Flatten-Chien Luoc Cua An Do Giai Doan Thu Tuong Modi Nhung Dieu Chinh Va Ket Qua Nguyen Xuan Trung 8-2020 7caf454756

You might also like

Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 9

Nguyễn Xuân Trung.

Chiến lược của Ấn Độ giai đoạn Thủ tướng Modi:…


©2020 Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á
Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á
Số Chuyên đề về Thủ tướng Narendra Modi
Số 8 (93), tháng 8-2020
http://viisas.vass.gov.vn
ISSN: 0866-7314

Chiến lược của Ấn Độ giai đoạn Thủ tướng Modi:


Những điều chỉnh và kết quả*
Nguyễn Xuân Trung**
Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á
Ngày nhận bài: 11/04/2020, ngày gửi phản biện: 13/04/2020, ngày duyệt đăng: 26/06/2020

D ưới sự dẫn dắt của ông Modi, Ấn Độ tập trung vào ba mục tiêu chiến lược: Phát triển Ấn
Độ, Vị thế Ấn Độ, và An ninh Ấn Độ. Trong đó, ông Modi coi trọng nhất mục tiêu “Phát
triển Ấn Độ”, tiếp đến “Vị thế Ấn Độ” và sau cùng là “An ninh Ấn Độ”. Thủ tướng N. Modi đã điều
chỉnh hàng loạt chính sách đối nội và đối ngoại nhằm đạt được các mục tiêu theo thứ tự trên. Kết quả,
những năm qua, Ấn Độ nổi lên mạnh mẽ, thực sự là một cường quốc khu vực. Sự điều chỉnh chiến
lược của Ấn Độ đã tạo ra những cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Tuy nhiên, cơ hội là rất lớn.
Từ khóa: Ấn Độ, chiến lược, điều chỉnh, N. Modi

Mở đầu
Kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh cho đến hết thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, Ấn Độ đã thực
hiện nhiều cải cách phát triển. Ấn Độ là một cường quốc về dân số - gần 1,3 tỷ người, chỉ đứng sau
Trung Quốc; cái nôi của văn minh nhân loại; cường quốc về quân sự với việc sở hữu vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn chưa thể hiện được vai trò gì đáng kể trong cộng đồng quốc tế. Dân số đông
nhưng có đến hơn 30% sống trong nghèo đói. Ấn Độ còn phải loay hoay giải quyết các vấn đề đời
sống dân sinh của người dân trong nước, chưa nói gì đến trách nhiệm quốc tế.
Từ lâu nay, Ấn Độ vẫn là một nước lớn - đang phát triển, là một thành viên tiêu biểu của phong
trào Không liên kết. Người ta cũng biết đến Ấn Độ là một nước ôn hòa trong quan hệ quốc tế, với sự
lan tỏa rộng khắp tư tưởng “bất bạo động” của M. Gandhi. Chính sách đối ngoại trung lập đã không
giúp Ấn Độ trở thành cường quốc mà còn bị chèn ép và thiệt thòi trong quan hệ với nhiều nước.

*
Bài viết này được nâng cấp từ báo cáo tại Hội thảo “Thế giới trong thập niên 2011-2020, dự báo đến 2030 và
tầm nhìn đến giữa thế kỷ XXI: Tác động đến Việt Nam và đề xuất chính sách”, do Hội đồng Lý luận Trung ương
và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đồng tổ chức. Tên bài viết đã có sự điều chỉnh.
**
trungnguyenxuan@gmail.com
Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á. Số 8 - 2020, tr.1-9 1
Nguyễn Xuân Trung. Chiến lược của Ấn Độ giai đoạn Thủ tướng Modi:…

Trong bối cảnh hòa bình, hợp tác và hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, hầu hết các nước
đều đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, coi việc nâng cao đời sống của người dân là nhiệm vụ
hàng đầu. Bên cạnh đó, sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc và nhiều nước ASEAN vốn có xuất
phát điểm không khác gì Ấn Độ, nay đã bỏ xa Ấn Độ về trình độ phát triển, đã khiến cho Ấn Độ phải
nhìn lại mình. Hơn nữa, sự biến đổi nhanh của cục diện thế giới, đặc biệt là sự vươn lên mạnh mẽ của
Trung Quốc đã khiến cho quan hệ quốc tế ở khu vực và thế giới thay đổi mạnh mẽ. Quan hệ của Ấn
Độ với các nước láng giềng hoặc các nước vốn được coi là “sân sau” của Ấn Độ đã thay đổi do sự tác
động của nhân tố Trung Quốc. Tham vọng trở thành cường quốc hàng đầu thế giới đã buộc Trung
Quốc phải bao vây và kẹp chặt Ấn Độ khiến cho không gian phát triển của Ấn Độ bị thu hẹp. Và Ấn
Độ không thể chậm trễ, bị động trước sự cạnh tranh chiến lược của Trung Quốc. Trong khi đó, nhìn
rộng hơn, vai trò của Mỹ đã giảm tương đối, tuy nhiên, Mỹ vẫn đang điều chỉnh chiến lược hướng đến
khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và coi trọng vai trò của Ấn Độ hơn. Đây là cơ hội rất quan
trọng để Thủ tướng N. Modi của Ấn Độ thể hiện chiến lược của mình trong mục tiêu đưa Ấn Độ vượt
lên tầm khu vực và thế giới.

1. Chiến lược của Ấn Độ giai đoạn Thủ tướng Modi: Quan điểm và hành động
1.1. Quan điểm chiến lược
Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã đạt những thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng khi nền kinh
tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao và các quan hệ quốc tế được mở rộng. Mặc dù vẫn còn phải đối phó
với tình trạng nghèo đói và các vấn đề quốc tế phức tạp, nhưng với thế và lực mới của mình, dưới thời
Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ đã bắt đầu chuyển sang tạo lập vị thế của một “cường quốc hàng
đầu”, điều này trở thành một trong những mục tiêu lớn nhất của Ấn Độ. Trong tuyên bố tranh cử năm
2014, ông Modi cam kết sẽ đưa Ấn Độ lên “vị trí xứng đáng trong cộng đồng các quốc gia và các tổ
chức quốc tế” (Deep Pal, 2016), và khi đã trở thành Thủ tướng, ông Modi kêu gọi các nhà ngoại giao
cấp cao “giúp Ấn Độ giữ vai trò lãnh đạo chứ không chỉ là một lực lượng cân bằng trên toàn cầu”
(Indian Press Information Bureau, Prime Minister’s Office, 2015). Định hướng chiến lược của Chính
phủ Modi chính là đưa Ấn Độ từ một nước “cân bằng” trở thành một cường quốc toàn cầu, có ảnh
hưởng bao trùm và vị thế vững vàng trên bản đồ địa chính trị khu vực.
Ở Ấn Độ hay bất kỳ quốc gia nào, mục tiêu chiến lược cũng đều hướng đến ba trụ cột là tạo lập:
“Phát triển Ấn Độ”, “Vị thế Ấn Độ”, và “An ninh Ấn Độ”. Giữa ba trụ cột này tạo thành một tam giác
có sự tương tác lẫn nhau. Nếu trong giai đoạn trước, vai trò của ba mục tiêu chiến lược này chưa được
thể hiện một cách rõ ràng, thì dưới thời Thủ tướng N. Modi, mục tiêu “Phát triển Ấn Độ” được đưa lên
hàng đầu, tiếp đến là “Vị thế Ấn Độ” và sau cùng là “An ninh Ấn Độ”.

Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á. Số 8 - 2020, tr.1-9 2


Nguyễn Xuân Trung. Chiến lược của Ấn Độ giai đoạn Thủ tướng Modi:…

Hình 1.1. Ba trụ cột trong chiến lược của Ấn Độ

Phát triển
(1)

An ninh Vị thế
(3) (2)

Nguồn: Tác giả xây dựng


1.2. Triển khai chiến lược
Phát triển Ấn Độ
Ông N. Modi hiểu rằng không mạnh bên trong thì không thể có vị thế ở bên ngoài. Ấn Độ sẽ
không thể cạnh tranh với bất cứ quốc gia nào cũng như nói không ai nghe khi đất nước trong tình trạng
nghèo khó, đời sống của người dân thấp. Vì vậy, vấn đề phát triển năng lực nội tại của đất nước được
Thủ tướng Modi ưu tiên nhất giai đoạn hiện nay. Vấn đề phát triển thể hiện trên hai phương diện chính
có quan hệ hữu cơ với nhau: phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Để ổn
định và phát triển kinh tế, Chính phủ đã ban hành một loạt chính sách nhằm thay đổi căn bản những
vấn đề tồn đọng của kinh tế Ấn Độ, bất chấp những rắc rối và khủng hoảng trước mắt. Các chính sách
cải cách của Chính quyền Modi tập trung vào những vấn đề sau:
- Tạo nên một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp Ấn Độ: hợp lý hóa và đơn
giản hóa tất cả các quy định liên quan đến kinh doanh; cải cách hệ thống cơ sở hạ tầng. Chính ông
Modi đã đưa ra hàng loạt sáng kiến quốc gia với sự quảng bá rầm rộ. Chưa bao giờ Ấn Độ có nhiều
sáng kiến phát triển như giai đoạn hiện nay. Chiến dịch “Hãy sản xuất tại Ấn Độ” (Make in India) là
lời kêu gọi toàn cầu chú ý đến đất nước này; tiếp theo là hàng loạt các sáng kiến như “Ấn Độ kỹ năng”
(India Skill), “Ấn Độ kỹ thuật số” (India Digital), “Ấn Độ không tiền mặt” (Cashless India), v.v... với
mong muốn thay đổi đất nước này. Ngoài ra, chương trình Ấn Độ khởi nghiệp (Startup India) tạo điều
kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ. Nhằm thúc đẩy
triển khai sáng kiến “Thương hiệu Ấn Độ” (Brand India) và phục hồi nền kinh tế, Modi đã công bố
“Kế hoạch 5T”, theo đó nhân tài, thương mại, công nghệ, du lịch và truyền thống là những mặt trận
chủ chốt mà Chính phủ của ông sẽ đẩy mạnh thực hiện những cải cách sâu rộng.

Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á. Số 8 - 2020, tr.1-9 3


Nguyễn Xuân Trung. Chiến lược của Ấn Độ giai đoạn Thủ tướng Modi:…

- Cải cách hệ thống tài chính tiền tệ, tăng hiệu quả hoạt động, minh bạch hoạt động tài chính trong
nước với ba chính sách: (1) Cải cách Thuế hàng hóa và Dịch vụ (GST), theo đó Chính phủ đã hợp nhất
các loại thuế thành một kiểu thuế duy nhất áp dụng trên toàn lãnh thổ thay vì chế độ nộp thuế theo
Bang; (2) Ban hành bộ Luật mới về phá sản, cho phép các doanh nghiệp liên quan có thêm thời hạn
tìm kiếm giải pháp và giảm thiểu rủi ro, thiệt hại tài chính cho chủ nợ; (3) Chính sách đổi tiền, cấm lưu
hành tờ 500 và 1.000 rupi, nhằm chống tình trạng tiền giả và kinh doanh trái phép.
- Cải thiện khả năng cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ở Ấn Độ, tạo điều kiện
khuyến khích hoạt động nghiên cứu và phát triển, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
- Mở cửa thị trường, tham gia sâu hơn vào hoạt động thương mại quốc tế: giảm bớt các rào cản
thuế và phi thuế, vốn được tạo ra để bảo vệ sản xuất trong nước; kêu gọi đầu tư vốn và công nghệ vào
các ngành sản xuất ở Ấn Độ để tận dụng nguồn lực lao động giá rẻ và hưởng những ưu đãi của Chính
phủ; mở rộng cơ hội đầu tư vào những ngành kinh doanh vốn được bảo vệ như lĩnh vực quốc phòng,
hàng không dân dụng, bán lẻ…
- Chính sách đối ngoại của Ấn Độ thời gian qua cũng nhằm vào mục tiêu phát triển kinh tế trong
nước. Ngay thời gian mới nhậm chức, ông Modi đã viếng thăm một loạt các nước là những nhà đầu tư
tiềm năng để kêu gọi đầu tư vào Ấn Độ như Đức, Pháp, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, v.v...
Đặc biệt với Trung Quốc, ông Modi đã chủ động gác lại những vấn đề biên giới lãnh thổ và những
cạnh tranh để tìm kiếm các cơ hội phát triển kinh tế. Chính ông Modi là người thúc đẩy chính sách
“Ấn Độ trên hết” để nhằm mục đích phát triển bên trong, vì người dân Ấn Độ.
Để nâng cao chất lượng đời sống cho người dân Ấn Độ, ông Modi đã phát động cuộc chiến chống
đói nghèo bằng cách cấp cho những người nghèo nhất một tài khoản ngân hàng, một chế độ bảo hiểm
và một nguồn vốn. Để thực hiện chương trình này, Chính phủ dựa vào căn cước sinh trắc của công
dân, do những người tiền nhiệm thực hiện theo chương trình Aadhaar. Số tài khoản ngân hàng và căn
cước sinh trắc được kết nối với số điện thoại di động. Nhờ chương trình kết nối này, các khoản trợ cấp
xã hội được chuyển vào tài khoản của người thụ hưởng. Chính phủ cũng thúc đẩy các ngân hàng mở
cửa rộng hơn cho tầng lớp thu nhập thấp hơn. Ấn Độ rất quan tâm khu vực nông thôn và người nghèo,
với nhiều sáng kiến như kết nối internet cho nông thôn, kết nối nông thôn với việc phát triển hạ tầng
giao thông, phát triển nông nghiệp xanh, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, v.v…
Trong giai đoạn ứng phó với dịch Covid-19, Thủ tướng Modi cũng đã quyết định dành khoản hỗ trợ
nhiều tỷ USD cho những người lao động mất việc, những người nghèo và những người chịu ảnh
hưởng nặng nề bởi dịch và lệnh phong tỏa toàn quốc của Chính phủ.
Vị thế Ấn Độ
Chiến lược của ông Modi hướng đến việc nâng cao vị thế của Ấn Độ ở cả hai cấp độ, khu vực và toàn cầu.
Trước hết, phạm vi khu vực, Ấn Độ nhấn mạnh vai trò của mình bằng cách thúc đẩy một mô hình chủ
nghĩa khu vực do Ấn Độ dẫn dắt và phù hợp với các nước láng giềng. Trong tất cả những phát ngôn và
hành động của mình, Thủ tướng Modi luôn nhấn mạnh đến trách nhiệm của Ấn Độ đối với các nước
láng giềng do quy mô và vị trí đặc biệt của quốc gia này. Động thái đầu tiên trong chuỗi những hoạt
động ngoại giao láng giềng khôn khéo và táo bạo chưa từng có tiền lệ của Thủ tướng Modi chính là
Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á. Số 8 - 2020, tr.1-9 4
Nguyễn Xuân Trung. Chiến lược của Ấn Độ giai đoạn Thủ tướng Modi:…

mời lãnh đạo chính phủ các nước láng giềng đến tham dự lễ nhậm chức của mình vào năm 2014. Một
ngày sau lễ nhậm chức, ông tiến hành các cuộc họp song phương với các nhà lãnh đạo Nam Á và
tuyên bố sẽ nỗ lực đưa Hiệp hội Nam Á vì hợp tác khu vực (SAARC) trở thành một khối đoàn kết khu
vực vững mạnh. Trong các hội nghị của SAARC, Ấn Độ đã công bố một loạt gói đầu tư về hạ tầng, y
tế, giáo dục, viễn thông… và mời gọi các nước láng giềng hưởng ứng các cơ hội kinh tế do Ấn Độ tạo
ra, đồng thời tránh nhắc đến các tồn tại nhạy cảm có thể khiến họ phật ý. Một số sáng kiến khác mà
Thủ tướng Modi đã đề xuất nhằm hỗ trợ kinh tế cho cộng đồng Nam Á là: cấp cho các doanh nhân
thuộc các nước SAARC một loại thẻ kinh doanh có thể giúp họ có được thị thực doanh nghiệp từ 3-5
năm và miễn thuế hàng không tại Ấn Độ.
Trong đỉnh điểm của cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, ngày 15/3/2020, Thủ tướng N. Modi
của Ấn Độ đã đề xuất chương trình hợp tác trong SAARC để chống lại Covid-19. Ấn Độ đã rất nhanh
nhạy trong việc nắm bắt tình hình, thể hiện được vai trò của một nước lớn, có trách nhiệm đối với khu
vực và toàn cầu khi đề xuất sáng kiến hợp tác khu vực chống lại Covid. SAARC là khu vực đầu tiên
trên thế giới có sáng kiến một cách cụ thể và rõ ràng về việc hợp tác chống Covid-19 và vài ngày sau,
tinh thần của SAARC được phản ánh đúng trong Hội nghị G20. Cùng với Thủ tướng Ấn Độ N. Modi,
lãnh đạo các nước SAARC đã đưa ra nhiều biện pháp hợp tác để chống lại Covid-19. Nội dung hợp
tác của SAARC chống Covid-19 có thể khái quát như sau: (i) Thành lập ngay quỹ Khẩn cấp Covid-19,
trong đó Ấn Độ cam kết đóng góp 10 triệu USD, hỗ trợ cho mọi quốc gia trong SAARC và các nước
khác có thể đóng góp tùy theo khả năng; (ii) Thành lập và duy trì trạng thái sẵn sàng về nguồn lực con
người như hình thành các nhóm phản ứng nhanh gồm các bác sĩ, chuyên gia y tế; và chuẩn bị các
nguồn lực kỹ thuật như trang thiết bị y tế, xây dựng các trang tuyên truyền chống Covid bằng nhiều
ngôn ngữ của các nước trong SAARC; (iii) Hình thành Trung tâm Quản lý Thảm họa SAARC hành
động trong cả cuộc chiến chống Covid-19 và các thảm họa khác trong tương lai; (iv) Đặc biệt, trong
tương lai, Ấn Độ đề xuất tạo ra một Nền tảng nghiên cứu cho tất cả các nước thành viên SAARC chia
sẻ ý tưởng và đề xuất can thiệp chẩn đoán trong điều trị bệnh và dịch bệnh. Qua việc hợp tác này đã
cho thấy sự phản ứng rất thông minh của Ấn Độ khi nhanh chóng tận dụng cơ hội từ thảm họa để thể
hiện vai trò của mình nhằm tạo được ảnh hưởng đến các nước trong khu vực.
Chính quyền Modi đã tăng cường hơn các nhóm hợp tác tiểu vùng như BIMSTEC, SESEC/BBIN
và MGC, cam kết đóng góp 32% chi phí hằng năm cho Ban Thư ký Thường trực BIMSTEC. Mối
quan tâm đặc biệt của ông Modi hiện nay chính là Diễn đàn Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật đa ngành
(BIMSTEC) trong khu vực Vịnh Bengal. Đây là một khuôn khổ thể chế khác nhằm thúc đẩy hợp tác
liên khu vực, kết nối các nước Nam Á (ngoại trừ Pakistan và Afghanistan không phải là thành viên)
với một số nước Đông Nam Á như Myanmar và Thái Lan. Không phải lãnh đạo các nước trong khối
SAARC, mà lãnh đạo các nước BIMSTEC, mới là đối tượng được mời tham dự lễ nhậm chức của
Chính phủ Modi nhiệm kỳ thứ hai.
Tất cả những hành động này nhằm khẳng định vị thế dẫn dắt mà không một cường quốc nào có
thể thay thế Ấn Độ ở khu vực Nam Á. Ấn Độ xác định mình là người gánh vác trách nhiệm và cung
cấp an ninh cho thế giới chứ không chỉ là nước nhận các đảm bảo an ninh từ nước khác.

Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á. Số 8 - 2020, tr.1-9 5


Nguyễn Xuân Trung. Chiến lược của Ấn Độ giai đoạn Thủ tướng Modi:…

Ấn Độ còn thể hiện vị thế nước lớn khi chuyển từ nước nhận viện trợ thành nước đi viện trợ. Ấn
Độ đã dành một khoản tài chính khá lớn (mặc dù điều kiện trong nước còn hết sức khó khăn) để tài trợ
và cung cấp ODA cho các nước kém phát triển hoặc nước nhỏ hơn với hơn 1 tỷ USD/năm cho các
nước láng giềng dưới dạng ODA hoặc vay ưu đãi. Việt Nam cũng đã nhận được cam kết cho vay gói
tín dụng ưu đãi lên tới 600 triệu USD. Gầy đây, Ấn Độ cam kết hỗ trợ 1 tỷ USD cho kết nối hạ tầng và
kết nối số giữa Ấn Độ và ASEAN.
Thứ hai, ở cấp độ toàn cầu, để đảm nhận vai trò của một cường quốc hàng đầu, Ấn Độ đã đóng góp
nguồn lực nhằm ngăn ngừa, giảm nhẹ hoặc giải quyết hậu quả của các cuộc khủng hoảng khu vực và
quốc tế, qua đó thể hiện hình ảnh mình như một quốc gia có trách nhiệm trong trật tự quốc tế
(Constantino Xavier, 2017). Nước này đã cung cấp các khoản viện trợ khổng lồ cho các nước có nhu
cầu, cũng như trở thành nước đi đầu trong ứng phó với nhiều cuộc khủng hoảng trong và ngoài khu vực.
Ngoài ra, dưới thời Modi, chính sách về người Ấn ở nước ngoài đã mở rộng đến cấp độ chưa từng
có trước đây. Ông Modi đã đưa ra một kế hoạch hành động cụ thể để định hướng lại hoạt động của các
cộng đồng người Ấn Độ ở nước ngoài và xây dựng một mạng lưới vững chắc của các nhà lập pháp,
các quan chức và giới truyền thông, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, để thúc đẩy chính sách đối ngoại của Ấn
Độ. Ông cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho Cộng đồng người Ấn Độ tại Mỹ, dẫn đầu bởi nhóm
“Những người bạn Ấn kiều của Đảng Bharatiya Janata (BJP)”. Ông Modi đã khuyến khích người Ấn
Độ ở nước ngoài đầu tư vào các dự án xã hội trong các lĩnh vực như cải thiện vệ sinh nông thôn và các
quy định về đầu tư dành cho họ đã được nới lỏng. Các quy định về đi lại và cư trú cho người Ấn Độ ở
nước ngoài cũng được điều chỉnh, giúp cho việc trao đổi qua lại diễn ra dễ dàng hơn. Chính phủ đã
quyết định sử dụng một thẻ căn cước để bảo đảm thị thực lâu dài và giúp họ dễ dàng kết nối với quê
hương, đồng thời tránh bị kiểm tra tại các đồn cảnh sát địa phương trong thời gian trở lại đất nước.
Tòa án tối cao Ấn Độ gần đây cũng cho phép công dân Ấn Độ ở nước ngoài tham gia các cuộc bầu cử
ở Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ cũng tham gia vào các hoạt động di tản, cứu trợ người Ấn Độ ở các khu
vực có chiến tranh, như Vùng Vịnh và Tây Á. Việc tăng cường tiếp cận cộng đồng Ấn kiều chính là
một trong những cách hiệu quả nhất để khuếch trương quyền lực mềm của Ấn Độ.
Thứ ba, Ấn Độ gia tăng ảnh hưởng sức mạnh mềm của quốc gia này. Ấn Độ là cái nôi văn hóa
của nhân loại. Mặc dù đạo Phật chỉ chiếm chưa đầy 1% dân số, nhưng ông Modi đã dùng Phật giáo để
gia tăng ảnh hưởng của quốc gia đến các nước trong khu vực. Trong những chuyến viếng thăm một số
nước Đông Á và Đông Nam Á, cây bồ đề là vật ông thường mang theo. Ông Modi cũng là người rất
tích cực truyền bá Yoga ra thế giới và thuyết phục được quốc tế quy định Ngày Yoga Quốc tế.
An ninh Ấn Độ
Với Thủ tướng Modi, an ninh quốc gia được thể hiện qua chính sách đối ngoại thực tế hơn rất
nhiều so với giai đoạn trước. Ấn Độ đã chuyển hướng chiến lược từ “Không liên kết” sang “Đa liên
kết” và “Tự chủ chiến lược”. “Đa liên kết” được xác định là con đường tất yếu mà Ấn Độ cần theo
đuổi để trở thành một nước lãnh đạo thay vì an phận làm một “lực lượng cân bằng” như trước. Theo
các nhà phân tích, việc chuyển đổi từ một nước “không liên kết” thành “đa liên kết” có thể sẽ thúc đẩy
sự phát triển kinh tế xã hội của Ấn Độ; đảm bảo an ninh quốc gia, bảo vệ đất nước khỏi các mối đe

Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á. Số 8 - 2020, tr.1-9 6


Nguyễn Xuân Trung. Chiến lược của Ấn Độ giai đoạn Thủ tướng Modi:…

dọa đến từ cả bên trong và bên ngoài; quảng bá những lý tưởng và giá trị chính trị - xã hội của Ấn Độ
vượt ra ngoài biên giới đất nước này, từ đó tăng cường vị thế của Ấn Độ, đưa nước này trở thành một
“nước lãnh đạo” trong hệ thống quốc tế. Ngoài ra, “đa liên kết” sẽ góp phần giúp Ấn Độ cạnh tranh
với một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ, và mượn lực của các quốc gia khác, đặc biệt là các nước
lớn để thúc đẩy sự phát triển của Ấn Độ.
Vấn đề đối ngoại được Chính quyền Modi sử dụng như một đòn bẩy để mở rộng vùng ảnh hưởng
về an ninh của Ấn Độ. Vùng ảnh hưởng về an ninh của Ấn Độ được hình dung như những vòng tròn
đồng tâm. Ấn Độ ở vị trí trung tâm của vòng tròn này, bên ngoài là vành đai Nam Á được tạo thành
bởi các nước láng giềng trong SAARC, và bao bọc ở ngoài cùng là vành đai Ấn Độ Dương - Thái
Bình Dương rộng lớn. Tương ứng với nó, chiến lược của Ấn Độ trước hết hướng tới các nước láng
giềng thân cận với chính sách Láng giềng là ưu tiên số một. Với chính sách này, Ấn Độ dành ưu tiên
chính trị và ngoại giao cho các nước láng giềng, cung cấp cho các nước này sự hỗ trợ dưới dạng nguồn
lực, thiết bị và đào tạo, đồng thời tăng cường khả năng kết nối và hội nhập của toàn khu vực nhằm
cung cấp an ninh, hòa bình và ổn định. Vì thế, Trung Quốc là nước lớn cạnh tranh chiến lược với Ấn
Độ và có nhiều vấn đề biên giới với Ấn Độ, nhưng Ấn Độ chú trọng đặc biệt trong hợp tác với Trung
Quốc và coi Trung Quốc là đối tác quan trọng hàng đầu của mình. Ấn Độ là quốc gia đã định hình
kiến trúc khu vực “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” từ rất sớm. Ấn Độ ủng hộ chiến lược Ấn Độ
Dương - Thái Bình Dương Tự do và Mở do Mỹ đề xuất nhưng không hoàn toàn tiếp cận như Mỹ. Ấn
Độ muốn nhấn mạnh đến tính bao trùm của chiến lược này chứ không muốn loại trừ Trung Quốc. Mặt
khác, Ấn Độ rất cứng rắn với Trung Quốc nếu nước này đụng vào những vấn đề lợi ích quốc gia. Điển
hình là sự kiện ở Doklam, trên lãnh thổ Bhutan giữa năm 2017, Ấn Độ đã đưa quân và vũ khí vào
Doklam, buộc quân đội Trung Quốc phải rút lui.

2. Kết quả và phản ứng của các nước


Chiến lược của Ấn Độ dưới thời ông Modi cho thấy sự hợp lý và hiệu quả, thể hiện ở cả ba trụ cột
mà nước này đặt ra theo thứ tự ưu tiên là “Phát triển Ấn Độ”, “Vị thế Ấn Độ”, và “An ninh Ấn Độ”.
Giữa ba trụ cột này có tác động qua lại, bổ sung cho nhau. Kết quả đạt được là một sự chuyển mình
mạnh mẽ của Ấn Độ trong thời gian qua. Những điều chỉnh về kinh tế đã góp phần liên tục cải thiện vị
trí của Ấn Độ trong top những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đến cuối năm 2019, Ấn Độ đã vượt qua
Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Vị thế của Ấn Độ được nâng lên rõ rệt và chính sách
đối ngoại thực dụng hơn đã đem lại cho Ấn Độ một môi trường phát triển tốt hơn. Thay vì “không liên
kết”, Ấn Độ tiếp tục đẩy mạnh “đa liên kết”, “kết nối đa phương” nhằm mở rộng thị trường thương
mại, kết nối Ấn Độ với thế giới, trong đó có sự kết nối của tất cả các Bang với nhau và với thế giới
bên ngoài. Chính sách “Đa liên kết” của Ấn Độ đã góp phần nâng cao vị thế của Ấn Độ, củng cố an
ninh quốc gia và đóng góp vào hòa bình, ổn định của khu vực. “Đa liên kết” sẽ trở thành xu hướng chủ
đạo của chính sách đối ngoại Ấn Độ trong những năm tới. Tuy nhiên, chiến lược của Ấn Độ gặp phải
một số rào cản về mối quan hệ còn nhiều phức tạp với các nước láng giềng như Pakistan, Nepal. Ngoài
ra, những xung đột cố hữu trong quan hệ giữa Ấn Độ với các nước láng giềng và sự hiện diện đầy toan

Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á. Số 8 - 2020, tr.1-9 7


Nguyễn Xuân Trung. Chiến lược của Ấn Độ giai đoạn Thủ tướng Modi:…

tính của Trung Quốc đã làm thay đổi cục diện chính trị ở khu vực Nam Á, khiến cho vai trò lãnh đạo
của Ấn Độ tại đây bị thách thức nghiêm trọng.
Nhìn chung, các nước đã có phản ứng rất tích cực với chiến lược lãnh đạo của ông Modi. Mỹ đã
đề xuất Ấn Độ là một trụ cột trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Mở. Trung
Quốc cạnh tranh chiến lược mạnh mẽ với Ấn Độ nhưng cũng tận dụng mọi cơ hội để hợp tác phát
triển. Các nước Nhật Bản, Nga cũng thể hiện rõ xu hướng hợp tác với Ấn Độ.

Kết luận và hàm ý đối với Việt Nam


Chiến lược của ông Modi đã thu được những kết quả rất rõ rệt trên cả ba khía cạnh: “Phát triển Ấn
Độ”, “Vị thế Ấn Độ” và “An ninh Ấn Độ”. Chính sách của ông Modi có thể nói là rất linh hoạt, vừa
cứng rắn vừa mềm mỏng. Điển hình nhất cho nhận định này là trong quan hệ với Trung Quốc. Sẽ
không có gì chính xác hơn để chứng minh cho sự đúng đắn của ông Modi ngoài kết quả bầu cử toàn
quốc cuối năm 2019 với sự thắng lợi vang dội của ông và Đảng BJP.
Đối với Việt Nam, chiến lược của ông Modi có những cơ hội rất tốt nhưng cũng tiềm ẩn nhiều
thách thức. Tuy nhiên, cơ hội là rất lớn, đòi hỏi Việt Nam phải tận dụng được. Đầu tiên là chiến lược
của Ấn Độ đã coi trọng khu vực ASEAN hơn từ việc điều chỉnh chính sách “Hướng Đông” thành
“Hành động Hướng Đông”, trong đó Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất ở ASEAN.
Cơ hội hợp tác với ASEAN và Việt Nam đã được đẩy mạnh lên nhiều so với trước đó. Tiếp đến, việc
coi trọng phát triển bên trong Ấn Độ đã thúc đẩy các hợp tác về kinh tế của nước này với các đối tác.
Vì thế, thời gian qua, hợp tác kinh tế Việt Nam - Ấn Độ đã được đẩy mạnh và đã được lãnh đạo hai
bên coi là trụ cột trong quan hệ song phương chứ không phải hợp tác quốc phòng hay chính trị ngoại
giao. Thứ ba là chiến lược của Ấn Độ sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam đa dạng hóa đối tác, cân bằng giữa
các nước lớn. Cuối cùng là sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam phát huy vị trí địa chiến lược của mình. Ấn
Độ đang cạnh tranh chiến lược mạnh mẽ với Trung Quốc, vị trí của Việt Nam sẽ tạo cơ hội cho Việt
Nam được mặc cả với các nước.
Bên cạnh đó, vẫn có một số thách thức về sự cạnh tranh thu hút nguồn lực (vốn, công nghệ...) và
cạnh tranh trong thương mại của Ấn Độ với Việt Nam; thách thức trong việc xử lý chính sách đối với
các nước lớn, đặc biệt giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Vì vậy, để tạo được lợi thế, Việt Nam cần phải tạo được niềm tin đối với Ấn Độ. Khi Ấn Độ đánh
giá cao vị trí của Việt Nam, thì Việt Nam phải thể hiện được điều đó với Ấn Độ. Điều này đòi hỏi Việt
Nam phải xử lý khéo léo quan hệ với Trung Quốc và Ấn Độ. Phải có hành động chứng minh cho Ấn
Độ thấy họ chọn Việt Nam là đúng đắn. Tiếp đến, phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ với Ấn Độ,
đưa quan hệ này đi vào thực chất, có thành quả. Phải tận dụng sự quan tâm của họ đối với Việt Nam
như hiện nay.

Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á. Số 8 - 2020, tr.1-9 8


Nguyễn Xuân Trung. Chiến lược của Ấn Độ giai đoạn Thủ tướng Modi:…

Tài liệu tham khảo


1. Peter N Varghese AO (2018), “An India economic strategy to 2035: navigating from potential to
delivery” - Báo cáo trình Chính phủ Australia, https://dfat.gov.au/geo/india/ies/pdf/dfat-an-india-
economic-strategy-to-2035.pdf, p.4.
2. Alyssa Ayres (16/10/2017), “Will India Start Acting Like a Global Power?”, Foreign Affairs,
https://www.foreignaffairs.com/articles/india/2017-10-16/will-india-start-acting-global-power, ngày truy cập 8/12/2017.
3. Ian Hall (2016), “Multialignment and Indian Foreign Policy under Narendra Modi”, The Round
Table, The Commonwealth Journal of International Affairs, Vol.105, No.3, pp.271-286.
4. Indian Press Information Bureau, Prime Minister’s Office (7/2/2015), PM to Heads of Indian
Missions, http://pib.nic.in/newsite/PrintRelease.aspx?relid=115241, ngày truy cập 18/9/2017.
5. Deep Pal (13/12/2016), “Reorienting India's Foreign Policy: Neighborhood First”, The National
Bureau of Asian Research, http://nbr.org/research/activity.aspx?id=643, ngày truy cập 5/8/2017.
6. Constantino Xavier (15/8/2017), “Responding First as a Leading Power”, Carnegie India,
http://carnegieindia.org/2017/08/15/responding-first-as-leading-power-pub-72823, ngày truy cập 12/10/2017.
7. Jakub Zaiaczkowski, Jivanta Schottli, Manish Thapa (2015), Ấn Độ trong thế giới đương đại,
chính trị, kinh tế và quan hệ quốc tế, biên dịch Đinh Xuân Hà, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, tr.280.
8. Tôn Sinh Thành, Bài nói chuyện tại Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, Hà Nội.

Phụ lục

Tóm lược sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Chính quyền N. Modi
Chính phủ M. Singh (2009-2014) Chính phủ N. Modi (2014-nay)
Định hướng chiến Đưa Ấn Độ trở thành một cường quốc toàn Đưa Ấn Độ trở thành một cường quốc toàn
lược cầu trong một trật tự thế giới đa cực cầu trong thế kìm hãm Trung Quốc
Mô hình chính sách Mô hình Không liên kết kiểu mới Mô hình Không liên kết kiểu mới, thiên về
Đa liên kết
Đối với Nam Á Chính sách Cam kết Chính sách Láng giềng là ưu tiên số 1
(Engagement Policy) (Neighborhood First Policy)
Đối với nhóm G2 Kiềm chế hợp tác với Mỹ Thúc đẩy hợp tác với Mỹ
(Mỹ, Trung Quốc) Chính sách hòa dịu với Trung Quốc Chính sách cứng rắn với Trung Quốc
Đối với Đông Á Chính sách hướng Đông Chính sách Hành động Hướng Đông
Đối với Trung Chính sách hướng Tây Chính sách Kết nối với phía Tây
Đông và châu Âu
Đặc điểm chính Chính sách đối ngoại tĩnh và thiên về - Chính sách đối ngoại năng động và chủ
phòng bị động
- Không chỉ tập trung vào quốc gia mà
hướng đến một số địa phương cụ thể của
quốc gia đó (Para diplomat)
- Quyền lực mềm của Ấn Độ được phát
huy triệt để
Khu vực chiến lược Đông Á Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á. Số 8 - 2020, tr.1-9 9

You might also like