Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 2

Em đã được nghe và biết rất nhiều tấm gương vượt khó nhưng chưa ai để lại ấn tượng sâu đậm

bằng
Helen Keller. Mỗi khi em thất vọng với bản thân thì cuộc đời của Helen như một ngọn đèn sáng dẫn lối
cho em. Helen là một con người nghị lực phi thường, cô đánh bại số phận và trở thành một trong những
nhân vật truyền cảm hứng vĩ đại và nổi tiếng nhất. abc 

Helen Adams Keller sinh ngày 27/06/1880 tại Tuscumbia, Alabama, Hoa Kỳ. Trong 19 tháng đầu tiên
của cuộc đời, Helen là một bé gái bụ bẫm, xinh xắn, đáng yêu. Tuy nhiên, ở tháng thứ 20, Helen bị một
cơn sốt bại não tấn công. Helen rơi vào tình trạng sốt cao kéo dài nhiều ngày trong tình thế hết sức nguy
cấp. Rồi cơn sốt bỗng dưng biến mất nhưng cô bé đã mất đi gần như tất cả các khả năng giao tiếp của
một con người: thị lực và thính lực của cô bé đã không còn nữa. Từ một đứa trẻ khỏe mạnh nay đột nhiên
phải sống trong sự u tối khiến cho Helen giống như một con ngựa bất kham, lồng lên giận dữ vì bất lực.
Cô bé trở nên hung hăng, khó kiểm soát trong suốt những ngày ấu thơ. Ở cái thời mà y học chưa phát
triển, ông bà Keller tưởng chừng đã phải chấp nhận trong vô vọng thì một cơ duyên lại xảy đến, làm thay
đổi cả cuộc đời cô bé.

Anne Mansfield Sullivan, một cô gái mới 20 tuổi vừa tốt nghiệp trường Perkins dành cho người khiếm thị
đã đến Tuscumbia để làm cô giáo của Helen. Anne Sullivan là một người có hoàn cảnh khá đặc biệt. Cô
mồ côi cả cha lẫn mẹ, cũng từng sống trong thế giới mù lòa suốt 15 năm trời và nhờ hai lần phẫu thuật
mắt nên đã lấy lại được một phần thị lực. Hơn ai hết, Anne hiểu được nỗi khổ sở mà cô học trò của mình
phải trải qua. Bằng sự thấu hiểu và tình thương, cô giáo này đã giúp Helen tìm lại ánh sáng từ trong chính
tâm can. Thật khó có thể kể hết những gian nan vất vả của Helen trên hành trình tìm đến với “ánh sáng”.
Nhưng Helen đã không chịu đầu hàng số phận, đã nhẫn nại tìm hiểu ý nghĩa của từng từ một và cố gắng
viết lại từ đó trên lòng bàn tay. Cảm giác về cái ngày Helen hiểu và viết lại được từ đầu tiên là từ “nước”
ấy sẽ không bao giờ phai mờ trong ký ức của cô bé.

Năm 16 tuổi, Helen vào học trường nữ sinh Cambridge và 4 năm sau trở thành sinh viên mù, điếc đầu tiên
của Đại học Radcliffe. Tất nhiên là cô giáo Anne đã phải học cùng với Helen ở tất cả các cấp học. Số
lượng bài vở khổng lồ ở Đại học Radcliffe là một thách thức cực kỳ to lớn đối với cả hai cô trò, nhưng
với sự kiên định của mình, Helen không chỉ hoàn thành tất cả các yêu cầu của một sinh viên, mà còn viết
nên cuốn sách đầu tiên của cuộc đời bằng chữ braille, cuốn “Cuộc đời tôi”. Cuốn sách được xuất bản năm
1903, trước khi Helen nhận bằng cử nhân một năm, đã gây xôn xao dư luận toàn nước Mỹ và đưa cô gái
mù lòa vào đội ngũ các nhà văn thế giới. “Cuộc đời tôi” đã nhận được giải thưởng Văn học Mỹ, trở thành
một trong những cuốn sách kinh điển của văn học thế giới

Không chỉ là tấm gương cho của nghị lực sống, Helen Keller còn khát khao được giúp đỡ những người
xung quanh, những nạn nhân của chiến tranh, đói nghèo và bệnh tật. Thiếu đôi mắt nhưng bà đã nhìn đời
bằng cả con tim. Hai năm sau ngày tốt nghiệp, Helen được vinh dự bầu vào chức chủ tịch hội người mù
tiểu bang Massachusetts, bắt tay vào công việc xã hội cụ. Keller đón tiếp rất nhiều người mù, trả lời nhiều
thư từ và đi thuyết giảng lưu động tại 39 nước trên thế giới. Người phụ nữ này đã đi đến hàng chục quốc
gia trên thế giới để truyền cảm hứng cho hàng triệu người kém may mắn từ chính câu chuyện của mình.
Vào ngày 14 tháng 9 năm 1964, Tổng thống Lyndon B. Johnson trao tặng cô Huân chương Tự do Tổng
thống, một trong hai danh dự dân sự cao nhất của Hoa Kỳ. Năm 1965 cô được bầu chọn vào Sảnh vinh
danh Phụ nữ Quốc gia tại Hội chợ Thế giới New York.

Helen Keller trở thành một biểu tượng của tinh thần nghị lực phi thường khi suốt đời sống trong thế giới
không ánh sáng, không âm thanh nhưng vẫn cống hiến hết sức lực nhằm đem niềm vui đến với người tàn
tật, có cùng hoàn cảnh như mình. Helen Keller là minh chứng cho việc cuộc đời có nghĩa hay không là do
chính ta quyết định chứ không phải những khiếm khuyết của bản thân. Cô là một tấm gương sáng để noi
theo.

Helen Keller thật là một người phụ nữ đáng để mọi người khâm phục và kính trọng. Cuộc đời của cô là
một động lực để em phấn đấu. Em tự nhắc nhở bản thân phải cố gắng nỗ lực hết sức để đạt nhiều thành
tựu và cống hiến cho xã hội ngày thêm văn minh tốt đẹp.

You might also like