Chương 1-TR 1-24

You might also like

Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 24

CHƯƠNG 1

KẾ TOÁN HOẠT ĐỘNG KINH DOANH


CHỦ YẾU CỦA DOANH NGHIỆP

CÂU HỎI ÔN TẬP

1. Trình bày nguyên tắc tính giá hàng tồn kho và cách tính giá trị
nguyên liệu vật liệu, công cụ dụng cụ khi nhập, xuất kho.
2. Trình bày nội dung và đặc điểm các phương pháp kế toán
hàng tồn kho.
3. Trình bày cách hạch toán nguyên liệu vật liệu, công cụ dụng
cụ nhập, xuất kho. Thông tin về nguyên liệu vật liệu, công cụ
dụng cụ được trình bày trên báo cáo tài chính như thế nào?
4. Nêu khái niệm, điều kiện ghi nhận và cách tính giá tài sản cố định.
5. Trình bày cách hạch toán tăng, giảm tài sản cố định.
6. Trình bày khái niệm, nguyên tắc và phương pháp kế toán trích
khấu hao tài sản cố định.
7. Thông tin về tài sản cố định được trình bày trên báo cáo tài
chính như thế nào?
8. Nêu khái niệm, nguyên tắc và phương pháp kế toán tiền lương
và các khoản trích theo lương.
9. Phân biệt chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm.
10. Trình bày cách phân loại chi phí sản xuất theo yếu tố, theo
khoản mục tính giá thành và theo phương pháp tập hợp chi
phí. Nêu ý nghĩa của mỗi cách phân loại.
11. Trình bày sơ đồ kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản
phẩm? Thông tin về chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm
được các đối tượng sử dụng để làm gì?
12. Hãy nêu điều kiện ghi nhận doanh thu và phương pháp kế
toán hoạt động bán hàng.

1
BÀI TẬP

BÀI 1.1*
Tại công ty Bình Minh có tài liệu kế toán về nguyên liệu vật
liệu A như sau:
- Số dư ngày 1/1/N: 500 kg, đơn giá 120.000 đồng.
- Ngày 5/1/N, mua 1.000 kg, đơn giá mua 118.000 đồng, chi
phí vận chuyển, bốc dỡ 400.000 đồng.
- Ngày 8/1/N, xuất kho 600 kg dùng sản xuất sản phẩm.
- Ngày 12/1, xuất kho 500 kg dùng phục vụ sản xuất.
- Ngày 18/1/N, mua 1.500 kg, đơn giá 125.000 đồng.
- Ngày 20/1/N, mua 800 kg, đơn giá 130.000 đồng.
- Ngày 22/1, xuất kho 1.000 kg dùng sản xuất sản phẩm.
- Ngày 25/1, xuất kho 1.300 kg dùng sản xuất sản phẩm.
Yêu cầu: Tính giá trị vật liệu A xuất kho trong kỳ và giá trị vật
liệu A tồn kho cuối kỳ trong trường hợp công ty tính giá hàng tồn
kho theo các phương pháp:
- Nhập trước – xuất trước.
- Bình quân gia quyền cuối kỳ.
- Bình quân gia quyền sau mỗi lần nhập kho.

BÀI 1.2
Công ty Sao Mai kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kê
khai thường xuyên, tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.
Trích tài liệu kế toán tại công ty về nguyên liệu vật liệu A như sau
(đơn vị tính 1.000 đồng):
Vật liệu A tồn đầu kỳ: 100.000 (số lượng 200 kg, đơn giá
500/kg)
Các nghiệp vụ kinh tế liên quan đến nguyên vật liệu phát sinh
trong kỳ:

2
1. Nhập kho 600 kg vật liệu A trả bằng tiền gửi ngân hàng, đơn
giá mua chưa có thuế GTGT 500, thuế suất thuế GTGT 10%. Chi
phí vận chuyển vật liệu về nhập kho trả bằng tiền mặt 13.200, trong
đó thuế GTGT 1.200.
2. Xuất vật liệu A dùng trực tiếp sản xuất sản phẩm 500 kg.
3. Nhập kho 700 kg vật liệu A chưa trả tiền cho người bán, đơn
giá mua đã có thuế GTGT 561, thuế suất thuế GTGT 10%. Chi
phí vận chuyển và bốc xếp vật liệu về nhập kho trả bằng tiền mặt
15.400, trong đó thuế GTGT 1.400. Do hàng sai quy cách so với
hợp đồng, người bán giảm giá cho doanh nghiệp 20%.
4. Xuất vật liệu A dùng trực tiếp sản xuất sản phẩm 800 kg.
5. Nhập kho 100 kg vật liệu A thanh toán bằng tiền gửi ngân
hàng, đơn giá mua chưa có thuế GTGT 520, thuế suất thuế
GTGT 10%.
Yêu cầu:
1. Tính giá trị vật liệu A xuất kho trong kỳ và giá trị vật liệu
A tồn kho cuối kỳ theo các phương pháp: Nhập trước – xuất
trước, Bình quân gia quyền cuối kỳ, Bình quân gia quyền sau mỗi
lần nhập.
2. Định khoản các nghiệp vụ kinh tế phát sinh và phản ánh tình
hình trên vào TK 152 (giả định công ty tính giá vật liệu A theo
phương pháp nhập trước – xuất trước).

BÀI 1.3
Công ty Bình Minh kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kê
khai thường xuyên, tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ,
tính giá vật liệu xuất kho theo phương pháp bình quân sau mỗi lần
nhập. Trích tài liệu kế toán về nguyên liệu vật liệu tại công ty như
sau (đơn vị tính 1.000 đồng):
Số dư đầu kỳ:
- TK 152: 160.000 (chi tiết vật liệu A: số lượng 200 kg,
đơn giá 800/kg).

3
- TK 151: 100.000 (chi tiết vật liệu B: số lượng 400 kg,
đơn giá 250).
- Các tài khoản khác giả định có số dư hợp lý.
Các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong kỳ:
1. Nhập kho 200 kg vật liệu B chưa trả tiền cho người bán
BB, đơn giá mua chưa có thuế GTGT 300, thuế suất thuế GTGT
10%.
2. Xuất kho 40 kg vật liệu B mua ở nghiệp vụ 1 trả lại người
bán BB do hàng kém phẩm chất.
3. Chi tiền gửi ngân hàng trả nợ cho người bán BB.
4. Nhập kho 2.000 kg vật liệu A trả bằng tiền gửi ngân
hàng, đơn giá mua chưa có thuế GTGT 800, thuế suất thuế
GTGT 10%. Chi phí vận chuyển vật liệu về nhập kho trả bằng
tiền mặt 13.200, trong đó đã bao gồm 10% thuế GTGT.
5. Mua 1.000 kg vật liệu A chưa trả tiền cho người bán AA,
đơn giá mua chưa có thuế GTGT 820, thuế suất thuế GTGT 10%,
vật liệu đã mua đang đi trên đường, cuối kỳ chưa về nhập kho.
6. Chi tiền gửi ngân hàng trả hết nợ cho người bán AA, được
biết do trả trước hạn nên công ty được hưởng chiết khấu 9.020.
7. Vật liệu B đã mua đang đi đường kỳ trước kỳ này đã về nhập
kho đủ.
8. Xuất kho vật liệu A dùng trực tiếp sản xuất sản phẩm
2.000kg.
9. Xuất kho vật liệu B dùng phục vụ sản xuất tại phân xưởng
400kg.
10. Kết quả kiểm kê vật liệu như sau:
- Vật liệu A thừa trị giá 40.000
- Vật liệu B thiếu trị giá 5.000
Vật liệu thừa, thiếu chưa rõ nguyên nhân, chờ xử lý.

4
11. Quyết định xử lý vật liệu thừa thiếu phát hiện trong kiểm kê
như sau:
- Vật liệu A thừa ghi tăng thu nhập khác.
- Vật liệu B thiếu bắt thủ kho bồi thường toàn bộ, đã thu tiền
bồi thường bằng tiền mặt.
Yêu cầu: Định khoản các nghiệp vụ kinh tế phát sinh.

BÀI 1.4*

Tại công ty Bình An có các tài liệu kế toán về nguyên vật liệu
như sau (đơn vị tính 1.000.000 đồng):
Tài liệu 1: Thông tin về giá trị nguyên vật liệu tại ngày
31/12/N-2:
Tên Giá gốc Giá trị thuần Chênh lệch Số dự Xác định
NVL có thể thực giữa giá gốc và phòng đã số dự
hiện được giá trị thuần lập kỳ phòng
có thể thực trước cần lập
hiện được kỳ này
X-125 20.000 25.000 5.000 100 ?
M-521 84.000 80.000 (4.000) 50 ?
C-222 22.000 24.000 2.000 0 ?
V-210 42.000 40.000 (2.000) 800 ?
Cộng 168.000 169.000 1.000 950 ?

Tài liệu 2: Thông tin về giá trị nguyên vật liệu tại ngày 31/12/N -1:
Tên Giá gốc Giá trị Chênh lệch Số dự Xác định
NVL thuần có giữa giá gốc và phòng đã số dự
thể thực giá trị thuần lập kỳ phòng cần
hiện được có thể thực trước lập kỳ này
hiện được
X-125 33.000 30.000 (3.000) ? ?
M-521 60.000 80.000 20.000 ? ?
C-222 50.000 58.000 8.000 ? ?
V-210 29.000 28.000 (1.000) ? ?
Cộng 172.000 196.000 24.000 ? ?

5
Tài liệu 3: Thông tin về giá trị nguyên vật liệu tại ngày 31/12/N:
Tên Giá gốc Giá trị Chênh lệch giữa Số dự Xác định
NVL thuần có giá gốc và giá trị phòng số dự
thể thực thuần có thể đã lập phòng cần
hiện được thực hiện được kỳ lập kỳ này
trước

X-125 40.000 45.000 5.000 ? ?


M-521 50.000 54.000 4.000 ? ?
C-222 20.000 26.000 6.000 ? ?
V-210 60.000 70.000 10.000 ? ?
Cộng 170.000 195.000 25.000 ? ?

Yêu cầu:
1. Tính toán điền các thông tin vào chỗ có dấu hỏi (?) và định
khoản các nghiệp vụ liên quan đến dự phòng giảm giá hàng tồn kho
ở công ty Bình An tại ngày 31/12/N-2, ngày 31/12/N-1 và ngày
31/12/N.
2. Phản ánh các thông tin về nguyên vật liệu và dự phòng giảm
giá hàng tồn kho trên TK 152 và TK 2294 năm N-2, năm N-1 và
năm N.
3. Trình bày thông tin về hàng tồn kho trên Bảng cân đối kế
toán của công ty Bình An tại ngày 31/12/N-2, ngày 31/12/N-1 và
ngày 31/12/N theo mẫu sau:

Công ty Bình An BẢNG CÂN ĐỐI KẾ TOÁN ĐVT: 1.000.000


TÀI SẢN Ngày 31/12/N-2 Ngày 31/12/N-1 Ngày 31/12/N
...
IV. Hàng tồn kho
1. Hàng tồn kho
2. Dự phòng giảm
giá hàng tồn kho
...

6
BÀI 1.5
Công ty Bình Minh có kỳ kế toán quý, áp dụng kế toán hàng
tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên, tính thuế GTGT
theo phương pháp khấu trừ, tính giá vật liệu xuất kho theo phương
pháp nhập trước – xuất trước. Trích tài liệu kế toán về công cụ dụng
cụ tại công ty như sau (đơn vị tính 1.000 đồng):
- Số dư đầu kỳ:
 TK 242: 40.000 (giá trị còn lại của công cụ dụng cụ phân
bổ nhiều lần).
 TK 153: 50.000 (100 cái dụng cụ M).
- Các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong kỳ:
1. Mua 20 máy sản xuất cầm tay P, giá mua chưa bao gồm
10% thuế GTGT 8.000/cái, thanh toán bằng chuyển khoản. Chi phí
vận chuyển vật liệu trả bằng tiền tạm ứng của nhân viên mua hàng
4.400, trong đó đã bao gồm 10% thuế GTGT. Máy sản xuất đã về
nhập kho công ty.
2. Xuất 40 cái dụng cụ M sử dụng tại cửa hàng, kế toán phân
bổ 100% giá trị dụng cụ xuất dùng vào chi phí.
3. Xuất 15 máy cầm tay P sử dụng cho sản xuất tại phân
xưởng, kế toán ước tính thời gian sử dụng hữu ích của máy cầm tay
là 2 quý nên phân bổ 50% giá trị dụng cụ vào chi phí quý này.
4. Định kỳ, kế toán phân bổ dần giá trị dụng cụ đã xuất dùng
tại văn phòng công ty từ các kỳ trước vào chi phí 5.000.
5. Nhận được giấy báo hỏng công cụ C sử dụng tại phân
xưởng sản xuất, giá trị công cụ khi xuất dùng là 60.000, giá trị công
cụ đã phân bổ vào chi phí 45.000. Kế toán phân bổ hết giá trị còn lại
của dụng cụ vào chi phí, cho biết giá trị phế liệu thu hồi từ dụng cụ
trên trị giá 1.000.
6. Mua đồ dùng văn phòng K 15 cái, giá mua chưa có thuế
GTGT 500/cái, thuế suất thuế GTGT 5%, thanh toán bằng chuyển
khoản, đưa ngay vào sử dụng 5 cái, nhập kho 10 cái. Đồ dùng văn
phòng K thuộc loại phân bổ 100%.
7
Yêu cầu:
1. Định khoản các nghiệp vụ kinh tế phát sinh.
2. Phản ánh tình hình trên vào TK 153 và TK 242, khóa sổ
cuối kỳ và cho biết ý nghĩa của số dư cuối kỳ trên hai tài
khoản trên.

BÀI 1.6
Có tài liệu về tiền lương ở công ty Huy Hoàng như sau (đơn vị
tính 1.000 đồng):
1. Tính lương phải trả cho công nhân viên trong tháng:
- Tiền lương phải trả cho công nhân trực tiếp sản xuất sản
phẩm 400.000.
- Tiền lương phải trả cho nhân viên quản lý phân xưởng
100.000.
- Tiền lương phải trả cho nhân viên bán hàng 50.000.
- Tiền lương phải trả cho nhân viên quản lý doanh nghiệp
120.000.
2. Trích các khoản trích theo lương theo tỷ lệ quy định.
3. Nộp các khoản trích theo lương bằng chuyển khoản 200.000.
4. Khấu trừ lương tiền tạm ứng sử dụng không hết 10.000, tiền
bắt bồi thường 5.000.
5. Thanh toán lương cho công nhân viên (sau khi trừ đi các
khoản khấu trừ lương) bằng chuyển khoản.
Yêu cầu:
1. Tính toán, định khoản các nghiệp vụ kinh tế phát sinh
2. Phản ánh tình hình trên vào TK 334, khóa sổ cuối kỳ.

BÀI 1.7
Có tài liệu về tiền lương trong tháng 6/N ở công ty Mây Chiều
như sau (đơn vị tính 1.000 đồng):

8
Số dư đầu tháng 6/N:
- TK 334: 25.000
- TK 338: 12.000
Các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong tháng 6/N:
1. Chi thanh toán lương kỳ 2 tháng 5/N cho công nhân viên
bằng tiền mặt 25.000.
2. Chi tiền mặt tạm ứng lương kỳ 1 tháng 6/N cho công nhân
viên 50.000.
3. Tính lương phải trả trong tháng 6/N cho công nhân viên:
- Tiền lương phải trả cho nhân viên bán hàng 50.000.
- Tiền lương phải trả cho nhân viên quản lý doanh nghiệp
150.000.
4. Tiền thưởng phải trả công nhân viên lấy từ quỹ khen thưởng
30.000.
5. Trích các khoản trích theo lương theo tỷ lệ quy định.
6. Trợ cấp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động phải trả công nhân
viên 18.000.
7. Nộp bảo hiểm xã hội bằng chuyển khoản 170.850.
8. Mua bảo hiểm y tế cho công nhân viên bằng chuyển khoản
30.150.
9. Nộp bảo hiểm thất nghiệp bằng chuyển khoản 13.400.
10. Nộp kinh phí công đoàn cho Liên đoàn Lao động bằng tiền
gửi ngân hàng 6.700.
11. Nhận được tiền do cơ quan bảo hiểm xã hội chuyển đến để
chi trợ cấp cho công nhân viên 18.000.
12. Trừ lương thuế thu nhập cá nhân 20.000.
13. Thanh toán lương kỳ 2 tháng 6/N và các khoản khác cho
công nhân viên (sau khi trừ đi các khoản khấu trừ lương) bằng
chuyển khoản.

9
Yêu cầu:
1. Tính toán, định khoản các nghiệp vụ kinh tế phát sinh.
2. Phản ánh vào TK 334 và TK 338; khóa sổ cuối kỳ và nêu ý
nghĩa của số dư cuối kỳ trên hai tài khoản trên.

BÀI 1.8*
Công ty Bình Tâm kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kê
khai thường xuyên, tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.
Trích tài liệu kế toán liên quan đến tài sản cố định tại công ty như
sau (đơn vị tính: 1.000 đồng):
1. Công ty xây dựng nhà văn phòng, chi phí xây dựng phát sinh
như sau:
- Dụng cụ xuất dùng (loại phân bổ một lần) trị giá 5.000.
- Nguyên vật liệu xuất dùng trị giá 30.000.
- Tiền công thuê ngoài xây dựng phải trả cho đơn vị nhận thầu
xây dựng cơ bản 66.000, trong đó thuế GTGT 6.000.
- Các chi phí dùng cho xây dựng cơ bản trả bằng tiền
mặt 9.000.
Nhà văn phòng đã xây dựng xong đưa vào sử dụng.
2. Thanh lý một máy sản xuất, nguyên giá 200.000, đã khấu
hao đủ. Chi phí thanh lý trả bằng tiền mặt 1.000, giá trị phế liệu thu
hồi bán thu tiền mặt 3.300, trong đó thuế GTGT 300.
3. Mua một cửa hàng giá mua 2.000.000, trả bằng chuyển
khoản, trong đó giá trị quyền sử dụng đất là 1.500.000, giá trị công
trình trên đất là 500.000.
4. Bộ phận sản xuất báo hỏng một công cụ dụng cụ loại phân
bổ hai lần, giá trị khi xuất dùng là 16.000, phế liệu thu hồi trị giá
500, giá trị bắt bộ phận sử dụng bồi thường do làm hỏng trước hạn
quy định là 500.
5. Xuất dụng cụ trị giá 20.000, thuộc loại phân bổ hai lần sử
dụng tại văn phòng.
Yêu cầu: Định khoản các nghiệp vụ kinh tế phát sinh.
10
BÀI 1.9
Công ty Sao Sáng kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kê
khai thường xuyên, thuế GTGT khi mua vào được khấu trừ, trong
năm N có tài liệu kế toán về tài sản cố định như sau (đơn vị tính:
1.000 đồng):
1. Mua 10 cái ti vi sử dụng tại cửa hàng, đơn giá mua chưa bao
gồm 10% thuế GTGT là 100.000, trả bằng tiền gửi ngân hàng. Chi
phí vận chuyển trả bằng tiền tạm ứng của nhân viên 11.000, trong
đó thuế GTGT 1.000. Thời gian sử dụng hữu ích của ti vi ước tính
là 5 năm.
2. Mua một máy sản xuất chưa trả tiền, giá mua chưa bao gồm
10% thuế GTGT là 500.000. Chi phí lắp đặt, chạy thử trả bằng tiền
gửi ngân hàng 44.000, trong đó đã bao gồm thuế GTGT với thuế
suất 10%. Thời gian sử dụng hữu ích ước tính của máy sản xuất là
10 năm.
3. Nhận vốn góp bổ sung của chủ sở hữu bằng một xe ô tô, giá
trị vốn góp theo thỏa thuận là 1.200.000, lệ phí trước bạ để chuyển
quyền sở hữu xe đã nộp bằng tiền mặt 30.000. Thời gian sử dụng
hữu ích ước tính của xe ô tô là 8 năm.
4. Mua một mảnh đất và nhà trên đất để làm cửa hàng giới
thiệu sản phẩm, giá mua 6.000.000 đã thanh toán bằng tiền vay dài
hạn ngân hàng, trong đó giá trị đất 5.000.000 và giá trị nhà xây trên
đất 1.000.000. Lệ phí trước bạ phải nộp để đăng ký quyền sở hữu và
quyền sử dụng tài sản là 0,5% tính trên giá trị tài sản, doanh nghiệp
đã nộp bằng tiền gửi ngân hàng. Chi phí sửa chữa nhà trước khi sử
dụng chưa thanh toán cho đơn vị nhận thầu xây dựng 33.000, trong
đó thuế GTGT 3.000. Thời gian sử dụng hữu ích ước tính của nhà là
20 năm, quyền sử dụng đất có thời gian sử dụng vô thời hạn.
5. Chi phí xây dựng cơ bản xưởng sản xuất M phát sinh
như sau:
- Xuất vật liệu dùng cho xây dựng cơ bản: 2.000.000.
- Xuất dụng cụ dùng cho xây dựng cơ bản (loại phân bổ một
lần): 1.000.000.
- Tiền công phải trả cho công ty nhận thầu xây dựng cơ bản
800.000.

11
6. Nhận bàn giao xưởng sản xuất M do xây dựng cơ bản hoàn
thành, quyết toán công trình được duyệt theo chi phí xây dựng thực
tế phát sinh. Thời gian sử dụng hữu ích ước tính của xưởng sản xuất
M là 10 năm.
Yêu cầu:
1. Định khoản các nghiệp vụ kinh tế phát sinh.
2. Tính tỷ lệ khấu hao và mức khấu hao hàng năm từng tài sản
cố định theo phương pháp đường thẳng.

BÀI 1.10
Công ty An Khang có tài liệu kế toán về tài sản cố định như sau
(đơn vị tính: 1.000 đồng):
Số dư ngày 31/12/N-1:
- TK 211: 3.000.000.
- TK 213: 1.000.000.
- TK 214: 1.200.000 (chi tiết: TK 2141: 900.000; TK 2143:
300.000).
Các nghiệp vụ kinh tế phát sinh liên quan đến tài sản cố định
trong năm N:
1. Nhập khẩu máy sản xuất C chưa thanh toán, giá nhập khẩu
(CIF) là 20.000 USD, tỷ giá 20/USD, thuế nhập khẩu 20%, thuế
suất thuế GTGT 10%. Công ty đã nộp thuế bằng chuyển khoản. Chi
phí lắp đặt chạy thử đã thanh toán bằng tiền gửi ngân hàng 77.000,
trong đó thuế GTGT 7.000.
2. Mua một nhà xưởng giá mua 10.000.000 trả bằng tiền gửi
ngân hàng, trong đó giá trị quyền sử dụng đất 6.000.000, giá trị nhà
trên đất là 4.000.000. Lệ phí trước bạ đã nộp bằng tiền gửi ngân
hàng 50.000 (trong đó lệ phí trước bạ của đất 30.000, của nhà
20.000).
3. Thanh lý thiết bị sản xuất D cũ, nguyên giá 180.000, giá trị
hao mòn lũy kế 160.000. Giá trị phế liệu thu hồi bán thu tiền mặt
6.050, trong đó thuế GTGT 550.
12
4. Thanh lý máy chuyên dùng P, nguyên giá 480.000, đã khấu
hao đủ, chi phí thanh lý trả bằng tiền mặt 21.000, trong đó thuế
GTGT 1.000.
5. Nhượng bán dây chuyền sản xuất K, nguyên giá 900.000, giá
trị hao mòn lũy kế 100.000. Giá bán đã bao gồm 10% thuế GTGT
550.000, thu tiền gửi ngân hàng. Chi phí tổ chức đấu thầu bán
TSCĐ trả bằng tiền mặt 16.500, trong đó thuế GTGT 1.500.
6. Trích khấu hao TSCĐ trong năm: dùng phục vụ sản xuất tại
phân xưởng 300.000, dùng phục vụ bán hàng 120.000, dùng phục
vụ quản lý doanh nghiệp 30.000, dùng cho xây dựng cơ bản 50.000.
(Thông tin chi tiết: khấu hao TSCĐ hữu hình 400.000, khấu hao
TSCĐ vô hình 300.000).
Yêu cầu:
1. Định khoản các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, cho biết công ty
được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT đầu vào.
2. Phản ánh tình hình trên vào TK 211, TK 213, TK 2141 và
TK 2143; khóa sổ cuối kỳ.
3. Trình bày thông tin về tài sản cố định của công ty An Khang
trên Bảng cân đối kế toán theo mẫu sau:
Công ty An Khang
BẢNG CÂN ĐỐI KẾ TOÁN
ĐVT: 1.000 đồng
TÀI SẢN Ngày 31/12/N Ngày 31/12/N-1
B. TÀI SẢN DÀI HẠN
...
II. Tài sản cố định
1. Tài sản cố định hữu hình
- Nguyên giá
- Giá trị hao mòn lũy kế
2. Tài sản cố định vô hình
- Nguyên giá
- Giá trị hao mòn lũy kế
...

13
BÀI 1.11
Tại doanh nghiệp sản xuất Minh Minh kế toán hàng tồn kho
theo phương pháp kê khai thường xuyên, tính giá hàng tồn kho theo
phương pháp nhập trước xuất trước, tính thuế GTGT theo phương
pháp khấu trừ. Trong tháng 3/N có các nghiệp vụ phát sinh như sau
(đơn vị tính 1.000 đồng):
- Số dư đầu kỳ:
+ TK 154: 20.000
+ TK 152: 40.000 (số lượng 100 kg, đơn giá 400/kg)
1. Nhập kho vật liệu số lượng 300 kg, đơn giá mua chưa có
thuế GTGT 500/kg, thuế suất giá trị gia tăng 10%, chưa thanh toán.
2. Xuất NVL dùng trực tiếp sản xuất sản phẩm số lượng 300 kg.
3. Xuất công cụ dụng cụ loại phân bổ một lần trị giá 20.000
dùng phục vụ sản xuất tại phân xưởng.
4. Trích khấu hao tài sản cố định sử dụng tại phân xưởng sản
xuất trong kỳ 30.000.
5. Phân bổ chi phí dụng cụ (đã xuất dùng từ kỳ trước) 25.000
dùng cho sản xuất.
6. Mua vật liệu số lượng 200 kg, đơn giá mua chưa có 10%
thuế GTGT là 450/kg, trả bằng tiền gửi ngân hàng. Vật liệu không
nhập kho mà xuất thẳng để sản xuất sản phẩm.
7. Tiền lương phải trả trong tháng cho công nhân trực tiếp sản
xuất 100.000, nhân viên quản lý phân xưởng 20.000.
8. Trích các khoản trích theo lương theo tỷ lệ quy định.
9. Chi TGNH trả tiền điện, nước, điện thoại sử dụng tại phân
xưởng 22.000 trong đó thuế GTGT 2.000.
10. Kết chuyển và tổng hợp chi phí sản xuất tính giá thành sản
phẩm, biết rằng:
- Trị giá sản phẩm dở dang cuối kỳ là 10.000.
- Hoàn thành nhập kho 20 thành phẩm.
14
Yêu cầu:
1. Tính toán và định khoản các nghiệp vụ phát sinh trên.
2. Phản ánh tình hình trên vào các tài khoản 621, 622, 627, 154,
155.

BÀI 1.12*
Công ty ABC trong cùng một phân xưởng sản xuất hai sản
phẩm A và B, kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai
thường xuyên, tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, tính giá
xuất hàng tồn kho theo phương pháp nhập trước xuất trước. Trong
năm N có tài liệu kế toán tại công ty như sau (đơn vị tính: đồng):
- Chi phí sản xuất dở dang đầu tháng 3/N:
Sản phẩm A: 19.950.000
Sản phẩm B: 69.550.000
- Nguyên vật liệu tồn kho đầu tháng 03/N:
Nguyên vật liệu X: tồn kho 1.000 kg, đơn giá: 100.000.
Nguyên vật liệu Y: tồn kho 2.000 kg, đơn giá: 200.000.
- Các tài liệu liên quan đến quá trình sản xuất tại công ty tháng
03/N:
1. Chi phí tiền điện sử dụng ở bộ phận sản xuất đã thanh toán
bằng tiền gửi ngân hàng, giá chưa thuế GTGT là 7.500.000, thuế
suất thuế GTGT 10%.
2. Chi phí sửa chữa tài sản cố định tại phân xưởng sản xuất đã
thanh toán bằng tiền mặt 165.000.000, trong đó đã bao gồm thuế
GTGT 10%.
3. Nhập kho 4.000 kg NVL X mua của nhà cung cấp P, đơn giá
mua chưa thuế GTGT là 119.500, thuế suất thuế GTGT 5%, chưa
thanh toán. Chi phí vận chuyển bốc dỡ giá chưa bao gồm thuế
GTGT là 2.000.000, thuế suất thuế GTGT 10%, đã thanh toán cho
công ty vận chuyển bằng tiền mặt.

15
4. Xuất kho 3.500 kg NVL X dùng trực tiếp sản xuất sản phẩm A.
5. Tiền lương phải trả công nhân viên phát sinh trong kỳ:
- Công nhân trực tiếp sản xuất sản phẩm A: 20.000.000;
- Công nhân trực tiếp sản xuất sản phẩm B: 30.000.000;
- Cán bộ quản lý và phục vụ phân xưởng sản xuất: 5.000.000.
6. Trích các khoản trích theo lương theo tỷ lệ quy định.
7. Mua 3.000 kg NVL Y nhập kho, đơn giá mua chưa bao gồm
10% thuế GTGT là 250.000, đã thanh toán cho người bán bằng tiền
gửi ngân hàng.
8. Xuất kho 2.800 kg NVL Y dùng trực tiếp sản xuất sản phẩm B.
9. Thuê phân xưởng sản xuất với giá chưa thuế 20.000.000,
thuế suất thuế GTGT 10% đã thanh toán bằng tiền gửi ngân hàng.
10. Xuất kho công cụ dụng cụ (loại phân bổ một lần) trị giá
500.000 sử dụng ở phân xưởng sản xuất.
11. Xuất dụng cụ loại phân bổ 24 kỳ, dùng cho sản xuất, giá trị
dụng cụ xuất dùng 36.000.000.
12. Trích khấu hao TSCĐ ở phân xưởng sản xuất: 12.825.000.
13. Phế liệu thu hồi trong quá trình sản xuất sản phẩm A nhập
lại kho nguyên vật liệu trị giá 700.
14. Kết quả sản xuất:
- Hoàn thành 100 sản phẩm A nhập kho và còn một số sản
phẩm dở dang trị giá 70.200.000.
- Hoàn thành 80 sản phẩm B và còn một số sản phẩm dở dang
trị giá 128.000.000.
Yêu cầu:
1. Tính toán và định khoản các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, cho
biết kế toán phân bổ chi phí sản xuất chung cho sản phẩm A và B
theo tiêu thức chi phí nguyên vật liệu trực tiếp.
2. Phản ánh tình hình trên vào các TK 621, TK 622, TK 627,
TK 154 và TK 155 (tổng hợp và chi tiết).

16
BÀI 1.13*
Công ty N kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai
thường xuyên, tổ chức sản xuất gồm một phân xưởng sản xuất ra
hai loại sản phẩm A và B (đơn vị tính: 1.000 đồng).
Số dư đầu kỳ TK 154: 50.000 (chi tiết: TK 154A: 40.000; TK
154B: 10.000).
Tình hình phát sinh chi phí sản xuất trong kỳ được thống kê lại
như sau:
Chi phí Chi phí trực tiếp sản xuất sản Chi phí phục
phẩm vụ và quản lý
sản xuất
Sản phẩm A Sản phẩm B
Nguyên vật liệu chính 720.000 500.000
Nguyên vật liệu phụ 60.000 48.000 20.000
CCDC xuất dùng loại phân 112.000
bổ một lần (giá xuất kho)
CCDC xuất dùng loại phân 80.000
bổ hai lần (giá xuất kho)
CCDC báo hỏng loại phân 120.000
bổ hai lần (giá xuất kho)
Tiền lương 800.000 400.000 200.000
Tiền ăn giữa ca 300.000 50.000 50.000
Các khoản trích theo lương Theo quy định Theo quy định Theo quy định
Khấu hao TSCĐ 61.000
Chi phí bằng tiền mặt 10.000

1. Vật liệu chính sản xuất sản phẩm A sử dụng không hết nên
thu hồi nhập kho trị giá 20.000.
2. Phế liệu thu hồi từ sản xuất sản phẩm B nhập kho trị giá
10.000.
3. Cuối kỳ phân xưởng báo:
- Sản phẩm hoàn thành nhập kho: 1.000 sản phẩm A và 2.000
sản phẩm B.

17
- Sản phẩm A dở dang cuối kỳ trị giá 30.000; sản phẩm B
không có sản phẩm dở dang cuối kỳ.
- Chi phí sản xuất chung phân bổ cho từng loại sản phẩm tỷ lệ
với tiền lương công nhân trực tiếp sản xuất sản phẩm.
Yêu cầu:
1. Phản ánh vào các tài khoản liên quan để tính giá thành sản
phẩm dưới dạng chữ T (không định khoản).
2. Phân bổ chi phí sản xuất chung cho từng loại sản phẩm và
tính giá thành đơn vị sản phẩm A và B.

BÀI 1.14
Công ty ABC có tài liệu kế toán sau (đơn vị tính: đồng):
A. Số dư đầu kỳ ngày 01/01/N:
1. TK 155: 20.000.000 (chi tiết: số lượng 1.000 cái, đơn giá
20.000/cái).
2. TK 157: 9.750.000 (chi tiết ký gửi đại lý X: số lượng 500
cái, giá vốn 19.500/cái).
3. Các TK khác giả định có số dư hợp lý.
B. Trong tháng 01/N, công ty có phát sinh các nghiệp vụ kinh tế
sau đây:
1. Ngày 02/01, nhập kho thành phẩm từ sản xuất: số lượng
3.000 cái, giá thành thực tế 22.000/cái.
2. Ngày 04/01, xuất bán sản phẩm cho khách hàng M, số
lượng 2.000 cái, khách hàng M chưa thanh toán.
3. Ngày 12/01, xuất 800 cái sản phẩm gửi bán đại lý Y.
4. Ngày 15/0, đại lý Y thông báo đã tiêu thụ được 800 cái sản
phẩm gửi bán ở nghiệp vụ 3 và đã thanh toán cho công ty bằng tiền
gửi ngân hàng. Công ty chi tiền mặt trả hoa hồng bán hàng cho đại
lý 2.200.000, trong đó thuế GTGT 200.000.

18
5. Ngày 20/01, khách hàng M (mua hàng ở nghiệp vụ 2) trả lại
100 cái do hàng sai quy cách, chi phí vận chuyển hàng về nhập kho
trả bằng tiền mặt 1.100.000, trong đó thuế GTGT 100.000 do công
ty ABC chịu.
6. Ngày 24/01, đại lý X trả lại 500 cái gửi bán kỳ trước do
không bán được.
7. Ngày 26/01, xuất bán sản phẩm cho khách hàng N số lượng
1.000 cái, khách hàng N chưa thanh toán.
8. Ngày 28/01, công ty giảm giá 25% cho khách hàng N (mua
hàng ở nghiệp vụ 7) do hàng sai quy cách.
9. Ngày 29/1/N, nhận giấy báo Có của ngân hàng về khoản
khách hàng M thanh toán hết tiền hàng.
10. Ngày 30/1/N, nhận giấy báo Có của ngân hàng về khoản
khách hàng N thanh toán hết tiền hàng sau khi trừ chiết khấu thanh
toán được hưởng do thanh toán trước hạn quy định 1.000.000.
Tài liệu bổ sung:
- Công ty áp dụng kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kê
khai thường xuyên, tính giá thành phẩm xuất kho theo phương pháp
nhập trước xuất trước, tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.
- Sản phẩm của công ty là đối tượng chịu thuế GTGT với thuế
suất 10%, giá bán sản phẩm chưa bao gồm thuế GTGT là 50.000
đồng/cái.
Yêu cầu:
1. Định khoản các nghiệp vụ kinh tế phát sinh.
2. Phản ánh tình hình trên vào các TK 511, TK 521, TK 632 và
tính các chỉ tiêu: Doanh thu bán hàng, Doanh thu bán hàng thuần,
Giá vốn hàng bán, Lợi nhuận gộp.

BÀI 1.15
Công ty Nắng Hồng kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kê
khai thường xuyên, thuế GTGT khi mua vào được khấu trừ toàn bộ,
tính giá hàng tồn kho theo phương pháp bình quân cuối kỳ.
19
- TK 154: 100.000.
- TK 152: 200.000 (chi tiết: vật liệu chính số lượng 200 kg).
- TK 155: 700.000 (chi tiết 100 sản phẩm, giá thành đơn vị
7.000/sản phẩm).
B. Các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong kỳ:
1. Nhập kho vật liệu chính chưa trả tiền người bán số lượng
300 kg, giá mua chưa bao gồm 10% thuế GTGT là 1.200/kg. Chi
phí vận chuyển vật liệu về nhập kho giá chưa thuế GTGT là 6.000,
thuế GTGT 600, trả bằng tiền mặt.
2. Tính tiền lương phải trả trong kỳ cho công nhân trực tiếp
sản xuất sản phẩm là 300.000, cho nhân viên phân xưởng 40.000,
cho nhân viên văn phòng công ty 60.000.
3. Trích các khoản trích theo lương theo tỷ lệ quy định.
4. Tiền điện, nước, điện thoại, internet trả bằng tiền gửi ngân
hàng (giá chưa bao gồm 10% thuế GTGT): dùng tại phân xưởng
50.000, dùng tại văn phòng 10.000.
5. Trích khấu hao tài sản cố định: máy móc thiết bị dùng cho
sản xuất: 80.000; nhà xưởng 10.000; nhà văn phòng 15.000.
6. Thuê ngoài sửa chữa máy móc thiết bị tại phân xưởng chưa
trả tiền, giá chưa thuế GTGT 12.000, thuế GTGT 1.200.
7. Nhận giấy báo hỏng dụng cụ loại phân bổ nhiều lần sử
dụng tại phân xưởng, giá trị dụng cụ xuất kho 28.000, giá trị đã
phân bổ vào chi phí 20.000.
8. Xuất vật liệu chính dùng trực tiếp sản xuất sản phẩm 400
kg, dùng phục vụ quản lý phân xưởng là 100 kg.
9. Mua vật liệu phụ chưa trả tiền, giá mua chưa bao gồm 10%
thuế GTGT là 48.000, vật liệu không nhập kho mà chuyển thẳng
dùng trực tiếp sản xuất sản phẩm. Chi phí vận chuyển vật liệu từ nơi
mua về xưởng sản xuất trả bằng tiền mặt 2.000.
20
10. Cuối kỳ, kế toán kết chuyển chi phí sản xuất và tính giá
thành sản phẩm, cho biết số lượng sản phẩm hoàn thành nhập kho là
200 sản phẩm, giá trị sản phẩm dở dang cuối kỳ là 85.900.
11. Xuất bán 200 sản phẩm thu tiền gửi ngân hàng, giá bán
chưa có thuế GTGT 10.000, thuế suất thuế GTGT 10%.
12. Xuất gửi đi bán 50 sản phẩm, giá bán chưa có thuế GTGT
10.000, thuế suất thuế GTGT 10%.
Yêu cầu:
1. Tính toán và định khoản các nghiệp vụ kinh tế phát sinh.
2. Phản ánh vào TK 154 và TK 155 tình hình trên, khóa sổ cuối kỳ.

BÀI 1.16
Công ty Mây Trắng kinh doanh 2 sản phẩm A và B là đối tượng
chịu thuế GTGT với thuế suất 10%, kế toán hàng tồn kho theo
phương pháp kê khai thường xuyên, tính thuế GTGT theo phương
pháp khấu trừ, tính giá thành phẩm xuất kho theo phương pháp bình
quân sau mỗi lần nhập (đơn vị tính: đồng).
A. Số dư đầu kỳ ngày 01/01/N:
1. TK 155: 120.000.000
Chi tiết: Sản phẩm A: số lượng 1.000 cái, đơn giá 20.000.
Sản phẩm B: số lượng 2.000 cái, đơn giá 50.000.
2. TK 157: 9.750.000. Chi tiết hàng gửi bán số lượng 500 sản
phẩm A, đơn giá 19.500.
3. Các TK khác giả định có số dư hợp lý.
B. Trong tháng 01/N, công ty có phát sinh các nghiệp vụ kinh tế
sau đây:
1. Ngày 02/01 nhập kho thành phẩm từ sản xuất: sản phẩm A:
số lượng 3.000 cái, giá thành đơn vị 22.000; sản phẩm B: số lượng
3.000 cái, giá thành đơn vị 55.000.

21
2. Ngày 04/01 xuất bán sản phẩm A cho khách hàng M, số
lượng 2.000 cái, đơn giá bán chưa bao gồm thuế GTGT 50.000,
khách hàng M chưa thanh toán. Điều kiện thanh toán ghi trong hợp
đồng mua bán như sau: “Thời hạn nợ 30 ngày, thanh toán trong
vòng 7 ngày kể từ ngày mua hàng thì người mua được hưởng chiết
khấu thanh toán 1% tính trên tổng số tiền thanh toán”.
3. Ngày 05/01 xuất bán sản phẩm B cho khách hàng N số lượng
2.000 cái, đơn giá bán chưa bao gồm thuế GTGT 100.000, chưa thu tiền.
4. Ngày 06/01 khách hàng N khiếu nại có 100 sản phẩm B (mua
ở nghiệp vụ 3) kém chất lượng, sau khi thỏa thuận công ty đã đồng
ý giảm giá 30% cho 100 sản phẩm B kém chất lượng và hai bên đã
hoàn tất các thủ tục chứng từ đúng quy định.
5. Ngày 10/01, công ty nhận được giấy báo có từ ngân hàng
thông báo khách hàng M thanh toán: 108.350.000.
6. Ngày 12/01 xuất 800 sản phẩm A gửi đại lý X bán, đơn giá
bán chưa có thuế GTGT 50.000.
7. Ngày 18/01 đại lý X thông báo đã tiêu thụ được 600 sản
phẩm A và đã thanh toán cho công ty bằng tiền gửi ngân hàng.
Công ty chi tiền mặt trả hoa hồng bán hàng cho đại lý 1.650.000,
trong đó thuế GTGT được khấu trừ 150.000.
8. Ngày 25/01 xuất bán sản phẩm B cho khách hàng P số lượng
3.000 cái với đơn giá bán chưa bao gồm thuế GTGT 100.000, chưa
thu tiền.
9. Tiền lương phải trả cho nhân viên bán hàng, bốc xếp và đóng
gói phục vụ công tác bán hàng phát sinh trong tháng là 30.000.000,
nhân viên quản lý DN là 40.000.000.
10. Trích các khoản trích theo lương theo tỷ lệ quy định.
11. Khấu hao TSCĐ sử dụng ở bộ phận bán hàng 12.000.000, ở
bộ phận quản lý doanh nghiệp 15.200.000.
12. Tiền điện, điện thoại sử dụng ở bộ phận quản lý doanh
nghiệp phát sinh trong tháng với giá chưa thuế GTGT là 6.000.000,
thuế suất thuế GTGT 10% đã thanh toán bằng tiền mặt.

22
14. Doanh nghiệp xuất kho một số bao bì phục vụ công tác bán
hàng trị giá 3.000.000.
15. Chi phí đăng báo quảng cáo sản phẩm với giá chưa thuế
GTGT 16.660.000, thuế suất thuế GTGT 10%, doanh nghiệp đã
thanh toán bằng TGNH.
16. Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp 10.000.000.
Yêu cầu:
1. Định khoản các nghiệp vụ kinh tế phát sinh.
2. Phản ánh vào sơ đồ các tài khoản cần thiết để xác định kết
quả kinh doanh.
3. Thực hiện các bút toán kết chuyển để xác định kết quả
kinh doanh.

CÂU HỎI TÌNH HUỐNG

1.1. Trong năm, công ty K mua của nhà cung cấp B 1.000 tấn
nguyên vật liệu, giá mua chưa bao gồm 10% thuế GTGT là
6.000.000 đồng/tấn, chưa thanh toán.
Tình hình sử dụng nguyên vật liệu trong kỳ như sau:
- Nguyên vật liệu đã xuất dùng trực tiếp sản xuất sản phẩm 600
tấn (trong đó, số nguyên vật liệu còn nằm trong thành phẩm tồn kho
cuối kỳ là 100 tấn, số nằm trong thành phẩm đã tiêu thụ là 500 tấn);
- Nguyên vật liệu đã xuất dùng để xây dựng cơ bản nhà xưởng
(chưa hoàn thành) 300 tấn;
- Nguyên vật liệu còn tồn kho cuối kỳ 100 tấn.
Cuối năm, nhà cung cấp B thông báo: Chiết khấu mua hàng
công ty K được hưởng cho số nguyên vật liệu đã mua trong năm
theo giá chưa thuế GTGT là 60.000 và thuế GTGT là 6.000, trừ vào
số nợ phải trả người bán.
Công ty K và nhà cung cấp B hạch toán nghiệp vụ liên quan
đến khoản chiết khấu thương mại nói trên như thế nào?
23
1.2. Công ty Nhật Minh mua máy chuyên dùng đủ tiêu chuẩn
để phân loại là tài sản cố định. Kế toán của công ty đang băn khoăn
về thời gian và phương pháp trích khấu hao tài sản cố định trên.
Theo bạn, làm thế nào để xác định được thời gian và phương pháp
trích khấu hao cho máy chuyên dùng nói trên?
1.3. Công ty nhựa Quang Minh mua 2.000 kg hạt nhựa PP và
250 cái khuôn đúc bằng inox. Giá mua hạt nhựa PP chưa bao gồm
10% thuế GTGT là 100.000.000 đồng, giá mua khuôn đúc bằng
inox chưa bao gồm 10% thuế GTGT là 20.000.000 đồng.
Công ty thuê một chiếc xe ô tô vận chuyển hạt nhựa và khuôn
đúc từ nơi mua về kho công ty. Chi phí vận chuyển trả bằng tiền
mặt 6.600.000 đồng, trong đó thuế GTGT của dịch vụ vận chuyển
là 600.000 đồng. Thuế GTGT khi mua vào được khấu trừ toàn bộ.
Theo bạn, chi phí vận chuyển phân bổ cho hạt nhựa và cho khuôn
đúc như thế nào? Hãy xác định giá gốc của 1 kg hạt nhựa và 1
khuôn đúc.
1.4. Công ty Sơn Minh sản xuất mì ăn liền, chi phí sản xuất
phát sinh trong kỳ đã tập hợp được là 790.000.000 đồng, sản
phẩm hoàn thành là 200.000 gói mì nhập kho và 40 kg mì vụn,
không có sản phẩm dở dang. Mì vụn thu được công ty thường
dùng để bán phế liệu, giá bán ước tính 1 kg mì vụn (chưa bao
gồm 10% thuế GTGT) là 10.000 đồng/kg. Theo bạn, tổng giá
thành và giá thành đơn vị của sản phẩm mì ăn liền được tính như
thế nào? Giải thích vì sao?
1.5. Công ty Khai Minh chuyên bán hàng online, khách hàng
của công ty chọn hàng và đặt hàng qua mạng, công ty ghi nhận đơn
đặt hàng của khách hàng, gọi điện thoại cho khách hàng để xác
nhận về việc khách hàng đặt hàng công ty, sau đó công ty sẽ giao
hàng cho khách và thu tiền. Khi nhận được đơn đặt hàng của khách,
công ty đã ghi nhận doanh thu bán hàng chưa? Vì sao?

24

You might also like