Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 3

Bếp lửa

“ Sớm mai nắng tắt cùng bình minh thôi rạng


Đêm nay trăng tàn cùng tình bà cháu lửa than”.
Tôi thường ngồi bên hiên trọ những ngày lộng gió, bóng mặt trời chiều rót đầy
con phố nhỏ ở Liên Xô. Hôm nay lạnh hơn thường ngày, vì đông đến, những
bông tuyết đầu mùa cũng rơi, cái lạnh thấu xương của ngày đông giá rét ùa về
làm tôi không thôi nhớ về những ngày khói lửa hun nhèm mắt đắng ở quê nhà.
Nơi ấy có bà vẫn ngày ngày nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm, có bà nhóm niềm
yêu thương, khoai sắn ngọt bùi, nhóm đong đầy những tâm tình tuổi nhỏ mây
bay.
Tôi lớn lên trong những ngày bom đạn dội trên đầu, khói thuốc súng nhoen mờ
nền trời xanh và mùi khói bếp của bà hun nhèm mắt. Cha mẹ tôi ngày ấy phục
vụ cho Tổ quốc, cha đi từ những ngày tôi lên ba lên bốn, mẹ gửi con thơ ở lại
với bà, theo cha vào công tác ở miền Nam xa xôi. Trong tiềm thức của tôi đến
bây giờ, độc nhất là những ngày khói bếp nghi ngút mỗi sớm mai chưa kịp rạng,
bà thay cha thay mẹ thương yêu đứa cháu nhỏ non dại côi cút.
Nhớ ngày ấy tôi ngồi bo gối bên bếp lửa, trông ra ngoài nắng rót tràn đầy sân,
giữa buổi trưa hè oi ả, tiếng tu hú vọng đồng chiều, lòng không thôi trông ngóng
bà đi phiên chợ chưa về. Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi, làng tôi nghèo đất
cày lên sỏi đá, nhớ cảnh tượng thây chất đầy đồng, mẹ tìm con, vợ tìm chồng,
cả triền dốc lặng thinh nhuộm đầy màu nước mắt, lây lất hết thảy nỗi tang
thương. Tôi còn nhớ những bữa cơm gạo còn nguyên sạn kêu rang rắc, bữa cháo
nấu loãng húp lấy nước cho no bụng đầy.
Bếp lửa bà nhóm lúc ban mai vẫn chưa kịp rạng, ngọn lửa vẫn cháy bập bùng
như tình yêu quê hương đất nước. Bà là người cha, người mẹ, là người bạn lớn
gắn với tuổi thơ mịt mù khói lửa. Tôi ở cùng bà, bà bảo tôi nghe, bà dạy tôi làm,
bà chăm tôi học. Mùi khói bếp ám lại trên quần áo và da thịt, lại hun nhèm đôi
mắt nhòa cay. Đưa mắt ra phía xa có bóng ai lao xao trong gió, mấy tán lá tre
rợp khuất lối về,bà tôi nón lá đội trên đầu, đôi lưng khòm mà bước mau thật lẹ,
trông thấy bà tôi mừng rỡ, lo bà chưa về tôi lại mỏi mong. Tôi chạy lon ton
những bước chân trần, ngước đầu nhìn, thương bà trời trưa nắng, tần tảo sớm
hôm vì cháu nhỏ. Bà đưa tay vuốt mái tóc tôi rối lên bởi gió, dịu hiền bà thỏ thẻ
hỏi: “Bằng ở nhà có ngoan không?”. Tôi gật đầu “ Con ngoan lắm mà nhớ bà”.
Chiều tà bà lại nhóm bếp, tôi ngồi trông hoàng hôn xuống, mặt trời dạo quanh
một vòng chân đồi, trời ánh lên một màu hồng đỏ. Mặt trời là cái bếp lớn, còn
tia nắng là than hồng, nhìn qua lại giống màu bếp lửa của bà. Mỗi lần nhìn ngọn
lửa ấy, tôi biết bà không chỉ nhóm lửa cho cái bếp cũ, mà còn nhóm lên trong
lòng tôi một ngọn lửa yêu thương da diết khi tôi thiếu đi tình thương của cha
mẹ. Vẫn nghe tiếng tu hú kêu, da diết quá, âm thanh của miền quê này, ngày hè
đưa thoi. Tám năm ròng tôi cùng bà nhóm bếp, thương con tu hú cứ mãi vọng
những lời khắc khoải trông mong, nghe sao mà cô liêu quạnh quẽ khôn nguôi.
May mắn thay tôi còn có bà, nếu không chắc tôi cũng như con tu hú ấy, mãi kêu
lên những tiếng vọng đồng chiều thiết tha.
Nhớ những ngày cách mạng gian truân, bà kể tôi nghe câu chuyện về một ngày
mai hòa bình, về cha mẹ ở chiến khu xa lắm, về những người chiến sĩ dũng
cảm, về đất nhuốm máu đỏ, về nền trời sẽ xanh.
“Bằng, bà đã từng kể con nghe về một niềm tin rực lửa, như nắng vẫn mãi rạng,
như trăng viễn không tàn..ngọn lửa này sẽ bập bùng cháy mãi, như bà thương
con, như khát vọng sống mãi về một hòa bình..”
Tôi nằm trên chõng tre ngắm trăng qua khung cửa sổ, bỗng nghe có tiếng bom
rơi trên đầu. Tôi nghe có tiếng súng vọng lại, mọi ngóc ngách bừng lên một màu
lửa, mùi khói nồng nặc vẩn lên đặc quánh, lan khắp không gian. Giặc đốt làng,
cháy tàn cháy rụi, hàng xóm bốn bên trở nên lầm lụi. Sao mà khổ! Khổ cho
những bà mẹ đợ con đàu thóc cầm hơi, chỉ dám mong sao người chồng vẫn bình
an vô sự nơi chiến trường. Nghĩ lại tới giờ, sống mũi còn cay, khi ấy trong đầu
tôi hiện lên một suy nghĩ “ Vẫn một màu lửa nhưng mùi khói này có lẽ không
hun nhèm mắt đắng, nó hun nhèm những sinh mạng”. Những tiếng chân huỳnh
huỵch rảo xung quanh kèm mùi thuốc súng cũng xa dần, tôi đỡ đần bà, dựng lại
túp lều tranh. Có chết cũng không quên vô vàn tiếng gào thét đau đớn, thoang
thoáng là những tràn cười man rợn của lũ cướp nước. Tuổi thơ tôi khổ cực là
thế, thiếu thốn vô ngần, duy chỉ tình thương của bà vẫn đong đầy thế kia.
Nay tôi đã là một sinh viên ngành Luật ở Liên Xô xa xôi, ở đất khách mà mãi
nhớ quê nhà, tôi cứ nhớ về ngày còn bé. Tuổi thơ vun đầy bởi tình yêu của bà,
niềm tin chiến thắng máu lửa của nhân dân. Muôn trùng cách biệt, nào là ánh
điện cửa gương, nào là tòa buyn-đinh cao ngạo nghễ, có ngọn khói trăm tàu, có
lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả nhưng tôi vẫn nhớ cái vùng đất mặn phù sa
ngày thơ ấu, lam lũ cùng bà nhóm lên bếp lửa đỏ hồng thân yêu. Giá mà thời
gian đi chậm một chút, để tôi còn thời gian trở về bên bà sau những ngày tháng
tốt nghiệp phía trước. Khi ấy tôi sẽ lại cùng bà nhóm bếp, nghe bà kể về một đất
nước hòa bình, về nền trời xanh độc lập của non sông bạt ngàn.
Tuyết vẫn rơi, ngày càng nặng hạt. Tôi nhớ bà da diết, nhớ gia đình, nhớ bếp
lửa, nhớ cái chõng tre hay nằm ngắm trăng ngày nhỏ. Thời gian trôi đi thật
nhanh, mới đây tôi đã hơn hai mươi cái xuân xanh. Trải qua thời gian, tôi đã
trưởng thành, tìm đến với những con đường, chân trời mới, cuộc sống mới đã có
“khói trăm tàu, lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả” nhưng trong lòng tôi vẫn luôn
hiện hữu câu hỏi “sớm mai này bà nhóm lửa lên chưa” ? ngọn lửa của bà chính
là kỉ niệm tuổi thơ, tình bà cháu đã nuôi nấng tôi trưởng thành, hình ảnh đó sẽ
cháy mãi trong lòng tôi – ngọn lửa yêu thương của gia đình, yêu quê hương đất
nước. Mong mọi người sẽ luôn trân trọng từng khoảnh khắc bên gia đình bởi lẽ
đó là nơi tổ ấm duy nhất mà ta trở về sau những thăng trầm thành bại của cuộc
đời, là hanh phúc xa xỉ mà giản đơn của mỗi con người .

You might also like