Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 25

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KIẾN TRÚC HÀ NỘI

KHOA KIẾN TRÚC


BỘ MÔN KIẾN TRÚC CTCC

KỸ NĂNG
THUYẾT TRÌNH KIẾN TRÚC
ARCHITECTURE PRESENTATION METHOD

Hà Nội - 2021
2

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KIẾN TRÚC HÀ NỘI


KHOA KIẾN TRÚC
BỘ MÔN KIẾN TRÚC CTCC

KỸ NĂNG
THUYẾT TRÌNH KIẾN TRÚC
ARCHITECTURE PRESENTATION METHOD

Hà Nội - 2021
MỤC LỤC

1. GIỚI THIỆU CHUNG.................................................................................................... 1


1.1. Tên học phần: ........................................................................................................... 1
1.2. Mã học phần: ............................................................................................................ 1
1.3. Số tín chỉ:................................................................................................................... 1
1.4. Loại học phần: .......................................................................................................... 1
1.5. Học phần tiên quyết: ................................................................................................. 1
1.6. Bộ môn phụ trách: .................................................................................................... 1
1.7. Mô tả vắn tắt học phần: ............................................................................................ 1
1.8. Chuẩn đầu ra của học phần : ................................................................................... 1
1.9. Giáo trình và tài liệu tham khảo: ............................................................................. 2
1.9.1. Giáo trình: ............................................................................................................. 2
1.9.2. Tài liệu tham khảo: ................................................................................................ 2
2. NỘI DUNG CHI TIẾT HỌC PHẦN ............................................................................. 3
2.1. Khái niệm. ................................................................................................................. 3
2.1.1. Thuyết trình. .......................................................................................................... 3
2.1.2. Thuyết trình kiến trúc (Architecture Presentation Method). ................................. 4
2.2. Mục đích - Yêu cầu. .................................................................................................. 4
2.2.1. Mục đích: .......................................................................................................... 4
2.2.2. Yêu cầu: ................................................................................................................. 5
2.3. Xây dựng nội dung bài thuyết trình. ........................................................................ 5
2.3.1. Các nghiên cứu lý thuyết. ...................................................................................... 5
2.3.1.1. Vấn đề nghiên cứu. ...................................................................................... 5
2.3.1.2. Các tài liệu - số liệu. .................................................................................... 6
2.3.1.3. Mục đích - mục tiêu nghiên cứu................................................................... 6
2.3.1.4. Đề cương nghiên cứu. .................................................................................. 7
2.3.1.5. Các phương pháp nghiên cứu. ..................................................................... 7
2.3.1.6. Kết quả nghiên cứu. ..................................................................................... 8
2.3.2. Các đồ án thiết kế. ................................................................................................. 9
2.3.2.1. Ý tưởng kiến trúc. ......................................................................................... 9
2.3.2.2. Các phương pháp tiếp cận nghiên cứu. ....................................................... 9
2.3.2.3. Giải pháp thiết kế. ...................................................................................... 11
2.3.3. Các yêu cầu về nội dung trình bày. ..................................................................... 11
2.3.3.1. Vận dụng quy tắc ABC. .............................................................................. 11
2.3.3.2. Sắp xếp nội dung. ....................................................................................... 12
2.4. Phương pháp thuyết trình....................................................................................... 12
2.4.1. Các định định dạng hồ sơ sử dụng trong thuyết trình kiến trúc. ......................... 12
2.4.2. Công cụ thuyết trình . .......................................................................................... 13
2.4.2.1. Nguyên tắc sử dụng các công cụ hỗ trợ trong thuyết trình. ...................... 13
2.4.2.2. Một số công cụ hỗ trợ và cách sử dụng: .................................................... 13
2.4.3. Các bước triển khai. ............................................................................................ 14
2.4.3.1. Chuẩn bị về mặt ngôn ngữ. ........................................................................ 14
2.4.3.2. Chuẩn bị về mặt hành vi (body language). ................................................ 15
2.4.3.3. Cấu trúc của một bài thuyết trình. ............................................................. 15
2.5. Các ví dụ minh họa. ................................................................................................ 17

i
3. KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI MÔN HỌC..................................................................... 18
3.1. Kế hoạch và phương pháp giảng dạy. .................................................................... 18
3.2. Yêu cầu đối với người học và cơ sở vật chất giảng đường. ................................... 19
3.2.1. Với người học...................................................................................................... 19
3.2.2. Cơ sở vật chất giảng đường. ................................................................................ 19
3.3. Phương pháp đánh giá học phần. .......................................................................... 19
3.3.1. Hình thức đánh giá. ............................................................................................. 19
3.3.2. Tiêu chí đánh giá. ................................................................................................ 19
3.3.3. Ma trận chuẩn đầu ra và phương pháp đánh giá học phần. ................................. 20
4. TÀI LIỆU THAM KHẢO. ........................................................................................... 21

ii
KỸ NĂNG THUYẾT TRÌNH KIẾN TRÚC
ARCHITECTURE PRESENTATION METHOD
(Tài liệu GD dùng cho SV năm thứ 2 - Khoa Kiến trúc - ĐH Kiến trúc HN)
1. GIỚI THIỆU CHUNG.
1.1. Tên học phần:
PHƯƠNG PHÁP THUYẾT TRÌNH KIẾN TRÚC
(Architecture Presentation Method)
1.2. Mã học phần:
KT0404
1.3. Số tín chỉ:
01 TC, trong đó Lý thuyết: 15 tiết; Thực hành: 0 tiết
1.4. Loại học phần:
Bắt buộc
1.5. Học phần tiên quyết:
- Nhập môn kiến trúc.
- Thiết kế kiến trúc 1 (Đồ án K1).
1.6. Bộ môn phụ trách:
Kiến trúc công trình công cộng.
1.7. Mô tả vắn tắt học phần:
“Kỹ năng thuyết trình kiến trúc” là học phần bắt buộc thuộc khối kiến thức cơ
bản của chương trình đào tạo ngành Kiến trúc. Học phần trang bị cho sinh viên những
hiểu biết cơ bản về thuyết trình và thuyết trình kiến trúc (các khái niệm & thuật ngữ; các
nguyên tắc chung); các nội dung chuyên môn (các vấn đề / khía cạnh kiến trúc; đặc điểm
về chức năng / hoạt động…) cần phải làm rõ trong các bài thuyết trình để nêu bật giá trị
của phương án thiết kế. Kèm theo đó là kỹ năng sử dụng các công cụ (phần mềm, phần
cứng) để thực hiện việc trình bày và thuyết trình kiến trúc có hiệu quả. Ngoài ra, sinh
viên phải thành thạo một số kỹ năng làm việc cần thiết (theo định hướng CDIO) để hoàn
thành bài trình bày kết thúc học phần.
1.8. Chuẩn đầu ra của học phần :
“Kỹ năng thuyết trình kiến trúc” trang bị cho người học các khái niệm, nội dung
và các nguyên tắc cơ bản để triển khai thực hiện một hồ sơ thuyết trình, đảm bảo chính
xác về nội dung và hiệu quả về khả năng truyền đạt.

1
Sau khi hoàn thành môn học, người học có khả năng vận dụng các kiến thức / kỹ
năng được học một cách hiệu quả trong làm việc nhóm để hoàn thành các yêu cầu cụ
thể của từng giai đoạn công việc:
- Tìm kiếm / sàng lọc / sắp xếp/ phân loại dữ liệu thông tin;
- Phân tích, tìm hiểu vấn đề / đối tượng nghiên cứu một cách logic, có so sánh / đối
chiếu;
- Hệ thống hóa dữ liệu thông tin dẫn dắt quá trình tư duy dẫn đến ý tưởng và giải
pháp thiết kế bằng các công cụ thích hợp;
- Sử dụng các công cụ thích hợp và tận dụng thế mạnh của các thành viên trong
nhóm làm việc để trình bày nội dung nghiên cứu một cách hợp lý / hiệu quả /
thuyết phục.
1.9. Giáo trình và tài liệu tham khảo:
1.9.1. Giáo trình:
Tài liệu cụ thể do GV chỉ định (theo dạng công trình / loại hình đang xét).
1.9.2. Tài liệu tham khảo:
- ĐH Kiến trúc Hà Nội, Phương pháp thiết kế kiến trúc, 2003 - Giáo trình môn
học.
- ĐH Kiến trúc Hà Nội, Thiết kế nhanh, 2019 - Giáo trình môn học.
- Khuất Tân Hưng, Phương pháp nghiên cứu khoa học - Chuyên ngành Kiến trúc,
2017 - Giáo trình môn học.
- Dương Thị Liễu, Kỹ năng thuyết trình, 2011 - NXB ĐH Kinh tế quốc dân.
- Tim Hindle, Cẩm Nang Quản Lý Hiệu Quả - Kỹ Năng Thuyết Trình, 2008 – NXB
tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
- Francis D.K. Ching, Architecture Form, Space, & Order, 2015 – John Wiley &
Sons, Inc.
- Francis D.K. Ching, Architectural Graphics (6th edition), 2015 – John Wiley &
Sons, Inc.
- Jeffrey Balmer & Michael T.Swisher, Diagramming the Big Idea, 2013 – Taylor
& Francis.
- Lorraine Farrelly, The Fundamental of Architecture, 2012 - AVA Publishing SA.
- Quentin Pickard (editor), The Architects’ Handbook, NXB Blackwell.

2
2. NỘI DUNG CHI TIẾT HỌC PHẦN.
2.1. Khái niệm.
2.1.1. Thuyết trình.
Thuyết trình là một công cụ giao tiếp hữu hiệu được đề cập đầu tiên ở Ai Cập
cách đây khoảng 4500 năm. Đặc biệt, vào thế kỷ thứ 3 TCN, thuyết trình đã được
Aristotle (384-322) mô tả chi tiết về cách nói và thuyết phục có hiệu quả trong quyển
sách “Thuật hùng biện”. Ông cho rằng thuyết trình là một nghệ thuật, theo ông, có 3 yếu
tố mà nhà thuyết trình phải vận dụng: ethos (sự chuẩn xác), pathos (sự truyền cảm, lay
động) và logos (sự hợp lý).
Ngày nay vẫn có nhiều cách hiểu khác nhau về thuyết trình:
- Thuyết trình là quá trình truyền tải một chủ đề tới khán giả (Wikipedia).
- Thuyết trình là hoạt động do giáo viên tổ chức nhằm yêu cầu học sinh thể
hiện khả năng giao tiếp tốt nhất (Byrne - 1989).
- Thuyết trình là quá trình truyền đạt những thông điệp đã được xác định trước
một cách có hệ thống cho một nhóm người nghe.
- …
Có thể sử dụng phương pháp chiết tự Hán Việt để tìm hiểu nghĩa của thuật ngữ này:
 Thuyết (說): Động từ
- Nói, giảng. (Từ điển phổ thông).
- Nói, giải thích, giảng giải. Như: “diễn thuyết” 演說 nói rộng ý kiến mình cho
nhiều người nghe, “thuyết minh” 說明 nói rõ cho người khác hiểu.(Từ điển
trích dẫn).
- Nói, lấy lời nói giải thích rõ sự vật gì ra gọi là thuyết. Như diễn thuyết 演說,
thuyết minh 說明.(Từ điển Thiều Chửu).
 Trình (呈): Động từ
- Trình ra, đưa ra, dâng lên. (Từ điển phổ thông).
- Lộ ra. Như: “trình hiện” 呈現 hiện ra, lộ ra. (Từ điển trích dẫn).
- Lộ ra, hiện ra (Từ điển Trần Văn Chánh).
 Thuyết trình là trình bày bằng lời trước nhiều người về một vấn đề nào đó nhằm
cung cấp thông tin hoặc thuyết phục, gây ảnh hưởng đến người khác (PGS.TS Dương
Thị Liễu - “Kỹ năng thuyết trình”).
Hiểu rộng ra, cũng có thể coi Thuyết trình là một hình thức giao tiếp trong đó
thuyết trình viên (diễn giả) dựa trên các số liệu / hình vẽ / sơ đồ đã chuẩn bị, với sự hỗ
trợ của các công cụ trình bày, trực tiếp cung cấp thông tin cho khán giả nhằm đạt được
một số mục đích cụ thể.

3
Thường có 2 hình thức thuyết trình được phân loại theo mục đích:
- Thuyết trình trình bày: Cung cấp, chia sẻ, phổ biến thông tin hay truyền tải
một quan điểm / một thông điệp (thiết kế) cho người nghe.
- Thuyết trình bảo vệ / thuyết phục: Đưa ra các căn cứ về số liệu, các cơ sở tính
toán, sử dụng lý lẽ / lập luận logic để dẫn dắt và chứng minh sự hợp lý của
giải pháp đề xuất, qua đó thuyết phục người nghe / người xem đồng thuận
với quan điểm của mình.
Các yếu tố quan trọng để thuyết trình thành công:
- Tư duy logic.
- Khả năng diễn đạt.
- Khả năng thuyết phục.
2.1.2. Thuyết trình kiến trúc (Architecture Presentation Method).
Sản phẩm kiến trúc có 2 thể loại cơ bản là:
- Nghiên cứu lý thuyết.
- Giải pháp thiết kế thực hành.
Mỗi loại đều có những đặc điểm riêng về nội dung, hình thức và trình tự triển
khai  phương pháp / hình thức thuyết trình cũng có những yêu cầu cụ thể khác nhau.
Sử dụng các quan điểm chung về kỹ năng thuyết trình nêu trên áp dụng vào lĩnh
vực kiến trúc chúng ta có khái niệm: “Kỹ năng thuyết trình kiến trúc” là phương pháp
trình bày kết hợp giữa lời nói (âm thanh) và bản vẽ (hình ảnh) nhằm giải thích, làm rõ
các nội dung, đặc điểm, quá trình sáng tác / nghiên cứu (từ ý tưởng / vấn đề nghiên cứu
 giải pháp  kết quả) của một sản phẩm kiến trúc (lý thuyết / thực hành) bằng các
công cụ âm thanh (lời nói / âm nhạc…) và hình ảnh (ảnh minh họa, bản vẽ, sơ đồ, chữ
viết…), để dẫn dắt thuyết phục người nghe đến sự hiểu và chấp thuận giải pháp hay công
nhận giá trị của sản phẩm kiến trúc.
Do thuyết trình còn có thể hiểu theo nghĩa rộng là một hình thức giao tiếp, hơn
nữa trong kiến trúc rất cần có sự trao đổi / thảo luận để có thể hiểu rõ nét và thấu đáo
các vấn đề chuyên môn được diễn giả trình bày  thuyết trình kiến trúc cần tích hợp
hoạt động hỏi đáp, chất vấn / trả lời chất vấn để nâng cao chất lượng và hiệu quả thuyết trình.
2.2. Mục đích - Yêu cầu.
2.2.1. Mục đích:
Mục đích cơ bản của một bài thuyết trình là phải truyền đạt chính xác, mạch lạc
và dễ hiểu các vấn đề liên quan đến nội dung khoa học. Bắt đầu từ nguồn dữ liệu sử
dụng, đến phương pháp triển khai và kết quả nghiên cứu  làm rõ các thông điệp nội
dung, thuyết phục người nghe bằng sự chặt chẽ và logic trong dẫn dắt, suy diễn, qua đó
chứng minh sự hợp lý, đáng tin cậy của kết quả nghiên cứu.

4
2.2.2. Yêu cầu:
- Nêu bật độ chính xác, tính cập nhật và đáng tin cậy của nguồn dữ liệu.
- Làm rõ tính hợp lý / hiệu quả của phương pháp tiếp cận nghiên cứu.
- Đảm bảo mạch suy diễn / dẫn dắt phải logic, mạch lạc và chặt chẽ. Người thuyết
trình phải làm chủ nội dung nghiên cứu, có khả năng sâu chuỗi các vấn đề / nội
dung khoa học theo một trình tự hợp lý, có khả năng diễn thuyết cuốn hút và sử
dụng các công cụ / phần mềm hỗ trợ hiệu quả để trình bày một cách chính xác,
không gây hiểu nhầm.
- Các kết quả nghiên cứu phải được truyền đạt rõ ràng, cô đọng, làm nổi bật giá trị
đạt được của nghiên cứu.
- Đảm bảo chất lượng âm thanh (lời nói) và hình ảnh (bản vẽ, sơ đồ, hình minh
họa…) của bài thuyết trình để tăng hiệu quả truyền đạt / thuyết phục.
2.3. Xây dựng nội dung bài thuyết trình.
2.3.1. Các nghiên cứu lý thuyết.
Đối với các nghiên cứu lý thuyết, nội dung nghiên cứu phải bám sát các định hướng
trong đề cương nghiên cứu được hoạch định từ đầu. Như vậy, nội dung bài thuyết trình
cũng phải thể hiện rõ được cấu trúc nội dung và mạch suy diễn / dẫn dắt theo trình tự:
- Xác định vấn đề nghiên cứu.
- Các tài liệu / số liệu liên quan.
- Làm rõ mục đích - mục tiêu nghiên cứu.
- Trình bày đề cương nghiên cứu.
- Làm rõ các cơ sở và phương pháp nghiên cứu.
- Thể hiện rõ kết quả nghiên cứu.
2.3.1.1. Vấn đề nghiên cứu.
Vấn đề nghiên cứu là những điều chưa biết hoặc chưa biết thấu đáo về bản chất
hoặc hiện tượng cần được làm rõ trong quá trình nghiên cứu.
Việc xác định và nắm bắt vấn đề nghiên cứu có ảnh hưởng nhiều nhất đến sự
thành công của bài thuyết trình. Không nên đề cập đến quá nhiều vấn đề mà nên tập
trung đi sâu vào các vấn đề trọng yếu. Chúng ta sẽ trở nên tự tin, trình bày lưu loát, thoải
mái, lôi cuốn khi chúng ta biết rõ mình đang nói điều gì. Có một số yếu tố ảnh hưởng đến
chất lượng của một bài thuyết trình mà diễn giả cần phải cân nhắc và chuẩn bị kỹ lưỡng:
- Sự tương đồng về vốn kiến thức, kinh nghiệm, chuyên môn của diễn giả với vấn
đề nghiên cứu.
- Mức độ quan tâm, hứng thú của diễn giả với vấn đề nghiên cứu tạo nên sự lôi
cuốn của bài thuyết trình.

5
- Lòng nhiệt tình, sự say mê là một chất men giúp diễn giả truyền cảm hứng và có
sức tác động mạnh mẽ đến người nghe.
2.3.1.2. Các tài liệu - số liệu.
Là tập hợp những vấn đề (các khái niệm / lý thuyết), những nghiên cứu đã công
bố có liên quan đến định hướng nghiên cứu (các phương pháp và kết quả đã đạt được).
Trong bài thuyết trình, diễn giả không chỉ liệt kê mà phải có phân tích, đánh giá: nêu
những vấn đề còn tồn tại, chỉ ra những vấn đề cần tập trung nghiên cứu, giải quyết   chỉ
ra mối quan hệ của chúng với vấn đề nghiên cứu.
Kết quả bài thuyết trình phụ thuộc khá nhiều vào công việc tìm kiếm và sắp xếp thông
tin. Việc chuẩn bị tài liệu và số liệu nghiên cứu nên được thực hiện theo quy trình sau:
- Tìm kiếm tài liệu liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu.
- Chọn lọc tài liệu phù hợp với định hướng nghiên cứu.
- Sắp xếp / tổ chức các tài liệu đã thu thập được theo trình tự phát triển của nội
dung nghiên cứu.
- Đọc và ghi chú về các tài liệu thu thập được, ghi rõ nguồn và thời gian công bố.
- Phân tích đánh giá các nghiên cứu đã công bố.
- Mối liên hệ với vấn đề nghiên cứu.
2.3.1.3. Mục đích - mục tiêu nghiên cứu.
Mục đích nghiên cứu (research aim / purpose) nhằm mô tả một mục đích cụ thể
hoặc định hướng nghiên cứu. Mục đích nghiên cứu chính là kết quả, giải pháp mà người
nghiên cứu hướng đến khi sử thực hiện nghiên cứu khoa học. Mục đích nghiên cứu có
thể hiểu chính là ý nghĩa thực tiễn của một nghiên cứu khoa học. Mục đích nghiên cứu
được sử dụng để trả lời cho câu hỏi: kết quả của nghiên cứu này được sử dụng để làm
gì, đó cũng là giải pháp mà người nghiên cứu đang tìm kiếm và hướng tới thông qua kết
quả của nghiên cứu khoa học.
Mục tiêu nghiên cứu (research objective) là mốc chuẩn để người nghiên cứu xây
dựng phương pháp nghiên cứu khoa học phù hợp, là nhiệm vụ trực tiếp của các hoạt
động nghiên cứu. Mục tiêu nghiên cứu được sử dụng để trả lời cho câu hỏi: làm cái gì?
Mục tiêu nghiên cứu đề tài khoa học cần đảm bảo 5 tiêu chuẩn: “SMART”:
- S (Specific) : Cụ thể và rõ ràng.
- M (Measurable) : Có thể đo lường được.
- A (Achievable) : Khả thi.
- R (Realistic) : Hiện thực.
- T (Timely) : Có thời gian quy định cụ thể.

6
Khi thuyết trình, diễn giả phải nắm vững mục đích - mục tiêu nghiên cứu, từ đó
xác định mục đích của bài thuyết trình và những mục tiêu cụ thể cần đạt được. Một bài
thuyết trình được coi là tốt nếu đạt được các tiêu chí cơ bản sau:
- Không làm mất thời gian của người nghe.
- Cấu trúc mạch lạc, chặt chẽ.
- Thực hiện bài thuyết trình lôi cuốn và hấp dẫn.
- Nhấn mạnh được những điểm quan trọng.
- Tạo lập được mối quan hệ thân thiện với người nghe.
2.3.1.4. Đề cương nghiên cứu.
- Là văn bản nhằm chỉ ra những vấn đề sau:
- Ý nghĩa thiết thực của vấn đề nghiên cứu.
- Sự phù hợp và tính khả thi của các phương pháp nghiên cứu dự kiến sử dụng.
- Các kết quả dự kiến.
- Kế hoạch dự kiến và phương tiện triển khai.
Dựa trên cấu trúc nội dung của đề cương nghiên cứu, diễn giả phác thảo những
nội dung chính dự định sẽ trình bày, điều này đóng vai trò rất quan trọng, đảm bảo sự
mạch lạc, chặt chẽ của bài thuyết trình. Nó cho phép diễn giả trình bày các vấn đề theo
đúng trật tự và làm người nghe dễ hiểu hơn. Đồng thời, đó cũng là cách giúp hạn chế
việc bỏ sót các nội dung cần trình bày.
Trình tự sắp xếp các vấn đề chính và trọng tâm của từng vấn đề sẽ ảnh hưởng đến
thông điệp truyền tải tới người nghe. Có rất nhiều cách khác nhau để trình bày các vấn
đề chính:
- Trình bày từng vấn đề;
- Trình bày một nhóm các vấn đề có liên quan;
- Trình bày theo thứ tự căn cứ vào mức độ quan trọng và mối quan hệ về nội dung
giữa các vấn đề;
- Trình bày theo diễn biến thời gian.
2.3.1.5. Các phương pháp nghiên cứu.
Phương pháp nghiên cứu là tất cả những phương pháp / kỹ thuật được sử dụng
trong quá trình nghiên cứu, là cách làm việc của chủ thể nghiên cứu nhằm vào các đối
tượng nghiên cứu cụ thể. Phương pháp nghiên cứu là cách làm việc của chủ thể nên nó
gắn chặt với chủ thể  phương pháp xuất hiện chủ quan, thể hiện năng lực nhận thức, tư
duy, sáng tạo của chủ thể. Phương pháp nghiên cứu xuất phát từ đặc điểm của đối tượng
và gắn chặt với đối tượng  phương pháp có tính khách quan. Tính khách quan quy
định việc chọn cách này hay cách kia trong làm việc của chủ thể để phù hợp với đặc
điểm của đối tượng nghiên cứu.

7
Phương pháp nghiên cứu gắn chặt với nội dung của các vấn đề cần nghiên cứu.
Phương pháp là hình thức vận động của nội dụng. Nội dung công việc quy định phương
pháp hoạt động  mỗi đề tài khoa học đều có phương pháp cụ thể.
Có 3 nhóm phương pháp nghiên cứu cơ bản:
- Nhóm các phương pháp liên quan đến thu thập dữ liệu / số liệu (Nghiên cứu tài
liệu, thực nghiệm, phi thực nghiệm): Đây là một trong phương pháp phổ biến áp
dụng cho hầu hết các bộ môn cũng như các lĩnh vực khoa học. Phương pháp
này sử dụng những thông tin đã sẵn có từ các nguồn khác nhau cũng như thu thập
trực tiếp thông qua phỏng vấn và đối mặt trực tiếp với sự vật hiện tượng. Với
những bộ câu hỏi tự xây dựng để đưa ra cho mình những tóm lại có ảnh
hưởng nhất.
- Nhóm các phương pháp xử lý và phân tích dữ liệu (Hiệu chỉnh, phân loại, lập
bảng thống kê  phân tích định tính / định lượng): Bao gồm một loạt hoạt động
liên quan chặt chẽ với nhau được thực hiện nhằm mục đích tổng kết các dữ liệu
thu thâp được và tổ chức chúng sao cho chúng trả lời được các câu hỏi nghiên
cứu (mục tiêu nghiên cứu).
- Nhóm các phương pháp được sử dụng để đánh giá độ chính xác của các kết quả
đạt được.
2.3.1.6. Kết quả nghiên cứu.
- Những thông tin phát hiện về quy luật của sự vật, hiện tượng.
+ Nghiên cứu mô tả.
+ Nghiên cứu so sánh.
+ Nghiên cứu quá trình.
+ Nghiên cứu đánh giá.
+ Nghiên cứu mối quan hệ.
+ Nghiên cứu mô phỏng.
- Những giải pháp đề xuất.
+ Nghiên cứu thực nghiệm.
+ Nghiên cứu giải pháp.
+ Nghiên cứu dự báo.
- Những mẫu vật với những thông số có giá trị khả thi về mặt kỹ thuật.
+ Nghiên cứu thực nghiệm.
+ Nghiên cứu giải pháp.

8
2.3.2. Các đồ án thiết kế.
2.3.2.1. Ý tưởng kiến trúc.
Đối với các đồ án thiết kế, bài thuyết trình phải thể hiện được quá trình hình thành
ý tưởng như là sự mở đầu cho quá trình sáng tác kiến trúc. Ý tưởng là khởi điểm của
sáng tác, nhưng không phải đến lúc có ý tưởng thì tư duy sáng tạo mới bắt đầu, mà đã
phải được vận hành từ trước đó trong giai đoạn nghiên cứu thông tin và dữ liệu ban đầu.
Ý tưởng (hay ý đồ sáng tạo) là kết quả đầu tiên của tư duy sáng tạo kiến trúc, có nghĩa
là tư duy sáng tạo kiến trúc đó phải được vận hành từ trước, ngay từ bước tiếp cận phân
tích các dữ liệu đầu vào để chọn lọc xây dựng ý đồ và phát triển thành ý tưởng  Làm
rõ các bước tiếp cận nghiên cứu để diễn đạt chân thực và thuyết phục quá trình hình
thành của ý tưởng kiến trúc là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của bài thuyết
trình.
2.3.2.2. Các phương pháp tiếp cận nghiên cứu.
- Tiếp cận ý niệm (Conceptual Approach):
Xuất phát từ mục đích và tính chất của công trình để xác định một thông điệp tinh
thần, rồi dùng cơ chế liên hệ / liên tưởng để tìm đến những hình thức biểu đạt thông điệp
đó (ẩn dụ). Vận dụng quy luật về tính thống nhất trong sự đa dạng (nét khái quát chi
phối các biểu hiện cụ thể - các chi tiết phản ánh thống nhất một tinh thần chung).
Sử dụng hướng tiếp cận ý niệm trong các tình huống phác thảo ý đồ kiến trúc
những công trình mang tính biểu trưng, có mục đích biểu đạt một nội dung tinh thần
hoặc phản ánh một trạng thái tình cảm nhất định. Ý tưởng kiến trúc thường được lấy
cảm hứng từ chính nội dung tinh thần (ý niệm) hay trạng thái tình cảm đó  Nhiệm vụ
của bài thuyết trình là phải làm rõ được được các ý niệm đặc trưng và mối liên hệ với ý
tưởng kiến trúc.
- Tiếp cận bối cảnh luận (Contextual Approach):
Bắt đầu từ việc nghiên cứu phân tích để tìm ra những yếu tố đặc trưng của môi
trường và cảnh quan (bao gồm cả các yếu tố văn hóa - lịch sử) xung quanh địa điểm xây
dựng, từ đó dẫn đến giải pháp phù hợp về hình khối - không gian và các chi tiết kiến
trúc đặc thù. Những yếu tố đặc trưng của môi cảnh địa điểm có thể được chiết xuất từ
các khía cạnh Vật chất / Physical aspects (điều kiện tự nhiên, kỹ thuật,…) và Chức năng
/ Functional aspects (đặc điểm của các hoạt động sống, sinh hoạt,…), cũng như các khía
cạnh Thị giác / Visual aspects (hình thái không gian, diện mạo kiến trúc, cảnh quan đô
thị,..) và Phi thị giác / Non-visual aspects (những giá trị tinh thần về đạo lý / tâm linh,
những cảm nhận về văn hóa, xã hội, truyền thống, lịch sử,..).
Sử dụng hướng tiếp cận bối cảnh luận trong các tình huống phác thảo ý đồ kiến
trúc những công trình được xây dựng tại các địa điểm có yếu tố đặc trưng, hoạt động

9
trong những hoàn cảnh có tính đặc thù, phục vụ những đối tượng có cá tính đặc sắc. Bài
thuyết trình phải thể hiện rõ các đặc điểm nổi bật của bối cảnh và sự ảnh hưởng của
chúng tới ý đồ kiến trúc cũng như các giải pháp thiết kế.
- Tiếp cận cấu trúc luận (Structural Approach).
Trên cơ sở các phân tích về cấu trúc (làm rõ các thành phần sơ cấp và thứ cấp, các
yếu tố cố định và có thể thay đổi, phân khu chức năng, phân tuyến giao thông, cấu trúc
không gian)  Xác định quan hệ / xây dựng liên hệ giữa các thành phần chức năng / các
hoạt động khác nhau về mục đích, tính chất, quy mô, phạm vi, thời điểm (vật chất - tinh
thần, chung - riêng, đóng - mở, sáng - tối, ban ngày - ban đêm,..)  Khai thác các phương
thức tổ chức sử dụng hỗn hợp (không gian đa năng / nén chức năng / đồng địa điểm / vận
hành song song / cộng tác / cộng sinh,…) và các mức độ biểu hiện tính động trong kiến
trúc (cơ động / biến đổi không gian / biến đổi hình thức / hình thái động / linh hoạt,..).
Sử dụng hướng tiếp cận cấu trúc luận trong các tình huống phác thảo ý đồ các
công trình mà cấu trúc không gian được coi là đặc trưng / đặc sắc, là yếu tố chính yếu
truyền cảm hứng để hình thành ý tưởng thiết kế. Một cấu trúc không gian đặc biệt bao
chứa một hoạt động chức năng đặc biệt – có thể cho phép sử dụng linh hoạt / đa dạng /
đa chức năng. Làm rõ các đặc tính cấu trúc và sâu chuỗi các vấn đề để thể hiện mối quan
hệ hữu cơ với các hoạt động chức năng đa dạng được tổ chức ở những không gian bên
trong sẽ làm cho người nghe / xem hiểu rõ hơn về giá trị của giải pháp thiết kế.
- Tiếp cận tổng hợp và đa chiều (Integrated Approach).
Vận dụng kết hợp những yếu tố của các hướng tiếp cận khác nhau (về kỹ thuật -
công nghệ, văn hóa - lịch sử) để đa dạng hóa nguồn thông tin từ những xuất phát điểm
nghiên cứu khác nhau - từ cả cái chi tiết / cụ thể và cái khái quát /toàn thể; từ cả nội
dung bên trong (nội hàm) và hình thức bên ngoài (ngoại diện); kể cả những tiếp cận
ngược chiều - từ sự cảm nhận (cái vô hình)  biểu hiện cảm xúc (bằng cái hữu hình);
từ một vài thời điểm / hiện tượng  tái hiện cả quá trình;...
Mục đích của tiếp cận tổng hợp và đa chiều nhằm chuyển hóa tư duy sáng tạo, từ
trực quan sinh động (quan sát sự vật / hiện tượng cụ thể trong thực tiễn) đến tư duy trừu
tượng (qua cách thức mà sự vật hiện / tượng được phản ánh thông qua cảm nhận của
người nghệ sĩ - trong các tác phẩm nghệ thuật khác như âm nhạc, thơ văn, hội họa,..) để
xây dựng thành ý tưởng kiến trúc.
Tiếp cận tổng hợp đa chiều là phương pháp tiếp cận nghiên cứu phổ biến nhất
trong tư duy sáng tạo kiến trúc, đòi hỏi KTS phải nhạy bén, có khả năng bao quát và
phân tích các dữ liệu đầu vào thuộc tất cả các lĩnh vực: ý niệm, bối cảnh, cấu trúc để tìm
ra các yếu tố đặc thù (phát hiện sáng tạo)  phát triển lên thành ý đồ sáng tạo. Bài thuyết
trình phải đặc biệt chú ý làm rõ quá trình này, từ những phát hiện khách quan chuyển

10
hóa thành các nhận thức / cảm xúc chủ quan của tác giả  sự hình thành ý tưởng kiến
trúc.
2.3.2.3. Giải pháp thiết kế.
Ý đồ sáng tạo không phải là bất biến trong suốt quá trình hình thành tác phẩm
kiến trúc, mà có sự phát triển đồng thời theo 2 chiều hướng ngược nhau. Và cùng với
nó, tư duy sáng tạo kiến trúc cũng vận hành theo 2 chiều: khái quát hoá và cụ thể hoá.
- Theo chiều cụ thể hóa là quá trình vật chất hoá - hiện thực hoá ý đồ sáng tạo (ý
đồ  định hướng  giải pháp  chi tiết) trên nguyên tắc chung là từ trừu tượng
đến cụ thể, từ khái quát đến chi tiết. Từ chỗ là ý định chủ quan trong tư duy của
tác giả, ý đồ được tiếp tục triển khai làm rõ để xác định được các giải pháp và
thông số phù hợp của cái vỏ kiến trúc, tiến tới hình thành các giá trị vật chất của
công trình / tác phẩm. Đó chính là quá trình thiết kế, mặc dù không đồng nhất với
sáng tác, không hẳn là công việc của KTS chủ trì, nhưng vẫn phải thực thi bằng
tư duy sáng tạo kiến trúc.
- Theo chiều khái quát hóa là quá trình tinh thần hoá - lý tưởng hoá (Ý đồ  ý
tưởng  tư tưởng & triết lý). Ý đồ thiết kế được phát triển thành ý tưởng kiến
trúc, rồi nâng cao thành tư tưởng và hệ thống hoá thành triết lý sáng tác chi phối
mọi vấn đề sáng tạo của KTS (quan điểm thiết kế, lý luận phê bình, phương pháp
tiếp cận, phong cách, thủ pháp,..), hình thành giá trị tinh thần của tác phẩm. Ý đồ
càng mới mẻ thì càng cần được khái quát hoá, vì biết được cái khái quát thì sẽ
luận ra được những biểu hiện chi tiết để cụ thể hoá nó.
Các quá trình cụ thể hoá và khái quát hoá trong tư duy sáng tạo kiến trúc tuy đối lập
nhưng không đối kháng (loại trừ nhau) mà bổ sung cho nhau, bằng cách đó tác phẩm kiến
trúc đạt tới sự thống nhất các giá trị vật chất và tinh thần, tức là có giá trị nghệ thuật.
Việc thể hiện chân thực, mạch lạc quá trình hình thành / phát triển của một tác
phẩm kiến trúc từ giai đoạn khởi đầu của tư duy sáng tạo với những bước tiếp cận nghiên
cứu / phân tích dữ liệu  hình thành ý đồ sáng tạo  định hướng và cụ thể hóa thành
giải pháp thiết kế (tổng thể đến chi tiết) sẽ giúp người nghe sâu chuỗi được các vấn đề
theo một mạch logic hoàn chỉnh, có căn cứ, có cơ sở  hiểu biết một cách thấu đáo hơn
về giá trị và thành quả của tác phẩm kiến trúc.
2.3.3. Các yêu cầu về nội dung trình bày.
2.3.3.1. Vận dụng quy tắc ABC.
Accuracy (chính xác):
Thông tin truyền đạt phải chính xác là nguyên tắc tối quan trọng để đảm bảo cho
giao tiếp thành công. “Chính xác” ở đây bao hàm cả việc sử dụng từ ngữ chính xác, nêu
sự kiện chính xác, sử dụng số liệu chính xác và chính xác cả về khả năng thực hiện.

11
Brevity (ngắn gọn):
Thông tin được truyền đạt phải ngắn gọn, có giá trị. Tránh việc trình bày những
thông điệp dài dòng, rườm rà, vòng vo, với nhiều thông tin thừa, không cần thiết   cần
cân nhắc, chọn lọc thật kỹ lưỡng để có được những thông tin vừa đủ để tăng hiệu quả
truyền đạt.
Clarity (rõ ràng):
Thông tin cần truyền đạt một cách rõ ràng, chuẩn xác, tránh dùng những từ ngữ
(hoặc những cách truyền đạt khác) mập mờ, có thể hiểu hai, ba cách khác nhau. Thông
tin truyền đạt càng rõ ràng, dễ hiểu thì càng giảm thiểu được những rủi ro trong giao
tiếp, hiệu quả giao tiếp càng cao.
2.3.3.2. Sắp xếp nội dung.
Để có một buổi thuyết trình thành công, ngoài các yếu tố như: trang phục, giọng
nói, slide trình chiếu… thì nội dung bài thuyết trình vẫn là điều cốt lõi nhất. Nói cách
khác, nội dung là “khung xương” trong bài thuyết trình  Sắp xếp khung xương ấy sao
cho khoa học và logic cũng là một phần quan trọng trong kỹ năng thuyết trình.
Với dàn ý nội dung đã được xây dựng theo các chuẩn mực được nêu tại các mục
2.3.1 và 2.3.2 việc tiếp theo cần làm là phải liên kết những ý lớn đó với nhau để tạo sự
mạch lạc cho bài thuyết trình.
Có một số nguyên tắc sắp xếp nội dung như sau :
- Sắp xếp theo trình tự thời gian.
- Từ đơn giản đến phức tạp.
- Vấn đề đến cách giải quyết.
- Nguyên nhân và hậu quả.
Bám sát vào chủ đề và mục đích của bài thuyết trình để lựa chọn cách sắp xếp
nội dung hợp lý và hiệu quả.
2.4. Phương pháp thuyết trình.
2.4.1. Các định định dạng hồ sơ sử dụng trong thuyết trình kiến trúc.
- Bản vẽ kỹ thuật (Drawings): Hồ sơ các bản vẽ thiết kế từ sơ bộ đến kỹ thuật, tổng
thể đến chi tiết tùy theo tính chất nội dung của bài thuyết trình. Phải rất chú ý vấn
đề quy mô / tỷ lệ của các bản vẽ để có phương án đưa bản vẽ lên trang slide một
cách hợp lý nhất, đảm bảo khả năng nhìn rõ và chính xác các chi tiết và các hệ
thống thông tin khác của bản vẽ kỹ thuật.
- Sơ đồ (Diagrams): Các sơ đồ phân tích cấu trúc (không gian / chức năng…), mối
quan hệ (giao thông / chức năng…), các yếu tố ảnh hưởng (tự nhiên / xã hội),
hoặc dẫn dắt quá trình hình thành ý đồ sáng tạo / nội dung nghiên cứu  giải
pháp thiết kế / kết quả nghiên cứu.

12
- Mô hình (Models): Có thể sử dụng 2 định dạng: Mô hình mô phỏng (physical
model) và mô hình phân tích (diagrammatic model) để minh họa làm rõ các đặc
tính hoặc diễn tả sự phát triển / biến đổi của đối tượng nghiên cứu.
- Ảnh minh họa (Images) và các đoạn phim ngắn (Video clips): Sử dụng chủ yếu
trong việc trình bày các đồ án thiết kế để minh họa hình thức và cấu trúc không
gian, cung cấp cho người xem hình dung và tỷ lệ tương quan với không gian kiến
trúc của giải pháp thiết kế. Với định dạng phim ngắn diễn giả cũng có thể trình
bày giải pháp thiết kế một cách mạch lạc, logic và có mạch dẫn dắt hợp lý. Đặc
biệt có tác dụng trong các trường hợp thuyết trình / trình bày phương án không
có sự xuất hiện của diễn giả.
2.4.2. Công cụ thuyết trình .
2.4.2.1. Nguyên tắc sử dụng các công cụ hỗ trợ trong thuyết trình.
- Đảm bảo tất cả khán / thính giả đều nhìn thấy được.
- Thông tin viết (hình ảnh) không mâu thuẫn với thông tin nói (âm thanh).
- Thu hút khán / thính giả bằng cách sử dụng màu sắc (chú ý đảm bảo không làm
rối mắt hoặc gây nhầm lẫn các thông tin trình bày).
- Thông tin trình bày trên các phương tiện hỗ trợ phải rõ nghĩa, chính xác, cô đọng
và trình bày đẹp.
- Cần phải nhấn mạnh được các ý chính / nội dung chính.
- Phải có tiêu đề cho từng phần.
2.4.2.2. Một số công cụ hỗ trợ và cách sử dụng:
- Bảng trắng:
+ Kiểm tra đúng loại bút viết bảng và bút phải có mực.
+ Đậy nắp sau khi sử dụng.
+ Có khăn lau bảng tránh dùng giấy để lau.
+ Chữ viết rõ ràng và đủ lớn để mọi người có thể nhìn thấy…
- Bảng giấy
+ Sử dụng bút nhiều màu và bút phải có mực.
+ Đậy nắp sau khi sử dụng.
+ Đủ số lượng giấy và bút.
+ Tiêu đề nên viết chữ in hoa.
+ Chữ viết rõ ràng và đủ lớn để mọi người có thể nhìn được.
- Thẻ màu
+ Chọn màu bút thích hợp với màu giấy.
+ Không viết quá sát lên mép trên.
+ Viết theo chiều ngang của thẻ.

13
+ Chọn màu phù hợp với từng mục tiêu.
+ Viết ý chính của nội dung cần trình bày.
- Trang chiếu (slides) và máy chiếu (LCD Projector).
Trang chiếu được thiết kế trong phần mềm PowerPoint. Khi thiết kế trang chiếu
và sử dụng máy chiếu cần chú ý tuân thủ các nguyên tắc sau:
+ Giới hạn không quá 6 nội dung trên 1 slide.
+ Một nội dung không quá 2 dòng (không quá nhiều chữ).
+ Điều chỉnh cỡ chữ phù hợp với không gian và số lượng khán giả. Kiểm soát
tỷ lệ và độ chi tiết của các bản vẽ / sơ đồ phù hợp với khả năng quan sát của
người xem.
+ Ngôn từ nhất quán.
+ Gam màu và hình ảnh thích hợp (hạn chế sử dụng gam màu nóng).
+ Trang chiếu cân đối.
+ Đảm bảo khả năng vận hành của máy chiếu / màn chiếu. Chú ý tỷ lệ khung
hình đồng bộ giữa slide và máy chiếu (4:3 / 16:9...).
+ Đảm bảo khả năng kết nối dữ liệu với máy tính.
+ Chuẩn bị các thiết bị hỗ trợ (cổng chuyển đổi dữ liệu, bút trình chiếu…).
2.4.3. Các bước triển khai.
Sợ hãi / căng thẳng là tâm lý chung của các diễn giả trước các cuộc thuyết trình
quan trọng, đặc biệt là các trong những lần diễn thuyết đầu tiên. Sự lo lắng sợ hãi này
thường bắt nguồn từ sự thiếu tự tin do thiếu kiến thức và không chắc chắn. Thông qua
tập luyện và củng cố nền tảng kiến thức các diễn giả có thể dần dần khắc phục được
những điểm yếu này.
2.4.3.1. Chuẩn bị về mặt ngôn ngữ.
Chuẩn bị từ vựng: Đảm bảo hiểu rõ và chính xác các thuật ngữ chuyên ngành sử
dụng trong bài trình bày. Nên đọc kỹ nhiều lần toàn bộ nội dung thuyết trình cho đến
khi nắm vững, tránh tình trạng vấp và phụ thuộc vào các thông tin xuất hiện trên màn
hình trong khi thuyết trình.
Rèn luyện giọng nói: Trong nghệ thuật diễn thuyết giọng nói đóng vai trò hết sức
quan trọng. Để luyện giọng ta có thể thử khả năng phát âm các nốt thật trầm đến thật
cao. Tập cách nhấn giọng cho đúng, cách dùng ngữ điệu, uốn giọng cho phù hợp với ý
nghĩa của câu nói. Tập nói to, rõ ràng, thong thả, không quá nhanh, quá chậm, có điểm
nhấn, điểm dừng… đảm bảo đúng trọng âm câu, làm nổi bật được các ý chính, nói thu
hút được người nghe luôn tập trung về phía mình.
Việc sử dụng ngôn ngữ lời nói nên tuân thủ theo một số nguyên tắc sau:

14
- Sử dụng ngôn ngữ lời nói một cách tự nhiên, như đang đối thoại với khán
giả. Tránh nói một đều đều không điểm nhấn, đặc biệt tránh việc phụ thuộc hoàn
toàn vào các ý xuất hiện trên màn hình hoặc đọc lại bài thuyết trình đã chuẩn
bị sẵn.
- Thể hiện sự nhiệt tình, đưa ra quan điểm rõ ràng và tích cực, thể hiện sự hứng thú
về chủ đề diễn thuyết thông qua giọng nói và các biểu cảm trên nét mặt. Nét mặt
tươi vui với những nụ cười sẽ giúp diễn giả tự tin hơn và lấy được thiện cảm của
người nghe.
- Giọng điệu trình bày cần rõ ràng, chậm rãi, đủ nghe, tránh nói lắp bắp, lòng vòng,
lan man chỉ một vấn đề.
- Ngôn từ đơn giản, dễ hiểu, tránh gây hiểu nhầm. Sử dụng thành thạo phương tiện
hỗ trợ để giúp người nghe dễ hiểu hơn.
2.4.3.2. Chuẩn bị về mặt hành vi (body language).
Bên cạnh chuẩn bị ngôn ngữ cho tốt, các mặt như cử chỉ, ánh mắt, tư thế, trang
phục cũng quan trọng không kém. Có thể luyện tập trước gương hoặc trước các bạn bè
trong nhóm, đây là cơ hội để chỉnh sửa các động tác khi thuyết trình, đón nhận những
lời góp ý bổ ích từ phía người nghe. Quá trình tập luyện sẽ giúp biến những động tác,
cử chỉ, phong thái thành thói quen.
- Giao tiếp bằng mắt (eye contact): Duy trì sự giao tiếp bằng mắt với khán giả để
tăng sự tin cậy, tăng sự thích thú, tập trung nơi khán giả, và bạn cũng có thể nhận
ra được sự phản hồi ngầm từ khán giả đối với bài thuyết trình của mình.
- Nét mặt: Giữ nét mặt thân thiện, cởi mở với nụ cười. Thái độ tích cực và thân
thiên của diễn giả sẽ làm người nghe cảm thấy thư giãn hơn. Đừng để quá nghiêm
nghị hay cứng nhắc từ đầu đến cuối.
- Điệu bộ: Giữ điệu bộ tự nhiên, tránh những cử chỉ lặp lại. Có thể dùng cử chỉ
tay để nhấn mạnh các điểm chính / ý chính và thu hút sự chú ý của khán giả.
- Cách đi đứng: Một dáng điệu và sự di chuyển tốt sẽ truyền tải được sự tự tin,
chuyên nghiệp, và đáng tin cậy.
2.4.3.3. Cấu trúc của một bài thuyết trình.
Để thu hút người nghe và trình bày những vấn đề định nói một cách đầy đủ, theo
trình tự hợp lý và logic, một bài thuyết trình cần được xây dựng với cấu trúc: Phần mở
đầu, phần khai triển và phần kết thúc một cách rõ ràng, thời gian cho từng mục được
xây dựng có kế hoạch, với mỗi ý đều có những dẫn chứng và minh họa thuyết phục.
- Phần mở đầu: Chào hỏi, giới thiệu khái quát về nội dung, nhấn mạnh nội dung
chính, và dự kiến thời gian thuyết trình. Đây là phần quan trọng nhất của bài thuyết
trình, là bước tiếp xúc đầu tiên với khán giả. Việc tạo ấn tượng tốt ở bước khởi đầu này

15
rất có ý nghĩa. Phần mở đầu cần tự nhiên, gây ấn tượng, ngắn gọn, lôi cuốn sự chú ý của
khán giả. Đồng thời cũng cần tạo ra sự khái quát rất cao đặc biệt là phải lôi cuốn, truyền
cảm hứng cho khán giả và làm rõ chủ đề của bài thuyết trình.
Có 2 cách mở đầu là mở đầu trực tiếp và mở đầu gián tiếp:
Dẫn nhập trực tiếp: Người thuyết trình giới thiệu trực tiếp chủ đề và nội dung bài
thuyết trình. Hình thức này thường được thực hiện với những bài nói có nội dung
làm quen, thời gian thuyết trình ngắn hoặc những bài giảng, bài thuyết trình có
tính chất thông báo, giải thích.
Dẫn nhập gián tiếp: Người thuyết trình đưa ra một lập luận nào đó rồi dẫn dắt
người nghe đến với chủ đề của bài thuyết trình. Với việc mở đầu theo phương pháp gián
tiếp người thuyết trình có nhiều cách để tạo ấn tượng và lôi cuốn khán giả tập trung vào
bài thuyết trình của mình ngay từ những phút ban đầu:
+ Dẫn nhập theo lối tương phản: Bắt đầu bằng việc nhấn mạnh những mâu
thuẫn hoặc những vấn đề đối lập song song tồn tại.
+ Dẫn nhập từ từ theo lối kể chuyện: Sử dụng một câu chuyện / hiện tượng
trong cuộc sống để minh họa và dẫn nhập vào các vấn đề chính.
+ Dẫn nhập bằng cách đặt câu hỏi: Tăng tương tác và kéo khán giả nhập cuộc
ngay từ đầu.
+ Dẫn nhập bằng cách trích dẫn: Phương pháp này tương đối thông dụng. Diễn
giả thường bắt đầu bằng việc nhắc lại một câu danh ngôn của một nhân vật
nổi tiếng có liên quan đến chủ đề diễn thuyết.
+ Đặt ra tình huống: “Giả sử rằng…”.
Tất cả những vấn đề đưa ra giúp cho khán giả có một định hướng ban đầu, và họ
sẽ chăm chú tiếp tục lắng nghe những phần tiếp theo. Mỗi loại bài thuyết trình có những
đặc điểm nội dung khác nhau, phong cách của người thuyết trình cũng khác nhau. Vì
vậy người thuyết trình cần phải dựa vào đặc điểm riêng đó để chọn cho mình cách mở
đầu phù hợp nhất.
- Phần khai triển:
Bất kỳ nội dung bài thuyết trình nào cũng cần phải có mạch dẫn dắt một cách
logic và được trình bày một cách rõ ràng với thông tin đầy đủ. Nội dung khai triển chính
là các vấn đề đã được đề cập trong phần “Xây dựng nội dung thuyết trình”, liên quan
trực tiếp đến hai loại sản phẩm là Nghiên cứu lý thuyết và Đồ án kiến trúc, diễn giả cần
bám sát dàn ý trong đề cương để soạn thảo nội dung. Trình tự nội dung cũng phải tuân
thủ theo mạch dẫn dắt đã được hoạch định từ trước. Đặt các nội dung / sự kiện quan
trọng, thú vị nhất lên đầu tiên. Trong khi thuyết trình, nhiều khi bạn phải sử dụng đến
hình ảnh, bản vẽ, dẫn chứng minh họa như đồ thị, hình ảnh, bảng số liệu thống kê...

16
Sử dụng ngôn ngữ lời nói, ngôn ngữ cơ thể kết hợp các công cụ hỗ trợ để trình
bày và dẫn dắt mạch nội dung một cách logic, rõ ràng, mạch lạc, đảm bảo truyền đạt
chính xác các thông điệp của nghiên cứu / phương án thiết kế đến người nghe, làm nổi
bật các giá trị tích cực và thành tựu đạt được. Khi thuyết trình chú ý sự khác nhau giữa
văn nói và văn viết, để tạo ấn tượng trực tiếp hãy tích cực sử dụng ngôi thứ nhất và thứ
hai (tôi, các bạn) và các động từ chủ động.
Nắm bắt cơ hội giao lưu với khán giả để đảm bảo hiệu quả truyền đạt, giảm căng
thẳng và khảo sát mức độ tiếp thu của khán giả về các vấn đề được trình bày  phải có
kỹ năng đặt câu hỏi và trả lời / giải quyết các câu hỏi  dẫn dắt các câu trả lời của khán
giả theo đúng hướng, đúng mạch nội dung.
Phân bổ thời gian thuyết trình hợp lý, đảm bảo thời lượng đủ cho việc truyền tải
thông tin ở cả ba phần mở đầu, khai triển, và kết thúc. Kiểm soát thời gian là một kỹ
năng rất quan trọng tạo nên uy tín và sự cuốn hút của diễn giả, tâm lý thoải mái của khán
giả  tăng mức độ tin cậy và hiệu quả truyền đạt của các bài thuyết trình. Kỹ năng này
cần có nhiều thời gian luyện tập làm tăng khả năng kiểm soát thời gian và tăng sự nhạy
bén trong cảm nhận các biểu hiện phản hồi từ khán giả, từ đó có các quyết định đúng
đắn về thời điểm kết thúc bài thuyết trình.
- Phần kết thúc.
Chúng ta không thể chỉ có mở đầu bài thuyết trình lôi cuốn, nội dung nhiều thông
tin hấp dẫn nhưng kết thúc lại hụt hẫng, Kết thúc một buổi thuyết trình không đồng
nghĩa với sự kết thúc của mọi việc. Nói trên một khía cạnh nào đó thì đó là một sự bắt
đầu mới. Ở phần này, diễn giả phải thực hiện một số công việc cụ thể như sau:
+ Tóm tắt những ý chính: Một bản tóm tắt sẽ đặc biệt thích hợp cho những bài
nói dài, chia làm những luận điểm / những nhóm nội dung cụ thể.
+ Đưa ra các góc nhìn khác (thậm chí đối lập) gợi mở cho khán giả tiếp tục tư
duy: Cách kết thúc này rất có tác dụng ở những bài thuyết trình mang tính
thuyết phục người nghe, có khả năng làm nổi bật những ưu điểm của kết quả
nghiên cứu / phương án thiết kế vì đặt trong một mối tương quan mạnh mẽ.
+ Cung cấp những trích dẫn thích hợp.
+ Minh họa để làm rõ các ý chính.
+ Khơi gợi, truyền cảm hứng cho các ý tưởng sáng tạo mới.
+ Giải đáp các thắc mắc (nếu có).
+ Nói lời kết: Cảm ơn khán giả, bày tỏ nguyện vọng tiếp tục nhận được các ý
kiến đóng góp, mong muốn giữ liên lạc với những người tham gia.
2.5. Các ví dụ minh họa.

17
3. KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI MÔN HỌC
3.1. Kế hoạch và phương pháp giảng dạy.
Số Chuẩn đầu Phương pháp
Nội dung
tiết ra học phần giảng dạy
01 - Các khái niệm cơ bản & thuật ngữ liên quan. G1.1 Bài giảng
04 - Các phương pháp trình bày: G1.2 Bài giảng
+ Sơ đồ hóa.
+ Thuyết minh.
+ Dàn trang.
+ Thuyết trình.
01 - Giao nhiệm vụ bài tập nghiên cứu. G1.3, G2.1 Bài giảng /
Thảo luận
01 - Đặc điểm về chức năng & các loại hoạt động. G2.2, G2.3, Bài giảng
01 - Đặc điểm về quan hệ với đô thị  QH tổng thể. G3.2
01 - Đặc điểm về cấu trúc và các khía cạnh đặc
trưng trong ý tưởng và hình thức kiến trúc.
01 - Áp dụng phân tích các bài tập. G1.3, G2.1, Thảo luận
G4.1, G4.2
01 - Dàn trang / trình bày trên khổ lớn. G1.2, G2.3, Bài giảng
01 - Tuyển tập nghiên cứu / đồ án (Portfolio). G3.1, G3.2
01 - Diễn thuyết / trình bày (Slide, Timming…) G2.2, G3.3
02 - Áp dụng trình bày các bài tập nghiên cứu. G1.3, G2.2, Thảo luận
G3.2, G3.3

BÀI TẬP NGHIÊN CỨU VÀ PHÂN TÍCH G2.2, G2.3, SV chủ động
G3.1, G3.3 làm việc

 Các bài tập thực hành giao cho SV lấy cơ sở dữ liệu từ chính các đồ án Thiết kế
kiến trúc 1 (Đồ án K1) của cá nhân SV để triển khai xây dựng bài nội dung bài
thuyết trình.

18
3.2. Yêu cầu đối với người học và cơ sở vật chất giảng đường.
3.2.1. Với người học.
- Tham dự tối thiểu 80% tổng số các buổi học trên lớp.
- Hoàn thành các bài tập theo yêu cầu của giảng viên.
- Có tinh thần chủ động, tích cực, cầu thị và chuyên nghiệp.
3.2.2. Cơ sở vật chất giảng đường.
- Có máy chiếu, màn chiếu, bảng.
- Có micro và hệ thống trang âm.
3.3. Phương pháp đánh giá học phần.
3.3.1. Hình thức đánh giá.
- Tự luận: □
- Trắc nghiệm: □
- Hình thức khác: ■
Trong quá trình học, SV sẽ được giao một số bài tập để rèn luyện kỹ năng xây
dựng nội dung thuyết trình. Bài tập lớn cuối môn sẽ được tiến hành dựa trên cơ sở dữ
liệu của đồ án Thiết kế kiến trúc 1 (Đồ án K1), sinh viên có nhiệm vụ chuẩn bị nội dung,
dàn trang trên slide PowerPoint hoặc chuyển hóa thành video clip và tiến hành thuyết
trình. Bài trình bày yêu cầu có sự tổng hợp kiến thức / kỹ năng xây dựng nội dung và kỹ
năng trình bày, diễn thuyết, sẽ được coi là sản phẩm cuối môn để đánh giá kết quả.
3.3.2. Tiêu chí đánh giá.
- Có sự phát triển / tiến bộ trong nhận thức.
- Là kết quả logic của kiến thức và kỹ năng chuyên môn.
- Thể hiện rõ quy trình nghiên cứu (phân tích & tổng hợp).
- Chất lượng thuyết trình tốt / trình bày hiệu quả.

19
3.3.3. Ma trận chuẩn đầu ra và phương pháp đánh giá học phần.
Các phương pháp đánh giá
Chuẩn đầu
Chuẩn đầu Thông tin Thảo Hoàn Thuyết Bài tập Đi học
ra
ra & Dữ luận & thành trình nghiên đầy đủ
CTĐT
Học phần liệu chia sẻ nhiệm vụ cứu
1.1, 1.2 G1.1 - G1.3 • • • • •
(kiến thức)
2.3.1, 2.3.4, G2.1 - G2.3 • • • •
2.4.1, 2.9.1 (kỹ năng nghề)
3.1.1, 3.2.1, G3.1, G3.3 • • •
3.4.1, 3.4.3 (kỹ năng mềm)
4.1.2 G4.1, G4.2 • • • •
4.2.1 (thái độ)
 Điểm kết thúc học phần: 10
Học phần được đánh giá thông qua ý thức học tập của sinh viên (điểm quá trình
- 30%) và chất lượng bài thực hành nghiên cứu (điểm chuyên môn - 70%). Thành phần
các điểm quá trình & điểm chuyên môn gồm:

Điểm Điểm
STT Phương pháp đánh giá quá trình chuyên
môn

Ý thức & thái độ học tập


1 Chuyên cần (vắng mặt không quá 1 buổi) 1.0
2 Hoàn thành bài tập / bài luận cuối học phần 1.0
3 Thảo luận / Thuyết trình / Chia sẻ thông tin 1.0
Kiến thức & kỹ năng chuyên môn
4 Khai thác thông tin Thông tin kiến trúc (cơ bản) 2.0
Thông tin đặc thù (mở rộng) 1.0
5 Nội dung Kiến thức lý thuyết chung 2.0
Phân tích của cá nhân 2.0

Tổng 10 3.0 7.0

20
4. TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Các tài liệu tiếng Việt
1. ĐH Kiến trúc Hà Nội (2003), Phương pháp thiết kế kiến trúc. Giáo trình môn
học.
2. ĐH Kiến trúc Hà Nội (2019), Thiết kế nhanh. Giáo trình môn học.
3. Khuất Tân Hưng (2017), Phương pháp nghiên cứu khoa học - Chuyên ngành
Kiến trúc. Giáo trình môn học.
4. Dương Thị Liễu (2011), Kỹ năng thuyết trình - NXB ĐH Kinh tế quốc dân.
5. Tim Hindle (2008), Cẩm Nang Quản Lý Hiệu Quả - Kỹ Năng Thuyết Trình -
NXB tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
Các tài liệu tiếng Anh
6. Francis D.K. Ching (2015), Architecture Form, Space, & Order – John Wiley &
Sons, Inc.
7. Francis D.K. Ching (2015), Architectural Graphics (6th edition) – John Wiley &
Sons, Inc.
8. Jeffrey Balmer & Michael T.Swisher (2013), Diagramming the Big Idea – Taylor
& Francis.
9. Lorraine Farrelly (2012), The Fundamental of Architecture - AVA Publishing
SA.
10. Quentin Pickard (2005), The Architects’ Handbook, NXB Wiley-Blackwell.

21

You might also like