Download as doc, pdf, or txt
Download as doc, pdf, or txt
You are on page 1of 3

THI KỂ CHUYỆN

Năm học : 2016-2017

Lời đầu tiên em xin gửi đến Ban Giám Khảo , quí thầy cô lời chúc sức khỏe
và lời chào trân trọng nhất. Em tên Nguyễn Thị Thanh Nhã , hiện là giáo viên chủ
nhiệm lớp Tám 4 của Trường THCS Bình Ninh.
Hằng năm, cứ sau một niên khóa làm chủ nhiệm lớp, tôi lại có một thứ tình
cảm thân thương rất đặc biệt với lứa học sinh của mình. Tôi nói đùa rằng: “Cô là
gà mẹ, các con là đàn gà con. Lớp chúng mình là một gia đình gà. Gà mẹ có thể
bảo vệ đàn con của mình. Nghe vậy, các em thích lắm, cười phá lên và gọi tôi là
“Mẹ gà”. Và cứ thế, nhiều kỉ niệm buồn vui giữa tôi và lũ trẻ cứ thế đong đầy,
biết bao kỉ niệm đáng nhớ. Đến với hội thi hôm nay, tôi muốn chia sẻ cùng quí
thầy cô một kỉ niệm chắc chắn sẽ theo tôi suốt quãng đời Nhà giáo. Một kỉ niệm
không thể nào quên về một cậu trò nhỏ - Một chú gà con đáng thương trong giông
bão cuộc đời. Câu chuyện có nhan đề: “ Cô ơi, Cô có biết…?”
Năm học 2013-2014 tôi được phân công chủ nhiệm lớp. Lớp 81 do tôi
chủ nhiệm có 44 học sinh, phần lớn học sinh trong lớp đều là học sinh khá giỏi.
Do đó lớp lúc nào cũng sôi nổi trong học tập cũng như trong phong trào , đặc biệt
tôi rất ấn tượng về em Nguyễn Thanh Bình. Thời gian đầu giảng dạy, tôi nhận
thấy Bình là một cậu bé sống rất tình cảm, lanh lợi, thông minh. Em học giỏi đều
tất cả các môn, đặc biệt là em rất nhạy với bộ môn tiếng Anh của tôi. Bởi vậy, tôi
đặc biệt có cảm tình. Nhưng được một thời gian, bỗng dưng cậu bé học hành sút
kém hẳn, lại còn chây lười, không thuộc bài cũ, đi học không mang đầy đủ sách
vở và thỉnh thoảng còn nghỉ học vô lí do. Tôi gạn hỏi thì em viện lí do để chối
quanh co, có vẻ thiếu trung thực. Khi thì em bảo bị ốm, khi lại bảo bị mệt, có lúc
lại bảo rằng quên. Không có sách học thì em bảo bị mất. Tôi gọi điện bảo mẹ em
mua thì được trả lời là vẫn còn nhưng em đã nhét trong hộc tủ. Mấy lần không
thuộc bài nên tôi bắt em chép phạt để mong em chăm chỉ hơn. Nhưng càng phạt,
em càng ì ra, chứng nào tật ấy, vẫn không thuộc. Gọi điện cho mẹ em hỏi thăm thì
mẹ em lại bảo “Thật sự gia đình chúng tôi đang có nhiều chuyện rối ren, việc học
hành của thằng Bình trăm sự nhờ cô” .Tôi thấy hơi giận, bởi chuyện nhà có ra sao
thì cũng không nên bỏ bê con cái như thế. Mặc dù vậy, tôi vẫn thấy lạ và mong
muốn tìm ra nguyên nhân sự sa sút của Bình. Tôi trăn trở mãi rồi nghĩ ra một
cách. Sáng hôm sau, dạy xong tiết cuối, tôi gọi em lại và bảo: -Cô rất buồn và thất
vọng về em, Bình ạ! Cô cũng rất lo cho tình hình học tập của em, sao em lại có
thể trượt dốc không phanh như thế chứ? Cô rất muốn giúp em nhưng cô cần phải
biết vì đâu mà em lại như thế. Em mệt hay là gia đình có việc gì? Hay do em lười
không muốn học ??? Tất cả những lí do đó em phải nói thật với cô bằng cách viết
cho cô một lá thư, gọi là “ Thư nói thật” rồi bỏ vào hộp thư “ Điều em muốn nói”
nhé! Minh gật đầu, “ Dạ!” một tiếng rất nhỏ . Sáng hôm sau, tôi hồi hộp nhìn vào
hộp thư nhưng vẫn thấy trống trơn. Tôi giục: “ Sao Bình chưa viết thư cho cô?”
em cúi đầu không nói gì. Ngày hôm sau nữa, giờ ra chơi, em chạy đến giật nhẹ áo
tôi thì thầm: - Cô ơi, em có thư cho cô rồi ạ! Nói rồi nó lầm lũi đi về chỗ. Tôi
nóng lòng quá nên chạy tới mở ra xem. Một bức thư được gói ghém cẩn thận
bằng hai lớp giấy, ngoài đề chữ “Thư gửi cô giáo chủ nhiệm – Hãy mở ra, cô ơi!”
Tôi hồi hộp khi đọc những dòng chữ run rẩy :“ Kính gửi cô giáo chủ nhiệm ! Lâu
nay con biết cô và các bạn thất vọng về con lắm nhưng con không thể nói ra lí do
này được. Cô ơi, những ngày qua con vi phạm nội quy không phải vì con lười học
mà... con buồn về chuyện gia đình cô ạ. Con không thể học được nữa. Ba mẹ con
không hòa thuận và sắp ly hôn rồi cô à... Mẹ con sắp mang em gái con đi cùng,
con thì ở lại với ba. Gia đình con thật sự tan vỡ…” Đọc đến đây, tôi không còn
kìm lòng được nữa, những dòng chữ nhòe nhoẹt nước mắt, tim tôi thắt lại vì ân
hận, sống mũi cay xè. Ôi, Cô xin lỗi, con “gà con” bé nhỏ đáng thương, vậy mà
cô đã nghĩ sai về em, đã không hiểu gì về hoàn cảnh của em, tại sao đến nông nỗi
này mà cô không biết chứ, cô thật có lỗi...! Tim tôi rung lên.
Tôi quyết định tìm hiểu thêm, em kể:- Mấy tháng nay ba em không về nhà
cô ạ, lâu lâu ba mới về một bữa, gây gổ, chửi bới nhau rồi lại vội vàng ra đi. Em
sợ nhất là những lúc ngồi học mà ba mẹ to tiếng chửi nhau, em bịt tai mà vẫn
không tài nào học nổi, chỉ thấy sợ và nhức đầu thôi. Em buồn lắm. Tôi an ủi, động
viên em một số điều rồi ra về, hi vọng có sự thay đổi. Mấy ngày sau, em lại đột
nhiên vắng học mà không xin phép. Tôi đến thì nhà vắng hoe, gọi điện không ai
bốc máy, tôi thấy lo lo. Hôm sau nữa, em đến lớp trong trạng thái buồn ủ rũ, ngồi
học mà mắt nhìn đâu đâu rồi gục xuống bàn, mệt mỏi ngủ thiếp đi. Thấy thế, đứa
học trò ngồi bên đứng dậy báo cáo:- Thưa cô, bạn Bình ngủ trong giờ học ạ! Tôi
ra hiệu im lặng và đi đến bên em. Một tờ giấy kín chữ rơi ra, nhòe nhoẹt vì nước
mắt: “Mẹ ơi, mẹ đã hứa vì con mà mẹ sẽ cố gắng duy trì gia đình mình mà. Mẹ đã
hứa sẽ không bao giờ rời bỏ con mà. Thế mà bây giờ…” Ôi, cậu trò nhỏ đáng
thương của tôi. Con chim nhỏ chưa ra ràng đã bị cuốn vào cơn bão... Tôi ra dấu
cho các trò im lặng để bạn thiếp đi một lúc và đặt lại bức thư vào chỗ cũ. Ngay
cuối tiết, tôi dặn em:- Chiều nay, em ở lại lớp một chút nhé. Cô có chuyện muốn
nói. Em khe khẽ gật đầu.Buổi chiều, đúng hẹn, cậu bé lủi thủi tiến đến bàn giáo
viên. Tôi hỏi chuyện, em kể:- Mấy hôm em nghỉ học là để ra tòa cùng bố mẹ, cô
à! Em xin lỗi cô vì đã không xin phép. Ba mẹ em đã li dị xong rồi cô ơi...! Nói rồi
em rưng rưng mắt đỏ hoe. Mắt tôi cay xè. Tôi vỗ nhẹ bờ vai nhỏ bé đang rung lên
từng đợt, vỗ về:- Cô hiểu, hãy mạnh mẽ lên em. Vậy là tình thế không thể cứu vãn
được nữa rồi. Bây giờ chỉ còn cách ba và em phải sống thật tốt. Em hãy khóc đi,
khóc cho thỏa thích rồi lau nước mắt nhé! Từ nay em còn phải cố gắng làm cho ba
và cả mẹ vui bằng cách học thật tốt. Gia đình không trọn vẹn là điều chẳng ai
mong muốn, mà lỡ rơi vào tình huống ấy thì em càng phải cố gắng nhiều hơn nữa
để vượt lên hoàn cảnh. Hứa với cô nhé! - Em cảm ơn cô nhiều , cô ơi! Cô giúp em
nhé. Em hứa sẽ không phụ lòng tin của cô. Từ nay em sẽ quyết tâm ngoan hơn,
chăm học hơn ạ! Nói xong, em chào tôi ra về. Sau lần đó tôi gọi điện gặp riêng
mẹ em để phối hợp động viên em qua cú sốc lớn này. Mẹ em đọc bức thư rồi khóc
như mưa, cảm ơn tôi và hứa sẽ quan tâm em hơn. Kể từ đó, Bình trở lại là cậu học
trò chăm ngoan, đáng yêu như thuở nào. Hình như cậu bé đã vượt qua được nỗi
đau dù thỉnh thoảng vẫn thoáng thẫn thờ. Sau này, những khi giảng bài xong, nhìn
xuống cuối lớp, lòng tôi ấm lại khi thấy cậu trò nhỏ đang say sưa làm bài, vẻ mặt
đã tươi hơn. Những giờ chơi, tôi lén quan sát, thấy cậu bé đã hòa nhập vui đùa
cùng chúng bạn, lòng tôi bỗng thấy vui vui. Thật may, sau cơn mưa trời lại
sáng...Cố lên em!
Thời gian cứ thế trôi đi, Bình tích cực học tập cũng như tham gia vui chơi
cùng các bạn, ở các tiết sinh hoạt lớp hoặc hoạt động ngoài giờ lên lớp em chủ
động tham gia văn nghệ hát múa rất hồn nhiên. Đến cuối năm học em đạt được
thành tích học sinh giỏi hạng nhất. Nhà sử học Henrry Brooks Adams đã nói : “
Ảnh hưởng của người thầy là vĩnh cửu. Ta không thể biết được khi nào thì ảnh
hưởng ấy dừng. ”Tôi nghĩ mình đã làm đúng, chúng tôi tạm chia tay trong sự lưu
luyến của cả cô và trò, một chuyến đò đã cập bến. Là một giáo viên, tôi ý thức
được rằng một hành động cử chỉ , lời nói của mình sẽ ảnh hưởng đến tâm hồn và
sự phát triển nhân cách của các em và em Bình trở thành một phần trong bức
tranh sự nghiệp trồng người của tôi. Qua đây tôi muốn nhắn nhủ với đồng nghiệp
mình rằng: Hạnh phúc của một đời bắt đầu từ tình yêu, hạnh phúc là được đem
yêu thương và đón nhận yêu thương. Hãy yêu thương học sinh như chính con của
mình bỏi trong mắt các em thầy cô chính là cha mẹ thứ hai.
Câu chuyện của em kết thúc ở đây. Xin kính chúc sức khỏe Ban Giám Khảo , quí
thầy cô , các anh chị đồng nghiệp. Chúc Hội thi thành công tốt đẹp.

Người Viết

Nguyễn Thị Thanh Nhã

You might also like