Liệu Pháp Âm Nhạc Và Ứng Dụng Liệu Pháp Tâm Lý - Âm Nhạc Trong Điều Trị Bệnh Nhân Tâm Thần

You might also like

Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 150

LIỆU PHÁP ÂM NHẠC VÀ ỨNG DỤNG LIỆU PHÁP

TÂM LÝ - ÂM NHẠC TRONG ĐIỀU TRỊ BỆNH


NHÂN TÂM THẦN
LIỆU PHÁP ÂM NHẠC
VÀ ỨNG DỤNG LIỆU PHÁP TÂM LÝ - ÂM NHẠC
TRONG ĐIỀU TRỊ BỆNH NHÂN TÂM THẦN

(Sách chuyên khảo)

Tác giả: TS. NGUYỄN VĂN THỌ

LỜI GIỚI THIỆU

Đã từ lâu con người không chỉ coi âm nhạc là một hình thái giải trí, để
nâng đỡ, sẻ chia, để làm phong phú hơn đời sống tinh thần, mà âm nhạc còn
được sử dụng như là một công cụ trị liệu rất hữu ích dùng trong thực hành y
học.

Tiến sĩ Dr. Alfred Tomatis và cộng sự sau nhiều năm nghiên cứu ứng
dụng trị liệu âm nhạc khẳng định có “Hiệu ứng Mozart” (The Mozart Effects) -
Người được nghe nhạc Mozart trong bối cảnh thích hợp có tác dụng làm
nhanh quá trình phục hồi sức khỏe; nếu mắc bệnh thì mau khỏi. Hiệu ứng âm
nhạc làm giảm sự căng thẳng “Stress”, làm dịu đi rất nhiều nỗi lo âu, sợ hãi,
hoảng loạn, trầm cảm…

Trong những năm gần đây y văn trên thế giới viết nhiều đến rối loạn
PTSD - Rối loạn stress sang chấn, còn gọi là “Hội chứng sau cuộc chiến”,
những người lâm vào rối loạn này lấy lại sự cân bằng cho họ không có trị liệu
nào hiệu quả hơn liệu pháp âm nhạc.

Vì âm nhạc bản thân nó bằng cung độ, giai điệu, nhịp phách và ca từ
đẹp… chứa đựng trong nó một hàm lượng cảm xúc giàu có, uyển chuyển có
thể chuyển tải những thông tin dương tính mà mọi người đều có thể dễ dàng
dung nạp. Âm nhạc thật sự đã trở nên cần thiết cho mọi người, nhất là những
người đang và đã bị tổn thương về tâm lý. Như lời của bài hát “Thank you for
vour music” có đoạn ca viết “Ai có thể sống không có âm nhạc” (Who can live
without it (Music)) được nhóm nhạc ABBA trình diễn và được rất nhiều người
trên thế giới hâm mộ, hưởng ứng, đã nói thay họ ý nghĩa của âm nhạc trong
cuộc sống kể cả khi khỏe mạnh và khi bệnh.

Vì vậy, những năm 50 của thế kỷ trước ở Mỹ và nhiều nước kinh tế


phát triển đã hào hứng ứng dụng âm nhạc trị liệu trong thực hành y học và
thực hành tâm thần học. Khi lớn mạnh họ đã thành lập các “Nghiệp đoàn Trị
liệu âm nhạc”, với số thành viên tham gia ngày càng nhiều và hoạt động của
họ ngày càng hiệu quả.

Ở nước ta Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ sau nhiều năm làm việc
trong lĩnh vực Tâm thần học, với sự đam mê âm nhạc ứng dụng, đã sớm
quyết định đi những bước đầu tiên trong lĩnh vực mới này. Đã vận dụng và
trải nghiệm vững vàng những kỹ thuật của trị liệu âm nhạc hành vi cho người
bệnh tâm thần, đã đạt được những thành công khích lệ, bổ sung và nâng cao
chất lượng điều trị, hỗ trợ phục hồi tốt chức năng tâm lý xã hội, trả lại chất
lượng sống cho nhiều người bệnh.

Chúng tôi xin giới thiệu cuốn sách “Liệu pháp Âm nhạc và ứng dụng
liệu pháp Tâm lý - Âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần” của TS. BS.
Nguyễn Văn Thọ với niềm hy vọng sách sẽ là tài liệu chuyên khảo và tham
khảo hữu ích cho các thầy thuốc thực hành Tâm thần học, thầy thuốc Nội -
Thần kinh, các nhà Tâm lý lâm sàng và các chuyên gia tâm lý làm trị liệu Âm
nhạc.

Xin được trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc và đồng nghiệp!

PGS.TS. Nguyễn Viết Thêm


P. Chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam
Chương 1. GIỚI THIỆU CHUNG VỀ LIỆU PHÁP ÂM NHẠC

KHÁI QUÁT LỊCH SỬ

Từ thời cổ xưa, âm nhạc đã được dùng làm một phương tiện chữa
bệnh. Những nghi thức chữa bệnh bao gồm âm thanh và âm nhạc đã tồn tại
ở nhiều nền văn hóa. Trong hầu hết các nền văn hoá đã ghi lại những huyền
thoại về hiệu lực chữa bệnh của âm nhạc. Thí dụ, truyện về Saul và David là
truyện nổi tiếng nhất ở phương Tây. David đã dùng đàn hạc (harp) để chữa
bệnh cho vua Saul như một loại thuốc an dịu thần kinh. Một nhân vật khác,
Orpheus cũng là một huyền thoại đầy hấp dẫn cho các nhà liệu pháp âm
nhạc. Orpheus là một trong những đại thi hào, nhạc sĩ thuở sơ khai, thời Hy
Lạp cổ đại. Ông là người sáng tạo và cải tiến đàn lia (Lyre). Tương truyền
rằng những bài hát của Orpheus có thể làm xiêu lòng vạn vật và khiến cho đất
trời, thần linh phải rơi lệ. Ngay ở Việt Nam, tiếng đàn của Thạch Sanh khiến
cho công chúa đang mắc chứng câm đã nói được trở lại cũng là một huyền
thoại. Sau đây là tóm lược về lịch sử của việc sử dụng âm nhạc trong chữa
bệnh trên thế giới.

Liệu pháp âm nhạc trong các nền văn hóa tiền văn tự

Các xã hội tiền văn tự là xã hội chưa có hệ thống giao tiếp, truyền
thông bằng chữ viết. Những người du mục đã tập hợp lại thành những nhóm
nhỏ để duy trì sự sinh tồn và bổ khuyết cho đời sống của họ như săn bắt, tìm
kiếm thức ăn. Họ chưa có nền nông nghiệp, chưa có cấu trúc đời sống chính
trị, và chưa có nhà ở lâu dài. Những nhóm nhỏ này dần dần hình thành, phát
triển các phong tục tập quán, nghi lễ khác nhau và điều đó đã tạo ra sự khác
nhau giữa các nhóm này với các nhóm khác. Chúng ta có thể tìm kiếm được
một số đầu mối nghiên cứu về âm nhạc đã được sử dụng như thế nào trong
các nền văn hoá nói trên và còn tồn tại đến ngày nay. Những nghiên cứu đã
cho chúng ta hiểu về đáp ứng của loài người với âm nhạc và một số nền tảng
lịch sử về mối quan hệ chặt chẽ giữa âm nhạc và chữa bệnh. Người ở nền
văn hoá tiền văn tự nói chung cho rằng họ bị các quyền lực ma thuật kiểm
soát và bị ma quỷ bao quanh. Để duy trì sức khoẻ, họ cảm thấy bắt buộc phải
tuân theo một hệ thống quy tắc phức tạp nào đó để bảo vệ họ chống lại các
lực lượng thù địch từ thiên nhiên và từ chính những con người đang cùng tồn
tại với họ. Họ đã nhận thức rằng ma thuật là một phần không thể thiếu được
của sức khoẻ và cuộc sống bình yên của họ.

Những người thuộc nền văn hoá tiền văn tự cũng tin vào hiệu lực của
âm nhạc đối với cảm xúc, tinh thần và sức khoẻ thể chất. Họ cho rằng âm
nhạc là sự kết nối với các lực siêu nhiên. Thí dụ, ở một số xã hội nhất định đã
dùng một số bài hát trong những nghi lễ quan trọng. Họ cho rằng những bài
hát này có nguồn gốc siêu nhân, siêu phàm và nó có quyền lực không thể giải
thích nổi. Những bài hát này nhằm để cầu trời hoặc cầu xin thượng đế và
được dùng trong tất cả các hoạt động cầu xin sự giúp đỡ thể hiện trong nghi
thức chữa bệnh.

Trong một số xã hội tiền văn tự, một người bệnh được xem là nạn nhân
của những câu thần chú và bỏ bùa của kẻ thù địch. Họ là người vô tội và do
đó được hưởng sự điều trị chuyên biệt từ cộng đồng (nhóm bộ lạc). Tuy
nhiên, ở các xã hội khác, người ta lại tin rằng một người mắc bệnh là để
chuộc lại tội lỗi đã chống lại Chúa bộ lạc của họ. Nếu một người mắc bệnh
quá mức đến nỗi không thực hiện được trách nhiệm xã hội, họ được xem là
người bỏ đi và có thể bị đi đày. Trong các nền văn hoá như vậy, nguyên nhân
và việc điều trị bệnh sẽ do “người thầy thuốc” xác định và quyết định. “Người
thầy thuốc” này chính là những người luôn áp dụng các yếu tố ma thuật và
tôn giáo để yểm bùa, trừ tà ma, xua đuổi tinh thần ác tâm hoặc yêu ma từ cơ
thể người bệnh. Loại âm nhạc được dùng chữa bệnh được xác định tuỳ thuộc
vào bản chất của tinh thần đang xâm lấn cơ thể. Do có sự khác nhau chút ít
về khái niệm bệnh trong các xã hội tiền văn tự, vai trò của nhạc sĩ hoặc người
chữa bệnh và kiểu âm nhạc được lựa chọn chữa bệnh có khác nhau. Xa xưa
nhất, nhạc sĩ chữa bệnh bộ lạc là người nắm vị trí quan trọng trong xã hội.
Nhiệm vụ của người này không chỉ xác định nguyên nhân của bệnh mà còn
áp dụng việc điều trị thích hợp để dẫn dắt tinh thần hoặc ma quỉ từ cơ thể
người bệnh. Đôi khi âm nhạc có chức năng mở đầu cho nghi thức chữa bệnh
thực tế. Những cái trống, lúc lắc, những bài tụng niệm hoặc các bài hát có thể
được dùng mở đầu cho nghi lễ và có thể cho suốt cả thời gian nghi lễ thực tế.
Điều quan trọng là người nhạc sĩ chữa bệnh không bao giờ hành động đơn lẻ.
Các xã hội tiền văn tự nhận thức được hiệu lực của nhóm bao gồm các thành
viên trong gia đình và xã hội trong nghi lễ. Hát đồng thanh chữa bệnh sẽ tạo
ra sự trợ giúp cho tinh thần và cảm xúc để bệnh nhân phục hồi nhanh chóng.

Âm nhạc và chữa bệnh trong nền văn minh sớm

Những người săn bắt và tìm kiếm thức ăn của nền văn hoá tiền văn tự
chiếm ưu thế khoảng 500.000 năm. Đến khoảng 8.000 đến 10.000 năm trước
Công Nguyên, với sự xuất hiện của nông nghiệp đã dẫn đến cuộc sống ổn
định hơn, dân số phát triển lớn hơn và xuất hiện nền văn minh. Nền văn minh
được đặc trưng bởi sự tiến hoá trong giao tiếp chữ viết, sự phát triển thành
phố và những thành tựu kỹ thuật ở các lĩnh vực bao gồm khoa học và y học.
Những đặc trưng đó là phương thức sống cho nhóm người đông đúc hơn, họ
sống trong mối liên minh liên kết lâu dài hơn với hệ thống đặc biệt về tập
quán và cách nhìn về thiên nhiên. Những nền văn minh đầu tiên xuất hiện vào
giữa năm 5.000 và 6.000 trước Công Nguyên là vùng mà ngày nay là Iraq, đã
được thiết lập vững chắc vào năm 3.500 trước Công Nguyên. Âm nhạc đã trở
thành bộ phận quan trọng trong y học lý trí, hợp lý (rational medicine) đồng
thời cũng còn những nghi lễ chữa bệnh ma thuật, tôn giáo.

Sử dụng âm nhạc thời cổ đại: các nghi thức chữa bệnh

Với sự xuất hiện của nền văn minh, các bộ phận cấu thành của nền y
học trước đó là ma thuật, tôn giáo và lý trí bắt đầu phát triển theo khuynh
hướng chia tách. Ở Ai Cập cổ đại, mặc dù các bộ phận cấu thành nêu trên
vẫn cùng tồn tại, nhưng những người chữa bệnh nói chung thường chỉ dựa
trên một loại triết lý điều trị. Những người làm nghề chữa bệnh bằng âm nhạc
ở Ai Cập thường được hưởng đặc ân vì họ có mối quan hệ chặt chẽ với linh
mục và những quan chức nhà nước quan trọng khác. Thầy thuốc linh mục,
thầy tu Ai Cập cho rằng âm nhạc là thuốc chữa bệnh cho linh hồn và luôn sử
dụng hát tụng niệm như một bộ phận thực hành y học.
Trong thời đỉnh cao của văn hóa Babylon (1850 trước Công Nguyên),
bệnh tật được nhìn nhận trong khuôn khổ tôn giáo. Người đau ốm, bệnh tật
phải chịu xám hối cho tội phạm chống lại Chúa và bị xã hội ruồng bỏ. Nếu
người bệnh có được phép cho điều trị thì phương pháp điều trị bao gồm các
nghi lễ tôn giáo để xoa dịu nỗi khó chịu của thần thánh. Và các nghi lễ chữa
bệnh như vậy luôn bao gồm âm nhạc.

Âm nhạc được cho là có hiệu lực đặc biệt trên suy nghĩ, cảm xúc và
sức khoẻ thân thể ở thời Hy Lạp cổ đại. Năm 600 trước Công Nguyên, Thales
có uy tín trong việc chữa dịch bệnh bằng hiệu lực âm nhạc ở Sparta. Điện,
miếu thờ và những bài hát ca tụng đặc biệt cùng âm nhạc được dùng để
chữa bệnh cho những người rối loạn cảm xúc. Qua việc dùng âm nhạc để
chữa các rối loạn tâm thần đã phản ánh niềm tin thời đó rằng âm nhạc có thể
ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc và phát triển tính cách. Trong số những
người Hy Lạp nổi tiếng tán thành hiệu lực điều trị của âm nhạc có Aristotle,
ông đánh giá nó như một sự phấn khích cảm xúc; Plato, người mô tả âm
nhạc là thuốc cho linh hồn; và Caelius Aurelianus, người cảnh báo đề phòng
sử dụng bừa bãi âm nhạc trong chữa bệnh tâm thần.

Vào thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên, y học hợp lý (lý trí) hầu như đã
thay thế hoàn toàn các nghi thức tôn giáo, ma thuật ở Hy Lạp. Mặc dù vẫn
còn một thiểu số quy cho bệnh tật là do lực siêu nhiên, nhưng đa số đã ủng
hộ những nghiên cứu hợp lý vào nguyên nhân bệnh. Lần đầu tiên trong lịch
sử, những nghiên cứu về sức khoẻ và bệnh tật đã dựa trên những bằng
chứng kinh nghiệm.

Một sự giải thích về sức khoẻ và bệnh tật chiếm ưu thế thời gian này là
lý thuyết về bốn khí chất chủ yếu. Lý thuyết này được Polybus, con rể của
Hippocrates, mô tả trong luận thuyết của ông “về bản chất con người”, vào
khoảng năm 380 trước Công Nguyên. Bốn khí chất hay dịch thể là máu, đàm,
mật vàng và mật đen, và mỗi nguyên tố chứa chất lượng riêng. Sức khoẻ tốt
là kết quả của sự duy trì cân bằng giữa bốn dịch thể, trong khi một sự mất
cân bằng của hai hay nhiều hơn các nguyên tố này sẽ dẫn đến bệnh. Cá
nhân mắc bệnh được xem là người cấp thấp hơn. Cho đến thời kỳ này, chỉ
với một sự thay đổi nhỏ quan niệm về bệnh tật, lý thuyết này đã ảnh hưởng
đến y học 2000 năm tiếp sau đó, trở thành lý thuyết quan trọng nhất trong thời
trung cổ.

Âm nhạc và chữa bệnh thời trung cổ và thời kỳ phục hưng

Mặc dù những sự huy hoàng và tráng lệ của Hy Lạp cổ đại đã bị mất đi


trong thời trung cổ, ở thời kỳ trung cổ này (khoảng năm 476-1450 sau Công
Nguyên) là đại diện cho sự kết nối quan trọng giữa cổ xưa và ngày nay. Sau
sự sụp đổ của đế quốc La Mã, đạo Cơ Đốc trở thành lực lượng chủ yếu của
văn minh phương Tây. Anh hưởng của đạo Cơ Đốc đã thúc đẩy sự thay đổi
thái độ về bệnh tật. Trái với suy nghĩ trước đó, người bệnh không còn bị coi là
người thấp kém và cũng không phải là đang bị Chúa trừng phạt. Khi đạo Cơ
Đốc phát triển khắp châu Âu, các xã hội bắt đầu chăm sóc và điều trị cho các
thành viên ốm đau của họ. Các bệnh viện được thiết lập để cung cấp sự
chăm sóc nhân đạo cho những người đau ốm về cơ thể. Tuy nhiên những
ngưòi mắc bệnh tâm thần vẫn không được may mắn đó. Họ vẫn bị cho là do
ma quỷ ám và luôn bị tống giam và ngược đãi.

Mặc dù người Cơ Đốc giáo vẫn tin vào những quan điểm nặng nề về
người bệnh trong thời trung cổ, nhưng việc thực hành y học cũng vẫn dựa
trên lý thuyết về bốn khí chất đã phát triển trong văn minh Hy Lạp. Khuôn khổ
này cũng giúp ích cung cấp cơ sở cho vai trò của âm nhạc trong điều trị bệnh.
Một số lớn các chính khách và triết gia tin vào hiệu lực chữa bệnh của âm
nhạc trong đó gồm có Boethius, người tuyên bố rằng âm nhạc hoặc làm cải
thiện hoặc làm suy giảm đạo đức con người; Cassiodorus, giống như
Aristotle, xem âm nhạc như sự phấn chấn tiềm tàng; trong khi St. Basil biện
hộ cho âm nhạc như một phương tiện truyền bá dương tính cho cảm xúc
thiêng liêng thần thánh. Nhiều bài thánh ca được tin là có tác dụng chống
bệnh hô hấp không chuyên biệt nhất định.

Trong thời kỳ Phục hưng, những tiến bộ trong giải phẫu học, sinh lý học
và y học lâm sàng đánh dấu bắt đầu sự tiếp cận khoa học với y học. Tuy
nhiên, mặc dù đã có sự phát triển labo thực nghiệm, việc điều trị bệnh nhân
vẫn còn dựa trên bài giảng của Hippocrates và Galen và những giải thích
phức tạp của bốn loại khí chất. Trong thời kỳ này đã có một số lồng ghép âm
nhạc, y học và nghệ thuật. Thí dụ, những bài viết của Zarlino, một nhạc sĩ, và
Vesalius, một thầy thuốc đề cập đến mối quan hệ giữa âm nhạc và y học.

Trong thời kỳ Baroque (1580-1750), âm nhạc tiếp tục được liên kết với
thực hành y học hàng ngày, như trước đó dựa vào lý thuyết về bốn khí chất.
Thêm vào đó, lý thuyết về khí chất và cảm xúc của Kircher (1602-1680) đã
cung cấp quan điểm trong lành về sử dụng âm nhạc trong điều trị bệnh.
Kircher cho rằng đặc tính của con người gắn với kiểu âm nhạc nhất định. Thí
dụ, cá nhân trầm cảm đáp ứng với âm nhạc buồn; người vui vẻ hầu như bị
tác động bởi nhạc múa vì nó kích thích máu. Do đó, điều cần thiết là phải lựa
chọn những kiểu âm nhạc chính xác điều trị cho từng người bệnh, ủng hộ cho
việc sử dụng âm nhạc điều trị trầm cảm, Burton đã tuyên bố: “Bên cạnh hiệu
lực xuất sắc, nó phải trục xuất nhiều bệnh khác, nó là phương thuốc thần hiệu
chống lại sự tuyệt vọng và trầm uất, và sẽ xua đuổi ma quỷ trong người”.
Shakespeare và Armstrong cũng đã viết nhiều về âm nhạc là liệu pháp, thể
hiện trong các tác phẩm kịch và thơ của họ.

Âm nhạc và chữa bệnh thời cận đại

Cuối thế kỷ 18, âm nhạc vẫn còn được các thầy thuốc châu Âu ủng hộ
trong điều trị bệnh, nhưng đang hình thành sự thay đổi định nghĩa về liệu
pháp âm nhạc trong triết lý, lý luận. Với sự nhấn mạnh nhiều về y học khoa
học, âm nhạc đã không được sử dụng ở những ca bệnh chuyên biệt và chỉ có
một số ít thầy thuốc áp dụng điều trị theo khuôn khổ đa liệu pháp. Tuy vậy,
những báo cáo về liệu pháp âm nhạc vẫn xuất hiện ở Mỹ trong suốt cuối thế
kỷ 18 khi các thầy thuốc, các nhạc sĩ, các nhà tâm thần học sử dụng điều trị
cho các rối loạn cơ thể và tâm thần.

Trong suốt thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20, liệu pháp âm nhạc được sử
dụng đều đặn ở bệnh viện và một số nơi khác nhưng hầu như luôn kết hợp
với các liệu pháp khác.
Trong đại chiến thế giới 2, liệu pháp âm nhạc được tăng cường sử
dụng để nâng nhuệ khí cho những cựu chiến binh. Âm nhạc cũng được dùng
trong phục hồi chức năng cảm xúc, tâm thần và xã hội. Từ giữa thế kỷ 20, liệu
pháp âm nhạc được phát triển mang tính chuyên nghiệp cao ở châu Âu và
đặc biệt là ở nước Mỹ.

Sự phát triển liệu pháp âm nhạc chuyên nghiệp

Những năm 1940, ở nước Mỹ, việc sử dụng âm nhạc trong điều trị rối
loạn tâm thần đã trở nên rộng rãi hơn; một phần vì sự thay đổi dần về triết lý
điều trị. Nhiều nhà trị liệu, bao gồm Karl Menninger, nhà tâm thần học lỗi lạc,
bắt đầu bảo vệ cách tiếp cận điều trị đa liệu pháp (sáp nhập nhiều phương
thức điều trị). Với sự thay đổi về triết lý điều trị như vậy và với kiến thức tăng
lên trong việc áp dụng điều trị bệnh nhân có hiệu quả, liệu pháp âm nhạc cuối
cùng đã trở thành một phương thức điều trị được chấp nhận ở nhiều bệnh
viện. Thêm vào đó, những niềm tin trước đây cho rằng âm nhạc, bằng cách
này hay cách khác, là “ma thuật” đang bắt đầu bị xua tan và nhiều bệnh viện
đã tài trợ cho nghiên cứu khoa học về liệu pháp âm nhạc. Người ta thừa nhận
rằng những nỗ lực này là do Frances Paperte, người sáng lập quỹ tài trợ
nghiên cứu liệu pháp âm nhạc năm 1944, và sau đó chỉ đạo áp dụng âm nhạc
tại Bệnh viện Đa khoa Walter Reed ở Washinton, DC.

Trong thế chiến thứ hai, nhiều tổ chức, bao gồm quỹ khẩn cấp cho
nhạc sĩ, dịch vụ âm nhạc bệnh viện cựu chiến binh, và nhiều tổ chức khác đã
cung cấp các nhạc sĩ cho các bệnh viện. Những người tình nguyện này đã trợ
giúp cho nhân viên bệnh viện tổ chức các chương trình âm nhạc điều trị cho
bệnh nhân.

Thời kỳ này, hầu hết các nhà trị liệu âm nhạc tham gia làm việc không
lương, bán thời gian hay một phần thời gian dưới sự trông nom của nhân viên
bệnh viện và còn thiếu tính chuyên nghiệp. Nhiều người đã nhận ra rằng
tương lai phát triển của nghề phải dựa vào sự lãnh đạo có hiệu quả của
những nhà liệu pháp âm nhạc được đào tạo. Trong năm 1940, các cơ sở như
Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Michigan, Đại học Tổng hợp Kansas,
Trường Cao đẳng Âm nhạc Chicago, Cao đẳng Pacific, Cao đẳng Alverno đã
bắt đầu chương trình đào tạo các nhà liệu pháp âm nhạc ở trình độ đại học và
sau đại học. Tốt nghiệp các chương trình này bao gồm nhóm các nhà trị liệu
đầu tiên được đào tạo chuyên nghiệp và hầu hết điều trị cho những người
bệnh tâm thần.

Trong khi những chương trình đào tạo đang được phát triển ở những
trường cao đẳng và đại học, phong trào hướng về thành lập các tổ chức quốc
tế cũng xuất hiện. Hội đồng về âm nhạc trong trị liệu của Hội Giáo viên âm
nhạc Quốc gia Mỹ đã trình bày một chương trình trong những năm 1940 để
đào tạo các nhạc sĩ, bác sĩ, các nhà tâm thần học và những thành viên khác
về phương pháp áp dụng liệu pháp âm nhạc trong nhà trường và trong bệnh
viện. Ray Green đã chủ trì một hội nghị để thành lập Hội liệu pháp âm nhạc
quốc gia Mỹ. Hội nghị đầu tiên của tổ chức mới ở Mỹ đã tiến hành vào tháng
6 năm 1950. Các thành viên hội nghị đã thông qua điều lệ, xác định mục tiêu,
xếp hạng các thành viên đã phát triển và bổ nhiệm ban thường vụ cho công
tác nghiên cứu. Hội Quốc gia về Liệu pháp âm nhạc (NAMT) đã ra đời. Sau
đó, Hội Quốc gia về Liệu pháp âm nhạc đã liên kết với Hội Giáo viên âm nhạc
Quốc gia và hoạt động tập trung vào cải thiện đào tạo về giáo dục và lâm
sàng, cũng như thiết lập tiêu chuẩn và quy trình cho việc chứng nhận nhà liệu
pháp âm nhạc. Các ấn phẩm chuyên nghiệp về liệu pháp âm nhạc cũng tăng
lên, đặc biệt phải nói đến sự ra đời của Tạp chí Liệu pháp Âm nhạc năm 1964
của Mỹ do William Sears là tổng biên tập, tạp chí giành cho những nỗ lực
nghiên cứu của các nhà trị liệu âm nhạc.

Vào những năm 1960, các nhà trị liệu âm nhạc đã điều trị âm nhạc cho
những người chậm phát triển tâm thần cả người lớn và trẻ em, những người
khuyết tật cơ thể, và những bệnh nhân giảm cảm giác. Vào năm 1990, đã có
hình thức điều trị điều dưỡng tại nhà cho người cao tuổi, điều trị cho những
bệnh nhân bị bệnh nội khoa, và còn điều trị cho cả những tù nhân. Những
năm cuối thế kỷ 20, các nhà liệu pháp âm nhạc tiếp tục làm việc với các đối
tượng lâm sàng khác nhau ngày càng tăng lên. Một số lượng đáng kể các
nhà liệu pháp âm nhạc đã giúp cải thiện cuộc sống của những người mắc hội
chứng Retts, AIDS, lạm dụng chất và giai đoạn cuối cùng của người bệnh.

Một tổ chức thứ hai, Hội Nước Mỹ về Liệu pháp âm nhạc (AAMT) được
thành lập năm 1971. Rất nhiều mục đích giống như của Hội Quốc gia về Liệu
pháp âm nhạc, nhưng khác nhau về cách thức mà các nhà liệu pháp âm nhạc
được đào tạo về lý luận và lâm sàng. Tháng giêng năm 1998, hai tổ chức Hội
Quốc gia về Liệu pháp âm nhạc và Hội Nước Mỹ về Liệu pháp âm nhạc thấy
cần phải hợp nhất vào một tổ chức, và Hội Liệu pháp âm nhạc Mỹ đã ra đời
(AMTA).

Từ sự khởi đầu của Hội Quốc gia về Liệu pháp âm nhạc năm 1950 và
Hội Nước Mỹ về liệu pháp âm nhạc năm 1971, sự chuyên nghiệp của liệu
pháp âm nhạc ngày càng phát triển, nhấn mạnh vào tiêu chuẩn cao về giáo
dục, đào tạo lâm sàng và thực hành lâm sàng. Các ấn phẩm giá trị cũng ra
đời và có uy tín ở Mỹ như: Liệu pháp âm nhạc, Tạp chí Liệu pháp âm nhạc và
Những Viễn cảnh của Liệu pháp âm nhạc… Nghề chuyên nghiệp về liệu pháp
âm nhạc sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thế kỷ 21.

CÁC LÝ THUYẾT VỀ ÂM NHẠC VÀ Y HỌC

Đề cập đến lịch sử liệu pháp âm nhạc một cách khoa học, hiệu lực
chữa bệnh của âm nhạc là một chủ đề phổ biến trong các tài liệu về triết lý và
lý thuyết âm nhạc từ thời Plato, tuy nhiên các chuyên luận về điều trị bằng âm
nhạc một cách nghiêm túc còn có ít và thất thường trong lịch sử y học. Mãi
đến thời trung cổ, Boethius mới trình bày một chuyên đề nổi tiếng là De
Institutione Musica và chuyên đề này đã lưu hành khắp châu Âu. Chuyên đề
là một tài liệu yêu cầu sinh viên phải đọc ở Trường Đại học Quadrivium và nó
được đưa vào danh mục khóa trình của sinh viên y khoa. Đây được coi là lý
thuyết về sự tiếp nối giữa âm nhạc và y học.

Lý thuyết về sự rung động trong thế giới vi mô và vĩ mô

Âm nhạc và sức khỏe có một mối liên hệ chặt chẽ, điều này Pythagoras
(triết gia Hy Lạp nổi tiếng khoảng 500 năm trước công nguyên) đã nhận thấy
từ 2.500 năm trước, mặc dù những khám phá cơ bản của ông là đơn giản và
triết lý của ông cũng khá khó hiểu. Pythagoras là nhà khoa học nghiêm túc
vừa là nhà khoa học thần bí và cũng làm việc một cách kinh nghiệm chủ
nghĩa. Ông đã nghiên cứu thế giới bao quanh và có khám phá thú vị đóng góp
cho con người và cho nền văn hóa nhân loại. Dụng cụ nghiên cứu thô sơ của
ông là dụng cụ đo đạc về âm nhạc chỉ có một dây, gọi là monochord. Với
dụng cụ thô sơ này, ông đã có những thí nghiệm tuyệt vời về nốt nhạc và
quãng bậc trong âm nhạc, tức là tương quan về cao độ giữa 2 nốt nhạc trở
lên. Ông cũng tìm ra mối quan hệ của các nốt nhạc với ý thức của con người.

Âm nhạc tồn tại dưới dạng vật chất. Một sợi dây đàn sinh ra một âm
thanh gọi là tông (tone) do sự rung động của sợi dây với một tốc độ nhất định.
Ngày nay, chúng ta đã biết rằng, thí dụ, nốt LA tương ứng với 440 rung động
trong một phút và đo bằng Hertz (viết tắt là Hz). Chúng ta nghe được âm
thanh nốt đó do 31 dây rung động với cùng tốc độ đó. Khi tốc độ rung này đến
tai người nghe, sẽ diễn ra quá trình tri giác và ý thức phức tạp trong não và
người nghe kết luận tone đó là nốt LA.

Nốt nhạc thực ra là một “quãng hòa thanh” và nó là một sự thỏa thuận
lịch sử. Cuối thế kỷ 17, nốt LA được quy định tương đương với 415 Hz.
Nhưng trong dàn nhạc hiện đại như ỏ Berlin Philharmonic lại quy định là 445
Hz nhằm làm cho âm thanh dàn nhạc thêm sáng hơn.

Ngày nay chúng ta có thể dễ dàng đo lường tốc độ rung của các nốt
nhạc một cách chính xác, nhưng tất nhiên điều này không phải dễ dàng cho
Pythagoras. Cách mà ông đo lường một cách chính xác là tỷ lệ toán học giữa
các tone và quãng bậc do dây đàn sinh ra. Bằng việc sử dụng monochord,
ông đã khám phá ra hàng loạt quy luật của mối quan hệ giữa chiều dài của
dây đàn và cao độ của nốt nhạc.

Thí dụ, nếu dây đàn của monochord rung động một cách tự do, nốt
nhạc cơ bản tương ứng với chiều dài sợi dây là “1” (thí dụ 440 Hz). Nếu sợi
dây được chia đôi, chúng sẽ rung động với tốc độ gấp đôi (1:2 - 880 Hz). Nếu
sợi dây được chia làm ba, rung động sẽ nhanh gấp 3 lần (1:3 - 1320 Hz). Vậy
là đã có một quy tắc về mối quan hệ toán học (tỷ lệ) giữa chiều dài dây đàn và
tốc độ rung động của dây đàn. Điều này hoàn toàn mang tính chất vật lý, đó là
những con số và ta gọi là “số lượng” của âm nhạc.

Nhưng tâm hồn con người khi trải nghiệm (nghe) âm nhạc thì về
phương diện tâm lý học sẽ ra sao? Chúng ta cảm nhận được những rung
động đã tạo ra nốt nhạc, nhưng sự tác động qua lại của các nốt nhạc đã tạo
thành âm nhạc. Những nốt nhạc và âm nhạc là “chất lượng”. Khi nghiên cứu
sự rung động theo quan điểm chất lượng, người ta đã khám phá ra rằng sợi
dây được chia đôi sẽ sinh ra cùng một nốt nhạc (đồng âm) nhưng cao hơn
một quãng tám (gọi là octave) so với để nguyên sợi dây. Thí dụ, nốt Đồ và nốt
Đô là đồng âm nhưng cách nhau một quãng tám. Quãng tám là một nguyên lý
cơ bản của âm học và tâm lý học mà mọi người cảm nhận và trải nghiệm
được về nó. Giọng hát của nữ và trẻ em cao hơn nam giới một quãng tám.
Điều quan trọng là nếu không có quy luật quãng tám thì nam, nữ và trẻ em
không thế hát chung trong dàn hợp xướng. Quãng tám là một hiện tượng của
vũ trụ. Âm nhạc, là âm thanh do con người sinh ra và sắp xếp theo trật tự thời
gian, cũng không thể thiếu quãng tám. Nhưng con ngưòi đã phân phối quãng
tám và xếp đặt trật tự các quãng bậc, thang âm khác nhau, tạo nên các điệu
thức khác nhau. Đây là sự chuyên biệt một cách văn hóa của các dân tộc.

Khi chiều dài sợi dây bằng 2/3 của cả sợi dây, nó sinh ra một quãng 5
trong âm nhạc (thí dụ, quãng cách từ nốt ĐÔ lên nốt SOL).

Chiều dài sợi dây bằng 1/4 của cả sợi dây sẽ sinh ra nốt cao hơn 2
quãng tám. Chiều dài bằng 1/5 của cả sợi dây sẽ sinh ra nốt 2 quãng tám
cộng thêm quãng 3 trưởng, v.v…

Ta cũng có thể diễn đạt mối quan hệ những quãng cách theo con số tỷ
lệ:

- Quãng tám = 1:2

- Quãng năm = 2:3

- Quãng bốn = 3:4


- Quãng ba trưởng = 4:5,…

Và sau đó nó còn phức tạp hơn, thí dụ quãng ba thứ, quãng ba trưởng,
quãng hai thứ, quãng hai trưởng… được xác định với các tỷ lệ khác nhau.

Với hệ thống âm nhạc phức tạp, con người đã sáng chế ra “các hệ
thống giai điệu”, đã điều chỉnh tỷ lệ quãng tự nhiên theo yêu cầu của thực
hành âm nhạc, thông qua công nghệ dụng cụ đàn. Những ý tưởng của người
nghệ nhân làm đàn và sự ưa thích trong âm nhạc đã “bẻ cong” những quy
luật tự nhiên và chuyển dạng chúng vào trong thực hành âm nhạc.

Pythagoras đã khám phá rằng âm nhạc dựa trên các quy luật của tự
nhiên, ông tiến thêm một bước nữa, rằng tâm trí của con người có khả năng
cảm nhận những rung động và tỉ lệ âm thanh theo các nốt nhạc và quãng
cách âm nhạc. Một triêt lý, theo ông, nốt nhạc và quãng cách âm nhạc là phản
ánh một mức độ vũ trụ và tinh thần. Trật tự được tổ chức của các nốt trong
âm nhạc là một sự phản ánh thế giới vi mô của thế giới vĩ mô, bao gồm mọi
thứ trong vũ trụ, cả cơ thể, trí tuệ và tinh thần. Triết lý này đã được Plato phát
triển thêm.

Y học khí chất

Y học khí chất là một học thuyết có ảnh hưởng lớn qua nhiều thế kỷ.
Học thuyết này cho rằng sức khỏe bị ảnh hưởng của bốn chất dịch cơ thể
hoặc “khí chất” là máu, đàm, mật vàng và mật đen. Sức khỏe tốt là kết quả
của sự thăng bằng, hài hòa giữa các khí chất, trong khi bệnh tật là phản ánh
một số kiểu mất thăng bằng giữa các khí chất. Học thuyết này có từ khoảng
400 năm trước Công Nguyên và một trong những người nổi tiếng phát biểu
nhiều về nó là Galen, nhà lý thuyết y học có tầm ảnh hưởng lớn thời kỳ đế
chế La Mã. Đây là cơ sở lý thuyết y học cho tới thế kỷ 18.

Âm nhạc được xem là phương tiện điều trị có tác động và thậm chí có
khả năng phục hồi cân bằng giữa các khí chất trong cơ thể.

Trên cơ sở liên quan đến lý thuyết về khí chất, các tác giả ở thế kỷ 16,
17 như Robert Fludd (1617), Agrippa Von Nettesheim (1510) đã nêu ra mối
liên quan giữa âm nhạc và con người theo 3 mức độ. Con người được hiểu
bao gồm cơ thể, trí tuệ và tinh thần (body, mind and spirit). Mối liên quan theo
3 mức độ là:

1. Thế giới vật chất, tương ứng với cơ thể con người và tương ứng với
rung động của âm nhạc.

2. Thế giới ngôn ngữ tương ứng với trí tuệ con người và tương ứng với
nốt và quãng của âm nhạc.

3. Vũ trụ tương ứng với tinh thần con người và tương ứng với tỷ lê siêu
phàm của âm nhạc.

Học thuyết bản chất tinh thần

Theo các tài liệu triết học trong lịch sử, các triết gia phương tây như
Plato, Aristotle, Augustine, Schopenhauer, Nietzsche… đã xem xét kỹ lưỡng
về vai trò có có tính chất lý thuyêt và thực hành của âm nhạc ở các mức độ
như sau:

- Âm nhạc có vai trò với cá nhân: đó là vấn đề sức khỏe cá nhân.

- Âm nhạc có vai trò với nhà nước: đó là vấn đề điều chỉnh sức khỏe
theo dịch vụ y tế, giáo dục và giải quyết xung đột…

- Âm nhạc có vai trò với xã hội: đó là vấn đề giá trị xã hội, những
nguyên tắc đạo đức và tín ngưỡng.

Âm nhạc và tinh thần

Plato đã đề cập đến ảnh hưởng của âm nhạc lên tinh thần của con
người, thể hiện trong bài viết the state của ông. Socrates đã nêu ra và ca ngợi
những điệu thức nhất định của âm nhạc để khuyến khích con người vươn tới
cuộc sống hài hòa và dũng cảm, đồng thời ông cũng nêu ra sự hạn chế của
những điệu thức khiến người ta- lười biếng và buồn rầu.

Nhiều lý thuyết âm nhạc và lý thuyết y học qua nhiều thế kỷ đã có ý


tưởng tương tự các nhà triết học nổi tiếng nêu trên về ảnh hưởng trực tiếp
của âm nhạc trên tinh thần con người. Âm nhạc thực sự tác động lên tinh
thần con người và như vậy, ảnh hưởng đến trạng thái cảm xúc, tính cách và
sức khỏe con người.

Sự phục hồi những ý tưởng cổ điển qua vật lý lượng tử

Do sự phát triển của khoa học tự nhiên, của giải phẫu học và y học
theo tính chất thông tin và kinh nghiệm sau thời kỳ phục hưng, âm nhạc và lý
luận cổ điển đã dần dần lui vào lịch sử. Chỉ có một số ít bác sĩ còn thực
nghiệm âm nhạc và viết báo cáo hoặc chuyên đề về âm nhạc. Nói chung
trong khoa học y học, người ta viết về những vấn đề khác.

Mãi cho đến “làn sóng mới” những năm 1960 và 1970, đặc biệt là
những triết lý, những mô hình “thời đại mới” về vật lý học, tâm lý học, y học và
âm nhạc… thì những chủ đề và học thuyết cổ điển lại được phục hồi và được
kết hợp với những khám phá khoa học đương thời. Thế kỷ 20 đã chứng kiến
sự quay trở lại của nhiều ý tưởng cổ điển. Người ta đã xem xét lại vấn đề cơ
thể và tinh thần của con người và sự phản ánh của thế giới vĩ mô vào thế giới
vi mô của âm nhạc.

Sự phục hồi này trở nên nghiêm túc hơn, liên quan chặt chẽ với- vật lý
học lượng tử hiện đại với sự chứng minh đầy ấn tượng về mối quan hệ
nghịch thường giữa trạng thái vật chất như sự đồng thời của sóng và hạt.
Những phát minh của Bohr và Einstein đã có ảnh hưởng to lớn đến tư duy
khoa học và cũng được phản ảnh trong liệu pháp âm nhạc

Người ta không còn nghi ngờ rằng cuộc sống là một cuộc hành trình
vĩnh cửu giữa các mức độ khác nhau của sự tồn tại của con người, đi từ vật
chất đến tinh thần. Âm nhạc là một trật tự đặc biệt, ảnh hưởng đến cơ thể, trí
tuệ và tinh thần con người và nó phản ảnh nguyên tắc vũ trụ của cuộc sống.
Đây chính là những lý thuyết kinh điển về âm nhạc và y học, nó là ý tưởng cũ
đã được đặt trong một khuôn khổ mới.

NHỮNG KHÁI NIỆM VỀ LIỆU PHÁP ÂM NHẠC

Liệu pháp âm nhạc là gì?


Trong liệu pháp âm nhạc, từ âm nhạc dùng để mô tả phương tiện đặc
biệt được sử dụng. Ở đây âm nhạc được sử dụng làm phương tiện điều trị,
nhưng lợi ích tối ưu của nó trong điều trị lại phụ thuộc vào việc nhà trị liệu sử
dụng nó một cách thích hợp. Âm nhạc không phải là thuốc chữa bách bệnh.
Thí dụ, điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta đưa vé xem hoà nhạc hay băng đĩa
nhạc cho những người bị bại não hoặc bị trầm cảm? Những người này có thể
thích âm nhạc hoặc thậm chí có thể cảm thấy thay đổi tạm thời về khí sắc do
họ ưa thích âm nhạc. Nhưng chắc chắn họ không thể cải thiện được lâu dài
về chức năng cơ thể hoặc cảm xúc theo những trải nghiệm ngắn hạn này.
Mặt khác, âm nhạc mà chúng ta thưởng thức hàng ngày chưa phải là công cụ
điều trị. Tác dụng của âm nhạc như một công cụ điều trị khi nó được áp dụng
một cách chuyên biệt và còn tùy thuộc vào kỹ năng và kiến thức của nhà trị
liệu. Tuy nhiên, bởi vì âm nhạc là một hiện tượng vũ trụ cho nên loài người
bao gồm tất cả các thế hệ và tất cả các nền văn hoá đều nghe, chơi, sáng tạo
và thích nó. Một số loại âm nhạc có tính phức tạp cao, thách thức sự hiểu biết
của con người. Loại âm nhạc khác lại rất đơn giản và dễ theo. Một số người
thích sáng tác hoặc chơi âm nhạc. Những người khác thấy dễ chịu đáng kể
đơn giản khi nghe âm nhạc. Rất nhiều kiểu âm nhạc và cách thức đa dạng
của âm nhạc có thể lôi cuốn con người nên nó có thể là phương tiện điều trị
rất linh hoạt.

Từ liệu pháp được hiểu là phép chữa bệnh, thường được sử dụng để
chỉ một sự giúp đỡ hoặc trợ giúp cho một người, đây là những con người có
các vấn đề về cơ thể hoặc tâm thần.Trong cuộc sống hàng ngày, liệu pháp có
thể xảy ra dưới nhiều hình Thức. Thí dụ, những nhà tâm lý học nghe và nói
chuyện với thân chủ của họ; chuyên gia dinh dưỡng giáo dục mọi người về
thức ăn nào có dinh dưỡng cao, phù hợp với nhu cầu cá nhân họ; nhà điều trị
cơ thể chỉ định các bài tập cơ thể khác nhau; nhà phẫu thuật sử dụng dụng cụ
chuyên biệt như dao mổ và kẹp để sửa chữa các bộ phận cơ thể bị hủy
hoại… Và nhà liệu pháp âm nhạc dùng âm nhạc và hoạt động âm nhạc để tạo
thuận lợi cho iến trình trị liệu.
Liệu pháp âm nhạc là một nghề đã nổi lên hơn 50 năm qua ở nhiều
nước. Tuy nhiên, định nghĩa về liệu pháp âm nhạc phụ thuộc vào định hướng
và hoàn cảnh của các nhà thực hành liệu pháp hoặc những nền văn hóa khác
nhau. Hàng năm có số lượng lớn những định nghĩa về liệu pháp âm nhạc.
Trong thập niên đầu phát triển nghề nghiệp, cuốn sách mang tên Liệu pháp
âm nhạc là một nghề nghiệp (Hội Quốc gia về Liệu pháp âm nhạc, Mỹ, 1960)
đã định nghĩa:

Liệu pháp âm nhạc là sự áp dụng khoa học nghệ thuật âm nhạc để đạt
các mục tiêu điều trị. Đó là sự sử dụng âm nhạc và bản thân nhà trị liệu để tác
động tới những thay đổi hành vi.

Hai thập niên sau, khi nghề nghiệp đã phát triển đáng kể, trong cuốn
sách: Nghề nghiệp trong Liệu pháp âm nhạc (Hội Quốc gia về liệu pháp âm
nhạc, 1980) đã mô tả Liệu pháp âm nhạc như sau:

Liệu pháp âm nhạc là sử dụng âm nhạc trong việc thực hiện mục tiêu
điều trị: phục hồi, duy trì và phát triển sức khoẻ tâm thần và cơ thể. Đó là sự
áp dụng có hệ thống về âm nhạc, do những nhà trị liệu âm nhạc trực tiếp thực
hiện trong một môi trường âm nhạc, dẫn đến những thay đổi mong muốn về
hành vi. Những thay đổi như vậy làm cho cá nhân có khả năng hiểu biết sâu
sắc hơn về bản thân và thế giới xung quanh, để thành công trong điều chỉnh
xã hội thích hợp hơn. Nhà trị liệu âm nhạc chuyên nghiệp tham gia việc phân
tích các vấn đề cá nhân và hình thành trong đầu những mục tiêu điều trị
chung trước khi đặt kế hoạch và tiến hành các hoạt động âm nhạc chuyên
biệt. Định kỳ đánh giá để xác định hiệu quả của qui trình công việc đã làm.

Định nghĩa Liệu pháp âm nhạc có thể khác nhau phụ thuộc vào thân
chủ và nhà thực hành liệu pháp. Với một số thân chủ (hoặc bệnh nhân), tiến
trình liệu pháp chủ yếu là để phục hồi các kỹ năng hoặc các chức năng tâm
lý. Với một số người bệnh mãn tính, họ mất một số năng lực, tiềm năng nên
mục tiêu là giải quyết về cơ thể, cảm xúc và các khó khăn về mất năng lực, về
tâm lý do bệnh mạn tính.
Liệu pháp âm nhạc cũng được dùng cho những người không bệnh, khi
đó người ta muốn qua liệu pháp để khám phá những nguồn lực của họ, muốn
phát hiện bản thân để đạt kết quả tốt hơn về sức khỏe và cuộc sống.

Như vậy, mục đích của Liệu pháp âm nhạc rất thay đổi đối với các đối
tượng, tuy nhiên, sự tiếp cận của các nhà liệu pháp là không thay đổi.

Do đó, có nhiều định nghĩa về Liệu pháp âm nhạc phụ thuộc vào triết lý
hoặc tiếp cận của nhà thực hành hoặc nhóm thực hành. Thí dụ:

Liệu pháp âm nhạc hành vi

Dùng âm nhạc nhằm tăng cường hoặc biến đổi hành vi cho thích hợp,
làm giảm hoặc loại bỏ những hành vi xấu, không thích hợp. Trong liệu pháp
hành vi này, âm nhạc có thể được dùng làm gia tăng (hay củng cố) hành vi
(theo cách thức dương tính hoặc âm tính), theo nguyên lý phản xạ có điều
kiện kinh điển hoặc điều kiện thực thi.

Liệu pháp âm nhạc trong liệu pháp tâm lý

Ở đây, âm nhạc được sử dụng để giúp thân chủ thấu hiểu thế giới nội
tâm của họ, nhu cầu của họ và cuộc sống của họ. Liệu pháp âm nhạc liên
quan khá chặt chẽ với liệu pháp tâm lý động lực tâm thần (Psychodynamic).

Liệu pháp âm nhạc giáo dục

Liệu pháp âm nhạc đặt trong nhà trường, học sinh có thể tiếp cận Liệu
pháp âm nhạc. Nhà liệu pháp tìm thấy ở trẻ em sự liên quan của âm nhạc đến
tiến trình học tập, nhận ra tiềm năng phát triển và đáp ứng các nhu cầu của
trẻ.

Nhằm làm sáng tỏ các loại định nghĩa về Liệu pháp âm nhạc, GS.
Kenneth Bruscia đã viết cuốn sách “Defining Music Therapy” (Định nghĩa Liệu
pháp âm nhạc, năm 1998). Ông định nghĩa về Liệu pháp âm nhạc như sau:
“Liệu pháp âm nhạc là một tiến trình can thiệp có hệ thống, ở đó nhà liệu
pháp giúp thân chủ có sức khỏe. Tiến trình can thiệp này sử dụng những trải
nghiệm âm nhạc và những mối quan hệ phát triển thông qua trải nghiệm âm
nhạc làm sức mạnh động lực cho sự thay đổi ở thân chủ.

Trong cuốn sách trên, Bruscia đã định nghĩa các lĩnh vực khác nhau và
các mức độ khác nhau của Liệu pháp âm nhạc. Các lĩnh vực Liệu pháp âm
nhạc khác nhau thí dụ như: để dạy học, y học, chữa bệnh, liệu pháp tâm lý,
tái sáng tạo và sinh thái học. Ở các mức độ thực hành, Bruscia mô tả bốn
mức độ can thiệp chuyên biệt:

- Mức độ phụ trợ: sử dụng chức năng âm nhạc hoặc bất kỳ cấu trúc âm
nhạc nào khác không nhằm mục tiêu điều trị, nhưng có liên quan đến mục
đích của liệu pháp.

- Mức độ tăng cường: bất kỳ thực hành nào, trong đó âm nhạc và liệu
pháp âm nhạc được sử dụng nhằm tăng cường hiệu quả của các phương
thức điều trị khác và để đóng góp cho toàn bộ kế hoạch điều trị cho thân chủ.

- Mức độ tập trung sâu: bất kỳ thực hành nào, trong đó liệu pháp âm
nhạc chiếm vai trò trung tâm và độc lập, nhằm vào mục tiêu hàng đầu trong
kế hoạch điều trị cho thân chủ, đưa đến kết quả thay đổi lớn, đáng kể tình
trạng hiện tại của thân chủ.

- Mức độ chủ yếu: bất kỳ thực hành nào, trong đó liệu pháp âm nhạc
chiếm vai trò không thể thiếu hoặc độc nhất nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị
chính và đưa đến kết quả tạo ra những thay đổi toàn bộ cuộc sống chủ thể.

Tác giả Dileo (199ậ| đã bổ sung và phát triển cho phân loại nêu trên
của Bruscia. Ông đã đưa ra ba mức độ thực hành lâm sàng:

1. Trợ giúp

2. Chuyên biệt

3. Toàn diện

Thí dụ minh họa cho mô hình này để chữa các triệu chứng đau ở thân
chủ như sau:

Các mức độ của liệu pháp âm nhạc Thực hành giải quyết chứng đau
1. Mức độ trợ giúp
Những nhu cầu của chủ thể: Giảm đau tạm thời
Trình độ nhà liệu pháp: Mới vào nghề hoặc trung bình
Khả năng giải quyết: Làm sao lãng đau, cung cấp kỹ năng
chống đỡ
Chức năng liệu pháp âm nhạc: Trợ giúp cho can thiệp y học
Liệu pháp âm nhạc can thiệp chung: Thư giãn dựa trên cơ sở âm nhạc,
liệu pháp rung động âm thanh
2. Mức độ chuyên biệt
Những nhu cầu của chủ thể: Hiểu biết về đau
Trình độ nhà liệu pháp: Trình độ cao học
Khả năng giải quyết: Đương đầu với đau
Chức năng liệu pháp âm nhạc: Bình đẳng giới can thiệp y học
Liệu pháp âm nhạc can thiệp chung: Ứng tác, các kỹ thuật hình tượng âm
nhạc
3. Mức độ toàn diện
Những nhu cầu của chủ thể: Hợp tác với nhà trị liệu giải quyết đau
Trình độ nhà liệu pháp: Bậc nhất
Khả năng giải quyết: Giải quyết đau
Chức năng liệu pháp âm nhạc: Độc lập giải quyết đau
Liệu pháp âm nhạc can thiệp mức độ cao cấp / luyện tập chuyên
biệt
Những nhà liệu pháp âm nhạc làm việc trong hệ thống chăm sóc sức
khỏe thường thiết lập mối quan hệ chuyên nghiệp cộng tác với các bác sĩ, y
tá, các nhà điều trị vật lý, lao động nghề nghiệp, các nhà chỉnh sửa âm và
ngôn ngữ và các nhà tâm lý học, là một sự kết hợp toàn diện để điều trị bệnh
nhân.

Đối tượng điều trị của liệu pháp âm nhạc

Trong quá khứ, các nhà Liệu pháp âm nhạc thường làm việc nhiều nhất
với những người bệnh tâm thần và chậm phát triển tâm thần. Ngày nay, do
nhấn mạnh nhiều vào công việc cung cấp chăm sóc dự phòng, lồng ghép trẻ
em giảm năng lực vào nhà trường công cộng, tăng cường dịch vụ cho người
cao tuổi, các nhà liệu pháp âm nhạc đang mở rộng các lĩnh vực lâm sàng
mới. Liệu pháp âm nhạc ngày nay được sử dụng trong quản lý đau, quản lý
stress, kích thích trẻ sơ sinh, chăm sóc người lớn ban ngày, điều dưỡng tại
nhà, các chương trình chăm sóc bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh, chăm sóc y
khoa và cả ở nhà tù. Dưới đây là thống kê năm 1998 của liệu pháp âm nhạc
Mỹ về đối tượng đã được tiến hành điều trị bằng âm nhạc:

- Người cao tuổi,

- Người khuyết tật trong phát triển, 

- Người có vấn đề sức khoẻ tâm thần,

- Người khuyết tật cơ thể,

- Tuổi nhà trường,

- Tuổi thơ ấu,

- Lạm dụng chất,

- Giảm cảm giác,

- Suy giảm, hư hại chức năng thần kinh.

- Bệnh vô phương cứu chữa.

Ý NGHĨA CỦA ÂM NHẠC LIÊN QUAN ĐẾN ĐIỀU TRỊ

Đối với nhiều nhà liệu pháp âm nhạc, âm nhạc luôn được xem như một
ngôn ngữ tượng trưng, cho phép nhà trị liệu khám phá ý nghĩa của nó đối với
thân chủ trong kỹ thuật ứng tác âm nhạc tiếp theo sự hội thoại bằng miệng.

Trong lý thuyết âm nhạc và lý thuyết tâm lý học, các nhà liệu pháp âm
nhạc thường phải trả lời 3 câu hỏi kinh điển:

1. Âm nhạc có phải là ngôn ngữ không? Nếu nó cũng là một ngôn ngữ
thì ngôn ngữ âm nhạc khác ngôn ngữ nói như thế nào?
2. Âm nhạc có ý nghĩa vượt qua những nguyên tắc hay quy luật bên
trong âm nhạc không? Nếu có, thì sự diễn tả của âm nhạc có liên quan đến
thế giới bên ngoài như thế nào?

3. Âm nhạc có phải là có ý nghĩa không "thể diễn tả bằng ngôn từ


không? Nếu có, thì ý nghĩa “không thể diễn tả được” hoặc “không tả được”
này có phải là một thể riêng biệt của kiến thức hoặc nhận biết của con người
không?

Người ta đã trả lời cho 3 câu hỏi nêu trên:

1. Đúng, âm nhạc là một loại ngôn ngữ diễn tả theo cách nghệ thuật.
Âm nhạc có hệ thống ký hiệu riêng biệt (ký pháp âm nhạc) và nó có ý nghĩa
cho hầu hết mọi người. Tuy nhiên, ngôn ngữ âm nhạc không phải là ngôn
ngữ thuyết trình. Âm nhạc đặc trưng cho một ngôn ngữ tượng trưng, không
cụ thể, rõ ràng như ngôn ngữ nói.

2. Đúng, âm nhạc chứa đựng và diễn tả ý nghĩa vượt quá nguyên tắc
âm nhạc hay thẩm mỹ thuần túy. Ý nghĩa này được xây dựng thông qua tác
động qua lại phức tạp giữa những người tham gia âm nhạc, như người sáng
tác - người biểu diễn – người nghe hoặc bệnh nhân - nhà trị liệu. Âm nhạc có
thể là sự diễn tả trực tiếp cảm xúc của bệnh nhân. Nó cũng có thể là một sự
tượng trưng hoặc ẩn dụ của trạng thái tâm lý phức tạp của bệnh nhân.

3. Đúng, âm nhạc có ý nghĩa không thể diễn tả được bằng ngôn từ.
“Kiến thức ngầm” hoặc “ý nghĩa không thể diễn tả” này thể hiện ở các mức độ
khác nhau, ở mức độ truyền đạt giữa các cá nhân, khái niệm hai mặt giữa
chủ quan và khách quan (như giữa “người nghe” và “đối tượng âm nhạc”) đã
bị hòa tan và trải nghiệm này vượt quá ngôn ngữ miệng, thậm chí nó có ý
thức và rất rõ ràng.

Âm nhạc là một tác nhân điều trị

Có một thực tế là âm nhạc không hề có giá trị đối với sự sinh tồn của
con người một cách rõ ràng, nhưng tại sao hàng năm nó vẫn được duy trì
trong vốn tiết mục âm nhạc mỗi con người chúng ta. Mỗi con người chúng ta,
chắc chắn ai cũng có một số vốn về âm nhạc hoặc đơn giản hơn là bài hát
nhất định. Thực chất, âm nhạc đã phát triển bên ngoài một số tiến trình thần
kinh nền tảng. Do vậy, nếu chỉ đứng trên góc độ sinh lý thần kinh đơn nhất sẽ
không thể giải thích được đầy đủ cho sự có mặt khắp mọi nơi của âm nhạc
trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta hoàn toàn không đáp ứng một cách
bị động với âm nhạc qua cơ quan cảm giác. Quá trình tri giác và nhận thức
của chúng ta với âm nhạc chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi niềm tin, hy vọng và
mang nặng tính văn hoá.

Âm nhạc và những hiệu lực siêu tự nhiên

Các nền văn hoá tiền văn tự tin vào hiệu lực của âm nhạc tác động tới
hành vi con người. Niềm tin này cho rằng âm nhạc có mối quan hệ tới siêu tự
nhiên. Những bài hát mà các bộ lạc sử dụng trong những nghi thức quan
trọng được tin là đến từ các nguồn siêu nhiên hoặc không phải ở từ trái đất.
Những bài hát này chứa đựng những năng lực siêu nhân nào đó đang kiểm
soát trong tất cả các hoạt động cầu xin trợ giúp khác thường như nghi thức
tôn giáo hoặc chữa bệnh. Âm nhạc là thứ đồng hành thiết yếu cho thực hành
tín ngưỡng trên toàn thế giới. Nó rất quan trọng đến mức độ mà trong các
nghi thức quan liêu thời đó âm nhạc phải được cử hành một cách chính xác.
Bất cứ sai sót nào về biểu diễn âm nhạc trong khi tiến hành nghi thức có thể
bị cho là phá hoại hiệu lực của âm nhạc và mất sự chấp thuận của thần
thánh. Những sai sót như vậy có thể bị trừng phạt bởi các biện pháp nghiêm
khắc, thậm chí có thể bị tử hình.

Trong nhiều nền văn hoá tiền văn tự, sự kết nối giữa quyền lực ma
thuật và âm nhạc được sử dụng phổ biến trong các hình thức bùa, ngải chống
lại bệnh tật. Người thầy thuốc hoặc pháp sư sử dụng cái lúc lắc, trống và bài
hát như một bộ phận không thể thiếu của nghi thức chữa bệnh và xua đuổi
thế lực ma quỷ.

Nhìn thoáng qua, việc sử dụng âm nhạc “ma thuật - tín ngưỡng” này có
vẻ không liên quan đến thực hành y khoa đương thời. Tuy nhiên, chúng ta có
thể thấy ảnh hưởng của các truyền thống văn hoá này trong liệu pháp âm
nhạc. Ngay trong xã hội hiện đại của chúng ta, âm nhạc vẫn còn có mối liên
quan không thể thiếu tới giá trị và thực hành tinh thần. Âm nhạc có vai trò ưu
thế trong phục vụ tôn giáo của nhiều giáo phái, hơn nữa, nó còn diễn tả các
giá trị đạo đức và hành vi được chấp nhận. Trong khi âm nhạc còn được sử
dụng trong thực hành tôn giáo ngày nay giống như đã từng có trong quá khứ,
cơ sở hợp lý cho việc sử dụng âm nhạc trong liệu pháp âm nhạc hiện đại
khác xa với nghi thức chữa bệnh thời tiền văn tự. Các văn hóa nguyên thủy
cho rằng hiệu lực chữa bệnh của âm nhạc là những hiệu lực siêu nhiên, còn
các nhà liệu pháp âm nhạc hiện nay cho rằng những thay đổi trên bệnh nhân
là kết quả trực tiếp của âm nhạc với giá trị biểu tượng của nó trong niềm tin,
thái độ và hành vi đã được học tập theo nguyên tắc phản xạ có điều kiện từ
quá khứ của bệnh nhân, tạo nên đáp ứng sinh lý với âm nhạc trên bệnh nhân.
Nói cách khác, những trải nghiệm cảm xúc thẩm mĩ âm nhạc đã hoạt hoá
khuynh hướng tâm sinh lý tới đáp ứng với âm nhạc, tạo nên niềm tin vào hiệu
quả chữa bệnh của âm nhạc. Cũng như trong các liệu pháp tâm lý, niềm tin
của bệnh nhân là yếu tố quan trọng đối với thành công của liệu pháp. Thí dụ,
trong sử dụng âm nhạc để kiếm soát đau trên bệnh nhân, Melzack(1973) đã
phát hiện ra rằng, niềm tin của bệnh nhân về hiệu quả của âm nhạc đã tác
động quan trọng tới sức chịu đựng đau.

Tóm lại, truyền thống văn hoá của con người về âm nhạc có hiệu lực
chữa bệnh đã góp phần cho âm nhạc có tác dụng như một tác nhân điều trị.

Âm nhạc là một sự diễn tả cảm xúc

Nghiên cứu về các nền văn hoá nguyên thủy và tiền văn tự, chúng ta
đã phát hiện ra rằng âm nhạc là một lối thoát cảm xúc quan trọng. Nền văn
hoá hiện đại cũng vậy, âm nhạc được sử dụng để diễn tả cảm xúc. Một đặc
điểm phổ biến cho cả nền văn minh nguyên thủy và văn minh công nghiệp
hóa là sử dụng nghệ thuật trong “chức năng về giá trị an toàn”. Trong ngữ
cảnh thẩm mỹ, âm nhạc được sử dụng để diễn tả công khai những chủ đề bị
cấm kỵ mà không bị phê bình, chỉ trích. Thí dụ, ở văn hoá phương Tây, nhiều
chủ đề biểu hiện giới tính bị cấm đoán hoặc chủ đề nhạy cảm chính trị đã
được diễn tả cởi mở trong khuôn khổ âm nhạc quần chúng.

Với tính chất như vậy, trong liệu pháp âm nhạc áp dụng cho điều trị cá
nhân và nhóm, ý nghĩa quan trọng là âm nhạc đã tạo cơ hội cho bệnh nhân
bộc lộ sự chân thực, sự giao tiếp cảm xúc nhạy cảm. Nghệ thuật là một sự
chuyền tải cho diễn tả và đáp ứng cảm xúc. Các liệu pháp nghệ thuật sáng
tạo thông qua phương tiện không ngôn ngữ miệng đã tác động đến các tiến
trình cảm xúc trực tiếp và ngay lập tức hơn là các liệu pháp tâm lý miệng
truyền thông. Do vậy, trong ngữ cảnh âm nhạc đã cho phép một cá nhân “rụt
rè”, hoặc bị kiềm chế có thể thăm dò và diễn tả cảm xúc về bản thân cá nhân.
Âm nhạc có thể khơi gợi cảm xúc tình cảm cũng như mở ra khả năng diễn tả
sự thay đổi cho bệnh nhân, nhất là những người có khó khăn trong việc diễn
tả bằng ngôn ngữ miệng.

Âm nhạc trong các thể chế xã hội

Không có một hoạt động văn hóa nào của con người lại lan tràn, thâm
nhập rộng khắp, thể hiện cụ thể và kiểm soát lớn lao đến hành vi con người
như âm nhạc. Âm nhạc đưa chúng ta từ lúc chào đời đến khi nhắm mắt xuôi
tay, về nơi an nghỉ cuối cùng. Âm nhạc lấp đầy cuộc sống của chúng ta với
sự vui sướng, với các cấu trúc xã hội, diễn tả cảm xúc sâu sắc nhất của
chúng ta và đóng góp cho sự ổn định văn hoá của chúng ta.

Trong xã hội có sự phân tầng văn hóa phức tạp, âm nhạc là thứ “gắn
mác” cho các tầng lớp xã hội, hoặc âm nhạc là biểu tượng của các nhóm hợp
nhất. Thí dụ, tầng lớp người hoặc nhóm người thích nghe nhạc đồng quê,
nhóm người thích nghe nhạc rock, nhóm người thích nghe nhạc Jazz hoặc
opera… Các hình thức âm nhạc này là đặc trưng hoặc biểu tượng liên quan
đến các tầng lớp xã hội, các kiểu sống và các nhóm dân tộc khác nhau. Âm
nhạc giúp cho sự gắn bó chặt chẽ và cố kết nhóm, đồng thời nó cung cấp một
quan điểm trung tâm, thống nhất cho nhiều hiện tượng xã hội. Thí dụ, những
bài ca biểu tượng cho sự đấu tranh cách mạng, những bài ca biểu tượng cho
sự phản kháng của nhóm thanh niên nổi loạn trong xã hội…
Sự gắn kết xã hội của âm nhạc là yếu tố quan trọng cho việc áp dụng
điều trị của liệu pháp âm nhạc. Thí dụ, những người cao tuổi có xu hướng
sống biệt lập, đó là do họ suy giảm khả năng hoà nhập. Sự không hài lòng
hoặc các mối quan hệ không thích hợp là điều nổi bật trong hầu hết các rối
loạn cảm xúc. Những người chậm phát triển tâm thần có khó khăn trong học
tập xã hội và ứng xử thích hợp… Do vậy, giúp cho bệnh nhân cải thiện mối
tương tác xã hội là mục tiêu hàng đầu của nhiều chương trình điều trị cho
những đối tượng kể trên.

Âm nhạc có những đặc điểm thích hợp cho cơ hội hòa nhập của cá
nhân. Đặc điểm thứ nhất và quan trọng nhất là, âm nhạc được nhận thức một
cách dễ dàng rằng đó là một nghệ thuật xã hội. Cá nhân trải nghiệm âm nhạc
không chỉ ở chất liệu âm thanh thô mà còn với niềm tin về giá trị của âm nhạc.
Đó là niềm tin rằng âm nhạc tạo sự hứng thú và sự độc đáo. Điều này khuyến
khích sự chú ý và khơi gợi những đáp ứng hành vi với kích thích âm nhạc.
Đặc điểm thứ hai, âm nhạc là hình thức duy nhất có thể thay thế cho giao tiếp
nói. Do đó, âm nhạc giúp cho cá nhân bệnh nhân khó khăn trong giao tiếp nói
có một phương tiện thay thế cho tương tác cá nhân với nhóm. Đặc điểm thứ
ba, âm nhạc không phải là một kỹ năng quá to tát, mà thực ra là một sự thu
gom các kỹ thuật nhỏ. Cá nhân có thể tham gia với nhiều mức độ năng lực, từ
nghe nhạc đến biểu diễn âm nhạc một cách thành thạo.

Với những cá nhân không có kỹ năng âm nhạc, bệnh nhân vẫn được lôi
cuốn thông qua hoạt động nghe và nhà trị liệu khuyến khích bệnh nhân đáp
ứng với âm nhạc. Các kiểu và hình thức âm nhạc rất đa dạng, cho nên nó có
thể đáp ứng với sở thích âm nhạc của mỗi cá thể khác nhau. Trong vận dụng
âm nhạc liệu pháp, nhà trị liệu có thể thay đổi chất liệu âm nhạc một cách linh
hoạt, phù hợp với mức độ trải nghiệm và phát triển nhận thức cá nhân. Với sự
linh hoạt như vậy, âm nhạc có tiềm năng lớn cho việc hoà nhập nhóm đa
dạng của các cá nhân vào cộng đồng.

Như vậy, âm nhạc là nguồn linh hoạt tạo cho con người hòa nhập vào
kết cấu của tồn tại xã hội. Âm nhạc có khả năng cuốn hút bệnh nhân vào các
hoạt động dựa trên thực tại, đòi hỏi sự tương tác và thực hiện các chức năng
tâm thần một cách tối ưu. Trong việc chăm sóc sức khoẻ thời hiện đại, những
mối quan hệ con người được hài lòng và thoả mãn là điều được quan tâm
hàng đầu. Và âm nhạc với đặc tính là đa dạng, bất định và linh hoạt, với
truyền thống văn hoá và lịch sử, nó là nguồn điều trị hiệu lực cho diễn tả cảm
xúc và xã hội hoá mối quan hệ, tương tác của người bệnh.

Chương 2. CƠ SỞ LÝ THUYẾT CỦA LIỆU PHÁP ÂM NHẠC

TÂM LÝ HỌC ÂM NHẠC

Tâm lý học âm nhạc là một lĩnh vực nghiên cứu tương đối mới, là một
khoa học của nhiều ngành học thuật, hoạt động mạnh mẽ và giao thoa giữa
âm nhạc học, tâm lý học, âm học, xã hội học, nhân loại học và thần kinh học.

Tâm lý học âm nhạc có thể được thu hẹp vào 5 lĩnh vực quan trọng liên
quan đến nghiên cứu liệu pháp âm nhạc:

1. Âm thanh tâm lý học và hệ thính giác.

2. Âm nhạc và bộ não: khía cạnh thần kinh học của trải nghiệm âm
nhạc.

3. Khả năng âm nhạc và bán cầu trội.

4. Sự đáp ứng với âm nhạc và tiếng động ở trẻ em - Tâm lý phát triển
về âm nhạc.

5. Những tác động cảm xúc của âm nhạc.

Lịch sử của tâm lý học âm nhạc

Tâm lý học âm nhạc là một lĩnh vực nghiên cứu độc lập, phát triển từ
cuối thế kỷ 19. Những tên tuổi nổi bật ở thời kỳ này có thể kể đến là
Helmholz, Stumpt, Rieman và ở Mỹ là Seashore.

Thời kỳ đầu tiên, năm 1880 - 1920 được đặc trưng bởi các nghiên cứu
thực nghiệm dựa trên mô hình chủ nghĩa thực chứng. Âm nhạc được xem là
một hiện tượng kinh nghiệm, khách quan. Mục tiêu của các nghiên cứu là
quan sát, đo đạc những đáp ứng của con người với những kích thích âm
thanh có chọn lọc và tập trung đặc biệt vào những thông số cơ bản của giọng
hoặc âm thanh như tần số, biên độ, cường độ và hình thể sóng. Điều này là
nền tảng cho các nghiên cứu theo khuynh hướng kinh nghiệm chủ nghĩa, bao
gồm:

- Kỹ năng phân biệt thính giác (tâm lý học về âm thanh).

- Phát triển các thử nghiệm (test) âm nhạc.

- Tâm lý âm nhạc hành vi.

Trong những năm 1920 và 1930 đã hình thành những lý thuyết mới,
phát triển theo quan điểm của Gestalt, ở Mỹ là Murshell (1937) và ở Đức là
Kurth (1931). Kurth không bác bỏ tâm lý học âm thanh kinh điển, nhưng ông
muốn nhìn nó trong ngữ cảnh mới, đó là một lý thuyết có hệ thống về hiện
tượng âm nhạc và sự trải nghiệm tâm lý học về năng lượng, cường độ, âm
lượng và khối lượng trong âm nhạc.

Sau chiến tranh thế giới II, chủ nghĩa hành vi đã có ảnh hưởng quyết
định đến tâm lý học âm nhạc. Thí dụ, tác phẩm Tâm lý học khách quan” của
Lundin (1967) đã thể hiện nghiên cứu khoa học về hành vi âm nhạc là cốt lõi
của tâm lý âm nhạc. Cũng như vậy, trong phân tâm học truyền thông, sự hiểu
biết về âm nhạc đã phát triển và liệu pháp âm nhạc đã được tiến hành trong
khuôn khổ lý thuyết của Freud và sau đó là tâm lý học bản ngã (ego).

Thời gian gần đây nhất đã xuất hiện tâm lý học nhận thức về âm nhạc.
Đa số những đóng góp quan trọng của châu Âu gần đây về tâm lý âm nhạc
thuộc về lý thuyết này.

Tâm lý học âm học

Tâm lý học âm học nghiên cứu một số yếu tố về âm nhạc như: âm sắc,
âm lượng, độ cao và độ dài.

* Âm sắc
Âm sắc xác định chất lượng của âm thanh. Thí dụ, sóng âm thanh hình
sin là âm thanh đơn giản và thuần khiết nhất, tạo được bằng các phương
pháp không điện tử, là nốt nhạc được chơi bằng sáo hoặc giọng trẻ em nhỏ.
Còn hầu hết sóng âm là khá phức tạp so với âm đơn lẻ.

Tất cả âm thanh được sinh ra một cách tự nhiên thường bao gồm các
yếu tố sau:

- Độ cao nền tảng.

- Hàng loạt hòa thanh, đó là những độ cao có liên quan theo tỷ lệ thuận
với độ cao nền tảng và phát ra đồng thời với độ cao nền tảng.

- Những độ cao khác, đó là những độ cao không liên quan trực tiếp với
độ cao nền tảng. Thí dụ âm thanh phát ra từ cái loa, sóng âm thanh đi dọc
theo lỗ loe ra một cách từ từ, độ cao âm thanh cứ nâng lên.

- Độ cao chủ quan (theo cảm nhận của người nghe).

- Tiếng ồn.

Như vậy, một âm thanh phát ra là cả một sự hòa thanh phức tạp. Âm
thanh truyền đi trong không khí theo sóng giống như sóng lăn tăn trên bề mặt
hồ nước khi ta ném hòn đá cuội xuống hồ. Điều khác nhau ở đây là sóng của
âm thanh đi trong ba chiều chứ không phải hai chiều. Ta có thể tưởng tượng
như những sóng hình cầu tăng lên, tỏa ra từ nguồn sóng. Sóng trên mặt hồ
được gây ra do sự rời chỗ ban đầu của nước, ở âm thanh, đó là những phân
tử không khí bị chuyển dời gây ra sóng của mật độ không khí. Những sóng
này trải rộng ra với tốc độ ước lượng khoảng 720 dặm/giờ, cuối cùng sẽ mất
đi do ma sát của các phân tử không khí “đang còn” chuyển dời. Nếu những
sóng không khí gặp bất kỳ phân tử nào khác, sóng sẽ cố gắng làm chuyển
dời chúng. Thí dụ, nếu sóng đến tiếp xúc với bức tường đá, chúng sẽ cố gắng
khiến các phân tử đá cũng thành sóng. Nhưng vì các phân tử đá có cấu trúc
khác với rất nhiều kháng trở làm số lượng đáng kể năng lượng sóng âm mất
đi và số còn lại sẽ bật trở lại.
Những sóng âm tiếp xúc với cơ thể con người sẽ cố gắng làm tương tự
và chúng ta có thể cảm nhận được những sóng hoặc rung động này như cảm
giác râm ran ở các bộ phận khác nhau của cơ thể. Lớp phân tử trên cơ thể
càng mỏng sẽ càng dễ bị sóng âm tác động chuyển dời vị trí theo một tần số
như sóng âm đó. Cơ quan nhạy cảm nhất với vận động nén của không khí là
một màng rất mỏng ở tai, gọi là màng nhĩ. Điều lý thú là, ở những người mất
thính giác, người ta ghi nhận rằng mí mắt và đầu ngón tay nhạy cảm nhất với
những tần số nhất định của âm thanh. Giải thích điều này là do ở mí mắt có
màng mỏng và ở đầu ngón tay có mật độ tập trung lớn của các tận cùng thần
kinh.

* Cường độ:

Cường độ biểu hiện sự ồn ào hay độ lớn của âm thanh. Cường độ


được đo bằng decibel. Decibel là đại lượng đo lường độ lớn thực tế của âm
thanh, trong khi trải nghiệm chủ quan về tiếng ồn của các loại âm thanh phụ
thuộc vào cá nhân người cảm nhận nó.

* Độ cao:

Độ cao có thể được đo bằng hai cách:

- Bao nhiêu sóng xảy ra trong một khoảng cách đã cho, hoặc

- Bao nhiêu sóng xảy ra ở một thời gian đã cho.

Người ta thường dùng cách thứ hai. Như vậy, 440 chu kỳ của song trên
thời gian 1 phút là hòa thanh hiện đại của nốt LA rung càng nhanh thì độ cao
càng cao và sóng càng ngắn. Ngược lại, độ rung càng chậm thì độ cao càng
thấp và sóng càng dài hơn.

* Độ dài

Độ dài là yêu tố quan trọng trong âm thanh, nó như một phương tiện
trong đó diễn tả cường độ, cao độ và âm sắc. Chiều dài thời gian cần có để
nghe các yếu tố cần có (cường độ, cao độ, âm sắc…) từ lúc bắt đầu đến kết
thúc gọi là trường độ (duration).
Sinh lý học về tai

Trong liệu pháp âm nhạc cần phải chú ý đến vai trò và các chức năng
hoạt động liên quan đến tai vì phương tiện điều trị chủ yếu là âm thanh.

Tai là một trong những bộ phận phức tạp của cơ thể, là cơ quan tiếp
nhận và phân tích, giải thích các kích thích âm thanh. Đây là một tiến trình
đặc biệt. Phần tai ngoài có chức năng thu nhận âm thanh và ở những tần số
nhất định (từ 2KHz đến 5KHz) sẽ được tai ngoài khuếch đại tăng lên. Tai
ngoài là vùng quan trọng cho âm thanh lời nói. Bình thường chúng ta nghe cả
hai tai và khoảng cách giữa hai tai giúp chúng ta định vị được hướng của âm
thanh và ước lượng khoảng cách từ nguồn phát ra âm thanh tới chúng ta.

Màng nhĩ là một màng trong mờ, có tính đàn hồi, đường kính 6mm và
dày khoảng 0,08 mm. Màng nhĩ có thể tiếp nhận và chuyển hóa mọi rung
động từ một dàn nhạc lớn, dàn hát nhà thờ… Nó có thể rung động toàn bộ
hoặc từng phần để tiếp nhận đầy đủ những dữ liệu âm thanh phức tạp. Đó là
một hình thức rung động rất phức tạp và điều bí ẩn là làm sao màng nhĩ có
thể thu thập nhiều rung động đến vậy.

Âm thanh được truyền vào tai giữa, trong đó có ba xương: xương búa,
xương đe và xương bàn đạp. Các xương này truyền âm thanh đi qua vùng tai
giữa. Nếu không có các xương này, âm thanh sẽ đi thẳng vào ốc tai và 97%
sẽ bật trở lại và mất đi. Những xương này ở trong tình trạng hoạt động liên
tục, không ngừng và tiếp nhận âm thanh ngay cả khi người ta ngủ. Âm thanh
càng lờn, chuyển động của các xương càng lớn. Khi con người sinh ra,
những xương này đã được hình thành đầy đủ và chúng là những xương duy
nhất trong cơ thể không lớn lên. Khi chúng ta về già, xương trở nên cứng đi.
Do vậy người ta thường giảm thính lực tỷ lệ với tuổi tăng lên.

Âm thanh được tiếp tục chuyển vào tai trong và ở đây ốc tai tiếp nhận
âm thanh. Những rung động đi qua dịch thể trong ốc tai sẽ kích thích những
tế bào lông. Tế bào lông kích thích khởi động và truyền tín hiệu qua các tế
bào hướng tâm. Thường thường những kích thích của âm thanh sẽ được các
tế bào lông làm nhiệm vụ mã hóa và truyền tín hiệu về não. Trên thực tế,
chúng ta phân biệt được âm thanh ở tần số nhỏ hơn 1/50 của nửa cung nhạc
(nửa cung, thí dụ từ nốt ĐÔ lên nốt ĐÔ THANG). Dây thần kinh thính giác
truyền những âm thanh đã được chuyển đổi thành xung điện, đưa về đồi thị,
từ đồi thị về não. Đồi thị là nơi hòa nhập tất cả dữ liệu chuyển đến và tiếp âm
chúng đến những vùng thích hợp của vỏ não, tức là đến vùng phân tích thính
giác.

Chức năng về âm nhạc của não

Rất nhiều phần của não liên quan đến thưởng thức âm nhạc và chơi
âm nhạc. Trong những nghiên cứu về sự đáp ứng của não so với âm nhạc,
các nhà thần kinh học đặc biệt quan tâm đến các bộ phận cấu thành liên quan
đến đời sống âm nhạc, cụ thể là khả năng của con người trong việc đọc, hiểu,
sáng tác hoặc biêu diễn âm nhạc. Thần kinh học hiện đại nổi lên từ khoảng
năm 1850 với các khái niệm xoay quanh việc xác định các vùng chức năng
của não. Một số nhà thần kinh học Đức đã phân tích rối loạn chức năng âm
nhạc ở những bệnh nhân có bệnh về não và cố gắng định khu vùng thương
tổn. Knoblauch đã giới thiệu thuật ngữ “mất âm nhạc”, có nghĩa là khả năng
hoạt động âm nhạc bị suy giảm, ở đây có hai khái niệm: mất cảm giác âm
nhac là bệnh nhân không có khả năng để nghe, đọc hoặc hiểu âm nhạc và
mất vận động âm nhạc là bệnh nhân có khó khăn trong việc hát hoặc viết
nhạc hoặc chơi nhạc. Sự mất âm nhạc này lúc đầu người ta quy cho là do tổn
thương ở vùng bán cầu não trái (não trái là bán cầu ưu thế). Tuy nhiên, sau
này người ta biết nó không đơn giản như vậy. Các khía cạnh hoạt động âm
nhạc khác nhau bị suy giảm có thể do tổn thương bán cầu trái hoặc bán cầu
phải hoặc tổn thương từng bộ phận. Những thực nghiệm cho thấy liệt chức
năng thùy thái dương bán cầu phải gây ra giảm khả năng hát và nhận thức
giai điệu, trong khi đó ngôn ngữ nói vẫn còn nguyên. Trái lại, liệt chức năng
thùy thái dương bán cầu trái, người ta có thể hát tốt hơn nói. Người ta còn
cho rằng các chức năng về cấu trúc, tính toán và tổ chức âm nhạc do não trái
chi phối và chức năng sáng tạo, cảm xúc và tâm hồn do não phải chi phối để
giữ thăng bằng cho tất cả các yếu tố trong hoạt động âm nhạc.
Ngày nay, chúng ta biết rằng lý thuyết về sự chuyên môn hóa bán cầu
không thể áp dụng cho hoạt động âm nhạc, mặc dù thực tế khi phá hủy một
số vùng chuyên biệt của não có thể làm giảm một số bộ phận chức năng
quan trọng chi phối chức năng âm nhạc.Người ta không thể xác định khoanh
vùng chức năng vỏ não chi phối hoạt động sáng tạo như sáng tác hoặc biểu
diễn âm nhạc. Chỉ những hoạt động sinh lý sơ đẳng mới có thể phân vùng
chức năng khác nhau của vỏ não. Các hoạt động phức tạp phụ thuộc vào các
bộ phận nhất định của não và liên kết với nhau qua các con đường dưới vỏ
và giữa hai bán cầu. Sáng tác nhạc, chơi nhạc và nghe nhạc, tất cả đòi hỏi
cảm giác thị giác và thính giác, các chức năng về trí tuệ và cảm xúc và các
hoạt động vận động cảm giác. Những hoạt động này liên quan đến vỏ não,
những nhân vận động và cảm giác dưới vỏ và hệ limbic.

Các hệ thống thính giác, hệ thống thị giác, hệ thống vận động và cảm
giác cơ thể và trí nhớ, tất cả đều đóng vai trò quan trọng trong thưởng thức và
biểu diễn âm nhạc. Đặc biệt, khả năng nghe được phát triển mạnh ở những
người nhạc sĩ.

Trong hoạt động âm nhạc, trí nhớ cũng được phát triển mạnh mẽ và rất
quan trọng. Người ta không thể thực hiện được một nhiệm vụ âm nhạc đơn
giản nếu không sử dụng trí nhớ. Sự hứng thú của bất kỳ người nào khi nghe
một đoạn nhạc đều tùy thuộc vào trí nhớ của người đó về đoạn nhạc đã lướt
qua và nay được lặp lại với giai điệu và hòa thanh tương tự. Theo nguyên tắc
của kỹ thuật sáng tác âm nhạc, trong một bản nhạc, những âm hình hay
những nét nhạc đều phải được nhắc lại và phát triển trên cơ sở nét nhạc đó.
Như vậy khi người ta nghe một bản nhạc, trí nhớ về nét nhạc cũ vừa đi qua
đã giúp người ta nhận ra ở nét nhạc vừa mới đến về bóng dáng của nét nhạc
cũ đã được nhắc lại và phát triển. Điều đó mới tạo hứng thú cho người nghe
nhạc. Chức năng vận động cảm giác và trí nhớ thị giác, thính giác là đặc biệt
cần thiết cho chơi nhạc.

Có rất nhiều thí dụ về những kỹ năng kinh ngạc của trí nhớ. Khi mới 14
tuổi, Mozart (Mô da) đã nhớ để viết lại toàn bộ bản nhạc Miserere của Allegri,
một tác phẩm nhà thờ sáng tác 9 phần cho 2 ca đoàn, sau khi nghe biểu diễn
ở Sistin Chapel. Mandlessohn cũng đã làm tương tự. Khi có một lần, tổng phổ
bản nhạc A Midsummer Night’s Dream bị để quên ở taxi, ông đã viết lại nó
bằng trí nhớ. Có rất nhiều thí dụ về khả năng của nhạc sĩ nhớ lại và chơi nhạc
không có tổng phổ. Có một số người lại nhớ và chơi nhạc chỉ do đã nghe nó
và chưa từng nhìn thấy bản nhạc.

Sự phát triển kỹ năng và đáp ứng với âm nhạc ở trẻ em

Một số liệu pháp tâm lý đã nhấn mạnh đến mối tương tác sớm giữa mẹ
và con. Trong mối quan hệ điều trị bằng âm nhạc, người ta cũng nhận thấy
mối tương tác này qua những yếu tố liên quan giữa hoạt động âm nhạc ở
người mẹ và cử chỉ, hành vi từ giai đoạn sớm của đứa trẻ. Thí dụ, những ca
sĩ nhận thấy khi họ hát thì cái thai trong bụng họ yên lặng hơn. Trong khi đó
những người mẹ đang chơi đàn hay các nhạc cụ thì trẻ trong bụng họ vận
động nhiều hơn.

Người ta ghi âm tiếng âm thanh tử cung bao gồm âm thanh của nhau
thai, vận động mạch máu ở những động mạch dây rốn. Khi trẻ sơ sinh khóc
nhiều, người ta mở băng ghi âm trên để giúp trẻ yên tĩnh trở lại.

Những kỹ năng âm nhạc, cũng giống như các kỹ năng không âm nhạc
(đi, nói), xuất hiện ở các mốc thời gian khác nhau giữa trẻ này với trẻ khác.
Tuy vậy, trong tình trạng bình thường, cột mốc phát triển xảy ra trong một
chuỗi sự kiện có thể đoán trước một cách tương đối chính xác. Đã có nhiều lý
thuyết tồn tại mô tả tiến trình phát triển của trẻ em, nhưng người được biết
đến nhiều nhất là Jean Piaget, nhà tâm lý học Thụy Sĩ, ông đã phác hoạ bốn
giai đoạn phát triển của trẻ em: (1) Vận động cảm giác, (2) Tiền vận động, (3)
Hoạt động cụ thể và (4) Hoạt động chính qui. Trong mỗi giai đoạn này trẻ em
đều thể hiện đã có sự sẵn sàng ở một mức độ nào đó về khả năng vận động,
tâm thần và xã hội thích hợp. Nghĩa là, bắt đầu mỗi giai đoạn, một đứa trẻ
phát triển bình thường phải có độ chín về cơ thể để đạt điểm mà trẻ có thể
thực hiện nhiệm vụ đặc trưng của giai đoạn này. Thí dụ, đứa trẻ đến giai đoạn
tập đứng phải có độ chín về phát triên thần kinh cơ bắp. Sự phát triển sẽ tiếp
tục thuận lợi khi trẻ có hoạt động tương tác với môi trường. Thí dụ, để đi
những bước đi đầu tiên, ngoài việc trẻ phải có thần kinh cơ bắp trưởng thành
thích hợp để kiểm soát chân và thân vận động có chủ ý, những bước chân
loạng choạng, ngập ngừng của đứa trẻ tập đi còn cần được sự động viên,
khuyến khích từ lời kêu gọi và sự trợ giúp mạnh mẽ từ cánh tay của cha mẹ.
Với sự luyện tập lặp đi lặp lại, cơ bắp trẻ trở nên mạnh mẽ hơn, bước chân
trẻ trở nên chắc chắn và chính xác hơn. Như Piaget nhận định, sự tiến bộ của
quá trình phát triển ở trẻ nhỏ là kết quả của cả sự trưởng thành cơ thể và mối
tương tác với môi trường.

Mặc dù Piaget không chỉ ra quá trình phát triển âm nhạc chuyên biệt ở
trẻ nhỏ, nhưng các nhà tâm lý học đã nghiên cứu các mốc âm nhạc cho mỗi
giai đoạn và sự tham gia của hoạt động âm nhạc đóng góp cho sự phát triển
tâm lý, xã hội và vận động được tiếp tục.

Sự phát triển vận động cảm giác (từ sơ sinh - 2 tuổi)

Trong giai đoạn này, trẻ em học về môi trường của chúng thông qua
cảm giác và hoạt động vận động. Thí dụ, trẻ học về mẹ nó thông qua âm
thanh của giọng, mùi và sự vuốt ve của mẹ. Khi kỹ năng vận động phát triển,
trẻ khám phá môi trường sát cạnh bằng nắm, đưa đồ vật vào miệng, đá, bò,
trườn và các hoạt động thăm dò khác. Ở giai đoạn này, âm nhạc tạo cơ hội
đa dạng để kích thích cảm giác và hoạt động vận động của trẻ.

Trong những ngày đầu ra đời, trẻ tiếp nhận cả kích thích cảm giác lẫn
vận động, khi cha mẹ lúc lắc trẻ và hát những bài hát ru. Những giờ đầu tiên,
trẻ chỉ đáp ứng với 1/3 kích thích âm thanh bên ngoài và sự đáp ứng sẽ tăng
lên nhanh chóng. Trẻ sơ sinh nghe một cách tích cực, dù kỹ năng nghe chưa
đầy đủ nhưng trẻ có thể phân biệt được âm thanh từ người khác và tìm kiếm
nguồn âm thanh.

Hai ngày tuổi, trẻ đã đáp ứng với giao động của gõ nhịp. Trong 6 tuần
đầu tiên là thời kỳ trẻ “học nghe”. Trẻ 8 tuần sẽ tập trung chú ý vào người hát
hoặc dụng cụ âm nhạc. Khi trưởng thành hơn, trẻ sẽ đáp ứng với hàng loạt
âm thanh và đối tượng âm nhạc. Những chuông âm nhạc hoặc chuông chùm
có thể khêu gợi những nụ cười hoặc ngọ nguậy lắc lư ở trẻ 3 tháng tuổi. Sau
11 đến 12 tuần, trẻ thích tiếng người hơn các tiếng khác. Ở tuần 12 đến 14,
trẻ có thể phân biệt giữa tiếng mẹ và tiếng người lạ. Tuần 14 đến 16, trẻ có
thể ngừng khóc khi nghe tiếng bước chân của người mẹ.

Trong 6 tháng đầu, trẻ sẽ tìm ra kích thích cảm giác và chú tâm có chọn
lọc tới các nguồn âm thanh âm nhạc như các bài hát ru, bài hát “chant” (hát
như đọc kinhh, hát trong nhà thờ hoặc hát đồng giao) và nhịp điệu, các hộp
đồ chơi âm nhạc, trống lúc lắc và chuyển động âm nhạc của người mẹ hay
người chăm sóc trẻ. Trẻ em mắt sẽ sáng lên, thủ thỉ với sự vui sướng khi
chúng khám phá ra âm thanh tạo ra khi chúng đá vào cái chuông ở mắt cá
chân giày chúng đang mang. Trẻ đáp ứng với âm nhạc kèm theo vận động
toàn bộ cơ thể.

Helmut Moog đã nghiên cứu nhiều về đáp ứng sớm về âm nhạc ở trẻ
nhỏ. Từ 4 đến 6 tháng tuổi, trẻ đã chú ý tới âm nhạc. Sau 6 tháng trẻ bắt đầu
có những vận động lặp lại với âm nhạc. Ông mô tả một phát hiện đặc biệt,
rằng trẻ bập bẹ bài hát đầu tiên trước khi biết nói những từ đầu tiên. Ở trẻ em
6 tháng tuổi, ông thấy nhịp điệu ít lôi cuốn sự chú ý, trong khi những bài hát
và âm nhạc dụng cụ hấp dẫn chú ý và vận động nhiều nhất.

Khi trẻ chập chững biết đi, trẻ đập vào cái bình, cái xoong, cái chảo là
đang học về âm thanh, hình dáng và kích thước. Sự tăng cường nhiều loại
hoạt động vận động không chỉ xảy ra ở chân tay và thân mà còn ở kỹ thuật
hát. Những bài hát bập bẹ của trẻ 12 tháng tuổi bắt đầu xuất hiện thể hiện các
khía cạnh tổ chức âm nhạc với nốt luyến xuống giai điệu gồm 4 nốt nhạc. Trẻ
em có thể tự hát hai loại âm nhạc miệng, đó là loại hát “chants” và bài hát.
Kiểu hát Chant liên quan nhiều đến nói và nhịp điệu của chant giống nhịp điệu
lời nói. Bài hát chant thường với vài nốt nhạc đơn giản và lặp đi lặp lại và
thường đặc trưng với quãng 3 thứ. Trẻ em có thể tự sáng tạo ra bài hát chant
và các bài hát trong khi chơi. Bài hát chant cũng là một hình thức nghệ thuật
âm nhạc nguyên thủy, được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo và bộ lạc. Trẻ
12 tháng tuổi còn bắt đầu biết xây dựng những bài hát đơn giản, một số trẻ có
thể có một số khái niệm về hình thức âm nhạc nên có thể gần như sáng tạo
ra một câu hay một đoạn nhạc. Những kiểu hát bập bẹ đầu tiên là những
bước quan trọng trong phát triển khả năng kiểm soát vận động của lưỡi, răng
và môi.

Ở tuổi lên 2, trẻ đã có những bài hát tự phát với những đoạn lặp lại,
giọng rõ ràng, có đường nét giai điệu và nhịp điệu rõ rệt. Khi trẻ chơi trong
cũi, người chú ý quan sát có thể nghe câu giai điệu ngắn và chính đó là sự lát
đường cho kỹ năng nói và hát tinh vi hơn.

Thực tế, trẻ em giai đoạn vận động cảm giác là đứa trẻ âm nhạc. Âm
nhạc như một kích thích cảm giác, từ đó thúc đẩy hoạt động vận động là một
phương tiện lý tưởng cho việc học tập trong những năm còn yếu đuối này.
Âm nhạc là một bộ phận tự nhiên và vui thích thời trẻ và chứa đựng hàng loạt
đáp ứng cảm giác, nhận thức, giao tiếp, xã hội hóa và hoạt động vận động.
Hoạt động âm nhạc có thể được thiết kế phù hợp với mức độ phát triển hiện
tại trong tâm hồn trẻ. Do vậy, nó là công cụ điều trị linh hoạt, hữu ích và công
cụ giáo dục để thông qua nó, đứa trẻ có thể thực hành và cuối cùng làm chủ
hàng loạt nhiệm vụ quan trọng.

Giai đoạn tiền hoạt động (từ 2 - 7 tuổi)

Giai đoạn phát triển tiền hoạt động được đặc trưng bởi sự phát triển
ngôn ngữ và khái niệm một cách nhanh chóng. Trẻ đã có thể sử dụng các từ
hình tượng để đại diện cho các sự vật và sự kiện trong môi trường, có nghĩa
là trẻ đã biết dùng khái niệm để chỉ cái cụ thể.

Sự giao tiếp mới chớm nở đi song song với gia tăng giọng hát trong
hoạt động âm nhạc. Trong những năm sớm nhất của giai đoạn này, trẻ đã
thực hiện được các giai điệu ngắn hoặc kết nối được một số từ của bài hát.
Thí dụ, khi người lớn hát “Ông Đông có một cánh đồng”, đứa trẻ có thế kết
nối vào là “Ô ô í ồ í ồ”. Sự bắt chước chính xác hơn về các kiểu cao độ và
giọng liên quan sẽ xảy ra khi trẻ 4-5 tuổi. Những bài hát hành động và kể câu
chuyện giả tưởng, và trẻ bắt chước không chỉ là những trải nghiệm hát ưa
thích mà còn là cơ hội tuyệt vời cho việc thực hành chơi giao tiếp.
Từ 2 đến 4 tuổi, trẻ chứng tỏ trong chốc lát có thể đập nhịp đồng bộ với
nhịp điệu âm nhạc. Tuy nhiên, để đập nhịp thành thạo đòi hỏi phải có độ chín
hơn về cơ thể. Sự phát triển này khác nhau giữa các trẻ. Ở tuổi này, hoạt
động như đi, cưỡi, nhảy có thể hoà nhịp với âm nhạc. Ba tuổi rưỡi, có bằng
chứng cho thấy trẻ đã có tổ chức hòa thanh. Từ 4 đến 6 tuổi, trẻ hát nhạc pop
một cách tự phát với lời nguyên thủy. Ở tuổi lên 5, trẻ em đã có vốn dự trữ
khá nhiều những bài hát ở nhà trẻ. Trẻ nhận biết các bài hát này dễ hơn so
với những bài hát lạ chứng tỏ chức năng trí nhớ đang được vận dụng. Những
hoạt động âm nhạc đòi hỏi hoạt động ngôn ngữ, hợp tác xã hội, và cơ thể sẽ
thúc đẩy thực hành và làm chủ các kỹ năng đặc trưng của giai đoạn phát triển
này.

Giai đoạn những hoạt động chi tiết (từ 7 - 11 tuổi)

Ở tuổi lên 7, những trẻ phát triển bình thường bắt đầu hiểu thế giới của
chúng theo cách mới. Trẻ có thể suy nghĩ một cách hệ thống và giải quyết các
vấn đề một cách tâm lý khi nó có liên quan ngay tới hiện tại. Về âm nhạc, trẻ
có thể duy trì hoặc bảo tồn giai điệu hoặc nhịp điệu trong trí nhớ, mặc dù có
sự sao lãng về hòa thanh. Do đặc tính tự coi mình là trung tâm, ít muốn hợp
tác chơi cùng với đồng bạn, nên hoạt động âm nhạc nhóm như hát tập thể
hoặc band nhạc tạo cơ hội tốt cho trẻ hợp tác và lôi cuốn vào nhóm, ở tuổi
này trẻ cũng có thể học múa và điều này giúp cho phát triển kỹ năng vận
động.

Giai đoạn hoạt động chính quy (từ 11 tuổi - thiếu niên)

Đặc tính nổi bật nhất của giai đoạn nay là trẻ có khả năng suy nghĩ trừu
tượng. Trẻ đã có thể sử dụng nhiều loại nhạc cụ và tham gia các hình thức
hoạt động âm nhạc.

Ở trẻ em, kỹ năng về nhịp điệu phát triển trước hay sau kỹ năng giai
điệu? Hay chúng độc lập với nhau? Một số nhà nghiên cứu cho rằng trẻ em
đáp ứng với nhịp điệu âm nhạc trước thể hiện ở các vận động như lúc lắc, gật
đầu,… Qua nghiên cứu thăm dò thấy trẻ làm được các động tác gõ nhịp một
cách đều đặn và chính xác.
Tóm lại, các nhà liệu pháp âm nhạc cần nhận biết về các giai đoạn sớm
của sự phát triển âm nhạc của trẻ em. Điều này là cần thiết trong đánh giá
tình trạng khiếm khuyết của bệnh nhân. Khi đó người ta so sánh tuổi đời với
tuổi phát triển âm nhạc. Những bệnh nhân tuổi đời cao, nhưng tuổi tâm thần
qua kỹ năng âm nhạc thấp sẽ cần điều chỉnh qua liệu pháp âm nhạc.

Tác động cảm xúc của âm nhạc

Tất cả các tiếp cận hoặc lý thuyết liệu pháp âm nhạc đều đề cập đến
tác động cảm xúc của âm nhạc. Mặc dù âm nhạc có hiệu lực gây ra đáp ứng
về cơ thể, cảm xúc và tinh thần của chúng ta, nhưng chúng ta vẫn chưa hoàn
toàn hiểu các loại âm nhạc tác động đến chúng ta như thế nào và bằng cách
nào. Không phải tất cả mọi người đều đáp ứng với âm nhạc giống như nhau.
Ngay một người cũng không hoàn toàn đáp ứng với một tác phẩm âm nhạc
hai lần như nhau. Sự đáp ứng với âm nhạc phụ thuộc vào người thưởng thức
ưa thích hay không ưa thích các thể loại âm nhạc nhất định, tác giả hoặc
người biểu diễn nhất định.

Hầu hết, các nghiên cứu chỉ ra rằng tác động của âm nhạc lớn hơn khi
âm nhạc có nhiều ý nghĩa hơn đối với người nghe. Âm nhạc hấp dẫn chúng ta
lúc đầu là cả về mặt cơ thể và cảm xúc. Về mặt vật lý, âm nhạc gây những
sóng áp lực và cơ thể chúng ta tiếp nhận được sóng áp lực này, đó là tác
động về cơ thể. Về tác động cảm xúc, âm nhạc tạo ra môi trường cảm xúc và
chúng ta đáp ứng với nó ở tầng tiềm thức. Theo phân chia về mức độ giao
tiếp thì đây là mức độ giao tiếp không bằng giao tiếp miệng, tức là không
bằng ngôn ngữ lời nói. Phản ứng cảm xúc của chúng ta với âm nhạc tạo nên
trong chúng ta những phản ứng vật lý. Thí dụ, chúng ta nổi gai ốc, tóc gáy
dựng ngược, nước mắt chảy ra, tim đập nhanh hơn và ta tạm ngưng thở.
Những phản ứng vật lý xảy ra đối với một loại âm nhạc nhất định sau đó lại
gây cho chúng ta trải nghiệm, cảm nhận về mặt cảm xúc. Vậy khi chúng ta
đang nghe âm nhạc, cái gì đến trước? (phản ứng cơ thể hay cảm nhận về
cảm xúc). Câu trả lời là những phản ứng này xảy ra rất nhanh, chúng ta
không có thời gian để kịp phân tích trong não. Có một điều chắc chắn: chúng
ta không thể có đáp ứng cảm xúc âm nhạc mà không có đáp ứng vật lý. Và
như vậy, trong liệu pháp âm nhạc, nhà trị liệu có thể quan sát các phản ứng
cơ thể và cảm xúc để hiểu biết về thân chủ (hoặc bệnh nhân).

Những phản ứng cảm xúc luôn liên hệ với trí nhớ hoặc kinh nghiệm đã
qua của chúng ta đối với âm nhạc. Trí nhớ, trải nghiệm đã qua có thể tốt hay
xấu. Thí dụ, có người nói: “Tôi không thể hát nổi những bài hát mà thầy cô
giáo đã dạy trong nhà trường”. Điều đó chứng tỏ người này đã có trải nghiệm
sớm không thú vị với âm nhạc. Ngược lại, có những người có trải nghiệm thú
vị như: “Lần đầu, tôi được nghe concerto clarinet của Mozart và tôi rất yêu âm
thanh của Clarinet”.

Âm nhạc thường có ý nghĩa đặc biệt ở những người đang yêu nhau.
Khi đó những bài hát, bản nhạc thường được lưu giữ trong trí nhớ họ một
cách quý trọng. Thí dụ, họ nói: “Em yêu, họ đang chơi lại bản nhạc của chúng
ta”.

Trong liệu pháp âm nhạc, ở những người cao tuổi, họ thường đòi hỏi
các bài hát từ thời trẻ, hoặc các bài hát trong nhà thờ mà họ từng trải nghiệm.
Khi nghe biểu diễn, họ có thể rơi lệ hoặc hồi ức hạnh phúc và nhớ lại những
sự kiện trong đời sống của họ.

Phản ứng cảm xúc do đáp ứng với âm nhạc thể hiện rất phong phú.
Các sắc thái cảm xúc có thể thay đổi và sự thay đổi này là một tiến trình tinh
tế. Nhà soạn nhạc, người nhạc sĩ biểu diễn có thể khiến cho người nghe thay
đổi cảm xúc nhưng theo quy luật cảm xúc tinh tế. Thí dụ, chúng ta không thể
làm thay đổi đột ngột tâm trạng của một người trầm cảm bằng cách đưa âm
nhạc nhịp nhanh, đảo phách và vui vẻ cho người bệnh. Nhà liệu pháp âm
nhạc phải nắm điều này.

Havner (1936) đã đưa ra mô hình về trạng thái cảm xúc gọi là "bánh xe
trạng thái cảm xúc” (Mood Wheel).

Có thể dùng bánh xe trạng thái cảm xúc này để tìm trạng thái cảm xúc
của bệnh nhân trong hoạt động âm nhạc của liệu pháp âm nhạc.
Âm nhạc là một sự giao tiếp

Khi nghĩ về sự giao tiếp, chúng ta thường có khuynh hướng nghĩ về


các từ ngữ. Thí dụ, khi ta ghép các chữ c- a- d với nhau thành chữ cad, theo
nghĩa tiếng Anh, nó mang đến cho chúng ta ý nghĩ về một người đàn ông lăng
nhăng, đê tiện, nhếch nhác, chuyên quyến rũ những người nữ trẻ tuổi, ngây
thơ với sự nịnh bợ và những lời hứa trời biển. Tuy nhiên, khi chúng ta chơi
các nốt C A D (C, A, D là ký hiệu của các nốt đô, la, rê) trên piano, không có
một ý nghĩa chuyên biệt nào đến với tâm trí chúng ta. Những biểu tượng âm
nhạc là trừu tượng và không dễ dàng phiên dịch được. Nhưng âm nhạc từ lâu
đã được xem là một hình thức của giao tiếp, nó tạo ra một hệ thống biểu
tượng mà thông qua nó con người có thể diễn tả về bản thân mình.

Âm nhạc có liên quan vối sự diễn tả cảm xúc và thậm chí được gọi là
“ngôn ngữ của cảm xúc”. Như một nguồn cung cấp cảm xúc, âm nhạc đóng
vai trò quan trọng trong xã hội vì nó cung cấp phương tiện thuyền tải cho diễn
tả các ý tưởng và cảm xúc mà không dễ diễn tả thông qua ngôn ngữ thông
thường. Thí dụ, như khi có nỗi buồn hoặc mất mát, chúng ta có thể thấy ngôn
từ không thể diễn tả một cách thoả đáng cảm xúc sâu sắc nhất của chúng ta.
Hoặc thí dụ khác, khi có sự mâu thuẫn có tính chất phản kháng xã hội, âm
nhạc là một cách thức có thể chấp nhận để diễn tả ý tưởng mà ý tưởng đó khi
dùng ngôn từ để diễn tả sẽ gây tranh cãi hoặc không được chấp nhận. Thí dụ,
một số thanh thiếu niên hoặc các thành viên của các nhóm chính trị đã luôn
luôn sử dụng nhạc rock để chuyển tải những điều phản kháng lại sự bệnh
hoạn của xã hội. Một số người cho rằng việc sử dụng âm nhạc như vậy là sự
xả hơi liên quan đến vấn đề xã hội như một chức năng van an toàn.

Trong nền văn hóa đã có, âm nhạc một mình nó có thể chuyển tải nội
dung cảm xúc hoặc khí sắc. Tuy nhiên, khi liên kết với thông tin nguyên bản
hay thông tin nhìn, âm nhạc cũng có thể làm tăng cường hoặc thay thế thông
điệp tìm thấy trong ngôn từ hoặc hình ảnh. Âm nhạc, ngôn ngữ không phải
ngôn ngữ nói, có thể chuyển tải những cảm nhận và ý tưởng được chứng
minh qua âm thanh đi kèm phim chiếu hoặc vô tuyến truyền hình. Các đạo
diễn điện ảnh từ lâu đã nhận thấy hiệu lực của âm nhạc cho sự giao tiếp. Thí
dụ, trong những hình ảnh im lặng, nhiều thông điệp của phim được chuyển tải
bởi nền nhạc piano. Khi chiếc tàu lửa đang ngày càng tiến sát tới cô gái trẻ
đẹp bị trói ở đường ray, âm nhạc tăng tốc và tăng hiệu lực cảm xúc của cảnh
phim. Thậm chí ngày nay, với xảo thuật và hội thoại điện ảnh cao, các đạo
diễn phim vẫn còn dựa vào âm nhạc để diễn tả những cảm xúc phía sau hành
động, cảnh tình yêu được đồng hành vối tiếng violon, con quái vật xuất hiện
được đoán trưốc qua tiếng động mạnh báo điềm gở của âm nhạc chói tai và
âm thanh nghịch. Nếu bạn nhắm mắt lại trong hình ảnh phim kinh dị, bạn chỉ
được an ủi một phần nhỏ, bởi vì chỉ với cái nền âm nhạc đơn độc đã có thể
tạo cho bạn cảm giác kinh sợ và bất hạnh rồi.

Sự quảng cáo cũng là nơi mà âm nhạc đóng góp cho ý nghĩa của thông
điệp. Nghiên cứu đã chứng tỏ rằng âm nhạc có thể gây hiệu quả cao về giao
tiếp giới thiệu cho những đặc tính của sản phẩm.

Tóm lại, âm nhạc là một hình thức giao tiếp có thể truyền những thông
điệp bằng ngôn ngữ riêng của nó, ảnh hưởng tới cảm xúc hoặc phản ánh
cảm xúc của người nghe, và nó có thể được dùng để tăng cường, phóng đại
hoặc thay thế ý nghĩa của thông tin nguyên bản hay thông tin nhìn.

Chức năng kích thích thẩm mỹ trong tiến trình điều trị

- Các lý thuyết về trải nghiệm cảm xúc

Trong suốt nửa cuối thế kỷ 20, sự hiểu biết rộng rãi về thẩm mỹ đã phát
triển vượt xa khỏi những triết lý hoặc những giải thích phân tích tâm lý truyền
thống. Có những lý thuyết nổi lên đã mở rộng tầm hiểu biết hiện nay của
chúng ta về đáp ứng thẩm mỹ liên quan đến tiến trình điều trị:

+ Lý thuyết về sự mong đợi của Leonard Meyer

Leonard Meyer cho rằng những cảm xúc sẽ bị đánh thức, khơi gợi khi
mà khuynh hướng đáp ứng bị ngưng trệ hoặc bị ức chế. Điều này có nghĩa là,
một bản nhạc gợi lên trong người nghe những sự mong đợi nhất định về hai
điều: những cái đã thu được từ lần nghe âm nhạc trước đây và những cái
phát triển trên cơ sở các yếu tố và kiểu âm nhạc. Một cảm giác bấp bênh xảy
ra khi sự mong đợi bị ức chế hoặc khi những sự mong đợi mới đang được
thiết lập. Thí dụ, người nghe nhạc đã quen với âm nhạc mới (phương Tây) sẽ
mong chờ được nghe nốt chủ âm tiếp theo sau âm dẫn hoặc một hợp âm chủ
tiếp sau một một hợp âm át. Nếu sự giải quyết về âm chủ hoặc hợp âm chủ
theo quy luật trên bị bỏ qua hoặc bị chậm trễ, xu hướng đáp ứng của chúng ta
đã bị ức chế và vì vậy chúng ta sẽ có một đáp ứng cảm xúc ngạc nhiên.

Sự cân bằng giữa mong đợi và không mong đợi trong một bản nhạc sẽ
mang đến cho âm nhạc ý nghĩa hoặc cảm xúc. Khi chúng ta phải nghe lần
đầu với kiểu âm nhạc rất mới lạ, chúng ta sẽ thấy rất khó khăn để đoán ra
chúng ta sẽ nghe cái gì sắp tới. Lý thuyết của Leonard Meyer về sự mong đợi
đã cố gắng giải thích làm thế nào và vì sao chúng ta tìm thấy được ý nghĩa và
cảm xúc từ âm nhạc, dù nó là một hình thức không diễn tả cụ thể, tỉ mỉ như
ngôn ngữ nói.

+ Thẩm mỹ thực nghiệm của Daniel Berlyne

Daniel Berlyne đã sử dụng các phương pháp thực nghiệm để kiểm tra
và nghiên cứu về đáp ứng của con người với các đối tượng và sự kiện thẩm
mỹ như âm nhạc. Ông cho rằng những nguyên lý tâm lý học cơ bản về tri giác
và nhận thức có thể được áp dụng trong các trải nghiệm thẩm mỹ (thí dụ xem
nghệ thuật hoặc nghe âm nhạc). Do đó, bằng việc sử dụng các phương pháp
thực nghiệm phổ biến đã được dùng trong tâm lý học nhận thức, chúng ta có
thể hiểu biết sâu sắc trong việc xác định giá trị và đáp ứng cảm xúc với các
loại hình nghệ thuật.

Berlyne cho rằng chất lượng cấu trúc của âm nhạc (như phức tạp hoặc
đơn giản, quen thuộc hoặc mới lạ ra sao) sẽ gây ra đáp ứng cảm xúc. Chúng
ta có xu hướng cảm thấy thú vị khi đối tượng thẩm mỹ như âm nhạc có một
mức độ phức tạp và quen thuộc tối ưu. Âm nhạc mà quá phức tạp hoặc rất lạ
có thể để lại cho người nghe một cảm giác mơ hồ, hỗn loạn, bối rối, bực dọc,
lo lắng và không thoải mái. Trái lại, âm nhạc quá đơn giản hoặc đã được
nghe đi nghe lại có thể gây ra sự nhàm chán, không thỏa mãn, không hài
lòng.

- Lý thuyết nhận thức về đáp ứng thẩm mỹ của Kreitler và Kreitler

Hai tác giả Hans Kreitler và Shulamith Kreitler đã mô tả về đáp ứng của
con người với nhiều loại nghệ thuật sáng tạo, trong đó có âm nhạc. Theo các
tác giả, hành vi liên quan với một đối tượng thẩm mĩ không đơn giản là kết
quả của cảm giác, tri giác về kích thích. Hành vi còn được hướng dẫn bởi
kiến thức và những niềm tin về đối tượng đó, điều này được dựa trên sự
phán đoán và đánh giá.

Kreitler và Kreitler cố gắng giải thích đáp ứng cảm xúc với các đối
tượng thẩm mỹ qua cái mà các tác giả gọi là mô hình cân bằng nội môi về
động cơ thúc đẩy. Sự cân bằng có thể bị phá vỡ do hoặc là quá nhiều hoặc là
quá ít kích thích. Trong cả hai trường hợp, con người sẽ có sự huy động để
phục hồi lại sự cân bằng và do đó tạo ra những cảm xúc thú vị. Các thuộc tính
âm nhạc như: nhịp điệu, âm thuận và âm nghịch và tổ chức của giai điệu có
thể gây ra sự căng thẳng hoặc giải phóng căng thẳng cho người nghe. Các
tác giả cũng xác định rằng, người thưởng thức thẩm mỹ luôn được thúc đẩy
bởi sự giảm căng thẳng tiềm tàng.

+ Phân tích hình ảnh thính giác của Albert Bregman

Bregman đã phát biểu một số nguyên tắc về nhóm thính giác theo quy
luật âm thanh phát sinh trong môi trường như thế nào. Quy luật như sau: âm
thanh có khuynh hướng được con người nhận thức là phát ra từ một nguồn
khi chúng (1) phát sinh từ cùng một vị trí, (2) có một âm sắc tương tự, (3) có
cao độ tương tự, (4) có thời gian gần nhau (xảy ra trong tiến trình nhanh) và
(5) hoặc chỉ cần (5) có sự liên tục, cố định không đổi (thí dụ một nốt lặp lại)
hoặc thay đổi nhẹ nhàng (theo bậc thang âm lên hoặc xuống). Nếu âm thanh
có sự khác nhau về điểm bắt đầu và kết thúc (bắt đầu hoặc dừng lại ở các
thời điểm khác nhau) sẽ được cảm nhận là phát sinh từ những nguồn khác
nhau.
Nguyên tắc của Bregman liên quan đến kỹ năng nghe, đó là sự thích
nghi với đòi hỏi sự sống còn của cuộc sống từ nhiều thế kỷ trước đây. Thí dụ,
những nguyên tắc tổ chức tri giác này giúp cho người thượng cổ đáp ứng
thích hợp với nhưng âm thanh quan trọng trong môi trường, như âm thanh
phát ra bởi mối đe dọa tiếp cận với nanh vuốt của con hổ.

Về phần âm nhạc, Bregman cũng nhấn mạnh rằng người nghe “chịu
trách nhiệm” sau cùng về sự sáng tạo của tổ chức chuỗi âm thanh. Nói cách
khác, âm nhạc là một sự “hư cấu” được phát sinh trong trí óc người nghe. Có
nghĩa là người nghe có quyền tưởng tượng theo riêng mình khi đang nghe
nhạc và khi đó nó tạo nền cảm xúc nhất định.

- Đáp ứng thẩm mỹ và tiến trình điều trị

+ Sự chú ý

Sterberg (1996) định nghĩa sự chú ý là “mối liên kết nhận thức giữa số
lượng thông tin có giới hạn mà tâm trí con người đang thực sự xử lý và số
lượng thông tin khổng lồ sẵn có thông qua cảm giác, trí nhớ lưu trữ và các
tiến trình nhận thức khác”. Ở những bệnh nhân có vấn đề về chú ý có thể
biểu hiện ở khó khăn trong việc đưa đến sự chú ý và duy trì sự chú ý, không
có khả năng tập trung vào các đặc điểm nổi bật hoặc có động cơ thúc đẩy
thấp. Những vấn đề này có thể là kết quả của tuổi theo niên đại (thí dụ trẻ sơ
sinh hoặc trẻ còn rất nhỏ), chậm phát triển, những thiếu hụt về thần kinh học
(chấn thương sọ não, mất trí, bại não, rối loạn giảm chú ý), rối loạn cảm xúc
và hành vi, hoặc hoàn cảnh môi trường (sống trong môi trường nghèo túng và
có nguy cơ cao). Khả năng tập trung và duy trì chú ý tạo thành nền tảng cho
nhiều chức năng sống như sự thiết lập mối quan hệ cha mẹ - con, hoàn thiện
các kỹ năng tự phục vụ, học tập các thông tin có tính học thuật và khả năng
về nghề nghiệp xã hội. Do đó, chú ý là điều tiên quyết cho nhiều mục tiêu điều
trị.

Nghiên cứu thực nghiệm của Berlyne (1971) về thẩm mỹ gợi ra rằng
nghệ thuật có thể kích thích tiến trình kiểm soát và củng cố sự chú ý một cách
hiệu quả. Điều nàv, đến lượt nó lại đẩy mạnh nhiều loại học tập. Các nghiên
cứu lâm sàng sau này đã chứng minh cho quan điểm lý thuyết của Berlyne là,
âm nhạc có thể tăng cường những hành vi chú ý trong những bệnh nhân bị
mất năng lực, tàn tật.

Những kích thích thẩm mỹ có thể giúp cho sự tập trung chú ý thông qua
(1) sự làm mất thói quen hay nhàm chán, (2) sự sắp xếp chuẩn bị nghe nhạc,
và (3) hành vi thăm dò.

* Làm mất thói quen hay xóa đi sự nhàm chán

Thói quen hoặc sự nhàm chán là kết quả của hoặc là trạng thái đều
đặn, đơn điệu hoặc có thể có quá nhiều kích thích tương phản và mới lạ. Cả
hai trường hợp có thể gây ra đáp ứng không thú vị. Trong các tình huống
thực hiện chức năng cảm giác và trí tuệ mức độ thấp, phản ứng với các đối
tượng quen thuộc trở nên tự động và vô thức. Với đặc tính của cấu trúc âm
nhạc như sự lặp lại, thay đổi hoặc xoá đi các nét nhạc đã hoạt hoá việc người
nghe trong việc nhận ra nét nhạc cũ quen thuộc cũng như phát hiện nét mới
lạ. Thông qua việc sử dụng những kích thích mới lạ của âm nhạc, đồng thời
với sự sẵn sàng tâm lý nghe nhạc của người nghe, sẽ tạo cho người nghe trải
nghiệm mới trong âm nhạc và không gây nhàm chán khi nghe nhạc.

Những thay đổi về nhịp điệu, giai điệu, hòa thanh đã tạo ra sự kết hợp
tối ưu các kích thích mới lạ và quen thuộc, và do đó âm nhạc giúp người nghe
thiết lập sự chú ý, điều này có tác dụng điều trị cho người bệnh.

Theo các nghiên cứu của Berlyne và các tác giả khác, kích thích âm
nhạc ở mức độ trung bình tạo ra cảm giác thú vị hơn là những loại âm nhạc
quá phức tạp, mới lạ hoặc trái lại, rất ít phức tạp và mới lạ. Thí dụ, những âm
thanh bất kỳ, kể cả âm nhạc nếu cứ liên tục và có quá nhiều kích thích, khi đó
sự yên lặng dường như lại trở thành điều mới lạ hơn và được mong muốn
hơn. Nếu âm nhạc được trình diễn quá nhiều, liên tục ở một khu vực thì ngay
cả âm nhạc hấp dẫn dễ chịu như của Môda cũng có thể gây ra rối loạn lo âu,
bối rối cho một số bệnh nhân. Do vậy, sự lựa chọn và áp dụng âm nhạc một
cách đúng đắn, thích hợp là quan trọng trong việc tận dụng âm nhạc làm tăng
cường sự chú ý. Nhà trị liệu cần xem xét cẩn thận sự đa dạng của các yếu tố
như môi trường âm thanh, các chức năng của chủ thể, tuổi phát triển, tuổi
niên đại, sự ổn định thần kinh và trải nghiệm âm nhạc trong quá khứ và sự ưa
thích âm nhạc của bệnh nhân để lựa chọn và biểu diễn âm nhạc thích hợp.

* Sự sắp xếp chuẩn bị nghe nhạc

Âm nhạc cũng có thể giúp cho sự chú ý thông qua “sự sắp xếp chuẩn bị
nghe nhạc”. Khi nghe nhạc, chúng ta có trải nghiệm thính giác không chỉ chất
liệu âm thanh thô mà còn những niềm tin riêng của chúng ta về giá trị của âm
nhạc. Nói chung, mỗi cá nhân đều sẵn sàng để thưởng thức hoặc chơi âm
nhạc với niềm tin rằng trải nghiệm thẩm mỹ sẽ đưa đến cả sự hứng thú lẫn sự
duy nhất, độc đáo của âm nhạc. Sự sắp xếp chuẩn bị nghe nhạc gây ra sự
điều chỉnh trong người nghe ở cả mức độ vô thức lẫn ý thức, và điều này tạo
điều kiện thuận lợi cho đáp ứng với những âm thanh âm nhạc được mong
đợi, khuyến khích sự chú ý và khơi gợi những đáp ứng hành vi với các kích
thích.

* Hành vi thăm dò

Tác dụng thứ ba của các kích thích thẩm mỹ là tăng cường hành vi
thăm dò, tăng cường chú ý.

Bởi vì, trong một số phạm vi nhất định, các đối tượng thẩm mỹ là nguồn
cho sự học tập nên chúng khuyến khích hành vi thăm dò. Trong thực tế, bất
kỳ cơ hội học tập nào về thế giới đều có thể đóng góp cho các cơ chế đối phó
có hiệu quả hơn. Thêm vào đó, những nghiên cứu sâu đã chứng tỏ rằng sự
tiếp xúc và sự thăm dò những kích thích mới lạ có thể về bản chất nó đang là
sự tưởng thưởng, khích lệ cho những đáp ứng mới. Với các đối tượng thẩm
mỹ, sự thăm dò này có thể được thúc đẩy thêm bởi giá trị khoái lạc (thích thú)
của một hình thức nghệ thuật.

+ Tri giác

Tri giác là một tiến trình chọn lọc. Chúng ta không thể hấp thụ toàn bộ
thế giới bao la của những kích thích đang tác động lên chúng ta. Thay vào đó,
chúng ta chắt lọc, lựa chọn và tổ chức thông tin thêm cho tiến trình tri giác.
Cái mà chúng ta thu nhận chịu ảnh hưởng của thái độ và ưa thích cá nhân, và
những mong đợi dựa trên những trải nghiệm trước đó.

Thêm vào các yếu tố bên trong chủ thể như thái độ và mong muốn cá
nhân, cấu trúc tổ chức của các kích thích bên ngoài cũng đóng vai trò trong
việc thông tin được sẵn sàng tiếp nhận ra sao. Thông tin được tiếp nhận tốt
thường chứa đựng các yếu tố như sự đều đặn, sự tương tự, sự gần gũi, sự
cân đối và sự đơn giản.

Trong âm nhạc, các thành phần như nhịp điệu, giai điệu và hòa thanh
được sử dụng để tạo nên một cấu trúc có tổ chức theo thời gian của âm
thanh. Điều này trình bày cho ngươi nghe về trật tự âm thanh và cho phép
người nghe “phân tích” thông tin âm thanh đó. Thí dụ, nhịp điệu là yếu tố tạo
cho việc phân bố thời gian theo tổ chức tái diễn, hồi qui. Nó hoạt động như
một kích thích bên ngoài, tạo nên một cấu trúc thời gian của âm nhạc. Tổ
chức nhịp điệu này trợ giúp cho chúng ta tiếp thu thông tin âm nhạc, đồng
thời trợ giúp cho trí nhớ và sự nhận biết để hiểu được về các kích thích đang
đến, bao gồm cả thông tin miệng.

Âm nhạc được tiếp nhận tốt còn do sự học tập. Meyer cho rằng chúng
ta đã được dạy hoặc đã được hình thành theo phản xạ có điều kiện về việc
tiếp nhận những mô hình đặc biệt trong môi trường của chúng ta. Thêm vào
đó, theo lý thuyết của Piaget, tri giác có liên quan đến các giai đoạn phát triển
của trẻ. Có một số mô hình trẻ không thể hiểu được cho đến khi có được
những kỹ năng thích hợp. Điều này có ý nghĩa cho nhà trị liệu âm nhạc là cần
đánh giá những trải nghiệm, mức độ phát triển âm nhạc trước đó của bệnh
nhân để chọn lọc chất liệu, cấu trúc âm nhạc thích hợp.

+ Cảm xúc và khí sắc: (Emotion and Mood)

Âm nhạc đã được mô tả là ngôn ngữ của cảm xúc (Winner, 1982) bao
gồm các phản ứng tâm lý học và sinh lý học liên quan đến khí sắc và cảm xúc
(Hodges, 1980). Theo Plutchik - 1984, “Cảm xúc là một chuỗi phức hợp suy
luận về các phản ứng với kích thích và bao gồm những đánh giá nhận thức,
những thay đổi chủ quan, sự khơi gợi thần kinh và thần kinh thực vật, sự thúc
đẩy hành động, và hành vi được thiết kế để có tác động trên kích thích đã
khởi đầu cho chuỗi phức hợp đó”. Trạng thái cảm xúc (Emotion) có giới hạn
về thời gian hơn so với khí sắc (Mood), trong khi đó, khí sắc bền lâu hơn
nhưng ít mãnh liệt hơn cảm xúc. Thuật ngữ tình cảm (feeling) nêu ra những
đánh giá nhận thức về thế giới hàng ngày của chúng ta.

Trong khi đánh giá một cách đúng đắn về âm nhạc là một sự nỗ lực về
trí tuệ, thì với đa số người nghe nhạc, âm nhạc có một sự ràng buộc chặt chẽ
với cảm xúc và khí sắc. Trong một cuộc thăm dò dư luận ở Mỹ, câu hỏi cho
1007 người là làm gì để giải phóng sự trầm cảm, 77% câu trả lời là nghe âm
nhạc. Các nghiên cứu khác cho thấy người ta nghe nhạc để thay đổi trạng
thái cảm xúc hay khí sắc không được tốt. Âm nhạc được xếp thứ 3 trong 29
thứ điều chỉnh khí sắc cho con người hàng ngày. (Cần lưu ý, nói chuyện hoặc
dành thời gian với một người nào đó có xếp hạng cao nhất trong điều chỉnh
khí sắc, chiếm 54%). Bằng chứng khác về âm nhạc tác động hoặc diễn tả
cảm xúc là sự nhất trí cao về những cảm xúc và khí sắc được chuyền tải
trong các mẫu âm nhạc (kể cả ở những người nghe nhạc ngây thơ chất phác
lẫn người nghe được đào tạo âm nhạc).

Theo Langer (1953), các kích thích âm nhạc không gây ra cảm xúc trực
tiếp mà thực ra chúng hoạt động như biểu tượng cho cảm xúc. Vì biểu tượng
âm nhạc không có tính lan man, không dịch được ra văn bản, chúng có thể
giành được dòng cảm giác và cảm xúc có lẽ còn hiệu quả hơn ngôn ngữ
thông thường.

Liên hệ ngoài âm nhạc

Liên hệ ngoài âm nhạc trong đáp ứng rung động với âm nhạc là liên hệ
theo nguyên lý phản xạ có điều kiện kinh điển (của Pavlov) hoặc mối liên hệ
bằng liên tưởng, ở một số trường hợp nhất định, các kích thích âm nhạc khơi
gợi đáp ứng cảm xúc không phải do các thuộc tính cấu trúc âm nhạc mà là vì
âm nhạc ta đã nghe trong quá khứ có các kích thích đồng hành với tác động
cảm xúc. Khi ta diễn tả rằng âm nhạc “lạnh xương sống”, khi đó ta liên tưởng
với một bộ phim kinh dị. Đó là sự liên tưởng ngoài âm nhạc.
Một loại liên hệ ngoài âm nhạc khác, sinh ra do sự tương đồng, đó là
một số cấu trúc vật lý tương tự “bắt chước” âm nhạc của một sự kiện hoặc
một tình cảm không âm nhạc. Thí dụ, đáp ứng vận động trầm cảm có thể
được biểu hiện một cách âm nhạc thông qua nhịp điệu chậm hoặc trạng thái
đường nét âm nhạc đi xuống.

Có một điều quan trọng, việc phát hiện ra mối quan hệ giữa kích thích
âm nhạc và hình ảnh đang xuất hiện. Người nghe có thể gắn hình tượng,
hình ảnh rất riêng và có vẻ không thích hợp cho âm nhạc. Đó là do kết quả
của liên tưởng âm nhạc với trải nghiệm cá nhân. Thêm vào đó, bản thân
những trải nghiệm rung động có thể khơi gợi trí nhớ, và đến lượt nó, trí nhớ
lại khơi gợi thêm hình ảnh. Một hình ảnh không phải đó là do âm nhạc tạo ra
mà là do nội dung chủ quan trong tâm trí người nghe tạo ra.

Dù âm nhạc có khơi gợi đáp ứng cảm xúc thông qua cách thức nào,
các sự kiện bên trong hoặc bên ngoài âm nhạc, thì việc tác động trực tiếp vào
cảm xúc hoặc tạo cho người nghe những rung động cảm xúc, chính nó đã có
tác dụng điều trị. Đó là do mục tiêu chủ yếu của nhiều hình thức liệu pháp tâm
lý là để tăng cường khả năng nhận biết cảm xúc và diễn tả cảm xúc cho bệnh
nhân.

QUÁ TRÌNH TÂM LÝ THẦN KINH TRONG TRI GIÁC ÂM


NHẠC

Phần này trình bày về đặc tính kích thích của âm nhạc, cơ chế của quá
trình tâm lý thần kinh và tác động của chúng đến các quá trình tri giác, cảm
xúc, hành vi và ứng dụng trong liệu pháp âm nhạc.

Âm nhạc, với đặc tính kích thích độc đáo của nó sẽ gây ra các quá trình
phân tích, xử lý khác nhau trong hệ thần kinh trung ương, và điều quan trọng
là sẽ khơi gợi đáp ứng cảm xúc mạnh mẽ. Người ta có thể sử dụng đáp ứng
cảm xúc này để làm biến đổi cảm xúc bệnh nhân. Sự biến đổi cảm xúc của
bệnh nhân được xem là biến đổi cơ bản, thiết yếu cho sự học tập và thay đổi
hành vi của bệnh nhân, và đó cũng là mục tiêu của liệu pháp âm nhạc.
CẢM XÚC VÀ SỰ KHƠI GỢI CỦA ÂM NHẠC

Những lý thuyết về cảm xúc và sự khơi gợi của âm nhạc

Trải nghiệm tự nhiên của chúng ta với âm nhạc, hay nói đơn giản hơn,
chúng ta cảm thấy, cảm nhận như thế nào khi nghe nhạc hoặc chơi nhạc?
Những ý nghĩ, cảm xúc gì sẽ được gợi lên thông qua cảm nhận âm nhạc?
Thế rồi những trải nghiệm do âm nhạc khơi gợi đó có ảnh hưởng gì đến hành
vi của chúng ta không?

Hay câu hỏi sẽ đặt ra theo cách khác: những thuộc tính vật lý do kích
thích âm nhạc thông qua quá trình tri giác âm nhạc sẽ ảnh hưởng đến suy
nghĩ và cảm xúc của chúng ta như thế nào? Đa số thừa nhận rằng nó khiến
chúng ta rung động rất mạnh mẽ. Vậy thì vì sao những kích thích âm nhạc lại
khiến ta rung động mạnh mẽ với cảm giác thưởng thức vui thú đến vậy?

Phải chăng đó là do âm nhạc là một loại hình ngôn ngữ khác với ngôn
ngữ nói? Và phải chăng âm nhạc là một loại hình nghệ thuật khác hẳn với
nhiều ngành nghệ thuật khác: âm nhạc là nghệ thuật tiến hành qua thời gian
là “nghệ thuật của thời gian”?

Đúng vậy, âm nhạc là ngôn ngữ khác với ngôn ngữ nói và âm nhạc là
một loại hình nghệ thuật đặc biệt, nghệ thuật của thời gian. Thế nào là “nghệ
thuật của thời gian”? Chúng ta hãy so sánh nghệ thuật âm nhạc với nghệ
thuật tạo hình (vẽ, tạc tượng, kiến trúc…). Trên một bức tranh, tất cả ý nghĩa
của nó đã được bộc lộ khá rõ qua đường nét, màu sắc, bố cục,… và ngắm
nhìn bức tranh, người ta có thể đọc được ý nghĩa của nó được lưu giữ trong
tác phẩm đang hiện hữu trước mắt. Thí dụ, ta có thể nhận ra ngay bức tranh
mô tả cảnh thiên nhiên, cảnh hoạt động của con người hay cảnh tĩnh vật…
Trong khi đó, khi một bản nhạc được trình bày, một ý nhạc hay một nét nhạc
đã bay đi và câu nhạc khác lại đến. Chúng ta phải nghe nhiều lần và phải tự
liên kết nhiều câu nhạc với nhau mới tạo cho chúng ta một nhận thức về ý
nghĩa của bản nhạc. Vì vậy, trong một bản nhạc, yêu cầu người sáng tác âm
nhạc phải tuân thủ một qui luật là: một nét nhạc phải được tái hiện, được
nhắc đi nhắc lại một “cách khéo léo để âm thanh đó còn đọng lại trong trí nhớ
và nhận thức của người nghe. Như vậy, khi nghe nhạc, người ta cần phải có
thời gian gắn kết các nét nhạc mới có thể nhận thức được bản nhạc đang
được phát ra, nên âm nhạc được coi là “nghệ thuật của thời gian”.

Điều lý thú là, dù âm nhạc là ngôn ngữ khác với ngôn ngữ nói, nhưng
nó cũng có đặc trưng giống ngôn nói ở chỗ trong ngôn ngữ nói, chúng ta cũng
cần có thời gian để liên kết các ý nghĩa của các câu nói với nhau thì ngôn ngữ
mới mang ý nghĩa trọn vẹn.

Người ta xem xét nhiều đến ba lý thuyết liên quan đến sự khơi gợi cảm
xúc của âm nhạc. Đó là lý thuyết của Meyer (1956), Mandler (1984) và
Berlyne (1971).

Theo quan niệm của Meyer, trong khi tri giác (nhận thức) âm nhạc,
chúng ta nhận thức về mô hình âm nhạc và chính mô hình âm nhạc gây ra
kích thích. Mô hình âm nhạc thí dụ, thể hiện ở những câu nhạc được phát
triển liên tiếp với nhau một cách cân đối, logic… để tạo thành một bản nhạc
hoàn chỉnh. Muốn gây ra kích thích, thường bản nhạc phải có một sự xung
đột hay một cái gì đó gây xáo trộn. Đối với bất kỳ ai cho dù không phải là
nhạc sĩ hay không hiểu biết tường tận về âm nhạc, khi nghe nhạc, theo bản
năng tự nhiên, người ta nghe và sẽ chờ đợi câu nhạc được phát triển theo
logic tự nhiên. Thí dụ đơn giản, khi người ta đánh trên đàn một chuỗi nốt theo
thứ tự trong gam Đô: Đô, rê, mi, fa, sol, la, si,… và kết thúc ở nốt đô. Theo
logic tự nhiên, người ta sẽ nghe âm nhạc được phát triển từ nốt Đồ và kết
thúc ở nốt Đố. Đó là logic gây cảm giác thuận tai. Nhưng nếu người đánh đàn
dừng lại ở nốt Si mà không đánh tiếp nốt Đô, người nghe sẽ rất khó chịu, và
đòi hỏi phải được đánh tiếp để dừng lại ở nốt Đố mới là nốt kết thuận tai theo
gam đô. Như vậy, ở đây đã có sự xung đột nhẹ và nó đã gây kích thích người
nghe. Ở một bản nhạc sẽ có sự phức tạp nhiều hơn thí dụ nêu trên. Nếu nhạc
sĩ viết nhạc khéo léo làm gián đoạn các logic tự nhiên của câu nhạc hay bản
nhạc, thí dụ như sử dụng các “âm treo” khiến logic của sự phát triển âm thanh
bị chẹn lại, thì điều đó làm kích thích người nghe, khiến người nghe đòi hỏi,
mong đợi sự “giải quyết” căng thẳng để trở về với sự hài hòa. Và đây chính là
sự khơi gợi cảm xúc của âm nhạc.

Để hiểu thêm về sự khơi gợi cảm xúc, có thể liên hệ với nghệ thuật
khác, thí dụ khi xem một vở kịch. Tác giả kịch bản xây dựng nét xung đột,
kịch tính của vở kịch ở chỗ “thắt nút” của vở kịch khiến khán giả có tâm trạng
căng thẳng, chờ đón sự “mở nút” của vở kịch. Điều thỏa mãn cảm xúc của
khán giả chính là sự “thắt nút” và “mở nút” trong nghệ thuật kịch và đó cũng
hình là sự khơi gợi cảm xúc.

Như vậy, theo Meyer, ý nghĩa và cảm xúc trong âm nhạc là kết quả của
sự lĩnh hội và chờ đợi về ngữ pháp của các cấu trúc âm nhạc. Điều lý thú là,
ông cho rằng sự khơi gợi cảm xúc của âm nhạc cũng giống như sự khơi gợi
của nhiều điều xảy ra trong trải nghiệm cuộc sống hàng ngày. Tức là trong
cuộc sống thường có xáo trộn, có kịch tính, căng thẳng và cần phải giải quyết.
Tuy nhiên về vấn đề cần giải quyết này, giữa cuộc sống hàng ngày và âm
nhạc có hai điểm khác biệt:

- Các kiểu giải quyết căng thẳng của âm nhạc thường đưa đến những
đáp ứng cảm xúc vừa ý, hài lòng, thỏa đáng và dễ chịu. Do đó, âm nhạc
thường đem đến cho ngưòi nghe chủ yếu là điều dễ chịu, thoải mái, chứ nó
không phải băn khoăn, day dứt như xem một số vở kịch, hay trong thực tế
cuộc sống.

- Trong âm nhạc, các phương thức kích thích thường giống nhau chứ
không đa dạng, phức tạp như trong cuộc sống.

Trong cuộc sống hàng ngày, sự căng thẳng trong một khu vực này luôn
cần được bù đắp lại bằng sự giảm bớt, giải phóng sự căng thẳng để tạo sự
thú vị ở khu vực khác.

Quan điểm của Meyer đã đưa tới xem xét rằng: sự tập trung tri giác vào
âm nhạc dẫn đến những đáp ứng cảm xúc, ở một số điều kiện và đặc điểm
nhất định nó cũng giống như tri giác vào những sự kiện không âm nhạc trong
cuộc sống. Và người ta đã rút ra kết luận rằng kích thích gây ra bởi âm nhạc
có thể kích thích gây ra những thay đổi học tập và hành vi.

Lý thuyết của Mandler (1984) về khái quát cơ bản cũng giống như báo
cáo của Meyer. Theo ông, một phản ứng cảm xúc thường đi theo sau sự khơi
gợi sinh học của hệ thần kinh tự trị (thực vật). Sự khơi gợi thường do sự gián
đoạn những mô hình âm nhạc đang được mong đợi hoặc những nốt nhạc
đến sớm trong âm nhạc. Trong nhận thức của con người có sự tác động lẫn
nhau tiếp diễn giũa điều đoán trước và thực tế mà ta tiếp nhận. Khi có một
điều gì đó khác với điều ta đoán trước, tức là bất ngờ đến với ta, nó sẽ khơi
gợi ta giải thích tại sao lại khác lạ với điều ta đoán trước đó. Tác động lẫn
nhau giữa sự khơi gợi và sự giải thích sẽ tạo ra trong ta một cảm xúc.

Trong cuộc sống, sự khơi gợi đã báo động trước cho cơ thể con người
một tình huống nào đó: có thể là tình huống đe dọa cuộc sống một cách tiềm
tàng hoặc báo hiệu sắp xảy ra một sự kiện thú vị. Sự giải thích hay nhận thức
tình huống gây ra khơi gợi như thế nào sẽ quyết định tính chất của cảm xúc
mà con ngưòi sẽ trải nghiệm.

Lý thuyết của Mandler có thể áp dụng cho kích thích âm nhạc. Những
phản ứng cảm xúc với âm nhạc liên quan đến sự khơi gợi mạnh mẽ của hệ
thần kinh tự trị. Tiến trình giải quyết trong âm nhạc hay gián đoạn trong âm
nhạc gây ra những đáp ứng cảm xúc. Mandler cho rằng cảm xúc là hậu nhận
thức nghiêm ngặt. Điều này phù hợp với quan điểm của tâm lý học nhận thức.

Lý thuyết của Berlyne (1971) nói về cảm xúc, sự khơi gợi và sự tưởng
thưởng trong tri giác thẩm mỹ âm nhạc có sự tương đồng với hai tác giả nêu
trên. Ông cũng nhấn mạnh đến vai trò của sự khơi gợi đối với tri giác âm
nhạc. Tuy nhiên, ông mở rộng hơn và chuyên biệt hóa vai trò và chất lượng
của sự khơi gợi, mối quan hệ của sự khơi gợi (qua các thuộc tính kích thích
của âm nhạc) với chất lượng đáp ứng cảm xúc. Ông chỉ ra rằng các công việc
nghệ thuật, bao gồm âm nhạc, chứa đựng các kiểu kích thích và nó có tiềm
năng khơi gợi chuyên biệt để sinh ra các trải nghiệm cảm xúc khác nhau. Ông
nêu ra ba thuộc tính kích thích như sau:
1. Những thuộc tính tâm sinh lý: nó bao gồm cường độ, nhịp độ, màu
sắc hoặc hình thể sóng nhạc, và tỷ lệ của sự thay đổi của chúng. Những
thuộc tính này tạo nên cảm nhận về sự hoạt hóa hay còn gọi là trải nghiệm
hoạt hóa với những trải nghiệm về năng lượng, về sự kích thích và sự phấn
khích.

2. Những thuộc tính đối chiếu: bao gồm tri giác về các yếu tố cấu trúc
trong tác phẩm âm nhạc. Những thuộc tính về cấu trúc âm nhạc này tạo nên
trải nghiệm qua sự lĩnh hội âm nhạc về trật tự, cấu trúc âm nhạc. Ở lần nghe
sau, với sự đối chiếu với trải nghiệm trong quá khứ, người nghe xuất hiện sự
ngạc nhiên, cảm nhận về tính mới lạ, sự trong sáng của âm nhạc và những
đối lập tương ứng của chúng.

3. Những thuộc tính về sinh thái học: bao gồm tri giác về các yếu tố
trong âm nhạc. Các yếu tố này tạo ra các mối liên hệ theo phương thức học
tập với những sự kiện và những trải nghiệm bên ngoài phạm vi âm nhạc.
Những thuộc tính sinh thái học tạo nên trải nghiệm qua các liên tưởng do âm
nhạc gây ra, đó là những trạng thái cảm xúc, những hồi ức, những hình
tượng và ý nghĩa của âm nhạc được định rõ.

Tóm lại có thể thấy, trung tâm của các lý thuyết nêu trên là khái niệm về
tiềm năng gây ra sự khơi gợi của âm nhạc và từ đó dẫn đến những trải
nghiệm cảm xúc, tức là đáp ứng với sự khơi gợi của âm nhạc. Khái niệm này
biểu hiện trước hết là tri giác về các kiểu kích thích âm nhạc, đó là các thuộc
tính về tâm sinh lý; tiếp đó là các thuộc tính đối chiếu, qua đối chiếu tạo ra
cảm nhận, lĩnh hội về sự ngạc nhiên, tính mới lạ của âm nhạc; và sau đó là
những liên tưởng được học tập ở bên ngoài phạm vi âm nhạc với những kích
thích thực tế gây ra những phản ứng khơi gợi và đáp ứng cảm xúc.

Tri giác về những trải nghiệm cảm xúc trong âm nhạc như nghiên cứu
chức năng của các cấu trúc âm nhạc đã được các tác giả Nielzen và cộng sự
(1977), Wedin (1972) và Vitz (1966) tiến hành. Các phát hiện chủ yếu trong
những nghiên cứu này ủng hộ cho 3 luận cứ:
1. Âm nhạc là một tín hiệu hữu hiệu trong truyền đạt các thông điệp
cảm xúc.

2. Phân tích các yếu tố về cấu trúc âm nhạc cũng như các nhân tố âm
nhạc cho thấy có sự tương quan với các trải nghiệm cảm xúc của chủ thể,
thậm chí khi chủ thể chưa từng được luyện tập âm nhạc bao giờ. Điều này có
nghĩa là các yếu tố của âm nhạc tạo nên cảm xúc cho bất kỳ người nào.

3. Sự truyền đạt ý nghĩa cảm xúc trong âm nhạc được duy trì, không
thay đổi ở các cá nhân, nhưng có vẻ như nó chịu ảnh hưởng của các mối
tương tác phức tạp của các đặc điểm nhân cách như giới tính, tuổi, trạng thái
cảm xúc và loại âm nhạc được lựa chọn.

Phân loại các trạng thái cảm xúc

Những lý thuyết đã trình bày ở phần trước đều tập trung vào khái niệm
về tiềm năng gây ra sự khơi gợi của âm nhạc và điều đó dẫn đến những trải
nghiệm cảm xúc.

Trước hết, đó là sự tri giác về các kiểu kích thích âm nhạc (những
thuộc tính tâm sinh lý và thuộc tính đối chiếu). Tiếp sau đó là sự liên tưởng tới
những kích thích thực tế được trải qua hoặc học tập bên ngoài phạm vi âm
nhạc, những kích thích này đã từng gây ra những phản ứng khơi gợi và đáp
ứng cảm xúc.

Tác giả Berlyne gọi những đáp ứng với kích thích âm nhạc trên là thuộc
về các thuộc tính chuyên biệt, bao gồm những trải nghiệm hoat hóa, tức là trải
nghiệm về năng lượng, sự kích thích, sự phấn khích và trải nghiệm cấu trúc,
tức là trải nghiệm về trật tự âm nhạc, sự rõ ràng của âm nhạc, sự ngạc nhiên,
tính mới lạ, sự hiểu sâu sắc âm nhạc và trải nghiệm liên tưởng, trạng thái
cảm xúc, những hồi ức, những hình tượng và ý nghĩa của âm nhạc được định
rõ.

Sự tập trung tri giác vào những thuộc tính chuyên biệt của các kích
thích có thể tạo thuận lợi cho các đáp ứng cảm xúc với chất lượng chuyên
biệt. Tuy nhiên, những đáp ứng cảm xúc được âm nhạc khơi gợi sẽ được
khái quát hóa như thế nào?

Trong điều trị bệnh nhân, chúng ta thường phải giải quyết các trạng thái
cảm xúc đặc trưng như sợ hãi, giận dữ, lo âu, trầm cảm, thiếu động cơ,…
Các mô hình điều trị âm nhạc đều xem xét ý nghĩa của âm nhạc là sự đáp
ứng cảm xúc dựa trên tri giác về các kiểu kích thích. Nhưng các kiểu âm
thanh không có đặc điểm chung cho loài người để phiên dịch sự sợ hãi, tức
giận hoặc hạnh phúc ra ý thức giống như ngữ nghĩa của ngôn ngữ nói. Nó chỉ
có thể làm bằng phương thức kết nối đáp ứng kích thích âm nhạc với kiểu
kích thích không âm nhạc trong cuộc sống thông qua những liên tưởng được
học tập.

Vậy làm sao để quá trình cảm nhận do âm nhạc khơi gợi có thể được
phân loại, được giải thích và phiên dịch để đi đến mục tiêu làm thay đổi hành
vi? Có ba bước được gợi ý cần làm để phát triển sự liên kết ý nghĩa giữa
những đáp ứng cảm xúc do âm nhạc khơi gợi với hành vi không âm nhạc
đang học tập và thay đổi trong liệu pháp.

1. Chọn lọc một bộ khung cho phân loại các trạng thái cảm xúc.

2. Chứng minh mối liên hệ giữa sự khơi gợi và đáp ứng cảm xúc, từ đó
đánh giá các giá trị tưởng thưởng, động cơ thúc đẩy, giá trị động viên và sự
hấp dẫn của âm nhạc đối với cơ thể con người.

3. Tìm bằng chứng cho tầm quan trọng của thay đổi cảm xúc cho thay
đổi hành vi.

Ngôn ngữ thông thường chứa đựng vô số từ để diễn tả những trạng


thái cảm xúc. Nếu phiên dịch ra các trạng thái cảm xúc do âm nhạc khơi gợi
thì rất khó khăn và hạn chế vì kích thích âm nhạc chỉ tạo ra một số phản ứng
cảm xúc chuyên biệt.

Có cách tiếp cận khác đã được Wundt (1874) nêu ra và phát triển trong
thế kỷ 19. Với cách tiếp cận này, tất cả các trạng thái cảm xúc, không cần chú
ý đến cố gắng định nghĩa theo ngữ nghĩa học, được đặt trong một sự liên tục
theo các phẩm chất độc lập. Nghiên cứu của Berlyne (1971) và Mc. Mullen
(1996) đã khám phá ra rằng trong tất cả các hệ thống tiếp cận phẩm chất độc
lập này, có 2 phẩm chất chung:

- Chiều hướng: nêu ra các đặc tính của sự thú vị chống lại với sự không
thú vị.

- Cường độ: nêu ra sự mạnh mẽ hoặc mức độ sự hoạt hóa thông qua
đối tượng kích thích được tiếp nhận.

Theo quan điểm này, mỗi trải nghiệm cảm xúc do âm nhạc khơi gợi có
thể được phân loại và hiểu biết như một trạng thái cảm xúc trong một ma trận
có 2 kích cỡ để xác định là chiều hướng và cường độ để chỉ chung cho tất cả
các trải nghiệm cảm xúc.

Sự khơi gợi, xúc động và tưởng thưởng

Theo luận điểm của Berlyne, kích thích thẩm mỹ phụ thuộc vào tiềm
năng khơi gợi của chúng. Kích thích này sẽ được cơ thể con người đánh giá
qua một giá trị gọi là giá trị tưởng thưởng. Trải nghiệm tưởng thưởng của con
người là cảm xúc thoả mãn, sung sướng khi được thưởng. Khi tiếp nhận kích
thích âm nhạc, giá trị tưởng thưởng của nó thể hiện ở giá trị khuyến khích
động viên, sự hấp dẫn, tạo động cơ… cho con người. Các thuộc tính kích
thích âm nhạc gây ra sự khơi gợi và đưa đến sản phẩm cuối cùng là giá trị
tưởng thưởng. Giá trị tưởng thưởng đồng thời lại là thước đo chất lượng của
trải nghiệm cảm xúc.

Một điểm quan trọng nữa, tưởng thưởng có vai trò tác động tới quá
trình hành vi. Trải nghiệm tưởng thưởng liên quan mạnh mẽ tới việc thúc đẩy
con người theo đuổi hành vi.

Berlyne đã liên kết trải nghiệm tưởng thưởng của con người (cảm xúc
thỏa mãn, sung sướng khi được thưởng) với chức năng của hệ thống tưởng
thưởng trên não. Các trung tâm trong não kiểm soát tiến trình hưởng lạc và
các trung tâm kiểm soát dao động của sự khơi gợi có sự chồng lấn lên nhau
ở một diện rộng trong hệ limbic. Nghiên cứu tâm sinh lý đã chỉ ra rằng kích
thích âm nhạc có thể ảnh hưởng tới hành vi của con người liên quan đến
chức năng các vùng não chi phối cảm xúc, động cơ, trạng thái khí sắc, sự tỉnh
táo… Như vậy, thông qua những thay đổi do khơi gợi của âm nhạc, sẽ dẫn
đến những thay đổi khác như: thay đổi tính hoạt bát, mức độ hoạt hóa, những
đáp ứng cảm xúc, những nhận cảm về thưởng thức, sự thú vị.

Tóm lại, trong liệu pháp cần nhấn mạnh đến kết luận ở phần này là:
kích thích âm nhạc khơi gợi những trải nghiệm cảm xúc và sự tưởng thưởng.
Giá trị của sự tưởng thưởng là yếu tố quyết đinh cho thay đổi hành vi.

Âm nhạc và tri giác

Âm nhạc khai thác các thuộc tính kích thích, các thuộc tính này tạo
thuận lợi cho tri giác, được diễn biến qua năm bước như sau:

1. Kích thích âm nhạc đưa đến những thuộc tính khơi gợi, thuộc tính
khơi gợi sẽ tác động tới trạng thái sẵn sàng tiếp thụ (lĩnh hội) của cơ thể.

2. Hành vi mang tính thăm dò (tức là tìm ra những trải nghiệm giác
quan mới) có thể được kích thích âm nhạc đẩy mạnh. Đó là vì, kích thích âm
nhạc tạo nên sự khơi gợi nhiều hay ít, tăng hay giảm và điều này tác động tới
trải nghiệm tưởng thưởng. Trải nghiệm tưởng thưởng sẽ dẫn dắt hành vi hiếu
kỳ hay hành vi mang tính thăm dò.

3. Các tiến trình chú ý chọn lọc và trừu tượng hóa có thể đạt được bằng
việc truyền thông tin kích thích theo phương thức cảm giác đặc biệt (âm nhạc)
và phương thức này sẽ ức chế sự tiếp nhận thông tin kích thích từ các
phương thức khác. Trong lĩnh vực cấu trúc, các kích thích âm nhạc được xếp
đặt theo những nguyên lý nhóm họp lại các kiểu kích thích (như kiểu giai điệu
hoặc kiểu nhịp điệu). Việc trình diễn âm nhạc tạo điều kiện cho khoanh nhóm
các thông tin ngoài âm nhạc. Điều này phù hợp cho việc ghi nhận, lưu trữ và
tái hiện trong tiến trình trí nhớ của học tập.

4. Những nghiên cứu sinh lý học và tâm lý học đã chỉ ra thực tế rằng
quá trình tri giác có một sự bổ sung về cảm xúc. Những bổ sung này có thể
đưa đến những trải nghiệm tri giác tăng lên về sự thú vị, tưởng thưởng và
phản hồi tích cực. Như đã nêu ra ở phần trước, kích thích âm nhạc có thể trợ
giúp cho sự phát triển các trải nghiệm cảm xúc tích cực thông qua tiềm năng
khơi gợi của chúng.

5. Âm nhạc có thể có vai trò trong việc tạo nên những đáp ứng trung
gian, thêm vào kích thích phân biệt với tình huống kích thích bên ngoài và do
đó tạo thuận lợi cho việc phân biệt trong học tập. Âm nhạc có các hình thức
đáp ứng trung gian khác nhau như các đáp ứng khơi gợi vận động, mô phỏng
hoặc đồng cảm. Những đáp ứng này cung cấp thông tin thiết yếu cho sự lĩnh
hội và hiểu rõ về các tình huống kích thích được nói đến.

Tác động của kích thích âm nhạc lên tiến trình tri giác được sử dụng
một cách hiệu quả để điều chỉnh và tạo cho sự gắn kết các chức năng như
chú ý, trí nhớ hoặc thực hiện hành động trong điều trị bệnh nhân rối loạn tri
giác - nhận thức (như trong chậm phát triển tâm thần, bệnh Alzheimer và mất
trí hoặc tổn thương do chấn thương sọ não).

NHỮNG KÍCH THÍCH ÂM NHẠC VÀ TIẾN TRÌNH TRONG


HỆ THẦN KINH TRUNG ƯƠNG

Xử lý thông tin âm nhạc trong hệ thần kinh

Những năm gần đây đã có một số nghiên cứu khoa học về cơ sở thần
kinh của nhận cảm và sáng tạo âm nhạc. Các nghiên cứu đã sử dụng các
phương tiện hiện đại để nghiên cứu chức năng não liên quan đến biểu diễn
âm nhạc, tri giác (nhận cảm) về thành phần cấu trúc âm nhạc, về nhịp điệu và
tốc độ hoặc sự đồng bộ hóa nhịp điệu âm nhạc.

Tác giả Roederer (1974) đã đưa ra một số giả thuyết về những tiến
trình thần kinh là cơ sở của nhận cảm âm nhạc. Lý thuyết của ông cũng dựa
trên phân loại của Poliakov (1972) về các mức độ và phạm vi hoạt động của
chức năng hệ thống thần kinh. Có ba giai đoạn tiến hóa chuyên biệt còn được
thể hiện trong hệ thống thần kinh của con người và làm việc với nhau như
một hệ thống bao gồm:
1. Hệ thống đầu vào - đầu ra: hệ thống này được kiểm soát một cách
cố định và có tính chất di truyền, nó ở mức độ tủy sống bao gồm tủy sống và
dây thần kinh ngoại vi, có chức năng chỉ huy những đáp ứng đã được
chương trình hóa trước đối với những kích thích.

2. Hệ thống đầu vào - phân tích, điều chỉnh - đầu ra: hệ thống này ở
mức độ cuống não và cựu não, có chức năng chỉ huy đáp ứng sinh học thích
hợp nhất theo phương thức phản xạ có điều kiện. Với hệ thống này, cơ thể có
thể thích nghi với các kích thích môi trường.

3. Hệ thống đầu vào - phân tích, điều chỉnh - tổng hợp, kiểm soát -
đầu ra: hệ thống này ở mức độ vỏ não, có chức năng phân phối những đáp
ứng phức hợp của hoạt động thần kinh cao cấp. (Thí dụ, bằng cách xác định
và nhớ lại các mối quan hệ nhân quả trong thế giới vật chất xung quanh và
hình thành sẵn một sơ đồ vận động - cảm giác để hướng dẫn hành vi riêng
của mỗi người).

Ở mức độ thứ ba (mức độ vỏ não) của ba giai đoạn tiến hóa của hoạt
động thần kinh nói trên, Roederer đã nêu ra rằng nó giống với tri giác âm
nhạc. Khi chú ý vào kích thích âm nhạc sẽ gây ra sự hoạt hóa các cơ chế
hoạt động thần kinh để tiên đoán cấu trúc dòng âm nhạc của bản nhạc đang
chơi. Những sự kiện bất ngờ trong bản nhạc đòi hỏi con người phải tăng hoạt
động thần kinh để nhận biết thông điệp từ bản nhạc. Trong trường hợp này,
Roedere dùng thuật ngữ “cố gắng tối thiểu” để biểu thị những thao tác thần
kinh trong đó bộ não cố gắng sử dụng hầu hết thông tin có được từ những trải
nghiệm trước đây để định ra tiến trình nhận dạng những thông tin mới đến.
Như vậy, trong não có một tiến trình nỗ lực hoạt động thần kinh tìm kiếm
trong trí nhớ để so sánh một đoạn nhạc bất ngờ mới đến với kiến thức về các
kiểu âm nhạc đã được lưu giữ trước đó. Do vậy, Roederer đã đưa ra định đề
về sự tiến hóa của cảm giác “giải quyết căng thẳng” trong âm nhạc. Các báo
cáo của Roederer về các tiến trình xử lý thần kinh trong tri giác âm nhạc cũng
tương tự như các lý thuyết của Meyer và Mandler về cảm xúc, trong đó sự
gián đoạn sơ đồ, mô hình dự đoán trước của kích thích âm nhạc đã gây ra sự
khơi gợi cảm xúc.

Động cơ thúc đẩy và cảm xúc

Các nhà trị liệu thường bàn luận về tầm quan trọng của động cơ với sự
học tập và thay đổi hành vi. Tuy nhiên họ thường sử dụng thuật ngữ “động
cơ” ở mức độ trực giác mà không tìm kiếm bản chất và cơ chế của “hành vi
động cơ”. Trong y văn về sinh lý thần kinh, Iversen và Fray (1982), Simonov
(1986) đã mô tả động cơ là một trạng thái hành vi trong đó hoạt động được
dẫn dắt hướng tới thỏa mãn nhu cầu về phương diện sinh lý học, động cơ chỉ
là sự tăng khơi gợi một cách không đặc hiệu, trong đó hành vi động cơ được
dẫn dắt một cách đặc hiệu bởi các kích thích bên trong và bên ngoài để sinh
ra sự khơi gợi về những điều cơ thể phải học tập hoặc đã học tập từ trước
đó.

Simonov đưa ra khái niệm về những chuỗi hành vi, đó là một sự tổ


chức gồm một chuỗi nhu cầu - động cơ - cảm xúc dựa trên sự mở rộng dần
dần bộ máy thần kinh liên quan đến chuỗi tổ chức hành vi này. Qua nghiên
cứu các cấu trúc não liên quan đến hành vi cảm xúc như hệ limbic trước não,
các trung tâm hằng định nội môi dưới đồi và cuống não, người ta thừa nhận
mối quan hệ giữa các trạng thái động cơ và trạng thái cảm xúc.

Iversen và Fray đã xác định vai trò chức năng của con đường dopamin
trước não và tiến trình hóa học của chúng đã ảnh hưởng tới các trạng thái
động cơ và trạng thái cảm xúc. Như vậy hành vi động cơ được xem như hành
vi được đặc trưng bởi sự tăng khơi gợi và được tổ chức trong một mô hình
hành vi cảm xúc hướng tới tăng tối đa trạng thái cảm xúc dương tính và giảm
tối thiểu trạng thái cảm xúc âm tính.

Quan điểm này rất phù hợp với điều nêu ra ở phần trước về cảm xúc,
khơi gợi và trải nghiệm tưởng thưởng thông qua những đáp ứng cảm xúc
hoặc khơi gợi trong các phương diện chiều hướng và cường độ.

Các kích thích âm nhạc và tiến trình ở vỏ não


Khi các nhà khoa học nghiên cứu, phân biệt sự khác nhau giữa 2 bán
cầu não đã dẫn đến ý niệm về hai cách thức xử lý thông tin: cách thức liên
tiếp theo dãy số và cách thức đồng thời. Tuy nhiên, những ý niệm cứng nhắc
về cách thức xử lý thông tin khác nhau giữa hai bán cầu đã nhường chỗ cho ý
niệm về tầm quan trọng của tính tổ chức của mạng lưới tiếp nối giữa hai bán
cầu về chức năng não. Sự mềm dẻo, linh hoạt của chức năng năo khiến nó
có thể dễ thay đổi hoặc dễ biến đổi do các yếu tố khác nhau như: sự học tập,
tuổi tác, trải nghiệm, quá trình bệnh…

Người ta cho rằng bán cầu não phải có ưu thế nhất định trong xử lý
thông tin không gian - thị giác và thông tin phức tạp. Khả năng này đóng vai
trò quan trọng trong nhận cảm âm nhạc vì tiến trình xử lý phụ thuộc nhiều vào
sự lồng ghép thông tin về không gian và thời gian để xác định cấu trúc phức
tạp của âm nhạc. Trong khi đó, bán cầu não trái có nhiệm vụ thiên về phân
tích liên tiếp theo dãy số, giống như quá trình xử lý thông tin ngôn ngữ nói.
Cách thức này cũng có vai trò trong cảm nhận âm nhạc, cả hai cách thức nêu
trên thực ra cùng tồn tại và phối hợp trong xử lý kích thích âm nhạc. Nó cũng
phù hợp với những ý tưởng trước đó cho rằng bán cầu trái đóng vai trò lớn
hơn khi mà yêu cầu đòi hỏi nhiều hơn về khía cạnh phân tích theo dãy liên
tiếp; trong khi đó bán cầu phải có thể ưu thế hơn khi cần nhấn mạnh đến
dạng âm thanh hoặc các chất lượng cảm xúc.

Ứng dụng điều trình bày trên vào liệu pháp âm nhạc, người ta có thể sử
dụng liệu pháp giai điệu cho bệnh nhân có biểu hiện mất ngôn ngữ do tổn
thương vùng Broca bán cầu trái, hoặc sử dụng kỹ thuật từng bước đọc diễn
văn dựa theo nhịp điệu âm nhạc cho bệnh nhân tổn thương bán cầu phải.

Hiểu sâu thêm về những đóng góp chuyên biệt cho việc xử lý thông tin
âm nhạc, bán cầu phải có vẻ như ưu thế hơn trong xử lý và sinh ra một số nội
dung cảm xúc nhất định ở cơ quan cảm giác đầu vào. Lamendella (1977) đề
xuất rằng bán cầu trái xử lý để nhận biết khái quát của kích thích cảm giác
còn bán cầu phải nhận biết ý nghĩa cảm xúc của nó.
Nền tảng thần kinh của cảm xúc: hệ thống limbic và trung khu
tưởng thưởng trên não

Hệ limbic tham gia vào quá trình xử lý kích thích âm nhạc. Các thông tin
cảm giác được cấu trúc limbic dàn xếp trước khi đi vào tân vỏ não. Trong xử
lý thông tin, các nghiên cứu đã chứng minh có sự tương tác phức tạp vỏ não -
limbic.

Vai trò rõ ràng của hồi hải mã là liên quan đến học tập và trí nhớ. Nơi
chủ yếu cung cấp đầu vào thông tin hồi hải mã là hồi cạnh nội khứu
(entorhinal) của vỏ não, cũng được đặt ở thùy thái dương. Thông qua những
kết nối với vỏ não này, các cấu trúc hải mã có đường vào cho hầu như tất cả
các loại thông tin cảm giác.

Hạnh nhân (amygdala) được cho rằng có ảnh hưởng đến các mô hình
hành vi liên quan đến dẫn đường và các trải nghiệm cảm giác của chủ thể.
Những đường hướng tâm và ly tâm của hạnh nhân là khá phức tạp. Hầu hết,
đầu vào được tiếp nhận từ ổ mắt, thái dương trước và thể viền trước vỏ não,
hành khứu giác, và đến vùng nhỏ hơn là vùng dưới đồi.

Cả hai vùng, hồi hải mã và hạnh nhân hướng hầu hết vào vùng dưới
đồi, một cấu trúc điều hòa rất nhiều những khơi gợi sinh lý học tự trị và các
đáp ứng hằng định nội mô đồng hành với phản ứng cảm xúc. Do vậy, người
ta thường gọi vùng dưới đồi là hệ thống đầu ra của các cấu trúc limbic. Đối
với tiến trình thính giác, trong mạch -thần kinh kết nối limbic - dưới vỏ, từ
cạnh cuống não tiếp nối tới hạch dưới đồi bụng giữa bắt nguồn từ những tế
bào đặt vừa đủ khoảng cách để chúng nằm trong giải cảm giác bên của
đường dẫn truyền thính giác. Từ đó, nó có khả năng truyền đạt thông tin thính
giác tới vùng dưới đồi.

Chức năng của đồi thị là trạm tiếp âm chính của đầu vào cảm giác tối
tân não, do vậy nó liên quan đến hầu hết các tương tác vỏ não - limbic. Theo
Lamendella (1977) và Pribram và Kruger (1954), hệ limbic đảm bảo hầu hết
đáp ứng có lợi cho sự tự bảo vệ cơ quan tổ chức, phân phối các cảm giác về
sự thưởng, phạt, thú vị và đau đớn và như vậy nó hướng dẫn cho việc học
tập của hành vi bằng sự mong đợi tối đa sự tưởng thưởng. Các cấu trúc não
liên quan là thể viền sau vỏ não, vỏ não thái dương trước và hồi hải mã. Sự
kích thích hồi cạnh hải mã luôn dẫn đến những mối liên hệ thích giác phức
tạp. Những cấu trúc này tiếp nhận đầu vào về các trạng thái sinh lý bên trong
và thông tin cảm giác về thế giới bên ngoài, đặt chúng trong vị trí tốt nhất để
đạt tới giá trị phản hồi dương tính và âm tính của các điều kiện bên ngoài
trong việc đáp ứng với hành vi con người, về phương diện cảm xúc, dựa trên
chức năng trí nhớ của hồi hải mã và các trải nghiệm cảm giác của trung gian
hạnh nhân, có thể tạo nên sự trừng phạt và tưởng thưởng. Sự trừng phạt và
tưởng thưởng này do các cấu trúc não nêu trên phân phối trong suốt quá
trình thực tế của hành vi. Tiến trình đáp ứng cảm xúc này được đặc trưng
như một sự diễn tả mối quan hệ giữa tri giác và hành động. Tiến trình đáp
ứng cảm xúc này cũng có thể được kích thích bởi hình tượng được khơi gợi
từ bên trong của con người.

Các tác giả Sunshine và Mishkin (1975) đã chỉ ra có sự tồn tại con
đường thị giác - limbic để kết nối chức năng thưởng thức với tín hiệu nhìn.
Đồng thời Ledoux (1993) cũng chứng minh giả thuyết có con đường thính
giác - limbic để kết nối chức năng thưởng thức với tín hiệu nghe.

Những cấu trúc não - limbic liên quan đến chức năng tưởng thưởng
của não cũng được chứng minh theo quan điểm sinh hóa học. Những chất
liên quan đến chức năng của hệ thống tưởng thưởng của não là:
Catecholamine, Dopamin và Norepinephrine. Các neuropeptides chứa chất
opiate nội sinh endorphin và nhóm enkephaline…

Những nghiên cứu gần đây đã mở rộng ranh giới của hệ thống tưởng
thưởng của não, đi sâu tới tân vỏ não và thân não. Do đó đã nêu ra tất cả các
loại hoạt động bản năng hoặc trí tuệ cao cấp đều tùy thuộc vào tác động của
thay đổi chất sinh hóa. Những trải nghiệm cảm xúc có thể ảnh hưởng đến học
tập và trí nhớ qua synape hóa học vì chúng được điều chỉnh qua hoạt hóa
các chất dẫn truyền thần kinh.
Tóm lại, qua nghiên cứu về kích thích âm nhạc và tiến trình trong hệ
thần kinh, người ta đã đưa ra giả thuyết rằng kích thích âm nhạc có tác động
trên hành vi con người do tham gia vào các chức năng não chuyên biệt liên
quan đến trí nhớ, học tập, tăng động cơ thúc đẩy và các trạng thái cảm xúc.
Âm nhạc gây ra những thay đổi khí sắc một cách đầy uy lực, hoạt hóa các
tiến trình suy nghĩ một cách mạnh mẽ và thiết lập sự tiếp xúc thực sự với
những bệnh nhân bị thoái lui, tổn thương não, rối loạn tâm thần.

NHỮNG KÍCH THÍCH ÂM NHẠC TRONG ĐIỀU TRỊ

Âm nhạc, sự biến đổi cảm xúc và thay đổi hành vi

Kích thích âm nhạc có một chức năng chuyên biệt trong liệu pháp âm
nhạc liên quan đến nhận thức, cảm xúc, hành vi của bệnh nhân. Mối quan hệ
giữa kích thích âm nhạc và các thành phần cấu thành cảm xúc của tiến trình
hành vi đã được chú ý đặc biệt trong trị liệu. Các nghiên cứu và thực hành
lâm sàng gần đây đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hành vi cảm xúc
trong việc xác định mô hình hành vi chung cũng như tiến trình thay đổi hành
vi. Hai bộ phận cấu thành nên hành vi cảm xúc là các trải nghiệm cảm xúc
bên trong và sự giao tiếp cảm xúc. Liệu pháp âm nhạc là một công cụ hiệu
lực tác động lên tiến trình hành vi cảm xúc. Với một hệ thống chuyên biệt về
kỹ thuật lâm sàng, liệu pháp âm nhạc nhằm vào việc phục hồi và tăng cường
khả năng cá nhân để tổ chức trải nghiệm cảm xúc bên trong cũng như hướng
dẫn giao tiếp cảm xúc bằng lời hoặc không lời. Để áp dụng các kỹ thuật liệu
pháp âm nhạc và các hoạt động cho tiến trình cảm xúc, người ta đã nêu ra
năm bậc liên tiếp của hành vi cảm xúc. Các kỹ thuật liệu pháp âm nhạc và các
hoạt động cho tiến trình cảm xúc được sử dụng nhằm tạo thuận lợi cho:

1. Trải nghiệm về cảm xúc.

2. Nhận dạng cảm xúc.

3. Diễn tả cảm xúc.

4. Hiểu về giao tiếp cảm xúc của người khác.


5. Tổng hợp, kiểm soát và thay đổi hành vi cảm xúc riêng của mỗi
người.

Người ta cho rằng một cá nhân có khả năng giải thích được thông tin
giao tiếp cảm xúc của người khác, phân biệt được và điều chỉnh được trải
nghiệm cảm xúc bên trong, truyền đạt được các trải nghiệm đó tới người khác
không cần ngôn ngữ miệng là một trong những yếu tố quyết định nhất của cái
tôi khỏe mạnh và hòa hợp với xã hội.

Các trạng thái cảm xúc và sự thay đổi trạng thái cảm xúc có liên quan
đặc biệt trong quá trình trị liệu. Rachman (1980) đã chỉ ra hiệu lực của tiến
trình cảm xúc là điều tiên quyết cho thay đổi hành vi. Ông cũng bàn về mối
quan hệ giữa nhận thức và hành vi cảm xúc trong quá trình điều trị (1981,
1984). Rachman và Bandura có quan điểm tương tự nhau, cho rằng kỹ thuật
thuyết phục bằng lời nói để tác động thay đổi hành vi sẽ có hiệu quả rất thấp.
Nhiều tác giả cho rằng hoạt động nhận thức làm thay đổi phản ứng cảm xúc.
Các tiến trình cảm xúc và nhận thức là độc lập và có ảnh hưởng lẫn nhau.
Muốn thay đổi hành vi theo mục đích điều trị, trong mô hình lâm sàng cần
thiết lập quy trình để tác động trực tiếp hơn và nhiều hơn cho sự thay đổi cảm
xúc, từ đó mới tạo thuận lợi cho thay đổi hành vi.

Sutherland và cộng sự (1982) đã so sánh quy trình cảm ứng cảm xúc
dựa trên lời nói và dựa trên âm nhạc. Những ý nghĩ không mong muốn (thí dụ
trong rối loạn ám ảnh) thường gặp trong nhiều bệnh tâm thần. Những ý nghĩ
đó có liên quan về chức năng với sự dao động của các trạng thái cảm xúc.
Những ý nghĩ bị áp đặt, không thú vị khó bị xóa đi hơn trong trạng thái cảm
xúc buồn so với trạng thái cảm xúc vui vẻ, hạnh phúc. Các quy trình cảm ứng
cảm xúc dựa trên âm nhạc có kết quả mạnh hơn phương pháp đơn thuần
dựa trên lời nói. Do đó, trong điều kiện vui vẻ do âm nhạc gây nên, những
nhận thức không mong muốn được xóa đi một cách hiệu quả hơn.

Sutherland cũng giải thích về mối quan hệ giữa trạng thái cảm xúc và
khả năng thay đổi nhận thức, hành vi không mong muốn. Ông cho rằng trong
cảm xúc loạn cảm rất khó làm thay đổi ý nghĩ âm tính bằng ý nghĩ vui vẻ, dễ
chịu hơn.

Teasdale và Taylor (1981) qua nghiên cứu đã cho rằng trong cảm xúc
trầm cảm, những thông tin âm tính dễ tác động và xâm nhập bệnh nhân hơn.
Do đó, Sutherland đã đề xuất cách tiếp cận cho trị liệu là: những trạng thái
cảm xúc đang tồn tại là tiêu điểm tập trung đầu tiên, sau đó mới xem xét đến
các ý nghĩ và hành vi rối loạn.

Những điều nêu trên là rất quan trọng cho liệu pháp âm nhạc, nó chỉ ra
rằng những đáp ứng cảm xúc do âm nhạc khơi gợi, tức là sự biến đổi cảm
xúc là vấn đề không thể thiếu của các tiến trình điều trị hướng tới thay đổi
hành vi. Âm nhạc là một phương tiện hiệu quả để nuôi dưỡng hệ thống cảm
xúc cho các mục tiêu điều trị.

MÔ HÌNH HỢP NHẤT CỦA LIỆU PHÁP ÂM NHẠC

Trên đây là sơ đồ về mô hình liệu pháp âm nhạc. Mục tiêu lâm sàng là
thay đổi hành vi. Có hai loại thay đổi hành vi: không chuyên biệt và chuyên
biệt:

1. Thay đổi hành vi không chuyên biệt, bao gồm:

- Thay đổi về các trạng thái cảm nhận.

- Thưởng thức về các trải nghiệm bản thân.

- Giảm lo âu, căng thẳng.

- Sao lãng, bớt chú ý về các mối quan tâm bệnh lý.

- Tăng cường tập trung, chú ý.

- Kích thích và diễn tả về trải nghiệm cảm giác.

- Thấu hiểu về suy nghĩ, cảm giác và hành vi của mình.

2. Thay đổi hành vi chuyên biệt: có 3 loại:

- Thay đổi hành vi chuyên biệt với những trải nghiệm hoạt hóa:
+ Thay đổi tình trạng vô cảm, trì trệ.

+ Thay đổi mức độ năng lượng (thế năng tâm thần).

+ Thay đổi đầu ra vận động.

+ Cung cấp những trải nghiệm cảm giác tức thì.

- Thay đổi hành vi chuyên biệt với những trải nghiệm cấu trúc:

+ Làm bền vững hành vi cảm giác được xếp đặt.

+ Tưởng thưởng và thử nghiệm thực tế không đe dọa.

+ Rèn luyện các kỹ năng nghe và tri giác.

+ Rèn luyện các kỹ năng nhận thức và phân tích trong môi trường cảm
xúc.

+ Cung cấp những trải nghiệm cảm giác tức thì.

- Thay đổi hành vi chuyên biệt với trải nghiệm quan hệ:

+ Gợi lại ký ức quan trọng.

+ Quá trình cảm xúc thông qua hồi ức.

+ Học tập cảm xúc thông qua những trải nghiệm liên tưởng.

Trong thực hành liệu pháp âm nhạc cần lưu ý 4 điểm:

1. Đáp ứng khơi gợi có thể xảy ra trong các hệ thống âm nhạc khác
nhau như: liệu pháp âm nhạc tiếp thụ, dựa vào nghe nhạc và liệu pháp âm
nhạc chủ động tích cực, dựa vào chơi, biểu diễn âm nhạc.

2. Trong quá trình trị liệu, nét đặc trưng của các thuộc tính kích thích
âm nhạc phụ thuộc và bị ảnh hưởng bởi hệ thống tâm lý cá nhân và nền tảng
văn hóa xã hội của bệnh nhân. Do đó nhà trị liệu phải nắm được sở thích của
bệnh nhân, đó là sự ưa thích hoặc quen thuộc với thể loại âm nhạc nào. Nhà
trị liệu cũng cần nắm mức độ nhu cầu khơi gợi hiện tại của bệnh nhân. Các
kiểu âm nhạc khác nhau chứa đựng tiềm năng khơi gợi khác nhau với bệnh
nhân. Nhà trị liệu cần xác định loại kích thích âm nhạc nào chứa đựng các
thuộc tính tâm sinh lý, các thuộc tính so sánh và các thuộc tính sinh thái để
thu được các trải nghiệm và đáp ứng mong muốn. Do đó, nhà trị liệu phải
đánh giá kiểu đáp ứng riêng để cung cấp các kích thích có ý nghĩa và tạo điều
kiện cho đáp ứng có ý nghĩa.

3. Nhà trị liệu âm nhạc cần phát triển môi trường điều trị để có thể diễn
ra những trải nghiệm âm nhạc có ý nghĩa. Môi trường này bao gồm: cấu trúc
buổi điều trị thích hợp, hướng dẫn qua các hoạt động âm nhạc, mối quan hệ
giao tiếp và tương tác tin cậy, sắp xếp cho vấn đề trọng tâm và tri giác có đầy
đủ ý nghĩa thông qua hướng dẫn, phương tiện thích hợp hoặc luyện tập bước
đầu…

4. Nhà trị liệu cần đánh giá những đáp ứng khơi gợi của bệnh nhân liên
quan đến sự vui vẻ, thoải mái của cá nhân họ, mức độ chức năng và mục tiêu
thay đổi hành vi bệnh nhân.

KẾT LUẬN

Những kích thích âm nhạc tác động tới cơ thể sẽ qua một quá trình xử
lý trong hệ thần kinh. Với các thuộc tính kích thích được phân loại khác nhau
(tâm sinh lý, đối chiếu, sinh thái), kích thích âm nhạc có khả năng khợi gợi
cảm xúc, gây ra đáp ứng với sự khơi gợi cảm xúc và đáp ứng này tương ứng
với các thuộc tính kích thích của âm nhạc. Đó là các trải nghiệm hoạt hóa, trải
nghiệm cấu trúc và trải nghiệm liên hệ. Các đáp ứng này đưa đến một kết quả
quan trọng là thay đổi trạng thái cảm xúc. Sự thay đổi trạng thái cảm xúc có ý
nghĩa đặc biệt quan trọng trong liệu pháp âm nhạc. Nó là điều kiện tiên quyết
cho nhà liệu pháp âm nhạc đạt được mục tiêu điều trị là thay đổi hành vi của
bệnh nhân.

Chương 3. LIỆU PHÁP ÂM NHẠC TRONG LIỆU PHÁP TÂM


Liệu pháp âm nhạc thường được tiến hành trong khuôn khổ của nhiều
mô hình liệu pháp tâm lý khác nhau. Liệu pháp tâm lý đã trở thành cơ sở ban
đầu cho sự phát triển lý thuyết cũng như thực hành điều trị của liệu pháp âm
nhạc. Tuy nhiên, nhà trị liệu của liệu pháp âm nhạc không bị giới hạn vào một
định hướng lý thuyết của liệu pháp tâm lý mà họ tiếp cận điều trị trên cơ sở
các nhu cầu chuyên biệt của bệnh nhân và các đòi hỏi của hệ thống công việc
chuyên biệt. Trong bất kỳ mô hình liệu pháp tâm lý nào mà nhà liệu pháp âm
nhạc sử dụng, cách thức điều trị đều liên quan đến việc đánh giá về khả năng
và sự thiếu hụt về các chức năng tâm thần của bệnh nhân và thiết lập mục
tiêu điều trị sử dụng cả kỹ thuật âm nhạc lẫn kỹ thuật không âm nhạc. Căn cứ
vào mục tiêu điều trị, nhà trị liệu chọn lọc và thực hiện các phương pháp, các
quy trình kỹ thuật khác nhau.

Các mô hình liệu pháp tâm lý hiện nay nói chung đều còn có nhiều hạn
chế trong việc giải thích nguyên nhân bệnh sinh của các rối loạn tâm thần, về
triệu chứng học tâm thần. Tuy nhiên, nhà trị liệu dựa vào hiểu biết về triệu
chứng, nguyên nhân bệnh sinh theo lý thuyết tâm thần học để ứng dụng liệu
pháp âm nhạc. Sau đây là một số mô hình liệu pháp tâm lý lớn thường được
sử dụng:

NHỮNG TIẾP CẬN LIỆU PHÁP HÀNH VI

Sơ lược lịch sử

Trong liệu pháp tâm lý, liệu pháp hành vi là liệu pháp tương đối mới,
phát triển từ những năm 1950. Giữa thế kỷ 20, chủ nghĩa hành vi chiếm ưu
thế trong tâm lý học ở Mỹ và ảnh hưởng rộng rãi trên thế giới. Liệu pháp hành
vi bắt nguồn từ lý thuyết của Ivan Pavlov (người Nga), nhưng những người đi
đầu trong liệu pháp hành vi cần phải kể đến như sau:

- J.B. Watson được công nhận là người sáng lập ra liệu pháp hành vi.
Ông tiến hành công việc trong phòng thí nghiệm từ những năm 1900 đến năm
1950 ở Mỹ, không động chạm nhiều đến thực hành.

- Sau Watson, B.F.Skinner là người nổi bật nhất trong những nhà liệu
pháp hành vi tiền bối. Skinner cũng là người Mỹ và công việc có ảnh hưởng
nhất của ông đã được tiến hành ở nước Mỹ năm 1950. Đồng thời những nhà
liệu pháp hành vi đầu tiên ở đây là những nhà tâm thần học lâm sàng ở bệnh
viện Maudsley do H.J. Eysenck lãnh đạo.

- Cùng thời gian này, ở Nam Phi, một nhà tâm thần học là Wolpe đã
phát triển và sử dụng một phương pháp hành vi gọi là sự giảm nhạy cảm có
hệ thống (Systematic desensitization). Phương pháp này sau đó tiếp tục là
một trong những phương pháp điều trị hành vi thông dụng nhất.

Định nghĩa

Liệu pháp hành vi, hay còn gọi là Thay đổi hành vi (Behavioural
Modification), là sự tiếp cận tâm lý áp dụng một cách hệ thống các nguyên lý
học tập (learning principles) giúp người bệnh thay thế những hành vi kém
thích nghi bằng những hành vi mới, thích nghi hơn.

Giả thuyết về sự học tập cho rằng hành vi kém thích nghi hoặc không
mong muốn là kết quả của thiếu sót học tập. Đồng thời khi có một hành vi bất
thường, không mong muốn đang tồn tại cố định, đó là do nó đang được duy
trì bởi một hình thức nào đó củng cố cho nó. Một giả thuyết nữa là những
hành vi đã được học tập có thể bị quên đi.

Lý thuyết về mô hình liệu pháp hành vi

Nguyên lý học tập về cơ bản được dựa trên nguyên lý Điều kiện kinh
điển (Classical Conditioning) của Pavlov và Điều kiện thực thi (Operant
Conditioning) của Skinner:

Điều kiện kinh điển

Phản xạ có điều kiện

Ivan Pavlov, một nhà sinh lý học người Nga, đã có công trình nghiên
cứu về tâm lý học một cách hoàn toàn ngẫu nhiên. Vào năm 1927, ông có
nghiên cứu về điều kiện kinh điển (hay còn gọi là phản xạ có điều kiện). Trong
một thí nghiệm, ông gắn một cái ống vào tuyến nước bọt của một con chó để
đo chính xác lượng nước bọt tiết ra. Ông khua, gõ chiếc nĩa và chỉ một vài
giây sau cho chó ăn bột thịt. Sự ghép đôi này được hoạch định cẩn thận sao
cho cùng lượng thời gian trôi qua như nhau giữa lần tạo ra tiếng khua nĩa và
đưa bột thịt, lặp đi lặp lại. Lúc đầu chó chỉ tiết nước bọt khi ăn bột thịt, nhưng
sau đó nó lại tiết nước bọt khi nghe tiếng nĩa khua. Thậm chí khi không có bột
thịt mà chỉ có tiếng nĩa khua, chó cũng tiết nước bọt. Như vậy, con chó đã có
sự biến đổi theo ngoại cảnh và nó tiết nước bọt khi nghe tiếng động. Tiến
trình cơ bản này xảy ra như sau: 

TRƯỚC KHI BIẾN ĐỔI NGOẠI CẢNH:

Tiếng khua nĩa  Chó vểnh tai

(Kích thích trung gian) (Phản xạ không liên quan tới bột thịt)
Bột thịt  Tiết nước bọt

(Kích thích không điều kiện) (Phản xạ không điều kiện)


TRONG KHI BIẾN ĐỔI NGOẠI CẢNH:

Tiếng khua nĩa  Tiết nước bọt

(Kích thích trung gian) (Phản xạ không điều kiện)


Bột thịt

(Kích thích không điều kiện)


SAU KHI BIẾN ĐỔI NGOẠI CẢNH:

Tiếng khua nĩa  Tiết nước bọt

(Kích thích có điều kiện) (Phản xạ có điều kiện)


Sau khi điều kiện hóa, tức là cặp đôi lặp đi lặp lại nhiều lần kích thích
trung gian (tiếng khua nĩa) với kích thích không điều kiện (bột thịt), cuối cùng
kích thích trung gian đã trở thành kích thích có điều kiện, và kích thích có điều
kiện gợi ra phản xạ có điều kiện. Đây chính là một quá trình học tập mà con
chó đã học được từ biến đổi ngoại cảnh.

Nguyên lý của lý thuyết học tập này có thể được áp dụng để cắt nghĩa
cho một số rối loạn lo âu hoặc sự sợ hãi. Thí dụ, một đứa trẻ trong một bữa
tiệc, cầm quả bóng bay đi vào buồng vệ sinh. Khi trở ra, không may chốt cửa
bị kẹt, không mở ra được. Nó rất hốt hoảng lo sợ. Trong lúc đang hốt hoảng,
ngẫu nhiên quả bóng nổ tung. Đứa trẻ càng giật mình hoảng hốt. Từ sau đó
đứa trẻ trở nên sợ quả bóng. Và mở rộng hơn nữa, đứa trẻ sợ cả những bữa
tiệc.

Có thể giải thích hiện tượng này theo Pavlov như sau: khi đứa trẻ bị
mắc kẹt trong nhà vệ sinh, nó hoảng sợ, đó là phản xạ không điều kiện, bẩm
sinh. (Khi trẻ một mình bị mắc kẹt, nghĩa là bị giam ở một phòng xa lạ, nó sẽ
có phản ứng hoảng sợ). Nhưng khi tình huống bị mắc kẹt được cặp đôi với
quả bóng nổ vỡ, kích thích trung gian này đã trở thành kích thích có điều kiện
và gợi ra phản xạ có điều kiện là sợ quả bóng.

Sự dập tắt

Sự dập tắt diễn ra khi một phản xạ có điều kiện đã được thành lập
trước đó nay giảm sút đi về tần số xuất hiện và sau cùng biến mất. Muốn tạo
ra sự dập tắt, người ta cần chấm dứt sự liên kết giữa kích thích có điều kiện
và kích thích không điều kiện. Khi chúng ta đã thành lập được phản xạ có
điều kiện ở con chó là tiết nước bọt khi nghe tiếng chuông, nay có thể dập tắt
phản xạ đó bằng cách ngưng không đưa thịt khi rung chuông. Lúc đầu con
chó vẫn tiết nước bọt khi nghe tiếng chuông, nhưng sau vài lần như thế,
lượng nước bọt sẽ giảm và sau cùng không tiết ra nữa. Khi đó phản xạ có
điều kiện đã bị dập tắt. Sự dập tắt diễn ra khi kích thích có điều kiện được
đưa ra lặp đi lặp lại mà không có sự cặp đôi với kích thích không điều kiện. Lý
thuyết này là cơ sở cho kỹ thuật Giải nhạy cảm có hệ thống (Systematic
Desensitisation).

Điều kiện thực thi

B.F.Skinner được coi là cha đẻ của nghiên cứu tâm lý học về điều kiện
thực thi (Operant Conditioning). Ông thí nghiệm về con chim bồ câu trong
lồng, dạy cho nó bài học khi đói biết mổ vào cái đĩa đỏ treo trên vách lồng.
Lúc đầu, một nửa lồng chim có rải gạo. Khoảng một, hai tiếng sau, con chim
sẽ hiểu vùng có rải gạo là vùng có lợi cho nó. Sau đó, dù có rải gạo hay
không, con chim vẫn thích quanh quẩn ở vùng này. Ta rải gạo sao cho thu
hẹp vùng có lợi này lại, con chim sẽ chỉ ở vùng này. Đến một lúc tình cờ con
chim mổ vào cái đĩa màu đỏ, lập tức ta rắc gạo vào. Từ đây, cứ khi nào chim
mổ vào đĩa đỏ ta mới cho gạo, và con chim sẽ hiểu nếu muốn có gạo ăn thì
phải mổ vào đĩa đỏ. Gắn máy ghi số lần chim mổ vào đĩa đỏ, càng ngày chim
mổ vào đĩa càng nhiều.

Con chim đã được dạy một bài học hành vi. Nó học được hành vi này vì
có lợi cho nó, và chúng ta đã dạy nó trên kết quả hành vi của nó. Có thể kết
luận rằng, hành vi ban đầu được điều khiển bởi hậu quả đi theo hành vi đó.

Vậy, nguyên lý cơ bản của điều kiện thực thi là: hậu quả của một hành
vi gây ra sẽ có thể làm thay đổi hành vi đó. Hay có thể nói theo cách nói của
toán học: hành vi là hàm số của những hậu quả của nó. Và như vậy, chúng ta
có thể sử dụng hậu quả của hành vi để điều chỉnh hành vi của bệnh nhân. Với
nguyên lý này, qua thực nghiệm, Skinner đã tìm ra các kỹ thuật củng cố hành
vi (theo cách thức dương tính hoặc âm tính) để gia tăng hành vi mong muốn
và sự trừng phạt để làm giảm hoặc dập tắt hành vi không mong muốn.

Củng cố hành vi dương tính (Positive Reinforcement)

Nếu sự kiện đi theo sau hành vi có tác dụng làm tăng tần suất xuất hiện
hành vi đó để có lợi cho chủ thể thì sự kiện đó là nguồn củng cố dương tính
của hành vi. Ta gọi là dương tính vì kết quả là điều có lợi cho chủ thể. Thí dụ,
con chim mổ vào đĩa đỏ nhiều thì được ăn nhiều.

Củng cố hành vi âm tính (Negative Reinforcement)

Cũng như củng cố hành vi dương tính, hành vi được gia tăng cũng dựa
trên kết quả của hành vi đó. Ta gọi là âm tính khi hành vi được gia tăng nhằm
làm thay đổi một kích thích không ưa thích hoặc làm giảm đi điều có hại cho
chủ thể. Thí dụ, con chuột được đặt trong lồng có kích thích điện giật khó
chịu. Nó được học cách giậm chân vào nút ngắt điện để tránh bị điện giật, tức
là đã làm thay đổi một kích thích không ưa thích. Thí dụ khác, người có
chứng ám ảnh sợ nơi đông người, sẽ có sự gia tăng hành vi né tránh đám
đông, tức là làm giảm đi điều gây lo âu, khó chịu. Với đa số mọi người, trời
lạnh sẽ gây cảm giác khó chịu và có hại, họ sẽ cần mặc áo ấm vào để giảm đi
điều khó chịu, có hại… Đó là những thí dụ về củng cố hành vi âm tính.

Sự trừng phạt

Đây là cách thức thứ ba mà hành vi có thể bị tác động bởi hậu quả của
hành vi đó. Trừng phạt làm giảm đi sự đáp ứng nhất định. Có hai cách thức
chính của sự trừng phạt là: áp dụng một kích thích gớm ghét, không ưa. Thí
dụ để điều trị người nghiện rượu bằng cách cho uống thuốc gây nôn khi uống
rượu. Đó là kích thích gớm ghét. Cách thứ hai là dập tắt quyền lợi của chủ
thể: hành vi đó sẽ gây nên sự dập tắt một số quyền lợi nhất định. 

Tóm lại, lý thuyết hành vi theo nguyên lý điều kiện có thể được tóm tắt
theo sơ đồ đơn giản hóa như sau:

Sa(a1, a2…an)  R1,2…n  Sc(c1, c2…cn)

Sa: kích thích xảy ra trước hành vi (antecedents)

R: hành vi

Sc: kích thích sau khi có hành vi (consequence)

Khi có kích thích Sa (không điều kiện hoặc có điều kiện) sẽ gây ra đáp
ứng R, tức là có hành vi. Đoạn này theo lý thuyết của Pavlov. Khi có hành vi
sẽ gây ra hậu quả, và hậu quả này lại trở thành kích thích Sc có tác dụng
củng cố (dương tính hoặc âm tính) hành vi, hoặc trừng phạt để giảm hoặc
dập tắt hành vi. Đoạn này theo lý thuyết của Skinner.

Lý thuyết học tập xã hội

Bản thân con người là tác nhân của sự thay đổi. Lý thuyết học tập xã
hội (Social Learning) nhấn mạnh tới khả năng của con người có thể tự dẫn
dắt đến thay đổi hành vi, đó là kết quả của quá trình nhận thức. Quá trình
nhận thức kiểm soát việc đáp ứng với tác động của môi trường, kiểm soát
việc con người làm thế nào để nhận biết và giải thích tác động môi trường
đó. 
Học tập xã hội được dựa trên lý thuyết là hành vi bị ảnh hưởng bởi sự
quan sát và bắt chước người khác. Tiến trình học tập trải nghiệm gián tiếp
này có giá trị đặc biệt trong giải quyết chứng ám ảnh sợ và trong xây dựng
các kỹ năng xã hội. Các mô hình biến đổi hành vi học tập xã hội bao gồm: Mô
hình tham gia (Participant Modeling) và Mô hình tượng trưng (Symbolic
Modeling).

Trong mô hình tham gia, nhà trị liệu chứng minh, giải thích, chỉ ra
những hành vi mong đợi và khuyến khích thân chủ bắt chước những hành
động của mô hình. Thí dụ, với đứa trẻ sợ chó sẽ cho trẻ quan sát đứa trẻ
khác chơi đùa với chó, trẻ này sẽ dần dần hết sợ chó.

Trong mô hình tượng trưng, thân chủ được tập luyện bài thư giãn, sau
đó xem phim chiếu cảnh một số mô hình mong đợi, có thể làm hết nỗi sợ hãi.

Qua các lý thuyết về tiếp cận hành vi nêu trên, có thể nhận thấy rằng,
các liệu pháp hành vi có chung quan điểm như sau:

1. Hành vi không bình thường gây ra những bệnh tâm lý liên quan
trước hết tới “các vấn đề của cuộc sống” và các vấn đề này bao gồm các
phản ứng lo âu, lệch lạc giới tính hoặc rối loạn ứng xử.

2. Hành vi không bình thường phát triển theo cách thức cũng giống như
hành vi bình thường, do đó có thể điều trị thông qua việc áp dụng các quy
trình chung của hành vi.

3. Trong các liệu pháp hành vi, khi nhận định, đánh giá bệnh nhân,
người ta chỉ nhìn vào điều gì đang xảy ra ở hiện tại hơn là nhìn vào những gì
xảy ra trong quá khứ của bệnh nhân. Thầy thuốc hiểu rõ về bệnh nhân do
những điều mà bệnh nhân làm trong những tình huống riêng biệt. Các nhà
liệu pháp hành vi cũng cho rằng hiểu rõ nguồn gốc của các vấn đề tâm lý của
bệnh nhân không phải là điều thiết yếu cho việc làm thay đổi hành vi của bệnh
nhân. Khi thầy thuốc thành công trong việc làm thay đổi hay dập tắt các hành
vi có vấn đề thì điều đó không có nghĩa đó là nhờ các kiến thức đã thu được
từ nguồn gốc hoặc nguyên nhân của hành vi đó.
4. Trong công việc điều trị, cần chú ý phân tích cẩn thận và chi tiết các
thành phần khác nhau của vấn đề, sau đó xây dựng các quy trình giải quyết
các thành phần khác nhau đó. Việc điều trị cho mỗi bệnh nhân riêng lẻ cần
một quy trình thích hợp riêng, giống như người thợ may đo và cắt áo riêng
cho từng người.

5. Liệu pháp hành vi là tiếp cận khoa học gồm một khuôn khổ khái niệm
rõ ràng. Công việc điều trị được rút ra từ tâm lý học thực nghiệm lâm sàng và
kỹ thuật điều trị có thể đo lường được và có thể tái thực nghiệm một cách
khách quan.

Như vậy có thể nhận thấy, các nhà liệu pháp hành vi cho rằng hành vi
có thể đo đạc được, có thể giải quyết vấn đề mà không cần khai thác sâu về
nguồn gốc vấn đề hoặc tiền sử của bệnh nhân nên việc giải quyết nhanh hơn
và hiệu quả hơn. Trong cách thức điều trị, nó tập trung vào giải quyết các
triệu chứng. Về nguyên nhân, các nhà trị liệu cho rằng nó không liên quan
hoặc các vấn đề tiền sử đã có từ lâu và khó thay đổi.

Các nhà liệu pháp hành vi cũng so sánh các kỹ thuật của họ với kỹ
thuật tiếp cận phân tích tâm lý, họ cho rằng tiếp cận phân tích tâm lý chiếm
nhiều thời gian. Một bệnh nhân có thể mất đến 20 năm để thăm dò nguồn gốc
cá nhân cũng như phương thức sống của họ, trong khi đó họ vẫn phải đối mặt
với những vấn đề hàng ngày.

Các kỹ thuật được sử dụng trong mô hình hành vi khá phong phú như:
luyện tập thư giãn, thưởng quy đổi, giải nhạy cảm có hệ thống, rèn luyện
khẳng định bản thân và chương trình tự quản lý.

Một số kỹ thuật liệu pháp hành vi

Khử điều kiện bằng ức chế qua lại của Wolpe

Nguyên tắc của kỹ thuật này là khi có mặt các kích thích lo âu, nếu ta
thiết lập được một đáp ứng ức chế lo âu thì đáp ứng này sẽ làm yếu đi mối
liên hệ giữa các kích thích gây lo âu và sự lo âu.

Các kỹ thuật như:


- Các đáp ứng khẳng định bản thân:

Sự lo âu, sợ hãi sẽ đưa đến ức chế hành vi, bệnh nhân sẽ thể hiện sự
thiếu khẳng định bản thân như không dám có lời nói, cử chỉ hoặc thái độ như
một người bình thường trong giao tiếp xã hội. Thiếu khẳng định bản thân còn
có thể gây ra một số chứng bệnh như bệnh cơ thể tâm sinh, lệch lạc tình dục
(sợ người khác giới nên dẫn đến loạn dục đồng giới, loạn dục phơi bày, loạn
dục trẻ em…).

Arnold (1960) tìm ra sự đối kháng sinh lý giữa sự giận dữ và sự lo âu.


Simonov (1967) tìm thấy ở não giữa các trung khu riêng biệt chi phối sự giận
dữ và lo âu và hai trung khu này có thể ức chế lẫn nhau. Như vậy, khi gây
được cảm xúc tức giận sẽ gây đáp ứng có khả năng ức chế lo âu.

Kỹ thuật là người ta tập cho bệnh nhân biết cách giận dữ bằng trò chơi
đóng kịch (Role play). Thầy thuốc và bệnh nhân, bệnh nhân và bệnh nhân
đóng những vai kịch ngắn lấy sự việc từ cuộc sống của bệnh nhân. Đó là
những sự việc đã khiến bệnh nhân biểu hiện sự thiếu khẳng định bản thân.
Bệnh nhân đóng một vai trong trò chơi đóng kịch và thầy thuốc khêu gợi,
luyện tập cho bệnh nhân biết phản ứng giận dữ chứ không phản ứng lo âu,
mặc cảm, tự ti.

- Sự dễ chịu và thư giãn:

Wolpe cho rằng một số lớn cảm xúc mang tính dễ chịu có thể cạnh
tranh với cảm xúc lo âu. Vì vậy phương pháp là tạo cảm xúc dễ chịu từ những
hình ảnh, mùi vị, âm thanh (đặc biệt là âm nhạc) và lời nói.

Sự thư giãn cũng có khả năng ức chế lo âu. Nguyên lý là, không thể có
khả năng cả hai trạng thái thư giãn và lo âu xảy ra ở cùng một thời gian. Vì
vậy bệnh nhân được luyện tập thư giãn để giải quyết chứng lo âu và ám ảnh
sợ.

Phương pháp thực hành tiêu cực

Kỹ thuật này sử dụng nguyên lý điều kiện kinh điển của Pavlov: một thói
quen, tức là một phản xạ có điều kiện, nếu diễn ra nhiều lần liên tiếp mà
không được củng cố sẽ dần dần bị dập tắt. Tác giả Dunlop (1932) đã dựa vao
nguyên lý này để đề ra phương pháp thực hành tiêu cực. Thí dụ, một bệnh
nhân có một hành vi không thích hợp, không mong muốn nào đó, ta cứ để
cho bệnh nhân thực hiện hành vi đó nhưng không tỏ ra hoan nghênh, tán
thưởng, cũng không cấm đoán. Như vậy, hành vi đó của bệnh nhân không
được củng cố nên dần dần sẽ mất đi. Điều lưu ý ở đây là, nếu ta có hành
động cấm đoán không cho bệnh nhân thực hiện hành vi nêu trên sẽ có ý
nghĩa là một sự củng cố cho hành vi đó. Kỹ thuật này là để cho bệnh nhân
tiếp tục hành vi tiêu cực để chữa bệnh, nên gọi là thực hành tiêu cực.

Phương pháp giải cảm ứng có hệ thống

Phương pháp giải cảm ứng có hệ thống (Systematic Desensitisation)


được phát triển đầu tiên do Wolpe (1950), dựa trên nguyên lý phản xạ có điều
kiện, và cũng được coi là một thể của sự dập tắt. Kỹ thuật dập tắt các đáp
ứng sợ hãi bằng cách tái thực hiện kích thích sợ hãi, nhưng lúc này cặp đôi
với kích thích sinh ra dễ chịu, ở đây Wolpe dùng trạng thái thư giãn để gây
kích thích dễ chịu.

Kỹ thuật gồm bốn phần:

Bước 1: Bệnh nhân luyện tập các bài thư giãn cho đến khi thành công.

Bước 2: Thầy thuốc xây dựng hệ thống bậc thang những tình huống
khơi gợi sự lo âu trên bệnh nhân, sắp xếp các chủ đề lo sợ theo thứ tự bậc
thang mức độ gây lo âu đối với bệnh nhân.

Bước 3: Lập thang đánh giá lo âu chủ quan theo bệnh nhân.

Bước 4: Tiến hành giải cảm ứng. Bệnh nhân vào trạng thái thư giãn.
Trong khi thư giãn, gợi cho bệnh nhân hình dung cảnh khơi gợi lo âu từ bậc
thấp nhất, tưởng tượng trong 5 giây. Ngừng tưởng tượng và sau đó lặp lại
tưởng tượng 3 đến 4 lần, đến khi đáp ứng lo âu giảm đến mức 0. Quá trình
giải lo âu cứ lần lượt tới bậc lo âu cao hơn, cho đến hết bậc lo âu cao nhất.

Có thể thực hiện giải cảm ứng có hiệu quả hơn trong cuộc sống thực
(invivo). Đưa bệnh nhân vào hoàn cảnh cuộc sống thực tế gây lo âu. Đồng
thời thầy thuốc hướng dẫn bệnh nhân thư giãn ức chế lo âu bằng thở sâu,
thở đều. Khi mất cảm giác khó thở sẽ ức chế lo âu. Bệnh nhân tiếp xúc dần
dần với hoàn cảnh gây sợ, từ đó sẽ giảm dần và mất cảm giác sợ.

Phương pháp ngập lụt

Phương pháp ngập lụt (Immersion or Flooding), cũng giống như giải
cảm ứng có hệ thống với nguyên lý dập tắt phản xạ có điều kiện. Tuy nhiên kỹ
thuật ở đây lại làm ngược lại, không giải nhạy cảm theo từng nấc thang bậc
mức độ lo âu mà đưa bệnh nhân vào đối diện trực tiếp với tình huống gây lo
sợ nhất, kích thích căng thẳng nhất, mà lại đưa đến kết cục tốt, mất lo âu.
Bệnh nhân hình dung tình huống căng thẳng nhất, hoặc trực tiếp đối mặt với
tình huống trong cuộc sống. Nói chung phương pháp này ít dùng hơn vì gây
căng thẳng cho bệnh nhân.

Liệu pháp ác cảm

Liệu pháp ác cảm (Aversion Therapy) sử dụng tiến trình phản điều kiện
bằng cách học tập điều gớm ghét, không ưa thích, tức là cặp đôi các kích
thích hấp dẫn bệnh nhân với những kích thích ác cảm mạnh mẽ. Thí dụ, để
chữa chứng nghiện rượu, cho người nghiện uống thuốc gây nôn, ói khi uống
rượu vào. Tác dụng của thuốc gây ra sự không thú vị, nhưng cũng không gây
nguy hiểm cho bệnh nhân. Theo cơ chế phản xạ có điều kiện, những kích
thích gớm ghét sẽ thay thế kích thích trước đây đã gây nên lạm dụng rượu, ở
chừng mực nào đó, phương pháp này gắn với cơ chế trừng phạt, như dùng
phương pháp sốc điện với mục đích sử dụng cơ chế trừng phạt. Việc sử dụng
liệu pháp ác cảm đã được quản lý bởi luật pháp cũng như y đức, nó được sử
dụng hết sức thận trọng và hạn chế.

Phương pháp theo nguyên tắc Premact

Nguyên tắc Premact là: “Những hành vi nào có xác suất xuất hiện cao
sẽ có tác động mạnh hơn những hành vi có xác suất xuất hiện thấp”. Vậy ở
người nào đó cần điều chỉnh hành vi, ta cần tìm hành vi nào có xác suất xuất
hiện cao nhất để lấn át hành vi bệnh lý, không phù hợp hoặc khuyến khích
hành vi có ích. Hành vi có xác suất xuất hiện cao lúc này trở thành phần
thưởng để củng cố hành vi theo nguyên lý điều kiện thực thi của Skinner.

Thí dụ ứng dụng, với đứa trẻ ưa đi chơi đá bóng hơn là phải ngồi làm
bài tập, ta nói: “làm xong bài tập sẽ được đi chơi đá bóng”. Với đứa trẻ có tật
loạn thị nhưng không chịu đeo kính, trước hết cho nó đeo gọng kính mà
không có mắt kính, tức là biến kính chữa bệnh thành đồ chơi sẽ có xác suất
xuất hiện cao ở trẻ. Trẻ chấp nhận đeo gọng kính như một trò chơi, sau đó
mới lắp mắt kính vào gọng kính.

Chương trình thưởng quy đổi

Chương trình thưởng quy đổi (Token Economy Programmes) dùng


phần thưởng để khuyến khích hành vi tốt. Mỗi khi có hành vi tốt, bệnh nhân
được phát một cái phiếu. Phiếu này có thể quy đổi lấy một số hàng hóa có giá
trị kinh tế ở nhà hàng, căng tin…

Các nhà liệu pháp âm nhậc trong liệu pháp hành vi quan tâm đến sử
dụng các kích thích âm nhạc để tác động đến thay đổi hành vi. Thí dụ, họ có
thể sử dụng kỹ thuật phân tích hành vi ứng dụng theo điều kiện thực thi để
thiết kế chương trình điều trị cho cá nhân và đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân.
Phân tích hành vi ứng dụng liên quan đến việc quan sát, nhận biết hành vi
đích, thiết lập ranh giới, xác định các chiến lược cho thay đổi, thực hành các
chiến lược, ghi nhận và đánh giá thay đổi hành vi của bệnh nhân.

Các hành động công khai và hành vi ngấm ngầm (như nhận thức, cảm
xúc,…) có thể được bộc lộ, được kiểm tra và thay đổi thông qua liệu pháp âm
nhạc. Thí dụ, được chơi nhạc cụ có thể được coi như phần thưởng để cải
thiện hành vi của bệnh nhân. Bên cạnh đó, nếu bệnh nhân đã biết chơi nhạc
thì đây là cơ hội để phát triển hoặc tập luyện âm nhạc và cải thiện kỹ năng âm
nhạc hiện có. Nhà trị liệu có thể sử dụng nguyên lý củng cố để tăng hành vi
mong muốn bằng kỹ thuật cả âm nhạc và không âm nhạc.
TIẾP CẬN NHẬN THỨC

Trong những liệu pháp hành vi, người ta sử dụng nguyên lý điều kiện
để làm thay đổi hành vi. Trái lại, những lý thuyết nhận thức cho rằng rất nhiều
hành vi bị ảnh hưởng quyết định bởi tiến trình suy nghĩ. Như vậy, nếu chúng
ta tác động làm thay đổi suy nghĩ và niềm tin của con người thì có thể làm
thay đổi hành vi của họ.

Giả thuyết nền tảng của liệu pháp nhận thức là: những mô hình hành vi
bất thường và những cảm xúc đau buồn xuất hiện khi người ta nghĩ gì (nội
dung nhận thức) và nghĩ như thế nào (tiến trình nhận thức). Có một số kiểu
mẫu bệnh nhân lệch lạc nhận thức tiêu biểu như sau:

- Tư duy lưỡng phân (Dichotomous Thinking): đó là kiểu tư duy cực


đoan theo quy luật “tất cả hoặc không”, “trắng hoặc đen”. Thực tế cuộc sống
không phải đều tuân theo quy luật này. Tư duy này hay gặp trong rối loạn
nhân cách ranh giới và rối loạn ám ảnh cưỡng bức.

- Đọc suy nghĩ (Mind Reading): những ngưòi bệnh này thường suy
đoán về ý nghĩ của người khác liên quan đến mình, như: “Họ có thể suy nghĩ
rằng tôi là người bất tài”, “Tôi biết rằng họ sẽ không chấp nhận”. Kiểu suy
nghĩ này thường gặp trong rối loạn nhân cách né tránh và hoang tưởng.

- Lý luận có tính cảm xúc (Emotional Reasoning): người bệnh thường


suy nghĩ: “Bởi vì tôi thấy mình yếu kém cho nên tôi yếu kém” hoặc “Bởi vì tôi
thấy không thoải mái nên thế giới này là nguy hiểm” hoặc “Bởi vì tôi cảm thấy
bực bội nên chắc chắn là có điều gì đó không đúng”. Suy nghĩ lệch lạc này
thường gặp ở rối loạn lo âu và hoảng sợ.

- Cá nhân hóa (Personalization): đây cũng là những suy nghĩ cực đoan
luôn liên hệ đến bản thân mình, như: “Lời bình luận đó không phải là tình cờ,
tôi biết nó đang hướng về tôi”, “Các vấn đề luôn luôn xuất hiện khi tôi vội vã”.
Những suy nghĩ này hay gặp ở rối loạn nhân cách né tránh hoặc hoang
tưỏng.
- Bi thảm hóa (Catastrophizing): những suy nghĩ như: “Nếu tôi đến dự
tiệc sẽ có nhiều hậu quả khủng khiếp”, “Tốt hơn là tôi không nên thử bởi vì tôi
có thể thất bại, và điều đó là rất khủng khiếp”, “Tim tôi đập nhanh hơn, có thể
sẽ xảy ra cơn đau tim”. Những suy nghĩ dạng này thường xảy ra ở những
người rối loạn lo âu, ám ảnh sợ xã hội và cơn hoảng loạn (panic).

- Thường sử dụng các từ “nên” “should” statement): đó là những suy


nghĩ như: “Tôi nên thăm gia đình tôi mỗi khi họ muốn như thế, “Họ nên làm
điều tôi nói bởi vì điều đó là đúng”. Suy nghĩ này thường xảy ra ở những bệnh
nhân rối loạn ám ảnh cưỡng bức và hoang tưởng tự tội.

- Tổng quát hóa quá mức (Overgeneralization): những ý nghĩ tổng quát
hóa như: “Mọi việc tôi làm đều trở nên sai lầm”, “Bất cứ vấn đề gì tôi chọn
lựa, chúng tôi luôn thất bại”. Suy nghĩ này thường gặp trong trầm cảm.

- Sự trừu tượng chọn lọc (Selective Abstraction): những suy nghĩ rất
phiến diện và cực đoan như: “Phần thông tin còn lại là hiển nhiên, không có gì
đáng bàn”, “Tôi đã tập trung vào những chi tiết tiêu cực, những điều tích cực
xảy ra không đáng kể”.

Liệu pháp nhận thức tập trung vào các kiểu khác nhau của việc cơ cấu
và sắp xếp lại nhận thức. Có một số mô hình nhận thức được sử dụng trong
điều trị bệnh nhân rối loạn tâm thần. Mỗi mô hình đều đi vào tìm hiểu những
rối loạn bệnh lý xuất phát từ suy nghĩ sai lệch của bệnh nhân về bản thân
mình và về thế giới. Mô hình đầu tiên là Liệu pháp hành vi cảm xúc hơp lý của
Albert Ellis. Các mô hình khác là Liệu pháp hành vi hợp lý của Maultsby, Liệu
pháp nhận thức của Beck, Liệu pháp thực tại của Glasser và phân tích thực
hiện của Berne,… tất cả đều có cơ sở là tiếp cận nhận thức. Các mô hình đều
nhấn mạnh tầm quan trọng của tiến trình nhận thức, coi đó là yếu tố quyết
định của cảm nhận (cảm xúc) và hành vi. Tuy nhiên, có thể khái quát hai loại
liệu pháp nhận thức nổi bật:

Thay đổi hành vi nhận thức


Có giả định rằng, nếu chúng ta tự nhủ chúng ta có thể là cái gì đó thì
chính chúng ta sẽ là cái đó; nếu chúng ta tin rằng chúng ta phải làm điều gì đó
thì chúng ta sẽ bị niềm tin đó hướng dẫn hành động. Giả định này khởi nguồn
cho tiến trình thay đổi hành vi nhận thức.

- Trước hết là thay đổi suy nghĩ. Muốn thay đổi một hành vi không thích
ứng, phải thay đổi những điều tự tuyên bố có tính chất âm tính của bệnh nhân
bằng những tuyên bố thích hợp, có tính đương đầu, xây dựng hơn. Thí dụ, lời
tự tuyên bố âm tính như: “Tôi quá buồn tẻ trong cuộc liên hoan nên có lẽ sẽ
chẳng bao giờ được mời nữa” phải được thay bằng nhận xét có tính xây
dựng hơn như: “Lần sau, để hứng thú hơn, tôi sẽ cố gắng cởi mở hơn và tích
cực hơn như nói nhiều những câu chuyện vui để đáp ứng với những câu
chuyện của những người khác”. Một khi cả nhà trị liệu và thân chủ đều hiểu
kiểu suy nghĩ đang dẫn đến những hành vi không có lợi, họ có thể phát triển
những tuyên bố mới có tính xây dựng và giảm đến tối thiểu những tuyên bố
có tính tự thất bại.

- Thứ hai là thay đổi niềm tin sai lầm. Niềm tin sai lầm có thể dựa trên
ba yếu tố nhận thức không lành mạnh:

+ Quan điểm không hợp lý: nguyên nhân của các vấn đề là do quan
điểm phi lý hoặc cực đoan như: “Nếu mục tiêu là để trở thành sinh viên tốt thì
mắc sai lầm là điều không thể chấp nhận được với tất cả mọi người”, hoặc
“Để hấp dẫn những người bạn lãng mạn, tôi phải là người hoàn thiện về cơ
thể và hoàn toàn không ích kỷ”…

+ Những giả thuyết sai lầm: “Nếu tôi đồng ý làm mọi điều mà những
bạn tôi đề nghị làm thì tôi sẽ được nhiều người ưa chuộng” “Nếu tôi không
bao giờ kêu ca phàn nàn và luôn luôn làm việc của mình, chắc chắn sếp sẽ
khen thưởng và đề bạt” “Nếu tôi từ chối quan hệ giới tính với bạn trai, anh ta
sẽ không yêu tôi nữa, và tôi sẽ không bao giờ tìm được ai khác”…

+ Những luật lệ cứng nhắc: những luật lệ cứng nhắc sẽ đặt hành vi vào
trạng thái tự động làm. Thí dụ: “Tôi phải tuyệt đối tuân lệnh những nhà chức
trách”.
Liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý

Lý thuyết dựa trên giả định rằng loài người sinh ra với tiềm năng cả về
suy nghĩ tự xây dựng hợp lý lẫn suy nghĩ tự hủy hoại phi lý. Thêm vào đó,
những cảm xúc thường bắt nguồn từ niềm tin vào tình trạng cuộc sống, sự
đánh giá và giải thích về cuộc sống và phản ứng với cuộc sống. Nói một cách
chuyên biệt hơn, một sự kiện hoạt hóa - gọi là A (Activating Event) sẽ gây ra
hậu quả là một cảm xúc được tích lại - gọi là C (Consequence), và các cảm
xúc này được dàn xếp bởi hệ thống niềm tin của bệnh nhân - gọi là B (Belief
System). Thí dụ:

- Một bệnh nhân được chẩn đoán là rối loạn lo âu: A

- Bệnh nhân sẽ tin rằng do bị bệnh, bệnh nhân sẽ không bao giò có khả
năng để làm việc được: B

- Điều này (niềm tin sai) có thể đưa tới cảm xúc lo âu thêm và có thể là
trầm cảm: C

- Việc tranh luận, cân nhắc về niềm tin phi lý này là điểm mấu chốt của
can thiệp điều trị: D (Debating).

- Đưa đến hiệu quả mới là cực điểm của tiến trình trị liệu: E (New
Effect).

(Mô hình phân tích trên, tình cờ theo tiếng Anh lại trở thành dãy chữ cái
A, B, C, D, E để dễ nhớ).

Như vậy, sự giải thích của một cá nhân về những điều mình trải nghiệm
có thể gây ra các rối loạn bệnh lý. Do đó liệu pháp hành vi nhận thức hướng
tới sự thay thế hay biến đổi các cách thức suy nghĩ và hệ thống niềm tin
không hợp lý. Cách thức suy nghĩ và hệ thống niềm tin không hợp lý này đã
tác động tới sự giải thích của cá nhân bệnh nhân về thế giới và kết quả là tạo
ra hành vi không hợp lý của họ trong thế giới đó.

Dựa trên các phương pháp điều trị nhận thức, các nhà liệu pháp âm
nhạc đã sáng tạo ra các kỹ thuật như: trải nghiệm nghe âm nhạc có hướng
dẫn. Khi nghe âm nhạc có hướng dẫn, bệnh nhân có thể bàn luận về nội dung
lời ca, sắc thái âm nhạc và liên hệ với trải nghiệm quá khứ liên quan đến
những xung đột của bệnh nhân. Nhà trị liệu có thể soạn những bài hát chống
lại những suy nghĩ phi lý và khuyến khích suy nghĩ hợp lý. Bệnh nhân cũng có
cơ hội học tập những đáp ứng mới khi những phản ứng cảm xúc được củng
cố bởi sự nhắc lại những lời trữ tình của bài hát. Lời trữ tình còn có thể có tác
động đến hành động thực tế, logic cảm xúc và cơ thể bệnh nhân.

Đối với nghe nhạc không lời, âm nhạc khiến bệnh nhân tăng cường sự
tưởng tượng. Những hình tượng của bệnh nhân là đại diện của tiến trình
nhận thức có thể là sự nhận thức méo mó, sai lệch. Nhà trị liệu nhận biết điều
sai lệch này và lấy đó là chủ đề để giúp bệnh nhân thay đổi nhận thức đó.

TIẾP CẬN ĐỘNG LỰC TÂM THẦN

Tiếp cận điều trị động lực tâm thần (Psychodynamic) dựa trên sự xây
dựng lý thuyết phát triển và cải tiến của Sigmund Freud trong suốt một phần
tư đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên ngày nay nhiều quan điểm hiện đại về tiếp cận
này dựa vào các tác phẩm và công việc của Freud, Alfred Adler, Carl Jung,
Erik Erikson và các tác giả khác. Các chức năng tâm thần của một cá nhân
thuộc về các mức độ nhận thức khác nhau, bao gồm vô thức, tiền ý thức và ý
thức.

LÝ THUYẾT PHÂN TÂM HỌC

Khái niệm

Sigmund Freud là người sáng lập ra Phân tâm học (Psychoanalysis) và


cũng đồng thời là nhà thực hành phân tâm. Liệu pháp phân tâm liên quan đến
sự khám phá sâu sắc, kéo dài về những động cơ thúc đẩy và những xung đột
trong vô thức bệnh nhân. Những xung đột cảm xúc không được giải quyết, đó
là xung đột giữa những bản năng của cá nhân với những trải nghiệm sớm
của cá nhân đó. Các yếu tố xung đột này xảy ra trong suốt thời gian phát triển
thời thơ ấu và được cư trú trong vô thức và Freud cho nó là nguồn gốc của
nhân cách không bình thường. Từ đó xác định việc tái xây dựng cấu trúc
nhân cách là cần thiết cho sức khỏe. Vì mục tiêu trọng tâm của nhà trị liệu là
hướng dẫn cho bệnh nhân hướng về việc nhận thức sâu sắc giữa những triệu
chứng hiện tại và nguồn gốc quá khứ nên liệu pháp động lực tâm thần luôn
được gọi là liệu pháp thấu hiểu. Nhiệm vụ của nhà trị liệu là giúp bệnh nhân
đưa những suy nghĩ bị kiềm chế từ vô thức về ý thức và khi bệnh nhân giải
tỏa được sự kiềm chế được thiết lập từ thời trẻ, bệnh nhân sẽ hồi phục.
Những khái niệm quan trọng trong liệu pháp phân tâm bao gồm lý thuyết về
cấu trúc nhân cách, tiềm thức, sự lo âu, chức năng của cơ chế phòng vệ ý
thức, và tập trung vào những sự kiện xảy ra trong quá khứ để dòng câu
chuyện ăn nhập với vấn đề đang xảy ra ở hiện tại.

Cấu trúc nhân cách

Freud mô tả cá nhân có ba hệ thống của nhân cách, trong đó tất cả


năng lượng tinh thần được phân phối và chúng phát triển đầy đủ vào lúc 5
tuổi. Cấu trúc nhân cách bao gồm:

- Cái, ấy (id): Hệ thống này chứa đựng bản năng với hai bản năng quan
trọng nhất là tính dục (sex) và hung tính (aggression). Bản năng thuộc về vô
thức, vận hành theo nguyên tắc khoái lạc và hướng cơ thể tới việc đáp ứng
nhu cầu có tính bản năng mà không để ý đến những nguyên tắc và chuẩn
mực xã hội. Cái ấy chứa năng lượng dục tính mà Freud gọi là libido.

- Cái tôi (ego): hệ thống được phát triển sau sinh, là thực tế về thế giới
mà đứa trẻ phải đương đầu. Chức năng của Cái tôi là thực hiện sự kiểm soát
bản thân và hiểu biết thế giới bên ngoài. Cái tôi đảm nhận việc điều hòa giữa
cái ấy và thế giới bên ngoài. Do vậy, nó bị điều khiển bởi nguyên tắc hiện
thực, vừa cố gắng liên hệ với thế giới một cách hợp lý và có lý trí, lại vừa nỗ
lực kiềm chế Cái ấy. Có nghĩa là Cái tôi luôn cố gắng kìm giữ việc tiêu hao
năng lượng tâm trí cho đến khi xác định được đối tượng bên ngoài thích hợp
để thỏa mãn các nhu cầu cá nhân. Quá trình trẻ em lớn lên,sự phát triển dần
dần của Cái tôi sẽ làm thay đổi dần hành vi của đứa trẻ. Cái tôi sau đó sẽ trở
nên là thành phần chủ đạo của nhân cách con người.
- Cái siêu tôi (Superego): hệ thống bao gồm ý thức và nguyên tắc đạo
đức của cá nhân. Ngay từ giai đoạn phát triển đầu đời, trẻ đã nhận ra rằng
những biểu hiện từ xung năng của chúng sẽ không được chấp nhận ngay cả
ở cha mẹ chúng. Cha mẹ hành xử như người giữ gìn kỷ cương, thông qua
thưởng phạt với nhiều mức độ khác nhau khiến trẻ dần nhận ra những hành
vi nào của nó sẽ được hay không được chấp nhận. Những giá trị tập quán mà
trẻ nhận ra được từ cha mẹ cũng chính là giá trị truyền thống và tập quán mà
cả xã hội chấp nhận.

Cái siêu tôi là một dạng thức kiểm soát từ bên trong mỗi cá nhân, được
tạo nên bởi hai thành phần là “Lương tâm” (Conscience) và “Cái tôi lý tưởng”
(Ego-ideal). Lương tâm thể hiện những điều mà một con người tin rằng mình
không nên làm và Cái tôi lý tưởng thể hiện những điều mà một con người
muốn thực hiện. Các thành phần của Cái siêu tôi thường xảy ra xung đột với
các xung năng của Cái ấy. Nó kiểm soát các xung năng đó để con người thể
hiện những hành vi được xã hội chấp nhận và nó luôn hướng con người đến
sự hoàn hảo. Sự kiểm soát này chủ yếu xảy ra trong phần vô thức của tâm trí
mà chính cá nhân mỗi người không thể nhận biết được.

Theo quan niệm động lực học, ba hệ thống nêu trên như những lực
vừa thúc đẩy, vừa kiềm chế lẫn nhau. Cái tôi không những phải đáp ứng với
thế giới bên ngoài mà còn phải làm trung gian hòa giải, quân bình giữa hai
cực đối lập giữa Cái ấy và Cái tôi lý tưởng.

Theo Freud, sự phát triển nhân cách bao gồm những cơ chế phòng vệ
khác nhau và cách thức mà con người sử dụng những cơ chế phòng vệ đó
phần lớn phụ thuộc vào Quá trình phát triển tâm lý - tính dục của người ấy.
Phần lớn quá trình phát triển này xảy ra trong năm năm đầu đời. Tiếp theo đó
là khoảng thời gian sáu năm có diễn biến tương đối tĩnh lặng, gọi là thời kỳ
tiềm ẩn. Bước sang tuổi thiếu niên, quá trình này mạnh mẽ trở lại. Freud còn
đưa thêm một giả thuyết quan trọng, đó là ở mỗi giai đoạn của sự phát triển
sẽ có một vùng nhất định trên cơ thể con người đóng vai trò nổi trội như một
nguồn gây khoái cảm. Trong sự phát triển bình thường, giống nhau ở tất cả
mọi người, thì mỗi người đều trải qua diễn biến trình tự, hết giai đoạn nổi trội
của một khu vực cơ thể này sẽ được nối tiếp bằng giai đoạn nổi trội của một
vùng cơ thể khác. Freud cũng cho rằng, sự thất bại trong việc hoàn tất trình
tự phát triển này sẽ dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng của nhân cách. Các giai
đoạn phát triển theo Freud như sau:

Các giai đoạn phát triển

- Giai đoạn miệng

Freud cho rằng khi một đứa trẻ làm động tác bú, nó không phải chỉ để
nhận lấy thực phẩm mà còn là do việc bú có thể tạo nên những cảm giác
khoan khoái. Giai đoạn này kéo dài suốt một năm đầu đời, trong đó mối quan
hệ mẹ - con có vai trò cực kỳ quan trọng. Khi đứa trẻ đồng nhất hóa với người
mẹ, nó sẽ chuyển dần từ trạng thái ái kỷ, tự yêu mình sang trạng thái có thể
yêu thương người khác. Có một mối nguy cơ trong giai đoạn này: nếu mối
quan hệ giữa trẻ và mẹ quá thuận lợi, trẻ sẽ trở nên lệ thuộc thái quá vào mẹ
và sẽ “cắm chốt” ở giai đoạn này, dẫn đến việc hình thành một nhân cách lệ
thuộc ở tuổi trưởng thành. Ngược lại, khi tương tác mẹ - con được trẻ trải
nghiệm với nhiều nỗi lo âu, trẻ có thể cảm thấy không an toàn. Trải nghiệm
bất an này có thể tiếp tục cho đến tuổi trưởng thành.

- Giai đoạn hậu môn

Trong năm thứ hai của cuộc sống, nguồn gốc phát sinh các khoái cảm
được chuyển từ vùng miệng sang khu vực hậu môn. Trong giai đoạn này,
cách thức mà người lớn tập cho trẻ đi vệ sinh đóng vai trò hết sức quan trọng.
Nếu đứa trẻ ỏ giai đoạn này được xử lý vấn đề vệ sinh một cách rất nghiêm
khắc, nó sẽ phát triển một loại nhân cách có tính kiềm chế cao. Một người lớn
có tính cách rất thô lỗ, ngoan cố hoặc keo kiệt, được xem là bị cắm chốt ở
giai đoạn hậu môn. Trong giai đoạn hậu môn, đứa trẻ sẽ thực hiện những cố
gắng đầu tiên trong việc kiểm soát bản thân và kiểm soát người khác.

- Giai đoạn cơ quan sinh dục


Khoảng thời gian từ 3 đến 5-6 tuổi là giai đoạn cơ quan sinh dục. Đây là
giai đoạn thường hay phát sinh các hành vi kém thích nghi cho trẻ ở các giai
đoạn sau của cuộc đời. Trong giai đoạn này, trẻ cảm nhận các khoái cảm chủ
yếu thông qua việc tự kích thích các cơ quan sinh dục. Khi tầm quan trọng
của cơ quan sinh dục càng gia tăng, một số quá trình tâm lý sẽ xảy ra. Đó là
nỗi lo sợ bị thiến ở bé trai và nỗi khao khát muốn có dương vật ở bé gái, và
đặc biệt là sự hình thành mặc cảm Oedipe trong giai đoạn này.

Thực ra, có sự hình thành mặc cảm mà Freud gọi là mặc cảm Oedipe ở
các bé trai và mặc cảm Electra ỏ các bé gái. Mặc cảm Oedipe biểu hiện việc
đứa bé trai mong muốn chiếm hữu người mẹ và loại bỏ vai trò của người bố.
Mặc cảm Electra biểu hiện mong muốn của bé gái muốn chiếm hữu bố và loại
bỏ vai trò của người mẹ. Những mối quan hệ này không thể hoàn tất theo
cách thức như mong muốn, nên giải pháp cuối cùng cho các mối xung đột sẽ
có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển nhân cách sau này của đứa trẻ.
Tiếp theo sau đó, trẻ phải từ bỏ đối tượng, tức là người bố hoặc người mẹ
khác giới, để đồng nhất hóa với người bố hoặc người mẹ cùng giới, để khi
lớn lên có thể hướng sự khích lệ giới tính sang những đối tượng khác giới
bên ngoài xã hội. Đặc biệt, Freud cho rằng, thái độ sau này của một con
người đối với những người khác giới và đối với những người có quyền lực
trong xã hội được xác định chủ yếu bởi việc ngưòi đó có thành công trong
việc giải tỏa mặc cảm Oedipe trong giai đoạn này hay không. Việc giải tỏa
mặc cảm Oedipe sẽ được thực hiện thông qua việc đứa trẻ đồng nhất hóa
bản thân mình với người bố hoặc người mẹ cùng giới tính, và sau đó trẻ sẽ
tái định hướng cho việc đầu tư năng lượng libido thông qua các quá trình hợp
nhất và thăng hoa.

- Giai đoạn tiềm ẩn

Theo quan điểm của Freud, từ cuối năm thứ 5 hoặc 6 trở đi đến trước
tuổi dậy thì, đứa trẻ sẽ ở trong giai tiềm ẩn. Đây là giai đoạn mà trẻ dành
phần lớn thời gian để phát triển các kỹ năng mà không còn mang sắc thái về
tính dục nữa.
- Giai đoạn sinh dục

Trong giai đoạn cơ quan sinh dục nêu trên, tình yêu của trẻ mang nét
đặc trưng của tính ái kỷ (tự yêu mình), ở giai đoạn sinh dục này, sự ái kỷ
được chuyển đổi thành yêu người khác. Khi bắt đầu tuổi dậy thì, trẻ bước vào
giai đoạn đạt đến sự hình thành những hành vi tình dục bình thường có tính
trưởng thành đối với người khác giới. Cá nhân trẻ sẽ chuyển dần từ một
người có tính ái kỷ trở thành một con người trưởng thành có tính xã hội.
Trong giai đoạn này, một cá nhân bình thường sẽ không đi tìm khoái cảm từ
những khu vực trên cơ thể mình như miệng, hậu môn, hoặc thông qua sự tự
kích thích nữa. Người mới lớn này cũng không còn chịu ảnh hưởng của nỗi lo
sợ bị thiến hoặc chưa giải quyết xong mặc cảm Oedipe. Thay vào đó, những
niềm vui lớn lao có thể sẽ đến từ những mối quan hệ với những ngươi trưởng
thành khác giới sau này.

Các cơ chế phòng vệ

Quá trình trẻ lớn lên sẽ chịu sức ép của xung năng nguyên bản khởi
nguồn từ Cái ấy. Nhưng trẻ sẽ phát hiện ra rằng việc biểu lộ các xung năng
này không được cha mẹ chấp nhận. Cuối cùng trẻ phải tiếp thu quy tắc hành
vi của cha mẹ theo khuôn khổ của Cái siêu tôi. Tuy nhiên, vì là bản năng nên
những xung năng từ Cái ấy tiếp tục tồn tại và bị dồn nén trong cơ thể. Vì lo
lắng về sự phản ứng lại của cha mẹ đối với việc biêu hiện các xung năng này,
trẻ có thể có những nỗi sợ hãi về “sự hủy diệt, sự hắt hủi, sự bỏ rơi, sự cô
lập, sự nhấn chìm, mặc cảm bị thiến, bị mất kiểm soát bản thân, mặc cảm tự
ti và thấy mình sút kém…”. Để chế ngự những mặc cảm này, trẻ em và người
lớn tạo ra các Cơ chế phòng vệ (Defense Mechanisms). Những phản ứng
phòng vệ có thể là lành mạnh như chuyển tập trung tâm trí sang một hoạt
động khác để chế ngự ham muốn của mình. Nhưng nếu cơ chế phòng vệ trở
thành thái quá là điều không bình thường nữa.

Nhìn chung, các cơ chế phòng vệ được phát triển để giúp cá nhân có
thể đương đầu với những mối đe dọa đến từ cả bên trong lẫn bên ngoài, và
đa phần chúng xảy ra ở tầng vô thức:
- Đồng nhất hóa (Identification): đó là một tiến trình xảy ra khi Cái tôi và
Cái siêu tôi phát triển, và tiến trình này kéo dài sang các giai đoạn về sau của
cuộc sống. Một con người khi cố gắng đạt đến một mục đích nào đó sẽ hội
nhập các đặc trưng, tính cách của người khác vào trong cấu trúc nhân cách
của mình. Hầu hết, công việc này xảy ra trong tầng vô thức và theo phương
thức thử - và - sai. Nếu một hành vi nào đó được một cá nhân thực hiện mà
giúp làm giảm bớt áp lực căng thẳng, người ấy sẽ có khuynh hướng duy trì
hành vi đó. Ngược lại, nếu hành vi mới được thực hiện không giúp làm giảm
áp lực căng thẳng, người ấy sẽ không thực hiện hành vi đó nữa. Mặc dù cha
mẹ là những người đầu tiên và quan trọng nhất để mỗi người thực hiện việc
đồng nhất hóa, song nhân cách con người vẫn là kết quả của những tiến trình
đồng nhất hóa từ vô số người khác được thực hiện trong suốt quá trình phát
triển của con người.

- Chuyển vị (Displacement): một đặc trưng rất độc đáo của loài người là
khả năng chuyển đổi sự đầu tư năng lượng tâm trí từ một đối tượng này sang
một đôl tượng khác. Nếu một đối tượng trước đây có tác dụng làm giảm căng
thẳng nhưng nay không còn hoặc đã mất đi một phần tác dụng, sẽ có khả
năng xuất hiện một đối tượng khác để thay thế. Sự phát triển của nhân cách
con người tuỳ thuộc phần lớn vào quá trình chuyển vị năng lượng và sự thay
thế đối tượng. Cá nhân con người luôn tìm kiếm những phương thức mới và
tốt hơn để làm giảm căng thẳng. Chuyển vị là lý do của những nỗ lực thường
xuyên của con người và tạo khả năng có thể thay đổi những hành vi của
chúng ta.

Freud cho rằng hình thức có ý nghĩa nhất của sự chuyển vị trong quá
trình phát triển của nền văn minh chính là sự thăng hoa (sublimation). Thăng
hoa là quá trình trong đó một cá nhân thay đổi cách thể hiện những xung
năng có tính nguyên sơ thành những hành vi có thể được xã hội chấp nhận.
Sự thăng hoa sẽ “tạo kênh dẫn” cho các năng lượng dục tính và hung tính đi
theo các mục đích có tính chất thông thái hơn, nhân văn hơn, nghệ thuật hơn
và văn hóa hơn. Vì vậy, khi một con người trưởng thành, người đó có thể
chuyển vị đến các đối tượng sao cho không chỉ thỏa mãn các nhu cầu của
bản thân mà còn góp phần vào lợi ích chung của xã hội.

- Dồn nén (Repression): một trong những khái niệm mà Freud đã đề


xướng sớm nhất là sự dồn nén. Dồn nén là những cố gắng của tâm trí một
người dùng áp lực để đưa một xung năng gây lo âu vào tầng vô thức. Người
đó cố gắng xa rời xung năng này bằng cách từ chối thừa nhận sự hiện diện
của nó. Sự dồn nén là cần thiết trong sự phát triển nhân cách bình thường và
vẫn thường xảy ra với một chừng mực nào đó ở tất cả mọi người. Tuy nhiên,
ở một số người có thể bị lệ thuộc vào sự dồn nén vì đã sử dụng quá mức cơ
chế phòng vệ này. Điều đó có thể gây tai hại, thí dụ, một người đàn ông quá
lo sợ các xung năng dục tính đến mức trở nên mất chức năng quan hệ tình
dục. Đa số những người có sự dồn nén thái quá này có khuynh hướng rút lui
khỏỉ những sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài và nói chung có một nhân cách
căng thẳng và cứng nhắc.

- Phóng chiếu (Projection): thường ở con người, nếu sự lo âu xuất phát


từ nguồn gốc bên ngoài thì dễ giải quyết hơn sự lo âu gây nên từ các xung
năng của Cái ấy. Vì vậy, nếu một người có thể quy kết được nỗi lo âu của
mình là do một đối tượng bên ngoài gây ra thì người ấy sẽ cảm thấy dễ chịu
hơn. Cơ chế phòng vệ này được gọi là sự phóng chiếu. Quá trình phóng
chiếu bao gồm trước tiên là xác định một tính chất đặc trưng trong con người
mình, tiếp theo đó là quy kết tính chất đặc trưng đó cho một người khác.
Phóng chiếu là dạng phòng vệ rất hay gặp ở những người đang cố gắng gia
tăng lòng tự tôn (self-esteem) của họ. Người đó cố gắng làm cho bản thân
mình có vẻ tốt hơn, đồng thời khi đó lại cố gắng hạ thấp người khác.

- Tạo phản ứng ngược lại (Reaction Formation): khi có một xung năng
trỗi dậy, Cái tôi sẽ cố gắng giải quyết xung năng ấy bằng cách tập trung vào
một chiều hướng ngược lại. Thí dụ, một người cảm thấy ganh ghét một ai đó,
Cái tôi sẽ tìm cách giải quyết xung năng ganh ghét ấy bằng cách thể hiện ra
ngoài nhiều dấu hiệu của tình thương yêu đối với người đó.
- Cắm chốt (Fixation): sự phát triển nhân cách bình thường sẽ diễn ra
theo các giai đoạn đã được Freud mô tả chi tiết. Khi đứa trẻ chuyển từ giai
đoạn này sang giai đoạn sau thường xảy ra trạng thái lo âu, hụt hẫng. Nếu nỗi
lo âu quá lớn, sự phát triển tâm lý bình thường sẽ bị trì hoãn vì trẻ lo ngại
không dám đi tiếp sang giai đoạn sau. Trẻ không muốn rời bỏ khuôn mẫu
hành vi quen thuộc vốn đã tạo ra sự thỏa mãn cho bản thân mình, không
muốn chấp nhận hành vi mới. Đó là tình trạng cắm chốt.

- Thoái lui (Regression): khi trẻ phải đối mặt với một mối đe doạ nghiêm
trọng, trẻ không những xảy ra trạng thái cắm chốt như nêu trên mà thậm chí
còn quay trở lại giai đoạn phát triển đã vượt qua. Cơ chế phòng vệ này gọi là
sự thoái lui. Một trẻ nhỏ có thể quay trở lại thực hiện những hành vi của tuổi
nhũ nhi khi nó cảm thấy bị đe dọa sẽ mất đi tình yêu thương mà người khác
dành cho nó.

Ngoài ra, còn một số cơ chế phòng vệ khác như:

- Phủ nhận, bóp méo thực tế để từ chối những mối đe doạ.

- Hợp lý hóa, biện minh cho Cái tôi méo mó.

- Bù trừ, phóng đại các đặc điểm tích cực nào đó để cố gắng che dấu
những điểm yếu hơn.

Tóm lại, mô hình nhân cách của Freud là mô hình theo kiểu động lực
học, trong đó những mối tương tác thường xuyên giữa Cái ấy, Cái tôi và Cái
siêu tôi sẽ xác định cách thức phát triển của nhân cách. Nhân cách con người
phát triển là kết quả của hai yếu tố chính: (1) Sự trưởng thành đi qua các giai
đoạn phát triển tự nhiên và (2) Học cách khắc phục những lo âu, căng thẳng,
xung đột, hụt hẫng và các mối đe doạ bằng các cơ chế phòng vệ.

Freud cũng cho rằng những bất thường về nhân cách có thể do hai
nguyên nhân: (1) Tương quan động lực kém hiệu quả giữa Cái ấy, Cái tôi và
Cái siêu tôi và (2) Việc học tập diễn ra không đúng trong thời thơ ấu. Đó là kết
quả của những xung đột, dồn nén trong vô thức, những cơ chế phòng vệ thái
quá. Vì vậy, phân tâm học truyền thống là một quá trình tập trung lâu dài,
trong đó nhà trị liệu cố gắng đưa các vấn đề từ vô thức lên bình diện ý thức,
nghĩa là trợ giúp bệnh nhân hiểu những sức mạnh nội tâm, kiểm soát và điều
khiển hành vi của họ.

Các kỹ thuật điều trị phân tâm

Các kỹ thuật phân tâm được thực hiện chủ yếu là bằng lời nói như: liên
tưởng tự do, sự đồng cảm, phân tích sự chuyển dịch và phản chuyển dịch,
phân tích giấc mơ, phân tích sự chống đối,…

Kỹ thuật liên tưởng tư do có thể mô tả một cách đơn giản như sau:
bệnh nhân ngồi hoặc nằm trên ghế dài, cho phép thả tâm hồn tự do và nói về
những ý nghĩ, những ấn tượng, những ký ức và cảm nhận với các nhà phân
tâm đang chú ý nghe. Một câu nói này có thể dẫn đến câu nói khác, tư duy
của bệnh nhân dường như huyên thuyên, dông dài, nhưng sự liên tưởng tự
do này là những đầu mối quan trọng cho công việc tìm kiếm của nhà phân
tâm. Theo Freud, những liên tưởng tự do không phải là một sự ngẫu nhiên
mà là sự định trước. Nhà phân tâm phải truy tìm nguồn gốc của ý tưởng và
phân biệt những mô hình quan trọng nằm dưới bề mặt của những lời nói.
Bệnh nhân có thể bày tỏ một cách tự do những ham muốn vô thức và những
ký ức đau khổ do bị kìm nén. Điều này cho phép nhà trị liệu hiểu được những
mẫu hình của các mối quan hệ trong quá khứ và chúng đã định hướng sự
phát triển nhân cách của bệnh nhân ra sao.

Kỹ thuật phân tích sự chuyển dịch (transference) là như sau: trong quá
trình điều trị tích cực bằng phân tâm, bệnh nhân thường xuất hiện một phản
ứng cảm xúc hướng về nhà trị liệu. Nhà trị liệu thường bị bệnh nhân đồng
nhất hóa với một người mà người này trong quá khứ đã từng là trung tâm của
xung đột tâm lý của bệnh nhân - thường xuyên nhất là cha, mẹ hoặc người
thân yêu. Những phản ứng cảm xúc trước kia tập trung vào nhân vật quan
trọng nêu trên (cha, mẹ, người yêu,…) của bệnh nhân nay được gắn cho nhà
trị liệu. Nói cách khác, bệnh nhân đã chuyển những đặc điểm cá nhân của
những người quan trọng trong mối quan hệ với cá nhân mình trong quá khứ
lên nhà trị liệu. Điều này được gọi là sự chuyển dich. Nhà trị liệu phát hiện ra
điều này và giúp bệnh nhân giải thích những xúc cảm chuyển dịch hiện tại
bằng sự hiểu biết nguồn gốc nguyên thủy của các cảm xúc đó trong những
trải nghiệm trước đây.

Kỹ thuật phân tích giấc mơ, theo các nhà phân tâm học, giấc mơ là
nguồn thông tin quan trọng về động cơ thúc đẩy trong vô thức của bệnh nhân.
Khi người ta đang ngủ, Cái siêu tôi có lẽ trong trạng thái canh gác ít hơn để
chống lại những xung lực không thể chấp nhận bắt nguồn từ Cái ấy. Do đó,
động cơ không thể biểu hiện trong đời sống khi thức thì có thể biểu hiện trong
giấc mơ. Đặc biệt, một số động cơ rất không thể chấp nhận trong mặt bằng ý
thức, nó không thể được bộc lộ một cách cởi mở, thậm chí ngay cả trong giấc
mơ, nhưng nó có thể biểu hiện dưới dạng trá hình hoặc tượng trưng.

Kỹ thuật điều trị giải thích giấc mơ nhằm đạt được sự thấu hiểu những
hoạt động vô thức hoặc những xung đột của bệnh nhân, khám phá ra động
cơ nền tảng hoặc trá hình và những ý nghĩa tượng trưng của những trải
nghiệm hoặc khát khao to lớn trong đời sống bệnh nhân.

LIỆU PHÁP PHÂN TÍCH TÂM LÝ SAU FREUD

Trước hết phải nói đến Carl Gustav Jung, người đương thời với Freud
và đã chia sẻ nhiều ý tưởng với Freud. Ông cũng xây dựng lý thuyết phân tích
nhân cách và cho rằng có 2 loại vô thức: thứ nhất là vô thức cá nhân, ở đây
chứa đựng những trải nghiệm bị kiềm chế của cá nhân; thứ hai là vô thức tập
thể hay ông còn đặt tên là tâm thần khách quan (objective psyche), nó bao
gồm các trải nghiệm của loài người được thừa kế, chia sẻ, và thể hiện trong
các hình tượng, giấc mơ và biểu tượng nguyên mẫu (archetypal).

Ý tưởng về những nguyên mẫu được ông thí dụ như sau: một bệnh
nhân kể rằng anh ta có ảo giác trong đó thấy mặt trời có hình dáng tượng thờ
dương vật chuyển động bên này sang bên kia sinh ra gió. (Chúng ta biết rằng
người xưa có tượng thờ dương vật là loại tôn thờ biểu tượng cho sức sinh
sản thiên nhiên). Ông đã liên hệ ảo giác của bệnh nhân này với hình tượng
được tôn thờ từ thời cổ đại. Song, điều ngạc nhiên là chính người bệnh này
cũng không có kiến thức về hình tượng tôn thờ đó. Do đó ông cho rằng đây là
hình tượng ở mức độ ban sơ trong vô thức và có thể đó là phổ biến cho tất cả
mọi người. Ông gọi điều này là vô thức tập thể (collective unconscious), và
những hình tượng như vậy gọi là những nguyên mẫu.

Freud không chấp nhận lý thuyết này và đó là một trong các lý do khiến
hai nhà phát minh đã chia tay để đi theo con đường riêng của mình. Jung đã
phát triển các khái niệm như vô thức cá nhân, nhân bản (persona) - nghĩa
nguyên gốc là sự hóa trang của nghệ sĩ, hình, bóng (shadow) - với ý nghĩa
như “mặt khác” của chúng ta để bù trừ cho cái tôi ý thức của chúng ta, giới
tính đối lập - thí dụ nam tính trong người con gái hoặc nữ tính trong người
con trai (cũng như các yếu tố trung tâm trong triết học Âm Dương của người
Trung Hoa) và bản thân - nguyên mẫu của bản thân là thượng đế trong bản
thân con người.

Tiếp cận có tính cách mạng cho liệu pháp tâm lý của Jung là hội thoại
sáng tạo giữa bệnh nhân và vô thức của họ. Quy trình liệu pháp của ông
không giới hạn trong liên tưởng tự do như phân tâm học của Freud. Jung
dùng kỹ thuật tưởng tượng tích cực để bệnh nhân có thể khuếch đại các chi
tiết hoặc khám phá các biểu tượng quan trọng liên quan đến vô thức của
bệnh nhân. Để làm điều này ông cho bệnh nhân tham gia các nghệ thuật
sáng tạo như viết hoặc vẽ. Đặc biệt, Jung đã nhìn thấy tiềm năng điều trị của
âm nhạc. Trong phòng tham vấn của Jung, bệnh nhân múa, hát, biểu diễn hài
kịch và chơi nhạc cụ. Ông đã đi khá sâu vào trải nghiệm âm nhạc và đã nhận
ra khả năng của phương thức truyền đạt, giao tiếp không dùng ngôn ngữ
miệng này (tức là âm nhạc) và cho rằng nó có vai trò vô cùng quan trọng để
tiếp cận tới thế giới vô thức của bệnh nhân.

LIỆU PHÁP ÂM NHẠC TRONG KỸ THUẬT PHÂN TÂM

Trải nghiệm âm nhạc có thể được sử dụng để bổ sung hoặc đặt nằm
trong các kỹ thuật dùng ngôn ngữ miệng điển hình của phân tích tâm lý. Theo
Jung, việc biểu diễn âm nhạc đòi hỏi tất cả bốn chức năng tâm thần:

Suy nghĩ - để chơi các nốt trong bản nhạc;


Xúc cảm – để diễn tả âm nhạc;

Cảm giác - trong nhận cảm bản thể của mỗi người, phản hồi từ cơ thể
khi đang chơi nhạc cụ hoặc hát;

Trực giác - để đi vào điều rất thiết yếu của nguồn cảm hứng của tác
giả.

Thông qua sự xúc tác của các trải nghiệm âm nhạc, bệnh nhân được
khuyến khích học và phát triển cảm xúc và cách giải quyết các vấn đề ở mức
độ thực tế hơn.

Bruscia (1998) đã phân biệt sự ứng tác (sáng tác có tính chất tuỳ hứng,
tại chỗ) là một trong ba loại trải nghiệm âm nhạc thường được làm theo định
hướng động lực tâm thần cho liệu pháp âm nhạc. Trong ứng tác, bệnh nhân
sáng tạo âm nhạc một cách tự phát qua chơi nhạc cụ hoặc qua hát. Thông
qua hình thức ứng tác này, bệnh nhân có thể diễn tả các trạng thái cảm xúc
của mình. Có thể coi đó là cách để bệnh nhân giải tỏa những cảm xúc chứa
chấp bên trong như sự thất vọng, sự lo âu hoặc có thể là sự vui sướng. Bệnh
nhân có thể tự do diễn tả tất cả khía cạnh trong nội tâm của họ. Do đó,
phương pháp này có thể được xem là phương pháp “liên tưởng tự do với âm
thanh hoặc phóng chiếu tự bản thân vào âm thanh”.

Trong liệu pháp âm nhạc phân tích do Mary Priestley và cộng sự phát
triển năm 1970, ứng tác được kết hợp với vận động và kỹ thuật ngôn ngữ nói.
Nhà trị liệu đưa ra các cấu trúc âm nhạc hoặc các thể âm nhạc đơn giản để
bệnh nhân tiếp cận và trải nghiệm các vấn đề cảm xúc của mình, ứng tác âm
nhạc đã “chuyển động vào cơ thể và hoạt động ở tầng cảm giác vận động để
tháo gỡ những cảm xúc bị tắc nghẽn và tiếp cận với hồi ức bị kìm nén”. Sức
mạnh của Cái tôi (ego) - đó là sự kiểm soát ý thức dựa trên thực tại, có thể
được phát triển mạnh hơn thông qua các kỹ thuật diễn tả ứng tác như diễn lại
thực tại, khẳng định bản thân… Phương pháp của Priestley đã cho phép bệnh
nhân tự diễn tả một cách tự do hơn, tính tự trọng và tự tin tăng lên, giảm bớt
triệu chứng bệnh lý và quan hệ thoải mái hơn.
Các kỹ thuật khác thường được sử dụng theo tiếp cận động lực tâm
thần là các kỹ thuật hình tượng âm nhạc. Nổi tiếng là phương pháp hình
tượng âm nhạc có hướng dẫn và âm nhạc của Bonny (Guided Imagery anh
Music). Trong phương pháp này, nhà trị liệu chọn lọc các tác phẩm âm nhạc
cổ điển, sắp xếp hợp lý theo các chương trình để người bệnh nghe nhằm đưa
bệnh nhân vào trạng thái thay đổi ý thức thông qua các trải nghiệm về hình
tượng âm nhạc, ở đây, âm nhạc cổ điển là cầu nối, đưa bệnh nhân du lịch về
vô thức và âm nhạc là phương tiện thay thế cho các kỹ thuật ngôn ngữ miệng
trong liệu pháp động lực tâm thần của Freud.

TIẾP CẬN NHÂN VĂN HIỆN SINH

Theo quan điểm nhân văn, hiện sinh, các rối loạn bệnh lý là kết quả của
sự thất bại của người bệnh trong việc tìm ra ý nghĩa trong cuộc sống và chịu
trách nhiệm với bản thân mình và với người khác. Lý thuyết nhân văn hiện
sinh quan tâm đến việc xác định các nhu cầu trung tâm cho chức năng của
con người.

Abraham Maslow, một trong các nhà tư tưởng nhân văn sớm nhất và
có tầm ảnh hưởng nhất, đã đứng đối lập với thuyết Freud và lý thuyết hành vi
về bản chất con người. Ông mô tả nhu cầu con người được sắp xếp theo hệ
thống thứ bậc hình chóp, từ sự cần thiết về sinh học đến tự hiện thực hóa, đó
chính là khuynh hướng của con người phấn đấu hướng tới sự trọn vẹn và đầy
đủ. Sự hiện thực hóa của cá nhân là làm sao tạo ra khả năng làm việc có mục
đích, hành động theo kế hoạch, chiến lược và theo những lựa chọn của cá
nhân. Khi sự tự hiện thực hóa bị cản trở sẽ phát sinh một số rối loạn và khi đó
cá nhân không thể đương đầu với những điều cơ bản nhất của các vấn đề
trong cuộc sống. Thí dụ, bệnh nhân bị vướng mắc trong các câu hỏi: cái gì là
ý nghĩa của cuộc sống? Làm sao tôi có thể sống với tiềm năng thiếu khuyết,
kém cỏi của tôi? Làm sao tôi có thể đối mặt với cái chết?…

Mô hình tiếp cận nhân văn hiện sinh không đưa ra quy trình kỹ thuật
chuyên biệt cho rối loạn tâm thần mà nó gợi ý về cách cư xử hiện tại, thái độ
hướng về sự thay đổi, phương pháp để hướng dẫn bệnh nhân giải quyết các
vấn đề cơ bản, hiện sinh của con người.

LIỆU PHÁP TÂM LÝ CON NGƯỜI LÀ TRUNG TÂM

Liệu pháp tâm lý con người là trung tâm (Person-centered


psychotherapy) do nhà tâm lý học Carl Rogers phát triển đầu những năm
1940. Liệu pháp đã trở nên rất phổ biến và là nền tảng cho mối tương tác và
mối quan hệ bình đẳng giữa nhà điều trị và bệnh nhân trên cơ sở niềm tin.

Quan điểm của Rogers nhấn mạnh vào tiềm năng sáng tạo của con
người. Liệu pháp này có mục tiêu nhắm đến sự chấp nhận bản ngã của bệnh
nhân như một thực thể độc đáo và có khả năng tự lực, niềm tin vào bệnh
nhân như nhân vật trung tâm của tiến trình trị liệu. Ở đây, bệnh nhân là nhà trị
liệu của chính mình, cho phép bệnh nhân có nhiều quyền hạn hơn trong việc
xem xét và ra quyết định trong tiến trình liệu pháp. Thí dụ, bệnh nhân có
quyền lựa chọn số lần và thời gian của buổi trị liệu, họ muốn nói hay im lặng,
điều gì họ muốn thăm dò… Điều quan trọng là cho phép bệnh nhân được
chính là nhà kiến trúc thiết kế cho cuộc sống riêng của họ. Đồng thời việc trị
liệu phải nhấn mạnh vào các trải nghiệm đang xảy ra trong hiện tại hơn là
những gì đã xảy ra trong quá khứ. Dưới đây là một số nét chính theo quan
điểm của thuyết con người là trung tâm:

Khái niệm về nhân cách

- Nhân cách như một tiến trình

Nhân cách con người có tính chất giống như giai điệu của một bản
nhạc, người ta có thể “chơi” theo nhiều kiểu khác nhau, vào những thời điểm
khác nhau trong cuộc đời. Nói cách khác, con người là những cấu trúc đang
diễn tiến (structure-in- process). Các cấu trúc nhân cách đôi lúc có vẻ bất
biến, nhưng thực tế vẫn liên tục thay đổi.

- Cuộc sống qua từng thời khắc


Trái ngược với các tác giả của giả thuyết tái hiện (Reappearance) cho
rằng con người học tập và bảo lưu những khái niệm, hình ảnh, ký ức rồi hành
động, đơn giản chỉ là sự tái hoạt những nhu cầu một cách chính xác như
những bản sao của các sự kiện xảy ra trước đó; trường phái con người là
trung tâm cho rằng hành vi của các loài sinh vật, mỗi thứ đều xảy ra lần đầu
tiên và không có hành vi nào được lặp lại lần thứ hai. Chúng ta luôn luôn làm
nên những điều mới mẻ. Ngay một hành vi có vẻ như được lặp đi lặp lại thực
ra vẫn được thực hiện dưới một dạng thức khác. Thí dụ, chúng ta không bao
giờ chải răng hai lần như nhau.

- Tiềm năng học tập

Để phát triển chức năng sống một cách đầy đủ, con người phải từng
giây, từng phút liên tục học tập, tiếp nhận các phản hồi từ môi trường sống để
rồi điều chỉnh ứng xử của mình khi tương tác với những người xung quanh.
Liệu pháp con người là trung tâm luôn nhấn mạnh đến việc tăng cường khả
năng học tập, khả năng suy nghĩ rõ ràng và thông minh của bệnh nhân.

- Tiềm năng phát triển

Con người thường có khuynh hướng hiện thực hóa (Actualizing


tendency) để nhắm tới sự phát triên cá nhân bằng cách tạo lập một cấu trúc
sống vừa hợp nhất vừa biệt hóa, đạt tới một trật tự tốt hơn, phức tạp hơn và
có tương quan gắn kết hơn.

- Khả năng sáng tạo

Trong quá trình sống, con người thường xuyên khám phá và phát hiện
cách thức mới để tồn tại và ứng xử trong cuộc sống hàng ngày. Mỗi tình
huống xảy ra đều có sự khác biệt đôi chút so với trước đó và hiện tại luôn đặt
ra những thách thức cho sự vận dụng một cách sáng tạo những gì đã học
được vào hoàn cảnh sống mới.

- Khả năng định hướng tương lai

Khi một con người luôn khám phá và học hỏi, người ta sẽ tìm được sự
định hướng cho tương lai và những khả năng còn để ngỏ của nó. Con người
là sinh vật biết nhìn về phía trước do hành vi của họ được hướng dẫn bởi
những gì họ tưởng tượng sẽ xảy ra trong những thới khắc sau đó hơn là bởi
những gì mà họ thấy được trong hiện tại.

- Tương tác

Con người có đặc tính tương tác với nhau. Hành vi của một người luôn
xuất phát từ nhân cách của người ấy và đồng thời từ trong những mối quan
hệ trong cuộc sống của họ. Với một giao diện động và liên tục giữa bản thân
và các tình huống bên ngoài, con người tự định ra cấu hình cho bản thân để
phần nào đó đáp ứng lại những gì được cho là quan trọng và đang hiện diện
trong thời khắc hiện tại. Vì vậy, một bộ mặt nào đó của con người có thể xuất
hiện trong tình huống này và một bộ mặt khác lại xuất hiện trong một tình
huống khác.

- Giao tiếp

Thuyết này cho rằng việc thúc đẩy cho sự giao tiếp giữa các cá nhân có
thế giới nhận thức còn khác nhau là điều quan trọng hơn là việc phán xét xem
quan điểm ai đúng, ai sai. Việc cởi mở chia sẻ những cảm xúc và quan điểm
theo cách thức tôn trọng lẫn nhau, trong bầu không khí có tính chấp nhận sẽ
thúc đẩy mối quan hệ hướng đến sự hòa hợp giữa các đối tác và huy động
được sự thông thái của cả hai bên hoặc của cả nhóm.

- Trải nghiệm

Trải nghiệm là mô hình nhận thức một cách trực tiếp, không dùng lời về
các cách thức vận hành và các mối quan hệ trong thế giới, giữa bản thân và
thế giới bên ngoài, và giữa các thành tố ngay bên trong bản thân con người.
Trải nghiệm bao gồm cả trực giác. Trực giác là khả năng nhận thức được bản
chất của sự vật hiện tượng qua cảm giác? - tri giác (tức là không cần qua tư
duy như thường lệ). Đó là sự nhận biết trực tiếp, nhận biết ngay bản chất của
sự vật hiện tượng chứ không phải qua phán đoán, phân tích tổng hợp… của ý
thức. Thực chất trực giác cũng là một dạng tư duy, nhưng là tư duy bậc cao,
tư duy “nhảy cóc”, vắn tắt. Qua trải nghiệm, chúng ta thường cảm nhận và
nhận biết được các mối liên hệ mà chúng khó có thể diễn tả thành lời. Thí dụ,
trải nghiệm được yêu là một cảm nhận rất phức tạp mà các suy nghĩ hợp lý
hoặc các phát biểu thành lời khó có thể chuyển tải hết ý nghĩa. Chúng ta có
thể cảm nhận được có điều gì đó không ổn trong một mối quan hệ trước khi
có thể dùng lời để nói rõ điều đó là gì. Chính trải nghiệm mới là nguồn lực cho
sự sáng tạo. Thí dụ, Eistein đã có được cảm nhận về thuyết tương đối trước
khi ông có thể phát biểu lý thuyết ấy bằng ngôn ngữ.

- Cảm xúc - cảm nhận (Feelings)

Trong khi ta cảm nhận về cảm xúc nào đó (như giận hoặc buồn), thì
thực sự ta đang cảm nhận những ý nghĩa phức tạp hơn thế. Để nhận biết
được những cảm xúc, cùng một lúc ta phải nhận biết được ta đang có những
tình cảm, cảm xúc nào, đồng thời phải nhận biết cách thức liên hệ giữa ta với
thế giới bên ngoài đang xảy ra như thế nào. Thí dụ, ta có thể cảm thấy có
điều gì đó bất ổn trong cuộc sống, hoặc cảm thấy cuộc sống của ta đang bị
mất thăng bằng. Nhiều khi cảm nhận giúp ta nhận biết những điều thay đổi
hết sức tinh tế mà nếu chỉ sử dụng lý trí có khi khó nhận biết được.

- Bản ngã là một tiến trình (Self as Process)

Bản ngã không phải là một sự vật hoặc một tác nhân ở bên trong con
người mà là một trải nghiệm về chính mình như một con người trọn vẹn ở một
thời khắc nhất định nào đó. Cùng thời khắc ấy, chúng ta tạo nên những ý
niệm về những sự vật xung quanh, đồng thời định hình nên những ý niệm về
chính chúng ta nhằm giúp chúng ta tổ chức lại những gì mình hiểu biết về
cuộc sống. Ý niệm về bản thân là một cấu trúc trong sự hiểu biết mà chúng ta
sử dụng như một “tấm bản đồ” giúp chúng ta “lèo lái” thực tế cuộc sống. Bản
ngã có hai khía cạnh quan trọng, đó là Bản ngã thực và Bản ngã lý tưởng.
Bản ngã thực là hình ảnh của chúng ta về một con người mà ta nghĩ thực sự
ta đang là như vậy. Bản ngã lý tưởng là hình ảnh của chúng ta về một con
người mà ta nghĩ ta nên làm. Một người có chức năng sống đầy đủ và lành
mạnh là người giữ được hai khía cạnh bản ngã trên một cách chừng mực,
không cố chấp giữ vào bản ngã nào một cách quá cứng nhắc. Đó là vì bản
ngã luôn trưởng thành và thay đổi, chúng ta luôn phải điều chỉnh lại ý niệm về
bản ngã của mình để phù hợp với những trải nghiệm sống mới, cũng như
phải sửa đổi các ý niệm khác sao cho phù hợp với trải nghiệm sống của bản
thân.

Lý thuyết về sự phát triển

Lý thuyết con người là trung tâm xem sự phát triển giống như một bộ
những “chiếc hộp Trung Hoa”, trong đó, thuở thơ ấu được ví như chiếc hộp
nhỏ nhất nằm ở trong cùng, các giai đoạn sau của đời sống giống như những
chiếc hộp lớn hơn lần lượt lồng vào chiếc hộp ban đầu. Cứ như vậy, mỗi trải
nghiệm cuộc sống mới tạo nên một khung rộng hơn, kiên cố hơn so với
những trải nghiệm trước đó và giúp cho cá nhân hội nhập tốt hơn. Ngoài ra,
con người còn có khuynh hướng tìm đến sự khám phá và đối đầu với những
thử thách, luôn cố gắng làm chủ cuộc sống của họ, hơn là né tránh những
đau khổ và hụt hẫng. Họ chỉ né tránh khi họ cảm thấy mình đã mất hết năng
lực để giải quyết chúng.

Theo quan điểm của thuyết con người là trung tâm, một hành vi bất
thường có thể phát sinh khi một con người không có khả năng vận hành theo
một cách thức liên tục phát triển. Những rối loạn chức năng xảy ra khi người
ta thất bại trong việc học từ những thông tin phản hồi và vì thế vẫn bị vướng
mắc vào những nhận thức sai hoặc những hành vi không thỏa đáng. Rối loạn
chức năng chính là sự thất bại trong việc học hỏi và thay đổi. Có ba cách giải
thích liên quan đến sự thất bại này:

- Thiếu hài hòa

Theo trường phái con người là trung tâm, hành vi bất thường phát sinh
do sự trái ngược, sự mâu thuẫn giữa một bên là ý niệm về bản thân và một
bên là những trải nghiệm cuộc sống. Thí dụ, một cô gái trong ý niệm của
mình, cô muốn trở thành bác sĩ, trong khi trải nghiệm thực tế, cô học rất khó
khăn các môn học cần cho ngành y là môn sinh và môn hóa. Điều mâu thuẫn
này đã khiến cô phiền lòng.
Tuy nhiên, các rối loạn chức năng phát sinh không phải do trực tiếp sự
mâu thuẫn này mà là do cách thức mà con người đáp ứng và cố gắng giải
quyết sự mâu thuẫn như thế nào. Một người có thể có đáp ứng tốt bằng khả
năng hòa nhập tất cả các khía cạnh đối lập nhau bên trong bản thân mình, và
chính từ khả năng hòa nhập này sẽ nảy sinh sự sáng tạo mới. Trái lại, ở một
người mà các khía cạnh đối lập nhau trong ý niệm về bản thân vẫn lưu giữ
một cách cứng nhắc, tiến trình hòa nhập sẽ bị bế tắc.

Con người thường học cách bảo lưu các thành phần của bản thân một
cách cứng nhắc. Đó là do cha mẹ, giáo viên và nền văn hóa họ đang sống đã
áp dụng những tiêu chuẩn đánh giá đối với họ. Họ chỉ cảm thấy mình có giá
trị khi tuân theo những chuẩn mực và giá trị của người khác và điều này khiến
họ dễ chấp nhận một cách cứng nhắc “điều nên làm” mà người khác trông
đợi. Một khi đã có sự thiếu hài hòa giữa những điều răn cứng nhắc và những
trải nghiệm thật sự của bản thân, họ không thể thách thức những điều răn ấy
mà hơn nữa, còn có khuynh hướng chối bỏ những trải nghiệm thực của mình.
Khi không còn khả năng lắng nghe những trải nghiệm của chính mình, họ đã
tự lấy đi sức mạnh của chúng, để rồi chỉ có thể chủ yếu dựa vào điều răn để
hướng dẫn cho chọn lựa của mình và dần dần cảm thấy bất lực, trầm cảm.

Trở lại cô gái có mâu thuẫn trong việc muốn trở thành bác sĩ, cô đã trải
qua những năm tháng làm theo “lập trình” của chính cô, của cha mẹ và thậm
chí của cả thầy cô giáo. Để đeo đuổi chương trình trở thành bác sĩ, cô phải bỏ
qua những cảm xúc không phù hợp khi phải cố gắng tham gia những giờ học
môn sinh và môn hóa. Điều này đã ảnh hưởng lên nhân cách của cô và
những vấn đề về tâm lý xuất hiện. Nhưng rồi đến một ngày, cô đến lớp với vẻ
hoàn toàn khác: cởi mở, nhiệt tình và thân thiện. Cô nói rằng cô đã lắng nghe
các trải nghiệm thực của mình, nhận thấy thật tâm không muốn trở thành bác
sĩ mà quyết định chuyển hướng sang một ngành nghệ thuật và cô đã tin
tưởng vào trải nghiệm của chính mình để tự mở ra một con đường đi mới.

- Không thể tồn tại như một tiến trình


Quan điểm này cho rằng: “Các rối loạn chức năng hoặc rối loạn tâm lý
liên quan hoặc bắt nguồn từ thất bại của con người khi không tồn tại hoặc
không thể sống như một tiến trình”. Họ không chú tâm vào “dòng chảy” của
những trải nghiệm theo cách thức có thể giải quvết vấn đề của họ một cách
sáng tạo. Trái lại, thay vì lắng nghe một cách thấu cảm nội tâm của mình, họ
lại khắt khe phê phán các phản ứng cảm xúc của chính họ, tự “lên lớp” bản
thản, phân tích bản thân, hoặc cố gắng tự “thiết kế lại” bản thân.

- Khó khăn trong xử lý thông tin

Mỗi con người đều phát triển nên những sơ đồ (schema) trong nhận
thức của mình để tổ chức lại các nguồn thông tin từ thế giới bên ngoài. Một
người có chức năng sống đầy đủ sẽ có khả năng đồng hóa liên tục các thông
tin này vào trong sơ đồ, tạo nên những cấu trúc hiểu biết chuyên biệt hơn,
hòa nhập hơn. Những rối loạn tâm lý được xem là bắt nguồn từ những hệ
thống sơ đồ kém chuyên biệt và có tính cứng nhắc, khiến con người mất khả
năng hội nhập các nguồn thông tin mới.

Một tiến trình quan trọng trong sự tạo lập các cấu trúc hiểu biết chuyên
biệt hơn, hợp nhất hơn là sự chú tâm. Nếu con người thất bại trong việc chú
tâm một cách hiệu quả vào các nguồn thông tin mới, sẽ dẫn đến sự tồn tại
một cách kiên định những cấu trúc hiểu biết cũ. Những người có vấn đề
thường thất bại trong việc gỡ bỏ các suy nghĩ có trước của họ, và do đó
không thể chú ý tới các nguồn thông tin mới rất phong phú. Ngoài ra, họ cũng
thất bại trong việc xây dựng những giả thuyết để họ có thể chọn lựa.

Tiến trình trị liệu

Đối với các nhà trị liệu con người là trung tâm, tiến trình trị liệu là tiến
trình đi theo sát “dòng chảy” của những sự kiện xảy ra từ thời khắc này sang
thời khắc khác trong buổi trị liệu. Nhà trị liệu tập trung vào những chủ đề mà
bệnh nhân, thân chủ đề cập đến chứ không hướng cuộc nói chuyện sang các
chủ đề mà nhà trị liệu xem là quan trọng.
Nhà trị liệu đầu tư rất nhiều cho lòng tin vào khả năng của thân chủ
trong việc tự định hướng của họ, cho nên việc kết thúc điều trị hiếm khi trở
thành vấn đề. Thân chủ thường được động viên hãy rời bỏ sự lệ thuộc vào
nhà trị liệu và hãy thử “bay bằng đôi cánh của chính mình” khi họ đã sẵn
sàng. Thân chủ không cần phải được “chữa khỏi hoàn toàn”, vì các vấn đề
chính là một phần của cuộc sống, nên điều quan trọng là thân chủ nghĩ rằng
từ nay họ có thể tự mình giải quyết vấn đề của mình.

Phẩm chất mà nhà trị liệu cần có trong quan hệ với bệnh nhân là sự
chân thành, sự thấu cảm và sự quan tâm tích cực vô điều kiện.

Sự thấu cảm là khả năng của nhà trị liệu có thể trực giác được bên
trong thế giới nhận thức của thân chủ, đến mức độ có thể nhìn thấy và cảm
thấy được những gì mà thân chủ nhìn thấy và cảm thấy. Đó là phẩm chất về
sự hiểu biết người khác trong điều kiện riêng của họ, là khả năng nhìn thấy
mọi vấn đề theo quan điểm của người khác chứ không áp đặt họ theo quan
điểm của mình. Sự thấu cảm phản ánh sự quan tâm của nhà trị liệu về thế
giới của thân chủ và cảm giác của thân chủ. Sự thấu cảm có những tích cực
trong điều trị:

Các trải nghiệm của thân chủ khi cảm thấy mình được người khác hiểu,
tự nó đã có tính điều trị. Thấy người khác hiểu mình có nghĩa là mình đã
được người khác chú tâm đến. Khi cảm nhận như vậy, thân chủ có thể sắp
xếp lại mọi việc và tự thực hiện các lựa chọn cho chính mình.

Việc thân chủ thấy được một ý nghĩa từ trong trải nghiệm của chính
mình sẽ làm họ bớt đi những cảm giác khó chịu và bớt đi những rối loạn.
Thân chủ bắt đầu tin tưởng hơn vào các trải nghiệm của mình, xem xét các
sự việc một cách cẩn trọng hơn và có thể tự đối mặt với các trải nghiệm đau
đớn.

Sự thấu cảm của nhà trị liệu mang lại khuôn mẫu về một cách thức
“thân thiện” để thân chủ có thể lắng nghe những trải nghiệm của chính họ,
cho phép họ chấp nhận những ý nghĩa mà trước đó họ e sợ, vì chúng dường
như “không thiện cảm” đối với bản ngã của họ, và họ bắt đầu tìm thấy các
cách thức hành vi có tính xây dựng hơn.

Sự chân thành để chỉ mức độ mà nhà trị liệu “là chính mình” trong khi
tiến hành trị liệu. Nó là phẩm chất về khả năng của con người có thể thể hiện
về chính bản thân mình, về bản chất tự nhiên của mình. Là chính mình không
có nghĩa là một người phải thể hiện ra bên ngoài những gì mà anh ta cảm
thấy, hoặc phải nói ra tất cả những gì có trong đầu. Nó là một sự thoải mái
trong giao tiếp, bản thân không phải thay đổi, không phải che đậy để nhằm
mục đích làm đẹp lòng người khác. Sự chân thành khiến người bệnh tin
tưởng nhà trị liệu.

Sự quan tâm tích cực vô điều kiện còn được gọi là sự “chấp nhận”, “sự
tôn trọng”, “sự yêu quý”. Thái độ như vậy sẽ hướng đến thân chủ như một
con người toàn vẹn, ngay cả khi hành vi của người ấy bị rối loạn. Nhà trị liệu
phải biết chấp nhận bệnh nhân, không xét nét, chỉ trích, lăng nhục họ. Điều
quan trọng khác là phải có niềm tin vào việc bệnh nhân có thể giải quyết được
vấn đề của họ. Khi cảm thấy mình được tôn trọng như một con người, thân
chủ bắt đầu cảm thấy an toàn để có thể khám phá những trải nghiệm của bản
thân và nhìn vào hành vi của chính mình một cách khách quan hơn.

Theo triết lý của trường phái con người là trung tâm, nhà trị liệu không
được xem là những “chuyên gia” đưa ra những điều “đúng đắn” cho thân chủ
mà là những “người khám phá đồng hành”, tức là những người cố gắng đi
vào thế giới sống của thân chủ theo một cách thức hiếu kỳ, đầy sự lưu tâm,
chấp nhận và cởi mở. Nhà trị liệu cố gắng làm việc trên cơ sở những điều mà
thân chủ cho là quan trọng.

Có một số tiêu chí giúp nhà trị liệu nhận biết được việc trị liệu của mình
có đi đúng hướng hay không, bao gồm:

Thân chủ ngày càng trở nên dễ dàng hơn trong việc liên hệ và chấp
nhận những cảm xúc và trải nghiệm của bản thân mình.

Thân chủ cảm thấy chấp nhận và tin tưởng hơn vào bản thân mình.
Thân chủ bắt đầu có những cố gắng trong việc tự chọn những quyết
định.

Thân chủ bắt đầu quan hệ bình đẳng hơn với nhà trị liệu.

Thân chủ cảm thấy thoải mái hơn trong việc tự bộc lộ bản thân.

Thân chủ dung nạp tốt hơn với những điều ngược với ý muốn, có thể
đối mặt với nó và liên tục cố gắng để làm chủ tình huống.

Và quan trọng nhất là thân chủ cảm thấy mình đạt được sự tiến bộ.

Ngày nay, liệu pháp con người là trung tâm đã được vận dụng vào điều
trị cho rất nhiều vấn đề như: nghiện rượu, rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách,
tâm thần phân liệt, thiểu năng tâm thần và rối loạn tuổi già.

LIỆU PHÁP GESTALT

Frederick Saloman (Fritz) Perls và vọ Laura Perls là những người sáng


lập ra trường phái trị liệu Gestalt những năm 1940. Tâm lý học Gestalt cho
rằng những thành phần cấu thành các trải nghiệm của con người không thể
được khảo sát một cách riêng lẻ mà phải xem xét dưới dạng những “tổng
thể”. Gestalt là một từ tiếng Đức với nghĩa là “một tổng thể hợp nhất với các
tính chất không đơn thuần được tạo nên bởi tổng số các thành phần và các
tương tác giữa các thành phần ấy”.

Trường phái trị liệu Gestalt chống lại khuynh hướng phân tâm học cổ
điển Freud. Họ cho rằng những nhà trị liệu phân tâm chiếm giữ quá nhiều
quyền lực so với bệnh nhân và đã không dành sự lưu tâm đầy đủ đến những
gì thực sự đang diễn ra trong mối quan hệ giữa nhà trị liệu và thân chủ. Họ tin
rằng trị liệu phân tâm không đủ hiệu quả trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng
nơi thân chủ. Do đó, họ chủ trương thiết lập một hệ thống trị liệu hướng đến
phát huy sự tăng trưởng thay vì chỉ chú ý đến việc làm giảm thiểu trạng thái
tâm lý bệnh lý. Họ dựa vào những trải nghiệm thực sự nhiều hơn là chỉ dựa
vào sự diễn giải những thực tại không thể trải nghiệm được.
Lý thuyết của liệu pháp Gestalt cũng bị ảnh hưởng của lý thuyết về
“trường” (field), chủ trương xem xét “trường” trong một tổng thể và nhấn
mạnh đến “tiến trình”, một quá trình phát triển hoặc các hành động diễn tiến
theo thời gian, hơn là chỉ quan tâm đến những trạng thái tĩnh tại.

Với khuynh hướng hiện sinh, liệu pháp Gestalt nhấn mạnh đến sự hiện
hữu đúng như những gì con người có thể trải nghiệm được và không đặt
nặng vào những cách thức lý giải trừu tượng. Nhà trị liệu Gestalt tin vào khả
năng của con người trong việc tăng trưởng, tự điều chỉnh và tự bình phục
thông qua việc tiếp xúc giữa người với người và khả năng thấu hiểu bên
trong.

Liệu pháp Gestalt cũng dựa trên cơ sở hiện tượng học


(Phenomenology). Phương pháp “hiện tượng học” của liệu pháp này là quá
trình nhận thức, trong đó các chức năng hoạt động, tri giác, nhận thức được
giải thích và sắp xếp lại khác với quan điểm trước đó. Cách tiếp cận trên cơ
sở hiện tượng học xem tất cả những gì có được từ sự trải nghiệm tức thời là
những dữ liệu có tính chắc chắn chứ không phải những dữ liệu rút ra từ quá
khứ hoặc suy diễn theo lý thuyết. Việc hướng dẫn con người sử dụng các
cảm nhận của chính mình để đạt đến khả năng hiểu thấu bên trong khiến
quan điểm hiện sinh về tiềm năng và trách nhiệm cá nhân trở thành hiện thực.

Mục tiêu chính của liệu pháp tâm lý Gestalt là sự nhận biết - một sự
nhận biết sâu sắc về các khu vực đặc biệt, nhận biết về người khác, nhận biết
về tình trạng mà bệnh nhân đang phải đối phó, nhận biết về các điều vướng
mắc hay bệnh lý và làm sao để giải quyết chúng và cuối cùng để phát triển sự
tự nhận biết rộng lớn hơn và sáng tỏ hơn.

Cụ thể hơn, mục tiêu của liệu pháp này là giúp bệnh nhân nhận biết
được họ đang làm gì, đang làm ra sao và sẽ làm như thế nào để thay đổi tốt
hơn, đồng thời phải để bệnh nhân chấp nhận và tự đánh giá về mình. Liệu
pháp tập trung vào tiến trình đang xảy ra nhiều hơn là bàn về nó là cái gì, vì
vậy người ta dùng khái niệm “ở đây và ngay bây giờ”. Quan điểm của liệu
pháp Gestalt là giúp cho con người đứng ngoài cách thức suy nghĩ thường
có, nhận ra điều khác biệt giữa thực tế bệnh nhân đang cảm nhận trong tình
trạng thực tại và cái đến từ quá khứ.

Lý thuyết về nhân cách của Gestalt

- Trường cơ thể - môi trường (Organism-Environment Field)

Trường phái Gestalt xem xét con người và môi trường sống trong một
tổng thể, không tách biệt, dựa trên sự tương tác giữa con người và môi
trường sống. Trường được giới hạn bởi những đường biên giới, đó là biên
giới tiếp xúc. Biên giới này có chức năng giúp con người có thể kết nối với
người khác, vừa giữ được sự tách biệt độc lập của người ấy. Sự tách biệt tạo
nên và bảo tồn tính độc lập của một con người, đồng thời bảo vệ người ấy
phòng chống các tác nhân gây hại. Tuy nhiên, chỉ khi đường biên giới ấy cho
phép sự trao đổi tích cực xảy ra bên trong “trường” thì mới có thể làm nên đời
sống và sự tăng trưởng.

- Quan niệm về sự tiếp xúc: tất cả những sự tiếp xúc đều là sự điều
chỉnh đầy sáng tạo của cơ thể và môi trường. Tất cả cơ thể sống trong môi
trường đều phải điều chỉnh tùy theo hoàn cảnh môi trường. Đồng thời con
người cũng phải định dạng lại môi trường sao cho nó có thể đáp ứng được
các nhu cầu và giá trị của mình.

Một sự tiếp xúc tốt phải là sự lưu tâm đến những hoàn cảnh thực tại
đang xảy ra. Sự định hướng cũng như hành động xảy ra ngay trong những
tình huống thực tế ở hiện tại và chỉ có thể được hỗ trợ ở “tại đây và ngay lúc
này”,(here and now). Khi một người nói về một chuyện xảy ra trong quá khứ
thì trí nhớ và cảm xúc có được về chuyện ấy vẫn là những điều xảy ra trong
hiện tại. Tương tự, khi nói về tương lai, những cảm xúc và dự doán của
chúng ta cũng diễn ra ngay trong hiện tại.

- Sự đồng hóa và tạo lập bản ngã

Ngay từ khi mới chào đời, cấu trúc sinh học của cơ thể đã bắt đầu
tương tác với những điều xa lạ từ môi trường xung quanh và dần dần tạo lập
nên bản ngã - một thực thể sinh học - xã hội - tâm lý - tinh thần. Con người
hợp nhất tất cả các trải nghiệm trong cuộc sống, liên tục tương tác với
“trường” cơ thể - môi trường trong hiện tại, liên tục điều chỉnh bản thân cho
phù hợp với môi trường và điều chỉnh môi trường cho phù hợp với bản thân.
Mỗi người vào thời điểm khi tương tác với một sự vật trong môi trường đều
có được cảm nhận về bản ngã của mình. Sự tương tác với một cái mới sẽ tạo
nên một cảm nhận mới về bản ngã.

Những người có nhân cách lành mạnh sẽ có khả năng nhận biết rõ về
bản ngã, ít xảy ra những xung đột nội tâm, có khả năng tự thân cảm nhận
những tính chất, cảm xúc và nhu cầu của bản thân. Cấu trúc nhân cách cùng
với cảm nhận về bản ngã, tất cả đều được tạo lập thông qua mối quan hệ
tương tác giữa con người với môi trường sống.

Trong quá trình sống, có nhiều lúc con ngươi rơi vào bế tắc. Đó là
những lúc không có được sự hỗ trợ từ bên ngoài, và con người không biết
liệu mình có thể tự lực để tồn tại hay không. Tuy nhiên, chính lúc đó con
người có một cảm nhận về tình huống này vừa như một nguy cơ, vừa như
một cơ hội. Nếu có ai đó đến cứu giúp, sẽ khiến cá nhân không nhận ra được
là mình yếu kém về khả năng tự lực. Nếu không có ai giúp đỡ, tình thế bế tắc
khi đó có thể trở thành một cơ hội để cá nhân thực hiện một điều mới mẻ và
quan sát được điều gì sẽ xảy ra. Đây là một thực nghiệm, và bằng cách thực
nghiệm, con người mới có thể học tập và phát triển được.

Phương pháp điều trị

Liệu pháp Gestalt có một khung lý thuyết có tính tổng hợp, được thiết
kế để có thể dung nạp những ý tưởng, quan sát và kỹ thuật từ nhiều nguồn
khác nhau, hợp thành một phương pháp với đặc điểm có cùng một triết lý
chung nhưng đa dạng về mặt kỹ thuật. Yêu cầu đặt ra với nhà trị liệu Gestalt
là phải hiểu biết về thân chủ và mối quan hệ với thân chủ, nắm vững phương
pháp, có thể sáng tạo hoặc vay mượn bất cứ kỹ thuật nào để giúp họ cảm
nhận được những gì cần được khám phá và cho phép thân chủ tiếp tục đi tới
trên con đường tăng trưởng.

- Mục đích và chiến lược điều trị


Công việc của nhà trị liệu Gestalt thường tập trung vào việc khám phá
bản thân của thân chủ hơn là trực tiếp làm thay đổi hành vi hoặc diễn giải
những vấn đề trong vô thức thân chủ. Liệu pháp mang lại sự nhận biết khi
thân chủ bị bế tắc, nhận biết các tiến trình nhận thức, hỗ trợ và hướng dẫn
những phương thức mới trong việc đương đầu với stress. Nhà trị liệu không
khuyến khích thân chủ phải đồng nhất hóa với cách sống của nhà trị liệu, mà
thân chủ phải tìm kiếm cách thức riêng, độc đáo của họ.

Mục đích của trị liệu là giúp thân chủ đạt được sự tự chủ và tăng
trưởng thông qua tự nhận biết về bản thân. Nhà trị liệu có vai trò hướng dẫn
sự nhận biết này bằng cách hiện diện một cách tích cực với sự quan tâm,
nhiệt tình, chân thực, sống động và đầy sáng tạo. Nhà trị liệu chia sẻ với thân
chủ những gì họ quan sát được và phản hồi lại những cảm nhận mà họ có
được từ thân chủ.

Mục đích của trị liệu cũng không phải là quan tâm đến giải quyết vấn đề
hoặc loại bỏ triệu chứng ở thân chủ, mà là giúp thân chủ có “công cụ” để giải
quyết vấn đề và tăng cường khả năng tự lực và tự điều chỉnh, tự tổ chức lại
cuộc sống của họ.

Các mục đích trị liệu và tiến trình thiết lập các mục đích này có sự thay
đổi tùy theo giai đoạn trị liệu, theo vấn đề của thân chủ, theo cấu trúc nhân
cách của thân chủ và môi trường làm việc của nhà trị liệu. Việc thiết lập mục
đích trị liệu là một việc được thực hiện sớm, trong đó khả năng tự lực của
thân chủ sẽ được tăng cường bởi hai khía cạnh sau:

+ Giải thích theo phương pháp hiện tượng học các kiểu mẫu ý thức và
hành vi của thân chủ.

+ Phát triển mối quan hệ trị liệu giữa thân chủ và nhà trị liệu.

- Tiến trình trị liệu

Liệu pháp Gestalt thuộc nhóm các liệu pháp kinh nghiệm, vì vậy nó thúc
đẩy sự tăng trưởng của thân chủ bằng cách phát triển mối quan hệ dựa trên
sự tiếp xúc thông qua đối thoại và một phương pháp luận về tiến trình khám
phá thông qua khả năng nhận biết liên tục của thân chủ. Các phương châm
của tiến trình trị liệu như sau:

+ Tôi và bạn (I and You)

Liệu pháp được tiến hành dựa trên cơ sở một sự tiếp xúc trực tiếp,
sống động, đầy tính xúc cảm, trong đó nhà trị liệu vừa hiện diện cùng với thân
chủ, vừa làm một điều gì đó cho thân chủ. Các kỹ thuật trị liệu thường được
ứng dụng một cách linh hoạt, sáng tạo trên cơ sở kiến thức của nhà trị liệu
nhằm hướng dẫn và tạo điều kiện cho việc thiết lập các tình huống học tập và
tạo nên các tương tác trị liệu với một thân chủ cụ thể vào một thời điểm cụ
thể.

+ Tại đây và ngay lúc này (Here and Now)

Quan niệm của trường phái Gestalt là, những gì thân chủ đang thực
hiện không được xem là định sẵn từ quá khứ và cũng không phải là sự lặp lại
một cách vô thức những quan hệ đã có trước đó. Theo học thuyết về
“trường”, tất cả các yếu tố có ảnh hưởng qua lại đều cùng hiện diện “tại đây
và ngay lúc này”.

Con người có thể mang các trải nghiệm trong cuộc sống và sự nhận
biết của mình hội tụ vào thời điểm hiện tại. Việc khảo sát các ảnh hưởng của
những trải nghiệm trong quá khứ chủ yếu dựa trên các dữ liệu về trải nghiệm
của thân chủ chứ không dựa trên các diễn giải những biểu trưng của nhà trị
liệu. Càng bám sát vào các trải nghiệm trực tiếp của thân chủ, nhà trị liệu
càng ở gần những sự thật của thân chủ. Tập trung vào những gì “tại đây và
ngay lúc này” cho phép có sự bình đẳng giữa thân chủ và nhà trị liệu, vì trong
trường hiện tại, tất cả các đối tác đều có thể sử dụng những cảm nhận, sự
trực giác, và khả năng sáng tạo của mình để khám phá những ảnh hưởng
phức tạp luôn đang vận hành. Liệu pháp Gestalt không áp dụng kỹ thuật diễn
giải như các nhà trị liệu phân tâm. Thân chủ thường được xem chính họ mới
là “chuyên gia” về khả năng nhận biết và về sự tồn tại của chính họ, còn nhà
trị liệu chỉ là một cô vấn cho thân chủ. Thân chủ sẽ có khả năng tự lực tốt
nhất nếu họ tập trung vào hiện tại. Tập trung vào hiện tại nghĩa là sự hiểu biết
về điều gì mình đang làm, nhu cầu nào mình quan tâm đến trong trường cơ
thể - môi trường ở thời điểm hiện tại.

+ Cái gì và như thế nào

Cả lý thuyết về tiến trình lẫn hiện tượng học đều thích sử dụng các
phương pháp mô tả hơn là phương pháp dựa trên các lý giải. Các câu hỏi cơ
bản nhất trong liệu pháp Gestalt không phải là “tại sao?” mà là “cái gì?”. Bạn
đang trải nghiệm điều gì? Bạn đang cần gì? Bạn đang làm gì?… Sự mô tả có
thể ở gần hơn với các trải nghiệm, có thể quan sát và cảm nhận được từ bên
trong, trong khi những lời giải thích thì chỉ có tính suy đoán và cách xa với trải
nghiệm.

Một câu hỏi khác kèm theo là “Như thế nào?”. Câu hỏi này chính là
trung tâm của việc định hướng vào tiến trình trong lý thuyết về “trường”. Đó là
xem xét một cách chính xác bằng cách nào mà tiến trình này diễn ra trong đó
có sự tham gia của thân chủ vào tiến trình.

Một số kỹ thuật trong trị liệu Gestalt

- Kỹ thuật chiếc ghế trống

Kỹ thuật chiếc ghế trống là kỹ thuật mà ở đó có hai chiếc ghế để thân


chủ ngồi đối thoại với chiếc ghế trống. Thân chủ ngồi trên một chiếc ghế,
nhập vai vào một tình huống hoặc một cuộc xung đột tưởng tượng với một
người nào đó quan trọng đối với thân chủ, đang ngồi trước mặt.

Mục tiêu của kỹ thuật là giúp thân chủ hiếu rõ cái gì mình cảm nhận vào
lúc này và bằng cách nào những trải nghiệm cá nhân này chi phối bản thân
họ. Đồng thời nó cũng giúp thân chủ phát hiện ra những suy nghĩ, tình cảm
khác của bản thân mà mình chưa hề biết đến.

Cách tiến hành gồm bốn bước như sau:

- Bước 1: Hướng dẫn tiến hành: nhà trị liệu chỉ vào chiếc ghế trống
trước mặt thân chủ và hướng dẫn: “bạn hãy tưởng tượng ra một ai đó rất
quan trọng đối với bạn đang ngồi trên chiếc ghế này” hoặc “hãy tưởng tượng
ra đây là người mà bạn muốn đối diện”. Sau đó để thân chủ có thời gian suy
nghĩ và nhà trị liệu yêu cầu thân chủ nói ra người ấy là ai.

- Bước 2: Đi vào tưởng tượng: sau khi thân chủ đã xác định đối tượng
của mình, nhà trị liệu bắt đầu hướng dẫn thân chủ tưởng tượng: “bạn đang
ngồi đối diện với người đó, hãy nói ra những điều bạn muốn nói với người đó,
hãy nói to với chiếc ghế (tức là nói với người đó) những tình cảm, cảm xúc,
những suy nghĩ mà bạn phứa chất trong lòng. (Nhà trị liệu chú ý, nếu thân
chủ khó khăn trong bộc lộ, diễn tả thì cần khuyến khích kịp thời, nếu thân chủ
chưa hiểu phải làm như thế nào thì nhà trị liệu có thể làm mẫu cho thân chủ
thấy).

Trong quá trình thân chủ nói ra những cảm nhận của mình với người
ngồi trên chiếc ghế trống, nhà trị liệu không được can thiệp vào câu chuyện
của thân chủ.

- Bước 3: Tưởng tượng đáp trả: sau khi thân chủ nói ra được điều
muốn nói, nhà trị liệu tiếp tục hướng dẫn: “bây giờ, bạn hãy tưởng tượng sự
đáp lại của người đó. (Thân chủ lắng nghe trong tưởng tượng). Tiếp theo là
trả lời, nói to một cách mạnh dạn, thẳng thắn những điều bạn nghĩ”.

- Bước 4: Kết thúc: nhà trị liệu hỏi thân chủ: “bây giờ, bạn cảm nhận
được điều gì?”. Nhà trị liệu ghi nhận lại.

Mặc dù đây chỉ là bài tập đóng vai tưởng tượng, nhưng mỗi người thử
nghiệm có thể ngạc nhiên với chính mình, ngạc nhiên với những lời thốt ra và
ngạc nhiên với tình cảm mà mình vừa mới thừa nhận.

Kỹ thuật được ứng dụng với những trường hợp có xung đột gia đình,
những rối loạn căn nguyên tâm lý, nhân cách bệnh, ám ảnh và cả tâm thần
phân liệt.

- Kỹ thuật “hãy ở lại với điều đó”

Đây là một kỹ thuật thường đi kèm với việc thuật lại những nhận biết
của thân chủ dưới sự hướng dẫn của nhà trị liệu.
Mục tiêu của kỹ thuật giúp hoàn tất việc xây dựng cho thân chủ khả
năng chịu đựng và làm việc sâu với cảm xúc. Nguyên lý là việc cảm nhận về
sự trải nghiệm cảm xúc của chính mình sẽ mang lại nhận thức mới cho thân
chủ.

Các bước tiến hành bao gồm:

- Bước 1: Quan sát cảm xúc: khi thân chủ bộc lộ một cảm xúc - tình
cảm nào đó, như buồn rầu hoặc giận dữ, mà nhà trị liệu nhận thấy việc để
thân chủ dừng lại để nhận biết cảm xúc của mình là cần thiết thì nhà trị liệu
đưa ra lời đề nghị: “hãy ở lại với nỗi buồn đó” hoặc “hãy ở lại với sự căm giận
đó”. Sau đó quan sát, chờ đợi sự trải nghiệm của thân chủ.

- Bước 2: Phản hồi: sau một ít phút để cho thân chủ trải nghiệm, nhà trị
liệu quan sát những biểu lộ bên ngoài về dáng điệu, cử chỉ, nét mặt, hành
động… rồi nói cho thân chủ biết như “tôi thấy bạn đang mím chặt môi”, và hỏi
tiếp “bạn nhận thấy điều gì?”.

- Bước 3: Gọi tên cảm xúc: sau khi thân chủ bộc lộ những suy nghĩ, tình
cảm của mình, nhà trị liệu yêu cầu thân chủ dùng lời nói hay từ ngữ nào để
nói về những trải nghiệm đó. Trong trường hợp thân chủ không muốn ở lại
với cảm xúc đó, nhà trị liệu cũng yêu cầu thân chủ ở lại với điều không muốn
đó, rồi dùng từ diễn đạt điều không muốn đó. Sự can thiệp này có thể mang
lại sự phản kháng về mặt cảm xúc, thí dụ “tôi không muốn khóc ở đây!”. Nếu
xảy ra, nhà trị liệu ghi lại sự phản kháng này và cho thân chủ tạm nghỉ.

- Bước 4: Tạm dừng: khi thân chủ nói ra điều mình cảm nhận được,
nhà trị liệu cho tạm dừng ít phút và nói: “bạn đã làm rất tốt”. Kết thúc bằng
việc trao đổi tiếp những gì mà thân chủ vừa nói ra. Kỹ thuật này cũng được
áp dụng trong những rối loạn như nêu ở phần trên.

- Kỹ thuật tưởng tượng có hướng dẫn

Kỹ thuật này nhằm giúp thân chủ tái hiện lại sự kiện đã xảy ra để đem
lại cảm nhận tốt hơn về sự kiện đó. Nguyên lý của kỹ thuật là những vấn đề
thuộc tâm lý được bắt nguồn từ những xung đột không được giải quyết trong
quá khứ và những xung đột đó cần được thừa nhận và giải quyết. Các bước
tiến hành gồm:

- Bước 1: Hướng dẫn tưởng tượng: kỹ thuật này diễn ra ngay trong khi
trao đổi với thân chủ và việc tưởng tượng bắt đầu trực tiếp với sự kiện mà
thân chủ gặp khó khăn. Nhà trị liệu không cần chuẩn bị quá nghi lễ, có thể
ngồi đối diện hoặc ngồi phía sau lưng thân chủ, yêu cầu thân chủ nhắm mắt
lại và nói: “bây giờ, bạn hãy tưởng tượng lại về sự việc đã xảy ra, nói hết về
những gì mà bạn cảm nhận qua từng thời điểm”. Sau đó, nhà trị liệu ghi lại
những gì thân chủ nói ra.

- Bước 2: Nói chậm về những trải nghiệm của chính thân chủ: khi thân
chủ nói ra những hồi tưởng đó, nhà trị liệu nhận thấy tình tiết hoặc sự việc
nào quan trọng thì yêu cầu thân chủ rằng: “chúng ta lặp lại thật chậm chi tiết
này”. Nhà trị liệu lắng nghe thân chủ nói lại xem có gì thêm bớt khác hơn với
nội dung đã nói trước đó không, hoặc có nói rõ nội dung hơn không. Việc nói
lại thật chậm giúp thân chủ một lần nữa trải nghiệm lại sự việc của mình để có
cách nhìn nhận chi tiết và sâu sắc hơn.

- Bước 3: Nhận biết vấn đề: trong khi thân chủ nói chậm những tình tiết,
sự việc diễn ra, nhà trị liệu cần nắm bắt được điểm mấu chốt của sự việc đó
và phản ánh lại cho thân chủ biết. Tức là nhắc lại những điều thân chủ vừa
bộc lộ.

- Bước 4: Kết thúc: yêu cầu thân chủ từ từ mở mắt ra và nói: “lúc này,
khi ngồi ở đây nhìn lại sự việc đó, bạn nhận thấy điều gì?”, rồi cùng thân chủ
trao đổi tiếp về những điều mà thân chủ nhận thấy. Đôi khi trong quá trình
tưởng tượng, thân chủ đã tự nhận biết được vấn đề của mình.

- Kỹ thuật phóng đại:

Đây là một dạng đặc biệt của diễn kịch. Một người được yêu cầu phóng
đại một vài cảm xúc, suy nghĩ, hành động… để cảm thấy diễn xuất có cảm
xúc mãnh liệt hơn hoặc có sức tưởng tượng hơn. Trên cơ sở đó, thân chủ
phần nào bộc lộ những dồn nén, những mong muốn của chính thân chủ. Các
bước tiến hành:

- Bước 1: Thảo luận đóng vai: nhà trị liệu cùng thân chủ thảo luận xem
họ sẽ diễn kịch- theo chủ đề gì, hay diễn theo kiểu ứng biến. Diễn kịch có thể
bằng hành động, lời nói, nghệ thuật, thơ ca… Nhà trị liệu đóng vai trò là người
quan sát và hướng dẫn thân chủ tham gia diễn xuất. Đối tượng tham gia có
thể là hai người hoặc một nhóm.

- Bước 2: Hướng dẫn phóng đại: khi đã chọn được nội dung diễn, tất cả
bắt đầu nhập vai. Trong quá trình diễn, nhà trị liệu hướng dẫn thân chủ phóng
đại cảm xúc tình cảm, hành động của mình tuỳ thuộc tình huống khi đó. Thí
dụ: “hãy đung đưa chân bạn mạnh hơn nào! lặp lại những gì bạn vừa nói, lớn
lên, lớn lên!” hoặc “hãy hành động như thể bạn là kẻ ngốc nghếch xem nào!
Hãy hành động như thể bạn bất cần đi nào!”. Nhà trị liệu vừa quan sát vừa
hướng dẫn.

- Bước 3: Kết thúc: khi diễn xong, nhà trị liệu và thân chủ nhìn lại quá
trình diễn kịch. Hãy để thân chủ tự nói lên cảm nhận của mình về vai diễn của
mình và của người khác. Và điều quan trọng hơn là thân chủ cảm thấy thế
nào, nhận thấy điều gì sau vai diễn.

LIỆU PHÁP NHÓM

Joseph Pratt (1974), một thầy thuốc ở Boston được thừa nhận là người
đề xuất liệu pháp tâm lý nhóm. Vào đầu thế kỷ XX, ông nhóm những bệnh
nhân lao phổi lại để chỉ dẫn cho họ các khía cạnh về y khoa của căn bệnh họ
đang mắc. Ngoài những điều có tính chất giảng dạy về chuyên môn, ông đã
khuyến khích một bầu không khí tổ nhóm và thông qua đó, các bệnh nhân đã
giúp đỡ lẫn nhau.

Nhiều năm sau đó, một số nhà tâm thần học Hoa kỳ đã kết hợp các ý
tưởng của Pratt để ứng dụng điều trị bệnh nhân tâm thần. Lazell (1921) và
Marsk (1974) cũng đã áp dụng mô hình tương tự, tổ chức các nhóm bệnh
nhân mà bệnh nhân được xem là “những sinh viên”, được dạy về sức khoẻ
tâm thần. Tuy nhiên, phương pháp mang tính giáo dục này nhanh chóng bị
mờ nhạt, và dần dần được thay thế bởi các nhà phân tâm học trong việc hình
thành nên liệu pháp nhóm.

Nhiều nhà phân tâm học Hoa Kỳ đã đưa kỹ thuật của họ vào liệu pháp
nhóm. Trigant Burrow (1974), người sáng lập ra Hội Phân tâm học Hoa Kỳ, đã
đưa ra phương pháp Phân tích nhóm. Ông thấy rằng các hiện tượng như sự
đề kháng, sự chuyển dịch là thích hợp trong liệu pháp nhóm cũng như liệu
pháp cá nhân. Sau Burrow là Paul Schilder (1951) cũng áp dụng Phân tâm
học trong Liệu pháp nhóm.

Một đóng góp then chốt nữa ở Hoa Kỳ là của một nhóm những nhà tâm
lý học xã hội do Kurt Lewin lãnh đạo (1951). Lý thuyết của ông trong lĩnh vực
này là: “Động lực của một người có liên quan mật thiết với bản chất của các
sức mạnh xã hội xung quanh mình”. Lý thuyết này là cơ sở cho nghiên cứu
sâu về tiến trình nhóm.

Các nhân tố của liệu pháp nhóm

Các nhân tố trị liệu phụ thuộc vào các mục tiêu của nhóm. Các nhân tố
khác nhau có thể liên quan đến nhau vào các thời điểm nhất định trong suốt
thời kỳ tồn tại của nhóm. Các nhân tố của liệu pháp nhóm bao gồm:

- Sự gắn kết nhóm

Nhân tố này là tối cần thiết cho hiệu quả của liệu pháp nhóm và là nền
tảng cho tất cả các nhân tố trị liệu khác. Một nhóm được gắn kết khi: các
thành viên có ý thức về mình thuộc về nhóm và chấp nhận nhóm, cảm nhận
về sự đoàn kết và lòng trung thành trong nhóm, và có sự tương hỗ lẫn nhau.
Trong khi đó, họ cũng cảm nhận rằng nhóm chính là nguồn chăm sóc cho
bệnh nhân. Trong bối cảnh như vậy, bệnh nhân sẽ có cảm giác được đảm
bảo an toàn và hứng thú tham gia hoạt động nhóm, hiệu quả điều trị sẽ cao
hơn rõ rệt.

- Sự thấu hiểu, sự học tập qua hoạt động nhóm


Qua hoạt động nhóm, qua sự tương tác giữa các cá nhân, bệnh nhân
được học tập và tự hiểu sâu về mình hơn. Trong khi đó nhóm đóng vai trò
quan trọng trong việc khuyến khích và tăng cường cho những nỗ lực thay đổi
của cá nhân bệnh nhân.

- Tính phổ biến

Trước khi tham gia nhóm, bệnh nhân thường cho rằng mình là người
duy nhất có vấn đề và chỉ một mình mình phải gánh chịu vấn đề đó. Tính phổ
biến là cơ chế rất hiệu nghiệm, xuất hiện sau vài buổi trị liệu nhóm, ở đó, một
cảm nhận “chúng ta là cùng hội, cùng thuyền” sẽ nhanh chóng thay thế cảm
giác “tôi là duy nhất”. Tất cả các thành viên trong nhóm sẽ chia sẻ vấn đề
riêng của một người, và cá nhân có vấn đề sẽ được an ủi rằng mình không
phải là đặc biệt trong vấn đề này. Khi đó nhà trị liệu cần nhấn thêm cho nhân
tố phổ biến này với lời bình luận như: “có vẻ như mọi người đều có vấn đề
này, chỉ có điều nó theo hình thức này hay hình thức khác mà thôi”.

- Niềm hy vọng

Yếu tố vốn có, cố hữu trong tất cả các hình thức liệu pháp tâm lý là hy
vọng. Bệnh nhân khi bắt đầu tham gia trị liệu đều mong muốn sẽ được giúp
đõ, được thuyên giảm, được giải thoát khỏi vấn đề của mình. Trong quá trình
trị liệu nhóm, cá nhân chứng kiến sự tiến bộ của đồng bệnh, thấy lợi ích của
nhóm nên có sự lạc quan về viễn cảnh thay đổi cá nhân mình.

- Chủ nghĩa vị tha

Một trong những ưu điểm độc đáo của nhóm là tạo cho các thành viên
sự giúp đỡ và tương trợ lẫn nhau. Nhóm giúp các thành viên cơ hội giúp đỡ
người khác với ý thức “tôi có thể giúp ích cho người khác, và như vậy tôi có
giá trị”.

- Sự hướng dẫn

Hình thức ban đầu của liệu pháp nhóm gần giống như giảng dạy ở lớp
học. Sau này, người ta chủ trương nhà trị liệu như người hướng dẫn bệnh
nhân trong giải quyết khó khăn một cách đơn giản khiến bệnh nhân dễ dàng
nhận thức rõ hơn bản chất vấn đề của mình và cách thức giải quyết vấn đề.
Ngay cả bệnh nhân khác cũng trở thành người hướng dẫn của bệnh nhân
trong các buổi thảo luận.

- Học tập gián tiếp (cơ chế lây lan)

Mỗi thành viên trong nhóm có thể có một mô hình tiềm tàng nào đó để
ngưòi khác có thể học tập. Trong liệu pháp nhóm, một cá nhân có thể học tập
cách giải quyết vấn đề thành công của người khác. Ngoài ra, mỗi bệnh nhân
có thể có phẩm chất khiến người khác muốn vươn lên cho bằng đồng bệnh
của mình. Thí dụ, một người thụ động sẽ noi gương theo người tự tin, bạo
dạn. Thành công của một người sẽ khiến người khác hành động tương tự.

- Sự thanh lọc tâm tư và tự thổ lộ tâm tư

Hai nhân tố này bao gồm việc làm dịu đi các cảm xúc tức giận, lo lắng
bồn chồn, xấu hổ (mắc cỡ), tội lỗi và trầm cảm, và sự tự bộc lộ những điều
dấu kín trước đây mà chính nó đã khiến bệnh nhân đau khổ hoặc bối rối. Việc
giải tỏa những cảm xúc âm tính luôn có lợi cho bệnh nhân. Còn việc tự bộc lộ
khiến bệnh nhân cởi bỏ những điều dấu diếm trước đây và chia sẻ với nhóm.
Chia sẻ thường là bước khởi đầu của một quá trình trong đó bệnh nhân và
nhóm khai thác sâu sắc vấn đề liên quan để giải quyết chúng.

Kỹ thuật liệu pháp nhóm

- Tổ chức nhóm

Có các loại nhóm được tổ chức như sau:

Nhóm đồng nhất: bao gồm những bệnh nhân có cùng các vấn đề tương
tự nhau. Thí dụ, những người nghiện rượu, nghiện ma tuý, đồng tính luyến ái,
những người béo phì…

Nhóm pha tạp: thường được tổ chức cho trị liệu dài hạn, bao gồm
những bệnh nhân có nhiều vấn đề khác nhau. Những bệnh nhân này cần một
“thế giới xã hội” đa dạng để tìm hiểu về chính họ và về người khác, đồng thời
họ cũng cần trải nghiệm để thay đổi hành vi ứng xử.
Nhóm đóng: là nhóm mà bắt đầu và kết thúc với cùng một số thành
viên. Nhóm đóng thường áp dụng cho trị liệu ngắn hạn. Không nên áp dụng
trong trị liệu dài hạn vì có người đạt kết quả trị liệu trước sẽ kết thúc và rời bỏ
nhóm sớm.

Nhóm mở: cho phép các thành viên kết thúc tại các thời điểm khác
nhau. Những thành viên mới đến sẽ thay thế những thành viên đã kết thúc.
Điều bất lợi của nhóm này là sự gắn bó của nhóm bị đe doạ vì người mới phải
cần thời gian hòa hợp với nhóm đã được thiết lập từ trước.

Nói chung, về số lượng, mỗi nhóm tối ưu là 7 đến 8 người. Số lượng tối
thiểu phải là 5 để đảm bảo cho bất kỳ cuộc học tập nào có thể diễn ra. Đồng
thời nếu số lượng quá 8 sẽ khó khăn cho các thành viên tiếp nhận đầy đủ thời
gian nhóm dành cho cá nhân.

- Các giai đoạn của tiến trình liệu pháp

Giai đoạn bắt đầu: lựa chọn thành viên thích hợp. Các thành viên có
thể có các vấn đề khác nhau, nhưng đều có khó khăn nhất định giống nhau
trong việc duy trì các mối quan hệ giữa các cá nhân. Nhóm có thể gặp mặt
mỗi tuần một lần, thời lượng 90 phút, vào cùng một giờ trong một căn phòng
tiện nghi.

Giai đoạn phát triển: kéo dài một vài tháng. Sự gắn bó của nhóm là mục
tiêu chính trong giai đoạn này. Nhà trị liệu đặt ra những tiêu chuẩn cần thiết
cho việc chuyển tiếp từ một nhóm lo lắng, bất an thành một nhóm có các đặc
tính đoàn kết, tin cậy và có niềm tin.

Giai đoạn nhóm trưởng thành: tiếp theo giai đoạn phát triển, nhóm trở
thành một đơn vị vận hành và trưởng thành. Lúc này mục tiêu chính vẫn là sự
gắn bó. Các bệnh nhân tham gia vào việc giải quyết các vấn đề của họ và của
các bạn đồng nhóm. Giai đoạn này, các nhân tố trị liệu nêu ở phần trên nên
được đưa vào thực hành một cách hoàn hảo. Nhân tố chủ vếu nhất đó là sự
thấu hiểu và học tập thông qua hoạt động giữa các cá nhân. Hiệu quả của trị
liệu tốt hơn nếu ta có mục tiêu cụ thể và tuỳ thuộc vào thực tế xảy ra trong
nhóm, đặc biệt là giữa các bệnh nhân với nhau, giữa bệnh nhân và nhà trị liệu
và giữa bệnh nhân với nhóm.

- Tọa đàm tâm lý nhóm

Các hoạt động tọa đàm trong liệu pháp nhóm có thể có các nội dung và
hình thức như sau:

Từng cá nhân trình bày, thổ lộ trước nhóm về vấn đề của mình. Đây là
một vấn đề tồn tại, một khó khăn chủ yếu. Mối quan hệ, khó khăn của cá nhân
ở ngoài nhóm giờ đây đã hiển nhiên trở thành vấn đề ở trong nhóm.

Các thành viên thảo luận về suy nghĩ, cảm xúc, hướng giải quyết của
riêng mình. Thảo luận nhóm sẽ cung cấp thêm khả năng nảy sinh các cách
giải quyết khác nhau để các thành viên rèn luyện khả năng chống đỡ với tình
huống.

Trong nhóm, bệnh nhân có khả năng diễn tập, làm mẫu lại các hành vi
và thực hành giải quyết các tình huống khác nhau. Mỗi cá nhân có thể học ở
thành viên khác về cách thức giải quyết vấn đề, đưa lại hành vi tốt hơn cho
bệnh nhân.

Đối với liệu pháp âm nhạc, các nhà trị liệu âm nhạc theo tiếp cận nhân
văn hiện sinh dùng âm nhạc là phương tiện để khơi gợi và nhận biết về
những nhu cầu ngay lập tức của bệnh nhân, đồng thời kích thích, giúp đỡ cho
tiến trình hiện thực hóa ở bệnh nhân. Các phương pháp trị liệu âm nhạc khác
nhau như âm nhạc tích cực (sáng tạo, tái sáng tạo, ứng tác,…) và âm nhạc
tiếp thụ (nghe nhạc) có giá trị để lựa chọn phục vụ những mục tiêu này.

Paul Nordoff và Clive Robbins là những người phát triển liệu pháp âm
nhạc sáng tạo. Các tác giả tán thành nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa nhân
văn. Liệu pháp âm nhạc sáng tạo đã sử dụng rộng rãi kỹ thuật ứng tác làm
phương thức thúc đẩy hiện diện điều cốt lõi, thiết yếu của đời sống con
người. Trong tiếp cận này, âm nhạc được xem không phải là “biểu tượng đại
diện cho cái gì đó mà nó chính là biểu hiện trực tiếp của bản thân người
bệnh”.
Những phương pháp âm nhạc tiếp thụ được sử dụng để trợ giúp bệnh
nhân có khả năng tự nhận biết và thấu hiếu, làm sáng tỏ giá trị con người.
Đồng thời các liệu pháp âm nhạc cũng giúp cho việc thăm dò các lĩnh vực tín
ngưỡng và chuyển đổi nhân cách người bệnh.

TIẾP CẬN ĐIỀU TRỊ TOÀN DIỆN

Mô hình điều trị toàn diện (Holistic) dựa trên giả định rằng việc chữa
bệnh đến từ bên trong người bệnh: cơ thể tự chữa bệnh. Thuật ngữ “Holistic”
bắt nguồn từ chữ Hy Lạp “Holos”, nghĩa là “trọn vẹn”, “toàn bộ”, “hoàn toàn”
và nó liên quan đến các từ “chữa bệnh” và “sức khỏe” (“Heal”, “Health”).

Tính thống nhất của cơ thể, tâm trí và tinh thần (các nước phương Tây
thường phân biệt qua 3 từ: body, mind, spirit) là nguyên lý cơ bản của triết lý
sức khỏe toàn diện, trong đó một cá nhân đang tồn tại về mặt cơ thể, cảm
xúc, tâm trí và tinh thần. Một nguyên lý lớn là để hoạt hóa một tiến trình chữa
bệnh riêng của một cá nhân, cá nhân đó phải đảm đương trách nhiệm về tất
cả các trải nghiệm của cá nhân bao gồm sức khỏe riêng của mình. Và một
nguyên lý nữa là: chỉ khi sự suy nghĩ miên man của một người được chấm
dứt và người đó vẫn còn tâm trí để khuyến khích cảm hứng làm việc, khi đó
sẽ tạo cho họ có khả năng tháo gỡ được những ngăn cản về mặt tâm trí của
họ.

Nền tảng của sự thay đổi trong y học là ý tưởng rằng tâm trí ảnh hưởng
đến sức khỏe cơ thể - cả về mặt tiêu cực và tích cực. Siegel (1986) ủng hộ
cho việc chữa bệnh cơ thể - tâm thần. Bản thân ông từng bị rối loạn stress
sau chấn thương. Sau khi khỏi bệnh, ông tự nhận ra tầm quan trọng của tình
yêu, cấu trúc gia đình trong chữa bệnh. Do đó, những mô hình chữa bệnh
ông nêu ra thường bao gồm sự sẵn sàng bày tỏ cảm xúc, cảm nhận của
mình, sự thay đổi môi trường sống và các mối quan hệ xã hội và các khía
cạnh tinh thần khác.

Pert (1997) cũng ủng hộ cho trường phái thống nhất cơ thể - tâm thần
của y học và vai trò then chốt về hóa sinh của cảm xúc. Bà khẳng định rằng
cảm xúc không được bày tỏ sẽ gây ra bệnh. Theo bà, “phân tử cảm xúc” du
lịch khắp cơ thể theo dòng máu, gắn vào thụ thể của các tế bào mọi ngóc
ngách của cơ thể. Tổ chức ruột chứa rất nhiều thụ thể neuropeptide để kết
nối với phân tử cảm xúc. Do đó, ý niệm thường thấy về “cảm giác trong lòng”
như người ta thường diễn tả là “sung sướng trong lòng” hay “đau lòng”… nó
mang tính ẩn dụ cao, song nó cũng là thực tế sinh học. Pert khẳng định chất
hóa học (neuropeptides) trong não hoạt động như người truyền tin giữa tâm
trí và hệ thống miễn dịch và không có rào cản giữa suy nghĩ, cảm giác và hệ
thống chữa bệnh sinh học của mỗi người. Thêm vào đó, Pert cũng nêu ra sự
kết nối giữa trí nhớ và cảm xúc và cảm xúc lại tạo ra cầu nối giữa tâm trí và
cơ thể.

Có lẽ điều khó khăn nhất theo nguyên lý điều trị toàn diện trong thực
hành lâm sàng là khía cạnh tinh thần và niềm tin theo khái niệm năng lượng.
Nhiều phương pháp chữa bệnh hợp lý dựa trên những niềm tin có tính lý
thuyết liên quan đến hệ thống năng lượng trong cơ thể con người. Những hệ
thống năng lượng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi cảm xúc và mức độ cân bằng
về tinh thần của chúng ta cũng như bởi các yếu tố dinh dưỡng và môi trường.
Liệu pháp điều trị toàn diện bao gồm chữa bệnh bằng rung cảm là cách thức
làm cân bằng lại năng lượng mà do bệnh tật đã làm mất cân bằng.

Các kỹ thuật liệu pháp âm nhạc được sử dụng trong mô hình này nhằm
khuyến khích bệnh nhân nhìn vào sự chữa bệnh riêng của mình. Điều cần
nhấn mạnh là hướng cho bệnh nhân khám phá ra và đạt tới các trạng thái
thay đổi ý thức theo sau hình tượng, biểu tượng và cảm xúc tiềm tàng để bộc
lộ nội tâm. Mục tiêu liệu pháp âm nhạc là giúp bệnh nhân tự nhận biết, làm
sáng tỏ giá trị cá nhân, giải phóng nguồn năng lượng trực giác bị tắc nghẽn,
mang về sự thư giãn sâu và nuôi dưỡng tinh thần và quyền tự hành động.

KẾT LUẬN

Sự phát triển của liệu pháp âm nhạc ở nhiều nước trên thế giới đã chịu
ảnh hưởng của các lý thuyết và phương pháp của liệu pháp tâm lý. Những
người đi đầu trong liệu pháp âm nhạc ở Mỹ như E. Thayer Gaston và William
Sears đã nêu ra nhiều định nghĩa về liệu pháp âm nhạc nằm trong khái niệm
về lý thuyết hành vi. Nhà liệu pháp âm nhạc, đồng thời là nghệ sĩ Cello, Juliet
Alvin, đã phát triển một tiến trình công việc dựa vào liệu pháp tâm lý kết hợp
điều trị y học. Ông dựa vào các khái niệm phát triển một số thuyết hành vi mở
rộng nhưng cũng ủng hộ mạnh mẽ cho mô hình liệu pháp tâm lý phân tâm.
Mary Priestley, người đi đầu và sáng lập liệu pháp âm nhạc theo tâm lý học
phân tích đã dùng cả lý thuyết của Freud và Jung trong phát triển lý thuyết
liệu pháp âm nhạc. Nordoff và Robbins đã dựa trên quan niệm nhân văn và
dùng nhiều lý thuyết hiện sinh và giao tiếp, các tác giả Frohne Hagemann và
Fritz Hegi đã dựa trên liệu pháp Gestalt và phát triển liệu pháp âm nhạc ở
Trung Âu. Helen Bonny, người sáng lập ra phương pháp hình tượng âm nhạc
có hướng dẫn, đã dựa trên khái niệm của Jung về đại diện biểu tượng và
hình tượng tích cực và dựa trên lý thuvết của Stanislav Grof về những trải
nghiệm kỳ sinh đẻ và tâm lý học chuyển đổi cá thể. Cuối cùng, các lý thuyết
hậu Freud đã ảnh hưởng và còn ảnh hưởng tới lý thuyết và thực hành liệu
pháp âm nhạc ở châu Âu.

Trong phần này, chúng tôi mới giới thiệu sơ lược có tính chất hệ thống
lại các liệu pháp tâm lý liên quan đến liệu pháp âm nhạc. Sự liên quan cụ thể
của từng liệu pháp tâm lý với các mô hình kỹ thuật liệu pháp âm nhạc sẽ
được trình bày ở chương sau.

Chương 4. CÁC PHƯƠNG PHÁP LIỆU PHÁP ÂM NHẠC

PHÂN LOẠI CÁC CHƯƠNG TRÌNH VÀ KỸ THUẬT CỦA LIỆU PHÁP


ÂM NHẠC

Một số tác giả Hoa Kỳ, qua tổng quan các hình thức liệu pháp âm nhạc
hiện nay được áp dụng trên thế giới, đã đưa ra phân loại liệu pháp âm nhạc
bao gồm 6 nhóm lớn như sau:

BIỂU DIỄN ÂM NHẠC

Ứng tác trên nhạc cụ theo nhóm (định hướng tiến trình)
Đây là kỹ thuật sử dụng nhạc cụ giúp bệnh nhân tham gia hoạt động
trong hình thức nhóm để có thể giao tiếp và diễn tả các cảm giác và cảm xúc
của mình. Trên cơ sở đó, bệnh nhân phục hồi khả năng hòa nhập xã hội.

Nhóm bệnh nhân có vai trò chức năng là một nơi rèn luyện các kiểu
mẫu hành vi cho bệnh nhân, là nơi tạo ra sự tương tác với nhau giữa các
bệnh nhân. Kỹ thuật này đã sử dụng phương thức diễn tả cảm xúc để tạo ra
một môi trường để bệnh nhân thực hành về hành vi thích ứng xã hội, về cách
thức làm chủ bản thân và giúp bệnh nhân tăng tính tự trọng và lòng tự tin.

Kỹ thuật thường được sử dụng là ứng tác trên nhạc cụ, tức là bệnh
nhân tham gia vào tiến trình sáng tạo ngay tức thì khi đang chơi trên dụng cụ
âm nhạc. Cách thức tiến hành là bệnh nhân ứng tác trên nhạc cụ thông qua
sử dụng chất liệu âm nhạc cơ bản sơ đẳng. Bệnh nhân tập chơi nhạc cụ một
cách tùy hứng để giải tỏa cảm xúc, giải phóng những trạng thái căng thẳng, lo
âu, và để làm cầu nối tới hòa nhập với xã hội.

Nhà trị liệu nêu ra các hình thức âm nhạc cơ bản để bệnh X nhân học
tập, thay nhau lần lượt chơi tập thể và chơi cá nhân. Những yếu tố âm nhạc
chủ yếu là cường độ, tốc độ, âm sắc, quãng âm, bố cục, nhịp điệu và giai
điệu. Các chủ đề cho ứng tác có thể thuộc về âm nhạc, nằm trong khuôn khổ
âm nhạc (như các ý tưởng về nhịp điệu và giai điệu…) và có thể không thuộc
về âm nhạc (như bệnh nhân tự do diễn tả cảm xúc cá nhân hoặc theo cảnh
tượng trong vở kịch, hoặc hình tượng theo bài thơ, bức tranh…). Các nhạc cụ
thường được sử dụng là bộ gõ có cao độ hoặc không cao độ, bàn phím
(organ) và guitar.

Mục tiêu phụ khác là để dạy và tập lại các kỹ năng âm nhạc đã có của
bệnh nhân.

Thông thường, kỹ thuật được ứng dụng trong lâm sàng để điều trị cho
những bệnh nhân không thể giao tiếp thích hợp bằng phương thức lời nói, họ
sẽ diễn tả và tác động lẫn nhau thích hợp bằng nhạc cụ.

Hòa tấu nhạc cụ (định hướng sản phẩm)


Đây là kỹ thuật sử dụng kỹ năng âm nhạc đã có của bệnh nhân cũng
như kỹ năng mới tiếp thu, mới luyện tập được của bệnh nhân, ở đây, nhà trị
liệu tiến hành công việc dạy, dàn dựng cho bệnh nhân luyện tập và biểu diễn
các tiết mục theo hình thức tập thể (hòa tấu), bằng các nhạc cụ khác nhau.

Kỹ thuật này nhấn mạnh vào kết quả biểu diễn âm nhạc. Các tiết mục
hòa tấu có được là do nỗ lực hợp đồng của các thành viên trong nhóm được
hướng dẫn và học tác phẩm âm nhạc, tham gia theo quy trình hoạt động
nhóm. Vì hòa tấu nhạc cụ nhấn mạnh vào kết quả biểu diễn nên gọi là định
hướng sản phẩm.

Trong quá trình hoạt động, bệnh nhân được rèn luyện để biết đặt
những nhu cầu cá nhân phục tùng mục đích âm nhạc của nhóm. Qua thực
hành âm nhạc, liệu pháp đã tập trung vào điều chỉnh các hành vi của bệnh
nhân. Bệnh nhân biết biểu thị trách nhiệm cá nhân trong nhóm, phát triển các
mô hình tương tác thuận lợi cho hoàn thành mục tiêu của nhóm. Đồng thời
bệnh nhân cũng biết chấp nhận sự hướng dẫn, sự lãnh đạo và phản hồi xã
hội, làm việc theo hướng làm chủ, chịu trách nhiệm và thỏa mãn với thành
công trong trải nghiệm thẩm mỹ âm nhạc.

Nhà trị liệu phối âm cho các bản hòa tấu với các loại nhạc cụ. Các
thành viên nhóm thực hiện vai trò âm nhạc được phân công theo đòi hỏi của
bản nhạc. Các loại hòa nhạc sau đây thường được các nước sử dụng cho kỹ
thuật này: hòa nhạc jazz, rock combo, hòa tấu kiểu Mỹ la tinh, hợp ca chuông
tay, ban nhạc nhịp điệu, hòa tấu guitar, ban nhạc dân gian, ban nhạc cổ điển,
thính phòng. Nhóm bệnh nhân được luyện tập, dàn dựng theo chương trình
thường xuyên để tập luyện kỹ năng và tăng vốn tiết mục biểu diễn.

Liệu pháp hát tập thể (định hướng tiến trình)

Đây là kỹ thuật dùng hoạt động hát để bệnh nhân tham gia hoạt động
trong nhóm có khả năng hòa nhập xã hội, có thể giao tiếp và diễn tả các cảm
nhận và cảm xúc của mình.
Nhóm có chức năng như một nơi luyện tập các mô hình hành vi và
tương tác lẫn nhau, trong đó sử dụng phương thức cảm xúc để tạo ra một
môi trường thực hành cho bệnh nhân diễn tả cảm nhận của mình, học tập
hành vi thích ứng xã hội và cách thức làm chủ bản thân, đưa đến tăng tính tự
trọng, tự tin.

Kỹ thuật này nhấn mạnh vào tiến trình sáng tạo âm nhạc ngay tại chỗ
thông qua sử dụng chất liệu âm nhạc hát. Bệnh nhân học tập sử dụng giọng
hát của họ để giải tỏa cảm xúc và làm cầu nối tới hòa nhập xã hội và để giải
phóng những cảm xúc căng thẳng và lo âu.

Mục tiêu phụ có giới hạn khác là để dạy và nhắc lại các kỹ năng hát đã
có của bệnh nhân.

Nhà trị liệu đặt kế hoạch cho các hoạt động hát khác nhau, có cấu trúc
từ hát thân mật, không nghi thức tới sáng tạo hoặc ứng tác theo nhóm hát.
Tiến trình hát không nghi thức cho phép mở rộng thành viên và định hướng
thực tế cho bệnh nhân trên tất cả các mức độ chức năng cũng như chọn lọc
các bài hát theo trạng thái cảm xúc thích hợp.

Các hình thức sáng tạo và ứng tác hát sử dụng kỹ thuật này có thể là
viết bài hát, ứng tác theo hình thức âm nhạc tiêu chuẩn. Chủ đề cho viết bài
hát và ứng tác có thể có tính âm nhạc (như các giọng điệu khác nhau, về bố
cục âm nhạc, nhịp điệu hoặc giai điệu…) và không âm nhạc (như trải nghiệm
cá nhân, những cảm xúc, những câu chuyện, tưởng tượng…)

Thông thường, để tạo thuận lợi cho ứng tác miệng, có thể sử dụng
dụng cụ khuyếch đại âm thanh giọng hát như ống loa hoặc microphone.

Biểu diễn đồng ca (định hướng sản phẩm)

Biểu diễn đồng ca là hình thức sử dụng khả năng hát sẵn có hoặc mới
học tập để giúp bệnh nhân hòa đồng với các bệnh nhân khác thông qua dạy
và tập dượt các tiết mục hát.

Kỹ thuật này nhấn mạnh vào sản phẩm âm nhạc, tức là các tiết mục ca
nhạc có thể biểu diễn. Các tiết mục đã hoàn chỉnh do được hướng dẫn và do
sự nỗ lực hợp tác của tập thể bệnh nhân theo quy trình hoat động và quá
trình tập luyện thường xuyên. Bệnh nhân là thành viên trong hoạt động nhóm
sẽ học tập cách phục tùng sự hướng dẫn, phục tùng người lãnh đạo và phản
hồi của những người xung quanh. Họ biết đặt nhu cầu cá nhân dưới những
mục tiêu âm nhạc của nhóm, phát triển khả năng tương tác lẫn nhau, tạo
thuận lợi cho việc hoàn thành những mục tiêu của nhóm đặt ra. Nhà trị liệu
chú ý đến công việc dạv, tập dượt và biểu diễn trong chương trình được tổ
chức biểu diễn chính thức. Qua biểu diễn, bệnh nhân đạt được sự thỏa mãn
thẩm mỹ qua sản phẩm âm nhạc (tiết mục ca hát).

Nhà trị liệu cũng đặt kế hoạch, đạo diễn, dàn dựng cho tập thể bệnh
nhân với nhiều kích cỡ, thể loại hợp ca và hòa hợp các giọng hát. Các thành
viên trong hợp ca được phân công nhiệm vụ theo yêu cầu của tác phẩm âm
nhạc. Các thể loại hợp ca có thể là: các hợp xướng bài hát thông thường, thế
tục hoặc thiêng liêng, thần thánh như kiểu hát hợp ca trong nhà thờ, hát đồng
ca các bài hát chính ca; hát tốp ca (3 hay 4 người); tốp ca hát ca khúc hay
thánh ca ngắn; hợp ca kiểu nhạc jazz; hợp ca nhạc dân gian hay nhạc pop.
Các hình thức hát có thể bao gồm hát giai điệu trong hợp xướng, đồng ca có
hòa phối âm hay phức điệu. Hợp ca thường có dàn nhạc đệm.

Hoạt động này cần được diễn ra thường xuyên, nhà trị liệu đề ra lịch
tập dượt thường xuyên để hình thành tiết mục biểu diễn chất lượng ngày
càng cao. Theo định kỳ, cần có kế hoạch tổ chức biểu diễn các tiết mục của
bệnh nhân một cách chính thức theo thời gian, địa điểm, quy mô biểu diễn, và
khán giả thích hợp.

Ứng dụng lâm sàng biểu diễn các tiết mục đồng diễn hát và nhạc cụ tạo
cho bệnh nhân cơ hội học tập và thực hành về trách nhiệm của thành viên
trong nhóm và được tổ chức chuyên biệt nhằm đạt tới mục tiêu điều trị
chuyên biệt.

Hướng dẫn nhạc cụ cá nhân (định hướng sản phẩm)

Kỹ thuật này tập trung vào việc làm sao để bệnh nhân đạt được kỹ
năng âm nhạc, biết chơi bất kỳ một loại nhạc cụ nào đó.
Bệnh nhân có thể lựa chọn để tập luyện và cải thiện một kỹ năng âm
nhạc sẵn có hay học tập một kỹ năng mới. Đây là kỹ thuật nhấn mạnh vào
sản phẩm âm nhạc, thể hiện kết quả của nỗ lực cá nhân để học tập một tiết
mục âm nhạc. Qua quá trình hoạt động trong liệu trình điều trị, bệnh nhân biết
tuân theo sự hướng dẫn của nhà trị liệu, sự đánh giá của người hướng dẫn
và đồng bệnh. Bệnh nhân có thể đặt câu hỏi, giải quyết vấn đề và thực hiện
nhiệm vụ âm nhạc được nhà trị liệu giao cho.

Qua trải nghiệm điều trị, với việc cải thiện các kỹ năng âm nhạc đã có
sẵn của bệnh nhân đã biết chơi nhạc, hoặc những kỹ năng sử dụng nhạc cụ
âm nhạc mà bệnh nhân mới học được, liệu pháp nhằm tới việc trợ giúp bệnh
nhân cải thiện sự giao tiếp với các thành viên khác. Âm nhạc là lối thoát cho
diễn tả cảm xúc cá nhân, trợ giúp cho cái tôi của bệnh nhân và giúp cá nhân
tăng cường sức chịu đựng trước nỗi thất vọng, tìm được cách thức thích hợp
giải quyết vấn đề của mình.

Nhà trị liệu hướng dẫn cho bệnh nhân kỹ thuật chơi nhạc cụ ở mức độ
học tập thích hợp. Nếu bệnh nhân đã biết chơi nhạc từ trước, có thể giao cho
bệnh nhân nhiệm vụ thực hành nhất định tùy theo khả năng của bệnh nhân.
Nhà trị liệu có thể hướng dẫn miệng hay làm mẫu các kỹ năng chơi nhạc
thích hợp hoặc dùng nhạc cụ khác để hòa nhạc với bệnh nhân.

Hoạt động âm nhạc ở kỹ thuật này rất phong phú, bao gồm: các nhạc
cụ ban nhạc và dàn nhạc (như: nhạc cụ nứa, gỗ, kèn đồng, bộ gõ, đàn dây),
nhạc cụ bàn phím (piano, organ), nhạc cụ dân gian (guitar thùng, banjo,
mandolin, đàn ximbalum) và nhạc cụ pop, rock (bộ trống, guitar điện tử,
harmonica).

Cần có kế hoạch biếu diễn chính thức, có vị trí, quy mô biểu diễn và
lượng thính giả thích hợp.

Về ứng dụng lâm sàng, liệu pháp tạo cho cá nhân bệnh nhân có cơ hội
học tập xây dựng tiết mục, tự rèn luyện, bắt buộc mình trong thao tác chơi
nhạc.
Hướng dẫn hát cá nhân (định hướng sản phẩm)

Đây là kỹ thuật sử dụng các bài học hát cá nhân, thông qua lịch hoạt
động chính thức trong đó nhà trị liệu hướng dẫn bệnh nhân thực hành cá
nhân để tạo cho bệnh nhân cơ hội phát triển và cải thiện kỹ năng hát.

Kỹ thuật này nhấn mạnh vào sản phẩm âm nhạc do học tập và thực
hành chính thức của bệnh nhân dưới sự hướng dẫn của nhà trị liệu với vai trò
như giáo viên. Bệnh nhân chấp nhận nhiệm vụ thực hành với nỗ lực cá nhân
rất lớn để hoàn thiện các bài hát, thỏa mãn về thẩm mỹ âm nhạc.

Qua hoạt động này bệnh nhân sẽ cải thiện sự giao tiếp trong tình huống
một thầy một trò, tăng khả năng chịu đựng nỗi thất vọng, trợ giúp cho cái tôi
thông qua hoàn thiện về âm nhạc và cải thiện các kỹ năng hát, cải thiện quan
hệ giữa các thành viên trong nhóm khi sinh hoạt nhóm và đó cũng là nơi giải
tỏa cảm xúc nội tâm cá nhân bệnh nhân.

Nhà trị liệu hướng dẫn bệnh nhân cách lấy hơi, tập bài hát và cung cấp
bài hát thích hợp với giọng của bệnh nhân, cần chú ý đến đọc nốt nhạc, cách
phát âm khi hát, phân câu hát và cách diễn tả cảm xúc. Trong giai đoạn đầu,
nhà trị liệu đệm đàn cho bệnh nhân hát. Khi có điều kiện, tổ chức cho bệnh
nhân biểu diễn. Chú ý đến việc tổ chức biểu diễn thích hợp về vị trí, hình thức
biểu diễn, quy mô biểu diễn.

Trong ứng dụng lâm sàng, bệnh nhân được tạo cơ hội tận dụng sự
hướng dẫn của nhà trị liệu ở mức độ một thầy một trò và được trải qua thực
hành, tự ép buộc mình hoàn thành công việc.

Ứng tác hoặc tương tác âm nhạc cá nhân (định hướng tiến trình)

Đây là kỹ thuật liệu pháp âm nhạc cá nhân sử dụng nhạc cụ để cung


cấp cho bệnh nhân giao tiếp và diễn tả ý nghĩ và cảm xúc theo cách thức
không ngôn ngữ miệng. Kỹ thuật này cũng cung cấp các mô hình hành vi có
trật tự, có tổ chức giữa bệnh nhân và nhà trị liệu.

Kỹ thuật này nhấn mạnh vào tiến trình sáng tạo trong tương tác âm
nhạc trực tiếp giữa nhà trị liệu và bệnh nhân thông qua sử dụng chất liệu âm
nhạc cơ bản, sơ đẳng. Bệnh nhân tập sử dụng nhạc cụ làm nơi giải tỏa cảm
xúc, cầu nối tới sự tương tác xã hội và giảm các cảm giác căng thẳng và lo
âu. Ở đây cũng có sự chú ý nhất định vào việc dạy và tập dượt kỹ năng âm
nhạc.

Nhà trị liệu cung cấp các hình thức âm nhạc cơ bản, trên cơ sở đó,
bệnh nhân luân phiên tập diễn tả tự do, đưa đến hoặc đi theo sự tương tác
âm nhạc. Bệnh nhân có thể bắt đầu hoặc đáp lại bằng câu nhạc (như hình
thức hỏi - đáp, diễn tả cảm xúc đối lập và như kể chuyện âm nhạc). Thí dụ về
hình thức phương pháp này: nhà trị liệu và bệnh nhân mỗi người sử dụng một
nhạc cụ. Nhà trị liệu chơi một câu nhạc bất kỳ, bệnh nhân đáp lại bằng một
câu nhạc, giống như một câu hỏi và một câu trả lời. Các yếu tố âm nhạc
chính làm khung cho sự tương tác âm nhạc giữa nhà trị liệu và bệnh nhân ở
đây bao gồm: động lực âm nhạc, âm sắc, quãng âm, bố cục, nhịp điệu và giai
điệu. Chủ đề cho ứng tác hoặc tương tác giữa các cá nhân có thể mang tính
âm nhạc (như chủ đề âm nhạc, nhịp điệu hoặc giai điệu) và không mang tính
âm nhạc (như chủ đề ứng tác không cần bị gò bó vào kỹ thuật âm nhạc mà
chỉ cần thể hiện một cách tự do tuỳ theo cảm xúc, theo một cảnh tượng kịch,
tưởng tượng, thơ, tranh…). Nhạc cụ thường dùng nhất là bộ gõ có độ cao và
không có độ cao, nhạc cụ bàn phím như organ và guitar.

Thông thường trong ứng dụng lâm sàng, bệnh nhân không có khả năng
giao tiếp bằng ngôn ngữ miệng sẽ tham gia tương tác và diễn tả bằng nhạc
cụ.

NHỮNG LIỆU PHÁP TÂM LÝ ÂM NHẠC

Liệu pháp âm nhạc trợ giúp nhóm và cá nhân

Kỹ thuật này sử dụng các hoạt động âm nhạc làm điểm khởi đầu và xúc
tác cho các tiến trình liệu pháp nhóm và cá nhân.

Liệu pháp âm nhạc trợ giúp nhóm và cá nhân nhấn mạnh vào việc tăng
cường trợ giúp bệnh nhân tương tác bằng ngôn ngữ nói, tham gia hòa nhập
xã hội và thực hành các kiểu mẫu hành vi khỏe mạnh. Môi trường của kỹ
thuật liệu pháp âm nhạc này là môi trường gây cảm giác an toàn cho bệnh
nhân.

Các kích thích âm nhạc tạo cho bệnh nhân những trải nghiệm cảm xúc
tức thì và khơi gợi tư duy, cảm xúc của bệnh nhân. Nhà trị liệu thiết kế
chương trình cho bệnh nhân nghe nhạc để tạo sự rung động thích hợp trong
cá nhân bệnh nhân. Âm nhạc được lựa chọn sao cho có những điểm trọng
tâm, khơi gợi cho bệnh nhân thảo luận và dẫn tới việc thăm dò các hành vi
mới hoặc tái khám phá ra những kỹ năng cũ.

Nhà trị liệu cần cấu trúc cho bệnh nhân trải nghiệm âm nhạc, xác định
quy trình cho sự tương tác giữa các cá nhân bệnh nhân. Nhà trị liệu cũng lập
kế hoạch cho tiến trình phản ứng nhóm và cá nhân làm sao có đủ thời gian
cho tiến trình trao đổi miệng. Trong liệu pháp nhóm hoặc liệu pháp cá nhân,
âm nhạc trợ giúp bao gồm nhiều thể loại trong kỹ thuật nghe nhạc có hướng
dẫn. Trong quá trình nghe nhạc, nhà trị liệu khơi gợi bệnh nhân thảo luận về
các yếu tố trong âm nhạc, thảo luận về nội dung lời ca, về xúc cảm âm nhạc
và sự giải thích của riêng cá nhân bệnh nhân về tác phẩm âm nhạc.

Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể gợi ý chọn tác phẩm âm
nhạc, ở đa số trường hợp, nhà trị liệu lựa chọn âm nhạc tạo thuận lợi cho
mục tiêu buổi hoạt động đã định trước, ở mức độ này, nhà trị liệu có chức
năng phân biệt và làm sáng tỏ những diễn tả của bệnh nhân về suy nghĩ, cảm
xúc và trợ giúp hành vi thích hợp giữa các cá nhân.

Liệu pháp tương tác âm nhạc nhóm và cá nhân

Kỹ thuật này sử dụng âm nhạc hoặc các hoạt động âm nhạc là yêu tố
kích thích cho khởi đầu tiến trình liệu pháp cá nhân và liệu pháp nhóm.

Điều nhấn mạnh ở mức độ này là tập trung vào những xung đột có ý
thức và cơ chế bảo vệ không lành mạnh của bệnh nhân. Tiến trình điều trị
bao gồm các kỹ thuật nhằm giúp bệnh nhân tăng cường thấu hiểu bên trong
thông qua việc quan sát và thảo luận về động cơ thúc đẩy và các hành vi của
bệnh nhân. Tiếp theo đó, bệnh nhân có thể nhận biết và xem xét kỹ lưỡng
những đáp ứng lành mạnh, thay thế hành vi không phù hợp.

Những kích thích âm nhạc được sử dụng để khơi gợi các ý nghĩ và
nhận biết sâu sắc về trạng thái cảm xúc liên quan đến tình huống xung đột.
Những ý nghĩ và cảm xúc liên quan này trở thành tiêu điểm của sự tương tác
giữa các cá nhân bệnh nhân. Tiếp theo sau là sự trao đổi bằng miệng để tạo
cơ hội cho bệnh nhân làm sáng tỏ các kiểu hành vi bệnh lý, khuyến khích tự
đánh giá để đưa đến lựa chọn những hành vi khỏe mạnh.

Nhà trị liệu cấu trúc cho bệnh nhân các trải nghiệm âm nhạc, xác định
quy trình cho sự tương tác giữa các cá nhân và hướng dẫn tiến trình phản
ứng cá nhân, nhóm, đồng thời đảm bảo cho bệnh nhân có đủ thời gian cho
tiến trình thảo luận miệng.

Các hoạt động ban đầu được sử dụng trong liệu pháp âm nhạc tương
tác nhóm và cá nhân là các hình thức nghe nhạc có hướng dẫn, đưa đến thảo
luận về nội dung lời ca, xúc cảm về âm nhạc và các mối liên hệ với trải
nghiệm trong quá khứ có liên quan đến xung đột có ý thức của cá nhân.
Nhiệm vụ quan trọng của nhà trị liệu là chọn lọc âm nhạc phục vụ cho những
mục tiêu đã được xác định trước và những mục tiêu này tùy thuộc nhu cầu
điều trị bệnh nhân, nổi lên trong tiến trình liệu pháp. Các tác phẩm âm nhạc
được lựa chọn làm sao có thể diễn tả và phản ánh những chủ đề hoặc những
vấn đề liên quan đến tiến trình liệu pháp nhóm, và như vậy nó trở thành tiêu
điểm cho mối tương tác tập trung vào chủ đề. Âm nhạc được lựa chọn cũng
đòi hỏi làm sao để làm sáng tỏ thái độ của cá nhân bệnh nhân với các cá
nhân khác, đồng thời nó cũng khuyến khích và phản ánh trạng thái phát triển
cá nhân và nhóm.

Chức năng của nhà trị liệu ở mức độ này là tạo thuận lợi cho nỗ lực của
bệnh nhân trong việc diễn tả, chống đỡ và giải quyết các xung đột, để chấp
nhận đáp ứng sức khỏe mới và để thực hiện thay đổi các hành vi đã lựa
chọn.

Liệu pháp âm nhạc xúc tác nhóm và cá nhân


Đây là kỹ thuật sử dụng các hoat động âm nhạc làm điểm khởi đầu và
xúc tác cho tiến trình liệu pháp cá nhân và liệu pháp nhóm.

Ở mức độ này, liệu pháp nhấn mạnh vào sự khơi gợi cho bệnh nhân
nhận biết về những xung đột trong tiềm thức và khuyến khích sự thay đổi qua
hồi tưởng và giải quyết các tình huống sợ hãi và xung đột sâu sắc nhất.

Âm nhạc được sử dụng ở đây để kích thích sự tưởng tượng, cảm xúc
và suy nghĩ liên quan đến hiện tại và quá khứ của bệnh nhân. Âm nhạc gây ra
các trải nghiệm trong người bệnh, và điều này được các nhà trị liệu sử dụng
nhằm làm bộc lộ các khu vực phát triển nhân cách, sự kiềm chế do xung đột
với thực tế trong suốt cuộc sống của bệnh nhân. Âm nhạc có thể đi vào mức
độ sâu thẳm, vô thức của tiến trình cảm xúc và điều này được sử dụng để
giúp cho bệnh nhân đấu tranh và tái tổ chức các cấu trúc nhân cách đang tồn
tại.

Nhà liệu pháp tạo ra ở bệnh nhân các trải nghiệm âm nhạc, xác định
quy trình cho tương tác giữa các cá nhân và hướng dẫn tiến trình phản ứng
cá nhân và nhóm, đảm bảo đủ thời gian cho tiến trình thảo luận miệng.

Các hoạt động ban đầu được dùng trong liệu pháp âm nhạc xúc tác
nhóm và cá nhân là các loại hình kỹ thuật nghe nhạc có hướng dẫn. Kỹ thuật
nhằm khuyến khích bệnh nhân nhận biết tốt về các cảm xúc, suy nghĩ, trải
nghiệm mà trước kia đã bị từ chối hoặc kiềm chế. Một trong những kỹ thuật
đó là phương pháp Hình tượng có hướng dẫn và âm nhạc. Kỹ thuật này tận
dụng tiềm năng của âm nhạc để giải thoát vấn đề từ vô thức cho liệu pháp
tâm lý giải quyết cùng bệnh nhân. Kỹ thuật thường dùng cho liệu pháp cá
nhân. Bệnh nhân và nhà trị liệu quyết định bản nhạc được chọn lọc theo mục
tiêu điều trị đã được xác định trước. Âm nhạc sẽ khơi gợi tiến trình tâm lý bên
trong của bệnh nhân. Tiến trình chọn lọc âm nhạc được xác định bởi sở thích
và trải nghiệm âm nhạc cũng như sự liên quan và ý nghĩa hình tượng gắn kết
với âm nhạc nhất định.

Chức năng của nhà trị liệu ở mức độ này là đem đến sự nhận thức về
cảm xúc, những vấn đề trong vô thức và giúp bệnh nhân xây dựng cơ chế
phòng vệ mới, lành mạnh, tự hiểu biết tốt hơn, có khuynh hướng và nghị lực
trưởng thành hơn.

ÂM NHẠC VÀ VẬN ĐỘNG

Các kỹ thuật đệm nhạc cho vận động

Có 7 loại nhạc đệm dùng cho kỹ thuật vận động âm nhạc.

1. Nhạc đệm nền

Đó là nhạc sống hay nhạc ghi âm làm nền kích thích để khuyến khích
và tạo thuận lợi cho các hoạt động vận động. Âm nhạc ở đây được lựa chọn
để diễn tả cảm xúc mong muốn và có tốc độ chung cho hoạt động vận động
(như nhịp nhẹ không nhấn, nhịp mạnh mẽ, nhịp độ nhanh đối nghịch với nhịp
mang tính uy nghiêm, suy ngẫm và chậm). Âm nhạc cũng được dùng để kích
thích tâm lý và sinh lý đáp ứng với vận động của bệnh nhân. Đáp ứng vận
động không có nghĩa là sự đồng hóa nhịp vận động của bệnh nhân với nhịp
điệu âm nhạc.

2. Tín hiệu thời điểm

Thường dùng nhạc sống để làm tín hiệu âm thanh báo hiệu về cấu trúc
thời gian trong các hoạt động vận động. Thí dụ:

- Âm ngắt quãng liên tục ở piano báo hiệu quay lại một kiểu vận động
nhất định và bắt đầu chơi âm nhạc đều đếu, khoan thai, luyến, nối.

- Trong khi xuất hiện một hòa âm nhất định đang phát triển đi lên, bệnh
nhân sẽ vận động dần dần từ một vị trí này đến vị trí khác.

- Âm thanh của dụng cụ cymbal báo hiệu thay đổi, đi vào múa đơn solo.

Âm nhạc tín hiệu thời điểm có thể để báo hiệu dẫn đến vận động nhất
định hoặc có thể báo hiệu để theo sau vận động.

3. Kích thích xúc tác


Dùng âm nhạc sống hay ghi âm lúc đầu phục vụ cho trải nghiệm nghe
của bệnh nhân. Sau đó âm nhạc sẽ cung cấp chủ đề cho sự tương tác và
diễn tả bằng vận động. Thí dụ:

- Bệnh nhân nghe nhạc về hình ảnh những bức tranh của một cuộc
triển lãm, cố gắng hình dung các hoạt động vận động do âm nhạc diễn tả.
Mục tiêu cuối cùng là sẽ biểu diễn vận động theo âm nhạc và bản nhạc đó.

- Bệnh nhân nghe một bài hát, sau đó nhập vai mình vào vị trí của nhân
vật trong bài hát để diễn tả và trải nghiệm thông điệp của lời ca. Có thể dùng
các bài hát tập trung vào xây dựng các mối quan hệ với người khác. Khuyến
khích bệnh nhân thay đổi từ vị trí một người thoái lui tiến tới vận động theo
tình huống nhóm hoặc thành viên.

Trong kỹ thuật này, trải nghiệm âm nhạc đi trước trải nghiệm vận động.

4. Nhạc đệm đại diện, tượng trưng

Dùng nhạc sống để phản ánh đặc tính, kiểu dòng nhạc, nhịp độ và các
đặc trưng bên ngoài của vận động. Thí dụ:

- Nhịp độ của âm nhạc đại diện cho tốc độ của vận động.

- Bố cục hòa thanh liên quan đến vận động: từ “nhẹ” chuyên sang
“nặng”, sự thay đổi tone của âm nhạc liên quan đến thay đổi sức cơ vận
động.

- Quãng âm cao hay thấp liên quan đến khoảng cách của vận động.

- Thay đổi từ dòng giai điệu chuyển sang hòa thanh khối liên quan đến
di chuyển hoạt động vận động.

- Âm nhạc có thể dẫn đến vận động hoặc theo sau vận động.

5. Nhạc đệm nội dung

Âm nhạc sống hoặc ghi âm để làm tăng các khía cạnh bên trong của
hoạt động vận động. Âm nhạc sẽ chỉ tập trung vào các đặc điểm bên ngoài
vận động và đặc điểm đó là một bộ phận của nội dung bên trong của vận
động.
Âm nhạc có thể dẫn đến vận động hoặc theo sau vận động.

6. Nhạc đệm được chỉ định

Thường sử dụng nhạc sống như hình thức chỉ dẫn và phiên dịch các
yếu tố vận động xác định trước sang các yếu tố âm nhạc để hướng dẫn hoặc
đồng hành với các hoạt động. Mỗi một thành phần vận động được đồng bộ
hóa với các sự kiện âm nhạc. Thí dụ:

- Sự nhảy quãng âm nhạc liên quan đến bước nhảy và đi lại từ nơi này
qua nơi khác.

- Sự láy rền và quay lại giai điệu liên quan đến vận động quay, xoay
tròn và xoay xung quanh.

- Hát đơn đối nghịch với vận động theo giai điệu liên quan đến đứng ở
tại chỗ đối nghịch với vận động di động.

- Đường nét giai điệu đi lên hoặc đi xuống liên quan đến vận động đi
lên hoặc đi xuống.

Âm nhạc có thể dẫn đến hoặc theo sau vận động.

7. Nhạc đệm múa

Nhạc sống hoặc ghi âm phục vụ đệm cho hệ thống vận động chính
thức hóa, tạo thành điệu múa hoặc hình thức múa theo tốc độ, nhịp điệu và
diễn tả. Các vận động được đồng bộ hóa với âm nhạc theo nhịp điệu và tốc
độ.

Âm nhạc dẫn đến vận động.

Sau đây là các kỹ thuật vận động âm nhạc:

Nhận biết vận động

Đây là kỹ thuật sử dụng âm nhạc và các hoạt động vận động để khuyến
khích bệnh nhân tương tác với nhau và diễn tả bản thân ở mức độ mở đầu,
thông qua vận động cơ thể trong hoạt động nhóm.
Ở mức độ này, liệu pháp nhấn mạnh vào việc tạo cho bệnh nhân cảm
giác thoải mái, trong đó bệnh nhân và các thành viên nhóm tập trung vào
nhiệm vụ sắp tới và loại trừ các hành vi tự ti, dè dặt đã ức chế vận động và
diễn tả cảm xúc của bệnh nhân. Bệnh nhân có thể vận động một mình hoặc
với các thành viên khác. Mục tiêu của sự bắt đầu vận động bằng âm nhạc và
tiếp theo là các hoạt động vận động để tạo ra một môi trường thoải mái và an
toàn. Trong môi trường này, bệnh nhân hoạt động với âm nhạc trong thái độ
tự tin hơn, với mục tiêu cuối cùng là phát triển khả năng để thăm dò các loại
hoạt động vận động khác. Điều này khuyến khích bệnh nhân sáng tạo trong
vận động trên nền âm nhạc để đạt được sự hiểu biết hơn về cảm giác, suy
nghĩ và cảm xúc thông qua vận động diễn tả cá nhân hoặc trong nhóm.

Nhà trị liệu xây dựng những bài tập âm nhạc và vận động để bệnh nhân
vận động theo âm nhạc hoặc có thể chơi nhạc cụ đệm nhạc cho vận động.
Nhà trị liệu có thể hướng dẫn bệnh nhân bằng cách minh họa vận động để
bệnh nhân làm theo. Điều này khiến bệnh nhân hoạt động ít bị ức chế hơn.

Các bản nhạc được sử dụng ở đây là nhạc đệm mức độ (1) nhạc đệm
nền để đệm cho vận động. Nhịp điệu, bố cục cũng như các yếu tố âm nhạc
khác có tác dụng lôi kéo, thu hút người tham gia, tập trung vào vận động cơ
thể với âm nhạc, giảm bớt đi những cảm nhận tự ti, thiếu mạnh dạn. Nhà trị
liệu chọn hoạt động vận động và âm nhạc với nỗ lực khơi gợi đáp ứng vận
động. Chủ đề cho vận động nên ngắn, cụ thể, phù hợp lứa tuổi, thú vị và
khuyến khích sự tự diễn tả và tương tác giữa các bệnh nhân.

Chức năng của nhà trị liệu ở mức độ này là đưa đến nhận biết ban đầu
về khả năng của bệnh nhân vận động theo cách thức ít bị hạn chế hơn. Sự
nhận biết như vậy giúp cho bệnh nhân phát triển khả năng diễn tả cảm nhận
và cảm xúc thông qua vận động.

Kỹ thuật thường được ứng dụng lâm sàng trong điều trị những bệnh
nhân khó khăn trong giao tiếp bằng lời nói, bệnh nhân có thể học tập cách
diễn tả cảm xúc của họ thông qua vận động cơ thể.

Vận động thăm dò


Đây là kỹ thuật sử dụng kích thích âm nhạc và các yếu tố vận động để
thăm dò và cải thiện sự hình dung về cơ thể và cảm nhận của bệnh nhân về
khả năng vận động một cách hiệu quả và thoải mái.

Điều nhấn mạnh ở mức độ này là để phát triển vốn tiết mục của vận
động cơ thể, những vận động này được sử dụng theo chức năng và sự
truyền cảm. Bệnh nhân cũng nhận biết được về tiềm năng vận động riêng của
mình trong trạng thái tiếp xúc thực tế và kiểm soát ý thức. Bệnh nhân có thể
vận động một mình hoặc với các thành viên khác trong các hoạt động và bài
tập luyện tập trung vào cơ thể riêng của bệnh nhân.

Nhà trị liệu thiết kế âm nhạc và các trải nghiệm vận động trong đó bệnh
nhân tham gia bằng cách vận động theo âm nhạc hoặc chơi nhạc cụ đệm
nhạc cho vận động. Nhà trị liệu hướng dẫn và minh họa vận động để bệnh
nhân học tập, cố gắng cổ vũ, khuyến khích bệnh nhân làm theo. Những bài
luyện tập vận động tập trung vào thăm dò 5 yếu tố vận động cơ bản: vận
động di chuyển, nâng lên, xoay tròn, cử chỉ điệu bộ, tư thế vị trí; và tập trung
vào 3 chiều của vận động: thời gian, không gian và động lực. Nhiệm vụ cho
bài tập ở mức độ này bao gồm thực nghiệm với các khái niệm như:

- Vận động nhanh đối lập với vận động chậm.

- Vận động mạnh mẽ đối lập với vận động êm ả, nhẹ nhàng.

- Vận động thông qua không gian với các mức độ, chiều hướng và
đường đi khác nhau.

- Vận động với trình độ hoặc lực cơ bắp khác nhau.

Các bài tập vận động được thiết kế để giúp bệnh nhân phát triển tư thế
tốt nhất và vận động từ vị trí đến điệu bộ cử chỉ và đến sự di chuyển để phát
triển và kiểm soát các vận động cơ thể. Bệnh nhân được khuyến khích thực
nghiệm với các loại vận động khác nhau trong môi trường âm nhạc có cấu
trúc. Trong kỹ thuật vận động thăm dò, âm nhạc có thể sử dụng ở mức độ (2)
tín hiệu thời điểm, (4) nhạc đệm đại diện và (6) nhạc đệm được chỉ định cho
hoạt động vận động.
Chức năng của nhà trị liệu ở mức độ này là trợ giúp cho bệnh nhân
phát triển nhận thức, khả năng kiểm soát có năng lực và sự tự tin trong vận
động cơ thể để cải thiện sự hình dung về cơ thể của họ, sự tự tin và năng lực
sử dụng cơ thể của họ một cách truyền cảm theo chức năng.

Những đặc điểm cơ bản của vận động (như chậm, khoan thai, nhanh)
được nhấn mạnh theo những khả năng của bệnh nhân. Sự kết hợp âm nhạc
và vận động, sử dụng trải nghiệm nghe vận động, làm tăng trải nghiệm về
cảm xúc, về xã hội, về cơ thể và về thẩm mỹ cho bệnh nhân.

Vận động tương tác

Đây là kỹ thuật sử dụng âm nhạc và các hoạt động vận động để tạo cơ
hội cho bệnh nhân trải nghiệm xã hội và có các khái niệm về cảm xúc theo
phương thức gợi cảm, về cơ bản không giao tiếp miệng.

Ở mức độ của kỹ thuật này nhấn mạnh đến vận động chung với bệnh
nhân khác, với âm nhạc là nguồn cung cấp các yếu tố gắn kết cho bệnh nhân,
cung cấp ý nghĩa và sự phản hồi với hoàn cảnh. Kỹ thuật tập trung vào tự
thân bệnh nhân, bản thân bệnh nhân trong mối liên hệ với những người khác
và tập trung vào nhiệm vụ diễn tả hoặc đồng hành với âm nhạc và lời ca.

Nhà trị liệu khởi xướng trải nghiệm âm nhạc và vận động trong đó bệnh
nhân tham gia vận động với âm nhạc hoặc chơi nhạc đệm trên nhạc cụ. Nhà
trị liệu chọn chủ đề cho hoạt động và cấu trúc sao cho đảm bảo an toàn cơ
bản cho vận động tương tác đê đưa đến sự diễn tả có ý nghĩa và sự tương
tác với nhau không bằng ngôn ngữ miệng. Chất liệu và chủ đề khiến bệnh
nhân bị lôi cuốn vào tương tác nhóm, được rút ra từ những câu chuyện,
những bài thơ, kịch bản, âm nhạc nghe, nhìn,… Âm nhạc có vai trò như điểm
khởi đầu dẫn đến trải nghiệm vận động, hoặc nó là nhạc đệm theo sau vận
động. Trong kỹ thuật vận động tương tác, âm nhạc có chức năng của (1)
nhạc đệm nền, (2) tín hiệu thời điểm, (3) kích thích xúc tác và (4) nhạc đệm
đại diện cho hoạt động vận động.
Chức năng của nhà trị liệu ở mức độ này là đánh giá liệu các vận động
của bệnh nhân có phải là phản ánh về sự phát triển nhận biết xã hội của họ
không, vì đây là yêu cầu cải thiện mức độ hợp tác và giao tiếp của bệnh nhân.
Đồng thời nhà trị liệu cũng phải đánh giá các vận động của bệnh nhân có phải
là bằng chứng về sự tự tin và tự khẳng định của bệnh nhân đã được cải thiện
không. Nhà trị liệu còn có nhiệm vụ nhận ra các đầu mối hành vi liên quan
đến các trạng thái cảm xúc như hạnh phúc, buồn, sợ hãi, tẻ ngắt và vô cảm
của bệnh nhân.

Năng lực của bệnh nhân được nhấn mạnh qua các đặc tính vận động
cơ bản như chậm, khoan thai, nhanh, và chú ý tới kế hoạch vận động và mức
độ phối hợp vận động. Sự kết hợp âm nhạc và vận động, sử dụng trải nghiệm
nghe vận động làm tăng trải nghiệm cảm xúc, xã hội, cơ thể và thẩm mỹ cho
bệnh nhân.

Vận động diễn tả

Đây là kỹ thuật dùng âm nhạc và các hoạt động vận động để trợ giúp
bệnh nhân nhận biết về cảm giác và cảm xúc liên quan đến chức năng cá
nhân họ và khả năng đối phó trong cuộc sống hàng ngày.

Các hoạt động vận động diễn tả có chức năng như những thử nghiệm
(test) cơ sở cho trải nghiệm và diễn tả các cảm xúc theo phương thức gợi
cảm, về cơ bản không bằng ngôn ngữ miệng. Những xung đột được dồn nén
trong tiềm thức, những tưởng tượng và cảm nhận liên quan đến trải nghiệm
quan trọng của bệnh nhân có thễ được khơi gợi ra. Bệnh nhân học tập được
cách sử dụng âm nhạc và các kỹ thuật vận động để chuyển tải cho sự tự diễn
tả cảm xúc và giải phóng những cảm xúc lo âu, căng thẳng.

Nhà trị liệu thiết kế âm nhạc và các bài tập vận động trong đó bệnh
nhân tham gia vận động theo âm nhạc hoặc chơi nhạc đệm cho vận động.
Chủ đề âm nhạc được chọn lọc để khuyến khích, trải nghiệm và diễn tả các
khái niệm cảm xúc như tình yêu, sự mất mát, sự thương tiếc, trầm cảm, cô
lập và tách khỏi xã hội, xung đột giữa các cá nhân, hy vọng và vui thích. Các
trải nghiệm tương tác quan trọng như sự giúp đỡ, bác bỏ và chấp nhận cũng
được sử dụng ở mức độ này. Âm nhạc và lời ca thích hợp cho diễn tả các
chủ đề cảm xúc có thể dùng làm xúc tác cho trải nghiệm cảm xúc và sau đó
được diễn tả qua vận động.

Âm nhạc đệm nguyên thủy được dùng để mở rộng các trải nghiệm cảm
xúc của bệnh nhân. Có thể dùng thêm các loại (1) nhạc đệm nền, (2) tín hiêu
thời điểm, (3) kích thích xúc tác. Âm nhạc cũng đáp ứng cho sự khuếch đại
nội dung cảm xúc của trải nghiệm vận động khi nhà trị liệu sử dụng kỹ thuật
(4) nhạc đệm đại diện và (5) nhạc đệm nội dung.

Nhờ tiến trình tự nhiên của các hoạt động vận động diễn tả, âm nhạc
ứng tác thường được dùng ở mức độ này. Những đặc tính vận động cơ bản
như chậm, vừa, nhanh được nhấn mạnh trong khi xem xét năng lực của bệnh
nhân đồng thời xem xét tiềm năng của họ trong diễn tả cảm xúc. Sự kết hợp
âm nhạc và vận động dùng trải nghiệm nghe và vận động cơ thể sẽ làm tăng
trải nghiệm cảm xúc, xã hội, cơ thể và thẩm mỹ cho bệnh nhân.

Múa (dân gian, cổ điển và đương thời)

Đây là kỹ thuật sử dụng các hình thức múa được thiết lập và cấu trúc
sẵn với những bước nhảy, các kiểu nhảy với âm nhạc để khuyến khích tương
tác xã hội, niềm tự tin và các kỹ năng giải trí.

Lợi ích đi cùng bao gồm sự cải thiện về định hướng thực tế, phối hợp
vận động, tiến trình tri giác, chú ý và tập luyện thể lực. Kỹ thuật này nhấn
mạnh đến việc học tập và biểu diễn vận động múa có cấu trúc, liên tục theo
kiểu mẫu nhất định trong nhịp điệu âm nhạc nhất định. Kỹ thuật tập trung vào
nhiệm vụ vận động nhận thức và tri giác thực hiện phối hợp vận động với
những người khác.

Nhà trị liệu đặt kế hoạch và tổ chức hoạt động múa có tính đến những
đòi hỏi về các hình thức múa đặc biệt, các vai trò được xác định trước, số
lượng người tham dự cần thiết, những khó khăn trong kỹ thuật thực hiện các
bước nhảy múa và bản nhạc thích hợp. Những quyết định này tùy thuộc vào
khả năng và nhu cầu của các thành viên tham dự, xem xét đến sự thích thú
quan tâm cũng như nền tảng văn hóa của họ. Những kiểu múa điển hình
trong phân loại này bao gồm múa dân gian (nguồn gốc dân tộc, quốc gia),
múa cổ điển, múa xã hội hoặc phòng khiêu vũ (Van, Fox nước kiệu, nhảy
Ponka và tango) và múa xã hội đương đại (rock, disco).

Nhạc cho các bước múa là (7) nhạc đệm múa, đôi khi liên quan trực
tiếp tới nghi thức văn hóa.

Nhà trị liệu kết hợp với các thành viên nhóm có thể dùng các thể múa
truyền thống hoặc các kiểu nhảy thời trang hóa để xây dựng sáng tạo các
điệu múa cấu trúc theo nguyên thủy. Tiếp cận này có tính sáng tạo, tạo nên
sự hợp tác trong nhóm bệnh nhân, thỏa mãn tốt hơn cho khả năng và nhu
cầu của bệnh nhân.

Âm nhạc và tập luyện

Đây là kỹ thuật sử dụng âm nhạc để cung cấp khung thời gian cho
luyện tập cơ thể thích hợp. Tải bản FULL (296 trang): https://bit.ly/2WyQFGy
Dự phòng: fb.com/TaiHo123doc.net
Kỹ thuật này nhấn mạnh vào việc sử dụng âm nhạc với các tốc độ chọn
lọc để khuyến khích cá nhân hay nhóm bệnh nhân luyện tập cơ thể để đạt
được, duy trì hoặc lấy lại các mục tiêu về cơ thể đã định trước.

Phương pháp này cũng chú ý đến âm nhạc thích ứng để giúp đỡ hoặc
đồng hành cùng luyện tập cho sức mạnh, sức chịu đựng, lực cơ bắp, sự linh
hoạt, lanh lợi, sự kiểm soát cơ thể, các khả năng thiết yếu và hiệu quả của
hoạt động tim mạch. Âm nhạc với nhịp điệu khỏe mạnh có thể hoạt hóa hệ
thống vận động, giúp đỡ điều hòa phối hợp vận động và tăng cường sức chịu
đựng cơ thể.

Nhà trị liệu tham khảo với bác sĩ của bệnh nhân, các nhân viên hướng
dẫn vật lý trị liệu của bệnh nhân để lựa chọn thành viên tham gia tập luyện,
đồng thời xác định những cảnh báo cũng như chống chỉ định của phương
pháp này.
Việc lựa chọn các bài tập dựa trên mục tiêu đã xác định trước và khả
năng của bệnh nhân. Các bài tập được trình bày trên quan điểm tuần tiến
(liên quan đến số lần lặp lại, mức độ nghiêm ngặt và đòi hỏi sự chịu đựng).

Chức năng của nhà trị liệu ở mức độ này là lựa chọn âm nhạc sao cho
có thể tương thích về nhịp điệu với vận động được thiết kế cho các bài tập
chuyên biệt. Công cụ sao chép âm nhạc với các tốc độ khác nhau hoặc biểu
diễn nhạc sống cho phép linh hoạt trong đệm nhạc.

Nhà trị liệu hướng dẫn và minh họa chương trình tập luyện, tập trung
vào nhịp điệu âm nhạc phù hợp với bài tập.

ÂM NHẠC KẾT HỢP VỚI CÁC NGHỆ THUẬT DlỄN TẢ KHÁC

Âm nhạc và các nghệ thuật tinh tế (vẽ, sân khấu, điêu khắc)

Đây là kỹ thuật tập trung vào kết hợp giữa âm nhạc với các nghệ thuật
tinh tế để giúp những thành viên nhóm hoặc cá nhân hoạt động theo hình
thức một thầy một trò có khả năng diễn tả các cảm nhận và cảm xúc của
mình. Tải bản FULL (296 trang): https://bit.ly/2WyQFGy
Dự phòng: fb.com/TaiHo123doc.net

Điều nhấn mạnh của kỹ thuật này là để tăng cường nhận biết cá nhân
về bản thân thông qua nhiều phương tiện nghệ thuật. Bệnh nhân được lồng
ghép các kích thích nhìn và nghe trong khi phản ánh nội dung cảm xúc. Bệnh
nhân cũng sẽ biểu thị khả năng phản ánh thay đổi cảm nhận và cảm xúc trong
khi kết nối với thay đổi của kích thích âm nhạc.

Nhà trị liệu có vai trò tạo điều kiện cho bệnh nhân thực hiện các trải
nghiệm đa cảm giác. Âm nhạc nền được chơi để tạo cảm xúc hoặc nâng cao
trải nghiệm nhóm hoặc cá nhân trong khi đang sử dụng phương tiện nghệ
thuật thứ hai. Âm nhạc cũng có thể cung cấp chất liệu chủ đề cho trải nghiệm
nghệ thuật. Nhà trị liệu lựa chọn để cung cấp cho nhóm hoặc cá nhân hoạt
động định hướng nhiệm vụ về cấu trúc (như bức tranh, điêu khắc của ai đó
quan trọng với bệnh nhân trong quá khứ) hoặc không cấu trúc (như vẽ về
cảm giác).
Ứng dụng lâm sàng tiếp cận đa cảm giác sẽ cung cấp thêm phương
thức cho những bệnh nhân thiếu sót khả năng nói hoặc có trạng thái thoái lui
có thể diễn tả cảm xúc không ngôn ngữ.

Âm nhạc và viết (thơ, văn xuôi)

Kỹ thuật này tập trung vào âm nhạc và viết để cung cấp những trải
nghiệm cho diễn tả về đáp ứng cảm xúc và nhận thức của những người tham
gia, dựa vào cách thức một thầy một trò.

Điều nhấn mạnh của kỹ thuật này là tăng khả năng nhận biết cá nhân
về bản thân mình thông qua phương thức đa khía cạnh. Cá nhân bệnh nhân
cần hòa nhập tri giác nghe và nhìn và suy nghĩ trong khi phản ánh nội dung
cảm xúc. Bệnh nhân được cho nghe và giải thích về sự tồn tại của tài liệu viết
(như truyện, thơ) hoặc viết, tưởng tượng và sáng tạo và được khuyến khích
bộc lộ cảm nhận và diễn tả cảm xúc của mình.

Nhà trị liệu có nhiệm vụ tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân trải
nghiệm đa cảm giác. Nhà trị liệu cũng cung cấp âm nhạc như đệm cho chất
liệu hiện có (truyện, thơ) để truyền cảm hứng diễn tả sáng tạo cảm xúc và
khuyến khích họ thảo luận.

Ứng dụng lâm sàng của tiếp cận đa cảm giác này là cung cấp phương
thức ngôn ngữ cho bệnh nhân không nói hoặc thoái lui biết tổ chức ngôn ngữ
và khuyến khích họ diễn tả ngôn ngữ.

ÂM NHẠC GIẢI TRÍ

Game âm nhạc

Đây là kỹ thuật sử dụng game âm nhạc để tạo ra trải nghiệm trong đó


hành vi con người có thể được hành động trong hình thức trò chơi để có cơ
hội học tập cảm xúc và xã hội trong môi trường an toàn và có thể dự đoán
trước.

Kỹ thuật này nhấn mạnh vào tiến trình cộng tác cần thiết cho các thành
viên nhóm và phát triển các kỹ thuật thích hợp. Bệnh nhân tham dự được
4105086

You might also like