Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 22

Kỹ thuật an toàn lao động Chương 2 Nguyên lý kỹ thuật an toàn

Chương 2
NGUYÊN LÝ KỸ THUẬT AN TOÀN

2.1 KHÁI NIỆM CHUNG

2.1.1 Kỹ thuật an toàn


Kỹ thuật an toàn là một hệ thống các phương tiện kỹ thuật và các thao tác làm
việc nhằm đảm bảo cho người lao động tránh khỏi những chấn thương.
− Phương tiện kỹ thuật bao gồm: máy móc, thiết bị, bộ phận, dụng cụ, chi tiết.
− Các thao tác làm việc bao gồm: cách thức, trình tự làm việc, nội quy, quy
trình, quy phạm.
− Chấn thương là sự tác động của yếu tố nguy hiểm gây vết thương, đập thương
hoặc sự hủy hoại cơ thể con người.

2.1.2 Vùng nguy hiểm


Vùng nguy hiểm là khoảng không gian ở đó các nhân tố nguy hiểm đối với sự
sống, sức khỏe của người lao động xuất hiện thường xuyên, chu kỳ hoặc bất ngờ.
Khi thiết kế, lắp đặt, sử dụng máy móc, thiết bị, phương tiện, xây dựng cơ bản,
sử dụng nguồn năng lượng, nhiên liệu… phải xác định được vùng nguy hiểm và đề ra
các biện pháp ngăn ngừa tai nạn lao động.

2.1.3 Điều kiện vi khí hậu


Vi khí hậu là trạng thái lý học của không khí trong khoảng không gian thu hẹp
của nơi làm việc, gồm các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm, bức xạ nhiệt và tốc độ chuyển động
của không khí.
Vi khí hậu ổn định có các thông số nhiệt độ, độ ẩm, bức xạ nhiệt và tốc độ
chuyển động của không khí bảo đảm giữ ở giới hạn cho phép theo quy định về vệ sinh
lao động. Lượng nhiệt nói chung tỏa ra khoảng 20kcal/m3 không khí trong 1 giờ.
Các thông số của vi khí hậu quá thấp hoặc quá cao đều có ảnh hưởng đến sức
khỏe người lao động.

2.2 CÁC YẾU TỐ NGUY HIỂM TRONG SẢN XUẤT

2.2.1. Các bộ phận truyền động và chuyển động


2.2.1.1 Bộ phận truyền động
Trục máy, bánh răng, dây đai truyền… là những bộ phận truyền động (hình 2.1).

29
Kỹ thuật an toàn lao động Chương 2 Nguyên lý kỹ thuật an toàn

Tùy theo tốc độ chuyển động nhanh hay chậm, hình thức chuyển động (quay, cong,
tịnh tiến…), hình dáng của bộ phận chuyển động (sắc cạnh, nhẵn) mà mức độ nguy
hiểm khác nhau. Tốc độ bộ phận chuyển động càng nhanh, hình thức chuyển động
quay, hình dạng bộ phận chuyển động càng sắc cạnh thì mức độ nguy hiểm càng tăng.

a) b) c)
Hình 2.1 Các bộ phận truyền động:
a) Bộ truyền đai; b) Bộ truyền xích; c) Bộ truyền bánh răng côn

2.2.1.2 Máy chuyển động


Bản thân máy chuyển động như là ôtô, máy trục, tàu xe và các loại phương tiện
khác (hình 2.2).
Tai nạn lao động gây ra do bộ phận truyền động, máy chuyển động có thể làm
cho người lao động tử vong, tàn tật hoặc chấn thương nhẹ.

a) b)
Hình 2.2 Ôtô:
a) Ôtô con; b) Ôtô tải

2.2.2 Vật bắn phải


Vật bắn phải có thể là mảnh dụng cụ hoặc vật liệu gia công văng ra như đất, đá,
gỗ, sắt bắn hoặc rơi đè vào người (hình 2.3). Vật bắn phải hoặc rơi, đè thường có động
năng lớn. Nếu văng ra do chuyển động quay, lực ly tâm sẽ được xác định:
mv 2
p= [ N] (2.1)
R
trong đó: m – khối lượng vật văng ra [kg]

30
Kỹ thuật an toàn lao động Chương 2 Nguyên lý kỹ thuật an toàn

v – vận tốc tiếp tuyến của vật [m/s]


R – bán kính vật quay (từ tâm vật quay đến trọng tâm của mảnh vỡ) [m]
Với động năng lớn tác động vào cơ thể người có thể làm tử vong, tàn tật hoặc
chấn thương nhẹ.

Hình 2.3 Nguy cơ vật bắn phải khi cưa đá

2.2.3 Các nguồn nhiệt


Trong sản xuất, các nguồn nhiệt có thể là hơi nước, kim loại nóng chảy, ngọn lửa
có nhiệt độ cao (hình 2.4).

Hình 2.4 Nguy cơ gây bỏng khi tiếp xúc với nguồn nhiệt

31
Kỹ thuật an toàn lao động Chương 2 Nguyên lý kỹ thuật an toàn

Tiếp xúc với nguồn nhiệt người lao động thường bị bỏng, nếu bỏng nặng sẽ dẫn
đến thương vong. Ngoài tác hại trực tiếp gây bỏng, nguồn nhiệt còn gây tác động về
bức xạ và là nguồn gây cháy nổ khi gặp điều kiện thích hợp.

2.2.4. Nguồn điện


Tác động của dòng điện đối với cơ thể chia làm hai loại: tác dụng gây chấn
thương và tác dụng gây kích thích.

2.2.4.1 Tác dụng gây chấn thương


Tác dụng gây chấn thương xảy ra khi tiếp xúc với nguồn điện có điện áp cao. Ở
điện áp từ 6kV trở lên, nguồn điện sinh ra hồ quang điện nếu vi phạm khoảng cách an
toàn hoặc tiếp xúc. Khi bị tác dụng của dòng điện có điện áp cao, hồ quang điện sẽ đốt
cháy da thịt.
Khi có dòng điện đi qua người, sẽ gây kích thích các bộ phận bên trong cơ thể.
Nếu dòng điện vượt qua một giới hạn nào đó thì sự kích thích sẽ đạt đến mức độ gây tê
liệt hệ thống hô hấp, tim mạch và thần kinh trung ương dẫn đến “chết giả”.
Cường dộ dòng điện đi qua người càng lớn thì sự nguy hiểm càng tăng. Cường
độ dòng điện an toàn đối với người là I  10mA. Vì vậy, tùy theo điều kiện tại nơi làm
việc mà điện thế an toàn đối với người được quy định theo ba cấp: 36V, 24V và 12V.
Mức độ nguy hiểm của dòng điện đối với người còn phụ thuộc vào các yếu tố khác
như môi trường làm việc, đường đi của dòng điện qua người, thời gian bị điện giật…
(hình 2.5).

Hình 2.5 Tính chất nguy hiểm của dòng điện trong môi trường làm việc

32
Kỹ thuật an toàn lao động Chương 2 Nguyên lý kỹ thuật an toàn

Khi người bị điện giật do kích thích mạnh có thể gây tê liệt hô hấp, tim mạch,
nhưng không coi là đã chết. Phải hô hấp nhân tạo kịp thời, đúng phương pháp và phải
kiên trì nhẫn nại. Phải làm hô hấp nhân tạo liên tục hàng tiếng đồng hồ, có khi hàng
chục tiếng đồng hồ mới cứu được nạn nhân.

2.2.4.2 Tác dụng gây kích thích


Tác dụng gây kích thích thường là trường hợp tiếp xúc với nguồn điện có điện áp
nhỏ (điện áp dưới 1000V).

2.2.5. Cháy và nổ
2.2.5.1 Sự cháy
Cháy thường xảy ra khi có ba điều kiện: có chất cháy, chất ôxy hóa và mồi bắt
cháy. Cháy thường gây thiệt hại lớn về người và của (hình 2.6).
Trong nhiều trường hợp, chất cháy có thể tự bốc cháy mà không cần có mồi lửa
như trường hợp để lâu dầu có thể tự cháy ngoài không khí.

Hình 2.6 Hỏa hoạn lớn gây ra nhiều thiệt hại về của cải, vật chất

2.2.5.2 Sự nổ
Nổ là sự biến đổi vật chất cực kỳ nhanh chóng, biến năng lượng của nó thành
công cơ học, tác động vào môi trường xung quanh, có thể chia sự nổ ra thành các dạng
nổ vật lý, nổ hóa học, nổ vì nhiệt.
a) Nổ vật lý
Về mặt kỹ thuật an toàn, hiện tượng nổ vật lý cần thiết phải nghiên cứu là nổ

33
Kỹ thuật an toàn lao động Chương 2 Nguyên lý kỹ thuật an toàn

thiết bị chịu áp lực như nồi hơi, bình chứa… Thiết bị chịu áp lực nổ có nghĩa là áp suất
hơi trong thiết bị vuợt quá giới hạn phá hỏng của vật liệu chế tạo. Quá trình nổ vật lý
xảy ra hiện tượng sau: dãn nở đoạn nhiệt (Q = const) của mỗi chất từ áp suất bị nén
trong thiết bị đến áp suất khí quyển. Sự dãn nở thể tích có thể gấp hàng nghìn lần thể
tích ban đầu. Nếu một chất là chất khí áp suất càng cao thì sự dãn nở thể tích càng lớn.
Công sinh ra do nổ thiết bị chịu áp lực sẽ tác động, gây hủy hoại đến môi trường
và các vật ở xung quanh nó (hình 2.7).

Hình 2.7 Hiện trường vụ nổ bình ga làm sập nhà và gây chết người

b) Nổ hóa chất
Nổ hóa chất là một phản ứng hóa học xảy ra với một tốc độ rất lớn, nhiệt lượng
của phản ứng sinh ra rất lớn, do đó công sinh ra cũng sẽ rất lớn và có thể gây ra thiệt
hại nghiêm trọng về người và của (hình 2.8).
Mỗi chất nổ khi hỗn hợp với không khí chỉ nổ được theo một tỷ lệ nhất định.
Nồng độ cao nhất của hơi và khí trong không khí có thể gây ra nổ, gọi là giới hạn
nổ trên; nồng độ thấp nhất của hơi và khí trong không khí có thể gây ra nổ, gọi là giới
hạn nổ dưới. Khoảng xác định từ giới hạn nổ dưới đến giới hạn nổ trên khi có điều
kiện (nhiệt độ, mồi lửa…) sẽ gây nổ, ngoài phạm vi giới hạn đó sẽ không gây nổ.
Như vậy, mỗi chất đều có giới hạn nổ riêng.
Giới hạn nổ thường biểu thị bằng [%] thể tích hoặc nồng độ trọng lượng [mg/m].
c) Sự nổ của chất nổ
Chất nổ là hợp chất hóa học hoặc hỗn hợp hóa học có thể ở trạng thái rắn, lỏng
hoặc khí, khi có tác dụng của xung lực thì gây nổ (hình 2.9).

34
Kỹ thuật an toàn lao động Chương 2 Nguyên lý kỹ thuật an toàn

Hình 2.8 Vụ nổ nghiêm trọng tại nhà máy hóa chất lớn ở bang Texas (Mỹ),
khiến 10000 người phải sơ tán

Hình 2.9 Nổ mìn khi khai thác đá cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn

Xung lực tác dụng vào chất nổ có thể ở nhiều dạng: tia lửa, ma sát, va đập cơ
học, va đập do sóng không khí.
Khi chất nổ nổ gây tác hại đối với xung quanh, mức độ nguy hiểm của nó phụ
thuộc vào khoảng cách, lượng chất nổ, loại chất nổ và hình thức nổ. Chúng gây tác hại

35
Kỹ thuật an toàn lao động Chương 2 Nguyên lý kỹ thuật an toàn

đối với xung quanh theo các yếu tố: áp lực, sóng không khí, chấn động và sự văng của
đất đá. Những yếu tố đó chỉ gây tác hại trong một phạm vi không gian nhất định, quá
phạm vi ấy sẽ không gây nguy hiểm.
d) Sự nổ của kim loại chảy lỏng
Kim loại chảy lỏng nổ được là trong trường hợp khu nền cát, thùng chứa có
nước. Khi đổ kim loại chảy lỏng lên sẽ tạo thành “bão hơi”, do nhiệt độ cao nên áp lực
“bão hơi” sẽ tăng lên cho đến khi vượt quá áp lực tĩnh của lớp kim loại, hiện tượng nổ
sẽ xảy ra, kim loại chảy lỏng bị bắn tóe và gây nguy hiểm cho người đứng xung quanh.

2.2.6 Chất độc công nghiệp


Chất độc công nghiệp có thể ở dạng lỏng, rắn, khí, bụi… tùy thuộc vào điều kiện
nhiệt độ, áp suất.
Chất độc đi vào cơ thể người bằng đường hô hấp, tiêu hóa và qua da. Tùy theo
loại chất độc, cấu trúc phân tử lượng chất độc đi vào cơ thể, mà gây nhiễm độc cấp
tính hoặc mãn tính. Chất độc vào trong người tham gia các quá trình sinh học có thể
biến đổi thành các chất không độc hoặc ít hơn, nhưng cũng có chất độc lại biến thành
chất độc hơn. Một số chất độc xâm nhập vào cơ thể được tích chứa ở một số cơ quan,
tới lúc có điều kiện thuận lợi chúng mới gây độc. Chất độc thải ra ngoài qua da, hơi
thở, nước tiểu, mồ hôi…

2.2.7 Bụi công nghiệp


Căn cứ vào kích thước của bụi có thể chia làm ba loại:
− Bụi có kích thước trên 0,5m.
− Bụi có kích thước từ 0,1  0,5m.
− Bụi có kích thước nhỏ hơn.
Trong đó bụi có kích thước từ 0,1  10m là nguy hiểm nhất. Phân theo nguồn
gốc phát sinh gồm có: bụi hữu cơ (nguồn gốc từ động vật, thực vật), bụi nhân tạo
(nhựa, cao su…) bụi kim loại, bụi vô cơ (bụi silic, amiăng…).
Bụi đi vào cơ thể chủ yếu bằng đường hô hấp và gây tác hại đối với hệ hô hấp,
xây sát, viêm kinh niên, viêm phổi, ung thư phổi, đặc biệt nguy hiểm là các bệnh bụi
phổi (hình 2.10).
Về mặt kỹ thuật an toàn, bụi gây nhiều tác hại như gây cháy và nổ ở điều kiện
thích hợp, làm giảm cách điện, chập mạch, gây mòn thiết bị.

2.2.8 Bức xạ phóng xạ


Bức xạ là hiện tượng truyền năng lượng của một vật thể có nhiệt độ cao trong
không gian xung quanh nó (thu từ các lò nung, lò luyện kim, từ kim loại nóng đỏ hoặc
chảy lỏng…).

36
Kỹ thuật an toàn lao động Chương 2 Nguyên lý kỹ thuật an toàn

Hình 2.10 Nguy cơ tiềm ẩn khi tiếp xúc với bụi trong xây dựng

Phóng xạ là dạng đặc biệt của bức xạ. Tia phóng xạ phát ra do sự biến đổi bên
trong hạt nhân nguyên tử của một số nguyên tố có khả năng ion hóa vật chất. Những
nguyên tố như vậy gọi là nguyên tố phóng xạ. Các tia bức xạ gây tác hại đối với con
người, tùy theo loại tia và cường độ bức xạ mà gây đau đầu, chóng mặt, bỏng… và
cũng dễ dẫn đến tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Tia phóng xạ gây tác hại đối với cơ thể con người như rối loạn chức phận của
thần kinh trung ương, cơ quan tạo máu bị tổn thương gây thiếu máu, vô sinh, ung thư,
tử vong (hình 2.11).

Hình 2.11 Nguy cơ nhiễm phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân là không lường trước được

37
Kỹ thuật an toàn lao động Chương 2 Nguyên lý kỹ thuật an toàn

2.2.9. Tiếng ồn và rung động


2.2.9.1. Tiếng ồn
Tiếng ồn là những dao động sóng của môi trường đàn hồi gây ra bởi sự dao động
của vật thể.
Dao động của tần số âm tai nghe được nằm trong giới hạn 16  20Hz đến
16  20kHz. Những âm thanh vuợt quá ngưỡng đau tai sẽ gây tổn thương cho cơ quan
thính giác (hình 2.12).

Hình 2.12 Ảnh hưởng của tiếng ồn khiến thần kinh con người căng thẳng, kích động

2.2.9.2 Rung động


Rung động là dao động cơ học của vật thể đàn hồi khi trọng tâm hoặc trục đối
xứng của chúng xê dịch trong không gian, thay đổi có tính chu kỳ hình dạng của chúng
ở trạng thái tĩnh (hình 2.13).

Hình 2.13 Tất cả các thiết bị chuyển động đều gây ra rung động

38
Kỹ thuật an toàn lao động Chương 2 Nguyên lý kỹ thuật an toàn

Rung động có tần số 16  22.000Hz có ảnh hưởng đến thính giác, ngoài giới hạn
tần số này không ảnh hưởng đến thính giác mà lại ảnh hưởng đến toàn cơ thể con người.
Làm việc trong điều kiện có tiếng ồn và rung động quá giới hạn cho phép, ngoài
tác hại về mặt vệ sinh lao động, còn làm giảm khả năng tập trung trong lao động, giảm
khả năng nhạy bén, người mệt mỏi, cáu gắt… dễ dẫn đến tai nạn lao động.

2.2.10 Chiếu sáng

Để đánh giá độ sáng của một nơi được chiếu sáng, trong kỹ thuật dùng độ rọi.
Đơn vị của độ rọi thường dùng là Lux. Những nơi làm việc khác nhau, yêu cầu về
chiếu sáng cũng khác nhau.
− Nơi làm việc với sản phẩm có kích thước lớn cần 60Lux.
− Nơi làm việc với sản phẩm có kích thước nhỏ cần 200Lux.
− Nơi làm việc với sản phẩm tinh vi cần 500Lux
− Văn phòng cần 58  100Lux.
Có hai hình thức chiếu sáng là chiếu sáng tự nhiên và chiếu sáng nhân tạo.
Yêu cầu của chiếu sáng là phải đảm bảo độ rọi theo tiêu chuẩn về vệ sinh lao
động. Tối quá hoặc sáng quá ngoài việc có ảnh hưởng đến sản xuất, ảnh hưởng về vệ
sinh lao động còn có thể làm tăng khả năng bị tai nạn lao động do không nhìn rõ,
không đủ thời gian nhận biết sự vật hoặc cũng có thể gây hoa mắt (hình 2.14).

Hình 2.14 Môi trường làm việc dưới hầm mỏ luôn thiếu ánh sáng

2.3 CÁC PHƯƠNG TIỆN VÀ BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM AN TOÀN LAO ĐỘNG
2.3.1. Thiết bị che chắn
Thiết bị che chắn dùng để cách ly vùng nguy hiểm với người lao động, ngăn

39
Kỹ thuật an toàn lao động Chương 2 Nguyên lý kỹ thuật an toàn

ngừa người lao động rơi, tụt, ngã hoặc vật rơi vào người. Thiết bị che chắn thường
gồm loại che chắn di động và loại che chắn cố định. Thiết bị che chắn phải bảo đảm các
yêu cầu:
− Ngăn ngừa được tác động xấu do các bộ phận, thiết bị sản xuất gây ra.
− Không gây trở ngại cho thao tác của người lao động (hình 2.15).
− Dễ tháo lắp, sửa chữa khi cần thiết (hình 2.16).

Hình 2.15 Thiết bị che chắn máy mài tay không gây trở ngại khi làm việc

Hình 2.16 Thiết bị che chắn máy nén khí dễ tháo lắp, sửa chữa

40
Kỹ thuật an toàn lao động Chương 2 Nguyên lý kỹ thuật an toàn

2.3.2 Thiết bị bảo hiểm


Thiết bị bảo hiểm dùng để ngăn ngừa tác động xấu do quá trình sản xuất gây ra,
do tai nạn, do quá tải, bộ phận chuyển động đã di chuyển quá vị trí giới hạn, nhiệt độ
cao hoặc thấp quá, cường độ dòng điện cao quá… Khi đó thiết bị bảo hiểm tự động
ngắt máy, thiết bị, bộ phận máy.
Thiết bị bảo hiểm được phân làm ba loại:
− Hệ thống có thể tự động phục hồi lại khả năng làm việc khi thông số đã giảm
trở lại dưới giới hạn quy định: van an toàn, rơ-le nhiệt.
− Hệ thống phục hồi lại khả năng làm việc bằng tay.
− Hệ thống phục hồi lại khả năng làm việc bằng cách thay thế cái mới.
Thiết bị bảo hiểm có cấu tạo, nhiệm vụ khác nhau, nhưng có yêu cầu chung là
phải tính toán chính xác và khi sử dụng phải thực hiện đúng quy định về kỹ thuật cũng
như kỹ thuật an toàn.

2.3.3 Tín hiệu, báo hiệu


Dùng tín hiệu, báo hiệu để nhắc nhở, hướng dẫn thao tác, để nhận biết yêu cầu về
kỹ thuật và kỹ thuật an toàn, thực hiện đúng quy ước. Thường dùng ánh sáng, âm
thanh, màu sắc để làm tín hiệu báo hiệu (hình 2.17).
Ngoài ra cũng dùng đồng hồ dụng cụ để đo lường, để theo dõi sự thay đổi của
các thông số làm việc.

a) b)
Hình 2.17 Các báo hiệu và tín hiệu:
a) Đèn báo hiệu giao thông; b) Tín hiệu xin rẽ trái

41
Kỹ thuật an toàn lao động Chương 2 Nguyên lý kỹ thuật an toàn

2.3.4 Khoảng cách bảo đảm an toàn


Khoảng cách bảo đảm an toàn là khoảng không gian nhỏ nhất giữa người lao
động và các loại phương tiện thiết bị, các đối tượng nguy hiểm hoặc khoảng cách nhỏ
nhất giữa chúng với nhau để không thể gây tác động xấu.
Tùy thuộc vào quá trình công nghệ, đặc điểm từng loại thiết bị, từng đối tượng
nguy hiểm mà khoảng cách an toàn khác nhau. Các loại khoảng cách an toàn thường
gặp như khoảng cách an toàn về vệ sinh lao động, khoảng cách an toàn giữa các
phương tiện vận chuyển, khoảng cách an toàn về điện, khoảng cách an toàn nổ mìn,
lâm nghiệp, xây dựng, khoảng cách an toàn về phóng xạ… (hình 2.18).

Hình 2.18 Đảm bảo khoảng cách an toàn khi vận chuyển bằng thang máy

2.3.5 Cơ cấu điều khiển, phanh hãm, điều khiển từ xa


2.3.5.1 Cơ cấu điều khiển
Cơ cấu điều khiển có thể là nút mở máy, đóng máy, hệ thống tay gạt, vô-lăng
điều khiển… Cơ cấu điều khiển phải có cấu tạo và bố trí sao cho dễ điều khiển theo ý
muốn con người, không nằm gần vùng nguy hiểm, dễ phân biệt và phù hợp với cơ thể
người lao động.

42
Kỹ thuật an toàn lao động Chương 2 Nguyên lý kỹ thuật an toàn

2.3.5.2 Phanh hãm


Phanh hãm được sử dụng nhằm chủ động điều khiển vận tốc chuyển động của
phương tiện, thiết bị theo ý muốn và có thể dừng lại ngay khi cần thiết.
Hình 2.19 giới thiệu cơ cấu phanh hãm xe ôtô.

Hình 2.19 Cơ cấu phanh hãm xe ôtô:


1. Tay phanh; 2. Thanh dẫn; 3. Con lăn dây cáp; 4. Dây cáp; 5. Trục; 6. Thanh kéo; 7. Thanh
cân bằng; 8, 9. Dây cáp dẫn động phanh; 10. Giá; 11. Mâm phanh; 12. Xi-lanh phanh bánh xe

2.3.5.3 Khóa liên động


Khóa liên động là loại cơ cấu nhằm tự động loại trừ khả năng gây ra tai nạn lao
động một khi người lao động vi phạm trong vận hành thao tác.

Hình 2.20 Máy tiện với khóa liên động tự động cho ăn dao dọc và dao ngang

43
Kỹ thuật an toàn lao động Chương 2 Nguyên lý kỹ thuật an toàn

2.3.5.4 Điều khiển từ xa và tự động hóa


Điều khiển từ xa và tự động hóa là phương pháp làm việc an toàn nhất, tại những
nơi làm việc có các yếu tố nguy hiểm cao (hóa chất, luyện kim…). Khi đã được tự
động hóa, mọi quá trình theo dõi, điều khiển của con người được tiến hành tại trung
tâm điều khiển, xa nơi sản xuất (hình 2.21).

Hình 2.21 Bơm bê-tông được điều khiển từ xa

2.3.6 Biện pháp an toàn riêng biệt cho một số loại thiết bị, công việc
Các biện pháp đó là nối đất an toàn, chống sét, dụng cụ cầm tay trong công
nghiệp sử dụng chất phóng xạ, công nghiệp hóa chất, biện pháp an toàn, chống tĩnh
điện, các phương tiện và trang bị trong ngành điện.

2.3.7 Trang bị và thiết bị bảo vệ cơ thể người lao động


Ở trên đã giới thiệu những biện pháp chủ yếu nhằm ngăn ngừa các yếu tố nguy
hiểm gây tác hại đối với con người. Ngoài ra, trong những điều kiện sản xuất nhất định
cần phải sử dụng thêm các trang bị cá nhân thường gọi là trang bị bảo hộ lao động.

44
Kỹ thuật an toàn lao động Chương 2 Nguyên lý kỹ thuật an toàn

2.3.8 Những biện pháp tổ chức kỹ thuật có liên quan tới việc bảo đảm an toàn
cho người lao động
Những biện pháp tổ chức kỹ thuật có liên quan tới việc bảo đảm an toàn cho
người lao động bao gồm:
− Lập và thực hiện đầy đủ các quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn an toàn cho các
ngành nghề và bộ phận sản xuất.
− Tổ chức huấn luyện cho cán bộ và công nhân.
− Thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc khỏi nặng nhọc, độc hại,
thông gió, chống bụi, chống tiếng ồn, chiếu sáng…, tâm sinh lý lao động, tổ chức sản
xuất và tổ chức lao động khoa học.

2.4 TRANG BỊ BẢO HỘ LAO ĐỘNG


2.4.1 Khái niệm chung
Trang bị bảo hộ lao động (hay còn gọi là phương tiện bảo vệ cá nhân) là những
dụng cụ, phương tiện cần thiết trang bị cho người lao động trong khi làm việc, để ngăn
ngừa tai nạn lao động và bảo vệ các cơ quan hoặc các bộ phận nhất định của cơ thể
người lao động khi làm việc hay thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện có các yếu tố
nguy hiểm, độc hại.
Trang bị bảo hộ lao động gồm nhiều loại như kính phòng hộ, khẩu trang, găng
tay, nón để bảo vệ đầu, giầy, quần áo… (hình 2.22). Tùy theo tính chất nguy hiểm, độc
hại trong sản xuất của từng loại ngành nghề mà công nhân được cấp các loại trang bị
phòng hộ lao động thích hợp.

Hình 2.22 Các loại trang bị bảo hộ lao động

45
Kỹ thuật an toàn lao động Chương 2 Nguyên lý kỹ thuật an toàn

Trong số các giải pháp được thực hiện để đảm bảo an toàn và vệ sinh lao động
trong sản xuất như xử lý điều kiện vi khí hậu, chống bụi, chống hơi khí độc, chống ồn,
chống rung động, ngăn ngừa các bức xạ có hại, che chắn, ngặn chặn, cách ly... thì
trang bị bảo hộ lao động là giải pháp được thực hiện sau cùng.
Trang bị bảo hộ lao động phải đảm bảo các yêu cầu chất lượng như sau:
− Phải phù hợp với việc ngăn ngừa có hiệu quả tác hại của các yếu tố nguy
hiểm, độc hại trong môi trường lao động nhưng dễ dàng trong sử dụng, bảo quản và
không gây tác hại khác.
− Phải vừa có khả năng bảo vệ, vừa phải đảm bảo yếu tố vệ sinh và tiện dụng.
Các yêu cầu này được quy định trong tiêu chuẩn chất lượng của mỗi loại trang bị
bảo hộ lao động trên cơ sở pháp lý thống nhất do cấp ngành hoặc cấp Quốc gia ban hành.
Trang bị bảo vệ cá nhân được chia làm sáu nhóm: bảo vệ mắt, bảo vệ cơ quan hô
hấp, bảo vệ thính giác, bảo vệ đầu, bảo vệ chân tay, bảo vệ thân thể.

2.4.2 Trang bị bảo vệ mắt


Sự chấn thương trong quá trình sản xuất là do các mảnh kim loại, chất lỏng, kim
kim loại nóng chảy… bắn vào mắt. Các tia hồng ngoại, tia tử ngoại cũng có thể làm
tổn thương mắt. Để bảo vệ mắt, thường sử dụng kính phòng hộ và được chia làm hai
loại chủ yếu:
− Loại thứ nhất làm bằng kính không màu, bằng vật liệu trong suốt để bảo vệ
mắt không bị chấn thương bởi các hạt kim kim loại cứng, chất lỏng ăn mòn v.v… bắn
vào (hình 2.23a).
− Loại thứ hai bảo vệ mắt không bị tác động do các tia năng lượng. Loại này có
tác dụng lọc ánh sáng, làm giảm độ sáng chói, bảo vệ mắt không bị bức xạ của tia tử
ngoại hoặc bảo vệ mắt không bị nung nóng của tia hồng ngoại, chúng thường là kính
màu (kính của thợ hàn) (hình 2.23b). Kính của thợ hàn chia làm năm loại:

a) b)
Hình 2.23 Trang bị bảo vệ mắt:
a) Kính trong suốt; b) Kính hàn

46
Kỹ thuật an toàn lao động Chương 2 Nguyên lý kỹ thuật an toàn

+ Kính số 1 dùng cho cường độ dòng điện khoảng 300A.


+ Kính số 2 dùng cho cường độ dòng điện từ 100A  300A.
+ Kính số 3 dùng cho dòng điện dưới 100A.
+ Kính số 4 và số 5 dùng cho công nhân hàn hơi.

2.4.3 Trang bị bảo vệ cơ quan hô hấp


Để bảo vệ cơ quan hô hấp không bị tác động bởi bụi nhỏ lơ lửng trong không khí,
hơi và khí độc thường sử dụng khẩu trang, mặt nạ có phin lọc, mặt nạ phòng độc v.v…
(hình 2.24). Tùy theo tính chất của chất độc hoặc bụi có trong không khí của môi
trường làm việc mà phải sử dụng các trang bị cho thích hợp.

Hình 2.24 Mặt nạ có phin lọc bụi và khí độc

2.4.4 Trang bị bảo vệ thính giác


Để giảm tiếng ồn trong sản xuất và làm giảm sự truyền lan của sóng âm thanh từ
nguồn phát ra làm ảnh hưởng đến thính giác của công nhân, thường sử dụng chụp tai
chống ồn hoặc nút tai chống ồn (hình 2.25). Dụng cụ chống ồn, cách âm có tác dụng
làm giảm tiếng ồn lọt vào tai người công nhân và không để cơ quan thính giác tiếp xúc
với âm thanh quá lớn.

2.4.5 Trang bị bảo vệ đầu


Khi tiến hành một số công việc, công nhân phải được bảo vệ đầu để không bị

47
Kỹ thuật an toàn lao động Chương 2 Nguyên lý kỹ thuật an toàn

Hình 2.25 Một số loại chụp tai chống ồn

chấn thương, bị bỏng, bị tác động của các tia năng lượng, không bị cuốn tóc và không
bị ướt. Để bảo vệ đầu, thường dùng các loại mũ khác nhau tùy theo điều kiện làm việc
cụ thể (hình 2.26). Mũ được làm bằng các chất liệu khác nhau như vải sợi, chất dẻo,
kim loại v.v…

Hình 2.26 Một số loại mũ bảo hộ

2.4.6 Trang bị bảo vệ chân, tay


Để bảo vệ chân, tay không bị chấn thương, bỏng và tác động của các hóa chất ăn
mòn, tránh bị ẩm, lạnh… công nhân được trang bị giầy (hình 2.27) và găng tay (hình
2.28).

Hình 2.27 Một số loại giầy và ủng bảo hộ

48
Kỹ thuật an toàn lao động Chương 2 Nguyên lý kỹ thuật an toàn

Hình 2.28 Một số loại găng tay bảo hộ

Các loại trang bị bảo vệ chân, tay thường được chế tạo theo những yêu cầu kỹ
thuật đặc biệt, tùy theo điều kiện làm việc mà phải sử dụng từng loại cho thích hợp.

2.4.7 Quần áo bảo hộ lao động


Quần áo bảo hộ lao động là phương tiện bảo vệ thân thể công nhân không bị tác
động của các yếu tố khác nhau như axit, khói, bụi… Quần áo bảo hộ lao động có nhiều
loại như quần áo may liền, rời, áo khoác v.v… (hình 2.29).
Quần áo bảo hộ lao động còn có tác dụng giữ nhiệt cho cơ thể hoặc cản nhiệt
không cho xâm nhập vào cơ thể. Quần áo làm việc phải nhẹ, gọn gàng, không làm trở
ngại thao tác, khi sử dụng phải cài đủ các nút quần áo theo quy định.

Hình 2.29 Quần áo bảo hộ lao động

2.5 BIỆN PHÁP THỰC HIỆN CÔNG TÁC BẢO HỘ LAO ĐỘNG

− Nghiên cứu xây dựng, ban hành các quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn an toàn

49
Kỹ thuật an toàn lao động Chương 2 Nguyên lý kỹ thuật an toàn

và vệ sinh công nghiệp (còn gọi là công tác tiêu chuẩn hóa). Quy trình, quy phạm, tiêu
chuẩn, nội quy là cơ sở để đảm bảo sản xuất và đảm bảo chất lượng sản phẩm, đối với
người lao động là cơ sở để ngăn ngừa tai nạn và bệnh nghề nghiệp.
− Tổ chức thi hành quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn trong sản xuất và coi việc
thực hiện quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn là một công việc của sản xuất.
− Thường xuyên cải thiện điều kiện làm việc, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ
thuật mới, sử dụng các thiết bị an toàn, phương tiện an toàn và vệ sinh cho người lao
động. Cải thiện điều kiện làm việc bao gồm các thiết bị thông thoáng gió, hút bụi, khử
khí độc, chiếu sáng, cách điện, cách âm, chống nổ… đến các trang thiết bị bảo vệ toàn
thân của người lao động.
− Thực hiện đúng các chế độ nghỉ ngơi và bồi dưỡng sức khỏe, chế độ làm việc
và chăm lo sức khỏe cho người lao động. Nghiên cứu thực hiện các chế độ về giờ giấc
lao động hợp lý, ngăn cấm việc làm tăng ca, thêm giờ quá mức… làm cho người lao
động mệt mỏi, cơ thể thiếu tỉnh táo có thể gây ra tai nạn lao động.
− Huấn luyện và nâng cao kiến thức về bảo hộ lao động. Thường xuyên giáo dục
an toàn lao động, phòng cháy nổ, vệ sinh công nghiệp cho người lao động để có ý thức
tự giác. Đây là biện pháp hữu hiệu nhất để tránh tai nạn lao động gây thiệt hại cho sản
xuất.

CÂU HỎI ÔN TẬP CHƯƠNG 2

1. Hãy trình bày các khái niệm kỹ thuật an toàn, vùng nguy hiểm và điều kiện vi khí hậu.
2. Hãy cho biết các yếu tố nguy hiểm trong sản xuất.
3. Để bảo đảm an toàn cho người lao động cần có những phương tiện và biện pháp gì?
4. Cho biết ý nghĩa, mục đích và tính chất của công tác bảo hộ lao động.
5. Trang bị bảo hộ lao động gồm những gì? Cho biết các loại trang bị bảo hộ lao động đó.
6. Trình bày các biện pháp thực hiện công tác phòng hộ lao động.

50

You might also like