Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 11

1.

Nhật Bản – Hàn Quốc:


1.1 Tranh chấp đảo Dokdo:
Vụ tranh chấp đảo Dokdo giữa Hàn Quốc và Nhật Bản: Hậu quả từ quá khứ
Nằm chơ vơ giữa biển khơi, không có đất trồng trọt cũng như nước ngọt, hai hòn đảo
tổng cộng 18 hécta toàn là đá này chỉ là nơi sinh sống của hơn 30 con người, trong đó đã
có tới khoảng 30 cảnh sát Hàn Quốc có nhiệm vụ canh giữ. Giá trị kinh tế của chúng
cũng không có gì đáng nói: trữ lượng cá có nhiều nhưng không quá phong phú, trong khi
chưa có thông tin nào cho biết có dầu mỏ và khí gas ở khu vực này.
Nhưng đối với Nhật Bản (họ gọi những hòn đảo này là Takeshima) và Hàn Quốc (đặt
tên đảo là Dokdo), hai hòn đảo nhỏ trên lại có ý nghĩa quan trọng về mặt chủ quyền. Cả
hai nước đều cho rằng hai hòn đảo trên là một phần lãnh thổ của họ từ hơn một thế kỷ
qua. Nhưng tranh cãi gay gắt đã thực sự nổ ra từ giữa tháng 4/2006, sau khi phía Nhật
tuyên bố sẽ đưa 2 tàu thăm dò tới khu vực này.
Sự kiện này lại diễn ra ngay trước một cuộc họp quốc tế dự tính vào tháng 6, trong đó
Hàn Quốc dự tính sẽ chính thức công bố tên của các hòn đảo nhỏ (kể cả những đảo không
nổi lên mặt nước) thuộc lãnh hải của mình. Hàn Quốc phản ứng rất gay gắt trước thông
báo trên của Nhật, bằng cách điều tới đây 20 chiếc tàu tuần tiễu, đồng thời cảnh báo
thẳng thừng về khả năng “đối đầu” trong trường hợp Nhật vẫn cử những chiếc tàu của
mình tới vùng biển mà Seoul cho rằng thuộc chủ quyền của họ.
Dù sao, sau hai ngày đàm phán căng thẳng, cả hai bên đã có những nhượng bộ nhất
định để tránh khả năng gây xung đột – Nhật trì hoãn việc khảo sát, trong khi Hàn Quốc
cũng đồng ý chưa công bố tên chính thức cho những hòn đảo này. Nhưng căng thẳng lại
“bùng phát” vào đầu tháng 5/2006, sau khi Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun có một
bài phát biểu khá gay gắt trên truyền hình.
“Việc phía Nhật tự nhận quyền sở hữu đảo Dokdo thực chất là hành động bác bỏ nền
độc lập và chủ quyền của Hàn Quốc – Đây không phải là vấn đề có thể nhượng bộ hay
đầu hàng, cho dù chúng ta có thể phải tốn kém và hy sinh bao nhiêu đi nữa!”. Bài phát
biểu của Tổng thống Roh Moo Hyun còn nhắc tới quá khứ cuộc chiến tranh xâm lược của
phát xít Nhật đã gây ra nhiều tổn thất và đau khổ cho nhân dân tại bán đảo Triều Tiên.
Trong lịch sử hiện đại, những tranh cãi liên quan đến hai hòn đảo nhỏ trên được bắt
đầu từ năm 1900, khi Triều Tiên (lúc đó bao gồm cả CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc
hiện nay) chính thức tuyên bố chúng là của mình. 5 năm sau, đến lượt Nhật đưa ra những
tuyên bố tương tự. Năm 1910, Nhật thôn tính Triều Tiên, đưa cả bán đảo này vào chế độ
thuộc địa của mình trong suốt 35 năm sau đó.
Sau thất bại của Nhật trong Chiến tranh thế giới thứ II, Hiệp ước San Francisco không
nhắc đến hai hòn đảo này trong danh sách các vùng đất chiếm đóng phải trao trả – đó
cũng là lý do để phía Nhật khẳng định, những hòn đảo trên vẫn là của mình.
Năm 1952, Seoul tuyên bố, hai hòn đảo này nằm trong ranh giới hải phận của mình và
ra lệnh bắt giữ bất kỳ con tàu nào của Nhật dám vượt qua cái gọi là “tuyến phân cách hòa
bình”. Hàn Quốc nhanh chóng cho xây dựng một ngọn hải đăng, bãi đỗ dành cho trực
thăng cũng như cử các đơn vị tuần tra đường biển đóng quân cố định tại đây.
Một loạt hành động trên được diễn ra trước khi Nhật Bản và Hàn Quốc bình thường
hóa quan hệ vào năm 1965. Đến thời điểm đó, Hàn Quốc đã thu giữ tới 300 con tàu khác
nhau (chủ yếu là tàu đánh cá) của Nhật, bắt giữ khoảng 4.000 cá nhân xâm phạm, khiến 1
người Nhật chết và hàng chục người khác bị thương. Nhưng khi hai nước bình thường
hóa quan hệ, họ đã tránh không nhắc tới hai hòn đảo trên trong hiệp ước được ký – thực
chất là nguyên nhân gây xung đột vẫn âm ỉ tồn tại.
Theo các nhà quan sát, một lý do khiến xung đột lại tiếp tục nóng lên bắt nguồn từ
việc Tổng thống Roh Moo Hyun đang phải chịu một áp lực tương đối lớn trong nước.
Giáo sư Kim Jaebum từ Trường đại học Tổng hợp Yonsei (Seoul) nói rằng, đương kim
Tổng thống được coi là có chính sách “quá mềm yếu” đối với Nhật Bản, một thực tế sẽ
gây bất lợi khi đảng Uri của ông đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử địa phương vào tháng 5.
“Ông ấy phải cương quyết hơn – Giáo sư Kim nói – Người dân Hàn Quốc đang chờ
đợi một thái độ dứt khoát từ phía Tổng thống”. Có thể nói, bài phát biểu của Tổng thống
Roh đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân, mà theo như tờ Korea Times nhận
định, “đây là thái độ cứng rắn nhất từ trước tới nay đối với Nhật Bản”.
Phía Nhật đón nhận những chỉ trích của Tổng thống Roh với thái độ có phần bị sốc,
trước khi đưa ra những đánh giá bình tĩnh hơn. Trong khi tờ Asahi Shimbun gọi bài phát
biểu trên là “một bước phát triển nguy hiểm”, Thủ tướng Junichiro Koizumi có vẻ mềm
dẻo khi nói, chính phủ của ông sẽ “phản ứng một cách bình tĩnh”.
Theo Giáo sư Akihiko Tanaka từ Trường đại học Tổng hợp Tokyo, những phản ứng
khác nhau này phản ánh sự nhìn nhận khác nhau của hai phía đối với quá khứ của Nhật
Bản. “Đối với người Nhật, đây chỉ là một vấn đề lãnh thổ hay thậm chí còn không tới
mức như thế” – ông Tanaka nói. Nhưng đối với Hàn Quốc, đây lại là vấn đề của lịch sử
và công lý. Quá khứ cay đắng của thời kỳ phát xít Nhật chiếm đóng vẫn còn rất sống
động, tác động cả đến những quan chức cao cấp nhất trong chính quyền. Cụ thể như theo
nghị sĩ đối lập Lee Hye Hoon của Hàn Quốc, hai nước rất khó có thể bình thường hóa
quan hệ một cách đúng nghĩa, do “họ đã tấn công, cưỡng đoạt, lấy đi mọi thứ của chúng
tôi... và hiện họ vẫn không chịu xin lỗi”.
Rõ ràng, đối với hai cường quốc tại Đông Á này, vấn đề quá khứ vẫn là một trở ngại
lớn khó có thể vượt qua, mà vụ tranh chấp hai hòn đảo chỉ là một phần nổi của tảng băng
trôi
1.2. “Danh sách trắng”:
Căng thẳng ngoại giao giữa hai nước gia tăng trở lại từ năm 2018, khi tòa án Hàn
Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho những công dân Hàn bị bóc lột sức
lao động, cưỡng ép làm việc cho quân đô hộ Nhật trong Thế chiến thứ II. Tuy nhiên,
Nhật Bản khẳng định rằng tất cả các yêu sách này đã được giải quyết khi Nhật Bản thiết
lập lại quan hệ với Hàn Quốc vào năm 1965 và  Hàn Quốc cũng đã nhận 300 triệu USD
viện trợ kinh tế, 500 triệu USD qua các khoản vay không hoàn lại.
Đầu năm 2019, Nhật Bản đã đe dọa sẽ đáp trả Hàn Quốc bằng cách cắt visa của công
dân nước này và tăng thuế cho các mặt hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc. 
Cuối tháng 6/2019, tại hội nghị G20 ở Osaka, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào để cải thiện
quan hệ song phương.
Ngày 1/7/2019, Nhật Bản tuyên bố thắt chặt các quy định về xuất khẩu một số hóa
chất được sử dụng trong chip và điện thoại thông minh, bao gồm nhựa nhiệt dẻo
(fluorinated polyimide), khí gas ăn mòn (hydrogen fluoride) và photoresist (chất cản
quang) - 3 loại chất hóa học mà các công ty Hàn Quốc cần để sản xuất chất bán dẫn cho
màn hình và điện thoại di động. Các công ty Nhật Bản phải xin cấp phép từng hợp đồng
khi bán ba loại vật liệu trên cho đối tác Hàn Quốc
 Xung đột thương mại Hàn – Nhật: Mâu thuẫn mậu dịch giữa Hàn Quốc và Nhật
Bản đang dần trở nên căng thẳng hơn.
2-8-2019, Nhật Bản đã tuyên bố sẽ loại Hàn Quốc khỏi “danh sách trắng” (gồm 27
QG có QH thân thiện về mặt bảo vệ an ninh và miễn cấp phép xuất khẩu các mặt hàng
nêu trên đối với các quốc gia này) - tức danh sách các nước được buôn bán với Nhật các
nguyên vật liệu, hóa chất quan trọng có thể được dùng để làm vũ khí.
 Động thái đáp trả của Hàn Quốc:
5/7/2019, chính phủ Hàn Quốc tuyên bố giải tán Quỹ bồi thường mà chính phủ Nhật
Bản đã bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc năm 2015, bất chấp việc Nhật Bản cảnh
báo hành động đó sẽ hủy hoại quan hệ song phương. Hàn Quốc cũng đang tính tới việc
hạn chế xuất khẩu màn hình OLED sang Nhật Bản để trả đũa. Làn sóng tẩy chay hàng
Nhật cũng đang gia tăng tại Hàn Quốc.
 Tác động của chiến tranh thương mại Nhật Hàn tới thế giới:
- Trước tiên, lệnh hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản sẽ dẫn tới giá thành linh liện tăng
cao, và có thể làm đình trệ chuỗi cung ứng sản phẩm điện tử trên phạm vi toàn cầu. Đây
là những vật liệu quan trọng nhất để tạo ra màn hình OLED trên cả TV, smartphone và
bán dẫn. Việc này ảnh hưởng đến 2 công ty sản xuất chip lớn của Hàn Quốc là Samsung
và SK Hynix: 2 công ty này chiếm 63% thị trường chip trên toàn cầu, và sản phẩm của họ
được dùng bởi cả Huawei lẫn Apple.
- Vể phía Hàn Quốc: Là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Nhật Bản, lệ thuộc vào
2/3 hóa chất cấm xuất của Nhật Bản là 97-99%, và hóa chất thứ ba là 44%. Quyết định
của Nhật Bản khiến các nhà sản xuất Hàn Quốc gặp khó khăn trong việc tìm đối tác thay
thế. Bên cạnh đó, việc Hàn Quốc bị loại khỏi danh sách các nước hưởng ưu đãi từ Nhật
Bản có thể sẽ ảnh hưởng tới đến khoảng 1.100 mặt hàng và gây thiệt hại cho nền công
nghiệp của Hàn Quốc. Các hãng công nghệ Hàn Quốc như Sumsung, LG Display... phụ
thuộc gần như hoàn toàn vào các loại vật liệu này của Nhật Bản (hơn 90%). Công ty điện
tử Samsung Electronics Co., nhà sản xuất chip bộ nhớ và điện thoại thông minh lớn nhất
thế giới, có thể là mục tiêu chính của các biện pháp siết chặt xuất khẩu mở rộng của Nhật
Bản. Lệnh hạn chế xuất khẩu ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như lợi nhuận
của Samsung.
- Về phía Nhật Bản: Nhật Bản sản xuất 90% lượng nhựa nhiệt dẻo trên toàn cầu,
khoảng 70% gas ăn mòn và 90% chất cản quang. Hơn nữa, hiện các hãng công nghệ Hàn
Quốc nắm giữ tới 90-95% thị phần màn hình OLED toàn cầu. Do vậy, việc chính phủ
Nhật quyết định hạn chế xuất khẩu sẽ ảnh hưởng đến thị trường đầu ra của các nhà sản
xuất tại nước này.
Bên cạnh đó, người Hàn Quốc đã sử dụng phương tiện truyền thông để kêu gọi tẩy
chay hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản cũng như các công ty Nhật Bản như Toyota,
Uniqlo, Panasonic, Honda. Ngay cả việc du lịch qua lại giữa hai nước cũng ngày càng trở
nên khó khăn. Theo KB Securities, khách du lịch Hàn Quốc chiếm 24% trong tổng số du
khách nước ngoài đến Nhật Bản năm 2019. Trước sự tẩy chay các sản phẩm Nhật Bản tại
Hàn Quốc, rất có khả năng khách du lịch Hàn Quốc đến Nhật Bản sẽ giảm mạnh. Ngành
du lịch tăng trưởng chậm có thể sẽ gây thiệt hại nhiều hơn cho nền kinh tế Nhật Bản, so
với việc tẩy chay hàng hóa.
- Về phía Trung Quốc: Là quốc gia được coi là có thể hưởng lợi từ chiến tranh
thương mại Nhật – Hàn. Chiến tranh thương mại với Mỹ khiến Trung Quốc phải tăng
cường phát triển ngành công nghiệp vi mạch, cũng như giảm sự phụ thuộc vào các quốc
gia bên ngoài. Theo kế hoạch Made in China 2025, Bắc Kinh hướng đến sản xuất 40%
chất bán dẫn mà nước này sử dụng vào năm 2020 và nâng con số này lên 70% vào năm
2025. Nếu căng thăng Hàn Quốc - Nhật Bản làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu bởi
đây sẽ là "cơ hội" để Bắc Kinh lấp đầy khoảng trống đó. Thêm vào đó, Căng thẳng
thương mại đang diễn ra, về ngắn hạn có thể siết chặt ngành công nghiệp chất bán dẫn
của Hàn Quốc; do đó có thể dự đoán rằng, nếu sự tham gia của Hàn Quốc trong thị
trường toàn cầu bị hạn chế, Trung Quốc sẽ nắm bắt cơ hội này để vươn lên dẫn đầu.
- Tác động tới nền kinh tế Việt Nam: Nhật Bản và Hàn Quốc hiện đang là hai đối tác
lớn của Việt Nam. Cả hai nền kinh tế này đều là những nhà đầu tư lớn vào Việt Nam
trong nhiều thập kỷ vừa qua. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến tháng
6/2019, Hàn Quốc và Nhật Bản lần lượt giữ vị trí thứ nhất và thứ hai với tổng vốn đầu tư
đăng ký lần lượt đạt 64,5 tỷ USD và 57,9 tỷ USD.
Theo đó, Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng không nhỏ. Nếu hoạt động của các nhà
máy Samsung của Hàn Quốc tại Việt Nam bị trì hoãn do thiếu nguồn cung ứng vật liệu
để sản xuất chip từ Nhật Bản và các sản phẩm thay thế từ Trung Quốc hoặc Đài Loan
không đáp ứng được chất lượng như các sản phẩm của Nhật Bản. Hiện nay, sản phẩm của
Samsung chiếm tỷ trọng khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (hơn 60 tỷ
USD năm 2018). Do vậy, bất kỳ sự trì hoãn nào trong hoạt động của Samsung đều ảnh
hưởng tới xuất khẩu và tăng trưởng của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh lợi nhuận
của nhà máy Samsung tại Việt Nam đã sụt giảm mạnh trong quý I/2019.
- Động thái của Mỹ:
Không thể không giải quyết rạn nứt giữa Seoul và Tokyo, bởi điều này có thể gây ảnh
hưởng tới chính sách và chiến lược của Mỹ với Triều Tiên. Mọi thỏa thuận thành công
của Washington với Bình Nhưỡng đều cần Nhật - Hàn hợp tác với Mỹ, và Mỹ đều cần
mỗi bên với các vấn đề như khi phải đẩy mạnh việc trừng phạt Triều Tiên.
Việc Seoul đe dọa rút khỏi thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với Tokyo sẽ gây ra
vấn đề lớn. Vì sự mất hợp tác về tình báo trong vùng Đông Á sẽ gây ra ảnh hưởng với
việc theo dõi những mối đe dọa như việc thử tên lửa của Triều Tiên, khiến Mỹ gặp rất
nhiều khó khăn.
Nhật - Hàn là những chiếc neo mạnh mẽ nhất trong hệ thống đồng minh của Mỹ tại
Châu Á. Nếu họ không thể làm việc cùng nhau và đưa ra một mặt trận thống nhất chống
lại Trung Quốc và Triều Tiên, Bắc Kinh sẽ có một cơ hội vàng để gia tăng ảnh hưởng
khu vực, còn Bình Nhưỡng có thể khai thác sự chia rẽ giữa các đối tác của Mỹ.
Bởi lý do này, giải quyết tranh chấp giữa hai đất nước sẽ phải là ưu tiên ở mức độ cao
của chính quyền tổng thống Trump nhằm theo đuổi chiến lược lớn hơn để "giữ gìn sự ổn
định và thịnh vượng" đồng thời thúc đẩy "trật tự dựa trên luật pháp" tại khu vực Ấn Độ -
Thái Bình Dương.
Chính quyền của ông Trump đã gửi đi những tín hiệu hỗn hợp về những ý định của
mình. Đầu tháng 7, đại sứ Mỹ tại Seoul đã thúc giục Nhật Bản và Hàn Quốc giải quyết
những bất cập giữa hai nước.
Thay vào đó, ông Bolton đã bàn về việc hợp tác trong vấn đề an ninh gần Iran và việc
Tokyo và Seoul phải cống hiến nhiều hơn trong quan hệ đồng mình với Mỹ. 
Đặc biệt, Mỹ có thể thúc giục Seoul đồng ý để dàn xếp những tuyên bố đòi bồi
thường một cách trung lập, làm trọng tài thuộc bên thứ 3 và khuyên Nhật không nên áp
đặt cấm vận thương mại.
Ông Trump đã luôn bày tỏ sự hoài nghi về các đồng minh của Mỹ, nhưng ông nên
nhận thức được chiến lược của Mỹ ở Đông Á phải dựa vào việc Nhật - Hàn có thể tiếp
tục quan hệ hợp tác. Việc từ bỏ vai trò của mình trong quan hệ hợp tác sẽ gây hại cho Mỹ
nhiều hơn đồng minh của họ.
2. Nhật Bản – Trung Quốc:
2.1 Tranh chấp quần đảo Sensaku (Điếu Ngư):
Trong tháng Chín, một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đã xẩy ra trong quan hệ giữa
Trung Quốc và Nhật Bản liên quan đến việc tranh chấp 5 hòn đảo không có người ở và 3
bãi đá hoang vắng, cách Đài Loan 120 hải lý về phía đông bắc, cách Okinawa 200 hải lý
về phía nam và cách Trung Quốc 200 hải lý về phía đông. Thông thường, các hòn đảo và
bãi đá này được biết đến với tên gọi quần đảo Senkaku theo tiếng Nhật và Điếu Ngư theo
tiếng Hoa. Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan, mỗi bên đều tuyên bố có chủ quyền đối
với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Bối cảnh lịch sử
Nhật Bản đã giành được quần đảo Senkaku năm 1895 sau khi đánh bại Trung Quốc
trong cuộc Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ nhất. Theo Hiệp ước Shimonoseki, Trung
Quốc chuyển giao chủ quyền Đài Loan và quần đảo Senkaku cho Nhật Bản. Quần đảo
Senkaku đặt dưới sự kiểm soát của Mỹ khi Hoa Kỳ chiếm đóng Nhật Bản và Okinawa
năm 1945 vào lúc kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Năm 1972, Mỹ trao trả
Okinawa và Senkaku cho Nhật Bản. Quần đảo Senkaku hiện nay nằm trong sự quản lý
của thành phố Okinawa.
Năm 1969, một cuộc điều tra được tiến hành dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc đã
xác định rằng có tiềm năng lớn về dầu và khí ở đáy biển xung quanh quần đảo Senkaku.
Theo các nguồn tin Nhật Bản, việc phát hiện nguồn nhiên liệu là chất xúc tác thúc đẩy
Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư. Đòi hỏi chủ quyền của cả Đài
Loan và Trung Quốc đều dựa trên những tài liệu của triều đại nhà Minh liệt kê quần đảo
Điếu Ngư như là tài sản quý báu của hoàng đế Trung Hoa.
Vào tháng Chín 1972, Trung Quốc và Nhật Bản bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Sáu năm sau, hai bên ký hiệp ước song phương về đánh cá và đạt được thỏa thuận gác
sang một bên tranh chấp về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, như là một hồ sơ để cho các thế
hệ mai sau quyết định. Năm 2008, Trung Quốc và Nhật Bản thỏa thuận cùng nhau thăm
dò dầu ở ngoài khơi quần đảo Senkaku, nhưng văn bản này chưa bao giờ được thực hiện.
Quần đảo Senkaku trở thành nơi va chạm giữa Trung Quốc và Nhật Bản vào tháng
Chín 2010 khi thuyền trưởng một tàu cá Trung Quốc cố ý đâm vào tàu tuần duyên Nhật
Bản ở vùng biển ngoài khơi Senkaku. Trước đó, mỗi khi các sự cố tàu cá xẩy ra, Nhật
Bản trục xuất những ngư dân vi phạm về Trung Quốc. Trong trường hợp này, Nhật Bản
bắt giữ viên thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc. Trung Quốc coi vụ bắt giữ này là một sự
vi phạm thỏa thuận song phương năm 1978 ; việc bắt giữ viên thuyền trưởng trở thành
một sự cố ngoại giao nghiêm trọng. Khi Trung Quốc đình chỉ xuất khẩu đất hiếm sang
Nhật Bản, chính phủ Nhật Bản đã lùi bước và thả viên thủy thủ Trung Quốc.
Các diễn biến chính của cuộc khủng hoảng
Trong số năm hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku, thì bốn hòn đảo thuộc sở hữu tư
nhân, còn hòn đảo thứ năm thuộc sở hữu của chính phủ Nhật Bản. Vào tháng 4/2012,
Shintaro Ishihara, thống đốc Tokyo, người có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, thông báo là
ông ta muốn mua và phát triển quần đảo Senkaku nhằm bảo vệ chủ quyền của Nhật Bản
ở đây. Thống đốc Tokyo đã lập một quỹ nhằm huy động các khoản ủng hộ tài chính tư
nhân từ phía công chúng Nhật Bản.
Từ giữa tháng 8 cho đến giữa tháng 9/2012, tranh chấp về quần đảo Senkaku đã
trở thành một cuộc khủng hoảng ngoại giao thực sự với 7 diễn biến đan xen, chồng
chéo lên nhau.
Trước hết là thông báo của thủ tướng Yoshihiko Noda hồi tháng 7 rằng chính phủ
Nhật Bản sẽ mua các hòn đảo của tư nhân nhằm bảo đảm là chính phủ trung ương, thực
hiện quyền kiểm soát về quan hệ với Trung Quốc.
Vào 6/9, chính phủ Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận sơ bộ mua lại ba hòn đảo của sở
hữu tư nhân với số tiền 30 triệu đô la. Để xoa dịu phản ứng của Trung Quốc, chính phủ
Nhật Bản thông báo là họ sẽ tăng cường sự hiện diện của các tàu tuần duyên trong vùng
biển xung quanh quần đảo Senkaku nhằm ngăn ngừa các công dân từ Nhật Bản, Trung
Quốc hoặc Đài Loan đến biểu tình trên quần đảo này. Đồng thời sẽ không có bất kỳ một
hoạt động xây dựng mới nào trên quần đảo Senkaku và chỉ có những sửa chữa tối thiểu
đối với các cơ sở hiện có ở đó.
Diễn biến thứ hai liên quan đến việc căng thẳng chính trị giữa Hàn Quốc và Nhật
Bản tái bùng phát trùng hợp với thời điểm căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Nhật
Bản. Ngày 10/8, tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đi thăm đảo Dokdo ở biển Nhật
Bản. Căng thẳng bùng lên ngày 19/8 khi 30 người Hàn Quốc lập một tượng đài cao 1,2
mét trên hòn đảo này, có ghi hàng chữ : « Đảo Dokdo, Cộng hòa Hàn Quốc ».
Diễn biến thứ ba bao gồm hoạt động của các công dân thuộc những nước đang đòi
hỏi chủ quyền. Ngày 15/8, 14 nhà hoạt động Trung Quốc từ Hồng Kông đã đi thuyền ra
Senkaku, đổ bộ lên một hòn đảo ở quần đảo này và cắm cờ Trung Quốc. Họ đã bị chính
quyền Nhật Bản bắt giữ và trục xuất ngay lập tức. Bốn ngày sau, khoảng 150 người có tư
tưởng dân tộc chủ nghĩa Nhật Bản từ Okinawa ra Senkaku. Nhiều người trong số này đã
nhẩy ra khỏi thuyền, bơi vào đảo và cắm cờ Nhật Bản.
Diễn biến thứ tư là sự bùng nổ các cuộc biểu tình bài Nhật tại Trung Quốc nhằm
phản đối việc mua ba hòn đảo.
Diễn biến thứ năm của cuộc khủng hoảng Senkaku liên quan đến các phản ứng đa
dạng của chính phủ Trung Quốc chống lại Nhật Bản. Ví dụ, ngày 5/9, bộ Ngoại giao
Trung Quốc cho rằng việc Nhật Bản mua các hòn đảo là « bất hợp pháp và không có giá
trị ». Ngày 11/9, bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng các hành động của Nhật Bản «
không thể làm thay đổi một thực tế là phía Nhật Bản đã đánh cắp các hòn đảo của Trung
Quốc ». Trung Quốc đã chính thức công bố các điểm cơ sở và các đường cơ bản phần đòi
hỏi lãnh thổ biển của mình xung quanh quần đảo Điếu Ngư và chính thức đệ trình lên
Ban tổng thư ký Liên Hiệp Quốc bộ hồ sơ này.
Các lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc cũng can dự để tạo sức ép chính trị đối với
Nhật Bản. Tại Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, ở
Vladivostok (Ngày 8 và 9/9), đích thân chủ tịch Hồ Cẩm Đào cảnh báo thủ tướng Noda
rằng việc quốc hữu hóa quần đảo Điếu Ngư là bất hợp pháp. Ngoài ra, thủ tướng Ôn Gia
Bảo và ông Ngô Bang Quốc, chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân
Toàn quốc, cả hai cũng đưa ra những cảnh báo đối với Nhật Bản.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, tướng Lương Quang Liệt, nói công khai rằng
Trung Quốc giành quyền có « các hành động bổ sung ». Vào kỳ cuối tuần ngày 15/9, Hải
quân Quân đội Giải phóng Nhân dân đã tiến hành một cuộc tập trận hải quân lớn và bắn
40 tên lửa.
Hành động đáp trả nghiêm trọng nhất của Trung Quốc là điều các tàu Hải Giám Trung
Quốc (CMS) đến Senkaku nơi mà họ nhận được lệnh đi « giám sát như thông lệ ». Ngày
14/9, sáu tàu hải giám được ghi nhận là có mặt tại hiện trường ; hai chiếc xâm nhập vào
vùng biển của Nhật Bản và bị các tàu tuần duyên Nhật Bản cảnh báo. Các tàu hải giám
Trung Quốc đáp trả là họ đang ở vùng lãnh thổ biển của Trung Quốc và yêu cầu các tầu
của Nhật Bản rút ra khỏi nơi đó. Nhật Bản đã triệu đại sứ Trung Quốc tại Tokyo lên để
phản đối.
Lực lượng tuần duyên Nhật Bản cho biết là từ ngày 18 đến 24/9, tổng cộng có 20 tàu
tuần tra Trung Quốc đã vào vùng giáp ranh và/hoặc vùng lãnh thổ biển của Nhật Bản.
Các vụ xâm nhập khác được thông báo là vào ngày 25/9 (sáu tàu hải giám Trung Quốc)
và ngày 3/10 (bốn tàu hải giám và hai tàu thuộc Trung Quốc Ngư Chính)
Ngoài những hành động kể trên, dường như chính quyền Trung Quốc đã tạo thuận lợi
cho các nhà hoạt động Hồng Kông đổ bộ lên quần đảo Senkaku ngày 15/8. Nhiều kế
hoạch tổ chức kỷ niệm 40 năm bình thường quan hệ Trung-Nhật (29/9/1972 – 2012) đã bị
hủy bỏ và bị đình hoãn.
Bên cạnh đó, chính quyền Trung Quốc dường như kéo dài thời gian chấp thuận các
nhập khẩu của Nhật Bản cũng như cấp visa. Du lịch Trung Quốc sang Nhật Bản sụt giảm.
Trung Quốc cũng giảm cấp giấy phép xuất khẩu đất hiếm, chiến thuật này đã được áp
dụng lần đầu năm 2010.
Diễn biến thứ sáu liên quan đến sự can thiệp của Đài Loan để công khai hóa đòi hỏi
chủ quyền của mình đối với quần đảo Điếu Ngư. Ngày 13/9, hai tàu tuần duyên được
điều đến theo dõi các động thái xung quanh quần đảo Senkaku và bảo vệ các ngư dân Đài
Loan. Ngày 25/9, khoảng 40 cho đến 50 tàu cá Đài Loan, được hộ tống bởi 10 tàu tuần
duyên, đã vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku để khẳng định chủ quyền của Đài
Loan. Sự cố này được đánh dấu bằng cuộc đọ sức tay đôi giữa tàu tuần duyên Nhật Bản
và Đài Loan sử dụng vòi rồng phun nước vào nhau. Thời tiết xấu đã buộc phía Đài Loan
phải rút khỏi nơi này.
Diễn biến thứ bảy là sự can dự của Hoa Kỳ. Chính quyền Mỹ đã tuyên bố không
đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng
Hoa Kỳ cũng tái khẳng định là các cam kết trong hiệp ước đã ký với Nhật Bản có liên
quan đến quần đảo Senkaku.
Tranh chấp Senkaku bùng phát vào cùng thời điểm có chuyến công du đã được trù
tính từ lâu của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta, tới Nhật Bản, Trung Quốc và
New Zealand. Ông Panetta có nhiệm vụ khó khăn là vừa phải thúc đẩy cam kết hợp tác
với Trung Quốc, vừa phải tái khẳng định liên minh Mỹ-Nhật. Lúc dừng chân ở Tokyo, bộ
trưởng Quốc phòng Mỹ, khi nhắc đến tranh chấp Senkaku, đã nói đến « khả năng đánh
giá sai lầm của bên này hoặc bên kia sẽ dẫn đến bạo lực ». Nhật Bản và Mỹ cũng thông
báo việc triển khai trạm radar thứ hai trong hệ thống phòng thủ chống tên lửa tại Nhật
Bản.
Giữa tháng 9, chính phủ Trung Quốc bắt đầu có những biện pháp để kiểm soát các
cuộc biểu tình bài Nhật. Cho dù các cuộc biểu tình của người dân giảm đi, các quan chức
Trung Quốc vẫn tiếp tục gây trở ngại cho các tiếp cận ngoại giao của Nhật Bản nhằm làm
giảm căng thẳng.
 Tranh chấp Senkaku cho thấy các vụ tranh chấp lãnh thổ ở Đông Á là một rủi ro
đối với Mỹ trong việc duy trì, phát triển liên minh và đối với chiến lược tái cân bằng lực
lượng của Hoa Kỳ ở châu Á-Thái Bình Dương. Như đã nêu ở trên, tranh chấp Senkaku
gây khó khăn cho các ý định của Mỹ vừa muốn thúc đẩy cam kết hợp tác với Trung Quốc
vừa tái khẳng định các cam kết được ghi trong hiệp ước đã ký với Nhật Bản. Các động
thái của Đài Loan về quần đảo Điếu Ngư làm tăng thêm sự phức tạp. Các ý định của Mỹ
muốn củng cố tốt hơn mối quan hệ tam giác với Nhật Bản và Hàn Quốc đã bị phá hỏng
do tranh chấp đảo Dokdo/Takeshima. Trung Quốc có thể nhận thấy điều này và khai
thác những căng thẳng trong hệ thống liên minh của Mỹ.
3. Nhật Bản – Nga:
3.1 Tranh chấp quần đảo Kuril:
Nhật Bản gọi bốn đảo tranh chấp nằm phía bắc đảo Hokkaido là "lãnh thổ phương
bắc", còn Nga gọi đây là Nam Kuril, bao gồm đảo Etorufu, Kunashiri, Shikotan và nhóm
đảo Habomai. Đây là vùng biển đảo được đánh giá không chỉ giàu tài nguyên khoáng sản,
thủy sản mà còn là cửa ngõ ra vào Thái Bình Dương cho các hạm đội hải quân Nga. Quân
đội Liên Xô đổ bộ và kiểm soát các đảo này trước khi Thế chiến II kết thúc.
Nhật đòi hỏi chủ quyền dựa trên cơ sở Hiệp định Shimoda (1855) và St. Petersburg
(1875), theo đó Nga Hoàng công nhận các đảo Etorufu, Kunashiri, Shikotan và nhóm đảo
Habomai thuộc chủ quyền của Nhật. Phía Liên Xô cho rằng quần đảo Kuril được người
Nga khám phá và định cư sinh sống đầu tiên tại đây. Và hai hiệp định nói trên đã vô hiệu
hóa bởi cuộc chiến tranh Nga - Nhật năm 1905 và Hiệp định Porstmouth cũng trong năm
đó.
Sau thế chiến hai, theo Hiệp định Yalta, Liên xô, Mỹ, Anh thống nhất trao cho Liên
Xô quần đảo Kuril. Tuy nhiên, phía Nhật cho rằng đây là thoả ước giữa các nước thắng
trận, Nhật không được biết vì không tham gia Hiệp định này. Nga cho rằng Hiệp định
Yalta là hợp pháp và có giá trị. Và Nhật là nước khởi đầu thế chiến thứ hai, khi thua trận
Nhật phải chấp nhận những hậu quả của nó là hợp lý.
Trong Hiệp ước hoà bình Sanfrancisco năm 1951, Nhật đã từ bỏ chủ quyền của mình
đối với Nam Sakhalin và quần đảo Kuril. Nga cho rằng 4 hòn đảo tranh chấp thuộc về
quần đảo Kuril, nhưng cũng không công nhận chủ quyền của Liên bang Xô Viết đối với
quần đảo Kuril.
Tranh chấp lãnh thổ tại bốn hòn đảo ảnh hưởng xấu đến quan hệ Nga - Nhật trong
nhiều thập kỷ và khiến hai nước không thể ký hiệp ước hòa bình dù Thế chiến II chấm
dứt cách đây 75 năm.

You might also like