Download as doc, pdf, or txt
Download as doc, pdf, or txt
You are on page 1of 5

Trường đại học Sư phạm Hà Nội

Khoa Ngữ văn

Bài điều kiện


Môn: Các thể loại và tác gia tiêu biểu văn học
châu Á

Họ và tên: Vi Huyền Lê
Lớp: Chất lượng cao Sư phạm Ngữ văn
Khóa: 67

Đề bài: Thần thoại Ấn Độ từ góc nhìn sinh thái


Bài làm:
Ấn Độ là một trong những “mảnh đất còn bảo lưu được nhiều yếu tố văn hóa
truyền thống cổ xưa nhất trên thế giới” (Nguyễn Tấn Đắc). Phải có cội nguồn vững
chắc thì Ấn Độ mới có sức sống bền lâu như thế, một trong những cội nguồn ấy
chính là thần thoại, giống như Cao Huy Đỉnh đã từng viết : “Nước Ấn Độ xưa nay
vẫn được mệnh danh là xứ sở của thần thoại”. Một điều đặc biệt là, “xứ sở thần
thoại” ấy gắn bó thân thiết với sinh thái nơi nó được sinh ra và nuôi dưỡng. Vì thế
đọc thần thoại từ góc nhìn sinh thái sẽ làm rõ hơn nét đẹp này.
Để tìm hiểu “thần thoại Ấn Độ từ góc nhìn sinh thái” trước tiên cần làm rõ
“thần thoại” là gì và “sinh thái” là gì. Trong cuốn “Giáo trình văn học dân gian”,
Vũ Anh Tuấn viết: “Thần thoại là một thể loại văn học dân gian, một thể sáng tạo
nghệ thuật ngôn từ truyền miệng đầu tiên và không tự giác ra đời vào giai đoạn xã
hội nguyên thủy đã phát triển từ dã man đến văn minh. Đó là một tập hợp những
truyện kể dân gian về các vị thần, phản ánh quan niệm về thế giới tự nhiên và đời
sống xã hội thời kì thị tộc, bộ lạc, biểu hiện nhu cầu nhận thức và những khát vọng
tự nhiên về một cuộc sống tốt đẹp và có tính nhân bản”. Còn “Sinh thái” là “sự
phân bố và sinh sống của những sinh vật sống” và các tác động qua lại giữa các
sinh vật và môi trường sống của chúng.; Sinh thái học là “là môn khoa học đa
ngành, nghĩa là dựa trên nhiều ngành khoa học khác nhau.”. Không chỉ thuộc về
sinh thái học, trên thực tế có khuynh hướng phê bình sinh thái văn học. Khuynh
hướng này đi sâu khám phá mối quan hệ của con người đối với thế giới ngoài con
người, thế giới phi nhân của tự nhiên. Thế giới đó bao gồm tất cả các thành tố như
đất đai, sông ngòi, các loài động – thực vật….Nói tóm lại, sinh thái là toàn bộ thế
giới xung quanh con người và có liên quan đến đời sống của con người
Nhưng tại sao lại có thể đặt thần thoại Ấn Độ dưới góc nhìn sinh thái? Bởi lẽ,
thần thoại Ấn Độ mang đầy đủ những đặc trưng thể loại, M.gorki đã từng nói rằng:
“Nhận thức là cơn khát lớn muôn thuở có tính nhân loại”, vì thế hình tượng các
thần- cuộc đối thoại đầu tiên giữa hình ảnh chủ quan và thế giới khách quan chính
là sự lí giải các hiện tượng tự nhiên, do đó tất yếu có mối quan hệ mật thiết giữa
sinh thái và các thần. Mặt khác, sinh thái Ấn Độ thời đại thần thoại là một hệ sinh
thái phong phú, giàu đẹp, đó là điều kiện để có thể đọc thần thoại Ấn Độ từ góc
nhìn sinh thái: Địa hình Ấn Độ đa dạng, bao gồm nhiều miền khí hậu khác biệt từ
những dãy núi phủ tuyết (Hymalaya) cho đến các sa mạc, đồng bằng với những
con sông lớn (sông Hằng, sông Ấn), rừng mưa nhiệt đới, đồi, và cao nguyên…
Chính điều này đã quy định sự đa dạng sinh học của Ấn Độ: Ấn Độ là một trong
những quốc gia đa dạng sinh vật siêu cấp và có nhiều loài đặc hữu. Môi trường
sống của chúng trải dài từ rừng mưa nhiệt đới của quần đảo Andaman, Ghat Tây,
và Đông Bắc đến rừng tùng bách trên dãy Himalaya. Ở đó muôn loài sinh sôi nảy
nở dưới trời đất bao la nhưng cũng trải qua nhiều lần hủy diệt của thiên tai như cát
bay, hạn hán, lũ lụt…
Như vậy “Thần thoại Ấn Độ từ góc nhìn sinh thái” là đặt thần thoại Ấn Độ vào
môi trường sinh thái của đất nước Ấn Độ, ở đây tập trung làm nổi bật qua hình
tượng các vị thần và bức tranh thiên nhiên trong thần thoại.
Người Ấn Độ hát và kể chuyện để ca ngợi những lực lượng thiên nhiên và
những hiện tượng vũ trụ thông qua hình tượng các vị thần mang đậm đặc điểm sinh
thái nơi đây.
Thời Tiền Veda, thần thoại Ấn Độ gắn với tín ngưỡng thần linh đối với một số
động, thực vật. Tục thờ cây cối và các loài vật như thần Cá, thần Bò Nandi, thần
Rắn Naga…cũng đã xuất hiện ở thời kì này. Trên các con dấu thường có hình chiếc
lá đa, bò một sừng hoặc các con vật kì quái nửa dê nửa cá, nửa bò nửa voi…biểu
hiện của việc thần linh hóa con thú. Đây có thể là dấu vết của tín ngưỡng tôtem.
Thần thoại thời tiền Veda này đã cho thấy sự giàu có của sinh thái, đồng thời thể
hiện thái độ sùng tín của con người Ấn Độ cổ đại đối với thiên nhiên nơi này.
Từ đặc điểm sinh thái đất đai, thần thoại về nàng Xita ra đời phản ánh thời đại
con người Ấn Độ sống bằng nghề nông nghiệp, họ nuôi bò vắt sữa , gieo trồng hoa
màu. Nông nghiệp phát triển dựa vào đất đai nên họ tôn thờ đất. Tôn thờ đất bắt
đầu từ thời Veda: Bầu trời bao la, chói lọi trên đất Ấn và vùng tiểu lục rộng lớn đã
che chở cho muôn loài sinh sống. Nhưng cây cối, thú vật, kể cả con người đều có
thể chết đi, nhưng trời và đất thì vẫn mãi như thế. Vì thế mà thời Veda, các thần
thoại giải thích nguồn gốc vũ trụ bằng bộ ba vị thần: Trời Cha (Dyaus), Đất Mẹ
( Aditi), Thần Con (Anditia). Trời Cha và Đất Mẹ- những điều kiện tự nhiên giúp
con người sinh sống và là nơi cư trú của muôn loài. Về Đất Mẹ và nàng Xita, thần
thoại kể rằng: Một ông vua tên là Janaka hiếm hoi, nhân trời đại hạn, dân chết
nhiều, vua cầm cày thân chinh xuống ruộng cày. Bỗng từ luống cày hiện lên một
cô gái đẹp tuyệt trần tên là Xita. Đó chính là con của Mẹ Đất. Khi bị chồng ruồng
bỏ, nàng cầu khẩn Mẹ Đất mở rộng lòng đón nàng, Mẹ Đất hiện ra như một cái
ngai do các long thần khênh đến đem nàng biến mất.
Hình tượng nàng Xita là con gái Thần Đất xuất hiện từ luống cày như vậy là
tiêu biểu cho kết quả lao động đẹp đẽ của con người, là niềm hi vọng của họ khi
cày và gieo hạt. Bà Mẹ Đất sẵn sàng cung cấp của quý đẹp cho người lao động
(hiến nàng Xita cho vua Janaka làm con nuôi). Nhưng bà Mẹ Đất sẽ lập tức thu hồi
lại của quý của đẹp, nếu như con người ruồng bỏ nó (Xita trở lại trong lòng đất sau
khi bị Rama ruồng bỏ). Xita là một hình tượng thần kì trong trí tưởng tượng của
ngươi Ấn Độ cổ đại. Hình tượng nàng Xita phản ánh đặc điểm sinh thái của đất đai
thời thần thoại ở Ấn Độ: đất đai phì nhiêu bởi sự bồi tụ giàu có của hai con sông vĩ
đại là sông Hằng và sông Ấn, nó ban tặng cho con người những điều kiện thuận lợi
để gieo cấy và chăn nuôi. Nhưng khi hạn hán thì đất đai khô cằn, khi có lũ thì đất
ngập úng làm chết mọi cây cối mà con người gieo trồng và cuốn trôi cả những đàn
gia súc mà họ chăn nuôi.
Nếu nàng Xita phản ánh đặc điểm sinh thái đất thì Nữ thần sông Hằng Ganga
phản ánh đặc điểm sinh thái Ấn Độ thời cổ đại về vấn đề sông, nước và lũ. Sông
Hằng vĩ đại đem lại phù sa bồi đáp cho bờ bãi thêm phì nhiêu, trù phú, tương
đương với nó là Nữ thần sông Hằng được nhân dân ngưỡng vọng, thành kính tới
mức người ta tin rằng: nếu được tắm nước con sông này thì mọi tội lỗi của tín đồ
Hindu giáo sẽ được gột rửa (lễ hội Kumbh Mela). Thần thoại kể chuyện Shiva hiên
ngang dùng mái tóc mình đỡ nước sông Hằng của nữ thần cũng chính là phản ánh
quá trình trị thủy của người Ấn Độ xưa. Qua góc nhìn sinh thái, có thể thấy nàng
Xita và nữ thần Ganga phản ánh “tính hai mặt” của sinh thái Ấn Độ: một mặt rất
phì nhiêu, tươi tốt, hiền lành và yêu thương con người, một mặt lại hùng vĩ, khắc
nghiệt với sức mạnh ghê gớm nhiều khi tàn phá mọi thứ khiến con người phải lo
sợ.
Trong thần thoại Ấn Độ, các thần có các loại vũ khí, phương tiện di chuyển,
thậm chí dáng vóc cơ thể cũng là (hoặc mang) đặc điểm của các loài động, thực
vật, tức môi trường sinh thái giàu có của đất nước Ấn Độ.
Có thể kể đến Ganesa- vị thần đầu voi mình người được tôn sùng phổ biến trên
nhiều lĩnh vực. Ganesa là vị thần tùy hành của thần Siva trên núi Kailasa, do thần
Siva sáng tạo ra từ ngọn lửa thần trên trán của mình biến thành. Ganesa do Parvatti
sáng tạo ra, do có sự cố nên cái đầu rụng mất, thần Visnu thương hại chắp cho một
cái đầu voi, cho nên thần được thể hiện mình người đầu voi. Hình tượng voi còn
được thể hiện dưới hình dạng một vị thần khác với tên gọi là Gajasimha vị thần
đầu voi mình sư tử. Đây là loài thú lưỡng hợp có sức mạnh vô song, kết hợp sức
mạnh của sư tử (hóa thân của thần Visnu) và voi của thần Inđra.
Là thần Biển, Varuna cưỡi chiếc xe hình con sơn dương có đuôi cá, giống như
loài động vật Leviathan trong thực tế luôn luôn sống dưới đáy biển. Trong tranh
cổ, Varuna cưỡi trên lưng rùa, lưng cá he hay cá sấu (giống như thần biển của
người Ai Cập) tay cầm một chiếc lọng và một chiếc lưới giây. Như vậy rõ ràng là
sinh hoạt của các bộ lạc chài lưới ở ven sông, ven bờ biển đã in dấu vào trong thần
thoại Vanura. Điều quan trọng hơn, thần thoại Varuna thể hiện một hệ sinh thái
đầm lầy sông nước cực kì giàu có trên đất Ấn: cá, rùa, he, cá sấu.
Thần Tình yêu Kama được miêu tả như một biểu hiện độc đáo của nghệ thuật
dân gian Ấn Độ. Kama ngồi trên một cỗ xe do chim vẹt kéo. Vũ khí của thần là
một cung tên đặc biệt, thân cung là cây mía uốn cong, dây cung là đàn ong kết
cánh, mũi tên là những bông hoa xoài mềm mại. Kama trở thành nguồn trữ tình lai
láng, đắm đuối của con người và là lực lượng đáng kể chống lại lối tu hành khổ
hạnh. Các vị thần linh, giáo sĩ đạo Bà la môn và Hindu, kể cả chúa tể Brahma đã
nhiều phen điêu đứng vì mũi tên của Kama…Như vậy, thiên nhiên gắn liền với
tình cảm con người, sinh thái gắn chặt với các vị thần Ấn Độ.
Thần thoại Ấn Độ là những bức tranh chân thực tuyệt đẹp miêu tả thiên nhiên
nơi người Arian đi qua và sinh sống. Thiên nhiên vừa hiền dịu, tươi sáng và hùng
vĩ, lại vừa tàn ác ấy đã gây nhiều ấn tượng sâu sắc ngay từ trong những trang thần
thoại đầu tiên của người Ấn Độ. Bức tranh ấy chính là vẻ đẹp sinh thái giàu có của
“xứ sở thần thoại” này.
Nó chứa đựng nhiều yếu tố hiện thực như những bức tranh sinh hoạt sinh động
và chân thực của người Ấn Độ cổ xưa. Thần thoại phản ánh việc chăn nuôi, săn
bắn trồng trọt, khai phá đất đai, chinh phục núi non sông hồ. Nữ thần Rạng Đông
Usha là vợ của thần Mặt Trời Surya, hàng ngày nàng cùng chồng vén màn đêm u
tối đem lại ánh sáng cho vạn vật, nàng “lùa đàn bò đỏ đến cánh đồng xanh” trên
bầu trời nơi mà Thần Mặt Trời đi qua…Usha là một vị thần nhưng cũng chăn nuôi
gia súc như những người nông dân bình thường. Đàn bò và việc chăn bò của thần
không những làm thần sinh động, gần gũi hơn mà còn phản ánh bức tranh sinh hoạt
đẹp đec bình dị của người Ấn trên một vùng sinh thái phì nhiêu.
Thiên nhiên được đưa vào làm tăng vẻ đẹp và chất trữ tình cho thần thoại. Núi
Himallaya hùng vĩ, sông Hằng trong xanh, những thảo nguyên mênh mông, những
đàn súc vật tung tăng với ánh mặt trời, cây cỏ hoa lá đua nhau nở dưới nắng xuân,
ánh trăng soi trên hồ nước lung linh có những con thiên nga vỗ cánh, trên bờ suối
con nai vàng ngơ ngác…
“Xứ sở nằm phia bắc đại dương
Và phía nam dãy núi phủ tuyết”
(Vishnu Parana)
“Chúng tôi hãy đem màu da vàng nhợt ấy cho đàn vẹt và
chim sáo,
Hãy cho đám lá xanh của cây kè…”
(Rig Veda)
Tóm lại, từ góc nhìn sinh thái, người đọc có thể thấy mối quan hệ gắn bó giữa
con người Ấn Độ cổ đại với môi trường mà họ sống với muông thú, cây cỏ. Thần
thoại Ấn Độ từ góc nhìn sinh thái vừa mở ra một đất nước Ấn Độ trù phú xinh tươi
vừa tạo nên vẻ đẹp cho tình cảm thân thiết hồn nhiên giữa con người và cảnh vật.
Ấn Độ là một trong những “mảnh đất còn bảo lưu được nhiều yếu tố văn hóa
truyền thống cổ xưa nhất trên thế giới” (Nguyễn Tấn Đắc). Phải có một cội nguồn
vững chắc thì Ấn Độ mới có sức sống bền lâu như thế, một trong những cội nguồn
ấy chính là thần thoại, giống như Cao Huy Đỉnh đã từng viết : “Nước Ấn Độ xưa
nay vẫn được mệnh danh là xứ sở của thần thoại”.

You might also like