Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 10

Luật doanh nghiệp năm 2020 

(“LDN 2020”) được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 9


thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2020, sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 trên cơ sở
vừa kế thừa vừa sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định của Luật doanh nghiệp năm
2014. Tuy nhiên, qua nghiên cứu các quy định của LDN 2020 cho thấy, một số quy
định vẫn chưa có sự thống nhất với quy định trong Bộ luật Dân sự 2015 (“BLDS
2015”). Chính sự không thống nhất này là một trong các yếu tố gây ra khó khăn cho
quá trình áp dụng pháp luật vào việc giải quyết các tranh chấp liên quan trên thực tế.

1. Nguyên tắc áp dụng pháp luật:

Với tính chất là một đạo luật quan trọng, BLDS 2015 đã xác định một cách nhất quán tư
tưởng chỉ đạo của các nguyên tắc cơ bản được quy định ngay trong những điều khoản
đầu tiên của mình.

Điều 1 BLDS 2015 quy định: “Bộ luật này quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về
cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá
nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí,
độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm (sau đây gọi chung là quan hệ dân sự)” và
khẳng định tại Điều 3: “Bộ luật này là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự”.

Như vậy, BLDS 2015 là văn bản luật có phạm vi điều chỉnh rộng nhất trong hệ thống các
văn bản pháp luật tư. BLDS 2015 có thể được áp dụng để điều chỉnh mọi quan hệ pháp
luật dân sự.

BLDS 2015 cũng khẳng định như sau: “Luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân
sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật
dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này”. Ngoài ra, BLDS còn ghi nhận quy định thể
hiện sự vô hiệu hoá đối với các quy định trong luật khác nhưng không đáp ứng được yêu
cầu này. Cụ thể: “Trường hợp luật khác có liên quan không quy định hoặc có quy định
nhưng vi phạm khoản 2 Điều này thì quy định của Bộ luật này được áp dụng”.
Những quy định được trích dẫn ở trên cho thấy yêu cầu bảo đảm sự phù hợp của các quy
định trong luật chuyên ngành với quy định mang tính nguyên tắc trong BLDS 2015. Sự
phù hợp này được biểu hiện thông qua sự thống nhất giữa quy định của luật chuyên
ngành và quy định của BLDS 2015[1]. Do đó, các quy định của LDN 2020 phải đảm bảo
thống nhất với quy định của BLDS 2015. Các quy định chưa có sự thống nhất cần có
định hướng, đề xuất sửa đổi, bổ sung để phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải
quyết các tranh chấp liên quan trên thực tế.

2. Một số điểm không thống nhất giữa LDN 2020 và BLDS 2015

2.1. Sự không thống nhất quy định về tư cách pháp nhân, khái niệm doanh nghiệp

BLDS 2015 quy định 4 điều kiện để một tổ chức có tư cách pháp nhân bao gồm: (1) Phải
được thành lập theo quy định của BLDS, luật khác có liên quan; (2) Phải có cơ cấu tổ
chức theo quy định của Điều 83 BLDS 2015[2];(3) Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ
chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; (4) Nhân danh mình tham gia các quan
hệ pháp luật một cách độc lập[3].

Trên cơ sở đó, LDN 2020 xác định các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân bao gồm:
Công ty trách nhiệm hữu hạn[4], Công ty cổ phần[5] và Công ty hợp danh[6]. Doanh
nghiệp tư nhân là doanh nghiệp duy nhất không có tư cách pháp nhân.

Sở dĩ có sự khác biệt của doanh nghiệp tư nhân là bởi vì doanh nghiệp tư nhân không đáp
ứng được hai điều kiện (3) và (4) nêu trên. Cụ thể, doanh nghiệp tư nhân do một cá nhân
làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của
doanh nghiệp[7]. Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng
ký[8], chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư của mình vào hoạt
động kinh doanh của doanh nghiệp[9]. Do đó, tài sản của doanh nghiệp tư nhân không có
tính độc lập với tài sản của cá nhân là chủ doanh nghiệp. Đồng thời, trong quan hệ tố
tụng tại toà án và trọng tài, doanh nghiệp tư nhân không được nhân danh mình để tham
gia với tư cách độc lập mà tư cách tham gia là của chủ doanh nghiệp tư nhân[10].
Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp tư
nhân không thể là pháp nhân thương mại. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1, khoản 2
Điều 75 BLDS 2015 quy định: “1. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu
chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. 2. Pháp nhân
thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác”. Với quy định này, pháp
luật dân sự lại “đánh đồng” tất cả các loại hình doanh nghiệp đều là pháp nhân thương
mại, bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân là mâu thuẫn với LDN 2020.

Cần nói thêm, để thống nhất tất cả các khái niệm, thì cũng cần sửa đổi cả khái niệm
doanh nghiệp tại khoản 10 Điều 4 LDN 2020: “Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có
tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của
pháp luật nhằm mục đích kinh doanh”. Bởi như phân tích ở trên, doanh nghiệp tư nhân
không có tài sản độc lập với cá nhân là chủ doanh nghiệp, do đó, nếu nói doanh nghiệp tư
nhân có tài sản là chưa thể hiện hết bản chất của nó, nếu đối chiếu với định nghĩa doanh
nghiệp tại khoản 10 LDN 2020 còn có sự “chênh” nhau.

2.2. Sự không thống nhất đối với quy định về quyền uỷ quyền của chi nhánh, văn
phòng đại diện:

Chi nhánh, văn phòng đại diện là là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải là pháp
nhân. Chức năng uỷ quyền của chi nhánh và văn phòng đại diện được ghi nhận tại khoản
5 Điều 84 BLDS 2015 và Điều 45 LDN 2020. Tuy nhiên, quy định của các điều luật này
không thống nhất với nhau.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 84 của BLDS 2015 thì người đứng đầu chi nhánh, văn
phòng đại diện thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời
hạn được ủy quyền. Có nghĩa là chủ thể được đại diện theo uỷ quyền được xác định là cá
nhân là người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện.

Trong khi đó, khoản 1, 2 Điều 45 của LDN 2020 lại xác định Chi nhánh, Văn phòng đại
diện có chức năng đại diện theo uỷ quyền.
Điều này sẽ dẫn tới hai cách hiểu: một là người đứng đầu chi nhánh sẽ được doanh
nghiệp uỷ quyền trực tiếp để thực hiện các công việc uỷ quyền; hai là doanh nghiệp sẽ uỷ
quyền cho chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện các công việc theo uỷ quyền, theo đó
thì người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện sẽ đại diện chi nhánh, văn phòng đại
diện thực hiện công việc được uỷ quyền đó.

Theo khoản 1 Điều 138 BLDS 2015 quy định về đại diện theo ủy quyền như sau: “1. Cá
nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao
dịch dân sự”. Theo quy định đó, vì chi nhánh, văn phòng đại diện không có tư cách pháp
nhân, do đó việc uỷ quyền của doanh nghiệp cho người đứng đầu chi nhánh (hiểu theo
cách 1) sẽ phù hợp hơn. Đối với trường hợp này, LDN 2020 cần có sự điều chỉnh đối với
quy định này để thống nhất với quy định của BLDS 2020.

2.3. Sự không thống nhất về quy định thừa kế trong trường hợp xử lý phần vốn góp
khi có thành viên/cổ đông/chủ doanh nghiệp tư nhân của Công ty chết.

Đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên, khoản 5 Điều 53 LDN 2020 quy
định: “Trường hợp phần vốn góp của thành viên là cá nhân chết mà không có người thừa
kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì phần vốn góp đó
được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự”.

Đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, khoản 3 Điều 78 LDN quy định:
“Trường hợp chủ sở hữu công ty là cá nhân chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo
pháp luật là chủ sở hữu công ty hoặc thành viên công ty. Công ty phải tổ chức quản lý
theo loại hình doanh nghiệp tương ứng và đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh
nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc việc giải quyết thừa kế. Trường hợp
chủ sở hữu công ty là cá nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối
nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì phần vốn góp của chủ sở hữu được giải
quyết theo quy định của pháp luật về dân sự”.
Đối với Công ty cổ phần, khoản 4 Điều 127 LDN quy định: “Trường hợp cổ đông là cá
nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất
quyền thừa kế thì số cổ phần của cổ đông đó được giải quyết theo quy định của pháp luật
về dân sự.”

Đối với Công ty tư nhân, khoản 3 Điều 193 LDN quy định: “Trường hợp chủ doanh
nghiệp tư nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc
bị truất quyền thừa kế thì tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân được xử lý theo quy định
của pháp luật về dân sự.”

Các quy định trên là chưa có sự thống nhất với quy định của BLDS 2015. Bởi vì, theo
Điều 622 BLDS 2015 quy định về tài sản không có người nhận thừa kế thì: “Trường hợp
không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền
hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài
sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước”. Như vậy, khoản 5 Điều 53,
khoản 3 Điều 78, khoản 4 Điều 127 và khoản 3 Điều 193 LDN 2020 không đề cập đến
trường hợp người thừa kế không được quyền hưởng di sản thừa kế. Ngược lại, Điều 622
BLDS 2015 lại không đề cập đến trường hợp bị truất quyền thừa kế. Trong khi đó, trường
hợp người thừa kế không được quyền hưởng di sản hoàn toàn khác với trường hợp bị
truất quyền quyền thừa kế. Có thể phân biệt hai trường hợp này như sau:

Theo khoản 1 Điều 626 BLDS 2015 quy định về quyền của người lập di chúc có quy
định quyền truất quyền hưởng di sản của người thừa kế. Như vậy, truất quyền thừa kế
được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc, có nghĩa là người lập di chúc ghi
trong di chúc không cho ai đó được hưởng di sản thừa kế của mình hoặc người lập di
chúc không đề cập đến tên của một chủ thể nhất định trong di chúc mà không cần bất cứ
lý do gì.

Còn đối với trường hợp không được quyền hưởng di sản còn được gọi là trường hợp bị
tước quyền hưởng di sản. Căn cứ để tước quyền hưởng di sản của một người xuất phát từ
ý chí của nhà làm luật và được quy định cụ thể trong Điều 621 BLDS 2015. Việc một
người bị tước quyền hưởng di sản xuất phát từ lý do người thừa kế đã có hành vi vi phạm
pháp luật, vi phạm đạo đức nghiêm trọng và do vậy họ không xứng đáng được hưởng
thừa kế. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản: a) Người bị kết án về
hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng,
hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản; c) Người bị kết
án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc
toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng; d) Người có hành vi lừa dối,
cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa
chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản
trái với ý chí của người để lại di sản.

Do vậy, quy định tại khoản 5 Điều 53, khoản 3 Điều 78, khoản 4 Điều 127 và khoản 3
Điều 193 LDN cần phải được sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm sự thống nhất với quy định
của BLDS 2015.

2.4. Sự không thống nhất đối với quy định về trách nhiệm tài sản của chủ sở hữu
công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) với quy định về pháp
nhân trong BLDS 2015:

Khoản 2 Điều 75 LDN quy định: “Chủ sở hữu phải góp đủ và đúng loại tài sản như đã
cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”[11]. Nhằm đảm bảo nguyên tắc trung thực khi
kê khai, góp vốn điều lệ, khoản 3 Điều 75 LDN quy định: “Trường hợp không góp đủ
vốn điều lệ trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, chủ sở hữu công ty phải đăng
ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị số vốn thực góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày
cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ. Trường hợp này, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm
tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát
sinh trong thời gian trước ngày cuối cùng công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ theo quy
định tại khoản này”.

Trường hợp nếu hết 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ nếu chủ sở
hữu công ty TNHH MTV không đăng ký thay đổi vốn điều lệ thì chủ công ty phải chịu
trách nhiệm theo khoản 4 Điều 75 LDN. Cụ thể là, “Chủ sở hữu chịu trách nhiệm bằng
toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty, thiệt hại xảy ra do
không góp, không góp đủ, không góp đúng hạn vốn điều lệ”.

Quy định như trên là chưa thống nhất với quy định về pháp nhân trong BLDS 2015. Bởi
vì, theo điểm c khoản 1 Điều 74 BLDS 2015 thì tài sản của pháp nhân phải độc lập với tài
sản của cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình[12]. Xét ở
góc độ trách nhiệm tài sản của pháp nhân thì thành viên pháp nhân không chịu trách
nhiệm thay cho pháp nhân và ngược lại, pháp nhân cũng không chịu trách nhiệm thay cho
thành viên của mình[13]. Trong khi đó, công ty TNHH MTV cũng được xác định là
doanh nghiệp có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh
nghiệp[14]. Theo LDN thì nghĩa vụ góp vốn của chủ sở hữu công ty TNHH MTV phát
sinh từ thời điểm được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và tại thời điểm phát
sinh nghĩa vụ góp vốn thì công ty TNHH MTV đã có tư cách pháp nhân. Như vậy, khi
công ty TNHH MTV đã có tư cách pháp nhân thì thành viên của pháp nhân không phải
chịu trách nhiệm thay cho pháp nhân.

Quy định chủ sở hữu công ty TNHH MTV phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của
mình về các nghĩa vụ tài chính của công ty trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ góp vốn
cũng chưa thực sự phù hợp và chưa thống nhất với các quy định khác của luật doanh
nghiệp. Bởi lẽ, nếu chủ sở hữu công ty TNHH MTV góp đủ số vốn đã cam kết và công ty
làm ăn bị thua lỗ thì chủ sở hữu cũng chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn điều lệ
của công ty. Do vậy, nếu chủ sở hữu công ty TNHH MTV góp vốn không đủ, không
đúng hạn thì cũng chỉ nên yêu cầu chủ sở hữu chịu trách nhiệm tương ứng với số vốn đã
cam kết góp vào công ty.
3. Kiến nghị:

Từ những phân tích ở trên, cần sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để đảm bảo
sự thống nhất giữa LDN 2020 và BLDS 2015, cụ thể như sau:

Thứ nhất, sửa đổi khái niệm về pháp nhân thương mại tại khoản 2 Điều 75 BLDS 2015
để thống nhất cách xác định doanh nghiệp nào là pháp nhân thương mại. Có thể sửa đổi
như sau: “2. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp có tư cách pháp nhân và các
tổ chức kinh tế khác”. Đồng thời làm rõ nội dung “có tài sản” trong định nghĩa doanh
nghiệp nêu tại khoản 10 Điều 4 LDN 2020 để phù hợp với loại hình doanh nghiệp tư
nhân.

Thứ hai, bổ sung thêm nội dung “Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện thực
hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền”
vào khoản 1,2 Điều 44 LDN 2020 để làm rõ chủ thể được uỷ quyền để thực hiện công
việc uỷ quyền của chi nhánh, văn phòng đại diện.

Thứ ba, bổ sung trường hợp người thừa kế không được quyền hưởng di sản vào khoản 5
Điều 53, khoản 3 Điều 78, khoản 4 Điều 127, khoản 3 Điều 193 LDN 2020. Cụ thể,
khoản 5 Điều 53 LDN cần được bổ sung như sau: “Trường hợp phần vốn góp của thành
viên là cá nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế không được quyền
hưởng di sản, bị truất quyền hưởng thừa kế hoặc từ chối nhận thừa kế thì phần vốn góp
đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự”. Tiếp đến, khoản 3 Điều 78
LDN được bổ sung như sau: “Trường hợp chủ sở hữu công ty là cá nhân chết thì người
thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật là chủ sở hữu công ty hoặc thành viên công ty.
Công ty phải tổ chức quản lý  theo loại hình doanh nghiệp tương ứng và đăng ký thay
đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc việc giải
quyết thừa kế. Trường hợp chủ sở hữu công ty là cá nhân chết mà không có người thừa
kế, người thừa kế không được quyền hưởng di sản, người thừa kế từ chối nhận thừa kế
hoặc bị truất quyền thừa kế thì phần vốn góp của chủ sở hữu được giải quyết theo quy
định của pháp luật về dân sự”. Khoản 4 Điều 127 LDN quy định: “Trường hợp cổ đông
là cá nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế không được quyền hưởng di
sản, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì số cổ phần của
cổ đông đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự”. Và khoản 3 Điều
193 LDN quy định: “Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết mà không có người
thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế, người thừa kế không được quyền hưởng
di sản, hoặc bị truất quyền thừa kế thì tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân được xử lý
theo quy định của pháp luật về dân sự.”

Việc bổ sung trường hợp người người thừa kế không được quyền hưởng di sản nhằm đảm
bảo sự thống nhất với quy định về các trường hợp không có quyền hưởng di sản thừa kế
trong BLDS 2015.

Thứ tư, cần bỏ quy định tại khoản 4 của Điều 75 LDN nhằm bảo đảm sự thống nhất với
quy định về pháp nhân trong BLDS 2015./.

Duyên Trần – Công ty Luật  FDVN

[1] TS Nguyễn Văn Hợi (2020)- Sự không thống nhất trong quy định về hợp đồng giữa
Luật Thương mại và Bộ luật Dân sự, nguồn:
http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210500

[2] Cơ cấu tổ chức của pháp nhân: Pháp nhân phải có cơ quan điều hành. Tổ chức, nhiệm
vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của
pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân. Pháp nhân có cơ quan khác theo
quyết định của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.

[3] Khoản 1 Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015

[4] Khoản 2 Điều 46, khoản 2 Điều 74 Luật Doanh nghiệp 2020

[5] Khoản 2 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020


[6] Khoản 2 Điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020

[7] Khoản 1 Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020

[8] Khoản 1 Điều 189 Luật Doanh nghiệp 2020

[9] Khoản 3 Điều 189 Luật Doanh nghiệp 2020

[10] Khoản 3 Điều 190 Luật Doanh nghiệp 2020

[11] Khoản 2 Điều 75 Luật doanh nghiệp năm 2020.

[12] Điểm c khoản 1 Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015

[13] Ngoại trừ đối với công ty hợp danh thì trường  hợp tài sản của công ty không đủ để
thanh toán nợ thì các thành viên hợp danh phải liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài
sản của mình đối với các nghĩa vụ tài sản của công ty.

[14] Khoản 2 Điều 74 Luật doanh nghiệp năm 2020.

You might also like