You are on page 1of 18

MỘT SỐ PHẪU THUẬT MÓNG CƠ BẢN

BSCKII. Trương Lê Đạo, IFAAD


Bệnh Viện Da Liễu TpHCM

ĐẠI CƯƠNG
Phẫu thuật móng cần thiết để chẩn đoán bệnh, điều trị móng chọc thịt, móng gọng kìm, u cuộn
mạch, ung thư tế bào gai dưới móng… Nếu có kinh nghiệm có thể thực hiện nhanh và hạn chế
nguy cơ loạn dưỡng móng vĩnh viễn.

NỘI DUNG CHÍNH


Giải phẫu móng

Hình 1. Giải phẫu đơn vị móng ( Nguồn: Vidimos, 2009 (1))


Chuẩn bị trước mổ

Ghi nhận các tiền sử bệnh: bệnh mạch ngoại biên, bệnh mạch collagen, đái tháo đường, rối loạn
đông máu; đang dùng thuốc chống đông; dị ứng thuốc.

X quang giúp xác định mức độ lan rộng của u tân sinh vào xương. Chụp hình trước mổ, nhất là
đối với các thương tổn tăng sắc tố, tân sinh, thương tổn có nguy cơ loạn dưỡng móng vĩnh viễn.

Tư vấn cho bệnh nhân về phẫu thuật, đau, hạn chế cử động sau mổ. Nguy cơ loạn dưỡng móng
vĩnh viễn, giấy cam đoan trước mổ.

KHÁNG SINH DỰ PHÒNG TRƯỚC PHẪU THUẬT

1
Vi khuẩn sinh bệnh ở da là S. aureus, ở móng chọc thịt da nhiễm, phẫu thuật dưới gối, tiền sử
bệnh tim mạch, đang mang vật nhân tạo (valve tim, khớp nhân tạo) cần sử dụng kháng sinh dự
phòng một giờ trước phẫu thuật. Thời gian làm thủ thuật thường ngắn (15 phút vãng khuẩn huyết),
hiếm khi dùng thêm liều 6 giờ sau mổ. Nếu dùng, liều 6 giờ sau mổ thường bằng 1/2 liều trước
mổ.

Kháng sinh Liều trước mổ 1 giờ

Cephalexin Uống 2g

Nếu dị ứng penicillin

Bactrim DS Uống 1 viên

Levofloxacin Uống 500 mg

Bảng kháng sinh dự phòng trước mổ (2).

Vô cảm

Block thần kinh ngón với lidocain 2%. Nếu cần vô cảm kéo dài dùng bupivacaine 0,25% (Hình
2). Có thể dùng epinephrine trong block thần kinh để hạn chế chảy máu, nhưng nên tránh ở bệnh
nhân có bệnh mạch máu ngoại biên. 1-1,5 ml thuốc tê vào mỗi bên của ngón. Cần 10-15 phút để
thuốc tê có hiệu quả. Nếu bệnh nhân còn đau, tiêm thêm thuốc tê vào chỗ nối nếp móng gần và
bên (Hình 3).

Hình 2. Block thần kinh gốc ngón cái ( Nguồn: Abimelec, 2009 (3))

2
Hình 3 . Block thần kinh ngón đầu xa (Nguồn: Abimelec, 2009 (3))
Chăm sóc sau mổ

Ngay sau thủ thuật, chùi sạch và khô. Dùng gạc ép trực tiếp lên vùng mổ trong vài phút để cầm
máu. Đắp gạc vaseline, gạc khô lên trên, băng dính nhưng không quá chặc. Mang dép hở ngón.

Thay băng lần đầu sau 24h, rồi 1 lần/ ngày.

Các thủ thuật

Tăng sắc tố đường dọc móng (TSTDM)

3
Tăng sắc tố đường dọc móng là một dải có màu nâu - đen từ phiến móng gần đến phiến móng xa
do sự hiện diện của sắc tố melanin trong phiến móng do kích hoạt hoặc tăng sinh tế bào hắc tố
tĩnh lặng.
Đây là một dấu chứng phổ biến do nhiều nguyên nhân. Bệnh sử (thời gian bắt đầu, kéo dài, thuốc)
và khám (đường kính, màu sắc) rất quan trọng. Soi da (dermoscopy) cũng có giá trị. Các nguyên
nhân thường gặp nhất của tăng sắc tố móng theo chiều dọc gồm :

TSTDM do thuốc và tia xạ


TSTDM nội tiết (bệnh Addison)
TSTDM kết hợp với nhiễm HIV
TSTDM kết hợp với tổn thương móng do viêm
TSTDM dinh dưỡng (thiếu vitamin B12 hay folate)
TSTDM chấn thương
TSTDM chủng tộc

Không giống như ở người lớn, nguyên nhân của tăng sắc tố đường dọc móng ở trẻ em là nevus
mầm móng, có khi mới sinh hoặc phát triển ở 2–4 tuổi. Ở trẻ em, 75% trường hợp tăng sắc tố
đường dọc móng là do tăng sản tế bào hắc tố lành tính, chủ yếu là nevus bộ nối, và 25% là do kích
hoạt tế bào hắc tố. Các thông số lâm sàng và soi da được sử dụng cho người lớn không có giá trị
cho trẻ em. U hắc tố móng ở trẻ em cực kỳ hiếm, ngoại trừ ở người da trắng. Một lâm sàng và dấu
hiệu soi da cho thấy u ác tính ở trẻ em là tăng trưởng và màu sắc phát triển nhanh chóng, đòi hỏi
phải phẫu thuật cắt bỏ.

Tiêu chuẩn ABCDEF của u hắc tố (melanoma) dưới móng ở người lớn (4)

Các đặc điểm nổi bật nhất của u hắc tố dưới móng người lớn có thể được tóm tắt theo tiêu
chuẩn mới với các chữ cái ABCDEF. Trong hệ thống này là A viết tắt của tuổi (age) (tỷ lệ mới
mắc cao nhất ở độ tuổi 50-60) và viết tắt của người Mỹ gốc Phi (African Americans), người châu
Á (Asians), và người Mỹ bản địa (Native Americans), nhóm người này chiếm 1/3 các trường hợp
u hắc tố. B viết tắt nâu đến đen (brown to black) và với bề rộng (breadth) 3 mm trở lên và bờ
(borders) đa dạng. C là viết tắt thay đổi (change) băng móng hoặc thiếu sự thay đổi hình thái
móng, mặc dù điều trị đầy đủ. D cho biết thường gặp liên quan đến ngón (digit). E là viết tắt sự
lan rộng (extension) của sắc tố đến nếp móng gần và / hoặc bên (dấu hiệu Hutchinson), và F chỉ
tiền sử gia đình (family) hoặc cá nhân có nevus loạn sản hoặc u hắc tố.

Dấu hiệu Hutchinson: sự lan rộng màu nâu đen quanh móng từ băng đen dọc móng đến
nếp móng gần và bên, là một chỉ điểm quan trọng của u hắc tố dưới móng. Tăng sắc tố quanh
móng cũng có thể xảy ra trong bệnh Bowen của đơn vị móng. Giả dấu hiệu Hutchinson do tăng
sắc tố móng và mầm móng thấy qua nếp gấp móng mờ.

Sau đây là các thay đổi móng cần sinh thiết móng (5) :

4
1. Băng sắc tố riêng biệt trên một ngón duy nhất phát triển trong độ tuổi 40 đến 60, mặc dù
u hắc tố có thể gặp ở trẻ em nhưng rất hiếm.
2. Sắc tố móng phát triển đột ngột trong một phiến móng trước đây bình thường.
3. Sắc tố đột nhiên trở nên đậm hơn hoặc lớn hơn, hoặc sắc tố trở nên mờ gần mầm móng.
4. Sắc tố mắc phải của ngón tay cái, ngón trỏ, hoặc ngón chân cái.
5. Sắc tố phát triển sau một tiền sử chấn thương ngón và đã loại trừ tụ máu dưới móng.
6. Bất kỳ tổn thương mắc phải nào ở những bệnh nhân có tiền sử u hắc tố.
7. Nếu sắc tố có liên quan với loạn dưỡng móng phá hủy một phần hoặc mất phiến móng.
8. Nếu phát hiện sắc tố của da quanh móng (bao gồm cả nếp móng bên) (dấu hiệu
Hutchinson), điều này bao gồm các sắc tố của tiểu bì hoặc nếp dưới móng.

Sinh thiết sọc sắc tố ở người lớn

Hình 4. Sơ đồ để tiếp cận sinh thiết móng đen theo chiều dọc (Nguồn: Jellinek, 2007 (6)).
Sinh thiết ở phía gần của sọc (Hình 5). Nếu nguồn gốc của sọc sắc tố gần với liềm móng, mẫu
sinh thiết sẽ bao gồm nếp móng gần. Rạch 2 đường dài 5 mm ở chỗ nối nếp móng gần và bên
hướng ra ngoài ngón, kéo nếp móng gần lui sau. Dùng punch 4 hoặc 5 mm để lấy phiến móng
phía trên, dùng punch 3 mm để lấy giường móng hoặc mầm móng tương ứng, có thể dùng 1 punch

5
3mm cho phiến móng gần và mô bên dưới. Không cần khâu mầm móng giữa và xa, nên khâu lại
ở mầm móng gần để hạn chế tối đa khả năng loạn dưỡng móng.

Sinh thiết cạo (shave) cho các tổn thương lớn hơn và tổn thương ở mầm móng gần. Cắt mầm
móng theo chiều ngang, bóc tách mầm móng và khâu lại với chỉ tiêu hoặc nylon. Tránh ảnh hưởng
bờ cong của liềm móng để phòng ngừa ly móng đầu xa và cong bất thường ở bờ tự do móng.

Hình 5. (A) Dải móng đen, mô học cho thấy nevus bộ nối (nevus junctional); (B) Bộc lộ mầm
móng gần thấy tổn thương sắc tố theo hướng dọc; (C) Cắt bệnh phẩm theo chiều dọc; (D) Khâu
vết thương dọc bằng chỉ tiêu 6-0; (E) Đóng các vết thương dọc; (F) Kết quả sau mổ thấy phiến
móng mỏng nhẹ theo chiều dọc. (Nguồn: Scher, 2005 (7)).

6
Hình 6. Sinh thiết cạo mầm móng. Dùng lưỡi dao số 15 ấn sâu 1-2mm vào gốc băng sắc tố sau
đó đi song song với biểu mô. (Nguồn: Jellinek, 2007 (6)).

Hình 7. Cắt bằng puch 3mm. Nâng nếp móng gần lên, đặc punch vuông góc với da, xuyên qua
phiến móng gần xuống xương. (Nguồn: Jellinek, 2007 (6)).

Hình 8. Dùng kéo đầu nhọn cắt đáy của punch, không dùng forcep để tránh biến dạng mẫu.
(Nguồn: Jellinek, 2007 (6)).

7
Hình 9. Cắt dọc bên, dùng kéo “chúc đầu xuống” để lây mô quanh màng xương. (Nguồn:
Jellinek, 2007 (6)).
Phương pháp phẫu thuật tốt nhất cho móng chọc thịt

Móng chọc thịt là một bệnh lý phổ biến. Nguyên nhân là do sự mất cân bằng giữa chiều rộng của
phiến móng - giường móng và phì đại nếp móng (8). Điều trị phẫu thuật được chỉ định khi điều
trị bảo tồn thất bại hoặc trong trường hợp vừa và nặng. Qua hơn 100 năm, có hơn 75 phương pháp
phẫu thuật móng chọc thịt (9). Đối với trường hợp do móng mọc ngược vào trong, cần thu hẹp
phiến móng. Khi do phì đại các nếp móng, cần cắt mô mềm thừa quanh móng.

Làm hẹp phiến móng (10)

Thủ thuật cắt một phần móng kết hợp với lấy một phần mầm móng tương ứng (Hình 10).

Sau khi gây tê gốc ngón, cắt một gant ngón tay làm thành một dãi cao su để garrot gốc ngón sẽ
cho một phẫu trường khô. Nên garrot chỉ trong một thời gian ngắn.

Nếu mô hạt nhiều thì lấy mô hạt bằng một trong các phương tiện : nạo, dao điện, laser CO2 (bốc
bay tổ chức).

Xát định 1/5 - 1/4 phiến móng ở vị trí móng chọc thịt cần cắt. Dùng một kéo nhỏ đầu nhọn cắt từ
bờ tự do của móng đến hết đầu gần của móng ở dưới nếp gấp móng gần, lúc này tay sẽ có cảm
giác "nhẹ". Có thể cắt bằng laser CO2 (tác dụng bốc bay tổ chức).

Dùng Kelly thẳng (không mấu) hoặc kìm cặp kim kẹp vào phần móng vừa cắt càng nhiều càng
tốt. Xoay nhẹ ra ngoài về phía nếp móng bên, đồng thời kéo thẳng về phía bờ tự do của móng.
Nếu phiến móng bị gãy thì kẹp phần phiến móng còn lại và kéo ra.

8
Phá hủy phần mầm móng nằm dưới phần phiến móng vừa lấy đi bằng một trong các phương tiện
sau: thìa nạo, dung dịch phenol 88% hoặc NaOH 10% (11), dao điện (đông), laser CO2 (bốc bay
tổ chức).

Cầm máu sàn móng bằng một trong các phương tiện: dao điện (đông), laser CO2 (quang đông).

Vị trí lấy mô hạt sẽ lành sau vài tuần.

Cắt mô thừa phì đại quanh móng (2)

Khi móng chọc thịt do phì đại các nếp móng, có 2 loại phẫu thuật khác nhau. Thủ thuật Howard-
Dubois là thủ thuật tốt nhất cho trường hợp nhẹ đến trung bình, thủ thật ‘super U’ là thủ thuật tốt
nhất cho những trường hợp nặng.

- Thủ thuật Howard-Dubois (Hình 11)

Rạch một vết mổ miệng cá song song và bên dưới 5 mm các nếp móng xung quanh đầu ngón, đi
từ giữa đến các mặt bên của đốt xa. Rạch một vết mổ thứ hai để tạo ra một cái nêm có chiều rộng
lớn nhất khoảng 7 mm ở giữa đầu xa. Dùng một kéo sắc nhọn loại bỏ hình lưỡi liềm.

Các cạnh vết thương phải được tính toán xem có cắt bỏ đủ mô chưa. Nếu không, phải cắt một dải
mới từ mép dưới của vết thương. Cắt bỏ mô mở và xơ ở vết thương để dễ đóng da. Đóng da bằng
các mũi khâu rời (nylon 4-0 hoặc 5-0) hoặc liên tục có khóa để tránh chảy máu.

9
Hình 10. Phẫu thuật móng chọc thịt. (A) Đã gây tê. (B) Garrot gốc ngón. (C) Nạo mô hạt. (D),
(E) Cắt móng chọc. (F) Cầm máu và hủy mầm móng tương ứng bằng laser CO2. (G) Hoàn tất
phẫu thuật.

Hình 11. Kỹ thuật Howard-Dubois. (A) Một trường hợp móng chọc thịt trung bình (bên và xa).
(B) Loại bỏ da và mỡ từ bên này sang bên kia của đầu ngón. (C) Khâu với nylon 4-0. (D) Kết
quả sau 2 tháng. (Nguồn: Tosti, 2015(2)).
- Thủ thuật ‘super U’ (Hình 12)

Peres Rosa, một bác sĩ da liễu người Brazin, đã mô tả kỹ thuật này, nó rất tốt trong tình huống
phì đại nặng các nếp móng. Cần thông báo cho bệnh nhân biết rằng các hoạt động hàng ngày sẽ
bị ảnh hưởng trong giai đoạn hậu phẫu vì thời gian lành bệnh dài (lên đến 2 tháng).

10
Rạch một đường hình chữ U từ phần gần của nếp móng bên, chạy qua đến nếp móng xa, và kết
thúc ở nếp móng bên phía bên kia, bao gồm toàn bộ mô phì đại. Một vết mổ thứ hai bắt đầu vào
rãnh móng bên, trong cùng một vị trí như vết mổ đầu tiên, kéo dài đến ngón nơi vết mổ đầu tiên
đã kết thúc. Dùng kẹp Adson kéo giữ mô phì đại ra, dùng kéo đầu nhọn cắt mô phì đại ra ở nơi
tiếp xúc với xương. Khâu liên tục có khóa với chỉ không tiêu 3-0 hoặc 4-0, xung quanh chỗ rạch
đầu tiên để tránh chảy máu.

Hình 12. Thủ thuật ‘super U’. (A) Móng chọc thịt nặng (bên và xa) với mô hạt bên. (B) Rạch
ngang từ nếp móng gần, chạy song song với cạnh bên và xa của móng, từ bên này sang bên kia.
(C) Mô phì đại được lấy ra. (D) Khâu liên tục có khóa với chỉ không tiêu 4-0. (Nguồn: Tosti,
2015(2)).
Móng gọng kìm(12)

Móng gọng kìm là một loại tăng cong ngang của móng. Độ cong tăng từ gần đến xa. Thường gặp
nhiều ở ngón chân hơn ngón tay. Móng gọng kìm có thể do di truyền hoặc mắc phải, mắc phải
do các nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như biến dạng bàn chân, sau chấn thương hoặc phẫu
thuật, bệnh da mãn tính và viêm xương khớp thoái hóa. Trong hầu hết các trường hợp, gốc của
xương đốt xa lớn ra làm giảm độ cong của móng gần và do đó tăng độ cong móng xa. X quang
cho thấy sự mở rộng của gốc đốt xa và phát triển gai xương bên ở đầu xa, giống như một cái móc.
Vì giường móng bám chắc vào xương, việc nâng lên từ từ của phiến móng kéo giường móng và
một phần xa của xương tạo nên gai xương.

Phương pháp điều trị bảo tồn trong trường hợp nhẹ hoặc cho bệnh nhân không thể phẫu thuật. Có
nhiều phương pháp không phẫu thuật như nẹp móng, dải nhựa, dây thép siêu đàn hồi và ủi móng.
Vì chúng không tác động vào căn nguyên gây bệnh, tái phát là không thể tránh khỏi và diễn ra
trong vòng một vài tuần thậm chí sau một tháng - hoặc điều trị kéo dài hàng năm.

Điều trị phẫu thuật rất hiệu quả. Đặc biệt chỉ định trong trường hợp với ấn vào đau, đau khi hoạt
động thể thao và mang giày. Có nhiều phương pháp khác nhau tùy theo các mức độ nghiêm trọng.

11
Cắt bỏ sừng mầm móng chọn lọc

Phương pháp này dựa trên cơ chế bệnh sinh của móng gọng kìm. Lấy đi áp lực bên ngoài ở gốc
rộng của đốt tận dẫn đến ít cong của móng gần và do đó ít quá cong phần xa phiến móng. Điều
này làm giảm đau ngay sau mổ. Vì mục đích này, hủy sừng bên của mầm móng là tốt nhất.

Cắt bỏ sừng mầm móng chọn lọc và tạo hình giường móng

Sau khi hủy sừng bên của mầm móng, tách hai phần ba xa của móng ra khỏi giường móng, cắt
nằm ngang với một kéo cắt móng tay và lấy ra (Hình 13).

Từ lề gần của móng còn lại đến nếp dưới móng, rạch một vết dọc ở giữa đến tận xương của giường
móng bị chèn ép. Khi lưỡi dao mổ đến đầu xa, cảm nhận gai xương như một vết sưng nhỏ. Một
vết rạch ngang trên da đầu ngón ngoài nếp dưới móng 0,5 cm và vuông góc với đường rạch đầu
tiên, như một chữ T đảo nghịch (phương pháp Haneke cải tiến). Điều này cho phép tiếp cận xương
tốt hơn là chỉ rạch dọc (phương pháp Haneke) .

Tách giường móng và da đầu ngón ra khỏi xương. Dùng gouge gặm gai xương để làm phẳng đốt
xương tận.

Các vạt của giường móng được trải ra bằng mũi khâu buộc đảo ngược với chỉ 4/0 đi từ một nếp
móng bên qua đầu ngón phía lòng bàn tay đến nếp móng bên kia và quay ngược lại (Hình 13 A).
Những sợi chỉ này cố định mặt gấp của búp ngón. Chèn vào các rãnh móng bên bằng các ống cao
su mỏng, phía trên có các chỉ khâu để tránh cắt mô quanh móng. Khi những nếp gấp móng tay
được kéo ra ngoài tạo thành một hình thoi (trong trường hợp vết rạch dọc đơn giản) hoặc một hình
tam giác (trong trường hợp của T ngược) một chỗ khuyết xuất hiện, dễ dàng đóng chỗ khuyết với
một vòng quay vào phía trong bờ trong của vạt giường móng. Mức độ xoay vòng phụ thuộc vào
mức độ gọng kìm của giường móng. Khi tăng sản xương không quá nghiêm trọng, một đường chỉ
khâu khóa đủ để dàn trải giường móng. Theo Jung, không sử dụng phương pháp khâu buộc như
Hình 13 I kết quả vẫn tốt (5).

12
Hình 13 . (A) Sơ đồ cắt bỏ sừng mầm móng chọn lọc và tạo hình giường móng. (B) Móng gọng
kìm nhìn từ phía trên. (C) Móng gọng kìm nhìn từ phía trước. (D) Rút hai dãi phiến móng bên.
(E) Đốt bằng hóa chất sừng mầm móng bên. (F) Lấy 2/3 phiến móng xa. (G) Rạch hình chữ T
ngược bộc lộ gai xương. (H) Sau khi cắt gai xương. (I) Sơ đồ chỉ khâu đảo ngược buộc trên ống
cao su bảo vệ rãnh bên khỏi bị rách. (J) Ngay sau mổ trải dài giường móng bằng khâu liên tục có
khóa. (Nguồn: Vidimos, 2009 (1)).

13
U cuộn mạch

U cuộn mạch là một khối u lành tính ảnh hưởng hầu hết ở ngón tay, nhưng vài trường hợp ở ngón
chân. Đó là một "bệnh phụ nữ" có khi lên tới 90% các trường hợp được báo cáo ở những phụ nữ
quanh tuổi bốn mươi. Trên lâm sàng, nó là một tổn thương dưới móng ấn đau màu xanh tím. Đau
kịch phát là triệu chứng chủ đạo. Đau có thể tối thiểu hoặc nghiêm trọng, lan đến cánh tay, chạm
nhẹ làm đau trầm trọng hơn.

Nhạy cảm lạnh là rất gợi ý; có độ nhạy, độ đặc hiệu 100%. Hết đau khi đặt áp lực 300 mmHg tại
gốc ngón (test Hildreth). Test Love có độ nhạy 100% và độ đặc hiệu 78%: khi nhấn chính xác tại
vị trí của khối u, nó sẽ gây đau cấp tính.

Chẩn đoán hình ảnh có thể giúp chẩn đoán:

- X quang: hình ảnh tiêu xương trong khoảng 50% trường hợp.
- Siêu âm phát hiện được các khối u cuộn mạch lớn hơn 3 mm.
- MRI rất đặc hiệu khi sử dụng cuộn (coil) thích hợp , nhưng chỉ nên dành cho trường hợp tái phát
hoặc không điển hình (Hình 15 A).

Điều trị là phẫu thuật. Tái phát có thể xảy ra khi cắt bỏ u còn sót hoặc có nhiều khối u cuộn mạch
ban đầu (Hình 15 C). Đường mổ phụ thuộc vị trí u cuộn mạch, sau đây xin giới thiệu một phương
pháp phẫu thuật rạch bờ giường móng có thể bộc lộ đủ và lấy hoàn toàn khối u ở bất kỳ vùng dưới
móng nào do Wang và cộng sự giới thiệu vào năm 2013 (13).

Loại bỏ toàn bộ phiến móng để lộ khối u, rạch một đường cong gần phía của khối u dọc theo rìa
móng (Hình 14). Đầu gần của đường rạch cong gần với bờ ngoài của mầm móng. Tiếp tục bóc
tách xuống đốt xa, một vạt phía duỗi chứa giường móng và mầm móng được nâng lên để bộc lộ
khối u đầy đủ. Bóc tách cẩn thận khối u và cắt bỏ hoàn toàn, bao gồm cả vỏ, sử dụng kéo vi phẫu
để ít tổn thương giường móng. Sau đó, đặt vạt trở về vị trí ban đầu, khâu liên tục vết rạch với chỉ
6-0 kim tròn. Không đặt lại phiến móng, giường móng được phủ bằng gạc vaseline.

14
Hình 14. (A) Trước khi phẫu thuật, đánh dấu vị trí của khối u, thiết kế đường rạch. (B) Gỡ bỏ
phiến móng để lộ khối u (mũi tên). Đường rạch bờ móng là đường nét đứt. (C) Nâng giường móng
lên bộc lọ khối u (mũi tên). Sử dụng kéo nhỏ bóc tách cẩn thận khối u (mũi tên). (D) Cắt bỏ hoàn
toàn gồm cả vỏ còn nguyên vẹn. (E) Đóng vạt giường móng bằng chỉ 6-0. Không đặc phiến móng
vào vị trí ban đầu. (F) So sánh ngón tay cái phẫu thuật và ngón cái bình thường sau 2 năm, hoàn
toàn không có biến dạng . (Nguồn: Wang, 2013 (13)).
Ngoài ra, có thể phẫu thuật theo đường bên không rút móng (Hình 15 B), đường qua giường
móng có rút móng (Hình 16).

15
Hình 15. (A) Hình MRI xác định u cuộn mạch (mũi tên). (B) Phẫu thật theo đường bên, không
rút móng ở cùng bệnh nhân hình A. (C) Phẫu thuật lần 2 theo đường mổ Wang cho u cuộn
mạch còn sót (mũi tên).

Hình 16. Đường mổ u cuộn mạch qua giường móng. (Nguồn: Amici, 2012 (14)).
Ung thư tế bào gai dưới móng (15)

Ung thư biểu mô tế bào gai dưới móng (subungual squamous cell carcinoma, SUSCC) là ung thư
phổ biến nhất của đơn vị móng. Virus sinh ung thư HPV (human papilloma virus), phơi nhiễm tia
xạ và hóa chất có thể đóng vai trò trong sự phát triển của SUSCC. Một tiền sử chấn thương móng
phổ biến ở bệnh nhân SUSCC, nhưng nó không liên quan đến ung thư.

SUSCC gặp chủ yếu ở nam giới, tuổi từ 50 đến 69 và ảnh hưởng chủ yếu đến các ngón tay cái và
ngón tay trỏ. Nó có thể biểu hiện với sự thay đổi tối thiểu của móng như móng đỏ (erythronychia),
hoặc bắt chước bệnh móng lành tính một ngón như nấm móng, chín mé mạn tính, mụn cóc. Chẩn

16
đoán SUSCC thường bị chậm. Tuy nhiên, khi SUSCC không xâm lấn xương, sau khi cắt bỏ khối
u, bệnh nhân có tiên lượng tốt.

SUSCC không điều trị thì tăng trưởng chậm và xâm lấn tại chỗ. Xâm lấn xương gặp trong khoảng
20% trường hợp SUSCC. Di căn lan tỏa và tử vong thì rất hiếm. Ở giai đoạn đầu, ít biết về các
yếu tố tiên lượng của SUSCC, nhưng độ sâu của xâm lấn và dấu hiệu mô bệnh học của nhiễm
HPV có thể cho tiên lượng không thuận lợi.

Khi chụp X-quang có thâm nhiễm vào xương đòi hỏi phải cắt cụt ngón từng phần. Khi không có
thâm nhiễm vào xương, thực hiện phương pháp phẫu thuật bảo tồn để tối ưu hóa chất lượng cuộc
sống. Phẫu thuật vi phẫu Mohs (Mohs micrographic surgery, MMS) là lựa chọn điều trị tốt nhất
cho SUSCC, bởi vì nó có tỉ lệ chữa bệnh cao và tiết kiệm mô. Tuy nhiên, thực hiện MMS ở ở đơn
vị móng làm tốn thời gian và vị trí này đầy thử thách, đòi hỏi bác sĩ phải được đào tạo phẫu thuật
và mô bệnh lý học. Hơn nữa, MMS không phải lúc nào cũng mang lại lợi ích về chức năng và
thẩm mỹ ở đơn vị móng. Tuy nhiên, cắt rộng đơn vị móng và ghép da là một lựa chọn tốt thế cho
MMS ở bệnh nhân SUSCC.

Các bước phẫu thuật cắt rộng đơn vị móng và ghép da.

Gây tê thần kinh gốc ngón, garrot gốc ngón. Cắt rộng đơn vị móng thành khối gồm 2 nếp móng
bên, nếp móng gần và nếp dưới móng (Hình 17). Đường rạch ngang ở đáy đốt xa, cách khớp liên
đốt từ 3-5mm tùy vào phẫu thuật ở ngón tay hay chân, đủ sâu nhưng tránh tổn thương gân duỗi
xa. Đường rạch kéo dài ra hai bên và đầu xa đến nếp dưới móng ở đỉnh, sâu đến màng xương,
cách nếp bên và dưới móng từ 2 – 5 mm. Dùng dao điện phá hủy hoàn toàn sừng mầm móng.
Ghép da toàn phần lấy từ tay không thuận, khâu vào vùng khuyết với chỉ 4.0 không tiêu. Đặt lên
phía trên gạc vaseline tẩm mupirocin 2%, giữ tại chỗ với chỉ 3.0 không tiêu. Cắt gạc vaseline sau
7 ngày, cắt chỉ sau 3 tuần.

17
Hình 17. Cắt rộng đơn vị móng và ghép da (Nguồn: Topin-Ruiz, 2017 (15))
A: Cắt rộng thành khối sâu đến màng xương. B. Ghép da vào chỗ khuyết. C.Một năm sau phẫu
thuật.

Tóm lại

Hiện nay, khi có một một kiến thức tốt về giải phẫu học, sinh lý học, bệnh lý học, phẫu thuật móng
không còn là một nhiệm vụ khó khăn. Tuy nhiên, nó đòi hỏi một óc tưởng tượng vì nhiều tổn
thương, đặc biệt là khối u móng, sẽ dẫn đến khuyết tật hoặc tạo ra bệnh cảnh mới. Ngoài ra, cần
có kỹ năng phẫu thuật tốt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Vidimos AT, Ammirati CT, Poblete-Lopez C. Nail surgery. Dermatologic Surgery: Saunders Elsevier;
2009. p. 192-200.
2. Tosti A. Nail Disorders: Practical Tips for Diagnosis and Treatment, An Issue of Dermatologic Clinics:
Elsevier Health Sciences; 2015.
3. Abimelec P. Tips and tricks in nail surgery. Seminars in cutaneous medicine and surgery. 2009;28(1):55-
60.
4. Vidimos AT, Ammirati CT, Poblete-Lopez C. Dermatologic Surgery: Saunders Elsevier; 2009.
5. Jung DJ, Kim JH, Lee HY, Kim DC, Lee SI, Kim TY. Anatomical characteristics and surgical treatments
of pincer nail deformity. Archives of plastic surgery. 2015;42(2):207-13.
6. Jellinek N. Nail matrix biopsy of longitudinal melanonychia: diagnostic algorithm including the matrix
shave biopsy. Journal of the American Academy of Dermatology. 2007;56(5):803-10.
7. Scher RK, Daniel CR. Nails: Diagnosis, Therapy, Surgery: Elsevier Saunders; 2005.
8. Richert B. Surgical management of ingrown toenails - an update overdue. Dermatol Ther.
2012;25(6):498-509.
9. Robinson JK. Nail Surgery. Surgery of the Skin: Procedural Dermatology: Mosby Elsevier; 2010. p. 754-
91.
10. Trương ĐL. Phẫu thuật móng chọc thịt ngón chân cái. Chăm sóc da [Internet]. 11/2006; 1(1):[tr.48-51
pp.].
11. Grover C, Khurana A, Bhattacharya SN, Sharma A. Controlled trial comparing the efficacy of 88%
phenol versus 10% sodium hydroxide for chemical matricectomy in the management of ingrown toenail. Indian J
Dermatol Venereol Leprol. 2015;81(5):472-7.
12. Richert B, Di Chiacchio N, Haneke E. Nail Surgery: Taylor & Francis; 2011.
13. Wang PJ, Zhang Y, Zhao JJ. Treatment of subungual glomus tumors using the nail bed margin approach.
Dermatologic surgery : official publication for American Society for Dermatologic Surgery [et al].
2013;39(11):1689-94.
14. Amici JM, Bailly JY, Beylot-Barry M, Egasse D, Thomas L. Chirurgie unguéale. Chirurgie
dermatologique: Elsevier Health Sciences France; 2012. p. 255-80.
15. Topin-Ruiz S, Surinach C, Dalle S, Duru G, Balme B, Thomas L. Surgical Treatment of Subungual
Squamous Cell Carcinoma by Wide Excision of the Nail Unit and Skin Graft Reconstruction: An Evaluation of
Treatment Efficiency and Outcomes. JAMA dermatology. 2017.

18

You might also like