Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 19

BỎNG

TS. BS. LÊ QUANG TRÍ


Mục tiêu học tập: Sau khi học xong bài này, sinh viên có khả năng:
1. Trình bày được dịch tể, nguyên nhân, phân loại bỏng.
2. Mô tả được triệu chứng lâm sàng bệnh lý bỏng.
3. Trình bày được phương pháp điều trị, các biến chứng của bỏng,
4. Nhận thức được bỏng là một cấp cứu cần được xử trí một cách khẩn trương và
đúng kỹ thuật.

I. DỊCH TỄ HỌC – NGUYÊN NHÂN VÀ PHÂN LOẠI BỎNG


A. DỊCH TỄ BỎNG
Bỏng là một chấn thương gặp cả trong thời bình và thời chiến. Trong chiến
tranh, tỉ lệ bỏng thường chiếm khoảng từ 3-10% tổng số thương binh. Nếu là
chiến tranh hạt nhân, thì số người bị bỏng có thể lên tới 70-85% tổng số nạn
nhân. Trong chiến tranh thế giới thứ 2, theo một báo cáo của Pốt-nhi- côp (Liên
xô cũ) tổng số thương binh bị bỏng chiếm 2,5%. Trong chiến tranh chống Mỹ ở
miền Nam, tùy theo từng giai đoạn và từng trận, tỉ lệ ấy có thể từ 3,3% đến
6,7%. Trong thời bình, bỏng chiếm một tỉ lệ khoảng từ 5-10% tổng số các chấn
thương ngoại khoa. Ở Mỹ, mỗi năm có hơn 2 triệu người bị bỏng; trong đó có
khoảng 100.000 người phải nhập viện. Ở các nước công nghiệp phát triển,
người ta tính toán rằng: cứ khoảng 10.000 dân thì cần từ 0,2 đến 0,5 giường
bệnh giành cho bỏng. Tùy theo điều kiện cụ thể ở từng nơi, người ta có thể xây
dựng các cơ sở chuyên chữa bỏng dưới nhiều hình thức: Trung tâm điều trị
bỏng, Khoa bỏng trong một bệnh viện, Đơn vị điều trị bỏng trong một Khoa
ngoại… Ở Mỹ có 145, ở Liên xô (cũ) có 80, ở Pháp có 18 cơ sở chuyên khoa
điều trị bỏng như vậy. Ở nước ta, Viện bỏng quốc gia mang tên Lê Hữu Trác
được thành lập từ năm 1991, nhiều bệnh viện lớn trong cả nước đã có Khoa
bỏng hay bộ phận điều trị bỏng.
B. TÁC NHÂN GÂY BỎNG
Gồm 4 loại chính là sức nóng, luồng điện, hóa chất và các tia bức xạ.
C. PHÂN LOẠI BỎNG
1. Theo độ sâu
Hình ảnh bên ngoài và đặc điểm của bỏng.
Muốn đánh giá độ sâu của vết bỏng bằng những hình ảnh bên ngoài của vết
thương, đòi hỏi phải có kinh nghiệm. Người ta có thể chia độ sâu của vết bỏng
thành 4 hay 5 độ. Dưới đây là cách chia làm 4 độ, thường dùng ở các nước Tây
Âu và Bắc Mỹ (Hình 1)
Muốn xác định độ sâu của vết bỏng, người ta dựa vào những đặc điểm của tổn
thương:
a. Bỏng độ 1: như “cháy nắng”.
b. Bỏng độ 2 (2°): được chia làm 2 mức độ:
– Bỏng bề mặt da (2a): có những đặc điểm:
 Mụn nước (nông).
 Mẩn đỏ, dấu hiệu “ấn-mất” (+).
 Thể chất vết thương bình thường.
 Vết thương ẩm.
 Lông còn chắc.
 Đau đớn nhiều.
 Châm kim chảy máu ngay.
– Bỏng da sâu (2b): có những đặc điểm:
 Mụn nước (sâu hơn).
 Lớp trung bì màu trắng.
 Dấu hiệu “ấn-mất” (+).
 Thể chất vết thương chắc, mất tính đàn hồi.
 Bề mặt vết thương ẩm.
 Lông còn dính (hoặc rụng một phần).
 Cảm giác đau giảm nhiều; châm kim sâu tới lớp trung bì mới biết.
c. Bỏng độ 3: cũng được chia làm 2 mức:
– Bỏng toàn bộ lớp da (3a) có những đặc điểm sau:
 Mụn bỏng.
 Dấu hiệu “ấn-mất” (-).
 Tổn thương khô.
 Mật độ chắc.
 Lông, tóc, móng, rụng.
 Mất cảm giác đau, phải đâm kim sâu mới biết; đâm kim sâu tới hết lớp da
mới rỉ máu.
– Bỏng độ 3 sâu (3°) có nhũng đặc điểm sau:
 Da bị phá hủy khô.
 Đáy vết thương: tổ chức bị hủy hoại màu trắng hoặc đỏ, những dấu hiệu
“ấn-mất” không còn; hoặc vùng tổn thương đã cháy đen.
 Màu vàng như sáp, trong suốt; có thể nhìn thấy những tĩnh mạch bị tắc ở
dưới.
 Thể chất căng cứng, hoặc da bị nứt nẻ.
 Lông, tóc, móng, rụng ra.
 Mọi cảm giác đau đều mất. Châm kim cũng không biết và không còn
chảy máu nữa.
d. Bỏng độ 4: sâu hơn nữa; tổn thương cháy tới tận lớp cơ, xương…

Hình 1. Độ sâu của tổn thương bỏng


2. Theo độ rộng
Sự lan rộng và xác định vùng bị bỏng:
Độ rộng vết bỏng trên cơ thể bệnh nhân là một hình ảnh dễ nhận biết. Trên diện
tích bị thương này, cơ thể đã mở cửa thông thương với bên ngoài; và qua đó, cơ
thể sẽ bị mất dịch, mất nhiệt và bị vi trùng xâm nhập. Cần đánh giá chính xác
độ rộng của tổn thương bỏng. Điều này rất có ý nghĩa trong giai đoạn choáng
bỏng, vì nó là cơ sở để giúp người thầy thuốc tính toán lượng dịch truyền cho
bệnh nhân.
– Mỗi trung tâm điều trị bỏng thường có sẵn những hình ảnh vẽ cơ thể con
người, kèm theo một bảng tỉ lệ % diện tích từng bộ phận so với toàn thân. Điều
đáng lưu ý trong bảng này là sự phân chia diện tích từng phần cơ thể ở trẻ con
có khác so với người lớn: đầu trẻ con chiếm tỉ lệ lớn hơn và chân thì nhỏ hơn.
– “Công thức số 9” là công thức đơn giản và dễ nhớ, nó phân chia từng phần cơ
thể người lớn thành những khoảng diện tích 9%: toàn bộ diện tích đầu và cổ;
cũng như vậy đối với mỗi chi trên. Thân trước (bụng + ngực), thân sau (lưng)
và mỗi chi dưới được tính 2 lần 9%, là 18%. Bộ phận sinh dục ngoài và vùng
hội âm là 1% (hình 2)

Hình 2. “Công thức số 9” tính diện tích bỏng theo


– “Công thức bàn tay” sẽ giúp ích cho “công thức số 9” trong trường hợp vùng
tổn thương không nằm gọn trên cùng một bộ phận cơ thể. Diện tích bàn tay
tương đương với 1% diện tích cơ thể.
3. Theo vị trí
Ngoài độ rộng và sâu của vết bỏng, vị trí của tổn thương nhiều khi có ý nghĩa,
rất quan trọng. Một vài vị trí cần đặc biệt chú ý: đầu, mặt; các khớp ở chi và
đặc biệt ở hai bàn tay; vùng cổ, ngực, bụng, tứ chi (chu vi); vùng tầng sinh
môn…
II. CHẨN ĐOÁN
A. CHẨN ĐOÁN ĐỘ SÂU CỦA BỎNG
Trong thực tế lâm sàng, người ta thường chia độ sâu của tổn thương bỏng thành
hai nhóm lớn:
– Bỏng nông: gồm bỏng độ 1, 2a và 2b. Ở nhóm này, các tổn thương của bỏng
có thể tự lành được, nhờ quá trình tự biểu mô hóa: từ lớp tế bào mầm ở bỏng
thượng bì (2a); hoặc từ các tế bào biểu mô còn lành của ống lông và gốc lông,
của tuyến mồ hôi, tuyến chất nhờn ở bỏng trung bì (2b) (Hình 1). Thực ra, sẹo
của bỏng trung bì (2b) thường xấu hơn da non trong bỏng thượng bì (2a). Bởi
vậy, tùy theo điều kiện cụ thể (vị trí tổn thương bỏng, cơ sở điều trị…), vì mục
đích thẩm mỹ người ta có thể tiến hành ghép da cho những trường hợp này
(bỏng độ 2a).
– Bỏng sâu: gồm những tổn thương của toàn bộ lớp da (3a), tới dưới lớp cân
dưới da (3b) hoặc sâu hơn nữa (độ 4), … tất cả những tổn thương này nhất thiết
phải ghép da mới khỏi được.
Việc chẩn đoán giữa bỏng nông và bỏng sâu rất quan trọng, để dự kiến kế
hoạch điều trị và tiên lượng bệnh. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần được
khám đi khám lại nhiều lần, mới có thể xác định được chính xác độ sâu của vết
bỏng.
B. CHẨN ĐOÁN ĐỘ RỘNG CỦA BỎNG
Độ rộng của tổn thương bỏng là cơ sở giúp ta tính toán lượng dịch truyền trong
những ngày, giờ đầu tiên. Nếu chẩn đoán độ rộng của bỏng không chính xác, sẽ
dẫn đến sai lầm trong việc chỉ định điều trị.
C. PHÂN LOẠI BỆNH NHÂN
Cần phân ra hai loại: bỏng nhẹ (có thể điều trị ngoại trú) và bỏng cần nhập
viện, để kịp quyết định hướng xử trí tiếp. Người thầy thuốc đầu tiên khám ch o
bệnh nhân bỏng thường dễ đánh giá thấp độ sâu của bỏng, do thiếu điều kiện
thực hiện việc thăm khám (thời gian, ánh sáng, quần áo bệnh nhân…). Mặt
khác, độ sâu của vết bỏng lúc mới bị tổn thương cũng chưa thật ổn định. Những
trường hợp nặng mà không kịp chuyển đi ngay trong vòng 1 giờ, nên cho
truyền dịch sớm. Bảng dưới đây phân chia một cách đại cương, trong đó một
loại cần được điều trị tình trạng chung ngay lập tức, loại kia thì chỉ cần điều trị
tại chỗ vết thương cũng đủ (Bảng 1).
Bảng 1. Phân loại cần được điều trị của bỏng

BỎNG

có thể điều trị ngoại trú nên nhập viện

DIỆN TÍCH BỎNG Dưới 10% ở người lớn Trên 10-15% ở người lớn
Dưới 5-8% ở trẻ con Trên 10% ở trẻ con

ĐỘ SÂU VẾT Bỏng bề mặt đa tự lành được. Bỏng sâu, cần phải được rạch hoặ
BỎNG Hoặc là bỏng sâu, diện tích ghép da
nhỏ có thể mổ xẻ ở ngay Khu
ngoại chẩn

VỊ TRÍ BỎNG  Mặt


 Đường hô hấp
 Tay
 Bàn chân
 Tầng sinh môn

TÌNH TRẠNG Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người già, bện


BỆNH NHÂN nhân đã có một bệnh nội khoa

CÁCH THỨC BỊ  Bỏng điện


BỎNG
 Cháy nhà (trong phòng)

III. ĐIỀU TRỊ BỎNG


* ĐIỀU TRỊ TỨC THÌ
A. TƯỚI NƯỚC LẠNH
Nên tưới ngay lập tức lên vết thương bỏng. Nước lạnh dễ có, làm giảm nhiệt độ
tốt, dập tắp lửa, lấy đi những hóa chất. Trong trường hợp gần những vật có điện
thì cần tránh. Ngoài nước lạnh, có thể dùng những cách dập lửa khác như: trùm
lên bệnh nhân bằng chăn mền, bao tải, rèm cửa; cho bệnh nhân lăn xuống đất
cát, cuộn trong tấm thảm; xịt bằng vòi cứu hỏa. Nước lạnh đã được dùng từ lâu.
Sau vì sợ nhiễm trùng, nên bị lãng quên. Ngày nay, người ta cho rằng: chấp
nhận một tổn thương bỏng nông bị bội nhiễm ở bề mặt còn hơn là cố giữ thật
vô trùng cho một tổn thương bỏng sâu, vì thật ra chỉ sau vài ngày nó cũng sẽ bị
nhiễm trùng. Nếu dùng nước máy, sự nguy hiểm làm nhiễm trùng vết thương là
không đáng kể.
Tiếp tục làm mát cho bệnh nhân từ 10-15 phút bằng cách: đắp và thay đổi gạc
ướt, tắm bằng vòi nước lạnh (hình 3), ngâm chi bị bỏng vào trong bồn nước.
Những phần không bị bỏng cần được giữ ấm (đắp chăn) và cho bệnh nhân uống
đồ nóng… Làm mát càng sớm càng tốt, tuy nhiên nó vẫn còn tác dụng trong
khoảng 30-45 phút sau tai nạn. Nhờ làm mát, nỗi đau đớn của bệnh nhân giảm
nhiều, phù sẽ nhẹ hơn và chậm hơn; hệ tuần hoàn và tổng trạng của bệnh nhân
cũng ít bị ảnh hưởng hơn. Bỏng rộng cũng cần được làm mát. Trong nhóm
những bệnh nhân bỏng nặng, người ta đã chứng minh được: tỉ lệ tử vong sẽ
giảm, nếu bệnh nhân được làm mát sớm và đủ.

Hình 3. Làm mát bằng vòi nước lạnh


B. NHỮNG VIỆC CẦN LÀM NGAY KHI BỆNH NHÂN BỎNG NHẬP
VIỆN
1. Cởi bỏ quần áo cho bệnh nhân và đặt họ nằm trên phương tiện vô trùng.
2. Đâm kim truyền dịch và cho chảy nhanh Ringer lactat (không nhỏ giọt).
3. Thuốc giảm đau đường tĩnh mạch.
4. Đánh giá độ rộng và độ sâu của vết bỏng.
5. Tính toán lượng dịch truyền cho 24 giờ đầu tiên: bệnh nhân bỏng từ độ 2a trở
lên có nhu cầu dịch truyền như sau:
4ml Ringer lactat x Kg trọng lượng cơ thể x % Diện tích bỏng
(Trong đó, một nửa truyền ngay trong 8 giờ đầu)
6. Những ống thông sẽ để lâu cho những trường hợp bỏng trên 30% diện tích và
bỏng do điện.
7. Xét nghiệm máu: Hct, dự trữ kiềm hoặc pH, BUN và Creatinin, K+, Na+,
glucose, nhóm máu, Hemoglobin, bạch cầu, tiểu cầu, đạm huyết,
COHemoglobin.
8. Xét nghiệm nước tiểu: Na+ và K+, trọng lượng riêng, đạm, đường,
Hemoglobin và Myoglobin.
9. Những vết thương phối hợp? Có cần mổ cấp cứu không?
10. Làm sạch vết thương, rạch lớp vỏ cứng (nếu cần).
11. Mời các chuyên khoa khám.
12. Tiêm phòng uốn ván.
13. Tiên lượng:
TuổI (năm) + Diện tích BỎNG (%)
= 100 → tiên lượng rất xâu
≥ 80 → nguy hiểm tính mạng
< 80 → có thể qua được
14. Xây dựng kế hoạch điều trị hoặc chuyển bệnh nhân đi tuyến trên.
* ĐIỀU TRỊ VẾT THƯƠNG BỎNG
A. ĐIỀU TRỊ BỎNG NÔNG
1. Bỏng bể mặt da (2a)
Những trường hợp này không cần mổ, để cho lành tự nhiên; nhưng cũng cần
được điều trị và theo dõi một cách hợp lý.
a. Phương pháp băng bằng gạc tẩm thuốc mỡ (phương pháp “ướt”):
– Vết thương cần được rửa sạch, phá các mụn nước; vì đây là môi trường giàu
chất dinh dưỡng rất thuận lợi cho vi trùng phầt triển (vi trùng còn sống sót
trong các lỗ chân lông, các tuyến tiết nhờn…). Sau đó đắp gạc tẩm thuốc mỡ
hoặc thuốc mỡ có kháng khuẩn. Ở ngoài là một lớp bông vô trùng dầy 5cm để
hút dịch. Ngoài nữa là băng thun, để tạo một áp lực nhẹ giữ các lớp bông, băng.
Thay băng lần thứ nhất vào ngày thứ 5: lấy bỏ lớp bông thấm nước. Nếu lớp
gạc tẩm thuốc mỡ sạch, không có mủ, không mùi… thì chỉ cần để một lớp bông
thấm nước vô trùng độ 2cm, rồi băng lại. Thay băng lần thứ 2 vào ngày thứ 10:
nếu gạc tẩm thuốc mỡ sạch, ta chỉ cần thay lớp bông thấm nước vô trùng mỏng
hơn… Ngày thứ 15, cho bệnh nhân nằm vào bồn tắm, các lớp băng sẽ bong ra
một cách dễ dàng. Chỗ tổn thương bỏng đã lên da non màu hồng. Không cần
băng ép, vì lớp da non này không tạo thành sẹo lồi. Nhưng màu sắc có những
biến đổi nhẹ nên ta vẫn cổ thể nhận ra vùng bị tổn thương sau nhiều tháng.
– Cách theo dõi vết thương: nếu thấy băng thấm dịch nhiều, bệnh nhân sốt, đau
nhức, chỗ băng có mùi… phải thay băng lại toàn bộ. Lấy bỏ cả lớp gạc tẩm
thuốc mỡ; rửa lại vết thương thật sạch và băng lại từ đầu… Nếu không theo dõi
sát, để vết thương bị nhiễm trùng, bỏng độ 2 sẽ tiến triển thành những độ sâu
hơn.
– Một vài loại thuốc mỡ: bạc Sulfadiazin; ở ta có Maduxin, B76…
b. Những phương pháp khác
Phương pháp để nằm trần (phương pháp “khô”): sau khi làm sạch vết thương,
bôi bạc Nitrat 10%, rồi để trần.
Đắp các màng sinh học: màng ối đông khô, da heo đã được xử lý…
2. Bỏng da sâu (2b)
Tổn thương loại bỏng này tuy còn khả năng tự lành, nhưng hay để lại những
sẹo lớn; nhất là đối với trẻ em và người trẻ tuổi. Bởi thế, nếu có điều kiện và
tổn thương ở những vùng quan trọng về mặt chức năng và thẩm mỹ, người ta có
thể áp dụng phương pháp mổ “hớt dần từng lớp”.
a. Phương pháp mổ “hớt dần từng lớp”
Mổ “hớt dần từng lớp” gồm hai phần: hớt bỏ những phần hoại tử và việc đóng
kín vết thương ngay bằng ghép da. Ưu tiên những phần quan họng về chức
năng và thẩm mỹ: hai bàn tay, mặt, các khớp… cần máu nhiều, gây mê kéo dài,
lấy da nhiều gây nên một biến động dịch thể quan trọng sau mổ, vì thế cần phải
cân nhắc.
b. Điều trị bằng thuốc mỡ kháng khuẩn
Những trường hợp vì lý do gì đó mà sau hơn một tuần vết bỏng vẫn chưa được
mổ, hoặc trên bề mặt vết bỏng lớn có nhiều độ nông-sâu khác nhau; hoặc bệnh
nhân già yếu hay có bệnh đi kèm, thì không nên mổ kiểu “hớt dần từng lớp”;
mà cần được điều trị bằng thuốc mỡ kháng khuẩn. Những bệnh nhân này sẽ
được thay băng, làm sạch vết thương hàng ngày bằng vòi nước vô trùng, lấy đi
những chất cặn bã của thuốc mỡ, của dịch xuất tiết và những phần da hoại tử đã
bong ra. Sau đó được bôi một lớp thuốc có kháng sinh thích hợp dầy độ 1-
2mm; thêm một lớp bông thấm nước mỏng để giữ thuốc. Với trẻ con có thể
thay băng 2 ngày/1 lần, vì thay băng ở trẻ con thường phải gây mê và vì vết
thương ở trẻ con thường dễ lành hơn người lớn.
B. ĐIỀU TRỊ BỎNG SÂU
1. Bỏng toàn bộ lớp da (3a)
Những trường hợp bỏng toàn bộ lớp da (3a) mà diện tích rộng, người ta sẽ x ử
trí theo những nguyên tắc của bỏng độ 3 sâu.
2. Bỏng độ 3 sâu (3b)
Trong bỏng độ 3 sâu (3b), tùy theo từng vị trí tổn thường, người ta có thể chọn
lựa những phương pháp sau:
– Mổ “hớt dần từng lớp thường chỉ áp dụng trong những trường hợp bị bỏng ở
mặt. Vì mặt có tầm quan trọng về mặt thẩm mỹ lớn và vùng này sự lưu thông
máu thường rất tốt. Ngoài ra, còn có thể áp dụng ở hai bàn tay và ở các khớp.
Mỗi lần mổ vào khoảng 5% diện tích cơ thể.
– Mổ cắt lọc sâu tới tận lớp cân: thích hợp đối với chân và tay. Có thể mổ sau
giai đoạn choáng bỏng, vào ngày thứ 3. Nhấc chi cao lên và dùng băn g cao su
quấn để dồn máu từ ngọn chi tới gốc; rồi ga rô ở gốc chi. Nhờ vậy, có thể lột bỏ
lớp “vỏ cứng” của bỏng cùng lớp mỡ dưới da một cách nhanh chóng, mà không
bị mất máu nhiều.
– Phương pháp “giật đi cả mảng”, là một phương pháp đặc biệt của mổ cắt lọc
sâu, với sự mất máu tương đốì ít. Đường rạch đã được định hướng sẵn vào phần
mà ta định cắt bỏ. Da bị bỏng sẽ được cặp chặt bằng kìm cặp khăn mổ; rồi tổ
chức mỡ dưới da trong vùng phù nề nằm giữa phần hoại tử và phần còn lành
lặn sẽ được làm rách ra. Nhờ vậy, sẽ còn lại những phần mỡ còn tốt, máu chảy
ít và khu trú trong một khu vực rõ ràng, sau đó mới ghép da.
– Phương pháp lên mô hạt:
+ Chỉ định:
Cho những trường hợp bỏng rộng đã cắt bỏ tổ chức hoại tử, nhưng không đủ da
để ghép ngay. Để lên mô hạt, rồi dùng cách ghép da kiểu mắt lưới rộng, vẫn có
thể mang lại kết quả tốt.
Những trường hợp bệnh nhân già yếu, hay đã có sẵn một bệnh nội khoa. Những
trường hợp bỏng mà trên diện tích vết thương pha trộn nhiều mức độ sâu nông
khác nhau. Ta nên chờ đợi; cho nhũng chỗ bỏng nông tự lành, những chỗ bỏng
sâu lên mô hạt và sẽ vá da sau đó.
+ Cách giúp cho việc lên mô hạt được thuận tiện:
Có thể tắm bỏng cho bệnh nhân hàng ngày hoặc cách nhật: trong khi tắm bằng
vòi nước, dùng pince, kéo cắt bỏ những tổ chức hoại tử… Sau đó, lại được đắp
bằng thuốc mỡ kháng khuẩn mới.
+ Dùng thuốc kháng khuẩn tại chỗ:
Trong 15 năm gần đây, nhờ những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, càng ngày
người ta càng tìm ra được nhiều loại thuốc có ưu điểm hơn. Nhờ vậy, việc điều
trị bỏng đã có những tiến bộ rõ rệt.
3. Với những vết bỏng ở độ sâu hơn nữa
Phá hủy tới tận lớp cơ, mạch máu, thần kinh, xương khớp…, thì tùy từ trường
hợp cụ thể các thầy thuốc sẽ phải cân nhắc để đưa ra những giải pháp điều trị
thích hợp (chuyển vạt da hoặc vạt da + cân cơ tại chỗ; chuyển vạt da và tổ chức
với cuống mạch máu từ nơi khác đến bằng vi phẫu; hoặc phải cắt đoạn chi…).
C. GHÉP DA
Ghép da là điều kiện cơ bản để chữa bỏng sâu và dự phòng các biến chứng của
bệnh bỏng. Phẫu thuật ghép da có nhiều loại:
– Ghép da tự thân (da ghép và vùng được ghép của một người): loại da này sẽ
sống vĩnh viễn trên nền ghép. Tùy theo yêu cầu của vùng cần ghép da và tổng
trạng của từng bệnh nhân, mà thầy thuốc có thể lựa chọn các phương pháp ghép
da khác nhau: dùng da tự do mảng nhỏ, mảng lớn; ghép da mỏng nguyên miếng
hay kiểu “mắt lưới”, ghép da dầy vừa, hay dầy toàn bộ lớp da….
– Những trường hợp diện tích cần ghép lớn không thể ghép da tự thân trong
một lần được, người ta phải dùng đa đồng loại (lấy ở người khác), da dị loại (d a
heo, da ếch…), da nhân tạo, hoặc các màng sinh học… để che phủ tạm những
vùng cần ghép da. Phải luôn nhớ rằng, tất cả những vật liệu trên chỉ có tác dụng
che phủ tạm vết thương: da đồng loại không được để quá 5 ngày; da dị loại
(heo…) phải thay hàng ngày, vì rất dễ gây nhiễm trùng.
– Da nhân tạo: silicone, các dẫn xuất polyvinyl chlorid derivate, methyl-
metacrylate… là những loại da nhân tạo. Chúng cũng có những nhược điểm:
hoặc là những lỗ hổng quá to làm dịch xuất tiết và bay hơi nhiều hoặc là quá
nhỏ lại dễ sinh ra nhiễm trùng, giá thành cao…
– Nuôi cấy và ghép tế bào sừng: những bệnh nhân bị bỏng sâu (phải ghép da)
diện tích rộng (70%), ngay từ ngày đầu nhập viện được lây một ít da đem đi
nuôi cấy ở phòng thí nghiệm đặc biệt. Những tế bào sừng được nuôi cấy này sẽ
đem ghép lại cho bệnh nhân trong quá trình điều trị. Nhược điểm lớn là giá
thành khá đắt; vì phải thực hiện trong điều kiện kỹ thuật cao. Ở nước ta, mới
chỉ có Viện bỏng Quốc gia thực hiện được.
Tóm lại, người ta chưa tìm được một loại da thay thế nào thật lý tưởng.
D. NHIỄM TRÙNG TRONG BỎNG
Mỗi người đều mang trong mình một môi trường vi sinh đặc biệt của mình trên
bề mặt da và trong ống tiêu hóa. Khi bị bỏng, mặc dù một số lớn vi trùng trên
bề mặt da đã bị tiêu diệt, vẫn còn một số vi trùng sống sót trong các nếp nhăn
da, các lỗ chân lông, các tuyến mồ hôi, tuyến chất nhờn… Người ta hay quên
rằng, tất cả các vết thương bỏng phải được coi là những vết thương hở. Vì qua
đó, vi trùng có thể tấn công vào cơ thể và gây nên những hậu quả khôn lường .
Điều này khác hẳn với một trường hợp áp xe, trong đó vi trùng đã tập trung lại
một chỗ và ta chỉ cần quan tâm đến việc tháo bỏ ổ mủ đó đi. Không có cách nào
có thể giữ được một vết bỏng lớn vô trùng trong một thời gian dài. Người ta
tính toán rằng: cần phải giữ cho số lượng vi trùng trong 1 mm 3 mô phải <
105 thì mới có thể khống chế được chúng. Khi số lượng vi trùng lớn hơn mức
giới hạn ấy, chúng sẽ phá vỡ bức tường bảo vệ của bạch cầu và đại thực bào,
tấn công sâu vào cơ thể. Trên con đường tiến quân của vi trùng, những tế bào
khỏe mạnh bị làm yếu đi, nhiều mao mạch bị tắc nghẽn; có khi cả một đám vi
trùng được tung đi theo dòng máu. Bệnh nhân có thể ở trong tình trạng bị
nhiễm trùng huyết; hoặc viêm nội mạc, áp xe não, viêm phổi… Một con đường
có thể gây nhiễm trùng huyết khác là: tình trạng choáng và nhiễm độc sẽ làm
giảm lưu lượng máu ở ruột, tạo điều kiện để vi trùng từ trong lòng ruột thâm
nhập vào máu. Vì thế, việc chống nhiễm trùng trong bỏng có ý nghĩa đặc biệt
quan trọng.
Một trong những biện pháp hàng đầu để hạn chế sự tấn công của vi trùng đối
với bệnh nhân bỏng là phải sớm cắt lọc tổ chức hoại tử và che kín vết thương
bỏng. Vết thương bỏng cần phải được cách ly, hạn chế đến mức cao nhất sự bội
nhiễm từ bên ngoài. Các biện pháp nhằm mục đích ấy là băng bó vết thương;
những khu vực cách ly giành cho những bệnh nhân bỏng trung bình và những
phòng tiệt trùng một người giành cho từng bệnh nhân bỏng nặng… Ngoài ra,
mỗi nhân viên y tế làm việc trong khoa Bỏng phải có đủ hiểu biết để tự giác
thực hiện các qui định về vô trùng của khoa.
* NHỮNG CÂN NHẮC ĐIỀU TRỊ CHUNG
A. CHUYỂN HÓA VÀ NUÔI DƯỠNG
Bệnh nhân bỏng thường bị mất nhiệt lượng nhiều do sự bốc hơi qua vết bỏng,
sốt… nên dễ bị lạnh run trong nhiệt độ bình thường. Năng lượng sẽ bị mất đi
nhiều hơn, nếu bệnh nhân trong tình trạng nhiễm trùng. Bởi vậy, người ta phải
làm mọi cách để giảm quá trình chuyển hóa cho bệnh nhân: giữ nhiệt độ và độ
ẩm cao của không khí trong phòng (nhiệt độ từ 23 đến 32°C, độ ẩm từ 25 đến
50%); làm giảm đau đớn cho bệnh nhân…
Bệnh nhân bỏng cần một nhu cầu cao về năng lượng giống như một người lao
động nặng. Người ta có thể tính toán nhu cầu năng lượng cho một bệnh nhân
bỏng theo công thức sau:
Người lớn: 25 Calo/kg cân nặng + 40 Calo cho mỗi % diện tích cơ thể bị bỏng
Trẻ em: 40-60 Calo/kg cân nặng + 40 Calo cho mỗi % diện tích cơ thể bị bỏng
Ở những cơ sở chữa bỏng hiện đại, người ta cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất
sự sút cân của bệnh nhân. Sút cân báo cho ta biết bệnh nhân chưa được bù đủ
năng lượng. Nếu mất 10% trọng lượng cơ thể, kết quả điều trị sẽ tồi. Nếu mất
trên 20% trọng lượng, có thể nguy hiểm. Còn những bệnh nhân sút cân trên
30% thì khó mà qua khỏi.
Nên cho những bệnh nhân bỏng nặng ăn thức ăn lỏng. Sữa và các sản phẩm của
sữa rất tốt và thuận lợi cho việc nuôi dưỡng bệnh nhân bỏng. Có thể bổ sung
thêm trái cây nghiền, trứng, đường, chất bột, chât đạm… để có một khối lượng
chung từ 4-5 lít mỗi ngày. Khi khá hơn, có thể cho bệnh nhân ăn uống gần như
bình thường, với chế độ giàu chất đạm và sinh tố. Để giúp bệnh nhân ăn ngon
miệng, người ta chú ý đến cả cách chế biến và những món ăn hợp khẩu vị cho
bệnh nhân. Những bệnh nhân ăn uống bằng đường miệng chưa đủ nhu cầu năng
lượng, ta cần tính toán bồi phụ thêm bằng đường dịch truyền.
B. CHĂM SÓC BỆNH NHÂN
Bệnh nhân bỏng cần được điều trị ở những khu vực sạch, thoáng, chống lây
chéo và bội nhiễm thềm vì sức đề kháng miễn dịch đã bị giảm. Đồ vải dùng cho
người bệnh phải được hấp vô khuẩn, các dụng cụ hộ lý cần được rửa sạch, luộc
hoặc ngâm trong các dung dịch sát trùng. Sàn nhà, tường cần được tẩy uế, sát
khuẩn thường kỳ.
Cần chống loét ở các vùng tì ép của cơ thể. Nếu bỏng sâu ở chu vi cơ thể cần
để bệnh nhân nằm giường xoay, cứ 6 giờ lại thay đổi tư thế một lần. Sau mỗi
lần ăn hoặc tiểu tiện, đại tiện, cần làm vệ sinh răng miệng hoặc vệ sinh vùng
tầng sinh môn, bộ phận sinh dục. Chú ý việc tắm rửa, lạu chùi da, cắt móng tay,
móng chân, cắt tóc.
C. VẬT LÝ TRỊ LIỆU VÀ VẬN ĐỘNG THỂ DỤC LIỆU PHÁP
Đối với bệnh nhân bỏng, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng có ý nghĩa quan
trọng. Ở những trung tâm điều trị bỏng tiên tiến, người huấn luyện viên vật lý
trị liệu và phục hồi chức năng có thể đi theo bệnh nhân từ lúc mới nhập viện
cho đến khi bệnh nhân ra viện; và cả sau khi ra viện nữa. Họ cũng là thành viên
của tập thể nhân viên điều trị bỏng (như các bác sĩ, y tá…) và cùng chia sẻ
trách nhiệm về kết quả điều trị cho bệnh nhân.
IV. BIẾN CHỨNG
A. NHỮNG BIẾN CHỨNG DO RỐI LOẠN CHỨC NĂNG
1. Rối loạn chức năng thận
Thận là cơ quan cơ thể bị ảnh hưởng nặng nề trong bỏng. Trong những trường
hợp bỏng nặng, nếu không chú ý ngay từ đầu để bệnh nhân rơi vào tình trạng
suy thận không hồi phục thì khả năng cứu sống không còn nữa. Còn những
bệnh nhân bị bỏng vừa hoặc nhẹ cho dù thận đã bị tổn thương, nó thường sẽ hồi
phục nếu được điều trị một cách hợp lý.
Ngày đầu tiên của bỏng là ngày nguy hiểm nhất đối với thận. Do sự giảm khối
lượng tuần hoàn, lưu lượng máu qua thận ít đi. Mặt khác, những tế bào bị hủy
hoại do bỏng tung ra những sản phẩm dị hóa. Những quá trình đó có thể gây tác
hại về mặt cơ học hay hóa học ở ống thận.. Trong những trường hợp bỏng sâu,
nhiều trường hợp thiểu niệu kèm theo nước tiểu sẫm màu. Nguyên nhân chính
là do những tế bào cơ và hồng cầu bị phá hủy giải phóng ra Myoglobulin và
Hemoglobin; nhưng mặt khác, nước tiểu sẫm màu còn đo một phần của chức
năng thận bị rối loạn. Phải luôn chú ý bồi phụ nước và Kalium, để tránh tình
trạng thiếu nước và hạ Kalium trong máu.
Trong giai đoạn đầu, nếu bệnh nhân được bồi phụ một lượng dịch truyền đáng
kể thì có thể tránh được hiện tượng vô niệu. Lượng dịch truyền đầy đủ ấy sẽ
giúp loại trừ những chất độc có thể gây hại lâu dài. Bởi thế, phải hết sức cố
gắng bồi phụ đủ dịch truyền thật kịp thời! Đó là cách tốt nhất phòng ngừa
những tai biến nguy hiểm do thận.
2. Biến chứng ở phổi và bỏng hô hấp
a. Biến chứng ở phổi
Trong các trường hợp chấn thương hoặc vết thương nặng, phổi là cơ quan dễ bị
biến chứng. Hen, viêm phế quản mạn, dãn phế nang và những bệnh lý khác ở
phổi quan trọng đến mức nhiều khi nó làm cho những yêu cầu thông thường
của việc điều trị vết bỏng bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Việc điều trị vết bỏng
không được làm hạn chế việc điều trị bệnh ở phổi. Ngược lại, còn phải dùng vật
lý trị liệu một cách tích cực, với sự hỗ trợ của kháng sinh và các loại thuốc
thích hợp khác để chống lại sự nhiễm trùng và phòng chống tình trạng suy hô
hấp.
b. Bỏng hô hấp
Bỏng hô hấp cực kỳ nguy hiểm, ngay cả đối với những trung tâm điều tri bỏng
hiện đại. Nếu bị bỏng do hỏa hoạn ở chỗ trống, thường ngọn lửa không xâm
nhập quá vùng họng-hầu. Nhưng nếu cháy trong những khoảng không gian kín
(trong phòng, dưới hầm…), bệnh nhân bị kẹt lại trong đó nên có thể hít phải khí
nóng, gây ra những tổn thương ở đường hô hấp trên. Còn trong bỏng hơi nước
với áp suất cao thì sức nóng có thể thâm nhập vào tận trong sâu tới cả cá c phế
nang. Cũng như bỏng ở ngoài, cây phế quản sẽ bị sung huyết, rồi bị phù nề.
Nếu bệnh nhân hít phải những hơi độc, những tổn thương thường xuất hiện
nhanh hơn và sớm hơn; có khi có những triệu chứng ngay lập tức, rất nặng. Yếu
tố “Surfactant” không được bài tiết nữa, gây ra hiện tượng xẹp phổi vi thể.
Những tổn thương ở phế quản sẽ biểu hiện trên lâm sàng bằng sự khó thở với
những ran ứ đọng. Mặc dù có ho vì bị kích thích mạnh, nhưng lúc đầu bệnh
nhân chỉ khạc ra ít đờm. Sau một vài giờ thì xuất hiện nhiều đờm; bong đờm có
chứa những phần tử mà bệnh nhân đã hít vào. Các chất hoại tử sẽ được bệnh
nhân ho khạc ra theo đờm sau nhiều giờ hoặc nhiều ngày, tùy theo mức độ
thương tổn. Các chất fibrin bít kín lòng những phế quản cũng sẽ được ho khạc
ra sau vài ngày. Trong khoảng thời gian này có thể xuất hiện viêm phế quản
mủ, mà biểu hiện là đờm loãng lúc ban đầu sẽ dần dần trở thành mủ. Trong
những trường hợp mổ tử thi, người ta đã phát hiện ra những ổ phế quản phế
viêm mới có 12 giờ sau tai nạn. Trong các nhánh phế quản và các phế nang có
hiện tượng chảy máu, những lớp fibrin đọng lại dẫn đến tình trạng phù phổi.
Sau đó sẽ tạo nên những màng trong suốt, rồi kết cục của quá trình diễn ra hàng
tuần ấy là các phế nang sẽ bị tổ chức hóa và chắc lại như gan.
3. Những biến chứng ở Ống tiêu hóa
Trong những trường hợp bỏng nặng ở giai đoạn đầu, nếu soi dạ dày sẽ thấy
niêm mạc nhợt nhạt, vì khối lượng máu lưu thông giảm nhiều. Vì thế bệnh nhân
hay bị ói mửa, dẫu việc bồi phụ dịch truyền đã được thực hiện ngay từ đầu.
Điều đó cũng giải thích hiện tượng viêm dạ dày trong những ngày sau. Tình
trạng này có thể dẫn tới những đám xuất huyết từ niêm mạc dạ dày, có khi
không cầm được dẫn đến tử vong.
Người ta cũng mô tả những vết “loét Curling” trong bỏng, coi nó như là hậu
quả của stress. Loại loét này gặp ở dạ dày hay tá tràng, đơn độc hoặc nhiều vết
loét, có thể gây chảy máu thành đám hay làm đứt một nhánh động mạch gây
phun thành tia. Những năm gần đây, loại loét này ít gặp hơn. Nguyên nhân có
thể là việc điều trị bệnh nhân đã tốt hơn trước: các vết thương được đóng kín
sớm, việc chống nhiễm trùng cho vết thương cũng tốt hơn; dùng thuốc bảo vệ
niêm mạc dạ dày bài bản hơn; cùng với việc cho ăn sớm bằng đường miệng với
những thức ăn đã chuẩn bị kỹ càng.
B. NHỮNG BIẾN CHỨNG DO NHIỄM TRÙNG
1. Nhiễm trùng huyết
Chẩn đoán nhiễm trùng huyết, nhiều khi phải dựa vào hình ảnh lâm sàng là
chính. Việc cấy máu dương tính cho ta những dẫn chứng không thể chối cãi
được, nhưng thời gian để cho vi trùng mọc và phân loại chúng thì quá chậm.
Những dấu hiệu ban đầu của sự nhiễm trùng huyết tùy theo mỗi loại vi trùng có
khác nhau; tình trạng xấu đi ở nhiễm trùng huyết gram (-) thường diện ra nhanh
hơn so với gram (+). Những dấu hiệu khiến ta có thể nghĩ đến nhiễm trùng
huyết là:
a. Lâm sàng
 Những dấu hiệu chung diễn biến xấu đi một cách bất ngờ.
 Chán ăn, mất nhu động ruột; sau đó thì sình bụng và ói mửa.
 Lú lẫn, bất an.
 Vết thương đau nhức, cả lúc để yên.
 Nhịp thở tăng, co kéo phế quản.
 Nước tiểu giảm.
b. Xét nghiệm
 Sốt bất thường.
 Đường huyết tăng.
 Bạch cầu tăng: có khả năng là nhiễm trùng gram (+).
 Bạch cầu giảm: có khả năng là nhiễm trùng gram (-).
 Giảm tiểu cầu.
 Urê và Creatinin máu tăng.
 Giảm Hemoglobin và Hematocrit.
Tại bệnh viện Chợ Rẫy, nhiễm trùng huyết là nguyên nhân hàng đầu gây tử
vong trong bỏng (40%). Bảng 2 cho ta biết các loại vi trùng thường gây ra
nhiễm trùng huyết trong bỏng.
Bảng 2. Kết quả cấy máu trong nhiễm trùng huyết do bỏng (2) (105 trường hợp
(+) tại bệnh viện Chợ Rẫy)
Tên vi Enterobacter Pseudomonas Proteus Staph. E.Coli
trùng Aureus

Tỉ lệ % 54,28 23,80 13,33 6,66 1,90

2. Viêm phổi
Viêm phổi là một biến chứng đáng sợ; dễ xảy ra cho những trường hợp bị bỏng
nặng. Người ta đã có những bằng chứng xác nhận những yếu tố gây viêm phổi
đã xâm nhập và xuất hiện trong phổi ngay sau 12 giờ bị bỏng. Phòng chống
viêm phổi ngoài việc đóng kín sớm vết thương, còn phải chú ý: tập vật lý trị
liệu, đặt nội khí quản và cho thở hỗ trợ những trường hợp cần, cho kháng sinh
thích hợp…
3. Nhiễm trùng đường niệu
Trong bỏng nhiễm trùng đường niệu thường hay xảy ra. Phần lớn những trường
hợp bỏng nặng thường phải đặt ống thông tiểu dài ngày nên dễ gây bội nhiễm.
Nhưng chỉ gây ra những ảnh hưởng không đáng kể.
TÀI LIỆU ĐỌC THÊM
 1. Nguyễn Thế Hiệp. Bỏng. Hội nghị khoa học toàn quốc về bỏng lần IV,
bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh, 10-1996.
 2. Lê Thế Trung. Bỏng. Nhà xuất bản Y học, 1997.
 3. Curreri PW, Luterman A. Burns. In Schwartz: Principles of Surgery.
McGraw Hill Book Company, 1989.
 4. Reginald L Richard, Marly J Staley. Burn care and Rehabilitation.
Principles and Practice. FA Davis Company, 1994.

You might also like