TRỐNG ĐỒNG LÀNG VẠC

You might also like

Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 35

1

TRỐNG ĐỒNG LÀNG VẠC

Hoàng Văn Diệp1

1. Dẫn luận

1.1. Năm 1994, 70 năm sau phát hiện di tích Đông Sơn, nhóm các nhà
nghiên cứu khảo cổ học thuộc Viện Khảo cổ học, do Giáo sư Hà Văn
Tấn chủ biên đã hoàn thành công trình mang tính tổng hợp và khái quát
đầu tiên về văn hóa Đông Sơn. Đó là công trình Văn hóa Đông Sơn ở
Việt Nam được Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành. Trong công
trình đầy ắp thông tin, khách quan và khoa học này đã 288 lần nhắc đến
di tích, di vật Làng Vạc.
Hai năm sau đó, năm 1996, PGS.TS Phạm Minh Huyền, trong công
trình Văn hóa Đông Sơn tính thống nhất và đa dạng, cũng được Nhà
xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành đã nhắc đến Làng Vạc 116 lần.
Nguyễn Duy Hinh trong chuyên khảo nghiên cứu về trống đồng: Trống
đồng Quốc bảo Việt Nam cũng 26 lần lấy dẫn chứng cho các luận điểm
của mình từ các trống đồng Làng Vạc.
Điểm qua ba công trình tiêu biểu như vậy, để thấy rằng đối với khảo cổ
học Việt Nam, Làng Vạc là một di tích đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa
lớn lao trong việc làm sáng tỏ các vấn đề của lịch sử dân tộc.

1.2. Trong nghiên cứu văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam, mộ táng là một
đối tượng nghiên cứu hết sức quan trọng. Các khu mộ nổi tiếng của văn
hóa Đông Sơn có thể kể đến như Đông Sơn, Làng Cả, Thiệu Dương,
Vườn Chuối, Núi Nấp, Châu Can, Làng Vạc. Trong đó Làng Vạc là nơi

1 Bộ môn Khảo cổ học, khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
2

tìm thấy số lượng lớn nhất các trống đồng trong một bối cảnh khảo cổ
học cụ thể.
Di tích Làng Vạc được phát hiện năm 1972. Cùng năm đó một số hố
thăm dò với tổng diện tích là 137m2 được mở tại khu vực Xóm Làng của
Làng Vạc. Tiếp nối những kết quả của cuộc khai quật năm 1972, năm
1973, Viện Khảo cổ học khai quật tại đây 480m2. Mùa điền dã năm 1980
– 1981 viện Khảo cổ học đã tiếp tục khai quật thêm 363m2. Cuối năm
1990, cuộc khai quật hợp tác Việt Nhật tiến hành tại di tích Làng Vạc đã
khai quật 178m2 tại khu vực Xóm Làng. Cuộc khai quật thứ tư năm
1991, đoàn khai quật Việt Nhật khai quật Xóm Đình là một địa điểm
ngay kề di tích Xóm Làng với diện tích khai quật 88m2. Năm 1999, do
Làng Vạc bị nạn đào trộm cổ vật tàn phá, viện khảo cổ học và Bảo tàng
Nghệ An đã khai quật khẩn cấp 18m2. Như vậy, tổng diện tích đã khai
quật tại Làng Vạc là 1264m2 thuộc cả hai khu vực Xóm Làng và Xóm
Đình
Với nhiều đợt khai quật và nghiên cứu trên một diện tích lớn. Nhiều hiện
vật đã được đưa lên khỏi lòng đất. Trong số đó, có 15 chiếc trống đồng
bao gồm trống thực dụng (được chôn theo với công dụng là đồ tùy táng)
và trống minh khí được tìm thấy trong các ngôi mộ. Cùng với hình thái
mộ, những di vật tùy táng khác, trống đồng Làng Vạc trở thành một
trong những minh chứng quan trọng để nghiên cứu văn hóa Đông Sơn
và các mối quan hệ của nó trong bối cảnh rộng lớn hơn.
Bài viết này sử dụng những tư liệu đã công bố về các trống đồng được
phát hiện tại di tích Làng Vạc, bằng phương pháp so sánh loại hình học
để đặt trống đồng Làng Vạc trong một bối cảnh rộng hơn. Từ đó, có
những kiến giải về vị thế, cũng như tầm vóc của Làng Vạc trong lịch sử
dân tộc.

2. Những chiếc trống đồng phát hiện tại Làng Vạc


Những mô tả, kích thước và các đặc điểm của những trống đồng ở Làng
Vạc được tổng hợp từ những công trình đã công bố và xuất bản sau đây:
- Trịnh Minh Hiên, Trịnh Sinh, Phạm Minh Huyền, 1974, Báo cáo khai
quật khu mộ táng Làng Vạc, Tư liệu Viện Khảo cổ học;
3

- Phạm Minh Huyền, Ngô Sỹ Hồng, Nguyễn Thành Trai, 1982, Báo cáo
khai quật Làng Vạc từ tháng 12 năm 1980 dến tháng 4 năm 1981, Tư
liệu Viện Khảo cổ học.
- Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Vinh, 1975, Những trống đồng Đông Sơn
đã phát hiện ở Việt Nam, Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam xuất bản, Hà
Nội
- Phạm Minh Huyền, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Sinh, 1987, Trống
Đông Sơn, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Phạm Huy Thông (chủ biên), 1990, Dong Son drums in Viet Nam, Nhà
xuất bản Khoa học Xã hội, in tại Nhật Bản.
- Bảo tàng Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây Trung Quốc, Viện
Nghiên cứu Văn vật khảo cổ Quảng Tây Trung Quốc, Bảo tàng Lịch sử
Việt Nam, 2011, Trống đồng Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học, Bắc
Kinh, Trung Quốc.

2.1. Trống Làng Vạc I (hình 1, 2):

Chiếc trống mang ký hiệu LV72-2541/4c. Sau đó được biết đến với cái
tên trống Làng Vạc I trong các công trình nghiên cứu về trống đồng.
Thông qua những mô tả trong các công trình đã công bố, trống Làng
Vạc I có những đặc điểm như sau:
Trống có chiều cao 29cm. Đường kính mặt trống 37,8cm. Đường kính
tang là 43,4cm, đường kính thân 33,5cm đường kính chân trống là
45,4cm, dày 0,2 cm. Nặng 11kg. Trống bị chọc thủng hai lỗ trên mặt.
Tang trống phình. Thân trống cũng bị chọc thủng một lỗ. Thân trống
chia làm hai phần: Phần trên hình chóp cụt, phần dưới loe dần, chân
trống thấp, chân trống bị sứt hai chỗ. Trống có bốn đôi quai kép, mỗi đôi
có một khe hở ở giữa. Trên quai trang trí ba dải hoa văn những đường
gạch chéo song song.
Hoa văn trên mặt trống: chính giữa mặt trống là một hình sao 12 cánh.
Họa tiết đệm giữa các tia là các đường chỉ nổi hình chữ V lồng vào
nhau, phủ kín toàn bộ phần trống giữa các cánh sao. Vòng 1, 4, 8 là
những hàng chấm nổi, vòng 2 và 6 là hoa văn hai vòng tròn đồng tâm,
tâm là một chấm nổi. Vòng 5 và 7 là hoa văn những tam giác cân liền
đáy nhau. Đệm giữa các cạnh của các tam giác có 3 chấm nổi xếp theo
4

chiều dọc. Vòng 3 có 4 hình chim bay đang bay ngược chiều kim đồng
hồ. Chim có mào và mỏ dài, mắt là một vòng tròn có chấm nổi ở giữa.
Đuôi và thân chim tạo thành một hình gần giống tam giác, bên trong có
những đường gạch ngắn và chấm nổi. Hai cánh chim xoè ngang thể hiện
hình thể lúc chim đang bay. Cánh có hình tam giác, bên trong có những
gạch ngắn song song.
Hoa văn tang trống: từ trên xuống dưới hoa văn được bố cục như sau:
vòng 1 và 5 là hoa văn những hàng chấm nổi. Vòng 2 và 4 là hoa văn
những tam giác cân liền đáy nhau, đúc nổi, đệm vào khoảng cách giữa
các tam giác này là các chấm nổi. Vòng 3 là hoa văn vòng tròn tiếp
tuyến có chấm nổi ở giữa. Vòng 6 là vòng hoa văn thể hiện 4 chiếc
thuyền. Trên thuyền có 4 người. Thuyền và người đều được đúc nổi.
Những chiếc thuyền này có dáng thon dài, đuôi thẳng. Thuyền được
trang trí những đường gạch ngắn ở thân. Trên thuyền có 4 người người
ngồi thứ ba (kể từ mui thuyền lại) không chèo. Cả bốn người đều được
thể hiện các bộ phận mắt, mồm. Trên thân của mỗi người có nhiều chấm
nổi. Đằng sau được thể hiện như búi tóc. Trang trí phần mũi của từng
chiếc thuyền không giống nhau: một chiếc ở mũi thuyền có vòng tròn có
chấm giữa, đầu mũi được chia thành hai nhánh, nhánh rộng hơn có
những đường gạch ngắn. Một chiếc thuyền khác ở mũi thuyền được chia
thành 3 nhánh, nhánh phía trước có những đường gạch ngắn. Trên hai
thuyền còn lại, đầu mũi được chia làm 3 nhánh nhưng bên trong không
có đường gạch ngắn. Cả bốn chiếc thuyền đều bơi theo hướng từ trái
sang phải.
Hoa văn trên thân trống gồm 2 phần: Phần trên miêu tả bò xen kẽ với
các khung hoa văn xếp theo chiều dọc của thân trống. Có 8 con bò đang
đứng, đầu hướng về phía tay phải, sừng cong hình trăng khuyết, u vai
nổi cao. Chân choãi về đằng trước. Đuôi bò dài đến khuỷu chân và có
những đường gạch ngắn. Mắt bò là một vòng tròn có chấm ở giữa. Cách
bố trí những con bò như sau: cứ hai con đực lại xen hai con cái. Trang trí
trên thân bò không giống nhau: có 4 con bò liền nhau ở trên thân trang
trí những vòng tròn có chấm giữa và tiếp tuyến. 4 con bò liền nhau còn
lại ở trên thân trang trí hai vạch song song với nhau xen kẽ với những
hàng chấm nổi.
5

Giữa cái khung hình chữ nhật trang trí hình bò là những khung hẹp hơn
trang trí hoa văn những đường rạch ngắn, vòng tròn tiếp tuyến, có chấm
nổi ở giữa, những hàng chấm nổi vv...
Phần dưới là những vòng hoa văn có thứ tự giống như các vòng hoa văn
ở tang trống.
Chân trống choãi, không trang trí hoa văn.
Trống Làng Vạc I được các nhà khảo cổ học Việt Nam xếp vào loại
trống Heger I, nhóm A4.

2.2. Trống Làng Vạc II (hình 3,4):

Khi khai quật trống có tên LV73.H2.M3.10. Sau đó được biết đến với
cái tên trống Làng Vạc II; Hình dáng tổng thể giống với trống Làng Vạc
I. Mặt trống bị ghè thủng một lỗ từ trong ra ngoài. Trống có hai đôi quai
kép ở hai bên thân trống. Trang trí ở mỗi quai hai dải hoa văn hình bông
lúa. Về kích thước trống có chiều cao 25,4cm. Đường kính mặt trống
34,1cm. Đường kính chân 43,2cm. Độ dày của thành chân trống là
0,3cm.
Hoa văn mặt trống: Giữa mặt trống là hình sao nổi 0,3cm, có 10 tia.
Giữa các tia có là hình chữ V lồng vào nhau. Các vòng hoa văn quanh
hình sao như sau: vòng 1, 2, 4 và 6 là những hàng chấm nổi. Vòng 3 và
5 là những hình tam giác cân liền đáy nhau tạo thành hình răng cưa, giữa
có ba chấm nổi.
Hoa văn tang trống: Vòng 1 và 2 là những tam giác cân liền đáy nhau
tạo thành răng cưa. Vòng 3 là hoa văn thuyền và chim xen kẽ. Có bốn
chiếc thuyền bơi theo hướng từ trái sang phải, đều giống nhau. Thân
thuyền cong, có những nổi nhỏ. Đuôi thuyền xoè ra hình nan quạt. Mũi
thuyền chia ra làm ba nhánh. Nhánh thứ ba to có hình gần giống tam
giác, bên trong trang trí hoa văn gạch ngắn và chấm tròn. Mũi thuyền có
một vòng tròn có chấm giữa. Trên thuyền có ba người chèo, mắt là một
chấm nổi, tư thế co chân, hai tay đưa ra cầm mái chèo, tóc dài hình đuôi
ngựa. Xen lẫn những chiếc thuyền là hình sáu con chim đang đứng.
Chim có mỏ dài, mắt là vòng tròn có chấm. Đuôi chim xoè rộng, có hoa
văn gạch ngắn. Thân chim có chấm nổi.
6

Hoa văn thân trống có hai phần: Phần trên là tám khung hình chữ nhật
đứng dọc theo chiều của trống, ở mỗi khung có hai dải hoa văn hình tam
giác cân liền đáy trống như răng cưa. Phần dưới là hai vòng hoa văn tam
giác cân liền đáy nhau.
Chân trống không có hoa văn.
Trống Làng Vạc II được các nhà khảo cổ học Việt Nam xếp vào loại
trống Heger I, nhóm A4.

2.3. Trống Làng Vạc III (hình 5):

Đây là trống có ký hiệu LV.73.H2.M14.12 có tang phình, thân hình trụ


tròn, chân hình chóp cụt. Trống có chiều cao 48,5cm. Đường kính mặt
56,0cm. Đường kính chân trống là 59,5cm. Độ dày của thành chân trống
là 0,6cm. Trống có 8 quai. Mỗi bên thân trống có bốn quai chia làm hai
cặp quai kép.
Trên mặt trống có một lỗ thủng to, do trong quá trình đúc, đồng không
láng tới và đã được hàn. Ngay chỗ bị thủng này, trống đã bị đập bẹp
trước khi chôn theo người chết. Thân trống có vài chỗ bị rạn. Tang trống
bị đập bẹp.
Chính giữa là hình cánh sao với 12 cánh nổi cao so với mặt trống 0,3cm.
Giữa các tia là hình những góc nhọn lồng nhau. Giữa các góc nhọn lại có
hình hai vòng tròn đồng tâm có chấm ở giữa. Quanh hình sao có những
vòng hoa văn: vòng 1 và vòng 5 là những hàng chấm nhỏ. Vòng 2, 4 và
8 là những vòng tròn tiếp tuyến có chấm giữa. Vòng 3 là hoa văn những
chữ S gãy khúc xen lẫn với những hình chữ nhật nổi có hai cạnh ngắn
kéo dài ra. Vòng 7 và vòng 9 là hoa văn những đường gạch ngắn song
song với nhau. Vòng 6 có hình bốn con chim đúc nổi bay ngược chiều
kim đồng hồ. Chim có mào cổ dài, mỏ hình chữ V. Mắt hình tròn có
chấm giữa, thân và đuôi chim hợp lại thành một hình gần giống tam
giác, bên trong có những đường gạch ngắn. Cánh chim xoè ngang, hơi
cụp lại. Cánh chim được trang trí những đường gạch ngắn song song với
nhau. Hoa văn tang trống tương đối đơn giản: vòng 1 và vòng 3 là những
đường gạch ngắn song song. Vòng 2 là vòng hoa văn những vòng tròn
tiếp tuyến có chấm nổi ở giữa.
Hoa văn thân trống có hai nhóm:
7

Nhóm thứ nhất ở trên gồm 8 khung đứng song song cách đều dọc theo
chiều dọc của trống, ở mỗi khung hoa văn có dải hoa văn ở giữa là các
vòng tròn tiếp tuyến có chấm ở giữa. Hai dải hoa văn bên cạnh là những
đường gạch chéo song song.
Nhóm thứ hai ở dưới gồm ba vòng hoa văn nằm ngang giống hệt như
hoa văn ở tang trống, chân trống không có hoa văn.
Trống Làng Vạc III được các nhà khảo cổ học Việt Nam xếp vào loại
trống Heger I, nhóm B2.

2.4. Trống Làng Vạc IV (hình 6):

Đay là trống có ký hiệu LV72-2541/6c có hình dáng tổng thể giống với
trống Làng Vạc I và trống Làng Vạc II. Trống bị đập thủng ở mặt trước
khi đem chôn. Tang và chân đế có những lỗ thủng do khi đúc đồng
không chảy tới, Trống được trang trí sơ sài. Trống cao 23,5cm. Đường
kính mặt trống 27,8cm. Đường kính chân 36,5cm. Độ dày của thành
chân trống là 0,2cm. Trống có hai đôi quai kép ở hai bên, trang trí mỗi
quai hai hàng hoa văn bông lúa.
Giữa mặt trống là hình cánh sao nổi cao 0,1cm, có 10 cánh. Giữa các
cánh là những đường gạch chéo. Phía ngoài có các vành hoa văn như
sau: Vòng 1 có bốn chim bay ngược chiều kim đồng hồ. Chim cổ dài,
mỏ có hình chữ V. Giữa cổ có một dường gân nổi. Đuôi và thân chim
tạo thành một hình gần giống tam giác, bên trong có những đường rạch
ngắn. Cánh chim xoè ngang ra thành hình thang, bên trong có những
gạch ngắn. Vòng 2 và 3 là những tam giác cân liền đáy như răng cưa,
bên trong có hai chấm nổi.
Hoa văn tang trống: 2 vòng hoa văn tam giác cân liền đáy như răng cưa.
Hoa văn thân trống có hai phần: Phần trên là 8 khung hình chữ nhật bố
trí theo chiều dọc của thân trống. Ở mỗi khung trang trí những đường
gạch chéo song song với nhau như hình sống lá. Phần dưới là hai dải hoa
văn tam giác cân liền đáy nhau. Chân trống không có hoa văn.
Trống Làng Vạc IV được các nhà khảo cổ học Việt Nam xếp vào loại
trống Heger I, nhóm B3.
8

2.5. Trống Làng Vạc V (hình 7):

Trống không còn nguyên, được phát hiện trong cuộc khai quật năm
1981, chỉ còn lại phần mặt trống. Có ký hiệu LV81H3M42. Đường kính
mặt 26,5cm. Giữa mặt có mặt trời 7 tia, các vành hoa văn ngoài là văn
vòng tròn kép có chấm và tam giác răng cưa. Rìa mặt có bốn tượng cóc
đang bơi ngược chiều kim đồng hồ. Trống Làng Vạc V được các nhà
khảo cổ học Việt Nam xếp vào loại trống Heger I, nhóm C3.

2.6. Các trống Làng Vạc VI, VII, VIII

Bên cạnh các trống đồng đã được mô tả trên đây, còn 3 mảnh trống được
phát hiện trong cuộc khai quật năm 1980 - 1981. Các mảnh trống này
được đánh số lần lượt là các trống Làng Vạc VI, VII, VIII. Nhưng vì
không nhận dạng được đầy đủ nên các nhà khảo cổ không phân loại.
2.7. Các trống minh khí Làng Vạc
Có tổng 7 chiếc trống minh khí hay trống thu nhỏ được phát hiện tại
Làng Vạc, Về tạo dáng chúng tương đối giống nhau: Tang trống phình,
thân hình chóp cụt, chân trống thấp. Phần lớn đều được trang trí hoa văn,
1 chiếc không trang trí hoa văn, 1 chiếc bị mủn nát (Hình 8). Tất cả các
trống minh khí đều được xếp vào nhóm F.
3. Trống đồng Làng Vạc trong các mối quan hệ rộng hơn.
3.1. Qua những phát hiện về trống đồng trong các mộ táng Làng Vạc có
thể thấy rằng, các trống lớn của Làng Vạc đều là trống được phân loại
vào nhóm trống Heger I với 2 chiếc nhóm A, 2 chiếc nhóm B và 1 chiếc
nhóm C2. Việc phân loại này ngoài sự tương đồng về loại hình nó còn có
ý nghĩa về niên đại phát triển. Nhóm trống đồng sớm ở Làng Vạc theo
phân loại như vậy có niên đại sớm từ thế kỷ IV trước Công nguyên và
trống muộn có niên đại đến thế kỷ I sau Công nguyên. Tất nhiên, niên
đại của trống sẽ sớm hơn niên đại của ngôi mộ chứa nó.

2Phạm Minh Huyền, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Sinh, 1987, Trống Đông Sơn, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà
Nội
9

Cho đến nay, chưa có một series các niên đại C14 cho toàn bộ di tích
này. Chỉ có một niên đại được xác định bằng phương pháp C14 được lấy
mẫu từ mộ 5, hố II của cuộc khai quật năm 1972 - 1973. Mẫu này cho
niên đại 1990  85 BP3. Hiệu chỉnh bằng chương trình OxCal bản mới
nhất năm 2020 cho kết quả với độ tin cậy 95,4% là 197calBC ~
235calAD.

Những người khai quật Làng Vạc lần II năm 1980 - 1981 sau khi tổng
hợp kết quả của hai đợt khai quật đã cho rằng, niên đại của các mộ táng
Làng Vạc tồn tại trong khoảng từ thế kỷ II trước công nguyên cho đến
thế kỷ II sau công nguyên. Các tác giả của cuốn The Lang Vac site thì lại
cho rằng, niên đại của Làng Vạc khoảng thế kỷ II trước công nguyên, có
một số mộ có thể thuộc về thế kỷ III trước công nguyên, một số thì
muộn hơn, khoảng thế kỷ I trước công nguyên với sự xuất hiện của
gương đồng và tiền Bán Lạng, Ngũ Thù4.
Các nhà khảo cổ học Việt Nam trên cơ sở sắp xếp, phân loại các loại
hình mộ táng và những di vật chỉ thị niên đại. Đã chia sự phát triển của
Làng Vạc thành 4 giai đoạn phát triển: giai đoạn 1 trước thế kỷ III trước
Công nguyên với đặc điểm là những ngôi mộ chỉ tìm được huyệt, đồ
gốm nhỏ; giai đoạn 2 từ khoảng thế kỷ III trước Công nguyên đến thế kỷ
II trước Công nguyên; giai đoạn 3 từ thế kỷ II trước công nguyên đến
thế kỷ I trước công nguyên; giai đoạn cuối cùng là từ thế kỷ I trước
Công nguyên đến những thế kỷ đầu sau Công nguyên5.
Như vậy, từ kết quả của các cuộc khai quật. Trên cơ sở nghiên cứu so
sánh loại hình học và các hiện vật chỉ thị niên đại. Có thể thấy rằng khu
mộ táng Làng Vạc tồn tại trong khoảng một thời gian dài. Cùng với việc
phát hiện các dấu tích hoạt động của con người đồng đại với Làng Vạc
tại Xóm Đình, Làng Bồi, Đông Hiếu đã chứng minh rõ ràng khu vực
3Phạm Minh Huyền, Ngô Sỹ Hồng, Nguyễn Thành Trai, 1982, Báo cáo khai quật Làng Vạc từ tháng 12 năm
1980 dến tháng 4 năm 1981, Tư liệu Viện Khảo cổ học
4 Keiji Imamura, Chu Van Tan (ed),2004, The Lang Vac sites, Volume I: Basic report Basic report on the
Vietnam-Japan Joint Archaeological Research in Nghia Dan District, Nghe An Province, 1990-1991, Graduate
School of Humanities and Sociology, University of Tokyo, Japan. Trang 153 - 155.
5Hà Văn Tấn (chủ biên), 1994, Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội. Trang
280
10

xung quanh thị xã Thái Hòa ngày nay mà trung tâm của nó là khu vực
Làng Vạc đã là một nơi tập trung dân cư đông đúc với một trình độ phát
triển cao trên nền tảng của nông nghiệp lúa nước6 và công nghệ luyện
kim7.
Với quá trình định cư lâu dài và trình độ phát triển như vậy, cư dân Làng
Vạc đã có nhiều mối giao lưu trao đổi với nhiều khu vực khác.

3.2. Trước khi xem xét mối quan hệ của trống đồng Làng Vạc trong bối
cảnh rộng hơn ta cần xem xét các mối quan hệ tổng thể của Làng Vạc
thông qua sưu tập các di vật khác.
Sưu tập đồ đồng của Làng Vạc thể hiện khá rõ các mối quan hệ văn hóa.
Về mặt loại hình học có thể thấy đồ đồng Làng Vạc mang phong cách
Đông Sơn đậm nét, một số trong chúng phảng phất phong cách văn hóa
Điền.
Trong số sưu tập đồ đồng có loại hình dao găm cán củ hành rất đặc trưng
tồn tại ở cả 3 loại hình của văn hóa Đông Sơn. Đồng thời, tại Làng Vạc
tìm thấy khuôn đúc đúc loại dao găm này. Do đó, có thể khẳng định đây
là một loại hình đồ đồng bản địa. Số lượng của dao găm loại này thu
được trong hai đợt khai quật đầu tiên là 51 chiếc, đợt khai quật năm
1990 - 1991 thu thêm được 13 chiếc. Chiếm tỉ lệ cao trong sưu tập đồ
đồng của Làng Vạc.
Nhóm dao găm có chắn tay thẳng và dao găm có cán tượng người một
số học giả cho rằng đó là loại hình chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Điền.
Tuy nhiên, nếu đặt các di vật trong các ngôi mộ Điền ở Thạch Trại Sơn
và Lý Gia Sơn với Làng Vạc, ta có thể dễ dàng nhận ra sự khác biệt rõ
ràng giữa chúng. Sự tương đồng có thể chấp nhận được ở đây là cách
trang trí tượng tròn trên cán. Nhưng, tượng tròn trên dao găm Làng Vạc
và tượng tròn trên dao găm Điền khác nhau cơ bản về tạo hình, từ phong
cách đến motif.

6 Xem thêm kết quả phân tích hình thái hạt lúa trong chạc gốm Làng Vạc của Miyamori Yuko và Hori Chihiro
trong Keiji Imamura, Chu Van Tan (ed),2004, sđd. Trang 212 – 214 và
7Trong các đợt khai quật tại Làng Vạc đã thu được một số khuôn đúc đồng, và dấu vết của các lò nấu đồng ở
Xóm Đình, xem thêm trong Keiji Imamura, Chu Van Tan (ed),2004, sđd. Trang 186 - 194.
11

Loại hình dao găm/kiếm có chắn tay ngang đặc trưng của văn hóa Điền
gần như chỉ xuất hiện ở loại hình Làng Cả của văn hóa Đông Sơn. Trong
khi đó ở Làng Vạc và loại hình Đông Sơn ở sông Mã tồn tại loại dao
găm/ kiếm ngắn có chắn tay, nhưng ở hai đầu của chắn tay của Làng
Vạc và Đông Sơn đều được uốn sát vào thân kiếm. Tạo hình phần lưỡi
dao cũng khác loại dao đặc trưng của văn hóa Điền.

Sự tương đồng về loại hình giữa Làng Vạc và văn hóa Điền như chuông
dẹt nữu sừng dê, chuông có hoa văn vòng tròn xoáy ốc. Nhưng những
loại hình này cũng tìm thấy trong văn hóa Đông Sơn ở khu vực khác.
Điều thú vị là trong công bố về kết quả nghiên cứu đồng vị chì ở Làng
Vạc. Imamura nhận thấy rằng, đồng vị chì trong các mẫu phân tích ở
Làng Vạc nằm trong phạm vi đồng vị chì ở Vân Nam và Quảng Tây.
Tuy nhiên, do chưa có những phân tích đồng vị chì Việt Nam và xung
quanh khu vực Làng Vạc để so sánh nên ông cho rằng không nên kết
luận vội vàng là những đồ đồng ở Làng Vạc được sản xuất từ nguồn
nguyên liệu được nhập từ Vân Nam và Quảng Tây. Trong cái nhìn so
sánh trong một khu vực rộng lớn, ông gợi ý đến mối trao đổi, giao lưu
văn hóa trong một khu vực rộng lớn hơn quanh Làng Vạc bao gồm cả
Ban Chiang (đông bắc Thái Lan) và Đông Nam Á hải đảo thông qua
thương mại và truyền bá kỹ thuật8.

Tuy nhiên, theo kết quả phân tích đồng vị chì của dự án đồng vị chì ở
Đông Nam Á đã cho thấy, đồng vị chì trong các 10 mẫu lấy từ Làng Vạc
cho thấy chúng gần nguyên liệu của Xepon, cụ thể là ở khu vực Pơn Bao
Lò và Thông Na Ngược9. Tôi so sánh hai bảng kết quả với nhau và thấy
rằng thành phần đồng vị chì của Làng Vạc qua hai đợt phân tích hoàn
toàn tương đồng nhau. Như vậy, rất có thể khu vực Xepon là khu vực
nguyên liệu cung cấp chung cho toàn khu vực Nam Trung Hoa và Bắc
Việt Nam.
8今村啓爾, ベトナム,ランヴァク遺跡と出土青銅器の鉛同位体分析の結果についてコ, 国立歴史民俗博物館研究報告
第86集 2001年3月 (Imamura Keiji, 2001, Phân tích đồng vị chì của hiện vật đồng khai quật tại di tích Làng Vạc,
Việt Nam, Thông báo khoa học của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nhật Bản, số 86, tháng 3 năm 2001)
9Oliver Pryce at el, 2014, More questions than answers: The Southeast Asian Lead Isotope Project 2009 –
2012, Journal of Archaeological Science, February 2014
12

Bên cạnh phân tích đồng vị chì, các nhà khoa học Nhật Bản còn phân
tích thành phần của trang sức thủy tinh được tìm thấy tại Làng Vạc, kết
quả phân tích tại đây cho thấy trong thành phần thủy tinh Làng Vạc
không có chì, đây là điều khác biệt hoàn toàn với thủy tinh đồng đại đã
được phân tích ở Nam Trung Quốc10.
Trong mộ táng Làng Vạc cũng tìm được loại hình khuyên tai hình vành
khăn, loại khuyên tai này có lẽ được sản xuất tại khu công xưởng chế tác
khuyên tai của văn hóa Đông Sơn ở sông Mã như Bái Tê, Cồn Cấu, Gò
Mả Chùa, Bái Khuynh, Bãi Rắt, Núi Sen. Cho đến nay, khu vực Sông
Mã là nơi duy nhất tìm thấy các công xưởng chế tác khuyên tai thuộc
giai đoạn này.
Bên cạnh đó, trong táng thức của mộ Làng Vạc chúng ta bắt gặp mộ rải
gốm, điều này gợi đến những mộ rải gốm của Ban Chiang. Mộ nồi vò
(có thể là của trẻ em) gợi ta liên tưởng đến những mối liên hệ với văn
hóa Sa Huỳnh.
Như vậy, chúng ta có thể thấy bộ sưu tập di vật khai quật tại Làng Vạc
cho thấy rõ ràng tính bản địa rất riêng và đậm nét11 nhưng cũng có
những yếu tố thể hiện quá trình trao đổi giao lưu với các văn hóa đồng
đại trong khu vực.

3.3. Đã có nhiều nghiên cứu nhắc đến trống đồng Heger I. Trong đó
trống Làng Vạc được nhắc đến với tư cách là một trong những bằng
chứng thể hiện mối quan hệ của văn hóa Đông Sơn loại hình Làng
Vạc/sông Cả của văn hóa Đông Sơn với Nam Trung Quốc.
PGS.TS. Trình Năng Chung, một trong những học giả dày dặn của Viện
Khảo cổ học, nhiều năm nghiên cứu về khảo cổ học Nam Trung Quốc
trong công trình Mối quan hệ văn hóa Đông Sơn với các văn hóa thời
đại kim khí ở Nam Trung Quốc, đã nhận định rằng: trống đồng Động Xá,

10 Hokura Akiko, Nakai Izumi, Chemical study of glass artifacts unearthed from Lang Vac location, Trong Keiji
Imamura, Chu Van Tan (ed),2004, The Lang Vac sites, Volume I: Basic report Basic report on the Vietnam-Japan
Joint Archaeological Research in Nghia Dan District, Nghe An Province, 1990-1991, Graduate School of
Humanities and Sociology, University of Tokyo, Japan, trang 215 – 220.
11Hà Văn Tấn (chủ biên), 1994, sđd, Trang 269 – 274; Phạm Minh Huyền, 1996, Văn hóa Đông Sơn tính thống
nhất và đa dạng, nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, trang 178 - 186
13

trống Làng Vạc I và cả chiếc qua đồng phát hiện ở Gò De là sản phẩm
“nguyên bản” từ cư dân Điền ở Vân Nam do giao lưu trao đổi mà có12.
TS. Nguyễn Việt, trong một công trình cuốn hút và đầy ắp thông tin Hà
Nội thời Tiền Thăng Long do Nhà xuất bản Hà Nội xuất bản năm 2010
đã cho rằng nhóm di tích Xuân Lập và Làng Vạc là những địa điểm do
quý tộc Âu Lạc thất trận chạy loạn đến, dựa trên bằng chứng là những
ngôi mộ giàu có chôn theo vũ khí, đồ trang sức và đồ đồng nghi lễ lớn
như trống đồng, thạp đồng. Ông cũng nhấn mạnh sự tương đồng giữa
mộ phủ đá của Làng Vạc với mộ Khả Lạc13.
TS Tạ Đức, trong công trình nhiều tranh cãi Nguồn gốc người Việt,
người Mường bên cạnh việc dẫn lại ý kiến nêu trên của Nguyễn Việt.
Nhưng dựa trên sự tương đồng giữa trống, chuông Làng Vạc với trống,
chuông Điền ông đã nhận định rằng Làng Vạc chính là một điểm di tản
của quý tộc Điền14.
Nguyễn Duy Hinh cho rằng hình tượng bò ở trống Đồi Ro, Làng Vạc I
là bản rút gọn của lễ ăn trâu được thể hiện trên trống A Trương Trại ở
Vân Nam (Trung Quốc)15.
Trong nghiên cứu về trống đồng Đông Sơn, rõ ràng chưa có sự thống
nhất giữa các trong cộng đồng học giả. Các nhà nghiên cứu Việt Nam sử
dụng cách phân loại của Heger, trống Đông Sơn là trống Heger I, và
phân chia loại này thành 4 nhóm, mỗi nhóm chia thành các loại nhỏ hơn,
các loại được chia thành các tiểu loại nhỏ hơn nữa. Trong đó nhóm A1
gồm các trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa, Sông Đà là những trống
sớm nhất. Các nhà khảo cổ học Trung Quốc thì dường như phần lớn
chấp nhận hệ thống từ trống tiền Heger với đại diện là trống Vạn Gia Bá,
sau đó là trống Thạch Trại Sơn và cuối cùng là loại hình Lãnh Thủy
Xung. Imamura chia các truyền thống trống đồng thành Trống Thạch
Trại Sơn và truyền thống Đông Sơn và hai loại hình này cùng song song
tồn tại. Tuy nhiên, khác với các nhà nghiên cứu khác Nguyễn Văn Hảo,
Trình Năng Chung, 2015, Mối quan hệ văn hóa Đông Sơn với các văn hóa thời đại kim khí ở Nam Trung Quốc,
12

Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.


13 Nguyễn Việt, 2010, Hà Nội thời Tiền Thăng Long, Nhà xuất bản Hà Nội, Trang 626
14 Tạ Đức, 2013, Nguồn gốc người Việt, người Mường, Nhà xuất bản Trí thức, Hà Nội.
15 Nguyễn Duy Hinh, 2001, Trống đồng quốc bảo Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội. Trang 144
14

gần đây có nhiều công bố liên quan đến trống đồng. Ông cho rằng trống
đồng Điền là loại hình phái sinh của trống Đông Sơn, do học hỏi trống
đồng Đông Sơn mà có16.
Rõ ràng, các vấn đề về trống đồng Đông Sơn thực tế rất phức tạp. Bởi lẽ
bên cạnh loại hình, các trống được phát hiện chủ yếu là phát hiện ngẫu
nhiên, một số trống được phát hiện trong các mộ táng. Về niên đại của
trống luôn là một câu hỏi lớn với các nhà khảo cổ. Bởi lẽ niên đại của
trống trong các ngôi mộ có các hiện vật chỉ thị niên đại, thậm chí có thể
có các niên đại C14 đi kèm. Nhưng, đó chỉ là niên đại trống được chôn
theo mộ (một số niên đại còn tạo ra sự nghi ngờ về tính khách quan của
nó), còn niên đại đúc trống ra sao là một vấn đề khó khăn, phức tạp hơn.
Nếu không xác định được các trung tâm đúc trống và niên đại đúc của
trống mà chỉ dựa vào loại hình học chắc chắn sẽ tạo nên những cuộc
tranh luận khó có hồi kết.
Cho đến nay có thể khẳng định chắc chắn một trung tâm đúc trống đồng
Đông Sơn (Heger I) tại Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh). Minh chứng
của sự chắc chắn này là sự xuất lộ của những mảnh khuôn đúc trống
đồng trong địa tầng chuẩn được phát hiện bởi TS Nishimura Masanari,
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bộ môn Khảo cổ học Trường Đại học Khoa
học Xã hội và Nhân văn. 923 mảnh khuôn đúc đã được đưa lên khỏi
lòng đất, niên đại của chúng dựa trên địa tầng và niên đại C14 của 2 mẫu
than trong tầng đã cho thấy, những mảnh khuôn đúc này có niên đại
tương đối muộn, vào khoảng thế kỷ III – VI sau công nguyên17. Như
vậy, chúng ta mới chỉ xác định được 1 trung tâm đúc trống đồng ở miền
Bắc Việt Nam.
Ở Nam Trung Quốc, mặc dù chưa thấy có một khẳng định, hay phát hiện
nào liên quan đến những bằng chứng của việc đúc trống đồng tại chỗ.
Nhưng, những phân tích đồng vị chì của Lý Hiểu Cầm và Vạn Phụ Bân
đã cho thấy: Đồng vị chì của trống loại hình Vạn Gia Bá nằm trong
phạm vi đồng vị chì của Vân Nam, một số không phải của Vân Nam;

16Nguyễn Văn Hảo, 2019, Trống Điền – Loại hình phái sinh của trống đồng Đông Sơn, Tạp chí Nghiên cứu dân
tộc thiểu số, Số 4, vol 8. Trang 111 - 114
17Trương Đắc Chiến, 2020, Về những mảnh khuôn đúc trống đồng phát hiện tại thành cổ Luy Lâu (Thuận
Thành, Bắc Ninh), Thông báo khoa học của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, số 1.
15

đồng vị chì của trống Thạch Trại Sơn (HI) phù hợp với đồng vị chì của
Vân Nam, đồng vị chì của trống Lãnh Thủy Xung ở Quảng Đông có tỉ lệ
tương đồng với đồng vị chì đến từ Quảng Đông, một số đồng vị chì
không rõ nguồn gốc (Lý Hiểu Cầm 1992; Vạn Phụ Bân 1990)18.
Đối với những nhóm trống muộn hơn, gần đây, các nhà nghiên cứu
Trung Quốc đã nghiên cứu phân tích thành phần của 50 mẫu được thu
thập trong các trống đồng “lớn” (tương ứng với các loại trống
Lengshuichong, Beiliu, Lingsan) so sánh với đồng vị chì từ số liệu đã
công bố trước đó với 196 mẫu được lấy từ 7 loại trống và 112 mẫu
quặng lấy từ Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu, Việt Nam. Trên cơ sở
phân tích đó, các tác giả bài báo này đã kết luận rằng theo khái niệm của
cách phân chia địa lý hiện tại trống đồng được đúc tại chỗ ở các địa
phương và sử dụng nguyên liệu địa phương rất rõ nét (rất tiếc các mẫu
của Việt Nam lấy ở những trống nào và mỏ quặng nào thì bài viết không
nhắc tới cụ thể). Nhưng cũng có một số trống là sản phẩm trao đổi giao
lưu giữa các khu vực với nhau19.
Trong bối cảnh nghiên cứu phức tạp như vậy, trống đồng Làng Vạc có
thể giúp ích gì cho nhận thức nghiên cứu?

3.4. Trong những trống đồng còn nguyên/còn đủ dáng Làng Vạc có
trống đồng Làng Vạc I và trống đồng Làng Vạc II cùng thuộc về một
loại hình trống. Theo “chuẩn” Việt Nam là trống Đông Sơn nhóm A,
loại 4. Theo “chuẩn” Trung Hoa là thuộc nhóm trống Thạch Trại Sơn.
Trong số 02 trống này, có trống Làng Vạc I có tạo hình đáng chú ý. Đó
là, thân trống trang trí hình 8 con bò u, đúc nổi. Điều thú vị hơn là, ở
Việt Nam và Nam Trung Quốc đều phát hiện ra loại trống có phong cách
trang trí như vậy.
Ở Việt Nam, các trống đã được phát hiện là những trống sau:
Trống Đồi Ro: phát hiện năm 1966 khi đào đập thủy lợi Hang Cả tại khu
vực Đồi Ro, dưới độ sâu 1,6m so với mặt đất, thuộc xóm An Thịnh, xã
Dẫn theo 今村啓爾, ベトナム,ランヴァク遺跡と出土青銅器の鉛同位体分析の結果についてコ,
18

国立歴史民俗博物館研究報告 第86集 2001年3月, Trang 54 – 56.

19Qiuyan Lu, Guisen Zou, Yanxiang Li, Lin Zheng, Wei Wang, 2020, Provenance study on ‘Big bronze drums’: a
method to investigate the ancient bronze industry of Guangxi, Southwest China from Han to Tang dynasty
(around 200 BC–900 AC), Journal of Cultural Heritage, Volume 44, pp 15 – 26.
16

Long Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Trống có đường kính mặt
43cm, cao 33cm. Thân trống có trang trí bò u, đúc nổi20 (hình 9)
Trống Đồng Cẩu: phát hiện năm 1982, tại Đồng Cẩu, xã Hòa Bình,
huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, đường kính mặt 41,5cm, cao 32,5cm.
Thân trống trang trí hình bò u21 (hình 10)
- Trống Trường Thịnh: được phát hiện năm 2003 tại xã Trường Thịnh,
huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Trống có đường kính mặt 28,7cm, cao 22cm.
Thân trang trí 8 con bò u đúc nổi22(Hình 11).
- Trống Trà Lộc: phát hiện tháng 3/1998, trong lúc rà tìm phế liệu chiến
tranh, ại thôn Trà Lộc, xã Hải Xuân (nay là xã Hải Hưng) huyện Hải
Lăng. Trống có đường kính mặt 33,5cm; đường kính chân trống:
41,5cm; cao 27cm, trọng lượng: 8kg. Trên thân trống chia thành các ô,
trong đó 8 ô lớn trang trí hình 8 con bò, u nổi cao, sừng dài23 (Hình 12).
2 trống Vĩnh Hùng và Xuân La cũng có hình bò u khá giống nhau,
nhưng cách hình dáng và thủ pháp trang trí hơi khác so với các trống
trên:
- Trống Vĩnh Hùng phát hiện tại Núi Báo, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh
Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Trống có chiều cao 35,5cm, đường kính mặt
40cm. Tang trống có hình 4 con thuyền, trên thuyền có hình người và bò
u, thân trống trang trí 4 bò u24 ;
Trống Xuân La: được phát hiện tại xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên,
Hà Nội. Trống có đường kính mặt 45cm, cao 25,5cm. Thân trống có
trang trí 4 con bò25.

20Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Vinh, 1975, Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam, Viện Bảo tàng
Lịch sử Việt Nam xuất bản, Hà Nội, Trang 48 – 49.
21Phạm Minh Huyền, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Sinh, 1987, Trống Đông Sơn, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội,
Hà Nội
22Vũ Thúy Hạnh, 2014, Trống đồng Đông Sơn ở Hà Nội, Luận án Tiến sĩ Khảo cổ học, Học viện Khoa học Xã hội,
Hà Nội.
23 Cục di sản văn hóa: http://dsvh.gov.vn/trong-dong-tra-loc-3187 truy cập ngày 29/11/2020
24Phạm Văn Đấu, Đỗ Như Chung, 2004, Trống Đông Sơn phát hiện ở Thanh Hóa, nhà xuất bản Khoa học Xã hội,
Hà Nội, trang 44 – 45.
25 Vũ Thúy Hạnh, 2014, đã dẫn.
17

Bên cạnh đó, trong số những trống có hình bò ở thân trống còn có một
số trống trong nhóm trống phát hiện ở Lào Cai mà Nguyễn Văn Hảo cho
đó là mộ của người Điền, trống Động Xá với những họa tiết người Điền
đặc trưng cũng có hoa văn hình bò. Nhưng phong cách thể hiện khác rất
nhiều so với trống Làng Vạc I và các trống đã nêu ở trên.
Ở Nam Trung Quốc, tại Bảo tàng Dân tộc Quảng Tây, trong phòng trưng
bày về nghệ thuật trống đồng của họ đã thể hiện một hình vẽ bò trang trí
trên trống đồng. Hình tượng bò này cũng được sử dụng trên hình tượng
trống lớn trang trí ở trên đường phố. Đây là hình tượng bò trong trống
Thạch Trại Sơn M15:7. Hình tượng này hoàn toàn giống với hình tượng
bò u trên trống Đồi Ro và Làng Vạc (hình13).
Bên cạnh đó, hình tượng bò u cũng xuất hiện nhiều lần trên các trống
Thạch Trại Sơn nhưng mô tả ở dạng khác hơn, như bò trong nghi lễ hiến
tế, bò có hình dáng giống như trên trống Động Xá, trống Lào Cai.
Trống Làng Vạc 2, không có hoa văn trang trí trên thân trống. Nhưng về
kiểu dáng và phong cách giống với các trống đã kể trên. Hình chim đậu
và thuyền trên tang trống có thể liên hệ với trống Đồi Ro, Quảng Chính.
Trống Làng Vạc 3 là trống thuộc nhóm thân thẳng, trống này được tìm
thấy phổ biến ở Việt Nam, là một trong những loại hình đặc trưng của
trống đồng Đông Sơn. Loại hình này rất hiếm gặp ở Nam Trung Quốc
mà phổ biến ở Bắc Bộ Việt Nam.
Trống minh khí Làng Vạc giống trống minh khí ở Trung Màu, Lãng
Ngâm, là những nơi có dấu vết của Đông Sơn muộn, loại hình trống kim
khí này cũng phát hiện được một số lượng không nhiều ở khu vực Nam
Trung Quốc.
Như vậy, trong sưu tập trống Làng Vạc được công bố cho đến nay.
Trống đồng Làng Vạc cho nhiều thông tin về mối liên hệ văn hóa hơn
cả. Chúng ta có thể nhận thấy sự tương đồng về kích thước, kiểu dáng
trống, hoa văn trang trí ở các trống Làng Vạc I, Đồi Ro, Đồng Cẩu,
Trường Thịnh, Trà Lộc, tất nhiên có sự khác biệt về số lượng của từng
chi tiết cụ thể. Có thể nói rằng, đây là loại trống có nhiều trống giống
nhau nhất trong tổng thể các trống đồng Đông Sơn ở Nam Trung Quốc
và Đông Nam Á đã được phát hiện. Điều này cho phép suy đoán nguồn
gốc của những trống này là cùng một trung tâm, thậm chí cùng một lò
đúc đồng sản xuất ra.
18

Điều gây ra sự hụt hẫng phổ biến trong nghiên cứu khảo cổ học là chúng
ta thường chỉ tìm được sản phẩm ở nơi chúng đến mà ít khi tìm được sản
phẩm ở nơi chúng đi. Trong sự hụt hẫng ấy, với trường hợp của nhóm
trống này, chúng ta cũng khó có thể chỉ ra được đâu là nơi đúc sản phẩm
của các trống này. Các phân tích đồng vị chì, thành phần mới chỉ giúp
chúng ta phần nguyên liệu. Cho dù có tính địa phương rõ nét, nhưng vẫn
chưa thể khẳng định được trung tâm sản xuất là ở đâu, bởi vì hoàn toàn
có thể xảy ra trường hợp nguyên liệu từ vùng A đến vùng B, vùng B sản
xuất ra sản phẩm và trao đổi lại với vùng A. Như nhóm đồ đồng Làng
Vạc, nguyên liệu giống với thành phần nguyên liệu của Nam Trung
Quốc, Xepon, nhưng rõ ràng có khuôn đúc và thành phẩm để chứng
minh cho luyện kim tại chỗ.
3.5. Quay trở lại với trống đồng, các nhà nghiên cứu đã dày công nghiên
cứu để phân chia hình loại cũng như xác định tộc thuộc và nguồn gốc
cho các trống ấy. Nhưng dường những tranh luận này sẽ còn kéo dài.
Tôi cũng xin đóng góp chút ý tưởng của mình vào trong những tranh
luận ấy.
Lần đầu tiên được tiếp xúc, và quan sát kỹ một chiếc trống đồng khi còn
là sinh viên chuyên ngành khảo cổ học. Tôi đã vô cùng khâm phục
người nào đó của Đài truyền hình Việt Nam khi đưa hình ảnh của mặt
trống đồng Đông Sơn lên trên truyền hình trong trạng thái quay tròn đều
quanh tâm mặt trống. Đây là hình ảnh rất đỗi quen thuộc trong các
chương trình truyền hình mà tôi đã xem từ nhỏ. Giờ đây, khi tập hợp tài
liệu để viết bài viết này, quan sát trang trí trên nhiều trống đồng trong
một bối cảnh rộng hơn thì ý niệm về sự chuyển động tròn đó càng rõ
ràng.
Theo tôi, trống đồng Đông Sơn là một sản phẩm dùng những họa tiết
tĩnh để thể hiện cho sự chuyển động, chuyển động vĩnh cửu. Thủ pháp
để thể hiện chính là các cấu trúc đối xứng, các băng hoa văn lặp lại được
bố trí thành vòng tròn, vành tròn. Chúng ta có thể thấy rằng nếu trống
đồng quay, thì các hoạt cảnh ở thân trống, tang trống sẽ quay quanh trục
tâm trống. Đồng thời ở mặt trống, các hoạt cảnh cũng sẽ quay xung
quanh tâm mặt trống. Việc bố trí các họa tiết đối xứng và lặp lại tạo nên
sự chuyển động tròn mang tính vĩnh cửu, không đầu không cuối. Chính
vì chuyển động hoàn hảo này mà các nhà nghiên cứu biểu tượng đã cho
19

rằng chúng thể hiện cho kinh dịch, cho lịch pháp, cho thiên văn, vũ trụ
và vô vàn những thứ cao siêu khác mà với trình độ nhận thức của tôi
không thể nào hiểu được.
Theo quan sát đó, tôi cho rằng, ý niệm nguyên thủy của tạo hình và trang
trí trên trống đồng Đông Sơn là ý niệm về chuyển động tròn và thể hiện
nó bằng các họa tiết đối xứng, lặp đi lặp lại. Những trống đẹp nhất, tinh
tế nhất của trống Đông Sơn, Thạch Trại Sơn (TS Nguyễn Việt cho rằng
nên gọi là trống đỉnh cao, hoặc trống Tây Âu26) đều tuân thủ chặt chẽ
nguyên tắc này. Điều đó, khiến tôi có suy nghĩ có phần hơi lãng mạn
rằng trống đồng Đông Sơn ra đời là một PHÁT MINH chứ không phải
là quá trình chuyển biến loại hình từ đơn giản đến phức tạp theo logic
truyền thống. Sau phát minh ấy, càng về sau, con cháu của những phát
minh ấy càng dần dần quên đi những ý niệm ban đầu, chỉ còn sao chép
lại và chuyển biến theo chiều hướng đơn giản đi, thậm chí không theo
quy tắc ban đầu nữa. Chúng ta đãy thấy người Thạch Trại Sơn ứng xử
với trống đồng của họ như thế nào, trong sưu tập trống đồng ở Thạch
Trại Sơn, Lý Gia Sơn hiện tượng cải tạo các trống đồng, như khoét mặt,
đục lỗ, gắn tượng tròn, hàn ghép các trống…để tạo thành các thùng đựng
ốc tiền. Thậm chí còn xóa đi các họa tiết cũ để vẽ lên đó các họa tiết thể
hiện tộc thuộc của mình. Do đó tôi không thể không chia sẻ với Nguyễn
Văn Hảo khi ông cho rằng người Thạch Trại Sơn không phải là chủ
nhân đúc ra trống đồng mà chỉ sử dụng nó27.
Với suy nghĩ đó, rõ ràng các nhà khảo cổ học Việt Nam đã có lý khi coi
nhóm trống A1 của trống Đông Sơn như trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ
Loa, sông Đà là những trống sớm. Và cả Tạ Đức, cũng có cái lý của ông
khi ông cho rằng An Dương Vương – Dịt Dàng là người đúc và phân
phát trống đồng.

Trở về với trống Làng Vạc, dựa trên ý niệm về đối xứng và chuyển động
tròn. Họa tiết hoa văn có đơn giản hóa, nhưng sự thanh thoát, tinh tế và ý

26Nguyễn Việt, Mai Xuân Trường, Karim Gustenmayer, 2016, Nhóm trống đồng Tây Âu đỉnh cao, Bài tham dự
Hội nghị Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 2016.
27Nguyễn Văn Hảo, 2019, Bàn về “loại hình trống Thạch Trại Sơn”, trong Thông báo khoa học, Bảo tàng Lịch sử
Quốc gia, Hà Nội, trang 50 – 56.
20

niệm Đông Sơn hiện hữu rất rõ ràng trong tất cả các trống đồng Làng
Vạc. Thú vị hơn nữa là hình tượng bò u trên trống Làng Vạc I có lẽ
không xa lạ gì với người dân Nghệ An, bởi lẽ ở đây có loại bò u đầu rìu
được coi là giống bò bản địa chỉ có ở Nghệ - Tĩnh.

4. Thay lời kết

Từ kết quả khai quật khảo cổ học, số lượng di tích di vật đồ sộ đã được
đưa lên từ lòng đất Làng Vạc (chưa kể hoạt động tích cực của rất nhiều
các “nhà cổ vật bóng tối”) đã cho thấy Làng Vạc là một trong những
trung tâm tụ cư sớm và tồn tại lâu dài.
Di tồn mà người Làng Vạc cổ xưa để lại đã cho thấy sự phát triển của họ
dựa trên nền tảng vững chắc của nông nghiệp lúa nước và luyện kim
đồng thau. Người cổ Làng Vạc đã xây dựng văn hóa của mình trên nền
tảng đậm nét của văn hóa Đông Sơn bản địa, nhưng cũng cho thấy sự
giao lưu trao đổi (trực tiếp – gián tiếp) trong một bối cảnh rộng lớn.
Tổng hòa những yếu tố đó đã làm cho Làng Vạc mang một sắc thái riêng
trong tổng thể văn hóa Đông Sơn thống nhất và đa dạng.

Tài liệu dẫn


Bảo tàng Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây Trung Quốc, Viện
Nghiên cứu Văn vật khảo cổ Quảng Tây Trung Quốc, Bảo tàng Lịch sử
Việt Nam, 2011, Trống đồng Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học, Bắc
Kinh, Trung Quốc.
Cục di sản văn hóa: http://dsvh.gov.vn/trong-dong-tra-loc-3187 truy cập
ngày 29/11/2020
Hà Văn Tấn (chủ biên), 1994, Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam, Nhà xuất
bản Khoa học Xã hội, Hà Nội. Trang 280
Hokura Akiko, Nakai Izumi, Chemical study of glass artifacts unearthed
from Lang Vac location, Trong Keiji Imamura, Chu Van Tan (ed),2004,
The Lang Vac sites, Volume I: Basic report Basic report on the Vietnam-
Japan Joint Archaeological Research in Nghia Dan District, Nghe An
Province, 1990-1991, Graduate School of Humanities and Sociology,
University of Tokyo, Japan
21

Keiji Imamura, Chu Van Tan (ed),2004, The Lang Vac sites, Volume I:
Basic report Basic report on the Vietnam-Japan Joint Archaeological
Research in Nghia Dan District, Nghe An Province, 1990-1991,
Graduate School of Humanities and Sociology, University of Tokyo,
Japan. Trang 153 - 155.
Nguyễn Duy Hinh, 2001, Trống đồng quốc bảo Việt Nam, Nhà xuất bản
Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Nguyễn Văn Hảo, 2019, Trống Điền – Loại hình phái sinh của trống
đồng Đông Sơn, Tạp chí Nghiên cứu dân tộc thiểu số, Số 4, vol 8.
Nguyễn Văn Hảo, 2019, Bàn về “loại hình trống Thạch Trại Sơn”, trong
Thông báo khoa học, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Hà Nội.
Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Vinh, 1975, Những trống đồng Đông Sơn
đã phát hiện ở Việt Nam, Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam xuất bản, Hà
Nội
Nguyễn Việt, 2010, Hà Nội thời Tiền Thăng Long, Nhà xuất bản Hà
Nội, Hà Nội.
Nguyễn Việt, Mai Xuân Trường, Karim Gustenmayer, 2016, Nhóm
trống đồng Tây Âu đỉnh cao, Bài tham dự Hội nghị Những phát hiện mới
về Khảo cổ học năm 2016.
Oliver Pryce at el, 2014, More questions than answers: The Southeast
Asian Lead Isotope Project 2009 – 2012, Journal of Archaeological
Science, February 2014
Phạm Minh Huyền, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Sinh, 1987, Trống Đông
Sơn, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội
Phạm Minh Huyền, Ngô Sỹ Hồng, Nguyễn Thành Trai, 1982, Báo cáo
khai quật Làng Vạc từ tháng 12 năm 1980 dến tháng 4 năm 1981, Tư
liệu Viện Khảo cổ học.
Phạm Minh Huyền, 1996, Văn hóa Đông Sơn tính thống nhất và đa
dạng, nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Phạm Huy Thông (chủ biên), 1990, Dong Son drums in Viet Nam, Nhà
xuất bản Khoa học Xã hội, in tại Nhật Bản.
Phạm Văn Đấu, Đỗ Như Chung, 2004, Trống Đông Sơn phát hiện ở
Thanh Hóa, nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Qiuyan Lu, Guisen Zou, Yanxiang Li, Lin Zheng, Wei Wang, 2020,
Provenance study on ‘Big bronze drums’: a method to investigate the
22

ancient bronze industry of Guangxi, Southwest China from Han to Tang


dynasty (around 200 BC–900 AC), Journal of Cultural Heritage,
Volume 44.
Tạ Đức, 2013, Nguồn gốc người Việt, người Mường, Nhà xuất bản Trí
thức, Hà Nội.
Trịnh Minh Hiên, Trịnh Sinh, Phạm Minh Huyền, 1974, Báo cáo khai
quật khu mộ táng Làng Vạc, Tư liệu Viện Khảo cổ học
Trình Năng Chung, 2015, Mối quan hệ văn hóa Đông Sơn với các văn
hóa thời đại kim khí ở Nam Trung Quốc, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội,
Hà Nội.
Trương Đắc Chiến, 2020, Về những mảnh khuôn đúc trống đồng phát
hiện tại thành cổ Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh), Thông báo khoa
học của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, số 1.
Vũ Thúy Hạnh, 2014, Trống đồng Đông Sơn ở Hà Nội, Luận án Tiến sĩ
Khảo cổ học, Học viện Khoa học Xã hội, Hà Nội.
今村啓爾,ベトナム,ランヴァク遺跡と出土青銅器の鉛同位体分析
の結果についてコ, 国立歴史民俗博物館研究報告 第86集
2001年3月
23

Hình 1. Trống Làng Vạc I


(Nguồn: Bảo tàng Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây, 2011)
24

Hình 2. Trống Làng Vạc I


(Nguồn: Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, 1975)
25

Hình 3. Trống Làng Vạc II


(Nguồn: Bảo tàng Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây, 2011)
26

Hình 4. Trống Làng Vạc 2


(Nguồn: Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, 1975 và Phạm Huy Thông, 1990)
27

Hình 5. Trống Làng Vạc III


(Nguồn: Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, 1975 và Bảo tàng Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây,
2011)
28

Hình 6. Trống Làng Vạc IV


(Nguồn: Phạm Huy Thông, 1990 và Phạm Minh Huyền, 1987)
29

Hình 7. Trống Làng Vạc V


(Nguồn: Phạm Huy Thông, 1990)
30

Hình 8. Một số trống minh khí Làng Vạc


(Nguồn: Tư liệu Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Khu tự trị Dân tộc Choang, 2011)
31

Hình 9. Trống Đồi Ro


(Nguồn Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, 1975)
32

Hình 10. Trống Đồng Cẩu


(Nguồn Phạm Minh Huyền, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Sinh, 1987)
33

Hình 11. Trống Trường Thịnh


(Nguồn Bảo tàng Khu tự trị Dân tộc Choang, 2011)
34

Hình 12. Trống đồng Trà Lộc


(Nguồn Cục di sản Văn hóa)
35

Hình 13. Trống Thạch Trại Sơn ở Bảo tàng Dân tộc Quảng Tây

You might also like