Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 3

Lời bạt

Cái đẹp vốn kiệm lời. Cuốn sách các bạn đang cầm trên tay là một cái đẹp như
thế. Đông Dương diễm ảo đã lướt qua mắt các bạn. Chúng tôi không cần nói
thêm gì để ca tụng nó cả. Tuy nhiên, thời gian đã phủ một lớp sương mù lên trên
tác phẩm. Chúng tôi buộc lòng phải có đôi lời cùng độc giả.
Cuốn sách có tiêu đề gốc Chersonèse d' Or – Indochine. Chersonèse trong tiếng
Hy Lạp cổ có nghĩa là bán đảo. Chersonèse d’or là bán đảo vàng . Chersonèse
d’or được Claudius Ptolemaeus1 dùng trong tác phẩm Địa lý học của mình để chỉ
bán đảo Mã Lai. Sau này người Pháp dùng địa danh Chersonèse d’or để gọi
Đông Dương thuộc Pháp (Đông Pháp) hoặc Đông Dương nói chung.
Người Pháp khi tới đặt sự khai thác thuộc địa tại Đông Dương đã bị mê hoặc bởi
con người và cảnh vật nơi đây. Họ nuôi giấc mơ đẹp đẽ về sự khai hóa cho dân
bản địa, mong muốn xây dựng một bán đảo vàng, một miền đất hứa. Giấc mộng
ấy thể hiện phần nào qua việc họ gọi Đông Dương bẳng địa danh Chersonèse
d’or trong thư tịch hàng hải cổ.
Gần 100 năm sau, chúng tôi cũng bị chinh phục bởi vẻ đẹp cũng như những điều
đặc biệt ở cuốn sách này. Mặc dù chỉ có ngót 50 trang mỏng manh nhưng nó lại
chứa đựng biết bao điều kỳ thú. Đây là một tác phẩm mang nhiều dấu ấn bàn tay
người Việt. Càng đi sâu tìm hiểu vể cuốn sách chúng tôi càng khám phá ra những
điều tưởng như rất đỗi bình dị mà lại vô cùng trân quý.
Sự tinh tế gần như là hoàn hảo trong cuốn sách, từ nội dung (bao gồm các bức
tranh khắc gỗ sống động, thi thoảng được điểm thêm những câu thơ hoặc đoạn
văn của các tác giả lớn như Kipling, các nhà văn thuộc địa hay văn chương thần
thoại bản địa) cho đến hình thức (in khổ to, hạng sang) rồi chất liệu giấy (làm từ
bột thuần tre được sản xuất tại nhà máy giấy Đáp Cầu – Bắc Ninh) cũng như
những đóng góp của người công nhân Annam trong xưởng in của một người Việt.
Như chúng ta đã biết, tại Việt Nam, phần lớn các các tác phẩm điêu khắc gỗ,
tượng thờ, đình làng,… đều vô danh. Chúng ta chỉ biết đến một vị là Trương tiên
sinh gắn với kiệt tác bức tượng Phật Bà Nghìn Mắt Nghìn Tay tại chùa Bút Tháp
hoặc ông trùm Trọng người đã đúc bức tượng Huyền Thiên Trấn Vũ tại đền Quan
Thánh Hà Nội.

1
Claudius Ptotemaeus hay Ptolémée sinh khoảng 100 và mất khoảng 178 là nhà bác học Hy Lạp. Ông là nhà
toán học, chiêm tinh học, thiên văn học và địa lý học.
Những nghệ nhân dù là ở làng quê hay thành thị đều trở nên vô danh. Người đời
sau này chẳng mấy ai biết đến hay là còn nhắc đến họ. Chỉ có vài phường in có
tiếng là còn được lưu danh mà thôi.
Trong tác phẩm của người nghệ sỹ Pháp tài hoa đã phải lòng xứ Đông Dương
này, Emmanuel Defert trân trọng nhắc đến người thợ thủ công ở đầu sách và còn
liệt kê tên 3 người ở trang cuối: Dao Van Sinh, Nguyên Van Than, Nguyên Van
Thêm. Tiếc một điều là các chữ này không có dấu nên chưa thể biết đích xác tên
họ.
Chúng tôi rất cảm động việc nghệ sĩ Defert trân trọng đề tên những người thợ
Annam tham gia vào việc in ấn. Đó là những người đã tham gia vào việc khắc
ván gỗ, kéo lưới in hay dập mực.
Có thể nói Đông Dương đã phô bày vẻ kiều diễm của mình một cách đầy ấn tượng
và tinh tế qua cuốn sách này. Những khung cảnh đặc sắc (rừng rậm, làng quê, phố
cổ, đền đài, di tích, mồ mả, chùa chiền), cảnh sinh hoạt (chăn trâu, chèo thuyền,
đánh cá, gồng gánh, mua bán, làm cầu), phong tục tập quán (con trai nối dõi, thờ
cúng tổ tiên, vàng mã, lễ hội), văn hóa nghệ thuật (múa aspara, múa nghi lễ, mặt
nạ tuồng, thổi khèn), văn học (truyền thuyết, thơ ca) cùng các hình ảnh, họa tiết
đặc trưng về mặt tôn giáo (đạo Phật, đạo Hindu) đều được chọn lọc và thể hiện
một cách sống động. Tất cả như những viên ngọc xinh xắn được xâu chuỗi thành
1 chiếc vòng lấp lánh.
Cuốn sách được trau chuốt đến từng chi tiết. Bìa sách có điểm hai chữ Hán (có
nghĩa Đông Dương) phía bên dưới như mô phỏng ấn triện mực son. Tại trang lót
có lời đề tặng ngắn gọn cho người vợ kèm theo tiểu triện chữ Phúc. Tới trang
định danh loại ấn phẩm đặc biệt là chữ triện lớn đề chữ Thọ. Cuốn sách được kết
bằng 1 câu tiếng Latin cùng 1 hoa văn chữ Thọ khác. Nhiều bức tranh trong đó
có bo viền là một họa tiết thanh nhã y như chúng được lồng vào một tấm khung
chạm lộng một cách tinh tế. Tất cả tạo một cảm giác hài hòa, đăng đối của lối
trang trí nhất thi nhất họa trong thư pháp hoặc kiến trúc Á đông.
Sự hòa quyện các yếu tố từ màu sắc đến phông chữ cũng như nội dung cuốn sách
giống như một bản nhạc nhịp nhàng, tất cả tạo nên một tác phẩm mang lại nhiều
mỹ cảm cho người thưởng thức. Đây là cuộc gặp gỡ giữa Cổ kính với Hiện đại,
sự giao hòa của Tranh và Chữ, nét giao thoa giữa Đông và Tây, thành tựu của sự
hợp tác giữa người nghệ sĩ Pháp biết thể hiện những rung động nghệ thuật cùng
với đôi bàn tay khéo léo của người thợ thủ công Annam.
Trong lời bạt này, chúng tôi chỉ xin chia sẻ đôi điều về cảm xúc mà cuốn sách
này mang lại. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về tác giả cuốn sách cũng như những
hàm lượng thông tin mà cuốn sách này mang lại trong phần phụ lục.
Phụ lục đó được hoàn thành bởi công sức đóng góp rất nhiều của Cường, Khánh,
Linh, Nhân. Không có họ giúp sức hẳn chúng tôi đã không thể hoàn thành công
việc quá sức của mình. Khoảng thời gian gần 100 năm với quá nhiều biến động
lịch sử khiến cho việc tra cứu thông tin không hề dễ dàng nên những sai sót và
khiếm khuyết là không thể tránh khỏi.
Rất mong nhận được sự phản hồi, góp ý của độc giả để cuốn sách được hoàn thiện
hơn.

You might also like