Con Người Huyền Nhiệm - Sarte

You might also like

Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 5

Con người – huyền nhiệm của sự khao khát

hạnh phúc đích thực


Wed,21/11/2018
Lượt xem: 53
Nhân loại ngày hôm nay vẫn đang rất hãnh
diện với những khám phá và năng lực của
mình về mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, nỗi trăn
trở với những câu hỏi về hướng chuyển biến
hiện nay của thế giới, về chỗ đứng và vai trò
của con người trong vũ trụ, về ý nghĩa của
những nỗ lực cá nhân cũng như tập thể, và
sau hết, về cùng đích của con người vẫn
không bao giờ nguôi ngoai[1]. Quả vậy, từ
hai ngàn năm nay, triết học với những suy tư
không ngừng nghỉ cũng mới chạm đến bề
mặt chứ chưa đạt thấu chân lý về con người. Dầu muốn dầu không, con người vẫn luôn
phải tự vấn về nguồn gốc và ý nghĩa đích thực sự hiện hữu của chính mình:

Ta phải chăng là một tiên đồng


Vỡ chén ngọc sa đầy trên hoang đảo
Để chiều chiều ra nghe thông ngàn réo
Sóng triều dâng, mây lặn cõi trời xưa
Và hồn quê thương hận đến bao giờ[2].

Đó cũng là khắc khoải mà thánh Augustine đã phải kinh qua trong suốt hành trình truy
tầm chân lý đích thực về chính mình: “Lạy Chúa, Ngài đã tạo dựng chúng con cho Ngài
và trái tim chúng con chưa nghỉ ngơi được chừng nào chưa an nghỉ trong Ngài.”[3]

Bởi lẽ con người không phải được sinh ra từ tảng đá hay một ngọn cây huyền thoại[4] và
không chỉ hiện hữu mà không có lý do gì[5] và chính vì hiện hữu và hiện sinh của con
người là vấn đề cách căn, nên dẫu biết rằng sẽ có sự trờn chân trật bước trên con đường
tìm kiếm chân lý, các triết gia tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây cũng liều nhắm mắt đưa
chân[6] để có câu trả lời khả dĩ cho vấn nạn dường như bất khả đạt thấu đối với lý trí này.

Trong những suối nguồn tư tưởng đó, con người có lúc xuất hiện như một thần minh (Ấn
Độ giáo, Platon), nhưng cũng có lúc bị giáng xuống hàng công cụ (Karl Marx); có lúc
như là tự do (Sartre), tương quan, ý chí và sức mạnh (Augustine), nhưng cũng có lúc như
là hay chết (Unamuno và Ernest Becker), tính dục (Sigmund Freud) hay sinh, bệnh, lão,
tử (Phật giáo)… Dầu con người có là gì đi nữa trong tư tưởng của các triết gia, chúng ta
cũng có thể nhận thấy rằng những nỗ lực của họ dẫu sao cũng không phải là dã tràng xe
cát biển đông, những suy tư đó vẫn cung ứng cho chúng ta một tầm nhìn rộng mở hơn để
có thể truy vấn về thực tại con người. Quả thế, dầu muốn dầu không, chúng ta cũng phải
chân nhận rằng đã là người thì ai chẳng úy tử tham sinh, ai chẳng phải chết, vì mọi sự có
sinh đều có hóa. Đã mang lấy nghiệp vào thân[7] thì phải đón nhận sinh, lão, bệnh, tử;
đón nhận có lúc xem con người làm công cụ sản xuất để mà nuôi sống bản thân và gia
đình, phát triển xã hội; đón nhận những yếu tố tính dục trong thân xác hữu hạn; đón nhận
những tương quan, khát khao tự do và ý chí,… đó là lẽ thế gian thường tình, vì nếu không
thế thì đâu đã phải là một con người cho đúng nghĩa, cho dầu có kẻ vì nô vong cho những
thứ đó mà trở nên lạc đạo vong bần để rồi tự tha hóa bản thân thành kẻ nhân bần khí
đoản, hay những con quái vật của tạo hóa, kho chứa chấp những điều dối giả, giảo quyệt,
gian ngoan, kẻ bày đặt những chuyện xấu xa vụng dại, kẻ thù của sự đúng mực cần phải
có. [8]

Nhưng hiện hữu và hiện sinh của con người mà chỉ có vậy thôi sao? Hẳn là không phải
chỉ có thế chứ! Bởi như Pascal đã nói: “Con người chỉ là một cây sậy, yếu ớt nhất trong
thiên nhiên, nhưng là một cây sậy biết suy tư.”[9] Con người quả là một cây sậy yếu ớt
nhất, bởi chỉ một cơn gió thoảng, một giọt nước cũng đủ để lấy đi sinh mạng của nó rồi.
Tuy nhiên, con người độc đáo ở chỗ nó biết nó chết, đó là điều quý giá nhất mà Cao
Xanh kia đã ban tặng cho nó. Và bởi biết mình chết, biết mình được sinh ra, nên nó biết
mình sẽ chết cho điều gì và biết mình sống cho điều gì chứ không phải “sinh ra không lý
do, kéo lê cuộc đời vì nhu nhược rồi chết vì ngẫu nhiên.”[10] Cũng chính vì cái suy tư và
cái biết vươn lên ấy mà con người khác với cây cỏ cá chim, chính cái suy ấy mà trong
loài người có bậc thánh nhân và cũng có kẻ phàm tục; có bậc tuyệt thế tài tình phàm cũng
có kẻ bất tài vô dụng, chỉ nửa lòa nửa sáng trong vòng áo mũ, trong cuộc no say; có
người quân tử và kẻ tiểu nhân. Đó âu cũng là cái huyền nhiệm về con người vậy.[11]
Chính cái huyền nhiệm nơi con người người ấy mà tư tưởng nhân loại dù phát triển tới
đâu cũng không thể nắm bắt được hết. Và rồi con người ta lắm lúc cả một đời rong ruổi
tìm kiếm chân lý về mình dựa trên sự ngạo nghễ của lý trí, đến khi tỉnh ngộ, như trẻ con
thức giấc sau giấc mộng dài mới biết cái chân lý về mình đó là cái bất khả tư nghị, và ngộ
ra rằng mình quả đang mò trăng đáy nước. Cũng chính vì thế, Nietzsche mới kết án
nghiệt ngã những ai suốt đời chỉ tư tưởng mà bỏ mất cả cuộc đời, bởi chỉ cuộc đời này là
có thực.[12]

Lạ thay, huyền nhiệm con người lại nằm ở nơi sự hữu hạn của nó. Quả thế, chỉ khi con
người (adam) ý thức được mình chỉ là bụi đất (adame)[13], khi đó nó mới hiểu được
huyền nhiệm cao cả trong sự hiện hữu của bản thể mình. Chính nơi phận mỏng cánh
chuồn đó mà con người luôn luôn phải trăn trở về chính mình, và càng khắc khoải bao
nhiêu lại thấy hiện hữu và hiện sinh của mình là điều bất khả tát cạn bấy nhiêu. May thay,
cũng chính vì ý thức được sự hữu hạn của mình với sự vô hạn của đất trời và vạn vật, đặc
biệt là của Đấng Siêu Việt mà con người biết khát khao vươn tới sự siêu việt của thực tại.
Ý thức sự hữu hạn của mình và sự vô hạn của Tạo Hóa không phải là để căm phẫn Tạo
Hóa gây chi cuộc hí trường, nhưng là để biết đắm chìm vào trong mầu nhiệm của sự
sống, là chính Tạo Hóa để khám phá ra giá trị đích thực của mình. Có đặt mình trong
tương quan với Đấng Siêu Việt, con người mới kín múc được ý nghĩa tròn đầy của sự
sống. Có thế, con người mới hiểu được huyền nhiệm của sự sống thật lớn lao, mới hiểu
tại sao có một vị Thiên Chúa đã từ bỏ trời cao để “ngụp lặn trong đáy vực thẳm và uống
cạn chén đắng làm người.”[14]

Chung cuộc, khi lý trí con người nói về chính mình âu cũng chỉ là tiếng bập bẹ đáng
thương của cái hữu hạn với cái vô hạn mà thôi. Và nhân loại phải trở về với thực tại
rằng, đã làm người thì phải biết đến nhọc nhằn, đau khổ, lớn lên, xuống dốc, già nua và
chết. Tất cả đều nằm trong chương trình của Tạo Hóa, nhưng chúng ta phải biết hạnh
phúc là gì. Chỉ con người mới khát, chỉ tâm hồn con người mới không nghỉ ngơi. Bạn
không lấy làm lạ sao?[15]

Đặng Xuân Quỳnh


K.XIV - ĐCV. Thánh Phanxicô Xaviê
——————————–
Tài liệu tham khảo
o Augustine (Vân Thúy dịch), Tự Thuật, Nxb. Tôn Giáo, 2010.
o Bernard Morichère (Phan Quang Định biên dịch), Triết Học Tây Phương, Nxb. Văn
Hóa Thông Tin, 2010.
o Hoành Sơn, Dẫn Vào Triết Với Triết Cơ Bản, Fullerton, 1995.
o Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Từ Điển Công Giáo, Tôn Giáo, 2016.
o Hội Đồng Giám Mục Việt Nam dịch, Vaticanô II, Nxb. Tôn Giáo, 2012.
o Michael D. Moga, (Lê Đình Trị dịch), Điều Gì Làm Cho con Người Thực Sự Là
Người, Phương Đông, 2014.
o Miguel De Cervantes (Trương Đắc Vỵ dịch), Đônkihôtê, Nxb. Văn Học, 2013.
o Nguyễn Du, Truyện Kiều, Nxb. Hội Nhà Văn, 2002.
o Platon (Nguyễn Khánh Hoan dịch), Cộng Hòa, Thế Giới, 2014
o Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương, Chuỗi Mân Côi Trong Đời Sống Chiêm Niệm,ĐCV
Vinh Thanh (lưu hành nội bộ).
o Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh, Văn Học, 2015.
——————————————
[1] x. Vaticanô II, Gaudium et Spes, số 3.
[2] Borné dans sa nature, infini dans se voeux L’homme est un dieu tombé qui se
souvient des cieux! Trích trong Hoành Sơn, Dẫn vào triết với triết cơ bản, Fullerton,
1995, tr. 8.
[3] Augustine (Vân Thúy dịch), Tự thuật, Nxb. Tôn Giáo, 2010, tr. 32.
[4] x. Platon (Nguyễn Khánh Hoan dịch), Cộng hòa, số 544d, Nxb. Thế Giới, 2014, tr.
550.
[5] x. Jean Paul Sartre, trong Bernard Morichère (Phan Quang Định dịch), Triết Học Tây
Phương, Nxb. Văn Hóa Thông Tin, 2010, tr. 1141.
[6] Nguyễn Du, Truyện Kiều, câu 1115.
[7] Ibidem, câu 3249.
[8] Miguel De Cervantes (Trương Đắc Vỵ dịch), Đônkihôtê (Tập 1), Nxb. Văn Học,
2013, tr. 530.
[9] “L’ homme n’est qu’un roseau, leplus faible de la nature, mais c’est un roseau
pensant” – Pascal, Pensees.
Trích trong Bernard Morichère (Phan Quang Định dịch), Triết Học Tây Phương, Nxb.
Văn Hóa Thông Tin, 2010, tr. 463.
[10] “Tout existant nait sans raison, se prolonge par faiblesse et meurt par rencontre” –
Jean Paul Sartre, La Nauseé. Trích trong Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh, Nxb. Văn
Học, 2015, tr. 300.
[11] Khái niệm Mystère de l’être (Huyền nhiệm hữu thể) xuất phát từ triết gia hiện sinh
hữu thần người Pháp Gabriel Marcel (1889 – 1973).
[12] x. Trần Thái Đỉnh, Sđd, tr. 127.
[13] Trong tiếng Hipri, adam nghĩa là người còn adame nghĩa là bụi đất.
[14] Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương, Chuỗi Mân Côi Và Đời Sống Chiêm Niệm, ĐCV
Vinh Thanh (lưu hành nội bộ).
[15] x. Anthony De Mello, Đi Trên Nước, Nxb. Tôn Giáo, 2009, tr. 31.

You might also like