Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 8

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

KHOA TÂM LÝ HỌC

TIỂU LUẬN CUỐI KỲ

MÔN: TÂM LÝ HỌC THAM VẤN


Giảng viên: Bùi Thị Hồng Thái

Họ tên sinh viên: Nguyễn Thanh Hoà

MSSV: 1803 2038

Hà Nội, tháng 6, 2021


ĐỀ BÀI

Phiên tham vấn số 1

Thân chủ nữ, 25 tuổi chia sẻ (NTV đã thực hiện các thủ tục của buổi gặp gỡ đầu tiên
như giới thiệu, nói về công việc, nguyên tắc làm việc…):
Em rất khổ tâm vì bố mẹ không tôn trọng em, lúc nào cũng so sánh em với người
chị gái học giỏi, ngoan ngoãn, luôn nghe lời hoặc so sánh em với bất cứ ai họ muốn. Lúc
nào em cũng bị chê là học không bằng chị, không bằng người này người kia, và cũng không
làm được việc gì ra hồn. Không những thế, bố mẹ còn rất kiểm soát em nữa. Bằng chứng
là ngày sinh viên, bất cứ người nào đến chơi với em đều bị bố mẹ hỏi cặn kẽ về nhà cửa,
gia đình, cha mẹ làm gì… khiến em rất xấu hổ. Em đi chơi về muộn là bố mẹ gọi điện cho
từng người bạn để hỏi xem em đi đâu, làm gì, với ai. Người yêu em đến nhà chơi bố mẹ
cũng hỏi cặn kẽ vậy. Khi em tốt nghiệp ra trường, bố mẹ tự ý sắp xếp cho em một công
việc không phù hợp với chuyên ngành đào tạo mà không hỏi ý kiến em. Nhưng chỗ làm đó
người ta xoi mói, đấu đá nhau khiến em rất mệt mỏi nên làm được 2 tháng em tự nghỉ. Sau
đó, em tự xin việc vào Ngân hàng lớn theo đúng chuyên ngành đào tạo. Tại đây, em gặp và
yêu một anh đang ly thân vợ. Công việc ở đây không đáp ứng được hoài bão của em là làm
việc giao tiếp rộng nên sau 3 tháng em xin nghỉ. Rồi em lại tìm được công việc ở Ngân
hàng khác, phòng khách hàng, rất phù hợp với mong muốn của em. Tuy nhiên, làm việc ở
phòng này luôn áp lực về doanh số, em thấy quá căng thẳng mệt mỏi nên làm được 2 tháng
em cũng xin nghỉ. Hiện giờ em đang chờ bố mẹ nhờ người quen xin việc cho. Do đang nghỉ
em buồn nên hay ra ngoài chơi cho khuây khỏa, tuy nhiên, lúc nào bố mẹ cũng theo sát em,
liên tục gọi điện hỏi em ở đâu, em đi đâu và yêu cầu em về nhà luôn, em ngột ngạt và căng
thẳng nên cứ tránh mặt bố mẹ. Buổi tối em đi về mà thấy bố mẹ chờ cơm em cũng khó chịu
và không muốn ăn. Em chỉ mong được bố mẹ tôn trọng cuộc sống riêng. Bố mẹ còn một
căn nhà nữa mà em xin ra ở nhà đó bố mẹ không cho. Đấy, cuộc sống như vậy nên giờ em
trầm cảm, em hay khóc, xa lánh bố mẹ và chị gái. Em vừa đi khám về, bác sĩ nói em trầm
cảm mức vừa.
Em rất mong anh/chị nói chuyện với bố mẹ em để họ tôn trọng em hơn và không
kiểm soát cuộc sống của em.
Sau buổi trò chuyện này, NTV hẹn TC một tuần sau lại đến. Trong thời gian đó, NTV
đã trò chuyện với cha mẹ TC, lắng nghe tâm sự của cha mẹ, những ưu buồn của cha mẹ về
TC, đồng thời NTV nói về những mong muốn của TC và đề nghị cha mẹ thể hiện sự chấp
nhận hơn với TC nhằm giảm bớt các biểu hiện trầm cảm ở TC. Tuần đó gia đình TC đã trôi
qua trong yên bình, TC có những buổi ăn cơm cùng cha mẹ, không còn la hét hay đóng sầm
cửa trước mặt mẹ nữa, cả cha mẹ và TC đều thể hiện sự hài lòng với NTV vì cả hai bên đều
nhận thấy có sự thay đổi tích cực của nhau.

Phiên tham vấn số 2


Thân chủ nói:
Em cảm thấy bố mẹ em cũng có thay đổi sau hôm anh/chị gặp. Nhưng hiện bố mẹ
vẫn chưa đồng ý cho em ra ở riêng. Mà giờ này em cũng chưa đi làm vì vẫn chờ bạn của
bố mẹ thu xếp. Em buồn chán lắm ạ. Ở nhà không có việc gì nên buồn. Em liên lạc lại với
anh người yêu - người mà em quen khi làm công việc thứ hai. Anh ấy hiện sống một mình
vì đang ly thân vợ. Anh ấy rất hiểu em, chia sẻ với em mọi việc. Chúng em yêu nhau nhưng
bố mẹ em phát hiện ra và quyết liệt ngăn cản, bố em thậm chí còn đe dọa sẽ giết anh ấy và
ngăn cấm em không được đến gặp. Em biết bố mẹ không tin em nên vẫn theo dõi em. Có
hôm em buồn, ngồi ở quán café gần nhà anh ấy thôi, mà bố gọi điện hỏi em là “con lại đến
nhà thằng đó à” khiến em rất ức chế. Em rất mong anh/chị có thể nói để bố mẹ cho em ra ở
riêng, dù sao thì cái nhà đó cũng để không.
Thực ra sau khi bố mẹ ngăn cản, em không còn gặp anh ấy trực tiếp nữa nhưng
chúng em vẫn liên lạc điện thoại với nhau, bố em cũng đâu thể giỏi đến mức có thể biết em
vẫn nhắn tin cho anh ấy được. Anh ấy là người duy nhất chịu lắng nghe em và chia sẻ với
em. Em vẫn chưa quên được anh ấy. Không phải lúc nào em cũng ra ngoài được, ngày em
chỉ một lần xin tiền mẹ để hoặc ăn trưa, hoặc đi café, hoặc gội đầu bên ngoài nên lúc ở nhà
buồn em lại nhắn cho anh ấy, dù sao tình cảm đâu thể nói bỏ là bỏ ngay được. Tuy nhiên,
em cũng không xác định sẽ cưới anh ấy. Anh ấy lớn tuổi lại có con rồi, nếu sau này lấy
nhau về, anh ấy vì lớn tuổi mà cứ bắt em phải làm theo ý anh ấy thì sao. Rồi kể cả anh ấy
li dị xong không nuôi con nhưng đứa con vẫn còn đó, kiểu gì anh ấy cũng phải san sẻ tình
cảm và tiền bạc cho nó. Nghĩ đến đó thôi là em thấy không thể gắn bó đời mình với anh ấy
được, nhưng hiện tại em chưa quên được anh nên vẫn duy trì liên lạc, với lại trò chuyện với
anh ấy em cũng thấy vui nữa.

Câu hỏi: Dựa vào nội dung của từng phiên tham vấn, bạn hãy:
1. Nói 4 câu thấu cảm (2 câu/phiên, có thể chọn thấu cảm chấp nhận hoặc nâng cao giá
trị. Lưu ý: câu thấu cảm ở mỗi phiên không được thấu cảm cho cùng 1 vấn đề)
2. Nói 4 câu đương đầu thách thức dạng 3 (2 câu/phiên. Lưu ý: câu đương đầu thách
thức ở mỗi phiên không được trùng 1 vấn đề)
3. Nói 2 câu phản hồi soi sáng (1 câu/phiên)
4. Đặt 4 câu hỏi (2 câu/phiên)
5. Việc NTV gặp gỡ cha mẹ TC và trao đổi về mong muốn của TC có nguy cơ gì trong
việc hỗ trợ cho TC? Khía cạnh đạo đức nào cần được đặt ra trong tình huống này?
6. Em sẽ tập trung hỗ trợ điều gì cho TC này?
NỘI DUNG

1.Câu thấu cảm

1.1. Phiên 1:

Có thể thấy được em đang rất khổ tâm vì bố mẹ luôn chê bai và so sánh mình với
người khác. Một số người ở hoàn cảnh giống em cũng sẽ cảm thấy khổ tâm như vậy.

Nghe em kể, có thể thấy rằng em không vui khi bố mẹ đã tự ý sắp xếp công việc trái
chuyên ngành của em mà không hỏi ý kiến em. Một số người ở hoàn cảnh như vậy cũng sẽ
cảm thấy không vui như em.

1.2. Phiên 2

Dường như em cảm thấy rất uất ức khi bố mẹ ngăn cấm mình không được gặp người
yêu. Một số người bị bố mẹ ngăn cấm như em cũng sẽ cảm thấy uất ức như vậy.

Em có vẻ như đang cảm thấy phiền lòng khi bố mẹ không tin tưởng và luôn theo dõi
mình. Chỉ có những người khao khát được độc lập và mong muốn được làm chủ cuộc sống
của mình mới có cảm xúc như thế.

2. Câu đương đầu thách thức

2.1. Phiên 1

Em nói rằng em xin bố mẹ cho ra ở riêng trong khi em hiện tại lại chưa thể độc lập
về mặt tài chính vì em chưa có công việc. Tóm lại có phải ý em là em muốn bố mẹ cho ra
ở riêng nhưng vẫn phải chu cấp cho em?

Ý của em là gì khi em nói rằng em không vui khi bố mẹ đã từng tự ý sắp xếp công
việc cho em, trong khi bây giờ em lại đang đợi bố mẹ nhờ người quen sắp xếp công việc
cho mình?

2.2. Phiên 2

Một mặt em nói rằng bố mẹ em đã thay đổi, mặt khác em lại cho rằng bố mẹ không
tin em và vẫn theo dõi em.
Ý của em là gì khi em nói rằng em yêu người ấy, người ấy hiểu em và luôn sẻ chia
với em, trong khi em lại nói rằng em không thể gắn bó đời mình với người ấy khi biết được
người ấy có con?

3. Câu phản hồi soi sáng

3.1. Phiên 1

Em có nói rằng bố mẹ luôn chê bai mình không bằng chị gái và luôn so sánh mình
với chị. Chị cảm nhận được là em chỉ muốn bố mẹ yêu thương mình như chị gái và bố mẹ
có thể công nhận những gì mà em làm được.

3.2. Phiên 2

Vừa nãy em có chia sẻ rằng em yêu người yêu của mình, bạn ấy rất hiểu em và giúp
em vơi đi sự buồn chán. Dường như là bạn ấy cho em cảm nhận được rằng ít nhất có một
người lắng nghe em và khi trò chuyện với bạn ấy cũng khiến em rất vui và bớt mệt mỏi bởi
sự kiểm soát của gia đình.

4. Đặt câu hỏi

4.1. Phiên 1

Điều gì khiến em hiện tại lại đồng thuận với sự sắp xếp công việc từ bố mẹ?

Em nghĩ nếu bây giờ bố mẹ đồng ý cho em ra ở riêng thì em định sẽ chi trả các khoản
sinh hoạt phí như thế nào khi hiện tại em vẫn chưa có công việc ổn định?

4.2. Phiên 2

Em nghĩ điều gì khiến bố mẹ em quyết liệt ngăn cản em yêu người bạn kia như vậy?

Em cảm thấy như thế nào trước sự ngăn cấm gay gắt từ bố mẹ mình?

5. Nguy cơ trong công tác hỗ trợ cho thân chủ từ việc NTV gặp gỡ cha mẹ TC
để nói về mong muốn của TC và các khía cạnh đạo đức trong trường hợp này

Nhà tham vấn gặp cha mẹ của thân chủ vì đây là mong muốn của thân chủ. Thân
chủ mong muốn rằng cha mẹ có thể thay đổi, tôn trọng và không còn kiểm soát cuộc sống
riêng của mình nữa. Điều này có thể tiềm ẩn những rủi ro rằng nhà tham vấn có thể bị dẫn
dắt, định hướng bởi những mong muốn của thân chủ. Nhà tham vấn có thể trở thành cầu
nối để thân chủ thực hiện những động cơ, mong muốn đối với cha mẹ mình. Bên cạnh đó,
nếu không đủ sự vững vàng và khách quan, nhà tham vấn có thể bị những chia sẻ của cha
mẹ thân chủ dẫn dắt mình, gây nên những định kiến đối với thân chủ. Ngoài ra, nhà tham
vấn trong quá trình trao đổi với cha mẹ của thân chủ, có thể vô tình tiết lộ những thông tin
từ phiên tham vấn trước đó với thân chủ cho cha mẹ thân chủ biết, và điều đó có thể gây ra
sự hiểu nhầm và khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và thân chủ trở nên căng thẳng hơn.

Khía cạnh đạo đức cần được đặt ra trong trường hợp này là:

Trong quá trình gặp mặt và trao đổi với cha mẹ thân chủ, nhà tham vấn cần giữ vững
sự khách quan, trung lập của mình. Không để các ý kiến của cha mẹ thân chủ làm ảnh
hưởng đến cách mình tiếp xúc với thân chủ. Nhà tham vấn cần tôn trọng thân chủ mà không
có bất kì định kiến nào, không áp đặt những giá trị cá nhân của nhà tham vấn lên thân chủ.

Không những vậy, nhà tham vấn cần thận trọng khi trao đổi các vấn đề của thân chủ
với cha mẹ thân chủ. Nhà tham vấn không được tiết lộ những thông tin thân chủ kể trong
phiên làm việc trước đó, cần đảm bảo tính bảo mật cho thân chủ. Sự bảo mật này sẽ khuyến
khích thân chủ tin tưởng vào mối quan hệ tham vấn, do đó thân chủ sẽ hợp tác và chia sẻ
nhiều hơn những vấn đề của mình.

6.Điều cần tập trung để hỗ trợ cho thân chủ

Điều cần tập trung để có thể hỗ trợ cho thân chủ trong trường hợp này là cải thiện
mối quan hệ giữa thân chủ với cha mẹ mình, giúp thân chủ cảm nhận được mình được yêu
thương và lắng nghe. Vì sự so sánh, chê bai thân chủ với người khác, cùng sự kiểm soát
quá mức của cha mẹ khiến thân chủ ngột ngạt, căng thẳng và hay tránh mặt cha mẹ, dẫn
đến việc thân chủ có các hành vi chống đối lại cha mẹ mình, khiến mối quan hệ giữa cha
mẹ và thân chủ trở nên tồi tệ hơn.

Vì vậy, việc hỗ trợ thân chủ trong mối quan hệ với gia đình là cần thiết và phải được
ưu tiên. Sự thay đổi của cả hai phía gia đình và bản thân thân chủ sẽ giúp ích rất nhiều cho
tiến trình phát triển của thân chủ.

You might also like