Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 234

VIỆN HÀN LÂM

KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM


HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
--------  -------

ĐỖ TẤT THIÊN

THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU


CỦA NÔNG DÂN KHU VỰC MIỀN TRUNG

Chuyên ngành: Tâm lý học


Mã số: 9310401

LUẬN ÁN TIẾN SĨ TÂM LÝ HỌC

Người hướng dẫn khoa học: GS.TS. PHẠM THÀNH NGHỊ

HÀ NỘI - 2018
LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các dữ liệu, kết
quả nghiên cứu trong luận án là trung thực và chưa từng công bố trong bất kỳ công
trình nghiên cứu của ai khác.

Tác giả luận án

Đỗ Tất Thiên
LỜI CẢM ƠN

Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất đến GS.TS. Phạm Thành Nghị,
người hướng dẫn khoa học đã tận tình chỉ dẫn, giúp đỡ tôi trong suốt quá trình thực
hiện luận án.

Tôi xin chân thành cảm ơn Lãnh đạo Học viện Khoa học Xã hội - Viện Hàn
lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Khoa Tâm lý-Giáo dục - Học viện Khoa học Xã
hội - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; các nhà khoa học đã giúp đỡ và tạo
mọi điều kiện để tôi hoàn thành công trình nghiên cứu.

Tôi xin gửi lời cảm ơn đến Ban giám hiệu, các Phòng ban của trường Đại
học Sư phạm TP.HCM, trường Đại học Quy Nhơn, Quý thầy cô, đồng nghiệp ở
Khoa Tâm lý học, trường Đại học Sư phạm TP.HCM và Khoa Tâm lý - Giáo dục &
Công tác xã hội trường Đại học Quy Nhơn đã tạo điều kiện thuận lợi cho tôi trong
quá trình vừa công tác vừa học tập và nghiên cứu để hoàn thành luận án.

Xin gửi lời cảm ơn đến bà con nông dân huyện Tuy Phước, huyện Phù Mỹ
tỉnh Bình Định, huyện Sơn Tịnh, huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi và các cán bộ
quản lý thuộc các Sở, ban, ngành, huyện, xã, thôn đã tham gia và giúp đỡ tôi trong
giai đoạn khảo sát lấy số liệu cho luận án.

Tôi cũng xin bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đến gia đình, người thân - những
người luôn động viên, khuyến khích và giúp đỡ về mọi mặt để tôi có thể hoàn thành
công việc nghiên cứu của mình.

TP.HCM, ngày 16 tháng 05 năm 2018

NCS. Đỗ Tất Thiên


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ................................................................................................................. 1
Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ THÍCH ỨNG
VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CỦA NGƯỜI NÔNG DÂN .................... 8
1.1. Những nghiên cứu về thích ứng ....................................................................... 8
1.2. Những nghiên cứu về thích ứng với biến đổi khí hậu của người nông dân ... 21
Tiểu kết chương 1................................................................................................... 31
Chương 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
CỦA NÔNG DÂN ................................................................................ 33
2.1. Lý luận về thích ứng ....................................................................................... 33
2.2. Lý luận về biến đổi khí hậu ............................................................................ 44
2.3. Khái niệm nông dân và một số đặc điểm tâm lý cơ bản của của nông
trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu ...................................................... 48
2.4. Lý luận về thích ứng với biến đổi khí hậu của nông dân ............................... 52
Tiểu kết chương 2 .................................................................................................. 62
Chương 3. TỔ CHỨC VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ............................ 63
3.1. Tổ chức nghiên cứu ........................................................................................ 63
3.2. Phương pháp nghiên cứu ................................................................................ 65
Tiểu kết chương 3 .................................................................................................. 76
Chương 4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU THỰC TIỄN VỀ THÍCH ỨNG VỚI
BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CỦA NÔNG DÂN .......................................... 77
4.1. Thực trạng thích ứng với biến đổi khí hậu của nông dân ............................... 77
4.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ thích ứng với biến đổi khí hậu của
nông dân ....................................................................................................... 126
4.3. Mô tả một số chân dung tâm lý điển hình trong việc thích ứng với biến
đổi khí hậu .................................................................................................... 132
4.4. Đề xuất biện pháp nhằm nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí
hậu cho nông dân.......................................................................................... 143
Tiểu kết chương 4 .............................................................................................. 146
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ .............................................................................. 148
1. KẾT LUẬN...................................................................................................... 148
2. KIẾN NGHỊ ..................................................................................................... 149
DANH MỤC NHỮNG TỪ VIẾT TẮT

Viết tắt Viết đầy đủ


ADPC Trung tâm Sẵn sàng Phòng chống Thiên tai Châu Á
BĐKH Biến đổi khí hậu
CĐ Cao đẳng
COP Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu
ĐH Đại học
ĐTB Điểm trung bình
HST Hệ sinh thái
IPCC Tổ chức liên Chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc
SAD Chứng rối loạn lo âu xã hội
TC Trung cấp
THCS Trung học sơ sở
THPT Trung học phổ thông
UNDP Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc
UNEP Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc
UNFCCC Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu
DANH MỤC CÁC BẢNG
Bảng 3.1. Đặc điểm của mẫu nghiên cứu .............................................................. 66
Bảng 3.2. Độ tin cậy của bảng hỏi ......................................................................... 70
Bảng 4.1. Đánh giá thích ứng chung với bão lũ bất thường của nông dân ............ 77
Bảng 4.2. Kết quả thích ứng với bão lũ bất thường của người nông dân trên
phương diện nhận thức chung ............................................................... 81
Bảng 4.3. Kết quả nhận thức của người nông dân về biểu hiện của bão lũ bất
thường .................................................................................................... 84
Bảng 4.4. Kết quả nhận thức của người nông dân về hậu quả của bão lũ bất
thường .................................................................................................... 86
Bảng 4.5. Kết quả tự nhận thức của người nông dân về khả năng chống đỡ với
bão lũ bất thường ................................................................................... 90
Bảng 4.6. Kết quả nhận thức của người nông dân về việc đưa ra các cách thức
để chống đỡ với bão lũ bất thường ........................................................ 92
Bảng 4.7. Kết quả về động cơ thúc đẩy hành động chống đỡ với bão lũ bất
thường của nông dân ............................................................................. 94
Bảng 4.8. Kết quả mức độ thích ứng chung với bão lũ bất thường của nông
dân qua sự thay đổi phương thức hoạt động và hiệu quả của sự thay
đổi phương thức hoạt động .................................................................... 97
Bảng 4.9. Kết quả mức độ thay đổi các phương thức hoạt động cụ thể để thích
ứng với bão lũ bất thường của nông dân ............................................... 99
Bảng 4.10. Kết quả mức độ thay đổi phương thức hoạt động trong trồng trọt để
thích ứng với bão lũ bất thường của nông dân .................................... 103
Bảng 4.11. Kết quả mức độ thay đổi phương thức hoạt động trong trồng trọt để
thích ứng với bão lũ bất thường của nông dân phân theo giới tính và
địa bàn sinh sống ................................................................................. 106
Bảng 4.12. Kết quả mức độ thay đổi phương thức hoạt động trong chăn nuôi để
thích ứng với bão lũ bất thường của nông dân .................................... 108
Bảng 4.13. Kết quả mức độ thay đổi phương thức hoạt động trong chăn nuôi
phân theo giới tính và địa bàn sinh sống ............................................. 111
Bảng 4.14. Kết quả mức độ thay đổi phương thức hoạt động để duy trì sinh
hoạt thích ứng với bão lũ bất thường của nông dân ............................ 113
Bảng 4.15. Kết quả mức độ thay đổi phương thức hoạt động để giữ an toàn cho
nhà cửa, tài sản thích ứng với bão lũ bất thường của nông dân .......... 115
Bảng 4.16. Kết quả mức độ thay đổi phương thức hoạt động để chuẩn bị chống
đỡ với bão lũ bất thường của người dân cho bản thân và gia đình ..... 117
Bảng 4.17. Hiệu quả của sự thay đổi phương thức hoạt động để thích ứng với
bão lũ bất thường của nông dân........................................................... 122
Bảng 4.18. Hiệu quả của sự thay đổi phương thức hoạt động để thích ứng với
bão lũ bất thường của nông dân phân theo giới tính và địa bàn sinh
sống...................................................................................................... 123
Bảng 4.19. Mối quan hệ giữa các mặt biểu hiện của thích ứng với bão lũ bất
thường của nông dân ........................................................................... 125
Bảng 4.20. Kết quả mức độ phối hợp với người xung quanh và tận dụng các
nguồn lực để chống đỡ với bão lũ bất thường của nông dân .............. 127
Bảng 4.21. Ảnh hưởng sự phối hợp với mọi người xung quanh và tận dụng các
nguồn lực để chống đỡ với bão lũ bất thường ..................................... 130
Bảng 4.22. Kết quả so sánh sự khác biệt về trình độ của nông dân ........................ 131
Bảng 4.23. Kết quả thích ứng chung với bão lũ bất thường của trường hợp 1 ....... 133
Bảng 4.24. Kết quả thích ứng của trường hợp 1 với bão lũ bất thường trên
phương diện nhận thức chung ............................................................. 133
Bảng 4.25. Kết quả thích ứng của trường hợp 1 với bão lũ bất thường trên
phương diện động cơ thúc đẩy sự thay đổi phương thức hành động .. 134
Bảng 4.26. Kết quả mức độ thích ứng chung với bão lũ bất thường của trương
hợp 1 qua sự thay đổi phương thức hoạt động và hiệu quả của sự
thay đổi phương thức hoạt động .......................................................... 135
Bảng 4.27. Kết quả thích ứng chung với bão lũ bất thường của trường hợp 2 ....... 138
Bảng 4.28. Kết quả thích ứng với bão lũ bất thường của trường hợp 2 trên
phương diện nhận thức chung ............................................................. 139
Bảng 4.29. Kết quả thích ứng của trường hợp 2 với bão lũ bất thường trên
phương diện động cơ thúc đẩy sự thay đổi phương thức hành động .. 140
Bảng 4.30. Kết quả thích ứng với bão lũ bất thường của trường hợp 2 qua sự
thay đổi phương thức hoạt động và hiệu quả của sự thay đổi
phương thức hoạt động ........................................................................ 141
MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài


Biến đổi khí hậu được xem là thách thức lớn đối với nhân loại. Biến đổi khí
hậu tác động đến mọi mặt của đời sống và hoạt động sản xuất của con người cũng
như môi trường trên phạm vi toàn thế giới. Mực nước biển dâng gây ngập lụt,
nhiễm mặn, nhiệt độ tăng, các hiện tượng thiên tai bất thường... gây ảnh hưởng
nghiêm trọng đến nông nghiệp, công nghiệp, các hệ thống kinh tế - xã hội. Vấn đề
biến đổi khí hậu làm thay đổi toàn diện và sâu sắc quá trình phát triển và an ninh
toàn cầu như tài nguyên nước, lương thực, việc làm, kinh tế, văn hóa, xã hội,
thương mại, ngoại giao... và đặc biệt là đe dọa trực tiếp đến tính mạng cũng như sức
khỏe thể chất và tinh thần của con người.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề
bởi tác động của biến đổi khí hậu do bờ biển dài, phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp
và trình độ phát triển thấp của khu vực nông thôn. Trong những năm qua, dưới tác
động của biến đổi khí hậu, tần suất và cường độ thiên tai ngày càng gia tăng, gây ra
nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, các cơ sở hạ tầng về kinh tế, văn hóa, xã hội,
tác động xấu đến môi trường. Chỉ tính trong 15 năm trở lại đây, các hiện tượng
thiên tai cực đoan như: bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập
mặn... đã làm thiệt hại đáng kể về người và tài sản, đã làm chết và mất tích hơn
10.711 người, thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP/năm. Theo
WHO từ năm 1989 đến năm 2011, trung bình mỗi năm ở Việt Nam, có 567 người
chết (kể cả mất tích) do thảm họa thiên nhiên, thiệt hại 1,9 tỷ USD tổng sản phẩm
quốc nội theo sức mua GDP [2, tr.5].
Nhận thức những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đến sự phát
triển bền vững của đất nước, Chính phủ Việt Nam đã sớm tham gia và phê chuẩn
Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto,
đồng thời chỉ đạo từng bước hoàn thiện các văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý
cho công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

1
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 của Nghị quyết Đại hội Đảng XI
đã khẳng định “Phát triển kinh tế - xã hội phải luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện
môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”, đồng thời xác định mục tiêu,
định hướng đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo khí tượng thủy văn, biến đổi khí
hậu và đánh giá tác động để chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp
phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường hợp tác quốc tế
để phối hợp hành động và tranh thủ sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế [2, tr.38-39].
Khu vực miền Trung được cho là một trong những vùng gánh chịu hậu quả
nặng nề của biến đổi khí hậu. Những thiệt hại về vật chất và tinh thần do biến đổi
khí hậu gây ra ở khu vực này là rất lớn, nhất là đối với nông dân - những người trực
tiếp sinh sống, lao động và phụ thuộc rất nhiều vào những biến động về thời tiết và
khí hậu. Những thiệt hại này sẽ vô cùng nghiêm trọng nếu như người nông dân ở
đây không tích cực thực hiện quá trình thay đổi hoạt động sống của mình, không
thực hiện kịp thời những biện pháp thích ứng và áp dụng các kinh nghiệm bản địa
trong việc dự báo khả năng xảy ra nhằm phòng ngừa và giảm nhẹ các rủi ro của các
hiện tượng thời tiết cực bất thường, đoan do biến đổi khí hậu gây ra. Do đó, việc
nghiên cứu về thực trạng thích ứng với biến đổi khí hậu của nông dân, từ đó đề xuất
các biện pháp phù hợp giúp người nông dân nâng cao khả năng thích ứng của mình
trước những biến đổi này là vô cùng cấp thiết.
Trên thực tế, đã có nhiều đề tài nghiên cứu về thích ứng dưới góc độ Tâm lý
học như hướng nghiên cứu thích ứng với nghề nghiệp và lao động; thích ứng với
hoạt động học tập; thích ứng với môi trường văn hóa mới, thích ứng xã hội... Tuy
nhiên, nghiên cứu về thích ứng của người nông dân với biến đổi khí hậu nói chung
và của nông dân khu vực miền Trung nói riêng dưới góc độ Tâm lý học vẫn chưa
được các học giả quan tâm đúng mức. Đặc biệt, việc xem xét thích ứng tâm lý theo
quan điểm Tâm lý học hoạt động giúp phát hiện sự thích ứng tâm lý xảy ra ở cấp độ
hoạt động nhận thức, động lực thúc đẩy và thích ứng về hành vi (phương thức hoạt
động) với những thay đổi của điều kiện hoạt động xảy ra ở bên ngoài, mà những
phát hiện hay số liệu loại này còn thiếu hụt trong kết quả của hầu hết các nghiên

2
cứu về thích ứng với biến đổi khí hậu ở nước ta. Xuất phát từ những lý do nêu trên,
vấn đề “Thích ứng với biến đổi khí hậu của nông dân khu vực miền Trung” được
lựa chọn để thực hiện trong luận án này.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
2.1. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu lý luận và thực trạng thích ứng tâm lý với biến đổi khí hậu của
nông dân khu vực miền Trung, các yếu tố ảnh hưởng đến thực trạng thích ứng tâm lý
với biến đổi khí hậu. Trên cơ sở đó, đề xuất một số biện pháp tác động tới hiệu quả
thích ứng tâm lý nhằm nâng cao khả năng thích ứng nói chung với biến đổi khí hậu
cho nông dân tại khu vực này.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Tổng quan tình hình nghiên cứu về thích ứng tâm lý và thích ứng tâm lý với
biến đổi khí hậu của nông dân.
- Xây dựng cơ sở lý luận về thích ứng tâm lý với biến đổi khí hậu của nông dân.
- Phân tích thực trạng thích ứng tâm lý với biến đổi khí hậu của nông dân
khu vực miền Trung và các yếu tố ảnh hưởng đến thực trạng.
- Đề xuất một số biện pháp tác động nhằm nâng cao khả năng thích ứng tâm
lý với biến đổi khí hậu cho nông dân khu vực miền Trung.
3. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu của luận án
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Mức độ và biểu hiện thích ứng tâm lý với biến đổi khí hậu của nông dân.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
3.2.1. Giới hạn về đối tượng nghiên cứu
Biến đổi khí hậu diễn biến rất phức tạp và có nhiều biểu hiện như: mực nước
biển dâng cao; nhiệt độ trung bình tăng; các hiện tượng thời tiết cực đoan... Nhưng
trong khuôn khổ luận án này, chúng tôi chỉ tập trung nghiên cứu ở mặt biểu hiện các
hiện tượng thời tiết cực đoan của BĐKH là: bão, lũ bất thường.
Thích ứng tâm lý với bão lũ bất thường của nông dân được nghiên cứu trên cơ
sở chủ thể nhận thức được vấn đề; có động cơ thúc đẩy sự thay đổi phương thức

3
hành động; tiến hành thực hiện phương thức hành động mới, đánh giá kết quả và
vòng hoạt động lại lặp lại.
Đề tài chỉ nghiên cứu một số yếu tố thuộc về cá nhân chi phối khả năng thích
ứng tâm lý với bão lũ bất thường của nông dân khu vực miền Trung như trình độ
học vấn của chủ thể và mức độ phối hợp với mọi người xung và tận dụng các nguồn
lực để chống đỡ với bão lũ bất thường.
3.2.2. Giới hạn về khách thể nghiên cứu
- Khách thể nghiên cứu chính của đề tài: 381 nông dân.
- Khách thể nghiên cứu bổ trợ: Cán bộ quản lý làm công tác phòng ngừa và
giảm nhẹ rủi ro của thiên tai thuộc các Sở, Ban ngành các tỉnh, huyện, xã.
3.2.3. Giới hạn về địa bàn nghiên cứu
Đề tài chỉ nghiên cứu tại một số xã ven biển thuộc 4 huyện của 2 tỉnh Quảng
Ngãi và Bình Định - những vùng chịu ảnh hưởng lớn của bão, lũ bất thường.
3.2.4. Thời gian nghiên cứu: từ năm 2014 đến năm 2017
4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
4.1. Phương pháp luận nghiên cứu
4.1.1. Tiếp cận hoạt động
Xem thích ứng như một cấu thành tâm lý được hình thành, phát triển và biểu
hiện trong hoạt động. Thích ứng tâm lý được xem như quá trình thay đổi hoạt động
sống để đáp ứng yêu cầu của điều kiện sống mới. Nghiên cứu thích ứng tâm lý với
BĐKH của nông dân khu vực miền Trung phải nghiên cứu thông qua thực tiễn của
các hoạt động sinh sống và lao động sản xuất... trong điều kiện bão lũ bất thường do
BĐKH gây ra. Bên cạnh đó, luận án còn lấy khung lý thuyết của trường phái Tâm
lý học Hoạt động là cơ sở lý luận và phương pháp luận chủ đạo trong tiến trình
nghiên cứu.
4.1.2. Tiếp cận hệ thống - cấu trúc
Xem xét đối tượng nghiên cứu (thích ứng tâm lý với biến đổi khí hậu của
nông dân) với tư cách là một hệ thống cấu trúc, bao gồm các mặt biểu hiện: nhận
thức được vấn đề; có động cơ thúc đẩy sự thay đổi phương thức hành động; tiến

4
hành thực hiện phương thức hành động mới, đánh giá kết quả và vòng hoạt động lại
lặp lại có liên quan với nhau, quy định lẫn nhau. Đồng thời, nghiên cứu sự thích ứng
của nông dân với BĐKH trong mối quan hệ tương hỗ với các yếu ảnh hưởng.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
Để giải quyết các nhiệm vụ nghiên cứu đề ra, luận án sử dụng phối hợp các
phương pháp sau:
- Phương pháp nghiên cứu văn bản, tài liệu.
- Phương pháp khảo sát bằng bảng hỏi.
- Phương pháp phỏng vấn.
- Phương pháp quan sát.
- Phương pháp phân tích chân dung tâm lý điển hình.
- Phương pháp xử lý, phân tích thống kê.
Mục đích và cách thức sử dụng các phương pháp được trình bày cụ thể ở Chương 3
5. Đóng góp mới của luận án
5.1. Đóng góp về mặt lý luận
Luận án đã xác định hệ thống khái niệm công cụ, nhất là khái niệm thích ứng
với BĐKH của nông dân. Đặc biệt, việc xem xét thích ứng tâm lý với BĐKH theo
hướng tiếp cận của Tâm lý học hoạt động giúp luận án phát hiện sự thích ứng tâm lý
xảy ra ở cấp độ nhận thức (hoạt động nhận thức, trong đó có đánh giá phương thức
hoạt động cũ và tìm hiểu phương thức hoạt động mới), với hệ thống động cơ (mục
tiêu, nhu cầu, xúc cảm...), hệ thống hành động thay đổi phương thức hoạt động và
đánh giá kết quả của sự thay đổi phương thức hoạt động với những thay đổi của
điều kiện hoạt động xảy ra ở bên ngoài, mà những phát hiện hay số liệu loại này còn
thiếu hụt trong kết quả của hầu hết các nghiên cứu về thích ứng với biến đổi khí hậu
ở nước ta. Bên cạnh đó, luận án đã xây dựng cơ sở lý luận về các biểu hiện cụ thể
của từng cấu thành trong thích ứng tâm lý. Đây cũng chính là cơ sở để thiết kế
thang đo sử dụng trong khảo sát. Những nghiên cứu này góp phần làm sáng tỏ hơn
lý luận Tâm lý học hoạt động nói riêng và Tâm lý học nói chung về thích ứng và
thích ứng tâm lý với BĐKH của nông dân.

5
5.2. Đóng góp về mặt thực tiễn
Luận án xem xét thích ứng như một năng lực trí tuệ - một cấu thành tâm lý
mới được hình thành trong quá trình chủ thể thay đổi hoạt động sống để ứng phó
với những thay đổi của điều kiện môi trường. Kết quả nghiên cứu đã phát hiện được
rằng mức độ thích ứng với BĐKH của nông dân chưa cao. Trong các thành phần
của cấu thành tâm lý mới này, nổi trội nhất là thành tố động cơ thúc đẩy sự thay đổi
phương thức hoạt động, kế đó là cấu thành nhận thức những vấn đề có liên quan đến
bão lũ bất thường hai thành tố này đều thể hiện ở mức Khá. Thành tố về phương
thức hoạt động mới có mức thể hiện thấp nhất trong các thành tố của cấu thành tâm
lý mới tạo nên mức độ thích ứng. Bên cạnh đó, luận án cũng đã chỉ ra các yếu tố
như: phối hợp với mọi người xung quanh và tận dụng các nguồn lực để thích ứng và
trình độ học vấn là có ảnh hưởng đến mức độ thích ứng và khả năng dự báo mức độ
ảnh hưởng đến thực trạng. Luận án đã xây dựng một số chân dung tâm lý điển hình
của người nông dân trong quá trình thích ứng với bão lũ bất thường. Đồng thời, luận
án đề xuất các biện pháp phù hợp để nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH của
người nông dân: biện pháp nhằm nâng cao nhận thức về những vấn đề có liên quan
đến bão lũ bất thường; biện pháp nâng cao mức độ thay đổi phương thức hành động
để thích ứng với bão lũ bất thường cho người nông dân và biện pháp nâng cao mức
độ phối hợp với mọi người xung quanh và tận dụng các nguồn lực để thích ứng.
Những kết quả nghiên cứu mới từ thực tiễn sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các
cơ quan đoàn thể và người nông dân khu vực miền Trung.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
6.1. Ý nghĩa lý luận: Kết quả nghiên cứu lý luận của luận án góp phần bổ
sung và làm phong phú lý luận của Tâm lý học hoạt động nói riêng và Tâm lý học
nói chung về thích ứng tâm lý và thích ứng tâm lý với BĐKH của nông dân. Đây là
dạng thích ứng trong hoạt động tâm lý, thể hiện trong nhận thức bối cảnh, động cơ
hoạt động; tiến hành thực hiện phương thức hoạt động mới, đánh giá kết quả của sự
thay đổi phương thức hoạt động.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn: Kết quả nghiên cứu thực tiễn của luận án đã làm rõ

6
thực trạng thích ứng tâm lý với biến đổi khí hậu của nông dân và một số yếu tố ảnh
hưởng đến thực trạng. Luận án đã xem xét thích ứng như một năng lực trí tuệ - một
cấu thành tâm lý mới cần hình thành cho chủ thể. Qua đó, muốn tăng khả năng thích
ứng tâm lý với biến đổi khí hậu của nông dân phải thay đổi các cấu thành tâm lý của
thích ứng như: nâng cao nhận thức, động cơ thúc đẩy hoạt động, đặc biệt là phải
giúp người dân thay đổi phương thức hoạt động và đánh giá kết quả của sự thay đổi
phương thức hoạt động. Kết quả nghiên cứu này là cơ sở để người nông dân và các
cơ quan ban ngành có liên quan tham khảo trong quá trình xây dựng nội dung
chương trình tập huấn, lập kế hoạch hành động cụ thể và hoàn thiện chính sách
nhằm góp phần giúp người nông dân thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu.
7. Cấu trúc của luận án
Ngoài phần mở đầu; kết luận và kiến nghị; danh mục công trình đã công bố
của tác giả; tài liệu tham khảo và phụ lục, luận án gồm 4 chương:
- Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu về thích ứng với biến đổi khí hậu
của nông dân
- Chương 2: Cơ sở lý luận về thích ứng với biến đổi khí hậu của nông dân
- Chương 3: Tổ chức và phương pháp nghiên cứu
- Chương 4: Kết quả nghiên cứu thực tiễn về thích ứng với biến đổi khí hậu
của nông dân

7
CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ THÍCH ỨNG VỚI
BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CỦA NGƯỜI NÔNG DÂN

1.1. Những nghiên cứu về thích ứng tâm lý


1.1.1. Những nghiên cứu về thích ứng tâm lý ở nước ngoài
Vào những năm 50, 60 của thế kỷ XX, thích ứng trong tâm lý được nhiều
nhà Tâm lý học trên thế giới quan tâm nghiên cứu như: Mỹ, Đức, Anh... đặc biệt là
các nhà Tâm lý học Liên Xô. Những nghiên cứu này có thể được chia thành ba
hướng nghiên cứu chính: hướng nghiên cứu thích ứng với hoạt động học tập hướng
nghiên cứu thích ứng với nghề nghiệp và lao động hướng nghiên cứu thích ứng với
môi trường văn hóa, xã hội.
a) Hướng nghiên cứu thích ứng tâm lý với hoạt động học tập
Nghiên cứu về thích ứng với hoạt động học tập, các tác giả chủ yếu tập trung
làm rõ lý luận, thực trạng của việc thích ứng, các yếu ảnh hưởng đến việc thích ứng
và đề xuất một số biện pháp nhằm giúp người học thích ứng tốt hơn với hoạt động
học tập.
Hướng nghiên cứu nhằm chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng thích ứng
với hoạt động học tập thường tập trung vào nghiên cứu ảnh hưởng của văn hóa, của
gia đình, mối quan hệ bạn bè, tình cảm, trí tuệ, hoạt động giảng dạy của giáo
viên... Có thể kể đến một số nghiên cứu tiêu biểu theo hướng này như: “Sự thích
ứng của sinh viên với hoạt động học tập trong nhà trường sư phạm: những khó
khăn, các vấn đề và con đường giải quyết chúng” của tác giả Volgina T.Iu (2007).
Nghiên cứu đã chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình thích ứng là: Nguồn gốc
xuất thân, lứa tuổi và giới tính [135, tr.151-161]. Tác giả A. . Piskun (2011 , khi
nghiên cứu về: “Ảnh hưởng của những đặc điểm trí tuệ đến sự thích ứng với hoạt
động học của sinh viên trường đại học kỹ thuật” trên sinh viên năm thứ nhất các
trường đại học kỹ thuật đã cho rằng, khó khăn trong quá trình thích ứng của sinh
viên với hoạt động học tập không chỉ liên quan đến xúc cảm, tình cảm hay môi
trường giao tiếp mà nó còn liên quan đến những hạn chế trong sự phát triển trí tuệ,
đặc biệt liên quan đến tư duy lôgic, không gian và kỹ thuật 124, tr.73-81]. Nghiên

8
cứu của Yao-Ming WU (Đại học Quốc gia Đài Loan năm 2000 trên học sinh tiểu
học khu vực Pingtung về ảnh hưởng của việc quản lý lớp học tới sự thích ứng học
tập của người học cho kết quả: Có mối quan hệ tích cực giữa việc quản lý lớp học
của giáo viên với sự thích ứng học tập của học sinh; có sự trái ngược về cách quản
lý lớp học của giáo viên dạy nhóm học sinh điểm kém và nhóm học sinh điểm cao
[140, tr.114-144]. Các nghiên cứu theo hướng này đã chỉ ra khá nhiều yếu tố ảnh
hưởng đến thích ứng với hoạt động học tập của người học. Mỗi nghiên cứu đều tập
trung phân tích một vài yếu tố ảnh hưởng cùng với sự phân tích sâu sắc những ảnh
hưởng của các yếu tố đó trên những trường hợp cụ thể. Đây là cơ sở quan trọng để
tác động nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, mỗi tác giả chỉ đề cập
một đến hai yếu tố, chưa có công trình nào nghiên cứu một tổ hợp gồm nhiều yếu tố
để chỉ ra thứ bậc ảnh hưởng để từ đó có biện pháp tác động dài hạn, hệ thống.
Hướng nghiên cứu thực trạng thích ứng với hoạt động học tập và đưa ra các
biện pháp tác động nhằm giúp người học thích ứng tốt hơn với việc học có thể kể
đến một số công trình nghiên cứu tiêu biểu như: nghiên cứu thực trạng kĩ năng học
tập của SV của Trường Đại học Tomsk (Liên Xô, 1970). Các tác giả đã tiến hành
giảng dạy sáu chuyên đề (2tiết/chuyên đề) cho SV biết: cách nghe và nghe bài giảng
trên lớp, cách sử dụng giáo trình và tài liệu tham khảo, cách chuẩn bị một đề cương
xêmina… Việc tổ chức dạy học cho SV theo các chuyên đề kết hợp giảng bài, thảo
luận tập thể và tham gia rèn luyện kỹ năng thực hành có hướng dẫn của GV đã đem
lại kết quả tốt, trong một thời gian ngắn SV đã thay đổi phương pháp học và đạt kết
quả cao hơn. Một công trình khác của trường ĐHSP BaCu (Adecbaidan - Liên Xô)
nghiên cứu thực trạng kĩ năng làm việc ở thư viện của SV năm thứ hai. Kết quả
nghiên cứu chỉ ra: để giúp SV thích ứng được với kỹ năng làm việc ở thư viện, các
nhà nghiên cứu đã hướng dẫn cho họ nắm vững cấu trúc thư mục, cách lựa chọn
sách để đọc và cách tìm sách tại thư viện [Dẫn theo 50, tr.10-11]. Dựa vào kết quả
nghiên cứu thực trạng để đưa ra những biện pháp tác nhằm giúp người học thích
ứng tốt hơn với hoạt động học tập là hướng nghiên cứu hay. Tuy nhiên, những biện
pháp do các nhà nghiên cứu đưa ra còn thiếu tính hệ thống và chưa dựa trên các yếu
tố ảnh hưởng để đề xuất cũng là điểm yếu của những nghiên cứu này.
Hướng nghiên cứu thích ứng với hoạt động học tập về mặt lý luận có thể kể

9
đến một số nghiên cứu tiêu biểu như: Harold W.Bernard trong tác phẩm “Tâm lý
học về học tập và giảng dạy” (1954) đã đưa ra những chỉ dẫn cơ bản dành cho giáo
viên khi gặp phải những người học gặp khó khăn về thích ứng học tập như: 1.
Thường xuyên khen; 2. Cụ thể hoá bài học 3. Thường xuyên luyện tập và lặp lại
thông tin; 4. Nhấn mạnh vào những điểm: đúng giờ giấc, sạch sẽ, sức khoẻ để người
học ứng dụng vào thực tiễn; 5. Kiên nhẫn; 6. Ra những chỉ thị và mệnh lệnh rõ
ràng; 7. Học đọc và học toán phải nhấn mạnh vài tình huống hằng ngày. Thí dụ phải
giản dị và rõ ràng; 8. Cố gắng tận dụng khả năng của người học ở các lĩnh vực khác
nhau; 9. Xếp loại học tập cần căn cứ vào sự phát triển cá nhân hơn là thành tích học
tập; 10. Ứng dụng việc học vào công việc đơn giản trong cuộc sống thực [88, tr. 23-
55]. Hay, ABE Arkoff trong tác phẩm “Thích ứng và sức khỏe tinh thần” đã chỉ ra
sự thích ứng nói chung bao gồm các chỉ số sau: Hạnh phúc, sự hài lòng, lòng tự
trọng, sự phát triển cá nhân, sự trưởng thành cá nhân, sự hội nhập cá nhân, khả năng
tiếp xúc với môi trường, sự độc lập với môi trường [85, tr. 11-67]. Điều đáng tiếc ở
những nghiên cứu này là chỉ mới dừng lại ở việc chỉ báo về mặt lý luận, chưa có
con số thống kê cụ thể. Trong khi trên thực tế, nghiên cứu lý luận và thống kê thực
trạng trên cơ sở lý luận phải có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Nếu những kết quả
nghiên cứu với sự kiểm định của thống kê sẽ có giá trị khoa học và là minh chứng
thuyết phục hơn.
b) Hướng nghiên cứu thích ứng tâm lý với nghề nghiệp và lao động
Thích ứng nghề nghiệp là quá trình thay đổi của cá nhân để đáp ứng yêu cầu
về nhận thức, thái độ và kỹ năng nghề nghiệp. Các tác giả nghiên cứu về thích ứng
với hoạt động nghề nghiệp trên thế giới và trong nước thường tập trung vào đối
tượng người học trong quá trình thích ứng nghề tại trường học và của người lao
động tại các cơ quan, đơn vị sản xuất, kinh doanh.
Hướng nghiên cứu thích ứng với hoạt động nghề nghiệp của người học trong
quá trình thích ứng nghề tại trường học có thể kể đến các nghiên cứu tiêu biểu như:
nghiên cứu “Đặc điểm của sự thích ứng xã hội và nghề nghiệp của người sinh viên
tốt nghiệp trường sư phạm” ở Liên Xô (cũ (1969), tác giả E.A. Ermolaeva đã đưa
ra bốn chỉ số khách quan (Chất lượng công việc Trình độ tay nghề; Uy tín của cá
nhân trong tập thể; Sự tuân thủ kỷ luật lao động) và ba chỉ số chủ quan (Thái độ hài
lòng với công việc Điều kiện làm việc; Mối quan hệ với người khác trong tập thể)

10
của sự thích ứng nghề nghiệp [Dẫn theo 55, tr.12]. Hay nghiên cứu “thích ứng nghề
nghiệp của sinh viên Đại học Kim loại - Mỏ” (1973) của tác giả N.I. Ivanov và A.V.
Cleremov. Kết quả nghiên cứu đã khẳng định: “thích ứng nghề nghiệp là một quá
trình phức tạp và nhiều mặt. Thích ứng nhanh hay chậm đối với việc học tập và
thực hành nghề nghiệp ở trường Đại học có tương quan rất lớn với kết quả học tập”
[Dẫn theo 55, tr.9]. Ở một khía cạnh khác, các tác giả Peter Creed, Tracy Fallon và
Michelle Hood thuộc trường Đại học Griffith Australia đã có công trình nghiên cứu
về “Mối quan hệ giữa thích ứng nghề và mối quan tâm về nghề trong giới trẻ”
(2009). Họ đã tiến hành nghiên cứu 245 sinh viên năm thứ nhất về các mối quan
tâm về nghề nghiệp, sự thích ứng nghề, xu hướng về nghề, Kết quả nghiên cứu đã
chỉ ra rằng: Thích ứng nghề có mối quan hệ bên trong và có thể bị ảnh hưởng bởi
những nhân tố đầu tiên (kê hoạch xây dựng nghề, khám phá nghề, xu hướng nghề,
sự quyết định nghề,… . Những nhân tố thích ứng nghề có mối quan hệ nội hàm và
bị ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố khác,… [121, tr.35-43]. Nhìn chung, những nghiên
cứu về thích ứng nghề của người học trong quá trình thích ứng nghề tại trường học
đã được các nhà nghiên cứu phân tích dưới nhiều góc độ từ lý luận, thực trạng, yếu
tố ảnh hưởng đến biện pháp tác động nhằm giúp người học thích ứng nghề tốt hơn
tại trường học. Tuy nhiên, thích ứng nghề là cả một quá trình lâu dài từ khi tìm hiểu,
chọn nghề, học nghề, thực hành nghề… Do vậy, nếu có những nghiên cứu tiếp sau
để chỉ ra mối tương quan giữa việc thích ứng nghề tại trường học và khi đã tham gia
lao động thực tế thì sẽ đưa ra nhìn nhận xuyên suốt, đa chiều và thuyết phục hơn.
Hướng nghiên cứu thích ứng với hoạt động nghề nghiệp tại các cơ quan, đơn
vị sản xuất, kinh doanh có thể kể đến các nghiên cứu tiêu biểu như: Tác giả
Pankova Tachiana Anna Tonnepna với đề tài: “Thích ứng tâm lý nghề nghiệp của
các chuyên gia trẻ” đã nghiên cứu trí tuệ xã hội như là yếu tố thích ứng tâm lý xã
hội của một chuyên gia trẻ. Hiệu quả thích ứng tâm lý xã hội của chuyên gia trẻ
theo các tiêu chí bên trong có liên quan chặt chẽ với trình độ trí tuệ xúc cảm bên
trong và trình độ trí tuệ xúc cảm liên nhân cách (ứng xử, quan hệ . Dẫn theo 25,
tr.12]. Năm 1979, Serbacov A.I. và Mudric A.V. nghiên cứu “Sự thích ứng nghề
nghiệp của người thầy giáo”. Các tác giả có quan điểm về thích ứng gần với
rmolaeva .A., nhưng nhấn mạnh bản thân sự làm quen với điều kiện và đặc điểm

11
của hoạt động (lao động cũng được xem như là quá trình thích ứng, “Thích ứng
nghề nghiệp của người thầy giáo là quá trình thích nghi với những điều kiện thực tế
của hoạt động sư phạm thể hiện ở nhà giáo dục trẻ khi mới vào công tác ở trường
phổ thông”. Cũng trong qua trình nghiên cứu về thích ứng nghề nghiệp của người
giáo viên, Serbacov A.I. và Mudric A.V. đã đi sâu phân tích yếu tố chủ quan và
khách quan có ảnh hưởng đến hiệu quả thích ứng nghề nghiệp [Dẫn theo 55, tr.12-
13]. Năm 1979, Pine G.J. thuộc đại học Boston nghiên cứu “Sự thích ứng của giáo
viên trong nghiên cứu”, kết quả nghiên cứu cho thấy, để thích ứng với hoạt động
nghề nghiệp, người giáo viên trước tiên phải thích ứng được với những phương
pháp giảng dạy rất thông thường; khi thích ứng được với các phương pháp thông
thường họ mới tự tin đổi mới phương pháp. Thích ứng của giáo viên với nghiên cứu
khoa học, là một tiêu chí đánh giá sự phát triển nghề nghiệp; thích ứng của giáo
viên với hoạt động nghiên cứu khoa học là một tiêu chí để đánh giá thích ứng nghề
của giáo viên trong giai đoạn hiện nay [122, tr.28]. Năm 2007, Shcheglova S. N.
nghiên cứu “Các đặc trưng thích ứng của giáo viên phổ thông đối với các giá trị của
việc sử dụng máy tính”, tác giả cho rằng thích ứng của giáo viên với những giá trị
xã hội thông tin là phương pháp độc đáo đòi hỏi tính tích cực trong giảng dạy. Công
trình nghiên cứu của Shcheglova S.N. đã góp phần khẳng định đòi hỏi tất yếu của
thế kỷ XXI đối với con người nói chung và giáo viên nói riêng. Muốn tồn tại, muốn
cống hiến được tốt trong hoạt động nghề nghiệp của mình người giáo viên phải
thích ứng với sự biến đổi của xã hội, cụ thể là thích ứng với công nghệ thông tin
[125, tr.33-42]. Như vậy, các công trình nghiên cứu trên chỉ mới tập trung chủ yếu
vào việc phân tích thích ứng nghề nghiệp của người giáo viên và những người lao
động trẻ nói chung. Tuy nhiên trên thực tế, có rất nhiều lĩnh vực nghề nghiệp đa
dạng nhất là một số lĩnh vực nghề nghiệp có những yêu cầu công việc rất phức tạp
cần có sự nghiên cứu vào chiều sâu để chỉ ra được cách thức cụ thể giúp người lao
động thích ứng hiệu quả hơn với những lĩnh vực nghề nghiệp này.
Bên cạnh hai hướng nghiên cứu cơ bản trên về thích ứng với nghề nghiệp,
lao động, M.V. Vôlannen (Ở Phần Lan cho rằng giữa hai giai đoạn trên, việc học
nghề và lao động nghề của thanh niên tồn tại một thời kỳ chuyển tiếp có thể kéo dài
từ 5 - 7 năm, được đặc trưng bởi hàng loạt các sự kiện như: học nghề, thay đổi

12
nghề, thất nghiệp, làm việc tạm thời. Tác giả xem đây là những giai đoạn thích ứng
nghề của thanh niên và tâm thế của họ đối với việc làm phụ thuộc vào giai đoạn này
có diễn ra sự thích ứng nghề hay không [Dẫn theo 55, tr.14].
c) Hướng nghiên cứu thích ứng tâm lý với môi trường văn hóa, xã hội
Trong hướng này, có thể kể đến những nghiên cứu tiêu biểu như: K. Oberg,
nhà nhân chủng học người Mỹ, đưa ra khái niệm “sốc văn hóa”. Theo ông, con
người gia nhập vào một nền văn hóa mới kèm theo những vấn đề về sức khỏe tinh
thần, những cảm xúc tiêu cực: cảm giác đánh mất bạn bè, địa vị, không thoải mái,
sự khó khăn trong định hướng giá trị và mâu thuẫn nội tâm [118, tr.177-182]. Vấn
đề sốc văn hóa sau đó được nhiều tác giả quan tâm nghiên cứu, chẳng hạn như: P.S.
Adler, E.H. Jacobson, A.C. Garza - Guerrero... và mặc dù, mỗi tác giả đưa ra những
giai đoạn khác nhau của sốc văn hóa nhưng họ đều cho rằng triệu chứng của sốc
văn hóa rất đa dạng: từ sự bất an thường xuyên về việc sợ tiếp xúc với người khác,
mất ngủ, thiếu tự tin đến chất lượng thực phẩm, nước uống, điều kiện vệ sinh,...
Cùng hướng nghiên cứu này, các tác giả Christina Matschke và Kai
Sassenberg (2010) liên quan đến thích ứng nhóm về “Các tác động hỗ trợ và cản trở
của các phương pháp tiếp cận và tránh tiếp cận nhóm liên quan đến sự thích ứng
tâm lý của người mới đến”. Nghiên cứu đã chứng minh rằng các chiến lược tiếp cận
có tác động tích cực và giúp tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến sự an toàn của con
người. Các phát hiện nhấn mạnh tầm quan trọng của việc can thiệp sớm để đảm bảo
hoạt động tâm lý lâu dài của người di cư trong xã hội tiếp nhận [91,tr.465-474]. Hay
nghiên cứu của các tác giả Camille Brisset, Saba Safdar, J. Rees Lewis và Colette
Sabatier (2010 đã thực hiện về “Sự thích ứng về mặt tâm lý của sinh viên đại học
tại Pháp: Trường hợp sinh viên quốc tế Việt Nam”. Chuyển từ môi trường học tập
sang môi trường khác và chuyển đến một quốc gia mới để nghiên cứu đang ngày
càng trở nên phổ biến. Ngoài việc cung cấp sự phong phú về văn hoá và trí tuệ, kinh
nghiệm nghiên cứu cũng đã chỉ ra những thách thức và khó khăn. Mục tiêu của
nghiên cứu này là xem xét các yếu tố thúc đẩy hoặc cản trở sự thích ứng của sinh
viên quốc tế Việt Nam với sinh viên Pháp. Hai mẫu sinh viên được so sánh: 112
sinh viên quốc tế Việt Nam tại Pháp và 101 sinh viên Pháp, đang trải qua giai đoạn
chuyển đổi trong môi trường đại học năm đầu tiên. Kèm theo đó là những nghiên

13
cứu về các biến số của sự lo lắng về tình trạng thay đổi, mối quan hệ, căng thẳng
tâm lý, sự hài lòng với sự hỗ trợ xã hội [89, tr.413-422]. Một nghiên cứu khác khá
thú vị là nghiên cứu của nhóm tác giả Won Hee Jun, Sung Sil Hong và Soo Yang
(2014) về “Ảnh hưởng của Chương trình Cải thiện Thích ứng Tâm lý (PAIP cho
phụ nữ di cư kết hôn ở Hàn Quốc”. Nghiên cứu này được tiến hành để phát triển và
đánh giá Chương trình Cải thiện Thích ứng Tâm lý (PAIP cho phụ nữ di cư kết hôn
ở Hàn Quốc. Tổng cộng có 43 phụ nữ nhập cư kết hôn ở sáu trung tâm hỗ trợ gia
đình đa văn hoá ở Hàn Quốc đã được đưa vào nghiên cứu này. Họ được phân ngẫu
nhiên vào nhóm can thiệp (n = 21 hoặc nhóm kiểm soát (n = 22 . Nhóm can thiệp
đã nhận được 10 lần PAIP, 1 hoặc 2 buổi / tuần trong 8 tuần. Các biến phụ thuộc là
lòng tự trọng, trầm cảm và khả năng giải quyết vấn đề xã hội. Kết qua cho thấy:
PAIP có hiệu quả trong việc tăng lòng tự trọng và giảm trầm cảm và một phần tác
động tích cực có ý nghĩa đối với khả năng giải quyết vấn đề xã hội của người tham
gia và mức độ định hướng vấn đề tích cực ngày càng tăng. Nghiên cứu cũng đưa ra
kết luận: PAIP có thể được sử dụng như một sự can thiệp có hiệu quả để cải thiện
sự thích ứng tâm lý cho phụ nữ nhập cư kết hôn quốc tế tại cộng đồng nông thôn
của Hàn Quốc [137, tr.232-238].
Như vậy, những nghiên cứu trên thế giới về thích ứng tâm lý của con người
với sự thay đổi của môi trường sống thường chỉ tập trung vào sự thay đổi của chủ
thể để thích ứng với sự thay đổi của môi trường văn hóa, xã hội còn những nghiên
cứu thích ứng tâm lý với sự biến đổi của môi trường tự nhiên vẫn còn khá hiếm hoi
và chưa được quan tâm, chú trọng. Đây là khoảng trống để luận án tìm hiểu nghiên
cứu, phân tích sâu hướng nghiên cứu này.
1.1.2. Những nghiên cứu về thích ứng tâm lý tại Việt Nam
a) Những nghiên cứu về thích ứng tâm lý trong hoạt động học tập
Tại Việt Nam, đây là hướng nghiên cứu được nhiều tác giả đi sâu tìm hiểu,
phân tích:
Đầu tiên có thể kể đến, những nghiên cứu về thích ứng với hoạt động học
tập của học sinh khi chuẩn bị bước vào một bậc học hay đang trải qua các lớp
đầu của một bậc học với rất nhiều thay đổi đòi hỏi sự thích ứng như: nghiên cứu
về một số đặc điểm thích nghi với học tập của học sinh bậc đầu tiểu học vào năm

14
1994 - 1995 của tác giả Vũ Thị Nho. Kết quả nghiên cứu cho thấy: ở những năm
đầu bậc tiểu học khoảng 70 - 80% học sinh thích nghi với hoạt động học nhưng ở
mức độ chưa cao. Sự thích nghi học tập của học sinh chịu ảnh hưởng bởi các yếu
tố như: sự giáo dục ở trường mẫu giáo và gia đình đặc biệt là môi trường giáo
dục gia đình, trường tiểu học và phương pháp dạy học… [47, tr. 5]. Bên cạnh đó
vào năm 2000, tác giả Phan Quốc Lâm với luận án: “Sự thích ứng với hoạt động
học tập của học sinh lớp 1” đã góp phần làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận, thực
trạng mức độ thích ứng với hoạt động học tập của học sinh lớp 1 và quan hệ của
thực trạng này với các yếu tố: trí tuệ, kết quả học tập, giới tính, hoàn cảnh gia đình,
độ tuổi đến trường, tác động sư phạm của giáo viên trong quá trình dạy học [31,
tr.5-10]. Cùng hướng này, có thể kể đến nghiên cứu về “Sự thích ứng của trẻ 5-6
tuổi trong các hoạt động chuẩn bị đến trường phổ thông” của tác giả Vũ Thị Kiều
Trang (2016). Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra Thực trạng thích ứng của trẻ 5-6 tuổi
trong các hoạt động chuẩn bị đến trường PT được thể hiện qua sự biến đổi về mặt
nhận thức, cảm xúc, hành vi trong hoạt động chơi, hoạt động học, sinh hoạt hàng
ngày. Tất cả các biểu hiện thích ứng đều ở mức TB. Trong đó, thích ứng về mặt tình
cảm và hành vi có mức độ cao hơn, thích ứng về mặt nhận thức có mức độ thấp
hơn. Mức độ phát triển trí tuệ, khả năng thích ứng của trẻ có ảnh hưởng đến mức độ
thích ứng chung của trẻ. Một số bài tập đã được sưu tầm, lựa chọn và thiết kế phù
hợp để tác động nhằm phát triển khả năng thích ứng cho một số trường hợp. Kết
quả cho thấy, các bài tập tác động và sự phối hợp giáo dục giữa bản thân trẻ với cô
giáo và gia đình có ảnh hưởng nhất định đến việc nâng cao khả năng thích ứng của
trẻ [65,tr.131-149].
Kế đến, là hướng nghiên cứu thích ứng với hoạt động học tập của sinh viên -
được nhiều nhà khoa học trong nước quan tâm nghiên cứu. Có thể kể đến một số
nghiên cứu tiêu biểu theo hướng này như luận án “Nghiên cứu sự thích ứng với học
tập và rèn luyện của học viên các trường sĩ quan Quân đội” (1996) của tác giả Tác
giả Đỗ Mạnh Tôn. Tác giả đã chỉ ra sự thích ứng học tập thể hiện trên ba phương
diện: động cơ và xu hướng nghề nghiệp; kỹ năng và kỹ xảo học tập; thói quen và
hành vi. Các chỉ số biểu hiện sự thích ứng học tập của học viên quân sự là: sự say
mê hứng thú học tập, kết quả học tập cao, tính kỷ luật trong học tập. Từ đó tác giả
đã lựa chọn kỹ năng học tập cơ bản (nghe, ghi bài giảng) của học viên để tiến hành

15
thực nghiệm tác động sư phạm [63, tr. 7-10]. Còn ở đề tài: “Nghiên cứu sự thích
ứng với hoạt động học của sinh vên Đại học sư phạm Hà Nội” (2002), tác giả Lê
Ngọc Lan khẳng định: Thích ứng là một cấu trúc tâm lý gồm hai yếu tố: nắm được
những phương thức hành vi thích hợp, đáp ứng được những yêu cầu của cuộc sống
và hoạt động; hình thành những cấu tạo tâm lý mới tạo nên tính chủ thể của hành vi
và hoạt động. Hai yếu tố này gắn bó chặt chẽ với nhau giúp con người điều chỉnh
được hệ thống thái độ, hành vi hiện có, hình thành hệ thống thái độ hành vi mới phù
hợp với môi trường đã thay đổi. Tốc độ và kết quả của quá trình thích ứng phụ
thuộc rất nhiều vào sự nỗ lực, ý thức và khả năng của mỗi sinh viên [29, tr.11-17].
Hay nghiên cứu về sự thích ứng đối với hoạt động học tập của sinh viên Trường
Cao đẳng sư phạm Nhà trẻ mẫu giáo Trung ương 1 vào năm 2003 của tác giả
Nguyễn Thạc. Kết quả nghiên cứu cho thấy: sinh viên chưa thích ứng được với việc
học tại trường là do trình độ học lực do chưa quen với môi trường học tập mới,
phương pháp học tập mới cũng như cách giảng dạy của giáo viên; do thiếu giáo
trình; do khối lượng kiến thức nhiều; do giáo viên không kiểm tra đánh giá thường
xuyên. Tác giả kiến nghị nên tăng cường cơ sở vật chất, tài liệu tham khảo, cung
cấp hình thức và cách thức tiến hành các nội dung của hoạt động học tập cho sinh
viên đặc biệt là sinh viên năm thứ nhất [54, tr.21-24]. Bên cạnh đó, luận án: “Mức
độ thích ứng với hoạt động học tập của sinh viên hệ Cao đẳng Trường Đại học
công nghiệp Hà Nội” (2009) của tác giả Đỗ Thị Thanh Mai đã chỉ ra, trước khi tốt
nghiệp, số sinh viên thích ứng tốt với hoạt động thực hành môn học vẫn chiếm tỷ lệ
chưa cao. Mức độ thích ứng với hoạt động thực hành môn học của sinh viên chịu sự
chi phối của nhiều yếu tố. Các yếu tố chủ quan như: chỉ số phát triển trí thông minh,
kiểu tính cách, sức khỏe, sự nỗ lực cá nhân. Các yếu tố khách quan như: việc tổ
chức đào tạo của nhà trường, sự nhiệt tình và phương pháp dạy của giáo viên… [39,
tr.6-10]. Song song đó, luận án của tác giả Đặng Thị Lan vào năm 2009, nghiên cứu:
“Mức độ thích ứng với hoạt động học một số môn học chung và môn đọc hiểu tiếng
nước ngoài của sinh viên Trường Đại học ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội”.
Tác giả rút ra một số kết luận sau: Mức độ thích ứng với hoạt động học một số môn
học chung và môn đọc hiểu tiếng nước ngoài của sinh viên Trường Đại học Ngoại
ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội còn thấp. So với mức độ thích ứng với hoạt động học
một số môn học chung thì mức độ thích ứng hoạt động học môn đọc hiểu tiếng ngoại

16
ngữ là thấp hơn. Có nhiều yếu tố chủ quan và khách quan ảnh hưởng đến mức độ
thích ứng với hoạt động học của sinh viên, trong đó yếu tố chủ quan có ảnh hưởng
nhiều hơn. Hành động học là yếu tố chủ quan và cơ sở vật chất là yếu tố khách quan
có ảnh hưởng nhiều nhất đến mức độ thích ứng với hoạt động học của họ [30, tr.117-
131]. Năm 2013, tác giả Nguyễn Thị Út Sáu đã bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ
nghiên cứu về “Thích ứng với hoạt động học tập (HĐHT theo học chế tín chỉ
(HCTC) của sinh viên (SV) Đại học Thái Nguyên (ĐHTN ”. Kết quả nghiên cứu của
luận án đã chỉ rõ SV ĐHTN thích ứng ở mức khá với HĐHT theo HCTC, thể hiện
qua ba mặt: nhận thức, thái độ và hành động. SV có nhận thức ở mức phần lớn là
đúng đắn và đầy đủ có thái độ ở mức phần lớn là tích cực; kết quả thực hiện các hành
động học tập ở mức khá. Tuy nhiên có hai hành động thể hiện đặc trưng của phương
thức đào tạo theo tín chỉ là “Xây dựng kế hoạch học tập” và “Xêmina” thì sinh viên
thích ứng ở mức thấp nhất. Điều này thể hiện sự hạn chế trong thích ứng của SV với
HĐHT theo HCTC. Luận án đã khẳng định có thể nâng cao khả năng thích ứng với
HĐHT theo HCTC cho SV ĐHTN bằng tác động nâng cao nhận thức hướng dẫn
sinh viên những hành động học tập theo tín chỉ; phát triển khả năng tự học cho sinh
viên [50, tr.141-142]. Gần đây, có thể kể đến nghiên cứu “Thích ứng của sinh viên
dân tộc thiểu số với hoạt động học tập” của tác giả Mã Ngọc Thể (2016). Kết quả
nghiên cứu cho thấy phần lớn SV DTTS đạt mức độ thích ứng với hoạt động học
tập ở mức độ Khá. Ba khía cạnh của thích ứng là: Nhận thức - Thái độ và Hành vi.
Kết quả nghiên cứu cho thấy ở SV DTTS có mức độ thích ứng về thái độ cao nhất,
tiếp theo là nhận thức và mặt hành vi có mức độ thích ứng thấp nhất. Bên cạnh đó,
tác giả đã phân tích trường hợp tham vấn tâm lý nhằm nâng cao khả năng thích ứng
học tập của sinh viên dân tộc thiểu số. Với mục đích nâng cao mức độ thích ứng học
tập cho SV DTTS, nghiên cứu này đã thực hiện hoạt động tham vấn tâm lý cá nhân
cho 2 sinh viên có sự thích ứng thấp và trung bình 59, tr.150-151].
Như vậy, hướng nghiên cứu thích ứng với hoạt động học tập của học sinh, sinh
viên được các nhà nghiên cứu trong nước xem xét trên các bình diện nhận thức, thái
độ và hành động. Bên cạnh, việc nghiên cứu về lý luận, thực trạng, các nghiên cứu
cũng đồng thời phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến thực trạng cũng như đưa ra các
biện pháp tác động nhằm giúp học sinh, sinh viên thích ứng tốt hơn với hoạt động
học tập. Nhìn chung, các công trình nghiên cứu đã khá bao quát về nội dung và

17
phương pháp nghiên cứu, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, là cơ sở quan trọng cho
những nghiên cứu về thích ứng tâm lý nói chung.
b) Những nghiên cứu về thích ứng tâm lý với nghề nghiệp và lao động
Hướng nghiên cứu thích ứng nghề của đối tượng người học trong quá trình
thích ứng nghề tại trường học có thể kể đến các công trình tiêu biểu như: “Đánh giá
sự thích ứng với các hình thức hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm của sinh
viên” (1992) của tác giả Nguyễn Xuân Thức. Nghiên cứu đã đưa ra một số kết luận
như sau: Đa số giáo sinh đã thích ứng được với các hình thức rèn luyện nghiệp vụ
sư phạm, trong đó hình thức rèn luyện nghiệp vụ sư phạm mà sinh viên khó thích
ứng nhất là tập giảng và xử lý tình huống sư phạm. Quá trình thích ứng phát triển
theo chiều hướng tăng dần từ năm thứ nhất trở lên; những khối lớp có tổ chức nề
nếp và phong trào rèn luyện tốt thì có mức độ thích ứng cao hơn so với những khối
lớp có phong trào ở mức trung bình, tổ chức chưa chặt chẽ [62, tr.46-50]. Còn ở
luận án tiến sĩ: “Phát triển năng lực thích ứng nghề cho sinh viên (SV) Cao đẳng sư
phạm” (2012), tác giả Dương Thị Nga đã rút ra kết luận: năng lực thích ứng nghề
của SV Cao đẳng sư phạm các tỉnh miền núi phía Bắc còn nhiều hạn chế, chủ yếu ở
mức độ trung bình và mức thấp. Tác giả cũng đã đưa ra một số biện pháp nhằm
nâng cao năng lực thích ứng nghề cho SV như: năng lực thích ứng với việc tự học
và hoàn thiện các phẩm chất nhân cách nhà giáo, năng lực thích ứng với hoạt động
dạy học, năng lực thích ứng với hoạt động giáo dục, năng lực thích ứng với thực tế
giáo dục ở trường phổ thông,… 43, tr.109].
Hướng nghiên cứu thích ứng nghề của người lao động tại các cơ quan, đơn vị
sản xuất có thể kể đến các nghiên cứu của tác giả Nguyễn Văn Hộ (2000) với tựa đề
“Thích ứng sư phạm”. Tác giả đã đưa ra các khái niệm về thích ứng, thích ứng sư
phạm, phân tích các nội dung về hình thành khả năng thích ứng về lối sống của sinh
viên sư phạm, hình thành khả năng thích ứng về tay nghề trong quá trình đào tạo
cho sinh viên sư phạm, thích ứng với quy trình lên lớp, thích ứng với hoạt động
giảng dạy trên lớp, thích ứng với hoạt động thiết kế nội dung công tác chủ nhiệm
lớp, thích ứng với hoạt động ứng xử trong công tác giáo dục, bên cạnh đó, tác giả đề
ra một số biện pháp giúp sinh viên Đại học thích ứng với nghề sư phạm [20, tr.11-

18
53]. Hay nghiên cứu về: Mức độ thích ứng với hoạt động quản lý dạy học (QLDH)
của hiệu trưởng Tiểu học (2013), tác giả Dương Thị Thanh Thanh đã chỉ ra tính tích
cực, chủ động trong hoạt động QLDH chưa được thể hiện rõ, mức độ thích ứng của
hiệu trưởng trường tiểu học với hoạt động QLDH trong nhà trường ở mức độ trung
bình. Các biểu hiện mức độ thích ứng với hoạt động QLDH của người hiệu trưởng
trường tiểu học không đồng đều mà xếp thành thứ bậc, thứ nhất là Sự thừa nhận của
tập thể nhà trường với hiệu trưởng Tiểu học, thứ hai là Hiểu biết của hiệu trưởng
tiểu học về hoạt động QLDH, thứ ba là Kỹ năng QLDH của hiệu trưởng tiểu học, và
cuối cùng là Sự hài lòng với hoạt động QLDH hiệu trưởng tiểu học [55, tr.145-146].
Cùng hướng nghiên cứu này, tác giả Nguyễn Thị Thanh Nga (2015 đã thực hiện
luận án về sự thích ứng với hoạt động dạy học của giáo viên tiểu học mới vào nghề.
Kết quả nghiên cứu cho thấy sự thích ứng với hoạt động dạy học của giáo viên tiểu
học mới vào nghề đạt mức trung bình và biểu hiện ở 3 mặt: sự thay đổi nhận thức,
thay đổi thái độ và thay đổi kỹ năng, trong đó sự thay đổi kỹ năng ở mức thấp nhất.
Trong các hoạt động dạy học: chuẩn bị; tổ chức, điều khiển; kiểm tra đánh giá giáo
viên mới vào nghề gặp khó khăn và thích ứng kém nhất ở hoạt động tổ chức, điều
khiển hoạt động dạy học trên lớp. Tác giả cũng đã chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến
sự thích ứng như: tính tích cực trong hoạt động dạy học, xu hướng nghề sư phạm,
tính cách cá nhân, bầu không khí tâm lý tập thể sư phạm, cơ sở vật chất, chính sách
đãi ngộ cho giáo viên [42, tr.115-127]. Song song đó, vào năm 2015, với luận án
nghiên cứu về “Sự thích ứng với nghề Công tác xã hội của sinh viên chuyên ngành
Công tác xã hội”, tác giả Nguyễn Thị Hiền đã chỉ báo thích ứng với nghề Công tác
xã hội của sinh viên chuyên ngành Công tác xã hội được thể hiện ở 3 mặt: nhận
thức về nghề, thái độ đối với nghề và hành vi học nghề. Trong đó, tác giả tập trung
vào sự thích ứng với hành vi học nghề trên các phương diện: thích ứng với quá trình
tự học, tự nghiên cứu nghề nghiệp; thích ứng với rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp;
thích ứng với quá trình thực hành, thực tập nghề và thích ứng với các hoạt động
nghề Công tác xã hội [17, tr.125-136]. Hay trong luận án của tác giả Trần Thu
Hương (2015 đã chỉ ra sự thích ứng với hoạt động dạy học của giảng viên trẻ tại

19
các học viện, trường đại học Công an nhân dân được xác định bởi 3 thành tố: Nhận
thức, cảm xúc, hành động. Trong đó, hành động thực hiện hoạt động dạy học là
thành tố trung tâm, chủ đạo, là điều kiện, phương tiện của thích ứng, nó chi phối
mạnh mẽ đến các thành tố khác; nhận thức là thành tố cung cấp nguyên liệu của
sự thích ứng với hoạt động dạy học của giảng viên trẻ; cảm xúc là thành tố kích
thích sự thích ứng [25, tr.181-182].
c) Những nghiên cứu về thích ứng tâm lý với môi trường văn hóa, xã hội
Hướng nghiên cứu này ở Việt Nam còn chưa nhiều, tiêu biểu theo hướng này
có thể kể đến nghiên cứu của tác giả Vũ Dũng về “Sự thích ứng xã hội của các
nhóm xã hội yếu thế ở nước ta hiện nay”. Nghiên cứu đã khái quát được đời sống
vật chất và tâm lý của các nhóm xã hội yếu thế, những thuận lợi và khó khăn mà họ
gặp phải khi hòa nhập vào cuộc sống xã hội. Bên cạnh đó, tác giả cũng đã chỉ ra bức
tranh về thực trạng, nguyên nhân và các yếu tố ảnh hưởng đến sự thích ứng xã hội
của các nhóm xã hội yếu thế; trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp nhằm giúp đỡ các
nhóm xã hội yếu thế thích ứng tốt hơn với những biến đổi xã hội ở nước ta hiện
nay. Bên cạnh đó, tác giả cũng có nghiên cứu về “Thích ứng của các nhóm yếu thế
qua thay đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh và thay đổi việc làm, nghề nghiệp” - từ
góc độ tâm lý học. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mức độ thích ứng của các nhóm
yếu thế là thấp. Họ không thay đổi hoạt động sản xuất của mình, chủ yếu vẫn sản
xuất theo cách truyền thống, các nhóm này cũng ít thay đổi về việc làm và nghề
nghiệp [10, tr.17]. Cùng hướng nghiên cứu này, tác giả Lê Minh Thiện đã tìm hiểu
về “Một số vấn đề lý luận cơ bản về thích ứng xã hội của các nhóm xã hội yếu thế
và các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với họ”. Nghiên cứu lý luận chỉ ra những
vấn đề cơ bản của thích ứng xã hội được biểu hiện thông qua mặt nhận thức và
thích ứng về mặt hành vi. Bên cạnh đó, tác giả cũng đã tìm hiểu các chủ trương
chính sách của Đảng, Nhà nước đối với một số nhóm yếu thế [60, tr.21]. Song song
đó, có thể kể đến nghiên của tác giả Đỗ Thị Lệ Hằng về “khả năng thích ứng với lối
sống đô thị của dân cư ven đô”. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng: khả năng thích
ứng với lối sống đô thị của người dân tùy thuộc vào lứa tuổi. Mức độ thích ứng của
dân cư đối với lối sống đô thị ở từng vùng khác nhau thùy thuộc vào mức độ đô thị
hóa ở đó 16, tr.32]. Cùng hướng nghiên cứu này, tác giả Nguyễn Văn Hồng đã bảo

20
vệ thành công luận án: sự thích ứng với điều kiện sống mới của dân di cư vùng thủy
điện Sơn La (2012 . Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra: sự thích ứng của người dân tái
định cư thủy điện Sơn La có mức độ chưa cao, chưa bền vững. Nhận thức của họ về
những khó khăn cần phải thích ứng khá rõ ràng nhưng hành vi thực hiện còn nhiều
hạn chế. Sự thích ứng của người dân tái định cư phụ thuộc vào nhều yếu tố, cần
phải quan tâm chú ý trong lập kế hoạch, quy hoạch các điểm tái định cư đó là:
khoảng cách di chuyển , những nét văn hóa trong nhà cửa, trong sinh hoạt, trong ẩm
thực...; về chế độ chính sách, về độ tuổi về thành phần dân tộc... [22, tr.19-21].
Nhìn chung trên thế giới và ở Việt Nam, có khá nhiều công trình nghiên cứu
về thích ứng tâm lý theo các hướng thích ứng với hoạt động học tập, thích ứng với
nghề nghiệp, lao động và thích ứng với môi trường văn hóa xã hội. Song song với
việc chỉ ra thực trạng của các quá trình thích ứng, các nghiên cứu này còn tập trung
vào việc nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến thực trạng và đặc biệt đã đưa ra một
số biện pháp, mô hình ứng dụng bước đầu mang lại hiệu quả vào thực tiễn để cải
thiện khả năng thích ứng của con người và các đối tượng nghiên cứu tương ứng với
từng lĩnh vực. Đây là những điều kiện thuận lợi về mặt lý luận, lịch sử nghiên cứu
để luận án kế thừa. Tuy nhiên, các nghiên cứu này chỉ tập trung vào việc làm rõ khả
năng thích ứng của con người trước những thay đổi của môi trường và hoạt động
mang tính xã hội còn những thay đổi của con người để thích ứng với sự thay đổi của
môi trường tự nhiên vẫn còn khá hiếm hoi. Đây là khoảng trống thú vị để luận án đi
sâu phân tích hướng nghiên cứu của mình.
1.2. Những nghiên cứu về thích ứng với biến đổi khí hậu của người nông dân
1.2.1. Những nghiên cứu về thích ứng với biến đổi khí hậu của người nông dân ở
nước ngoài
Biến đổi khí hậu có phạm vi ảnh hưởng trên toàn cầu chính vì lẽ đó việc
nghiên cứu về thích ứng với BĐKH nhằm giảm nhẹ những rủi ro do BĐKH mang
lại là nhiệm vụ bức thiết không chỉ của một quốc gia hay dân tộc nào mà còn là sự
chung tay phối hợp của cả nhân loại. Các công trình nghiên cứu mang tính vĩ mô
trên phạm vi toàn cầu về BĐKH đã được các nhà khoa học trên thế giới tiến hành từ
đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước với sự “chung tay” nghiên cứu, tìm hiểu của nhiều
ngành khoa học.

21
a) Những nghiên cứu về thích ứng với BĐKH của nông dân dưới góc độ Xã
hội học: chủ yếu tập trung ở sự ảnh hưởng của các yếu tố xã hội, chính sách xã hội,
các nguồn vốn xã hội... để thích ứng với BĐKH. Có thể kể đến một số nghiên cứu
tiêu biểu:
Nghiên cứu “Thích ứng ở Mỹ: Các yếu tố xã hội để giải quyết sự thay đổi
khí hậu” của nhóm tác giả Kathleen Carlson và Sabrina McCormick vào năm 2015.
[108, tr.360-367]. Bên cạnh đó, nhóm tác giả William Kwadwo Dumenu và
Elizabeth Asantewaa Obeng đã thực hiện nghiên cứu về “Biến đổi khí hậu và cộng
đồng nông thôn ở Ghana: Tính dễ bị tổn thương, tác động, thích ứng và những gợi ý
về chính sách” vào năm 2016 [136, tr.208-217]. Cùng lĩnh vực này có thể kể đến,
nghiên cứu về “Vốn xã hội, tin tưởng và thích nghi với biến đổi khí hậu: Bằng
chứng từ vùng nông thôn Ethiopia” của nhóm tác giả Christopher J. Paul, Erika S.
Weinthal, Marc F. Bellemare và Marc A. Jeuland (2016) [92, tr.124-138]. Song
song đó cũng trong năm 2017, các tác giả Hayrol Azril Mohamed Shaffril,
Asnarulkhadi Abu Samah và Jeffrey Lawrence D'Silva đã tiến hành nghiên cứu:
“Biến đổi khí hậu: Chiến lược thích ứng xã hội cho ngư dân” [101, tr.256-261].
Những nghiên cứu này đã đánh giá mức độ tổn thương xã hội, tác động và chiến
lược thích ứng với biến đổi khí hậu ở các cộng đồng. Chỉ ra các yếu tố dễ bị tổn
thương về xã hội như mức độ mù chữ cao, sự phụ thuộc nặng nề vào nghề nghiệp
nhạy cảm với khí hậu, nguồn thu nhập ít đa dạng và hạn chế tiếp cận thông tin về
biến đổi khí hậu, các mối quan hệ yếu ớt, chẳng hạn như chuyển thông tin một
chiều, có thể dẫn đến việc thiết lập mối quan hệ hợp tác lẫn nhau theo thời gian. Các
mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau sau đó có thể dễ dàng được kích hoạt bởi các cộng
đồng địa phương để tạo ra những phản ứng ngắn hạn và các giải pháp lâu dài cho
các tác động của biến đổi khí hậu. Phương pháp chính được các nghiên cứu này ưu
tiên sử dụng là thực hiện các cuộc phỏng vấn định tính với các nhà hoạch định
chính sách đa ngành để đánh giá các yếu tố thúc đẩy sự thích nghi của người dân,
yếu tố ảnh hưởng đến sự thích ứng. Các khía cạnh như giảm rủi ro, các mối quan hệ
xã hội, kiến thức về biến đổi khí hậu, tham gia vào việc lên kế hoạch thích ứng và
tiếp cận tín dụng được đề nghị xem như là những kết quả mang lại sự hiệp đồng cho
thích ứng xã hội và hy vọng rằng các chiến lược khuyến nghị sẽ hỗ trợ các bên liên

22
quan trong việc tạo ra và đưa ra các chiến lược thích ứng hiệu quả cho người dân
trong việc thích ứng với BĐKH.
b) Những nghiên cứu về thích ứng với BĐKH của nông dân dưới góc độ
Kinh tế học: chủ yếu tập trung vào việc tìm hiểu các tác động của BĐKH đến nền
kinh tế nói chung, hay những biện pháp, các mô hình để thích ứng với BĐKH nhằm
giảm thiểu tổn thất và phát triển kinh tế trong từng lĩnh vực cụ thể.
Trước tiên, có thể kể đến nghiên cứu về “Lũ Lụt và những tổn thương kinh tế
xã hội đối với người dân dưới sự thay đổi của môi trường khí hậu” (2013 của nhóm
tác giả người Anh: Y. He, F. Pappenberger, D. Manful, H. Cloke và P. Bates.
Nghiên cứu đã chỉ ra những kết quả cơ bản: (1) những rủi ro và lợi ích kinh tế mang
lại của lũ lụt và đánh giá các câu trả lời của lũ lụt và vùng ngập vào sự thay đổi việc
sử dụng đất của người dân (2 đánh giá các công cụ, mô hình được người dân sử
dụng để đánh giá tác động về lũ lụt trong tương lai (3 thảo luận về thay đổi nguy cơ
lũ lụt và dễ bị tổn thương kinh tế xã hội dựa trên xu hướng hiện nay ở các nước phát
triển hoặc đang phát triển và trình bày một mô hình thay thế như một con đường
hướng dẫn khả năng phục hồi [102, tr.241-255]. Cùng hướng này có thể kể thêm
các nghiên cứu khác như nghiên cứu về “Tác động của biến đổi khí hậu và thích
ứng ở cấp nông hộ: Phân tích kinh tế hệ thống chăn nuôi gia súc hỗn hợp” của các
tác giả Tas Thamo, Donkor Addai, David J. Pannell, Michael J. Robertson, Dean T.
Thomas và John M. Young vào năm 2015 [130, tr.99-108]. Cũng trong năm 2015
này, tác giả L.M. Menikea và K.A. Keeragala Arachchib đã nghiên cứu về “Thích
ứng với biến đổi khí hậu của nông dân sản xuất nhỏ ở các vùng nông thôn: Bằng
chứng từ Sri Lanka” [113, tr. 288-292]. Bên cạnh đó, có thể kể đến nghiên cứu về
“Thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ khí nhà kính và lợi ích kinh tế trong
nông nghiệp bảo tồn của người dân: Một số ví dụ từ hệ thống ngũ cốc của đồng
bằng Indo-Gangetic” của tác giả Tek B Sapkota vào năm 2015 [132, tr.1524-1533].
Gần đây nhất vào năm 2016, các tác Madan Mohan Dey, Mark W. Rosegrant,
Kamal Gosh, Oai Li Chen và Rowena Valmonte-Santo đã tiến hành tìm hiểu “Tác
động kinh tế của biến đổi khí hậu và các chiến lược thích ứng biến đổi khí hậu của
người dân cho ngành thủy sản tại Quần đảo Solomon: Ảnh hưởng đối với an ninh
lương thực” [110, tr.156-163].

23
c) Những nghiên cứu về thích ứng với BĐKH của nông dân dưới góc độ Tâm
lý học tập trung chủ yếu ở mảng nghiên cứu về nhận thức và mức độ thích ứng qua
hành vi, các chiến lược thay đổi hành vi cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi
thích ứng với BĐKH của người nông dân. Có thể kể đến những nghiên cứu cơ bản:
Năm 2012, tác giả Naresh Chandra Sahu và Diptimayee Mishra đã nghiên
cứu “nhận thức và chiến lược thích ứng của nông dân để thay đổi khí hậu ở Orissa,
một bang của Ấn Độ”. Nghiên cứu nhằm mục đích kiểm tra nhận thức và mức độ
thích ứng qua hành vi của người nông dân với biến đổi khí hậu thông qua việc lấy
mẫu của 150 hộ gia đình thuộc những huyện ven biển Orissa bằng cách áp dụng kỹ
thuật hồi quy logit. Kết quả thống kê cho thấy, thu nhập hàng năm, tiếp cận với
công trình thủy lợi, quyền truy cập vào cơ sở tín dụng và kích thước diện tích đất
của các hộ nông dân là những yếu tố chính ảnh hưởng đến hành vi của họ để thích
ứng với biến đổi khí hậu [117, tr.123-127].
Một nghiên cứu khác về “So sánh nhận thức của nông dân về thích ứng với
biến đổi khí hậu: Một nghiên cứu từ phía tây nam Nigeria” (2016 của nhóm tác giả
Ayansina Ayanlade, Maren Radeny và John F. Morton diễn ra trong hơn ba thập
niên qua. Kết quả cho thấy khoảng 67% số người dân tham gia đã quan sát được
những thay đổi gần đây trong khí hậu. Nhận thức của nông dân về biến đổi khí hậu
phù hợp với xu hướng phân tích khí hậu: tác động tổng thể của sự thay đổi khí hậu
trên cả trồng trọt và chăn nuôi xuất hiện rất tiêu cực, nhiều hơn trên ngô (62,8% ,
khoai mỡ (52,2% , gia cầm (67% và gia súc (63,2% số năm kinh nghiệm nuôi và
mức thu nhập của người nông dân có mối quan hệ đáng kể với sự lựa chọn của nông
dân về các chiến lược thích ứng (r≥0.60, p <0,05 và r≥0.520, p <0,05 . Nghiên cứu
kết luận rằng, nông dân sản xuất nhỏ đặc biệt dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu
vì đa số họ không có đủ nguồn lực để đối phó [86, tr. 32-41].
Bên cạnh đó có thể kể đến nghiên cứu “Nhận thức của nông dân về biến
đổi khí hậu, tác động vào nuôi trồng thủy sản nước ngọt và các chiến lược thích ứng
ở các điểm nóng thay đổi khí hậu: Một trường hợp của đồng bằng Sundarban Ấn
Độ” vào năm 2016 của nhóm tác giả Sourabh Kumar Dubey, Raman Kumar
Trivedi, Bimal Kinkar Chand, Basudev Mandal và Sangram Keshari Rout. Nghiên
cứu cũng đã chỉ ra rằng người nông dân nhận thức với biến đổi khí hậu và thể hiện

24
kinh nghiệm của họ trước sự thay đổi nhiệt độ, lượng mưa, bão nhiệt đới và nước
biển dâng. Lốc xoáy và bão dâng là hiện tượng khí hậu quan trọng nhất và ảnh
hưởng nghiêm trọng đến nuôi trồng thủy sản nước ngọt do lũ lụt ven biển và mực
nước biển dâng cao dẫn đến xâm nhập mặn, tiếp theo là nhiệt độ không khí tăng cao
và hạn hán. Liên quan đến rủi ro này, nông dân đang đối phó với các vấn đề thông
qua các biện pháp đối phó ngắn hạn và cần cải tiến khoa học để nâng cao khả năng
ứng phó dài hạn cho nông dân [128, tr.56-62].
Cũng theo hướng nghiên cứu này, nhóm tác giả Gebreyesus Brhane
Tesfahunegn, Kirubel Mekonen và Abadi Tekle đã tìm hiểu “Nhận thức của nông
dân về nguyên nhân, các chỉ số và các yếu tố của sự thay đổi khí hậu ở miền bắc
thiopia: ý nghĩa đối với việc phát triển các chiến lược thích ứng”. Kỹ thuật lấy
mẫu hệ thống được sử dụng để chọn 60 mẫu nông dân chủ hộ. Các nông dân mẫu
được phỏng vấn sử dụng bảng câu hỏi bán cấu trúc. Dữ liệu được phân tích bằng
mô tả, chi-square (χ2 và phân tích hồi quy logistic. Tỷ lệ cao hơn đáng kể số người
nông dân được hỏi cho rằng rằng phá rừng (93% tiếp theo là suy thoái đất (88% là
những nguyên nhân chính của biến đổi khí hậu. Tỷ lệ cao hơn số người được hỏi
cũng xác định rằng các chỉ số thường được sử dụng nhiều nhất của biến đổi khí hậu
là sự biến biến đổi trong chế độ mưa (92% , tỷ lệ xói mòn (90% , nhiệt độ (85% và
đầu ra nông nghiệp (85% . Sự thành công của mô hình hồi quy logistic dự đoán
tổng thể được mô tả bằng mô hình χ2 = 81, p = 0.003, cho thấy rằng các biến độc
lập giải thích ý nghĩa các biến phụ thuộc. Sự thành công của mức dự đoán mô hình
hồi quy cũng được mô tả bởi một liên kết mạnh mẽ giữa nhận thức của nông dân về
biến đổi khí hậu và nhóm các biến giải thích bởi hệ số xác định là 83%. Trong số
các biến giải thích, kinh nghiệm về quản lý đất đai và cơ cấu thu hoạch là những
yếu tố quyết định quan trọng đáng kể về nhận thức của nông dân về biến đổi khí
hậu [100, tr.1-12].
Bên cạnh đó, nghiên cứu “Nhận thức của nông dân về biến đổi khí hậu và
các chiến lược đáp ứng trong ba tỉnh của Nam Phi” (2016 của nhóm tác giả Zelda
A. Elum, David M. Modise và Ana Marr cũng đã kiểm tra xu hướng các thông số
biến đổi của khí hậu, nhận thức của nông dân về biến đổi khí hậu, hạn chế gặp phải
trong sản xuất và xác định các chiến lược (nếu có mà người nông dân đã áp dụng
để đối phó với những tác động của thay đổi khí hậu. Số liệu được thu thập từ 150

25
nông dân với mẫu ngẫu nhiên cùng sự trợ giúp của bảng câu hỏi ở ba tỉnh được lựa
chọn. Các kết quả phân tích các dữ liệu thời tiết gần đây thu được cho thấy các
thông số khí hậu đã thay đổi đáng kể theo thời gian và chúng được chứng minh bởi
kinh nghiệm của nông dân. Những người nông dân đang tham gia vào các chiến
lược khí hậu phản ứng khác nhau, trong đó, trồng các giống cây chịu hạn là phổ
biến nhất 141, tr.79-83].
1.2.2. Những nghiên cứu về thích ứng với biến đổi khí hậu của nông dân ở Việt Nam
Ở Việt Nam, những nghiên cứu về thích ứng với BĐKH cũng chỉ mới nhận
được sự quan tâm trong một vài thập kỷ gần đây, khi mà những ảnh hưởng của nó
đến đời sống con người ngày càng nghiêm trọng và rõ nét hơn.
a) Những nghiên cứu về thích ứng với BĐKH của nông dân dưới góc độ Địa
lý tập trung chủ yếu vào việc đánh giá mức độ tác động, tổn thương do BĐKH gây
ra với đời sống của người dân, các yếu tố chi phối sự thích ứng cũng như đề xuất
một số mô hình để giúp người dân thích ứng hiệu quả hơn với BĐKH. Tuy nhiên,
những nghiên cứu này chỉ mới dừng lại ở những đánh giá về thiệt hại vật chất, tài
sản… còn những tổn thương về mặt tâm lý vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu. Cụ
thể như:
Hướng nghiên cứu về đánh giá thực trạng, mức độ tổn thương do BĐKH gây
ra có thể kể đến nghiên cứu “Đánh giá tổn thương và khả năng thích nghi ở các hộ
gia đình trước thiên tai trong khu vực thuộc quận Bình Thủy và huyện Vĩnh Thạnh,
Thành phố Cần Thơ” cũng đã được các tác giả Lê Tuấn Anh và Trần Thị Kim Hồng
thực hiện vào năm 2012. Cùng hướng này, tác giả Lê Quang Cảnh tìm hiểu về “Một
số tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất và đời sống của người dân hai xã
Quảng Thành và Hương Phong, tỉnh Thừa Thiên Huế”. Các nghiên cứu này đã chỉ
ra những tác động của biến đổi khí hậu đối với cuộc sống của người dân cũng như
các giải pháp nhằm giúp người dân thích ứng và giảm thiểu tác động này, như:
Nghiên cứu và triển khai các mô hình nông nghiệp có khả năng thích ứng tốt với
những tác động của BĐKH Tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nông
nghiệp, cải thiện hệ thống tiêu thoát trong mùa lũ và cấp nước trong mùa khô. Cần
thiết có thể điều chỉnh lịch thời vụ và hệ thống canh tác một cách linh hoạt nhằm
chủ động ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan như: bão, lũ lụt, hạn hán;

26
Chọn lọc các giống cây trồng, vật nuôi có khả năng thích nghi với điều kiện thiếu
nước, chịu mặn và thay đổi theo các mùa khác nhau trong năm Đầu tư thêm các
dịch vụ chế biến và lưu giữ các loại nông sản tập trung; Quy hoạch ngắn hạn và dài
hạn sử dụng đất nông nghiệp một cách hiệu quả cùng với việc xem xét đến các tác
động trước mắt và lâu dài của BĐKH đảm bảo nền sản xuất nông nghiệp ở địa
phương được ổn định và bền vững. Kết quả những nghiên cứu này cho thấy người
dân tại các khu vực nông thôn bị tổn thương do các tác động của thiên tai nhiều hơn
so với người dân sống ở vùng đô thị hoặc ven đô. Trẻ em, người già, người khuyết
tật và người nghèo là các nhóm bị tổn thương nhất. Việc phòng ngừa thiên tai của
người dân địa phương chưa đủ tốt. Sự chuẩn bị của người dân, thông tin, tập huấn
từ chính quyền và các tổ chức dân sự liên quan đến ô nhiễm, thiên tai đến với dân
chúng chưa nhiều và chưa làm thay đổi nhiều về hành vi của người dân. [1, tr.221-
230], [7, tr.57-66].
Hướng nghiên cứu về biện pháp nhằm thích ứng với BĐKH có thể kể đến
nghiên cứu “Nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH cho người dân ven biển tỉnh
Thừa Thiên Huế” của tác giả Trần Hữu Tuấn (2012 đã tiến hành điều tra hộ gia
đình ở 3 xã chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và BĐKH đại diện cho các xã ven
biển tỉnh Thừa Thiên Huế gồm Vinh Hải (huyện Phú Lộc), Hải Dương (huyện
Hương Trà và Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền). Kết quả điều tra về những biện
pháp ứng phó với thiên tai và BĐKH mà người dân ở 3 xã thực hiện trong thời gian
qua cho thấy, hiện tại họ chỉ tập trung vào các biện pháp tức thời, ngắn hạn, mang
tính ứng phó mà thiếu các biện pháp thích nghi dài hạn. Trên cơ sở đó, nghiên cứu
đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH cho người
dân vùng ven biển Thừa Thiên Huế [64, tr.379-386]. Hay nghiên cứu về “Các mô
hình thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam” (2015), tác giả Lê Văn Khoa đã
tập trung vào việc đưa ra 2 loại mô hình để thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt
Nam: Mô hình thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái (HST); Mô hình tạo sinh
kế thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng [27, tr.23].
b) Những nghiên cứu về thích ứng với BĐKH của nông dân dưới góc độ
Kinh tế học tập trung chủ yếu ở việc đưa ra các mô hình nông nghiệp, phát triển

27
sinh kế có hiệu quả kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hay huy động nguồn lực tài
chính cho việc giảm thiểu rủi ro do BĐKH mang lại và thích ứng với BĐKH.
Hướng nghiên cứu nhằm đưa ra các mô hình thích ứng với BĐKH của người
dân có thể kể đến nghiên cứu của các tác giả Hoàng Ngọc Trường Vân và Nguyễn
Đình Huy đã nghiên cứu về “Tri thức bản địa và các mô hình cộng đồng thích ứng
với biến đổi khí hậu ở các tỉnh Bình Trị Thiên” (2013 . Từ kinh nghiệm và tri thức
bản địa đúc rút được, người dân ở địa bàn nghiên cứu cùng với chính quyền địa
phương và các tổ chức nghiên cứu cùng nhau xây dựng thành công một số mô hình
phòng tránh thiên tai và thích ứng với BĐKH ở mỗi địa phương như: Mô hình trồng
rau vườn treo, Mô hình nuôi trồng thủy sản, Mô hình nhà sinh hoạt cộng đồng thích
ứng với BĐKH ở tỉnh Thừa Thiên Huế; Mô hình trồng rau trong nhà lưới theo
hướng an toàn, trái vụ, Mô hình chăn nuôi lợn phòng tránh được thiên tai ở tỉnh
Quảng Trị; Công tác nghiên cứu, tổng kết tri thức bản địa và xây dựng các mô hình
thích ứng với BĐKH của cộng đồng người dân cần được tiến hành nhân rộng ở các
tỉnh thành khác trong cả nước nhằm giúp giảm thiểu các tác động của thiên tai và
đảm bảo cuộc sống cũng như sản xuất trong bối cảnh BĐKH 32, tr.104-113]. Cùng
hướng này có thể kể đến nghiên cứu của tác giả Võ Văn Minh đã nghiên cứu về
“Định hướng phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu ở khu vực ven
biển miền Trung” (2010). Đề tài đã chỉ ra được những thuận lợi và khó khăn của
hoạt động nông nghiệp vùng đất cát ven biển miền Trung, từ đó đưa ra một số mô
hình nông nghiệp có hiệu quả kinh tế, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và
những ưu điểm rút ra từ sự thành công của các mô hình nông nghiệp trên. [41, tr.4-
11]. Hay nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Cẩm Yến về “Kinh nghiệm từ một số
mô hình thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng ở tỉnh Phú Yên”. Kết quả nghiên
cứu đã đưa ra một số mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH của người dân ở miền
núi như mô hình trồng mía thâm cạnh, mô hình trồng sắn xem canh, mô hình trồng
cao su; mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH của người dân ở đồng bằng như mô
hình trồng lúa, nuôi trồng thủy sản và mô hình quản lý thích ứng với BĐKH như
mô hình nhà chòi tránh lũ, mô hình nhà tránh lũ cộng đồng [80, tr.66-73].
Hướng nghiên cứu về sự thay đổi các hoạt động sống của người dân để thích
ứng với BĐKH có thể kể đến nghiên cứu của tác giả Trần Thọ Đạt và Vũ Thị Hoài

28
Thu đã thực hiện nghiên cứu về “Một số hoạt động thích ứng về sinh kế của người
dân trước tác động của BĐKH ở vùng ven biển” (2012 . Kết quả nghiên cứu đã chỉ
ra các hoạt động thích ứng trong nông nghiệp (đa dạng hóa cây trồng để thích ứng
với thời tiết thay đổi, thay đổi mô hình trồng trọt, tăng cường giống mới, đa dạng
hóa sinh kế… , các hoạt động thích ứng trong thủy sản (tăng cường hệ thống đê bảo
vệ các đầm nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng các giống loài thủy
hải sản khác nhau, quản lý tài nguyên thủy sản dựa vào cộng đồng… hay thực hiện
di cư để thích ứng với BĐKH. Bên cạnh đó, các tác giả còn nghiên cứu về việc “Hỗ
trợ sinh kế để thích ứng với BĐKH” như: cải thiện nguồn lực tự nhiên dựa vào hệ
sinh thái, cải thiện nguồn lực vật chất (đê, kè, nhà ở, hệ thống giao thông… , cải
thiện nguồn lực tài chính, cải thiện nguồn lực con người và cải thiện nguồn lực xã
hội [13, tr.10-57]. Cùng hướng này còn có nghiên cứu của tác giả Trương Thị Mỹ
Nhân, Nguyễn Vĩnh Thanh (2015) về “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm thích ứng
với BĐKH của người dân vùng Nam trung bộ”. Nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ
giữa cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế với BĐKH: BĐKH ảnh hưởng đến
cơ cấu ngành kinh tế và xu hướng chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế ra sao ngược
lại cơ cấu kinh tế sẽ ảnh hưởng đến quy mô, mức độ tác động do BĐKH gây ra như
thế nào. Các bước phân tích, đánh giá chuyển dịch cơ cấu kinh tế thích ứng với
BĐKH ở NTB, với 8 bước: xác định kịch bản BĐKH, phân tích thực trạng BĐKH,
xác định ảnh hưởng lớn nhất của BĐKH đến cơ cấu kinh tế, xác định cơ cấu kinh tế
của các địa phương trong vùng, đánh giá định tính về mức độ nhạy cảm và dễ bị tổn
thương, đánh giá mức độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đánh giá mức độ dễ bị tổn
thương và năng lực thích ứng của cơ cấu ngành kinh tế đưa ra kiến nghị về chính
sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế thích ứng với BĐKH [46, tr.50-58].
Hướng nghiên cứu về các nguồn lực hỗ trợ để thích ứng với BĐKH có thể kể
đến nghiên cứu về “Huy động nguồn lực tài chính cho giảm thiểu và thích ứng với
BĐKH ở Việt Nam” của tác giả Nguyễn Thị Thu Hương vào năm 2014. Nghiên
cứu đã khái quát việc huy động nguồn lực tài chính cho giảm thiểu và thích ứng với
biến đổi khí hậu cho người dân ở Việt Nam; tập trung làm rõ một số kết quả đạt
được như: Nhà nước đã có những ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách cho các
chương trình ứng phó với BĐKH và nghiên cứu khoa học về BĐKH, nguồn vốn

29
vay ưu đãi và viện trợ của nước ngoài được ưu tiên huy động để có nguồn lực lớn
và tập trung cho thích ứng với BĐKH, huy động được nguồn lực tại chỗ, ban hành
các chính sách thu hút BĐKH. Đồng thời cũng đã đưa ra một số giải pháp nhằm huy
động nguồn lực tài chính cho giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt
Nam: đề xuất các dự án phù hợp để tiếp cận các nguốn vốn từ nước ngoài, chọn
công cụ giảm nhẹ đơn giản, giảm thiểu chi phí... [24, tr.6-12].
c) Những nghiên cứu về thích ứng với BĐKH của nông dân dưới góc độ Tâm
lý học tại Việt Nam còn chưa nhiều. Đặc biệt có thể chú ý đến đề tài nghiên cứu về
“Ứng phó với thiên tai của người dân vùng biển Bắc Trung bộ” của tác giả Lê Văn
Hảo (2015). Đây là công trình nghiên cứu chuyên sâu, hay và hiếm hoi về ứng phó
với thiên tai/ BĐKH dưới góc độ Tâm lý học. Tác giả xem ứng phó với thiên tai là
các nỗ lực về mặt nhận thức và hành vi để giải quyết các đòi hỏi do thiên tai bão lụt
đặt ra. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng tiến hành tìm hiểu thêm về mức độ sẵn sàng
chuẩn bị ứng phó, các phong cách ứng phó, niềm tin liên quan đến năng lực ứng phó,
ý thức cộng đồng và lòng tin xã hội… trong việc ứng phó với thiên tai. Kết quả
nghiên cứu cho thấy: cư dân ven biển có mức độ sẵn sàng chuẩn bị ứng phó tốt để
giảm nhẹ hậu quả thiên tai. Họ đã phát triển một loạt chiến lược hay cách thức để ứng
phó và thích nghi bao gồm các chiến lược liên quan đến sống còn (an toàn) và chiến
lược liên quan đến sinh kế. Trong các phương cách đó có chiến lược ngắn hạn, dài
hạn, giải pháp công trình và phi công trình. Có cách thức dùng cho cá nhân, cách thức
dùng cho gia đình hay cộng đồng trước, trong và sau bão, lũ [15, tr.110-114].
Đối với hướng nghiên cứu thích ứng với BĐKH từ góc nhìn Tâm lý học vẫn
còn rất khiêm tốn, vẫn chưa có nghiên cứu bài bản chỉ rõ sử dụng cách tiếp cận nào
khi nghiên cứu thích ứng tâm lý với BĐKH của người nông dân cũng như chỉ ra
được những cấu thành trên phương diện của thích ứng tâm lý với biến đổi khí hậu.
Đây là khoảng trống để luận án thực hiện nghiên cứu của mình.
- Như vậy, tổng quan tình hình nghiên cứu về thích ứng tâm lý và thích ứng
với BĐKH của người nông dân cho thấy:
+ Cách tiếp cận về thích ứng dưới góc độ Tâm lý học ở nước ngoài khá đa
dạng và thường tập trung vào từng mảng nghiên cứu nhỏ, chuyên sâu. Những nghiên
cứu về thích ứng của các tác giả trong nước dưới góc độ Tâm lý học thường tập trung

30
trên bình diện: nhận thức, thái độ - cảm xúc, hành động. Đây là hướng nghiên cứu
logic, có lý thuyết vững chắc để tác giả tham khảo và tiến hành nghiên cứu của mình.
Tuy nhiên, cũng cần có sự linh hoạt trong việc nhóm gộp hay phân tích thêm nội hàm
của từng cấu thành để phù hợp với từng đối tượng nghiên cứu cụ thể. Ở luận án này
về mặt lý luận, phải xem thích ứng là một hoạt động tâm lý có các thành phần: nhận
thức (hoạt động nhận thức, trong đó có đánh giá phương thức hoạt động cũ và tìm
hiểu phương thức hoạt động mới), có hệ thống động cơ (mục tiêu, nhu cầu, xúc
cảm...), hệ thống hành động thay đổi phương thức hoạt động và đánh giá hiệu quả
của sự thay đổi phương thức hoạt động.
+ Trên thế giới và ở Việt Nam, có khá nhiều công trình nghiên cứu về thích
ứng dưới góc độ tâm lý theo các hướng thích ứng tâm lý với hoạt động học tập,
thích ứng tâm lý với nghề nghiệp, lao động và thích ứng tâm lý với môi trường văn
hóa xã hội. Tuy nhiên, các nghiên cứu này chỉ tập trung vào việc làm rõ khả năng
thích ứng tâm lý của con người trước những thay đổi của môi trường và hoạt động
mang tính xã hội còn những thay đổi của con người để thích ứng tâm lý với sự thay
đổi của môi trường tự nhiên vẫn còn hiếm hoi.
+ Phần lớn các công trình nghiên cứu về thích ứng với BĐKH cả trong và
ngoài nước kể trên thường nhìn từ góc độ: Kinh tế học, Xã hội học, Văn hóa học,
Nông nghiệp, Địa lý... Bên cạnh đó, việc nghiên cứu thích ứng với BĐKH từ góc độ
Tâm lý học ở nước ngoài đã có những đóng góp nhất định về sự phong phú trong nội
dung nghiên cứu. Tuy nhiên tại Việt Nam, thích ứng với BĐKH từ góc nhìn Tâm lý
học vẫn chưa có nghiên cứu bài bản chỉ rõ việc sử dụng cách tiếp cận nào khi
nghiên cứu thích ứng tâm lý với BĐKH cũng như chỉ ra được những cấu thành trên
phương diện của thích ứng tâm lý với biến đổi khí hậu.
Tiểu kết chương 1
Khái quát kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước về
thích ứng tâm lý và thích ứng với BĐKH của người nông dân có thể rút ra một số kết
luận sau:
Những nghiên cứu về thích ứng tâm lý ở nước ngoài khá đa dạng và thường
tập trung vào từng mảng nghiên cứu nhỏ, chuyên sâu. Những nghiên cứu về thích
ứng tâm lý của các tác giả trong nước thường sử dụng cấu thành: nhận thức, thái độ -

31
cảm xúc, hành động. Đây là hướng nghiên cứu logic, có lý thuyết vững chắc để tác
giả tham khảo và tiến hành nghiên cứu của mình. Tuy nhiên, trên mỗi đối tượng khác
nhau cần có sự linh hoạt trong việc nhóm gộp hay phân tích thêm nội hàm của từng
cấu thành để phù hợp với từng đối tượng nghiên cứu cụ thể. Ở luận án này về mặt lý
luận, phải xem thích ứng là một hoạt động tâm lý có các thành phần: nhận thức
(hoạt động nhận thức, trong đó có đánh giá phương thức hoạt động cũ và tìm hiểu
phương thức hoạt động mới), có hệ thống động cơ (mục tiêu, nhu cầu, xúc cảm...),
hệ thống hành động thay đổi phương thức hoạt động và đánh giá kết quả của sự thay
đổi phương thức hoạt động.
Trên thế giới và ở Việt Nam, có nhiều công trình nghiên cứu về thích ứng
tâm lý theo các hướng thích ứng tâm lý với hoạt động học tập, thích ứng tâm lý với
nghề nghiệp, lao động và thích ứng tâm lý với môi trường văn hóa xã hội. Tuy
nhiên, các nghiên cứu này chỉ tập trung vào việc làm rõ khả năng thích ứng tâm lý
của con người trước những thay đổi của môi trường và hoạt động mang tính xã hội
còn những thay đổi của con người để thích ứng tâm lý với sự thay đổi của môi
trường tự nhiên vẫn còn khá hiếm hoi.
Nghiên cứu về thích ứng với BĐKH cả trong và ngoài nước thường chỉ
nhìn từ góc độ: Kinh tế học, Xã hội học, Nông nghiệp, Địa lý... Việc nghiên cứu
thích ứng với BĐKH từ góc độ Tâm lý học ở nước ngoài đã có những đóng góp
nhất định về sự phong phú trong nội dung nghiên cứu. Tuy nhiên tại Việt Nam,
những nghiên cứu về thích ứng tâm lý với BĐKH của nông dân vẫn còn khá
hiếm hoi, vẫn chưa có nghiên cứu bài bản để chỉ rõ việc sử dụng cách tiếp cận
nào khi nghiên cứu thích ứng tâm lý với BĐKH cũng như chỉ ra được những cấu
thành trên phương diện của thích ứng tâm lý với biến đổi khí hậu. Đây sẽ là
những khoảng trống thú vị để tác giả đi sâu nghiên cứu vấn đề: “Thích ứng với
biến đổi khí hậu của nông dân khu vực miền Trung”.

32
CHƯƠNG 2
CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ THÍCH ỨNG VỚI
BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CỦA NÔNG DÂN
2.1. Lý luận về thích ứng
2.1.1. Các quan điểm Tâm lý học về thích ứng
Trong Tâm lý học, có nhiều quan điểm khác nhau về thích ứng xuất phát từ
những trường phái Tâm lý học khác nhau.
a) Quan điểm của Tâm lý học chức năng về thích ứng
Trong Tâm lý học, H. Spencer (1820 - 1903 là người khởi xướng tâm lý học
về thích ứng. Theo ông, thích ứng là quá trình diễn ra trong quan hệ gữa con người
với môi trường; tâm lý, ý thức được xem là công cụ để thực hiện chức năng thích
ứng. Hành vi sống của cá thể có bản chất là thích ứng, tức là việc mỗi cá thể biến
đổi hành vi của loài cho phù hợp với đặc điểm, các yêu cầu đòi hỏi của môi trường
sống. Cuộc sống của cá thể là một dòng liên tục của các “hành vi thích ứng” diễn ra
giữa các quan hệ bên trong và quan hệ bên ngoài [63, tr.6-23].
Trong khuôn khổ của dòng phái Tâm lý học chức năng, W. James (1842 -
1910) kế thừa tư tưởng của H. Spencer. Theo Ông, thích ứng là một quá trình tích
cực. Ông đánh giá rất cao vai trò của tự ý thức, tự đánh giá trong quá trình thích ứng
của nhân cách. Mục đích của ý thức là giúp cá nhân thích ứng với môi trường [55,
tr.22-53], [63, tr.6-23].
Như vậy, các nhà Tâm lý học chức năng quan tâm đến việc cá nhân sử dụng
các con đường để thích ứng với những biến đổi của môi trường sống. Tuy còn
những hạn chế như nhìn nhận sự thích ứng của con người dưới góc độ sinh vật,
tuyệt đối hóa ý thức, chưa thấy hết vai trò của các yếu tố xã hội;nên chưa giải quyết
được vấn đề bản chất của sự thích ứng, song Tâm lý học chức năng đã có công lớn
trong việc đưa vấn đề thích ứng trở thành một trong những vấn đề trung tâm của
Tâm lý học.
b) Quan điểm của Phân tâm học về thích ứng
Lý luận về thích ứng trong nhân cách được rút ra từ học thuyết về cấu trúc
nhân cách của Freud (1856 - 1939). Ông cho rằng, nhân cách của con người là một
cấu trúc tổng thể gồm ba khối: “cái nó” (id , “cái tôi” (ego và “cái siêu tôi”

33
(superego). Mâu thuẫn đối kháng giữa “cái nó” - các bản năng vô thức - luôn đòi
hỏi được thỏa mãn với cái “siêu tôi” - phần xã hội của con người, bao gồm những
chuẩn mực, giá trị đã được nội tâm hoá, chủ yếu bằng con đường vô thức và được
xem như là phần đạo đức, lương tâm của con người - hoạt động theo nguyên tắc
kiểm duyệt, có xu hướng áp chế những dục vọng xuất phát từ “cái nó”. “Cái tôi”
đứng giữa với vai trò trung gian, hòa giải, vận hành theo nguyên tắc “thực tế”. Nếu
“cái tôi’ phát triển đủ mạnh sẽ làm cho con người có hành vi thích ứng tốt - dung
hòa được mâu thuẫn giữa “cái nó” và “cái siêu tôi”. Freud xem “cái nó” là cái chủ
yếu quy định hành vi thích ứng [63, tr.35-43]. Để có được sự thích ứng - sự cân
bằng giữa “cái nó” và “cái siêu tôi”, con người cần đến những cơ chế mà Freud gọi
là cơ chế phòng vệ. Các cơ chế phòng vệ cũng chính là các cơ chế thích ứng, cơ chế
đảm bảo cho sự cân bằng của đời sống tinh thần.
Quan điểm “thuần dục” của Freud bị các nhà Phân tâm học mới như Carl
Jung (1875 - 1961), Erikson E. (1902-1994)… phê phán, đồng thời phát triển thêm.
Trước hết, các nhà Phân tâm học mới chú ý hơn đến vai trò của “cái tôi”. Nó phải
liên tục quan sát, suy nghĩ, giải quyết các vấn đề, ra quyết định... nên nó đóng vai
trò không kém phần quan trọng so với “cái nó” trong quy định hành vi thích ứng.
Thứ hai, Phân tâm học mới tuy không phủ nhận vai trò của “cái nó” nhưng cũng đã
chú ý đến mặt xã hội của thích ứng, tức là đến các mối quan hệ xã hội mà “cái tôi”
tiến hành với những người khác. Đặc biệt, một số nhà Phân tâm mới đánh giá cao
mặt xã hội coi thích ứng là khả năng mỗi con người thiết lập được các mối quan hệ
tình cảm tốt đẹp, bền vững với người khác [50, tr.24-26].
Lý luận về thích ứng của nhân cách theo Phân tâm học mặc dù bị phê phán
do quan điểm tuyệt đối hóa vô thức, các bản năng sinh vật, quá nhấn mạnh vai trò
của bản năng tình dục, phủ nhận vai trò của của yếu tố xã hội trong việc quy định
hành vi thích ứng của con người. Tuy nhiên, những đóng góp của các nhà phân tâm
học về thích ứng vẫn được ghi nhận vì đã quan tâm đến việc giải thích bản chất, cơ
chế của sự thích ứng tâm lý và cho rằng con người không phải là ngoại lệ sinh học,
sự trưởng thành và phát triển của đứa trẻ là quá trình thích nghi sinh học và thích
ứng tâm lý, đặc biệt phát hiện vai trò của vô thức, bản năng, xung đột tâm lý trong
quá trình thích ứng, hậu quả của việc kém thích ứng.

34
c) Quan điểm của Tâm lý học hành vi về thích ứng
Tâm lý học hành vi (J. Watson, 1913) lại tiếp cận vấn đề thích ứng khi nhấn
mạnh mặt hành động bên ngoài, nghiên cứu các kích thích của môi trường tác
động lên cơ thể theo công thức S - R (kích thích - phản ứng). Watson cho rằng
thích ứng gắn liền với vấn đề học tập, mỗi hành vi thích ứng đều là kết quả của
việc học tập diễn ra thường xuyên trong quan hệ giữa “cơ thể” với “môi trường”,
gắn với yếu tố “thưởng” và “phạt”. Người có khả năng thích ứng tốt là do đã học
được các kỹ xảo ứng xử, cho phép họ giải quyết được các vấn đề nảy sinh trong
cuộc sống [50, tr.35-43].
Nhược điểm của thuyết hành vi cổ điển (J. Watson) là phủ nhận vai trò của
các yếu tố bên trong (tâm lý, ý thức). Vấn đề này đã được các nhà hành vi mới như:
Hall, Tolman, Bandura, Skiner, Mahoney (1974)... bổ sung. Bandura (1978 đã
nhấn mạnh vai trò của tri giác; Tâm lý học hành vi nhận thức của Mahoney (1974)
chú ý đến các quá trình tư duy, hiểu hoàn cảnh có vấn đề, hiểu đối tượng, có lòng
tin vào quyết định hành động của mình... [50], [55], [63].
Tóm lại, với cách nhìn máy móc và thực dụng, Tâm lý học hành vi đã xem
quá trình thích ứng của nhân cách mang tính thụ động. Hành vi thích ứng của con
người diễn ra như những phản ứng máy móc. Song, cũng phải ghi nhận đóng góp
của trường phái hành vi với việc chỉ ra mức độ thích ứng đầu tiên của con người là
phản ứng trực tiếp đối với các kích thích của môi trường, đồng thời phát hiện bản
chất của thích ứng chính là học tập. Học tập là cơ chế cơ bản để sinh vật thích ứng
với môi trường.
d) Quan điểm của Tâm lý học nhân văn về thích ứng
Các nhà Tâm lý học nhân văn (Abraham Maslow, Carl Rogers...) coi thích ứng
là sự thể hiện được những cái vốn có của cá nhân trong những điều kiện sống nhất
định. Tiền đề tạo ra sự thích ứng là một hệ thống nhu cầu của nhân cách, được sắp
xếp theo thứ bậc, mà cao nhất là nhu cầu tự thể hiện và khẳng định bản thân - một
nhu cầu bẩm sinh nhưng có tính chất nhân văn, chỉ xuất hiện khi các nhu cầu bậc
thấp được thoả mãn. Maslow cho rằng nhu cầu tự thể hiện, mong muốn phát triển
hết mức những khả năng vốn có của bản thân và năng lực lựa chọn một cách có ý
thức những mục tiêu hành động của nhân cách là yếu tố quyết định sự thích ứng của

35
con người [55, tr.27-28].
Những động lực thúc đẩy hành vi thích ứng của con người chủ yếu mang tính
nhân văn cao cả như: lòng vị tha, tính hướng thiện, mong muốn vươn tới sự hoàn
mỹ... Bởi vậy, trong các nghiên cứu về sự thích ứng của nhân cách, tâm lý học nhân
văn chú ý đến các cấu tạo tâm lý như: cái tôi quan niệm, tự đánh giá, tự khẳng
định...Trong vấn đề thích ứng, Tâm lí học nhân văn chỉ ra một cách tiếp cận mới,
một cách nhìn mới: thích ứng không tách rời quá trình con người vươn tới những
mục tiêu của cuộc đời và mức độ thành công của một người là tiêu chí quan trọng
nhất để đánh giá mức độ thích ứng của người đó. Tuy nhiên, tâm lý học nhân văn
vẫn chưa giải quyết được vấn đề bản chất xã hội của thích ứng tâm lý người cũng
như cơ chế hình thành thích ứng tâm lý.
e) Quan điểm của Tâm lý học nhận thức về thích ứng
Jean Piaget (1896 - 1989) - đại diện tiêu biểu của Tâm lý học nhận thức. Ông
chuyên nghiên cứu về sự phát triển nhân cách trẻ em dưới góc độ thích nghi. Piagiet
nghiên cứu nhận thức của con người trong mối quan hệ với môi trường - gắn liền lí
thuyết nhận thức của mình với khái niệm thích ứng. Theo Piagiet, sự phát triển tâm
lý là quá trình cải tổ, chuyển hoá các cấu trúc của các quá trình nhận thức vốn có
của trẻ em. Kết quả của qus trình này là sự thích nghi, thích ứng [50, tr.35-43].
Theo Piagiet, quá trình thích ứng là phải tạo ra được sự cân bằng, tức là sự bù
trừ lẫn nhau giữa hai quá trình đồng hoá (assimilation) và điều ứng
(accommodation). Trong đó, đồng hoá trí tuệ - nhận thức là quá trình não tiếp nhận
thông tin từ bên ngoài, xử lý thông tin và biến chúng thành cái có nghĩa cho bản
thân trong quá trình thích ứng với môi trường. Trong khi tương tác với môi trường,
cá nhân có được kinh nghiệm. Nếu kinh nghiệm này phù hợp với cơ cấu nhận thức
hiện có của cá nhân, nó sẽ được tiếp thu - đó là đồng hoá. Sự đồng hoá này "giúp
cho chủ thể trở nên nhạy cảm hơn với những kích thích này" và bản thân cấu trúc
nhận thức thì "thay đổi và phong phú thêm theo những sự đồng hoá mới" - nghĩa là
con người sẽ thích ứng tốt hơn nhờ sự đồng hoá. Còn điều ứng là quá trình thích
nghi của chủ thể với những đòi hỏi đa dạng của môi trường, bằng cách tái lập lại
những đặc điểm của khách thể vào cái đã có, qua đó biến đổi sơ đồ đã có, tạo ra sơ
đồ mới. Nếu kinh nghiệm đó không phù hợp với cơ cấu nhận thức của cá nhân, sự

36
mất cân bằng diễn ra và cơ cấu nhận thức sẽ được thay đổi để nó có thể tiếp nhận
kinh nghiệm [63, tr.29].
Như vậy, lý thuyết nhận thức của Piaget chủ yếu giải quyết vấn đề về trí tuệ,
nhận thức của con người và sự phát triển của nó, tuy nhiên nhìn nhận sự phát triển
tâm lý người dưới góc độ thích nghi sinh học, ông chủ yếu chú ý về mặt hình thức
của sự thích ứng mà chưa quan tâm đúng mức tới bản chất, nội dung xã hội - lịch sử
của sự thích ứng tâm lý người.
Tóm lại, thông qua việc phân tích quan điểm về thích ứng của các trường phái
Tâm lý học trên đã chỉ ra được các vấn đề về sự thích ứng của nhân cách. Có những
nghiên cứu sâu sắc ở những phương diện nhất định của quá trình đó và có những phát
hiện đáng ghi nhận. Tuy nhiên, do xuất phát từ cách nhìn thực dụng, máy móc, duy
tâm chủ quan, các lý thuyết nêu trên đã không lý giải được bản chất của sự thích ứng
của nhân cách. Điều này chỉ có thể được khắc phục dựa trên cách tiếp cận của Tâm lý
học hoạt động.
f) Quan điểm của Tâm lý học hoạt động về thích ứng
Theo các nhà tâm lý học hoạt động, con người vừa là thực thể tự nhiên, vừa
là thực thể xã hội nên ngoài việc xem xét con người trong sự thích nghi với môi
trường sống như là một sinh vật, phải xem xét con người trong mối quan hệ với môi
trường xã hội [63, tr.7-9]. L.X. Vưgôtski, một trong những nhà Tâm lý học sáng lập
ra trường phái Tâm lý học hoạt động, đã đưa ra tư tưởng mới về bản chất sự thích
nghi ở con người. Theo ông: “Con người có một hình thức thích nghi mới và đây là
cơ chế cân bằng chủ yếu của cơ thể với môi trường, dạng thức hành vi này nảy sinh
trên cơ sở các tiền đề sinh vật nhất định, nhưng đã vượt ra ngoài phạm trù sinh vật,
tạo nên một hệ thống hành vi có chất lượng khác và theo một tổ chức mới”. Qua
việc phát hiện ra cơ chế hình thành và điều khiển hành vi ở cá nhân, ông đã chỉ rõ
sự khác biệt cơ bản giữa thích ứng tâm lý ở người và thích nghi sinh học ở động vật
[63, tr.17-29].
Kế thừa và phát triển tư tưởng của Vưgôtski, A.N. Lêonchiev đã phân tích sự
khác biệt cơ bản về chất giữa thích nghi sinh vật với thích ứng ở con người. Theo
ông, quá trình thích nghi sinh vật là quá trình thay đổi các thuộc tính của loài, năng
lực và hành vi của cơ thể còn quá trình lĩnh hội (tiếp thu) ở người là quá trình cá

37
thể tái tạo, lĩnh hội lại được những năng lực và chức năng người đã hình thành trong
lịch sử văn hóa xã hội loài người. Với việc vạch ra sự khác biệt về chất giữa thích
nghi sinh vật và thích ứng xã hội - tâm lý của con người, Lêonchiev đã đặt nền
móng cho việc nghiên cứu hiện tượng này về phương diện lý luận lẫn thực tiễn [50,
tr.35-43].
Như vậy, với Tâm lí học hoạt động, thích ứng là quá trình tác động qua lại
giữa chủ thể và môi trường. Trong đó, khi môi trường thay đổi, chủ thể sẽ tích cực
thay đổi cấu trúc của đời sống tâm lý - thay đổi hoạt động sống bao gồm những mặt
cơ bản như: nhận thức (hoạt động nhận thức, trong đó có đánh giá phương thức hoạt
động cũ và tìm hiểu phương thức hoạt động mới), có hệ thống động cơ xuất phát từ
nhu cầu thay đổi phương thức hay chiếm lĩnh phương thức hoạt động mới (mục
tiêu, nhu cầu, xúc cảm...), hệ thống hành động thay đổi phương thức hoạt động,
đánh giá kết quả và vòng hoạt động lại lặp lại. Theo nghĩa đó, lý luận Tâm lý học
hoạt động về bản chất hoạt động của sự thích ứng tâm lý là cơ sở lý luận và phương
pháp luận cơ bản của luận án khi tiếp cận, nghiên cứu vấn đề thích ứng tâm lý với
BĐKH của nông dân khu vực miền Trung.
Tóm lại, việc tìm hiểu các quan niệm thích ứng dưới góc nhìn của những
trường phái Tâm lý học khác nhau đồng thời phối hợp với sự phân tích, đánh giá
những ưu điểm và hạn chế trong quan điểm của từng trường phái về sự thích ứng đã
giúp tác giả vừa có cái cái nhìn tổng quát, hệ thống vừa có cái nhìn chi tiết hơn
trong lịch sử nghiên cứu về thích ứng. Từ đó, có những lựa chọn cơ sở lý thuyết phù
hợp trong việc xây dựng khái niệm công cụ, xây dựng thang đo, phân tích và đánh
giá thực trạng... nhằm kế thừa và phát huy những luận điểm hay, những đóng góp
có giá trị khoa học của các trường phái, nhằm phục vụ cho hướng nghiên cứu đề tài
của mình; nhất là theo định hướng nghiên cứu thích ứng tâm lý của trường phái
Tâm lý học hoạt động.
2.1.2. Khái niệm thích ứng
Thích ứng (Adaption/Adaptation) là một khái niệm được dùng phổ biến trong
cả khoa học và đời sống, thường dùng đồng nghĩa như thích nghi. Tuy nhiên,
“Thích nghi” thường được dùng với ý nghĩa sinh học, còn “thích ứng” thường được
dùng trong hoạt động tâm lý - xã hội.

38
Trong đời sống thông thường, thích ứng được hiểu là ứng biến cho thích hợp.
Trong đó, ứng biến là thay đổi (= biến cách đối phó (= ứng) khi sự việc xảy ra,
thích hợp là vừa khít (= thích , tương xứng, phù hợp (= hợp) với sự việc hay tình
huống xảy ra. Thích ứng là tùy theo từng tình huống cá biệt mà thay đổi cách ứng
xử cho phù hợp từng tình huống một [51, tr.41].
Bàn về khái niêm thích ứng một cách cụ thể, có rất nhiều quan điểm của các
nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, tiêu biểu như:
Theo Từ điển Tiếng Nga: Thích ứng là sự thích nghi của cơ thể, của các cơ
quan với môi trường xung quanh [Dẫn theo 50, tr.20]. Định nghĩa này đã chỉ ra
thích ứng phải là sự tương tác hai chiều giữa chủ thể và môi trường; tuy nhiên, lại
có phần đồng nhất thích nghi với thích ứng, chưa chỉ rõ được sự tích cực, chủ động
thay đổi các chiều cạnh của chủ thể trong quá trình thích ứng.
Còn Badrova cho rằng: thích ứng tâm lý - xã hội chính là quá trình cá nhân
điều chỉnh nội dung - phương thức hoạt động và giao tiếp để đáp ứng với đòi hỏi
của môi trường xã hội nhằm tồn tại và phát triển [Dẫn theo 63, tr.45-46]. Khái niệm
này cho thấy cá nhân không thể tồn tại mà tách rời với hoạt động và các mối quan
hệ xã hội. Hoạt động và giao tiếp là hai yếu tố quan trọng hàng đầu giúp nhân cách
của cá nhân được hình thành và phát triển. Do đó, muốn thích ứng phải có sự điều
chỉnh nội dung - phương thức hoạt động và giao tiếp. Bên cạnh đó, trên một bình
diện khác có thể thấy, mỗi nền văn hóa khác nhau, mỗi môi trường khác nhau đều
cần có cách thức hoạt động và giao tiếp khác nhau. Chính vì vậy, như một yếu tố
cần có để sinh tồn, cá nhân buộc mình phải có năng lực thích ứng với những biến
đổi của những môi trường, để hòa nhập và phát triển.
Hay tác giả Vunphốp B. D. lại khẳng định quá trình thích ứng như là sự hoà
hợp các mối quan hệ của con người với môi trường xung quanh, là sự giảm căng
thẳng các mâu thuẫn giữa con người với xung quanh, là việc con người đạt được sự
cân bằng xã hội, là sự khẳng định bản thân trong cuộc sống - tất cả những điều đó
đã đặt ra mục đích và nội dung của nền giáo dục thực hành [Dẫn theo 51, tr.46].
Định nghĩa này không nhằm khám phá khái niệm mà chỉ đề cập đến sự cân bằng
mang tính xã hội và yếu tố này đã ảnh hưởng như thế nào đến quá trình thích ứng
mà thôi. Qua đó, có thể ngầm hiểu sự hòa hợp, cân bằng giữa con người với môi

39
trường sống là yếu tố cốt lõi mà Vunphốp muốn đề cập khi bàn về thích ứng. Tuy
nhiên, việc chưa chỉ rõ cơ chế, cách thức làm thế nào để đạt được sự cân bằng này
là sự hạn chế của tác giả.
Ở một góc nhìn hẹp hơn, Piaget J. cho rằng: “Trí thông minh là một sự
thích nghi”, ông khẳng định: “Sự thích nghi là một sự cân bằng giữa đồng hoá
và điều ứng”. Từ đó, Piaget đã kết luận: Giáo dục chính là quá trình là con đường
giúp đứa trẻ thích ứng với môi trường xã hội của người lớn Dẫn theo 31, tr.27].
Không thể phủ nhận vai trò của giáo dục trong quá trình thích ứng nói chung. Tuy
nhiên, khi nghiên cứu thích ứng dưới góc độ Tâm lý học cần bám chặt vào những
thành tố tâm lý, vào cấu thành của đời sống tâm lý, hoạt động sống của con người
để phân tích.
Trong nước, cũng có nhiều quan niệm tiêu biểu về thích ứng như:
Theo từ điển Tiếng Việt “thích nghi: có những biến đổi nhất định cho phù
hợp với hoàn cảnh môi trường mới, Thích ứng: 1. Có những thay đổi cho phù hợp
với điều kiện mới, yêu cầu mới. 2. Như thích nghi” [69, tr.925]. Định nghĩa này chỉ
nhằm mục đích đưa ra cách hiểu khái quát nhất, chung nhất về thích ứng. Cách hiểu
này cũng chỉ ra để thích ứng thì tất yếu cần phải có sự thay đổi, tuy nhiên, chưa chỉ
rõ được để thích ứng thì cần thay đổi cụ thể trên những bình diện cơ bản nào và
thay đổi ra sao.
Từ điển Tâm lý học của Viện tâm lý do tác giả Vũ Dũng chủ biên định nghĩa:
+ Thích nghi: là sự thích nghi về cấu tạo và chức năng của cơ thể, bao gồm
cả các cơ quan và tế bào của nó, đối với điều kiện của môi trường.
+ Thích nghi xã hội: 1/ Quá trình thích nghi tích cực của cá nhân với các điều
kiện của môi trường xã hội mới. 2/Kết quả của quá trình trên. Nội dung tâm lý - xã
hội của thích nghi xã hội là gần gũi về mục đích và các định hướng giá trị của nhóm
với mỗi thành viên, ý thức của cá nhân về các tiêu chuẩn, truyền thống và văn hóa
tinh thần trong nhóm, sự hòa nhập của người đó vào cấu trúc, vai trò của nhóm [12,
tr.318-319].
Hay tác giả Nguyễn Thị Hoa quan niệm: “Thích ứng, dưới góc độ Tâm lý
học, là một quá trình con người luôn tích cực, chủ động hòa nhập, lĩnh hội các
điều kiện, các yêu cầu, phương thức mới của hoạt động nhằm đạt được mục đích

40
của hoạt động đã đề ra. Thông qua đó, chủ thể của hoạt động liên tục phát triển và
hoàn thiện về mặt nhân cách, đáp ứng được những yêu cầu của xã hội” Dẫn theo
51, tr47]. Trong định nghĩa này, tác giả đã tập trung nhấn mạnh tính tích cực, chủ
động hòa nhập của chủ thể, tuy nhiên, chưa nói đến sự thay đổi những chiều kích
nào của chủ thể khi thực hiện quá trình thích ứng nhằm đạt được mục đích của
hoạt động đã đề ra.
Còn tác giả Trần Thị Minh Đức quan niệm: “Thích ứng là một quá trình hòa
nhập tích cực với hoàn cảnh có vấn đề, qua đó cá nhân đạt được sự trưởng thành về
mặt tâm lý” Dẫn theo 63, tr.29]. Trong đó tác giả giải thích rõ:
+ Hòa nhập tích cực: là sự chủ động thay đổi bản thân và cải tạo hoàn cảnh
trong sự hài hòa nhất định. Cá nhân phát hiện vấn đề, phân tích vấn đề, liên hệ kinh
nghiệm bản thân và tìm cách thay đổi bản thân, cải tạo hoàn cảnh cho phù hợp với
bản thân.
+ Hoàn cảnh có vấn đề: Tình huống, sự kiện xuất hiện không nằm trong kinh
nghiệm của cá nhân có ảnh hướng đến cuộc sống của cá nhân, buộc cá nhân phải
huy động tiềm năng của bản thân để giải quyết chúng.
Như vậy, dù có cách tiếp cận khác nhau, phạm vi nghiên cứu khác nhau
nhưng tựu chung lại các quan niệm đã phân tích ở trên cho thấy: Thứ nhất, thích
ứng đòi hỏi phải có sự thay đổi các chiều cạnh trong đời sống tâm lý của chủ thể
trước những đòi hỏi mới từ môi trường sống, từ lao động, hoạt động và giao tiếp...
để sinh tồn, hòa nhập, hòa hợp với các điều kiện mới, để phát triển và hoàn thiện
về mặt nhân cách, đáp ứng được những yêu cầu của xã hội... Hay nói khác đi, các
tác giả muốn tập trung chỉ ra bản chất của việc thích ứng phải là sự điều chỉnh cả
hành động bên ngoài và nội dung tâm lý bên trong quy định hành động bên ngoài
của đời sống tâm lý - của hoạt động sống trên các bình diện cơ bản như: nhận thức
được vấn đề, động cơ thúc đẩy hoạt động và sự thay đổi phương thức hành động,
đánh giá hiệu quả của sự thay đổi này để có thể đáp ứng với những đòi hỏi mới
của môi trường, của xã hội để tồn tại và phát triển. Thứ hai, nói tới thích ứng ở
con người cần hiểu là khi con người đã đạt trình độ của sự thích ứng thì lẽ tất
nhiên con người đã có tất cả các trình độ của sự thích nghi, và trình độ cao nhất
của sự thích ứng là thích ứng xã hội - tâm lý. Do đó, đề tài đặc biệt chú ý đến quan

41
niệm về thích ứng của tác giả Dương Thị Nga, khi cho rằng: “Thích ứng là quá
trình biến đổi đời sống tâm lý và hệ thống hành vi cá nhân để đáp ứng được những
yêu cầu, đòi hỏi của những điều kiện sống mới và hoạt động mới” 43, tr.15]. Nói
cách khác, có thể xem thích ứng như một dạng năng lực như Sternberg R.J từng
phát biểu: Trí tuệ được coi là năng lực thích nghi một cách có kết quả với tình
huống mới và với môi trường nói chung.
Từ những phân tích trên, trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, thích ứng được
xem như một năng lực trí tuệ - một cấu thành tâm lý mới cần hình thành cho chủ thể
và được xem xét theo quan điểm của Tâm lý học hoạt động với cấu trúc vĩ mô hoạt
động của A.N.Leonchiev. Bởi lẽ trước hết, mọi cấu thành tâm lý đều hình thành
thông qua hoạt động (thực chất là hoạt động tâm lý . Trong luận án này, thích ứng
cần được xem như một năng lực được hình thành thông qua hoạt động trải nghiệm
với thực tiễn. Nếu xét trên số đông, có nhiều người chưa hình thành được năng lực
này vì họ chưa thích ứng được, họ thất bại. Những người đã thích ứng tốt là vì họ đã
hình thành được cấu thành tâm lý được gọi là năng lực thích ứng với những thay đổi
của điều kiện sống. Vậy năng lực này được hình thành như thế nào? Hình thành
thông qua hoạt động: trước hết qua hoạt động nhận thức về tất cả những gì thay đổi
của điều kiện sống, nhận thức về việc bản thân cần thay đổi hoạt động sống và lao
động… Nhận thức có cả nghĩa quá trình lẫn các cấu thành kiến thức... Thứ hai,
thành tố động cơ được hình thành thông qua chủ thể xác định được đối tượng (cái
cần đạt thông qua hoạt động, đó chính là thay đổi hoạt động sống để tồn tại và phát
triển tức là hệ thống mục tiêu của chủ thể. Thứ ba, khi đã có hệ thống động cơ và
nhận thức được cần thay đổi như thế nào, chủ thể tiến hành hoạt động (hay áp dụng
phương thức hoạt động mới . Lúc đầu hoạt động có thể chưa đạt được mục tiêu đề
ra (thất bại , chủ thể tiếp tục tìm hiểu (nhận thức , và tìm ra một số phương thức
hoạt động mới, sau đó chủ thể thử nghiệm áp dụng và phương thức hoạt động cuối
cùng dẫn đến thành công - hiệu quả (đánh giá kết quả của sự thay đổi phương thức
hoạt động. Như vậy, chủ thể đã thích ứng, hay đã chiếm lĩnh được phương thức hoạt
động mới do yêu cầu thay đổi của môi trường sống gây ra. Theo Tâm lý học hoạt
động, tất cả quá trình nhận thức, thử nghiệm phương thức hoạt động mới đã được
tìm ra với sự thúc đẩy của hệ thống động cơ và chuyển vào trong (nội tâm hóa

42
thành năng lực thích ứng của chủ thể. Như vậy, trong khuôn khổ nghiên cứu của
luận án:
Thích ứng tâm lý là quá trình chủ thể thay đổi hoạt động sống của mình phù
hợp với yêu cầu của điều kiện sống mới trên cơ sở nhận thức vấn đề, thay đổi
phương thức hành động với sự thúc đẩy cao độ của hệ thống động cơ. Khi hoạt
động sống đã được thay đổi có kết quả có ngh a là năng lực thích ứng hay cấu
thành tâm lý mới đã được hình thành
Khi nói đến sự thích ứng cần đặc biệt lưu tâm đến tính chủ thể trong hoạt
động thích ứng. Bởi nếu tính chủ thể càng cao thì khả năng thích ứng sẽ càng tốt và
ngược lại.Vấn đề chủ thể được đề cập trong các tài liệu Tâm lý học từ khá sớm.
Theo tác giả Đỗ Long (2001), V. Diltei, trong cuốn “Tâm lý học mô tả” (1924 , đã
đặt vấn đề về chủ thể của tất cả những biểu hiện của đời sống tâm hồn và có một
chủ thể thống nhất của sự phát triển tâm lý trong kết cấu của nó [Dẫn theo 45,
tr.123-129]. Trong khuôn khổ nghiên cứu của đề tài, Tính chủ thể trong hoạt động
thích ứng luôn hiện hữu ở tất cả các mặt của đời sống tâm lý con người từ nhận
thức, động cơ đến hành động và có một chủ thể thống nhất của sự phát triển tâm lý
giữa các kết cấu này với nhau.
Cũng về vấn đề này, theo tác giả Phạm Thành Nghị, khả năng chủ thể trong
hoạt động thích ứng được thể hiện qua việc tiến hành hoạt động đạt mục tiêu đã xác
định. Hầu hết hành vi con người đều mang tính chủ đích và được điều tiết bởi mục
đích dự tính trước. Con người dự tính chuỗi hoạt động, xác định mục tiêu và lập kế
hoạch cho mình. Thông qua hành động dự báo và chuẩn mực tự điều chỉnh, con
người có động lực và tự điều chỉnh hành động của mình theo những tính toán đó.
Những người ngay từ đầu được khuyến khích bởi mục tiêu tiên liệu trước bằng việc
xác định cho mình các chuẩn mực cao và, do vậy, tạo ra thách thức cho chính mình
và huy động năng lượng, sự cố gắng để đạt được mục tiêu. Việc đạt được chuẩn
mực cao tạo ra niềm tin, sự phấn khích cho con người và, do đó, có cơ hội phát triển
hơn. Ngược lại, con người không đạt mục tiêu đề ra làm suy giảm sự hưng phấn.
Trong tình huống này, những người tin vào năng lực của mình sẽ tập trung cố gắng
để đạt mục tiêu, và ngược lại, những người không tin vào năng lực bản thân, sẽ dễ
thất vọng bởi sự thất bại và cơ hội phát triển bị thu hẹp [45, tr.123-129]. Tác giả

43
cũng đã đưa ra biểu hiện của tính chủ thể của con người qua các thành tố cơ bản:
nhận thức và năng lực của con người động cơ tham gia và lựa chọn của con người;
hoạt động tham gia vào giải quyết các vấn đề cộng đồng xã hội và mức độ được trao
quyền, được tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến cá nhân và cộng
đồng [44,tr.95-103]. Đây được xem là những cơ sở vô cùng quan trọng để luận án
xác lập thang đo và xây dựng các yếu tố ảnh hưởng đến thực trạng trong tiến trình
nghiên cứu.
2.2. Lý luận về biến đổi khí hậu
2.2.1. Khái niệm biến đổi khí hậu
Theo Tổ chức Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC định nghĩa: “biến đổi
khí hậu là sự biến đổi về trạng thái của hệ thống khí hậu, có thể được nhận biết qua sự
biến đổi về trung bình và sự biến động của các thuộc tính của nó, được duy trì trong
một thời gian đủ dài, điển hình là trong hàng thập kỷ hoặc dài hơn. Biến đổi khí hậu có
thể do các quá trình tự nhiên bên trong hệ thống khí hậu, hoặc do những tác động từ
bên ngoài, hoặc do tác động thường xuyên của con người làm thay đổi thành phần cấu
tạo của khí quyển hoặc sử dụng đất” [26, tr.5].
Tại Việt Nam, Trong chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi
khí hậu của Bộ Tài nguyên môi trường, tháng 7 năm 2008, “Biến đổi khí hậu được
định nghĩa là sự biến đổi trạng thái của khí hậu so với trung bình và/hoặc dao động
của khí hậu duy trì trong một khoảng thời gian dài, thường là vài thập kỷ hoặc dài
hơn. Biến đổi khí hậu có thể là do các quá trình tự nhiên bên trong hoặc các tác
động bên ngoài, hoặc do hoạt động của con người làm thay đổi thanh phần của khí
quyển hay trong khái thác sử dụng đất” [5, tr.6].
Bên cạnh đó, tác giả Đặng Duy Lợi cho rằng: “biến đổi khí hậu là sự biến đổi
của trạng thái của khí hậu so với trung bình hoặc dao động của khí hậu duy trì trong
một thời gian dài, thường là vài thập kỷ hoặc hàng trăm năm và lâu hơn”. Ông cũng
cho rằng, theo nhận định của đa số các nhà nghiên cứu, biến đổi khí hậu ngày nay là
sự thay đổi của khí hậu được quy định trực tiếp hay gián tiếp là do hoạt động của
con người làm thay đổi thành phần của khí quyển trái đất và đóng góp thêm vào sự
biến động khí hậu tự nhiên trong các thời gian có thể được so sánh [37, tr.11].
Theo công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu: “Biến đổi khí

44
hậu là “những ảnh hưởng có hại của biến đổi khí hậu”, là những biến đổi trong
môi trường vật lý hoặc sinh học gây ra những ảnh hưởng có hại đáng kể đến thành
phần, khả năng phục hồi hoặc sinh sản của các hệ sinh thái tự nhiên và được quản
lý hoặc đến hoạt động của các hệ thống kinh tế - xã hội hoặc đến sức khỏe và phúc
lợi của con người” [4, tr.3]. Đây cũng chính là khái niệm về biến đổi khí hậu mà đề
tài sử dụng làm khái niệm công cụ.
2.2.2. Biểu hiện của biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu diễn ra và ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu với nhiều biểu
hiện và diễn biến vô cùng phức tạp. Tuy nhiên tựu chung lại, BĐKH có các dạng
biểu hiện cơ bản như: các hiện tượng thời tiết cực đoan biến động trong chế độ
mưa, lượng mưa sự dâng cao của mực nước biển và nhiệt độ tăng... Trong phạm vi
nghiên cứu đã được giới hạn của đề tài, tác giả chỉ đề cập đến mặt biểu hiện:
hiện tượng thời tiết cực đoan của BĐKH là: bão, lũ bất thường. Để thuận tiện, cụ
thể và chính xác hóa nội dung cơ bản của hướng nghiên cứu đã được giới hạn,
chúng tôi sẽ sử dụng thuật ngữ “thích ứng với bão lũ bất thường” thay cho “thích
ứng với BĐKH” và chỉ nghiên cứu trên mẫu khách thể là nông dân ven biển.
2.2.2.1. Định nghĩa các hiện tượng thời tiết cực đoan - bão lũ bất thường
Một trong những biểu hiện cơ bản và rõ nét nhất của biến đổi khí hậu là sự
biến động dị thường của các hiện tượng thời tiết cực đoan như: bão, lũ,...
Các hiện tượng thời tiết cực đoan - bão lũ bất thường được hiểu là những hiện
tượng thời tiết - bão lũ diễn ra thường xuyên hơn, đột ngột và bất thường hơn, trái
với các quy luật thông thường cường độ lớn hơn, phạm vi ảnh hưởng rộng hơn, gây
nên những thiệt hại vô cùng nặng nề, những thảm họa cho nhân loại do khó dự đoán
trước, khó phòng tránh và không lường trước hết được các hậu quả do chúng mang
lại. Đây cũng chính là biểu hiện mà đề tài tập trung nghiên cứu [37, tr.22].
2.2.2.2. Biểu hiện của bão lũ bất thường
Hầu hết bão thường đi men theo rìa các áp cao và chịu lực hút từ các vùng áp
thấp. Rãnh thấp thường nằm vắt ngang miền Trung nên bão cũng thường
theo đường đó mà đi. Bên cạnh đó, bờ biển miền Trung dài khoảng 1200 km và
gồm các tỉnh từ Thanh Hoá đến Bình Thuận. Dãy Trường Sơn chạy suốt theo bờ
biển, nên đồng bằng ở miền Trung rất hạn hẹp. Nơi đây còn có hệ thống sông ngòi,

45
kênh rạch chằng chịt với quy mô lớn như Sông Gianh ở Quảng Bình, Sông Thạch
Hản ở Quảng Trị, Sông Hương ở Huế-Thừa Thiên, Sông Thu Bồn ở Quảng Nam,
Sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi,.. Chính vì đặc điểm địa lý trên mà khu vực miền
Trung phải gánh chịu các hiện tượng thời tiết cực đoan điển hình cho khu vực này
là bão lũ bất thường.
a) Về các cơn bão
Số lượng các cơn bão khá thất thường. Những năm gần đây, các cơn bão và áp
thấp nhiệt đới có xu hướng đổ bộ lùi dần về phía Nam. Số lượng các cơn bão với
cường độ rất mạnh gia tăng. Mùa bão bắt đầu sớm hơn và kết thúc muộn hơn; cao
điểm của mùa bão sớm hơn chút ít so với thời kỳ những năm trước (1961 - 1990 và
1991 - 2000)
b) Biến động trong chế độ mưa và lượng mưa gây ra lũ lụt
Xu hướng biến đổi của lượng mưa rất khác nhau ở các vùng. Trong 50 năm
qua, lượng mưa trung bình năm có xu hướng giảm ở các tỉnh phía Bắc và tăng ở các
tỉnh phía Nam. Lượng mưa vào thời kỳ mùa khô tăng lên chút ít hoặc thay đổi
không đáng kể ở các vùng khí hậu phía Bắc và tăng mạnh mẽ ở các vùng khí hậu
phía Nam. Xu thế diễn biến của lượng mưa năm tương tự như lượng mưa mùa mưa.
Khu vực Nam Trung Bộ có lượng mưa mùa khô, mùa mưa và lượng mưa năm tăng
mạnh nhất so với các vùng khác ở nước ta, nhiều nơi đến 20% trong 50 năm qua.
Điều này rất phù hợp với tình hình lũ lụt đã diễn ra rất khốc liệt ở đây [37, tr.24-28].
Lượng mưa ngày cực đại tăng lên ở hầu hết các vùng khí hậu, nhất là trong
những năm gần đây. Số ngày mưa lớn cũng có xu thế tăng lên tương ứng, nhiều
biến động mạnh xảy ra ở khu vực miền Trung, xu thế biến đổi số ngày mưa lớn trên
các vùng khí hậu phía Nam [37, tr.24-28].
2.2.3. Hậu quả của biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội như: nông
nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, năng lượng, giao thông vận tải, du lịch...
Tuy nhiên, theo hướng nghiên cứu của mình, tác giả chỉ tập trung làm rõ những
ảnh hưởng của bão lũ bất thường đến nông nghiệp, sinh kế, sinh hoạt và sức
khỏe con người.
a) Đối với sản xuất nông nghiệp

46
Có thể kể ra một số tác động của bão lũ bất thường đến các ngành sản xuất
nông nghiệp:
- Đối với ngành trồng trọt (trên lúa, cây công nghiệp, rau, cây ăn trái,... : dưới
tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan - bão lũ bất thường, số loài dịch hại
trên cây trồng, số thế hệ có xu hướng tăng lên, tần suất xuất hiện thường xuyên hơn
và thiệt hại do chúng gây ra ngày càng nhiều.
- Đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm: Các hiện tượng khí hậu cực đoan như bão,
lũ bất thường làm giảm sản lượng và chất thức ăn, lượng cỏ. Đồng nghĩa với việc làm
tăng chi phí đầu vào do phải chế biến, dự trữ thức ăn thô và phụ thuộc vào nguồn
thức ăn tinh. Bên cạnh đó, bão lũ bất thường còn có nguy cơ cao gây thất thoát, mất/
chết làm hư hỏng chuồng trại, bùng phát dịch bệnh... trên gia súc, gia cầm.
- Đối với việc nuôi trồng thủy, hải sản: các hiện tượng thời tiết cực đoan - bão lũ
bất thường làm thay đổi vị trí, cường độ dòng triều và làm gia tăng tần số, cường độ
bão cũng như các xoáy thuận nhiệt đới và các xoáy nhỏ. Cường độ bão tăng kết hợp
với mưa bão tăng, nồng độ muối cũng giảm đi ảnh hưởng đến sinh thái của một số loài
nhuyễn thể. Bên cạnh đó, hàm lượng oxy giảm nhanh, làm chậm tốc độ sinh trưởng của
thủy sản, tạo điều kiện bất lợi cho các thủy sinh đã thích nghi với môi trường thủy sản
từ trước tới nay, giảm lượng thức ăn của thủy sinh. Do bão lũ bất thường mà chi phí tu
sửa, bão dưỡng, xây dựng mới cũng gia tăng đáng kể... [37, tr.60-77].
b) Đối với thủy lợi và giao thông vận tải
- Bão lũ bất thường gây nhiều khó khăn cho công tác thủy lợi: khả năng thoát
nước ra biển giảm đi rõ rệt, mực nước các sông dâng lên, đỉnh lũ tăng thêm, uy hiếp
các tuyến đê sông. Diện tích ngập úng mở rộng, thời gian ngập úng kéo dài, dòng
chảy lũ gia tăng có khả năng vượt quá các thông số thiết kế hồ, đập, tác động tới an
toàn hồ, đập và quản lý tài nguyên nước [37, tr.60-77].
- Đối với giao thông vận tải: bão, lũ bất thường khiến đường sắt, đường bộ,
giao thông nộ bộ bị ngập, khiến việc đi lại bị trì trệ. Xói lở nền móng, phá vỡ kết
cấu đường… làm tăng chi phí tu bổ. Tăng nguy cơ rủi ro với an toàn giao thông vận
tải của người dân [37, tr.60-77].
c) Đối với sinh hoạt và sức khỏe cộng đồng
- Bão lũ bất thường chứa đựng nhiều yếu tố tiêu cực đối với sức khỏe con

47
người: kéo dài thời gian duy trì thời tiết bất lợi, gây nhiều khó khăn cho quá trình
trao đổi nhiệt giữa cơ thể người và môi trường sinh hoạt, đặc biệt là lao động nặng,
hoạt động thể thao, luyện tập quân sự... dẫn nhiều nguy cơ đột tử đối với người
nhiều tuổi, người già, người mắc bệnh tim mạch, người mắc bệnh thần kinh…[37,
tr.60-77].
- Với những diễn biến của bão lũ bất thường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến
người và của: gây tổn hại tính mạng, sức khỏe, khiến sinh hoạt bị đình trệ, khó
khăn, mất mát, thiệt hại về kinh tế, nhà cửa, tài sản, nuôi, trồng...
- Bão lũ bất thường làm gia tăng bệnh tật và các vật chủ truyền bệnh, góp phần
gia tăng các bệnh truyền nhiễm quan trọng, trong đó có sốt xuất huyết, viêm não
Nhật Bản... Có sự phát sinh, phát triển đáng kể của các dịch cúm nguy hiểm như
cúm A H5N1, A H1N1... sốt rét quay trở lại ở nhiều nơi, nhất là ở vùng núi, sốt
xuất huyết cũng hoành hành trên nhiều địa phương. Gia tăng bệnh tật vừa là điều
kiện thuận lợi cho phát sinh phát triển và lan truyền các vật chủ mang bệnh, nhất là
bệnh truyền nhiễm, giảm sức đề kháng của cơ thể con người [37, tr.60-77].
2.3. Khái niệm nông dân và một số đặc điểm tâm lý cơ bản của người nông dân
trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu
2.3.1. Khái niệm nông dân
Trên thực tế, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy nông dân là những người lao
động cư trú ở nông thôn sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng, sau đó bằng các ngành,
nghề mà tư liệu sản xuất chính là đất đai tùy theo từng thời kỳ lịch sử ở từng nước,
họ có quyền sở hữu khác nhau về ruộng đất.
Theo từ điển Tiếng Việt: nông dân là người lao động sản xuất nông nghiệp.
Trong đó, nông nghiệp được hiểu là ngành sản xuất chủ yếu của xã hội có nhiệm vụ
cung cấp sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi [69, tr.527].
H. Mendras lại phác họa chân dung xã hội nông dân bằng năm đặc tính. Thứ
nhất, đó là tính tự trị tương đối của các nhóm nông dân trong quan hệ với xã hội xung
quanh; thứ hai là tầm quan trọng về mặt cấu trúc của nhóm gia đình trong việc tổ
chức đời sống kinh tế và đời sống xã hội; thứ ba, hệ thống kinh tế tương đối tự chủ,
không phân biệt tiêu dùng và sản xuất và không có quan hệ với nền kinh tế xung
quanh; thứ tư, các nhóm địa phương hiểu biết lẫn nhau và chỉ có mối quan hệ yếu với

48
các nhóm bao quanh; và cuối cùng, các thân hào và chức sắc đóng vai trò hoà giải
giữa các nhóm nông dân với xã hội bao quanh (Mendras, 1976) [Dẫn theo 8, tr.32].
Tác giả Tống Văn Chung cho rằng, nông dân là lực lượng tạo ra những sản
phẩm xã hội quan trọng - lương thực, thực phẩm và những nhu yếu phẩm quan
trọng để duy trì sự tồn tại của xã hội [8, tr.20-32], với những đặc trưng cơ bản:
Phương tiện sản xuất chủ yếu của họ là đất đai. Chính vì vậy họ luôn gắn bó với
ruộng đất; Họ là những người luôn suy nghĩ trên những mảnh ruộng cá nhân của
mình. Chính vì thế luôn nảy sinh những đầu óc thủ cựu, tưởng hẹp hòi. Chủ nghĩa
cá nhân hàng ngày hàng giờ dễ nảy sinh; Họ là những người có bản chất chân thật,
chất phác, thật thà, thân thiện... những tính cách này là do lối sống cộng đồng của
họ tạo ra; Những người nông dân thường là những người ít có điều kiện để thay đổi
lối sống, tập quán canh canh tác của mình. Họ thường là những người có trình độ
học vấn thấp.
Từ những tìm hiểu về khái niệm nông dân cũng như những đặc trưng của nông
dân theo quan niệm của một số tác giả trong và ngoài nước, trong phạm vi của đề tài,
nông dân được hiểu là những người lao động sống ở nông thôn, có nghề nghệp chính
là sản xuất nông nghiệp nhằm cung cấp sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi
2.3.2. Một số đặc điểm tâm lý cơ bản của của nông dân trong việc thích ứng với
biến đổi khí hậu
Tâm lý nông dân nảy sinh và phát triển trong quá trình lịch sử lâu dài. Nó
phản ánh hoàn cảnh, điều kiện sinh sống đặc thù của bộ phận nông dân. Đó là nền
kinh tế tiểu nông, tự cung, tự cấp, với tính chất công điền, công thổ về ruộng đất,
là việc chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, thiên tai, địch họa để lao
động trồng trọt, chăn nuôi, làm ra sản phẩm nông nghiệp nuôi sống bản thân, gia
đình, đồng thời họ tác động lẫn nhau hình thành nên các quan hệ xã hội, tạo nên
tâm lý của chính mình. Như vậy, tâm lý nông dân thực chất là các hiện tượng tâm
lý như tình cảm, tâm trạng, nhận thức, ước muốn, thói quen, tập quán, hứng thú,
sở thích, nhu cầu, mục tiêu, động cơ..., được hình thành dưới ảnh hưởng trực tiếp
của nền kinh tế tiểu nông với tính chất công điền, công thổ về ruộng đất cùng
những luật lệ quy định chặt chẽ về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, về mối quan

49
hệ cá nhân và cộng đồng suốt bề dày lịch sử đấu tranh, vận lộn với thiên nhiên và
chống giặc ngoại xâm và chi phối hành vi, cách ứng xử của họ.
Một số nét tâm lý cơ bản của của nông dân trong việc thích ứng với BĐKH:
a) Nhận thức là yếu tố góp phần định hướng, điều chỉnh hành vi của người
nông dân trong hoạt động sản xuất và trong đời sống hàng ngày. Trước hết, qua
hoạt động nhận thức về tất cả những gì thay đổi của thời tiết của biến đổi khí hậu,
nhận thức về việc bản thân cần thay đổi hoạt động sống và lao động. Nhận thức có
cả nghĩa quá trình lẫn các cấu thành (kiến thức... . Nhận thức của người nông dân
chịu tác động của nhiều yếu tố. Yếu tố chủ quan như trí lực, trình độ văn hóa,
phạm vi quyền lợi, thói quen... và các yếu tố khách quan: điều kiện kinh tế - xã
hội, văn hóa, phong tục tập quán và các yếu tố truyền thống khác. Nhưng nhìn
chung, nhận thức của người nông dân còn chưa cao. Họ thường có trình độ văn
hóa thấp, có sự thay đổi chậm chạp và chưa tương ứng với sự thay đổi của kinh tế
thị trường. Họ còn khá bảo thủ, thiên về tư duy kinh nghiệm, trực giác, hạn chế sự
phát triển tư duy lô gíc, khoa học. Cách sản xuất riêng rẽ, manh mún đã dẫn đến
phong cách tư duy còn bảo thủ, thiển cận, kinh nghiệm chủ nghĩa, kém tổ chức kỷ
luật, nên nhận thức thường thiên về cảm tính, tư duy kinh nghiệm đã trở thành thói
quen trong đời sống và sinh hoạt của người nông dân miền Trung. Nhờ vậy, họ tích
luỹ được những kinh nghiệm hết sức phong phú trong sản xuất và đời sống. Tuy
nhiên, những kinh nghiệm, thói quen hành vi này dần trở nên lạc hậu và kém hiệu
quả trong việc thích ứng với những diễn biến phức tạp của các hiện tượng thời tiết
cực đoan - bão lũ bất thường một vấn đề phức tạp và thường xuyên biến đổi trong
bối cảnh hiện nay 36, tr.19-104].
b) Động cơ và các yếu tố có liên quan đến động cơ
Động cơ là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy người nông dân tích, cực chủ
động, sáng tạo thực hiện các hành động và thay đổi phương thức hành động nhằm
thích ứng tốt hơn với bão lũ bất thường. Hệ thống mục tiêu được chủ thể cam kết có
thể trở thành hệ thống động cơ của hoạt động, vì rằng quan điểm của lý thuyết hoạt
động, đối tượng cần chiếm lĩnh được xác định là động cơ của hoạt động. Nói cách
khác, thành tố động cơ được hình thành thông qua việc chủ thể xác đinh được đối
tượng (cái cần đạt) hoạt động, đó chính là thay đổi hoạt động sống để tồn tại và phát

50
triển tức là hệ thống mục tiêu của chủ thể.
Nhu cầu là yếu tố kích thích, thúc đẩy hoạt động của nông dân. Nhu cầu là
xuất phát điểm cho hoạt động, không có nhu cầu đồng nghĩa với việc sẽ không có
hoạt động. Dưới tác động của nền kinh tế thị trường, nhu cầu của người nông dân
cũng trở nên đa dạng, phong phú hơn cả về số lượng và chất lượng như: nhu cầu
điều chỉnh và tăng thêm diện tích ruộng đất, nhu cầu đầu tư cho sản xuất, ứng dụng
khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhu cầu chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng theo
hướng sản xuất hàng hóa, nhu cầu về thông tin, về đời sống vật chất và đời sống
tinh thần ngày càng tăng, nhu cầu về thẩm mỹ và nhu cầu về tâm linh cũng có sự
thay đổi...Trong số đó, phải kể đến những nhu cầu được xếp hàng đầu và là động
lực không nhỏ giúp nông dân thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, đó là nhu cầu
thông tin và nhu cầu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Đối với
người nông dân, trước hết là những thông tin về thời sự, thời tiết, phổ biến tri thức
sản xuất, y tế, sức khỏe... Chính những nhu cầu này sẽ giúp người nông dân tiếp cận
nhanh chóng với những thông tin khoa học và cách thức ứng phó kịp thời, hiệu quả
với những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, việc phát triển nhu
cầu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây
trồng theo hướng sản xuất hàng hóa cũng sẽ giúp người nông dân nâng cao năng
suất, linh hoạt thích ứng với những biến đổi khác nhau của khí hậu, thiên tai 36,
tr.105-163].
Mục đích, mục tiêu: Khi nhu cầu được xác định rõ ràng về đối tượng nó sẽ
trở thành động cơ, mục đích thúc đẩy, định hướng hoạt động cho người nông dân.
Những hoạt động cơ bản của người nông dân thường xoay quanh việc làm thế nào
để bảo vệ an toàn và phát triển mùa màng, trồng trọt, chăn nuôi, đảm bảo an toàn
cho nhà cửa, tài sản, tính mạng và sức khỏe, cuộc sống sinh hoạt, lao động hàng
ngày…
Cảm xúc, tình cảm, ý chí: nông dân là những người sống tình cảm. Họ coi
trọng đạo đức, trọng danh dự, sống có tình nghĩa, có tinh thần đoàn kết và có tính cố
kết cộng đồng cao. Do đặc điểm địa lý, khí hậu khắc nghiệt, thất thường đã khiến
người nông dân luôn phải vất vả, vật lộn với thiên tai để sinh tồn do vậy đã hun đúc
nên “truyền thống đoàn kết”, tính “cố kết cộng đồng”. Người nông dân ý thức rất rõ

51
mối liên kết Nhà - Làng - Nước gắn bó chặt chẽ với nhau, nước mất thì nhà tan nên
họ rất có ý thức chăm lo, bảo vệ, xây dựng và phát triển mối liên kết cộng đồng.
Chính vì lẽ này mà mỗi khi có thiên tai tai xảy ra, chúng ta lại thấy sự tương thân
tương ái, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, ý chí kiên cường trong việc phòng bị, ứng phó
cũng như khắc phục những hậu quả mà bão lũ bất thường gây ra.
c) Hoạt động: Tất cả các yếu tố trình bày bên trên như nhu cầu, mục tiêu, động
cơ và hành động… đều là cấu thành của hoạt động tâm lý, hoạt động thích ứng tâm
lý. Trong đó, phương thức hoạt động là nhìn thấy rõ và dễ nhận diện nhất nên phần
này luận án tập trung mô tả vào phương thức hoạt động của người nông dân. Có thể
thấy hoạt động của người nông dân trong những năm gần đây có nhiều thay đổi, thể
hiện chủ yếu trong hoạt động giao tiếp, lao động sản xuất…Cụ thể như: người nông
dân dần có sự cởi mở, tương tác cao và hội nhập hơn so với việc chỉ quanh quẩn
trong lũy tre làng như trước đây. Nhiều hộ còn chủ động, sẵn sàng tham gia các khóa
tập huấn, học hỏi mô hình nuôi trồng, canh tác,… mới của những hộ khác ở các tỉnh
thành hay quốc gia khác trên thế giới để nâng cao năng suất, sản lượng… Bên cạnh
đó, việc đưa vào sử dụng các loại giống mới, các phương tiện kỹ thuật mới phục vụ
tốt hơn cho sản xuất cũng được người nông dân ưu tiên thực hiện.
2.4. Lý luận về thích ứng với biến đổi khí hậu
2.4.1. Khái niệm về thích ứng với biến đổi khí hậu
Từ khái niệm thích ứng, khái niệm biến đổi khí hậu đã phân tích. Trong phạm
vi đề tài, thích ứng với biến đổi khí hậu được hiểu là quá trình chủ thể thay đổi hoạt
động sống của mình phù hợp với yêu cầu của điều kiện sống mới do biến đổi khí hậu
gây ra trên cơ sở nhận thức vấn đề, thay đổi phương thức hành động với sự thúc đẩy
cao độ của hệ thống động cơ Khi hoạt động sống đã được thay đổi có kết quả có
ngh a là năng lực thích ứng hay cấu thành tâm lý mới đã được hình thành
Từ khái niệm thích ứng, khái niệm biến đổi khí hậu, khái niệm thích ứng với
biến đổi khí hậu và khái niệm nông dân đã được xác lập, trong phạm vi đề tài, thích
ứng với biến đổi khí hậu của nông dân là quá trình người lao động sản xuất nông
nghiệp thay đổi hoạt động sống của mình phù hợp với yêu cầu của điều kiện sống
mới do biến đổi khí hậu gây ra trên cơ sở nhận thức vấn đề, thay đổi phương thức
hành động với sự thúc đẩy cao độ của hệ thống động cơ. Khi hoạt động sống đã

52
được thay đổi có kết quả có ngh a là năng lực thích ứng hay cấu thành tâm lý mới
đã được hình thành
Theo giới hạn nghiên cứu của đề tài: chỉ nghiên cứu mặt biểu hiện của BĐKH
là hiện tượng thời tiết cực đoan - bão lũ bất thường. Do đó, để thuận tiện cho việc
xác lập chỉ báo, xây dựng thang đo, khảo sát thực trạng và đề xuất biện pháp về sau.
Luận án đưa ra khái niệm công cụ: thích ứng với bão lũ bất thường của nông dân là
quá trình người lao động sản xuất nông nghiệp thay đổi hoạt động sống của mình
phù hợp với yêu cầu của điều kiện sống mới do bão lũ bất thường gây ra trên cơ sở
nhận thức vấn đề, thay đổi phương thức hành động với sự thúc đẩy cao độ của hệ
thống động cơ. Khi hoạt động sống đã được thay đổi có kết quả có ngh a là năng
lực thích ứng hay cấu thành tâm lý mới đã được hình thành
2.4.2. Biểu hiện thích ứng với biến đổi khí hậu của nông dân
Từ kết quả nghiên cứu về lý luận và thực tiễn của các công trình có cùng
hướng nghiên cứu về thích ứng đã được điểm luận và phân tích. Dựa vào giới hạn,
phạm vi nghiên cứu trong khuôn khổ đề tài, khi nghiên cứu về BĐKH là chỉ tập
trung nghiên cứu ở mặt biểu hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan của BĐKH: bão,
lũ lụt bất thường và khái niệm công cụ đã được xác lập: thích ứng với bão lũ bất
thường của nông dân là quá trình người lao động sản xuất nông nghiệp thay đổi
hoạt động sống của mình phù hợp với yêu cầu của điều kiện sống mới do bão lũ bất
thường gây ra trên cơ sở nhận thức vấn đề, thay đổi phương thức hành động với sự
thúc đẩy cao độ của hệ thống động cơ. Khi hoạt động sống đã được thay đổi có kết
quả có nghĩa là năng lực thích ứng hay cấu thành tâm lý mới đã được hình thành.
Theo hướng nghiên cứu của luận án, về nội dung để đánh giá mức độ thích
ứng của nông dân với bão lũ bất thường phải đảm bảo đồng thời các tiêu chí sau:
- Người nông dân phải nhận thức về vấn đề liên quan đến bão lũ bất thường
(về tất cả những gì thay đổi biến đổi khí hậu, nhận thức về việc bản thân cần thay
đổi hoạt động sống và lao động, nguyên nhân những thất bại của họ, nhận thức về
sự bất cập trong phương thức hoạt động cũ...
- Có hệ thống mục tiêu và động cơ thúc đẩy sự thay đổi phương thức hành
động cao (mong muốn thay đổi phương thức hoạt động cũ, kém hiệu quả hay hoàn
toàn không phù hợp bằng hoạt dộng mới hiệu quả hơn .

53
- Có sự thay đổi phương thức hành động (Tiến hành phương thức hoạt động
khác) và đánh giá kết quả của sự thay đổi phương thức hoạt động.
Khi các nội dung này được thực hiện càng tốt thì mức độ thích ứng càng cao
và ngược lại. Trong đó, thích ứng với bão lũ bất thường phải là một quá trình thay
đổi, điều chỉnh lâu dài hoạt động sống của chủ thể, diễn ra từ từ trên cơ sở tác động
qua lại giữa người nông dân và sự diễn tiến của bão lũ bất thường.
a) Nhận thức của người nông dân về vấn đề liên quan đến bão lũ bất thường
Thông qua quá trình nhận thức, con người thu nhận kiến thức và hình thành
năng lực, đặc biệt là khả năng tư duy, tầm nhìn và khả năng tiến hành các hoạt động
sáng tạo để đạt kết quả. Việc hiểu biết chính xác, khoa học về quy luật tất yếu của
bão lũ bất thường là cơ sở định hướng quan trọng giúp người nông dân lựa chọn
hành động chuẩn bị phù hợp để chống đỡ với bão lũ bất thường một cách hiệu quả
nhất. Do đó, yêu cầu đầu tiên trong nhận thức của người nông dân về vấn đề liên
quan đến bão lũ bất thường và thích ứng với bão lũ bất thường là người nông dân
phải nhận thấy đặc điểm biểu hiện, xu hướng của các cơn bão lũ bất thường trong
những năm gần đây như: ngày càng nhiều, ngày càng mạnh, ít tuân theo quy luật,
ngày càng khó phòng tránh, ảnh hưởng trên phạm vi ngày càng rộng hơn, ngày càng
khó lường được hậu quả và gây thiệt hại nặng nề hơn.
Thứ hai, người nông dân phải nhận biết được các hậu quả, tác động mà bão lũ
bất thường có thể gây ra đối với cuộc sống của họ trên nhiều bình diện khác nhau.
Nhận thức được hậu quả đối với chăn nuôi: khiến gia súc, gia cầm, tôm, cá…bị
chết/ mất; làm giảm sản lượng và chất lượng gia súc, gia cầm, tôm, cá...; làm bùng
phát dịch bệnh và làm giảm lượng thức ăn trên đàn gia súc, gia cầm, tôm, cá... Nhận
thức được hậu quả đối với trồng trọt: làm mất mùa vụ, hoa màu; làm giảm sản
lượng và chất lượng mùa vụ làm tăng dịch bệnh trên cây trồng. Nhận thức được
hậu quả đối với tài sản, tài chính: làm tăng chi phí cho việc nuôi trồng, làm hư hỏng
nhà cửa, làm hư hỏng đồ đạc, tài sản, làm tốn kém tiền nong để khắc phục sau bão
lũ. Nhận thức được hậu quả đối với việc sinh hoạt và lao động, học tập: gây khó
khăn trong sinh hoạt hằng ngày, khiến việc lao động sản xuất bị trì trệ, gây ảnh
hưởng đến việc học hành của con cái. Nhận thức được hậu quả đối với tính mạng và
sức khỏe con người: đe dọa đến sức khỏe con người, đe dọa tính mạng con người,

54
làm gia tăng dịch bệnh ở người (sốt xuất huyết, cúm, tiêu chảy… , khiến mọi người
hoảng sợ, lo lắng, bất an. Nhận thức được hậu quả đối với việc sử dụng tài nguyên
đất và nước: gây ô nhiễm nguồn nước uống, gây xói mòn, rửa trôi đất làm giảm độ
màu mỡ của đất, làm giảm diện tích đất sản xuất do ngập úng kéo dài. Nhận thức
được hậu quả đối với các công trình giao thông, thủy lợi: đe dọa sức chứa của các
hồ, đập chứa nước, có thể gây vỡ đập, làm hư hỏng đê điều, làm hư hỏng đường xá,
giao thông khiến việc đi lại bị trì trệ…
Thứ ba, người nông dân phải tự nhận thức về khả năng của bản thân trong việc
đối phó với bão lũ bất thường. Bởi lẽ, Ông bà ta có câu: “Biết người biết mình.
Trăm trận trăm thắng”. Bên cạnh việc nhận thức đúng đắn về tính quy luật tất yếu
khách quan của bão lũ bất thường thì việc tự nhận thức chính xác về khả năng của
bản thân trong việc đối phó với bão lũ bất thường cũng là một yếu tố quan trọng
giúp người nông dân chủ động, chống đỡ hiệu quả với bão lũ bất thường. Việc tự
nhận thức về khả năng của bản thân trong việc đối phó với bão lũ bất thường được
thể hiện thông qua việc người nông dân đánh giá chính xác được: hiểu biết của bản
thân về bão, lũ bất thường; nhận định về các cách thức để đối phó với bão, lũ bất
thường; nhận định về kỹ năng sử dụng các cách thức để đối phó với bão, lũ bất
thường; nhận định về thái độ tích cực trong việc đối phó với bão, lũ bất thường; sự
chuẩn bị đối phó trước khi bão, lũ bất thường xuất hiện; nhận định về khả năng đối
phó khi bão lũ bất thường đang xảy ra; nhận định về khả năng khắc phục hậu quả
sau bão lũ bất thường.
Thứ tư, người nông dân phải nhận thức được về việc đưa ra các cách thức để
đối phó với bão lũ bất thường như: nhận định về việc sẵn sàng với việc đổ bộ của
bão, lũ bất thường; nhận định về việc lên kế hoạch chuẩn bị đối phó trước khi bão,
lũ bất thường đổ bộ; nhận định về việc thực hiện kế hoạch đã chuẩn bị để đối phó
với bão, lũ bất thường đang xảy ra; nhận định về việc tìm kiếm sự hỗ trợ của chính
quyền địa phương để đối phó với bão, lũ bất thường; nhận định về việc tìm kiếm sự
hỗ trợ của bà con hàng xóm để cùng nhau đối phó với bão, lũ bất thường; nhận định
về việc tìm cách để khắc phục những hậu quả do bão, lũ bất thường gây ra và rút
được kinh nghiệm từ những gì đã xảy ra.

55
b) Động cơ thúc đẩy hành động để thích ứng với bão lũ bất thường
Động cơ là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy người nông dân tích, cực chủ
động, sáng tạo thực hiện các hành động và thay đổi phương thức hành động nhằm
thích ứng với bão lũ bất thường. Hệ thống mục tiêu được chủ thể cam kết có thể trở
thành hệ thống động cơ của hoạt động, vì rằng quan điểm của lý thuyết hoạt động,
đối tượng cần chiếm lĩnh được xác định là động cơ của hoạt động. Nói cách khác,
thành tố động cơ được hình thành thông qua việc chủ thể xác đinh được đối tượng
(cái cần đạt) hoạt động, đó chính là thay đổi hoạt động sống để tồn tại và phát triển
tức là hệ thống mục tiêu của chủ thể. Động cơ thúc đẩy hành động để thích ứng với
bão lũ bất thường của nông dân ven biển khu vực miền Trung được xác định thông
qua các biểu hiện như: mong muốn tìm cách đối phó với bão, lũ bất thường để làm
giảm sức ảnh hưởng của nó tìm cách đối phó bão, lũ bất thường để giảm ảnh hưởng
của nó đến tính mạng của các thành viên trong gia đình tìm cách đối phó bão, lũ bất
thường để giảm ảnh hưởng của nó đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình;
tìm cách đối phó bão, lũ bất thường để giảm ảnh hưởng của nó đến công việc của
tôi tìm cách đối phó bão, lũ bất thường để giữ tài sản được an toàn tìm cách đối
phó với bão, lũ bất thường để giữ an toàn cho vật nuôi (gia súc, gia cầm, tôm,
cá....); tìm cách đối phó bão, lũ bất thường để tránh thiệt hại cho cây trồng, hoa
màu tìm cách đối phó bão, lũ bất thường để tiết kiệm thời gian và công sức.
Nhìn chung, những hoạt động của người nông dân thường xoay quanh những
mục tiêu cơ bản là làm thế nào để bảo vệ an toàn và phát triển mùa màng, trồng trọt,
chăn nuôi, đảm bảo an toàn cho nhà cửa, tài sản, tính mạng và sức khỏe, cuộc sống
sinh hoạt, lao động hàng ngày…
c) Sự thay đổi phương thức hành động và hiệu quả của sự thay đổi phương
thức hành động để thích ứng với bão lũ bất thường
* Sự thay đổi phương thức hành động để thích ứng với bão lũ bất thường
Để thích ứng với bão lũ bất thường đòi hỏi người nông dân tích cực thay đổi
phương thức hành động để giải quyết những khó khăn do bão lũ bất thường gây ra.
Sự thay đổi phương thức hành động để thích ứng với bão lũ bất thường được
biểu hiện cụ thể như sau:
Thứ nhất, những hành động thay đổi trong trồng trọt để thích ứng với bão lũ bất

56
thường. Trồng trọt là một trong những phương thức sản xuất cơ bản nhất của người
nông dân. Nó ảnh hưởng khá lớn đến đời sống và sinh hoạt của người nông dân. Vì
thế việc đưa ra những hành động nhằm chuẩn bị ứng phó với bão lũ bất thường
trong trồng trọt là một trong những vấn để cốt lõi. Biểu hiện cụ thể của việc thay đổi
hành động trong trồng trọt để thích ững với bão lũ bất thường là: thay đổi giống cây
trồng có sức chống chịu tốt hơn với khí hậu thay đổi của bão lũ bất thường; thay đổi
giống cây trồng có sức chống chịu tốt hơn với sâu bệnh; chuyển sang giống lúa
ngắn ngày để thu hoạch sớm trước mùa bão lũ thay đổi cơ cấu cây trồng theo
hướng đa dạng, xen canh (lúa, hoa màu) phù hợp với thời tiết; thu hoạch lúa và các
vụ màu trước mùa bão lũ cho chắc ăn áp dụng biện pháp kỹ thuật canh tác mới
(thuốc, phân, chăm sóc… phù hợp với thời tiết thay đổi…
Thứ hai, những hành động thay đổi trong chăn nuôi để thích ứng với bão lũ bất
thường. Bên cạnh, trồng trọt thì chăn nuôi cũng là một trong những nguồn sinh kế
chính của người nông dân. Biểu hiện cụ thể của hoạt hành thay đổi trong chăn nuôi để
thích ứng với bão lũ bất thường là: thay đổi giống vật nuôi có sức chống chịu tốt hơn
với sự thay đổi của khí hậu thay đổi cơ cấu vật nuôi đa dạng phù hợp với thời tiết
thay đổi; tu sửa chuồng trại, nâng cấp bờ ao, đầm nuôi cá, vịt… chống mưa bão,
ngập úng thay đổi kỹ thuật chăn nuôi (chế độ ăn, tiên phòng, vệ sinh… chế biến,
dự trữ thức ăn cho gia súc, gia cầm trong mùa bão lũ bán gia súc, gia cầm trước
mùa bão lũ chính cho chắc ăn…
Thứ ba, những thay đổi trong hành động nhằm bảo vệ nhà cửa, tài sản trước
bão lũ bất thường. Nhà cửa và những tài sản có giá trị được mua sắm là thành quả
tích góp lâu năm từ những nguồn thu của việc trồng trọt và chăn nuôi. Bên cạnh đó,
ông bà ta có câu “an cư” mới “lạc nghiệp”. Do đó, việc bảo vệ an toàn cho nhà cửa
và tài sản trước bão lũ bất thường là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Những thay đổi
trong hành động nhằm bảo vệ nhà cửa, tài sản trước bão lũ bất thường của người
nông dân được biểu hiện cụ thể như: gia cố, chằng chống giúp nhà cửa kiên cố hơn
trước mùa bão, lũ làm gác lỡ hay gác ván…để cất đồ đạc lên cao trong mùa bão, lũ
gửi những tài sản có giá trị đến nơi cao ráo, an toàn hơn trước khi bão, lũ lớn đổ
bộ…

57
Thứ tư, những thay đổi trong hành động nhằm đảm bảo sinh hoạt. Việc đảm
bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe và duy trì sinh hoạt trong những ngày diễn ra
bão lũ bất thường là nhiệm vụ quan trọng nhất được đặt ra đối với người nông dân.
Đối với việc duy trì sinh hoạt, người nông dân cần phải dự trữ lương thực, thực
phẩm, nước uống trước khi bão, bão xảy ra hay để dành tiền, đề phòng có việc cần
sử dụng cho mùa bão, lũ chẳng hạn.
Thứ năm, những thay đổi trong hành động nhằm đảm chuẩn bị chống đỡ với
bão lũ cho bản thân và gia đình. Điều này được thể hiện thông qua việc: người nông
dân tham gia các buổi nói chuyện, tập huấn với bão lũ do địa phương tổ chức để
trang bị kỹ năng ứng phó với bão lũ học về sơ cấp cứu; chuẩn bị phương tiện cứu
hộ (áo phao, đèn pin, thuốc men… dạy con cái cách ứng phó với bão lũ (học bơi,
không đến gần nơi nguy hiểm… tăng cường nghe dự báo thời tiết để phòng tránh;
chặt tỉa các cây cao, gần nhà, gần đường dây điện trước mùa bão lũ để tránh ngã đổ;
chuẩn bị phương tiện để đi sơ tán khi lũ quá lớn; chuẩn bị chỗ dự kiến để sơ tán khi
bão, lũ quá lớn...
* Hiệu quả của sự thay đổi phương thức hành động để thích ứng với bão lũ bất
thường
Một người được gọi là thích ứng tốt khi họ có sự thay đổi phương thức hành
động phù hợp trước những diễn biến của bão lũ bất thường và sự thay đổi phương
thức hoạt động ấy phải mang lại hiệu quả nhất định. Đây là tiêu chí quan trọng để
đánh giá mức độ thích ứng với bão lũ bất thường của người nông dân. Hiệu quả của
sự thay đổi phương thức hành động có thể được đánh giá dựa trên các biểu hiện sau:
- Hiệu quả của việc thích ứng với an toàn trong mùa màng, trồng trọt khi bão
lũ bất thường diễn ra.
- Hiệu quả của việc thích ứng để đảm bảo an toàn trong chăn nuôi gia súc,
gia cầm, tôm cá… khi bão lũ bất thường diễn ra.
- Hiệu quả của việc thích ứng để đảm bảo an toàn nhà cửa, tài chính, tài sản,
đồ đạc khi bão lũ bất thường diễn ra.
- Hiệu quả của việc thích ứng để đảm bảo an toàn trong sinh hoạt: hao tốn
thời gian, hao tốn công sức để chuẩn bị ứng phó với bão lũ bất thường và khó khăn
khi quay trở lại cuộc sống sinh hoạt thường ngày.

58
- Hiệu quả của việc thích ứng để đảm bảo an toàn bản thân và gia đình: về
tính mạng, sức khỏe thể chất, tinh thần (lo lắng) do bão lũ bất thường.
Các tiêu chí này được đánh giá khi đã tiến hành thay đổi phương thức hành
động để chống đỡ với bão lũ bất thường. Mức độ thiệt hại ở những tiêu chí trên
càng ít đồng nghĩa với hiệu quả trong việc thích ứng với bão lũ bất thường càng cao
và ngược lại.
2.4.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến thích ứng với bão lũ bất thường của nông dân
Khi nghiên cứu về thích ứng với BĐKH nói chung và bão lũ bất thường nói
riêng, có khá nhiều nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng chi phối đến khả năng thích
ứng của người nông dân. Tuy nhiên, với mỗi biểu hiện khác nhau của BĐKH, ở
những nền văn hóa, điều kiện sống, thể chế… khác nhau thì các yếu tố ảnh hưởng
cũng có những đặc trưng riêng. Có thể kể đến một số yếu tố ảnh hưởng đến thích
ứng với BĐKH qua các nghiên cứu tiêu biểu sau:
Nghiên cứu về “Yếu tố quyết định sự lựa chọn của nông dân về các
phương pháp thích ứng với biến đổi khí hậu ở lưu vực sông Nile của thiopia” của
nhóm tác giả Temesgen Tadesse Deressa, Rashid M. Hassan, Claudia Ringler,
Tekie Alemu, Mahmud Yesuf (2009) đã chỉ ra trình độ giáo dục, giới tính, tuổi tác,
và sự giàu có của người đứng đầu của gia đình khả năng tín dụng thông tin về khí
hậu, vốn xã hội, thiết lập sinh thái nông nghiệp là ảnh hưởng đến khả năng thích
ứng của nông dân với biến đổi khí hậu 133, tr. 248-255].
Các kết quả của hồi quy từ nghiên cứu “Thích ứng với biến đổi khí hậu của
nông dân sản xuất nhỏ ở các vùng nông thôn: Bằng chứng từ Sri Lanka” của các tác
giả L.M .Menikea, K.A. Keeragala Arachchib, (2015 cũng đã chỉ ra cho thấy các
yếu tố kinh tế xã hội, các yếu tố môi trường, các yếu tố thể chế và lựa chọn cơ cấu
kinh tế của nông dân, kích thước của hộ gia đình, thu nhập, giáo dục, tiếp cận thông
tin khí hậu thông qua truyền hình và đài phát thanh, vị trí của đất, giống cây trồng,
tiếp cận với các khoản vay chính thức và “khoảng cách” tiếp cận thị trường có ảnh
hưởng đáng kể đến kết quả của sự thích ứng. Kết quả hồi quy cho thấy, xác suất của
người nông dân trồng đậu như các loại cây trồng chính để thích ứng với biến đổi khí
hậu là cao hơn so với những người không phát triển các cây trồng khác là 94%.
Nông dân nằm trong vùng đồng bằng phù sa và các vùng sinh thái nông nghiệp

59
vùng đồi có xu hướng thích ứng cao hơn so với những người nằm trong vùng sinh
thái nông nghiệp phía sông có gió mạnh. Vốn xã hội hoặc là thành viên trong một tổ
chức nông dân cũng rất quan trọng trong việc lựa chọn phương pháp thích ứng nhất
định và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu là 62%. Những người nông dân có
thể tiếp cận với các khoản vay chính thức có xu hướng thích ứng với biến đổi khí
hậu với một xác suất cao trên 57%. Khoảng cách đến thị trường đầu vào là một yếu
tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn trung bình của thích ứng phù hợp với sự thay đổi
khí hậu và những người nông dân có thể dễ dàng tiếp cận với thị trường đầu vào
trong phạm vi 10 km có một xác suất cao hơn 74% để thực hiện thích ứng [113,
tr.288-292].
Các tác giả Muhammad Abid, Uwe A. Schneider, Jürgen Scheffran (2016)
cũng chỉ ra các yếu tố giáo dục, kinh nghiệm canh tác, tiếp cận khuyến nông, dự
báo thời tiết và thông tin tiếp thị là những yếu tố có ảnh hưởng đáng kể các quyết
định thích ứng của nông dân trong nghiên cứu “Thích ứng với biến đổi khí hậu và
tác động của nó đến năng suất cây trồng lương thực và thu nhập: Triển vọng của
nông dân ở nông thôn Pakistan” của mình 116, tr.254-266].
Trong một nghiên cứu khác của Emmanuel Mavhura, Siambabala Bernard
Manyena, Andrew E. Collins, Desmond Manatsa (2013 cho rằng cộng đồng trong
khu vực có lũ thấp và với một cơ sở kinh tế-xã hội mạnh mẽ, giáo dục và thu nhập ở
mức tốt có nhiều khả năng để đối phó với ảnh hưởng của lũ so với những cộng đồng
ở khu vực có lũ lụt cao và diễn ra đột ngột và cơ sở kinh tế-xã hội yếu kém. Nghiên
cứu cũng cho thấy các hệ thống kiến thức bản địa là một thành phần không thể thiếu
trong xây dựng khả năng phục hồi thảm họa 96, tr. 38-48].
Phân tích một số nghiên cứu tiêu biểu của các tác giả đi trước cho thấy, có
rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thích ứng với BĐKH của người nông dân như: trình
độ giáo dục, giới tính, tuổi tác, và sự giàu có của người đứng đầu của gia đình khả
năng tín dụng; thông tin về khí hậu, vốn xã hội, kích thước của hộ gia đình, thu
nhập, tiếp cận thông tin khí hậu thông qua truyền hình và đài phát thanh, vị trí của
đất, giống cây trồng, tiếp cận với các khoản vay... Tuy nhiên, trong khuôn khổ
nghiên cứu của luận án, chúng tôi chỉ tập trung tìm hiểu mức độ ảnh hưởng của yếu
tố thuộc về cá nhân đến thích ứng với bão lũ bất thường - có thể nói là đặc trưng,

60
điển hình trong việc thích ứng với bão lũ bất thường của cộng đồng nông dân tại
Việt Nam nói chung và khu vực miền Trung nói riêng đó là mức độ phối hợp với
mọi người xung quanh và tận dụng các nguồn lực để thích ứng với bão lũ bất
thường. Bên cạnh đó, nghiên cứu còn tìm hiểu thêm về tác động của trình độ giáo
dục đến khả năng thích ứng với bão lũ bất thường của người nông dân.
Mức độ phối hợp với mọi người xung quanh và tận dụng các nguồn lực để
thích ứng với bão lũ bất thường
Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, chiến lược tiếp cận, giảm nhẹ thiên tai dựa
vào cộng đồng hay nói cách khác là mức độ phối hợp của người dân với mọi người
xung quanh vẫn luôn được chú trọng. Bên cạnh đó, việc tận dụng các nguồn lực để
chống đỡ với thiên tai, bão lũ cũng là yếu tố quan trọng giúp người dân giải quyết
những khó khăn, đe dọa do bão lũ bất thường gây ra một cách hiệu quả. Trong quan
điểm chỉ đạo về chiến lược phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của Chính phủ cũng
nhấn mạnh: “Công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai thực hiện theo phương
châm nhà nước và nhân dân cùng làm, sử dụng hiệu quả nguồn lực của nhà nước,
đồng thời huy động mọi nguồn lực của cộng đồng…”.
Mức độ phối hợp với mọi người xung quanh và tận dụng các nguồn lực để
thích ứng với bão lũ bất thường của người nông dân để chống đỡ với bão, lũ bất
thường được biểu hiện thông qua các nội dung cơ bản sau: tham gia các buổi họp
thôn, làng để đóng góp ý kiến, kế hoạch chống đỡ với bão, lũ bất thường; tham gia
các buổi nói chuyện, tuyên truyền về chống đỡ với bão, lũ bất thường do địa
phương tổ chức; tham gia các buổi tập huấn, diễn tập chống đỡ với bão, lũ bất
thường do địa phương tổ chức; nghe các thông tin, thông báo về dự báo thời tiết để
kịp thời chống đỡ với bão, lũ bất thường; theo hướng dẫn của chính quyền địa
phương để chống đỡ với bão, lũ bất thường cùng người dân và chính quyền địa
phương đắp đê ngăn lũ lụt cùng người dân và chính quyền địa phương trồng cây
gây rừng để phòng ngừa bão, lũ bất thường; cùng hàng xóm chung vai gắng sức
giúp đỡ lẫn nhau (gia cố nhà cửa, thu hoạch sớm mùa màng tránh thiệt hại… để
chống đỡ với bão, lũ bất thường; tìm kiếm sự hướng dẫn cách chống đỡ với bão, lũ
bất thường của các cơ quan chức năng nhận sự động viên an ủi của mọi người xung
quanh khi chống đỡ với bão, lũ bất thường; nhận sự hỗ trợ vật chất và tài chính của

61
các cơ quan chức năng để chống đỡ và khắc phục hậu quả do bão, lũ bất thường gây
ra; nhận hỗ trợ vật chất và tài chính từ cộng đồng (tổ chức từ thiện, bà con hàng
xóm… để chống đỡ và khắc phục hậu quả do bão, lũ bất thường gây ra.

Tiểu kết chương 2


Thông qua việc tìm hiểu lý luận về thích ứng với biến đổi khí hậu của nông
dân ven biển khu vực miền Trung, đề tài đã xác định được một số vấn đề lý luận cơ
bản làm cơ sở cho việc nghiên cứu thực trạng như: thích ứng, biến đổi khí hậu, khái
niệm nông dân và đặc điểm tâm lý của nông dân... Đặc biệt, đề tài đã xác lập được
khái niệm công cụ: thích ứng với biến đổi khí hậu của nông dân để từ đó thực hiện
chỉ báo, xây dựng thang đo khảo sát thực trạng.
Trong đó, thích ứng với bão lũ bất thường của nông dân là quá trình người lao
động sản xuất nông nghiệp thay đổi hoạt động sống của mình phù hợp với yêu cầu
của điều kiện sống mới do bão lũ bất thường gây ra trên cơ sở nhận thức vấn đề,
thay đổi phương thức hành động với sự thúc đẩy cao độ của hệ thống động cơ.
Thích ứng với bão lũ bất thường của nông dân được nghiên cứu trên 3 bình
diện. Thứ nhất là: nhận thức được vấn đề có liên quan đến bão lũ bất thường; Thứ
hai: có hệ thống động cơ thúc đẩy sự thay đổi phương thức hành động để thích ứng
với bão lũ bất thường; Thứ ba: sự thay đổi phương thức hành động và đánh giá hiệu
quả của sự thay đổi này để thích ứng với bão lũ bất thường.
Nghiên cứu thích ứng với bão lũ bất thường của nông dân ven biển khu vực
miền Trung không tách rời việc nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng tới biểu hiện và
mức độ thích ứng. Các yếu tố đó là: mức độ phối hợp với mọi người xung quanh,
tận dụng các nguồn lực để thích ứng với bão lũ bất thường và trình độ giáo dục của
người nông dân

62
CHƯƠNG 3
TỔ CHỨC VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

3.1. Tổ chức nghiên cứu


Nghiên cứu đã được tổ chức thực hiện theo 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn có
những bước tiến hành cụ thể sau đây:
3.1.1. Giai đoạn 1: Nghiên cứu lý luận
- Mục đích: xây dựng cơ sở lý luận cho luận án.
- Nhiệm vụ:
+ Tổng quan những nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước về thích
ứng và thích ứng với BĐKH của nông dân.
+ Hệ thống hoá một số vấn đề lý luận cơ bản liên quan đến thích ứng và thích
ứng với BĐKH của nông dân.
+ Xác định, thao tác hoá các khái niệm cơ bản.
+ Lựa chọn cách tiếp cận chỉ dẫn cho việc xây dựng bộ công cụ nghiên cứu.
- Nội dung
+ Phân tích, tổng hợp và đánh giá những công trình nghiên cứu của các tác giả
trong nước và ngoài nước xung quanh các vấn đề có liên quan đến thích ứng và
thích ứng với BĐKH của nông dân. Từ đó chỉ ra những vấn đề còn để còn trống
trong các nghiên cứu trước đó để tiếp tục tiến hành nghiên cứu.
+ Xây dựng khái niệm công cụ và các khái niệm có liên quan đến đề tài.
+ Tổng hợp và phân tích lý luận về thích ứng với BĐKH của nông dân.
+ Xác định nội dung cho nghiên cứu thực tiễn.
+ Xác định thiết kế nghiên cứu phù hợp và khả thi cho đề tài nghiên cứu.
- Phương pháp tiến hành
Để xây dựng cơ sở lý luận của luận án, chúng tôi đã sử dụng các phương pháp
nghiên cứu lý thuyết như phân tích, tổng hợp, hệ thống hoá và khái quát hoá các tài
liệu đã được đăng tải ở các sách, báo, tạp chí, đề tài nghiên cứu khoa học các cấp và
trên hệ thống thông tin toàn cầu internet… bàn về những vấn đề liên quan đến thích
ứng với bão lũ bất thường để làm rõ thêm các quan điểm khác nhau về các khái
niệm trong phần lý luận.

63
3.1.2. Giai đoạn 2: Nghiên cứu thực tiễn
Ở giai đoạn này, tác giả đã thực hiện theo một số bước sau đây:
a) Thiết kế nghiên cứu thực tiễn
- Mục đích: Lập kế hoạch tổ chức nghiên cứu, chỉ ra những phương pháp được sử
dụng để thu thập thông tin và cách thức tiến hành công tác nghiên cứu thực tiễn.
- Nội dung: Với mong muốn lượng hóa vấn đề để phát hiện khuôn mẫu chung,
nghiên cứu sử dụng thiết kế định lượng kết hợp định tính trong đó ưu tiên định
lượng.
+ Thiết kế định lượng: nhằm lập kế hoạch dẫn dắt nghiên cứu thu thập dữ
liệu dưới dạng số bằng thiết kế điều tra chọn mẫu một lần theo lát cắt ngang thông
qua công cụ nghiên cứu là bảng hỏi dành cho nông dân ven biển khu vực miền
Trung.
+ Thiết kế định tính: nhằm lập kế hoạch dẫn dắt nghiên cứu thu thập dữ liệu
dưới dạng ngôn ngữ, hình ảnh, hiện vật. Trong đó, nhấn mạnh từ ngữ khi thu thập
và xử lý thông tin. Cách thức thực hiện việc thu thập dữ liệu định tính thông qua
phương pháp phỏng vấn trực tiếp khách thể nghiên cứu chính và khách thể nghiên
cứu bổ trợ.
b) Thu thập dữ liệu
Quá trình thu thập dữ liệu gồm các bước sau đây:
- Thu thập dữ liệu định lượng: bảng hỏi được xây dựng cần điều tra thử để kiểm
tra độ tin cậy, chỉnh sửa diễn đạt, nội dung trả lời cho phù hợp với khách thể nghiên
cứu. Loại bỏ những items không đủ độ tin cậy. Sau đó, tiến hành điều tra trên diện
rộng. Với những nông dân có trình độ học vấn cao, khả năng đọc hiểu tốt, điều tra
viên hướng dẫn cách thức thực hiện, những chỗ cần lưu tâm và đưa bảng khảo sát
để người nông dân tự điền thông tin. Đồng thời, sẵn sàng giải đáp khi người trả lời
phiếu có thắc mắc. Với những nông dân không thể đọc hiểu tốt, điều tra viên phải
thực hiện phỏng vấn cấu trúc để thu thông tin (Đây là cách thức chính để thu thập
thông tin của luận án).
- Xây dựng bộ mã định tính: hệ thống mã định tính là cơ sở để thu thập dữ liệu
định tính. Bộ mã này được xây dựng trên cơ sở lý thuyết về cấu trúc, biểu hiện mức
độ thích với bão lũ bất thường của nông dân ven biển khu vực miền Trung. Tuy

64
nhiên, bên cạnh hệ thống mã này còn có hệ thống mã mở cho những trường hợp
nằm ngoài hệ thống cấu trúc bảng hỏi để đảm bảo khái quát đầy đủ được tất cả các
thông tin và sát với thực tế.
- Phỏng vấn sâu: một số mẫu nghiên cứu được phỏng vấn để làm rõ hơn vấn đề
nghiên cứu. Nội dung phỏng vấn sâu bao gồm một số câu hỏi liên quan đến các biểu
hiện của thích ứng với bão lũ bất thường. Đồng thời, giải thích một số trường hợp
trong việc thay đổi phương thức hành động để thích ứng và một số nhận định, đánh
giá mang tính khái quát thuộc về kinh nghiệm bản địa trong việc thích ứng với bão
lũ bất thường của nông dân ven biển khu vực miền Trung.
c) Phân tích dữ liệu
Các dữ liệu thu thập được sau đó sẽ được phân tích theo 2 cách: phân tích
định lượng và phân tích định tính. Các bước tiến hành ở đây gồm:
- Phân tích dữ liệu định lượng: các thông tin sẽ được phân tích cùng với việc
sử dụng các thông số thống kê. Nhờ kỹ thuật phân tích thống kê (mô tả, suy luận,
đơn biến, nhị biến, đa biến) nghiên cứu có thể đưa ra kết luận mang tính khái quát
về thích ứng với bão lũ bất thường của nông dân khu vực miền Trung.
- Phân tích dữ liệu định tính: tập trung vào phương pháp phân tích nội dung,
trong đó phải xây dựng được hệ thống các phạm trù hay các mã chung về thích ứng
với bão lũ bất thường của nông dân ven biển khu vực miền Trung.
d) Mô tả chân dung tâm lý: mục đích của bước này là minh họa dữ liệu và phát
hiện những vấn đề mới. Nội dung là phân tích sâu biểu hiện của một số cá nhân
điển hình trong việc thích ứng với bão lũ bất thưởng để mô tả chân dung tâm lý của
họ và các yếu tố có liên quan.
3.2. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng các phương pháp sau trong quá trình thực hiện đề tài
3.2.1. Phương pháp nghiên cứu văn bản, tài liệu
a) Mục đích của phương pháp nghiên cứu văn bản, tài liệu: nhằm xây dựng cơ sở
lý luận cho luận án - cơ sở để xây dựng bảng hỏi điều tra về thích ứng với bão lũ bất
thường của nông dân ven biển khu vực miền Trung.
b) Cách thức tiến hành: thu thập, lựa chọn các tài liệu cũng như những công trình
nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước được đăng tải trên sách, tạp chí, các

65
báo cáo khoa học, các đề tài nghiên cứu, các báo cáo được đăng tải trên các trang
eb liên quan đến vấn đề thích ứng với bão lũ bất thường phân tích, tổng hợp và
đánh giá tổng quát các nghiên cứu về vấn đề này, từ đó xây dựng cơ sở lý luận, thiết
kế công cụ nghiên cứu và lấy tư liệu sử dụng trong quá trình phân tích, lý giải, đánh
giá kết quả thu được từ thực tiễn cũng như xây dựng các biện pháp nhằm nâng cao
khả năng thích ứng với bão lũ bất thường cho nông dân ven biển khu vực miền
Trung.
3.2.2. Phương pháp khảo sát bằng bảng hỏi
a) Mục đích của phương pháp khảo sát bằng bảng hỏi: đánh giá thực trạng
mức độ biểu hiện thích ứng với bão lũ bất thường của nông dân ven biển khu vực
miền Trung, các yếu tố ảnh hưởng đến thực trạng. Đây là phương pháp nghiên cứu
chính của đề tài.
b) Hình thức điều tra: nghiên cứu sử dụng hình thức khảo sát trực tiếp.
Người nông dân sẽ trả lời trực tiếp qua điều tra viên hoặc tự khai. Trong tự khai
(những nông dân có khả năng tự đọc hiểu tốt , người trả lời sẽ tự đọc và trả lời
thông tin trong bảng hỏi. Đối với những nông dân không có khả năng đọc hiểu tốt,
điều tra viên sẽ hỏi và giải thích từng ý. Sau khi nhận được câu trả lời từ khách thể,
điều tra viên sẽ đánh dấu bảng hỏi.
c) Chọn mẫu khảo sát: nghiên cứu được thực hiện trên 381 nông dân thuộc
2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi. Mẫu nghiên cứu phải là (1) những nông dân thực
hiện cả lao động sản xuất trồng trọt và chăn nuôi, (2 hiện đang sinh sống và lao
động tại các xã ven biển trên địa bàn 02 tỉnh: Bình Định và Quảng Ngãi trong vòng
10 năm trở lại đây.
Bảng 3 1. Đặc điểm của mẫu nghiên cứu
Đặc điểm Số lượng Tỉ lệ %
Nam 204 53.54
Giới tính
Nữ 177 46.46
Tuổi trung bình = 46.92, từ 18-82 (DS=12.285)
Quảng Ngãi 188 49.34
Tỉnh
Bình Định 193 50.66
Tiểu học 84 22.05
THCS 165 43.31
Trình độ học vấn
THPT 64 16.8
Trung cấp nghề 21 5.51

66
Cao đẳng, ĐH, Trên ĐH 32 8.39
Chưa đi học 15 3.94
Hộ nghèo 31 8.14
Cận nghèo 56 14.7
Mức sống
Trung bình 257 67.45
Khá 37 9.71
Nhà tạm 21 5.51
Nhà ở Nhà cấp 4/ 1 tầng 318 83.47
Nhà xây bê tông kiên cố 42 11.02
1 31 8.14
Số thế hệ đang sống
2 212 55.64
trong gia đình
3 138 36.22
d) Cách thức xây dựng bảng hỏi: để có được thông tin ban đầu làm cơ sở cho
việc xây dựng bảng hỏi, chúng tôi đã khai thác các nguồn tư liệu cơ bản dưới đây:
+ Thứ nhất, phân tích và tổng hợp những nghiên cứu của các tác giả trong nước
và ngoài nước về thích ứng và thích ứng với bão lũ bất thường.
+ Thứ hai, xin ý kiến chuyên gia và các cán bộ phụ trách về phòng ngừa và giảm
nhẹ rủi ro của thiên tai thuộc các cấp của Sở, huyện, xã, thôn.
+ Thứ ba, khảo sát, thăm dò trên chính những người nông dân đang sinh sống tại
những xã thường xảy ra bão lũ bất thường.
Tổng hợp tất cả những nguồn tư liệu trên, chúng tôi thiết kế bảng hỏi nhằm
trưng cầu ý kiến của người nông dân khu vực miền Trung về thích ứng với bão lũ
bất thường
e) Nội dung bảng hỏi: bảng hỏi để khảo sát mức độ thích ứng của người nông
dân ven biển khu vực miền Trung với bão lũ bất thường gồm các phần cụ thể sau: 1)
Thông tin chung về người được phỏng vấn; 2) Nhận thức chung về bão lũ bất
thường của nông dân; 3 Động cơ thúc đẩy sự thay đổi phương thức hành động để
thích ứng với bão lũ bất thường; 4) Sự thay đổi phương thức hành động và hiệu quả
của sự thay đổi phương thức hành động. Trong đó:
Phần 1: Thông tin chung về người được phỏng vấn như: họ tên, giới tính,
năm sinh, địa chỉ nơi đang sinh sống, trình độ, điều kiện nhà ở, điều kiện kinh tế, số
thế hệ, số thành viên trong gia đình.
Phần 2: Nhận thức chung của người nông dân về bão lũ bất thường: câu 1, 2,
3 và 4.

67
+ Kiến thức về quy luật tất yếu của bão lũ bất thường (Câu 1) bao gồm 14
items nhằm thu thập nhận định của người nông dân về các cơn bão, lũ trong những
năm gần đây
+ Nhận thức về hậu quả do bão lũ bất thường gây ra (Câu 2) bao gồm 26
items nhằm thu thập nhận định của người nông dân về hậu quả của bão, lũ bất
thường đối với chăn nuôi trồng trọt; tài sản, tài chính; sinh hoạt, lao động và học
tập của con cái đối với tính mạng và sức khỏe con người; đối với việc sử dụng tài
nguyên đất và nước; đối với các công trình giao thông, thủy lợi.
+ Tự nhận thức về khả năng giải quyết những khó khăn do bão lũ bất thường
gây ra (Câu 3).
+ Nhận thức về việc đưa ra cách thức để ứng phó với bão lũ bất thường (Câu 4).
Phần 3: Động cơ hành động để giải quyết, để chế ngự hay giảm thiểu sức ảnh
hưởng,.. do bão lũ bất thường gây ra (Câu 5).
Phần 4: Sự thay đổi phương thức hành động và hiệu quả của sự thay đổi
phương thức hành động
- Sự thay đổi phương thức hành động để thích ứng với bão lũ bất thường
(Câu 7), bao gồm: những hành động thay đổi trong trồng trọt để thích ứng với bão lũ
bất thường; những hành động thay đổi trong chăn nuôi để thích ứng với bão lũ bất
thường; những thay đổi trong hành động nhằm bảo vệ nhà cửa, tài sản trước bão lũ bất
thường; những thay đổi trong hành động nhằm đảm bảo sinh hoạt; những thay đổi trong
hành động nhằm đảm chuẩn bị chống đỡ với bão lũ cho bản thân và gia đình.
- Hiệu quả của sự thay đổi phương thức hành động để thích ứng với bão lũ bất
thường (Câu 8 được đánh giá thông qua: hiệu quả của việc thích ứng với an toàn
trong mùa màng, trồng trọt khi bão lũ bất thường diễn ra; hiệu quả của việc thích
ứng với an toàn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, tôm cá… khi bão lũ bất thường
diễn ra; hiệu quả của việc thích ứng với an toàn nhà cửa, tài chính, tài sản, đồ đạc
khi bão lũ bất thường diễn ra; hiệu quả của việc thích ứng với an toàn trong sinh
hoạt: hao tốn thời gian, hao tốn công sức để chuẩn bị ứng phó với bão lũ bất thường
và khó khăn khi quay trở lại cuộc sống sinh hoạt thường ngày; hiệu quả của việc
thích ứng với an toàn bản thân và gia đình: về tính mạng, sức khỏe thể chất, tinh
thần (lo lắng) do bão lũ bất thường.

68
- Mức độ phối hợp với mọi người xung quanh và tận dụng các nguồn lực để
thích ứng (Câu 6).
e) Cách tính điểm số từng phần của bảng hỏi
- Câu 1 và câu 2: + Hoàn toàn đúng: 5 điểm
+ Phần lớn là đúng: 4 điểm
+ Phân vân: 3 điểm
+ Phần lớn là không đúng: 2 điểm
+ Hoàn toàn không đúng: 1 điểm
- Câu 3, 4, 6, : + Rất tốt: 5 điểm
+ Phần lớn là tốt 4 điểm
+ Trung bình: 3 điểm
+ Phần lớn là không tốt: 2 điểm
+ Hoàn toàn không tốt: 1 điểm
- Câu 5: + Rất cao: 5 điểm
+ Khá cao 4 điểm
+ Trung bình: 3 điểm
+ Khá thấp: 2 điểm
+ Rất thấp: 1 điểm
- Câu 7: + Hoàn toàn thay đổi: 5 điểm
+ Phần lớn là thay đổi: 4 điểm
+ Thay đổi mức TB : 3 điểm
+ Phần lớn là không thay đổi: 2 điểm
+ Hoàn toàn không thay đổi: 1 điểm
- Câu 8: + Rất ít: 5 điểm
+ Khá ít: 4 điểm
+ Trung bình : 3 điểm
+ Khá nhiều: 2 điểm
+ Rất nhiều: 1 điểm

69
f) Thử nghiệm bảng hỏi
- Mục đích: đánh độ tin cậy, độ hiệu lực và sự phù hợp của bảng hỏi với khách
thể điều tra trên nhiều mặt: về cách diễn đạt từ ngữ, nội dung trình bày, các chỉ dẫn,
các tình huống phải xử lý, đánh giá độ dài của cuộc phỏng vấn...
- Khách thể: 70 khách thể là nông dân ven biển tại Bình Định
- Cách thức thực hiện: Với những nông dân có khả năng đọc hiểu, điều tra viên
hướng dẫn và đưa bảng khảo sát để người nông dân tự điền. Với những nông dân
không thể đọc hiểu, điều tra viên phải thực hiện phỏng vấn cấu trúc để thu thông tin.
Sau khi người nông dân thực hiện xong phiếu trưng cầu ý kiến, điều tra viên cần liệt
kê những vấn đề sau:
+ Người trả lời có hiểu câu hỏi theo đúng mục đích của nhà nghiên cứu
+ Nội dung hỏi có phù hợp với thực tế địa phương, với đối tượng hỏi. Có cần
chỉnh sửa hay thêm, bớt gì không
+ Những bất cập của công cụ điều tra: sắp xếp bảng hỏi, lời văn, độ dài của bảng
hỏi, các phương án trả lời có phù hợp không
+ Những bất ổn đối với người trả lời, những khó khăn đối với điều tra viên để
thu được câu trả lời tin cậy.
Tính toán độ tin cậy của thang đo sẽ chỉ ra những câu cần chỉnh sửa và hướng
chỉnh sửa hoặc loại bỏ.
- Xử lý số liệu
Dữ liệu thu thập được xử lý bằng chương trình SPSS 20.0 trong trường
Windows. Chúng tôi sử dụng kĩ thuật phân tích độ tin cậy bằng phương pháp phân tích
hệ số Alpha của Cronbach và đo độ giá trị của thang đo trong phiếu trưng cầu ý kiến.
+ Chúng tôi sử dụng phương pháp này nhằm đánh giá mức độ ổn định của các
item có cùng hướng. Trên cơ sở hệ số Alpha tìm được, chúng tôi điều chỉnh/ loại bỏ
các item trong phiếu trưng cầu ý kiến (những items có hệ số Alpha dưới 0.3)
Bảng 3.2 Độ tin cậy của bảng hỏi
Câu Nội dung Độ tin cậy
Nhận định về các cơn bão 0.865
Câu 1
Nhận định về về các cơn lũ 0.861
Chung câu 1 - nhận định về quy luật của bão lũ bất thường 0.789
Hậu quả đối với chăn nuôi 0.872
Câu 2
Hậu quả đối với trồng trọt 0.903

70
Hậu quả đối với tài sản, tài chính 0.811
Hậu quả đối với việc sinh hoạt và lao động/ học tập 0.702
Hậu quả đối với tính mạng và sức khỏe con người 0.811
Hậu quả đối với việc sử dụng tài nguyên đất và nước 0.729
Hậu quả đối với các công trình giao thông, thủy lợi 0.844
Chung câu 2 - nhận định về hậu quả của bão lũ bất thường 0.857
Tự nhận thức về khả năng chống đỡ với bão lũ bất
Câu 3 0.888
thường
Nhận định về việc đưa ra cách thức để chống đỡ với bão
Câu 4 0.855
lũ bất thường
Câu 5 Động cơ hành động chống đỡ với bão lũ bất thường 0.885
Mức độ phối hợp với mọi người xung quanh và tận dụng
Câu 6 0.860
các nguồn lực để thích ứng
Đối với trồng trọt 0.863
Đối với chăn nuôi 0.815
Câu 7 Đối với nhà cửa, tài sản. 0.623
Đối với sinh hoạt 0.625
Chuẩn bị chống đỡ với bão lũ cho bản thân và gia đình 0.771
Chung câu 7 - sự thay đổi phương thức hoạt động 0.792
Câu 8 Hiệu quả của việc thay đổi phương thức hoạt động 0.844
Nhận thức chung về bão lũ bất thường (Câu 1,2,3,4 0.804
Mức độ thích ứng (Câu 7,8 0.803
g) Thang đo mức độ thích ứng với bão lũ bất thường
Điểm số thu được trên khách thể nghiên cứu sẽ được quy đổi, tính ra điểm
trung bình cho từng item, từng tiểu thang đo, từng mặt biểu hiện và toàn thang đo.
Điểm trung bình thu được, chia thành 5 mức sau:
Mức 1: 4,2  X < 5: Cao
Mức 2: 3,4  X < 4,2: Khá
Mức 3: 2,6  X < 3,4: Trung bình
Mức 4: 1,8  X < 2.6: Thấp
Mức 5: 1  X < 1,8: Kém
3.2.3. Phương pháp phỏng vấn sâu
a) Mục đích của phương pháp phỏng vấn sâu
Thu thập thêm các ý kiến bổ sung của người nông dân sau khi trưng cầu ý
kiến bằng bảng hỏi để làm sáng tỏ thêm các thông tin về tính quá trình trong thích
ứng với bão lũ bất thường của nông dân ven biển khu vực miền Trung.

71
b) Nội dung phỏng vấn
* Tìm hiểu về một số suy nghĩ, quan điểm, nhận định của người nông dân về
xu hướng diễn biến của bão lũ bất thường và các cách thức thường sử dụng để thích
ứng với bão lũ bất thường của nông dân ven biển khu vực miền Trung. Cụ thể:
+ Quá trình thay đổi trong nhận thức của người nông dân về những vấn đề có
liên quan đến bão, lũ bất thường như: đặc điểm, xu hướng, diễn biến của những trận
bão lũ bất thường (những trận bão lũ lịch sử - nếu có) đã diễn ra trong những năm
gần đây; Những thiệt hại cụ thể mà bão lũ bất thường gây ra cho gia đình; các cách
thức mà người nông dân hiểu biết để thích ứng với bão lũ bất thường…
+ Quá trình chuẩn bị hành động và thay đổi hành động như thế nào để thích
ứng với diễn biến của bão lũ bất thường (trồng trọt, chăn nuôi, an toàn tính mạng,
sức khỏe, phối hợp với mọi người xung quanh và chính quyền địa phương...
+ Mức độ hiệu quả của sự chuẩn bị thích ứng đó.
+ Những đề xuất của người nông dân để nâng cao khả năng thích ứng với
bão lũ bất thường
c) Cách thức thực hiện
Thực hiện hình thức phỏng vấn bán cấu trúc theo các khâu sau:
- Thứ nhất, chuẩn bị trước phỏng vấn: đây là yêu cầu bắt buộc. Cần phải
quan tâm đến một số công việc sau:
+ Chuẩn bị trang thiết bị hỗ trợ: máy ghi âm, dụng cụ ghi chép...;
+ Chọn mẫu phỏng vấn: 25 nông dân và 12 cán bộ quản lý về phòng ngừa và
giảm nhẹ rủi ro của thiên tai thuộc các Sở, ban ngành, huyện, xã, thôn. Mẫu phỏng
vấn phải là những đối tượng đặc biệt, có khả năng cung cấp thông tin sâu và thú vị.
+ Chuẩn bị đề cương phỏng vấn (bản các câu hỏi sơ bộ, các vấn đề cần hỏi),
địa điểm phỏng vấn...
- Thứ hai, Tiến hành phỏng vấn: xây dựng một bộ câu hỏi sẵn được sắp xếp
theo trình tự. Trong quá trình hỏi, người phỏng vấn đảm bảo nội dung hỏi nhưng có
thể thay đổi trình tự hỏi các câu hỏi và cách diễn đạt các câu hỏi. Trong đó, có một
số câu hỏi mang tính triển khai, mở rộng, hoặc đào sâu dành cho mỗi khách thể cụ
thể. Phỏng vấn có thể được linh động, mềm dẻo tuỳ theo mạch của câu chuyện của
từng khách thể được phỏng vấn. Nội dung chi tiết của mỗi cuộc phỏng vấn sâu có

72
thể thay đổi tuỳ thuộc vào đối tượng và hoàn cảnh của cuộc phỏng vấn. Khi tiến
hành cuộc phỏng vấn phải tuân theo trình tự nhất định: giới thiệu mở đầu; tiến hành
phỏng vấn (như một tiến trình giao tiếp tích cực giữa người phỏng vấn và người
được phỏng vấn) và kết thúc (để lại ấn tượng tốt đẹp trong người trả lời). Nếu bỏ
bất kỳ khâu nào cũng đều ảnh hưởng đến chất lượng thông tin thu thập được.
- Thứ ba, Sau cuộc phỏng vấn, dù đã ghi âm phỏng vấn việc phải ngay lập
tức dành thời gian để ghi chép lại các nội dung: Cuộc phỏng vấn diễn ra thế nào
(nói nhiều hay ít, hợp tác ra sao?); cảm tưởng về cuộc phỏng vấn; cảm tưởng về
người được phỏng vấn (cách trả lời, cách thể hiện, dáng vẻ về ngoài, cảm xúc...).
3.2.4. Phương pháp quan sát
a) Mục đích: Thu thập thêm một số thông tin về các biểu hiện thực tế trong
sự thay đổi phương thức hành động để thích ứng với bão lũ bất thường nhằm bổ
sung, khẳng định lại cho những nhận định từ các phương pháp khác.
b) Nội dung: Quan sát mức độ thực hiện các hành động thực tế mà 93 hộ
nông dân đã thực hiện nhằm thích ứng với bão lũ bất thường trên các tiêu chí: Tu
sửa chuồng trại, nâng cấp bờ ao, đầm nuôi cá, vịt…; thay đổi cơ cấu vật nuôi đa
dạng phù hợp; chế biến, dự trữ thức ăn cho gia súc, gia cầm; chuẩn bị áo phao; có tủ
thuốc, sơ cứu…; chuẩn bị phương tiện để đi sơ tán khi lũ quá lớn; làm gác lỡ hay
gác ván…để cất đồ đạc lên cao; dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống đèn pin;
gia cố, chằng chống giúp nhà cửa kiên cố hơn;
3.2.5. Phương pháp phân tích chân dung tâm lý điển hình
a) Mục đích: Phương pháp này sử dụng nhằm tìm hiểu và phân tích chuyên sâu
chân dung tâm lý điển hình nông dân thích ứng với bão lũ bất thường ở mức Cao và
mức Thấp.
b) Hình thức nghiên cứu: nghiên cứu giải thích để tìm ra khuôn mẫu cơ bản
của các mức độ thích ứng Cao hay thấp với bão lũ bất thường của người nông dân,
đồng thời làm sáng tỏ các yếu tố có liên quan đến khả năng thích ứng cũng như cách
suy nghĩ... ở cá nhân.
c) Quy trình nghiên cứu: gồm những bước cơ bản sau
+ Xác định mục đích nghiên cứu: Nghiên cứu giải thích
+ Xác định cách tiếp cận: nghiên cứu để minh họa cho lý thuyết

73
+ Chọn mẫu: 2 trường hợp điển hình (có mức độ thích ứng với bão lũ bất
thường ở mức Cao và Thấp)
+ Nội dung thông tin: lịch sử vấn đề, hoàn cảnh môi trường và đặc điểm cá nhân
với các biểu hiện của thích ứng với bão lũ bất thường, các can thiệp tác động và kết quả
(nếu có).
+ Phân tích, tổng hợp dữ liệu về quan hệ giữa các yếu tố đã ghi nhận.
+ Bàn luận và báo cáo về trường hợp.
d) Nội dung của mô tả chân dung tâm lý điển hình
- Các thông tin nhân khẩu xã hội quan trọng của người được đánh giá như:
họ tên, giới tính, năm sinh, trình độ học vấn, nghề nghiệp, dân tộc, tôn giáo...
- Các thông tin về hoàn cảnh gia đình: cấu trúc gia đình, nghề nghiệp của các
thành viên, quan hệ liên nhân cách trong gia đình, cách tổ chức sinh hoạt gia đình,
văn hóa gia đình, cuộc sống cá nhân ở nhà, địa vị kinh tế xã hội...
- Các thông tin liên quan đến công việc hàng ngày của người nông dân.
- Các thông tin về sức khỏe, lịch sử bệnh tật và quá trình phát triển (nếu có)
- Các thông tin về cá nhân: bao gồm các thông tin về khả năng, các kỹ năng
xã hội, các thành tích, một số đặc điểm cá tính, các đánh giá, quan điểm cá nhân,
các trải nghiệm riêng... trong việc thích ứng với bão lũ bất thường
Quá trình nghiên cứu sẽ được ghi chép lại chính xác theo sự đồng ý của
khách thể được nghiên cứu.
Tổng hợp, khái quát nội dung đã thu được. Kết hợp với số liệu định lượng thu
được từ bảng hỏi. Từ đó, tập trung vào việc khắc họa chân dung tâm lí đại diện, độc đáo
về tính chủ thể trong thích ứng và mức độ thích ứng với bão lũ bất thường của nông dân.
3.2.6. Phương pháp xử lí số liệu bằng thống kê toán học
Kết quả thu được xử lý bằng chương trình SPSS phiên bản 20.0 trong môi
trường Windows. Các thông số và phép toán thống kê được sử dụng trong nghiên cứu
này là phân tích thống kê mô tả và phân tích thống kê suy luận.
Các chỉ số sau được sử dụng trong phân tích thống kê mô tả:
(1) ĐTB cộng (mean được dùng để tính điểm đạt được của từng ý kiến và
của từng yếu tố cũng như từng nội dung đo và toàn thang đo.
(2) Độ lệch chuẩn (Standardizied Deviation được dùng để mô tả mức độ

74
phân tán hay mức độ tập trung của các câu trả lời được lựa chọn.
(3) Tần suất và chỉ số phần trăm các phương án lựa chọn cho từng ý kiến.
Phần thống kê suy luận sử dụng các phép thống kê sau:
- Phân tích so sánh: Trong nghiên cứu này, chúng tôi chủ yếu sử dụng phép
so sánh giá trị trung bình (compare means . Các giá trị trung bình được coi là khác
nhau có ý nghĩa về mặt thống kê với xác suất p< 0.05. Đối với các phép so sánh của
2 nhóm, chúng tôi sử dụng phép kiểm định T về độc lập giữa hai mẫu T - Test. Đối
với so sánh giá trị trung bình của 3 nhóm trở lên chúng tôi sử dụng phân tích
phương sai một yếu tố (Anova .
- Phân tích tương quan nhị biến dùng để tìm hiểu sự liên hệ bậc nhất giữa 2
biến số, nghĩa là sự biến thiên ở một biến số xảy ra đồng thời với sự biến thiên ở biến
số kia như thế nào. Mức độ liên kết hay độ mạnh của mối liên hệ giữa 2 biến số được
đo bởi hệ số tương quan (r . Ở đây chúng tôi sử dụng hệ số tương quan pearson -
product moment. Hệ số này có giá trị từ -1 đến +1 cho biết độ mạnh và hướng của mối
liên hệ đó. Giá trị + (r > 0) cho biết mối liên hệ thuận giữa 2 biến số. Giá trị - (r < 0)
cho biết mối liên hệ nghịch giữa 2 biến số. Khi r = 0 thì 2 biến số đó không có mối liên
hệ. Dựa vào hệ số xác suất (p) ta có thể biết mức độ có nghĩa của mối quan hệ. Ở đây,
chúng tôi chọn alpha (α = 0.05 là cấp độ có nghĩa. Khi p<0.05 thì giá trị r được chấp
nhận là có ý nghĩa cho phân tích về mối quan hệ giữa 2 biến số đó.
- Phân tích hồi quy tuyến tính để xem xét mối quan hệ giữa một biến phụ thuộc
và một hay nhiều biến độc lập nhằm xác định sự thay đổi của biến phụ thuộc khi có sự
thay đổi của các biến độc lập trên cơ sở nghiên cứu các thông số R2, F-test cùng với giá
trị p (được xem là có ý nghĩa thống kê khi < 0.05 . Trong nghiên cứu này, chúng tôi sử
dụng phép hồi qui để dự đoán sự thay đổi mức độ thích ứng với bão lũ bất thường (là
biến số phụ thuộc như thế nào nếu có sự tác động của các yếu tố như kiến thức về quy
luật tất yếu của bão lũ bất thường, tự nhận thức về khả năng của bản thân trong việc
chống đỡ với bão lũ bất thường, việc đưa ra được các cách thức chống đỡ với bão lũ
bất thường, việc phối hợp với mọi người xung quanh và tận dụng các nguồn lực để
chống đỡ với bão lũ bất thường, trình độ (là những biến số độc lập .

75
Tiểu kết chương 3
Luận án này đã được thực hiện theo một quy trình có tổ chức với 2 giai đoạn.
Mỗi giai đoạn đều có mục đích, nội dung và quy trình rõ ràng. Nghiên cứu đã kết
hợp nhiều phương pháp khác nhau như phương pháp phân tích văn bản, tài liệu;
phương pháp khảo sát bằng bảng hỏi; phương pháp phân tích chân dung tâm lý điển
hình; phương pháp phỏng vấn sâu; phương pháp quan sát để thu thập thông tin bổ
sung; phương pháp xử lý phân tích thống kê. Việc phối hợp nhiều phương pháp
nghiên cứu khác nhau cho phép chúng bổ trợ cho nhau để thông tin thu được mang
tính chính xác, tin cậy và đa chiều. Số liệu thu được cũng được xử lý và phân tích
theo các phương pháp khác nhau như phân tích mô tả đơn biến, đa biến, tương quan
Pearson, hồi quy và phân tích nội dung... để phân tích dữ liệu thu thập được. Việc
kết hợp thiết kế nghiên cứu định lượng và định tính là cơ sở để có thể nhận được
những kết quả nghiên cứu đủ độ tin cậy, khách quan và mang tính khoa học cao.

76
CHƯƠNG 4
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU THỰC TIỄN VỀ THÍCH ỨNG VỚI
BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CỦA NÔNG DÂN

4.1. Thực trạng thích ứng với biến đổi khí hậu của nông dân
Với phạm vi nghiên cứu đã được giới hạn, trong phần này, luận án chỉ đi sâu
phân tích thực trạng thích ứng với bão lũ bất thường của nông dân được biểu hiện
qua sự thay đổi hoạt động sống - thay đổi các mặt của đời sống tâm lý trên cơ sở
nhận thức được vấn đề có liên quan đến bão lũ bất thường, có hệ thống động cơ
thúc đẩy sự thay đổi phương thức hành động và sự thay đổi phương thức hành động
cũng như hiệu quả của sự thay đổi này nhằm đáp ứng yêu cầu của những điều kiện
sống mới do bão lũ bất thường gây ra.
4.1.1. Thích ứng chung với bão lũ bất thường của nông dân
Kết quả khảo sát trên 381 khách thể là nông dân ven biển tại Bình Định và
Quảng Ngãi được thể hiện ở bảng số liệu 4.1.
Bảng 4 1 Đánh giá chung mức độ thích ứng với bão lũ bất thường của nông dân
So sánh theo So sánh theo
Thích ứng chung
giới tính địa bàn sinh sống
Nội dung
Mức Mức độ Bình Quảng Mức độ
ĐTB ĐLC Nam Nữ
độ ý nghĩa Định Ngãi ý nghĩa
Nhận thức những
vấn đề có liên quan
3.44 0.611 Khá 3.54 3.33 0.001 3.42 3.45 0.715
đến bão lũ bất
thường
Động cơ thúc đẩy
sự thay đổiphương 3.56 0.785 Khá 3.59 3.53 0.524 3.53 3.59 0.493
thức hành động
Thay đổi phương
thức hoạt động và
hiệu quả của sự 3.34 0.442 TB 3.33 3.35 0.867 3.32 3.37 0.534
thay đổi phương
thức hoạt động
ĐTB chung 3.45 0.429 Khá 3.49 3.40 0.081 3.42 3.47 0.117
Xét trên phương diện ĐTB chung cho thấy, mức độ thích ứng với bão lũ bất
thường của nông dân ven biển khu vực miền Trung được xếp ở mức Khá, tiệm cận
rất gần với mức Trung bình với ĐTB=3.45 theo thang đo 5 mức đã được xác lập.
Dẫu biết rằng, khả năng thích ứng với bão lũ bất thường của người nông dân sẽ có

77
sự cải thiện theo thời gian trải nghiệm, học hỏi, rút kinh nghiệm của chính bản thân
họ và những tác động hỗ trợ, hướng dẫn từ phía các cơ quan, ban ngành chức năng.
Nhưng kết quả thu được về mức độ thích ứng với bão lũ bất thường của nông dân
ven biển khu vực miền Trung vẫn còn nhiều điều đáng quan tâm. Đây là con số
đáng để ta suy ngẫm, nghiên cứu nhằm đưa ra những biện pháp phù hợp nhằm nâng
cao khả năng thích ứng với bão lũ bất thường cho nông dân ở khu vực này. Kết quả
này có thể được lý giải như sau: Trước hết về mặt khách quan, bão, lũ bất thường có
biểu hiện rất phức tạp, diễn ra đột ngột, trái với các quy luật thông thường cường
độ lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, gây nên những thiệt hại vô cùng nặng nề thậm chí
là những thảm họa cho người nông dân do khó dự đoán trước, khó phòng tránh và
không lường trước được hết các hậu quả do chúng mang lại. Trong khi đó, về phía
người nông dân trong đặc điểm của hoạt động nhận thức thường là những người có
trình độ thấp, có sự thay đổi chậm chạp, còn khá bảo thủ, thiên về tư duy kinh
nghiệm, trực giác, hạn chế trong phát triển tư duy lô gíc, khoa học. Bên cạnh đó,
cùng với cách sản xuất riêng rẽ, manh mún đã dẫn đến phong cách tư duy còn bảo
thủ, kinh nghiệm, kém tổ chức kỷ luật, nên nhận thức thường thiên về cảm tính tư
duy kinh nghiệm đã trở thành thói quen trong đời sống và sinh hoạt của người nông
dân nơi đây. Nhờ vậy, họ tích lũy được những kinh nghiệm hết sức phong phú trong
sản xuất và đời sống để chống đỡ với bão lũ bất thường. Đó là hệ thống tri thức thu
được bằng con đường kinh nghiệm chủ quan, cảm tính. Tuy nhiên, những kinh
nghiệm, thói quen hành vi này dần trở nên lạc hậu và kém hiệu quả trong việc thích
ứng với những diễn biến phức tạp của bão lũ bất thường ngày nay. Do vậy, họ gặp
không ít khó khăn trong vấn đề cập nhật tri thức, rèn luyện kỹ năng cần thiết để thích
ứng với bão lũ bất thường - một vấn đề phức tạp và thường xuyên biến đổi trong bối
cảnh hiện nay. Xuất phát từ những lý do cơ bản trong nhận thức và thói quen hành
động như trên nên mức độ thích ứng chung với bão lũ bất thường của nông dân ven
biển khu vực miền Trung chỉ dừng lại ở mức Khá, tiệm cận rất gần với mức Trung
bình là điều dễ hiểu. Cũng về vấn đề này, khi đánh giá chung về khả năng thích ứng
với bão lũ bất thường của người dân trên địa bàn mà mình quản lý, ông Đ.V.L, Chủ
tịch xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi cho biết: “Sự thích ứng nói chung
với bão lũ bất thường của bà con ở đây chưa được cao lắm nhưng cũng có chiều

78
hướng ngày càng cải thiện, tiến bộ hơn. Phần là do gần biển, nên bão là nổi sợ của
bà con. Mấy năm nay bão toàn siêu cấp mười mấy Mà bão thường đi đôi với lụt.
Hồi trước đâu có mạnh như vậy. Còn ứng phó với bão lụt bất thường thì chủ yếu là
theo kinh nghiệm, trước giờ ông bà mình sao, giờ mình vậy Người này chỉ người
kia. Rút kinh nghiệm từ từ, thay đổi từ từ. Bây giờ, phương tiện thông tin đại chúng
phổ biến rồi, xã cũng có thực hiện tuyên truyền thêm, tổ chức các lớp diễn tập, tập
huấn... nên cũng hỗ trợ bà con ít nhiều trong việc dự báo, hướng dẫn phòng chống
bão lũ bất thường”
Xét trên phương diện các thành tố cấu thành khả năng thích ứng với bão lũ
bất thường của nông dân ven biển khu vực miền Trung, ta thấy nổi rõ lên nhất là
“Động cơ thúc đẩy sự thay đổi phương thức hành động” của người nông dân tại 2
tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi xếp ở mức Khá trong thang đo 5 mức đã được xác
lập với ĐTB = 3.56. Bão lũ bất thương luôn mang lại nhiều đe dọa khó lường về
tính mạng, sức khỏe thể chất, tinh thần, đến nhà cửa, tài sản, nuôi, trồng… của
người dân nên việc mong muốn - hình thành động cơ tìm cách thức để chống đỡ với
bão, lũ bất thường để chế ngự và làm giảm sức ảnh hưởng của nó đến hoạt động
sống của người nông dân nơi là điều thường trực, tất yếu. Do đó, động cơ thúc đẩy
sự thay đổi phương thức hành động của người nông dân có trị số Trung bình cao
nhất trong 3 thành tố cấu thành mức độ thích ứng là điều dễ hiểu.
Kế đến, là kết quả thu được trong mức độ “Nhận thức chung về những vấn
đề có liên quan đến bão lũ bất thường” được xếp ở mức Khá nhưng tiệm cận rất sát
với mức Trung bình với ĐTB = 3.42. Khu vực miền Trung có thể được coi là một
trong những khu vực có nguy cơ chịu tác động lớn của bão lũ bất thường tại Việt
Nam. Nơi đây, hàng năm người dân phải hứng chịu rất nhiều cơn bão lớn và các
trận lũ lụt thường xuyên. Nên nhận thức của người dân về bão lũ bất thường ở mức
Khá là điều không gây ngạc nhiên. Trong bối cảnh BĐKH hiện nay, nhận thức của
người nông dân ở những vùng có nguy cơ bị bão lũ bất thường tàn phá là vấn đề
đầu tiên cần được quan tâm.
Có kết quả thấp nhất trong 3 thành tố cấu thành nên mức độ thích ứng với
bão lũ bất thường của nông dân là “sự thay đổi phương thức hành động và hiệu quả
của sự thay đổi phương thức hành động của nông dân” ven biển khu vực miền

79
Trung chỉ được xếp ở mức Trung bình, ứng với ĐTB = 3.34. Lý giải điều này . Bà
C.T.Q. ở xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định cho biết: “nói thì dễ nhưng
làm thì không dễ chút nào hết. Cực lắm chú ơi Lo chằng chống nhà cửa, đưa bò,
gà, heo lên cao, dự trữ thức ăn cho cả nhà rồi cho cả heo gà… dọn dẹp này kia.
Mỗi đợt bão lũ vậy là phát bịnh luôn vì lo, vì dọn. Nhiều khi lũ lớn nhanh quá
không kịp trở tay phải ưu tiên cái gì quan trọng có giá trị thì lo trước Cách đây 4,5
năm lũ lớn nhanh quá không kịp gì hết Nhà tui đông người nên mỗi người còn một
tay chứ có nhà toàn người già hay sống một mình nói thiệt có muốn chống chọi với
bão lũ cũng không làm nổi Nhưng cái gì cũng quen dần, giờ thì kinh nghiệm hơn
Cái gì lo được thì lo từ sớm, không để nước đến chân mới chạy. Phần mình cố gắng
lắm rồi. Còn lại là do trời có thương không thôi. Nhiều khi mình lo chuẩn bị tốt
nhưng ổng làm bão lũ lớn quá thì mình cũng chịu”. Bên cạnh đó, khi chống đỡ với
bão lũ bất thường người nông dân thường gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại mang
tính khách quan như cường độ mạnh, sự bất thường, diễn biến nhanh… của bão lũ
và cả những yếu tố chủ quan như ý chí vượt khó hay sự tích cực, năng động của
người nông dân trong quá trình thực hiện chống đỡ với bão lũ bất thường trên cả
bình diện cá nhân lẫn cộng đồng… nên kết quả thu được như trên là điều không gây
ngạc nhiên.
Xét trên phương diện giới tính, ĐTB chung về mức độ thích ứng với bão lũ
bất thường của nam cao hơn nữ (3.49 - 3.40 = 0.9 . Trong đó, nam thích ứng với
bão lũ bất thường ở mức Khá, nữ thích ứng với mức Trung bình. Bên cạnh đó, khi
thực hiện kiểm nghiệm T-Test để xem sự khác biệt theo giới tính thì mức độ ý nghĩa
(p = 0.081 > 0.05 . Như vậy, sự khác biệt về mức độ thích ứng với bão lũ bất
thường giữa nam và nữ là không có ý nghĩa về mặt thống kê. Tuy nhiên khi xem xét
so sánh các mặt biểu hiện của mức độ thích ứng theo giới tính, kết quả thu được cho
thấy ĐTB nhận thức về những vấn đề có liên quan đến bão lũ bất thường của nam
cao hơn nữ (3.54-3.33=0.21) và sự khác biệt này là có ý nghĩa về mặt thống kê với
mức ý nghĩa p=0.001. Bên cạnh đó, ĐTB lần lượt về sự thay đổi phương thức hoạt
động, hiệu quả của sự thay đổi phương thức hoạt động và động cơ thúc đẩy thay đổi
phương thức hành động để thích ứng với bão lũ bất thường của nam có cao hơn nữ

80
một chút (3.35-3.32=0.02; p=0.867) và (3.59-3.53=0.06; p=0.524). Tuy nhiên, sự
chênh lệch này đều không có ý nghĩa về mặt thống kê vì mức độ ý nghĩa p>0.05.
Xét trên bình diện địa bàn nghiên cứu, ĐTB chung về mức độ thích ứng với
bão lũ bất thường của nông dân ven biển 2 tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi và cả 3 biểu
hiện của thích ứng với bão lũ bất thường là: nhận thức về những vấn đề có liên quan
đến bão lũ bất thường, động cơ thúc đẩy thay đổi phương thức hành động và sự thay
đổi phương thức hoạt động và hiệu quả của sự thay đổi phương thức hoạt động ấy
đều cho thấy người nông dân Quảng Ngãi có ĐTB cao hơn một chút so với người
dân Bình Định. Tuy nhiên, sự khác biệt này đều không có ý nghĩa về mặt thống kê
vì mức ý nghĩa p đều lơn hơn 0.05.
Trong phần này, chúng tôi chỉ muốn khái quát bức tranh thực trạng chung
nhất về mức độ thích ứng với bão lũ bất thường của nông dân khu vực miền Trung.
Để có những lý giải thuyết phục hơn về kết quả này, chúng tôi sẽ phân tích, làm rõ
ở những phần sau.
4.1.2. Thích ứng với bão lũ bất thường của người nông dân thể hiện qua nhận thức
4.1.2.1. Thích ứng với bão lũ bất thường của người nông dân trên phương
diện nhận thức chung
Bảng 4 2 Kết quả thích ứng với bão lũ bất thường của người nông dân trên
phương diện nhận thức chung
Mức
Nội dung ĐTB ĐLC TB
độ
Nhận thức về biểu hiện của bão lũ bất thường 3.29 0.85 TB 4
Nhận thức về hậu quả của bão lũ bất thường 3.35 0.78 TB 3
Nhận thức về khả năng chống đỡ với bão lũ bất
3.50 0.69 Khá 2
thường của bản thân.
Đưa ra cách thức để chống đỡ với bão lũ bất thường. 3.63 0.74 Khá 1
ĐTB chung 3.44 0.61 Khá
Trong số bốn thành tố cấu thành nên nhận thức chung về bão lũ bất thường
theo hướng nghiên cứu của đề tài, có ĐTB = 3.63 - cao nhất, ứng với mức Khá là
việc người nông dân “đưa ra cách thức để chống đỡ với bão lũ bất thường”. Dựa
trên cơ sở của việc hiểu biết về đặc điểm, hiểu biết về những hậu quả, tác động của
bão lũ bất thường; cùng với tự nhận thức về khả năng chống đỡ với bão lũ bất
thường của bản thân. Người nông dân sẽ hình dung, phác họa được trong đầu mình

81
bằng cách thức nào, phải làm những gì để chống đỡ với bão lũ bất thường. Bên cạnh
đó, việc đối mặt thường xuyên với các trận bão lũ lớn nhỏ hàng năm cũng hình
thành những cách ứng phó nhất định trong kinh nghiệm của người nông dân nơi
đây. Chính vì lẽ đó ĐTB của việc đưa ra cách thức để chống đỡ với bão lũ bất
thường cao nhất trong 4 thành tố là điều dễ hiểu. Phỏng vấn sâu để tìm hiểu thêm về
vấn đề này, bà N.T.T.T ở Tuy Phước, Bình Định cho biết: “gia đình tôi thường tích
cực, chủ động nhất trong việc đưa ra các cách thức chống đỡ với bão lũ bất thường
cho gia đình mình và những công việc có liên quan đến gia đình mình; với mọi
người xung quanh cũng có nhưng ít tích cực hơn một chút. Vì mấy ngày bão lũ đến
lo cho xong nhà mình là đuối rồi, trước giờ tui đúc kết:mình phải lo xong cho nhà
mình mới ngh đến giúp ai khác được. Nhưng với những việc chung mà thôn, xã huy
động mọi người cùng làm thì ai nấy đều mỗi người một tay Như chỗ mấy cái đập
hồi xưa còn bằng đất nếu mọi người không chung tay thì chết”
Cùng xếp ở mức Khá với vị trí thứ 2 về trị số trung bình (3.50) là sự tự nhận
thức về khả năng chống đỡ với bão lũ bất thường của bản thân. Kết quả này không
gây ngạc nhiên bởi Ông bà ta có câu: “biết người, biết mình, trăm trận trăm thắng”.
Chính vì thế, bên cạnh việc nắm được xu hướng diễn biễn, những tác động của bão
lũ bất thường thì người nông dân còn phải đánh giá đúng được khả năng của bản
thân mình tới đâu trong việc chống đỡ với bão lũ bất thường. Có như vậy, mới tránh
được sự chủ quan, khinh suất, giảm thiểu những rủi ro không mong muốn. Ông
N.Q.K. ở Bình Sơn, Quảng Ngãi cho biết: “Gần 70 năm sinh sống ở đây, tôi thấy
mấy năm trở lại đây bão lũ đúng là thất thường quá, ngày xưa đâu có vậy Mưa bão
có mùa. Khi nào mạnh khi nào yếu thường đúng lắm. Tôi có kinh nghiệm mấy chục
năm đi biển cũng đúc kết nhiều cách để ứng phó với bão lũ bất thường mà tôi chỉ tự
tin vào hiểu biết và kinh nghiệm trong việc đương đầu giải quyết những tổn thất do
bão, lũ bất thường gây ra... trong mấy vụ bão lũ thông thường, không phức tạp thôi.
Còn nếu bất ngờ, đột ngột mà còn lớn siêu cấp nữa thì lo sợ lắm. Cách đây mấy
năm, thông tin dự báo đường đi của bão sai, xã này bao nhiêu ghe thuyền không kịp
neo đậu, trú ẩn hư hỏng hết, chết mấy người”
Khi được hỏi, đánh giá về sự tác động của bão lũ bất thường đến cuộc sống
của người nông dân và các thành viên trong gia đình, kết quả số liệu từ bảng 4.2 cho

82
thấy ĐTB chung của toàn thang đo là 3.35, ứng với mức Trung bình tiệm cận mức
Khá. Đây là kết quả khá đáng quan ngại vì trên cơ sở nhận thức được đầy đủ những
khó khăn, tác hại, những đe dọa mà bão lũ bất thường gây ra sẽ là động lực giúp
người dân tích cực tìm kiếm, thay đổi cách thức chống đỡ để thích ứng tốt hơn với
bão lũ bất thường và giảm thiểu rủi ro mà nó mang lại. Đề cập đến vấn đề này, Bà
C.T.Q. ở xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định cho biết: “bão lụt gây hậu
quả, thiệt hại nặng nề lắm chứ như hư nhà hư cửa, mất mùa này kia… có khi còn
chết người,đắm thuyền, mất sạch… nhưng lâu lâu ông Trời mới làm cho một trận
thiệt lớn trở tay không kịp chứ bình thường thì ở đây năm nào cũng bão cũng lụt
nên dần dần cũng quen rồi Hư hỏng mà nhẹ nhẹ thì cũng coi như may rồi vì năm
bào cũng bão với lụt cả chục trận mà”.
Một điều đáng lo ngại khác trong kết quả thu được về nhận thức của người
nông dân về các biểu hiện của bão lũ bất thường (ĐTB = 3.29 là chưa cao, chỉ xếp
ở mức Trung bình. Điều này có thể được lý giải bởi đặc điểm của biến đổi khí hậu
nói chung và bão lũ bất thường nói riêng là diễn ra chậm, từ từ, khó phát hiện được
sự thay đổi bằng quan sát cảm tính, thông thường hằng ngày mà đòi hỏi con người
cần phải có mạng lưới quan trắc rộng khắp; có nhận xét, phát hiện tinh tế; có sự hỗ
trợ của các phương tiện kỹ thuật hiện đại để theo dõi trong hàng chục năm mới có
khả năng phát hiện được sự biến động này.
Nhìn chung, nhận thức chung của người người nông dân ven biển khu vực
miền Trung về bão lũ bất thường là tương đối - ở mức Khá tiện cận mức Trung
bình. Trong đó, nhận thức về biểu hiện của bão lũ bất thường và hậu quả do bão lũ
bất thường mang lại còn chưa cao. Tuy nhiên, một điểm khá thú vị khi xem xét mối
tương quan giữa 04 thành tố cấu thành mức độ nhận thức chung về bão lũ bất
thường của người nông dân ven biển khu vực miền Trung, ghi nhận được sự tương
thuận chặt chẽ giao động từ mức Trung bình đến mức Khá, có ý nghĩa về mặt thống
kê (r từ 0.411 đến 0.746 p=0.000 . Trong đó, đáng lưu tâm là giữa việc tự nhận
thức về khả năng của bản thân trong việc chống đỡ với bão lũ bất thường và việc
đưa ra được các cách thức để chống đỡ với bão lũ bất thường có sự tương quan
thuận chặt chẽ ở mức Khá Cao, có ý nghĩa về mặt thống kê (r=0.746, p=0.000).
Những kết quả này là cơ sở quan trọng, là vấn đề đặt ra cho người làm nghiên cứu,

83
để có những đề xuất, kiến nghị và tác động kịp thời nhằm nâng cao nhận thức của
người nông dân, góp phần cải thiện khả năng thích ứng với bão lũ bất thường cho
nông dân ven biển khu vực miền Trung.
4.1.2.2. Nhận thức của người nông dân về biểu hiện của bão lũ bất thường
Bảng 4 3 Kết quả nhận thức của người nông dân về biểu hiện
của bão lũ bất thường
ĐTB Phân theo giới tính Phân theo địa bàn
Nội dung chun Mức độ Bình Quảng Mức độ
Nam Nữ
g ý nghĩa Định Ngãi ý nghĩa
Các cơn bão ngày càng nhiều hơn 2.61 2.51 2.72 0.101 2.72 2.50 0.094
Các cơn bão ngày càng mạnh hơn 3.21 3.34 3.06 0.035 3.29 3.13 0.102
Các cơn bão ngày càng đột ngột, trái
3.07 3.00 3.14 0.367 2.95 3.18 0.135
với quy luật thông thường
Các cơn bão ngày càng khó phòng
3.39 3.47 3.30 0.181 3.36 3.43 0.147
tránh hơn
Các cơn bão ngày càng ảnh hưởng
3.71 3.79 3.62 0.188 3.67 3.76 0.402
rộng cùng lúc trên nhiều tỉnh hơn
Các cơn bão ngày càng khó lường
3.77 3.82 3.71 0.282 3.73 3.81 0.107
được hậu quả hơn
Các cơn bão ngày càng gây thiệt hại
3.69 3.73 3.64 0.469 3.64 3.73 0.423
nặng nề hơn
Nhận thức chung về các con bão 3.35 3.38 3.31 0.196 3.34 3.36 0.311
Các trận lũ ngày càng nhiều hơn 2.62 2.54 2.72 0.124 2.65 2.59 0.067
Các trận lũ ngày càng mạnh hơn 3.13 3.23 3.01 0.402 3.32 2.92 0.000
Các trận lũ ngày càng đột ngột, trái
3.06 3.09 3.03 0.697 3.15 2.97 0.207
với quy luật thông thường
Các trận lũ ngày càng khó phòng
3.15 3.21 3.09 0.045 3.30 3.00 0.021
tránh hơn
Các trận lũ ngày càng ảnh hưởng
3.56 3.68 3.43 0.152 3.55 3.57 0.830
rộng cùng lúc trên nhiều tỉnh hơn
Các trận lũ ngày càng khó lường
3.57 3.66 3.47 0.451 3.63 3.51 0.339
được hậu quả hơn
Các trận lũ ngày càng gây thiệt hại
3.56 3.61 3.51 0.505 3.58 3.54 0.766
nặng nề hơn
Nhận thức chung về các trận lũ 3.23 3.29 3.18 0.307 3.31 3.15 0.105
ĐTB nhận thức chung về bão lũ 3.29 3.33 3.24 0.347 3.32 3.26 0.896
Việc nhận diện được các biểu của bão lũ bất thường được thể hiện qua kết
quả khảo sát từ bảng số liệu 4.3 cho thấy nhận định của người nông dân về biểu
hiện của bão và lũ bất thưởng khá thống nhất với nhau. Cụ thể: trong số 7 nội dung
được đưa ra để khảo sát về biểu hiện của bão lũ bất thường, người nông dân ven
biển khu vực miền Trung nhận định về 4/7 biểu hiện của bão lũ bất thường như: các
trận bão, lũ ngày càng nhiều hơn; các trận bão, lũ ngày càng mạnh hơn; các trận

84
bão, lũ ngày càng đột ngột, trái với quy luật thông thường và các trận lũ ngày càng
khó phòng tránh hơn đều ở mức Trung bình. Tuy nhiên, ở 3 biểu hiện còn lại: Các
trận bão, lũ ngày càng ảnh hưởng rộng cùng lúc trên nhiều tỉnh hơn; các trận bão lũ
ngày càng khó lường được hậu quả hơn và các trận bão lũ ngày càng gây thiệt hại
nặng nề hơn được người dân nhận thức ở mức Khá. Chia sẻ về vấn đề này, bà
N.T.T.H ở xã Mỹ Thằng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định cho biết: mấy năm nay bão
lũ có năm nhiều năm ít, thất thường lắm. Bão nhiều hơn lũ. Từ ngày làm mấy cái
đập với đê điều kiên cố thì đỡ lũ hơn Nhưng hễ không có thì thôi chứ lâu lâu lại có
1 đợt lũ hay bão rất lớn Cách đây 4,5 năm, lũ lớn nhanh quá, không kịp trở tay Đồ
đạc, heo gà chết nổi lềnh bềnh khắp nơi. Nhìn buồn tủi, tiếc công tiếc sức, đau lòng,
lo sợ lắm chú ơi Mới năm nay (2016), Bình Định chắc là ngập lụt lớn nhất cả
nước, thiệt hại còn hơn cách đây 4,5 nữa” Ông Đ.V.L huyện Bình Sơn, Quảng
Ngãi cho biết: “tình hình bão lũ hiện nay diễn ra thất thường lắm, ít theo quy luật
như hồi xưa Ngày trước tầm tháng 7 đến tháng 9 là mùa bão lũ nhưng bây giờ kéo
dài ra thậm chí gần Tết còn có Đến mùa mưa bão mà lúa ngoài đồng chưa cắt là
nơm nớp lo sợ”
Về diễn biến của bão lũ theo báo cáo về Phương án ứng phó thiên tai và tìm
kiếm cứu nạn năm 2016 trên địa bàn xã Bình Thạnh, Ông Đ.V.L cán bộ xã cho biết:
“Năm 2015, bão lũ xảy ra ít hơn cả về cường độ và tần số so với trung bình nhiều
năm: Có 05 cơn bão, 03 cơn áp thấp nhiệt đới tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không
lớn, chủ yếu ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và ngư dân trên biển. Lũ chỉ
ở mức báo động 2-3, ảnh hưởng không lớn. Năm 2016, bão lũ có diễn biến phức tạp
hơn với khoảng 9-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, lũ lụt cũng diễn biến phức tạp.
Nhất là trận lũ đợt cuối năm vừa rồi, cùng với Bình Định, Quảng Ngãi là 1 trong
những vùng thiệt hại nhất của miền Trung”
So sánh kết quả ĐTB chung theo tiêu chí giới tính và địa bàn nghiên cứu cho
thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê trong nhận thức của người nông dân
về xu hướng diễn biến của bão lũ bất thường. Nói cách khác, nam hay nữ trên địa
bàn Bình Định hay Quảng Ngãi nhưng nếu sống trong vùng có nguy cơ xảy ra bão
lũ bất thường đều có nhận thức khá tương đồng nhau về biểu hiện của bão lũ bất
thường trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, khi phân tích các items cấu thành nên
thang đo, nhận thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê trong nhận thức giữa nam

85
và nữ ở 2 tiêu chí: “Các cơn bão ngày càng mạnh hơn” (ĐTB Nam=3.34, ĐTB
Nữ=3.06, p=0.035) và “Các trận lũ ngày càng khó phòng tránh hơn” (ĐTB
Nam=3.21, ĐTB Nữ=3.09, p=0.045). Trên phương diện địa bàn nghiên cứu cũng
nhận thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê trong nhận thức giữa người dân tại
Bình Định và Quảng Ngãi ở 2 tiêu chí: “Các trận lũ ngày càng mạnh hơn” (ĐTB
BĐ=3.32, ĐTB QN=2.92, p=0.000 và “Các trận lũ ngày càng khó phòng tránh
hơn” (ĐTB BĐ=3.30, ĐTB QN=3.00, p=0.021 . Kết quả này khá tương đồng với
diễn biến phức tạp và những hậu quả mà Bình Định gánh chịu có phần nặng nề hơn
so với Quảng Ngãi trong những năm vừa qua.
4.1.2.3. Nhận thức của người nông dân về hậu quả của bão lũ bất thường
Bảng 4 4 Kết quả nhận thức của người nông dân về hậu quả
của bão lũ bất thường
Phân theo giới tính Phân theo địa bàn
ĐTB
Nội dung Mức độ Bình Quảng Mức độ
chung Nam Nữ
ý nghĩa Định Ngãi ý nghĩa
Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường
khiến gia súc, gia cầm, tôm, cá… bị 3.56 3.73 3.37 0.005 3.76 3.35 0.003
chết/ mất.
Tôi nhận thấy bão lũ, bất thường làm
giảm sản lượng gia súc, gia cầm, tôm, 3.52 3.69 3.33 0.003 3.57 3.47 0.084
cá...
Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường làm
giảm chất lượng gia súc, gia cầm, 3.44 3.56 3.31 0.033 3.5 3.37 0.105
tôm, cá...
Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường làm
bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, 3.51 3.56 3.45 0.422 3.57 3.44 0.076
gia cầm, tôm, cá…
Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường làm
giảm lượng thức ăn cho gia súc, gia 3.36 3.48 3.22 0.027 3.45 3.26 0.211
cầm, tôm, cá...
TB Hậu quả đối với việc chăn nuôi 3.48 3.60 3.34 0.008 3.57 3.38 0.109
Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường làm
3.71 3.77 3.64 0.293 3.64 3.78 0.531
mất mùa vụ, hoa màu của gia đình tôi
Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường làm
3.64 3.69 3.57 0.343 3.52 3.75 0.072
giảm sản lượng hoa màu, mùa vụ
Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường làm
3.59 3.62 3.55 0.551 3.50 3.68 0.064
giảm chất lượng mùa vụ, hoa màu
Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường làm
3.26 3.21 3.32 0.419 3.31 3.22 0.527
tăng dịch bệnh trên cây trồng
TB Hậu quả đối với việc trồng trọt 3.55 3.57 3.53 0.634 3.49 3.61 0.096
Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường làm
tăng thêm tiền để chi phí cho việc 3.78 3.99 3.55 0.000 3.88 3.69 0.068
nuôi, trồng
Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường làm 3.14 3.23 3.03 0.124 3.10 3.18 0.555

86
hư hỏng nhà cửa
Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường làm
2.73 2.67 2.80 0.322 2.80 2.65 0.217
hư hỏng đồ đạc, tài sản trong nhà
Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường làm
tốn kém tiền nong để khắc phục sau 3.35 3.34 3.37 0.793 3.36 3.35 0.918
bão lũ
TB Hậu quả đối với tài sản, tài chính 3.25 3.31 3.19 0.217 3.28 3.21 0.111
Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường gây
khó khăn trong sinh hoạt, cuộc sống 3.91 3.94 3.87 0.528 3.98 3.83 0.318
hằng ngày
Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường
khiến việc lao động sản xuất bị trì trệ 3.96 3.99 3.93 0.557 3.98 3.93 0.587
(chậm)
Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường gây
ảnh hưởng đến việc học hành của con 3.95 4.01 3.88 0.207 3.89 4.01 0.136
cái chúng tôi
ĐTB Hậu quả đối với việc sinh hoạt
3.94 3.98 3.89 0.290 3.95 3.92 0.668
và lao động/ học tập
Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường đe
3.32 3.29 3.36 0.585 3.43 3.21 0.070
dọa đến sức khỏe của con người
Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường đe
3.03 3.02 3.05 0.834 3.08 2.97 0.109
dọa tính mạng của con người
Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường làm
gia tăng dịch bệnh ở người (sốt xuất 3.32 3.22 3.44 0.111 3.37 3.27 0.243
huyết, cúm, tiêu chảy…
ĐTB Hậu quả đối với tính mạng và
3.22 3.17 3.28 0.368 3.29 3.15 0.137
sức khỏe con người
Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường gây
3.50 3.51 3.49 0.881 3.43 3.59 0.085
ô nhiễm nguồn nước uống
Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường gây
xói mòn, rửa trôi đất làm giảm độ màu 3.05 2.92 3.21 0.043 2.99 3.13 0.315
mỡ của đất
Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường làm
giảm diện tích đất sản xuất do ngập 3.01 2.85 3.20 0.009 2.95 3.08 0.237
úng kéo dài
ĐTB Hậu quả đối với việc sử dụng
3.19 3.09 3.30 0.073 3.12 3.27 0.206
tài nguyên đất và nước
Tôi nhận thấy lũ lớn bất thường đe
dọa sức chứa của các hồ, đập chứa 2.55 2.32 2.81 0.002 2.75 2.35 0.013
nước, có thể gây vỡ đập
Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường làm
2.46 2.33 2.61 0.068 2.53 2.37 0.244
hư hỏng đê điều
Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường làm
hư hỏng đường xá, giao thông khiến 3.37 3.42 3.32 0.472 3.46 3.28 0.169
việc đi lại bị trì trệ
ĐTB Hậu quả đối với các công trình
2.79 2.69 2.91 0.081 2.91 2.67 0.107
giao thông, thủy lợi
ĐTB chung nhận định về hậu quả
3.35 3.34 3.35 0.982 3.37 3.32 0.124
của bão lũ bất thường

87
Khi được hỏi đánh giá mức độ về việc bão lũ bất thường tác động đến đời
sống của người nông dân, kết quả thu được trên phương diện ĐTB chung cho thấy,
người dân nhận thức ở mức Trung bình về hậu quả của bão lũ bất thường tác động
đến gia đình của mình. Trong đó, người nông dân nhận định, bão lũ bất thường
mang lại hậu quả nặng nề nhất đối với việc sinh hoạt, lao động sản xuất và học tập
của con cái họ (ĐTB = 3.91 - mức Khá tiệm cận rất sát với mức Cao). Kế đó là ảnh
hưởng ở mức Khá đối với việc trồng trọt (ĐTB = 3.55 và chăn nuôi (ĐTB = 3.48 .
Với những nội dung khảo sát còn lại như: hậu quả với giao thông thủy lợi; hậu quả
đối với việc sử dụng tài nguyên đất và nước; hậu quả đối với tính mạng và sức khỏe
con người; hậu quả đối với tài chính do bão lũ bất thường gây ra đều được người
nông dân nhận thức ở mức Trung bình trong thang đo 5 mức đã được xác lập. Ý
thức được hậu quả do bão lũ bất thường tác động nhiều hơn đến lĩnh vực nào sẽ góp
phần thúc đẩy người nông dân thay đổi phương thức hoạt động để giảm thiểu thiệt
hại ở lĩnh vực ấy nhiều hơn. Kết quả này khá tương đồng với kết quả thu được trong
sự thay đổi phương thức hoạt động ở phần 4.3.1.3. Để giải thích về vấn đề này, ông
Đ.V.L huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi lý giải: “Bão lũ mà nhất là lũ tới thì mỗi
chuyện lo chuẩn bị chống lũ, rồi lũ ngập mấy ngày nước mới ròng là không có đi
đâu làm gì được, bức bối, khó chịu lắm. Chỉ ở nhà trông chờ cho hết bão lũ rồi sau
đó còn dọn dẹp nhà cửa, đường xá, ruộng vườn… Vậy nên ảnh hưởng đến sinh hoạt
hằng ngày, đến lao động sản xuất là thấy trước mắt cái đã Thứ hai, người nông
dân có làm gì ra tiền đâu ngoài nuôi trồng nếu có hậu quả đến kinh tế thì là do thiệt
hại trong chuyện nuôi trồng mà ra. Còn chuyện sức khỏe, tính mạng hay đường xá
này kia cũng có mà ít lắm. Ở cái thôn này bão lũ miết chứ cũng ít có người chết do
bão lũ lắm, chủ yếu mấy nhà đi biển. Tới mùa bão, nhà nào có tàu đang ra khơi mà
nghe tin có bão là đứng ngồi không yên”
Bàn về những thiệt hại và khả năng tổn thất do bão lũ bất thường gây ra, ông
Đ.V.L cán bộ xã Bình Thạnh cho biết: “Năm 2015, có 1 người bị thương, 1 tàu của
ông Lê My Kỳ ở V nh An, Bình Thạnh bị chìm thuyền và toàn bộ tài sản trên thuyền.
Khu dân cư phía Tây vùng Đồng Rộc, vùng Sủng Bầu, vùng trũng Bờ Đà, thôn V nh

88
Trà có 57 hộ, 209 khẩu bị ngập nặng Xóm Đông Thành I, Đông Thành II, Tân
Khương thôn Hải Ninh có 64 hộ dân, 228 nhân khẩu có khả năng bị lũ, nước xoáy,
triều cường gây sạt lỡ nghiêm trọng Đạp dâng Ông Có, Cầu suối thôn V nh An
xuống cấp, nguy cơ sạt lở cao. Tuyến kênh mương dài 4 78 km, rộng 1-2 m chưa
được bê-tông…” Đến mùa bão lũ, đây là những nỗi lo lớn của người dân tại đây
và bà con cũng rất tích cực, chủ động, hăng hái trong việc cùng chính quyền địa
phương gia cố những bờ kênh mương, đập… trực báo động ở những vùng trọng
yếu, nguy hiến để kịp thời thông báo cho mọi người”
So sánh kết quả ĐTB chung theo tiêu chí giới tính và địa bàn nghiên cứu cho
thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê trong nhận thức của người nông dân
về hậu quả của bão lũ bất thường. Nói cách khác, nam hay nữ trên địa bàn Bình
Định hay Quảng Ngãi nhưng nếu sống trong vùng có nguy cơ xảy ra bão lũ bất
thường đều có nhận thức khá tương đồng nhau về hậu quả của bão lũ bất thường.
Tuy nhiên, khi xem xét từng hậu quả trên phương diện giới tính, ta nhận thấy nam
có ĐTB cao hơn so với nữ ở 4/6 nội dung nhận thức về hậu quả của bão lũ bất
thường (hậu quả đối với chăn nuôi, hậu quả đối với trồng trọt, hậu quả đối với tài
sản, tài chính và hậu quả đối với việc sinh hoạt và lao động/ học tập . Trong đó, duy
nhất ĐTB chung nhận thức về “hậu quả đối với việc chăn nuôi” thì nam cao hơn nữ
(3.6 - 3.34 = 0.26 và sự khác biệt này có ý nghĩa về mặt thống kê vì kiểm nghiệm
T-test cho thấy mức độ ý nghĩa p = 0.008 < 0.05 (với 4/5 tiêu chí có sự khác biệt có
ý nghĩa thống kê: Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường khiến gia súc, gia cầm, tôm,
cá… bị chết/ mất; tôi nhận thấy bão lũ, bất thường làm giảm sản lượng gia súc, gia
cầm, tôm, cá...; tôi nhận thấy bão, lũ bất thường làm giảm chất lượng gia súc, gia
cầm, tôm, cá... và tôi nhận thấy bão, lũ bất thường làm giảm lượng thức ăn cho gia
súc, gia cầm, tôm, cá...” . Nhận thức về những hậu quả còn lại do bão lũ bất thường
gây ra: hậu quả đối với tính mạng và sức khỏe con người, hậu quả với việc sử dụng
nguồn tài nguyên đất và nước, nhận thấy nữ có cao hơn so với nam tuy nhiên sự
khác biệt này không có ý nghĩa thống kê.

89
4.1.2.4. Tự nhận thức của người nông dân về khả năng đối phó với bão lũ
bất thường
Bảng 4 5 Kết quả tự nhận thức của người nông dân về khả năng đối phó với
bão lũ bất thường
Phân theo giới tính Phân theo địa bàn
ĐTB
Nội dung Mức độ Bình Quảng Mức độ
chung Nam Nữ
ý nghĩa Định Ngãi ý nghĩa
Hiểu biết về đặc điểm của bão, lũ bất
3.29 3.42 3.15 0.003 3.27 3.31 0.758
thường
Hiểu biết về các cách thức để đối phó
3.34 3.58 3.10 0.000 3.30 3.38 0.378
với bão, lũ bất thường
Hiểu biết về việc sử dụng các cách
thức để đối phó với bão, lũ bất thường 3.26 3.51 3.01 0.000 3.13 3.39 0.010
trong thực tế
Nhận định về thái độ tích cực trong
3.89 3.95 3.82 0.180 3.77 4.02 0.007
việc đối phó với bão, lũ bất thường
Nhận định về sự chuẩn bị đối phó
3.69 3.86 3.51 0.000 3.60 3.78 0.138
trước khi bão, lũ bất thường xuất hiện
Nhận định về khả năng đối phó khi
3.41 3.52 3.3 0.016 3.44 3.39 0.559
bão lũ bất thường đang xảy ra
Khả năng khắc phục hậu quả sau bão
3.59 3.67 3.51 0.055 3.55 3.63 0.368
lũ bất thường
TB chung 3.49 3.64 3.34 0.000 3.43 3.56 0.095
Trong số các tiêu chí cấu thành nên tiểu thang đo này, ghi nhận được kết quả
như sau: nhận định về khả năng hiểu biết những đặc điểm của bão, lũ bất thường;
nhận định về khả năng hiểu biết với các cách thức để đối phó với bão, lũ bất thường
và việc sử dụng các cách thức để đối phó với bão, lũ bất thường trong thực tế được
người nông dân đánh giá ở mức Trung bình. Kết quả này khá tương đồng với kết
quả thu được khi khảo sát nhận thức của người nông dân về biểu hiện của bão lũ bất
thường và nhận thức về hậu quả mà bão lũ bất thường gây ra cho cuộc sống của họ.
Tuy nhiên, những tiêu chí còn lại: nhận định về thái độ tích cực trong việc đối phó
với bão, lũ bất thường; nhận định về sự chuẩn bị đối phó trước khi bão, lũ bất
thường xuất hiện; nhận định về khả năng đối phó khi bão lũ bất thường đang xảy ra
và nhận định về khả năng khắc phục hậu quả sau bão lũ bất thường của mình được
người nông dân đánh giá ở mức Khá. Cũng về vấn đề này Anh T.V.M ở xã Mỹ
Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định chia sẻ: bọn tui là nông dân không được học
hành nhiều, như tui hết cấp 2 là nghỉ học rồi nên nói tới những vấn đề như hiểu
biết, kiến thức về biến đổi khí hậu, bão lũ thì không biết gì nhiều mà mang tính khoa

90
học đâu Chủ yếu là do kinh nghiệm ông bà, cha mẹ truyền lại rồi xem qua tivi
thông báo khi có bão lũ xuất hiện thôi Nhưng cần làm gì để phòng chống bão lũ,
sau bão lũ làm gì thì tui làm được Do ở đây năm nào cũng có cả chục trận bão lũ
làm miết dần dần rút kinh nghiệm lần, thay đổi lần thành quen”
Xét theo phương diện giới tính, ĐTB tự nhận thức của người nông dân về
khả năng chống đỡ với bão lũ bất thường giữa nam và nữ có sự chênh lệch tương
đối (3.64-3.34=0.3 . Trong đó, nam xếp ở mức Khá, nữ xếp ở mức Trung bình theo
thang đo 5 mức đã được xác lập. Bên cạnh đó, khi thực hiện kiểm nghiệm T-test để
xem xét sự khác biệt giữa nam và nữ về tiêu chí này. Kết quả cho thấy, mức độ tự
nhận thức của người nông dân về khả năng đối phó với bão lũ bất thường giữa nam
và nữ là có ý nghĩa thống kê, với mức ý nghĩa p = 0.000 < 0.05. Hay nói cách khác,
giới tính có sự ảnh hưởng nhất định đến sự tự nhận thức về khả năng đối phó với
bão lũ bất thường của nông dân ven biển khu vực miền Trung. Để thấy sự khác biệt
rõ nét giữa nam và nữ trong sự tự nhận thức của người nông dân về khả năng đối
phó với bão lũ bất thường, chúng ta dựa vào các căn cứ sau: Thứ nhất, nam có sự
thay đổi hành động cao hơn nữ ở cả 7/7 nội dung. Thứ hai, so sánh giá trị trung bình
giữa nam và nữ ở từng nội dung bằng kiểm định T-test ta thấy nam có sự thay đổi
cao hơn nữ có ý nghĩa thống kê ở 6/7 nôi dung. Ở các gia đình nông thôn, nam giới
đóng vai trò trụ cột, quyết định những chuyện lớn trong nhà. Họ thường là người
chủ động tìm hiểu thông tin cũng như đưa ra những cách thức hướng dẫn cả nhà,
thậm chí có nhà họ là những người làm tất cả mọi việc để đối phó cũng như khắc
phục hậu quả mà bão lũ bất thường gây nên ở tiêu chí này có sự khác biệt có ý
nghĩa thống kê giữa nam so với nữ là điều dễ hiểu. Bà N.T.H ở xã Phước Sơn,
huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định cho biết: “đàn bà trong nhà thì lo làm đồng áng,
nuôi con heo con gà là giỏi thôi chứ mấy việc chống bão, chống lũ nhà có đàn ông
thì mấy ổng lo chứ Mấy ổng nói mình làm gì thì mình phụ, làm theo thôi”
Xét trên bình diện địa bàn sinh sống, ta thấy mức độ tự nhận thức về khả
năng đối phó với bão lũ bất thường của nông dân tỉnh Quảng Ngãi có sự chênh lệch,
cao hơn một chút về trị số trung bình so với nông dân tại Bình Định (3.56 - 3.43 =
0.13). Bên cạnh đó, khi thực hiện kiểm nghiệm T-test để xem sự khác nhau giữa địa
bàn sinh sống cho thấy mức độ ý nghĩa p = 0.095 > 0.05, điều này cho thấy sự khác

91
biệt mức độ tự nhận thức về khả năng đối phó với bão lũ bất thường giữa nông dân
ở Quảng Ngãi và Bình Định là không có ý nghĩa về mặt thống kê. Hay nói cách
khác, địa bàn sinh sống không ảnh hưởng đến sự khác biệt trong việc tự nhận thức
về khả năng đối phó với bão lũ bất thường của nông dân ven biển khu vực miền
Trung. Cụ thể: Nông dân tại Quảng Ngãi mức độ tự nhận thức về khả năng đối phó
với bão lũ bất thường cao hơn nông dân tại Bình Định ở cả 5/7 nội dung. Trong đó,
có 2/5 nội dung sự khác biệt này có ý nghĩa về mặt thống kê: Việc sử dụng các cách
thức để đối phó với bão, lũ bất thường trong thực tế và thái độ tích cực trong việc
đối phó với bão, lũ bất thường.
4.1.2.5. Nhận thức của người nông dân về việc đưa ra các cách thức để đối
phó với bão lũ bất thường
Bảng 4 6 Kết quả nhận thức của người nông dân về việc đưa ra các cách thức để
đối phó với bão lũ bất thường
Phân theo giới tính Phân theo địa bàn
Nội dung ĐTB
chung Mức độ Bình Quảng Mức độ
Nam Nữ
ý nghĩa Định Ngãi ý nghĩa
Nhận định về việc đã sẵn sàng với
3.72 3.94 3.49 0.000 3.64 3.79 0.106
việc đổ bộ của bão, lũ bất thường
Nhận định về việc lên kế hoạch
chuẩn bị đối phó trước khi bão, lũ bất 3.58 3.85 3.30 0.000 3.60 3.56 0.668
thường đổ bộ
Nhận định về việc thực hiện kế hoạch
đã chuẩn bị để đối phó với bão, lũ bất 3.51 3.75 3.26 0.000 3.46 3.56 0.309
thường đang xảy ra
Nhận định về việc tìm kiếm sự hỗ trợ
của bà con hàng xóm để cùng nhau 3.43 3.69 3.17 0.000 3.33 3.53 0.096
đối phó với bão, lũ bất thường
Nhận định về việc tìm cách để khắc
phục những hậu quả do bão, lũ bất 3.64 3.76 3.52 0.005 3.59 3.70 0.222
thường gây ra
Nhận định về việc rút được kinh
nghiệm từ những gì đã xảy ra trong 3.87 3.99 3.75 0.007 3.80 3.93 0.180
trận bão, lũ bất thường vừa qua
TB chung 3.62 3.83 3.41 0.000 3.57 3.68 0.157
Tiểu thang đo này được cấu thành từ các tiêu chí như nhận định về việc sẵn
sàng tâm thế với việc đổ bộ của bão, lũ bất thường; nhận định về việc lên kế hoạch
chuẩn bị đối phó trước khi bão, lũ bất thường đổ bộ; nhận định về việc thực hiện kế
hoạch đã chuẩn bị để đối phó với bão, lũ bất thường đang xảy ra; nhận định về việc
tìm kiếm sự hỗ trợ của bà con hàng xóm, chính quyền địa phương để cùng nhau đối

92
phó với bão, lũ bất thường; nhận định về việc tìm cách để khắc phục những hậu quả
do bão, lũ bất thường gây ra và rút được kinh nghiệm từ những gì đã xảy ra trong trận
bão, lũ bất thường. ĐTB tìm thấy của tất cả các tiêu chỉ này đều đạt mức Khá theo
thang đo 5 mức đã được xác lập và giao động từ 3.43 đến 3,87. Trong đó, có ĐTB
cao nhất là nhận định của người dân về việc rút được kinh nghiệm từ những gì đã xảy
ra trong trận bão, lũ bất thường vừa qua (ĐTB=3.87 và có ĐTB thấp nhất tiệm cận
mức Trung bình là tiêu chí nhận định về sự tìm kiếm sự hỗ trợ của bà con hàng xóm
để cùng nhau đối phó với bão, lũ bất thường. Có kết quả này là bởi việc đối phó với
bão lũ bất thường dường như đã là chuyện quá quen thuộc của người nông dân tại
khu vực này. Mỗi khi đến mùa bão lũ người nông dân nơi đây luôn sẵn sàng tâm thế
với việc đối phó với bão lũ, họ lo chuẩn bị trước cho mùa bão lũ vài ba tháng.
Xét trên phương diện giới tính, kết quả từ bảng số liệu cho thấy, nhận thức về
việc đưa ra các cách thức để đối phó với bão lũ bất thường của nam cao hơn so với nữ
(3.83 - 3.41 = 0.42). Kiểm nghiệm sự khác biệt giữa nam và nữ bằng T-test cho thấy
mức độ ý nghĩa p = 0.000 < 0.05. Như vậy, có thể nói sự khác biệt trong nhận thức
của người nông dân về việc đưa ra các cách thức để đối phó với bão lũ bất thường
giữa nam và nữ là có ý nghĩa về mặt thống kê. Cụ thể: ĐTB trong nhận thức của
người về việc đưa ra các cách thức để đối phó với bão lũ bất thường của nam cao hơn
nữ ở cả tất cả 6/6 nội dung khảo sát và cả 6 nội dung này giữa nam và nữ đều có sự
khác biệt có ý nghĩa về mặt thống kê (kiểm nghiệm T-test có p < 0.05).
Xét trên phương diện địa bàn sinh sống, ta thấy mức độ nhận thức về việc đưa
ra các cách thức để đối phó với bão lũ bất thường của nông dân tỉnh Quảng Ngãi cao
hơn so với nông dân tại Bình Định (3.68 - 3.57 = 0.11). Tuy nhiên, kết quả kiểm định
T-test cho thấy sự khác biệt này lại không có ý nghĩa về mặt thống kê vì mức độ ý
nghĩa p = 0.157 > 0.05. Trong số 6 tiêu chí cấu thành thang đo cũng không nhận thấy
có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê trong nhận thức về việc đưa ra các cách thức để
đối phó với bão lũ bất thường giữa nông dân Quảng Ngãi và Bình Định.
4.1.3. Thích ứng với bão lũ bất thường của người nông dân biểu hiện qua động cơ
thúc đẩy sự thay đổi phương thức hành động để thích ứng với bão lũ bất thường
Động cơ là thành tố rất quan trọng trong việc “tạo lực” thúc đẩy, giúp người
nông dân tích cực hơn trong việc thay đổi phương thức hành động để thích ứng với

93
bão lũ bất thường, từ đó nâng cao hiệu quả của sự thay đổi phương thức hành động.
Bới lẽ, hệ thống mục tiêu được chủ thể cam kết có thể trở thành hệ thống động cơ
của hoạt động, vì rằng quan điểm của lý thuyết hoạt động, đối tượng cần chiếm lĩnh
được xác định là động cơ của hoạt động. Nói cách khác, thành tố động cơ được hình
thành thông qua việc chủ thể xác đinh được đối tượng (cái cần đạt) hoạt động, đó
chính là thay đổi hoạt động sống để tồn tại và phát triển tức là hệ thống mục tiêu
của chủ thể. Kết quả về động cơ hành động đối phó với bão lũ bất thường của nông
dân khu vực miền Trung được thể hiện ở bảng số liệu 4.7.
Bảng 4.7 Kết quả về động cơ thúc đẩy hành động đối phó với bão lũ bất thường
của nông dân
So sánh theo So sánh theo
Thích ứng chung
giới tính địa bàn sinh sống
Nội dung
Mức Thứ Mức độ Bình Quảng Mức độ
ĐTB Nam Nữ
độ bậc ý nghĩa Định Ngãi ý nghĩa
Tôi tìm cách đối phó
với bão, lũ bất thường
3.24 TB 8 3.40 3.08 0.04 3.28 3.20 0.501
để giảm thiểu sức ảnh
hưởng của nó
Tôi tìm cách đối phó
với bão, lũ bất thường
để giảm ảnh hưởng của
3.79 Khá 1 3.85 3.73 0.299 3.80 3.78 0.853
nó đến tính mạng của
các thành viên trong gia
đình tôi
Tôi tìm cách đối phó
bão, lũ bất thường để
giảm ảnh hưởng của nó
3.77 Khá 2 3.79 3.75 0.691 3.72 3.82 0.301
đến sức khỏe của các
thành viên trong gia
đình tôi
Tôi tìm cách đối phó
bão, lũ bất thường để
3.50 Khá 5 3.52 3.47 0.597 3.43 3.57 0.203
giảm ảnh hưởng của nó
đến công việc của tôi
Tôi tìm cách đối phó
bão, lũ bất thường để 3.76 Khá 3 3.72 3.81 0.417 3.77 3.75 0.830
giữ tài sản được an toàn
Tôi tìm cách đối phó 3.65 Khá 4 3.65 3.65 0.991 3.60 3.71 0.296

94
bão, lũ bất thường để
giữ an toàn cho vật
nuôi (gia súc, gia cầm,
tôm, cá....)
Tôi tìm cách đối phó
bão, lũ bất thường để
3.40 TB 6 3.40 3.41 0.947 3.33 3.47 0.207
tránh thiệt hại cho cây
trồng, hoa màu
Tôi tìm cách đối phó
bão, lũ bất thường để
tiết kiệm thời gian và 3.33 TB 7 3.31 3.35 0.708 3.29 3.37 0.464
công sức chống chống
đỡ với nó.
ĐTB chung 3.56 Khá 3.59 3.53 0.524 3.53 3.59 0.491
Trong số tám nội dung được đưa ra để khảo sát về động cơ thúc đẩy hành
động chống đỡ với bão lũ bất thường, ta thấy nổi rõ lên nhất là động cơ từ việc tìm
cách đối phó bão, lũ bất thường để giảm ảnh hưởng của nó đến tính mạng của các
thành viên trong gia đình (ĐTB = 3.79) và tìm cách đối phó bão, lũ bất thường để
giảm ảnh hưởng của nó đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình tôi (ĐTB =
3.77). Trên thực tế có thể thấy, những tổn thất về tài chính, đồ đạc, tài sản, nuôi
trồng, mùa vụ, thời gian, công sức... là những tổn thất thường gặp nhất sau các trận
bão lũ bất thường. Tuy nhiên, đây đều là những thiệt hại có thể khắc phục được.
Tuy nhiên, tính mạng và sức khỏe của con người là những thứ quý giá nhất và
không thể khắc phục được. Do đó, kết quả thu được có trị số trung bình cao nghiêng
về 2 nội dung trên là điều dễ hiểu. Bàn về vấn đề này ông N.T.L cho biết: “còn
người còn của. Thiệt hại nhà cửa, tài sản, mất bầy heo, con bò, mất một vụ lúa, vụ
màu thì buồn, tiếc là có. Vậy chứ những thứ này làm lại được. Trời thương với chịu
khó chút thì làm lại mấy hồi Nhưng tính mạng và sức khỏe con người là quý giá
nhất, quan trọng nhất. Lỡ nằm một chỗ, thương tật hay mất đi thì có cho vàng cũng
như không Nên làm gì làm thì cốt lõi nhất, ưu tiên nhất vẫn phải đảm bảo được
tính mạng, sức khỏe cái đã”.
Kế đến, cùng xếp ở mức khá là động cơ nhằm tìm cách đối phó bão, lũ bất
thường để giữ tài sản được an toàn; giữ an toàn cho vật nuôi (gia súc, gia cầm, tôm,
cá....) và giảm ảnh hưởng của nó đến công việc của người nông dân. Có thể thấy,

95
sau việc đảm bảo tính mạng và sức khỏe thì việc chăm lo bảo vệ tài sản, công việc
lao động sản xuất… vẫn luôn được người nông dân quan tâm đúng mức. Đây là
động lực không thể thiếu để thúc đẩy người nông dân thích ứng với bão lũ bất
thường, để bảo vệ thành quả lao động khổ nhọc nhiều năm của bản thân. Trong
nhiều trường hợp, có khi đây lại là lý do lớn nhất thúc đẩy người dân chống đỡ với
bão lũ bất thường, thậm chí quên luôn cả nguy hiểm đe dọa đến tính mạng . Lý giải
vấn đề này, Ông N.V.L cho biết: “dân làm nông quanh năm vất vả, chắt chiu, khổ
cực tích góp cả đời cũng chỉ được cái nhà là lớn nhất, mà nhiều khi còn là của ông
bà để lại, mình chỉ sửa, cơi nới thêm - như nhà tui. Rồi giỏi lắm là cái xe cộ, vật
dụng trong nhà, rồi con bò, con gà, bầy heo… nên với nhiều nhà, không tích góp
được gì, làm đồng nào xài đồng nấy, nhất là những hộ neo đơn, khó khăn thì bão lũ
lớn mất đi những thứ này cũng coi như là trắng tay, không biết phải bắt đầu lại như
thế nào đâu Khổ lắm Nói đâu xa, như tui, năm ngoái lũ lớn lên nhanh, đã đưa mấy
con heo lên cao, cột lên trần nhà rồi, vậy mà nước lên tới nóc, tiếc bầy heo, tui phải
cột dây vào người bơi ra lôi cho được bầy heo đưa lên nóc nhà chờ thuyền tới. Bà
vợ với mấy đứa con tui cứ cản, nhưng tiếc quá nên đánh liều”
Đáng lưu tâm là kết quả thu được từ việc tìm cách đối phó với bão, lũ bất
thường để tránh thiệt hại cho cây trồng, hoa màu và tiết kiệm thời gian và công sức
chống chống đỡ với bão lũ bất thường chỉ ứng với mức Trung bình trong thang đo 5
mức đã xác lập. Bàn về vấn đề này bà N.T.T.T cho biết: “chúng tôi ở đây ít trồng
được hoa màu hay cây ăn trái gì nhiều vì đất nhiễm phèn nặng lắm. Chủ yếu là
trồng lúa mà cũng chỉ có một hai giống là chịu được. Rút kinh nghiệm từ trước, tới
mùa mưa bão lũ thường bà con ở đây thường lo thu hoạch sớm trước cho chắc ăn
nên đây không phải là nổi lo quá lớn của người dân”. Bàn về việc tiết kiệm thời
gian, công sức khi chống đỡ với bão lũ bất thường ông N.Q.K cho biết: “chống đỡ
với bão lũ thì chủ yếu cốt làm sao để an toàn tính mạng, tài sản, nhà cửa chứ không
nên để ý đến thời gian, công sức làm gì. Nếu nhanh cũng tốt nhưng quan trọng nhất
vẫn phải là chắc chắn. Nhanh mà không chắc cũng như không Thường mùa bão lũ
đến, nhất là khi bão lũ lớn không ai để ý đến thời gian công sức gì đâu Ai cũng
quần quật mỗi người một tay mà thấy mãi không hết việc để lo để dọn”.
So sánh kết quả ĐTB chung theo tiêu chí giới tính và địa bàn nghiên cứu cho

96
thấy động cơ thúc đẩy sự thay đổi phương thức hành động để thích ứng với bão lũ
bất thường của nam cao hơn nữ và nông dân sống tại Quảng Ngãi cao hơn nông dân
sống tại Bình Định một chút. Tuy nhiên, sự chênh lệch này không có sự khác biệt
có ý nghĩa thống kê. Nói cách khác, nam hay nữ trên địa bàn Bình Định hay Quảng
Ngãi nhưng nếu sống trong vùng có nguy cơ xảy ra bão lũ bất thường đều có động
cơ thúc đẩy sự thay đổi phương thức hành động để thích ứng với bão lũ bất thường
khá tương đồng nhau.
4.1.4. Thích ứng với bão lũ bất thường của người nông dân biểu hiện qua sự
thay đổi phương thức hành động và hiệu quả của sự thay đổi phương thức
hành động
4.1.4.1. Mức độ thích ứng chung với bão lũ bất thường của nông dân qua sự
thay đổi phương thức hành động và hiệu quả của sự thay đổi phương thức hành động
Khảo sát trên 381 nông dân ven biển tại hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi về
mức độ thích ứng với bão lũ bất thường của nông dân qua sự thay đổi phương thức
hoạt động và hiệu quả của sự thay đổi phương thức hoạt động, kết quả được thể
hiện ở Bảng 4.8
Bảng 4.8. Đánh giá mức độ thích ứng chung với bão lũ bất thường của nông dân
qua sự thay đổi phương thức hoạt động và hiệu quả của sự thay đổi phương thức
hoạt động
So sánh theo So sánh theo
Thích ứng chung
giới tính địa bàn sinh sống
Nội dung
Mức Mức độ Bình Quảng Mức độ
ĐTB ĐLC Nam Nữ
độ ý nghĩa Định Ngãi ý nghĩa
Thay đổi phương
3.41 0.722 Khá 3.48 3.34 0.025 3.41 3.42 0.262
thức hành động
Hiệu quả của sự thay
đổi phương thức 3.27 0.708 TB 3.18 3.35 0.013 3.22 3.32 0.759
hành động
ĐTB chung 3.34 0.442 TB 3.33 3.35 0.867 3.32 3.37 0.534
Dựa vào thang đo 5 mức đã được xác lập, sự thay đổi phương thức hành động
để thích ứng với bão lũ bất thường của nông dân ven biển khu vực miền Trung xếp
ở mức Khá tiệm cận mức Trung bình, ứng với ĐTB = 3.41. Trong khi ấy, hiệu quả
của sự thay đổi những phương thức hành động này lại chưa tương ứng, chỉ ở mức
Trung bình (ĐTB= 3.27 - thấp hơn với sự thay đổi đó. Để có cái nhìn đa chiều

97
hơn, chúng ta cần xem xét mức độ khả năng thích ứng với bão lũ bất thường của
nông dân ven biển khu vực miền Trung qua các phương diện so sánh về giới tính và
địa bàn sinh sống.
Xét trên phương diện giới tính, ĐTB về mức độ thích ứng với bão lũ bất
thường của nam cao hơn nữ nhưng sự chênh lệch này là không đáng kể (3.35 - 3.33
= 0.02 , đều ở mức Trung bình trong thang phân loại mức độ thích ứng với bão lũ
bất thường. Bên cạnh đó, khi thực hiện kiểm nghiệm T-Test để xem sự khác biệt
theo giới tính thì mức độ ý nghĩa (p = 0.867 > 0.05 . Như vậy, sự khác biệt về mức
độ thích ứng với bão lũ bất thường giữa nam và nữ không có ý nghĩa về mặt thống
kê. Hay nói cách khác, mức độ thích ứng với bão lũ bất thường giữa nam và nữ là
tương đương nhau, giới tính không ảnh hưởng đến sự thích ứng với bão lũ bất
thường của nông dân ven biển khu vực miền Trung.
Tuy Nhiên, một điểm khá thú vị trong kết quả nghiên cứu của đề tài trên bình
diện giới tính là mặc dù sự khác biệt ĐTB chung về mức độ thích ứng với bão lũ bất
thường giữa nam và nữ là không có ý nghĩa về mặt thống kê nhưng trong từng tiêu
chí đo mức độ thích ứng lại có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa nam và nữ. Cụ
thể như sau: Về mức độ thay đổi phương thức hành động để thích ứng với bão lũ
bất thường, ĐTB của nam (3.48 - mức Khá cao hơn nữ (3.34 - mức Trung bình .
Bên cạnh đó, khi kiểm nghiệm T-Test để xem sự khác biệt giữa nam và nữ lại cho
ra mức độ ý nghĩa p = 0.025 < 0.05. Điều này cho thấy, sự khác biệt trong việc thay
đổi phương thức hành động để thích ứng với bão lũ bất thường giữa nam và nữ là có
ý nghĩa về mặt thống kê. Bên cạnh đó, ở tiêu chí về hiệu quả của sự thay đổi
phương thức hành động thì nữ (ĐTB = 3.35 lại cao hơn nam (ĐTB = 3.19 , kiểm
nghiệm T-Test để xem sự khác nhau giữa nam và nữ thu được mức độ ý nghĩa p =
0.013< 0.05 cho thấy sự khác biệt này có ý nghĩa về mặt thống kê.

Xét trên bình diện địa bàn nghiên cứu, mức độ thích ứng với bão lũ bất thường
của nông dân tại tỉnh Quảng Ngãi (ĐTB = 3.37 cao hơn so với nông dân tại Bình
Định (3.31 . Trong từng tiêu chí đo mức độ thích ứng: mức độ thay đổi phương
thức hành động để thích ứng với bão lũ bất thường và hiệu quả của sự thay đổi

98
phương thức hành động đó nông dân tại tỉnh Quảng Ngãi cũng cao hơn so với nông
dân tại Bình Định. Tuy nhiên, khi thực hiện kiểm nghiệm T-Test để thấy sự khác
biệt theo địa bàn sinh sống cho thấy mức độ ý nghĩa p đều lớn hơn 0.05. Như vậy,
sự khác biệt về mức độ thích ứng với bão lũ bất thường của người dân ở Bình Định
và Quảng Ngãi không có ý nghĩa về mặt thống kê. Hay nói cách khác, địa bàn sinh
sống không ảnh hưởng đến việc thích ứng với bão lũ bất thường của nông dân ven
biển khu vực miền Trung.

4.1.4.2. Mức độ thay đổi các phương thức hoạt động cụ thể để thích ứng với
bão lũ bất thường của nông dân
Bão lũ bất thường do BĐKH gây ra đã có những tác động nghiêm trọng đến
đời sống con người. Đối với người dân ven biển nói chung và người dân ven biển
khu miền Trung nói riêng, điều đó đã trở thành một phần trong cuộc sống hằng
ngày của họ. Theo thời gian, những người nông dân trong những điều kiện môi
trường khắc nghiệt như vậy đã dần thay đổi các phương thức hành động để thích
ứng, để giảm thiểu những tổn thương mà bão, lũ bất thường mang lại.

Mức độ thay đổi phương thức hành động để thích ứng với bão lũ bất thường của
nông dân ven biển khu vực miền Trung theo hướng nghiên cứu của đề tài được biểu
hiện qua 05 tiêu chí: sự thay đổi phương thức hành động trong trồng trọt sự thay đổi
phương thức hành động trong chăn nuôi sự thay đổi phương thức hành động trong
việc giữ an toàn cho nhà cửa tài sản sự thay đổi phương thức hành động để đảm bảo
duy trì sinh hoạt và sự thay đổi phương thức hành động để chuẩn bị chống đỡ với bão
lũ cho bản thân và gia đình. Kết quả được thể hiện cụ thể ở bảng 4.9.
Bảng 4.9 Kết quả mức độ thay đổi các phương thức hoạt động cụ thể để thích ứng
với bão lũ bất thường của nông dân
Thứ
Nội dung ĐTB ĐLC Mức độ bậc

Thay đổi phương thức hành động trong trồng


3.52 1.14 Khá 2
trọt.
Thay đổi phương thức hành động trong chăn
3.39 0.91 TB 3
nuôi.

99
Thay đổi phương thức hành động trong việc giữ
3.17 1.30 TB 5
an toàn cho nhà cửa tài sản.
Thay đổi phương thức hành động để đảm bảo
3.85 0.96 Khá 1
duy trì sinh hoạt.
Thay đổi phương thức hành động để chuẩn bị
3.11 0.82 TB 4
chống đỡ với bão lũ cho bản thân và gia đình.
ĐTB chung 3.41 0.72 Khá
Trong số 05 biểu hiện về sự thay đổi phương thức hành động để thích ứng
với bão lũ bất thường mà đề tài nghiên cứu, nổi rõ lên nhất là sự thay đổi phương
thức hành động để duy trì sinh hoạt, với ĐTB = 3,85 - xếp hạng 1, ứng với mức Khá
trong thang đo 5 mức về thích ứng với bão lũ bất thường đã được xác lập. Có thể
nói đây là những công việc liên quan đến sống còn, đến sự tồn tại của cá nhân và
gia đình. Mặc dù bão, lũ bất thường chỉ diễn ra trong vài ngày nhưng sự tàn phá của
nó đến đời sống người dân là rất lớn. Trong lúc bão lũ bất thường xảy ra, việc ra
ngoài là vô cùng nguy hiểm. Hơn nữa, bão lũ cũng cô lập người dân, khiến các hoạt
động giao thương mua bán bị ngừng trệ. Do đó, việc chuẩn bị dự trữ lương thực,
thực phẩm, các nhu yếu phẩm cần thiết nhất để duy trì sinh hoạt gia đình trong
những ngày bão lũ bất thường xảy ra là vô cùng cấp thiết và được bà con thực hiện
khá tốt. Bà N.T.H ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định cho biết thêm
về thái độ, cảm xúc của mình quanh việc thay đổi phương thức hành động để duy trì
sinh hoạt: “Ngày xưa đâu có tivi đài báo, mạng miết như bây giờ Dựa vào kinh
nghiệm là chính Giờ thời đại văn minh, mình cũng thay đổi dân Nghe đài thông
báo sắp có bão, lụt lớn là nhà tôi lo chủ động chuẩn bị những thứ cần thiết cho cả
nhà trong ba bốn ngày liền Gạo thì trong nhà có sẵn rồi, đi mua thêm thùng mì
tôm, trứng vịt về để sẵn Dầu hỏa hay nến nữa, để lỡ cúp điện thì thắp với mấy canh
nước sạch nữa là xong Như vậy, bão lũ có tới mấy ngày cũng sẵn sàng chống đỡ,
không phải lo. Sợ ông trời làm dữ quá không có đường chạy thôi”
Kế đến, cũng ở mức Khá là sự thay đổi phương thức hành động trong trồng
trọt để thích ứng với bão lũ bất thường, xếp ở vị trí thứ 2 (ĐTB = 3.52 . Trồng trọt
là nguồn sinh kế cơ bản nhất của người nông dân trong mẫu khảo sát. Đây có thể
nói là nguồn thu nhập chính để duy trì cuộc sống của người nông dân. Bên cạnh đó
những năm gần đây, các chính sách khuyến nông, hỗ trợ, giúp đỡ người dân phát
triển nông nghiệp nhằm thích ứng với sự thay đổi của khí hậu do các cơ quan ban

100
ban ngành chức năng thực hiện cũng có sự cải thiện đáng kể như: về chính sách
khuyến nông, khuyến ngư ở địa bàn khó khăn do Thủ tướng chính phủ phê duyệt
Số: 162/2008/QĐ-TTg; hay Nghị định về khuyến nông được Chính phủ ban hành
Số: 02/2010/NĐ-CP... Chính vì lẽ đó mà sự thay đổi phương thức hành động trong
trồng trọt để thích ứng với bão lũ bất thường, xếp ở vị trí thứ 2 là điều dễ hiểu. Ông
Đ.H.T. ở xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định cho biết: “ngày trước ở đây
mà làm nông là nghèo lắm Chủ yếu là đi biển Vì có trồng được cây trái gì đâu
Đất phèn lắm Lũ lụt, bão tố suôt Còn bây giờ khá hơn Cả nhà tôi trông chờ hết
vào mấy sào ruộng nên cũng chịu khó tìm hiểu, thay đổi giống, phân, thuốc, kỹ
thuật mới cho phù hợp với đất đai, thay đổi của khí hậu để nâng cao năng suất
Thấy người ta làm giống này, giống kia tốt, năng suất cao là nhà tui cũng thay đổi
theo liền”. Về sự hỗ trợ, tư vấn của chính quyền địa phương bà N.T.T. ở xã Phước
Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định cho hay: “Thời tiết thay đổi thất thường
quá Đợt rồi bị sương muối, gieo giống mấy lần đều hư hết Trên xã, trên huyện
phải cho người xuống coi tình hình rồi cho giống làm lại hết “Rầu” lắm”
Tiếp sau đó, xếp ở vị trí thứ 3 - ứng với mức Trung bình tiệm cận mức Khá
là sự thay đổi phương thức hành động trong chăn nuôi với ĐTB = 3.39. Bên cạnh
trồng trọt thì chăn nuôi cũng là một trong những nguồn sinh kế của người nông dân.
Tuy nhiên, việc chăn nuôi đòi hỏi nhiều vốn đầu tư và kỹ thuật chăm sóc cao. Nếu
có bệnh dịch xảy ra thì nguy cơ mất trắng là rất cao. Nên phần lớn người dân vẫn
chọn sinh kế chính là trồng trọt, nhất là trồng lúa; chỉ nuôi vài con gà, heo hay bò;
rất ít mô hình nuôi theo trang trại. Chính vì lẽ đó khi được hỏi về mức độ chủ động
tích cực thay đổi phương thức hành động trong chăn nuôi bà T.T.H.H. ở xã Tịnh
Hòa, thành phố Quảng Ngãi cho biết: “nhà có nuôi mấy con gà với 1 con bò thôi.
Cũng không biết chọn giống hay đổi giống gì đâu Đi mua bò thấy trong số mấy con
đó, con nào to, mạnh ăn thì chọn thôi. Còn gà thì mua chỗ này, chỗ kia, có khi
người nhà cho về thả trong vườn nuôi. Nuôi mấy con chủ yếu phục vụ giỗ, chạp,
nhu cầu gia đình”
Sự thay đổi phương thức hành động trong việc giữ an toàn cho nhà cửa tài
sản (ĐTB = 3.17 , xếp hạng 4/5 ứng với mức Trung bình. Có thể thấy, nguồn thu
nhập chính của người nông dân là từ trồng trọt và chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ.

101
Trông cho “mưa thuận gió hòa” để có đủ tài chính phục vụ cuộc sống hằng ngày
của mình. Trong khi đó, nhà cửa, tài sản là thành quả của quá trình chắt chiu, để
dành lâu dài của người nông dân nên việc thay đổi phương thức hành động nhằm
bảo vệ sự an toàn của nhà cửa và tài sản cũng là một việc vô cũng quan trọng. Tuy
nhiên, việc xây dựng nhà kiên cố là một vấn đề vô cùng khó khăn với kinh tế eo hẹp
của người nông dân. Đối với họ, việc giữ an toàn cho nhà cửa chỉ có thể dừng lại ở
mức neo chặn nhà cửa, mái tôn... Bên cạnh đó, do đời sống còn khó khăn các gia
đình nông dân dường như không có nhiều tài sản có giá trị để bảo vệ chủ yếu vẫn là
lúa, gạo và con trâu, con bò. Anh T.V.M ở xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình
Định chia sẻ: “Nhà cửa thì chỉ đủ sức làm được như vậy thôi Có tiền là tui xây bê
tông kiên cố liền Giờ thì chắp vá Hư đâu sửa đó Trong cái khó mình cũng phải
lách theo cái khó thôi Không có tiền làm nhà thì cứ dồn cát lên mái nhà để đỡ Vậy
mà đỡ lắm Không bị tốc mái Hồi trước đâu biết mấy chuyện này Cái chuồng heo
tốc mái suốt Mấy bao cát trên mái nhà bếp chú thấy là từ đợt bão năm ngoái tới
năm nay còn đó Tới mùa bão, lũ nghe tivi thông báo thì chằng chống thêm Còn lại
thì trông vào ông trời thôi Trong nhà cũng không có gì có giá trị Rút kinh nghiệm
từ mấy đợt lũ lớn trước không kịp trở tay, giờ chủ yếu là lo gửi cây xe máy với con
bò lên chỗ cao Còn lại thì kê bàn ghế lên để bỏ đồ”
Có ĐTB thấp nhất trong số 5 biểu hiện của mức độ thay đổi phương thức hành
động để thích ứng với bão lũ bất thường là sự thay đổi phương thức hành động để
chuẩn bị chống đỡ với bão lũ cho bản thân và gia đình (ĐTB = 3.11 , ứng với mức
Trung bình. Phần lớn người nông dân vẫn còn chống đỡ với bão lũ bất thường dựa
vào kinh nghiệm là chính nên việc trang bị các kỹ năng cần thiết để chống đỡ với
bão lũ bất thường như: học bơi, học về sơ cấp cứu, cách ứng phó hiệu quả với các
tình huống phát sinh trong bão lũ bất thường... vẫn chưa được người dân quan tâm
thay đổi đúng mức.
Một điểm khá thú vị trong kết quả nghiên cứu thu được là mức độ thay đổi các
phương thức hành động cụ thể để thích ứng với bão lũ bất thường của nông dân ven
biển khu vực miền Trung có quan hệ chặt chẽ - tương quan thuận ở mức Khá, có ý
nghĩa về mặt thống kê với kết quả nhận thức về hậu quả của bão lũ bất thường thu
được ở phần 2.1.2 (r=0.639; p=0.000). Cụ thể: kết quả về sự thay đổi phương thức

102
hành động để thích ứng với bão lũ bất thường và nhận thức hậu quả của bão lũ bất
thường ở mỗi lĩnh vực về thứ hạng và mức độ là khá tương đồng nhau (sinh hoạt,
lao động - đều xếp hạng 1; trồng trọt - hạng 2 chăn nuôi - hạng 3; nhà cửa, tài sản -
hạng 4... . Như vậy, việc nhận thức được tác động, hậu quả mà bão lũ bất thường
gây ra cho bản thân và gia đình cao ở lĩnh vực nào, người nông dân sẽ cố gắng nỗ
lực để thay đổi phương thức hành động ở lĩnh vực ấy nhiều hơn. Đây là cơ sở quan
trọng để có sự tác động nhận thức nhằm hướng đến thay đổi hành động.
a. Mức độ thay đổi phương thức hoạt động trong trồng trọt để thích ứng
với bão lũ bất thường của nông dân
Bảng 4.10 Kết quả mức độ thay đổi phương thức hoạt động trong trồng trọt để
thích ứng với bão lũ bất thường của nông dân
Thứ
Nội dung ĐTB Mức độ
bậc
Thay đổi giống cây trồng có sức chống chịu tốt hơn với khí
3.29 TB 5
hậu thay đổi.
Thay đổi giống cây trồng có sức chống chịu tốt hơn với sâu
3.66 Khá 3
bệnh
Chuyển sang giống lúa ngắn ngày để thu hoạch sớm trước
3.62 Khá 4
mùa bão lũ
Thay đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đa dạng, xen canh (lúa,
2.49 Thấp 6
hoa màu phù hợp với thời tiết
Thu hoạch lúa và các vụ màu trước mùa bão lũ cho chắc ăn 4.23 Cao 1
Áp dụng biện pháp kỹ thuật canh tác mới (thuốc, phân, chăm
3.84 Khá 2
sóc… phù hợp với thời tiết thay đổi
ĐTB chung 3.52 Khá
Trong số các hoạt động được đưa ra để đo mức độ thay đổi phương thức hoạt
động trong trồng trọt, ta thấy nổi rõ lên nhất là hành động “thu hoạch lúa và các vụ
màu trước mùa bão lũ cho chắc ăn” được người nông dân đánh giá thay đổi ở mức
cao - hoàn toàn thay đổi, ứng với ĐTB = 4.23. Trải qua các nhiều năm bị mất lúa và
hoa màu do bão lũ bất thường xuất hiện. Người nông dân đã tính toán, chuyển đổi
thời vụ canh tác để có thể thu hoạch lúa, hoa màu xong trước mùa bão lũ. Đây là
cách ứng phó với bão lũ bất thường để “chắc ăn”, một cách giảm thiểu rủi ro mất
mát được đúc kết từ kinh nghiệm lao động sản xuất ở vùng đất khắc nghiệt này. Bà
L.T.L.A ở xã Mỹ Thắng, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Ngày xưa, cứ tranh thủ hết vụ
này đến vụ khác, không để đất trống Lúa làm một năm 3 vụ Hồi đó hay bị thiệt hại
lắm Làm vụ 3 mà cứ nơm nớp lo sợ Cứ coi như được thì tốt không thì lấy rạ cho
bò vậy đó Giờ thì rút kinh nghiệm một năm làm 2 vụ thôi Trồng giống dài ngày

103
cho sản lượng cao Vụ nào là chắc vụ đó Tới mùa bão lũ là thu hoạch mọi thứ xong
hết Lúa đang trổ mà chỉ cần một trận gió lớn làm lúa ngã rạp xuống là bị lép hết
chứ đừng nói là có bão Gần biển mà Gió lớn lắm Còn lụt thì coi như mất trắng
luôn Có cắt rạ về cho bò thôi”
Kế đó, cùng xếp ở mức Khá về sự thay đổi phương thức hoạt động để thích
ứng với bão lũ bất thường trong trồng trọt là: việc áp dụng biện pháp kỹ thuật canh
tác mới (thuốc, phân, chăm sóc… phù hợp với thời tiết thay đổi - xếp hạng 2 với
ĐTB = 3.84; thay đổi giống cây trồng có sức chống chịu tốt hơn với sâu bệnh với
ĐTB = 3.66 - xếp hạng 3 và xếp hạng 4 với ĐTB = 3.62 là chuyển sang giống lúa
ngắn ngày để thu hoạch sớm trước mùa bão lũ. Trong những năm gần đây, việc áp
dụng các thành tựu Khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực trồng trọt khá được đầu tư và
quan tâm. Các Trung tâm khuyến nông cũng thực hiện khá tốt chức năng tư vấn, hỗ
trợ của mình về biện pháp, kỹ thuật canh tác, chọn giống... cho bà con. Các quầy
bán giống, thuốc trừ sâu, phân bón... cũng khá cập nhật những giống mới, những
loại thuốc, phân mới... có hiệu quả. Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông cũng
là cầu nối quan trọng trong việc giải đáp thắc mắc của bà con về những vấn đề nảy
sinh trong quá trình canh tác. Chính vì những yếu tố này mà các hành động trên xếp
ở mức Khá là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phỏng vấn sâu,
chúng tôi phát hiện ở tiêu chí: thay đổi hành động “chuyển sang giống lúa ngắn
ngày để thu hoạch sớm trước mùa bão lũ” có sự khác nhau ở từng xã khác nhau. Cụ
thể ở những xã chỉ làm lúa một năm 2 vụ họ không chọn các giống lúa ngắn ngày vì
theo họ giống ngắn ngày cho năng suất và chất lượng không cao so với giống dài
ngày. Chỉ những vùng vẫn canh tác một năm 3 vụ lúa mới sử dụng giống lúa ngắn
ngày để rút ngắn thời gian, tránh bão lũ bất thường. Ông L.V.T ở xã Phước Thắng,
huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định cho biết: “ở trên xã trên huyện gần đây cũng hay
có hướng dẫn nên trồng giống gì theo mùa nào thì tốt trước mùa vụ để bà con chủ
động, chuẩn bị sẵn sàng mùa vụ mới Tivi với mấy tiệm bán thuốc, phân, giống
cũng hay tư vấn lắm Rồi người này chỉ người kia, hỏi nhau để cùng nhau chọn
giống, sâu bệnh nào thì dùng thuốc gì Còn về giống ngắn ngày thì tùy nơi thôi Ở
chỗ tôi một năm làm có hai vụ nên không chọn giống ngắn ngày Hạt gạo không

104
ngon bằng dài ngày Năng suất cũng thấp hơn Mấy chỗ làm năm 3 vụ mới chọn
giống ngắn ngày”
Chỉ xếp ở vị trí thứ 5 với mức độ Trung bình trong thang đo 5 mức đã xác
lập là sự thay đổi giống cây trồng có sức chống chịu tốt hơn với khí hậu thay đổi.
Như vậy, người nông dân vẫn chú trọng với việc thay đổi giống cây trồng có sức
chống chịu với sâu bệnh nhiều hơn là chọn giống với sức chống chịu với sự thay đổi
của khí hậu. Vì những ảnh hưởng do sâu bệnh gây ra là những ảnh hưởng thấy rõ,
hiển hiện trước mắt. Trong khi đó, những tác động do thay đổi của khí hậu lại diễn
ra chậm, khiến người dân khó phát hiện ra. Họ chỉ thực sự thay đổi khi biểu hiện
của sự thay đổi thời tiết, khí hậu là rõ rệt và tác động mạnh đến sinh kế của họ.
Đáng lưu tâm nhất là sự thay đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đa dạng, xen
canh (lúa, hoa màu phù hợp với thời tiết là có trị số điểm trung bình thấp nhất 2.49
- ứng với mức Thấp. Kết quả này cho thấy người nông dân thường duy trì thói quen
trồng trọt ít chịu thay đổi luân canh, xen canh... Bên cạnh đó, việc thay đổi cơ cấu
cây trồng theo hướng đa dạng, xen canh còn phụ thuộc rất lớn vào đặc điểm của đất
đai, thổ nhưỡng. Mỗi vùng khác nhau thường sẽ phù hợp với những loại cây trồng
khác nhau. Đây chính là điểm gợi mở quan trọng để có hướng đề xuất biện pháp tác
động kịp thời nhằm cải thiện thực trạng này. Bàn về vấn đề này, bà N.T.X.P ở xã
Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định chia sẻ: “Ở Tuy Phước này, đất phèn
dữ lắm. Thử nhiều giống lúa, cây trồng, hoa màu đủ cả rồi đều không ăn thua Chỉ
được mỗi giống lúa Hoa ưu 109 là tốt nhất thôi. Giống này chịu được phèn. Thu
hoạch ổn định. Mất có gần 100 ngày là thu hoạch. Các giống lúa khác không chịu
được đất ở đây Còn trồng màu thì không phải nói. Không trồng được đâu”
Để có những lý giải sâu sắc và đa chiều hơn, chúng tôi thực hiện so sánh
mức độ thay đổi phương thức hành động trong trồng trọt phân theo giới tính và địa
bàn nghiên cứu. Kết quả được thể hiện ở bảng 4.11.

105
Bảng 4.11 Kết quả mức độ thay đổi phương thức hoạt động trong trồng trọt để
thích ứng với bão lũ bất thường của nông dân phân theo giới tính
và địa bàn sinh sống
Phân theo giới tính Phân theo địa bàn
Nội dung ĐTB
chung Mức độ Bình Quảng Mức độ
Nam Nữ
ý nghĩa Định Ngãi ý nghĩa
Thay đổi giống cây trồng có sức
chống chịu tốt hơn với khí hậu 3.29 3.27 3.30 0.857 3.11 3.48 0.000
thay đổi.
Thay đổi giống cây trồng có sức
3.66 3.65 3.67 0.919 3.53 3.79 0.000
chống chịu tốt hơn với sâu bệnh
Chuyển sang giống lúa ngắn ngày
3.62 3.94 3.30 0.000 3.46 3.78 0.000
để thu hoạch sớm trước mùa bão lũ
Thay đổi cơ cấu cây trồng theo
hướng đa dạng, xen canh (lúa, hoa 2.49 2.53 2.45 0.086 2.33 2.65 0.000
màu phù hợp với thời tiết
Thu hoạch lúa và các vụ màu trước
4.23 4.41 4.05 0.020 4.16 4.30 0.068
mùa bão lũ cho chắc ăn
Áp dụng biện pháp kỹ thuật canh
tác mới (thuốc, phân, chăm sóc… 3.84 3.94 3.74 0.151 3.79 3.89 0.061
phù hợp với thời tiết thay đổi
ĐTB chung 3.52 3.62 3.42 0.042 3.40 3.65 0.000
Xét theo phương diện giới tính, ĐTB về mức độ thay đổi phương thức hành
động trong trồng trọt giữa nam và nữ có sự chênh lệch tương đối (3.62 - 3.42 = 0.2)
và đều nằm trong mức Khá theo thang đo 5 mức đã được xác lập. Bên cạnh đó, khi
thực hiện kiểm nghiệm T-test để xem sự khác biệt giữa nam và nữ về tiêu chí này.
Kết quả cho thấy, mức độ thay đổi phương thức hành động trong trồng trọt giữa
nam và nữ là có ý nghĩa thống kê, với mức ý nghĩa p = 0.042 < 0.05. Hay nói cách
khác, giới tính có sự ảnh hưởng nhất định đến sự thay đổi phương thức hành động
trong trồng trọt của nông dân ven biển khu vực miền Trung.
Để thấy sự khác biệt rõ nét giữa nam và nữ trong sự thay đổi phương thức
hành động trong trồng trọt, chúng ta dựa vào các căn cứ sau: Thứ nhất, nam có sự
thay đổi hành động cao hơn nữ ở 4/6 nội dung, nữ có sự thay đổi hành động cao hơn
nam ở 2/6 nội dung. Thứ hai, so sánh giá trị trung bình giữa nam và nữ ở từng nội
dung bằng kiểm định T-test ta thấy nam có sự thay đổi cao hơn nữ có ý nghĩa thống

106
kê ở 02 nôi dung sau: Chuyển sang giống lúa ngắn ngày để thu hoạch sớm trước
mùa bão lũ (p = 0.000 và thu hoạch lúa và các vụ màu trước mùa bão lũ cho chắc
ăn (p = 0.020 . Ở những nội dung còn lại, không tìm thấy sự khác biệt có ý nghĩa về
mặt thống kê. Ở các gia đình nông thôn, nam giới đóng vai trò trụ cột, quyết định
những chuyện lớn trong nhà. Họ thường lo xa, lo sự an toàn, chắc ăn về lương thực
đảm bảo cho sinh hoạt gia đình nên ở 2 nội dung đề cập đến tính an toàn, đảm bảo
năng suất thu hoạch nam giới có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê so với nữ giới là
điều dễ hiểu.
Xét trên bình diện địa bàn sinh sống, ta thấy mức độ thay đổi hành động
trong trồng trọt của nông dân tỉnh Quảng Ngãi có sự chênh lệch, cao hơn khá rõ về
trị số trung bình so với nông dân tại Bình Định (3.65 - 3.40 = 0.25). Bên cạnh đó,
khi thực hiện kiểm nghiệm T-test để xem sự khác nhau giữa địa bàn sinh sống cho
thấy mức độ ý nghĩa p = 0.000 < 0.05, điều này cho thấy sự khác biệt mức độ thay
đổi hành động trong trồng trọt giữa nông dân ở Quảng Ngãi và Bình Định là có ý
nghĩa về mặt thống kê. Hay nói cách khác, địa bàn sinh sống có ảnh hưởng nhất
định đến sự khác biệt trong việc thay đổi phương thức hành động trong trồng trọt
của nông dân ven biển khu vực miền Trung. Cụ thể: Nông dân tại Quảng Ngãi có sự
thay đổi hành động trong trồng trọt cao hơn nông dân tại Bình Định ở cả 6/6 nội
dung. Trong đó, có 4/6 nội dung sự khác biệt này có ý nghĩa về mặt thống kê: thay
đổi giống cây trồng có sức chống chịu tốt hơn với khí hậu thay đổi thay đổi giống
cây trồng có sức chống chịu tốt hơn với sâu bệnh chuyển sang giống lúa ngắn ngày
để thu hoạch sớm trước mùa bão lũ và thay đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đa
dạng, xen canh (lúa, hoa màu phù hợp với thời tiết. Lý giải cho sự khác biệt rõ nét
này như sau: ở địa bàn xã Phước Thắng, Phước Sơn huyện Tuy Phước tỉnh Bình
Định, phần lớn đất sản xuất bị nhiễm phèn nặng nên rất khó có sự thay đổi giống
cây trồng hay xen canh...phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây. Chính quyền địa phương,
ban ngành chức năng cũng chưa tìm ra được hướng giải quyết hiệu quả. Đại đa số
mọi người chỉ “trung thành” canh tác với cây lúa. Riêng địa bàn huyện Phù Mỹ có
trồng màu xen canh nhưng số lượng không đáng kể. Trong khi đó, tại xã Bình

107
Thạnh, Bình Đông huyện Bình Sơn, chính quyền địa phương đã đưa ra được hướng
giải quyết về thay đổi giống cây trồng và trồng xen canh phù hợp với thổ nhưỡng
nơi đây. Bên cạnh các giống bắp, đậu, rau... bà con chuyển sang trồng xen canh hai
cây thế mạnh là cây mè và hành, tỏi. Ông Đ.V.L cán bộ xã Bình Thạnh, huyện Bình
Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “ngày trước chỉ biết có mỗi cây lúa Một nhà 5-7
miệng ăn mà chỉ trông chờ vào mấy đám ruộng sống khốn khổ lắm Giờ khoa học
tiến bộ, nhiều giống mới ra, kỹ thuật nuôi trồng phát triển nên ở đây mọi người đều
chuyển qua trồng xen canh hết, cho đất không nghỉ, chứ độc canh cây lúa không thì
không ăn thua Ngoài các loại màu như bắp, đậu, rau thì cây mè là cây chủ lực
được bà con ở đây trồng lâu nay Hiện tại, bà con thử trồng hành, tỏi theo hướng
dẫn dự án gì của xã đó Đã đưa người đi tập huấn, học tập mô hình ở Ninh Thuận
về để áp dụng đại trà”

b. Mức độ thay đổi phương thức hoạt động trong chăn nuôi để thích ứng với
bão lũ bất thường của nông dân
Bảng 4.12 Kết quả mức độ thay đổi phương thức hoạt động trong chăn nuôi để
thích ứng với bão lũ bất thường của nông dân
Thứ
Nội dung ĐTB Mức độ
bậc
Thay đổi giống vật nuôi có sức chống chịu tốt hơn với sự thay
2.95 TB 5
đổi của khí hậu
Thay đổi cơ cấu vật nuôi đa dạng phù hợp với thời tiết thay đổi 2.57 Thấp 6
Tu sửa, nâng cấp chuồng trại, bờ ao, đầm nuôi cá, vịt… chống
4.09 Khá 1
ngập úng, mưa bão
Thay đổi kỹ thuật chăn nuôi (chế độ ăn, tiêm phòng, vệ sinh… 3.91 Khá 2
Chế biến, dự trữ thức ăn cho gia súc, gia cầm trong mùa bão lũ 3.85 Khá 3
Bán gia súc, gia cầm trước mùa bão lũ chính cho chắc ăn 2.98 TB 4
ĐTB chung 3.39 Khá
Cùng với trồng trọt, chăn nuôi là sinh kế cơ bản của người nông dân. Mức độ
thay đổi phương thức hành động trong chăn nuôi để thích ứng với bão lũ bất thường
của nông dân ven biển khu vực miền Trung được thể hiện qua kết quả của bảng 4.12
Dựa vào số liệu bảng 4.12, ta thấy nổi rõ lên nhất là sự thay đổi phương thức
hành động trong việc tu sửa, nâng cấp chuồng trại, bờ ao, đầm nuôi cá, vịt… chống
ngập úng, mưa bão, xếp hạng 1 (ĐTB = 4.09 , ứng với mức Khá tiệm cần mức Tốt.

108
Phần lớn người dân trong mẫu khảo sát đều chăn nuôi theo hướng nhỏ lẻ nên
chuồng trại khá lỏng lẻo, tạm bợ. Ngay cả những hộ nuôi vịt với số lượng lớn cũng
chỉ dùng lưới khoanh lại quanh vườn, ao khá đơn giản. Bởi vậy, đến mùa bão lũ
người dân đều dành thời gian để gia cố lại chuồng trại cho an toàn hơn, chống mưa
bão, ngập úng. Việc tu sửa nâng cấp này diễn ra rõ nét hơn sau khi xảy ra các trận
bão lũ. Kết quả này cũng khá tương đồng với kết quả thu nhận được từ phương
pháp quan sát với 93.54% hộ dân trong số 93 hộ được quan sát có thực hiện việc tu
sửa chuồng trại ở các mức độ khác nhau. Trong đó, tu sửa kiên cố trên nền đất cao
chỉ có 24 hộ thực hiện (chiếm 25.8% . Bên cạnh đó, vẫn có 6 hộ không hề thực hiện
việc tu sửa này Phụ lục 5]. Ông L.V.T ở xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước, tỉnh
Bình Định cho biết: nhà nuôi có mấy con gà Bình thường thả vườn Ngày trước cho
ngủ trên cây nhưng mèo, chuột ăn hết nên mới làm cái chuồng Bão lũ tới thì cho vô
lồng đưa vào nhà treo lên hết Còn chuồng heo thì xây đàng hoàng, xây kỹ Nhà có
mấy con heo là có giá Heo mà nhiễm nước bạc là chết liền Nên rút kinh nghiệm,
phải đổ đất nền cao lên xây luôn Nền chuồng heo còn cao hơn nền nhà tui mà
Mùa hè phải mát mẻ Mùa mưa phải cao chứ ở đây ngập lụt dữ lắm Năm ngoái lụt
xong lỡ hết cái mé chuồng heo phải tô lại đó”.
Kế đến, cũng ở mức Khá nhưng lần lượt xếp ở vị trí thứ 2 và 3 là sự thay đổi
phương thức hành động trong việc: thay đổi kỹ thuật chăn nuôi (chế độ ăn, tiêm
phòng, vệ sinh… (ĐTB = 3.91 và chế biến, dự trữ thức ăn cho gia súc, gia cầm
trong mùa bão lũ (ĐTB = 3.85 . Trong chăn nuôi, nhất là chăn nuôi gia súc như heo,
bò bà con phải rất chú ý đến kỹ thuật chăn nuôi so với nuôi gia cầm như: chế độ vệ
sinh, tắm, giữ ấm, tiêm phòng các loại dịch bệnh cho heo, bò. Nếu heo, bò có dấu
hiệu bệnh phải báo bác sĩ thú y để chữa chạy ngay. Có sự quan tâm tích cực này vì
đối với người nông dân, con heo con bò là tài sản lớn trong gia đình, là của để dành
để làm việc lớn như bán đi để cho con cái học hành, sửa nhà, mua sắm vật dụng có
giá trị... Bên cạnh đó, kết quả thu được từ phương pháp quan sát cũng khẳng định
điều này, khi 90.32% hộ được khảo sát đều thực hiện việc chế biền dự trữ thức ăn
cho gia súc, gia cầm ở các mức độ khác nhau Phụ lục 5]. Cũng vì những vấn đề
này ông N.T.T ở xã Tịnh Hòa, thành phố Quảng Ngãi cho biết: nhà làm nông mà.
Có con heo, con bò là quý nhất Mấy đứa con đi học cũng nhờ hết vào mấy con heo,

109
con bò này Lỡ nó có chuyện gì là đói hết Nên phải chăm kỹ lắm Nhiều khi lo cho
nó còn hơn lo cho mình Mình cảm cúm sơ sơ còn không mua thuốc uống chứ nó mà
đừ đừ không ăn là phải gọi thú ý liền” Bên cạnh đó việc dự trữ thức ăn mùa mưa
bão cho vật nuôi cũng được người nông dân chuẩn bị khá tốt. Bà L.T.L.A ở xã Tịnh
Hòa, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Cắt lúa xong là lấy rạ mang về làm cây rơm Mùa
mưa bão không thả đồng, không cắt cỏ được thì lấy rơm cho ăn Từ xưa giờ ông bà
đã làm vậy rồi Bò thì có 2 con chứ heo ăn nhiều lắm Còn dự trữ cám nữa Không
để dự trữ đồ ăn cho heo, lỡ ổng (ông Trời) ngập lụt cho 3,4 ngày thì heo đói chết,
sút ký nữa”
Một điểm đáng lưu tâm là sự thay đổi phương thức hành động trong việc
“Bán gia súc, gia cầm trước mùa bão lũ chính cho chắc ăn” lại chỉ được bà con thực
hiện ở mức Trung bình (ĐTB = 2.98 . Có sự mạo hiểm này vì bà con cho rằng bán
vật nuôi trước bão lũ thì chắc ăn thật nhưng không được giá. Thường bà con chờ
đến dịp lễ Tết để bán sẽ có giá hơn hoặc chờ cho đến khi nhà có dịp đám giỗ hay
việc gì quan trọng cần dùng tiền mới bán đi. Bà N.T.H ở xã Phước Sơn, huyện Tuy
Phước, tỉnh Bình Định cho biết: có việc gì cần tiền mới bán chứ bán sớm heo chưa
được ký với mất giá lắm Để Tết bán có giá hơn Bão lũ rủi ro thì chịu thôi chứ bán
giá thấp tiếc lắm”
Có ĐTB thấp nhất (2.57) ứng với mức thấp trong thang đo mức độ thay đổi
hành động trong chăn nuôi để thích ứng với bão lũ bất thường là sự thay đổi cơ cấu
vật nuôi đa dạng phù hợp với thời tiết thay đổi. Có kết quả này vì đa phần bà con
nông dân vẫn trung thành với những vật nuôi cơ bản là heo, bò, gà. Ít có sự thay đổi
trong cơ cấu vật nuôi. Chỉ một số ít nuôi trồng thủy hải sản là có tìm tòi, thay đổi cơ
cấu vật nuôi nhưng thường chạy theo nhu cầu thị trường chứ ít chú trọng đến việc
thay đổi cơ cấu vật nuôi cho phù hợp với sự thay đổi của khí hậu. Kết quả từ
phương pháp quan sát cũng cho thấy 35.48% (Chiếm hơn 1/3 lượng mẫu số hộ
được quan sát không hề có sự thay đổi cơ cấu vật nuôi cho đa dạng phù hợp với thời
tiết thay đổi. Hơn nửa lượng mẫu (54.83%) có thay đổi theo hướng “một phần” -
manh mún, nhỏ lẻ, bắt chước. Chỉ có chưa đến 10% số hộ là có sự thay đổi cơ cấu
vật nuôi bài bản, có tìm hiểu, tư vấn thông tin tại các trạm khuyến nông, các nhà

110
thuốc, tìm hiểu trên tivi, internet.... Đây cũng chính là những hộ xem chăn nuôi là
hướng lao động chủ lực và là nguồn thu nhập chính của gia đình Phụ lục 5].
Sự thay đổi phương thức hành động trong chăn nuôi để thích ứng với bão lũ
bất thường của nông dân khu vực miền Trung sẽ được phân tích đa chiều hơn qua
kết quả về mức độ thay đổi phương thức hành động trong chăn nuôi phân theo giới
tính và địa bàn sinh sống được thể hiện ở bảng 2.13.
Bảng 4.13 Kết quả mức độ thay đổi phương thức hoạt động trong chăn nuôi
phân theo giới tính và địa bàn sinh sống
Phân theo giới tính Phân theo địa bàn
ĐTB
Nội dung Mức độ Bình Quảng Mức độ
chung Nam Nữ
ý nghĩa Định Ngãi ý nghĩa
Thay đổi giống vật nuôi có sức chống
chịu tốt hơn với sự thay đổi của khí 2.95 3.04 2.86 0.202 2.91 2.99 0.078
hậu
Thay đổi cơ cấu vật nuôi đa dạng phù
2.57 2.63 2.51 0.386 2.51 2.63 0.127
hợp với thời tiết thay đổi
Tu sửa, nâng cấp chuồng trại, bờ ao,
đầm nuôi cá, vịt… chống ngập úng, 4.09 4.25 3.93 0.004 4.02 4.16 0.062
mưa bão
Thay đổi kỹ thuật chăn nuôi (chế độ
3.91 4.05 3.77 0.018 3.83 3.99 0.063
ăn, tiêm phòng, vệ sinh…
Chế biến, dự trữ thức ăn cho gia súc,
3.85 4.06 3.64 0.001 3.82 3.86 0.620
gia cầm trong mùa bão lũ
Bán gia súc, gia cầm trước mùa bão lũ
2.98 3.15 2.81 0.022 3.06 2.90 0.454
chính cho chắc ăn
ĐTB chung 3.39 3.53 3.25 0.003 3.36 3.42 0.714
Xét trên phương diện giới tính, kết quả từ bảng số liệu cho thấy, việc thay
đổi phương thức hành động trong chăn nuôi của nam cao hơn so với nữ (3.53 - 3.25
= 0.28). Kiểm nghiệm sự khác biệt giữa nam và nữ bằng T-test cho thấy mức độ ý
nghĩa p = 0.003 < 0.05. Như vậy, có thể nói sự khác biệt của việc thay đổi phương
thức hành động trong chăn nuôi giữa nam và nữ là có ý nghĩa về mặt thống kê. Cụ
thể: ĐTB về mức độ thay đổi hành động trong chăn nuôi của nam cao hơn nữ ở cả
tất cả 6/6 nội dung khảo sát. Nhưng trong đó có 4 nội dung sự khác biệt này là có ý
nghĩa về mặt thống kê (kiểm nghiệm T-test có p < 0.05): tu sửa, nâng cấp chuồng
trại, bờ ao, đầm nuôi cá, vịt… chống ngập úng, mưa bão Thay đổi kỹ thuật chăn
nuôi (chế độ ăn, tiêm phòng, vệ sinh… chế biến, dự trữ thức ăn cho gia súc, gia

111
cầm trong mùa bão lũ bán gia súc, gia cầm trước mùa bão lũ chính cho chắc ăn.
Các nội dung khảo sát này phần lớn là những nội dung đòi hỏi phải có sự lao động,
chân tay trực tiếp, là những công việc hàng ngày, cơ bản của người nông dân. Trong
khi đó, đàn ông trong các gia đình nông dân thường là những người đóng vai trò trụ
cột, là lao động chính nên việc họ có sự thay đổi phương thức hành động cao hơn có
sự khác biệt mang ý nghĩa về mặt thống kê là điều dễ hiểu.
Xét trên phương diện địa bàn sinh sống, ta thấy mức độ thay đổi phương
thức hành động trong chăn nuôi của nông dân tỉnh Quảng Ngãi cao hơn so với nông
dân tại Bình Định (3.42 - 3.36 = 0.06). Tuy nhiên, kết quả kiểm định T-test cho thấy
sự khác biệt này lại không có ý nghĩa về mặt thống kê vì mức độ ý nghĩa p = 0.714
> 0.05. Cụ thể: nông dân tại Quảng Ngãi có ĐTB về mức độ thay đổi phương thức
hành động trong chăn nuôi cao hơn nông dân ở Bình Định ở các nội dung: thay đổi
giống vật nuôi có sức chống chịu tốt hơn với sự thay đổi của khí hậu thay đổi cơ
cấu vật nuôi đa dạng phù hợp với thời tiết thay đổi thay đổi kỹ thuật chăn nuôi (chế
độ ăn, tiêm phòng, vệ sinh… tu sửa, nâng cấp chuồng trại, bờ ao, đầm nuôi cá,
vịt… chống ngập úng, mưa bão và chế biến, dự trữ thức ăn cho gia súc, gia cầm
trong mùa bão lũ. Trong khi đó, nông dân tại Bình Định lại có ĐTB cao hơn nông
dân Quảng Ngãi ở nội dung bán gia súc, gia cầm trước mùa bão lũ chính cho chắc
ăn. Tuy nhiên, tất cả 6 nội dung này đều không tìm thấy sự khác biệt có ý nghĩa về
mặt thống kê vì mức độ ý nghĩa p đều lớn hơn 0.05.
c. Mức độ thay đổi phương thức hoạt động để duy trì sinh hoạt thích ứng
với bão lũ bất thường của nông dân
Mặc dù bão lũ bất thường chỉ diễn ra trong vài ngày nhưng việc đảm bảo duy
trì sinh hoạt trong những ngày đó là vô cùng quan trọng. Liên quan đến an toàn,
sống còn của bản thân và các thành viên trong gia đình. Kết quả của sự thay đổi
phương thức hành động trong sinh hoạt để thích ứng với bão lũ bất thường của
người nông dân ven biển miền Trung được thể hiện ở bảng 4.14.

112
Bảng 4.14 Kết quả mức độ thay đổi phương thức hoạt động để duy trì sinh hoạt
thích ứng với bão lũ bất thường của nông dân

Phân theo giới tính Phân theo địa bàn


Mức
Nội dung ĐTB
độ Nam Nữ Mức độ Bình Quảng Mức độ
ý nghĩa Định Ngãi ý nghĩa
Dự trữ lương thực, thực phẩm,
nước uống trước khi bão, lũ 4.02 Khá 4.08 3.97 0.089 4.01 4.03 0.630
xảy ra
Để dành tiền, đề phòng có việc
3.68 Khá 3.56 3.80 0.035 3.66 3.70 0.514
cần sử dụng cho mùa bão, lũ
ĐTB chung 3.85 Khá 3.82 3.88 0.893 3.84 3.87 0.618
Trong số 2 nội dung được đưa ra để khảo sát mức độ thay đổi hành động
trong việc duy trì sinh hoạt thì việc dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống trước
khi bão, lũ xảy ra có ĐTB cao nhất (4.02 xếp ở mức Khá tiệm cận mức Tốt trong
thang đo 5 mức đã được xác lập. Kết quả này không gây nhạc nhiên khi quan sát
cho thấy: có đến 91.39% số hộ được quan sát có sự chuẩn bị dự trữ lương thực, thực
phẩm, nước uống Phụ lục 5]. Kế đó, việc để dành tiền, đề phòng có việc cần sử
dụng cho mùa bão, lũ xếp thứ 2 với ĐTB = 3.68 ứng với mức Khá. Có thể nói đây
là những công việc liên quan đến sống còn, đến sự tồn tại của cá nhân và gia đình.
Có những trận bão, mưa to, mực nước dâng cao ngập hết nhà cửa, đường đi, nhiều
nhà ở chỗ thấp phải đi sơ tán đến nhà người quen hay họ hàng ở chỗ đất cao hoặc
nhà kiên cố, nhiều tầng. Những nơi này thường bị cô lập từ 2 đến 3 ngày thậm chí
có nơi bị cô lập lên đến cả tuần, thường phải dùng thuyền, ghe để đi lại. Trong
khoảng thời gian đó, việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm như mì tôm, lương khô,
nước uống...là vô cùng cấp thiết. Chính vì lẽ đó, không ngạc nhiên khi kết quả của
sự thay đổi phương thức hành động này lại có ĐTB cao như vậy. Bàn về vấn đề
này, Bà N.T.T.T ở Tuy Phước, Bình Định cho biết: “Mấy năm trước không chuẩn
bị gì kịp mà lụt lớn phải leo lên nóc nhà ngồi chờ cứu hộ đi trực thăng, ca nô thả mì
tôm nước uống đồ xuống. Khổ lắm. Vì vậy nên giờ rút kinh nghiệm việc chuẩn bị dự
trữ lương thực, thực phẩm, nước uống trong mấy ngày bão lũ là phải luôn sẵn sàng
và là chuyện quan trọng nhất Phải sống thì mới làm được việc, mới làm lại của cải

113
được Nghe chuẩn bị có bão lũ là phải nhanh tay mua thùng mì tôm, trứng về liền
Chậm một chút ra tiệm tạp hóa là hết sạch”
Xét trên phương diện giới tính, kết quả từ bảng số liệu trên cho thấy, việc
thay đổi phương thức hành động trong sinh hoạt của nữ cao hơn so với nam (3.88 -
3.82 = 0.06). Tuy nhiên, kiểm định T-test cho thấy sự khác biệt này lại không có ý
nghĩa về mặt thống kê vì mức độ ý nghĩa p = 0.893 > 0.05. Chỉ ghi nhận được
trường hợp nữ cao hơn nam và sự chênh lệch này có ý nghĩa về mặt thống kê ở nội
dung: Để dành tiền, đề phòng có việc cần sử dụng cho mùa bão, lũ với mức độ ý
nghĩa p = 0.035 < 0.05. Thông thường người đàn ông ở các gia đình nông dân là
những người lao động chính, quyết định các việc lớn trong nhà nhưng những yếu tố
liên quan đến việc để dành tiền nong và chi tiêu hàng ngày thường gắn liền với
người phụ nữ nên có kết quả như trên là điều dễ hiểu.
Xét trên bình diện địa bàn sinh sống, kết quả thu được về ĐTB chung và
ĐTB của các nội dung để đo mức độ thay đổi phương thức hành động trong việc
duy trì sinh hoạt của nông dân Quảng Ngãi đều cao hơn so với nông dân ở Bình
Định. Tuy nhiên, kiểm định T-test để cho thấy sự chênh lệch này không có ý nghĩa
về mặt thống kê vì mức độ ý nghĩa p đều lớn hơn 0.05. Hay nói cách khác, địa bàn
sinh sống không ảnh hưởng nhiều đến việc thay đổi phương thức hành động trong
việc duy trì sinh hoạt của người nông dân.

d. Mức độ thay đổi phương thức hoạt động để giữ an toàn cho nhà cửa, tài
sản thích ứng với bão lũ bất thường của nông dân

Cuộc sống của người nông dân ven biển khu vực miền Trung vốn khó khăn.
Chính vì lẽ đó, việc thay đổi phương thức hành động nhằm giữ an toàn cho nhà cửa,
tài sản - những thứ giá trị nhất đối với người nông dân, có thể được xem là một
trong những nhu cầu và việc làm quan trọng nhất của họ trước bão lũ bất thường.
Kết quả về mức độ thay đổi phương thức hành động để giữ an toàn cho nhà cửa, tài
sản của nông dân khu vực miền Trung được thể hiện qua số liệu của bảng 4.15.

114
Bảng 4.15 Kết quả mức độ thay đổi phương thức hoạt động để giữ an toàn cho nhà
cửa, tài sản thích ứng với bão lũ bất thường của nông dân

Phân theo giới tính Phân theo địa bàn


Mức Mức
Nội dung ĐTB Quảng Mức độ
độ Nam Nữ độ ý
Bình
Định Ngãi ý nghĩa
nghĩa
Làm gác lỡ hay gác ván…để
cất đồ đạc lên cao trong mùa 3.2 TB 3.27 3.13 0.097 3.39 3.01 0.012
bão, lũ
Gửi những tài sản có giá trị
đến nơi cao ráo, an toàn hơn 3.14 TB 3.17 3.11 0.717 3.22 3.06 0.026
trước khi bão, lũ lớn đổ bộ
ĐTB chung 3.17 TB 3.22 3.12 0.241 3.31 3.04 0.017
Kết quả thu được từ bảng số liệu 4.15. cho thấy, những nội dung để đo mức
độ thay đổi phương thức hành động để giữ an toàn cho nhà cửa, tài sản như: Làm
gác lỡ hay gác ván…để cất đồ đạc lên cao trong mùa bão, lũ và gửi những tài sản có
giá trị đến nơi cao ráo, an toàn hơn trước khi bão, lũ lớn đổ bộ đều xếp ở mức Trung
bình về sự thay đổi trong thang đo 5 mức đã được xác lập. Đối với người nông dân,
điều kiện kinh tế đa phần đều eo hẹp. Trong số 381 hộ được khảo sát thì chỉ có 24
hộ có điều kiện kinh tế Khá, chiếm 6.3% tổng mẫu nghiên cứu. 93,7% còn lại rơi
vào hộ có kinh tế ở mức Trung bình, cận nghèo và nghèo. Chính vì thế, việc bỏ ra
chi phí khá lớn để làm gác lỡ, gác ván đối với nhiều hộ gia đình là quá sức trong khi
còn rất nhiều việc phải lo. Đến mùa lũ họ thường tự kê cao đồ trong nhà để tránh lũ.
Chính vì lẽ này mà những năm lũ lớn và bất ngờ, người nông dân không kịp trở tay,
thiệt hại là không hề nhỏ. Việc gửi những tài sản có giá trị đến nơi cao ráo, an toàn
hơn trước khi bão, lũ lớn đổ bộ cũng chưa được người dân quan tâm đúng mức. Họ
chỉ thực hiện việc gửi những tài sản thực sự có giá trị với họ. Nhưng do kinh tế khó
khăn cũng không có nhiều vật dụng có giá trị để gửi, thường là cái xe máy, con bò.
Cũng về vấn đề này, kết quả thu được khi quan sát cho thấy: có 13.16% hộ để dành
tiền và xây gác kiên cố bằng gỗ hay đổ bêtông, gần nửa lượng mẫu là chỉ làm gác lở
đơn giản để có thể đưa một số vật dụng quan trọng nhất lên vào mùa bão lũ. Hơn
1/3 lượng mẫu còn lại không hề thực hiện việc chuẩn bị này, một phần vì kinh tế eo

115
hẹp, một phần vì họ có thể gửi vật dụng quan trọng trong gia đình mình đến những
nhà kiên cố hơn trong thôn Phụ lục 5]. Ông N.Q.K ở Quảng Ngãi cho biết: “nhà
nông thì làm gì ra được nhiều tiền đâu Có con trâu con bò, hay cái xe, cái tivi là
quý rồi Như nhà tui không có gác, cứ ngó bề lũ lớn là lo đem đi gửi chỗ cao liền
Có vậy thì nước có dâng lên cũng đỡ lo, đỡ xót của”
Xét trên bình diện giới tính, ĐTB chung và các nội dung để đo mức độ thay
đổi phương thức hành động trong việc duy trì sinh hoạt để thích ứng với bão lũ bất
thường của nam đều cao hơn so với nữ một chút. Tuy nhiên, kiểm định T-test để
xem xét sự khác biệt giữa nam và nữ lại cho thấy mức độ ý nghĩa p đều lớn hơn
0.05. Hay nói cách khác, sự khác biệt giữa nam và nữ trong việc thay đổi phương
thức hành động để duy trì sinh hoạt thích ứng với bão lũ bất thường là không có ý
về mặt thống kê.
Trên bình diện địa bàn sinh sống, mức độ thay đổi phương thức hành động
trong việc duy trì sinh hoạt để thích ứng với bão lũ bất thường của nông dân tại
Bình Định cao hơn so với nông dân tại Quảng Ngãi (3.31 - 3.04 = 0.27). Bên cạnh
đó, kiểm nghiệm T-test để xem sự khác biệt theo địa bàn sinh sống cho thấy mức độ
ý nghĩa p = 0.017 < 0.05. Như vậy, sự khác biệt trong thay đổi phương thức hành
động để duy trì sinh hoạt thích ứng với bão lũ bất thường của nông dân ở Quảng
Ngãi và Bình Định là có ý nghĩa về mặt thống kê. Ở các nội dung như: làm gác lỡ
hay gác ván…để cất đồ đạc lên cao trong mùa bão, lũ và gửi những tài sản có giá trị
đến nơi cao ráo, an toàn hơn trước khi bão, lũ lớn đổ bộ cũng ghi nhận được nông
dân Bình Định cao hơn nông dân tại Quảng Ngãi và sự khác biệt này có ý nghĩa về
mặt thống kê vì mức độ ý nghĩa p đều nhỏ hơn 0.05. Có kết quả này là do đặc điểm
địa bàn nghiên cứu được chọn tại Bình Định, đặc biệt là Tuy Phước - vùng trũng,
thấp nhất của Bình Định. Người Bình Định có câu nói vui về người dân Tuy Phước
là “dân 9 áo 1 quần” (ý chỉ người dân ở vùng trũng thấp . Chỉ cần mưa lớn là ngập
úng phải chống ghe để đi.

e. Mức độ thay đổi phương thức hoạt động để chuẩn bị chống đỡ với bão lũ
bất thường của người dân cho bản thân và gia đình

116
Việc thực hiện những công việc và trang bị các kỹ năng cần thiết để chuẩn bị
chống đỡ với bão lũ cho bản thân và gia đình là việc làm vô cùng cần thiết. Nếu
thực hiện tốt khâu này, tính chủ động trong việc chống đỡ với bão lũ bất thường sẽ
được nâng cao đáng kể đồng thời cũng giảm đi những rủi ro về con người. Kết quả
về mức độ thay đổi phương thức hành động để chuẩn bị chống đỡ với bão lũ cho
bản thân và gia đình được thể hiện ở bảng sau:
Bảng 4.16 Kết quả mức độ thay đổi phương thức hoạt động để chuẩn bị chống đỡ
với bão lũ bất thường của người dân cho bản thân và gia đình

Phân theo giới tính Phân theo địa bàn


Mức TB
Nội dung ĐTB
độ Mức độ Bình Quảng Mức độ
Nam Nữ ý nghĩa ý nghĩa
Định Ngãi
Tham gia các buổi nói chuyện,
tập huấn với bão lũ do địa
2.84 TB 6 2.87 2.81 0.683 2.74 2.95 0.192
phương tổ chức để trang bị kỹ
năng ứng phó với bão lũ
Học về sơ cấp cứu 1.85 Thấp 8 1.82 1.88 0.573 1.88 1.83 0.433
Chuẩn bị phương tiện cứu hộ
(áo phao, đèn pin, thuốc 3.03 TB 3 2.95 3.12 0.184 2.97 3.09 0.685
men…
Dạy con cái cách ứng phó với
bão lũ (học bơi, không đến gần 2.9 TB 4 3.08 2.7 0.010 2.95 2.85 0.518
nơi nguy hiểm…
Tăng cường nghe dự báo thời
4.41 Cao 1 4.56 4.25 0.000 4.36 4.46 0.263
tiết để phòng tránh
Chặt tỉa các cây cao, gần nhà,
gần đường dây điện trước mùa 4.20 Cao 2 4.33 4.05 0.006 4.13 4.27 0.215
bão lũ để tránh ngã đổ.
Chuẩn bị phương tiện để đi sơ
2.85 TB 5 2.93 2.76 0.288 3.12 2.57 0.001
tán khi bão lũ quá lớn
Chuẩn bị chỗ dự kiến để sơ tán
2.82 TB 7 3.01 2.63 0.018 2.88 2.75 0.829
khi bão, lũ quá lớn
ĐTB chung 3.11 TB 3.18 3.03 0.088 3.13 3.10 0.078
Trong số các phương thức hành động thay đổi, chuẩn bị của người nông dân
ven biển khu vực miền Trung cho bản thân và gia đình để thích ứng với bão lũ bất
thường, ta thấy nổi rõ lên nhất là việc tăng cường nghe dự báo thời tiết để phòng
tránh với ĐTB = 4.41 - xếp hạng 1, ứng với mức Cao về sự thay đổi. Có lẽ việc
nhận thức được nguy cơ của bão, lũ bất thường và sự dễ dàng, thuận tiện của việc
nghe dự báo thời tiết đã tạo ra kết quả như vậy. Kết quả các cuộc phỏng vấn cũng
xác nhận điều này. Bà C.T.Q. ở xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định cho
biết: “tới mùa mưa bão là theo dõi tivi liên tục để nghe dự báo thời tiết, thông báo
khẩn về diễn biến của bão lũ để biết chừng mà phòng tránh, lo liệu” Ngoài việc

117
theo dõi thông tin dự báo thời tiết qua tivi, radio, bộ phận thông tin truyền thông của
xã thường xuyên cập nhật thông tin về thời tiết và thông báo liên tục trên loa phát
thanh của địa phương. Công việc này được chỉ đạo thực hiện khá tốt. Đó là chưa kể
đến việc các trưởng, phó thôn cũng thường xuyên đi nhắc nhở bà con bằng loa di
động chuẩn bị sẵn sàng chống đỡ với bão lũ bất thường.
Kế đó, cùng xếp ở mức Cao trong sự thay đổi phương thức hành động để thích
ứng với bão lũ bất thường là việc chặt tỉa các cây cao, gần nhà, gần đường dây điện
trước mùa bão lũ để tránh ngã đổ. Thông thường khi nghe tin bão sắp đổ bộ, thì việc
chằng chống, gia cố nhà cửa và chặt tỉa các cây cao, gần nhà, gần đường dây điện
được bà con nông dân thực hiện rất tốt. Bởi sức tàn phá của bão là rất lớn. Nếu không
chặt tỉa các cây lớn gần nhà thì khả năng ngã đổ gây thiệt hại cho nhà cửa, tính mạng
con người, ảnh hưởng đến nguồn điện và gây cản trở giao thông là rất lớn. Ý thức
được tầm quan trọng của vấn đề này nên kết quả ĐTB của việc chặt tỉa các cây cao,
gần nhà, gần đường dây điện trước mùa bão lũ để tránh ngã đổ đạt mức Cao là điều
không ngạc nhiên. Bên cạnh đó, ở một số nơi thuộc thành phố, còn có sự hỗ trợ của
công ty vệ sinh môi trường chặt tỉa các cành cây gần đường dây điện và nhà dân. Tuy
nhiên, ở nông thôn thì bà con nông dân phải tự tay làm mọi việc.
Ngoài 2 hành động trên, ghi nhận được kết quả ĐTB về sự thay đổi phương
thức hành động ở mức cao. Những hành động còn lại, sự thay đổi chỉ ở mức Trung
bình và thấp.
Xếp hạng 3, với ĐTB = 3.03 là sự chuẩn bị phương tiện cứu hộ (áo phao, đèn
pin, thuốc men… . Phương thức hành động này chỉ được bà con đánh giá thay đổi ở
mức Trung bình vì bà con có chuẩn bị đèn pin, vài loại thuốc như cảm cúm, đau
đầu, hạ sốt, tiêu chảy. Tuy nhiên, gần như rất ít nhà có chuẩn bị sẵn áo phao để đề
phòng khi nước lũ dâng cao hay có tình huống khẩn cấp phát sinh. Kết quả thu được
từ phương pháp quan sát cho thấy: 58.06% số hộ có chuẩn bị đèn pin, số còn lại
không hề có đèn pin. Về tủ thuốc, hộp sơ cứu đa phần chỉ là những túi thuốc, vật
dụng sơ cứu đơn giản được bỏ vào trong túi nilông hay hộp giấy, hộp nhựa (chiếm
70.97% , chỉ có 2 hộ là có tử thuốc y tế với đầy đủ những vật dụng cần thiết phục
vụ cho viết sơ cấp cứu hay những bệnh đơn giản như đau đầu, cúm, tiêu chảy...
Đáng lưu tâm là có đến 34.41% số hộ không hề có sự chuẩn bị nào. Về áo phao,

118
không có hộ nào chuẩn bị đầy đủ cho các thành viên trong gia đình, có 7.53% số hộ
là có chuẩn bị áo phao nhưng không đủ cho các thành viên. Có đến 92.47% hộ là
không hề có áo phao Phụ lục 5]. Chia sẻ về vấn đề này, bà N.T.T.T chia sẻ: “hồi
xưa thì chỉ chỉ có đèn dầu Bây giờ chuyển qua dùng đèn pin, đèn sạc điện, nến cho
tiện Bão lũ thường cúp điện lắm Nửa đêm nửa hôm lỡ có việc cần dùng không
xoay đâu ra cho kịp. Mấy ngày lũ ngâm là không đi đâu được nên về thuốc thang
thì cũng lo mua mấy liều đau đầu, tiêu chảy để dự trữ trong nhà chứ áo phao thì
không có đâu Ở đây cũng không có nhà nào chuẩn bị áo phao đâu”
Huấn luyện cho trẻ trong gia đình những biện pháp an toàn trong mùa mưa
bão cũng là vấn đề quan trọng như: dạy cho trẻ biết bơi, không tới gần nơi nguy
hiểm... Đây là một việc làm cần thiết của người dân sống trong vùng thường xuyên
bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ trong bối cảnh hàng năm có rất nhiều trẻ bị đuối
nước. Tuy nhiên, trên thực tế việc tập bơi của trẻ em trong gia đình nông thôn vẫn
chưa được quan tâm đúng mức. Thường chỉ mang tính tự phát, tự tập lấy trong quá
trình đi chăn trâu, chăn bò hay tắm biển, tắm mương cùng bạn. Những năm gần đây,
với sự tài trợ về vật chất và nguồn lực của các cơ quan ban ngành và các tổ chức phi
chính phủ nhiều dự án tăng cường giảm nhẹ rủi ro của thiên tai, bão lũ bất thường
đã được tiến hành ở nhiều địa phương. Có nhiều lớp dạy bơi cho trẻ em vùng biển
được mở ra như tại Quảng Ngãi, năm 2016, nhằm trang bị kỹ năng phòng chống
đuối nước, thành phố Quảng Ngãi đã mở lớp dạy bơi miễn phí tại bãi biển Tân An,
xã Nghĩa An cho trẻ em. Khu vực dạy bơi được neo và quây cẩn thận bằng phao
xung quanh. Lớp học được tổ chức từ 6 - 8h vào các ngày thứ 3, thứ 5 và thứ 7 hàng
tuần. Các huấn luyện viên và đội tình nguyện gồm 15 người của địa phương sẽ kèm
một học sinh trong quá trình học để đảm bảo an toàn. Các em đều được cấp phát và
mặc áo phao trong suốt quá trình học bơi. Theo Ủy ban nhân dân thành phố Quảng
Ngãi, mô hình dạy bơi miễn phí tại các hồ bơi di động trên biển sẽ được nhân rộng
ra các địa phương khác nhằm tiến tới “xóa mù” bơi lội cho trẻ em.
Cùng xếp ở mức Trung bình trong sự thay đổi phương thức hành động là
việc chuẩn bị phương tiện đi sơ tán và chuẩn bị chỗ dự kiến để sơ tán khi bão lũ
quá lớn. Nhiều hộ gia đình trong số những hộ được khảo sát nói rằng họ phải sơ tán
bằng thuyền nhỏ nhất là người dân của huyện Tuy Phước - vùng trũng, thấp nhất

119
trong số các địa bàn nghiên cứu. Những nhà không có thuyền, lại ở trong vùng
trũng phải đưa gia đình, người già, trẻ em sơ tán theo lệnh của địa phương trước
khi bão lũ về. Điểm trú bão lụt tạm thời thường là các trường học cao tầng, Ủy ban
xã, các nhà văn hóa của cụm dân cư đã được nâng cấp.
Tham gia các buổi nói chuyện, tập huấn với bão lũ do địa phương tổ chức để
trang bị kỹ năng ứng phó với bão lũ cũng chỉ xếp ở mức Trung bình về sự thay đổi
phương thức hành động (ĐTB = 2.87, hạng 6 . Có kết quả này là bởi vì thường
trong gia đình chỉ có một người đại diện để đi họp và đa số là đàn ông. Tuy nhiên,
qua kết quả phỏng vấn sâu cũng đã cho thấy người dân cũng có ý thức khá cao
trong việc tham gia, lắng nghe, đóng góp ý kiến xây dựng kế hoạch chung cho địa
phương nơi mình sinh sống để chống đỡ với bão lũ bất thường. Bên cạnh đó, Ông
Đ.V.L cán bộ xã Bình Thạnh, Bình Sơn cho biết thêm: “Một năm thường chỉ có một
vài đợt diễn tập, tập huấn phối hợp giữa các lực lượng dân quân, người dân, quân
đội, công, ý tế nhưng số lượng người tham gia được giới hạn Còn tuyên truyền
trong dân thì tỉ lệ cao hơn do lấy tiêu chí xét gia đình văn hóa nên phần lớn các hộ
đều cử người đại diện đi họp Nhưng để tuyên truyền phổ biến trên tất cả mọi người
dân thì khó”
Đáng lưu tâm nhất là kết quả thu được từ việc học về sơ cấp cứu của người
nông dân ven biển khu vực miền Trung có trị số trung bình thấp nhất (1.85 trong số
8 nội dung được khảo sát, ứng với mức Thấp tiệm cận mức Rất thấp. Đây là điều rất
đáng lo ngại. Bởi lẽ, trong khi bị bão lũ bất thường cô lập với trạm y tế, bệnh
viện..., nếu có tình huống bất ngờ phát sinh gây tổn thương về sức khỏe và tính
mạng mà người dân không có kỹ năng về sơ cấp cứu thì nguy cơ rủi ro đe dọa là rất
lớn. Tuy nhiên trên thực tế, thông thường các lớp học sơ cấp cứu thường do hội Chữ
thập đỏ các cấp, Đoàn thanh niên phối hợp với cơ sở y tế tại địa phương tổ chức.
Đối tượng học thường chỉ ưu tiên cho cán bộ trong ban phòng chống lụt bão của
thôn xã, cán bộ đoàn...tham gia chưa được nhân rộng cho từng hộ gia đình.
Xét trên phương diện giới tính, ta thấy sự thay đổi phương thức hành động
trong việc chuẩn bị cho bản thân và gia đình thích ứng với bão lũ bất thường thì
nam cao hơn nữ (3.18 - 3.03 = 0.15 . Tuy nhiên, sự khác biệt này lại không có ý
nghĩa về mặt thống kê vì kiểm nghiệm T-test cho thấy mức độ ý nghĩa p = 0.088 >

120
0.05. Xét trong từng biểu hiện của sự thay đổi phương thức hành động trong việc
chuẩn bị cho bản thân và gia đình thích ứng với bão lũ bất thường, ghi nhận kết quả
nam cao hơn nữ và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với mức độ ý nghĩa p đều
nhỏ hơn 0.05 ở những nội dung như: dạy con cái cách ứng phó với bão lũ (học bơi,
không đến gần nơi nguy hiểm… tăng cường nghe dự báo thời tiết để phòng tránh
chặt tỉa các cây cao, gần nhà, gần đường dây điện trước mùa bão lũ để tránh ngã đổ
và chuẩn bị chỗ dự kiến để sơ tán khi bão, lũ quá lớn. Đây phần nhiều là những
hành động đòi hỏi sức lực, vận động và sự quyết định của người đàn ông - trụ cột
trong gia đình vì thế không ngạc nhiên khi những nội dung này nam cao hơn và có
sự khác biệt có ý nghĩa thống kê so với nữ.
Xét trên bình diện địa bàn sinh sống, sự thay đổi phương thức hành động trong
việc chuẩn bị cho bản thân và gia đình thích ứng với bão lũ bất thường của người
nông dân ở Quảng Ngãi có sự thay đổi cao hơn so với nông tỉnh Bình Định (3.13 -
3.10 = 0.03 . Tuy nhiên, sự khác biệt này lại không có ý nghĩa về mặt thống kê vì
kiểm nghiệm T-test cho thấy mức độ ý nghĩa p = 0.078 > 0.05. Chỉ ghi nhận duy nhất
sự khác biệt có ý nghĩa thống kê trong sự thay đổi hành động: chuẩn bị phương tiện
để đi sơ tán khi bão lũ quá lớn, nông dân ở Bình Định (3.12 cao hơn nông dân ở
Quảng Ngãi (2.57 với mức độ ý nghĩa p = 0.001 < 0.05. Kết quả này có thể được lý
giải bởi địa bàn khảo sát tại huyện Tuy Phước - vùng Trũng nhất của Bình Định, hầu
như nhà nào cũng có những chiếc ghe nhỏ để di chuyển khi mùa lũ về.
4.1.4.3. Hiệu quả của sự thay đổi phương thức hoạt động để thích ứng với bão lũ
bất thường của nông dân
Mức độ thích ứng với bão lũ bất thường của nông dân ven biển khu vực miền
Trung được đo thông qua hai tiêu chí: sự thay đổi phương thức hành động và hiệu
quả của sự thay đổi phương thức hành động đó để thích ứng với bão lũ bất thường.
Bên cạnh kết quả về sự thay đổi phương thức hành động để thích ứng với bão lũ bất
thường đã được trình bày và phân tích ở phần trên thì hiệu quả của sự thay đổi
phương thức hành động để thích ứng với bão lũ bất thường của nông dân ven biển
khu vực miền Trung được đo thông qua sự ít thiệt hại, ít tổn thất ở các tiêu chí như:
nhà cửa; mùa màng, trồng trọt chăn nuôi tài chính tài sản, đồ đạc; sức khỏe thể
chất; sức khỏe tinh thần; tính mạng; thời gian, công sức để chống chọi với bão lũ

121
bất thường và khả năng vượt khỏ khăn quay trở lại sản xuất, sinh hoạt của người
nông dân. Kết quả cụ thể được trình bày ở bảng 4.17.
Bảng 4.17 Hiệu quả của sự thay đổi phương thức hoạt động để thích ứng với
bão lũ bất thường của nông dân
Mức độ Mức độ
Nội dung ĐTB
thiệt hại hiệu quả
1 Về mùa màng, trồng trọt 3.27 TB TB
2 Trong việc chăn nuôi gia súc, gia cầm, tôm cá... 3.36 TB TB
3 Về nhà cửa, tài sản, tài chính, đồ đạc 3.74 Ít Khá
Về nhà cửa 3.77 Ít Khá
Về tài chính 3.57 Ít Khá
Về tài sản, đồ đạc 3.88 Ít Khá
4 Đối với bản thân và gia đình 3.32 TB TB
Đối với sức khỏe thể chất 4.05 Ít Khá
Khá
Sự lo lắng, sợ hãi 2.58 Thấp
nhiều
5 Đối với sinh hoạt 2.86 TB TB
Thời gian cho việc chuẩn bị chống chọi với
2.80 TB TB
những cơn bão lũ bất thường
Công sức cho việc chuẩn bị chống chọi với
2.87 TB TB
những cơn bão lũ bất thường
Quay trở lại cuộc sống sinh
2.91 TB TB
hoạt thường ngày
Quay trở lại công việc lao động sản xuất thường
2.88 TB TB
ngày
ĐTB chung 3.27 TB TB
Tác động của bão lũ bất thường đến đời sống của những người nông dân ven
biển là không hề nhỏ. Mỗi nơi có bão lũ bất thường đi qua, ít nhiều đều để lại những
tổn thất nhất định về người và của. Sự thay đổi phương thức hành động để thích ứng
với bão lũ bất thường càng chủ động, tích cực và phù hợp thì thiệt hại do bão lũ bất
thường gây ra càng ít. Dựa vào thang đo 5 mức đã được xác lập, ta thấy mức độ
hiệu quả của sự thay đổi phương thức hành động để bảo vệ với sức khỏe thể chất là
cao nhất (ĐTB = 4.05 , ứng với mức Khá tiệm cận mức Cao. Kế đến là những thiệt
hại về tài sản, đồ đạc; nhà cửa và tài chính đều ở mức Khá. Hay nói cách khác, đây
là những nội dung được người nông dân đánh giá sự thiệt hại, tổn thương do những
tác động của bão lũ bất thường gây ra là ít. Thiệt hại, tổn thất, khó khăn ở mức
Trung bình xảy ra ở những nội dung như: trong chăn nuôi trồng trọt; quay trở lại
sản xuất, sinh hoạt; tốn thời gian, công sức để chống đỡ với bão lũ bất thường. Kết

122
quả này cũng khá tương đồng với nhận định của UNDP (2011): Liên quan đến thiên
tai, xu hướng chung trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam là thiệt hại về người sẽ
giảm, nhưng thiệt hại về kinh tế sẽ tăng
Đáng lưu tâm hơn cả là mỗi khi bão lũ bất thường xuất hiện, mức độ sợ hãi,
lo lắng của người nông dân ven biển khu vực miền Trung là Khá cao (ĐTB = 2.58 .
Với những thiệt hại to lớn về người và tài sản mà bão lũ bất thường gây ra, sự lo
lắng sợ hãi mỗi khi hiện tượng thời tiết cực đoan này xuất hiện là điều không thể
tránh khỏi. Nhất là đối với những người nông dân ven biển - sống ở những vùng
quanh năm đối mặt với sự tàn phá, đe đọa ở mức cao của bão lũ bất thường.
Bảng 4.18 Hiệu quả của sự thay đổi phương thức hoạt động để thích ứng với
bão lũ bất thường của nông dân phân theo giới tính và địa bàn sinh sống

Phân theo giới tính Phân theo địa bàn


Nội dung ĐTB Mức độ Bình Quảng Mức độ
Nam Nữ
ý nghĩa Định Ngãi ý nghĩa
1 Hiệu quả với mùa màng, trồng trọt 3.27 3.25 3.29 0.729 3.08 3.46 0.012
Trong việc chăn nuôi gia súc, gia
2 cầm, tôm cá... 3.36 3.33 3.39 0.502 3.34 3.38 0.714
Về nhà cửa, tài sản, tài chính, đồ
3 đạc 3.74 3.70 3.78 0.399 3.67 3.81 0.175
Về nhà cửa 3.77 3.8 3.73 0.561 3.74 3.8 0.573
Về tài chính 3.57 3.5 3.64 0.238 3.41 3.73 0.014
Về tài sản, đồ đạc 3.88 3.78 3.97 0.102 3.85 3.91 0.083
4 Đối với bản thân và gia đình 3.32 3.27 3.41 0.084 3.32 3.31 0.824
Đối với sức khỏe thể chất 4.05 3.95 4.14 0.064 4.03 4.07 0.762
Sự lo lắng, sợ hãi 2.58 2.69 2.47 0.005 2.61 2.55 0.359
5 Đối với sinh hoạt 2.86 2.73 2.99 0.004 2.84 2.89 0.561
Thời gian cho việc chuẩn bị chống
chọi với những cơn bão lũ bất 2.8 2.63 2.97 0.034 2.77 2.83 0.081
thường
Công sức cho việc chuẩn bị chống
chọi với những cơn bão lũ bất 2.87 2.68 3.07 0.007 2.84 2.91 0.413
thường
Quay trở lại cuộc sống sinh hoạt
2.91 2.76 3.08 0.027 2.9 2.93 0.556
thường ngày
Quay trở lại công việc lao động
2.88 2.7 3.06 0.012 2.86 2.9 0.601
sản xuất thường ngày
ĐTB chung 3.27 3.18 3.35 0.024 3.22 3.32 0.732
Xét trên bình diện giới tính, Một điểm khá thú vị trong kết quả nghiên cứu
của đề tài đó là mức độ thay đổi phương thức hành động của nam cao hơn nữ và sự

123
khác biệt này lại có ý nghĩa thống kê. Tuy nhiên, hiệu quả của sự thay đổi phương
thức hành động để thích ứng với bão lũ bất thường của nữ lại cao hơn nam (3.35 -
3.18 = 0.17) và sự chênh lệch này có ý nghĩa về mặt thống kê vì kiểm nghiệm T-test
cho thấy mức độ ý nghĩa p = 0.024 < 0.05. Ở từng tiêu chí cụ thể để đo hiệu quả của
sự thay đổi phương thức hành động, ta nhận thấy nữ có ĐTB cao hơn nam ở 10/11
tiêu chí (trừ đánh giá thiệt hại về nhà cửa . Trong đó, ghi nhận ĐTB của nữ cao hơn
nam (đánh giá ít thiệt hại, ít khó khăn, ít tổn hại cao hơn nam và những sự khác
biệt này có ý nghĩa về mặt thống kê với mức độ ý nghĩa p đều nhỏ hơn 0.05 ở các
nội dung sau: tốn thời gian cho việc chuẩn bị chống chọi với những cơn bão lũ bất
thường (p = 0.034); và tốn công sức cho việc chuẩn bị chống chọi với những cơn
bão lũ bất thường (p = 0.007); Khó khăn trong việc quay trở lại cuộc sống sinh hoạt
thường ngày (p = 0.027); khó khăn trong việc quay trở lại công việc lao động sản
xuất thường ngày (p = 0.012 . Những công việc chống đỡ với bão lũ bất thường,
nhất là những việc nặng như lo chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cây cối, quay lại sản
xuất lao động... phần lớn là do người đàn ông trong gia đình trực tiếp làm nên có lẽ
việc đánh giá tốn nhiều công sức, thời gian và khó khăn quay trở lại lao động sản
xuất cao hơn với nữ là kết quả không gây ngạc nhiên. Riêng về sự lo lắng, sợ hãi
kết quả ghi nhận được nam ít lo lắng, sợ hãi hơn nữ và sự khác biệt này có ý nghĩa
về mặt thống kê với mức độ ý nghĩa p = 0.005. Đàn ông thường là người chủ động
thực hiện các biện pháp để chống đỡ với bão lũ bất thường. Bên cạnh đó, do đặc
điểm đặc trưng về giới nên người đàn ông thường tỏ ra cứng rắn và cố gắng kiểm
soát, biểu hiện cảm xúc tốt hơn so với phụ nữ bởi vậy kết quả này là điều dễ hiểu.
Xét trên bình diện địa bàn sinh sống cho thấy, hiệu quả sự thay đổi phương
thức hành động để thích ứng với bão lũ bất thường của nông dân ven biển tại Quảng
Ngãi lại cao hơn nông dân ở Bình Định (3.32 - 3.22 = 0.10) và sự chênh lệch này
không có ý nghĩa về mặt thống kê vì mức độ ý nghĩa p = 0.732 > 0.05. Tuy nhiên,
khi phân tích về trị số trung bình của từng nội dung đo hiệu quả sự thay đổi phương
thức hành động để thích ứng với bão lũ bất thường, nhận thấy nông dân Quảng Ngãi
có ĐTB cao hơn nông dân Bình Định, và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê vì

124
mức độ ý nghĩa p đều nhỏ hơn 0.05 ở 2 nội dung: thiệt hại về trồng trọt và thiệt hại
về tài chính. Có lẽ do địa bàn nghiên cứu ở Tuy Phước là vùng rất trũng thấp nên
thiệt hại gây ra cho mùa màng trồng trọt dẫn đến thiệt hại chung về tài chính cao
hơn so với Quảng Ngãi. Dó đó, kết quả của sự khác biệt có ý nghĩa thống kê ở 2 nội
dung này là điều dễ hiểu.
4.1.5. Mối quan hệ giữa các mặt biểu hiện của thích ứng với bão lũ bất thường
của nông dân
Bảng 4.19. Mối quan hệ giữa các mặt biểu hiện của thích ứng với bão lũ bất thường
của nông dân
Động cơ thúc đẩy
Sự thay đổi
Nhận thức sự thay đổi
phương thức
chung về BLBT phương thức hành
hành động
động
Hệ số tương quan 1 .769** .608**
Nhận thức
Mức độ ý nghĩa .000 .000
chung về BLBT
Sống lượng ND 381 381 381
**
Động cơ thúc Hệ số tương quan .769 1 .657**
đẩy sự thay đổi Mức độ ý nghĩa .000 .000
phương thức
Sống lượng ND 381 381 381
hành động
Sự thay đổi Hệ số tương quan .608** .657** 1
phương thức Mức độ ý nghĩa .000 .000
hành động Sống lượng ND 381 381 381
**. Correlation is significant at the 0.01 level (2-tailed).

Khi thực hiện kiểm định hệ số tương quan pearson cho mức độ nhận thức
chung về bão lũ bất thường; động cơ thúc đẩy sự thay đổi phương thức hành động;
sự thay đổi phương thức hoạt động và hiệu quả của sự thay đổi phương thức hoạt
động trong thích ứng với bão lũ bất thường của nông dân ven biển khu vực miền
Trung, kết quả từ bảng số liệu 4.19 cho thấy, có sự tương quan thuận chặt chẽ ở
mức cao và sự tương quan này có ý nghĩa về mặt thống kê giữa các thành tố.(r giao
động từ 0.608 đến 0.769; p = 0.000). Vì vậy, nếu ta tác động vào chỉ số này có thể
làm thay đổi chỉ số kia và ngược lại. Kết quả này đã chứng minh mối liên hệ chặt
chẽ giữa các thành tố cấu thành nên khả năng thích ứng với bão lũ bất thường của
người nông dân và là cơ sở quan trọng để có thể đề xuất các biện pháp hay có

125
những tác động thực nghiệm phù hợp nhằm nâng cao khả năng thích ứng với bão lũ
bất thường cho người nông dân ven biển khu vực miền Trung.
4.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ thích ứng với bão lũ bất thường của
nông dân
Việc tìm hiểu, dự báo các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ thích ứng với bão lũ
bất thường của nông khu vực miền Trung là cần thiết và đóng vai trò quan trọng
trong việc giúp người nông dân chống đỡ tốt hơn với bão lũ bất thường. Đặc biệt
với nông dân ven biển - những người thường xuyên bị đe dọa bởi những rủi ro lớn
đến từ bão lũ bất thường. Như đã trình bày ở giới hạn nghiên cứu và cơ sở lý luận ở
chương 2, trong khuôn khổ nghiên cứu của luận án, chúng tôi chỉ tập trung tìm hiểu
mức độ ảnh hưởng của yếu tố thuộc về cá nhân đến thích ứng với bão lũ bất thường
- có thể nói là đặc trưng, điển hình trong việc thích ứng với bão lũ bất thường của
cộng đồng nông dân tại Việt Nam nói chung và khu vực miền Trung nói riêng đó là
mức độ phối hợp với mọi người xung quanh và tận dụng các nguồn lực để thích ứng
với bão lũ bất thường. Bên cạnh đó, nghiên cứu còn tìm hiểu thêm về tác động của
trình độ giáo dục đến khả năng thích ứng với bão lũ bất thường của người nông dân.
4.2.1. Ảnh hưởng của việc phối hợp với mọi người xung quanh và tận dụng
các nguồn lực để chống đỡ với bão lũ bất thường
Việc phối hợp với mọi người xung quanh và tận dụng các nguồn lực để
chống đỡ với bão lũ bất thường sẽ làm giảm nhẹ tác động của bão lũ bất thường đến
tâm lý và đời sống của người nông dân. Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, việc
tiếp cận giảm nhẹ ảnh hưởng của bão lũ bất thường dựa vào cộng đồng, lấy cộng
đồng làm nền tảng vẫn luôn được chú trọng. Chính vì thế, muốn thích ứng hiệu quả,
đòi hỏi người nông dân phải có sự phối kết hợp tích cực với mọi người xung quanh
như: bà con hàng xóm láng giềng; chính quyền địa phương và tận dụng các nguồn
lực sẵn có để chống đỡ với bão lũ bất thường. Qua khảo sát, kết quả mức độ phối
hợp với mọi người xung quanh và tận dụng các nguồn lực để chống đỡ với bão lũ
bất thường của nông dân ven biển khu vực miền trung ở mức Trung bình (3.11).

126
Bảng 4.20 Kết quả mức độ phối hợp với người xung quanh và tận dụng các
nguồn lực để chống đỡ với bão lũ bất thường của nông dân
Mức
Nội dung ĐTB TB
độ
Tôi tham gia các buổi họp thôn, làng để đóng góp ý kiến, kế hoạch
3.51 Khá 5
chống đỡ với bão, lũ bất thường.
Tôi tham gia các buổi nói chuyện, tuyên truyền về chống đỡ với bão,
3.29 TB 6
lũ bất thường do địa phương tổ chức.
Tôi tham gia các buổi tập huấn, diễn tập chống đỡ với bão, lũ bất
2.22 Thấp 12
thường do địa phương tổ chức.
Tôi nghe các thông tin, thông báo về dự báo thời tiết để kịp thời
4.44 Cao 1
chống đỡ với bão, lũ bất thường
Tôi làm theo hướng dẫn của chính quyền địa phương để chống đỡ
3.88 Khá 2
với bão, lũ bất thường
Tôi cùng người dân và chính quyền địa phương đắp đê ngăn lũ lụt 2.37 Thấp 9
Tôi cùng người dân và chính quyền địa phương trồng cây gây rừng
2.33 Thấp 11
để phòng ngừa bão, lũ bất thường
Tôi cùng hàng xóm chung vai gắng sức giúp đỡ lẫn nhau (gia cố nhà
cửa, thu hoạch sớm mùa màng tránh thiệt hại… để chống đỡ với 3.73 Khá 3
bão, lũ bất thường
Tôi tìm kiếm sự hướng dẫn cách chống đỡ với bão, lũ bất thường của
3.00 TB 7
các cơ quan chức năng
Tôi nhận sự động viên an ủi của mọi người xung quanh khi chống đỡ
3.52 Khá 4
với bão, lũ bất thường
Tôi nhận sự hỗ trợ vật chất và tài chính của các cơ quan chức năng để
2.73 TB 8
chống đỡ và khắc phục hậu quả do bão, lũ bất thường gây ra
Tôi nhận hỗ trợ vật chất và tài chính từ cộng đồng (tổ chức từ thiện,
bà con hàng xóm… để chống đỡ và khắc phục hậu quả do bão, lũ 2.32 Thấp 10
bất thường gây ra
ĐTB chung 3.11 TB

Từ kết quả của bảng số liệu 4.20, ta thấy nổi rõ lên nhất là việc nghe các thông
tin, thông báo về dự báo thời tiết để kịp thời chống đỡ với bão, lũ bất thường của
người nông dân xếp hạng 1 với ĐTB = 4.44, ứng với mức Cao trong thang đo 5
mức đã được xác lập. Có lẽ việc nhận thức được nguy cơ của bão, lũ bất thường và
sự dễ dàng, thuận tiện của việc nghe dự báo thời tiết đã tạo ra kết quả như vậy.
Ngoài việc theo dõi thông tin dự báo thời tiết qua tivi, radio, bộ phận thông tin
truyền thông của xã thường xuyên cập nhật thông tin về thời tiết và thông báo liên
tục trên loa phát thanh của địa phương. Công việc này được chỉ đạo thực hiện khá
tốt. Đó là chưa kể đến việc các trưởng, phó thôn cũng thường xuyên đi nhắc nhở bà
con bằng loa di động chuẩn bị sẵn sàng chống đỡ với bão lũ bất thường.
Kế đến, cùng xếp ở mức Khá là việc làm theo hướng dẫn của chính quyền địa

127
phương để chống đỡ với bão, lũ bất thường; cùng hàng xóm chung vai gắng sức
giúp đỡ lẫn nhau (gia cố nhà cửa, thu hoạch sớm mùa màng tránh thiệt hại… để
chống đỡ với bão, lũ bất thường; nhận sự động viên an ủi của mọi người xung quanh
khi chống đỡ với bão, lũ bất thường và tham gia các buổi họp thôn, làng để đóng góp
ý kiến, kế hoạch chống đỡ với bão, lũ bất thường. Có thể nói cộng đồng địa phương
là đơn vị bị tác động trực tiếp, phải hứng chịu các mất mát bởi bão lũ bất thường và
quan trọng hơn, chính họ là những người xử lý và chống đỡ với tình huống đó. Họ
thường sử dụng các cách thức chống đỡ và chiến lược sống còn để đối mặt và phản
ứng với các tình huống trước khi các nguồn lực hỗ trợ khác của Chính phủ đến với
họ. Chính vì lẽ đó, ở những nội dung liên quan đến việc phối hợp với hàng xóm,
chính quyền địa phương có ĐTB ở mức Khá Cao là điều dễ hiểu.
Tiếp sau đó, ứng với mức Trung bình là các nội dung về: tham gia các buổi nói
chuyện, tuyên truyền về chống đỡ với bão, lũ bất thường do địa phương tổ chức; tìm
kiếm sự hướng dẫn cách chống đỡ với bão, lũ bất thường của các cơ quan chức
năng. Nhìn chung, việc tổ chức các buổi tuyên truyền rộng rãi cho người dân nhằm
nâng cao nhận thức về công tác phòng chống bão lũ bất thường cho vẫn chưa được
chú trọng đúng mức, chưa mang tính hệ thống và hiệu quả chưa cao chưa thu hút
được đa số người dân tham gia. Bên cạnh đó, người nông dân có xu hướng tự thân
gia đình chuẩn bị chống đỡ với bão lũ bất thường và nếu cần sự trợ giúp, họ có xu
hướng nhờ vả sự trợ giúp của hàng xóm láng giềng hơn là nhờ sự hỗ trợ của chính
quyền địa phương. Họ chỉ nhờ đến sự hỗ trợ của chính quyền địa phương nếu xảy ra
những sự cố lớn, những vấn đề chung như: thiệt hại lớn về nhà cửa, tài sản, tính
mạng hay hư hỏng đê điều, đường xá... Bà N.T.T.T ở xã Mỹ Thằng, huyện Phù Mỹ,
tỉnh Bình Định chia sẻ: Bão lũ tới, nhà nào lo nhà đó còn không kịp Nhưng việc
chằng chống nhà cửa, đưa bao cát lên chặn mái tôn giúp lẫn nhau là có. Chính
quyền địa phương có đi loa, thông báo để nhắc nhưng mình thì không nhờ mấy ổng.
Trừ khi có hộ sập nhà này kia hay đường xá hư nặng quá thì báo mấy ổng để mấy
ổng giúp”
Liên quan đến việc nhận các hỗ trợ từ cộng đồng như: nhận sự hỗ trợ vật chất
và tài chính của các cơ quan chức năng (ĐTB = 2.73 và nhận hỗ trợ vật chất và tài
chính từ cộng đồng (tổ chức từ thiện, bà con hàng xóm… để chống đỡ và khắc

128
phục hậu quả do bão, lũ bất thường gây ra (ĐTB = 2.32 đều được người nông dân
đánh giá chỉ ở mức độ Thấp và mức Trung bình tiệm cận mức Thấp. Do nguồn lực
ngân sách dành cho việc hỗ trợ chống đỡ và khắc phục hậu quả của bão lũ bất
thường còn hạn chế nên sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và Chính Phủ được
chia làm nhiều gói với hạn mức khác nhau. Đa phần dành cho việc khắc phục hậu
quả do bão lũ bất thường gây ra. Các gói lớn lên đến hàng triệu hay một vài chục
triệu là rất ít. Chủ yếu được dành cho các gia đình có thiệt hại rất lớn về nhà cửa,
tính mạng. Những gia đình trong diện này được chính quyền địa phương xem xét rất
kỹ lưỡng. Những gói hỗ trợ nhỏ, bao gồm các nhu yếu phẩm cần thiết như: mì tôm,
gạo, nước uống...thường được dùng trong việc “cứu đói” những vùng trũng bị nước
lũ dâng cao, cô lập trong nhiều ngày. Sau bão lũ, những gói “cứu tế” nhỏ này cũng
chỉ ưu tiên phân phát cho các gia đình khó khăn hay ở những vùng “rốn lũ” gặp
nhiều thiệt hại. Sự hỗ trợ của cộng đồng như các tổ chức từ thiện, bà con hàng xóm
láng giềng cũng chỉ ở mức thỉnh thoảng với những hỗ trợ nho nhỏ về nhu yếu phẩm
cần thiết.
Đáng lo ngại nhất là kết quả đến từ những nội dung mang tính phối hợp cùng
cộng đồng để cùng chuẩn bị phòng ngừa bão lũ bất thường như: cùng người dân và
chính quyền địa phương đắp đê ngăn lũ lụt (ĐTB = 2.37 cùng người dân và chính
quyền địa phương trồng cây gây rừng để phòng ngừa bão, lũ bất thường (ĐTB =
2.33); tham gia các buổi tập huấn, diễn tập chống đỡ với bão, lũ bất thường do địa
phương tổ chức (ĐTB = 2.22 đều được người dân tham gia ở mức Thấp. Bên cạnh
việc hệ thống đê điều phần lớn đã được bê tông hóa, kiên cố trong những năm gần
đây, nên việc tham gia đắp đê chỉ còn diễn ra ở những đoạn Kênh nhỏ thì ở những
nội dung còn lại kết quả mang lại rất đáng suy ngẫm, là “bài toán” đặt ra cho người
làm nghiên cứu và những cơ quan ban ngành chức năng trong việc đề xuất và triển
khai các biện pháp kịp thời nhằm tằng cường sự phối hợp cộng đồng trong việc
phòng ngừa bão lũ bất thường. Tránh trường hợp “nước tới chân mới chạy”.

129
Bảng 4.21 Ảnh hưởng sự phối hợp với mọi người xung quanh và tận dụng
các nguồn lực để chống đỡ với bão lũ bất thường
Biến phụ thuộc:
Mức độ thích ứng với bão lũ bất thường
Biến độc lập Tương quan Hồi quy
R Square
r p p
Change
Phối hợp với mọi người xung quanh và tận
dụng các nguồn lực để chống đỡ với bão lũ bất 0.598 0.000 0.356 0.000
thường
Để làm rõ mối quan hệ giữa việc phối hợp với mọi người xung quanh và tận
dụng các nguồn lực để chống đỡ với bão lũ bất thường và mức độ thích ứng với bão
lũ bất thường của nông dân ven biển miền Trung, chúng tôi thực hiện tương quan
nhị biến pearson với 2 yếu tố trên, kết quả cho thấy: có sự tương quan thuận chặt
chẽ ở mức cao có ý nghĩa về mặt thống kê giữa 2 yếu tố này (r=0.598; p=0.000).
Như vậy, nếu việc phối hợp với mọi người xung quanh và tận dụng các nguồn lực
để chống đỡ với bão lũ bất thường càng tốt thì mức độ thích ứng với bão lũ bất
thường của nông dân ven biển miền Trung sẽ càng cao và ngược lại. Bên cạnh đó,
kết quả khi phân tích hồi quy tuyến tính để dự báo mức độ ảnh hưởng của yếu tố
này cũng cho thấy, việc phối hợp với mọi người xung quanh và tận dụng các nguồn
lực để chống đỡ với bão lũ bất thường có thể giải thích được đến 35.6% sự biến đổi
mức độ thích ứng với bão lũ bất thường của nông dân ven biển khu vực miền Trung
(R2=0.356; p = 0.000). Ở 64.4% sự ảnh hưởng còn lại đến từ các yếu tố khác nằm
ngoài giới hạn nghiên cứu của luận án.
4.2.2. Ảnh hưởng của trình độ đến mức độ thích ứng với bão lũ bất thường
của nông dân ven biển khu vực miền Trung
Có trình độ cao là điều kiện thuận lợi để người nông dân ven biển khu vực
miền Trung dễ dàng nâng cao hiểu biết cũng như vận dụng các hiểu biết của mình
vào việc thay đổi phương thức hành động nhằm thích ứng hiệu quả với bão lũ bất
thường. Để xem xét liệu có sự khác biệt nào trong việc thích ứng với bão lũ bất
thường giữa những người nông dân có trình độ khác nhau? Kết quả so sánh sự khác
biệt về trình độ của người nông dân theo trình độ bằng kiểm định ANOVA được thể
hiện ở bảng 4.22

130
Bảng 4.22. Thích ứng với bão lũ bất thường của nông dân theo trình độ
Sự khác biệt
Trình độ ĐTB ĐLC
và mức độ ý nghĩa
1<2(p=0.001)
Tiểu học (1 3.18 0.41
1<3,4,5 (p=0.000)
2>1(p=0.001)
THCS (2) 3.4 0.36 2>6(p=0.000)
2<5 (p=0.000)
3>1,6(p=0.000)
THPT (3) 3.50 0.43
3<5 (p=0.001)
4>1,6 (p=0.000)
TC nghề (4 3.52 0.41
4<5 (p=0.004)
CĐ - ĐH (5 3.93 0.31 5>1,2,3,4,6 (p=0.000)
Chưa đi học (6 3.15 0.49 6<2,3,4,5 (p=0.000)
F=19.009; p=0.000
Kết quả từ bảng số liệu 4.22 cho thấy, có sự khác biệt có ý nghĩa về mặt thống
kê về mức độ thích ứng với bão lũ bất thường giữa những người nông dân có trình
độ khác nhau (F=19.009;p=0.000). Một điểm khá thú vị từ kết quả thu được về trình
độ là ĐTB về mức độ thích ứng với bão lũ bất thường tăng dần theo hướng từ người
chưa đi học đến những người có trình độ Đại học, Cao đẳng trở lên. Trong đó, nổi
rõ nhất là kết quả về mức độ thích ứng của những người có trình độ Cao đẳng - Đại
học trở lên (ĐTB=3.93) xếp vào mức Khá tiệm cận mức Tốt. Sự khác biệt của
những những người có trình độ Cao đẳng - Đại học trở lên cao hơn và có ý nghĩa về
mặt thống kê với kết quả thu được từ các nhóm trình độ còn lại.
Kế đến, cùng ở mức Khá về khả năng thích ứng với bão lũ bất thường với
ĐTB khá tương đồng nhau là nhóm nông dân có trình độ Trung cấp nghề
(ĐTB=3.52 và trình độ THPT (ĐTB=3.50). Mức độ thích ứng với bão lũ bất
thường của nhóm nông dân trình độ Trung cấp nghề và THPT có sự khác biệt có ý
nghĩa về mặt thống kê với các nhóm trình độ: Cao đẳng, Đại học , Tiểu học và chưa
đi học. Tuy nhiên, đối với nhóm nông dân có trình độ THCS lại không ghi nhận
được sự khác biệt có ý nghĩa về mặt thống kê.
Ở những nhóm nông dân có trình độ còn lại, ĐTB về mức độ thích ứng với bão
lũ bất thường đều xếp ở mức Trung bình. Trong đó, nhóm nông dân có trình độ
THCS có mức độ thích ứng với bão lũ bất thường thấp hơn nhóm nông dân có trình
độ Cao đẳng, Đại học trở lên và sự khác biệt này là có ý nghĩa về mặt thống kê.

131
Những nhóm nông dân có trình độ còn lại là: chưa đi học, Tiểu học có sự khác biệt có
ý nghĩa về mặt thống kê ở mức thấp hơn với các nhóm nông dân có trình độ còn lại.
Như vậy, có thể thấy trình độ có sự ảnh hưởng lớn có ý nghĩa về mặt thống kê
đến mức độ thích ứng với bão lũ bất thường của nông dân ven biển khu vực miền
Trung. Nếu trình độ càng cao thì sự thích ứng với bão lũ bất thường càng tốt và
ngược lại.
4.3. Mô tả một số chân dung tâm lý điển hình trong việc thích ứng với bão lũ
bất thường
4.3.1. Trường hợp 1: Chân dung nông dân thích ứng với bão lũ bất thường ở
mức Tốt
a) Một số thông tin về bản thân và hoàn cảnh gia đình của trường hợp nghiên cứu
Họ và tên: N.T.L (54 tuổi), sống tại thôn Lộc Thượng, xã Phước Sơn, huyện
Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Là lao động chính, trụ cột trong gia đình. Ông có trình
độ đại học. Là người vui vẻ, nhanh nhẹn, hoạt ngôn, chủ động trong giao tiếp và
hiểu biết.
Gia đình ông gồm 3 thế hệ với 5 thành viên: mẹ, 2 vợ chồng và 2 con ruột hiện
đang sinh sống trong nhà 3 tầng, xây dựng bằng bê tông kiên cố. Vợ ông vừa phụ
chồng trong lao động tăng gia sản xuất, vừa là người thu mua hải sản, bỏ mối cho
các quán nhậu ở Quy Nhơn. Hai người con đang sống cùng ông: người con trai 25
tuổi là nhân viên Ngân hàng ở TP. Quy Nhơn, thường cuối tuần mới về nhà và cậu
con trai út đang học lớp 10. (Con trai lớn, đã có gia đình và ra ở riêng).
Năm 1991, ông nghỉ việc ở cơ quan nhà nước về làm nông theo mô hình vườn,
ao, chuồng. Sau 25 năm kinh nghiệm, hiện tại, kinh tế gia đình ông có thể được coi
là Khá so với mặt bằng chung nơi đây. Nuôi trồng là nguồn thu nhập chính của gia
đình ông. Bên cạnh việc trồng lúa và màu ở mức vừa phải; kinh tế mũi nhọn của gia
đình ông là chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi tôm.
Là người sinh ra, lớn lên và lao động động sản xuất trực tiếp, trải qua nhiều
thăng trầm ở vùng đất ven biển nên vốn kinh nghiệm bản địa và kinh nghiệm tự tạo
trong việc ứng phó với bão lũ bất thường của ông N.V.L là rất phong phú và khá
chắc chắn. Cũng có một vài lần vì chủ quan khi ứng phó với bão lũ bất thường nên
ông đã để xảy ra một số tổn thất nhất định trong kinh tế gia đình.

132
b) Thực trạng về mức độ thích ứng với bão lũ bất thường
* Kết quả thích ứng chung với bão lũ bất thường của trường hợp 1
Bảng 4.23 Kết quả thích ứng chung với bão lũ bất thường của trường hợp 1
Thích ứng chung
Nội dung
ĐTB Mức độ
Nhận thức những vấn đề có liên quan đến bão lũ bất thường 4.38 Tốt
Động cơ thúc đẩy sự thay đổi phương thức hành động 4.63 Tốt
Thay đổi phương thức hành động và hiệu quả của sự thay đổi
4.32 Tốt
phương thức hành động
ĐTB chung 4.44 Tốt
Kết quả chung về mức độ thích ứng với bão lũ bất thường của ông N.T.L
ứng với mức Tốt - mức cao nhất trong thang đo 5 mức đã được xác lập. Trong đó,
động cơ thúc đẩy sự thay đổi phương thức hành động thích ứng với bão lũ bất
thường là cao nhất, ứng với mức Tốt (ĐTB=4.63 , kế đến là nhận thức về những
vấn đề có liên quan đến bão lũ bất thường và sự thay đổi phương thức hoạt động và
hiệu quả của sự thay đổi phương thức hoạt động trong thích ứng với bão lũ bất
thường. Cả 2 tiêu chí này cũng đều xếp ở mức Tốt.
* Kết quả thích ứng của trường hợp 1 với bão lũ bất thường của người nông dân
trên phương diện nhận thức chung
Bảng 4.24 Kết quả thích ứng của trường hợp 1 với bão lũ bất thường
trên phương diện nhận thức chung
Nội dung ĐTB Mức độ TB
Nhận thức về biểu hiện của bão lũ bất thường 4.71 Tốt 1
Nhận thức về hậu quả của bão lũ bất thường 4.20 Khá 4
Tự nhận thức về khả năng chống đỡ với bão lũ
4.29 Tốt 3
bất thường của bản thân.
Đưa ra cách thức để chống đỡ với bão lũ bất
4.33 Tốt 2
thường.
ĐTB chung 4.38 Tốt
Kết quả khảo sát các thành tố cấu thành nhận thức về những vấn đề có liên
quan đến bão lũ bất thường của ông N.T.L, ta thấy 3/4 tiêu chí này đều đạt ĐTB ở
mức Tốt. Trong đó, nổi rõ lên nhất là khả năng nhận thức về biểu hiện của bão lũ
bất thường ứng với mức Tốt với ĐTB=4.71/5. Kế đến, lần lượt là việc đưa ra cách
thức để chống đỡ với bão lũ bất thường (ĐTB=4.33 , tự nhận thức về khả năng
chống đỡ với bão lũ bất thường của bản thân và nhận thức về hậu quả của bão lũ bất
thường. Đáng lưu tâm là nhận thức của ông N.T.L về hậu quả của bão lũ bất thường

133
có ĐTB thấp nhất trong 4 tiêu chí (ĐTB=4.2 ở mức Khá tiệm cận rất sát với mức
Tốt. Qua kết quả phỏng vấn, ông L cho biết: ngày xưa còn nhiều khó khăn, số người
được ăn học đến nơi đến chốn không nhiều. Cũng ít có cơ hội được tiếp cận thông
tin như bây giờ. Chủ yếu là qua đài radio. Ông N.T.L cho biết thêm, ngày trước ông
từng là công chức viên chức nhà nước, có trình độ Đại học. Bây giờ điều kiện khoa
học kỹ thuật phát triển, ông có thể thường xuyên theo dõi thời sự, báo đài, đặc biệt
là báo mạng nên những thông tin liên quan đến BĐKH nói chung và bão lũ bất
thường nói riêng không xa lạ gì với ông. Hơn nữa, nghề nông lại sống gần biển nên
phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, khí hậu nếu không tìm hiểu và theo dõi thường
xuyên để chuẩn bị thì lỡ thiên tai, bão lũ xảy đến bất ngờ, nhanh, mạnh không kịp
trở tay thì coi như mất trắng. Bên cạnh đó, ông N.T.L còn nhấn mạnh đến những
kiến thức bản địa do ông tích lũy được từ ông bà chỉ dạy và từ chính những trải
nghiệm của ông trong thực tiễn cuộc sống nhiều năm qua.
* Kết quả thích ứng của trường hợp 1 với bão lũ bất thường của người nông dân
trên phương diện động cơ thúc đẩy sự thay đổi phương thức hành động
Bảng 4.25 Kết quả thích ứng của trường hợp 1 với bão lũ bất thường
trên phương diện động cơ thúc đẩy sự thay đổi phương thức hành động
Nội dung ĐTB Mức độ
Tôi tìm cách chống đỡ với bão, lũ bất thường để chế ngự sức ảnh
5.0 Tốt
hưởng của nó
Tôi tìm cách chế ngự bão, lũ bất thường để giảm ảnh hưởng của nó Tốt
5.0
đến tính mạng của các thành viên trong gia đình tôi
Tôi tìm cách chế ngự bão, lũ bất thường để giảm ảnh hưởng của nó Tốt
5.0
đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình tôi
Tôi tìm cách chế ngự bão, lũ bất thường để giảm ảnh hưởng của nó Tốt
5.0
đến công việc của tôi
Tôi tìm cách chế ngự bão, lũ bất thường để giữ tài sản được an toàn 5.0 Tốt
Tôi tìm cách chế ngự bão, lũ bất thường để giữ an toàn cho vật nuôi
4.0 Khá
(gia súc, gia cầm, tôm, cá....)
Tôi tìm cách chế ngự bão, lũ bất thường để tránh thiệt hại cho cây
4.0 Khá
trồng, hoa màu
Tôi tìm cách chế ngự bão, lũ bất thường để tiết kiệm thời gian và
4.0 Khá
công sức chống chống đỡ với nó.
ĐTB chung 4.63 Tốt
Bàn về động cơ thúc đẩy thay đổi phương thức hành động để thích ứng với bão
lũ bất thường, ta thấy ta thấy ông N.T.L có 5/8 tiêu chí xếp ở mức Tốt là: Tôi tìm
cách chống đỡ với bão, lũ bất thường để chế ngự sức ảnh hưởng của nó để giảm

134
ảnh hưởng của nó đến tính mạng của các thành viên trong gia đình tôi để giảm ảnh
hưởng của nó đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình tôi để giảm ảnh
hưởng của nó đến công việc của tôi và để giữ tài sản được an toàn. Đối với 3 nội
dung còn lại, động cơ thúc đẩy sự thay đổi hành động của ông N.T.L chỉ ở mức Khá
là: Tôi tìm cách chế ngự bão, lũ bất thường để giữ an toàn cho vật nuôi (gia súc, gia
cầm, tôm, cá.... để tránh thiệt hại cho cây trồng, hoa màu và để tiết kiệm thời gian
và công sức chống chống đỡ với nó. Để lý giải điều này ông N.T.L cho biết: còn
người còn của. Từ bao đời nay, ông bà mình dạy tính mạng và sức khỏe con người
là quý giá nhất. Mất cái này cái kia, thiệt hại nhà cửa, tài sản thì có đau lòng thật,
buồn thật nhưng nghĩ lại mình còn sống, còn sức khỏe thì có thể làm lại mấy hồi.
Rút kinh nghiệm từ trước cũng một vài lần thất bát do chủ quan và chưa có cách
làm khoa học. Giờ, tới mùa mưa bão lũ thường bà con ở đây cái gì có thể lo thu
hoạch sớm trước cho chắc ăn thì lo thu hoạch hết, như tôi nuôi tôm cũng lo bán
trước, còn mấy con bò nhà tới 3 tầng kiên cố nên đây không phải là nổi lo gì quá
lớn. Còn về thời gian công sức chống đỡ với bão lũ thì thường mùa bão lũ đến, nhất
là khi bão lũ lớn không ai để ý đến thời gian công sức gì đâu. Ai cũng tối mặt tối
mũi mỗi người một tay mà thấy mãi không hết việc để lo để dọn”.
* Kết quả mức độ thích ứng chung với bão lũ bất thường của trương hợp 1 qua sự
thay đổi phương thức hoạt động và hiệu quả của sự thay đổi phương thức hoạt động
Bảng 4.26 Kết quả mức độ thích ứng chung với bão lũ bất thường của trường hợp
1 qua sự thay đổi phương thức hoạt động và hiệu quả của sự thay đổi phương thức
hoạt động
Thích ứng chung
Nội dung
ĐTB Mức độ
Thay đổi phương thức hành động 4.38 Cao
Thay đổi phương thức hành động trong trồng trọt 3.67 Khá
Thay đổi phương thức hành động trong chăn nuôi 4.33 Cao
Thay đổi phương thức hành động trong việc giữ an toàn cho nhà
5.0 Cao
cửa tài sản.
Thay đổi phương thức hành động để đảm bảo duy trì sinh hoạt 4.5 Cao
Thay đổi phương thức hành động để chuẩn bị chống đỡ với bão
4.38 Cao
lũ cho bản thân và gia đình
Hiệu quả của sự thay đổi phương thức hành động 4.27 Cao
Thiệt hại về nhà cửa 5.0 Cao
Thiệt hại về mùa màng, trồng trọt 5.0 Cao
Thiệt hại trong việc chăn nuôi gia súc, gia cầm, tôm cá... 4.0 Khá

135
Thiệt hại về tài chính 4.0 Khá
Thiệt hại về tài sản, đồ đạc 4.0 Khá
Tổn hại đến sức khỏe thể chất 5.0 Cao
Sự lo lắng, sợ hãi 5.0 Cao
Tốn thời gian cho việc chuẩn bị chống chọi với những cơn bão lũ
2.0 Thấp
bất thường
Tốn công sức cho việc chuẩn bị chống chọi với những cơn bão lũ
3.0 TB
bất thường
Khó khăn trong việc quay trở lại cuộc sống sinh hoạt thường
5.0 Cao
ngày
Khó khăn trong việc quay trở lại lao động sản xuất 5.0 Cao
TB chung 4.32 Cao
Xét trên bình diện thay đổi phương thức hoạt động để thích ứng với bão lũ bất
thường, ta thấy ông N.T.L có 4/5 biểu hiện thay đổi về phương thức hoạt động ứng
với mức Tốt là: thay đổi phương thức hành động trong chăn nuôi thay đổi phương
thức hành động trong việc giữ an toàn cho nhà cửa tài sản; thay đổi phương thức
hành động để đảm bảo duy trì sinh hoạt và thay đổi phương thức hành động để
chuẩn bị chống đỡ với bão lũ cho bản thân và gia đình. Trong đó, có sự thay đổi
hoàn toàn trong phương thức hành động để giữ an toàn cho nhà cửa tài sản đạt mức
5/5. Ông L cho biết Ông thường xuyên thay đổi cơ cấu vật nuôi chống chịu tốt với
thời tiết thay đổi, phù hợp điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của địa phương và tiêu chí
rất quan trọng nữa là phải theo nhu cầu thị trường. Ông cho biết: Hồi trước ở đây
chỉ có chủ yếu là đi biển, nuôi trồng thủy hải sản thôi chứ đất đai nhiềm mặn không
nuôi trồng gì được tốt hết. Lúc đó ở đây, chưa ai biết gì về bò lai thì ông đã đi tìm
hiểu ở những địa phương khác, tỉnh khác và đưa về nuôi rồi. Giống này dễ nuôi so
với điều kiện thời tiết ở đây. Khả năng sử dụng thức ăn tốt, thịt thơm ngon, hiệu quả
kinh tế cao. Mấy năm gần đây, mọi người mới bắt đầu rộ lên nuôi giống bò này.
Hay biết nhu cầu thị trường cần gà đá, ông đã làm hẳn cả trang trại nuôi gà đá để
cung ứng cho thị trường. Mỗi năm thu lãi từ gà đá lên đến vài chục triệu đồng, có
năm cao điểm thu được cả trăm triệu đồng... Bên cạnh đó, ông còn cho biết: ngày
trước nghèo khó không kiếm đâu ra tiền để xây nhà cửa, chuồng tại kiên cố. Cứ mỗi
lần tới mùa bão lũ là mỗi lần hư hỏng, phải sửa chữa, làm đi làm lại. Vừa tốn kém
vừa không hiệu quả. Sau này, rút kinh nghiệm, hễ đã xây ông sẽ xây dựng hệ thống
chuồng trại rất chắc chắn. Lúc nào cũng dự trữ sẵn nguồn thức ăn cho vật nuôi đề
phòng bão lũ bất thường diễn ra trong 3-4 ngày.
Đáng lưu tâm là việc thay đổi phương thức hoạt động trong trồng trọt chỉ ứng
với mức Khá với ĐTB 3.67. Giải thích điều này, ông L cho hay: gia đình ông tập

136
trung kinh tế mũi nhọn chủ yếu vào chăn nuôi bò lai, gà và tôm. Đối với trồng trọt
ông chỉ canh tác lúa đủ ăn để khỏi phải mua và trồng thêm bắp cho gà. Không xem
trồng trọt là mũi nhọn kinh tế.
Chính sự thay đổi phương thức hoạt động khoa học, tích cực nên ĐTB về
những tổn thất, thiệt hại do bão lũ bất thường gây ra cho gia đình ông là rất ít - Hiệu
quả của sự thay đổi này ở mức Cao (ĐTB=4.27 . Kết quả khảo sát cho thấy ở 9/11
tiêu chí thiệt hại do bão lũ bất thường gây ra cho gia đình ông là ở mức ít và rất ít là:
về nhà cửa, về chăn nuôi, trồng trọt, tài chính, tài sản đồ đạc, sức khỏe thể chất,
mức độ lo lắng sợ hãi, khó khăn trong việc quay trở lại cuộc sống sinh hoạt và khó
khăn trong việc quay trở lại lao động sản xuất. Một điểm khá thú vị là gia đình ông
N.T.L có sự thiệt hại ở mức Trung bình và Khá Cao ở 2 tiêu chí: Tốn thời gian cho
việc chuẩn bị chống chọi với những cơn bão lũ bất thường (ĐTB và tốn công sức
cho việc chuẩn bị chống chọi với những cơn bão lũ bất thường (ĐTB . Có lẽ chính
bởi sự chuẩn bị kỹ lưỡng dành nhiều thời gian, công sức cho việc chuẩn bị chống đỡ
với bão lũ bất thường mà hiệu quả mang lại Khá Cao.
* Những yếu tố ảnh hưởng đến sự thích ứng với bão lũ bất thường
Để tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến sự thích ứng với bão lũ bất thường của
ông N.T.L, chúng tôi đã đặt câu hỏi: những điều kiện thuận lợi nào giúp ông thích
ứng tốt với bão lũ bất thường? Ông N.T.L trả lời: là người có trình độ đại học, bản
thân cũng luôn chịu khó cập nhật tin tức khoa học từ ti vi, báo, đài nên việc hiểu
biết và vận dụng của các hiểu biết đó để ứng phó với bão lũ là điều không khó. Bên
cạnh đó, việc sinh ra, lớn lên và trực tiếp lao động sản xuất ở vùng đất ven biển này
nên ông đã tích lũy được rất nhiều mẹo, cách thức của ông bà truyền lại và rút kinh
nghiệm cho mình từ những diễn biến thường xuyên của lũ lụt. Nhà cũng có điều
kiện nên ông đã xây nhà và hệ thống chuồng trại rất kiên cố. Từ ngày ngày xây
xong nhà, thì cũng đỡ lo bão lũ hơn. Một điều đáng quý nữa là bà con hàng xóm ở
đây sống tình cảm và nhiệt tình lắm. Nếu nhờ là mỗi người một chung sức giúp đỡ
nhau. Các cán bộ địa phương cũng thường xuyên nhắc nhở công tác chuẩn bị, huy
động mọi người cùng thực hiện công tác phòng bị chống đỡ với bão lũ.
c) Kết luận
Ông N.T.L là trường hợp điển hình cho việc thích ứng ở mức Cao với bão lũ
bất thường. Ông L thường xuyên nâng cao hiểu biết của mình về bão lũ bất thường,
các cách thức để thích ứng hiệu quả với bão lũ bất thường thông qua việc cập nhật
tin tức từ các phương tiện truyền thông đại chúng. Phối hợp khá tốt với mọi người

137
xung quanh và tận dụng các nguồn lực trong việc chống đỡ với bão lũ bất thường.
Bên cạnh đó, ông L cũng rất tích cực nghiên cứu, học hỏi cái hay, cái mới của
những địa phương khác để thay đổi phương thức hoạt động trong trồng trọt, chăn
nuôi, với bản thân và gia đình... sao cho vừa phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu
của địa phương vừa mang lại hiệu quả kinh tế. Kết quả khảo sát cho thấy những
thay đổi trong phương thức hoạt động của ông mang lại hiệu quả Cao, tổn thất, thiệt
hại ở mức rất thấp, không đáng kể.
4.3.2. Trường hợp 2: Chân dung nông dân thích ứng với bão lũ bất thường ở
mức Thấp
a) Một số thông tin về bản thân và hoàn cảnh gia đình của trường hợp nghiên cứu
Họ tên: N.T.M (57 tuổi), sống tại xã Phước Sơn huyện Tuy Phước, tỉnh Bình
Định. Bà M chỉ mới học hết lớp 2 thì nghỉ. Nhà ở hiện tại bị xuống cấp, mưa dột do
đợt bão lớn cách đây 4 năm. Một phần bếp làm bằng tranh, tre sập hoàn toàn. Kinh
tế của gia đình bà được xếp vào diện hộ nghèo. Nguồn thu nhập chính của bà phụ
thuộc vào một mảnh ruộng và vài con gà, thỉnh thoảng có đi làm thuê. Nhà chỉ có 2
mẹ con (bà là mẹ đơn thân . Con trai của bà bị đi tù vì tội giết người.
Bà N.T.M là người dễ xúc động, hay than trách, đổ lỗi, trình độ nhận thức kém
- mới học hết lớp 2 (bà kể con trai bà giết người cướp của. Cướp được có 2 chỉ
vàng, nhưng nạn nhân không chết vậy mà con bà phải bị tù chung thân).
c) Thực trạng mức độ tính chủ thể và mức độ thích ứng với bão lũ bất thường
Bảng 4.27 Kết quả thích ứng chung với bão lũ bất thường của trường hợp 2
Thích ứng chung
Nội dung
ĐTB Mức độ
Nhận thức những vấn đề có liên quan đến bão lũ bất thường 2.23 Thấp
Động cơ thúc đẩy thay đổi phương thức hành động 2.38 Thấp
Thay đổi phương thức hoạt động và hiệu quả của sự thay đổi
2.60) Thấp
phương thức hoạt động
ĐTB chung 2.40 Thấp
Kết quả chung về mức độ thích ứng với bão lũ bất thường của Bà N.T.M
ứng với mức Thấp trong thang đo 5 mức đã được xác lập. Trong đó, ĐTB thu được
từ nhận thức về những vấn đề có liên quan đến bão lũ bất thường có ĐTB thấp nhất
(ĐTB=2.23 , kế đến là động cơ thúc đẩy thay đổi phương thức hành động
(ĐTB=2.38 . Có kết quả cao nhất trong 3 thành tố cấu thành mức độ thích ứng là sự
thay đổi phương thức hoạt động và hiệu quả của sự thay đổi phương thức hoạt động

138
trong thích ứng với bão lũ bất thường (ĐTB=2.60. Tuy nhiên, ĐTB của cả 3 tiêu chí
này đều không cao và đều ứng với mức Thấp.
* Kết quả thích ứng với bão lũ bất thường của trường hợp 2 trên phương diện nhận
thức chung
Bảng 4.28 Kết quả thích ứng với bão lũ bất thường của trường hợp 2 trên
phương diện nhận thức chung
Nội dung ĐTB Mức độ TB
Nhận thức về biểu hiện của bão lũ bất thường 3.29 TB 1
Nhận thức về hậu quả của bão lũ bất thường 2.81 TB 4
Tự nhận thức về khả năng chống đỡ với bão lũ
1.57 Kém 3
bất thường của bản thân.
Đưa ra cách thức để chống đỡ với bão lũ bất
1.33 Kém 2
thường.
ĐTB chung 2.23 Kém
Kết quả khảo sát các thành tố cấu thành nhận thức về những vấn đề có liên
quan đến bão lũ bất thường của Bà N.T.M, ta thấy tất nổi rõ lên nhất là khả năng
nhận thức về biểu hiện của bão lũ bất thường ứng với mức Trung bình tiệm cận mức
Khá với ĐTB=3.29/5. Kế đến, là việc nhận thức về hậu quả của bão lũ bất thường
ứng với mức Trung bình tiệm cận mức Thấp (ĐTB=2.81 . Đáng lưu tâm là hai
thành tố còn lại chỉ có ĐTB ứng với mức Kém – Mức thấp nhất trong thanh đo 5
mức. Cụ thể: tự nhận thức về khả năng chống đỡ với bão lũ bất thường của bản thân
(ĐTB=1.55 và đưa ra cách thức để chống đỡ với bão lũ bất thường (ĐTB=1.33 .
Kết quả này có thể được lý giải như sau: Thứ nhất, bà M có trình độ học vấn thấp,
chỉ mới học hết lớp 2 rồi nghỉ, nên hiểu biết chung của bà về các vấn đề liên quan
đến văn hóa xã hội nói chung và bão lũ bất thường nói riêng còn khá hạn hẹp. Thứ
hai, bà cho biết gia đình bà thuộc diện hộ nghèo, có cái ti vi sau đợt bão lụt cách đây
4 năm hư hỏng nên giờ trong nhà chẳng còn thứ gì có giá trị. Không theo dõi gì về
thông tin thời sự, chỉ thỉnh thoảng có xem phim nhờ nhà hàng xóm. Thứ ba, con trai
bà trước khi phạm tội giết người, cướp của và bị kết án tù chung thân cũng là thành
phần “bất hảo”, quậy phá, trộm cắp, gây gỗ, đánh người... bà M lại hay bao che cho
con mình nên để tránh xảy ra rắc rối không mong muốn mọi người xung quanh
thường tìm cách tránh né hay tiếp xúc với gia đình bà. Từ ngày con bà đi Tù, bà hay
trách móc, chửi bới mọi người vô cớ. Thường không hợp tác với chính quyền địa
phương vì đổ lỗi chính quyền địa phương bắt con bà đi tù... Chính vì lẽ đó nên việc

139
tiếp xúc, trao đổi thông tin, hợp tác với mọi người xung quanh rất kém.
* Kết quả thích ứng của trường hợp 2 với bão lũ bất thường của người nông dân
trên phương diện động cơ thúc đẩy sự thay đổi phương thức hành động
Bảng 4.29 Kết quả thích ứng của trường hợp 2 với bão lũ bất thường
trên phương diện động cơ thúc đẩy sự thay đổi phương thức hành động
Nội dung ĐTB Mức độ
Tôi tìm cách chống đỡ với bão, lũ bất thường để chế ngự sức ảnh
2.0 Thấp
hưởng của nó
Tôi tìm cách chế ngự bão, lũ bất thường để giảm ảnh hưởng của nó Thấp
2.0
đến tính mạng của các thành viên trong gia đình tôi
Tôi tìm cách chế ngự bão, lũ bất thường để giảm ảnh hưởng của nó Thấp
2.0
đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình tôi
Tôi tìm cách chế ngự bão, lũ bất thường để giảm ảnh hưởng của nó
3.0 TB
đến công việc của tôi
Tôi tìm cách chế ngự bão, lũ bất thường để giữ tài sản được an toàn 2.0 Thấp
Tôi tìm cách chế ngự bão, lũ bất thường để giữ an toàn cho vật nuôi
3.0 TB
(gia súc, gia cầm, tôm, cá....)
Tôi tìm cách chế ngự bão, lũ bất thường để tránh thiệt hại cho cây
3.0 TB
trồng, hoa màu
Tôi tìm cách chế ngự bão, lũ bất thường để tiết kiệm thời gian và
2.0 Thấp
công sức chống chống đỡ với nó.
ĐTB chung 2.38 Thấp
Trên phương diện, động cơ thúc đẩy thay đổi phương thức hành động để
thích ứng với bão lũ bất thường, ta thấy ta thấy bà N.T.M có 5/8 tiêu chí xếp ở mức
Thấp là: Tôi tìm cách chống đỡ với bão, lũ bất thường để chế ngự sức ảnh hưởng
của nó để giảm ảnh hưởng của nó đến tính mạng của các thành viên trong gia đình
tôi để giảm ảnh hưởng của nó đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình tôi
để giữ tài sản được an toàn để tiết kiệm thời gian và công sức chống chống đỡ với
nó. Với 3 tiêu chí còn lại, động cơ thúc đẩy sự thay đổi phương thức hành động của
bà N.T.M được xếp ở mức Trung bình là: Tôi tìm cách chế ngự bão, lũ bất thường
để giảm ảnh hưởng của nó đến công việc của tôi để giữ an toàn cho vật nuôi (gia
súc, gia cầm, tôm, cá....) và để tránh thiệt hại cho cây trồng, hoa màu. Lý giải về số
liệu này, kết quả phỏng vấn thu được khá thú vị, bà N.T.M cho rằng bà luôn lo lắng
sợ hãi mỗi khi bão lũ đến vì bà chỉ một thân một mình lo mọi chuyện. Bên cạnh đó,
bà cho rằng bão lũ là chuyện của ông Trời làm sao sức người bé nhỏ như bà mà có
thể tìm cách chế ngự bão, lũ bất thường để giảm ảnh hưởng của nó được. Liên quan
đến kết quả mức độ của từng nội dung cấu thành thang đo cũng khá tương ứng với

140
hoạt động lao động của bà, bà M. không có tài sản nào đáng giá, bà chỉ trông nhà bị
sập do bão lũ để chính quyền địa phương hỗ trợ xây nhà mới cho bà. Những thứ
quan trọng nhất của bà là mảnh ruộng nhỏ và vài con gà, ai gọi gì thì làm làm nấy
nên động lực thúc đẩy bà trên những bình diện này cao hơn những bình diện diện
khác là điều dễ hiểu.
* Kết quả thích ứng với bão lũ bất thường của trường hợp 2 qua sự thay đổi
phương thức hoạt động và hiệu quả của sự thay đổi phương thức hoạt động
Bảng 4.30. Kết quả thích ứng với bão lũ bất thường của trường hợp 2 qua sự thay đổi
phương thức hoạt động và hiệu quả của sự thay đổi phương thức hoạt động
Thích ứng
Nội dung chung
ĐTB Mức độ
Thay đổi phương thức hành động 2.12 Thấp
Thay đổi phương thức hành động trong trồng trọt 1.83 Thấp
Thay đổi phương thức hành động trong chăn nuôi. 2.0 Thấp
Thay đổi phương thức hành động trong việc giữ an toàn cho nhà cửa tài
2.5 Thấp
sản.
Thay đổi phương thức hành động để đảm bảo duy trì sinh hoạt. 2.5 Thấp
Thay đổi phương thức hành động để chuẩn bị chống đỡ với bão lũ cho 1.75 Kém
bản thân và gia đình.
Hiệu quả của sự thay đổi phương thức hành động 3.09 TB
Thiệt hại về nhà cửa 2.0 Thấp
Thiệt hại về mùa màng, trồng trọt 2.0 Thấp
Thiệt hại trong việc chăn nuôi gia súc, gia cầm, tôm cá... 2.0 Thấp
Thiệt hại về tài chính 2.0 Thấp
Thiệt hại về tài sản, đồ đạc 4.0 Khá
Tổn hại đến sức khỏe thể chất 4.0 Khá
Sự lo lắng, sợ hãi 3.0 TB
Tốn thời gian cho việc chuẩn bị chống chọi với những cơn bão lũ bất 4.0 Khá
thường
Tốn công sức cho việc chuẩn bị chống chọi với những cơn bão lũ bất 4.0 Khá
thường
Khó khăn trong việc quay trở lại cuộc sống sinh hoạt thường ngày 4.0 Khá
Khó khăn trong việc quay trở lại lao động sản xuất 2.0 Thấp
TB chung 2.42
Kết quả số liệu của bảng 4.30 cho thấy sự thay đổi phương thức hoạt động của
Bà N.T.M để thích ứng với bão lũ bất thường xếp ở mức Thấp tiệm cận mức TB,
còn hiệu quả của sự thay đổi này xếp ở mức thấp tiệm cận mức Kém. Trong đó, về

141
phương diện thay đổi phương thức hoạt động để thích ứng với bão lũ bất thường
cho thấy có tới 4/5 tiêu chí đạt ở mức Thấp (Thay đổi phương thức hành động trong
trồng trọt thay đổi phương thức hành động trong chăn nuôi thay đổi phương thức
hành động trong việc giữ an toàn cho nhà cửa tài sản; thay đổi phương thức hành
động để đảm bảo duy trì sinh hoạt .Có điểm số trung bình thấp nhất ứng với mức
Kém - mức Thấp nhất trong thang đo 5 mức đã được xác lập là tiêu chí: thay đổi
phương thức hành động để chuẩn bị chống đỡ với bão lũ cho bản thân và gia đình
(ĐTB=1.75 . Về hiệu quả của sự thay đổi phương thức hoạt động, Bà N.T.M thiệt
hại ở mức “nhiều” ở các nội dung: thiệt hại về nhà cửa; mùa màng, trồng trọt chăn
nuôi gia súc, gia cầm, tôm cá… tài chính và khó khăn trong việc quay trở lại lao
động sản xuất. Khi thu thông tin cho phiếu hỏi và phỏng vấn sâu bà M chỉ thường
lặp lại nội dung: có mảnh ruộng nhỏ bị phèn, nuôi mấy con gà nữa chứ đâu có sản
xuất gì nhiều đâu mà thay đổi. Có thay đổi là thay đổi giống lúa theo người ta,
người ta làm gì mình làm đó vậy thôi. Giải thích về mức độ hiệu quả khi thích ứng
thấp bà M cho biết: nhà xuống cấp, hư hỏng nặng lắm rồi, cứ kệ thôi, quan trọng là
lo cái mạng này chứ nhà cửa sao cũng được, chứ giờ cũng không có tiền mà sửa.
Mà cũng trông cho bão lớn nó sập hết luôn đi rồi mấy ông xã mấy ổng cho được
đồng nào xây cái chòi nho nhỏ mà ở.
* Những yếu tố ảnh hưởng đến sự thích ứng với bão lũ bất thường
Để tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến sự thích ứng với bão lũ bất thường của
bà N.T.M, chúng tôi đã đặt câu hỏi: những điều gì khiến mà khó khăn trong việc
chống đỡ với bão lũ bất thường? Bà M trả lời: Có thằng con trai duy nhất mà giờ nó
đi tù rồi thì ai đâu mà đỡ đần lúc mưa gió. Mấy người ở đây cũng xa lánh nhà tui
hết. Tui giờ lớn tuổi, đau ốm, bệnh tật không có tiền uống thuốc không biết sống
chết lúc nào nên cứ kệ ông trời muốn sao thì muốn. Tui có học hành gì đâu mà biết
mấy chuyện chống bão, chống lũ. Chuyện đó do ông trời sao mà chống nổi mà có
chống thì để mấy ông xã, ông thôn chống.
c) Kết luận
Bà N.T.M là trường hợp điển hình trong việc thích ứng ở mức Thấp với bão
lũ bất thường. Bà M có suy nghĩ phó mặc cho trời cho mọi người xung quanh. Biểu
hiện của sự tích cực, chủ động trong ứng phó với bão lũ bất thường là rất kém
thường trông chờ sự giúp đỡ từ chính quyền địa phương. Nhận thức của bà về bão

142
lũ bất thường là Thấp, thiếu sự phối hợp với mọi người xung quanh trong chống đỡ
với bão lũ bất thường. Ít chịu thay đổi các phương thức hoạt động do đó bà thường
gặp những tổn hại lớn khi bão lũ lớn, bất ngờ xuất hiện.
4.4. Đề xuất biện pháp nhằm nâng cao khả năng thích ứng với bão lũ bất
thường cho nông dân
4.4.1. Cơ sở đề xuất biện pháp nâng cao khả năng thích ứng với bão lũ
bất thường cho nông dân
4.4.1.1. Cơ sở lý luận
Thứ nhất, lý luận Tâm lý học hoạt động về bản chất của sự thích ứng tâm lý
là cơ sở lý luận và phương pháp luận cơ bản của chúng tôi khi tiếp cận, nghiên cứu
và đề xuất biện pháp nhằm giúp người nông dân ven biển khu vực miền Trung thích
ứng tốt hơn với bão lũ bất thường.
Thứ hai, dựa trên kết quả mà những nghiên cứu trước đó đã ghi nhận để kế
thừa, học hỏi hay rút kinh nghiệm để đề xuất các biện pháp như thế nào, đảm bảo
những yêu cầu gì... nhằm giúp nâng cao khả năng thích ứng với bão lũ bất thường
cho nông dân khu vực miền Trung.
Thứ ba, dựa vào những đặc điểm tâm lý của người nông dân ven biển khu
vực miền Trung trong việc thích ứng với bão lũ bất thường.
4.4.1.2. Cơ sở thực tiễn
Thứ nhất, xuất phát từ kết quả nghiên cứu thực tiễn cho thấy: thực trạng thích
ứng với bão lũ bất thường còn chưa cao còn nhiều điều bất cập, nhất là cấu thành
thay đổi phương thức hoạt động. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng đã chỉ ra mối quan
hệ chặt chẽ giữa các cấu thành tâm lý của thích ứng, khi thay đổi yếu tố này sẽ dẫn
đến sự thay đổi yếu tố khác và ngược lại sẽ là cơ sở quan trọng để đề xuất biện pháp
nhằm giúp nâng cao khả năng thích ứng với bão lũ bất thường cho nông dân ở khu
vực này.
Thứ hai, xuất phát từ kết quả nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng và mức độ tác
động của các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ thích ứng với bão lũ bất thường của
nông dân khu vực miền Trung cho thấy việc phối hợp với mọi người xung quanh và
tận dụng các nguồn lực để chống đỡ với bão lũ bất thường có khả năng dự báo khá
mạnh - 35.6% đến thực trạng mức độ thích ứng với bão lũ bất thường (R2=0.356; p
= 0.000). Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy có sự khác biệt có ý nghĩa

143
về mặt thống kê về mức độ thích ứng với bão lũ bất thường giữa những người nông
dân có trình độ khác nhau - trình độ cành cao thì khả năng thích ứng càng tốt. Đây
là cơ sở thực tiễn quan trọng để đưa ra các biện pháp tác động phù hợp nhất.
Thứ 3 dựa vào kết quả từng biểu hiện đo được có trị số trung bình ở mức
chưa cao cần được quan tâm để đưa ra các biện pháp khắc phục như:
- Nhận thức còn thấp về hậu quả của bão lũ bất thường đối với việc đe dọa
sức chứa của các hồ, đập chứa nước, có thể gây vỡ đập (ĐTB=2.55 làm hư hỏng
đê điều (ĐTB=2.46
- Tự nhận thức về khả năng chống đỡ với bão lũ bất thường có những biểu
hiện còn chưa cao - chỉ mở mức Trung bình: Hiểu biết đặc điểm của bão, lũ bất
thường; cách thức chống đỡ với bão lũ bất thường và việc sử dụng các cách thức để
chống đỡ với bão, lũ bất thường trong thực tế.
- Việc thay đổi phương thức hành động để chuẩn bị chống đỡ với bão lũ có
những nội dung ở mức thấp cần lưu tâm: Học về sơ cấp cứu (ĐTB=1.85 dạy con
cái cách ứng phó với bão lũ (học bơi, không đến gần nơi nguy hiểm… (ĐTB=2.9
Chuẩn bị phương tiện cứu hộ Thay đổi cơ cấu vật nuôi đa dạng phù hợp với thời
tiết thay đổi (ĐTB=2.57 Thay đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đa dạng, xen canh
(lúa, hoa màu phù hợp với thời tiết (ĐTB=2.49)
4.4.2. Đề xuất một số biện pháp nhằm nâng cao khả năng thích ứng với bão lũ
bất thường cho nông dân
Xuất phát từ các cơ sở để đề xuất biện pháp đã trình bày và phân tích ở trên,
chúng tôi xin đưa ra một số biện pháp cụ thể như sau:
4.4.2.1. Biện pháp nâng cao nhận thức về những vấn đề có liên quan đến bão lũ
bất thường cho người nông dân
* Mục đích của biện pháp
Biện pháp này nhằm góp phần cải thiện nhận thức về những vấn đề có liên
quan đến bão lũ bất thường và hiểu biết về các cách thức để chống đỡ với bão lũ bất
thường cho người nông dân. Nâng cao nhận thức về bão lũ bất thường cho người
dân là yếu tố quan trọng trong việc tăng cường khả năng chống đỡ với bão lũ bất
thường cho cộng đồng nói chung và người nông dân nói riêng.
* Nội dung của biện pháp
- Thứ nhất, tăng cường nhận thức về BĐKH và thích ứng với BĐKH cho

144
người dân thông qua các hình thức tuyên truyền nhằm tác động đến nhận thức của
người nông dân thông qua các hình thức như: cẩm nang, các panô, áp phích…
ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, có nhiều hình ảnh trực quan lôi cuốn, thu hút về bão lũ
bất thường và chống đỡ với bão lũ bất thường cho người nông dân tại những nơi
trọng điểm.
- Thứ hai, tăng cường nhận thức về BĐKH và thích ứng với BĐKH cho
người dân thông qua việc tư vấn, tuyên truyền kiến thức về BĐKH trên hệ thống loa
phát thanh cố định và di động tại các thôn, xã.
- Thứ ba, tăng cường nhận thức về BĐKH và thích ứng với BĐKH cho
người dân thông qua việc tổ chức các buổi tư vấn, nói chuyện trực tiếp của chuyên
gia về bão lũ bất thường và các cách thức để chống đỡ với bão lũ bất thường cho
người dân.
4.4.2.2. Biện pháp nâng cao mức độ thay đổi phương thức hành động nhằm thích
ứng với bão lũ bất thường cho người dân
* Mục đích của biện pháp
Giúp người nông dân ven biển khu vực miền Trung tích cực tăng cường sự
thay đổi phương thức hành động trên nhiều bình diện của đời sống nhằm giảm thiểu
rủi ro và thích ứng một cách có hiệu quả với bão lũ bất thường.
* Nội dung của biện pháp
- Thứ nhất, tư vấn, hướng dẫn giúp người nông dân tăng cường việc thay đổi cơ
cấu vật nuôi, cây trồng đa dạng phù hợp với sự thay đổi của các hiện tượng thời tiết cực
đoan - bão lũ bất thường như: giúp người nông dân phát triển sinh kế bền vững.
- Thứ hai, mở lớp hướng dẫn nhằm hình thành và phát triển một số kỹ năng
cơ bản về sơ cấp cứu để giúp người nông dân thích ứng tốt hơn với bão lũ bất
thường khi phát hiện người gặp nạn do bão lũ bất thường như: cách làm cáng tự tạo,
vận chuyển nạn nhân an toàn, sơ cứu người đuối nước, hô hấp nhân tạo nạn nhân bị
bất tỉnh, cố định xương gãy và băng bó cầm máu tạm thời...
- Thứ ba, trang bị kỹ năng bơi lội cho người dân, đặc biệt là trẻ em. Việc
trang bị và tăng cường kỹ năng bơi lội cho người dân đặc biệt là cho trẻ em cần
được thực hiện và xuất phát từ cả hai phía: các lớp học bơi miễn phí do chính quyền
địa phương các cấp tổ chức và người dân chủ động học bơi, đưa con em mình đi
học bơi.

145
4.4.2.3. Biện pháp nâng cao mức độ phối hợp với mọi người xung quanh và tận
dụng các nguốn lực để thích ứngvới bão lũ bất thường cho người dân
* Mục đích của biện pháp
Biện pháp này nhằm giúp người nông dân ven biển khu vực miền Trung
nâng cao mức độ phối hợp hành động với mọi người xung quanh và tận dụng các
nguốn lực trong việc chống đỡ để thích ứng với bão lũ bất thường.
* Nội dung của biện pháp
- Thứ nhất, tăng cường hiểu biết của người dân về vai trò của từng con người
và từng cộng đồng trong phát triển của chính họ và cộng đồng của họ. Chính điều
này sẽ giúp người dân tích cực đóng góp ý kiến, lên kế hoạch chống đỡ với BĐKH.
Từ đó, vận dụng những đóng góp ý kiến này vào thực tiễn ứng phó với BĐKH để
người dân thấy được vai trò, hiệu quả của sự phối hợp cùng mọi người xung quanh.
Thứ hai, tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội và các nhóm để giúp đỡ
nhau ứng phó với BĐKH.
Thứ ba, tăng cường vai trò của lãnh đạo và thủ lĩnh cộng đồng thông qua các
dự án đào tạo, trao quyền cho lãnh đạo và thủ lĩnh cộng đồng trong tổ chức, quản lý
việc ứng phó với BĐKH như: tổ chức các buổi tập huấn, diễn tập như các hội thi
cho người dân giữa các thôn, xã, huyện…vừa rèn luyện kỹ năng vừa thi thố với
nhau để người dân hứng thú tham gia. Chính quyền địa phương phải là cầu nối
trong việc huy động, tổ chức có hiệu quả những việc chung như đắp đê ngăn lũ lụt,
trồng cây gây rừng, chung vai gắng sức giúp đỡ lẫn nhau (gia cố nhà cửa, thu hoạch
sớm mùa màng tránh thiệt hại… để chống đỡ với bão, lũ bất thường. Đồng thời
phải đảm bảo công khai, công bằng trong việc hỗ trợ vật chất và tài chính cho các
hộ thiệt hại trong bão lũ.

Tiểu kết chương 4


- Kết quả nghiên cứu thực trạng cho thấy, mức độ thích ứng với bão lũ bất
thường của nông dân ven biển khu vực miền Trung được xếp ở mức Khá, tiệm cận
rất sát với mức Trung bình. Xét trên phương diện các thành tố cấu thành mức độ
thích ứng với bão lũ bất thường của nông dân ven biển khu vực miền Trung, ta
thấy nổi rõ lên là “động cơ thúc đẩy sự thay đổi phương thức hành động” của

146
người nông dân được xếp ở mức Khá. Kế đó, “Nhận thức chung về những vấn đề
có liên quan đến bão lũ bất thường” của người nông dân tại hai tỉnh tại hai tỉnh
Bình Định và Quảng Ngãi xếp ở mức Khá tiệm cận mức Trung bình. Có trị số
trung bình thấp nhất trong ba thành tố là “sự thay đổi phương thức hoạt động và
hiệu quả của sự thay đổi phương thức hoạt động của nông dân” ven biển khu vực
miền Trung chỉ được xếp ở mức Trung bình. Trên các bình diện so sánh, kết quả
nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về mức độ thích
ứng với bão lũ bất thường của nông dân khu vực miền Trung trên bình diện giới
tính và địa bàn sinh sống.
- Mức độ thích ứng với bão lũ bất thường của nông dân ven biển khu vực miền
Trung chịu sự ảnh hưởng của các yếu tố: sự phối hợp với mọi người xung quanh và
tận dụng các nguồn lực để chống đỡ với bão lũ bất thường và trình độ học vấn.
Trong đó, yếu tố phối hợp với mọi người xung quanh và tận dụng các nguồn lực để
chống đỡ với bão lũ bất thường có khả năng dự báo khá mạnh đến mức độ thích
ứng với bão lũ bất thường.
- Trên cơ sở kết quả nghiên cứu cơ sở lý luận và thực trạng, nghiên cứu cũng
đã đề xuất các biện pháp góp phần nâng cao khả năng thích ứng với bão lũ bất
thường cho người dân nơi đây: biện pháp nhằm nâng cao nhận thức về những vấn
đề có liên quan đến bão lũ bất thường; biện pháp nâng cao mức độ thay đổi phương
thức hành động để thích ứng với bão lũ bất thường cho người nông dân và biện
pháp nâng cao mức độ phối hợp với mọi người xung quanh và tận dụng các nguồn
lực để thích ứng.

147
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

1. KẾT LUẬN
Qua quá trình nghiên cứu lý luận và thực trạng thích ứng với bão lũ bất
thường của nông dân ven biển khu vực miền Trung, chúng tôi xin rút ra một số kết
luận cơ bản sau:
- Trên thế giới và ở Việt Nam, có nhiều công trình nghiên cứu về thích ứng
tâm lý. Tuy nhiên, các nghiên cứu này chỉ tập trung vào việc làm rõ khả năng thích
ứng tâm lý của con người trước những thay đổi của môi trường và hoạt động mang
tính xã hội còn những thay đổi của con người để thích ứng tâm lý với sự thay đổi
của môi trường tự nhiên vẫn còn khá hiếm hoi. Nghiên cứu về thích ứng với BĐKH
cả trong và ngoài nước thường chỉ nhìn từ góc độ: Kinh tế học, Xã hội học, Nông
nghiệp, Địa lý... Việc nghiên cứu thích ứng với BĐKH từ góc độ Tâm lý học ở nước
ngoài đã có những đóng góp nhất định về sự phong phú trong nội dung nghiên cứu.
Tuy nhiên tại Việt Nam, những nghiên cứu về thích ứng tâm lý với BĐKH của nông
dân vẫn còn khá hiếm hoi, vẫn chưa có nghiên cứu bài bản để chỉ rõ việc sử dụng
cách tiếp cận nào khi nghiên cứu thích ứng tâm lý với BĐKH cũng như chỉ ra được
những cấu thành trên phương diện của thích ứng tâm lý với biến đổi khí hậu.
- Thích ứng với biến đổi khí hậu được hiểu là quá trình chủ thể thay đổi hoạt
động sống của mình phù hợp với yêu cầu của điều kiện sống mới do biến đổi khí
hậu gây ra trên cơ sở nhận thức vấn đề, thay đổi phương thức hành động với sự thúc
đẩy cao độ của hệ thống động cơ. Khi hoạt động sống đã được thay đổi có kết quả
có nghĩa là năng lực thích ứng hay cấu thành tâm lý mới đã được hình thành.
- Kết quả nghiên cứu thực trạng cho thấy, mức độ thích ứng với bão lũ bất
thường của nông dân ven biển khu vực miền Trung được xếp ở mức Khá, tiệm cận rất
sát với mức Trung bình. Xét trên phương diện các thành tố cấu thành mức độ thích
ứng với bão lũ bất thường của nông dân ven biển khu vực miền Trung, ta thấy nổi rõ
lên là “động cơ thúc đẩy sự thay đổi phương thức hành động” của người nông dân
được xếp ở mức Khá. Kế đó, “Nhận thức chung về những vấn đề có liên quan đến
bão lũ bất thường” của người nông dân tại hai tỉnh tại hai tỉnh Bình Định và Quảng
Ngãi xếp ở mức Khá tiệm cận mức Trung bình. Có trị số trung bình thấp nhất trong

148
ba thành tố là “sự thay đổi phương thức hoạt động và hiệu quả của sự thay đổi
phương thức hoạt động của nông dân” ven biển khu vực miền Trung chỉ được xếp ở
mức Trung bình. Trên các bình diện so sánh, kết quả nghiên cứu cho thấy không có
sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về mức độ thích ứng với bão lũ bất thường của nông
dân khu vực miền Trung trên bình diện giới tính và địa bàn sinh sống.
- Mức độ thích ứng với bão lũ bất thường của nông dân ven biển khu vực miền
Trung chịu sự ảnh hưởng của các yếu tố: sự phối hợp với mọi người xung quanh và
tận dụng các nguồn lực để chống đỡ với bão lũ bất thường và trình độ học vấn.
Trong đó, yếu tố phối hợp với mọi người xung quanh và tận dụng các nguồn lực để
chống đỡ với bão lũ bất thường có khả năng dự báo khá mạnh đến mức độ thích
ứng với bão lũ bất thường.
- Trên cơ sở kết quả nghiên cứu cơ sở lý luận và thực trạng, nghiên cứu cũng
đã đưa ra hai trường hợp điển hình trong việc thích ứng với bão lũ bất thường - một
ở mức Cao và một ở mức Thấp. Đồng thời, đề xuất các biện pháp góp phần nâng
cao khả năng thích ứng với bão lũ bất thường cho người dân nơi đây: biện pháp
nhằm nâng cao nhận thức về những vấn đề có liên quan đến bão lũ bất thường; biện
pháp nâng cao mức độ thay đổi phương thức hành động để thích ứng với bão lũ bất
thường cho người nông dân và biện pháp nâng cao mức độ phối hợp với mọi người
xung quanh và tận dụng các nguồn lực để thích ứng.
2. KIẾN NGHỊ
Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu thực tiễn, chúng tôi đưa ra những kiến
nghị sau:
* Đối với người nông dân
- Tích cực nâng cao trình độ học vấn, hiểu biết của mình về BĐKH nói
chung và bão lũ bất thường, các cách thức chống đỡ với bão lũ bất thường nói riêng.
- Tìm hiểu các cách thức để thích ứng với bão lũ bất thường cho bản thân và
các thành viên trong hộ gia đình mình.
- Trang bị các kỹ năng, phương tiện cần thiết để sẵn sàng thích ứng với bão
lũ bất thường
- Tích cực thay đổi phương thức hành động trong trồng trọt, chăn nuôi, sinh
hoạt, lao động… nhằm thích ứng hiệu quả với tác động do bão lũ bất thường gây ra.

149
- Cần chủ động phối hợp với các tổ chức đoàn thể, với mọi người xung
quanh trong việc thích ứng với bão lũ bất thường.
* Đối với Chính quyền địa phương
- Thực hiện nghiêm túc, có kế hoạch, hiệu quả các chính sách của Chính phủ
về thích ứng với với BĐKH. Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật từ
các chính sách, dự án theo ngân sách quốc gia và của các Tổ chức quốc tế để thực
hiện hiệu quả việc thích ứng với bão lũ bất thường.
- Tổ chức việc tuyên truyền rộng rãi về BĐKH nói chung cũng như bão lũ
bất thường nói riêng trên diện rộng và sâu bằng hình thức phong phú đa dạng thu
hút người nông dân tham gia.
- Mở các khóa học, diễn tập nhằm trang bị và rèn luyện lỹ năng thích ứng với
bão lũ bất thường cho các hộ nông dân.
- Có đội ngũ có chuyên môn sẵn sàng tư vấn cho người dân về những vấn đề
có liên quan đến việc thích ứng với bão lũ bất thường.
- Phối hợp giữa các cơ quan ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội trong việc
hỗ trợ, giúp đỡ người nông dân trong chống đỡ và khắc phục hậu quả sau bão lũ bất
thường.

150
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU
CÓ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN

1. Đỗ Tất Thiên (2017), Mức độ thích ứng với bão lũ bất thường của nông dân ven
biển khu vực miền Trung, Tạp chí Tâm lý học xã hội Số 2 (tháng 02-2017).
2. Đỗ Tất Thiên (2017), Tính chủ thể trong thích ứng với bão lũ bất thường của
nông dân ven biển khu vực miền Trung, Tạp chí Giáo dục và Xã hội Số Đặc biệt
(Tháng 1-2017).
3. Đỗ Tất Thiên (2017), Yếu tố ảnh hưởng đến mức độ thích ứng với bão lũ bất
thường của nông dân ven biển khu vực miền Trung, Tạp chí Tâm lý học xã hội
Số 3 (tháng 03-2017).
TÀI LIỆU THAM KHẢO

I. TÀI LIỆU TIẾNG VIỆT

[1]. Lê Tuấn Anh, Trần Thị Kim Hồng (2012), Đánh giá tổn thương và khả
năng thích nghi ở các hô gia đình trước thiên tai trong khu vực thuộc quận
Bình Thủy và huyện V nh Thạnh, Thành phố Cần Thơ, Tạp chí Khoa học
Đại học Cần Thơ tập 22b (221-230)
[2]. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X, Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (được thông qua tháng 1/2011).
[3]. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2014), Tài liệu hướng dẫn đánh
giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, Hà Nội.
[4]. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2003), Thông báo đầu tiên của Việt Nam
cho công ước chung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Hà Nội.
[5]. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2008), Chương trình mục tiêu quốc gia ứng
phó với biến đổi khí hậu (Triển khai thực hiện Nghị quyết số 60/2007/NQ-
CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính Phủ), Hà Nội.
[6]. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2010), Xây dựng khả năng phục hồi các
chiến lược thích ứng cho sinh kế ven biển chịu nhiều rủi ro nhất do tác động
của biến đổi khí hậu ở miền Trung Việt Nam, Hà Nội.
[7]. Lê Quang Cảnh (2013), Một số tác động của biến đổi khí hậu sản xuất và
đời sống của người dân hai xã Quảng Thành và Hương Phong, tỉnh Thừa
Thiên Huế, Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Huế.
[8]. Tống Văn Chung (2000 , Xã hội học nông thôn, Nxb Đại học Quốc gia, Hà
Nội.
[9]. Bùi Quang Dũng (2012), Từ khái niệm nông dân tới xã hội tiểu nông ở Việt
Nam: Dẫn vào một nghiên cứu về phát triển nông thôn, Tạp chí Xã hội học
số 4(120).
[10]. Vũ Dũng (chủ biên), (2012), Thích ứng xã hội của nhóm xã hội yếu thế ở
nước ta hiện nay, Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa.
[11]. Vũ Dũng (2012 , Thích ứng của các nhóm yếu thế qua thay đổi hoạt động
sản xuất, kinh doanh và thay đổi việc làm, nghề nghiệp, Tạp chí TLH, số 6
(159).
[12]. Vũ Dũng (2000 , Từ điển tâm lý học, Nhà xuất bản khoa học xã hội Hà Nội,
trang 318-319.
[13]. Trần Thọ Đạt (2012), Biến đổi khí hậu và sinh kế ven biển, Nxb Giao thông
vận tải, Hà Nội.
[14]. Phạm Minh Hạc (1983, Hành vi và hoạt động, NXB Giáo dục.
[15]. Nguyễn Thị Hảo (2013), Nhận biết khả năng chịu hạn của một số dòng,
giống lúa địa phương làm vật liệu di truyền cho chọn tạo giống lúa thích
ứng với điều kiện khó khăn về nước tưới, Tạp chí Khoa học và phát triển
2013, tập 11 số 2, tr.145-153
[16]. Lê Văn Hảo (2014), Ứng phó với thiên tai của người dân ven biển Bắc
Trung bộ (Nhìn từ góc độ Tâm lý học), Báo cáo tổng kết đề tài nghiên cứu
Viện Tâm lý học.
[17]. Nguyễn Thị Hiền (2015), Thích ứng với nghề Công tác xã hội của sinh viên
chuyên ngành Công tác xã hội, Luận án Tiến sĩ Tâm lý học, HVKHXH.
[18]. Vũ Thị Hiền - Lương Thị Trường, Biến đổi khí hậu và Redd - giải pháp tích
cực để các nước đang phát triển, cộng đồng sống trong rừng và gần rừng
nỗ lực tham gia giảm mất rừng và suy thoái rừng, Hà Nội 2010.
[19]. Nguyễn Đình Hoè, Nguyễn Ngọc Sinh (2008), Biến đổi khí hậu và an ninh
quốc gia, Báo cáo tại Hội thảo “Biến đổi khí hậu toàn cầu và ứng phó của
Việt Nam”, Hà Nội 26-29/2/2008.
[20]. Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (2008), Hội thảo Biến đổi
khí hậu toàn cầu và giải pháp ứng phó của Việt Nam, Hà Nội 26-
29/2/2008.
[21]. Nguyễn Thị Như Hồng (2014), Khả năng thích ứng nghề nghiệp ở sinh viên
sư phạm trong thực tập sư phạm, Luận văn Thạc sĩ Tâm lý học, ĐHSP
TP.HCM.
[22]. Nguyễn Văn Hồng (2012), Thích ứng với điều kiện sống mới của dân tái
định cư, Luận án tiến sỹ Tâm lý học HVKHXH.
[23]. Phan Thị Mai Hương (2013 , Phương pháp nghiên cứu trong Tâm lý học, NXB
Khoa học xã hội, Hà Nội.
[24]. Hứa Thị Mỹ Hương (2013 , Khả năng thích ứng của hộ gia đình đối phó
với tình trạng ngập nước tại TP.HCM, Luận văn Thạc sĩ Kinh tế phát triển,
ĐH Kinh tế TPHCM
[25]. Nguyễn Thị Thu Hương (2014 , Huy động nguồn lực tài chính cho giảm
thiểu và thích ứng với BĐKH ở Việt Nam, Tài chính vĩ mô Số 05 (130) –
2014 (6-12)
[26]. Trần Thu Hương (2015 , Thích ứng với hoạt động dạy học của giảng viên trẻ
tại các học viện, trường đại học Công an nhân dân, Luận án Tiến sĩ Tâm lý
học, Học viện chính trị, Hà Nội.
[27]. IPCC (2007), Báo cáo của Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu.
[28]. Lê Văn Khoa (2015 , Các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt
Nam, Tạp chí Môi trường, số 3/2015.
[29]. Hoàng Mộc Lan (2013), Giáo trình phương pháp nghiên cứu Tâm lý học,
NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
[30]. Lê Ngọc Lan (2002), Sự thích ứng với hoạt động học tập của sinh viên
ĐHSP Hà Nội - Tạp chí tâm lý học số 3 tháng 3.
[31]. Phan Quốc Lâm (2000), Sự thích ứng với hoạt động học tập của học sinh
lớp 1- Luận án tiến sỹ Tâm lý học, trường ĐHSP Hà Nội.
[32]. Đoàn Ngọc Lân (2007), Nghiên cứu khả năng thích ứng và các biện pháp
kỹ thuật trồng trọt để tăng năng suất , chất lượng sản phẩm của một só
giống dưa chuột nhập nội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Luận án nông
nghiệp Viện KH Nông nghiệp VN
[33]. Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (2013), Kỷ yếu hội thảo:
Biến đổi khí hậu khu vực miền Trung bộ và Tây Nguyên - Thực trạng và
giải pháp ứng phó.
[34]. Nguyễn Hồi Loan (2009), Một số đặc điểm tâm lý của người nông dân Việt
Nam ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình hội nhập kinh tế, Đại học Khoa học xã
hội và Nhân văn Hà Nội.
[35]. Đỗ Long (2000), Tâm lý cộng đồng làng xã, Nxb KHXH, Hà Nội.
[36]. Đỗ Long (2001), Chủ thể tập thể - Một số dấu hiệu đặc trưng, Tạp chí Tâm
lý học số 2-2001.
[37]. Đỗ Long, Vũ Dũng (2001 , Tâm lý nông dân trong thời kỳ đầu phát triển
kinh tế thị trường, NXB Khoa học xã hội.
[38]. Đặng Duy Lợi - Đào Ngọc Hùng (2014), Giáo trình Biến đổi khí hậu, Nxb
Đại học sư phạm, Hà Nội.
[39]. Bùi Văn Lợi (2014), Đánh giá khả năng thích ứng của giống cừu Phan
Rang nuôi ở Thừa Thiên Huế, Luận án Tiến sĩ Nông nghiệp, Trường ĐH
Nông Lâm, ĐH Huế.
[40]. Đỗ Thị Thanh Mai (2009), Mức độ thích ứng với hoạt động học tập của
sinh viên hệ Cao đẳng Trường Đại học công nghiệp Hà Nội, Luận án Tiến
sỹ Tâm lý học, trường ĐHSP Hà Nội.
[41]. Nguyễn Thị Mão (2009), Nghiên cứu khả năng thích ứng và biện pháp kỹ
thuật thâm canh giống cà chua mới tại Thái Nguyên, Luận án Nông nghiệp
Đại học Thái Nguyên.
[42]. Trần Công Minh (2007), Khí hậu và khí tượng đại cương, NXB Đại học
quốc gia Hà Nội, Tr.240 – 247.
[43]. Võ Văn Minh (2010 , Định hướng phát triển nông nghiệp thích ứng với
biến đổi khí hậu ở khu vực ven biển miền Trung, Nhóm nghiên cứu - Giảng
dạy Môi trường và Tài nguyên sinh học - Đại học Sư phạm Đà Nẵng.
[44]. Nguyễn Thị Mơ (2002 , Tổ chức thương mại thế giới (WTO) với mục tiêu
thiết lập cơ chế pháp lý ở quy mô toàn cầu cho l nh vực thương mại quốc tế
và khả năng thích ứng của pháp luật Việt Nam, Đề tài NCKH Cấp Bộ: B98-
40-03, Trường ĐH Ngoại Thương
[45]. Nguyễn Thị Thanh Nga (2015), Thích ứng với hoạt động dạy học của giáo
viên tiểu học mới vào nghề, Luận án tiến sĩ Tâm lý học, HVKHXH.
[46]. Dương Thị Nga (2012), Phát triển năng lực thích ứng nghề cho sinh viên
Cao đẳng sư phạm, Luận án Tiến sĩ Giáo dục học, trường ĐH Thái
Nguyên.
[47]. Phạm Thành Nghị (2010), Phát triển con người vùng Tây Bắc nước ta, Nxb
Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[48]. Phạm Thành Nghị (2016), Chủ thể hoạt động quản lý, Trong Nguyễn Hữu
Thụ - Chủ biên (2016), Giáo trình Tâm lý học Quản lý, NXB ĐHQG Hà
Nội, (tr.123-186).
[49]. Trương Thị Mỹ Nhân, Nguyễn Vĩnh Thanh (2015 , Chuyển dịch cơ cấu
kinh tế nhằm thích ứng với BĐKH của vùng Nam trung bộ, Nghiên cứu
kinh tế số 451 – Tháng 12/2015 (50-58)
[50]. Vũ Thị Nho (1998), Một số đặc điểm về sự thích nghi với học tập của học
sinh đầu bậc tiểu học, Tạp chí Tâm lý học của Viện Tâm lý học số 5 tháng
10.
[51]. Nguyễn Văn Phó (2005 , Bão, lốc và công tác phòng chống, Nxb Xây
dựng, Hà Nội.
[52]. Bùi Nam Sách (2010), Nghiên cứu sự biến đổi của nhu cầu tiêu và biện
pháp tiêu cho hệ thống thuỷ nông Nam Thái Bình có xét đến ảnh hưởng của
biến đổi khí hậu toàn cầu, Luận án Tiến sĩ Kỹ thuật (Quy hoạch và quản lý
tài nguyên nước).
[53]. Nguyễn Thị Út Sáu (2013), Thích ứng với hoạt động học tập theo học chế tín
chỉ của sinh viên Đại học Thái Nguyên, Luận án Tiến sĩ Tâm lý học,
HVKHXH.
[54]. Huỳnh Văn Sơn (2014), Nâng cao kỹ năng thích ứng với môi trường công
việc của sinh viên khi thực tập tốt nghiệp của sinh viên trên địa bàn TP
HCM, Đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ 2014
[55]. Nguyễn Chí Tăng (2011 , Sự thích ứng của giáo viên Trung học cơ sở với
ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giảng dạy, Học viện KHXH,
Hà Nội.
[56]. Phan Văn Tân, Ngô Đức Thành (2013), Biến đổi khí hậu ở Việt Nam: Một số
kết quả nghiên cứu, thách thức và cơ hội trong hội nhập quốc tế, Tạp chí
Khoa học ĐHQGHN, Các Khoa học Trái đất và Môi trường, Tập 29, Số 2
(2013) Trang 42-55.
[57]. Nguyễn Thạc (2003), Sự thích ứng với hoạt động học tập của sinh viên
trường cao đẳng sư phạm nhà trẻ - mẫu giáo Trung ương 1, Tạp chí tâm lý
học số 3 tháng 3, trang 21 - 24.
[58]. Dương Thị Thanh Thanh (2013), Mức độ thích ứng với hoạt động quản lý
dạy học của hiệu trưởng Tiểu học, Luận án Tiến sĩ Tâm lý học, HVKHXH.
[59]. Nguyễn Công Thảo, Phạm Thị Cẩm Vân (2013), Thích ứng với Biến đổi khí
hậu: nhìn từ góc độ cộng đồng, Nghiên cứu địa lý nhân văn , số 1 (1 –
Tháng 6/2013 (45-53)
[60]. Nguyễn Danh Thảo, Lê Tuấn Anh (2015), Đánh giá nhận thức và sự chuẩn
bị phòng chống thiên tai biển của người dân miền Trung và Nam Việt Nam,
Tạp chí Khoa học kỹ thuật và môi trường số 49 (6/2015) (22-28)
[61]. Lê Văn Thăng (2012 , Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến đất trồng lúa ở
một số tỉnh miền Trung Việt Nam, Việt Nam học - Kỷ yếu hội thảo quốc tế
lần thứ IV, Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển bền vững, Nxb
KHXH, Hà Nội.
[62]. Mã Ngọc Thể (2016), Thích ứng của sinh viên dân tộc thiểu số với hoạt
động học tập, Luận án Tiến sĩ Tâm lý học, HVKHXH.
[63]. Phạm Thị Thơm (2010 , Ứng dụng nguyên lý thích ứng với khách hàng
trong hoạt động kinh doanh của công ty viễn thông quân đội (Viettel), Luận
văn Thạc sĩ Thương Mại, ĐH Ngoại Thương Hà Nội
[64]. Nguyễn Xuân Thức (2003), Biện pháp nâng cao sự thích ứng với hình thức
tổ chức hoạt động ngoại khoá cho học sinh phổ thông của sinh viên sư
phạm - Tạp chí tâm lý học số 3 tháng 3, trang 25 - 28.
[65]. Nguyễn Xuân Thức (2005), Sự thích ứng với hoạt động rèn luyện
nghiệp vụ của sinh viên Đại học sư phạm - Tạp chí tâm lý học số 8
tháng 8. Trang 46 - 50.
[66]. Đỗ Mạnh Tôn (1996), Nghiên cứu sự thích ứng với học tập và rèn luyện
của học viên trường sỹ quan quân đội, Luận án tiến sỹ Tâm lý học, Học
viện Chính trị Quân sự.
[67]. Trần Hữu Tuấn (2012), Nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH cho người
dân ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế, Tạp chí Khoa học Đại học Huế, tập
72B, số 3 (379-386).
[68]. Vũ Thị Kiều Trang (2016), Thực trạng thích ứng của trẻ 5-6 tuổi trong
các hoạt động chuẩn bị đến trường phổ thông, Luận án Tiến sĩ Tâm lý học,
HVKHXH.
[69]. Trần Hữu Tuấn (2012), Nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH cho người
dân ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế, Tạp chí Khoa học Đại học Huế, tập
72B, số 3 (379-386).
[70]. Vũ Văn Tuấn (2003), Tính thích ứng của Doanh nghiệp vừa và nhỏ trong
khu vực nông nghiệp - nông thôn Việt Nam, Tạp chí KHKT Nông nghiệp ,
Tập 1, số 3/2003
[71]. Từ điển Bách khoa Việt Nam (2003) - Hội đồng quốc gia chỉ đạo và biên
soạn từ điển Bách khoa Việt Nam. NXB từ điển Bách khoa Hà Nội - tập 3,
trang 832.
[72]. Từ điển Bách khoa Việt Nam (2005), NXB từ điển Bách khoa Hà Nội, tập 4,
trang 218 - 219.
[73]. Từ điển Tiếng Việt (1998), Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội
[74]. UNDP (2007), Báo cáo phát triển con người 2007-2008.
[75]. Nguyễn Thị Như Vân (2013 , Nghiên cứu tác động và đề xuất giải pháp
thích ứng với Biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp Thành phố Đà Nẵng,
Luận văn thạc sĩ Kỹ Thuật, Đại học Đà Nẵng.
[76]. Đặng Thị Vân, Nguyễn Thị Ngọc Thúy, Đỗ Thị Vĩnh Hằng (7/2006), Thực
trạng thích ứng của sinh viên khoa Sư phạm kỹ thuật đối với việc học tập
bằng phương pháp thảo luận nhóm, Tạp chí Tâm lý học, (7), tr.1-46.
[77]. Viện Quản lý Chính sách Oxford (OPM) và Viện Quản lý và Phát triển
Châu Á (AMDI) (2011), Biến đổi khí hậu tại Việt Nam: Nỗ lực và kỳ vọng.
[78]. Viện Quy hoạch Thủy lợi (1994), Nghiên cứu Biến đổi khí hậu Châu Á:
Báo cáo của Việt Nam, ADB.
[79]. Viện Quy hoạch Thủy lợi (2010), Nghiên cứu đề xuất quy hoạch và giải
pháp nâng cấp các hệ thống thủy lợi vùng ven biển đồng bằng sông Hồng
nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, Đề tài khoa học cấp bộ 2009-2010, Bộ
Nông nghiệp và PTNT.
[80]. Nguyễn Khắc Viện (1991), Từ điển Tâm lý, NXB Ngoại Văn Hà Nội.
[81]. Nguyễn Tuấn Vĩnh (2014), Hành vi thích ứng của trẻ có hội chứng Down
tại các cơ sở giáo dục đặc biệt ở thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế,
Luận án Tiến sĩ Tâm lý học, HVKHXH.
[82]. Lê Hữu Xanh (chủ biên) (1999), Tâm lý nông dân đồng bằng Bắc bộ trong
quá trình CNH, HĐH nông thôn hiện nay, Nxb CTQG, Hà Nội.
[83]. Nguyễn Thị Cẩm Yến (2013), Kinh nghiệm từ một số mô hình thích ứng với
biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng ở tỉnh Phú Yên, Viện Tài nguyên và
Môi trường - Đại học Huế.
[84]. Nguyễn Thị Yến (2013), Tác động của biến đổi khí hậu với ngành trồng lúa
vùng đồng bằng sông Cửu Long và các giải pháp thích ứng, Luận văn Thạc
sĩ Quản trị kinh doanh, ĐH Kinh tế TPHCM
[85]. Trương Thị Yến (2012), Nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu
cho người dân vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế,
Trường Đại học Khoa học Huế.
II. TÀI LIỆU TIẾNG ANH
[86]. Alfred Presbitero (2016), Culture shock and reverse culture shock: The
moderating role of cultural intelligence in international students’
adaptation, International Journal of Intercultural Relations, Volume 53,
July 2016, Pages 28–38
[87]. Amarnath Tripathi, Ashok K. Mishra (2016), Knowledge and passive
adaptation to climate change: An example from Indian farmers, Scientific
journals Climate Risk Management, Volume 17, Pages 11 - 15.
[88]. Ayansina Ayanlade, Maren Radeny, John F. Morton (2016), Comparing
smallholder farmers’ perception of climate change with meteorological
data: A case study from southwestern Nigeria, Scientific journals Weather
and Climate Extremes, Volume 32, Pages 32-41.
[89]. Benno Ferrarini, Pasquale Scaramozzino (2016), Production complexity,
adaptability and economic growth, Structural Change and Economic
Dynamics, Volume 37, June 2016, Pages 52-61
[90]. Camille Brisset, Saba Safdar, J. Rees Lewis, Colette Sabatier (2010),
Psychological and sociocultural adaptation of university students in
France: The case of Vietnamese international students, International
Journal of Intercultural Relations, Volume 34, Issue 4, July 2010, Pages
413-422
[91]. Chaiyaporn Seekao, Chanathip Pharino (2016), Key factors affecting the
flood vulnerability and adaptation of the shrimp farming sector in
Thailand, International Journal of Disaster Risk Reduction, Volume 17,
August 2016, Pages 161-172
[92]. Christina Matschke, Kai Sassenberg (2010), The supporting and impeding
effects of group-related approach and avoidance strategies on newcomers’
psychological adaptation, International Journal of Intercultural Relations,
Volume 34, Issue 5, September 2010, Pages 465–474
[93]. Christopher J. Paul, Erika S. Weinthal (2016), Social capital, trust, and
adaptation to climate change: Evidence from rural Ethiopia, Global
Environmental Change, Volume 36, January 2016, Pages 124-138
[94]. Cynthia Leung, Rogelia Pe-Pua (2006), Psychological adaptation and
autonomy among adolescents in Australia: A comparison of Anglo-Celtic
and three Asian groups, International Journal of Intercultural Relations,
Volume 30, Issue 1, January 2006, Pages 99–11
[95]. David L. Cralahue/ John C. Ozmun, Understanding motor development:
Infants, children, adolescents, adults - printed in Singapore, 4th edition.
[96]. David Lackland Sam, Erkki Virta (2003), Intergenerational value
discrepancies in immigrant and host-national families and their impact on
psychological adaptation, Journal of Adolescence, Volume 26, Issue 2,
April 2003, Pages 213-231
[97]. U. Dombrowski (2014), Adaptability within a Multi-variant Serial
Production, Procedia CIRP, Volume 17, 2014, Pages 124-129
[98]. Emmanuel Mavhura, Siambabala Bernard Manyena, Andrew E. Collins,
Desmond Manatsa (2013), Indigenous knowledge, coping strategies and
resilience to floods in Muzarabani, Zimbabwe, International Journal of
Disaster Risk Reduction, Volume 5, September 2013, Pages 38-48
[99]. Eric Forbush, Brooke Foucault-Welles (2016), social media use and
adaptation among Chinese students beginning to study in the United States,
International Journal of Intercultural Relations, Volume 50, January 2016,
Pages 1–12
[100]. Esther J. Calzada, Laurie Miller Brotman, Keng-Yen Huang, Yael Bat-
Chava (2009), Parent cultural adaptation and child functioning in
culturally diverse, urban families of preschoolers, Psychology, Volume 30,
Issue 4, July–August 2009, Pages 515–524
[101]. C. Galdies, A. Said, L. Camilleri, M. Caruana (2016), Climate change
trends in Malta and related beliefs, concerns and attitudes toward
adaptation among Gozitan farmers, European Journal of Agronomy,
Volume 74.
[102]. Gebreyesus Brhane Tesfahunegn, Kirubel Mekonen, Abadi Tekle, (2016),
Farmers’ perception on causes, indicators and determinants of climate
change in northern Ethiopia: Implication for developing adaptation
strategies, Applied Geography, Volume 73, August 2016, Pages 1-12.
[103]. Hayrol Azril Mohamed Shaffril, Asnarulkhadi Abu Samah, Jeffrey
Lawrence D'Silva (2017), Climate change: Social adaptation strategies for
fishermen, Marine Policy, Volume 81, July 2017, Pages 256-261
[104]. Y. He, F. Pappenberger, D. Manful, H. Cloke, P. Bates (2013), Flood
Inundation Dynamics and Socioeconomic Vulnerability under
Environmental Change, Volume 5: Vulnerability of Water Resources to
Climate, 2013, Pages 241-255
[105]. Huang Chen, Jinxia Wang, Jikun Huang (2014), Policy support, social
capital, and farmers’ adaptation to drought in China, Global
Environmental Change, Volume 24, January 2014, Pages 193–202
[106]. Jacobson E.H. (1963), Sojourn research: a definition of the field,
Journal of Social Issues,19 (3)
[107]. James W (1890), The principles of psychology, NewYork Holt.
[108]. Jessica R. Graham-LoPresti, Speshal Walker Gautier, Shannon Sorenson,
Sarah A. Hayes-Skelton (2017), Culturally Sensitive Adaptations to
Evidence-Based Cognitive Behavioral Treatment for Social Anxiety
Disorder: A Case Paper, Cognitive and Behavioral Practice, Available
online 12 January 2017, In Press, Corrected Proof 1-10
[109]. Jian Raymond Rui (2015), Social network sites and international students’
cross-cultural adaptation, Computers in Human Behavior, Volume 49,
August 2015, Pages 400–411
[110]. Jianjun Jin, Xiaomin Wang, Yiwei Gao (2015), Gender differences in
farmers' responses to climate change adaptation in Yongqiao District,
China, Science of The Total Environment, Volume 538, 15 December
2015, Pages 942-948
[111]. Jung-Hee Shin, Hyun-Sim Doh, Jun Sung Hong, Johnny S. Kim (2012),
Pathways from non-Korean mothers' cultural adaptation, marital conflict,
and parenting behavior to bi-ethnic children's school adjustment in South
Korea, Children and Youth Services Review, Volume 34, Issue 5, May
2012, Pages 914–923
[112]. Kathleen Carlson, Sabrina McCormick (2015), American adaptation:
Social factors affecting new developments to address climate change,
Global Environmental Change, Volume 35, November 2015, Pages 360-
367
[113]. Karin Ingold (2017), How to create and preserve social capital in climate
adaptation policies: A network approach, Ecological Economics, Volume
131, January 2017, Pages 414-424.
[114]. Lana O. Beasley, Jane F. Silovsky (2014), Mixed-methods feasibility study
on the cultural adaptation of a child abuse prevention model, Child Abuse
& Neglect, Volume 38, Issue 9, September 2014, Pages 1496–1507
[115]. Madan Mohan Dey, Mark W. Rosegrant, Kamal Gosh, Oai Li Chen,
Rowena Valmonte-Santo (2016), Analysis of the economic impact of
climate change and climate change adaptation strategies for fisheries
sector in Pacific coral triangle countries: Model, estimation strategy, and
baseline, Marine Policy, Volume 67, May 2016, Pages 156-163
[116]. María Auxiliadora OrdóñezJiménez (2014), Education and Guidance for
Employment: Means of Adapting to the Labor Market Demands for Women
Over 45, Procedia - Social and ehavioral Sciences Volume 139, 22 August
2014, Pages 321-328.
[117]. Mark Cleveland, Michel Laroche, Frank Pons, Rony Kastoun (2009),
Acculturation and consumption: Textures of cultural adaptation,
International Journal of Intercultural Relations, Volume 33, Issue 3, May
2009, Pages 196–212
[118]. GM Monirul Alam, Khorshed Alam, Shahbaz Mushtaq (2016), Influence of
institutional access and social capital on adaptation decision: Empirical
evidence from hazard-prone rural households in Bangladesh, Ecological
Economics, Volume 130, October 2016, Pages 243–251
[119]. L.M .Menikea, K.A. Keeragala Arachchib, (2015), Adaptation to climate
change by smallholder farmers in rural communities: Evidence from Sri
Lanka, International Conference of Sabaragamuwa University of Sri Lanka
2015, Scientific journals Procedia Food Science 6, Pages 288 – 292.
[120]. Michael Waibel (2008), Climate change in Viet Nam – Challenges for the
Urban Development of Ho Chi Minh City metropolitan region.
[121]. Minerva Campos, Alejandro Velázquez, Michael McCall (2014),
Adaptation strategies to climatic variability: A case study of small-scale
farmers in rural Mexico, Land Use Policy, Volume 38, May 2014, Pages
533-540.
[122]. Muhammad Abid, Uwe A. Schneider, Jürgen Scheffran (2016), Adaptation
to climate change and its impacts on food productivity and crop income:
Perspectives of farmers in rural Pakistan, Volume 47, Part A, Journal of
Rural Studies October 2016, Pages 254–266.
[123]. Naresh Chandra Sahu, Diptimayee Mishra (2013), Analysis of Perception
and Adaptability Strategies of the Farmers to Climate Change in Odisha,
India, APCBEE Procedia, Volume 5, 2013, Pages 123–127.
[124]. A.M. Olaizola, F. Ameen, E. Manrique (2015), Potential strategies of
adaptation of mixed sheep-crop systems to changes in the economic
environment in a Mediterranean mountain area, Livestock Science,
Volume 176, June 2015, Pages 166–180
[125]. Özgür Şahan, Kari lizabeth Şahan, Salim Raz (2014), Turkish Language
Proficiency and Cultural Adaptation of American EFL Teachers in Turkey,
Procedia - Social and Behavioral Sciences, Volume 158, 19 December
2014, Pages 304-311
[126]. Paloma Esteve, Consuelo Varela-Ortega, Irene Blanco-Gutiérrez, Thomas
E. Downing (2015), A hydro-economic model for the assessment of climate
change impacts and adaptation in irrigated agriculture, Ecological
Economics, Volume 120, December 2015, Pages 49-58
[127]. Pino González-Riancho, Birgit Gerkensmeier, Beate M.W. Ratter, Mauricio
González, Raúl Medina (2015), Storm surge risk perception and resilience:
A pilot study in the German North Sea coast, Ocean & Coastal
Management, Volume 112, August 2015, Pages 44-60.
[128]. N.G. Pshuk , Y.Y. Martynova (2015), Psychological Compensation-
adaptation Mechanisms of Women After Mastectomy, European Psychiatry,
Volume 30, Supplement 1, 28–31 March 2015, Page 436
[129]. Shigehiro Oishi, Reo Kimura, Haruo Hayashi, Shigeo Tatsuki (2015),
Psychological adaptation to the Great Hanshin-Awaji Earthquake of 1995:
16 years later victims still report lower levels of subjective well-being,
Journal of Research in Personality, Volume 55, April 2015, Pages 84–90
[130]. Shukla Rani Basak, Anil Chandra Basak, Mohammed Ataur Rahman
(2015), Impacts of floods on forest trees and their coping strategies in
Bangladesh, Weather and Climate Extremes, Volume 7, March 2015, Pages
43-48.
[131]. Sourabh Kumar Dubey, Raman Kumar Trivedi, Bimal Kinkar Chand,
Basudev Mandal, Sangram Keshari Rout (2016), Farmers’ perceptions of
climate change, impacts on freshwater aquaculture and adaptation
strategies in climatic change hotspots: A case of the Indian Sundarban
delta, Scientific journals Environmental Development, Volume 25, Pages
56-62.
[132]. E.N. Speelman, J.C.J. Groot, L.E. García-Barrios (2014), From coping to
adaptation to economic and institutional change – Trajectories of change in
land-use management and social organization in a Biosphere Reserve
community, Mexico, Land Use Policy, Volume 41, November 2014, Pages
31–44
[133]. Tas Thamo, Donkor Addai, David J. Pannell, Michael J. Robertson, Dean
T. Thomas, John M. Young (2015), Climate change impacts and farm-level
adaptation: Economic analysis of a mixed cropping–livestock system,
Agricultural Systems, Volume 150, January 2017, Pages 99–108
[134]. Takuro Uehara (2013), Ecological threshold and ecological economic
threshold: Implications from an ecological economic model with
adaptation, Ecological Economics, Volume 93, September 2013, Pages
374-384
[135]. Tanvir H. Dewan (2015), Societal impacts and vulnerability to floods in
Bangladesh and Nepal, Weather and Climate Extremes, Volume 7, March
2015, Pages 36-42.
[136]. Tek B Sapkota (2015), Climate change adaptation, greenhouse gas
mitigation and economic profitability of conservation agriculture: Some
examples from cereal systems of Indo-Gangetic Plains, Journal of
Integrative Agriculture, Volume 14, Issue 8, August 2015, Pages 1524-1533
[137]. Temesgen Tadesse Deressa, Rashid M. Hassan, Claudia Ringler, Tekie
Alemu, Mahmud Yesuf (2009), Determinants of farmers’ choice of
adaptation methods to climate change in the Nile Basin of Ethiopia, Global
Environmental Change, Volume 19, Issue 2, May 2009, Pages 248-255.
[138]. Tutku Akter, Gabriel E. Nweke (2016), Social media users and their social
adaptation process in virtual environment: Is it easier for Turkish Cypriots
to be social but virtual beings? Computers in Human Behavior, Volume 61,
August 2016, Pages 472–477
[139]. William Kwadwo Dumenu, Elizabeth Asantewaa Obeng (2016), Climate
change and rural communities in Ghana: Social vulnerability, impacts,
adaptations and policy implications, Environmental Science & Policy,
Volume 55, Part 1, January 2016, Pages 208-217
[140]. Won Hee Jun, Sung Sil Hong, Soo Yang (2014), Effects of a Psychological
Adaptation Improvement Program for International Marriage Migrant
Women in South Korea, Asian Nursing Research, Volume 8, Issue 3,
September 2014, Pages 232-238
[141]. Wim Beyers/Luc Goossens (2003): Psychological separation and adjustment
to University: Moderating effects of gender, age, and perceived parenting
style - Journal of adolescent research, Vol. 18 No.4, July. P 363 - 382.
[142]. Xiaojiao Yuan, Xiaoyi Fang, Yang Liu, Shumeng Hou, Xiuyun Lin (2013),
Development of urban adaptation and social identity of migrant children in
China: A longitudinal study, International Journal of Intercultural Relations,
Volume 37, Issue 3, May 2013, Pages 354–365
[143]. Xinyin Chen/ Bo - Shu Li (2000): Depressed mood in chinese children:
Development significance for social and school adjustment - International
journal of behavioral development, Vol. 24, No. 4, p 472 - 479.
[144]. Yao - Ming Wu (2000): The relationship between teacher's classroom
management and elementary school student's life adjustment -
Educational research and information, Vol.8No.3, pages 114 - 144.
[145]. Zelda A. Elum, David M. Modise, Ana Marr (2016), Farmer’s perception
of climate change and responsive strategies in three selected provinces of
South Africa, Scientific journals Climate Risk Management, 79-83
[146]. Zo Lalaina Rakotobe, Celia A. Harvey, Jean Chrysostôme Rakotondravelo
(2016), Strategies of smallholder farmers for coping with the impacts of
cyclones: A case study from Madagascar, International Journal of Disaster
Risk Reduction, Volume 17, August 2016, Pages 114-122.
PHỤ LỤC

PHỤ LỤC 1
ĐỀ CƯƠNG PHỎNG VẤN TRƯỚC KHI XÂY DỰNG BẢNG HỎI

I. Làm quen, giới thiệu mục tiêu và nội dung phỏng vấn
II. Nội dung phỏng vấn
Câu 1: Xin Ông/bà vui lòng cho biết những trận bão, lũ đã diễn ra trong những năm
gần đây? (5 - 10 năm . Những trận bão, lũ lịch sử (nếu có)?
Câu 2: Xin Ông/bà vui lòng cho biết đặc điểm của những trận bão lũ gần đây?
(Thời gian xảy ra; dấu hiệu báo trước; số lần xuất hiện; mức độ tác động; nguyên
nhân gây ra xu hướng tăng/giảm?...)
Câu 3: Xin Ông/bà vui lòng cho biết những thiệt hại và tác động của bão lũ bất
thường đối với cuộc sống của ông bà? (Vật chất, sinh kế, an toàn tính mạng, sức
khỏe, tinh thần...?)
Câu 4: Xin Ông/bà vui lòng cho biết: trước khi có bão, lũ xảy ra:
- Những quan tâm, lo ngại của ông/ bà đối với những rủi ro có thể xảy ra khi có bão
lũ bất thường?
- Ông/bà chuẩn bị như thế nào để thích ứng? (trồng trọt, chăn nuôi, an toàn...)?
Câu 5: Xin Ông/bà vui lòng cho biết, việc khắc phục hậu quả sau bão, lũ diễn ra
như thế nào?
Câu 6: Theo ông/bà có những yếu tố nào ảnh hưởng đến khả năng thích ứng với
bão, lũ, hạn hán của ông bà?
PHỤ LỤC 2
PHIẾU TRƯNG CẦU Ý KIẾN
(Dành cho nông dân khu vực miền Trung)

Để nghiên cứu sự thích ứng với biến đổi khí hậu của nông dân khu vực miền Trung
nhằm đề xuất các biện pháp giúp người nông dân thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu.
Chúng tôi rất mong ông/ bà tham gia hỗ trợ nghiên cứu cùng chúng tôi bằng cách trả lời
các câu hỏi dưới đây Những thông tin mà ông/ bà đưa ra sẽ được giữ kín và chỉ sử dụng
cho mục đích nghiên cứu khoa học. Tất cả ý kiến của ông/ bà đều có ý ngh a rất hữu ích
cho nghiên cứu này.
Xin chân thành cảm ơn ông/ bà!
A. Thông tin chung về hộ gia đình
1. Họ tên người trả lời: .........................................................................................................
2. Giới tính: (  1 - Nam,  2 - Nữ) 3. Năm sinh:.......................................
4. Hiện đang sống tại (thôn, xã, huyện/TP):........................................................................
5. Trình độ:  1.Tiểu học  2.THCS  3.THPT
 4.Trung cấp, nghề  5.CĐ, ĐH trở lên 6.Chưa đi học.
6. Nhà ở:  1. Tạm thời  2. Nhà cấp 4/một tầng  3. Nhà xây bê tông kiên cố
7. Kinh tế:  1. Hộ nghèo  2. Cận nghèo  3. Trung bình  4. Khá
8. Số thế hệ:
 1. Chỉ 2 vợ chồng/ chỉ 1 mình  2. Cha mẹ, con cái  3. Ông bà, cha mẹ, con cái
9. Tổng số nhân khẩu trong gia đình ông bà:……………………………………………..
B. Thông tin phiếu hỏi
Câu 1: Ông/ bà cho biết nhận định của mình về các cơn bão, lũ trong những năm gần
đây:
* Nhận định về các cơn bão
1.1. Tôi nhận thấy các cơn bão ngày càng nhiều hơn.
Hoàn toàn đúng 5 4 3 2 1 Sai
1.2. Tôi nhận thấy các cơn bão ngày càng mạnh hơn.
Hoàn toàn đúng 5 4 3 2 1 Sai
1.3. Tôi nhận thấy các cơn bão ngày càng bất thường hơn. (đột ngột, trái với quy luật
thông thường).
Hoàn toàn đúng 5 4 3 2 1 Sai
1.4. Tôi nhận thấy các cơn bão ngày càng khó phòng tránh hơn.
Hoàn toàn đúng 5 4 3 2 1 Sai
1.5. Tôi nhận thấy các cơn bão ngày càng ảnh hưởng rộng cùng lúc trên nhiều tỉnh hơn.
Hoàn toàn đúng 5 4 3 2 1 Sai
1.6. Tôi nhận thấy các cơn bão ngày càng khó lường được hậu quả hơn.
Hoàn toàn đúng 5 4 3 2 1 Sai
1.7. Tôi nhận thấy các cơn bão ngày càng gây thiệt hại nặng nề hơn.
Hoàn toàn đúng 5 4 3 2 1 Sai
* Nhận định về các trận lũ lụt
1.8. Tôi nhận thấy các trận lũ lụt ngày càng nhiều hơn.
Hoàn toàn đúng 5 4 3 2 1 Sai
1.9. Tôi nhận thấy các trận lũ lụt ngày càng lớn hơn.
Hoàn toàn đúng 5 4 3 2 1 Sai
1.10. Tôi nhận thấy các trận lũ lụt ngày càng bất thường hơn. (đột ngột, trái với quy luật
thông thường).
Hoàn toàn đúng 5 4 3 2 1 Sai
1.11. Tôi nhận thấy các trận lũ lụt ngày càng khó phòng tránh hơn.
Hoàn toàn đúng 5 4 3 2 1 Sai
1.12. Tôi nhận thấy các trận lũ lụt ngày càng ảnh hưởng rộng cùng lúc trên nhiều tỉnh
hơn.
Hoàn toàn đúng 5 4 3 2 1 Sai
1.13. Tôi nhận thấy các trận lũ lụt ngày càng khó lường được hậu quả hơn
Hoàn toàn đúng 5 4 3 2 1 Sai
1.14. Tôi nhận thấy các cơn lũ lụt ngày càng gây thiệt hại nặng nề hơn.
Hoàn toàn đúng 5 4 3 2 1 Sai
Câu 2: Ông/ bà cho biết nhận định của mình về hậu quả của bão, lũ bất thường đối với
đời sống của ông/ bà?
* Hậu quả đối với việc chăn nuôi
2.1. Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường khiến gia súc, gia cầm, tôm, cá… bị chết/ mất.
Hoàn toàn đúng 5 4 3 2 1 Sai
2.2. Tôi nhận thấy bão lũ, bất thường làm giảm sản lượng gia súc, gia cầm, tôm, cá...
Hoàn toàn đúng 5 4 3 2 1 Sai
2.3. Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường làm giảm chất lượng gia súc, gia cầm, tôm, cá...
Hoàn toàn đúng 5 4 3 2 1 Sai
2.4. Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường làm bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm,
tôm, cá…
Hoàn toàn đúng 5 4 3 2 1 Sai
2.5. Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường làm giảm lượng thức ăn cho gia súc, gia cầm, tôm,
cá...
Hoàn toàn đúng 5 4 3 2 1 Sai
* Hậu quả đối với việc trồng trọt
2.6. Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường làm mất mùa vụ, hoa màu của gia đình tôi.
Hoàn toàn đúng 5 4 3 2 1 Sai
2.7. Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường làm giảm sản lượng hoa màu, mùa vụ.
Hoàn toàn đúng 5 4 3 2 1 Sai
2.8. Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường làm giảm chất lượng mùa vụ, hoa màu.
Hoàn toàn đúng 5 4 3 2 1 Sai
2.9. Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường làm tăng dịch bệnh trên cây trồng.
Hoàn toàn đúng 5 4 3 2 1 Sai
* Hậu quả đối với tài sản, tài chính
2.10. Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường làm tốn thêm tiền để chi phí cho việc nuôi, trồng.
Hoàn toàn đúng 5 4 3 2 1 Sai
2.11. Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường làm hư hỏng nhà cửa.
Hoàn toàn đúng 5 4 3 2 1 Sai
2.12. Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường làm hư hỏng đồ đạc, tài sản trong nhà.
Hoàn toàn đúng 5 4 3 2 1 Sai
2.13. Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường làm tốn kém tiền nong để khắc phục hậu quả sau
bão lũ.
Hoàn toàn đúng 5 4 3 2 1 Sai
* Hậu quả đối với việc sinh hoạt và lao động/ học tập
2.14. Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường gây khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt hằng
ngày.
Hoàn toàn đúng 5 4 3 2 1 Sai
2.15. Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường khiến việc lao động sản xuất bị trì trệ (chậm).
Hoàn toàn đúng 5 4 3 2 1 Sai
2.16. Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường gây ảnh hưởng đến việc học hành của con cái
chúng tôi.
Hoàn toàn đúng 5 4 3 2 1 Sai
* Hậu quả đối với tính mạng và sức khỏe con người
2.17. Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường đe dọa đến sức khỏe của con người.
Hoàn toàn đúng 5 4 3 2 1 Sai
2.18. Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường đe dọa tính mạng của con người.
Hoàn toàn đúng 5 4 3 2 1 Sai
2.19. Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường làm gia tăng dịch bệnh ở người (sốt xuất huyết,
cúm, tiêu chảy…
Hoàn toàn đúng 5 4 3 2 1 Sai
2.20. Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường khiến mọi người hoảng sợ, lo lắng, bất an.
Hoàn toàn đúng 5 4 3 2 1 Sai
* Hậu quả đối với việc sử dụng tài nguyên đất và nước
2.21. Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường gây ô nhiễm nguồn nước uống.
Hoàn toàn đúng 5 4 3 2 1 Sai
2.22. Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường gây xói mòn, rửa trôi đất làm giảm độ màu mỡ của
đất.
Hoàn toàn đúng 5 4 3 2 1 Sai
2.23. Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường làm giảm diện tích đất sản xuất do ngập úng kéo
dài.
Hoàn toàn đúng 5 4 3 2 1 Sai
* Hậu quả đối với các công trình giao thông, thủy lợi
2.24. Tôi nhận thấy lũ lớn bất thường đe dọa sức chứa của các hồ, đập chứa nước, có thể
gây vỡ đập.
Hoàn toàn đúng 5 4 3 2 1 Sai
2.25. Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường làm hư hỏng đê điều.
Hoàn toàn đúng 5 4 3 2 1 Sai
2.26. Tôi nhận thấy bão, lũ bất thường làm hư hỏng đường xá, giao thông khiến việc đi
lại bị trì trệ.
Hoàn toàn đúng 5 4 3 2 1 Sai
Câu 3: Ông/ bà hãy cho biết nhận định của mình về khả năng chống đỡ với bão lũ bất
thường của ông/ bà?
3.1. Ông/ bà hãy cho biết, hiểu biết của ông/ bà về bão, lũ bất thường ở mức nào?
Rất tốt 5 4 3 2 1 Không tốt
3.2. Ông/ bà hãy cho biết, hiểu biết của ông/ bà về các cách thức để chống đỡ với bão, lũ
bất thường ở mức nào?
Rất tốt 5 4 3 2 1 Không tốt
3.3. Ông/ bà hãy cho biết, hiểu biết về việc sử dụng các cách thức để chống đỡ với bão, lũ
bất thường trong thực tế của ông/ bà ở mức nào?
Rất tốt 5 4 3 2 1 Không tốt
3.4. Ông/ bà hãy cho biết, nhận định về thái độ tích cực của ông/ bà trong việc chống đỡ
với bão, lũ bất thường ở mức nào?
Rất tốt 5 4 3 2 1 Không tốt
3.5. Ông/ bà hãy cho biết, nhận định về sự chuẩn bị chống đỡ của ông/ bà trước khi bão,
lũ bất thường xuất hiện ở mức nào?
Rất tốt 5 4 3 2 1 Không tốt
3.6. Ông/ bà hãy cho biết, nhận định về khả năng chống đỡ của ông/ bà khi bão lũ bất
thường đang xảy ra ở mức nào?
Rất tốt 5 4 3 2 1 Không tốt
3.7. Ông/ bà hãy cho biết, nhận định về khả năng khắc phục hậu quả sau bão lũ bất
thường của mình ở mức nào?
Rất tốt 5 4 3 2 1 Không tốt
Câu 4: Nhận định của ông/ bà về việc đưa ra các cách thức để chống đỡ với bão lũ bất
thường?
4.1. Nhận định về việc sẵn sàng với việc đổ bộ của bão, lũ bất thường ở mức:
Rất cao 5 4 3 2 1 Rất thấp
4.2. Nhận định về việc lên kế hoạch chuẩn bị chống đỡ trước khi bão, lũ bất thường đổ
bộ ở mức:
Chuẩn bị rất chu đáo 5 4 3 2 1 Không chuẩn bị
4.3. Nhận định về việc thực hiện kế hoạch đã chuẩn bị để chống đỡ với bão, lũ bất
thường đang xảy ra ở mức:
Rất tốt 5 4 3 2 1 Rất kém
4.4. Nhận định về việc tìm kiếm sự hỗ trợ của chính quyền địa phương để chống đỡ với
bão, lũ bất thường ở mức:
Rất tốt 5 4 3 2 1 Rất kém
4.5. Nhận định về việc tìm kiếm sự hỗ trợ của bà con hàng xóm để cùng nhau chống đỡ
với bão, lũ bất thường ở mức:
Rất tốt 5 4 3 2 1 Rất kém
4.6. Nhận định về việc tìm cách để khắc phục những hậu quả do bão, lũ bất thường gây
ra ở mức:
Rất tốt 5 4 3 2 1 Rất kém
4.7. Nhận định về việc rút được kinh nghiệm từ những gì đã xảy ra trong trận bão, lũ bất
thường vừa qua ở mức:
Rất cao 5 4 3 2 1 Rất thấp
Câu 5: Ông/ bà chống đỡ với bão lũ bất thường xuất phát từ những mong muốn nào
sau đây?
5.1. Tôi tìm cách chống đỡ với bão, lũ bất thường để làm giảm sức ảnh hưởng của nó ở
mức:
Rất cao 5 4 3 2 1 Rất thấp
5.2. Tôi tìm cách đối phó với bão, lũ bất thường để giảm ảnh hưởng của nó đến tính
mạng của các thành viên trong gia đình tôi ở mức:
Rất cao 5 4 3 2 1 Rất thấp
5.3. Tôi tìm cách đối phó với bão, lũ bất thường để giảm ảnh hưởng của nó đến sức khỏe
của các thành viên trong gia đình tôi ở mức:
Rất cao 5 4 3 2 1 Rất thấp
5.4. Tôi tìm cách đối phó với bão, lũ bất thường để giảm ảnh hưởng của nó đến công việc
của tôi ở mức:
Rất cao 5 4 3 2 1 Rất thấp
5.5. Tôi tìm cách đối phó với bão, lũ bất thường để giữ tài sản được an toàn ở mức:
Rất cao 5 4 3 2 1 Rất thấp
5.6. Tôi tìm cách đối phó với bão, lũ bất thường để giữ an toàn cho vật nuôi (gia súc, gia
cầm, tôm, cá....) ở mức:
Rất cao 5 4 3 2 1 Rất thấp
5.7. Tôi tìm cách đối phó với bão, lũ bất thường để tránh thiệt hại cho cây trồng, hoa màu
ở mức:
Rất cao 5 4 3 2 1 Rất thấp
5.8. Tôi tìm cách đối phó với bão, lũ bất thường để tiết kiệm thời gian và công sức chống
chống đỡ với nó ở mức:
Rất cao 5 4 3 2 1 Rất thấp
Câu 6: Ông/ bà cho biết nhận định của mình về mức độ phối hợp với mọi người xung
quanh và tận dụng các nguồn lực để chống đỡ với bão lũ bất thường?
6.1. Tôi tham gia các buổi họp thôn, làng để đóng góp ý kiến, kế hoạch chống đỡ với bão,
lũ bất thường ở mức:
Rất tốt 5 4 3 2 1 Không tốt
6.2. Tôi tham gia các buổi nói chuyện, tuyên truyền về chống đỡ với bão, lũ bất thường
do địa phương tổ chức ở mức:
Rất tốt 5 4 3 2 1 Không tốt
6.3. Tôi tham gia các buổi tập huấn, diễn tập chống đỡ với bão, lũ bất thường do địa
phương tổ chức ở mức:
Rất tốt 5 4 3 2 1 Không tốt
6.4. Tôi nghe các thông tin, thông báo về dự báo thời tiết để kịp thời chống đỡ với bão, lũ
bất thường ở mức:
Rất tốt 5 4 3 2 1 Không tốt
6.5. Tôi làm theo hướng dẫn của chính quyền địa phương để chống đỡ với bão, lũ bất
thường ở mức:
Rất tốt 5 4 3 2 1 Không tốt
6.6. Tôi cùng người dân và chính quyền địa phương đắp đê ngăn lũ lụt bất thường ở mức:
Rất tốt 5 4 3 2 1 Không tốt
6.7. Tôi cùng người dân và chính quyền địa phương trồng cây gây rừng để phòng ngừa
bão, lũ bất thường ở mức:
Rất tốt 5 4 3 2 1 Không tốt

6.8. Tôi cùng hàng xóm chung vai gắng sức giúp đỡ lẫn nhau (gia cố nhà cửa, thu hoạch
sớm mùa màng tránh thiệt hại… để chống đỡ với bão, lũ bất thường ở mức:
Rất tốt 5 4 3 2 1 Không tốt
6.9. Tôi tìm kiếm sự hướng dẫn cách chống đỡ với bão, lũ bất thường của các cơ quan
chức năng ở mức:
Rất tốt 5 4 3 2 1 Không tốt
6.10. Tôi nhận sự động viên an ủi của mọi người xung quanh khi chống đỡ với bão, lũ bất
thường ở mức:
Rất tốt 5 4 3 2 1 Không tốt
6.11. Tôi nhận sự hỗ trợ vật chất và tài chính của các cơ quan chức năng để chống đỡ và
khắc phục hậu quả do bão, lũ bất thường gây ra ở mức:
Rất tốt 5 4 3 2 1 Không tốt
6.12. Tôi nhận hỗ trợ vật chất và tài chính từ cộng đồng (tổ chức từ thiện, bà con hàng
xóm… để chống đỡ và khắc phục hậu quả do bão, lũ bất thường gây ra ở mức:
Rất tốt 5 4 3 2 1 Không tốt
Câu 7: Ông/ bà cho biết mức độ thay đổi hành động để thích ứng với bão lũ bất thường
của ông/ bà?
* Đối với trồng trọt
7.1. Thay đổi giống cây trồng có sức chống chịu tốt hơn với khí hậu thay đổi.
Đã thay đổi toàn bộ 5 4 3 2 1 Không thay đổi
7.2. Thay đổi giống cây trồng có sức chống chịu tốt hơn với sâu bệnh.
Đã thay đổi toàn bộ 5 4 3 2 1 Không thay đổi
7.3. Chuyển sang giống lúa ngắn ngày để thu hoạch sớm trước mùa bão lũ.
Đã thay đổi toàn bộ 5 4 3 2 1 Không thay đổi
7.4. Thay đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đa dạng, xen canh (lúa, hoa màu) phù hợp với
thời tiết thay đổi.
Đã thay đổi toàn bộ 5 4 3 2 1 Không thay đổi
7.5. Thu hoạch lúa và các vụ màu trước mùa bão lũ cho chắc ăn.
Đã thay đổi toàn bộ 5 4 3 2 1 Không thay đổi
7.6. Áp dụng biện pháp kỹ thuật canh tác mới (thuốc, phân, chăm sóc… phù hợp với thời
tiết thay đổi.
Đã thay đổi toàn bộ 5 4 3 2 1 Không thay đổi
* Đối với chăn nuôi
7.7. Thay đổi giống vật nuôi có sức chống chịu tốt hơn với sự thay đổi của khí hậu.
Đã thay đổi toàn bộ 5 4 3 2 1 Không thay đổi
7.8. Thay đổi cơ cấu vật nuôi đa dạng phù hợp với thời tiết thay đổi.
Đã thay đổi toàn bộ 5 4 3 2 1 Không thay đổi
7.9. Tu sửa chuồng trại, nâng cấp bờ ao, đầm nuôi cá, vịt…chống mưa bão, ngập úng…
Đã thay đổi toàn bộ 5 4 3 2 1 Không thay đổi
7.10. Thay đổi kỹ thuật chăn nuôi (chế độ ăn, tiêm phòng, vệ sinh…
Đã thay đổi toàn bộ 5 4 3 2 1 Không thay đổi
7.11. Chế biến, dự trữ thức ăn cho gia súc, gia cầm trong mùa bão lũ.
Đã thay đổi toàn bộ 5 4 3 2 1 Không thay đổi
7.12. Bán gia súc, gia cầm trước mùa bão lũ chính cho chắc ăn.
Đã thay đổi toàn bộ 5 4 3 2 1 Không thay đổi
* Đối với nhà cửa, tài sản.
7.13. Gia cố, chằng chống giúp nhà cửa kiên cố hơn trước mùa bão, lũ.
Đã thay đổi toàn bộ 5 4 3 2 1 Không thay đổi
7.14. Làm gác lỡ hay gác ván…để cất đồ đạc lên cao trong mùa bão, lũ.
Đã thay đổi toàn bộ 5 4 3 2 1 Không thay đổi
7.15. Gửi những tài sản có giá trị đến nơi cao ráo, an toàn hơn trước khi bão, lũ lớn đổ
bộ.
Đã thay đổi toàn bộ 5 4 3 2 1 Không thay đổi
* Đối với sinh hoạt
7.16. Dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống trước khi bão, bão xảy ra.
Đã thay đổi toàn bộ 5 4 3 2 1 Không thay đổi
7.17. Để dành tiền, đề phòng có việc cần sử dụng cho mùa bão, lũ.
Đã thay đổi toàn bộ 5 4 3 2 1 Không thay đổi
* Chuẩn bị chống đỡ với bão lũ cho bản thân và gia đình.
7.18. Tham gia các buổi nói chuyện, tập huấn với bão lũ do địa phương tổ chức để trang
bị kỹ năng ứng phó với bão lũ.
Đã thay đổi toàn bộ 5 4 3 2 1 Không thay đổi
7.19. Học về sơ cấp cứu.
Đã thay đổi toàn bộ 5 4 3 2 1 Không thay đổi
7.20. Chuẩn bị phương tiện cứu hộ (áo phao, đèn pin, thuốc men…
Đã thay đổi toàn bộ 5 4 3 2 1 Không thay đổi
7.21. Dạy con cái cách ứng phó với bão lũ (học bơi, không đến gần nơi nguy hiểm…
Đã thay đổi toàn bộ 5 4 3 2 1 Không thay đổi
7.22. Tăng cường nghe dự báo thời tiết để phòng tránh.
Đã thay đổi toàn bộ 5 4 3 2 1 Không thay đổi
7.23. Chặt tỉa các cây cao, gần nhà, gần đường dây điện trước mùa bão lũ để tránh ngã đổ.
Đã thay đổi toàn bộ 5 4 3 2 1 Không thay đổi
7.24. Chuẩn bị phương tiện để đi sơ tán khi lũ quá lớn.
Đã thay đổi toàn bộ 5 4 3 2 1 Không thay đổi
7.25. Chuẩn bị chỗ dự kiến để sơ tán khi bão, lũ quá lớn.
Đã thay đổi toàn bộ 5 4 3 2 1 Không thay đổi
Câu 8: Xin ông/ bà cho biết:
8.1. Nhà cửa của ông/ bà thiệt hại sau những cơn bão lũ bất thường gần đây ở mức?
Rất ít 5 4 3 2 1 Rất nhiều
8.2. Mùa màng, trồng trọt của ông/ bà thiệt hại sau những cơn bão lũ bất thường gần đây ở
mức?
Rất ít 5 4 3 2 1 Rất nhiều
8.3. Thiệt hại trong việc chăn nuôi gia súc, gia cầm, tôm cá…của ông/ bà sau những cơn
bão lũ bất thường gần đây ở mức?
Rất ít 5 4 3 2 1 Rất nhiều
8.4. Thiệt hại về tài chính của ông/ bà sau những cơn bão lũ bất thường gần đây ở mức?
Rất ít 5 4 3 2 1 Rất nhiều
8.5. Thiệt hại về tài sản, đồ đạc của ông/ bà sau những cơn bão lũ bất thường gần đây ở
mức?
Rất ít 5 4 3 2 1 Rất nhiều
8.6. Những tổn hại về tính mạng mà bão lũ bất thường gần đây gây ra cho gia đình ông/ bà
ở mức?
Không có 5 4 3 2 1 Rất nhiều
8.7. Những tổn hại đến sức khỏe thể chất mà bão lũ bất thường gần đây gây ra cho gia
đình ông/ bà ở mức?
Rất ít 5 4 3 2 1 Rất nhiều
8.8. Sau các cơn bão lũ bất thường gần đây, ông/ bà lo lắng, sợ hãi ở mức?
Không có 5 4 3 2 1 Rất cao
8.9. Việc chuẩn bị chống chọi với những cơn bão lũ bất thường gần đây làm tốn thời gian
của ông/ bà ở mức?
Rất ít 5 4 3 2 1 Rất nhiều
8.10. Việc chuẩn bị chống chọi với những cơn bão lũ bất thường gần đây làm tốn công sức
của ông/ bà ở mức?
Rất ít 5 4 3 2 1 Rất nhiều
8.11. Sau những cơn bão lũ bất thường gần đây, việc quay trở lại cuộc sống sinh hoạt
thường ngày của ông/ bà khó khăn ở mức?
Rất ít 5 4 3 2 1 Rất nhiều
8.12. Sau những cơn bão lũ bất thường gần đây việc quay trở lại công việc lao động sản
xuất thường ngày của ông/ bà khó khăn ở mức?
Rất ít 5 4 3 2 1 Rất nhiều
Câu 9: Xin ông/bà cho biết những trở ngại của ông/bà khi chống đỡ với bão, lũ bất
thường?
………………………………………………………………………………………………..
………………………………………………………………………………………………
Câu 10: Xin ông bà cho biết những kiến nghị của ông bà để góp phần nâng cao khả
năng thích ứng với bão, lũ bất thường?
10.1. Về phía bản thân
………………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………………
10.2. Về phía cộng đồng
………………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………………
10.3. Về phía các cơ quan, ban ngành chức năng
………………………………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………………………….
PHỤ LỤC 3
HƯỚNG DẪN PHỎNG VẤN SÂU

(Dành cho nông dân)


Câu 1. Theo ông/ bà bão lũ những năm gần đây diễn ra như thế nào (thất thường
hay theo quy luật)? Ông/ bà hãy mô tả cụ thể về những trận bão lũ mà ông bà cho là
thất thường?
Câu 2. Việc chống đỡ với bão lũ bất thường của ông/ bà xuất phát từ những mong
muốn nào? Vì sao?
Câu 3. Khi bão lũ bất thường xảy ra, ông/ bà thường nhận được sự giúp đỡ từ ai/ tổ
chức nào? Họ đã giúp đỡ ông/ bà như thế nào?
Câu 4. Ông/ bà thường hỗ trợ giúp đỡ những ai khi bão lũ bất thường xảy ra? Ông
bà đã giúp đỡ họ như thế nào?
Câu 5. Ông/ bà đã làm những gì để duy trì sinh hoạt cho gia đình mình trong những
ngày bão lũ bất thường xảy ra?
Câu 6. Ông bà đã làm những gì để giảm thiệt hại trong trồng trọt khi bão lũ bất
thường xảy ra?
Câu 7. Ông bà đã làm những gì để giảm thiệt hại trong chăn nuôi khi bão lũ bất
thường xảy ra?
Câu 8. Ông bà đã làm những gì để giữ an toàn cho nhà cửa, tài sản khi bão lũ bất
thường xảy ra?
Câu 9. Khi bão lũ bất thường chuẩn bị xảy ra, ông bà đã làm những gì để chuẩn bị
cho bản thân và gia đình trong việc chống đỡ với bão lũ?
Câu 10. Khi bão lũ bất thường xảy ra, ông bà thấy gia đình mình thiệt hại vấn đề gì
nhiều nhất? Nguyên nhân vì sao lại xảy ra những thiệt hại này?
PHỤ LỤC 4

HƯỚNG DẪN PHỎNG VẤN SÂU

(Dành cho Cán bộ quản lý công tác phòng ngừa và giảm nhẹ rủi ro của thiên
tai thuộc các Sở, Ban ngành các tỉnh, huyện, xã và các trưởng thôn)

Câu 1. Ông/ bà vui lòng chia sẻ những nhận định chung về diễn biến của bão lũ bất
thường tại địa phương trong những năm gần đây?

Câu 2. Theo Ông/ bà, sự thích ứng với bão lũ bất thường của người nông dân trên
địa bàn mà ông/ bà quản lý ở mức nào? Tại sao khả năng thích ứng với bão lũ bất
thường của người dân lại ở mức này?

Câu 3. Ông/ bà vui lòng cho biết công tác chuẩn bị để chống đỡ với bão lũ bất
thường tại địa phương diễn ra như thế nào? (Trước, trong và sau khi bão lũ bất
thường xảy ra)

Câu 4. Ông/ bà cho biết những hoạt động tuyên truyền, tập huấn… nhằm trang bị
kiến thức và kỹ năng chống đỡ với bão lũ bất thường mà địa phương tổ chức hằng
năm cho người dân?

Câu 5. Ông/ bà cho biết một vài phương án mà địa phương đã chuẩn bị để ứng phó
với tình huống thiên tai nguy hiểm?

Câu 6. Ông/ bà vui lòng cho biết thông tin về công tác cứu hộ, cứu nạn tại địa
phương?

Câu 7. Ông/ bà có thể chia sẻ những chính sách hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc
phục với hậu quả của bão lũ bất thường hằng năm tại địa phương? (Với trồng trọt,
chăn nuôi, an toàn tính mạng, tài sản…?
PHỤ LỤC 5

PHIẾU QUAN SÁT SỰ THAY ĐỔI PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG CỦA
NGƯỜI NÔNG DÂN KHU VỰC MIỀN TRUNG ĐỂ THÍCH ỨNG
VỚI BÃO LŨ BẤT THƯỜNG

Địa điểm quan sát: ....................................................................................................

Đối tượng quan sát: ..................................................................................................

Thời gian quan sát: ...................................................................................................

Mức độ thực hiện


Nội dung quan sát
Đầy đủ Một phần Không có
Tu sửa chuồng trại, nâng cấp bờ ao, đầm nuôi
cá, vịt…
Thay đổi cơ cấu vật nuôi đa dạng phù hợp
Chế biến, dự trữ thức ăn cho gia súc, gia cầm
Chuẩn bị áo phao
Tủ thuốc, hộp sơ cứu…
Làm gác lỡ hay gác ván…để cất đồ đạc lên cao
Có Không
Đèn pin
Gia cố, chằng chống giúp nhà cửa kiên cố hơn
Dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống
PHỤ LỤC 6

KẾT QUẢ QUAN SÁT SỰ THAY ĐỔI PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG CỦA
NGƯỜI NÔNG DÂN KHU VỰC MIỀN TRUNG ĐỂ THÍCH ỨNG
VỚI BÃO LŨ BẤT THƯỜNG

(Quan sát trên 93 hộ trong số 381 hộ lấy thông tin phiếu hỏi)

Mức độ thực hiện


Đầy đủ Một phần Không có
Mã quan sát
Tần Tần Tần
% % %
số số số
Tu sửa chuồng trại, nâng cấp bờ ao, đầm
24 25.8 63 67.74 6 6.46
nuôi cá, vịt…
Thay đổi cơ cấu vật nuôi đa dạng phù hợp 9 9.69 51 54.83 33 35.48
Chế biến, dự trữ thức ăn cho gia súc, gia
22 23.66 62 66.66 9 9.68
cầm
Chuẩn bị áo phao 0 0 7 7.53 86 92.47
Tủ thuốc, hộp sơ cứu… 2 2.15 66 70.97 25 26.88
Làm gác lỡ hay gác ván…để cất đồ đạc lên
15 16.13 46 49.46 32 34.41
cao
Có Không
Đèn pin 54 58.06 39 41.94
Gia cố, chằng chống giúp nhà cửa kiên cố
71 76.34 22 23.66
hơn
Dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống 85 91.39 8 8.61
PHỤ LỤC 7

CÁC VĂN BẢN VỀ ỨNG PHÓ VỚI THIÊN TAI CỦA CÁC ĐỊA PHƯƠNG
PHỤ LỤC 8

SỐ LIỆU SPSS

Phần 1. Độ tin cậy của thang đo


Reliability Statistics

Cronbach's Alpha N of Items

.866 7

Item-Total Statistics

Scale Mean if Item Scale Variance if Corrected Item- Cronbach's Alpha


Deleted Item Deleted Total Correlation if Item Deleted

Cau1.1 20.84 33.059 .557 .857

Cau1.2 20.24 31.479 .667 .842

Cau1.3 20.39 31.312 .550 .862

Cau1.4 20.06 31.849 .681 .841

Cau1.5 19.74 31.739 .657 .844

Cau1.6 19.69 33.027 .695 .841

Cau1.7 19.77 31.957 .702 .838

Reliability Statistics

Cronbach's Alpha N of Items

.861 7

Item-Total Statistics

Scale Mean if Item Scale Variance if Corrected Item- Cronbach's Alpha


Deleted Item Deleted Total Correlation if Item Deleted

Cau1.8 20.06 35.554 .398 .873

Cau1.9 19.55 31.386 .669 .836

Cau1.10 19.61 31.618 .648 .839

Cau1.11 19.52 31.103 .747 .825

Cau1.12 19.12 34.039 .599 .846

Cau1.13 19.10 32.168 .685 .834

Cau1.14 19.12 32.260 .680 .835


Reliability Statistics

Cronbach's Alpha N of Items

.872 5

Item-Total Statistics

Scale Mean if Item Scale Variance if Corrected Item- Cronbach's Alpha


Deleted Item Deleted Total Correlation if Item Deleted

Cau2.1 13.84 15.084 .789 .821

Cau2.2 13.87 15.353 .838 .811

Cau2.3 13.95 15.645 .816 .817

Cau2.4 13.89 16.477 .538 .889

Cau2.5 14.04 17.604 .556 .877

Reliability Statistics

Cronbach's Alpha N of Items

.903 4

Item-Total Statistics

Scale Mean if Item Scale Variance if Corrected Item- Cronbach's Alpha


Deleted Item Deleted Total Correlation if Item Deleted

Cau2.6 10.5131 11.841 .732 .894

Cau2.7 10.5812 10.897 .905 .831

Cau2.8 10.6283 11.351 .857 .850

Cau2.9 10.9529 11.814 .661 .922

Reliability Statistics

Cronbach's Alpha N of Items

.811 4

Item-Total Statistics

Scale Mean if Item Scale Variance if Corrected Item- Cronbach's Alpha


Deleted Item Deleted Total Correlation if Item Deleted
Cau2.10 9.2356 10.413 .411 .851

Cau2.11 9.8848 7.408 .734 .709

Cau2.12 10.2880 7.522 .697 .729

Cau2.13 9.6702 8.454 .699 .733

Reliability Statistics

Cronbach's Alpha N of Items

.702 3

Item-Total Statistics

Scale Mean if Item Scale Variance if Corrected Item- Cronbach's Alpha


Deleted Item Deleted Total Correlation if Item Deleted

Cau2.14 7.9162 2.835 .569 .547

Cau2.15 7.8639 2.823 .634 .471

Cau2.16 7.8743 3.205 .377 .791

Reliability Statistics

Cronbach's Alpha N of Items

.809 4

Item-Total Statistics

Scale Mean if Item Scale Variance if Corrected Item- Cronbach's Alpha


Deleted Item Deleted Total Correlation if Item Deleted

Cau2.17 10.5654 9.100 .732 .710

Cau2.18 10.8586 8.080 .690 .731

Cau2.19 10.5602 8.848 .645 .752

Cau2.20 9.6859 11.901 .274 .825

Reliability Statistics

Cronbach's Alpha N of Items


Reliability Statistics

Cronbach's Alpha N of Items

.729 3

Reliability Statistics

Cronbach's Alpha N of Items

.729 3

Item-Total Statistics

Scale Mean if Item Scale Variance if Corrected Item- Cronbach's Alpha


Deleted Item Deleted Total Correlation if Item Deleted

Cau2.21 6.0735 5.563 .533 .665

Cau2.22 6.5249 5.403 .602 .579

Cau2.23 6.5669 6.209 .522 .676

Item-Total Statistics

Scale Mean if Item Scale Variance if Corrected Item- Cronbach's Alpha


Deleted Item Deleted Total Correlation if Item Deleted

Cau2.24 5.8482 6.024 .760 .737

Cau2.25 5.9424 6.055 .849 .640

Cau2.26 5.0262 8.647 .556 .916

Reliability Statistics

Cronbach's Alpha N of Items

.888 7

Item-Total Statistics

Scale Mean if Item Scale Variance if Corrected Item- Cronbach's Alpha


Deleted Item Deleted Total Correlation if Item Deleted

Cau3.1 21.2199 18.604 .551 .887

Cau3.2 21.1728 17.259 .745 .863

Cau3.3 21.2513 16.968 .742 .864

Cau3.4 20.6230 17.541 .701 .869

Cau3.5 20.8220 17.494 .749 .863


Cau3.6 21.0995 18.406 .621 .879

Cau3.7 20.9215 18.241 .659 .874

Reliability Statistics

Cronbach's Alpha N of Items

.817 7

Item-Total Statistics

Scale Mean if Item Scale Variance if Corrected Item- Cronbach's Alpha


Deleted Item Deleted Total Correlation if Item Deleted

Cau4.1 20.8586 18.701 .544 .795

Cau4.2 20.9948 17.142 .717 .766

Cau4.3 21.0681 17.074 .708 .767

Cau4.4 21.7801 19.825 .238 .855

Cau4.5 21.1466 17.063 .573 .791

Cau4.6 20.9319 18.022 .656 .779

Cau4.7 20.7068 18.261 .585 .789

Reliability Statistics

Cronbach's Alpha N of Items

.886 8

Item-Total Statistics

Scale Mean if Item Scale Variance if Corrected Item- Cronbach's Alpha


Deleted Item Deleted Total Correlation if Item Deleted

Cau5.1 25.1152 32.324 .476 .890

Cau5.2 24.5707 29.815 .691 .868

Cau5.3 24.5916 30.790 .731 .865

Cau5.4 24.8639 30.550 .682 .869

Cau5.5 24.6021 29.736 .803 .857

Cau5.6 24.7120 30.838 .718 .866

Cau5.7 24.9634 31.520 .570 .880

Cau5.8 25.0366 31.635 .614 .876


Reliability Statistics

Cronbach's Alpha N of Items

.860 12

Item-Total Statistics

Scale Mean if Item Scale Variance if Corrected Item- Cronbach's Alpha


Deleted Item Deleted Total Correlation if Item Deleted

Cau6.1 33.8220 71.789 .632 .842

Cau6.2 34.0419 71.314 .658 .840

Cau6.3 35.1099 75.119 .471 .854

Cau6.4 32.8848 81.124 .461 .855

Cau6.5 33.4503 74.923 .638 .843

Cau6.6 34.9476 71.366 .562 .848

Cau6.7 34.9895 71.684 .507 .853

Cau6.8 33.5864 74.981 .624 .844

Cau6.9 34.3246 75.041 .591 .846

Cau6.10 33.8063 76.210 .599 .846

Cau6.11 34.6021 77.588 .407 .857

Cau6.12 35.0052 78.037 .407 .857

Reliability Statistics

Cronbach's Alpha N of Items

.862 6

Item-Total Statistics

Scale Mean if Item Scale Variance if Corrected Item- Cronbach's Alpha


Deleted Item Deleted Total Correlation if Item Deleted

Cau7.1 16.2513 32.389 .789 .815

Cau7.2 16.1885 34.427 .677 .836

Cau7.3 16.2251 30.996 .743 .822

Cau7.4 17.3560 35.030 .529 .863

Cau7.5 15.9110 34.882 .567 .855

Cau7.6 16.0000 35.263 .657 .840


Reliability Statistics

Cronbach's Alpha N of Items

.815 6

Item-Total Statistics

Scale Mean if Item Scale Variance if Corrected Item- Cronbach's Alpha


Deleted Item Deleted Total Correlation if Item Deleted

Cau7.7 16.0995 21.364 .569 .788

Cau7.8 16.3560 20.662 .642 .771

Cau7.9 15.1204 22.380 .658 .772

Cau7.10 15.1832 23.287 .552 .792

Cau7.11 15.3089 22.004 .619 .778

Cau7.12 16.1466 21.863 .471 .814

Reliability Statistics

Cronbach's Alpha N of Items

.498 3

Item-Total Statistics

Scale Mean if Item Scale Variance if Corrected Item- Cronbach's Alpha


Deleted Item Deleted Total Correlation if Item Deleted

Cau7.13 5.3194 6.797 .145 .623

Cau7.14 6.6387 4.253 .400 .239

Cau7.15 6.6911 3.941 .425 .183

Reliability Statistics

Cronbach's Alpha N of Items

.626 2

Item-Total Statistics

Scale Mean if Item Scale Variance if Corrected Item- Cronbach's Alpha


Deleted Item Deleted Total Correlation if Item Deleted

Cau7.16 3.4241 1.172 .457 .a

Cau7.17 3.7696 1.410 .457 .a


Item-Total Statistics

Scale Mean if Item Scale Variance if Corrected Item- Cronbach's Alpha


Deleted Item Deleted Total Correlation if Item Deleted

Cau7.16 3.4241 1.172 .457 .a

Cau7.17 3.7696 1.410 .457 .a

a. The value is negative due to a negative average covariance among items. This violates
reliability model assumptions. You may want to check item codings.

Reliability Statistics

Cronbach's Alpha N of Items

.771 8

Item-Total Statistics

Scale Mean if Item Scale Variance if Corrected Item- Cronbach's Alpha


Deleted Item Deleted Total Correlation if Item Deleted

Cau7.18 22.0576 33.349 .421 .758

Cau7.19 23.0471 35.129 .487 .744

Cau7.20 21.8639 36.497 .334 .768

Cau7.21 22.0000 31.821 .560 .729

Cau7.22 20.4921 38.872 .417 .760

Cau7.23 20.6963 37.465 .371 .762

Cau7.24 22.0419 30.261 .593 .722

Cau7.25 22.0681 30.001 .632 .714

Reliability Statistics

Cronbach's Alpha N of Items

.835 12

Item-Total Statistics

Scale Mean if Item Scale Variance if Corrected Item- Cronbach's Alpha


Deleted Item Deleted Total Correlation if Item Deleted

Cau8.1 37.04 51.746 .470 .826

Cau8.2 37.54 52.628 .441 .828

Cau8.3 37.45 51.133 .577 .816


Cau8.4 37.24 49.497 .677 .808

Cau8.5 36.93 51.653 .572 .817

Cau8.6 35.95 60.877 .077 .844

Cau8.7 36.76 55.710 .338 .834

Cau8.8 38.18 53.779 .363 .835

Cau8.9 38.07 51.337 .546 .819

Cau8.10 37.94 51.707 .554 .818

Cau8.11 37.90 51.273 .637 .812

Cau8.12 37.93 51.310 .614 .814

Phần 2. Điểm trung bình toàn thang đo, các tiểu thang đo và từng item mức độ thích ứng
2.1. Mức độ thích ứng chung và các mặt biểu hiện (ĐTB chung)
Report
TBNthuc TBCau5 ThaydoiPTHDvaHQ TBchungthichung

Mean 3.4430 3.5610 3.3401 3.4530


N 381 381 381 381
Std. Deviation .61170 .78577 .44268 .46115

Group Statistics
Gioi N Mean Std. Deviation Std. Error Mean

Nam 204 3.5379 .66585 .04662


TBNthuc
Nu 177 3.3337 .52350 .03935
Nam 204 3.2066 .43954 .03077
ThaydoiPTHDvaHQ
Nu 177 3.2142 .44747 .03363
Nam 204 3.5850 .81071 .05676
TBCau5
Nu 177 3.5334 .75736 .05693
Nam 204 3.4865 .49318 .03453
TBchungthichung
Nu 177 3.4037 .41824 .03144

Levene's Test for Equality of t-test for Equality of Means


Variances

F Sig. t df Sig. (2-tailed)

10.300 .001 3.292 379 .001


TBNthuc
3.347 375.472 .001
.283 .595 -.167 379 .867
ThaydoiPTHDvaHQ
-.167 369.508 .867
1.549 .214 .638 379 .524
TBCau5
.641 376.917 .522
6.825 .009 1.751 379 .081
TBchungthichung
1.771 378.810 .077

Group Statistics
Khuvuc N Mean Std. Deviation Std. Error Mean

Binh dinh 193 3.4317 .60268 .04338


TBNthuc
Quang Ngai 188 3.4546 .62221 .04538
Binh dinh 193 3.1391 .47358 .03409
ThaydoiPTHDvaHQ
Quang Ngai 188 3.2830 .39672 .02893
Binh dinh 193 3.5336 .67765 .04878
TBCau5
Quang Ngai 188 3.5891 .88409 .06448
Binh dinh 193 3.3615 .41532 .02990
TBchungthichung
Quang Ngai 188 3.4356 .50223 .03663

Levene's Test for t-test for Equality of Means


Equality of Variances

F Sig. t df Sig. (2-tailed)

.083 .774 -.366 379 .715


TBNthuc
-.366 377.722 .715
6.363 .012 -3.211 379 .001
ThaydoiPTHDvaHQ
-3.219 370.732 .001
17.105 .000 -.689 379 .491
TBCau5
-.687 350.481 .493
3.587 .059 -1.572 379 .117
TBchungthichung
-1.568 362.464 .118

2.2. Biểu hiện qua nhận thức


Gioi Cau1.1 Cau1.2 Cau1.3 Cau1.4 Cau1.5 Cau1.6 Cau1.7 Cau1.8

Mean 2.51 3.34 3.00 3.47 3.79 3.82 3.73 2.54

Nam N 204 204 204 204 204 204 204 204

Std. Deviation 1.292 1.393 1.619 1.237 1.334 1.195 1.340 1.359
Mean 2.72 3.06 3.14 3.30 3.62 3.71 3.64 2.72
Nu N 177 177 177 177 177 177 177 177
Std. Deviation 1.200 1.114 1.317 1.190 1.172 .894 .956 1.201
Total Mean 2.61 3.21 3.07 3.39 3.71 3.77 3.69 2.62
N 381 381 381 381 381 381 381 381

Std. Deviation 1.253 1.277 1.486 1.217 1.263 1.066 1.177 1.289

Cau1.9 Cau1.10 Cau1.11 Cau1.12 Cau1.13 Cau1.14 TBbao TBlu TBbaolu

3.23 3.09 3.21 3.68 3.66 3.61 3.3810 3.2857 3.3333


204 204 204 204 204 204 204 204 204
1.445 1.459 1.378 1.217 1.357 1.310 1.01370 1.02664 .92649
3.01 3.03 3.09 3.43 3.47 3.51 3.3123 3.1808 3.2466
177 177 177 177 177 177 177 177 177
1.225 1.224 1.140 1.037 1.082 1.144 .83096 .82506 .75328
3.13 3.06 3.15 3.56 3.57 3.56 3.3491 3.2370 3.2930
381 381 381 381 381 381 381 381 381
1.349 1.354 1.272 1.142 1.239 1.235 .93270 .93866 .85044

Khuvuc Cau1.1 Cau1.2 Cau1.3 Cau1.4 Cau1.5 Cau1.6 Cau1.7 Cau1.8

Mean 2.72 3.29 2.95 3.36 3.67 3.73 3.64 2.65

Binh dinh N 193 193 193 193 193 193 193 193

Std. Deviation 1.417 1.374 1.545 1.229 1.367 1.090 1.235 1.271
Mean 2.50 3.13 3.18 3.43 3.76 3.81 3.73 2.59
Quang Ngai N 188 188 188 188 188 188 188 188
Std. Deviation 1.052 1.138 1.418 1.009 1.070 .986 1.116 1.298
Mean 2.61 3.21 3.07 3.39 3.71 3.77 3.69 2.62

Total N 381 381 381 381 381 381 381 381

Std. Deviation 1.253 1.277 1.486 1.217 1.263 1.066 1.177 1.289

Cau1.9 Cau1.10 Cau1.11 Cau1.12 Cau1.13 Cau1.14 TBbao TBlu TBbaolu

3.52 3.25 3.30 3.55 3.63 3.58 3.2287 3.3686 3.2987


193 193 193 193 193 193 193 193 193
1.319 1.279 1.255 1.168 1.152 1.166 1.04492 .85658 .89042
2.72 2.87 3.00 3.57 3.51 3.54 3.4726 3.1018 3.2872
188 188 188 188 188 188 188 188 188
1.262 1.405 1.275 1.119 1.322 1.305 .78511 1.00041 .80967
3.13 3.06 3.15 3.56 3.57 3.56 3.3491 3.2370 3.2930
381 381 381 381 381 381 381 381 381
1.349 1.354 1.272 1.142 1.239 1.235 .93270 .93866 .85044
Report
Mean Difference Bootstrapa

Bias Std. Error Sig. (2-tailed)

Equal variances assumed -.213 .001 .129 .101


Cau1.1
Equal variances not assumed -.213 .001 .129 .102
Equal variances assumed .281 -.002 .130 .035
Cau1.2
Equal variances not assumed .281 -.002 .130 .034
Equal variances assumed -.141 -.001 .153 .367
Cau1.3
Equal variances not assumed -.141 -.001 .153 .367
Equal variances assumed .171 -.002 .131 .181
Cau1.4
Equal variances not assumed .171 -.002 .131 .180
Equal variances assumed .178 -.002 .136 .188
Cau1.5
Equal variances not assumed .178 -.002 .136 .189
Equal variances assumed .117 -.002 .108 .282
Cau1.6
Equal variances not assumed .117 -.002 .108 .286
Equal variances assumed .087 .000 .122 .469
Cau1.7
Equal variances not assumed .087 .000 .122 .468
Equal variances assumed -.178 .002 .133 .196
Cau1.8
Equal variances not assumed -.178 .002 .133 .196
Equal variances assumed .214 .004 .137 .124
Cau1.9
Equal variances not assumed .214 .004 .137 .124
Equal variances assumed .054 .001 .141 .697
Cau1.10
Equal variances not assumed .054 .001 .141 .696
Equal variances assumed .115 .002 .133 .402
Cau1.11
Equal variances not assumed .115 .002 .133 .402
Equal variances assumed .247 .001 .122 .045
Cau1.12
Equal variances not assumed .247 .001 .122 .045
Equal variances assumed .182 -.004 .128 .152
Cau1.13
Equal variances not assumed .182 -.004 .128 .152
Equal variances assumed .099 -.001 .129 .451
Cau1.14
Equal variances not assumed .099 -.001 .129 .451
Equal variances assumed .06860 -.00107 .09815 .505
TBbao
Equal variances not assumed .06860 -.00107 .09815 .505
Equal variances assumed .10492 .00076 .09689 .307
TBlu
Equal variances not assumed .10492 .00076 .09689 .308
Equal variances assumed .08676 -.00015 .08967 .347
TBbaolu
Equal variances not assumed .08676 -.00015 .08967 .348
Independent Samples Test
Levene's Test for Equality of
Variances

F Sig. t df Sig. (2-


tailed)

Equal variances assumed 46.271 .000 1.679 379 .094


Cau1.1
Equal variances not assumed 1.685 354.346 .093
Equal variances assumed 12.816 .000 3.080 379 .102
Cau1.2
Equal variances not assumed 3.088 369.422 .102
Equal variances assumed 2.531 .112 -1.496 379 .135
Cau1.3
Equal variances not assumed -1.498 377.648 .135
Equal variances assumed 10.655 .001 -8.052 379 .147
Cau1.4
Equal variances not assumed -8.073 368.473 .147
Equal variances assumed 41.430 .000 -4.690 379 .402
Cau1.5
Equal variances not assumed -4.705 362.234 .402
Equal variances assumed 12.005 .001 -4.475 379 .107
Cau1.6
Equal variances not assumed -4.481 376.987 .107
Equal variances assumed 1.594 .208 -.802 379 .423
Cau1.7
Equal variances not assumed -.803 376.891 .423
Equal variances assumed .380 .538 1.990 379 .067
Cau1.8
Equal variances not assumed 1.990 378.152 .067
Equal variances assumed 2.667 .103 6.007 379 .000
Cau1.9
Equal variances not assumed 6.010 378.871 .000
Equal variances assumed 3.373 .067 2.736 379 .207
Cau1.10
Equal variances not assumed 2.733 373.652 .207
Equal variances assumed .004 .953 2.318 379 .021
Cau1.11
Equal variances not assumed 2.318 378.337 .021
Equal variances assumed .951 .330 -.215 379 .830
Cau1.12
Equal variances not assumed -.216 378.895 .829
Equal variances assumed 5.738 .017 .957 379 .339
Cau1.13
Equal variances not assumed .955 369.198 .340
Equal variances assumed 5.503 .019 .298 379 .766
Cau1.14
Equal variances not assumed .298 371.852 .766
Equal variances assumed 13.390 .000 -2.571 379 .311
TBbao
Equal variances not assumed -2.580 356.199 .310
Equal variances assumed 2.674 .103 2.799 379 .105
TBlu
Equal variances not assumed 2.793 367.110 .105
Equal variances assumed 1.671 .197 .131 379 .896
TBbaolu
Equal variances not assumed .131 377.226 .896
Cau2.1 Cau2.2 Cau2.3 Cau2.4 Cau2.5 Cau2.6 Cau2.7 Cau2.8

Mean 3.56 3.52 3.44 3.51 3.36 3.711 3.6404 3.5932


N 381 381 381 381 381 381 381 381
Std. Deviation 1.246 1.155 1.136 1.360 1.147 1.2589 1.22875 1.20300

Cau2.9 Cau2.10 Cau2.11 Cau2.12 Cau2.13 Cau2.14 Cau2.15 Cau2.16 Cau2.17 Cau2.18

3.2677 3.7874 3.1417 2.7375 3.3570 3.9108 3.9633 3.9554 3.3255 3.0341
381 381 381 381 381 381 381 381 381 381
1.34624 1.01279 1.27563 1.29142 1.09959 1.00912 .95901 1.06653 1.20049 1.44601

Cau2.19 Cau2.21 Cau2.22 Cau2.23 Cau2.24 Cau2.25 Cau2.26 HQnuoi HQtrong HQTaisanTC

3.3281 3.5092 3.0577 3.0157 2.5538 2.4619 3.3780 3.4782 3.5531 3.2559
381 381 381 381 381 381 381 381 381 381
1.34945 1.45568 1.41117 1.31179 1.57626 1.47675 1.26862 .98498 1.10975 .93969

HQsinhhoat HQtinhmangSK HQdatnuoc HQGthongTLoi TBHauqua

3.9431 3.2292 3.1942 2.7979 3.3502


381 381 381 381 381
.80166 1.14986 1.12269 1.26224 .78173

Group Statistics
Gioi N Mean Std. Deviation Std. Error Mean

Nam 204 3.73 1.192 .083


Cau2.1
Nu 177 3.37 1.282 .096
Nam 204 3.69 1.157 .081
Cau2.2
Nu 177 3.33 1.126 .085
Nam 204 3.56 1.154 .081
Cau2.3
Nu 177 3.31 1.102 .083
Nam 204 3.56 1.365 .096
Cau2.4
Nu 177 3.45 1.356 .102
Nam 204 3.48 1.112 .078
Cau2.5
Nu 177 3.22 1.174 .088
Nam 204 3.775 1.3086 .0916
Cau2.6
Nu 177 3.638 1.1986 .0901
Nam 204 3.6961 1.29256 .09050
Cau2.7
Nu 177 3.5763 1.15114 .08652
Nam 204 3.6275 1.28593 .09003
Cau2.8
Nu 177 3.5537 1.10201 .08283
Nam 204 3.2157 1.39406 .09760
Cau2.9
Nu 177 3.3277 1.29025 .09698
Nam 204 3.9902 .85955 .06018
Cau2.10
Nu 177 3.5537 1.12245 .08437
Nam 204 3.2353 1.37663 .09638
Cau2.11
Nu 177 3.0339 1.14266 .08589
Nam 204 2.6765 1.34759 .09435
Cau2.12
Nu 177 2.8079 1.22351 .09196
Nam 204 3.3431 1.14466 .08014
Cau2.13
Nu 177 3.3729 1.04824 .07879
Nam 204 3.9412 1.08572 .07602
Cau2.14
Nu 177 3.8757 .91473 .06876
Nam 204 3.9902 1.02669 .07188
Cau2.15
Nu 177 3.9322 .87642 .06588
Nam 204 4.0196 1.12281 .07861
Cau2.16
Nu 177 3.8814 .99575 .07485
Nam 204 3.2941 1.26793 .08877
Cau2.17
Nu 177 3.3616 1.12021 .08420
Nam 204 3.0196 1.51823 .10630
Cau2.18
Nu 177 3.0508 1.36211 .10238
Nam 204 3.2255 1.45816 .10209
Cau2.19
Nu 177 3.4463 1.20543 .09061
Nam 204 3.5196 1.49699 .10481
Cau2.21
Nu 177 3.4972 1.41069 .10603
Nam 204 2.9216 1.50327 .10525
Cau2.22
Nu 177 3.2147 1.28329 .09646
Nam 204 2.8529 1.36383 .09549
Cau2.23
Nu 177 3.2034 1.22632 .09218
Nam 204 2.3235 1.56414 .10951
Cau2.24
Nu 177 2.8192 1.55252 .11669
Nam 204 2.3333 1.55891 .10915
Cau2.25
Nu 177 2.6102 1.36536 .10263
Nam 204 3.4216 1.25110 .08759
Cau2.26
Nu 177 3.3277 1.29025 .09698
Nam 204 3.6020 .95556 .06690
HQnuoi
Nu 177 3.3356 1.00166 .07529
HQtrong Nam 204 3.5784 1.15913 .08116
Nu 177 3.5240 1.05249 .07911
Nam 204 3.3113 .94974 .06650
HQTaisanTC
Nu 177 3.1921 .92655 .06964
Nam 204 3.9837 .84402 .05909
HQsinhhoat
Nu 177 3.8964 .74954 .05634
Nam 204 3.1797 1.25612 .08795
HQtinhmangSK
Nu 177 3.2863 1.01425 .07624
Nam 204 3.0980 1.14096 .07988
HQdatnuoc
Nu 177 3.3051 1.09398 .08223
Nam 204 2.6928 1.27430 .08922
HQGthongTLoi
Nu 177 2.9190 1.24076 .09326
Nam 204 3.3494 .81335 .05695
TBHauqua
Nu 177 3.3512 .74591 .05607

Independent Samples Test


Levene's Test for Equality of t-test for Equality of Means
Variances

F Sig. t df Sig. (2-


tailed)

Equal variances assumed 2.077 .150 2.825 379 .005


Cau2.1
Equal variances not assumed 2.810 362.399 .005
Equal variances assumed .008 .928 3.006 379 .003
Cau2.2
Equal variances not assumed 3.011 374.017 .003
Equal variances assumed 2.003 .158 2.137 379 .033
Cau2.3
Equal variances not assumed 2.144 375.478 .033
Equal variances assumed .726 .395 .805 379 .422
Cau2.4
Equal variances not assumed .805 372.120 .421
Equal variances assumed .088 .768 2.219 379 .027
Cau2.5
Equal variances not assumed 2.210 364.955 .028
Equal variances assumed .689 .407 1.053 379 .293
Cau2.6
Equal variances not assumed 1.059 377.874 .290
Equal variances assumed 2.093 .149 .949 379 .343
Cau2.7
Equal variances not assumed .957 378.735 .339
Equal variances assumed 6.700 .010 .597 379 .551
Cau2.8
Equal variances not assumed .603 378.946 .547
Equal variances assumed 1.045 .307 -.810 379 .419
Cau2.9
Equal variances not assumed -.814 377.405 .416
Equal variances assumed 29.891 .000 4.291 379 .000
Cau2.10
Equal variances not assumed 4.212 327.218 .000
Equal variances assumed 11.243 .001 1.540 379 .124
Cau2.11
Equal variances not assumed 1.560 378.279 .120
Equal variances assumed 6.774 .010 -.991 379 .322
Cau2.12
Equal variances not assumed -.998 378.208 .319
Equal variances assumed 3.513 .062 -.263 379 .793
Cau2.13
Equal variances not assumed -.265 377.883 .791
Equal variances assumed 4.475 .035 .631 379 .528
Cau2.14
Equal variances not assumed .639 378.684 .523
Equal variances assumed 5.675 .018 .588 379 .557
Cau2.15
Equal variances not assumed .595 378.905 .552
Equal variances assumed .565 .453 1.263 379 .207
Cau2.16
Equal variances not assumed 1.274 378.813 .204
Equal variances assumed 5.547 .019 -.547 379 .585
Cau2.17
Equal variances not assumed -.551 378.871 .582
Equal variances assumed 6.209 .013 -.210 379 .834
Cau2.18
Equal variances not assumed -.212 378.567 .832
Equal variances assumed 10.990 .001 -1.596 379 .111
Cau2.19
Equal variances not assumed -1.618 378.141 .107
Equal variances assumed .889 .346 .150 379 .881
Cau2.21
Equal variances not assumed .150 376.403 .880
Equal variances assumed 7.450 .007 -2.030 379 .043
Cau2.22
Equal variances not assumed -2.053 378.905 .041
Equal variances assumed 3.616 .058 -2.621 379 .009
Cau2.23
Equal variances not assumed -2.641 378.508 .009
Equal variances assumed .011 .918 -3.096 379 .002
Cau2.24
Equal variances not assumed -3.097 372.214 .002
Equal variances assumed 5.711 .017 -1.831 379 .068
Cau2.25
Equal variances not assumed -1.848 378.964 .065
Equal variances assumed .000 .993 .720 379 .472
Cau2.26
Equal variances not assumed .718 367.971 .473
Equal variances assumed .426 .514 2.653 379 .008
HQnuoi
Equal variances not assumed 2.645 365.892 .009
Equal variances assumed 1.989 .159 .477 379 .634
HQtrong
Equal variances not assumed .480 378.205 .631
Equal variances assumed 2.308 .130 1.236 379 .217
HQTaisanTC
Equal variances not assumed 1.238 373.816 .217
Equal variances assumed 3.290 .070 1.060 379 .290
HQsinhhoat
Equal variances not assumed 1.068 378.789 .286
Equal variances assumed 20.924 .000 -.902 379 .368
HQtinhmangSK
Equal variances not assumed -.915 377.106 .361
Equal variances assumed 1.886 .170 -1.801 379 .073
HQdatnuoc
Equal variances not assumed -1.806 375.215 .072
HQGthongTLoi Equal variances assumed .043 .835 -1.749 379 .081
Equal variances not assumed -1.753 373.983 .080
Equal variances assumed 1.228 .269 -.022 379 .982
TBHauqua
Equal variances not assumed -.022 377.823 .982

Group Statistics
Khuvuc N Mean Std. Deviation Std. Error Mean

Binh dinh 193 3.76 .967 .070


Cau2.1
Quang Ngai 188 3.35 1.364 .099
Binh dinh 193 3.57 .874 .063
Cau2.2
Quang Ngai 188 3.47 1.297 .095
Binh dinh 193 3.50 .920 .066
Cau2.3
Quang Ngai 188 3.37 1.217 .089
Binh dinh 193 3.57 1.160 .084
Cau2.4
Quang Ngai 188 3.44 1.452 .106
Binh dinh 193 3.45 .999 .072
Cau2.5
Quang Ngai 188 3.26 1.252 .091
Binh dinh 193 3.644 1.3226 .0952
Cau2.6
Quang Ngai 188 3.783 1.1687 .0852
Binh dinh 193 3.5285 1.31120 .09438
Cau2.7
Quang Ngai 188 3.7553 1.12992 .08241
Binh dinh 193 3.5060 1.27041 .09145
Cau2.8
Quang Ngai 188 3.6840 1.11553 .08136
Binh dinh 193 3.3109 1.29773 .09341
Cau2.9
Quang Ngai 188 3.2234 1.39636 .10184
Binh dinh 193 3.8808 .89634 .06452
Cau2.10
Quang Ngai 188 3.6915 1.11410 .08125
Binh dinh 193 3.1036 1.06538 .07669
Cau2.11
Quang Ngai 188 3.1809 1.46227 .10665
Binh dinh 193 2.8093 1.09905 .07911
Cau2.12
Quang Ngai 188 2.6594 1.42360 .10383
Binh dinh 193 3.3627 .99114 .07134
Cau2.13
Quang Ngai 188 3.3511 1.20345 .08777
Binh dinh 193 3.9811 .85943 .06186
Cau2.14
Quang Ngai 188 3.8372 1.13168 .08254
Binh dinh 193 3.9896 .91850 .06612
Cau2.15
Quang Ngai 188 3.9362 1.00063 .07298
Binh dinh 193 3.8965 1.00921 .07264
Cau2.16
Quang Ngai 188 4.0196 1.08764 .07932
Binh dinh 193 3.4352 1.08839 .07834
Cau2.17
Quang Ngai 188 3.2128 1.29889 .09473
Cau2.18 Binh dinh 193 3.0868 1.34843 .09706
Quang Ngai 188 2.9734 1.48002 .10794
Binh dinh 193 3.3751 1.26483 .09104
Cau2.19
Quang Ngai 188 3.2745 1.38934 .10133
Binh dinh 193 3.4347 1.67160 .12032
Cau2.21
Quang Ngai 188 3.5936 1.06944 .07800
Binh dinh 193 2.9917 1.47732 .10634
Cau2.22
Quang Ngai 188 3.1317 1.27377 .09290
Binh dinh 193 2.9513 1.20775 .08694
Cau2.23
Quang Ngai 188 3.0872 1.36121 .09928
Binh dinh 193 2.7513 1.52422 .10972
Cau2.24
Quang Ngai 188 2.3511 1.60685 .11719
Binh dinh 193 2.5394 1.36935 .09857
Cau2.25
Quang Ngai 188 2.3745 1.48604 .10838
Binh dinh 193 3.4663 1.13199 .08148
Cau2.26
Quang Ngai 188 3.2872 1.39228 .10154
Binh dinh 193 3.8093 .78376 .05642
HQnuoi
Quang Ngai 188 3.1383 1.05426 .07689
Binh dinh 193 3.4598 1.15358 .08304
HQtrong
Quang Ngai 188 3.6489 1.05739 .07712
Binh dinh 193 3.3316 .79025 .05688
HQTaisanTC
Quang Ngai 188 3.1782 1.06827 .07791
Binh dinh 193 3.9257 .74900 .05391
HQsinhhoat
Quang Ngai 188 3.9610 .85400 .06228
Binh dinh 193 3.4491 1.03686 .07463
HQtinhmangSK
Quang Ngai 188 3.0035 1.21732 .08878
Binh dinh 193 2.8826 1.15721 .08330
HQdatnuoc
Quang Ngai 188 3.5142 .99154 .07232
Binh dinh 193 3.0190 1.23378 .08881
HQGthongTLoi
Quang Ngai 188 2.5709 1.25399 .09146
Binh dinh 193 3.4110 .72634 .05228
TBHauqua
Quang Ngai 188 3.2879 .83211 .06069

Independent Samples Test


Levene's Test for Equality t-test for Equality of Means
of Variances

F Sig. t df Sig. (2-tailed)

Cau2.1 Equal variances assumed 49.051 .000 6.697 379 .003


Equal variances not
6.668 336.486 .003
assumed
Equal variances assumed 64.358 .000 6.150 379 .274
Cau2.2 Equal variances not
6.120 326.649 .275
assumed
Equal variances assumed 23.730 .000 6.603 379 .105
Cau2.3 Equal variances not
6.580 348.092 .107
assumed
Equal variances assumed 21.584 .000 5.405 379 .076
Cau2.4 Equal variances not
5.390 357.306 .075
assumed
Equal variances assumed 9.815 .002 3.406 379 .311
Cau2.5 Equal variances not
3.397 357.102 .312
assumed
Equal variances assumed 14.572 .000 -2.648 379 .531
Cau2.6 Equal variances not
-2.652 375.470 .533
assumed
Equal variances assumed 11.290 .001 -1.807 379 .072
Cau2.7 Equal variances not
-1.810 373.472 .071
assumed
Equal variances assumed 7.656 .006 -2.268 379 .064
Cau2.8 Equal variances not
-2.272 375.008 .064
assumed
Equal variances assumed 1.587 .209 .634 379 .527
Cau2.9 Equal variances not
.633 375.295 .527
assumed
Equal variances assumed 11.589 .001 1.830 379 .068
Cau2.10 Equal variances not
1.825 358.389 .069
assumed
Equal variances assumed 47.330 .000 -.590 379 .555
Cau2.11 Equal variances not
-.588 341.465 .557
assumed
Equal variances assumed 42.981 .000 3.766 379 .217
Cau2.12 Equal variances not
3.753 351.706 .217
assumed
Equal variances assumed 17.080 .000 .103 379 .918
Cau2.13 Equal variances not
.103 361.879 .918
assumed
Cau2.14 Equal variances assumed 22.636 .000 2.373 379 .318
Equal variances not
2.364 348.884 .319
assumed
Equal variances assumed .058 .810 .544 379 .587
Cau2.15 Equal variances not
.543 374.334 .587
assumed
Equal variances assumed 1.594 .208 -3.751 379 .136
Cau2.16 Equal variances not
-3.748 375.178 .136
assumed
Equal variances assumed 9.230 .003 1.814 379 .070
Cau2.17 Equal variances not
1.810 364.297 .071
assumed
Equal variances assumed 3.715 .055 4.231 379 .109
Cau2.18 Equal variances not
4.225 373.704 .109
assumed
Equal variances assumed .820 .366 3.680 379 .243
Cau2.19 Equal variances not
3.675 373.637 .243
assumed
Equal variances assumed 136.386 .000 -5.263 379 .085
Cau2.21 Equal variances not
-5.292 327.824 .085
assumed
Equal variances assumed 6.076 .014 -4.241 379 .315
Cau2.22 Equal variances not
-4.250 373.520 .315
assumed
Equal variances assumed 8.328 .004 -4.068 379 .237
Cau2.23 Equal variances not
-4.061 371.178 .237
assumed
Equal variances assumed 1.240 .266 2.495 379 .013
Cau2.24 Equal variances not
2.493 376.648 .013
assumed
Equal variances assumed 2.063 .152 5.227 379 .244
Cau2.25 Equal variances not
5.221 374.644 .244
assumed
Equal variances assumed 12.165 .001 1.379 379 .169
Cau2.26 Equal variances not
1.376 359.988 .170
assumed
Equal variances assumed 32.709 .000 7.063 379 .109
HQnuoi Equal variances not
7.036 345.123 .109
assumed
Equal variances assumed 3.268 .071 -1.667 379 .096
HQtrong Equal variances not
-1.669 377.613 .096
assumed
Equal variances assumed 24.953 .000 1.596 379 .111
HQTaisanT
Equal variances not
C 1.590 344.231 .113
assumed
Equal variances assumed 2.178 .141 -.429 379 .668
HQsinhhoa
Equal variances not
t -.428 369.937 .669
assumed
Equal variances assumed 3.748 .054 3.849 379 .137
HQtinhman
Equal variances not
gSK 3.841 366.450 .137
assumed
Equal variances assumed 14.585 .000 -5.714 379 .206
HQdatnuoc Equal variances not
-5.726 372.959 .206
assumed
Equal variances assumed .402 .527 3.516 379 .107
HQGthong
Equal variances not
TLoi 3.515 378.315 .107
assumed
Equal variances assumed 1.096 .296 1.540 379 .124
TBHauqua Equal variances not
1.537 369.404 .125
assumed

Gioi Cau3.1 Cau3.2 Cau3.3 Cau3.4 Cau3.5 Cau3.6 Cau3.7 TBCau3

Total Mean 3.2940 3.3412 3.2651 3.8924 3.6929 3.4199 3.5984 3.4906

N 381 381 381 381 381 381 381 381

Std. Deviation .90768 .91139 .96002 .91564 .87520 .86573 .85156 .69528

Group Statistics
Gioi N Mean Std. Deviation Std. Error Mean

Nam 204 3.4216 .93573 .06551


Cau3.1
Nu 177 3.1469 .85340 .06415
Nam 204 3.5878 .91591 .06413
Cau3.2
Nu 177 3.0954 .84124 .06323
Nam 204 3.5102 .96994 .06791
Cau3.3
Nu 177 3.0056 .88226 .06631
Nam 204 3.9510 .99632 .06976
Cau3.4
Nu 177 3.8249 .81034 .06091
Nam 204 3.8559 .89219 .06247
Cau3.5
Nu 177 3.5085 .81964 .06161
Nam 204 3.5196 .94926 .06646
Cau3.6
Nu 177 3.3051 .74439 .05595
Nam 204 3.6765 .86715 .06071
Cau3.7
Nu 177 3.5085 .82654 .06213
Nam 204 3.6387 .75345 .05275
TBCau3
Nu 177 3.3414 .58428 .04392

Independent Samples Test


Levene's Test for Equality t-test for Equality of Means
of Variances

F Sig. t df Sig. (2-tailed)

Equal variances assumed 8.015 .005 2.976 379 .003


Cau3.1
Equal variances not assumed 2.996 378.045 .003
Equal variances assumed 7.535 .006 5.170 379 .000
Cau3.2
Equal variances not assumed 5.201 377.758 .000
Equal variances assumed 12.426 .000 5.071 379 .000
Cau3.3
Equal variances not assumed 5.105 378.143 .000
Equal variances assumed 5.918 .015 1.342 379 .180
Cau3.4
Equal variances not assumed 1.362 377.467 .174
Equal variances assumed .062 .803 3.903 379 .000
Cau3.5
Equal variances not assumed 3.926 377.749 .000
Equal variances assumed 18.418 .000 2.428 379 .016
Cau3.6
Equal variances not assumed 2.469 375.288 .014
Equal variances assumed .950 .330 1.927 379 .055
Cau3.7
Equal variances not assumed 1.934 375.646 .054
Equal variances assumed 5.522 .019 4.255 379 .000
TBCau3
Equal variances not assumed 4.331 374.443 .000

Group Statistics
Khuvuc N Mean Std. Deviation Std. Error Mean

Binh dinh 193 3.2798 .84438 .06078


Cau3.1
Quang Ngai 188 3.3085 .97044 .07078
Binh dinh 193 3.3005 .82465 .05936
Cau3.2
Quang Ngai 188 3.3830 .99309 .07243
Binh dinh 193 3.1399 .91065 .06555
Cau3.3
Quang Ngai 188 3.3936 .99429 .07252
Binh dinh 193 3.7668 .85546 .06158
Cau3.4
Quang Ngai 188 4.0213 .95882 .06993
Cau3.5 Binh dinh 193 3.5610 .84249 .06064
Quang Ngai 188 3.4172 .90006 .06564
Binh dinh 193 3.4456 .87702 .06313
Cau3.6
Quang Ngai 188 3.3936 .85553 .06240
Binh dinh 193 3.5596 .81511 .05867
Cau3.7
Quang Ngai 188 3.6383 .88784 .06475
Binh dinh 193 3.4419 .65517 .04716
TBCau3
Quang Ngai 188 3.5608 .73105 .05332

Group Statistics
Khuvuc N Mean Std. Deviation Std. Error Mean

Binh dinh 193 3.2798 .84438 .06078


Cau3.1
Quang Ngai 188 3.3085 .97044 .07078
Binh dinh 193 3.3005 .82465 .05936
Cau3.2
Quang Ngai 188 3.3830 .99309 .07243
Binh dinh 193 3.1399 .91065 .06555
Cau3.3
Quang Ngai 188 3.3936 .99429 .07252
Binh dinh 193 3.7668 .85546 .06158
Cau3.4
Quang Ngai 188 4.0213 .95882 .06993
Binh dinh 193 3.6010 .84249 .06064
Cau3.5
Quang Ngai 188 3.7872 .90006 .06564
Binh dinh 193 3.4456 .87702 .06313
Cau3.6
Quang Ngai 188 3.3936 .85553 .06240
Binh dinh 193 3.5596 .81511 .05867
Cau3.7
Quang Ngai 188 3.6383 .88784 .06475
Binh dinh 193 3.4419 .65517 .04716
TBCau3
Quang Ngai 188 3.5608 .73105 .05332

Independent Samples Test


Levene's Test for Equality of t-test for Equality of Means
Variances

F Sig. t df Sig. (2-


tailed)

Equal variances assumed 5.828 .016 -.308 379 .758


Cau3.1
Equal variances not assumed -.308 369.037 .758
Equal variances assumed 9.800 .002 -.883 379 .378
Cau3.2
Equal variances not assumed -.881 363.049 .379
Cau3.3 Equal variances assumed 7.083 .008 -2.599 379 .010
Equal variances not assumed -2.596 374.150 .010
Equal variances assumed .182 .670 -2.735 379 .007
Cau3.4
Equal variances not assumed -2.731 371.744 .007
Equal variances assumed .005 .942 -2.085 379 .138
Cau3.5
Equal variances not assumed -2.083 375.802 .138
Equal variances assumed .518 .472 .585 379 .559
Cau3.6
Equal variances not assumed .586 378.999 .558
Equal variances assumed .995 .319 -.902 379 .368
Cau3.7
Equal variances not assumed -.901 374.348 .368
Equal variances assumed .336 .563 -1.673 379 .095
TBCau3
Equal variances not assumed -1.670 372.187 .096

Report
Cau4.1 Cau4.2 Cau4.3 Cau4.5 Cau4.6 Cau4.7 TBCau4
Mean 3.7218 3.5853 3.5118 3.4331 3.6457 3.8714 3.6282
N 381 381 381 381 381 381 381
Std. Deviation .90686 .96311 .98301 1.14426 .89025 .93005 .74121

Group Statistics
Gioi N Mean Std. Deviation Std. Error Mean

Nam 204 3.9412 .81638 .05716


Cau4.1
Nu 177 3.4889 .94171 .07078
Nam 204 3.8529 .95615 .06694
Cau4.2
Nu 177 3.2968 .87722 .06594
Nam 204 3.7451 1.00918 .07066
Cau4.3
Nu 177 3.2629 .88084 .06621
Nam 204 3.6863 1.06886 .07484
Cau4.5
Nu 177 3.1712 1.16157 .08731
Nam 204 3.7647 .90075 .06307
Cau4.6
Nu 177 3.5185 .86022 .06466
Nam 204 3.9902 .88217 .06176
Cau4.7
Nu 177 3.7345 .96684 .07267
Nam 204 3.8301 .72185 .05054
TBCau4
Nu 177 3.4155 .69533 .05226
Independent Samples Test
Levene's Test for t-test for Equality of Means
Equality of Variances

F Sig. t df Sig. (2-tailed)

Equal variances assumed 12.507 .000 5.243 379 .000


Cau4.1
Equal variances not assumed 5.191 350.978 .000
Equal variances assumed .598 .440 6.094 379 .000
Cau4.2
Equal variances not assumed 6.131 377.806 .000
Equal variances assumed 8.479 .004 5.136 379 .000
Cau4.3
Equal variances not assumed 5.186 378.985 .000
Equal variances assumed 2.121 .146 4.768 379 .000
Cau4.5
Equal variances not assumed 4.740 360.774 .000
Equal variances assumed .114 .736 2.828 379 .005
Cau4.6
Equal variances not assumed 2.837 375.509 .005
Equal variances assumed 10.268 .001 2.699 379 .007
Cau4.7
Equal variances not assumed 2.681 359.478 .008
Equal variances assumed .016 .898 5.962 379 .000
TBCau4
Equal variances not assumed 5.977 374.862 .000

Group Statistics
Khuvuc N Mean Std. Deviation Std. Error Mean

Binh dinh 193 3.6477 .87809 .06321


Cau4.1
Quang Ngai 188 3.7979 .93167 .06795
Binh dinh 193 3.6062 .93003 .06695
Cau4.2
Quang Ngai 188 3.5638 .99795 .07278
Binh dinh 193 3.4611 .88964 .06404
Cau4.3
Quang Ngai 188 3.5638 1.07034 .07806
Binh dinh 193 3.3368 1.21430 .08741
Cau4.5
Quang Ngai 188 3.5319 1.06175 .07744
Binh dinh 193 3.5907 .86802 .06248
Cau4.6
Quang Ngai 188 3.7021 .91136 .06647
Binh dinh 193 3.8083 .93515 .06731
Cau4.7
Quang Ngai 188 3.9362 .92278 .06730
Binh dinh 193 3.5751 .73320 .05278
TBCau4
Quang Ngai 188 3.6826 .74737 .05451
Independent Samples Test
Levene's Test for Equality of t-test for Equality of Means
Variances

F Sig. t df Sig. (2-tailed)

Equal variances assumed .571 .450 -1.620 379 .106


Cau4.1
Equal variances not assumed -1.619 376.254 .106
Equal variances assumed .381 .538 .429 379 .668
Cau4.2
Equal variances not assumed .429 375.495 .668
Equal variances assumed 6.641 .010 -1.020 379 .309
Cau4.3
Equal variances not assumed -1.017 363.180 .310
Equal variances assumed 6.022 .015 -1.668 379 .096
Cau4.5
Equal variances not assumed -1.671 374.682 .096
Equal variances assumed .035 .851 -1.223 379 .222
Cau4.6
Equal variances not assumed -1.222 376.881 .223
Equal variances assumed 1.426 .233 -1.343 379 .180
Cau4.7
Equal variances not assumed -1.343 378.936 .180
Equal variances assumed .047 .828 -1.417 379 .157
TBCau4
Equal variances not assumed -1.417 378.219 .157

2.3. Mặt biểu hiện động cơ

Report

Gioi Cau5.6 Cau5.7 Cau5.8 TBCau5

Total Mean 3.6578 3.4058 3.3323 3.5610

N 381 381 381 381

Std. Deviation .98944 1.09338 1.01804 .78577

Report

Gioi Cau5.1 Cau5.2 Cau5.3 Cau5.4 Cau5.5

Total Mean 3.2510 3.7969 3.7759 3.5029 3.7654

N 381 381 381 381 381

Std. Deviation 1.12586 1.13791 .97912 1.06269 1.01865


Group Statistics
Gioi N Mean Std. Deviation Std. Error Mean

Nam 204 3.4024 1.18317 .08284


Cau5.1
Nu 177 3.0765 1.03197 .07757
Nam 204 3.8533 1.19179 .08344
Cau5.2
Nu 177 3.7319 1.07213 .08059
Nam 204 3.7945 1.06819 .07479
Cau5.3
Nu 177 3.7545 .86773 .06522
Nam 204 3.5298 1.08501 .07597
Cau5.4
Nu 177 3.4720 1.03858 .07806
Nam 204 3.7259 1.01795 .07127
Cau5.5
Nu 177 3.8110 1.02043 .07670
Nam 204 3.6573 .94987 .06650
Cau5.6
Nu 177 3.6584 1.03589 .07786
Nam 204 3.4024 1.08772 .07616
Cau5.7
Nu 177 3.4098 1.10294 .08290
Nam 204 3.3141 1.11052 .07775
Cau5.8
Nu 177 3.3533 .90244 .06783
Nam 204 3.5850 .81071 .05676
TBCau5
Nu 177 3.5334 .75736 .05693

F Sig. t Sig. (2-


tailed)
Equal variances assumed 11.776 .001 2.844 .005
Cau5.1
Equal variances not assumed 2.871 .004
Equal variances assumed 1.507 .220 1.039 .299
Cau5.2
Equal variances not assumed 1.047 .296
Equal variances assumed 4.444 .036 .398 .691
Cau5.3
Equal variances not assumed .404 .687
Equal variances assumed .003 .960 .529 .597
Cau5.4
Equal variances not assumed .531 .596
Equal variances assumed 1.361 .244 -.813 .417
Cau5.5
Equal variances not assumed -.813 .417
Equal variances assumed 1.326 .250 -.011 .991
Cau5.6
Equal variances not assumed -.011 .991
Equal variances assumed .010 .921 -.066 .947
Cau5.7
Equal variances not assumed -.066 .947
Equal variances assumed 7.963 .005 -.375 .708
Cau5.8
Equal variances not assumed -.380 .704
Equal variances assumed 1.549 .214 .638 .524
TBCau5
Equal variances not assumed .641 .522
Group Statistics
Khuvuc N Mean Std. Deviation Std. Error Mean
Binh dinh 193 3.2894 1.01034 .07273
Cau5.1
Quang Ngai 188 3.2015 1.23476 .09005
Binh dinh 193 3.8076 1.13259 .08153
Cau5.2
Quang Ngai 188 3.7860 1.14626 .08360
Binh dinh 193 3.7247 .99521 .07164
Cau5.3
Quang Ngai 188 3.8285 .96213 .07017
Binh dinh 193 3.4345 1.01252 .07288
Cau5.4
Quang Ngai 188 3.5732 1.11016 .08097
Binh dinh 193 3.7765 .91729 .06603
Cau5.5
Quang Ngai 188 3.7540 1.11553 .08136
Binh dinh 193 3.6055 .89803 .06464
Cau5.6
Quang Ngai 188 3.7115 1.07501 .07840
Binh dinh 193 3.3361 .97286 .07003
Cau5.7
Quang Ngai 188 3.4774 1.20307 .08774
Binh dinh 193 3.2946 .79858 .05748
Cau5.8
Quang Ngai 188 3.3711 1.20345 .08777
Binh dinh 193 3.5336 .67765 .04878
TBCau5
Quang Ngai 188 3.5891 .88409 .06448

F Sig. t df Sig. (2-tailed)

13.940 .000 .675 379 .500 -.14907


Cau5.1
.673 360.933 .501 -.14969
.158 .692 .185 379 .853 -.20796
Cau5.2
.185 378.444 .853 -.20799
.033 .856 -1.035 379 .301 -.30111
Cau5.3
-1.036 378.979 .301 -.30102
2.399 .122 -1.275 379 .203 -.35262
Cau5.4
-1.273 373.796 .204 -.35289
12.172 .001 .215 379 .830 -.18307
Cau5.5
.214 361.654 .831 -.18362
15.565 .000 -1.046 379 .296 -.30533
Cau5.6
-1.043 363.878 .298 -.30582
14.880 .000 -1.263 379 .207 -.36151
Cau5.7
-1.259 359.168 .209 -.36216
47.883 .000 -.732 379 .464 -.28170
Cau5.8
-.729 323.802 .467 -.28286
17.105 .000 -.689 379 .491 -.21398
TBCau5
-.687 350.481 .493 -.21456

2.4. Sự thay đổi phương thức hành động và hiệu quả

TBCau7 TBCau8 TBThichung

Total Mean 3.4134 3.2668 3.34101

N 381 381 381


TBCau7 TBCau8 TBThichung

Total Mean 3.4134 3.2668 3.34101

N 381 381 381

Std. Deviation .72259 .70854 .44268

Report

TBCau7sinh TBCau7btha
TBCau7trong TBCau7nuoi TBCau7nhacua hoat ngdinh TBCau7

Total Mean
3.5247 3.3921 3.175 3.8545 3.1122 3.4134

N 381 381 381 381 381 381

Std. Deviation 1.14760 .91861 1.30288 .96804 .82176 .72259

Report

TBCau7tr
Cau7.1 Cau7.2 Cau7.3 Cau7.4 Cau7.5 Cau7.6 ong

Total Mean 3.2930 3.6630 3.6235 2.4936 4.2345 3.8431 3.5247

N 381 381 381 381 381 381 381

Std. Deviation 1.44094 1.39110 1.65413 1.57798 1.52492 1.33029 1.14760

Group Statistics

Gioi N Mean Std. Deviation Std. Error Mean

Cau7.1 Nam 204 3.2735 1.45989 .10221

Nu 177 3.3033 1.42279 .10694

Cau7.2 Nam 204 3.6522 1.42571 .09982

Nu 177 3.6708 1.35410 .10178

Cau7.3 Nam 204 3.9419 1.59120 .11141

Nu 177 3.3019 1.66336 .12503

Cau7.4 Nam 204 2.5327 1.66558 .11661

Nu 177 2.4517 1.46110 .10982

Cau7.5 Nam 204 4.4131 1.51671 .10619

Nu 177 4.0502 1.51541 .11391


Cau7.6 Nam 204 3.9435 1.31052 .09176

Nu 177 3.7402 1.34878 .10138

TBCau7trong Nam 204 3.6238 1.16124 .08130

Nu 177 3.4213 1.12129 .08428

Mean
Sig. (2- Differenc
F Sig. T df tailed) e

Cau7.1 .858 .355 -.181 379 .857 -.02675

-.181 373.903 .857 -.02675

Cau7.2 2.548 .111 -.102 379 .919 -.01462

-.103 375.893 .918 -.01462

Cau7.3 2.896 .090 3.833 379 .000 .63991

3.821 366.256 .000 .63991

Cau7.4 18.085 .000 1.719 379 .086 .27800

1.735 378.951 .083 .27800

Cau7.5 2.221 .137 2.330 379 .020 .36291

2.330 371.548 .020 .36291

Cau7.6 1.379 .241 1.438 379 .151 .19624

1.435 368.220 .152 .19624

TBCau7trong 1.421 .234 2.038 379 .042 .23928

2.043 374.672 .042 .23928

Group Statistics

Khuvuc N Mean Std. Deviation Std. Error Mean

Cau7.1 Binh dinh 193 3.1120 1.45672 .10486

Quang Ngai 188 3.4819 1.03884 .07577

Cau7.2 Binh dinh 193 3.5344 1.43856 .10355

Quang Ngai 188 3.7931 1.07924 .07871

Cau7.3 Binh dinh 193 3.4624 1.74470 .12559

Quang Ngai 188 3.7806 1.26233 .09206

Cau7.4 Binh dinh 193 2.3303 1.14338 .08230


Quang Ngai 188 2.6543 1.68078 .12258

Cau7.5 Binh dinh 193 4.1637 1.64575 .11846

Quang Ngai 188 4.3011 1.37947 .10061

Cau7.6 Binh dinh 193 3.7938 1.39027 .10007

Quang Ngai 188 3.8904 1.21755 .08880

TBCau7trong Binh dinh 193 3.4098 1.13193 .08148

Quang Ngai 188 3.6524 .93219 .06799

Report

Gioi Cau7.7 Cau7.8 Cau7.9 Cau7.10 Cau7.11 Cau7.12 TBCau7nuoi

Nam Mean 3.0435 2.6342 4.2525 4.0543 4.0625 3.1529 3.5323

N 204 204 204 204 204 204 204

Std. Deviation 1.40661 1.38729 .98932 1.11971 1.06125 1.51444 .87201

Nu Mean 2.8641 2.5141 3.9341 3.7741 3.6407 2.8125 3.2506

N 177 177 177 177 177 177 177

Std. Deviation 1.31981 1.32515 1.19621 1.08768 1.31838 1.37807 .95076

Total Mean 2.9502 2.5729 4.0918 3.9138 3.8528 2.9829 3.3928

N 381 381 381 381 381 381 381

Std. Deviation 1.36813 1.35835 1.10085 1.11171 1.20398 1.46096 .91861

Report

TBCau7nu
Khuvuc Cau7.7 Cau7.8 Cau7.9 Cau7.10 Cau7.11 Cau7.12 oi

Binh dinh Mean 2.9141 2.5133 4.0202 3.8312 3.8226 3.0615 3.3642

N 193 193 193 193 193 193 193

Std. Deviation 1.34721 1.40133 1.20345 1.13052 1.24216 1.48421 .96988

Quang Ngai Mean 2.9941 2.6340 4.1604 3.9948 3.8638 2.9017 3.4253

N 188 188 188 188 188 188 188

Std. Deviation 1.30535 1.26808 .97348 1.01715 1.16599 1.36300 .84956

Total Mean 2.9502 2.5729 4.0918 3.9188 3.8528 2.9829 3.3928

N 381 381 381 381 381 381 381

Std. Deviation 1.36813 1.35835 1.10085 1.11171 1.20398 1.46096 .91861


Report

Gioi Cau7.16 Cau7.17 TBCau7sinhhoat

Nam Mean 4.0827 3.5637 3.8282

N 204 204 204

Std. Deviation 1.10564 1.14883 .97104

Nu Mean 3.9754 3.8430 3.8817

N 177 177 177

Std. Deviation 1.26576 .98812 .96728

Total Mean 4.0214 3.6826 3.8545

N 381 381 381

Std. Deviation 1.18567 1.08211 .96804

Group Statistics

Khuvuc N Mean Std. Deviation Std. Error Mean

Cau7.16 Binh dinh 193 4.0143 1.25616 .09042

Quang Ngai 188 4.0304 1.10713 .08075

Cau7.17 Binh dinh 193 3.6642 1.07414 .07732

Quang Ngai 188 3.7041 1.06885 .07795

TBCau7sinhhoat Binh dinh 193 3.8413 .97473 .07016

Quang Ngai 188 3.8728 .94922 .06923

Report

Gioi Cau7.14 Cau7.15 TBCau7nhacua

Nam Mean 3.2739 3.1713 3.2204

N 204 204 204

Std. Deviation 1.56337 1.60967 1.32923

Nu Mean 3.1340 3.1139 3.1234

N 177 177 177

Std. Deviation 1.42191 1.49339 1.27039

Total Mean 3.2040 3.1429 3.1735

N 381 381 381

Std. Deviation 1.50281 1.55497 1.30288


Report

Khuvuc Cau7.14 Cau7.15 TBCau7nhacua

Binh dinh Mean 3.3926 3.2218 3.3142

N 193 193 193

Std. Deviation 1.48782 1.41257 1.30917

Quang Ngai Mean 3.0144 3.0643 3.0448

N 188 188 188

Std. Deviation 1.49684 1.34895 1.12630

Total Mean 3.2040 3.1429 3.1735

N 381 381 381

Std. Deviation 1.50281 1.55497 1.30288

Group Statistics

Gioi N Mean Std. Deviation Std. Error Mean

Cau7.18 Nam 204 2.8725 1.61685 .11320

Nu 177 2.8079 1.44888 .10890

Cau7.19 Nam 204 1.8137 1.20533 .08439

Nu 177 1.8814 1.11933 .08413

Cau7.20 Nam 204 2.9510 1.24273 .08701

Nu 177 3.1243 1.29524 .09736

Cau7.21 Nam 204 3.0784 1.51632 .10616

Nu 177 2.6949 1.37247 .10316

Cau7.22 Nam 204 4.5640 .72435 .05071

Nu 177 4.2533 .70724 .05316

Cau7.23 Nam 204 4.3333 .92404 .06470

Nu 177 4.0452 1.12724 .08473

Cau7.24 Nam 204 2.93 1.639 .115

Nu 177 2.76 1.542 .116

Cau7.25 Nam 204 3.01 1.649 .115

Nu 177 2.63 1.422 .107

TBCau7bthangdinh Nam 204 3.1812 .84474 .05914

Nu 177 3.0312 .78702 .05916


Group Statistics

Khuvuc N Mean Std. Deviation Std. Error Mean

Cau7.18 Binh dinh 193 2.7409 1.47734 .10634

Quang Ngai 188 2.9468 1.59791 .11654

Cau7.19 Binh dinh 193 1.8832 1.16591 .08392

Quang Ngai 188 1.8309 1.14427 .08345

Cau7.20 Binh dinh 193 2.9742 1.27208 .09157

Quang Ngai 188 3.0940 1.23605 .09015

Cau7.21 Binh dinh 193 2.9482 1.58029 .11375

Quang Ngai 188 2.8511 1.33210 .09715

Cau7.22 Binh dinh 193 4.3627 .64796 .04664

Quang Ngai 188 4.4618 .80926 .05902

Cau7.23 Binh dinh 193 4.1347 1.04706 .07537

Quang Ngai 188 4.2660 1.01513 .07404

Cau7.24 Binh dinh 193 3.12 1.507 .109

Quang Ngai 188 2.57 1.638 .119

Cau7.25 Binh dinh 193 2.88 1.441 .104

Quang Ngai 188 2.75 1.564 .114

TBCau7bthangdinh Binh dinh 193 3.1323 .81147 .05841

Quang Ngai 188 3.1005 .82982 .06052

Report

Gioi Cau8.1 Cau8.2 Cau8.3 Cau8.4 Cau8.5 Cau8.7 Cau8.8

Nam Mean 3.80 3.25 3.33 3.50 3.78 3.95 2.69

N 204 204 204 204 204 204 204

Std. Deviation 1.248 1.178 1.115 1.205 1.072 1.059 1.266

Nu Mean 3.73 3.29 3.39 3.64 3.97 4.14 2.47

N 177 177 177 177 177 177 177

Std. Deviation 1.268 1.244 1.138 1.088 1.108 .938 1.170

Total Mean 3.77 3.27 3.36 3.57 3.88 4.05 2.58

N 381 381 381 381 381 381 381


Report

Gioi Cau8.1 Cau8.2 Cau8.3 Cau8.4 Cau8.5 Cau8.7 Cau8.8

Nam Mean 3.80 3.25 3.33 3.50 3.78 3.95 2.69

N 204 204 204 204 204 204 204

Std. Deviation 1.248 1.178 1.115 1.205 1.072 1.059 1.266

Nu Mean 3.73 3.29 3.39 3.64 3.97 4.14 2.47

N 177 177 177 177 177 177 177

Std. Deviation 1.268 1.244 1.138 1.088 1.108 .938 1.170

Total Mean 3.77 3.27 3.36 3.57 3.88 4.05 2.58

N 381 381 381 381 381 381 381

Std. Deviation 1.256 1.208 1.138 1.153 1.091 1.008 1.222

Report

Gioi Cau8.9 Cau8.10 Cau8.11 Cau8.12 TBCau8

Nam Mean 2.63 2.68 2.76 2.70 3.1827

N 204 204 204 204 204

Std. Deviation 1.140 1.107 1.060 1.082 .65946

Nu Mean 2.97 3.07 3.08 3.06 3.3536

N 177 177 177 177 177

Std. Deviation
1.183 1.102 .996 1.025 .75147

Total Mean 2.80 2.87 2.91 2.88 3.2668

N 381 381 381 381 381

Std. Deviation 1.166 1.114 1.036 1.063 .70854

Report

Khuvuc Cau8.1 Cau8.2 Cau8.3 Cau8.4 Cau8.5 Cau8.7

Binh dinh Mean 3.74 3.08 3.34 3.41 3.85 4.03

N 193 193 193 193 193 193

Std. Deviation 1.315 1.137 1.213 1.152 1.041 .981

Quang Ngai Mean 3.80 3.46 3.38 3.73 3.91 4.07

N 188 188 188 188 188 188


Std. Deviation 1.152 1.228 .993 1.132 1.093 1.037

Total Mean 3.77 3.27 3.36 3.57 3.88 4.05

N 381 381 381 381 381 381

Std. Deviation 1.256 1.208 1.138 1.153 1.091 1.008

Report

Khuvuc Cau8.8 Cau8.9 Cau8.10 Cau8.11 Cau8.12 TBCau8

Binh dinh Mean 2.61 2.77 2.84 2.9 2.86 3.2248

N 193 193 193 193 193 193

Std. Deviation 1.316 1.135 1.022 1.127 1.139 .73540

Quang Ngai Mean 2.55 283 2.91 2.93 2.90 3.3204

N 188 188 188 188 188 188

Std. Deviation 1.079 1.112 1.156 .925 .982 .66602

Total Mean 2.63 2.75 2.87 2.91 2.88 3.2668

N 381 381 381 381 381 381

Std. Deviation 1.222 1.166 1.114 1.036 1.063 .70854

Report

Gioi TBNhanthuc TBCau5 TBCau6 TBchuthe

Total Mean 3.4435 3.5410 3.1109 3.3745

N 381 381 381 381

Std. Deviation .60855 .78577 .78190 .58588

Report

Khuvuc TBbaolu TBHauqua TBCau3 TBCau4 TBNthuc

Total Mean 3.2930 3.3502 3.5006 3.6282 3.4430

N 381 381 381 381 381

Std. Deviation .85044 .78173 .69528 .74121 .61170

2.5. Một số nội dung khác ngoài thang đo


Correlations

TBCau3 TBCau4
TBCau3 Pearson Correlation 1 .786**

Sig. (2-tailed) .000

N 381 381

TBCau4 Pearson Correlation .786** 1

Sig. (2-tailed) .000

N 381 381

**. Correlation is significant at the 0.01 level (2-tailed).

Report

Gioi Cau6.8 Cau6.9 Cau6.10 Cau6.11 Cau6.12 TBCau6

Total Mean 3.7349 2.9974 3.5197 2.7270 2.3228 3.1109

N 381 381 381 381 381 381

Std. Deviation 1.09572 1.14133 1.02995 1.24140 1.19350 .78190

Report

Gioi Cau6.1 Cau6.2 Cau6.3 Cau6.4 Cau6.5 Cau6.6 Cau6.7

Total Mean 3.5066 3.2861 2.2152 4.4383 3.8793 2.3727 2.3307

N 381 381 381 381 381 381 381

Std. Deviation 1.34676 1.34146 1.35758 .76399 1.07904 1.51404 1.60454

Correlations
TBNthuc TBCau5 ThaydoiPTHDva
HQ
**
Pearson Correlation 1 .769 .608**

TBNthuc Sig. (2-tailed) .000 .000

N 381 381 381


**
Pearson Correlation .769 1 .657**
TBCau5 Sig. (2-tailed) .000 .000
N 381 381 381
** **
Pearson Correlation .608 .657 1

ThaydoiPTHDvaHQ Sig. (2-tailed) .000 .000

N 381 381 381

**. Correlation is significant at the 0.01 level (2-tailed).


Model Summary
Model R R Square Adjusted R Std. Error of the
Square Estimate

1 .598a .358 .356 .36997

a. Predictors: (Constant), TBCau6

ANOVAa
Model Sum of Squares df Mean Square F Sig.

Regression 28.933 1 28.933 211.380 .000b

1 Residual 51.877 379 .137

Total 80.810 380

a. Dependent Variable: TBchungthichung


b. Predictors: (Constant), TBCau6

Coefficientsa
Model Unstandardized Coefficients Standardized t Sig.
Coefficients

B Std. Error Beta

(Constant) 2.300 .078 29.545 .000


1
TBCau6 .353 .024 .598 14.539 .000

a. Dependent Variable: TBchungthichung

Report

TBThichung

Trinhdo Mean N Std. Deviation

Tieu hoc 3.1545 84 .39685

THCS 3.2127 165 .38719

THPT 3.2932 64 .48238

TCnghe 3.4814 21 ..41626

CD,DH 3.7723 32 .43477

Chua di hoc 3.1318 15 .67428

Total 3.3383 381 .44268

(I) Trinhdo (J) Trinhdo Mean Difference Std. Error Sig. 95% Confidence Interval
(I-J) Lower Bound Upper Bound

Tieu hoc THCS -.0582 .05145 .955 -.2213 .0848

THPT -.1387 .07423 .585 -.3645 .0790

TCnghe -.3269* .04330 .000 -.4675 -.2065

CD,DH -.6178* .08822 .000 -.8985 -.3571

Chua di hoc .0227 .08464 .601 -.7108 .6421

THCS Tieu hoc .0582 .05145 .955 -.0848 .2213

THPT -.0805 .06640 .990 -.2741 .1251

TCnghe -.2687* .02780 .000 -.3512 -.1863

CD,DH -.5596* .08173 .000 -.8142 -.3050

Chua di hoc -.0809 .07283 .973 -.9697 .7375

THPT Tieu hoc .1387 .07423 .585 -.0790 .3645

THCS .0805 .06640 .990 -.1251 .2741

TCnghe -.1882 .06030 .130 -.3778 -.0108

CD,DH -.4791* .09769 .000 -.7815 -.1887

Chua di hoc .1614 .09752 .475 -.8286 .7453

TCnghe Tieu hoc .3269* .04330 .000 .2065 .4675

THCS .2687* .02780 .000 .1863 .3512

THPT .1882 .06030 .130 .0108 .3778

CD,DH -.2909* .07686 .010 -.5345 -.0471

Chua di hoc .3496* .06155 .000 -.7211 .0264

CD,DH Tieu hoc .6178* .08822 .000 .3571 .8985

THCS .5596* .08173 .000 .3050 .8142

THPT .4791* .09769 .000 .1887 .7815

TCnghe .2909* .07686 .010 .0471 .5345

Chua di hoc .6405* .07119 .000 -.2989 .1859

Chua di hoc Tieu hoc -.0227 .08464 .534 -.6421 .0108

THCS -.0809 .07283 .973 -.7375 .9697

THPT -.1614 .09752 .457 -.7453 .8286

TCnghe -.3496* .61155 .000 -.0264 .7211

CD,DH -.6405* .07119 .000 -.1859 .2989

*. The mean difference is significant at the 0.05 level.


Correlations
TBbaolu TBHauqua TBCau3 TBCau4
Pearson Correlation 1 .746** .411** .450**
TBbaolu Sig. (2-tailed) .000 .000 .000
N 381 381 381 381
Pearson Correlation .746** 1 .336** .344**
TBHauqua Sig. (2-tailed) .000 .000 .000
N 381 381 381 381
Pearson Correlation .411** .336** 1 .786**
TBCau3 Sig. (2-tailed) .000 .000 .000
N 381 381 381 381
Pearson Correlation .450** .344** .786** 1
TBCau4 Sig. (2-tailed) .000 .000 .000
N 381 381 381 381
**. Correlation is significant at the 0.01 level (2-tailed).

You might also like