Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 2

Từ xưa đến nay, đạo lý ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão luôn là một quan niệm

triết lý sâu sắc của ông


cha ta về luật nhân quả, là một bài học quý báu vẫn còn vẹn nguyên giá trị xuyên suốt bề dày lịch sử của
dân tộc ta. Chính vì thế, có ý kiến cho rằng: “Quan niệm của người xưa về cách sống ở đời là ở hiền gặp
lành”. Và tác phẩm Tấm Cám, một truyện cổ tích bình dị đã gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ người
Việt Nam, chính là một minh chứng tiêu biểu cho nhận định trên.

Có thể hiểu, “ở hiền” là cách cư xử đẹp, phù hợp với quy luật đạo lý ở đời và những chuẩn mực đạo đức
của xã hội, là những việc làm hướng đến cái thiện, cái tốt, không gây hại cho bất kì ai. Còn “gặp lành” là
gặp được, nhận được những điều may mắn tốt đẹp. Câu tục ngữ đã nêu lên kết quả của cách cư xử ở đời,
nhằm khuyên mọi người nên sống hiền lành, tốt đẹp với nhau.

Quan niệm đúng đắn từ xưa của ông cha ta đã được thể hiện rõ nét qua các tác phẩm văn học dân gian
được lưu truyền qua nhiều thế hệ, trong đó tiêu biểu nhất có thể kể đến truyện Tấm Cám – một tác phẩm
tuy bình dị nhưng lại chứa đựng giá trị triết lý vô cùng sâu sắc được thể hiện thông qua sự đấu tranh của
Tấm và mẹ con Cám – hiện thân của cái Thiện và cái Ác. Bản chất của Tấm từ nhỏ là hiền lành, thật thà,
chăm chỉ, chịu thương chịu khó và hiếu thảo nên luôn nhận được sự giúp đỡ của Bụt trong những hoàn
cảnh khó khăn, bế tắc. Tấm bị Cám lừa trút mất giỏ tép, Bụt liền cho Tấm cá bống để tấm có người bạn
an ủi. Bống bị mẹ con Cám ăn thịt, Bụt lại bày cho cách chôn xương bống, chứa đựng cả một cơ hội đổi
đời. Mụ dì ghẻ bày việc trộn gạo và thóc để Tấm nhặt, ngăn cản cô đi xem hội, thì bụt lại cho chim sẻ
giúp Tấm hoàn thành công việc được giao. Chẳng những thế, Bụt còn giúp Tấm lọt vào mắt xanh của Vua
bằng cách để cô đánh rơi chiếc giày rồi làm cho quân lính của Vua nhặt được. Cũng nhờ thế mà Tấm đã
có cơ hội được trở thành Hoàng hậu, sở hữu hạnh phúc mà một người lương thiện vốn được có từ lúc đầu.

Tuy nhiên, tác phẩm Tấm Cám lại có phần đặc sắc hơn khi nhân vật thần kỳ là Bụt không quyết định
hoàn toàn số phận của nhân vật chính, mà chính Tấm đã phải vùng dậy đấu tranh, quyết chiến ác liệt với
cái ác để có thể giành lấy hạnh phúc đích thực, bền vững cho riêng mình. Hồi còn sống chung với mẹ con
Cám, Tấm hiền lành tới mức chỉ biết cam chịu, yếu đuối khi bị người khác bắt nạt – Tấm chỉ biết khóc,
khóc khi bị lừa trút hết giỏ tép, khi bống bị giết ăn thịt, hay khi bị ngăn cản đi xem hội. Sau khi trở thành
Hoàng hậu, nàng vẫn là một người con gái hiền lành, hiếu thảo, nàng quyết định xin phép Vua về giỗ cha.
Khi mụ dì ghẻ bảo Tấm trèo hái cau để cúng cha, nàng vẫn ngây thơ vâng lời ngay, để rồi sau đó bị giết
hại khi người dì độc ác đã chặt cây cau xuống. Nhưng cũng kể từ lúc ấy, Tấm yếu đuối, nhút nhát của
ngày nào đã biết tự vương lên để đấu tranh cho sự hạnh phúc của chính mình. Cô hóa thân thành chim
vàng anh và cảnh báo Cám với lời lẽ đanh thép: “Phơi áo chồng tao, phơi lao phơi sào, chớ phơi bờ rào,
rách áo chồng tao.” Khi biến thành khung cửi, Tấm đe dọa Cám: “Cót ca cót két, lấy tranh chồng chị, chị
khoét mắt ra.” Cuối cùng, khi Tấm hóa thân thành quả thị, nàng đã được trở lại kiếp người và trở về trẻ
đẹp hơn xưa. Tấm đã trả thù Cám bằng cách dụ Cám nhảy vào nồi nước sôi, kéo theo cái chết của mụ dì
ghẻ độc ác của mình. Qua những lần hồi sinh của Tấm, tác giả dân gian như muốn khẳng định rằng: cái
thiện không bao giờ chịu khuất phục hay đầu hàng trước cái ác mà chính nghĩa sẽ luôn chiến đấu đến
cùng để bảo vệ công lý, như Tấm đã kiên cường đấu tranh với hai mẹ con Cám để giành lại công bằng
cho chính mình. Ở giai đoạn này, Bụt đã không còn xuất hiện nữa, mà việc hóa thân của Tấm đã thể hiện
được sự mạnh mẽ, ý chí sắt đá của cô trên con đường tiêu diệt cái ác, cái xấu. Tấm là hiện thân của cái
tốt, cái Thiện nên cuối cùng đã gặp được những điều tốt lành.

Trái lại, mẹ con Cám độc ác, tàn nhẫn nên cuối cùng đã chịu kết cục vô cùng thê thảm. Từ chỗ lười biếng,
được nuông chiều, Cám đã lừa trút hết giỏ tôm tép của chị, cướp đi sức lao động của người khác. Mụ dì
ghẻ không can ngăn mà còn tiếp tay cho Cám, thể hiện rõ sự bất công trong đối xử với con chồng. Không
những thế, họ còn lừa Tấm đi chăn trâu đồng xa để ở nhà giết bống ăn thịt, cướp đi người bạn của Tấm,
lấy đi niềm vui nhỏ bé duy nhất của cô. Sự gian xảo, ganh ghét của hai mẹ con Cám càng thể hiện rõ nét
hơn khi mụ dì ghẻ trộn chung đấy gạo và đấu thóc rồi bắt Tấm nhặt, và cuối cùng là giết hại cả Tấm vì
lòng đố kỵ, muốn con gái riêng của mình được bước lên đến địa vị tối cao. Chính vì tế, hai mẹ con Cám
cuối cùng đã bị Tấm tiêu diệt hoàn toàn, đó là một quả báo thích đáng cho những tội lỗi to lớn mà họ đã
gây ra.

Sự chiến thắng của Tấm đã thể hiện niềm tin vào công lý, vào chính nghĩa của nhân dân ta. Cô Tấm hiền
lành, chịu thương chịu khó hoàn toàn xứng đáng trở thành Hoàng hậu và sống hạnh phúc với Vua. Hai mẹ
con Cám tàn độc, ích kỷ giờ đây đã phải chịu kết cục bi thảm. Do đó, có thể nói “Ở hiền gặp lành” và
“Gieo gió gặt bão” là triết lý về nhân quả vô cùng đúng đắn của nhân dân ta.

Quay trở lại với xã hội ngày nay, ắt hẳn chúng ta cũng phải có lối sống sao cho đẹp, cho phù hợp với quy
luật ở đời. Tuy rằng những thế lực thần kì như Bụt sẽ không còn hiện ra, nhưng chắc chắn rằng, những
hành động tốt đẹp rồi sẽ dẫn đến những kết quả tốt đẹp, dù là sớm hay muộn. Ta cũng không nên làm
những điều xấu hay làm hại đến bất kì ai, vì ắt hẳn chúng ta sẽ phải trả giá cho những việc làm ấy.

Truyện cổ tích Tấm Cám đầy ý nghĩa đã thay cho ông cha ta gửi gắm một bài học vô cùng quý báu về đạo
lý nhân quả ở đời: “Ở hiền gặp lành”, cũng chính là quan niệm đúng đắn của nhân dân ta từ thuở xưa.
Chúng ta phải sống hiền lành, lương thiện như cô Tấm để không gặt lấy những “quả” xấu, vì: “Đời người
chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí.”

You might also like