Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 25

MỤC LỤC

I. Lễ Các Đẳng ............................................................................................................ 2

1. Nguồn gốc ................................................................................................................ 2

2. Trình tự nghi thức ...................................................................................................3

3. Nền tảng đạo lý .........................................................................................................9

4. Ý nghĩa ....................................................................................................................10

II. Lễ Vu Lan ...............................................................................................................11

1. Nguồn gốc ...............................................................................................................11

2. Trình tự nghi thức .................................................................................................12

3. Nền tảng đạo lý .......................................................................................................13

4. Ý nghĩa ....................................................................................................................14

III. So Sánh Và Nhận Định ..........................................................................................18

1. Quan niệm của Kitô giáo .......................................................................................18

2. Quan niệm của Phật giáo ......................................................................................21

3. Sự đồng dị giữa hai quan niệm .............................................................................23

4. Kết luận ...................................................................................................................25

5. Sách tham khảo ......................................................................................................26


Đề tài:

SO SÁNH LỄ CÁC ĐẲNG CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO

VÀ LỄ VU LAN CỦA NGƯỜI PHẬT GIÁO

Truyền thống Công giáo chọn tháng 11 dương lịch hàng năm là tháng cầu nguyện cho những
người quá cố, còn gọi là tháng các linh hồn mà cao điểm là ngày 2 tháng 11, ngày đặc biệt cầu
cho Các Đẳng. Người Phật tử và người theo “đạo tổ tiên” lại coi tháng 7 âm lịch hàng năm mới
là tháng để tưởng nhớ, cúng kiến và chú nguyện cho những người đã khuất, mà cao điểm là Lễ
Vu Lan ngày rằm tháng 7, hay ngày Xá tội vong nhân.

Như vậy điểm giống nhau đầu tiên giữa Phật tử cũng như Kitô hữu đều tin rằng sau khi chết
còn có một đời sống khác, và những người còn sống ở trần gian có thể giúp đỡ người đã khuất
hiện đang sống trong một đời sống khác thoát khỏi cảnh khổ của họ, hay giảm bớt đau khổ cho
họ. Tuy nhiên, quan niệm về số phận của các vong nhân và về việc độ vong của hai tôn giáo này
có nhiều điểm khác biệt. Trong chiều hướng hội nhập văn hóa và tìm hiểu các tôn giáo, người
viết xin nêu ra một số nét tương đồng và một số điểm khác biệt cùng với ý nghĩa của những nghi
thức trong việc cử hành để thấy rằng giữa người sống và kẻ chết vẫn luôn có mối liên hệ, vì
không ai trên đời là một hòn đảo, nếu có là hòn đảo cũng gắn liền đại dương tình người. Do đó
không ai có thể sống trên đời mà không cần đến ai, hay chưa một lần mang ơn ai, thế nên rất cần
đến việc thương nhau khi sống và nhớ nhau khi đã khuất. Vì vậy với tiểu luận này, người viết
xin được đóng góp một phần rất nhỏ bé trong việc khơi lại truyền thống tốt đẹp của loài người
nói chung và người Việt nói riêng trong việc tưởng nhớ người đã khuất đang được thể hiện qua
hai tôn giáo lớn tại Việt Nam, Người viết sẽ cố gằng tìm về lại nguồn gốc của hai nghi lễ “Các
đẳng” và “Vu lan” phát xuất từ đâu? Nền tảng đạo lý như thế nào? Và quan niệm độ vong có gì
khác biệt giữa hai tôn giáo này? Đó là những nội dung chính sẽ được trình bày trong những
trang ngắn gọn của tiểu luận.

I. Lễ Các Đẳng (2/11)


1. Nguồn gốc
Theo tài liệu ghi lại, lễ cầu hồn được cử hành lần đầu tiên do thánh Odilo, viện phụ
đan viện Cluny. Odilo (962 – 1048), là một đan sĩ thánh thiện, thường cầu nguyện, hy
sinh, và dâng lễ cầu cho các linh hồn đã qua đời. Truyện kể rằng, ngày nọ, một đan sĩ đi
viếng đất thánh Giêrusalem. Trên đường trở về đan viện Cluny, tàu chở đan sĩ bị bão
đánh giạt vào một hòn đảo. Tại đó, đan sĩ gặp một ẩn sĩ và được ẩn sĩ cho biết: "Trên
đảo này có nhiều hang lửa, trong hang có nhiều người bị hành hạ, đánh đập. Tôi thường
nghe các tên quỷ phàn nàn với nhau về viện phụ Odilo và các đan sĩ trong dòng của ngài
rằng: ngày nào họ cũng giải thoát một số linh hồn ra khỏi hang lửa đó. Vì thế xin thầy
về nói với cha Odilo và các anh em trong dòng cứ tiếp tục cứu giúp các linh hồn đau
khổ. Vì việc giải thoát các linh hồn là niềm vui cho các thánh trên Thiên đàng và là sự
đau khổ cho quỷ dữ dưới Hỏa ngục" 1. Sau khi nghe biết sự việc này, cha Odilo đã lập lễ
cầu hồn vào ngày 2 tháng 11 và trước hết cử hành trong đan viện Cluny của ngài vào
năm 998 (có dị bản ghi năm 1030). Về sau lễ cầu hồn đã được truyền sang nuớc Pháp, và
tới giữa thế kỉ 10, Đức Giáo hoàng Gioan XIV đã lập lễ cầu hồn trong Giáo hội Rôma.

Từ thời đó, nhiều nơi đã có thói quen cầu nguyện tuần chín ngày cho các linh hồn, họ
đi thăm viếng, sửa sang mồ mả cha ông. Vào buổi chiều lễ Các Thánh, có những người
đi từng nhà xin quà cho các linh hồn, họ hát những bài ca cổ truyền cổ động cầu cho các
linh hồn mau ra khỏi Luyện ngục.
Tại Hungary, người ta gọi ngày 2 tháng 11 là "Ngày người chết". Ngày đó, người ta
có thói quen tụ họp các trẻ mồ côi tới gia đình họ rồi cho chúng ăn, cho quần áo, cho quà
bánh, đồ chơi. Đây cũng lại là một điểm tương tự giống các tín đồ Phật Giáo cúng cô hồn
trong các dịp lễ đặc biệt.
Tại miền quê Poland, người ta kể rằng, nửa đêm lễ cầu hồn, người ta thắp sáng nhà
thờ giáo xứ, để các linh hồn trong xứ đã qua đời về quanh bàn thờ cầu ơn giải thoát khỏi
luyện ngục. Sau đó các linh hồn trở lại thăm lại nhà mình, thăm nơi mình quen thuộc,
làm việc mình đã làm khi còn sống. Và để đón tiếp những linh hồn này, người ta để cửa
sổ mở suốt đêm mùng 2 tháng 11.
Tại Việt Nam, nhất là miền Bắc, trước Công đồng Vaticanô II, người ta thường sửa
mồ mả cha ông vào dịp Tết Nguyên Đán đầu năm Âm lịch, tính theo mặt trăng; còn ngày
lễ cầu hồn, người ta đi viếng các nhà thờ chung quanh suốt ngày lễ Các Thánh để lãnh ân
xá chỉ cho các linh hồn đã qua đời. Người ta dự lễ và xin lễ rất nhiều để cầu cho tổ tiên,

1
Sách tu đức – Đan viện Châu Sơn Đà Lạt – tr 68
ông bà, cha mẹ sớm về hưởng phước Thiên đàng. Đó là một trong những lý do hình
thành nên ngày lễ các đẳng 2 tháng 11.
2. Trình tự nghi thức
2.1. Ngoài thánh lễ:

Để chuẩn bị tâm hồn cho xứng đáng để cầu nguyện cho người đã khuất, việc
trước tiên phải làm của người Công Giáo trong tháng 11 là sám hối tội lỗi của
mình, cụ thể bằng việc đón nhận “Bí Tích giải tội”, thực thi lẽ công bằng, bố thí
giúp người nghèo, dâng lễ, viếng nghĩa trang trong những ngày Giáo Hội chỉ định
để đón nhận “ân xá” như Giáo Hội Công Giáo quy định và phải nhường lại các ân
xá đó cho các linh hồn. Ngoài ra còn phải lo dọn dẹp sạch sẽ nơi mồ mả, nghĩa
trang để cùng với giáo xứ dâng những thánh lễ chung trên phần đất thánh nơi người
thân mình an nghỉ. Bên cạnh đó còn tổ chức các buổi đọc kinh chung cho các linh
hồn nơi từng giáo khu, xóm đạo. Mỗi vùng miền lại có những hình thức tổ chức và
kinh nguyện khác nhau….

Trong thánh lễ

2.2.1) Chỉ thị về việc dâng lễ: Ngày 10 tháng 8 năm 1915, trong một tông hiến, Tòa
thánh cho các linh mục được dâng 3 lễ vào ngày lễ cầu hồn: một lễ cầu như ý
người xin, được lấy bổng lễ, một lễ cầu theo ý Đức Giáo hoàng (không bổng
lễ) và một lễ cầu cho các linh hồn (không bổng lễ). Ngày 1 tháng 11 năm
1967, Đức Giáo hoàng Phaolô VI, trong Tông huấn Ân xá đã ban một đại xá
với điều kiện thường lệ (xưng tội, rước lễ, cầu theo ý Đức Giáo hoàng) cho
những ai "viếng nhà thờ vào Chúa Nhật trước hoặc sau, hoặc chính lễ Các
Thánh (số 67), và những ai viếng nghĩa địa trong 8 ngày đầu tháng 11 để cầu
cho các linh hồn thì cũng nhận được mỗi ngày một ơn đại xá (số 13).
2.2.2) Phẩm phục và cách trang hoàng trong thánh lễ: Thông thường chủ tế sẽ mặc
phẩm phục màu tím, màu của sự ăn năn sám hối và cũng là màu biểu hiện
niềm đợi trông ngày thân xác được phục sinh theo đức tin Công Giáo. Tuy
nhiên có thể thay thế phẩm phục tím thành phẩm phục trắng. Luôn luôn bên
cạnh bàn thờ chính phải thắp sáng “nến phục sinh”(Nến đã được làm phép
trong đêm phục sinh) tượng trưng Chúa Kitô là ánh sáng đã chiến thắng thần
tăm tối là sự chết. Nội dung các bài đọc thánh kinh trong thánh lễ phải tuyên
xưng niềm tin và diễn tả được niềm hy vọng sống lại trong ngày chung thẩm
như: “Sự sống này, chỉ thay đổi mà không mất đi…sự sống không mất nhưng
chỉ đổi thay…”. Tất cả các nghi thức đều diễn ra như trong mọi thánh lễ
khác2, chỉ khác là nội dung các bài sách thánh đều hướng về niềm mong chờ
sống lại. Ngoài ra cuối thánh lễ, chủ tế sẽ tiến hành nghi thức làm phép mồ
cùng với lời nguyện: “Lạy Chúa, Chúa đã tạo thành trời đất và định chỗ cho
các vì sao, Chúa đã dùng phép tánh tẩy mà giải thoát con người khỏi ách nô
lệ là tội lỗi; Chúa đã truyền cho Đức Giê su Ki tô, Chúa chúng con, sau khi
đập tan xiềng xích tử thần, vùng trỗi dậy để cứu mọi người tín hữu, và ban
cho họ là những chi thể của Người được phục sinh. Xin Chúa thương đến và
thánh hóa những phần mộ này, để theo lệnh Chúa, anh chị em chúng con
sau khi an nghỉ đợi đến ngày phán xét được cùng các thánh sống lại hiển
vinh. Trong khi các tín hữu của Chúa an nghỉ nơi đây, xin sai thiên thần
Chúa đến canh giữ phần thân xác, còn phần linh hồn, xin Chúa giải thoát
khỏi tội lỗi để anh chị em chúng con được hưởng niềm vui bên Chúa muôn
đời - Amen”3
3. Nền tảng đạo lý
Giáo lý Công giáo do Đức Thánh Cha Gioan Phao-lô II ban hành năm 1992 có 3 số
như sau:
- Số 1030: Cần có Luyện ngục: "Những ai chết trong ân sủng và ân nghĩa của
Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh tẩy cách trọn vẹn, thì tuy được bảo đảm về
ơn cứu độ muôn đời của mình, vẫn phải chịu một sự thanh luyện sau khi chết,
hòng đạt được sự thánh thiện cần thiết để bước vào niềm vui thiên đàng”.
- Số 1031: Luyện ngục để thanh tẩy: "Giáo hội gọi là luyện ngục là sự thanh luyện
sau cùng này của các người được chọn, hoàn toàn khác với hình phạt của những
kẻ bị án phạt. Giáo hội đã trình bày giáo lý đức tin về Luyện ngục, nhất là tại các
Công đồng Florentia và Trentô.4

2
Xem sách nghi thức thánh lễ - LM Nguyễn Thái Hòa – NXB Tôn Giáo 1995
3
Nghi thức an táng – NXB Tôn Giáo – tr 35
Dựa vào một số bản văn của Thánh Kinh (Chẳng hạn 1 Cr 3,15; 1 Pr 1,7), Truyền
thống của Giáo hội nói đến một thứ lửa thanh luyện: "Đối với một số những lỗi lầm nhẹ,
ta phải tin có một thứ lửa thanh tẩy trước ngày Phán Xét, theo như những gì mà Đấng là
Chân lý đã dạy khi Ngài nói rằng nếu ai nói lời phạm thánh chống lại Chúa Thánh
Thần, thì sẽ không được tha cả đời này lẫn ở đời sau" (Mt 12,31). Theo lời quyết đoán
này, chúng ta có thể hiểu rằng một số lỗi lầm có thể được tha ở đời này, nhưng một số lỗi
khác thì được tha ở đời sau" ( Theo thánh. Gregoriô Cả, Dial. 4,39).
- Số 1032: Người sống cứu người chết: Giáo huấn này cũng dựa vào cách cầu
nguyện cho kẻ chết, như được nói đến trong Thánh Kinh: "Đó là lý do tại sao
ông Giu-đa Ma-ca-bê đã truyền phải dâng hy lễ đền tội này cho các người đã
chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi của mình" (2 Mcb 12,46).
Ngay từ những thời gian đầu, Giáo hội đã tôn kính việc tưởng niệm các người đã qua
đời, và dâng kinh lễ để cầu cho họ, nhất là dâng Thánh lễ để họ được thanh tẩy và tiến
vào nơi chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Giáo hội cũng khuyên làm việc bố thí, hưởng các ân
xá và thi hành những việc đền tạ để giúp các người đã qua đời: “Chúng ta hãy cứu giúp
họ và hãy tưởng nhớ họ. Nếu các con ông Gióp đã được thanh tẩy nhờ lễ hy sinh của cha
họ (xem sách Gióp 1,5), tại sao chúng ta lại có thể hoài nghi rằng những của lễ của
chúng ta dâng cầu cho người chết sẽ không mang lại ủi an cho họ? Vậy chúng ta đừng
ngần ngại cứu giúp những người đã ra đi, và dâng những kinh nguyện cầu cho họ”.
(Theo thánh Gioan Kim khẩu)
4. Ý nghĩa
Ngay từ buổi đầu của Kitô giáo, Hội Thánh lữ hành đã hết lòng kính nhớ, dâng lời
cầu cho những người đã qua đời, vì cầu nguyện để họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một
ý nghĩ lành thánh (2Mcb 12, 45 ). Hãy dâng thánh lễ và các việc lành để cầu nguyện cho
các tín hữu đã qua đời (lời nhắn nhủ của giáo hội đầu tháng 11 ). Nghĩ về cái chết, đề cập
đến người ra đi để mọi người chúng ta cùng hiệp thông một cách huyền nhiệm vì giữa
người sống và kẻ chết trong lòng tin như có một mối giây liên lạc không thể rời xa,
không thể tách biệt. Giữa người sống và người chết có một sự kết hợp thật thâm sâu, thật

4
Xem sách giáo lý Công Giáo số 1304,1580,1820).
thắm thiết. Như thế, cái chết không còn là một ngõ cụt, không còn là một chấm hết cuối
cùng của con người. Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II trong sách “Gẫm về sự chết” đã
viết: “Lạy Chúa, con có điên rồ, hẳn Chúa biết rõ. Đời sống bần tiện, lao đao, bủn xỉn,
hẹp hòi, rất cần phải nhẫn nại, phải tu bổ, phải được vô cùng thương xót. Con luôn luôn
coi cuộc đời của thánh Augutinh như một tổng hợp tuyệt vời: sự khốn nạn và lòng từ bi,
sự khốn nạn của con và lòng từ bi của Chúa. Chớ gì, ít ra bây giờ, con có thể tôn vinh
Chúa là Thiên chúa tốt lành vô cùng bằng cách kêu cầu chấp nhận và tán tụng lòng từ bi
dịu hiền của Chúa...”(Osservatore Romano 34, ngày 21/8/1979). Đức Thánh Cha đã gẫm
suy về cái chết như một tôn vinh của cuộc đời vì Thiên Chúa thật nhân lành, dịu hiền và
hay thương xót. Còn Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII khi biết rõ thực tế bệnh tình của
mình đã nói lên một cách bình thản: “Tôi đã dọn sẵn hành trang”. Chính vì xác tín mạnh
mẽ về sự chết, Đức Thánh Cha Gioan XXIII đã rất an bình và bình tĩnh đón nhận cái
chết. Tình yêu mạnh hơn sự chết, tình yêu nối kết con ngừơi còn sống với người đã chết;
và trong sức mạnh của tình yêu, cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá gây chú ý cho mọi
người vì nhờ cái chết của Ngài, mọi người đều được lôi kéo đến với Ngài, Ngài đã quy tụ
mọi người không phân biệt bất cứ một ai. Ngài đã tha thứ cho cả những kẻ hành hạ, ám
hại, lên án và hành hạ Ngài. Sức mạnh tình yêu của Chúa Giêsu trên thập giá là sức mạnh
cứu độ. Nhờ sức mạnh ấy, con người, loài người và mọi người được cứu độ. Chính trong
giờ phút tối tăm của cuộc đời, trong giờ hấp hối, Chúa Giêsu đã minh chứng “Tình yêu
mạnh hơn sự chết”. Tình yêu nối kết con người, tình yêu tha thứ và tình yêu từ bỏ. Chúa
Giêsu đã nói: “Không tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì
người mình yêu”(Ga 15, 13).
Đức Giêsu đã yêu nhân loại cho tới cùng, Ngài vẫn tiếp tục yêu con người và từng
người không ngừng. Trong cái chết của Chúa Giêsu, nhân loại giao hòa với Thiên Chúa,
với Ngài và với mọi người. Hiệp với cái chết của Chúa, nhân loại có nghĩa vụ và trách
nhiệm đối với nhau.. Không ai tránh khỏi cái chết, ai cũng phải một lần ra đi, ai cũng
phải một lần từ giã cõi đời, từ biệt những người thân thương để trở về với Đấng đã dựng
nên mình, trở về với Đấng đã yêu thương mình. Người quá cố có thể là ông bà, cha mẹ,
con cái, anh chị em và những người thân thương của ta hay những người mà ta chưa bao
giờ quen biết, những kẻ đã từng làm hại ta vv... Do đó cầu nguyện và tưởng nhớ tới
những người đã chết không chỉ là việc làm bác ái mà còn là bổn phận của những người
còn sống. Trong cái chết của Chúa Giêsu, mọi người sẽ thông cảm và tha thứ cho nhau.
Vì cái chết của Chúa Giêsu chính là nguồn ơn an bình và tha thứ.
II. Lễ Vu Lan (15/7)
1. Nguồn gốc

Vu Lan là chữ viết ngắn gọn từ “Vu lan bồn”, một thuật ngữ có nguồn gốc từ bài
Phật thuyết Vu lan bồn kinh. Trong Vu lan bồn kinh, thuật lại việc Mục Kiền Liên, đại đệ
tử của Đức Phật, có nhiều thần thông, bay đi tìm mẹ và thấy bà đang ở Địa ngục khổ sở,
do kết quả của các ác nghiệp của bà . Đức Phật dạy rằng nếu muốn cứu giúp bà, phải cầu
xin oai lực của tất cả chư Tăng trong ngày Tự tứ - tức 15 tháng 7 âm lịch - cùng nhau
tụng kinh, hồi hướng phước báu để chuyển nghiệp tham si nơi bà5.

Ở Ấn Độ, khi Đức Phật còn tại thế, con cháu của những người qua đời cũng đã thực
hiện nghi lễ cúng dường Đức Phật và chư Tăng như kể trên, mục đích của lễ này là nhằm
cứu những vong hồn tội lỗi thoát khỏi kiếp làm ngạ quỷ. Sau khi lễ này du nhập vào
Trung Hoa, Lương Vũ Đế là vị vua đầu tiên xuất gia và cũng là người đầu tiên cúng Vu
lan bồn vào năm 538. Lễ cúng diễn ra tại chùa Đồng Thái tỉnh Giang Tô. Sau đó lễ này
được truyền khắp Trung Hoa. Theo Đại Việt sử Ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, lễ Vu lan
bồn du nhập vào nước ta rất sớm. Từ năm 1072, vua Lý Nhân Tông đã từng thiết trai đàn
cầu siêu cho cha mẹ. Thế rồi, qua thời gian, Vu Lan bồn dần dần trở thành đại lễ cho đến
ngày nay.6

2. Trình tự nghi thức


Quy trình này được sử dụng trong lễ cúng kỳ siêu bạt độ 7. Nghi thức Chẩn Tế cô hồn
ờ Việt Nam gồm 3 loại: Đại khoa, Trung khoa và Tiểu Mông Sơn. Đại khoa còn gọi là
khoa Du già, khoa này thực hiện ít nhất 6 tiếngđồng hồ. Trung khoa là phần lược của Đại
khoa, nội dung khoa này gồm hai phần: Đàn thượng và Đàn hạ. Đàn thượng là nghi thức
nhập đàn, ấn chú, chân ngôn Đàn hạ chính là phần Thập loại cô hồn.
Lễ cúng chẩn tế có hai phần chính là phần mật pháp và hiển pháp. Mật pháp là phần
thuộc về các ấn chú và quán tưởng chủ yếu là tâm pháp không thể hiểu bằng trí thức

5
x.Toan Ánh, Nếp cũ Tín ngưỡng Việt Nam, Quyển thượng, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1992,
tr. 348 – 49
6
Vương Trung Hiếu, Tìm hiểu thuật ngữ Vu lan bồn, https://www.facebook.com/notes/vương-
trung-hiếu/tìm-hiểu-thuật-ngữ-vu-lan-bồn/364882626879992 (17/3/2012)
7
Kỳ siêu bạt độ: lễ kỳ siêu cho những linh hồn đang chịu khổ ở địa ngục, hay chết oan ức. do đó
trong lễ có lễ phá cửa địa ngục thay vì chỉ tụng thần chú phá ngục bình thường.
phân biệt được. Phần hiển pháp gồm các bài kinh chú, các hành động cử chỉ mà mọi
người có thể thấy và hiểu được. Sự gia giảm trong các đàn chú chủ yếu là ở phần hiển
pháp này; riêng phần tâm pháp thì tuyệt đối không được giảm. Thông thường một ban
kinh sư có 5 đến 7 vị như: Sám chủ (đàn chủ), Duy na(đánh chuông), Duyệt chúng (gõ
mõ giữ nhịp), Vĩ thuận và Vĩ nghịch (các kinh sư đánh đẩu), Phi chung (đánh chuông
lớn), Phi cổ (đánh trống lớn) và bốn Trung phan (các kinh sư tụng kinh, hòa án)
Nghi thức bắt đầu như sau: vị gia trì sư và quý vị Kinh Sư đã cung hành nghi thức
Tham Lễ Giác Hoàng (lễ Phật). Tham lễ xong, vị Gia Trì Sư và chư vị Kinh Sư đi trước,
các gia chủ và một số người cùng tổ chức đi theo sau ra ngoài đàn, đến trước án Tiêu
Diện, Địa Tạng, Ngũ Phương Phật để cung thỉnh chư Phật Bồ Tát chứng minh đàn tràng.
Tiếp theo đến Bàn Giác Hoa tiến hành nghi thức thỉnh vị Gia Trì Sư lên Bảo Tòa, thay
Phật để thuyết giới cho Âm Linh Cô Hồn. Sau khi lên bảo tòa, vị Gia Trì Sư lại phải kiết
ấn, niệm chú vào Sư Tử tòa, bảo tòa, màn song khai và chính tự thân trước khi ngồi kiết
già8 trên bảo tòa. Màn song khai mở ra, nghi thức chẩn tế bắt đầu: sái tịnh, cung thỉnh
chư Phật chư Bồ Tát chứng minh, thỉnh chư hương linh cùng đến tham dự, thỉnh 12 hạng
cô hồn. Tiếp theo là nhập Tiểu Mông Sơn để biến hóa thức ăn cho phù hợp và dư đủ cho
các loại cô hồn dùng. Kế đến là rưới nước cam lộ, vị Tả Chức nhận bình nước đã được
làm phép từ Sám chủ đi từ từ đến phía trước để rưới nước. Tại vị trí đó có nhiều Phật Tử
đã chuẩn bị sẵng vật dụng để hứng nước Cam lộ này. Sau là Hồi hướng công đức, cầu
cho tất cả chúng sanh an lành, sanh về cực lạc. Cuối cùng khi hạ đàn, chư tăng trở vào
nội đàn, đến Bàn Phật để làm Lễ Tạ Phật Hoàn Kinh, lễ đến đây hoàn mãn.
3. Nền tảng đạo lý

Các Phật tử quan niệm cuộc đời hiện tại không phải là kiếp sống duy nhất của mình
mà chỉ là một trong hàng trăm ngàn kiếp sống kế tục nhau như những mắt xích trong cả
một chuỗi xích dài vô tận. Đức Phật có dạy rằng: "…Thuở xưa từ đời quá khứ cách đây
rất xa chúng ta đã tạo ra nhân quả rồi. Những nhân quả ấy dồn dập như sóng biển, dẫu
cho trải qua bao nhiêu kiếp cũng không hề thất lạc. Đúng kỳ chúng hiện ra cho chúng ta
hoặc thưởng hoặc phạt tùy theo chúng ta đã làm lành hay làm dữ, làm phải hay làm
quấy. Về nhân quả báo ứng, ai làm nấy chịu, chẳng trốn tránh hay san sớt cho người

8
Ngồi chéo chân theo kiểu hoa sen
khác được..."(Soạn tập bá duyên kinh)9. Chuỗi nhân qủa không bao giờ chấm dứt. Vì thế,
con người chết đi để bắt đầu một cuộc sống mới, một kiếp khác. Cuộc sống mới này
mang hình thức nào tùy thuộc cái nghiệp đã gây ra trong kiếp trước. Ðó là luật luân hồi 10.
Theo luật này, không có một tội ác nào mà không phải đền, cũng không có một việc lành
nào mà không được bù đắp. Luân hồi có sáu nẻo, gọi là Lục Ðạo, tức sáu cảnh giới, sau
khi chết, con người sẽ phải đầu thai vào một cảnh giới trong đó tuỳ theo nghiệp lực đã
tạo trong quá khứ. Lục Ðạo gồm có: Thiên, Nhân, Atula, Ngạ qủy, Súc sinh, và Địa
ngục.11Các cảnh giới này sẽ được trình bày rõ trong phần thanh luyện theo quan điểm
Phật giáo (Xem phần nhận định và so sánh III/2/b)

Vì bị chi phối bởi luật vô thường 12nên không có ai cứu được ai, quan niệm này ngược
lại niềm tin Thiên Chúa giáo khi tin rằng Thiên Chúa là Đấng giải thoát cho mọi người.
Phật giáo không tin vào một đấng toàn năng có thể cứu linh hồn sinh linh nên phải ở mãi
trong một cảnh giới nào. Do đó, sinh linh cứ tái sinh, cứ bị trôi lăn trong lục đạo đó mãi.
Chỉ có những con người biết tu tập trí tuệ để giác ngộ được con đường giải thoát mới ra
khỏi vòng lẩn quẩn đó.

Điều khác biệt với niềm tin Thiên Chúa giáo của các Phật tử là họ không quan niệm
về một Ðấng Sáng Tạo điều khiển và chi phối mọi sự, bao gồm việc thưởng công các
linh hồn trên Thiên đàng hay luận phạt vào Hỏa ngục. Tất cả đều xảy ra theo quy luật của
vũ trụ. Một người bị rơi vào địa ngục hay đầu thai vào cảnh giới nào hoàn toàn không do
một Ðấng Tối Cao nào phán xét và định đoạt cả. Chẳng hạn một người ích kỷ bị mọi

9
x. Tâm Bình, Luật nhân quả, http://www.quangduc.com/coban/55luatnhanqua-tb.html
10
Luật luân hồi: theo Hòa thượng Thích Thanh Từ, Luân hồi là xoay vần, cứ mãi đảo lên lộn
xuống xoay vần trong khuôn khổ cố định. Mọi sự đổi thay biến chuyển không đứng yên một vị trí nào.
Chúng luôn luôn xê dịch biến thiên từ trạng thái này sang trạng thái khác, từ hình tướng này sang hình
tướng khác.
11
x. Nguyễn Chính Kết, Quan niệm Phật giáo về cái chết, chương 7, Tủ sách Dũng Lạc

12
Luật vô thường: theo lời dạy của Đức Phật: "Tất cả những gì thế gian đã là biến đổi, hư hoại,
đều vô thường“. Vậy thì vô thường nghĩa là không thường, không mãi mãi ở yên trong một trạng thái nhất
định; luôn luôn thay đổi hình đổi dạng; đi từ trạng thái hình thành đến biến đi rồi tan rã…Đạo Phật gọi là
những giai đoạn thay đổi của một vật là: thành, trụ, hoại, không (hay sanh, trụ, dị, diệt). Tất cả sự vật trong
vũ trụ, từ nhỏ như hạt cát, đến lớn như trăng sao, đều phải tuân theo bốn giai đoạn ấy cả, nên gọi là vô
thường. (x. Hoằng Pháp, “Vô Thường”, http://www.truclamyentu.info/tlls_
tutuongcuaphatgiao/vothuong.htm)
người ghét, trong khi một người vui vẻ được nhiều người thương. Ðó là luật nhân quả tác
động một cách khách quan như bao định luật khác. Vì thế việc siêu độ cho người chết
cũng chỉ dựa vào luật nhân quả mà cứu, chứ không cầu khẩn ai được. Trong sự tích Vu
lan, mẹ của Mục Kiền Liên được cứu là nhờ sức mạnh chú nguyện của các vị cao tăng,
giúp vong linh của bà chuyển từ tâm địa độc ác thành tâm địa tốt lành. Khi tâm thay đổi
thì sướng khổ cũng thay đổi theo, như câu: "Tội tuỳ tâm sinh, tội tùng tâm diệt" hay "khổ
tuỳ tâm sinh, khổ tùng tâm diệt" trong giáo lý nhà Phật.

4. Ý nghĩa

Lễ Vu lan là dịp rất thuận tiện để người sống giúp đỡ người chết. Đặc biệt, đây là dịp
để con cháu thể hiện lòng hiếu thảo với các đấng sinh thành đã khuất. Trong ngày lễ Vu
lan, các Phật tử lên chùa thắp hương, tụng kinh, dâng lễ vật để cầu nguyện cho vong linh
tổ tiên khỏi kiếp đọa đày. Lễ vật dâng lên gồm thượng vị ẩm thực, được an trí nơi một
cái chậu (hay đồ đựng) để cúng dường chư Tăng trong mười phương13. Trong ngày này,
tại gia, con cháu còn sắm lễ vật để cúng tổ tiên tại bàn thờ gia tiên trong gia đình.

Tuy nhiên, ý nghĩa cao đẹp của đạo hiếu qua lễ Vu lan không dừng lại ở ranh giới
tôn giáo. Trái lại, tinh thần hiếu đạo của ngày lễ này đã và đang không ngừng vươn ra,
hội nhập, giao thoa với đạo hiếu truyền thống của dân tộc Việt Nam, và làm phong phú
hơn đạo hiếu của dân tộc. Quả thế, từ khi đạo Phật được du nhập vào đời sống văn hóa
nước ta thì lễ Vu lan của đạo Phật, qua thời gian, đã trở thành lễ hội truyền thống của dân
tộc. Bởi thế, dân gian mới có câu:

“Rằm tháng Giêng ai siêng thì quảy,

Rằm tháng Bảy người quảy khắp nơi”,

hay

"Tháng sáu buôn nhãn bán trâm,

Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân",

13
Theo Hòa thượng Tuyên Hóa, sở dĩ dùng chậu hay đồ đựng có dung tích lớn là muốn ám chỉ
rằng tất cả đồ cúng dường là dành cho tập thể Tăng đoàn chớ không dành riêng cho vị Tăng đặc biệt nào.
Tất cả đồ vật cúng dường ấy sẽ được phân phối đồng đều cho tất cả Tăng Ni.
"Dù ai buôn bán đâu đâu,

Cứ rằm tháng bảy mưa Ngâu là về".

Suy cho cùng, cội rễ của lễ Vu lan được xuất phát từ tình người, từ tâm hiếu đạo:
“Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”, và "hiếu là hạnh đứng đầu muôn
hạnh"14. Trong Kinh Nhẫn nhục, Đức Phật còn dạy: "Thiện cùng cực không gì hơn hiếu;
ác cùng cực không gì hơn bất hiếu". Như vậy, qua việc đưa giáo lý đạo hiếu và lòng biết
ơn của đạo Phật vào lòng dân tộc Việt Nam, đạo Phật đã gặp gỡ và dung hòa với đạo
hiếu vốn tiềm tàng sẵn trong tâm thức người Việt Nam. Hơn thế nữa, “những giáo huấn
của Phật giáo về đạo hiếu còn làm cho lòng hiếu thảo của người Việt Nam trở nên sâu
sắc, vững chắc hơn, bám rễ sâu vào trong văn hóa Việt Nam hơn”. Qua lễ hội Vu lan,
nhịp cầu yêu thương được bắc từ đời này với đời kia, giữa người sống với người chết,
giữa con cháu với tổ tiên trong dòng sống tương tục. Đúng như văn chương dân gian
truyền tụng:

“Cha già là Phật Thích Ca,

Mẹ già như thể Phật bà Quan Âm

Nhớ ngày Xá tội vong nhân

Lên chùa lễ Phật đền ơn sinh thành”.

Tuy Phật giáo và Thiên Chúa giáo có nhiều khác biệt về giáo lý và tư tưởng; một
bên tin rằng có một Thiên Chúa toàn năng, Ðấng Sáng Tạo điều khiển và chi phối mọi
sự, bao gồm việc thưởng công các linh hồn trên Thiên đàng hay luận phạt vào Hỏa ngục.
Một bên tin rằng chẳng ai cứu được ai, tất cả đều xảy ra theo quy luật của vũ trụ. Cứu
được mình hay không là do tâm mình thiện hay ác; khi tâm thay đổi thì sướng khổ cũng
thay đổi theo, như câu: "Tội tuỳ tâm sinh, tội tùng tâm diệt" hay "khổ tuỳ tâm sinh, khổ
tùng tâm diệt" đã nói ở trên. Tuy thế tinh thần đạo hiếu giữa hai tôn giáo thì rất gần gũi
với nhau. Phật giáo có lễ Vu lan, Thiên Chúa giáo cũng có lễ “Vu lan”, tức là Lễ các
đẳng linh hồn (2/11), hay lễ Mồng hai Tết cổ truyền, đây là các lễ cầu cho linh hồn cách
đặc biệt, nhất là linh hồn tổ tiên. Trong giáo lý của Thiên Chúa giáo, đạo hiếu là một
trong những giới răn đứng đầu. Thật vậy, đạo hiếu nằm ngay trong thập giới (mười điều

14
Lời dạy của Đức Phật trong Kinh Báo Hiếu Trọng Ân của Cha Mẹ
răn), là căn bản của luật luân lý Kitô giáo. Thập giới của Kitô giáo được chia làm hai
nhóm: ba giới đầu liên quan đến Thiên Chúa, bảy giới sau liên quan đến tha nhân. Giới
thứ tư: “Hãy trọng kính cha mẹ ngươi, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên
Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20, 12), là giới đứng đầu nhóm sau. Bên cạnh đó,
trong các bản văn Kinh Thánh, Cựu Ước cũng như Tân Ước, có rất nhiều câu hay đoạn
văn khuyến khích lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, nhất là trong sách Châm
Ngôn và Huấn Ca. Chẳng hạn, trong sách Huấn ca:

“Hết lòng tôn trọng cha con;

Và đừng quên những cơn đau đớn của mẹ.

Hãy nhớ rằng nhờ họ, con đã sinh ra:

Làm sao con báo đền được điều họ cho con?”

(Hc 7,27-28)

hay

“Hỡi các con hãy nghe cha đây,

Hãy xử sự sao để được độ sinh.

Vì Chúa đặt vinh quang cha trên con cái,

quyền lợi mẹ, Ngài củng cố nơi đàn con.

Kẻ tôn kính cha thì bù đắp lỗi lầm.

Và trọng kính mẹ khác gì tích trữ kho tàng.

Kẻ tôn kính cha sẽ hoan lạc nơi con cái,

khi khẩn nguyện, sẽ được nhậm lời.

Kẻ tôn vinh cha sẽ được trường thọ,

Người an ủi mẹ sẽ được công nơi Chúa.”

(Hc 16,1-3)

Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn,


Kẻ khinh rể mẹ, chọc giận Đấng tạo thành ra nó”.

(Hc 16,16)

Như vậy, có thể nói, đạo hiếu là một trong những điểm quan trọng để Phật giáo và
Công giáo có thể gặp nhau và tạo nền tảng cho sự đối thoại giữa hai tôn giáo. Đây là một
trong những điểm chung khá hiếm hoi trong giáo lý và đời sống tín ngưỡng giữa hai tôn
giáo, tuy mục đích hay cứu cánh của cả hai thì giống nhau, cùng hướng tới sự giải thoát
và hạnh phúc đời này và đời sau. Điều quan trọng là, dù Phật giáo hay Công giáo, là
người Việt Nam, ai cũng mang trong mình tinh thần đạo hiếu tốt đẹp của dân tộc. Khi đã
có điểm tương đồng, sự đến gần nhau cũng trở nên dễ dàng hơn. Cụ thể, người Công
giáo có thể học hỏi tinh thần đạo hiếu của Phật giáo và các Phật tử cũng có thể học hỏi
tinh thần đạo hiếu của người Công giáo. Thực tế hơn, trong những dịp Vu lan, giáo hội
Công giáo Việt Nam cũng nên dâng lễ để cầu nguyện đặc biệt cho các linh hồn, trong đó
có linh hồn tiên nhân của các Phật tử và cho các thế hệ cha anh của dân tộc Việt nam.
Ngược lại, trong dịp tháng 11, các Phật tử cũng hiệp thông với giáo hội Công giáo để cầu
nguyện cho các linh hồn được giải thoát. Thậm chí hai bên còn có thể ngồi lại bên nhau
để chia sẻ cảm nghỉ, những kinh nghiệm thiêng liêng từ những dịp Vu lan hay dịp lễ
tháng 11 trong Công giáo. Đó là cơ sở để tiến xa hơn trong sự đối thoại tôn giáo. Bởi lẽ,
quá trình đối thoại tôn giáo cần phải có sự hiểu biết lẫn nhau cách khách quan, cả về con
người cũng như giáo lý, hơn nữa cần có thái độ tôn trọng và khát khao truy tìm chân lý.

Bên cạnh đó, Công giáo và Phật giáo là hai tôn giáo lớn ở nước ta, trải qua thời gian
đã có nhiều ảnh hưởng trên đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc. Những đòi hỏi về lối
sống từ bi hỷ xả trong Phật giáo hay yêu thương bác ái trong Công giáo rất gần gủi với
đạo lý “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của người Việt. Không những thế,
đạo từ bi và đạo yêu thương còn góp phần làm phong phú và sâu rộng hơn cho đạo lý
thương yêu của dân tộc qua những đường hướng cụ thể theo tinh thần tôn giáo. Như vậy,
sự hiệp nhất với nhau, sự tôn trọng thâm sâu những giá trị đạo đức, nhân văn, và nhất là
tôn trọng lẫn nhau qua nhịp cầu đối thoại tôn giáo, chắc chắn sẽ là khởi điểm của một sức
mạnh tổng hợp về lòng yêu thương, hỷ xả thấm vào nếp sống của dân tộc ta. Phải thừa
nhận rằng, đây đó khắp nơi, trong nhiều bộ phận dân ta, đang có dấu hiệu đạo đức xuống
cấp. Tệ nạn, bạo lực, giết người ngày càng nhiều, và mức độ nghiêm trọng của chúng
ngày càng tăng. Nếu các Phật tử và các Ki-tô hữu trở thành bằng chứng về một lối sống
cao đẹp, vị tha và hạnh phúc thì ít nhiều họ cũng đem lại niềm tin cho người thất vọng,
đem yêu thương thay cho lòng thù hận, đem sự nhẫn nại, khiêm tốn thay cho bốc đồng,
kiêu ngạo - vốn là những nhân tố làm nên gây gỗ và bạo lực. Hơn nữa, nếu các giá trị đạo
đức vượt qua ranh giới nhà chùa và nhà thờ để đến với lòng người, nơi gia đình, nơi
trường học, nơi phố chợ, thì mầm mống của bạo lực và sự thiếu đạo đức sẽ được giảm đi
đáng kể, và thay vào đó là mầm non của những con người đức hạnh và có tâm huyết với
đời.

III. So Sánh và Nhận Định


1. Quan niệm của Kitô giáo
a. Số phận đời sau

Người Kitô hữu tin rằng con người chỉ có hai đời sống: đời này và đời sau. Đời
này ngắn ngủi, hữu hạn, còn đời sau vĩnh cửu, vô hạn. Nhưng số phận của đời sau -
hạnh phúc hay đau khổ lại hoàn toàn tùy thuộc vào cách sống của con người trong
cuộc đời ngắn ngủi này, nhất là vào tình trạng tâm hồn trong giây phút cuối cùng của
cuộc đời. Người nào khi chết vẫn có ân nghĩa với Thiên Chúa sẽ được hưởng hạnh
phúc vĩnh cửu bên Ngài. Người nào chết trong trong tình trạng thù nghịch với Ngài,
tức mắc tội trọng, thì bị phạt đời đời xa cách Ngài là nguồn hạnh phúc của mình.

b. Sự thanh luyện

Kiếp sống tạm là thời gian hạn định Chúa ban cho con người tự do, dùng tự do để
làm lành lánh dữ, tạo cho chính mình nên tốt hay thành xấu. Qua thời gian hạn định
thì con người không còn khả năng kiến tạo con người của mình nữa mà chỉ còn phải
đón nhận án lịnh của Chúa. Án lịnh của Chúa thế nào? Lành thánh được thưởng trên
Thiên đàng; còn tội ác thì phạt vào hoả ngục; còn ai không lành hẳn, còn nhiều khiếm
khuyết thì Chúa đặt vào một nơi mà chúng ta thường gọi là Luyện ngục. Thiên đàng,
luyện ngục, và cộng đoàn tín hữu ở trần gian, ba nơi đó mỗi người đều có mối dây
liên kết với nhau nên một Nhiệm Thể, sống liên kết nên một Nhiệm Thể. Chúng ta
gọi là sống hiệp thông. Hiệp thông, nghĩa là mọi thành phần ở thiên đàng, nơi luyện
ngục và mọi tín hữu nơi cõi trần đều chung nhau tôn thờ, ca tụng Chúa. Đối với
người còn nơi trần thế, cùng nhau van xin cho biết dùng ơn Chúa, dùng tự do, thích
dụng thời gian để được nên thánh. Còn đối với các đẳng, giờ chết là thời gian hạn
định đã hết, không còn khả năng lập công đền tội cho mình nữa. Do đó, xem ra phải
nhớ và cầu nguyện cho các đẳng nhiều hơn. Vì để xứng đáng thấy Thiên Chúa, xứng
đáng kết hiệp với Ngài, Đấng tuyệt đối hoàn hảo, và để hưởng hạnh phúc đời đời,
con người cũng phải trở nên hoàn hảo, trong trắng như Chúa Giêsu đã nói: “Các con
hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Đấng hoàn hảo” (Mt 5, 48), “Nếu sự
công chính của các con không vượt hơn những người Pharisiêu, các con không được
vào Nước Trời” (Mt 5, 20), “Phúc cho những tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ thấy
Thiên Chúa” (Mt 5, 8). Hạnh phúc vĩnh cửu đòi hỏi gắt gao như thế thì dù những
người thánh thiện nhất cũng không đạt được vì “nhân vô thập toàn”. Do đó, để xứng
đáng vào Nước Trời, để đạt được tình trạng hoàn hảo trên, con người cần phải được
thanh luyện một thời gian trước khi vào.

Mục đích của việc thanh luyện là làm cho linh hồn trở nên hoàn hảo, hoàn toàn vị
tha, đầy tình thương, không còn một chút tâm địa ích kỷ, độc ác, tham lam nào nữa.
Thiên Đàng đòi hỏi một sự hoàn hảo như thế thật là hợp lý, vì đó là một nơi hoàn
toàn hạnh phúc, hoàn toàn thánh thiện, là nơi chúng ta sẽ trở về để hưởng hạnh phúc
muôn đời. Không cần phải xét về phía Thiên Chúa, mà ngay chính chúng ta cũng đòi
hỏi điều đó.

Thật vậy, thử hỏi khi trở về nơi lý tưởng đó để hưởng hạnh phúc, ta có thể hoàn
toàn hạnh phúc khi phải sống chung với thân nhân, bạn bè với những tính nết xấu
như họ đang có bây giờ không? Nếu họ còn ích kỷ, còn ác ý, còn lãnh đạm, còn hẹp
hòi, còn hay nghĩ xấu cho người khác, dù chỉ một chút xíu, thì họ có thể hoàn toàn
hạnh phúc và làm cho ta và những người chung quanh họ cũng hoàn toàn hạnh phúc
cho đến đời đời mà không hề gây ra một chút đau khổ nào không? Bản thân ta cũng
vậy, ta sẽ còn đau khổ và còn làm người khác đau khổ nếu ta còn một chút xấu xa,
ích kỷ, độc ác. Nếu chưa hoàn hảo mà đã sống ở Thiên Đàng thì ta sẽ làm ô nhiễm
cái hạnh phúc tinh tuyền không vương chút đau khổ của Thiên Đàng rồi, và như thế
sẽ biến Thiên Đàng trở thành một cái gì không còn là Thiên Đàng nữa. Do đó, Thiên
Đàng đòi hỏi những người bước vào phải hoàn toàn trong sạch, tốt lành, nếu còn chút
gì xấu xa thì phải thanh luyện cho hết.
Thông thường trong tình trạng thanh luyện, người ta hay nghĩ tới đau khổ của các
linh hồn đang trông chờ ngày gặp mặt Chúa mà không lưu tâm tới tình trạng tích cực
của họ. Cần phải thay đổi lối suy nghĩ cho phù hợp là chắc chắn các linh hồn ấy có
một hạnh phúc rất lớn, rất căn bản là biết chắc chắn mình được cứu rỗi, được Thiên
Chúa yêu thương. Đồng thời họ mến Chúa hết sức vì không còn gì trở ngại lòng yêu
mến ấy nữa, và họ cũng ý thức được sự cần thiết của việc thanh luyện này, nên họ
sẵn sàng và ước ao chịu mọi khổ hình để sớm gặp Chúa. Lúc đó, khổ hình đối với họ
không còn là khổ nữa tương tự như một thí sinh sẵn sàng chấp nhận mọi cực nhọc,
mệt mỏi của việc học để chuẩn bị một kỳ thi với hy vọng sẽ có một tương lai huy
hoàng. Việc thanh luyện vì thế trở thành tự nguyện. Họ sung sướng vì được thanh
luyện, được khổ vì Chúa, vì tình yêu.

c. Việc độ vong

Thời gian thanh luyện lâu hay mau chắc chắn tùy thuộc vào tình trạng hay mức
độ hoàn hảo của mỗi linh hồn, và vào tình thương can thiệp của Chúa. Các tín hữu
còn sống có thể giúp các linh hồn được thanh luyện theo những điều kiện nhất định,
đó là một tín điều trong hội thánh Công Giáo. Công Đồng Trentê định tín lễ Misa có
thể được dâng lên để cầu nguyện cho người sống và kẻ chết, cho họ được tha tội, tha
hình phạt, cho việc đền tội và cho những nhu cầu khác, đặc biệt cho những người
chết trong Đức Kitô đang được tinh luyện. Ngoài lễ Misa, các tín hữu còn có những
hình thức độ vong khác như cầu nguyện, bố thí và làm các việc đạo đức. Người còn
sống có thể đền tội thay cho họ bằng những hy sinh hãm mình, chấp nhận những đau
khổ hy sinh một cách vui vẻ, vì một chi thể có thể đền tội thay cho một chi thể khác
trong cùng một thân thể. Vả lại, tội không chỉ có tính cách cá nhân mà còn có tính xã
hội, sự liên đới chịu trách nhiệm. Đương nhiên, tín hữu còn sống càng trong sạch
thánh thiện bao nhiêu thì khả năng độ vong càng hữu hiệu bấy nhiêu. Theo niềm tin
Công giáo, mọi việc độ vong đều phải qua tay Thiên Chúa chứ không trực tiếp ảnh
hưởng tới các linh hồn. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn luôn luôn tự do, sự độ vong của
con người không phải là một pháp thuật có sức ép buộc Thiên Chúa phải tha cho các
linh hồn theo ý họ hay ảnh hưởng tới Thiên Chúa một cách máy móc, tự động theo
những định luật, nhưng là do tình yêu nhân hậu của Ngài.
Việc độ vong trong Giáo Hội bắt nguồn từ việc làm của Giuđa Macabêô theo
như đoạn Kinh Thánh trong (2 Mcb 12, 40-60)15. Thời đó, sau một trận đánh, có một
số binh sĩ Do Thái tử trận. Khi lục soát các tử thi, người ta tìm ra dưới áo họ ẩn dấu
các đồ vật để cúng tế các thần ngoại lai mà luật cấm. Người Do Thái tin rằng tuy họ
chết đi khi mang tội đó, nhưng họ vẫn được cứu rỗi. Họ cầu nguyện để xin Chúa tha
tội cho những người ấy. Rồi họ quyên góp 2.000 quan tiền nhờ Giuđa gửi lên
Giêrusalem để tế lễ chuộc tội. Bản văn khen ông: “Đó là việc làm rất tốt lành và có
giá trị cao quí do tin vào việc sống lại, vì nếu không tin vào sự sống lại thì cầu
nguyện cho người chết là uổng công vô ích. Nếu ông nghĩ tới phần thưởng dành cho
họ thì quả là tư tưởng lành thánh và đạo đức. Vì thế, ông đã dâng lễ xá tội để người
quá cố được tha thứ tội lỗi”.

2. Quan niệm của Phật giáo

a. Số phận đời sau

Trước hết, người Phật tử quan niệm cuộc đời hiện tại không phải là kiếp sống duy
nhất của mình, mà chỉ là một trong hàng trăm ngàn kiếp sống kế tục nhau như những
mắt xích trong cả một chuỗi xích dài vô tận. Kiếp hiện tại là kết quả của kiếp quá khứ
mà cũng là nhân cho kiếp tương lai. Nghĩa là nếu kiếp này mình làm lành thì kiếp sau
gặp hiền, làm ác thì kiếp sau gặp dữ. Bất cứ một động tĩnh nào trong tư tưởng, lời
nói, hay việc làm xảy ra nơi con người, đều có nguyên nhân trong quá khứ và đều
gây ra hậu quả trong tương lai. Đó là luật nhân quả. Chuỗi nhân quả không bao giờ
chấm dứt; vì thế con người chết đi để bắt đầu một cuộc sống mới, một kiếp khác.
Cuộc sống mới này mang hình thức nào tùy thuộc cái nghiệp đã gây ra trong những
kiếp trước. Đó là luật luân hồi.

b. Sự thanh luyện

Không giống niềm tin Kitô giáo chỉ có hai đời, niềm tin của Phật giáo sẽ có nhiều
kiếp nên sẽ luân hồi có sáu nẻo, gọi là lục đạo, tức sáu cảnh giới, sau khi chết, con
người sẽ phải đầu thai vào một cảnh giới trong đó. Lục đạo gồm có: Thiên, Nhân,
Atula, Ngạ quỉ, Súc sinh, Địa ngục (xếp theo mức độ từ sướng tới khổ).

15
Sách Macabê quyển 2, chương 12 câu 40-60
- Thiên: cảnh giới của loài “thiên thần” tốt lành, vô hình đối với con người, vì
mang thân xác vi tế hơn con người, sống trong những điều kiện dễ dàng hạnh
phúc hơn, đời sống cũng lâu dài hơn con người rất nhiều.

- Nhân: cảnh giới của con người, điều kiện sống khó khăn hơn, nhưng lại là
cảnh giới thuận tiện nhất để tu giải thoát, nhờ có sự quân bình tương đối giữa
sướng và khổ.

- Atula: cảnh giới của một loài “thiên thần xấu”, là những sinh linh nhiều tham
vọng, ham quyền lực, kiêu căng, ghen ghét, ganh tị, v.v… nên thường xuyên
có chiến tranh, và những đau khổ thiên về tinh thần. Họ cũng vô hình dưới
mắt con người tương tự như những sinh linh trong cảnh Thiên, nhưng họ phải
chịu nhiều đau khổ.

- Ngạ quỉ: cảnh giới của những sinh linh tham lam vật chất, của cải, tiền bạc,
lạc thú vật chất như ăn uống, nhục dục… Lúc nào họ cũng khao khát những
thứ đó mà không bao giờ được thỏa mãn, khiến họ luôn luôn khổ đau. Họ
cũng là những sinh linh vô hình dưới mắt con người.

- Súc sinh: cảnh giới của loài vật mà chúng ta vẫn thấy: thú vật, chim chóc,
cá… ít hiểu biết, kém ý thức. Đời sống thấp kém, hầu như không có đời sống
tinh thần. Thường xuyên sống trong sợ hãi, có thể bị thú khác hoặc bị người
giết ăn thịt, hoặc có thể bị thúc đẩy đi giết các thú khác. Tất cả đều sợ đói.

- Địa ngục: Cảnh giới của những sinh linh độc ác, hận thù, ích kỷ, ghen ghét,
hay giận dữ, hay gây đau khổ cho người khác. Họ cũng vô hình dưới mắt con
người. Họ phải chịu những cực hình rất đau đớn, khắc nghiệt. Đời sống trong
các địa ngục dài hay ngắn tùy theo từng địa ngục khác nhau, tùy theo sự trầm
trọng của điều xấu họ đã làm cho người khác.

Tất cả các cảnh giới trên đều bị chi phối bởi “luật vô thường”, nên không có ai cứ
được hay phải ở mãi trong một cảnh giới nào, vì không có một điều phúc đức nào vô
cùng để đáng thưởng đời đời, mà cũng không có một tội ác nào vô cùng để đáng bị
phạt đời đời cả. Do đó, sinh linh cứ tái sinh, cứ bị trôi lăn trong lục đạo đó mãi. Đây
chính là điểm khác biệt so với niềm tin Công Giáo. Người Phất giáo tin rằng chỉ có
những con người biết tu tập trí tuệ để giác ngộ được con đường giải thoát mới ra khỏi
cái vòng lẩn quẩn đó. Và như thế là tư mình giái thoát mình.

Trong lục đạo, chỉ có hai cảnh giới được coi là sướng, là cảnh giới “thiên” và
“nhân”, nhưng cảnh giới nhân là quí hơn cả. Xét về hạnh phúc thì cảnh giới thiên có
nhiều điều kiện thuận lợi hơn, nhưng chính vì thế, mà họ bị ru ngủ không muốn đi
tìm sự giải thoát thật sự, để rồi khi họ hưởng hết phúc lành, thì họ lại rơi vào một
cảnh giới khổ hơn. Các atula thì tâm trí bị thu hút vào việc tranh cãi và hơn thua. Các
ngạ quỉ thì quan tâm đến những thèm khát không được thỏa mãn. Súc sinh thì u mê
chỉ nghĩ đến thức ăn và thỏa mãn tính dục. Còn sinh linh ở địa ngục thì bị hành khổ
đủ cách nên không có đầu óc đâu mà nghĩ đến đạo giải thoát. Chỉ có con người sướng
khổ tương đối quân bình, nên có nhiều điều kiện thuận lợi để phát tâm đi tìm con
đường giải thoát. Chỉ có con người là có nhiều tự do quyết định hơn cả, có đầu óc
sáng suốt hơn cả để có thể đạt tới trí tuệ giải thoát. Nên trong lục đạo, chỉ có con
người là có nhiều cơ may, nhiều khả năng để thành Phật nhất. Do đó, theo Đức Phật,
được làm người là cả một cơ hội quí báu, không nên uổng phí.

c. Việc độ vong

Trong Phật giáo, không có chỗ đứng cho một Thiên Chúa sáng tạo, một Thiên
Chúa điều khiển và chi phối mọi sự. Tất cả đều xảy ra theo qui luật của vũ trụ. Một
người bị rơi vào địa ngục hay đầu thai vào cảnh giới nào hoàn toàn không do một
Đấng Tối Cao nào phán xét và định đoạt cả. Cũng y như một người sử dụng dao
không khéo bị đứt tay, hay một người ích kỷ bị mọi người ghét, một người vui vẻ
được nhiều người thương. Đó là luật nhân quả tác động một cách khách quan như
bao định luật khác. Việc độ vong cũng chỉ dựa vào định luật mà cứu, chứ không cầu
khẩn ai được cả.

Quan niệm của người Phật tử về việc độ vong căn cứ trên câu chuyện trong kinh
Vu Lan khi Mục Kiền Liên được Đức Phật chỉ dạy cách cứu mẹ mình thoát khỏi kiếp
ngạ quỷ. Theo lời Phật dạy ông mời những vị cao tăng vừa “an cư kiết hạ” suốt ba
tháng xong tới chú nguyện để vong linh mẹ ông chuyển tâm địa độc ác thành tâm địa
lành, tức là cũng chỉ mong cho bà tự cứu bà khi bà đổi tâm chứ việc độ chú cũng
không trực tiếp cứu được bà; nhờ đổi tâm mà thoát khỏi kiếp ngạ quỉ, sinh vào cảnh
giới hạnh phúc hơn.

Như thế Phật đã áp dụng tới sức mạnh của sự chú nguyện của rất nhiều người có
năng lực tinh thần rất mạnh (các cao tăng sau thời gian tinh tấn tu hành - ba tháng
“linh thao”) để tác động vào bản thân của Bà Thanh Đề khiến bà thay đổi tâm địa, từ
tâm ích kỷ bỏn xẻn độc ác, thành tâm vị tha quảng đại từ bi. Tâm thay đổi thì sướng
khổ cũng thay đổi theo như câu: “Tội tùy tâm sinh, tội tùng tâm diệ”, hay “Khổ tùy
tâm sinh, khổ tùng tâm diệt”. Nhờ vậy bà thoát khỏi cảnh giới ngạ quỷ sinh vào cảnh
giới lành, không có sự can thiệp của thần linh nào vào đây cả. Lễ Vu Lan cũng như
tháng 7 âm lịch là dịp để cho người Phật tử đặc biệt làm công việc cứu độ ấy bằng sự
chú nguyện, không những cho cha mẹ ông bà tổ tiên mình, mà còn cho nhiều người
khác nữa.

3. Sự đồng dị giữa hai quan niệm

a. Những điểm tương đồng

- Điểm căn bản nhất là cả hai tôn giáo đều cho rằng các tín đồ còn sống đều có thể
cứu độ những vong linh quá cố tuy bằng cách thức khác nhau.

- Những đau khổ sau khi chết đều là kết quả của những việc làm sai trái, không
hoàn hảo của đương sự khi còn sống. Vì điều thiện sinh quả lành là hạnh phúc,
điều dữ sinh quả dữ là đau khổ.

- Mỗi năm, cả hai tôn giáo đều có một ngày lễ đặc biệt để tưởng nhớ và cứu độ
người quá cố, thậm chí dành ra cả tháng để làm công việc này.

- Việc cầu nguyện của Kitô hữu, hay việc chú nguyện của Phật tử để độ vong có
hữu hiệu hay không thì tùy thuộc vào lòng thành tâm, sự trong sạch, thánh thiện
hay mức độ tu luyện tâm linh của tín hữu còn sống. Và nhiều người cùng họp
nhau cầu nguyện hay chú nguyện thì việc độ vong có kết quả hơn.

- Việc độ vong trong cả hai tôn giáo đều được coi là bổn phận của những người
còn sống, để tỏ lòng thảo hiếu đối với ông bà cha mẹ cũng như cửu huyền thất tổ,
để tỏ lòng biết ơn đối với các ân nhân, và lòng từ bi bác ái đối với những vong
linh khác, nhất là những vong linh mồ côi.
b. Những điểm dị biệt

- Theo Phật giáo, mọi việc lành dữ của con người đều gây ra những hậu quả tốt xấu
theo định luật tự nhiên trong vũ trụ, không có ai xét xử hay luận phạt cả. Còn theo
Kitô giáo, Thiên Chúa là Đấng xét xử mọi việc làm và thưởng phạt công bằng.
Như thế, một đằng chỉ có định luật tự nhiên tác động một cách máy móc, một
đằng là có Đấng cầm cân nảy mực.

- Kitô giáo quan niệm chỉ có hai đời, đời này và đời sau vĩnh cửu. Đối với những
người tốt lành nhưng chưa hoàn hảo thì còn một giai đoạn trung gian để chịu
những đau khổ thanh luyện. Việc độ vong chỉ nhắm đối tượng là những người
này, chứ không độ vong cho những người đã hưởng mặt Chúa hay vĩnh viễn phải
xa lìa Chúa. Còn Phật giáo quan niệm có vô số kiếp liên tục tiếp theo nhau, không
có giai đoạn trung gian. Trừ những người tu giải thoát hay thành Phật, tất cả mọi
người đều phải đầu thai lại vào một trong sáu nẻo của lục đạo. Việc độ vong chỉ
nhắm tới những người đang đau khổ từ kiếp người trở xuống. Không có một sinh
linh nào đáng thất vọng vì bị hư mất đời đời đến nỗi không độ vong được.

- Việc độ vong của Phật giáo là dùng sức mạnh tinh thần của việc chú nguyện để
ảnh hưởng trực tiếp tới tâm địa của những người đang bị đau khổ trong kiếp sau
của họ, hầu trợ thêm sức lực tâm linh cho họ để họ thay đổi tâm địa từ xấu thành
tốt. Nhờ vậy họ thay đổi được số phận. Như vậy cũng là áp dụng những định luật
tâm linh vốn tác động một cách máy móc để đạt mục đích. Người sống cũng có
thể nhờ những người khác có nhiều năng lực tinh thần hơn để chú nguyện thay
cho mình. Những người khác đó có thể là những người đang cùng sống với mình,
mà cũng có thể là những vị Phật hay Bồ Tát hoặc đang ở một cõi nào đó hoặc
đang hiện thân làm người đồng thời với mình. Việc cầu siêu chính là nhờ những
vị “thánh” ấy chú nguyện dùm. Còn người Kitô hữu dùng lời cầu nguyện, những
việc đạo đức, những việc thiện, sự hy sinh hãm mình, và nhất là dâng thánh lễ
hay xin lễ để cầu xin Thiên Chúa, hoặc gián tiếp nhờ các thánh cầu bầu cùng
Chúa, xin Thiên Chúa sẽ tác động tới các linh hồn đang thanh luyện cách nào đó
để họ trở nên hoàn hảo xứng đáng hưởng hạnh phúc bên Thiên Chúa.

4. Kết luận
Việc độ vong trong Công giáo giáo và Phật giáo có những nét tương đồng và dị biệt:
tương đồng ở những nét rất căn bản, còn khác biệt ở những nét phụ thuộc. Cả hai bên đều
tin tưởng rằng chết không phải là hết, mà là bước vào một cuộc sống khác. Cả hai đều
nói lên sự liên hệ giữa người sống và người chết. Người còn sống và người đã chết tuy
sống trong hai cảnh giới khác biệt, nhưng vẫn có thể lo lắng cho nhau, biểu lộ tình yêu
thương, sự quan tâm lẫn nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, làm lợi cho nhau.

Chính nhờ niềm tin ấy, mà trong tâm tư người còn sống, thì người đã chết dường như
vẫn sống, vẫn hiện diện một cách nào đó bên người sống. Vì thế, người còn sống nhiều
khi vẫn nói chuyện với người đã khuất, và tin tưởng rằng người đã khuất kia vẫn nghe
được lời của họ. Nhiều người chết đã lâu, cả hàng mấy chục năm, nhưng người sống vẫn
luôn luôn nhớ tới trong kinh nguyện, trong lời nguyện cầu. Nhờ vậy mà người chết vẫn
cứ sống mãi trong lòng người còn ở lại trần thế. Chính tình yêu giữa người sống và người
chết đã làm được như thế.

Với một tiểu luận rất giới hạn về nội dung, người viết xin dừng lại ở những điểm vừa
nêu trên. Chắc chắn sẽ còn nhiều điểm độc đáo giữa hai niềm tin tôn giáo trong việc báo
hiếu và độ vong cho những người đã khuất mà người viết chưa nêu ra được. Tuy nhiên
với những đóng góp nhỏ bé này, người viết mong rằng những ai hứng thú với đề tài này
sẽ có dịp đào sâu và tìm hiểu kỹ hơn nữa bằng những tài liệu quý giá và chính xác hơn;
giúp cho những ai muốn mở rộng sự hiểu biết của mình không chỉ có cái nhìn khái quát
mà còn nắm bắt được ý nghĩ sâu sa qua từng nghi lễ và cách thức thể hiện niềm tin giữa
các tín hững Công Giáo và các tín đồ Phật Giáo.

SÁCH THAM KHẢO:

- Kinh Thánh Tân Ước – Các Giờ Kinh Phụng Vụ - NXB TP HCM 1998

- Kinh Thánh Cựu Ước – Các Giờ Kinh Phụng Vụ - NXB TP HCM 1995
- Văn Hóa Tín Ngưỡng VN theo học giả L. Cadiere – Đỗ Thành Huệ - NXB Thuận Hóa

- Vấn đề Tôn Giáo Ở Nam Bộ dước cái nhìn cận đại – Đỗ Quang Hưng – NXB Thế Giới

- Đàn Tràng Chẩn Tế - Huỳnh Kim Quang – http://www. Quangduc.com

- Văn Hóa VN Tìm Tòi Suy Gẫm – Trần Quốc Vượng – NXB Văn Học Hà Nội

- Đạo Phật Trong Cộng Đồng Người Việt – Trần Hồng Liên – NXB Khoa Học XH

- Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo – Các Giờ Kinh Phụng Vụ Dịch – NXB Tôn Giáo

- Công Đồng Vaticano II – Hội Đồng Giám Mục Việt Nam – NXB Tôn Giáo

You might also like