Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 4

QUY TRÌNH PHẢN ỨNG RIVALTA

Phản ứng Rivalta là một xét nghiệm được thực hiện với các dịch chọc dò như dịch màng bụng,
dịch màng phổi,... nhằm đánh giá một cách tương đối về lượng protein có trong dịch chọc dò,
thông qua đó để nhận biết là dịch do phản ứng viêm hay dịch thấm thông thường. Qua đó gợi ý
giúp bác sĩ chẩn đoán các bệnh liên quan đến gan, thận, phổi,... Vậy ý nghĩa cụ thể của xét
nghiệm này như thế nào? Câu trả lời sẽ có ở bài viết dưới đây nhé.

1. Phản ứng Rivalta là gì?

Phản ứng Rivalta là một xét nghiệm nhằm xác định dịch chọc dò là dịch thấm hay dịch tiết. Mỗi
loại dịch khác nhau sẽ là cơ sở giúp cho bác sĩ chẩn đoán các bệnh liên quan như viêm cầu thận
cấp, hội chứng thận hư, nhiễm khuẩn, lao,...

Nguyên lý của xét nghiệm này đó là khi nhỏ dịch chọc dò vào trong một dung dịch bao gồm
nước cất và acid acetic, protein có trong dịch sẽ kết tủa và xuất hiện vòng trắng đục như khói
thuốc lá. Việc quan sát hiện tượng này xảy ra sẽ đánh giá kết quả dương tính hoặc âm tính từ đó
xác định dịch thấm hoặc dịch tiết.

2. Phân loại dịch chọc dò

Dịch chọc dò là dịch được lấy ra từ các khoang màng phổi, màng tim, khoang phúc mạc, dịch ở
giữa các khớp. Thông thường tại vị trí có dịch sẽ xảy ra các phản ứng viêm. Dịch chọc dò thường
được chia thành 2 loại đó là:

Dịch thấm

Về cơ bản dịch thấm là dịch được tạo ra do sự chênh lệch áp lực trong lòng mạch và ngoài gian
bào hoặc do giảm áp lực keo. Dịch thấm thường gặp trong các bệnh như suy thận, hội chứng thận
hư, xơ gan có tràn dịch phúc mạc, suy tim, bỏng nặng,...

Dịch thấm thường có màu vàng nhạt, trong suốt, không có fibrinogen, có ít tế bào, nồng độ
protein thường nhỏ hơn 30 g/ L. Bên cạnh đó, hàm lượng glucose trong dịch thấm tương đồng
với hàm lượng glucose có trong huyết thanh.

Dịch tiết

Dịch tiết được tạo thành trong quá trình viêm của cơ thể và còn được biết đến với một tên khác là
dịch rỉ viêm. Dịch này được hình thành một cách chủ động khi cơ thể có sự đáp ứng với các tác
nhân gây viêm nhiễm. Cơ chế hình thành dịch tiết đó là giãn mạch giúp cho các protein đi vào
gian bào. Do đó hàm lượng protein có trong dịch tiết thường cao trên 30 g/ L.
Ngoài ra trong dịch tiết còn chứa các bạch cầu đa nhân, fibrinogen và glucose thấp hơn so với
trong huyết thanh. Dịch tiết thường gặp trong các trường hợp nhiễm khuẩn, ung thư, bệnh lao
phổi,...

3. Quy trình thực hiện phản ứng Rivalta

Bệnh phẩm để thực hiện xét nghiệm là các dịch chọc dò được lấy từ khoang màng phổi, màng
tim, màng bụng, dịch khớp,... Mỗi loại dịch sẽ có một quy trình chọc hút riêng biệt và cần phải
tuân thủ đúng theo các nguyên tắc vô trùng, tránh lây nhiễm vào bệnh phẩm.

Hình 2: Quy trình chọc hút dịch màng phổi.

Các mẫu dịch sau khi được lấy sẽ vận chuyển nhanh chóng về phòng xét nghiệm để tiến hành
phân tích.

Sau đó chuẩn bị các vật dụng cần thiết cho quá trình xét nghiệm Rivalta như pipet nhỏ giọt, ống
nghiệm sạch, cốc có mỏ chia sẵn vạch, bảng nền đen để quan sát kết tủa.

Về phần hóa chất sinh phẩm, cần phải chuẩn bị nước cất và dung dịch acid acetic. Lưu ý kiểm tra
hạn sử dụng của hóa chất và cần đặc biệt cẩn thận trong quá trình sử dụng để tránh nguy hiểm.

Quy trình thực hiện phản ứng Rivalta như sau:

- Tiến hành ly tâm dịch chọc dò để thu lấy phần dịch trong phía trên đem đi xét nghiệm.

- Đổ khoảng 100 ml nước cất vào cốc có mỏ đã được chuẩn bị sẵn.


- Dùng pipet nhỏ giọt nhỏ 3 - 4 giọt acid acetic 10% vào cốc, khuấy đều dung dịch.

- Sử dụng một ống nghiệm sạch khác, đổ dung dịch vừa pha vào 2/3 ống.

- Dùng pipet nhỏ 1 giọt bệnh phẩm dịch vào ống nghiệm và quan sát trên bảng nền đen.

Đọc kết quả

Hình 3: Hiện tượng kết tủa của phản ứng Rivalta.

- âm tính: sau khi nhỏ dịch không thấy xuất hiện kết tủa trắng, dung dịch vẫn trong suốt như ban
đầu chứng tỏ bệnh phẩm là dịch thấm. Lượng protein ở đây thấp dưới 30g/ L.

- Dương tính: sau khi nhỏ dịch thấy xuất hiện đám trắng đục kết tủa lơ lửng trong cốc nước
giống như khói thuốc lá. Điều này chứng tỏ bệnh phẩm là dịch tiết và có hàm lượng protein cao
trên 30g/ L.

Trên lâm sàng bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện phản ứng Rivalta khi nghi ngờ bệnh nhân mắc các
bệnh lý viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận mạn, hội chứng thận hư, suy thận, bệnh tim, xơ gan,
nhiễm khuẩn, viêm, bệnh lao,...

Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả mà bạn cần chú ý như:

- Dịch chọc dò cần phải được lấy đúng tiêu chuẩn, đảm bảo các quy tắc vô trùng, đặc biệt tránh
không được lẫn máu.
- Dung dịch acid acetic phải được pha đúng tỷ lệ và sử dụng cẩn thận.

- Mọi thông tin hành chính của bệnh nhân và mẫu bệnh phẩm cần phải trùng khớp và đầy đủ.

- Chú ý nên quan sát hiện tượng kết tủa trên bảng nền đen để dễ phát hiện hơn.

You might also like