Download as doc, pdf, or txt
Download as doc, pdf, or txt
You are on page 1of 3

Đã qua bao nhiêu cái mùa thu ngày cổng trường mở ra cho đến mùa hè oi ả ngày mà cổng trường

khép lại báo hiệu một năm học đã qua. Tôi cũng đã trông thấy đến quen mắt những thời khắc đó,
bây giờ nó như một đoạn phim tua chậm lại, từng lớp từng lớp học trò mà tôi dìu dắt, chúng từng
bước đi qua các ngưỡng cửa của cuộc đời. Tôi không biết chúng có nhớ đến người thầy này
không nữa, nhưng tôi lại nhớ như in người thầy của tôi.

Thầy của tôi nổi tiếng nghiêm khắc trong vùng, trẻ con cùng trang lứa với tôi thời ấy cứ nghe
đến danh thầy là phát run. Mỗi độ sắp tựu trường là tụi bạn trong xóm tôi vừa mừng vừa sợ,
mừng vì lại được mặt quần áo đẹp đi học, sợ là sợ sự nghiêm khắc của thầy. Tôi cũng không
ngoại lệ, tôi sợ thầy đến nổi ba mẹ tôi ở nhà hay lấy tên thầy ra dọa mỗi khi tôi không nghe lời.
Mãi cho đến sau này khi tôi dấn thân vào cái nghề nhà giáo, tôi mới thấm thía hơn bao giờ hết
những “trận đòn” của thầy dành cho tôi.

Tôi nhớ rất rõ những ngày đầu thu đó, đã vào tựu trường được độ vài ngày rồi mà tôi vẫn còn
luyến tiếc mùa hè với bao nhiêu là những ngày rong rủi chạy nhảy đi chơi cùng lũ bạn. Chúng tôi
khi đó là đám con trai rất ham chơi. Không giống như trẻ con bây giờ mê chơi mấy trò chơi điện
tử trên mấy thiết bị công nghệ, chúng tôi say mê những trò đi câu cá, bắn chim, bẫy chuột lấm
lem bùn đất.

Nhớ độ đó là mùa gặt, mà mùa gặt thì là thời điểm “vàng” để bắt mấy đàn chuột trú ngụ trên
cánh đồng lúa. Bọn trẻ chúng tôi đã chờ rất lâu rồi cái ngày những mảnh đất trồng lúa cuối cùng
trong vùng được thu hoạch, phải nói là “thiên đường chuột” chứ không ngoa. Sáng hôm đó
chúng tôi vẫn quần áo tươm tất tử tế như bao ngày đến trường, nhưng đi được nửa đường chúng
tôi lại rẽ sang hướng khác. Quần áo thường ngày giấu trong bụi được lôi ra, tập sách cặp vở thì
quẳng tứ tung gần đống rơm, chúng tôi nhanh chóng thay đồ chạy đi bắt chuột.
Hôm đó dự đoán là một ngày “bội thu” của bọn nhóc chúng tôi, kết quả thì cũng là “bội thu”
nhưng theo một hướng khác. Đám chúng tôi đang chia ra rược đuổi đám chuột thì từ xa bóng
dáng cao gầy liêu xiêu của thầy tôi xuất hiện, thầy một tay chắp sau lưng một tay cầm cây thước
gỗ thô dài. Bắt gặp hình ảnh đó, chúng tôi rét run người, không dám tiến lui một bước nào.
Thế rồi cả bọn chúng tôi được thầy dẫn về lớp, thay lại quần áo tươm tất xong chúng tôi ngồi vào
bàn học như bình thường. Nhưng thầy chúng tôi nào có bỏ qua như thế, thầy gọi chúng tôi lên
bảng kiểm tra vở bài tập, rồi cho làm bài tập kiểm tra bài cũ. Cả lũ chúng tôi có đứa nào làm bài
tập thầy giao đâu, những trang vở lật ra đều trắng tinh. Lúc đó chúng tôi run sợ trước gương mặt
bừng bừng lửa giận của thầy, nhưng mãi đến khi đã trưởng thành mỗi lần tôi nhớ lại gương mặt
ấy mới nhận ra sâu trong đó là nỗi buồn, là sự thất vọng của thầy.
“Chiếc roi” của thầy vung lên vung vút, cả bọn chúng tôi được một “trận đòn” nên thân. Sau đó
thầy tận tình dạy lại cho chúng tôi những gì đã bỏ lỡ, những gì đã quên. Đối với trẻ con chúng tôi
khi xưa mà nói, đòn roi của thầy, của ba mẹ là những điều bình thường, bây giờ khi nhớ lại còn
xem nó là một phần của tuổi thơ chúng tôi. Những “trận đòn” của thầy tôi khi xưa không hiếm
gặp, nhưng chỉ là đối với những đứa trẻ ngỗ nghịch hay đối với tội nào đó cần phạt làm gương.
Ba mẹ chúng tôi khi ấy còn hi vọng thầy phạt chúng tôi nhiều hơn một chút để chúng tôi biết sợ
mà ngoan ngoãn học hành, họ đã khổ quá rồi, chỉ vì không được học hành đến nơi đến chốn.
Chúng tôi may mắn có thầy giáo dạy dỗ, còn không nên người thì biết phải làm sao đây.
Sau này mỗi người chúng tôi đều có công ăn việc làm ổn định, đứa làm bác sĩ, đứa làm công an,
còn tôi đây thì nối gót thầy tôi gắng bó với nghề nhà giáo. Không biết cơ duyên nào đã đưa tôi
đến với nghề, nhưng suốt mấy chục năm nay chưa bao giờ tôi cảm thấy chùn chân vì sự lựa chọn
này.
Tôi tuy biết ơn dạy dỗ của thầy, biết ơn những “trận đòn” của thầy, nhưng đã rất lâu rồi tôi
không dùng cách của thầy nữa. Thời đại bây giờ tiến bộ, học sinh của tôi đều là con cưng của
phụ huynh chúng nó. Thời của tôi không có khái niệm thầy chiều trò, bố mẹ chiều con. Mọi thứ
đều rất nghiêm và đi vào khuôn khổ nên việc gây ra lỗi ở trường hay ở nhà đều khiến chúng tôi
rất lo sợ, sợ bị phạt. Chính vì sợ nên không dám vi phạm và mình cũng cảm thấy hình thức phạt
ấy hoàn toàn xứng đáng nên tôi thấy thầy phạt trò quỳ gối không có gì oan ức.
Nhưng mỗi thời mỗi khác, xã hội thay đổi và tiến bộ, chúng ta cũng phải thay đổi và tiến bộ
theo. Đọc nhiều bài báo về các trường hợp giáo viên phạt quỳ học sinh, khẽ tay hay các hình
thức phạt tương tự như thế, tôi chỉ đồng cảm chứ không đồng ý. Là một nhà giáo luôn đề cao
việc tiếp thu quan điểm giáo dục tiến bộ ngày nay, tôi cho rằng hình phạt như thế đúng là không
nên áp dụng nữa. Cha mẹ và nhà giáo dục phải chấp nhận mọi trẻ em như bản tính nó vốn có,
yêu thương, tôn trọng và giúp nó phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có. Cho nên cha mẹ và
giáo viên thấy trẻ phát triển không theo đúng “mục tiêu” mình đặt ra mà thất vọng, bực tức trừng
phạt trẻ, thì đó là vì mình, chứ không phải “vì học sinh thân yêu”. Cần khơi dậy, kích thích niềm
hứng thú từ đó tạo nên động lực từ bên trong đứa trẻ, chứ không phải từ áp lực bên ngoài.
Nhưng như vậy không có nghĩa là “tự do vô kỷ luật” mà trái lại trẻ càng được tôn trọng, tự do,
càng làm cho các em có ý thức tự trọng, có trách nhiệm với bản thân và tập thể. Ví dụ, có em hay
trêu chọc bạn, mất trật tự, em sẽ bị nhắc nhở, phê bình và cần thì phạt, cho ngồi một mình, tại
“bàn cô đơn” một thời gian; nếu em đánh hỏng đồ dùng của bạn, đánh bạn, hay làm vỡ cửa kính
nhà trường chẳng hạn, hành vi đó phải lập biên bản, em ký vào, các bạn làm chứng ký vào; cha
mẹ và bản thân phải xin lỗi, chuộc lỗi, đền bù.
Tập thể học sinh cũng có thể tự đề ra kỷ luật, chẳng hạn, có em học sinh hay phá quấy, nếu
không sửa chữa, có thể không được đi tham quan cùng lớp, vì “sợ rằng bạn ấy lại phá quấy, ảnh
hưởng xấu đến danh dự của lớp ta”... Kỷ luật làm sao để học sinh có sai lầm và các em khác rút
ra bài học từ những sai lầm, nhưng không được xúc phạm nhân cách học sinh. Có vậy, các em
mới trưởng thành đàng hoàng, tử tế.
Để giải quyết được nạn bạo lực học đường cần có sự thống nhất chung tay của toàn xã hội đặc
biệt là sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường và cộng đồng. Cha mẹ phải xác định mình làm tấm
gương không chỉ cho con mà còn cho những người xung quanh để tạo nên môi trường an toàn và
tôn trọng. Giáo viên không những cần đáp ứng về năng lực chuyên môn mà còn cần phải được
sàng lọc về các tiêu chuẩn đạo đức.
Càng lớn, tôi càng thấm thía bài học từ những lần bị thầy tôi đánh đòn ấy. Nhưng cái tôi học tập
là cái tâm huyết, cái sự hi vọng to lớn trong đôi mắt của thầy tôi ngày ấy. Theo quy định của
ngành sư phạm thì đúng là không nên đánh học trò. Nhưng cũng tùy trường hợp, ngữ cảnh mà
người thầy có cách ứng xử sao cho vừa không phạm quy định ngành sư phạm, vừa giáo dục được
học trò, dạy học trò biết "sợ" khi làm chưa đúng, khi chưa ngoan và học chưa được tốt.
Thiết nghĩ, với học trò, bên cạnh việc dạy kiến thức, về lòng nhân nghĩa, lễ nghĩa, sự trung thực
và lòng dũng cảm, cần phải dạy cho trẻ nhỏ biết "sợ" để không được mắc lỗi cũng như những sai
lầm đáng tiếc... Nhưng dạy như thế nào, đó còn là một thách thức, một bài toán nhiều lời giải cho
những người nhà giáo như chúng tôi.

You might also like