Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 6

Có ý kiến cho rằng: “Cảnh vật và tâm trạng trong thơ Nguyễn Du bao giờ

cũng vận động chứ không tĩnh tại”.


Em hãy làm sáng tỏ sự vận động đó qua hai đoạn trích “Cảnh ngày xuân”
và “Kiều ở lầu Ngưng Bích” (Truyện Kiều - Nguyễn Du).
Bài làm
Thiên nhiên là nguồn cảm hứng vô tận cho thơ ca từ xưa đến nay. Các tao nhân
mặc khách, các thi sĩ xưa đến với thiên nhiên để hoà mình với thiên nhiên, gửi
gắm tâm tư, tình cảm vào mỗi bức tranh ấy. Thiên nhiên trong “Truyện Kiều”
mang một nét rất riêng. Chính vì vậy, có ý kiến cho rằng: “Cảnh vật và tâm
trạng trong thơ Nguyễn Du bao giờ cũng vận động chứ không tĩnh tại”. Và điều
đó đã được tác giả thể hiện rất ấn tượng qua hai đoạn trích “Cảnh Ngày xuân” và
“Kiều ở lầu Ngưng Bích”.
Trước hết, chúng ta cần hiểu ý kiến trên đang muốn bàn về vấn đề gì. “Vận
động” là sự thay đổi vị trí không ngừng của vật thể trong quan hệ với những vật
thể khác, “tĩnh tại” là cố định một nơi, không hoặc rất ít chuyển dịch.  Như vậy,
nhận định trên khẳng định tài năng của thi hào Nguyễn Du. Cảnh vật và tâm
trạng nhân vật trong thơ Nguyễn Du luôn có sự “vận động”, khung cảnh luôn
thay đổi theo thời gian và tâm trạng con người, đồng thời tâm trạng con người
cũng luôn có sự vận động theo thời gian, không gian và cảnh ngộ. Thiên nhiên
tựa như một nhân vật do Nguyễn Du tạo ra mà khiến Hoài Thanh đã từng phải
thốt lên rằng: "Có thể nói thiên nhiên trong "Truyện Kiều" cũng là một nhân vật,
một nhân vật thường lặng lẽ, kín đáo nhưng không mấy khi không xuất hiện và
luôn luôn thấm đượm tình người”.
Sự vận động của thiên nhiên trong đoạn trích “Cảnh ngày xuân” đã gợi lên một
khung cảnh ngày xuân tươi đẹp:
“Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”
Đoạn thơ là bức tranh buổi sáng mùa xuân tươi sáng, trong trẻo, tinh khôi, mới
mẻ và tràn đầy sức sống. Hình ảnh quen thuộc nhưng mới mẻ trong cách cảm
nhận của thi nhân. Mùa xuân có đường nét, chiều cao, rộng, sâu của không gian
qua từng nét vẽ, màu sắc của bức tranh thiên nhiên hài hòa đến tuyệt diệu. Tác
giả đã chọn thời khắc trong sáng, thanh thoát, diễm lệ nhất của mùa xuân để làm
nền cho sự xuất hiện của người và cảnh. Song thời gian ấy lại đang chảy trôi
không ngừng nghỉ. “Con én đưa thoi” không chỉ là hình ảnh tả thực gắn liền với
không khí mùa xuân mà nó còn là hình ảnh ước lệ cho sự chảy trôi của thời gian,
như dân gian có câu:
“Thời giờ thấm thoát thoi đưa
Hết mưa lại nắng hết ngày lại đêm”
Đoạn thơ là khung cảnh nói về thời gian vào tháng cuối của mùa xuân “Thiều
quang chín chục đã ngoài sáu mươi”, là khi thời tiết ở độ thanh khiết nhất.
Nhưng đó cũng đồng nghĩ với việc mùa xuân tươi đẹp trôi qua nhanh. Câu thơ
gợi lên sự chảy trôi, mất mát. Không gian nổi bật bởi màu sắc tươi sáng, sắc cỏ
non tươi “xanh tận chân trời” tràn đầy sức sống mãnh liệt. Đó là phông nền tươi
sáng cho bức tranh xuân. Bên cạnh đó, sắc trắng tinh túy, thanh thoát và diễm lệ
cùng nghệ thuật đảo ngữ “trắng điểm” nhấn mạnh sắc trắng tinh khôi, tuy chỉ
điểm xuyết nhưng rất nổi bật trên nền xanh tươi sáng. Những bông hoa lê như
những đốm trắng mà tác giả đã thay mặt cho tạo hóa để chấm phá cho bức tranh
xuân. Ở đây, tác giả Nguyễn Du còn lấy cảm hứng từ hai câu thơ cổ của Trung
Quốc: “Phương thảo liên thiên bích / Lê chi sổ điểm hoa” (Cỏ thơm liền với trời
xanh / Trên cành lên ở một vài bông hoa) nhưng đại thi hào có sự sáng tạo độc
đáo. Nếu câu thơ cổnói đến hương thơm của cỏ, màu xanh của trời, hoa lê nở
điểm trên cành mấy bông thì Nguyễn Du tả cỏ non xanh bát ngát tận chân trời.
Màu xanh làm nền tôn nổi bật màu trắng của mấy bông lê. Chữ “trắng” được
thêm vào đảo lên trước động từ “điểm” để tạo sự bất ngờ, mới mẻ, khiến nét vẽ
trở nên có hình, có hồn, sống động, gợi ra bức tranh xuân tinh khôi, thanh thoát,
tuyệt đẹp. Tác giả kết hợp tả diện và tả điểm: Diện là không gian mênh mông
bát ngát và tươi tắn của cỏ non, điểm là sắc trắng tinh khôi của hoa lê loáng
thoáng trên cành. Cùng với lối vẽ chấm phá, kết hợp tả diện và tả điểm là nghệ
thuật phối màu đạt tới độ hài hòa cổ điển: nền xanh - điểm trắng, hơn nữa, cả
màu xanh và sắc trắng ấyđều gợi cảm giác tươi non và tinh khiết. Cảnh thiên
nhiên vận động từ cao xuống thấp, từ bầu trời đến mặt đất, từ cái chuyển động
của cánh én đưa thoi đến cái tĩnh đầy sức sống của cỏ hoa.
Sáu câu thơ cuối của đoạn trích “Cảnh ngày xuân” là cảnh ra về khi lễ hội tan.
Thiên nhiên khi đó thật ảm đạm vào buồn rầu biết bao:
“Tà tà bóng ngả về tây
Chị em thơ thẩn dan tay ra về
Bước dần theo ngọn tiểu khê
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh
Nao nao dòng nước uốn quanh
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang”
Vẫn là cảnh thiên nhiên ngày xuân nhưng khi chiều về lại có sự thay đổi theo
thời gian và theo tâm trạng con người. Cảnh vẫn mang cái thanh, cái dịu nhưng
mọi chuyển động đều rất nhẹ nhàng, nhuốm màu tâm trạng. Hoàng hôn bắt đầu
lan tỏa, bao phủ cả phong cảnh và con người “Tà tà bóng ngả về tây”. Cảnh vật
có sắc thái nghiêng về sự thanh đạm với “ngọn tiểu khê”, “phong cảnh có bề
thanh thanh”, “dòng nước uốn quanh”, “dịp cầu nho nhỏ” , cùng với đó hàng
loạt từ láy: “tà tà”, “thanh thanh”, “nao nao”, “nho nhỏ” là tạo hình của sự nhẹ
nhàng, tinh tế, mang chút man mác, u hoài. Cảnh vẫn mang cái thanh nhẹ của
mùa xuân song dường như đã nhuốm đầy tâm trạng. Có lẽ bởi khi vào hội náo
nức rộn rã thì khi tan hội sẽ có nhiều tiếc nuối, bâng khuâng, lễ hội lại nên cái
náo nhiệt say mê thì nay những rộn ràng ấy đã lắng xuống và tan đi. Từ “nao
nao” diễn tả niềm bâng khuâng, luyến tiếc xen với nỗi buồn mơ hồ man mác.
Ngay cả một con suối nhỏ cũng như dùng dằng trong nỗi xao xuyến bâng
khuâng. Dòng nước “nao nao”, trôi chầm chậm như lưu luyến bên chân cầu nho
nhỏ, dường như cũng là nỗi niềm lưu luyến, tiếc nuối của con người khi ngày
vui chóng qua. Sáu câu thơ tả cảnh mà kín đáo gửi gắm rung động của hồn
người. Bằng bút lực tài hoa của mình, Nguyễn Du đã vẽ lên một khung cảnh
hoàng hôn thanh nhẹ, dịu dàng trong nỗi bâng khuâng, xao xuyến của tâm trạng
giai nhân sau khi hội tan, ngày tàn. 
Trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”, thiên nhiên mang dáng vẻ u buồn
như tâm trạng Kiều khi đang bị giam lỏng nơi lầu Ngưng Bích:
“Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung.
Bốn bề bát ngát xa trông,
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia.
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”
Bằng nét bút tả cảnh ngụ tình điêu luyện, Nguyễn Du đã miêu tả thành công nội
tâm của Kiều. Từ ngữ "khóa xuân" đã cho thấy tình cảnh Kiều lâm vào cảnh cá
chậu chim lồng, bị giam lỏng nơi lầu cao, khóa kín tuổi xuân của nàng. "Khóa
xuân" ở đây không phải nói tới những cô gái còn cấm cung mà là sự mỉa mai,
chua xót cho thân phận nàng Kiều. Nàng trơ trọi giữa thời gian mênh mông,
không gian hoang vắng trong hoàn cảnh tha hương, cô đơn, giờ lại bị đầy vào
chốn lầu xanh ô nhục."Lầu Ngưng Bích" vốn là một nơi phong cảnh tuyệt đẹp,
khung cảnh hữ tình, thơ mộng được mở ra cả ba chiều cao, xa và rộng qua các từ
ngữ "non xa", "trăng gần", "cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia". Thế nhưng
"người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!", trong tình cảnh giam cầm Kiều khung
cảnh thật buồn thảm, vắng lặng, nhìn trăng nàng chỉ thấy vầng trăng đơn côi,
nhìn mặt đất thì bên là cồn cát nhấp nhô lượng sóng bên là bụi hồng cuốn xa
hàng vạn dặm hoang vu, vắng lặng. Lầu Ngưng Bích chỉ là là một chấm nhỏ
giữa thiên nhiên trơ trọi, giữa mênh mang trời nước. Trong cái không gian quẩn
quanh "mây sớm đèn khuya" gợi vòng tuần hoàn khép kín của thời gian, tất cả
như giam hãm tuổi xuân mơn mởn của tuyệt sắc giai nhân, sự sống của Kiều
như bị những bàn tay tàn bạo bóp nghẹt. Từ đó khắc sâu thêm nỗi đơn côi khiến
Kiều càng thấy "bẽ bàng" chán ngán, buồn tủi, không ai chia sẻ nàng chỉ biết là
bạn với mây, với đèn, với cảnh vật hoang vu, nhạt nhòa. Giờ đây, tâm trang
nhân vật khiến thiên nhiên càng trở nên hoang vắng, trơ trọi biết bao nhiêu.
Tâm trạng buồn tủi của Kiều đã thể hiện rõ nét qua cảnh vật bên ngoài. Mỗi
cảnh vật là một nét riêng nhưng đều diễn tả một khía cạnh trong tâm trạng của
Kiều. Cánh buồm trên biển giữa mênh mông trời chiều hoàng hôn thật cô độc, lẻ
loi:
“Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”
Khung mở ra vào thời điểm chiều hôm, thời điểm của những lưu luyến khó tả.
"Cửa bể chiều hôm" gợi trước mắt ta hình ảnh những tia nắng leo lắt cuối ngày
phản chiếu lên mặt biển xanh thẳm rồi lan ngay ra không gian xung quanh,
khiến mọi thứ nhuốm màu sẫm tối, có cái gì da diết như đêm luyến ngày, như
niềm lưu luyến tha thiết của Kiều về ngày tháng êm đềm xưa kia. Các từ ngữ
"thấp thoáng", "xa xa" gợi sự lẻ loi, đơn độc như chính niềm hi vọng mỏng
manh, leo lét của Kiều. Một mình bơ vơ ở nơi đó, Kiều chỉ mòn mỏi nhớ về quê
hương, nhớ về cha mẹ, chờ mong một con thuyền đến cứu, thế nhưng những
chiếc thuyền ấy chỉ thấp thoáng ở xa rồi mất hút về phía chân trời. "Thuyền ai"
lênh đênh rồi mất hút về phía chân trời xa như cuộc đời Kiều, chẳng biết đến
bao giờ có thể về được quê nhà, báo hiếu cho cha mẹ.Ánh nhìn của Kiều vẫn ở
mặt nước nhưng đã gần hơn:
“Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu”
Cánh hoa mỏng manh, dập dìu trong dòng nước, bé nhỏ, chẳng thể nào chống
chọi được sức của "ngọn nước mới sa" như chính thân phận nàng Kiều nhỏ bé
trong dòng đời đẩy đưa. Thân phận Kiều giờ đây lạc lõng, lẻ loi, tả tơi trôi theo
dòng đời vô định "biết là về đâu" như chính bông hoa kia. Nhìn cánh hoa bị vùi
dập tả tơi ấy, nàng Kiều lại càng nhớ thương Kim Trọng, càng buồn tủi, xót xa
vì số phận bèo dạt mây trôi, chẳng biết sẽ đi về nơi nao của mình. Không chỉ có
mặt nước mênh mang chất chứa bao nỗi buồn mà cả cỏ cây cũng sầu thảm:
“Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.”
Ngược với cái tên xanh biếc hi vọng của "Ngưng Bích" sắc xanh nối tiếp của
trời đất qua đôi mắt buồn tủi của Kiều trở nên thật sầu thảm. Từ láy "rầu rầu"
gợi nên hình ảnh của một bãi cỏ tàn úa, xơ xác đến thảm thương. Xanh trời nối
tiếp xanh đất tàn úa, héo hon, vô vị, tẻ nhạt như chính số phận bị giam lỏng trên
lầu cao của Kiều.Tuổi thanh xuân tươi đẹp của Kiều, tài sắc vẹn toàn của nàng
rồi sẽ phai tàn, vô vị như màu xanh héo úa kia. Màu xanh vốn là màu của hi
vọng nay đã tàn úa như chính niềm hi vọng đang cạn dần và nỗi xót xa, dằn vặt
ngày càng dâng cao trong lòng Kiều. Quang cảnh đang im lặng, bỗng dậy sóng:
“Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.”
Âm thanh của tiếng sóng "ầm ầm" trong cảnh "gió cuốn mặt duềnh" như chính
là những bão tố phong ba đang chờ Kiều ở phía trước. Nàng lo lắng không biết
khi nào tai họa sẽ ập đến như tiếng sóng dồn dập ngoài xa. Tiếng sóng ầm ì như
chính tiếng của tai họa sắp ập tới, những cạm bẫy của cuộc đời ập đến "kêu
quanh ghế ngồi" khiến cho nàng Kiều sợ hãi. Điệp ngữ "buồn trông" đặt ở bốn
đầu câu lục bát trong đoạn thơ như tiếng thở dài cùng với nhịp thơ chầm chậm
và những thanh bằng đã nhấn mạnh nỗi buồn cứ càng lúc càng dâng lên mãi
trong lòng Kiều cùng hòa với cảnh vật càng lúc càng mênh mang, vắng vẻ hơn.
Những từ láy "xa xa", "thấp thoáng", "man mác", "rầu rầu", "xanh xanh", "ầm
ầm" như những con sóng dằn vặt, buồn tủi dâng tràn trong lòng Kiều. Nghệ
thuật tả cảnh ngụ tình của Nguyễn Du vô cùng điêu luyện, cảnh mang hồn
người. Cảnh và tình hòa hợp, sống động. Tả cảnh để tả tình, trong cảnh có tình,
lấy cảnh để phô diễn tâm trạng "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!". Mỗi một
cảnh vật là một nét đau, nỗi lo, nỗi đau buồn tê tái người con gái lưu lạc… Bức
tranh đa dạng, phong phú về ngoại cảnh và tâm cảnh đã khắc họa nỗi đau buồn,
sợ hãi mà Kiều đang nếm trải.
Qua hai đoạn trích “Cảnh ngày xuân” và Kiều ở lầu Ngưng Bích”, Nguyễn Du
đã thể hiện được ngòi bút miêu tả bậc thầy của mình khi thiên nhiên trong tác
phẩm của ông “bao giờ cũng vận động chứ không tĩnh tại”. Nhà thơ luôn nhìn
cảnh vật trong sự vận động theo thời gian và tâm trạng nhân vật. Cảnh và tình
luôn gắn bó, hòa quyện. Tài năng tả cảnh, tả tình của Nguyễn Du làm nên thành
công của tác phẩm và góp phần thể hiện tấm lòng nhân đạo của nhà thơ trong
"Truyện Kiều. Phải có “một tâm hồn cảm nhận được sự diễm lệ phong phú của
thiên nhiên” (Đặng Thanh Lê) thì ông mới có thể viết lên những vần thơ “thi
trung hữu hoạ” làm say đắm lòng người đến thế.
Khép lại những trang thơ ấy, trong lòng bạn đọc vẫn bồi hồi bao cảm xúc.
Thiên nhiên trong “Truyện Kiều” tựa như một nhân vật đã được Nguyễn Du trân
trọng, trân quý, chau chuốt từng chút một để rồi giờ đây, khi đọc những vần thơ
đó lòng chúng ta lại dạt dào bao cảm xúc. Qua cảnh vật mà Nguyễn Du đã gợi
lên tâm trạng nhân vật một cách sâu sắc. Phải chăng khi ông có “Con mắt nhìn
thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời” thì mới có thể viết lên nhưgx vần
thơ tuyệt tác như thế.

You might also like