mạng (6). Không phải sự đau khổ hiện tại, mà chính là một
nếm trải về những cái tốt đẹp hơn [trong quá khứ], đã kích thích
người ta nổi dậy phản kháng. Một biến động có tính quần chúng
tại nước Nga Sô Viết, khó lòng diễn ra trước khi người ta có một
nếm trải thực sự về cuộc sống tốt đẹp. Khoảnh khắc nguy hiểm
nhất cho chế độ của Bộ Chính Trị Sô Viết, sẽ là khi một sự cải
thiện đáng kể trong những điều kiện kinh tế của quần chúng Nga
đã được đạt tới, và sự cai trị toàn trị sắt máu đã được nới lỏng. Thật
đáng quan tâm, rằng việc ám sát Kirov – người bạn thân của Stalin,
vào tháng 12 năm 1934 – xảy ra không lâu sau khi Stalin đã thông
báo sự chấm dứt thành công của kế hoạch 5 năm và sự khởi đầu
của một kỷ nguyên mới, thịnh vượng, đầy phấn khởi.
Càng tiến gần đến cái đối tượng mơ ước, thì sự bất mãn lại càng
mãnh liệt. Điều này đúng, bất luận chúng ta di chuyển về phía mục
tiêu của mình, hay di chuyển xa khỏi nó. Nó đúng cả với những ai
vừa mới thoáng thấy vùng đất hứa, lẫn những kẻ bị đuổi ra khỏi
nó, nhưng vẫn còn nhìn thấy nó; cả những người sắp giàu, sắp tự
do, vân vân, lẫn những người vừa mới nghèo và những người vừa
mới bị làm nô lệ.

23
Khi chúng ta có nhiều và muốn có nhiều hơn, thì chúng ta sẽ phẫn
chí nhiều hơn, so với khi chúng ta không có gì và muốn có một ít.
Chúng ta ít bất mãn hơn khi chúng ta thiếu nhiều cái, so với khi
chúng ta dường như chỉ thiếu một cái.
24
Chúng ta liều mình nhiều hơn khi phấn đấu cho những cái xa hoa
không thiết yếu, so với khi phấn đấu cho những cái thiết yếu.
Thường thường, khi ta từ bỏ những cái xa hoa không thiết yếu, thì
cuối cùng, ta lại thiếu những cái thiết yếu.

25
Có một niềm hy vọng mà vận hành như là một chất nổ, và một
niềm hy vọng mà đưa tới kỷ luật và tiêm vào sự kiên nhẫn. Đó là
sự khác biệt giữa niềm hy vọng về một mục tiêu gần kề, và niềm
hy vọng về một viễn ảnh xa xôi.
Một phong trào quần chúng đang lên, rao giảng niềm hy vọng về
một mục tiêu gần kề. Nó nhắm vào việc thúc giục những người
theo nó hành động, và chính cái nhãn hiệu của niềm hy vọng về
một mục tiêu gần kề, là cái thúc đẩy dân chúng hành động. Ki-tô
giáo đang lên, rao giảng sự tận thế gần kề và nước trời “ở quanh
góc phố”; Mohammed treo lủng lẳng chiến lợi phẩm trước mặt
những kẻ trung thành; những người Jacobins hứa hẹn sự tự do và
bình đẳng tức thì; những người Bolshevik đầu tiên hứa hẹn bánh
mì và ruộng đất; Hitler hứa hẹn sự chấm dứt những ràng buộc của
hòa ước Versaillesvà công việc và hành động cho tất cả mọi
người. Về sau, khi phong trào đã nắm quyền lực, thì sự nhấn mạnh
được dịch chuyển sang niềm hy vọng về một mục tiêu xa – giấc
mơ và viễn ảnh tương lai huy hoàng. Bởi vì, khi một phong trào
“đã tới đích,” thì nó bận tâm đến việc duy trì hiện tại, và nó đánh
giá cao sự vâng lời và sự kiên nhẫn hơn là hành động tự phát, và
khi chúng ta “hy vọng về cái mà chúng ta không thấy, thì chúng ta
thực sự đợi chờ nó với lòng kiên nhẫn.” (7)
____
 Hòa ước Versailles: Ký giữa Đức và quân Đồng Minh ở cuối thế
chiến II, là một hòa ước mang đến cho Đức nhiều thiệt thòi [bồi
thường chiến tranh, mất nhiều thuộc địa…].
Mọi phong trào quần chúng, một khi đã được xác lập, đều có niềm
hy vọng xa xôi của nó, nhãn hiệu thuốc phiện của nó, để xoa dịu
sự mất kiên nhẫn của quần chúng và làm cho họ thỏa hiệp với số
phận của họ trong đời. Chủ nghĩa Stalin là một loại thuốc phiện
của quần chúng, hệt như những tôn giáo chính thức vậy. (8)

NHỮNG NGƯỜI NGHÈO TỰ DO


26
Những nô lệ thì nghèo; thế nhưng, khi chế độ nô lệ là rộng khắp và
đã được thiết định lâu dài, thì có ít khả năng cho một cuộc nổi dậy
của một phong trào quần chúng. Sự bình đẳng tuyệt đối giữa những
người nô lệ và cuộc sống cộng đồng thâm tình trong những khu nô
lệ, ngăn cản sự phẫn chí cá nhân. Trong một xã hội có chế độ nô
lệ, thì những kẻ gây rối là những kẻ mới bị nô lệ và những kẻ nô lệ
vừa mới được trả tự do. Trong trường hợp sau, thì chính gánh nặng
của tự do, là cái gốc rễ của sự bất mãn của họ.
Sự tự do làm giảm nhẹ sự phẫn chí, nhưng đồng thời, cũng làm gia
tăng nó. Nếu một người có tự do chọn lựa, thì y hoàn toàn phải
chịu trách nhiệm về sự thất bại của mình. Và bởi vì sự tự do động
viên nhiều nỗ lực đa đạng, cho nên nó tất yếu làm gia bội sự thất
bại và sự phẫn chí. Sự tự do làm vơi bớt sự phẫn chí bằng cách
cung cấp những thuốc giảm đau tạm thời cho hành động, cho sự
thay đổi và sự phản kháng.
Trừ phi một người có những tài năng để biến mình thành một cái
gì đó [có giá trị], thì tự do là một gánh nặng phiền toái. Quyền tự
do chọn lựa có lợi ích gì, nếu ta có một bản ngã bất lực? Chúng ta
gia nhập một phong trào quần chúng, là để thoát khỏi trách nhiệm
cá nhân, hoặc, như lời của một đảng viên Quốc Xã trẻ, nhiệt tình,
“để tự do thoát khỏi tự do.” (9)
Không phải là hoàn toàn đạo đức giả, khi những đảng viên
thường  của Đức Quốc Xã tự tuyên bố rằng mình vô tội về mọi
tội ác ghê tởm mà họ đã phạm. Họ tự xem mình bị lừa gạt và bị phỉ
báng khi bị buộc phải gánh trách nhiệm về việc đã vâng theo những
mệnh lệnh. Há chẳng phải là họ gia nhập phong trào Quốc Xã là
để thoát khỏi trách nhiệm hay sao?
________
 Rank and file: Đảng viên thường, không ở trong hàng ngũ lãnh
đạo.

Do vậy, một xã hội với sự tự do đáng kể, nhưng thiếu những thuốc
giảm đau cho sự phẫn chí, dường như sẽ là miếng đất mầu mỡ nhất
cho sự phát triển của một phong trào quần chúng. Chính xác bởi vì
những nông dân Pháp của thế kỷ 18 – không giống như những nông
dân Đức và Áo – đã không còn là những nông nô, và đã làm chủ
đất đai, nên họ là những người dễ bị lôi cuốn bởi lời kêu gọi của
cách mạng Pháp. Có lẽ, đã không có một cuộc cách mạng
Bolshevik, nếu trước đó một thế hệ hoặc hơn, nông dân Nga đã
không có tự do, và đã không nếm hương vị của quyền tư hữu đối
với ruộng đất.

27
Ngay cả những phong trào quần chúng vốn nổi lên nhân danh tự
do chống lại một trật tự áp bức, thì cũng không đạt được tự do cá
nhân, một khi chúng khởi sự lăn bánh. Bao lâu mà một phong trào
còn dấn mình vào một cuộc đấu tranh cam go với trật tự hiện hành
– hay phải tự bảo vệ chống lại những kẻ thù bên trong hoặc bên
ngoài – thì mối bận tâm chủ yếu của nó sẽ là sự nhất trí và sự hy
sinh quên mình, vốn đòi hỏi sự từ bỏ ý chí, phán đoán và những
thuận lợi cá nhân. Theo Robespierre, thì chính quyền cách mạng là
“chuyên chính của tự do chống lại sự độc tài.” (10)
Điểm quan trọng là, trong việc quên đi hoặc trì hoãn tự do cá nhân,
thì phong trào quần chúng năng động không đi ngược lại những
khuynh hướng của những kẻ nhiệt thành ủng hộ nó. Những kẻ
cuồng tín, Renan nói, sợ sự tự do hơn [là họ sợ] sự bức
hại (11).Đúng là, những phần tử trung kiên của một phong trào
đang lên có một cảm thức mạnh mẽ về sự giải phóng – cho dẫu họ
sống và thở trong một bầu không khí của những giáo điều nghiêm
ngặt và những mệnh lệnh. Cảm thức về sự giải phóng này đến từ
việc đã thoát khỏi những gánh nặng, những nỗi sợ hãi, và nỗi vô
vọng của một hiện hữu cá nhân không thể biện minh được. Chính
sự trốn thoát này là cái mà họ cảm nhận như là sự giải phóng và sự
cứu rỗi. Kinh nghiệm về sự thay đổi to lớn, cũng hàm chứa một
cảm thức về tự do, cho dẫu những thay đổi được thực hiện trong
khuôn khổ của kỷ luật nghiêm ngặt. Chỉ khi nào phong trào đã qua
giai đoạn năng động của nó, và đông đặc lại thành một khuôn mẫu
của những định chế ổn định, thì tự do cá nhân mới có một cơ hội
trồi lên. Giai đoạn năng động càng ngắn, thì dường như người ta
càng thấy rằng, cái tạo điều kiện cho sự trồi lên của tự do cá nhân,
là chính cái phong trào, hơn là sự chấm dứt của nó. Cái trật tự mà
phong trào quần chúng lật đổ và thay thế càng độc tài, thì cái ấn
tượng này càng rõ nét.

28
Những ai thấy đời mình bị hỏng và lãng phí, khao khát sự bình
đẳng và tình huynh đệ hơn là khao khát tự do. Nếu họ kêu đòi tự
do, thì đó chỉ là thứ tự do để thiết lập sự công bằng và sự “đồng
phục.” Niềm đam mê về sự bình đẳng, một phần, là niềm đam mê
về sự khuyết-danh [anonymity] : là một sợi chỉ trong số nhiều sợi
chỉ vốn cấu thành một chiếc áo; một sợi chỉ không thể phân biệt
với những sợi chỉ khác (12). Không ai có thể điểm mặt chúng ta,
so sánh chúng ta với những người khác, và không ai phanh phui sự
thua kém của chúng ta.
Những ai kêu đòi tự do to mồm nhất, thường có thể là những người
ít hạnh phúc nhất trong một xã hội tự do. Những kẻ phẫn chí, bị đè
nặng bởi những khuyết điểm của họ, đổ lỗi cho những gò bó hiện
tại về sự thất bại của họ. Thực ra, niềm ước mơ thâm sâu nhất của
họ, là chấm dứt cái “tự do cho tất cả.” Họ muốn loại bỏ sự cạnh
tranh tự do và sự thử thách tàn nhẫn, mà một cá nhân liên tục phải
nhận chịu trong một xã hội tự do.

29
Nơi nào mà có tự do đích thực, thì sự bình đẳng là niềm đam mê
của quần chúng. Nơi nào mà có sự bình đẳng đích thực, thì tự do
là niềm đam mê của một thiểu số.
Sự bình đẳng mà không có tự do, tạo ra một khuôn mẫu xã hội ổn
định hơn là có tự do mà không có bình đẳng.

NHỮNG NGƯỜI NGHÈO SÁNG TẠO


30
Sự nghèo, khi đi đôi với tính sáng tạo, thường không có sự phẫn
chí. Điều này đúng với người thợ thủ công nghèo, thành thạo trong
nghề nghiệp của mình; nhà văn nghèo, nghệ sĩ nghèo, và nhà khoa
học nghèo nhưng lại có tràn đầy năng lực sáng tạo. Không có gì
nâng đỡ lòng tự tin của chúng ta và làm cho ta thỏa hiệp với chính
mình, hơn là khả năng liên tục sáng tạo; thấy những sự thể tăng
trưởng và phát triển dưới bàn tay mình, ngày qua ngày. Sự suy tàn
của ngành thủ công trong thời hiện đại, có lẽ là một trong những
nguyên nhân cho sự nổi lên của sự phẫn chí và khiến cho cá nhân
dễ bị lây nhiễm bởi phong trào quần chúng.
Thật ấn tượng khi quan sát, như thế nào mà, với sự phai tàn của
những năng lực sáng tạo cá nhân, có xuất hiện một khuynh hướng
rõ nét – khuynh hướng muốn gia nhập những phong trào quần
chúng. Ở đây sự kết nối giữa sự trốn thoát khỏi một bản ngã bất
lực và sự đáp ứng lời kêu gọi của những phong trào quần chúng, là
rất rõ ràng. Một tác giả, một nghệ sĩ , một nhà khoa học “dang dở”
– dang dở do một sự khô kiệt của dòng chảy sáng tạo ở bên trong
– không sớm thì muộn, cũng sẽ trôi dạt vào trong những doanh trại
của những nhà ái quốc nhiệt thành, những người sắc tộc chủ nghĩa
cuồng tín [racer-mongers], những kẻ chấn hưng đạo đức và những
chiến sĩ đấu tranh cho những “sự nghiệp thần thánh.” Có lẽ kẻ bất
lực về tình dục cũng bị chi phối bởi cùng xung lực tương tự. [Vai
trò của những kẻ phi-sáng tạo trong phong trào Đức Quốc Xã sẽ
được thảo luận trong tiết 111].

NHỮNG NGƯỜI NGHÈO Ở TRONG MỘT TỔ CHỨC CHẶT


CHẼ.
31
Những người nghèo vốn là những thành viên của một nhóm chặt
chẽ – một bộ tộc, một gia đình khăng khít, một nhóm sắc tộc hay
tôn giáo chặt chẽ – thì tương đối thoát khỏi sự phẫn chí, và do vậy,
hầu như được miễn nhiễm khỏi sự hấp dẫn của một phong trào
quần chúng đang chiêu mộ người theo. Một người càng ít tự nhìn
mình như là một cá nhân tự trị  – có năng lực định hình dòng đời
mình và một mình chịu trách nhiệm về cái địa vị của mình trong
đời – thì người ấy càng ít thấy sự nghèo khổ của mình như là bằng
chứng của sự thua kém của riêng y. Một thành viên của một nhóm
chặt chẽ có một “ngưỡng phản kháng” [revolting point] cao hơn
hơn một cá nhân tự trị. Phải cần nhiều sự khốn khổ và nhục nhã cá
nhân hơn, để thúc đẩy anh ta phản kháng. Trong một xã hội toàn
trị, thì lý do của cách mạng, thường là sự yếu đi của cái cơ cấu tổ
chức toàn trị, hơn là sự phẫn hận chống lại sự áp bức và sự cùng
khổ.
_____
 Autonomous individual: Trong cuốn sách này, thì “cá nhân tự
trị” là người “có năng lực định hình dòng đời mình và một mình
chịu trách nhiệm về cái địa vị của mình trong đời.” Cá nhân tự trị
thường không dễ dàng “bị lôi kéo” bởi một phong trào quần chúng
– trừ ra vài ngoại lệ.
Rất có thể là, những sợi dây ràng buộc mạnh mẽ của gia đình [của]
người Trung Quốc đã giữ cho họ, trong nhiều thời đại, tương đối
miễn nhiễm khỏi sự hấp dẫn của những phong trào quần chúng.
“Những người châu Âu, vốn ‘chết cho đất nước mình,’ đã ứng xử
trong một thể cách mà không thể hiểu được đối với một người
Trung Quốc [sic] – bởi vì gia đình anh ta không được hưởng lợi
một cách trực tiếp; trái lại, anh ta bị chấn động mạnh khi gia đình
mình mất đi một thành viên.” Trái lại, anh ta thấy là có thể hiểu
được, và xem là vinh dự, “khi một người Trung Quốc bằng lòng bị
hành quyết thay cho một kẻ phạm tội bị kết án, nếu xét thấy kẻ ấy
có ơn nghĩa sâu nặng đối với gia đình mình.”(13)
Hiển nhiên rằng, một phong trào đang chiêu mộ quần chúng, phải
phá sập tất cả mọi sợi dây ràng buộc của nhóm đang hiện hữu, nếu
nó muốn giành được sự ủng hộ. Kẻ tân tòng tiềm năng lý tưởng, là
cá nhân đứng một mình, không có cái đoàn thể nào mà anh ta có
thể hòa nhập và đánh mất chính mình, và như thế, che giấu sự nhỏ
bé, sự vô nghĩa, và sự nhếch nhác của cái hiện hữu cá nhân của anh
ta. Nơi nào mà một phong trào quần chúng nhận thấy cái khuôn
mẫu chặt chẽ của gia đình, bộ tộc, đất nước, vân vân, đang ở trong
một tình trạng tan vỡ và băng hoại, thì nó đẩy nhanh tình trạng ấy
và gặt hái thành quả. Nơi nào mà nó nhận thấy cái khuôn mẫu chặt
chẽ vẫn còn ở trong tình trạng tốt, thì nó phải tấn công và phá vỡ.
Mặt khác, như trong những năm mới đây tại Nga, chúng ta thấy
phong trào Bolshevik ủng hộ sự liên đới gia đình và động viên sự
kết dính dân tộc, sắc tộc và tôn giáo, thì đó là một dấu hiệu rằng,
phong trào đã qua giai đoạn năng động của nó, rằng nó đã thiết lập
khuôn mẫu sống mới, và rằng, bây giờ, mối quan tâm chủ yếu của
nó, là nắm giữ và duy trì cái mà nó đã đạt được. Trong phần còn
lại của thế giới, nơi mà chủ nghĩa cộng sản vẫn còn là một phong
trào đang tranh đấu, thì nó làm tất cả những gì mà nó có thể, để phá
vỡ gia đình và làm suy yếu những sợi dây về dân tộc, sắc tộc và
tôn giáo.

32
Thái độ của những phong trào quần chúng đang lên đối với gia
đình, là rất đáng quan tâm. Hầu hết mọi phong trào đương đại của
chúng ta cho thấy, trong những giai đoạn đầu của chúng, một thái
độ thù địch đối với gia đình, và chúng làm tất cả những gì có thể,
để làm mất uy tín và phá vỡ nó. Chúng làm điều đó, bằng cách làm
xói mòn thẩm quyền của những bậc cha mẹ; tạo điều kiện dễ dàng
cho sự ly hôn; bằng cách đảm nhận trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo
dục và chăm sóc trẻ con; và bằng cách động viên hôn nhân ngoài
giá thú. Chỗ ở đông đúc, sự lưu đày, những trại tập trung và sự
khủng bố, cũng góp phần vào việc làm yếu đi và phá vỡ gia đình.
Thế nhưng, không có một phong trào đương đại nào của chúng ta,
lại quá lộ liễu trong sự thù nghịch của nó đối với gia đình, cho bằng
Ki-tô giáo nguyên thủy. Chúa Jesus nói thẳng thừng: “Bởi vì ta đến
để xúi giục một người đàn ông bất hòa với cha hắn, và con gái
chống lại mẹ mình, và con dâu chống lại mẹ chồng. Và những kẻ
thù của một người sẽ là những người trong chính gia đình mình.
Kẻ nào yêu cha hay mẹ mình hơn yêu ta, thì không xứng đáng với
ta” (14). Khi Ngài được cho biết rằng, mẹ Ngài và các em trai Ngài
đang ở bên ngoài, muốn nói chuyện với Ngài, thì Ngài nói: “Ai là
mẹ ta? Và ai là em trai ta?” Và Ngài dang cả hai bàn tay về phía
những tông đồ của mình, và nói, “Hãy nhìn, đây là mẹ ta, và các
em trai ta!” (15). Khi một trong các tông đồ của Ngài xin về để
chôn cất cha mình, thì Chúa Jesus nói với anh ta: “Hãy theo ta; và
hãy để người chết chôn cất những người chết của họ” (16). Có vẻ
như Ngài cảm nhận được những xung đột gia đình mà phong trào
của Ngài tất yếu sẽ gây ra cả bởi sự chiêu dụ của nó, lẫn sự thù hận
cuồng tín của những đối thủ của nó. “Và người em trai sẽ giao nộp
anh trai mình để anh ta bị xử tử, và người cha, sẽ giao nộp đứa con:
những đứa con sẽ nổi dậy chống cha mẹ chúng, và khiến cho họ bị
giết chết” (17). Thật kỳ lạ nhưng đúng rằng, kẻ nào rao giảng tình
yêu huynh đệ, cũng rao giảng việc chống lại tình yêu đối với mẹ,
cha, anh, chị, vợ và con. Vị hiền nhân Trung Hoa, Mặc Tử, cổ xúy
cho tình huynh đệ [đại đồng], thì bị những nhà Khổng giáo kết án
một cách đúng đắn, bởi vì họ yêu quý gia đình trên tất cả. Họ biện
luận rằng, cái nguyên lý của tình yêu đại đồng sẽ giải tan gia đình
và phá hủy xã hội(18). Kẻ chiêu dụ, mà đến và nói: “Hãy theo ta,”
là một kẻ phá hủy gia đình, cho dẫu ông ta không ý thức về bất cứ
sự thù địch nào đối với gia đình, và không hề có ý định làm yếu đi
sự liên đới của nó. Khi St Bernard rao giảng, thì ảnh hưởng của
ông quá lớn, đến nỗi “người ta nói rằng, những người mẹ giấu đi
những đứa con trai của họ không cho ông thấy, và những người vợ
giấu đi chồng mình, sợ rằng, ông sẽ chiêu dụ họ rời bỏ gia đình.
Ông thực sự phá vỡ quá nhiều gia đình, đến nỗi những người vợ bị
bỏ rơi, tạo thành một viện nữ tu.” (19)
______
 Illegitimacy.

Như người ta dự đoán, một sự phá vỡ gia đình, bất luận nguyên
nhân của nó là gì, cũng tự động nuôi dưỡng một tinh thần tập thể
và tạo ra một sự đáp ứng trước lời kêu gọi của những phong trào
quần chúng.
Sự xâm lăng của Nhật Bản, không nghi ngờ gì nữa, làm yếu đi cái
khuôn mẫu chặt chẽ của gia đình [của] người Trung Quốc, và góp
phần vào việc đáp ứng ngày càng tăng, đối với cả chủ nghĩa dân
tộc lẫn chủ nghĩa cộng sản. Tại thế giới phương Tây công nghiệp
hóa, thì gia đình bị làm yếu đi và bị phá vỡ, chủ yếu bởi những yếu
tố kinh tế. Sự độc lập kinh tế của người phụ nữ, khiến cho sự ly
hôn trở nên dễ dàng. Sự độc lập kinh tế của những người trẻ, làm
yếu đi thẩm quyền của cha mẹ, và cũng đẩy nhanh sự rạn nứt sớm
của nhóm gia đình. Sức hút mạnh mẽ của những trung tâm công
nghiệp lớn đối với những người sống trên nông trại và trong những
thành phố nhỏ, làm căng thẳng và phá vỡ những sợi dây của gia
đình. Bằng cách làm cho gia đình yếu đi, những yếu tố này phần
nào góp phần vào sự tăng trưởng của tinh thần tập thể trong thời
hiện đại.
Việc Hitler ngông cuồng dịch chuyển toàn bộ những khối dân số
trong thế chiến II, và những “kỳ tích” của ông trong việc tàn sát
hàng loạt, chắc hẳn đã băm nhỏ và làm đảo lộn hàng triệu gia đình
tại một vùng rộng lớn của châu Âu. Đồng thời, những cuộc không
tạc của Anh-Mỹ, và việc trục xuất 9 triệu người Đức từ phía Đông
và Nam của châu Âu và sự hồi hương muộn của những tù nhân
chiến tranh Đức, đã làm cho nước Đức những gì mà Hitler đã làm
cho châu Âu. Thật khó mà thấy – bằng cách nào, mà ngay cả dưới
những điều kiện kinh tế và chính trị thuận lợi nhất – một lục địa
đầy những “đầu thừa đuôi thẹo” của những gia đình, lại có thể ổn
định thành một khuôn mẫu xã hội bình thường, bảo thủ.

33
Sự bất mãn – phát sinh trong những nước chậm tiến bởi sự tiếp xúc
[của chúng] với những nền văn minh phương Tây – chủ yếu không
phải là sự phẫn hận chống lại sự bóc lột bởi những kẻ ngoại bang
thống trị. Đúng hơn, đó là kết quả của sự sụp đổ hay yếu đi của sự
liên đới có tính bộ tộc và cuộc sống cộng đồng.
Lý tưởng về sự tiến thân mà phương Tây văn minh cung cấp cho
những nước chậm tiến, mang theo với nó trận dịch của sự phẫn chí
cá nhân. Mọi thuận lợi được mang đến bởi phương Tây, không thể
thay thế một cách có hiệu quả cho sự vô danh có tính xoa dịu và
che chở của hiện hữu cộng đồng. Ngay cả khi kẻ bản xứ Tây-hóa
đạt tới thành công cá nhân – trở nên giàu có, hay am tường một
nghề đáng kính – thì anh ta vẫn không hạnh phúc. Anh ta cảm thấy
trần truồng và bơ vơ. Những phong trào dân tộc chủ nghĩa trong
những nước thuộc địa, phần nào là một phấn đấu để đạt tới một
hiện hữu mang tính bè nhóm, và một sự trốn thoát khỏi chủ nghĩa
cá nhân phương Tây.
Những cường quốc thực dân của phương Tây cung ứng cho người
bản xứ món quà của tự do và sự độc lập cá nhân. Chúng cố dạy anh
ta tính tự lực tự cường. Nó thực sự đồng nghĩa với sự cô lập cá
nhân. Nó có nghĩa là việc cắt đứt một cá nhân “non trẻ” và chưa
đủ khả năng thích nghi, ra khỏi cái toàn thể hợp nhất, và đưa anh
ta, như lời của Khomiakov, “đến sự tự do để đối mặt với sự bất lực
của chính mình.” (20) Cái ước mơ cháy bỏng, muốn kết hợp lại với
nhau và hòa nhập vào những khối quần chúng đang tiến công – quá
rõ ràng tại đất nước chúng ta, và tại những nước mà chúng ta thuộc
địa hóa – là sự biểu hiện của nỗ lực cam go để thoát khỏi sự hiện
hữu cá nhân vô mục đích, bất lực. Do vậy, những phong trào dân
tộc chủ nghĩa hiện nay tại châu Á, có thể dẫn đến – thậm chí không
có ảnh hưởng của Nga – một hình thức xã hội ít nhiều có tính tập
thể, hơn là [có tính] dân chủ.
Chính sách của một cường quốc thực dân, bóc lột, sẽ là việc động
viên sự kết dính cộng đồng giữa những người bản xứ. Nó nhắm
đến việc nuôi dưỡng sự bình đẳng và một cảm nhận về tình huynh
đệ giữa họ. Bởi vì, kẻ bị trị càng hòa nhập và tự đánh mất mình
trong cái toàn toàn thể chặt chẽ, thì cảm thức về cái vô dụng của
bản thân anh ta càng được xoa dịu; và cái quá trình vốn chuyển đổi
sự khốn khổ thành một sự phẫn chí và sự phản kháng – quá trình
ấy được ngăn chặn tại cội nguồn. Chiêu thức “chia để trị” là không
hữu hiệu,  khi nó nhắm đến việc làm yếu đi mọi hình thức kết
dính giữa những kẻ bị trị. Sự phá vỡ một cộng đồng làng xã, một
bộ tộc hay một dân tộc thành những cá nhân tự trị, không loại bỏ
và bóp chết tinh thần phản kháng chống lại sức mạnh thống trị.
Một sự chia rẽ hữu hiệu, là một sự chia rẽ vốn nuôi dưỡng một sự
đa tạp của những tập thể chặt chẽ – sắc tộc, tôn giáo hay kinh tế –
cạnh tranh với nhau và nghi ngờ lẫn nhau.
_____
 Cần lưu ý nhận xét này. Theo chúng tôi, đây là cuốn sách rất
sâu sắc. Hầu như mỗi trang đều có những ý tường đáng cho ta
suy ngẫm.

Ngay cả khi một cường quốc thực dân hoàn toàn “có lòng nhân
đạo,” và mục đích duy nhất của nó là mang sự thịnh vượng và tiến
bộ đến cho một dân tộc chậm tiến, thì nó phải làm tất cả những gì
mà nó có thể, để duy trì và tăng cường cái khuôn mẫu chặt chẽ. Nó
không được phép tập trung trên cá nhân, mà phải tiêm những cách
tân và những cải cách vào trong những “kênh” có tính bộ tộc hay
cộng đồng, và để cho bộ tộc hay cộng đồng ấy diễn tiến như một
toàn thể. Có lẽ đúng rằng, sự hiện đại hóa một dân tộc chậm tiến
chỉ có thể được thực hiện bên trong một cơ cấu tổ chức của “hành
động hợp quần.” Sự hiện đại hóa ngoạn mục của Nhật Bản, được
thành tựu trong một bầu không khí đầy nhiệt tình của hành động
hợp quần và ý thức về nhóm.
Sự thuận lợi của nước Nga Sô Viết như là một cường quốc thực
dân [a colonizing power] – không kể việc nó không có những thành
kiến về sắc tộc – là, nó đến với một khuôn mẫu hữu hiệu và “được
làm sẵn” cho hành động hợp quần, được chỉ đạo một cách thống
nhất. Nó có thể phớt lờ – và quả thật, cố tình gạt phăng – mọi sợi
dây ràng buộc cá nhân hiện hành, mà không có nguy cơ nuôi dưỡng
sự bất mãn cá nhân và sự phản kháng tiềm năng. Bởi vì kẻ bản xứ
được Sô Viết hóa, không đấu tranh một cách đơn độc trong một
thế giới thù địch. Anh ta bắt đầu cuộc sống mới của mình như là
một thành viên của một nhóm chặt chẽ và có tính cộng đồng hơn,
so với thị tộc hay bộ tộc trước đây của mình.
Việc động viên sự kết dính cộng đồng, như là một liều thuốc [biện
pháp] để ngăn ngừa bất ổn xã hội, cũng có thể là một chiêu thức
được dùng để ngăn ngừa sự phản kháng của người lao động trong
những nước thuộc địa công nghiệp hóa.
Mục đích duy nhất của người chủ là giữ cho công nhân mình ổn
định trong nhiệm vụ của họ, và kiếm được mọi thứ từ họ mà ông
ta có thể. Nhưng có vẻ như ông ta không đạt mục đích của mình
bằng cách chia rẽ họ, làm cho công nhân này chống lại công nhân
nọ. Đúng hơn, chính là vì quyền lợi của mình, mà những công nhân
sẽ tự cảm nhận chính mình là thành phần của một cái toàn bộ; và
họ thích một cái toàn bộ mà bao gồm cả người chủ, nữa. Một cảm
nhận sống động về sự liên đới – bất luận nó có tính sắc tộc, dân
tộc, hay tôn giáo – chắc chắn là một phương tiện hữu hiệu để ngăn
ngừa sự bất ổn do người lao động gây ra. Ngay cả khi loại liên đới
không thể bao gồm người chủ, thì nó có khuynh hướng phát huy
sự hài lòng và hiệu năng của người lao động. Kinh nghiệm cho
thấy rằng, năng suất lao động là cao nhất, khi những người công
nhân cảm thấy và hành động như là những thành viên của một đội.
Bất cứ chính sách nào mà khuấy động và xé rách đội, thì tất yếu sẽ
gây ra rắc rối trầm trọng. “Những kế hoạch kích thích sự sản xuất
bằng tiền thưởng cho những công nhân cá thể, thì hại bất cập lợi
… Những kế hoạch kích thích sự sản xuất, mà trong đó tiền thưởng
được đặt nền tảng trên công việc của toàn đội, thì có vẻ như phát
huy sức sản xuất lớn hơn và sự thỏa mãn lớn hơn về phía những
công nhân.(21)

34
Một phong trào quần chúng đang lên, lôi cuốn và duy trì sự ủng hộ
của quần chúng, không phải bởi học thuyết và những hứa hẹn của
nó, mà bởi cái nơi trú ẩn mà nó cung ứng, để trốn thoát khỏi những
lo âu, sự trống rỗng và sự vô nghĩa của một hiện hữu cá nhân. Nó
chữa lành những kẻ phẫn chí, không phải bằng cách ban cho họ
một chân lý tuyệt đối hay bằng cách khắc phục những khó khăn và
những ngược đãi, mà đã khiến cho đời họ khốn khổ, nhưng bằng
cách giải phóng họ ra khỏi cái bản ngã bất lực – và nó làm việc này
bằng cách ôm choàng và thu hút họ vào trong một toàn thể chặt
chẽ, hợp nhất và hân hoan.
Do vậy, hiển nhiên rằng, để thành công, thì một phong trào quần
chúng phải khai triển, ở khoảnh khắc sớm nhất, một tổ chức chặt
chẽ, hợp nhất, và một năng lực để thu hút và hợp nhất mọi thành
viên mới. Thật vô ích để mà phán đoán cái sức sống của một phong
trào mới bằng chân lý của học thuyết của nó và cái mức độ tin cậy
của những hứa hẹn của nó. Cái phải được phán đoán, là nó được tổ
chức chặt chẽ ra sao, để nhanh chóng và toàn diện thu hút những
kẻ phẫn chí. Nơi nào mà những tín điều [creed] cạnh tranh với nhau
để giành lấy lòng trung thành của quần chúng, thì tín điều nào có
cái cơ cấu tổ chức hoàn hảo nhất, sẽ thắng. Trong số tất cả những
giáo phái và triết lý vốn cạnh tranh nhau trong thế giới Hy-La cổ
đại, thì chỉ một mình Ki-tô giáo, từ khởi đầu của nó, triển khai một
tổ chức chặt chẽ. “Không có đối thủ nào của nó sở hữu một cấu
trúc quá hùng mạnh và nhất quán như giáo hội. Không có tổ chức
nào ban cho những thành viên của nó cái cảm nhận rằng mình bước
vào một cộng đồng khắng khít như vậy” (22). Phong trào
Bolshevik bỏ xa mọi phong trào Mác-xít khác trong cuộc chạy đua
quyền lực, là do cái tổ chức chặt chẽ của nó. Phong trào Đức Quốc
Xã, nữa, cũng chiến thắng mọi phong trào quần chúng khác, vốn
sinh sôi nảy nở trong những năm 1920, là bởi vì Hitler đã sớm nhận
ra rằng, đối với một phong trào quần chúng đang lên, thì việc cổ
xúy và phát huy sự kết dính tập thể là điều cốt tủy. Ông ta biết rằng,
niềm đam mê chủ yếu của những kẻ phẫn chí, là “được thuộc về,”
và rằng, niềm đam mê ấy chỉ có thể được thỏa mãn trong một tập
thể có tổ chức chặt chẽ.

35
Cái môi trường thuận lợi nhất cho sự nổi lên và tăng trưởng của
những phong trào quần chúng, là một môi trường mà trong đó một
cấu trúc vốn đã một lần chặt chẽ và hợp nhất, nhưng vì lý do này
hay lý do nọ, đang ở trong một tình trạng phân rã. Cái thời đại mà
trong đó Ki-tô giáo nổi lên và lan rộng, “là một thời đại mà trong
đó, có những số lượng lớn những con người bị bật gốc. Những
thành-quốc chặt chẽ đã phần nào hỗn hợp lại, thành một đế quốc
bao la… và những nhóm xã hội và chính trị cũ đã bị làm yếu đi hay
bị giải tan” (23). Ki-tô giáo phát triển nhanh chóng nhất trong
những thành phố lớn, “nơi mà hàng nghìn những cá nhân bị bật
gốc, một số trong họ là những kẻ nô lệ, một số là người tự do, và
một số là thương nhân, họ đã bị tách khỏi [bởi bạo lực hay tự ý]
cái môi trường thế-tập của họ (24). Tại những vùng quê – nơi mà
khuôn mẫu cộng đồng ít bị khuấy động nhất – thì tôn giáo mới này
tìm thấy miếng đất ít thuận lợi hơn. Những dân làng (pagani) và
những “kẻ ngoại đạo” đeo níu lâu nhất vào những giáo phái xưa
cũ. Một tình huống phần nào tương tự, được quan sát thấy trong sự
nổi lên của những phong trào dân tộc chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa
trong nửa sau của thế kỷ 19: “Cái sự lưu động và sự đô thị hóa phi
thường là tác nhân tạo ra, trong những thập niên này, một số lượng
phi thường của những người bị bật gốc khỏi vùng đất của tổ tiên
và sự gắn kết có tính địa phương. Kinh qua sự bất an trầm trọng về
kinh tế và những bất thích nghi về tâm lý, những người này dễ bị
hấp dẫn bởi sự tuyên truyền mị dân của chủ nghĩa xã hội hoặc chủ
nghĩa dân tộc, hoặc cả hai. (25)
Cái nguyên tắc chung có vẻ như là, khi một khuôn mẫu của sự kết
dính hợp nhất bị yếu đi, thì những điều kiện trở nên chín muồi cho
sự nổi lên của một phong trào quần chúng, và sau cùng, thiết lập
một hình thức thống nhất mới và mạnh mẽ, giàu sức sống hơn. Khi
một giáo hội, vốn thống soái, nới lỏng cái vòng xiết của nó, thì
những phong trào tôn giáo mới [new] có vẻ như kết tinh lại. H.G.
Wells nhận xét rằng, ở thời điểm của Phong Trào Cải Cách, người
ta “không chống lại quyền lực của giáo hội, mà chống lại sự yếu
nhược của nó… Những phong trào của nó chống lại giáo hội, bên
trong và bên ngoài, là những phong trào tranh đấu, không phải cho
sự giải phóng khỏi sự kiểm soát tôn giáo, mà cho một sự kiểm soát
tôn giáo đầy đủ, trọn vẹn hơn” (26). Nếu cái tinh thần tôn giáo bị
bào mòn bởi Phong trào Khai Sáng, thì những phong trào đang lên
sẽ là những phong trào xã hội chủ nghĩa, dân tộc chủ nghĩa, hay
sắc tộc chủ nghĩa. Cuộc Cách Mạng Pháp, cũng là một phong trào
dân tộc chủ nghĩa, đến như là một phản ứng, không phải chống lại
sự độc tài khắc nghiệt của Giáo hội Công giáo và chế độ cũ, mà
chống lại sự yếu nhược và sự bất lực của chúng. Trong một xã hội
toàn trị, thì khi người ta phản kháng, họ nổi lên không phải để
chống lại sự độc ác của chế độ, mà để chống lại sự yếu nhược của
nó.
Ở nơi nào mà cái khuôn mẫu hợp nhất [corporate pattern] còn
mạnh mẽ, thì thật khó cho một phong trào quần chúng tìm thấy một
chân đứng. Sự chặt chẽ có tính cộng đồng của những người Do
Thái, cả tại Palestine lẫn tại Diaspora, rất có thể là một trong những
lý do tại sao Ki-tô giáo lại phát triển quá ít giữa họ. Sự phá hủy
ngôi đền, tạo ra, nếu có, một sự thắt chặt những ràng buộc cộng
đồng. Bây giờ, cái nhà thờ Do Thái và công đồng [congregation]
đón nhận nhiều sự tận tụy mà trước kia chảy về phía ngôi đền và
Jerusalem. Về sau, khi giáo hội Ki-tô giáo đã có quyền lực để cô
lập những người Do Thái trong những ghetto,  thì nó mang đến
cho sự sự chặt chẽ mang tính cộng đồng của họ sự củng cố bổ sung,
và như thế, một cách không cố ý, đảm bảo cho sự sống còn nguyên
vẹn của Do Thái giáo qua những thời đại. Sự xuất hiện của Phong
trào Khai Sáng bào mòn cả tính chính thống • lẫn những bức tường
của những ghetto. Bỗng nhiên, lần đầu tiên kể từ thời của Job và
của sách Ecclesiates,• người Do Thái thấy mình là một cá nhân, cô
độc khủng khiếp trong một thế giới thù nghịch. Không có tổ chức
tập thể nào mà anh ta có thể hòa nhập và đánh mất chính mình
trong đó. Cái nhà thờ Do Thái giáo và công đồng, đã trở thành
những sự thể teo tóp, mất hết sinh khí, trong khi những truyền
thống và những thành kiến của 2000 năm, ngăn cản, không cho anh
ta hợp nhất hoàn toàn với những tập thể phi-Do Thái giáo chặt chẽ.
Như thế, người Do Thái hiện đại trở thành những kẻ tự-trị
[autonomous] nhất trong những cá nhân, và tất yếu, là những kẻ
phẫn chí nhất. Do vậy, không có gì ngạc nhiên rằng, những phong
trào quần chúng của thời hiện đại thường tìm thấy ở anh ta một “kẻ
tân tòng” trong tư thế sẵn sàng gia nhập. Người Do Thái cũng tụ
tập, đông nghịt ở những con đường dẫn đến những “thuốc giảm
đau” cho sự phẫn chí, giống như sự bươn chải và sự di dân. Anh ta
cũng tự ném mình vào một nỗ lực hăng say để chứng tỏ giá trị cá
nhân của mình bằng những thành tựu vật chất và công việc sáng
tạo. Đúng là, có một chút xíu của sự hợp nhất, mà anh ta có thể tạo
ra xung quanh chính mình bởi những nỗ lực riêng tư, cụ thể là gia
đình – và anh ta tận dụng nó triệt để. Nhưng trong trường hợp của
người Do Thái châu Âu, thì Hitler đã nghiền nát và đốt cháy cái
nơi tị nạn duy nhất này trong những trại tập trung và những phòng
hơi ngạt. Như thế, bây giờ, hơn bao giờ cả, người Do Thái, nhất là
tại châu Âu, là kẻ tân tòng tiềm năng lý tưởng. Và, hầu như là Thiên
Ý, rằng trong giờ phút đen tối nhất của người Do Thái, thì chủ
nghĩa phục quốc Do Thái sẽ ở trong tầm tay, để ôm choàng anh ta
trong vòng ôm tập thể [chặt chẽ] của nó và giải thoát anh ta khỏi
sự cô lập cá nhân của mình. Israel, quả thật, là một nơi trú ẩn hiếm
hoi: nó là quê hương và gia đình, nhà thờ Do Thái giáo và công
đồng, dân tộc và đảng cách mạng, tất cả trong một.
______
 Ghetto: Khu người Do Thái (trong một thành phố).
• Orthodoxy.
• Ecclesiastes: Là một trong 24 cuốn sách của Thánh Kinh Do Thái
[Cựu Ước].

Lịch sử gần đây của Đức cũng cung cấp một thí dụ đáng quan tâm
về mối quan hệ giữa sự chặt chẽ hợp nhất và sự đáp ứng lời kêu
gọi của những phong trào quần chúng. Tại nước Đức của Wilhem,
không có khả tính nào về sự nổi lên của một phong trào cách mạng.
Người Đức thỏa mãn với chế độ tập trung, độc đoán của Kaiser, và
ngay cả sự chiến bại trong thế chiến I, cũng không làm phương hại
đến tình yêu của họ đối với nó. Cách mạng 1918 là một điều giả
tạo [an artificial thing], với ít sự hậu thuẫn của quần chúng. Những
năm theo sau Hiến pháp Weimar, đối với phần lớn người Đức, là
một thời gian bực bội và phẫn chí. Vì họ đã quen với những mệnh
lệnh từ bên trên và sự tôn trọng thẩm quyền, nên họ thấy cái trật tự
dân chủ lỏng lẻo, bất kính, là hoàn toàn lộn xộn và hỗn loạn. Họ bị
sốc khi nhận thức “rằng họ phải tham dự vào chính quyền, chọn
một đảng phái, và đưa ra phán đoán về những vấn đề chính trị (27).
Họ mong mỏi một cái toàn thể hợp nhất, nguyên khối  hơn, thống
soái hơn, và vinh quang hơn để chiêm ngưỡng, thậm chí, còn thống
soái và vinh quang hơn cả chế độ Kaiser – và Đế chế Thứ Ba • đã
đáp ứng lời nguyện cầu của họ vượt quá mong đợi. Chế độ toàn trị
của Hitler, một khi đã được xác lập, thì không bao giờ có nguy cơ
bị quần chúng phản kháng. Bao lâu mà giới cầm quyền Quốc Xã
sẵn lòng gánh vác mọi trách nhiệm và làm mọi quyết định, thì
không có cơ may nhỏ nhất nào cho bất cứ sự chống đối có tính
quần chúng nào nổi lên. Một “điểm nguy hiểm” [a danger point]
có lẽ đã có thể được đạt tới, nếu kỷ luật và sự kiểm soát toàn trị của
nó được nới lỏng. Những gì mà Tocqueville nói về chính quyền
độc tài, thì đúng cho mọi trật tự toàn trị – khoảnh khắc nguy hiểm
nhất của chúng, là khi chúng bắt đầu cải cách, nghĩa là, khi chúng
bắt đầu cho thấy những khuynh hướng “cấp tiến.” (28)
_______
 Monolithic.
• The Third Reich: Là nước Đức trong thời kỳ 1933-1945 đặt dưới
một chế độ độc tài, chịu sự kiểm soát của Adolf Hitler. [Theo từ
điển Wikipedia].

Mối quan hệ giữa một tổ chức chặt chẽ [chẳng hạn, quân đội] và
những phong trào quần chúng, là một minh họa khác và sau cùng
của luận đề rằng, những tổ chức chặt chẽ hữu hiệu thì miễn nhiễm
với sự kêu gọi của những phong trào quần chúng, và rằng, một
khuôn mẫu tập thể đang sụp đổ, là cái môi trường thuận lợi nhất
cho sự nổi lên của chúng. Hiếm khi có một trường hợp, mà trong
đó, một quân đội còn nguyên vẹn lại làm phát sinh một phong trào
tôn giáo, cách mạng, hay dân tộc chủ nghĩa. Trái lại, một quân đội
đang tan rã – bất luận bởi quá trình giải ngũ có trật tự, hay bởi sự
đào ngũ do sự nản lòng thối chí – là miếng đất mầu mỡ cho một
phong trào đang kích động quần chúng đi theo. Một người vừa mới
rời quân đội, là một kẻ tân tòng lý tưởng, và chúng ta tìm thấy anh
ta trong số những phần tử trung kiên đầu tiên của mọi phong trào
quần chúng đương đại. Anh ta cảm thấy cô độc và lạc lõng trong
cái “tự do cho mọi người” trong đời sống dân sự. Những trách
nhiệm và những bấp bênh của một hiện hữu tự-trị đè nặng và hành
hạ anh ta. Anh ta ước mong sự chắc chắn, tình đồng chí, tự do thoát
khỏi trách nhiệm cá nhân, và một viễn ảnh về một cái gì đó hoàn
toàn khác biệt với cái xã hội tự do, đầy cạnh tranh xung quanh mình
– và anh ta tìm thấy tất cả mọi cái này trong tình huynh đệ và bầu
không khí phục hưng của một phong trào đang lên. (29)

=========
(1). Charles A. and Mary R. Beard, The Rise of American
Civilization (New York: Macmillan Company, 1939), Vol. 1, p.24.
(2). Angelica Balabano􀁁, My Life as a Rebel (New York: Harper
& Brothers, 1938), p. 204.
(3). Edward A. Ross, The Changing Chinese (New York: Century
Company, 1911), p. 92.
(4). Alexis de Tocqueville, On the State of Society in France
Before the Revolution of 1789 (London: John Murray, 1888),
p.149.
(5). Ibid, p. 152.
(6). Lyford P. Edwards, The Natural History of Revolution
(Chicago: University of Chicago Press, 1927), p. 70.
(7). The Epistle of Paul the Apostle to the Romans 8:25.
(8). See Section 116.
(9). I. A. R. Wylie, “The Quest of Our Lives,” Reader’s Digest,
May 1948, p. 2.
(10). Crane Brinton, A Decade of Revolution (New York: Harper
& Brothers, 1934), p. 161.
(11). Ernest Renan, The Hibbert Lectures, 1880 (London:
Williams and Norgate, 1898), Preface.
(12). Epictetus, Discourses, Book I, Chap. 2.
(13). Arthur J. Hubbard, The Fate of Empires (New York:
Longmans, Green & Company, 1913), p. 170.
(14). Matthew 10:35–37.
(15). Ibid., 12:47–49.
(16). Ibid., 8:22.
(17). Ibid., 10:21.
(18). Kenneth Scott Latourette, The Chinese, their History and
Culture (New York: Macmillan Company, 1946), Vol. I, p. 79.
(19). Brooks Adams, The Law of Civilization and Decay (New
York: Alfred A. Knopf, Inc., 1943), p. 142.
(20). Quoted by Nicolas Zernov, Three Russian Prophets (Toronto:
Macmillan Company, 1944), p. 63.
(21). Peter F. Drucker, “The Way to Industrial Peace,” Harper’s
Magazine, Nov. 1946, p. 392.
(22). Kenneth Scott Latourette, A History of the Expansion of
Christianity (New York: Harper & Brothers, 1937), Vol. I, p. 164.
(23). Ibid., p. 23.
(24). Ibid., p. 163.
(25). Carlton J. H. Hayes, A Generation of Materialism (New
York: Harper & Brothers, 1941), p. 254.
(26). H. G. Wells, The Outline of History (New York: Macmillan
Company, 1922), p. 719.
(27). Theodore Abel, Why Hitler Came into Power (New York:
Prentice-Hall, 1938), p. 150.
(28). Alexis de Tocqueville, op. cit., p. 152.
(29). More about veterans in Section 38 and about the relation
between armies and mass movements in Section 64.

CHƯƠNG VI
NHỮNG KẺ BẤT THÍCH NGHI
36
Sự phẫn chí của những kẻ bất thích nghi, có thể khác nhau
trong cường độ. Trước hết, có những kẻ bất thích nghi tạm thời:
những người chưa tìm ra chỗ đứng của họ trong đời, nhưng vẫn hy
vọng tìm thấy nó. Những người trẻ mới lớn, những sinh viên vừa
tốt nghiệp đại học, những cựu chiến binh, những dân di trú mới và
những người tương tự, ở trong phạm trù này. Họ bồn chồn, bất
mãn, và bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi rằng, những năm tháng đẹp nhất
của mình sẽ bị lãng phí trước khi họ đạt mục tiêu của họ. Họ dễ
đón nhận lời rao giảng của một phong trào đang vận động sự ủng
hộ của quần chúng, và tuy thế, họ không luôn luôn trở thành những
kẻ tân tòng trung kiên. Bởi vì họ không “quay lưng” [estranged]
một cách bất khả vãn hồi đối với cái bản ngã của họ; họ không xem
nó như là bị hỏng một cách vô phương cứu chữa. Họ dễ dàng quan
niệm một hiện hữu tự-trị có mục đích và đầy hy vọng. Một bằng
chứng nhỏ bé nhất của sự tiến bộ và sự thành công, cũng đủ khiến
cho họ thỏa hiệp với thế giới và bản ngã của họ.
Vai trò của những cựu chiến binh trong sự nổi lên của những phong
trào quần chúng, đã được đề cập sơ qua trong tiết 35. Một cuộc
chiến tranh kéo dài bởi những quân đội quốc gia, thì khi nó chấm
dứt, có khả năng xảy ra một giai đoạn của bất ổn xã hội đối với cả
những kẻ chiến thắng lẫn những kẻ chiến bại. Lý do của sự bất ổn
xã hội không phải là do sự “tháo xiềng” của những cơn phẫn nộ;
không phải do cái mùi vị của bạo động trong thời chiến; cũng
không phải do sự mất niềm tin vào một trật tự xã hội vốn đã không
thể ngăn cản một sự lãng phí sinh mạng và của cải quá to lớn và vô
nghĩa như vậy. Đúng hơn, sự bất ổn xã hội là do sự ngắt quãng kéo
dài trong cái lề thói dân sự của hàng triệu người phục vụ trong
những đội quân quốc gia. Những binh sĩ trở về từ chiến trường,
khó mà tái nắm bắt cái nhịp sống của họ thời trước chiến tranh. Sự
tái thích nghi với hòa bình và gia đình thì chậm chạp và vất vả, và
đất nước thì tràn ngập những kẻ bất thích nghi tạm thời.
Như thế, có vẻ như, sự di chuyển từ chiến tranh sang hòa bình thì
nguy hiểm đối với một trật tự được xác lập, hơn là sự di chuyển từ
hòa bình sang chiến tranh.

37
Những kẻ bất thích nghi mãn tính là những người – mà bởi sự
thiếu tài năng hay một khiếm khuyết không thể sửa chữa nào đó
trong thể xác hay trong tâm hồn – không thể làm một cái độc nhất
mà toàn bản-thể họ khao khát. Không có sự thành tựu nào – dù
ngoạn mục đến đâu trong những lãnh vực khác – có thể mang đến
cho họ một cảm thức về sự thành tựu. Bất cứ cái gì mà họ đảm
trách, đều trở thành một theo đuổi đam mê; nhưng họ không bao
giờ tới đích, không bao giờ ngừng nghỉ. Họ chứng minh sự kiện
rằng, chúng ta không bao giờ có đủ cái mà chúng ta thực sự muốn,
và rằng, chúng ta chạy nhanh nhất và xa nhất khi chúng ta chạy
khỏi chính mình.
Những kẻ bất thích nghi mãn tính chỉ có thể tìm thấy “sự cứu rỗi”
trong một sự ly cách hoàn toàn khỏi cái bản ngã của mình; và họ
thường tìm thấy sự cứu rỗi đó bằng cách đánh mất chính mình
trong cái tính tập thể chặt chẽ của một phong trào quần chúng.
Bằng cách từ bỏ ý chí cá nhân, sự phán đoán và tham vọng cá nhân,
và dâng hiến tất cả năng lực của mình để phụng sự cho một sự
nghiệp vĩnh cửu, sau cùng họ được nhấc mình ra khỏi cái gánh
nặng vốn không bao giờ dẫn họ đến sự thành tựu.
Những kẻ phẫn chí vô phương cứu chữa – và do vậy, hung hăng
nhất trong số những kẻ bất thích nghi mãn tính – là những người
với sự khao khát chưa được thỏa mãn cho công việc sáng tạo. Cả
những người cố sức viết, vẽ, soạn nhạc, vân vân, và thất bại một
cách dứt khoát, lẫn những kẻ sau khi nếm cái “thăng hoa” của sự
sáng tạo, cảm thấy một sự khô cạn của dòng chảy sáng tạo bên
trong và biết rằng, họ sẽ không bao giờ, một lần nữa, sản sinh ra
bất cứ cái gì có giá trị – tất cả họ đều như nhau, họ đều ở trong
vòng kiềm tỏa của niềm đam mê vô vọng. Cả danh vọng lẫn quyền
lực và của cải – và ngay cả những thành tựu phi thường trong
những lãnh vực khác – đều không có thể làm dịu cơn khát của họ.
Ngay cả sự dâng hiến toàn tâm toàn trí cho một “sự nghiệp thần
thánh,” cũng không luôn luôn chữa lành họ. Cơn đói âm ỉ của họ
vẫn tiếp tục, và họ có khả năng trở thành những kẻ cực đoan, bạo
động nhất trong việc phụng sự cái “sự nghiệp thần thánh” của
họ. (1)

=========
(1). See Section 111.
CHƯƠNG VII
NHỮNG KẺ ÍCH KỶ THÁI QUÁ
38
Những kẻ ích kỷ thái quá, thì đặc biệt rất dễ trở thành phẫn
chí. Một người càng ích kỷ, thì những thất vọng của anh ta càng
chua cay. Do vậy, chính những kẻ ích kỷ thái quá, có khả năng là
những kẻ cổ xúy cho “sự vô ngã” một cách “thuyết phục” nhất.
Những kẻ cuồng tính hung hãn nhất, thường là những kẻ ích kỷ, bị
cưỡng bách bởi những khuyết điểm bẩm sinh hay hoàn cảnh ngoại
tại, đánh mất niềm tin vào chính bản ngã của họ. Họ tách cái sự ích
kỷ thái quá của mình khỏi cái bản ngã bất lực của họ, và gắn nó
vào việc phụng sự cho một “sự nghiệp thần thánh” nào đó. Và mặc
dù họ gượng chấp nhận một niềm tin về tình yêu và sự khiêm cung,
nhưng họ không thể yêu thương, cũng không thể khiêm cung.

______
 Selflessness. Chú ý: Từ “vô ngã” có 2 nghĩa: a/ Tích cực: Vượt
qua “bản ngã,” không còn luyến chấp vào “cái tôi.” Đây là cái vô-
ngã trong đạo Phật. b/ Tiêu cực: Đánh mất bản ngã của mình, trở
thành một kẻ không còn bản sắc cá nhân, thường được gọi là “vong
thân”. Từ “vô ngã” trong cuốn sách này, rơi vào nghĩa (b).

CHƯƠNG VIII
NHỮNG KẺ NHIỀU THAM VỌNG ĐỐI MẶT VỚI NHỮNG CƠ
HỘI KHÔNG GIỚI HẠN.
39
Những cơ hội không giới hạn có thể là một nguyên nhân
mạnh mẽ của sự phẫn chí, giống như một sự túng quẫn hay thiếu
cơ hội. Khi mà những cơ hội là không giới hạn, thì có một sự bất
mãn không thể tránh đối với hiện tại. Đó là thái độ của những ai
nghĩ rằng : “Tất cả những gì mà tôi đang làm, hay có thể làm, chỉ
là cái vặt vãnh so với cái mà tôi chưa làm được.” Đó là bầu không
khí phẫn chí vốn bao phủ những trại đào vàn và ám ảnh những đầu
óc căng thẳng trong những thời kỳ thịnh vượng. Hệ quả là sự kiện
đáng chú ý sau đây: kết hợp với sự tìm kiếm tư lợi một cách tàn
nhẫn – mà có vẻ như là cái động lực chính của những kẻ săn tìm
vàng, những “kẻ cướp đất,” và những kẻ cuồng nhiệt muốn làm
giàu nhanh chóng – có một sự sẵn sàng thái quá cho việc hy sinh
quên mình và hành động hợp quần, trong một tổ chức chặt chẽ.
Chủ nghĩa ái quốc, sự liên đới sắc tộc, và ngay cả sự rao giảng về
cách mạng, tìm thấy một sự đáp ứng sẵn sàng giữa những người
mà thấy những cơ hội vô giới hạn trải ra trước mắt họ, so với những
người di chuyển bên trong những giới hạn cố định của một “khuôn
mẫu hiện hữu” quen thuộc, có trật tự, và có thể đoán trước.

CHƯƠNG IX
NHỮNG NGƯỜI THIỂU SỐ
40
Một người thiểu số thì luôn ở trong một vị trí bấp bênh, bất
luận y được bảo vệ ra sao bằng luật pháp hay vũ lực. Sự phẫn chí
gây ra bởi cảm thức không thể tránh về sự thiếu an ninh, thì ít mãnh
liệt hơn trong một người thiểu số vốn có quyết tâm duy trì cái bản
sắc [identity] của mình, so với trong một người thiểu số có xu
hướng muốn giải tan bản ngã và hòa tan vào đa số. Một người thiểu
số mà duy trì bản sắc của anh ta, tất yếu là bộ phận của một cái-
toàn-bộ chặt chẽ [compact whole], nó che chở cá nhân, ban cho
anh ta một cảm thức về “sự thuộc về,” và làm cho anh ta miễn
nhiễm với sự phẫn chí. Trái lại, trong một người thiểu số có xu
hướng muốn đồng hóa, thì cá nhân đứng một mình, chống lại thành
kiến và sự kỳ thị. Anh ta cũng bị đè nặng bởi cảm thức tội lỗi, dù
mơ hồ, của một kẻ đào ngủ. Người Do Thái “chính thống” thì ít bị
phẫn chí hơn người Do Thái “cấp tiến.” Người Da đen bị kỳ thị tại
miền Nam, thì ít bị phẫn chí hơn người Da đen không bị kỳ thị tại
miền Bắc.
Cần ghi nhận thêm: Bên trong những người thiểu số có xu hướng
muốn đồng hóa, thì những người ít thành công và những người
thành công nhất [về kinh tế và văn hóa] có khả năng là những người
phẫn chí hơn những người ở giữa. Kẻ nào thất bại, tự xem mình
như là một kẻ ngoại cuộc; và, trong trường hợp một thành viên của
một nhóm thiểu số, vốn muốn hòa nhập với đa số, thì sự thất bại
làm gia tăng cảm nhận về sự “không thuộc về.” Một cảm nhận
tương tự nổi lên, tại đầu mút kia của cán cân kinh tế và văn hóa.
Những người của một nhóm thiểu số vốn muốn đạt tới tiền tài và
danh vọng, thường thấy khó mà bước vào trong những tầng lớp
“độc quyền” của đa số. Như thế, sự kỳ thị buộc họ phải ý thức về
“sự ngoại lai” của họ. Do vậy, người ta tin rằng rằng, kẻ ít thành
công nhất và kẻ thành công nhất của một thiểu số vốn có xu hướng
muốn đồng hóa, sẽ là những người dễ đáp ứng nhất lời kêu gọi của
một phong trào quần chúng đang chiêu mộ thành viên. Những kẻ
ít thành công nhất và những kẻ thành công nhất, trong số những
người Mỹ gốc Ý, là những kẻ thán phục cuộc cách mạng của
Mussolini một cách nhiệt thành nhất; kẻ ít thành công nhất và kẻ
thành công nhất trong số những người Mỹ gốc Ái Nhĩ Lan, là
những kẻ dễ đáp ứng lời kêu gọi của De Valera; kẻ ít thành công
nhất và kẻ thành công nhất trong số những người Do Thái, là những
người dễ đáp ứng nhất với chủ nghĩa phục quốc Do Thái; kẻ ít
thành công nhất và kẻ thành công nhất giữa những người Da đen,
là những người có ý thức về sắc tộc nhiều nhất.

CHƯƠNG X
NHỮNG KẺ CHÁN NẢN
41
Khi một xã hội chín muồi cho một phong trào quần chúng,
thì nó có những dấu hiệu – mà dấu hiệu đáng tin cậy nhất, là sự
thịnh hành của một nỗi chán nản không được trút bỏ. Trong hầu
hết tất cả những mô tả về những giai đoạn đi trước sự nổi dậy của
những phong trào quần chúng, người ta thường nói đến một nỗi
buồn chán mênh mông; và trong những thời kỳ sớm nhất của
chúng, có khả năng là phong trào quần chúng tìm thấy nhiều cảm
tình viên và nhiều sự ủng hộ giữa những kẻ chán nản hơn là giữa
những kẻ bị bóc lột và những kẻ bị áp bức. Đối với một kẻ sách
động có kế hoạch, muốn tạo ra những biến động quần chúng, thì
cái bản tường trình rằng, dân chúng đang chán nản hết mức, sẽ, ít
ra, đáng khích lệ như cái bản tường trình rằng, họ đang chịu khổ từ
những ngược đãi không thể chịu đựng về kinh tế và văn hóa.
Khi dân chúng chán nản, thì trước hết, họ chán cái bản ngã của
chính mình. Cái ý thức về một hiện hữu cằn cỗi, vô nghĩa, là cái
căn nguyên chính yếu của sự chán nản. Những người không ý thức
về sự tách biệt, cô lập của họ – như trường hợp của những người
là thành viên của giáo hội, đảng phái, hay của một bộ tộc gắn bó,
vân vân – thì không bị chán nản. Cá nhân nào cảm thấy mình tách
biệt khỏi những người khác, thì chỉ thoát khỏi sự chán nản khi anh
ta hoặc dấn mình vào công việc sáng tạo, hoặc công việc quá bận
rộn, hoặc khi anh ta hoàn toàn đắm mình trong cuộc đấu tranh sinh
tồn. Sự chạy đuổi lạc thú và sự chơi bời phóng đãng, là những
thuốc giảm đau không công hiệu. Nơi nào mà người ta sống cuộc
sống tự-trị, và không quẫn bách, thế nhưng, lại không có năng lực
hay cơ hội cho công việc sáng tạo hay hành động hữu ích, thì không
thể nói rằng, họ sẽ quay sang những dịch chuyển to lớn và dị
thường nào, để mang lại ý nghĩa và mục đích cho đời họ.
Sự chán chường giải thích cho sự sự kiện này: ở khởi đầu của
những phong trào quần chúng, thì hầu như luôn luôn có mặt những
“cô gái già” và những phụ nữ trung niên. Ngay cả trường hợp
của phong trào Hồi giáo và Đức Quốc Xã – vốn không tán thành
hoạt động của phụ nữ bên ngoài gia đình – chúng ta cũng tìm thấy
những phụ nữ thuộc loại nào đó đóng vai trò quan trọng trong giai
đoạn đầu của sự phát triển của chúng.
_______
 Spinster: Phụ nữ già không có chồng.

Hôn nhân, đối với phụ nữ, có nhiều cái tương đương với việc tham
gia một phong trào quần chúng. Nó cung ứng cho họ một mục đích
mới trong đời, một tương lai mới và một “căn cước” [một cái tên]
mới. Sự chán nản của những “cô gái già” và của những phụ nữ vốn
không còn có thể tìm thấy niềm vui và sự thỏa mãn trong hôn nhân,
khởi phát từ một ý thức về một cuộc sống cằn cỗi, bị hỏng. Bằng
cách dấn mình vào một sự nghiệp “thiêng liêng,” và dâng hiến năng
lượng và tài sản cho sự thăng tiến của nó, họ tìm thấy một cuộc
sống mới đầy mục đích và ý nghĩa. Hitler tận dụng những mệnh
phụ khao khát phiêu lưu, chán cuộc sống trống rỗng của họ, không
còn “hứng thú” với những cuộc tình của họ (1). Ông ta được tài trợ
bởi những người vợ của một vài trong số những kỹ nghệ gia lớn,
rất lâu trước khi những người chồng của họ nghe nói về ông ta (2).
Miriam Beard nói về một vai trò tương tự được đóng bởi những
người vợ chán nản, trước cuộc cách mạng Pháp: “Họ bị tàn phá và
bị tấn công bởi những cơn buồn chán. Một cách liều lĩnh, họ hoan
nghênh những nhà cách tân.”(3)

=========
(1). Hermann Rauschning, Hitler Speaks (New York: G.
P.Putnam’s Sons, 1940), p. 268.
(2). Ibid., p. 258.
(3). Miriam Beard, A History of the Businessman (New York:
Macmillan Company, 1938), p. 462.

CHƯƠNG XI
NHỮNG KẺ TỘI LỖI
42
Cái nhận xét rằng, chủ nghĩa ái quốc là nơi tỵ nạn cuối cùng
của những kẻ vô lại,  cũng có một ý nghĩa ít có tính phê phán, ít
bất kính hơn. Lòng ái quốc nồng nàn, cũng như nhiệt tình cách
mạng và tôn giáo, thường có vai trò như là một nơi tỵ nạn cho một
lương tâm tội lỗi. Thật kỳ lạ rằng, cả kẻ gây thương tổn lẫn kẻ bị
thương tổn, cả kẻ gây ra tội lỗi lẫn nạn nhân của tội lỗi, đều tìm
thấy trong phong trào quần chúng một sự trốn thoát khỏi một cuộc
sống nhơ nhuốc. Sự hối hận và một cảm thức về sự bất bình, có vẻ
như đẩy người ta về cùng một hướng.
___________
 Không nên “vơ đũa cả nắm,” và mặc dù “nghịch lý”, nhưng
quả thật, đây là một nhận xét rất sâu sắc và rất đáng suy ngẫm.

Đôi khi, dường như những phong trào quần chúng thì “được may
đo” để phù hợp với những nhu cầu của kẻ phạm tội – không những
cho việc tẩy rửa linh hồn y, mà còn cho việc sử dụng những khuynh
hướng và những tài năng của y. Cái kỹ thuật được sử dụng bởi một
phong trào đang vận động quần chúng, nhắm vào việc khơi dậy
trong kẻ trung thành cái tâm trạng và tâm thái của kẻ phạm tội, ăn
năn hối hận (1). Sự quên mình – như sẽ được trình bày trong phần
III, là nguồn gốc của sự thống nhất và khí thế của một phong trào
quần chúng – là một hy sinh, một hành vi đền tội, và, rõ ràng là,
không có sự đền tội nào được cần đến, trừ phi người ta có một cảm
thức sắc bén về tội lỗi. Ở đây, như mọi nơi nào khác, phong trào
quần chúng sử dụng kỹ thuật sau đây: gây ra nơi dân chúng một
cơn bệnh, và rồi hiến tặng cái phong trào như là một thuốc chữa.
Một nhà thần học Hoa Kỳ ta thán: “Thật là một công việc hết sức
khó khăn, mà giới tăng lữ Hoa Kỳ phải đối mặt, khi rao giảng tin
lành về một Đấng Cứu Thế cho những người, mà phần lớn trong
số họ không có cảm thức thực sự nào về tội lỗi” (2). Một phong
trào quần chúng hữu hiệu, nuôi trồng cái ý tưởng về tội lỗi. Nó mô
tả cái bản ngã tự-trị không chỉ như là cằn cỗi và vô vọng, mà còn
đê tiện nữa. Tự thú và hối hận, là lột bỏ cái sự khác biệt và sự tách
rời cá nhân, và sự cứu rỗi được tìm thấy bằng cách tự đánh mất
mình trong cái nhất-thể thiêng liêng của công
đồng (3) [congregation].
Có một “chỗ yếu” [tender spot] nơi kẻ phạm tội và một sự khuyến
dụ nồng nàn trong mọi phong trào quần chúng. St Bernard, linh
hồn sống của Cuộc Thập tự chinh thứ Hai, kêu gọi những kẻ tân
tòng: “Bởi vì, đây là một cơ hội tuyệt vời và vô giá của sự cứu rỗi
– một sự cứu rỗi mà chỉ duy một mình Thượng đế, mới có thể ban
cho. Đấng Toàn Năng đã đoái thương, kêu gọi họ phục vụ Ngài,
như thể họ vô tội – mặc dù họ là những kẻ sát nhân, những kẻ
cưỡng đoạt, những kẻ ngoại tình, những kẻ bội thề, và những kẻ
phạm mọi tội ác”(4). Nước Nga Cách Mạng, cũng có một “chỗ
yếu” cho kẻ tội phạm nói chung, mặc dù nó tàn nhẫn với kẻ “tà
đạo” – những “kẻ sai lập trường” về ý thức hệ. Có lẽ đúng là, kẻ
phạm tội nào mà “ôm choàng” một sự nghiệp thiêng liêng, thì sẵn
sàng liều mạng sống của mình và hết mình bảo vệ cái sự nghiệp
đó. Những người đeo níu vào cái “thiêng liêng” của sinh mạng và
tài sản, không có cái nhiệt tình như vậy.
Tội ác, tới một mức độ nào đó, là một cái thay thế cho một phong
trào quần chúng. Nơi nào mà công luận và sự thi hành pháp luật
không quá nghiêm ngặt, và sự nghèo khổ là không tuyệt đối, thì áp
lực “ngầm” của những kẻ bất mãn và những kẻ bất thích nghi
thường “rò rỉ” ra ngoài thành tội ác. Người ta đã quan sát thấy rằng,
trong cái hứng khởi của những phong trào quần chúng, [bất luận ái
quốc chủ nghĩa, tôn giáo hay cách mạng], thì tội ác giảm xuống.

=========
(1). “… Joy shall be in heaven over one sinner that repenteth, more
than over ninety and nine just persons, which need no repentance.”
Luke 15:7. So also in the Talmud (quoted by Joseph Klausner in
Jesus of Nazareth, p. 380): “Where the repentant stand, the wholly
righteous are not worthy to stand.”
(2). A letter in Life, Dec. 23, 1946, written by R. S. Aldrich.
(3). See Section 45 on Russian confessions.
(4). Quoted by Brooks Adams, The Law of Civilization and Decay
(New York: Alfred A. Knopf, Inc., 1943), p. 144.

PHẦN BA :
HÀNH ĐỘNG HỢP QUẦN VÀ SỰ HY SINH QUÊN MÌNH

CHƯƠNG XII
LỜI MỞ ĐẦU
43
Khí thế của một phong trào quần chúng bắt nguồn từ cái xu
hướng về hành động hợp quần và sự hy sinh quên mình của
những người đi theo nó. Khi chúng ta nói rằng, sự thành công của
một phong trào là do đức tin của nó, lý thuyết, sự tuyên truyền, sự
lãnh đạo, sự tàn nhẫn của nó, vân vân, thì chúng ta chỉ đang nói
đến những công cụ của sự đoàn kết và những phương tiện được
dùng để khắc sâu sự sẵn sàng hy sinh vào lòng quần chúng. Có lẽ,
không thể hiểu cái bản chất của những phong trào quần chúng, trừ
phi người ta nhận thức rằng, mối bận tâm chính của nó là vun đắp,
hoàn thiện và duy trì một sự thuận lợi cho hành động hợp quần và
sự hy sinh quên mình. Biết những quá trình mà qua đó một sự thuận
lợi như thế được tạo ra, là nắm được cái logic nội tại của phần lớn
những thái độ và phương pháp đặc biệt của một phong trào quần
chúng năng động. Với một vài ngoại lệ (1), thì bất cứ nhóm hay tổ
chức nào – mà vì lý do này hay lý do nọ, cố tạo ra và duy trì sự
thống nhất chặt chẽ và một sự sẵn sàng thường trực cho sự hy sinh
– thường biểu lộ những nét đặc thù, cả cao thượng lẫn đê tiện. Mặt
khác, một phong trào quần chúng tất yếu đánh mất nhiều sắc thái
vốn phân biệt nó với những kiểu tổ chức khác, khi nó nới lỏng tính
chặt chẽ [tập thể] của nó và bắt đầu khích lệ tư lợi như là một động
lực chính đáng của hành động.
___________
 United action: hành động cùng nhau, trong một đoàn thể, dưới
sự lãnh đạo chặt chẽ của một lãnh tụ, chứ không phải hành động
riêng rẽ của từng cá nhân.

Trong thời bình và thịnh vượng, thì một quốc gia độc lập là một
cộng đồng [được] định chế hóa của những cá nhân ít nhiều tự do.
Trái lại, trong thời kỳ khủng hoảng, khi sự hiện hữu của dân tộc bị
đe dọa – và nó cố tăng cường sự nhất trí của nó và làm phát sinh
trong nhân dân mình sự sẵn sàng hy sinh – thì hầu như nó luôn
luôn, trong mức độ nào đó, mang tính chất của một phong trào quần
chúng. Cái tương tự cũng đúng với những tổ chức tôn giáo hay
cách mạng: việc chúng có phát triển thành những phong trào quần
chúng hay không, không tùy thuộc nhiều vào cái lý thuyết mà
chúng đưa ra, cho bằng tùy thuộc vào cái mức độ của mối bận tâm
của chúng về sự nhất trí và sự sẵn sàng hy sinh.
Điểm quan trọng là, trong những kẻ phẫn chí một cách cay đắng,
thì những khuynh hướng cho hành động hợp quần và sự hy sinh
nổi lên một cách tự phát. Do vậy, cần có được vài đầu mối có liên
hệ tới bản chất của những khuynh hướng này, và những kỹ thuật
phải được sử dụng để chủ động tiêm vào quần chúng những khuynh
hướng đó, bằng cách truy nguyên sự nổi lên tự phát trong một tâm
trí bị phẫn chí. Cái gì làm tổn thương những kẻ phẫn chí? Đó là cái
ý thức về một bản ngã bị nhơ nhuốc một cách vô phương cứu chữa.
Mơ ước chính của họ, là thoát khỏi cái bản ngã đó – và chính cái
ước mơ này đã biểu lộ trong khuynh hướng về hành động hợp quần
và sự hy sinh. Sự ghê tởm đối với một bản ngã vô dụng, và cái
xung lực muốn quên nó, che giấu nó, lột bỏ nó, và đánh mất nó,
tạo ra cả sự sẵn sàng hy sinh bản ngã lẫn sự sẵn lòng muốn giải tan
nó bằng cách đánh mất cái sự khác biệt cá nhân của mình vào trong
cái-toàn-bộ chặt chẽ có tính tập thể [compact collective whole]. Vả
lại, sự “quay lưng” với bản ngã thường đi kèm với một chuỗi những
thái độ và xung lực đa dạng và có vẻ như không liên quan gì với
nhau – mà một sự thăm dò kỹ càng hơn cho thấy những yếu tố cốt
tủy trong quá trình hợp nhất hóa [unification] và hy sinh. Nói khác
đi, sự phẫn chí không chỉ làm phát khởi ước muốn về sự hợp nhất
và sự sẵn sàng hy sinh, mà còn tạo ra một cơ chế cho việc thực hiện
chúng. Những hiện tượng đa dạng – chẳng hạn như sự phê phán
nhắm vào hiện tại, sự “giả vờ,” khuynh hướng thù hận, sự sẵn sàng
bắt chước, sẵn sàng toan tính làm cái bất-khả và những cái khác,
vốn đổ đầy tâm trí của những kẻ phẫn chí cực độ – là, như chúng
ta sẽ thấy, những tác nhân của sự đoàn kết và thúc giục sự liều lĩnh.
Trong các tiết 44 – 103, chúng tôi sẽ cố gắng để cho thấy rằng, khi
chúng ta bắt tay vào việc “tiêm” vào dân chúng những ý tưởng
thuận lợi cho hành động hợp quần, sự hy sinh, thì chúng ta làm tất
cả những gì có thể – bất luận chúng ta có ý thức về nó hay không
– để khuyến khích và động viên sự “quay lưng” với cái bản ngã
của họ; và rằng, chúng ta phấn đấu để khêu gợi và nuôi trồng trong
họ nhiều thái độ và xung lực khác nhau vốn đi kèm sự “quay lưng”
tự phát với cái bản ngã phẫn chí. Tóm lại, chúng tôi sẽ cho thấy
rằng, kỹ thuật của một phong trào quần chúng năng động bao gồm,
một cách căn bản, việc “nhồi sọ” và nuôi trồng những xu hướng và
những đáp ứng vốn “ngủ ngầm” nơi đầu óc kẻ phẫn chí.
Nhiều điều được nói ra trong phần này của cuốn sách, chắc chắn
sẽ gây ra nhiều tranh cãi. Rất có thể, bạn đọc sẽ cảm thấy rằng,
nhiều cái đã bị phóng đại, và nhiều cái khác, bị bỏ qua. Nhưng đây
không phải là một cuốn sách giáo khoa có thẩm quyền. Nó chỉ là
một cuốn sách của những ý tưởng, và nó không trốn tránh những
bán-chân lý [half- truths], chừng nào mà chúng có vẻ gợi ý về một
cách tiếp cận mới và giúp thiết lập những câu hỏi mới. “Để minh
họa một nguyên lý,” Bagehot nói, “bạn phải phóng đại nhiều cái
và [bạn phải] loại bỏ nhiều cái.”
Những năng lực cho hành động hợp quần và sự hy sinh có vẻ gần
như luôn đi kèm với nhau. Khi chúng ta nghe nói về một nhóm
người mà đặc biệt coi thường cái chết, thì chúng ta thường có lý
khi kết luận rằng, đó là một nhóm thống nhất triệt để (2). Mặt khác,
nếu một cá thể là thành viên của một nhóm [có tổ chức] chặt chẽ,
thì rất có khả năng là, anh ta coi thường cái chết. Cả hành động hợp
quần lẫn sự hy sinh quên mình, cả hai đều đòi hỏi sự thu nhỏ chính
mình [self-diminution]. Để trở thành một bộ phận của một đoàn
thể [có tổ chức] chặt chẽ, thì cá nhân phải từ bỏ nhiều thứ. Anh ta
phải từ bỏ sự riêng tư, phán đoán cá nhân và thường khi, ngay cả
những vật sở hữu cá nhân. Việc huấn luyện một người cho hành
động hợp quần, do vậy, là việc chuẩn bị cho anh ta sẵn sàng thực
hiện những hành vi tự quên mình. Mặt khác, kẻ nào thực hành sự
xả-kỷ [self-abnegation], kẻ ấy lột bỏ cái vỏ ốc vốn giữ cho anh ta
tách biệt khỏi những người khác, và như thế, khiến cho anh ta có
thể đồng hóa. Do vậy, mọi tác nhân tạo ra sự đoàn kết đều phát huy
sự hy sinh quên mình và ngược lại. Tuy nhiên, trong những tiết sau
đây, để cho việc trình bày được rõ ràng hơn, chúng tôi sẽ chia nhỏ
ra thành nhiều tiểu mục. Nhưng cái chức năng kép của mỗi nhân
tố, luôn luôn được giữ trong trí.
Để bạn đọc dễ theo dõi, một đề cương được phác thảo ở đây, và sẽ
được khai triển trong trong tiết các 44-63, đề cập tới đề tài hy sinh.
Kỹ thuật nuôi dưỡng sự sẵn sàng để chiến đấu và chết, nằm ở việc
tách cá nhân ra khỏi cái bản ngã máu thịt của anh ta – không để
cho anh ta là chính bản ngã thực của mình. Điều này có thể được
đạt tới bằng sự đồng hóa triệt để của cá nhân với cái tổ chức chặt
chẽ nọ – các tiết 44-46; và bằng cách cung cấp cho anh ta một bản
ngã tưởng tượng [giả vờ] – tiết 47; bằng cách “cấy vào” anh ta một
thái độ phê phán đối với hiện tại, và tập trung mối quan tâm của
anh ta trên những cái chưa hiện hữu – các tiết 48-55; bằng cách đặt
một “bức màn chống sự kiện”  giữa anh ta và thực tại [học thuyết]
– các tiết 56-59; bằng cách ngăn ngừa, thông qua việc “cấy vào”
vào những cảm xúc mạnh mẽ, sự thiết lập một quân bình ổn định
giữa cá nhân và bản ngã của mình [sự cuồng tín] – các tiết 60-63.
___________
 Fact-proof screen: Tấm màn “chống sự kiện”, ý nói: một tấm
màn để che đậy, bưng bít những sự kiện bất lợi cho một cá nhân,
hay một tổ chức nào đó.
=========
(1). See Section 64 on armies.
(2). “Of the North American Indians, those had the intensest
feeling of unity who were the most warlike.” W. G. Sumner, War
and Other Essays (New Haven: Yale University Press, 1911), p.15.

CHƯƠNG XIII
NHỮNG YẾU TỐ PHÁT HUY SỰ HY SINH QUÊN MÌNH.
ĐỒNG HÓA VỚI MỘT CÁI-TOÀN-BỘ CÓ TÍNH TẬP THỂ
44
Để cho một người chín muồi cho sự hy sinh quên mình, thì
anh ta phải bị tước bỏ cái bản sắc và nét độc đáo cá nhân. Anh ta
phải ngừng là một George, Hans, Ivan, hay Tadao – một “nguyên
tử người” [human atom] với một sự tồn tại bị giới hạn bởi sinh và
tử. Cách tốt nhất để đạt tới mục đích này, là đồng hóa cá nhân một
cách toàn triệt với cái-toàn-bộ có tính tập thể. Cá nhân bị hoàn toàn
đồng hóa, không thấy chính mình và những người khác như là
những con người cá thể. Khi được hỏi, anh ta là ai, thì câu trả lời
tự động của anh ta là: “Tôi là một người Đức, một người Nga, một
người Nhật, một người Ki-tô giáo, một người Hồi giáo,” hay, một
thành viên của một bộ tộc hay của một gia đình nào đó. Anh ta
không có mục đích nào, giá trị nào và số mệnh nào ngoài cái tổ
chức tập thể của anh ta; và bao lâu mà cái tập thể đó sống, thì anh
ta không thể thực sự sống.
Đối với một người hoàn toàn không có một cảm thức nào về “sự
thuộc về,” thì sự sống, sự hiện hữu đơn thuần là tất cả những gì
đáng quan tâm. Nó là cái thực tại duy nhất trong một vĩnh cửu của
hư vô, và anh ta níu vào nó với nỗi tuyệt vọng không xấu hổ.
Dostoievsky mô tả trạng thái tâm lý này trong Tội Ác và Trừng
Phạt [phần II, chương 4]. Chàng sinh viên Raskolnikov lang thang
trên những đường phố của St Peterburg trong một trạng thái mê
sảng. Dăm bảy ngày trước đó, anh ta đã ám sát hai bà già với một
cái rìu. Anh ta cảm thấy mình bị cắt đứt khỏi nhân loại. Trong khi
anh ta đi ngang qua khu vực “đèn đỏ” gần Hay Market, anh ta suy
tưởng: “Nếu người ta phải sống trên một tảng đá cao nào đó, trên
một tảng đá ngầm quá hẹp, đến nỗi, anh ta chỉ có chỗ để đứng, và
cái đại dương này – bóng tối vĩnh cửu, sự cô độc vĩnh cửu, cơn bão
vĩnh cửu xung quanh anh ta – nếu anh ta cứ phải đứng trên cái
không gian bé nhỏ ấy suốt đời mình, một ngàn năm, vĩnh cửu, thì
tốt hơn là cứ sống như thế, còn hơn là chết ngay lập tức! Chỉ sống,
sống và sống! Sự sống, bất luận nó có thể ra sao!”
__________
 Shameless despair: Nỗi tuyệt vọng không xấu hổ, không hối tiếc.
Đây là một cụm từ sâu sắc, nhưng khá tối nghĩa ?

Sự tách rời [có tính] cá nhân phải được xóa bỏ triệt để. Trong mọi
hành vi, dù nhỏ nhặt đến đâu, thì cá nhân, bằng một nghi thức nào
đó, phải kết hợp chính mình với cái công đồng [congregation],
đảng phái, vân vân. Những niềm vui và nỗi sầu của anh ta, niềm tự
hào và lòng tự tin của anh ta phải khởi phát từ cái vận mệnh và
năng lực của nhóm, hơn là từ những viễn ảnh và năng lực của chính
anh ta. Trên hết, anh ta phải không bao giờ cảm thấy đơn độc. Mặc
dù bị bỏ lại trên hoang đảo, nhưng anh ta vẫn phải cảm thấy rằng,
anh ta ở dưới đôi mắt của nhóm. Bị ném ra khỏi nhóm, sẽ là bị cắt
đứt khỏi cuộc sống.
Chắc chắn, đây là một trạng thái tồn tại có tính bán khai, và những
thí dụ hoàn hảo nhất của nó, được tìm thấy giữa những bộ lạc bán
khai. Những phong trào quần chúng phấn đấu đi tới gần sự hoàn
hảo bán khai này, và chúng ta không đang tưởng tượng chút nào,
khi cái xu hướng chống-cá-nhân của những phong trào quần chúng
gây cho chúng ta ấn tượng rằng, nó là sự quay trở lại thời kỳ bán
khai.
45
Năng lực để kháng cự lại sự cưỡng bức, phát xuất một phần từ sự
đồng nhất của cá nhân với một nhóm. Trong những trại tập trung
Đức Quốc Xã, thì những người phản kháng mạnh mẽ nhất, là
những người cảm thấy mình là thành viên của một đảng có tổ chức
chặt chẽ (thí dụ, những người Cộng sản); của một giáo hội (những
linh mục hay mục sư); hay của một nhóm dân tộc chặt chẽ. Trước
sự cưỡng bức, thì những người cá nhân chủ nghĩa, bất luận thuộc
quốc tịch nào, đều khuất phục, đầu hàng. Người Do Thái tại châu
Âu chứng tỏ là những người cô-thế nhất. Bị từ khước bởi những
người Gentiles, [ngay cả những người bên trong những trại tập
trung], và không có những sợi dây ràng buộc khắng khít với một
cộng đồng Do Thái, anh ta đối mặt với những kẻ tra tấn một cách
đơn độc – bị bỏ rơi bởi toàn bộ nhân loại. Bây giờ người ta nhận
thức rằng, cái ghetto của thời Trung Cổ, đối với người Do Thái, là
một pháo đài hơn là một nhà tù. Nếu không có cảm thức về sự hợp
nhất và sự khác biệt cực lớn mà cái ghettoáp đặt lên họ, thì họ đã
không thể chịu đựng, với tinh thần dẻo dai, sự bạo động và bức hại
của những thế kỷ đen tối. Khi [tinh thần của] thời Trung Cổ trở lại
trong một thập niên ngắn ngủi trong thời đại chúng ta, thì chúng
chộp lấy người Do Thái mà không có những phương tiện tự vệ cũ,
và nghiền nát anh ta.
__________
 Gentile: người không thuộc dân Do Thái.

Kết luận tất yếu có vẻ như là : khi cá nhân đối mặt với sự tra tấn
hay sự hủy diệt, thì anh ta không thể dựa vào những tài nguyên của
cá nhân mình. Tài nguyên duy nhất của sức mạnh, không phải nằm
ở chỗ anh ta là chính mình, mà nằm ở chỗ anh ta là một phần của
một cái gì đó hùng mạnh, vinh quang, và bất khả hủy diệt. Đức tin
ở đây chủ yếu là một quá trình đồng nhất hóa; cái quá trình mà qua
đó cá nhân ngừng là chính mình và trở thành bộ phận của một cái
gì đó vĩnh cửu. Niềm tin vào nhân loại, vào hậu thế, vào vận mệnh
của tôn giáo mình, dân tộc mình, chủng tộc, tổ quốc hay gia đình
mình – nó là cái gì, nếu không phải là sự mường tượng về một cái
gì đó vĩnh cửu, mà cái bản ngã sắp bị hủy diệt của chúng ta đeo níu
vào?
Thật là khá kinh hãi khi nhận thức rằng, những lãnh tụ toàn trị của
thời đại – khi họ nhận ra cái cội nguồn sự gan dạ liều lĩnh – tận
dụng nó, không những để tôi luyện tinh thần của những người đi
theo họ, mà còn để bẻ gãy tinh thần của đối phương họ. Trong
những cuộc thanh trừng những cựu lãnh tụ Bolshevik của ông ta,
Stalin đã thành công trong việc biến những con người tự hào và
dũng cảm thành những kẻ hèn nhát, khúm núm, bằng cách tước bỏ
của họ bất cứ khả-tính nào của việc đồng nhất hóa với cái đảng mà
họ đã phụng sự suốt đời, và với quần chúng Nga. Những người
Bolshevik kỳ cựu này, cách đây đã lâu, đã tự cắt đứt chính mình ra
khỏi khối nhân loại bên ngoài nước Nga. Họ đã nuôi giữ sự khinh
bỉ vô hạn đối với quá khứ và cái lịch sử mà vẫn còn được “làm”
bởi phe tư bản chủ nghĩa. Họ đã từ bỏ Thượng Đế. Đối với họ,
không có tương lai, không có quá khứ, không có vinh quang nào
bên ngoài biên giới của nước Nga “thần thánh” và đảng Cộng sản
– và cả hai, bây giờ đều ở trong tay Stalin, một cách không thể dời
đổi. Họ tự mình cảm thấy, trong cách nói của Bukharin, “bị cô lập
khỏi mọi sự vốn cấu thành cái yếu tính của cuộc sống.” Do vậy, họ
thú tội. Bằng cách tự hạ mình trước cộng đồng của những kẻ trung
kiên, họ bứt mình ra khỏi sự cô lập của họ. Họ phục hồi sự hội-
thông của mình với cái-toàn-bộ vĩnh cửu [the eternal whole] bằng
cách thóa mạ cái bản ngã, cáo buộc nó về những tội ác quái đản và
“ngoạn mục,” và lột bỏ nó một cách công khai.
Cũng chính những người Nga vốn đã khúm núm và quỵ lụy trước
cảnh sát mật vụ của Stalin, đã biểu lộ lòng can đảm vô song khi đối
mặt – một cách đơn độc hay trong một nhóm – với những đảng
viên Quốc Xã xâm lược. Lý do cắt nghĩa cho cách hành xử tương
phản này, không phải là bởi vì mật vụ của Stalin thì tàn nhẫn hơn
những đội quân của Hilter, mà là, khi đối mặt với mật vụ của Stalin,
thì người Nga cảm thấy mình là một cá nhân, trong khi đối mặt với
những người Đức, anh ta thấy mình là thành viên của một chủng
tộc hùng mạnh, sở hữu một quá khứ vinh quang và một tương lai
càng vinh quang hơn.
Tương tự, trong trường hợp của những người Do Thái, thì cách
hành xử của họ tại Palestine, có lẽ là không thể đoán trước, nếu căn
cứ vào cách hành xử của họ tại châu Âu. Những quan chức thuộc
địa Anh tại Palestine áp dụng một chính sách “hợp logic,” nhưng
lại thiếu trí tuệ. Họ lý luận rằng, bởi vì Hitler đã thành công trong
việc tiêu diệt 6 triệu người Do Thái mà không gặp phải sự đối
kháng nghiêm trọng nào, thì cũng sẽ không khó để mà xử lý 6 trăm
nghìn người Do Thái tại Palestine. Thế nhưng, họ phát hiện rằng,
những người Do Thái tại Palestine, mặc dù mới đến gần đây, là kẻ
thù đáng sợ: liều lĩnh, kiên cường, và nhiều mưu trí. Người Do
Thái tại châu Âu đối mặt với những kẻ thù một cách đơn độc, một
cá nhân cô lập, một hạt bụi của sự sống trôi trong một vĩnh cửu của
hư vô. Trái lại, tại Palestine, anh ta tự cảm thấy mình không phải
là một nguyên tử [lẻ loi], mà là một thành viên của một chủng tộc
vĩnh cửu, với một quá khứ không thể nào quên đằng sau nó, và một
tương lai huy hoàng ở phía trước.

46
Rất có thể, những lý thuyết gia tại Kremlin nhận biết rằng, để duy
trì sự phục tùng của quần chúng Nga, thì phải cho họ thấy rằng, họ
không có chút cơ may nào để tự đồng hóa với bất cứ tập thể nào
bên ngoài nước Nga. Mục đích của Bức Màn Sắt, có lẽ là để ngăn
cản, không cho dân chúng Nga vươn ra ngoài – ngay cả trong ý
tưởng – tới một thế giới bên ngoài, hơn là để ngăn cản sự xâm nhập
của những gián điệp và những kẻ phá hoại. Bức màn sắt vừa có
tính tâm lý, vừa có tính vật lý. Việc loại trừ hoàn toàn bất cứ cơ hội
nào cho sự di dân – ngay cả đối với những phụ nữ Nga kết hôn với
người nước ngoài – làm mờ đi trong tâm hồn người Nga sự nhận
biết về khối nhân loại ở bên ngoài biên giới nước Nga. Người ta
cũng có thể mơ ước và hy vọng trốn thoát tới một hành tinh khác.
Cái rào chắn tâm lý thì cũng quan trọng không kém cái rào chắn
vật lý: sự tuyên truyền trơ trẽn [brazen] của Kremlin tìm cách gây
ấn tượng lên những người Nga rằng, bên ngoài biên giới của nước
Nga, thì không còn cái gì có giá trị và vĩnh cửu, không còn cái gì
xứng đáng với sự ngưỡng mộ và sự tôn kính, không còn cái gì xứng
đáng, mà với nó, họ có thể đồng hóa.

SỰ GIẢ VỜ
47
Cái chết và việc giết người có vẻ như dễ dàng, khi chúng là một
phần của một cuộc trình diễn hay trò chơi có tính nghi thức, nghi
lễ, có kịch tính. Cần có một loại “giả vờ” nào đó, để đối mặt với
cái chết một cách không nao núng. Đối với cái bản ngã thực, trần
truồng của chúng ta, thì không có cái gì dưới thế hay trên trời có
thể mang lại ý nghĩa cho nó. Chỉ khi nào chúng ta thấy chính mình
như là những diễn viên trong một màn trình diễn được dàn dựng
[và do vậy, không thực], thì cái chết mới mất đi sự hãi hùng của
nó, và trở thành một hành vi “giả vờ” và một cử chỉ có tính kịch
trường. Một trong những nhiệm vụ của một lãnh tụ đích thực, là
ngụy trang cái thực tại đáng sợ của việc chết và giết, bằng cách
khơi dậy trong những người đi theo ông ta cái ảo tưởng rằng, họ
đang tham dự vào một cảnh tượng hùng tráng, một cuộc trình diễn
tôn nghiêm hay vui vẻ.
Hitler ra lệnh cho 80 triệu người Đức mặc vào những bộ quốc phục
[costume] và bắt họ trình diễn trong một vở nhạc kịch hùng tráng,
đậm chất anh hùng và đẫm máu. Tại Nga – nơi mà ngay cả việc
xây dựng một nhà vệ sinh cũng bao hàm một sự hy sinh nào đó –
thì cuộc sống đã là một vở tuồng đầy hào hứng diễn tiến trong 30
năm, và nó chưa chấm dứt. Dân chúng London hành động một cách
anh hùng dưới một cơn mưa bom, bởi vì Churchchill “ném” họ vào
vai trò của những anh hùng. Họ đóng vai trò anh hùng của họ, trước
một khán giả bao la – tổ tiên, những người đồng thời, và hậu thế –
và trên một sân khấu được thắp sáng bởi một thành phố đang cháy,
trong tiếng tiếng súng nổ và tiếng bom gào. Trong thế giới đương
đại của chúng ta, với sự sai biệt hóa rộng khắp của cá nhân, thì khó
mà tin rằng, một mức độ của sự hy sinh rộng khắp có thể được thực
hiện, mà không có sự lừa phỉnh đậm tính kịch trường và pháo hoa.
Do vậy, khó mà thấy, bằng cách nào mà chính phủ Lao Động hiện
nay tại nước Anh, có thể thực hiện chương trình xã hội hóa của nó
– vốn đòi hỏi một mức độ hy sinh quên mình từ mọi người dân
Anh – trong cái bối cảnh không màu sắc và phi kịch tính của nước
Anh. Tính chất phi kịch trường của phần lớn lãnh tụ đảng Xã hội
Anh là một dấu hiệu của sự chính trực và sự liêm khiết trí thức của
họ, nhưng nó cản trở sự thí nghiệm của việc quốc hữu hóa, mà chắc
chắn, là mục đích trung tâm của đời họ.(1)
Sự tất yếu của việc “kịch hóa” cái tình trạng đáng sợ của sự chết
và sự giết, thì đặc biệt rõ ràng trong trường hợp của những đội
quân. Những bộ đồng phục của họ, những lá cờ, những biểu tượng,
những cuộc duyệt binh, âm nhạc, và những nghi tiết và nghi thức
rườm rà, đều được thiết kế để cách ly những binh sĩ khỏi cái bản
ngã máu thịt của họ, và ngụy trang cái thực tại bề bộn của sự sống
và sự chết. Chúng ta nói về cái “tính chất kịch trường” của chiến
tranh và những cảnh chiến trường. Trong những mệnh lệnh của họ
trên chiến trường, những lãnh tụ quân đội luôn luôn nhắc nhở binh
sĩ của họ rằng, đôi mắt của thế giới đang nhìn họ, rằng tổ tiên họ
đang quan sát họ và rằng, hậu thế sẽ nghe nói đến họ. Vị tướng tài,
là vị tướng biết cách “gọi hồn” những binh sĩ của ông ta từ những
đống cát của sa mạc và những làn sóng của đại dương.
Sự vinh quang là một khái niệm có tính kịch trường. Không có sự
phấn đấu cho vinh quang nào mà không có sự nhận biết sống động
về một khán giả – sự nhận biết rằng, những việc làm to tát của
chúng ta sẽ đến tai những kẻ đương thời của chúng ta, hay “của
những kẻ sắp ra đời.” Chúng ta sẵn sàng hy sinh cái bản ngã thực,
tạm bợ của mình cho cái bản ngã vĩnh cửu tưởng tượng mà chúng
ta đang xây dựng, bằng những việc làm anh hùng của chúng ta,
trong quan niệm và trí tưởng tượng của những người khác.
Trong thực tiễn của những phong trào quần chúng, thì có lẽ sự “giả
vờ” đóng một vai trò bền vững hơn bất cứ yếu tố nào khác. Khi
đức tin và sức mạnh để thuyết phục hay cưỡng bức đã mất, thì sự
“giả vờ” vẫn còn lại. Không nghi ngờ gì, rằng trong việc dàn dựng
những đám rước của nó, những cuộc diễu hành của nó, những nghi
thức và nghi lễ của nó, một phong trào quần chúng chạm vào một
dây đàn nhạy cảm trong mọi trái tim. Ngay cả những người có đầu
óc tỉnh táo nhất, cũng bị cuốn đi bởi cảnh tượng của một khối quần
chúng trùng trùng điệp điệp. Có một sự phấn chấn và cảm thức “ra
khỏi vỏ ốc” trong cả những tham dự viên lẫn trong những khán giả.
Có thể là, những kẻ phẫn chí thì dễ đáp ứng trước cái hùng vỹ và
sự huy hoàng của quần chúng hơn những người “độc lập.” Niềm
ước mơ trốn thoát khỏi cái bản ngã bất toại nguyện của họ, phát
triển trong những kẻ phẫn chí một điều kiện dễ dàng cho việc giả
vờ – cho một màn trình diễn – và nó cũng phát triển một sự sẵn
sàng để tự đồng hóa một cách hoàn toàn với cái cái cảnh tượng uy
nghi đó.
__________
 Self-sufficient: tự túc; độc lập.

SỰ PHÊ PHÁN NHẮM VÀO HIỆN TẠI


48
Khi mới ra đời, thì một phong trào quần chúng có vẻ như ủng hộ
hiện tại chống lại quá khứ. Nó thấy trong những định chế và đặc
quyền đã được xác lập, một sự xâm lấn của một quá khứ già nua,
chống lại một hiện tại thanh xuân. Nhưng, để nới lỏng cái sự bóp
nghẹt của quá khứ, thì cần phải có sự đoàn kết cực lớn và sự hy
sinh vô giới hạn. Điều này có nghĩa rằng, những người được kêu
gọi để tấn công quá khứ và giải phóng hiện tại, phải sẵn sàng, một
cách nhiệt thành, từ bỏ bất cứ cơ hội hưởng thụ hay thừa kế nào
trong hiện tại. Hiển nhiên, đó là một mệnh đề phi lý. Hệ quả là cái
dịch chuyển tất yếu trong sự nhấn mạnh, một khi phong trào bắt
đầu diễn tiến. Hiện tại – cái mục tiêu nguyên thủy – bị đẩy ra khỏi
sân khấu và được thay thế bằng hậu thế, tương lai. Thêm nữa: hiện
tại bị đẩy lùi như thể nó là một sự-thể ô uế và bị đồng hóa với cái
quá khứ bị ghét bỏ. Cái đường ranh giới của chiến trường, bây giờ
được vạch ra giữa những sự-thể vốn đang hiện hữu hay đã và đang
hiện hữu, và những sự-thể vốn chưa hiện hữu.
Đánh mất sinh mệnh của mình, chỉ là đánh mất hiện tại; và rõ ràng,
đánh mất một hiện tại nhơ nhuốc, vô giá trị, thì không phải là đánh
mất nhiều lắm.
Một phong trào quần chúng không những mô tả hiện tại như là hèn
hạ và khốn khổ – mà nó còn cố tình làm cho hiện tại thành ra như
vậy. Nó tạo ra một khuôn mẫu [của] hiện hữu cá nhân buồn bã, khó
khăn, ngột ngạt và tẻ nhạt. Nó kết án những lạc thú và những tiện
nghi và tán dương cuộc sống khắc khổ. Nó xem sự hưởng thụ bình
thường như là tầm thường hay thậm chí đáng xấu hổ, và xem việc
theo đuổi hạnh phúc cá nhân như là vô đạo đức. Hưởng thụ, là giao
thiệp với kẻ thù – hiện tại. Mục tiêu chủ yếu của lý tưởng khổ hạnh,
được rao giảng bởi phần lớn những phong trào, là nuôi dưỡng sự
khinh bỉ đối với hiện tại. Chiến dịch chống lại những ham muốn,
là một nỗ lực để nới lỏng những cái vòi bền bỉ đang bám chặt vào
hiện tại. Cái cuộc sống cá nhân buồn tẻ này tương phản với một
bối cảnh đầy màu sắc và kịch tính của sự huy hoàng tập thể – sự
kiện đó càng nhấn mạnh sự vô giá trị của nó.
Chính cái tính chất phi thực tế [hoang tưởng] của nhiều trong số
những mục tiêu mà một phong trào quần chúng vạch ra, là bộ phận
của cái chiến dịch chống lại hiện tại. Hiến tặng một cái gì đó thực
tiễn, sẽ là tăng cường sự hứa hẹn về hiện tại và làm cho chúng ta
thỏa hiệp với nó. Đức tin vào những phép mầu, cũng bao hàm một
sự từ khước và thách thức hiện tại. Khi Tertulian công bố: “Và
Ngài được chôn cất và sống lại; điều đó là chắc chắn, bởi vì nó là
bất-khả,”  thì ông đang dè bỉu hiện tại. Sau cùng, tính chất huyền
bí [mysticism] của một phong trào, cũng là một phương tiện để phê
phán hiện tại. Nó nhìn hiện tại như là cái phản ảnh mờ nhạt và méo
mó của một cái bất tri bao la [a vast unknown] đang phập phồng
bên dưới và vượt quá chúng ta. Hiện tại là một cái bóng và một ảo
tưởng.
__________
 Nguyên tác: “And He was buried and rose again; it is certain
because it is impossible.”

49
Không có sự phê phán đích thực nào nhắm vào hiện tại, mà lại
không có niềm hy vọng chắc chắn về một tương lai tốt hơn. Bởi vì,
bất luận chúng ta than vãn ra sao về cái sự đê tiện của thời đại
mình, thì – nếu cái viễn ảnh về tương lai là [cái viễn ảnh của] sự
suy đồi ngày càng gia tăng, một sự tiếp tục không thay đổi của hiện
tại – chúng ta tất yếu bị buộc phải tự thỏa hiệp với hiện hữu của
mình, bất luận nó hèn hạ và khó khăn đến đâu.
Mọi phong trào quần chúng đều phê phán hiện tại bằng cách mô tả
nó như là một phương tiện mở đầu cho một tương lai huy hoàng –
chỉ là một tấm đệm trên ngưỡng cửa của thiên niên kỷ mới. Đối
với một phong trào tôn giáo, thì hiện tại là một nơi lưu đày, một
thung lũng nước mắt, dẫn đến vương quốc trên trời; đối với một
cuộc cách mạng xã hội, nó là một trạm trung chuyển trên đường
đến Utopia;• đối với một phong trào dân tộc chủ nghĩa, nó là một
giai đoạn xấu xa đi trước thắng lợi sau cùng.
__________
• Utopia: là một cộng đồng hoặc xã hội gần như lý tưởng hoặc
hoàn hảo trên mọi mặt.

Dĩ nhiên, đúng là niềm hy vọng được phóng thích bởi một sự hình
dung sống động về một tương lai huy hoàng, là một nguồn động
lực hùng mạnh cho sự liều lĩnh và sự quên mình – hùng mạnh hơn
sự phê phán hàm ẩn [implied] nhắm vào hiện tại. Một phong trào
quần chúng phải tập trung trái tim và khối óc của những người đi
theo nó trên tương lai, ngay cả khi nó không dấn mình vào cuộc
chiến đấu sinh tử chống lại những định chế và những đặc quyền đã
được xác lập. Sự hy sinh quên mình – được bao hàm trong sự chia
sẻ hỗ tương và hành động hợp tác – là bất-khả, nếu không có niềm
hy vọng. Khi hôm nay [hiện tại] là tất cả những gì có được, thì
chúng ta chộp lấy tất cả những gì mà chúng ta có thể và đeo níu
vào chúng. Chúng ta trôi lềnh bềnh trên một đại dương của hư vô,
và chúng ta níu vào bất cứ mảnh phế-vật tồi tàn nào, như thể nó là
cái cây của cuộc sống. Mặt khác, khi mọi sự đều đang ở phía trước
và chưa đến, thì chúng ta thấy dễ chia sẻ tất cả những gì mà chúng
ta có, và chịu từ bỏ những thuận lợi ở bên trong tầm kiểm soát của
ta. Cách ứng xử của những thành viên của đảng Donner khi họ
được bơi trên chiếc phao của hy vọng và, về sau, khi niềm hy vọng
ra đi – cách ứng xử đó là một minh họa cho sự lệ thuộc của tính
hợp tác và tinh thần cộng đồng vào niềm hy vọng. Những người
không hy vọng, sẽ bị chia rẽ và bị đẩy tới việc say sưa tìm kiếm tư
lợi. Sự đau khổ chung, một mình nó – khi không được kết nối với
hy vọng – không tạo ra sự đoàn kết, nó cũng không khơi dậy sự độ
lượng hỗ tương. Những người Hebrews bị nô lệ hóa tại Ai Cập,
“mà cảnh cá chậu chim lồng hà khắc đã khiến cho đời họ trở nên
cay đắng,” là những người ưa cãi vã và nói xấu sau lưng nhau.
Moses đã phải cho họ niềm hy vọng về một vùng đất hứa trước khi
ông có thể kết hợp họ lại với nhau. Ba mươi (30) ngàn người vô
vọng trong những trại tập trung Buchenwald không phát triển bất
cứ hình thức hành động hợp quần nào, và họ cũng không biểu lộ
bất cứ sự sẵn sàng nào cho sự hy sinh. Ở đó, có nhiều sự tham lam
và tính ích kỷ tàn nhẫn, so với trong những xã hội tự do tham lam
nhất và đồi bại nhất. “Thay vì học cách để có thể giúp đỡ nhau một
cách tốt nhất, thì họ lại dùng mọi mánh khóe để thống trị và đàn áp
lẫn nhau.” (2)

50
Việc tôn vinh quá khứ, có thể được dùng như là một phương tiện
để làm giảm giá hiện tại. Nhưng trừ phi được kết nối với những
mong đợi lạc quan về tương lai, thì một cái nhìn phóng đại về quá
khứ đưa tới kết quả là một thái độ cẩn trọng, chứ không phải là
những phấn đấu liều lĩnh của một phong trào quần chúng. Mặt
khác, không có cái gì làm giảm giá hiện tại, cho bằng việc nhìn nó
như chỉ là một gạch nối giữa một quá khứ vinh quang và một tương
lai huy hoàng. Như thế, mặc dù một phong trào quần chúng thoạt
tiên quay lưng với quá khứ, nhưng sau cùng, nó phát triển một sự
nhận biết sống động, thường là giả tạo, về một quá khứ huy hoàng
xa xăm. Những phong trào tôn giáo quay trở lại ngày sáng thế; cách
mạng xã hội nói về một thời đại hoàng kim khi mà con người tự
do, bình đẳng và độc lập; những phong trào dân tộc chủ nghĩa làm
hồi sinh hay “phát minh ra” những ký ức về sự vĩ đại của quá khứ.
Sự bận tâm này với quá khứ, khởi phát từ một ước muốn chứng
minh cái chính nghĩa của phong trào và cái phi chính nghĩa của trật
tự cũ, nhưng cũng để cho thấy hiện tại chỉ như là một khúc nhạc
dạo [interlude] giữa quá khứ và tương lai. (3)
Một sự nhận biết về lịch sử cũng mang đến một cảm thức về sự
tiếp tục. Sở hữu một cái nhìn sống động về quá khứ và tương lai,
tín đồ đích thực thấy mình là một bộ phận của một cái gì đó trải
dài ra vô tận, về phía sau và về phía trước – một cái gì đó vĩnh cửu.
Anh ta có thể buông bỏ hiện tại [và chính cuộc đời mình], không
chỉ bởi vì nó là một sự-thể tồi tệ, hầu như khó lòng xứng đáng để
níu vào, nhưng còn bởi vì, nó không phải là sự khởi đầu và kết thúc
của tất cả mọi sự. Thêm vào đó, một sự nhận biết sống động về quá
khứ và tương lai cướp đi của hiện tại cái thực-tại của nó. Sự nhận
biết này biến hiện tại thành một khúc đoạn trong một đám rước hay
một cuộc duyệt binh. Những người đi theo một phong trào quần
chúng thấy mình đi đều bước với những tiếng trống đập và những
lá cờ bay. Họ là những kẻ tham dự vào một vở tuồng hùng tráng,
được trình diễn trước một khán giả đông đảo – những thế hệ đã qua
đi và những thế hệ chưa đến. Trong một quang cảnh như thế, họ
cảm thấy rằng, họ không phải là cái bản ngã thực của mình, mà chỉ
là những diễn viên đang diễn một vai kịch, và những việc làm của
họ, là một “màn trình diễn” hơn là một điều có thực. Và họ thấy
cái chết cũng là một cử chỉ, một hành vi “giả vờ.”
51
Một thái độ phê phán nhắm vào hiện tại nuôi dưỡng một năng lực
về sự báo trước. Kẻ thích nghi tốt, là một nhà tiên tri tồi. Mặt khác,
những người chống lại hiện tại dễ phát hiện những hạt giống của
thay đổi và những tiềm năng của những khởi đầu nhỏ bé. Một hiện
hữu thú vị khiến chúng ta mù mắt trước những khả-tính của sự thay
đổi mạnh mẽ. Chúng ta đeo níu vào cái mà chúng ta gọi là cái
“lương tri” [common sense] của mình, cái quan điểm thực tiễn của
mình. Thực ra, đây chỉ là những cái tên cho một sự quen thuộc với
những sự-thể như chúng là. Sự “sờ mó được” của một hiện hữu thú
vị và an ninh, là quá hiển nhiên, đến mức nó khiến cho những thực
tại khác, bất luận gần kề đến đâu, đều có vẻ như mơ hồ và ảo tưởng.
Như vậy, khi thời thế trở nên rối loạn, thì chính những người có
đầu óc thực tiễn là những người bị bất ngờ và trông giống như
những kẻ hoang tưởng [visionaries], níu vào những sự-thể vốn
không hiện hữu.
Mặt khác, những ai từ khước hiện tại và dán đôi mắt và trái tim lên
những điều sẽ tới, có một quan-năng cho việc phát hiện ra cái mầm
mống của sự nguy hiểm hay những thuận lợi tương lai, trong sự
chín muồi của thời đại họ. Do vậy, cá nhân phẫn chí và “tín đồ đích
thực” là những kẻ tiên đoán tốt hơn những ai có lý do để muốn duy
trì cái hiện trạng. “Thường khi, người ta thấy rằng, chính những kẻ
cuồng tín, chứ không luôn luôn là những tâm hồn tế nhị, là những
người nắm được cái manh mối của những giải pháp được đòi hỏi
bởi tương lai.” (4)

52
Thật là lý thú, để mà so sánh ở đây, những thái độ đối với hiện tại,
tương lai và quá khứ được biểu lộ bởi kẻ bảo thủ, kẻ hoài nghi, kẻ
“cấp tiến”  và kẻ “phản động.”
__________
 The Radical.
Kẻ bảo thủ không tin rằng hiện tại có thể được cải thiện, và anh ta
cố định-hình tương lai theo hình ảnh của hiện tại. Anh ta đi trở lại
quá khứ để tìm sự bảo đảm về hiện tại: “Tôi muốn có một cảm thức
về sự tiếp tục, sự chắc chắn rằng, những sai lầm nghiêm trọng
đương thời của chúng ta, đều nội tại trong bản chất con người; rằng
những cái “mốt thời thượng” mới của chúng ta là những “tà kiến”
rất cổ xưa; rằng những sự thể yêu quý, vốn bị đe dọa, đã lung lay
không ít nặng nề trong quá khứ.” (5)•
__________
• Nguyên tác: “... that beloved things which were threatened had
rocked not less heavily in the past”.

Quả thực, kẻ bảo thủ mới giống kẻ hoài nghi làm sao! “Có cái gì,
mà về nó, người ta có thể nói: ‘Hãy nhìn, cái này thì mới’? Nó đã
là của thời xưa, vốn đã hiện hữu trước khi chúng ta ra đời” (6). Đối
với kẻ hoài nghi, thì hiện tại là tổng số của tất cả những gì vốn đã
và đang hiện hữu, và sẽ hiện hữu, “Cái sự-thể mà đã từng hiện hữu,
chính nó, sẽ hiện hữu; và cái đã được làm, sẽ được làm: không có
cái gì mới mẻ dưới ánh mặt trời.”(7)
Kẻ cấp tiến thấy hiện tại như là hậu duệ đích tôn của quá khứ và
đang thường trực tăng trưởng và phát triển về phía một tương lai
được cải thiện: phá hoại hiện tại là làm tàn phế tương lai. Do vậy,
cả ba đều nâng niu hiện tại, và, như người ta thường mong đợi, họ
không sẵn lòng ưa thích cái ý tưởng về sự hy sinh. Thái độ của họ
đối với sự hy sinh được diễn tả tốt nhất bởi kẻ hoài nghi: “bởi vì
một con chó đang sống thì tốt hơn một con sư tử đã chết. Bởi vì
người đang sống biết rằng họ sẽ chết: nhưng người chết thì không
biết gì… họ cũng sẽ mãi mãi không còn có phần-chia nào trong bất
cứ cái gì vốn được làm dưới ánh mặt trời.” (8)
Kẻ cấp tiến và kẻ phản động đều ghê tởm hiện tại. Họ thấy nó như
là một “sự lệch lạc” [aberration] và một sự đồi bại. Cả hai đều sẵn
sàng đối xử một cách tàn nhẫn và liều lĩnh với hiện tại, và cả hai
đều sẵn sàng đón nhận cái ý tưởng về sự hy sinh. Họ khác nhau ở
chỗ nào? Chủ yếu, trong quan điểm của họ về tính dễ bị uốn nắn
của bản chất con người. Kẻ cấp tiến có một đức tin mãnh liệt vào
khả-năng-có-thể-hoàn-thiện [perfectability] vô hạn của bản chất
con người. Anh ta tin rằng, bằng cách thay đổi môi trường của con
người và bằng cách hoàn thiện một kỹ thuật “cấu tạo linh hồn”
[soul-forming], thì một xã hội có thể được tạo dựng hoàn toàn mới
và chưa từng có trước đó. Kẻ phản động không tin rằng, con người
có bên trong mình những tiềm năng chưa được thăm dò, mà sẽ
mang đến sự tốt đẹp. Nếu muốn thiết lập một xã hội ổn định và
lành mạnh, thì nó phải được rập khuôn theo những mô hình đã
được trắc nghiệm của quá khứ. Anh ta thấy tương lai như là một
sự phục hồi vinh quang, hơn là một sự cách tân chưa có tiền lệ.
Trong thực tế, thì cái ranh giới giữa kẻ cấp tiến và kẻ phản động là
không luôn rạch ròi. Kẻ phản động biểu lộ tính cấp tiến, khi y đi
tới chỗ tái-tạo cái quá khứ lý tưởng của mình. Hình ảnh về quá khứ
của y được đặt nền tảng trên cái mà nó đã là, hơn là trên cái mà y
muốn tương lai sẽ trở thành. Y canh tân [innovate] hơn là tái-thiết
[reconstruct]. Một sự dịch chuyển tương tự xảy ra trong trường hợp
của kẻ cấp tiến, khi anh ta bắt tay vào việc xây dựng một thế giới
mới của mình. Anh ta cảm thấy cần có sự hướng dẫn thực tiễn, và
bởi vì anh ta đã từ khước và phá hủy hiện tại, nên anh ta bị buộc
phải kết nối cái thế giới mới với một thời điểm nào đó trong quá
khứ. Nếu anh ta phải dùng đến bạo lực trong việc định-hình cái
mới, thì quan điểm về bản chất con người của anh ta tối sầm lại
[darken], và tiến gần đến quan điểm của kẻ phản động.
Sự pha trộn của kẻ phản động và kẻ cấp tiến, thì đặc biệt rõ ràng
trong những ai dấn thân vào một cuộc phục hưng mang tính dân
tộc chủ nghĩa. Những người đi theo Gandhi tại Ấn Độ và những
người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái ở Palestine, thường làm
sống lại một quá khứ huy hoàng và đồng thời, tạo ra một Utopia
chưa có tiền lệ. Những nhà tiên tri, cũng là một sự hòa trộn của kẻ
phản động và kẻ cấp tiến. Họ rao giảng một sự trở lại với đức tin
cổ xưa và cũng hình dung ra một thế giới mới và một đời sống mới.

53
Hiển nhiên là, thái độ phê phán của một phong trào quần chúng
nhắm vào hiện tại ủng hộ những khuynh hướng của kẻ phẫn chí.
Khi lắng nghe kẻ phẫn chí kết án hiện tại và tất cả những sản phẩm
của nó, thì cái khiến người ta ngạc nhiên, là niềm vui to lớn mà y
thu được từ việc kết án đó. Cái niềm vui thích như thế không thể
đến từ việc chỉ trút bỏ một mối bất bình. Phải có thêm cái gì đó –
và quả thực là có. Bằng cách nói dông dài về sự đê tiện và sự xấu
xa vô phương cứu chữa của thời đại, kẻ phẫn chí làm giảm nhẹ cái
cảm nhận về sự thất bại và sự cô lập của mình. Như thể là y muốn
nói: “Không chỉ cái bản ngã nhơ nhuốc của chúng ta, mà cuộc đời
của tất cả những kẻ đồng thời của chúng ta – ngay cả những người
hạnh phúc và thành công nhất – đều vô giá trị và bị lãng phí.” Như
thế, bằng cách phê phán hiện tại, y thủ đắc một cảm thức mơ hồ về
sự bình đẳng.
Phương tiện mà một phong trào quần chúng dùng để làm cho hiện
tại trở thành khó chấp nhận [tiết 48], chạm vào một sợi dây đàn
nhạy cảm trong tâm hồn những kẻ phẫn chí. Sự làm chủ bản thân,
được cần đến trong việc chế ngự những ham muốn, ban cho họ một
ảo tưởng về sức mạnh. Họ cảm thấy rằng, trong việc làm chủ chính
mình, họ đã làm chủ thế giới. Sự cổ xúy của phong trào quần chúng
về cái phi thực tế và cái bất-khả, cũng phù hợp với “khẩu vị” của
họ. Những người thất bại trong những vụ việc thường nhật, tỏ ra
có một xu hướng muốn vươn tới cái bất-khả. Nó là một chiêu thức
để ngụy trang những khuyết điểm của mình. Bởi vì khi chúng ta
thất bại trong nỗ lực làm cái khả-thi [the possible], thì lỗi hoàn toàn
là của chúng ta; nhưng khi chúng ta toan tính làm cái bất-khả [the
impossible], thì chúng ta được “biện minh”: không phải chúng ta
bất tài, mà bởi vì cái nhiệm vụ là quá lớn. Khi cố làm cái bất-khả,
thì cái nguy cơ bị mất uy tín sẽ nhỏ hơn, so với khi cố làm cái khả-
thi. Do vậy, sự thất bại trong những vụ việc thường nhật thường
hay nuôi dưỡng một sự gan dạ thái quá. Người ta có ấn tượng rằng,
kẻ phẫn chí thu được nhiều sự thỏa mãn – cũng nhiều bằng, nếu
không nhiều hơn – từ những phương tiện mà một phong trào quần
chúng sử dụng, so với từ những cứu cánh mà nó cổ xúy. Niềm vui
thích của những kẻ phẫn chí đối với sự hỗn loạn và sự sụp đổ của
những kẻ may mắn và những kẻ thịnh vượng, không phát sinh từ
một sự nhận biết xuất thần rằng, họ đang chuẩn bị cho việc xây
dựng “thiên đường dưới thế.” Trong tiếng kêu cuồng tín của họ,
“có tất cả hay không có gì cả,” thì có lẽ, cái thứ hai vang vọng một
ước muốn nồng nàn hơn cái thứ nhất.

“NHỮNG SỰ-THỂ KHÔNG HIỆN HỮU.”


54
Một trong những qui luật mà nổi lên từ một nhận định về những
yếu tố vốn phát huy sự hy sinh, là : chúng ta ít khi sẵn sàng chết
cho cái mà chúng ta có hay [cái mà chúng ta] đang là; trái lại, chúng
ta thường sẵn sàng chết cho cái mà chúng ta mong ước có, hay [cái
mà chúng ta] muốn trở thành. Thật là một chân lý khó hiểu và
không thú vị rằng, khi người ta đã có “một cái gì đó xứng đáng
chiến đấu để đạt tới,” thì họ không cảm thấy muốn chiến đấu.
Những người sống cuộc sống đầy đủ, xứng đáng, thì thường không
sẵn sàng chết cho những quyền lợi của riêng mình, hay của đất
nước mình, hay cho một “sự nghiệp thần thánh” (9). Lòng khao
khát, chứ không phải sự sở hữu, là mẹ của một sự quên mình liều
lĩnh.
“Quả thực, những sự-thể không hiện hữu,” thì hùng mạnh hơn
“những sự-thể đang hiện hữu” (10). Trong mọi thời đại, con người
đã chiến đấu một cách kiên cường nhất cho những thành phố xinh
đẹp chưa được xây dựng, và những khu vườn chưa được gieo trồng.
Satan không lạc đề khi nói tất cả những gì mà hắn biết : “Tất cả
những gì mà một người có, anh ta sẽ cho đi, để đổi lấy sinh mạng
của mình”(11). Tất cả những gì anh ta có – vâng. Nhưng anh ta thà
chết, hơn là phải nhường lại bất cứ vật gì trong số những cái mà
anh ta chưa có.
Quả vậy, thật kỳ lạ rằng, những ai ôm ghì hiện tại và níu vào nó
với tất cả sức mạnh của mình, sẽ là kẻ ít có khả năng nhất trong
việc bảo vệ nó. Và rằng, trái lại, những ai từ khước hiện tại và phủi
tay khỏi nó, là những người sẽ có tất cả những món quà và kho báu
của nó “mưa rào” xuống họ, mặc dù họ không cầu xin.
Những giấc mơ, những ảo ảnh, và những hy vọng cuồng nhiệt là
những vũ khí hùng mạnh và những công cụ thực tiễn. Đầu óc thực
tiễn của vị lãnh tụ đích thực, nằm ở chỗ nhận ra cái giá trị thực tiễn
của những công cụ này. Thế nhưng, sự nhận ra này xuất phát từ
việc khinh bỉ hiện tại, mà có thể được truy nguyên như là một sự
vụng về [của họ] trong những vụ việc thực tiễn. Nhà doanh nhân
thành công, thường là một lãnh tụ [cộng đồng] thất bại, bởi vì đầu
óc ông ta quen với “những sự-thể đang là” và trái tim ông ta tập
trung trên cái mà có thể được thành tựu trong “thời chúng ta.” Sự
thất bại trong việc quản lý những vụ việc thực tiễn, có vẻ như là
một điều kiện cho sự thành công trong việc quản lý những vụ việc
công cọng. Và, có lẽ thật may mắn rằng, một vài con người có bản
chất kiêu ngạo, khi họ đau khổ vì thất bại trong thế giới thực tiễn,
không cảm thấy bị đè bẹp, mà bỗng nhiên được kích thích với cái
xác tín rõ ràng là phi lý rằng, họ có năng lực trỗi vượt trong việc
dẫn dắt vận mệnh của cộng đồng và dân tộc.
__________
 Visions.

55
Không hoàn toàn phi lý rằng, người ta sẽ sẵn sàng chết cho một
phù hiệu, một lá cờ, một từ ngữ, một quan niệm, một huyền thoại,
vân vân. Ngược lại, cái điều ít hợp lý tính nhất, là việc hy sinh
mạng sống cho một cái gì đó xứng đáng để sở hữu. Bởi vì, chắc
chắn là, đời của mỗi người là cái thực nhất trong tất cả những gì
thực, và không có nó, thì không thể có việc sở hữu những cái đáng
sở hữu. Sự hy sinh không thể là biểu hiện của sự tìm kiếm một thứ
tư lợi sờ mó được. Ngay cả khi chúng ta sẵn sàng chết để không bị
giết, thì cái xung lực chiến đấu không khởi-phát từ tư lợi cho bằng
từ những cái cảm nhận được, như truyền thống, danh dự, và trên
hết, niềm hy vọng. Ở nơi nào không có niềm hy vọng, thì người ta
hoặc là chạy trốn, hoặc để cho mình bị giết mà không chiến đấu.
Họ sẽ níu vào sự sống như trong một cơn bàng hoàng mê mẩn. Có
cách nào khác để giải thích sự kiện rằng, hàng triệu người châu Âu
tự để cho mình bị dẫn vào trong những trại thủ tiêu và những phòng
hơi ngạt? – mặc dù biết một cách chắc chắn rằng, họ đang bị dẫn
vào chỗ chết. Sự kiện rằng, Hitler biết cách tát cạn mọi hy vọng
nơi những đối thủ của ông, [ít nhất, tại lục địa châu Âu] cho thấy,
đó là một sức mạnh khủng khiếp của ông. Xác tín cuồng tín của
ông – rằng ông đang xây dựng một trật tự mới mà sẽ kéo dài một
ngàn năm – chính cái xác tín đó tự lan truyền tới những kẻ ủng hộ
lẫn những kẻ chống đối ông. Đối với những kẻ ủng hộ, thì nó cho
cảm nhận rằng, trong việc chiến đấu cho Đế chế thứ III, họ đang
“liên minh” với vĩnh cửu, trong khi những kẻ chống đối, cảm thấy
rằng, cuộc đấu tranh chống lại trật tự mới của Hitler, là thách đố
cái số phận không thể lay chuyển được.
Thật đáng quan tâm rằng, những người Do Thái vốn thụ động nhận
chịu sự tàn sát của Hitler tại châu Âu, lại chiến đấu một cách liều
lĩnh khi được chuyển đến Palestine. Và mặc dù người ta nói rằng,
họ chiến đấu tại Palestine là bởi vì họ không có lựa chọn nào khác
– họ phải chiến đấu hay bị người Ả Rập cắt cổ – thì, cũng đúng
rằng, sự gan dạ và sự liều lĩnh sẵn sàng hy sinh, phát-khởi không
phải từ nỗi tuyệt vọng, mà từ mối bận tâm nồng nàn của họ đối với
sự phục sinh của một vùng đất cổ xưa và một dân tộc cổ xưa. Quả
vậy, họ chiến đấu và chết cho những thành phố chưa được xây
dựng, và những khu vườn chưa được gieo trồng.

NHỮNG HỌC THUYẾT


56
Sự sẵn sàng hy sinh là khả-dĩ, khi người ta không bị tác động bởi
những thực tại của cuộc đời. Kẻ nào tự do rút ra những kết luận từ
kinh nghiệm và sự quan sát cá nhân của mình, thì không thường
“mặn mà” với ý tưởng về sự “tử đạo.” Bởi vì sự hy sinh là một
hành vi phi lý tính. Nó không thể là sản phẩm sau cùng [end-
product] của một quá trình thăm dò và suy tính. Do vậy, mọi phong
trào quần chúng đều cố sức đặt một tấm màn “chống-sự-kiện” giữa
kẻ trung thành và những thực tại của thế giới. Họ làm điều này
bằng cách tuyên bố rằng, cái chân lý tối hậu và tuyệt đối đã được
“hiện thân” trong học thuyết của họ, và rằng, không có chân lý và
sự chắc chắn nào khác bên ngoài nó. Những sự kiện mà trên đó tín
đồ đích thực đặt nền móng cho những kết luận của anh ta, không
phải được xuất phát từ kinh nghiệm hay sự quan sát của anh ta, mà
từ “Thánh kinh.” “Chúng ta níu quá chặt vào cái thế giới được mặc
khải bởi Phúc Âm, đến nỗi mà, cho dẫu tôi thấy tất cả những Thiên
thần của Thiên đường giáng xuống trên tôi, để nói cho tôi nghe về
một cái gì đó khác [với Phúc Âm], thì không những tôi không tin
một lời nào của họ, mà tôi sẽ còn nhắm mắt và bịt tai, bởi vì chúng
sẽ không đáng được thấy hay được nghe”(12). Nương dựa vào
bằng chứng của giác quan và của lý tính, là tà giáo và sự phản bội.
Thật đáng ngạc nhiên khi nhận thức rằng, phải cần rất nhiều hoài
nghi, để khiến cho sự tin tưởng là có thể được. Cái mà chúng ta
biết như là đức tin mù quáng, thì được nuôi dưỡng bởi vô số những
hoài nghi. Những người Nhật cuồng tín tại Brazil không tin, trong
nhiều năm, cái bằng chứng về cuộc chiến bại của Nhật. Người
Cộng sản cuồng tín không tin bất cứ bản tường thuật hay bằng
chứng bất lợi nào về nước Nga; anh ta cũng không bị vỡ mộng bởi
việc thấy, với chính mắt mình, cái sự khốn khổ tàn nhẫn bên trong
“vùng đất hứa” Sô Viết.
Chính cái khả năng của tín đồ đích thực – khả năng “bịt tai và bịt
mắt” trước những sự kiện không đáng được thấy và được nghe –
là nguồn gốc của sự kiên cường và sự trung thành vô song. Anh
ta không thể bị khiếp đảm bởi sự nguy hiểm, cũng không bị nản
lòng bởi trở ngại, hay bị bối rối bởi những mâu thuẫn, bởi vì anh
ta từ chối sự hiện hữu của chúng. Sức mạnh của đức tin, như
Bergson đã chỉ ra, tự biểu hiện không phải trong việc dời non lấp
biển, mà trong việc không thấy cái núi nào để dời, cái biển nào để
lấp” (13). Và chính sự chắc chắn của cái học thuyết không thể sai
lầm, là cái khiến cho tín đồ đích thực không thấy [bị ảnh hưởng
bởi] những cái bấp bênh, những cái bất ngờ, và những thực tại
không thú vị của cái thế giới xung quanh anh ta.
__________
 Đây là một nhận xét rất sâu sắc. Không nên “vơ đũa cả nắm,”
nhưng quả thật, không ít những “vị anh hùng, kiên cường, bất
khuất” của thời đại chúng ta, chỉ là những kẻ cuồng tín, bị lừa gạt
mà không tự biết.

Như thế, không nên phán đoán sự hữu hiệu của một học thuyết qua
sự sâu sắc của nó, sự cao cả [ưu việt] hay hiệu lực của những chân
lý mà nó “hiện thân”; sự hữu hiệu đó, phải được phán đoán bằng
cách trả lời câu hỏi sau đây: “Nó làm gì để cách ly cá nhân khỏi
chính mình và cái thế giới như nó là?” Và, “sự cách-ly ấy có triệt
để không?” Những gì mà Pascal nói về một tôn giáo hữu hiệu, thì
cũng đúng với bất cứ học thuyết hữu hiệu nào: Nó phải “trái ngược
với tự nhiên, với lẽ thường, và với lạc thú.” (14)

57
Sự hữu hiệu của một học thuyết không đến từ cái ý nghĩa của nó,
mà từ sự chắc chắn của nó. Không có học thuyết nào, bất luận nó
sâu xa và cao cả đến đâu, sẽ hữu hiệu, trừ phi nó được trình bày
như là hiện thân của một, và chỉ một, chân lý duy nhất (15). Những
cái phi lý thô thiển, những cái vớ vẩn tầm thường và những chân
lý cao cả, đều có hiệu lực ngang nhau trong việc làm cho người ta
sẵn sàng hy sinh, nếu chúng được chấp nhận như là chân lý duy
nhất, vĩnh cửu.
Do vậy, thật hiển nhiên rằng, để hữu hiệu, thì một học thuyết phải
không được hiểu, nhưng phải được tin vào. Chúng ta chỉ có thể
tuyệt đối chắc chắn về những sự-thể mà chúng ta không hiểu. Một
học thuyết mà được hiểu, thì sẽ bị mất đi sức mạnh của nó. Một
khi chúng ta hiểu một sự-thể, thì dường như nó đã bắt nguồn từ
trong chúng ta. Và, rõ ràng, những ai được yêu cầu từ bỏ bản ngã
và hy sinh nó, thì không thể thấy sự chắc chắn vĩnh cửu trong bất
cứ cái gì vốn bắt nguồn từ cái bản ngã đó. Khi người ta hiểu một
sự-thể một cách đầy đủ, thì điều đó làm phương hại đến cái hiệu
lực và sự chắc chắn của nó trong mắt họ.
Kẻ “mộ đạo” [trung thành] luôn luôn được thúc giục tìm kiếm chân
lý tuyệt đối với trái tim họ, chứ không phải với khối óc. “Chính trái
tim ý thức về Thượng đế, chứ không phải lý tính” (16). Rudolph
Hess, khi tuyên thệ trong toàn đảng Quốc Xã vào năm 1934, cổ vũ
những thính giả của ông: “Đừng tìm kiếm Adolph Hitler với khối
óc của bạn; tất cả các bạn sẽ tìm thấy Người với sức mạnh của trái
tim bạn” (17). Khi một phong trào bắt đầu “lý tính hóa”
[rationalize] học thuyết của mình, và làm cho học thuyết đó có thể
hiểu được, thì đó là một dấu hiệu rằng, cái giai đoạn năng động của
nó đã qua; nghĩa là, bây giờ nó chủ yếu quan tâm đến sự ổn định.
Bởi vì, như sẽ được trình bày về sau [tiết 106], sự ổn định của một
chế độ đòi hỏi sự trung thành của giới trí thức, và chính vì để thuyết
phục họ, hơn là để vun đắp sự hy sinh, mà một học thuyết được
làm cho có thể hiểu được.
Nếu một học thuyết là có thể hiểu được, thì nó phải mơ hồ, và nếu
nó có thể hiểu được và không mơ hồ, thì nó phải không thể kiểm
chứng được. Người ta phải lên thiên đàng hay tới một tương lai xa
xôi để xác định chân lý của một học thuyết hữu hiệu. Khi phần nào
đó của một học thuyết là tương đối đơn giản, thì giữa những kẻ
trung thành, có một khuynh hướng muốn phức tạp hóa và làm cho
nó “mờ mịt” đi. Những lời nói giản dị được làm cho trở nên nhiều
ý nghĩa và được làm cho có vẻ giống như những biểu tượng trong
một thông điệp bí mật. Như thế, có một không khí “vô học”
[illiterate] nơi một “tín đồ đích thực” có học thức nhất. Anh ta dùng
những từ [ngữ] như thể anh ta không biết nghĩa thực của chúng.
Hệ luận là, sở thích của anh ta về việc nói quanh, chẻ sợi tóc làm
tư, và và sự vòng vo có tính kinh-viện.

58
Sở hữu một chân lý tuyệt đối, là có một tấm lưới của sự quen thuộc
trải ra qua suốt toàn bộ vĩnh cửu. Không có cái gì gây ngạc nhiên,
cũng không có cái gì là “bất tri.” Mọi câu hỏi đã được trả lời, mọi
quyết định đã được làm, mọi sự kiện tương lai đã được thấy trước.
Tín đồ đích thực không có sự ngạc nhiên thán phục và sự lưỡng lự
nào. “Kẻ nào biết Chúa Jesus, biết lý do của mọi sự-thể” (18). Học
thuyết đích thực là một “chìa khóa mẹ” để mở mọi vấn đề của thế
giới. Với nó, thế giới có thể được tháo ra và ráp lại. Lịch sử chính
thức của Đảng Cộng sản tuyên bố: “Sức mạnh của chủ nghĩa Mác-
xít Lênin-nít nằm trong sự kiện rằng, nó làm cho Đảng có thể tìm
thấy định hướng đúng trong bất cứ tình huống nào, hiểu sự nối kết
bên trong của những biến cố hiện hành, thấy trước cái chiều hướng,
quá trình diễn biến của nó, và tri giác không những như thế nào và
trong hướng nào mà chúng đang phát triển trong hiện tại, mà còn
như thế nào và theo hướng nào, mà chúng tất yếu sẽ phát triển trong
tương lai” (19). Tín đồ đích thực được động viên để nỗ lực làm cái
vô tiền lệ và cái bất-khả, không những bởi vì cái học thuyết [mà
anh ta tin tưởng] ban cho anh ta một cảm thức về sự vạn năng, mà
bởi vì nó còn cho anh ta niềm tự tin vô hạn vào tương lai. [Xem
tiết 4].
Một phong trào quần chúng năng động từ khước hiện tại và tập
trung sự quan tâm của nó vào tương lai. Chính là từ thái độ này mà
nó lấy sức mạnh của nó, bởi vì nó có thể đối xử một cách liều lĩnh
với hiện tại – với sức khỏe, tài sản và cuộc đời của những người
ủng hộ nó. Nhưng nó phải hành động như thể nó đã đọc cuốn sách
của tương lai cho đến chữ cuối cùng. Học thuyết của nó được công
bố như là một chìa khóa để mở cuốn sách đó.

59
Có phải những kẻ phẫn chí thì dễ bị “nhồi sọ” hơn những kẻ không
phẫn chí? Có phải họ cả-tin hơn? Pascal quan niệm rằng, “Người
ta dễ dàng hiểu “thánh kinh” khi người ta ghét bỏ chính
mình” (20). Rõ ràng, có sự liên hệ nào đó giữa sự bất mãn với chính
mình và một khuynh hướng cả-tin. Sự thúc giục trốn thoát khỏi cái
bản ngã thực của chúng ta, cũng là một thúc giục trốn thoát khỏi
cái hợp lý tính và cái hiển nhiên. Sự từ chối nhìn thấy chính mình
như chúng ta đang là, phát triển một sự ghét bỏ đối với những sự
kiện và với cái logic lạnh lùng. Không có niềm hy vọng nào cho
những kẻ phẫn chí trong cái “có thực” và cái khả-thi. Sự cứu rỗi
đến với họ chỉ từ cái mầu nhiệm, vốn thấm [rỉ] qua kẽ nứt trong
bức tường sắt của thực tại không thể lay chuyển. Họ yêu cầu được
ai đó lừa dối. Những gì mà Stresemann nói về nước Đức, thì cũng
đúng với những kẻ phẫn chí nói chung: “Họ cầu nguyện không chỉ
cho bánh mì hằng ngày, mà còn cho ảo-tưởng hằng ngày” (21). Có
vẻ như điều sau đây là quy luật: những ai không thấy khó khăn
trong việc tự lừa dối mình, thì dễ bị lừa gạt bởi kẻ khác. Họ dễ bị
thuyết phục và dễ bị dắt đi.
__________
 Holy writ: thánh kinh. Từ này, không viết hoa trong nguyên tác,
nên hình như nó không trỏ vào Thánh Kinh [Bible] của Ki-tô giáo,
mà nói về “thánh kinh” nói chung?

Một khía cạnh đặc trưng của sự cả-tin là, nó thường được kết nối
bởi một khuynh hướng mạo danh. Sự kết hợp của sự cả-tin và sự
dối trá, thì không phải là đặc tính của riêng trẻ con. Sự thiếu khả
năng và sự không sẵn lòng nhìn sự vật như chúng là, phát huy sự
cả-tin và sự bịp bợm.

SỰ CUỒNG TÍN
60
Trong tiết 1, chúng tôi đã gợi ý rằng, những phong trào quần chúng
thường cần thiết cho việc thực hiện những thay đổi mạnh mẽ và
bất ngờ. Có vẻ như kỳ lạ rằng, ngay cả những thay đổi thực tiễn và
đáng mơ ước – chẳng hạn như sự canh tân của những xã hội tù
đọng – sẽ đòi hỏi [cho sự thực hiện chúng] một bầu khí sục sôi
nhiệt huyết và sẽ phải được đi kèm bởi tất cả những khuyết điểm
và những cái dại dột [ngu xuẩn] của một phong trào quần chúng
năng động. Sự ngạc nhiên giảm xuống khi chúng ta nhận thức rằng,
mối quan tâm chính yếu của một phong trào quần chúng năng
động, là dần dần tạo ra trong những người đi theo nó một điều kiện
dễ dàng [facility] cho hành động hợp quần, bằng cách tước bỏ khỏi
mỗi cá thể sự độc đáo và sự tự-trị của y, và biến y thành một phân
tử vô danh, không có ý chí và sự phán đoán của riêng mình. Sự
tước bỏ ấy không những biến những kẻ đi theo thành một khối
quần chúng chặt chẽ và không sợ hãi, mà còn biến họ thành một
khối đồng-chủng, đàn hồi mà có thể được nhồi nặn tùy ý. Tính đàn
hồi của con người thì cần thiết cho sự thực hiện những thay đổi
mạnh mẽ và bất ngờ, và do vậy, có vẻ như là một phó-sản của quá
trình hợp nhất hóa và của sự “nhồi sọ” một sự sẵn sàng cho sự hy
sinh.
Điểm quan trọng là, sự “quay lưng khỏi” bản ngã – vốn là một điều
kiện tiên quyết cho cả tính đàn hồi lẫn sự chuyển đổi [conversion]
– hầu như luôn luôn tiến hành trong một bầu khí sục sôi nhiệt
huyết. Bởi vì, sự khơi dậy lòng nhiệt huyết không chỉ là một
phương tiện hữu hiệu để phá vỡ một thế quân bình được xác lập
giữa một người và bản ngã của anh ta, mà nó còn là phó-sản tất yếu
của một sự xáo trộn như thế. Lòng nhiệt huyết được phóng thích
ngay cả khi sự “quay lưng” với bản ngã được gây ra bởi phương
tiện ít có tính cảm xúc nhất. Chỉ có cá nhân nào mà đã “làm hòa
với” với bản ngã mình, thì mới có thể có thái độ “vô tư/khách quan”
đối với thế giới. Một khi sự hài hòa với bản ngã bị đảo lộn – và
một người bị buộc phải từ khước, từ bỏ, nghi ngờ hay quên đi cái
bản ngã của mình – thì anh ta trở thành một thực-thể có tính phản
ứng cao. Giống như một nguyên tố hóa học không ổn định, anh ta
khao khát được kết hợp với bất cứ cái gì đến trong tầm với của
mình. Anh ta không thể đứng riêng ra, quân bình và tự-đủ, mà phải
gắn chặt mình một cách toàn tâm toàn ý với phe này hay phe nọ.
Bằng cách nhen nhúm và quạt cho ngọn lửa nhiệt huyết bùng lên
trong trái tim những người đi theo chúng, những phong trào quần
chúng ngăn cản việc ổn định hóa một sự thăng bằng bên trong.
Chúng cũng sử dụng những phương tiện trực tiếp để tạo ra một “sự
quay lưng” bền vững đối với bản ngã. Chúng mô tả một hiện hữu
tự-trị, tự túc không chỉ như là cằn cỗi và vô nghĩa, mà còn như là
đồi trụy và xấu xa. Con người nào mà chỉ dựa vào chính mình, là
một sinh vật cô-thế, khốn khổ và tội lỗi. Sự cứu rỗi duy nhất của
anh ta đến từ việc khước-từ cái bản ngã của mình và tìm thấy một
cuộc sống mới trong “bầu vú” của một tập thể thiêng liêng, chặt
chẽ – bất luận nó là một giáo hội, một dân tộc hay một đảng phái.
Đến lượt nó, việc phỉ báng cái bản ngã giữ cho lòng nhiệt huyết
luôn sôi sục.

61
Kẻ cuồng tín thì mãi mãi bất an và không hoàn chỉnh. Y không thể
làm phát sinh lòng tự tin từ những tài nguyên cá nhân của mình –
từ cái bản ngã bị từ-khước của mình – nhưng tìm thấy nó [lòng tự
tin] chỉ bằng cách níu chặt vào bất cứ cái chỗ dựa nào mà y tình cờ
ôm choàng lấy. Sự luyến chấp mạnh mẽ là yếu tính của sự tận tụy
và tính tôn giáo của y, và y thấy trong nó cái nguồn gốc của toàn
bộ đức hạnh và sức mạnh. Mặc dù sự tận tụy của y là một sự bám
víu vào cuộc sống thân yêu, nhưng y dễ dàng thấy mình là kẻ đang
ủng hộ và bảo vệ cái “sự nghiệp thần thánh” mà y đang bám víu
vào. Và y sẵn sàng hy sinh đời mình để tự chứng minh với chính
mình và những người khác rằng, đó quả thực là vai trò của mình.
Y hy sinh đời mình để chứng tỏ giá trị của mình.
Hiển nhiên là, kẻ cuồng tín xác tín rằng, cái sự nghiệp mà y níu
vào là bền vững và vĩnh cửu – một viên đá tảng của những thời đại.
Tuy nhiên, cảm thức của y về sự an ninh thì xuất phát từ sự luyến
chấp cuồng nhiệt, chứ không phải từ sự hoàn hảo ưu việt của cái lý
tưởng của y. Kẻ cuồng tín, thực sự là một kẻ bám chặt vào nguyên
tắc. Y ôm choàng lấy một “lý tưởng,” chủ yếu không phải vì sự
công chính và sự thánh thiện của nó, mà bởi vì y hết sức cần có
một cái gì đó để níu vào. Quả vậy, thường khi, chính nhu cầu về
một sự đeo níu mãnh liệt, là cái biến mọi sự nghiệp mà y ôm
choàng thành một “sự nghiệp thần thánh.”
Người ta không thể làm cho kẻ cuồng tín dứt bỏ lý tưởng của mình
bằng cách kêu gọi đến lý tính của y, hay ý thức đạo đức của y. Y
sợ sự giảm sút niềm tin, và không ai có thể thuyết phục y chứng
minh sự xác thực và sự đúng đắn của cái “sự nghiệp thần thánh”
của y. Nhưng y không thấy sự khó khăn nào trong việc đong đưa
một cách đột ngột và cuồng nhiệt từ một “sự nghiệp thần thánh”
này sang một “sự nghiệp thần thánh” nọ. Y không thể bị thuyết
phục, mà chỉ có thể bị “chuyển đổi.” Sự đeo níu mãnh liệt của y,
thì quan trọng hơn tính chất của cái sự nghiệp mà y đeo níu vào.

62
Mặc dù họ có vẻ ở những cực đối nghịch nhau, nhưng những kẻ
cuồng tín đủ loại thì thực sự tụ họp lại cùng nhau ở một phía. Chính
kẻ cuồng tín và kẻ “ôn hòa,” mới là ở hai thái-cực khác nhau, và
không bao giờ gặp nhau. Những kẻ cuồng tín đủ mọi sắc độ, nhìn
nhau với sự nghi ngờ và sẵn sàng “bay vào cổ họng” nhau. Nhưng
họ là những kẻ láng giềng, và hầu như cùng một gia đình. Họ ghét
nhau với sự ghét bỏ của những người anh em. Họ cách biệt nhau
và gần gũi nhau như Saul và Paul. Và một kẻ cuồng tín Cộng sản
dễ được chuyển đổi sang chủ nghĩa Phát-xít, chủ nghĩa sô-vanh
hay Công giáo, hơn là trở thành một kẻ có quan điểm tự do ôn
hòa. (22)
Kẻ đối lập của kẻ cuồng tín tôn giáo không phải là kẻ cuồng tín vô
thần, mà là kẻ cynic ôn hòa, vốn không quan tâm về việc có một
Thượng đế hay không. Kẻ vô thần là một con người “tôn giáo.”
Anh ta tin vào vô thần luận như thể nó là một tôn giáo mới (23).
Anh ta là một kẻ vô thần với “lòng mộ đạo” và nhiệt huyết. Theo
Renan, thì “Cái ngày khi mà thế giới sẽ không còn tin vào Thượng
đế, thì những kẻ vô thần sẽ là những kẻ khốn khổ nhất trong mọi
con người” (24). Do vậy, đối lập với kẻ vô-vanh chủ nghĩa, không
phải là một kẻ phản quốc, mà là một công dân chừng mực, anh ta
yêu mến hiện tại và không thích sự “tử vì đạo” và cử chỉ anh hùng.
Kẻ phản bội [traitor] thường là một kẻ cuồng tín – cấp tiến hay
phản động – anh ta đầu quân sang phía kẻ thù để đẩy nhanh sự sụp
đổ của cái thế giới mà anh ta ghê tởm. Phần lớn những kẻ phản bội
trong Thế chiến II đến từ nhánh cực hữu. “Dường như có một
đường ranh giới mỏng manh giữa chủ nghĩa dân tộc cực đoan bạo
động với sự phản quốc [treason].” (25)
__________
 Cynic: Kẻ hoài nghi; kẻ theo chủ nghĩa hoài nghi.

Mối quan hệ họ hàng giữa kẻ phản động và kẻ cấp tiến đã được


thảo luận ở tiết 52. Tất cả chúng ta, đã sống qua thập niên Hitler,
biết rằng, kẻ phản động và kẻ cấp tiến có nhiều cái chung, so với
với những cái chung mà họ có với kẻ có khuynh hướng tự do hay
kẻ bảo thủ.

63
Thật đáng hoài nghi, liệu kẻ cuồng tín mà từ bỏ “lý tưởng thần
thánh” của y – hoặc bất ngờ bị bỏ lại, mà không có một “lý tưởng
thần thánh” – có bao giờ có thể tự thích nghi với một hiện hữu cá
nhân tự-trị hay không. Anh ta sẽ vẫn cứ là một kẻ không nhà, đi
quá giang trên những xa lộ của thế giới, quá giang một chuyến trên
bất cứ lý tưởng vĩnh cửu nào mà “lăn” qua đó. Đối với kẻ cuồng
tín, thì một hiện hữu cá nhân, ngay cả khi có mục đích, đều có vẻ
như vặt vãnh, vô dụng, và tội lỗi. Sống mà không có sự hiến thân
cuồng nhiệt, là trôi dạt và bị bỏ rơi. Y thấy trong sự khoan dung
một dấu hiệu của sự yếu đuối, sự vớ vẩn và sự ngu dốt. Y khao
khát sự bảo đảm sâu xa vốn đến từ sự từ-bỏ toàn diện – với sự đeo
níu toàn tâm toàn ý vào cái tín điều và một lý tưởng. Cái quan
trọng, không phải là nội dung của cái lý tưởng, mà là sự hiến dâng
toàn bộ và sự hội-thông toàn bộ với một cộng đồng. Thậm chí, y
sẵn sàng gia nhập một cuộc thánh chiến chống lại cái “lý tưởng
thần thánh” trước kia của mình, nhưng nó phải là một cuộc “thánh
chiến” đích thực – không thỏa hiệp, bất khoan dung, công bố cái
chân lý, chân lý duy nhất.
Như thế, hàng triệu những kẻ cuồng tín trước đây trong nước Đức
và nước Nhật bại trận, thì dễ đáp ứng hơn trước sự rao giảng của
chủ nghĩa Cộng sản và Ki-tô giáo hiếu chiến; trái lại, học thuyết về
lối sống dân chủ không dễ “lọt vào tai” họ. Thành công lớn hơn
của tuyên truyền Cộng sản trong trường hợp này, thì không phải là
do kỹ thuật ưu việt của nó, mà do cái khuynh hướng đặc thù của
những người Đức và những người Nhật, xưa kia họ đã từng là
những kẻ cuồng tín. Những phát ngôn viên của dân chủ không cung
ứng một “lý tưởng thần thánh” nào để cá nhân đeo níu vào, và một
tổ chức chặt chẽ nào để cá nhân tự đánh mất mình trong đó. Nước
Nga Cộng sản có thể dễ dàng biến những tù nhân chiến tranh Nhật
thành những người Cộng sản cuồng tín, trong khi không có tuyên
truyền Mỹ nào, dù tinh vi và hoàn hảo đến đâu, có thể biến họ thành
những người dân chủ yêu tự do.

NHỮNG PHONG TRÀO QUẦN CHÚNG VÀ QUÂN ĐỘI.


64
Ở điểm này, trước khi rời đề tài hy sinh, cũng cần có một cái nhìn
về những tương tự và khác biệt giữa những phong trào quần chúng
và những đội quân – một vấn đề mà đã xuất hiện trong tiết 35 và
47.
Những tương tự thì nhiều: cả hai đều là những tổ chức tập thể; cả
hai đều tước bỏ khỏi cá nhân sự tách rời và tính riêng biệt của anh
ta; cả hai đều đòi hỏi sự hy sinh, sự tuân phục không nghi vấn và
sự trung thành toàn tâm toàn ý; cả hai đều sử dụng rộng rãi sự giả
vờ để phát huy sự liều lĩnh và hành động hợp quần [xem tiết 47];
và cả hai đều đóng vai trò của một nơi trú ẩn cho kẻ phẫn chí, vốn
không thể chịu đựng một hiện hữu độc lập, tự-trị. Một tổ chức quân
sự, chẳng hạn như Chí nguyện quân Viễn chinh, lôi kéo nhiều trong
số những loại người vốn thường lao vào gia nhập một phong trào
mới. Cũng đúng rằng, viên sĩ quan tuyển quân, người Cộng sản
kích động quần chúng, và kẻ truyền giáo, thường “câu cá” một cách
đồng thời trong những hố phân dơ bẩn của khu Skid Row.
__________
 Skid Row: Khu vực tụ họp bọn rượu chè lưu manh.

Nhưng những khác biệt là nền tảng: một quân đội không thể thỏa
mãn nhu cầu về một lối sống mới; nó không phải là một con đường
đi tới sự cứu rỗi. Nó có thể được dùng như là một cây gậy trong
bàn tay của một kẻ cưỡng bức, để áp đặt một lối sống mới và ấn nó
xuống những cổ họng miễn cưỡng. Nhưng quân đội chủ yếu là một
công cụ được chế tác để duy trì hoặc bành trướng một trật tự đã
được xác lập – cũ hay mới. Nó là một công cụ tạm thời, mà có thể
được ráp lại hay tháo ra tùy ý. Trái lại, một phong trào quần chúng
dường như là một công cụ của vĩnh cửu, và những ai tham gia nó,
làm như thế suốt đời. Một kẻ trước đây là binh sĩ, vẫn mãi là một
cựu chiến binh, thậm chí, một anh hùng; một kẻ trước đây là một
“tín đồ đích thực,” vẫn mãi là một kẻ bội giáo. Quân đội là một
công cụ để nâng đỡ, che chở và bành trướng hiện tại. Phong trào
quần chúng đến để phá hủy hiện tại. Nó chỉ quan tâm đến tương
lai, và nó thu nhận khí lực và động lực của nó từ mối bận tâm này.
Khi một phong trào quần chúng bắt đầu bận tâm với hiện tại, thì
có nghĩa là, nó “đã tới đích.” Lúc đó, nó thôi không còn là một
phong trào, và trở thành một định chế, một tổ chức – một giáo hội,
một chính phủ, hay một đội quân [binh sĩ hay công nhân]. Quân
đội nhân dân, thường là thành phẩm của một phong trào quần
chúng, lưu giữ nhiều trong số những “vật trang trí”  của phong
trào – ngôn ngữ “ngoan đạo” rườm rà, những khẩu hiệu, những
biểu tượng thiêng liêng; nhưng giống như bất cứ đội quân nào
khác, nó được kết dính lại với nhau không phải bởi đức tin và lòng
nhiệt huyết, cho bằng bởi cơ chế lạnh lùng của sự diễn tập, tinh
thần đồng đội, và sự cưỡng bức. Chẳng bao lâu, nó đánh mất vẻ
khổ hạnh và nhiệt huyết của một công đồng thiêng liêng, và phô
bày cái sự huyên náo và sở thích đối với những niềm vui của hiện
tại, vốn là đặc tính của mọi đội quân.
__________
 Trappings

Là một công cụ của hiện tại, một đội quân xử lý chủ yếu cái khả-
thi. Những lãnh tụ của nó không nương dựa vào những phép mầu.
Ngay cả khi được kích động bởi đức tin nồng nàn, thì họ vẫn dễ
dàng thỏa hiệp. Họ cân nhắc khả-tính của chiến bại, và biết cách
đầu hàng. Trái lại, lãnh tụ của một phong trào quần chúng có một
sự khinh bỉ to lớn đối với hiện tại – đối với tất cả những sự kiện và
rắc rối không thể vượt qua của nó, ngay cả những bất lợi về địa lý
và thời tiết. Ông ta nương tựa vào những phép mầu. Sự thù ghét
của ông ta đối với hiện tại, [chủ nghĩa hư vô của ông] trở nên cực
kỳ dữ dội khi tình huống trở nên tuyệt vọng. Ông ta thà hủy diệt
đất nước và nhân dân mình hơn là đầu hàng.
Tinh thần hy sinh quên mình bên trong một đội quân, thì được vun
đắp bởi sự tận tụy với bổn phận, sự giả vờ, tinh thần đồng đội, sự
diễn tập, đức tin vào lãnh tụ, vào tinh thần thượng võ, tinh thần
mạo hiểm và ước mơ về sự vinh quang. Những yếu tố này – không
giống như những yếu tố được sử dụng bởi một phong trào quần
chúng – không xuất phát từ một sự phê phán nhắm vào hiện tại và
sự ghê tởm đối với một bản ngã vô dụng. Do vậy, chúng có thể
biểu hiện ra trong một bầu khí ôn hòa. Người lính cuồng tín thường
vốn là một kẻ cuồng tín, rồi sau đó mới trở thành người lính, hơn
là ngược lại. Tinh thần hy sinh quên mình của một đội quân thì
được diễn đạt một cách cao cả nhất trong những lời mà Sarpedon
nói với Glaucus khi họ tập kích vào bức tường của Hy Lạp: “Hỡi
bạn tôi, nếu chúng ta, khi rời bỏ cuộc chiến này, có thể thoát khỏi
tuổi già và cái chết, thì tôi sẽ không đang chiến đấu ở đây, trong
đoàn quân tiên phong; nhưng bây giờ, bởi vì nhiều hình thái của sự
chết đang treo lơ lửng trên đầu chúng ta, mà không ai có hy vọng
trốn tránh, thì chúng ta hãy nhường tiếng thơm cho những người
khác, hay giành lấy nó cho chính chúng ta.” (26)
Sự khác biệt rõ nét nhất giữa những phong trào quần chúng và
những đội quân, là thái độ của chúng đối với đám đông và đám
“tiện dân.” De Tocqueville quan sát thấy rằng, những người lính là
“những người mà đánh mất đầu óc của họ một cách dễ dàng nhất,
và thường chứng tỏ mình yếu nhất vào những ngày của cách
mạng” (27). Đối với vị tướng tiêu biểu, thì quần chúng là một cái
gì đó mà quân đội ông trở thành, nếu nó phải tan rã ra từng mảnh.
Ông ta nhận biết nhiều về sự không trung thành của quần chúng và
khuynh hướng “vô chính phủ” của họ, hơn là [nhận biết về] sự sẵn
sàng của họ cho sự hy sinh quên mình. Ông ta thấy họ [quần chúng]
như là cái thành phẩm độc hại của một tổ chức tập thể đang sụp đổ,
hơn là cái nhiên liệu cho một thế giới mới. Ông ta biết cách đàn áp
quần chúng nhưng không biết cách thu phục họ. Trái lại, vị lãnh tụ
của phong trào quần chúng – từ Moses cho tới Hitler – đều lấy cảm
hứng từ đại dương của những khuôn mặt ngước lên, và tiếng gào
thét của quần chúng là tiếng nói của Thượng đế trong tai ông ta.
Ông ta thấy một sức mạnh vô địch đang ở trong tầm với của mình
– một lực lượng mà chỉ mình ông ta có thể tận dụng. Và với sức
mạnh này, ông ta sẽ quét sạch những đế quốc và những đội quân
và toàn bộ cái hiện tại hùng mạnh. Khuôn mặt của quần chúng là
“khuôn mặt của đại dương, ” mà từ đó, giống Thượng đế trong
ngày sáng thế, ông ta sẽ mang đến một thế giới mới.

=========
(1). See more on this subject in Section 90.
(2). Christopher Burney, The Dungeon Democracy (New York:
Duell, Sloan & Pearce, 1946), p. 147. See also on the same subject
Odd Nansen, From Day To Day (New York: G. P. Putnam’s Sons,
1949), p. 335; also Arthur Koestler, The Yogi and the Commissar
(New York: Macmillan Company, 1945), p. 178.
(3). For another view of the subject, see Section 20.
(4). Ernest Renan, History of the People of Israel (Boston: Little,
Brown & Company, 1888–1896), Vol. Ill, p. 416.
(5). John Buchan, Pilgrim’s Way (Boston: Houghton Mi􀁁in
Company, 1940), p. 183.
(6). Ecclesiastes 1:10.
(7). Ibid., 1:9.
(8). Ibid., 9:4, 5, 6.
(9). There is an echo of this disconcerting truth in a letter from
Norway written at the time of the Nazi invasion: “The trouble with
us is that we have been so favored in all ways that many of us have
lost the true spirit of self-sacrifice. Life has been so pleasant to a
great number of people that they are unwilling to risk it seriously.”
Quoted by J. D. Barry in the San Francisco News, June 22, 1940.
(10). I Corinthians 1:28.
(11). Job 2:4.
(12). Luther, “Table Talk, Number 1687.” Quoted by Frantz
Funck-Brentano, Luther (London: Jonathan Cape, Ltd., 1939), p.
246.
(13). Henri L. Bergson, The Two Sources of Morality and
Religion (New York: Henry Holt & Company, 1935).
(14). Pascal, Pensées.
(15). Thomas a Kempis, Of The Imitation of Christ (New York:
Macmillan Company, 1937), Chap. III.
(16). Pascal, op. cit.
(17). Konrad Heiden, Der Fuehrer (Boston: Houghton Mi􀁁in
Company, 1944), p. 758.
(18). Pascal, op. cit.
(19). History of the Communist Party (Moscow, 1945), p. 355.
Quoted by John Fischer, Why They Behave Like Russians (New
York: Harper & Brothers, 1947), p. 236.
(20). Quoted by Emile Cailliet, The Clue to Pascal (Toronto:
Macmillan Company, 1944).
(21). Quoted by Michael Demiashkevich, The National Mind
(New York: American Book Company, 1938), p. 353.
(22). See examples in Section 14.
(23). Fëdor Dostoyevsky, The Idiot, Part IV, Chap. 7.
(24). Ernest Renan, op. cit., Vol. V., p. 159.
(25). Harold Ettlinger, The Axis on the Air (Indianapolis: Bobbs-
Merrill Company, 1943), p. 39.
(26). Homer, Iliad.
(27). Alexis de Tocqueville, Recollections (New York: Macmillan
Company, 1896), p. 52.
CHƯƠNG XIV
NHỮNG TÁC NHÂN TẠO RA SỰ ĐOÀN KẾT HỢP NHẤT.

SỰ THÙ HẬN
65
Sự thù hận là tác nhân dễ tiếp cận và bao quát nhất trong tất
cả những tác nhân tạo ra sự đoàn kết. Nó lôi cuốn và kéo cá nhân
ra khỏi cái bản ngã của chính mình, khiến cho anh ta quên đi niềm
hạnh phúc và tương lai của anh ta, và giải thoát anh ta khỏi những
ganh tỵ và việc tìm kiếm tư lợi. Anh ta trở nên một phân-tử vô danh
run rẩy với một khát khao muốn tan chảy và hợp nhất với những
kẻ giống mình vào trong một khối rực lửa. Heine gợi ý rằng, cái
mà tình yêu Ki-tô giáo không thể làm, là bị tác động bởi một sự
thù hận chung. (1)
Những phong trào quần chúng có thể nổi lên và lan rộng mà không
có niềm tin vào một Thượng đế, nhưng không bao giờ không có
niềm tin vào một tên quỷ sứ. Thường khi, sức mạnh của một phong
trào quần chúng thì tỷ lệ thuận với sự sống động và sự sờ mó được
của tên quỷ sứ của nó. Khi Hitler được hỏi, ông có nghĩ rằng người
Do Thái phải bị tiêu diệt hay không, thì ông trả lời: “Không… Nếu
tiêu diệt họ, thì rồi, chúng ta cũng phải phát minh ra họ. Thật là cốt
yếu để có một kẻ thù sờ mó được, chứ không phải chỉ là một kẻ
thù trừu tượng” (2). F. A. Voigt kể về một phái bộ Nhật đến Berlin
vào năm 1932, để nghiên cứu phong trào Đức Quốc Xã. Voigt hỏi
một thành viên của phái bộ, anh ta nghĩ gì về phong trào. Anh ta
đáp: “Nó thật ấn tượng. Tôi mong ước chúng ta có thể có một cái
gì đó giống như nó tại Nhật, chỉ có điều là chúng ta không thể, bởi
vì chúng ta không có người Do Thái nào cả.” (3). Có lẽ, cũng đúng
rằng, sự khôn khéo và thủ đoạn của những người biết cách khởi
động một phong trào – hay biết cách giữ cho một phong trào diễn
tiến – nằm ở chỗ, họ biết cách “nhặt lên” một kẻ thù xứng đáng,
cũng như ở chỗ họ biết phải cổ xúy học thuyết nào và phải áp dụng
chương trình nào. Những lý thuyết gia của Kremlin hầu như không
chờ đợi tiếng súng của Thế chiến II ngừng lại mới chọn phương
Tây Dân chủ, và nhất là Hoa Kỳ, như là kẻ thù. Thật đáng ngờ, liệu
cử chỉ thiện chí hay nhượng bộ nào từ phe chúng ta, sẽ thu hẹp cái
dung lượng và lòng thù hận, sự phỉ báng chống lại chúng ta phát
xuất từ Kremlin.
Một trong những khuyết điểm trầm trọng nhất của Tưởng Giới
Thạch, là sự thất bại của ông trong việc tìm ra một tên quỷ sứ thích
hợp mới, một khi kẻ thù Nhật biến mất khỏi hiện trường, lúc chiến
tranh kết thúc. Vị Tướng nhiều tham vọng nhưng “ngây thơ” này,
có lẽ, quá quy-ngã để nhận thức rằng, không phải ông ta, mà quỷ
sứ Nhật, là kẻ làm phát sinh lòng nhiệt huyết, sự đoàn kết và sự sẵn
sàng hy sinh của quần chúng Trung Quốc.
66
Sự thù hận chung liên kết những yếu tố hỗn tạp nhất. Chia sẻ một
mối thù hận chung, thậm chí, với một kẻ thù, là gây cho anh ta một
cảm thức về họ hàng, và như thế, xói mòn sức kháng cự của anh
ta. Hitler dùng chủ nghĩa bài Do Thái không chỉ để liên kết những
người Đức, mà còn để xói mòn sự kiên quyết của những nước ghét
Do Thái: Ba Lan, Rumania, Hungary, và sau cùng, ngay cả Pháp.
Ông cũng sử dụng chủ nghĩa chống Cộng một cách tương tự.

67
Có vẻ như, giống như một vị thần lý tưởng, thì tên quỷ sứ lý tưởng
phải là độc nhất, vô nhị. Hitler – kẻ lão luyện hàng đầu về việc sử
dụng “quỷ sứ” – nói rằng, thiên tài của một lãnh tụ vĩ đại nằm ở
chỗ, ông ta biết tập trung toàn bộ sự thù hận lên một kẻ thù duy
nhất, và làm cho ngay cả những đối thủ rất khác biệt nhau, có vẻ
như thuộc về cùng một phạm trù” (4). Khi Hitler chọn người Do
Thái như là quỷ sứ của mình, thì ông ta đồng nhất hầu như toàn thế
giới bên ngoài nước Đức với dân Do Thái (hoặc những ai làm việc
cho họ). “Đứng đằng sau nước Anh, là Israel, và đằng sau nước
Pháp, và đằng sau Hoa Kỳ....” (5). Stalin, nữa, cũng chọn một “tên
quỷ sứ” duy nhất làm kẻ thù. Trước kia, tên quỷ sứ là một kẻ Phát-
xít; bây giờ, hắn là một nhà tài phiệt Hoa Kỳ.
Một lần nữa, giống như một vị thần lý tưởng, thì tên quỷ sứ lý
tưởng phải toàn năng và có mặt khắp mọi nơi. Khi Hitler được hỏi,
liệu ông có đang gán quá nhiều tầm quan trọng cho những người
Do Thái hay không, thì ông kêu lên: “Không, không, không! Thật
khó mà diễn tả đầy đủ cái tính chất kinh khủng [đáng sợ] của người
Do Thái như là một kẻ thù”(6). Mọi khó khăn và thất bại bên trong
phong trào là đều do tên quỷ sứ đó, và mọi thành công, là một thắng
lợi đối với mưu đồ xấu xa của hắn (7). Sau cùng, có vẻ như, tên
quỷ sứ lý tưởng phải là một người nước ngoài. Để đủ điều kiện như
là một tên quỷ sứ, thì kẻ thù “nội địa” phải được gán cho một dòng
dõi ngoại bang. Hitler thấy dễ dàng “dán nhãn” cho những người
Đức gốc Do Thái như là những người nước ngoài. Những kẻ sách
động của Cách mạng Nga nhấn mạnh nguồn gốc ngoại bang
[Varyag, Tartar, phương Tây] của giới quý tộc Nga (8). Trong
Cách mạng Pháp, thì những nhà quý tộc được xem như là “những
hậu duệ của bọn người Đức mọi rợ, trong khi những người bình
dân Pháp là hậu duệ của những người Gauls và La Mã văn
minh”(9). Trong Cách mạng Thanh giáo, thì những người theo phái
bảo hoàng “được dán nhãn là những người Norman, hậu duệ của
một nhóm ngoại bang xâm lược.” (10)

68
Khi chúng ta yêu thương, chúng ta thường không tìm kiếm những
đồng minh. Quả vậy, khi ta và ai đó cùng yêu một người, thì ta
thường xem người đó là “địch thủ” và “kẻ xâm phạm.” Nhưng
chúng ta luôn luôn tìm kiếm đồng minh khi chúng ta thù hận.
Thật có thể hiểu được rằng, chúng ta [thường] tìm kiếm những
người khác để lôi họ vào phe mình, khi chúng ta có một mối bất
bình chính đáng và khao khát trả thù những ai làm hại chúng ta.
Cái điều khó hiểu là, khi sự thù hận của chúng ta không bắt nguồn
từ một mối bất bình khả thị, và có vẻ không được biện minh, thì
cái ước mơ có đồng minh lại càng trở nên bức xúc. Chính những
mối thù hận “vô lý,” là cái thúc đẩy chúng ta hợp nhất với những
ai thù hận như chúng ta, và chính loại thù hận này đóng vai một
trong những tác nhân tạo ra sự kết dính một cách hữu hiệu nhất.
__________
 Visible.

Những thù hận vô lý này đến từ đâu, và tại sao chúng có tác dụng
gây ra sự đoàn kết? Chúng biểu thị một nỗ lực tuyệt vọng trong
việc đè nén một sự nhận biết về sự bất cập của chúng ta, về sự vô
giá trị, về cảm thức tội lỗi và những khiếm khuyết khác của bản
ngã. Sự tự-khinh [self-contempt] ở đây được chuyển đổi thành sự
thù ghét kẻ khác – và có một nỗ lực kiên quyết và dai dẳng nhất để
ngụy trang sự chuyển đổi này. Hiển nhiên là, cái cách hữu hiệu
nhất để làm việc này, là tìm thấy những người khác, càng nhiều
càng tốt, những người cùng thù hận như chúng ta. Ở đây, hơn bất
cứ nơi nào khác, chúng ta cần một sự đồng ý chung; và có lẽ, chúng
ta mong muốn truyền đạt tới những người khác cái sự thù hận vô
lý của chúng ta, hơn là [muốn truyền đạt tới họ] cái đức tin của
mình.
Ngay cả trong trường hợp của một mối bất bình chính đáng, thì, về
cơ bản, sự thù hận của chúng ta không phát sinh từ một sự tổn
thương mà chúng ta phải chịu; đúng hơn, sự thù hận đó phát sinh
từ ý thức về sự cô thế của chúng ta, sự bất cập và sự hèn nhát của
chúng ta – nói khác đi, từ sự tự-khinh. Khi chúng ta cảm thấy mình
“cao hơn” những kẻ tra tấn, thì có khả năng là chúng ta sẽ khinh bỉ
họ, thậm chí, thương hại họ, nhưng lại không thù ghét họ (11). Sự
thù hận thì không luôn nhằm chống lại những kẻ đã làm hại chúng
ta; điều đó cho thấy rằng, mối quan hệ giữa sự bất bình và sự thù
hận là không đơn giản và trực tiếp. Thường thường, khi chúng ta
bị làm hại bởi một người, thì chúng ta quay sự thù hận của mình
sang một người hay nhóm hoàn toàn không liên quan. • Những
người Nga, bị bắt nạt bởi cảnh sát mật vụ của Stalin, thì dễ dàng
điên tiết chống lại “những kẻ gây chiến tư bản chủ nghĩa”; những
người Đức, đau khổ vì hiệp ước Versailles, tự trả thù bằng cách
tiêu diệt những người Do Thái; những người Zulu, bị đàn áp bởi
những người Boer, tàn sát những người Hindu; những người da
trắng tồi tàn, bị bóc lột bởi những người Dixiecrat, hành hình
những người Da đen.
__________
• Tục ngữ Việt Nam: “Giận cá, chém thớt.”

Sự tự-khinh tạo ra trong con người “những cơn phẫn nộ vô lý và


vô đạo đức nhất có thể tưởng tượng được, bởi vì anh ta có một mối
thù hận ghê gớm chống lại cái sự thật vốn trách cứ anh ta và gây
cho anh ta sự xác tín về khuyết điểm của mình. (12)

69
Sự kết nối thâm tình giữa thù hận và một lương tâm tội lỗi, cho
thấy rằng, về cơ bản, sự thù hận bắt nguồn từ sự tự-khinh, hơn là
từ một mối bất bình chính đáng. Có lẽ, không có cách nào chắc
chắn hơn để gây cho một cá nhân một mối thù hận dữ dội đối với
một người khác, hơn là bằng cách bắt anh ta phải chịu một sự bất
công nghiêm trọng. Chúng ta thù ghét một người nhiều hơn, khi
người ấy có một mối bất bình đối với chúng ta, so với khi chúng ta
có một mối bất bình đối với người ấy. Khi chúng ta chỉ ra cho một
người [thấy] cái tội lỗi của anh ta và khiến anh ta tự xấu hổ về
chính mình, thì việc ấy không khiến cho anh ta khiêm cung và nhu
mì. Có khả năng là, chúng ta khơi dậy sự kiêu ngạo của anh ta và
khơi dậy trong anh ta một sự gây hấn liều lĩnh. Việc tự cho mình
là chính trực, là một tiếng ồn ầm ĩ, được tạo ra để át đi tiếng nói
của tội lỗi bên trong chúng ta.
Nằm đằng sau mọi lời nói và hành vi trắng trợn – và đằng sau mọi
biểu hiện để tỏ ra mình là người chính trực – luôn luôn có một
lương tâm tội lỗi.

70
Làm hại những ai mà chúng ta căm ghét, là thêm nhiên liệu vào sự
thù hận của chúng ta. Ngược lại, đối xử với kẻ thù một cách độ
lượng và cao thượng, tức là làm cùn nhụt đi sự thù hận của chúng
ta đối với kẻ thù.

71
Cách hữu hiệu nhất để “làm câm miệng” cái lương tâm tội lỗi của
chúng ta, là tự thuyết phục mình và kẻ khác rằng, những ai bị chúng
ta làm hại, quả thực họ là những sinh vật đồi bại, xứng đáng với
mọi sự trừng phạt, ngay cả sự diệt trừ. Chúng ta không thể thương
hại những ai mà chúng ta đã làm hại, chúng ta cũng không thể
“trung tính” với họ. Chúng ta phải thù ghét và ngược đãi họ, hoặc
để ngỏ cánh cửa của sự tự-khinh.

72
Một tôn giáo cao cả [sublime] tất yếu làm phát sinh một cảm nhận
mạnh mẽ về tội lỗi. Có một tương phản không thể tránh giữa sự
cao cả của đức tin và sự bất toàn của việc thực hành đức tin đó. Và,
như người ta thường tin tưởng, cảm nhận về tội lỗi đẩy mạnh sự
thù ghét và sự trơ trẽn [vô liêm sỉ]. Như thế, dường như đức tin
càng cao cả, thì sự thù hận mà nó nuôi dưỡng, càng dữ dội. 
__________
 Hình như nhận xét này chỉ đúng với “tín đồ” đích thực, một kẻ
cuồng tín?

73
Dễ dàng căm ghét một kẻ thù với nhiều cái tốt trong hắn ta, hơn là
một kẻ thù hoàn toàn xấu. Chúng ta không thể căm ghét những ai
mà chúng ta khinh bỉ. Người Nhật có một thuận lợi hơn chúng ta,
ở chỗ, họ ngưỡng mộ chúng ta hơn chúng ta ngưỡng mộ họ. Họ có
thể căm ghét chúng ta dữ dội hơn là chúng ta có thể căm ghét họ.
Người Mỹ là những người “không biết cách căm ghét” trong những
vụ việc quốc tế, do cái cảm nhận về sự tự tôn bẩm sinh của họ đối
với những người nước ngoài. Sự thù ghét của một người Mỹ đối
với một người Mỹ đồng hương [đối với Hoover hay Roosevelt] thì
dữ dội hơn nhiều, so với bất cứ ác cảm nào mà anh ta có thể có đối
với những người nước ngoài. Thật đáng lưu ý rằng, miền Nam
chậm tiến cho thấy nhiều khuynh hướng bài ngoại hơn phần còn
lại của đất nước. Nếu những người Mỹ bắt đầu căm ghét những
người nước ngoài một cách không đội trời chung, thì đó sẽ là một
chỉ định rằng, họ đã đánh mất lòng tự tin vào lối sống của chính
họ.
Cái dòng nước ngầm của sự ngưỡng mộ [tiềm ẩn] trong sự thù hận,
tự biểu lộ trong khuynh hướng bắt chước những ai mà chúng ta
căm ghét. Như thế, mọi phong trào quần chúng tự định hình chính
mình theo cái tên quỷ sứ đặc thù của nó. Ki-tô giáo, ở đỉnh cao của
nó, đạt tới hình ảnh của Kẻ Chống Chúa. Những người Jacobins
thực hiện mọi cái xấu xa của sự độc tài mà họ đứng lên để chống
lại. Nước Nga Sô-viết thì đang làm theo tấm gương của chủ nghĩa
tư bản độc quyền. Hitler lấy Những nghi thức của Hiền nhân của
chủ nghĩa Phục quốc Do Thái làm sách hướng dẫn và sách giáo
khoa của ông; ông làm theo chúng “xuống tận từng chi tiết.”(13)
Thật đáng ngạc nhiên khi thấy, như thế nào mà những kẻ bị áp bức
hầu như luôn luôn tự định hình chính họ theo hình ảnh của những
kẻ áp bức họ, mà họ thù ghét. Những ai mà có lý do để căm ghét
cái xấu ác, phần lớn họ tự định hình chính họ theo nó và như thế,
duy trì nó lâu dài; sự kiện đó, một phần nào cắt nghĩa tại sao, mặc
dù họ chống lại một cái xấu ác, nhưng họ vẫn nuôi dưỡng cái xấu
ác. Do vậy, hiển nhiên là, ảnh hưởng của kẻ cuồng tín thì nhất thiết
phải không tương xứng với với những năng lực của y. Cả bằng
cách “chuyển đổi” [convert] lẫn kích động sự chống đối, y định
hình thế giới theo hình ảnh của chính mình. Ki-tô giáo cuồng tín
đặt cái dấu ấn của nó lên thế giới cổ đại, cả bằng cách chinh phục
trái tim của những kẻ trung thành, lẫn bằng cách khơi dậy trong
những đối thủ “ngoại đạo” [pagan] của nó một nhiệt huyết kỳ lạ và
một sự tàn nhẫn mới. Hitler tự áp đặt lên thế giới, cả bằng cách
phát huy chủ nghĩa Quốc Xã, lẫn bằng cách ép buộc những chính
quyền dân chủ trở nên cuồng tín, bất khoan dung và tàn nhẫn. Nước
Nga Cộng sản định hình cả những kẻ trung thành lẫn những đối thủ
của nó theo hình ảnh của chính nó.
Như thế, mặc dù sự thù hận là một công cụ tiện lợi để huy động
một cộng đồng cho việc tự vệ, thì về lâu về dài, cái giá của nó là
không rẻ. Chúng ta trả giá cho nó, bằng cách đánh mất tất cả hay
nhiều trong số những giá trị mà chúng ta bắt tay vào để bảo vệ.
Cảm nhận được dòng nước ngầm của sự ngưỡng mộ trong sự thù
hận, Hitler rút ra một kết luận đáng chú ý. Ông nói, thật vô cùng
quan trọng rằng, đảng viên Quốc Xã phải tìm kiếm và xứng đáng
với sự thù hận mãnh liệt của kẻ thù của anh ta. Sự thù hận như thế,
sẽ là bằng chứng của sự ưu việt của đức tin Quốc Xã. “Cái thước
đo tốt nhất cho giá trị của thái độ của y [đảng viên Quốc Xã] – cho
sự thành khẩn của xác tín của y, và sức mạnh của ý chí y – là sự
thù địch mà y tiếp nhận từ… kẻ thù.” (14)

74
Dường như là, khi chúng ta bị đè nặng bởi sự nhận biết về sự vô
giá trị của mình, thì chúng ta không tự thấy mình thấp hơn một số
người và cao hơn những người khác, nhưng [chúng ta thấy mình]
thấp hơn kẻ thấp nhất của nhân loại. Rồi, chúng ta thù ghét toàn bộ
thế giới, và chúng ta muốn rót sự phẫn nộ của mình lên toàn thế
giới.
Khi chứng kiến sự sụp đổ của kẻ may mắn và sự ô nhục của kẻ
công chính, kẻ phẫn chí cảm thấy một sự yên tâm sâu xa. Trong sự
sụp đổ đó, y thấy một lối đi tới tình huynh đệ của tất cả. Sự hỗn
độn, giống như nấm mồ, là một bến đỗ của sự bình đẳng. Cái xác
tín nóng bỏng rằng, phải có một cuộc sống mới và một trật tự mới
– cái xác tín đó được nuôi dưỡng bởi sự nhận thức rằng, cái cũ sẽ
phải bị san thành bình địa trước khi cái mới có thể được xây dựng.
Sự la hét của những kẻ phẫn chí qua suốt một thiên niên kỷ, đều
thấm đẫm một sự thù hận đối với tất cả những gì hiện hữu, và một
khao khát về sự kết thúc của thế giới.

75
Sự thù hận mãnh liệt có thể mang lại ý nghĩa và mục đích cho một
cuộc sống trống rỗng. Như thế, những người bị ám ảnh bởi sự vô
mục đích của đời mình, cố tìm thấy một nội dung mới, không
những bằng cách hiến mình cho một “lý tưởng thần thánh,” mà còn
bằng cách nuôi dưỡng một mối bất bình cuồng tín. Một phong trào
quần chúng hiến tặng họ những cơ hội vô giới hạn cho cả hai.

76
Pascal nói rằng, “tất cả mọi người, do bản tính, đều thù ghét nhau.”
Và ông nói thêm, tình yêu và lòng bác ái chỉ là “một sự giả vờ và
một hình ảnh giả tạo, bởi vì, ở tận đáy lòng, đó chỉ là sự thù
ghét” (15). Bất luận câu nói đó đúng hay sai, thì người ta cũng
không thể thoát khỏi ấn tượng rằng, sự thù ghét là một thành tố
thấm nhuần, tỏa khắp trong những hỗn hợp [compounds] và tổ hợp
[combinations] của đời sống nội tâm chúng ta. Tất cả những nhiệt
huyết, những tận tụy, đam mê và hy vọng của chúng ta, khi chúng
phân hủy, đều phóng thích sự thù ghét. Trái lại, có thể tạo ra một
nhiệt huyết, một sự hiến dâng và một hy vọng, bằng cách kích hoạt
sự thù ghét. Martin Luther nói: “Khi trái tim tôi lạnh và tôi không
thể cầu nguyện như tôi nên làm thế, thì tôi trừng phạt chính mình
với ý tưởng về sự bất kính [impiety] và sự vong ân của những kẻ
thù của tôi: Giáo Hoàng, những kẻ tòng phạm và bọn sâu mọt của
ông ta , và Zwingli,  đến nỗi mà trái tim tôi căng phồng lên với
sự căm phẫn và thù hận chính đáng, và tôi có thể nói một cách phẫn
nộ và dữ dội: ‘Sáng danh Người, Vương quốc của Người sẽ đến, ý
chí của Người sẽ được thực hiện!’ Và tôi càng trở nên giận dữ, thì
những lời cầu nguyện của tôi lại càng tha thiết hơn.”(16)
_________
 Zwingli: Huldrych Zwingli : [1484-1531] Là một lãnh tụ của
Phong trào Cải Cách tại Thụy Sĩ

77
Sự hợp nhất và sự hy sinh quên mình – trong trong tự thân chúng,
ngay cả khi được nuôi dưỡng bởi phương tiện cao thượng nhất –
tạo ra một điều kiện dễ dàng cho sự thù ghét. Thậm chí, khi những
con người liên minh với nhau một cách hùng mạnh để phát huy sự
khoan dung và hòa bình trên trái đất, thì rất có thể, họ trở thành bất
khoan dung một cách bạo động đối với những ai không có cùng
quan niệm như họ. •
__________
• Đây cũng là một “nghịch lý,” nhưng lịch sử cho thấy, đúng là
như vậy.

Sự “quay lưng với bản ngã” – mà nếu thiếu nó, sẽ không có sự “vô
ngã,” cũng như một sự đồng hóa trọn vẹn của cá nhân vào trong
một toàn thể chặt chẽ – tạo ra, như đã nói (17), một xu hướng thiên
về những thái độ cuồng nhiệt, bao gồm sự thù hận dữ dội. Cũng có
những yếu tố khác, mà tạo điều kiện thuận lợi cho sự tăng trưởng
của sự thù ghét trong một bầu khí của sự hợp nhất [unity] và sự vô
ngã. Hành vi quên mình có vẻ như ban cho chúng ta cái quyền được
khắc nghiệt và tàn nhẫn đối với những người khác. Người ta
thường có ấn tượng rằng, tín đồ đích thực – nhất là cá nhân có đức
tin mãnh liệt, giống như đức tin tôn giáo – là một người khiêm
cung. Sự thật là, sự từ bỏ bản ngã và sự “khiêm cung” [của tín đồ
đích thực], chính chúng, lại nuôi dưỡng sự kiêu hãnh và sự ngạo
mạn. Tín đồ đích thực có khuynh hướng thấy mình như là một
trong những kẻ được chọn, muối của đất, ánh sáng của thế gian,
một quân vương ngụy trang trong sự nhu mì, kẻ được tiền định
thừa kế thế gian, và cả nước trời, nữa. (18). Kẻ nào không cùng
đức tin với y, là xấu ác; kẻ nào không nghe theo y, sẽ bị diệt vong.
Cũng có điều sau đây: Khi chúng ta từ bỏ cái bản ngã, và trở nên
bộ phận của tập thể chặt chẽ, thì chúng ta không những từ bỏ sự
thuận lợi cá nhân, mà còn loại bỏ trách nhiệm cá nhân. Không thể
kể hết những cực đoan của sự tàn nhẫn và tàn bạo mà một người
sẽ đi tới, khi anh ta được giải phóng khỏi những sợ hãi, những
lưỡng lự, những hoài nghi và những băn khoăn về “sự đứng đắn”
[decency] vốn đi kèm với phán đoán cá nhân. Khi chúng ta đánh
mất sự độc lập cá nhân của mình trong cái tính hợp nhất chặt chẽ
của một phong trào quần chúng, thì chúng ta tìm thấy một sự tự do
mới – tự do được thù ghét, bắt nạt, nói dối, tra tấn, ám sát và phản
bội mà không xấu hổ hay hối hận. Chắc chắn là một phần của sự
hấp dẫn của một phong trào quần chúng nằm ở chỗ này. Chúng ta
tìm thấy ở đó “cái quyền được sỉ nhục,” mà theo Dostoievsky, có
một sự mê hoặc không cưỡng lại được (19). Hitler coi thường sự
tàn nhẫn của cá nhân tự-trị. “Bất cứ sự bạo động nào mà không
khởi phát từ một cơ sở tinh thần vững chắc, sẽ lung lay và bấp
bênh. Nó thiếu sự ổn định mà chỉ có thể được đặt nền tảng trên một
thế giới quan cuồng tín.”(20)
Như thế, sự thù ghét không chỉ là một phương tiện của sự đoàn kết,
mà còn là sản phẩm của nó. Renan nói rằng, từ thuở khai thiên,
chúng ta chưa bao giờ nghe nói về một dân tộc nhân ái (21). Người
ta có thể nói thêm rằng, chúng ta cũng chưa bao giờ nghe nói đến
một giáo hội nhân ái, hay một đảng cách mạng nhân ái. Sự thù ghét
và sự tàn bạo nào mà có nguồn gốc của nó trong sự ích kỷ, thì
không có tác dụng mạnh mẽ, so với cái lòng thù hận và sự tàn nhẫn
sinh ra từ sự “vô ngã.”
Khi chúng ta thấy sự lưu huyết, sự khủng bố và sự hủy diệt – được
sinh ra từ những mối nhiệt huyết có tính khoan dung như tình yêu
Thượng đế, tình yêu Christ, tình yêu dân tộc, lòng trắc ẩn đối với
kẻ bị áp bức, vân vân – thì chúng ta thường trách cứ cái sự tàn ác
đáng xấu hổ này, đổ lỗi cho một giới lãnh đạo ích kỷ, ham quyền
lực. Thực ra, chính là sự hợp nhất – khởi động bởi những mối nhiệt
huyết này, hơn là những mánh khóe của giới lãnh đạo – là cái đã
biến đổi những xung lực cao cả thành một thực tại của thù hận và
bạo động. Sự phi cá nhân hóa [deindividualization] – vốn là một
điều kiện tiên quyết cho sự hợp nhất triệt để và sự hiến thân vô ngã
– trong một mức độ đáng kể, cũng là một quá trình phi nhân hóa
[dehumanization].

SỰ BẮT CHƯỚC
78
Sự bắt chước là một tác nhân cốt tủy của việc hợp nhất hóa. Sự
phát triển của một nhóm chặt chẽ, là không thể quan niệm được,
nếu không có một sự khuyếch tán của sự đồng phục. Sự nhất trí
và Gleichschaltung,  được đánh giá cao bởi mọi phong trào quần
chúng, thì được thành tựu bằng sự bắt chước, cũng như bằng sự
tuân phục. Sự tuân phục, chính nó, nằm ở sự bắt chước một tấm
gương, cũng như trong việc tuân theo một mệnh lệnh.
__________
 Gleichschaltung: [chính quyền, chính trị, ngoại giao]: Lệnh
chuẩn hóa và loại trừ đối lập trong các định chế [kinh tế, chính trị,
văn hóa] của một nhà nước.

Mặc dù khả năng bắt chước hiện diện trong mọi con người, nhưng
nó có thể mạnh mẽ trong một số người, hơn là trong những người
khác. Những kẻ phẫn chí, như đã được gợi ý trong tiết 43, không
chỉ có một khuynh hướng về hành động hợp quần, mà còn được
được trang bị một cơ chế cho việc thực hiện nó. Câu hỏi là : “Phải
chăng những kẻ phẫn chí thường chủ yếu là những kẻ hay bắt
chước? Có chăng một liên hệ giữa sự phẫn chí và sự sẵn sàng bắt
chước? Phải chăng, sự bắt chước, trong thể cách nào đó, là một
phương tiện để thoát khỏi những rủi ro vốn bao vây kẻ phẫn chí?”
Gánh nặng của những kẻ phẫn chí, là sự ý thức về một bản ngã nhơ
nhuốc, vô dụng, và ước mơ chính yếu của họ, là lột bỏ cái bản ngã
vô dụng và bắt đầu một cuộc sống mới. Họ cố thực hiện ước mơ
này, hoặc bằng cách tìm kiếm một “căn cước” mới, hoặc bằng cách
làm mờ đi và ngụy trang [camouflage] sự độc đáo cá nhân của
mình; và cả hai mục đích này đều được đạt tới bằng sự bắt chước.
Càng ít thu được sự thỏa mãn từ việc là chính mình, thì ước muốn
giống như những người khác, lại trở nên càng lớn. Do vậy, chúng
ta sẵn sàng bắt chước những ai khác chúng ta, hơn là [bắt chước]
những ai gần giống mình; bắt chước những ai mà chúng ta ái mộ,
hơn là bắt chước những ai mà chúng ta khinh bỉ. Sự bắt chước của
những kẻ bị áp bức [những người Da đen và những người Do Thái]
là rất đáng chú ý.
Việc làm mờ đi và ngụy trang cái bản ngã, việc ấy chỉ [có thể] được
đạt tới bằng sự bắt chước – bằng cách trở nên giống như những
người khác, càng nhiều càng tốt. Ước mơ “được thuộc về,” một
phần là một ước mơ được đánh mất chính mình.
Sau cùng, sự thiếu lòng tự tin, vốn là đặc tính của kẻ phẫn chí, cũng
kích thích tính bắt chước của họ. Càng nghi ngờ sự phán đoán và
sự may mắn của chính mình, chúng ta càng sẵn sàng làm theo
gương của những người khác.

79
Chỉ duy sự từ khước bản ngã – ngay cả khi không đi kèm với sự
tìm kiếm một “căn cước” mới – cũng có thể dẫn đến tính bắt chước.
Cái bản ngã bị từ khước không còn khẳng định sự độc đáo của nó,
và không có gì để cưỡng lại cái khuynh hướng sao chép. Cái tình
huống đó, thì khá giống với cái tình huống được quan sát thấy ở
trẻ con và những người lớn “vô bản sắc,”  nơi mà sự thiếu vắng
một cá-tính độc đáo khiến cho tâm trí thiếu đi những “vệ sĩ” [để]
chống lại sự xâm nhập của ảnh hưởng từ bên ngoài.
__________
 Undifferentiated.
80
Một cảm nhận về lòng tự tôn sẽ phản công chống lại sự bắt chước.
Nếu hàng triệu những kẻ di trú đến đất nước này là những kẻ tự
tôn – “tinh hoa” của đất nước họ – thì có lẽ, đã không có một Hợp
Chủng Quốc, mà chỉ là những nhóm văn hóa và ngôn ngữ được
khảm lại với nhau. Chính là do sự kiện rằng, đa số những kẻ di trú
đều ở trong số những người có địa vị thấp nhất và nghèo nhất, bị
khinh bỉ và bị chối bỏ, mà hàng triệu người “tạp chủng” đã hòa
nhập quá nhanh chóng và triệt để như thế. Họ đến đây với ước mơ
cháy bỏng, muốn lột bỏ cái “căn cước” trong giới cũ của mình, và
được tái sinh vào một cuộc sống mới; và họ tự động được trang bị
[với] một năng lực vô giới hạn để bắt chước và làm theo cái mới.
Sự kỳ lạ của đất nước mới hấp dẫn họ, hơn là làm cho họ khó chịu.
Họ khao khát một căn cước mới và một cuộc sống mới – và thế
giới càng kỳ lạ, thì càng phù hợp với cái khuynh hướng của họ. Có
lẽ, đối với những người phi Anglo-Saxon, thì sự kỳ lạ của ngôn
ngữ là một sự hấp dẫn bổ sung. Việc phải học để nói [một ngôn
ngữ mới] càng làm gia tăng cái ảo tưởng rằng, mình được tái sinh
một lần nữa.

81
Sự bắt chước, thường khi, là một con đường tắt cho một giải pháp.
Chúng ta sao chép khi chúng ta thiếu cái khuynh hướng, cái năng
lực hay thời gian để tìm ra một giải pháp độc lập. Những người bận
rộn, tất bật, sẽ sẵn sàng bắt chước hơn những người nhàn nhã. Như
thế, sự bươn chải có khuynh hướng tạo ra sự “đồng phục.” Và trong
cái sự hòa tan cố ý của cá nhân vào trong một nhóm chặt chẽ, thì
hành động liên tục sẽ đóng một vai trò đáng kể. (22)

82
Sự hợp nhất, tự thân nó – bất luận được tạo ra bởi sự thuyết phục,
sự cưỡng bức hay sự quên mình tự phát – đều có khuynh hướng
tăng cường tính bắt chước. Một thường dân được nhập ngũ vào
trong quân đội, và trở thành một thành viên của một đơn vị quân
sự chặt chẽ, trở nên dễ bắt chước nhiều hơn so với khi anh ta ở
trong đời sống dân sự. Cá nhân đã được hợp nhất hóa [unified], thì
không có một bản ngã độc đáo; anh ta luôn luôn bất hoàn chỉnh và
non nớt, và do vậy, không có sức kháng cự để chống lại những ảnh
hưởng từ bên ngoài. Tính bắt chước rõ nét của người bán khai, có
lẽ, chủ yếu không phải là do sự bán khai của họ; mà đúng hơn, là
do sự kiện rằng, họ thường là thành viên của một thị tộc hay bộ tộc
gắn bó chặt chẽ.
Việc sẵn sàng bắt chước của những người đi theo một phong trào
quần chúng, thì vừa là một thuận lợi, vừa là một hiểm họa đối với
nó. Những kẻ trung thành dễ dàng bị dẫn dắt và uốn nắn, nhưng họ
cũng đặc biệt dễ bị tác động bởi những ảnh hưởng “ngoại lai.”
Người ta có ấn tượng rằng, một nhóm được hợp nhất hóa triệt để,
thì dễ dàng bị khuyến dụ và bị mua chuộc. Sự rao giảng của mọi
phong trào quần chúng đầy rẫy những khuyến cáo chống lại việc
sao chép những mô hình ngoại quốc và “làm theo tất cả những cái
ghê tởm của họ.” Sự bắt chước những “kẻ bên ngoài” được dán
nhãn như là sự phản quốc và bội tín [apostasy]. “Bất cứ ai bắt
chước một kẻ ngoại bang, đều phạm tội làm nhục quốc thể [lèse-
nation], giống như một gián điệp để cho một kẻ thù xâm nhập vào
bằng một con đường bí mật” (23). Mọi chiêu thức được dùng để
cắt đứt kẻ trung thành khỏi sự giao tiếp với những kẻ “vô tín.” Vài
phong trào quần chúng đi tới những cực đoan, bằng cách dẫn dắt
những người theo chúng vào nơi hoang dã, để họ ổn định “mẫu
mực sống” mới, mà không bị ngoại cảnh quấy rầy.
Sự khinh bỉ thế giới bên ngoài, dĩ nhiên, là sự bảo vệ hữu hiệu nhất
chống lại sự bắt chước có tính gây chia rẽ. Tuy nhiên, một phong
trào quần chúng năng động đánh giá cao sự thù ghét hơn [là] sự
khinh bỉ thụ động; và sự thù ghét thường không bóp chết sự bắt
chước, mà thúc đẩy nó [xem tiết 73]. Chỉ trong trường hợp của
những tập thể chặt chẽ nhỏ – bị lọt vào giữa một đại dương gồm
có những kẻ ngoại bang, và kiên quyết duy trì bản sắc của họ – thì
sự khinh bỉ mới được dùng như là một vật cách điện. Nó dẫn đến
một sự độc quyền, vốn không hiếu khách đối với những “kẻ tân
tòng.”
__________
 Exclusiveness.

Tính bắt chước của những thành viên của một nhóm hoàn toàn hợp
nhất, ban cho nó sự mềm dẻo và khả năng thích nghi to lớn. Nó có
thể thực hiện sự canh tân và thay đổi cái định hướng của nó với sự
dễ dàng đáng ngạc nhiên. Công cuộc hiện đại hóa nhanh chóng của
một nước Nhật đoàn kết hay Thỗ Nhĩ Kỳ đoàn kết, tương phản rõ
nét với sự thích nghi chậm chạp và khó khăn với những lối sống
mới tại Trung Quốc, Iran và những nước không được kích động
bởi một tinh thần đoàn kết. Một nước Nga Sô-viết hợp nhất hóa
triệt để, có một cơ hội tốt hơn để hấp thu những phương pháp mới
và một lối sống mới, so với cái nước Nga liên hợp một cách lỏng
lẻo của các Nga Hoàng. Thật hiển nhiên là, một dân tộc bán khai
với một cơ cấu tổ chức tập thể còn nguyên vẹn, có thể dễ sẵn sàng
hiện đại hóa, hơn là một dân tộc với một khuôn mẫu cộng đồng
hay bộ tộc đang sụp đổ. (24)

SỰ THUYẾT PHỤC & SỰ CƯỠNG CHẾ.


83
Ngày nay, chúng ta có khuynh hướng phóng đại tính hữu hiệu của
sự thuyết phục như là một phương tiện để “nhồi sọ” quần chúng và
định hình hành vi của họ. Chúng ta cho rằng, sự sự tuyên truyền là
một công cụ ghê gớm. Và rằng, những thành công thần kỳ của
những phong trào quần chúng trong thời đại chúng ta, là do việc
tuyên truyền khéo léo, và chúng ta đi tới chỗ sợ lời nói, cũng nhiều
như sợ thanh gươm vậy.
Thực ra, những hiệu quả thần kỳ được gán cho sự tuyên truyền là
không có cơ sở vững chắc. Nếu sự tuyên truyền, chỉ một mình nó,
là có hiệu lực được 1/10 như người ta cố chứng minh như vậy, thì
những chế độ toàn trị của Nga, Đức, Ý và Tây Ban Nha có lẽ đã là
những vụ việc nhẹ nhàng. Chúng sẽ ồn ào và trơ trẽn, nhưng đã
không có sự tàn nhẫn gớm ghiếc của cảnh sát mật vụ, những trại
tập trung và những vụ tàn sát hàng loạt.
Sự thật dường như là, sự tuyên truyền, một mình nó, không thể
chen chân vào trong những đầu óc không sẵn sàng tiếp nhận; nó
cũng không thể “nhồi vào sọ” dân chúng một cái gì hoàn toàn mới;
nó cũng không thể giữ cho người ta bị thuyết phục, một khi họ đã
thôi không còn tin nữa. Nó chỉ xuyên thấu vào trong những đầu óc
vốn đã mở ra; và thay vì cấy dần những quan niệm, nó trình bày
khúc chiết và biện minh những quan niệm vốn đã tiềm tàng trong
đầu óc của những người tiếp nhận nó. Nhà tuyên truyền tài ba, là
kẻ làm cho sôi lên những ý tưởng và sự cuồng nhiệt vốn đã âm ỉ
trong đầu óc những thính giả của ông ta. Ông ta khơi dậy những
cảm nhận sâu thẳm nhất của họ. Nơi nào mà những quan niệm
không bị cưỡng chế, thì người ta chỉ có thể bị “thuyết phục” để tin
vào cái mà họ đã “biết.”
Sự tuyên truyền thuần túy thành công chủ yếu với kẻ phẫn chí.
Những sợ hãi, những hy vọng và sự cuồng nhiệt phập phồng của
họ tụ tập ở những cánh cửa giác quan họ và len vào giữa họ và thế
giới bên ngoài. Họ không thể thấy gì ngoài những gì mà họ đã
tưởng tượng, và trong những lời sôi nổi của nhà tuyên truyền, họ
nghe lại âm thanh của chính linh hồn mình. Đúng là, thật dễ cho
kẻ phẫn chí “phát hiện” ra những cái mà mà họ đã tưởng tượng và
nghe tiếng vọng của những suy tư của họ, trong những lời nói nước
đôi sôi nổi và những điệp khúc âm vang, hơn là trong những lời
chính xác kết hợp với logic hoàn hảo.
Sự tuyên truyền, dù khéo léo đến đâu, không thể giữ cho người ta
bị thuyết phục, một khi họ đã thôi không còn tin tưởng nữa. Để duy
trì chính nó, một phong trào quần chúng phải xếp đặt những sự-thể
vào trong một trật tự, sao cho, khi người ta không còn tin nữa, thì
nó sẽ ép buộc họ phải tin, bằng bạo lực. (25)
Như chúng ta sẽ thấy về sau [tiết 104], lời nói là một công cụ cốt
tủy trong việc chuẩn bị miếng đất cho những phong trào quần
chúng. Nhưng một khi phong trào đã được hình thành vững chắc,
thì lời nói, mặc dù vẫn còn hữu ích, đã không còn đóng một vai trò
quyết định. Một bậc thầy của tuyên truyền, Dr Goebels, trong một
khoảnh khắc “hớ hênh,” đã công nhận rằng, “một thanh gươm bén
phải luôn luôn đứng đằng sau sự tuyên truyền, nếu người ta muốn
nó có hiệu lực” (26). Ông cũng có vẻ “giả lả” [apologetic] khi ông
khẳng định rằng, “không thể phủ nhận rằng, nhiều cái có thể được
làm với sự tuyên truyền tốt, so với khi không có sự tuyên truyền
nào cả.”(27)
84
Trái với những gì mà người ta thường tin tưởng, sự tuyên truyền
trở nên càng mạnh mẽ và thúc bách, khi nó hoạt động phối hợp với
sự cưỡng bách, so với khi nó phải nương dựa duy nhất vào sự hữu
hiệu của riêng nó.
Cả những kẻ “chuyển đổi” người khác, lẫn những kẻ bị chuyển đổi
bằng sự cưỡng bức, đều cần cái xác tín mạnh mẽ rằng, cái đức tin
mà họ áp đặt, hay bị cưỡng bách phải chấp nhận, là cái đức tin chân
thực duy nhất. Nếu không có niềm xác tín này, thì kẻ “cải đạo” –
nếu y không hoàn toàn mất hết nhân tính – có thể cảm thấy mình
là một tội phạm, và kẻ tân tòng bị cưỡng bách, [có thể thấy mình]
là một kẻ hèn nhát, đánh đĩ linh hồn mình để sống.
Như thế, sự tuyên truyền là để tự biện minh cho chính mình hơn là
để thuyết phục những người khác;  và khi chúng ta càng có nhiều
lý do để cảm thấy tội lỗi, thì sự tuyên truyền của chúng ta lại càng
mạnh mẽ hơn.
__________
 Đây là một ý tưởng rất đáng suy ngẫm.

85
Rất có thể, cũng đúng rằng, sự bạo động nuôi dưỡng sự cuồng tín,
cũng như, sự cuồng tín tạo ra sự bạo động. Thường khi, không thể
nói cái nào đến trước. Cả những ai sử dụng bạo động, lẫn những ai
phải nhận chịu nó, đều có thể phát triển một tâm thái cuồng tín.
Ferrero nói về những tên khủng bố của Cách mạng Pháp rằng, họ
càng làm đổ máu, thì “họ càng cần phải tin vào những nguyên lý
của họ như là những nguyên lý tuyệt đối. Chỉ cái tuyệt đối mới có
thể vẫn còn xá tội cho họ trong mắt của chính họ, và nuôi dưỡng
cái năng lượng tuyệt vọng của họ. Họ cho rằng, họ không làm đổ
toàn bộ cái khối lượng máu đó, bởi vì họ tin vào quyền tối thượng
của nhân dân [popular sovereignty] như là một chân lý tôn giáo; và
họ cố tin vào quyền tối thượng của nhân dân như là một chân lý
tôn giáo, bởi vì nỗi sợ hãi của họ khiến cho họ làm đổ quá nhiều
máu như vậy” (28). Tín đồ đích thực thực hành việc khủng bố
không chỉ để dọa nạt và bóp chết những đối thủ của y, mà còn để
củng cố và tăng cường đức tin của riêng mình. Mọi sự hành hình
tại miền Nam của chúng ta không chỉ để dọa nạt người Da đen, mà
còn để củng cố cái xác tín cuồng tín về sự tối cao của người da
trắng.
Trong trường hợp những người bị cưỡng bức, thì sự bạo động cũng
có thể làm sản sinh ra sự cuồng tín. Có bằng chứng rằng, kẻ tân
tòng bị cưỡng bức, thường khi, cũng cuồng tín trong sự trung thành
với đức tin mới như kẻ tân tòng bị thuyết phục, và đôi khi, còn hơn
thế nữa. Không phải bao giờ cũng đúng rằng, “Ai phục tòng trái
với ý chí của mình, thì quan niệm riêng của họ không thay đổi.”
Hồi giáo áp đặt niềm tin của nó bằng bạo lực, thế mà những người
Hồi giáo bị cưỡng bức lại biểu lộ một sự hiến thân cuồng nhiệt cho
đức tin mới, thậm chí, còn cuồng nhiệt hơn đức tin của những
người Ả Rập đầu tiên dấn thân vào phong trào. Theo Renan, thì
Hồi giáo thu được từ kẻ tân tòng bị cưỡng bức của nó “một đức tin
mà có khuynh hướng ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn”(29). Tính
“chính thống” cuồng tín [fanatical orthodoxy] trong mọi phong
trào, là một sự phát triển muộn. Nó đến khi phong trào đã sở hữu
quyền lực trọn vẹn và có thể áp đặt đức tin của nó bằng bạo lực
cũng như bằng thuyết phục.
Như thế, sự cưỡng bức, khi kiên định và dai dẳng, có một sức
thuyết phục vô song, và điều này không chỉ đúng với những linh
hồn mộc mạc, mà còn đúng với những ai tự hào về sức mạnh và sự
liêm khiết của trí năng họ. Khi một sắc lệnh độc đoán từ Kremlin
ép buộc những nhà khoa học, những nhà văn và những nhà nghệ sĩ
phải chối bỏ những xác tín của họ và thú nhận những sai lầm của
họ, thì có thể là, những chối bỏ và thú tội như thế, biểu thị những
“sự chuyển đổi” đích thực, hơn là sự đãi bôi trên miệng lưỡi. Cần
có đức tin cuồng tín để “hợp lý hóa” [rationalize] sự hèn nhát của
chúng ta.

86
Hầu như không có một thí dụ nào cho thấy rằng, một phong trào
quần chúng có thể thành tựu những quy mô rộng lớn và một tổ
chức lâu bền, chỉ bằng sự thuyết phục thuần túy. Giáo sư K. S.
Latourette, một sử gia Ki-tô giáo, phải thừa nhận rằng, “bất luận
tinh thần của Chúa Jesus và lực lượng vũ trang có bất tương thích
ra sao, và bất luận có khó chịu ra sao khi phải công nhận sự kiện
nói trên, thì, như sử sách thường ghi lại, cái sau thường tạo điều
kiện cho cái trước sống còn” (30). Chính cái thanh gươm “thế tục,”
là cái đã khiến cho Ki-tô giáo trở thành một tôn giáo thế giới. Sự
chinh phục [xâm lược] và sự cải đạo nắm tay nhau bước đi – cái
sau thường đóng vai trò của một biện minh và một công cụ cho cái
trước. Khi Ki-tô giáo thất bại trong việc giành được hay hay lưu
giữ sự ủng hộ của quyền lực quốc gia, thì nó không có được một
điểm tựa rộng lớn cũng như lâu dài. “Tại Ba Tư… Ki-tô giáo đối
mặt với một quốc giáo được nuôi dưỡng bởi nhà vua, và không bao
giờ trở thành đức tin của nhiều hơn một thiểu số” (31). Trong sự
lan tràn đáng kinh ngạc của Hồi giáo, thì sự chinh phục [quân sự]
là một nhân tố hàng đầu và sự tân-tòng chỉ là một phó sản. “Những
giai đoạn phát đạt nhất của Hồi giáo, là những giai đoạn mà thế lực
chính trị của nó lớn nhất; và chính là vào những giai đoạn đó, mà
nó đã sát nhập thêm nhiều đất đai nhất từ bên ngoài (32). Phong
trào Cải Cách chỉ thành công rực rỡ nơi nào mà nó giành được sự
ủng hộ của vị quân vương cầm quyền hay của chính quyền địa
phương. Melanchthon, vị khâm sai khôn ngoan nhất của Luther,
nói: “ Nếu không có sự can thiệp của nhà chức trách dân sự, thì
những huấn lệnh của chúng tôi sẽ trở thành cái gì? – những luật lệ
trên lý thuyết (33). Nơi nào mà, như ở Pháp, chính quyền nhà nước
chống lại nó, thì nó bị chìm trong máu và không bao giờ nổi lên
được nữa. Trong trường hợp Cách mạng Pháp, thì chính những đội
quân của Cách mạng đã xuyên thấu qua suốt châu Âu, chứ không
phải là những ý tưởng của nó (34). Không hề có sự “lây lan trí
thức.” Dumouries nói rằng, người Pháp công bố luật lệ thiêng liêng
của nó về tự do “hệt như người Hồi giáo rao giảng kinh Koran, với
thanh gươm trong tay” (35). Mối đe dọa của chủ nghĩa Cộng sản
hiện tại không đến từ sự tuyên truyền mạnh mẽ của nó, mà đến từ
sự kiện rằng, nó được hậu thuẫn bởi một trong những đội quân
hùng mạnh nhất trên trái đất.
Dường như nơi nào mà một phong trào quần chúng có thể thuyết
phục hoặc cưỡng bức, thì nó thường chọn cái sau. Sự thuyết phục
thì khó khăn và những kết quả của nó thì bấp bênh. St Dominic
người Tây Ban Nha, nói với những người Albigenses “tà đạo”:
“Trong nhiều năm, tôi đã hoài công động viên các người, với sự
nhẹ nhàng, sự rao giảng, cầu nguyện và khóc lóc. Nhưng theo câu
tục ngữ của đất nước tôi : ‘nơi nào mà lời nguyện cầu không thể
gặt hái được cái gì, thì những trận đòn có thể là hữu ích.’ Chúng
tôi sẽ nổi dậy chống lại các người, những quân vương và những
giám mục, những kẻ mà, than ôi, sẽ trang bị vũ khí cho những dân
tộc và những vương quốc chống lại vùng đất này… và như thế,
những trận đòn sẽ hữu ích, nơi mà những lời cầu nguyện và sự dịu
dàng đã bất lực.” (36)

87
Sự khẳng định rằng, một phong trào quần chúng không thể bị dập
tắt bằng bạo lực, là không đúng một cách tuyệt đối. Bạo lực có thể
dập tắt và bóp chết ngay cả phong trào mạnh mẽ nhất. Nhưng để
làm như thế, thì bạo lực phải tàn nhẫn và dai dẳng. Và đây là nơi
mà đức tin bước vào như là một yếu tố không thể thiếu. Bởi vì một
sự bức hại tàn nhẫn và dai dẳng, chỉ có thể đến từ niềm xác tín
cuồng tín. “Bất cứ sự bạo động nào mà không khởi-phát từ một cơ
sở tinh thần vững chắc, sẽ bị lung lay và bấp bênh. Nó thiếu sự ổn
định mà chỉ có thể dựa trên một nhân sinh quan cuồng tín” (37).
Sự khủng bố nào mà phát xuất từ sự tàn nhẫn cá nhân, sẽ không đi
đủ xa, cũng không kéo dài đủ lâu. Nó không ổn định, bởi vì nó tùy
thuộc vào những trạng thái tâm lý bốc đồng và những lưỡng lự.
“Nhưng ngay khi bạo lực lung lay, và luân phiên với với sự nhẫn
nhịn, thì cái học thuyết cần phải bị trấn áp sẽ hồi sinh một cách lặp
đi lặp lại, và nó sẽ ở trong một vị thế thuận lợi : cứ mỗi lần bị bức
hại, nó lại càng được củng cố”(38). Chỉ duy sự khủng bố “thánh
thiện”  mới không biết giới hạn nào, và cũng không bao giờ suy
yếu.
__________
 The holy terror: Sự khủng bố nhân danh một lý tưởng “thánh
thiện”, như tổ chức IS hiện nay của những phần Hồi giáo cực đoan.

Như thế, có vẻ như, chúng ta cần đức tin mãnh liệt, không những
để có thể kháng cự lại sự cưỡng bức, (39) mà còn để có thể thực
hành nó [sự cưỡng bức] một cách hữu hiệu.

88
Cái xung lực muốn “cải đạo” [proselytise] đến từ đâu?
Cường độ của xác tín không phải là yếu tố chính thúc đẩy một
phong trào phổ biến đức tin của nó ra bốn góc của trái đất; “những
tôn giáo nào mà có năng lực khơi gợi một đức tin có cường độ xác
tín lớn, thường tự giới hạn vào việc khinh bỉ, hủy diệt, hay ít nhất,
thương hại những gì không phải là chính chúng” (40). Cái xung
lực muốn “cải đạo” cũng không phải là một biểu hiện của một sự
dồi dào của sức mạnh mà, như Bacon nói, “giống như một cơn lũ
lớn, mà chắc chắn sẽ tràn bờ” (41). Đúng hơn, sự cuồng tín của kẻ
“truyền đạo” dường như là một biểu hiện của sự bối rối sâu xa, một
cảm nhận bức xúc về sự bất cập tại trung tâm. Sự “truyền đạo” là
một sự tìm kiếm cuồng nhiệt một cái gì đó chưa được tìm thấy, hơn
là một ước muốn ban cho thế giới một cái gì đó mà chúng ta đã có.
Nó tìm kiếm một sự chứng minh sau cùng và không thể bác bỏ
rằng, chân lý tuyệt đối của chúng ta, quả thực, là chân lý độc nhất.
Kẻ cuồng tín đang “truyền đạo,” củng cố đức tin của chính mình
bằng cách “cải đạo” những người khác. Cái tín điều mà sự chính
đáng của nó dễ dàng bị thách thức nhất, thì có khả năng phát triển
cái xung lực muốn “truyền đạo” mạnh mẽ nhất. Thật đáng ngờ, liệu
một phong trào mà không tuyên xưng một giáo điều vốn phi lý tính
và vô lý một cách hiển nhiên, lại có thể sở hữu cái lực đẩy cuồng
tín, mà “hoặc phải thu phục quần chúng, hoặc phải hủy diệt thế
giới.” Cũng có thể đúng rằng, những phong trào với sự mâu thuẫn
nội tại lớn nhất giữa đức tin và sự thực hành – nghĩa là, với một
cảm nhận mạnh mẽ về tội lỗi – thì có khả năng là những phong trào
đó sẽ hăng hái nhất trong việc áp đặt đức tin của chúng lên những
người khác. Chủ nghĩa cộng sản càng tỏ ra bất khả thi tại Nga – và
những lãnh tụ của nó càng bị bắt buộc phải “gia giảm” và “pha
trộn” cái tín điều nguyên thủy – thì sự tấn công của họ vào kẻ thù
càng trơ trẽn và ngạo mạn. Những chủ nô của miền Nam trở nên
càng gây hấn trong việc quảng bá lối sống của họ, thì càng trở nên
hiển nhiên rằng, cái vị thế của họ càng bấp bênh trong một thế giới
hiện đại. Nếu xí nghiệp tự do [free enterprise] trở thành một “sự
nghiệp thần thánh” mà nó đang muốn rao giảng, thì đó sẽ là một
dấu hiệu rằng, cái tính khả-thi và những thuận lợi của nó đã thôi
không còn hiển nhiên nữa.
Sự cuồng nhiệt muốn “cải đạo” và sự cuồng nhiệt muốn thống trị
thế giới, cả hai đều là những triệu chứng của sự thiếu sót trầm trọng
tại trung tâm. Rất có thể đúng là – bất luận họ là một nhóm tông
đồ hay conquistador,  hay một nhóm những kẻ tỵ nạn, đang lên
đường tới một vùng đất xa xôi – họ đều muốn trốn thoát một tình
huống mà họ không thể chịu được tại quê hương mình. Và quả
thực, ba loại người này thường xuyên gặp gỡ, hòa trộn và hoán đổi
những bộ phận của chúng cho nhau.
__________
 Conquistadors: Những người Tây Ban Nha đi chinh phục
Mexico và Peru vào thế kỷ 16.

SỰ LÃNH ĐẠO
89
Vai trò của lãnh tụ trong sự nổi lên của một phong trào quần chúng,
bất luận chúng ta nghĩ là nó thiết yếu ra sao, thì, không nghi ngờ
gì, vị lãnh tụ không thể tạo ra những điều kiện để làm nổi lên một
phong trào quần chúng. Ông ta không thể “úm ba la” một phong
trào từ khoảng chân không. Phải có một sự háo hức muốn đi theo
và tuân phục, và một sự bất mãn mãnh liệt với những sự-thể như
chúng là, trước khi một phong trào và một vị lãnh tụ có thể xuất
hiện. Khi những điều kiện chưa chín muồi, thì vị lãnh tụ tiềm năng
– bất luận ông tài ba ra sao, và bất luận cái “sự nghiệp thần thánh”
của ông có hùng mạnh ra sao – ông vẫn không có những người ủng
hộ. Thế chiến I và cái hậu quả của nó đã chuẩn bị miếng đất cho
những phong trào Bolshevik, Phát-xít, và Đức Quốc Xã. Nếu cuộc
chiến tranh đã được ngăn chặn và hoãn lại 1 hay 2 thập niên, thì số
phận của Lenin, Mussolini và Hitler có lẽ đã khác với số phận của
những “mưu sĩ” [plotters] và những kẻ sách động lỗi lạc của thế kỷ
19 – những người trong nhóm sau đã không bao giờ thành công
trong việc làm chín muồi cái sự hỗn loạn và những khủng hoảng
thường xuyên của thời đại họ, và biến chúng thành những phong
trào quần chúng đúng kích thước. Họ bị thiếu một cái gì đó. Quần
chúng châu Âu – mãi cho đến khi xảy ra những biến cố chấn động
của Thế chiến I – đã không hoàn toàn tuyệt vọng về hiện tại, và do
vậy, không sẵn lòng hy sinh nó cho một cuộc sống mới và một thế
giới mới. Ngay cả những lãnh tụ dân tộc chủ nghĩa, mặc dù họ có
điều kiện tốt hơn những nhà cách mạng, cũng không thành công
trong việc biến chủ nghĩa dân tộc thành một “sự nghiệp thần thánh”
phổ biến, mà kể từ đó,  nó đã trở thành. Chủ nghĩa dân tộc hiếu
chiến và chủ nghĩa cách mạng hiếu chiến có vẻ như xảy ra đồng
thời với nhau.
__________
 “Kể từ đó,” trong ngữ cảnh này, có nghĩa là “kể từ khi xảy ra
những biến cố chấn động của Thế chiến I.”
Tại nước Anh, nữa, vị lãnh tụ phải đợi cho thời cơ chín muồi trước
khi ông ta có thể đóng vai trò của mình. Trong những năm 1930,
thì vị lãnh tụ tiềm năng [Churchill] đã nổi bật trong mắt dân chúng
và công bố quan điểm của mình, ngày lại ngày. Nhưng cái ý chí
muốn đi theo không có ở đó. Chỉ khi thảm họa lay động đất nước
này cho đến tận nền móng của nó – và làm cho những cuộc sống
cá nhân tự-trị trở thành trống rỗng và vô nghĩa – thì vị lãnh tụ mới
được công nhận.
Có một giai đoạn chờ đợi nơi cánh gà – thường là một giai đoạn
dài – cho mọi vị lãnh tụ có tầm cỡ, mà đối với chúng ta, thì dường
như sự xuất hiện của họ trên hiện trường là một thời điểm hệ trọng
trong quá trình diễn biến của một phong trào quần chúng. Những
biến cố bất ngờ và những hoạt động của những con người khác,
phải dựng sân khấu cho họ, trước khi họ có thể bước vào và khởi-
sự màn trình diễn của họ. “Kẻ chỉ huy trong một ngày trọng yếu,
dường như là cái ‘diễn biến bất ngờ’ cuối cùng trong một chuỗi
biến cố.” (42)

90
Một khi sân khấu đã được dựng lên, thì sự có mặt của một lãnh tụ
là không thể thiếu. Không có ông ta, sẽ không có phong trào nào
cả. Sự chín muồi của thời cơ, không tự động tạo ra một phong trào
quần chúng; những cuộc bầu cử, những luật lệ, và một đơn vị hành
chính, cũng không sản sinh ra một phong trào quần chúng. Chính
Lenin là người thúc ép dòng chảy của những biến cố vào trong
những kênh của cách mạng Bolshevik. Nếu ông ta chết tại Thụy sĩ,
hay đang trên đường tới Nga vào năm 1917, thì hầu như chắc chắn
rằng, những người Bolshevik xuất chúng khác có lẽ đã tham gia
một chính phủ liên hiệp. Kết quả có thể là một nước cộng hòa ít
hay nhiều được điều hành bởi giai cấp tư sản. Trong trường hợp
của Mussolini và Hitler, thì cái bằng chứng lại càng có tính quyết
định hơn: không có họ, sẽ không có một phong trào Phát-xít, cũng
không có phong trào Quốc Xã.
__________
 Admimistrative bureau.

Những biến cố tại Anh vào khoảnh khắc này, cũng chứng minh
rằng, không thể thiếu một vị lãnh tụ tài ba cho sự kết tinh của một
phong trào quần chúng. Giá như có một lãnh tụ đích thực [như
Churchill, thuộc Đảng Xã hội] đứng đầu chính phủ Lao động, thì
có lẽ ông ta đã phát động những cải cách mạnh mẽ của việc quốc
hữu hóa trong bầu khí của một phong trào quần chúng, chứ không
phải trong cái sự đơn điệu buồn tẻ và khắc khổ của Đảng Xã hội.
Có lẽ, ông ta đã ném người công nhân Anh vào vai trò của một kẻ
sản xuất anh hùng và [trong vai trò của] một kẻ tiên phong trong
chủ nghĩa công nghiệp [industrialism] thực sự khoa học. Có lẽ ông
ta đã làm cho người Anh cảm thấy rằng, nhiệm vụ chính của họ, là
chứng minh cho toàn thế giới – và nhất là Hoa Kỳ và Nga – thấy
là một dân tộc văn minh có thể làm được cái gì với những phương
pháp sản xuất hiện đại, khi thoát khỏi sự hỗn độn, sự lãng phí và
sự tham lam của sự quản lý tư bản chủ nghĩa, cũng như của chủ
nghĩa Byzantine,• sự man dã và ngu dốt của một chế độ quan liêu
[hệ thống hành chính] Bolshevik. Có lẽ ông ta sẽ biết cách tiêm
vào nhân dân Anh một niềm tự hào và hy vọng tương tự, vốn nuôi
dưỡng họ trong những giờ phút đen tối nhất của chiến tranh.
__________
• Byzantinism: Học thuyết chủ trương rằng, nhà nước là tối cao, ở
trên giáo hội trong những vấn đề thuộc về giáo hội.

Cần có ý chí sắt đá, sự gan dạ và tầm nhìn của một vị lãnh tụ xuất
chúng để điều phối và huy động những thái độ và xung lực đang
hiện hữu, biến chúng thành động lực tập thể của một phong trào
quần chúng. Vị lãnh tụ là hiện thân của sự chắc chắn của tín điều,
sự thách thức và sự uy nghiêm của sức mạnh. Ông biểu đạt khúc
chiết và biện minh cho sự phẫn hận, vốn bị giam hãm trong linh
hồn của kẻ phẫn chí. Ông thắp lên viễn ảnh về một tương lai xán
lạn, đầy phấn khởi để biện minh cho sự hy sinh cái hiện tại tạm
thời. Ông dàn dựng thế giới của sự giả vờ, quá cần thiết cho việc
thực hiện sự hy sinh và hành động hợp quần. Ông khơi dậy lòng
nhiệt huyết của sự hội thông – cảm thức về sự giải phóng khỏi một
hiện hữu cá nhân nhỏ bé và vô nghĩa.
Đâu là những tài năng cần có cho một màn trình diễn như thế?
Trí thông minh phi thường, tính cách cao thượng và sự độc đáo, có
vẻ như không thiết yếu, và có lẽ, cũng không đáng ao ước. Những
điều kiện bắt buộc dường như là: sự gan dạ, và một niềm vui trong
sự thách đố; một ý chí sắt đá; một xác tín cuồng tín rằng, ông ta sở
hữu chân lý, chân lý duy nhất; đức tin vào số phận và vận may của
ông ta; một năng lực cho sự thù ghét cuồng nhiệt; một sự lượng giá
khôn khéo về bản chất con người; một sự khinh bỉ đối với hiện tại;
một sự ưa thích những biểu tượng [những cảnh tượng và những
nghi lễ]; sự trơ tráo vô giới hạn vốn tìm thấy sự biểu đạt trong việc
xem thường sự nhất quán và sự công bằng [fairness]; một sự công
nhận rằng, niềm khao khát sâu thẳm nhất của những người đi theo
phong trào, là sự khao khát được hội thông, mà họ khó lòng có
được; một năng lực cho việc giành được và nắm giữ sự trung thành
tối đa của một nhóm những trợ lý có năng lực. Cái năng lực sau
cùng, là quan năng cốt yếu và hiếm hoi nhất. Cái sức mạnh bí ẩn,
thần kỳ của một lãnh tụ không chỉ nằm ở năng lực thu hút quần
chúng, mà còn ở năng lực thống trị và hầu như mê-hoặc một nhóm
người có năng lực. Những người này phải tự hào, thông minh,
không sợ hãi, và có năng lực tổ chức và điều hành những công trình
có quy mô lớn, và thế nhưng, họ phải tuân phục hoàn toàn ý chí
của vị lãnh tụ, lấy cảm hứng và động lực của họ từ ông ta, và tìm
thấy sự vinh quang trong sự tuân phục này.
__________
 Nguyên tác: “... unbounded brazennness which finds expression
in a disregard of consistency and fairness;”

Tất cả những phẩm chất được liệt kê ở trên, chúng không cốt yếu
một cách ngang nhau. Dường như phẩm chất quyết định nhất cho
sự hữu hiệu của một phong trào quần chúng là : sự gan dạ, đức tin
cuồng tín vào một “sự nghiệp thần thánh,” một sự nhận biết về tầm
quan trọng của một tập thể chặt chẽ, và, trên hết, khả năng khơi
dậy sự tận tụy nhiệt thành trong một nhóm những trợ lý có năng
lực. Sự thất bại của Trotsky với tư cách là một lãnh tụ, là do sự xao
lãng, hay rất có thể, do sự thiếu năng lực trong việc tạo ra một bộ
máy bao gồm những trợ lý có năng lực và trung thành. Ông không
lôi cuốn được sự đồng cảm cá nhân, hoặc nếu có, không thể duy trì
chúng. (43). Một khuyết điểm nữa, là sự kính trọng không thể nhổ
rễ của ông đối với cá nhân, nhất là cá nhân sáng tạo. Ông không
xác tín về tội lỗi và sự vô ích của một hiện hữu cá nhân tự-trị; và
ông cũng không nắm được tầm quan trọng áp đảo của sự hội thông
đối với một phong trào quần chúng. Tôn Dật Tiên “lôi cuốn đến
với ông ta… một số lượng phi thường những kẻ đi theo có năng
lực và trung thành, kích thích óc tưởng tượng của họ về viễn ảnh
của một nước Trung Hoa mới, và khuyến dụ sự trung thành và sự
hy sinh quên mình” (44). Không giống ông ta, Tưởng Giới Thạch
có vẻ như thiếu mọi phẩm tính cốt yếu của một lãnh tụ phong trào
quần chúng. Các lãnh tụ của những đảng Cộng sản bên ngoài nước
Nga – do sự lệ thuộc vào Stalin và Bộ Chính Trị – không thể đạt
tới cái tầm vóc của những lãnh tụ đích thực. Họ cứ vẫn là những
trợ lý đắc lực. Hiện tại, để cho chủ nghĩa Cộng sản trở thành một
phong trào quần chúng hữu hiệu tại bất cứ nước phương Tây nào,
thì một trong hai cái tương phản nhau phải xuất hiện. Hoặc là, cái
nhân cách của Stalin phải được làm cho quá “sờ mó được” và trực
tiếp, đến nỗi nó có thể đóng vai trò của một chất xúc tác, hoặc là
đảng Cộng sản địa phương phải được cắt lìa khỏi nước Nga, và,
theo cách của Tito, phô trương sự thách thức của nó chống lại cả
chủ nghĩa tư bản lẫn chủ nghĩa Stalin. Nếu Lenin đã là đặc phái
viên [emissary] của một lãnh tụ và một bộ chính trị đang ngồi tại
một vùng đất ở nước ngoài, thì thật đáng ngờ rằng, liệu ông có vận
dụng được cái ảnh hưởng định mệnh của ông trên sự diễn biến của
những biến cố tại Nga.

91
Những ý kiến thô thiển – được đề xướng bởi nhiều trong số những
lãnh tụ thành công của những phong trào quần chúng của thời đại
chúng ta – khiến người ta có khuynh hướng cho rằng, một sự thô
lỗ và non nớt về trí óc, là một “bửu bối” [asset] của nghệ thuật lãnh
đạo. Tuy nhiên, không phải sự thô lỗ trí thức của một Aimee
Mcpherson hay một Hitler, là cái đã thu phục và thu hút những kẻ
đi theo, mà chính niềm tự tin không giới hạn, là cái đã thúc đẩy
những lãnh tụ này “thả lỏng dây cương” cho những ý kiến điên rồ,
ngớ ngẩn của họ. Một vị lãnh tụ khôn ngoan thực sự, dám thực hiện
đến cùng sự khôn ngoan của ông, sẽ có một cơ may thành công
tương tự. Dường như phẩm chất của những ý kiến đóng một vai trò
thứ yếu trong sự lãnh đạo của một phong trào quần chúng. Cái quan
trọng là : cử chỉ ngạo mạn, sự xem thường triệt để đối với quan
niệm của những người khác, sự thách thức thế giới một cách đơn
thương độc mã.
Sự bịp bợm, thủ đoạn, ở mức độ nào đó, là không thể thiếu cho
sự lãnh đạo hữu hiệu.Không thể có phong trào quần chúng nào,
nếu không có sự cố ý thuyết minh sai lạc những sự kiện. Không có
lợi ích bền vững, “sờ mó được” nào có thể thu hút một khối quần
chúng đi theo và làm cho nó cuồng nhiệt và trung thành cho đến
chết. Vị lãnh tụ phải thực tế và là một “nhà duy thực” [a realist],
thế nhưng, ông phải nói ngôn ngữ của “kẻ viễn tưởng” và “kẻ lý
tưởng chủ nghĩa.”
__________
 Nguyên tác: “Charlatanism of some degeee is indispensable to
effective leadership.” Đây là ý tưởng rất đáng suy ngẫm.
Để lãnh đạo một phong trào quần chúng lớn, thì sự độc đáo
[originality] của vị lãnh tụ không phải là là điều kiện tiên quyết.
Một trong những nét nổi bật nhất của vị lãnh tụ một phong trào
quần chúng lớn, là sự sẵn sàng của ông ta trong việc bắt chước cả
bạn lẫn thù, cả những hình mẫu quá khứ lẫn đương đại. Cái sự gan
dạ vốn cốt yếu cho loại lãnh tụ này, nằm ở sự gan dạ trong việc bắt
chước, cũng như thách thức thế giới. Có lẽ, cái manh mối [clue]
của bất cứ sự nghiệp anh hùng nào, là một năng lực vô giới hạn
cho sự bắt chước; một sự chuyên tâm trong việc sao chép một hình
mẫu. Cái năng lực thái quá cho sự bắt chước này chỉ định rằng, vị
anh hùng không có một bản ngã được phát triển và hiện thực hóa
đầy đủ.• Có nhiều cái trong ông ta vẫn còn “sơ đẳng” [rudimentary]
và bị đè nén. Sức mạnh của ông ta nằm trong những “điểm mù”
[blind spots] của ông ta và trong việc bịt lại mọi lối thoát, trừ ra
một lối thoát.
_________
• Nguyên tác: “This excessive capacity for imitation indicates that
the hero is without a fully developed and realized self”.

92
Sự từ bỏ toàn bộ một cái bản ngã riêng biệt [distinct], là điều kiện
tiên quyết cho việc đạt tới cả sự hợp nhất lẫn sự hy sinh; và rất có
thể, không có cách nào để trực tiếp thực hiện cái sự từ bỏ này, hơn
là bằng cách “nhồi sọ” và tán dương thói quen tuân phục mù quáng.
Khi Stalin cưỡng bức những nhà khoa học, những nhà văn và
những nghệ sĩ bò lết trên bụng họ và chối bỏ sự thông minh cá nhân
của họ, cảm thức về cái đẹp của họ, và ý thức đạo đức của họ, thì
ông không đang thỏa mãn một xung lực sa-đích,• mà đang tôn vinh,
trong một cách ấn tượng nhất, cái đức hạnh tối cao của sự tuân
phục mù quáng. Mọi phong trào quần chúng đều xếp hạng sự tuân
phục ngang với những đức hạnh cao nhất và đặt nó lên một tầm
cao ngang với đức tin: “sự hợp nhất của những tâm trí đòi hỏi
không những một sự hòa hợp với một Đức Tin duy nhất, mà còn
[đòi hỏi] sự tuân phục và vâng lời Giáo Hội và vị Giáo Hoàng La
Mã – một sự tuân phục trọn vẹn của ý chí, giống như sự tuân phục
đối với chính Thượng đế” (45). Sự tuân phục không những là luật
đầu tiên của Thượng đế, mà còn là nguyên tắc [giáo điều] đầu tiên
của một đảng cách mạng và của chủ nghĩa dân tộc cuồng tín. Việc
“đừng lý luận tại sao,” được mọi phong trào quần chúng xem như
là một dấu hiệu của một tinh thần mạnh mẽ và nồng nhiệt.
__________
• Sadistic impulse: xung lực sa-đích; xung lực bạo dâm.

Sự hỗn loạn, sự lưu huyết, và sự hủy diệt – vốn là dấu vết của một
phong trào quần chúng đang nổi lên – dẫn chúng ta đến chỗ nghĩ
rằng, những kẻ đi theo phong trào, trong bản chất, là những kẻ gây
ầm ĩ mất trật tự và coi thường luật pháp. Thực ra, sự hung bạo hàng
loạt không luôn luôn là tổng số của sự vô luật pháp của cá nhân.
Sự hung hãn cá nhân chiến đấu chống lại hành động hợp quần. Nó
thúc đẩy cá nhân chiến đấu cho chính mình. Nó sản sinh ra kẻ tiên
phong, kẻ phiêu lưu và tên lục lâm thảo khấu [bandit]. Tín đồ đích
thực – bất luận những hành vi của anh ta có ồn ào và bạo động đến
đâu – về cơ bản, là một cá nhân dễ bảo và tuân phục. Những kẻ tân
tòng Ki-tô giáo – vốn dàn dựng những cuộc cướp phá chống lại
Đại học Alexandria và hành hình những vị giáo sư bị nghi là phi-
chính thống – là những thành viên dễ bảo của một giáo hội chặt
chẽ. Kẻ gây rối Cộng sản, là một thành viên khúm núm của một
đảng. Cả những kẻ gây rối Nhật lẫn Quốc Xã, là những người có
kỷ luật nhất mà thế giới từng thấy. Tại đất nước này, người chủ Mỹ
thường thấy rằng, kẻ cuồng tín về sắc tộc của miền Nam chúng ta
– có khuynh hướng tham gia các cuộc bạo động quần chúng – là
một công nhân nhà máy khả kính và dễ bảo. Quân đội, nữa, thấy
anh ta là một kẻ hết sức sẵn sàng phục tùng kỷ luật.

93
Dường như những người có cuộc sống cằn cỗi và bất an, đều biểu
lộ một sự sẵn lòng tuân phục lớn hơn, so với những người tự-túc
 và tự tin. Đối với kẻ phẫn chí, thì tự do thoát khỏi trách nhiệm
hấp dẫn hơn là tự do thoát khỏi sự tù túng. Họ háo hức cho đi sự
độc lập của mình, để đổi lấy sự nhẹ nhõm : được trút bỏ những
gánh nặng của việc ước muốn, quyết định và chịu trách nhiệm về
một tương lai không thể tránh. Họ sẵn sàng nhường việc lèo lái đời
mình cho những ai muốn hoạch định, ra lệnh và gánh vác toàn bộ
trách nhiệm. Vả lại, sự tuân phục một lãnh tụ tối cao, là một lối đi
tới cái lý tưởng [về sự] bình đẳng của họ.
__________
 Self-sufficient: Tự túc; độc lập, không phụ thuộc vào những ảnh
hưởng ngoại tại.

Trong thời kỳ khủng hoảng, trong những cơn lụt, động đất, dịch
bệnh, suy thoái kinh tế và chiến tranh, thì nỗ lực cá nhân riêng rẽ
đều không có hiệu quả, và những người thuộc mọi hoàn cảnh, đều
sẵn sàng tuân phục và đi theo một lãnh tụ. Tuân phục, lúc ấy, là cái
điểm vững chắc trong một hiện hữu hỗn độn của đời sống thường
nhật.

94
Kẻ phẫn chí cũng rất có thể là “môn đệ” trung kiên nhất. Thật đáng
chú ý rằng, trong một nỗ lực có tính hợp tác, thì kẻ ít tự tin nhất, là
kẻ ít bị nản lòng nhất bởi thất bại. Bởi vì họ liên kết với những
người khác trong một dự án chung, chủ yếu không phải để bảo đảm
sự thành công của một dự án mà họ hằng ấp ủ, nhưng để tránh việc
phải gánh vác trách nhiệm cá nhân trong trường hợp thất bại. Khi
cái dự án chung thất bại, thì họ vẫn được “miễn trừ” một điều mà
họ sợ nhất, cụ thể là, phô bày những khuyết điểm cá nhân của họ.
Đức tin của họ vẫn nguyên vẹn, không bị hề hấn gì, và họ lại háo
hức đi theo trong một nỗ lực mới.
Những kẻ phẫn chí đi theo lãnh tụ, chủ yếu không phải do niềm tin
của họ, rằng ông ta đang dắt họ đến một vùng đất hứa, mà bởi vì
cái cảm nhận trực tiếp của họ, rằng ông ta đang dẫn họ ra khỏi cái
bản ngã vô dụng của họ. Sự tuân phục một lãnh tụ không phải là
một phương tiện cho một cứu cánh, mà là một thành tựu. Họ được
dẫn đi đâu, cái đó không quan trọng gì cho lắm.

95
Rất có thể, có một khác biệt hệ trọng giữa một lãnh tụ của phong
trào quần chúng và một lãnh tụ trong một xã hội tự do. Trong một
xã hội ít nhiều tự do, thì vị lãnh tụ có thể duy trì sự thu hút của ông
ta đối với quần chúng, chỉ khi nào ông ta có đức tin mù quáng vào
sự khôn ngoan và sự tốt lành của họ. Nếu một lãnh tụ hạng hai sở
hữu đức tin này, thì ông ta sẽ tồn tại lâu hơn vị lãnh tụ hạng nhất
mà không có nó. Điều này có nghĩa rằng, trong một xã hội tự do,
thì vị lãnh tụ đi theo dân chúng, ngay cả khi ông dẫn dắt họ. Như
ai đó nói, ông ta phải phát hiện ra, là dân chúng đang đi đâu, để mà
ông có thể dẫn dắt họ. Khi vị lãnh tụ trong một xã hội tự do trở nên
khinh bỉ dân chúng, thì không sớm thì muộn, ông hành động theo
cái lý thuyết sai lầm và chết người rằng, mọi con người đều là
những đứa ngốc, và sau cùng, thất bại vì cái sai lầm đó. Nơi nào
mà vị lãnh tụ có thể sử dụng sự cưỡng bức tàn nhẫn, thì mọi sự sẽ
khác đi. Nơi nào mà – như trong một phong trào quần chúng năng
động – vị lãnh tụ có thể cưỡng bức một sự tuân phục mù quáng, thì
ông ta có thể hoạt động theo cái lý thuyết “có hiệu lực” [sound]
rằng, mọi con người đều là những kẻ hèn nhát, đối xử với họ theo
cái lý thuyết đó, và gặt hái những kết quả.
Một trong những lý do tại sao những lãnh tụ Cộng sản thì đang thất
bại trong những công đoàn của chúng ta,  là bởi vì, bằng cách đi
theo đường lối và áp dụng những sách lược của đảng, họ đang có
thái độ và sử dụng những sách lược của vị lãnh tụ phong trào quần
chúng trong một tổ chức được cấu thành bởi những con người tự
do.
__________
 “Của chúng ta,” trong ngữ cảnh này, là của Hoa Kỳ.

HÀNH ĐỘNG
96
Hành động là một tác nhân tạo ra sự đoàn kết. Có ít sự độc đáo cá
nhân [individual distinctness] trong con-người-hành-động đích
thực – người thợ xây, binh sĩ, nhà thể thao, và ngay cả nhà khoa
học – so với trong nhà tư tưởng, hay trong một người mà tính sáng
tạo của anh ta tuôn chảy từ sự hội thông với bản ngã. “Kẻ dám nghĩ
dám làm” ưa gây hấn [go-gettter] và “kẻ bon chen” [hustler],
thường không có bản sắc riêng của y. Người ta không bao giờ thực
sự dấn thân vào hành động hợp quần, trừ phi người ta được lột bỏ
khỏi một cái bản ngã riêng biệt và sai biệt. Như thế, một dân tộc
năng động có khuynh hướng ngả về phía sự “đồng phục.” Thật
đáng ngờ, liệu nếu không có hành động quy mô lớn có dính líu đến
cuộc chinh phục một lục địa, thì dân tộc chúng ta – bao gồm những
kẻ di dân – đã có thể đạt tới cái sự thuần-nhất đáng kinh ngạc của
nó, trong một thời gian quá ngắn như thế. Những ai [mà] đến đất
nước này để hành động [để làm tiền], đều Mỹ-hóa một cách nhanh
chóng và triệt để, so với những ai [mà] đến để thành tựu một lý
tưởng cao cả nào đó. Loại người trước, cảm nhận một mối liên hệ
họ hàng gần gũi với hàng triệu người đắm mình trong một sự theo
đuổi như nhau. Như thể là, họ đang gia nhập một giáo-đoàn. Họ
nhận ra, một cách sớm sủa, rằng, để thành công, họ phải hòa trộn
với đồng bào của họ, làm như những người khác làm, học thổ ngữ
của họ, và chơi trò chơi. Vả lại, cuộc xông lên điên cuồng mà trong
đó họ tham gia, ngăn cản, không cho họ bộc lộ cái bản chất [being]
của họ, đến nỗi mà, nếu không có một cá tính riêng biệt, thì họ
không thể – cho dẫu họ có khuynh hướng như thế – kháng cự một
cách hữu hiệu chống lại ảnh hưởng của môi trường mới của
mình (46). Trái lại, những ai đến đất nước này để thực hiện một lý
tưởng [tự do, công bình, bình đẳng], thường dùng cái lý tưởng của
họ làm chuẩn mực để đo lường những thực tại của vùng đất mới,
và thấy chúng chưa đáp ứng được cái lý tưởng đó. Họ cảm thấy tự
tôn, và tất yếu tự cách ly để chống lại môi trường mới.

97
Những con-người-của-tư-tưởng hiếm khi làm việc hòa hợp cùng
nhau, trong khi đó, giữa những con-người-của-hành-động, thường
dễ dàng có tình đồng chí. Sự làm việc theo nhóm thì hiếm hoi trong
những công trình trí thức hay nghệ thuật, nhưng phổ biến và hầu
như không thể thiếu giữa những con-người-của-hành-động. Lời hô
hào: “Nào, chúng ta hãy đi xây một thành phố, và một cái
tháp” (47) – luôn luôn là một lời kêu gọi người ta hợp lực để hành
động. Một bộ trưởng bộ công nghiệp Cộng sản, có thể có nhiều cái
chung với một kỹ nghệ gia tư bản chủ nghĩa, hơn là với một lý
thuyết gia Cộng sản.

98
Mọi phong trào quần chúng đều sử dụng hành động như là một
phương tiện của sự hợp nhất. Những xung đột – mà một phong trào
quần chúng tìm kiếm và xúi giục – được dùng không chỉ để đánh
ngã những kẻ thù của nó, mà còn để lột bỏ những người theo nó
khỏi cá tính riêng biệt của họ, và làm cho họ dễ hòa tan trong cái
môi trường tập thể. Việc khai hoang đất, xây những thành phố,
thám hiểm và những công trình công nghiệp quy mô lớn, phục vụ
một mục đích tương tự. Ngay cả việc chỉ diễu hành mà thôi, cũng
có vai trò như là một tác nhân của sự hợp nhất. Những đảng viên
Quốc Xã tận dụng cái chiêu thức “điên rồ” này. Ban đầu, Hermann
Rauschning nghĩ rằng, sự diễu hành bất tận là một sự lãng phí vô
nghĩa về thời gian và năng lượng; nhưng về sau, ông công nhận
hiệu quả sâu sắc của nó. “Sự diễu hành làm xao lãng những ý tưởng
của con người. Sự diễu hành giết chết những ý tưởng. Sự diễu hành
kết liễu tính cá nhân.” (48)
Sự kêu gọi hành động của một phong trào quần chúng khơi dậy
một sự đáp ứng trong kẻ phẫn chí. Bởi vì những kẻ phẫn chí thấy
trong hành động một liều thuốc cho tất cả những gì làm họ đau
đớn. Nó mang lại sự quên mình và cho họ một cảm thức về mục
đích và giá trị. Quả thực, dường như là sự phẫn chí bắt nguồn chủ
yếu từ một bất lực trong hành động. Kẻ phẫn chí cay đắng nhất, là
những người mà những tài năng và tính khí của họ, một cách lý
tưởng, trang bị họ cho một cuộc sống hành động, nhưng do hoàn
cảnh, những tài năng ấy bị “hoen gỉ đi” trong sự nhàn rỗi. Có cách
nào khác để giải thích sự kiện đáng ngạc nhiên rằng, những Lenin
[the Lenins], những Trotsky, những Mussolini, và những Hitler, là
những người trải qua phần tốt đẹp nhất của đời họ, nói thao thao
bất tuyệt trong những quán cà phê và những cuộc mét-tinh, lại tự
phát-lộ mình, một cách bất ngờ, như là những con-người-của-
hành-động có năng lực và không mệt mỏi nhất của thời đại họ?

99
Đức tin tổ chức và trang bị linh hồn con người cho hành động. Sở
hữu một và một chân lý độc nhất và không bao giờ nghi ngờ sự
“chính nghĩa” của mình; cảm nhận rằng, người ta được ủng hộ bởi
một sức mạnh huyền bí, bất luận đó là Thượng đế, định mệnh hay
quy luật lịch sử; xác tín rằng, đối phương của mình là hiện thân của
cái xấu ác và phải được tiêu diệt; hân hoan trong sự xả thân, sự
hiến thân và bổn phận – đây là những điều kiện tuyệt vời cho hành
động cương quyết và tàn nhẫn trong bất cứ lãnh vực nào. Những
binh sĩ, những kẻ tiên phong, những doanh nhân và thậm chí,
những nhà thể thao nào mà hát thánh ca [psalm-singing], đã tự
chứng tỏ họ là những kẻ đáng sợ. Nhiệt huyết cách mạng và dân
tộc chủ nghĩa, có hiệu quả giống nhau: Chúng cũng có thể biến
những người nhu nhược, uể oải và ù lì, thành những chiến sĩ và
những nhà xây dựng. Ở đây, là một lý do khác cho sự không thể
thiếu và hiển nhiên của một phong trào quần chúng trong việc hiện
đại hóa những đất nước chậm tiến và trì trệ.
Tuy nhiên, sự thích hợp phi thường của tín đồ đích thực cho cuộc
sống hành động, có thể là một nguy hiểm cũng như là một hỗ trợ
cho những viễn ảnh của một phong trào quần chúng. Bằng cách
mở ra những lãnh vực bao la của hành động cuồng nhiệt, một
phong trào quần chúng có thể đẩy nhanh sự kết thúc của nó. Hành
động thành công có khuynh hướng trở thành một cứu cánh trong
chính nó. Nó tát cạn mọi năng lượng và nhiệt huyết vào trong
những kênh của chính nó. Đức tin và “lý tưởng thần thánh,” thay
vì là mục đích tối cao, lại chỉ trở thành những chất bôi trơn cho bộ
máy của hành động. Kẻ tín đồ đích thực nào thành công trong mọi
cái mà anh ta làm, thu được sự tự tin và trở nên thỏa hiệp với bản
ngã mình và hiện tại. Anh ta không còn thấy sự cứu rỗi duy nhất
của mình trong việc đánh mất chính mình trong cái nhất-thể của
một đoàn thể dính kết chặt chẽ và trong việc trở thành một phân tử
vô danh, không ý chí, không phán đoán, và không trách nhiệm.
Anh ta tìm kiếm và tìm thấy sự cứu rỗi của mình trong hành động,
trong việc chứng tỏ cái giá trị của mình và [trong việc] khẳng định
sự ưu việt cá nhân của mình. Mặc dù hành động không thể dẫn anh
ta đến sự tự thực hiện, nhưng anh ta sẵn sàng tìm thấy trong nó
sự tự biện minh. Nếu anh ta vẫn còn đeo bám vào đức tin của mình,
thì nó chỉ là để nâng đỡ lòng tự tin của anh ta, và chính thống hóa
[legitimize] sự thành công của mình. Như thế, việc nếm trải sự
thành công liên tục, là một đe dọa cho tinh thần tập thể. Một dân
tộc chìm đắm trong hành động, có khả năng là dân tộc ít [có đức
tin] tôn giáo nhất, ít cách mạng nhất, và ít sô-vanh nhất. Sự ổn định
xã hội và sự khoan dung chính trị và tôn giáo của những dân tộc
Anglo-Saxon, thì, phần nào do sự dồi dào tương đối của họ về ý
chí, kỹ năng và những cơ hội cho hành động. Đối với họ, hành
động đóng vai trò của một cái thay thế cho một phong trào quần
chúng.
__________
 Self-realization.

Dĩ nhiên, có sự nguy hiểm thường trực rằng, nếu những đại lộ của
hành động bị phong tỏa triệt để bởi một suy thoái kinh tế nghiêm
trọng hay sự thất bại trong chiến tranh, thì sự phẫn chí – gây ra do
sự phong tỏa ấy – có thể quá mãnh liệt, đến nỗi, bất cứ phong trào
quần chúng nào đang chiêu mộ thành viên, sẽ tìm thấy một tình
huống chín muồi, “được làm sẵn” cho sự truyền bá của nó. Tình
huống bùng nổ tại Đức sau Thế chiến I, phần nào là do sự tê liệt bị
áp đặt lên một khối quần chúng vốn biết rằng, chính họ được trang
bị một cách tuyệt vời cho hành động. Hitler cho họ một phong trào
quần chúng . Nhưng, rất có thể, cái quan trọng hơn, là ông ta mở
ra trước họ những cơ hội vô giới hạn cho hành động cuồng nhiệt,
liên miên, ngoạn mục. Không có gì lạ, họ đón chào ông như vị Cứu
Tinh của họ.

SỰ NGỜ VỰC
100
Chúng ta đã thấy rằng, cái chất bài tiết khó chịu của đầu óc phẫn
chí – mặc dù chủ yếu bao gồm sợ hãi và ác ý [ill will] – thế nhưng,
nó tác động như một chất keo thần diệu, kết dính những kẻ phẫn
chí và bất mãn thành một toàn thể dính kết . Sự nghi ngờ cũng là
một thành tố của cái chất keo khó chịu này, và nó cũng có thể là
một tác nhân tạo ra sự “đoàn kết.”
Những kẻ phẫn chí nhận biết những ô uế và khuyết điểm cá nhân
của họ. Do vậy, họ dễ dàng phát hiện ra ác ý và sự hèn hạ trong
đồng bào mình. Sự tự-khinh, bất luận nó mơ hồ ra sao, làm cho đôi
mắt chúng ta trở nên tinh tường trong việc phát hiện ra những cái
bất toàn của những người khác. Chúng ta thường tìm cách phát
hiện ra trong những kẻ khác những ô uế mà chúng ta che giấu trong
chính mình. Như thế, khi những kẻ phẫn chí tụ họp lại trong một
phong trào quần chúng, thì bầu không khí trĩu nặng với sự ngờ vực.
Có sự xoi mói và sự do thám, sự dòm ngó cao độ và một sự nhận
biết căng thẳng, rằng mình đang bị dòm ngó. Điều đáng ngạc nhiên
là, cái sự ngờ vực có tính tâm bệnh này bên trong hàng ngũ, không
dẫn đến sự bất đồng, mà dẫn đến sự đồng phục nghiêm ngặt. Biết
rằng họ liên tục bị quan sát, kẻ trung thành phấn đấu thoát khỏi sự
ngờ vực bằng cách tuân thủ một cách cuồng tín cách hành xử và
quan niệm “đã được kê đơn.” Sự “chính thống” nghiêm ngặt cũng
là kết quả của sự ngờ vực lẫn nhau, giống như đức tin cuồng nhiệt
vậy.
Những phong trào quần chúng sử dụng rộng rãi sự ngờ vực trong
bộ máy thống trị của chúng. Những đảng viên thường  bên trong
đảng Quốc Xã được làm cho cảm thấy rằng, họ liên tục bị quan sát
và bị cầm giữ trong một trạng thái sợ hãi thường trực, một lương
tâm bất ổn thường trực (49). Sự sợ hãi những láng giềng của mình,
bạn của mình, và thậm chí kẻ thân thích của mình, dường như là
quy luật [the rule] bên trong những phong trào quần chúng. Thỉnh
thoảng, những người vô tội bị cố tình cáo buộc và hy sinh, để giữ
cho sự ngờ vực được sống. Sự ngờ vực được làm cho trở thành một
lưỡi dao sắc cạnh, bằng cách kết nối mọi chống đối bên trong hàng
ngũ với kẻ thù đang đe dọa phong trào từ bên ngoài. Kẻ thù này –
tên quỷ sứ không thể thiếu của mọi phong trào quần chúng – có
mặt ở khắp mọi nơi. Hắn ta âm mưu phá hoại, cả bên ngoài lẫn bên
trong hàng ngũ những kẻ trung thành. Chính tiếng nói của hắn, là
tiếng nói [mà] cất lên thông qua miệng của “kẻ bất đồng chính
kiến” và “kẻ sai lập trường” – vốn là những “kẻ bù nhìn” [stooges]
của hắn. Nếu có gì sai hỏng bên trong phong trào, thì đó là do việc
làm của hắn. Bổn phận thiêng liêng của tín đồ đích thực là phải
ngờ vực. Y phải thường trực cảnh giác, để phát hiện ra những kẻ
phá hoại, những gián điệp và những kẻ phản bội.
__________
 The rank and file.

101
Sự hợp nhất tập thể không phải là kết quả của tình huynh đệ mà kẻ
trung thành dành cho nhau. Tín đồ đích thực chỉ trung thành với
cái-toàn-thể – giáo hội, đảng, dân tộc – và sự trung thành đó không
dành cho những tín đồ đích thực khác, vốn là đồng chí của y. Sự
trung thành đích thực giữa những cá nhân, chỉ xảy ra trong một xã
hội lỏng lẻo và tương đối tự do. Như Abraham sẵn sàng hy sinh
đứa con trai duy nhất của mình, để chứng minh sự tận tụy của ông
đối với Jehovah, thì kẻ cuồng tín Cộng sản hay Quốc Xã phải sẵn
sàng hy sinh những kẻ thân thích và bạn hữu, để chứng minh sự
hiến mình trọn vẹn của y cho “sự nghiệp thần thánh.” Phong trào
quần chúng năng động thấy rằng, những sợi dây ràng buộc cá nhân
của huyết thống và tình bạn, làm giảm sút sự kết dính chặt chẽ của
chính nó. Như thế, sự ngờ vực lẫn nhau bên trong hàng ngũ không
chỉ tương thích với sức mạnh kết dính, mà sự ngờ vực đó còn là
một điều kiện tiên quyết của nó. “Những người có những xác tín
mạnh mẽ và những cảm xúc cuồng nhiệt mạnh mẽ, thì khi liên kết
với nhau, họ canh chừng nhau với sự ngờ vực, và tìm thấy sức
mạnh của họ trong sự canh chừng đó; bởi vì sự ngờ vực lẫn nhau
tạo ra sự sợ hãi lẫn nhau, nó ràng buộc họ như bằng một cái niềng
sắt, ngăn ngừa sự đào ngũ, và động viên họ chống lại những khoảnh
khắc yếu đuối.” (50)
Một phần của sự kinh khủng của một phong trào quần chúng đích
thực, là : sự hy sinh quên mình mà nó cổ vũ, cũng bao gồm một hy
sinh phần nào cái ý thức đạo đức vốn làm tê liệt và câu thúc bản
chất chúng ta. “Lòng nhiệt huyết đích thực của chúng ta làm nên
những chuyện thần kỳ, khi nó ủng hộ khuynh hướng [tiêu cực] của
chúng ta : sự thù hận, sự tàn nhẫn, tham vọng, sự tham lam, sự dèm
pha, sự nổi loạn.”(51)

NHỮNG TÁC DỤNG CỦA SỰ HỢP NHẤT HÓA.


102
Sự hợp nhất hóa triệt để – bất luận được tạo ra bởi sự hiến mình tự
phát, sự thuyết phục, sự cưỡng bức, sự cần thiết, hoặc thói quen
thâm căn cố đế, hoặc một tổng hợp của những cái này – đều có
khuynh hướng tăng cường những khuynh hướng và những thái độ
vốn cổ vũ cho sự hợp nhất. Chúng ta đã thấy rằng, sự hợp nhất tăng
cường khuynh hướng thù hận [tiết 77] và năng lực bắt chước [tiết
82]. Cũng đúng rằng, một cá nhân “hợp nhất hóa”  thì cả tin và
dễ bảo hơn một tín đồ đích thực tiềm năng, mà vẫn là một cá nhân
tự-trị. Mặc dù cũng đúng rằng, giới lãnh đạo của một tập thể thường
giữ cho sự thù hận sôi sục, động viên sự bắt chước và sự cả tin, và
nuôi dưỡng sự tuân phục, nhưng sự kiện vẫn là, sự hợp nhất – một
mình nó, ngay cả khi không được hỗ trợ bởi những vận động của
giới lãnh đạo – cũng tăng cường những phản ứng vốn vận hành
như là những tác nhân gây ra sự đoàn kết.
__________
 The unified individual: “Cá nhân hợp nhất hóa,” là một cá nhân
đã hoàn toàn hợp nhất với đoàn thể của mình : giáo hội, đảng… –
bằng cách từ bỏ hết mọi mọi tính cá nhân, vốn làm cho anh ta
khác biệt với những thành viên khác.

Thoạt nhìn, điều này là một sự kiện đáng ngạc nhiên. Chúng ta đã
thấy rằng, những yếu tố gây đoàn kết nhất, bắt nguồn từ sự ghê tởm
của một cá nhân phẫn chí đối với một bản ngã vô dụng và một hiện
hữu trống rỗng. Nhưng tín đồ đích thực – nghĩa là một kẻ hoàn toàn
bị đồng hóa với một tập thể chặt chẽ – thì không còn phẫn chí. Y
đã tìm thấy một “căn cước” mới, và một cuộc sống mới. Y là một
trong những kẻ được chọn, được nâng đỡ và che chở bởi những
sức mạnh vô địch, và được tiền định là kẻ thừa kế trái đất. Tâm
trạng của y là tâm trạng đối nghịch với tâm trạng của cá nhân phẫn
chí; thế nhưng, y phô bày, với cường độ ngày càng gia tăng, tất cả
những phản ứng vốn là triệu chứng của sự căng thẳng và bất an nội
tâm.
Cái gì xảy ra cho “cá nhân hợp nhất”?
Sự hợp nhất là một quá trình của sự giảm bớt hơn là thêm vào. Để
được đồng hóa với một môi trường tập thể, thì một người phải được
lột bỏ cái tính độc đáo [distinctness] cá nhân của anh ta. Anh ta
phải bị tước bỏ sự lựa chọn và phán đoán độc lập. Nhiều trong số
những khuynh hướng và xung lực tự nhiên của anh ta, phải bị đè
nén và làm cho cùn nhụt. Tất cả những cái này đều là những hành
vi giảm thiểu. Những thành tố mà có vẻ như được thêm vào – đức
tin, lòng tự hào, lòng tự tin – đều tiêu cực từ nguồn gốc. Sự phấn
khởi của tín đồ đích thực không tuôn chảy từ những trữ lượng của
sức mạnh và sự minh triết, mà từ một cảm thức về sự giải thoát:
anh ta được giải thoát khỏi những gánh nặng vô nghĩa của một hiện
hữu tự-trị. “Chúng ta, những người Đức, quá hạnh phúc. Chúng ta
thoát khỏi tự do”(52). Niềm hạnh phúc và sự kiên cường của anh
ta đến từ việc anh ta không còn là chính mình. Những cuộc tấn
công chống lại bản ngã, không thể chạm vào anh ta. Sức chịu đựng
của anh ta – khi rơi vào tay một kẻ thù không đội trời chung, hoặc
khi đối mặt với những hoàn cảnh không thể chịu đựng nổi – thì ưu
việt hơn sức chịu đựng của một cá nhân tự-trị. Nhưng sự bất khuất
này tùy thuộc vào chiếc phao cứu sinh, vốn kết nối anh ta với cái-
toàn-bộ có tính tập thể. Chừng nào mà anh ta còn cảm thấy mình
là một phần của cái toàn thể đó và không là gì khác, thì anh ta bất
tử và không thể bị hủy diệt. Tất cả nhiệt huyết và sự cuồng tín của
anh ta, do vậy, được tập hợp xung quanh cái phao cứu sinh này. Sự
phấn đấu cho sự hợp nhất triệt để, thì mãnh liệt hơn niềm mong
ước mơ hồ của kẻ phẫn chí, về một sự trốn thoát khỏi một bản ngã
không thể biện minh được. Cá nhân phẫn chí vẫn còn một chọn
lựa: anh ta có thể tìm thấy một cuộc sống mới, không những bằng
cách trở nên bộ phận của một tập thể chặt chẽ, mà còn bằng cách
thay đổi môi trường của mình, hoặc bằng cách ném mình một cách
toàn tâm toàn ý vào một công trình hấp dẫn nào đó. Cá nhân được
hợp nhất, trái lại, không có lựa chọn nào khác. Anh ta phải, hoặc
đeo bám vào tập thể, hoặc giống như một chiếc lá rụng, héo tàn và
phai nhạt. Thật đáng ngờ, liệu một giáo sĩ bị rút phép thông công,
người Cộng sản bị khai trừ, và nhà sô vanh chủ nghĩa phản bội, có
bao giờ có thể tìm thấy lại sự bình an tâm hồn với tư cách là những
cá nhân tự-trị. Họ không thể đứng trên đôi chân của mình [độc lập],
mà phải “ôm ghì” một sự nghiệp mới và gắn mình vào một nhóm
mới.
Tín đồ đích thực, thì mãi mãi không hoàn chỉnh, mãi mãi bất an.
103
Thật đáng quan tâm, để ghi nhận cái phương tiện, mà qua đó một
phong trào nhấn mạnh và duy trì sự bất hoàn chỉnh cá nhân của
những kẻ trung kiên của nó. Bằng cách nâng cao giáo điều lên trên
lý tính, sự thông minh cá nhân bị ngăn cản, sao cho nó không thể
trở nên tự tin, độc lập. Sự lệ thuộc về kinh tế được duy trì bằng
cách trung ương hóa [centralize] sức mạnh kinh tế và bằng cách cố
ý tạo ra sự khan hiếm của những nhu yếu phẩm của cuộc sống. Sự
tự-túc xã hội thì bị ngăn chặn bởi chỗ ở đông đúc hoặc những khu
chung cư, hoặc bởi sự tham gia cưỡng bức [hằng ngày] vào những
nhiệm vụ công cộng. Sự kiểm duyệt độc đoán [tàn bạo] về văn học,
nghệ thuật, âm nhạc và khoa học, ngăn cản ngay cả một thiểu số
cá nhân sáng tạo, không cho họ sống cuộc đời tự-túc [độc lập]. Sự
hiến thân cho giáo hội, đảng, đất nước, lãnh tụ, và tín điều – được
nhồi sọ vào dân chúng – cũng duy trì một trạng thái bất hoàn chỉnh.
Bởi vì mọi sự hiến thân là một cái ổ cắm điện, vốn đòi hỏi sự “cắm
vào” của một phần bổ sung từ bên ngoài.
Như thế, những người được nuôi dạy và trưởng thành trong bầu
không khí của một phong trào quần chúng, đều được uốn nắn thành
những con người bất hoàn chỉnh và lệ thuộc, ngay cả khi họ có bên
trong chính mình cái cấu-tố tiềm năng của những thực thể tự-túc.
Mặc dù họ không phẫn chí và không có mối bất bình nào, thế
nhưng, họ vẫn phô bày những nét đặc trưng của những người khao
khát tự đánh mất chính mình và muốn loại bỏ một sự hiện hữu vốn
bị hỏng một cách không thể vãn hồi.

=========
(1). Heinrich Heine, Religion and Philosophy in Germany
(London: Trubner & Company, 1882), p. 89.
(2). Hermann Rauschning, Hitler Speaks (New York: G. P.
Putnam’s Sons, 1940), p. 234.
(3). Fritz August Voigt, Unto Caesar (New York: G. P. Putnam’s
Sons, 1938), p. 301.
(4). Adolph Hitler, Mein Kampf (Boston: Houghton Mi􀁁in
Company, 1943), p. 118.
(5). Quoted by Hermann Rauschning, Hitler Speaks (New York:
G. P. Putnam’s Sons, 1940), p. 234.
(6). Ibid., p. 235.
(7). See Section 100.
(8). Crane Brinton, The Anatomy of Revolution (New York: W.W.
Norton & Company, Inc., 1938), p. 62.
(9). Ibid.
(10). Ibid.
(11). When John Huss saw an old woman dragging a fagot to add
to his funeral pyre, he said: “O sancta simplicitas!” Quoted by
Ernest Renan, The Apostles (Boston: Roberts Brothers, 1898), p.
43.
(12). Pascal, Pensées.
(13). Hermann Rauschning, Hitler Speaks (New York: G. P.
Putnam’s Sons, 1940), p. 235.
(14). Adolph Hitler, op. cit., p. 351.
(15). Pascal, op. cit.
(16). Luther, “Table Talk, Number 2387 a-b.” Quoted in Frantz
Funck-Brentano, Luther (London: Jonathan Cape, Ltd., 1939),
p.319.
(17). See Section 60.
(18). Matthew 5.
(19). Fëdor Dostoyevsky, The Possessed, Part II, Chap. 6.
(20). Adolph Hitler, op. cit., p. 171.
(21). Ernest Renan, History of the People of Israel (Boston: Little,
Brown & Company, 1888–1896), Vol. I, p. 130.
(22). See Sections 96 and 98.
(23). The Italian minister of education in 1926. Quoted by Julien
Benda, The Treason of the Intellectuals (New York: William
Morrow Company, 1928), p. 39.
(24). For another view on the subject, see Section 33.
(25). Niccolo Machiavelli, The Prince, Chap. VI.
(26). The Goebbels Diaries (Garden City: Doubleday & Company,
Inc., 1948), p. 460.
(27). Ibid., p. 298.
(28). Guglielmo Ferrero, Principles of Power (New York: G. P.
Putnam’s Sons, 1942), p. 100.
(29). Ernest Renan, The Poetry of the Celtic Races (London: W.
Scott, Ltd., 1896), essay on Islamism, p. 97.
(30). Kenneth Scott Latourette, The Unquenchable Light (New
York: Harper & Brothers, 1941), p. 33.
(31). Kenneth Scott Latourette, A History of the Expansion of
Christianity (New York: Harper & Brothers, 1937), Vol. I, p. 164.
(32). Charles Reginald Haines, Islam as a Missionary Religion
(London: Society for Promoting Christian Knowledge, 1889), p.
206.
(33). Quoted by Frantz Funck-Brentano, op. cit., p. 260.
(34). Guglielmo Ferrero, The Gamble (Toronto: Oxford University
Press, 1939), p. 297.
(35). Crane Brinton, A Decade of Revolution (New York: Harper
& Brothers, 1934), p. 168.
(36). “Dominic,” Encyclopaedia Britannica.
(37). Adolph Hitler, op. cit., p. 171.
(38). Ibid., p. 171.
(39). See Section 45.
(40). Jacob Burckhardt, Force and Freedom (New York: Pantheon
Books, 1943), p. 129.
(41). Francis Bacon, “Of Vicissitude of Things,” Bacon’s Essays,
Everyman’s Library edition (New York: E. P. Dutton & Company,
1932), p. 171.
(42). John Morley, Notes on Politics and History (New York:
Macmillan Company, 1914), pp. 69–70.
(43). Angelica Balabanoff, My Life as a Rebel (New York: Harper
& Brothers, 1938), p. 156.
(44). Frank Wilson Price, “Sun Yat-sen,” Encyclopaedia of the
Social Sciences.
(45). Leo XIII, Sapientiae Christianae. According to Luther,
“Disobedience is a greater sin than murder, unchastity, theft and
dishonesty….” Quoted by Jerome Frank, Fate and Freedom (New
York: Simon and Schuster, Inc., 1945), p. 281.
(46). See Sections 78 and 80.
(47). Genesis 11:4.
(48). Hermann Rauschning, The Revolution of Nihilism (Chicago:
Alliance Book Corporation, 1939), p. 48.
(49). Ibid., p. 40.
(50). Ernest Renan, Antichrist (Boston: Roberts Brothers, 1897),
p. 381.
(51). Montaigne, Essays, Modern Library edition (New York:
Random House, 1946), p. 374.
(52). A young Nazi to I. A. R. Wylie shortly before the Second
World War. I. A. R. Wylie, “The Quest of Our Lives,” Reader’s
Digest, May, 1948, p. 2.

CHƯƠNG XV
NHỮNG CON NGƯỜI CỦA LỜI NÓI
104
Hầu hết những phong trào quần chúng không thường nổi lên,
cho đến khi cái trật tự hiện hành đã bị làm cho mất uy tín. Việc làm
mất uy tín không phải là kết quả của những sai lầm nghiêm trọng
và những lạm dụng quyền lực của những kẻ cầm quyền, mà là công
việc của những con-người-của-lời-nói, với một mối bất bình. Nơi
nào mà những nhà hùng biện vắng mặt, hoặc không có một mối
bất bình, thì cái hệ thống quyền lực, cho dẫu bất lực và thối nát đến
đâu, vẫn có thể tiếp tục nắm quyền cho đến khi nó ngã xuống và tự
sụp đổ. Trái lại, một hệ thống quyền lực cường tráng và có tài năng,
vẫn có thể bị quét phăng đi, nếu nó thất bại trong việc giành được
sự ủng hộ của một thiểu số có tài hùng biện. (1)
Như đã được vạch ra trong tiết 83 và 86, sự xây dựng và duy trì
một phong trào quần chúng tùy thuộc vào bạo lực [force]. Một
phong trào quần chúng phát triển đầy đủ, là một vụ việc tàn bạo,
và việc quản lý nó nằm trong tay những kẻ cuồng tín tàn bạo, họ
sử dụng lời nói chỉ để tạo ra một sự tự phát giả tạo, cho một sự
“đồng thuận” [consent] đạt được bằng sự cưỡng bức. Song những
kẻ cuồng tín này [chỉ] có thể bước vào và chỉ huy, sau khi cái trật
tự hiện hành đã bị làm cho mất uy tín và đánh mất sự ủng hộ của
quần chúng. Công việc trù bị của việc xói mòn những định chế hiện
hữu – làm cho quần chúng quen thuộc với ý tưởng về sự thay đổi,
và tạo ra một điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận một đức tin
mới – chỉ có thể được làm bởi những người mà, trước hết và chủ
yếu, là những “người nói” [talkers] hoặc những nhà văn có uy tín.
Chừng nào mà trật tự hiện hành còn vận hành trong một thể cách
ít hay nhiều có trật tự, thì quần chúng, về cơ bản, vẫn giữ nguyên
tình trạng bảo thủ. Họ có thể nghĩ đến sự cải cách, chứ không nghĩ
đến sự canh tân toàn diện. Đối với họ, thì kẻ cực đoan cuồng tín,
bất luận hùng biện ra sao, đều nguy hiểm, phản bội, phi thực tế,
hoặc thậm chí, điên rồ. Họ sẽ không nghe theo anh ta. Chính Lenin
đã nhận ra rằng, nơi nào mà miếng đất chưa sẵn sàng, thì những
người Cộng sản “thấy khó mà tiếp cận với quần chúng… và, thậm
chí, khó thuyết phục cho họ lắng nghe”(2). Vả lại, nhà cầm quyền,
ngay cả khi yếu ớt và khoan dung [tolerant], có thể phản ứng một
cách bạo động chống lại những sách lược kích động của kẻ cuồng
tín, và có thể nói, có khả năng thu được một khí lực mới, từ những
hoạt động của y.
Nhưng trong trường hợp của loại người-của-lời-nói, thì sự thể lại
khác. Quần chúng lắng nghe anh ta, bởi vì họ biết rằng, những lời
nói của anh ta – bất luận có tính thuyết phục đến đâu – cũng không
thể có những kết quả tức thì. Giới cầm quyền hoặc phớt lờ anh ta,
hoặc dùng những phương pháp để bịt miệng anh ta. Như thế, một
cách tinh tế, con người-của-lời-nói xói mòn những định chế, làm
mất uy tín những kẻ cầm quyền, làm yếu đi những niềm tin và lòng
trung thành hiện hành, và dàn dựng sân khấu cho sự nổi lên của
một phong trào quần chúng.
Sự phân biệt giữa những con-người-của-lời-nói, những kẻ cuồng
tín và những con-người-của-hành-động [có đầu óc] thực tiễn, như
sẽ được phác thảo trong các tiết sau đây, thì không có tính tuyệt
đối. Những người như Gandhi và Trotsky, ban đầu, có vẻ như là
những con-người-của-lời-nói “vô dụng,” nhưng về sau, lại biểu lộ
những tài năng phi thường như là những nhà hành chính hoặc
những vị tướng. Một người như Mohammed, khởi sự như là một
người-của-lời-nói, phát triển thành một kẻ cuồng tín không khoan
nhượng, và sau cùng, biểu lộ một cảm thức tuyệt vời về thực tế.
Một kẻ cuồng tín như Lenin, là một bậc thầy của khẩu ngữ, và là
một con-người-của-hành- động. Cái mà sự phân loại cố gợi ý, là,
việc chuẩn bị đất cho một phong trào quần chúng, thì được làm
một cách tốt nhất bởi những người, mà sự xuất sắc chính của họ,
là kỹ năng của họ trong việc sử dụng ngôn ngữ, nói hay viết; rằng
việc sản sinh ra một phong trào có hiệu quả, đòi hỏi cái tính khí và
những tài năng của kẻ cuồng tín; và rằng, sự củng cố sau cùng của
phong trào, một phần lớn là công việc của con-người-hành-động
có đầu óc thực tiễn.
Sự nổi lên của một thiểu số có tài hùng biện, nơi mà trước đó không
có ai, là một bước đi tiềm năng có tính cách mạng. Những cường
quốc phương Tây là những kẻ kích động gián tiếp và không cố ý
của những phong trào quần chúng tại châu Á – không chỉ bằng
cách khơi dậy ngọn lửa phẫn hận [xem tiết 1], mà còn bằng cách
tạo ra một thiểu số có tài hùng biện thông qua công việc giáo dục,
mà phần lớn là có tính từ thiện [philanthropic]. Nhiều trong số
những lãnh tụ cách mạng tại Ấn Độ, Trung Quốc, và Indonesia –
đều được thụ huấn tại những cơ sở giáo dục bảo thủ tại phương
Tây. Đại học Mỹ tại Beirut – vốn được điều hành và ủng hộ bởi
những người Mỹ “sợ Thượng đế,” bảo thủ – là một trường học cho
những nhà cách mạng tại thế giới thất học của Ả Rập. Cũng không
nghi ngờ gì, rằng những giáo viên “sợ Chúa,” truyền giáo tại Trung
Quốc, một cách không cố ý, đều ở trong số những người chuẩn bị
miếng đất cho cuộc cách mạng Trung Quốc.

105
Có thể chia những con-người-của-lời-nói thành nhiều loại khác
nhau. Họ có thể là những giáo sĩ, những nhà báo, những nhà tiên
tri, những nhà văn, những giáo sư, những sinh viên, và những nhà
trí thức nói chung. Nơi nào mà, như tại Trung Quốc, việc đọc và
viết là một nghệ thuật khó khăn, thì chỉ cần biết đọc biết viết, cũng
có thể ban cho người ta vị thế của một con-người-của-lời-nói. Một
tình huống tương tự thịnh hành tại Ai Cập cổ đại, nơi mà nghệ thuật
“chữ tượng hình” [picture writing] là độc quyền của một thiểu số.
Bất luận họ thuộc loại nào, thì hầu hết mọi con-người-của-lời-nói
đều có chung một sự khao khát thâm căn cố đế, vốn quy định thái
độ của họ đối với trật tự hiện hành. Đó là sự khao khát muốn được
công nhận; một sự khao khát muốn có một địa vị nổi bật, ở trên
đám “phàm phu” [the common run] của nhân loại. Napoleon nói:
“Sự tự phụ” [vanity] đã tạo ra Cách mạng; sự tự do chỉ là một cái
cớ mà thôi.” Dường như có một sự bất an vô phương cứu chữa ở
tại cốt lõi của mọi nhà trí thức, bất luận anh ta có tính sáng tạo hay
không. Ngay cả người tài ba và dồi dào sáng tạo nhất, thì dường
như anh ta sống một cuộc đời với sự tự-nghi vĩnh cửu, và mỗi ngày
lại phải tự chứng tỏ giá trị của mình. Những gì mà de Rémusat nói
về Thiers, có lẽ cũng đúng với hầu hết mọi con-người-của-lời-nói:
“Anh ta có nhiều sự tự phụ hơn tham vọng; và anh ta thích sự nể
trọng hơn sự tuân phục, và thích cái “vẻ bên ngoài” [appearance]
của quyền lực hơn chính quyền lực. Hãy tham vấn anh ta một cách
thường trực, và rồi cứ việc làm như bạn thích. Anh ta sẽ chú ý đến
cái sự kính nể của bạn đối với anh ta, hơn là những hành động của
bạn.” (3)
Trong sự nghiệp của hầu hết mọi con-người-của-lời-nói ưa chỉ
trích, có một khoảnh khắc, khi mà một cử chỉ kính nể hay thỏa hiệp
từ những người nắm quyền lực có thể kéo anh ta về phe của họ. Ở
một giai đoạn nào đó, thì phần lớn những con-người-của-lời-nói
đều sẵn sàng trở thành những kẻ xu thời [timeserver] và những
nịnh thần [courtier]. Chính Chúa Jesus, có thể đã không rao giảng
một Phúc Âm mới, nếu những người Pharisees có quyền thế đã
không đưa Ngài vào trong “chuồng trại” [the fold] của họ, gọi Ngài
là Rabbi, và lắng nghe Ngài với sự kính trọng. Một chức giám mục
được ban cho Luther ở khoảnh khắc thích hợp, thì có lẽ đã làm
nguội lạnh cái nhiệt huyết của ông cho một cuộc Cải Cách. Có lẽ,
chàng trai Karl Marx đã bị lôi kéo về phía đế quốc Phổ, nếu được
phong cho một chức danh và một chức vụ quan trọng trong chính
phủ; và Lassalle, được phong cho một chức danh và một chức vụ
quan trọng triều đình. Đúng là, một khi con-người-của-lời-nói đã
thiết lập một triết lý và một chương trình, thì có khả năng là anh ta
sẽ bảo vệ chúng, và được miễn nhiễm khỏi những lời a dua và
những lời xúi giục.
Cho dẫu con-người-của-lời-nói tin rằng, mình là chiến sĩ chiến đấu
cho những kẻ bị chà đạp và bị ngược đãi, thì mối bất bình vốn kích
động anh ta, với rất ít ngoại lệ, là riêng tư và có tính cá nhân. Lòng
tự thương hại mình, thường được sản sinh ra từ lòng thù hận đối
với những quyền lực hiện hành” (4). “Chỉ có một vài người hiếm
hoi và ngoại lệ, mới có loại tình yêu đó đối với nhân loại nói chung,
khiến cho họ không thể kiên nhẫn chịu đựng cái khối xấu ác và đau
khổ chung, bất luận nó liên quan ra sao tới cuộc đời của chính
họ.” (5)
Thoreau trình bày sự kiện với sự phóng đại quyết liệt: “Tôi tin rằng,
cái mà làm buồn lòng nhà cải cách, không phải là mối đồng cảm
với đồng bào của mình đang đau khổ; cho dẫu anh ta là đứa con
trai thánh thiện nhất của Thượng đế – nhưng đó là cái nỗi khổ riêng
tư của anh ta. Hãy chữa lành nó …và anh ta sẽ bỏ rơi những bạn
đồng hành hào phóng của mình mà không có một lời xin lỗi”(6).
Khi địa vị thượng đẳng [superior] của anh ta được công nhận một
cách thích đáng bởi những kẻ cầm quyền, thì con-người-của-lời-
nói thường tìm thấy đủ loại lý do để đứng về phía kẻ mạnh chống
lại kẻ yếu. Một Luther, ban đầu, khi ông thách thức giáo hội, nói
một cách cảm động về “kẻ nghèo, kẻ mộc mạc, người dân bình
thường” (7) ; nhưng về sau – khi đã liên minh với những tiểu
vương Đức – ông tuyên bố rằng, “Thượng đế thà chịu để cho chính
quyền tồn tại, cho dẫu nó xấu ác đến đâu, còn hơn là cho phép đám
tiện dân gây rối, bất luận sự gây rối đó có chính đáng tới đâu (8).
Một Burke – khi được bảo trợ bởi những lãnh chúa và những nhà
quý tộc – nói về “đám đông tởm lợm,” và khuyên người nghèo nên
“kiên nhẫn, lao động, điềm tĩnh [chừng mực], đạm bạc, và ngoan
đạo” (9). Những con người của lời nói – được o bế và tâng bốc tại
nước Đức của Quốc Xã và tại nước Nga Bolshevik – không cảm
thấy sự thúc đẩy nào để đứng về phía những kẻ bị bức hại và bị
khủng bố, để chống lại những lãnh tụ tàn bạo và cảnh sát mật vụ
của họ.

106
Bất cứ khi nào chúng ta tìm thấy một thể chế [mà] tồn tại vượt quá
cái thời lượng mà năng lực của nó cho phép, thì hoặc là có sự vắng
mặt hoàn toàn của một giai cấp có ăn học, hoặc là có một liên minh
thâm tình giữa những kẻ nắm quyền và những con-người-của-lời-
nói. Nơi nào mà mọi con người có học thức đều là những giáo sĩ,
thì không có sức mạnh nào có thể tấn công giáo hội. Nơi nào mà
mọi con người có học thức đều là những kẻ thư lại – hoặc nơi nào
mà sự giáo dục ban cho một người một địa vị thượng đẳng và được
mọi người công nhận – thì trật tự hiện hành có khả năng thoát khỏi
những phong trào phản kháng.
Giáo hội Công giáo sa xuống mức thấp nhất của nó vào thế kỷ thứ
10, ở thời của giáo hoàng John XII. Lúc bấy giờ, nó thối nát và bất
tài so với thời của Phong trào Cải Cách. Nhưng trong thế kỷ thứ
10, thì mọi con người có học thức đều là giáo sĩ; trái lại, trong thế
kỷ thứ 15 – như là kết quả của việc du nhập nghề in và nghề làm
giấy – sự học vấn đã không còn là độc quyền của giáo hội. Chính
những nhà nhân bản chủ nghĩa phi tăng lữ, là những người tạo
thành đội tiền phong của Phong trào Cải Cách. Những người trong
số những học giả liên kết với giáo hội – hay những người, như tại
Ý, hưởng sự bảo trợ của những Giáo Hoàng – đều biểu lộ một tinh
thần khoan dung, trên đại thể, đối với những định chế hiện hành,
bao gồm những tệ đoan của giáo hội; và, nói chung, họ ít quan tâm
về việc đám tiện dân sẽ bị bỏ lại bao lâu trong bóng tối mê tín, vốn
phù hợp với tâm thái của đám quần chúng đó” (10).
Sự ổn định của Đế quốc Trung Hoa – giống như sự ổn định của Ai
Cập cổ đại – là do một sự liên minh thâm tình giữa giới thư lại và
giới có học thức. Thật đáng chú ý rằng, cuộc biến động Thái Bình
Thiên Quốc – phong trào quần chúng hữu hiệu duy nhất trong khi
Đế quốc vẫn vận hành một cách vô thời hạn – được khởi xướng
bởi một học giả, ông ta thất bại liên miên trong cuộc thi quốc gia
để ra làm quan, một chức quan có đẳng cấp cao nhất (11).
Sự tồn tại lâu dài của Đế quốc La Mã, ở mức độ nào đó, là do sự
hợp tác toàn tâm toàn ý giữa những nhà cầm quyền La Mã và
những con-người-của-lời-nói Hy Lạp. Những người Hy Lạp bị
chinh phục cảm thấy rằng, họ mang lại luật lệ và nền văn minh cho
những kẻ chinh phục. Thật là khó chịu khi đọc thấy, Nero – biến
chất và đồi bại, nhưng lại ngưỡng mộ Hy Lạp một cách thái quá –
được chào đón một cách hết sức cuồng nhiệt bởi những người Hy
Lạp, trong chuyến viếng thăm của ông vào năm 67 sau công
nguyên.  Họ xem ông như là một nhà trí thức và nghệ sĩ bằng
hữu. “Để làm vừa lòng ông, mọi cuộc thi đấu đều được dồn vào
một năm. Mọi thành phố gửi cho ông những giải thưởng mà họ đã
đoạt trong những cuộc tranh tài của họ. Những hội đồng liên tục
phục vụ ông, khẩn khoản mời ông đến và hát khắp mọi nơi” (12).
Và ông, đến lượt mình, chồng chất lên họ những đặc quyền và công
bố tự do của Hy Lạp tại giải điền kinh toàn Hy Lạp [Corinth].
_______________
 Nguyên tác: “... in 67, A;D.” Chúng tôi tạm dịch : “... năm 67,
sau công nguyên,” là theo cách dịch thông thường. Đúng ta, phải
dịch : “năm 67, công nguyên” thì mới đúng.

Trong A Study of History, giáo sư A. Y. Toybee trích dẫn những


câu thơ Latin sáu vần [hexameters] mà Claudian của Alexandria
viết để ca ngợi La Mã, hầu như 100 năm sau khi Caesar đặt chân
lên đất Ai Cập, và Toybee nói thêm một cách nuối tiếc: “Thật sẽ
dễ dàng chứng minh rằng, nền cai trị của nước Anh, trên nhiều
phương diện, đã là một định chế “nhân từ” [benevolent] và cũng
có lẽ, bác ái [benificent] hơn Đế Quốc La Mã, nhưng thật khó mà
tìm thấy một Claudian trong bất cứ Alexandria nào của Ấn
Độ” (13). Bây giờ, không hoàn toàn khiên cưỡng để giả định rằng,
nếu những nhà cầm quyền Anh tại Ấn Độ – thay vì nuôi dưỡng
những cuộc chiến tranh tại Nizams, Mahararas, Nawabs, Geka, vân
vân – đã làm một nỗ lực để thu phục nhà trí thức Ấn Độ; nếu họ
đối xử với anh ta như là một kẻ ngang hàng, động viên anh ta trong
công việc của anh ta, và cho phép anh ta hưởng một phần của cuộc
sống xa hoa, thì có lẽ, họ đã duy trì cái nền cai trị của mình ở đó
một cách vô thời hạn. Có thể nói, những người Anh vốn cai trị Ấn
Độ, là loại người hoàn toàn thiếu cái năng khiếu sống hòa hợp với
những người trí thức trong bất cứ vùng đất nào, và nhất là tại Ấn
Độ. Họ là những con-người-của-hành-động thấm nhuần một niềm
tin vào cái “tính thượng đẳng bẩm sinh” của người Anh. Phần lớn,
họ khinh bỉ người trí thức Ấn Độ, với tư cách là một người-của-
lời-nói, và như là một người Ấn Độ. Người Anh tại Ấn Độ cố gắng
duy trì cái lãnh vực hành động cho chính họ. Ở mức độ nào đó, họ
không động viên những người Ấn Độ trở thành kỹ sư, chuyên viên
nông nghiệp, hay nhà kỹ thuật. Những định chế giáo dục mà họ
thiết lập, sản sinh ra những con người-của-lời-nói “phi thực tế;” và
thực là một sự mỉa mai của số phận rằng, hệ thống giáo dục này,
thay vì bảo vệ nền cai trị của nước Anh, đã đẩy nhanh sự kết thúc
của nó.
Sự thất bại của Anh tại Palestine, cũng một phần do sự thiếu quan
hệ mật thiết giữa giới quan chức thuộc địa Anh tiêu biểu và những
con-người-của-lời-nói bản xứ. Đa số những người Do Thái ở
Palestine – mặc dù đắm mình sâu trong hành động, nhưng do sự
giáo dưỡng và truyền thống – là những con-người-của-lời-nói, và
nhạy cảm trước một khuyết điểm [của kẻ cai tri. ND]. Họ nhức
nhói trước thái độ khinh bỉ của quan chức Anh – vốn xem họ như
là một lũ những “tên lý sự cùn” [quibblers] hèn nhát, vong ân – và
dễ dàng trở thành những con mồi cho những người Ả Rập hiếu
chiến, một khi nước Anh rút lui bàn tay che chở của nó. Những
người Do Thái ở Palestine cũng oán hận sự giám hộ của những
quan chức [Anh] tầm thường – những kẻ “thấp hơn” họ, cả về kinh
nghiệm lẫn trí thông minh. Nếu những quan chức người Anh ở
Palestine có tầm vóc [năng lực] của Julian Huxley, Harold
Nicolson hay Richard Crossman, thì có lẽ, Palestine đã không tuột
khỏi tay Đế quốc Anh.
Trong cả chế độ Bolshevik lẫn Đức Quốc Xã, đều có một sự nhận
biết rõ ràng về mối quan hệ có tính quyết định giữa những con-
người-của-lời-nói và nhà nước. Tại nước Nga, giới văn nhân, nghệ
sĩ, và học giả, chia sẻ những đặc quyền của nhóm cầm quyền. Họ
là những công chức cao cấp. Và mặc dù bị buộc phải vâng theo
đường lối đảng, họ chỉ tuân phục cùng một kỷ luật được áp đặt lên
phần còn lại của giới tinh hoa [the elite]. Trong trường hợp của
Hitler, thì có một chủ nghĩa duy thực “ma quỷ” [độc ác] trong kế
hoạch của ông ta – cái kế hoạch biến sự học vấn thành lãnh vực
độc quyền của nhóm tinh hoa, mà sẽ thống trị cái đế chế theo hình
dung của ông ta, và cầm giữ đám quần chúng vô danh ở trong tình
trạng gần như thất học.

107
Những con-người-của-lời-nói của thế kỷ 18 tại Pháp, là một thí dụ
quen thuộc nhất về những nhà trí thức đi tiên phong, mở đường
cho một phong trào quần chúng. Một khuôn mẫu phần nào tương
tự, có thể được phát hiện trong những giai đoạn đi trước sự nổi lên
của phần lớn những phong trào quần chúng. Miếng đất cho Phong
trào Cải Cách, được chuẩn bị bởi những người vốn chỉ trích và tố
giác giới tăng lữ trong những tập sách bướm và bởi những văn nhân
giống như Johann Reuchin, họ chiến đấu và làm mất uy tín
của curia La Mã.  Sự lan truyền nhanh chóng của Ki-tô giáo
trong thế giới La Mã, một phần là do sự kiện rằng, những giáo phái
“ngoại đạo” mà nó tìm cách thay thế, đã hoàn toàn bị làm cho mất
uy tín. Việc làm mất uy tín này đã được làm, trước và sau sự khai
sinh của Ki-tô giáo, bởi những triết gia Hy Lạp – họ chán sự ấu trĩ
của những giáo phái và tố giác, giễu cợt chúng trong những trường
học và trên những đường phố của các đô thị. Ki-tô giáo thu được
ít kết quả trong việc chống lại Do Thái giáo, bởi vì đạo này có sự
ủng hộ nhiệt thành của những người-của-lời-nói Do Thái.
Những rabbi• và môn đệ của họ hưởng địa vị cao quý trong cuộc
sống Do Thái của thời đó, nơi mà trường học và sách thay thế đền
thờ và tổ quốc. Trong bất cứ trật tự xã hội nào, mà ở đó quyền
thống trị của những con-người-của-lời-nói là quá tối cao, thì không
sự chống đối nào có thể phát triển bên trong nó, và không phong
trào quần chúng ngoại lai nào có thể giành được một điểm tựa vững
chắc.
________
 Curia : Triều đình và chính quyền của Giáo Hoàng, thuộc Giáo
Hội Công giáo La Mã
• Rabbi: Giáo sỹ Do Thái.

Các phong trào quần chúng của thời hiện đại, bất luận là xã hội chủ
nghĩa hay dân tộc chủ nghĩa, đều luôn được đề xướng bởi những
nhà thơ, nhà văn, sử gia, học giả, triết gia, và những người đại loại
như thế. Không cần phải nhấn mạnh sự kết nối giữa những lý thuyết
gia trí thức và những phong trào cách mạng. Nhưng cũng đúng là,
mọi phong trào dân tộc chủ nghĩa – từ sự sùng bái tổ quốc• trong
cách mạng Pháp cho tới cuộc nổi dậy dân tộc chủ nghĩa gần đây
nhất tại Indonesia – đều được “thai nghén” không phải bởi những
con-người-của-hành-động, mà bởi những nhà trí thức ưa chỉ trích.
Những vị tướng, những nhà công nghiệp, những địa chủ và doanh
nhân, được xem như là những trụ cột của chủ nghĩa ái quốc, đều là
những “kẻ đến muộn” – họ gia nhập phong trào sau khi nó đã có
cơ sở vững chắc. Nỗ lực cam go nhất của giai đoạn sớm sủa nhất
của mọi phong trào dân tộc chủ nghĩa, nằm ở việc thuyết phục và
giành được sự ủng hộ của những trụ cột tương lai này. Sử gia Czec,
Palacky, nói rằng, nếu trần nhà của một căn phòng mà trong đó ông
và một nhúm bạn đang ăn tối một đêm nọ bị sập, thì có lẽ đã không
có phong trào dân tộc chủ nghĩa Czec nào (14). Những nhúm
những con-người-của-lời-nói phi thực tế như thế, có mặt ở khởi
đầu của mọi phong trào dân tộc chủ nghĩa. Những nhà trí thức Đức,
là những kẻ khởi xướng của chủ nghĩa dân tộc Đức, hệt như những
nhà trí thức Do Thái, là những kẻ khởi xướng của chủ nghĩa phục
quốc Do Thái. Chính nỗi khao khát sâu đậm của con-người-của-
lời-nói, về một tình trạng cao quý, mà đã khiến cho anh ta hết sức
nhạy cảm trước bất cứ sự nhục nhã nào bị áp đặt lên giai cấp hay
cộng đồng (sắc tộc, ngôn ngữ hay tôn giáo), mà anh ta thuộc về, dù
lỏng lẻo đến đâu. Chính sự lăng nhục của Napoleon đối với những
người Đức, nhất là người Phổ, mà đã đẩy Fichte và các trí thức
Đức kêu gọi quần chúng Đức đoàn kết lại thành một dân tộc hùng
mạnh, mà sẽ thống trị châu Âu. Theodor Herzel và các nhà trí thức
Do Thái bị đẩy tới chủ nghĩa phục quốc Do Thái bởi những lăng
nhục bị chồng chất lên hàng triệu người Do Thái tại Nga, và bởi
những lời vu khống mà những người Do Thái phải nhận chịu trong
phần còn lại của châu Âu lục địa, vào cuối thế kỷ 19. Tới một mức
độ nào đó, thì phong trào dân tộc chủ nghĩa vốn ép buộc những nhà
cai trị Anh phải ra khỏi Ấn Độ, có mầm mống của nó trong sự nhục
nhã của một con-người-của-lời-nói gầy gò, đeo mắt kiếng, tại Nam
Phi.
___________
• The cult of la patrie.

108
Thật dễ thấy, như thế nào mà, con-người-của-lời-nó ưa chỉ trích –
bằng sự giễu cợt và tố giác dai dẳng – lay động những niềm tin và
lòng trung thành hiện hành, và làm cho quần chúng quen thuộc với
ý tưởng về sự thay đổi. Cái mà không hiển nhiên, là cái quá trình
mà qua đó, việc làm mất uy tín của định chế hiện hành, và niềm tin
vào chúng, lại tạo điều kiện cho sự nổi lên của một đức tin cuồng
tín mới. Thật đáng chú ý rằng, con-người-của-lời-nói hiếu chiến –
anh ta “thăm dò trật tự đã xác lập cho tới nguồn gốc của nó, để
khẳng định rằng, nó thiếu thẩm quyền và sự công bằng” (15) –
thường chuẩn bị miếng đất, không phải cho một xã hội của những
cá nhân có tư duy tự do, mà cho một xã hội dính kết [corporate]
vốn trân quý sự hợp nhất tối đa và đức tin mù quáng. Một sự
khuếch tán rộng lớn của sự hoài nghi và bất kính như thế, thường
hay dẫn đến những kết quả bất ngờ. Sự bất kính của phong trào
Phục Hưng là một khúc khai tấu [prelude] cho sự cuồng tín mới
của Phong trào Cải Cách và Phong trào Chống Cải Cách. Những
người Pháp của phong trào Khai Sáng – lật tẩy giáo hội, vua chúa,
và rao giảng lý tính và sự khoan dung – gây ra một sự bùng nổ của
sự cuồng tín có tính cách mạng và dân tộc chủ nghĩa, một sự cuồng
tín mà cho tới nay, vẫn chưa giảm bớt. Marx và những môn đệ của
ông làm mất uy tín của tôn giáo, chủ nghĩa dân tộc và sự theo đuổi
kinh doanh cuồng nhiệt, và đẻ ra sự cuồng tín của chủ nghĩa xã hội,
của chủ nghĩa dân tộc Stalinist, và niềm đam mê về sự thống trị thế
giới.
Khi chúng ta lật tẩy một đức tin hay một thành kiến cuồng tín, thì
chúng ta không tấn công vào gốc rễ của sự cuồng tín. Chúng ta chỉ
tránh, không cho nó rò rỉ ở một thời điểm nào đó, với kết quả là,
nó có thể sẽ rò rỉ ở một thời điểm nào khác. Như thế, bằng cách hạ
bệ những niềm tin và những tình cảm trung thành hiện hành, con-
người-của-lời-nói hiếu chiến, một cách không cố ý, tạo ra trong
quần chúng tỉnh mộng một sự đói khát về đức tin. Bởi vì đa số
người không thể chịu đựng sự trống rỗng và sự vô dụng của đời
họ, trừ phi họ có một sự hiến dâng nào đó, hay một sự theo đuổi
cuồng nhiệt nào đó, mà trong đó, họ có thể đánh mất chính mình.
Như thế, dù không cố ý, con-người-của-lời-nói ưa khinh bỉ, lại trở
thành kẻ tiên phong của một đức tin mới.
Con-người-của-lời-nói đích thực, chính anh ta có thể sống mà
không có đức tin vào những cái tuyệt đối. Anh ta đánh giá cao sự
tìm kiếm chân lý cũng nhiều như chính tự thân chân lý. Anh ta hân
hoan trong sự va chạm của tư tưởng và trong cái “cho và nhận”
[give and take] của cuộc tranh cãi. Nếu anh ta xây dựng một triết
lý và một học thuyết, thì chúng là việc “triển lãm” sự sáng chói và
một thao tác trong phép biện chứng, hơn là một chương trình hành
động và những giáo điều của một đức tin. Đúng là, sự tự phụ
[vanity] của anh ta, thường thúc đẩy anh ta bảo vệ những suy tưởng
của mình với sự tàn bạo và thậm chí, thù hận; nhưng anh ta thường
dựa vào lý tính chứ không phải đức tin. Tuy vậy, rất có thể, những
kẻ cuồng tín và quần chúng đói khát đức tin sẽ gán cho những suy
tưởng như thế sự chắc chắn của Kinh Thánh, và biến chúng thành
cội nguồn của một đức tin mới. Chúa Jesus không phải là một
người Ki-tô giáo, và Marx, cũng không phải là một nhà Marxist.
Tóm lại, con-người-của-lời-nói hiếu chiến chuẩn bị miếng đất cho
sự nổi lên của một phong trào quần chúng, bằng cách: 1/ làm mất
uy tín của những giáo điều và những định chế hiện hành và [bằng
cách] làm cho quần chúng mất niềm tin đối với chúng. 2/ gián tiếp
tạo ra một sự đói khát niềm tin trong trái tim của những ai vốn
không thể sống không có nó, để mà, khi đức tin mới được rao
giảng, thì nó sẽ tìm thấy một sự đáp ứng nhiệt thành trong số quần
chúng vỡ mộng; 3/ bằng cách cung cấp học thuyết và những khẩu
hiệu của đức tin mới; 4/ bằng cách xói mòn những xác tín của
những người có thể sống mà không có đức tin, để mà, khi sự cuồng
tín mới xuất hiện, thì họ sẽ không có năng lực để kháng cự nó. Họ
không thấy nghĩa lý nào trong việc chết cho những xác tín và những
nguyên tắc; họ cũng không bao giờ khuất phục trật tự mới mà
không có cuộc chiến đấu nào. (16)
Như thế, khi nhà trí thức bất kính đã làm xong công việc của anh
ta: [thì]:
Kẻ tinh hoa nhất, thiếu mọi xác tín, trong khi kẻ tồi tệ nhất thì đầy
cuồng nhiệt.
Chắc chắn, sự mặc khải nào đó đã sẵn sàng,
Chắc chắn Cuộc giáng thế thứ Hai đã sẵn sàng. (17)
Bây giờ, sân khấu đã được dựng lên cho những kẻ cuồng tín.

109
Những nhân vật bi đát trong lịch sử của một phong trào quần
chúng, thường là những nhà trí thức tiên phong, họ sống đủ lâu để
thấy sự sụp đổ của trật tự cũ bởi hành động của quần chúng.
Người ta thường có ấn tượng rằng, những phong trào quần chúng,
và nhất là những cuộc cách mạng, đều được sinh ra từ cái quyết
tâm của quần chúng trong việc lật đổ một chế độ độc tài thối nát,
áp bức và giành cho mình tự do hành động, tự do ngôn luận, và tự
do lương tâm. Nhưng thực ra, cái ấn tượng đó có nguồn gốc trong
những lời nói ầm ĩ, vốn được “phóng thích” bởi những nhà trí thức
khởi xướng phong trào, trong những cuộc đụng độ của họ với cái
trật tự hiện hành. Những phong trào quần chúng, khi chúng nổi lên,
thường biểu lộ ít tự do cá nhân (18), so với cái trật tự mà nó thay
thế; nguyên nhân của sự kiện nói trên, thường được quy về cho cái
thủ đoạn lừa gạt của một tập đoàn thèm khát quyền lực, mà đã “bắt
cóc” phong trào ở một giai đoạn hệ trọng và lừa gạt quần chúng,
không cho họ hưởng sự tự do đang bắt đầu ló dạng. Nhưng thực ra,
những người duy nhất bị lừa gạt trong quá trình cách mạng, là
những nhà trí thức tiên phong. Họ nổi lên chống lại trật tự đã được
xác lập, chế giễu sự phi lý và sự bất lực của nó, tố giác tính phi
chính nghĩa và sự áp bức của nó, và kêu gọi tự do tự biểu đạt và tự
thực hiện. Họ mặc nhiên cho rằng, quần chúng – những người đáp
lời kêu gọi của họ, và xếp hàng đằng sau họ – cũng khao khát cùng
những điều như họ. Tuy nhiên, sự tự do mà quần chúng khao khát,
không phải là tự do tự biểu đạt và tự thực hiện, mà là tự do được
thoát khỏi cái gánh nặng không thể chịu nổi của một hiện hữu tự-
trị. Họ muốn tự do thoát khỏi cái “gánh nặng đáng sợ của sự lựa
chọn tự do,”(19) tự do khỏi cái trách nhiệm cam go của việc thực
hiện cái bản ngã vô dụng của họ và gánh vác trách nhiệm về cái
“sản phẩm nhơ nhuốc” đó. Cái mà họ muốn, không phải là tự do
lương tâm, mà là đức tin mù quáng, độc đoán. Họ quét phăng cái
trật tự cũ, không phải để tạo ra một xã hội của những con người tự
do và độc lập, mà là để thiết lập sự đồng phục, sự vô danh cá nhân
và một mẫu mực mới của sự hợp nhất tuyệt đối. Không phải sự độc
ác của chế độ cũ, là cái đã khiến họ nổi lên chống lại, mà là sự yếu
đuối của nó; không phải sự áp bức của nó, mà là sự thất bại của nó
trong việc cột họ lại với nhau trong một cái-toàn-bộ hùng mạnh,
vững chắc. Sức thuyết phục của nhà trí thức mị dân không nằm
trong việc thuyết phục dân chúng về sự đê hèn của trật tự cũ, cho
bằng [trong việc] chứng minh sự bất lực của nó. Kết quả tức thì
của một phong trào quần chúng, thường tương ứng với những gì
mà dân chúng muốn. Họ không hề bị lừa gạt trong quá trình cách
mạng.
Lý do cắt nghĩa cho cái số phận bi đát – mà gần như luôn luôn đổ
xuống những “bà đỡ” trí thức của một phong trào quần chúng – là,
bất luận họ rao giảng và tôn vinh nỗ lực hợp quần nhiều ra sao, thì
về bản chất, họ vẫn là những người cá nhân chủ nghĩa. Họ tin vào
khả-tính của hạnh phúc cá nhân và giá trị [validity] của quan niệm
và sáng kiến cá nhân. Nhưng một khi phong trào bắt đầu lăn bánh,
thì quyền lực lại rơi vào tay những kẻ vốn không có đức tin nào,
cũng không có sự kính nể nào, đối với cá nhân. Và họ thắng thế,
không phải bởi vì sự coi thường của họ đối với cá nhân mang đến
cho họ năng lực trong việc thực hiện hành vi sự tàn bạo, mà là, thái
độ của họ thì hoàn toàn phù hợp với sự cuồng nhiệt mãnh liệt của
quần chúng.

=========
1. See examples in Section 106.
2. G. E. G. Catlin, The Story of the Political Philosophers (New
York: McGraw-Hill Book Company, 1939), p. 633.
3. Quoted by Alexis de Tocqueville, Recollections (New York:
Macmillan Company, 1896), p. 331.
4. Multatuli, Max Havelaar (New York: Alfred A. Knopf, Inc.,
1927). Introduction by D. H. Lawrence.
5. Bertrand Russell, Proposed Roads to Freedom (New York: Blue
Ribbon Books, 1931). Introduction, p. viii.
6. Henry Thoreau, Waiden, Modern Library edition (New York:
Random House, 1937), p. 70.
7. In his letter to the Archbishop of Mainz accompanying his
theses. Quoted by Frantz Funck-Brentano, Luther (London:
Jonathan Cape, Ltd., 1939), p. 65.
8. Quoted by Jerome Frank, Fate and Freedom (New York: Simon
and Schuster, Inc., 1945), p. 281.
9. Ibid., p. 133.
10. “Reformation,” Encyclopaedia Britannica.
11. René Fülöp Miller, Leaders, Dreamers and Rebels (New York:
The Viking Press, 1935), p. 85.
12. Ernest Renan, Antichrist (Boston: Roberts Brothers, 1897), p.
245.
13. Arnold J. Toynbee, A Study of History. Abridgement by D. C.
Somervell (Toronto: Oxford University Press, 1947), p. 423.
14. Carlton J. H. Hayes, The Historical Evolution of Modern
Nationalism (New York: R. R. Smith, 1931), p. 294.
15. Pascal, Pensées:
16. Demaree Bess quotes a Dutch banker in Holland in 1941: “We
do not want to become martyrs any more than most modern people
want martyrdom.” “The Bitter Fate of Holland,” Saturday Evening
Post, Feb. 1, 1941.
17. William Butler Yeats, “The Second Coming,” Collected
Poems (New York: Macmillan Company, 1933).
18. See Section 27.
19. Fëdor Dostoyevsky, The Brothers Karamazov, Book V, Chap.
5.

CHƯƠNG XVI
NHỮNG KẺ CUỒNG TÍN
110
Khi khoảnh khắc đã chín muồi, thì chỉ có kẻ cuồng tín mới
có thể “đẻ” ra một phong trào quần chúng đích thực. Không có y,
thì sự chán ghét được tạo ra bởi những người-của-lời-nói hiếu
chiến, vẫn thiếu sự chỉ đạo, không có phương hướng, và sự chán
ghét ấy chỉ có thể bùng ra trong những cuộc gây rối vô mục đích
và dễ dàng bị dập tắt. Không có y, thì những cải cách đã được khởi
xướng, dù mạnh mẽ đến đâu, vẫn không làm cho lối sống cũ thay
đổi, và bất cứ sự thay đổi nào trong chính phủ, cũng không vượt
quá một chuyển giao quyền lực – từ một ê-kíp những con-người-
của-hành động này sang một ê-kíp những con-người-của-hành-
động khác. Không có y, thì có lẽ, sẽ không có một khởi đầu mới
nào.
Khi trật tự cũ bắt đầu rã ra từng mảnh, thì nhiều trong số những
con-người-của-lời-nói ầm ĩ – vốn đã mong đợi quá lâu cái ngày đó
– trở nên hoảng sợ. Cái thoáng nhìn đầu tiên về khuôn mặt của
“tình trạng vô chính phủ” [anarchy] làm cho họ vô cùng khiếp đảm.
Họ quên béng tất cả những gì mà họ đã nói về “quần chúng nghèo
khổ, mộc mạc,” và chạy đến cầu cứu những con-người-của-hành-
động mạnh mẽ – những quân vương, những vị tướng, những nhà
hành chánh, những chủ ngân hàng, những điền chủ – là những
người biết cách xử lý đám tiện dân và biết cách lèo lái cơn thủy
triều của sự hỗn loạn.
Kẻ cuồng tín thì không như vậy. Sự hỗn loạn là thành tố cấu thành
y. Khi trật tự cũ bắt đầu rạn vỡ, thì y “lội vào,” công kích dữ dội,
với hết sức mạnh của mình và sự liều lĩnh để thổi bay cái hiện tại
đáng ghét lên trời. Y vui sướng hân hoan trước cảnh tượng của một
thế giới đang đi tới một kết thúc đột ngột. Cóc cần những cuộc cải
cách! Tất cả những gì đã hiện hữu chỉ là rác rưởi, và không có
nghĩa lý gì trong việc cải cách rác rưởi. Y biện minh cho cái ý chí,
cái khuynh hướng vô chính phủ của mình với sự khẳng định “có
vẻ hợp lý” rằng, sẽ không thể có sự khởi đầu mới nào, bao lâu mà
cái cũ vẫn còn nhan nhản. Y đẩy sang một bên những con-người-
của-lời-nói đang sợ hãi, nếu họ vẫn còn lẩn quẩn gần đó – mặc dù
y tiếp tục tán dương những học thuyết của họ và hô to những khẩu
hiệu của họ. Chỉ mình y biết sự khao khát thâm sâu nhất của quần
chúng đang hành động: niềm khao khát sự hội thông, việc tập hợp
đám đông, sự giải tan của tính cá nhân đáng nguyền rủa, để hòa
vào cái uy nghiêm và cao đại của một cái toàn thể hùng mạnh. Hậu
thế là vua; và khốn nạn thay cho những ai, bên trong và bên ngoài
phong trào mà vẫn còn ôm ghì và đeo níu vào hiện tại.

111
Những kẻ cuồng tín đến từ đâu? Phần lớn từ hàng ngũ của những
con-người-của-lời-nói phi sáng tạo. Sự phân chia có ý nghĩa nhất
giữa những con-người-của-lời-nói, là giữa những người mà có thể
tìm thấy sự mãn nguyện trong công việc sáng tạo và những người
không thể. Con-người-của-lời-nói sáng tạo – bất luận anh ta chỉ
trích và giễu cợt trật tự hiện hành một cách cay đắng ra sao – thì
anh ta thực sự gắn chặt với hiện tại. Niềm đam mê của anh ta là sự
cải tổ, chứ không phải sự hủy diệt. Khi phong trào vẫn hoàn toàn
nằm trong tầm kiểm soát của anh ta, thì anh ta biến nó thành một
vụ việc ôn hòa. Những cải cách mà anh ta khởi xướng, đều chỉ là
trên bề mặt, và cuộc sống cứ tiếp tục mà không có sự gián đoạn bất
ngờ. Nhưng một sự phát triển như thế chỉ có thể xảy ra, khi hành
động “vô chính phủ” của quần chúng không vào cuộc – hoặc bởi
vì trật tự cũ tự thoái vị mà không có một cuộc chiến đấu, hoặc bởi
vì con-người-của-lời-nói tự liên minh với những con-người-của-
hành-động mạnh mẽ, vào khoảnh khắc mà sự hỗn loạn đe dọa sẽ
“sổ lồng.” Khi cuộc chiến đấu với trật tự cũ là cam go và hỗn loạn,
và sự thắng lợi chỉ có thể giành được bởi sự hợp nhất tối đa và sự
hy sinh quên mình, thì con-người-của-lời-nói sáng tạo thường bị
đẩy sang một bên, và việc quản lý những vụ việc rơi vào tay của
những con-người-của-lời-nói phi sáng tạo – những kẻ bất thích
nghi vĩnh viễn và những kẻ cuồng tín, khinh bỉ hiện tại (1).
Kẻ nào [mà] muốn viết một cuốn sách vĩ đại, vẽ một bức tranh vĩ
đại, sáng tạo một tuyệt tác về kiến trúc, trở thành một khoa học gia
vĩ đại, và biết rằng, anh ta sẽ mãi mãi không bao giờ có thể thành
tựu điều này, ước mơ sâu thẳm nhất của mình – một con người như
thế, sẽ không tìm thấy bình an trong một trật tự xã hội ổn định, cũ
hay mới. Anh ta thấy đời mình như là bị hỏng một cách không thễ
vãn hồi, và thế giới mãi mãi ở trong sự hỗn loạn. Anh ta chỉ cảm
thấy “như ở nhà” trong tình trạng hỗn loạn. Ngay cả khi anh ta tuân
phục hay áp đặt một kỷ luật sắt, thì anh ta chỉ đang tuân phục hay
đang tạo ra cái công cụ không thể thiếu cho việc đạt tới một trạng
thái biến dịch vĩnh viễn. Chỉ khi nào dấn mình vào sự thay đổi, thì
anh ta mới có một cảm thức về tự do và cái cảm nhận rằng, anh ta
đang tăng trưởng và đang phát triển. Chính là bởi vì anh ta không
bao giờ có thể thỏa hiệp với cái bản ngã của mình, mà anh ta sợ sự
dứt khoát [finality] và trật tự ổn định của sự vật. Marat,
Robespierre, Lenin, Mussolini và Hitler là những thí dụ nổi bật của
những kẻ cuồng tín nổi lên từ hàng ngũ của những con-người-của-
lời-nói phi sáng tạo. Peter Viereck chỉ ra rằng, phần lớn những
“ông lớn” [bigwigs] Đức Quốc Xã đều có những tham vọng về
nghệ thuật và văn học, mà họ đã không thể thành tựu. Hitler thử
sức với hội họa và kiến trúc; Goebbels, kịch, tiểu thuyết và thi ca;
Rosenberg, kiến trúc và triết học; von Shirach, thi ca; Funk, âm
nhạc; Streicher, hội họa. “Hầu như tất cả đều là những kẻ thất bại,
không chỉ theo tiêu chuẩn thông thường, thô thiển của sự thành
công, mà còn theo tiêu chuẩn nghệ thuật của chính họ.” Những
tham vọng nghệ thuật và văn học của họ, “từ khởi thủy, là sâu xa
hơn những tham vọng chính trị, và là bộ phận không thể thiếu của
nhân cách họ.” (2)
Con-người-của-lời-nói sáng tạo, thì bất an trong bầu khí của một
phong trào năng động. Anh ta cảm thấy rằng, cái sự quay cuồng và
nhiệt huyết của nó tát cạn năng lượng sáng tạo của mình. Bao lâu
mà anh ta vẫn còn có ý thức về cái dòng chảy sáng tạo bên trong
mình, thì anh ta sẽ không tìm thấy sự mãn nguyện trong việc lãnh
đạo hàng triệu người và giành những thắng lợi. Kết quả là, một khi
phong trào khởi sự lăn bánh, thì anh ta, hoặc rút lui một cách tự
nguyện, hoặc bị đẩy sang một bên. Vả lại, bởi vì con-người-của-
lời-nói đích thực không bao giờ có thể, một cách toàn tâm toàn ý
và lâu dài, đè nén cái năng lực phê phán của mình; do vậy, một
cách không thể tránh được, anh ta bị ném vào trong vai trò của “kẻ
tà đạo.” Như thế, trừ phi con-người-của-lời-nói sáng tạo bóp chết
[dập tắt] cái phong trào sơ sinh bằng cách tự liên minh với những
người-của-hành-động mạnh mẽ – hoặc trừ phi anh ta chết vào
khoảnh khắc thích hợp – thì sau cùng, anh ta có khả năng trở thành
một kẻ ẩn dật bị xa lánh, hoặc bị lưu đày, hoặc phải đối mặt với
một đội hành quyết.

112
Cái nguy hiểm mà kẻ cuồng tín gây ra cho một phong trào, là anh
ta không thể nào tự đưa mình vào thế ổn định. Một khi phong trào
đã giành được thắng lợi, và trật tự mới bắt đầu kết tinh, thì kẻ cuồng
tín trở thành một yếu tố của sự căng thẳng gây chia rẽ. Sự ưa thích
cảm xúc mạnh đẩy y tới chỗ tìm kiếm những bí ẩn chưa được phát
lộ và những cánh cửa bí mật chưa được mở. Y tiếp tục quờ quạng
tìm kiếm những cực đoan. Như thế, một khi đã giành được chiến
thắng, thì phần lớn những phong trào quần chúng thấy mình trong
ở trong vòng kiềm tỏa của sự bất hòa, tranh chấp. Sự cuồng nhiệt,
mà ngày hôm qua tìm thấy một lối thoát trong cuộc tranh đấu sinh
tử với những kẻ thù vĩnh cửu, thì bây giờ tuôn ra trong những tranh
chấp và va chạm bạo động của những bè phái. Sự thù hận trở thành
một thói quen. Không còn kẻ thù nào để tiêu diệt, những kẻ cuồng
tín biến nhau thành kẻ thù. Hitler – chính ông ta là một kẻ cuồng
tín – có thể chẩn đoán, với sự chính xác, tâm trạng của những kẻ
cuồng tín, vốn âm mưu chống lại ông ta bên trong hàng ngũ của
đảng Quốc Xã. Trong mệnh lệnh cho thủ trưởng mới được bổ
nhiệm của SA sau cuộc thanh trừng Rohm vào năm 1934, ông nói
về những ai mà sẽ không ổn định, đứng ngồi không yên: “Không
nhận thức điều đó, họ đã tìm thấy trong chủ nghĩa hư vô cái tín
điều tối hậu của đức tin… sự bồn chồn và bất an của họ chỉ có thể
tìm thấy sự thỏa mãn trong hoạt động âm mưu của tâm trí, và mãi
mãi âm mưu làm tan rã bất cứ cái mưu đồ nào tình cờ diễn ra trong
khoảnh khắc đó” (3). Thường khi, những cáo buộc của Hitler
chống lại những đối thủ [bên trong và bên ngoài Đế chế] chính là
một sự tự bộc lộ [self-revelation] con người của chính ông. Nhất là
trong những ngày cuối cùng của đời mình, ông tìm thấy trong chủ
nghĩa hư vô [nihilism] “triết lý tối hậu và những lời từ biệt tối hậu
của ông” (4)
Nếu được phép làm theo cách của mình, thì kẻ cuồng tín có thể làm
phân hóa một phong trào thành những nhóm ly khai [schism] và
những “tà thuyết” [heresies], vốn đe đọa sự hiện hữu của nó. Ngay
cả khi những kẻ cuồng tín không nuôi dưỡng sự bất hòa, thì họ có
thể phá hủy phong trào bằng cách đẩy nó tới chỗ nỗ lực làm cái
bất-khả. Chỉ có sự bước vào của một con-người-của-hành-động [có
đầu óc] thực tiễn, thì mới có thể cứu vãn những thành quả của
phong trào.

=========
1. See Section 37.
2. Peter Viereck, Metapolitics (New York: Alfred A. Knopf,
1941), pp. 156 and 170.
3. Hans Bernd Gisevius, To the Bitter End (Boston: Houghton
Mifflin Company, 1947), pp. 121–122.
4. H. R. Trevor-Roper, The Last Days of Hitler (New York:
Macmillan Company, 1947), p. 4.

CHƯƠNG XVII
NHỮNG CON-NGƯỜI-CỦA-HÀNH-ĐỘNG CÓ ĐẦU ÓC
SÁNG SUỐT
113

Một phong trào được [tiên phong] khởi xướng bởi những
con-người-của-lời-nói, được hiện-thực-hóa bởi những kẻ cuồng
tín, và được củng cố bởi những con-người-của-hành-động [có đầu
óc sáng suốt].
Thường là một thuận lợi cho một phong trào – và có lẽ, là một điều
kiện tiên quyết cho sự tồn tại lâu dài của nó – nếu những vai trò
này được đóng bởi những con người khác nhau, kế tục nhau như
hoàn cảnh đòi hỏi. Khi cùng một người [hay những người, hay
cùng một mẫu người] lãnh đạo phong trào từ lúc mới “thai nghén”
cho tới khi chín muồi, thì nó thường chấm dứt trong thảm họa.
Những phong trào Phát-xít và Đức Quốc Xã, không có một sự thay
đổi kế tục trong sự lãnh đạo, và cả hai đều kết thúc trong thảm họa.
Chính là sự cuồng tín của Hitler, sự bất lực của ông trong việc thích
nghi với tình huống mới, và [bất lực trong việc] đóng vai trò của
con-người-của-hành-động [có đầu óc] sáng suốt, là cái đã mang
đến sự đổ vỡ cho phong trào của ông. Nếu Hitler đã chết vào
khoảng giữa những năm 1930, thì có ít sự nghi ngờ rằng, một con-
người-của-hành động thuộc loại của Goering có lẽ đã kế tục sự
lãnh đạo, và phong trào có lẽ đã sống sót.
Dĩ nhiên, có khả-tính của một thay đổi về tính chất. Một con-
người-của-hành-động có thể biến thành một kẻ cuồng tín đích thực,
hoặc thành một con-người-của-hành động [có đầu óc] thực tiễn.
Thế nhưng, bằng chứng chỉ ra rằng, những chuyển đổi như thế
thường tạm bợ, và rằng, không sớm thì muộn, có một sự quay
ngược trở lại mẫu người nguyên thủy. Trotsky, về bản chất, là một
con-người-của-lời-nói tự phụ, thông minh, và cá nhân chủ nghĩa từ
trong cốt lõi. Sự sụp đổ tan tành của một Đế Quốc và cái ý chí áp
đảo mang ông ta vào trong trận doanh của những kẻ cuồng tín.
Trong cuộc nội chiến, ông phô bày những tài năng vô song như là
một nhà tổ chức và một vị tướng. Nhưng cái khoảnh khắc khi mà
sự căng thẳng được nới lỏng ở cuối cuộc nội chiến, thì ông trở lại
là một con-người-của-lời-nói, không có sự tàn bạo và những ngờ
vực đen tối, đặt sự tin cậy của mình vào lời nói hơn là bạo lực tàn
nhẫn, và tự cho phép mình bị đẩy sang một bên bởi Stalin, một kẻ
cuồng tín và thủ đoạn.
Stalin, chính ông ta, là một kết hợp của một kẻ cuồng tín và một
con-người-của-hành động, với sự thống trị của nét cuồng tín.
Những sai lầm nghiêm trọng chết người của ông – sự thủ tiêu
những kulaks [phú nông] và hậu duệ của họ, sự khủng bố của
những cuộc thanh trừng, hòa ước với Hitler, sự can thiệp vụng về
vào công việc sáng tạo của những nhà văn, những nghệ sĩ, và
những nhà khoa học – là những sai lầm nghiêm trọng của một kẻ
cuồng tín. Có ít cơ may cho những người Nga nếm được những
niềm vui của hiện tại trong khi Stalin, kẻ cuồng tín, đang nắm
quyền lực.
Hitler cũng chủ yếu là một kẻ cuồng tín, và sự cuồng tín của ông
làm hỏng những thành quả đáng chú ý của ông như là một con-
người-của-hành-động.
Dĩ nhiên, có những lãnh tụ hiếm hoi như Lincoln, Gandhi, ngay cả
F.D.R, Churchill và Nehru. Các vị này không do dự trong việc khai
thác những khao khát và sợ hãi của con người để biến quần chúng
thành một khối chặt chẽ và làm cho họ cuồng nhiệt cho đến chết
trong việc phụng sự một “sự nghiệp thần thánh”; nhưng không
giống một Hitler, một Stalin, hay ngay cả một Luther và
Calvin, (1) các vị không bị cám dỗ tới chỗ sử dụng cái chất bùn
[slime] của những linh hồn phẫn chí như chất hồ vữa, để xây dựng
một thế giới mới. Lòng tự tin của những lãnh tụ hiếm hoi này được
xuất phát từ, và hòa trộn với, đức tin của họ vào nhân-tính
[humanity] – bởi vì họ biết rằng, không ai có thể đáng kính trừ phi
anh ta tôn vinh nhân-loại [mankind].

114
Con-người-của-hành-động  [có đầu óc sáng suốt] sẽ tránh cho
phong trào những bất hòa có tính tự sát và sự liều lĩnh của những
kẻ cuồng tín. Nhưng sự xuất hiện của anh ta thường đánh dấu sự
kết thúc của giai đoạn năng động của phong trào. Cuộc chiến đấu
với hiện tại đã qua. Con-người-của-hành-động đích thực không
quyết tâm canh tân thế giới, mà quyết tâm sở hữu nó. Trong khi
hơi thở sống của giai đoạn năng động là sự phản đối và một ước
mơ về sự thay đổi mạnh mẽ, thì giai đoạn sau cùng, chủ yếu quan
tâm đến việc quản lý và duy trì cái quyền lực đã giành được.
_____
 Chú ý: “con-người-của-hành-động” có thể chia thành 2 loại:
“con-người-của-hành-động cuồng tín,” và “con-người-của-
hành-động có đầu óc sáng suốt.” Loại trước, là những người như
Hitler, Stalin... Loại sau, như Gandhi, Neru, Lincoln, Churchill...
Với sự xuất hiện của con-người-của-hành-động [có đầu óc thực
tiễn], thì cái khí lực bùng nổ của phong trào được “ướp xác,” phong
kín trong những định chế đã được hợp thức hóa. Một phong trào
tôn giáo kết tinh trong một đẳng trật và một nghi thức hành lễ; một
phong trào cách mạng, trong những cơ quan cảnh giác [organs of
vigilance] và hành chính; một phong trào dân tộc chủ nghĩa, trong
những định chế chính quyền. Việc thiết lập một giáo hội đánh dấu
sự kết thúc của tinh thần phục hưng; những cơ quan của một cuộc
cách mạng thắng lợi, thủ tiêu cái tâm thái và kỹ thuật cách mạng;
những thiết chế chính quyền của một dân tộc mới, hay được phục
hưng, kết thúc cái sự hiếu chiến sô-vanh chủ nghĩa. Những định
chế “đông đặc lại” [freeze] thành một mẫu mực của hành động hợp
quần. Trong một tập thể định-chế-hóa, thì các thành viên của nó
được mong đợi sẽ hành động như là một người, thế nhưng, họ phải
đại diện cho một tập hợp lỏng lẻo, hơn là một hợp-sinh
[coalescence] tự phát. Họ phải được hợp nhất chỉ thông qua sự
trung thành bất-khả-nghi-vấn của họ với những định chế. Sự tự
phát là đáng ngờ, và bổn phận được đánh giá cao hơn sự hiến thân.

115
Mối bận tâm chính của một con-người-của-hành-động, khi anh ta
tiếp quản một phong trào “đã tới,” là ổn định hóa và duy trì sự
thống nhất và sự sẵn sàng hy sinh quên mình. Lý tưởng của anh ta
là một cái-toàn-thể chặt chẽ, vô địch, vận hành một cách tự động.
Để thành tựu việc này, anh ta không thể dựa vào lòng nhiệt huyết,
bởi vì lòng nhiệt huyết thì phù du. Sự thuyết phục, cũng khó đoán
trước. Do vậy, anh ta có khuynh hướng dựa chủ yếu vào sự nhồi
sọ và sự cưỡng chế. Anh ta thấy sự khẳng định rằng, mọi con người
đều là kẻ hèn nhát, dễ được chấp nhận hơn sự khẳng định rằng, mọi
con người đều là kẻ xuẩn ngốc,  và như lời của Sir John Maynard,
có khuynh hướng sáng lập ra cái trật tự mới trên cổ dân chúng hơn
là trong trái tim họ (2). Con người-của-hành-động đích thực, không
phải là con người của đức tin, mà là con người của luật lệ.
__________
 Coward: Kẻ hèn nhát; Fool: kẻ xuẩn ngốc; kẻ khờ. Tác giả muốn
nói: Không phải ai cũng xuẩn ngốc, nhưng ai cũng dễ trở thành kẻ
hèn nhát – nghĩa là, họ dễ sợ hãi. Do vậy, chỉ cần biết cách làm
cho họ sợ hãi, là có thể cai trị họ.

Tuy nhiên, anh ta không thể không bị khiếp đảm bởi những thành
quả to lớn của đức tin và sự tự phát trong những ngày đầu của
phong trào, khi một công cụ hùng mạnh của quyền lực được “úm
ba la” từ khoảng chân không. Ký ức về nó vẫn còn cực kỳ sống
động. Do vậy, anh ta hết sức quan tâm đến việc duy trì, trong những
định chế mới, một cái “mặt tiền” của đức tin, và duy trì một lưu
lượng vô tận của sự tuyên truyền cuồng nhiệt, mặc dù anh ta dựa
chủ yếu vào sự “thuyết phục” của bạo lực. Những mệnh lệnh của
anh ta được diễn đạt trong những từ ngữ “sùng đạo” [pious], và
những công thức và khẩu hiệu cũ, vẫn liên tục ở trên môi anh ta.
Những biểu tượng của đức tin được nâng lên cao, và được sùng
kính. Những người-của-lời-nói và những kẻ cuồng tín của giai
đoạn đầu đều được “phong thánh.” Mặc dù những ngón tay sắt của
sự cưỡng chế hoành hành khắp nơi, và sự “nhồi sọ” máy móc được
nhấn mạnh, song những câu nói “sùng đạo” và sự tuyên truyền
cuồng nhiệt gán cho sự cưỡng chế một cái “tựa như” sự thuyết
phục, và khoác vào bộ áo của một cái “tựa như” sự tự phát. Người
ta không từ nan nỗ lực nào để trình bày cái trật tự mới như là sự
hoàn tất vinh quang của những hy vọng và những đấu tranh của
những ngày đầu tiên.
Con-người-của-hành-đông thì chiết trung  trong những phương
pháp mà anh ta dùng để mang đến cho cái trật tự mới sự ổn định
và sự thường hằng. Anh ta vay mượn gần và xa, và từ bạn bè và kẻ
thù. Thậm chí, anh ta đi trở lại cái trật tự cũ – vốn đã hiện hữu trước
khi có phong trào – và “chiếm đoạt” từ nó nhiều kỹ thuật cho sự
ổn định, và như thế, một cách không cố ý, thiết lập sự liên tục với
quá khứ. Cái định chế của một nhà độc tài tuyệt đối, vốn đặc trưng
cho giai đoạn này, là sự vận dụng cố ý một chiêu thức, hơn là sự
biểu hiện của sự thèm khát quyền lực đơn thuần. Có lẽ, chủ nghĩa
Byzantinism có mặt một cách lộ liễu, cả ở giai đoạn khai sinh lẫn
ở giai đoạn suy tàn của một tổ chức. Nó biểu đạt một ao ước về
một mẫu mực ổn định, và nó có thể được dùng, hoặc là để tạo hình
thể cho cái chưa định hình, hoặc để gắn kết lại cái mà có vẻ như
đang tan rã. Sự bất-khả-sai-lầm của vị giám mục La Mã, được đề
xuất bởi Irenaeus [thế kỷ II] trong những ngày sớm sủa nhất của
triều đại của giáo hoàng và bởi Pius IX vào năm 1870, khi mà triều
đại của giáo hoàng có vẻ như đang ở trên bờ vực diệt vong.
______
 Electic: hỗn tạp.

Như thế, cái trật tự được khai triển bởi một con-người-của-hành-
động, là một “tấm vải chắp vá” [patchwork]. Nước Nga của Stalin
là một sự chắp vá của chủ nghĩa Bolshevik, chế độ Nga hoàng, chủ
nghĩa dân tộc, chủ nghĩa pan-Slavism,• chủ nghĩa độc tài và những
vay mượn từ Hitler, và chủ nghĩa tư bản độc quyền. Đế chế thứ III
[Third Reich] của Hitler là một khối hỗn hợp của chủ nghĩa dân
tộc, chủ nghĩa sắc tộc, chủ nghĩa quân phiệt Phổ, chủ nghĩa độc tài
và những vay mượn từ chủ nghĩa Phát-xít, chủ nghĩa Bolshevik,
Thần đạo [Shintonism], Công giáo và Do Thái giáo cổ đại. Ki-tô
giáo – sau những xung đột và bất hòa của vài thế kỷ đầu tiên, kết
tinh thành một giáo hội độc đoán – là một sự chắp vá của cái cũ và
cái mới, và của những cái vay mượn từ bạn và thù. Nó “mô hình
hóa” [patterned] cái đẳng trật của nó theo hệ thống hành chánh của
Đế quốc La Mã, áp dụng một vài phần của nghi thức cổ xưa, phát
triển cái định chế của một lãnh tụ tuyệt đối, và dùng mọi phương
tiện để thu hút mọi thành tố hiện hành của cuộc sống và quyền
lực. (3)
__________
• Pan-slavism: Sự cổ xúy việc hợp nhất mọi dân tộc thuộc giống
người Slave trong một tổ chức chính trị.
116
Trong bàn tay của một con-người-của-hành-động, thì phong trào
quần chúng thôi không còn là một nơi tị nạn để thoát khỏi những
thống khổ và những gánh nặng của một hiện hữu cá nhân; nó trở
thành một phương tiện cho sự tự-thực-hiện của kẻ đầy tham vọng.
Sự hấp dẫn không thể cưỡng lại – mà bây giờ phong trào tác động
trên những ai bận tâm với sự nghiệp cá nhân của họ – là một dấu
chỉ rành rọt, cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong tính chất của nó
và sự thỏa hiệp của nó với hiện tại. Cũng rõ ràng rằng, sự tràn vào
của những con người ham địa vị [carreer men] này đẩy nhanh sự
chuyển hóa của phong trào thành một “doanh nghiệp.” Hitler – kẻ
có một tầm nhìn rõ ràng về toàn bộ diễn biến của một phong trào
ngay cả khi ông đang nuôi dưỡng đảng Quốc Xã của ông, khi nó
còn “bé dại” – cảnh báo rằng, bao lâu mà nó không thể hiến tặng
cái gì trong hiện tại, ngoài “danh dự và danh thơm trong mắt hậu
thế,” và rằng, khi nó bị xâm lăng bởi những ai muốn tận dụng hiện
tại, thì cái ‘sứ mạng’ [khởi thủy] của một phong trào, đã kết
thúc.” (4) Ở giai đoạn này, phong trào vẫn bận tâm đến những kẻ
phẫn chí, nhưng không phải để khai thác sự bất mãn của họ thành
một cuộc đấu tranh sinh tử với hiện tại, mà là để làm cho họ thỏa
hiệp với nó; làm cho họ kiên nhẫn và nhu mì. Nó hiến tặng cho họ
niềm hy vọng xa xôi, giấc mơ và viễn ảnh xa vời [the vision] (5).
Như thế, ở cuối cái giai đoạn cường tráng của nó, thì phong trào là
một công cụ của quyền lực cho kẻ thành công, và là một chất ma
túy cho kẻ phẫn chí.

=========
1. Both Luther and Calvin “aimed to set up a new church authority
which would be more powerful, more dictatorial and exacting, and
far more diligent in persecuting heretics, than the Catholic
Church.” Jerome Frank, Fate and Freedom (New York: Simon and
Schuster, Inc., 1945), p. 283.
2. John Maynard, Russia in Flux (London: Victor Gollancz, Ltd.,
1941), p. 19.
3. John Addington Symonds, The Fine Arts “Renaissance in Italy”
series (London: Smith, Elder & Company, 1906), pp. 19–20.
4. Adolph Hitler, Mein Kampf (Boston: Houghton Miffin
Company, 1943), p. 105.
5. See Section 25.

CHƯƠNG XVII
NHỮNG BẤT LỢI VÀ TÍNH “VÔ SINH” CỦA GIAI ĐOẠN
NĂNG ĐỘNG.
117

Cuốn sách này quan tâm chủ yếu đến giai đoạn năng động
của những phong trào quần chúng – giai đoạn được định hình và
thống trị bởi “tín đồ đích thực.” Chính trong giai đoạn này, mà
những phong trào quần chúng đủ loại thường hay biểu lộ những
nét chung, mà chúng ta đã cố gắng phác họa. Bây giờ, có vẻ như
đúng là, bất luận cái mục đích nguyên thủy của một phong trào có
cao cả bao nhiêu – và bất luận cái kết quả sau cùng có lợi lạc đến
đâu – thì giai đoạn năng động tất yếu gây cho chúng ta ấn tượng
rằng, nó không thú vị, nếu không nói là xấu ác. Kẻ cuồng tín, vốn
là hiện thân của giai đoạn này, thường thuộc mẫu người “khó ưa.”
Y tàn bạo, tự-thị, cả tin, ưa tranh chấp, nhỏ mọn và thô lỗ. Y thường
sẵn sàng hy sinh những thân thích và bạn hữu cho cái sự nghiệp
“thiêng liêng” của mình. Cái sự hợp-nhất [unity] tuyệt đối và sự
sẵn sàng hy sinh – vốn mang đến cho một phong trào năng động
cái sức mạnh vô địch, và làm cho nó có thể đảm trách cái bất khả
– thường được đạt tới bằng việc hy sinh nhiều thứ thú vị và quý giá
trong cá nhân tự-trị. Không có phong trào quần chúng nào – bất
luận đức tin của nó cao cả đến đâu, và mục đích của nó xứng đáng
đến đâu – có thể tốt lành, nếu giai đoạn năng động của nó quá dài,
và, nhất là, nếu nó được tiếp tục sau khi phong trào đã sở hữu quyền
lực một cách vững chắc. Những phong trào quần chúng mà chúng
ta xem là ít nhiều “nhân từ” [beneficient] – phong trào Cải Cách,
cuộc Cách mạng Thanh giáo, Cách mạng Pháp, và Cách mạng Hoa
Kỳ, và nhiều trong số những phong trào dân tộc chủ nghĩa của 100
năm qua – đã có những giai đoạn năng động tương đối ngắn, mặc
dù trong khi chúng còn tồn tại, thì, ở một mức độ lớn hơn hay nhỏ
hơn, chúng mang dấu ấn của một kẻ cuồng tín. Vị lãnh tụ phong
trào quần chúng nào mà làm lợi cho dân chúng của ông ta và nhân
loại, thì không chỉ biết cách khởi động một phong trào, mà, giống
như Gandhi, còn biết khi nào phải chấm dứt giai đoạn năng động
của nó.
Nơi nào mà một phong trào quần chúng duy trì [trong nhiều thế hệ]
cái mẫu mực được định hình bởi cái giai đoạn năng động của nó
[như trường hợp của giáo hội hiếu chiến trong suốt thời Trung Cổ],
hoặc nơi nào mà – bởi sự kế tục của những “kẻ tân tòng” cuồng
tín, cái “tính chính thống” của nó được liên tục củng cố [như trong
trường hợp của Hồi giáo] (1) – thì kết quả là, một kỷ nguyên của
trì trệ, một thời đại tăm tối. Bất cứ khi nào chúng ta tìm thấy một
giai đoạn của sự sáng tạo đích thực gắn liền với một phong trào
quần chúng, thì nó hầu như luôn luôn là một giai đoạn, mà hoặc đi
trước hay, thường xuyên hơn, theo sau cái giai đoạn năng động.
Miễn là giai đoạn năng động của phong trào không quá dài và
không gây ra sự đổ máu và sự hủy diệt thái quá, thì sự kết thúc của
nó – nhất là đó là một kết thúc đột ngột – thường hay phóng thích
một sự bùng nổ của tính sáng tạo. Điều này có vẻ như đúng, cả khi
phong trào kết thúc trong chiến thắng [như trường hợp của Cuộc
dấy loạn Hà Lan], lẫn khi nó chấm dứt trong chiến bại [như trường
hợp của Cách mạng Thanh giáo]. Không phải cái “tính lý tưởng”
[idealism] và nhiệt tình của phong trào là nguyên nhân của bất cứ
sự “hồi sinh” [renascence] văn hóa nào vốn theo sau nó, mà đúng
hơn, là do sự nới lỏng của kỷ luật tập thể và sự giải phóng cá nhân
khỏi bầu khí ngột ngạt của đức tin mù quáng và sự khinh bỉ đối với
cái bản ngã của anh ta và [đối với] hiện tại. Đôi khi sự khát khao
muốn lấp đầy cái khoảng trống – được bỏ lại bởi cái sự nghiệp thần
thánh đã bị đánh mất hay bị bỏ rơi – lại trở thành một xung lực
sáng tạo (2).
Giai đoạn năng động, chính nó, thì “vô sinh.”  Trotsky biết rằng,
“những giai đoạn của căng thẳng cao độ trong những cảm xúc xã
hội cuồng nhiệt để lại ít chỗ cho sự chiêm niệm và sự suy tư. Tất
cả những “nguồn cảm hứng” [muses] – ngay cả cái cảm hứng “hạ
lưu” [plebeian muse] của báo chí mặc dù cái hông [hip] vạm vỡ
của nó – tiến triển một cách khó khăn trong những thời kỳ của cách
mạng” (3). Napoleon (4) và Hitler đều “xấu hổ” [mortified] bởi cái
tính chất thiếu máu của văn học và nghệ thuật được sản xuất ra
trong thời đại anh hùng, và kêu đòi những tuyệt tác phẩm, mà sẽ
xứng đáng với những kỳ tích của thời đại. Họ không hề có một
khái niệm, dù mơ hồ, rằng, cái bầu khí của một phong trào năng
động đã làm tàn phế hoặc bóp chết tinh thần sáng tạo. Milton, vào
năm 1640, là một nhà thơ đầy triển vọng, với một bản nháp
của Paradise Lost trong túi. Ông đã bỏ ra 20 năm “vô sinh” để viết
những truyền đơn chính trị, và bị ứ tận cổ trong “đại dương của
những tiếng ồn và những tranh chấp thô thiển,” (5) vốn là cuộc
Cách mạng Thanh giáo. Khi Cách mạng đã chết và bản thân ông
bị thất sủng, ông sáng tác Paradise Lost, Paradise
Regained và Samson Agonistes.
__________
 Sterility: Chữ “vô sinh” ở đây, có nghĩa là “hoàn toàn thiếu tính
sáng tạo.”

118
Sự can thiệp của một phong trào quần chúng năng động vào quá
trình sáng tạo, thì sâu xa và nhiều mặt: 1/ Cái nhiệt tình mà nó làm
phát sinh, tát cạn những năng lượng mà có lẽ đã chảy vào trong
công việc sáng tạo. Nhiệt tình có cùng tác động [hiệu quả] trên tính
sáng tạo giống như sự phóng đãng. 2/ Việc sáng tạo bị phụ thuộc
vào sự thăng tiến của phong trào. Văn học, nghệ thuật và khoa học
phải có tính tuyên truyền và chúng phải “thực tiễn.” Nhà văn, nhà
nghệ sĩ, hoặc nhà khoa học cuồng tín,” không sáng tạo để tự biểu
hiện mình, hoặc để cứu linh hồn mình, hoặc để phát hiện ra cái
chân và cái mỹ. Công việc của anh ta, như anh ta quan niệm, là
cảnh báo, khuyên răn, thúc giục, tôn vinh và tố giác. 3/ Nơi nào mà
một phong trào quần chúng mở ra những lãnh vực bao la của hành
động [chiến tranh, sự thực dân hóa, công nghiệp hóa], thì ở đó,
năng lượng sáng tạo cũng bị tát cạn. 4/ Tâm thái cuồng tín, một
mình nó, có thể bóp nghẹt mọi hình thức của công việc sáng tạo.
Sự khinh bỉ đối với hiện tại làm cho kẻ cuồng tín mù lòa trước tính
phức tạp và sự độc đáo của cuộc sống. Đối với y, thì những sự-thể
vốn lay động kẻ làm công việc sáng tạo, dường như vặt vãnh hay
đồi bại. “Những nhà văn của chúng ta phải diễu hành sát cánh trong
những hàng ngũ, và kẻ nào bước chệch khỏi con đường, [để hái
hoa], thì giống như một kẻ đào ngũ.” Những lời này của
Konstantine Simonov vang vọng chính ý tưởng và những lời của
những kẻ cuồng tín qua các thời đại. Rabbi Jacob [thế kỷ thứ I, sau
công nguyên] nói: “Kẻ nào bước đi trên đường… và ngắt quãng
việc nghiên cứu của mình [về kinh Torah] và nói: ‘Cây này đẹp
làm sao,’ hay ‘Cánh đồng này đẹp làm sao,’ tự mình phạm tội
chống lại linh hồn của chính mình”(6). St Bernard của Clerveaux
có thể bước đi suốt ngày bên hồ Geneva và không bao giờ thấy cái
hồ. Trong Refinement of the Arts, David Hume kể về một nhà tu
[monk] “mà, bởi vì những cửa sổ cái thất độc cư [cell] của ông mở
ra một quang cảnh tráng lệ, làm một giao kèo với đôi mắt ông, là
sẽ không bao giờ quay sang hướng đó.” Sự mù quáng của kẻ cuồng
tín là một nguồn sức mạnh [y không thấy trở ngại nào], nhưng nó
cũng là nguyên nhân của sự vô-sinh trí thức và sự đơn điệu về cảm
xúc.
Kẻ cuồng tín cũng tự phụ, và do vậy, hoàn toàn thiếu vắng những
khởi đầu mới. Ở gốc rễ của sự tự mãn của y, là xác tín rằng, sự
sống và vũ trụ tuân phục một công thức giản dị – công thức của y.
Như thế, khi tâm trí y đã có sẵn giải pháp, thì không có khoảng thời
gian dò dẫm, vốn rất hữu ích, sẵn sàng cho mọi cách phản ứng mới,
những tổ hợp mới và những khởi đầu mới.
119
Khi một phong trào quần chúng năng động biểu lộ sự độc đáo, thì
đó thường là một sự độc đáo của việc áp dụng và của cái quy mô
to lớn của nó. Những nguyên tắc, những phương pháp, những kỹ
thuật, vân vân, mà một phong trào quần chúng áp dụng và khai
thác, thường là sản phẩm của một tính sáng tạo vốn năng động và
vẫn còn năng động bên ngoài phạm vi của phong trào. Tất cả những
phong trào quần chúng năng động đều có cái sự bắt chước trơ trẽ
đó – sự bắt chước mà khiến chúng ta liên tưởng đến những người
Nhật. Ngay cả trong lãnh vực tuyên truyền, thì những đảng viên
Quốc Xã và những đảng viên Cộng sản bắt chước nhiều hơn [là
họ] phát minh. Họ rao bán cái “thương hiệu” của “sự nghiệp thần
thánh” theo cách mà những nhà quảng cáo tư bản chủ nghĩa rao
bán cái thương hiệu xà phòng hay thuốc lá (7). Nhiều cái mà gây
cho chúng ta ấn tượng rằng, những phương pháp của những đảng
viên Quốc xã và những đảng viên Cộng sản là mới mẻ, thì chúng
đều bắt nguồn từ sự kiện rằng, họ đang điều hành [hay đang cố
điều hành] những đế chế [empire] bao la, theo cách mà một Ford
hay một DuPont điều hành đế quốc kỹ nghệ của ông ta. Có lẽ đúng
rằng, sự thành công của sự thử nghiệm Cộng sản chủ nghĩa sẽ luôn
luôn tùy thuộc vào sự sáng tạo “được tháo xiềng” [unfettered], vốn
đang tiến hành trong cái thế giới bên ngoài, phi Cộng sản. Những
con người trơ trẽn tại Kremlin nghĩ rằng, đó là một sự nhượng bộ
“hào hiệp” khi họ nói rằng, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản
có thể tiếp tục lâu dài, song hành với nhau. Thực ra, nếu không có
những xã hội tự do nào bên ngoài quỹ đạo Cộng sản, thì có lẽ, họ
thấy cần thiết phải ban hành sắc lệnh để thiết lập chúng.

VÀI YẾU TỐ QUY ĐỊNH ĐỘ DÀI CỦA GIAI ĐOẠN NĂNG


ĐỘNG.
120
Một phong trào quần chúng với một mục tiêu cụ thể, có giới hạn,
thì có khả năng là nó có một giai đoạn năng động ngắn hơn, so với
một phong trào với một mục tiêu mơ hồ, bất định. Mục tiêu mơ hồ
có lẽ là không thể thiếu cho sự phát triển của chủ nghĩa cực đoan
mãn tính. Oliver Cromwell nói: “Một người phải đi xa nhất, là khi
anh ta không biết mình đang đi đâu.” (8)
Khi một phong trào quần chúng được khởi động để giải phóng một
dân tộc khỏi sự chuyên chế – của nhà cầm quyền trong nước hay
của ngoại bang, hoặc để chống lại một kẻ gây hấn, hoặc để canh
tân một xã hội chậm tiến – thì có một điểm kết thúc, một khi cuộc
đấu tranh với kẻ thù đã qua, hoặc quá trình tái tổ chức đang đi gần
đến chỗ hoàn tất. Trái lại, khi mục tiêu là một xã hội lý tưởng của
sự hợp nhất hoàn hảo và sự “vô ngã” – bất luận nó là Thành phố
của Thượng đế, một thiên đường dưới thế Cộng sản chủ nghĩa, hay
nhà nước quân phiệt của Hitler – thì giai đoạn năng động không có
một kết thúc tự động. Nơi nào mà sự hợp nhất và sự hy sinh quên
mình là không thể thiếu cho sự vận hành bình thường [normal] của
một xã hội, thì rất có thể, cuộc sống thường nhật phải được hoặc
tôn giáo hóa [những nhiệm vụ bình thường bị biến thành những ‘sự
nghiệp thần thánh’], hoặc được quân sự hóa. Trong mỗi trường
hợp, có khả năng là cái mẫu mực được phát triển bởi giai đoạn
năng động sẽ được ổn định hóa và được duy trì. Trong cái nửa sau
đầy hy vọng của thế kỷ 19, thì Jacob Burchard và Ernest Renan là
ở trong số rất ít những người, mà có vẻ như cảm nhận được cái sự
hệ lụy không may đang rình rập trong thiên niên kỷ sắp đến.
Burckhardt thấy cái xã hội quân sự hóa : “Tôi có một linh cảm mà
nghe ra như là điên rồ, và thế nhưng, nó đeo đẳng không chịu rời
tôi: nhà nước quân sự chắc chắn sẽ trở thành một nhà máy lớn…
Cái mà phải đến một cách hợp logic, là một giai đoạn khốn khổ,
xác định và được giám sát, với những lời động viên và trong những
bộ đồng phục, hằng ngày bắt đầu và chấm dứt theo những tiếng
trống” (9). Cái tri kiến [insight] của Renan còn đi sâu hơn nữa. Ông
cảm thấy rằng chủ nghĩa xã hội là tôn giáo đang đến của phương
Tây, và rằng, là một tôn giáo thế tục, nó sẽ dẫn đến một sự tôn giáo
hóa chính trị và kinh tế. Ông cũng sợ hãi một sự hồi sinh của Công
giáo như là một phản ứng chống lại cái tôn giáo mới đó: “Chúng
ta hãy run rẩy. Vào chính khoảnh khắc này đây, có lẽ, tôn giáo của
tương lai đang trong quá trình hình thành; và chúng ta không có
vai trò nào trong nó! Sự cả-tin có những gốc rễ sâu xa. Chủ nghĩa
xã hội có thể mang trở lại, bởi sự đồng lõa [complicity] của Công
giáo, một thời Trung cổ mới, với những kẻ man rợ [barbarians],
những giáo hội, những vật cản [eclipses] của tự do và tính cá nhân
– nói tóm lại, những vật cản của nền văn minh. (10)

121
Có lẽ, có hy vọng nào đó xuất phát từ sự kiện rằng, trong phần lớn
những trường hợp, nơi nào mà một toan tính thực hiện một xã hội
lý tưởng sản sinh ra cái xấu xa và bạo động của một phong trào
quần chúng năng động kéo dài, thì sự thử nghiệm được làm trên
một quy mô to lớn và với một dân số đa chủng. Đó là trường hợp
trong sự nổi lên của Ki-tô giáo và Hồi giáo, và trong cách mạng
Pháp, Cách mạng Nga, và Cách mạng Đức Quốc xã. Những khu
định cư đầy hứa hẹn trong nhà nước nhỏ bé của Israel và những
chương trình thành công của việc xã hội hóa trong những nhà nước
Scandinavia nhỏ bé, cho thấy rằng, khi nỗ lực thực hiện một xã hội
lý tưởng được đảm trách bởi một dân tộc nhỏ, với một dân số ít
nhiều độc chủng [homogeneous], thì nó có thể xúc tiến và thành
công trong một bầu khí không cuồng loạn, cũng không cưỡng chế.
Cái nỗi kinh hãi, mà một dân tộc có về sự lãng phí cái “chất liệu
con người” [human material] quý báu của nó, cái nhu cầu khẩn cấp
của nó cho sự hài hòa và sự dính kết nội tại như là một biện pháp
chống lại sự gây hấn từ bên ngoài, và, sau cùng, cái cảm nhận của
nhân dân nó rằng, họ, tất cả họ, đều cùng một gia đình – những cái
đó nuôi dưỡng một sự sẵn sàng cho sự hợp tác tối đa, mà không
cần phải quay sang sự tôn giáo hóa hoặc quân sự hóa. Rất có thể,
sẽ may mắn cho phương Tây, nếu việc thực hành tất cả những thử
nghiệm xã hội cực đoan được hoàn toàn giao phó cho những nhà
nước nhỏ với những dân số độc chủng, văn minh. Nguyên tắc của
một “nhà máy hoa tiêu” [pilot plant], được thực hành trong những
ngành công nghiệp sản xuất hàng loạt, như thế, có thể được vận
dụng trong việc thực hiện sự tiến bộ xã hội. Sự kiện rằng, những
dân tộc nhỏ bé sẽ cho phương Tây bản kế hoạch chi tiết [the
blueprint] của một tương lai đầy hy vọng, sẽ trong chính nó, là bộ
phận của một mẫu mực [đã được xác lập] lâu đời. Bởi vì những
nhà nước nhỏ bé của Trung Đông, Hy Lạp, và Ý, đã cho chúng ta
tôn giáo của chúng ta và những yếu tố cốt tủy của nền văn hóa và
nền văn minh của chúng ta.
Có một sự kết nối kết khác giữa tính chất của quần chúng và bản
chất và độ dài của một phong trào quần chúng năng động. Sự kiện
là, người Nhật, người Nga và người Đức – vốn cho phép sự tiếp
tục bất tận của một phong trào quần chúng năng động, mà không
có một dấu hiệu nào của sự chống đối – họ đều dễ bảo, quen với
sự tuân phục hay kỷ luật sắt trong nhiều thế kỷ trước sự nổi lên của
những phong trào quần chúng [của họ] trong thời hiện đại. Lenin
nhận biết về cái thuận lợi to lớn mà sự dễ bảo của quần chúng Nga
đã cho ông. Ông kêu lên: “Làm thế nào bạn có thể so sánh quần
chúng của Tây Âu với nhân dân ta – quá kiên nhẫn, quá quen với
sự thiếu thốn?” (11). Bất cứ ai đọc những gì mà Madame de Stael
đã nói về người Đức hơn một thế kỷ trước, không thể không nhận
thức rằng, họ là chất liệu lý tưởng cho một phong trào quần chúng
bất tận. Bà nói : “Người Đức rất mạnh mẽ nhưng lại dễ bảo. Họ sử
dụng những “lý lẽ” [reasonings] triết học để giải thích những gì ít
có tính triết học nhất trên thế giới; họ tôn trọng bạo lực và sự sợ
hãi, vốn chuyển hóa sự tôn trọng thành sự thán phục” (12).
Người ta không thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, sẽ là bất-
khả cho một Hitler hay một Lenin nổi lên trong một đất nước có
một truyền thống tự do lâu đời. Những gì có thể được khẳng định,
với mức độ khả-tín nào đó, là trong một đất nước có truyền thống
tự do, thì một Hitler hay một Lenin có thể không thấy quá khó để
giành quyền lực, nhưng lại thấy cực kỳ khó để tự duy trì chính
mình một cách vô thời hạn. Bất cứ sự cải thiện rõ nét nào trong
những điều kiện kinh tế, hầu như chắc chắn sẽ kích hoạt cái truyền
thống tự do, vốn là một truyền thống của sự phản kháng. Tại nước
Nga, như đã được chỉ ra trong tiết 45, thì cá nhân mà đứng lên
chống lại Stalin, anh ta không có gì để tự đồng hóa với, và năng
lực để kháng cự lại sự cưỡng chế, là bằng không. Nhưng trong một
đất nước có truyền thống tự do, thì cá nhân nào mà chống lại sự
cưỡng chế, không cảm thấy mình là một “nguyên tử người”
[human atom] cô lập, mà là một nguyên tử của một sắc tộc hùng
mạnh – những tổ tiên phản loạn của anh ta.

122
Nhân cách của lãnh tụ rất có thể là một yếu tố hệ trọng trong việc
quy định bản chất của một phong trào quần chúng. Những lãnh tụ
hiếm hoi như Lincoln và Gandhi, không chỉ cố gắng khống chế cái
xấu ác nội tại [inherent] trong một phong trào quần chúng, mà họ
còn sẵn lòng chấm dứt phong trào, khi mục tiêu của nó ít nhiều đã
đươc thành tựu. Họ ở trong số những người rất ít, mà trong họ
“quyền lực đã phát triển một sự cao cả và độ lượng của linh
hồn” (13). Cái tâm thức Trung cổ và sự tàn nhẫn có tính bán khai
của Stalin, là những nhân tố chính yếu trong sự năng động kéo dài
của phong trào Cộng sản. Thật là vô ích để mà suy đoán về việc
Cách mạng Nga đã có thể ra sao, nếu Lenin đã sống lâu thêm 10
năm hoặc lâu hơn. Người ta có ấn tượng rằng, ông không có cái sự
“man rợ” [barbarism] đó của linh hồn, vốn quá hiển nhiên trong
Hitler và Stalin, mà, như Heraclitus nói, làm cho đôi mắt và đôi tai
của chúng ta “trở thành những chứng nhân cho những việc làm xấu
xa của con người.” Stalin “uốn năn” [rập khuôn] những kẻ có thể
kế tục ông theo hình ảnh của chính ông, và trong dăm bảy thập niên
sắp đến, nhân dân Nga chắc chắn sẽ có một lãnh tụ hệt như ông.
Cái chết của Cromwell dẫn đến sự kết thúc của Cách mạng Thanh
giáo, trong khi cái chết của Robespierre đánh dấu sự kết thúc của
giai đoạn năng động của Cách mạng Pháp. Nếu Hitler chết giữa
những năm 1930, thì chủ nghĩa Quốc xã rất có thể đã biểu hiện,
dưới quyền lãnh đạo của Goering, một thay đổi nền tảng trong diễn
biến của nó, và Thế chiến II có lẽ đã được tránh khỏi. Thế nhưng,
nấm mồ [sepulcher] của Hitler, kẻ sáng lập tôn giáo Quốc xã, có lẽ
đã là một cái xấu ác [evil] lớn hơn tất cả mọi hành vi tàn bạo, mọi
cuộc lưu huyết và sự hủy diệt của cuộc chiến tranh do Hitler khởi
động.

123
Cái thể cách mà trong đó một phong trào quần chúng khởi đầu,
cũng có thể có ảnh hưởng nào đó trên cái độ dài và cách chấm dứt
của giai đoạn năng động của phong trào. Khi chúng ta thấy Phong
trào Cải cách, Cách mạng Thanh giáo, Cách mạng Mỹ và Cách
mạng Pháp, và nhiều trong số những cuộc nổi dậy dân tộc chủ
nghĩa kết thúc – sau một giai đoạn năng động tương đối ngắn, trong
một trật tự xã hội được đánh dấu bởi sự gia tăng của tự do cá nhân
– thì chúng ta đang chứng kiến sự hiện thực hóa của những tâm
thái [moods] và những tấm gương, vốn là những nét đặc trưng của
những ngày đầu tiên của những phong trào này. Tất cả trong số
chúng đều khởi đầu bằng cách thách thức và lật đổ một thẩm quyền
lâu đời. Cái hành vi thách thức tiên khởi này càng rạch ròi – và ký
ức về nó càng sống động trong tâm trí dân chúng – thì về sau, càng
có khả năng cho sự trồi lên của tự do cá nhân. Không có hành vi
thách thức nào rạch ròi như thế trong sự nổi lên của Ki-tô giáo. Nó
không khởi đầu bằng việc lật đổ một ông vua, một đẳng trật, một
nhà nước hay một giáo hội. Có những kẻ tử đạo, nhưng không có
những cá nhân đang vung nắm đấm của họ dưới mũi của cái thẩm
quyền kiêu ngạo, và thách thức nó – một cách công khai, trước mắt
toàn thế giới (14). Có lẽ, hệ quả của điều nêu trên, là sự kiện rằng,
cái trật tự độc đoán của Ki-tô giáo vẫn kéo dài hầu như không bị
thách thức trong suốt 1500 năm. Về sau, sự giải phóng của tâm
thức Ki-tô giáo vào thời Phục hưng tại Ý, lấy cảm hứng của nó
không phải từ lịch sử của Ki-tô giáo nguyên thủy, mà từ những tấm
gương đầy khích lệ của sự độc lập và sự thách thức trong quá khứ
Hy-La. Ở sự khai sinh của Hồi giáo và của chủ nghĩa Phát-xít Nhật,
cũng thiếu hành vi thách thức đầy kịch tính – và bây giờ, trong cả
hai đều không có ngay cả những dấu hiệu của sự giải phóng cá
nhân đích thực. Chủ nghĩa dân tộc Đức, nữa – không giống chủ
nghĩa dân tộc của phần lớn đất nước phương Tây – không khởi đầu
với một hành vi thách thức ngoạn mục chống lại thẩm quyền đã
được xác lập. Nó được bảo hộ, từ khởi đầu của nó, bởi quân đội
Phổ (15). Hạt giống của tự do cá nhân tại Đức nằm trong đạo Tin
Lành [Protestantism] của nó, chứ không phải trong chủ nghĩa dân
tộc của nó. Phong trào Cải cách, Cách mạng Mỹ, Pháp và Nga, và
phần lớn những phong trào dân tộc chủ nghĩa, đều đã khởi sự với
khúc dạo đầu hùng vỹ của sự thách thức [có tính] cá nhân, và ký
ức về nó được giữ cho sống động.
Bằng cái trắc nghiệm này, thì sau cùng, sự nổi lên của tự do cá
nhân tại Nga, có lẽ, không phải là hoàn toàn vô vọng. 
__________
 Cuốn sách này xuất bản vào năm 1951. Thực tế lịch sử cho thấy,
lời “tiên tri” của tác giả đã “ứng nghiệm.”

NHỮNG PHONG TRÀO QUẦN CHÚNG HỮU ÍCH


124
Trong đôi mắt của “tín đồ đích thực,” thì những ai không có “sự
nghiệp thần thánh” nào – một việc dễ làm đối với loại người “có
đức tin” như y– là những người không có xương sống và tính cách.
Mặt khác, những tín đồ đích thực, ở nhiều sắc độ đa dạng – mặc
dù họ nhìn nhau với sự thù hận không đội trời chung, và sẵn sàng
“bay vào cổ họng” nhau – nhưng họ đều công nhận và tôn trọng
sức mạnh của nhau. Hitler nhìn những người Bolshevik như là kẻ
ngang hàng của ông và ra lệnh rằng, những cựu đảng viên Cộng
sản được phép gia nhập đảng Quốc xã ngay lập tức. Stalin, đến lượt
mình, thấy rằng, nước Đức [theo chế độ Quốc xã] và nước Nhật
Phát-xít, là những dân tộc duy nhất xứng đáng được tôn trọng.
Ngay cả kẻ cuồng tín tôn giáo và kẻ vô thần hiếu chiến, thì không
phải là họ không tôn trọng lẫn nhau. Dostoievsky đặt những lời sau
đây vào miệng của Giám mục Tihon: “Chủ nghĩa vô thần triệt để
thì phải được tôn trọng hơn sự thờ ơ thế tục… kẻ vô thần triệt để
đứng trên bậc cấp áp chót dẫn đến đức tin hoàn hảo nhất, … nhưng
kẻ thờ ơ thì không có đức tin nào, trừ ra một nỗi sợ hãi tồi tệ” (16).
Tất cả những tín đồ đích thực của thời đại chúng ta – bất luận là
Cộng sản, Quốc xã, Phát-xít, Nhật hay Công giáo – đã kịch liệt
chống lại sự suy đồi của những nền dân chủ phương Tây. [Và
những người Cộng sản vẫn đang làm như vậy]. Họ đều cho rằng,
trong những chế độ dân chủ, thì dân chúng quá mềm yếu, quá ưa
khoái lạc, và quá ích kỷ để mà sẵn sàng chết cho một dân tộc, một
Thượng đế hay một “sự nghiệp thần thánh.” Chúng ta được bảo
cho biết rằng, việc không sẵn sàng chết cho một sự nghiệp thần
thánh, cho thấy một sự mục nát nội tại [inner rot] – một sự suy tàn
về đạo đức và sinh học. Những chế độ dân chủ thì già nua, thối nát,
và suy đồi. Chúng không phải là đối thủ của những cộng đồng dũng
mãnh của những kẻ trung thành vốn sắp sửa thừa kế trái đất.
Trong những tuyên bố khoác lác này, có một chút ý nghĩa và nhiều
cái vớ vẩn. Sự sẵn sàng cho hành động hợp quần và sự hy sinh
quên mình, như đã được chỉ ra trong tiết 43, là một hiện tượng của
phong trào quần chúng. Trong những thời kỳ bình thường [normal
times], thì một dân tộc dân chủ là một liên kết được định chế hóa
của những cá nhân ít nhiều tự do. Khi sự hiện hữu của nó bị đe dọa
– và nó phải hợp nhất dân chúng của nó và làm phát sinh trong họ
một tinh thần hy sinh tối đa – thì dân tộc [theo thể chế] dân chủ
phải tự mình chuyển hóa thành một cái gì đó gần giống như một
giáo hội hiếu chiến hay một đảng cách mạng. Quá trình tôn giáo
hóa này, mặc dù thường khó khăn và chậm chạp, không gây ra
những thay đổi sâu rộng. Những tín đồ đích thực, chính họ hàm ý
[imply] rằng, “sự suy đồi” mà họ chỉ trích quá kịch liệt, không phải
là một sự suy tàn hữu cơ [organic decay]. Theo những đảng viên
Quốc xã, thì nước Đức bị suy đồi trong những năm 1920, nhưng
lại hoàn toàn dũng mãnh trong những năm 1930. Chắc chắn, một
thập niên là một thời gian quá ngắn để tạo ra những thay đổi sinh
học hay thậm chí, văn hóa, trong một dân số [gồm] hàng triệu con
người.
Tuy nhiên, đúng là trong thời kỳ giống như thập niên Hitler, thì cái
khả năng tạo ra một phong trào quần chúng trong một thời gian rất
ngắn, có tầm quan trọng sinh tử cho một dân tộc. Sự am tường về
nghệ thuật tôn giáo hóa, là một điều kiện cốt tủy đối với lãnh tụ
của một dân tộc dân chủ, mặc dù cái nhu cầu thực hành nó có thể
không nổi lên. Và, có lẽ đúng là, sự khó tính cực đoan về mặt trí
thức, hay cái đầu óc thực tiễn của một doanh nhân, đã khiến cho
một người không đủ điều kiện để lãnh đạo dân tộc. Có lẽ, cũng có
những phẩm chất nhất định trong cuộc sống bình thường của một
dân tộc dân chủ – những phẩm chất mà có thể tạo điều kiện dễ dàng
cho quá trình tôn giáo hóa trong thời kỳ khủng hoảng và, do vậy,
chúng là những yếu tố cho sự cường tráng tiềm năng của dân tộc.
Cái mức độ của sự cường tráng tiềm năng của một dân tộc, thì tỷ
lệ thuận với trữ lượng [reservoir] của niềm mong mỏi của nó.
Heraclitus nói: “sẽ không tốt hơn cho nhân loại, nếu những ước mơ
của họ được thỏa mãn” – câu nói ấy thì đúng cho những dân tộc
cũng như cho những cá nhân. Khi một dân tộc thôi không còn có
những ước vọng cuồng nhiệt, hoặc [không còn] hướng những ước
vọng của nó về phía một lý tưởng cụ thể và có giới hạn, thì cái sự
cường tráng của nó bị phương hại. Chỉ có một mục tiêu mà buộc
người ta phải liên tục dốc sức để đạt tới, mới có thể giữ cho một
dân tộc cường tráng một cách tiềm năng, cho dẫu những ước vọng
của nó được thỏa mãn một cách liên tục. Cái mục tiêu không cần
phải cao cả. Cái lý tưởng thô thiển [gross] – liên tục nâng cao mức
sống – đã giữ cho dân tộc này khá cường tráng. Cái lý tưởng của
nước Anh về gentleman  vùng quê và lý tưởng của nước Pháp về
một rentier về hưu,• thì cụ thể và có giới hạn. Có lẽ, tính xác định
[cụ thể] của cái lý tưởng của họ, đã làm giảm đi lực đẩy của hai
dân tộc đó. Tại Mỹ, Nga và Đức, thì cái lý tưởng là bất định và vô
giới hạn.
__________
 Country gentleman.
• Rentier: [tiếng Pháp]: Người sống bằng tiền lợi tức.

125
Như được chỉ ra trong tiết 1, thì những phong trào quần chúng
thường là một nhân tố trong việc đánh thức và canh tân những xã
hội trì trệ. Mặc dù người ta không thể khẳng định rằng, những
phong trào quần chúng là những công cụ hữu hiệu của sự phục
sinh, thế nhưng, dường như đúng là, trong những xã hội rộng lớn
và đa chủng như nước Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Thế giới Ả
Rập, và thậm chí Tây Ban Nha, thì quá trình đánh thức và canh tân
tùy thuộc vào sự có mặt của lòng nhiệt huyết nồng nàn rộng khắp
nào đó, mà, có lẽ, chỉ một phong trào quần chúng mới có thể làm
phát sinh và duy trì. Khi quá trình canh tân phải được thành tựu
một cách nhanh chóng, thì có lẽ, những phong trào quần chúng là
không thể thiếu, ngay cả trong những xã hội nhỏ, độc chủng. Do
vậy, sự bất lực trong việc tạo ra một phong trào quần chúng “đủ
lông đủ cánh,” có thể là một trở ngại trầm trọng cho một xã hội.
Rất có thể, một trong những bất hạnh lớn của Trung Quốc trong
vòng 100 năm qua, là những phong trào quần chúng của nó – [cuộc
nổi dậy của Thái bình Thiên quốc • và cách mạng Tôn Dật Tiên] –
suy thoái và bị bóp chết quá sớm. Trung Quốc đã không thể tạo ra
một Stalin, một Gandhi, hay thậm chí, một Ataturk, người có thể
giữ cho một phong trào quần chúng đích thực diễn tiến đủ lâu cho
những cải cách mạnh mẽ bắt rễ. Ortega y Gasset quan niệm rằng,
sự bất lực của một nước trong việc sản sinh ra một phong trào quần
chúng đích thực, chỉ ra những khiếm khuyết nhân chủng học nào
đó. Ông nói về nước Tây Ban Nha của chính ông rằng, “sự thông
minh nhân chủng học của nó đã luôn luôn nằm một trạng thái suy
nhược và chưa bao giờ có một sự phát triển bình thường” (17).
__________
• “Thái Bình Thiên Quốc: [1851–1864) là một nhà nước trong lịch
sử Trung Quốc được hình thành từ cuộc nổi dậy của nông dân, do
Hồng Tú Toàn cầm đầu vào giữa thế kỷ 19. Thái Bình Thiên Quốc
có lãnh thổ trải rộng từ sông Dương Tử xuống phía nam Trung
Quốc với trên 16 tỉnh và hơn 600 thị, có thủ đô là Thiên Kinh (Nam
Kinh)....” [Trích Từ điển Wikipedia].
Rất có thể, sẽ là tốt hơn cho một dân tộc, nếu, khi chính quyền của
nó bắt đầu biểu lộ những dấu hiệu của sự bất lực mãn tính, thì nó
được lật đổ bởi một biến động quần chúng hùng mạnh – cho dẫu
sự lật đổ như thế sẽ kéo theo sự lãng phí đáng kể về nhân mạng và
tài sản – so với việc nó được phép ngã xuống và tự mình sụp đổ.
Một biến động quần chúng đích thực thường là một quá trình
cường tráng hóa, có tính canh tân và có tính tích hợp
[integrating]. Nơi nào mà chính quyền được phép chết một cái chết
ngắc ngoải, thì kết quả thường là sự trì trệ và suy tàn – có lẽ là sự
suy tàn vô phương cứu chữa.  Và bởi vì những con-người-của-
lời-nói thường đóng một vai trò hệ trọng trong sự nổi lên của những
phong trào quần chúng, (18) hiển nhiên là, sự có mặt của một thiểu
số có giáo dục và có biện tài có lẽ là không thể thiếu cho cái khí
lực liên tục của một xã hội. Dĩ nhiên, những con-người-của-hành-
động nhất thiết cần phải không có sự liên minh thâm tình với chính
quyền đang nắm giữ quyền lực. Sự trì trệ xã hội lâu dài của phương
Đông có nhiều nguyên nhân, nhưng, không nghi ngờ gì, một trong
những nguyên nhân quan trọng nhất, là sự kiện rằng, trong nhiều
thế kỷ, những kẻ có giáo dục không những là ít ỏi, mà hầu như họ
còn luôn luôn là bộ phận của chính quyền – hoặc với tư cách là
viên chức, hoặc với tư cách như là tăng lữ.
__________
 Đây là một nhận xét rất đáng suy ngẫm.

Hậu quả có tính cách mạng của công việc giáo dục gây ra bởi
những cường quốc thực dân phương Tây, đã được đề
cập (19). Người ta tự hỏi, năng lực của Ấn Độ trong việc sản sinh
ra một Gandhi và một Nehru, là do đâu? Do những yếu tố hiếm hoi
trong văn hóa Ấn Độ, hay là do sự có mặt lâu dài của chính quyền
thực dân Anh? Ảnh hưởng ngoại bang có vẻ như là yếu tố vượt trội
trong quá trình hồi sinh xã hội. Những ảnh hưởng Do Thái giáo và
Ki-tô giáo là tích cực trong sự thức tỉnh của Ả Rập vào thời của
Mohammed. Trong sự tỉnh thức của châu Âu ra khỏi sự trì trệ của
thời Trung Cổ, chúng ta cũng tìm thấy những ảnh hưởng ngoại
bang – Hy-La và Ả Rập. Những ảnh hưởng phương Tây cũng tích
cực trong sự tỉnh dậy của Nga, Nhật Bản, và dăm bảy nước châu
Á. Điều quan trọng là, ảnh hưởng ngoại bang không tác động một
cách trực tiếp. Không phải sự du nhập của những thời trang, phong
tục, ngôn ngữ, cách tư duy… là cái đã lay động một xã hội ra khỏi
sự trì trệ của nó. Ảnh hưởng ngoại bang tác động chủ yếu bằng
cách tạo ra một thiểu số có học thức ở nơi mà trước đó không có,
hoặc bằng cách gỡ bỏ một thiểu số có biện tài [vào lúc đó] ra khỏi
hệ thống [chính trị] hiện hành; chính cái thiểu số có biện tài này,
họ thành tựu công cuộc hồi sinh, bằng cách khởi động một phong
trào quần chúng. Nói khác đi, ảnh hưởng ngoại bang chỉ là khâu
đầu tiên trong một chuỗi của quá trình, mà khâu cuối cùng của nó
thường là một phong trào quần chúng; và chính phong trào quần
chúng đã lay động xã hội ra khỏi sự trì trệ của nó. Trong trường
hợp của Ả Rập, thì những ảnh hưởng ngoại bang đã làm cho
Mohammed, con-người-của-lời-nói, “mất cảm tình” với hệ thống
hiện hành của Mecca. Mohammed khởi xướng một phong trào
quần chúng [đạo Hồi], nó lay động và tích hợp [integrated] Ả Rập
trong một thời gian. Trong thời kỳ Phục Hưng, thì những ảnh
hưởng ngoại bang [Hy-La và Ả Rập] tạo điều kiện cho sự trồi lên
của những con-người-của-lời nói – vốn không có liên hệ nào với
giáo hội – và cũng làm cho nhiều con-người-của-lời-nói truyền
thống mất cảm tình với cái hệ thống Công giáo [La Mã]. Phong
trào quần chúng của Phong trào Cải Cách đã lay chuyển châu Âu
ra khỏi cơn hôn mê [torpor] của nó. Tại Nga, ảnh hưởng châu Âu
[bao gồm chủ nghĩa Marxist], gỡ bỏ sự trung thành của giới trí thức
ra khỏi những người Romanov, và sau cùng, cuộc cách mạng
Bolshevik, vẫn đang vận hành, canh tân Đế chế Moscow rộng lớn.
Tại Nhật Bản, thì ảnh hưởng ngoại bang tác động không phải trên
những-người-của-lời-nói, mà trên một nhóm rất ít những con-
người-của-hành-động, bao gồm Hoàng đế Minh Trị Thiên Hoàng
[Meiji]. Những con-người-của-hành-động, có đầu óc thực tiễn này
có cái tầm nhìn mà Peter Đại Đế, cũng là một con-người-của-hành-
động, bị thiếu; và họ thành công nơi mà ông thất bại. Họ biết rằng,
việc chỉ đơn thuần du nhập những tập quán và những phương pháp
ngoại quốc sẽ không thể lay cho nước Nhật sống dậy, nó cũng
không thể thúc đẩy nước Nhật, chỉ trong vài thập niên, khắc phục
cái sự chậm tiến, mà đã tồn tại hàng thế kỷ. Họ nhận ra rằng, cái
nghệ thuật tôn giáo hóa là một nhân tố không thể thiếu trong một
công cuộc vô-tiền-lệ như thế. Họ khởi động một trong những
phong trào quần chúng hữu hiệu nhất của thời hiện đại. Những tệ
đoan của phong trào này được minh họa một cách dồi dào trong
suốt cuốn sách này. Thế nhưng, thật đáng ngờ, liệu bất cứ tác nhân
[agency] nào khác, bất luận có bản chất ra sao, đã có thể mang lại
kỳ tích của sự canh tân, vốn đã được thành tựu tại Nhật Bản. Tại
Thỗ Nhĩ Kỳ, nữa, ảnh hưởng ngoại quốc đã tác động trên một con-
người-của-hành động, Ataturk, và cái khâu cuối cùng trong chuỗi,
là một phong trào quần chúng.
J.B. S. Haldane xem sự cuồng tín là 1 trong số 4 phát minh duy
nhất thực sự quan trọng đã được làm giữa năm 3000 trước công
nguyên nguyên và năm 1400 [sau] công nguyên  (20). Nó là một
phát minh Do Thái-Ki-tô giáo. Và, thật kỳ lạ khi nghĩ rằng, trong
việc tiếp nhận cái cơn bệnh [malady] của linh hồn này, thế giới
cũng đã tiếp nhận một công cụ thần diệu cho việc đưa những xã
hội và những dân tộc ra khỏi cõi chết – một công cụ của phục sinh.
__________
 Cụm từ “sau công nguyên” thường dùng để dịch hai con chữ
A.D. Nhưng có lẽ phải dùng “công nguyên” hay sau chúa Giáng
Sinh thì mới đúng. Xin gõ “A.D” trên Google, sẽ rõ hơn.

HẾT

=========
1. See Section 85.
2. For example, review the careers of Milton and Bunyan, Koestler
and Silone.
3. Leon Trotsky, The History of the Russian Revolution (New
York: Simon and Schuster, Inc., 1932). Preface.
4. “It was Napoleon who wrote to his Commissioner of Police
asking him why there was no flourishing literature in the Empire
and please to see to it that there was.” Jacques Barzun, Of Human
Freedom (Boston: Little, Brown & Company, 1939), p. 91.
5. “John Milton,” Encyclopaedia Britannica.
6. Pirke Aboth, The Sayings of the Jewish Fathers (New York: E.
P. Dutton & Company, Inc., 1929), p. 36.
7. Eva Lips, Savage Symphony (New York: Random House,
1938), p. 18.
8. Quoted by J. A. Cramb, The Origins and Destiny of Imperial
Britain (London: John Murray, 1915), p. 216.
9. In a letter to his friend Preen. Quoted by James Hastings Nichols
in his introduction to the English translation of Jacob C.
Burckhardt’s Force and Freedom (New York: Pantheon Books,
1943), p. 40.
10. Ernest Renan, History of the People of Israel (Boston: Little,
Brown & Company, 1888–1896), Vol. V, p. 360.
11. Angelica Balabanoff, My Life as a Rebel (New York: Harper
& Brothers, 1938), p. 281.
12. Quoted by W. R. Inge, “Patriotism,” Nineteen Modern Essays,
ed. W. A. Archbold (New York: Longmans, Green & Company,
1926), p. 213.
13. John Maynard, Russia in Flux (London: Victor Gollancz, Ltd.,
1941), p. 29.
14. “The Christian resistance to authority was indeed more than
heroic, but it was not heroic.” Sir J. R. Seeley, Lectures and Essays
(London: Macmillan, 1895), p. 81.
15. Said Hardenberg to the King of Prussia after the defeat at Jena:
“Your Majesty, we must do from above what the French have done
from below.”
16. Fëdor Dostoyevsky, The Possessed, Modern Library edition
(New York: Random House, 1936), p. 698.
17. José Ortega y Gasset, The Modern Theme (New York: W. W.
Norton & Company, 1931), p. 128.
18. See Section 104 and following.
19. See Section 104.
20. J. B. S. Haldane, The Inequality of Man (New York: Famous
Books, Inc., 1938), p. 49.

You might also like