Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 5

1.

Thực trạng nền kinh tế Việt Nam khi bước vào xây dựng nền kinh tế
thị trường:
● Ảnh hưởng của mô hình kinh tế chỉ huy với cơ chế tập trung quan
liêu bao cấp
Trước đổi mới, nền kinh tế Việt Nam vận hành theo cơ chế quản lý kế
hoạch hóa tập trung. Dưới nền kinh tế kế hoạch hóa, sở hữu tư nhân không tồn
tại, thay vào đó chỉ có hai thành phần sở hữu về tư liệu sản xuất là sở hữu nhà
nước và sở hữu tập thể, được thể hiện dưới dạng quốc doanh hoặc các hợp tác
xã.
Theo đó, nông nghiệp ở miền Bắc được hợp tác hóa, đa số nông dân đã
gia nhập hợp tác xã còn ở miền Nam, phong trào hợp tác hóa phát triển nhanh
nhưng không bền vững. Năm 1976, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam ra
Chỉ thị số 43 có nội dung "Xóa bỏ bóc lột ở nông thôn, đưa nông dân đi vào
con đường hợp tác hóa nông nghiệp, tiến lên chủ nghĩa xã hội, phát huy quyền
làm chủ tập thể của nhân dân lao động". Sau khi chỉ thị này được ban hành,
phong trào thành lập hợp tác xã nông nghiệp tại nông thôn được triển khai trên
toàn miền Nam Việt Nam. Phần lớn nông dân được đưa vào các hợp tác xã và
tập đoàn sản xuất. Đến năm 1978, Hội đồng Chính phủ có quyết định về việc
"xóa bỏ triệt để các hình thức bóc lột tư bản chủ nghĩa về ruộng đất và xúc tiến
điều chỉnh ruộng đất ở nông thôn miền Nam". Hộ nông dân nào có trên 0,5 ha
sẽ bị nhà nước trưng mua với giá bằng hai năm giá trị sản lượng thường niên
của vụ chính trên diện tích trưng mua. Sau khi bị trưng mua ruộng đất, hộ nông
dân có thể tham gia hợp tác xã.
Về công nghiệp, thời kỳ này chú trọng phát triển công nghiệp hóa theo
hướng ưu tiên phát triển công nghiệp nặng. Tuy nhiên do cơ chế quản lý, công
nghiệp hóa được thực hiện theo mô hình nền kinh tế khép kín, hướng nội. Ta
chủ yếu chỉ dựa vào lợi thế về lao động, tài nguyên, đất đai và nhận viện trợ của
các nước xã hội chủ nghĩa. Chủ lực thực hiện công nghiệp hóa là Nhà nước và
các doanh nghiệp nhà nước, các xí nghiệp, nhà máy không được đề ra chỉ tiêu,
năng suất dựa trên đánh giá về khả năng của mình mà chủ yếu dựa trên các chỉ
tiêu pháp lệnh do Nhà nước áp xuống.
Về thương nghiệp, Nhà nước chủ trương xây dựng hệ thống thương
nghiệp quốc doanh, triệt tiêu các doanh nghiệp của tư nhân và các tiểu thương.
Do thực hiện chế độ bao cấp, sự phân phối hàng hóa nằm trong tay của Nhà
nước nên việc buôn bán, trao đổi hàng hóa trong nước theo quy luật tiền hàng
hầu như không tồn tại một cách chính thức, mà được thực hiện ở “chợ đen” với
giá bán “cắt cổ”. Người dân muốn mua vật phẩm, hàng hóa đều phải đến các
cửa hàng mậu dịch hay bách hóa tổng hợp thuộc sự quản lý của nhà nước, đổi
hàng hóa bằng tem phiếu. Bên cạnh hoạt động trong nước, hoạt động ngoại
thương cũng được Nhà nước độc quyền. Cả nước chỉ có khoảng 30 đơn vị, công
ty nhà nước hoạt động xuất nhập khẩu với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu rất
thấp. Đối tác thương mại chủ yếu của ta lúc bấy giờ cũng chỉ là các nước cùng
theo chế độ xã hội chủ nghĩa.
● Sự kém phát triển của nền kinh tế
Với cơ chế quản lý kế hoạch hóa, nền kinh tế Việt Nam phát triển một
cách trì trệ. Giáo sư Trần Văn Thọ viết về tình trạng kinh tế 10 năm đầu sau
chiến tranh: "Mười năm sau 1975 là một trong những giai đoạn tối tăm nhất
trong lịch sử Việt Nam. Chỉ nói về mặt kinh tế, là một nước nông nghiệp (năm
1980, 80% dân số sống ở nông thôn và 70% lao động là nông dân) nhưng Việt
Nam thiếu ăn, nhiều người phải ăn bo bo trong thời gian dài. Lượng lương thực
tính trên đầu người giảm liên tục từ năm 1976 đến 1979, sau đó tăng trở lại
nhưng cho đến năm 1981 vẫn không hồi phục lại mức năm 1976. Công thương
nghiệp cũng đình trệ, sản xuất đình đốn, vật dụng hằng ngày thiếu thốn, cuộc
sống của người dân vô cùng khốn khó. Do tình trạng đó, tổng sản phẩm trong
nước (GDP) của Việt Nam trong 10 năm trước đổi mới chỉ tăng 35%, trong
thời gian đó dân số tăng 22%. Như vậy, GDP đầu người trung bình tăng chỉ độ
1% (mỗi năm)".
Về nông nghiệp, phong trào hợp tác xã cưỡng ép, thực hiện một cách vội
vã dẫn đến 70% số hợp tác xã nông nghiệp thuộc loại trung bình và yếu kém,
nhiều hợp tác xã tan rã, nông dân bỏ ruộng, không thiết tha với sản xuất nông
nghiệp. Ở một số địa phương, có hợp tác xã đã khoán đến hộ gia đình với các
hình thức khác nhau. Cuối thập niên 1970, nông nghiệp Việt Nam sa sút nghiêm
trọng: năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi giảm, sản xuất không đủ tiêu
dùng. Thu nhập và đời sống nông dân giảm sút.
Đối với công nghiệp, sau những nỗ lực phát triển kinh tế theo đường lối
công nghiệp hoá, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm, thậm chí vào cuối
thời kỳ kế hoạch 5 năm lần thứ II những năm 1979-1980, sản xuất công nghiệp
lâm vào trì trệ, suy thoái do sản xuất nhỏ, năng suất thấp, nền kinh tế không có
khả năng tích lũy, trong khi nguồn lực viện trợ giảm dần, gặp khó khăn về cung
ứng vật tư, nguyên liệu đầu vào cũng như chuyển đổi cơ chế hành chính quan
liêu bao cấp, lại thêm chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía
Bắc và sự cấm vận bên ngoài. Tính cả thời kỳ, tốc độ tăng bình quân chỉ có
0,6%/năm do đó tất cả các mục tiêu do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV đề ra
đều không đạt.
Về thương nghiệp, lượng hàng hóa được phân phối rất hạn chế, chất
lượng sản phẩm kém do sản xuất theo chỉ tiêu và nguồn lực do Nhà nước cung
cấp. Sự phổ biến của tem phiếu đẩy giá trị của đồng tiền xuống mức ngày càng
thấp. Hoạt động xuất nhập khẩu trì trệ, cán cân thương mại bị thâm hụt nặng nề
kéo dài. Cơ chế thu bù chênh lệch ngoại thương đã làm cho ngân sách nhà nước
bù lỗ xuất khẩu ngày một tăng lên. Mức giá trong nước đối với hàng nhập khẩu
thấp hơn giá vốn vì vậy nhà nước phải hạn chế các nhu cầu nhập khẩu thiết bị,
vật tư nguyên liệu, hàng tiêu dùng thiết yếu cho phát triển kinh tế xã hội, cải
thiện đời sống nhân dân.
2. Cơ chế quản lý kinh tế Việt Nam thời kỳ trước đổi mới:
● Cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp
Cơ chế kế hoạch hóa tập trung hay còn có tên gọi khác là bàn tay hữu
hình. Trong đó, nền kinh tế vận hành hoàn toàn dưới sự kiểm soát của Nhà nước
về các yếu tố sản xuất cũng như phân phối về thu nhập. Nhà nước can thiệp sâu
vào hoạt động của nền kinh tế, không chú trọng vào các quy luật tất yếu của thị
trường. Kế hoạch hóa được xem là đặc trưng quan trọng nhất của nền kinh tế xã
hội chủ nghĩa, thị trường chỉ là công cụ thứ yếu bổ sung cho kế hoạch.
Cơ chế kế hoạch hóa có một số đặc điểm như sau:
Thứ nhất, Nhà nước quản lý nền kinh tế chủ yếu bằng mệnh lệnh hành
chính dựa trên hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh chi tiết áp đặt từ trên xuống dưới.
Các doanh nghiệp hoạt động trên cơ sở các quyết định của cơ quan nhà nước có
thẩm quyền và các chỉ tiêu pháp lệnh được giao. Cơ quan có thẩm quyền quyết
định mọi vấn đề về phương hướng sản xuất, nguồn vật tư, tiền vốn, định giá sản
phẩm, tổ chức bộ máy, nhân sự, tiền lương,...Sau khi được giao chỉ tiêu kế
hoạch, cấp phát vốn, vật tư, doanh nghiệp sản xuất và giao nộp sản phẩm lại cho
Nhà nước. Nếu hoạt động sản xuất có lãi thì Nhà nước thu, còn lỗ thì Nhà nước
bù.
Thứ hai, tuy các cơ quan hành chính can thiệp sâu vào hoạt động sản
xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhưng họ lại không phải chịu trách
nhiệm về vật chất và pháp lý đối với các quyết định đó. Mọi thiệt hại do quyết
định sai lầm đều do ngân sách nhà nước gánh chịu. Các doanh nghiệp mất
quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh đồng thời cũng không bị ràng buộc trách
nhiệm đối với kết quả sản xuất, kinh doanh.
Thứ ba, quan hệ hàng hóa - tiền tệ bị coi nhẹ, chỉ còn là hình thức, chủ
yếu là quan hệ hiện vật. Nhà nước quản lý kinh tế thông qua chế độ “cấp phát -
giao nộp”. Vì vậy, nhiều hàng hóa quan trọng như sức lao động, phát minh sáng
chế, tư liệu sản xuất quan trọng không được coi là hàng hóa về mặt pháp lý.
Thứ tư, bộ máy quản lý cồng kềnh, nhiều cấp trung gian vừa kém năng
động, vừa sinh ra đội ngũ quản lý kém năng lực, phong cách cửa quyền, quan
liêu nhưng lại được hưởng quyền lợi cao hơn người lao động.
Với cơ chế quản lý sản xuất như trên, Nhà nước cũng quản lý đời sống
tiêu dùng của người dân thông qua chế độ bao cấp với một số hình thức chủ yếu
sau:
Bao cấp qua giá: Nhà nước quyết định giá trị tài sản, thiết bị, vật tư, hàng
hóa thấp hơn nhiều lần so với giá trị thực của chúng trên thị trường. Vì vậy,
hạch toán kinh tế chỉ là hình thức.
Bao cấp qua chế độ tem phiếu: Nhà nước quy định chế độ phân phối vật
phẩm tiêu dùng cho cán bộ, công nhân viên theo định mức qua hình thức tem
phiếu. Chế độ tem phiếu với mức giá khác xa so với giá thị trường đã biến chế
độ tiền lương thành lương hiện vật, thủ tiêu động lực kích thích người lao động
và phá vỡ nguyên tắc phân phối theo lao động.
Bao cấp theo chế độ cấp phát vốn: Vốn được cấp phát từ ngân sách nhà
nước, tuy nhiên không có chế tài ràng buộc trách nhiệm vật chất đối với đơn vị
được cấp vốn. Chính vì vậy, nguồn vốn được sử dụng một cách tùy nghi, kém
hiệu quả, vừa trở thành gánh nặng cho ngân sách nhà nước, vừa nảy sinh cơ chế
“xin - cho”.
● Nhu cầu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế:
Việc áp dụng cơ chế kế hoạch hóa tập trung theo lý thuyết về xã hội chủ
nghĩa một cách máy móc đã gây ra nhiều sự yếu kém và bất cập. Cạnh tranh
trong kinh doanh bị thủ tiêu, khiến cho sự năng động, sáng tạo của các đơn vị
sản xuất, kinh doanh cũng không được kích thích; tiến bộ khoa học - công nghệ
không có bước phát triển nào đáng kể; người lao động không có động lực làm
kinh tế do sự rớt giá nghiêm trọng của hàng hóa sức lao động.
Vào thời điểm đó, nền kinh tế thế giới bắt đầu phát triển dựa trên cơ sở áp
dụng các thành tựu của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, đa số
các nước đều đi theo con đường phát triển nền kinh tế thị trường. Sự tồn tại của
cơ chế quản lý kế hoạch hóa đi ngược lại với sự vận động của kinh tế thế giới đã
khiến nước ta rơi vào tình trạng trì trệ, khủng hoảng.
Nhận thấy được sự cần thiết đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, Đại hội VI
khẳng định: “Việc bố trí lại cơ cấu kinh tế phải đi đôi với đổi mới cơ chế quản
lý kinh tế. Cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp từ nhiều năm nay không
tạo được động lực phát triển, làm suy yếu kinh tế xã hội chủ nghĩa, hạn chế việc
sử dụng và cải tạo các thành phần kinh tế khác, kìm hãm sản xuất, làm giảm
năng suất, chất lượng, hiệu quả, gây rối loạn trong phân phối lưu thông, và đẻ ra
nhiều hiện tượng tiêu cực trong xã hội”. Chính từ đây, việc đổi mới cơ chế quản
lý kinh tế trở thành nhu cầu cần thiết và cấp bách.

You might also like