Học qua loa, đối phó

You might also like

Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 2

Đề: Văn bản ngắn về việc học qua loa, đối phó.

Bài làm
Thế hệ trẻ Việt Nam là thế hệ đang gặt hái được rất nhiều thành
công đặc biệt là trong mảng giáo dục. Rất nhiều cái tên Việt Nam được
xướng lên ở các đấu trường tri thức quốc tế, được bè bạn nước ngoài
công nhận. Tuy nhiên, có những góc khuất ở người học sinh mà ít ai
biết, cũng chính những hiện tượng đó tạo nên một tương lai không tốt
đẹp cho các bạn sau này. Một trong những hiện tượng đó chính là việc
học qua loa, đối phó.
Vậy, hiện tượng học qua loa, học đối phó là gì? Học qua loa là
học cho có, học cho xong. Ý không nắm, mặt chữ không vững, là cách
học trước, quên sau. Học 1 chỉ biết 1, không liên hệ được kiến thức trước
và sau đó, kiến thức được học không có sự liên kết một cách hệ thống.
Còn học đối phó là cách học hình thức, không đi sâu được vào kiến
thức của bài học. Học chỉ để thi được điểm cao, được tốt nghiệp. Thi
xong thì chữ trả lại thầy, tay cầm bằng khen nhưng não lại rỗng tuếch
kiến thức.
Hiện tượng học qua loa, đối phó là hiện tượng được xảy ra rất
nhiều ở môi trường học đường. Biểu hiện của việc này cũng rất đa
dạng, nhưng là đa dạng theo hướng tiêu cực: làm bài tập về nhà theo
hướng đối phó, làm cho có, chép sách giải để tránh bị la mắng. Hoặc
ngày mai kiểm tra thì tối nay học vội học vàng, đắp vá kiến thức, chỉ
muốn được thành tích tốt. Vừa làm bài kiểm tra xong thì kiến thức cũng
“bay” mất. Học một lần theo kiểu đối phó lại thấy rằng nó có lợi cho
mình, lần một rồi lần hai, dần dà sa đà vào lối học qua loa đối phó,
trông thì tưởng lợi, nhưng thật ra hại vô cùng.
Vậy tại sao đa số học sinh lại chọn vào cách học qua loa, học
đối phó, gian dối như thế này? Nguyên nhân trước hết là do cách nghĩ
của học sinh, chỉ có suy nghĩ học để vừa lòng bố mẹ, thầy cô; học để
lên lớp, để được khen thưởng chứ chưa hề nghĩ đến việc học để làm gì
cho bản thân sau này. Không có định hướng đúng đắn dẫn đến hành
động sai trái là lẽ đương nhiên. Thứ hai, việc học đối phó này còn do áp
lực thành tích từ bên ngoài, từ mọi người xung quanh áp đặt. Nếu
không có áp lực từ xung quanh, như “Học hành như thế này thì làm sao
bằng bạn bằng bè”, “Đi mà xem con bé hàng xóm kia kìa, người ta còn
giỏi hơn cả mày”, hay chỉ đơn giản là mọi người cứ nhắc mãi, nói mãi
nào tỉ lệ lên lớp, danh hiệu học sinh,… các thứ, những vấn đề “nói hoài,
nói mãi” thì có lẽ, học sinh sẽ chẳng cần thi đua thành tích, chạy theo
lối học đối phó để kiếm những con điểm cao chót vót làm gì…
Việc học qua loa, đối phó trông thì có vẻ như rất có lợi, vì nó
mang đến cho ta những con điểm tốt, nhưng thật ra qua thời gian sẽ
thấy, hiện tượng này chỉ làm cho kiến thức của chúng ta đã yếu lại càng
mất căn bản trầm trọng. Học đối phó, học trước quên sau, làm cho kiến
thức lỗ chỗ, đắp vá lung tung, rất nguy hiểm cho tương lai sau này –
tương lai của bản thân học sinh và tương lai đất nước. Một đất nước sẽ
ra sao nếu những người chủ nhân tương lai sở hữu những cái đầu rỗng
kiến thức, với tâm trạng luôn sẵn sàng làm việc dối trá, qua loa cho
xong việc như thói quen lúc nhỏ…? Lối học đối phó, qua loa đã mang
đến những tác hại rất to lớn.
Những tác hại này đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh cho
các bạn trẻ, rằng lối học đối phó nên được loại bỏ. Thay vào đó, các bạn
nên hướng theo giải pháp học hiểu, lối học tư duy, học đến đâu nắm
chắc đến đó, khi kiểm tra chỉ cần ôn sơ qua một lần là đủ, vì vốn dĩ,
kiến thức đã nắm chắc trong tay. Bên cạnh đó, những người xung quanh
không nên đè áp lực lên vai các bạn học sinh, mà nên khuyến khích,
động viên các bạn học. Cùng nhau tìm ra những biện pháp mới, phù
hợp với mỗi người sẽ giúp cho việc học dễ dàng hơn, tuy nhiên, là
những biện pháp tích cực.
Tóm lại, lối học qua loa, đối phó là lối học hình thức, rất nguy
hiểm cho người học sinh và cả tương lai đất nước sau này. Với truyền
thống hiếu học từ xưa đến nay, chúng ta nên nối tiếp các tấm gương
hiếu học trước và xây dựng một đất nước giàu đẹp. Bản thân tôi là một
người học sinh, tôi cảm thấy rằng bản thân cũng cần phải sửa chữa lại
cách học của mình, để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh sắp tới cũng như
tương lai bản thân sau này.

You might also like