Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 7

Được mệnh danh là người gieo vần vĩ đại của nền thơ ca cách mạng Việt

Nam thế kỉ XX, nhà thơ Tố Hữu đã sống một cuộc đời trọn vẹn với cách
mạng, với nghệ thuật, thơ ca. Các chặng đường thơ của Tố Hữu gần như
song hành với các giai đoạn đấu tranh của đất nước khiến thơ ông mang tính
biên niên sử với nội dung trữ tình-chính trị đậm nét. Với sự thể hiện những
nét tiêu biểu nhất trong phong cách nghệ thuật, "Việt Bắc" không chỉ là đỉnh
cao trong thơ của Tố Hữu mà còn là một trong những tác phẩm xuất sắc của
nền thơ ca thời kì kháng chiến chống Pháp. Bài thơ "Việt Bắc" được viết ra
như là những khúc hát tâm tình giữa những con người kháng chiến và đồng
bào nơi đây. Nổi bật nhất là bức tranh tứ bình trong đoạn thơ sau đã làm bật lên
vẻ đẹp thiên nhiên và con người Việt Bắc ân tình- thủy chung , tạo nên một
không gian tuyệt đẹp, qua đó cho thấy được hồn thơ đậm đà tính dân tộc
trong thơ của Tố Hữu :
“Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ấm dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung”
Được coi là “người sinh ra để thơ hóa những vấn đề chính trị” , thơ Tố Hữu luôn
bám sát các sự kiện cách mạng. Men theo năm tháng của sự nghiệp văn thơ Tố
Hữu, ta có thể tái hiện lại những chặng đường hào hùng của cách mạng Việt Nam.
Thơ ông quả là “cuốn biên niên sử bằng thơ” như có nhà nghiên cứu đã đánh giá.
“Việt Bắc” không phải là ngoại lệ. Tháng 7 -1954 cuộc kháng chiến chống Pháp
thắng lợi, hòa bình được lập lại, miền Bắc nước ta hoàn toàn giải phóng, một trang
sử mới mở ra cho đất nước. Tháng 10 - 1954, cơ quan Trung ương của Đảng,
Chính phủ chuyển từ căn cứ địa Việt Bắc về Hà Nội. Trong thời điểm lịch sử ấy,
bài thơ “Việt Bắc” đã ra đời. Bài thơ không chỉ là tình cảm riêng của Tố Hữu mà
còn tiêu biểu cho tình cảm của người kháng chiến miền xuôi đối với chiến khu
cách mạng,với đất nước, với nhân dân. Một sự kiện chính trị đã chuyển hóa thành
thơ ca theo cách “Tâm tình hóa – một đặc trưng của lối thơ trữ tình chính trị Tố
Hữu”. Vì thế bài thơ cũng mang tính chất của một bản tổng kết lịch sử nhằm khép
lại một thời kì cách mạng và hướng về một chặn đường mới của lịch sử dân tộc.
Hoàn cảnh ra đời của bài thơ đã tạo nên một sắc thái đặc biệt xúc động. Đó
là không khí của cuộc chia tay đầy lưu luyến, đầy bịn rịn sau 15 năm gắn bó ân
tình giữa người cán bộ kháng chiến và nhân dân Việt Bắc .Chỉ trong đoạn trích của
sách giáo khoa ,ta đã thấy có đến 35 lần từ “nhớ” được nhắc tới. Điều này chứng
tỏ nội dung cảm xúc chính của bài thơ là nỗi nhớ. Và đã chuyển tải mạch trữ tình
ấy,bài thơ được tổ chức theo lối kết cấu đối đáp quen thuộc của các bài ca trữ tình
dân gian. Lời hỏi và lời đáp cứ luân phiên một cách đều đặn cho đến hết bài, thể
hiện sâu sắc tâm tình của người đi lẫn kẻ ở. Nhờ hình thức đối đáp, giọng điệu bài
thơ có được sự chuyển đổi linh hoạt và nhà thơ có cơ hội bộc lộ một cách bồi hồi
các kỷ niệm kháng chiến bằng những lời lẽ tràn đầy tình cảm gắn bó, yêu thương.
Bài thơ cũng sử dụng rất đắt các đại từ xưng hô “ mình – ta” vốn xuất hiện nhiều
trong ca dao tình yêu. Nhờ khéo vận dụng khả năng thay thế và hoán đổi vị trí cho
nhau của hai đại từ này,tác giả đã khẳng định được một điều rất có ý nghĩa: “mình”
và “ta”,kẻ ở và người đi, Việt Bắc và người cán bộ kháng chiến tuy hai mà một.
Với hai đại từ “mình” và “ta”, bài thơ “Việt Bắc” có dáng dấp của một khúc ca tình
yêu dù tác phẩm chuyên chở nội dung chính trị và cách mạng.Cách cấu tứ đặc biệt
này khiến cho nội dung chính trị được nói đến trong bài thơ không bị khô khan,
cứng nhắc mà trở nên mềm mại dễ chấp nhận.
Nhà phê bình văn học Hoài Thanh từng nhận xét: " Những câu thơ viết về thiên
nhiên trong Việt Bắc có thể so sánh với bất kì đoạn thơ nào viết về thiên nhiên
trong văn học cổ điển". Đoạn thơ tứ bình chính là minh chứng tiêu biểu cho điều
đó. Trong đoạn thơ, vẻ đẹp của cảnh và người ở Việt Bắc đã được ghi lại vô cùng
rõ nét. Đến với đoạn thơ, người đọc khó mà quên được phong vị bốn mùa rất riêng
của Việt Bắc.
Mở đầu đoạn thơ là câu lục bát, mang đến cảm xúc chủ đạo cho toàn đoạn. Đó là
cảm xúc nhớ nhung không nguôi về Việt Bắc:
“Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người”
Mở đầu đoạn thơ là một câu hỏi tu từ bâng khuâng, thấm vào hồn người và cảnh
vật: “mình có nhớ ta”. Đây là câu hỏi ngọt ngào phảng phất hương vị của tình yêu.
Hỏi đấy nhưng là hỏi để bộc lộ cảm xúc, hỏi để rồi lại bồi hồi xao xuyến phút chia
xa. Vẫn là cách xưng hô “mình – ta” ngọt ngào gợi nhiều cảm xúc. “Ta” chỉ người
đi, “mình” chỉ người ở lại. “Ta – mình” còn gợi bao lời nồng nàn của ca dao tình
yêu lứa đôi: “Mình về ta chẳng cho về – Ta nắm vạt áo ta đề bài thơ” hay “Mình về
mình nhớ ta chăng – Ta về ta nhớ hàm răng mình cười”. Nét đặc sắc của Tố Hữu
là viết về sự kiện lịch sử, về chuyện chính trị nhưng không hề khô khan, cứng
nhắc. Đó là sự vận dụng sáng tạo hai đại từ nhân xưng “mình – ta” cũng như sử
dụng thể thơ lục bát nhuần nhuyễn. Chuyện chia tay của nhân dân và cách mạng đã
được lãng mạn hóa thành cuộc chia tay của “ta” và “mình” đang tạm xa nhau vì
nghĩa vụ cách mạng. Lời thơ vì thế trở nên dạt dào hương vị trữ tình.
Câu thơ thứ hai như một lời khẳng định:
“Ta về ta nhớ những hoa cùng người”
         Hai câu thơ đầy ắp những “ta”, “mình”, những “mình nhớ”, “ta nhớ” kết hợp
điệp từ “ta” với âm “a” (âm mở) khiến cho nỗi nhớ như vang vọng, mênh mang,
sâu lắng hơn. Người về mang theo nỗi nhớ “những hoa cùng người”. “Hoa” là ẩn
dụ cho vẻ đẹp của thiên nhiên Việt Bắc. “Hoa” cũng là cách nói hoán dụ cho ta
cảm nhận: trong tâm hồn người ra đi thì ký ức còn lại là những ký ức rất đẹp. Còn
“Người” là vẻ đẹp của con người lao động nơi đây. Chữ “cùng” trong “nhớ những
hoa cùng người” rất sáng tạo. Nó gợi lên nỗi nhớ lắng sâu da diết, nỗi nhớ cùng lúc
đồng hiện hoa và người. Nhớ hoa thì trong hoa lấp lánh bóng người, mà nhớ người
thì trên khuôn mặt người lấp lánh bóng hoa. Hai đối tượng ấy thực ra không thể
tách rời mà luôn hoà quyện, gắn bó, sự gắn bó được thể hiện ngay trong các từ
“những”, “cùng” kết nối quấn quýt giữa “hoa” và “người”. Có lẽ vì thế, trong tám
câu thơ sau,cứ một câu nói về nỗi nhớ với thiên nhiên lại tiếp đến một câu bộc lộ
nỗi nhớ với con người.Cảnh vừa làm nền cho con người xuất hiện, vừa là một phần
nỗi nhớ của người ra đi.
Khác những bức tranh tứ bình truyền thống tả cảnh theo trình tự:
xuân,hạ,thu,đông thì bốn mùa của Việt Bắc hiện ra trong hai thời điểm của quá khứ
và hiện tại. Nếu tranh tứ bình truyền thống vốn hướng tới miêu tả ngoại cảnh, thì
với điệp từ “nhớ” trong đoạn thơ,Tố Hữu đã cho thấy nỗi nhớ của người ra đi,đây
là những bức tranh tâm cảnh.Thiên nhiên Việt Bắc hiện lên rất bình dị, gần
gũi,mang mỗi vẻ đẹp riêng.Màu sắc trong bộ tứ bình khi rực rỡ chói chang, khi
thơ mộng dịu mát, cảnh sắc trong bộ tứ bình lúc tươi tắn, rộn ràng, lúc lại trống
vắng ,hắt hiu…Trong bộ tứ bình tuyệt đẹp của “Việt Bắc”,thiên nhiên luôn hoà
quyện quấn quýt, gắn bó với con người.
Mở đầu là bức tranh Việt Bắc giữa mùa đông qua sự tinh tế về hình
khối,màu sắc và ánh sáng:
“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”
Bức tranh mùa đông mở ra không gian rộng lớn và sắc xanh mướt quen thuộc của
rừng già. Nền xanh ấy đã được khéo léo sử dụng nghệ thuật chấm phá để điểm vào
sắc đỏ tươi rực rỡ của những bông hoa chuối . Mỗi sắc hoa ấy như một ngọn lửa
thắp sáng và xua đi cái lạnh lẽo của núi rừng mùa đông,vừa cồn cào như những
ánh mắt dõi theo,như những bàn tay vẫy gọi đầy lưu luyến níu bước người ra đi.
Ánh nắng trên đèo cao càng làm cho khu rừng sáng lên và mang hơi thở ấm áp,
bức tranh thiên vì thế mà cũng phóng khoáng hơn. Sự phối hợp đắc địa giữa ánh
sáng và màu sắc khiến bức tranh mùa đông tràn đầy tươi mới . Trong nỗi nhớ
nhưng của người về xuôi, sự khắc nghiệt của mùa đông nơi núi rừng Việt Bắc đã
hoàn toàn được thay thế bằng vẻ đẹp thơ mộng đầy sức níu kéo.
     Giữa bao la nắng gió, giữa vô cùng thiên địa, con người lao động vùng chiến
khu xuất hiện với vẻ đẹp lộng lẫy:
“Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”
Người dân Việt Bắc trong nét phác hoạ đơn sơ mà đầy ấn tượng của bút pháp chấm
phá trong hội hoạ - “dao gài thắt lưng”. Ở đây nhà thơ không khắc họa gương mặt,
dáng hình, mà chớp lấy một khoảnh khắc rực sáng nhất. Đó là ánh mặt trời chớp
lóe trên lưỡi dao rừng gài ở thắt lưng làm con người hiện lên như một điểm hội tụ
của ánh sáng. Con người ấy cũng đã xuất hiện ở một vị trí, một tư thế đẹp nhất –
“đèo cao”. Tư thế ấy là tư thế của con người làm chủ: làm chủ tự do, làm chủ lao
động, làm chủ tình thế. Có thể nói rằng, giữa sự hoang sơ tráng lệ, giữa trời cao
bao la và rừng xanh hùng vĩ, vẻ đẹp ấy đã trở thành linh hồn của bức tranh mùa
đông Việt Bắc
Nếu mùa đông Việt Bắc có những lúc chói chang ,ấm áp trong ánh nắng
vàng thì bức tranh xuân khiến ta liên tưởng ngay đến sức sống mới của cỏ cây, hoa
lá, của trăm loài đang đua nhau trỗi dậy sau mùa đông dài. Bức tranh mùa xuân
hiện lên với những gam màu dịu mát, trẻ trung:
“Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”
Phép đảo ngữ trong cụm từ “trắng rừng” đem lại ấn tượng về những khu
rừng Việt Bắc mênh mông, trắng xoá của sắc hoa mơ. Động từ “nở” và tính từ
“trắng” kết hợp với nhau làm sức sống mùa xuân lan tỏa và tràn trề sức sống. Hoa
mơ như đang xòe ra, bung ra, mở ra – nở trắng cả “ngày xuân”, nở trắng cả không
gian “trắng rừng”.Màu trắng của hoa mơ không chỉ làm nổi bật linh hồn mùa xuân
mà còn gợi ra tâm trạng bâng khuâng trong lòng người.
Thấp thoáng dưới cánh rừng xuân thơm bởi sắc trắng tinh khiết của hoa mơ
là hình ảnh con người lao động với hoạt động “chuốt từng sợi giang”. Người Việt
Bắc đẹp tự nhiên trong những công việc hằng ngày, đó là công việc đan nón thủ
công – một nghề truyền thống của Việt Bắc. Từ “chuốt” và hình ảnh thơ đã nói lên
được bàn tay và phẩm chất của con người lao động: cần mẫn, khéo léo,trau
chuốt… đó cũng chính là  phẩm chất tần tảo của con người Việt Bắc tạo nên nét
duyên dáng của con người nơi đây.
Mùa hè của Việt Bắc được tác giả mở rộng trong nỗi nhớ tràn đầy cả âm
thanh và màu sắc:
“Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình”
Bức tranh thiên nhiên mùa hè mở ra với âm thanh của tiếng “ve kêu” và màu
vàng của “rừng phách”. Tiếng ve báo hiệu mùa hè đã tới gợi cái náo nức của thời
gian qua tín hiệu rộn rã của không gian.Phách là một loại cây gỗ lim ở rừng Việt
Bắc, loại cây này trước lúc nở hoa, cả rừng cây đồng loạt thay lá,chuyển từ màu
xanh sang màu vàng chỉ trong vài ngày.Động từ “đổ” miêu tả sự chuyển màu đột
ngột, nhanh chóng của bức tranh thiên nhiên, đưa đến cảm giác ngỡ ngàng,choáng
ngợp trong lòng người. Dường như khi tiếng ve vừa đổ xuống thì cũng là lúc cả
cánh rừng phách đồng loạt chuyển sang màu vàng. Ý thơ gợi nhớ một câu thơ của
Khương Hữu Dụng: “một tiếng chim kêu sáng cả rừng”. Đó là nghệ thuật dùng âm
thanh để gọi dậy màu sắc, dùng không gian để miêu tả thời gian. Bức tranh mùa hè
vì thế mà hiện lên tươi tắn, thơ mộng, dịu mát chứ không hề chói chang như trong
thơ ca cổ kim.
Con người Việt Bắc trong bức tranh mùa hạ còn được thể hiện trong cảnh
lao động, đó là hình ảnh “cô em gái hái măng một mình”. Hai chữ “một mình”
giàu sức gợi. Nó gợi ra sự thầm lặng trong lao động, hi sinh vì kháng chiến với
dáng vẻ con người lao động siêng năng, chịu thương chịu khó mà còn là tình cảm
trân trọng, gần gũi yêu thương của Tố Hữu đối với con người Việt Bắc; vừa gợi
nhớ ca dao: “trúc xinh trúc mọc đầu đình – em xinh em đứng một mình cũng
xinh”. Ý thơ ẩn chứa nỗi nhớ, niềm yêu, của nhà thơ dành cho người em gái
thương yêu. Phép điệp phụ âm “m” trong ba chữ “măng – một – mình” đi liền nhau
tạo nên nhạc tính làm giọng thơ trở nên da diết bâng khuâng.
Kết thúc đoạn tứ bình là cảnh thiên nhiên mùa thu, đó cũng là thời điểm kết
thúc cuộc kháng chiến gian nan, oanh liệt ,thời điểm chia li giữa Việt Bắc và
những người kháng chiến :
“Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung”
Bức tranh thu được họa lên với gam màu dịu mát của ánh trăng thanh
bình.Thông thường vần trăng từ trên cao sẽ toả ánh sáng chan hoà xuống không
gian mênh mông của mặt đất. Trong bức tranh, Tố Hữu đó lại là “trăng rọi” xuống
rừng thu. “Rọi” là động từ miêu tả nguồn sáng soi chiếu xuống một điểm hẹp trong
không gian. Cách dùng từ không chỉ giúp nhà thơ miêu tả “chính xác” ánh trăng lọt
qua vòm cây, kẽ lá của núi rừng mà còn thể hiện tinh tế những cảm xúc của con
người : đêm nay "trăng" cũng đang thấu lòng người, trong giờ phút chia ly như
muốn dành riêng cho Việt Bắc, tập trung soi chiếu hình ảnh thiên nhiên và con
người Việt Bắc trong nổi nhớ thương da diết của người ra đi.
Sắc trăng vàng đã tạo nên một không gian huyền ảo, dịu mát mang lại những
âm vang của tiếng hát. Đó là tiếng hát trong trẻo của đồng bào dân tộc, là tiếng hát
nhắc nhở thủy chung ân tình: mình về Hà Nội rồi, sống trong cuộc sống hòa bình
đừng quên những năm tháng chiến tranh, ăn một miếng ngon đừng quên những
tháng ngày khốn khó, sống ở miền xuôi đừng quên miền ngược. Hãy luôn nhớ về
cội nguồn kháng chiến – nơi núi rừng Việt Bắc mà ta đã cùng nhau đi qua bao cay
đắng ngọt bùi. Có thể nói, bức tranh mùa thu Việt Bắc đã làm hoàn chỉnh bức tranh
tuyệt mỹ của núi rừng và khép lại đoạn thơ bằng tiếng hát “ân tình thủy chung” gợi
nỗi niềm tiếc nuối, ân tình thuỷ chung phút chia ly. Kết cấu đan xen đã làm nổi bật
vẻ đẹp hài hòa giữa thiên nhiên và con người : thiên nhiên tươi đẹp, con người chịu
thương chịu khó, đầy tình nghĩa.
Gót từng nói " Một nghệ sĩ có thể coi là nhà văn mẫu mực của dân tộc nếu
tác phẩm của anh ta thấm nhuần tính dân tộc". " Việt Bắc" của Tố Hữu là một bài
thơ như thế. Ở đó, tính dân tộc được thể hiện qua cả nội dung và hình thức nghệ
thuật. Thể thơ lục bát truyền thống được sử dụng rất thành công. Giọng điệu thơ có
đoạn mộc mạc, giản dị như ca dao, có đoạn điêu luyện, trau chuốt, đặc biệt là đoạn
tả cảnh bốn mùa Việt Bắc. Tác giả đã đưa vào thể lục bát những đặc trưng vốn có
tạo nên sự mềm mại của hơi thở anh hùng ca, khiến khả năng biểu đạt tăng lên
đáng kể. Bài thơ đã sử dụng rất sáng tạo kết cấu đối đáp. Lời hỏi và lời đáp cứ luân
phiên một cách đều đặn cho đến hết bài, thể hiện tâm tình của kẻ ở lẫn người đi.
Tạo nên sự chuyển đổi linh hoạt và nhà thơ có cơ hội kể được nhiều về các kỷ
niệm kháng chiến bằng những lời lẽ tràn đầy tình cảm gắn bó, yêu thương. Bài thơ
sử dụng rất đắt những đại từ xưng hô mình-ta vốn xuất hiện trong ca dao tình yêu.
Nhờ sự khéo léo lợi dụng khả năng thay thế và hoán đổi vị trí cho nhau của hai đại
từ này , tác giả đã khẳng định được một điều rất có ý nghĩa : mình và ta, kẻ ở và
người đi , Việt Bắc và người cán bộ kháng chiến tuy hai nhưng là một. Với hai đại
từ mình và ta, bài thơ Việt Bắc có dáng dấp của một khúc ca tình yêu dù tác phẩm
chuyên chở nội dung chính trị và cách mạng.
Cùng những nét chấm phá đơn sơ giản dị, vừa cổ điển vừa hiện đại, đoạn thơ
trên của Tố Hữu đã làm nổi bật được bức tranh thiên nhiên giữa cảnh và người qua
bốn mùa của chiến khu Việt Bắc. Cảnh và người hòa hợp với nhau tô điểm cho
nhau, làm cho bức tranh trở nên gần gũi thân quen, sống động và có hồn hơn. Qua
các hình ảnh thơ ta thấy được tác giả đã thể hiện được tấm lòng thủy chung son sắt
giữa người ra đi và người ở lại. Những tình cảm trong sáng đó rất tiêu biểu cho chủ
nghĩa yêu nước, anh hùng của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

You might also like