Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 197

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP.HỒ CHÍ MINH

VÕ SỸ MẠNH
VI PHẠM CƠ BẢN HỢP ĐỒNG THEO CÔNG ƯỚC VIÊN NĂM 1980
VỀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA QUỐC TẾ VÀ ĐỊNH HƯỚNG
HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH CÓ LIÊN QUAN CỦA PHÁP LUẬT
VIỆT NAM

CHUYÊN NGÀNH: LUẬT KINH TẾ


MÃ SỐ: 62.38.50.01

LUẬN ÁN TIẾN SĨ LUẬT HỌC

Người hướng dẫn khoa học: GS. TS. NGƯT MAI HỒNG QUỲ

TP.HỒ CHÍ MINH - 2015


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu
của riêng tôi. Các số liệu nêu trong luận án là
trung thực. Kết quả nghiên cứu nêu trong luận án
chưa từng được ai công bố trong bất kỳ công
trình nào khác.
Tác giả luận án

Võ Sỹ Mạnh
DANH MỤC NHỮNG TỪ VIẾT TẮT
Từ viết tắt Tiếng Anh Tiếng Việt
Công ước Viên Công ước Viên năm 1980 của Liên
Hợp quốc về hợp đồng mua bán
hàng hóa quốc tế
CIETAC China International Ủy ban trọng tài thương mại và
Economic and Trade kinh tế quốc tế Trung Quốc
Arbitration Commission
Hợp đồng Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc
MBHHQT tế
PICC Principles of International Những nguyên tắc hợp đồng
Commercial Contract thương mại quốc tế của
UNIDROIT
PECL Principles of European Những nguyên tắc Luật hợp đồng
Contract Law châu Âu
TNHH Trách nhiệm hữu hạn
ULIS Uniform Law on the Luật thống nhất về mua bán hàng
International Sale of hóa quốc tế năm 1964
Goods 1964
ULF Uniform Law on the Luật thống nhất về giao kết hợp
Formation of Contracts for đồng mua bán hàng hóa quốc tế
the International Sale of năm 1964
Goods 1964
UNCITRAL United Nations Ủy ban về luật thương mại quốc tế
Commission on của Liên hợp quốc
International Trade Law
UNIDROIT Insitut International pour Viện Thống nhất Tư pháp Quốc tế
l`Unification des Droits
Privé
i

MỤC LỤC
LỜI MỞ ĐẦU 1
Chương 1. Tổng quan về tình hình nghiên cứu, cơ sở lý thuyết và phương 7
pháp nghiên cứu
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu 7
1.2. Cơ sở lý thuyết của đề tài 15
1.3. Phương pháp nghiên cứu 18
Chương 2. Những vấn đề lý luận về vi phạm cơ bản hợp đồng mua bán 20
hàng hóa quốc tế
2.1. Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế: khái niệm và đặc điểm 20
2.2. Vi phạm cơ bản hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế: khái niệm và đặc 28
điểm
2.3. Cơ chế pháp luật điều chỉnh về vi phạm cơ bản hợp đồng mua bán hàng 46
hóa quốc tế
Kết luận Chương 2 52
Chương 3. Các yếu tố cấu thành tính cơ bản của vi phạm hợp đồng theo 53
Công ước Viên
3.1. Vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên (có so sánh với pháp luật 53
Việt Nam)
3.2. Quy định và thực tiễn xác định yếu tố cấu thành tính cơ bản của vi phạm 60
hợp đồng theo Công ước Viên
Kết luận Chương 3 86
Chương 4. Chế tài do vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên 95
4.1. Khái quát về chế tài do vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên (có 95
so sánh với pháp luật Việt Nam)
4.2. Quy định và thực tiễn áp dụng chế tài do vi phạm cơ bản hợp đồng theo 100
Công ước Viên
Kết luận chương 4 126
Chương 5. Định hướng hoàn thiện quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng 127
trong pháp luật Việt Nam
5.1. Một số bất cập của quy định và thực tiễn áp dụng quy định về vi phạm cơ 127
ii

bản trong pháp luật Việt Nam


5.2. Định hướng hoàn thiện quy định của pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ 153
bản hợp đồng
5.3. Một số giải pháp cụ thể sửa đổi, bổ sung quy định về vi phạm cơ bản hợp 161
đồng trong pháp luật Việt Nam
Kết luận Chương 5 173
KẾT LUẬN 175
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 177
NHỮNG CÔNG TRÌNH LIÊN QUAN TỚI LUẬN ÁN ĐÃ CÔNG BỐ
1

LỜI MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Luật Thương mại được Quốc hội Khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày
14/6/2005 (sau đây gọi tắt là Luật Thương mại) và chính thức có hiệu lực từ ngày
1/1/2006, thay thế Luật Thương mại năm 1997. Phải thừa nhận một điều rằng, những
người soạn thảo Luật Thương mại đã rất cố gắng trong việc khắc phục những điểm
chưa phù hợp của Luật Thương mại năm 1997 và đặc biệt là đưa vào Luật Thương mại
nhiều khái niệm, quy định mới nhằm điều chỉnh một số loại hình hoạt động thương
mại mà trước đây Luật Thương mại năm 1997 chưa đề cập tới, ví dụ: mua bán hàng
hóa qua sở giao dịch hàng hóa, nhượng quyền thương mại, logistic, tạm ngừng thực
hiện, đình chỉ thực hiện hợp đồng…
Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, Luật Thương mại có nhiều quy định tốt hơn,
có nhiều điểm mới hơn Luật Thương mại năm 1997. Tuy nhiên, khi xem xét, nghiên
cứu kỹ Luật Thương mại, có thể thấy bên cạnh những điểm mới còn có một số khái
niệm, quy định cần phải được lý giải và làm sáng rõ hơn và một trong số đó là khái
niệm “vi phạm cơ bản” nghĩa vụ hợp đồng với ý nghĩa là căn cứ để áp dụng một số
chế tài do vi phạm hợp đồng thương mại.
Theo quy định tại khoản 13 Điều 3 Luật Thương mại thì vi phạm cơ bản là “sự
vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia
không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng”. Vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp
đồng là cơ sở pháp lý quan trọng để áp dụng các chế tài trong thương mại, như chế tài
tạm ngừng thực hiện hợp đồng, chế tài đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc chế tài hủy
bỏ hợp đồng khi các bên trong hợp đồng không có thỏa thuận về điều kiện áp dụng ba
chế tài này [40, Điều 308, 310, 312]. Tuy nhiên, Luật Thương mại còn thiếu nhiều quy
định có tính hướng dẫn để làm rõ hơn về khái niệm này. Bên cạnh đó, theo Điều 4
Luật Thương mại, trong trường hợp Luật Thương mại hoặc luật chuyên ngành không
quy định thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự [40, Điều 4]. Song, Bộ luật dân sự
năm 1995 cũng như năm 2005 cũng không quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng và
các văn bản dưới luật của Việt Nam hiện hành cũng không có quy định hướng dẫn về
vấn đề này. Đây thực sự là những bất cập của pháp luật Việt Nam. Những bất cập này
nếu không được loại bỏ hay sửa đổi thì việc áp dụng ba chế tài nói trên khó có tính khả
thi. Và như vậy thì sẽ dẫn đến một thực tế là quy định “vi phạm cơ bản hợp đồng” sẽ
2

khó được áp dụng trong thực tiễn, thậm chí trao cho tòa án, trọng tài thẩm quyền lớn
trong việc xác định có hay không có vi phạm cơ bản hợp đồng.
Trong khi đó, “vi phạm cơ bản hợp đồng” là một chế định pháp luật được sử
dụng trong Công ước Viên. Được ký kết vào năm 1980, có hiệu lực từ năm 1988, đến
nay đã có 83 quốc gia tham gia [170], Công ước Viên được xem là nguồn luật thống
nhất về hợp đồng MBHHQT, đã dung hòa được quan điểm của các quốc gia theo hệ
thống luật Civil Law và Common Law về vấn đề này. Công ước Viên cũng được các
nhà soạn thảo Luật Thương mại “tham khảo” và “căn cứ các nguyên tắc của Công
ước” [62, tr.11; 5] nhằm khắc phục sự “chưa tương thích của Luật Thương mại với
điều ước đã được thừa nhận rộng rãi trên thế giới như Công ước Viên”[62, tr.2; 5].
Điều 25 Công ước Viên quy định “Vi phạm hợp đồng do một bên gây ra là cơ
bản nếu vi phạm đó gây tổn hại cho bên kia đến mức tước đi đáng kể những gì bên kia
có quyền kỳ vọng từ hợp đồng, trừ khi bên vi phạm không tiên liệu được và một người
có lý trí cũng không tiên liệu được hậu quả đó nếu họ ở vào địa vị và hoàn cảnh tương
tự”. Tương tự Luật Thương mại, Công ước Viên cũng không đưa ra sự giải thích cụ
thể để xác định hành vi vi phạm như thế nào bị coi là vi phạm cơ bản. Tuy nhiên, trải
qua hơn 30 năm tồn tại, thực tiễn giải quyết tranh chấp về hợp đồng MBHHQT có liên
quan đến vi phạm cơ bản hợp đồng, các tòa án và trọng tài tại các quốc gia thành viên
Công ước Viên đã, căn cứ vào từng tình huống cụ thể, xác định có hay không có một
sự vi phạm cơ bản hợp đồng để làm cơ sở áp dụng chế tài hủy hợp đồng, yêu cầu thay
thế hàng hóa…theo Công ước Viên. Vấn đề đặt ra là chế định vi phạm cơ bản hợp
đồng trong Công ước Viên đặt ra những vấn đề gì trong thực tiễn áp dụng?. Việt Nam
học được gì từ những quy định và vận dụng của tòa án, trọng tài một số quốc gia thành
viên của Công ước Viên về vi phạm cơ bản hợp đồng và Việt Nam phải đối mặt với
vấn đề gì khi không sửa đổi để hoàn thiện quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng?
Để trả lời được những câu hỏi này, cần phải có sự nghiên cứu kỹ những quy
định về vi phạm cơ bản trong Công ước Viên. Đó là lý do để Nghiên cứu sinh chọn
vấn đề “Vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của Công ước Viên năm 1980 về
hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên
quan của pháp luật Việt Nam” làm đề tài Luận án Tiến sĩ Luật học của mình.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu của đề tài là trên cơ sở phân tích những vấn đề lý luận và
thực tiễn liên quan đến các quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng trong Công ước Viên
3

(có so sánh với pháp luật Việt Nam), đề tài đề xuất định hướng và giải pháp hoàn thiện
các quy định của pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản hợp đồng nhằm, một mặt, tạo
sự phù hợp giữa pháp luật Việt Nam và Công ước Viên, mặt khác tạo cơ sở pháp lý
thuận lợi và dễ áp dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam trong giao kết và thực hiện
hợp đồng, cho các cơ quan giải quyết tranh chấp của Việt Nam trong việc giải quyết
tranh chấp về hợp đồng MBHHQT khi phải áp dụng quy định về vi phạm cơ bản.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để thực hiện mục tiêu nói trên, luận án có các nhiệm vụ cụ thể sau đây:
- Làm rõ những vấn đề lý luận về hợp đồng MBHHQT, vi phạm cơ bản hợp
đồng MBHHQT;
- Phân tích, làm rõ quy định về vi phạm cơ bản theo Công ước Viên (có so sánh
với pháp luật Việt Nam) và thực tiễn xác định các yếu tố cấu thành tính cơ bản của vi
phạm hợp đồng theo Công ước Viên của tòa án, trọng tài một số quốc gia thành viên
Công ước;
- Phân tích, làm rõ quy định của Công ước Viên về chế tài do vi phạm cơ bản
(có so sánh với Việt Nam) và thực trạng vận dụng các chế tài này của tòa án, trọng tài
một số quốc gia thành viên Công ước;
- Phân tích những bất cập trong quy định và thực tiễn áp dụng quy định về vi
phạm cơ bản hợp đồng trong pháp luật Việt Nam;
- Đề xuất định hướng và giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật có liên quan
của Việt Nam về vi phạm cơ bản hợp đồng để giúp các cơ quan giải quyết tranh chấp
thuận lợi trong việc áp dụng các chế tài khi có sự vi phạm cơ bản hợp đồng.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của Luận án là những vấn đề liên quan đến vi phạm cơ
bản, là các quy định của Công ước Viên và của pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản
hợp đồng, về các chế tài được áp dụng khi có sự vi phạm cơ bản hợp đồng. Đối tượng
nghiên cứu của Luận án là sự vi phạm hợp đồng từ phía người bán và người mua trong
hợp đồng mua bán hàng hóa nói chung, đặc biệt là trong hợp đồng MBHHQT. Đối
tượng nghiên cứu của Luận án còn bao gồm những án lệ, những vụ tranh chấp cũng
như thực tiễn xét xử của các tòa án và trọng tài của một số quốc gia là thành viên của
Công ước Viên liên quan đến việc áp dụng các quy định của Công ước Viên về vi
4

phạm cơ bản hợp đồng để giải quyết tranh chấp hợp đồng MBHHQT. Ngoài ra, đối
tượng nghiên cứu của Luận án còn bao gồm cả việc phân tích những khó khăn trong
việc áp dụng các quy định về vi phạm cơ bản của pháp luật Việt Nam so với các quy
định của Công ước Viên.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
- Về nội dung: Như tên gọi của Công ước Viên là Công ước quốc tế điều chỉnh
hợp đồng MBHHQT, do đó, về phạm vi nghiên cứu, đề tài giới hạn ở việc phân tích vi
phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên trong mối quan hệ với khái niệm về vi
phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của pháp luật Việt Nam nhưng chỉ đối với hợp
đồng mua bán hàng hóa nói chung và hợp đồng MBHHQT nói riêng.
Vi phạm cơ bản hợp đồng, bản thân nó, luôn gắn liền với việc áp dụng chế tài
hủy hợp đồng. Nói cách khác, phạm vi nghiên cứu về mặt nội dung của Luận án tiến sĩ
này là những vấn đề về vi phạm cơ bản hợp đồng MBHHQT theo Công ước Viên
trong mối quan hệ với việc áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng bằng cách
yêu cầu giao hàng thay thế hoặc hủy bỏ hợp đồng khi người bán hoặc người mua vi
phạm hợp đồng. Theo quy định của Luật Thương mại, khi một bên có sự vi phạm cơ
bản, bên kia có quyền áp dụng cả chế tài hủy hợp đồng, chế tài đình chỉ thực hiện hợp
đồng, chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng, do đó phạm vi nghiên cứu của Luận án
về nội dung còn bao gồm cả việc phân tích các quy định của pháp luật Việt Nam về vi
phạm cơ bản hợp đồng, đặc biệt là quy định của Luật Thương mại về vi phạm cơ bản
hợp đồng trong mối quan hệ với việc áp dụng các chế tài tạm ngừng thực hiện hợp
đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng, hủy bỏ hợp đồng.
- Về không gian: Khi nghiên cứu thực tiễn áp dụng quy định về vi phạm cơ bản
hợp đồng, Luận án phân tích thực tiễn và án lệ tòa án, trọng tài ở một số nước như
Đức, Pháp, Trung Quốc…là những nước đã gia nhập Công ước Viên.
- Về thời gian: Khi phân tích về những vấn đề phát sinh từ thực tiễn áp dụng
Công ươc Viên, Luận án lấy số liệu từ năm 1988, năm Công ước Viên có hiệu lực cho
đến nay.
4. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
Về phương diện lý luận, luận án góp phần củng cố và hoàn thiện cơ sở lý luận
về vi phạm cơ bản trong pháp luật hợp đồng Việt Nam để các nhà lập pháp, các cơ
quan có thẩm quyền, các cán bộ nghiên cứu, các nhà kinh doanh vận dụng trong quá
trình thực hiện, giải quyết tranh chấp hay xây dựng và hoàn thiện pháp luật về vi phạm
cơ bản hợp đồng.
5

Về phương diện thực tiễn, những quan điểm và giải pháp hoàn thiện pháp luật
Việt Nam về vi phạm cơ bản hợp đồng được đề xuất trong luận án sẽ là tài liệu tham
khảo có giá trị cho các nhà lập pháp, cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc hoàn
thiện các quy định của pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản hợp đồng. Luận án cũng
là tài liệu tham khảo cho trọng tài, tòa án khi xem xét vi phạm cơ bản hợp đồng nhằm
áp dụng đúng các chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng
và hủy bỏ hợp đồng. Luận án cũng là tài liệu tham khảo hữu ích cho các doanh nghiệp
Việt Nam khi soạn thảo hợp đồng mua bán hàng hóa nói chung và hợp đồng
MBHHQT nói riêng.
5. Những điểm mới của Luận án
- Luận án là công trình đầu tiên nghiên cứu có hệ thống và toàn diện cơ sở lý
luận và thực tiễn về vi phạm cơ bản hợp đồng MBHHQT theo Công ước Viên có so
sánh với pháp luật Việt Nam.
- Luận án đã phân tích, bình luận, đánh giá một cách khách quan về quy định và
thực tiễn vận dụng quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng MBHHQT theo Công ước
Viên như xác định các yếu tố cấu thành tính cơ bản của vi phạm hợp đồng và chế tài
do vi phạm cơ bản hợp đồng để từ đó có cái nhìn cụ thể và đầy đủ hơn về quy định này
trong Công ước Viên và đặt nó trong mối quan hệ với các quy định về vi phạm cơ bản
theo pháp luật Việt Nam nhằm tìm ra những bất cập, những điểm chưa hợp lý trong
các quy định của pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản.
- Luận án đã đưa ra kiến nghị về sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan của
pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản, trên cơ sở chọn lọc các quy định có tính ưu
việt của Công ước Viên về cùng vấn đề nhằm nâng cao tính khả thi cho các quy định
của pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản.
- Những đề xuất định hướng và giải pháp cụ thể của Luận án sẽ là cơ sở khoa
học cho việc hoàn thiện các quy định cúa pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản hợp
đồng, từ đó góp phần tạo khung pháp luật phù hợp cho việc giao kết và thực hiện hợp
đồng mua bán hàng hóa của các doanh nghiệp và góp phần thuận lợi cho việc giải
quyết tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa nói riêng, hợp đồng thương mại nói
chung.
6. Kết cấu của Luận án
Ngoài Phần mở đầu, Kết luận và Danh mục tài liệu tham khảo, Luận án gồm 5
Chương:
6

Chương 1. Tổng quan về tình hình nghiên cứu, cơ sở lý thuyết và phương pháp
nghiên cứu.
Chương 2. Những vấn đề lý luận về vi phạm cơ bản hợp đồng mua bán hàng
hóa quốc tế
Chương 3. Các yếu tố cấu thành tính cơ bản của vi phạm hợp đồng theo Công
ước Viên.
Chương 4. Chế tài do vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên.
Chương 5. Định hướng hoàn thiện quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng trong
pháp luật Việt Nam.
7

CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ THUYẾT
VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Việc xác định vi phạm cơ bản hợp đồng luôn mang đến ảnh hưởng nhất định về
quyền lợi và nghĩa vụ đối với các bên và việc áp dụng các chế tài trong thương mại
như tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hay hủy bỏ hợp đồng.
Chính vì vậy, nội dung này được các nhà lập pháp, các nhà nghiên cứu và kể các các
bên trong quan hệ hợp đồng thương mại trong nước và ngoài nước đánh giá là vấn đề
quan trọng và cơ bản, luôn quan tâm để tìm ra phương hướng hoàn thiện.
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
1.1.1. Tình hình nghiên cứu ở trong nước
Ở Việt Nam, tính đến nay, chưa có công trình hay sách chuyên khảo nào nghiên
cứu một cách hệ thống, cụ thể về vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên. Mặc
dù vậy, các nghiên cứu đơn lẻ về vi phạm cơ bản hợp đồng cũng đã có, cụ thể:
Cuốn sách “Chế định hợp đồng trong Bộ luật dân sự Việt Nam” của tác giả
Nguyễn Ngọc Khánh được Nxb Tư pháp xuất bản năm 2007 chỉ dành hơn 2 trang
(tr.382&383) để đề cập rất sơ lược về khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng và tác giả
cuốn sách cho rằng định nghĩa về vi phạm cơ bản hợp đồng tại khoản 13 Điều 3 Luật
Thương mại cũng “tương tự” khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng nêu trong Công ước
Viên.
Cuốn sách “Các biện pháp xử lý việc không thực hiện đúng hợp đồng” của tác
giả Đỗ Văn Đại, Nxb Chính trị quốc gia xuất bản năm 2010 (tái bản năm 2013), cũng
đã đề cập đến khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng. Tác giả cho rằng “chỉ nên coi
những vi phạm có ảnh hưởng lớn tới hợp đồng mới là cơ bản” và việc xác định tính
chất nghiêm trọng của hành vi vi phạm hợp đồng là “phụ thuộc hoàn cảnh cụ thể và
khi có tranh chấp thì Tòa án sẽ tự xác định”.
Cuốn sách “Luật hợp đồng Việt Nam: Bản án và bình luận bản án” của tác giả
Đỗ Văn Đại, Nxb Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2013 (tái bản lần thứ tư, tập 2),
trong đó tác giả đã đưa ra một số bản án liên quan đến chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng do
không thực hiện đúng hợp đồng từ trang 565-612 có đề cập sơ lược đến vi phạm
nghiêm trọng, vi phạm cơ bản hợp đồng.
8

Luận văn Thạc sỹ Luật của tác giả Phạm Thị Minh Nguyệt, trường Đại học
Luật Tp.HCM “Vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng và chế tài khi vi phạm cơ bản
nghĩa vụ hợp đồng” năm 2013. Luận văn này chỉ nghiên cứu khái quát về khái niệm vi
phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng thương mại nói chung và theo quy định của Luật
Thương mại, các chế tài áp dụng khi có sự vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.
Bài viết “Hướng tới sự thống nhất pháp luật về xử lý vi phạm hợp đồng ở Việt
Nam” của tác giả Đỗ Văn Đại đăng trong Kỷ yếu Hội thảo “Hoàn thiện các báo cáo rà
soát Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thương mại” do VCCI phối hợp với Văn
phòng Chính phủ tổ chức tại Tp.Hồ Chí Minh ngày 24/8/2011. Tác giả của bài viết này
đã chỉ ra những bất cập trong việc áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng
(được quy định tại Điều 308 Luật Thương mại) và quyền hoãn thực hiện hợp đồng của
bên mua (theo quy định tại khoản 2 Điều 415 Bộ luật dân sự năm 2005) vì những khó
khăn trong việc xác định cái gọi là vi phạm cơ bản hợp đồng – điều kiện để áp dụng
chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng theo quy định của Luật Thương mại.
Bài viết “Vi phạm cơ bản hợp đồng” của tác giả Nguyễn Minh Hằng đăng trên
Báo Diễn đàn doanh nghiệp, ngày 22/3/2010 [30]. Bài viết này phân tích một tranh
chấp giữa bên mua là các Công ty của Argentina và của Hungary, còn bên bán là một
Công ty của Nga. Bên mua đã khởi kiện bên bán và cho rằng bên bán đã có sự vi phạm
cơ bản hợp đồng vì đã không giao hàng như cam kết. Bên bán thì lại cho rằng bên mua
đã có sự vi phạm cơ bản hợp đồng vì đã chậm thanh toán. Tranh chấp được xét xử tại
Hội đồng trọng tài Zurich, phán quyết tuyên ngày 31/5/1996. Tương tự, bài viết “Hủy
hợp đồng do chậm giao hàng” cũng của tác giả Nguyễn Minh Hằng đăng trên Báo
Diễn đàn doanh nghiệp, ngày 22/3/2010 [29], trong đó tác giả đã phân tích căn cứ mà
tòa án tuyên bố hủy hợp đồng trong vụ tranh chấp giữa Công ty Diversitel
Communications Inc. (Canada) và Công ty Glacier Bay Inc. (Mỹ) là do người bán Mỹ
không giao hàng khi hết thời hạn quy định trong hợp đồng. Tranh chấp này đã được
xét xử tại Tòa Công lý tối cao tại Ontario (Canada), phán quyết tuyên ngày 6/10/2003.
Bài viết “Hoàn thiện chế định hợp đồng” của tác giả Phan Chí Hiếu đăng trên
Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 4/2005, trong đó tác giả này cho rằng khái niệm vi
phạm cơ bản là một sự vi phạm nghiêm trọng và cần có giải thích thế nào là vi phạm
nghiêm trọng.
9

Bài viết “Vi phạm cơ bản hợp đồng” của tác giả Đỗ Văn Đại đăng trên Tạp chí
Nghiên cứu lập pháp, số 9/2004 đã giải nghĩa thuật ngữ “cơ bản”, “vi phạm cơ bản”.
Tác giả này nhấn mạnh một số văn bản quốc tế về hợp đồng như PICC, PECL đều
không sử dụng khái niệm “vi phạm cơ bản”. Theo quan điểm của tác giả này, không
nên tiếp nhận từ nước ngoài những thuật ngữ cũ hoặc không rõ ràng, gây khó khăn
trong áp dụng thống nhất.
Như vậy, có thể thấy các công trình, bài viết của các tác giả ở Việt Nam mới chỉ
đề cập đơn lẻ đến vấn đề về vi phạm cơ bản hợp đồng…Chưa có công trình nào
nghiên cứu vấn đề về vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên trong mối quan hệ
với pháp luật Việt Nam về cùng vấn đề.
1.1.2. Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài
Ở nước ngoài, cũng có một số công trình nghiên cứu về vi phạm cơ bản hợp
đồng liên quan đến đề tài của luận án đã được công bố. Tiêu biểu trong số đó là:
Cuốn sách của tác giả Djakhongir Saidov có tên: “The Law of Damages in
International Sales: The CISG and other International Instruments” (Dịch ra tiếng
Việt là Luật bồi thường thiệt hại trong mua bán quốc tế: Công ước Viên và các công
cụ quốc tế khác) được Nxb Hart Publishing xuất bản năm 2008. Sau khi phân tích
Công ước Viên với ý nghĩa như là Luật bồi thường thiệt hại trong mua bán hàng hóa
quốc tế, tại Chương 5 của cuốn sách này, tác giả Djakhongir Saidov đã phân tích về
khả năng tiên liệu thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra – một trong nhưng yếu
tố cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên. Nói cách khác, tác giả này
phân tích thiệt hại do vi phạm hợp đồng với ý nghĩa là yếu tố cấu thành vi phạm cơ
bản hợp đồng.
Cuốn sách của tác giả Benjamin K.Leisinger có nhan đề: “Fundamental Breach
considering Non-conformity of the goods” (Dịch ra tiếng Việt là Vi phạm cơ bản hợp
đồng – xem xét về tính không phù hợp của hàng hóa) được Nxb Sellier European Law
Publishers xuất bản năm 2007, trong đó phân tích một số vụ tranh chấp liên quan đến
nghĩa vụ của các bên về giao hàng thiếu, giao hàng chậm, giao hàng kém chất
lượng…với ý nghĩa nhấn mạnh vào tính chất không phù hợp của hàng hóa khi một bên
vi phạm hợp đồng và coi tính không phù hợp của hàng hóa đến mức như thế nào thì sẽ
cấu thành một sự vi phạm cơ bản hợp đồng.
10

Công trình nghiên cứu của tác giả Jorge Ivan Salazar Tamez: “The CISG
Remedies of Specific Performance, Damages and Avoidance, Compared to the
Equivalent in the Mexican Law on Sales” (Dịch ra tiếng Việt là Các chế tài buộc thực
hiện đúng hợp đồng, bồi thường thiệt hại và hủy hợp đồng, so sánh với các chế tài có
liên quan trong Luật mua bán của Mexico) được Nxb ProQuest Information and
Learning Company xuất bản năm 2007. Công trình này nghiên cứu các chế tài buộc
thực hiện đúng hợp đồng, bồi thường thiệt hại và hủy hợp đồng theo Luật mua bán của
Mexico và đặt chúng trong mối quan hệ với khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng là
điều kiện tiên quyết để áp dụng chế tài hủy hợp đồng theo Công ước Viên.
Bài viết “Fundamental Breach of Contract under the CISG: A Controversial
Rule” (Dịch ra tiếng Việt là Vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên: Một quy
tắc gây tranh cãi) của tác giả Eduardo Grebler, được đăng trên Tạp chí Proceedings of
the Annual Meeting (American Society of International Law), Vol. 101 (năm 2007).
Trong bài viết này, tác giả Eduardo Grebler đã bình luận Điều 25 Công ước Viên cả về
mặt hình thức lẫn nội dung. Theo tác giả này, về mặt hình thức, việc dịch ra nhiều thứ
tiếng có thể tạo sự không thống nhất trong cách hiểu về Điều 25 Công ước Viên. Về
mặt nội dung, tác giả này cho rằng tính chất cơ bản của vi phạm cơ bản hợp đồng phụ
thuộc vào cái gọi là sự lấy đi đáng kể lợi ích của bên bị vi phạm. Tuy nhiên, thế nào là
sự lấy đi đáng kể lợi ích của bên bị vi phạm lại không được giải thích bởi Công ước
Viên. Điều này gây khó khăn và do đó trong thực tiễn, vấn đề này do cơ quan giải
quyết tranh chấp tự xem xét và quyết định. Trên cơ sở đó, Eduardo Grebler cho rằng
đây là bất cập của chính Công ước Viên liên quan đến khái niệm vi phạm cơ bản hợp
đồng được quy định tại Điều 25 Công ước Viên.
Bài viết “Fundamental Breach of Contract under the UN Sales Convention – 25
years of Article 25 CISG” (Dịch ra tiếng Việt là Vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công
ước viên – 25 năm của Điều 25 Công ước Viên), của tác giả Franco Ferrari đăng trên
tạp chí 25 J.L. & Com. 489 (năm 2006). Bài viết này đã phân tích khái niệm vi phạm
cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên dưới góc độ xem xét mức độ của sự vi phạm hợp
đồng, về mức độ của tổn hại với ý nghĩa là những điều kiện tiên quyết để xác định cái
gọi là vi phạm cơ bản hợp đồng và khả năng mà người ta có thể tiên liệu được về
những hậu quả do sự vi phạm hợp đồng đó gây ra. Bài viết này cũng xem xét hành vi
vi phạm cơ bản hợp đồng từ phía người bán trong những tình huống cụ thể như người
11

bán giao hàng có khiếm khuyết, người bán giao chứng từ chậm hoặc giao chứng từ
không phù hợp với hợp đồng.
Bài viết “The Concept of fundamental breach: Perspectives from the CISG,
UNIDROIT Principles and PECL and case law” (Dịch ra tiếng Việt là Khái niệm vi
phạm cơ bản hợp đồng: triển vọng từ Công ước Viên, những nguyên tắc UNIDROIT,
PECL và án lệ) của tác giả Chengwei Liu đăng trên tạp chí 20 J.L. & Com. 460 (năm
2005). Bài viết này sau khi giới thiệu khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy
định tại Điều 25 Công ước Viên, khoản 1 Điều 7.3.1 Bộ nguyên tắc UNIDROIT và
Điều 8:103 của PECL, tác giả Chengwei Liu kết luận rằng cả 3 quy định này là tương
tự nhau mặc dù ngôn từ và nội dung của mỗi điều khoản có một số điểm khác nhau.
Bài viết “Fundamental Breach and the CISG - a Unique Treatment or Failed
Experiment?” (Dịch ra tiếng Việt là Vi phạm cơ bản và Công ước Viên – cách xử lý
duy nhất hay thử nghiệm thất bại) của tác giả Bruno Zeller đăng trên tạp chí 8
Vindobona Journal of International Commercial Law & Arbitration 81 (năm 2004) là
bài đưa ra quan điểm cho rằng việc giải thích Điều 25 Công ước Viên cần phải dựa
vào ý định của các bên giao kết hợp đồng và phải phân tích ý nghĩa của Điều 25 trong
mối quan hệ với hệ thống các chế tài của Công ước Viên đã quy định. Từ đó, tác giả
này cho rằng khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng cần phải được tiếp cận từ vai trò của
khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng trong Công ước Viên hơn là chỉ giải thích nó theo
nghĩa đen.
Bài viết “Avoidance and the notion of fundamental breach under the CISG: An
English perspecitive” (Dịch ra tiếng Việt là Hủy bỏ hợp đồng và khái niệm vi phạm cơ
bản theo Công ước Viên) của tác giả Darren Peacock đăng trên tạp chí 8 Int’l Trade &
Bus. L. Ann. 95 (năm 2003). Bài viết này, sau khi trình bày khái quát về lịch sử ra đời
của Điều 25 Công ước Viên, đã phân tích các khái niệm về “vi phạm”, “tổn hại” và
“khả năng tiên liệu” được sử dụng tại chính khái niệm vi phạm cơ bản trong Điều 25
Công ước Viên. Tác giả của bài viết này cũng so sánh cơ chế áp dụng chế tài hủy hợp
đồng đối với người mua và người bán theo Công ước Viên với cơ chế hủy hợp đồng
theo quy định Luật mua bán hàng hóa của Anh năm 1979.
Bài viết “Case law on the concept of fundamental breach in the Vienna Sales
Convention” (Dịch ra tiếng Việt là Án lệ về khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng theo
Công ước Viên) của tác giả Leonardo Graffi đăng trên tạp chí Int'l Bus. L.J. 338 (năm
12

2003). Trong bài viết này, dựa trên nội dung quy định của Điều 25 Công ước Viên, tác
giả này chia khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng ra hai góc độ để phân tích, đó là góc
độ liên quan đến bên có quyền lợi bị vi phạm với cái gọi là “tổn hại đáng kể”, “mong
muốn của người này trên cơ sở hợp đồng” và góc độ liên quan đến người vi phạm với
cái gọi là “khả năng tiên liệu”, “người có lý trí ở vào địa vị và hoàn cảnh tương tự”. Từ
đó, tác giả này đã phân tích khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng trong những tình
huống vi phạm cụ thể của các bên như chậm thực hiện hợp đồng, hàng hóa được giao
có khiếm khuyết.
Bài viết “The Concept of fundamental breach as an International Principle to
create uniformity of commercial law” (Dịch ra tiếng Việt là Khái niệm vi phạm cơ bản
hợp đồng như là nguyên tắc quốc tế để thống nhất pháp luật thương mại) của tác giả
Clemens Pauly đăng trên tạp chí 19 J.L. & Com. 221 (năm 2000). Tác giả này sử dụng
phương pháp phân tích theo nghĩa đen của khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng theo
Công ước Viên và có so sánh với Điều 2 Bộ luật thương mại thống nhất Hoa Kỳ
(UCC) và Luật nghĩa vụ trong Bộ luật dân sự của Đức (Bürgerliches Gesetzbuch). Bài
viết này phân tích khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng thông qua 3 vụ tranh chấp được
giải quyết bởi tòa án Đức, đó là: Vụ "Fabrics in Wrong Color" (giao vải sai màu),
"Cobalt Sulphate of Different Quality" (Colablt Sulphate không phù hợp về chất
lượng) và "Compressors of Lower Cooling” (máy nén làm lạnh kém) để nêu ra quan
điểm riêng khi vận dụng quy định của Điều 25 Công ước Viên vào các vụ việc tranh
chấp cụ thể.
Bài viết “The Concept of fundamental Breach of Contract under the United
Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods (CISG)” (Dịch
ra tiếng Việt là Khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên năm 1980 về
hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế) của tác giả Robert Koch đăng trong Cuốn
“Review of the Convention on Contracts for the International Sale of Goods (CISG)”
năm 1998. Tác giả này đã giới thiệu một phương pháp giải thích khái niệm vi phạm cơ
bản hợp đồng đang được tòa án tối cao Đức áp dụng. Đó là phương pháp dựa trên
thuật ngữ có kết hợp chặt chẽ với việc trả lời câu hỏi nhằm xác định rõ mục đích của
hợp đồng có bị mất đi do hành vi vi phạm hay không và xác định bên bị vi phạm có
cần áp dụng chế tài hủy hợp đồng hoặc giao hàng thay thế hay không.
13

Ngoài các công trình nghiên cứu về vi phạm cơ bản hợp đồng như đã nêu ở
trên, còn có một số công trình phân tích về chế tài hủy hợp đồng, theo hướng nhấn
mạnh rằng vi phạm cơ bản hợp đồng là một trong những điều kiện để áp dụng chế tài
này. Ví dụ, bài viết “Avoidance for Breach under the Vienna Convention: A Critical
Analysis of Some of the Early Cases” (Dịch ra tiếng Việt là Hủy hợp đồng do vi phạm
theo Công ước Viên: phân tích một số vụ tranh chấp) của tác giả Alastair Mullis đăng
trong Andreas & Jarborg eds., Anglo-Swedish Studies in Law, Lustus Forlag, năm
1998; Bài viết “The remedial provisions of the Vienna Convention on the international
sale of goods 1980: A small business perspective” (Dịch ra tiếng Việt là Quy định chế
tài của Công ước viên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế năm 1980: triển vọng
kinh doanh nhỏ) của tác giả David G.Fagan đăng trên tạp chí the Journal of Small &
Emerging Business Law, Vol.2:317 (năm 1998); Bài viết “Avoidance of the contract in
case of non-conforming goods (Article 49(1)(a) CISG)” (Dịch ra tiếng Việt là Hủy hợp
đồng khi hàng hóa không phù hợp hợp đồng (Điều 49(1)(a)) của tác giả Ingeborg
Schwenzer đăng trên tạp chí Journal of Law and Commerce, Vol.25:437 (năm 2005);
Bài viết “Avoidance in non-payment situations and fundamental breach under the
1980 U.N Convention on contracts for the international sale of goods” (Dịch ra tiếng
Việt là Hủy hợp đồng trong trường hợp không thanh toán và vi phạm cơ bản hợp đồng
theo Công ước Viên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế) của tác giả Olof
Clausson đăng trên tạp chí N.Y.L.Sch.J.Int’l & Comp.L, Vol.6 (năm 1986); Bài viết
“Cancellation for “material” or “fundamental” breach: A comparative analysis of
South African Law, the UN Convention on contracts for the international sale of goods
(CISG) and the UNIDROIT Principles of International Commercial Contracts” (Dịch
ra tiếng Việt là Chấm dứt hợp đồng do vi phạm cơ bản: phân tích so sánh Luật Nam
phi, Công ước Viên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và Những nguyên tắc
UNIDROIT về hợp đồng thương mại) của tác giả Tjakie Naudé đăng trên tạp chí
Stellenbosch L.Rev, Vol.12 (năm 2001) v.v…
Các công trình nêu trên chỉ phân tích việc áp dụng chế tài hủy hợp đồng theo
Điều 49, Điều 51, Điều 64, Điều 72 và Điều 73 Công ước Viên. Đây là những tài liệu
tham khảo bổ ích vì nó giúp tác giả Luận án Tiến sĩ hiểu rõ hơn về mục đích cuối cùng
của quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng là nhằm để giúp các bên trong hợp đồng
14

MBHHQT có thể áp dụng chế tài hủy hợp đồng, giao hàng thay thế nếu sự vi phạm
hợp đồng của một bên là vi phạm cơ bản.
1.1.3. Đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu
Như đã trình bày ở trên, những công trình nghiên cứu ngoài nước phân tích dưới
nhiều góc độ khác nhau về vi phạm cơ bản hợp đồng với ý nghĩa là khái niệm được
quy định tại Điều 25 Công ước Viên và điều kiện áp dụng chế tài yêu cầu giao hàng
thay thế, hủy hợp đồng theo quy định tại các Điều 46, 49, 51, 64,70, 72 và Điều 73
Công ước Viên. Trong khi đó, ở Việt Nam thì chưa có công trình nào nghiên cứu trực
tiếp khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên mà đơn thuần chỉ là
những quan điểm phản ánh sự khó khăn do tính phức tạp trong quy định về vi phạm cơ
bản hợp đồng tại khoản 13 Điều 3 Luật Thương mại. Nhìn chung, các bài viết, công
trình nghiên cứu chưa đề cập một cách chuyên sâu, toàn diện về những vấn đề liên
quan đến khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên và theo pháp luật
Việt Nam nhằm làm rõ những bất cập của cả Công ước Viên và của cả pháp luật Việt
Nam về vấn đề này. Qua tìm hiểu tình hình nghiên cứu ở trong nước và ngoài nước
liên quan đến đề tài luận án, tác giả đưa ra những nhận định như sau:
1.1.3.1. Những vấn đề đã được giải quyết
- Khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng trong Công ước Viên còn mang tính trừu
tượng, do đó, nhiều tác giả nước ngoài đã phân tích về tổn hại và mức độ tổn hại; về tính
không phù hợp của hàng hóa; về mục đích của việc giao kết hợp đồng.v.v…và coi đó là các
tiêu chí xác định tính chất cơ bản của hành vi vi phạm hợp đồng để giải thích khái niệm vi
phạm cơ bản hợp đồng được quy định trong Công ước Viên. Tùy theo cách tiếp cận, cách
hiểu của từng tác giả mà khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng nên được áp dụng như thế nào
trong thực tiễn. Quan điểm của các tác giả này có giá trị khoa học ở chỗ là họ đã “mổ xẻ”
khái niệm về vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của Công ước Viên theo nhiều cách
tiếp cận. Điều này cho thấy khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên cũng
đang gây nhiều tranh luận và chưa có sự thống nhất.
- Một số công trình nghiên cứu của các tác giả ở nước ngoài đã tiếp cận khái niệm vi
phạm cơ bản hợp đồng với ý nghĩa là điều kiện để áp dụng chế tài hủy hợp đồng, giao hàng
thay thế. Điều này cho thấy, về mặt lý luận, các tác giả này đã hiểu khá thống nhất về mục
đích của quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng tại Điều 25 Công ước Viên là nhằm áp dụng
một số chế tài cụ thể khi có sự vi phạm hợp đồng MBHHQT.
15

- Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp về vi phạm cơ bản hợp đồng MBHHQT, chế
tài hủy hợp đồng đã được Tòa án một số nước áp dụng khi có sự vi phạm cơ bản. Tuy
nhiên, chưa có tác giả nào hệ thống hóa hay rút ra án lệ cho việc áp dụng vi phạm cơ bản
trong giải quyết tranh chấp về vi phạm hợp đồng MBHHQT.
- Ở Việt Nam, chưa có nhiều công trình nghiên cứu về vi phạm cơ bản hợp đồng với ý
nghĩa là một chế định pháp luật, dù ở góc độ hợp đồng dân sự cũng như hợp đồng thương
mại và cả hợp đồng có yếu tố nước ngoài. Trong thực tế, giải quyết tranh chấp về hợp đồng
MBHHQT cũng chưa có nhiều án lệ về vận dụng các quy định về vi phạm cơ bản trong
Luật Thương mại để xem xét việc áp dụng chế tài hủy bỏ hợp đồng hay chế tài đình chỉ
thực hiện hợp đồng và tạm ngừng thực hiện hợp đồng.
1.1.3.2. Những vấn đề còn bỏ ngỏ
- Chưa có công trình hay Luận án tiến sĩ Luật học nào nghiên cứu một cách cụ
thể, toàn diện những vấn đề về vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên trong
mối liên hệ, so sánh với các quy định này của pháp luật Việt Nam.
- Chưa có các công trình nghiên cứu, đánh giá hay nhận xét về những khó khăn
trong việc vận dụng các quy định của pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản hợp đồng
và cũng chưa có các công trình nghiên cứu về việc áp dụng các chế tài khi có sự vi
phạm cơ bản trong thực tiễn giao kết và thực hiện hợp đồng thương mại của doanh
nghiệp Việt Nam, đặc biệt là chế tài hủy bỏ hợp đồng.
- Chưa có các công trình nghiên cứu những bất cập của pháp luật Việt Nam trong
các quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng nhằm đề xuất giải pháp sửa đổi và hoàn
thiện pháp luật Việt Nam về vấn đề này.
Có thể khẳng định đây là Luận án tiến sĩ Luật học đầu tiên nghiên cứu vấn đề về
vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên trong mối quan hệ với pháp luật Việt
Nam và định hướng hoàn thiện pháp luật Việt Nam.
1.2. Cơ sở lý thuyết của đề tài
1.2.1. Câu hỏi nghiên cứu
- Hợp đồng MBHHQT là gì? Vi phạm hợp đồng là gì? Vi phạm cơ bản hợp
đồng, vi phạm cơ bản hợp đồng MBHH là gì? Cơ chế điều chỉnh pháp luật đối với vi
phạm cơ bản hợp đồng?.
- Công ước Viên quy định như thế nào về các yếu tố cấu thành tính cơ bản của
vi phạm hợp đồng và thực tiễn xác định các yếu tố này của tòa án, trọng tài một số
quốc gia thành viên Công ước? Các quy định của Công ước Viên về các yếu tố cấu
16

thành tính cơ bản của vi phạm hợp đồng có điểm tương đồng với quy định của pháp
luật Việt Nam hay không?
- Khi có vi phạm cơ bản hợp đồng, bên vi phạm phải gánh chịu chế tài nào theo
Công ước Viên và thực tiễn vận dụng các chế tài đó của tòa án, trọng tài ra sao? Các
chế tài do vi phạm cơ bản hợp đồng có điểm tương đồng với các quy định về vi phạm
cơ bản hợp đồng trong pháp luật Việt Nam?
- Những bất cập trong quy định và thực tiễn áp dụng quy định về vi phạm co
bản hợp đồng theo pháp luật Việt Nam là gì? Định hướng nào để hoàn thiện, khắc
phục những bất cập đó? Giải pháp cụ thể để hoàn thiện, khắc phục những bất cập của
quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng và các quy định khác có liên quan là gì?
1.2.2. Lý thuyết nghiên cứu
Luận án được thực hiện trên cơ sở phương pháp duy vật biện chứng của chủ
nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật. Các quan
điểm của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường, về hội nhập kinh tế quốc tế và về
xây dựng nhà nước pháp quyền cũng là cơ sở phương pháp luận nghiên cứu của luận
án.
Các lý thuyết liên quan đến hợp đồng, hiệu lực hợp đồng, vi phạm hợp đồng, vi
phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng của Việt Nam, chế tài do vi phạm hợp đồng và một số
nước trên thế giới.
1.2.3. Các giả thuyết nghiên cứu
- Vi phạm cơ bản hợp đồng là ngoại lệ của nguyên tắc tuân thủ hiệu lực của hợp
đồng, đòi hỏi chế tài áp dụng phù hợp tác động lên hiệu lực của hợp đồng nhằm đảm
bảo quyền lợi của các bên giao kết hợp đồng. Tính cơ bản của hành vi vi phạm hợp
đồng được xác định trên cơ sở lợi ích mà các bên mong muốn khi giao kết hợp đồng,
không phụ thuộc vào loại hợp đồng.
- Bản chất pháp lý của vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên là dựa
trên tiêu chí chung về lợi ích kỳ vọng của các bên trên cơ sở hợp đồng bị lấy đi đáng
kể. Vì vậy, tổn hại do hành vi vi phạm hợp đồng không phải là yếu tố bắt buộc khi xác
định vi phạm cơ bản hợp đồng.
- Vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên vừa mang yếu tố khách quan
(cơ quan tài phán ra phán quyết dựa vào những gì bên bị vi phạm mong muốn trên cơ
17

sở hợp đồng có bị ảnh hưởng nghiêm trọng hay không), vừa mang tính chủ quan (khả
năng tiên liệu được hậu quả của hành vi vi phạm hợp đồng cần được xem xét).
- Chế tài do vi phạm cơ bản hợp đồng là rất nặng nề đối với bên vi phạm nhưng
là cơ sở nhằm đảm bảo kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của bên vi phạm. Vì thế,
quy định của Công ước Viên cho phép các bên lựa chọn biện pháp khác như khắc phục
vi phạm bằng sửa chữa hoặc giao hàng thay thế trước khi lựa chọn giải pháp cuối cùng
là hủy hợp đồng.
- Quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng trong pháp luật của Việt Nam cũng ẩn
chứa những bất cập, không tương thích với pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước
Viên. Thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản hợp đồng
cũng thể hiện những bất cập nhất định xuất phát từ những bất cập của bản thân quy
định pháp luật về vi phạm cơ bản hợp đồng.
1.2.4. Về hướng tiếp cận của đề tài nghiên cứu
- Là luận án tiến sĩ luật học, chuyên ngành Luật kinh tế, phương pháp tiếp cận
của đề tài là dùng các phương pháp nghiên cứu truyền thống, phù hợp với phương
pháp nghiên cứu luật học để xem xét và luận giải những vấn đề thuộc nội dung nghiên
cứu của Luận án. Đó là các phương pháp hệ thống hóa, phương pháp luận giải, phương
pháp nêu quan điểm và bình luận mang tính phản biện nhằm nêu bật những bất cập
ngay trong quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng của Công ước Viên và của pháp luật
Việt Nam.
- Như tên gọi của luận án đã cho thấy, việc nghiên cứu vấn đề vi phạm cơ bản
hợp đồng theo Công ước Viên phải được đặt trong mối quan hệ với việc xem xét vấn
đề về vi phạm cơ bản hợp đồng trong pháp luật Việt Nam nhằm đề xuất giải pháp sửa
đổi các quy định tỏ ra chưa phù hợp trong pháp luật Việt Nam về vấn đề này, do đó,
phương pháp tiếp cận quan trọng của luận án là dựa trên phương pháp luật học so
sánh. Phương pháp luật học so sánh sẽ giúp tìm ra những điểm tích cực, cả trong lý
thuyết và thực tiễn, những điểm bất cập của chính khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng
để từ đó xây dựng được định hướng sửa đổi pháp luật Việt Nam.
- Mặc dù Công ước Viên chỉ điều chỉnh hợp đồng MBHHQT và mục đích của
những quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng trong Công ước Viên là nhấn mạnh
quyền của bên bán (hoặc bên mua) được áp dụng chế tài hủy hợp đồng khi bên mua
(hoặc bên bán) có sự vi phạm cơ bản hợp đồng. Tuy nhiên, trong pháp luật Việt Nam
18

lại không có đạo luật dành riêng cho hợp đồng MBHHQT. Do vậy, hướng tiếp cận của
đề bài nghiên cứu là phải lập luận để làm rõ những điểm tích cực trong các quy định
của Công ước Viên về vi phạm cơ bản hợp đồng làm cơ sở kiến nghị hoàn thiện quy
định về vi phạm cơ bản hợp đồng thương mại của Việt Nam bởi vi phạm cơ bản hợp
đồng không bị chi phối hay ảnh hưởng bởi loại hợp đồng.
1.2.5. Kết quả nghiên cứu
- Làm rõ những vấn đề lý luận về hợp đồng MBHHQT, vi phạm cơ bản hợp
đồng, vi phạm cơ bản MBHHQT, cơ chế điều chỉnh pháp luật đối với vi phạm cơ bản
hợp đồng.
- Làm rõ quy định và thực tiễn xác định các yếu tố cấu thành tính cơ bản của vi
phạm hợp đồng và chế tài do vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên (có so sánh
với quy định của pháp luật Việt Nam).
- Phân tích và làm rõ những bất cập của quy định về vi phạm cơ bản trong pháp
luật Việt Nam và bất cập trong việc áp dụng quy định này trên cơ sở quy định và thực
tiễn vận dụng của Công ước Viên. Từ đó, đề xuất định hướng và giải pháp cụ thể cho việc
hoàn thiện các quy định của pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản hợp đồng.
1.3. Phương pháp nghiên cứu
Để làm rõ các vấn đề nghiên cứu, luận án được hoàn thành trên cơ sở của phương
pháp luận nghiên cứu của đề tài là chủ nghĩa Mác – Lênin về duy vật biện chứng và
duy vật lịch sử.
Ngoài ra, để hoàn thiện luận án, các phương pháp nghiên cứu tổng hợp dưới đây
cũng được sử dụng như: phương pháp kết hợp lý luận với thực tiễn, hệ thống hóa,
phương pháp thống kê, phương pháp phân tích và tổng hợp, luận giải và phương pháp
so sánh luật học, cụ thể:
- Phương pháp kết hợp lý luận, lý thuyết với thực ti n: Phương pháp này được sử
dụng xuyên suốt Chương 2, 3, 4 và 5 của luận án. Cụ thể, tác giả sử dụng lý luận, lý
thuyết về vi phạm cơ bản theo Công ước Viên lồng ghép với thực tiễn vận dụng các
quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên của tòa án, trọng tài một số
quốc gia thành viên Công ước (các yếu tố cấu thành vi phạm cơ bản và chế tài do vi
phạm cơ bản) để phân tích, làm rõ quy định của Công ước Viên về vi phạm cơ bản. Từ
đó, làm cơ sở để giải thích, làm rõ những bất cập của quy định về vi phạm cơ bản hợp
đồng trong pháp luật Việt Nam; Kết hợp lý luận và thực tiễn làm cơ sở đề xuất các
19

định hướng và giải pháp hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam
về vi phạm cơ bản hợp đồng.
- Phương pháp thống kê: Phương pháp này được sử dụng chủ yếu ở chương 3, 4
và chương 5 của luận án. Bằng việc thống kê, phân tích các vụ tranh chấp có liên quan
đến vi phạm cơ bản hợp đồng, tác giả tổng hợp thành 2 nhóm vấn đề liên quan đến vi
phạm cơ bản hợp đồng do cơ quan giải quyết tranh chấp xử lý trong các vụ tranh chấp
về hợp đồng MBHHQT có áp dụng Công ước Viên, đó là các yếu tố xác định tính cơ
bản của vi phạm hợp đồng và chế tài do vi phạm cơ bản hợp đồng.
- Phương pháp phân tích và tổng hợp: Phương pháp này được sử dụng trong tất
cả các chương của luận án. Cụ thể là được sử dụng để đi sâu vào tìm tòi, trình bày các
quan điểm pháp luật về hợp đồng MBHHQT, vi phạm cơ bản hợp đồng và vi phạm cơ
bản hợp đồng MBHHQT (chương 2); Làm rõ các yếu tố cấu thành tính cơ bản của vi
phạm hợp đồng và chế tài do vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên và thực
tiễn vận dụng quy định này (chương 3, chương 4); Từ đó, phân tích những bất cập
trong quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam và đề xuất định hướng, giải pháp
phù hợp nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản hợp đồng (chương 5).
- Phương pháp hệ thống hóa: Được sử dụng xuyên suốt toàn bộ luận án nhằm
trình bày các vấn đề, các nội dung trong luận án theo một trình tự, một bố cục hợp lý,
chặt chẽ, có sự gắn kết, kế thừa, phát triển các vấn đề, các nội dung để đạt được mục
đích, yêu cầu đã được xác định cho luận án.
- Phương pháp so sánh luật học: Phương pháp này được sử dụng xuyên suốt
trong toàn văn luận án. Cụ thể là được vận dụng trong việc tham khảo, so sánh quy
định về vi phạm cơ bản hợp đồng của Việt Nam với Công ước Viên, Công ước Viên
với quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng của một số quốc gia và tổ chức quốc tế. Đặc
biệt, chương 5 của luận án, tác giả sử dụng phương pháp này để so sánh và kiến nghị
định hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản hợp đồng với
thực tế của đất nước trong điều kiện hội nhập hiện nay.
20

CHƯƠNG 2
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ VI PHẠM CƠ BẢN HỢP ĐỒNG MUA BÁN
HÀNG HÓA QUỐC TẾ
Vấn đề vi phạm cơ bản hợp đồng MBHHQT bao gồm và liên quan tới nhiều
vấn đề như hợp đồng MBHHQT, vi phạm hợp đồng MBHHQT và các chế tài áp dụng
cũng như cơ chế pháp luật điều chỉnh loại vi phạm hợp đồng này. Để làm rõ nội dung
của vi phạm cơ bản hợp đồng, tạo tiền đề lý luận cho việc nghiên cứu tiếp các phần
sau của luận án, chương này trình bày khái quát vi phạm cơ bản hợp đồng MBHHQT,
gồm các nội dung sau: khái niệm và đặc điểm của hợp đồng MBHHQT, khái niệm vi
phạm cơ bản hợp đồng MBHHQT và cơ chế điều chỉnh pháp luật đối với vi phạm cơ
bản hợp đồng MBHHQT.
2.1. Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế: khái niệm và đặc điểm
2.1.1. Khái niệm về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
Cùng với sự tác động của quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế và sự thiết lập các
khuôn khổ pháp lý song phương và đa phương về thương mại, hoạt động mua bán
hàng hóa giữa các cá nhân, tổ chức không chỉ giới hạn trong phạm vi lãnh thổ quốc gia
mà đã vươn ra phạm vi quốc tế. Phương tiện pháp lý cơ bản để các cá nhân, tổ chức
tiến hành hoạt động mua bán hàng hóa trong phạm vi quốc tế là hợp đồng MBHHQT.
Về mặt thuật ngữ, đến nay, theo những cứ liệu thu thập được thì chưa có Từ
điển chuyên ngành Luật nào đưa ra giải thích thuật ngữ “hợp đồng MBHHQT”, có
chăng chỉ là việc giải thích các thuật ngữ cấu thành thuật ngữ “hợp đồng MBHHQT”,
đó là “hợp đồng”, “mua bán”, “hàng hóa”, “mua bán hàng hóa”…
Về phương diện học thuật, ở trong nước, đã có một số tác giả đưa ra khái niệm
về hợp đồng MBHHQT. Chẳng hạn, theo tác giả Trương Văn Dũng, hợp đồng
MBHHQT là sự thỏa thuận có hiệu lực bắt buộc giữa các bên có trụ sở thương mại
đóng ở các nước khác nhau, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng hóa và chuyển
quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua, bên mua có nghĩa vụ nhận hàng và thanh toán
tiền hàng cho bên bán [17, tr.10]. Người viết cho rằng, khái niệm này chưa làm rõ
được cơ sở xác định “hiệu lực bắt buộc” ở đây là theo quy định của pháp luật nào bởi
tính chất quốc tế của hợp đồng thì rất nhiều nguồn luật khác nhau có thể cùng điều
chỉnh hợp đồng MBHHQT. Bên cạnh đó, bản thân hợp đồng mua bán hàng hóa đã là
sự thỏa thuận giữa bên bán và bên mua, sự thỏa thuận này phải đảm bảo tuân thủ quy
21

định pháp luật điều chỉnh hợp đồng thì nó trở thành “luật” giữa các bên đối với nhau.
Vì vậy, sự nhấn mạnh “hiệu lực bắt buộc” của hợp đồng MBHHQT là không cần thiết.
Tác giả Lê Thị Nam Giang cho rằng “Hợp đồng MBHHQT là sự thỏa thuận
giữa các bên có trụ sở thương mại ở các nước khác nhau, theo đó bên bán có nghĩa vụ
chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho bên mua và nhận tiền, còn bên mua có nghĩa vụ
nhận tài sản và trả tiền” [27, tr.268]. Khái niệm này chưa thực sự thuyết phục bởi tài
sản là khái niệm rộng, trong đó bao gồm hàng hòa. Hàng hóa là một loại tài sản cụ thể
nhưng tài sản thì chưa hẳn đã là hàng hóa.
Xét về khía cạnh pháp luật thực định thì pháp luật của một số quốc gia trên thế
giới và văn bản pháp lý quốc tế đã có những quy định không giống nhau về hợp đồng
MBHHQT, ví dụ:
- Điều 56 Luật mua bán hàng hóa năm 1979 của Anh quy định hợp đồng
MBHHQT là hợp đồng mua bán hàng hóa được thiết lập giữa các bên có trụ sở thương
mại (nếu không có trụ sở thương mại thì là nơi cư trú) nằm trên lãnh thổ ở các nước
khác nhau và thỏa mãn các điều kiện sau: (a) Hợp đồng bao gồm mua bán hàng hóa,
mà tại thời điểm ký kết hợp đồng, hàng hóa được chuyên chở từ lãnh thổ của quốc gia
này sang lãnh thổ của quốc gia khác; (b) Chào hàng hoặc chấp nhận chào hàng được
lập trên lãnh thổ của các quốc gia khác nhau; hoặc (c) Việc giao hàng được thực hiện
trong lãnh thổ quốc gia khác với lãnh thổ quốc gia chào hàng hoặc chấp nhận chào
hàng. Như vậy, theo pháp luật Anh Quốc, hợp đồng MBHHQT, trước hết, là hợp đồng
mua bán hàng hóa, tức là hợp đồng theo đó người bán chuyển giao hoặc đồng ý
chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa cho người mua để nhận tiền tương ứng gọi là giá
cả [153, Điều 3]. Cơ sở để xác định hợp đồng mua bán hàng hóa là hợp đồng
MBHHQT là căn cứ vào ba yêu cầu nêu ra tại Điều 56 ở trên. Để được xem là hợp
đồng MBHHQT, không chỉ đơn thuần là hợp đồng được giao kết giữa những bên có
trụ sở thương mại tại các quốc gia khác nhau mà hoạt động mua bán hàng hóa được
thực hiện từ lãnh thổ quốc gia này sang lãnh thổ quốc gia khác, chào hàng hoặc chấp
nhận chào hàng được lập trên lãnh thổ của các quốc gia khác nhau. Rõ ràng, quy định
nói trên của Luật mua bán hàng hóa năm 1979 đã thể hiện việc sử dụng tiêu chí “trụ sở
thương mại” làm cơ sở xác định một hợp đồng là hợp đồng MBHHQT hay hợp đồng
mua bán hàng hóa trong nước.
22

- Ở Hoa Kỳ, Bộ luật thương mại thống nhất Hoa Kỳ năm 1952 không trực tiếp
đưa ra khái niệm về hợp đồng MBHHQT nhưng đưa ra định nghĩa về giao dịch quốc
tế tại Điều 1-301, theo đó giao dịch quốc tế là giao dịch có mối quan hệ hợp lý với
quốc gia khác với Hoa Kỳ. Và mua bán chính là việc chuyển giao quyền sở hữu từ
người bán sang người mua để nhận tiền. Bộ luật thương mại thống nhất của Hoa Kỳ,
tuy không trực tiếp đưa ra tiêu chí để xác định hợp đồng MBHHQT nhưng việc định
nghĩa giao dịch quốc tế đã thể hiện của tiêu chí “trụ sở thương mại” ở các nước khác
nhau.
Mặc dù các quy định được diễn đạt khác nhau nhưng hợp đồng mua bán hàng
hóa theo pháp luật Anh và Hoa Kỳ đều là sự thỏa thuận về việc chuyển giao quyền sở
hữu hàng hóa từ người bán sang người mua để đổi lại khoản tiền tương ứng. Bên cạnh
đó, hợp đồng mua bán hàng hóa là hợp đồng MBHHQT khi hợp đồng mua bán hàng
hóa được giao kết bởi các bên có “trụ sở thương mại ở các quốc gia khác nhau”.
Ở phạm vi quốc tế, mặc dù, Công ước Viên không quy định về khái niệm hợp
đồng MBHHQT nhưng Điều 1 của Công ước đã gián tiếp xác định phạm vi của hợp
đồng MBHHQT như sau: “1. Công ước này áp dụng cho các hợp đồng mua bán hàng
hóa giữa các bên có trụ sở thương mại tại các quốc gia khác nhau…2. Sự kiện các bên
có trụ sở thương mại tại các quốc gia khác nhau không tính đến nếu sự kiện này không
xuất phát từ hợp đồng, từ các mối quan hệ đã hình thành hoặc vào thời điểm ký hợp
đồng giữa các bên hoặc là từ việc trao đổi thông tin giữa các bên…”. Như vậy, cơ sở
duy nhất để xác định hợp đồng MBHHQT theo Công ước Viên là trụ sở thương mại
của các bên phải đặt tại các quốc gia khác nhau mà không phụ thuộc vào địa điểm ký
kết hợp đồng và cũng không xét đến việc hàng hóa có được dịch chuyển qua biên giới
hay không.
Từ quy định tại Điều 1, kết hợp với quy định tại Điều 40, Điều 53 Công ước có
thể hiểu hợp đồng MBHHQT là sự thỏa thuận giữa các bên có trụ sở thương mại đặt
tại các nước khác nhau, theo đó một bên (người bán) có nghĩa vụ giao hàng, chuyển
giao chứng từ liên quan đến hàng hóa và quyền sở hữu về hàng hóa cho bên kia (người
mua) và người mua có nghĩa vụ thanh toán tiền hàng và nhận hàng.
Bên cạnh Công ước viên, PICC đưa ra những quy phạm chung, chủ yếu áp
dụng cho hợp đồng thương mại quốc tế. PICC không đưa ra một định nghĩa rõ ràng,
nhưng khái niệm hợp đồng thương mại phải được hiểu theo một nghĩa rộng nhất có thể
23

được, không chỉ bao gồm các giao dịch thương mại nhằm cung cấp hay trao đổi hàng
hóa hay dịch vụ, mà còn bao gồm các hình thức giao dịch kinh tế khác như các hợp
đồng về đầu tư và/hoặc ủy thác, các hợp đồng cung cấp các dịch vụ chuyên môn [10,
tr.36]. Tính chất quốc tế của một hợp đồng thương mại, theo PICC, được xác định
bằng nhiều cách. Pháp luật quốc gia và quốc tế đưa ra nhiều giải pháp, từ việc căn cứ
vào trụ sở hay nơi cư trú thường xuyên của các bên tại các quốc gia khác nhau đến
việc áp dụng những tiêu chí tổng quát hơn [35, tr.76]. PICC không nhấn mạnh bất kỳ
tiêu chí xác định tính quốc tế của hợp đồng thương mại quốc tế. Tuy nhiên, tính quốc
tế của hợp đồng thương mại nói chung, hợp đồng mua bán hàng hóa nói riêng cần
được giải thích theo nghĩa rộng nhất có thể, chỉ loại trừ những trường hợp không có
bất kỳ một yếu tố quốc tế nào, nghĩa là khi tất cả các yếu tố cơ bản của hợp đồng chỉ
liên quan đến một quốc gia [10, tr.35].
Ở Việt Nam, hợp đồng MBHHQT, trước khi Luật Thương mại ra đời, còn được
gọi dưới nhiều tên khác nhau như: hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hóa, hợp đồng mua
bán hàng hóa ngoại thương [50], hợp đồng mua bán ngoại thương [56], hợp đồng mua
bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài…
Luật Thương mại có một chương quy định về mua bán hàng hóa (Chương II),
trong đó chỉ có bảy điều luật quy định riêng về MBHHQT và không có điều luật nào
xác định cụ thể, trực tiếp về khái niệm và phạm vi nội hàm của hợp đồng MBHHQT.
Tuy nhiên, dựa vào quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật Thương mại và Điều 428 Bộ luật
dân sự, có thể rút ra khái niệm về hợp đồng mua bán hàng hóa như sau: Hợp đồng mua
bán hàng hóa là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng hóa
cho bên mua và nhận tiền, còn bên mua có nghĩa vụ nhận hàng hóa và trả tiền cho bên
bán. Như vậy, hợp đồng mua bán hàng hóa là dạng cụ thể của hợp đồng mua bán tài
sản trong pháp luật dân sự (theo nghĩa rộng) [2, tr.4].
Luật Thương mại cũng không quy định về khái niệm hợp đồng MBHHQT hoặc
yếu tố quốc tế, nước ngoài của hợp đồng mua bán hàng hóa mà chỉ quy định về
MBHHQT tại Điều 27 như sau: “1. MBHHQT được thực hiện dưới các hình thức xuất
khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu. 2. MBHHQT
phải thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị
pháp lý tương đương”. Như vậy, khoản 1 Điều 27 Luật thương mại đã liệt kê các hình
24

thức cụ thể của việc mua bán hàng hóa quốc tế, bao gồm 5 hình thức: xuất khẩu; nhập
khẩu; tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập; chuyển khẩu.
Từ đó, có thể suy luận rằng hợp đồng MBHHQT theo pháp luật Việt Nam là
văn bản thỏa thuận của các cá nhân, tổ chức trong việc xuất khẩu, nhập khẩu, tạm
nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu hàng hóa. Hai hay nhiều bên tham
gia giao dịch MBHHQT - một loại giao dịch dân sự hoặc giao kết hợp đồng
MBHHQT theo pháp luật Việt Nam có thể là cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc cá nhân,
tổ chức nước ngoài; có nơi cư trú hoặc trụ sở ở Việt Nam hoặc nước ngoài. Nghĩa là,
theo quy định của Luật Thương mại, hoạt động mua bán hàng hóa được coi là
MBHHQT không phụ thuộc vào nơi cư trú, trụ sở hay quốc tịch. Luật Thương mại lấy
tiêu chí vận chuyển hàng hóa qua biên giới để xác định quan hệ mua bán hàng hóa là
MBHHQT.
Mặt khác, Điều 758 Bộ luật dân sự quy định: “Quan hệ dân sự có yếu tố nước
ngoài là quan hệ dân sự có ít nhất một trong các bên tham gia là cơ quan, tổ chức, cá
nhân nước ngoài hoặc là quan hệ dân sự giữa các bên tham gia là công dân, tổ chức
Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước
ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài”.
Như vậy, khái niệm “MBHHQT” với tư cách là hoạt động thương mại hoặc quan hệ
thương mại theo khoản 1 Điều 27 Luật Thương mại có phạm vi hẹp hơn so với “mua
bán hàng hóa có yếu tố nước ngoài” xuất phát từ khái niệm “quan hệ dân sự có yếu tố
nước ngoài” theo Điều 758 Bộ luật dân sự. Căn cứ quy định về quan hệ dân sự có yếu
tố nước ngoài tại Điều 758 Bộ luật dân sự, chúng ta có thể xác định các dấu hiệu của
quan hệ MBHHQT hay có “yếu tố nước ngoài” như sau:
- Ít nhất một trong các bên tham gia mua bán hàng hóa là cơ quan, tổ chức, cá
nhân nước ngoài;
- Các bên tham gia quan hệ mua bán hàng hóa là công dân, tổ chức Việt Nam
nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ này theo pháp luật nước ngoài;
- Hàng hóa – đối tượng mua bán ở nước ngoài.
Trong khi đó, MBHHQT theo Luật Thương mại chỉ căn cứ vào tiêu chí duy
nhất là hàng hóa được vận chuyển qua biên giới [5, tr.5]. Tuy nhiên, theo khoản 3
Điều 4 Luật Thương mại, “hoạt động thương mại không được quy định trong Luật
Thương mại và trong các luật khác thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự” nên việc
25

xác định hợp đồng MBHHQT cần vận dụng cả khoản 1 Điều 27 Luật Thương mại và
Điều 758 Bộ luật dân sự.
Từ nhận thức trên, có thể đưa ra khái niệm về hợp đồng MBHHQT như sau:
Hợp đồng MBHHQT là hợp đồng mua bán hàng hóa có tính chất quốc tế hay có yếu
tố nước ngoài, theo đó một bên (người bán) có nghĩa vụ giao hàng, chứng từ liên quan
hàng hóa và quyền sở hữu về hàng hóa cho bên kia (người mua) và người mua có
nghĩa vụ thanh toán tiền hàng và nhận hàng.
2.1.2. Đặc điểm của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
2.1.2.1. Hợp đồng MBHHQT là hợp đồng thương mại có tính quốc tế hay có
yếu tố nước ngoài
Hợp đồng MBHHQT là một giao dịch có nhiều bên tham gia để tạo lập sự ràng
buộc pháp lý với nhau dựa trên sự cam kết, thỏa thuận, tức là tạo ra các quyền và
nghĩa vụ mới, ngoài những quyền và nghĩa vụ luật định, hoặc làm thay đổi hay chấm
dứt các quyền, nghĩa vụ ấy. Mặc dù trong luật thực định và thậm chí trong lý luận có
nhiều cách hiểu khác nhau về hợp đồng MBHHQT nhưng chung quy lại, tất cả các
cách hiểu khác nhau đó đều nhất quán ở điểm lấy trụ sở thương mại ở các quốc gia
khác nhau hay sự di chuyển hàng hóa qua biên giới quốc gia là tiêu chí xác định tính
chất quốc tế hay yếu tố nước ngoài hay tính chất quốc tế của hợp đồng MBHHQT [31,
tr.75; 58].
Chính tính chất quốc tế hay yếu tố nước ngoài của hợp đồng MBHHQT đã tạo
ra điểm khác biệt của hợp đồng MBHHQT so với hợp đồng thương mại trong nước, cụ
thể:
- Chủ thể của hợp đồng MBHHQT là các bên có trụ sở thương mại đặt ở các
nước khác nhau và/hoặc mang quốc tịch khác nhau. Điều đó có nghĩa, bên bán, bên
mua phải có trụ sở thương mại đặt ở các nước khác nhau chứ không phải đóng trong
phạm vi một nước. Nếu bên mua và bên bán đều có trụ sở thương mại ở cùng một
nước mà ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa với nhau thì đó là hợp đồng mua bán
hàng hóa trong nước. Nếu một bên có hơn một trụ sở thương mại thì sẽ tính đến trụ sở
thương mại có mối liên hệ chặt chẽ nhất đối với hợp đồng và đối với việc thực hiện
hợp đồng đó; Nếu một bên không có trụ sở thương mại thì sẽ lấy nơi cư trú thường
xuyên của họ [11, Điều 10].
26

- Hàng hóa là đối tượng của hợp đồng có thể được chuyển qua biên giới nước
người bán sang nước người mua hoặc sang nước thứ ba. Vì hợp đồng MBHHQT được
ký kết giữa các bên có trụ sở thương mại đặt ở các nước khác nhau nên trong đa số các
trường hợp hàng hóa được chuyển từ nước người bán sang nước người mua hoặc từ
nước người bán sang nước thứ ba (trong trường hợp người mua hàng xuất hàng sang
nước thứ ba) [26, tr.204]. Song cũng có trường hợp hàng hóa không chuyển qua biên
giới nước người bán. Chẳng hạn, một Công ty Hàn Quốc đóng trụ sở thương mại tại
Xơ Un, Hàn Quốc ký kết hợp đồng gia công quốc tế với một Công ty may của Việt
Nam đóng trụ sở tại Hà Nội. Công ty Hàn Quốc cung cấp nguyên vật liệu và nhận sản
phẩm gia công. Để thực hiện được hợp đồng này, công ty Hàn Quốc ký kết hợp đồng
mua vải của công ty dệt Vĩnh Phú có trụ sở thương mại tại Vĩnh Phú. Địa điểm giao
hàng tại Hà Nội, người nhận hàng là Công ty may đóng trụ sở thương mại tại Hà Nội,
có nghĩa vụ gia công áo giao cho Công ty Hàn Quốc. Như vậy, vải là đối tượng của
hợp đồng mua bán giữa công ty Hàn Quốc đóng trụ sở thương mại tại Hàn Quốc với
Công ty dệt đóng trụ sở tại Việt Nam, không chuyển qua biên giới Việt Nam (nước
người bán).
- Đồng tiền dùng để thanh toán giữa người bán và người mua có thể là ngoại tệ
đối với một trong hai bên. Nếu như trong các hợp đồng mua bán trong nước, đồng tiền
thanh toán phải là đồng Việt Nam (có thể dùng USD hay Euro như đồng tiền tính toán
mà thôi) thì trong hợp đồng MBHHQT, các bên được tự do lựa chọn đồng tiền thanh
toán, đó có thể là đồng tiền của nước người bán, của nước người mua hay của nước
thứ ba. Nhìn chung, các bên thường lựa chọn các đồng tiền mạnh có thể tự do chuyển
đổi như USD, Euro, DM, Yên Nhật, Bảng Anh… (ngoại lệ: các hợp đồng ký giữa các
thương nhân EU thì đồng tiền thanh toán Euro sẽ là đồng tiền chung cho cả hai bên và
không là ngoại tệ đối với bên nào).
- Cơ quan giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng MBHHQT có thể là Tòa
án hoặc Trọng tài nước ngoài đối với một hoặc cả hai bên. Ví dụ, hợp đồng mua bán
hàng hóa giữa một công ty của Trung Quốc đóng trụ sở thương mại ở Trung Quốc với
một công ty của Đức đóng trụ sở thương mại tại Đức, trong hợp đồng quy định nếu có
tranh chấp phát sinh thì giải quyết bằng thương lượng, nếu không thương lượng được
thì kiện ra Tòa thương mại Beclin. Như vậy, Tòa thương mại Beclin là cơ quan giải
quyết tranh chấp và cũng là Tòa án nước ngoài đối với công ty của Trung Quốc.
27

Bên cạnh đó, tính chất quốc tế của hợp đồng MBHHQT có thể dẫn đến khả
năng tranh chấp về thẩm quyền giữa các cơ quan giải quyết tranh chấp đối với những
tranh chấp phát sinh từ hoặc có liên quan đến hợp đồng MBHHQT - tranh chấp có yếu
tố nước ngoài [45, tr.226].
- Pháp luật điều chỉnh hợp đồng MBHHQT có thể là pháp luật nước ngoài đối
với một hoặc cả hai bên. Chẳng hạn, nếu áp dụng pháp luật Việt Nam điều chỉnh hợp
đồng mua bán giữa công ty Việt Nam và công ty của Singapore thì pháp luật Việt Nam
là pháp luật nước ngoài đối với công ty Singapore. Nếu hai bên thỏa thuận dùng pháp
luật của Pháp để điều chỉnh hợp đồng này thì pháp luật của Pháp là pháp luật nước
ngoài đối với cả hai bên. Ngoài ra, nguồn luật điều chỉnh hợp đồng MBHHQT cũng rất
đa dạng và phức tạp bao gồm không chỉ pháp luật nước ngoài đối với một trong hoặc
cả hai bên mà còn điều ước thương mại quốc tế, tập quán thương mại quốc tế và thậm
chí là án lệ (tiền lệ xét xử).
2.1.2.2. Mục đích của hợp đồng MBHHQT là sinh lợi
Hợp đồng MBHHQT là sự thỏa thuận giữa các bên để thực hiện một hoạt động
thương mại. Xét về nội dung, sự thỏa thuận trong hoạt động thương mại được thể hiện
dưới hình thức pháp lý là hợp đồng thương mại không chỉ là sự nhất trí, đồng ý chung
chung mà còn phải có nội dung cụ thể, mục đích rõ ràng, tức phải xác định được bản
chất quan hệ hợp đồng mà các bên muốn xác lập [19, tr.120].
Mua bán hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó người bán chuyển giao
hàng hóa và quyền sở hữu đối với hàng hóa cho người mua và người mua nhận hàng
và trả tiền. Hàng hóa là đối tượng của hợp đồng MBHHQT mà các bên giao kết hợp
đồng này hướng tới. Vì thế, mục đích của các bên trong hợp đồng MBHHQT cũng gắn
liền với mục đích mua hàng để sinh lợi của các bên.
Các bên giao kết hợp đồng MBHHQT chính là các thương nhân, tức là chủ thể
tiến hành hoạt động thương mại. Vì vậy, có thể nói, mục đích mua hàng của người bán
cũng như người mua, dù được mô tả trực tiếp hay gián tiếp, thì đó cũng là nhằm sinh
lợi từ việc chuyển giao hàng, quyền sở hữu đối với hàng và thanh toán [12, tr.68].
Người mua có thể mua hàng để bán lại hay để sản xuất nhằm sinh lợi, người bán,
đương nhiên, muốn bán hàng để nhận tiền (sinh lợi). Khi thiết lập một hợp đồng
MBHHQT, người bán và người mua luôn hướng đến việc tạo lập “sự ràng buộc pháp
28

lý” đối với nhau và trông đợi bên kia cùng thực hiện nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng,
nhằm thỏa mãn lợi ích của các bên [26, tr.142].
Tóm lại, mục đích trong hợp đồng MBHHQT được tạo nên bởi sự thỏa thuận
của các bên có thể khác nhau tùy vào quan hệ, động cơ giao kết hợp đồng của các bên.
Tuy nhiên, là hình thức pháp lý để thực hiện hoạt động thương mại nói chung, hoạt
động mua bán hàng hóa nói riêng nên về mặt bản chất có thể thấy được các bên thống
nhất với nhau ý chí rằng mục đích các bên giao kết hợp đồng MBHHQT là nhằm tìm
kiếm lợi nhuận và các lợi ích kinh tế khác. Điều này tạo nên bản chất của hợp đồng
MBHHQT, khác với các loại hợp đồng khác, và là yếu tố cơ bản cho sự tồn tại của
hợp đồng MBHHQT. Hợp đồng MBHHQT chỉ có thể được thiết lập vì lợi ích kinh tế
mà các bên hướng tới từ hợp đồng này và cũng vì lợi ích kinh tế mà các bên thực hiện
hợp đồng. Nói cách khác, không có lợi ích kinh tế sẽ không có sự giao kết và thực hiện
hợp đồng MBHHQT.
2.2. Vi phạm cơ bản hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế: khái niệm và đặc điểm
Khi hợp đồng MBHHQT đã được giao kết hợp pháp thì nó có giá trị bắt buộc
thi hành đối với các bên tham gia xác lập và thực hiện hợp đồng. Sự ràng buộc pháp lý
và lợi ích kinh tế của các bên sẽ bị ảnh hưởng ở mức độ khác nhau khi quyền và nghĩa
vụ do các bên tạo ra không được tuân thủ thực hiện bởi một trong các bên xác lập và
thực hiện hợp đồng. Nội dung sau đây làm rõ khái niệm và đặc điểm vi phạm cơ bản
hợp đồng MBHHQT.
2.2.1. Khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
Vi phạm cơ bản hợp đồng nói chung, vi phạm cơ bản hợp đồng MBHHQT nói
riêng là một dạng vi phạm hợp đồng nhưng không phải vi phạm hợp đồng nào cũng là
vi phạm cơ bản hợp đồng. Vì vậy, có thể nói, khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng nói
chung, vi phạm cơ bản hợp đồng MBHHQT nói riêng được xem xét ở hai khía cạnh:
(i) vi phạm hợp đồng; (ii) tính cơ bản của vi phạm hợp đồng.
2.2.1.1. Vi phạm hợp đồng
(a) Khái niệm vi phạm hợp đồng
Trong khoa học pháp lý, lý thuyết về vi phạm hợp đồng đã ra đời và tồn tại lâu
dài trong tất cả các hệ thống pháp luật trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Theo nghĩa thông thường, vi phạm là “không tuân theo hoặc làm trái những
điều quy định” [52, tr.1466]. Vì thế, vi phạm hợp đồng có thể hiểu là không tuân theo
29

hoặc làm trái những gì các bên đã thỏa thuận, thống nhất ý chí với nhau. Theo Từ
điển Black’Law (phiên bản lần thứ 9), vi phạm hợp đồng là vi phạm các nghĩa vụ hợp
đồng bằng việc không thực hiện lời hứa của ai đó, từ chối thực hiện hoặc ngăn cản
việc thực hiện của bên kia [91, tr.213].
Về phương diện học thuật, trên thế giới có khá nhiều học giả đưa ra khái niệm
về vi phạm hợp đồng. Chẳng hạn, theo Giáo sư Treitel, vi phạm hợp đồng xảy ra khi
một bên không hoặc từ chối thực hiện những gì anh ta có nghĩa vụ thực hiện theo hợp
đồng mà không có lý do hợp pháp hoặc thực hiện không đúng hoặc không có khả
năng thực hiện [106, tr.389]. Như vậy, theo cách hiểu về vi phạm hợp đồng này,
trong mọi trường hợp việc không thực hiện những gì đã cam kết, “đã hứa” chỉ bị xem
là vi phạm khi “không có lý do hợp pháp”. Hay, vi phạm hợp đồng xảy ra nếu một
bên giao kết hợp đồng thiếu sót trong việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng [150, tr.235].
Với khái niệm này thì chỉ đơn thuần là sự “thiếu sót”, dù là mức độ nhỏ hay lớn, đều
cấu thành “vi phạm hợp đồng”. Tương tự, tác giả David Kelly cho rằng “vi phạm hợp
đồng xảy ra khi một trong các bên tham gia hợp đồng không thực hiện, hoàn toàn
hoặc thỏa đáng, nghĩa vụ hợp đồng. Một vi phạm hợp đồng có thể xảy ra dưới 3 dạng:
(1) Khi một bên, trước thời hạn thực hiện hợp đồng, tuyên bố rằng họ sẽ không thực
hiện nghĩa vụ hợp đồng (vi phạm trước thời hạn); (2) khi một bên không thực hiện
nghĩa vụ hợp đồng; (3) khi một bên thực hiện không đúng (có khiếm khuyết) nghĩa vụ
hợp đồng”[103, tr.182]. Tác giả Dương Anh Sơn cho rằng “hành vi vi phạm hợp đồng
là những biểu hiện khách quan dưới dạng hành động hoặc không hành động trái với
các nội dung mà các bên đã thỏa thuận” [60, tr.34] hay tác giả Phạm Duy Nghĩa cho
rằng “vi phạm hợp đồng là hành vi của một bên không thực hiện hoặc không thực hiện
đúng nghĩa vụ theo các điều kiện hợp đồng” [47, tr.373].
Vi phạm hợp đồng là thuật ngữ được nhắc đến và sử dụng khá nhiều trong quy
định pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới nhưng khái niệm về vi phạm hợp đồng
lại không được định nghĩa trực tiếp trong các đạo luật của các quốc gia này mà thay
vào đó pháp luật của nhiều quốc gia quy định các dạng vi phạm hợp đồng.
- Bộ luật dân sự năm 2002 của Đức điều chỉnh tương đối cụ thể hai dạng vi
phạm nghĩa vụ hợp đồng, đó là loại vi phạm dưới hình thức “chậm thực hiện nghĩa vụ”
và “không thể thực hiện được nghĩa vụ” hay “không có khả năng thực hiện nghĩa vụ”.
30

Bộ luật dân sự năm 1804 của Pháp coi chậm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng và không
thực hiện nghĩa vụ hợp đồng là vi phạm hợp đồng.
- Điều 11(5) Luật mua bán hàng hóa năm 1979 của Anh quy định “Ở Scotland,
người bán không thực hiện bất kỳ phần quan trọng nào của hợp đồng mua bán là vi
phạm hợp đồng…”. Quy định này cho thấy nội hàm của vi phạm hợp đồng khá hẹp vì
luật chỉ thừa nhận không thực hiện phần quan trọng của hợp đồng mua bán mới xem là
vi phạm hợp đồng.
- Điều 1-201(b)(17) Bộ luật thương mại thống nhất Hoa Kỳ năm 1952 không
đưa ra khái niệm vi phạm nhưng quy định “lỗi là khiếm khuyết, vi phạm hay hành
động sai trái hoặc không làm đầy đủ”. Từ quy định này có thể hiểu vi phạm là lỗi, là
sự khiếm khuyết hay hành động sai trái hay không làm đầy đủ.
- Vi phạm hợp đồng theo Luật hợp đồng Trung Quốc năm 1999 có thể hiểu
thông qua quy định tại Điều 107, cụ thể: “nếu một bên không thực hiện nghĩa vụ theo
hợp đồng hoặc thực hiện không phù hợp thì phải chịu trách nhiệm do vi phạm hợp
đồng”. Như vậy, vi phạm hợp đồng theo Luật hợp đồng Trung Quốc bao gồm không
thực hiện hoặc thực hiện không phù hợp (không đúng) nghĩa vụ hợp đồng.
Dù được định nghĩa, giải thích theo các cách khác nhau nhưng nhìn chung cách
hiểu về vi phạm hợp đồng của pháp luật một số quốc gia là việc không thực hiện hoặc
thực hiện không đúng nghĩa vụ mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng. Điều này
cũng phù hợp với khái niệm về vi phạm hợp đồng cũng được quy định trong điểm d
khoản 3 Điều 1 Công ước về thời hiệu MBHHQT năm 1974, theo đó “vi phạm hợp
đồng là việc không thực hiện hợp đồng hoặc bất kỳ sự thực hiện nào mà không phù
hợp với hợp đồng”.
Với vai trò là luật quốc tế thống nhất về hợp đồng MBHHQT và dung hòa các
hệ thống pháp luật khác nhau, các nhà soạn thảo Công ước Viên không tiếp cận khái
niệm vi phạm hợp đồng dựa trên sự phân loại vi phạm nghĩa vụ hợp đồng như pháp
luật một số quốc gia nói trên, mà thay vào đó họ tiếp cận khái niệm vi phạm hợp đồng
dưới góc độ chung nhất. Mặc dù không đưa ra định nghĩa, Công ước Viên tiếp cận
khái niệm “vi phạm hợp đồng” theo nghĩa rộng nhất, bao gồm tất cả các hành vi không
tuân thủ quy định của hợp đồng như không thực hiện nghĩa vụ, chậm thực hiện nghĩa
vụ, thực hiện nghĩa vụ không đầy đủ hoặc không phù hợp mà không phân biệt đó là
nghĩa vụ chính hay phụ, kể cả những trường hợp được miễn trách nhiệm [94, tr.18].
31

Trong một số trường hợp, Công ước Viên sử dụng thuật ngữ “không thực hiện nghĩa
vụ hợp đồng” theo nghĩa tương đương với thuật ngữ “vi phạm hợp đồng” [11, Điều 79,
80].
Nghĩa vụ của người bán và người mua trong hợp đồng MBHHQT không chỉ
phát sinh từ thỏa thuận của các bên trong hợp đồng mà còn từ những quy định của
Công ước Viên nếu thuộc các trường hợp áp dụng Công ước quy định tại Điều 1 Công
ước. Các nghĩa vụ của người bán và người mua có thể phát sinh từ tập quán mà các
bên đã thỏa thuận hoặc thói quen mà các bên đã thiết lập với nhau [11, khoản 1 Điều
9]. Công ước Viên nhấn mạnh rằng, trừ trường hợp các bên trong hợp đồng MBHHQT
có thỏa thuận khác, các bên được coi là ngụ ý áp dụng trong hợp đồng hoặc trong việc
giao kết hợp đồng một tập quán mà các bên đã biết hoặc phải biết và được biết đến
phổ biến trong thương mại quốc tế và được các bên áp dụng một cách thường xuyên
đối với các hợp đồng cùng chủng loại trong lĩnh vực thương mại cụ thể liên quan [11,
khoản 2 Điều 9]. Bên cạnh đó, khi Công ước Viên được áp dụng để điều chỉnh quan hệ
hợp đồng MBHHQT giữa các bên, nghĩa vụ giữa các bên còn có thể được xác định
theo các quy tắc của Công ước. Chẳng hạn, khi xác định ý chí của một bên cần phải
tính đến mọi tình tiết liên quan, kể cả các cuộc đàm phán, mọi thói quen mà các bên đã
thiết lập với nhau, các tập quán và mọi hành vi sau đó của các bên [11, khoản 3 Điều
8].
Như vậy, có thể thấy, nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng theo Công ước Viên
được xác lập ở 3 cấp: (i) nghĩa vụ dựa trên sự thống nhất ý chí thể hiện ở các điều
khoản trong hợp đồng mua bán hàng hoá có liên quan, (ii) nghĩa vụ dựa trên các thói
quen hình thành trước đó và ngụ ý áp dụng tập quán thương mại quốc tế; và (iii) nghĩa
vụ được xác định theo các quy tắc của Công ước Viên. Bất cứ khi nào Công ước Viên
là luật điều chỉnh của hợp đồng, Công ước luôn luôn tuân thủ thứ tự áp dụng hai cấp
độ đầu tiên của cấu trúc [127]. Tất nhiên, nếu các bên quả quyết loại bỏ (hoàn toàn)
việc áp dụng Công ước Viên, tức là họ sẽ không tuân thủ các điều khoản dẫn tới áp
dụng Công ước một cách tự động [11, Điều 6]. Khi đó, Công ước sẽ không ảnh hưởng
gì đến các hợp đồng mua bán hàng hoá giữa họ.
Do đó, vi phạm hợp đồng theo quy định cùa Công ước Viên được hiểu là việc
không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, bao gồm cả những
nghĩa vụ được quy định rõ ràng trong hợp đồng mua bán và cả việc một trong hai bên
32

không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ nào đó của họ phát sinh
từ các tập quán mà các bên đã thỏa thuận và từ các thực ti n đã được các bên thiết
lập trong mối quan hệ tương hỗ giữa họ và từ quy định của chính Công ước Viên.
Hành vi vi phạm hợp đồng của bên vi phạm có thể là vi phạm thực tế hoặc vi phạm dự
đoán trước. Hành vi vi phạm thực tế có thể là người bán không giao hàng, không giao
chứng từ liên quan đến hàng hóa, giao hàng không phù hợp (về số lượng, về chất
lượng…) với hợp đồng và Công ước hoặc người mua không thanh toán tiền hàng,
không nhận hàng theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng và của Công ước. Những hành
vi vi phạm này đã xảy ra trong thực tế và gây hoặc có khả năng gây ra những hậu quả
pháp lý nhất định đối với bên bị vi phạm.
Trong luật thực định của Việt Nam, trước năm 2005, khái niệm “vi phạm hợp
đồng” chưa được định nghĩa ở bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào. Thậm chí,
Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989, văn bản quy phạm pháp luật trực tiếp điều
chỉnh hợp đồng kinh tế, cũng không đưa ra định nghĩa về vi phạm hợp đồng. Tuy
nhiên, từ quy định tại khoản 1 Điều 29 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989 có thể
hiểu vi phạm hợp đồng là việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng
kinh tế [50, khoản 1 Điều 29].
Đến năm 2005, khi Luật Thương mại ra đời, các nhà làm luật đã định nghĩa vi
phạm hợp đồng tại khoản 12 Điều 3, theo đó vi phạm hợp đồng là việc một bên không
thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thỏa
thuận giữa các bên hoặc theo quy định của Luật Thương mại. Với quy định này, “vi
phạm” được hiểu là “không thực hiện”, “thực hiện không đầy đủ” hoặc “thực hiện
không đúng”. Khoản 1 Điều 302 Bộ luật dân sự không sử dụng thuật ngữ “vi phạm
hợp đồng” mà thay vào đó là “trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ dân sự”, trong
đó đề cập đến “không thực hiện” hoặc “thực hiện không đúng” nghĩa vụ của người có
nghĩa vụ.
Bằng dấu “phẩy” ở giữa các cụm từ “không thực hiện, thực hiện không đầy đủ
hoặc thực hiện không đúng” có thể hiểu theo các nghĩa sau:
- Vi phạm hợp đồng bao gồm không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, trong đó
thực hiện không đầy đủ là một sự giải thích, làm rõ thêm của không thực hiện hợp
đồng. Với cách hiểu này, Luật Thương mại quy định phạm vi vi phạm hợp đồng rộng
hơn Bộ luật dân sự khi xem “thực hiện không đầy đủ” là một dạng cụ thể của không
33

thực hiện hợp đồng. Quy định của Luật Thương mại là khá phù hợp với xu hướng quy
định của một số văn bản quốc tế.
Trong PICC và PECL, thuật ngữ “vi phạm hợp đồng” không xuất hiện mà thay
vào đó là “không thực hiện hợp đồng”. Điều 7.1.1 PICC quy định: “Không thực hiện
hợp đồng là việc một bên không thực hiện một nghĩa vụ nào đó phát sinh từ hợp đồng,
kể cả việc thực hiện hợp đồng không đúng hay chậm tr ”. Điều 1.301 PECL quy định:
“Không thực hiện hợp đồng có nghĩa là việc không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng,
bao gồm thực hiện chậm, thực hiện không đúng và không hợp tác để làm cho hợp đồng
có hiệu lực”. Như vậy, không thực hiện hợp đồng là một thuật ngữ có nội hàm rộng
chứa trong nó các hình thức thực hiện không đầy đủ hợp đồng, không đúng hợp đồng.
- Vi phạm nghĩa vụ hợp đồng bao gồm không thực hiện và thực hiện không
đầy đủ hoặc thực hiện không đúng. Cách hiểu này thì không thực sự thuyết phục bởi
“không thực hiện” có thể bao gồm trong đó “thực hiện không đầy đủ” như cách hiểu
của một số văn bản quốc tế nhưng nó không thể và không bao giờ “song hành” cùng
thực hiện không đầy đủ. Không thực hiện một hành vi nhất định thì không thể có cơ
sở xác định hành vi đó có được thực hiện là đầy đủ hay không đầy đủ bởi ngay từ đầu
đã không xảy ra việc thực hiện hành vi đó.
Vì vậy, để tránh nhầm lẫn và tạo thuận lợi trong cách hiểu về “vi phạm hợp
đồng” theo Luật Thương mại, người viết kiến nghị bỏ thuật ngữ “thực hiện không đầy
đủ” để có sự thống nhất với Bộ luật dân sự. Ở đây, thuật ngữ “thực hiện không đầy
đủ” là thừa và không cần thiết bởi vì thực hiện không đầy đủ cũng chính là thực hiện
không đúng như giao hàng thiếu, thanh toán thiếu, đơn giản, cũng chính là việc thực
hiện không đúng số hàng cam kết giao, số tiền cam kết thanh toán. Ví dụ, các bên ký
hợp đồng MBHHQT, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao cho bên mua 500 bộ ghế văn
phòng nhưng bên bán chỉ giao 450 bộ. Rõ ràng, người bán đã giao không đúng số
lượng hàng theo thỏa thuận hợp đồng hay cũng chính là thực hiện giao không đầy đủ
số lượng 500 bộ ghế văn phòng.
Như vậy, các quy định trên cho thấy các bên phải thực hiện đúng hợp đồng, trái
lại không thực hiện hoặc thực hiện không đúng [41, tr.61], tức là vi phạm hợp đồng.
Tuy nhiên, ở đây, yếu tố hợp đồng không chỉ bao gồm “thỏa thuận, cam kết” của các
bên xác lập và thực hiện hợp đồng mà còn “thói quen trong hoạt động thương mại đã
được thiết lập giữa các bên mà các bên đã biết hoặc phải biết” [40, Điều 12], quy định
34

của pháp luật điều chỉnh hợp đồng và “tập quán thương mại” [40, Điều 13] bởi có rất
nhiều vấn đề pháp luật quy định gắn liền với hợp đồng nên thực hiện các quy định này
thực chất cũng là thực hiện hợp đồng và ngược lại, vi phạm các quy định này thực chất
cũng là vi phạm hợp đồng.
Từ nhận thức trên, tác giả xin đưa ra khái niệm vi phạm hợp đồng như sau:
Vi phạm hợp đồng là việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ
hợp đồng mà các bên đã thỏa thuận, theo thói quen trong thương mại giữa các bên,
pháp luật điều chỉnh hợp đồng hoặc tập quán thương mại quy định.
(b) Đặc điểm của vi phạm hợp đồng
- Vi phạm hợp đồng là hành vi vi phạm “luật” giữa các bên
Hợp đồng được giao kết hợp pháp thì “có hiệu lực như pháp luật”, nhưng “là
pháp luật của các bên” [1, tr.7]. Có nghĩa, hiệu lực của hợp đồng là tạo ra quyền và
nghĩa vụ “riêng” cho các bên chứ không có hiệu lực bắt buộc chung như pháp luật [16,
tr.43]. Nói cách khác, hợp đồng như các quy phạm tư nhân được tạo ra từ “ý chí của tư
nhân” [39, tr.244] để ràng buộc chỉ đối với các bên tham gia hợp đồng đó mà thôi.
Sở dĩ nói hợp đồng có giá trị như luật đối với các bên là nói đến việc thỏa thuận
trong hợp đồng giữa các bên đã tạo ra quyền và nghĩa vụ để ràng buộc giữa họ với
nhau, và các bên cũng bị buộc phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ đó giống như các
quyền và nghĩa vụ luật định. Như vậy, tuy các bên tham gia hợp đồng không phải là
những người có thẩm quyền sáng tạo luật (ví dụ như nhà lập pháp trong các nước theo
luật thành văn, hoặc Tòa án trong các nước theo luật án lệ), nhưng lại có thể tự nguyện
thỏa thuận làm phát sinh quyền và nghĩa vụ pháp lý để ràng buộc lẫn nhau [44, tr.256].
Các quyền và nghĩa vụ này được pháp luật thừa nhận và bảo đảm thực hiện bằng các
biện pháp cưỡng chế mang tính pháp lý. Theo đó, hành vi của các bên vi phạm nghĩa
vụ trong hợp đồng cũng bị coi là hành vi trái pháp luật, và có thể bị buộc phải chịu
trách nhiệm pháp lý với những chế tài thích hợp.
Giá trị pháp lý giống như luật của hợp đồng còn được thể hiện ở chỗ nó đã tạo
ra sự ràng buộc mang tính pháp lý đối với các bên tham gia, nhằm buộc các bên tham
gia phải nghiêm túc thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng [154,
tr.116]. Nội dung này đòi hỏi các bên phải tôn trọng và thực hiện đúng những gì mà
các bên đã cam kết trong hợp đồng một cách trung thực, thiện chí [39, tr.42]. Kể từ khi
hợp đồng phát sinh hiệu lực, các bên không được từ chối thực hiện hợp đồng, không
35

được rút lại những gì đã cam kết, và tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc
thực hiện không đúng nghĩa vụ, nếu không tự nguyện thực hiện thì có thể bị cưỡng chế
thực hiện theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở có sự bảo đảm của pháp luật, bên có
quyền được yêu cầu và bên có nghĩa vụ phải nghiêm chỉnh thực thi các nghĩa vụ của
mình trong hợp đồng và theo đúng các yêu cầu của nguyên tắc thiện chí, hợp tác và
ngay thẳng: “hợp đồng được lập hợp pháp thì phải được các bên thực hiện nghiêm
chỉnh và ngay tình” [16, tr.77].
- Hành vi vi phạm hợp đồng có thể xảy ra trước thời hạn (vi phạm dự đoán
trước) hoặc khi hết thời hạn thực hiện hợp đồng (vi phạm thực tế)
Trong hợp đồng, các bên có thể thỏa thuận nghĩa vụ hợp đồng được thực hiện
vào một thời điểm cụ thể hoặc khoảng thời gian nhất định. Khi đến hạn thực hiện hợp
đồng, một trong các bên có thể không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ
hợp đồng, tức là vi phạm hợp đồng trên thực tế. Tuy nhiên, trường hợp chưa đến hạn
thực hiện hợp đồng nhưng một bên có đủ cơ sở, chứng cứ rõ ràng để chứng minh rằng
bên kia sẽ không thực hiện hợp đồng hoặc các hành động của một bên làm cho bên kia
mất niềm tin vào việc bên kia sẽ thực hiện hợp đồng và kết luận sẽ có một sự vi phạm
hợp đồng trong tương lai. Đây là trường hợp một bên dự đoán trước vi phạm hợp đồng
của bên kia để có giải pháp xử lý nhằm đảm bảo quyền lợi của mình chứ không thể
ngồi chờ cho bên kia vi phạm thực tế mới có giải pháp cụ thể.
- Vi phạm hợp đồng là căn cứ để xác định trách nhiệm hợp đồng của bên vi
phạm
Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng do các bên thỏa thuận hoặc áp dụng theo
quy định pháp luật. Dù là theo cách thức nào thì bên bị vi phạm chỉ có thể quy trách
nhiệm cho bên vi phạm khi tồn tại vi phạm hợp đồng. Trách nhiệm phát sinh trên cơ sở
nghĩa vụ do các bên xác lập thông qua thỏa thuận, qua thói quen giữa các bên, tập
quán thương mại hoặc pháp luật quy định. Vi phạm nghĩa vụ hợp đồng kéo theo trách
nhiệm của bên vi phạm.
Khi có vi phạm hợp đồng, pháp luật quy định các bên có quyền áp dụng nhiều
chế tài khác nhau nhằm đưa các bên trở lại vị trí ban đầu khi chưa xảy ra vi phạm hợp
đồng. Các chế tài đó có thể là chế tài mang lại hậu quả pháp lý không nặng nề cho bên
vi phạm, vẫn duy trì quan hệ hợp đồng mà các bên đã xác lập như buộc thực hiện đúng
hợp đồng, bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm; hoặc chế tài mang đến hậu quả pháp lý
36

nặng nề cho bên vi phạm, các bên chấm dứt quan hệ hợp đồng (có thể tạm thời chấm
dứt) như: tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc hủy bỏ
hợp đồng.
2.2.1.2. Tính cơ bản của vi phạm hợp đồng
Vi phạm cơ bản hợp đồng là vi phạm hợp đồng nhưng không phải vi phạm hợp
đồng nào cũng là vi phạm cơ bản hợp đồng. Yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa vi phạm
cơ bản hợp đồng với các loại vi phạm hợp đồng khác là tính cơ bản của hành vi vi
phạm.
Về mặt thuật ngữ, trong tiếng Việt, “cơ bản” nghĩa là “trọng yếu nhất” [52,
tr.1211] có thể sử dụng như một tính từ hoặc trạng từ. Vì vậy, khi ghép với “vi phạm”
ta có “vi phạm cơ bản” hay “vi phạm một cách trọng yếu nhất”. Đó có thể là vi phạm
với tính chất nghiêm trọng hoặc vi phạm những nội dung trọng yếu nhất. Theo Từ điển
Black’s Law (phiên bản thứ 9), tính chất cơ bản của hành vi vi phạm được thể hiện ở
chỗ vi phạm hợp đồng phải đủ nghiêm trọng để cho phép bên bị vi phạm xem vi phạm
này như là vi phạm toàn phần hơn là vi phạm từng phần, vì vậy miễn việc tiếp tục thực
hiện hợp đồng cho bên bị vi phạm và trao cho họ quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường
thiệt hại [91, tr.895].
Về phương diện khoa học pháp lý, có thể nói, vi phạm cơ bản hợp đồng đã trở
thành học thuyết trong khoa học pháp lý được hình thành từ học thuyết về tàu đi chệch
hướng trong vận chuyển hàng hóa bằng đường biển [131, tr.45]. Lý thuyết tàu đi chệch
hướng trong chuyên chở đường biển được xem như nguồn gốc của học thuyết vi phạm
cơ bản. Tàu đi chệch hướng được nêu ra trong vụ tranh chấp Joseph Thorley Ltd v.
Orchris Steamship Co., [1907] 1 K.B 660 (Eng.C.A): Tàu đi chệch hướng là vấn đề
nghiêm trọng làm thay đổi một cách cơ bản hành trình dự định đến mức chủ tàu điều
khiển tàu đi chệch hướng không được xem là đã thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng
chuyên chở mà thực hiện điều gì đó khác biệt một cách cơ bản, và vì thế chủ tàu không
thể đòi lợi ích từ những quy định có lợi cho anh ta trong hợp đồng chuyên chở.
Học thuyết vi phạm cơ bản hợp đồng đã được phát triển mạnh mẽ ở Anh trong
khoảng đầu những năm 60 [155, tr.182]. Học thuyết này phát biểu rằng, như một
nguyên tắc của pháp luật, nếu một bên vi phạm cơ bản hợp đồng thì anh ta không thể
dựa vào điều khoản miễn trừ để trốn tránh trách nhiệm do vi phạm hợp đồng [155,
tr.183]. Mục đích của sự tồn tại học thuyết về vi phạm cơ bản hợp đồng là nhằm đảm
37

bảo bên vi phạm không thể viện dẫn điều khoản miễn trừ để từ bỏ trách nhiệm nếu vi
phạm hợp đồng của anh ta là vi phạm cơ bản hợp đồng bất kể đó là hợp đồng gì [96,
tr.143].
Đến nay, học thuyết vi phạm cơ bản đã được phát triển mạnh mẽ trong giới luật
học và trở thành quy định quan trọng trong pháp luật hợp đồng của Anh, Mỹ,
Canada… và được tiếp cập chủ yếu ở hai khía cạnh sau [155, tr.181]: (i) Vi phạm hợp
đồng có tính chất cơ bản nếu đó là vi phạm điều khoản cơ bản của hợp đồng hay vi
phạm nghĩa vụ chính/cốt lõi của hợp đồng; (ii) Dựa vào mức độ ảnh hưởng đáng kể,
nghiêm trọng của hành vi vi phạm hợp đồng đến mục đích, lợi ích kinh tế của một
trong các bên xác lập và thực hiện hợp đồng.
- Vi phạm hợp đồng có tính chất cơ bản nếu đó là vi phạm điều khoản cơ bản
của hợp đồng hay vi phạm nghĩa vụ chính/cốt lõi của hợp đồng
Nội dung của hợp đồng được cấu thành bởi các điều khoản cơ bản, điều khoản
tùy nghi và điều khoản thông thường [66, tr.99]. Tuy nhiên, điều khoản cơ bản của
hợp đồng là gì thì hiện nay còn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau.
Về mặt thuật ngữ, điều khoản cơ bản của hợp đồng có thể hiểu là điều khoản
mà nếu một bên vi phạm điều khoản đó thì bên kia có quyền chấm dứt hoặc hủy bỏ
hợp đồng. Hay, điều khoản cơ bản là điều khoản trong hợp đồng và có tầm quan trọng
như hợp đồng, nếu bỏ qua nó sẽ làm cho hợp đồng vô hiệu [69]. Điều này có nghĩa là
nếu trong hợp đồng điều khoản cơ bản không được tuân thủ thực hiện thì hợp đồng
không có giá trị gì đối với bên bị vi phạm.
Về phương diện học thuật, điều khoản cơ bản hợp đồng cũng là chủ đề được
bàn luận bởi nhiều học giả. Chẳng hạn, theo tác giả Ogilvie, điều khoản cơ bản là điều
khoản “cốt lõi” của hợp đồng [137, tr.84; 130] hay nghĩa vụ chính/cốt lõi của hợp
đồng tạo thành điều khoản cơ bản của hợp đồng [122, tr.184]. Nói cách khác, cam kết
chủ yếu/cốt lõi của hợp đồng tạo thành điều khoản cơ bản của hợp đồng. Bên cạnh đó,
giáo trình Luật Dân sự Việt Nam (Tập 2) của Trường Đại học Luật Hà Nội xuất bản
năm 2005 có đoạn viết: “các điều khoản cơ bản xác định nội dung chủ yếu của hợp
đồng. Đó là những điều khoản không thể thiếu được đối với từng loại hợp đồng. Nếu
không thỏa thuận được những điều khoản đó thì hợp đồng không thể giao kết
được…Có những điều khoản đương nhiên là điều khoản cơ bản, vì không thỏa thuận
tới nó sẽ không thể hình thành hợp đồng. Ngoài ra, có những điều khoản mà vốn dĩ
38

không phải là điều khoản cơ bản nhưng các bên thấy cần phải thỏa thuận được điều
khoản đó mới giao kết hợp đồng, thì những điều khoản này cũng là điều khoản cơ bản
của hợp đồng sẽ giao kết”. Tuy tồn tại nhiều quan điểm của nhiều học giả nhưng có
một điểm chung khi đề cập đến điều khoản cơ bản đó là: điều khoản cơ bản là những
điều khoản “cốt lõi” của hợp đồng, thiếu các điều khoản này các bên không giao kết
hợp đồng.
Trong pháp luật thực định của một số quốc gia cũng quy định về điều khoản cơ
bản hợp đồng. Chẳng hạn, khoản 3 Điều 11 Luật mua bán hàng hóa năm 1979 của Anh
quy định rằng “Trong từng trường hợp, tùy theo cấu trúc hợp đồng, một điều khoản có
thể là điều khoản cơ bản (tiếng Anh là “Condition term”) của hợp đồng nếu việc vi
phạm điều khoản đó sẽ dẫn tới quyền từ bỏ hợp đồng, hoặc có thể là điều khoản thứ
yếu (tiếng Anh là “Warranty term”) nếu việc vi phạm điều khoản đó sẽ dẫn đến quyền
yêu cầu bồi thường thiệt hại nhưng không có quyền từ bỏ hàng hóa và từ bỏ hợp đồng.
Một điều khoản có thể là cơ bản mặc dù nó được gọi là điều khoản thứ yếu trong hợp
đồng”. Quy định này chưa chỉ rõ được điều khoản nào trong hợp đồng là điều khoản
cơ bản bởi một điều khoản có thể là cơ bản, có thể là thứ yếu. Vấn đề là ở chỗ, vi
phạm điều khoản nào cho phép bên bị vi phạm quyền tử bỏ hợp đồng thì đó là điều
khoản cơ bản.
Thực tiễn áp dụng pháp luật tại Anh đã cho thấy, các thẩm phán của Anh đều cố
gắng giải thích khái niệm điều khoản cơ bản theo các cách khác nhau. Chẳng hạn, vào
năm 1953, Thẩm phán Devlin, J. đã cố gắng để đưa ra định nghĩa về điều khoản cơ
bản của hợp đồng, theo đó điều khoản cơ bản của hợp đồng “phải là điều gì đó, tôi
nghĩ, hẹp hơn điều kiện của hợp đồng…Nó là…một điều gì đó mà làm nền tảng cho cả
hợp đồng, vì thế nếu không tuân thủ điều khoản cơ bản của hợp đồng thì việc thực
hiện hợp đồng trở thành cái gì đó khác hoàn toàn với những gì dự định trong hợp
đồng” [252]. Điều khoản cơ bản của hợp đồng là quy định mà các bên thỏa thuận rõ
ràng hoặc ngụ ý hoặc quy định mà pháp luật xem như điều khoản thuộc về cốt lõi của
hợp đồng nhằm mục đích nếu vi phạm điều khoản đó thì bên bị vi phạm, ngay lập tức,
coi như vi phạm cơ bản hay cam kết quan trọng nhất tạo thành điều khoản cơ bản của
hợp đồng [156]. Tương tự, Thẩm phán Donaldson nhấn mạnh rằng “nghĩa vụ chủ
yếu/cốt lõi của hợp đồng cấu thành điều khoản cơ bản của hợp đồng” [249]. Ví dụ cổ
điển minh chứng cho kết luận này đó là tuyên bố của Thẩm phán Abinder: “Nếu người
39

bán cam kết bán đậu Hà Lan nhưng giao đậu tương hoặc bất ngờ hơn nếu người bán
giao đá và gạch vụn. Việc giao hàng này của người bán đã vượt quá phạm vi của hợp
đồng, nói cách khác, người bán đã thực hiện ngoài giới hạn của hợp đồng và không
thực hiện hợp đồng chút nào. Vì thế, có sự khác biệt cơ bản giữa những gì các bên đã
thỏa thuận, cam kết thực hiện và những gì đã diễn ra trong thực tế. Người mua cam kết
nhận đậu Hà Lan và bởi vì đó là điều khoản cơ bản nên người mua không có nghĩa vụ
nhận đậu tương hay đá và gạch vụn”[185].
Mặc dù, có nhiều cách giải thích khác nhau, cả trong giới học thuật cũng như
pháp luật thực định nhưng nhìn chung điều khoản cơ bản của hợp đồng là nghĩa vụ
chính của hợp đồng mà các bên phải thực hiện, nếu vi phạm nghĩa vụ đó là vi phạm cơ
bản hợp đồng. Nghĩa vụ chính là những gì mà các bên giao kết để thực hiện, vì đó mà
các bên giao kết hợp đồng, thể hiện ý định của các bên. Vì vậy, khi có vi phạm nghĩa
vụ chính của hợp đồng, tức là một bên trong hợp đồng làm một điều gì đó khác biệt
một cách cơ bản so với những gì anh ta đã giao kết để thực hiện [184], cấu thành vi
phạm cơ bản hợp đồng.
PICC và PECL cũng tiếp cận tính cơ bản của vi phạm hợp đồng dựa vào điều
khoản cơ bản của hợp đồng khi quy định một căn cứ để xác định tính cơ bản của hành
vi vi phạm hợp đồng là “Không tuân thủ chặt chẽ những nghĩa vụ vốn là những yếu tố
quan trọng của hợp đồng” (Điều 7.3.1 PICC và Điều 8:103 PECL). Tuy nhiên, PICC
và PECL cũng không có quy định cụ thể về những nghĩa vụ nào là yếu tố quan trọng
của hợp đồng.
Cách tiếp cận tính chất cơ bản của vi phạm hợp đồng dựa trên vi phạm nghĩa vụ
chính/cốt lõi, vi phạm điều khoản cơ bản của hợp đồng như trên dẫn đến một số bất
cập sau:
- Không có cơ sở thống nhất để xác định nghĩa vụ chính/cốt lõi của các bên
trong hợp đồng là gì. Khi các bên thỏa thuận các nội dung trong hợp đồng, hợp đồng
được giao kết làm phát sinh nghĩa vụ hợp đồng. Nghĩa vụ hợp đồng nào là nghĩa vụ
chính, nghĩa vụ hợp đồng nào là nghĩa vụ phụ. Các bên phải thỏa thuận rõ ràng trong
hợp đồng hay cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp phải xác định. Vi phạm
nghĩa vụ theo quy định pháp luật điều chỉnh hợp đồng là vi phạm nghĩa vụ chính hay
nghĩa vụ phụ.
40

- Không xem xét đến hậu quả của sự vi phạm. Có những trường hợp vi phạm
nghĩa vụ hợp đồng, tuy không phải nghĩa vụ chính/cốt lõi hay không phải vi phạm điều
khoản cơ bản của hợp đồng nhưng vi phạm của bên vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng
cho bên bị vi phạm thì có bị coi là vi phạm cơ bản hợp đồng hay không? Hay, ngược
lại, vi phạm điều khoản cơ bản hợp đồng nhưng không gây hậu quả đáng kể, nghiêm
trọng cho bên bị vi phạm thì có bị coi là vi phạm cơ bản hợp đồng hay không?.
So sánh với pháp luật thực định của Việt Nam thì cách tiếp cận này không phù
hợp với pháp luật Việt Nam bởi pháp luật thực định của Việt Nam hiện nay không còn
sử dụng thuật ngữ điều khoản chủ yếu hay nội dung chủ yếu mà thay vào đó là chỉ gợi
ý một số nội dung có thể có trong hợp đồng. Điều 402 Bộ luật dân sự quy định “Tùy
theo từng loại hợp đồng, các bên có thể thỏa thuận về những nội dung sau đây: 1. Đối
tượng của hợp đồng là tài sản phải giao, công việc phải làm hoặc không được làm; 2.
Số lượng, chất lượng; 3. Giá, phương thức thanh toán; 4. Thời hạn, địa điểm, phương
thức thực hiện hợp đồng; 5. Quyền, nghĩa vụ của các bên…”.
- Xác định tính cơ bản của hành vi vi phạm dựa vào mức độ ảnh hưởng đáng
kể, nghiêm trọng của hành vi vi phạm đến mục đích, lợi ích kinh tế của một trong các
bên xác lập và thực hiện hợp đồng.
Cách tiếp cận này khá phổ biến trong pháp luật Anh, Mỹ, Pháp khi xác định vi
phạm cơ bản hợp đồng. Chẳng hạn, pháp luật của Pháp coi một vi phạm là cơ bản khi
bên bị thiệt hại cho rằng nếu biết trước hậu quả nghiêm trọng do vi phạm hợp đồng họ
đã không ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, việc xem xét tính chất cơ bản của vi phạm hợp
đồng thay đổi theo từng trường hợp, nó hoàn toàn là cảm tính của mỗi bên và tùy
thuộc vào đánh giá của mỗi thẩm phán [49, tr.55].
Thực tiễn xét xử ở Anh cho thấy, ngoài việc dựa vào điều khoản cơ bản hợp
đồng để xác định tính chất cơ bản của vi phạm hợp đồng, tòa án còn dựa vào một số
tiêu chí sau: Khi vi phạm lấy đi đáng kể những gì bên bị vi phạm vì đó mà ký kết hợp
đồng [98]. Thẩm phán Diplock trong vụ Hongkong Fir [1962] 2 Q.B 26 đã tuyên rằng
“vi phạm cơ bản hợp đồng xảy ra khi xảy ra sự việc lấy đi của bên cam kết thực hiện
một cách đáng kể lợi ích mà các bên đã thể hiện trong hợp đồng”. Hay, trong vụ
Photo Productions v. Securicor Ltd. [1980] All E.R. 556, vi phạm cơ bản hợp đồng
xảy ra khi việc không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng của một bên lấy đi của bên kia một
cách đáng kể toàn bộ lợi ích của hợp đồng.
41

Trong pháp luật Mỹ, cơ sở xác định tính chất cơ bản của hành vi vi phạm hợp
đồng được quy định tại Điều 241 Văn bản pháp điển hợp đồng (bản thứ hai) năm
1981, theo đó không thực hiện hợp đồng bị coi là vi phạm cơ bản hợp đồng căn cứ vào
các tình tiết sau: Quy mô lợi ích mong đợi hợp lý trên cơ sở hợp đồng mà bên bị vi
phạm bị lấy đi; Mức bồi thường mà bên bị vi phạm có thể yêu cầu để bù đắp phần lợi
ích đã bị mất đi; Mức độ mà bên không thực hiện hợp đồng hoặc không sẵn sàng thực
hiện hợp đồng sẽ phải gánh chịu mất mát; Khả năng bên không thực hiện hợp đồng
khắc phục được vi phạm hợp đồng, có tính đến tất cả các trường hợp bao gồm bất kỳ
sự bảo đảm hợp lý nào; Mức độ phù hợp của hành vi của bên không thực hiện hợp
đồng với các tiêu chuẩn thiện chí và kinh doanh công bằng.
Pháp luật thực định Việt Nam cũng có cách tiếp cận tương tự khi định nghĩa về
vi phạm cơ bản tại khoản 13 Điều 3 của Luật thương mại như sau: Vi phạm cơ bản là
sự vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia
không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng. Định nghĩa về vi phạm cơ bản
này chú trọng tới tính nghiêm trọng của hành vi vi phạm bằng việc xác định mối tương
quan giữa thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra và sự tồn mất mục đích của việc giao kết
hợp đồng của bên bị vi phạm.
Ở phạm vi quốc tế, Công ước Viên là văn bản pháp lý quốc tế duy nhất có định
nghĩa về vi phạm cơ bản hợp đồng tại Điều 25 Công ước Viên, theo đó vi phạm hợp
đồng do một bên gây ra là cơ bản nếu vi phạm đó gây tổn hại cho bên kia đến mức
tước đi đáng kể những gì bên kia có quyền kỳ vọng từ hợp đồng, trừ khi bên vi phạm
không tiên liệu được và một người có lý trí cũng không tiên liệu được hậu quả đó nếu
họ ở vào địa vị và hoàn cảnh tương tự. Điều 25 Công ước Viên cho thấy Công ước
Viên tiếp cận theo cách thứ hai, tức là dựa trên tính nghiêm trọng của hậu quả do hành
vi vi phạm gây ra trên cơ sở so sánh, đối chiếu với những gì bên bị vi phạm có quyền
kỳ vọng từ hợp đồng.
PICC và PECL cũng tiếp cận tính cơ bản của hành vi vi phạm hợp đồng tương
tự Công ước Viên. Khoản 2 Điều 7.3.1 PICC quy định một trong những căn cứ xác
định tính chất cơ bản của hợp đồng thương mại quốc tế là: Không thực hiện hợp đồng
tước đi đáng kể những gì bên bị vi phạm có quyền kỳ vọng từ hợp đồng, trừ khi bên vi
phạm không tiên liệu được hoặc không thể tiên liệu được một cách hợp lý hậu quả đó.
Điều 8:103 của PECL cũng quy định căn cứ xác định tính cơ bản của vi phạm hợp
42

đồng tương tự PICC: Không thực hiện hợp đồng tước đi đáng kể những gì bên bị vi
phạm có quyền kỳ vọng từ hợp đồng, trừ khi bên vi phạm không tiên liệu được hoặc
không thể tiên liệu được một cách hợp lý hậu quả đó [97]. Bên cạnh đó, Điều 7.3.1
PICC và Điều 8:103 PECL còn liệt kê một số căn cứ khác để xác định tính chất cơ bản
của hành vi không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng như: (i) Không thực hiện hợp đồng
khiến cho bên bị vi phạm có thể suy đoán một cách hợp lý rằng họ không thể tin tưởng
bên kia trong việc thực hiện nghĩa vụ tiếp theo trong hợp đồng; (ii) Hợp đồng bị vi
phạm có thể dẫn tới những tổn thất (mất mát) không cân xứng của hai bên khi hợp
đồng bị chấm dứt.
Tóm lại, có thể thấy rằng, pháp luật thực định của các quốc gia, trong đó có
Việt Nam cũng như văn bản pháp lý quốc tế đều tiếp cận tính chất cơ bản của vi phạm
hợp đồng dựa vào mức độ ảnh hưởng đáng kể, nghiêm trọng của hậu quả do hành vi vi
phạm của một bên gây ra với những gì các bên mong muốn đạt được từ hợp đồng.
Mức độ ảnh hưởng đáng kể của hậu quả hành vi vi phạm hợp đồng có khi được đo
bằng hậu quả của tổn hại mà hành vi vi phạm gây ra hoặc mức độ tồn mất của lợi ích
mà các bên mong muốn, kỳ vọng đạt được từ hợp đồng. Tuy nhiên, việc xác định hậu
quả của hành vi vi phạm thông qua tổn hại sẽ khó có thể thực hiện được đối với vi
phạm hợp đồng dự đoán trước, tức là tổn hại không xảy ra trên thực tế.
Với cách tiếp cận thứ hai này, rõ ràng, nội hàm của vi phạm cơ bản hợp đồng
rộng hơn nội hàm của “vi phạm điều khoản cơ bản của hợp đồng”. Vi phạm điều
khoản cơ bản của hợp đồng là vi phạm cơ bản hợp đồng vì nó dẫn đến hậu quả pháp lý
là hợp đồng bị hủy bỏ hoặc chấm dứt. Tuy nhiên, vi phạm cơ bản hợp đồng, có khi,
không phải là vi phạm điều khoản cơ bản hợp đồng. Một hành vi vi phạm hợp đồng
mà gây hậu quả nghiêm trọng, dù đó là vi phạm điều khoản cơ bản hay điều khoản
không cơ bản, thì vi phạm đó bị coi là vi phạm cơ bản.
Người viết đồng thuận với cách tiếp cận thứ hai này. Nội hàm của vi phạm cơ
bản hợp đồng nên được hiểu rộng hơn, không nên chỉ dựa vào điều khoản cơ bản hợp
đồng. Cá nhân người viết cho rằng, khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng nên được định
nghĩa dựa vào hậu quả do hành vi vi phạm hợp đồng của một bên gây ra cho bên kia
hay vi phạm cơ bản hợp đồng là vi phạm gây ra hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đáng
kể tời mục đích, lợi ích kinh tế là những gì mà các bên kỳ vọng khi xác lập và thực
hiện hợp đồng, bởi các lẽ sau:
43

- Sự “mơ hồ” của khái niệm điều khoản cơ bản hợp đồng dẫn đến quan điểm về
nội hàm cũng như cách lý giải về điều khoản cơ bản hợp đồng là không giống nhau.
Bên cạnh đó, một hành vi vi phạm, mặc dù, điều khoản cơ bản hợp đồng nhưng mức
độ vi phạm cũng như hậu quả của hành vi vi phạm là không lớn, không nghiêm trọng
đến lợi ích mong muốn từ hợp đồng của các bên thì khó có thể cho rằng hành vi vi
phạm đó là vi phạm cơ bản hợp đồng và trao cho bên vi phạm quyền chấm dứt hay
hủy bỏ hợp đồng. Điều này có thể dẫn đến sự lạm dụng áp dụng lý thuyết về vi phạm
cơ bản hợp đồng, “triệt tiêu” nguyên tắc tuân thủ hợp đồng và nguyên trạng bất biến
trong giao kết và thực hiện hợp đồng giữa các bên.
- Khi giao kết hợp đồng, các bên trong hợp đồng đều hướng tới một mục đích
nhất định, đối với hợp đồng thương mại thì đó là lợi ích kinh tế phát sinh từ hợp đồng
và mục đích đó chỉ có thể thực hiện được khi có sự thống nhất giữa những gì các bên
đã thỏa thuận, cam kết và những gì đã diễn ra trong thực tế. Nếu hành vi vi phạm của
một bên dẫn đến sự khác biệt giữa những gì các bên đã thỏa thuận, cam kết thực hiện
và những gì đã diễn ra trong thực tế thì có thể hiểu là hành vi vi phạm của bên vi phạm
đã gây ra hậu quả có sự ảnh hưởng nghiêm trọng tới bên bị vi phạm. Và chỉ khi có
hành vi vi phạm đó, bên bị vi phạm có thể từ bỏ hợp đồng bởi xét thấy việc tiếp tục
thực hiện hợp đồng không còn ý nghĩa.
Bên cạnh đó, khi xem xét vi phạm hợp đồng cần nhìn vào vi phạm và mức độ
tác động của hành vi vi phạm đó tới những gì các bên vì nó mà ký kết và thực hiện hợp
đồng, tức là hậu quả do hành vi vi phạm gây ra hơn là xem xét đến tầm quan trọng của
điều khoản hợp đồng hay cách diễn đạt trong hợp đồng. Và hậu quả nghiêm trọng sẽ
được giải thích bởi cơ quan giải quyết tranh chấp có thẩm quyền. Điều này cho phép
cơ quan giải quyết tranh chấp có thẩm quyền xem xét vi phạm, mức độ tác động của
hành vi vi phạm và tất cả những tình huống xung quanh bao gồm các điều khoản mà
các bên thỏa thuận (trong đó có cả điều khoản cơ bản). Nó quy định phạm vi cho cơ
quan giải quyết tranh chấp đánh giá tư pháp kết quả cuối cùng [156].
Từ nhận thức về vi phạm hợp đồng và tính chất cơ bản của vi phạm hợp đồng ở
trên, tác giả xin đưa ra khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng như sau: vi phạm cơ bản
hợp đồng là vi phạm hợp đồng của một bên lấy đi đáng kể lợi ích mong muốn từ hợp
đồng của bên kia.
44

Từ khái niệm về vi phạm cơ bản hợp đồng có thể thấy, vi phạm hợp đồng có
phải là cơ bản hay không phụ thuộc vào việc xác định mức độ ảnh hưởng của hành vi
vi phạm đối với lợi ích mong muốn từ hợp đồng của bên bị vi phạm hay tính nghiêm
trọng của hậu quả do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra, bất kể đó là hợp đồng dân sự
(theo nghĩa hẹp) hay hợp đồng thương mại. Cơ sở xác định mức độ ảnh hưởng nghiêm
trọng đến lợi ích mong muốn từ hợp đồng là khác nhau tùy thuộc vào quy định pháp
luật của từng quốc gia hoặc quốc tế. Chẳng hạn, Việt Nam xác định dựa trên mức độ
thiệt hại trong mối tương quan với mục đích của việc giao kết hợp đồng. Công ước
Viên dựa trên tổn hại đáng kể và hệ quả là tước đi đáng kể những gì bên bị vi phạm có
quyền kỳ vọng từ hợp đồng….
Hành vi vi phạm hợp đồng có thể gây ra hoặc không gây ra tổn thất, thiệt hại
nào cho bên bị vi phạm nhưng điều quan trọng tạo nên tính cơ bản của hành vi vi
phạm hợp đồng là lợi ích các bên mong muốn đạt được từ hợp đồng khi xác lập và
thực hiện hợp đồng bị ảnh hưởng như thế nào bởi hành vi vi phạm hợp đồng. Vì vậy,
không có sự khác nhau giữa vi phạm cơ bản hợp đồng thương mại (nhằm mục đích
sinh lợi) và hợp đồng dân sự (theo nghĩa hẹp, không nhằm mục đích sinh lợi), giữa vi
phạm cơ bản hợp đồng thương mại trong nước và hợp đồng thương mại có tính chất
quốc tế (có yếu tố nước ngoài).
MBHHQT là một hoạt động thương mại cụ thể có tính chất quốc tế hay yếu tố
nước ngoài. Hợp đồng MBHHQT là công cụ pháp lý để thực hiện hoạt động thương
mại có yếu tố nước ngoài cụ thể đó. Vì vậy, vi phạm cơ bản hợp đồng MBHHQT cũng
chỉ là vi phạm cơ bản phát sinh từ hoặc có liên quan đến một hợp đồng thương mại có
yếu tố nước ngoài cụ thể.
Vì những lẽ trên, dựa vào khái niệm về vi phạm cơ bản hợp đồng nói chung có
thể hiểu vi phạm cơ bản hợp đồng MBHHQT như sau: Vi phạm cơ bản hợp đồng
MBHHQT là vi phạm hợp đồng của bên bán (bên mua) lấy đi đáng kể lợi ích mong
muốn từ hợp đồng của bên mua (bên bán).
2.2.2. Đặc điểm của vi phạm cơ bản hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
Như đã trình bày ở trên, về bản chất, không có sự khác nhau về vi phạm cơ bản
giữa các loại hợp đồng thương mại cụ thể (hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng
cung ứng dịch vụ….) bởi vì các hợp đồng thương mại đều có mục đích chung là nhằm
45

sinh lợi. Vì vậy, vi phạm cơ bản hợp đồng MBHHQT mang đầy đủ đặc điểm của vi
phạm cơ bản hợp đồng thương mại nói chung, cụ thể:
- Vi phạm cơ bản hợp đồng ảnh hưởng nghiêm trọng (lấy đi đáng kể) lợi ích
mong muốn từ hợp đồng của bên bị vi phạm
Hợp đồng thương mại nói chung, hợp đồng MBHHQT nói riêng được xác lập
hợp pháp và có hiệu lực pháp lý thì trong hoàn cảnh thông thường bất kỳ ai tham gia
xác lập, giao kết hợp đồng cũng đều kỳ vọng các bên đối tác phải tôn trọng và thực
hiện đúng hợp đồng. Như một học giả đã từng nhận xét: “Chức năng của pháp luật
hợp đồng, suy cho cùng là tạo ra sự tự do cho các bên định đoạt và các cơ chế hỗ trợ
để sự tự định đoạt đó được tuân thủ, góp phần biến các thỏa ước giữa các cá nhân
hoặc tổ chức trở thành có hiệu lực như là luật” [46, tr.48-49].
Các bên giao kết, thực hiện hợp đồng MBHHQT với mục tiêu gần nhất vì nó
mà các bên tham gia hợp đồng là: người mua trả tiền vì sẽ nhận được hàng hóa làm sở
hữu, nói cách khác hàng hóa – quyền sở hữu hàng hóa là mục đích của người mua
trong hợp đồng mua bán hàng hóa nói chung, hợp đồng MBHHQT nói riêng. Người
bán có mục đích nhận được khoản tiền tương đương giá trị của hàng hóa.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, người bán và người mua có thể có những
hành vi vi phạm hợp đồng dẫn đến ảnh hưởng nhất định tới quyền và lợi ích mong
muốn của các bên. Những ảnh hưởng đó có thể là người mua nhận được hàng hóa làm
sở hữu nhưng hàng hóa không đủ về số lượng, không đảm bảo về chất lượng hoặc
người bán nhận không đủ tiền thanh toán. Tuy nhiên, với vi phạm cơ bản hợp đồng,
ảnh hưởng tới bên bị vi phạm phải đến mức độ nào đó đáng kể, tức là lấy đi đáng kể
lợi ích mà các bên mong muốn đạt được từ hợp đồng khi xác lập, thực hiện hợp đồng.
Lợi ích có được từ hợp đồng là cơ sở mà vì đó các bên duy trì quan hệ hợp
đồng. Để đảm bảo đạt được lợi ích từ hợp đồng, các bên phải tôn trọng, thực hiện
nghiêm túc nghĩa vụ hợp đồng. Vì vậy, tính chất cơ bản của vi phạm hợp đồng sẽ thể
hiện ở chỗ làm cho các bên không đạt được lợi ích (đáng kể hoặc toàn bộ), không
thực hiện được quyền và lợi ích hợp pháp của mình đã dự liệu khi xác lập, thực hiện
hợp đồng, đó là: quyền nhận hàng, nhận quyền sở hữu hàng hóa và quyền nhận tiền.
- Vi phạm cơ bản hợp đồng là căn cứ cho bên bị vi phạm lựa chọn duy trì hoặc
rút lui khỏi hợp đồng
Về mặt logic pháp lý, khi hợp đồng có hiệu lực, các bên không được từ chối
thực hiện nghĩa vụ và không có quyền đơn phương rút khỏi hợp đồng, nếu điều đó
46

không được quy định minh thị trong luật hoặc không được dự liệu trong hợp đồng.
Bởi lẽ, một khi hợp đồng đã được xác lập và có hiệu lực pháp luật thì không chỉ có
giá trị pháp lý làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các bên, buộc các bên phải tôn trọng
và thực hiện mà còn ngăn cản và không cho phép các bên được từ chối thực hiện
nghĩa vụ hay rút lui khỏi hợp đồng.
Tuy nhiên, sẽ là không công bằng khi buộc bên bị vi phạm phải tuân thủ hợp
đồng và chờ đợi sự thực hiện từ phía bên kia khi bên kia đã có những hành vi vi phạm
hợp đồng lấy đi lợi ích từ hợp đồng của bên bị vi phạm khi xác lập, thực hiện hợp
đồng. Cần có biện pháp xử lý đối với những vi phạm như thế để đảm bảo quyền và lợi
ích hợp pháp cho bên bị vi phạm. Vì vậy, với tính chất cơ bản của vi phạm hợp đồng,
hiệu lực ngăn cản các bên không được rút lui khỏi hợp đồng cần phải được loại bỏ kịp
thời bằng việc trao cho bên bị vi phạm quyền lựa chọn giữa tiếp tục thực hiện, duy trì
hợp đồng với rúi lui khỏi hợp đồng (chấm dứt hiệu lực hợp đồng) để xác lập thỏa
thuận khác.
Vi phạm cơ bản hợp đồng được xem như căn cứ hợp pháp, ngoại lệ cho phép
các bên được đơn phương rút khỏi hợp đồng nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp
pháp của mình khi lợi ích mong muốn từ hợp đồng không đạt được hoặc có nguy cơ
không đạt được (đáng kể hoặc toàn bộ). Như vậy, vi phạm cơ bản hợp đồng chính là
ngoại lệ của nguyên tắc hiệu lực ràng buộc các bên phải thực thi hợp đồng, là sự thể
hiện nguyên tắc hiệu lực ngăn cản các bên không được rút lui khỏi hợp đồng.
Vi phạm cơ bản hợp đồng không chỉ xác lập nên căn cứ hợp pháp cho sự rút lui
khỏi hợp đồng của các bên mà còn ngăn cản sự rút lui “tùy tiện” của các bên như là
sự “lẩn tránh” thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Nó làm cho nguyên tắc không đơn
phương rút lui khỏi hợp đồng có tính độc lập tương đối và trở nên vô cùng quan trọng
khi một bên không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng vì cho rằng bên kia vi phạm
nghĩa vụ tương ứng đối với mình và sự vi phạm đó phải có mức độ ảnh hưởng nhất
định tới lợi ích của hợp đồng, tới mục tiêu mà vì nó các bên tham gia hợp đồng.
2.3. Cơ chế điều chỉnh pháp luật về vi phạm cơ bản hợp đồng mua bán hàng hóa
quốc tế
Vi phạm cơ bản hợp đồng MBHHQT là vấn đề pháp lý rất phức tạp và có quan
hệ biện chứng với mọi vấn đề còn lại của pháp luật hợp đồng, đặc biệt là hiệu lực của
hợp đồng. Bởi vậy, việc điều chỉnh vi phạm cơ bản hợp đồng không chỉ bằng việc định
47

nghĩa vi phạm cơ bản hợp đồng mà phải bằng cả một cơ chế thích hợp. Đó là cơ chế
điều chỉnh pháp luật về vi phạm cơ bản hợp đồng. Về mặt lý luận, việc nghiên cứu vi
phạm cơ bản hợp đồng nói chung, vi phạm cơ bản hợp đồng MBHHQT nói riêng cần
được đặt trong mối quan hệ mang tính hệ thống với cơ chế điều chỉnh pháp luật về vi
phạm cơ bản hợp đồng để làm cơ sở lý luận cho việc tiếp cận và làm rõ các vấn đề
khoa học và pháp lý được đặc ra từ việc áp dụng vi phạm cơ bản hợp đồng, chứ không
chỉ dừng lại ở việc giải thích, làm rõ khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng. Bản thân,
khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng không có giá trị pháp lý khi đứng riêng lẻ mà phải
được xem xét trong thể thống nhất với các chế tài khi có vi phạm cơ bản hợp đồng.
2.3.1. Khái niệm về cơ chế điều chỉnh pháp luật về vi phạm cơ bản hợp đồng
“Cơ chế”, theo nghĩa chung nhất, là “cách thức sắp xếp tổ chức để làm đường
hướng, cơ sở theo đó mà thực hiện” [80, tr.464]. Điều chỉnh, hiểu theo nghĩa thông
thường, là “xếp đặt cho đúng, cho hợp lý” [80, tr.637]. Theo nghĩa pháp lý, “điều
chỉnh” là sự tác động, bảo vệ, khuyến khích, hạn chế hay loại trừ của pháp luật đối với
các quan hệ xã hội và hành vi của các chủ thể trong xã hội.
“Điều chỉnh pháp luật” là “việc nhà nước dùng pháp luật, dựa vào pháp luật để
điều chỉnh các quan hệ xã hội, tác động theo hướng nhất định vào các quan hệ xã hội”
[72, tr.209]. Trên cơ sở khái niệm “cơ chế” và khái niệm “điều chỉnh pháp luật”, GS,
TSKH. Đào Trí Úc đã đưa ra định nghĩa về cơ chế điều chỉnh pháp luật như sau: “Cơ
chế điều chỉnh pháp luật” được hiểu là “hệ thống các biện pháp pháp luật (…) có quan
hệ mật thiết với nhau, tác động lẫn nhau mà quan đó thực hiện sự tác động của pháp
luật lên các quan hệ xã hội” [72, tr.214]. Các giải pháp tác động ở đây được hiểu là các
giải pháp mang tính tài sản dựa trên nguyên tắc tự do hợp đồng, ý chí tự nguyện ràng
buộc hợp đồng của các bên, lẽ công bằng và tính nghiêm minh của pháp luật [28,
tr.92]. Các giải pháp tác động cho phép dự liệu khả năng lựa chọn cách thức xử sự của
mỗi bên chủ thể trong hợp đồng để phản kháng lại sự vi phạm cơ bản hợp đồng của
bên kia, và quyền được pháp luật bảo vệ lợi ích hợp pháp bị tổn hại do hành vi vi
phạm cơ bản hợp đồng. Các giải pháp đó được thể hiện ra bên ngoài thành các quy
phạm pháp luật nhằm quy định cho phép bên bị vi phạm cơ bản hợp đồng có quyền
chấm dứt hiệu lực của hợp đồng khi có vi phạm cơ bản hợp đồng.
Từ nhận thức trên, có thể đưa ra khái niệm về cơ chế điều chỉnh pháp luật về vi
phạm cơ bản hợp đồng như sau: Cơ chế điều chỉnh pháp luật về vi phạm cơ bản hợp
48

đồng là giải pháp được Nhà nước sử dụng để tác động tới các bên xác lập và thực
hiện hợp đồng khi có sự vi phạm cơ bản hợp đồng nhằm đảm bảo cho hiệu lực hợp
đồng được tôn trọng và được thực thi một cách công bằng và hợp lý.
2.3.2. Nội dung cơ chế điều chỉnh pháp luật về vi phạm cơ bản hợp đồng
Nội dung cơ bản của cơ chế điều chỉnh pháp luật về vi phạm cơ bản hợp đồng
là tập hợp các nguyên tắc quy định về các giải pháp cụ thể để tác động vào quá trình
chấm dứt hiệu lực hợp đồng khi có vi phạm cơ bản hợp đồng. Nội dung này thể hiện
qua hai khía cạnh:
(i) Bảo đảm nguyên tắc tuân thủ hợp đồng – pacta sunt servanda
Pacta Sunt Servanda trong tiếng La Tinh, có thể diễn đạt ngắn gọn là: đã hứa thì
phải làm. Ý niệm về nguyên tắc tuân thủ hợp đồng cũng gần giống chữ “tín” trong
quan niệm Nho giáo phương Đông [34].
Trong Thông luật, nguyên tắc tuân thủ hợp đồng được xem là nguyên tắc tôn
trọng và bắt buộc thực thi nghĩa vụ phát sinh từ các cam kết tự nguyện [129, tr.99].
Với ý nghĩa đó, nguyên tắc tuân thủ hợp đồng được biết đến như là một nguyên tắc
phổ biến trong cả các lĩnh vực tư, đặc biệt trong lĩnh vực pháp luật hợp đồng.
Bảo đảm nguyên tắc tuân thủ hợp đồng bao gồm: (i) bảo đảm tính bất biến của
hợp đồng, tức là một bên ký kết hợp đồng không thể đơn phương thay đổi hợp đồng.
Việc thay đổi hợp đồng phải là ý nguyện chung của các bên; (ii) Hợp đồng phải được
tuân thủ nghiêm túc. Một hợp đồng đã được xác lập hợp pháp thì ràng buộc các bên
giống như pháp luật [38, tr.231]. Cũng theo nguyên tắc tuân thủ hợp đồng, hiệu lực
hợp đồng mang tính ổn định và không thể bị hủy bỏ một cách tùy tiện khi không có sự
thống nhất ý chí của các bên xác lập và thực hiện hợp đồng.
Có thể nói, ý nghĩa của việc áp dụng nguyên tắc này là buộc các bên tham gia
giao dịch dân sự nói chung, giao dịch MBHHQT nói riêng, khi đưa các cam kết hợp
pháp, thì phải có trách nhiệm thực hiện các cam kết đó một cách trung thực, công bằng
và hợp lý, ngay cả những cam kết về vi phạm cơ bản hợp đồng. Với ý nghĩa đó, bảo
đảm nguyên tắc tuân thủ hợp đồng là nội dung chính của cơ chế điều chỉnh pháp luật
về vi phạm cơ bản hợp đồng được thể hiện qua các giải pháp sau:
- Pháp luật bảo vệ các hợp đồng được xác lập hợp pháp và buộc các chủ thể
phải tôn trọng giá trị pháp lý của hợp đồng đó.
49

- Đảm bảo các bên thực hiện đúng hợp đồng và quy định chế tài cụ thể đối với
vi phạm cơ bản hợp đồng nhằm ràng buộc bên vi phạm hợp đồng gánh chịu trách
nhiệm tương xứng và bảo vệ thỏa đáng quyền và lợi ích hợp pháp của bên bị vi phạm.
- Hạn chế tối đa hủy bỏ hợp đồng vì những lý do chủ quan của chủ thể, góp
phần đảm bảo duy trì hợp đồng giữa các bên khi các bên không có thỏa thuận cụ thể
trong hợp đồng bằng cách quy định căn cứ pháp lý rõ ràng; đồng thời cũng hạn chế
lạm dụng quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng để hủy bỏ hợp đồng một cách tùy tiện
do ý chí của các bên xác lập và thực hiện hợp đồng.
Nói chung, bảo vệ nguyên tắc tuân thủ hợp đồng nhằm khẳng định tính chất
ràng buộc của hợp đồng, sự bất biến và tính ổn định của hiệu lực hợp đồng, với mục
đích là bảo vệ hiệu lực hợp đồng, hạn chế việc tùy tiện hủy bỏ hợp đồng.
Ở Việt Nam, Luật Thương mại quy định vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng với
ý nghĩa, trước hết, là cơ sở để áp dụng một số chế tài trong thương mại như tạm ngừng
thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng và hủy bỏ hợp đồng. Bên cạnh đó,
việc đặt ra quy định về vi phạm cơ bản và vi phạm không cơ bản là vì “hợp đồng
thương mại cần phải đảm bảo tính bền vững, các bên càng tuân thủ đúng hợp đồng thì
càng có lợi cho xã hội. Do vậy, các bên không thể tùy tiện hủy bỏ hợp đồng. Chỉ khi
nào một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng thì bên kia mới có quyền hủy bỏ hợp
đồng” [49, tr.54].
Ở phạm vi quốc tế, các văn bản pháp lý quốc tế như Công ước Viên, PICC và
PECL cũng quy định cơ chế điều chỉnh vi phạm cơ bản hợp đồng/không thực hiện cơ
bản hợp đồng vì lý do để hạn chế sự “tùy tiện” trong việc áp dụng chế tài hủy hợp
đồng để can thiệp vào hiệu lực của hợp đồng. Chế tài hủy hợp đồng chỉ được áp dụng
khi vi phạm hợp đồng của một bên bị coi là cơ bản. Điều này có nghĩa là, Công ước
gián tiếp phân chia vi phạm hợp đồng thành vi phạm cơ bản và vi phạm không cơ bản.
Đối với vi phạm không cơ bản, bên bị vi phạm có quyền áp dụng các chế tài như giảm
giá hàng hóa, bồi thường thiệt hại…. Bởi vì vấn đề quan trọng đối với nhà kinh doanh
là làm thế nào để thực hiện được kế hoạch của họ; trong mục đích ấy việc hủy bỏ một
hợp đồng nhiều khi gây thiệt hại lớn, vì vậy, vi phạm của một bên phải đảm bảo tính
nghiêm trọng đến một mức độ nào đó dẫn đến việc giao kết hợp đồng trở nên vô nghĩa
thì nhà kinh doanh mới được quyền hủy hợp đồng.
50

(ii) Tác động lên hiệu lực hợp đồng thông qua trao quyền chấm dứt hiệu lực
hợp đồng cho bên bị vi phạm
Nội dung quan trọng của cơ chế điều chỉnh pháp luật về vi phạm cơ bản hợp
đồng là nhằm bảo đảm cho nguyên tắc tuân thủ hợp đồng được thực thi để tránh các
bên hủy bỏ hiệu lực hợp đồng một cách tùy tiện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện
hợp đồng, không phải lúc nào nguyên tắc tuân thủ hợp đồng cũng được thực hiện
nghiêm ngặt. Vì vậy, nội dung thứ hai của cơ chế pháp luật điều chỉnh vi phạm cơ bản
hợp đồng là tác động lên hiệu lực hợp đồng nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp
của bên bị vi phạm cơ bản hợp đồng, tức là trao cho bên bị vi phạm cơ bản hợp đồng
quyền hủy hợp đồng khi các bên không có thỏa thuận về vấn đề này.
Hủy hợp đồng là chế tài nặng nhất trong các chế tài do vi phạm hợp đồng bởi
hợp đồng sẽ không có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết. Khi hợp đồng bị hủy bỏ,
không chỉ các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận được từ nhau mà bên thiệt
hại còn có quyền yêu cầu bên kia bồi thường thiệt hại. Sự hủy bỏ hiệu lực hợp đồng có
hiệu lực hồi tố và đặt các đương sự trở lại tình trạng trước khi ký kết hợp đồng, những
nghĩa vụ chưa thi hành thì sẽ bị tiêu hủy và những nghĩa vị đã thi hành thì sẽ được thu
hồi lại [3, tr.58]. Vì vậy, pháp luật tác động lên hiệu lực của hợp đồng bằng việc trao
cho bên bị vi phạm quyền hủy bỏ hợp đồng sau khi cơ quan tài phán đã kiểm tra tính
cơ bản của hành vi vi phạm hợp đồng, và nếu không thể nào có biện pháp hàn gắn
được. Tác động lên hiệu lực hợp đồng đòi hỏi luôn gắn xác định tính chất cơ bản của
vi phạm hợp đồng với áp dụng chế tài hủy hợp đồng.
Cơ chế tác động lên hiệu lực của hợp đồng chính là việc trao quyền hủy hợp
đồng cho bên bị vi phạm khi có đủ căn cứ cho rằng bên kia đã có sự vi phạm cơ bản
hợp đồng. Ý nghĩa của cơ chế này ở chỗ thừa nhận sự hủy hợp đồng là đương nhiên và
không cần đến sự can thiệp của cơ quan tài phán bởi nếu chỉ có cơ quan tài phán mới
có quyền hủy hợp đồng theo yêu cầu của một bên giao kết thì thủ tục này tỏ ra rườm rà
và là một sự can thiệp không cần thiết vào quyền tự do hợp đồng. Ở đây, cơ quan tài
phán chỉ có nhiệm vụ xem xét yêu cầu hủy bỏ hợp đồng có hội đủ điều kiện luật định,
tức là có thỏa mãn các yếu tố cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng hoặc thỏa thuận của
các bên về hủy bỏ hợp đồng hay không. Bằng việc xem xét căn cứ áp dụng vi phạm cơ
bản hợp đồng, tòa án cố gắng tham gia hỗ trợ bên có vị thế bất lợi khi ký kết hợp đồng
và nhờ đó bảo vệ bên có vị thế bất lợi khi ký kết hợp đồng.
51

Cơ chế điều chỉnh này đã được quy định tại Điều 49 và Điều 64 Công ước
Viên, đó là: chỉ khi một bên không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng cấu thành vi phạm cơ
bản hợp đồng thì bên kia có quyền hủy hợp đồng. Vi phạm cơ bản hợp đồng cũng
được sử dụng như là căn cứ để áp dụng chế tài hủy hợp đồng trong một số tình huống
đặc biệt như: người mua có thể tuyên bố hủy hợp đồng nếu việc không giao hàng đầy
đủ hoặc phù hợp với hợp đồng cầu thành vi phạm cơ bản hợp đồng (khoản 2 Điều 51),
hủy hợp đồng đối với vi phạm trước thời hạn (Điều 72) và giao hàng từng phần (Điều
73). Bên cạnh đó, vi phạm cơ bản hợp đồng còn là điều kiện tiên quyết đối với quyền
yêu cầu giao hàng thay thế nếu hàng hóa được giao không phù hợp với hợp đồng
(khoản 2 Điều 46). Vì vậy, vi phạm cơ bản hợp đồng đã tạo ra “ranh giới” giữa các chế
tài “thông thường” do vi phạm hợp đồng như bồi thường thiệt hại, giảm giá hàng hóa
với chế tài “nặng nề” như hủy hợp đồng. Điều 70 Công ước Viên quy định “nếu người
bán vi phạm cơ bản hợp đồng thì các quy định của các Điều 67, 68, 69 không ảnh
hưởng đến quyền của người mua sử dụng các chế tài đối với vi phạm đó”. Tuy nhiên,
vi phạm cơ bản hợp đồng có ý nghĩa quan trọng nhất ở chỗ vi phạm cơ bản hợp đồng
là điều kiện tiên quyết được dùng để áp dụng chế tài hủy hợp đồng.
Với các vi phạm không cơ bản, bên bị vi phạm có thể áp dụng các chế tài bồi
thường thiệt hại, buộc thực hiện đúng hợp đồng, giảm giá hàng bán….nhằm mục đích
cân bằng lợi ích so với trước khi có hành vi vi phạm không cơ bản. Tuy nhiên, với vi
phạm cơ bản hợp đồng, bên vi phạm có thể hủy hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt
hại (nếu có). Hủy hợp đồng được xem là chế tài nặng nhất trong các chế tài trong
MBHHQT mà người bán và người mua có thể sử dụng trong trường hợp có vi phạm
hợp đồng.
Bên cạnh đó, cơ chế điều chỉnh pháp luật về vi phạm cơ bản hợp đồng thông
qua tác động lên hiệu lực hợp đồng còn được thể hiện ở nội dung loại trừ áp dụng điều
khoản miễn trừ trách nhiệm khi có vi phạm cơ bản hợp đồng. Vi phạm cơ bản hợp
đồng được xem như nguyên tắc của pháp luật và được áp dụng không phụ thuộc vào ý
chí của các bên [156]. Cơ chế điều chỉnh pháp luật về vi phạm cơ bản hợp đồng mở
rộng cho việc giải thích có hay không nếu có vi phạm cơ bản hợp đồng thì điều khoản
miễn trừ không được áp dụng [155]. Vi phạm cơ bản hợp đồng làm cho chấm dứt hợp
đồng. Nếu có vi phạm cơ bản hợp đồng thì điều khoản miễn trừ có thể không được áp
dụng bởi vì bên bị vi phạm có quyền hủy toàn bộ hợp đồng và sự thật là anh ta không
52

nhận được những gì anh ta dự tính [155]. “Điều khoản miễn trừ luôn có nguy cơ bị vô
hiệu, đặc biệt khi trách nhiệm được miễn trừ có liên quan đến vi phạm cơ bản hợp
đồng. Điều khoản miễn trừ gạt bỏ mọi chế tài mà thông thường vẫn áp dụng trong
trường hợp không thực hiện hợp đồng bao gồm cả vi phạm cơ bản hợp đồng. Do đó,
điều khoản miễn trừ bị coi là một yếu tố làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự cân bằng
của hợp đồng, gây bất lợi cho bên có quyền và đe dọa sự công bằng giữa các bên. Điều
khoản miễn trừ có thể làm cho hợp đồng hoàn toàn bị biến dạng, và do đó làm biến đổi
nội dung hoạt động thương mại mà bên có quyền dự định tiến hành” [57, tr.159]. Việc
tác động lên hiệu lực của hợp đồng khi có vi phạm cơ bản hợp đồng còn nhằm hạn chế
hiệu lực của các quy định miễn trách nhiệm bằng quy định rằng khi một bên vi phạm
cơ bản hợp đồng, các bên không thể dựa vào quy định miễn trách nhiệm để giảm trách
nhiệm của bên vi phạm vi hậu quả của hành vi vi phạm [123, tr.182].
Kết luận Chương 2
Hợp đồng MBHHQT là công cụ pháp lý cơ bản trong các giao dịch MBHHQT,
là cơ sở xác lập nghĩa vụ giữa người bán và người mua. Từ những phân tích, đánh giá
ở trên, có thể rút ra một số kết luận sau: (1) Hợp đồng MBHHQT là hợp đồng mua bán
hàng hóa có tính chất quốc tế hay có yếu tố nước ngoài, theo đó một bên (người Bán)
có nghĩa vụ giao hàng, chứng từ liên quan hàng hóa và quyền sở hữu về hàng hóa cho
bên kia (người Mua) và người mua có nghĩa vụ thành toán tiền hàng và nhận hàng; (2)
Vi phạm hợp đồng nói chung, vi phạm hợp đồng MBHHQT nói riêng là việc không
thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ hợp đồng mà các bên đã thỏa thuận,
theo thói quen trong thương mại giữa các bên, pháp luật điều hợp đồng hoặc tập quán
thương mại quy định; (3) Vi phạm cơ bản hợp đồng MBHHQT là một dạng vi phạm
cơ bản hợp đồng nên được tiếp cận theo cách hiểu là vi phạm hợp đồng của một bên
lấy đi đáng kể lợi ích mong muốn từ hợp đồng của bên kia; (4) Cơ chế điều chỉnh pháp
luật về vi phạm cơ bản hợp đồng đòi hỏi tôn trọng nguyên tắc tuân thủ hợp đồng và
trao quyền chấm dứt hiệu lực hợp đồng cho bên bị vi phạm khi có vi phạm cơ bản hợp
đồng. Trên cơ sở những vấn đề lý luận ở Chương 2, Chương 3 sẽ tập trung làm rõ các
yếu tố cấu thành tính cơ bản của hành vi vi phạm hợp đồng MBHHQT theo Công ước
Viên trong mối liên hệ với pháp luật thực định của Việt Nam.
53

CHƯƠNG 3
CÁC YẾU TỐ CẤU THÀNH TÍNH CƠ BẢN CỦA VI PHẠM HỢP ĐỒNG
THEO CÔNG ƯỚC VIÊN
Với 83 quốc gia thành viên (tính đến thời điểm tháng 1/6/2015), Công ước Viên
đang điều chỉnh khoảng ¾ giao dịch thương mại thế giới và là Công ước về thương
mại có diện áp dụng rộng rãi nhất [75, tr.5]. Các quốc gia thành viên nằm tại mọi châu
lục và những cường quốc kinh tế lớn trên thế giới (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Đức,
Canada, Nga, Trung Quốc, Australia…) đều đã tham gia Công ước. Ở Châu Á, bốn
nền kinh tế mạnh là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đều đã là thành viên
của Công ước. Các quốc gia này đều là bạn hàng lớn và lâu dài của Việt Nam. Mỗi
quy định của Công ước Viên là kết quả của quá trình đàm phán, thương lượng, nhân
nhượng của mỗi thành viên tham gia đàm phán và là kết quả thực sự của việc thống
nhất, hài hòa hóa pháp luật về hợp đồng MBHHQT. Với cách thức soạn thảo như vậy,
các điều khoản của Công ước Viên thể hiện được sự thống nhất, hài hòa các quy phạm
khác nhau trong pháp luật của các quốc gia tham gia soạn thảo, phản ánh được mối
quan tâm chung của các quốc gia này. Các chuyên gia cũng đánh giá Công ước Viên là
tập hợp các quy phạm khá hiện đại, thể hiện được sự bình đẳng giữa bên mua và bên
bán trong quan hệ MBHHQT. Các quy phạm này cũng phù hợp với thực tiễn
MBHHQT [75, tr.5].
Vi phạm cơ bản hợp đồng là quy định có ý nghĩa quan trọng, giữ vai trò trung
tâm trong việc áp dụng các quy định có liên quan khác của Công ước Viên. Cũng như
các quy định khác của Công ước Viên, quy định về vi phạm cơ bản được “dung hòa”
bởi hơn 83 quốc gia tham gia soạn thảo và/hoặc phê chuẩn. Vì vậy, làm rõ các yếu tố
cấu thành tính cơ bản của vi phạm hợp đồng theo Điều 25 Công ước Viên không chỉ
làm cơ sở xác định chế tài cụ thể mà còn là cơ sở xem xét, soi chiếu các quy định có
liên quan vi phạm cơ bản hợp đồng của pháp luật Việt Nam.
3.1. Vi phạm cơ bản theo Công ước Viên (có so sánh với pháp luật Việt Nam)
Ngay từ năm 1930 khi UNIDROIT bầu ra Ủy ban soạn thảo Luật mua bán
hàng hóa thống nhất thì ý tưởng thiết lập cho các bên giao kết hợp đồng quyền hủy
hợp đồng căn cứ vào tính cơ bản hay tính nghiêm trọng của hành vi vi phạm hợp
đồng đã hình thành. Tuy nhiên, trong Dự thảo năm 1939, các nhà soạn thảo lại không
đưa ra khái niệm về vi phạm cơ bản hợp đồng trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ của
54

một bên trong hợp đồng mà thay vào đó vi phạm hợp đồng được hiểu là sự vi phạm
một nghĩa vụ hợp đồng cụ thể như vi phạm nghĩa vụ giao hàng hoặc nhận hàng [11,
Điều 53-55, 66].
Khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng lần đầu tiên được giới thiệu trong quá trình
chuẩn bị cho ULIS và được quy định trong Dự thảo năm 1956 và 1963. Với việc
thông qua ULIS tại Hội nghị Hague năm 1964, khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng đã
được quy định tại Điều 10 “For the purposes of the present Law, a breach of contract
shall be regarded as fundamental wherever the party breach knew, or ought to have
known, at the time of the conclusion of the contract, that a reasonable person in the
same situation as the other party would not have entered into the contract if he had
foreseen the breach and its effects” (tiếng Việt là “Vì mục đích của luật này, vi phạm
hợp đồng được xem là cơ bản nếu bên vi phạm biết hoặc phải biết được vào thời điểm
giao kết hợp đồng rằng một người có lý trí trong tình huống tương tự bên kia sẽ không
giao kết hợp đồng nếu anh ta nhìn thấy trước vi phạm và hậu quả của nó”).
Tuy nhiên, cũng tại Hội nghị Hague, khái niệm này bị chỉ trích mạnh mẽ.
Trên cơ sở đề xuất của Mexico, Phillipines và Hoa Kỳ, Ủy ban soạn thảo đã sửa
quy định tại Điều 10 và đưa vào Điều 23 Dự thảo Công ước năm 1978: “A breach
committed by one of the parties is fundamental if it results in substantial detriment to
the other party unless the party in breach did not foresee and had no reason to foresee
such a result” (tiếng Việt là “Hành vi vi phạm của một bên là cơ bản nếu hành vi vi
phạm đó làm cho bên kia tổn hại đáng kể trừ khi bên vi phạm không nhìn thấy trước
hoặc không có lý do để nhìn thấy trước hậu quả của hành vi vi phạm đó”). Rõ ràng,
không giống với quy định tại Điều 10 ULIS, khái niệm đưa ra tại Điều 23 đã không
đề cập đến thời điểm có thể tiên liệu được hậu quả của hành vi vi phạm và
UNCITRAL “không xem xét đến việc cần thiết để chỉ rõ thời điểm bên vi phạm phải
thấy trước hay có lý do để thấy trước hậu quả của hành vi vi phạm” [162, tr.31].
Tại Hội nghị Viên, trên cơ sở ý kiến đề xuất của Đoàn đại biểu các nước: Áo,
Liên Bang Đức, Cộng hòa Séc, Mexico, Pakistan, Vương quốc Anh, Hy Lạp, Thổ
Nhĩ Kỳ và Ấn Độ, Ủy ban soạn thảo đã sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện khái niệm về vi
phạm cơ bản hợp đồng tại Điều 25 Công ước Viên (khái niệm này đã được thông qua
với 42 phiếu thuận, 2 phiếu chống và 2 phiếu trắng) như hiện nay:
55

“A breach of contract committed by one of the parties is fundamental if it


results in such detriment to the other party as substantially to deprive him of what he is
entitled to expect under the contract, unless the party in breach did not foresee and a
reasonable person of the same kind in the same circumstances would not have foreseen
such a result”
Hiện tại, ở Việt Nam, bản dịch Điều 25 Công ước Viên sang tiếng Việt đã được
nhiều tác giả công bố, cụ thể:
- “Một sự vi phạm hợp đồng do một bên gây ra là vi phạm cơ bản nếu sự vi
phạm đó làm cho bên đối ước bị thiệt hại mà người bị thiệt hại trong một chừng mực
đáng kể, bị mất cái mà họ có quyền mong đợi trên cơ sở hợp đồng, trừ phi bên vi
phạm không tiên liệu được hậu quả đó và một người có lý trí minh mẫn cũng sẽ không
tiên liệu được nếu họ cũng ở vào hoàn cảnh tương tự” [43, tr.898; 71, tr.466; 70,
tr.62].
- “Vi phạm hợp đồng do một bên hợp đồng gây ra được coi là vi phạm nghiêm
trọng nếu nó kéo theo thiệt hại cho phía bên kia đến mức làm cho họ bị mất đi phần
lớn những gì mà họ có quyền nhận được theo hợp đồng, trừ trường hợp một bên vi
phạm không lường trước được hậu quả và người đại diện hợp pháp hành động với tư
cách như bên trong hoàn cành tương tự cũng không lường trước được hậu quả đó”
[32, tr.646; 33, tr.66].
- “Một sự vi phạm hợp đồng do một bên gây ra là vi phạm cơ bản nếu sự vi
phạm đó làm cho bên kia bị thiệt hại mà người bị thiệt hại trong một chừng mực đáng
kể bị mất cái mà họ có quyền chờ đợi trên cơ sở hợp đồng, trừ phi bên vi phạm không
tiên liệu được hậu quả đó và người có lý trí minh mẫn cũng sẽ không tiên liệu được”
[4, tr.16].
- “Sự vi phạm cam kết của một trong các bên được coi là nghiêm trọng nếu vi
phạm đó phương hại nghiêm trọng cho bên kia, làm tước đi của bên đó những gì bên
đó có quyền được hưởng theo hợp đồng, trừ khi bên vi phạm không thấy trước và một
người bình thường như bên vi phạm trong các tình huống tương tự sẽ không thể nhìn
thấy hậu quả đó” [18, tr.664].
-“Một sự vi phạm hợp đồng do một bên gây ra là vi phạm cơ bản nếu nó gây
thiệt hại một cách đáng kể cho bên kia làm cho bên kia mất đi những gì mà anh ta có
quyền mong đợi trên cơ sở hợp đồng, trừ trường hợp bên vi phạm không tiên liệu
56

được và một người có lí trí bình thường cũng sẽ không tiên liệu được hậu quả nếu họ
cũng ở vào địa vị và hoàn cảnh tương tự” [11, tr.16].
Các bản dịch nói trên, về cơ bản đã dịch được ý chính của Điều 25 Công ước
Viên. Tuy nhiên, một số thuật ngữ trong Điều 25 Công ước Viên chưa thực sự được
dịch sát nghĩa, cụ thể:
- Một số bản dịch dịch từ “fundamental” là nghiêm trọng là chưa chính xác vì
theo Từ điển Anh-Việt thì từ “fundamental” có nghĩa là cơ bản, không có nghĩa nào là
“nghiêm trọng”.
- Đa số bản dịch đều dịch “detriment” nghĩa là “thiệt hại”. Theo Từ điển
Black’s Law (phiên bản thứ 9), từ “detriment” có nghĩa là “any loss or harm suffered
by a person or property” [91, tr.461], từ “harm” có nghĩa là “injury, loss or
detriment” [91, tr.722], “damage” là “loss or injury to person or property”,
“damages” là “money claimed by, or ordered to be paid to, a person as compensation
for loss or injury”. Trong Từ điển Anh-Anh của Cambridge, “detriment” là “harm
or damage”, từ “harm” có nghĩa là “physical or other injury or damage”. Tương tự,
theo Từ điển Tiếng Anh hiện đại Longman, 3rd Edition, “detriment” nghĩa là “the
state of being harmed or damaged by something”, “harm” nghĩa là “damage, injury
or trouble caused by someone’s actions”, “damage” nghĩa là “physical harm caused
to something or someone”. Như vậy, về mặt ngữ nghĩa tiếng Anh nói chung, tiếng Anh
pháp lý nói riêng thì không có sự phân biệt rõ ràng giữa “detriment”, “damage”,
“harm”, “injury” và “loss”.
Theo từ điển Anh-Việt thì không có sự khác biệt rõ ràng giữa nghĩa của từ
“detriment”, “damage”, “harm” và “loss”. “Detriment” là “làm hại, có hại” [79,
tr.475], “gây tổn hại, có hại, thiệt hại” [55, tr.516], “damage” là “sự mất mát giá trị,
sự hư hại, gây hư hại” [79, tr.438], “gây thiệt hại, làm tổn hại, làm hư hại cho vật gì”
[55, tr.468]; “harm” là “sự tổn hại, sự thiệt hại, gây hại” [79, tr.805], “sự tổn hại,
thiệt hại” [55, tr.908], “loss” là “sự mất mát, sự tổn thất, sự tổn hại”, “mất mát, tổn
thất, thua lỗ” [55, tr.1172]. Như vậy, về nghĩa Anh-Việt thì các từ “detriment”,
“damage”, “harm” đều có nghĩa chung là “tổn hại, thiệt hại, hư hại”, còn “loss” là
“tổn thất”. Về nghĩa tiếng Việt thì sự phân biệt cũng không rõ ràng giữa từ “thiệt hại”,
“tổn hại” và “tổn thất”. “Thiệt hại” là “bị mất mát về người, của cải vật chất hoặc
57

tinh thần” [78, tr.943]; “tổn hại” là “làm mất mát, hư hại lớn” [78, tr.1012], “tổn
thất” là “mất mát, thiệt hại” [78, tr.1012].
Từ những căn cứ trên, người viết cho rằng việc dịch từ “detriment” là “thiệt
hại” không làm mất đi nghĩa của từ “detriment”. Tuy nhiên, như Bình luận của Ban thư
ký của UNCITRAL thì thuật ngữ “detriment” cần được giải thích ở nghĩa rộng hơn từ
“damage” (cũng có nghĩa là “thiệt hại”) [162] và để phân biệt với từ “damage” được sử
dụng ở Điều 66, 68 Công ước Viên và “damages” – “khoản tiền bồi thường thiệt hại”
quy định ở Điều 74 Công ước Viên và các điều khoản khác như Điều 34, 37, 44, 45,…,
người viết dịch từ “detriment” nghĩa là “tổn hại”.
- Một số bản dịch dịch từ “deprive of” là “làm mất đi” là chưa thực sự sát
nghĩa vì “deprive of “ nghĩa là “lấy đi, tước đoạt, cướp đoạt”; “to expect” không thể
dịch là “được hưởng” mà thay vào đó là “kỳ vọng” hay “mong muốn” để thể hiện sự
muốn và hy vọng cũng như đặt tin tưởng có được những gì từ hợp đồng; dịch thiếu “of
the same kind” (“cùng nền tảng hay địa vị”).
Từ những nhận thức trên, nhằm phục vụ nghiên cứu quy định về vi phạm cơ
bản của Công ước Viên, trong Luận án này, người viết dịch nội dung Điều 25 như sau:
“Vi phạm hợp đồng do một bên gây ra là cơ bản nếu vi phạm đó gây tổn hại
cho bên kia đến mức tước đi đáng kể những gì bên kia có quyền kỳ vọng từ hợp
đồng, trừ khi bên vi phạm không tiên liệu được và một người có lý trí cũng không
tiên liệu được hậu quả đó nếu họ ở vào địa vị và hoàn cảnh tương tự”.
Có thể nói, quy định về vi phạm cơ bản tại Điều 25 Công ước Viên đã giữ
được tính khách quan trong xác định mức độ “đáng kể” của tổn hại bằng yếu tố
“quyền kỳ vọng” từ phía bên bị vi phạm và sự khách quan trong xem xét khả năng
nhận thức được hậu quả của hành vi vi phạm của bên vi phạm bằng yếu tố “một người
có lý trí ở vào địa vị và hoàn cảnh tương tự”. Thêm vào đó, khái niệm cũng thể hiện
được quan điểm phải đưa yếu tố mức độ tác động lên lợi ích bên bị vi phạm kỳ
vọng từ hợp đồng để kết luận vi phạm có phải cơ bản hay không [109, tr.245].
Bên cạnh Công ước Viên, PICC và PECL có thể được sử dụng để giải thích vi
phạm cơ bản hợp đồng quy định tại Điều 25 Công ước Viên bởi lẽ: (i) Lời nói đầu của
PICC, PECL đã khẳng định mục đích của PICC, PECL là có thể được sử dụng để giải
thích hoặc bổ sung cho các văn bản pháp lý quốc tế nhằm thống nhất luật; (ii) Các quy
58

định của PICC, PECL về vi phạm cơ bản hợp đồng có thể sử dụng như là một công cụ
giải thích Công ước Viên miễn là các quy định có liên quan của PICC, PECL có cùng
mục đích với các quy định của Công ước Viên và phù hợp với quy tắc giải thích Công
ước Viên quy định tại khoản 1 Điều 7 Công ước Viên, PICC và PECL đều cho phép
hủy hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng chỉ khi vi phạm hợp đồng là cơ bản [115,
tr.89].
Khoản 2 Điều 7.3.1 PICC cũng quy định mỗi bên có thể chấm dứt hợp đồng
khi bên kia không thực hiện cơ bản nghĩa vụ hợp đồng và liệt kê năm (5) căn cứ xác
định không thực hiện nghĩa vụ của một bên là cơ bản hay không, trong đó có căn cứ:
“Không thực hiện hợp đồng tước đi đáng kể những gì bên bị vi phạm có quyền kỳ
vọng từ hợp đồng, trừ khi bên vi phạm không tiên liệu được hoặc không thể tiên liệu
được một cách hợp lý hậu quả đó” . Tương tự PICC, Điều 8:103 của PECL cũng liệt
kê các căn cứ xác định không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng là cơ bản, trong đó có căn
cứ: “Không thực hiện hợp đồng tước đi đáng kể những gì bên bị vi phạm có quyền kỳ
vọng từ hợp đồng, trừ khi bên vi phạm không tiên liệu được hoặc không thể tiên liệu
được một cách hợp lý hậu quả đó”. Có thể thấy, các căn cứ nêu trên về không thực
hiện cơ bản nghĩa vụ hợp đồng tại PICC và PECL, về cơ bản, tương tự Điều 25 Công
ước Viên. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa quy định về vi phạm cơ bản tại Điều 25
Công ước Viên với PICC và PECL là ở chỗ:
- Công ước Viên không quy định cụ thể các yếu tố, căn cứ xác định tính cơ bản
của vi phạm hợp đồng mà thay vào đó là định nghĩa đề cập đến các yếu tố xác định
tính cơ bản của vi phạm hợp đồng. PICC và PECL lại liệt kê các căn cứ khác nhau
chứa đựng các yếu tố xác định tính cơ bản của không thực hiện hợp đồng (vi phạm
hợp đồng). Ngoài căn cứ nêu trên, để xác định hành vi không thực hiện nghĩa vụ hợp
đồng là cơ bản hay không, PICC và PECL đều liệt kê thêm một số căn cứ khác: (i)
Không tuân thủ chặt chẽ những nghĩa vụ vốn là yếu tố quan trọng của hợp đồng
(nghĩa vụ cốt lõi/chính); (ii) Không thực hiện hợp đồng của một bên khiến cho bên kia
có thể suy đoán một cách hợp lý rằng họ không thể tin tưởng vào việc thực hiện hợp
đồng trong tương lai của bên kia; (iii) Không thực hiện hợp đồng dẫn tới những tổn
thất không cân xứng của hai bên khi hợp đồng bị chấm dứt.
- Một trong những yếu tố tiên quyết, trực tiếp để xác định tính cơ bản của vi
phạm hợp đồng theo Công ước Viên là phải có tổn hại do hành vi vi phạm gây ra dẫn
59

đến hậu quả là những gì bên bị vi phạm có quyền kỳ vọng từ hợp đồng bị tước đi đáng
kể. Tuy nhiên, PICC và PECL đều không trực tiếp quy định “tổn hại” là yếu tố tiên
quyết khi xác định tính cơ bản của vi phạm hợp đồng mà thay vào đó là quy định
“tước đi đáng kể” (“substantially deprives”). Cách diễn đạt này có ý nghĩa đặc biệt ở
chỗ “tổn hại” không cần thiết là yếu tố tiên quyết để xác định vi phạm cơ bản hợp
đồng mà xem xét trực tiếp việc hành vi vi phạm có dẫn đến hậu quả là “tước đi đáng
kể” những gì được kỳ vọng hay không. Nếu hậu quả của vi phạm hợp đồng là “tước đi
đáng kể” lợi ích của bên bị vi phạm đến mức làm mất đi sự quan tâm đến việc thực
hiện hợp đồng thì vi phạm hợp đồng đó là vi phạm cơ bản [122, tr. 365].
So với Công ước Viên, Luật Thương mại Việt Nam cũng có cách tiếp cận
tương tự khi định nghĩa về vi phạm cơ bản tại khoản 13 Điều 3 của Luật như sau: Vi
phạm cơ bản là sự vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức
làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng.
Về phương diện thuật ngữ, mặc dù diễn đạt khác nhau nhưng Khoản 13 Điều 3
Luật Thương mại và Điều 25 Công ước Viên có một số điểm tương đồng khi quy định
về vi phạm cơ bản hợp đồng như: Hành vi vi phạm hợp đồng của một bên phải gây
thiệt hại cho bên kia và thiệt hại phải đáng kể (đến mức) làm mất đi mục đích của giao
kết hợp đồng. Điều 25 Công ước Viên sử dụng cụm từ “đến mức tước đi đáng kể
những gì bên kia có quyền kỳ vọng từ hợp đồng” trong khi đó Luật Thương mại sử
dụng cụm từ “bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng” để “đo
lường” tính nghiêm trọng của thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng của một bên gây
ra cho bên kia.
Tuy nhiên, điểm khác biệt trong định nghĩa về vi phạm cơ bản hợp đồng tại
Điều 25 Công ước Viên và khoản 13 Điều 3 Luật Thương mại là: Công ước Viên cho
phép loại trừ tính cơ bản của vi phạm hợp đồng, từ đó ngăn cản việc hủy hợp đồng của
bên bị vi phạm nếu bên vi phạm chứng minh được “bên vi phạm không tiên liệu được
và một người có lý trí cũng không tiên liệu được hậu quả đó nếu họ ở vào địa vị và
hoàn cảnh tương tự”, tức là một sự vi phạm hợp đồng, dù gây tổn hại đến mức làm
cho bên kia bị tước đi những gì anh ta có quyền kỳ vọng từ hợp đồng, sẽ không bị coi
là vi phạm cơ bản nếu bên vi phạm chứng minh được điều nói trên. Luật Thương mại
Việt Nam không có quy định tương tự như Công ước Viên. Thay vì quy định loại trừ
vi phạm cơ bản hợp đồng, Luật thương mại chỉ quy định các trường hợp miễn trách để
60

loại trừ trách nhiệm khi có vi phạm hợp đồng, dù đó là vi phạm cơ bản hay không cơ
bản như: xảy ra sự kiện bất khả kháng; hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi
của bên kia; hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý
nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp
đồng [40, Điều 294].
3.2. Quy định và thực tiễn xác định yếu tố cấu thành tính cơ bản của vi phạm hợp
đồng theo Công ước Viên
Công ước Viên không liệt kê cụ thể các yếu tố cấu thành tính cơ bản của vi
phạm hợp đồng MBHHQT mà từ quy định tại Điều 25 cho thấy, nếu các bên không có
thỏa thuận khác, các yếu tố cấu thành tính cơ bản của vi phạm hợp đồng được xem xét
từ hai phía: (i) Đối với bên bị vi phạm, yếu tố cấu thành tính cơ bản của vi phạm hợp
đồng là tổn hại do vi phạm hợp đồng gây ra và tổn hại đó phải đến mức tước đi đáng
kể những gì bên bị vi phạm có quyền kỳ vọng từ hợp đồng, tức tổn hại cũng phải đáng
kể; (ii) Đối với bên vi phạm, yếu tố cấu thành tính cơ bản của vi phạm hợp đồng là khả
năng tiên liệu được tổn hại do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra. Phần dưới đây sẽ lần
lượt phân tích các yếu tố cấu thành tính cơ bản của vi phạm hợp đồng cũng như thực
tiễn xác định các yếu tố này của tòa án, trọng tài của một số quốc gia thành viên Công
ước.
3.2.1. Có tổn hại đáng kể của bên bị vi phạm
Vi phạm hợp đồng thường làm phát sinh tổn hại nhưng tổn hại không luôn luôn
tồn tại khi có vi phạm hợp đồng. Trong thực tế, không hiếm trường hợp có việc vi
phạm hợp đồng nhưng không có tổn hại. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 25 Công
ước Viên, tổn hại do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra là yếu tố bắt buộc, tiên quyết
cấu thành tính cơ bản của vi phạm hợp đồng.
Lịch sử soạn thảo Điều 25 Công ước Viên, như đã trình bày ở trên, đã cho thấy
sự có mặt của thuật ngữ “tổn hại” là kết quả của quá trình tranh luận về bất cập của
tiêu chí xác định vi phạm cơ bản hợp đồng quy định tại Điều 10 của ULIS năm 1964,
theo đó “Vì mục đích của luật này, vi phạm hợp đồng được xem là cơ bản nếu bên vi
phạm biết hoặc phải biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng rằng một người có lý
trí trong tình huống tương tự bên kia sẽ không giao kết hợp đồng nếu anh ta nhìn thấy
trước vi phạm và hậu quả của nó”. Như vậy, theo quy định này, việc xác định có hay
không có hành vi vi phạm dựa trên yếu tố chủ quan là “bên vi phạm biết hoặc phải
61

biết”. Điều này sẽ dẫn đến khó khăn cho bên bị vi phạm trong việc xác định hành vi vi
phạm của bên vi phạm là cơ bản hay không cơ bản. Việc đưa quy định về “detriment”
(“tổn hại”) vào Điều 25 Công ước Viên, tức là đưa ra một công cụ kiểm tra khách
quan để xác định vi phạm cơ bản hợp đồng, nhằm ngăn cản những khó khăn khi sử
dụng tiêu chí kiểm tra mang tính chủ quan của ULIS. Tuy nhiên, Công ước Viên
không giải thích, không có quy định cụ thể nào liên quan đến làm rõ nội hàm của thuật
ngữ “detriment” (“tổn hại”).
Xét về mặt thuật ngữ, “detriment” là “any loss or harm suffered by a person or
property”, nghĩa là “bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại về người hoặc tài sản” [91, tr.461].
Như vậy, tổn hại nêu ra ở Điều 25 không chỉ đề cập đến tổn thất hoặc thiệt hại vật chất
(tổn thất tài sản, mất mát giá trị tài sản, mất lợi nhuận, mất cơ hội có lợi nhuận) mà còn
những tổn thất hoặc thiệt hại về tinh thần (tổn thất về thân thể, sức khỏe, uy tín, danh
dự). Tuy nhiên, tổn hại này có bao gồm tổn hại hay thiệt hại về mặt pháp lý (mất một
quyền đối với giá trị tiền tệ, ảnh hưởng về quyền, nghĩa vụ pháp lý, quyền được giữ tài
sản, quyền được tôn trọng) hay không? Tổn hại này là tổn thất hoặc thiệt hại thực tế
hay tổn thất hoặc thiệt hại tiên liệu?.
Chình vì Công ước Viên không có quy định nhằm làm rõ nội hàm của thuật ngữ
“tổn hại” khi dùng nó trong Điều 25 để xác định có hay không có vi phạm cơ bản hợp
đồng nên đã có nhiều quan điểm, tranh luận xoay quanh thuật ngữ này.
Ban thư ký của UNCITRAL cho rằng thuật ngữ “tổn hại” không chỉ thay cho
“tổn thất” (injury), “tổn hại/thiệt hại” (harm) và “kết quả” (result) mà còn để chỉ “tổn
hại tiền bạc” và “sự can thiệp vào các hoạt động khác”, điều này có nghĩa là thuật ngữ
“tổn hại” được sử dụng ở Điều 25 cần được giải thích với “nghĩa rộng” [162]. Nhưng
“rộng” như thế nào thì Ban thư ký cũng không đưa ra được giải thích thỏa đáng cho
nội hàm của thuật ngữ này.
Về phương diện lý luận, đã có nhiều tác giả đàm luận về nội hàm của thuật ngữ
“tổn hại” tại Điều 25 Công ước Viên. Tác giả Michael Will cho rằng khi xem xét nội
hàm của thật ngữ “tổn hại” cần tập trung xem xét mục đích của thuật ngữ [132, tr.205].
Mục đích thuật ngữ “tổn hại” quy định ở Điều 25 cho phép bên bị vi phạm hủy hợp
đồng hoặc được giao hàng thay thế. Vì vậy, tổn hại ở đây có thể định nghĩa là “việc bị
lấy đi một cái gì đó mà một bên có quyền nắm giữ hoặc làm một điều gì đó mà một
bên không có quyền làm điều đó” [132, tr.205]. Theo tác giả Graffi, tổn hại không
62

đồng nghĩa với “tổn thất” (loss) hay “thiệt hại” (damage) bởi Điều 74 Công ước đã
quy định một bên có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại (tổn thất, bao gồm cả lợi
nhuận bị bỏ lỡ) thậm chí khi không có hành vi vi phạm cơ bản hợp đồng [126]. Ý
nghĩa của “tổn hại” (detriment) rộng hơn “tổn thất” (loss). Khái niệm tổn hại rộng hơn
khái niệm tổn thất nhưng tổn hại kinh tế mà bên bị vi phạm phải gánh chịu không nhất
thiết phải là yếu tố duy nhất để xác định có hay không có vi phạm cơ bản xảy ra [126,
tr.339-340]. Tác giả Ziegel nhấn mạnh thêm rằng, tổn hại không cần phải thực tế và
không cần bao gồm tổn thất thực tế và cũng không cần thiết phải đề cập đến bất lợi vật
chất mà bên bị vi phạm phải gánh chịu mà nghĩa là tổn hại về mặt pháp lý để phân biệt
với tổn hại thực tế, tức là làm cho người nào đó bị lấy đi những gì họ có quyền chiếm
hữu hoặc ngăn cản quyền được làm điều gì đó của người đó [121, tr.33]. Bên cạnh đó,
Enderlein và Maskow cho rằng thuật ngữ “tổn hại” nên được giải thích theo nghĩa
rộng, tức bao gồm cả thiệt hại thực tế và thiệt hại pháp lý và “không có lý do hợp lý để
chấp thuận giải thích thu hẹp” [106, tr.241]. Tòa án Ba Lan trong vụ Shoe leather cũng
đã nhấn mạnh rằng, theo Điều 25, tổn hại (có nghĩa là những gì bên bị vi phạm kỳ
vọng từ hợp đồng bị tước đi) không thể bằng tổn thất vì nó bao gồm hậu quả bất lợi
tiềm năng và thực tế do vi phạm hợp đồng gây ra [250].
Để xác định tính cơ bản của vi phạm hợp đồng, nếu chỉ tồn tại tổn hại thì chưa
đủ mà tổn hại phải đáng kể. Ban thư ký của UNCITRAL cũng đã nhấn mạnh yếu tố
này trong tài liệu bình luận Điều 25 của Ban thư ký rằng, việc xác định tổn hại có đáng
kể hay không phải dựa vào các tình huống cụ thể, ví dụ như căn cứ vào giá trị kinh tế
của hợp đồng hoặc thiệt hại kinh tế do vi phạm hợp đồng hoặc mức độ cản trở những
hoạt động khác của bên bị vi phạm [162]. Bình luận của Ban Thư ký, một lẫn nữa, cho
thấy yếu tố tổn hại đáng kể được quy định tại Điều 25 có nghĩa kinh tế rất rộng và “các
tình huống cụ thể” là cách để giải thích “tổn hại” đáng kể. Điều này dễ dẫn đến sự
không thống nhất trong áp dụng Công ước Viên, đi ngược với tinh thần của Công ước
là “khi giải thích Công ước, cần lưu ý ….đến thúc đẩy việc áp dụng thống nhất Công
ước” [11, Điều 7].
Thực tiễn, trong rất nhiều tranh chấp có liên quan đến xác định vi phạm cơ bản
hợp đồng theo Công ước Viên của tòa án, trọng tài của một số quốc gia thành viên
Công ước Viên cho thấy sự đa dạng trong vận dụng yếu tố “tổn hại đáng kể” để xác
định vi phạm cơ bản hợp đồng, cụ thể:
63

(i) Tòa án, trọng tài xem tỷ lệ hàng hóa có chất lượng không phù hợp với hợp
đồng ở mức cao là tổn hại đáng kể
Vụ Delchi v. Rotorex [266]: Vào tháng 1/1988, Công ty Rotorex đồng ý bán
10.800 máy nén khí cho Công ty Delchi để sử dụng cho máy điều hòa trong phòng.
Trước khi ký kết hợp đồng, Rotorex gửi cho Delchi mẫu máy nén kèm theo chi tiết kỹ
thuật về hiệu suất sử dụng. Tuy nhiên, trong khi lô hàng thứ hai đang trên đường vận
chuyển cho Delchi, Delchi phát hiện rằng một số lượng lớn máy nén của lô hàng thứ
nhất có chất lượng không phù hợp với mẫu và tiêu chí kỹ thuật kèm theo. Cụ thể,
Rotorex phát hiện có đến 93% số máy nén điều hòa được giao có khả năng làm lạnh
yếu và tiêu thụ nhiều điện năng hơn so với hàng mẫu cùng chi tiết kỹ thuật kèm theo
hàng mẫu. Tòa phúc thẩm Liên bang cho rằng tỷ lệ 93% hàng hóa có chất lượng
không phù hợp quy định hợp đồng trong mối tương quan với tổng giá trị hợp đồng là
tổn hại rất đáng kể và vi phạm hợp đồng như vậy được coi là vi phạm cơ bản hợp
đồng [266].
Vụ “Cotton gin motes” [204]: Tranh chấp giữa người bán Singapo và người
mua Trung Quốc trong hợp đồng mua bán bông tạp chất, theo đó hai bên đã kí hợp
đồng mua bán 3.500 gói bông tạp chất, giao hàng làm hai chuyến. Thực hiện hợp
đồng, ở chuyến thứ nhất người bán giao 2.210 gói bông, sau khi giám định, cơ quan
giám định đã lập báo cáo trong đó chỉ ra rằng 77,47% lượng hàng hóa được giao có
chất lượng không phù hợp với quy định của hợp đồng. Hội đồng trọng tài đã cho rằng,
việc người bán giao hàng không tuân thủ quy định của hợp đồng với tỷ lệ không phù
hợp cao như đã nêu ở trên đã gây tổn hại đáng kể cho người mua và cấu thành vi
phạm cơ bản hợp đồng.
Vụ “Granite rock” [187]: Tranh chấp về hợp đồng mua bán đá granite giữa
người mua Đức và người bán Italia. Tòa án đã cho rằng việc người bán giao hàng
trong đó có 40% hàng không phù hợp về chất lượng đã đủ để cấu thành vi phạm cơ
bản hợp đồng. Căn cứ Điều 25 Công ước Viên, tòa án lập luận rằng, một sự vi phạm
hợp đồng được xem là cơ bản nếu nó gây ra tổn hại cho bên bị vi phạm một cách đáng
kể đến mức làm cho bên bị vi phạm bị tước đi những lợi ích họ kỳ vọng từ hợp đồng.
Chính vì thế, việc người mua chỉ sử dụng được 60% số lượng đá được giao, tức là
không sử dụng được 40% số lượng hàng không phù hợp về chất lượng là tổn hại đáng
kể mà người mua đã phải gánh chịu.
64

(ii) Tòa án, trọng tài xem lợi nhuận bị mất đi, tổn hại về uy tín, quyền và lợi ích
pháp lý là tổn hại đáng kể khi xác định vi phạm cơ bản hợp đồng
Vụ “Rabbit skin” [209]: Tranh chấp giữa người bán Trung Quốc và người mua
Tây Ban Nha liên quan hợp đồng mua bán da thỏ tươi đông lạnh, theo đó người bán ký
hợp đồng cung cấp cho người mua 160.000 miếng da thỏ tươi đông lạnh. Hợp đồng
quy định phương thức thanh toán là L/C và luật áp dụng là Công ước Viên. Sau khi
hợp đồng có hiệu lực, người mua đã mở L/C theo quy định của hợp đồng nhưng người
bán đã không giao hàng cho người mua. Người mua đã khởi kiện người bán ra
CIETAC (Trung Quốc), yêu cầu hủy hợp đồng vì người bán có sự vi phạm cơ bản hợp
đồng. Khi xét xử vụ này, căn cứ vào Điều 25 Công ước Viên, CIETAC đã phán quyết
rằng, trong trường hợp này, việc người bán không giao hàng cho người mua đã làm
cho người mua hoàn toàn không thể đạt được mục đích căn bản của việc ký kết hợp
đồng với người bán. Hành vi của người bán đã hủy hoại chuỗi kinh doanh và làm ảnh
hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích pháp lý của người mua. Và như vậy người
bán đã tước đi của người mua những lợi ích mà người mua có quyền mong chờ từ hợp
đồng hay nói cách khác việc không giao hàng của người bán đã cấu thành vi phạm cơ
bản hợp đồng.
Trước thời điểm giải quyết hai vụ tranh chấp ở trên, trong một vụ tranh chấp
xảy ra vào năm 2005, quan điểm tương tự cũng được tìm thấy trong phán quyết của
Tòa án quận Padova (Ý) trong vụ Ostroznik savo [248]. Đây là tranh chấp giữa người
bán Slovenia và người mua Ý liên quan hợp đồng mua bán thỏ. Tòa án cho rằng,
không giao hàng sẽ cấu thành vi phạm cơ bản vì nó loại trừ khả năng người mua thu
được lợi nhuận từ hợp đồng.
Vụ “Sport clothing” [239]: Người bán Đức đã ký hợp đồng cung cấp cho người
mua Thụy Sỹ quần áo thể thao. Tuy nhiên, toàn bộ những bộ thể thao được bán cho
khách hàng của người mua sau lần giặt đầu tiên đã bị co lại từ 1 đến 2 cỡ (khoảng từ
10 đến 15%). Tòa án quận Landshut (Đức) đã kết luận rằng với việc quần áo bị co lại
10 đến 15% sau khi giặt, khách hàng hoàn toàn có thể trả lại hàng hoặc là không mua
hàng từ người mua nữa và điều này sẽ gây ra cho người mua những tổn hại đáng kể về
uy tín. Chính vì vậy, tòa án đã xác định việc người bán cung cấp hàng hóa như vậy là
một vi phạm cơ bản hợp đồng. Tương tự, vụ “Shoe” [230]: Tranh chấp giữa người
bán Italia và người mua Đức về hợp đồng mua bán giày. Người bán và người mua đã
65

ký hợp đồng, theo đó người bán cung cấp giày cho người mua - một cửa hàng giày của
Đức, hàng được giao thành nhiều chuyến. Ở chuyến hàng cuối cùng, người bán đã
giao cho người mua 319 đôi giày, tuy nhiên khách hàng của người mua đã phàn nàn về
chất lượng của 35 đôi giày đã mua trong số 319 đôi giày được giao ở chuyến cuối
cùng. Tại phiên xét xử sơ thẩm, tòa án cho rằng người bán giao 35 đôi giày bị khiếm
khuyết trên 319 đôi là vi phạm hợp đồng, tuy nhiên vi phạm này của người bán chưa
đủ để cấu thành một vi phạm cơ bản hợp đồng để thỏa mãn điều kiện thực hiện chế tài
hủy hợp đồng theo Điều 49 Công ước Viên. Ở phiên phúc thẩm, người mua đã lập
luận rằng tỷ lệ giày khiếm khuyết phải dựa trên số lượng hàng đã thực bán chứ không
phải tổng số hàng đã giao và tỷ lệ này được xác định là 21,2%. Hội đồng xét xử cấp
phúc thẩm đã đồng tình với luận điểm này của người mua và cho rằng vi phạm của
người bán là vi phạm cơ bản hợp đồng do tỷ lệ hàng giao có khiếm khuyết ở mức cao
như vậy làm tổn hại đáng kể đến uy tín của người mua.
(iii) Tòa án, trọng tài không xem xét yếu tố tổn hại đáng kể khi xác định vi
phạm cơ bản hợp đồng
Trong rất nhiều vụ tranh chấp, khi xác định vi phạm cơ bản hợp đồng theo Điều
25 Công ước Viên, tòa án, trọng tài không xem xét yếu tố tổn hại đáng kể mà chỉ xem
xét trực tiếp đến hậu quả của hành vi vi phạm hợp đồng của bên vi phạm có tước đi
đáng kể những gì bên bị vi phạm kỳ vọng từ hợp đồng hay không. Đặc biệt là khi
người bán hoặc người mua không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng như không giao hàng,
giao hàng không đúng thời gian hoặc không thanh toán tiền hàng, không nhận hàng.
Thực tiễn xác định những gì bên bị vi phạm kỳ vọng từ hợp đồng có bị tước đi đáng kể
hay không sẽ được phân tích ở phần tiếp theo.
Từ những phân tích trên có thể rút ra một số nhận xét sau:
(1) Chưa có một cơ sở pháp lý vững chắc để khẳng định rằng tổn hại theo tinh
thần của Điều 25 Công ước Viên là gì? Tuy nhiên, từ lịch sử soạn thảo điều khoản này,
trên cơ sở quan điểm của một số học giả thì người viết cho rằng thuật ngữ “tổn hại”
được sử dụng trong Điều 25 có nghĩa rất rộng, không chỉ bao gồm tổn thất hoặc thiệt
hại kinh tế (tổn thất vật chất), tổn thất hoặc thiệt hại phi vật chất (uy tín kinh doanh,
danh dự) mà còn thiệt hại pháp lý (quyền lợi của bên bị vi phạm bị ảnh hưởng). Điều
này dễ dẫn tới sự thiếu thống nhất, đa dạng và đôi khi là “cảm tính” và “tùy tiện” trong
việc giải thích nội hàm của “tổn hại” là yếu tố tiên quyết xác định tính cơ bản của vi
66

phạm hợp đồng theo Công ước Viên. Với nội hàm của “tổn hại” quá rộng như vậy,
phương pháp có sức thuyết phục nhất là không xem tổn hại như là yếu tố bắt buộc, tiên
quyết khi xác định tính cơ bản của vi phạm hợp đồng mà xem xét yếu tố “tổn hại” chỉ
là “bộ lọc” cho các vụ tranh chấp có hành vi vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng nhưng
không có tổn hại nào xảy ra [87, tr.211]. Cách quy định yếu tố “tổn hại” như hiện nay
của Công ước Viên sẽ làm cho việc xác định tính cơ bản của hành vi vi phạm trở nên
phức tạp hơn vì không thể xem xét trực tiếp, đánh giá trực tiếp vào “những gì bên bị vi
phạm kỳ vọng từ hợp đồng” hay những lợi ích mà bên bị vi phạm kỳ vọng từ hợp đồng
có bị tước đi đáng kể với ý nghĩa là hậu quả của hành vi vi phạm hợp đồng có tính
nghiêm trọng hay không mà phải xem xét có “tổn hại” đáng kể hay không để từ đó
mới xác định hậu quả của hành vi vi phạm trong mối tương quan với những gì bên bị
vi phạm kỳ vọng từ hợp đồng bị tước đi.
(2) Thực tiễn cho thấy, tòa án và trọng tài đã đồng nhất tỷ lệ hàng được giao có
chất lượng không phù hợp ở mức cao với tổn hại đáng kể mà người mua phải gánh
chịu. Cách xử lý này của tòa án và trọng tài, theo người viết, chưa thực sự hợp lý bởi
các lẽ sau:
+ Khi người bán giao hàng có chất lượng không phù hợp hợp đồng thì tỷ lệ
hàng hóa không phù hợp có thể xem như là sự tổn thất, mất mát, giảm sút giá trị của
hàng hóa và đó là tổn hại mà người mua phải gánh chịu. Tuy nhiên, hàng hóa có chất
lượng không phù hợp, trong một số trường hợp nhất định, có thể sử dụng được, chưa
đến mức phải thay thế hàng hóa thì người mua hoàn toàn có thể yêu cầu người bán
giảm giá hàng hóa để bù đắp cho phần không phù hợp mà không cần kết luận đó là vi
phạm cơ bản hợp đồng để áp dụng chế tài hủy hợp đồng;
+ Tỷ lệ hàng hóa không phù hợp với hợp đồng với mỗi tình huống thực tiễn
khác nhau là không giống nhau. Vì vậy, tổn hại do việc giao hàng không phù hợp với
hợp đồng cũng không giống nhau.
Tòa án và Trọng tài lại chỉ dựa vào việc hàng hóa không phù hợp quy định hợp
đồng với tỷ lệ cao (khoảng 90%) để kết luận là tổn hại đáng kể và coi đó là vi phạm cơ
bản hợp đồng. Đối với tỷ lệ hàng không phù hợp quy định hợp đồng ở mức thấp
(khoảng 25%) thì Tòa án và/hoặc trọng tài lại xem như chưa đủ “đáng kể”. Điều này
đã được chứng minh qua vụ Frozen Meat [257] là tranh chấp hợp đồng mua thịt đông
lạnh giữa người bán Đức và người mua Thụy Sĩ, mặc dù 25% chất lượng thịt đông
67

lạnh không phù hợp với quy định trong hợp đồng, thậm chí thịt đông lạnh quá béo và
ướt, giá trị thịt đông lạnh giảm đi 25% tương ứng nhưng Tòa án tối cao (Thụy Sĩ) phán
quyết rằng tổn hại đó là chưa đủ “đáng kể” và hành vi vi phạm hợp đồng của người
bán không cấu thành một sự vi phạm cơ bản hợp đồng.
+ Việc tòa án và trọng tài căn cứ vào tỷ lệ không phù hợp về chất lượng của
hàng hóa là chưa thực sự thuyết phục, đặc biệt khi mà hàng hóa đó không bán lại được
dù tỷ lệ không phù hợp về chất lượng là không cao, thậm chí rất thấp. Trong trường
hợp này, mặc dù sự không phù hợp của hàng với quy định của hợp đồng ở mức độ
thấp nhưng nếu người mua đã không bán được hàng trong điều kiện thương mại bình
thường mà phải bán thanh lý thì điều này cũng có thể gây ra những tổn hại lớn về
doanh thu và lợi nhuận cho người mua. Từ đó, câu hỏi đặt ra là việc lấy căn cứ mức độ
hay tỷ lệ của sự không phù hợp của hàng hóa so với quy định của hợp đồng liệu có
thực sự hợp lý không bởi vì mức độ không phù hợp có thể rất thấp nhưng hàng vẫn
không thể bán được, tức là mục đích bán lại hàng hóa không đạt được.
Ngoài ra, cũng cần xem xét đến uy tín của người mua trong những trường hợp
này có bị giảm sút hoặc có những tổn hại đáng kể về uy tín của người mua hay không.
Chẳng hạn, vì hàng hóa bị tổn thất hoặc chất lượng không phù hợp, dù với tỷ lệ như
thế nào, mà khách hàng của người mua trả lại hàng hoặc không mua hàng từ người
mua thì hành vi vi phạm này có bị coi là vi phạm cơ bản hợp đồng hay không? Ngay
chính tòa án của các quốc gia thành viên Công ước cũng chưa có câu trả lời thỏa đáng
cho vấn đề này.
(3) Giao hàng, giao chứng từ liên quan đến hàng và thanh toán tiền hàng, nhận
hàng là những nghĩa vụ cơ bản của người bán và người mua trong hợp đồng. Vì vậy,
một bên không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng như không giao hàng, không thanh toán
tiền hàng, không nhận hàng thì tòa án, trọng tài đều xem hành vi vi phạm này thỏa
mãn yếu tố tước đi những gì bên kia kỳ vọng từ hợp đồng và các bên đều có đủ khả
năng tiên liệu được hậu quả này. Đối với những hành vi vi phạm hợp đồng này, tòa án,
trọng tài đã không xem xét đến có tồn tại tổn hại đáng kể hay không mà chỉ xem xét
những gì bên bị vi phạm kỳ vọng từ hợp đồng có còn hay không.
Điều này cũng phù hợp với một số văn bản có tính chất quốc tế khác như PICC
và PECL. Các văn bản này không quy định “tổn hại” như là yếu tố tiên quyết cấu
68

thành không thực hiện cơ bản hợp đồng mà dựa vào hậu quả “tước đi đáng kể những
gì bên kia có quyền kỳ vọng từ hợp đồng” của hành vi vi phạm.
Chính từ những khó khăn, bất cập trong việc sử dụng tổn hại là yếu tố bắt buộc,
tiên quyết theo quy định tại Điều 25 Công ước Viên để xác định vi phạm cơ bản hợp
đồng dễ dẫn đến sự thiếu thống nhất của tòa án, trọng tài khi nhìn nhận vấn đề này,
người viết cho rằng, tổn hại không nên là nhân tố quyết định để xác định tính cơ bản
của vi phạm hợp đồng mà thay vào đó nên dựa vào những gì mà các bên kỳ vọng từ
hợp đồng có bị tước đi đáng kể hay không, nói cách khác lợi ích mong muốn và kỳ
vọng đạt được của các bên khi xác lập hợp đồng MBHHQT có bị tước đi đáng kể hay
không. Sự ảnh hưởng nghiêm trọng của hành vi vi phạm hợp đồng đến kỳ vọng của
bên bị vi phạm khi xác lập hợp đồng MBHHQT mới nên là nhân tố quyết định để xác
định tính cơ bản của vi phạm hợp đồng bởi không thực hiện hợp đồng như không giao
hàng, không thanh toán hay giao hàng không đúng thời gian, giao hàng có chất lượng
không phù hợp với hợp đồng sẽ làm cho bên bị vi phạm bị tước đi lợi ích kỳ vọng từ
hợp đồng [145, tr.77].
3.2.2. Những gì bên bị vi phạm có quyền kỳ vọng từ hợp đồng bị tước đi đáng
kể
Những gì bên bị vi phạm có quyền kỳ vọng từ hợp đồng bị tước đi đáng kể là
hệ quả của tổn hại đáng kể do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra, là yếu tố đóng vai trò
quan trọng trong việc xác định vi phạm cơ bản hợp đồng bởi nó thể hiện tính nghiêm
trọng của hậu quả do vi phạm hợp đồng gây ra theo Điều 25 Công ước Viên. Không
phải cứ vi phạm hợp đồng gây “tổn hại” là cấu thành vi phạm cơ bản mà tổn hại phải
đến mức “tước đi đáng kể những gì bên bị vi phạm kỳ vọng từ hợp đồng”, tức là tính
nghiêm trọng của “tổn hại” do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra phải được xem xét
trong mối tương quan với hệ quả của “tổn hại” là “tước đi đáng kể những gì bên bị vi
phạm kỳ vọng từ hợp đồng”.
Các quan điểm đều cho rằng, nếu bên bị vi phạm bị tước đi lợi ích của việc thực
hiện hợp đồng thì tổn hại được coi là đáng kể [142, tr.59; 126, tr.340; 165, tr.321]. Tác
giả Zeller cũng đồng quan điểm này và cho rằng “tổn hại đáng kể vượt ra ngoài khoản
tiền bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 74. Đơn giản, tổn hại không bằng tiền bồi
thường thiệt hại” [89, tr.226]. Tác giả Will cũng có có quan điểm tương tự [132]. Cách
diễn đạt của Điều 25 không đề cập đến mức độ tổn hại mà thay vào đó là tầm quan
69

trọng của lợi ích mà hợp đồng và nghĩa vụ của các bên tạo nên [116], hay nói cách
khác, sự tồn tại của lợi ích, mong muốn hợp pháp là yếu tố duy nhất để xác định những
gì bên bị vi phạm kỳ vọng bị tước đi đáng kể hay không [145, tr.53]. Schlechtriem và
Butler cũng đồng quan điểm khi cho rằng, đó không phải mức độ nghiêm trọng khách
quan của vi phạm hợp đồng và không phải là mức độ tổn hại mà quan trọng là lợi ích
của các bên từ hợp đồng [143, tr.98].
Về mặt lý luận cũng như pháp luật thực định, chưa có câu trả lời cuối cùng và
thỏa đáng cho việc xác định những gì bên bị vi phạm kỳ vọng từ hợp đồng là gì và có
bị tước đi đáng kể do hành vi vi phạm hợp đồng hay không. Mỗi tình huống vi phạm
hợp đồng cụ thể sẽ đem đến những hậu quả pháp lý không giống nhau, có khi kéo theo
trách nhiệm bồi thường thiệt hại, giảm giá hay nặng nề hợp là hủy hợp đồng. Việc xác
định mức độ tổn hại như thế nào để thỏa mãn quy định tại Điều 25 của Công ước tùy
thuộc rất nhiều vào luận giải, phán quyết của tòa án, trọng tài có thẩm quyền khi giải
quyết các tranh chấp có liên quan.
Kỳ vọng từ hợp đồng là nội dung chủ yếu để xác định liệu một vi phạm hợp
đồng gây tổn hại đáng kể có bị coi là vi phạm cơ bản hợp đồng hay không [82, tr.102].
Nói cách khác, sự tước đi đáng kể những gì bên bị vi phạm kỳ vọng từ hợp đồng có
thể được xác định trong khuôn khổ tổn hại xảy ra mà bên bị vi phạm phải gánh chịu
đối với kỳ vọng từ hợp đồng của bên bị vi phạm hoặc không cần có tổn hại. Vi phạm
hợp đồng tới mức nào thì bị coi là vi phạm cơ bản phụ thuộc vào các yếu tố liên quan
để đạt được những gì bên bị vi phạm kỳ vọng từ hợp đồng [107, tr.72]. Câu hỏi đặt ra
là cơ sở nào để xác định những gì bên bị vi phạm có quyền kỳ vọng từ hợp đồng? Đây
là vấn đề pháp lý phức tạp bởi lẽ việc xác định kỳ vọng của bên bị vi phạm từ hợp
đồng không chỉ dựa vào giải thích nội dung hợp đồng mà còn dựa vào thực tiễn, tập
quán hoặc những quy định bổ sung của Công ước [11, Điều 9].
Bên bị vi phạm có quyền kỳ vọng nhận được sự thực hiện hợp đồng như đã hứa
của bên vi phạm nhưng điều này còn phụ thuộc vào cam kết trong hợp đồng của bên vi
phạm. Vì vậy, giả sử bên bị vi phạm bị tước đi cơ hội thu được khoản lợi nhuận cụ thể
mà anh ta kỳ vọng nhận được từ việc thực hiện hợp đồng của bên vi phạm nhưng bên
bị vi phạm lại không thông báo trong hợp đồng cho bên vi phạm biết về kỳ vọng này.
Có thể nói rằng, bên bị vi phạm có quyền kỳ vọng lợi ích đó từ hợp đồng hay không?.
Đành rằng, hợp đồng là cơ sở xác định kỳ vọng của bên bị vi phạm, hay nói cách khác
70

kỳ vọng của bên bị vi phạm phải được giải thích, xác định dựa vào hợp đồng. Điều này
không đồng nghĩa với việc các bên phải phát biểu rõ ràng mình kỳ vọng gì trong hợp
đồng. Tuy nhiên, nếu có được những thỏa thuận rõ ràng về mong muốn hay kỳ vọng
của các bên trong hợp đồng thì việc xác định có hay không có vi phạm cơ bản hợp
đồng trong trường hợp này sẽ trở nên dễ dàng hơn bởi Điều 25 cũng như các quy định
khác của Công ước không đề cập gì đến cơ sở xác định vấn đề này. Về nguyên tắc, lợi
ích kỳ vọng của các bên là tiêu chí khách quan để xác định vi phạm cơ bản hợp đồng
vì chính hợp đồng xác định nghĩa vụ của các bên và hợp đồng cũng là cơ sở xác định
tầm quan trọng của các nghĩa vụ đó [82].
Đối với việc xác định những gì các bên kỳ vọng từ hợp đồng, chắc chắn các bên
dễ dàng xác định khi nào và trong trường hợp nào thì vi phạm hợp đồng tước đi đáng
kể những gì bên bị vi phạm kỳ vọng từ hợp đồng là cơ bản. Tuy nhiên, liệu các cuộc
đàm phán, tập quán hoặc các sự kiện khác xảy ra sau khi ký kết hợp đồng và không
được đề cập đến trong hợp đồng có thể được sử dụng để xác định những gì kỳ vọng từ
hợp đồng hay không. Câu hỏi ở đây là, các điều khoản hợp đồng có phải là nguồn duy
nhất để xác định những gì kỳ vọng từ hợp đồng của bên bị vi phạm?.
Thuật ngữ “under the contract” được sử dụng trong Điều 25, về nguyên tắc, đề
cập đến tất cả các điều khoản của hợp đồng, dù là được quy định một cách rõ ràng
hoặc ngầm định [93, tr.97]. Kỳ vọng từ hợp đồng của các bên không chỉ được xác định
dựa vào ngôn ngữ của hợp đồng mà còn căn cứ vào những tình huống xung quanh
quan hệ hợp đồng giữa các bên. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là việc đánh giá
sự tước đi những gì các bên kỳ vọng sẽ phụ thuộc vào hoàn cảnh trong tình huống cụ
thể, thậm chí những tình huống đó diễn ra sau khi ký kết hợp đồng. Công ước Viên
không nhằm nâng cao thẩm quyền của Thẩm phán mà thay vào đó yêu cầu họ phải xác
định những gì các bên kỳ vọng từ hợp đồng trong khuôn khổ hợp đồng và hoàn cảnh
xung quanh quan hệ hợp đồng giữa các bên [85].
Thực tiễn vận dụng của tòa án, trọng tài của một số quốc gia thành viên Công
ước Viên cho thấy có hai xu hướng khi xác định những gì bên bị vi phạm kỳ vọng hợp
đồng có bị tước đi đáng kể hay không, cụ thể:
- Xu hướng 1: Hành vi không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng của bên vi phạm
luôn dẫn đến hậu quả là những gì bên bị vi phạm kỳ vọng từ hợp đồng bị tước đi đáng
kể cho dù có hay không có tổn hại xảy ra
71

(i) Người bán không giao hàng


Trong thực tiễn thực hiện hợp đồng MBHHQT, giao hàng, dường như, luôn bị
tòa án, trọng tài của một số quốc gia thành viên Công ước coi là “nghĩa vụ cơ bản của
người bán” [196], vì thế, khi người bán vi phạm nghĩa vụ giao hàng thì coi như là vi
phạm cơ bản hợp đồng và xem như đủ thỏa mãn điều kiện “tước đi của người mua
những gì người mua kỳ vọng từ hợp đồng”.
Vụ “Compound fertilizer” [196]: Tranh chấp giữa người mua Australia và
người bán Trung Quốc về hợp đồng cung cấp phân bón tổng hợp. Khi thực hiện hợp
đồng, người bán đã thông báo cho người mua (bằng fax) rằng, họ không thể giao hàng
vì không tìm được nguồn hàng cung cấp. Người mua đã không chấp nhận lý do này và
đã kiện người bán ra CIETAC (Trung Quốc). Hội đồng trọng tài thuộc CIETAC đã kết
luận người bán đã vi phạm cơ bản hợp đồng (theo tinh thần quy định tại Điều 25 Công
ước Viên) do việc người bán không giao hàng đã thật sự tước đi những quyền lợi mà
người mua kỳ vọng từ hợp đồng đã ký kết.
Vụ “Cheese” [235]: Người bán Cộng hòa Séc và người mua Đức ký một hợp
đồng mua bán 300 tấn pho mát, giao hàng làm 15 chuyến, mỗi chuyến 20 tấn. Hợp
đồng cũng quy định thanh toán trả trước cho từng chuyến hàng. Sau khi chuyến hàng
thứ nhất thực hiện thành công, người mua đã thanh toán chuyến hàng thứ hai nhưng
người bán đã không giao hàng. Người mua đã kiện ra hội đồng trọng tài Hamburg
(Đức) yêu cầu trả lại tiền hàng đã thanh toán cùng khoản lãi trên số tiền đó và hủy hợp
đồng. Hội đồng trọng tài căn cứ Điều 45(1)(a) và Điều 49(1)(a) đã cho rằng người mua
có quyền tuyên bố hủy hợp đồng cho chuyến hàng thứ hai do người bán không giao
hàng đã tước đi quyền lợi mà người mua có quyền mong đợi từ hợp đồng.
(ii) Người bán không giao chứng từ liên quan đến hàng hóa cho người mua
Theo quy định của Công ước, người bán không chỉ có nghĩa vụ giao hàng mà
còn phải chuyển giao chứng từ liên quan đến hàng hóa và quyền sở hữu về hàng hóa
cho người mua [11, Điều 30]. Tuy nhiên, trong thực tiễn, người bán đã vi phạm nghĩa
vụ này và vì vậy tòa án và trọng tài một số quốc gia thành viên Công ước coi hành vi
vi phạm này của người bán đã tước đi những gì người mua kỳ vọng từ hợp đồng, thỏa
mãn yếu tố cấu thành vi phạm cơ bản quy định tại Điều 25.
Vụ Fluorite [210]: Tranh chấp giữa người bán Trung Quốc và người mua Đức.
Trong tranh chấp này, trọng tài CIETAC (Trung Quốc) cho rằng người bán đã vi phạm
72

cơ bản hợp đồng vì người bán không xuất trình tài liệu trong khoảng thời gian gia hạn
của L/C. Theo trọng tài, hợp đồng quy định thanh toán bằng L/C vì thế nghĩa vụ cơ
bản của người bán là cung cấp tất cả tài liệu đủ điều kiện và chuyển quyền sở hữu cho
người mua. Tuy nhiên, người bán đã vi phạm quy định này. Hợp đồng quy định nếu
người bán không xuất trình tài liệu trong thời hạn L/C thì xem như người bán vi phạm
hợp đồng. Trọng tài nhấn mạnh thêm, trong thực tế, việc không xuất trình chứng từ
trong thời hạn quy định trong hợp đồng đã dẫn đến tước đi những gì người mua kỳ
vọng từ hợp đồng – được thanh toán hay hủy mục đích của hợp đồng, vì vậy việc tiếp
tục thực hiện hợp đồng trở nên vô nghĩa đối với người mua. Việc người bán không
xuất trình chứng từ và chuyển quyền sở hữu hàng hóa thỏa mãn quy định về vi phạm
cơ bản hợp đồng tại Điều 25 Công ước Viên.
Tương tự, vụ Medical equipment [262]: Người bán Thụy Sĩ và người mua
Ucraina ký hợp đồng mua bán thiết bị y tế nhưng người bán đơn phương thay đổi
phương thức vận tải (vận tải đường biển thay cho vận tải hàng không quy định trong
hợp đồng) làm cho thời gian vận tải dài hơn và người bán không giao chứng từ vận tải
đúng hạn quy định trong hợp đồng (đơn bảo hiểm và chứng nhận chất lượng). Điều
này đã dẫn đến hàng hóa không thể thông quan và người mua không thể nhận hàng ở
cảng Odessa theo như điều khoản hợp đồng. Vì vậy, trọng tài Ucraina phán quyết
rằng người bán đã vi phạm cơ bản hợp đồng.
(iii) Người mua không thanh toán tiền hàng
Hành vi không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền hàng của người mua thường
thể hiện ở việc người mua không mở L/C theo quy định của hợp đồng hoặc trong thời
gian mà người bán đã gia hạn thêm. Nghĩa vụ mở L/C khi hợp đồng quy định thanh
toán bằng phương thức này là nghĩa vụ cơ bản nhất của người mua trong hợp đồng
MBHHQT [185]. Vì vậy, việc không thanh toán tiền hàng cũng được tòa án và trọng
tài xem như đã tước đi những gì người bán kỳ vọng từ hợp đồng.
Vụ tranh chấp “Hat” [186] giữa người bán Trung Quốc và người mua Hoa Kỳ
là một ví dụ. Người bán và người mua đã thực hiện 14 hợp đồng mua bán mũ, trong đó
những hợp đồng đầu, người mua đã thanh toán đầy đủ nhưng các hợp đồng về sau,
người mua đã không thanh toán mặc dù người bán đã yêu cầu nhiều lần. Hai bên thực
hiện thêm một hợp đồng nhưng lần này người mua cũng không thanh toán dẫn đến
thực tế là người bán tuyên bố hủy hợp đồng. Người bán kiện người mua ra CIETAC
73

yêu cầu người mua trả những khoản nợ quá hạn và các chi phí có liên quan. Hội đồng
trọng tài thuộc CIETAC cho rằng người bán đã giao hàng và thực hiện các nghĩa vụ
của hợp đồng, người mua đã nhận hàng nhưng không thanh toán tiền hàng. Hội đồng
trọng tài phán quyết rằng, căn cứ Điều 25 Công ước Viên, việc người mua không
thanh toán tiền hàng đã cấu thành một vi phạm cơ bản hợp đồng vì đã tước đi của
người bán những gì người bán kỳ vọng từ hợp đồng – khoản thanh toán tiền hàng.
Tương tự, vụ tranh chấp “New Zealand raw wool” [205] là một minh chứng
khác về việc người mua không thanh toán tiền hàng đã cấu thành một vi phạm cơ bản
hợp đồng theo phán quyết của Hội đồng trọng tài thuộc CIETAC. Trong tranh chấp
này, người bán Niu Di Lân và người mua Trung Quốc đã ký kết hợp đồng mua bán len
thô. Hợp đồng quy định thanh toán bằng L/C. Thực hiện hợp đồng, người bán đã giao
hàng nhưng người mua không mở L/C mặc dù người bán đã nhiều lần yêu cầu người
mua mở L/C. Để giảm thiểu thiệt hại, người bán đã bán hàng hóa cho khách hàng khác
và kiện người mua ra CIETAC với lập luận rằng người mua không mở L/C là cấu
thành vi phạm cơ bản hợp đồng theo Điều 25 Công ước Viên và yêu cầu bồi thường
thiệt hại theo Điều 75 Công ước Viên. Hội đồng trọng tài thuộc CIETAC cho rằng ở
đây, hành vi không mở L/C của người mua đã làm cho người bán bị tước đi lợi ích kỳ
vọng từ hợp đồng nên việc người mua không mở L/C là hành động không thực hiện
nghĩa vụ của hợp đồng, vì vậy phán quyết đây là vi phạm cơ bản hợp đồng.
Trong vụ tranh chấp “Styrene monomer” [200], người bán Singapo và người
mua Trung Quốc đã ký kết hợp đồng mua bán 3.000 tấn hóa chất Styrene. Điều khoản
thanh toán hợp đồng quy định thanh toán bằng L/C không hủy ngang trong vòng 90
ngày kể từ ngày phát hành vận đơn. Hợp đồng cũng quy định nếu như L/C không được
mở trong thời gian quy định, người mua sẽ bị coi là vi phạm hợp đồng và người bán có
quyền gia hạn thời gian mở L/C hay tuyên bố hủy hợp đồng và đòi bồi thường thiệt
hại. Sau khi hợp đồng có hiệu lực, người mua đã yêu cầu người bán giảm giá hàng hóa
đồng thời hoãn giao hàng và từ chối mở L/C theo đúng quy định tại hợp đồng với lý
do giá thị trường đã thay đổi. Để thực hiện hợp đồng, người bán đã thương lượng với
người mua và thể hiện quan điểm rằng họ sẽ giảm giá hàng bán, tuy nhiên, họ đã
không đạt được thỏa thuận này do người mua đã không thể hiện thiện chí và đưa ra
những đòi hỏi vô cùng hà khắc. Xtiren là một loại hóa chất dễ dàng bị polyme hóa
trong điều kiện nhiệt độ cao trong thời gian dài, vì thế, để đảm bảo cho lợi ích của cả
74

hai bên, người bán đã phải tìm cách giảm thiểu thiệt hại bằng việc bán hàng hóa đó
cho bên thứ ba. Người bán cho rằng việc người mua không thực hiện nghĩa vụ quy
định tại hợp đồng đã cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng và người mua phải chịu trách
nhiệm về những tổn thất do hành vi vi phạm gây ra. Trước những luận điểm của người
bán, người mua phản bác lại rằng họ không từ chối mở L/C mà chỉ đơn thuần là yêu
cầu trì hoãn thời gian mở L/C, điều này không phải là vi phạm cơ bản hợp đồng vì
người mua đã không tước đi những gì người bán có quyền kỳ vọng từ hợp đồng. Hội
đồng trọng tài thuộc CIETAC cho rằng người mua đã vi phạm hợp đồng do không mở
L/C để thanh toán tiền hàng theo thời hạn quy định tại hợp đồng. Ngay cả khi người
bán đồng ý gia hạn thời gian mở L/C, người mua cũng không thực hiện. Do đó, căn cứ
Điều 25 Công ước Viên, Hội đồng trọng tài thuộc CIETAC lập luận rằng, hành động
này của người mua đã tước đi của người bán lợi ích mà người bán có quyền kỳ vọng
từ việc thực hiện hợp đồng, người mua đã vi phạm cơ bản hợp đồng và người bán có
quyền hủy hợp đồng và yêu cầu các khoản bồi thường thiệt hại.
Tương tự các vụ tranh chấp nói trên, trọng tài cũng xác định việc người mua
không thanh toán tiền hàng (không mở L/C) theo quy định của hợp đồng hoặc trong
thời gian gia hạn thêm là vi phạm cơ bản hợp đồng trong nhiều vụ tranh chấp: Vụ
Chrome plating production line equipment [187], vụ Steel coil [197], vụ Chemicals
[211], vụ Mono Ethylene glycol [207], vụ Polyester spinning machine [190], vụ
Alumina [194], vụ Peanut kernel [212], vụ Australian raw wool [203], vụ Yam-dyed
fabric [191], vụ Childrens jackets [198].
(v) Người mua không nhận hàng
Việc người mua không nhận hàng cũng được xem như thỏa mãn yếu tố tước đi
những gì bên bị vi phạm kỳ vọng từ hợp đồng, từ đó cấu thành vi phạm cơ bản hợp
đồng.
Vụ tranh chấp Mung bean [192] giữa người bán Trung Quốc và người mua
Thụy Sỹ là một minh chứng. Trong vụ tranh chấp này, người bán và người mua ký
hợp đồng mua bán đậu xanh theo điều kiện giao hàng FOB. Thực hiện hợp đồng,
người bán đã tập kết hàng ở cảng bốc hàng, và thông báo với người mua rằng hàng hóa
đã sẵn sàng để giao theo điều kiện quy định tại hợp đồng. Tuy nhiên, người mua đã
không đưa tàu đến nhận hàng mặc dù hạn cuối thời gian giao hàng đã hết và ngay cả
khi người bán đã gia hạn. Sau đó, người mua đã gửi thông báo về việc họ sẽ không
đưa tàu đến nhận hàng. Do đó, người bán đã phải bán lại hàng hóa cho khách hàng
75

khác và kiện người mua ra CIETAC yêu cầu hủy hợp đồng. Hội đồng trọng tài ra phán
quyết rằng, vì hợp đồng giao hàng theo điều kiện FOB, người mua có trách nhiệm
trong việc thuê tàu và điều tàu đến đúng thời gian, địa điểm quy định để nhận hàng.
Việc tàu của người mua không đến chứng tỏ người mua không thực hiện nghĩa vụ của
mình theo Điều 60 Công ước Viên khiến người bán không thể giao hàng ngay cả sau
khi người bán đã gia hạn thêm cho người mua. Vì vậy, việc người mua không điều tàu
đến cảng quy định để nhận hàng khiến người bán không thể thực hiện được nghĩa vụ
của mình theo hợp đồng đã cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng chiểu theo tinh thần
của Điều 25 Công ước Viên. Tương tự, vụ Horse bean [206], tranh chấp giữa người
bán Trung Quốc và người mua Pháp, theo đó trọng tài CIETAC (Trung Quốc) phán
quyết rằng người mua không sắp xếp để nhận hàng là vi phạm cơ bản hợp đồng theo
Điều 25 Công ước Viên.
- Xu hướng 2: Dựa vào mục đích mua hàng để xác định những gì người mua có
quyền kỳ vọng từ hợp đồng có bị tước đi hay không trong trường hợp người bán giao
hàng có chất lượng không phù hợp với hợp đồng
Tuy Công ước Viên không quy định trực tiếp nội hàm của cụm từ “những gì kỳ
vọng từ hợp đồng” sử dụng tại Điều 25 là gì nhưng Công ước Viên dành khá nhiều
điều khoản đề quy định về sự phù hợp của hàng hóa với hợp đồng, đặc biệt khi mục
đích sử dụng của hàng hóa không được đáp ứng. Từ đó có thể thấy, trong quan hệ mua
bán hàng hóa giữa người bán và người mua, điều mà người bán và người mua quan
tâm nhất là mục đích mua hàng. Mà mục đích mua hàng, thông thường, là để bán lại
nhằm tìm kiếm lợi nhuận hoặc để sử dụng cho mục đích cụ thể nào đó.
Hàng hóa luôn được mua bán vì một mục đích cụ thể nào đó. Vì vậy, khi người
bán giao hàng có chất lượng không phù hợp với hợp đồng, nếu các bên không có thỏa
thuận cụ thể về mục đích mua hàng thì tòa án, trọng tài thường xem xét mục đích mua
hàng ở 2 khía cạnh: mua hàng để bán lại (khả năng thương mại của hàng) hoặc mua
hàng nhằm mục đích sử dụng cụ thể (khả năng sử dụng của hàng).
(i) Đối với mua hàng để bán lại (khả năng thương mại của hàng)
Khi người bán giao hàng có chất lượng không phù hợp hợp đồng quy định, tòa
án thường kết luận hành vi vi phạm đó – giao hàng nhưng hàng hóa không thể sử dụng
để bán lại là vi phạm cơ bản hợp đồng.
Vụ tranh chấp “Frozen vegetable” [236] về hợp đồng mua bán rau đông lạnh
giữa người bán Tây Ban Nha và người mua Đức cũng là một trong những ví dụ điển
76

hình cho hành vi giao hàng có chất lượng không phù hợp quy định hợp đồng dẫn đến
mục đích bán lại hàng hóa của người mua không thể đạt được. Trong vụ tranh chấp
này, người bán đã giao hàng cho người mua, trong số hàng được giao có 36% hàng
hóa bị nát và không thế bán được cho khách hàng. Tòa án quận München (Đức) đã cho
rằng vi phạm đó của người bán là vi phạm cơ bản hợp đồng và người mua không cần
thiết phải cố gắng bán lại hàng hóa với giá thấp hơn. Do đó, việc hủy hợp đồng của
người mua là phù hợp quy định tại khoản 1 Điều 49 Công ước Viên.
Trong vụ tranh chấp Sacovini/M Marrazza v. Les fils de Henri Ramel [216],
người bán Ý - Công ty Sacovini có địa điểm kinh doanh tại Ý – đã ký vài hợp đồng
vào năm 1988 để bán rượu cho người mua Pháp – Công ty chuyên kinh doanh rượu,
nhưng người bán đã cho thêm đường vào rượu. Tòa án tối cao của Pháp cho rằng, vi
phạm của người bán Ý là vi phạm cơ bản hợp đồng vì rượu do công ty này cung cấp
không có khả năng bán được trên thị trường Pháp. Hơn nữa, việc người bán cho thêm
đường vào rượu đã vi phạm quy định về rượu của Pháp và ảnh hưởng tới chất lượng
của rượu. Hậu quả là rượu không thể tiêu thụ tại Pháp – mục đích mua hàng của
người mua Pháp và hành vi của người bán trong việc giao hàng như vậy đã dẫn đến
việc người mua Pháp không thể khắc phục được khả năng bán lại lô rượu nói trên tại
thị trường Pháp. Tương tự, vụ Used shoes [220] tranh chấp giữa người bán Đức và
người mua Uganda, theo đó người bán giao hàng không phù hợp với hợp đồng. Điều
này đã chứng minh bởi văn thư của Cơ quan tiêu chuẩn quốc gia Uganda, theo đó giày
trong tình trạng xấu và không vệ sinh, không được chấp nhận đối với thị trường
Uganda và không thể bán lại trên thị trường Uganda. Vì vậy, tòa án quận Franfurt
(Đức) đã phán quyết vi phạm của người bán là vi phạm cơ bản hợp đồng.
Vụ tranh chấp “Shanghai Anlili International Trading Co. Ltd. v. J & P Golden
Wings Corp” [193] , người bán Pháp và người mua Trung Quốc đã ký hợp đồng mua
bán 13.000 chai rượu gồm 6 loại khác nhau, giao hàng làm 2 chuyến. Thực hiện hợp
đồng, người bán đã giao chuyến hàng thứ nhất gồm 1000 chai rượu. Người mua nhận
hàng và phát hiện ra hàng được giao không phù hợp quy định của hợp đồng. Người
mua cho rằng người bán đã vi phạm cơ bản hợp đồng, cho nên sau khi thương lượng
không thành, đã kiện ra Tòa án nhân dân Thượng Hải (Trung Quốc) yêu cầu hủy hợp
đồng và đòi bồi thường thiệt hại. Người bán đã lập luận rằng, vì người mua không
phản đối chất lượng hàng hóa trong thời gian cho phép sau khi nhận được chuyến hàng
77

đầu tiên nên người mua được coi là đã chấp nhận hàng. Người mua không phản đối
chuyến hàng đầu tiên cho đến tận khi người bán đã gửi chuyến hàng thứ hai và yêu cầu
thanh toán cho chuyến hàng này. Bởi vì người mua không thanh toán phần còn lại,
người bán đã tự xử lý chuyến hàng thứ hai nhằm giảm thiểu thiệt hại. Tòa án đã phán
quyết về chuyến hàng đầu tiên rằng, loại rượu người bán cung cấp không phải loại
rượu được quy định theo hợp đồng khiến mục đích bán lại hàng hóa của người mua
không thực hiện được, mặc dù người mua đã không phản đối trong thời hạn quy định
nhưng người bán không thể không biết về việc này. Bởi vậy người bán đã có sự vi
phạm cơ bản hợp đồng trong chuyến hàng đầu tiên.
Tương tự, trong vụ tranh chấp “Designer clothes” [223] giữa người bán Italia
và người mua Đức, hai bên đã ký hợp đồng mua bán quần áo, hàng được giao làm
nhiều chuyến. Chuyến hàng thứ nhất đã phát sinh tranh chấp do hàng hóa được giao
với phẩm chất kém, kích cỡ không phù hợp quy định của hợp đồng và số quần áo đó
không thể bán được như là quần áo phụ nữ chất lượng cao theo quy định của hợp
đồng. Chính vì vậy, Tòa phúc thẩm Köln (Đức) đã cho rằng người bán đã vi phạm cơ
bản hợp đồng trong chuyến hàng này.
Về nguyên tắc, khi chất lượng hàng giao không phù hợp với hợp đồng làm cho
mục đích mua hàng để bán lại của người mua không đạt được thì vi phạm đó bị coi là
vi phạm cơ bản hợp đồng nhưng nếu người mua không chứng minh được là mục đích
sử dụng hàng hóa để bán lại thì không thể coi việc người bán giao hàng có chất lượng
không phù hợp hợp đồng quy định là vi phạm cơ bản hợp đồng. Ví dụ, trong vụ Shoes
[227] - tranh chấp giữa Công ty thương mại Đức (người mua) với Nhà máy sản xuất
giày của Ý (người bán) - người mua đã từ chối thanh toán cho người bán với lý do
giày giao không phù hợp với chi tiết kỹ thuật nêu trong hợp đồng. Tuy nhiên, theo Tòa
án Frankfurt (Đức), người mua không chỉ rõ giày dưới tiêu chuẩn hay hoàn toàn
không phù hợp để bán lại. Tòa án cho rằng chỉ khi người mua chỉ rõ hàng hóa không
thể bán lại được thì hành vi vi phạm của người bán mới bị xem là vi phạm cơ bản hợp
đồng. Tương tự, vụ tranh chấp “Cobalt sulphate” [237] giữa người bán Hà Lan và
người mua Đức về hợp đồng mua bán Cobalt sulphate. Hai bên đã thỏa thuận Cobalt
sulphate phải có xuất xứ Anh và bên bán phải cung cấp giấy chứng nhận xuất xứ và
chứng nhận chất lượng. Sau khi nhận được chứng từ, bên mua phát hiện ra rằng Cobalt
sulfate thật ra có nguồn gốc từ Nam Phi, giấy chứng nhận xuất xứ là sai và chất lượng
78

sản phẩm không như chất lượng được quy định trong hợp đồng. Bên mua đã vài lần
tuyên bố hủy hợp đồng. Cả tòa Quận Hamburg (Đức) và Tòa phúc thẩm Hamburg
(Đức) đều phán quyết rằng không có lý do gì để hủy hợp đồng. Phê chuẩn phán quyết
của tòa cấp dưới, tòa tối cao Đức đã quyết định rằng không có vi phạm cơ bản hợp
đồng làm cơ sở cho việc hủy hợp đồng vì người mua không thể chỉ ra rằng không thể
bán cobalt sulphate Nam Phi ở Đức hoặc ở nước ngoài. Do đó, người mua không thể
chứng minh rằng việc này đã tước đi những gì anh ta kỳ vọng từ hợp đồng.
(ii) Đối với mua hàng nhằm mục đích sử dụng (khả năng sử dụng của hàng)
Trong một số trường hợp nhất định, tòa án, trọng tài dựa vào điều khoản của
hợp đồng để xác định mục đích sử dụng cụ thể mà người bán đã biết hoặc phải biết
vào lúc giao kết hơp đồng, từ đó xác định vi phạm cơ bản hợp đồng theo theo Điều 25
Công ước Viên. Lúc này, việc vận dụng quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng của tòa
án, trọng tài luôn gắn liền với Điều 35 quy định về hàng hóa phù hợp với hợp đồng.
Vụ “Automobile” [208]: Tranh chấp liên quan hợp đồng mua bán xe hơi giữa
người bán Úc và người mua Trung Quốc, theo đó người bán phải cung cấp một chiếc
xe hơi có khả năng sử dụng trên cạn và dưới nước để phục vụ cho triển lãm. Tuy
nhiên, sau khi giao hàng, người mua phát hiện hàng có khiếm khuyết trầm trọng về lỗi
thiết kế và không thể sử dụng được ở dưới nước để phục vụ cho triển lãm. Mặc dù
người bán đã cử người đến sửa chữa nhưng không thành công, do đó người mua Trung
Quốc đã yêu cầu hủy hợp đồng. Trong khi đó người bán Úc muốn đưa hàng về nước
để khắc phục khiếm khuyết trước khi giao lại cho người mua. Vụ việc được đưa ra
CIETAC và Trọng tài CIETAC cho rằng trong trường hợp này, khi hàng bị lỗi do thiết
kế và không thể sử dụng dưới nước đã phá vỡ mục đích của người mua là muốn mua
hàng ra triển lãm, tức là mục đích của hợp đồng không đạt được (tương tự vụ PTA
Powder [213]), do đó CIETAC đã ra phán quyết là người bán đã vi phạm cơ bản hợp
đồng theo tinh thần của Điều 25 của Công ước Viên.
Quan điểm tương tự cũng được trọng tài của CIETAC đưa ra trong vụ
“Printing machine” [188]: Tranh chấp hợp đồng mua máy in giữa người bán Hồng
Kông và người mua Trung Quốc, theo đó người bán và người mua đã ký hợp đồng
mua bán máy in chất lượng cao với độ chính xác 0,03 mm. Tuy nhiên, sau khi hợp
đồng có hiệu lực, người bán đã giao máy in với độ chính xác 0,07 mm. Mặc dù máy in
vẫn có thể sử dụng với mục đích bình thường nhưng Hội đồng trọng tài thuộc
79

CIETAC cho rằng mục đích của người mua theo hợp đồng là mua một máy in với độ
chính xác 0,03 mm chứ không phải máy in sử dụng cho mục đích kinh doanh bình
thường, nếu không người mua đã không cần thiết phải thêm vào hợp đồng các đòi hỏi
về thông số kỹ thuật và phải thanh toán với giá cao như vậy. Do đó, Hội đồng trọng tài
cho rằng lợi ích người mua hướng tới trong trường hợp này đã bị tước đi, và hành vi
nêu trên của người bán đã cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng.
Tương tự, trong vụ tranh chấp Packaging machine [253] giữa người bán Thụy
Sĩ, người mua Tây Ban Nha. Người bán giao máy đóng gói cho người mua nhưng máy
đóng gói chỉ đóng được 52 lọ nhỏ/1 phút trong khi theo hợp đồng các bên ký kết là
182 lọ nhỏ/1 phút. Như vậy, máy đóng gói mà người bán giao chỉ đạt 29% những gì
các bên đã thỏa thuận, không phù hợp với hợp đồng. Điều này làm mất đi 71% năng
suất lao động, làm cho người mua không đạt được mục đích sử dụng hàng hóa khi
giao kết hợp đồng, tức là bị tước đi những gì anh ta kỳ vọng từ hợp đồng. Vì vậy, Tòa
tối cao liên bang (Thụy Sĩ) phán quyết rằng vi phạm của người bán trong trường hợp
này là vi phạm cơ bản hợp đồng.
Tuy nhiên, nếu hàng hóa được giao có chất lượng không phù hợp với hợp đồng
những vẫn có khả năng sử dụng được thì tòa án, trọng tài không xem đó là hành vi vi
phạm cơ bản hợp đồng.
Phán quyết của tòa phúc thẩm Frankfurt (Đức), năm 2008, trong vụ “Café
inventory” [232], theo đó người bán Hà Lan đã cung cấp cho người mua Đức thiết bị
sử dụng cho tiệm café nhưng thiết bị này không phù hợp với hợp đồng về chất lượng,
chưa hoàn chỉnh và không sẵn sàng để đưa vào sử dụng theo quan điểm của người
mua, Tòa phúc thẩm Hamburg (Đức) đã cho rằng, trường hợp này không có sự vi
phạm cơ bản hợp đồng vì khi chất lượng hàng hóa được giao không phù hợp với hợp
đồng thì sự không phù hợp đó phải lớn đến mức hàng hóa trở nên vô dụng đối với
người mua mới được xác định là vi phạm cơ bản hợp đồng. Nếu hàng giao có chất
lượng không phù hợp với hợp đồng nhưng vẫn có thể sử dụng được hàng hóa đó, thậm
chí chỉ sử dụng trong giới hạn, sẽ không cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng. Bên
cạnh đó, mặc dù chất lượng hàng giao không phù hợp với hợp đồng đến mức hàng
không thể sử dụng được nhưng nếu người mua không thể chứng minh được hàng hóa
không phù hợp về chất lượng đến mức làm mất khả năng sử dụng của hàng hóa thì
không phải là vi phạm cơ bản hợp đồng.
80

Từ những phân tích trên, người viết cho rằng:


(1) Những gì các bên có quyền kỳ vọng từ hợp đồng chính là mục đích các bên
giao kết hợp đồng, là lợi nhuận hay lợi ích kinh tế mà các bên mong muốn đạt được
vào thời điểm giao kết hợp đồng.
Điều 25 Công ước Viên chỉ quy định “…tước đi đáng kể những gì bên bị vi
phạm kỳ vọng từ hợp đồng…” và Ban Thư ký của UNCITRAL cũng không có bất cứ
bình luận hay giải thích nào về nội hàm, ý nghĩa của “những gì bên bị vi phạm kỳ
vọng từ hợp đồng”. Tuy nhiên, trong thực tiễn giải quyết tranh chấp, tòa án và trọng tài
đã xem “những gì các bên kỳ vọng từ hợp đồng” chính là mục đích giao kết hợp đồng
của các bên (khả năng thương mại hoặc khả năng sử dụng của hàng hóa), tức là lợi
nhuận hay lợi ích kinh tế của các bên có được từ giao kết và thực hiện hợp đồng. Điều
này, theo đánh giá của người viết, là phù hợp vì các lẽ sau đây:
+ Quan hệ MBHHQT giữa người bán và người mua chính là một dạng của quan
hệ tài sản. Quan hệ tài sản mang tính chất hàng hóa – tiền tệ nên MBHHQT cũng
mang tính chất này. Bên cạnh đó, hợp đồng mua bán là phương tiện pháp lý để người
mua thủ đắc quyền sở hữu và đáp ứng nhu cầu kinh tế của người mua [67, tr.136].
+ Tham gia vào hoạt động MBHHQT, người bán bán hàng cho người mua cũng
như người mua mua hàng từ người bán vì nhiều mục đích khác nhau. Tuy nhiên, vì
MBHHQT là hoạt động thương mại và bản chất của hoạt động thương mại luôn là
nhằm mục đích sinh lợi, tức là tìm kiếm lợi nhuận, lợi ích kinh tế. Hay nói cách khác,
người bán và người mua giao kết hợp đồng là nhằm mục đích kinh tế, vì lợi ích kinh tế
[151, tr.266].
(2) Hàng hóa vẫn luôn được giao dịch với một vài mục đích nhất định, và
những thương gia trong vai trò người mua theo Công ước được quyền kỳ vọng giá trị
sử dụng hợp lý với số tiền họ bỏ ra. Xuất phát từ bản chất thương mại của hoạt động
mua bán hàng hóa nói chung, MBHHQT nói riêng, người mua và người bán đều
hướng tới tìm kiếm lợi ích từ việc xác lập và thực hiện hợp đồng [152, tr.192]. Nếu
như người bán tìm kiếm lợi ích đó từ việc người mua thanh toán tiền hàng thì người
mua tìm kiếm lợi ích thông qua việc mua hàng để bán lại nhằm tìm kiếm chênh lệch
giá. Vì vậy, nếu hàng hóa cơ bản không phù hợp cho mong muốn bán lại để tìm kiếm
lợi ích của người mua thì người mua có quyền hủy hợp đồng.
81

Việc xác định mục đích mua hàng của người mua phụ thuộc rất lớn vào ngôn từ
của hợp đồng. Thực tiễn vận dụng quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng cho thấy,
việc xác định mục đích mua hàng của tòa án và trọng tài “khá cảm tính” mà chưa tính
hết các tình huống có liên quan nếu các bên không có thỏa thuận rõ ràng trong hợp
đồng. Vấn đề liên quan đến câu hỏi người mua có mong muốn bán lại hay sử dụng
hàng hóa không phù hợp hay không, điều này cần phải xem xét người mua có phải là
nhà bán lẻ chuyên nghiệp hay nhà sản xuất hay người tiêu dùng cuối cùng tiêu dùng
loại hàng hóa đó.
Mục đích mua hàng của người mua có thể rất đa dạng: mua hàng để bán lại hay
đơn giản mua hàng để sử dụng vào một mục đích cụ thể nào đó. Làm sao có thể xác
định nếu người mua và người bán không có thỏa thuận cụ thể về mục đích mua hàng,
người mua có buộc phải thông báo cho người bán biết hay người bán có nghĩa vụ phải
biết việc người mua mua hàng nhằm mục đích gì. Nếu người mua mua hàng nhằm
mục đích sản xuất thì lợi ích của người mua đối với việc bán lại hàng hóa sẽ không
được bảo vệ nhưng lợi ích của người mua đối với việc bán tiếp hàng hóa đó sau khi
sản xuất cần được bảo vệ.
Khi một bên trong hợp đồng là nhà bán lẻ hoặc bán buôn thì thông thường
mong muốn của việc mua hàng là để bán lại [86, tr.45]. Nếu người mua trong hợp
đồng MBHHQT là người bán lẻ thì thường bán hàng cho khách hàng quen thuộc,
nhưng người bán buôn thường thâm nhập các thị trường khác tốt hơn. Chính vì thế, đối
với người bán lẻ sẽ không hợp lý nếu kỳ vọng người bán lẻ cung cấp một vùng nhất
định trong kho chứa hàng để chứa hàng hóa bị khiếm khuyết. Vì vậy, mục đích bán lại
ngay hàng hóa của người bán lẻ (người mua) sẽ bị tước đoạt nếu người bán giao hàng
không phù hợp về chất lượng, giao hàng có khiếm khuyết [148, tr.262]. Trong trường
hợp hàng mua để sản xuất, người mua không thể lấy căn cứ rằng hàng không bán lại
được mà việc sử dụng hàng hóa được mua để sản xuất hàng hóa phải được xem là mục
đích giao kết hợp đồng của người mua. Tuy nhiên, nếu hàng hóa sản xuất ra không thể
bán được trong điều kiện kinh doanh bình thường do sự không phù hợp về chất lượng
của hàng hóa được mua để làm nguyên liệu sản xuất thì có thể có vi phạm cơ bản hợp
đồng trong trường hợp này.
(3) Từ mục đích mua hàng của người mua có thể thấy được người mua kỳ vọng
gì từ hợp đồng. Khi mua hàng để bán lại thì người mua kỳ vọng có được giá trị của
82

hàng để có được lợi nhuận trên cơ sở chênh lệch giá mua và giá bán, còn nếu mua
hàng để người mua có thể sản xuất với máy móc và hàng hóa mua về thì người mua kỳ
vọng có được giá trị hợp đồng. Với những kỳ vọng đó, lợi nhuận của người mua hàng
bán lại thường là sự chênh lệch giữa giá mua và giá bán lại, còn lợi nhuận của người
mua để sản xuất là giá trị tăng thêm bởi sản xuất bao gồm lợi nhuận được tạo ra bởi
máy móc trừ đi giá mua – lợi ích kinh tế của hợp đồng. Đó là những gì người mua kỳ
vọng từ hợp đồng. Hơn nữa, kỳ vọng từ hợp đồng của các bên là luôn tiến hành kinh
doanh thông thường - điều này lý giải tại sao mục đích của hàng hóa có liên quan. Kỳ
vọng của người mua hàng để sản xuất thông thường là sản xuất không bị gián đoạn,
quá trình sản xuất không bị cản trở, còn người mua hàng để bán lại là có mặt trên thị
trường và tiếp tục bán lại hàng đã mua. Nếu những kỳ vọng đó không đạt được (bị
tước đi) thì có thể uy tín kinh doanh bị tổn thất.
Có thể nói, người mua bán lại hàng với giá thấp hơn hoặc bằng giá mua thì thực
sự người mua đã mất đi “lợi ích kinh tế của thỏa thuận mua bán” [86, tr.40]. Bởi vì nếu
người mua bán hàng với giá bằng giá mua thì chẳng có gì khác biệt giữa việc mua trực
tiếp từ người bán đầu tiên với người mua cuối cùng không có sự tham gia của người
bán đầu tiên, điều này khiến cho việc mua hàng từ người bán lẻ đầu tiên không còn ý
nghĩa kinh tế. Nếu người mua mua hàng để bán lại chỉ bán lại hàng hóa với mức giá
thấp hơn mức giá thực tế người mua đã mua thì ý nghĩa kinh tế của hợp đồng này càng
có vấn đề. Vì vậy, kỳ vọng khi mua hàng của người mua luôn gắn với lợi ích kinh tế
mà người mua kỳ vọng có được, cho dù đó là mua hàng để bán lại hay mua hàng để sử
dụng cho bất kỳ mục đích nào, trong đó có việc dùng cho sản xuất.
3.2.3. Khả năng tiên liệu được hậu quả do hành vi vi phạm gây ra (tổn hại
đến mức tước đi đáng kể những gì bên bị vi phạm có quyền kỳ vọng từ hợp đồng)
Khả năng tiên liệu được tổn hại đến mức tước đi đáng kể những gì bên bị vi
phạm có quyền kỳ vọng từ hợp đồng (hậu quả của hành vi vi phạm) là cơ sở, là điều
kiện đủ để xem xét tính cơ bản của vi phạm hợp đồng về phía bên vi phạm. Khả năng
tiên liệu của bên bị vi phạm được “đo lường” không chỉ dựa vào bên vi phạm (thường
mang tính chủ quan) mà còn dựa vào “người có lý trí ở vào địa vị và hoàn cảnh tương
tự” bên bị vi phạm (thường mang tính khách quan). Vì thế, có thể nói, vi phạm hợp
đồng chỉ có thể bị coi là vi phạm cơ bản hợp đồng khi thỏa mãn điều kiện về khả năng
83

tiên liệu hậu quả của hành vi vi phạm – gây tổn hại đến mức tước đi đáng kể những gì
bên bị vi phạm có quyền kỳ vọng từ hợp đồng.
Xuất phát từ từ ngữ của Điều 25 Công ước Viên, vi phạm hợp đồng có phải là
cơ bản hay không không chỉ tùy thuộc vào hậu quả của hành vi vi phạm đó mà còn tùy
thuộc khả năng tiên liệu được những hậu quả đó đối với bên kia [133; 160]. Kiến thức
và khả năng tiên liệu được kỳ vọng từ hợp đồng của bên bị vi phạm là những tiêu chí
liên quan khi giải thích và đánh giá tầm quan trọng và tính cơ bản của nghĩa vụ hợp
đồng bị vi phạm [107]. “Khả năng tiên liệu” có hai chức năng: (1) về mặt nội dung,
khả năng tiên liệu thể hiện kiến thức và khả năng nhìn thấy trước hậu quả nghiêm
trọng của hành vi vi phạm hợp đồng của bên vi phạm, tức là tiên liệu được tổn hại đến
mức tước đi đáng kể những gì bên bị vi phạm có quyền kỳ vọng từ hợp đồng; (2) về
mặt hình thức, khả năng tiên liệu chuyển nghĩa vụ chứng minh từ bên bị vi phạm sang
bên vi phạm khi bên vi phạm khiếu nại rằng anh ta hay một người có lý trí nào khác ở
vào địa vị và trong hoàn cảnh như anh ta (đề cập tới những điều kiện thị trường cả khu
vực lẫn thế giới, pháp luật, chính trị, khí hậu và cả những hợp đồng và các cuộc đàm
phán trước đây giữa các bên) cũng không thể tiên liệu được hậu quả đó [85, tr.122].
Kiến thức và khả năng tiên liệu được kỳ vọng của bên bị vi phạm trong hợp
đồng có liên quan đến việc giải thích và đánh giá tầm quan trọng của nghĩa vụ bị vi
phạm và ý nghĩa của nó [165]. Khi giải thích hợp đồng cần phải xem xét đến yếu tố
này, hơn nữa, kiến thức và khả năng tiên liệu được kỳ vọng của bên bị vi phạm cũng
cần được xem xét theo Điều 8 Công ước Viên, theo đó “các tuyên bố và cách xử sự
khác của một bên được di n giải theo đúng ý định của họ nếu bên kia đã biết hoặc
không thể không biết ý định ấy”, nếu không thì “các tuyên bố và cách xử sự khác của
một bên được giải thích theo nghĩa mà một người có lý trí có cùng nền tảng với bên
kia và được đặt trong hoàn cảnh tương tự cũng sẽ hiểu như thế”, “cần phải tính đến
mọi tình tiết liên quan, đặc biệt là các cuộc đàm phán đã di n ra giữa các bên, các
thói quen đã được hình thành giữa họ, các tập quán và mọi hành vi sau đó của các
bên”. Xem xét khả năng tiên liệu có thể tính đến một số trường hợp sau đây:
(i) Nếu các bên thỏa thuận rõ trong hợp đồng nghĩa vụ cụ thể hoặc phương thức
thực hiện nghĩa vụ là nội dung quan trọng chủ yếu đối với các bên thì không có lý do
gì để giảm bớt tầm quan trọng của các nghĩa vụ đó bằng quy tắc khả năng tiên liệu.
Nếu các bên đã đạt được thỏa thuận (ví dụ: về thời gian giao hàng cố định) thì bên vi
phạm không thể ngăn cản việc hủy hợp đồng bằng lập luận rằng anh ta không tiên liệu
được bất kỳ tổn hại nào xảy ra đối với bên bị vi phạm [88; 132]. Bên cạnh đó, nếu
84

ngôn từ diễn đạt trong hợp đồng là rõ ràng thì bên vi phạm sẽ không có cơ hội để cho
rằng anh ta không tiên liệu được hoặc nhận thức được tổn hại đơn giản là vì “người có
lý trí ở vào địa vị” như bên vi phạm không thể hiểu sai cách diễn đạt đó được.
(ii) Nếu các bên đã thảo luận về tầm quan trọng đặc biệt của nghĩa vụ cụ thể
nào đó và cách thức thực hiện nhưng không quy định rõ hơn trong hợp đồng và bên bị
vi phạm có thể chứng minh được điều này thì bên vi phạm cũng không thể viện dẫn
rằng anh ta không tiên liệu được hậu quả của hành vi vi phạm. Chẳng hạn, ngày giao
hàng cụ thể có thể được quy định trong hợp đồng hoặc qua cuộc đàm phán của các
bên. Khả năng tiên liệu được tầm quan trọng của ngày giao hàng dựa trên thông tin do
khách hàng của người mua cung cấp.
(iii) Chỉ khi tầm quan trọng của nghĩa vụ bị vi phạm không được quy định rõ
trong hợp đồng hoặc không được nêu lên rõ ràng trong các cuộc đàm phán hợp đồng
thì cần xem xét đến khả năng tiên liệu của bên vi phạm. Lúc này, khoản 2 và 3 Điều 8
Công ước Viên sẽ được áp dụng để giải thích hợp đồng vì cần thiết phải xác định
người có lý trí ở vào địa vị tương tự cũng nhận ra được tầm quan trọng của nghĩa vụ bị
vi phạm. Chẳng hạn, nếu giao hàng hóa theo mùa đã được quy định trong hợp đồng,
nhà cung cấp có lý trí ở cùng lĩnh vực kinh doanh đó cũng nhận ra rằng việc chậm giao
hàng đến cuối mùa sẽ tước đi đáng kể lợi ích của người mua.
Yếu tố khả năng tiên liệu hậu quả của vi phạm hợp đồng là “bộ lọc”, nếu được
chứng minh, thì nó sẽ ngăn cản bên bị vi phạm tuyên bố hủy hợp đồng. Bên vi phạm
có thể thoát khỏi vi phạm cơ bản và hậu quả của hành vi vi phạm bằng cách chứng
minh anh ta không tiên liệu được hậu quả hoặc người có lý trí cũng không thể tiên liệu
được nếu ở vào địa vị và hoàn cảnh của anh ta. Các tác giả Enderlein & Dietrich cho
rằng “Giả sử một bên biết hậu quả của hành vi vi phạm có ảnh hưởng sâu rộng đối
với bên kia, nếu anh ta không đảm bảo khả năng thi hành thì anh ta không ký kết hợp
đồng cũng như nỗ lực để ngăn ngừa vi phạm hợp đồng. Vì thế, vi phạm cơ bản hợp
đồng xảy ra không chỉ phụ thuộc vào hậu quả của hành vi vi phạm mà còn phụ thuộc
khả năng tiên liệu được hậu quả đó của bên vi phạm. Việc xem xét vấn đề này cũng
tương tự xem xét quy định tại Điều 74 Công ước Viên khi xác định khoản bồi thường
thiệt hại. Quyền của bên bị vi phạm sẽ bị hạn chế trong trường hợp bên vi phạm không
tiên liệu được hậu quả cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng. Kết quả là các bên sẽ chú
ý tới những hậu quả đó cả trong bản thân hợp đồng hoặc thông qua những thông tin
bổ sung được đưa ra đến khi ký kết hợp đồng” [113, tr.115]. Một số học giả phản đối
quy định về khả năng tiêu liệu được hậu quả của vi phạm hợp đồng vì họ lo sợ rằng
85

quy định này sẽ khuyến khích bên bị vi phạm khẳng định không biết [132, tr.215]. Khả
năng tiên liệu được hậu quả của vi phạm hợp đồng nhằm miễn trừ trách nhiệm cho bên
vi phạm khi vi phạm cơ bản và không thể góp phần làm rõ vi phạm cơ bản hợp đồng.
Khả năng tiên liệu chỉ là yếu tố có điều kiện cần phải chứng minh để ngăn chặn hợp
đồng bị hủy, tổn hại đáng kể và hậu quả của nó (những gì các bên có quyền kỳ vọng từ
hợp đồng bị tước đi) là yếu tố chủ yếu, quan trọng để xác định vi phạm cơ bản hợp
đồng [126, tr.340].
Nghĩa vụ của bên bị vi phạm là phải chứng minh rằng, hành vi vi phạm đã gây
tổn hại đến mức tước đi đáng kể những gì anh ta có quyền kỳ vọng từ hợp đồng. Bên
vi phạm muốn thoát khỏi trách nhiệm do vi phạm cơ bản hợp đồng thì phải chứng
minh rằng anh ra không tiên liệu được hậu quả đó do vi phạm hợp đồng gây ra và
người có lý trí cũng không tiên liệu được nếu họ ở vào địa vị và hoàn cảnh tương tự
anh ta. Như vậy, để viện dẫn thành công yếu tố không có khả năng tiên liệu được hậu
quả của vi phạm hợp đồng, bên vi phạm phải chứng minh 2 luận điểm: một là, bản
thân anh ta không có cách nào để tiên liệu được tổn hại xảy ra lại tước đi đáng kể
những gì bên kia có quyền kỳ vọng từ hợp đồng; hai là, người có lý trí ở vào địa vị và
hoàn cảnh của anh ta cũng không thể tiên liệu được hậu quả đó. Chỉ khi trọng tài hoặc
thẩm phán bị thuyết phục bởi hai luận điểm chứng minh đó thì vi phạm hợp đồng
không bị coi là cơ bản. Chẳng hạn, Hội đồng trọng tài trong vụ Coke [247] đã cho
rằng “về khả năng tiên liệu hậu quả của vi phạm hợp đồng, Điều 25 tạo cơ hội cho Bị
đơn có thể cung cấp chứng cứ chứng minh để mi n trách nhiệm và thuyết phục Hội
đồng trọng tài rằng bị đơn không thể tiên liệu được và người có lý trí cũng không thể
tiên liệu được hậu quả đó”. Tương tự, Trong vụ Black melon seeds [199] (tranh chấp
giữa người bán TQ và người mua Hongkong), Trọng tài CIETAC (Trung Quốc) đã
phán quyết rằng người bán không giao hàng theo quy định trong hợp đồng là vi phạm
cơ bản theo Điều 25 và Điều 30 bởi “người bán có thể tiên liệu được một cách hợp lý
tổn hại đáng kể mà người mua phải gánh chịu là lợi nhuận của người mua bị mất và
hậu quả của việc mình không thực hiện hợp đồng”. Những quan điểm này của tòa án
hoặc trọng tài còn được tìm thấy trong một số vụ tranh chấp khác như vụ used printing
press [240] và Vụ Silicon-carbide [202].
Có thể nói, yếu tố “người có lý trí ở vào địa vị và hoàn cảnh tương tự” được bổ
sung vào quy định do một thực tế là bên vi phạm thường không thừa nhận rằng anh ta
86

có khả năng tiên liệu được hậu quả của tổn hại do hành vi vi phạm của anh ta gây ra
đến mức tước đi đáng kể những gì bên kia có quyền kỳ vọng từ hợp đồng [82]. Mặc
dù, yếu tố này nhằm làm tăng tính khách quan của định nghĩa nhưng nó khiến định
nghĩa trở nên thiếu rõ ràng khi để xác định một người có lý trí tương đương (ở vào địa
vị và hoàn cảnh tương tự bên vi phạm) cần phải xét đến rất nhiều các yếu tố. Theo các
tác giả C. M. Bianca và M. J. Bonell, các yếu tố cần phải xem xét này bao gồm toàn bộ
nền tảng về kinh tế, xã hội, tôn giáo, ngôn ngữ, trình độ của bên vi phạm [88, tr.201].
Cũng như vậy, yếu tố địa vị hoàn cảnh tương tự là một yếu tố khó khăn để xác định.
Địa vị và hoàn cảnh tương tự cần được giải thích trong mối liên hệ với Điều 8 Công
ước Viên, theo đó địa vị và hoàn cảnh tương tự này bao gồm “mọi tình tiết liên quan,
kể cả các cuộc đàm phán, mọi thói quen mà các bên đã thiết lập với nhau, các tập quán
và mọi hành vi sau đó của các bên”[162, tr.26].
Từ những phân tích trên có thể rút ra một số nhận xét sau:
(1) Yếu tố “khả năng tiên liệu” hậu quả của hành vi vi phạm hợp đồng của bên
vi phạm trao cho bên vi phạm quyền chứng minh bản thân anh ta không tiên liệu được
hậu quả của hành vi vi phạm lại đáng kể đến mức tước đi của bên bị vi phạm những gì
anh ta có quyền kỳ vọng từ hợp đồng.
Bất cứ bên nào vi phạm hợp đồng mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến hợp đồng
thì khó thừa nhận rằng anh ta tiên liệu được sự nghiêm trọng của hành vi vi phạm của
mình và sẽ tranh cãi rằng, anh ta không may đã không tiên liệu được tổn hại đến mức
tước đi đáng kể những gì bên bị vi phạm có quyền kỳ vọng từ hợp đồng. Không có khả
năng tiên liệu phụ thuộc vào kiến thức về những tính tiết có liên quan của bên vi phạm.
Nhưng kiến thức về những tình tiết đó có thể không hoàn toàn đầy đủ vì những lý do
khác nhau. Dù là lý do gì, dù là ai thì anh ta có thể khẳng định một cách đơn giản rằng
anh ta không biết, không tiên liệu được. Tất nhiên, chỉ khẳng định không là không đủ
mà phải có chứng cứ. Nhưng rõ ràng, không phải dễ dàng để đưa ra chứng cứ có sức
thuyết phục cho quan điểm mang đậm tính chủ quan về vấn đề này. Hơn nữa, thậm chí
chứng cứ thuyết phục thì đánh giá đậm tính chủ quan khó thỏa mãn những quy luật
khách quan của thương mại quốc tế. Chính vì vậy, cần đánh giá khách quan bằng việc
bên vi phạm muốn viện dẫn không có khả năng tiên liệu phải chứng minh thêm rằng
“một người có lý trí ở vào địa vị và hoàn cảnh tương tự” cũng không thể tiên liệu được
hậu quả là những gì bên bị vi phạm kỳ vọng từ hợp đồng bị tước đi đáng kể.
87

Khi xem xét một cách khách quan, bên vi phạm được xem là có khả năng tiên
liệu hậu quả của hành vi vi phạm hợp đồng nếu anh ta được xác định là có thể biết và
phải biết hậu quả của hành vi vi phạm đó. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu bên vi
phạm có kiến thức, chuyên môn đặc biệt và vì thế cho nên có thể tiên liệu hơn là
thương nhân có kiến thức trung bình? Riêng từ “và” đã có thể kết luận rằng những
kiến thức/chuyên môn đặc biệt đó không thể được xem xét, cho phép bên vi phạm
thoát khỏi việc phát hiện ra hành vi vi phạm cơ bản hợp đồng bằng việc ẩn mình sau
mẫu người có lý trí ở vào địa vị và hoàn cảnh tương tự anh ta [132].
(2) Yếu tố “khả năng tiên liệu” yêu cầu bên vi phạm không tiên liệu được và
người có lý trí ở vào địa vị và hoàn cảnh tương tự anh ta cũng không thể tiên liệu được
mức độ nghiêm trọng của tổn hại đáng kể mà bên bị vi phạm phải gánh chịu. Các quan
điểm đều thống nhất rằng hậu quả của hành vi vi phạm hợp đồng, tức là tổn hại đến
mức tước đi đáng kể những gì bên kia có quyền kỳ vọng từ hợp đồng phải được tiên
liệu bởi bên vi phạm [85, tr.119; 124; 142] và nghĩa vụ chứng minh buộc bên vi phạm
phải chỉ ra rằng anh ta không thể tiên liệu được tổn hại đó nhằm loại trừ việc anh ta
phải chịu trách nhiệm phát sinh do vi phạm cơ bản hợp đồng [142, tr.181; 124, tr.279].
Tuy nhiên, khả năng tiên liệu được xem xét vào thời điểm nào vẫn là vấn đề
gây nhiều tranh cãi. Sở dĩ như vậy là do lịch sử soạn thảo Điều 25 và Bình luận của
Ban Thư ký đã cho thấy rằng vấn đề thời điểm xác định khả năng tiên liệu đã cố tình
bị bỏ ngỏ [135]. Tại cuộc họp lần thứ 30, Vương quốc Anh đề xuất thêm vào Điều 25
là “trừ khi tại thời điểm hợp đồng được ký kết, bên vi phạm không tiên liệu được và
không thể tiên liệu được hậu quả đó”. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị chỉ trích mạnh mẽ
từ Na Uy, Phần Lan và Hungary khi họ cho rằng “thông tin cung cấp sau khi ký kết
hợp đồng có thể làm thay đổi tình huống liên quan cả tổn hại đáng kể và sự tiên
liệu”[135]. Do đó, Vương Quốc Anh đã rút đề xuất của mình [136]. Cuối cùng, Ủy
ban đã đưa ra quyết định “Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Ủy ban không xem xét sự cần
thiết phải quy định rõ thời điểm nào bên vi phạm tiên liệu được hoặc có thể tiên liệu
được hậu quả của hành vi vi phạm”[161, tr.25-64], “khi có tranh chấp phát sinh, thời
điểm tiên liệu sẽ do trọng tài và tòa án quyết định căn cứ vào những tình huống cụ
thể”[159; 121, tr.19].
Vì không có quy định rõ ràng về thời điểm xem xét khả năng tiên liệu, trong
giới học giả đã có nhiều tranh luận và có hai trường phái quan điểm chính về vấn đề
88

này: (i) Thời điểm xem xét khả năng tiên liệu phải là thời điểm ký kết hợp đồng, tức là
việc xác định bên vi phạm có tiên liệu được hay không là xem xét kiến thức và khả
năng của anh ta cũng như người có lý trí ở vào địa vị và hoàn cảnh tương tự anh ta vào
thời điểm ký kết hợp đồng; (ii) Thời điểm xem xét khả năng tiên liệu là thời điểm sau
khi ký kết hợp đồng và khi vi phạm hợp đồng.
- Khả năng tiên liệu được xem xét vào thời điểm ký kết hợp đồng
Xuất phát điểm của quan điểm này là dựa trên những gì một bên có quyền kỳ
vọng từ hợp đồng và quy tắc khả năng tiên liệu quy định tại Điều 74 Công ước Viên.
Một số tác giả cho rằng vì Điều 25 chỉ rõ tổn hại đến mức tước đi đáng kể của
bên kia những gì bên bị vi phạm có quyền kỳ vọng từ hợp đồng thì đương nhiên khả
năng tiên liệu phải gắn với thời điểm ký kết hợp đồng vì kỳ vọng từ hợp đồng của các
bên được hình thành từ thời điểm ký kết hợp đồng [144, tr.291; 142, tr.60; 151, tr.266;
112, tr.499]. Người viết cho rằng, luận điểm này chưa thực sự thuyết phục bởi: Luận
điểm này của một số học giả chủ yếu dựa trên việc giải thích nghĩa đen của Điều 25.
Thực tiễn cho thấy, giao dịch kinh doanh trong xã hội hiện đại rất phức tạp và bao gồm
nhiều sự tương tác [124, tr.144] và trao đổi qua lại liên tục [11, Điều 19, khoản 2 Điều
21, Điều 26, khoản 2 Điều 48] giữa các bên. Vì thế, nếu coi thỏa thuận mua bán như
mối quan hệ tĩnh tại mà ở đó quyền và kỳ vọng của các bên ổn định vào thời điểm ký
kết hợp đồng thì có nghĩa là đã bỏ qua thực tế rằng hợp đồng luôn vận động theo sự
liên hệ, trao đổi, hợp tác giữa các bên với nhau và khi đó nội dung hợp đồng có thể
được mở rộng hơn so với thời điểm các bên ký kết hợp đồng, tức là nghĩa vụ ban đầu
có thể được thay đổi theo hướng mở rộng hơn [117, tr.78]. Người viết cho rằng, lấy kỳ
vọng từ hợp đồng của các bên làm xuất phát điểm cho việc xem xét khả năng tiên liệu
vào thời điểm ký kết hợp đồng là không phản ánh được thực tiễn quá trình giao dịch
kinh doanh vận động, thay đổi liên tục ngày nay. Kỳ vọng vào thời điểm ký kết hợp
đồng có thể thay đổi thông qua các cuộc đàm phán, trao đổi thông tin giữa các bên sau
khi ký kết hợp đồng.
Một số tác giả cho rằng, khả năng tiên liệu quy định tại Điều 25 Công ước Viên
nên được giải thích thống nhất với yêu cầu về khả năng tiên liệu theo Điều 74 [121,
tr.9-20; 151, tr.322; 147, tr.216]. Điều 74 quy định “…Tiền bồi thường thiệt hại này
không được cao hơn tổn thất mà bên bị vi phạm đã tiên liệu hoặc đáng lẽ phải tiên liệu
được vào thời điểm ký kết hợp đồng như một hậu quả có thể xảy ra do vi phạm hợp
89

đồng, có tính đến các tình tiết và yếu tố mà họ đã biết hoặc đáng lẽ phải biết”. Như
vậy, Điều 74 quy định thời điểm tiên liệu được thiệt hại là thời điểm ký kết hợp đồng.
Tuy nhiên, chưa có giải thích hay phân tích nào trong giới học giả về mục đích ưu tiên
của hai quy định về khả năng tiên liệu để ủng hộ cho quan điểm trên. Ví dụ, Zeller cho
rằng “Khả năng tiên liệu là nguyên tắc chung của Công ước Viên và nó phải được hiểu
gắn liền với Điều 74” [89, tr.226]. Tuy nhiên, Flechtner cho rằng, yêu cầu giải thích
thống nhất Công ước theo khoản 1 Điều 7 Công ước Viên không “cứng nhắc cũng
không phải nhiệm vụ đơn giản” [117, tr.188]. Cách hiểu hợp lý yêu cầu giải thích
thống nhất của Công ước theo khoản 1 Điều 7 Công ước Viên là đòi hỏi quá trình hoặc
phương pháp phải đảm bảo nhận thức và tôn trọng mục đích của quy định, tôn trọng
quy tắc được thiết lập để đạt được mục đích [117, tr.188].
Người viết cho rằng, không thể lấy quy tắc về khả năng tiên liệu quy định tại
Điều 74 Công ước để xem xét khả năng tiên liệu quy định tại Điều 25 Công ước vì
mục đích của hai quy tắc khả năng tiên liệu là khác nhau, cụ thể:
+ Mục đích của yêu cầu khả năng tiên liệu tại Điều 74 Công ước Viên là để giới
hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bên vi phạm hợp đồng đối với những gì mà
anh ta có thể tiên liệu được vào thời điểm giao kết hợp đồng [118, tr.77]. Quan trọng
nhất, hành động ký kết hợp đồng là cách thức mà qua đó các bên định rõ những rủi ro
phát sinh từ hợp đồng [105, tr.102; 151, tr.321; 165, tr.322]. Vì thế, khả năng tiên liệu
buộc bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại đến mức độ mà anh ta tiên liệu được vào
thời điểm anh ta ký kết hợp đồng, tức là thời điểm mà anh ta tính toán được rủi ro từ
hợp đồng mua bán và chấp nhận nhận lại những gì anh ta xem là hợp lý để bù đắp rủi
ro [105, tr.102; 151, tr.102]. Bên vi phạm không bị buộc phải mở rộng phạm vi trách
nhiệm và thanh toán tiền bồi thương thiệt hại vượt quá những gì anh ta không tiên liệu
được. Tuy nhiên, khả năng tiên liệu quy định tại Điều 74 Công ước Viên không áp
dụng để buộc một bên tiếp tục duy trì quan hệ hợp đồng với bên kia, đặc biệt vào thời
điểm vi phạm hợp đồng khi mà bên vi phạm tiên liệu được tổn hại đáng kể mà bên kia
phải gánh chịu do hành vi vi phạm của bên vi phạm gây ra [118, tr.77].
+ Mục đích của quy định về khả năng tiên liệu quy định tại Điều 25 là để ngăn
cản việc hủy hợp đồng vì những lý do không đủ thỏa mãn điều kiện để hủy hợp đồng
đó [161, tr.25-64; 124, tr.278]. Tác giả Winsor cho rằng “mục đích đằng sau Điều 25
là để bảo vệ người bán khỏi sự chấm dứt hợp đồng không đáng của người mua, và
90

ngăn ngừa lãng phí về mặt kinh tế có thể phát sinh từ vận chuyển hàng hóa quốc tế khi
hàng hóa sản xuất bị từ chối và phải chuyển trả về kho của người bán” [125, tr.102].
Vì thế, thời điểm tiên liệu không cần phải bị giới hạn ở thời điểm ký kết hợp đồng vì
điều quan trọng là vào thời điểm vi phạm hợp đồng, bên vi phạm có tiên liệu được
hoặc phải tiên liệu được tổn hại đáng kể như là hậu quả của hành vi vi phạm hợp đồng
hay không. Tác giả Flechtner đã cho rằng, thực tế là tính nghiêm trọng của hậu quả
không thể tiêu liệu được vào thời điểm ký kết hợp đồng – thời điểm có ít mối liên quan
đến vấn đề hủy hợp đồng [118, tr.77]. Điểm đặc biệt có liên quan đến khả năng tiên
liệu làm cơ sở để xác định thỏa mãn hay không thỏa mãn yếu tố cấu thành vi phạm cơ
bản hợp đồng nằm ở thời điểm khi bên vi phạm tiên liệu được rằng vi phạm gây ra tổn
hại đáng kể đối với bên kia.
Người viết cho rằng, quy định về khả năng tiên liệu theo Điều 25 Công ước
Viên nên được giải thích trong phạm vi Điều 25 Công ước Viên. Việc xem xét khả
năng tiên liệu theo Điều 25 Công ước Viên là chỉ để bảo vệ yêu cầu của bên vi phạm
[124, tr.278]. Việc xác định thời điểm xem xét khả năng tiên liệu hậu quả của hành vi
vi phạm của bên vi phạm nếu chỉ giới hạn ở thời điểm ký kết hợp đồng, vô hình chung,
sẽ dẫn đến hạn chế không đáng có về mặt kỹ thuật áp đặt lên chức năng của việc xem
xét khả năng tiên liệu theo Điều 25 Công ước và giảm đáng kể việc bảo vệ quyền yêu
cầu của bên vi phạm [90, tr.89]. Vì vậy, việc xác định thời điểm tiên liệu là thời điểm
ký kết hợp đồng không chỉ giải thích sai mục đích căn bản của quy định xem xét khả
năng tiên liệu mà Điều 25 Công ước đang hướng tới [124, tr.278] mà còn tạo nên sự
mâu thuẫn về mặt kỹ thuật với nguyên tắc giải thích thông nhất Công ước Viên quy
định tại Điều 8 Công ước.
- Khả năng tiên liệu được xác định sau khi ký kết hợp đồng và khi vi phạm hợp
đồng
Có nhiều quan điểm ủng hộ việc xem xét khả năng tiên liệu vào thời điểm vi
phạm khi bên vi phạm có thông báo về tổn hại đáng kể xảy ra. Tác giả Honnold cho
rằng, để xác định khả năng tiên liệu, thông tin nhận được sau khi ký kết hợp đồng
nhưng trước khi bắt đầu thực hiện hợp đồng cần phải được xem xét [123, tr.209]. Các
tác giả khác như Will, Liu, Maskow và Flechtner cũng đồng quan điểm với tác giả
Honnold [118; 113; 132; 95]. Ví dụ: Hợp đồng mua bán hàng hóa để sản xuất, người
mua đã thông báo cho người bán sau khi ký kết hợp đồng nhưng trươc khi bắt đầu thực
91

hiện hợp đồng rằng việc in dữ liệu đã thỏa thuận lên bao bì là điều có ý nghĩa quan
trọng quyết định bởi vì nếu không hàng hóa không thể được bán ở khu vực buôn bán
dự tính được. Nếu người bán bỏ qua thông báo này, vi phạm sẽ bị xem như đủ thỏa
mãn tính chất cơ bản [113, tr.75; 132, tr.221].
Trên cơ sở nguyên tắc thiện chí, Công ước cũng như pháp luật hợp đồng nói
chung khuyến khích các bên thực hiện đúng hợp đồng [140, tr.129]. Nếu sau khi ký
kết hợp đồng, người bán biết về tổn hại đáng kể mà người mua phải gánh chịu do hành
vi vi phạm của mình gây ra thì anh ta nên cố gắng khắc phục vi phạm đó cũng như hậu
quả do vi phạm đó gây ra – những gì người mua kỳ vọng từ hợp đồng bị tước đi đáng
kể. Hơn nữa, nếu một bên được thông báo rằng tổn hại đáng kể có khả năng xảy ra do
hành vi vi phạm của mình nhưng anh ta vẫn cố tình vi phạm hoặc từ chối khắc phục vi
phạm thì chính hành vi đó của anh ta đã đi ngược mới mục đích khuyến khích các bên
thực hiện đúng hợp đồng của Công ước Viên. Vì thế, việc giới hạn thời điểm tiên liệu
là thời điểm ký kết hợp đồng càng khuyến khích người bán có những hành vi cố ý
hoặc không khắc phục vi phạm cũng như hậu quả do vi phạm gây ra. Hơn nữa, nguyên
tắc thiện chí đòi hỏi thúc đẩy hợp tác giữa các bên [11, Điều 60]. Người mua phải hợp
tác với người bán để tạo thuận lợi cho người bán giao hàng [11, Điều 60]. Trái lại,
người bán phải hợp tác với người mua để bảo vệ lợi ích của người mua [11, Điều 30-
34]. Chẳng hạn, khi người bán không phải bảo hiểm hàng hóa dọc đường, người bán
phải cung cấp thông tin để người mua mua được bảo hiểm hàng hóa [11, khoản 3 Điều
32]. Chính vì thế, dựa trên nguyên tắc thiện chí, tác giả Graffi và Liu cho rằng, thời
điểm xem xét khả năng tiên liệu được xác định sau thời điểm ký kết hợp đồng và khi
có vi phạm hợp đồng [126, tr.341; 95].
Ngoài ra, việc tồn tại nguyên tắc khắc phục trong Công ước nhằm mục đích là
giữ cho hợp đồng được thực hiện nếu có một cơ hội để khắc phục vi phạm hoặc hậu
quả nghiêm trọng của vi phạm [90, tr.92]. Cho nên, việc giải thích quy định về khả
năng tiên liệu phải xem xét đến mục đích này và do đó, thời điểm tiên liệu là thời điểm
sau khi ký kết hợp đồng và khi vi phạm hợp đồng - khi bên vi phạm có cơ hội khắc
phục hậu quả của hành vi vi phạm [126, tr.341; 95].
Từ phân tích trên, người viết cho rằng, thời điểm tiên liệu được tổn hại đáng kể
không nên là “thời điểm giao kết hợp đồng” bởi: (1) Khi giao kết hợp đồng, trong điều
kiện bình thường, không bên nào tiên liệu được là sẽ vi phạm hợp đồng để có thể tiên
92

liệu được hậu quả của nó; (2) Đối tượng mà bên vi phạm có khả năng tiên liệu được ở
đây là hậu quả của hành vi vi phạm. Điều này có nghĩa là khả năng tiên liệu được và
thời điểm tiên liệu phải gắn với hành vi vi phạm. Chính vì vậy, thời điểm này cần xác
định đồng thời với thời điểm xảy ra vi phạm. Khi không thực hiện hoặc có ý định
không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ hợp đồng thì với kiến thức và
chuyên môn của một người ở vào địa vị tương tự cũng có thể “hình dung” được hành
vi của mình gây hậu quả hoặc có khả năng gây hậu quả cho bên bị vi phạm như thế
nào. Thực tế, chỉ có những người không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi
của mình thì mới “không thể” biết được hậu quả do hành vi của mình gây ra. Việc sử
dụng thời hiện tại “what he is entitled to expect under the contract”)” có thể thấy rằng
thẩm phán nên đặt mình vào thời điểm xảy ra vi phạm [82].
(3) Với hậu quả nghiêm trọng của hủy hợp đồng, câu hỏi đặt ra là tại sao bên vi
phạm không viện dẫn khả năng tiên liệu như là yếu tố loại trừ khả năng hợp đồng bị
hủy hay loại trừ vi phạm cơ bản hợp đồng. Phải chăng, khả năng tiên liệu hậu quả của
hành vi vi phạm quy định tại Điều 25 Công ước Viên là thừa, không cần thiết?
Như đã phân tích ở trên, người viết cho rằng nếu các bên thỏa thuận rõ ràng
hoặc ngầm định rằng việc tuân thủ nghiêm khắc các điều khoản hợp đồng là cơ
bản/chủ yếu và bất kỳ sự vi phạm nào đối với các điều khoản đó thì bị coi như là vi
phạm cơ bản, lúc đó bên vi phạm không thể viện dẫn không có khả năng tiên liệu.
Trong những trường hợp này, tổn hại đáng kể là tiêu liệu được đối với người ở cùng
địa vị và hoàn cảnh tương tự với bên vi phạm. Schlechtriem và Koch đã nhấn mạnh
rằng “chỉ khi tầm quan trọng cụ thể của nghĩa vụ bị vi phạm không được quy định
trong hợp đồng cũng như không được thương thảo trong quá trình đàm phán hợp đồng
thì khả năng tiên liệu là yếu tố có liên quan để xem xét tính cơ bản của hành vi vi
phạm hợp đồng [144, tr.284]. Nói cách khác, khả năng tiên liệu chỉ liên quan nếu tổn
hại đáng kể không được truyền đạt/thông tin trước hoặc vào thời điểm ký kết hợp
đồng. Do đó, khả năng tiên liệu chỉ phát sinh khi thông tin liên quan đến tổn hại đáng
kể đến được với bên vi phạm sau khi ký kết hợp đồng.
Ngoài ra, thậm chí điều khoản cơ bản không quy định rõ trong hợp đồng nhưng
được trao đổi với bên vi phạm thông qua đàm phán hoặc thư từ trước khi ký hợp đồng
thì khoản 3 Điều 8 Công ước Viên sẽ áp dụng cho tình huống như đàm phán trước hợp
đồng và bên vi phạm không thể biện minh rằng anh ta không tiêu liệu được vấn đề đã
93

được trao đổi. Vì thế, nếu thời điểm tiên liệu có liên quan là thời điểm ký kết hợp
đồng, khi đó khả năng tiên liệu là không cần thiết/thừa, vì nó không phục vụ cho mục
đích bổ sung cho những quy định khác trong Công ước. Nếu giảm tầm quan trọng của
tổn hại đáng kể khi xác định tổn hại bằng việc dẫn chiếu tới những gì các bên thực sự
kỳ vọng từ hợp đồng, khả năng tiên liệu sẽ mất đi chức năng của nó vì lý do tổn hại
không tiên liệu được [144, tr.284]. Vì thế, người viết cho rằng, yếu tố khả năng tiên
liệu hậu quả do hành vi vi phạm gây ra sẽ đáp ứng mục đích chức năng hơn nữa nếu
thời điểm tiên liệu vượt ra ngoài giới hạn thời điểm ký kết hợp đồng, tức là sau khi ký
kết hợp đồng và khi vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, chính điều này sẽ gây thêm khó
khăn, tăng “cảm tính” trong việc xác định tính cơ bản của hành vi vi phạm bởi cơ quan
giải quyết tranh chấp cũng như lý lẽ, căn cứ thiếu tường minh cho bên vi phạm viện
dẫn nhằm thoát khỏi vi phạm cơ bản hợp đồng, gây thêm bất lợi cho bên bị vi phạm
khi không muốn duy trì hợp đồng vì những gì anh ta kỳ vọng có được từ hợp đồng đã
bị tước đi đáng kể. Đặc biệt hơn nữa, thời điểm xem xét khả năng tiên liệu thiếu rõ
ràng càng làm cho quy định về khả năng tiên liệu hậu quả của hành vi vi phạm trở nên
khó khăn hơn.
Kết luận Chương 3
Qua nghiên cứu ở Chương 3 có thể thấy khi các bên không có thỏa thuận, việc
xác định tính cơ bản của vi phạm hợp đồng theo Công ước Viên dựa vào các yếu tố:
Có tổn hại đáng kể của bên bị vi phạm; Những gì bên bị vi phạm có quyền kỳ vọng từ
hợp đồng bị tước đi đáng kể và khả năng tiên liệu được hậu quả do hành vi vi phạm
gây ra.
(1) Vi phạm hợp đồng của bên vi phạm có thể là vi phạm thực tế hoặc vi phạm
dự đoán trước. Tuy nhiên, tổn hại - yếu tố cấu thành tính cơ bản của vi phạm hợp đồng
quy định tại Điều 25 Công ước Viên không hẳn là yếu tố tiên quyết, cần phải có, đặc
biệt khi mà người bán hoặc người mua không thực hiện hợp đồng. Sự thực hiện hợp
đồng của các bên là kỳ vọng đầu tiên của mỗi bên khi xác lập và thực hiện hợp đồng,
vì vậy không thực hiện hợp đồng thì không có cơ sở cho sự tồn tại của các mong đợi
tiếp theo từ hợp đồng. Tòa án, trọng tài, do vậy, chỉ xem xét đến sự không thực hiện
hợp đồng đó có tước đi đáng kể những gì các bên kỳ vọng từ hợp đồng không.
(2) Những gì bên bị vi phạm có quyền kỳ vọng hợp đồng là lợi ích kinh tế, cũng
chính là mục đích vì đó mà giao dịch mua bán hàng hóa được xác lập. Không thực
94

hiện nghĩa vụ hợp đồng của người bán hoặc người mua cấu thành vi phạm cơ bản, thỏa
mãn yếu tố tước đi đáng kể của bên bị vi phạm những gì anh ta kỳ vọng từ hợp đồng
mà không nhất thiết phải gây ra tổn hại thực tế hay tổn hại cụ thể nào. Tòa án, trọng tài
không chỉ giải thích những gì bên vi phạm kỳ vọng từ hợp đồng xuất phát từ Điều 25
Công ước Viên mà còn dựa vào Điều 35 Công ước Viên, theo đó mục đích mua hàng
(mục đích sử dụng của hàng hoặc mục đích bán lại hàng hóa) cũng được xem xét khi
xác định tính cơ bản của vi phạm hợp đồng.
(3) Khả năng tiên liệu được hậu quả của hành vi vi phạm hợp đồng là yếu tố tạo
cơ hội cho bên vi phạm được quyền chứng minh làm cơ sở xem xét tồn tại hay không
tồn tại vi phạm cơ bản hợp đồng. Tuy nhiên, khi xem xét yếu tố này, việc dựa trên
“người có lý trí ở vào địa vị và hoàn cảnh tương tự” là không cần thiết và gây khó
khăn đối với xác định tính cơ bản của vi phạm hợp đồng từ phía bên vi phạm. Bên
cạnh đó, chính thời điểm tiên liệu làm cho quy định về khả năng tiên liệu càng trở nên
khó áp dụng hơn đối với bên vi phạm, khó khăn và tăng “cảm tính” cho cơ quan tài
phán khi xem xét vấn đề này.
Khi một bên vi phạm cơ bản hợp đồng, bên kia có quyền áp dụng các chế tài
nhằm kịp thời đảm bảo những gì mà mình kỳ vọng từ hợp đồng. Các chế tài được áp
dụng khi có vi phạm cơ bản hợp đồng xem như hệ quả pháp lý do vi phạm cơ bản hợp
đồng. Chương 4 tập trung làm rõ vấn đề này.
95

CHƯƠNG 4
CHẾ TÀI DO VI PHẠM CƠ BẢN HỢP ĐỒNG THEO CÔNG ƯỚC VIÊN
Đối với mỗi hành vi vi phạm hợp đồng MBHHQT hợp pháp và có hiệu lực đều
kéo theo những hệ quả pháp lý nhất định – bị áp dụng các chế tài xử lý tương ứng. Khi
một bên vi phạm cơ bản hợp đồng, nếu các bên không có thỏa thuận, thì bên bị vi
phạm có quyền áp dụng những chế tài đối với hành vi vi phạm cơ bản hợp đồng theo
quy định của Công ước Viên mà việc áp dụng những chế tài đó sẽ dẫn đến hậu quả
pháp lý bất lợi cho bên vi phạm.
Quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng chỉ có thể tồn tại và có ý nghĩa khi là căn
cứ quan trọng dẫn đến hệ quả pháp lý cho phép bên bị vi phạm áp dụng chế tài yêu cầu
giao hàng thay thế và chế tài hủy hợp đồng – chế tài mang lại hậu quả pháp lý nặng nề
nhất.
4.1. Khái quát về chế tài do vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên (có so
sánh với pháp luật Việt Nam)
Nếu các bên trong hợp đồng (theo Công ước Viên) thực hiện đúng như những
gì đã cam kết, rõ ràng họ sẽ không phải gánh chịu những hệ quả pháp lý bất lợi (chế
tài), trái lại các chế tài thương mại của Công ước sẽ được áp dụng như là hệ quả pháp
lý tất yếu để xử lý hành vi vi phạm của bên vi phạm nhằm cân bằng lợi ích, kịp thời
bảo vệ lợi ích cho bên bị vi phạm. Ngay cả khi bên bán hoặc bên mua trong hợp đồng
nào đó không thực hiện nghĩa vụ của mình, thì hợp đồng giữa họ đã có thể bao gồm
điều khoản xác định các chế tài được áp dụng; khi đó, biện pháp bảo hộ mặc định
trong Phần III của Công ước sẽ được thay thế bởi điều khoản các bên thỏa thuận trong
hợp đồng.
Tuy vậy, báo cáo hàng trăm vụ tranh chấp theo Công ước đã xác nhận rằng các
toà án và trọng tài viên thường phải sử dụng hệ thống các chế tài thương mại của Công
ước [163]. Vì sao những quy tắc này được sử dụng nhiều như vậy? Lý do rất hiển
nhiên biểu hiện trong chính hợp đồng của các bên, chẳng hạn: Khi các bên chỉ quy
định trong thư điện tử điều khoản về hàng hoá (cái gì, bao nhiêu) và giá cả của chúng
mà quên mất các nội dung khác. Ngay cả những hợp đồng mua bán hàng hoá chi tiết
hơn cũng chỉ có điều khoản liên quan đến nghĩa vụ của các bên, chứ không chú trọng
tới tình huống khi một bên không thực hiện hợp đồng và hậu quả có thể xảy ra. Trong
96

trường hợp đó, các toà án và trọng tài viện dẫn tới Công ước để lấp đầy lỗ hổng thiếu
vắng các chế tài thương mại.
Công ước Viên không có một chương riêng về vi phạm hợp đồng và chế tài do
hành vi vi phạm hợp đồng. Vấn đề này được quy định rải rác ở các phần khác nhau, cụ
thể là từ Điều 45 đến Điều 52 Công ước Viên liệt kê các chế tài áp dụng cho hành vi
vi phạm hợp đồng của bên bán và từ Điều 61 đến Điều 65 Công ước Viên liệt kê các
chế tài áp dụng cho hành vi vi phạm hợp đồng của bên mua và từ Điều 71 đến Điều
84 Công ước Viên về các điều khoản chung cho nghĩa vụ của bên bán, bên mua.
Theo đó, những chế tài mà bên mua có thể áp dụng khi bên bán vi phạm hợp đồng
bao gồm (i) buộc bên bán phải thực hiện nghĩa vụ giao hàng, quyền sở hữu hàng hóa
và các chứng từ liên quan đến hàng, (ii) hủy hợp đồng, (iii) giảm giá hàng, (iv) yêu
cầu bồi thường thiệt hại; còn những chế tài mà bên bán có thể áp dụng khi bên mua
vi phạm hợp đồng bao gồm (i) buộc bên mua phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền, nhận
hàng hay các nghĩa vụ khác của bên mua, (ii) hủy hợp đồng, (iii) yêu cầu bồi thường
thiệt hại. Cách sắp xếp như vậy khiến việc tra cứu rất thuận lợi, mặt khác, cho thấy
được tinh thần tạo ra sự bình đẳng pháp lý giữa bên bán và bên mua trong hợp đồng
mua bán hàng hóa. Như vậy, hệ thống chế tài khác nhau trong Công ước Viên có thể
sắp xếp thành 3 nhóm gồm: (1) Chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng, dùng để yêu
cầu bên vi phạm (người bán và người mua) phải thực hiện nghĩa vụ của mình như đã
thỏa thuận (giao hàng, thanh toán tiền hàng, v.v…); (2) Chế tài bồi thường thiệt hại,
yêu cầu giảm giá hàng bán; (3) Chế tài hủy hợp đồng cho phép bên bị vi phạm được
hủy hợp đồng, để từ đó giải phóng các bên khỏi những nghĩa vụ của họ trong hợp đồng
[139, tr.80].
Xem xét vị trí sắp xếp các điều khoản trong phần III của Công ước, dễ dàng
nhận thấy chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng là chế tài cơ bản đầu tiên được áp
dụng. Ý nghĩa của chế tài này là: khi một bên không thực hiện nghĩa vụ theo hợp
đồng, thì chế tài “tự nhiên” nhất [141, tr.53] là trực tiếp yêu cầu bên vi phạm phải thực
hiện nghĩa vụ của mình như: yêu cầu người bán giao hàng như đã thoả thuận, khắc
phục khi giao hàng còn thiếu sót, giao hàng thay thế hoặc (trong trường hợp người
mua vi phạm) yêu cầu người mua thanh toán theo giá đã thoả thuận. Tuy nhiên, logic
này có vẻ rất xa lạ đối với quan điểm của của hệ thống luật Anh- Mỹ, bởi hệ thống luật
97

này chỉ đề cập đến chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng như là một biện pháp bảo hộ
“ngoại lệ” [127, tr.42]. Trên thực tế, các quy tắc của Công ước trong vấn đề này cho
thấy sự thỏa hiệp giữa quan điểm của hệ thống luật châu Âu lục địa và của hệ thống
luật Anh- Mỹ, và việc bên có quyền yêu cầu bên kia thực hiện đúng hợp đồng đang
gặp phải nhiều hạn chế quan trọng bởi bên cạnh những yêu cầu trong Điều 46, toà án
không bị bắt buộc phải ra phán quyết buộc thực hiện đúng hợp đồng trừ khi phải tuân
thủ luật riêng của toà án đó đối với những hợp đồng mua bán mà Công ước không điều
chỉnh [11, Điều 28].
Trong xã hội phát triển nhanh như ngày nay, hầu hết các thương gia không có
thời gian để chờ đợi toà án yêu cầu một bên thực hiện đúng hợp đồng và phần lớn án
lệ theo Công ước cho thấy lợi ích người mua đạt được khi áp dụng chế tài thay thế (bồi
thường thiệt hại bằng tiền hoặc hủy hợp đồng) là quan trọng hơn nhiều trong thực tiễn,
còn chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng chỉ có ý nghĩa hơn khi thúc ép người mua
thực hiện nghĩa vụ thanh toán với người bán. Bên cạnh bồi thường thiệt hại, Công ước
cũng cho phép người mua áp dụng chế tài có liên quan đến tiền ở phạm vi hạn chế hơn
mà các luật gia của hệ thống luật châu Âu lục địa thường viện tới là “giảm giá tương
ứng” [11, Điều 50]. Khi bên vi phạm phải chịu trách nhiệm, mức độ bồi thường đối
với bên bị thiệt hại sẽ được tính toán dựa trên khả năng tiên liệu [11, Điều 74].
Khi có hành vi vi phạm hợp đồng, người mua hoặc người bán có quyền áp dụng
chế tài nào phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể và các quy tắc của Công ước Viên
[146]. Tất nhiên, khi đã sử dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng thì các bên sẽ
không được dùng chế tài huỷ hợp đồng, nhưng quyền yêu cầu thực hiện đúng hợp
đồng hoặc huỷ hợp đồng sẽ không loại trừ quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Trong các chế tài nói trên, vi phạm cơ bản hợp đồng là căn cứ quan trọng để
bên bị vi phạm áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng bằng cách yêu cầu giao
hàng thay thế hoặc áp dụng chế tài hủy hợp đồng. Vì hậu quả của hủy hợp đồng là giải
phóng các bên khỏi những nghĩa vụ của họ theo hợp đồng, nên Công ước đã đặt ra giới
hạn cho chế tài có hậu quả pháp lý nặng nhất này – bằng cách chỉ áp dụng hủy hợp
đồng chỉ khi không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng cấu thành vi phạm cơ bản, và nới
rộng quyền của người bán được “khắc phục” hàng hóa đã giao có khiếm khuyết.
Những quy tắc của Công ước cũng điều chỉnh vấn đề vi phạm hợp đồng dự đoán trước
98

có liên quan chặt chẽ với huỷ hợp đồng (do vi phạm cơ bản). Như vậy, đối với trường
hợp bên bán vi phạm cơ bản, cả Công ước Viên và Luật Thương mại đều trao cho bên
bị vi phạm quyền hủy hợp đồng. Khác với Luật Thương mại, đối với chế tài buộc thực
hiện đúng hợp đồng, Công ước Viên đã trao cho người mua quyền yêu cầu người
bán giao hàng thay thế khi hành vi giao hàng hóa không phù hợp của người bán cấu
thành vi phạm cơ bản. Cũng cùng căn cứ trên hành vi vi phạm cơ bản hợp đồng khi
các bên không có thỏa thuận cụ thể, khác với Công ước Viên, Luật Thương mại còn
quy định thêm chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng và đình chỉ thực hiện hợp đồng.
Quy tắc đã được dự liệu tại Điều 49 và Điều 64 Công ước Viên, đó là: chỉ khi
một bên không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng thì
bên kia có quyền hủy hợp đồng. Vi phạm cơ bản hợp đồng cũng được sử dụng như là
căn cứ để áp dụng chế tài hủy hợp đồng trong một số tình huống đặc biệt như: người
mua có thể tuyên bố hủy hợp đồng nếu việc không giao hàng đầy đủ hoặc phù hợp với
hợp đồng cầu thành vi phạm cơ bản hợp đồng (khoản 2 Điều 51), hủy hợp đồng đối
với vi phạm dự đoán trước (Điều 72) và giao hàng từng phần (Điều 73). Bên cạnh đó,
vi phạm cơ bản hợp đồng còn là điều kiện tiên quyết đối với quyền yêu cầu giao hàng
thay thế nếu hàng hóa được giao không phù hợp với hợp đồng (khoản 2 Điều 46). Vì
vậy, vi phạm cơ bản hợp đồng đã tạo ra “ranh giới” giữa các chế tài “thông thường” do
vi phạm hợp đồng như bồi thường thiệt hại, giảm giá hàng hóa với chế tài “nặng nề”
như hủy hợp đồng hay phải thay thế hàng hóa. Điều 70 Công ước Viên quy định “nếu
người bán vi phạm cơ bản hợp đồng thì các quy định của Điều 67, Điều 68, Điều 69
Công ước Viên không ảnh hưởng đến quyền của người mua sử dụng các chế tài đối
với vi phạm đó”. Tuy nhiên, vi phạm cơ bản hợp đồng có ý nghĩa quan trọng nhất ở
chỗ vi phạm cơ bản hợp đồng là điều kiện tiên quyết được dùng để áp dụng chế tài hủy
hợp đồng.
Thực tiễn, tính đến 3/2015, số vụ tranh chấp có áp dụng Điều 25 công bố tại Cơ
sở dữ liệu của Trường Đại học Luật Pace của Hoa Kỳ là 392 vụ (chiếm khoảng 13%
trong tổng số 3023 vụ tranh chấp) [171].
99

Hình 1. Số lượng vụ kiện có áp dụng Điều 25 (tính theo quốc gia thành viên)

120
100
80
60
40
20 Số vụ kiện
0

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ website www.cisg.law.pace.edu


Nhìn vào Biểu đồ có thể thấy số lượng vụ tranh chấp có áp dụng Điều 25 của
Công ước Viên chủ yếu được giải quyết bởi tòa án và/hoặc trọng tài tại Trung Quốc
(99 vụ), Đức (79 vụ), Thụy Sĩ (32 vụ), Nga (26 vụ) và Tân Ban Nha (23 vụ). Ngoài ra,
các vụ tranh chấp áp dụng quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng với số lượng ít ở một
số quốc gia khác như: Ba Lan, Cu Ba, Hungary, Latvia, Hàn Quốc, Mexico, Ukraine,
Canada, Hy Lạp, Phần Lan, Đan Mạch, Úc.
Số liệu thống kê bởi UNCITRAL cho thấy số vụ tranh chấp về hủy hợp đồng
chủ yếu tập trung là do vi phạm từ phía người bán, với 186 vụ, trong khi đó rất ít vụ
tranh chấp về giao hàng thay thế (15 vụ) (xem Hình 2).
Hình 2. Chế tài áp dụng khi có vi phạm cơ bản hợp đồng

Hủy hợp đồng Giao hàng


do VPCB dự thay thế, 15
đoán trước, 67

Người mua
hủy hợp
đồng, 186
Người bán hủy
hợp đồng, 57

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ website www.cisg.law.pace.edu

Có thể thấy, vi phạm cơ bản hợp đồng quy định tại Điều 25 chủ yếu được vận
dụng để lý giải cho việc áp dụng chế tài hủy hợp đồng khi người bán hoặc người mua
100

vi phạm cơ bản hợp đồng khi hết thời hạn thực hiện hợp đồng hoặc trước thời hạn thực
hiện hợp đồng (vi phạm dự đoán trước).
4.2. Quy định và thực tiễn áp dụng chế tài do vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công
ước Viên
4.2.1. Hủy hợp đồng
Hủy hợp đồng là hệ quả pháp lý nặng nhất mà bên vi phạm phải gánh chịu
khi có vi phạm hợp đồng MBHHQT, thể hiện ở chỗ: hợp đồng chấm dứt hiệu lực kể
từ thời điểm giao kết (hay hủy hợp đồng có hiệu lực hồi tố), bên nào đã thực hiện
toàn bộ hay một phần có thể đòi bên kia hoàn trả những gì họ đã cung cấp hay đã
thanh toán theo hợp đồng. Hủy hợp đồng sẽ giải phóng hai bên khỏi việc thực hiện
nghĩa vụ hợp đồng của họ, trừ khi có thiệt hại phải bồi thường. Chính vì các bên
không tiếp tục thực hiện hợp đồng kể từ thời điểm hợp đồng bị hủy bỏ và hoàn trả
cho nhau tất cả những gì đã nhận được từ nhau, nên hủy hợp đồng sẽ ảnh hưởng rất
lớn đến hoạt động kinh doanh bình thường của các bên xác lập và thực hiện hợp
đồng. Với ý nghĩa đó, trừ khi các bên có thỏa thuận về hủy hợp đồng, Công ước
Viên cũng như pháp luật của một số nước trên thế giới không cho phép các bên “tùy
tiện” hủy hợp đồng khi không có cơ sở, căn cứ hợp pháp.Vi phạm cơ bản hợp đồng
chính là căn cứ quan trọng đó để người bán và người mua có thể tuyên bố hủy hợp
đồng.
Hủy hợp đồng là một trong những quy định quan trọng của Công ước Viên, là
biện pháp cuối cùng khi người bán hoặc người mua không muốn tiếp tục thực hiện hợp
đồng. Điều 49 và Điều 64 Công ước Viên quy định các trường hợp để người bán hoặc
người mua có quyền tuyên bố hủy hợp đồng khi vi phạm hợp đồng của bên kia là vi
phạm cơ bản theo Điều 25 Công ước Viên, đó là: (i) Người bán hoặc người mua không
thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; (ii) Người bán giao hàng không phù hợp với hợp đồng;
(iii) Một bên có hành vi vi phạm cơ bản hợp đồng dự đoán trước theo khoản 1 Điều 72
và khoản 2 Điều 73 Công ước Viên khi có lý do xác đáng để cho rằng có thể có vi
phạm cơ bản hợp đồng giao hàng từng phần trong tương lai.
4.2.1.1. Hủy hợp đồng khi một bên không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng cấu
thành vi phạm cơ bản
Hợp đồng MBHHQT được giao kết hợp pháp và có hiệu lực làm phát sinh
quyền và nghĩa vụ của các bên hợp đồng đối với nhau. Các bên có quyền và nghĩa vụ
101

tương đương nhau trong quá trình thực hiện hợp đồng. Vì vậy, không thực hiện bất kỳ
nghĩa vụ nào mà hợp đồng hoặc Công ước quy định là hành vi vi phạm hợp đồng.
(i) Đối với người bán
Theo Công ước Viên, người bán có nghĩa vụ giao hàng (Điều 30, 31) và giao
hàng phù hợp với hợp đồng (Điều 30, 35), chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa cho
người mua đảm bảo không bị ràng buộc bởi bất cứ quyền hạn hay khiếu nại nào của
bên thứ ba (Điều 30, 41), chuyển giao chứng từ liên quan đến hàng hóa cho người
mua theo hợp đồng hoặc tập quán (Điều 30, 34). Nếu người bán vi phạm bất kỳ
nghĩa vụ nào mà các bên không có thỏa thuận về hủy hợp đồng thì người mua có
quyền tuyên bố hủy hợp đồng nhưng chỉ khi người bán không thực hiện nghĩa vụ
theo hợp đồng hoặc Công ước, tức là không giao hàng, không giao chứng từ liên
quan đến hàng hoặc quyền sở hữu hàng hóa cho ngươi mua, nhưng việc không thực
hiện nghĩa vụ này của người bán cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng, tức là thỏa
mãn các yếu tố xác định vi phạm cơ bản hợp đồng quy định tại Điều 25 Công ước
Viên [11, điểm a khoản 1 Điều 49].
Như đã phân tích ở chương 3, tòa án, trọng tài của một số quốc gia thành viên
Công ước đều thống nhất nhận định rằng, không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng như
không giao hàng, không giao chứng từ liên quan đến hàng và quyền sở hữu hàng
hóa cho người mua đều thỏa mãn yếu tố cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng quy
định tại Điều 25. Khi giao kết hợp đồng, người mua kỳ vọng nhận được hàng – đối
tượng hợp đồng, vì thế những hành vi vi phạm này xem như đã gây ra cho người
mua tổn hại đáng kể, không cần phải là tổn hại trong thực tế, tước đi của người mua
những gì người mua có quyền kỳ vọng từ hợp đồng. Ví dụ: Hành vi không giao
hàng của người bán trong vụ “Rabbit skin” [209], vụ “Compound fertilizer” [196],
vụ Ostroznik savo [248], vụ “Cheese” [235], vụ Black melon seeds [199], vụ used
printing press [240] và vụ Silicon-carbide [202] đều bị coi là vi phạm cơ bản hoặc
hành vi không giao chứng từ liên quan đến hàng hóa bị coi là cấu thành vi phạm cơ
bản và người mua có quyền tuyên bố hủy hợp đồng trong các vụ Fluorite [210], vụ
Medical equipment [262]. Tòa án, trọng tài không chỉ xem xét hành vi vi phạm của
người mua khi hết thời hạn thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc Công ước mà tòa
án, trọng tài còn xem xét cả việc không thực hiện nghĩa vụ của người bán trong thời
hạn mà người mua đã gia hạn thêm để làm cơ sở xác định những gì người mua có
102

quyền kỳ vọng từ hợp đồng đã bị tước đi đáng kể, từ đó xác định vi phạm cơ bản hợp
đồng và cho phép người mua áp dụng chế tài hủy hợp đồng.
Hành vi không giao hàng của người bán đôi khi còn được thể hiện dưới hình
thức từ chối giao hàng. Đối với trường hợp người bán từ chối giao hàng, Tòa án Đức
kết luận là không giao hàng và việc từ chối giao hàng cũng cấu thành vi phạm cơ bản
hợp đồng. Quan điểm này của Tòa án được thể hiện trong vụ “Furniture leather”
[225], vụ tranh chấp giữa người bán Ý và người mua Đức, theo đó người bán đã từ
chối giao mặt hàng da để làm đồ gia dụng vì họ cho rằng họ không có trách nhiệm
thực hiện hợp đồng do đại lý của họ ký kết. Tuy nhiên, trên thực tế, người bán đã giao
một phần hàng hóa cho người mua. Chính vì vậy, Tòa phúc thẩm Munchen (Đức) đã
không đồng tình với luận điểm của người bán và cho rằng: “việc người bán từ chối
giao hàng do cho rằng hợp đồng bị hủy không chỉ mâu thuẫn với việc anh ta đã giao
một phần hàng hóa mà còn cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng theo Điều 49(1)(a)
Công ước Viên”. Do đó, Tòa phúc thẩm Munchen (Đức) phán quyết rằng người mua
có quyền tuyên hủy hợp đồng.
Bên cạnh đó, giao hàng đúng thời gian là yêu cầu bắt buộc theo quy định của
Công ước đối với người bán [11, Điều 33]. Trong thực tiễn, giao hàng không đúng thời
gian không phải lúc nào cũng cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng cho dù hợp đồng
quy định giao hàng vào một thời điểm cụ thể. Tòa án hoặc trọng tài đều thống nhất
rằng, ngày giao hàng cụ thể là yếu tố cơ bản của hợp đồng khi và chỉ khi người bán đề
cập trong hợp đồng. Nếu việc giao hàng vào một ngày cụ thể không được nhấn mạnh,
không thể hiện rõ lợi ích của người mua trong việc người bán giao hàng đúng ngày cụ
thể quy định trong hợp đồng thì người bán không giao hàng vào ngày cụ thể đó không
cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng. Chẳng hạn, vụ “Mobile car phones” [228]: Tranh
chấp hợp đồng mua bán điện thoại ô tô giữa người bán Đức và người mua Israel.
Trong tranh chấp này, về việc người bán không giao hàng đúng thời gian quy định,
Tòa án tỉnh Düsseldorf (Đức) đã phán quyết rằng: Vi phạm trong việc giao hàng không
đúng thời gian hợp đồng quy định được coi là vi phạm cơ bản hợp đồng theo tinh thần
của Điều 25 Công ước Viên nếu hai bên đã quy định trong hợp đồng rằng thời gian
giao hàng là một thời điểm cố định và nếu hai bên đều nhận thức rõ ràng rằng việc
giao hàng cần phải được thực hiện ở thời điểm cụ thể đó. Tòa án cũng nhấn mạnh
rằng, một vi phạm cơ bản hợp đồng thường không chỉ đơn thuần được xác định căn cứ
103

vào hành động giao hàng không đúng thời điểm quy định mà hơn thế nữa, việc tuân
thủ chính xác thời hạn giao hàng phải thực sự cần thiết đối với người mua, hay cụ thể
hơn, người mua thà rằng không nhận được hàng còn hơn là nhận được hàng giao
không đúng thời gian (giao chậm) và người bán phải ý thức được việc này từ thời điểm
giao kết hợp đồng. Tòa án tỉnh Düsseldorf (Đức) trong vụ “Shoes” [231] đã từng nhấn
mạnh rằng, tính quan trọng đặc biệt của thời gian giao hàng có thể được xác định từ
chính trong quy định của hợp đồng, chẳng hạn trong trường hợp một giao dịch khi thời
gian là thiết yếu hay trong những tình huống như hàng giao là hàng thời vụ. Trong vụ
“Shoes”, rõ ràng hai bên đã không quy định đây là một giao dịch rất quan trọng về mặt
thời gian. Đối tượng của hợp đồng không phải là hàng thời vụ và việc giao hàng không
đúng thời gian quy định cũng sẽ không tước đi của người mua các lợi ích mà người
mua mong đợi từ hợp đồng. Điều này có thể thấy rõ ràng từ thực tế rằng người mua đã
chấp nhận một phần hàng giao theo hợp đồng thậm chí 4 tháng sau thời điểm giao
hàng quy định ban đầu.
Quan điểm tương tự Tòa sơ thẩm tỉnh Düsseldorf (Đức) được Trọng tài
CIETAC đưa ra trong Vụ Cold-rolled coils [201] (tranh chấp giữa người bán Đức và
người mua TQ), theo đó ngày giao hàng cụ thể là yếu tố cơ bản của hợp đồng chỉ khi
người bán đề cập trong hợp đồng. Tuy nhiên, trong vụ việc này người bán lại không
nhấn mạnh ngày giao hàng trong hợp đồng.
Cũng cần lưu ý rằng, mặc dù hợp đồng quy định một thời gian giao hàng cụ thể
và người bán đã giao hàng không đúng thời gian quy định đó nhưng Tòa án không coi
việc vi phạm đó là vi phạm cơ bản dựa trên việc xem xét lợi ích của người mua có bị
tước đi do hành vi giao hàng chậm hay không. Cụ thể, vụ “Clothes” [229]: tranh chấp
hợp đồng mua bán quần áo giữa người bán Pháp và người mua Đức. Trong tranh chấp
này, người bán đã giao hàng chậm hơn hai ngày cho người chuyên chở theo quy định
hợp đồng. Người mua cho rằng, việc người bán giao hàng không đúng thời gian quy
định đã khiến hàng hóa trở nên “vô dụng” vì không thể được đem trưng bày tại cửa
hàng vào đầu mùa hè. Tuy nhiên, Tòa AG Ludwigsburg (Đức) đã bác lại quan điểm
của người mua khi cho rằng vi phạm của người bán không phải là vi phạm cơ bản hợp
đồng theo quy định của Điều 25 Công ước Viên bởi lẽ hàng hóa không hề mất chút giá
trị nào do việc giao hàng không đúng thời gian quy định và việc người mua có thể giới
thiệu hàng cho khách hàng chậm hơn hai ngày chỉ ảnh hưởng rất ít tới lợi ích của họ.
104

Quan điểm này của Tòa AG Ludwigsburg (Đức) cũng tương tự quan điểm của Tòa
Oldenburg (Đức) trong vụ “Clothes” [233]. Đây là tranh chấp giữa người bán Ý và
người mua Đức, theo đó người bán đã giao hàng chậm hai ngày. Tòa án Oldenburg
(Đức) đã cho rằng do thiếu các quy định cụ thể hơn trong hợp đồng, việc giao hàng
chậm hai ngày không bị coi là vi phạm cơ bản vì việc giao hàng chậm như vậy đã
không làm cho người mua bị tước đi bất kỳ lợi ích gì (tương tự vụ Bullet-proof vest
[242] và vụ Macromex Srl. v. Globex International, Inc [264]).
(ii) Đối với người mua
Đối với người mua, nghĩa vụ của người mua theo Công ước Viên là thanh
toán tiền hàng và nhận hàng [11, Điều 53]. Vì vậy, khi người mua vi phạm nghĩa vụ
này mà các bên không có thỏa thuận về hủy hợp đồng thì người bán có quyền tuyên
bố hủy hợp đồng khi người mua không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc Công
ước, tức là không thanh toán tiền hàng và nhận hàng, nhưng việc không thực hiện
nghĩa vụ này của người mua phải cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng, tức là thỏa
mãn các yếu tố xác định vi phạm cơ bản hợp đồng quy định tại Điều 25 Công ước
Viên [11, Điều 61].
Như đã phân tích ở chương 3, tòa án, trọng tài của một số quốc gia thành viên
Công ước đều thống nhất nhận định rằng, không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng như
không nhận hàng hoặc không thanh toán cho người bán đều thỏa mãn yếu tố cấu
thành vi phạm cơ bản hợp đồng quy định tại Điều 25 Công ước Viên. Khi giao kết
hợp đồng, người bán mong muốn nhận được tiền thanh toán, hàng giao được nhận,
vì thế những hành vi vi phạm này xem như đã gây ra cho người mua tổn hại, không
nhất thiết phải có tổn hại trong thực tế, đã tước đi đáng kể của người bán những gì
người bán có quyền kỳ vọng từ hợp đồng. Ví dụ, hành vi không thanh toán tiền hàng
của người mua trong các vụ vụ tranh chấp “Hat” [186], vụ tranh chấp “New Zealand
raw wool” [205], vụ “Styrene monomer” [200] hay người mua không nhận hàng trong
vụ Mung bean [192], vụ Horse bean [206]. Tương tự đối với người bán, đối với người
mua, tòa án, trọng tài cũng không chỉ xem xét hành vi vi phạm của người bán khi hết
thời hạn thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc Công ước mà tòa án, trọng tài còn
xem xét cả việc không thực hiện nghĩa vụ của người mua trong thời hạn mà người bán
đã gia hạn thêm để làm cơ sở xác định những gì người bán có quyền kỳ vọng từ hợp
đồng đã bị tước đi đáng kể, từ đó xác định vi phạm cơ bản hợp đồng và cho phép
105

người bán áp dụng chế tài hủy hợp đồng. Tòa án, Trọng tài cũng xác định việc người
mua không thanh toán tiền hàng (không mở L/C), không nhận hàng theo quy định của
hợp đồng hoặc trong thời gian gia hạn thêm là vi phạm cơ bản hợp đồng trong nhiều
vụ tranh chấp như vụ Chrome plating production line equipment [187], vụ Steel coil
[197], vụ Chemicals [211], vụ Mono Ethylene glycol [207], vụ Polyester spinning
machine [190], vụ Alumina [194], vụ Peanut kernel [212], vụ Australian raw wool
[203], vụ Yam-dyed fabric [191], vụ Childrens jackets [198].
4.2.1.2. Hủy hợp đồng khi người bán giao hàng không phù hợp với hợp đồng
cấu thành vi phạm cơ bản
Theo điểm a khoản 1 Điều 35 Công ước Viên, người bán buộc phải đảm bảo
giao hàng đúng số lượng, phẩm chất và mô tả trong hợp đồng. Như vậy, việc cung cấp
hàng hóa không đúng số lượng, phẩm chất và mô tả trong hợp đồng đến một giới hạn
nào đó sẽ bị xem là vi phạm cơ bản hợp đồng và do đó người mua được quyền hủy
hợp đồng. Như vậy, vấn đề đặt ra là làm sao để xác định vi phạm đó đã đến mức là vi
phạm cơ bản hay chưa?
(i) Trường hợp hàng hóa không phù hợp về số lượng
Trước hết, vì đây là một vi phạm mang tính hình thức, sự không phù hợp được
chia thành hai dạng: giao hàng thiếu và giao hàng thừa. Đối với trường hợp giao hàng
thiếu, vi phạm này thường bị xem là giao hàng chậm hoặc không giao hàng tùy theo
tình huống cụ thể và thường không bị xem là một vi phạm cơ bản. Bên cạnh đó, Công
ước Viên đã quy định các biện pháp xử lý thay vì áp dụng ngay chế tài hủy hợp đồng
như buộc thực hiện đúng hợp đồng, bồi thường thiệt hại (nếu có). Đối với trường hợp
hàng hóa bị giao thừa, theo tinh thần Công ước Viên thì vi phạm này cũng không bị
xem là vi phạm cơ bản. Vì theo lẽ thường hàng hóa vẫn phù hợp với các tiêu chí khác
như khả năng bán lại được (thương mại), khả năng sử dụng được, do đó vẫn tồn tại
khả năng người mua bán lại phần hàng thừa cho bên thứ ba. Tuy nhiên, lý do này
không làm mất đi quyền của người mua được quy định tại khoản 2 Điều 51 Công ước
Viên: đó là người mua có thể chấp nhận hay từ chối số lượng hàng giao thừa. Trong
trường hợp người mua chấp nhận toàn bộ hoặc một phần số lượng hàng giao thừa,
người mua phải trả thêm số tiền tương đương với phần hàng đó. Dựa trên nguyên tắc
thiện chí quy định tại Điều 7 và nguyên tắc áp dụng tập quán, thói quen thương mại
theo Điều 9 Công ước Viên, phần hàng thừa có thể được người mua giữ lại và bảo
106

quản một cách phù hợp trước khi hai bên có biện pháp xử lý khác. Nếu vì lý do đảm
bảo đóng gói hoặc chứng từ phù hợp, người mua không thể từ chối và không
muốn/không thể bảo quản phần hàng thừa, người mua có thể từ chối toàn bộ số hàng
được giao. Tuy nhiên, vì đây không phải là một vi phạm cơ bản, người mua không
được quyền hủy hợp đồng.
Thực tiễn, trong số hơn 392 vụ có áp dụng quy định về vi phạm cơ bản thì
không có trường hợp nào giao thiếu hàng hay giao thừa hàng cấu thành vi phạm cơ
bản và lẽ tất nhiên sẽ không bị áp dụng chế tài hủy hợp đồng mà chủ yếu là áp dụng
chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng. Như vậy, nói chung giao hàng nhầm số lượng
không bị xem là một vi phạm cơ bản và không dẫn đến hệ quả pháp lý là hợp đồng bị
hủy.
(ii) Trường hợp hàng hóa không phù hợp về phẩm chất và mô tả trong hợp
đồng
Điều 35 khoản 1 Công ước Viên quy định người mua có nghĩa vụ phải giao
hàng phù hợp với phẩm chất và mô tả trong hợp đồng. Trong trường hợp hàng được
giao bị khiếm khuyết, đây sẽ là cơ sở để tính toán liệu người bán có vi phạm cơ bản
dẫn đến người mua có quyền hủy hợp đồng hay không. Nói cách khác, sự không phù
hợp về phẩm chất và mô tả có nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng đến mức
cấu thành một vi phạm cơ bản không. Không phải bao giờ sự không phù hợp của hàng
hóa về phẩm chất và mô tả theo hợp đồng cũng cấu thành một vi phạm cơ bản. Nếu sự
không phù hợp chỉ diễn ra ở một phạm vi không đáng kể và người bán vẫn có khả
năng sửa chữa khiếm khuyết cũng như khắc phục hậu quả một cách hợp lý thì vi phạm
của người bán chưa đến mức bị xem là vi phạm cơ bản. Bên cạnh đó, cũng có những
trường hợp khiếm khuyết về phẩm chất và mô tả xuất hiện do quá trình vận chuyển,
bốc dỡ… hoặc là lỗi ẩn tỳ, việc xác định vi phạm cơ bản cũng trở nên khó khăn. Chính
vì vậy, không phải bao giờ người mua cũng có quyền hủy hợp đồng trong trường hợp
hàng hóa không phù hợp với phẩm chất và mô tả theo hợp đồng.
Nếu các bên không có thỏa thuận khác thì hàng hóa bị coi là không phù hợp với
hợp đồng: (i) không thích hợp cho mục đích sử dụng mà hàng hóa cùng loại vẫn
thường áp dụng; (ii) không thích hợp cho bất kỳ mục đích sử dụng cụ thể nào mà
người bán đã biết rõ ràng hoặc tự hiểu vào lúc giao kết hợp đồng; (iii) không phù hợp
với mẫu; (iv) không phù hợp về đóng gói [11, khoản 2 Điều 35]. Trong các trường hợp
107

hàng giao không phù hợp này, đáng chú ý là hàng hóa được giao không phù hợp cho
mục đích sử dụng hay mục đích cụ thể của người mua. Như đã phân tích ở chương 3,
những căn cứ này là cơ sở để xác định mục đích mua hàng của người mua trong hoạt
động thương mại nói chung, mua bán hàng hóa nói riêng, tức là mua hàng để bán lại
hoặc để sử dụng cho mục đích nào đó như mục đích để sản xuất. Vì thế, xác định mục
đích mua hàng luôn gắn liền với việc xác định những gì người mua có quyền kỳ vọng
từ hợp đồng. Quan điểm của tòa án trong vụ “Café inventory” [232] đã khẳng định
thực tiễn vận dụng quy định nói trên, theo đó Tòa phúc thẩm Hamburg (Đức) đã cho
rằng: khi chất lượng hàng hóa được giao không phù hợp với hợp đồng thì sự không
phù hợp đó phải lớn đến mức hàng hóa trở nên vô dụng đối với người mua mới được
xác định là vi phạm cơ bản hợp đồng. Nếu hàng giao có chất lượng không phù hợp với
hợp đồng nhưng vẫn có thể sử dụng được hàng hóa đó, thậm chí chỉ sử dụng trong
giới hạn, sẽ không cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng. Bên cạnh đó, mặc dù chất
lượng hàng giao không phù hợp với hợp đồng đến mức hàng không thể sử dụng được
nhưng nếu người mua không thể chứng minh được hàng hóa không phù hợp về chất
lượng đến mức làm mất khả năng sử dụng của hàng hóa thì không phải là vi phạm cơ
bản hợp đồng.
Vì chế tài của hành vi giao hàng không phù hợp với hợp đồng cấu thành vi
phạm cơ bản là rất nặng nề - người mua có quyền tuyên bố hủy hợp đồng nên việc
xem xét giao hàng không phù hợp với hợp đồng cầu thành vi phạm cơ bản hợp đồng
có nên hay không cho phép hủy hợp đồng cũng được Công ước Viên đặc biệt nhấn
mạnh tại Điều 48. Nói cách khác, quyền tuyên bố hủy hợp đồng của người mua dựa
trên hàng hóa được giao không phù hợp cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng tại
điểm a khoản 1 Điều 49 bị giới hạn.Tuy nhiên, mặc dù cụm từ “với điều kiện tuân
thủ Điều 49” quy định trong khoản 1 Điều 48 Công ước Viên là không rõ ràng,
nhưng hầu hết các nhà bình luận Công ước viên đều nhận thấy sự phụ thuộc lẫn
nhau giữa khoản 1 Điều 48 và điểm a khoản 1 Điều 49, theo đó nếu người mua phát
hiện hàng giao không phù hợp thì cũng không thể bác bỏ quyền sửa chữa hàng hoá của
người bán chỉ bằng cách đơn giản là nhanh chóng thông báo huỷ hợp đồng. Nói cách
khác, miễn là hàng đã giao không đúng hợp đồng có thể được sửa chữa nhanh chóng
và không gây cho người mua trở ngại lớn nào thì vi phạm đó không được coi là vi
108

phạm cơ bản, trừ khi và cho tới khi người bán không sửa chữa được hàng hóa dù đã có
cơ hội để khắc phục [123, tr.235].
Quyền khắc phục sự không phù hợp của hàng hóa của người bán thực chất là
việc bắt buộc người bán hoàn thành các nghĩa vụ. Mục đích của biện pháp này là đảm
bảo hợp đồng vẫn được thực hiện trên cơ sở mất đi một số chi phí cơ hội nhất định. Là
biện pháp mang tính phủ định chế tài hủy hợp đồng, nếu sự không phù hợp của hàng
hóa được giao còn có thể khắc phục được mà không khiến các bên phải chịu các phí
tổn hoặc chậm trễ không đáng có, người mua sẽ mất đi quyền áp dụng chế tài hủy hợp
đồng. Để khắc phục sự không phù hợp của hàng được giao người bán có thể sửa chữa
phần hàng hóa không phù hợp hoặc giao hàng thay thế.
Trong trường hợp phát hiện hàng hóa không phù hợp với hợp đồng, người bán
có thể chủ động đưa ra lời đề nghị khắc phục sự không phù hợp của hàng hóa cũng
như đề nghị người mua gia hạn thêm một thời gian hợp lý để người bán thực hiện các
biện pháp khắc phục. Bên cạnh đó, người mua cũng phải tạo cơ hội cho người bán
thực hiện việc khắc phục sự không phù hợp của hàng hóa cũng như gia hạn thêm thời
gian hợp lý để người bán hoàn thành nghĩa vụ của mình. Như vậy, nếu người bán
không khắc phục được sự không phù hợp của hàng được giao thì coi như vi phạm cơ
bản hợp đồng và người mua có quyền hủy hợp đồng. Điều này được thể hiện trong
thực tiễn vận dụng quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng bởi tòa án Tòa phúc thẩm
Koblenz (Đức) trong vụ Acrylic blankets [238], theo đó tòa án đã tuyên rằng không có
vi phạm cơ bản hợp đồng nếu có một đề nghị nghiêm túc khắc phục vi phạm của bên vi
phạm. Trong vụ tranh chấp này, người mua đã khởi kiện người bán đòi hủy hợp đồng
vì người bán giao hàng bị lỗi và 5 cuộn chăn acrylic bị thất lạc. Tòa án còn cho rằng,
khi xem xét vi phạm cơ bản hợp đồng không chỉ xem xét đến tính nghiêm trọng của sự
không phù hợp (khiếm khuyết) mà còn xem xét người bán có sẵn sàng khắc phục vi
phạm mà không gây ra những trở ngại bất hợp lý cho người mua hay không. Vì vậy,
trong trường hợp trên, sự không phù hợp nghiêm trọng của chất lượng hàng hóa không
cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng vì người bán đã đề nghị khắc phục vi phạm bằng
cách giao hàng bổ sung. Quan điểm này của Tòa phúc thẩm Koblenz (Đức) cũng
tương đồng với quan điểm của Tòa phúc thẩm Grenoble (Pháp) trong vụ Marques
Roque Joachim v. Manin Rivière [217] tranh chấp giữa người bán Pháp và người mua
Tây Ban Nha, theo đó người bán Pháp bán hàng mái che kho hàng đã qua sử dụng cho
109

người mua Tây Ban Nha, giá bán hàng bao gồm chi phí tháo dỡ và chi phí vận chuyển.
Người mua đã từ chối thanh toán khoản tiền còn lại với lý do kim loại được tháo dỡ đã
bị lỗi. Tòa phúc thẩm Grenoble (Pháp) cho rằng phần kim loại lỗi đó chỉ liên quan tới
một phần của mái che và các phần kim loại lỗi có thể khắc phục được (sửa chữa được)
bởi người bán nên sự không phù hợp này không cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng.
Tương tự, trong vụ GMS modules [258]: Tòa án quận Zug (Thụy sĩ) cho rằng sẽ không
có sự không phù hợp nghiêm trọng nếu người bán có thể khắc phục sự không phù hợp
đó mà không gây ra bất kỳ thiệt hại thương mại bất hợp lý nào cho người mua. Quan
điểm này của tòa án cũng đã được khẳng định trong vụ Oven [256] (không có vi phạm
cơ bản nếu người bán sửa chữa khiếm khuyết một cách không chậm trễ) và vụ Shoes
[226] (thậm chí sự không phù hợp về chất lượng là nghiêm trọng vẫn không phải là vi
phạm cơ bản hợp đồng nếu người bán sẵn sàng thay thế hàng hóa mà không gây cho
người mua gánh nặng bất hợp lý nào).
Ngoài ra, để xác định vi phạm cơ bản hợp đồng làm căn cứ áp dụng chế tài hủy
hợp đồng tòa án còn dựa vào việc người bán đã cố gắng khắc phục vi phạm như thế
nào và cả trường hợp khắc phục không thành công. Ở vụ tranh chấp Furniture, người
bán Úc, nhà sản xuất đồ nội thất, đã thỏa thuận sản xuất ghế da cho người mua Đức.
Người mua Đức đã bán ghế da cho một trong số khách hàng của người mua Đức và
người này phát hiện đồ nội thất không phù hợp với hợp đồng. Người mua yêu cầu
người bán sửa chữa sự không phù hợp đó. Thậm chí sau khi ghế da đã được sửa chữa
người mua vẫn cho rằng ghế da không phù hợp với hợp đồng và tuyên bố hủy hợp
đồng. Tòa phúc thẩm Oldenburg (Đức) cho rằng mặc dù người bán đã nỗ lực khắc
phục sự không phù hợp của hàng hóa nhưng ghế da được sửa vẫn không phù hợp với
hợp đồng và điều này đã cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng cho phép người mua có
quyền tuyên bố hủy hợp đồng [219].
Bên cạnh đó, nếu người bán có khả năng và sẵn sàng khắc phục sự không phù
hợp của hàng hóa được giao nhưng người mua không tạo cơ hội cho người bán khắc
phục sự không phù hợp của hàng hóa thì người mua không có quyền áp dụng chế tài
hủy hợp đồng. Trên thực tế có rất nhiều tranh chấp mà người mua đã bị mất quyền hủy
hợp đồng do cơ quan giải quyết tranh chấp phát hiện ra người mua đã không tạo điều
kiện cho người bán áp dụng các biện pháp mang tính phục hồi, khắc phục vi phạm.
Chẳng hạn, trong vụ Cloth [241], tranh chấp về hợp đồng mua bán vải dệt giữa người
110

mua Ý và người bán Đức. Sau khi hàng được giao, người mua đã khiếu nại vải không
đảm bảo tính phù hợp như đã thỏa thuận (vải không đúng cỡ để sản xuất váy và áo)
cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng. Tòa án của Đức cho rằng người mua không được
quyền hủy hợp đồng theo điểm a khoản 1 Điều 49 Công ước Viên vì người mua đã
không tạo điều kiện cho người bán thực hiện các quyền tại Điều 48 cũng như không
gia hạn thêm thời gian để người bán phục hồi tính phù hợp của hàng hóa theo Điều 47
Công ước.
Đối với hợp đồng giao hàng từng phần, nếu người bán chỉ giao một phần hàng
hóa hoặc nếu chỉ một phần hàng hóa đã giao phù hợp với hợp đồng thì người mua có
quyền hủy hợp đồng đối với phần giao thiếu hoặc phần hàng được giao không phù hợp
đó [11, khoản 1 Điều 51]. Người viết cho rằng, mặc dù điều khoản này nhắc lại quy
tắc đã được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 49 Công ước Viên, nhưng việc này là
cần thiết làm cho quy định rõ ràng hơn trong trường hợp người bán chỉ thực hiện
một phần nghĩa vụ hợp đồng. Thêm vào đó, từ “chỉ” sử dụng trong quy định này cho
thấy rằng toàn bộ hợp đồng sẽ không thể bị hủy trong trường hợp người bán không thể
giao một phần hàng hóa ngay cả khi được gia hạn thêm nếu việc giao hàng không
đầy đủ không cấu thành vi phạm cơ bản. Nếu người bán không giao hàng đầy đủ hoặc
giao hàng không phù hợp với hợp đồng cầu thành vi phạm cơ bản hợp đồng thì người
mua có quyền tuyên bố hủy toàn bộ hợp đồng.
4.2.1.3. Hủy hợp đồng khi vi phạm cơ bản dự đoán trước
Bên cạnh quy định quyền tuyên bố hủy hợp đồng của người bán hoặc của
người mua, Công ước Viên cũng quy định các trường hợp cả người bán và người
mua đều có quyền hủy hợp đồng, đó là vi phạm cơ bản hợp đồng dự đoán trước.
Quy tắc về “vi phạm hợp đồng dự đoán trước” có thể tóm tắt như sau: Trước khi đến
hạn thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng theo thỏa thuận, nếu bên có quyền biết được
rằng nghĩa vụ sẽ không được thực hiện hoặc có căn cứ để nghi ngờ rằng nghĩa vụ sẽ
không thể thực hiện, thì có thể thực hiện ngay các quyền hoặc một số quyền mà thông
thường chỉ được dành cho các trường hợp nghĩa vụ đã không được thực hiện trên thực
tế [76, tr.230].
Công ước Viên áp dụng quy tắc “vi phạm dự đoán trước”, quy tắc rất phổ biến
đối với các quốc gia theo hệ thống luật common law. Khoản 1 Điều 72 Công ước cho
phép một bên hủy hợp đồng khi dự liệu trước được khả năng vi phạm cơ bản hợp đồng
111

của bên kia với nội dung: Nếu trước ngày quy định cho việc thực hiện hợp đồng mà
một bên rõ ràng sẽ vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng thì bên kia có thể tuyên bố huỷ
hợp đồng. Tương tự Công ước Viên, PICC cũng quy định: Một bên có căn cứ để hủy
hợp đồng nếu, trước thời hạn, rõ ràng sẽ có việc không thực hiện chủ yếu từ phía bên
kia [10, Điều 7.3.3].
Bản bình luận về Công ước Viên của Hội đồng thư ký UNCITRAL đã chỉ ra
rằng, vi phạm cơ bản hợp đồng dự đoán trước là rõ ràng có thể do nguyên nhân những
ngôn ngữ và hành động của một bên hình thành một lời từ chối chấp nhận hợp đồng
hoặc do một thực tế khách quan, chẳng hạn việc nhà máy của người bán bị phá hủy do
đám cháy, hay việc công bố lệnh cấm vận, hoặc việc kiểm soát tiền tệ khiến cho hợp
đồng không thể được thực hiện trong tương lai [162]. Thêm vào đó, việc một bên
không thể đưa ra những đảm bảo đầy đủ rằng anh ta sẽ thực hiện hợp đồng khi được
yêu cầu một cách đúng đắn cũng khiến cho việc anh ta sẽ gây ra vi phạm cơ bản trở
nên rõ ràng [162]. Rõ ràng là, một “đảm bảo đầy đủ” được hình thành tùy thuộc vào
các tình tiết cụ thể, bao gồm vị thế và uy tín của người cam kết, việc thực hiện các
nghĩa vụ trước đó của hợp đồng, và bản chất của sự kiện khiến cho việc thực hiện hợp
đồng của một bên trở nên không chắc chắn. Nói chung, để một đảm bảo là đầy đủ
phải có các chứng cứ hợp lý thể hiện rằng một bên sẽ thực hiện hợp đồng hoặc một
đảm bảo rằng bên đó sẽ đền bù cho bên kia mọi thiệt hại phát sinh khi bên kia thực
hiện các nghĩa vụ của mình. Trong thực tế, có rất ít trường hợp một lời tuyên bố ý
định và khả năng thực hiện hợp đồng hình thành một “đảm bảo đầy đủ”. Một đảm bảo
đầy đủ phải bao gồm những bằng chứng xác thực hơn, ví dụ như một điều khoản
thanh toán khác, hoặc một bảo lãnh thanh toán của một ngân hàng uy tín hay bên thứ
ba. Tòa án trong vụ Shoes [222], theo đó Người mua Đức đặt mua của người bán Ý
140 đôi giày mùa đông, đã cho rằng: Sau khi sản xuất giày theo đơn đặt hàng, người
bán yêu cầu người mua đảm bảo thanh toán hàng hóa vì người mua vẫn còn những hóa
đơn khác chưa thanh toán cho người bán. Tuy nhiên, người mua không thanh toán
cũng như không cung cấp cho người bán đảm bảo thanh toán. Vì vậy, người bán đã
tuyên bố hủy hợp đồng và bán lại 140 đôi giày mùa đông cho nhà bán lẻ khác. Tòa án
cho rằng việc người mua không cung cấp đảm bảo thanh toán đơn hàng mới cho
người bán, trong khi chưa thanh toán các đơn hàng cũ là quá rõ ràng cho một sự vi
112

phạm cơ bản hợp đồng. Vì vậy, người bán có quyền hủy bỏ hợp đồng theo Điều 72
Công ước Viên.
Hơn nữa, trước khi đến hạn thực hiện hợp đồng nếu người mua không mở Thư
tín dụng phù hợp với hợp đồng [189] hoặc không cung cấp đảm bảo thực hiện hợp
đồng [265] thì hiển nhiên rằng người mua sẽ gây ra vi phạm cơ bản hợp đồng nên
người bán có quyền tuyên bố hủy hợp đồng. Bên cạnh đó, trước khi đến hạn thực hiện
hợp đồng mà người bán từ chối cam kết ngày giao hàng cụ thể và khuyên người mua
mua hàng từ nguồn cung cấp khác [195], tuyên bố không thể tìm được hàng và khả
năng tìm được hàng thay thế là rất thấp [197], giao bản vẽ chưa hoàn thiện để sản xuất
hàng hóa và không đảm bảo một cách hợp lý sẽ hoàn thiện bản vẽ đó [246] thì người
mua có quyền tuyên bố hủy hợp đồng.
Khoản 2 Điều 72 Công ước Viên tưởng chừng có mục đích giới hạn quyền hủy
hợp đồng trong các trường hợp mà người cam kết không thể đưa ra đảm bảo đầy đủ
sau khi được thông báo hợp lý bởi bên kia. Tuy nhiên, những phân tích ở trên về
khoản 1 Điều 72 đã cho thấy rằng điều khoản này còn mục đích khác là đưa ra một
dẫn chứng để thử nghiệm tính rõ ràng của việc một bên sẽ vi phạm cơ bản hợp đồng
dự đoán trước.
Trong trường hợp hợp đồng giao hàng từng phần, nếu một bên không thực hiện
một nghĩa vụ đối với một lần giao hàng làm cho bên kia có lý do xác đáng để cho
rằng sẽ có một sự vi phạm cơ bản hợp đồng với các lần giao hàng trong tương lai thì
bên kia có thể tuyên bố hủy hợp đồng đối với các lần giao hàng trong tương lai, với
điều kiện phải làm việc đó trong một thời hạn hợp lý [11, khoản 1 Điều 73]. Mặc dù
khoản 3 Điều 73 Công ước Viên không có ý nào nhắc đến vi phạm cơ bản nhưng
trong mối quan hệ với khoản 1 Điều 73 và khoản 2 Điều 73, có thể rút ra rằng, một
vi phạm cơ bản xảy ra trong bất kỳ lần giao hàng nào, hay được dự đoán sẽ xảy ra
trong tương lai sẽ cho bên bị vi phạm quyền hủy hợp đồng chuyến hàng đó, những
chuyến hàng tương lai và những chuyến hàng quá khứ, hay thậm chí toàn bộ các lô
hàng theo hợp đồng nếu như “có sự phụ thuộc lẫn nhau, các lô hàng này không thể sử
dụng được cho mục đích do hai bên đã dự tính vào lúc giao kết hợp đồng” [11, khoản
3 Điều 73]. Chẳng hạn, vụ Doolim Corp. v. R Doll, LLC, et al. [265]: Từ tháng 4 đến
tháng 7/2007, người bán Hàn Quốc và người mua Hoa Kỳ đã ký kết một loạt hợp
đồng, theo đó người bán sản xuất và giao gần 500,000 bộ quần áo phụ nữ cho người
113

mua ở New York. Căn cứ các điều khoản của đơn hàng, người mua có nghĩa vụ thanh
toán tiền hàng cho người bán trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận hàng. Vào tháng
7 và 8/2007, người bán đã giao một phần đơn hàng cho người mua, người mua đã nhận
hàng nhưng không thanh toán tiền hàng cho người bán. Trong hai tháng 10 và 11 sau
đó, sau khi người bán nhận được bảo đảm của người mua sẽ thanh toán tiền hàng đã
giao, người bán giao tiếp hàng cho người mua. Sau đó, người bán đồng ý cho bán hạ
giá hàng trong 5 chuyến nhưng người mua không thanh toán theo lịch trình giao hàng,
người bán đã ngừng các giao hàng tiếp và khởi kiện người mua. Tòa án New York cho
rằng người bán được quyền hủy hợp đồng và từ chối giao hàng tháng 11 và số quần áo
còn lại bởi vì người mua đã liên tục không thanh toán tiền hàng cho người bán. Điều
này chứng tỏ rằng người mua không thể hoặc không có khả năng thanh toán tiền hàng
đã thỏa thuận. Bên cạnh đó, cuối tháng 1/2008, người mua không thanh toán tổng số
tiền $530,000 đã hết hạn thanh toán vào 14 và 28/12/2007 và người mua cũng không
đảm bảo được rằng anh ta có thể thanh toán cho người bán bất kỳ khoản thanh toán
nào cho số hàng đã nhận trước đó. Như vậy, rõ ràng người bán có cơ sở xác đáng để
tin rằng người mua sẽ tiếp tục vi phạm cơ bản hợp đồng cho các lần giao hàng vào
tháng 11 và số hàng còn lại. Vì vậy, người bán có quyền tuyên bố hủy hợp đồng theo
khoản 2 Điều 73 Công ước Viên.
Quy định tại khoản 1 Điều 72 và khoản 2 Điều 73 Công ước Viên đều có thể áp
dụng để tuyên bố hủy hợp đồng đối với vi phạm cơ bản dự đoán trước. Tuy nhiên, sự
khác nhau ở 2 điều khoản này là ở chỗ: khoản 1 Điều 72 áp dụng khi một bên thấy “rõ
ràng” rằng bên kia sẽ gây ra vi phạm cơ bản dự đoán trước đối với hợp đồng giao hàng
1 lần, trong khi đó khoản 2 Điều 73 áp dụng khi một bên “có lý do xác đáng” để cho
rằng có sự vi phạm cơ bản hợp đồng đối với hợp đồng giao hàng từng phần (lần giao
hàng trong tương lai). Chẳng hạn, vụ Downs Investments v. Perwaja Steel [183]:
Người bán Úc ký hợp đồng với người mua Malaysia mua phế liệu. Theo hợp đồng,
trước khi giao hàng, người mua phải mở L/C không hủy ngang cho người bán hưởng.
Ngay trươc khi mở L/C cho người bán hưởng, người mua thay đổi cơ cấu tổ chức và
quản lý. Theo mô hình quản lý mới, người mua có nghĩa vụ xin phép Hội đồng quản
trị trước khi mở L/C. Tuy nhiên, Hội đồng quản trị không thể đưa ra bất cứ chỉ đạo nào
trong thời gian ngắn nên người mua đã không mở được L/C như yêu cầu của người
bán. Vì thế, người bán đã tuyên bố hủy hợp đồng. Tòa án tối cao Queensland cho rằng,
114

việc người mua không mở L/C là vi pham cơ bản hợp đồng, vì vậy người bán có quyền
tuyên bố hủy hợp đồng theo Điều 72 Công ước Viên.
Đối với hợp đồng giao hàng từng phần, nếu một bên mất đi, một cách hợp pháp,
niềm tin vào việc thực hiện hợp đồng trong tương lai của bên kia và không có cơ sở để
chờ đợi bên kia tiếp tục thực hiện hợp đồng, tòa án thường cho rằng có vi phạm cơ bản
hợp đồng trong những trường hợp đó. Chẳng hạn, vụ BRI Production "Bonaventure"
v. Pan African Export [215]: Người mua Hoa Kỳ ký hợp đồng với người bán (nhà sản
xuất Pháp) để sản xuất quần jean “Bonaventure” và tuyên bố việc bán lại quần jean chỉ
được tiến hành ở Nam Mỹ hoặc châu Phi. Trong quá trình đàm phán hợp đồng và thực
hiện hợp đồng, người bán nhiều lần yêu cầu người mua chứng minh điểm đến của
hàng bán. Thực tế, chuyến hàng thứ hai, người mua đã bán lại số quần jean cho cửa
hàng thời trang ở Madrid (Tây Ban Nha) và sau đó người mua từ chối tiết lộ địa điểm
giao hàng chính xác của người mua cũng như cung cấp cho luật sư của người bán
thông tin sai lệch. Tòa phúc thẩm Grenoble (Pháp) cho rằng các bên hiểu rõ ràng việc
bán lại chỉ được phép thực hiện ở Nam Mỹ hoặc châu Phi nên việc người mua bán lại
hàng ở Tây Ban Nha đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới những gì người bán kỳ vọng
từ hợp đồng và làm hệ thống phân phối của người bán bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tòa phúc thẩm Grenoble đã dẫn chiếu tới khoản 2 Điều 72 Công ước Viên và xử rằng
việc người mua vi phạm cơ bản hợp đồng nói trên đã cho người bán đủ lý do để kết
luận rằng người mua cũng sẽ vi phạm cơ bản hợp đồng những lần giao hàng tiếp sau
[215]. Quan điểm tương tự cũng được trọng tài đưa ra trong vụ Soinco v. NKAP [259]:
Người bán Nga ký hợp đồng bán nhôm cho người mua (nhóm công ty đúc nhôm ở
Argentina và Hungary). Tháng 12/1994, người bán được tư nhân hóa và chủ sở hữu
mới của người bán đã ngừng giao hàng nhôm nguyên liệu cho người mua từ 1/1995 trở
đi trong khi chờ đợi cuộc điều tra nội bộ. Tuy nhiên, sau đó hàng hóa đã không bao giờ
được giao cho người mua. Người mua đã khởi kiện người bán ra trọng tài ở Zürich.
Hội đồng trọng tài cho rằng, rõ ràng việc người bán đã cố ý ngừng giao hàng cho
người mua là vi phạm cơ bản hợp đồng và đây là vi phạm đối với hợp đồng giao hàng
từng phần, vì vậy căn cứ Điều 49, 72 và 73 Công ước Viên người mua có quyền tuyên
bố hủy hợp đồng.
Thực tiễn vận dụng quy định vi phạm cơ bản hợp đồng cho thấy, tòa án, trọng
tài chấp nhận tuyên bố hủy hợp đồng của người mua trong thời gian hợp lý do có lý do
115

xác đáng để tin rằng có vi phạm cơ bản hợp đồng đối với các lần giao hàng trong
tương lai trong các trường hợp sau: nếu người bán không giao hàng dù người mua đã
thanh toán tiền hàng chuyến đầu tiên [260]; người bán không giao chuyến hàng đầu
tiên [261]; người bán từ chối giao hàng tiếp vì giá mặt hàng cherry trên thị trường tăng
nhanh [244]; người bán giao chậm 3 chuyến hàng đã phá vỡ việc sản xuất của người
mua [251]. Đối với người bán, người bán có quyền tuyên bố hủy hợp đồng trong thời
gian hợp lý đối với lần giao hàng trong tương lai nếu: việc không mở thư tín dụng của
người mua làm cho người bán có lý do xác đáng để kết luận người mua sẽ không thanh
toán tiền hàng [246]; người mua tuyên bố không chấp nhận các lần giao hàng tương lai
trong thời hạn hợp đồng mặc dù người mua có nghĩa vụ này [234].
Tương tự Công ước Viên, PICC và PECL cũng áp dụng quy tắc “vi phạm dự
đoán trước”, cụ thể: Điều 7.3.3 của PICC quy định “Nếu trước ngày thực hiện nghĩa
vụ của một bên mà có chứng cứ rõ ràng là bên kia sẽ không thực hiện cơ bản thì bên
có chứng chứ có thể chấm dứt hợp đồng”; Điều 8:105 của PECL quy định “Một bên
có lý do xác đáng tin rằng bên kia sẽ không thực hiện cơ bản hợp đồng có thể yêu cầu
bên kia đảm bảo thực hiện hợp đồng hợp lý và trong thời gian đó có thể từ bỏ thực
hiện nghĩa vụ của mình cho đến khi niềm tin đó còn tiếp tục, (2) Nếu bên kia không
cung cấp đảm bảo thực hiện hợp đồng trong thời hạn hợp lý, bên yêu cầu có thể chấm
dứt hợp đồng nếu vẫn tin rằng bên kia sẽ không thực hiện cơ bản nghĩa vụ hợp
đồng…”.
Nói chung, một bên chỉ áp dụng các chế tài theo Công ước khi bên kia có hành
vi vi phạm, chẳng hạn khi người bán không giao hàng vào thời gian và địa điểm đã
thoả thuận hoặc giao hàng không phù hợp với hợp đồng. Tuy nhiên, nếu trước ngày
quy định cho việc thực hiện hợp đồng, một bên vì những lý do khác mà thấy rõ rằng
bên kia sẽ vi phạm cơ bản hợp đồng thì khoản 1 Điều 72 và khoản 2 Điều 73 Công
ước Viên cho phép một bên được tuyên bố huỷ hợp đồng, từ đó giải phóng cả hai bên
khỏi việc thực hiện nghĩa vụ của họ.
Khi hợp đồng bị hủy, theo Công ước Viên, làm phát sinh những hậu quả pháp
lý rất nặng nề không chỉ đối với chính bản hợp đồng đã được các bên thỏa thuận, ký
kết và thực hiện mà còn đối với quyền và nghĩa vụ của các bên, cụ thể:
- Chấm dứt hiệu lực của hợp đồng có hiệu lực hồi tố
Khi hợp đồng bị hủy, hợp đồng sẽ không còn hiệu lực đối với các bên, đồng
nghĩa với việc các bên chấm dứt thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau, giải phóng
116

các bên khỏi việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng hiện tại và trong tương lai. Tức là,
người bán (người mua) hủy hợp đồng thì người mua được giải phỏng khỏi việc thực
hiện nghĩa vụ thanh toán và nhận hàng, đồng thời giải phóng người bán khỏi nghĩa vụ
giao hàng, nghĩa vụ chuyển giao quyền sở hữu về hàng hóa và nghĩa vụ giao chứng từ
liên quan đến hàng hóa cho người mua.
Như vậy, mặc dù hậu quả pháp lý chính của việc hủy hợp đồng là giải phòng
các bên khỏi việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng hiện tại và trong tương lai nhưng điều
này không có nghĩa rằng tất cả các điều khoản của hợp đồng cũng tự động hết hiệu
lực. Công ước Viên quy định “Việc hủy hợp đồng không ảnh hưởng đến việc giải
quyết các tranh chấp hay đến các quyền và nghĩa vụ của hai bên trong trường hợp hợp
đồng bị hủy”. Mục đích của quy định này là để ngăn chặn việc chấm dứt hoàn toàn
hiệu lực hợp đồng. Các điều khoản giải quyết tranh chấp không chỉ giúp các bên bảo
đảm quyền và lợi ích của mình mà còn là công cụ bổ trợ cho việc hủy hợp đồng. Điều
này đặc biệt quan trọng bởi xung đột sẽ càng trầm trọng thêm nếu không có được một
phương án dự phòng để giải quyết thỏa đáng, đảm bảo được sự tin tưởng của các bên
vào các biện pháp, điều luật áp dụng.
- Phát sinh nghĩa vụ hoàn lại những gì đã cung cấp hoặc đã thanh toán
Sự hủy hợp đồng có hiệu lực hồi tố và đặt các bên trở lại tình trạng trước khi ký
kết hợp đồng, những nghĩa vụ chưa thi hành thì sẽ bị hủy và những nghĩa vụ đã thi
hành thì sẽ được thu hồi lại. Khoản 2 Điều 82 Công ước Viên quy định rằng, khi hợp
đồng bị hủy, bên nào đã thực hiện một phần hoặc toàn phần hợp đồng có thể đòi bên
kia hoàn lại “những gì họ đã cung cấp hay đã thanh toán” theo hợp đồng (khi thực hiện
hợp đồng). Chính hợp đồng bị hủy đã làm thay đổi quan hệ hợp đồng giữa người bán
và người mua sang quan hệ hoàn lại.
Đối với người bán, nếu trong quá trình thực hiện hợp đồng người mua đã thanh
toán toàn bộ hoặc một phần giá trị hợp đồng cho người bán thì khi hợp đồng bị hủy
người mua có quyền yêu cầu người bán hoàn lại số tiền mà người mua đã thanh toán
cho người bán theo hợp đồng. Đối với người mua, nếu người bán đã giao một phần
hoặc toàn bộ hàng hóa theo hợp đồng, khi hợp đồng bị hủy, người bán có quyền yêu
cầu người mua hoàn trả lại một phần hoặc toàn bộ hàng hóa đã giao trong tình trạng
“về thực chất giống như tình trạng khi họ nhận hàng đó” (khoản 1 Điều 82 Công ước
Viên). Điều này có nghĩa là nghĩa vụ hoàn lại thuộc về người mua theo quy định tại
117

khoản 2 Điều 81 Công ước Viên không nhằm đặt người mua vào vị trí của mình nếu
hợp đồng được thực hiện đầy đủ hoặc hợp đồng không được ký kết mà thay vào đó là
yêu cầu hoàn trả hàng hóa thực tế đã giao, thậm chí số hàng hóa đó bị tổn thất trong
quá trình trả lại.
Người mua đồng thời cũng phải hoàn trả cho người bán “số tiền tương đương
với mọi lợi nhuận” mà người mua đã được hưởng từ hàng hóa hoặc một phần hàng
hóa. Tương tự, người bán phải hoàn lại tiền hàng cho người mua có nghĩa vụ theo
khoản 1 Điều 84 Công ước Viên, trả tiền lãi trên tổng số tiền hàng đó đến khi số tiền
được trả lại. Tuy nhiên, người bán không chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại với
những tổn thất xảy ra khi người bán từ chối hoàn lại tiền cho người mua. Như vậy,
theo khoản 2 Điều 81 Công ước Viên thì hủy hợp đồng chính là điều kiện tiên quyết để
yêu cầu hoàn lại.
Về thời điểm thực hiện nghĩa vụ hoàn lại, Công ước Viên không quy định việc
hoàn lại của người bán và người mua phải được thực hiện khi nào. Thay vào đó, Công
ước Viên chỉ quy định nếu cả hai bên đều phải hoàn lại thì phải thực hiện nghĩa vụ
hoàn lại cùng một lúc (khoản 2 Điều 81). Tuy nhiên, Công ước Viên không quy định
cụ thể một số vấn đề như địa điểm thực hiện hoàn lại, chi phí hoàn lại.
Từ những phân tích trên có thể rút ra một số nhận xét sau:
(1) Hệ quả pháp lý nặng nề nhất mà người bán và người mua phải gánh chịu khi
có vi phạm cơ bản hợp đồng là hủy hợp đồng. Các quy định liên quan đến vấn đề hủy
hợp đồng do vi phạm cơ bản hợp đồng được đánh giá là tương đối bao quát, đầy đủ và
hợp lý [158, tr.272]. Có đến trên dưới 50 quy định liên quan đến vấn đề này (chiếm
đến 1 nửa so với tổng số quy định của Công ước Viên).
Đối với những vi phạm cơ bản hợp đồng như không giao hàng, không giao
chứng từ liên quan đến hàng hóa, không thanh toán tiền hàng, không nhận hàng trong
thời hạn hợp đồng hoặc trong thời hạn được gia hạn thêm thì đều dẫn đến hệ quả người
mua có quyền tuyên bố hủy hợp đồng. Tuy nhiên, quá trình xem xét để quyết định liệu
người mua có quyền hủy hợp đồng hay không, tòa án, trọng tài không chỉ đơn thuần
xem xét các yếu tố cấu thành vi phạm cơ bản quy định tại Điều 25 mà còn xem xét sự
thiện chí, hợp tác của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng, đặc biệt là việc gia
hạn thời hạn thực hiện hợp đồng. Không thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng nói trên
118

trong thời hạn gia hạn thêm đều bị tòa án, trọng tài xem như cấu thành vi phạm cơ bản
hợp đồng và tất yếu dẫn tới hệ quả hợp đồng bị hủy.
Đối với thời gian giao hàng, thời gian giao hàng không phải là yếu tố cơ bản
của hợp đồng, vì vậy, giao hàng không đúng thời gian không phải lúc nào cũng cấu
thành vi phạm cơ bản hợp đồng. Thực tiễn vận dụng quy định vi phạm cơ bản hợp
đồng cho thấy, hành vi vi phạm hợp đồng của người bán (giao hàng không đúng thời
gian) sẽ bị coi là vi phạm cơ bản nếu nó thỏa mãn hai yếu tố: (i) Trong hợp đồng có ấn
định một thời hạn giao hàng cụ thể và người bán đã vi phạm thời hạn giao hàng cụ thể
đó; (ii) Việc vi phạm thời hạn giao hàng cụ thể đã được ấn định trong hợp đồng gây
tổn hại đến lợi ích của người mua. Điều này là hợp lý bởi lẽ cả 2 yếu tố này cũng thỏa
mãn quy định tại Điều 25 Công ước Viên.
Đối với trường hợp hàng hóa không phù hợp với hợp đồng cấu thành vi phạm
cơ bản, mặc dù hủy hợp đồng trong trường hợp thể hiện quyền của người mua khi
người bán gây ra vi phạm, Công ước Viên đã rất cân đối giữa quyền và nghĩa vụ của
hai bên. Theo đó, để áp dụng được chế tài hủy hợp đồng, người mua cần phải thực
hiện những nghĩa vụ nhất định: chứng minh được vi phạm của người bán đủ nghiêm
trọng để bị coi là vi phạm cơ bản; chứng minh mọi biện pháp khôi phục khác đều
không thể thực hiện được hoặc đã thực hiện nhưng không thành công. Bên cạnh đó,
người bán lại được áp dụng quyền khắc phục sự không phù phù hợp của hàng hóa.
(2) Công ước Viên đã thể hiện rất rõ quan điểm xem hủy hợp đồng là biện pháp
cuối cùng mà các bên được áp dụng trong trường hợp có vi phạm cơ bản hợp đồng.
Điều này chứng minh qua việc Công ước Viên đã đưa ra giới hạn đối với quyền hủy
hợp đồng của người mua trong trường hợp hàng hóa không phù hợp với hợp đồng, đó
là khả năng khắc phục của người bán khi hàng hóa được giao không phù hợp với hợp
đồng
Rõ ràng, thực tiễn giải quyết các vụ tranh chấp cho thấy tòa án đã “vượt” ra
ngoài quy định tại Điều 25 bằng cách vận dụng quy định tại Điều 36 và Điều 48 của
Công ước khi không coi vi phạm giao hàng không phù hợp với hợp đồng của người
bán là vi phạm cơ bản khi người bán sẵn sàng, có khả năng khắc phục được sự không
phù hợp đó mà không gây ra bất kỳ sự bất tiện bất hợp lý nào cho người mua. Đây có
thể coi là “trường hợp miễn trừ” cho người bán nếu có vi phạm hợp đồng thỏa mãn
quy định tại Điều 25 nhưng không bị coi là vi phạm cơ bản. Tòa án đã có sự vận dụng
119

kết hợp cả Điều 25 với Điều 48, Điều 49 để xác định vi phạm cơ bản hợp đồng để từ
đó có căn cứ cho phép áp dụng chế tài hủy hợp đồng.
Nhiều học giả cho rằng không nên xem xét vấn đề về đề nghị khắc phục hậu
quả do hành vi vi phạm với ý nghĩa là một tiêu chí xác định vi phạm cơ bản hợp đồng
[107, tr.102; 128, tr.319; 145, tr.18]. Việc xem xét đề nghị khắc phục hành vi vi phạm
và khả năng khắc phục khiếm khuyết do hành vi vi phạm gây nên trái với quy định tại
khoản 1 Điều 48 Công ước Viên theo đó quyền khắc phục hành vi vi phạm của người
bán phải tuân thủ Điều 49. Rõ ràng, quyền hủy hợp đồng của người mua luôn chiếm
ưu thế so với quyền khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm của người bán, vì vậy
không thể căn cứ vào đề nghị khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm để xác định vi
phạm cơ bản hợp đồng. Bên cạnh đó, việc căn cứ vào đề nghị khắc phục hậu quả để
xác định vi phạm cơ bản là không phù hợp với Khoản 2 Điều 46 Công ước Viên, theo
đó người mua có thể yêu cầu giao hàng thay thế nếu hàng hóa không phù hợp với hợp
đồng cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng. Quyền yêu cầu hàng thay thế của người mua
sẽ bị hạn chế trong những trường hợp không thể khắc phục được hậu quả, không thể
sửa chữa được.
Người viết cho rằng khoản 1 Điều 48 Công ước Viên không làm rõ mối quan hệ
chính xác giữa quyền khắc phục hậu quả do vi phạm hợp đồng của người bán và quyền
hủy hợp đồng của người mua. Vì thế, không thể trả lời một cách chắc chắn rằng hủy
hợp đồng hay khắc phục hậu quả vi phạm sẽ chiếm ưu thế. Bên cạnh đó, mục đích của
khoản 1 Điều 48 Công ước Viên sẽ bị triệt tiêu nếu người mua được quyền hủy hợp
đồng trước khi trao cho người bán cơ hội khắc phục khiếm khuyết do hành vi vi phạm
gây nên. Chính vì vậy, vi phạm hợp đồng không bị coi là vi phạm cơ bản miễn là thỏa
mãn yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 48 Công ước Viên, tức là việc khắc phục vi
phạm được tiến hành trong khoảng thời gian hợp lý, không gây cho bên bị vi phạm
những trở ngại phi lý hay sự không chắc chắn về việc người bán hoàn trả các phí tổn
mà người mua gánh chịu. Do đó, nếu người bán từ chối hoặc không khắc phục sự
không phù hợp của hàng hóa đã giao trong thời gian hợp lý thì bị coi là vi phạm cơ bản
hợp đồng.
Về điểm này thì Công ước Viên không giống với PICC. Mối quan hệ giữa
quyền khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm của người bán với quyền chấm dứt hợp
đồng của người mua được quy định trong PICC rất rõ ràng. Quyền chấm dứt hợp đồng
120

của người mua sẽ bị đình chỉ thực hiện nếu đề nghị khắc phục hậu quả hành vi vi
phạm của người mua là thích hợp và người mua không có “lợi ích chính đáng” khi từ
chối đề nghị khắc phục của người bán. Hơn nữa, quyền khắc phục hậu quả hành vi vi
phạm của người bán không thể bị ngăn cản chỉ bằng thông báo chấm dứt hợp đồng.
Nói cách khác, người mua không thể áp dụng quyền chấm dứt hợp đồng của mình vì
mục đích từ chối cho người bán cơ hội khắc phục hậu quả hành vi vi phạm. Vì thế,
theo PICC, khả năng khắc phục hậu quả hành vi vi phạm là một trong những yếu tố
liên quan khi xác định có hay không có hành vi không thực hiện cơ bản hợp đồng [81,
tr.1157-1185; 130].
(3) Công ước Viên cũng như phần lớn pháp luật của các quốc gia trên thế giới
đều chấp nhận quy tắc về “vi phạm dự đoán trước” [76, tr.229]. Công ước Viên đã lựa
chọn giải pháp cho phép một bên hủy hợp đồng trong trường hợp vi phạm hợp đồng
trước thời hạn, biểu hiện ở việc thấy rõ ràng “một bên không thực hiện nghĩa vụ hợp
đồng cấu thành vi phạm cơ bản” (đối với hợp đồng giao hàng 1 lần) hoặc có lý do xác
đáng để cho rằng “một bên sẽ vi phạm cơ bản đối với đối với lần giao hàng trong
tương lai” (đối với hợp đồng giao hàng từng phần). Có thể thấy ngay lợi ích của giải
pháp này thể hiện ở chỗ: bên có quyền được giải phóng khỏi hợp đồng và có thể đi tìm
những giải pháp thay thế chứ không cần phải đợi cho đến khi bên có nghĩa vụ không
thực hiện hợp đồng xảy ra trên thực tế.
Với hậu quả pháp lý nặng nề do việc áp dụng chế tài hủy hợp đồng mang lại,
Công ước Viên cũng thể hiện sự “thận trọng” bằng việc chỉ quy định điều kiện để hủy
hợp đồng trước thời hạn, đó là: cần phải có dấu hiệu “rõ ràng” là bên có nghĩa vụ sẽ vi
phạm cơ bản hợp đồng (khoản 1 Điều 72), trong khi đó để có thể viện dẫn quyền tạm
ngừng thực hiện hợp đồng trước thời hạn, chỉ cần “có dấu hiệu” cho thấy bên kia sẽ
không thực hiện hợp đồng. Đối với những hợp đồng giao hàng từng phần, bên bị vi
phạm muốn tuyên bố hủy hợp đồng đối với toàn bộ các lần giao hàng sau đó, thì vi
phạm đã xảy ra phải khiến cho bên bị vi phạm “có cơ sở” để nghĩ rằng sự vi phạm cơ
bản sẽ xảy ra với những nghĩa vụ phải thực hiện trong tương lai (khoản 2 Điều 73).
Thực tiễn vận dụng quy định vi phạm cơ bản hợp đồng để áp dụng chế tài hủy
hợp đồng do vi phạm hợp đồng dự đoán trước cho thấy, các trường hợp bị tòa án,
trọng tài chấp nhận yêu cầu tuyên bố hủy hợp đồng là khi người bán hoặc người mua
không thực hiện nghĩa vụ của mình (không giao hàng, không thanh toán) nhưng không
121

cung cấp cho bên kia được những đảm bảo rằng sẽ thực hiện hợp đồng [158, tr.253].
Đây là những dấu hiệu “rõ ràng” cho sự vi phạm cơ bản hợp đồng trong tương lai.
Tòa án, trọng tài khi áp dụng Điều 72 và Điều 73 để công nhận quyền tuyên bố
hủy bỏ hợp đồng của người bán hoặc người mua đã không xem xét đến yếu tố thiệt hại
đáng kể mà là dựa vào nguy cơ ảnh hưởng tới mong muốn của bên bị vi phạm trên cơ
sở hợp đồng. Với những vi phạm rõ ràng kèm theo đó là không có sự đảm bảo hợp
đồng được thực hiện thì tòa án, trọng tài đều thừa nhận quyền hủy hợp đồng của người
bán hoặc người mua.
4.2.2. Yêu cầu giao hàng thay thế
Mục đích của các bên khi ký kết hợp đồng là muốn các quyền và nghĩa vụ phát
sinh từ hợp đồng được thực hiện đúng, đầy đủ và thiện chí, mang lại lợi ích kinh tế cho
mỗi bên. Đây chính là cơ sở thực tiễn của biện pháp buộc thực hiện đúng hợp đồng,
một biện pháp được áp dụng phổ biến khi có hành vi vi phạm hợp đồng.
Khoản 2 Điều 46 Công ước Viên cho phép người mua yêu cầu người bán giao
hàng thay thế khi hàng hóa đã được giao không phù hợp với hợp đồng cấu thành một
vi phạm cơ bản hợp đồng. Cụ thể, khoản 2 Điều 46 Công ước Viên quy định: “Nếu
hàng hóa không phù hợp với hợp đồng thì người mua có thể yêu cầu người bán phải
giao hàng thay thế nếu sự không phù hợp đó cấu thành một vi phạm cơ bản hợp
đồng và yêu cầu về việc thay thế hàng hoá phải được đưa ra cùng với việc thông báo
theo Điều 39 hoặc trong một thời hạn hợp lí sau đó”.
Về mặt bản chất, yêu cầu giao hàng thay thế là hình thức trách nhiệm cụ thể của
chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng của người mua đối với người bán khi người bán
vi phạm cơ bản hợp đồng. Khi người bán vi phạm hợp đồng, người mua có quyền áp
dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng như yêu cầu giao hàng, yêu cầu giao hàng
thay thế hoặc sửa chữa hàng hóa không phù hợp với hợp đồng. Tuy nhiên, vấn đề hàng
hóa được giao không phù hợp hợp đồng quy định tại khoản 2 Điều 46 Công ước Viên
liên quan tới việc vi phạm nghĩa vụ của người bán theo Điều 35. Trong bất cứ trường
hợp nào, do việc người bán giao hàng thay thế có thể đưa đến hậu quả xấu, do gánh
nặng tài chính bất cân xứng, và do người mua luôn có quyền đòi bồi thường nếu nhận
hàng không phù hợp, nên khoản 2 Điều 46 Công ước Viên quy định điều kiện người
mua được yêu cầu giao hàng thay thế sẽ dựa trên căn cứ sự không phù hợp của hàng
hóa được giao cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng. Nói cách khác, người mua muốn
122

yêu cầu giao hàng thay thế phải là người chịu tổn hại đến mức bị tước đi đáng kể
những gì mà anh ta có quyền kỳ vọng từ hợp đồng.
Như vậy, khoản 2 Điều 46 Công ước Viên áp dụng khi: (i) người bán đã giao
hàng không phù hợp với hợp đồng (giao hàng có chất lượng không phù hợp với hợp
đồng, giao sai loại hàng, hàng được đóng gói không phù hợp hoặc giao hàng thiếu);
(ii) Sự không phù hợp của hàng hóa cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng, tức là thỏa
mãn các yếu tố quy định tại Điều 25; và (iii) người mua yêu cầu người bán thay thế
hàng đã giao không phù hợp cùng với thông báo theo Điều 39 hoặc trong một thời hạn
hợp lý sau đó. Nếu thỏa mãn những điều kiện trên thì khoản 2 Điều 46 trao cho người
mua quyền yêu cầu người bán giao hàng thay thế.
Việc áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng bằng cách yêu cầu giao
hàng thay thế được thể hiện rõ nét trong một số án lệ của Công ước Viên dưới đây:
Vụ Flexo label printing machine [214]: Người bán Đan Mạch và người mua
Trung Quốc ký hợp đồng mua bán 9 máy in màu hiệu Flexo. Người mua đã thanh toán
đầy đủ giá trị hợp đồng là 954,932 USD. Tuy nhiên, máy in được giao cho người mua
không phù hợp với hợp đồng, cụ thể độ in chính xác vượt quá ±0.1 mm và tốc độ in
thấp hơn 175m/phút. Điều này đã được khẳng định tại Biên bản làm việc giữa các
bên, Phụ lục và Chứng nhận giám định hàng hóa. Người mua đã vài lần thông báo cho
người bán biết về sự không phù hợp của máy in và yêu cầu người bán có biện pháp
giải quyết. Người bán đã nhiều lần hứa giải quyết và cử cán bộ kỹ thuật đến sửa chữa
và điều chỉnh máy in với sự hợp tác tích cực của người mua. Tuy nhiên, cuối cùng chất
lượng máy in không phù hợp đã không được khắc phục trong thời gian và với nỗ lực
hợp lý. Hội đồng trọng tài cho rằng, vì thế người mua không thể đạt được mục đích
của hợp đồng, có nghĩa là kỳ vọng từ hợp đồng của người mua bị tước đi. Người bán
hoàn toàn có thể tiên liệu được hậu quả này bởi vì các bên đã thỏa thuận rõ ràng về đặc
điểm chính của máy in như độ chính xác và tốc độ in. Người bán không thể viện lý
rằng anh ta không thể tiên liệu được hậu quả do việc giao hàng không phù hợp hợp
đồng gây ra cho người mua. Sau khi người bán vi phạm hợp đồng, người mua đã gửi
thông báo trong thời hạn quy định tại Điều 39 Công ước Viên. Vì thế, người mua có
quyền yêu cầu thay thế máy in, có nghĩa là người mua có quyền yêu cầu người bán
thay thế máy in hiệu Flexo đã giao không phù hợp với hợp đồng bằng máy in hiệu
Flexo phù hợp với hợp đồng (máy mới).
123

Vụ Shoe leather [250]: Người mua Đức chào mua 4,400m2 da đặc biệt từ
người ban Ba Lan để giao cho nhà máy sản xuất giày ở Đức. Người bán Ba Lan đã gửi
chào hàng chào bán da theo yêu cầu của người mua dùng cho mục đích sản xuất giày
cho quân đội Đức (Bundeswehr). Người mua chấp nhận chào hàng và người bán gửi
hàng được đặt cho nhà máy sản xuất thứ ba. Người mua không kiểm tra hàng hóa sau
khi hàng hóa đã được giao cho nhà sản xuất. Sau khi giày được sản xuất. Cơ quan
quân nhu và bảo hộ kỹ thuật quốc phòng của Liên bang Đức thông báo rằng hàng hóa
không phù hợp với mô tả của chào hàng. Người mua thông báo cho người bán rằng
hàng không phù hợp, yêu cầu chứng nhận kiểm tra chất lượng và gia hạn thời gian cho
người bán giao hàng thay thế. Trong lúc đó, nhà máy Bundeswehr đã gửi trả toàn bộ
số giày (37,130 đôi). Người bán từ chối giao hàng thay thế và người mua gửi cho
người bán tuyên bố hủy hợp đồng. Tòa tối cao tuyên rằng, giao hàng không phù hợp
với hợp đồng là vi phạm hợp đồng. Quy tắc này xuất phát từ Điều 35 Công ước quy
định rằng đặc tính của hàng hóa phải phù hợp với hợp đồng. Việc giao hàng không đáp
ứng những đặc tính đó cấu thành sự không phù hợp của hàng hóa với hợp đồng. Tuy
nhiên, nếu chỉ là sự không phù hợp của hàng hóa với hợp đồng không cho phép người
mua yêu cầu người bán giao hàng thay thế theo khoản 2 Điều 46 Công ước Viên. Chế
tài này chỉ được áp dụng khi sự không phù hợp đó cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng
theo Điều 25. Điều 25 là quy định rất khó để giải thích vì nó gồm nhiều thuật ngữ mơ
hồ. Đồng thời, điều 25 là quy định rất quan trọng bởi vì vi phạm cơ bản hợp đồng là cơ
sở xác định chế tài nào được áp dụng, đặc biệt là chế tài yêu cầu giao hàng thay thế và
hủy hợp đồng. Tuy nhiên, khi tự do lựa chọn chế tài, người mua phải tuân thủ hợp
đồng và hành động thiện chí thì không nên yêu cầu người bán giao hàng thay thế trước
và sau đó tuyên bố hủy hợp đồng mà không chờ người bán giao hàng thay thế [146,
tr.78].
Người bán giao hàng không phù hợp với hợp đồng cấu thành vi phạm cơ bản
nếu sự không phù hợp đó tước đi của người mua những gì người mua có quyền kỳ
vọng từ hợp đồng. Vi phạm cơ bản để áp dụng chế tài yêu cầu giao hàng thay thế quy
định tại khoản 2 Điều 46 phải được xác định giống như căn cứ hủy hợp đồng theo
điểm a, khoản 1 Điều 49 và phù hợp với quy định chung tại Điều 25.
Yêu cầu người bán giao thay thế số hàng hoá không phù hợp hợp đồng đã giao
thực chất là yêu cầu người bán thực hiện lại nghĩa vụ theo đúng thoả thuận ban đầu.
124

Tuy nhiên, kể cả khi các điều kiện để được yêu cầu giao hàng thay thế theo khoản 2,
Điều 46 Công ước Viên (như vi phạm cơ bản, hàng nhận đã được trả lại, v.v…) đã
được đáp ứng, và mặc dù người mua sẵn sàng trả lại số hàng đã nhận trước đó, thì toà
án cũng không bị bắt buộc phải yêu cầu người bán giao hàng thay thế nếu biện pháp
này không được sử dụng theo luật mua bán nội địa tương ứng [11, Điều 28].
Điều 46 không chỉ dừng ở quy định trao cho người mua quyền yêu cầu người
bán giao hàng thay thế hàng hóa không phù hợp khi sự không phù hợp đó cấu thành vi
phạm cơ bản hợp đồng. Khoản 3 Điều 46 Công ước Viên cho phép người mua được
quyền yêu cầu người bán đưa ra biện pháp sửa chữa, khắc phục tình trạng không phù
hợp của hàng hóa đã được giao không đúng hợp đồng.
Ngoài việc đáp ứng điều kiện trên, người mua có yêu cầu giao hàng thay thế
phải sẵn sàng trả lại số hàng hoá không phù hợp mà họ đã nhận. Điều này cũng có
nghĩa người mua (luôn luôn) mất quyền yêu cầu người bán phải giao hàng thay thế nếu
họ không thể trả lại hàng hóa trong tình trạng về thực chất giống như tình trạng khi họ
nhận hàng đó, trừ khi: (i) việc không thể hoàn lại hàng hóa hoặc không thể hoàn lại
hàng hóa trong tình trạng về cơ bản giống như tình trạng hàng hóa khi người mua nhận
được không phải là do hành động hay sơ suất của người mua; (ii) hàng hóa hoặc một
phần hàng hóa không thể sử dụng được hoặc bị hư hỏng; (iii) người mua đã bán trong
điều kiện kinh doanh thông thường hay đã tiêu dùng hoặc biến đổi toàn bộ hay một
phần hàng hóa theo cách sử dụng thông thường trước khi phát hiện ra hoặc phải phát
hiện ra sự không phù hợp của hàng hóa [11, Điều 82].
Từ những phân tích trên có thể rút ra một số nhận xét sau:
(1) Chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng nhằm bảo vệ quan hệ hợp đồng và
giúp các bên đạt được những lợi ích mà họ hướng đến khi giao kết hợp đồng: người
mua có hàng hóa – đối tượng của hợp đồng, người bán được thanh toán giá hàng hóa.
Điều đó có nghĩa là, với biện pháp buộc thực hiện đúng hợp đồng, kỳ vọng của các
bên từ hợp đồng được đáp ứng. Khi người bán vi phạm hợp đồng, người mua có quyền
áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng như yêu cầu người bán giao hàng, giao
hàng thiếu, giao đúng loại hàng, sửa chữa, khắc phục sự khiếm khuyết của hàng hóa
hoặc yêu cầu giao hàng thay thế. Tuy nhiên, không phải lúc nào và với vi phạm nào
của người bán, người mua cũng có thể “tùy tiện” áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng
125

hợp đồng bằng cách yêu cầu người bán giao hàng thay thế mà chỉ khi hành vi giao
hàng không phù hợp đó của người bán cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng.
(2) Khi người bán giao hàng không phù hợp với hợp đồng cấu thành vi phạm cơ
bản hợp đồng, tức là hành vi vi phạm này của người bán đã tước đi đáng kể những gì
người mua có quyền kỳ vọng từ hợp đồng. Như vậy, lợi ích mà người mua hướng tới
không thể đạt được. Lúc này, người mua có thể lựa chọn chế tài nhằm chấm dứt quan
hệ hợp đồng với người bán. Tuy nhiên, với mục đích giúp các bên duy trì quan hệ hợp
đồng, bảo vệ hợp đồng MBHHQT được giao kết giữa các bên, Công ước Viên quy
định trong trường hợp này người mua có quyền yêu cầu người bán giao hàng thay thế
như cách thức để người mua “toại nguyện”, “đạt được những gì họ kỳ vọng” từ hợp
đồng mà không ảnh hưởng đến quan hệ hợp đồng giữa các bên và hợp đồng vẫn có thể
tiếp tục được thực hiện chứ không bị hủy. Buộc thực hiện đúng hợp đồng chỉ là một hệ
quả của hiệu lực ràng buộc thực hiện hợp đồng hợp pháp: bên có nghĩa vụ cam kết
cung cấp cho bên có quyền một lợi ích và hiệu lực ràng buộc thực hiện hợp đồng buộc
bên có nghĩa vụ cung cấp lợi ích này cho bên có quyền. Điều này cũng thể hiện yêu
cầu các bên cũng như cơ quan giải quyết tranh chấp “tôn trọng” hợp đồng, tức là yêu
cầu giao hàng thay thế khi sự không phù hợp của hàng hóa cấu thành vi phạm cơ bản
hợp đồng là giải pháp phù hợp với ý chí chung của các bên, tạo điều kiện cho ý chí
chung được thực hiện, được tôn trọng.
(3) Công ước đưa ra “ngoại lệ” đối với việc áp dụng chế tài buộc thực hiện
đúng hợp đồng bằng cách yêu cầu giao hàng thay thế khi “không thể trả lại hàng hóa
trong tình trạng về thực chất giống như tình trạng khi họ nhận hàng đó”, trừ trường
hợp hàng hóa bị hư hỏng hoặc không sử dụng được, do hành động hay sơ suất của
người mua hoặc người mua đã bán hay đã tiêu dùng hay làm biến đổi tình trạng ban
đầu của hàng hóa. Ngoại lệ này thể hiện yêu cầu giao hàng thay thế là không thể thực
hiện được hay nói cách khác người mua mất quyền yêu cầu giao hàng thay thế. Quy
định này phần nào bảo vệ cho quyền lợi của người bán khi bị yêu cầu giao hàng thay
thế.
Kết luận Chương 4
Vi phạm cơ bản hợp đồng vừa là căn cứ để hủy hợp đồng do không thực hiện
nghĩa vụ hợp đồng, do hàng hóa được giao có chất lượng không phù hợp với hợp
đồng, vừa là căn cứ để hủy hợp đồng do vi phạm hợp đồng dự đoán trước và yêu cầu
126

giao hàng thay thế. Từ phân tích quy định và thực tiễn về hệ quả pháp lý khi có vi
phạm cơ bản có thể kết luận rằng:
(1) Hệ quả pháp lý do vi phạm cơ bản hợp đồng thường là hủy hợp đồng. Các
hành vi vi phạm hợp đồng như không giao hàng, không giao chứng từ liên quan đến
hàng hóa, không thanh toán, không nhận hàng trong thời hạn quy định của hợp đồng
và Công ước hoặc sau thời hạn gia hạn thêm đều thỏa mãn các yếu tố quy định tại
Điều 25 và cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng. Lúc này, hủy hợp đồng là hệ quả pháp
lý tất yếu. Tuy nhiên, đối với trường hợp hàng hóa được giao không phù hợp thì quyền
hủy hợp đồng của người mua bị giới hạn bởi khả năng khắc phục vi phạm cơ bản của
người bán mà không mang lại cho người mua chi phí bất hợp lý nào. Điều này cho
thấy quyền lợi của người bán và người mua được Công ước Viên điều chỉnh một cách
“bình đẳng”, không “thiên vị”.
(2) Sự không phù hợp của hàng hóa cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng có thể
dẫn đến hệ quả pháp lý là người mua yêu cầu người bán thay thế hàng được giao
không phù hợp với hợp đồng. Đây được xem như giải pháp duy trì quan hệ hợp đồng
giữa các bên bởi “Hợp đồng sinh ra không phải để bị triệt tiêu (bị hủy) mà là để được
thực hiện nhằm đem lại cho các bên lợi ích hợp pháp mà họ mong đợi. Chính vì vậy,
trước việc không thực hiện đúng hợp đồng, chúng ta cần ưu tiên nghiên cứu và sử
dụng những biện pháp cho phép hợp đồng được thực hiện đầy đủ để đem lại cho các
bên lợi ích hợp pháp mà họ mong đợi như buộc tiếp tục thực hiện đúng hợp đồng;
những biện pháp làm triệt tiêu hợp đồng sẽ được nghiên cứu, và chỉ nên được sử dụng,
như biện pháp cuối cùng” [22, tr.212].
(3) Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, PICC và PECL, Công ước Viên cho
phép hủy hợp đồng trước thời hạn, tức là quy tắc về vi phạm hợp đồng dự đoán trước
đã được chấp nhận trong Công ươc Viên. Tuy nhiên, điều kiện để hủy hợp đồng trước
thời hạn là phải có rõ ràng hành vi vi phạm cơ bản hợp đồng hoặc có lý do xác đáng để
tin rằng vi phạm cơ bản hợp đồng sẽ xảy ra đối với lần giao hàng trong tương lai.
127

CHƯƠNG 5
ĐỊNH HƯỚNG HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ VI PHẠM CƠ BẢN HỢP ĐỒNG
TRONG PHÁP LUẬT VIỆT NAM
Vi phạm cơ bản hợp đồng là căn cứ quan trọng để áp dụng chế tài hủy bỏ hợp
đồng trong Luật Thương mại, bên cạnh chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình
chỉ thực hiện hợp đồng khi các bên không có thỏa thuận về các chế tài này. Từ kết quả
nghiên cứu quy định của Công ước Viên về vi phạm cơ bản hợp đồng cũng như thực
tiễn vận dụng của tòa án, trọng tài của một số quốc gia thành viên Công ước để xác
định các yếu tố cấu thành tính cơ bản của vi phạm hợp đồng và chế tài do vi phạm cơ
bản hợp đồng, nội dung dưới đây sẽ chỉ ra một số bất cập trong pháp luật Việt Nam
cũng như thực tiễn vận dụng quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng và đề xuất định
hướng và giải pháp hoàn thiện quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng trong pháp luật
Việt Nam.
5.1. Một số bất cập của quy định và thực tiễn áp dụng quy định về vi phạm cơ
bản trong pháp luật Việt Nam
Nghiên cứu quy định của Công ước Viên về vi phạm cơ bản hợp đồng có so
sánh với quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng trong Luật Thương mại và đối chiếu
với thực tiễn vận dụng quy định này của tòa án, trọng tài của một số quốc gia thành
viên Công ước cho thấy quy định trong Công ước Viên được vận dụng rất linh hoạt và
gắn chặt với việc áp dụng các quy định khác của Công ước, tạo thành một thể thống
nhất.
Vi phạm cơ bản hợp đồng trong pháp luật Việt Nam là căn cứ quan trọng để áp
dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng và hủy bỏ
hợp đồng, trong đó đáng chú ý là chế tài hủy bỏ hợp đồng vì hậu quả pháp lý của chế
tài này rất nặng nề. Tuy nhiên, trên cơ sở kết quả nghiên cứu quy định và thực tiễn xác
định các yếu tố cấu thành vi phạm cơ bản cũng như hệ quả pháp lý do vi phạm cơ bản
hợp đồng theo Công ước Viên, người viết cho rằng quy định về vi phạm cơ bản hợp
đồng trong pháp luật Việt Nam còn tồn tại nhiều bất cập cả về nội dung pháp luật thực
định lẫn thực trạng vận dụng đòi hỏi phải hoàn thiện để đảm bảo tính áp dụng thực tiễn
của các quy định này, cụ thể như sau:
5.1.1. Tồn tại song song hai thuật ngữ “vi phạm cơ bản” và “vi phạm nghiêm
trọng”
Hiện nay, trong các quy định pháp luật thực định của Việt Nam đang tồn tại 2
thuật ngữ là “vi phạm cơ bản” và “vi phạm nghiêm trọng”. Thuật ngữ “vi phạm cơ
128

bản” xuất hiện trong Luật Thương mại và một số văn bản dưới luật khác như: Điều 50
Mẫu hồ sơ mời thầu xây lắp (Ban hành kèm theo Thông tư 03/2015/TT-BKHĐT ngày
06/05/2015 của Bộ KH&ĐT quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu xây lắp), Điều 29
Mẫu hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa (Ban hành kèm theo Thông tư 05/2015/TT-
BKHĐT ngày 16/06/2015 của Bộ KH&ĐT quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu mua
sắm hàng hóa). Trong khi đó, “vi phạm nghiêm trọng” xuất hiện ở 30 Bộ luật, Luật
và 21 Pháp lệnh.
Vi phạm cơ bản là căn cứ để áp dụng các chế tài tạm ngừng thực hiện hợp
đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng và hủy bỏ hợp đồng thương mại thì “vi phạm
nghiêm trọng” là thuật ngữ được sử dụng trong Bộ luật dân sự và là căn cứ để một
bên trong giao dịch dân sự có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng.
Cụ thể:
Điều 521 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “1. Yêu cầu bên cung ứng dịch vụ
thực hiện công việc theo đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và các thỏa
thuận khác; 2. Trong trường hợp bên cung ứng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa
vụ thì bên thuê dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu
bồi thường thiệt hại”;
Điều 550 Bộ luật dân sự quy định: “Bên đặt gia công có các quyền sau đây: 1.
Nhận sản phẩm gia công theo đúng số lượng, chất lượng, phương thức, thời hạn và
địa điểm đã thỏa thuận. 2. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi
thường thiệt hại khi bên nhận gia công vi phạm nghiêm trọng hợp đồng”. Hay theo
Điều 498 Bộ luật dân sự, bên cho thuê nhà có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện
hợp đồng thuê nhà khi bên thuê cố ý làm nhà hư hỏng nghiêm trọng (tài sản cho thuê);
bên thuê nhà có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà khi bên cho
thuê không sữa chữa nhà khi chất lượng nhà giảm sút nghiêm trọng.
Xét về mục đích của thuật ngữ thì vi phạm cơ bản hay vi phạm nghiêm trọng
đều đề cập đến vi phạm hợp đồng gây ảnh hưởng, tác động lớn đến bên bị vi phạm. Vi
phạm cơ bản hay vi phạm nghiêm trọng không chỉ là khái niệm khoa học mà là căn cứ
pháp lý góp phần quan trọng vào việc ổn định các quan hệ hợp đồng, ổn định giao lưu
dân sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể - một yêu cầu khách quan
của bất cứ nền kinh tế thị trường nào [6]. Tuy nhiên, việc tồn tại song song hai thuật
129

ngữ “vi phạm cơ bản” và “vi phạm nghiêm trọng” tạo nên sự không thống nhất trong
pháp luật hợp đồng Việt Nam, dễ gây nhầm lẫn cho các chủ thể áp dụng nó.
Bên cạnh đó, trong khi nội hàm của thuật ngữ “vi phạm nghiêm trọng” chưa
được làm sáng tỏ trong bất cứ văn bản pháp luật nào, pháp luật Việt Nam tiếp tục tiếp
thu thuật ngữ “vi phạm cơ bản” dẫn đến khó khăn trong tiếp cận, giải thích thuật ngữ
và vận dụng nó trong thực tiễn. Bởi lẽ, trong thực tiễn, đã có trường hợp trọng tài xác
định vi phạm hợp đồng theo Luật Thương mại nhưng lại dùng vi phạm nghiêm trọng
để kết luận về vi phạm. Ví dụ: Trọng tài trong vụ tranh chấp hợp đồng mua bán thép
giữa người mua (Việt Nam) và người bán (Trung Quốc) đã tuyên rằng “Theo quy định
tại Điều 56 Luật thương mại Việt Nam năm 2005, Bên mua có nghĩa vụ chấp nhận
thanh toán theo quy định của L/C đã mở (bộ chứng từ không có dấu hiệu không phù
hợp) và nhận hàng. Nhưng nguyên đơn đã không thanh toán và không nhận hàng là
một vi phạm nghiêm trọng hợp đồng đã ký” [53, tr.14]. Tương tự, vụ tranh chấp giữa
người mua (Việt Nam) và người bán (Hoa Kỳ), Trọng tài quyết định “Trong thực tế,
sau khi bị SGS Việt Nam từ chối giám định, Nguyên đơn đã tự mình yêu cầu ngay
Vinacontrol giám định mà không thông báo cho Bị đơn biết. Lý giải của Nguyên đơn
về vấn đề này là không thể chấp nhận được. Với trình độ của công nghệ thông tin như
hiện nay thì việc thông báo, thậm chí trao đổi và quyết định một vấn đề có thể tính
bằng phút. Như vậy, về hính thức, nguyên đơn đã vi phạm nghiêm trọng điều khoản về
giám định của hợp đồng” [53, tr.93]. Trọng tài đưa ra lý giải cụ thể tại sao lại nhìn
nhận hành vi vi phạm đó của người bán là vi phạm nghiêm trọng, trong khi không tìm
thấy quy định nào trong hệ thống pháp luật thực định của Việt Nam giải thích về khái
niệm vi phạm nghiêm trọng, một vi phạm hợp đồng như thế nào thì bị coi là vi phạm
nghiệm trọng và hậu quả pháp lý của vi phạm nghiêm trọng là gì?. Bên cạnh đó, cơ
quan tài phán sử dụng Luật Thương mại để xem xét nghĩa vụ và vi phạm nghĩa vụ của
các bên nhưng khi kết luận vi phạm lại sử dụng thuật ngữ “vi phạm nghiêm trọng”
không có trong Luật Thương mại và cũng không có lý giải thỏa đáng khi đưa ra kết
luận này.
Theo người viết, vi phạm cơ bản hay vi phạm nghiêm trọng đều là những thuật
ngữ được sử dụng để chỉ tính chất nghiêm trọng của hành vi vi phạm hợp đồng, từ đó
cho phép áp dụng các chế tài phù hợp nhằm đảm bảo an toàn pháp lý của giao dịch của
130

các bên. Vì vậy, về mặt bản chất, có thể thấy hai thuật ngữ này tương đồng với nhau.
Tuy nhiên, sự tồn tại song song hai thuật ngữ có cùng bản chất trong pháp luật hợp
đồng là điều bất cập cần được gỡ bỏ bởi nó không chỉ dễ gây nhầm lẫn mà còn không
đảm bảo sự tương thích với pháp luật quốc tế (Công ước Viên, PICC, PECL đều sử
dụng vi phạm cơ bản hoặc không thực hiện cơ bản hợp đồng), đặc biệt là khi Việt Nam
đang tích cực chuẩn bị tham gia Công ước Viên..
5.1.2. Bất cập trong quy định và thực tiễn xác định các yếu tố cấu thành tính
cơ bản của vi phạm hợp đồng tại khoản 13 Điều 3 của Luật thương mại
Khoản 13 Điều 3 Luật thương mại quy định: Vi phạm cơ bản là sự vi phạm hợp
đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được
mục đích của việc giao kết hợp đồng. Dựa vào quy định này có thể thấy, để xác định
tính cơ bản của vi phạm hợp đồng thì cần phải xác định 02 (hai) yếu tố sau đây [5]: (i)
Có thiệt hại cho bên bị vi phạm; (ii) mục đích của việc giao kết hợp đồng của bên bị vi
phạm bị mất đi.
Hai yếu tố cấu thành tính cơ bản của vi phạm hợp đồng theo Luật Thương mại
cũng có những nét tương đồng với yếu tố cấu thành tính cơ bản của vi phạm hợp đồng
theo Công ước Viên (điều này đã được làm rõ ở Chương 3). Tuy nhiên, từ kết quả
nghiên cứu Công ước Viên và thực tiễn xác định các yếu tố cấu thành vi phạm cơ bản
quy định tại Điều 25 Công ước Viên của tòa án, trọng tài của một số quốc gia thành
viên Công ước đối chiếu với hai yếu tố nói trên cho thấy một số bất cập sau:
5.1.2.1. Yếu tố thiệt hại quy định tại khoản 13 Điều 13 là không rõ ràng và
không cần thiết
Theo khoản 13 Điều 3 Luật Thương mại, để xác định một hành vi vi phạm là cơ
bản, trước hết phải xác định có hay không có thiệt hại. Nói cách khác, thiệt hại là yếu
tố bắt buộc khi xem xét vi phạm cơ bản hợp đồng theo Luật Thương mại. Tuy nhiên,
không phải mọi hành vi vi phạm hợp đồng đều gây ra thiệt hại cho bên bị vi phạm.
Ngay cả khi có thiệt hại của bên bị vi phạm nhưng chưa chắc đã là thiệt hại do hành vi
vi phạm hợp đồng gây ra.
Yếu tố đầu tiên để xác định vi phạm cơ bản hợp đồng theo Luật Thương mại
đòi hỏi phải có tồn tại thiệt hại. Điều này có nghĩa là, hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp
đồng dù đến mức vi phạm nào đi chăng nữa nhưng không gây thiệt hại cho bên kia thì
không có vi phạm cơ bản hợp đồng. Tuy nhiên, thiệt hại ở đây là thiệt hại gì: vật chất,
131

tinh thần hay thiệt hại pháp lý thì Luật Thương mại không có quy định cụ thể và đến
nay chưa có hướng dẫn, giải thích rõ ràng.
Luật Thương mại chỉ giải thích nội hàm của “thiệt hại” tại quy định về bồi
thường thiệt hại ở Điều 302, theo đó thiệt hại là tổn thất mà tổn thất đó phải là thực tế,
trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà
bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng. Tồn tại tổn thất là yêu cầu bắt buộc khi áp dụng
chế tài bồi thường thiệt hại, tức là bồi thường những tổn thất thực tế mà bên bị vi phạm
phải gánh chịu. Tuy nhiên, nội hàm của thuật ngữ thiệt hại còn rộng hơn nhiều, không
chỉ dừng lại ở tổn thất, mất mát tài sản hay thu nhập mà còn là uy tín kinh doanh. Các
nhà soạn thảo Luật Thương mại đã đồng nhất “thiệt hại” là “tổn thất”, trong khi đó,
thiết nghĩ, không phải lúc nào “thiệt hại” cũng là tổn thất. Trong tiếng Việt, thiệt hại,
hiểu theo nghĩa thông thường, là “những hậu quả bất lợi ngoài ý muốn về tài sản hoặc
phi tài sản do một sự kiện hoặc một hành vi nào đó gây ra; những chi phí đã phải bỏ ra
để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại; những hư hỏng mất mát về tài sản, thu
nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút” [36, tr.1121]. Như vậy, thiệt hại theo nghĩa rộng là
những “hậu quả bất lợi ngoài ý muốn”, theo nghĩa hẹp và trực tiếp nhất thiệt hại là tổn
thất, là mất mát.
Những hậu quả bất lợi ngoài ý muốn (về mặt vật chất, tinh thần hay pháp lý)
luôn là hậu quả của hành vi vi phạm hợp đồng, bao gồm cả những thiệt hại thực tế,
tiên liệu trước hoặc thiệt hại phi thực tế. Điều này đã làm cho thuật ngữ “thiệt hại”
được sử dụng để giải thích “vi phạm cơ bản” nghĩa vụ hợp đồng càng trở nên “mơ hồ,
trừu tượng” hơn và đôi khi dễ nhầm lẫn với xác định thiệt hại trong chế tài bồi thường
thiệt hại. Khi đó, thiệt hại do vi phạm hợp đồng phải thực sự rõ ràng thì mới có thể đủ
cơ sở để xem xét tiếp yếu tố khác để xác định tính cơ bản của vi phạm hợp đồng.
Bên cạnh đó, với chế tài bồi thường thiệt hại, bên bị vi phạm muốn áp dụng chế
tài này có nghĩa vụ chứng minh thiệt hại, tức là chứng minh tổn thất thực tế, trực tiếp
và khoản thu nhập bị bỏ lỡ, chứng minh được bao nhiêu thì cơ quan tài phán có cơ sở
để chấp nhận bấy nhiêu [37, tr.432]. Tuy nhiên, thực tiễn vận dụng quy định về vi
phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên cho thấy, đối với vi phạm cơ bản hợp
đồng, nghĩa vụ chứng minh có tồn tại thiệt hại hay không thuộc về bên bị vi phạm
nhưng việc ghi nhận mức độ thiệt hại để xác định tính cơ bản của vi phạm hợp đồng
thuộc về cơ quan tài phán, chỉ có cơ quan tài phán mới có thể “cân đo” được thiệt hại
đã “đến mức” làm cho bên bị vi phạm không đạt được mục đích của việc giao kết hợp
đồng hay chưa.
132

Như vậy, bất cập của thuật ngữ “thiệt hại” không chỉ còn nằm ở sự thiếu rõ
ràng, cụ thể về nội hàm của thuật ngữ mà còn dễ dẫn đến sự đa dạng trong kết luận,
xác định của cơ quan tài phán và sự thiếu thống nhất trong quan điểm xét xử, giải
quyết tranh chấp. Mỗi thẩm phán, mỗi trọng tài viên đều có trình độ và nhận thức
không giống nhau nên việc nhìn nhận vấn đề pháp lý có thể sẽ khác nhau. Đối với xác
định mức độ thiệt hại, sự đa dạng trong trình độ và nhận thức pháp lý dễ dẫn đến sự đa
dạng trong xác định mức độ thiệt hại và đôi khi là xác định một cách chung chung.
Chẳng hạn, Tòa án nhân dân Tp.Hồ Chí Minh đã tuyên rằng [177] “việc Bên bán giao
hàng không đúng phẩm chất và không chịu khắc phục sửa chữa theo khiếu nại của Bên
mua làm cho Bên mua bị thiệt hại nghiêm trọng” nhưng không nêu rõ Bên mua bị thiệt
hại gì, nghiêm trọng đến mức nào để rồi kết luận “do đó có cơ sở cho rằng Bên bán đã
vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng theo khoản 13 Điều 3 Luật thương mại năm 2005”.
Hay, tranh chấp giữa người mua Nga và người bán Việt Nam [53, tr.27], theo đó
“ngày 24/3/2006, người mua (Nga), đại diện là ông X (giám đốc) và người bán (Việt
Nam), đại diện là ông Y (Tổng Giám đốc) đã ký hợp đồng, theo đó điều kiện giao hàng
là CIF Vladivostok, phương thức thanh toán bằng điện chuyển tiền trả trước
60.000USD trước khi bốc hàng lên tàu và thanh toán nốt 103.139,80 USD trong 3
ngày làm việc sau khi nhận được vận đơn. Sau khi nhận được tiền ngày 26/3/2006,
người bán không trả lời các bản fax của người mua đề ngày 3/6/2006, ngày 7/6/2006,
ngày 13/6/2006 và ngày 20/6/2006. Người mua cho rằng việc người bán không giao
hàng đã gây thiệt hại về kinh tế rất lớn và làm mất uy tín của người mua. Trọng tài đã
chấp nhận quan điểm này của người mua và buộc người bán trả lại tiền đã nhận từ
người mua”. Tuy nhiên, trong quyết định của mình, không có quan điểm nào của trọng
tài cho thấy trọng tài đã yêu cầu người mua chứng minh thiệt hại như người mua viện
dẫn cũng như xem xét mức độ thiệt hại mà người mua phải gánh chịu. Trọng tài đưa ra
phán quyết yêu cầu người bán trả lại cho người mua số tiền người bán đã nhận từ
người mua, về bản chất, cũng thể hiện ý muốn chấm dứt hợp đồng với người bán.
Đáng chú ý hơn, thậm chí trong một bản án [178], Hội đồng xét xử phúc thẩm,
Tòa án nhân dân Tp.Hồ Chí Minh đã tuyên rằng: “Từ lập luận trên đủ cơ sở để xác
định nguyên đơn không chứng minh được thiệt hại phải gánh chịu từ việc bị đơn
không thực hiện nghĩa vụ giao hàng đúng thời hạn ghi trong các hợp đồng B30067
ngày 7/5/2010, B30076 ngày 24/5/2010 và B30082 ngày 3/6/2010” và xử “Chấp nhận
một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn – Công ty Nespice Việt Nam: a) Đình chỉ
thực hiện các hợp đồng mua bán hàng hóa số B30067 ngày 7/5/2010, B30076 ngày
133

24/5/2010 và B30082 ngày 3/6/2010 giữa Công ty Nespice Việt Nam với bà Phượng,
chủ Doanh nghiệp Phượng Hoàng”.
Bên cạnh sự không rõ ràng về mặt nội dung của yếu tố thiệt hại do vi phạm hợp
đồng gây ra đủ để cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng, việc xem thiệt hại là yếu tố bắt
buộc khi xác định vi phạm hợp đồng là cơ bản hay không đã không cần thiết trong rất
nhiều vụ án, vụ tranh chấp được giải quyết bởi tòa án, trọng tài. Nói cách khác, thực
tiễn giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa tại Việt Nam, tòa án, trọng tài
đã không xem xét đến yếu tố thiệt hại khi xác định và kết luận về vi phạm cơ bản hợp
đồng.
Vụ thứ 1 [174]: Ngày 26/9/2007, Nguyên đơn (Công ty cho thuê tài chính II –
Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam) và Bị đơn (Công ty TNHH
một thành viên đóng tàu Đà Nẵng) ký với nhau một hợp đồng đóng mới tàu biểu số
104/07/HĐ ĐMTB-ĐN với nội dung Bị đơn đồng ý đóng mới cho Nguyên đơn 01 tàu
biển vỏ thép chở hàng khô, trọng tải thiết kế 3.242 tấn, mới 100%, tổng giá trị hợp
đồng 32.000.000.000đ, thời hạn giao tàu tháng 3/2008, địa điểm giao tàu là tại xưởng
đóng tàu của Bị đơn. Thực hiện hợp đồng, Nguyên đơn đã chuyển cho Bị đơn số tiền
là 25.600.000.000đ nhưng quá thời hạn trên Bị đơn không thực hiện việc giao tàu như
hợp đồng đã ký. Hội đồng xét xử phán quyết rằng: “Hợp đồng số 104 ngày 26/9/2007
được giao kết giữa hai bên thực chất là hợp đồng mua bán hàng hóa. Theo hợp đồng
thì thời hạn giao hàng (giao tàu) được quy định tại Điều 3 hợp đồng là tháng 3/2008
đến thời điểm Nguyên đơn khởi kiện (ngày 14/7/2010) là đã quá thời hạn giao tàu gần
30 tháng, trong hợp đồng mua bán hàng hóa thời hạn giao hàng là một điều khoản cơ
bản của hợp đồng mà các bên phải cam kết thực hiện. Nhưng do không thực hiện
nghĩa vụ giao tàu theo thời hạn đã ký kết nên Nguyên đơn có quyền hủy bỏ hợp đồng
theo quy định tại điểm b, khoản 4 Điều 312 Luật thương mại”.
Vụ thứ 2 [180]: Ngày 07/07/2008 và 18/08/2008, Công ty TNHH Thương mại
và Dịch vụ Mỹ Tín (Bên A) có ký hai hợp đồng nguyên tắc số 20/08/POS/MT và
25/08/POS/MT với Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại và Dịch vụ Những bạn
hữu (Bên B), theo đó Bên B bán cho Bên A một số mặt hàng quà tặng gồm đồng hồ,
khung hình, đế để điện thoại theo mẫu mà hai bên đã thỏa thuận. Điều 3 của hai hợp
đồng quy định “Thời gian giao hàng từ 20/8/2008 đến 30/8/2008 và từ 05/09/2008 đến
15/09/2008”. Tuy nhiên, Bên B không giao hàng mặc dù đã được Bên A nhiều lần
134

nhắc nhở. Tòa án đã kết luận “Như vậy đã có đủ cơ sở để xác định phía bị đơn đã vi
phạm nghĩa vụ giao hàng (không thực hiện nghĩa vụ giao hàng) được quy định tại Điều
37 Luật thương mại năm 2005” và tuyên “hủy bỏ hai hợp đồng nguyên tắc
20/08/POS/MT và 25/08/POS/MT”. Quan điểm này cũng tương tự quan điểm của tòa
án trong vụ án giữa Công ty TNHH MTV 76 và Công ty CP Thương mại xây dựng
dịch vụ xuất nhập khẩu Tường Quang [175], theo đó Công ty Tường Quang bán cho
Công ty 76 mặt hàng vải bạt phu keo PVC khổ 1m, số lượng 351.000m với giá
30.000đồng/m. Tòa án đã tuyên rằng “Công ty Tường Quang chưa thực hiện việc giao
số hàng theo thỏa thuận của hợp đồng mặc dù Công ty 76 đã thực hiện nghĩa vụ trả
tiền. Như vậy, có đủ cơ sở để xác định phía bị đơn đã vi phạm nghĩa vụ giao hàng
(không thực hiện nghĩa vụ giao hàng) được quy định tại Điều 37 và khoản 2 Điều 310
Luật thương mại năm 2005. Căn cứ khoản 5 Điều 292, Điều 311, Điều 306 Luật
thương mại năm 2005 nghĩ nên chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn đình chỉ hợp đồng
mua bán số 159/HĐMB/CT6-TQ”. Tương tự, “do Công ty Cao Đông không giao mặt
bằng 21A Bùi Thị Xuân cho bà Trang theo hợp đồng hợp tác kinh doanh, như vậy đã
vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng nên bà Trang yêu cầu hủy bỏ hợp đồng là có căn cứ
theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 312 Luật thương mại” [179].
Vụ thứ 3 [173]: Ngày 2/8/2006, Công ty Sói Đất ký hợp đồng mua bán số
009/HĐMB/DDT với Công ty Đô Thành mua 1 chiếc xe ô tô loại Matiz Se Color 5
chỗ, mới 100%, được lắp ráp tại Việt Nam năm 2006; màu bạc; giá 13.250USD; thời
gian giao xe ngày 4/8/2006. Theo Bên mua, đến ngày 8/8/2006, Công ty Đô Thành
thực hiện giao xe cho Công ty Sói Đất nhưng xe giao không đúng với quy cách, quy
định trong hợp đồng. Cụ thể là: xe ô tô được lắp ráp tại Việt Nam năm 2005. Và chất
lượng xe cũng không tốt như có nhiều vết han rỉ, sơn bị phồng rộp nhiều chỗ. Khi
tranh chấp xảy ra, Tòa án cho rằng “Ngay sau khi kiểm tra xe ô tô do Công ty Đô
Thành giao, Công ty Sói Đất đã có khiếu nại về quy cách hàng hóa không đúng, yêu
cầu Công ty Đô Thành thực hiện giao xe theo đúng hợp đồng là đúng với khoản 1,
Điều 292 Luật thương mại năm 2005 và hủy bỏ hợp đồng mua bán theo khoản 6, Điều
292; điểm b, khoản 4, Điều 312 Luật thương mại năm 2005…Vì vậy, yêu cầu khiếu
nại, khởi kiện của Công ty Sói Đất là hủy hợp đồng mua bán xe ô tô 009/HĐMB/DDT
nói trên…là có căn cứ pháp luật”.
135

Vụ thứ 4 [181]: Công ty CP địa ốc Sài Gòn thương tín (nguyên đơn) và Công
ty TNHH Tư vấn thiết kế và xây dựng Hưng Đức (Bị đơn) đã ký hợp đồng
10/2009/HĐ-VLXD ngày 01/10/2009, theo đó Bị đơn đồng ý mua các mặt hàng thép
Pomina của Nguyên đơn. Căn cứ điểm 3.1 Điều 3 của hợp đồng thì “Bên B thanh toán
trong vòng 30 ngày (tính theo lịch làm việc) kể từ ngày nhận hàng”. Căn cứ vào các
Biên bản giao nhận hàng và hóa đơn, thì nguyên đơn đã giao hàng đợt cuối cùng cho
bị đơn là vào ngày 25/12/2009, cho đến nay đã quá thời hạn hơn 18 tháng nhưng bị
đơn không thanh toán. Do đó, tòa án chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn – chấm dứt
hợp đồng nguyên tắc số 10/2009/HĐ-VLXD ngày 01/10/2009. Tương tự, “trong quá
trình thực hiện hợp đồng, phía nguyên đơn đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền thuê
nhà xưởng (còn nợ 15 tháng tiền thuê nhà xưởng); vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền
bảo vệ (còn nợ 8 tháng tiền bảo vệ) và thực sự có lỗi trong việc thực hiện nghĩa vụ của
hợp đồng, đây là nghĩa vụ cơ bản của hợp đồng được quy định tại Điều 310 Luật
thương mại năm 2005 (…). Như vậy, bên nguyên đơn đã vi phạm nghĩa vụ cơ bản của
hợp đồng là không thanh toán tiền thuê nhà xưởng mà hợp đồng hai bên đã ký kết và
thực hiện, do đó bên bị đơn đình chỉ việc thực hiện hợp đồng là có cơ sở” [182].
Vụ thứ 5[53, tr.14]: Người mua (Việt Nam) ký hợp đồng với người bán (Trung
Quốc), theo đó người bán đồng ý bán cho người mua lô thép góc phổ thông Q325, theo
tiêu chuẩn GB9787-1988, xuất xứ Trung Quốc, số lượng 750MT+_10% (dung sai do
người bán chọn), đơn giá 445 USD/MT CFR FO cảng Hải Phòng – Việt Nam theo
Incoterms 2000, giao hàng từng phần, thanh toán bằng L/C không hủy ngang. Thực
hiện hợp đồng, ngày 17/5/2006, người mua đã mở L/C không hủy ngang tại Ngân
hàng X cho việc thanh toán cho hợp đồng. Ngày 8/6/2006, lô hàng thứ nhất với số
lượng là 436,484MT thép góc theo vận đơn sô RW-07 về đến cảng Hải Phòng. Người
mua nhận thấy bằng kinh nghiệm, lô hàng 436,484 không đạt tiêu chuẩn chất lượng
theo quy định của hợp đồng nên đã không nhận hàng và thông báo cho người bán biết
về những khiếm khuyết của lô hàng. Sau nhiều lần thương lượng và yêu cầu người bán
thay thế hàng nhưng người bán không thực hiện. Người mua đã khởi kiện Người bán
ra trọng tài với các lẽ sau: Người bán giao lô hàng thứ nhất kém chất lượng, không thể
sử dụng cho việc xây dựng công trình trọng điểm của người mua. Tuy nhiên, Trọng tài
tuyên rằng “Theo quy định tại Điều 56 Luật thương mại Việt Nam năm 2005, Bên mua
136

có nghĩa vụ nhận hàng. Nhưng nguyên đơn đã không nhận hàng là một vi phạm
nghiêm trọng hợp đồng đã ký”.
Từ những phân tích trên có thể rút ra một số nhận xét sau:
(1) Trong các vụ án viện dẫn ở trên, tòa án, trọng tài đã không xem xét đến yếu
tố thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng (không giao hàng, giao hàng không đúng quy
cách, phẩm chất, không thanh toán tiền hàng và không nhận hàng) mà bên bị vi phạm
phải gánh chịu cũng như mục đích của việc giao kết hợp đồng. Cách xử lý có một
phần tương tự cách xử lý của tòa án, trọng tài của một số quốc gia thành viên Công
ước Viên như đã phân tích ở Chương 3. Các tòa án, trọng tài này cũng không xem xét
đến việc có tồn tại tổn hại đáng kể do hành vi vi phạm gây ra hay không đối với những
hành vi không giao hàng, không thanh toán tiền hàng và không nhận hàng và giao
hàng không đúng quy cách, phẩm chất với tỷ lệ không đúng ở mức cao. Tuy nhiên,
điều đáng tiếc ở đây là tòa án, trọng tài trong các vụ viện dẫn trên cũng không xem xét
mục đích của việc giao kết hợp đồng có bị ảnh hưởng hay không, ảnh hưởng đến mức
độ nào để từ đó kết luận có hay không có hành vi vi phạm cơ bản hợp đồng làm cơ sở
cho việc áp dụng chế tài hủy bỏ hợp đồng. Tòa án, trọng tài của một số quốc gia thành
viên Công ước Viên lại nhấn mạnh việc xem xét mục đích mua hàng, những gì các bên
mong muốn trên cơ sở hợp đồng.
Người viết cho rằng, hành vi không thực hiện hợp đồng - không giao hàng, giao
hàng không đúng quy cách, phẩm chất, không thanh toán tiền hàng và không nhận
hàng có thể gây ra cho người bán những “hậu quả bất lợi ngoài ý muốn” bởi khi xác
lập và thực hiện hợp đồng, mong muốn thông thường của người bán là người mua thực
hiện hợp đồng để từ đó tìm kiếm các mục đích khác thông qua việc người mua thực
hiện hợp đồng. Vì vậy, dù có thiệt hại hay không có thiệt hại xảy ra, tòa án, trọng tài
cũng cần xem xét mức độ ảnh hưởng của hành vi vi phạm tới mục đích của việc giao
kết hợp đồng của các bên. Với những hành vi không thực hiện hợp đồng, việc xem xét
yếu tố thiệt hại để xác định có hay không có vi phạm cơ bản hợp đồng như quy định
tại khoản 13 Điều 3 Luật Thương mại là không cần thiết mà chỉ nên xem xét đến thiệt
hại do hành vi này gây ra khi bên bị vi phạm muốn áp dụng thêm chế tài bồi thường
thiệt hại, ví dụ chi phí lưu kho đối với lô hàng và các chi phí đã chi khác.
(2) Tòa án đã đồng nhất vi phạm điều khoản cơ bản của hợp đồng với vi phạm
cơ bản nghĩa vụ hợp đồng. Quan điểm của Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng cũng
137

có điểm tương đồng với quan điểm của tòa án và trọng tài của một số quốc gia thành
viên Công ước Viên khi cho rằng thời hạn giao hàng là một điều khoản cơ bản của hợp
đồng. Ở đây, tòa án đã coi vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng là vi phạm nghĩa vụ cơ
bản của hợp đồng, trong khi đó hai khái niệm này không giống nhau theo quy định của
pháp luật Việt Nam. Như đã phân tích Chương 2, cách hiểu này chỉ có thể phù hợp với
pháp luật của nước Anh, ở đó vi phạm cơ bản hợp đồng cũng chính là vi phạm điều
khoản cơ bản của hợp đồng.
Trong pháp luật thực định của Việt Nam, từ khi Bộ luật dân sự và Luật Thương
mại được ban hành, quy định về nội dung chủ yếu của hợp đồng dân sư nói chung, hợp
đồng thương mại nói riêng đã không còn hiệu lực, có nghĩa là không tồn tại quy định
về nội dung chủ yếu của hợp đồng mua bán hàng hóa. Bên cạnh đó, quy định về vi
phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng tại Khoản 13 Điều 3 Luật Thương mại không đề cập
đến điều khoản cơ bản hay điều nội dung chủ yếu của hợp đồng mà một vi phạm bị coi
là cơ bản khi thỏa mãn 2 yếu tố xác định vi phạm cơ bản hợp đồng đã được nêu ở trên.
Như vậy, có thể nói, quyết định của Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng về việc áp
dụng chế tài hủy bỏ hợp đồng căn cứ vào vi phạm điều khoản cơ bản – thời hạn giao
hàng là chưa phù hợp với quy định của Luật Thương mại hay nói cách khác là sự “mở
rộng phạm vi” khái niệm vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.
Từ nghiên cứu thực tiễn vận dụng quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng theo
Công ước Viên ở Chương 3 cho thấy, tòa án, trọng tài một số quốc gia thành viên của
Công ước Viên đều cho rằng thời hạn giao hàng chỉ được xem là yếu tố cần thiết, cơ
bản của hợp đồng khi các bên chỉ rõ điều này trong hợp đồng. Lúc đó, vi phạm thời
hạn giao hàng mới có thể bị coi là vi phạm cơ bản hợp đồng. Đối chiếu với tình tiết
nêu trong vụ tranh chấp thứ hai, sau 30 tháng kể từ ngày hết thời hạn giao hàng thì
người mua mới khởi kiện người bán để yêu cầu hủy bỏ hợp đồng. Hơn nữa, hàng hóa
nêu trong hợp đồng là tàu biển, không phải mặt hàng chịu ảnh hưởng nhiều nếu giao
hàng không đúng thời hạn. Vì thế, người viết cho rằng, cần có lý giải hợp lý cho việc
người bán không thực hiện nghĩa vụ giao tàu theo quy định của hợp đồng chứ không
phải căn cứ vào thời hạn giao tàu là điều khoản cơ bản của hợp đồng như Tòa án đã
lập luận.
5.1.2.2. Yếu tố mục đích của việc giao kết hợp đồng không rõ ràng
Mục đích của giao kết hợp đồng là điểm quan trọng cần làm rõ. Chỉ từ việc làm
rõ mục đích của giao kết hợp đồng là gì thì mới cho phép kiểm chứng thiệt hại do hành
138

vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng gây ra trong mối tương quan với mục đích của giao kết
hợp đồng. Đạt hay không đạt mục đích của giao kết hợp đồng nên xác định như thế
nào? Mức độ đạt hay không đạt xác định ra sao?
Mục đích, theo nghĩa thông thường ở Việt Nam, là “cái vạch ra làm đích nhằm
đạt cho được”. Theo Từ điển bách khoa Việt Nam, mục đích là “dự kiến trong ý thức
con người về kết quả nhằm đạt được bằng hoạt động của mình” [36, tr.356]. Như vậy,
về mặt thuật ngữ pháp lý, không có sự khác biệt giữa “những gì mong đợi” hay “kỳ
vọng” và “mục đích”.
Mục đích của việc giao kết hợp đồng là một trong những vấn đề pháp lý quan
trọng của pháp luật hợp đồng. Việc các bên thỏa thuận để ràng buộc quyền và nghĩa vụ
đối với nhau cũng vì những mục đích xác định, nhằm thỏa mãn các nhu cầu vật chất,
tinh thần trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hoặc sinh hoạt, tiêu dùng. Đây là
mục đích chung nhất của các loại hợp đồng. Mục đích giao kết hợp đồng thường được
thể hiện trong các điều khoản của hợp đồng, nhằm thể hiện những mục tiêu, mong
muốn cụ thể mà các bên muốn đạt được khi giao kết hợp đồng và mong muốn thực
hiện hợp đồng theo mục đích đó [68, tr.152].
Mục đích của việc giao kết hợp đồng của bên bị vi phạm nên được xem xét
dưới góc độ mục đích chung của loại hợp đồng (hợp đồng mua bán hàng hóa nói riêng,
hợp đồng thương mại nói chung) hay mục đích cụ thể của từng hợp đồng riêng lẻ (mục
đích của giao kết hợp đồng mua bán gạo khác với mục đích của giao kết hợp đồng
mua bán máy móc, thiết bị…). Mục đích của các bên cũng có thể được xem xét dựa
trên hợp đồng hay cả những mục đích ngoài hợp đồng [25, tr.186].
Pháp luật hợp đồng thực định của Việt Nam không có quy định cụ thể về mục
đích của việc giao kết hợp đồng là gì mà thay vào đó, mục đích của việc giao kết hợp
đồng cần được giải thích thông qua quy định về mục đích của giao dịch dân sự tại
Điều 123 Bộ luật dân sự, theo đó “mục đích của giao dịch dân sự là lợi ích hợp pháp
mà các bên mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch đó”. Khoản 2 Điều 6 Nghị
quyết 03/2012/NQ-HĐTP ngày 3/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân
tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “Những quy định
chung” của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự cũng nhấn mạnh rằng, “mục đích lợi nhuận
của cá nhân, tổ chức trong hoạt động kinh doanh, thương mại là mong muốn của cá
nhân đó thu được lợi nhuận…”.
139

Khi các bên không có thỏa thuận rõ ràng về mục đích của hợp đồng, của việc
giao kết hợp đồng, căn cứ nguyên tắc giải thích hợp đồng dân sự đã được luật định tại
Điều 409 Bộ luật dân sự, mục đích của việc giao kết hợp đồng có thể được xác định
“không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn phải căn cứ vào ý chí chung của
các bên” hoặc “giải thích theo nghĩa phù hợp nhất với tính chất của hợp đồng” hoặc
“tập quán tại địa điểm giao kết hợp đồng” đảm bảo “mối liên hệ với nhau” giữa các
điều khoản, sao cho ý nghĩa của các điều khoản đó phù hợp với toàn bộ nội dung hợp
đồng. Nếu ý chí chung của các bên mâu thuẫn với ngôn từ hợp đồng thì ý chí chung
của các bên được dùng để giải thích hợp đồng. Ví dụ, Công ty B đã có vài lần trao đổi
với Công ty A (là một doanh nghiệp cung cấp nước uống tinh khiết) về việc mua nước
uống. A đã đồng ý với các điều kiện mà B đưa ra và tiến hành giao hàng. Khi hàng
được chuyển đến, B không nhận hàng vì B cho rằng mình chỉ cần mua loại nước
khoáng không phải là nước tinh khiết. Cơ quan giải quyết tranh chấp hợp đồng cho
rằng, B phải nhận hàng hoặc bồi thường thiệt hại cho A vì ngôn từ trong hợp đồng mà
hai bên thỏa thuận trong hợp đồng không nói rõ là loại nước uống nào (nước tinh khiết
hay nước khoáng) [13].
Như vậy, việc xác định mục đích của việc giao kết hợp đồng của các bên tùy
thuộc rất nhiều vào các tình huống cụ thể, nhưng không loại trừ cả những mục đích
ngoài hợp đồng như mục đích từ thực tiễn thương mại được xác lập giữa các bên và
quyền quyết định thuộc về cơ quan tài phán khi giải thích hợp đồng được xác lập giữa
các bên. Điều này làm tăng “tính chủ quan” trong xác định vi phạm cơ bản hợp đồng
của cơ quan tài phán.
Thực tiễn áp dụng pháp luật về vi phạm cơ bản hợp đồng để chấp nhận yêu cầu
tuyên bố hủy bỏ hợp đồng của một bên đã cho thấy một số do mục đích của việc giao
kết hợp đồng của các bên không được quy định cụ thể dẫn đến tòa án bỏ qua yếu tố
này (như một số vụ án được viện dẫn ở phần trên) hoặc xác định yếu tố này dựa trên
“cảm tính”:
Vụ thứ 1 [176]: Ngày 1/11/2010, Nguyên đơn (Công ty Xian Hua International
Video&Audio Co.,Ltd) ký hợp đồng mua bán thương quyền bộ phim truyền hình
nhiều tập The Return East Heroes với Bị đơn (Công ty TNHH Truyền thông Tiến
Việt). Sau khi ký hợp đồng, Bị đơn đã chuyển cho Nguyên đơn 40% trị giá hợp đồng
đúng theo thỏa thuận tại khoản a, Điều 9 của hợp đồng. Tuy nhiên, Nguyên đơn đã
không thực hiện nghĩa vụ của mình thỏa thuận tại khoản b Điều 9 của hợp đồng là phải
chuyển cho bị đơn betacam, giấy phép đã được chứng thực sau khi nhận được 40% trị
140

giá hợp đồng và theo thỏa thuận này thì chỉ sau khi hoàn tất việc nhập khẩu hàng
Nguyên đơn mới được nhận tiếp 60% trị giá hợp đồng còn lại. Tòa án nhân dân tối cao
Tp.HCM phán quyết rằng “Như vậy, Nguyên đơn mới là bên vi phạm hợp đồng. Việc
vi phạm hợp đồng nói trên của Nguyên đơn làm cho Bị đơn không đạt được mục đích
của hợp đồng là phát hành bộ phim đã thỏa thuận do không có giấy phép về bản
quyền cũng như không có bằng betacam để phát sóng”. Tòa án còn nhấn mạnh “Bị
đơn có quyền áp dụng chế tài đình chỉ hoặc hủy bỏ hợp đồng và đòi lại số tiền đã
chuyển cho Nguyên đơn theo quy định tại các Điều 310, 311, 312 và 314 của Luật
thương mại năm 2005”.
Vụ thứ 2 [177]: Công ty TNHH MTV TMDV Cường Thịnh Phát (Bên mua) và
Công ty Ms Farlin Commodities Pte Ltd (Bên bán) ký hợp đồng mua bán hàng hóa số
FARCOM/RCN/IVC/036/2011 ngày 07/06/2011, theo đó Bên mua mua hạt điều thô
nguồn góc Ivory Coast, số lượng 1000 tấn x 1,385,50 USD/tấn theo phương thức thanh
toán 98% L/C trả chậm trong vòng 90 ngày kể từ ngày giao hàng. Sau khi nhận hàng,
theo Điều 8 của hợp đồng, Bên mua đã kiểm tra lại chất lượng và khối lượng tại cảng
dỡ hàng là cảng Cát Lái Tp.Hồ Chí Minh với sự giám định của Vinacontrol thì phát
hiện hàng hóa của Bên bán không đảm bảo chất lượng. Hành vi giao hàng kém phẩm
chất của Bên bán đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho Bên mua vì lô hàng nhận về Bên
mua không sử dụng được, không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng là để
tái chế xuất khẩu nhân hạt điều đi nước ngoài nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Tòa lập luận
rằng: “việc Bên bán giao hàng kém phẩm chất và không chịu khắc phục sửa chữa theo
khiếu nại của Bên mua làm cho Bên mua bị thiệt hại nghiêm trọng, hàng không sử
dụng được nên Bên mua không đạt được mục đích của hợp đồng do đó có cơ sở cho
rằng Bên bán đã vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng theo khoản 13 Điều 3 Luật
thương mại” và tuyên xử “Hủy bỏ hợp đồng FARCOM/RCN/IVC/036/2011 ngày
07/06/2011”.
Từ những phân tích trên có thể rút ra một số nhận xét sau:
(1) Tòa án nhân dân tối cao Tp.HCM trong vụ thứ 1 đã không xem xét các yếu
tố cấu thành vi phạm cơ bản quy định tại khoản 13 Điều 3 Luật Thương mại, tức là
xem xét từ thiệt hại cho đến mục đích của việc giao kết hợp đồng mà thay vào đó Tòa
án nhân dân tối cao Tp.HCM chỉ xem xét đến mục đích của hợp đồng là “phát hành bộ
phim đã thỏa thuận”. Tuy nhiên, trong vụ thứ 2, dường như, tòa án cho rằng vi phạm
của bị đơn làm cho hàng không sử dụng được nên Bên mua không đạt được mục đích
141

của hợp đồng, tức là tòa án đã chấp nhận lập luận của Nguyên đơn cho rằng, mục đích
của việc giao kết hợp đồng là “để tái chế xuất khẩu nhân hạt điều đi nước ngoài nhằm
tìm kiếm lợi nhuận”. Cách lý giải của tòa án trong 2 vụ việc nêu trên chưa thực sự
thuyết phục bởi lẽ: (i) Việc lý giải các bên giao kết hợp đồng nhằm mục đích gì trước
hết phải dựa vào ngôn từ của hợp đồng, trừ khi dựa vào ngôn từ hợp đồng mà tòa án
vẫn không thể xác định được mục đích của việc giao kết hợp đồng của các bên thì tòa
án mới dựa vào các tình huống có liên quan, những cuộc đàm phán, tập quán và thói
quen được xác lập giữa các bên. Đây cũng là cách xử lý phổ biến của tòa án, trọng tài
của một số quốc gia thành viên Công ước Viên. (ii) Tòa án chỉ dựa vào quan điểm của
bên bị vi phạm về mục đích của giao kết hợp đồng bị ảnh hưởng bởi hành vi vi phạm
của bên vi phạm mà không tính tới khả năng lường trước được sự ảnh hưởng tới mục
đích của giao kết hợp đồng của bên vi phạm. Vì thế, quan điểm của tòa án mang nặng
cảm tính, thiếu khách quan.
(2) Thuật ngữ “mục đích cùa giao kết hợp đồng” được quy định để xác định vi
phạm cơ bản hợp đồng mà mục đích của giao kết hợp đồng thường không thể hiện qua
ngôn từ hợp đồng, thậm chí dễ dàng thay đổi nếu bên bị vi phạm thấy cần thiết cho
việc bảo vệ quyền lợi của mình.
Về mặt bản chất pháp lý, mục đích của giao kết hợp đồng thường gắn liền với
mong muốn, kỳ vọng của chủ thể từ hợp đồng, từ việc xác lập giao dịch. Chẳng hạn,
người mua mong muốn mua hàng để bán lại cho người mua trong nội địa (khách hàng,
người tiêu dùng) nên mục đích của việc giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa là để bán
lại hoặc sử dụng hàng mua được cho mục đích cụ thể nào đó. Thực tiễn vụ thứ 2 cho
thấy, Tòa án đã có phần mở rộng thuật ngữ vi phạm cơ bản bằng việc dùng “mục đích
của hợp đồng” là “phát hành bộ phim đã thỏa thuận” thay cho “mục đích của việc giao
kết hợp đồng”.
Các bên giao kết hợp đồng có thể vì nhiều mục đích khác nhau, mục đích này
có thể được các bên nêu rõ trong hợp đồng nhưng cũng có thể không được đề cập rõ
ràng trong hợp đồng. Mục đích của hợp đồng, theo người viết, chẳng qua chỉ là cách
thể hiện khác của mục đích của việc giao kết hợp đồng bởi hợp đồng với ý nghĩa là
một hình thức giao dịch dân sự thì bản thân nó không có “mục đích tự thân” mà mục
đích của hợp đồng được biểu hiện thông qua mục đích của các bên giao kết hợp đồng.
Tuy nhiên, tương tự các vụ tranh chấp ở trên, Tòa án nhân dân tối cao Tp.HCM cũng
142

suy đoán dựa trên “cảm tính” về mục đích của việc giao kết hợp đồng bởi quy định
“mua bán thương quyền bộ phim truyền hình nhiều tập The Return East Heroes” chưa
đủ cơ sở để kết luận rằng mục đích của hợp đồng là phát hành bộ phim này. Việc mua
thương quyền bộ phim truyền hình có thể nhằm nhiều mục đích khác nhau như: để
phát hành, để bán lại quyền phát hành. Như vậy, phát hành bộ phim chỉ có thể là một
trong số các mục đích mà một trong các bên hướng tới khi xác lập giao dịch này. Tòa
án nhân dân tối cao Tp.HCM cũng không lý giải và đưa ra căn cứ rõ ràng cho kết luận
mục đích của hợp đồng là “phát hành bộ phim” để từ đó tuyên phán quyết nguyên đơn
là bên vi phạm hợp đồng và bị đơn có quyền áp dụng chế tài đình chỉ hợp đồng hoặc
hủy bỏ hợp đồng theo quy định tại Điều 310 và Điều 312 Luật Thương mại. Đáng chú
ý hơn, Tòa án nhân dân tối cao Tp.HCM cũng không lý giải rõ ràng mức độ không đạt
được mục đích của việc giao kết hợp đồng (“phát hành bộ phim”), tức là hoàn toàn
không đạt được mục đích này hay không đạt được một phần. Chính vì thế, khó có thể
thấy được mức độ tác động, mức độ ảnh hưởng của vi phạm hợp đồng đối với mục
đích của việc giao kết hợp đồng.
Tóm lại, trong các vụ tranh chấp ở trên, tòa án đều kết luận hoặc chấp nhận yêu
cầu hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần hợp đồng giữa các bên. Tuy nhiên, vấn đề bất cập
mà chưa được tòa án đưa ra trong phán quyết của mình là tòa án đã kết luận hoặc chấp
nhận các yêu cầu hủy bỏ hợp đồng dựa trên cơ sở nào? Các kết luận của Tòa án chấp
nhận yêu cầu hủy bỏ hợp đồng của người mua hay người bán vẫn dựa trên “cảm tính”,
tâm lý chủ quan khá nhiều trong khi đó nếu so sánh với tòa àn và trọng tài một số quốc
gia thành viên Công ước khi giải quyết tranh chấp về hợp đồng MBHHQT có liên
quan đến vi phạm cơ bản, họ lại nghiêng về các yếu tố về mặt khách quan như khả
năng bán lại, khả năng sử dụng, tỷ lệ hàng hóa không phù hợp,…tức là tập trung trực
tiếp vào lợi ích của bên bị vi phạm. Điều này có thể dẫn tới hậu quả pháp lý mà bên vi
phạm phải gánh chịu khác nhau khi áp dụng quy định về vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp
đồng trong thực tiễn.
Bên cạnh đó, từ quy định tại khoản 13 Điều 3 Luật Thương mại có thể hiểu
rằng, thời điểm xác định mục đích là thời điểm giao kết hợp đồng. Như vậy, phải
chăng pháp luật không cho phép các bên thay đổi mục đích trong quá trình thực hiện
hợp đồng. Chẳng hạn, người bán và người mua giao kết hợp đồng mua bán giấy lề
catton để sản xuất thành phẩm. Nếu xét về mặt ngôn từ thì mục đích của giao kết hợp
đồng của người bán ở đây là nhận được tiền, còn người mua là nhận được hàng nhằm
143

sử dụng nó cho mục đích sản xuất ra thành phẩm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện
hợp đồng, vì lý do khách quan, người mua không tiếp tục sản xuất nữa mà quyết định
bán lại cho người mua khác để người mua này sử dụng làm vật liệu chèn lót. Như vậy,
nếu người bán giao hàng kém phẩm chất cho người mua, hàng kém phẩm chất vẫn sử
dụng để sản xuất được nhưng không phù hợp để bán lại. Lúc này, có thể có 2 kết luận:
(i) Mục đích của việc giao kết hợp đồng của người mua không đạt được vì hàng giao
kém phẩm chất và người mua không thể sử dụng để sản xuất được (hay tái chế để xuất
khẩu như lập luận của người mua trong vụ thứ 2); (ii) Mục đích bán lại hàng của người
mua vẫn đảm bảo. Vấn đề xác định mục đích của việc giao kết hợp đồng càng trở nên
khó khăn hơn với hợp đồng cung ứng dịch vụ khi mà các bên không thỏa thuận rõ ràng
nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ là nghĩa vụ theo kết quả công việc hay nghĩa vụ
theo nỗ lực và khả năng cao nhất. Với sự biến động liên tục của hoạt động thương mại
nhằm mục đích sinh lợi thì khả năng thay đổi mục đích của các bên hợp đồng là rất có
thể. Đối với các hợp đồng thương mại, vì môi trường kinh doanh biến thiên liên tục,
các bên cần phản ứng linh hoạt – ý chí vào thời điểm giao kết cũng không thể bất biến.
5.1.3. Bất cập trong quy định và thực tiễn áp dụng chế tài do vi phạm cơ bản
hợp đồng
Khi có hành vi vi phạm cơ bản hợp đồng, bên vi phạm phải gánh chịu hậu quả
bất lợi, đó là việc bên vi phạm có thể bị áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện, đình chỉ
thực hiện hay hủy bỏ hợp đồng. Đây là các chế tài giống nhau về điều kiện áp dụng
theo hướng trao cho các bên xác lập và thực hiện hợp đồng quyền tự do thỏa thuận về
việc áp dụng các chế tài này. Nếu các bên không có thỏa thuận về điều kiện để tạm
ngừng thực hiện, đình chỉ thực hiện hay hủy bỏ hợp đồng thì hợp đồng chỉ có thể bị
tạm ngừng thực hiện, bị đình chỉ thực hiện hoặc hủy bỏ khi một bên có vi phạm cơ bản
nghĩa vụ hợp đồng.
Tuy nhiên, ba chế tài nói trên có sự khác biệt cơ bản về hậu quả pháp lý, cụ thể:
Khi hợp đồng bị tạm ngừng thực hiện thì hợp đồng vẫn có hiệu lực nhưng khi hợp
đồng bị đình chỉ thực hiện hoặc hủy bỏ thì hợp đồng không còn hiệu lực (chấm dứt) từ
thời điểm một bên nhận được thông báo đình chỉ (đối với đình chỉ thực hiện hợp đồng)
hoặc hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết (đối với hủy bỏ hợp đồng) và
các bên không phải tiếp tục thực hiện hợp đồng. Khi áp dụng các chế tài nói trên, bên
bị vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có).
144

Luật Thương mại tuy quy định hệ quả pháp lý do vi phạm cơ bản hợp đồng
rộng hơn Công ước Viên ở chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng và đình chỉ thực hiện
hợp đồng nhưng đều có điểm chung với Công ước Viên là căn cứ áp dụng các chế tài
nói trên đều dựa vào vi phạm cơ bản hợp đồng (vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng).
Ngoài ra, Công ước Viên lại khác Luật thương mại khi quy định bên bị vi phạm có
quyền yêu cầu bên vi phạm giao hàng thay thế [40, Điều 297] như một chế tài buộc
thực hiện đúng hợp đồng. Từ kết quả nghiên cứu Công ước Viên cho thấy, quy định
của Luật Thương mại về các chế tài nói trên còn một số bất cập, cụ thể:
5.1.3.1. Quy định tại Điều 293 là thừa, không cần thiết
Luật Thương mại phân biệt vi phạm cơ bản và vi phạm không cơ bản bằng quy
định tại Điều 293, theo đó trừ khi các bên có thỏa thuận khác, bên bị vi phạm không
được áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng và
hủy bỏ hợp đồng đối với vi phạm không cơ bản.
Tuy nhiên, quy định như trên là thừa và không cần thiết bởi lẽ Điều 308, 310 và
312 đã quy định: trừ trường hợp miễn trách nhiệm hoặc xảy ra hành vi vi phạm mà các
bên đã thỏa thuận là điều kiện tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp
đồng hoặc hủy bỏ hợp đồng, bên bị vi phạm chỉ được áp dụng các chế tài này khi bên
kia vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng. Điều này có nghĩa là, các chế tài tạm ngừng
thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc hủy bỏ hợp đồng sẽ không được
áp dụng với những vi phạm không cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.
Quy định thừa và không cần thiết này dễ dẫn đến rối rắm, lung túng khi áp dụng
quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng. Nếu các bên có thỏa thuận về việc áp dụng các
chế tài nói trên thì không cần phải xác định có hay không có vi phạm cơ bản mà chỉ
cần xác định bên vi phạm vi phạm thỏa thuận nào của các bên làm cơ sở áp dụng các
chế tài nói trên. Nhưng nếu các bên không có thỏa thuận cụ thể thì đương nhiên quy
định tại khoản 2 Điều 308, khoản 2 Điều 310 và khoản 4 Điều 312 sẽ được áp dụng
mà không cần dẫn chiếu tới Điều 293.
5.1.3.2. Quyền thay thế hàng hóa quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 297 là
chưa hợp lý
Giao hàng thay thế là một trong những nội dung của chế tài buộc thực hiện
đúng hợp đồng trong trường hợp có hành vi vi phạm hợp đồng. Đây là biện pháp mà
bên bị vi phạm sử dụng để yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng để hợp đồng
145

được thực hiện và bên vi phạm phải chịu chi phí phát sinh. Như vậy, bản chất pháp lý
của quyền thay thế hàng hóa là tiếp tục duy trì quan hệ hợp đồng của các bên, đảm bảo
mục tiêu hợp đồng được giao kết không phải để bị hủy bỏ.
Tuy nhiên, Điều 297 về buộc thực hiện đúng hợp đồng lại quy định quyền thay
thế hàng hóa bao gồm cả việc thay thế do chính bên vi phạm thực hiện và do chính bên
bị vi phạm thực hiện thông qua giao dịch với chủ thể khác là chưa thực sự hợp lý, cụ
thể:
(i) Đối với việc thay thế do chính bên vi phạm thực hiện (bên không thực hiện
đúng hợp đồng)
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu một bên không thực hiện đúng hợp
đồng như bên bán giao hàng kém chất lượng thì bên bán, theo yêu cầu của bên mua, có
thể loại trừ khuyết tật của hàng hóa, thiếu sót của dịch vụ hoặc giao hàng khác của bên
bán để thay thế [40, khoản 2 Điều 297]. Quyền yêu cầu giao hàng thay thế, lúc này,
thuộc nội dung của chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng.
Tuy nhiên, hệ quả pháp lý mà bên vi phạm phải gánh chịu do vi phạm hợp đồng
dẫn đến bị buộc thực hiện đúng hợp đồng cũng rất nặng nề bởi bên vi phạm phải chịu
chi phí phát sinh, đặc biệt là khi phải giao hàng thay thế. Mọi chi phí vận chuyển hàng
hóa ban đầu từ địa điểm của người mua về địa điểm của người bán và từ địa điểm của
người bán đến địa điểm của người mua (đối với lô hàng thay thế) sẽ do người bán
chịu. Trong khi đó, Luật Thương mại lại chỉ cho phép áp dụng chế tài buộc thực hiện
đúng hợp đồng bằng cách yêu cầu giao hàng thay thế đối với vi phạm không cơ bản –
giao hàng, cung ứng dịch vụ kém chất lượng [40, Điều 293].
Như vậy, kết hợp với Điều 293, nếu các bên không có thỏa thuận khác thì hàng
hóa, dịch vụ kém chất lượng bị yêu cầu giao hàng thay thế phải đảm bảo không thỏa
mãn các yếu tố cấu thành vi phạm cơ bản quy định tại khoản 13 Điều 3 Luật Thương
mại. Nếu hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng thì
dẫn tới hệ quả pháp lý hợp đồng bị tạm ngừng thực hiện, đình chỉ thực hiện hoặc hủy
bỏ mặc dù các bên không có ý định triệt tiêu hiệu lực hợp đồng bằng các chế tài này.
Quy định như khoản 1 Điều 297 hiện nay dễ dẫn đến tùy tiện của bên bị vi phạm trong
việc yêu cầu bên vi phạm giao hàng thay thế và gánh chịu chi phí bởi chỉ với vi phạm
nhỏ nhất (hàng kém phẩm chất dù rất ít) cũng dẫn đến hệ quả pháp lý là phải giao hàng
thay thế. Về mặt kinh tế, lúc này, bên vi phạm sẽ gánh chịu hậu quả rất nặng nề do
146

việc giao hàng thay thế. Bên cạnh đó, việc sử dụng các thuật ngữ mang tính diễn giải
cho chất lượng của hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với hợp đồng như “khiếm
khuyết”, “khuyết tật”, “thiếu sót” càng làm tăng thêm sự bất hợp lý của điều luật này
và sự rối rắm trong diễn đạt.
Cơ chế pháp luật điều chỉnh vi phạm cơ bản hợp đồng, một mặt, để bảo vệ hiệu
lực của hợp đồng, mặt khác, tránh sự tùy tiện chấm dứt hiệu lực hợp đồng của các bên.
Vì vậy, quy định như hiện nay tại Điều 297 vừa thể hiện sự không hợp lý trong việc
duy trì hiệu lực của hợp đồng mà có nguy cơ tạo nên sự tùy tiện trong việc thực hiện
quyền yêu cầu giao hàng thay thế, vừa không tương thích với Công ước Viên – văn
bản pháp luật quốc tế mà Chính phủ đã đồng ý chủ trương gia nhập. Quy định về yêu
cầu giao hàng thay thế như hiện nay của Luật Thương mại là quá rộng, dễ tạo “lạm
dụng” cho bên bị vi phạm khi hàng hóa được giao có chất lượng không phù hợp với
hợp đồng dù là rất nhỏ. Bên cạnh chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng, người mua
luôn có quyền đòi bồi thường thiệt hại nếu nhận hàng có chất lượng không phù hợp, vì
vậy quyền yêu cầu giao hàng thay thế chỉ nên được trao cho người mua khi hàng hóa
được giao có chất lượng không phù hợp với hợp đồng cấu thành vi phạm cơ bản hợp
đồng. Nói cách khác, người mua muốn yêu cầu giao lại hàng phải là người chịu thiệt
hại đến mức bị tước đi đáng kể mục đích hay kỳ vọng từ hợp đồng.
Bên cạnh việc trao quyền yêu cầu giao hàng thay thế cho bên vi phạm với
những vi phạm rất nhỏ, Luật Thương mại lại không có quy định nào bảo vệ quyền lợi
của người bán khi bị áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng là không hợp lý.
Chẳng hạn, khi người bán giao hàng có chất lượng không phù hợp với hợp đồng và
người mua áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng bằng cách yêu cầu giao hàng
thay thế nhưng người mua lại không thể hoàn trả lại hàng hóa như nguyên trạng ban
đầu cho người bán thì quyền lợi của người bán sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Chính vì thế,
cần có giải pháp pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho người bán hay nói cách khác là hậu
quả pháp lý của buộc thực hiện đúng hợp đồng.
(ii) Đối với việc thay thế do chính bên bị vi phạm thực hiện (bên không được
thực hiện đúng hợp đồng)
Khoản 3 Điều 297 cho phép bên bị vi phạm có quyền mua hàng, nhận cung ứng
dịch vụ của người khác để thay thế theo đúng loại hàng hóa, dịch vụ ghi trong hợp
đồng và bên vi phạm phải trả khoản tiền chênh lệch và các chi phí liên quan nếu có.
147

Như vậy, khi bên bị vi phạm mua hàng, nhận cung ứng dịch vụ từ bên thứ ba là bên bị
vi phạm đã xác lập quan hệ hợp đồng khác thay thế quan hệ hợp đồng với bên vi
phạm. Điều này, xét về mặt bản chất pháp lý, là hợp đồng giữa bên vi phạm và bên bị
vi phạm bị hủy bỏ một phần (thay thế một phần) hoặc toàn bộ (thay thế toàn bộ), đi
ngược với chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng.
Ở đây, những gì bên bị vi phạm nhận được từ việc mua hàng, nhận cung ứng
dịch vụ không phài từ bên vi phạm (bên có nghĩa vụ), do đó, không thể là nội dung của
chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng và việc đặt quy định này tại khoản 3 Điều 297
về buộc thực hiện đúng hợp đồng là điều bất hợp lý cần phải khắc phục. Nếu chấp
nhận việc thay thế thì buộc phải xác định hợp đồng bị thay thế đã chấm dứt hoặc hủy
bỏ nhưng chấp nhận việc thay thế cũng đồng nghĩa với việc buộc các bên tiếp tục thực
hiện đúng hợp đồng theo Điều 297 trong khi đó đây là hai chế tài không đồng hành
cùng nhau (không thể vừa buộc tiếp tục thực hiện hợp đồng vừa đình chỉ hay hủy bỏ
hợp đồng theo khoản 1 Điều 299 Luật Thương mại).
5.1.3.3. Quyền khắc phục vi phạm cơ bản hợp đồng của bên vi phạm chưa được
bảo đảm
Trong giao dịch dân sự nói chung, hoạt động thương mại nói riêng, các bên đều
bị chi phối bởi nguyên tắc thiện chí trong kinh doanh. Tức là, trong quá trình thực hiện
hợp đồng, các bên có những biện pháp tương hỗ cho nhau để cùng thực hiện tốt hợp
đồng. Chẳng hạn, hết thời hạn giao hàng nhưng người bán chưa giao hàng thì người
mua có thể gia hạn thêm thời gian để người bán có thể giao hàng hoặc nếu người bán
giao hàng không phù hợp với hợp đồng, người mua có thể cho phép người bán một
khoảng thời gian để khắc phục sự không phù hợp đó với chi phí của người bán. Vì
vậy, dù là khi một bên vi phạm cơ bản hợp đồng, chế tài hủy bỏ hay đình chỉ thực hiện
hợp đồng chỉ nên được phép áp dụng khi bên vi phạm không khắc phục được hoặc
khắc phục nhưng gây tổn hại cho bên bị vi phạm.
Quyền khắc phục vi phạm của bên vi phạm cũng đã được công nhận trong Luật
Thương mại nhưng là quyền khắc phục với vi phạm không cơ bản khi chưa hết thời
hạn thực hiện hợp đồng. Chẳng hạn, Điều 41 Luật Thương mại quy định cho phép
người bán khắc phục trong trường hợp giao thiếu hàng, giao hàng không phù hợp với
hợp đồng trước khi hết thời hạn giao hàng, khắc phục thiếu sót của các chứng từ trong
thời hạn còn lại nếu giao chứng từ trước thời hạn thỏa thuận. Người mua có quyền tạm
148

ngừng thanh toán tiền mua hàng cho đến khi người bán đã khắc phục sự không phù
hợp của hàng hóa nếu người mua có bằng chứng về việc bên bán đã giao hàng không
phù hợp với hợp đồng [40, Điều 51].
Người viết cho rằng, quyền yêu cầu khắc phục vi phạm đúng nhất nên được
hiểu là một dạng tổng quát hơn của quyền yêu cầu thực hiện hợp đồng. Theo Luật
thương mại, quyền khắc phục vi phạm cũng được quy định trong chế tài buộc thực
hiện đúng hợp đồng thể hiện ở nội dung: giao đủ hàng (đối với giao thiếu hàng), loại
trừ khuyết tật hoặc giao hàng khác thay thế (đối với giao hàng kém chất lượng) trong
thời hạn do bên bị vi phạm ấn định nhưng các hành vi vi phạm như giao thiếu hàng
hoặc giao hàng kém chất lượng không cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng. Bởi vì, nếu
đó là vi phạm cơ bản thì chế tài được sử dụng sẽ là tạm ngừng thực hiện hợp đồng,
đình chỉ thực hiện hoặc hủy bỏ hợp đồng. Chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng
không được áp dụng cùng với các chế tài nói trên.
Quyền khắc phục của người bán đối với giao thiếu hàng và giao hàng kém chất
lượng là chưa bao quát hết các trường hợp hàng hóa không phù hợp với hợp đồng quy
định tại Điều 39, theo đó sự không phù hợp của hàng hóa có thể về số lượng, về chất
lượng hoặc về bao bì, đóng gói. Ngoài ra, khoản 2 Điều 39 Luật Thương mại quy định
“người mua có quyền từ chối nhận hàng nếu hàng hóa không phù hợp với hợp đồng”
mâu thuẫn với quy định tại Điều 56 “người mua có nghĩa vụ nhận hàng”.
Hợp đồng được giao kết không phải để hủy bỏ mà để các bên tôn trọng và thực
hiện. Chấm dứt hiệu lực hợp đồng là giải pháp cuối cùng khi các bên đã nỗ lực duy trì
hợp đồng. Vì vậy, các bên xác lập và thực hiện hợp đồng cần có quyền lựa chọn giữa
việc áp dụng tạm ngừng, đình chỉ, hủy bỏ hợp đồng hoặc tiếp tục duy trì hợp đồng.
Với ý nghĩa đó, rõ ràng, Luật Thương mại chưa tính đến việc cho phép một bên khắc
phục vi phạm nếu trong trường hợp vi phạm của một bên gây thiệt hại cho bên kia
hoặc làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng. Nói cách
khác, quyền khắc phục vi phạm như sửa chữa hoặc thay thế hàng hóa của người bán
với chi phí của người bán cần được ghi nhận như là một yếu tố để xác định tính cơ bản
của vi phạm hợp đồng.
Người viết cho rằng, vì hậu quả pháp lý của vi phạm cơ bản hợp đồng là rất
nặng nề, hợp đồng bị chấm dứt và quyền lợi của các bên xác lập, thực hiện hợp đồng
sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Vì vậy, với mục đích đảm bảo tính bền vững của hợp đồng
149

thương mại, các bên càng tuân thủ đúng hợp đồng thì càng có lợi cho xã hội, khi xem
xét hành vi vi phạm hợp đồng có phải là vi phạm cơ bản không thì cần xem xét cả
quyền khắc phục vi phạm của người bán, tức là việc bên vi phạm có sẵn sàng khắc
phục hoặc có khả năng khắc phục vi phạm hay không, để từ đó xem xét, đối chiếu sự
ảnh hưởng của vi phạm, của sự khắc phục vi phạm với mục đích của việc giao kết hợp
đồng của bên bị vi phạm.
5.1.3.4. Chưa có sự tương thích giữa Điều 51 với Điều 308
Theo Điều 308 Luật Thương mại, tạm ngừng thực hiện hợp đồng là việc một
bên tạm thời không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng. Nếu các bên không có thỏa
thuận về điều kiện để tạm ngừng thực hiện hợp đồng thì hợp đồng bị tạm ngừng thực
hiện khi một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng. Tuy nhiên, quy định tại Điều 51
của Luật Thương mại thể hiện sự không tương tích với quy định về tạm ngừng thực
hiện hợp đồng dựa trên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng. Điều 51 Luật Thương mại
quy định người mua được quyền tạm ngừng thanh toán tiền mua hàng nếu có bằng
chứng: (i) người bán lừa dối; (ii) hàng hóa đang là đối tượng bị tranh chấp; (iii) người
bán đã giao hàng không phù hợp với hợp đồng. Người bán chỉ cần vi phạm nghĩa vụ
bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa (tức là hàng hóa là đối tượng bị tranh
chấp) hoặc giao hàng không phù hợp với hợp đồng, tức là vi phạm có thể cơ bản hoặc
không cơ bản, thì người mua có quyền tạm ngừng thực hiện hợp đồng.
Tạm ngừng thanh toán tiền hàng, về mặt bản chất, là tạm thời không thực hiện
hợp đồng trong một thời hạn nhất định, đó là cho đến khi tranh chấp được giải quyết
hoặc bên bán đã khắc phục sự không phù hợp của hàng hóa, của dịch vụ theo đúng quy
định hợp đồng. Vì vậy, cần phải được ghi nhận như một chế tài trong thương mại. Quy
định về tạm ngừng thanh toán tiền mua hàng được đặt ở mục quyền và nghĩa vụ của
người bán và người mua, không phải là chế tài áp dụng trong thương mại là chưa hợp
lý.
Ngoài ra, lừa dối là điều kiện hiệu lực của giao dịch hợp đồng nên việc sắp xếp
lừa dối là căn cứ để tạm ngừng thanh toán tiền mua hàng tạo nên sự không thống nhất
với quy định của Bộ luật dân sự, theo đó khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị
lừa dối thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó vô hiệu (Điều 133
Bộ luật dân sự). Luật Thương mại cũng không quy định thời hạn tạm ngừng thanh toán
khi bên kia lừa dối và xử lý hậu quả pháp lý của hành vi lừa dối trong giao dịch. Từ
150

đó, người viết cho rằng, không nên sử dụng “lừa dối” làm căn cứ để tạm ngừng thực
hiện thanh toán tiền mua hàng.
Chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng là chế tài được áp dụng trong thương
mại, có nghĩa là áp dụng cho các loại hợp đồng thương mại mà trong đó quy định về
mua bán hàng hóa và MBHHQT chỉ là phần rất nhỏ. Nếu xem quy định về việc tạm
ngừng thanh toán của người bán thì vô hình chung Luật Thương mại công nhận vi
phạm nghĩa vụ đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa, vi phạm nghĩa vụ giao
hàng phù hợp với hợp đồng là vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng mặc dù có thể không
gây thiệt hại đến mức làm bên kia mất đi mục đích của việc giao kết hợp đồng.
5.1.4. Căn cứ hủy bỏ hợp đồng do vi phạm cơ bản hợp đồng là quá rộng
Như đã phân tích ở các chương trước, hủy bỏ hợp đồng là chế tài mang lại hậu
quả pháp lý nặng nề nhất, là hình thức chấm dứt hiệu lực hợp đồng có hiệu lực hồi tố
(hợp đồng không có hiệu lực kể từ thời điểm ký kết). Vì vậy, để đảm bảo an toàn pháp
lý cho giao dịch của các bên, an toàn hợp đồng nhằm tránh tình trạng hợp đồng bị hủy
bỏ một cách tùy tiện, ảnh hưởng nguyên tắc tuân thủ hợp đồng, Luật Thương mại quy
định người bán hoặc người mua chỉ có thể hủy bỏ hợp đồng khi một bên vi phạm cơ
bản nghĩa vụ hợp đồng khi các bên không có thỏa thuận về điều kiện hủy bỏ hợp đồng.
Tuy nhiên, từ nghiên cứu quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng Công ước Viên và
thực tiễn vận dụng quy định này của tòa án, trọng tài một số quốc gia thành viên của
Công ước cho thấy quy định về hủy bỏ hợp đồng khi có vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp
đồng theo Luật Tthương mại là quá rộng.
Khoản 12 Điều 3 Luật Thương mại định nghĩa “vi phạm hợp đồng” là việc một
bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ và thực hiện không đúng nghĩa vụ theo
thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quy định của Luật này. Vì thế, bất kỳ hành vi không
thực hiện hay thực hiện không đúng nào của bên vi phạm mà gây thiệt hại đến mức
làm cho bên bị vi phạm không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng thì đều
có thể cấu thành vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng. Như vậy là quá rộng và tòa án,
trọng tài sẽ luôn phải xem xét có hay không có hành vi vi phạm cơ bản hợp đồng dù là
vi phạm hợp đồng của người bán hoặc người mua là rất không đáng kể, ví dụ giao
thiếu một ít hàng.
Thực tiễn nghiên cứu Công ước Viên cho thấy, tòa án, trọng tài chủ yếu xem
xét vi phạm cơ bản hợp đồng khi người bán hoặc người mua không thực hiện hợp
151

đồng hoặc người bán giao hàng không phù hợp với hợp đồng. Đây là những vi phạm
mà có khả năng ảnh hưởng lớn nhất đến quyền lợi của bên kia, trực tiếp tác động đến
kỳ vọng từ hợp đồng của bên kia. Ngoài ra, Công ước cũng chỉ chấp nhận yêu cầu
tuyên bố hủy hợp đồng của một bên nếu bên kia không thực hiện hợp đồng hoặc tuyên
bố không thực hiện hợp đồng trong thời hạn gia hạn thêm.
Người viết ủng hộ cách quy định của Công ước Viên bởi lẽ phải là những vi
phạm có ảnh hưởng rõ ràng, đáng kể đến những gì được kỳ vọng từ hợp đồng, mục
đích của các bên thì mới nên xem xét đến tính cơ bản của vi phạm hợp đồng đó. Luật
Thương mại cũng đã quy định cho phép bên bị vi phạm có thể gia hạn thêm một thời
gian hợp lý để bên bi phạm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng [40, Điều 298], nếu hết thời
hạn gia hạn thêm đó mà bên vi phạm không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng hoặc tiếp tục
thực hiện không đúng nghĩa vụ hợp đồng thì lúc đó bên kia cũng có quyền áp dụng các
chế tài khác để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình [40, Điều 299]. Tuy nhiên, nếu
áp dụng một trong ba chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp
đồng hoặc hủy bỏ hợp đồng thì vẫn phải tuân thủ điều kiện áp dụng chế tài này. Như
vậy, nếu bên vi phạm không thực hiện chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng thì cũng
chưa thể kết luận bên vi phạm vi phạm cơ bản hợp đồng được.
Quy định về căn cứ hủy bỏ hợp đồng như trên cũng dẫn đến không phù hợp với
quyền tuyên bố hủy bỏ hợp đồng của người mua đối với hợp đồng giao hàng từng
phần tại Điều 313 Luật Thương mại. Điều 313 Luật Thương mại quy định như sau: “1.
Trường hợp có thoả thuận về giao hàng, cung ứng dịch vụ từng phần, nếu một bên
không thực hiện nghĩa vụ của mình trong việc giao hàng, cung ứng dịch vụ và việc này
cấu thành một vi phạm cơ bản đối với lần giao hàng, cung ứng dịch vụ đó thì bên kia
có quyền tuyên bố huỷ bỏ hợp đồng đối với lần giao hàng, cung ứng dịch vụ. 2.
Trường hợp một bên không thực hiện nghĩa vụ đối với một lần giao hàng, cung ứng
dịch vụ là cơ sở để bên kia kết luận rằng vi phạm cơ bản sẽ xảy ra đối với những lần
giao hàng, cung ứng dịch vụ sau đó thì bên bị vi phạm có quyền tuyên bố huỷ bỏ hợp
đồng đối với những lần giao hàng, cung ứng dịch vụ sau đó, với điều kiện là bên đó
phải thực hiện quyền này trong thời gian hợp lý”. Với quy định này, vi phạm cơ bản
nghĩa vụ hợp đồng chỉ được xem xét khi nào không thực hiện nghĩa vụ trong trường
hợp các bên thỏa thuận giao hàng từng phần. Nếu các bên thỏa thuận về giao hàng
từng phần nhưng trong chuyên hàng đầu tiên bên bán giao hàng không phù hợp với
152

hợp đồng nhưng phần không phù hợp đó là phần quan trọng của cả lô hàng thì bên
mua không đủ cơ sở viện dẫn vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng để áp dụng chế tài
hủy bỏ hợp đồng đối với lần giao hàng đầu tiên, bởi vì bên bán vẫn thực hiện hợp đồng
chứ không phải không thực hiện.
5.1.5. Chưa quy định hủy bỏ hợp đồng khi có vi phạm cơ bản hợp đồng dự
đoán trước
Quy định về căn cứ hủy bỏ hợp đồng hiện nay trong Luật Thương mại chỉ có
thể áp dụng để hủy bỏ hợp đồng khi hết hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng – vi phạm
thực tế đã tồn tại, đã xảy ra nhưng không áp dụng đối với vi phạm trước khi đến hạn
thực hiện hợp đồng hay vi phạm tiên liệu trước.
Ví dụ: Theo hợp đồng ký kết ngày 01/6, A phải cung cấp cho B một lượng hàng
C vào ngày 30/6. Rất có thể vào ngày 15/6, B biết chắc rằng đến ngày 30/6, A sẽ
không thực hiện hợp đồng. Chẳng hạn, cho đến ngày 15/6, B được A thông báo hai lần
rằng A không muốn thực hiện hợp đồng nữa hoặc, ngày 15, B được biết rằng A đã bán
và giao toàn bộ tài sản C cho người khác. Ở đây, đến ngày 15/6, tức là trước ngày hết
thời hạn mà bên A phải thực hiện hợp đồng, B biết chắc là đến ngày 30/6 hợp đồng sẽ
không được thực hiện. Vấn đề đặt ra là B có quyền được hủy hợp đồng vào ngay ngày
15/6 hay không ?
Trong phần liên quan đến hợp đồng, chúng ta không thấy Luật Thương mại cho
phép một bên hủy bỏ hợp đồng trước khi hết thời hạn thực hiện khi thấy rõ bên kia sẽ
vi phạm hợp đồng. Đây là một lạc hậu so với pháp luật một số nước và một số văn bản
quốc tế hiện đại. Ở Anh, vấn đề vi phạm hợp đồng trước khi hết hạn thực hiện được án
lệ điều chỉnh rất sớm và có thể nói là vào ngay nửa đầu thế kỷ thứ XIX. Ở Pháp, Tòa
án cũng cho phép một bên hủy hợp đồng trước khi hết thời hạn thực hiện khi bên phải
thực hiện cho biết sẽ không thực hiện hợp đồng [20]. Công ước Viên, PICC và PECL
đều có các quy định tương tự như: theo khoản 1 Điều 72 Công ước Viên, “trước khi
đến ngày thực hiện hợp đồng, một bên có quyền tuyên bố hợp đồng bị hủy bỏ nếu thấy
rõ là bên kia sẽ vi phạm cơ bản hợp đồng” hay khoản 2 Điều 73 “Nếu việc một bên
không thực hiện nghĩa vụ có liên quan đến bất cứ lô hàng nào cho phép bên kia có lý
do xác đáng để cho rằng sẽ có một vi phạm cơ bản hợp đồng với các lô hàng sẽ được
giao trong tương lai thì họ có thể tuyên bố hủy hợp đồng”; Điều 7.3.3 của PICC, “một
bên có quyền hủy hợp đồng nếu, trước khi đến thời hạn thực hiện, thấy rõ là bên kia sẽ
153

không thực hiện cơ bản hợp đồng”. Tương tự, Điều 9:304 của PECL quy định “nếu,
ngay trước ngày mà hợp đồng phải thực hiện, thấy rõ là một bên sẽ không thực hiện cơ
bản hợp đồng, bên kia có quyền hủy hợp đồng”.
5.2. Định hướng hoàn thiện quy định của pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản
hợp đồng
Trên cơ sở nghiên cứu Công ước Viên và làm rõ những bất cập trong quy định
và thực tiễn xác định các yếu tố cấu thành tính cơ bản của vi phạm hợp đồng và chế tài
do vi phạm cơ bản hợp đồng trong pháp luật Việt Nam, người viết cho rẳng để hoàn
thiện quy định này trong pháp luật Việt Nam, có thể có 2 hướng: (1) Gia nhập Công
ước Viên; (2) Sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ
bản hợp đồng.
5.2.1. Gia nhập Công ước Viên nhằm hài hòa hóa pháp luật về mua bán
hàng hóa quốc tế của Việt Nam với nhiều quốc gia trên thế giới
Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực là chủ trương lớn của Đảng và
Nhà nước ta. Hiện nay, Việt Nam đang thực thi các cam kết với Tổ chức Thương mại
Thế giới (WTO) và là thành viên có trách nhiệm của nhiều tổ chức quốc tế. Các tiến
trình đàm phán, ký kết, gia nhập các Hiệp định thương mại song phương, khu vực
đang ngày càng trở nên mạnh mẽ như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương
(Trans-Pacific Partnership – TPP), Hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam
với khu vực châu Âu…Do đó, việc tạo sự tương thích giữa pháp luật thương mại của
Việt Nam và pháp luật thương mại quốc tế là một ưu tiên hàng đầu, trong đó chủ yếu
nhằm thực thi các cam kết quốc tế song phương và đa phương mà Việt Nam là thành
viên hoặc đang trong quá trình đàm phán để gia nhập [74].
Nghị quyết Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt
Nam đã khẳng định “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Việt Nam là bạn, đối tác
tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế…Chủ động, tích cực
và có trách nhiệm cùng các nước xây dựng cộng đồng ASEAN vững mạnh, tăng
cường quan hệ với các đối tác, tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong các khuôn khổ hợp
tác ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”. Với chủ trương đó, các chuẩn mực chung
của thương mại quốc tế đang được Việt Nam từng bước áp dụng thông qua quá trình
đàm phán, ký kết, gia nhập và thực thi các điều ước quốc tế, trong đó có Công ước
Viên.
154

Trên thực tế, mức độ tham gia của Việt Nam vào các Điều ước quốc tế đa
phương quan trọng có ảnh hưởng đến thương mại đang ở mức thấp, dưới mức trung
bình của khu vực và trên toàn thế giới (Việt Nam đã tham gia 52 trong số 210 điều ước
quốc tế quan trọng trong lĩnh vực thương mại quốc tế, trong khi đó tỷ lệ trung bình
trên thế giới là 72/210 và trong khu vực là 59/210. Về vấn đề này, Việt Nam được xếp
hạng thứ 132 trên thế giới (trên 192 quốc gia) và thứ 14 trong khu vực Châu Á (trên 23
quốc gia)[120, tr.98]. Nhiều chuyên gia nước ngoài cũng đã đưa ra khuyến nghị Việt
Nam cần gia nhập Công ước Viên trong thời gian sớm nhất, vì đây là một trong những
công ước quốc tế đa phương có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với nền thương mại toàn cầu
[119, tr.183]. Gia nhập Công ước Viên sẽ giúp tăng cường mức độ của Việt Nam tham
gia vào các điều ước quốc tế đa phương về thương mại, từ đó cũng tăng cường mức độ
hội nhập của Việt Nam.
Các quốc gia ASEAN, tại Diễn đàn Pháp luật ASEAN lần thứ ba, diễn ra tại
Viên-chăn (Lào) vào ngày 11-13/9/2006, đã khuyến nghị các quốc gia gia nhập Công
ước Viên nhằm hài hòa hóa pháp luật về mua bán hàng hóa trong khuôn khổ ASEAN.
Việc Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN khác gia nhập Công ước này cũng
sẽ giúp hài hòa hóa pháp luật về mua bán hàng hóa trong khuôn khổ ASEAN hướng
tới mục tiêu xây dựng cộng đồng Kinh tế ASEAN như đã hoạch định trong Hiến
chương ASEAN.
Khi Việt nam gia nhập Công ước Viên (không bảo lưu Phần II và Phần III) thì
các điều khoản của Công ước này, trong đó có quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng
sẽ trở thành các quy phạm của pháp luật Việt Nam áp dụng cho các giao dịch
MBHHQT có liên quan. Đây là một cách thức hiệu quả và ít tốn kém để hoàn thiện
pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực MBHHQT. Ngoài ra, tại các quốc gia thành viên
của Công ước Viên, người ta nhận thấy rằng quá trình áp dụng Công ước có tác động
tích cực tới việc hoàn thiện pháp luật mua bán hàng hóa quốc gia [87; 111]. Tại Việt
Nam, trong quá trình soạn thảo Luật Thương mại, các nhà làm luật đã tham khảo các
điều khoản của Công ước Viên. Khi Việt Nam gia nhập Công ước Viên, sự ảnh hưởng
của Công ước Viên đến việc hoàn thiện pháp luật về MBHHQT của Việt Nam sẽ càng
rõ nét và thuận lợi hơn nữa.
Cơ sở cho đề xuất định hướng gia nhập Công ước Viên của Việt Nam là Việt
Nam đang trong quá trình chuẩn bị các điều kiện cho việc gia nhập Công ước Viên. Từ
155

ngày 22/10/2010, trên cơ sở kiến nghị của Bộ Công thương, Phó Thủ tướng Nguyễn
Sinh Hùng đã giao cho Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tư
pháp nghiên cứu khả năng tham gia Công ước Viên của Việt Nam [15]. Đến ngày
14/1/2013, trên cơ sở kết quả nghiên cứu khả năng gia nhập Công ước Viên của Bộ
Công thương, Thủ tướng đã đồng ý chủ trương Việt Nam gia nhập Công ước Viên và
giao cho Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ tư pháp hoàn chỉnh
hồ sơ xin gia nhập Công ước theo quy định của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều
ước quốc tế năm 2005, lưu ý thẩm định đầy đủ các quy định trái với pháp luật trong
nước, có kế hoạch phổ biến, hướng dẫn, chuẩn bị về mọi mặt cho đối tượng thuộc
phạm vi điều chỉnh của Công ước [14].
5.2.2. Sửa đổi, bổ sung quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng trong pháp luật
Việt Nam
Gia nhập Công ước Viên đòi hỏi một quá trình chuẩn bị, nghiên cứu lâu dài để
xác định tác động của Công ước Viên đối với hệ thống pháp luật Việt Nam cũng như
nội luật hóa các quy định của Công ước Viên (nếu có). Công ước Viên không chỉ cho
phép các quốc gia gia nhập tuyên bố không bị ràng buộc bởi phần thứ II (ký kết hợp
đồng) hay phần thứ III (mua bán hàng hóa) của Công ước [11, Điều 92], mà còn cho
phép cho phép các bên có thể loại trừ việc áp dụng Công ước hoặc với điều kiện tuân
thủ Điều 12 của Công ước, có thể loại trừ bất cứ điều khoản nào của Công ước hay sửa
đổi hiệu lực của các điều khoản đó [11, Điều 6].
Chính vì vậy, dù Việt Nam có gia nhập hay không gia nhập thì việc khắc phục
những bất cập của quy định về vi phạm cơ bản trong pháp luật Việt Nam như hiện nay
là điều cần thiết bởi lẽ: (i) pháp luật Việt Nam và Công ước Viên đều có thể được áp
dụng để điều chỉnh quan hệ mua bán hàng hóa giữa các bên; (ii) Các đối tác lớn của
Việt Nam đều là các quốc gia thành viên Công ước không bảo lưu phần II và phần III
nên Công ước Viên sẽ được áp dụng nếu các bên không có thỏa thuận khác; (iii) Tạo
thuận lợi cho các bên tham gia giao dịch thương mại và cơ quan tài phán trong việc áp
dụng các quy định pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản hợp đồng; (iv) Tạo sự tương
thích giữa pháp luật Việt Nam và Công ước Viên nhằm xóa đi ý niệm tách biệt giữa
mua bán hàng hóa trong nước và quốc tế khi đề cập đến vi phạm cơ bản hợp đồng .
Việc sửa đổi, bổ sung quy định về vi phạm cơ bản trong pháp luật Việt Nam
cần đảm bảo một số yêu cầu sau:
156

- Sửa đổi, bổ sung quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng trong pháp luật Việt
Nam phải tạo sự thống nhất trong sử dụng thuật ngữ, giải thích và áp dụng quy định
về vi phạm cơ bản trong tất cả các văn bản pháp luật hiện hành về hợp đồng
Có thể nói, hiện nay, việc song song tồn tại các thuật ngữ “vi phạm cơ bản
nghĩa vụ hợp đồng”, “vi phạm nghiêm trọng” trong các văn bản pháp luật có giá trị
cao thấp khác nhau, đôi khi lại tạo ra những lỗ hổng pháp lý khiến người áp dụng và
cơ quan tài phán gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng trong quá trình phân biệt và lựa
chọn áp dụng cho chuẩn xác. Điều này đòi hỏi phải có một giải pháp hợp lý và triệt để
nhằm thống nhất thuật ngữ nhằm tạo cơ sở pháp lý ổn định, minh bạch và tin cậy trong
việc điều chỉnh vi phạm cơ bản hợp đồng.
Điều dễ dàng nhận thấy là hiệu quả điều chỉnh các quan hệ xã hội cơ bản phụ
thuộc vào chất lượng của bản thân hệ thống pháp luật. Các quan hệ xã hội ở các lĩnh
vực khác nhau mang nhiều đặc thù riêng đòi hỏi pháp luật phải có phương pháp, quy
phạm pháp luật điều chỉnh tương ứng và phù hợp. Một hệ thống pháp luật duy ý chí,
mâu thuẫn, thiếu đồng bộ tất yếu tạo ra các mâu thuẫn và thiếu đồng bộ trong chính
quan hệ pháp luật, tác động tiêu cực và cản trở sự phát triển của các quan hệ xã hội,
làm mất đi những giá trị xã hội không thể thay thế được của nó [54, tr.168]. Đồng thời,
sự thiếu đồng bộ ở một khâu hay một bộ phận của pháp luật có thể dẫn đến những hậu
quả không thể lường trước được. Pháp luật, phải xuất phát từ tính chất của các quan hệ
xã hội vốn có mối liên hệ nội tại thống nhất để bản thân nó cũng là một hệ thống thống
nhất [74]. Pháp luật không những phải phù hợp với điều kiện kinh tế chung và không
chỉ là sự biểu thị điều kiện chung đó mà còn phải là một sự biểu thị nhất quán từ bên
trong để không tự phủ nhận mình bởi những mâu thuẫn nội tại [77].
Chính vì thế, hoàn thiện quy định pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ bản, trước
hết, cần đảm bảo sự thống nhất thuật ngữ để “đảm bảo tính thống nhất, cân đối mối
liên hệ bên trong và sự phụ thuộc lẫn nhau trong các bộ phận hình thành hệ thống, tính
nhất quán về logic trong cách diễn đạt của người làm luật” [77, tr.89]. Bởi lẽ, “Tiêu
chuẩn để xác định một hệ thống pháp luật đúng đắn và hiệu quả bao gồm: tính toàn
diện, tính đồng bộ, tính phù hợp và công nghệ trong quá trình lập pháp [73, tr.46].
Trong đó tính đồng bộ phải đảm bảo yêu cầu: Đảm bảo sự thống nhất, loại trừ mọi
mâu thuẫn, chồng chéo hay trùng lặp trong bản thân hệ thống để đảm bảo một cơ chế
157

điều chỉnh hiệu quả. Ngoài ra, hoàn thiện quy định pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ
bản cũng cần đảm bảo thống nhất trong giải thích luật và áp dụng luật [61, tr.273].
Một nguyên tắc quan trọng trong việc áp dụng thống nhất pháp luật là nguyên
tắc pháp lý “ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành”, nghĩa là cái riêng (quy định chuyên
ngành) bao giờ cũng được áp dụng trước và chỉ áp dụng cái chung khi cái riêng không
có hoặc không đầy đủ. Như vậy, đối chiếu với quan điểm về tính thống nhất của pháp
luật với các quy định pháp luật về vi phạm cơ bản/vi phạm nghiêm trọng của Việt
Nam hiện nay, không thể phủ nhận đó là một hệ thống còn chứa đựng mâu thuẫn,
chồng chéo trong nội tại và thiếu tính phối hợp trong liên hệ bổ trợ.
Bên cạnh đó, mục đích của hợp đồng cũng khá thiếu đồng bộ. Đối với hợp đồng
trong lĩnh vực thương mại thì mục đích ký kết là nhằm thực hiện hoạt động thương
mại. Đối với hợp đồng dân sự là mục đích ký kết chính là lợi ích hợp pháp mà các bên
mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch đó. Như vậy, khác với hợp đồng trong lĩnh
vực thương mại, mục đích của hợp đồng dân sự theo thông lệ lại được hiểu là nhằm
phục vụ mục đích sinh hoạt, tiêu dùng. Đây là một khác biệt khá rõ ràng giữa hợp
đồng dân sự và hợp đồng thương mại. Tuy nhiên, khi xem xét quy định của Bộ luật
dân sự về vấn đề này, cho thấy, hợp đồng dân sự không chỉ đơn thuần nhằm mục đích
tiêu dùng như chúng ta thường quan niệm để phân biệt với hợp đồng thương mại mà
nó rộng hơn thế rất nhiều bởi mục đích của giao dịch dân sự trong đó có hợp đồng dân
sự chính là “lợi ích hợp pháp mà các bên mong muốn đạt được”. Lợi ích đó có thể là
sự thỏa mãn các nhu cầu tiêu dùng nhưng cũng có thể là lợi nhuận trong hoạt động
thương mại. Như vậy, về mặt logic pháp lý, không thể phủ nhận và loại trừ khả năng
áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự vào các quan hệ hợp đồng trong lĩnh vực
thương mại [40, khoản 3 Điều 4] thì khi đó sự chồng chéo trong áp dụng quy định về
mục đích của hợp đồng sẽ khó tránh khỏi và là khó khăn cho cơ quan tài phán.
Ngoài ra, theo một nghĩa toàn diện hơn thì thống nhất thuật ngữ, quy định về vi
phạm cơ bản hợp đồng còn bao gồm cả việc đảm bảo sự thống nhất trong hoạt động
giải thích và áp dụng pháp luật. Theo đó, quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng cần
phải được giải thích một cách nhất quát, trung thành với ý tưởng của người làm luật và
điều luật cần phải được giải thích trong mối liên hệ logic, đồng bộ với nguyên tắc
chung, các quy phạm khác có liên quan.
158

- Sửa đổi, bổ sung quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng của pháp luật Việt
Nam phải nhằm giúp các bên giao kết hợp đồng d dàng áp dụng các chế tài có liên
quan khi có sự vi phạm cơ bản hợp đồng
Trong môi trường kinh doanh ngày càng phát triển và đa dạng, cạnh tranh với
các đối tác nước ngoài trên thị trường Việt Nam cũng như thị trường nước ngoài vô
cùng gay gắt. Hợp đồng thương mại được sử dụng như công cụ pháp lý cho những
“toan tính” của các bên trong hoạt động thương mại. Hơn ai hết, các bên giao kết hợp
đồng luôn mong muốn hợp đồng được thực hiện một cách triệt để, có hiệu quả nhằm
đảm bảo lợi ích, làm nền tảng duy trì, phát triển quan hệ thương mại giữa các bên. Vì
thế, pháp luật cần đủ rõ ràng, minh bạch để đảm bảo cho các bên môi trường pháp lý
bình đẳng, an toàn và thuận lợi cho hoạt động thương mại [51, tr.76].
Quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng có ý nghĩa rất lớn đối với việc áp dụng
các chế tài trong thương mại như tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện
hợp đồng và hủy bỏ hợp đồng khi các bên không có thỏa thuận về các điều kiện để áp
dụng các chế tài trên. Việc quy định các chế tài này, cùng với các chế tài khác (buộc
thực hiện đúng hợp đồng, phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại), nhằm bảo vệ quyền lợi
của các bên trong quan hệ hợp đồng thương mại, đảm bảo cam kết giữa các bên được
thực hiện. Ngoài ra, các chế tài này cũng không ngoài mục đích nhằm tạo ra môi
trường pháp lý công bằng, thuận lợi để các thương nhân tham gia hoạt động thương
mại hiệu quả, thuận lợi vì mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt trong nền kinh tế
thị trường khi mà các yếu tố cạnh tranh luôn là động lực cho sự phát triển của chính
các thương nhân.
Trong nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, lợi nhuận mà các
thương nhân có được phải là lợi ích kinh tế hợp pháp, được nhận từ việc thực hiện
nghiêm chỉnh nghĩa vụ hợp đồng. Nhưng do mục đích này thương nhân có thể có
nhiều hành vi vi phạm khác nhau dẫn đến việc không thực hiện, thực hiện không đúng
nghĩa vụ hợp đồng làm ảnh hường trực tiếp đến lợi ích hợp pháp của bên bị vi phạm,
thậm chí có thể phát sinh nghĩa vụ về tài sản của bên bị vi phạm đối với bên thứ ba.
Hành vi vi phạm hợp đồng luôn tiềm ẩn nguy cơ xâm hại lợi ích của bên bị vi phạm
(làm mất mát, hư hỏng hàng hóa, giảm sút thu nhập, lợi nhuận…). Để bảo vệ lợi ích
của bên bị vi phạm, bên bị vi phạm có thể tự mình hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm
quyền áp dụng các hình thức chế tài nói trên đối với bên vi phạm. Vì vậy, khi những
159

căn cứ cho việc áp dụng các chế tài nói trên được quy định rõ ràng, cụ thể thì bên bị vi
phạm có cơ sở rõ ràng để áp dụng hoặc yêu cầu cơ quan tài phán cho phép áp dụng.
Tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hay hủy bỏ hợp
đồng là những chế tài nhằm trừng phạt và thái độ nghiêm khắc của bên bị vi phạm đối
với bên vi phạm trong quan hệ hợp đồng. Khi áp dụng các chế tài này, sự bất lợi mà
bên vi phạm hợp đồng phải gánh chịu cơ bản thể hiện ở chỗ, bên vi phạm không được
đáp ứng các quyền theo thỏa thuận trong hợp đồng, do bên bị vi phạm không phải thực
hiện các nghĩa vụ tương xứng. Vì vậy, việc sửa đổi hoặc làm rõ quy định về vi phạm
cơ bản hợp đồng sẽ góp phần đảm bảo điều kiện thuận lợi cho các bên tham gia hợp
đồng thực hiện được quyền yêu cầu cơ quan tài phán áp dụng các chế tài nói trên mà
không phụ thuộc vào phán quyết mang “cảm tính” của cơ quan tài phán vì sự không rõ
ràng trong quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng của Luật thương mại.
- Sửa đổi, bổ sung quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng của pháp luật Việt
Nam nhằm tạo sự thuận lợi, d dàng và thống nhất cho các cơ quan giải quyết tranh
chấp về hợp đồng của Việt Nam trong việc áp dụng các chế tài khi có sự vi phạm cơ
bản hợp đồng
Thực tiễn cho thấy, ở đâu có hoạt động thương mại thì ở đó có phát sinh tranh
chấp. Vấn đề đặt ra là các bên phải giải quyết tranh chấp đó một cách nhanh chóng và
hiệu quả và cơ quan tài phán (tòa án hoặc trọng tài thương mại) cần can thiệp ở mức
độ nhất định dưới các hình thức khác nhau vào việc giải quyết các tranh chấp, nhằm
đạt được hai mục tiêu cơ bản là: (1) bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên
tranh chấp và; (2) tạo môi trường pháp lý ổn định để phát triển kinh tế.
Với nguyên tắc hai cấp xét xử (sơ thẩm và phúc thẩm), hệ thống tòa án nhân
dân của Việt Nam được tổ chức từ cấp Huyện, cấp Tỉnh, cấp Cao đến Tòa án nhân dân
tối cao. Bên cạnh đó, các bên tranh chấp thương mại còn có thể lựa chọn trọng tài
thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp giữa các bên. Việc xác định hành vi
vi phạm hợp đồng có bị coi là cơ bản hay không thuộc thẩm quyền của các cơ quan tài
phán này. Trên cơ sở đó, các cơ quan tài phán này có thể cho phép hoặc không cho
phép các bên áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp
đồng và hủy bỏ hợp đồng thương mại. Vì thế, nếu thiếu đi sự rõ ràng, tiêu chí cụ thể về
vi phạm cơ bản, căn cứ quan trọng để áp dụng các chế tài nói trên khi các bên không
có thỏa thuận về các chế tài này, thì dễ dẫn đến “sự đa dạng” trong giải thích quy định
160

về vi phạm cơ bản tại Luật thương mại và “né tránh” áp dụng quy định này mà thay
vào đó áp dụng quy định trong Bộ luật dân sự như thực tiễn áp dụng pháp luật đã phân
tích ở trên. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn không chỉ đến quyền và lợi ích hợp pháp
của các bên trong tranh chấp thương mại mà còn làm cho môi trường pháp lý trở bên
“bất ổn định”.
Vì vậy, hoàn thiện quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng không chỉ dừng ở quy
định thống nhất về thuật ngữ, về yếu tố xác định vi phạm cơ bản mà còn hoàn thiện
các chế tài có liên quan nhằm tạo ra sự thuận lợi, dề dàng và thống nhất cho cơ quan
tài phán trong việc giải quyết tranh chấp có liên quan đến vi phạm cơ bản hợp đồng
bởi hệ quả pháp lý của vi phạm cơ bản hay không cơ bản là hoàn toàn khác biệt. Vi
phạm cơ bản hợp đồng có thể dẫn tới tạm ngừng thực hiện, đình chỉ thực hiện hoặc
hủy bỏ hợp đồng.
- Sửa đổi, bổ sung quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng của pháp luật Việt
Nam nhằm tạo sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế về vi
phạm cơ bản hợp đồng
Như đã trình bày ở Chương 3, Công ước Viên, PICC, PECL đều có những quy
định về vi phạm cơ bản hợp đồng hay không thực hiện cơ bản hợp đồng. Đặc biệt là
Công ước Viên - văn bản đã thống nhất hoá được nhiều mâu thuẫn giữa các hệ thống
pháp luật khác nhau trên thế giới, đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các
xung đột pháp luật trong thương mại quốc tế và thúc đẩy thương mại quốc tế phát
triển. Hầu hết các cường quốc thương mại trên thế giới đều đã gia nhập Công ước
Viên, trong đó có rất nhiều quốc gia là bạn hàng lớn và lâu dài của Việt Nam như các
quốc gia EU, Hoa Kỳ, Canada, Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,
Singapore...
Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung quy định về vi phạm cơ bản cần theo hướng tạo sự
tương thích giữa pháp luật Việt Nam và các văn bản quốc tế nói trên, đặc biệt là Công
ước Viên. Việc nắm bắt những điểm tương đồng và khác biệt giữa Công ước Viên và
pháp luật thương mại Việt Nam sẽ giúp chúng ta hòa nhập vào nền pháp luật thương
mại quốc tế một cách tự tin, chủ động, phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam
cũng như góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của các doanh nghiệp và nâng cao tính
cạnh tranh của nền kinh tế [9]. Bên cạnh đó, việc tiếp thu có chọn lọc các quy định về
không thực hiện cơ bản hợp đồng trong PICC, PECL sẽ góp phần hoàn thiện pháp luật
161

thương mại Việt Nam và giúp các doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi hơn trong việc áp
dụng các văn bản này trong các giao dịch thương mại quốc tế với các đối tác đến từ
các quốc gia công nhận và áp dụng các văn bản đó.
5.3. Một số giải pháp cụ thể sửa đổi, bổ sung quy định về vi phạm cơ bản hợp
đồng trong pháp luật Việt Nam
Từ những phân tích các quy định và thực tiễn xét xử của Công ước Viên, của
Việt Nam, nhằm khắc phục những bất cập trong quy định và thực tiễn vận dụng quy
định về vi phạm cơ bản của chúng ta, trên cơ sở định hướng sửa đổi, bổ sung quy định
về vi phạm cơ bản hợp đồng, cá nhân người viết đề xuất những giải pháp sửa đổi, bổ
sung cụ thể như sau:
5.3.1. Lựa chọn thuật ngữ “vi phạm cơ bản” hợp đồng
Như đã phân tích ở trên, việc tồn tại song song hai thuật ngữ “vi phạm nghiêm
trọng” và “vi phạm cơ bản” trong pháp luật hợp đồng của Việt Nam đã gây khó khăn
nhất định trong quá trình vận dụng quy định của pháp luật. Vì vậy, người viết đề xuất
sử dụng thuật ngữ “vi phạm cơ bản” bởi các lẽ sau đây:
Thứ nhất, thuật ngữ “vi phạm cơ bản” như trong Luật Thương mại hiện nay
được tiếp thu từ pháp luật nước ngoài và đã được kiểm chứng thực tiễn áp dụng của
các tòa án, trọng tài của một số quốc gia thành viên Công ước. Thuật ngữ “vi phạm cơ
bản” không chỉ được định nghĩa trong Luật Thương mại (“vi phạm nghiêm trọng”
chưa được định nghĩa ở bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào) và cũng đã có thời
gian tồn tại và vận dụng hơn 30 năm của tòa án, trọng tài các quốc gia thành viên
Công ước. Bên cạnh đó, thuật ngữ “nghiêm trọng”, thực tế đã tồn tại trong nhiều văn
bản quy phạm pháp luật Việt Nam, đặc biệt có trong nhiều các quy định của pháp luật
hình sự, pháp luật hành chính. Vì vậy, việc sử dụng thuật ngữ “vi phạm nghiêm trọng”
dễ dẫn đến sự chồng lấn về ngữ nghĩa của thuật ngữ này trong các lĩnh vực hành
chính, hình sự và dân sự.
Thứ hai, Việt Nam đang trong quá trình chuẩn bị các điều kiện cho việc gia
nhập Công ước Viên. Thủ tướng đã đồng ý chủ trương Việt Nam gia nhập Công ước
Viên và giao cho Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ tư pháp
hoàn chỉnh hồ sơ xin gia nhập Công ước theo quy định của Luật ký kết, gia nhập và
thực hiện điều ước quốc tế năm 2005. Khi Việt Nam gia nhập Công ước Viên mà
không bảo lưu Phần II, Phần III của Công ước thì theo tinh thần áp dụng thống nhất
162

Công ước [11, Điều 7; 108] thì việc sửa đổi các quy định pháp luật Việt Nam có liên
quan đến phạm vi điều chỉnh của Công ước là điều tất yếu và khi đó thuật ngữ “vi
phạm cơ bản” sẽ là phù hợp.
Như vậy, việc nghiên cứu Công ước Viên để từ đó định hướng hoàn thiện quy
định của pháp luật thương mại Việt Nam nói chung, về vi phạm cơ bản hợp đồng nói
riêng theo hướng tạo sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam và Công ước Viên không
chỉ đặt ra trong quá trình rà soát hệ thống pháp luật quốc gia trước khi gia nhập điều
ước quốc tế mà còn cả trong giai đoạn thực thi, khi Việt Nam trở thành thành viên của
Công ước Viên. Việc sử dụng thuật ngữ “vi phạm cơ bản” sẽ giúp chúng ta hòa nhập
vào nền pháp luật thương mại quốc tế một cách tự tin, chủ động, phù hợp với điều kiện
đặc thù của Việt Nam cũng như góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của các doanh
nghiệp và nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế, tránh hiện tượng xung đột giữa
Công ước Viên và pháp luật thương mại Việt Nam như Luật Thương mại, Bộ luật dân
sự.
5.3.2. Sửa đổi quy định về vi phạm cơ bản tại khoản 13 Điều 3 Luật thương
mại
Như đã phân tích ở trên, quy định như hiện nay về vi phạm cơ bản trong Luật
Thương mại đã ẩn chứa những bất cập cả trong chính bản thân quy định lẫn trong thực
tiễn áp dụng. Sự thiếu rõ ràng của quy định về “thiệt hại”, “mức độ thiệt hại”, “mục
đích của việc giao kết hợp đồng” và mức độ không đạt được mục đích của việc giao
kết hợp đồng đến thiếu quy định cho phép các bên có thể sửa chữa, khắc phục vi phạm
cơ bản đã khiến khái niệm “vi phạm cơ bản” trong Luật Thương mại “thiếu sức sống”
trong thực tiễn.
Từ phân tích những bất cập trong quy định và thực tiễn áp dụng quy định về vi
phạm cơ bản hợp đồng, trên cơ sở tham khảo quy định và thực tiễn vận dụng của tòa
án, trọng tài một số quốc gia thành viên Công ước Viên trong việc xác định các yếu tố
cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng cũng như bất cập của Công ước Viên về quy định
này, người viết đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về vi phạm cơ bản trong Luật
thương mại như sau:
(i) Không cần thiết phải quy định yếu tố “thiệt hại” trong quy định về vi phạm
cơ bản tại Khoản 13 Điều 3
Từ nghiên cứu thực tiễn vận dụng quy định về vi phạm cơ bản theo Công ước
Viên của tòa án, trọng tài của một số quốc gia thành viên Công ước và phân tích bất
163

cập của việc quy định “thiệt hại” là yếu tố bắt buộc để xác định tính cơ bản của vi
phạm hợp đồng, người viết cho rằng, yếu tố “thiệt hại” trong khái niệm về vi phạm cơ
bản phải được hiểu là không cần có thiệt hại giống như trường hợp giải quyết vấn đề
bồi thường thiệt hại. Cần phải hiểu “thiệt hại” này theo hướng, đó là những gì không
thuận lợi, tức là ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên bị vi phạm. Chỉ nên
coi những vi phạm có ảnh hưởng lớn tới lợi ích hợp pháp của bên bị vi phạm mới là cơ
bản [19, tr.153]. Vì vậy, không nhất thiết phải đặt thuật ngữ này trong khái niệm về vi
phạm cơ bản hợp đồng.
(ii) Thay cụm từ “mục đích của việc giao kết hợp đồng” bằng “lợi ích kỳ vọng
từ hợp đồng”và xác định mức độ ảnh hưởng của vi phạm hợp đồng tới “lợi ích kỳ
vọng từ hợp đồng” bằng cụm từ “tước đi đáng kể”
Người viết kiến nghị vẫn quy định căn cứ chung để xác định một hành vi vi
phạm hợp đồng có là cơ bản hay không. Tuy nhiên, người viết không sử dụng cụm từ
“mục đích của việc giao kết hợp đồng” mà sử dụng trực tiếp quy định về “lợi ích kỳ
vọng từ hợp đồng” bởi lẽ:
(1) Kết quả nghiên cứu về thực tiễn áp dụng quy định về vi phạm cơ bản của tòa
án, trọng tài của một số quốc gia thành viên Công ước Viên cho thấy, tòa án, trọng tài
xác định “những gì bên bị vi phạm có quyền kỳ vọng từ hợp đồng” chính là lợi ích
kinh tế, là lợi nhuận bởi hơn hết giao dịch mua bán hàng hóa của các bên đều nhằm
sinh lợi. Việc sử dụng “mục đích của việc giao kết hợp đồng” càng dễ làm tăng thêm
“cảm tính” của tòa án, trọng tài trong xác định mục đích trong khi đó thay vì tìm kiếm
“mục đích của việc giao kết hợp đồng” của bên bị vi phạm thì có thể trực tiếp xác định
mức độ ảnh hưởng của vi phạm tới lợi ích mà bên bị vi phạm kỳ vọng có được từ hợp
đồng, vì đó mà họ giao kết hợp đồng.
(2) Pháp luật thực định Việt Nam đã có quy định về mục đích của giao dịch dân
tại Điều 123 Bộ luật dân sự, theo đó mục đích của giao dịch dân sự là lợi ích hợp pháp
mà các bên mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch đó. Theo Điều 1 Bộ luật dân
sự, các loại hợp đồng dân sự, lao động, kinh doanh thương mại đều được coi là hợp
đồng dân sự theo nghĩa rộng và được điều chỉnh chung bởi Bộ luật dân sự. Vì vậy,
việc sử dụng “mục đích của việc giao kết hợp đồng” tạo thêm một bước trung gian để
dẫn chiếu đến quy định về mục đích của giao dịch dân sự là khá phức tạp, đặc biệt khi
164

phải xác định lợi ích nào là hợp pháp, lợi ích nào là bất hợp pháp mà các bên mong
muốn đạt được từ việc xác lập và thực hiện giao dịch thương mại.
Về kỹ thuật lập pháp, người viết khuyến nghị quy định trực tiếp định nghĩa về
vi phạm cơ bản bằng việc sử dụng “lợi ích kỳ vọng từ hợp đồng”. Nguyên tắc chung
không phải lúc nào cũng có thể hoàn toàn thay thế được cho các quy định cụ thể. Từ
nguyên tắc chung đến điều khoản cụ thể là một khoảng cách, từ nguyên tắc chung đến
thực tiễn áp dụng pháp luật còn là khoảng cách xa hơn. Nhất là trong bối cảnh Việt
Nam, khi “thói quen dẫn chiếu” còn được coi trọng [42, tr.21] và khi thẩm phán không
phải là chủ thể có quyền sáng tạo, thậm chí không có quyền giải thích pháp luật (vì
theo Hiến pháp Việt Nam, quyền này chỉ thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Theo
quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, thì
“văn bản quy phạm pháp luật phải quy định trực tiếp nội dung cần điều chỉnh, không
quy định chung chung…”.
(3) Thực tế sử dụng từ mục đích dễ gây khó khăn, trừu tượng trong việc xác
định nội hàm của nó. Mục đích của hợp đồng bao gồm nhiều loại: mục đích chung của
loại hợp đồng, mục đích riêng của từng nhóm hợp đồng hoặc mục đích cụ thể của từng
hợp đồng riêng lẻ. Mục đích chung của loại hợp đồng được sử dụng để phân biệt giữa
các loại hợp đồng được điều chỉnh bởi các ngành luật khác nhau (dân sự, kinh doanh,
thương mại…). Mục đích riêng của từng hợp đồng riêng lẻ thể hiện giới hạn cụ thể của
cam kết giữa các bên về phạm vi thực hiện hợp đồng. Ví dụ: hợp đồng vay tiền để sản
xuất, kinh doanh hoặc để tiêu dùng…Mục đích của hợp đồng không chỉ thể hiện
những mục tiêu, mong muốn cụ thể của các bên muốn đạt được khi giao kết hợp đồng
mà còn là mong muốn thực hiện hợp đồng theo mục đích đó.
(4) Điều quan trọng tạo nên vi phạm cơ bản, làm cho vi phạm cơ bản khác với
các vi phạm hợp đồng khác là mức độ ảnh hưởng của hành vi vi phạm đối với kỳ vọng
của bên bị vi phạm từ hợp đồng, đến mục đích của việc giao kết hợp đồng. Vì vậy,
không nên quy định như hiện tại “làm cho bên bị thiệt hại không đạt được mục đích
của việc giao kết hợp đồng” vì sự khó khăn trong việc xác định mức độ không đạt
được mục đích (một phần hay toàn bộ) của việc giao kết hợp đồng, từ đó dẫn đến “tính
đa dạng” trong các vụ việc có cùng tính chất, nội dung như nhau nhưng kết quả khác
nhau khi được giải quyết với tòa án, trọng tài khác nhau. Điều này ảnh hưởng mạnh
mẽ tới việc áp dụng thống nhất pháp luật của tòa án, trọng tài. Quy định về vi phạm cơ
165

bản cần chỉ rõ tác động của hành vi vi phạm phải đến mức “tước đi đáng kể lợi ích kỳ
vọng từ hợp đồng” của bên bị vi phạm mới đảm bảo cấu thành vi phạm cơ bản.
Từ những phân tích trên, người viết đề xuất sửa đổi khoản 13 Điều 13 của Luật
thương mại như sau:
Vi phạm cơ bản là sự vi phạm hợp đồng của một bên tước đi đáng kể lợi ích bên
kia kỳ vọng từ hợp đồng.
5.3.3. Sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 3 Điều 297 về buộc thực hiện đúng
hợp đồng
Để khắc phục những bất cập của Điều 297 Luật thương mại, người viết kiến
nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định sau:
- Sửa đổi khoản 2 Điều 297 theo hướng bao quát vi phạm hợp đồng hơn
Quy định tại khoản 2 Điều 297 không những trao cho người mua quyền yêu cầu
giao hàng thay thế ngay cả với những khiếm khuyết nhỏ mà người bán có thể sửa
chữa, khắc phục được, mà còn không bao phủ hết các trường hợp vi phạm hợp đồng.
Ví dụ, bao bì hàng giao không phù hợp với hợp đồng thì không thuộc phạm vi điều
chỉnh của khoản 2 Điều 297 vì khoản 2 Điều 297 chỉ cho phép áp dụng chế tài buộc
thực hiện đúng hợp đồng trong trường hợp giao thiếu hàng hoặc hàng kém chất lượng.
Vì vậy, để đảm bảo tính tương thích với các quy đinh khác về quyền và nghĩa vụ của
người bán và người mua (bên cung ứng dịch vụ và khách hàng), đặc biệt là quy định
về sự không phù hợp của hàng hóa tại Điều 39 Luật thương mại, người viết kiến nghị
sửa khoản 2 Điều 297 như sau:
“Điều 297. Buộc thực hiện đúng hợp đồng
2. Trường hợp bên vi phạm giao thiếu hàng hoặc cung ứng dịch vụ không phù
hợp với hợp đồng thì phải giao đủ hàng hoặc cung ứng dịch vụ theo đúng thỏa thuận.
Trường hợp bên vi phạm giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ không phù hợp về chất
lượng thì phải, với chi phí của mình, khắc phục sự không phù hợp đó của hàng hóa,
dịch vụ hoặc giao hàng, cung ứng dịch vụ thay thế theo đúng hợp đồng nếu sự không
phù hợp đó cấu thành một sự vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng. Bên vi phạm không
được dùng tiền hoặc hàng hóa khác chúng loại, loại dịch vụ khác để thay thế nếu
không được sự chấp thuận của bên bị vi phạm.
- Sửa đổi khoản 3 Điều 297
Như đã phân tích ở trên, khoản 3 Điều 297 quy định quyền mua hàng, nhận
cung ứng dịch vụ của người khác để thay thế khi người bán giao hàng, cung ứng dịch
166

vụ không phù hợp với hợp đồng nhưng không thực hiện loại trừ sự không phù hợp đó
(giao hàng thiếu, kém chất lượng; cung ứng dịch vụ không đúng hợp đồng, có thiếu
sót), về mặt bản chất pháp lý, là hệ quả pháp lý khi hợp đồng với bên vi phạm bị hủy
bỏ một phần hoặc toàn bộ hợp đồng. Để đảm bảo tính logic của chế tài trong thương
mại, phần quy định này tại khoản 3 Điều 297 “3. Trong trường hợp bên vi phạm không
thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này thì bên bị vi phạm có quyền mua hàng,
nhận cung ứng của người khác để thay thế theo đúng loại hàng hóa, dịch vụ ghi trong
hợp đồng và bên vi phạm phải trả khoản tiền chênh lệch và các chi phí liên quan nếu
có” nên được loại bỏ ra khỏi Điều 297.
Như vậy, khoản 3 Điều 297 sẽ được thiết kế lại như sau:
“Điều 297. Buộc thực hiện đúng hợp đồng
3. Trong trường hợp bên vi phạm không thực hiện quy định tại khoản 2 Điều
này thì bên bị vi phạm có quyền tự khắc phục sự không phù hợp của hàng hóa, dịch vụ
và bên vi phạm phải trả các chi phí thực tế hợp lý”.
5.3.4. Sửa đổi Điều 39 và bỏ Điều 51
Quyền từ chối nhận hàng của người mua cũng chỉ nên được thừa nhận nếu sự
không phù hợp của hàng hóa được giao là đáng kể, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi
ích hợp pháp của người mua. Quy định như hiện nay tại Khoản 2 Điều 39 dễ dẫn đến
lạm dụng quyền từ chối nhận hàng của người mua. Nhận hàng là nghĩa vụ, chấp nhận
hàng là quyền của người mua nên không thể tồn tại mâu thuẫn chính trong Luật
thương mại khi đều là nhận hàng nhưng vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ. Chính vì thế,
để tạo sự tương thích với các quy định khác của Luật thương mại, người viết kiến nghị
sửa điều khoản nói trên như sau:
“Điều 39. Hàng hóa không phù hợp với hợp đồng
2. Bên mua có quyền từ chối chấp nhận hàng nếu hàng hóa không phù hợp với
hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều này cấu thành vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp
đồng.”
Bên cạnh đó, như đã phân tích ở trên, quy định về việc ngừng thanh toán tiền
mua hàng ở Điều 51 của Luật thương mại sẽ không phù hợp với quy định về tạm
ngừng thực hiện hợp đồng. Ngừng thanh toán tiền mua hàng, về mặt bản chất, cũng là
tạm ngừng thực hiện hợp đồng của người mua. Trong khi đó có quy định về điều kiện
tạm ngừng thanh toán tiền mua hàng tại Điều 308 Luật Thương mại, sự tồn tại của
167

Điều 51 với những căn cứ để ngừng thanh toán tiền mua hàng đã dẫn đến phạm vi nội
hàm của “vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng” bị “bó hẹp” lại bởi vì người mua có thể
ngừng thanh toán ngay cả khi hàng hóa được giao có sự không phù hợp rất nhỏ so với
hợp đồng. Chính vì thế, người viết kiến nghị bỏ điều khoản này và thống nhất để Điều
308 điều chỉnh.
5.3.5. Sửa đổi khoản 2 Điều 299 và Điều 312
Như đã phân tích ở trên, hủy bỏ hợp đồng là chế tài rất nặng nề, tác động trực
tiếp lên hiệu lực hợp đồng và các bên giao kết hợp đồng cũng như cơ quan tài phán
cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi yêu cầu hoặc quyết định nhằm đảm bảo nguyên tắc
tuân thủ hợp đồng bởi hợp đồng được giao kết không phải để bị mất hiệu lực tạm thời,
mất hiệu lực hay mất hiệu lực hồi tố. Tuy nhiên, điều kiện hủy bỏ hợp đồng khi các
bên không có thỏa thuận là quá rộng dẫn đến nguy cơ “lạm dụng” để yêu cầu áp dụng
một trong các chế tài này và tạo sự không tương thích giữa Điều 312 và Điều 313.
Chính vì vậy, người viết kiến nghị chỉ nên xem xét áp dụng các chế tài này khi không
thực hiện hợp đồng cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng bởi với hành vi thực hiện
không đúng hợp đồng như giao hàng không đúng số lượng, giao hàng không phù hợp
về chất lượng, bên bị vi phạm có thể yêu cầu bên vi phạm khắc phục hoặc giao hàng
thay thế với chi phí của bên vi phạm. Tác động lên hiệu lực hợp đồng chỉ nên xem là
biện pháp cuối cùng sau khi đã áp dụng các biện pháp khác.
Điều 298 cho phép bên bị vi phạm có thể gia hạn một thời gian hợp lý để bên vi
phạm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Tiếp theo, khoản 2 Điều 299 quy định “Trường
hợp bên vi phạm không thực hiện chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng trong thời hạn
mà bên bị vi phạm ấn định, bên bị vi phạm được áp dụng chế tài khác để bảo vệ quyền
lợi chính đáng của mình. Tuy nhiên, nếu muốn áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện,
đình chỉ thực hiện hay hủy bỏ hợp đồng thì phải có điều kiện là vi phạm cơ bản hợp
đồng. Phải chăng Luật thương mại gián tiếp thừa nhận không thực hiện nghĩa vụ hợp
đồng trong thời hạn gia hạn là vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng thì bên bị vi phạm
mới có cơ sở áp dụng chế tài khác để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình được. Tuy
nhiên, việc quy định cho phép áp dụng “chế tài khác” dễ dẫn đến tính đa dạng trong
thực tiễn và không phù hợp với thực tiễn pháp luật quốc tế.
Để đảm bảo quyền lợi của bên bị vi phạm, trên cơ sở tham khảo quy định của
Công ước Viên cho thấy, thực tiễn tòa án, trọng tài cho phép bên bị vi phạm có quyền
168

hủy hợp đồng nếu đã gia hạn thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng cho bên vi phạm
nhưng bên vi phạm vẫn không thực hiện hợp đồng trong thời gian gia hạn thêm đó. Ví
dụ, bên vi phạm vẫn không giao hàng hoặc không thanh toán tiền hàng mặc dù bên bị
vi phạm đã yêu cầu giao hàng, thanh toán tiền hàng trong thời hạn nhất định. Vì vậy,
thay vì bổ sung căn cứ hủy bỏ hợp đồng do không thực hiện hợp đồng trong thời hạn
mà bên bị vi phạm ấn định, thậm chí là tuyên bố không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng,
chúng ta có thể sửa đổi khoản 2 Điều 299 cho phép chấm dứt hợp đồng bằng cách áp
dụng trực tiếp chế tài đình chỉ thực hiện hoặc hủy bỏ hợp đồng. Do đó, sẽ tạo được sự
kết nối giữa Điều 298, khoản 2 Điều 299 với Điều 310, Điều 312, cụ thể:
Điều 299. Quan hệ giữa chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng và các loại chế
tài khác
2. Trường hợp bên vi phạm không thực hiện chế tài buộc thực hiện đúng hợp
đồng trong thời hạn mà bên bị vi phạm ấn định, bên bị vi phạm có quyền áp dụng chế
tài đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc hủy bỏ hợp đồng để bảo vệ quyền lợi chính đáng
của mình.
Điều 312. Hủy bỏ hợp đồng
4. Trừ trường hợp mi n trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, chế tài
hủy bỏ hợp đồng được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
a) Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thỏa thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp
đồng.
b) Một bên không thực thực hiện hợp đồng cấu thành vi phạm cơ bản nghĩa vụ
hợp đồng.
5.3.6. Bổ sung Điều luật quy định về hủy bỏ hợp đồng do vi phạm hợp đồng
dự đoán trước (vi phạm hợp đồng trước thời hạn)
Như đã phân tích ở trên, hủy bỏ hợp đồng trước thời hạn, khi có vi phạm dự
đoán trước là vấn đề bị “bỏ ngỏ” trong luật hiện hành. Thực trạng đó đòi hỏi cần phải
bổ sung điều luật quy định về vấn đề này. Sự bổ sung quy định này là cần thiết vì các
lý do sau đây:
- Không thể bảo vệ quyền lợi cho một bên khi không cho phép một bên hủy bỏ
hợp đồng trong khi đó biết chắc là bên kia sẽ không thực hiện hợp đồng. Cơ sở triết lý
của giải pháp này là dựa trên định đề rằng sẽ không công bằng nếu bên có quyền, dù
chắc chắn là nghĩa vụ hợp đồng sẽ không được bên kia thực hiện, không có bất cứ một
169

giải pháp tự vệ nào đối với việc này [48, tr.690; 20]. Cơ chế hủy bỏ hợp đồng trước
thời hạn không dựa vào sự mất lòng tin do vi phạm hợp đồng của bên kia đã xảy ra
trên thực tế, mà rộng hơn là căn cứ vào sự khủng hoảng lòng tin trong quan hệ hợp
đồng giữa các bên. Trong mọi trường hợp, quan hệ hợp đồng phải được tháo gỡ sớm
nhất có thể, ngay khi thái độ bên có nghĩa vụ rõ ràng bất lợi cho việc thực hiện hợp
đồng, ví dụ từ chối một cách rõ ràng việc thực hiện hợp đồng trong tương lai, phủ
nhận một cách không thiện chí sự tồn tại của hợp đồng hoặc nội dung các cam kết của
mình, hoặc không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Bên có nghĩa vụ đã tạo ra một sự ngờ
vực trong quan hệ hợp đồng làm cho không thể để hợp đồng tồn tại cho tới khi đến
hạn, ngay cả khi nguy cơ vi phạm hợp đồng không phải là không thể khắc phục được.
Do đó, không thể bắt buộc bên có quyền phải ở trong trạng thái chờ đợi để tạo điều
kiện cho bên có nghĩa vụ có thể lấy lại tình cảm tốt đẹp của mình. Quy định của pháp
luật Anh – Mỹ, cũng như của công ước Viên 1980 về vi phạm hợp đồng trước thời hạn
là thật sự cần thiết và phù hợp với thực tiễn hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế nói
riêng, và hoạt động thương mại quốc tế nói chung [59].
Mặt khác, cho phép một bên hủy bỏ hợp đồng trong trường hợp bên kia sẽ vi
phạm hợp đồng tạo ra lợi ích về mặt kinh tế. Ví dụ, khi biết chắc là bên mua sẽ không
nhận hàng và không trả tiền, cho phép người bán hủy hợp đồng sẽ giúp họ sớm tìm
được nguồn tiêu thụ mới hoặc quyết định không tiếp tục sản xuất nữa để tránh bị tồn
đọng thừa hàng. Hoặc, nếu cho phép bên mua hủy hợp đồng khi biết chắc là bên bán
sẽ không thực hiện hợp đồng, chúng ta sẽ giúp người mua sớm đi tìm người bán khác
để có được số lượng hàng cần mua nhằm đáp ứng được nhu cầu của mình.
- Chúng ta đã là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đang tích
cực đàm phán hiệp định TPP, ETA. Điều này chứng tỏ rằng, việc đang ngày càng hội
nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới trong khi đó các văn bản quốc tế về thương mại,
như vừa đề cập, cho phép một bên hủy hợp đồng khi biết chắc rằng bên kia sẽ không
thực hiện một phần quan trọng của hợp đồng [63]. Việc bổ sung vào Luật Thương mại
nước ta các quy định tương tự sẽ, một lần nữa, cho thế giới biết rằng chúng ta thực sự
muốn hội nhập. Chẳng hạn, trước năm 1999, ở Trung Quốc, vấn đề vi phạm hợp đồng
trước thời hạn thực hiện chỉ được đề cập trong Luật về hợp đồng kinh tế với nước
ngoài; các văn bản khác về hợp đồng như Luật về hợp đồng kinh tế hay Luật về
chuyển giao công nghệ hoàn toàn không đề cập đến vấn đề này. Với quyết tâm hội
170

nhập vào Tổ chức thương mại quốc tế, hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới,
năm 1999, Trung Quốc thừa nhận quyền một bên hủy hợp đồng khi biết chắc rằng bên
kia sẽ không thực hiện hợp đồng trong Luật hợp đồng của Trung Quốc: Theo khoản 2
Điều 94, hợp đồng có thể bị hủy nếu, trước thời điểm thực hiện hợp đồng, một bên cho
thấy sẽ không thực hiện nghĩa vụ chính của hợp đồng [20; 134].
Từ nhận thức đó, tác giả kiến nghị bổ sung một Điều luật mới để quy định về
hủy bỏ hợp đồng do vi phạm hợp đồng dự đoán trước theo những yêu cầu sau đây:
(1) Vị trí và tiêu đề của Điều luật quy định về hủy bỏ hợp đồng do vi phạm hợp
đồng dự đoán trước
Hiện nay, quy định về hủy bỏ hợp đồng do vi phạm hợp đồng dự đoán trước
chưa được quy định trong Luật Thương mại. Vị trí của Điều luật này cần đặc trong
mối quan hệ tổng thể với các điều luật khác có liên quan đến hủy bỏ hợp đồng. Xem
xét cơ cấu hiện tại của Luật Thương mại, thì vị trí của Điều luật nên đặt sau Điều 312,
trước Điều 313 quy định về hủy bỏ hợp đồng trong trường hợp giao hàng, cung ứng
dịch vụ từng phần. Tiêu đề của Điều luật này nên là “Điều 312a. Hủy bỏ hợp đồng do
vi phạm hợp đồng dự đoán trước”. Với sự kết hợp quy định này với các quy định khác
hiện có, sẽ tạo nên một tập hợp các quy phạm pháp luật có hệ thống và mang tính
chỉnh thể làm thành cơ chế điều chỉnh vi phạm cơ bản hợp đồng.
(2) Bố cục và nội dung của Điều luật: cần xác định rõ căn cứ hủy hợp đồng do
vi phạm hợp đồng dự đoán trước và những thủ tục để áp dụng nó.
Bổ sung quy định về hủy bỏ hợp đồng do vi phạm hợp đồng dự đoán trước tạo
cho bên có quyền lựa chọn giữa việc hủy bỏ hợp đồng và duy trì hợp đồng. Nguyên tắc
này cũng được thừa nhận rộng rãi trong mọi hệ thống pháp luật có sử dụng khái niệm
vi phạm hợp đồng dự đoán trước [76, tr.237]. Quyền này cũng đã được Luật Thương
mại thừa nhận đối với đình chỉ thực hiện, hủy bỏ hợp đồng khi bên có nghĩa vụ vi
phạm nghĩa vụ khi đến hạn thực hiện, nếu là vi phạm cơ bản nghĩa vụ. Tuy nhiên, đối
với trường hợp vi phạm dự đoán trước, bên có quyền có thể lựa chọn hai lần. Lần thứ
nhất là bên có quyền sẽ cân nhắc xem có nên đợi cho đến khi đến hạn thực hiện hợp
đồng mới chấm dứt hợp đồng hay không. Nếu bên có quyền quyết định không đợi thì
sẽ hết quyền lựa chọn: hợp đồng chấm dứt và bên có quyền có thể yêu cầu thiệt hại
ngay lập tức. Ngược lại, nếu bên có quyền quyết định đợi cho đến khi đến hạn thực
hiện hợp đồng thì cũng có nghĩa là đã tạo cơ hội cho bên có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ
171

nghĩa vụ của họ trong hợp đồng. Nhưng trong trường hợp việc vi phạm hợp đồng
chuyển từ tình trạng được dự đoán xảy ra trên thực tế khi đến hạn thực hiện thì bên có
quyền lại được quyền lựa chọn lần nữa: nếu vi phạm đã xảy ra trên thực tế là cơ bản
thì bên có quyền có thể hoặc chấm dứt hoặc không chấm dứt hợp đồng. Hơn nữa, bên
có quyền có thể dự đoán bên có nghĩa vụ sẽ vi phạm cơ bản nghĩa vụ khi chưa đến hạn
thực hiện nghĩa vụ đó, nếu bên có nghĩa vụ đã không thực hiện một nghĩa vụ đến hạn
thực hiện trên thực tế.
Ngoài ra, bên nào thực hiện quyền hủy bỏ hợp đồng thì phải chịu mọi rủi ro,
nghĩa là phải một mình chịu trách nhiệm xác định xem các điều kiện thực hiện quyền
này đã hội đủ chưa, bởi lẽ có thể có sự kiểm tra về sau của thẩm phán hoặc trọng tài
viên. Rủi ro tăng lên trong trường hợp vi phạm hợp đồng dự đoán trước do khó khăn
trong việc dự đoán tương lai, bởi lẽ bên có quyền phải chứng minh được những lo ngại
thực sự và tối thiểu liên quan đến việc thực hiện hợp đồng trong tương lai. Đó chính là
lý do tại sao khi quy định hủy bỏ hợp đồng do vi phạm hợp đồng dự đoán trước cần
phải quy định kèm theo một thủ tục thông báo và cho phép yêu cầu hoặc đưa ra những
bảo đảm thực hiện hợp đồng, thủ tục này vì quyền lợi của cả bên có quyền và bên có
nghĩa vụ. Trong một số trường hợp, bên có nghĩa vụ, khi được yêu cầu, có thể đưa ra
những đảm bảo thỏa đáng và nhanh chóng cho bên có quyền và do vậy, hợp đồng sẽ
tiếp tục được thực hiện một cách bình thường.
Với nội dung vừa trình bày, bố cục của Điều 312a (mới) nên được thiết kế
thành 2 khoản khác nhau, mỗi khoản quy định về một nội dung tương ứng. Cụ thể:
Khoản 1 quy định về điều kiện hủy bỏ hợp đồng do vi phạm hợp đồng dự đoán trước;
Khoản 2 quy định về thủ tục áp dụng hủy bỏ hợp đồng do vi phạm hợp đồng dự đoán
trước.
+ Khoản 1: Điều kiện hủy bỏ hợp đồng do vi phạm hợp đồng dự đoán trước
Trước hết, để hủy bỏ hợp đồng do vi phạm hợp đồng dự đoán trước phải xác
định được là nguy cơ cao hợp đồng không được thực hiện. Chính vì thế, ở những nước
mà pháp luật quy định chỉ được phép hủy bỏ hợp đồng khi một bên vi phạm cơ bản
nghĩa vụ hợp đồng trên thực tế những điều kiên tương tự cũng được áp dụng đối với
trường hợp việc vi phạm mới chỉ được dự đoán [76; 131]. Vì thế, việc hủy bỏ hợp
đồng, cho dù có hay không có sự can thiệp của tòa án, cho dù có hiệu lực hồi tố hay
chỉ chấm dứt hiệu lực hợp đồng về tương lai, thì cũng luôn nên là một chế tài áp dụng
172

đối với các vi phạm hợp đồng ở mức độ nghiêm trọng nhất và phải đảm bảo mức độ
chắc chắn khi dự đoán việc một bên sẽ không thực hiện hợp đồng làm căn cứ tuyên bố
hủy bỏ hợp đồng trước thời hạn.
Cơ chế này cho phép áp dụng ngay lập tức những biện pháp thay thế kịp thời
cam kết được thỏa thuận. Quy định này chắc chắn có lợi cho cả hai bên vì nó cho phép
giảm thiểu thiệt hại mà bên có nghĩa vụ sẽ phải bồi thường, nhưng cũng có thể có hệ
quả xấu nếu bên có quyền sử dụng quá nhanh chóng các quyền của mình. Do vậy, cơ
chế này làm cho hợp đồng bị chấm dứt quá sớm trong khi có thể tránh được điều đó
nếu chờ đến thời điểm được quy định để bên kia thực hiện nghĩa vụ của mình. Như
vậy, việc hủy bỏ hợp đồng trước thời hạn cần phải tuân thủ những điều kiện hết sức
chặt chẽ. Nội dung khoản 1 này phải khẳng định được hủy bỏ hợp đồng do vi phạm
hợp đồng dự đoán trước chỉ có thể được áp dụng đối với vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp
đồng dự đoán trước.
+ Khoản 2: Thủ tục áp dụng hủy bỏ hợp đồng do vi phạm hợp đồng dự đoán
trước
Rất khó chứng minh vi phạm hợp đồng dự đoán trước. Tuy nhiên, để quyền của
bên bị vi phạm hợp đồng theo dự đoán được sử dụng một cách hiệu quả thì quyền đó
phải được thực hiện mà không cần sự cho phép của tòa án. Bên có quyền sẽ phải chịu
rủi ro nếu đánh giá sai tình hình và trong trường hợp này, chính bên bị vi phạm phải
chịu trách nhiệm về viêc lạm dụng quyền hủy bỏ hợp đồng.
Về mặt thủ tục, cần quy định bên có quyền có trách nhiệm thông báo, trước
hoặc ngay sau khi có quyết định, cho bên có nghĩa vụ biết về các quyền mà mình sẽ
thực hiện hoặc đã thực hiện nhằm cho phép bên có nghĩa vụ ngăn cản bên có quyền
hủy hợp đồng trước thời hạn bằng cách đưa ra những biện pháp thích hợp để đảm bảo
mình sẽ thực hiện hợp đồng. Thủ tục này được quy định theo hướng có lợi cho bên có
quyền. Cụ thể là: việc yêu cầu bên có nghĩa vụ phải có biện pháp bảo đảm thực hiện
hợp đồng có thể sẽ tạo thuận lợi cho bên có quyền khi chứng minh cho dự đoán của
mình về vi phạm của bên kia, hoặc sẽ được bên có quyền tận dụng trong trường hợp
họ không được phép tuyên bố ngay lập tức việc hủy bỏ hợp đồng trước thời hạn vì đó
không phải là trường hợp vi phạm hợp đồng dự đoán trước.
Chính vì vậy, khoản 2 cần dự kiến một thủ tục hợp lý cho phép bên có quyền,
trong nhưng trường hợp không hiển nhiên, chứng minh có nguy cơ cao vi phạm hợp
173

đồng. Thủ tục này có thể bao gồm thông báo về việc hủy bỏ hợp đồng và bên có quyền
có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ đưa ra những bảo đảm hợp lý để thực hiện hợp đồng
(tương tự khoản 2 Điều 72 Công ước Viên). Thủ tục bảo đảm thực hiện hợp đồng cũng
được quy định tại PECL, theo đó, nếu một bên có cơ sở để cho rằng không thực hiện
cơ bản hợp đồng sẽ xảy ra, thì có quyền yêu cầu bên kia phải áp dụng những biện pháp
thích hợp để đảm bảo thực hiện hợp đồng (Điều 8:105-1). Trong trường hợp các biện
pháp bảo đảm đó không được đưa ra trong một thời hạn hợp lý thì bên có quyền được
quyền chấm dứt hợp đồng nếu như vẫn có cơ sở tin rằng hợp đồng sẽ không được thực
hiện. PICC cũng quy định tương tự (Điều 7.3.4). Thủ tục này có lợi cho bên có nghĩa
vụ vì có khả năng làm giảm bớt lo ngại của bên có quyền, tránh xảy ra một tình huống
không thể khắc phục được. Trên thực tế, thủ tục này làm đảo ngược nghĩa vụ chứng
minh, nghĩa là buộc một người chưa có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng phải chứng minh
là mình vẫn muốn và có khả năng thực hiện các nghĩa vụ quy định trong hợp đồng, và
nếu không đưa ra được cho bên có quyền những bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì bị dự
đoán là sẽ vi phạm hợp đồng.
Tóm lại, nội dung cụ thể của Điều 312a (mới) quy định về hủy bỏ hợp đồng do
vi phạm hợp đồng dự đoán trước như sau:
“Điều 312a. Hủy bỏ hợp đồng do vi phạm hợp đồng dự đoán trước
1. Một bên có quyền tuyên bố hủy bỏ hợp đồng nếu trước khi đến hạn thực hiện
hợp đồng có dấu hiệu rõ ràng cho thấy bên kia vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.
2. Bên có ý định tuyên bố hủy bỏ hợp đồng phải thông báo cho bên kia để cho
phép bên kia áp dụng những biện pháp thích hợp nhằm bảo đảm thực hiện hợp đồng,
trừ khi bên kia tuyên bố không thực hiện hợp đồng”.
Kết luận Chương 5
Vi phạm cơ bản hợp đồng là khái niệm mới được tiếp thu trong pháp luật
thương mại Việt Nam, cụ thể là Luật Thương mại. Tuy nhiên, hiện nay, tồn tại song
song thuật ngữ “vi phạm nghiêm trọng” hay “vi phạm cơ bản” dễ gây hiểu nhầm, khó
khăn trong việc tiếp cận cũng như hướng dẫn của cơ quan giải quyết tranh chấp. Hơn
nữa, “thiệt hại” và “mục đích của việc giao kết hợp đồng” là những điểm chưa rõ ràng
trong quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng, đôi khi việc đưa yếu tố “thiệt hai” bắt
buộc khi xác định vi phạm cơ bản trở nên không cần thiết; quyền khắc phục vi phạm
của bên vi phạm chưa được đảm bảo… Tòa án và trọng tài thường không có giải thích
174

thỏa đáng khi vận dụng quy định về vi phạm cơ bản hợp đồng để cho phép các bên
trong hợp đồng thương mại áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ
thực hiện hợp đồng hoặc hủy bỏ hợp đồng. Vì thế, hoàn thiện quy định pháp luật Việt
Nam về vi phạm cơ bản hợp đồng là rất cần thiết, theo đó việc hoàn thiện quy định của
pháp luật Việt Nam về vi pham cơ bản hợp đồng có thể theo hướng gia nhập Công ước
Viên hoặc sửa đổi, bổ sung một số quy định trong pháp luật Việt Nam về vi phạm cơ
bản hợp đồng nhằm tạo sự tương thích với Công ước Viên trong bối cảnh chúng ta
đang tích cực tiến hành các hoạt động để gia nhập Công ước Viên.
175

KẾT LUẬN
1. Vi phạm cơ bản hợp đồng là căn cứ quan trọng để áp dụng các chế tài tạm
ngừng thực hiện, đình chỉ thực hiện và hủy bỏ hợp đồng khi các bên không có thỏa
thuận cụ thể điều kiện để áp dụng các chế tài này. Vi phạm cơ bản hợp đồng khác với
vi phạm không cơ bản ở chỗ là hậu quả pháp lý của nó rất nặng nề. Đây là vấn đề pháp
lý rất phức tạp và có mối liên hệ biện chứng với nhiều vấn đề pháp lý quan trọng khác
của pháp luật hợp đồng thương mại như vi phạm hợp đồng, thiệt hại, mục đích của
giao kết hợp đồng, tạm ngừng, đình chỉ thực hiện hợp đồng, hủy bỏ hợp đồng…Do
vậy, việc nghiên cứu hoàn thiện quy định pháp luật về vi phạm cơ bản hợp đồng cũng
có ý nghĩa là hoàn thiện các vấn đề đó. Luận án tập trung nghiên cứu quy định lẫn thực
tiễn áp dụng liên quan đến các vấn đề như các yếu tố cấu thành tình cơ bản của vi
phạm hợp đồng theo Công ước Viên; chế tài do vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công
ước Viên; những bất cập trong các quy định và thực tiễn áp dụng quy định về vi phạm
cơ bản hợp đồng theo pháp luật Việt Nam và định hướng hoàn thiện. Mỗi nội dung
vừa nêu được thiết kế thành một chương, kết hợp với chương lý luận về vi phạm cơ
bản hợp đồng MBHHQT, tạo thành bốn chương của luận án.
2. Nội dung chương 2 tập trung làm rõ các vấn đề lý luận về vi phạm cơ bản
hợp đồng MBHHQT. Nội dung trọng tâm của Chương 2 là làm rõ các khái niệm về
hợp đồng MBHHQT, về vi phạm hợp đồng, về vi phạm cơ bản hợp đồng và vi phạm
cơ bản hợp đồng MBHHQT và cơ chế điều chỉnh pháp luật đối với vi phạm cơ bản.
Kết quả nghiên cứu của chương 2 là thống nhất và đưa ra được khái niệm về vi phạm
cơ bản hợp đồng nói chung, vi phạm cơ bản hợp đồng MBHHQT nói riêng. Bên cạnh
đó, kết quả nghiên cứu chương 2 cũng chỉ ra cơ chế điều chỉnh pháp luật đối với phạm
cơ bản hợp đồng theo hướng tôn trọng tự do hợp đồng và hiệu lực bất biến của hợp
đồng.
3. Nội dung chương 3 tập trung nghiên cứu các yếu tố cấu thành tính cơ bản của
vi phạm hợp đồng theo Công ước Viên. Kết quả nghiên cứu chương 3 là phân tích,
làm rõ cả về quy định lẫn thực tiễn xác định các yếu tố cấu thành tính cơ bản của vi
phạm hợp đồng theo Công ước Viên, có so sánh với quy định yếu tố cấu thành tính cơ
bản của vi phạm hợp đồng theo pháp luật Việt Nam.
4. Nội dung chương 4 nghiên cứu về quy định cũng như thực tiễn vận dụng quy
định về chế tài (hệ quả pháp lý) do vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công ước Viên. Kết
176

quả nghiên cứu chương 4 đã làm rõ chế tài do vi vi phạm cơ bản hợp đồng theo Công
ước Viên như hủy hợp đồng, yêu cầu giao hàng thay thế. Mục đích của giao kết hợp
đồng chính là lợi ích kinh tế, biểu hiện cụ thể đối với người mua là mua hàng để bán
lại hoặc vì mục đích sử dụng thông thường nào đó; đối với người bán là nhận thanh
toán; khả năng khắc phục vi phạm cũng được xem xét khi xem xét chế tài do vi phạm
cơ bản hợp đồng.
5. Nội dung chương 5 phân tích, làm rõ những bất cập của quy định pháp luật
Việt Nam về vi phạm cơ bản và bất cập trong thực tiễn áp dụng quy định này. Kết quả
nghiên cứu của chương 5 là chỉ ra những điểm bất cập trong quy định lẫn thực tiễn xác
định các yếu tố cấu thành tính cơ bản của vi phạm hợp đồng theo pháp luật Việt Nam
như yếu tố thiệt hại không rõ ràng và không cần thiết, mục đích của việc giao kết hợp
đồng không rõ ràng. Bên cạnh đó, bất cập cũng hiện hữu trong quy định và thực tiễn
vận dụng chế tài do vi phạm cơ bản hợp đồng theo pháp luật Việt Nam. Từ đó, chương
5 cũng đưa ra những định hướng hoàn thiện quy định của pháp luật Việt Nam về vi
phạm cơ bản, theo đó hoàn thiện phải tạo sự thống nhất thuật ngữ, dề hiểu và dễ áp
dụng cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như tòa án, trọng tài trong quá trình giải quyết
tranh chấp. Đề xuất sửa đổi các quy định: Khoản 13 Điều 3, Điều 39, Điều 51, Điều
297, Điều 299, Điều 308, 310, 312 và bổ sung Điều 312a vào Luật Thương mại.
6. Như đã khẳng định, vi phạm cơ bản hợp đồng là một đề tài có nội dung phức
tạp và phạm vi nghiên cứu rất rộng liên quan tới nhiều nội dung phức tạp khác, nên
trong quá trình nghiên cứu, tác giả chưa có điều kiện để giải quyết hết được mà mới
chỉ giới hạn ở phạm vi đối với hợp đồng thương mại, cụ thể hợp đồng mua bán hàng
hóa nói chung, hợp đồng MBHHQT nói riêng. Tác giả coi hướng nghiên cứu tiếp khi
có điều kiện như vi phạm cơ bản hợp đồng dân sự (theo nghĩa hẹp), đơn phương chấm
dứt thực hiện hợp đồng dân sự và hủy bỏ hợp đồng dân sự khi có vi phạm cơ bản.
177

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

A. TÀI LIỆU TIẾNG VIỆT


1. Amoussou – Guénou, Roland, Triển vọng phát triển các nguyên tắc pháp luật
hợp đồng SEAN (hoặc Châu Á), Kỷ yếu hội thảo “Hợp đồng Thương mại Quốc
tế”, Nhà Pháp luật Việt – Pháp tổ chức tại Hà Nội, ngày 13, 14/12/2004.
2. Đỗ Minh Ánh, Vấn đề sửa đổi khái niệm mua bán hàng hóa quốc tế trong Luật
thương mại để gia nhập Công ước của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán
hàng hóa quốc tế, Tạp chí Luật học số 9/2011.
3. Nguyễn Mạnh Bách, Pháp luật về hợp đồng (lược giải), Nxb Chính trị Quốc
gia, Hà Nội, 1995.
4. Trần Thị Hòa Bình, Trần Văn Nam, Pháp luật và thông lệ quốc tế, pháp luật
của Việt Nam về thương mại quốc tế, Nxb Lao động – Xã hội, 2006.
5. Báo cáo 350/UBTVQH11 của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 18/5/2005 về
việc giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật thương mại (sửa đổi) trình Quốc
hội thông qua.
6. Báo cáo số 151/BC-BTP ngày 15/7/2013 của Bộ Tư pháp về Báo cáo tổng kết
thi hành Bộ luật dân sự năm 2005.
7. Bộ luật dân sự năm 2005.
8. Bộ luật dân sự năm 1995.
9. Bộ Chính trị, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây
dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến 2010, định hướng đến
năm 2020.
10. Bộ nguyên tắc của UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế 2004, Dg:
Nguyễn Minh Hằng, Đào Thu Hiền và các Dgk, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2005.
11. Bộ Công thương, Một số điều ước đa phương thường được sử dụng trong
thương mại quốc tế: Công ước Viên năm 1980 của Liên Hợp quốc về hợp đồng
mua bán hàng hóa quốc tế, NXB Đại học Sư Phạm, Hà Nội, 2007.
12. Bộ Tư pháp, Kỷ yếu tập huấn pháp luật hợp đồng, ngày 29-30/6/2006 tại Hà
Nội.
13. Nguyễn Chúng, Kinh nghiệm thực tế Giải quyết tranh chấp hợp đồng thương
mại – hàng hải, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2008.
14. Công văn 413/VPCP-HTQT ngày 14/1/2013 của Văn phòng Chính phủ về việc
kết quả nghiên cứu gia nhập Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng
hóa quốc tế.
15. Công văn 7587/VPCP-QHQT ngày 22/10/2010 của Văn phòng Chính phủ về
việc nghiên cứu khả năng tham gia Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán
hàng hóa quốc tế.
16. Corine Renault-Brahinsky, Đại cương về pháp luật hợp đồng, Nxb Văn hóa –
Thông tin, Hà Nội, 2002.
17. Trương Văn Dũng, Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc
tế và vấn đề hoàn thiện pháp luật Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Luật học, 2003.
18. Nguyễn Đăng Dung, Nguyễn Ngọc Đào, Luật kinh doanh quốc tế, Nxb Đồng
Nai, 2000.
178

19. Đỗ Văn Đại và Đỗ Văn Hữu, Nội dung của hợp đồng trong giao dịch dân sự,
Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 01/2006.
20. Đỗ Văn Đại, Vấn đề hủy bỏ, đình chỉ hợp đồng do bị vi phạm trong Bộ luật
dân sự Việt Nam, Tạp chí Khoa học pháp lý, Số 3(22)/2004.
21. Đỗ Văn Đại, Vi phạm cơ bản hợp đồng, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số
9/2004.
22. Đỗ Văn Đại, Các biện pháp xử lý việc không thực hiện đúng hợp đồng, Nxb
Chính trị - Quốc gia, Hà Nội, 2010.
23. Đỗ Văn Đại, Luật hợp đồng: Bản án và bình luận bản án, Nxb Chính trị -
Quốc gia, Hà Nội, 2013 (tái bản lần thứ tư, tập 1, 2).
24. Đỗ Văn Đại, Mai Hồng Quỳ, Tư pháp quốc tế Việt Nam – Quan hệ dân sự, lao
động, thương mại có yếu tố nước ngoài, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,2010.
25. Nguyễn Ngọc Đào, Luật La Mã, Khoa Luật - ĐHQG Hà Nội, Hà Nội, 1994
26. Nguyễn Bá Diến, Giáo trình Luật thương mại quốc tế, Nxb Đại học Quốc gia
Hà Nội, 2005.
27. Lê Thị Nam Giang, Tư pháp quốc tế, Nxb ĐHQG HCM, 2011.
28. Phạm Hoàng Giang, Sự phát triển của pháp luật hợp đồng: Từ nguyên tắc tự
do giao kết hợp đồng đến nguyên tắc công bằng, Tạp chí Nhà nước và pháp
luật,Số 10/2006.
29. Nguyễn Minh Hằng, Hủy hợp đồng do chậm giao hàng, tham khảo tại
http://dddn.com.vn/20100309111513217cat104/huy-hop-dong-do-cham-giao-
hang.htm, truy cập ngày 11/2/2011.
30. Nguyễn Minh Hằng, Vi phạm cơ bản hợp đồng, tham khảo tại
http://dddn.com.vn/2010022311233417cat104/vi-pham-co-ban-hop-dong.htm,
truy cập ngày 11/2/2011.
31. Phan Chí Hiếu, Hoàn thiện chế định hợp đồng, Nghiên cứu Lập pháp, tháng
04/2005.
32. Nguyễn Am Hiểu, Quản Thị Mai Hường, Tìm hiểu pháp luật về hợp đồng mua
bán hàng hóa và đại diện thương mại, Nxb Đà Nẵng, 2000.
33. Nguyễn Đức Hưởng (người dịch), Luật mua bán hàng hóa quốc tế, Nxb Chính
trị - Quốc gia, Hà Nội, 1993.
34. Lê Minh Hùng, Hiệu lực của hợp đồng theo quy định của pháp luật Việt Nam,
Luận án Tiến sĩ Luật học, Trường ĐH Luật Tp.HCM, 2010.
35. Nguyễn Vũ Hoàng, Về các tiêu chí xác định hợp đồng mua bán hàng hóa quốc
tế, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 11/2003.
36. Hội đồng Chỉ đạo quốc gia biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam (2005), Từ
điển Bách khoa Việt Nam, tập 4, Nxb.TĐBK.
37. Nguyễn Ngọc Khánh, Chế định hợp đồng trong Bộ luật dân sự Việt Nam, Nxb
Tư pháp, Hà Nội,2007.
38. Nguyễn Ngọc Khánh, Giao kết hợp đồng – Một số vấn đề lý luận và thực ti n,
trong quyển “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về pháp luật hợp đồng ở Việt
Nam hiện nay” (Nguyễn NhưPhát và Lê Thu Thủy - Cb), Nxb. CAND, Hà Nội,
2003.
179

39. Nguyễn Ngọc Khánh, Thực hiện nghĩa vụ hợp đồng trên thực tế, Nghiên cứu
Lập pháp, số 02 tháng 02/2007.
40. Luật thương mại năm 2005.
41. Nguyễn Văn Luyện, Dương Anh Sơn, Lê Thị Bích Thọ, Giáo trình “Luật hợp
đồng thương mại quốc tế”, Nxb Đại học quốc gia Tp.HCM, 2005.
42. Ngô Đức Mạnh, Xây dựng và hoàn thiện pháp luật nhằm thực thi các cam kết
gia nhập WTO, Nhà nước và Pháp luật, số2 (226)/2007, tr. 18 – 23.
43. Phạm Minh (biên soạn), Luật Thương mại quốc tế, Nxb Thống kê, 2000.

44. Vũ Văn Mẫu, Việt Nam Dân luật - luợc khảo, Quyển II “Nghĩa vụ và khế
ước”, Phần thứ nhất: Nguồn gốc của nghĩa vụ, Nxb. Bộ QGGD, Sài Gòn 1963.
45. Nguyễn Thị Mơ, Giáo trình Pháp luật trong hoạt động kinh tế đối ngoại, NXB
Thông tin và truyền thông, 2009.
46. Phạm Duy Nghĩa, Điều chỉnh thông tin bất cân xứng và quản lý rủi ro trong
pháp luật hợp đồng Việt Nam, trong quyển "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn
về pháp luật hợp đồng ở Việt Nam hiện nay", Nguyễn Như Phát và Lê Thị Thu
Thủy (Cb), Nxb. CAND, Hà Nội, 2003.
47. Phạm Duy Nghĩa, Giáo trình Luật kinh tế, Nxb Công an nhân dân, 2011.
48. Nhà pháp luật Việt – Pháp, Các thuật ngữ hợp đồng thông dụng, Nxb Từ điển
bách khoa, 2011. Dg: Nguyễn Minh Hằng.
49. Nhà pháp luật Việt-Pháp, Tọa đàm Luật thương mại (sửa đổi), Tài liệu tham
khảo – lưu hành nội bộ, Hà Nội, 2004.
50. Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989.
51. Nguyễn Như Phát, Minh Bạch hóa pháp lật và yêu cầu đặt ra đối với hệ thống
pháp luật trong quá trình hội nhập kinh tế, Nhà nước và Pháp luật, số1
(201)/2005.
52. Hoàng Phê, Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 1996.
53. Phòng Thương mại và Công nghiệp, Các quyết định trọng tài quốc tế chọn lọc,
Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2007.
54. Đinh Thị Mai Phương, Thống nhất Luật hợp đồng ở Việt Nam, Nxb Tư pháp,
Hà Nội, 2005.
55. Trần Văn Phước, Vĩnh Bá, Trần Văn Khanh, Phạm Minh Trị, Từ điển Anh-
Việt, Nxb Từ điển Bách khoa, 2002.
56. Quy chế tạm thời số 4794/TN-XNK ngày 31/7/1991 của Bộ Thương nghiệp
(nay là Bộ Công thương) hướng dẫn việc ký kết hợp đồng mua bán ngoại
thương và Quy định số 229/TMDL-XNK ngày 9/4/1992 của Bộ Thương mại
và du lịch về việc ký kết và quản lý hợp đồng mua bán ngoại thương.
57. Raski.J, Các điều kiện giới hạn và mi n trừ trách nhiệm trong hợp đồng quốc
tế, Kỷ yếu Hội thảo Hợp đồng thương mại quốc tế do Nhà Pháp luật Việt –
Pháp tổ chức, 13-14/12/2004.
58. Dương Anh Sơn, Tính quốc tế của hợp đồng mua bán hàng hóa ngoại thương,
Tạp chí Khoa học pháp lý, số 6(25)/2004.
180

59. Dương Anh Sơn, Cơ sở lý luận và thực ti n của việc điều chỉnh bằng pháp luật
đối với vi phạm hợp đồng khi chưa đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ. Tạp chí
Nhà nước và pháp luật, số 4/2006.
60. Dương Anh Sơn, Tác động của các hình thức lỗi đến việc xác định trách nhiệm
hợp đồng, Tạp chí KHPL số 1(138)/2007.
61. Lê Minh Tâm (cb), Lý luận Nhà nước và pháp luật, Nxb. Tư pháp, Hà Nội,
2007.
62. Tờ trình số 1456/CP-CP của Chính phủ ngày 5/10/2004 trước Quốc hội về dự
án Luật thương mại (sửa đổi).
63. Bùi Ngọc Toàn, Pháp luật Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế
của Việt Nam, Nhà nước và Pháp luật, số 04/2006.
64. Thông tư 03/2015/TT-BKHĐT ngày 06/05/2015 của Bộ KH&ĐT quy định chi
tiết lập hồ sơ mời thầu xây lắp.
65. Thông tư 05/2015/TT-BKHĐT ngày 16/06/2015 của Bộ KH&ĐT quy định chi
tiết lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa.
66. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, Tập 2, Nxb
Công an Nhân dân, Hà Nội, 2005.
67. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật La Mã, Nxb CAND, Hà Nội,
2001.
68. Trường Đại học Luật Tp.HCM, Giáo trình pháp luật về hợp đồng và bồi
thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Nxb Hồng Đức-Hội luật gia Việt Nam,2013.
69. Từ điền Kinh doanh và quản lý, Nxb Oxford University, tham khảo tại
http://www.oxfordreference.com/view/10.1093/oi/authority.201108030958385
45, truy cập 19/6/2013.
70. Nguyễn Văn Tiến, Cẩm nang tài trợ thương mại quốc tế, Nxb Thống kê, 2008.
71. Vũ Hữu Tửu, Kỹ thuật nghiệp vụ ngoại thương, Nxb Giáo dục, 1998.
72. Đào Trí Úc (Cb), Những vấn đề lý luận cơ bản về Nhà nước và pháp luật, Nxb.
CTQG, Hà Nội, 1995.
73. Đào Trí Úc, Những nội dung cơ bản của khái niệm hệ thống pháp luật nước ta
và các nguyên tắc lập pháp, Tạp chí nghiên cứu lập pháp số 10, tháng 11/2001.
74. Đào Trí Úc, Quá trình đổi mới hoạt động lập pháp ở nước ta trước yêu cầu hội
nhập quốc tế - khu vực, Viện nghiên cứu Nhà nước và pháp luật.
75. Ủy ban Tư vấn về Chính sách Thương mại quốc tế thuộc Phòng Thương mại
và Công nghiệp Việt Nam, Báo cáo nghiên cứu “Đề xuất Việt Nam gia nhập
Công ước Viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế”, 2010.
76. Vanwijck Alexandre, Điều khoản chấm dứt hợp đồng và điều khoản duy trì
hiệu lực hợp đồng, Kỷ yếu Hội thảo Hợp đồng thương mại quốc tế do Nhà
Pháp luật Việt – Pháp tổ chức, 13-14/12/2004.
77. Võ Khánh Vinh, Một số vấn đề chung về kỹ thuật lập pháp, Tạp chí Nhà nước
và pháp luật, 8/2001.
78. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2006.
181

79. Viện Ngôn ngữ học, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Từ điển
Anh-Việt, Nxb Tp.HCM, 1993.
80. Nguyễn Như Ý, Đại từ điển tiếng Việt, Nxb. Văn hóa thông tin, 1998.
B. TÀI LIỆU TIẾNG ANH
81. Alejandro M. Garro, The Gap Filling Role of the UNIDROIT Principles in
International Sales Law: Some Comments on the Interplay between the
Principles and the CISG, 69 Tul.L.Rev. 1149, 1995, tr.1157-1185.
82. Alexander Lorenz, Fundamental Breach under the CISG, Dinslaken,
Germany/Canterbury, England, Pace Essay Submission, 1998, chi tiết tại
http://www.cisg.law.pace.edu/cisg/biblio/lorenz.html, truy cập 5/4/2012.
83. Alain A. Levasseur, The Civil Code of Quebec and the Vienna Convention on
International Contracts for the Sale of Goods: some Comments, in Conferences
sur le nouveau code civil du Québec (Yvon Blais ed., 1992) 269, 282 cited in
Koch, ‘The Concept of Fundamental Breach of Contract under the United
Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods (CISG)’,
266
84. American Law Institute, Restatement (Second) of Contracts Sec. 241 (1981).
85. Andrew Babiak, Defining "Fundamental Breach" under the United Nations
Convention on Contracts for the International Sale of Goods, 6 Temple Int’l &
Comp. L.J. 113, 1992.
86. Benjamin K.Leisinger, Fundamental Breach considering Non-Conformity of
the Goods, European Law Publishers, 2007.
87. Bernstein Herbert, Understanding the CISG in Europe: a compact guide to the
1980 United Nations Convention on contracts for the International sales of
goods, Kluwer Law International, 2002.
88. Bianca C.M., Bonell M.J, Commentary on the International Sales Law - The
1980 Vienna Sales Convention, Milan, Article 25, 2.2,1987.
89. Bruno Zeller, The Remedy of Fundamental Breach and the United Nations
Convention on the International Sale of Goods (CISG) - A Principles Lacking
Certainty?, (2/2007) 11 Vindobona Journal of International Commercial Law
and Arbitration 219, 226.
90. Bruno Zeller, Fundamental Breach and the CISG - a Unique Treatment or
Failed Experiment? (2004) 8 Vindobona Journal of International Commercial
Law and Arbitration, 89.
91. Bryan, A.Garner, Black’s Law Dictionary,9th ed., West, 2009.
92. Castellet Lorence, The application of the Vienna Convention in the United
States, RDAI, no5 du 01/06/1999, p.528-595.
93. Chengwei Liu, The Concept of fundamental breach: Perspectives from the
CISG, UNIDROIT Principles and PECL and case law, 20 J.L. & Com. 460,
2005.
94. Chengwei Liu, Remedies for Non-performance – Perspectives from CISG,
UNIDROIT Principles and PECL,2003.
95. Chengwei Liu, Electronic excerpt from The Concept of Fundamental Breach:
Perspectives from the CISG, UNIDROIT Principles and PECL and case law
182

(2nd ed, 2005) chapter 2.3(d).


96. Clemens Pauly, The Concept of Fundamental Breach as an International
Principle to Create Uniformity of Commercial Law, 19 J.L. & Com. 221
(1999-2000).
97. Comment and Notes to PECL Art. 8:103: Comment C, tham khảo tại
http://www.cisg.law.pace.edu/cisg/text/peclcomp25.html, truy cập 15/2/2013.
98. Commentary on the Draft Convention on Contracts for the International Sale of
Goods prepared by the Secretariat, Document A/CONF.97/5.
99. Contract law of the People Republic of China 1999.
100. Convention relating to a Uniform Law on the Formation of Contracts for the
International Sale of Goods (ULF,1964).
101. Convention relating to a Uniform Law on the International Sale of Goods
(ULIS, 1964).
102. The Commission of European Contract Law/ edited by Ole Lando, Hugh
Beale, Principle of European contract Law: Parts I and II, 2000, Kluwer Law,
p. 365.
103. David Kelly, Business Law, Cavendish Publishing, UK, 2002.
104. Darren Peacock, Avoidance and the Notion of Fundamental Breach Under the
CISG: An English Perspective (2003) 8 International Trade and Business Law
Review 95, 101.
105. Djakhongir Saidov, The Law of Damages in International Sales: The CISG and
other International Instruments (2008) 102.
106. Enderlein/Maskow, International Sales Law, Art. 25, at 3.4.
107. Eric C.Schneider, The Seller‟s Right to Cure under the Uniform Commercial
Code and CISG, 7 Ariz.J.Int’l & Comp.L. 69,1989.
108. Felemegas, The United Nations Convention on Contracts for the International
Sale of Goods: Article 7 and Uniform Interpretation, in Pace Review of the
Convention on Contracts for the International Sale of Goods (CISG), Kluwer
Law International (2000-2001) 115 – 265.
109. Feltham, The United Nations Convention on Contracts for the International
Sale of Goods, J.Bus.L.346, 1981.
110. Franco Ferarri, Uniform Interpretation of the 1980 Uniform Sales Law, 24 Ga.
J. Int’l & Comp.L. 183, 1994.
111. Franco Ferarri, Recent Development: CISG: Specific Topics of the CISG in
Light of Judicial Application and Scholarly Writing, 15 J.L. & Com. 1. 1995.
112. Franco Ferrari, Fundamental Breach of Contract Under the UN Sales
Convention-- 25 Years of Article 25 CISG, Journal of Law and Commerce,
2006, tham khảo tại http://www.cisg.law.pace.edu/cisg/biblio/ferrari14.html,
truy cập ngày 28/4/2012.
113. Fritz Enderlein, Dietrich Maskow, International Sales Law: United Nations
Convention on Contracts for the International Sale of Goods, 1992.
114. Grebler E., Fundamental Breach of Contract Under the CISG: A Controversial
Rule, ASIL Proceedings, 2007.
183

115. Hossam El-Saghir, Fundamental breach: Remarks on the manner in which the
Principles of European Contract Law may be used to interpret or supplement
Article 25 CISG, July 2000, chi tiết tại
http://www.cisg.law.pace.edu/cisg/text/peclcomp25.html, truy cập 10/7/2012.
116. Hossam El-Saghir, Editorial Remarks, ‘Guide to Article 25: Comparison with
Principles of European Contract Law (PECL)’ (2000) Pace Law School
Institute of International Commercial Law chi tiết tại
http://www.cisg.law.pace.edu/cisg/text/peclcomp25.html, truy cập 10/7/2013.
117. Harry M. Flechtner, ‘The Several Texts of the CISG in a Decentralised System:
Observations on Translations, Reservations and other Challenges to the
Uniformity Principle in Article 7(1)’, 188.
118. Harry M. Flechtner, ‘Remedies Under the New International Sales Convention:
The Perspective from Article 2 of the U.C.C.’ (1988) 8 Journal of Law and
Commerce 53, 78.
119. Ingeborg Schwenzer, Pascal Hachem, The CISG: Successes and Pitfalls,
American Journal of Comparative Law, vol.57, 2009.
120. International Trade Centre (UNCTAD/WTO) & Ministry of Trade of Vietnam,
Report on key multilateral treaties affecting trade not ratified by Vietnam- A
cost/benefit analysis, March 2007.
121. Jacob Ziegel, The Remedial Provisions in the Vienna Sales Convention: Some
Common Law Prespectives, in: Nina M. Glalston and Hans Smit (eds),
International Sales: The United Nations Convention on Contracts for the
International Sale of Goods (1984).
122. John O. Honnold, The Draft Convention on Contracts for the International
Sale of Goods: An Overview, 27 Am. J. Comp. L. 223, 1979.
123. John O.Honnold, Documentary History of them: Uniform Law for international
sales, Kluwer Law and Taxation Publishers, 1989.
124. John O. Honnold and Harry M. Flechtner (ed), Uniform Law for International
Sales under the 1980 United Nations Convention (4th ed, 2009), Art 25, 279.
125. Katrina Winsor, The Applicability of the CISG to Govern Sales of Commodity
Type Goods (1/2010) 14 Vindobona Journal of International Commercial Law
and Arbitration 83, 102.
126. Leonardo Graffi, Case Law on the Concept of 'Fundamental Breach' in the
Vienna Sales Convention": Revue de droit des affaires
internationales /International Business Law Journal No. 3, 338-349 (Forum
Europeén de la Communication) Paris, 2003.
127. Lookofsky Joseph, Understanding the CISG in the USA: a compact guide to
the 1980 United Nations Convention on contracts for the International sales of
goods, Kluwer Law International, second edition, 2002 .
128. Mapp.W & Nicoll.C, The Vienna Convention on International Sale of Goods:
Obligations under the Contract and Remedies for Breach, N.Z.L.J 316,1993.
129. Melville L.W, The Core of a contract, 19 M.L.R 1956.
184

130. Michael Bonell, The Unidroit Principles of International Commercial


Contracts and CISG, in Uniform Commercial Law in the Twenty First Century:
Proceedings of the Congress of the United Nations Commission on
International Trade Law, U.N. GAOR Comm. on Int'l Trade L., 25th Sess., at
11 U.N. doc. A/CN.9/SER.D/1, 1992.
131. Michael Wagener, Fundamental Breach: Has the Baby gone out with the
Bathwater?, 29 Tulane Maritime Law Journal Vol.29 2004.
132. Michael Will, in Commentary on the International Sales Law, The 1980
Vienna Sales Convention 3.2.2 (C. Bianca & M. Bonell eds., 1987).
133. Mirghasem Jafarzadeh, Buyer's Right to Withhold Performance and
Termination of Contract: A Comparative Study Under English Law, Vienna
Convention on Contracts for the International Sale of Goods 1980, Iranian and
Shi'ah Law, PhD Project, Shahid Beheshti University, Tehran, Iran December
2001, chi tiết tại http://www.cisg.law.pace.edu/cisg/biblio/jafarzadeh1.html,
truy cập 5/8/2012.
134. Mo Zhang, Chinese Contract Law: Theory and practice, Martinus Nijhoff
Publishers, Leiden / Boston, 2006.
135. Official Record, Vienna Diplomatic Conference: Summary records of Meetings
of the First Committee (12thmeeting) [15, Mr Hjerner (Sweden)], [23, Mr
Tronning (Denmark)], [30, Mr Bennett (Australia)], [36, Mr Szasz (Hungry)],
[41, Mr Shafik (Egypt)]
http://www.cisg.law.pace.edu/cisg/firstcommittee/Meeting12.html và A/CONF
97/C. 1/L.104, Official Record, Vienna Diplomatic Conference: Summary
records of Meetings of the First Committee (13th meeting) [2]
<http://www.cisg.law.pace.edu/cisg/firstcommittee/Meeting13.html>
136. Official Record A/CONF.97/11, 1980 Vienna Diplomatic Conference: Report
of the First Committee, Consideration 6 chi tiết tại
http://www.cisg.law.pace.edu/cisg/1stcommittee/summaries25.html.
137. Ogilvie M.H, Fundamental breach excluded but not extinguished: Hunter
engineering v. syncrude Canada, 17 Can. Bus. L.J. 75 1990-1991, 84.
138. Olaf Clausson, Avoidance in Nonpayment Situations and Fundamental Breach
under the 1980 U.N. Convention on Contracts for the International Sale of
Goods, N.Y.L.Sch.J.Int. & Comp.L. 93, 1984.
139. Olga Gonzalez, Remedies Under the U.N. Convention for the International
Sale of Goods, 2 Int’l Tax & Bus.Law. 79, 1984.
140. R. A. Samek, The Relevant Time of Foreseeability of Damages in Contract,
(1964) 38 The Australian Law Journal 129.
141. Peter Schlechtriem, Requirements of Application and Sphere of Applicability of
the CISG, 36 Victoria University of Wellington Law Review 781, 2005.
142. Peter Schlechtriem, Uniform Sales Law - The UN-Convention on Contracts for
the International Sale of Goods (1986), 173-182.
143. Peter Schlechtriem and Petra Butler, UN Law on International Sales: The UN
Convention on International Sale of Goods (2009) 98 .
185

144. Peter Schlechtriem and Ingeborg Schwenzer (eds), Commentary on the UN


Convention on the International Sale of Goods (CISG) (2nd English ed., 2005,
Art 25 para 3, 284).
145. Peter Schlechtriem, Commentary on the U.N. Convention on the International
Sale of Goods, Oxford University Press, 2005.
146. Peter A. Piliounis, The Remedies of Specific Performance, Price Reduction and
Additional Time (Nachfrist) under the CISG: Are these worthwhile changes or
additions to English Sales Law?, Pace International Law Review, 2000.
147. Peter Huber and Alastair Mullis, The CISG: A new textbook for students and
practitioners (2007) 216.
148. Phanesh Koneru, The International Interpretation of the UN Convention on
Contracts for the International Sale of Goods: An Approach Based on General
Principles, Minnesota Journal of Global Trade, 1997.
149. Restatement (Second) of Contract, Section 235 (2).
150. Robert, William J. & others, Principles of Business Law, 8 th ed., Prentice
Hall, New Jersey 1979.
151. Robert Koch, The Concept of Fundamental Breach of Contract under the
United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods
(CISG), Pace Review of the Convention on Contracts for the International Sale
of Goods (CISG), Kluwer Law International, 1998.
152. Roberto Martín Paiva, Fundamental Breach under the United Nations
Convention on Contracts for the International Sale of Goods (1980), tham
khảo tại http://www.cisg.law.pace.edu/cisg/biblio/paiva.html#*, truy cập ngày
28/4/2012.
153. Sale of Goods Act of UK, 1979.
154. Sammuel, Geoffrey, Law of Obligations and legal Remedies, 2nd ed.,
Cavendish, London 2001.
155. Stephen J. Leacock, Fundamental breach of contract and exemption clauses in
Commonwealth Caribbean,4 Anglo-Am. L. Rev. 181 1975.
156. Sweeney, Brendan & Jennifer O’Reilly, Law in Commerce, Butterworths,
Sydney 2001.
157. The Principles of European Contract Law.
158. Trevor Bennett, Anticipatory Breach and Installment Contracts, art.71, in
Commentary on the International Sales Law, the 1980 Vienna Sales
Convention 513, art.71, 3.7 (C.Bianca & M.Bonell eds.,1987).
159. UN Secretariat, Commentary on the Draft Convention on contract for the
international sale of goods, Art. 23, 1979.
160. UN Secretariat, Commentary on the Draft Convention on Contracts for the
Internationl Sale of Goods, New York, 1981.
161. UNCITRAL, Yearbook VIII, 1977, Report of Committee of the Whole I
relating to the draft Convention on the International Sale of Goods’,
http://www.cisg.law.pace.edu/cisg/legislative/B01-25.html, truy cập 10/7/14.
186

162. UNCITRAL Secretariat, Explanatory Note by the UNCITRAL Secretariat on


the United Nations Convention on Contracts for the International Sale of
Goods, tham khảo tại http://www.cisg.law.pace.edu/cisg/text/p23.html, truy
cập ngày 28/4/2012.
163. UNCITRAL, Digest of Case Law on the United Nations Convention on the
Internationl Sale of Goods, United Nations Publication, New York, 2012.
164. Uniform Commercial Code of United State of America (UCC).
165. Ulrich Magnus in Franco Ferrari, Harry M. Flechtner and Ronald A. Brand
(eds), The Draft UNCITRAL Digest and Beyond: Cases, Analysis and the
Unresolved Issues in the U.N. Sales Convention (2004), tr.321.
166. Volker Behr, Interpretive Decisions Applying CISG: Commentary to Journal of
Law and Commerce Case I; Oberlandesgericht Frankfurt a.M., 12 J.L. & Com,
1993.
167. White and Summers, Uniform Commercial Code, West Academic Publishing;
6 edition (January 20, 2010).
168. Walt and Gillette, Sales Law: Domestic and International, Foundation Press; 2
edition (November 24, 2008).
169. Zhang Yuqing, Principles of Interpretation of a Uniform Law and Functions of
Travauz Preparatories, Commentaries and Case Collections for Interpretation
of a Uniform Law, in Uniform Commercial Law in the Twenty First Century:
Proceedings of the Congress of the United Nations Commission on
International Trade Law, U.N. GAOR Comm. on Int’l Trade L., 25th Sess., at
43, U.N. Doc. A/CN.9/SER.D/1.
C. TRANG WEB
170. http://www.cisg.law.pace.edu/cisg/countries/cntries.html, truy cập ngày
15/3/2015.
171. http://www.cisg.law.pace.edu/cisg/text/casecit.html, truy cập ngày 15/3/2015.
D. BẢN ÁN, PHÁN QUYẾT
1. Tiếng Việt
172. Bản án số 02/2010/KDTM-ST ngày 12/1/2010 của Tòa án nhân dân Quận 11
Tp.HCM.
173. Bản án số 1743/2007/KDTM-ST ngày 20/9/2007 của Tòa án nhân dân
Tp.HCM.
174. Bản án số 27/2011/KDTM-PT ngày 10/3/2011 của Tòa phúc thẩm, Tòa án
nhân dân tối cao tại Đà Nẵng.
175. Bản án 23/2011/KDTM-ST ngày 30/09/2011 của Tòa án nhân dân Quận 3,
Tp.Hồ Chí Minh.
176. Bản án số 503/2012/KDTM-ST ngày 19/4/2012 của Tòa án nhân dân tối cao
Tp.HCM.
177. Bản án số 15/2014/KDTM-ST ngày 07/04/2014 của Tòa án nhân dân Tp.HCM.
178. Bản án số 59/2013/KDTM-PT ngày 11/01/2013 của Tòa án nhân dân Tp.Hồ
Chí Minh.
179. Bản án số 399/2012/KDTM-ST ngày 29/3/2012 của Tòa án nhân dân Tp.Hồ
Chí Minh.
180. Bản án số 19/2010/KDTM-ST ngày 30/9/2010 của Tòa án nhân dân Quận 3,
187

Tp.Hồ Chí Minh.


181. Bản án số 24/2011/KDTM-ST ngày 30/9/2011 của Tòa án nhân dân Quận 3,
Tp.Hồ Chí Minh.
182. Bản án số 1592/2011/KDTM-PT ngày 28/12/2011 của Tòa án nhân dân Tp.Hồ
Chí Minh.
2. Tiếng Anh
183. Australia 17 November 2000 Supreme Court of Queensland (Downs
Investments v. Perwaja Steel), tham khảo tại
http://cisgw3.law.pace.edu/cases/001117a2.html, truy cập 15/2/2013.
184. B.W.I.A v. Bart. (1966) 11 W.I.R.378, 413.
185. Chanter v. Hopkins (1838) 4 M & W 399.
186. China 10 May 2005 CIETAC Arbitration proceeding (Hat case), tham khảo tại
http://cisgw3.law.pace.edu/cases/050510c1.html, truy cập ngày 15/4/2012.
187. China 12 February 1999 CIETAC Arbitration proceeding (Chrome plating
production line equipment case), tham khảo tại
http://cisgw3.law.pace.edu/cases/990212c1.html, truy cập ngày 12/4/2012.
188. China 14 January 2004 CIETAC Arbitration proceeding (Printing machine
case), tham khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/040114c1.html, truy cập
ngày 5/5/2012.
189. China 16 December 1997 CIETAC Arbitration proceeding (Hot-dipped
galvanized steel coils case), tham khảo tại
http://cisgw3.law.pace.edu/cases/971216c1.html, truy cập 5/5/2012.
190. China 18 September 2006 CIETAC Arbitration proceeding (Polyester spinning
machine case), tham khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/060918c1.html,
truy cập ngày 15/2/2013.
191. China 21 July 1997 CIETAC Arbitration proceeding (Yam-dyed fabric case),
tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/970721c1.html, truy cập ngày 15/2/2013.
192. China 22 March 2001 CIETAC Arbitration proceeding (Mung bean case),
tham khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/010322c1.html , truy cập ngày
15/4/2012.
193. China 25 December 2008 Shanghai First Intermediate People's Court [District
Court] (Shanghai Anlili International Trading Co. Ltd. v. J & P Golden Wings
Corp.), tham khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/081225c1.html, truy
cập ngày 15/4/2012.
194. China 26 June 2003 CIETAC Arbitration proceeding (Alumina case), tham
khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/030626c1.html, truy cập ngày
15/2/2013.
195. China 29 March 1996 CIETAC Arbitration proceeding (Caffeine case), tham
khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/960329c1.html, truy cập 15/2/2013.
196. China 30 January 1996 CIETAC Arbitration proceeding (Compound fertilizer
case), tham khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/960130c1.html , truy cập
ngày 15/4/2012.
197. China 31 December 1999 CIETAC Arbitration proceeding (Steel coil case),
tham khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/991231c1.html, truy cập ngày
15/4/2012.
198. China 31 May 1996 CIETAC Arbitration proceeding (Children’s jackets case),
tham khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/960531c1.html, truy cập ngày
188

15/2/2013.
199. China 4 April 1997 CIETAC Arbitration proceeding (Black melon seeds case),
tham khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/970404c1.html, truy cập ngày
15/2/2013.
200. China 4 February 2002 CIETAC Arbitration proceeding (Styrene monomer
case), tham khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/020204c1.html, truy cập
ngày 15/4/2012.
201. China 5 August 1997 CIETAC Arbitration proceeding (Cold-rolled coils case),
tham khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/970805c1.html, truy cập ngày
15/2/2013.
202. China 6 February 1997 CIETAC Arbitration Proceeding (Silicon-carbide
case), tham khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/970206c1.html , truy cập
ngày: 15/4/2012.
203. China 6 January 1999 CIETAC Arbitration proceeding (Australian raw wool
case), tham khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/990106c1.html, truy cập
ngày 15/2/2013.
204. China 7 April 2005 CIETAC Arbitration proceeding (Cotton gin motes case),
tham khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/050407c1.html, truy cập ngày
6/3/2012.
205. China 8 April 1999 CIETAC Arbitration proceeding (New Zealand raw wool
case), tham khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/990408c1.html, truy cập
ngày 25/4/2012.
206. China 8 March 1996 CIETAC Arbitration proceeding (Horsebean case), tham
khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/960308c2.html, truy cập ngày
15/2/2013.
207. China April 2006 CIETAC Arbitration proceeding (Mono ethylene glycol
case), tham khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/060400c2.html, truy cập
ngày 15/2/2013.
208. China December 2006 CIETAC Arbitration proceeding (Automobile case),
tham khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/061200c1.html, truy cập ngày
15/4/2012.
209. China December 2006 CIETAC Arbitration proceeding (Rabbit skin case),
tham khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/061200c2.html , truy cập ngày
15/4/2012.
210. China February 2006 CIETAC Arbitration proceeding (Fluorite case), tham
khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/060200c1.html, truy cập ngày
15/2/2013.
211. China May 2006 CIETAC Arbitration proceeding (Chemicals case), tham khảo
tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/060500c3.html, truy cập ngày 15/2/2013.
212. China, Arbitration award of June 1999 (Peanut kernel case), tham khảo tại
http://cisgw3.law.pace.edu/cases/990600c1.html, truy cập ngày 15/2/2013.
213. China 18 April 2008 CIETAC Arbitration proceeding (PTA powder case),
tham khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/080418c1..html, truy cập
15/2/2013.
214. China 24 July 2007 CIETAC Arbitration proceeding (Flexo label printing
machine case), http://cisgw3.law.pace.edu/cases/070724c1.html, truy cập
15/2/2013.
189

215. France 22 February 1995 Appellate Court Grenoble (BRI Production


"Bonaventure" v. Pan African Export), tham khảo tại
http://cisgw3.law.pace.edu/cases/950222f1.html, truy cập 15/2/2013.
216. France 23 January 1996 Supreme Court (Sacovini/M Marrazza v. Les fils de
Henri Ramel), tham khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/960123f1.html,
truy cập ngày 12/5/2012.
217. France 26 April 1995 Appellate Court Grenoble (Marques Roque Joachim v.
Manin Rivière), tham khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/950426f2.html,
truy cập ngày 15/2/2013.
218. France 21 October 1999 Appellate Court Grenoble (Calzados Magnanni v.
Shoes General International), tham khảo tại
http://cisgw3.law.pace.edu/cases/991021f1.html, truy cập 15/2/2013.
219. Germany 1 February 1995 Appellate Court Oldenburg (Furniture case), tham
khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/950201g1.html, truy cập ngày
16/2/2013.
220. Germany 11 April 2005 Landgericht [District Court] Frankfurt (Used shoes
case), tham khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/050411g1.html, truy cập
ngày 23/6/2012.
221. Germany 12 October 2000 District Court Stendal (Granite rock case), tham
khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/001012g1.html, truy cập ngày
22/6/2012.
222. Germany 14 January 1994 Appellate Court Düsseldorf (Shoes case), tham khảo
tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/940114g1.html, truy cập 15/2/2013
223. Germany 14 October 2002 Appellate Court Köln (Designer clothes case), tham
khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/021014g1.html, truy cập ngày
23/6/2012.
224. Germany 15 September 1994 District Court Berlin (Shoes case), tham khảo tại
http://cisgw3.law.pace.edu/cases/940915g1.html, truy cập ngày 15/2/2013.
225. Germany 15 September 2004 Appellate Court München (Furniture leather
case), tham khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/040915g2.html, truy cập
ngày 22/6/2012.
226. Germany 17 September 1991 Appellate Court Frankfurt (Shoes case), tham
khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/910917g1.html, truy cập 15/2/2013.
227. Germany 18 January 1994 Appellate Court Frankfurt (Shoes case), tham khảo
tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/940118g1.html, truy cập ngày 22/6/2012.
228. Germany 21 April 2004 Appellate Court Düsseldorf [15 U 88/03] (Mobile car
phones case), tham khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/040421g3.html,
truy cập ngày 22/6/2012.
229. Germany 21 December 1990 Lower Court Ludwigsburg (Clothes case), tham
khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/901221g1.html, truy cập ngày
22/6/2012.
230. Germany 21 November 2007 Appellate Court Koblenz (Shoes case), tham
khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/071121g1.html, truy cập ngày
23/6/2012.
231. Germany 24 April 1997 Appellate Court Düsseldorf (Shoes case), tham khảo
tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/970424g1.html , truy cập ngày 22/6/2012.
232. Germany 25 January 2008 Appellate Court Hamburg (Café inventory case),
190

tham khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/080125g1.html, truy cập ngày


22/6/2012.
233. Germany 27 March 1996 District Court Oldenburg (Clothes case), tham khảo
http://cisgw3.law.pace.edu/cases/960327g1.html, truy cập ngày 22/6/2012.
234. Germany 28 February 1997 Appellate Court Hamburg (Iron molybdenum
case), tham khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/970228g1.html, truy cập
15/2/2013.
235. Germany 29 December 1998 Hamburg Arbitration proceeding (Cheese case),
tham khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/981229g1.html, truy cập
15/2/2013.
236. Germany 29 November 2005 District Court München (Frozen vegetable case),
tham khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/051129g1.html, truy cập ngày
22/6/2012.
237. Germany 3 April 1996 Supreme Court (Cobalt sulphate case), tham khảo tại
http://cisgw3.law.pace.edu/cases/960403g1.html, truy cập ngày 23/6/2012.
238. Germany 31 January 1997 Appellate Court Koblenz (Acrylic blankets case),
tham khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/970131g1.html, truy cập ngày
15/2/2013.
239. Germany 5 April 1995 District Court Landshut (Sport clothing case), tham
khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/950405g1.html , truy cập ngày
23/6/2012.
240. Germany 24 May 1995 Appellate Court Celle (Used printing press case), tham
khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/950524g1.html, truy cập 15/2/2013.
241. Germany 24 September 1998 District Court Regensburg (Cloth case),
http://cisgw3.law.pace.edu/cases/980924g1.html, truy cập 15/2/2013.
242. Greece 2009 Decision 4505/2009 of the Multi-Member Court of First Instance
of Athens (Bullet-proof vest case), tham khảo tại
http://cisgw3.law.pace.edu/cases/094505gr.html, truy cập ngày 15/2/2013.
243. Hong Kong Fir Shipping Co.Ltd. v. Kawasaki Kisen Kaisha Ltd. [1962] 2 Q.
B. 26; [1962] All E.R. 474.
244. Hungary 25 May 1999 Budapest Arbitration proceeding Vb 97142 (Sour
cherries case), tham khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/990525h1.html,
truy cập 15/2/2012.
245. Stockholm Chamber of Commerce Arbitration Award of 5 June 1998 (Beijing
Light Automobile Co. v. Connell), tham khảo tại
http://cisgw3.law.pace.edu/cases/980605s5.html, truy cập 15/2/2013.
246. ICC Arbitration Case No. 10274 of 1999 (Poultry feed case), tham khảo tại
http://cisgw3.law.pace.edu/cases/990274i1.html, truy cập 15/2/2013.
247. ICC Arbitration Case No. 9187 of June 1999 (Coke case),
http://cisgw3.law.pace.edu/cases/999187i1.html, truy cập 15/2/2013.
248. Italy 11 January 2005 District Court Padova (Ostroznik Savo v. La Faraona
soc. coop. a.r.l.), tham khảo tại
http://cisgw3.law.pace.edu/cases/050111i3.html, truy cập ngày 15/4/2012.
249. Kenyon, Son & Craven v. Baxter Hoare [1971] 2 All E.R.708,720.
250. Poland 11 May 2007 Supreme Court of Poland (Shoe leather case),
http://cisgw3.law.pace.edu/cases/070511p1.html, truy cập 15/2/2013.
251. Spain 3 November 1997 Appellate Court Barcelona (Rolled steel case), tham
191

khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/971103s4.html, truy cập 15/3/2013.


252. Suisse Atlantique Societe d’Armement Martime S.A. v. N.V. Rotterdamshe
Kolen Centrale [1966] 2 All. E.R. 61, 86.
253. Switzerland 18 May 2009 Bundesgericht [Federal Supreme Court] (Packaging
machine case), tham khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/090518s1.html,
truy cập ngày 12/6/2012.
254. Switzerland 19 December 1995 Appellate Court Thurgau (Cloth case) tham
khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/951219s1.html, truy cập ngày
15/3/2013.
255. Switzerland 26 July 2007 Canton Appellate Court Jura (Industrial furnace
case), tham khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/070726s1.html, truy cập
ngày 15/2/2013.
256. Switzerland 27 April 2007 Canton Appellate Court Valais (Oven case), tham
khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/070427s1.html, truy cập ngày
15/2/2013.
257. Switzerland 28 October 1998 Supreme Court (Meat case), tham khảo tại
http://cisgw3.law.pace.edu/cases/981028s1.html.
258. Switzerland 30 August 2007 District Court Zug (GMS modules case), tham
khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/070830s1.html, truy cập ngày
15/2/2013.
259. Switzerland 31 May 1996 Zürich Arbitration proceeding (Soinco v. NKAP),
tham khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/960531s1.html, truy cập
15/2/2013.
260. Switzerland 5 February 1997 Commercial Court Zürich (Sunflower oil case),
tham khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/970205s1.html, truy cập
15/2/2013.
261. U.G.S. Finance Ltd. v. National Mortgage Bank of Greece, [1964] 1 Lloyd’s
Rep. 446.
262. Ukraine 5 July 2005 Arbitration proceeding (Medical equipment case), tham
khảo tại http://cisgw3.law.pace.edu/cases/050705u5.html, truy cập ngày
15/2/2013.
263. United States 11 June 2003 Federal Appellate Court [5th Circuit] (BP Oil
International v. Empresa Estatal Petroleos de Ecuador) chi tiết tại
http://cisgw3.law.pace.edu/cases/030611u1.html, truy cập 12/6/2012.
264. United States 16 April 2008 Federal District Court [New York] (Macromex Srl.
v. Globex International, Inc.), tham khảo tại
http://cisgw3.law.pace.edu/cases/080416u1.html, truy cập ngày 15/2/2013
265. United States 29 May 2009 Federal District Court [New York] (Doolim Corp.
v. R Doll, LLC, et al.) , tham khảo tại
http://cisgw3.law.pace.edu/cases/090529u1.html, truy cập 15/2/2013.
266. United States 6 December 1995 Federal Appellate Court [2nd Circuit] (Delchi
Carrier v. Rotorex) , tham khảo tại
http://www.cisg.law.pace.edu/cisg/wais/db/cases2/951206u1.html, truy cập
ngày 21/4/2013.
192

NHỮNG CÔNG TRÌNH LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN


ĐÃ ĐƯỢC CÔNG BỐ
1. Võ Sỹ Mạnh, Vi phạm cơ bản hợp đồng trong pháp luật Việt Nam: một số bất
cập và định hướng hoàn thiện, Tạp chí Kinh tế đối ngoại, số 67(06/2014), tr.69-
78.
2. Võ Sỹ Mạnh, Bàn về khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng theo Luật thương mại
Việt Nam năm 2005, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 8(304)/2013, tr.41-47.
3. Võ Sỹ Mạnh, Luật áp dụng “non-state law” cho hợp đồng thương mại quốc tế,
Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 9(293)/2012, tr.55-59.
4. Võ Sỹ Mạnh, Section 3.1, 3.3, Chapter 5 “Rules governing international Sales
of Goods”, Hanoi Law University, Textbook “International Trade and Business
Law”, The People’s Public Security Publishing House, 2012, tr.354-373.
5. Võ Sỹ Mạnh, Một số căn cứ xác định vi phạm cơ bản theo Công ước viên năm
1980 của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, Tạp chí Kinh
tế đối ngoại, số 40/2010, tr.54-62.

You might also like