LSVMTG

You might also like

Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 13

HỌC PHẦN: LỊCH SỬ VĂN MINH THẾ GIỚI

(2 TÍN CHỈ)

BUỔI 1:
BÀI MỞ ĐẦU
1. Khái niệm về Văn minh
1.1. Từ nguyên (nguồn gốc từ):
Trong các ngôn ngữ phương Tây, như tiếng Anh (civilization), tiếng Pháp… từ “văn minh”
(civilisation) bắt nguồn từ tiếng La tinh: “Civitas” mang nghĩa thành thị, thành bang. Ngoài ra
nó còn có nghĩa là hoạt động khai hóa làm thoát khỏi trạng thái nguyên thủy.
Trong các ngôn ngữ phương Đông, “văn minh” giải thích theo lối chiết tự thì “văn” nghĩa là đẹp,
vẻ đẹp, “minh” nghĩa là sáng. “Văn minh” tức là “vẻ đẹp được tỏa sáng”.
1.2. Khái niệm:
“Văn minh là những giá trị văn hóa (chủ yếu là về phương diện vật chất) phát triển ở trình độ
cao, có sức tỏa sáng trong không gian và thời gian”. Nói cách khác, Văn minh là chỉ trạng thái
tiến bộ cả hai mặt vật chất và tinh thần của xã hội loài người, tức là trạng thái phát triển cao
của nền văn hóa. Trái với văn minh là dã man. Như vậy khi định nghĩa văn minh, người ta cần
phải tìm hiểu khái niệm về “văn hóa”.
2. Khái niệm về Văn hóa
2.1. Từ nguyên:
Trong các ngôn ngữ phương Tây như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga… từ “văn
hóa” cũng có nguồn gốc từ tiếng Latinh: cultus-nghĩa là trồng trọt, cư trú, luyện tập, lưu tâm…
Đến giữa thế kỉ XIX, do sự phát triển của các ngành nhân loại học, xã hội học, dân tộc
học…khái niệm văn hóa đã thay đổi. Người đầu tiên đưa ra định nghĩa mới về văn hóa là E.B.
Taylor - nhà nhân loại học người Anh. Ông viết “Văn hóa là một tổng thể phức tạp bao gồm tri
thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, pháp luật, phong tục và cả những năng lực, thói quen mà
con người đạt được trong xã hội”. Sau đó, các học giả đã đưa ra nhiều khái niệm về văn hóa.
Trên cơ sở ấy, người Nhật Bản đã dùng hai chữ “văn hóa” để dịch chữ “culture” của phương
Tây.
Trong các ngôn ngữ phương Đông, văn hóa là một từ gốc Hán. “Văn” là “vẻ đẹp”, “nét đẹp”,
“hóa” là “giáo hóa”, “biến đổi”. “Văn hóa” tức là “làm cho đẹp”, “trở thành đẹp”. Từ “văn hóa”
được nêu ra lần đầu tiên bởi Lưu Hướng thời Tây Hán. Đó là cách nói rút gọn của câu “dĩ văn trị
nhi giáo hóa”, tức lấy “văn” để giáo hóa con người.
Cho tới nay, có tới 160 loại định nghĩa về văn hóa. Hầu hết các học giả đều cho rằng: “văn
hóa là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch
sử”.
Như vậy, sự xuất hiện của văn hóa gắn liền với xuất hiện của loài người. Con người sáng tạo
ra văn hóa, bao gồm cả văn hóa vật chất lẫn văn hóa tinh thần như nghệ thuật, tôn giáo, pháp
luật, phong tục…Trên cơ sở ấy, nền văn hóa nguyên thủy, đến một giai đoạn nhất định, loài
người mới tiến vào thời kì văn minh.
Văn hóa và văn minh đều là những giá trị vật chất và tinh thần do loài người sáng tạo ra
trong tiến trình lịch sử, nhưng văn hóa và văn minh khác nhau ở chỗ văn hóa là toàn bộ những
giá trị mà loài người sáng tạo ra từ khi loài người ra đời đến nay, còn văn minh chỉ là những giá
trị mà loài người sáng tạo ra trong giai đoạn phát triển cao của xã hội. Đó là giai đoạn có nhà
nước. Thông thường vào thời kì thành lập nhà nước thì chữ viết cũng xuất hiện, do đó văn hóa
có một bước phát triển nhảy vọt. Tuy nhiên, do hoàn cảnh cụ thể, có một số nơi, khi nhà nước ra
đời vẫn chưa có chữ viết, nhưng đó là những trường hợp không điển hình.
3. Khái niệm văn hiến
Đây là khái niệm chỉ tồn tại trong các ngôn ngữ phương Đông. Có thể hiểu “văn” = đẹp,
“hiến” = hiền tài hay văn hiến là những truyền thống văn hóa lâu đời. Trong Bình Ngô đại cáo,
Nguyễn Trãi từng viết: “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến từ lâu”. Khổng
Tử viết: “Lễ của đời Hạ, ta có thể nói được, nhưng nước Kỉ (nước còn bảo tồn lễ của đời Hạ)
không đủ chứng minh; lễ của đời Ân, ta có thể nói được, nhưng nước Tống (nước còn bảo tồn lễ
của đời Ân) không đủ chứng minh. Đó là vì văn hiến không đủ, nếu đủ thì ta có thể chứng minh”
(Luận ngữ). Như vậy, văn hiến là một thuật ngữ chỉ chung sử sách và các chế độ chính sách. Có
sử sách tức là đã bước vào thời kì văn minh, do đó trước đây, dưới thời phong kiến, khi chưa có
chữ văn minh với nghĩa như ngày nay, chữ văn hiến thực chất là văn minh. Và vì thế, câu “như
nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu” có nghĩa là nước Đại Việt cũng là một
nước văn minh.
4. Phƣơng pháp tiếp cận một nền văn minh
- Cần tiếp cận bằng phương pháp sử học: tức là nhìn nền văn minh đó theo tiến trình lịch sử từ
phát sinh, hình thành, phát triển và lụi tàn (nếu có).
- Cần làm rõ năm vấn đề chính:
+ Cơ sở hình thành: bao gồm điều kiện tự nhiên, đặc điểm cư dân
+ Lịch sử hình thành và phát triển.
+ Trình độ tổ chức sản xuất
+ Trình độ quản lý xã hội
+ Các thành tựu đạt được và đặc điểm của nền văn minh đó
5. Các dạng thức văn minh trên thế giới:
Có 4 dạng thức văn minh mà loài người đã và đang trải qua, gồm: văn minh nông nghiệp,
văn minh công nghiệp, văn minh hậu công nghiệp và văn minh công nghệ 4.0 (hay văn minh trí
tuệ nhân tạo).

CHƢƠNG 1. CÁC NỀN VĂN MINH BẮC PHI VÀ TÂY Á


I. Văn minh Ai Cập cổ đại
Văn minh Ai Cập là một trong những nền văn minh xuất hiện sớm nhất trong lịch sử xã hội
loài người. Trong quá trình phát triển, bên canh những yếu tố nội sinh, bản địa, văn minh Ai Cập
còn chịu ảnh hưởng và tiếp nhận nền văn minh văn hóa khác của khu vực và trên thế giới.
1. Điều kiện địa lý tự nhiên và cƣ dân
Ai Cập nằm ở Đông bắc châu Phi, là một thung lũng hẹp và dài dọc theo hạ lưu sông Nile.
Ai Cập là một nước tương đối bị đóng kín. Phía bắc giáp Địa Trung Hải, phía đông giáp biển Đỏ,
phía tây là sa mạc Sahara, phía nam giáp Nubi, đây là vùng núi hiểm trở khó qua lại.
Sông Nile là dòng sông có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nền văn minh Ai Cập. Không
chỉ cung cấp cho đồng ruộng Ai Cập lượng phù sa màu mỡ, lượng nước tưới tiêu cho sản xuất
nông nghiệp mà sông Nile còn trở thành tuyến đường giao thông huyết mạch của Ai Cập.
Về tài nguyên thiên nhiên, Ai Cập có nhiều tài nguyên quý như đá, cát, lâm sản. Đá được
dùng để chế tạo công cụ và vũ khí, làm đồ trang sức, sau đó là phục vụ cho xây dựng các công
trình kiến trúc. Khu vực phía nam Ai Cập có nhiều cánh rừng lớn giúp cho người Ai Cập khai
thác lâm sản phục vụ làm vũ khí, công cụ, làm thuyền, làm nhà…. Cây Papirus là nguyên liệu
làm giấy, đưa Ai Cập trở thành nơi đầu tiên phát minh ra giấy. Tài nguyên kim loại ở Ai Cập
tương đối khan hiếm. Chủ yếu là đồng và sắt. Người Ai Cập đã sớm biết khai thác và trao đổi
đồng với Xinai và cư dân vùng Tiểu Á. Điều đó giúp cho đảm bảo nguồn cung kim loại cho phát
triển kinh tế.
Khí hậu của Ai Cập vừa có yếu tố tự nhiên của châu Phi, vừa gần khu vực có khí hậu cận
nhiệt đới (khí hậu Địa Trung Hải). Vì vậy nhiều khu vực có điều kiện tự nhiên không quá hà
khắc. Đó là địa bàn lý tưởng cho sự phát triển văn minh sớm ở trình độ cao.
- Cư dân: Cư dân chủ yếu của Ai Cập ngày nay là người Ả Rập, nhưng thời cổ đại là người
Libi, người da đen và có thể có cả người Semite di cư từ châu Á tới.
2. Tiến trình lịch sử của nền văn minh Ai Cập
Lịch sử của văn minh Ai Cập có thể chia thành năm giai đoạn:
- Thời kì Tảo kỳ vương quốc (3200 - 3000 TCN): là thời kì hình thành nhà nước sơ khai gọi
là các “Nôm”.
- Thời Cổ vương quốc (khoảng 3000-2200 TCN): bao gồm 8 vương triều, từ vương triều III
đến vương triều X. Đầu thời Cổ vương quốc, chế độ tập quyền trung ương ngày càng được củng
cố, kinh tế cũng phát triển hơn trước. Trên cơ sở ấy, các Pharaon đã huy động sức người, sức
của để xây dựng cho mình những Kim Tự tháp rất đồ sộ.
- Thời kỳ Trung vương quốc (khoảng 2200 - 1570 TCN): bao gồm 7 vương triều, từ vương
triều XI đến vương triều XVII. Trong đó, thời kỳ thống trị của vương triều XI và vương triều
XII là thời kỳ ổn định nhất.
- Thời kỳ Tân vương quốc (từ năm 1570 TCN - khoảng 1100 TCN): Năm 1570 TCN, người
Hítsốt bị đánh đuổi khỏi Ai Cập, đất nước lại được thống nhất, thời Tân Vương quốc bắt đầu.
Thời kỳ này gồm 3 vương triều, từ vương triều XVIII đến vương triều XX. Các vua đầu vương
triều XVIII tích cực thi hành chính sách xâm lược bên ngoài đã chinh phục được Xyri, Phenixi,
Palestin ở châu Á và Libi, Nubi ở châu Phi. Cuối vương triều XVIII, do thế lực của tầng lớp
tăng lữ thời thần Mặt trời Amôn phát triển quá mạnh, lấn át cả uy quyền của vua. Vì vậy, để làm
suy yếu thế lực của tầng lớp tăng lữ, vua Ichnaton đã tiến hành một cuộc cải cách tôn giáo,
nhưng chính sách cải cách này chỉ được thi hành một thời gian ngắn mà thôi. Về công cụ sản
xuất, từ thời Trung vương quốc, đồng thau đã ra đời nhưng chất lượng còn kém và còn ít. Đến
thời Tân vương quốc, đồng thau mới được sử dụng rộng rãi, đồng thời sắt bắt đầu xuất hiện
nhưng còn rất hiếm. Sau vương triều XVIII, Ai Cập ngày càng suy yếu.
- Ai Cập từ thế kỉ X TCN đến thế kỉ I TCN: Ai Cập hết bị chia cắt lại bị ngoại tộc thống trị.
Đặc biệt, từ năm 525 TCN, Ai Cập bị Alexandre ở Makedonia chinh phục. Sau khi đế quốc
Makedonia tan rã, Ai Cập thuộc quyền thống trị của vương triều Hi Lạp gọi là vương triều
Ptoleme (305 - 30 TCN). Đến năm 30 TCN, Ai Cập thành một tỉnh của đế quốc La Mã.
3. Những thành tựu chủ yếu của văn minh Ai Cập cổ đại
3.1. Chữ viết và văn học:
Chữ viết: lúc đầu là chữ tượng hình. Vì vậy, nhìn vào các bản viết chữ Ai Cập cổ đại, ta thấy
các hình vẽ người, các động vật, cây cối, mặt trời, mặt trăng, sao, nước, núi non… Đối với các
khái niệm trừu tượng hoặc phức tạp thì phải dùng phương pháp mượn ý. Ví dụ, muốn viết chữ
khát thì vẽ hình con bò đứng bên cạnh chữ nước, chữ chính nghĩa thì vẽ lông đà điểu, vì lông đà
điểu hầu như dài bằng nhau. Tuy nhiên hai phương pháp ấy chưa đủ để ghi mọi khái niệm, vì
vậy dần dần xuất hiện những hình vẽ biểu thị âm tiết. Những hình vẽ biểu thị âm tiết này vốn là
những chữ biểu thị một từ nhưng đồng âm với âm tiết mà người ta muốn sử dụng. Ví dụ, con
mắt tiếng Ai Cập là ar, do đó hình con mắt còn biểu thị âm tiết ar. Dần dần, những chữ chỉ âm
tiết biến thành chữ cái. Ví dụ, hòn núi nhỏ đọc là ca được dùng để biểu thị phụ âm k. Tổng số
chữ tượng hình của Ai Cập cổ đại có khoảng 1.000 chữ, trong đó số chữ cái có 24 chữ. Vào
thiên niên kỉ II TCN, người Hítxốt đã học tập chữ cái của người Ai Cập để ghi ngôn ngữ của
mình. Về sau, loại chữ viết ấy truyền sang Phênixi, trên cơ sở ấy, người Phênixi đã sáng tạo ra
vần chữ cái đầu tiên trên thế giới. Chữ viết cổ của Ai Cập thường được viết trên đá, gỗ, đồ gốm,
vải gai, da… nhưng chất liệu dùng để viết phổ biến nhất là giấy Papyrus mọc ở hai bên bờ sông
Nile. Người Ai Cập đã lấy thân loại cây này chẻ thành từng thanh mỏng, ghép các thanh ấy
thành tờ giấy, ép mỏng rồi phơi khô. Đó là loại giấy sớm nhất thế giới. Để viết trên loại giấy đó,
người Ai Cập cổ dùng bút làm bằng thân cây sậy, còn mực làm bằng bồ hóng. Loại chữ tượng
hình này được dùng trong hơn 3.000 năm.
Văn học: gồm tục ngữ, thơ ca trữ tình, các câu chuyện mang tính chất đạo lí, giáo huấn, trào
phúng, truyện thần thoại…Trong số đó, Truyện hai anh em, Nói thật và nói láo, Nói chuyện với
linh hồn của mình, Lời kể của Ipuxe, Lời răn dạy của Đuaúp, Sống sót sau vụ đám thuyền…là
những truyện tương đối tiêu biểu.
3.2. Tôn giáo:
Thờ đa thần: các thần tự nhiên, các thần động vật, linh hồn người chết, thần đá, thần lửa,
thần cây…Ngoài ra, người Ai Cập cổ đại cũng rất coi trọng việc thờ người chết. Họ quan niệm
rằng trong mỗi con người đều có một hình bóng gọi là “can” (linh hồn) hoàn toàn giống người
đó. Khi mới ra đời thì linh hồn chui vào trong thân thể, khi con người chết thì linh hồn rời khỏi
thể xác. Linh hồn tồn tại đến khi thi thể người chết hủy nát thì mới chết hẳn. Nếu thi thể được
bảo tồn thì linh hồn một lúc nào đó sẽ nhập vào thể xác và con người sẽ sống lại. Chính vì vậy
người Ai Cập mới có tục ướp xác.
3.3. Kiến trúc:
Kim tự tháp là những ngôi mộ của các vua Ai Cập thuộc vương triều III và IV thời Cổ
vương quốc. Các ngôi mộ ấy được xây dựng ở vùng sa mạc ở Tây Nam Cairô ngày nay. Kim tự
tháp bắt đầu được xây dựng từ thời vua Gjeser - vua đầu tiên của vương triều III, vương triều
đầu tiên của thời Cổ vương quốc. Đây là ngôi tháp có bậc cao 60m, đáy là một hình chữ nhật dài
120m, rộng 106m. Xung quanh tháp Djeser có đền thờ và mộ những thành viên trong gia đình
và những người thân cận. Toàn bộ khu lăng này được bao bọc bởi một vòng tường xây bằng đá
vôi. Thời kỳ kim tự tháp được xây dựng nhiều nhất và đồ sộ nhất là thời vương triều IV. Trong
số các Kim tự tháp ở Ai Cập, tiêu biểu nhất là kim tự tháp Kêốp- được xếp vào danh sách một
trong bảy kì quan của thế giới cổ đại. Trải qua 5000 năm nhưng các kim tự tháp hùng vĩ vẫn
sừng sững ở vùng sa mạc Ai Cập bất chấp thời gian và nắng mưa. Vì vậy từ lâu người Ả Rập
vẫn có câu: “tất cả đều sợ thời gian, nhưng thời gian sợ kim tự tháp”.
3.4. Điêu khắc:
Nghệ thuật điêu khắc của Ai Cập cổ đại có thành tựu rất lớn ở tượng và phù điêu. Từ thời
Cổ vương quốc về sau, các vua Ai Cập thường sai tạc tượng của mình và những người trong
vương thất. Tượng thường tạc trên đá, gỗ hoặc đúc bằng đồng. Trong số các tượng của Ai Cập
cổ đại, đẹp nhất là tượng bán thân hoàng hậu Nefectiti, tượng Sphynx-mình sư tử đầu người
hoặc dê. Những tượng này thường được đặt trước cổng đền miếu. Các biệt, có những đền miếu
có đến 500 tượng Xphynx như vậy
3.5. Thiên văn học:
Người Ai Cập đã vẽ hình thiên thể lên trần các đền miếu, biết được 12 cung hoàng đạo, các
hành tinh như sao Thủy, sao Kim, sao Hỏa, sao Mộc, sao Thổ. Để đo thời gian, từ thời Cổ
vương quốc người Ai Cập đã phát minh ra Nhật khuê. Đó là một thanh gỗ có đầu cong. Muốn
biết mấy giờ thì xem bóng mặt trời của mút cái đầu cong in lên vị trí trên thanh gỗ. Nhưng dụng
cụ này chỉ xem được thời gian ban ngày và khi đang có nắng. Đến thời vương triều XVII, người
Ai Cập lại phát minh ra đồng hồ nước. Đó là một cái bình bằng đá hình chóp nhọn. Chỗ nhọn là
đáy, có một lỗ nhỏ. Trong bình đổ đầy nước, nước theo lỗ nhỏ chảy ra ngoài làm cho mực nước
vơi dần. Nhìn vào mực nước là người ta có thể biết thời gian. Loại đồng hồ này đã khắc phục
được nhược điểm của loại nhật khuê nói trên. Thành tựu quan trọng nhất trong lĩnh vực thiên
văn của Ai Cập cổ đại là việc đặt ra lịch. Lịch Ai Cập được đặt ra dựa trên kết quả quan sát tinh
tú và quy luật dâng nước của sông Nile.
3.6. Toán học:
Do yêu cầu phải đo đạc lại ruộng đất bị sông Nile làm ngập và do cần phải tính toán vật liệu
trong các công trình xây dựng, từ sớm, người Ai Cập đã có khá nhiều hiểu biết đáng chú ý về
toán học. Người Ai Cập cổ đại ngay từ đầu đã biết dùng phép đếm lấy 10 làm cơ sở (thập tiến
vị). Các chữ số cũng được dùng chữ tượng hình để biểu thị. Vì không có số 0 nên cách viết chữ
số tương đối phức tạp: đơn vị: hình chiếu cái que, chục: hình một đoạn dây thừng, trăm: hình
một vòng dây thừng, ngàn: hình cây sậy, 10 nghìn: hình ngòn tay, 100 nghìn: hình con nòng nọc,
triệu: hình người giơ hai tay biểu thị kinh ngạc. Về các phép tính cơ bản, người Ai Cập chỉ mới
biết phép cộng và phép trừ. Còn nhân và chia thì dùng phương pháp cộng và trừ liên tiếp. Đến
thời Trung vương quốc, mầm mống của đại số học đã xuất hiện. Ẩn số x được gọi là aha nghĩa
là “một đồng”, ví dụ một số ngũ cốc chưa biết được số lượng thì gọi là “một đồng ngũ cốc”.
Người Ai Cập đã biết được cấp số cộng và có lẽ cũng đã biết được cấp số nhân. Về hình học,
người Ai Cập đã biết cách tính diện tích hình tam giác, diện tích hình cầu, biết được số π là 3,16,
biết tính thể tích hình tháp đáy vuông. Khi giải những bài toán hình học không gian phục vụ cho
việc xây dựng Kim tự tháp, họ đã biết vận dụng mầm mống của lượng giác học. Các vấn đề toán
học thường được ghi trên giấy Papyrus, trong đó, tài liệu cổ nhất được viết từ năm 1850 TCN
(thời Trung vương quốc).
3.7. Y học:
Do tục ướp xác thịnh hành, từ rất sớm, người Ai Cập đã hiểu biết tương đối rõ về cấu tạo
của cơ thể con người. Nhiều thành tựu của nền y học Ai Cập cổ đại được ghi trên giấy Papyrus
và truyền lại cho đến ngày nay: nguyên nhân của bệnh tật, mô tả về óc, nói về quan hệ giữa tim
và mạch máu, các loại bệnh, cách khám bệnh, khả năng chữa trị, bệnh đường ruột và dạ dạy,
bệnh đường hô hấp, bệnh ngoài da…
II. Văn minh Lƣỡng Hà cổ đại
1. Điều kiện địa lý và cƣ dân
Văn minh Lưỡng Hà là nền văn minh tiêu biểu của vùng Tây Á được hình thành và phát
triển trên lưu vực của hai con sông Tigris và Euphrates. Văn minh Lưỡng Hà vừa gắn với yếu tố
lục địa vừa gắn với yếu tố biển và được hình thành trong một không gian lớn. Giống như sông
Nile ở Ai Cập, hai con sông Tigris và Euphrates đóng vai trò quan trọng đối với sự hình thành
và phát triển của các quốc gia ở khu vực Lưỡng Hà. Hai dòng sông này tạo ra các đồng bằng
châu thổ rộng lớn với lớp phù sa màu mỡ thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Các kết quả
nghiên cứu khảo cổ học đã chứng minh rằng vùng Tiền Á là nơi nông nghiệp xuất hiện sớm nhất
thế giới (từ thiên niên kỷ thứ IX-VII TCN).
Vùng Lưỡng Hà đồng thời có các thảo nguyên rộng lớn, thuận lợi cho phát triển chăn nuôi
gia súc bầy đàn lớn. Nhưng ở đây lại không có các kim loại và mỏ đá quý so với các nơi khác.
Do vậy, ngay từ rất sớm người Lưỡng Hà đã có ý thức mở rộng quan hệ trao đổi giao lưu với
bên ngoài để bù đắp các sản phẩm còn thiếu hụt. Tuy nhiên, Lưỡng Hà lại có nguồn tài nguyên
đất sét (clay), cát rất có giá trị cho phát triển các ngành thủ công. Những điều kiện tự nhiên này
đã có ảnh hưởng khá rõ trong hoạt động kinh tế, cũng như đời sống chính trị, xã hội của cư dân.
Từ đó tạo nên sắc thái riêng biệt của vùng Lưỡng Hà.
Khí hậu Lưỡng Hà nóng và khô. Lượng mưa hàng năm không đáng kể đáng kể, vì vậy nông
nghiệp chủ yếu được tiến hành trên vùng đất đã được nước sông tưới tiêu tự nhiên hay bằng sức
lao động của con người.
Cư dân: cư dân cổ xưa nhất ở Lưỡng Hà là người Sume. Họ từ Trung Á di cư đến miền nam
Lưỡng Hà vào khoảng thiên niên kỷ IV TCN. Tại đây, họ đã lập nhiều thành bang như Ua, Eridu,
Lagat, Uruc…Ngoài ra còn có nhiều tộc người khác ở vùng lân cận cũng tràn vào Lưỡng Hà.
Các tộc người lại đồng hóa với nhau làm cho thành phần cư dân ở đây hết sức phức tạp.
2. Lịch sử hình thành của văn minh Lƣỡng Hà
Lịch sử của Lưỡng Hà mở đầu bằng sự xuất hiện của nhiều nhà nước thành bang.
- Vào khoảng đầu thiên niên kỷ III TCN, ở miền nam Lưỡng Hà đã xuất hiện nhiều nhà
nước nhỏ của người Sumer lấy thành thị làm trung tâm nên gọi là những thành bang: Lagat,
Umma
- Cuối thế kỉ XXIV đến cuối thế kỉ XXIII TCN: hình thành thành bang Accat của một chi
nhánh người Semit ở phía bắc vùng Sumer.
- Vương triều III của Ua (2132 - 2024 TCN): Quyền thống trị ở Lưỡng Hà lúc này nằm
trong tay vương triều III của Ua- một thành bang cổ xưa của Sumer. Phạm vi thống trị của
vương triều này cũng rất rộng. Ua đã ban bố một bộ luật mà ngày nay đã phát hiện được một số
đoạn. Đó là bộ luật cổ nhất trong lịch sử thế giới. Như vậy, dưới thời vương triều III, Ua đã trở
thành một nước suy yếu và bị liên quân của Elam (một bộ tộc ở phía Đông) và Mari (một thành
bang ở phía bắc) đánh bại.
- Thời kì Cổ Babylon Babylon: Babylon là một thành phố do người Amorit thành lập ở
trung tâm Lưỡng Hà. Trong thời kỳ đầu, Babylon còn tương đối yếu nhưng đến nửa đầu thế kỷ
XVIII TCN, dưới thời vua Hammurabi (1792-1750 TCN), Babylon trở thành quốc gia hùng
mạnh nổi tiếng nhất trong lịch sử Lưỡng Hà cổ đại. Hammurabi đã lần lượt đánh bại các thành
bang xung quanh, thống nhất được hầu hết vùng Lưỡng Hà. Trên cơ sở đó, ông đã xây dựng bộ
máy nhà nước chuyên chế tập quyền trung ương. Đến thời Babylon, kinh tế Lưỡng Hà có những
tiến bộ rất đáng kể. Công cụ đồng thau được dùng phổ biến, sắt cũng đã xuất hiện nhưng còn
tương đối hiếm. Cư dân Lưỡng Hà đã biết sử dụng cày có lưỡi đồng thau do bò kéo. Hơn nữa,
họ còn biết sử dụng loại cày có lắp bộ phận gieo hạt. Sau khi Hammurabi qua đời, Babylon bị
suy yếu dần. Trong vòng 1000 năm, tình hình Babylon rất rối ren, đồng thời nhiều lần bị ngoại
tộc tấn công và thống trị. Đến năm 732 TCN, Babylon bị một quốc gia hùng mạnh ở phía bắc là
Atxiri chiếm, đến năm 729 TCN thì trở thành một bộ phận của Atxiri.
- Thời kỳ Tân Babylon và Ba Tư: từ giữa thế kỷ VII TCN, Atxiri bắt đầu suy yếu. Nhân tình
hình đó, năm 626 TCN, viên tướng người Canđê- một chi nhánh của tộc Semit tên là
Nabopolaxa, người được cử làm Tổng đốc của Atxiri ở miền nam Lưỡng Hà đã tuyên bố
Babylon độc lập. Để phân biệt với cổ Babylon, quốc gia này được gọi là Tân Babylon. Ngay sau
đó, Tân Babylon liên minh với nước Međi ở phía Đông Bắc cùng tấn công Atxiri. Năm 605,
Atxiri diệt vong. Đất đai của Atxiri bị chia làm hai phần: nửa phía bắc thuộc về Međi, nửa phía
nam thuộc về Babylon. Năm 64 TCN, Nabopolaxa chết, Nabusodenoxo lên nắm quyền. Đây là
thời kỳ cường thịnh nhất của Tân Babylon. Năm 532 TCN, Nabusodenoxo qua đời. Từ đó tình
hình nội bộ Tân Babylon không được ổn định. Trong khi đó, ở Iran bắt đầu xuất hiện nước Ba
Tư hùng mạnh. Năm 550 TCN, Ba Tư đánh bại Mêđi, Babylon cũng trở thành mục tiêu chinh
phục của Ba Tư. Năm 538 TCN, quân Ba Tư tấn công và chiếm được thành Babylon. Tân
Babylon cũng trở thành một bộ phận của đế quốc Ba Tư. Năm 328 TCN, đế quốc Ba Tư bị
Alexangdro Makedonia tiêu diệt. Cả Tây Á bị nhập vào đế quốc Makedonia. Sau khi
Alexangdro chết, đế quốc Makedonia bị phân chia, Babylon nằm trong vương quốc của Xêlơcut,
một vị tướng của Alexangdro.
3. Những thành tựu văn minh Lƣỡng Hà
3.1. Chữ viết và văn học:
Chữ viết: xuất hiện vào cuối thiên niên kỷ IV TCN. Lúc đầu là chữ tượng hình. Dần dần các
hình vẽ được đơn giản hóa tức là không phải vẽ toàn bộ sự vật mà chỉ vẽ một bộ phận tiêu biểu.
Ví dụ, chữ trời chỉ vẽ một ngôi sao, chữ bò mộng chỉ vẽ cái đầu bò với hai sừng dài. Trên cơ sở
tượng hình, để biểu thị các khái niệm, động tác…người ta phải dùng phương pháp biểu ý. Ví dụ,
muốn viết chữ khóc thì vẽ con mắt và nước, đẻ thì vẽ chim và trứng, bò rừng thì vẽ bò và núi.
Người ta còn dùng hình vẽ để mượn âm thanh. Ví dụ, muốn viết âm xum thì vẽ bó hành, vì bó
hành có âm là xum. Các hình vẽ chỉ âm tiết còn kết hợp với một số hình khác để phân biệt các
khái niệm. Ví dụ, hình bàn chân kết hợp với âm tiết NA là “đi”, hình bàn chân kết hợp với âm
BA là “đứng”, chữ hài thanh còn dùng để biểu đạt nhiều loại từ khác như giới từ, phó 24
từ…Nhờ có chữ hài thanh, số chữ tượng hình càng ngày càng ít đi. Lúc đầu có khoảng 2000 chữ,
những đến thời Lagat chỉ còn lại khoảng 600 chữ. Chất liệu dùng để viết là các tấm đất sét còn
ướt và những cái que vót nhọn. Viết trên đất sét chỉ thích hợp với những nét thẳng và ngắn. Vì
vậy, những nét dài được thay bằng nhiều nét ngắn và nét cong thì thay bằng nét thẳng. Ví như,
cái đầu bò được viết thành một hình tam giác đỉnh chúc xuống dưới, phía trên có hai đoạn thẳng
biểu thị hai cái sừng. Đồng thời, do dùng que viết trên đất sét nên chỗ mới ấn vào thì nét to, chỗ
rút bút ra thì nét nhỏ, do đó các nét đều giống hình cái nêm. Do sự bố trí khác nhau của các nét
ấy mà tạo thành các chữ khác nhau. Loại chữ này được gọi là chữ tiết hình, tức chữ hình nêm.
Tổng số chữ tiết hình không đến 600 chữ, trong đó thường dùng chỉ có 300 chữ, nhưng mỗi chữ
thường có vài nghĩa.
Văn học: gồm hai bộ phận chủ yếu là văn học dân gian và sử thi (cũng gọi là Anh hùng ca).
Văn học dân gian: gồm có cách ngôn, ca dao, truyện ngụ ngôn thường phản ánh cuộc sống
lao động của nhân dân và cách cư sử ở đời. Loại văn học này thường là văn học truyền miệng;
vì vậy ngày nay ta biết được không nhiều.
Sử thi: ra đời từ thời Sumer, đến thời Babylon chiếm một vị trí rất quan trọng. Loại văn học
này chịu ảnh hưởng của tôn giáo rất mạnh. Chủ đề của nó thường là ca ngợi các thần. Thuộc về
các loại này có các truyện như “khai thiên lập địa”, “Nạn hồng thủy”, “Gingamet” là tương đối
tiêu biểu. Tác phẩm tiêu biểu nhất của văn học Lưỡng Hà cổ đại là sử thi Gingamet. Tác phẩm
này vốn là của người Sumer, sau được người Babilon cải biên và phát triển.
Văn học Lưỡng Hà đã có ảnh hưởng lớn đối với 25 khu vực Tây Á. Những truyện khai thiên
lập địa, sáng tạo ra loài người, nạn hồng thủy…trong kinh thánh đều bắt nguồn từ nền văn học
Lưỡng Hà.
3.2. Tôn giáo:
Cư dân Lưỡng Hà cổ đại thờ rất nhiều loại thần như thần tự nhiên, thần động vật, thần thực
vật, linh hồn người chết…Việc thờ người chết cũng rất được coi trọng. Vì vậy, người Lưỡng Hà
rất chú ý đến lễ mai táng. Họ quan niệm rằng con người sau khi chết cũng có cuộc sống giống
như ở trần thế, do đó, những người giàu có khi mai táng thường chôn theo nô lệ và những thứ
quý giá và được xây dựng những lăng mộ lớn. Những người bình thường cũng được liệm trong
những quan tài bằng đất sét.
3.2. Luật pháp:
Là khu vực có những bộ luật sớm nhất. Từ thời vương triều III của thành bang Ua (TK 22-
TK21 TCN), ở Lưỡng Hà đã ban hành bộ luật cổ nhất thế giới nhưng ngày nay chỉ còn lại được
một số đoạn. Những đoạn ấy nói đến các vấn đề thừa kế tài sản, nuôi con nuôi, địa tô, bảo vệ
vườn quả. Trách nhiệm của người chăn nuôi đối với súc vật, sự trừng phạt đối với nô lệ bướng
bỉnh và nô lệ chạy trốn.
Vào khoảng thế kỷ XX TCN, nước Etnuna ở Đông bắc Babylon cũng ban hành một bộ luật.
Bộ luật này viết trên hai tấm đất sét, được phát hiện ở Irac, nay được nguyên bản trưng bày ở
viện bảo tàng Batđa. Nội dung bộ luật đề cập đến các vấn đề như hệ thống đo lường giá cả, quan
hệ nô lệ, việc vay nợ lãi…
Bộ luật quan trọng nhất ở Lưỡng Hà cổ đại là luật Hammurabi. Bộ luật này khắc trên một
bia đá, đội khảo cổ học Pháp phát hiện được ở Xuđa (phía đông Lưỡng Hà), nay trưng bày ở
Viện bảo tàng Luvro (Pháp). Đây là bộ luật cổ sớm nhất hầu như còn nguyên vẹn mà ngày nay
đã phát hiện được.
3.4. Kiến trúc và điêu khắc:
Nghệ thuật tạo hình của Lưỡng Hà cổ đại bao gồm hai mặt chính là kiến trúc và điêu khắc.
Các công trình kiến trúc chủ yếu là tháp, đền miếu, cung điện, thành, vườn hoa. Vì thiếu đá, gỗ,
các công trình kiến trúc của Lưỡng Hà đều xây dựng bằng gạch nhưng cũng rất to lớn hùng vĩ.
Thành tựu kiến trúc nổi bật nhất của Lưỡng Hà là hệ thống các công trình gồm: thành quách,
cung điện, tháp, vườn treo của Babylon. Vườn treo và thành Babylon về sau được người Hi Lạp
coi là một trong bảy kỳ quan của thế giới. Toàn bộ các công trình này đã đổ nát, nay chỉ còn lại
những di tích mà giới khảo cổ học đã khai quật được.
Nghệ thuật điêu khắc: gồm tượng và phù điêu, tác phẩm tiêu biểu có: “bia diều hâu”, “Cột
đá Naramxin”, “Bia luật Hammurabi”, các tượng thần Atxiri…
3.5. Thiên văn học:
Các tăng lữ thường ngồi trên các tháp cao để quan sát thiên văn. Trong một năm, bầu trời
Lưỡng Hà thường trong sáng được 8 tháng đã giúp cho các nhà thiên văn với mắt thường cũng
có thể quan sát được các tinh tú. Qua một thời gian dài tích lũy kinh nghiệm, người Lưỡng Hà
cho rằng trong vũ trụ có 7 hành tinh là mặt trời, mặt trăng và 5 hành tinh khác. Họ cũng đã xác
định được đường hoàng đạo và chia hoàng đạo làm 12 cung, mỗi cung có một chòm sao tương
ứng. Họ còn biết được chu kỳ của một số hành tinh, ví dụ: mặt trăng cứ hơn 18 năm lại quay về
vị trí đối diện với mặt trời; sao Kim cứ 8 năm lại quay về vị trí cũ; sao Thủy: 46 năm, sao Thổ:
59 năm, sao Hỏa: 27 năm; sao Mộc: 83 năm. Do vậy họ đã tính được khoảng cách giữa hai lần
nhật thực và nguyệt thực. Ngoài ra, trong tài liệu để lại còn ghi chép về sao chổi, sao băng, thời
gian và địa điểm của động đất và bão. Dựa vào sự quan sát thiên văn, từ thời Sume, người
Lưỡng Hà đã đặt ra Âm lịch chia một năm làm 12 tháng, trong đó có 6 tháng đủ và 6 tháng thiếu.
Tháng đủ có 30 ngày, tháng thiếu có 29 ngày. Như vậy một năm có 354 ngày, so với năm mặt
trời còn thiếu 11 ngày. Để khắc phục nhược điểm đó, họ đã biết thêm tháng nhuận. Thời
Hammurabi, tháng nhuận do vua quy định, về sau mới có chu kỳ cố định. Đến thời Tân Babylon,
cứ 8 năm thì nhuận 3 lần, sau đổi thành 27 năm nhuận 10 lần. Cũng vào thời Tân Babylon, mỗi
tháng được chia thành 4 tuần, mỗi tuần có 7 ngày, tương ứng 7 hành tinh và mỗi ngày có 1 vị
thần làm chủ: Thần Mặt trời quản ngày chủ nhật, thần Mặt Trăng quản ngày thứ hai, thần Sao
hảo quản ngày thứ ba, thần Sao Thủy quản ngày thứ tư, thần sao Mộc quản ngày thứ năm, thần
sao Kim quản ngày thứ sáu, thần sao Thổ quản ngày thứ bảy. Cách dùng tên mặt trời mặt trăng
và các hành tinh để gọi các ngày trong tuần vẫn được dùng ở phương Tây cho đến ngày nay.
Ngày của người Lưỡng Hà bắt đầu từ lúc mặt trời lặn. Mỗi ngày chia làm 12 giờ, mỗi giờ có 30
phút. Như vậy, mỗi phút của người Lưỡng Hà cổ đại bằng 4 phút ngày nay.
3.6. Toán học:
Thành tựu toán học đầu tiên của cư dân Lưỡng Hà cần nói đến là phép đếm độc đáo của họ.
Từ thời Sumer, cư dân Lưỡng Hà lấy số 5 làm cơ sở của phép đếm. Việc đó bắt nguồn từ cách
đếm số ngón tay của một bàn tay. Muốn đếm số lớn hơn 5 thì gọi 5 + 1, 5 + 2. Về sau người ta
lấy số 60 làm cơ sở. Có lẽ vì 60 = 5 × 12, có thể 5 là 5 ngón tay còn 12 là 12 tháng. Đồng thời
phép đếm thập tiến vị (lấy 10 làm cơ sở) cũng đã được sử dụng. Cách đếm của cư dân Lưỡng
Hà cổ đại còn giữ lại đến ngày nay (trong cách tính độ: một vòng tròn có 360°, 1° có 60 phút, 1
phút có 60 giây và cách tính phút giây thời gian).
Về số học, người Lưỡng Hà cổ đại đã biết cách làm 4 phép tính, họ còn biết lập các bảng
cộng trừ nhân chia để giúp các nhân viên hành chính tính toán được nhanh chóng. Họ còn biết
phân số, lũy thừa, căn số bậc 2 và căn số bậc 3; đồng thời còn biết lập bảng căn số. Họ cũng đã
biết giải phương trình có 3 ẩn số. Về hình học, xuất phát từ yêu cầu đo đạc ruộng đất, người
Lưỡng Hà cổ đại đã biết tính diện tích các hình chữ nhật, hình tam giác, hình thang, hình tròn,
nhưng khi tính diện tích và chu vi hình tròn họ chỉ mới biết số π = 3. Họ cũng đã biết tính thể
tích hình chóp cụt. Ngoài ra, trước Pitago rất lâu, họ đã biết quan hệ giữa 3 cạnh của tam giác
vuông. Ngày nay đã phát hiện được một số tác phẩm toán học chép trên 44 tấm đất sét. Có thể
coi đây là một bảng tổng hợp các kiến thức toán học của cư dân Lưỡng Hà cổ đại.
3.7. Y học:
Người Lưỡng Hà cổ đại đã biết đến các bệnh ở đầu, khí quản hô hấp, mạch máu, tim, thận,
dạ dày, tai, mắt, phong thấp, ngoài da, bệnh phụ nữ… Trong quá trình chữa bệnh, các thầy thuốc
đã được chuyên môn hóa thành nhiều chuyên khoa. Tuy nhiên, nền y học của Lưỡng Hà vẫn
chưa thoát khỏi những quan niệm về mê tín.
III. Văn minh Ả Rập
1. Điều kiện địa lý và cƣ dân
Ả Rập là bán đảo lớn nhất thế giới ở Tây Á, diện tích lớn hơn 1/4 châu Âu. Trên cả bán đảo
chỉ có vùng Yêmen ở phía Tây Nam có nguồn nước phong phú, đất đai có thể trồng trọt được.
Do nằm trên con đường buôn bán giữa Tây Á và Bắc Phi, nên Yêmen có điều kiện phát triển về
thương nghiệp. Vì vậy, từ thế kỷ X đến thế kỷ VI TCN, ở đây đã thành lập nhiều nhà nước cổ
đại. Ngoài Yemen, vùng Hegiadơ (Hejaz) nằm dọc theo bờ biển Đỏ ở phía tây bán đảo cũng
tương đối phát triển. Vùng này từ xưa vốn là cái cầu nối liền việc buôn bán giữa vùng Địa Trung
Hải với phương Đông. Vì vậy, ở đây từ sớm đã xuất hiện một số thành phố, trong đó quan trọng
nhất là Mecca và Yatorip. Ngoài hai vùng nói trên, phần lớn đất đai còn lại là sa mạc và bãi cỏ,
khí hậu khô, nguồn nước hiếm. Vì vậy cư dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề chăn nuôi mà súc
vật được nuôi nhiều nhất là dê và lạc đà. Tuy lạc hậu hơn hai vùng nói trên nhưng đến đầu thế
kỷ VII ở đây cũng đã diễn ra sự phân hóa giàu nghèo.
2. Lịch sử hình thành của nhà nƣớc Arập
Nhà nước Ả Rập mãi đến thế kỷ VII mới thành lập. Quá trình thành lập nhà nước Ả Rập gắn
liền với quá trình thành lập đạo Hồi do Môhamet (còn đọc là Muhamat) truyền bá.
Đến giữa thế kỷ VIII, Ả Rập đã trở thành đế chế hùng mạnh sau khi chinh phục được Xiri
(năm 636), Palextin (năm 636), Ai Cập (năm 642), Ba Tư (năm 651).
Thế kỷ X, đế quốc A Rập không duy trì được sự thống nhất nữa, thế lực ngày càng suy yếu.
Năm 1258, kinh đô Batđa bị quân Mông Cổ chiếm. Đế quốc Ả Rập diệt vong.
3. Những thành tựu tiêu biểu
3.1. Islam giáo:
Islam nghĩa là "phục tùng", về sau dân tộc Hồi ở Trung Quốc theo tôn giáo này nên ta quen
gọi là đạo Hồi. Đạo Hồi là một tôn giáo nhất thần tuyệt đối. Vị thần duy nhất mà đạo Hồi tôn
thờ là thánh Ala. Tín đồ Hồi giáo tin rằng ngoài thánh Ala không có vị thần nào khác. Tất cả
những gì ở trên trời dưới đất đều thuộc về Ala. Ala đã dựng nên vòm trời mà không dùng cột,
chế ngự được mặt trời, mặt trăng, tạo ra mặt đất
Về quan hệ gia đình, đạo Hồi thừa nhận chế độ đa thê nhưng chỉ cho lấy nhiều nhất là bốn
vợ. Nam giới Hồi giáo cũng có thể lấy người theo đạo Do Thái hoặc đạo Kitô làm vợ nhưng
không được cưới người theo đa thần giáo. Tuy cho lấy nhiều vợ nhưng đạo Hồi lại cấm việc lấy
nàng hầu. Riêng Môhamet thì ngoại lệ: Ông có 10 vợ và 2 nàng hầu.
Về nghĩa vụ tín đồ, đạo Hồi qui định:
- Thừa nhận chỉ có thánh Ala là duy nhất, còn Môhamet là sứ giả của Ala và là vị tiên tri
cuối cùng.
- Cầu nguyện 5 lần trong một ngày vào sáng, trưa, chiều, tối, và đêm. Thứ sáu hàng tuần thì
phải đến thánh thất làm lễ một lần.
- Mỗi năm đến tháng Ramađan phải trai giới 1 tháng. Tháng Ramađan là tháng 9 lịch Hồi,
nhưng vì Môhamet thay đổi âm lịch cũ, bỏ tháng nhuận nên tháng Ramađan cứ lùi dần, không
tương ứng với một thời gian cố định nào của dương lịch. Suốt 29 ngày của tháng Ramađan này,
từ khi mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn, tín đồ phải nhịn ăn, uống, hút thuốc và những ham
muốn khác, Nhưng trẻ con, người già người ốm, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, người đi
đường xa thì được miễn.
- Phải nộp thuế cho Đạo. Số thuế ấy dùng để xây cất thánh thất, bù đắp các khoản chi tiêu
của chính quyền và bố thí cho người nghèo.
- Trong suốt đời người nếu có khả năng phải đi hành hương đến Caaba một lần.
Kinh thánh của đạo Hồi là kinh Koran, tiếng Arập viết là "Kuran" nghĩa là "bài đọc", "bài
giảng", trong đó ghi lại những lời nói của Môhamet nhưng theo tín đồ Hồi giáo, đó là những lời
phán bảo của chúa Ala. Kinh Koran được chia thành 114 chương sắp xếp theo nguyên tắc dài để
trên, ngắn để dưới. Như vậy, kinh Koran đã sắp xếp ngược vì những lời nói của Môhamet trong
thời kỳ đầu thường ngắn hơn những lời nói trong thời kỳ sau. Kinh Koran không chỉ là cuốn
kinh tôn giáo mà còn là một bản tổng hợp mọi tri thức khoa học, mọi nguyên tắc pháp luật và
đạo đức.
Ngày nay, đạo Hồi được truyền bá rộng rãi trên thế giới, đã thành quốc giáo của 24 nước
như: Inđônêxia, Malaixia, Apganixtan, Bănglađét, Pakixtan, Iran, Irắc, các nước Arập Thổ Nhĩ
Kỳ, Xiri, Ai Cập, Libi, Angiêri, Marốc...
3.2. Văn học:
Có những thành tựu rất xuất sắc, chủ yếu biểu hiện ở hai mặt thơ và truyện. Lúc đầu là thơ
ca truyền miệng, từ nửa thế kỷ VII về sau, thơ ca chép bằng chữ viết ra đời. Thời kỳ phát triển
rực rỡ nhất của thơ ca Ả Rập là từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 9. Tiêu biểu như tập “Anh dũng ca” trong
đó bao gồm tác phẩm của hơn 500 thi sĩ Arập thời xưa, “thi ca tập” gồm hơn 20 cuốn. Các nhà
thơ nổi tiếng của Ả Rập có Abu Nuvát, Abu lơ Ala Maari.
Về văn xuôi, nổi tiếng nhất là tập “Nghìn lẻ một đêm” hình thành từ thế kỷ X đến thế kỷ XII.
Những truyện trong tác phẩm này bắt nguồn từ tập "Một nghìn câu chuyện" của Ba Tư ra đời từ
thế kỷ VI, dần dần được bổ sung bằng các truyện thần thoại của Ấn Độ, Ai Cập, Hy Lạp... rồi
cải biên và gắn lại với nhau thành một chuyện dài xảy ra trong cung vua Ả Rập. Tập truyện li kỳ
hấp dẫn này phản ánh cuộc sống, phong tục, tập quán và ước nguyện của nhân dân các dân tộc
trong đế quốc Arập, đồng thời thể hiện sức tưởng tượng phong phú của họ.
3.3. Kiến trúc:
Tiếp thu nghệ thuật kiến trúc của Ba Tư, Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ. Thành tích về kiến trúc
chủ yếu biểu hiện ở cung điện và thánh thất Hồi giáo với đặc trưng mái vòm, tháp nhọn chạm
trổ tinh xảo, trang trí hình hoa lá, hình kỉ hà, vòi phu nước…
3.4. Khoa học tự nhiên:
Là một nước thành lập rất muộn, lúc đầu Arập tương đối lạc hậu về các lĩnh vực khoa học tự
nhiên. Nhưng nhờ học tập được các thành tựu của các nền văn minh xung quanh như Ấn Độ,
Trung Quốc, Hy Lạp nên khoa học của Ảrập đã phát triển nhanh chóng. Sau khi thành lập nhà
nước không lâu, Ảrập đã cho dịch nhiều tác phẩm viết bằng tiếng Hy Lạp, Xiri, Phạn... Năm
830, triều Abát xây dựng một trung tâm khoa học bao gồm một viện khoa học, một đài thiên văn
và một thư viện. Cơ quan này đã tuyển dụng một đội ngũ phiên dịch viên đông đảo. Người đứng
đầu đội ngũ phiên dịch này là Hunai Ibơn Isac (Hunai Ibn Ishak). Đến giữa thế kỷ IX, hầu hết
các tác phẩm về toán học, thiên văn, y học của Hy Lạp đã được dịch sang tiếng Ả Rập. Trên cơ
sở tiếp thu các thành tựu văn hóa bên ngoài, các học giả Arập đã tiếp tục nghiên cứu và phát
triển, do đó đã có nhiều cống hiến mới, nhất là về các mặt toán học, thiên văn học, địa lý học, y
học, hóa học…
3.5. Về toán học:
Người Ả Rập đã tiếp tục phát triển các môn đại số học, lượng giác học, hình học và hoàn
thiện hệ thống chữ số. Nhà đại số học Ả Rập nổi tiếng nhất là Mohamet Ibơn Muxa (tức An
Khoaridơmi) (780-855). Tác phẩm Đại số học của ông là quyển sách đầu tiên về môn khoa học
này. Nhà toán học Abu Apđala al-Battani (850 - 929) thì lại có nhiều đóng góp về môn Lượng
giác học. Các khái niệm sin, cosin, tang, cotang mà ngày nay chúng ta sử dụng là do ông đặt ra.
Người Ả Rập còn có công lớn trong việc cải tiến và truyền bá hệ thống chữ số.
3.6. Về thiên văn học:
Người Ả Rập cũng rất chú ý quan sát các tinh tú và nghiên cứu các vết trên mặt trời. Họ
cũng cho rằng trái đất tròn. Hơn nữa, Al-Biruni, học giả tiêu biểu nhất của Ả Rập cuối thế kỷ X
đầu thế kỷ XI còn biết rằng vật gì cũng bị hút về phía trung tâm trái đất. Cuối thế kỷ XI, người
Ả Rập đã làm được một thiên cầu bằng đồng thau đường kính 209mm, trên đó có 47 chòm sao
gồm 1015 ngôi sao.
3.7. Về địa lý học:
Người Ả Rập đã dùng phương pháp cùng một lúc lấy vị trí của mặt trời ở hai điểm trên mặt
đất và tính được chu vi của trái đất là 35000km. Do thương nghiệp phát triển sớm, có điều kiện
đi đây đi đó nên từ thế kỷ IX, Ả Rập đã có một số tác phẩm mô tả về Trung Quốc, Ấn Độ, Xri
Lanca. Đến cuối thế kỷ X, người Ả Rập có một tác phẩm địa lý rất quan trọng, đó là quyển Địa
chí đế quốc Hồi giáo của Môhamet Al-Mucađaxi. Vào thế kỷ XII, có hai nhà địa lý học nổi tiếng
là Al-Iđrixi và Abu-Apđala Yacút.
3.8. Về vật lý học:
Nhà khoa học tiêu biểu nhất là Al Haitơham có nhiều cống hiến là quang học. Tác phẩm
sách quang học của ông được đánh giá là tác phẩm có tính chất khoa học nhất thời trung đại.
Những ý kiến của ông có ảnh hưởng rất lớn đối với các nhà khoa học châu Âu. Chính nhờ sự
gợi ý của ông mà các nhà vật lý học phương Tây đã chế ra được kính hiển vi và kính viễn vọng.
3.9. Về hoá học:
Người Ả Rập đã chế tạo ra nồi cất trước tiên và đặt tên là al-ambik, do đó nay tiếng Pháp
gọi là Alambic. Họ cũng đã phân tích được nhiều chất hóa học, đã phân biệt được bazơ và axit,
lại còn bào chế được nhiều loại thuốc. Người Ả Rập còn quan niệm rằng kim loại nào phân tích
tới cùng đều có những nguyên tố như nhau, do đó có thể làm cho loại này biến thành loại khác.
Vì vậy, họ cho rằng từ sắt, đồng, chì có thể tạo thành vàng bạc nhưng muốn thực hiện được thì
phải có một chất xúc tác mà họ chưa tìm thấy.
3.10. Về y học:
Tuy bị cấm giải phẫu và mổ tử thi nhưng vẫn là nước có nền y học rất phát triển. Các thầy
thuốc Ả Rập đã biết cách chữa trị rất nhiều loại bệnh thuộc nội ngoại khoa, đặc biệt giỏi là khoa
mắt. Có lẽ vì xứ Ả Rập nhiều cát gió, nhiều người bị đau mắt nên các thầy thuốc quan tâm nhiều
đến bệnh này. Thành tựu y học của Ả Rập còn thể hiện ở chỗ nhiều tác phẩm y học đã được biên
soạn như “Mười khái luận về mắt” của Isac, sách chỉ dẫn cho các thầy thuốc khoa mắt của Ixa,
Bệnh đậu mùa và bệnh sởi của Rađi, Tiêu chuẩn y học của Xina... Nhiều tác phẩm trong số này
được dịch ra tiếng Latinh và được dùng trong các trường y khoa ở Tây Âu trong nhiều thế kỷ.
Arập có một đội ngũ thầy thuốc rất đông đảo, trong đó tiêu biểu nhất là Rađi, Xina, Zuhr. Danh
tiếng của những người này vang tận Tây Âu, do vậy ngày nay ở Đại học y khoa Pari vẫn treo
chân dung của Radi và Xina. Để chữa bệnh cho nhân dân, nhà nước Ả Rập đã thành lập trong
toàn đế quốc rất nhiều bệnh viện để chữa bệnh miễn phí cho mọi tầng lớp nhân dân. Ngoài các
bệnh viện, nhà nước còn tổ chức các đoàn thầy thuốc đến các thị trấn để chữa bệnh.

You might also like