AMC - Cơ hội hành nghề y tại Úc

You might also like

Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 9

AMC: Cơ hội hành nghề y tại Úc

Xin chào các bạn, trước hết tôi xin nói rõ, tôi viết bài viết này nhằm thỏa mãn những
bạn đang tò mò về những kỳ thi mà tôi đã trải qua, và con đường mà tôi đang đi,
không có ý định cổ động ai bỏ quê hương bản xứ làm chảy máu chất xám đâu nhé.
Lựa chọn sự nghiệp là quyền tự do của mỗi người.

Trong mấy ngày qua có vài bạn gửi tin nhắn qua facebook của tôi hỏi về chủ đề này,
tôi không thể trả lời chi tiết cho từng người nên hứa với các bạn ấy sẽ viết bài viết
này.

I. Mở đầu

Trước hết, tôi cũng xin tự giới thiệu về mình, tôi là Trang, tốt nghiệp bác sĩ đa khoa
(BSĐK) tại Đại học Y (ĐHY) Hải Phòng năm 2010, năm 2013 tốt nghiệp Bác sĩ Nội trú
(BSNT) chuyên ngành Hồi sức Cấp cứu (HSCC) tại Bệnh viện Bạch Mai. Hiện tại tôi đã
được cấp chứng chỉ AMC (Australian Medical Council), đại khái đây là một chứng chỉ
công nhân bằng tốt nghiệp ĐHY của các quốc gia khác ngoài nước Úc. Từ khi còn đang
là sinh viên tôi đã ấp ủ giấc mơ xuất ngoại, tất nhiên không phải xuất ngoại để làm
nail mà là làm nghề y. Tôi đã đọc một topic hình như có tên "Xuất khẩu chất xám
ngành y..." trên diễn đàn Nhịp cầu Y khoa, topic đó chủ yếu nói về kỳ thi USMLE của
Mỹ, là kỳ thi mà các bác sĩ nước ngoài muốn hành nghề tại Mỹ đều phải vượt qua.
Topic này tôi xin không nói nhiều về USMLE, chỉ đại khái nó có 3 step, trong đó step 2
gồm 2 phần bao gồm clinical knowledge (CK) và clinical skill (CS), các bác sĩ nước
ngoài phải qua 2 step đầu mới có đủ điều kiện để apply nội trú Mỹ, step 3 có thể thi
trước hoặc trong khi làm nội trú. Lúc tôi biết về USMLE tôi rất thích, nhưng biết chắc
mình không đủ lực chủ yếu vì tiếng Anh của tôi lúc đó chỉ đủ để giao tiếp. Thế nên, tôi
đã thi nội trú tại trường Đại học Y Hà Nội.

Ba năm học nội trú là quãng thời gian vô cùng quý giá đối với tôi. Ví như hôm trước
chị bạn tôi bảo "thế mà cô không biết mà thi sớm, đỡ mất 3 năm học nội trú trong
nước". Nhưng tôi nghĩ thế này, không có 3 năm ấy tôi sẽ không thể có ước mơ này,
cũng không đủ quyết tâm để thực hiện nó và càng không đủ khả năng để đi đến cuối
cùng.

Có 3 người tác động đến quyết định của tôi. Một là bác sĩ Hùng, một bác sĩ trẻ bằng
tuổi tôi đã thi đỗ USMLE và đang học nội trú ở Mỹ. Lúc gặp Hùng, tôi đã nghĩ, bạn ấy
thật giỏi và tôi cũng muốn giỏi như thế, tôi cảm thấy mình thua kém và tôi ghét cái
cảm giác bị tụt hậu ấy (ai bảo tôi thuộc cung ma kết - dê núi cơ).

Người thứ 2 là bác sĩ Bindy người Mỹ, tôi cộng tác với chị ấy trong chương trình dậy
tiếng Anh y học miễn phí cho sinh viên và nội trú. Lúc đó chị ấy chuẩn bị sang Úc làm
việc và chị ấy động viên tôi tìm cách sang đó với chị. Tôi lúc đó đã nhớ ra rằng hình
như mình đã đọc ở đâu đó về AMC - kỳ thi của Úc dành cho bác sĩ nước ngoài.

Người thứ 3 là bác sĩ Lĩnh, hiện làm trong ICU ở một bệnh viện tại Sydney, bác sĩ Lĩnh
cũng sang Úc theo con đường AMC. Tôi gặp bác sĩ Lĩnh vào năm thứ 3 nội trú khi tôi
may mắn được Hoc Mai foundation đài thọ một chuyến sang Sydney trong vòng 2
tuần để học tập hệ thống y tế của Úc. Tôi quen bác sĩ Lĩnh là nhờ bác sĩ Nguyễn Hữu
Quân (khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai) giới thiệu, nói tới đây không thể không cám
ơn anh Quân.
Anh Lĩnh là người mang đến quyết tâm cho tôi, anh ấy nói, con đường này rất khó
khăn, có nhiều người không làm được nhưng những việc người khác không làm được
không có nghĩa mình cũng không làm được. Từ đó tôi bắt đầu tìm hiểu về AMC và lên
kế hoạch.

II. Australian Medical Council (AMC) exams.

1. Nó dành cho ai?

Cho tất cả các bác sĩ đã tốt nghiệp bác sĩ đa khoa tại các trường ĐHY ngoài nước Úc
(không học y và tốt nghiệp trường y của Úc) nhưng muốn được hành nghề y trên đất
Úc.

AMC chia các bác sĩ nước ngoài ra 3 đối tượng đến Úc theo các con đường (pathway)
khác nhau, chúng ta chỉ quan tâm đến standard pathway dành cho các bác sĩ đến từ
những đất nước không nói tiếng Anh như là tiếng mẹ đẻ và có nền y học kém phát
triển hơn Úc.

Có bạn thạc sĩ hỏi về specialist pathway, tôi xin cam đoan với các bạn rằng không có
bất cứ bằng cấp sau đại học (SĐH) nào ở Việt Nam (VN) được Úc công nhận là
specialist, dù bạn có là tiến sĩ thì tôi e rằng bạn vẫn phải đi theo con đường standard
pathway thôi.

Vậy điều kiện dự thi là gì? Rất đơn giản. Bạn có bằng tốt nghiệp BSĐK của các ĐHY
(hình như tất cả 6 trường y của VN đều có trong hệ thống ECFMG). Chấm hết. À và
phải có tiền nữa.
2. Hệ thống hoạt động như thế nào?

Bạn chỉ việc vào amc.org.au để ghi danh (đây mới là ghi danh vào hệ thống nhé, chưa
phải ghi danh dự thi). Lệ phí ghi danh là 500 AUD. Sau đó bạn chuẩn bị đầy đủ giấy tờ,
bằng cấp theo hướng dẫn của họ. Tất cả các loại giấy tờ trước khi nộp đi đều phải có
dấu của đại sức quán (ĐSQ) Úc, mỗi cái dấu mất gần triệu bạc. Tóm lại, khoản giấy tờ
rất tốn kém, mất hơn 3 triệu.

AMC sẽ bắt đầu xác nhận bằng tốt nghiệp của bạn, họ thông qua hệ thống xác nhận
của Mỹ (ECFMG), cơ quan này sẽ gửi giấy xin xác nhận về trường ĐHY mà bạn tốt
nghiệp.

Khi AMC đã xác nhận xong bằng cấp của bạn, bạn sẽ được quyền đăng ký dự thi. Thủ
tục đăng ký, chọn ngày thi, nơi thi và nộp tiền đều được thực hiện trên website.

AMC gồm 2 kỳ thi là AMC MCQ và AMC clinical exam. Chi tiết xin xem bên dưới.

3. AMC MCQ

- Lệ phí thi 2545 AUD.

- Địa điểm thi: AMC có 7 địa điểm thi trên nước Úc và 23 địa điểm thi rải rác khắp thế
giới. Điểm thi cho MCQ gần Việt Nam nhất là Thái Lan

- Hình thức thi: Thi test, 5 đáp án chọn 1 đáp án đúng. Bài thi gồm 150 câu thi trong
3h30.

- Ngôn ngữ dự thi: Tiếng Anh


- Nội dung thi: Kỳ thi gồm 6 phần nhỏ

+ Medicine: Gồm Nội và các CK lẻ (Mắt, TMH, Da Liễu)

+ Surgery: Ngoại Khoa

+ Pediatric: Nhi Khoa

+ Obs-Gyne: Sản Phụ Khoa

+ Psychiatry: Tâm thần

+ Population Health: Y tế công cộng

Kiến thức vô cùng rộng, và không phải chỉ là học lại kiến thức đại học mà các bạn còn
phải học rất nhiều kiến thức mới. Có lẽ chỉ 1/3 - 1/2 là trùng với kiến thức được dạy
trong chương trình đại học (nhưng mà tôi thề là ngoại trừ nội khoa, một ít nhi khoa
và ít ngoại khoa ra… còn lại là tôi đã quên hết sau 3 năm ra nghề - và cái một ít này nó
ít đến thảm hại). Nói chung, các bạn cứ xác định là học lại từ đầu. Khi tôi bắt đầu tôi
cũng cảm thấy vô cùng khó khăn nhưng bạn sẽ thấy một điều: càng học càng hay.

Để các bạn có cái nhìn sâu sắc hơn về kỳ thi, tôi sẽ upload cái danh sách (list) các chủ
đề (topics) phải học cho MCQ và một đề thi thử, đáp án và lời giải thích rất dài và sẽ
upload sau nếu có bạn nào quan tâm.

Khi so sánh với USMLE, thì AMC không có phần thi kiến thức các môn cơ sở cơ bản
như Sinh lý, Giải phẫu..., tuy nhiên trong phần Ngoại khoa sẽ có câu hỏi về Giải phẫu,
còn Sinh lý và đặc biệt là Dược lý thì phải học trong Nội khoa và Tâm thần rất nhiều.
Chẩn đoán hình ảnh (CĐHA) cũng thường gặp trong cả hai phần Nội khoa và Ngoại
khoa.

- Thời gian chuẩn bị cho kỳ thi: Rất tùy vào bản thân từng người. Tôi mất tầm 7 tháng
“full-time”.
- Khóa luyện thi: Có nhiều khóa luyện thi được tổ chức trên nước Úc, giá cả dao động
khoảng 3000 – 4000 AUD . Nhưng nói chung theo kinh nghiệm của tôi thì vòng 1
không cần đi luyện.

4. AMC clinical exam

Sau MCQ là clinical exam, ngay sau khi bạn đỗ MCQ, AMC sẽ thông báo cho bạn biết là
bạn có quyền dự thi clinical.

Có nhiều bác sĩ không lựa chọn thi ngay kỳ thi này, vì chỉ cần có MCQ kèm với IELTS
7.0 với tất cả các band hoặc OET trên level B thì họ đã có cơ hội apply công việc ở Úc
(tuy nhiên cơ hội không nhiều). Sau khi làm việc khoảng 3 năm họ sẽ phải ngồi thi
clinical exam, vì không hoàn thành AMC exams họ sẽ không thể có full registration, và
không thể apply fellowship để trở thành bác sĩ chuyên khoa.

Tôi được anh Lĩnh khuyên nên thi ngay khi kiến thức từ MCQ vẫn còn và cần phải đi
ôn thi. Theo tôi quan sát trong lớp ôn thi cũng thấy, càng là những bác sĩ đã đi làm vài
năm ở Úc tỷ lệ trượt càng cao. Có anh bác sĩ đã làm ở Úc 3 năm rồi, tôi thấy anh ấy tác
phong chuyên nghiệp, thái độ ân cần (tất nhiên là với bệnh nhân), tiếng Anh thì khỏi
nói mà sao thi đến lần thứ 4 mới đỗ. Thế nên, quyết định thi ngay là hợp lý.

- Lệ phí thi: 3410 AUD (chắc kỳ thi mắc nhất thế giới luôn á )

- Địa điểm thi: Hiện tại Melbourne là địa điểm thi lớn nhất, ngoài ra hình như ở
Sydney, Perth đang mở thêm địa điểm thi. Nói chung, thi vòng 2 phải sang Úc thi.
- Hình thức thi: Chạy trạm bệnh nhân, 20 trạm trong đó có 4 trạm nghỉ. 10 phút một
trạm trong đó 2 phút để xem đề bài và 8 phút để tiến hành làm bài. Mỗi trạm thi là
một phòng, bố trí 1 bệnh nhân và 1 giám khảo, kèm đầy đủ các dụng cụ cần thiết để
khám bệnh.

- Nội dung thi: Trong 16 cases có 3 cases Ngoại, 3 cases Nhi, 3 cases Sản Phụ, 2 cases
Tâm thần, còn lại là Nội và chuyên khoa lẻ. Mỗi case, thí sinh có thể phải hỏi bệnh,
khám bệnh, nêu xét nghiệm cần làm, chẩn đoán hoặc đưa ra chẩn đoán phân biệt và
đưa ra hướng xử trí cũng như điều trị.

- Kết quả: Được công nhận đỗ kỳ thi khi đỗ trên 12 cases (trong đó phải có ít nhất 1
Nhi khoa và 1 Phụ Sản). Thí sinh đỗ từ 10-12 cases được nhận một kỳ thi phụ (gọi là
retest), kỳ thi phụ có giá 1900 AUD được tổ chức sau đó vài tháng, chỉ gồm 8 cases và
đỗ nếu qua được 6/8. Thí sinh đỗ ít hơn 10 cases là trượt hẳn phải bỏ 3410 AUD để
thi lại.

- Lò luyện: Giá cực mắc, nhưng không đi ôn và không có người có kinh nghiệm đã
từng thi đỗ kèm cặp thì tỷ lệ trượt là 99.999%. Có nhiều lò luyện ở Melbourne và
Sydney, mỗi khóa kéo dài từ 8 - 10 tuần, giá cả dao động từ 5800-6000 AUD. Khóa tôi
học là 6000 AUD/10 tuần.

- Thời gian ôn luyện: Rất rất tùy thuộc vào tiếng Anh và kỹ năng giao tiếp của bản
thân. Trước khi đi thi tôi đã làm việc trong môi trường nước ngoài, khám bệnh nhân
bằng tiếng Anh nhưng không đi ôn thì cũng chắc trượt, bản thân tôi đã dành 4 tháng
để ôn cho kỳ thi này, bao gồm cả 2 tháng rưỡi ở lò luyện.

Nói thật, không phải ai đi ôn thi cũng sẽ đỗ, thi cùng ngày với tôi có 4 người, có 2
người đỗ, 1 người retest và một người trượt. Chuyện trượt lần đầu thi lại lần hai là
rất bình thường, có người đến lần thứ 4 mới đỗ, đủ thấy họ quyết tâm đến mức nào
và cũng đủ thấy AMC là cái mỏ vàng của nước Úc.
Thi xong vòng 2, AMC sẽ cấp cho cái chứng nhận có nghĩa đại khái là nước Úc đã công
nhân bằng tốt nghiệp ĐHY của bạn, giờ bạn có thể bắt đầu xin việc.

À, mà bạn vẫn cần IELTS trên 7.0 với tất cả các band hoặc OET trên level B để apply
công việc.

III. Tìm việc

Tôi chỉ có thể nói sơ qua để các bạn hiểu về hệ thống đạo tạo SĐH của Úc và cơ hội
cho bác sĩ nước ngoài, chứ không nói sâu hơn được vì bản thân tôi cũng đang trong
quá trình này. Sau các kỳ thi AMC bạn có thể chọn theo hai con đường General
practitioner (GP) hoặc hospital.

1. Nếu bạn chọn GP, bạn liên hệ được với phòng khám muốn nhận bạn, bạn phải
apply một kỳ thi nhỏ nữa gọi là Pesci, thi vấn đáp các case lâm sàng. Kỳ thi này rẻ
hơn, dễ hơn AMC2. Qua được Pesci, bạn trở thành GP trainee (tất nhiên là có lương),
sau đó khoảng 1 năm bạn apply với GP college, thi qua kỳ thi của college sau khoảng 3
năm training bạn trở thành một GP độc lập, bạn có thể tự mở phòng khám hoặc đi
làm thuê cho các phòng khám.

2. Nếu bạn chọn hospital, rất phụ thuộc kinh nghiệm bạn đã có mà có thể bắt đầu từ
HMO/RMO 1, hoặc có thể trực tiếp trở thành senior HMO. Sau từ 1-2 năm bạn sẽ có
full registration, bạn có thể apply với các college để thi fellowship, sau vài năm
fellowship tùy chuyên ngành bạn được công nhận là specialist hay là consultant.

Nói chung con đường hospital khó đi hơn GP.


Hi vọng sau bài viết này các bạn sẽ có cái nhìn khái quát hơn về cơ hội học tập và làm
việc ở Úc, đây cũng là cơ hội cho các bác sĩ trẻ (hoặc chưa nhiều tuổi lắm) có ngoại
ngữ tốt muốn ra nước ngoài lập nghiệp.

Bác sĩ Trần Thị Thùy Trang

Cựu BSNT chuyên ngành HSCC, Bệnh viện Bạch Mai

Cựu sinh viên y khóa 26 (2004-2010), Đại học Y Hải Phòng

You might also like