Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 15

ĐẠI HỌC KHOA HỌC TỰ NHIÊN

KHOA MÔI TRƯỜNG


-----------------***------------------

TIỂU LUẬN
NGUYÊN LÝ KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG

Giảng viên: PGS. TSKH. Nguyễn Xuân Hải

Học viên thực hiện: 1. Võ Thu Hiền

2. Trương Thị Huyền


3. Nguyễn Thị Mai Lương
4. Nguyễn Thị Tâm
5. Phoutalavanh Konkheungkham
6. Phoukhao Inphidan
Hà Nội, tháng 2 năm 2017
ĐẶT VẤN ĐỀ

Hệ sinh thái là tổ hợp của quần xã sinh vật với môi trường vật lý mà quần xã
đó tồn tại, trong đó các sinh vật tương tác với nhau và tương tác với môi trường để
tạo nên chu trình vật chất (chu trình sinh- địa- hóa) và sự chuyển hóa năng lượng.
Môi trường tác động đến các sinh vật trong hệ thông qua nhiều mặt, đặc biệt là về
mặt dinh dưỡng. Bản thân môi trường là một thành phần của hệ sinh thái với vai trò
cung cấp toàn bộ dinh dưỡng cho các thành phần khác của hệ, tiêu biểu là sinh vật
sản xuất. Tuy nhiên, sinh vật có nhu cầu về mỗi loại dinh dưỡng là khác nhau và
ảnh hưởng của dinh dưỡng với sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật trong hệ
cũng khác nhau. Điều này sẽ được giải thích rõ ràng thông qua định luật giới hạn
tối thiểu của Liebig, cũng là nguyên lý đầu tiên được trình bày trong bài tiểu luận.
Tuy nhiên, ngoài những tác động tích cực mà môi trường còn ảnh hưởng tiêu cực
đến sinh vật trong hệ thông qua việc đưa vào hệ các chất độc đối với sinh vật. Các
chất độc này tồn tại và gây hại cho sinh vật tuân theo nguyên lý thứ hai về sự tích
lũy và phóng đại sinh học. Trước những tác động ấy của môi trường, hệ sinh thái
luôn vận động, thay đổi để có thể tồn tại. Bản thân hệ sinh thái luôn có khả năng tự
duy trì, tự điều chỉnh để có thể giữ được trạng thái cân bằng trước sự thay đổi, sự
ảnh hưởng của môi trường xung quanh. Đấy chính là khả năng thích nghi của hệ
sinh thái sẽ được trình bày ở nguyên lý thứ ba trong bài tiểu luận này. Cân bằng
sinh thái là trạng thái ổn định tự nhiên mà mọi hệ sinh thái đều hướng đến. Con
người cũng là một thành viên của hệ và cũng có quan hệ với các thành phần khác
của hệ. Do đó, con người cần phải hiểu rõ nguyên lý khoa học môi trường, các hệ
sinh thái và cân nhắc kỹ trước khi tác động lên một thành phần nào đó của hệ, để
không gây suy thoái, mất cân bằng cho hệ sinh thái.

2
NGUYÊN LÝ 2.10: Định luật giới hạn tối thiểu của Liebig
Nội dung định luật: “Nếu chất dinh dưỡng ở nồng độ tối thiểu có quan hệ
trực tiếp với việc sử dụng nó cho việc tăng trưởng thì có mối quan hệ tuyến tính
giữa sự tăng trưởng và nồng độ của chất dinh dưỡng đó”.
Định luật này được phát hiện khi ông tiến hành nghiên cứu về họ cây hòa thảo
(họ lúa) năm 1840. Ông nhận thấy rằng năng suất của hạt thường không bị giới hạn
bởi các chất mà cây có nhu cầu lớn như C, H, O, N… mà lại phụ thuộc vào nguyên
tố có hàm lượng nhỏ (P). Từ đó, ông khẳng định: “Năng suất của mùa màng phụ
thuộc vào chất dinh dưỡng hiện diện trong môi trường với liều lượng ít nhất”.
Định luật này liên quan đến ảnh hưởng của các nguyên tố khoáng cần thiết
đến cây trồng. Liebig chỉ ra rằng: Mỗi loài thực vật đòi hỏi một số loại và một
lượng muối dinh dưỡng xác định, nếu thiếu các loại muối ấy thì thực vật không thể
sinh trưởng một cách bình thường được. Nếu lượng muối là tối thiểu thì tăng
trưởng của thực vật cũng đạt mức tối thiểu hay năng suất cây trồng và vật nuôi bị
hạn chế nếu không có mặt một số nguyên tố với hàm lượng tối thiểu. Do đó năng
suất của mùa màng tùy thuộc duy nhất vào chất dinh dưỡng hiện diện trong môi
trường với liều lượng ít nhất.
Dobenecks đã sử dụng hình ảnh của một thùng gỗ - thường được gọi là thùng
Liebig để giải thích quy luật Liebig. Lấy hình ảnh là một thùng gỗ được ghép từ
những thanh dài ngắn khác nhau tượng trưng cho nhu cầu về các loại chất dinh dưỡng
cần thiết cho cây trồng. Giống như dung tích của một thùng gỗ với các thanh ghép có
độ dài không đều nhau bị giới hạn bởi thanh ghép ngắn nhất thì sự tăng trưởng của cây
trồng cũng bị giới hạn bởi lượng chất dinh dưỡng được cung cấp ít nhất.

Hình 1: Thùng Liebig

3
Khi ra đời, định luật này thường được áp dụng đối với các muối vô cơ. Theo
thời gian, quan điểm này được mở rộng hơn bao gồm một phổ rộng hơn với các
nhân tố sinh thái khác cho quần thể sinh vật. Ví dụ, sự tăng trưởng của một quần
thể sinh vật như thực vật có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, ví dụ như
ánh sáng mặt trời, nước hoặc các khoáng chất dinh dưỡng (chẳng hạn như nitrat
hoặc photphat). Tất cả các quá trình sinh thái bị chi phối bởi các nhân tố hiện diện
với liều lượng ít nhất trong môi trường. Ví dụ: Đối với hệ sinh thái sa mạc thì nhân
tố lượng mưa là nhân tố tồn tại với số lượng hạn chế và nó trở thành nhân tố giới
hạn. Khi tăng lượng mưa thì sẽ làm tăng tốc độ sinh trưởng cho thực vật ở môi
trường này và kéo theo tăng sinh khối của cả hệ sinh thái. Hay như trong ao hồ nuôi
cá thì nồng độ oxy hòa tan là nhân tố có hàm lượng thấp và chắc chắn năng suất
nuôi trồng sẽ tăng khi nồng độ oxy hòa tan tăng. Vì vậy, khi nuôi cá, người ta
thường dùng bơm hoặc sục khí giúp làm tăng nồng độ oxy hòa tan trong nước, tạo
điều kiện để cá trong ao sinh trưởng, phát triển tốt hơn.

Hình 2: Quần xã sinh vật ở sa mạc Hình 3: Máy sục khí trong ao hồ
Tuy nhiên, khi nghiên cứu về định luật này ta cần chú ý một điểm đó là định
luật này thay đổi trong sự thể hiện của nó do có sự tác động qua lại của các nhân tố
sinh thái. Do đó, định luật chỉ áp dụng đúng trong trạng thái ổn định và bỏ qua mối
quan hệ giữa các nhân tố sinh thái Ví dụ: Ở thực vật, nguyên tố kẽm cần thiết ở
nồng độ thấp cho cây mọc trong bóng râm hơn là cây mọc ngoài ánh sáng. Hay
trong ví dụ về photpho và năng suất của Liebig thì ông cho rằng photpho là nguyên
nhân trực tiếp làm thay đổi năng suất. Tuy nhiên sau này người ta thấy rằng sự có
mặt của muối nito không chỉ ảnh hưởng đến nhu cầu nước của thực vật mà còn góp
phần làm cho thực vật lấy được photpho dưới dạng không thể đồng hóa được. Do

4
đó, khi áp dụng định luật này cần xét đến mối quan hệ tương hỗ giữa các nhân tố
sinh thái để tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của sinh vật.
Cho đến gần đây, quy luật Liebig được ứng dụng vào lĩnh vực quản lý tài
nguyên thiên nhiên. Quy luật này cho rằng sự tăng trưởng ở các thị trường đầu vào
tài nguyên thiên nhiên bị giới hạn bởi đầu vào hạn chế nhất. Vì thế, quy luật Liebig
khuyến khích các nhà khoa học cũng như các nhà quản lý nguồn tài nguyên thiên
nhiên nên tính đến sự khan hiếm của các nguồn tài nguyên thiết yếu để các thế hệ
sau còn có thể tiếp tục được sử dụng những nguồn tài nguyên này.

5
NGUYÊN LÝ 2.24: Tích lũy sinh học
Nội dung: “Mọi chất độc bất kỳ trong hệ sinh thái thường không mất đi qua
hô hấp và bài tiết của sinh vật vì nó ít bị biến chất sinh học hơn các hợp phần bình
thường trong thức ăn.” Chất độc bao gồm DDT, DDE, kim loại nặng…
Trên thế giới hiện nay có trên 4 triệu loại hóa chất khác nhau, hàng năm có
khoảng 30000 chất mới được phát minh và đưa vào sử dụng. Trong số các hóa chất
trên có khoảng 60000 - 70000 loại được dùng thường xuyên và rộng rãi. Việc sử
dụng hàng ngàn hóa chất phục vụ cho sản xuất công, nông nghiệp và đời sống chính
là mối nguy hiểm đe dọa đến sức khỏe con người. Chất độc có thể được định nghĩa
như là chất gây nên ảnh hưởng có hại khi được đưa vào trong cơ thể sống. Các chất
độc thường là các chất có thời gian tồn tại trong môi trường rất lâu và dễ phát tán. Ví
dụ: DDT có thể tồn tại trong cơ thể sinh vật đến 15 năm, trong cơ thể nó lại dễ dàng
bị phân hủy sinh học thành DDE - là chất có độc tính cao hơn cả DDT.

Bảng 1: Thời gian bán phân hủy của một số chất độc
Khả năng tồn tại lâu dài trong môi trường của một số hóa chất độc không
đáng quá lo ngại nhiều nếu các chất độc này không đi vào cơ thể sinh vật. Các chất
độc khi xâm nhập vào cơ thể thì chúng không có khả năng bị đào thải ra ngoài môi
trường, nếu không gây chết cho sinh vật thì chúng tích tụ lại trong cơ thể sinh vật,
đó là quá trình tích lũy sinh học. Thông thường cơ thể sinh vật có thể bị nhiễm độc
bởi các chất độc tồn tại trong môi trường (đất, nước, không khí…); tuy nhiên các
sinh vật còn bị nhiễm chất độc thông qua chuỗi thức ăn. Các thực vật và động vật
kể cả con người khi tiếp xúc với chất độc đều có thể bị nhiễm độc. Theo chuỗi thức
ăn các chất độc tồn lưu đó có thể được vận chuyển từ sinh vật này sang sinh vật
khác và được tích lũy bằng những hàm lượng độc chất cao hơn theo bậc dinh
dưỡng và thời gian sống. Đó là hiện tượng phóng đại sinh học, tức là: hiện tượng

6
khi chất độc đã tích lũy ở bậc dinh dưỡng này nó sẽ được khuếch đại theo cấp số
nhân khi nó chuyển qua các bậc dinh dưỡng tiếp theo.
Bậc dinh dưỡng Nồng độ DDT (mg/kg chất khô) Độ phóng đại
Nước 0.000003 1
Thức vật phù du 0.0005 ~ 160
Động vật phù du 0.04 ~ 13 000
Cá nhỏ 0.5 ~ 167 000
Cá lớn 2 ~ 667 000
Chim ăn cá 2.5 ~ 8 500 000
Bảng 2: Phóng đại sinh học (theo Woodwell 1967)

Hình 4: Sự phóng đại của DDT trong môi


trường nước
Trong bảng 2 và hình 4 thể hiện khả năng
tích lũy sinh học và phóng đại sinh học của DDT -
loại thuốc trừ sâu của thế hệ đầu tiên, rất độc và
bền, nằm dai dẳng trong đất hơn 15 mới phân
hủy hết. Ngay khi mới xuất hiện DDT đã tỏ ra
là một thần dược trong việc bảo vệ thực vật, nó
có tác dụng gần như ngay lập tức lên các côn
trùng hại nông phẩm, dập tắt dịch sốt rét và rầy ở
nhiều nước. Nó được sử dụng rộng rãi trong quân
đội đồng minh và dân thường để kiểm soát bệnh
phát ban và sốt rét côn trùng. Sau năm 1945, nó
được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp, một
lượng dư thừa của nó sau đó đi vào trong các
mương rạch, ao hồ, lúc này trong nước hồ có hàm lượng 3.10-6 sau đó DDT tích lũy
trong thực vật phù du và vi khuẩn hoặc trầm tích ở mức 5.10 -4. So với nồng độ của
nó trong nước thì độ phóng đại đã là 160. Ở bậc dinh dưỡng tiếp theo trong chuỗi
thức ăn, động vật phù du ăn các thực vật phù du nên đã tăng độ phóng đại lên
13000 lần, tiếp đó là cá nhỏ ăn các động vật phù du, cá lớn ăn cá nhỏ, chim đại
7
bàng hay con người ăn những cá lớn làm tích lũy sinh học đạt đến độ phóng đại
8500000.
Nguyên lý này là cơ sở để giải thích vụ nhiễm độc thủy ngân ở vịnh
Minamata làm chục ngàn người Nhật Bản bị mắc bệnh và chết do ăn các loài hải
sản đánh bắt từ vịnh Minamata- nơi có nguồn nước bị nhiễm ô nhiễm do thủy ngân
từ nước thải nhà máy hóa chất đổ vào vịnh. Một câu hỏi lớn đặt ra là tại sao trong
quá trình sản xuất lâu dài như thế từ năm 1932, mà tới sau những năm 1950 sự việc
mới được phát hiện khi hàng loạt cá ở khu vực này chết. Đến 1954, có tới 12 người
bị nhiễm bệnh này và có 5 người tử vong không rõ nguyên nhân. Nhiều ngư dân
Nhật Bản lúc đó gọi đây là “kỳ bệnh”. Năm 1956 có 50 người bị phát bệnh, trong
đó có 11 người chết. Ngày 1/5/1956 trở thành sự kiện khi Nhật Bản công bố phát
hiện ra bệnh Minamata trên cơ thể của bệnh nhân với kết luận tổn thương do hệ
thần khinh trung ương nhưng không rõ nguyên nhân. Năm 1957 căn bệnh này được
xác định trên mèo chết do ăn các loài cá được đánh bắt ở Vịnh Minamata. Năm
1958, chính quyền địa phương Kumamoto chính thức cấm đánh bắt cá tại khu vực
Vịnh Minamata. Đến năm 1968, Chính phủ Nhật Bản mới xác nhận nguyên nhân
bệnh Minamata do chất thải có chứa thủy ngân. Sự việc này đã được đưa lên tòa án
Nhật Bản để xem xét với mục đích bảo vệ quyền lợi của hơn 2000 đã thiệt mạng
một cách ấm ức ngay cả khi chưa rõ nguyên nhân và hơn 13000 người vẫn đang bị
ảnh hưởng.Nhà máy hóa chất Chisso đã thải thủy ngân vào vịnh Minamata nhưng
cá trong vịnh lại được tìm thấy có chứa metyl thủy ngân. Lý do là thủy ngân hoặc
muối của nó có thể được chuyển hóa thành methyl thủy ngân bởi vi khuẩn yếm khí
tổng hợp metan trong nước. Chính methyl thủy ngân đã tham gia vào chuỗi thức ăn
thông qua sinh vật trôi nổi và được tập trung ở cá với nồng độ lớn gấp khoảng 10 3
lần so với lúc đầu. Đó chính là một minh chứng rõ ràng cho quá trình tích lũy và
phóng đại sinh học.

8
Hình 5: Thảm họa Minamata ở Nhật
bản

Do tác dụng của phóng đại sinh học nên các chất độc trong môi trường dù
chỉ một lượng nhỏ cũng đủ gây ra những tác hại rất lớn đối với sinh vật, đặc biệt là
các sinh vật đứng sau trong chuỗi thức ăn, thậm chí là ảnh hưởng đến cả sức khỏe
con người. Vì vậy việc nghiên cứu về hiện tượng tích lũy sinh học và phóng đại
sinh học là việc làm vô cùng ý nghĩa vì nó giúp chúng ta hiểu được xu hướng
chuyển hóa các chất gây ô nhiễm môi trường và xác định được nồng độ an toàn của
các chất đó trong môi trường. Quá trình này có ý nghĩa quan trọng trong việc giám
sát, quản lý chất độc và lĩnh vực độc học môi trường.

9
NGUYÊN LÝ 4.1: Khả năng tự duy trì và tự điều chỉnh của hệ sinh thái
Nội dung: “Hệ sinh thái có khả năng tự duy trì và tự điều chỉnh. Hệ sinh thái
duy trì tính ổn định của mình nhờ ảnh hưởng qua lại và thông tin liên tục giữa các
thành phần trong hệ, tác động qua lại của chúng với nhau và với toàn bộ hệ. Hệ
sinh thái càng ổn định thì khả năng tự duy trì và tự điều chỉnh càng cao”.
Hệ sinh thái bản chất là một hệ không tĩnh, trong hệ luôn luôn biến đổi về
lượng, về chất qua các mối quan hệ của sinh vật với môi trường và sinh vật với sinh
vật, nhưng hệ có khả năng tự điều chỉnh hay nói rộng hơn là khả năng tự lập lại cân
bằng, cân bằng giữa các quần thể trong hệ sinh thái, cân bằng các vòng tuần hoàn vật
chất và năng lượng giữa các thành phần của hệ sinh thái. Nhờ có sự điều chỉnh này
mà hệ sinh thái tự nhiên giữ được sự ổn định mỗi khi chịu tác động của các yếu tốt
ngoại cảnh. Chúng duy trì và tự điều chỉnh tính ổn định của mình nhờ 3 cơ chế: điều
chỉnh tốc độ dòng năng lượng đi qua hệ; điều chỉnh tốc độ chuyển hóa vật chất bên
trong hệ và điều chỉnh bằng tính đa dạng sinh học của hệ. Trong chương 2 và 3 đã đề
cập về hai cơ chế đầu tiên; chương 4 là chương được đề cập để làm rõ cơ chế thứ 3.
Đặc trưng cơ bản của hệ sinh thái tự nhiên là khả năng tự lập lại cân bằng,
nghĩa là mỗi khi bị ảnh hưởng bởi một nguyên nhân nào đó thì lại có thể phục hồi
để trở về trạng thái ban đầu hoặc tạo một cân bằng sinh thái mới phù hợp với sự
thay đổi của môi trường. Đặc trưng này là khả năng thích nghi của hệ sinh thái.
Khả năng tự thích nghi này phụ thuộc vào cấu trúc, chức năng và cơ chế hoạt động
của hệ. Những hệ sinh thái trẻ nói chung là ít ổn định hơn một hệ sinh thái đã
trưởng thành. Cấu trúc của hệ sinh thái trẻ bao giờ cũng giản đơn hơn do số lượng
các loại ít và số lượng cá thể trong mỗi loài cũng không nhiều. Do vậy quan hệ
tương tác giữa các thành phần trong hệ không phức tạp. Ở hệ sinh thái phát triển và
trưởng thành, số lượng thể loài và số lượng cá thể lớn, quan hệ tương tác cũng phức
tạp hơn, nhờ đó mà khi một loài bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh thì cũng không có tác
động quá lớn đến cả hệ, hay như khi loài ưu thế của hệ kém phát triển thì sẽ có loài
thay thế phát triển hơn và trở thành loài ưu thế. Mặt khác khi một nhân tố trong hệ
sinh thái bị tác động làm chúng tăng hoặc giảm đi nhanh chóng về số lượng thì nhờ
mối quan hệ dinh dưỡng thể hiện thông qua chuỗi và lưới thức ăn mà số lượng các
thể được đưa về mức ổn định nhờ tương tác với các loài khác, đặc biệt là qua hai
mối quan hệ: vật dữ - con mồi và ký sinh – vật chủ. Nhờ đó, các hệ sinh thái tự
nhiên duy trì tính ổn định trong suốt một quá trình lâu dài trước các thay đổi của

10
môi trường và tự nhiên, do đó mà hệ sinh thái tự nhiên luôn ổn định hơn hệ sinh
thái nhân tạo.
Ví dụ về khả năng tự cân bằng của hệ sinh thái: Với hệ sinh thái rừng nhiệt
đới tồn tại nhiều loại cỏ phục vụ các loài động vật ăn cỏ (như trâu, bò, thỏ…) các
sinh vật này lại làm thức ăn của các loài thú săn mồi khác như hổ, báo, sư tử…
Trong điều kiện tự nhiên, khi cỏ mọc nhiều thì các loài động vật ăn cỏ sẽ có nguồn
thức ăn dồi dào nên số lượng cá thể tăng lên mốt cách nhanh chóng gây áp lực cho
môi trường và ảnh hưởng đến cân bằng của toàn hệ. Tuy nhiên, hệ có khả năng tự
điều chỉnh sự mất cân bằng này bằng việc tăng số lượng các con thú săn mồi vì có
nguồn thức ăn dồi dào hơn, từ đó khiến số lượng các loài động vật ăn cỏ giảm dần
và trở về trạng thái ổn định.

Hình 6: Hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới


Tuy nhiên, sự tự điều chỉnh của hệ sinh thái chỉ có giới hạn nhất định. Nếu
sự thay đổi vượt quá giới hạn này, hệ sinh thái mất khả năng tự điều chỉnh và hậu
quả là chúng bị phá hủy.
Ví dụ về khả năng không thể tự cân bằng của hệ sinh thái: Ốc bươu vàng
(Pomacea canaliculata) được nhập khẩu vào Việt Nam để nuôi làm thực phẩm và
xuất khẩu vào khoảng năm 1988. Ban đầu chúng được coi như một loại thực phẩm
giàu đạm, dễ nuôi trồng, mang lại lợi ích kinh tế cao. Nhưng do sinh sản quá nhanh
mà thức ăn chủ yếu là lá lúa, ốc bươi vàng đã phá hoại nghiêm trọng mùa màng ở
nhiều tỉnh phía Nam. Hiện nay, đại dịch này đang phát triển dần ra các tỉnh miền
Trung và miền Bắc. Từ những ruộng lúa, ao hồ, sông suối, ốc bươu vàng đều xuất
hiện và nhân lên một cách chóng mặt. Sau nhiều năm, cho tới tận bây giờ, ốc bươu
vàng vẫn là một loài ốc chiếm số đông trong hệ sinh thái mặt nước ở Việt Nam. Và
11
nhiều loài động, thực vật nhỏ bé khác đã bị những quần thể ốc bươu vàng nuốt
chửng khiến cho hệ sinh thái ở nhiều nơi trở lên mất cân bằng, dẫn đến tình trạng
cạn kiệt tài nguyên thủy sản và có thể dẫn tới tuyệt chủng một số loài là thức ăn của
ốc bươu vàng. Thực tế cũng chứng minh rằng, nhiều loài ốc khác có nguồn gốc ở
Việt Nam đã biến mất, hoặc còn lại rất ít kể từ khi ốc bươu vàng trở lên thông dụng
trong môi trường nước như thời gian qua. Ốc bươu vàng đã phá vỡ khả năng tự cân
bằng của hệ sinh thái vốn có do tốc độ sinh sản quá cao, vượt qua ngưỡng chịu
đựng, đáp ứng của môi trường. Mặt khác, đây là một loài ngoại lai, không trải qua
quá trình phát triển cùng hệ sinh thái ở đồng lúa nên môi trường không có biện
pháp để có thể khống chế, kìm hãm sự phát triển của loài này.

Hình 7: Ốc bươu vàng phá hoại mùa màng ở đồng bằng sông Cửu Long
Một ví dụ khác, ở vùng Đồng Tháp Mười và rừng Tràm U Minh hiện đang
phát triển tràn lan một loài cây có tên là cây mai dương (cây xấu hổ, cây trinh nữ).
Cây này có nguồn gốc từ Trung Mỹ, chúng sinh sản rất nhanh nhờ gió và hình thức
sinh sản vô tính từ thân cây. Bằng nhiều cách, chúng đã du nhập vào châu Phi, châu
Á, Úc và đặc biệt thích hợp phát triển ở vùng đất ngập nước thuộc vùng nhiệt đới.
Tác hại của cây mai dương, theo ghi nhận thì ở những nơi loài cây này sinh sống,
hầu hết các loài thực vật khác đều phải lụi tàn do rễ của mai dương lớn, nhiều, sâu
đã hút hết các chất dinh dưỡng của đất đai xung quanh. Cây mai dương đã làm biến
đổi hoàn toàn hệ sinh thái đất đai xung quanh nơi mà chúng sinh sống, khiến cho
đất đai trở lên khô cằn, không còn dưỡng chất. Cộng thêm việc chúng phát triển rất
nhanh khiến người dân phải vô cùng vất vả để diệt trừ cây mai dương, bảo vệ
những cây trồng hữu ích của mình. Tại rừng Tràm U Minh, cây mai dương đã bành
trướng trên một diện tích rộng lớn. Nếu tình trạng này tiếp diễn vài năm nữa, rừng
tràm U Minh sẽ hóa thành rừng trinh nữ. Do tốc độ sinh trưởng nhanh của loài cây
này, nó đã lấn áp cỏ- nguồn thức ăn chính cho sếu, cá, vì vậy ảnh hưởng đến sếu, cá
ở Tràm Chim và gây ra hiện tượng mất cân bằng sinh thái ở khu vực này.
12
Hình 8: Cây mai dương (cây xấu hổ)
Nguyên lý này muốn khẳng định: “Cân bằng sinh thái là trạng thái ổn định tự
nhiên của hệ sinh thái, hướng tới sự thích nghi cao nhất với điều kiện sống. Cân
bằng sinh thái được tạo ra bởi chính bản thân hệ và chỉ tồn tại được khi các điều
kiện tồn tại và phát triển của từng thành phần trong hệ được đảm bảo và tương đối
ổn định. Con người cần phải hiểu rõ các hệ sinh thái và cân nhắc kỹ trước khi tác
động lên một thành phần nào đó của hệ, để không gây suy thoái, mất cân bằng cho
hệ sinh thái.”

13
KẾT LUẬN
Có thể nhận thấy, hệ sinh thái là một đơn vị chức năng trong sinh giới. Các
hoạt động của hệ nói riêng và toàn bộ sinh quyển nói chung làm cho thế giới càng
phát triển và trở nên ổn định vững chắc hơn. Thông qua nguyên lý 4.1, nguyên lý
2.10 và nguyên lý 2.24 được trình bày trong bài tiểu luận chúng ta hiểu rõ hơn về
bản chất sự vận động của hệ sinh thái cùng những tác động của môi trường xung
quanh đến hệ sinh thái. Hệ sinh thái có thể tự điều chỉnh, tự ổn định về trạng thái
cân bằng khi có bất kỳ một tác động của môi trường trong giới hạn cho phép của
nó. Do đó con người cần phải nghiên cứu sâu về hệ sinh thái cũng như hiểu rõ các
nguyên lý vận động, tác động của hệ và từ đó cân nhắc kỹ trước khi tác động lên
một thành phần nào đó của hệ. Bởi vì chỉ một hành động nhỏ của con người cũng
có thể đem lại nhiều lợi ích cho bản thân con người và hệ sinh thái nhưng cũng có
thể làm mất cân bằng sinh thái, thậm chí hủy diệt cả hệ sinh thái. Chính vì vậy có
thể nói giữ vững cân bằng sinh thái sẽ đem đến một sự phát triển bền vững cho cả
Trái Đất.

14
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. TS. Lê Quốc Tuấn, Độc chất học môi trường, Khoa Môi trường và Tài
nguyên, Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Dương Nguyễn (2016), Tích lũy sinh học và độc tố môi trường,Tạp chí
Khoa học - Công nghệ Nghệ An (số 11/2016).
3. Vũ Trung Tạng (2003), Cơ sở sinh thái học, Nhà xuất bản Giáo dục.
4. Nguyễn Thị Loan, Nguyễn Kiều Bằng Tâm (2014), Sinh thái cơ sở, Nhà
xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội.
5. Nguyễn Thị Kim Thái (1999), Sinh thái học và bảo vệ môi trường, Nhà
xuất bản Xây dựng.
6. Lê Huy Bá (2006), Độc học môi trường, Nhà xuất bản Đại học quốc gia
TP Hồ Chí Minh
7. Trần Văn Nhân (2008), Sinh thái học môi trường, Nhà xuất bản Bách
Khoa.

15

You might also like