Download as doc, pdf, or txt
Download as doc, pdf, or txt
You are on page 1of 6

Theo dấu người tình

Tác giả: Ngọc Trân vietphongsu.com

Câu chuyện tình đẹp, lãng mạn nhưng không thành với người đàn ông giàu có
người Việt gốc Hoa là chất liệu để nhà văn Pháp Marguerite Duras viết nên tự
truyện Người tình.

Hãy theo dấu chân người tình về Sa Đéc thăm ngôi nhà cổ của ông Huỳnh Thủy Lê, nhân
vật chính trong sách và phim, nghe kể chuyện tình yêu giữa ông với Marguerite Duras.

Do nét kiến trúc đặc biệt của ngôi nhà và sự lan tỏa của cuốn tự truyện và bộ phim, ngôi
nhà đã thu hút ngày càng đông người đến tham quan. Mỗi tháng nơi đây đón khoảng hơn
2.000 khách, chủ yếu là du khách nước ngoài. Một số đã trả gần 700.000 đồng để được
ngủ lại một đêm dù phòng ngủ chỉ có quạt máy, không phòng vệ sinh riêng.

Trước năm 2006, ngôi nhà được sử dụng làm trụ sở một cơ quan công an. Khi đó đã có
một vài du khách đến đây. Sau đó nhận thấy du khách ngày càng đông, tỉnh Đồng Tháp
đã hoán đổi nhà khác cho công an lấy ngôi nhà cổ, tu sửa để phục vụ khách tham quan.

Nhà cổ người tình.


Thành tour du lịch

Và ngôi nhà cổ này đã được công nhận di tích cấp tỉnh năm 2008; quốc gia vào năm
2009. Từ năm 2007, Công ty Cổ phần Du lịch Đồng Tháp đã đưa vào khai thác du lịch
tour “Theo dấu chân người tình”.

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê được ông Huỳnh Cẩm Thuận (cha của ông Lê) xây dựng bằng gỗ
vào năm 1895. Đến năm 1917, nhà được sửa chữa. Và toàn bộ vách gỗ của tường nhà
được thay bằng gạch vôi, lát thêm gỗ quý nhập từ Campuchia. Gạch sàn nhập thì từ Pháp.

Nhà được xây dựng trên diện tích 258 m2, hình dáng theo kiểu nhà truyền thống của
người Việt. Hai bên đầu hồi của nó cong vút hình thuyền, có hai con dơi ngậm kim tiền.

Tuy nhiên, nhìn từ phía ngoài, ngôi nhà vẫn mang dáng dấp của kiến trúc phương Tây
nhiều hơn với cột nhà kiểu La Mã. Trên cửa chính dẫn vào nhà có khắc bốn chữ “Cảm
tình thuận ý”. Hàng chữ này thể hiện mong muốn sống hòa thuận cùng hàng xóm, láng
giềng và thể hiện sự hiếu khách của gia chủ.

Trước đây ngôi nhà tọa lạc trên khu đất rộng đến vài ngàn mét vuông. Phía sau nhà có
hoa viên trồng cây cảnh, và một dãy nhà dành cho người làm cùng một ga-ra. Hiện nay,
khuôn viên nhà đã bị thu hẹp, quanh đó đều là nhà phố, buôn bán tấp nập vì là một khu
chợ.

Vẻ ngoài ngôi nhà có lối kiến trúc phương Tây nhưng bên trong lại có kiến trúc Á Đông.
Nhà ba gian trang trí theo phong cách người Hoa. Các bao lơn, thành vọng sơn son thếp
vàng. Riêng khung bao lơn chính giữa có chạm đôi Loan Phụng mang ý nghĩa hạnh phúc
trường tồn. Phòng khách có một bàn dài và ghế trường kỷ bên trái. Trên tường treo một
cây kiếm dài được bao bằng gỗ và tấm gương phản chiếu ra ngoài cho hợp phong thủy.

Giữa gian thờ đặt tượng Quan Công. Theo tín ngưỡng của người Hoa, chòm râu của
Quan Công theo chiều nước lớn chứng tỏ phúc lộc dâng trào, đồng thời cũng thể hiện sức
mạnh và sự phồn thịnh trong cuộc sống. Nhiều vị khách đến tham quan ngôi nhà đều tự
hỏi tại sao gian giữa lại thấp xuống như lòng chảo. Người Hoa cố tình xây dựng như vậy
vì muốn phúc lộc chảy vào nhà sẽ đọng lại mãi mãi.
Phòng khách.

Càng đi vào sâu, càng thấy được nét đẹp kiến trúc của ngôi nhà. Các bức tường trong nhà
được trang trí mai, lan, cúc, trúc cầu kỳ cùng chim sẻ với mong muốn mang thiên nhiên
vào nhà.

Ngôi nhà gồm bốn phòng ngủ. Tuy nhiên, hai căn đã xuống cấp, rất khó khôi phục. Chỉ
còn hai phòng dành cho các cô con gái là giữ được nguyên trạng, Chúng có một mặt
tường trang trí bằng kính màu xanh, vàng, đỏ kiểu nhà thờ, nhập từ Pháp. Đây cũng là hai
phòng giờ được cho khách thuê.

Ông Huỳnh Cẩm Thuận là một đại địa chủ ở Sa Đéc, chuyên kinh doanh bất động sản.
Có đến 3/4 nhà phố ở đây ngày ấy thuộc sở hữu của ông. Ông Huỳnh Thủy Lê thừa kế
sản nghiệp từ cha mình. Mọi người thường kể với nhau rằng tiền bạc của ông được cất
trong két sắt nặng 20 người mới khiêng nổi. Két sắt nay vẫn còn trong ngôi nhà cùng
chiếc bàn trang điểm của vợ ông và chiếc tủ đựng rượu Tây.

Ngôi nhà cũng lưu giữ được một chiếc sập khảm xà cừ. Trên sập có tám vòng tròn với
những con dơi bay trên mây đan xen với nhau, thể hiện phúc lộc. Người Hoa quan niệm
tám vòng tròn này chính là con số của may mắn.

Vào phim ảnh

Hiện nay, trên vách tường phòng khách phía bên trái có treo hình ông Huỳnh Thủy Lê lúc
trẻ với ghi chú bằng tiếng Việt lẫn tiếng Pháp và ảnh vợ chồng ông. Ông sinh năm 1906,
mất năm 1972 tại Sài Gòn vì bệnh tim. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Mỹ, sinh năm 1911, mất
năm 2004 tại Mỹ.
Cạnh hình hai vợ chồng ông là hình năm người con – hai con trai và ba con gái. Họ đều ở
nước ngoài và thành đạt. Người con gái út của ông từng trở về Việt Nam sống một thời
gian. Khi ngôi nhà cổ trở thành di tích, bà đã giúp đỡ bố trí lại đồ đạc cho giống ngày
xưa.

Ngoài ra, trên vách bên phải còn có hình nam diễn viên chính Lương Gia Huy (Hồng
Kông), đóng vai Huỳnh Thủy Lê. Cạnh đó là hìn Jane March (người Anh), vai Marguerite
Duras, trong phim Người tình. (Người dân ở Sa Đéc gọi đây là ngôi nhà Người tình.)

Họ gặp nhau trên phà. (Một cảnh trong phim Người tình.)

Trong nhà còn trưng bày một số hình ảnh về gia đình bà Marguerite. Sau khi làm việc ở
Sài Gòn và Hà Nội, mẹ bà được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Ecole de Jeunes filles, tức
trường Trưng Vương ngày nay của Sa Đéc.

Cha Marguerite là giáo viên dạy toán. Do gặp khó khăn, ông đã sang Campuchia lập đồn
điền nhưng thất bại, trắng tay. Ông đau buồn, lâm bệnh rồi mất. Khi ông mất, gia đình
Duras càng trở nên túng bấn hơn. Và năm lên 15 tuổi, Marguerite được gửi lên Sài Gòn
đi học.

Trên một chuyến phà qua sông Tiền trên đường từ Sa Đéc đi Sài Gòn, người con gái Pháp
ở tuổi mới lớn đã gặp ông Lê (27 tuổi) vừa du học Pháp về. Tình yêu giữa hai người nảy
nở từ cuộc gặp đó. Về đến Sài Gòn, ông Lê thuê một ngôi nhà tại khu phố của người Hoa
(Chợ Lớn) và hai người sống với nhau như vợ chồng trong khoảng hai năm.

Nhận thấy mình không thể sống thiếu Marguerite, ông Lê xin cha cho cưới. Tuy nhiên,
cha ông không cho vì cô là người Pháp. Cuộc tình tan vỡ và phần do hoàn cảnh gia đình,
Marguerite thuận theo ý muốn của mẹ, trở về Pháp để tiếp tục việc học. Còn ông Lê thì
về Sa Đéc cưới vợ (do cha sắp đặt.)
Sau này, ông Lê có đưa vợ sang Paris du lịch. Ông tìm được số điện thoại của Marguerite
và gọi điện cho bà. Ông nói: “Tôi vẫn yêu em như ngày xưa.” Nhưng Marguerite quyết
định không gặp lại ông nữa. Khi ông mất, bà đã rất hối tiếc vì không gặp ông một lần
cuối.

Ngoài cuốn Người tình (1984) được trao giải thưởng văn chương Goncourt danh giá của
Pháp và cuốn Người tình Hoa Bắc, Marguerite còn viết khoảng 40 tiểu thuyết, 10 vở kịch
và nhiều kịch bản phim... Một số tác phẩm khác của bà được dựng thành phim như Đập
chắn Thái Bình Dương - Un Barrage Contre le Pacifique, Hiroshima tình yêu của tôi -
Hiroshima mon Amour. Và chúng được đánh giá là những kiệt tác điện ảnh của thế kỷ
XX, trước khi bà qua đời vào năm 1996.

Người tình được dịch ra tiếng Việt.

Khi bộ phim Người tình được chiếu tại rạp Rex, TP.HCM cách đây 20 năm, người viết
bài này đã có dịp gặp Jean-Jacques Annaud, đạo diễn bộ phim. Người viết đã hỏi sao
phim hiện thực quá, đặc biệt là các cảnh nóng, diễn viên có phải diễn thật không. Vị đạo
diễn hóm hỉnh hỏi lại: “Vậy khi quay phim chiến tranh, diễn cảnh đánh nhau thì diễn viên
có chết thật không?”

Thật đáng tiếc bộ phim đã không được chiếu rộng rãi tại Việt Nam cũng vì những cảnh
nhạy cảm nói trên. Trong khi bộ phim có nhiều cảnh quay chân thực, khắc họa được một
cách sống động miền Nam Việt Nam thời Pháp thuộc.

Hiện nay, dù là di tích nổi tiếng thu hút nhiều khách nước ngoài, nhưng nhà cổ Huỳnh
Thủy Lê lại không được nhiều người Việt Nam biết đến, cho dù việc đi lại giữa TP.HCM
và Sa Đéc nay đã khá thuận tiện. Để vào tham quan nhà cổ, khách chỉ cần mua vé giá
15.000 đồng.

Ở đây còn có bán tranh lưu niệm in hình các cảnh và diễn viên trong phim Người tình,
các tràng hạt, huy hiệu in hình ông Huỳnh Thủy Lê. Tuy nhiên, nếu có thể, nên thêm các
sản phẩm khác nhằm tăng phần hấp dẫn cho ngôi nhà. Đó là bán như cà phê, trưng bày
tác phẩm, giới thiệu nhiều hơn về sự nghiệp và tác phẩm của của Marguerite Duras. Hoặc
kể chuyện làm phim. Kết hợp đi xem vườn hoa vào những ngày giáp Tết.

Cũng có thể kết hợp với việc đi thăm những địa điểm khác như nơi hai nhân vật chính
từng gặp gỡ nhau. Và cả những địa điểm từng được sử dụng để làm cảnh quay phim ở
Việt Nam...

Một vườn hoa ở Sa Đéc. Tác giả bài này: Ngọc Trân vietphongsu.com

You might also like