Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 234

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI THƯƠNG

LUẬN ÁN TIẾN SĨ

MỐI QUAN HỆ GIỮA NỢ CÔNG BỀN VỮNG VÀ TĂNG


TRƯỞNG KINH TẾ Ở MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI
VÀ HÀM Ý CHÍNH SÁCH CHO VIỆT NAM

Ngành: Kinh tế quốc tế

PHẠM XUÂN TRƯỜNG

Hà Nội - 2022
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI THƯƠNG

LUẬN ÁN TIẾN SĨ

MỐI QUAN HỆ GIỮA NỢ CÔNG BỀN VỮNG VÀ TĂNG


TRƯỞNG KINH TẾ Ở MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI
VÀ HÀM Ý CHÍNH SÁCH CHO VIỆT NAM

Ngành: Kinh tế quốc tế


Mã số: 9310106

Nghiên cứu sinh: Phạm Xuân Trường

Người hướng dẫn khoa học:


1. PGS. TS. Hoàng Xuân Bình
2. PGS. TS. Nguyễn Việt Dũng

Hà Nội - 2022
i

LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu khoa học do chính tôi hoàn
thành. Các tài liệu tham khảo, số liệu thống kê được sử dụng trong luận án có nguồn
trích dẫn đầy đủ và trung thực. Kết quả nêu trong luận án chưa từng được ai công
bố trong bất kỳ công trình nào khác.
ii

LỜI CẢM ƠN

Để hoàn thành luận án này bên cạnh sự nỗ lực trong học tập nghiên cứu của
tác giả thì không thể thiếu được sự hướng dẫn, giúp đỡ nhiệt tình, sự quan tâm chia
sẻ của rất nhiều người.
Trước tiên, tác giả xin gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến PGS.TS Hoàng Xuân
Bình, người thầy đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết hướng dẫn nghiên cứu
cũng như luôn động viên, chỉ bảo, khuyến khích để tác giả sớm hoàn thành luận án.
Tác giả cũng xin được cảm ơn PGS, TS Nguyễn Việt Dũng người thày thứ hai luôn
động viên, giúp đỡ và tạo điều kiện tốt nhất cho tác giả trong mọi tình huống.
Tác giả cũng xin cảm ơn PGS, TS Từ Thúy Anh, Tổng Biên tập Tạp chí Quản
lý và Kinh tế Quốc tế, nguyên Trưởng Khoa Kinh tế Quốc tế đã luôn tạo điều kiện
trong công tác, cũng như những đóng góp ý kiến quý báu của cô để giúp cho tác giả
hoàn thành công việc khó khăn này.
Tác giả xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới Ban Giám hiệu Nhà trường, Ban
chủ nhiệm và các đồng nghiệp trong Khoa Kinh tế Quốc tế, đồng nghiệp sự trong
Bộ môn Kinh tế vĩ mô - Trường Đại học Ngoại thương đã luôn động viên, góp ý,
tạo điều kiện cho tác giả trong suốt thời gian học tập và nghiên cứu.
Tác giả cũng xin gửi lời cảm ơn đến các thầy cô Khoa Sau đại học - Trường
Đại học Ngoại thương đã hỗ trợ và tận tình giúp đỡ các thủ tục hành chính trong
suốt quá trình tác giả học tập và bảo vệ Luận án.
Cuối cùng, tác giả xin được bày tỏ tình cảm sâu sắc nhất tới gia đình, bố mẹ
hai bên, vợ, con và bạn bè đã luôn động viên, chia sẻ, thông cảm và hỗ trợ những
lúc tác giả khó khăn, mệt mỏi và bận rộn nhất. Sự giúp đỡ của các thành viên trong
gia đình chính là động lực giúp tác giả hoàn thành luận án.
Tác giả rất mong muốn tiếp tục nhận được sự hướng dẫn, góp ý, hỗ trợ từ các
thầy, cô, các chuyên gia trên bước đường nghiên cứu khoa học tiếp theo của mình.
iii

MỤC LỤC

LỜI CAM ĐOAN.........................................................................................................


LỜI CẢM ƠN.............................................................................................................
DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT......................................................................................
DANH MỤC BẢNG BIỂU.......................................................................................vii
DANH MỤC HÌNH.................................................................................................viii
PHẦN MỞ ĐẦU..........................................................................................................
CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ MỐI QUAN HỆ
GIỮA NỢ CÔNG BỀN VỮNG VÀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ..........................
1.1 Nghiên cứu về nợ công bền vững.................................................................................
1.2 Nghiên cứu về mối quan hệ giữa nợ công bền vững và tăng trưởng kinh tế............
1.2.1 Nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế tác động đến nợ công bền vững................
1.2.2 Nghiên cứu về nợ công bền vững tác động đến tăng trưởng kinh tế..............11
1.3 Khoảng trống nghiên cứu............................................................................................23
CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ MỐI QUAN HỆ GIỮA NỢ CÔNG BỀN
VỮNG VÀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ.................................................................25
2.1 Tổng quan về nợ công bền vững................................................................................25
2.1.1 Khái niệm về nợ công và nợ công bền vững....................................................25
2.1.2 Các tiêu chí đánh giá nợ công bền vững...........................................................33
2.1.3 Phương pháp đánh giá nợ công bền vững.........................................................35
2.2 Tổng quan về tăng trưởng kinh tế..............................................................................46
2.2.1 Khái niệm............................................................................................................46
2.2.2 Phương pháp đo lường.......................................................................................47
2.2.3 Phân loại..............................................................................................................48
2.3 Lý thuyết về mối quan hệ giữa nợ công bền vững và tăng trưởng kinh tế..............50
2.3.1 Tăng trưởng kinh tế tác động đến nợ công bền vững.......................................50
2.3.2 Nợ công bền vững tác động đến tăng trưởng kinh tế.......................................51
CHƯƠNG 3: PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU.....................................................61
3.1 Phương pháp chỉ số đo lường nợ công bền vững......................................................61
3.1.1 Giới thiệu chung về phương pháp chỉ số..........................................................61
3.1.2 Lựa chọn cách thức chuẩn hóa số liệu để đo lường nợ công bền vững..........66
3.1.3 Xây dựng chỉ số nợ công bền vững (DSI) dựa trên chuẩn hóa min - max.....69
3.2 Mô hình ước lượng mối quan hệ giữa nợ công bền vững và tăng trưởng kinh tế
.............................................................................................................................................80
iv

3.2.1 Mô hình VAR......................................................................................................80


3.2.2 Mô hình VECM..................................................................................................82
3.2.3 Quy trình ước lượng...........................................................................................83
CHƯƠNG 4: MỐI QUAN HỆ GIỮA NỢ CÔNG BỀN VỮNG VÀ TĂNG
TRƯỞNG KINH TẾ.................................................................................................88
4.1 Phân tích mô tả mối quan hệ giữa nợ công bền vững và tăng trưởng kinh tế.........88
4.1.1 Kết quả tính toán chỉ số nợ công bền vững (DSI)............................................88
4.1.2. Mối quan hệ tổng thể giữa nợ công bền vững và tăng trưởng kinh tế...........94
4.1.3 Mối quan hệ giữa nợ công bền vững và tăng trưởng kinh tế theo từng nhóm
nước...............................................................................................................................95
4.1.4 Mối quan hệ giữa nợ công bền vững và tăng trưởng kinh tế ở một số quốc
gia................................................................................................................................101
4.2 Phân tích lượng hóa mối quan hệ giữa nợ công bền vững và tăng trưởng kinh
tế........................................................................................................................................106
4.2.1 Mô hình ước lượng và giả thuyết nghiên cứu.................................................106
4.2.2 Dữ liệu nghiên cứu và mô tả thống kê các biến.............................................108
4.2.3 Kết quả ước lượng............................................................................................110
4.2.4 Thảo luận kết quả..............................................................................................126
CHƯƠNG 5: HÀM Ý CHÍNH SÁCH CHO VIỆT NAM....................................130
5.1 Thực trạng mối quan hệ giữa nợ công bền vững và tăng trưởng kinh tế của Việt
Nam...................................................................................................................................130
5.1.1 Thực trạng nợ công Việt Nam.........................................................................130
5.1.2 Mối quan hệ giữa nợ công bền vững và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam
.....................................................................................................................................136
5.2 Một số hàm ý chính sách liên quan đến mối quan hệ giữa nợ công bền vững và
tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam..................................................................................137
5.2.1 Mở rộng, nâng cấp các chỉ số được sử dụng trong quản lý nợ công.............137
5.2.2 Điều chỉnh nợ công bền vững một cách hợp lý trong mối quan hệ với tăng
trưởng kinh tế.............................................................................................................140
5.2.3 Cải cách thể chế về quản lý nợ công...............................................................145
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC ĐÃ CÔNG BỐ.......................150
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO...............................................................151
PHỤ LỤC................................................................................................................169
v

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT


Từ tiếng Việt
Từ viết tắt Từ đầy đủ
BTC Bộ Tài chính
DNNN Doanh nghiệp nhà nước
NCBV Nợ công bền vững
NHTW Ngân hàng Trung ương
NSNN Ngân sách nhà nước
UBTVQH Ủy ban thường vụ Quốc hội
THNS Thâm hụt ngân sách
TTKT Tăng trưởng kinh tế

Từ tiếng Anh
Từ viết tắt Từ đầy đủ Nghĩa tiếng việt
AE Advanced economy Nền kinh tế phát triển
CI Composite Index Chỉ số tổng hợp
CPIA Country’s Policy and Đánh giá chất lượng thể chế và
Institutional Assessment chính sách của quốc gia
CV Component value Giá trị chỉ số thành phần
DSA Debt Sustainability Đánh giá bền vững nợ công
Assessment
DSI Debt Sustainability Index Chỉ số nợ công bền vững
DSF Deb Sustainability Framework Khung đánh giá bền vững nợ
công
EM Emerging Market Thị trường mới nổi
EWS Early Warning System Hệ thống cảnh báo sớm
GDP Gross Domestic Products Tổng sản phẩm trong nước
GCI Global Competitiveness Index Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn
cầu
GII Global Innovation Index Chỉ số đổi mới toàn cầu
GNP Gross National Products Tổng sản phẩm quốc dân
vi

HDI Human Development Index Chỉ số phát triển con người


HI High Income Thu nhập cao
IMF International Monetary Fund Quỹ tiền tệ quốc tế
IRGD Interest rate Growth Chênh lệch lãi suất - tăng trưởng
Differential
KEI Knowledge-based Economy Chỉ số kinh tế tri thức
index
LI Low Income Thu nhập thấp
LMI Lower Middle Income Thu nhập trung bình thấp
MAC Market Access Country Quốc gia tiếp cận được thị
trường
MCA Multi-Criteria Analysis Phân tích đa tiêu chuẩn
VECM Vector Error Correction Model Mô hình vectơ hiệu chỉnh sai số
VAR Vector Autocorrelation Mô hình vectơ tự hồi quy
Regression
UMI Upper Middle Income Thu nhập trung bình cao
UN United Nations Liên Hợp Quốc
UNCTAD UN’s Conference on Trade and Hội nghị Liên Hợp Quốc về
Development Thương mại và Phát triển
WB World Bank Ngân hàng thế giới
vii

DANH MỤC BẢNG BIỂU


Bảng 1.1: Tổng hợp các nghiên cứu thực nghiệm giữa nợ công và TTKT..............21
Bảng 2.1: Ngưỡng nợ chuẩn được áp dụng trong phân tích DSF............................43
Bảng 2.2: Ưu nhược điểm của các phương pháp đánh giá NCBV...........................46
Bảng 3.1: Tổng hợp các ngưỡng nợ cho các nhóm nước giai đoạn 2000 - 2018.....75
Bảng 3.2: Số liệu giả định cho 3 quốc gia X, Y, Z trong vòng 3 năm.....................78
Bảng 3.3: Kết quả DSI của quốc gia X, Y, Z trong vòng 3 năm..............................79
Bảng 4.1: Top 10 quốc gia có DSI tốt nhất trên thế giới giai đoạn 2000 - 2018......89
Bảng 4.2: Đóng góp của các chỉ số thành phần trong chỉ số tổng hợp DSI bình quân
của thế giới thời kỳ 2000 - 2018..............................................................................93
Bảng 4.3: Mô tả thống kê hai biến TTKT (g) và chỉ số nợ công bền vững (DSI)..109
Bảng 4.4: Kết quả ước lượng VAR cho mẫu tổng thể...........................................111
Bảng 4.5: Bảng phân rã phương sai trong mẫu tổng thể........................................114
Bảng 4.6: Kết quả ước lượng VAR 1 chiều cho nhóm nước HI............................116
Bảng 4.7: Kết quả ước lượng VAR 1 chiều cho nhóm nước UMI.........................118
Bảng 4.8: Kết quả ước lượng VAR 1 chiều cho nhóm nước LMI.........................120
Bảng 4.9: Kết quả ước lượng VAR 1 chiều cho nhóm nước LI.............................123
Bảng 4.10: Tổng kết kết quả chạy mô hình cho mẫu tổng thể và từng nhóm nước....125
Bảng 5.1: Nợ công Việt Nam từ 2011 - 2018........................................................131
Bảng 5.2: Nợ công/người và GDP/người của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2018....131
Bảng 5.3: Cơ cấu nợ công theo các cấp giai đoạn 2011 - 2018.............................132
Bảng 5.4: Cơ cấu giữa nợ trong nước và nợ nước ngoài của Chính phủ giai đoạn
2011 - 2018............................................................................................................ 133
Bảng 5.5: Kỳ hạn và lãi suất bình quân của trái phiếu Chính phủ giai đoạn
2011 - 2018............................................................................................................ 133
viii

DANH MỤC HÌNH

Hình 2.1: Mối quan hệ giữa ngưỡng nợ công và tăng trưởng GDP.........................31
Hình 2.2: Mô hình cây nhị phân..............................................................................40
Hình 3.1: Các bước tính chỉ số tổng hợp.................................................................62
Hình 4.1: DSI bình quân của thế giới và các nhóm nước theo thu nhập thời kỳ
2000 - 2018.............................................................................................................. 91
Hình 4.2: TTKT bình quân và DSI bình quân của các nước thời kỳ 2000 - 2018....94
Hình 4.3: Biểu đồ điểm TTKT và DSI của các nước thời kỳ 2000 - 2018...............95
Hình 4.4: TTKT bình quân và DSI bình quân của nhóm nước HI thời kỳ 2000 - 2018.96
Hình 4.5: Biểu đồ điểm TTKT và DSI của nhóm nước HI thời kỳ 2000 - 2018......96
Hình 4.6: TTKT bình quân và DSI bình quân của nhóm nước UMI thời kỳ
2000 - 2018.............................................................................................................. 97
Hình 4.7: Biểu đồ điểm TTKT và DSI của nhóm nước UMI thời kỳ 2000 - 2018. .98
Hình 4.8: TTKT bình quân và DSI bình quân của nhóm nước LMI thời kỳ 2000 -
2018......................................................................................................................... 99
Hình 4.9: Biểu đồ điểm TTKT và DSI của nhóm nước LMI thời kỳ 2000 - 2018...99
Hình 4.10: TTKT bình quân và DSI bình quân của nhóm nước LI thời kỳ
2000 - 2018..........................................................................................................100
Hình 4.11: Biểu đồ điểm TTKT và DSI của nhóm nước LI thời kỳ 2000 - 2018. .101
Hình 4.12: TTKT và DSI của Trung Quốc thời kỳ 2000 - 2018............................102
Hình 4.13: TTKT và DSI của Mỹ thời kỳ 2000 - 2018..........................................103
Hình 4.14: TTKT và DSI của Anh thời kỳ 2000 - 2018........................................104
Hình 4.15: TTKT và DSI của Ấn Độ thời kỳ 2000 - 2018....................................105
Hình 4.16: TTKT và DSI của Campuchia thời kỳ 2000 - 2018.............................105
Hình 4.17: Đồ thị hàm phản ứng của DSI và g trước các cú sốc trong mẫu tổng thể. 113
Hình 4.18: Đồ thị hàm phản ứng của DSI trước cú sốc của chính mình trong nhóm
nước HI.................................................................................................................. 117
Hình 4.19: Đồ thị hàm phản ứng của g trước cú sốc của chính mình trong nhóm
nước UMI..............................................................................................................119
ix

Hình 4.20: Đồ thị hàm phản ứng của g trước cú sốc của chính mình trong nhóm
nước LMI..............................................................................................................121
Hình 4.21: Đồ thị hàm phản ứng của DSI trước cú sốc của chính mình trong nhóm
nước LI.................................................................................................................. 124
Hình 5.1: Mô hình quản lý nợ công ở Việt Nam...................................................135
Hình 5.2: Các mô hình quản lý nợ công phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của
nền kinh tế.............................................................................................................136
Hình 5.3: TTKT và DSI của Việt Nam thời kỳ 2000 - 2018..................................137
1

PHẦN MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Nợ công hay nợ của chính phủ là một vấn đề mà tất cả các quốc gia trên thế
giới đều phải đối mặt. Bản thân nợ công không phải là một điều xấu. Chính phủ với
chức năng của mình cần phải chi tiêu để xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, đảm bảo
hệ thống giáo dục, y tế, duy trì an ninh quốc phòng, trật tự xã hội mà theo quá trình
phát triển thì các khoản chi này mỗi lúc một tăng, trong khi đó chính phủ không thể
nào tăng thuế một cách liên tục qua từng năm để bù đắp các khoản tăng chi tiêu này
và vì thế mà chính phủ phải đi vay nợ. Tuy nhiên tốc độ tăng nợ công đang cao hơn
bao giờ hết. Tính đến năm 2019, tổng nợ công trên thế giới đã tăng đến 63.900 tỷ
USD, gấp gần 3,5 lần so với cách đây 20 năm, trung bình trong giai đoạn từ 2000 -
2019 nợ công tăng 6,76% một năm; điều này khiến cho nợ công bình quân tính trên
đầu người tăng từ 3.267 USD lên 8.930 USD (IMF, 2019). Ngay ở các nước phát
triển nhất nơi được coi quản lý nợ công rất tốt, con số nợ công cũng tăng lên mức
đáng kinh ngạc. Nợ công của các nền kinh tế phát triển đang ở mức cao nhất kể từ
sau chiến tranh thế giới II, hơn 1/3 các nước này có mức nợ lớn hơn 85% GDP. Con
số này ở các quốc gia đang phát triển và có thu nhập thấp cũng ở mức trung bình
50%, tăng thêm 10% chỉ trong vòng 5 năm từ 2015 - 2019 (IMF, 2019).
Ở Việt Nam, một quốc gia đang phát triển cũng trải qua tình cảnh tương tự khi
nợ công tăng từ 54,5% GDP năm 2013 lên tới 61,4% GDP năm 2017, con số này
giảm đôi chút vào năm 2018 ở mức 58,4%. Nợ công bình quân trên đầu người tăng
tương ứng từ 23 triệu VND năm 2013 lên 32 triệu VND năm 2018 (GSO, 2018).
Đáng lưu ý ngay cả khi nợ công giảm vào năm 2018 ở mức 58,4% GDP thì vẫn cao
hơn 10% so với mức bình quân của nhóm các quốc gia đang phát triển. Hiệu quả sử
dụng nợ công cũng đang có vấn đề khi chỉ số ICOR 1 vào những năm 1991 - 1995
chỉ ở mức 3,5 thì đến năm 2018 chỉ số này đã tăng gần gấp đôi ở mức 6,21 cho thấy
để làm ra 1 đồng sản lượng thì Việt Nam phải bỏ đến tận hơn 6 đồng vốn (NCIF,
2019).
Khi quy mô nợ công quá cao cùng với rủi ro thanh khoản trong ngắn hạn gia
tăng như nguồn thu thuế giảm, lãi suất tăng, nợ nước ngoài nhiều, nợ công sẽ rơi
vào trạng thái không bền vững. Các nhà kinh tế học đều đồng ý rằng nợ công không
bền vững sẽ tạo một môi trường vĩ mô tiêu cực cho nền kinh tế khiến cho tôc độ
tăng trưởng kinh tế (TTKT) suy giảm. Khủng hoảng nợ công khu vực Mỹ Latinh
1
Hệ số ICOR = ∆K/∆Y trong đó ∆K chênh lệch vốn đầu tư giữa hai thời kỳ hay tổng vốn đầu tư thực hiện trong kỳ, ∆Y
là chênh lệch sản lượng giữa hai thời kỳ hay tổng sản lượng làm ra trong kỳ. Hệ số ICOR cho biết để tạo ra thêm 1 đồng
sản lượng thì cần đầu tư thêm bao nhiêu đồng vốn.
2

những năm 1980, khủng hoảng nợ công ở Châu Âu giai đoạn 2009 - 2011 kéo theo
suy thoái về kinh tế là những minh chứng rõ rệt. Ngược lại, quy mô nợ so với GDP
vừa phải, lãi suất ổn định, cơ cấu nợ (trong nước/ngoài nước, nợ ngắn hạn/dài hạn)
hợp lý sẽ là những điều kiện cần thiết để đạt đến trạng thái nợ công bền vững
(NCBV). Trạng thái NCBV sẽ tạo nên nền tảng tài khóa vững mạnh giúp kinh tế
phát triển thịnh vượng và đạt tới tiềm năng của mình. Các nước Bắc Âu là những ví
dụ tiêu biểu khi duy trì được trạng thái NCBV hỗ trợ cho một nền kinh tế thịnh
vượng (Calmfors, 2020).
Tuy nhiên, tại các quốc gia đang phát triển, chính phủ với vai trò chủ đạo sẽ
không thể tránh khỏi việc tăng chi tiêu để thúc đẩy tăng trưởng. Theo quan điểm
của trường phái Keynes điều này sẽ làm gia tăng sản lượng trong ngắn hạn. Đổi lại
do tăng chi tiêu dẫn đến quy mô nợ và lãi suất tăng cao, nợ công sẽ trở nên kém bền
vững. Tăng trưởng kinh tế nhanh lúc này lại đi kèm với nợ công kém bền vững hơn.
Thực tế trên cho thấy cần phải có một nghiên cứu tổng quan về mối quan hệ giữa
NCBV và TTKT của các nước trên thế giới và đặc biệt là theo từng nhóm nước để
đi đến một kết luận thống nhất về mối quan hệ giữa NCBV và TTKT. Là một nước
đang phát triển Việt Nam cần thiết phải biết được mối quan hệ giữa hai đối tượng
này trong nhóm nước của mình để đưa ra các chính sách củng cố tài khóa hợp lý
trong tương lai. Hơn nữa, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, Việt
Nam trong một tương lai không xa sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình cao và
cao, do đó mối quan hệ giữa hai biến này trong nhóm những nước có thu nhập cao
hơn cũng là một bằng chứng thực nghiệm quan trọng để Việt Nam có chính sách
NCBV được điều chỉnh phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế.
Ngoài ra phần lớn các nghiên cứu thực nghiệm hiện tại chỉ tập trung khai thác
mối quan hệ giữa tiêu chí tỷ lệ nợ công trên GDP với TTKT. Trong khi đó NCBV là
một tiêu chí tổng hợp bao gồm nhiều tiêu chí thành phần như cấu trúc nợ công hay
khả năng trả nợ ngắn hạn (tính thanh khoản) được thể hiện thông qua các chỉ số như
tỷ lệ nợ nước ngoài/tổng nợ công, tỷ lệ nợ phải trả ngắn hạn/tổng thu thuế, nợ nước
ngoài/xuất khẩu. Do đó không thể đánh đồng quy mô nợ công với mức độ bền vững
nợ công. Chẳng hạn những quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ nợ công chỉ ở mức 20% GDP
đã rơi vào tình trạng khủng hoảng nợ do cấu trúc nợ không tốt, lãi suất cao nhưng
có những quốc gia như Nhật Bản nợ công lên đến mức hơn 200% GDP nhưng vẫn
an toàn do cấu trúc nợ tốt và lãi suất rất thấp. Lượng hóa mức độ NCBV từ nhiều
tiêu chí qua đó xem xét mối quan hệ của nó với TTKT trở thành một nhiệm vụ cần
thiết trong những nghiên cứu về nợ công nói riêng và nghiên cứu kinh tế vĩ mô nói
chung.
3

Với những lý do kể trên, tác giả đã lựa chọn “Mối quan hệ giữa nợ công bền
vững và tăng trưởng kinh tế ở một số nước trên thế giới và hàm ý chính sách
cho Việt Nam” trong đó mức độ NCBV được lượng hóa dựa trên nhiều tiêu chí làm
đề tài nghiên cứu của luận án.
2. Mục tiêu nghiên cứu và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1 Mục tiêu nghiên cứu
Xác định được mối quan hệ giữa NCBV và TTKT ở các nước trên thế giới, từ
đó rút ra hàm ý chính sách liên quan đến vấn đề NCBV cho Việt Nam.
2.2 Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt được mục tiêu tổng quát kể trên, luận án đề ra các nhiệm vụ sau đây:
- Tổng quan tình hình nghiên cứu và cơ sở lý thuyết về mối quan hệ giữa
NCBV và TTKT.
- Xây dựng phương pháp chỉ số đo lường mức độ NCBV.
- Xác định mô hình lượng đánh giá mối quan hệ giữa NCBV và TTKT.
- Đề xuất chính sách và một số giải pháp thực hiện nhằm giải quyết tối ưu mối
quan hệ giữa NCBV và TTKT ở Việt Nam.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1 Đối tượng nghiên cứu
Mối quan hệ giữa NCBV và TTKT dựa trên số liệu của 151 quốc gia trên thế
giới.
3.2 Phạm vi nghiên cứu
+ Về không gian: luận án xem xét mối quan hệ giữa NCBV và TTKT của tổng
thể 151 quốc gia và theo bốn nhóm nước, đó là nhóm nước thu nhập cao (39 quốc
gia), nhóm nước có thu nhập trung bình cao (39 quốc gia), nước có thu nhập trung
bình thấp (47 quốc gia) và nước có thu nhập thấp (27 quốc gia).
+ Về thời gian: luận án đánh giá mối quan hệ giữa NCBV và TTKT trong
khoảng thời gian 2000 - 2018 do đây là khoảng thời gian số liệu về đánh giá nợ
công được thu thập đầy đủ nhất bởi Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế
giới (WB). Năm 2000, IMF và WB lần đầu tiên thiết lập một chương trình đánh giá
chung liên quan đến tình hình vay nợ của các nước nghèo có mức nợ cao (High
Indebted Poor Countries - HIPCs), cũng là năm đánh dấu IMF và WB bắt đầu tiến
hành thu thập và tổng hợp dữ liệu về nợ công cho từng quốc gia. Năm 2018 là năm
gần nhất số liệu về nợ công được các quốc gia báo cáo đầy đủ và đã có điều chỉnh
4

để có được con số thống kê chính thức trong khi đó năm 2019, 2020 có rất nhiều
các quốc gia chưa báo cáo dữ liệu nợ công của quốc gia mình cho IMF khiến cho số
lượng quan sát trong mô hình giảm đi tương đối nhiều.
+ Về nội dung: luận án chỉ đánh giá mối quan hệ về mặt kinh tế giữa NCBV
và TTKT. Điều đó có nghĩa là các tiêu chí thành phần trong NCBV là những tiêu
chí về mặt tài chính công không xét tới yếu tố chính trị, địa lý như thể chế, tổ chức
quốc tế mà quốc gia đang tham gia. Những tiêu chí kinh tế này đã có lý thuyết và
nghiên cứu thực nghiệm xác nhận mối quan hệ với TTKT. Ngoài ra luận án sẽ tập
trung vào đặc tính định lượng của NCBV đó là mức độ NCBV và của TTKT là tốc
độ TTKT để đánh giá mối quan hệ giữa hai biến này trong mô hình kinh tế lượng.
4. Câu hỏi nghiên cứu
Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ giúp trả lời các câu hỏi nghiên cứu sau:
- Cơ sở lý thuyết về mối quan hệ giữa NCBV và TTKT?
- Đo lường mức độ NCBV như thế nào?
- Mối quan hệ giữa NCBV và TTKT trong tổng thể các quốc gia và trong
nhóm các quốc gia?
- Giải pháp giúp chính phủ Việt Nam củng cố NCBV trong mối quan hệ với
TTKT?
5. Những đóng góp mới của luận án
Luận án có những đóng góp về mặt lý luận và thực tiễn thông qua việc xây
dựng chỉ số tổng hợp về NCBV, từ đó xác định mối quan hệ giữa NCBV và TTKT
ở từng nhóm nước theo thu nhập bằng mô hình kinh tế lượng, dựa vào đó rút ra các
hàm ý chính sách cho Việt Nam. Những đóng góp mới của luận án cụ thể như sau:
- Luận án đưa ra một phương pháp mới - phương pháp chỉ số dựa trên chuẩn
hóa min - max để đo lường mức độ NCBV. Phương pháp mới không chỉ đánh giá
được hầu hết các tiêu chí thành phần quan trọng của NCBV mà còn lượng hóa được
mức độ NCBV của các nước, của các nhóm nước theo thu nhập tại từng thời điểm
nhất định.
- Dựa trên chỉ số NCBV, luận án tìm ra mối quan hệ giữa NCBV và TTKT.
Đây là một kết quả mới trong nghiên cứu. Các nghiên cứu sau này liên quan đến
NCBV có thể sử dụng chỉ số NCBV để tiến hành những mô hình định lượng khác
từ đó làm phong phú hơn kiến thức thực tiễn về NCBV.
- Luận án sử dụng mô hình VAR/VECM để đánh giá mối quan hệ giữa NCBV
và TTKT, từ đó chỉ ra được tính đặc thù trong mối quan hệ giữa NCBV và TTKT
5

theo từng nhóm nước. Trong cả bốn nhóm nước đều không có quan hệ nhân quả
giữa NCBV và TTKT. Nhóm nước có thu nhập cao và nhóm nước có thu nhập thấp
chỉ phát hiện ra tác động từ TTKT lên NCBV, trong khi đó nhóm nước thu nhập
trung bình cao và trung bình thấp thì chỉ cho thấy tác động từ NCBV lên TTKT. Ở
giả thuyết được quan tâm nhất gia tăng NCBV làm gia tăng tăng trưởng, chỉ có số
liệu của nhóm thu nhập trung bình cao ủng hộ giả thuyết này với tác động ngay lập
tức (sau 1 năm). Ngược lại ở nhóm thu nhập trung bình thấp, gia tăng nợ công bền
vững lại có tác động tiêu cực lên TTKT. Ở chiều ngược lại, gia tăng tốc độ TTKT
giúp gia tăng NCBV được tìm thấy trong nhóm nước thu nhập cao và thu nhập thấp,
tuy nhiên với độ trễ càng xa ở nhóm nước thu nhập cao TTKT lại có tác động tiêu cực
lên NCBV.
- Dựa trên mối quan hệ giữa NCBV và TTKT ở nhóm nước thu nhập trung
bình thấp, luận án cũng rút ra một số hàm ý chính sách nhằm giúp Việt Nam gia
tăng NCBV nhưng vẫn đảm bảo mối quan hệ hài hòa với TTKT. Cụ thể, Việt Nam
nên gia tăng NCBV ở thời kỳ nền kinh tế ổn định, chấp nhận suy giảm NCBV ở
thời kỳ suy thoái để chính phủ có không gian thực hiện các chính sách mở rộng
nhanh chóng đưa nền kinh tế tăng trưởng trở lại. Đối với việc gia tăng NCBV, việc
nắm được chi tiết giá trị của từng thành phần và đóng góp của từng thành phần vào
chỉ số chung sẽ giúp cho chính phủ đưa ra các lựa chọn phù hợp. Với tính hữu dụng
của chỉ số, các cơ quan quản lý ngân sách của chính phủ có thể tham khảo chỉ số
NCBV (DSI) như một công cụ đáng tin cậy trong quá trình ra quyết định.
6. Kết cấu của luận án
Ngoài lời mở đầu và kết luận, luận án bao gồm những chương sau:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu về mối quan hệ giữa nợ công bền
vững và tăng trưởng kinh tế
Chương 2: Cơ sở lý luận về mối quan hệ giữa nợ công bền vững và tăng
trưởng kinh tế
Chương 3: Phương pháp nghiên cứu
Chương 4: Mối quan hệ giữa nợ công bền vững và tăng trưởng kinh tế
Chương 5: Hàm ý chính sách cho Việt Nam
6

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ MỐI QUAN HỆ


GIỮA NỢ CÔNG BỀN VỮNG VÀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

1.1 Nghiên cứu về nợ công bền vững


Các nghiên cứu về NCBV tập trung vào ba chủ đề thế nào là NCBV, cách
đánh giá NCBV và tác động của NCBV tới các biến số khác trong nền kinh tế.
Vì NCBV là yếu tố quan trọng cần xem xét khi các tổ chức tài chính quốc tế
cung cấp các khoản vay cho các chính phủ trên thế giới nên đây là chủ đề mà các tổ
chức này rất quan tâm. Theo các tổ chức này, nợ công được coi là bền vững khi các
khoản nợ được hoàn trả mà không cần phải có sự điều chỉnh lớn trong ngân sách,
chính phủ không cần phải tuyên bố vỡ nợ hoặc đàm phán lại khoản nợ (UNCTAD,
2016; IMF, 2013; ECB, 2012). Ở Việt Nam, theo Luật Quản lý nợ công 2017, nợ
công được coi là bền vững nếu các chỉ tiêu an toàn nợ công không bị vi phạm. Đây
cũng là quan điểm thường được sử dụng bởi các nhà hoạch định chính sách
(Debrun, 2017). Nhìn chung nợ công ở quy mô càng cao thì càng có nhiều khả năng
rơi vào trạng thái kém bền vững.
Để đánh giá nợ công có bền vững hay không, các nghiên cứu thường sử dụng
phương pháp cây nhị phân của Manasse và Roubini (2005), khung phân tích nợ bền
vững (Debt Sustainability Framework - DSF) của IMF và phương pháp kiểm định
tính dừng số liệu chuỗi thời gian của nợ công được đề xuất bởi Corsetti và Roubini
(1991).
Cây nhị phân là phương pháp được sử dụng bởi Manasse và Roubnini (2005)
dựa trên quy tắc kinh nghiệm (rule of thumb). Nghiên cứu sử dụng số liệu quan sát
của 47 nền kinh tế mới nổi trong giai đoạn 1970 - 2002 để tiến hành xây dựng mô
hình cây nhị phân nhằm mục đích phân tích rủi ro về nợ của các nước. Về bản chất
cây nhị phân là một chuỗi các tiêu chuẩn (tiêu chuẩn thường là lớn hơn hoặc nhỏ
hơn một giá trị ngưỡng) với hai kết cục thỏa mãn hoặc không thỏa mãn tiêu chuẩn
tương ứng với hai nhánh của cây nhị phân. Đặc điểm nợ công của từng quốc gia sẽ
dẫn dắt các nước lần theo các nhánh đến kết luận cuối cùng về khả năng rơi vào
khủng hoảng nợ quốc gia là bao nhiêu phần trăm. Lan (2017), Nursechafia và
Muthohharoh (2014) đã sử dụng phương pháp này để đánh giá tình trạng nợ công ở
Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2016 và Indonesia trong giai đoạn 2004 - 2014.
TRG (2020) áp dụng cây nhị phân để đánh khả năng rơi vào tình trạng vỡ nợ của ba
nước Argentina, Ecuador và Li-băng. Gabriele (2019), Zenios và Panyi (2021) sau
7

đó đã nâng cấp phương pháp cây nhị phân lên thành hệ thống cảnh báo sớm (Early
Warning System - EWS) để cảnh báo rủi ro khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng.
Nội dung chi tiết của mô hình cây nhị phân sẽ được phân tích kỹ hơn ở Chương 2
trong phần các phương pháp đánh giá NCBV.
Khung nợ bền vững (DSF) là phương pháp đánh giá toàn diện nhất về NCBV
tính đến thời điểm này. DSF là kết quả nghiên cứu chung của IMF và WB từ năm
2000, dành riêng cho các nước thu nhập thấp nhưng hiện nay DSF đã được áp dụng
cho cả nền kinh tế mới nổi và phát triển. Trong DSF các biến liên quan đến nợ công
sẽ được dự phóng trong khoảng thời gian 5 năm trong hai bối cảnh, bối cảnh tiêu
chuẩn và bối cảnh có cú sốc. Sau đó giống như phương pháp cây nhị phân các giá
trị dự phóng sẽ được so sánh với một giá trị ngưỡng, nếu vượt quá giá trị ngưỡng
theo hướng tiêu cực thì quốc gia đó bị coi là không đáp ứng một tiêu chuẩn. Số
lượng tiêu chuẩn không đáp ứng càng nhiều thì mức độ rủi ro càng cao. Hàng năm,
IMF sẽ công bố kết quả đánh giá nợ công các quốc gia thành viên dựa trên khung
DSF2. WB sử dụng kết quả từ đánh giá này sẽ tiến hành phân bổ các khoản vay.
Quốc gia có rủi ro thấp sẽ nhận được 100% khoản vay tiêu chuẩn từ WB (thời hạn
vay 38 năm, 6 năm ân hạn với lãi suất 3,125%/năm) (Cassimon và cộng sự, 2016).
Vì phương pháp này tương đối phức tạp nên thường chỉ được sử dụng bởi các tổ
chức để đánh giá riêng cho một hoặc một nhóm nước. Kappagoda và cộng sự
(2004) với sự tài trợ của Ủy bản nghiên cứu thuộc G24 (nhóm 24 quốc gia đang
phát triển trong IMF) sử dụng DSF để đánh giá tình trạng nợ công ở các nước trong
nhóm G24. Mupunga và Ngundu (2020) của tổ chức AERC và Faure và Guerin
(2021) được tài trợ bởi BNP Paribas sử dụng DSF để đánh giá NCBV cho nhóm các
nước hạ Sahara, nhóm nước có nhu cầu vay nợ quốc tế lớn nhất trên thế giới. DSF
cũng sẽ được phân tích kỹ hơn ở Chương 2 trong phần các phương pháp đánh giá
NCBV.
Phương pháp tiếp theo kiểm tra nợ công có bền vững hay không dựa trên việc
kiểm tra tính dừng của biến nợ công theo chuỗi theo chuỗi thời gian được đề xuất
bởi Corsetti và Roubini (1991). Nếu chuỗi thời gian của nợ công không dừng, nghĩa
là tỷ lệ nợ công/GDP liên tục tăng và vượt quá giá trị hiện tại của các khoản thặng
dư ngân sách trong tương lai thì nợ công sẽ không bền vững. Có ba cách để khảo sát
tính dừng của một chuỗi thời gian: (1) phân tích đồ thị (graphical analysis), (2) giản
đồ tự tương quan (correlogram), và (3) kiểm định nghiệm đơn vị (unit root test).

2
Báo cáo nợ công của từng quốc gia được thực hiện hàng năm dựa trên điều khoản IV trong hiệp định thành lập IMF
(Article IV Staff Report). Báo cáo cho Việt Nam được đăng tải tại đường link https://www.imf.org/en/countries/vnm?
selectedfilters=Article%20IV%20Staff%20Reports#whatsnew
8

Phân tích đồ thị là một phương pháp đơn giản, mang tính trực quan và không chính
thức để kiểm định tính dừng. Thường thì phân tích đồ thị và giản đồ tự tương quan
sẽ cho biết một dấu hiệu sơ bộ nào đó để biết một chuỗi có dừng hay không. Tuy
nhiên phương pháp thứ 3 - kiểm định nghiệm đơn vị là phương pháp chính xác nhất
trong đó phương pháp kiểm định tính dừng ADF (Augmented Dickey-Fuller) hay
được sử dụng nhất. Corsetti và Roubini (1991) áp dụng phương pháp chuỗi dừng
vào mẫu 18 quốc gia OECD trong giai đoạn 1960 - 1989 và kết luận rằng các quốc
gia lớn như Mỹ, Nhật, Đức đạt được mức độ NCBV trong dài hạn trong khi các
quốc gia nhỏ hơn trong nhóm như Ireland, Hy Lạp, Bỉ sẽ gặp vấn đề do tỷ lệ nợ
công trên GDP đã quá cao. Trehan và Walsh (1991) áp dụng với số liệu nợ công và
thâm hụt ngân sách của Mỹ trong giai đoạn 1960 - 1984; Caporale (1995) áp dụng
cho các nước EU giai đoạn 1960 - 1991; Makrydakis và cộng sự (1999) áp dụng
cho Hy Lạp giai đoạn 1958 - 1995; Greiner và Semmler (1999) áp dụng cho Đức
giai đoạn 1955 - 1994 là những ví dụ về việc sử dụng phương pháp chuỗi dừng cho
từng quốc gia cụ thể.
Về chủ đề tác động của NCBV tới các biến số vĩ mô khác có thể nói NCBV
tác động tới tăng trưởng kinh tế là chủ đề được nhiều nghiên cứu tập trung phân tích
nhất. Tuy nhiên do thiếu thước đo tổng hợp về NCBV nên các nghiên cứu thường
sử dụng tiêu chí là quy mô nợ công trên GDP, quy mô nợ nước ngoài trên GDP rồi
từ đó xem xét tác động tới tăng trưởng. Các nghiên cứu tiêu biểu đánh giá tác động
của quy mô nợ công lên tăng trưởng có thể kể đến Reinhart và Rogoff (2010),
Checherita và cộng sự (2010), Imbs và Rancierce (2005). Nội dung chi tiết của các
nghiên cứu trên sẽ được trình bày trong phần tiếp theo của chương này. Ngoài ra,
quy mô nợ công còn được xem xét trong mối quan hệ với các yếu tố như thể chế, sự
phát triển của thị trường tài chính, lạm phát. Chẳng hạn nghiên cứu của Tarek và
Ahmed (2017) chỉ ra các quốc gia có chất lượng quản trị công tốt thường có quy mô
nợ công thấp và ngược lại. Đồng ý với quan điểm trên, nghiên cứu của của Ibrahim
(2021) ở 20 quốc gia đang phát triển giai đoạn 1996 - 2018 cho thấy tham nhũng
làm gia tăng gánh nặng nợ trong dài hạn. Nghiên cứu của Hauner (2008) nhấn mạnh
nợ công vừa tác động tích cực lẫn tiêu cực lên sự phát triển của thị trường tài chính
khi tạo ra một tài sản có tính thanh khoản cao cho thị trường (trái phiếu chính phủ)
nhưng đồng thời cũng khiến các ngân hàng ít chú ý hơn đến các sản phẩm dành cho
khu vực tư nhân. Liên quan đến lạm phát, Aimola và Odhiamo (2020) kết luận rằng
tác động của nợ công lên lạm phát khác nhau ở từng quốc gia, có quốc gia tác động
làm tăng có quốc gia tác động làm giảm tuy nhiên tác động làm tăng chiếm phần
lớn trong các nghiên cứu thực nghiệm.
9

Nhìn chung các nghiên cứu về NCBV trên thế giới và Việt Nam thường sử
dụng nhiều biến liên quan đến nợ công, điều đó cho thấy NCBV là một khái niệm
có tính tổng hợp, là kết quả của nhiều thành phần. Các biến thành phần này hoặc
phải duy trì xu hướng ổn định theo thời gian hoặc phải thấp hơn một ngưỡng giá trị
nhất định được lấy dựa trên kinh nghiệm thực tiễn hoặc tính toán hồi quy thì nợ
công mới được coi là an toàn. Số lượng các biến thành phần ở trạng thái an toàn
càng nhiều thì nợ công được coi là càng bền vững. Tuy nhiên, hạn chế của các
nghiên cứu trên đó là không thể xác định được mức độ NCBV theo thời gian, nói
một cách khác kết luận nợ công năm nay có bền vững hơn nợ công năm ngoái hay
không, đặc biệt khi các biến liên quan đến nợ công biến động một cách trái chiều sẽ
rất khó rút ra nếu chỉ dựa vào các phương pháp đánh giá ở trên. Hệ quả là khi đánh
giá tác động của NCBV tới các biến khác trong nền kinh tế, các nghiên cứu thường
chỉ sử dụng một hoặc vài tiêu chí của NCBV như quy mô nợ công, tỷ lệ nợ nước
ngoài để xem xét tác động của nợ công lên các biến số vĩ mô khác. Và biến số vĩ
mô khác được chọn thường là tăng trưởng kinh tế vì mối liên hệ chặt chẽ giữa thu
chi ngân sách và tăng trưởng.
1.2 Nghiên cứu về mối quan hệ giữa nợ công bền vững và tăng trưởng kinh tế
1.2.1 Nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế tác động đến nợ công bền vững
Phần lớn các nghiên cứu xem xét tác động của TTKT tới NCBV đều là những
nghiên cứu kiểm chứng tiêu chuẩn IRGD (Interest Rate-Growth Differential). Cụ
thể, các nghiên cứu sẽ cố gắng tìm bằng chứng thực nghiệm về việc nếu chênh lệch
giữa lãi suất và tăng trưởng giảm hoặc tương đương là chênh lệch giữa tăng trưởng
và lãi suất tăng thì quy mô nợ công sẽ có xu hướng ổn định hoặc giảm trong tương
lai, từ đó gián tiếp cho thấy nợ công quốc gia trở nên bền vững hơn. Và vì lý do số
liệu liên quan đến tăng trưởng và lãi suất đặc biệt là lãi suất thực thường có đầy đủ
hơn ở các nước phát triển nên đối tượng chính của các nghiên cứu về kiểm chứng
tiêu chuẩn IRGD cũng là nhóm nước này.
Các nghiên cứu về đề tài này thường tìm ra kết quả một chiều trong đó các nhà
kinh tế xác định sự thay đổi trong IRGD theo hướng tốc độ TTKT tăng hoặc giảm
có tác động thế nào đến NCBV được đại diện bởi quy mô nợ/GDP. Abbas và cộng
sự (2011) sử dụng số liệu của 178 quốc gia thành viên của IMF kể từ năm 2001 để
tìm ra mức độ đóng góp của các yếu tố đối với sự thay đổi quy mô của nợ công. Các
yếu tố này bao gồm thâm hụt ngân sách ban đầu, chênh lệch lãi suất và tốc độ tăng
trưởng, mức độ điều chỉnh khoản nợ. Về tổng thể thâm hụt ngân sách ban đầu là
yếu tố đóng góp nhiều nhất cho sự gia tăng quy mô nợ công ngoại trừ quãng thời
10

gian ngay sau chiến tranh thế giới lần thứ 2. Tuy nhiên nếu xét riêng trường hợp 60
nước có mức nợ công tăng cao với quy mô nợ ban đầu xuất phát từ hơn 60% GDP
trở lên thì chênh lệch giữa lãi suất và tăng trưởng đóng góp nhiều nhất vào sự thay
đổi của quy mô nợ công với 18,1% so với thâm hụt ngân sách ban đầu là 8,9%.
Trong 60 trường hợp này nếu rơi vào nhóm nhỏ hơn có tốc độ tăng quy mô nợ công
tăng nhanh thì đóng góp của chênh lệch lãi suất và tăng trưởng vẫn nhiều nhất với
14,9% so với thâm hụt ngân sách ban đầu là 12,5%.
Westphal (2021) thống kê chênh lệch lãi suất và TTKT cho 12 quốc gia thuộc
khu vực Euro phát hiện ra trong giai đoạn 1985 - 2017 ở các quốc gia có tỷ lệ nợ
công trên GDP lớn hơn 90%, lãi suất thường lớn hơn tốc độ tăng trưởng trung bình
ở mức 1,9, ngược lại với các quốc gia có tỷ lệ nợ công nhỏ hơn 90% thì con số này
bằng 0,4. Khi nền kinh tế rơi vào suy thoái những quốc gia nhóm đầu có mức chênh
lệch trung bình là 3,7 trong khi đó những quốc gia ở nhóm dưới chỉ chứng kiến
chênh lệch trung bình là 2,4. Phát hiện của Westphal cho thấy khi tốc độ TTKT
càng nhỏ trong tương quan so sánh với lãi suất thì tỷ lệ nợ công trên GDP càng cao,
điều này gián tiếp cho thấy mức độ NCBV đang suy giảm và ngược lại.
Barrett (2018) xem xét mối quan hệ giữa chênh lệch lãi suất và tốc độ TTKT
tới NCBV đại diện bởi mức trần nợ công. Nghiên cứu của ông chỉ ra rằng trong dài
hạn nếu chênh lệch này âm càng lớn thì mức trần nợ công càng được nâng cao, nói
cách khác khi tốc độ tăng trưởng càng cao hơn lãi suất thì nợ công càng bền vững
và do đó mức trần nợ công được nâng lên. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng khám phá ra
rằng trong ngắn hạn không thể bác bỏ mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa hai biến này có
nghĩa là lãi suất tăng thì trần nợ công có thể cũng tăng. Điều này có thể đến từ việc
khi chính phủ vay nhiều để chi tiêu mà chi tiêu công ở các nước phát triển thường
hiệu quả, dẫn đến lãi suất tăng nhưng đồng thời nó cũng giúp nền kinh tế phục hồi
nhanh hơn đặc biệt nếu nền kinh tế trước đó đang ở trong giai đoạn suy thoái, từ đó
giúp củng cố năng lực trả nợ trong tương lai của chính phủ. Trần nợ công đại diện
cho NCBV vì thế cũng tăng theo.
Bên cạnh rất nhiều các nghiên cứu tìm ra kết quả tác động một chiều như trên
thì cũng có một vài các nghiên cứu xem xét cả chiều tác động ngược lại từ NCBV
lên chênh lệch lãi suất với tốc độ TTKT. Turner và Spinelli (2012) không chỉ chỉ ra
tác động một chiều từ chênh lệch lãi suất với tốc độ tăng trưởng lên quy mô nợ công
mà còn chỉ ra điều ngược lại ở các quốc gia thành viên OECD. Turner và Spinelli
(2012) chỉ ra rằng việc có một mức lãi suất rất thấp hay nói một cách khác chênh
lệch giữa lãi suất và tốc độ tăng trưởng nhỏ đã giúp cho quy mô nợ công ở các nước
11

OECD giữ ổn định trong thời kỳ 1995 - 2005. Tuy nhiên cuộc khủng hoảng kinh tế
2008 - 2009 đã thay đổi tất cả, việc quy mô nợ công tăng rất cao trong giai đoạn này
đã khiến cho lãi suất chính phủ phải chịu cho các khoản vay của mình tăng lên và từ
đó làm tăng chênh lệch giữa lãi suất và tốc độ tăng trưởng. Kết quả này hàm ý nếu
khoảng cách giữa lãi suất với tăng trưởng là nhỏ thì quy mô nợ công nhỏ, ngược lại
khoảng cách này lớn thì quy mô nợ công lớn.
Trong một nghiên cứu hiếm hoi ở phạm vi quốc gia, Shloka (2021) sử dụng dữ
liệu của nền kinh tế Ấn Độ khẳng định rằng tồn tại mối quan hệ nhân quả từ chênh
lệch lãi suất với tốc độ tăng trưởng tới NCBV tuy nhiên ở chiều ngược lại việc gia
tăng tính bền vững của nợ công chưa chắc đã làm gia tăng tăng trưởng hay làm
chênh lệch trên trở nên nhỏ hơn. Ngoài ra khi so sánh với dữ liệu ở các quốc gia
khác, Shloka (2021) nhận thấy rằng nếu chênh lệch âm giữa lãi suất và tốc độ tăng
trưởng xảy ra là vì nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao (lãi suất ở mức bình
thường) thì mức độ gia tăng bền vững nợ công sẽ cao hơn khi so với nền kinh tế
cũng có mức chênh lệch như vậy nhưng tốc độ TTKT lại thấp (lãi suất ở mức rất
thấp).
Nhìn chung các nghiên cứu đều gián tiếp chỉ ra khi tốc độ TTKT tăng lên thì
mức độ NCBV sẽ được gia tăng. Mức độ bền vững gia tăng thường được thể hiện
thông qua tỷ lệ nợ công trên GDP ổn định hoặc giảm. Tuy nhiên mối quan hệ trên
thường tồn tại trong dài hạn, trong ngắn hạn có thể sẽ có kết quả khác.
1.2.2 Nghiên cứu về nợ công bền vững tác động đến tăng trưởng kinh tế
Như phân tích trong 1.1, tác giả nhận thấy không có nghiên cứu trực tiếp về
mối quan hệ giữa NCBV và TTKT trong đó NCBV được đo lường một cách tổng
thể khi xét tới nhiều thành phần. Lý do là bởi vẫn chưa có một thước đo tổng thể
cho NCBV để từ đó các nhà kinh tế học có thể dựa vào để xem xét mối quan hệ của
nó với TTKT. Tuy nhiên một cách gián tiếp khi xét mối quan hệ của một tiêu chí
trong NCBV với TTKT, mà cụ thể ở đây là tiêu chí tỷ lệ nợ công/GDP thì có ba
quan điểm xoay quanh quanh tác động của tiêu chí này lên TTKT, đó là tác động
tuyến tính (hoặc tích cực hoặc tiêu cực), không phát hiện ra tác động và tác động
phi tuyến tính (có cả tác động tích cực và tiêu cực, tính chất tác động sẽ đảo chiều
khi tỷ lệ nợ công/GDP vượt qua một ngưỡng giá trị nhất định). Trong đó hầu hết
các nghiên cứu đều phát hiện ra mối quan hệ phi tuyến tính.
1.2.2.1 Tác động tuyến tính
Mối quan hệ giữa hai biến không thay đổi khi các biến thay đổi giá trị được
gọi là mối quan hệ tuyến tính. Các nhà kinh tế học theo trường phái cổ điển là
12

những người ủng hộ mạnh mẽ quan điểm nợ công có quan hệ tuyến tính không đổi
và cụ thể ở đây là nợ công tỷ lệ nghịch với tăng trưởng. Các nhà kinh tế học này cho
rằng khi chính phủ dùng nợ để trang trải các khoản thâm hụt ngân sách thì sẽ gia
tăng gánh nặng cho thế hệ tương lai đồng thời giảm đầu tư tư nhân từ áp lực tăng lãi
suất, do đó làm giảm TTKT.
Modigliani (1961) lập luận rằng khi chính phủ vay tiền thì chính phủ sẽ phải
tăng thuế để bù đắp lại các khoản lãi phải trả cho các khoản vay đó. Việc tăng thuế
trong tương lai làm giảm thu nhập của dân chúng nên thực chất tổng nguồn vốn đầu
tư trong nền kinh tế không đổi, chỉ chuyển từ “túi người này sang túi người kia”.
Thêm vào đó, thu nhập kỳ vọng giảm từ việc tăng thuế cũng không kích thích đầu
tư để TTKT. Ông phát biểu rằng “nếu chính phủ đánh thuế, thì người dân còn ít tiền
trong túi hơn, cho nên mỗi đồng chính phủ chi tiêu sẽ được cân đối bằng một đồng
không được chi ở chỗ khác”
Friedman (1988) cho rằng sự gia tăng của nợ công do thâm hụt ngân sách sẽ
gây áp lực làm tăng lãi suất. Lãi suất tăng đương nhiên sẽ làm giảm đầu tư tư nhân.
Nói một cách khác, Friedman hàm ý tăng nợ công giống như việc chi tiêu công
chèn ép đầu tư tư nhân. Một khi đầu tư tư nhân giảm thì TTKT cũng giảm. Điều này
cũng được các nhà kinh tế học khẳng định sau này trong các nghiên cứu trong dài
hạn giữa quy mô nợ công và TTKT (Elmendorf & Mankiw, 1999; Gale & Orszag,
2003; Baldacci & Kumar, 2010).
Kumar và Woo (2010) cũng phát hiện ra việc nợ công cao tác động tiêu cực
đến TTKT. Cụ thể đối với các nước phát triển, tỷ lệ nợ công trên GDP tăng 10 điểm
phần trăm có liên quan đến mức tăng trưởng GDP thực tế bình quân đầu người giảm
0,15 đến 0,20 điểm phần trăm.
Presbitero (2005) cũng đồng quan điểm khi cho rằng gánh nặng nợ nần lớn sẽ
có tác động tiêu cực tới tăng trưởng GDP và vì thế cho rằng mối quan hệ chính giữa
nợ và tăng trưởng là nghịch biến. Sử dụng mô hình dữ liệu bảng động, phân tích của
Presbitero thực hiện trong nhóm các nước đang phát triển đã tìm ra mối quan hệ tỷ
lệ nghịch tuyến tính giữa nợ công và tăng trưởng. Đối sánh với các nghiên cứu tìm
ra mối quan hệ phi tuyến tính hình chữ U ngược giữa quy mô nợ công và TTKT,
nghiên cứu cũng thừa nhận ở các nước đang phát triển hoặc mắc nợ ở mức cao thì
mối quan hệ phổ biến giữa nợ và tăng trưởng là nhánh bên phải của chữ U ngược
tức là quan hệ tỷ lệ nghịch, trong khi đó ở nhánh bên trái của chữ U ngược, nơi mà
nợ và tăng trưởng quan hệ tỷ lệ thuận thì thường diễn ra ở các nước công nghiệp hóa
và ít mắc nợ.
13

Trái ngược với một loạt quan điểm ở trên, có những nghiên cứu chỉ ra rằng nợ
công ở mức hợp lý có tác động tích cực đến TTKT do làm tăng tổng cầu. Đây chính
là quan điểm của trường phái Keynes.
Quan điểm của trường phái Keynes được đưa ra dựa trên hai giả thuyết cơ bản
là: (1) Tổng cung chịu ảnh hưởng của tổng cầu (2) giả thiết nền kinh tế không trong
trạng thái toàn dụng nguồn lực. Keynes đề xuất khi nền kinh tế suy thoái, thất
nghiệp tăng thì chính phủ có thể đưa ra các gói kích cầu để tác động vào nền kinh
tế. Các gói kích cầu này có thể thực hiện bằng cách chính phủ đi vay để tăng chi
tiêu công. Việc tăng tổng cầu sẽ có tác động thúc đẩy tổng cung và từ đó làm tăng
TTKT. Eisner (1984) cho rằng nếu nợ công ở mức hợp lý sẽ có tác động làm gia
tăng tổng cầu, tăng tỷ suất lợi nhuận đầu tư từ đó thúc đẩy đầu tư cho dù lãi suất có
tăng lên. Ông đã áp dụng lý thuyết này trong các phân tích thực chứng và chỉ ra
rằng thâm hụt ngân sách (hay nợ công) có quan hệ tỷ lệ thuận với tốc độ tăng
trưởng thu nhập. Cũng chung quan điểm với Eisner là các nghiên cứu của Diamond
(1965) và Paul (1992). Các nghiên cứu này đều cho rằng tăng chi tiêu của chính phủ
từ đó tăng nợ công trong ngắn hạn sẽ giúp chính phủ thực hiện các khoản đầu tư đột
phá tạo điều kiện thu hút đầu tư khu vực tư nhân từ đó giúp cho nền kinh tế tăng
trưởng nhanh hơn. Abbas và Christensen (2007) trong nghiên cứu đối với mẫu
gồm 93 quốc gia có thu nhập thấp và nền kinh tế mới nổi trong giai đoạn từ 1975
đến 2004 cũng tìm ra mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa nợ công và TTKT tuy nhiên đây
là mối quan hệ có điều kiện. Hai tác giả cho rằng trong điều kiện có phối hợp với
chính sách tiền tệ, thị trường tài chính phát triển, chính phủ gia tăng trách nhiệm
giải trình thì mối quan hệ này mới tồn tại. Thảo (2018) xác nhận tác động tích cực
của nợ công lên tăng trưởng và không tìm thấy dấu hiệu đảo chiều ở một nhóm nhỏ
hơn gồm 6 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và
Việt Nam). Trung và Toàn (2014) cũng tìm thấy mối quan hệ tương tự giữa chi tiêu
công đặc biệt chi tiêu công dành cho y tế, an ninh quốc phòng có tác động tích cực
lên tăng trưởng các nước khu vực Đông Nam Á giai đoạn 1995 - 2012. Tuy nhiên,
cũng có những quan điểm không đồng tình, Gramlich (1989) cho rằng việc sử dụng
nợ công để tài trợ cho thâm hụt ngân sách không quan trọng trong việc quyết định
tính hiệu quả của chính sách tài khóa. Patillo và cộng sự (2004) còn chỉ ra kết quả
mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa quy mô nợ công và tăng trưởng có thể đúng trong ngắn
hạn nhưng mối quan hệ này sẽ đảo chiều nếu xem xét nền kinh tế trong dài hạn.
Ngoài ra mức độ tác động tiêu cực của quy mô nợ công tăng cao lên tăng trưởng lại
khác nhau giữa các quốc gia tùy thuộc vào chất lượng thể chế và trình độ phát triển
của thị trường vốn vay trong nước (Calderon và Fuentes, 2013).
14

Quan điểm của trường phái Keynes cũng vấp phải sự phản đối của những
người theo trường phái kinh tế Ricardo khi họ cho rằng chi tiêu tăng thêm của chính
phủ sẽ không có tác động lên mức thu nhập vì người dân sẽ lập tức tiết kiệm nhiều
hơn để trả thuế tăng lên trong tương lai hoặc bù lại lạm phát cao hơn do chính phủ
tăng chi tiêu trong hiện tại. Lúc này, tác động ròng lên tổng cầu sẽ bằng không.
Bên cạnh các nghiên cứu sử dụng biến tỷ lệ nợ công/GDP, cũng có những
nghiên cứu khai thác khía cạnh khác của nợ quốc gia và tìm hiểu mối quan hệ giữa
khía cạnh đó với tăng trưởng. Cụ thể ở đây là biến nợ nước ngoài hoặc nợ nước
ngoài phải trả trong đó có cả phần nợ công nước ngoài. Fosu (1996) kiểm định mối
quan hệ giữa TTKT và nợ nước ngoài ở các nước Châu Phi hạ Sahara (Sub -
Saharan African - SSA) thời kỳ 1970 - 1986 bằng phương pháp OLS và phát hiện ra
tác động tiêu cực của nợ nước ngoài lên tăng trưởng ở các quốc gia này. Sử dụng kỹ
thuật kiểm định đồng liên kết đa biến, Karagol (2012) xem xét mối quan hệ dài hạn
và ngắn hạn giữa TTKT và nợ nước ngoài phải trả của Thổ Nhĩ Kỳ giai đoạn 1956 -
1996 và phát hiện ra mối quan hệ tỷ lệ nghịch giữa nợ nước ngoài phải trả với
không chỉ tăng trưởng mà còn có đầu tư. Warner (1992) và Taghavi (2000) còn tìm
ra hiệu ứng lấn át từ nợ công nước ngoài tới đầu tư của khu vực tư nhân.
Như vậy có thể thấy quan điểm sự gia tăng nợ công có tác động tích cực tới
tăng trưởng là quan điểm trong ngắn hạn. Quan điểm này cho rằng nợ công góp
phần vào sự phát triển kinh tế trong ngắn hạn là do chính phủ của quốc gia đó đã sử
dụng biện pháp cắt giảm thuế, gia tăng chi tiêu tử đó làm tăng tổng cầu với hệ quả
là ngân sách thâm hụt, nợ công gia tăng. Trong dài hạn khi tiết kiệm quốc dân giảm
do nợ công tăng sẽ dẫn đến khối lượng tư bản ít hơn (do đầu tư giảm) và thu nhập
quốc dân thấp hơn. Khi đến hạn thanh toán quốc gia phải đối mặt với áp lực thanh
toán nợ gốc và lãi bởi sự tích lũy nợ công qua các năm. Đây chính là quan điểm gia
tăng nợ công có tác động tiêu cực đối với tăng trưởng và hiệu ứng này thường xảy
ra trong dài hạn.
1.2.2.2 Tác động phi tuyến tính
Mối quan hệ tỷ lệ thuận rồi chuyển sang tỷ lệ nghịch giữa hai biến khi một
trong hai biến vượt qua một ngưỡng giá trị nào đấy được gọi là quan hệ phi tuyến
tính. Cụ thể ở đây, tăng trưởng nợ công có mối quan hệ tỷ lệ thuận với tăng trưởng
khi ở mức thấp và tỷ lệ nghịch với tăng trưởng khi vượt quá một ngưỡng nhất định.
Đây chính là hướng mà các nhà kinh tế tập trung vào nhiều nhất và có rất nhiều các
nghiên cứu tìm ra được kết quả khẳng định mối quan hệ phi tuyến tính này. Nổi bật
nhất có thể kể đến nghiên cứu của Reinhar và Rogoff (2010). Nghiên cứu đã đưa ra
15

bằng chứng thực nghiệm về ngưỡng nợ công hay điểm chuyển đổi mà quy mô của
nợ công (so với GDP) từ đó trở đi sẽ có tác động tiêu cực tới TTKT. Kết quả được
tìm ra từ phân tích tương quan đơn giản cho thấy tồn tại mối quan hệ phi tuyến tính
giữa nợ công và TTKT, đặc biệt là mối quan hệ tỷ lệ nghịch rất mạnh của nợ công
với tăng trưởng từ mức 90% GDP trở lên. Sau đó, rất nhiều tác giả cố gắng kiểm
chứng kết luận này của Reinhar và Rogoff như Afonso và Jalles (2013); Baum và
cộng sự (2013); Caner và cộng sự (2010); Checherita và Rother (2012); Cecchetti
và cộng sự (2011). Cụ thể Checherita và Rother (2012) sử dụng phương pháp dữ
liệu bảng không biến thiên cho hàm tăng trưởng thể hiện qua hàm bậc hai của biến
nợ công áp dụng cho 12 nước Châu Âu trong giai đoạn từ 1990 đến 2008, kết quả là
một mối quan hệ phi tuyến tính được phát hiện ra trong cả ngắn hạn và dài hạn với
ngưỡng chuyển đổi từ 90 đến 100% GDP. Baum và cộng sự (2013) sử dụng phân
tích dữ liệu bảng biến thiên cho cùng nhóm quốc gia trong thời gian từ 1990 đến
2010 và tìm ra mối quan hệ đồng biến có ý nghĩa thống kê trong ngắn hạn giữa nợ
công và tăng trưởng với ngưỡng nợ công dưới 67% GDP trong khi mối quan hệ
nghịch biến xảy ra khi tỷ lệ nợ công trên GDP vượt quá 95%. Tương tự như vậy,
Kumar và Woo (2010) cũng tìm thấy bằng chứng cho thấy với mức nợ công trên
GDP lớn hơn 90% thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực tương đối lên tăng trưởng, trong khi đó
Egert (2013) sử dụng bộ số liệu của Reinhart và Rogoff (2010) tìm ra tác động tiêu
cực của nợ công lên GDP bắt đầu khởi động ở mức nợ công trên GDP thấp hơn rất
nhiều (từ 20% đến 60%). Tất cả các nghiên cứu kể trên đều phát hiện ra ngưỡng nợ
công ở các nước tuy nhiên ngưỡng này biến thiên từ rất mạnh từ 20 đến 100% GDP
tùy vào từng nước. Khi nợ công dưới ngưỡng thì thường cho thấy sự trung tính hoặc
tác động tích cực tới tăng trưởng còn khi nợ công trên ngưỡng thì tác động đổi
chiều sang hướng tiêu cực lên tăng trưởng. Phân tích của Reinhar và Rogoff cũng
nhận được khá nhiều chỉ trích từ các cộng sự do cách tiếp cận đơn giản ví dụ như
Herndon và cộng sự (2013) cho rằng mối quan hệ giữa nợ công và tăng trưởng cần
nghiên cứu thông qua nhiều kênh (hay các biến số trung gian) hơn là một tác động
trực tiếp. Cho đến hôm nay, xu hướng lớn của các nghiên cứu thực nghiệm ủng hộ
ngưỡng nợ công nhưng kết quả rất khác nhau cho từng nhóm quốc gia và với từng
mô hình kinh tế lượng.
Tuy nhiên sự tồn tại mối quan hệ phi tuyến tính giữa nợ và tăng trưởng không
cung cấp bất cứ thông tin gì về chiều tác động - liệu nợ công tăng cao làm tăng
trưởng tăng hay ngược lại; hay vì tăng trưởng giảm nên nợ công tăng hay ngược lại.
Để giải quyết vấn đề này các nghiên cứu hoặc sử dụng phương pháp biến công cụ
(instrumental variable) (Kumar và Woo, 2010; Westphal và Rother, 2012; Furceri
16

và Zdizienicka, 2012; Baum và cộng sự, 2013; Panizza và Presbitero, 2014) hoặc sử
dụng mô hình véc tơ tự hồi quy sử dụng dữ liệu bảng Panel VAR (Lof và Malinen,
2014). Sử dụng các phương pháp kể trên, tính vững chắc của kết quả 90% GDP với
tư cách là ngưỡng nợ công do Reinhart và Rogoff (2010) tìm ra bị bác bỏ bởi
Herndon và cộng sự (2013), những người đã tìm ra một số lỗi về mã hóa trong bài
nghiên cứu trước đó của hai đồng nghiệp. Sửa lại lỗi mã hóa và sử dụng trọng số
khác nhau cho các bộ số liệu khác nhau, Herndon và cộng sự (2013) cho thấy
ngưỡng nợ công 90% dường như biến mất.
Đối với những nghiên cứu tập trung vào từng nhóm quốc gia cụ thể thì mối
quan hệ phi tuyến tính có vẻ rõ ràng hơn vì các quốc gia này cùng chia sẻ với nhau
nhiều đặc điểm tài khóa chung và do đó nếu có một xu hướng thay đổi chung trong
ngân sách của các nước này thì tác động của chúng lên TTKT sẽ được củng cố và
khẳng định.
Nghiên cứu của Pattillo và cộng sự (2002) đã sử dụng bộ số liệu của 93 nước
đang phát triển trong giai đoạn 1969 - 1998, kết quả đã chứng minh tác động phi
tuyến của nợ lên tăng trưởng: tại mức nợ thấp, nợ gần như có tác động cùng chiều
lên tăng trưởng; nhưng khi trên một ngưỡng nợ nhất định, việc gia tăng thêm nợ bắt
đầu gây ra ảnh hưởng trái chiều lên TTKT. Cụ thể: nợ nước ngoài tỷ lệ nghịch đối
với tăng trưởng GDP bình quân đầu người khi giá trị hiện tại ròng của nợ trên xuất
khẩu bắt đầu lớn hơn 160 -170% và trên GDP là lớn hơn 35 - 40%. Nghiên cứu của
Clements và cộng sự (2003) được thực hiện ở 55 quốc gia thu nhập thấp trong giai
đoạn 1970 - 1999, kết quả nghiên cứu đã khẳng định ảnh hưởng phi tuyến của nợ
nước ngoài lên TTKT thông qua kênh đầu tư. Theo đó, việc tích lũy nợ nước ngoài
có thể thúc đẩy đầu tư cho đến khi nợ công đạt một ngưỡng nhất định nào đó. Cụ
thể, một khi nợ vượt quá ngưỡng 20 - 25% GDP, gánh nặng nợ sẽ bắt đầu làm gia
tăng áp lực tiêu cực lên nhà đầu tư, làm giảm động lực cung cấp vốn khiến cho nền
kinh tế thiếu hụt vốn và tăng trưởng giảm.
Pattillo và cộng sự (2004) khẳng định kênh truyền dẫn tác động thông qua đầu
tư khi tìm thấy bằng chứng ở phạm vi hẹp về giả thuyết ngưỡng nợ công và cho
rằng ngưỡng này hoạt động chủ yếu thông qua đầu tư tư bản hiện vật. Họ sử dụng
số liệu bảng cho 61 quốc gia đang phát triển và xác nhận phát hiện trước đó của họ
về ngưỡng nợ công thông qua nhiều mô hình hồi quy khác nhau. Họ cũng chỉ ra
mối quan hệ này hoạt động dựa trên hai kênh chính đó là đầu tư tư bản hiện vật và
năng suất các nhân tố tổng hợp. Về mặt định lượng, đối với các nước có nợ công
cao, gấp đôi khoản nợ sẽ làm giảm tăng trưởng sản lượng, tư bản hiện vật và năng
17

suất trung bình khoảng 1%. Tác động của nợ công lên tăng trưởng chủ yếu thông
qua nhân tố năng suất tổng hợp TFP và ít hơn là thông qua tích lũy tư bản hiện vật,
trong khi đó vốn con người cũng ít bị ảnh hưởng. Kết quả này tương tự như những
gì mà Clements và cộng sự (2003) đã tìm ra nhưng lại ngược lại so với nghiên cứu
của Pattillo và cộng sự (2012) ở khía cạnh vốn con người. Hai nhà kinh tế học này
đã tìm thấy cả tác động tiêu cực đáng kể của nợ lên vốn con người.
Một nghiên cứu của Thảo và Vinh (2015) với quy mô mẫu gồm 7 nước đang
phát triển khu vực Đông Nam Á là Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Thái Lan,
Philippines, Lào, Campuchia sử dụng chuỗi số liệu từ năm 1995 - 2013, kết quả cho
thấy giữa nợ công và TTKT có mối quan hệ phi tuyến tính. Khi tỷ lệ nợ công/GDP
nhỏ hơn 68% thì nợ công có tác động tích cực đến tăng trưởng và ngược lại khi tỷ lệ
nợ công/GDP lớn hơn 68% thì nợ công có tác động tiêu cực đến tăng trưởng.
Cũng lấy mẫu là 10 quốc gia Đông Nam Á cộng thêm với ba nước Nhật Bản,
Hàn Quốc, Trung Quốc trong giai đoạn 2004 - 2015, An và cộng sự (2020) đã tìm
ra ngưỡng chuyển đổi mối quan hệ giữa nợ công và tăng trưởng ở mức 72,53%
GDP. Một phát hiện thú vị nữa của nhóm đó là bên cạnh ngưỡng chuyển đổi cao
còn có ngưỡng chuyển đổi thấp ở mức 26,96% GDP. Dưới ngưỡng này nợ công tác
động tiêu cực đến tăng trưởng do chính phủ đang chi tiêu quá ít, các khoản đầu tư
quan trọng cho cơ sở hạ tầng, vốn con người đang không đáp ứng đủ nhu cầu phát
triển của nền kinh tế. Sau ngưỡng này nợ công gia tăng sẽ giúp tăng trưởng tốt hơn
cho đến khi nợ vượt ngưỡng 72,53% GDP.
Mở rộng số lượng nước trong nhóm quốc gia mới nổi và đang phát triển giai
đoạn 2001 - 2013, Anh và Hùng (2015) tìm ra ngưỡng nợ công tối ưu cho tăng
trưởng của các quốc gia này, trong đó có Việt Nam, là vào khoảng 53-61% GDP.
Khi nợ công vượt quá con số 61% GDP thì gần như chắc chắn nó sẽ gây ra ảnh
hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
Do hạn chế về mặt số liệu nên có khá ít nghiên cứu kiểm định mối quan hệ phi
tuyến tính giữa nợ công và tăng trưởng kinh tế cho riêng Việt Nam. Trong số ít
những nghiên cứu có đủ dữ liệu để chạy các mô hình hồi quy, Thành (2012) và
Thạch (2019) lần lượt tìm ra ngưỡng nợ công tối ưu của Việt Nam là 75,8% và
57,6%. Ngoài ra Thạch (2019) còn tìm ra mức trần nợ công thể hiện ngưỡng chịu
đựng của Việt Nam ở mức rất cao 150% - 156%.
Một nghiên cứu khác của Chang và Chiang (2006) thực hiện trên mô hình hồi
quy ngưỡng để khám phá hiệu ứng ngưỡng của nợ công/GDP lên biến số GDP/đầu
người ở các nước phát triển OECD. Kết quả cho thấy, tồn tại một ngưỡng nợ tối ưu
18

của tỷ lệ nợ/GDP với giá trị 66,63%. Cecchetti và cộng sự (2011) sử dụng dữ liệu
bảng của 18 quốc gia OECD cho thời kỳ từ 1980 đến 2010 và tìm ra ngưỡng nợ
công 85%. Padoan và cộng sự (2012) báo cáo một kết quả tương tự với ngưỡng nợ
công 90% ở 28 quốc gia OECD với dữ liệu bảng bất cân xứng trong một khoảng
thời gian dài hơn từ 1960 đến 2011.
Cũng với mục tiêu tương tự, nghiên cứu của Caner và cộng sự (2010) dựa trên
bộ số liệu theo năm của 101 nước phát triển và đang phát triển trong giai đoạn từ
1980 - 2008. Kết quả ước lượng cho thấy: mức trần nợ công/GDP chung cho tất cả
các quốc gia là 77%. Nếu nợ công vượt quá mức trần này, mỗi phần trăm tăng thêm
của nợ sẽ làm giảm đi 0,017% của TTKT thực hàng năm. Riêng với các nước đang
phát triển ngưỡng nợ là 64% GDP. Ở các quốc gia này, với 1% vượt ngưỡng trên sẽ
làm giảm tới 0,02% TTKT.
Nghiên cứu của Checherita và Rother (2010) tiến hành điều tra mối quan hệ
giữa tỷ lệ nợ chính phủ và tăng trưởng GDP thực bình quân đầu người đối với mẫu
là 12 nước thuộc khu vực đồng tiền Euro, trong giai đoạn 1970 - 2011. Kết quả cho
thấy bằng chứng về tác động phi tuyến của nợ chính phủ lên tăng trưởng GDP thực
tế bình quân đầu người trong mẫu nghiên cứu. Nghiên cứu chỉ ra rằng mối quan hệ
phi tuyến giữa nợ công và tỷ lệ TTKT xảy ra tại ngưỡng nợ vào khoảng 90 - 100%
GDP. Điều này có nghĩa khi mức nợ/GDP vượt qua ngưỡng 90 - 100% GDP TTKT
sẽ có xu hướng giảm sút.
Nghiên cứu của Greeenidge và cộng sự (2012) cho các nền kinh tế thuộc vùng
Ca-ri-bê đã chứng minh rằng ngưỡng trần nợ công/GDP tại khu vực này là từ 55-
56%. Cụ thể, tại mức nợ dưới 30% GDP, sự gia tăng tỷ lệ nợ/GDP sẽ làm tăng tốc
độ TTKT. Tuy nhiên, khi nợ vượt quá 30% GDP, tác động này lên TTKT nhanh
chóng giảm đi, và khi đạt tới 55-56% GDP thì tác động của nó tới TTKT đổi chiều
từ tích cực sang tiêu cực. Vượt quá ngưỡng này, nợ công trở thành một gánh nặng
và gây cản trở đối với TTKT.
Qua các nghiên cứu ở từng nhóm quốc gia khác nhau chúng ta thấy ngưỡng nợ
công để từ đó làm thay đổi mối quan hệ giữa nợ công và TTKT rất khác nhau. Câu
hỏi đặt ra lúc này là làm sao lại có sự khác biệt về ngưỡng nợ công tạo ra mối quan
hệ phi tuyến tính giữa nợ công và tăng trưởng. Phân tích của Caner và cộng sự
(2010) là nghiên cứu hồi quy duy nhất trong những nghiên cứu đề cập ở trên cố
gắng đi tìm có sự khác biệt trong mối quan hệ tăng trưởng và nợ công giữa các quốc
gia và từ đó cố gắng tìm lời giải thích cho hiện tượng này. Họ thử nghiệm nhiều
ngưỡng nợ công cho các quốc gia đã và đang phát triển và nhận ra ngưỡng nợ công
19

của quốc gia phát triển lớn hơn của quốc gia đang phát triển phát triển (nói cách
khác khoảng nợ công có tác động tích cực tới tăng trưởng của quốc gia phát triển
lớn hơn quốc gia đang phát triển). Họ giải thích rằng sở dĩ có điều này là do ở quốc
gia phát triển có chất lượng thể chế tốt hơn và điều này giúp làm giảm tác động tiêu
cực của mức nợ công cao lên tăng trưởng. Kourtellos và cộng sự (2013) khảo sát
chất lượng thể chế như là một nguồn của sự khác biệt. Họ xác định hai cơ chế tăng
trưởng thông qua hồi quy ngưỡng cấu trúc với một cơ chế ứng với chất lượng thể
chế cao, một cơ chế ứng với chất lượng thể chế thấp. Trong cơ chế có chất lượng
thể chế thấp, nợ công được xác nhận là có tác động tiêu cực tới tăng trưởng trong
khi đó nợ công trung tính trong chế độ có chất lượng thể chế cao. Kết quả này được
xác nhận một lần nữa bởi Teles và Mussolini (2014), những người tìm ra kết quả tác
động tiêu cực không đáng kể của nợ công tới tăng trưởng ở các nước OECD.
Ahlborn và Schweickert (2015) chỉ ra rằng đặc điểm của hệ thống kinh tế, một
phần của thể chế có tác động đến mối quan hệ giữa nợ công và tăng trưởng. Cụ thể
là nghiên cứu chia các nước nghiên cứu ở EU thành 3 nhóm nước là nhóm nước
theo tư tưởng tự do (Anglo Saxon), nhóm nước lục địa (thành viên cốt lõi của EU)
và nhóm các nước Bắc Âu. Nghiên cứu khẳng định sự bất định tài khóa ở từng mức
nợ công khiến cho mối quan hệ giữa nợ công và tăng trưởng khác nhau ở ba nhóm
quốc gia này. Các quốc gia thuộc nhóm nước lục địa có thể chế cứng nhắc thì chịu
tác động tiêu cực làm giảm tăng trưởng từ nợ công lớn hơn nhóm quốc gia Anglo
Saxon có thể chế tự do. Ở các quốc gia này nợ công trung tính hoặc có thể có tác
động tích cực tới tăng trưởng. Trong khi đó ở nhóm quốc gia Bắc Âu có thể chế pha
trộn giữa nhóm nước lục địa và nhóm Anglo Saxon thì mối quan hệ phi tuyến tính
được phát hiện với tỷ lệ nợ công trên GDP tạo ra tác động tiêu cực tới tăng trưởng ở
mức 60%. Nghiên cứu của Imbs và Ranciere (2005) cũng chỉ rằng thể chế tốt hơn sẽ
làm giảm tác động tiêu cực của nợ công lên tăng trưởng khi vượt ngưỡng.
1.2.2.3 Không có tác động
Các nhà kinh tế theo trường phái Ricardo cho rằng, thâm hụt NSNN có tác
động rất nhỏ tới nền kinh tế vì nợ công không có tác động gì đến tổng cầu. Việc gia
tăng chi tiêu công ngày hôm nay sẽ làm tăng thuế ở tương lai trong khi người tiêu
dùng sẽ định hướng hành vi tiêu dùng của họ dựa trên giá trị hiện tại của khoản thu
nhập trong tương lai. Dù cho việc gia tăng thuế diễn ra ở tương lai thì tiêu dùng hiện
tại cũng sẽ giảm tương ứng để đối phó với sự gia tăng này.
Barro (1990) cho rằng khi chính phủ vay nợ thì nhóm người già nhận thấy
rằng con cháu họ sẽ bị thiệt hại hơn (giả sử là người già quan tâm tới phúc lợi của
20

con cháu họ, do đó họ không muốn mức tiêu dùng của con cháu họ giảm sút) Vậy
thì nhóm người già phản ứng như thế nào? Đơn giản là họ gia tăng thu nhập dưới
dạng di sản để lại cho con cháu với mức bằng khoản tiền đủ để trả phần thuế thêm
mà thế hệ tương lai phải chịu. Bằng cách làm này, kết quả kinh tế hiện tại không có
gì thay đổi thực sự. Các thế hệ sẽ có cùng mức tiêu dùng chính xác một số tiền
giống nhau như trước khi chính phủ vay nợ.
Quan điểm của trường phái Ricardo vấp phải rất nhiều phê phán cả về mặt lý
luận và thực tiễn. Bernheim (1989) cho rằng quan điểm của trường phái này dựa
quá nhiều vào các giả thiết, trong đó có giả thiết cho rằng hộ gia đình là các thực thể
độc lập và không có mối liên hệ với nhau. Giả thiết này chỉ có ở các thị trường hoàn
hảo trong đó người tiêu dùng có các quyết định của mình chỉ dựa vào lý trí mà thôi.
Giả thuyết kỳ vọng duy lý được dựa trên ý tưởng cho rằng mọi người - người tiêu
dùng, doanh nghiệp, chủ lao động và người lao động - sử dụng hiệu quả thông tin
mà họ có được về quá khứ, hiện tại, tương lai. Họ nhìn vào những sự kiện trong quá
khứ để tiên đoán điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, nhưng không có nghĩa là ai cũng
đoán đúng về tương lai, mà thật ra những sai lầm của chúng ta không tương quan
với nhau. Chúng ta điều chỉnh những kỳ vọng về tương lai một cách liên tục và theo
sát những thay đổi trong điều kiện kinh tế. Hàm ý chính sách quan trọng của lý
thuyết kỳ vọng duy lý là sự can thiêp của chính phủ sẽ không hề có tác động thực
nếu mọi người đều kỳ vọng trước được chính phủ sẽ làm điều này nhưng cơ bản
điều này rất khó xảy ra trên thực tế.
Tỷ lệ nợ công/GDP và TTKT thể hiện mối quan hệ không vững còn ở chỗ
phải có một điều kiện rất đặc biệt thì quan hệ thống kê giữa hai biến này mới có ý
nghĩa. Schlarek (2004) tìm thấy không có mối quan hệ giữa nợ và tăng trưởng ở 29
nền kinh tế phát triển từ 1970 đến 2002. Tương tự như vậy Panizza và Presbitero
(2014) trong mẫu các nước OECD cũng không tìm thấy bằng chứng về một ngưỡng
nợ công mà trên đó tốc độ TTKT giảm. Kết luận tương tự cũng được tìm thấy trong
nghiên cứu của Pescatori và cộng sự (2014) nghiên cứu mối quan hệ phi tuyến tính
giữa nợ công và tăng trưởng ở 16 quốc gia OECD từ năm 1981 đến 2013 dựa trên
kỹ thuật hồi quy số liệu bảng sử dụng ngưỡng cố định và thay đổi. Kết quả của
nghiên cứu này chỉ ra không có bằng chứng cho một ngưỡng nợ có ý nghĩa thống kê
và vững chắc về mặt hồi quy, nói một cách khác chưa thể kết luận tỷ lệ nợ
công/GDP và tăng trưởng có mối quan hệ tỷ lệ thuận hoặc tỷ lệ nghịch về mặt thống
kê. Họ lập luận rằng chỉ khi có căng thẳng tài chính (tình hình kinh tế thế giới
không thuận lợi hoặc tình trong nước có lạm phát cao) thì tỷ lệ nợ công/GDP mới
có tác động tiêu cực lên tăng trưởng không kể đến tỷ lệ nợ công lúc này là bao
21

nhiêu phần trăm của GDP.


22

Bảng 1.1: Tổng hợp các nghiên cứu thực nghiệm giữa nợ công và TTKT
Nghiên cứu - Kết quả nghiên cứu
Mối quan Modigliani (1961), Friedman (1988), Warner (1992), Fosu (1996),
hệ tuyến Kumar và Woo (2010) , Karagol (2012): tỷ lệ nghịch
tính giữa Elmendorf và Mankiw (1999), Gale và Orszag (2003), Baldaci và
nợ công và Kumar (2010): tỷ lệ nghịch trong dài hạn
TTKT Diamond (1965) Eisner (1984) Paul (1992): tỷ lệ thuận
Nguyễn và Trần (2014), Phạm (2018): tỷ lệ thuận
Abbas và Christensen (2007): tỷ lệ thuận nhưng có điều kiện
Presbitero (2005): tỷ lệ nghịch với các nước có thu nhập thấp; tỷ lệ
thuận với các nước có thu nhập cao
Patillo và cộng sự (2004): tỷ lệ nghịch trong ngắn hạn nhưng đảo
chiều trong dài hạn
Calderon và Fuentes (2013): tỷ lệ nghich và mức độ phụ thuộc vào
thể chế
Mối quan Reinhar và Rogoff (2010): 44 quốc gia trong vòng 200 năm, ngưỡng
hệ phi chuyển đổi 90% GDP
tuyến tính Baum và cộng sự (2013): 20 quốc gia Châu Âu từ 1990 - 2010,
giữa nợ ngưỡng chuyển đổi 67% đến 95% GDP
công và Egert (2013): 44 quốc gia trong vòng 200 năm, ngưỡng chuyển đổi
TTKT 20% đến 60% GDP
Pattillo và cộng sự (2002): 93 quốc gia đang phát triển từ 1969 -
1998, ngưỡng chuyển đổi 35-40% GDP
Clements và cộng sự (2003): 55 quốc gia thu nhập thấp 1970 - 1999,
ngưỡng chuyển đổi (đối với nợ nước ngoài) 20 -25% GDP
Chang và Chiang (2006): tất cả các nước OECD từ 1980 - 2010,
ngưỡng chuyển đổi 66,63% GDP
Cecchetti và cộng sự (2011): 18 nước OECD từ 1980 -2010, ngưỡng
chuyển đổi 85% GDP
Padoan và cộng sự (2012): 28 nước OECD từ 1960 - 2011, ngưỡng
chuyển đổi 90% GDP
Cecchetti (2011): 18 nước OECD từ 1980 -2010, ngưỡng chuyển đổi
85% GDP
23

Caner và cộng sự (2010): 101 nước phát triển và đang phát triển từ
1980 - 2008, ngưỡng chuyển đổi chung 77% GDP, ngưỡng chuyển
đổi của các nước đang phát triển 64% GDP
Checherita và Rother (2010): 12 quốc gia Châu Âu từ 1970 - 2011,
ngưỡng chuyển đổi 90 đến 100% GDP
Checherita và Rother (2012): 12 quốc gia Châu Âu từ 1990-2008,
ngưỡng chuyển đổi 90 đến 100% GDP
Greeenidge và cộng sự (2012): quốc gia vùng Caribê, ngưỡng
chuyển đổi 55-66%
Lê và Thái (2015): 7 quốc gia đang phát triển thuộc Đông Nam Á từ
1995 - 2003, ngưỡng chuyển đổi 68%
Caner và cộng sự (2010), Kourtellos và cộng sự (2013), Teles và
Mussolini (2014), Ahlborn và Schweickert (2015), Imbs và Ranciere
(2005): các ngưỡng chuyển đổi khác nhau ở các nhóm nước khác
nhau là do thể chế
Phạm và cộng sự (2020): ASEAN + 3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn
Quốc) từ 2004 - 2015, có hai ngưỡng chuyển đổi 26,96% và 72,53%
Không tìm Bernheim (1989)
thấy mối Barro (1990)
quan hệ Schlarek (2004)
giữa nợ
Panizza và Presbitero (2014)
công và
Pescatori và cộng sự (2014)
TTKT
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Như vậy có thể thấy, số lượng nghiên cứu áp đảo tìm ra kết quả phi tuyến tính
giữa nợ công (thường được biểu hiện dưới dạng nợ công/GDP) đối với TTKT. Việc
nợ công vượt quá một mức nào đó và ngày càng tăng từ đó khiến cho TTKT giảm
cho thấy bằng chứng về mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa mức độ NCBV và tăng
trưởng. Khi nợ công tăng cao thì mức độ NCBV giảm và từ đó làm giảm TTKT.
Tuy nhiên giống như ngưỡng nợ công thay đổi ở nhóm các quốc gia khác nhau,
mức độ liên quan mật thiết giữa mức độ NCBV và TTKT dự kiến cũng sẽ khác
nhau ở từng nhóm quốc gia. Những đặc điểm riêng của từng nhóm quốc gia như thể
chế, trình độ phát triển của thị trường tài chính, mức độ hiệu quả của chi tiêu
công…. sẽ quyết định mức độ mạnh yếu của mối quan hệ này.
24

Về phương pháp nghiên cứu do số liệu nợ công thường theo năm nên nếu chỉ
sử dụng số liệu của một quốc gia thì sẽ không đủ số quan sát (trừ trường hợp của
một số nước phát triển như Anh, Mỹ có hệ thống thống kê có truyền thống và hiện
đại), đặc biệt liên quan đến biến số có tính mới như dự trữ ngoại hối. Vì vậy các
nghiên cứu thường sử dụng dữ liệu bảng gồm nhiều quốc gia trong một giai đoạn
nhất định để gia tăng số lượng quan sát. Sau đó tùy vào mục đích, các nghiên cứu sẽ
chạy hồi quy dữ liệu bảng dưới tác động ngẫu nhiên (RE) (Presbitero, 2005) hoặc
dưới tác động cố định (FE) (Pattillo và cộng sự, 2014; Cechetti và cộng sự, 2011)
hoặc theo phương pháp mô men tổng quát (GMM) (Pescatori và cộng sự, 2014) nếu
mục tiêu là để đánh giá tác động hoặc chạy PVAR, PVECM nếu mục tiêu là để
đánh giá mối quan hệ (Lof & Malinen, 2014).
Về phạm vi nghiên cứu một số ít các nghiên cứu sử dụng số liệu của nhiều
quốc gia với các trình độ phát triển khác nhau và thường các nghiên cứu này sau đó
nhận rất nhiều phản biện (Reinhart & Rogoff, 2010). Còn lại phần lớn các nghiên
cứu chọn nhóm các quốc gia có trình độ phát triển tương đương nhau như nghiên
cứu của Clements và cộng sự (2003), Caner và cộng sự (2010) hoặc các quốc gia
gần gũi về mặt địa lý như nghiên cứu của Lê và Thái (2015), Checherita và Rother
(2010). Các quốc gia trong nhóm nước có cùng thu nhập hoặc cùng vị trí địa lý
thường chia sẻ một số đặc điểm chung nhất định vì thế mối quan hệ sẽ không bị
phân tán và kết quả hồi quy sẽ vượt qua được các kiểm định thống kê.
1.3 Khoảng trống nghiên cứu
Do hạn chế về việc lượng hóa tính bền vững của nợ công ra một con số cụ thể
nên các nghiên cứu chỉ lấy một số tiêu chí phổ biến trong đánh giá tính bền vững
của nợ công như là quy mô nợ công/GDP, nợ công nước ngoài/GDP để xem xét
mối quan hệ với tăng trưởng GDP, tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người hoặc
GDP thực tế tính tổng. Nói một cách khác các nghiên cứu mới chỉ xem xét một
thành phần trong NCBV để đánh giá mối quan hệ của nó với TTKT.
Khi thiếu một phương pháp có thể lượng hóa được mức độ NCBV thì rất khó
để các nhà kinh tế xem xét nhân tố này dưới góc độ tổng thể và mối quan hệ của nó
với TTKT.
Điều tương tự cũng xuất hiện trong các nghiên cứu về đề tài này ở Việt Nam.
Các nghiên cứu đánh giá NCBV của Việt Nam chủ yếu sử dụng phương pháp cây
nhị phân và khung phân tích NCBV của IMF để đánh giá thực trạng nợ công trong
nước (UBKTQH, 2013; Lan, 2017; Thành & Tuấn, 2017). Do đó giống như tình
hình nghiên cứu chung, mối quan hệ giữa NCBV và tăng trưởng kinh tế cũng chủ
25

yếu khai thác thành phần quy mô nợ công hoặc tỷ lệ nợ nước ngoài và mối quan hệ
của nó với tăng trưởng kinh tế (Thành, 2012; Hùng & cộng sự, 2014; Anh & Hùng,
2015), chứ chưa xét tới tổng thể NCBV như một chủ thể độc lập. Ngoài ra do thiếu
cách thức lượng hóa được NCBV theo mức độ nên các nghiên cứu chỉ dừng lại ở
việc xem xét nợ công của Việt Nam có bền vững hay không tại một thời điểm nhất
định mà không chỉ ra được mức độ NCBV đã thay đổi như thế nào.
Luận án sẽ bổ sung vào khoảng trống này bằng cách xây dựng phương pháp
chỉ số, phương pháp có thể lượng hóa được mức độ bền vững của nợ công để từ đó
tìm ra mối quan hệ giữa NCBV với TTKT ở phạm vi thế giới cũng như phạm vi các
nhóm nước chia theo thu nhập.
26

CHƯƠNG 2 CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ MỐI QUAN HỆ GIỮA NỢ CÔNG BỀN


VỮNG VÀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
2.1 Tổng quan về nợ công bền vững
2.1.1 Khái niệm về nợ công và nợ công bền vững
2.1.1.1 Nợ công
Nợ công theo cách hiểu hiện đại có lẽ xuất hiện cùng với sự xuất hiện của hiến
pháp, của chính phủ đại diện nhằm hạn chế bớt quyền lực của chế độ quân chủ
phương Tây, được thúc đẩy bằng hai cuộc cách mạng Cuộc cách mạng huy hoàng ở
Anh năm 1688 và Cuộc cách mạng ở Mỹ năm 1776 (Fisk, 1920). Các cuộc mạng
này được tiến hành bởi các nhà tư bản và tầng lớp tinh hoa trong xã hội chứ không
phải là nông dân và thợ thủ công vì tầng lớp này đã quá chán với việc chiếm đất,
tăng thuế vô tội vạ và chi tiêu hoang phí của giai cấp quý tộc. Tại thời điểm hơn 300
năm trước, nhà nước phong kiến chỉ cần tăng thuế, hoặc sung công tài sản của
người dân để bù đắp cho việc chi tiêu xa xỉ thường vượt quá ngân khố của mình.
Tuy nhiên sau các cuộc cách mạng kể trên, nhờ sự hạn chế quyền lực của hiến pháp
đối với giai cấp quý tộc và sau này dần dần chuyển thành chính phủ đại diện, nhà
nước bắt buộc phải vay nợ (tức là phải trả cả gốc và lãi khi đến hạn) để tài trợ cho
phần chi tiêu vượt quá của mình. Việc vay nợ vì thế cũng dịch chuyển từ phục vụ
nhu cầu cá nhân cho tầng lớp vua chúa, quý tộc chuyển sang phục vụ các lợi ích
công cộng cho phần đông người dân. Ngân hàng Trung ương (NHTW) Anh (Bank
of England) ra đời năm 1694 ban đầu cũng là để phục vụ cho mục đích trao đổi
thương mại các trái phiếu chính phủ, công cụ vay nợ của các chính phủ. Sau đó là
một loạt các NHTW khác ở Châu Âu ra đời với cùng mục đích Đan Mạch (1773),
Pháp (1800), Áo (1816), Na Uy (1816), Bỉ (1850), Hà Lan (1864), Đức (1875)…
(Salsman, 2017). Từ việc phục vụ mua bán các khoản nợ công ban đầu, các NHTW
đã phát triển thêm nhiều công cụ tài chính và được chính phủ trao cho nhiều chức
năng nữa để trở thành các NHTW hiện đại như ngày nay.
Một cách tổng quát, theo cách hiểu hiện đại, nợ công (public debt) là tổng giá
trị các khoản nợ của chính phủ và vì thế đôi khi còn được gọi là nợ chính phủ
(government debt). Các khoản nợ này bao gồm số tiền nợ của tất cả các cơ quan của
chính phủ (trực tiếp hoặc gián tiếp do chính phủ kiểm soát) từ cấp trung ương đến
cấp địa phương. Nguồn gốc của nợ công đến từ việc các khoản thu (trong đó thuế
chiếm tỷ trọng cao nhất) của chính phủ không đủ bù đắp được các khoản chi, từ đó
dẫn đến thâm hụt ngân sách. Để tài trợ cho thâm hụt ngân sách chính phủ sẽ phải đi
vay nợ. Khoản vay nợ ròng hàng năm của chính phủ (nợ ròng bằng tổng nợ bao
27

gồm cả gốc và lãi trừ đi số tiền đã trả được) tích lũy dần lại ra tổng nợ công của
quốc gia.
Chúng ta có quan điểm của các tổ chức tài chính, kinh tế quốc tế về nợ công
như sau:
Theo IMF nợ công theo nghĩa rộng là nghĩa vụ nợ của khu vực công, bao gồm
các nghĩa vụ của chính phủ trung ương, các cấp chính quyền địa phương, ngân hàng
trung ương và các tổ chức độc lập với nguồn vốn hoạt động do ngân sách nhà nước
(NSNN) quyết định hay trên 50% vốn thuộc sở hữu nhà nước và trong trường hợp
vỡ nợ, nhà nước phải trả nợ thay. Ngoài ra nợ công còn bao gồm các khoản nợ của
tổ chức độc lập được chính phủ bảo lãnh thanh toán ví dụ như các khoản nợ của
doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chẳng hạn (IMF, 2015a).
Theo WB, nợ công là toàn bộ nghĩa vụ trả nợ của khu vực công, bao gồm
nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ và của các tổ chức công. Khu vực chính phủ bao
gồm chính quyền trung ương và chính quyền địa phương. Các tổ chức công là các
tổ chức công phi tài chính và các tổ chức tài chính công như NHTW, các tổ chức
nhà nước(I nhận tiền gửi như ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước. Ngoài ra
giống như IMF, nợ của các thể chế độc lập nhưng nguồn vốn hoạt động do NSNN
quyết định (trên 50% vốn thuộc sở hữu nhà nước) và trong trường hợp vỡ nợ nhà
nước phải trả nợ thay cho thể chế đó cũng được tính vào nợ công (WB, 2017).
Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) còn tính đến
khoản nợ trong quỹ lương hưu quốc gia vào nợ công. Hàng năm quỹ lương hưu
quốc gia (ở Việt Nam quỹ này được quản lý bởi Bảo hiểm xã hội quốc gia) là một
định chế công cộng phải trả lương hưu cho người về hưu và nếu như giá trị hiện tại
của quỹ lương hưu quốc gia không đủ để trả cho tương lai (kể cả tính thêm các
khoản thu thêm trong tương lai) thì khoản thiếu hụt này sẽ được tính vào nợ công
(UNCTAD, 2008).
Đối với Việt Nam, theo Điều 4 Luật Quản lý nợ công mới nhất của Việt Nam
năm 2017 thì nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ
của chính quyền địa phương. Trong đó nợ chính phủ là khoản nợ phát sinh từ các
khoản vay trong nước, nước ngoài, được ký kết, phát hành nhân danh Nhà nước
nhân danh chính phủ. Nợ được chính phủ bảo lãnh là khoản nợ do doanh nghiệp,
ngân hàng chính sách của Nhà nước vay được chính phủ bảo lãnh. Nợ chính quyền
địa phương là khoản nợ phát sinh do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vay.
Trên thực tế tùy vào quan điểm của từng quốc gia mà nợ công theo khái niệm
rộng nhất của các tổ chức quốc tế sẽ loại bỏ một số thành phần nhất định. Ví dụ:
28

Bungari, Macedonia loại bỏ nợ của NHTW trừ trường hợp được chính phủ bảo
lãnh, Thái Lan và Macedonia loại bỏ nợ của NHTM nhà nước và hoặc định chế tài
chính nhà nước, Việt Nam loại bỏ nợ của các DNNN trừ trường hợp được chính
phủ bảo lãnh ra khỏi nợ công (UBTVQH, 2017).
Như vậy, khái niệm về nợ công của các tổ chức quốc tế như IMF, WB,
UNCTAD là chi tiết và có tính bao trùm cao. Phạm vi của nợ công, theo quan điểm
của những tổ chức trên, không chỉ bao gồm nợ của Chính phủ mà còn bao gồm các
khoản nợ được chính phủ kiểm soát hay các khoản nợ chính phủ chịu trách nhiệm
liên đới (chính phủ có nghĩa vụ ngầm định). Khái niệm nợ công của Việt Nam nếu
so sánh với khái niệm của các tổ chức quốc tế thì hẹp hơn trong đó chỉ khoanh vùng
nợ công là những khoản nợ trực tiếp liên quan đến chính phủ bao gồm nợ chính
quyền các cấp và nợ được chính phủ bảo lãnh. Nhiều lúc nợ công được dùng một
cách thay thế cho nợ chính phủ tuy nhiên theo cách hiểu trên thuật ngữ nợ chính
phủ có phạm vi hẹp hơn nợ công. Tùy từng quốc gia thì phạm vi hẹp hơn này đến
đâu, có quốc gia tính nợ chính phủ bao gồm cả nợ của chính quyền trung ương đến
địa phương và nợ được chính phủ bảo lãnh vì thế nợ chính phủ trong trường hợp
này hẹp hơn ở khoản các khoản nợ của các tổ chức định chế công; nếu nợ chính phủ
chỉ tính nợ của chính quyền trung ương và các khoản nợ do chính phủ bảo lãnh thì
nợ chính phủ trong trường hợp này hẹp hơn ở khoản mục nợ của chính quyền địa
phương và các khoản nợ của các tổ chức, định chế công.
Ngoài ra, chúng ta cần phân biệt nợ công với nợ quốc gia. Trong khi nợ công
nhấn mạnh đối tượng chịu trách nhiệm trả khoản nợ là chính phủ hay rộng hơn là
khu vực công thì nợ quốc gia nhấn mạnh đối tượng chịu trách nhiệm trả khoản nợ là
cả khu vực công và khu vực tư nhân của quốc gia đó. Nói cách khác nợ quốc gia là
một khái niệm rộng hơn so với nợ công khi tính cả phần vay nợ của khu vực tư
nhân. Và cũng cần lưu ý rằng nếu nợ công có nguồn gốc từ nợ trong nước và nợ
nước ngoài thì nợ tư nhân cũng tương tự có nguồn gốc cũng từ nợ trong nước và nợ
nước ngoài. Và nếu gộp nợ công nước ngoài và nợ tư nhân nước ngoài lại thì chúng
ta sẽ có tổng nợ nước ngoài của một quốc gia. Đây cũng là một tiêu chí thường
xuyên được xem xét để đánh giá mức độ an toàn tài chính quôc gia bên cạnh tiêu
chí nợ công, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển.
Trong phạm vi của luận án, nợ công được hiểu như định nghĩa của IMF để
đảm bảo tính thống nhất với nguồn dữ liệu thứ cấp được lấy từ IMF và WB.
2.1.1.2 Nợ công bền vững
Theo quan điểm của các nhà quản lý (Debrun, 2017), nợ được gọi là bền vững
29

nếu tỷ lệ nợ (trên thu nhập, tổng tài sản…) dự kiến sẽ ổn định hoăc giảm trong
tương lai xuống mức đủ thấp. Như vậy, nợ không bền vững khi tỷ lệ nợ dự kiến sẽ
tăng hoặc duy trì ở mức cao. Áp dụng quan điểm này cho nợ công có thể thấy nợ
công được gọi là bền vững nếu tỷ lệ nợ công trên GDP dự kiến ổn định hoặc giảm
trong tương lai xuống mức đủ thấp. Mức nợ công mà tại đó nợ công không tăng nữa
(thậm chí có thể giảm) gọi là mức NCBV.
Quan điểm về NCBV dưới góc độ tài khóa của các tổ chức quốc tế khá tương
đồng nhau. UNCTAD (2016) cho rằng nợ công được coi là bền vững khi quốc gia
vay nợ trong tương lai không cần phải tuyên bố vỡ nợ hoặc đàm phán lại để tái cấu
trúc khoản nợ của mình hoặc phải nhờ đến sự thay đổi lớn trong chính sách thu chi.
Theo quan điểm của IMF tổ chức giám sát nợ công chặt chẽ nhất ở phạm vi
toàn cầu, nợ công được coi là bền vững khi cân bằng ngân sách ban đầu cần thiết để
duy trì nợ công ổn định trong điều kiện bình thường cũng như trong điều kiện có
các cú sốc là khả thi về mặt kinh tế và chính trị. Một mức nợ công như thế sẽ đi
kèm với rủi ro nợ thấp cùng với đó là tốc độ TTKT ở mức chấp nhận được (IMF,
2013). Ngược lại, nếu phải có một sự điều chỉnh ngân sách phi lý về mặt kinh tế,
chính trị để đưa nợ công về dưới một mức nào đó thì nợ công khi đó được coi là
không bền vững. Mức nợ công càng cao thì càng có nhiều khả năng chính sách tài
khóa và nợ công sẽ trở nên không bền vững. Đó là bởi, trong điều kiện các yếu tố
khác không đổi thì nợ công cao hơn sẽ đòi hỏi ngân sách ban đầu thặng dư nhiều
hơn để duy trì khả năng trả nợ và vay nợ tiếp tục trong tương lai. Hơn nữa, nợ công
cao thường đi kèm với mức tăng trưởng thấp, lãi suất cao điều này đòi hỏi thặng dư
ngân sách ban đầu càng phải lớn hơn nữa để trả được nợ. Tổng hợp lại nợ công
càng cao thì yêu cầu thặng dư ngân sách rất lớn ban đầu sẽ ngày càng bất khả thi và
như vậy nợ công sẽ trở nên không bền vững. Cũng theo IMF (2017a) tính bền vững
của nợ công bao gồm những vấn đề sau đây: i) dự báo được diễn biến của nợ công
trong tương lai ii) tính khả thi của việc điều chỉnh chính sách iii) hồ sơ nợ và các
rủi ro liên quan: nhận thức của thị trường về nợ công (nếu thị trường đang đánh giá
mức tín nhiệm của trái phiếu chính phủ (TPCP) thấp thì rủi ro sẽ cao và ngược lại),
cấu trúc kỳ hạn nợ (nếu nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn thì rủi ro cao và ngược lại),
cấu trúc đồng tiền nợ (nợ nhiều bằng đồng ngoại tệ, đặc biệt đồng ngoại tệ lại có xu
hướng tăng giá thì rủi ro cao và ngược lại), sự sẵn có của các tài sản thanh khoản
(nếu quỹ dự trữ ngoại hối ít thì rủi ro cao và ngược lại), cấu trúc chủ nợ (nếu phần
lớn là chủ nợ nước ngoài thì rủi ro cao và ngược lại).
Trong một chương trình hợp tác chung để đánh giá mức độ an toàn của nợ
30

công quốc gia, IMF và WB (2012) cũng nhất trí đánh giá vị thế nợ của một quốc gia
được coi là bền vững nếu các nghĩa vụ nợ (gốc và lãi) được thanh toán đầy đủ mà
không cần sử dụng đến các biện pháp tài trợ ngoại lệ (như xin gia hạn, giãn, xóa
nợ), hoặc không cần phải thực hiện những điều chỉnh lớn trong cân đối thu nhập và
chi tiêu với các chi phí vay thông thường mà chính phủ phải trả trên thị trường.
ECB (2012) đánh giá NCBV khi các khoản nợ tích lũy có thể được hoàn trả
bất cứ khi nào. Điều này đòi hỏi chính phủ phải duy trì được khả năng trả nợ (ít nhất
trong trung hạn) và tính thanh khoản của khoản nợ. Ngoài ra EU (2016) còn đưa ra
khái niệm tài khóa bền vững (fiscal sustainability) khá tương đồng với khái niệm
NCBV. Tài khóa bền vững là trạng thái đạt được khi chính phủ có khả năng duy trì
chi tiêu, thu thuế và các chính sách khác ở hiện tại trong dài hạn mà không đe dọa
đến vị thế trả hết nợ của quốc gia hoặc không tạo ra rủi ro vỡ nợ trên một số nghĩa
vụ nợ hoặc khoản chi tiêu dự kiến của chính phủ. Khái niệm tài khóa bền vững ở
một khía cạnh nào đó chặt chẽ hơn khái niệm nợ công khi chỉ cần chính phủ không
thể thực hiện một số nghĩa vụ nợ của mình nếu cứ tiếp tục duy trì chi tiêu, thu thuế
như hiện tại mà không cần phải rơi vào trạng thái mất cân đối ngân sách hoàn toàn.
Liên Hợp Quốc (UN) (2005) đề xuất khái niệm NCBV là mức nợ cho phép
một quốc gia có thể đạt đến Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ mà không làm tăng tỷ
lệ nợ. Cách tiếp cận này tập trung vào cách thức để ít nhất có thể đạt đến các mục
tiêu chủ chốt của Chương trình nghị sự 2030 mà không làm gia tăng tỷ lệ nợ công
hiện tại ở các quốc gia đang phát triển.
Đối với các nhà nghiên cứu, quan điểm về NCBV cũng có nhiều cách hiểu
khác nhau phụ thuộc vào góc độ tiếp cận. Theo quan điểm cổ điển, Buiter (1985)
cho rằng nợ công chỉ bền vững khi giá trị hiện tại của thặng dư ngân sách trong
tương lai bằng với giá trị hiện tại của các khoản nợ chính phủ. Papadopoulos và
Sidiropoulos (1999) cũng cho rằng nợ chính phủ hiện nay phải được bù đắp bởi
thặng dư ngân sách trong tương lai để làm cho nợ bền vững. Nếu chính phủ đi vay
mà không thực hiện các biện pháp phát triển, nợ công có thể trở nên không bền
vững. Một phương pháp khác nhằm đánh giá tính bền vững tài khóa dựa trên việc
xem xét mối quan hệ giữa các khoản thu và khoản chi của chính phủ. Chi tiêu chính
phủ (bao gồm cả các khoản thanh toán lãi) và tổng thu ngân sách nên cân bằng
trong dài hạn. Nếu chúng có sự chênh lệch, tính bền vững tài chính có thể không đạt
được (Tantos, 2012). Dựa trên cách tiếp cận này, Haug (1991) và Bravo và Antonio
(2002) cũng ủng hộ quan điểm cho rằng các điều kiện cần thiết cho NCBV là các
khoản thu và khoản chi (bao gồm cả các khoản thanh toán lãi) cùng tiến tới một giá
31

trị trong dài hạn.


Kết hợp quan điểm tài khóa với quan điểm chính trị, Salsman (2017) đưa ra
khái niệm về NCBV dưới góc nhìn của kinh tế học chính trị như sau: nợ công quốc
gia bền vững khi quốc gia có khả năng vay mượn một cách khôn ngoan và trong
khả năng chi trả để từ đó cung cấp một cách tối ưu nhất những hàng hóa và dịch vụ
công cộng cần thiết và thích hợp (cơ sở hạ tầng, cảnh sát, tòa án, quốc phòng) mà
không cần phải hy sinh chủ quyền hoặc quyền lợi, sự tự do và thịnh vượng của
người dân.
Tổng kết lại, các quan điểm trên về bền vững nợ công có nhiều cách hiểu khác
nhau nhưng đều có một điểm chung đó là nợ công của một quốc gia được coi là bền
vững nếu như quốc gia đó có các khoản thu giúp thực hiện được các nghĩa vụ nợ
vay của chính phủ mà không cần sự điều chỉnh lớn nào đối với thu, chi NSNN. Đây
là khái niệm về bền vững nợ công được sử dụng trong luận án, cũng là khái niệm
được các tổ chức quốc tế như IMF, WB đang sử dụng.
2.1.1.3 Ngưỡng nợ công và trần nợ công
Ngưỡng nợ công
Rất nhiều các nghiên cứu quốc tế chỉ ra rằng giữa nợ công và TTKT có mối
quan hệ phi tuyến tính. Khi nợ công còn ở mức thấp, việc tăng quy mô nợ công cụ
thể ở đây là tỷ lệ nợ công/GDP sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên khi quy mô
nợ công vượt quá một mức nhất định thì nợ công sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đối với
tăng trưởng. Lúc này chi phí liên quan đến nợ công và các ảnh hưởng tiêu cực khác
đủ lớn để lấn át các ảnh hưởng tích cực khiến cho nợ công càng cao lại là một cản
trở đối với TTKT.
Ở bình diện quốc tế, khái niệm về ngưỡng nợ công tối ưu được chú ý, phát
triển bắt đầu từ những công trình của các nhà nghiên cứu ở IMF (Chowdhury và
Islam, 2010). Đây cũng chính là đối tượng được hướng tới trong các nghiên cứu dự
kiến về một mối quan hệ phi tuyến tính giữa nợ công và TTKT được phân tích trong
Chương 1. Tỷ lệ nợ công trên GDP ở mức 60% thường được sử dụng như ngưỡng
nợ công/giới hạn nợ công hợp lý ở các nước phát triển. Nếu một quốc gia có tỷ lệ
nợ công trên GDP vượt quá ngưỡng này thì các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá
quốc gia này đang rơi vào tình trạng nợ công không bền vững, nói một cách khác
các quốc gia này sẽ gặp khó khăn trong việc trả nợ. Đối với các nước đang phát
triển và mới nổi thì tỷ lệ này được cho là 40%. IMF (2010) đã sử dụng hai mốc này
dùng làm khuyến nghị cho các cải cách chính sách tài khóa ở một số nước theo
hướng đây là các mục tiêu tài khóa cần phải đạt đến trong năm 2030. Và từ đó đến
32

nay, hầu hết các nhà nghiên cứu sử dụng các ngưỡng 40%, 60% hoặc một ngưỡng
nào đó mà các nghiên cứu khác tìm ra theo nghĩa ngưỡng “tối ưu”. Như vậy theo
các nghiên cứu quốc tế, có thể hiểu ngưỡng tối ưu của nợ công là ngưỡng mà nếu
vượt quá ngưỡng này thì tình trạng nợ công của quốc gia sẽ rơi vào trạng thái không
bền vững.
Ở Việt Nam nghiên cứu của Hùng và cộng sự (2014) cũng tìm ra kết quả
tương tự và từ đó nhóm tác giả này đưa ra định nghĩa về “Ngưỡng nợ công tối ưu”
là ngưỡng nợ công mà tại đó quy mô nợ công được xem như mức nợ thận trọng,
đảm bảo tính bền vững của chính sách tài khóa và tối ưu TTKT. Khi nợ công vượt
ngưỡng này thì sẽ không tạo ra động lực cho đầu tư phát triển và kìm hãm TTKT.
Mặt khác, khi nền kinh tế suy giảm thì nguồn lực trả nợ sẽ giảm sút làm suy giảm
khả năng trả nợ và mức độ an toàn nợ công.
Như vậy ngưỡng nợ công tối ưu không chỉ cho biết mức nợ công mà tại đó tốc
độ TTKT là lớn nhất mà còn cho biết điểm xuất phát mà từ đó nếu nợ công tăng tiếp
sẽ khiến cho nợ công không còn bền vững. Đây sẽ là một chỉ mốc quan trọng được
sử dụng trong việc xây dựng chỉ số tổng hợp NCBV ở chương 3.
Trần nợ công
Trần nợ công là giới hạn tổng số tiền mà chính phủ được phép vay nợ. Giới
hạn này được quyết định bởi cơ quan lập pháp cao nhất của một quốc gia, chính là
quốc hội và thường được thể hiện dưới dạng phần trăm của GDP hoặc GNP. Giới
hạn này áp dụng cho các khoản nợ công theo phạm vi xác định nợ công phù hợp với
quy định pháp lý của mỗi nước. Trần nợ công đôi khi còn được sử dụng với tên gọi
ngưỡng chịu đựng của nợ công với hàm ý nếu như vượt quá ngưỡng này thì đồng
loạt các biến số vĩ mô của nền kinh tế sẽ rất xấu và chính phủ của quốc gia đó sẽ
không thể vay nợ thêm được nữa. Hệ quả là quốc gia đó sẽ tuyên bố vỡ nợ.
Phân biệt ngưỡng nợ công tối ưu và trần nợ công, mối liên hệ của chúng với NCBV
Ngưỡng chịu đựng nợ công hay trần nợ công của một quốc gia có thể hiểu là
ngưỡng nợ công tối đa mà quốc gia có thể chịu đựng cho tới khi xảy ra vỡ nợ.
Trong khi đó, ngưỡng nợ công tối ưu lại là ngưỡng nợ công tốt nhất cho TTKT, tức
là tại ngưỡng nợ này thì tăng trưởng GDP đạt mức tối đa (xem Hình 2.1).

Tăng trưởng
GDP

Ngưỡng chịu đựng nợ


công (trần nợ công)
Nợ công/GDP
Ngưỡng nợ
công tối ưu
33

Hình 2.1: Mối quan hệ giữa ngưỡng nợ công và tăng trưởng GDP
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
34

Theo hình vẽ, có thể quan sát thấy rằng khi nợ công/GDP vượt quá ngưỡng nợ
công tối ưu thì tốc độ TTKT giảm, tình hình kinh tế xấu đi nhưng điều đó không có
nghĩa là quốc gia sẽ rơi vào khủng hoảng nợ công, nói cách khác nền kinh tế vẫn có
thể gia tăng quy mô nợ công nhưng một cách thận trọng hơn trong khi chưa rơi vào
tình trạng vỡ nợ. Đến khi nợ công chạm ngưỡng chịu đựng (mức trần), lúc này có
thể thấy TTKT đã bị âm, việc gia tăng nợ công hơn nữa chắc chắn sẽ đẩy nền kinh
tế rơi vào tình trạng vỡ nợ (theo tiêu chuẩn cổ điển), nói cách khác một khi đã chạm
đến trần nợ công về mặt lý thuyết quốc gia không thể gia tăng nợ công của mình
hơn nữa.
Như vậy, có thể thấy ngưỡng chịu đựng nợ công hay trần nợ công có ý nghĩa
trong việc dự báo khủng hoảng nợ, góp phần đề xuất các giải pháp nâng cao tính
bền vững của nợ công và phòng tránh nguy cơ xảy ra vỡ nợ. Tuy nhiên, chính sách
quản lý nợ công hợp lý cần xem xét nhiều hơn tới “ngưỡng nợ công tối ưu” với mục
tiêu kiểm soát nợ công ở ngưỡng này nhằm tối ưu hóa lợi ích mà nợ công đem lại
cho nền kinh tế.
Tiếp theo chúng ta sẽ xem xét câu hỏi trong quá trình tỷ lệ nợ công/GDP tăng
dần thì mức độ nợ công bền vững sẽ diễn biến như thế nào.
Thông thường, trần nợ công và ngưỡng nợ công tối ưu đều được đo lường
bằng tỷ lệ nợ công/GDP và ngưỡng nợ công tối ưu có giá trị nhỏ hơn trần nợ công.
Trong quá trình mức nợ công tăng và trước khi đạt ngưỡng nợ công tối ưu, mức độ
bền vững nợ công khó xác định do trong quá trình này tốc độ TTKT gia tăng đồng
nghĩa khả năng trả nợ tăng lên nhưng đồng thời quy mô nợ công cũng tăng lên theo
dẫn đến việc không rõ chính phủ có duy trì khả năng trả nợ được không. Điều này
cơ bản phụ thuộc vào số nợ hay năng lực trả nợ cái nào tăng lên nhiều hơn. Nói
cách khác để đánh giá tốt nhất mức độ bền vững của nợ công trước khi nợ công đạt
giá trị tối ưu chúng ta cần phải có thêm các thông tin khác liên quan đến nợ công và
nền kinh tế. Nhưng rõ ràng ngưỡng nợ công tối ưu là ngưỡng mà qua đó nợ công
tăng lên theo quy mô trên % GDP sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng. Quy mô nợ công
tăng trong điều kiện khả năng trả nợ xét từ tiêu chuẩn TTKT giảm gián tiếp cho
chúng ta thấy mức độ bền vững của nợ công giảm. Và nhiều khả năng quá trình này
đã xảy ra khi mức nợ công tiệm cận dần đến ngưỡng nợ công tối ưu. Sau khi vượt
quá ngưỡng này mức độ bền vững nợ công sẽ tiếp tục giảm cho đến khi gặp trần nợ
công. Lúc này mức độ bền vững nợ công thấp tới mức có thể coi quốc gia rơi vào
tình trạng vỡ nợ. Có thể coi mức độ bền vững của nợ công sẽ gần như biến mất khi nợ
công tiệm cận mức trần.
35

Do đó ngưỡng nợ công tối ưu và trần nợ công (trong trường hợp không thể tìm
thấy ngưỡng nợ công tối ưu ở những trường hợp cụ thể) sẽ là những chỉ mốc rất
quan trọng trong việc lượng hóa tính bền vững của nợ công mà tác giả sẽ trình bày
ở chương 3. Và xu hướng chung của NCBV khi nợ công tiếp cận dần các ngưỡng này
đó là giảm.
2.1.2 Các tiêu chí đánh giá nợ công bền vững
Theo IMF (2013) và các nghiên cứu quốc tế về nợ công (OIC, 2012; Wyplosz
& cộng sự, 2019), tính bền vững nợ được đánh giá thông qua 2 yếu tố sau:
- Khả năng trả nợ (solvency): một quốc gia được coi là có khả năng trả nợ nếu
thặng dư tài khóa trong tương lai đủ lớn để thanh toán các nghĩa vụ nợ. Khả năng
trả nợ được thể hiện thông qua các chỉ số như chênh lệch giữa tốc độ TTKT và lãi
suất thực (tiêu chuẩn IRGD), tỷ lệ nợ công trên GDP, tỷ lệ nợ công trên tổng thu
ngân sách, tỷ lệ nợ nước ngoài trên tổng nợ công. Cụ thể: i) chênh lệch giữa tốc độ
TTKT và lãi suất thực cho biết hiệu quả sử dụng nợ cũng như khả năng trả nợ khi
so sánh số tiền làm ra thêm và số tiền phải trả lãi dưới dạng tỷ lệ phần trăm trên
tổng thu nhập. Tốc độ TTKT càng cao hơn lãi suất thực thì khả năng trả nợ càng
cao và ngược lại ii) tỷ lệ nợ công trên GDP cho biết quy mô nợ công trong nền kinh
tế và từ đó gián tiếp cho thấy khả năng trả khoản nợ này. Tỷ lệ nợ công trên GDP
ngày càng cao thì quy mô nợ ngày càng lớn, khả năng hoàn trả nợ vì thế thấp đi iii)
tỷ lệ nợ công trên tổng thu ngân sách cho biết khả năng trả nợ trực tiếp của chính
phủ khi thu thuế là nguồn chính để chính phủ trả nợ. Tỷ lệ này ngày càng cao thì
nguồn thu thuế dành cho trả nợ ngày càng nhiều, mà thuế thì chính phủ không thể
tùy tiện tăng qua các năm, nói cách khác khả năng trả nợ của chính phủ sẽ giảm đi
nếu nợ tiếp tục tăng lên iv) tỷ lệ nợ nước ngoài trên tổng nợ công cho biết quy mô
phần nợ nước ngoài trong tổng nợ công. Khác với nợ trong nước chính phủ có thể
dễ dàng đàm phán được, nợ nước ngoài với chủ nợ là các nước giàu có hoặc các tổ
chức kinh tế tài chính quốc tế thì việc đàm phán là rất khó khăn và sẽ ảnh hưởng
đến mức độ tín nhiệm quốc gia. Do đó tỷ lệ này ngày càng cao thì khả năng trả nợ
sẽ giảm.
- Khả năng thanh khoản (liquidity): một quốc gia được coi là có khả năng
thanh khoản khi các tài sản và các nguồn tài chính sẵn có của nó đảm bảo được việc
thanh toán hoặc đảo các nghĩa vụ nợ đến hạn, bất kể quốc gia đó có thỏa mãn khả
năng trả nợ tổng thể hay không. Khả năng thanh khoản được thể hiện thông qua các
chỉ số như tỷ lệ nợ công ngắn hạn trên tổng nợ công, tỷ lệ nợ công nước ngoài ngắn
hạn trên tổng nợ công ngắn hạn, tỷ lệ nợ công ngắn hạn trên tổng thu ngân sách, tỷ
36

lệ nợ công nước ngoài ngắn hạn trên dự trữ ngoại hối, tỷ lệ nợ công nước ngoài
ngắn hạn trên xuất khẩu. Cụ thể: i) tỷ lệ nợ công ngắn hạn trên tổng nợ công cho
biết số tiền chính phủ phải trả ngay lập tức trong ngắn hạn so với tổng nợ là bao
nhiêu. Nếu tỷ lệ này lớn thì số tiền phải trả trong ngắn hạn cũng lớn, điều này sẽ
làm giảm khả năng trả nợ ngay lập tức của quốc gia ii) tỷ lệ nợ công nước ngoài
ngắn hạn trên tổng nợ công ngắn hạn cho biết số tiền chính phủ phải trả cho đối
tượng nước ngoài trong tổng số tiền phải trả ngắn hạn. Như đã nói ở trên đàm phán
nợ với đối tượng nước ngoài là rất khó, vì thế nếu tỷ lệ này tăng lên cũng khiến khả
năng trả nợ ngay lập tức của quốc gia suy giảm (thậm chí còn hơn trường hợp đầu
tiên vì đây là nợ phải trả bằng đồng ngoại tệ) iii) tỷ lệ nợ công ngắn hạn trên tổng
thu ngân sách cho biết một phần khả năng trả nợ ngắn hạn theo ngân sách hàng
năm, một phần là bởi ngân sách còn dùng để chi rất nhiều khoản mục khác bên cạnh
trả nợ. Nếu tỷ lệ nợ này tăng lên không chỉ cho thấy chính phủ gặp khó trong việc
trả nợ ngắn hạn mà còn gián tiếp cho thấy các vấn đề khác trong chi tiêu công khi
nguồn để chi còn lại của chính phủ sẽ ít dần sau khi trả nợ iv) tỷ lệ nợ công nước
ngoài ngắn hạn trên dự trữ ngoại hối, tỷ lệ nợ công nước ngoài ngắn hạn trên xuất
khẩu đều cho biết khả năng trả nợ ngay lập tức với những đối tượng nước ngoài khó
đàm phán nợ là như thế nào từ những nguồn ngoại tệ sẵn có, nếu tỷ lệ này cao cho
thấy nguồn để trả nợ nước ngoài sắp đến tới hạn hay nói cách khác khả năng thanh
khoản của các khoản nợ đặc biệt là nợ nước ngoài của quốc gia sẽ có vấn đề.
Trên đây là liệt kê một số chỉ tiêu cơ bản thể hiện khả năng trả nợ và khả năng
thanh khoản của nợ công từ đó phản ánh mức độ bền vững của nợ công. Mỗi quốc
gia mỗi một tổ chức quốc tế có thể đưa thêm nhiều tiêu chí khác vào để đánh giá
bền vững nợ công tùy vào điều kiện (đặc biệt là về mặt số liệu) và mục đích đánh
giá của họ. Ở Việt Nam theo khoản 2 điều 21 Luật quản lý nợ công 2017, bên cạnh
các chỉ tiêu quen thuộc như tỷ lệ nợ công so với GDP, nợ chính phủ so với GDP thì
còn có chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm cho vay lại)
so với tổng thu ngân sách. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ là nghĩa vụ trả
nợ ở phạm vi hẹp nhất của chính phủ, nó bằng tổng nợ công quốc gia trừ đi nợ
chính quyền địa phương, nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ được chính phủ cho vay
lại.
Như vậy có thể nói, tính bền vững của nợ công theo quan điểm của các tổ
chức quốc tế do rất nhiều yếu tố quyết định từ quy mô nợ, đến cấu trúc nợ, năng lực
trả nợ cũng như chất lượng của thể chế, chính sách. Tùy vào đặc điểm tổng hòa của
những yếu tố này ở từng quốc gia mà nợ công có thể bền vững hoặc không bền
vững. Ví dụ: có quốc gia những quốc gia tỷ lệ nợ công thấp (cụ thể ở đây là nợ
37

công nước ngoài/GDP) dưới 20% như Albani (1990), Ecuador (2008) nhưng vì nợ
nước ngoài phải trả/xuất khẩu quá cao (Albani là 98,6% còn Ecuador là 81% cùng
thời điểm) dẫn đến rủi ro thanh khoản trong việc trả các khoản nợ nước ngoài đến
hạn; trong khi đó những quốc gia như Nhật Bản với tỷ lệ nợ công trên GDP rất cao
(trên 200%) nhưng lại không rơi vào tình trạng thiếu bền vững do khả năng thanh
khoản các khoản nợ ngoài nước của Nhật Bản rất tốt, và hơn 90% nợ công của Nhật
Bản được nắm giữ bởi các chủ thể trong nước (Cline, 2014).
2.1.3 Phương pháp đánh giá nợ công bền vững
Về mặt thực nghiệm có ba phương pháp đang được các nhà quản lý nợ quốc
tế, nhà hoạch định chính sách tài khóa quốc gia sử dụng để đánh giá nợ công bền
vững đó là: sử dụng quy tắc trần nợ công, sử dụng phương pháp cây nhị phân và
cuối cùng là khung đánh giá nợ công của IMF - WB (Trường, 2020; Lan, 2017;
IMF 2017b). Kiểm định tính dừng của dữ liệu chuỗi thời gian của nợ công được
trình bày trong chương 1 thường được sử dụng trong các nghiên cứu học thuật và ở
bước ban đầu trước khi các nhà hoạch định chính sách xem xét kỹ hơn các tiêu chí
khác liên quan đến NCBV.
2.1.3.1 Quy tắc trần nợ công
Trước hết, những nhà kinh tế học theo chủ nghĩa kinh nghiệm sẽ xác định một
mức nợ công mà theo họ nếu vượt quá mức này thì nợ công sẽ bắt đầu tăng lên ở
mức cao, khó có thể kiểm soát. Khái niệm này cũng tương đồng với khái niệm trần
nợ công được trình bày ở trên. Nếu nợ công vượt quá mức trần như ở trên thì chủ
nghĩa kinh nghiệm sẽ cho rằng nợ công không còn bền vững bởi nợ công sẽ tăng rất
nhanh khi vượt quá trần nợ công khiến cho rủi ro rơi vào khủng hoảng nợ công hoặc
thậm chí là vỡ nợ của quốc gia trở nên hiện hữu. Trần nợ công được xác định dựa
trên các số liệu quá khứ và nhiều khi là kết quả của một quá trình thỏa thuận chính
trị như trong trường hợp của Châu Âu. Hệ quả của việc vi phạm ngưỡng nợ này có
thể sẽ không đến ngay lập tức nhưng nếu như không có những chính sách tài khóa
đảo ngược thì quốc gia sẽ rất nhanh chóng rơi vào tình trạng khủng hoảng nợ.
Manasse, Roubini và Schimmelpfennig (2003) cũng dựa trên chủ nghĩa kinh
nghiệm cho rằng một quốc gia được cho là khủng hoảng về nợ công nếu bị Standard
và Poor’s xếp hạng là vỡ nợ, hoặc được nhận một khoản vay không ưu đãi lớn từ
IMF.
Trên thực tế không có một tiêu chuẩn chung nào cho ngưỡng nợ công an toàn
hay trần nợ công mà vượt qua ngưỡng đó quốc gia sẽ rơi vào khủng hoảng nợ hay
nợ công không bền vững. Tại các nước trong khu vực đồng tiền chung châu Âu quy
38

định hạn mức trần nợ công áp dụng chung cho tất cả các nước trong khối là 60%
GDP, thâm hụt ngân sách là 3% GDP.
Anh đã vận hành hai quy tắc tài khóa trong những năm gần đây. Quy tắc thứ
nhất yêu cầu trong một chu kỳ “Chính phủ chỉ được phép vay để đầu tư chứ không
vay để chi thường xuyên” (một “nguyên tắc vàng”). Quy tắc thứ hai yêu cầu “Nợ
ròng khu vực công theo tỷ lệ với GDP cần phải giữ ổn định ở mức cẩn trọng- hiện
nay được xác định là dưới 40% GDP” (quy tắc đầu tư vững chắc). Như vậy, Anh
xác định 40% GDP là trần nợ công của mình (IMF, 2017b).
Năm 2003, sau cuộc khủng hoảng tài chính- tiền tệ châu Á, Indonesia đã đặt ra
quy tắc tài khoá, theo đó ấn định mức bội chi ngân sách hàng năm tối đa là 3% GDP
và nợ công tối đa là 60% GDP (Indonesia’s House of Representative, 2003).
Hiến pháp của Singapore quy định chính phủ trong nhiệm kỳ của mình (5
năm) phải đảm bảo cân bằng ngân sách, nghĩa là thâm hụt ngân sách của bất kỳ năm
nào phải được bù đắp bằng thặng dư ngân sách tích luỹ của những năm còn lại trong
nhiệm kỳ (Singapore Parliament, 2021). Trong trường hợp đặc biệt, chính phủ hiện
tại có thể bù đắp thâm hụt ngân sách bằng thặng dư ngân sách của nhiệm kỳ trước,
nhưng phải được sự chấp thuận đồng thời của nghị viện và tổng thống.
Luật Trách nhiệm Tài khóa năm 1994 của New Zealand quy định cụ thể năm
nguyên tắc quan trọng mà chính phủ phải tuân thủ, trong đó có yêu cầu giảm tổng
nợ xuống một mức cẩn trọng; đảm bảo bình quân, trong giai đoạn một cách hợp lý,
tổng chi thường xuyên không vượt quá tổng thu thường xuyên. Năm 2019, New
Zealand thiết lập mục tiêu trần nợ công ròng 25% GDP (Gabriel, 2019).
Nhật Bản năm 1998 ban hành Luật cải cách cấu trúc tài khóa trong đó xác
nhận mục tiêu ban đầu cho mọi năm tài khóa là giảm mức thâm hụt xuống còn 3%
(IMF, 2017b).
Đan Mạch thiết lập trần chi tiêu là một con số tuyệt đối dành cho chính quyền
từ năm 2014. Mức trần chi tiêu này được áp dụng cho chính quyền mọi cấp từ trung
ương đến địa phương. Mức trần chi tiêu này được Quốc hội Đan Mạch thông qua
hàng năm. Đặc biệt sẽ có những hình phạt dành cho chính phủ nếu vi phạm mức
trần này. Năm 2017, mức trần chi tiêu dành cho chính quyền trung ương là 185,5 tỷ
DKK (IMF, 2017b).
Luật trách nhiệm tài khóa và giới hạn nợ (Fiscal Responsible and Debt
Limitation Act - FRDL) của Pakistan năm 2016 áp đặt trần thâm hụt ngân sách
chính quyền liên bang là 4% GDP (không tính viện trợ nước ngoài) cho đến năm tài
khóa 2019 - 2020 và 3,5% GDP cho những năm tiếp theo (IMF, 2017b).
39

Ở Việt Nam theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 và Nghị quyết số


25/2016/QH14 của Quốc hội trần nợ công của Việt Nam là 65% GDP. Tỷ lệ nợ
công của Việt Nam trên GDP trong những năm gần đây ở Việt nam mặc dù chưa vi
phạm trần nợ công nhưng đang có xu hướng tăng lên từ 54,9% năm 2011 lên 58,4%
năm 2018.
Nhìn chung mà nói, trần nợ công ở các nước phát triển thường cao hơn các
nước đang phát triển. Điều này cũng dễ hiểu khi ở các nước phát triển nguồn lực tài
chính là dồi dào hơn và năng lực quản lý nợ công tốt hơn so với các nước đang phát
triển.
Các nghiên cứu thực nghiệm về trần nợ công ủng hộ điều này. Nghiên cứu của
Caner và cộng sự (2010) dựa trên bộ số liệu theo năm của 101 nước phát triển và
đang phát triển trong giai đoạn từ 1980 - 2008. Kết quả ước lượng cho thấy: mức
trần nợ công/GDP chung cho tất cả các quốc gia là 77%. Xét riêng các nước đang
phát triển ngưỡng nợ này thấp hơn ở mức 64% GDP. Nghiên cứu của Cecchetti và
cộng sự (2011) thì sử dụng bộ số liệu về nợ chính phủ, nợ của các doanh nghiệp, tổ
chức phi tài chính và nợ của hộ gia đình trong 18 quốc gia thuộc tổ chức OECD giai
đoạn 1980 - 2010, kết quả cho thấy: đối với nợ chính phủ, ngưỡng an toàn này vào
khoảng 85% GDP.
Điều quan trọng khi sử dụng quy tắc trần nợ công đó là Quốc hội ở mỗi quốc
gia cần phải đưa ra các giới hạn này một cách hợp lý. Nếu quá thấp, chúng thu hẹp
không gian tài khóa của chính phủ, đặc biệt sẽ cản trở chính phủ thực hiện các phản
ứng cần thiết trong thời kì khủng hoảng do việc điều chỉnh hoặc thông qua các điều
luật mới là mất thời gian. Ngược lại, nếu các giới hạn được thiết lập ở mức quá cao
thì chúng lại không có ý nghĩa giới hạn để đảm bảo an toàn.
2.1.3.2 Phương pháp cây nhị phân
Dựa trên số liệu quan sát theo năm của 47 nền kinh tế mới nổi trong giai đoạn
1970-2002, Manasse và Roubini (2005) đã tiến hành xây dựng cây thực nghiệm nhị
phân để phân tích rủi ro nợ công. Trước tiên, hai nhà kinh tế này đã phân loại một
quốc gia thuộc diện có khủng hoảng nợ nếu như quốc gia đó mất khả năng chi trả
gốc và lãi nợ nước ngoài đúng hạn như phân loại của tổ chức xếp hạng tín nhiệm
quốc tế Standard và Poor’s, hoặc khi quốc gia đó phải nhận các khoản vay phi ưu
đãi vượt quá 100% hạn mức của IMF.
Để giải thích cho khả năng xảy ra khủng hoảng nợ công tại các nước này,
Manasse và Roubini đã sử dụng khoảng 50 biến và được chia thành ba nhóm: (1)
nhóm biến vĩ mô căn bản, (2) nhóm biến phản ánh sự bất ổn, (3) nhóm biến phản
40

ánh kinh tế - chính trị. Trong đó, Manasse và Roubini sử dụng nhiều thước đo về nợ
nước ngoài và nợ công, các thước đo về khả năng thanh toán và khả năng thanh
khoản khác nhau, và các biến nằm trong hệ thống cảnh báo sớm EWS của IMF
nhằm tính đến khả năng liên kết giữa khủng hoảng tiền tệ và khủng hoảng nợ. Cụ
thể, nhóm các biến vĩ mô, bao gồm cả các biến nằm trong hệ thống EWS của IMF,
cho thấy sự xấu đi của tình hình kinh tế vĩ mô khi quốc gia tiến gần đến khủng
hoảng nợ và trong những năm xảy ra khủng hoảng và có cải thiện khi quốc gia thoát
khỏi khủng hoảng. Ví dụ, thâm hụt tài khoản vãng lai tăng trong năm ngay trước khi
xảy ra khủng hoảng, ổn định trong những năm khủng hoảng và cải thiện trong năm
trước khi thoát khỏi khủng hoảng. TTKT giảm trong khi lạm phát tăng trong năm
ngay trước khi xảy ra khủng hoảng. Cán cân tài khóa tổng thể cũng như cán cân tài
khóa cơ bản xấu đi trong những năm trước khủng hoảng. Nhóm biến số thứ hai là
các biến phản ánh sự bất ổn hay biến động. Nhóm biến số này được các tác giả tính
toán thông qua hệ số biến thiên của tỷ lệ thặng dư tài khoá/GDP, lạm phát, tỷ giá
hối đoái danh nghĩa và thực tế và tỉ suất thương mại. Các hệ số biến thiên này được
tính toán theo kiểu trung bình trượt bốn năm một. Cuối cùng là nhóm các biến kinh
tế chính trị. Các chỉ số phản ánh quyền chính trị và tự do công dân do Freedom
House xây dựng và các chỉ số phản ánh ràng buộc chính trị đo lường bởi số chính trị
gia có quyền phủ quyết đối với những cải cách do Henisz (2000) xây dựng, đều cho
thấy có vẻ như không có sự khác biệt lớn giữa thời kì trong và ngoài khủng hoảng.
Tuy nhiên, số năm trước khi cuộc bầu cử tiếp theo diễn ra lại có liên quan tới khả
năng xảy ra khủng hoảng. Điều này cho thấy, sự bất ổn chính trị trước các cuộc bầu
cử đóng một vai trò nhất định trong việc gây ra khủng hoảng.
Để xây dựng mô hình Cây nhị phân, Manasse và Roubini đã phải lọc ra 10
biến số quan trọng nhất trong số 50 biến thuộc ba nhóm nói trên, có tác động mạnh
nhất đến rủi ro của nợ công, đó là: tỷ lệ nợ nước ngoài trên GDP, tốc độ tăng trưởng
GDP thực, nợ ngắn hạn trên dự trữ ngoại hối, nợ công nước ngoài trên tổng thu
NSNN, số năm đến cuộc bầu cử tổng thống, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, lạm
phát, nhu cầu tài trợ đầu tư từ nước ngoài, định giá tỷ giá, và sự biến động của tỷ
giá. Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng xác định ba loại rủi ro có thể gây ra khủng
hoảng nợ là: (1) Rủi ro về tính không bền vững của nợ công; (2) Rủi ro thanh khoản
và (3) Rủi ro tỷ giá hối đoái.
Trong đó, rủi ro về tính không bền vững của nợ công được phản ánh bởi các
chỉ số: xuất hiện sự mất cân đối về tài khóa hoặc tiền tệ và nhu cầu tài trợ từ bên
ngoài lớn dẫn đến nợ nước ngoài lớn hơn 49,7% GDP (rủi ro thanh toán); nợ ngắn
hạn vượt quá 130% dự trữ ngoại hối quốc gia (rủi ro thanh khoản), cộng với sự bất
41

ổn chính trị và các thị trường vốn quốc tế bị kiểm soát chặt chẽ, nợ công nước ngoài
vượt quá 214% tổng thu ngân sách (rủi ro thanh khoản), tăng trưởng thấp và tỷ giá
bị đánh giá quá cao hơn 48% (rủi ro tỷ giá). Như vậy có thể thấy rủi ro về tính
không bền vững của nợ công theo hai nhà kinh tế học này được tạo thành từ rủi ro
thanh khoản và rủi ro tỷ giá. Mỗi một loại rủi ro này sẽ là tác nhân gây ra khủng
hoảng nợ công ở những khả năng khác nhau.
Một quốc gia được coi là an toàn nếu giá trị các biến số nhỏ hơn ngưỡng vừa
nêu. Ví dụ, một quốc gia được coi là nằm trong vùng an toàn nếu như nó có tổng nợ
nước ngoài thấp (< 49,7% GDP); nợ ngắn hạn nước ngoài thấp (< 130% dự trữ); nợ
công nước ngoài thấp (< 214% tổng thu ngân sách); và tỷ giá không bị định giá quá
cao (mức độ định giá quá cao < 48%).
Với xuất phát điểm ban đầu là một tiêu chí (nút mẹ), cây nhị phân sẽ được lan
ra như sau: nếu quốc gia đó có giá trị dưới ngưỡng thì tiếp tục đi theo một nhánh
đến tiêu chí so sánh tiếp theo (nút con 1), nếu quốc gia đó có giá trị cao hơn ngưỡng
thì tiếp tục đi theo nhánh còn lại đến tiêu chí so sánh tiếp theo (nút con 2). Tại 2 nút
con mới tức là 2 tiêu chí mới, quốc gia lại được so sánh để tiếp tục đi theo những
nhánh tương ứng đến các nút con tiếp theo. Cho đến những tiêu chí cuối cùng quốc
gia đó sẽ rơi vào vùng an toàn (bền vững) hay vùng rủi ro (không bền vững) (xem
Hình 2.2).
Phương pháp này mặc dù đơn giản nhưng lại rất hữu ích trong việc phân tích
tính bền vững của nợ do nó xem xét được rủi ro dưới nhiều góc độ khác nhau. Ví
dụ, phương pháp này có khả năng chỉ ra rằng, một quốc gia có tỷ lệ vay nợ cao
nhưng xác suất xảy ra khủng hoảng có thể là thấp, trong khi quốc gia khác có thể
chỉ có tỷ lệ vay nợ ở mức vừa phải nhưng lại có rủi ro vỡ nợ cao. Nguyên nhân ở
đây là do hiệu ứng kết hợp của các khoản vay sắp đáo hạn, sự bất ổn chính trị và tỷ
giá tương đối cố định có thể khiến cho khủng hoảng thanh khoản có thể dễ xảy ra
hơn ở quốc gia có tỷ lệ nợ thấp. Điều này đã xảy ra ở Thái Lan năm 1981,
Argentina năm 1995 và Nga năm 1998. Trong khi đó, khả năng xảy ra khủng hoảng
ở quốc gia có tỷ lệ nợ cao có thể là rất thấp nếu như quốc gia đó có được sự ổn định
về tiền tệ, thặng dư cán cân vãng lai và nền tảng tài chính công vững chắc, ví dụ như
Nhật Bản và Mỹ hiện nay.
Lưu ý rằng, phương pháp này không có khả năng phân tích thực trạng liên
quan đến các rủi ro về cơ cấu, kì hạn, lãi suất, khả năng thanh toán/thanh khoản…
của nợ công nói chung và nợ nước ngoài nói riêng, mà nó chỉ có khả năng chỉ ra
nguy cơ/xác suất xảy ra khủng hoảng nợ của một quốc gia nào đó dựa trên các bằng
42

chứng thực nghiệm trong quá khứ. Đặc biệt, phương pháp này nhấn mạnh đến vai
trò của nợ nước ngoài hơn là tổng nợ công.

Hình 2.2: Mô hình cây nhị phân


Nguồn: Manasse và Roubini (2005)
2.1.3.3 Khung phân tích nợ công bền vững của IMF
Chính vì hạn chế của các phương pháp đánh giá mức độ bền vững nợ công ở
trên mà IMF phối hợp cùng WB đã xây dựng nên một khung phân tích và đánh giá
nợ bền vững DSF dành cho mọi quốc gia thành viên khá toàn diện.
Khi phân tích bền vững nợ công IMF chia các quốc gia thành hai nhóm: nhóm
quốc gia phát triển và mới nổi (còn gọi là MAC - Market Access Countries - các
quốc gia tiếp cận được thị trường vốn quốc tế) và nhóm các quốc gia có thu nhập
thấp (còn gọi là Low Income Countries - LIC, các quốc gia chủ yếu nhờ vào các
khoản vay nước ngoài ưu đãi để tài trợ cho nhu cầu vốn của mình). Các quốc gia
thuộc nhóm LIC là các quốc gia được IMF cùng với WB xây dựng khung đánh giá
bền vững nợ công đầu tiên để hoàn thành sáng kiến giảm nợ cho các nước HIPCs
43

bắt đầu từ năm 2000. Với sáng kiến này các nước nghèo mắc nợ nhiều sẽ được cho
vay thêm, thậm chí có thể xóa một phần nợ. Trên cơ sở đó, DSF dành cho các nước
thu nhập thấp được xây dựng ngay sau đó cũng bởi hai tổ chức này. Kết quả của
DSF sẽ được sử dụng để các chủ nợ điều chỉnh chính sách cho vay cũng như các
quyết định đi vay của các nước LIC. Trong khi về mặt lý thuyết DSF phải tính đến
cả 3 thành phần của nợ quốc gia đó là nợ nước ngoài của chính phủ và được chính
phủ bảo lãnh (Public and Publicly Guaranteed - PPG), nợ nước ngoài của tư nhân,
và nợ trong nước của chính phủ, tuy nhiên DSF dành cho LIC chỉ tập trung phân
tích PPG trong nội dung. Điều này cũng dễ hiểu khi PPG chiếm một tỷ trọng lớn
trong tổng nợ của các nước LIC. Định kỳ, đánh giá tổng thể nợ công và nợ nước
ngoài bền vững được IMF thiết kế và chỉnh sửa thường xuyên phù hợp với điều IV
trong hiệp định thành lập IMF về sự giám sát của quỹ này đối với tình hình tài chính
công của các nước thành viên. Các bước đánh giá trong DSF được chuẩn hóa theo
các biểu mẫu3.
DSF nhìn chung sẽ xem xét các vấn đề sau đây:
- Dự báo nợ công tương lai với nhiều tiêu chí trong các bối cảnh khác nhau.
- Đánh giá phản ứng của các tiêu chí trên với các cú sốc trong nền kinh tế.
- So sánh quy giá trị dự báo của các tiêu chí với các ngưỡng nợ chuẩn (đóng
vai trò như giá trị trần) trong kịch bản cơ sở (baseline senerio) và các kiểm định sức
căng (stress tests) trong kịch bản có cú sốc.
- Phân tích về tính dễ tổn thương của nợ công dựa trên giá trị dự báo của các
tiêu chí có vượt trần giới hạn hay không.
Trong thời kỳ đầu, DSF dành cho các nước LIC còn được gọi là DSA (Debt
Sustaianability Analysis). Đầu tiên, thành phần quan trọng nhất trong DSA là khung
kinh tế vĩ mô mô tả một loạt các biến thực tế, có yếu tố nước ngoài của khu vực
công bao gồm cả tổng nợ hiện tại, nợ phải trả. Trong tất cả các biến này thì đều yêu
cầu dữ liệu 10 năm lịch sử và 5 năm dự báo, trong đó 5 năm dự báo có tính đến các
thông tin về nợ dài hạn, các khoản vay ưu đãi và lợi tức đầu tư ở các nước LIC.
Dựa trên các giả định ứng với nhóm các quốc gia cụ thể trong khung kinh tế vĩ
mô, dạng mẫu excel của DSA với những dữ liệu đầu vào đầy đủ sẽ tự tạo ra dự báo
5 năm cho nợ nước ngoài và nợ quốc gia. Những dữ liệu được dự báo này bao trùm
hai yếu tố chính cấu thành nền tính bền vững của nợ công đó là khả năng trả nợ (tỷ
lệ nợ trên thu nhập quốc gia) và tính thanh khoản (tỷ lệ nợ phải trả trên nguồn thu
quốc gia), các tỷ lệ này có tính đến cơ cấu và mức độ ưu đãi của các khoản nợ và
3
Link truy cập các biểu mẫu của DSF: https://www.imf.org/external/pubs/ft/dsa/templ/dsatemp_june18.xlsm
44

thường được tính trên các biến khác nhau thể hiện năng lực hoàn trả nợ như GDP,
xuất khẩu hay tổng thu thuế. Ngoài ra, DSA còn áp dụng 16 bài kiểm định sức căng
(stress test) 4tiêu chuẩn để đo lường mức độ nhạy cảm của các biến số liên quan đến
nợ công ở bối cảnh tiêu chuẩn sẽ thay đổi ra sao nếu các điều kiện cơ bản thay đổi
(5 bối cảnh) hay khi có những cú sốc xảy ra (11 bối cảnh). Các bối cảnh đặc định
khác có thể được tạo ra nếu như các kiểm định sức căng tiêu chuẩn không đủ bao
trùm hết những vấn đề về nợ công của một quốc gia quốc gia cụ thể. Để có thể biết
được nợ công sẽ thay đổi như thế nào trong các bối cảnh khác nhau, IMF sử dụng
hàm phản ứng chính sách có dạng giống như phương trình cân bằng ngân sách
nhiều thời kỳ được sử dụng bởi kinh tế học cổ điển. Cụ thể:

( ) ( ) ( DY )
Actual Atual
BP BP
=α 1 +α 2 +α 3 +ϵt
Y t Y t−1 t−1

trong đó BP, Y và D lần lượt là cán cân ngân sách, sản lượng và nợ công của nền
kinh tế
Hàm này sau đó được sửa đổi đưa thêm một số biến yêu cầu bắt buộc (ví dụ
như trần nợ công hay tỷ lệ vay nợ mới trên tổng nợ) do các quốc gia thành viên quy
định (nếu có) để trở thành:

( ) ( ) ( ) ( ) ( )
Actual Atual Atual Required
BP BP D BP D
=α 1 +α 2 +γ 1 α Required +ϑ = α 1+ α 2 +γ 1 +ϑ t
Y t Y t−1 Y t−1 t Y t−1 Y t

Các biến được dự báo trong vòng 5 năm trong bối cảnh chuẩn cũng như trong
điều kiện có sự thay đổi (stress test) sẽ được so sánh với ngưỡng chuẩn do IMF,
WB đề ra để đánh giá rủi ro nợ công nước ngoài của từng quốc gia (thành phần nợ
chủ yếu ở các nước LIC). Các ngưỡng nợ chuẩn được IMF, WB ước lượng thực
nghiệm thông qua các số liệu xuất hiện trong thời kỳ diễn ra khủng hoảng nợ công
và sẽ khác nhau đối với mỗi nhóm nước. Ban đầu khung phân tích tập trung quá
nhiều vào nợ công nước ngoài, mà không chú trọng vào các thành phần khác nên
nhiều người lo ngại khung phân tích này có thể cung cấp cái nhìn không đầy đủ về
tình trạng nợ công của quốc gia (Baduel và Price, 2012). Những khoản nợ công
trong nước hoặc nợ nước ngoài của khu vực tư nhân hoàn toàn có thể tạo ra những
rủi ro nhất định cho nền tài chính quốc gia. Để bổ sung thiếu sót này, bắt đầu từ
năm 2013, DSA đã cập nhật thêm ngưỡng nợ mới liên quan đến tổng nợ công quốc
gia khi so sánh các đại lượng của nó với GDP. Ngoài ra DSA còn thêm nợ nước
ngoài của tư nhân vào trong phân tích của mình nếu xuất hiện sự tăng đột biến của
thành phần này. Trong DSA, các nước được chia nhóm theo điểm số đánh giá chất
4
Stress test là một dạng bối cảnh trong đó IMF sẽ giả định xuất hiện cú sốc trên thị trường tài chính với chất lượng các
biến vĩ mô liên quan đến tài chính quốc gia giảm đi rõ rệt trong thời gian ngắn
45

lượng thể chế và chính sách (Country’s Policy and Institutional Assessment - CPIA)
do WB tiến hành định kỳ và mỗi nhóm nước sẽ có một ngưỡng nợ tương ứng 5 (xem
Bảng 2.1).
Bảng 2.1: Ngưỡng nợ chuẩn được áp dụng trong phân tích DSF
Nợ công nước ngoài tỷ lệ Nợ công nước Tổng nợ
phần trăm với ngoài phải trả tỷ lệ công tỷ lệ
phần trăm với phần trăm
với
GDP Xuất Doanh Xuất Doanh
khẩu thu thuế khẩu thu thuế
thuế
Nhóm các nước có 30 100 200 15 18 38
thể chế yếu
(CPIA<3,25)
Nhóm các nước có 40 150 250 20 20 56
thể chế trung bình
(3,25<CPIA<3,75
)
Nhóm các nước có 50 200 300 25 22 74
thể chế mạnh
(CPIA>3,75)
Nguồn: IMF (2018)
Sau đó IMF sẽ đánh giá rủi ro nợ công của một quốc gia theo bốn mức độ sau:
- Rủi ro thấp: khi không có tiêu chí nào về nợ công vượt ngưỡng.
- Rủi ro trung bình: khi tất cả các tiêu chí đều nằm dưới ngưỡng ở kịch bản
tiêu chuẩn nhưng có ít nhất một tiêu chí vượt qua ngưỡng ở kiểm định sức căng.
- Rủi ro cao: khi có ít nhất một tiêu chí nằm trên ngưỡng ở kịch bản tiêu chuẩn
lẫn kiểm định sức căng, tuy nhiên quốc gia hiện tại không phải đối mặt với khó
khăn trong thanh toán các khoản nợ.
- Khủng hoảng nợ: khi có ít nhất một tiêu chí nằm trên ngưỡng ở kịch bản tiêu
chuẩn lẫn kiểm định sức căng và quốc gia chính thức chậm trả tiền nợ hoặc có khó
khăn khi trả nợ
5
Bắt đầu từ năm 2017, IMF tiến hành tính toán chỉ số mới thay cho CPIA đó là chỉ số CI (composite index), nội dung chi
tiết về chỉ số CI sẽ được trình bày trong chương 3
46

Trong khi quy trình đánh giá rủi ro rất rõ ràng thì cách phân loại các quốc gia
để từ đó áp dụng những ngưỡng nợ phù hợp lại rất dễ thay đổi, đòi hỏi người sử
dụng DSA phải cập nhật thường xuyên cách thức phân loại.
Các bước tiến hành DSA đối với các nước MAC tương tự như đối với các
nước LIC, tuy nhiên với những ngưỡng lớn hơn LIC. Ngoài ra vì đây là nhóm nước
có thể tiếp cận thị trường vốn quốc tế nên sẽ có thêm những ngưỡng liên quan đến
khả năng vay nợ và kết quả vay nợ (như lãi suất vay nợ, thời hạn vay nợ). Các nước
MAC cũng được chia thành hai nhóm là các nước phát triển AE (Advanced
Economy) và các nước mới nổi EM (Emerging Market). Và khi các giá trị nợ quốc
gia vượt ngưỡng trong bối cảnh tiêu chuẩn thì trái với DSA dành cho các nước LIC,
IMF sẽ phân loại những nước MAC này vào nhóm cần cân nhắc nhiều (high
scrutiny) và tiếp tục thực hiện các bài kiểm tra sức căng, các nước an toàn sẽ vào
nhóm cần cân nhắc ít (low scrutiny) và được IMF kết luận an toàn về nợ công.
Như vậy chúng ta có thể tóm tắt các bước thực hiện DSF như sau:
i) Xây dựng bối cảnh kinh tế với các biến số vĩ mô liên quan đến nợ quốc gia
được dự báo trong khoảng 5 năm tới. Trong khi xây dựng bối cảnh chú ý chia làm
hai dạng bối cảnh cơ sở (mọi biến số phát triển bình thường) và bối cảnh đặc biệt
(khi xuất hiện các cú sốc). Mỗi một nhóm đối tượng khác nhau sẽ có cách xây dựng
bối cảnh và mức chuẩn khác nhau
ii) Xây dựng hàm phản ứng chính sách để xem xét chi tiêu và nợ của chính
phủ thay đổi như thế nào theo thời gian
iii) Áp dụng các bối cảnh đã được xây dựng vào hàm phản ứng chính sách để
theo dõi sự thay đổi của nợ công
iv) So sánh giá trị dự báo của nợ công với ngưỡng chuẩn để xem một số thành
phần cơ bản của nợ công và nợ công tổng thể có an toàn hay không. Càng nhiều tiêu
chí của nợ công an toàn thì có thể coi nợ công tổng thể đang bền vững và ngược lại.
Dựa trên khung phân tích DSF do IMF đưa ra một loạt các tổ chức quốc gia
khác cũng đưa ra khung phân tích đánh giá nợ công tương tự như DSM (Debt
Sustainability Monitor) của EU hay DSF do Trung Quốc đưa ra dành cho các quốc
gia tham gia vào sáng kiến một vành đai, một con đường6.
Có thể nói phương pháp DSF của IMF là một phương pháp tổng hợp có tính
kế thừa các phương pháp đánh giá tính bền vững nợ công ở trên khi sử dụng
6
Báo cáo giám sát bền vững nợ công 2019 của ủy ban châu âu cho các nước thành viên xem tại
https://ec.europa.eu/info/publications/debt-sustainability-monitor-2019_en (truy cập ngày 22/2/2021)
Hướng dẫn đánh giá bền vững nợ công cho các quốc gia tham gia vào sáng kiến một vành đai, một con đường của Trung
Quốc xem tại đây http://m.mof.gov.cn/czxw/201904/P020190425513990982189.pdf (truy cập ngày 22/2/2021)
47

ngưỡng nợ giống như trần nợ công trong phương pháp trần nợ công và cuối cùng là
xây dựng các bối cảnh vĩ mô giống như cách mà mô hình cây nhị phân xét từng nút
thắt ứng với các điều kiện kinh tế nhất định. Tuy nhiên theo Panizza (2015) phương
pháp này dựa quá nhiều vào các giá trị dự phóng dựa trên các kịch bản với nhiều giả
định mà chưa biết có chính xác hay không dẫn đến việc đánh giá nợ công phụ thuộc
rất nhiều vào chất lượng dự báo. Berg và cộng sự (2014) cho rằng phương pháp
đánh giá rủi ro của DSF mang tính bảo thủ khi chỉ cần thêm một tiêu chí có giá trị
vượt ngưỡng là mức độ rủi ro gia tăng trong khi các tiêu chí còn lại nếu trở nên an
toàn hơn cũng là một yếu tố bù trừ làm giảm mức độ rủi ro lại không được tính đến.
Thông qua việc xem xét và phân tích ba phương pháp đánh giá mức độ bền
vững của nợ công, chúng ta có thể rút ra một số điểm sau đây:
- Trần nợ công đưa ra tiêu chuẩn tương đối đơn giản cho NCBV mà như ta đã
biết tính bền vững của nợ công do rất nhiều yếu tố quyết định.
- Phương pháp cây nhị phân chỉ đưa ra được dự báo về nguy cơ rơi vào khủng
hoảng nợ tại một thời điểm nào đó dựa trên số liệu trong quá khứ mà không chỉ ra
được những nguyên nhân tiềm ẩn ảnh hưởng đến tính bền vững của nợ công như
các rủi ro về cơ cấu, kì hạn, lãi suất, khả năng thanh toán… của nợ công nói chung
và nợ nước ngoài nói riêng.
- DSF của IMF có phương pháp đánh giá phức tạp nhất, sử dụng kỹ thuật dự
báo dựa trên những bối cảnh khác nhau để kết luận các tiêu chí khác nhau của nợ
công của một quốc gia có an toàn (bền vững) hay không. Kết quả của phương pháp
này dựa rất nhiều vào các tình huống giả định với những giá trị cho trước để từ đó
xây dựng nên các bối cảnh. Tuy nhiên như chúng ta đã biết thực tế phức tạp hơn
rất nhiều.
Ngoài ra cả DSF và mô hình nhị phân đến cuối đều cho một kết luận là tình
trạng nợ công của một quốc gia hiện tại có an toàn (bền vững) hay không mà không
thể kết luận rằng mức độ rủi ro hay bền vững theo thời gian của nợ công tăng hay
giảm và tăng giảm một mức bao nhiêu.
Đây cũng chính là hạn chế lớn nhất của các phương pháp đánh giá tính an toàn
hay bền vững của nợ công hiện nay, đó là thiếu đi khả năng định lượng khi không
thể cụ thể hóa tính bền vững của nợ công ra một con số để từ đó có thể giúp nhà
nghiên cứu, nhà quản lý theo dõi và phân tích nợ công chuyên sâu.
48

Bảng 2.2: Ưu nhược điểm của các phương pháp đánh giá NCBV
Ưu điểm Nhược điểm
Trần nợ công Đơn giản, dễ sử Sử dụng một đến một vài tiêu chuẩn để
dụng đánh giá nợ công có an toàn hay không
Không theo dõi được trực tiếp sự thay
đổi của mức độ bền vững của nợ công
theo thời gian
Cây nhị phân Đơn giản, dễ sử Các cảnh báo dựa trên bài học kinh
dụng nghiệm (trạng thái của các nước rơi vào
tình trạng vỡ nợ trước đó) nhiều hơn là
phân tích định lượng
Không theo dõi được trực tiếp sự thay
đổi của mức độ bền vững của nợ công
theo thời gian
DSF Đánh giá toàn diện Dựa trên quá nhiều giả định, phương
nợ công khi sử dụng pháp đánh giá bảo thủ khi các tiêu chí
nhiều tiêu chí, có không bù trừ được lẫn nhau, mức độ
tính dự báo phổ biến không cao khi sử dụng chủ
yếu bởi các tổ chức tài chính quốc tế
lớn.
Không theo dõi được trực tiếp sự thay
đổi của mức độ bền vững của nợ công
theo thời gian
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
2.2 Tổng quan về tăng trưởng kinh tế
2.2.1 Khái niệm
Tăng trưởng kinh tế được định nghĩa là sự gia tăng quy mô sản lượng quốc gia
theo thời gian (Mankiw, 2016). Với mục tiêu giúp TTKT phản ánh được chính xác
hơn nữa sự cải thiện trong mức sống người dân thì có thể coi TTKT là sự thay đổi
của sản lượng bình quân đầu người mà nền kinh tế tạo ra theo thời gian.
Để đo lường tổng sản lượng mà nền kinh tế tạo ra theo thời gian, các nhà kinh
tế học sử dụng khái niệm Tổng sản phẩm trong nước (Gross Domestic Product -
GDP). Đây là một khái niệm phổ biến trong kinh tế học dùng để đo lường tổng giá
trị thị trường của tất cả các hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất trong một
49

quốc gia và trong một thời kỳ nhất định. Khái niệm và phương pháp tính toán GDP
xuất hiện từ cuối thế kỷ 17 và ngày càng được hoàn thiện. Nhận thấy tính quan
trọng của chỉ số này, Liên Hợp Quốc (UN) đã công bố bản hướng dẫn đầu tiên về
hệ thống thu nhập quốc gia (System of National Account - SNA) vào năm 1953 để
thống nhất cách tính GDP giữa các quốc gia thành viên và hiện tại bản mới nhất là
của năm 2008. Trong các bản hướng dẫn của mình, UN công nhận có 3 phương
pháp dùng để tính GDP đó là phương pháp chi tiêu, phương pháp thu nhập và
phương pháp sản xuất.
Tổng thu nhập quốc dân GNP là một thước đo khác về tổng sản lượng hay
tổng thu nhập của nền kinh tế, được tính toán trực tiếp từ GDP, cụ thể GNP là tổng
thu nhập của người dân một quốc gia đến từ việc cung ứng các yếu tố sản xuất (lao
động, vốn, đất đai…) thuộc về sở hữu của mình trong một thời kỳ nhất định. GNI
được đo lường bằng GDP trừ đi tổng thu nhập lần đầu phải trả, cộng với tổng thu
nhập lần đầu nhận được. Trong trường hợp của Việt Nam, GNI Việt Nam bằng
GDP Việt Nam trừ đi thu nhập của người lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam
trên 1 năm, cộng với thu nhập của người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài
trên 1 năm, trừ đi thu nhập từ các yếu tố sản xuất phải trả cho các đơn vị không
thường trú, cộng với thu nhập từ các yếu tố sản xuất nhận được từ các đơn vị không
thường trú.
Do tính toán GNP phức tạp nên chỉ số GDP vẫn được sử dụng thông dụng hơn
GNP và được công bố định kỳ. Ngoài ra GNP khó phân thành các khu vực, ngành
kinh tế nên khó cho những thống kê chuyên sâu.
Dưới góc độ nợ công, GNP bao gồm thu nhập người trong nước làm ra ở nước
ngoài dựa trên các yếu tố sản xuất do người trong nước sở hữu, phần thu nhập này
chính phủ rất khó để đánh thuế để tạo nguồn thu, đồng thời hầu hết các nước cũng
mong muốn tránh đánh thuế hai lần để hỗ trợ sự dịch chuyển của nguồn nhân lực vì
thế GDP thường được chọn để đại diện tính toán cho quy mô nợ công một quốc gia
và gián tiếp là khả năng trả nợ của quốc gia đó.
2.2.2 Phương pháp đo lường
TTKT xét trong ngắn hạn là mức độ thay đổi GDP thực tế qua từng năm trong
đó công thức tính tăng trưởng dựa trên số liệu của GDP thực tế hai năm liên tiếp
được cho như sau:
Y t −Y t−1
gt = ×100 %
Y t−1
trong đó: Yt là GDP thực tế năm t, Yt-1 là GDP thực tế năm t-1
50

Nếu như có thêm số liệu chính xác về dân số thì tốc độ TTKT sẽ phản ánh
được xác thực hơn mức sống người dân của một quốc gia nếu sử dụng thước đo
GDP thực tế bình quân đầu người để tính toán:
y t − y t −1
g pct = ×100 %
y t−1
trong đó:yt là GDP thực tế bình quân đầu người năm t, yt-1 là GDP thực tế bình quân
đầu người năm t-1
Trong trường hợp vì lý do nào đó, số liệu GDP thực tế (đặc biệt là GDP thực
tế bình quân đầu người) không được cập nhật và ở hai thời kỳ khác nhau thì chúng
ta sử dụng công thức tính tốc độ tăng trưởng bình quân trong kỳ:

ga =

n Yn
Y0
−1

Trong đó: ga là tốc độ tăng trưởng bình quân trong kỳ, Y n là GDP thực tế cuối
kỳ, Y0 là GDP thực tế đầu kỳ, n là số năm của thời kỳ (Yn,Y0 cũng có thể được thay
thế lần lượt bằng GDP thực tế bình quân cuối kỳ và GDP thực tế bình quân đầu kỳ)
TTKT xét trong dài hạn là sự thay đổi của GDP tiềm năng (GDP ở mức toàn
dụng nguồn lực khi nền kinh tế sử dụng hết đầu vào ở mức độ bình thường). TTKT
trong dài hạn thông thường sẽ được đánh giá thông qua năng lực sản xuất một quốc
gia được cụ thể hóa qua ước lượng GDP tiềm năng.Và vì là một con số ước tính nên
có thể có giá trị rất khác nhau tùy theo từng phương pháp và bộ số liệu mà nhà kinh
tế có thể có. Để thống nhất với số liệu của nợ công được lấy theo năm trong khoảng
thời gian 2000 - 2018, luận án sẽ sử dụng tốc độ tăng trưởng được tính dựa trên
GDP thực tế theo từng năm. Cách tính tăng trưởng GDP theo biến thực tế đã loại bỏ
ảnh hưởng của lạm phát cũng thống nhất với cách thức lấy tỷ lệ các biến liên quan
đến NCBV sẽ được trình bày ở chương 3 khi cả tử số và mẫu số đều được tính theo
mức giá hiện hành và khi thực hiện phép tính chia để lấy tỷ lệ thì sẽ tự nhiên triệt
tiêu ảnh hưởng của lạm phát lên biến số theo thời gian.
2.2.3 Phân loại
Dựa vào tiêu chí thời gian có thể phân loại TTKT thành tăng trưởng trong
ngắn hạn và tăng trưởng trong dài hạn. Tăng trưởng trong ngắn hạn chủ yếu được
tạo ra bởi tổng cầu do năng lực sản xuất trong ngắn hạn của nền kinh tế được coi là
đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các chủ thể tiêu dùng khi nguồn lực sản xuất còn dư
thừa. Tăng trưởng ngắn hạn được tính dựa trên sự thay đổi của GDP thực tế qua
từng năm hoặc ngắn hơn có thể qua từng quý. Tăng trưởng trong dài hạn chủ yếu
được tạo ra bởi tổng cung do năng lực sản xuất của nền kinh tế trong dài hạn được
51

coi đạt đến mức tiềm năng khi nguồn lực sản xuất được tận dụng hết. Tăng trưởng
dài hạn được tính dựa trên sự thay đổi của GDP tiềm năng qua từng khoảng thời
gian tương đối (một thập kỷ chẳng hạn) (Fazzari & cộng sự, 2018).
Nếu dựa vào cách tính thì có tăng trưởng tuyệt đối, tăng trưởng tương đối.
Tăng trưởng tuyệt đối được tính dựa trên sự thay đổi GDP thực tế qua hai năm liên
tiếp. Tuy nhiên cách tính như vậy thường gây hiểu làm về tốc độ tăng trưởng nhanh
chậm của một nền kinh tế khi bỏ qua quy mô của nền kinh tế. Chẳng hạn nền kinh
tế A năm 1 có GDP thực tế bằng 100, năm 2 có GDP thực tế bằng 110 thì tăng
trưởng tuyệt đối của nền kinh tế này là 10; nền kinh tế B năm 1 có GDP thực tế
bằng 10.000, năm 2 có GDP thực tế bằng 10.100 thì tăng trưởng tuyệt đối của nền
kinh tế này là 100. Nếu nhìn vào hai con số tăng trưởng tuyệt đối 10 và 100, chúng
ta sẽ dễ nhầm lẫn nền kinh tế B tăng trưởng nhanh hơn nền kinh tế A. Tốc độ tăng
trưởng tương đối như trình bày ở trên sẽ tính thêm cả quy mô của nền kinh tế khi
chia kết quả tăng trưởng tuyệt đối cho quy mô của nền kinh tế năm trước đó (năm 1
trong ví dụ) và kết quả là nền kinh tế A tăng 10% tức là gấp 1,1 lần nhanh hơn nền
kinh tế B chỉ tăng 1% tức là gấp 1,01 lần.
Nếu dựa vào tính chất có thể chia TTKT thành tăng trưởng bao trùm (inclusive
growth) và tăng trưởng chiếm đoạt (exclusive growth). Tăng trưởng bao trùm là mô
hình tăng trưởng trong đó hài hòa giữa tăng trưởng sản lượng của nền kinh tế với
công bằng xã hội đặc biệt là giảm bất bình đẳng về thu nhập, là cách thức tăng
trưởng sao cho mọi người đều có cơ hội đóng góp hết năng lực của mình cho nền
kinh tế và sẽ được phân phối lợi ích một cách hợp lý từ thành quả của nền kinh tế.
Tăng trưởng bao trùm có mục tiêu cuối cùng là phát triển con người. Gắn với khái
niệm tăng trưởng bao trùm là tăng trưởng bền vững, tăng trưởng bền vững là sự
tăng trưởng kinh tế với tốc độ ổn định, không gây nên lạm phát cao với việc làm
đầy đủ (Williams, 2018). Tăng trưởng bền vững thường là cách thức tăng trưởng
giúp cho nền kinh tế đạt được các mục tiêu về môi trường và từng bước giải quyết
được các vấn đề xã hội (McKinsey, 2021). Ngược lại tăng trưởng chiếm đoạt là mô
hình tăng trưởng trong đó tăng trưởng sản lượng của nền kinh tế đi kèm với bất bình
đẳng xã hội gia tăng cụ thể là bất bình đẳng thu nhập. Mặc dù mọi người đều tham
gia vào quá trình phát triển nền kinh tế nhưng thành quả phần lớn lại chỉ thuộc một
nhóm người nhất định. Tăng trưởng chiếm đoạt nhìn chung không tạo ra sự cải
thiện mức sống cho phần đông dân số (Acemoglu & Robinson, 2013).
Trong tất cả các loại tăng trưởng kể trên thì tăng trưởng tương đối trong ngắn
hạn tính toán dựa trên sự thay đổi của GDP thực tế qua từng nằm là được dùng phổ
52

biến nhất trong các nghiên cứu kinh tế. Đây là thước đo thuần túy số học nên đơn
giản dễ sử dụng không tính thêm những yếu tố liên quan đên bất bình đẳng, chất
lượng thể chế.
2.3 Lý thuyết về mối quan hệ giữa nợ công bền vững và tăng trưởng kinh tế
2.3.1 Tăng trưởng kinh tế tác động đến nợ công bền vững
Về mặt lý thuyết các nhà kinh tế học theo trường phải cổ điển chỉ ra rằng để
NCBV hay không khiến quốc gia vỡ nợ thì điều kiện quan trọng nhất là thu nhập
quốc gia gia tăng phải lớn hơn số lãi phải trả (Modigliani, 1961; Diamond, 1965;
Barro, 1974, Blanchard, 2019). Nói cách khác tốc độ TTKT của quốc gia phải lớn
hơn lãi suất mà quốc gia đó đi vay
Điều này được rút ra từ một quy tắc thu - chi chung trong kinh tế học, quy tắc
này không chỉ áp dụng cho chính phủ mà còn áp dụng cho các cá nhân đó là: tổng
giá trị hiện tại của các khoản thu phải bằng tổng giá trị hiện tại của các khoản chi.
Đối với hoạt động vay nợ của chính phủ thì quy tắc này được gọi là quy tắc cân
bằng ngân sách nhiều thời kỳ.
Dạng toán học của quy tắc này như sau:
r t −gt
∆ dt =dt −d t −1=( ) d − pbt
1+ g t t −1
trong đó∆ dt là thay đổi của tỷ lệ nợ công/GDP năm t; dt và dt-1 lần lượt là tỷ lệ nợ
công/GDP năm t và t-1; rt là lãi suất thực tế năm t; g t là tốc độ TTKT năm t; pbt là tỷ
lệ cán cân ngân sách/GDP năm t.
Từ phương trình (1), chúng ta nhận thấy:
+ Nếu rt > gt thì ∆ dt >0 hay tỷ lệ nợ công/GDP tăng theo thời gian.
+ Nếu rt < gt thì ∆ dt >0 hay tỷ lệ nợ công/GDP giảm theo thời gian và đáp ứng
được tiêu chuẩn bền vững theo các nhà nghiên cứu theo chủ nghĩa kinh nghiệm.
+ Nếu d t −1 giảm thì ∆ dt cũng giảm theo và ngược lại.
+ Nếu pbt tăng thì ∆ dt cũng giảm theo và ngược lại.
Tuy nhiên trong trường hợp lãi suất vượt quá TTKT, một chính sách nợ công
vẫn được coi là bền vững nếu thặng dư ban đầu của ngân sách tính trên GDP là hàm
số tỷ lệ thuận với tổng nợ công trên GDP và hệ số phản ứng ϕt là đủ lớn (nếu thặng
dư ngân sách ban đầu đủ lớn). Và thế nào gọi là đủ lớn: đó là khi hệ số phản ứng
bình quân phải lớn hơn sự khác biệt bình quân giữa lãi suất và tốc độ TTKT, điều
này dẫn đến tỷ lệ nợ trên GDP vẫn bị giới hạn và dần hội tụ về một giá trị nhất định.
Tóm lại, trong trường hợp rt lớn hơn gt thì vẫn có khả năng để duy trì ngân sách cân
53

bằng nếu thặng dư ngân sách ban đầu đủ lớn và tổng nợ tích lũy ban đầu so với
GDP nhỏ hơn một ngưỡng nào đó.
Tổng kết hai trường hợp với khi so sánh rt với gt ta có: nếu rt > gt, chúng ta cần
phải có thặng dư ngân sách cơ bản (chi tiêu chính phủ không tính đến phần chi trả
lãi) đủ lớn để ổn định hoặc giảm tỷ lệ nợ công trên GDP, điều trên thực tế rất ít các
nước làm được. Mức nợ ban đầu càng cao thì thặng dư ngân sách cơ bản càng phải
cao. Ngược lại nếu rt < gt thì nợ công sẽ bền vững một cách tự nhiên ngay cả khi có
sự xuất hiện của thâm hụt ngân sách cơ bản ở một mức nhất định.
Kết luận tương tự cũng được áp dụng cho nền kinh tế mở. Chi tiết các công
thức toán học trong phần này cho cả nền kinh tế đóng và mở được trình bày ở Phụ
lục 2
Như vậy có thể thấy theo lý thuyết cổ điển nếu tốc độ TTKT tăng lên đặc biệt
là khi so sánh với lãi suất thực tế thì tỷ lệ nợ công trên GDP sẽ ổn định và thậm chí
có thể giảm dần trong tương lai. Theo khái niệm về NCBV điều này có nghĩa là
mức độ bền vững nợ công đang tăng lên. Nói cách khác TTKT có tác động tích cực
lên bền vững nợ công. Ngoài ra nếu tổng nợ công thời kỳ trước giảm thông qua việc
chính phủ duy trì thặng dư ngân sách thì số nợ công tăng thêm thời kỳ sau cũng
giảm theo. Điều này cho thấy nếu mức độ NCBV của quá khứ được cải thiện thì nó
sẽ tác động tích cực lên mức độ bền vững hiện tại của nợ công. Sự chênh lệch giữa
lãi suất thực tế với tốc độ TTKT, tiêu chuẩn để đánh giá nợ công có bền vững hay
không chính là tiêu chuẩn IRGD được trình bày trong chương 1.
Ngoài việc tác động đến NCBV thông qua tiêu chuẩn IRGD của lý thuyết cổ
điển, tăng trưởng kinh tế còn tạo ra sức hút với đầu tư của khu vực tư nhân trong và
ngoài nước (Khan và Reihart, 1990). Tốc độ TTKT càng cao thì vốn đầu tư của khu
vực tư nhân càng lớn từ đó làm giảm bớt gánh nặng đầu tư công cho ngân sách, đặc
biệt khi loại hình đối tác công tư PPP (Public Private Partnership) phát triển
(Muhlenkamp, 2014). Điều này gián tiếp sẽ khiến cho các khoản nợ của chính phủ
giảm xuống, lãi suất vay giảm, chính phủ từ đó cũng dễ dàng phát hành các khoản
nợ dài hạn hơn. TTKT cũng giúp góp phần làm thị trường tài chính của quốc gia
phát triển, từ đó tạo ra nhiều công cụ giúp xử lý linh hoạt và hiệu quả các khoản nợ
công (Ragot và Pinois, 2019). Tất cả các yếu tố trên đều góp phần làm gia tăng mức độ
NCBV.
2.3.2 Nợ công bền vững tác động đến tăng trưởng kinh tế
2.3.2.1 Theo kênh tác động
Nợ công có mối quan hệ tương đối phức tạp với TTKT thể hiện qua nhiều
54

kênh tác động với các hướng khác nhau. Cụ thể tác động của nợ công tới TTKT
được dẫn truyền qua các kênh sau:
- Nợ công và lạm phát: Nợ công tăng cao làm gia tăng lạm phát. Nghiên cứu
của Simon (1944) chỉ ra rằng khi nợ công tăng lên thì lạm phát cũng tăng lên theo.
Lý do khiến lạm phát tăng lên khi có nợ công tăng đó là nợ công tăng một phần dẫn
tới làm tăng chi tiêu chính phủ so với trước kia từ đó làm gia tăng tổng cầu. Đặc
biệt, nếu kích thích tài khóa được áp dụng quá mạnh mẽ hoặc được thực hiện khi
nền kinh tế đã hoạt động gần hết công suất, nó có thể dẫn đến nhu cầu lớn đối với
hàng hóa và dịch vụ mà nền kinh tế không thể cung cấp. Khi nhu cầu về hàng hóa
và dịch vụ lớn hơn lượng cung sẵn có, giá cả sẽ có xu hướng tăng lên, lạm phát tất
yếu sẽ xảy ra. Ngoài ra có thể là do nợ công gia tăng được tài trợ bởi NHTW. Lúc
này NHTW phải tăng cung tiền để có thể mua thêm trái phiếu chính phủ, do đó
cũng dễ dẫn đến lạm phát trong dài hạn theo lý thuyết cổ điển về cung tiền (Nelson,
2008). Tỷ lệ lạm phát gia tăng có thể gây ra những biến dạng cho nền kinh tế và tạo
ra những chi phí không cần thiết cho các cá nhân và doanh nghiệp, mặc dù các nhà
kinh tế nhìn chung coi lạm phát thấp và ổn định là dấu hiệu của một nền kinh tế
được quản lý tốt. Cụ thể, lạm phát làm thay đổi phân bổ nguồn lực (nguồn lực tập
trung nhiều vào các ngành có mức độ tăng giá cao hơn so với mức trung bình - ví
dụ như vàng, bất động sản là những ngành phi sản xuất trong nền kinh tế), lạm phát
có thể làm thay đổi mức giá tương đối giữa hàng trong nước và nước ngoài dẫn đến
tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu, lạm phát làm gia tăng mức lãi suất
dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp trong việc mở rộng đầu tư. Những tác động này
cuối cùng sẽ khiến tốc độ tăng trưởng của GDP bị ảnh hưởng.
- Nợ công và kỳ vọng: nợ công cũng có ảnh hưởng đến kỳ vọng. Với nợ công
gia tăng thì có rất nhiều kỳ vọng có thể được hình thành dẫn tới các tác động trái
chiều. Kỳ vọng đầu tiên đó là để duy trì sự an toàn của nợ công, người dân nghĩ
rằng chính phủ sẽ hành động theo hướng giảm chi tiêu công trong tương lai khi chi
tiêu công hiện tại đã quá nhiều. Ngoài ra người dân cũng tin rằng chính phủ sẽ tăng
thuế trong tương lai để bù đắp cho phần vay nợ hiện tại dẫn đến người dân sẽ tiết
kiệm nhiều hơn trong hiện tại, lập luân này còn được gọi là giả thiết cân bằng
Ricardo đã được nêu ở Chương 1. Và với kỳ vọng như vậy, nợ công gia tăng gần
như sẽ không có ảnh hưởng đến gia tăng sản lượng từ phía cầu do có những thành
phần của tổng cầu sụt giảm tương ứng. Ngược lại, nếu trong thời kỳ suy thoái việc
gia tăng chi tiêu, đầu tư công trong các gói kích cầu, từ đó làm tăng nợ công nhưng
bù lại giúp nền kinh tế dần phục hồi. Điều này sẽ tác động tích cực đến kỳ vọng về
nền kinh tế trong tương lai của các doanh nghiệp và cả người tiêu dùng. Vì sự lạc
55

quan này doanh nghiệp sẽ đầu tư nhiều hơn và người tiêu dùng vì thế cũng dần chi
tiêu nhiều hơn. Lúc này yếu tố kỳ vọng gắn kết với nợ công lại giúp gia tăng tổng
cầu của nền kinh tế. Nhìn chung trong dài hạn, việc nợ công tăng cao tạo ra sự bất
định lớn về chính sách tài khóa từ đó tạo ra kỳ vọng tiêu cực trong công chúng, các
khoản chi tiêu đầu tư vì thế sẽ giảm (Elmendorf & Mankiw, 1999; Greiner, 2014;
Teles & Mussolini, 2014)
- Nợ công và lãi suất: nợ công tác động đến TTKT thông qua lãi suất là một
kênh truyền dẫn kinh điển. Kinh tế học gọi vấn đề này là hiện tượng lấn át hay hiện
tượng thoái lui đầu tư (crowding out effect) trong đó mô tả tăng chi tiêu chính phủ
sẽ làm tăng lãi suất. Có rất nhiều cách để giải thích cho hiện tượng này như chính
phủ gia tăng vay nợ khiến cầu vốn vay tăng dẫn đến lãi suất tăng hoặc có thể nhìn
từ góc độ cung vốn vay khi chính phủ tăng chi tiêu từ đó làm giảm tiết kiệm khu
vực công dẫn đến giảm cung vốn vay và cuối cùng lãi suất tăng nhưng tựu chung lại
các lý thuyết kinh tế đều cho rằng lãi suất sẽ tăng khi chi tiêu chính phủ hay nợ
công tăng. Điều này dẫn tới đầu tư của khu vực tư nhân giảm (Ball & Mankiw,
1995). Nhìn chung đầu tư của khu vực tư nhân thường có hiệu quả hơn chi tiêu của
chính phủ nên sẽ làm giảm TTKT. Ngoài ra tăng lãi suất còn làm giảm chi tiêu của
hộ gia đình khi hộ gia đình hiện đại ngày nay khá quen với hành vi vay tiêu dùng
chứ không phải tiết kiệm để chi tiêu những khoản lớn nữa. Tuy nhiên, mức độ lấn át
phụ thuộc một phần vào trạng thái của nền kinh tế trong chu kỳ kinh tế: suy thoái
hay mở rộng. Trong thời kỳ suy thoái, hiện tượng lấn át có xu hướng nhỏ hơn so với
thời kỳ nền kinh tế mở rộng bởi nhu cầu đầu tư và chi tiêu nhạy cảm với lãi suất đã
suy giảm. Nhu cầu bổ sung vay vốn của chính phủ không làm tăng lãi suất quá
nhiều do cầu vốn vay vốn đã giảm xuống thấp trong thời kỳ suy thoái và do đó
không lấn át đầu tư tư nhân nhiều như trong giai đoạn nền kinh tế mở rộng
(Auerbach & Gorodnichenko, 2012).
- Nợ công và thuế: Nợ công gia tăng sẽ dẫn được việc chính phủ tăng thuế.
Theo quan điểm truyền thống trong một nền kinh tế đóng việc tăng thuế sẽ khiến
tổng tiết kiệm quốc gia tăng một lượng ít hơn thuế tăng, nói cách khác tình trạng
ngân sách được cải thiện; tình trạng ngân sách được cải thiện đến lượt mình sẽ giúp
giảm lãi suất trên thị trường vốn vay từ đó gia tăng vốn đầu tư cho nền kinh tế. Hệ
quả này sẽ giảm một phần trong nền kinh tế mở bởi việc lãi suất trong nước giảm sẽ
khiến dòng vốn nước ngoài giảm theo trong điều kiện các yếu tố khác không đổi.
Theo quan điểm cân bằng của Ricardo trong một nền kinh tế đóng việc tăng thuế sẽ
khiến tổng tiết kiệm quốc gia không đổi do người dân kỳ vọng thuế sẽ giảm trong
tương lai, vì thế người dân sẽ giảm tiết kiệm đúng phần số thuế tăng lên mà không
56

thay đổi phần chi cho tiêu dùng của mình. Hệ quả là tiết kiệm quốc gia không đổi,
lãi suất trong nước không đổi. Trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, kết quả
này cũng sẽ giữ nguyên trong nền kinh tế mở.
- Nợ công và tỷ giá: nợ công tác động đến tăng trưởng thông qua yếu tố tỷ giá
theo hai hướng tương ứng với hai khoảng thời gian ngắn hạn và dài hạn. Trong
ngắn hạn, thông qua lãi suất tăng trong hiệu ứng lấn át, nếu lãi suất thế giới không
đổi và quốc gia thực hiện tự do hóa dòng vốn nhất định thì sẽ hút một lượng vốn từ
nước ngoài vào để hưởng chênh lệch lãi suất, điều này sẽ khiến cho đồng ngoại tệ
mất giá hay đồng nội tệ tăng giá, từ đó dẫn tới xuất khẩu tăng nhập khẩu giam hay
nói cách khác xuất khẩu ròng giảm và đây là một thành tố của tổng cầu (Blanchard,
2009). Điều này hạn chế phần nào sự gia tăng tổng cầu do chính sách kích cầu gây
ra. Hiện tượng đồng thời tồn tại cả thâm hụt ngân sách thường xuất hiện trong thời
gian nợ công gia tăng và thâm hụt cán cân thương mại được gọi là thâm hụt kép
(twin deficit). Trong dài hạn gia tăng nợ công liên tục có thể sẽ khiến lạm phát gia
tăng như phân tích ở trên và khi thời gian đủ dài đồng nội tệ sẽ mất giá, sự mất giá
này được thể hiện trong cặp tỷ giá đó là cần nhiều nội tệ hơn để đổi được một đồng
tiền ngoại tệ. Điều này sẽ khiến cho giá hàng xuất khẩu trở nên rẻ hơn và giá hàng
nhập khẩu trở nên đắt hơn, từ đó lại làm xuất khẩu ròng tăng. Các nghiên cứu thực
nghiệm cũng cho thấy thâm hụt kép không xuất hiện hoặc chỉ xuất hiện trong ngắn
hạn còn trong dài hạn không có bằng chứng chứng tỏ sự tồn tại của hiện tượng này
(Senadza, 2016; Banday & Aneja, 2019).
Như vậy có thể thấy có nhiều kênh truyền dẫn tác động của nợ công tới TTKT.
Tùy vào giai đoạn của nền kinh tế trong chu kỳ, mức độ thay đổi của biến tác động,
thời gian tác động mà tác động cuối cùng của nợ công tới TTKT là khác nhau.
2.3.2.2 Theo tính chất tác động
Nếu chia theo tính chất của tác động thì nợ công tác động đến tăng trưởng theo
hai hướng: tác động tích cực và tác động tiêu cực.
+) Tác động tích cực:
Thứ nhất, nợ công là nguồn lực giúp cho chính phủ có đủ vốn để đáp ứng các
nhu cầu của xã hội. Như chúng ta đã biết, cùng với sự phát triển của đất nước thì
nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng như đường cao tốc, bến cảng, sân bay… và
các công trình công cộng phúc lợi xã hội như trường học, bệnh viện… ngày càng
tăng. Đây chính là vai trò của chính phủ được quy định trong hiến pháp ở các quốc
gia (Salsman, 2017). Ở một mức độ nào đó, chính phủ không thể ngừng chi tiêu nếu
hết vốn hoặc tăng thuế tương ứng cùng với mức tăng chi tiêu vì cả hai điều này sẽ
57

gây nên bất bình trong xã hội. Do đó, vay mượn nợ từ đó tích lũy nên nợ công là
điều không thể tránh khỏi khi nó giúp chính phủ đủ nguồn lực để duy trì chi tiêu
nhiều hơn số thuế mình thu được. Việc chính phủ duy trì chi tiêu thông qua vay nợ
lại đặc biệt quan trọng trong thời kỳ suy thoái. Lúc này chính phủ sẽ hạn chế tác
động tiêu cực của suy thoái đối với các cá nhân và doanh nghiệp bằng cách sử dụng
chính sách tài khóa mở rộng thông qua việc tăng chi tiêu chính phủ, giảm thu thuế
hoặc kết hợp cả hai. Điều này sẽ giúp thay thế phần tổng cầu bị thiếu hụt từ phía hộ
gia đình và doanh nghiệp do suy thoái. Chi tiêu trực tiếp của chính phủ dành cho
mua sắm hàng hóa và dịch vụ trên thị trường như một hình thức chuyển giao thu
nhập cho các cá nhân, gián tiếp làm gia tăng hoạt động kinh tế khi các cá nhân chi
tiêu các khoản thu nhập này. Việc cắt giảm thuế cũng góp phần làm tăng tổng cầu
trong nền kinh tế. Cụ thể, việc cắt giảm thuế thu nhập cá nhân làm tăng thu nhập
khả dụng cho mỗi cá nhân, từ đó cho phép họ mua nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn.
Các lý thuyết kinh tế tiêu chuẩn gợi ý rằng trong ngắn hạn, chính sách kích thích tài
khóa sẽ làm giảm tác động tiêu cực của một cuộc khủng hoảng hoặc đẩy nhanh quá
trình phục hồi (Stone, 2020). Tuy nhiên, khả năng thúc đẩy tổng cầu của chính sách
tài khóa mở rộng có thể bị giới hạn bởi các tác động lẫn nhau giữa nó với các biến
số vĩ mô khác như lãi suất và đầu tư, tỷ giá và cán cân thương mại và tỷ lệ lạm phát.
Ngoài ra, theo trường phái trọng cung chi tiêu chính phủ dành cho hạ tầng, các hoạt
động R&D, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cải thiện hệ thống giáo dục, y tế không chỉ
giúp thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế thông qua tăng tổng cầu như phân tích ở trên
mà còn thúc đẩy cả năng lực sản xuất chính là tổng cung trong dài hạn. Lập luận
này xem nhẹ hiệu ứng lấn át khi cho rằng đây đều là những lĩnh vực rủi ro, đòi hỏi
đầu tư lớn mà khu vực tư nhân không sẵn sàng tham gia, tuy nhiên lại là những lĩnh
vực cốt lõi cho tăng trưởng trong dài hạn của nền kinh tế vì thế chi tiêu công vào
đây là hợp lý (Markman và cộng sự, 2009).
Thứ hai, nợ công giúp cho chính phủ tận dụng những nguồn tài chính nhàn rỗi
trong khu vực dân cư. Theo các nhà kinh tế học trường phái Keynes truyền thống,
nền kinh tế trải qua suy thoái thường xuyên là do tình trạng thiếu cầu khi không
phải toàn bộ thu nhập quốc dân đều được tiêu dùng, một phần trong số đó sẽ được
người dân tiết kiệm (Jahan & cộng sự, 2014). Số tiền tiết kiệm thường được cất trữ
trong dân hoặc thông qua hệ thống tài chính nằm trong các trung gian tài chính mà
tiêu biểu nhất đó là ngân hàng. Trong trường hợp khu vực tư nhân mà chủ yếu là
các doanh nghiệp khi không sử dụng hết số tiền nhàn rỗi này thì cho chính phủ sử
dụng cũng là một phương án khả dĩ, đặc biệt nếu chính phủ sử dụng nó một cách có
hiệu quả. Ngoài ra mức độ rủi ro không thu hồi được nguồn tài chính này khi cho
58

chính phủ vay là rất thấp.


Thứ ba, nếu xét đến nguồn vay nợ là nước ngoài thì việc nợ công được vay từ
nguồn nước ngoài và các tổ chức quốc tế sẽ giúp chúng ta mở rộng các quan hệ kinh
tế song phương, tận dụng nguồn vốn nhàn rỗi ở nước ngoài với lãi suất ưu đãi
(UNCTAD, 2002). Thông thường các khoản vay này thường gắn liền với việc thuê
nhân công, máy móc nước ngoài, điều này cũng giúp cho các yếu tố sản xuất trong
nước học hỏi công nghệ, kiến thức từ nước ngoài trong quá trình đầu của sự nghiệp
phát triển kinh tế quốc gia. Ngoài ra các khoản vay quốc tế của chính phủ cũng giúp
cải thiện phần nào trong ngắn hạn thâm hụt cán cân thanh toán, tình trạng rất hay
gặp ở các nước đang phát triển.
+) Tác động tiêu cực:
Thứ nhất, nợ công lớn sẽ làm giảm tiết kiệm quốc gia, dẫn tới hiện tượng thoái
lui đầu tư hay lấn át đầu tư mà chúng ta vừa phân tích ở trên. Hiện tượng thoái lui
đầu tư có thể được giải thích kỹ hơn thông qua thị trường vốn vay. Hoạt động tiết
kiệm đóng vai trò là cung vốn vay trong nền kinh tế trong đó hoạt động đầu tư đóng
vai trò là cầu vốn vay. Khi chính phủ tăng chi tiêu, từ đó dẫn đến vay nợ càng lớn
thì rõ ràng tiết kiệm của khu vực công giảm. Mà tổng tiết kiệm bao gồm tiết kiệm
khu vực công và khu vực tư nhân, do đó tổng tiết kiệm cũng giảm theo. Trong
trường hợp nhu cầu về đầu tư không đổi, điều này sẽ dẫn đến nguồn cung vốn khan
hiếm và hệ quả là lãi suất trên thị trường tài chính sẽ tăng lên. Sự tăng lên của lãi
suất chắc chắn sẽ làm giảm quy mô của hoạt động đầu tư tư nhân. Không thể phủ
nhận những tác động tích cực của đầu tư công nhưng xét trong dài hạn đầu tư tư
nhân vẫn có hiệu quả tốt hơn. Vì thế hiện tượng lấn át được coi như một tác động
tiêu cực của nợ công. Hơn nữa đầu tư của khu vực tư nhân vào kinh doanh chính là
chi tiêu vào vốn vật chất như nhà máy, máy tính, phần mềm và máy móc, đây đều là
những yếu tố quan trọng quyết định quy mô dài hạn của nền kinh tế. Đầu tư vốn vật
chất cho phép các doanh nghiệp sản xuất nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn với cùng
một lượng lao động và nguyên vật liệu. Do đó, thâm hụt của chính phủ dẫn đến mức
đầu tư sản xuất kinh doanh thấp hơn của khu vực tư nhân có thể dẫn đến lượng vốn
vật chất thấp hơn và do đó có thể làm giảm năng lực sản xuất của nền kinh tế trong
dài hạn (Ball và Mankiw, 1995). Ngoài ra, bên cạnh hiện tượng lấn át, việc lãi suất
trong nước gia tăng cũng sẽ khiến đồng nội tệ tăng giá, điều này gián tiếp làm giảm
xuất khẩu ròng gây nên hiện tượng thâm hụt kép. Có rất nhiều nghiên cứu thực
nghiệm tại nhiều quốc gia liên quan đến thâm hụt kép tuy nhiên các kết luận đến
nay vẫn chưa thống nhất (Sakyi và Opoku, 2016).
Thứ hai, nợ công tạo ra áp lực làm gia tăng lạm phát. Trường phái trọng tiền
59

hiện đại (modern monetary theory) cho rằng chính phủ có thể gia tăng nợ công thoải
mái nhờ khả năng gia tăng cung tiền tài trợ thâm hụt của mình, thứ duy nhất ngăn
trở họ đó chính là lạm phát (Whittaker, 2020). Theo các nhà kinh tế trường phái
trọng tiền hiện đại lạm phát xảy ra khi nợ công được tích lũy là do những nguyên
nhân sau đây. Đầu tiên phải kể đến nợ công rất dễ được NHTW tài trợ bằng cách in
thêm tiền mới, đây là một cách tài trợ gây ít “đau đớn” khó được cảm nhận ngay lập
tức bởi nền kinh tế, vì thế nếu chính phủ lạm dụng cách tài trợ này sẽ dẫn đến cung
tiền tăng vượt quá mức cho phép (cao hơn tốc độ TTKT theo lý thuyết cổ điển về số
lượng tiền tệ) điều này sẽ dẫn đến lạm phát. Ngoài ra, nếu nợ công được tài trợ bằng
vay nợ nước ngoài, cũng sẽ dẫn đến cầu ngoại tệ tăng cao vào cuối kỳ lúc chính phủ
trả nợ, gây áp lực lên giá trị của đồng nội tệ. Một khi tỷ giá điều chỉnh theo hướng
đồng nội tệ giảm giá thì lạm phát sẽ xuất hiện. Từ một cách nhìn khác, nợ công như
một cách gia tăng chi tiêu chính phủ từ đó làm gia tăng sản lượng trong ngắn hạn,
điều này sẽ dẫn đến thu nhập quốc dân tăng, dẫn đến tổng cầu tăng, tạo ra áp lực
lạm phát cầu kéo. Lạm phát không xấu nếu ở mức lạm phát vừa phải, nhưng với
những tác động tổng hợp vừa nêu ở trên, lạm phát tạo ra bởi gia tăng nợ công quá
mức thường ở mức cao, có hại cho nền kinh tế.
Thứ ba nợ công sẽ khiến chính phủ ít nhiều phải gia tăng thuế, từ đó gây ra
những biến dạng không đáng có trong nền kinh tế. Theo chủ nghĩa cổ điển truyền
thống chính phủ phải cân bằng ngân sách của mình tránh việc tích lũy nợ, tiền vay
mượn chỉ được sử dụng cho những mục đích thuộc về chức năng của chính phủ quy
định trong hiến pháp như xây dựng cơ sở hạ tầng, quốc phòng và phải được hoàn trả
nhanh nhất có thể (Salsman, 2017). Việc gia tăng thuế trong tương lai để bù đắp cho
khoản chi tiêu hiện tại của chính phủ sẽ khiến trong tương lai thu nhập của hộ gia
đình sụt giảm, từ đó tiết kiệm và tiêu dùng giảm theo. Nếu hộ gia đình được coi là
một chủ thể duy lý và kỳ vọng theo hướng như vậy thì có thể hiện tại khi chứng
kiến chính phủ tăng chi tiêu, các hộ gia đình sẽ tiết kiệm nhiều hơn để trả được mức
thuế cao hơn trong tương lai. Hành vi này sẽ làm giảm phần nào sự tăng lên về sản
lượng khi chính phủ tăng chi tiêu trong ngắn hạn.
Thứ tư là tác động lấn át các khoản chi tiêu cần thiết khác của chính phủ. Nợ
công gia tăng sẽ làm tăng các khoản thanh toán lãi vay liên quan. Trong điều kiện
các yếu tố khác không đổi, mức nợ công tăng lên sẽ dẫn đến việc tăng các khoản trả
lãi mà chính phủ phải trả mỗi năm. Các khoản chi trả gia tăng này có thể sẽ thay thế
hoặc làm chi tiêu của chính phủ cho các chương trình đáng giá hơn như chi tiêu cho
cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế. Chính phủ để bảo vệ uy tín và tránh làm trầm trọng
vấn đề theo hướng khuếch đại chắc chắn sẽ chọn giải pháp trả lãi dù cho có phải
60

giảm các khoản chi tiêu rất cần thiết kể trên bởi một khi chậm trả lãi hoặc từ chối trả
lãi thì lần vay nợ tiếp theo của chính phủ hoặc không thể xảy ra hoặc được thực hiện
với một mức lãi suất rất cao. Trong năm 2019, số tiền chi trả lãi của chính phủ Mỹ
lên tới 375 tỷ USD, tương đương với nền kinh tế Philippines.
Thứ năm là những tác động tiêu cực khác liên quan đến chính trị, thể chế. Khi
nợ công của một quốc gia tăng cao rõ ràng nguy cơ vỡ nợ sẽ lớn hơn, điều này sẽ
khiến tín nhiệm chung của quốc gia suy giảm và có thể lan tỏa đến tín nhiệm của
các chủ thể kinh tế hoạt động trong quốc gia đó. Nợ công của Hy Lạp trong giai
đoạn từ 2000 đến 2009 đã tăng hơn 100% GDP, đây là hệ quả của quãng thời gian
dài chính phủ Hy Lạp chi tiêu một cách hào phóng, không hiệu quả khi tỷ lệ thâm
hụt ngân sách luôn trên 10%/năm trong suốt giai đoạn này. Kết quả là ngay sau đó
trong vòng 4 tháng đầu năm 2010, S&P liên tục hạ hệ số tín nhiệm của Hy Lạp, từ
mức A- xuống BBB+ rồi xuống tiếp mức BB+. Tổ chức Fitch hạ hệ số tín nhiệm
của Hy Lạp từ mức BBB+ xuống BBB- vào đầu tháng 4/2010, và đến năm 2011
đồng loạt các tổ chức xếp hạng tín nhiệm thế giới xếp Hy Lạp vào mức gần vỡ nợ.
Điều này buộc Hy Lạp phải chấp nhận cải tổ ngân sách theo những yêu cầu của EU
và IMF để được vay những gói giải cứu khẩn cấp. Gần đây, có hiện tượng các nước
rơi vào bẫy nợ khi tham gia sáng kiến “một vành đai, một con đường” đã phải
nhượng lại một diện tích đất nhất định trong nước cho chủ nợ được thuê trong một
khoảng thời gian rất dài (có giao dịch lên tới 99 năm) (Carminati, 2019). Tất cả
những ví dụ đưa ra ỏ trên đều minh họa cho rủi ro chính trị khi nợ công lớn đến
mức khiến quốc gia rơi vào nguy cơ vỡ nợ và không còn con đường nào khác quốc
gia này đành phải nhượng bộ trước những yêu cầu từ bên ngoài, thậm chí trong một
số trường hợp còn dẫn tới sự phụ thuộc.
Tác động của nợ công tới TTKT được tổng hợp ở hình vẽ dưới đây:
61

Hình 2.3: Tác động của nợ công tới TTKT


Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Sau khi xem xét mối quan hệ tổng thể giữa nợ công và TTKT, xét tới khái
niệm NCBV ở phần trước thì chúng ta có thể rút ra kết luận hẹp hơn như sau: về cơ
bản khi nợ công là bền vững thì các tác động tích cực của nợ công tới GDP hay tăng
trưởng của nền kinh tế sẽ nhiều hơn các tác động tiêu cực. Bởi theo định nghĩa
NCBV là nợ công trong đó chính phủ trong tương lai không phải dùng những điều
chỉnh quá lớn về mặt tài khóa để trả nợ, nói cách khác đây là mức nợ công vừa phải
trong khả năng trả nợ của chính phủ do đó hiệu ứng lấn át do nợ công gây ra là
không nhiều, bên cạnh đó do vẫn trả được nợ một cách bình thường nên các yếu tố
về kỳ vọng cũng là tích cực. Ngoài ra, nếu lãi suất có tăng, lạm phát có tăng thì đều
ở mức vừa phải. Trong khi đó các tác động tiêu cực sẽ chỉ xuất hiện khi chính phủ
cho thấy phải có một sự thay đổi lớn trong chính sách tài khóa ví dụ như chính phủ
sẽ phải thực hiện chính sách khắc khổ giảm chi tiêu chính phủ và tăng thuế. Ngược
lại với khi NCBV, trong bối cảnh nợ công không bền vững những chính sách khắc
khổ như vậy sẽ làm xói mòn rất lớn kỳ vọng của các chủ thể trong nền kinh tế.
Chẳng hạn người dân tin rằng chính phủ rút cuộc sẽ phải tìm đến biện pháp tài trợ
tiền mặt từ NHTW với số lượng lớn, điều này sẽ làm gia tăng kỳ vọng về lạm phát.
Theo phương trình Phillips diễn tả mối quan hệ giữa lạm phát và thất nghiệp tích
hợp lạm phát kỳ vọng, một khi kỳ vọng lạm phát gia tăng, lạm phát sẽ có xu hướng
tiếp tục tăng mãi (Ball và Mazumder, 2015). Nợ công khi quá cao ở trạng thái
không bền vững cũng có thể khiến chính phủ tuyên bố không trả được một số khoản
nợ hoặc chính phủ sẽ cắt giảm chi tiêu công một cách đột ngột…. Tất cả những điều
62

này chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến tổng cầu của nền kinh tế. Nói một cách
khác, nợ công càng trở nên kém bền vững thì các tác động tiêu cực sẽ ngày càng
lớn và tác động tích cực sẽ ngày càng giảm.
Về mặt lý thuyết chúng ta có thể thấy mức độ NCBV tỷ lệ thuận với tăng
trưởng của nền kinh tế. Quốc gia với một một nền tảng tài khóa vững mạnh sẽ thuận
lợi hơn trong công cuộc phát triển nền kinh tế hướng tới sự thịnh vượng, giàu có.
Cụ thể, với NCBV khu vực tư nhân sẽ có khả năng tiếp cận vốn lớn hơn, từ đó thúc
đẩy hoạt động khởi nghiệp và tăng trưởng việc làm. Niềm tin lớn hơn của người
tiêu dùng và doanh nghiệp vào triển vọng của nền kinh tế trong tương lai trong một
nền kinh tế có NCBV cũng sẽ dẫn dắt hoạt động kinh tế và đầu tư trong tương lai.
Với chi phí đi vay thấp, quốc gia sẽ có nhiều không gian chính sách hơn để củng cố
cơ sở hạ tầng, cải thiện năng suất và hiệu suất. Ngoài ra chính phủ có thể đầu tư
nhiều hơn cho hoạt động R&D từ đó dẫn tới nhiều phát minh sáng chế hơn trong
nền kinh tế thay vì việc phải sử dụng số tiền đó để trả nợ nếu nợ công trở nên không
bền vững. Với các khoản chi tiêu an sinh xã hội khác được đảm bảo trong một quốc
gia có NCBV, chính phủ có thể cung cấp cho thế hệ trẻ dịch vụ giáo dục và y tế đầy
đủ, giúp thế hệ này có khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động, từ đó làm nền
kinh tế trong tương lai thậm chí còn phát triển hơn nữa (CRS, 2021). Trong khi một
nền tảng tài khóa vững chắc hay trạng thái nợ cồng bền vững tạo môi trường tích
cực cho tăng trưởng và thịnh vượng thì điều ngược lại hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu
nợ một quốc gia trong dài hạn đang ở mức không bền vững đồng thời quốc gia cũng
không có kế hoạch để đối phó với những thách thức tài khóa trong dài hạn thì môi
trường kinh tế của nước này sẽ xấu đi nhanh chóng. Niềm tin của người tiêu dùng,
doanh nghiệp giảm, lãi suất tăng cao khiến mức giảm này càng lớn hơn, chính phủ
loay hoay với việc trả nợ bằng cách cắt giảm các khoản chi rất cần thiết cho tương
lai như chi cho cơ sở hạ tầng, hoạt động R&D, y tế, giáo dục…Nói cách khác các
điều kiện cho tăng trưởng đang dần bị phá hủy. Điều này sẽ càng đặt nền kinh tế
vào mức rủi ro lớn hơn của một khủng hoảng kinh tế sắp sửa xảy ra.
Ở chiều ngược lại, nếu tốc độ TTKT tăng lên đặc biệt lớn hơn lãi suất thực tế
điều này sẽ hỗ trợ cho các chỉ số thành phần của NCBV tốt hơn trong điều kiện các
yếu tố khác không đổi. Trước hết quy mô nợ công khi tốc độ TTKT cao nhiều khả
năng sẽ giảm khi lấy tỷ lệ với GDP. Sau đó các chỉ số liên quan đến tính thanh
khoản (khả năng trả nợ) trong ngắn hạn cũng được cải thiện do TTKT nhiều hơn
hàm ý thu ngân sách cũng tăng lên, các khoản phải chi, đặc biệt cho lãi suất trong
bối cảnh tốc độ TTKT lớn hơn lãi suất thực tế cũng giảm khi so sánh tương quan
với các khoản thu của chính phủ.
63

Như vậy, về mặt lý thuyết chúng ta có thể kỳ vọng tương tác qua lại thuận
chiều giữa NCBV và TTKT chí ít là trong dài hạn khi mà NCBV để đạt được sau
khi chính phủ có những điều chỉnh tài khóa nhất định đã đủ thời gian tạo ra môi
trường vĩ mô thuận lợi cho TTKT. Ngược lại TTKT cao trong thời gian dài chứ
không phải một vài năm đột biến cũng đủ mức độ để tạo ra sự cải thiện trong quy
mô và khả năng trả nợ công từ đó làm gia tăng NCBV.
64

CHƯƠNG 3 PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU


3.1 Phương pháp chỉ số đo lường nợ công bền vững
3.1.1 Giới thiệu chung về phương pháp chỉ số
3.1.1.1 Khái niệm về chỉ số
Johnstone (1981) đưa ra một khái niệm tổng quan về chỉ số: "chỉ số là thứ
đem đến một ấn tượng chung với độ chính xác nhất định - một cái gì đó cho thấy
tình trạng của một chủ thể đang được xem xét". Định nghĩa này tập trung vào chức
năng của chỉ số hơn là nội dung của chỉ số. Cuenin (1987) đã đưa ra một định nghĩa
trong đó cả nội dung và chức năng của chỉ số được làm rõ, cụ thể: “một chỉ số được
định nghĩa là một giá trị bằng số được sử dụng để đo lường một thứ gì đó khó định
lượng”. Những giá trị bằng số này có thể được suy ra theo những cách khác nhau.
Như vậy, chỉ số hiểu theo cách này có thể cung cấp một phép đo để đánh giá đặc
điểm định lượng hoặc định tính của một đối tượng nào đó.
Theo OECD (2004), khái niệm chỉ số còn được hiểu là những con số có thể có
hoặc không có công thức đi kèm, miêu tả mục tiêu mà một đối tượng hướng đến.
Chỉ số có thể tồn tại dưới dạng số hoặc thứ tự, tuyệt đối hoặc tương đối. Một dạng
đặc biệt của chỉ số là chỉ số tổng hợp. Chỉ số tổng hợp là sự hợp thành của các chỉ
số thành phần, mỗi một chỉ số thành phần lại phản ánh một khía cạnh, đặc điểm của
sự vật hiện tượng. Quy trình tính toán chỉ số thông thường sẽ phải áp dụng công
thức, điều này chắc chắn phải có đối với chỉ số tổng hợp. Bên cạnh các thành phần
định lượng có giá trị chính xác thì chỉ số cũng có thể bao gồm các thành phần định
tính có giá trị được lấy thông qua đánh giá chủ quan (phỏng vấn, cho điểm) từ đó
quy ra thang điểm tương ứng.
3.1.1.2 Các phương pháp chuẩn hóa số liệu trong phương pháp chỉ số
Thông thường phương pháp chỉ số được áp dụng khi đối tượng được đo lường
bao gồm nhiều thành phần với các đơn vị tính toán khác nhau. HDI (Human
Development Index) chỉ số phát triển con người là một ví dụ tiêu biểu khi mức độ
phát triển con người của một quốc gia là đối tượng được tạo thành bởi nhiều yếu tố
như trình độ học vấn, thu nhập, sức khỏe. Mỗi một yếu tố cấu thành lại có một đơn
vị tính toán khác nhau. Vì thế để có được một con số duy nhất (giá trị chỉ số) phản
ánh được tổng thể mức độ phát triển con người, chúng ta cần thực hiện chuẩn hóa
dữ liệu sao cho các yếu tố thành phần có cùng đơn vị hoặc không có đơn vị, đồng
thời các yếu tố thành phần này phải có cùng một khoảng giá trị để dễ dàng cho việc
tính gộp sau này. Ví dụ minh họa cho cách tính một chỉ số tổng hợp được cho ở
65

Hình 3.1 dưới đây:

Hình 3.1: Các bước tính chỉ số tổng hợp


Nguồn: Theo Talukder và cộng sự (2017)
Theo OECD (2008) có năm kỹ thuật biến đổi chính trong phương pháp chỉ số:
i) Chỉ số hóa bằng cách thức chuẩn hóa xếp hạng (ranking normalization).
Là phương pháp sử dụng vị trí của biến thành phần trong nhóm biến tương ứng làm
giá trị đại diện cho chỉ số thành phần. Khi tính toán chỉ số tổng hợp thì chỉ cần các
xếp hạng của chỉ số thành phần, các giá trị tuyệt đối của biến thành phần đều biến
mất. Kỹ thuật này tuy đơn giản nhưng không thể giúp chúng ta hình dung được chất
lượng của các biến thành phần trong mối tương quan với nhau như thế nào. Có thể
một biến thành phần có thứ hạng cao đồng nghĩa với chỉ số thành phần tương ứng
có giá trị cao, tuy nhiên nếu trong bối cảnh cả nhóm biến thành phần đó đều có chất
lượng không tốt thì việc biến thành phần cao chỉ là đỡ tệ nhất trong nhóm tệ mà
thôi, không thể so sánh trực tiếp biến thành phần này với biến thành phần khác
trong nhóm tốt được. Các cách thức chuẩn hóa sau đều có một điểm mốc để chúng
ta có thể biết được chất lượng thực sự của biến thành phần khi đứng một mình và
khi so với các biến thành phần khác. Chỉ số sử dụng cách thức chuẩn hóa này có thể
kể đến Chỉ số công nghệ thông tin và truyền thông, Chỉ số hoạt động về chất lượng
y tế của Mỹ.
ii) Chỉ số hóa bằng cách thức chuẩn hóa min - max (min - max scaling
normalization). Đây là phương pháp được sử dụng khi các biến tạo thành chỉ số
tổng hợp không có cùng một đơn vị, nghĩa là chúng ta không thể trực tiếp làm phép
tính cộng, trừ giữa các biến với nhau.. Do đó cần phải quy biến biến thành phần tạo
thành chỉ số tổng hợp về cùng một đơn vị. Ngoài ra ta cần phải có một nhóm đối
tượng nhất định, mỗi thành viên trong nhóm có các biến thành phần như nhau. Công
thức quy đổi như sau
Giá trị biến thành phần sau khi chuẩn hóa = (giá trị hiện tại - giá trị min trong
nhóm)/(giá trị max trong nhóm - giá trị min trong nhóm)
66

x−min ⁡(x)
x'=
max ( x ) −min ⁡(x )
trong đó x’ là giá trị biến thành phần sau khi được chuẩn hóa, min(x) max(x) lần
lượt là giá trị nhỏ nhất, lớn nhất của giá trị biến thành phần trong nhóm, x là giá trị
ban đầu của biến thành phần.
Chúng ta giả định rằng giá trị của biến thành phần càng cao càng tốt. Lúc này
ý nghĩa chỉ số cho biết giá trị biến thành phần của thành viên hiện tại trong nhóm ở
mức tốt thế nào khi so sánh với cả nhóm nói chung. Nếu giá trị hiện tại của thành
viên trong nhóm bằng với giá trị min thì giá trị biến thành phần sau khi được chuẩn
hóa có giá trị bằng 0, phản ánh mức giá trị tệ nhất mà giá trị thành phần của thành
viên này đang có. Nếu giá trị hiện tại của thành viên trong nhóm bằng với giá trị
max thì giá trị biến thành phần sau khi được chuẩn hóa có giá trị bằng 1, phản ánh
mức độ tốt nhất mà giá trị thành phần của thành viên này đang có. Điểm đáng chú ý
là áp dụng công thức chuẩn hóa min - max ở trên sẽ khiến cho biến thành phần từ có
đơn vị (chẳng hạn %, số tuổi, sản lượng tính theo đơn vị cân nặng....) đều trở thành
không có đơn vị. Điều này giúp chúng ta dễ dàng tính toán chỉ số biến tổng hợp từ
các chỉ số biến thành phần (lấy trung bình cộng giản đơn chẳng hạn).
Thông thường giá trị biến thành phần và chỉ số tổng hợp tính từ các biến thành
phần có giá trị từ 0 đến 1 và không có đơn vị. Chỉ số tổng hợp có giá trị càng cao sẽ
càng tốt và ngược lại. Tuy nhiên có thể thay đổi thang giá trị bằng công thức sau:

Khi áp dụng công thức này thì giá trị của chỉ số tổng hợp sẽ dao động từ a đến
b thay vì từ 0 đến 1
Một bất lợi của chỉ số hóa bằng phương pháp min - max đó là xuất hiện các
giá trị đột biến của biến thành phần trong nhóm. Nó sẽ làm gia tăng đáng kể khoảng
biến thiên min - max, làm cho đây không phải là khoảng biến thiên min - max phổ
biến trong trường hợp không có các biến đột biến. Điều này phần nào khiến cho giá
trị cuối cùng không phản ánh đúng được mức độ cao thấp hay tốt xấu về mặt chất
lượng của biến thành phần.
Với những ưu điểm của mình phương pháp chuẩn hóa min - max đã được áp
dụng rất nhiều trên thực tế trong việc tính toán các chỉ số tổng hợp phản ánh một
đối tượng có tính tổng hợp như chỉ số phát triển con người HDI 7, chỉ số năng lực

7
Phương pháp chuẩn hóa min – max dùng để tính toán HDI xem tại http://hdr.undp.org/en/content/calculating-indices
67

cạnh tranh quốc gia (Global Competitiveness Index - GCI)8, chỉ số sáng tạo toàn
cầu (Global Innovation Index - GII)9.
iii) Chỉ số hóa bằng cách thức chuẩn hóa Z (Z score normalization). Đây là
phương pháp được áp dụng tương tự như phương pháp chuẩn hóa max - min dành
cho chỉ số tổng hợp có nhiều thành phần và mỗi thành phần lại có đơn vị đo khác
nhau. Chúng ta cũng có các chỉ số thành phần cũng được gom lại thành một nhóm,
từ đó tính ra được giá trị của độ lệch chuẩn σ và giá trị trung bình μ của nhóm. Dựa
trên kết quả có được, chúng ta sử dụng công thức:
z = (x - μ)/ σ
trong đó σ là độ lệch chuẩn trong nhóm biến thành phần, μ là giá trị trung bình của
nhóm biến thành phần
Khác với phương pháp chuẩn hóa max - min đo lường mức độ tốt của biến đến
đâu theo thang từ 0 đến 1 thì z lại đo lường mức độ dao động của biến so với mức
độ dao động bình quân. Chỉ số z không có giới hạn giá trị và đương nhiên cũng
không có đơn vị, z dương lớn hơn 1 thể hiện giá trị của biến thành phần vượt trội so
với giá trị trung bình của nhóm (và rất ít thành viên trong nhóm có giá trị như vậy),
z từ 0 đến 1 thể hiện giá trị của biến thành phần lớn hơn mức trung bình của nhóm
nhưng vẫn nằm trong khoảng lệch chuẩn (nghĩa là nhiều thành viên khác trong
nhóm cũng có giá trị như vậy), z từ 0 đến - 1 thể hiện giá trị của biến thành phần
nhỏ hơn mức trung bình của nhóm nhưng vẫn nằm trong khoảng lệch chuẩn (nghĩa
là nhiều thành viên khác trong nhóm cũng có giá trị như vậy) và cuối cùng z nhỏ
hơn - 1 thể hiện giá trị của biến thành phần quá thấp so với giá trị trung bình của
nhóm (và rất ít thành viên trong nhóm có giá trị như vậy). Tuy nhiên cũng giống
như phương pháp chuẩn hóa min - max, chuẩn hóa Z cũng sẽ không thực sự chính
xác khi có các số liệu có giá trị đột biến.
Chuẩn hóa Z được sử dụng để tính toán Chỉ số nền kinh tế tri thức
(Knowledged Economy Index - KEI) 10 và Chỉ số tiêu chuẩn về phát triển trẻ em của
tổ chức WHO.
iv) Chỉ số hóa bằng cách thức chuẩn hóa khoảng cách đến giá trị mục tiêu
' x
x=
x mục tiêu
Đây là cách thức chuẩn hóa sử dụng một giá trị mục tiêu của biến thành phần.
8
Phương pháp chuẩn hóa min – max dùng để tính toán GCI xem tại http://www3.weforum.org/docs/GCR2017-
2018/04Backmatter/TheGlobalCompetitivenessReport2017%E2%80%932018AppendixA.pdf
9
Phương pháp chuẩn hóa min – max dùng để tính toán GII xem tại https://www.globalinnovationindex.org/about-gii
10 Phương pháp chuẩn hóa Z dùng để tính chỉ số KEI xem tại http://info.worldbank.org/etools/kam2/kam_page5.asp
68

Giá trị mục tiêu này phải được xác định trước dựa trên nghiên cứu trước đó hoặc
một tiêu chuẩn sẵn có nào đó. Thông thường giá trị mục tiêu lớn hơn giá trị hiện tại
của biến thành phần do đó giá trị x’ theo chuẩn hóa khoảng cách đến giá trị mục
tiêu có độ lớn từ 0 đến 1 và không có đơn vị. Chỉ số thành phần càng gần 1 thì cho
thấy biến thành phần đang rất gần biến mục tiêu, ngược lại chỉ số thành phần càng
gần 0 thì cho thấy biến thành phần càng xa biến mục tiêu.
Cách thức chuẩn hóa khoảng cách đến giá trị mục tiêu được sử dụng để tính
toán Chỉ số cách tân (Innovation Index) và Chỉ số hệ sinh thái (Eco-Index).
v) Chỉ số hóa bằng cách thức chuẩn hóa tỷ trọng
x
x'= n

∑ xi
x=1

Đây là cách thức xem xét biến thành phần chiếm tỷ trọng bao nhiêu trong tổng
các biến thành phần của một nhóm. Giá trị của chỉ số thành phần theo cách thức
chuẩn hóa này có giá trị từ 0 đến 1 và không có đơn vị. Càng gần 1 cho thấy biến
thành phần chiếm một tỷ trọng rất lớn trong nhóm biến và ngược lại càng gần 0 cho
thấy biến thành phần chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong nhóm biến.
Cách thức chuẩn hóa tỷ trọng thường được sử dụng để tính toán chỉ số liên
quan đến địa lý trong Hệ thống thông tin địa lý toàn cầu (Geographical Information
System - GIS) như Chỉ số thiên tai.
3.1.1.3 Các phương pháp tính toán chỉ số tổng hợp từ các chỉ số thành phần
Các biến thành phần lúc này cũng sẽ không có đơn vị, sau đó các biến thành
phần sẽ được tính toán ra chỉ số tổng hợp theo 3 cách (OECD, 2008):
i) trung bình cộng có trọng số hoặc không có trọng số các chỉ số (biến) thành
phần.
Dưới đây là công thức cho phép tính trung bình cộng có trọng số các biến
thành phần
n
I =∑ wi x i
i=1

trong đó xi là giá trị của biến thành phần còn wi là trọng số của biến thành phần
Muốn xác định được trọng số w i, người xây dựng chỉ số phải tiến hành mô
hình hồi quy tác động dựa trên khung lý thuyết đã có để biết được mức độ ảnh
hưởng của từng biến số thành phần lên chỉ số tổng hợp, hoặc người xây dựng chỉ số
phải tiến hành phỏng vấn chuyên gia cho điểm để biết được mức độ đóng góp của
69

từng biến số thành phần lên chỉ số tổng hợp.


Trong trường hợp việc xác định trọng số của các biến thành phần là phức tạp
và không khả thi thì người xây dựng chỉ số thường sử dụng cách tính trung bình cộng
giản đơn trong đó ngầm coi các biến thành phần có tác động như nhau tới chỉ số tổng
hợp.
n

∑ xi
i=1
I=
n
Phương pháp trung bình cộng đặc biệt thích hợp khi các biến số thành phần có
khả năng bù trừ lẫn nhau trong việc xác định giá trị cuối cùng của chỉ số tổng hợp.
ii) trung bình nhân có trọng số hoặc không có trọng số các chỉ số (biến thành
phần)
Dưới đây là công thức cho phép tính trung bình nhân có trọng số các biến
thành phần
I =¿
Tương tự như ở phương pháp trung bình cộng, muốn xác định được trọng số
người xây dựng chỉ số phải chạy mô hình hồi quy tác động dựa trên khung lý thuyết
đã có hoặc tiến hành phỏng vấn chuyên gia cho điểm để xác định trọng số.
Trong trường hợp việc xác định trọng số của các biến thành phần là không khả
thi thì người xây dựng chỉ số sẽ sử dụng cách tính trung bình nhân giản đơn trong
đó ngầm coi các biến thành phần có tác động như nhau tới chỉ số tổng hợp
I =¿
Phương pháp trung bình nhân thích hợp khi các biến thành phần độc lập không
có khả năng bù trừ lẫn nhau trong việc xác định giá trị cuối cùng của chỉ số tổng
hợp. Và một điều kiện quan trọng khác nữa đó là giá trị của các biến thành phần
đều phải dương.
iii) Phân tích đa tiêu chuẩn (Multi-Criteria Analysis - MCA)
MCA là một phương pháp phức tạp dùng để tính toán những chỉ số tổng hợp
với các thành phần không có tính bù trừ lẫn nhau. Một trong những hạn chế của
MCA đó là khi số lượng của thành phần của chỉ số tổng hợp tăng lên thì rất khó để
tính toán. MCA được xây dựng dựa trên một ma trận cao cấp. Quy trình tiêu chuẩn
để thực hiện MCA bao gồm ba bước: xác định trọng số của các chỉ số thành phần,
xây dựng một ma trận cao cấp nhờ việc so sánh theo cặp trọng số của các chỉ số
thành phần (với n chỉ số thành phần thì sẽ có n.(n-1)/2 so sánh) và cuối cùng tính
chỉ số tổng hợp bằng việc cộng tổng một hàng ngang của ma trận cao cấp.
70

3.1.2 Lựa chọn cách thức chuẩn hóa số liệu để đo lường nợ công bền vững
Đánh giá mức độ bền vững của nợ công dựa trên số liệu thực tế có ba đặc
điểm sau đây: i) có nhiều biến số vĩ mô thành phần để có thể tạo nên tính bền vững
của nợ công. Điều này được thể hiện qua phương pháp cây nhị phân và khung đánh
giá nợ công của IMF khi hai phương pháp sử dụng nhiều biến số để đánh giá mức
độ bền vững của nợ công. Và các biến số này có đơn vị tính khác nhau ii) nhờ
nguồn số liệu của các biến số vĩ mô liên quan đến nợ công ở phạm vi toàn cầu (lấy
từ nguồn số liệu của WB và IMF), chúng ta hoàn toàn có thể xác định được giá trị
min, max của từng biến số ở quy mô mẫu tổng thể hoặc trong một nhóm nước iii)
đồng thời sự thay đổi giá trị của các biến số vĩ mô thành phần (càng lớn hoặc càng
nhỏ khi so sánh với một mốc nhất định gọi là ngưỡng) thể hiện thống nhất sự thay
đổi của mức độ NCBV (càng bền vững hơn hoặc kém bền vững hơn trong điều kiện
các yếu tố khác không đổi) theo định nghĩa. Các ngưỡng để từ đó nợ công bộc lộ
những dấu hiệu kém bền vững cũng đã được nhiều nghiên cứu thực nghiệm chỉ ra.
Ba đặc điểm trên rất phù hợp với phương pháp chỉ số để lượng hóa mức độ
bền vững của nợ công theo cách chuẩn hóa min - max. Tuy nhiên sẽ không tránh
khỏi có những quốc gia hoặc làm quá tốt hoặc làm quá tệ ở một chỉ số nào đấy dễn
đến chỉ số thành phần tương ứng sẽ có giá trị đột biến. Trên thực tế rất nhiều trường
hợp như vậy rơi vào các quốc gia trong tình trạng vỡ nợ hoặc gần như vỡ nợ. Lúc
này phương pháp chuẩn hóa min - max sẽ có thay đổi trong công thức để phản ánh
chính xác hơn bản chất của các đối tượng không bị đột biến như sau:
Giá trị biến thành phần sau khi chuẩn hóa = (giá trị ngưỡng - giá trị hiện
tại)/(giá trị ngưỡng - giá trị tốt nhất trong nhóm)
Thay vì giá trị lớn nhất ở tử số, tác giả sử dụng giá trị ngưỡng. Ý nghĩa của
công thức mới sẽ giải thích được tại sao công thức cần có sự thay đổi như vậy.
Chúng ta giả định đối với biến thành phần này, giá trị càng cao càng không tốt (cho
tiêu chí tỷ lệ nợ công/GDP chẳng hạn). Tổng quan tình hình nghiên cứu đã chỉ ra có
rất nhiều nghiên cứu đã cho thấy tồn tại một ngưỡng mà nợ công vượt qua ngưỡng
đấy tình hình nợ công sẽ chuyển biến rất xấu. Trước ngưỡng đó khi biến gia tăng
vẫn tạo nên các hiệu ứng tích cực (chẳng hạn như tỷ lệ nợ công/GDP tăng thì tốc độ
TTKT tăng) nhưng sau ngưỡng khi biến gia tăng hiệu ứng tích cực không còn (tỷ lệ
nợ công/GDP vượt qua một giá trị nhất định thì tốc độ TTKT lại giảm). Như vậy
với giả định của chúng ta, có thể hiểu giá trị tốt nhất của nhóm là giá trị nhỏ nhất
của biến thành phần. Lúc này mẫu số phản ánh khoảng biến thiên có thể chấp nhận
được của chỉ số thành phần từ giá trị nhỏ nhất đến giá trị ngưỡng (trong khoảng
71

biến thiên đương nhiên càng tăng lên thì chất lượng biến càng thấp). Tử số phản ánh
vị trí hiện tại của biến thành phần của một quốc gia cụ thể. Nếu giá trị hiện tại càng
gần ngưỡng thì giá trị chỉ số thành phần càng gần 0 phản ánh chất lượng biến thấp,
nếu giá trị hiện tại càng gần giá trị tốt nhất thì giá trị chỉ số thành phần càng gần 1
phản ánh chất lượng biến cao. Như vậy nếu một quốc gia có giá trị biến thành phần
đột biến, thường rơi vào trường hợp khủng hoảng nợ như phân tích ở trên, thì giá trị
biến thành phần này sẽ cách khá xa giá trị ngưỡng. Trong trường hợp tỷ lệ nợ
công/GDP, nó lớn hơn giá trị ngưỡng nên giá trị chỉ số thành phần sau khi tính toán
sẽ âm, phản ánh đúng chất lượng rất xấu của biến có giá trị đột biến dưới phương
diện NCBV. Nếu vẫn giữ nguyên công thức của chuẩn hóa min - max, vẫn trong
trường hợp tỷ lệ nợ công/GDP, giá trị chỉ số thành phần thấp nhất sẽ chỉ xuống 0,
chưa kể mẫu số sẽ tạo ra một khoảng biến thiên quá rộng không hợp lý khi hầu hết
giá trị biến thành phần di chuyển trong khoảng giữa giá trị tốt nhất (nhỏ nhất trong
trường hợp tỷ lệ nợ công/GDP) và giá trị ngưỡng, chứ không phải khoảng giữa giá
trị tốt nhất (nhỏ nhất trong trường hợp tỷ lệ nợ công/GDP) và giá trị lớn nhất (tỷ lệ
nợ công/GDP đột biến thường xảy ra ở các nước vỡ nợ). Mọi trường hơp bình
thường còn lại giá trị biến thành phần đều có giá trị từ 0 đến 1.
Sau khi có được giá trị chuẩn hóa của các biến hay chỉ số thành phần, giá trị
chỉ số tổng hợp bền vững nợ công sẽ được tính toán dưới dạng trung bình cộng giản
đơn (lý do chọn cách tính trung bình cộng giản đơn sẽ được giải thích ở phần dưới).
So sánh với các phương pháp đánh giá bền vững nợ công trước kia, phương pháp
chỉ số có những ưu điểm sau đây:
i) Lượng hóa được mức độ bền vững của nợ công trong một khoảng thời gian
nhất định (miễn là có số liệu đầy đủ) trong khi đó như đã trình bày các cách đánh
giá bền vững nợ công ở trên chỉ đơn giản xếp loại nợ công có an toàn (bền vững)
hay không, không lượng hóa được mức độ bền vững của nợ công để có thể so sánh
theo thời gian và so sánh các nước với nhau. Morris (2010) trong tác phẩm đồ sộ
của mình “Tại sao phương Tây vượt trội” thừa nhận phương pháp chỉ số sẽ có một
số hạn chế nhất định trong việc lựa chọn tiêu chí và tính toán tuy nhiên đây là
phương pháp khả dĩ nhất khi cần phải so sánh một đặc tính trừu tượng khó lượng
hóa giữa hai hay nhiều chủ thể khác nhau.
ii) Ngoài ra, cách đánh giá của một số phương pháp còn phức tạp đặc biệt là
phương pháp DSF của IMF khó tiếp cận bởi phần đông những nhà quản lý, người
làm chuyên môn liên quan đến nợ công
iii) Lượng hóa được mức độ bền vững nợ công còn giúp các nhà kinh tế có thể
sử dụng kết quả tính toán kết hợp với các mô hình hồi quy khác nhau để khám phá
72

tác động cũng như mối quan hệ của NCBV với các biến số vĩ mô khác từ đó rút ra
được một số hàm ý chính sách quan trọng liên quan đến tài khóa bền vững nói riêng
và phát triển bền vững nói chung.
Dự báo cũng là một trong những cách có thể ứng dụng chỉ số DSI. Nếu có thể
ước tính được tốt các chỉ số thành phần liên quan đến nợ công trong các bối cảnh cụ
thể trong tương lai, phương pháp chỉ số hóa sẽ cho biết giá trị cụ thể đại diện cho
NCBV, từ đó không chỉ là xu hướng mà còn biết mức độ NCBV trong tương lai tới
đâu, đã ở mức nguy hiểm chưa. Tuy nhiên điều này cũng khiến phương pháp chỉ số
giống phương pháp DSF của IMF khi phụ thuộc khá nhiều vào các giá trị ước tính
trong tương lai, mà các giá trị ước tính này lại tùy thuộc vào bối cảnh bình thường
hay có rủi ro được áp dụng.
3.1.3 Xây dựng chỉ số nợ công bền vững (DSI) dựa trên chuẩn hóa min - max
Sau khi xác định được cách thức chuẩn hóa dữ liệu phù hợp trong phương
pháp chỉ số hóa mức độ bền vững của nợ công, tác giả đề xuất các bước xây dựng
chỉ số này của một quốc gia như sau:
Bước 1: Phân loại các quốc gia tính toán chỉ số bền vững nợ công: tuân thủ
theo cách phân loại nhóm nước mới nhất của WB theo thu nhập11. Các nước được
coi là thu nhập thấp (Low Income - LI) có mức thu nhập bình quân đầu người dưới
1.035 USD. Các nước được coi là thu nhập trung bình thấp (Lower Middle Income -
LMI) có mức thu nhập bình quân đầu người từ 1.036 USD đến 4.045 USD. Các
nước được xếp loại là thu nhập trung bình cao (Upper Middle Income - UMI) có
mức thu nhập bình quân đầu người từ 4.046 USD đến 12.535 USD. Các nước được
xếp loại là thu nhập cao (High Income - HI) có mức thu nhập bình quân đầu người
từ 12.536 USD trở lên.
Bước 2: Xác định các thành phần trong chỉ số tổng hợp. Các thành phần này
phải xuất phát từ lý thuyết về mức độ bền vững của nợ công (có cả thành phần thể
hiện khả năng trả nợ của quốc gia cũng như thành phần thể hiện tính thanh khoản
của nợ công) và từ nghiên cứu thực nghiệm IMF hoặc các nhà khoa học có uy tín
trong đó phải xác định được giá trị ngưỡng. Cần phải chú ý, các nhóm quốc gia
khác nhau sẽ có các ngưỡng/giá trị chuẩn khác nhau. Ở góc độ này, nghiên cứu sinh
đồng quan điểm với IMF khi cho rằng thành phần nợ công nước ngoài có ảnh
hưởng nhiều nhất đến mức độ NCBV do thành phần nợ công trong nước chính phủ
dễ dàng thỏa hiệp được khi gặp khó khăn, do đó tác giả cố gắng sẽ lấy càng nhiều
chỉ số thành phần liên quan đến nợ công nước ngoài càng tốt.
11
Xem đường link gốc cách phân loại các nước theo thu nhập của WB tại đây:
https://datahelpdesk.worldbank.org/knowledgebase/articles/906519-world-bank-country-and-lending-groups
73

Bước 3: Tính toán giá trị các chỉ số thành phần theo công thức:
Giá trị của chỉ số thành phần (CV - component value) = (giá trị ngưỡng - giá trị
hiện tại của quốc gia )/( giá trị ngưỡng - giá trị tôt nhất trong nhóm nước)
Thông thường giá trị tốt nhất trong nhóm quốc gia được lấy là giá trị nhỏ nhất
của chỉ số thành phần theo quan điểm của bền vững của nợ công (các chỉ số liên
quan đến tỷ lệ nợ - nợ tương đối càng tăng là càng không tốt). Và vì thế giá trị này
nhỏ hơn giá trị ngưỡng (chẳng hạn chỉ số thành phần là về tỷ lệ nợ công/GDP, nợ
công nước ngoài phải trả/XK...) Tuy nhiên công thức này vẫn có thể áp dụng được
trong cả trường hợp giá trị tốt nhất trong nhóm quốc gia lớn hơn giá trị ngưỡng, tức
là ở chỉ số thành phần này giá trị biến càng cao thì càng tốt cho NCBV (chẳng hạn
cán cân ngân sách). Lúc này giá trị ngưỡng đóng vai trò như chốt chặn cuối cùng và
trong điều kiện bình thường thì giá trị hiện tại của quốc gia cũng sẽ lớn hơn giá trị
ngưỡng dẫn đến giá trị tính toán cuối cùng vẫn dương. Có thể hình dung như sau, về
mặt toán học nếu bản chất của biến thành phần lại là càng cao thì càng tốt thì công
thức trên để cho đúng ý nghĩa phải biến đổi thành:
Giá trị của chỉ số thành phần (CV - component value) = (giá trị hiện tại của
quốc gia - giá trị ngưỡng)/(giá trị tôt nhất trong nhóm nước - giá trị ngưỡng).
Tuy nhiên về mặt toán học, việc đảo vị trí các thành phần của một hiệu ở cả tử
và mẫu của một phân số thì giá trị phân số đó vẫn không đổi. Do đó công thức ban
đầu có thể dùng cho cả hai trường hợp biến thành phần có bản chất càng thấp càng
tốt và ngược lại.
Một số ngưỡng nợ công dùng để tính toán được tham khảo từ phương pháp
DSF của IMF. Trong trường hợp IMF không công bố ngưỡng nợ công thì ngưỡng
nợ công sẽ được lấy từ nghiên cứu của các tổ chức khác như WB, EU...hoặc lấy từ
các nghiên cứu liên quan đến ngưỡng nợ công và cuối cùng là trần nợ công được
quy định trong luật của các quốc gia.
Mẫu số của phân số thể hiện khoảng biến thiên thường thấy của biến thành
phần từ giá trị tốt nhất đến giá trị ngưỡng (hoặc ngược lại). Tử số thể hiện mức độ
gần gũi của giá trị hiện tại biến thành phần của quốc gia với giá trị ngưỡng (giá trị
mà nếu bị vượt qua sẽ làm suy giảm NCBV rất nhiều).
Trong trường hợp thông thường khi giá trị của chỉ số thành phần là dương thì
chỉ số tổng hợp sẽ có giá trị từ 0 đến 1. Chỉ số có giá trị càng gần 1 cho thấy chỉ số
thành phần hiện tại của quốc gia đang rất gần giá trị tốt nhất, ngược lại chỉ số này có
giá trị càng gần 0 cho thấy chỉ số thành phần hiện tại của quốc gia đang rất gần giá
trị ngưỡng, mà nếu vượt quá rất có thể sẽ gây nên khủng hoảng nợ công. Nói cách
74

khác giá trị của chỉ số thành phần càng lớn (trong điều kiện các yếu tố khác không
đổi) thì cho thấy mức độ NCBV của quốc gia càng cao.
Trong trường hợp giá trị hiện tại của quốc gia lớn hơn giá trị ngưỡng/chuẩn thì
chỉ số thành phần sẽ có giá trị âm. Giá trị âm của chỉ số thành phần cho thấy đóng
góp tiêu cực của chỉ số thành phần này vào chỉ số tổng hợp đánh giá mức độ
NCBV.
Bước 4: Tính toán chỉ số tổng hợp phản ánh mức độ NCBV (DSI - debt
sustainability index):
t
DSI =∑ CV i/t
i=1

trong đó DSI là chỉ số tổng hợp phản ánh mức độ bền vững của nợ công, t là số
lượng chỉ số thành phần (biến thành phần) dùng để tính DSI.
Ở đây tác giả sử dụng cách tính chỉ số tổng hợp theo trung bình cộng giản đơn
(coi các chỉ số thành phần có trọng số như nhau). Cách tính này được lựa chọn bởi
vì: i) như đã trình bày trong chương đầu tiên NCBV là một khái niệm tổng hợp mà
để đo lường nó phụ thuộc vào nhiều biến thành phần và các biến thành phần này có
tác động bù trừ lẫn nhau. Nhật Bản tuy có nợ công/GDP cao tức là thành phần quy
mô nợ công đóng góp không tốt vào bền vững nợ công tổng thể nhưng lãi suất trái
phiếu của Nhật Bản lại thấp, cơ cấu nợ chủ yếu do chủ thể trong nước nắm giữ.
Những thành phần này ngược lại lại đóng góp tốt vào bền vững nợ công của Nhật
Bản, dẫn đến sự bù trừ lẫn nhau và cho đến nay nợ công của Nhật Bản vẫn được coi
là an toàn ii) có thể có những chỉ số thành phần có giá trị bằng 0 hoặc âm nên
không thể áp dụng cách tính trung bình nhân.
Lưu ý rằng vì chỉ số thành phần có thể âm nên DSI cũng có thể âm theo nếu
như chỉ số thành phần âm đủ lớn lấn át hết những chỉ số thành phần dương còn lại
(thay vì việc chỉ biến thiên từ 0 đến 1). DSI âm chính là một cảnh báo rõ ràng cho
việc quốc gia hiện tại có khả năng cao rơi vào tình trạng vỡ nợ vì đã có một hoặc
vài tiêu chí vượt rất xa giá trị ngưỡng. Ngoài ra để tính DSI với các trọng số thành
phần khác nhau đòi hỏi phải tiến hành mô hình hồi quy rất phức tạp ứng với từng
nhóm nước, thậm chí ngay cả trong một quốc gia nhưng ở các thời kỳ khác nhau thì
vai trò của các thành phần tác động lên tổng thể cũng khác nhau. Do đó để đơn giản
hóa trong việc tính toán và tránh trường hợp chỉ số thành phần có giá trị bằng 0, tác
giả chọn cách tính trung bình cộng giản đơn như ở trên. Sajeva và cộng sự (2005)
cũng chứng minh được rằng việc dùng các cách tính toán chỉ số tổng hợp khác nhau
không làm thay đổi tương quan giá trị của chỉ số này khi so sánh các nước.
75

Sau khi có kết quả tính toán DSI cuối cùng của các quốc gia, chúng ta có thể
phân chia nhóm các quốc gia theo 3 mức: NCBV cao, NCBV trung bình và NCBV
yếu. Ngoài ra nếu số liệu cho phép, chúng ta cũng có thể xác định mức DSI nhỏ
nhất (mức cảnh báo) mà nếu nhỏ hơn mức này thì quốc gia nhiều khả năng rơi vào
tình trạng vỡ nợ.
Dựa trên những biến được sử dụng trong khung DSF của IMF và trong
phương pháp cây nhị phân của Manasse và Roubini (2005), bảy chỉ số thành phần
sau đây được lựa chọn:
- CV1: Chênh lệch giữa tốc độ tăng trưởng và lãi suất thực (tiêu chuẩn IRGD).
Để tính CV1, chúng ta lấy dữ liệu về tốc độ tăng trưởng trừ đi dữ liệu về lãi suất
thực của quốc gia qua từng năm trong giai đoạn 2000 - 2018. Dựa trên lý thuyết thì
CV1 có giá trị càng cao càng tốt như vậy giá trị tốt nhất của chỉ số thành phần này
là giá trị max trong nhóm nước trong cả giai đoạn 2000 - 2018, giá trị ngưỡng sẽ là
một con số nhỏ hơn.
- CV2: Cán cân ngân sách. Kết quả âm là thâm hụt mà dương là thặng dư. Dựa
trên lý thuyết thì CV2 có giá trị càng cao càng tốt, như vậy giá trị tốt nhất của chỉ số
thành phần này là giá trị max trong nhóm nước trong cả giai đoạn 2000 - 2018, giá
trị ngưỡng sẽ là một con số nhỏ hơn.
- CV3: Nợ công/GDP: Để tính CV2, chúng ta lấy giá trị hiện tại của nợ công
chia cho giá trị hiện tại của GDP ở cùng một quốc gia qua từng năm trong giai đoạn
2000 - 2018. Việc lấy giá trị hiện tại hay giá trị theo năm gốc không quan trọng vì
kết quả cuối cùng của phép tính chia sẽ không bị ảnh hưởng. Dựa trên lý thuyết thì
CV3 có giá trị càng thấp càng tốt, như vậy giá trị tốt nhất của chỉ số thành phần này
là giá trị min trong nhóm nước trong cả giai đoạn 2000 - 2018, giá trị ngưỡng sẽ là
một con số lớn hơn.
- CV4: Phần nợ nước ngoài của nợ công/GDP. Để tính CV4, chúng ta lấy giá
trị hiện tại của phần nợ nước ngoài trong nợ công chia cho giá trị hiện tại của GDP.
Việc lấy giá trị hiện tại hay giá trị theo năm gốc không quan trọng vì kết quả cuối
cùng của phép tính chia sẽ không bị ảnh hưởng. Dựa trên lý thuyết thì CV4 có giá
trị càng thấp càng tốt, như vậy giá trị tốt nhất của chỉ số thành phần này là giá trị
min trong nhóm nước trong cả giai đoạn 2000 - 2018, giá trị ngưỡng sẽ là một con
số lớn hơn.
- CV5: Phần nợ nước ngoài của nợ công/Xuất khẩu. Để tính CV5 chúng ta lấy
giá trị hiện tại của phần nợ nước ngoài trong nợ công chia cho giá trị hiện tại của
xuất khẩu. Việc lấy giá trị hiện tại hay giá trị theo năm gốc không quan trọng vì kết
76

quả cuối cùng của phép tính chia sẽ không bị ảnh hưởng. Dựa trên lý thuyết thì CV5
có giá trị càng thấp càng tốt, như vậy giá trị tốt nhất của chỉ số thành phần này là giá
trị min trong nhóm nước trong cả giai đoạn 2000 - 2018, giá trị ngưỡng sẽ là một
con số lớn hơn.
- CV6: Phần nợ nước ngoài phải trả của nợ công/Doanh thu thuế. Để tính
CV6 chúng ta lấy giá trị hiện tại của phần nợ công nước ngoài phải trả chia cho giá
trị hiện tại của doanh thu thuế của chính phủ. Việc lấy giá trị hiện tại hay giá trị theo
năm gốc không quan trọng vì kết quả cuối cùng của phép tính chia sẽ không bị ảnh
hưởng. Dựa trên lý thuyết thì CV6 có giá trị càng thấp càng tốt, như vậy giá trị tốt
nhất của chỉ số thành phần này là giá trị min trong nhóm nước trong cả giai đoạn
2000 - 2018, giá trị ngưỡng sẽ là một con số lớn hơn.
- CV7: Phần nợ nước ngoài phải trả của nợ công/Xuất khẩu. Để tính CV7
chúng ta lấy giá trị hiện tại của phần nợ công nước ngoài phải trả chia cho giá trị
hiện tại của xuất khẩu. Việc lấy giá trị hiện tại hay giá trị theo năm gốc không quan
trọng vì kết quả cuối cùng của phép tính chia sẽ không bị ảnh hưởng. Dựa trên lý
thuyết thì CV7 có giá trị càng thấp càng tốt, như vậy giá trị tốt nhất của chỉ số thành
phần này là giá trị min trong nhóm nước trong cả giai đoạn 2000 - 2018, giá trị
ngưỡng sẽ là một con số lớn hơn.
Trong 7 chỉ số thì 3 chỉ số đầu tiên thể hiện khả năng trả nợ trong khi 4 chỉ số
tiếp theo thể hiện tính thanh khoản của nợ công. Đây cũng chỉ là 4 chỉ số thành
phần liên quan đến thành phần nợ nước ngoài trong nợ công.
7
Như vậy công thức tính toán chỉ số DSI sẽ trở thành DSI =∑ CV i/7
i=1

Sau khi lựa chọn và thu thập được số liệu của các chỉ số thành phần, để hoàn
thành tính toán DSI của quốc gia chúng ta phải phải xác định giá trị tốt nhất và giá
trị ngưỡng hay còn gọi là ngưỡng nợ công ứng với mỗi chỉ số thành phần.
Đối với giá trị tốt nhất, trong mỗi một năm các quốc gia sẽ có số liệu liên quan
đến hiệu số giữa tốc độ tăng trưởng và lãi suất thực tế (CV1), cán cân ngân sách
(CV2), tỷ lệ nợ công/GDP (CV3), phần nợ công nước ngoài/GDP (CV4), phần nợ
công nước ngoài/xuất khẩu (CV5), phần nợ nước ngoài phải trả của nợ công/doanh
thu thuế (CV6) và phần nợ nước ngoài phải trả của nợ công/xuất khẩu (CV7). Tập
hợp từng mảng số liệu của từng nước cho thời kỳ 2000 - 2018 chúng ta sẽ tìm được
giá trị tốt nhất là giá trị nhỏ nhất ở CV3, CV4, CV5, CV6, CV7 và tìm được giá trị
tốt nhất là giá trị lón nhất ở CV1 và CV2 theo từng nhóm quốc gia phân loại theo
thu nhập.
77

Đối với giá trị ngưỡng, ngưỡng nợ công được công bố một cách đầy đủ và có
hệ thống là ngưỡng nợ công được áp dụng cho các nước LIC do IMF tính toán.
Trong công bố của mình IMF tính toán giá trị hiện tại ròng của các tiêu chí nợ công
NPV rồi so sánh với GDP, IMF cũng phân loại của nước LIC ra thành ba nhóm dựa
trên chất lượng chính sách công được đánh giá theo chỉ số CPIA với quy tắc nhóm
có khả năng quản trị tôt (thường là nền kinh tế phát triển hơn) sẽ có ngưỡng nợ công
cao hơn. Luận án cũng sẽ dựa trên quy tắc này để tìm kiểm ngưỡng nợ công tương
ứng cho bốn nhóm nước, nước có thu nhập cao thì sẽ có ngưỡng nợ công cao hơn.
Ngoài ra, không phải tất cả các nghiên cứu của tổ chức, cá nhân về ngưỡng nợ công
đều tính toán giá trị NPV. Arnone và đồng nghiệp (2006) đã chỉ ra rằng sử dụng
luôn giá trị tổng của một tiêu chí nợ công nào đó tuy không chính xác bằng nhưng
còn chặt chẽ hơn cả việc sử dụng giá trị NPV. Lý do là bởi NPV sẽ chiết khấu
những khoản nợ phải trả trong tương lai về giá trị hiện tại và điều đó sẽ làm nhỏ đi
giá trị khoản nợ này, trong khi đó khi tính tổng nợ thì giá trị khoản nợ trong tương
lai vẫn được giữ nguyên. Do đó trong khi tính toán chỉ số, tác giả sẽ sử dụng trực
tiếp giá trị vốn có của các số liệu liên quan đến nợ công ở các quốc gia.
Trong trường hợp không thể tìm được ngưỡng nợ công cho nhóm nước tương
ứng từ nghiên cứu của IMF và các nghiên cứu quốc tế thì quy tắc lấy ngưỡng nợ
công thay thế sẽ là lấy ngưỡng nợ công của nhóm nước có thu nhập thấp hơn liền kề
với một số điều chỉnh, nếu không thể tìm được ngưỡng nợ công thay thế theo cách
trên thì sẽ lấy ngưỡng nợ công theo quy tắc trần nợ công được nhiều nước trong
nhóm quy định.
78

Bảng 3.1: Tổng hợp các ngưỡng nợ cho các nhóm nước giai đoạn 2000 - 2018
Giá trị
Giá trị Giá trị Giá trị Giá trị Giá trị Giá trị
Giá trị tốt
ngưỡng tốt nhất ngưỡng (%) tốt nhất tốt nhất ngưỡng
ngưỡng (%) nhất
(%) (%) (%) (%) (%)
(%)
CV1 -5,9 23,673 -2,88 27,746 -1,2 47,030 0 63,836
(ECB, (IMF, 2010) (IMF, 2010) (theo tiêu
2014) chuẩn cổ
điển
IRGD)
Nhóm Nhóm
CV2 Nhóm -9,61% 18,633 các -3,9% 12,501 các -3,69% 36,411 Nhóm -3,5% 31
các (EC, 2020) quốc (Manasse, quốc (Manasse, các (Sethi &
quốc gia có 2007) gia có 2007) quốc cộng sự,
gia có thu thu gia có 2020)
CV3 thu 85% 0 nhập 70% 3,879 nhập 60% 7.1 thu 49% 8,4
nhập (Cecchetti trung (IMF, 2017c) trung (quy tắc tài nhập (IMF&WB
cao & cộng sự, bình bình khóa ở rất thấp , 2020)
(HI) 2011) cao thấp nhiều các quốc (LI)
(UMI) (LMI) gia đang phát
triển như
Indonesia, Việt
Nam…)
CV4 na na 50% (WB, 0,524 40% 1,158 30% 5,746
79

2009) (WB, 2009; (WB, 2009;


IMF&WB, IMF&WB,
2012) 2012)
CV5 na na 200% 0,040 150% 3,903 100% 5,541
(WB, 2009; (WB, 2009; (WB, 2009;
IMF&WB, IMF&WB, IMF&WB,
2012) 2012) 2012)
CV6 na na 35% 30% 0 25% 0
(WB, 2009; 0,255 (WB, 2009; (WB, 2009;
IMF&WB, IMF&WB, IMF&WB,
2012) 2012) 2012)
CV7 na na 25% 0,218 20% 0 15% 0
(WB, 2009; (WB, 2009; (WB, 2009;
IMF&WB, IMF&WB, IMF&WB,
2012) 2012) 2012)
Ghi chú: n/a: không có giá trị. CV4 đến CV7 của nhóm nước thu nhập cao không có giá trị do các nước thu nhập
cao là những nước cho nước khác vay thay vì phải đi vay nợ nước ngoài

Nguồn: Tổng hợp của tác giả


80

Một điều đặc biệt khi tính toán DSI ở các nước HI thì các số liệu liên quan đến
CV4 đến CV7 là không có. Điều này được lý giải là do các nước HI thông thường là
các nước cung cấp các khoản vay cho chính phủ các nước có thu nhập thấp hơn cho
nên phần nợ công nước ngoài và nợ công nước ngoài phải trả trong ngắn hạn gần
như không có. Nói cách khác đây cũng là trạng thái tốt nhất mà các chỉ số thành
phần từ CV4 đến CV7 có thể đạt đến. Vì thế khi tính toán DSI cho các nước HI
trong giai đoạn 2000 - 2018, giá trị từ CV4 đến CV7 được mặc định là 1. Như vậy,
kết quả tính DSI cuối cùng của nhóm này có thể so sánh với kết quả của nhóm các
nước khác, khi tất cả các nước đều có 7 chỉ số thành phần trong tính toán DSI.
Bước 5: bước cuối cùng kiểm tra lại kết quả tính toán DSI có phù hợp với các
báo cáo về nợ công hàng năm của IMF theo khoản 4 điều khoản thành lập IMF cho
từng quốc gia hay không. Ngoài ra tác giả cũng kiểm tra chéo với các nghiên cứu
trong nước và quốc tế về tình trạng nợ công quốc gia để xem xét sự thống nhất.
DSI sau khi tính toán có thể được sử dụng để i) theo dõi biến động về mức độ
NCBV của một quốc gia qua các năm để thấy xu thế nợ công của quốc gia đó gần
đây là như thế nào ii) so sánh mức độ NCBV của các quốc gia với nhau (có thể làm
một bảng xếp hạng từ đó). Từ hai cách sử dụng cơ bản này chính phủ các nước có
thể sử dụng DSI để đưa ra chính sách củng cố NCBV một cách chi tiết tới các thành
phần; các nhóm quốc gia định thành lập liên minh tài chính có thể sử dụng để làm
tiêu chuẩn khi kết nạp các thành viên hoặc phạt các thành viên vi phạm quy tắc
NCBV. Ngoài ra đối với giới nghiên cứu, DSI sẽ giúp cụ thể hóa mức độ bền vững
nợ công thành con số từ đó các nghiên cứu định lượng với mô hình hồi quy có thể
dễ dàng xử lý các mối quan hệ giữa DSI với các biến vĩ mô khác trong nền kinh tế
cũng như xác nhận tác động của DSI đến nền kinh tế một cách rõ ràng hơn.
Trên thực tế IMF (2017d) hiện cũng đang có ý tưởng áp dụng phương pháp
chỉ số vào trong đánh giá NCBV. Trước năm 2017, IMF sử dụng chỉ số CPIA để
phân loại các quốc gia theo chất lượng thể chế từ tốt đến trung bình và yếu. Tương
ứng với chất lượng thể chế này là các ngưỡng nợ công từ cao đến thấp. Từ năm
2017, IMF nhận thấy rằng cần phải tính toán một chỉ số mới phản ánh không chỉ
chất lượng thể chế, yếu tố gián tiếp cho thấy năng lực trả nợ mà còn có cả các yếu
tố khác nữa như dự trữ ngoại hối, kiều hối gửi về hàng năm, độ mở của nền kinh tế,
những yếu tố trực tiếp cho thấy năng lực trả nợ. Chỉ số mới này được gọi là
Composite Index - CI, chỉ số này càng cao thì năng lực trả nợ của quốc gia càng
lớn, tương ứng với đó là ngưỡng nợ công càng cao. Tuy vẫn đang dùng CI để xác
định các ngưỡng nợ công tương ứng cho từng nhóm quốc gia nhưng đây hứa hẹn là
81

chỉ số có thể dần dần phản ánh được mức độ NCBV một cách độc lập nếu được tính
toán thêm nhiều yếu tố. Cũng liên quan đến chủ đề bền vững, trong lĩnh vực kinh tế
phát triển, tại Việt Nam đã có những tác giả sử dụng phương pháp chuẩn hóa min -
max để xây dựng chỉ số phát triển vùng/địa phương bền vững (Thu, 2013; Nhung,
2019). Điều này cho thấy sự tương thích của phương pháp chỉ số với cách thức
chuẩn hóa min - max khi lượng hóa các chủ thể có tính bền vững. Ngoài ra, có một
chỉ số tổng hợp cũng sử dụng phương pháp chuẩn hóa min - max ở trên với số liệu
hoàn toàn là các số liệu vĩ mô giống như nguồn số liệu của DSI, đó là chỉ số bất ổn
vĩ mô MII (macroeconomic instability index). Chỉ số này được phát triển bởi
Ishiman và cộng sự (2002) và được sử dụng tương đối rộng rãi trong các nghiên cứu
tổng quan về nền kinh tế trong đó có Việt Nam (Dao, 2013; Tuy, 2019).
Sau đây là một ví dụ minh họa sử dụng phương pháp chỉ số để tính toán DSI
Giả sử có 3 quốc gia là X, Y, Z. Đây là 3 quốc gia cùng một nhóm nước có số
liệu về 3 tiêu chí nợ công: nợ công/GDP, cán cân ngân sách, nợ công nước ngoài
phải trả/Xuất khẩu. Bảng dưới đây là số liệu chi tiết trong 3 năm của 3 quốc gia kể
trên.
Bảng 3.2: Số liệu giả định cho 3 quốc gia X, Y, Z trong vòng 3 năm
Năm 1 Năm 2 Năm 3
Nợ Cán Nợ Nợ Cán Nợ Nợ Cán Nợ
công/GDP cân công công/GDP cân công công/GDP cân công
Quốc
ngân nước ngân nước ngân nước
gia
sách ngoài sách ngoài sách ngoài
phải phải phải
trả/XK trả/XK trả/XK
X 60% -5% 30% 70% -4% 35% 75% -5% 40%
Y 50% -2% 25% 60% -3% 30% 55% -4% 30%
Z 40% -3% 20% 45% -5% 20% 50% -4% 25%
Ghi chú: Đối với ba biến số nợ công/GDP, cán cân ngân sách, nợ công nước
ngoài phải trả/XK, giá trị ngưỡng giả sử lần lượt là 60%, -3%, 30%; giá trị tốt nhất
giả sử lần lượt là 30%, 0%, 5%. Giá trị ngưỡng và giá trị tốt nhất được giả định
ứng với nhóm nước mà 3 quốc gia trên là thành viên trong khoảng thời gian từ năm
1 đến năm 3
Nguồn: Số liệu giả định của tác giả
Gọi chỉ số thành phần tính toán từ nợ công/GDP là CV1; chỉ số thành phần
tính toán từ cán cân ngân sách là CV2 và chỉ số thành phần tính toán từ nợ công
82

nước ngoài phải trả/XK là CV3. Công thức tính toán chỉ số hành phần dành cho ba
chỉ số thành phần là: (giá trị ngưỡng - giá trị hiện tại)/(giá trị ngưỡng trừ - giá trị tốt
nhất). Sau đây là kết quả khi áp dụng công thức ở bước 3 và bước 4:
Bảng 3.3: Kết quả DSI của quốc gia X, Y, Z trong vòng 3 năm
Năm 1 Năm 2 Năm 3
CV1 CV2 CV3 DSI CV1 CV2 CV3 DSI CV1 CV2 CV3 DSI
X 0 -0,67 0 -0,22 -0,33 -0,33 -0,20 -0,29 -0,50 -0,67 -0,40 -0,52
Y 0,33 0,33 0,20 0,29 0 0 0 0 0,17 -0,33 0 -0,06
Z 0,67 0 0,40 0,36 0,50 -0,67 0,40 0,08 0,33 -0,33 0,20 0,07
Nguồn: Theo tính toán của tác giả dựa trên số liệu giả định
Trước hết, có thể thấy xu hướng chung DSI giảm ở cả 3 quốc gia vì các tiêu
chí thành phần đều có xu hướng tăng trong giai đoạn tính toán. Cụ thể, tiêu chí nợ
công/GDP ở quốc gia X tăng từ 60% lên 75%, Y tăng từ 50% lên 55%, Z tăng từ
40% lên 50%. Tương tự với tiêu chí nợ công nước ngoài phải trả trên xuất khẩu, cả
3 quốc gia đều chứng kiến mức gia tăng đáng kể trong đó quốc gia X tăng từ 30%
lên 40%, quốc gia Y tăng từ 25% lên 30%, quốc gia Z tăng từ 20 lên 25%. Cuối
cùng tiêu chí cán cân ngân sách nhìn dưới dạng thâm hụt cũng tăng, từ 3% ở quốc
gia Z lên 4%, từ 2% ở quốc gia Y lên 4%, chỉ duy nhất có quốc gia X thì tiêu chí
này lại giữ nguyên 5% trong cùng thời kỳ. Và như đã biết khi ba tiêu chí này tăng
lên thì nợ công càng gia tăng rủi ro về quy mô lẫn tính thanh khoản, nói một cách
khác mức độ NCBV sẽ giảm.
Nếu sử dụng các phương pháp như cây nhị phân hoặc khung đánh giá DSF
của IMF thì chúng ta cũng có thể rút ra kết luận tương tự tuy nhiên gần như không
thể so sánh mức độ bền vững nợ công của nước Y và Z trong năm 1 và năm 2.
Trong hai năm này, Y và Z đều có các tiêu chí về mặt mức độ lớn hơn (không bền
vững bằng) và nhỏ hơn (bền vững hơn) một cách lần lượt. Chẳng hạn xét về quy mô
nợ công trong năm 1 nợ công/GDP của Y lớn hơn Z, nhưng thâm hụt ngân sách của
Y lại nhỏ hơn Z. Vậy xét về mặt tổng thể rất khó biết quốc gia nào đang có mức độ
bền vững nợ công tốt hơn. Nhưng nếu dùng phương pháp chỉ số hóa thì chúng ta có
thể thấy mức độ bền vững nợ công của Z luôn tốt hơn Y do DSI của Z luôn có điểm
số cao hơn Y.
Trong 3 quốc gia, khả năng X dễ rơi vào khủng hoảng nợ công vì DSI bị âm
tương đối nhiều ở năm 3, điều đó cho thấy X đang có nhiều chỉ số thành phần có giá
trị hiện tại vượt ngưỡng nên có giá trị âm. X có DSI càng âm nhiều thì nguy cơ rơi
83

vào khủng hoảng nợ công.


Khi áp dụng công thức gốc của chuẩn hóa min - max cho bộ số liệu kể trên kết
quả DSI năm thứ nhất của 3 nước X, Y, Z lần lượt là 0, 2/3, 8/9; năm thứ hai là
0,16, 0,567, 0,667; năm thứ ba là 0, 0,82, 1. Tuy xu hướng giống với DSI tính theo
ngưỡng nợ và giá trị tốt nhất nhưng chỉ số tính theo công thức gốc hoàn toàn không
có giá trị âm, trong khi đó đây là điều cần thiết phải có đối với những nước có giá
trị biến thành phần vượt giá trị ngưỡng.
3.2 Mô hình ước lượng mối quan hệ giữa nợ công bền vững và tăng trưởng
kinh tế
3.2.1 Mô hình VAR
Kế thừa phương pháp nghiên cứu của Lof và Malinen (2014), tác giả quyết
định chọn mô hình VAR để ước lượng mối quan hệ giữa NCBV và TTKT.
Sims (1980) lần đầu tiên đề xuất mô hình VAR (Vector Autoregression) - mô
hình vector tự hồi quy. Mô hình VAR là một mô hình kinh tế lượng dùng để xem
xét động thái và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa một số biến theo thời gian. Trong mô
hình, mỗi biến số được giải thích bằng một phương trình chứa các giá trị trễ của
chính biến số đó và các giá trị trễ của các biến số khác. Về bản chất, VAR là sự kết
hợp của hai phương pháp: tự hồi quy đơn chiều (univariate autoregression - AR) và
hệ phương trình đồng thời (simultaneous equations - SEs). Do là sự kết hợp giữa hai
phương pháp nên VAR có được những ưu điểm của cả hai, đó là: rất dễ ước lượng
bằng phương pháp bình phương nhỏ nhất (OLS) và ước lượng nhiều biến trong
cùng một hệ thống. Ưu điểm khác rất tốt của VAR đó là VAR khắc phục được
những nhược điểm của SEs khi không tính đến quan hệ nội sinh của các biến kinh
tế, nghĩa là các biến kinh tế thường tác động qua lại lẫn nhau. Chẳng hạn như ngay
trong đề tài của luận án, NCBV tác động lên TTKT và ngược lại TTKT cũng tác
động lên bền vững nợ công. Không xét tới đặc tính này khiến cho phương pháp hồi
quy cổ điển như OLS sai lệch khi ước lượng do chỉ dùng một phương trình hồi quy.
Đây cũng là những lý do cơ bản nhất khiến VAR trở nên phổ biến trong nghiên cứu
kinh tế vĩ mô. Mô hình VAR với p độ trễ có dạng như sau:
Y t = A0 + A1 Y t −1 + A2 Y t −2 +…+ A p Y t− p + B∗X t + ε t
trong đó:

[]
Y 1t
Y t = Y 2 t là ma trận cột cấp m, có cùng bậc đồng tích hợp; cấp m ở đây

Y mt
84

tương ứng với m biến chuỗi thời gian dừng. Một chuỗi thời gian được gọi là có tính
dừng nếu trung bình, phương sai và hiệp phương sai của chuỗi không thay đổi theo
thời gian. Chúng ta chỉ có thể mô hình hóa chuỗi số nếu nó độc lập với thời gian (có
tính dừng), hay các thuộc tính thống kê của nó là không thay đổi theo thời gian.
Y t −ilà giá trị của biến Y với độ trễ i thời kỳ

Hệ số gắn với mỗi biến trễ Y : Ai

[]
X1t
X
X t = 2 t là ma trận cột cấp q của các biến ngoại sinh

X qt

B là ma trận tham số cấp m*q

[]
ε1 t
ε
ε t= 2 t là cột cấp m của véc tơ nhiễu trắng hay chính là phần dư của mô

ε mt

hình; các nhiễu trắng này đồng thời phải thỏa mãn các điều kiện : kì vọng trung
bình bằng 0, phương sai không đổi và hiệp phương sai bằng 0. Nếu điều kiện này
được đảm bảo thì có nghĩa các nhiễu trắng không có tự tương quan và giá trị nhiễu
trắng quá khứ không có giá trị dự báo. Nếu nhiễu trắng có tự tương quan thì có
nghĩa vẫn còn những thông tin ẩn trong nhiễu trắng có thể phục vụ cho dự báo để
cải thiện mô hình, nói cách khác mô hình hiện tại có thể đang bỏ sót biến
Do dữ liệu trong luận án là dạng dữ liệu bảng (19 quan sát cho mỗi một quốc
gia trong tổng mẫu 151 quốc gia thời kỳ 2000 - 2018) nên mô hình VAR của luận
án là mô hình VAR chạy dữ liệu bảng PVAR. Về cơ bản PVAR có cấu trúc tương
tự giống một mô hình VAR thông thường theo nghĩa là tất cả các biến được coi là
nội sinh và phụ thuộc lẫn nhau (Canova, 2013). Điểm khác duy nhất đối với VAR
đó là PVAR có thêm yếu tố dữ liệu chéo. Do đó, có coi Y t là phiên bản xếp chồng
của các Y ¿ cho mỗi đơn vị với i=1 , N (N đối tượng trong dữ liệu bảng). Phương
trình PVAR được biểu diễn như sau:
Y ¿ = Ai 0 + Ai 1 Y i(t−1) + Ai 2 Y i(t−2) + …+ A ip Y i (t− p) + B∗X ¿ + ε i t

Mô hình PVAR kế thừa những ưu điểm của VAR, ngoài ra có sự mở rộng mẫu
nghiên cứu theo chiều dữ liệu chéo đơn vị, phần nào khắc phục được yếu tố số quan
sát hạn chế trong mô hình VAR. Tuy nhiên, theo Baltagi (2007) dữ liệu bảng liên hệ
các cá nhân, doanh nghiệp, quốc gia, v.v. theo thời gian nên tính không đồng nhất
giữa các đơn vị là không thể tránh khỏi. Các kỹ thuật được ước lượng dựa trên dữ
85

liệu bảng có thể tính đến tính không đồng nhất đó bằng cách sử dụng biến giả thể
hiện sự khác biệt giữa các đơn vị. Nhìn chung, sử dụng dữ liệu bảng trong VAR sẽ
cho nhiều thông tin hữu ích hơn, tính biến thiên nhiều hơn, ít hiện tượng đa cộng
tuyến giữa các biến hơn, nhiều bậc tự do hơn và hiệu quả cao hơn.
Về hạn chế của mô hình VAR, theo Granger và Newbold (1974), các phương
trình hồi quy theo chuỗi thời gian mà các chuỗi dữ liệu không dừng thì kết quả hồi
quy sẽ không chính xác hay còn gọi là hồi quy giả mạo. Do đó khi ước lượng bằng
mô hình VAR, các biến trong mô hình cần phải dừng, nếu chưa dừng thì phải biến
đổi sao cho biến là chuỗi dừng. Nếu lấy sai phân để biến đổi thành chuỗi dừng thì
theo Sims, Stock và Watson (1990) việc này có thể đã loại bỏ các thông tin liên
quan đến dữ liệu khiến cho ước lượng trong dài hạn bằng mô hình VAR không còn
chính xác. Do đó, để đảm bảo các mối tương quan dài hạn được xem xét đến, người
ta thường kiểm định mô hình VECM (Vector Error Correction Model), mô hình
hiệu chỉnh sai số dạng véc tơ để kiểm định liệu có tồn tại quan hệ đồng tích hợp
giữa các biến hay không, từ đó suy ra mối quan hệ giữa các biến.
Ngoài ra nếu số biến và độ trễ tăng lên thì mô hình VAR đòi hỏi số lượng
quan sát rất lớn để đảm bảo hồi quy một lượng hệ số lớn tương ứng. Chẳng hạn, với
mô hình VAR có m phương trình với n giá trị trễ của m biến, phải ước lượng tất cả:
m+n.m2 hệ số. Hơn nữa độ trễ càng dài sẽ khiến bậc tự do giảm, ảnh hưởng đến chất
lượng các ước lượng, kết quả các hệ số nhiều khi khó giải thích. Vì lý do này, ước
lượng bằng mô hình VAR cuối cùng thường xem xét hàm phản ứng đẩy (IRF -
impulse respond function) và phân rã phương sai để xác định được phản ứng của
biến phụ thuộc trong mô hình VAR đối với các cú sốc của chính nó và các biến độc
lập. Mô hình PVAR cũng có những hạn chế nói trên. Ngoài ra về mặt thực hành mô
hình PVAR với những câu lệnh riêng chỉ có ở những phần mềm thống kê Stata,
Eviews phiên bản mới cập nhật, do đó việc chạy mô hình PVAR trên những phần
mềm thống kê phiên bản thấp sẽ khó khăn hơn.
3.2.2 Mô hình VECM
Nếu các biến không dừng ở mức level nhưng lại dừng ở sai phân bậc một hoặc
bậc hai, kiểm tra thấy có liên kết đồng tích hợp thì ước lượng mô hình VECM phù
hợp hơn mô hình VAR. Một sự kết hợp tuyến tính của hai chuỗi dữ liệu không dừng
thông thường sẽ được kỳ vọng là không dừng. Tuy nhiên, vì tính chất đặc biệt,
trong một số trường hợp nhất định, chúng ta kỳ vọng rằng chúng sẽ di chuyển cùng
nhau và do đó sự kết hợp của hai chuỗi này là dừng (phần dư trong mô hình hồi quy
giữa các chuỗi thời gian không dừng là một chuỗi dừng). Trong những trường hợp
86

như vậy, ta gọi hai chuỗi dữ liệu này có tính đồng liên kết và lúc này ước lượng mối
quan hệ giữa hai biến nên sử dụng mô hình VECM. Mô hình VECM được phát triển
từ mô hình VAR bằng cách đưa thêm thành phần hiệu chỉnh sai số (Δ) vào mô hình.
Vì được phát triển từ mô hình VAR nên mô hình VECM được xem là hệ các
phương trình hồi quy theo OLS giữa giá trị hiện tại của biến này (t) với giá trị quá
khứ của chính nó (t-1) và các biến khác trong mô hình kết hợp với phần hiệu chỉnh
sai số có được từ mối quan hệ đồng liên kết. Theo Gujarati (2009), mô hình VECM
được mô tả như sau:
p
ΔYt = A0 + A1ΔYt−1 + A2ΔYt−2 + ⋯ + ApΔYt−p + ∑ A i Δ Y t−i+ ε t
i=1

trong đó Yt là vectơ các biến cùng thời điểm t trong mô hình, Ai là các vectơ hệ số,
p

∑ A i ΔY t−i là phần hiệu chỉnh sai số ECM để đảm tính cân bằng trong dài hạn giữa
i=1

các biến của mô hình, ε t là vectơ nhiễu trắng


3.2.3 Quy trình ước lượng
Sau đây là các bước cụ thể để tiến hành ước lượng mối quan hệ giữa biến mức
độ NCBV DSI và biến tốc độ TTKT (g) thông qua mô hình VAR, VECM. Tùy vào
kết quả từng bước mô hình VAR hoặc VECM sẽ được lựa chọn
Bước 1: Kiểm định tính dừng
Kiểm định tính dừng của hai biến trong mô hình cụ thể ở đây là biến mức độ
NCBV DSI và tốc độ TTKT. Nếu hai chuỗi dừng ngay tại mức level (không lấy sai
phân) thì sử dụng mô hình VAR để đánh giá mối quan hệ giữa hai biến. Điều này có
nghĩa là các biến chỉ có mối quan hệ trong ngắn hạn. Nếu hai chuỗi không dừng ở
mức level mà lại dừng ở mức các mức sai phân bậc nhất hoặc bậc hai thì tiếp tục
thực hiện bước 2
Để kiểm định tính dừng của một biến chúng ta sẽ sử dụng kiểm định nghiệm
đơn vị (unit root test). Kiểm định này giúp chúng ta có thể kết luận chuỗi có tuân
theo bước ngẫu nhiên hay không, nếu là bước ngẫu nhiên chuỗi sẽ không dừng. Có
nhiều phương pháp kiểm định nghiệm đơn vị được đề xuất bởi Dickey và Fuller
(1979), Levin, Lin và Chu (2002), Baltagi (2008)… tuy nhiên tác giả sẽ lựa chọn
cách kiểm định nghiệm đơn vị của Dickey-Fuller.
Bước 2: Xác định độ trễ tối ưu của biến
Khi lựa chọn độ trễ cho mô hình, các phần mềm thống kế đầu tiên yêu cầu lựa
chọn một độ trễ tối đa có thể, sau đó thực hiện kiểm định loại bỏ độ trễ ở trên cho
đến khi nào đạt được độ trễ tối ưu. Lý do giải thích cho điều này là, theo lý thuyết,
87

khi hồi quy thì mọi biến được đưa vào mô hình đều nhằm tăng khả năng giải thích
của mô hình. Tuy nhiên, khi đó số tham số cần ước lượng trong hệ VAR cũng từ đó
mà tăng lên nhanh chóng. Cụ thể, việc đưa thêm một biến vào mô hình VAR (p) sẽ
làm cho số tham số cần ước lượng tăng thêm m*p (với m là số phương trình trong
hệ VAR, p là độ trễ). Về mặt nguyên tắc, các nhà kinh tế lượng đã xây dựng một số
chỉ tiêu nhằm tối ưu hóa sự đánh đổi này. Các tiêu chí và phương pháp khác nhau
dùng để xác định độ trễ tối ưu bao gồm: LR, FPE (final prediction error - sai số dự
báo cuối cùng), AIC (akaike information criterion), SIC (hay có thể viết là BIC -
Schwarz Bayesian information criterion), HQ (Hannan-Quinn information
criterion). Nguyên tắc để tìm ra độ trễ tối ưu là khi tính toán AIC, BIC với các độ
trễ p khác nhau thì độ trễ cho giá trị AIC và BIC nhỏ nhất sẽ được chọn. Thông
thường về mặt thực hành, độ trễ tối ưu được chọn là độ trễ có nhiều sao nhất (thỏa
mãn nhiều tiêu chí nhất) ở các tiêu chí kiểm định.
Bước 3: Xác định có tồn tại và nếu tồn tại thì có bao nhiêu số lượng đồng liên
kết dựa trên thời gian trễ tối ưu.
Ở bước này nếu không tồn tại đồng liên kết thì sử dụng mô hình VAR để đánh
giá mối quan hệ giữa hai biến. Nếu tồn tại đồng liên kết thì chuyển sang bước 4.
Phương pháp kiểm định đồng liên kết các chuỗi dữ liệu trong mô hình phổ
biến nhất là phương pháp Johansen. Kiểm định của Johansen là cách tiếp cận căn
bản nhằm kiểm định tính đồng liên kết giữa các biến trong một phương trình với giả
thuyết được đặt ra:
H0: Có nhiều nhất r mối quan hệ đồng liên kết (r = 0, 1, 2, …, k-1)
H1: Có K mối quan hệ đồng liên kết
Về mặt khái niệm, “đồng tích hợp” được dùng để chỉ trường hợp mà sự kết
hợp tuyến tính giữa các chuỗi không dừng sẽ cho ra chuỗi dừng. Cụ thể, nếu có một
mối liên kết giữa xu thế ngẫu nhiên của các biến không dừng thì các biến này có thể
dịch chuyển xa khỏi nhau trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn chúng sẽ hội tụ về
trạng thái cân bằng. Mối quan hệ cân bằng trong dài hạn giữa các biến khi đồng tích
hợp sẽ được xác lập
Bước 4: Trong trường hợp có đồng liên kết, sử dụng mô hình VECM để ước
lượng.
Bước 5: Kiểm định số dư từ các mô hình VECM.
Sử dụng các kiểm định LM cho tự tương quan, Heteroskaedasticity VEC cho
phần dư : bao gồm các thuật ngữ chéo và gốc nghịch đảo của các đa thức đặc trưng
AR để kiểm tra mô hình VECM về tính ổn định, tự tương quan còn lại và khả thi
88

Bước 6: Sử dụng kiểm định nhân quả Granger để xác định chiều của mối quan hệ
Nếu mối quan hệ hai chiều thì giữ nguyên kết quả khi chạy VAR hoặc VECM;
nếu mối quan hệ chỉ là 1 chiều thì phải chuyển biến là nguyên nhân từ nội sinh sang
ngoại sinh với độ trễ thích hợp nhưng không được vượt quá độ trễ tối ưu.
Kiểm định này lần đầu tiên được công bố bởi nhà kinh tế học người Anh Clive
Granger vào năm 1969, tồn tại trước khi mô hình VAR của Sims ra đời. Kiểm định
cho biết liệu có tồn tại mối quan hệ nhân quả hai chiều khẳng định sự tồn tại hiện
tượng nội sinh trong mô hình, tồn tại tương quan qua lại giữa các biến vĩ mô hay
không. Bản chất chính là cung cấp thông tin mô hình VAR có phù hợp hay không.
Theo Seth (2007), nhân quả Granger là một khái niệm thống kê về quan hệ
nhân quả dựa trên dự đoán. Theo quan hệ nhân quả Granger, nếu y 1 là nguyên nhân
Granger của y 2 thì các giá trị trong quá khứ của y 1 sẽ chứa thông tin giúp dự đoán
y 2 bên cạnh các giá trị quá khứ của y 2. Cụ thể, chúng ta xét hệ phương trình:
p p
Y 1=∑ A 11, j Y 1 ,t − j +¿ ∑ A 12 , j Y 2 ,t − j +¿ s1 t +u 1t (¿)¿ ¿
j=1 j=1

p p
Y 2=∑ A 21, j Y 1 ,t − j +¿ ∑ A22 , j Y 2 , t− j +¿ s2 t +u 2 t ¿ ¿¿
j=1 j=1

Với p là số trễ tối đa trong mô hình, ma trận A là ma trận hệ số, s1 t , s2 t là


vector các yếu tố xác định, u1 t , u2 t là vector các phần dư. Khi đó:
Nếu A12 khác vector không và có ý nghĩa thống kê nhưng A21 không có ý
nghĩa thì kết luận y 2 là nguyên nhân Granger của y 1 (quan hệ một chiều - uni-
directional causality). Tương tự, nếu A12 không có ý nghĩa thống kê, nhưng A21 có ý
nghĩa thống kê và khác vector không thì kết luận y 1 là nguyên nhân Granger của y 2.
Nếu cả A12 và A21 đều có ý nghĩa thống kê và khác vector không thì kết luận
y 1 và y 2 có quan hệ nhân quả qua lại với nhau (quan hệ hai chiều - bi-directional
causality).
Còn ngược lại, nếu cả A12 và A21 đều không có ý nghĩa thống kê thì kết luận y 1
và y 2 không có mối quan hệ nhân quả Granger.
Bước 7: Sử dụng hàm phản ứng (IRF) và phân rã phương sai (VDF) để đo
lường ảnh hưởng của biến nguyên nhân lên biến kết quả
Nếu ở bước 1 và bước 3 phải sử dụng mô hình VAR để ước lượng thì các
bước tiến hành mô hình VAR cụ thể như sau:
Bước 1: Xác định độ trễ tối ưu (có thể không phải làm lại bước này nếu trước
đó đã làm rồi)
89

Bước 2: Ước lượng mô hình VAR với độ trễ tối ưu


Bước 3: Kiểm định tính ổn định của mô hình
Lutkepohl (2005) và Hamilton và Susmel (1994) đều chỉ ra rằng mô hình VAR
là ổn định nếu như các nghiệm của phương trình đặc trưng thực sự nằm trong
đường tròn đơn vị. Tính ổn định là điều kiện cần để mô hình VAR có thể ước lượng
được. Nghiên cứu không thực hiện kiểm định về sự vi phạm các giả thiết về tính
phân phối chuẩn, phương sai của sai số như trong mô hình VECM vì mục tiêu chính
là phân tích mối liên hệ động, tác động lẫn nhau giữa các biến trong hệ thống hơn là
ước lượng tham số trong từng phương trình cụ thế. Vì thế, sự xuất hiện của những
khuyết tật này có hay không trong mô hình VAR không phải là yếu tố quyết định để
đánh giá tính xác thực của mối quan hệ giữa hai biến. Mối quan tâm lớn nhất là xem
xét mô hình có thật sự ổn định hay không. Việc mô hình ổn định là điều kiện để
đảm bảo mô hình có khả năng dự báo và phân tích chính xác các cú sốc kinh tế. Mô
hình được gọi là ổn định, nếu các nghiệm đặc trưng VAR đều nằm trong đường tròn
đơn vị, hay các giá trị tuyệt đối của chúng phải nhỏ hơn 1.
Bước 4: Kiểm định nhân quả Granger và điều chỉnh lại ước lượng VAR nếu
chỉ có một chiều tác động. Lúc này biến là nguyên nhân trở thành biến ngoại sinh
(biến độc lập), biến nội sinh chỉ còn lại biến độ trễ của biến phụ thuộc. Sau đó, diễn
giải kết quả có được.
Bước 5: Sau khi diễn giải kết quả, để nghiên cứu phản ứng của các chuỗi trước
các cú sốc thì luận án tiến hành xây dựng hàm phản ứng và phân rã phương sai
Các bước chạy mô hình nói trên đều được thực hiện trên phần mềm thống kê
Eviews 10.
90

Hình 3.2: Quy trình ước lượng VAR/VECM mối quan hệ giữa các biến
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
91

CHƯƠNG 4 MỐI QUAN HỆ GIỮA NỢ CÔNG BỀN VỮNG VÀ TĂNG


TRƯỞNG KINH TẾ
4.1 Phân tích mô tả mối quan hệ giữa nợ công bền vững và tăng trưởng kinh tế
4.1.1 Kết quả tính toán chỉ số nợ công bền vững (DSI)
Số liệu liên quan đến nợ công mà tác giả thu thập được trong giai đoạn 2000 -
2018 được lấy từ nguồn của IMF, WB. Đây là nguồn số liệu đầy đủ nhất từ năm
2000 bởi đây là thời điểm hai tổ chức tài chính lớn nhất trên thế giới này phối hợp
với nhau đưa ra khung đánh giá bền vững nợ trong đó có nợ công cho từng quốc gia
thành viên. Số liệu cụ thể được lựa chọn sao cho số lượng nước không có quan sát
trong giai đoạn 2000 - 2018 là ít nhất. Trong một số trường hợp do chính phủ các
nước chưa kịp báo cáo hoặc chưa báo cáo con số điều chỉnh thì những giá trị còn
thiếu này sẽ được lấy trực tiếp từ Báo cáo quốc gia tương ứng theo điều khoản IV
hiệp ước thành lập IMF về đánh giá tình hình nợ quốc gia được IMF công bố hàng
năm.
Về tổng thể có 151 quốc gia đủ số liệu để tính toán DSI trong giai đoạn 2000 -
2018 trong đó nhóm các nước có thu nhập cao (HI) có 39 quốc gia; nhóm các nước
có thu thập trung bình cao (UMI) có 38 quốc gia; nhóm các nước có thu nhập trung
bình thấp (LMI) có 47 quốc gia; nhóm các nước có thu nhập thấp (LI) có 27 quốc
gia. Như vậy nhóm HI chiếm 26%, nhóm thu nhập bình quân (UMI+LMI) chiếm
56%, nhóm LI chiếm 18%. Mỗi quốc gia có 19 quan sát với 151 quốc gia chúng ta
có tổng cộng 19*151 quan sát, trong đó HI có 19*39 quan sát, UMI có 19*38 quan
sát, LMI có 19*47 quan sát, LI có 19*27 quan sát.
Trong quá trình tính toán một quốc gia trong giai đoạn có thể sẽ thay đổi nhóm
nước do sự thay đổi trong thu nhập bình quân đầu người, khi có sự thay đổi như vậy
các tiêu chí về giá trị ngưỡng và giá trị tốt nhất cũng thay đổi theo tương ứng. Tuy
nhiên khi xếp nhóm cuối cùng các nước theo thu nhập để tính giá trị trung bình của
nhóm nước hoặc để chạy mô hình kinh tế lượng thì không thể lấy nhóm với các
quốc gia liên tục thay đổi vị trí nhóm của mình (hệ quả là thiếu quốc gia có đủ quan
sát liên tục trong giai đoạn 2000 - 2018). Do đó khi tính toán giá trị trung bình cho
một nhóm hoặc chạy mô hình kinh tế lượng cho một nhóm thì nguyên tắc sắp xếp
nhóm dựa trên thu nhập bình quân đầu người trung bình của quốc gia trong cả thời
kỳ 2000 - 2018. Cách phân loại tương tự cũng đã được áp dụng trong nghiên cứu
của Nielsen (2011), Felipe và cộng sự (2012), Andrianjaka (2017).
Từ kết quả tính toán DSI ở phạm vi thế giới, chúng ta có bảng xếp hạng top 10
các quốc gia có DSI tốt nhất trên thế giới giai đoạn 2000 - 2018 như sau:
92

Bảng 4.1: Top 10 quốc gia có DSI tốt nhất trên thế giới giai đoạn 2000 - 2018
2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007 2008 2009
1 BRN LUX LUX ARE BRN BRN BRN BRN SAU AZE
2 LUX NOR KOR BRN ARE ARE ARE ARE BRN KAZ
3 NOR EST EST EST EST SAU SAU CHL KAZ NOR
4 EST IRL AUS LUX CHL BWA CHL EST BHR NGA
5 IRL BHS IRL AUS LUX EST BWA LUX ARE KOR
6 BLR AUS NOR BHR BHR CHL EST LVA CHL NZL
7 ARE KOR NZL KOR AUS BHR LUX SAU NOR SAU
8 BHS BRN BHS NZL IRL LVA LVA KAZ LTU AUS
9 FIN FIN ARE CHL NOR NOR NOR BHR AZE BHR
10 KOR NZL FIN IRL NZL LUX IRL NOR SYC LUX
2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018
1 BRN BRN SAU SAU BHS LUX LUX EST EST
2 AZE SAU BRN ARE ARE NOR EST CZE LUX
3 SAU KAZ ARE NOR SAU EST ISL LUX NOR
4 KAZ AZE NOR KAZ NOR ARE NOR KOR CZE
5 EST EST KAZ EST EST IRL KOR NOR BRN
6 KOR NOR EST AZE LUX CHL NZL MLT NZL
7 LUX ARE CHL BRN CHL KOR CZE NZL KOR
8 CHL LUX AZE LUX KAZ CZE CHL SWE CHL
9 NOR CHL LUX CHL KOR SWE SWE DNK MLT
10 NGA RUS KOR KOR NZL NZL DNK LTU DNK
Ghi chú: BRN - Brunei, LUX - Luxemborg, NOR - Na Uy, EST - Estonia, IRL
- Ireland, BLR - Belarus, ARE - Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, BHS -
Bahamas, FIN - Phần Lan, KOR - Hàn Quốc, AUS - Úc, NZL - New Zealand, SAU
- Ả rập xê út, CHL - Chi-lê, LVA - Lít-va, BWA - Botswana, KAZ - Kazakhstan,
LTU - Lithunia, AZE - Azerbaijan, SYC - Seychelles, NGA - Nigeria, RUS - Nga,
CZE - Cộng hòa Séc, SWE - Thụy Điển, DNK - Đan Mạch, ISL - Israel, MLT -
Malta, LTU - Lithunia.
93

Nguồn: Tổng hợp của tác giả


94

Đặc điểm chung của các quốc gia có DSI cao nhất trên thế giới là quy mô nhỏ
(diện tích, dân số) như Brunei, Luxemborg, Lít-va…hoặc giàu tài nguyên thiên
nhiên như Ả rập xê út, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Nga... Quy mô quốc
gia nhỏ giúp chính phủ dễ dàng quản lý nền kinh tế hơn, quy mô chính phủ tương
ứng cũng vừa phải do đó mức độ chi tiêu của chính phủ dễ bị kiểm tra theo dõi đối
chiếu hơn. Còn với các nước giàu tài nguyên, các nước này dễ lọt vào bảng xếp
hạng nếu nếu giá tài nguyên đó tăng lên như Nga trong năm 2011 hoặc Chi-lê năm
2004 vì khi đó nguồn thu của chính phủ mà phần nhiều đến từ khai thác tài nguyên sẽ
rất dồi dào hơn.
Về mặt thể chế, phần lớn các nước trong top 10 đều là những nước có thu
nhập cao trong thời điểm tính toán, cụ thể năm 2000 có 7/10 nước chiếm 70%, 2001
có 80%, 2002 có 90%, 2003 có 80%, 2004 có 80%, 2005 có 60%, 2006 có 60%,
2007 có 70%, 2008 có 70%, 2009 có 70%, 2010 có 60%, 2011 có 60%, 2012 có
80%, 2013 có 80%, 2014 có 90%, 2015 có 100%, 2016 có 100%, 2017 có 100%,
2018 có 100%. Như vậy, chúng ta phần nào có thể thấy quốc gia càng có thu nhập
cao thì mức độ NCBV càng lớn. Lý do là bởi các nước thu nhập cao đều có hệ
thống quản lý nợ công hoàn chỉnh, cơ chế giám sát chi tiêu công chặt chẽ và đặc
biệt các rủi ro về thanh khoản liên quan đến nợ nước ngoài gần như là không có do
các nước này đều là những nước cung ứng vốn ra thế giới. Ngược lại ở các nước thu
nhập thấp có hệ thống quản lý nợ công chưa hoàn chỉnh, cơ chế giám sát còn lỏng
lẻo và đặc biệt các rủi ro về thanh khoản liên quan tới nợ nước ngoài cao do chính
phủ với tiềm lực tài chính hạn chế luôn phải vay nợ nước ngoài. Điều đặc biệt là kể
từ 2012 trở đi số lượng các nước có thu nhập cao trong top 10 càng ngày càng tăng
và trong giai đoạn 2015 - 2018, 100% các nước trong top 10 là những nước có thu
nhập cao.
Khi đặt DSI bình quân của các nhóm nước cạnh nhau chúng ta càng thấy rõ
kết luận ở trên. DSI bình quân của các nước thu nhập cao nhất cao hơn mức trung
bình của thế giới. Tiếp theo, DSI bình quân của các nước mới nổi (thu nhập trung
bình cao) bám khá sát DSI trung bình thế giới. Thấp một chút so với mức trung bình
này là DSI của các nước có thu nhập trung bình thấp. Và thấp nhất không có gì ngạc
nhiên là DSI của các nước có thu nhập thấp (xem Hình 4.1).
95

0.800

0.700

0.600

0.500

0.400

0.300

0.200

0.100

0.000
2000200120022003200420052006200720082009201020112012201320142015201620172018
-0.100

-0.200

HI UMI LMI LI World

Hình 4.1: DSI bình quân của thế giới và các nhóm nước theo thu nhập thời kỳ
2000 - 2018
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Có thể nhận thấy DSI các nhóm nước có xu hướng thay đổi khá giống với DSI
bình quân thế giới . Giảm nhẹ trong giai đoạn đầu, tăng lên cho đến năm 2007, giảm
mạnh trong năm 2008 - 2009, phục hồi nhẹ trong 2 năm tiếp theo và giảm dần từ
2012 cho đến nay. Tuy nhiên, DSI của các nước thu nhập thấp có khoảng thời gian
biến động ngược chiều với DSI bình quân thế giới và các nhóm nước khác đó là vào
năm 2002. Ngoài ra mức giảm DSI bình quân nhóm nước này luôn cao hơn các
nước khác, đặc biệt khi nền kinh tế rơi vào suy thoái. Tính toán cụ thể cho mức
giảm của DSI vào hai giai đoạn suy thoái 2001 - 2002 và 2008 - 2009, chúng ta có
đối với các nước LI DSI giảm lần lượt 140% và 34%; trong khi đó mức giảm này ở
các nước HI là 1,1% và 11,8%; nhóm nước UMI là 10% và 15%, nhóm nước LMI
là 5,67% và 21,5%. Các con số tương ứng của nhóm LI đều lớn hơn nhiều so với
các nhóm khác, điều này cho thấy tính dễ tổn thương của khu vực tài chính công ở
các nước thu nhập thấp. Nhìn một cách rộng hơn, các quốc gia có thu nhập thấp
thường có DSI giảm nhiều hơn DSI của các quốc gia có thu nhập cao khi suy thoái
kinh tế xảy ra.
IMF (2017d) trong hướng dẫn tính toán chỉ số CI cũng đồng thời đưa ra cách
phân loại các quốc gia theo độ lớn của CI. Các quốc gia có giá trị CI nhỏ hơn giá trị
tứ phân vị thứ nhất (25% quan sát nằm dưới giá trị này) được xếp vào nhóm năng
lực trả nợ yếu, lớn hơn giá trị tứ phân vị thứ ba (75% quan sát nằm dưới giá trị này)
được xếp vào nhóm năng lực trả nợ cao và cuối cùng nằm giữa hai giá trị trên được
xếp vào nhóm năng lực trả nợ trung bình. Áp dụng cách phân loại cao, trung bình,
96

yếu đối với CI, kết quả cho thấy quốc gia có DSI nhỏ hơn 0,235 sẽ là quốc gia có
NCBV kém, DSI từ 0,235 tới 0,651 là quốc gia có NCBV trung bình, DSI lớn hơn
0,651 là quốc gia có NCBV cao. Số liệu tổng thể cho thấy với 151 quốc gia mỗi
quốc gia có 19 năm quan sát, số lượng quan sát (quốc gia trong một năm) có nợ
công bền vững cao chiếm 25%, bền vững trung bình chiếm 50%, bền vững kém
chiếm 25%. Con số tương ứng ở nhóm nước HI là 68,3%, 31,7%, và 0%. Con số
tương ứng ở nhóm nước UMI là 23,4%, 63,6% và 13%. Con số tương ứng ở nhóm
nước LMI là 4,7%, 57,1% và 38,2%. Con số tương ứng ở nhóm nước LI là 0%,
45% và 55%. Thống kê trên không chỉ một lần nữa cho thấy các nước có thu nhập
cao thông thường sẽ có DSI cao hơn mà còn chỉ ra khoảng cách DSI rất lớn giữa
các nhóm quốc gia có thu nhập khác nhau. DSI sẽ giảm rất nhanh nếu thu nhập
quốc gia thấp dần.
Việc phân chia mức độ nợ công bền vững dựa trên DSI dẫn đến một câu hỏi,
giá trị DSI thấp đến bao nhiêu thì sẽ dẫn đến tình trạng vỡ nợ quốc gia. Dựa trên dữ
liệu của Erce và Mallucci (2018), lọc ra những nước vỡ nợ trong thời kỳ 2000 -
2018, có thể nhận thấy hầu hết những năm xảy ra vỡ nợ các quốc gia vỡ nợ có DSI
rất thấp đều ở mức kém (xem Phụ lục 6). Tuy nhiên cũng có những trường hợp dù
DSI ở mức trung bình (Ecuador năm 2008, CH Dominica năm 2004, Nigeria năm
2004) nhưng vẫn vợ nợ. Do đó, để có thể đưa ra kết luận về ngưỡng DSI cảnh báo,
luận án phải cần thêm nhiều quan sát và sự phân loại nhóm nước kỹ hơn nữa, điều
mà số liệu hiện tại chưa cho phép.
Xem xét cụ thể hơn đóng góp của từng chỉ số thành phần vào chỉ số tổng hợp
trung bình toàn thế giới nhận thấy, chỉ số cán cân ngân sách có đóng góp thấp nhất
thậm chí trong năm 2017, 2018 còn đóng góp âm (xem Bảng 4.2). Chỉ số thành
phần nợ công nước ngoài phải trả/xuất khẩu có đóng góp cao nhất khoảng 21 đến
23%, các đóng góp của chỉ số từ 4 đến 6 cũng quanh ngưỡng hơn 20% một chút.
Tổng đóp góp của 4 chỉ số cuối lên tới hơn 90% vào chỉ số tổng hợp cuối cùng DSI,
trong khi đó 3 chỉ số đầu tiên đóng góp gần 10% cho thấy rủi ro nợ công phần lớn
sẽ xuất phát từ rủi ro trả nợ nước ngoài, trong khi đó các tiêu chí liên quan đến quy
mô nợ thật ra không đáng ngại. Điều này chính là minh chứng rõ ràng nhất giải
thích tại sao DSI bình quân ở những nước có thu nhập thấp hơn lại thấp hơn nhiều
so với DSI bình quân ở những nước có thu nhập cao hơn. Càng thu nhập thấp, quốc
gia càng phải vay nhiều từ nước ngoài để tài trợ cho chi tiêu công, nếu có rủi ro đến
từ thành phần nợ công nước ngoài này thì nó sẽ kéo chỉ số DSI xuống thấp.
97

Bảng 4.2: Đóng góp của các chỉ số thành phần trong chỉ số tổng hợp DSI bình
quân của thế giới thời kỳ 2000 - 2018
Đơn vị: %
CV1 CV2 CV3 CV4 CV5 CV6 CV7
2000 4,8 0.06,3 3,8 21,8 20,6 21,7 21,0
2001 3,3 0.05,5 4,0 0.22,2 0.21,1 22,3 21,7
2002 4,0 4,3 3,7 22,2 0.21,4 22,4 22,0
2003 5,1 3,9 3,3 22,1 0.21,6 22,2 21,8
2004 6,1 4,5 2,8 21,7 0.21,4 21,9 21,8
2005 5,7 5,3 3,4 21,6 21,4 21,5 21,4
2006 5,4 5,9 4,5 21,4 21,2 21,1 20,9
2007 5,1 5,7 5,2 21,2 21,0 21,2 21,0
2008 5,0 4,5 4,4 21,7 21,5 21,6 21,5
2009 0,4 0,3 1,7 24,4 24,1 24,7 24,5
2010 6,8 1,5 1,0 23,2 22,9 21,2 23,3
2011 6,7 2,9 0,6 23,0 22,8 20,8 23,1
2012 5,1 3,3 0,2 23,4 23,2 20,9 23,7
2013 4,8 4,0 0,6 23,3 23,0 20,6 23,5
2014 4,9 4,0 0,4 23,4 23,1 20,4 23,5
2015 4,5 3,7 0,0 23,9 23,3 20,5 23,8
2016 4,5 3,7 -1,0 24,2 23,5 20,7 24,0
2017 5,8 3,8 -0,7 23,7 23,1 20,3 23,6
2018 5,5 3,8 -0,9 23,9 23,4 20,0 23,8
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Kết quả tính toán DSI cho nhóm các quốc gia và một số nước cụ thể cùng
với khảo sát sự phù hợp của kết quả tính toán được trình bày trong Phụ lục 3.
98

4.1.2. Mối quan hệ tổng thể giữa nợ công bền vững và tăng trưởng kinh tế
5 0.7

2
Hình 0.6 4.2:
1
TTKT bình
quân và 0 DSI
2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018
bình
-1
quân của các
nước -2 0.5
thời
Average_g Average_DSI
kỳ 2000 - 2018
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Nhìn vào đồ thị của 2 đường TTKT bình quân và DSI bình quân chúng ta thấy
mức độ đồng thuận khá lớn của hai biến này. Trừ ba năm 2005, 2014, 2015 hai biến
có sự thay đổi trái chiều, còn lại khi tốc độ tăng trưởng bình quân các nước tăng lên
thì DSI bình quân cũng tăng và ngược lại. Cụ thể, NCBV bình quân trên thế giới
giảm nhẹ trong giai đoạn đầu 2000 - 2002 do cuộc khủng hoảng bong bóng dot.com
xuất phát từ nền kinh tế Mỹ cũng như nỗi lo về khủng bố sau sự kiện 11.9 (giảm từ
0,585 xuống còn 0,572); sau đó DSI gia tăng nhẹ cùng với sự phục hồi của nền kinh
tế thế giới khi tăng từ 0,572 trong năm 2002 lên tới 0,638 năm 2007. Năm 2008 -
2009, kinh tế thế giới chứng kiến cuộc khủng hoảng lớn nhất sau Đại khủng hoảng
1929 - 1933. Năm 2009, dựa trên số liệu tính toán của luận án, TTKT thế giới bình
quân giảm xuống còn -1,1% trong đó nền kinh tế Mỹ tăng trưởng -2,5%, khu vực
đồng tiền chung Châu Âu tăng trưởng -4,3%, Nhật Bản tăng trưởng -5,4%, Hàn
Quốc tăng trưởng +0,8%. Điều này khiến cho các nguồn thu của chính phủ giảm
nhanh chóng đồng thời làm tăng vọt các khoản chi cho các gói kích thích kinh tế lớn
nhất trong lịch sử (tính tới thời điểm đó) dẫn đến quy mô nợ công gia tăng, khả
năng trả nợ chính phủ khắp nơi suy giảm. Đây là những nguyên nhân trực tiếp khiến
mức độ bền vững nợ công xấu đi giảm từ 0,638 xuống còn 0,552 tương ứng với
mức giảm 15,58% trong năm 2009. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 - 2009, nền
kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi nhưng do quá trình phục hồi không hẳn theo dạng
chữ V vì vẫn có những nhịp điều chỉnh giảm sau đó (tăng trưởng bình quân 4,4%
99

năm 2010 nhưng ngay sau đó lại giảm về 3% năm 2013 do ảnh hưởng của cuộc
khủng hoảng nợ công tại khu vực Châu Âu) nên DSI cũng có quá trình điều chỉnh
tương tự tăng trở lại trong năm 2010, 2011 nhưng bắt đầu quá trình giảm kéo dài
cho tới năm 2018, năm cuối cùng của thời kỳ.
Nhìn đồ thị điểm với trục tung là tốc độ TTKT, trục hoành là giá trị DSI của
tổng thể 151 quốc gia, mỗi quốc gia có 19 quan sát theo năm trong thời kỳ 2000 -
2018 có thể nhận thấy về tổng thể mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa hai biến này không
mạnh. Thậm chí đường xu hướng tuyến tính có hệ số góc âm.
40

30

20

10

f(x) = − 0.161545898974454 x + 3.90996122816162


0
-6 -5 -4 -3 -2 -1 0 1 2

-10

-20

-30

-40

Hình 4.3: Biểu đồ điểm TTKT và DSI của các nước thời kỳ 2000 - 2018
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
4.1.3 Mối quan hệ giữa nợ công bền vững và tăng trưởng kinh tế theo từng nhóm
nước
4.1.3.1 Nhóm nước có thu nhập cao
Về cơ bản, DSI của nhóm nước có thu nhập cao ổn định, chỉ giảm nhẹ từ mức
0,675 năm 2000 xuống còn 0,618 năm 2018. Hai lần các nước HI có mức tăng
trưởng sụt giảm mạnh (2001 với mức tăng trưởng giảm từ gần 4% xuống còn 1,4%;
năm 2008, 2009 với mức tăng trưởng trước đó 2,7% xuống còn 0,32% và -3,4%) thì
DSI cũng giảm không nhiều, cụ thể DSI giảm từ 0,675 năm 2000 xuống còn 0,663
năm 2001; từ 0,67 năm 2007 xuống còn lần lượt 0,65 và 0,572 năm 2008, 2009.
Việc gần như không có nợ nước ngoài giải thích cho sự suy giảm nhẹ của DSI khi
khủng hoảng xảy ra. Kể từ sau cuộc khủng hoảng 2009, trong khi tốc độ tăng
trưởng trồi sụt năm tăng năm giảm thì DSI lại có xu hướng cải thiện nhẹ từ 0,572
năm 2009 lên mức 0,618 năm 2018. Có được điều này là do các nước phát triển sau
cuộc khủng hoảng nợ công ở Châu Âu 2011 - 2013 đã học được bài học nhất định
100

và bắt tay vào việc củng cố tài khóa quyết liệt (Kickert & cộng sự, 2015), từ đó dẫn
đến việc DSI được cải thiện, điều không thể tìm thấy ở các nhóm nước khác.

4 0.9

3
0.7
2

1 0.5

0
2000200120022003200420052006200720082009201020112012201320142015201620172018
0.3
-1

-2
0.1
-3

-4 -0.1

Average_g Average_DSI

Hình 4.4: TTKT bình quân và DSI bình quân của nhóm nước HI thời kỳ 2000
- 2018
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Nhìn đồ thị điểm với trục tung tốc độ tăng trưởng, trục hoành là giá trị DSI
của tổng thể 39 quốc gia, mỗi quốc gia có 19 quan sát theo năm trong thời kỳ 2000 -
2018 có thể nhận thấy mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa hai biến này rõ rệt và mạnh hơn
trong trường hợp xét tổng thể các quốc gia. Đường xu hướng tuyến tính dốc lên rõ
ràng và có hệ số góc khá lớn 12,936.
30

25

20

15

10

5 f(x) = 12.9361334233118 x − 6.35847473791221

0
0.3 0.4 0.5 0.6 0.7 0.8 0.9 1 1.1
-5

-10

-15

-20

Hình 4.5: Biểu đồ điểm TTKT và DSI của nhóm nước HI thời kỳ 2000 - 2018
101

Nguồn: Tổng hợp của tác giả

4.1.3.2 Nhóm nước có thu nhập trung bình cao


Đối với nhóm nước có thu nhập trung bình cao UMI thì mối quan hệ giữa DSI
và tốc độ TTKT cũng rõ ràng hơn so với mẫu tổng thể, thậm chí có những thời điểm
hai đường dường như song song với nhau (giai đoạn 2013 - 2018). Trước năm
2013, có 2 năm DSI diễn biến ngược chiều với tốc độ tăng trưởng đó là năm 2005
và 2008, khi đó tốc độ tăng trưởng đều giảm nhưng DSI vẫn tăng. Diễn biến DSI từ
năm 2013 trở đi bám sát tốc độ tăng trưởng và ngược lại. Trong hai nhịp giảm của
tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2000 - 2018, DSI cũng giảm theo. Cụ thể năm
2001 tăng trưởng bình quân giảm từ 5,77% xuống còn 3,06% thì tương ứng DSI
bình quân cũng giảm từ 0,395 xuống còn 0,386; năm 2009 tăng trưởng bình quân
giảm từ 5,87% xuống còn 2,06% thì DSI bình quân cũng giảm mạnh từ 0,639
xuống còn 0,558. Nhìn chung DSI và tốc độ tăng trưởng có quan hệ tỷ lệ thuận
trong nhóm nước UMI đặc biệt mối quan hệ này rất rõ nét kể từ sau năm 2013.
10 0.7

9
0.6
8

7 0.5

6
0.4
5
0.3
4

3 0.2
2
0.1
1

0 0
2000200120022003200420052006200720082009201020112012201320142015201620172018

Average_g Average_DSI

Hình 4.6: TTKT bình quân và DSI bình quân của nhóm nước UMI thời kỳ
2000 - 2018
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Nhìn đồ thị điểm với trục tung tốc độ tăng trưởng, trục hoành là giá trị DSI
của tổng thể 38 quốc gia, mỗi quốc gia có 19 quan sát theo năm trong thời kỳ 2000 -
2018 có thể nhận thấy mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa hai biến này khá rõ. Đường xu
hướng tuyến tính dốc lên nhưng mức độ tương quan không mạnh như nhóm nước
HI khi hệ số góc chỉ ở mức 4,0412.
102

30

25

20

15

10

5
f(x) = 4.04123076656226 x + 1.74157175809122
0
-1 -0.8 -0.6 -0.4 -0.2 0 0.2 0.4 0.6 0.8 1
-5

-10

-15

-20

Hình 4.7: Biểu đồ điểm TTKT và DSI của nhóm nước UMI thời kỳ 2000 - 2018
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
4.1.3.3 Nhóm nước có thu nhập trung bình thấp
Đối với nhóm nước LMI mối quan hệ giữa DSI với tốc độ tăng trưởng được
chia ra làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu từ 2000 đến 2007, hai biến số này có quan
hệ tỷ lệ thuận rõ ràng, tốc độ tăng trưởng tăng thì DSI tăng và ngược lại. Tuy nhiên
từ sau 2007, trong phần lớn khoảng thời gian hai biến số có quan hệ tỷ lệ nghịch, cụ
thể trong giai đoạn 2011 đến 2016 khi tốc độ tăng trưởng tăng thì DSI giảm và
ngược lại. Đặc biệt trong năm 2008 khi tốc độ tăng trưởng giảm mạnh từ 6,28
xuống còn 4,8 thì DSI của nhóm nước lại gia tăng từ 0,204 lên 0,271. Nhóm nước
duy nhất có mối quan hệ giữa tốc độ tăng trưởng và DSI khác biệt so với nhóm các
nước khác tính tới lúc này có thể đến từ lý do nhóm nước LMI là các quốc gia này
phụ thuộc khá nhiều vào chi tiêu chính phủ để tăng trưởng, việc gia tăng DSI phần
nào cũng sẽ làm giảm chi tiêu công từ đó làm giảm tốc độ TTKT. Với tốc độ tăng
trưởng bình quân toàn thời kỳ cao nhất, đây cũng là nhóm nước có DSI được cải
thiện mạnh mẽ nhất trong nhóm các nước chia theo thu nhập. Từ -0,383 năm 2000
tăng lên 0,187 năm 2018. Nhìn chung mối quan hệ giữa DSI và tốc độ tăng trưởng
trong nhóm LMI thời kỳ 2000 - 2018 không rõ ràng, có giai đoạn tỷ lệ thuận, có giai
đoạn tỷ lệ nghịch. Trong giai đoạn hai biến có cùng chiều biến thiên thì vẫn có
những năm nằm ngoài quy luật.
103

8
0.9
7

6 0.7

5
0.5
4

3 0.3

2
0.1
1

0 -0.1
2000200120022003200420052006200720082009201020112012201320142015201620172018

Average_g Average_DSI

Hình 4.8: TTKT bình quân và DSI bình quân của nhóm nước LMI thời kỳ
2000 - 2018
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Nhìn đồ thị điểm với trục tung tốc độ tăng trưởng, trục hoành là giá trị DSI
của tổng thể 47 quốc gia, mỗi quốc gia có 19 quan sát theo năm trong thời kỳ 2000 -
2018 có thể nhận thấy mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa hai biến tốc độ tăng trưởng và
DSI yếu nhất trong ba nhóm nước từ đầu đến giờ với hệ số góc của đường xu hướng
tuyến tính rất nhỏ chỉ bằng 0,7226.
40

30

20

10

f(x) = 0.722632026108008 x + 4.19604128191419


0
-2.5 -2 -1.5 -1 -0.5 0 0.5 1 1.5

-10

-20

Hình 4.9: Biểu đồ điểm TTKT và DSI của nhóm nước LMI thời kỳ 2000 - 2018
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
104

4.1.3.4 Nhóm nước có thu nhập thấp


8 1

7 0.8

6
0.6
5
0.4
4
0.2
3
0
2

1 -0.2

0 -0.4
2000200120022003200420052006200720082009201020112012201320142015201620172018

Average_g Average_DSI

Hình 4.10: TTKT bình quân và DSI bình quân của nhóm nước LI thời kỳ 2000
- 2018
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Đối với nhóm nước LI, mối quan hệ giữa DSI và tốc độ tăng trưởng còn
không rõ ràng giống như nhóm LMI. Có những giai đoạn DSI và tốc độ tăng trưởng
có mối quan hệ đồng biến (2003 - 2005, 2011 - 2013), có những giai đoạn DSI và
tốc độ tăng trưởng lại có quan hệ nghịch biến (2001 - 2002, 2006 - 2008, 2016 -
2018). Và những giai đoạn này lại đan xen với nhau. Cụ thể, giai đoạn 2000 - 2001
hai biến này đồng thuận, sang năm 2002 DSI tăng còn tốc độ tăng trưởng giảm, hai
biến không đồng thuận. Mối quan hệ đồng thuận trở lại vào giai đoạn tiếp theo từ
2003 đến 2005. Nhưng ngay sau đó khi tốc độ tăng trưởng giảm thì DSI lại có dấu
hiệu tăng liên tiếp. Quá trình đồng thuận giữa hai biến khá mạnh mẽ trong giai đoạn
2011 - 2015 nhưng ngay sau đó khi tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu khởi sắc thì DSI
giảm. Nhìn chung trong nhóm LI, mối quan hệ giữa DSI và g lại càng khó xác định
hơn so với nhóm LMI.
Nhìn đồ thị điểm với trục tung tốc độ tăng trưởng, trục hoành là giá trị DSI
của tổng thể 27 quốc gia, mỗi quốc gia có 19 quan sát theo năm trong thời kỳ 2000 -
2018 có thể nhận thấy mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa hai biến tốc độ tăng trưởng và
DSI yếu nhất trong cả bốn nhóm nước từ đầu đến giờ với hệ số góc của đường xu
hướng tuyến tính rất nhỏ chỉ bằng 0,6937.
105

30

20

10

f(x) = 0.693664745076007 x + 5.20384782885219


0
-6 -5 -4 -3 -2 -1 0 1

-10

-20

-30

-40

Hình 4.11: Biểu đồ điểm TTKT và DSI của nhóm nước LI thời kỳ 2000 - 2018
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
4.1.4 Mối quan hệ giữa nợ công bền vững và tăng trưởng kinh tế ở một số quốc
gia
Trong phần này luận án sẽ phân tích thực trạng mối quan hệ giữa mức độ bền
vững nợ công và tốc độ TTKT ở một số quốc gia trên thế giới. Tác giả lựa chọn
phân tích mối quan hệ giữa mức độ bền vững nợ công và tốc độ tăng trưởng kinh tế
tại các nước Trung Quốc, Mỹ, Anh, Ấn Độ và Campuchia. Các nước này được chọn
để phân tích vì phân bố đầy đủ trong tất cả 4 nhóm nước: nhóm nước HI (Mỹ, Anh),
nhóm nước UMI (Trung Quốc), nhóm nước LMI (Ấn Độ) và nhóm nước LI
(Campuchia). Các nước này cũng là những nền kinh tế tiêu biểu, có tỷ trọng lớn
trong nhóm nước của mình qua đó chi phối mối quan hệ giữa DSI bình quân và tốc
độ TTKT bình quân trong từng nhóm nước. Riêng đối với Việt Nam, bên cạnh mối
quan hệ giữa hai đối tượng trên, luận án sẽ đi sâu vào phân tích các khía cạnh của
NCBV như quy mô, cơ cấu, lãi suất, mô hình quản lý để làm tiền đề cho những hàm
ý chính sách dành cho Việt Nam. Do đó trường hợp của Việt Nam sẽ được tác giả
trình bày trong phần đầu của Chương 5 Hàm ý chính sách cho Việt Nam.
4.1.4.1 Trung Quốc
Kể từ khi mở cửa với thương mại và đầu tư nước ngoài và thực hiện cải cách
thị trường tự do vào năm 1979, Trung Quốc đã nằm trong số các nền kinh tế phát
triển nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP)
thực tế hàng năm đạt 9,5% cho đến năm 2018, một tốc độ được WB mô tả là "sự
mở rộng liên tục nhanh nhất trong lịch sử của một nền kinh tế lớn" (WB, 2020).
Mức tăng trưởng như vậy đã giúp Trung Quốc trung bình tăng gấp đôi GDP cứ sau
106

8 năm và giúp ước tính khoảng 800 triệu người thoát khỏi đói nghèo. Trung Quốc
đã trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới (trên cơ sở sức mua tương đương), nhà sản
xuất, nhà kinh doanh hàng hóa và người nắm giữ dự trữ ngoại hối lớn nhất trên thế
giới (CRS, 2019). Tăng trưởng nhanh liên tục giúp Trung Quốc không ngừng củng
cố nền tảng tài khóa. Do đó không có gì ngạc nhiên khi DSI của Trung Quốc nhìn
chung gia tăng trong thời kỳ 2000 - 2018. Tuy nhiên trong thời kỳ 2000 - 2018,
cũng có những thời điểm DSI giảm. Cụ thể DSI gia tăng từ 2000 đến 2007, xong rồi
bắt đầu giảm từ 2008 - 2009 do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Trung Quốc là quốc gia có gói kích cầu lớn thứ hai thế giới sau Mỹ trị giá 586 tỷ
USD. Hệ quả của tốc độ tăng trưởng giảm, thâm hụt ngân sách lớn và nợ công tăng
cao là DSI Trung Quốc giảm 7,7% tại thời điểm đó. Mô hình tăng trưởng nóng có
dấu hiệu hạ nhiệt nhanh trong những năm sau cộng với khối nợ của chính quyền địa
phương phình ra một cách nhanh chóng dẫn dến DSI tiếp tục xu hướng giảm trừ
năm 2011, 2017. Diễn biến này vô tình phù hợp với trạng thái tăng trưởng của
Trung Quốc. Tốc độ tăng trưởng tăng trong giai đoạn 2000 - 2007, sụt giảm mạnh
trong năm khủng hoảng 2008 -2009. Sau đó hồi phục nhẹ trong năm 2010 và từ đó
giảm dần cho đến năm 2018 như một biểu hiện của trạng thái hạ cánh cứng của một
nền kinh tế tăng trưởng nóng trong nhiều năm trước đó.
16 0.8

14 0.7

12 0.6

10 0.5

8 0.4

6 0.3

4 0.2

2 0.1

0 0.0
2000200120022003200420052006200720082009201020112012201320142015201620172018

g DSI

Hình 4.12: TTKT và DSI của Trung Quốc thời kỳ 2000 - 2018
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
4.1.4.2 Mỹ
DSI của Mỹ có xu hướng giảm trong cả thời kỳ trong đó giai đoạn 2000 đến
2009 DSI giảm mạnh, đặc biệt là trong năm 2009 DSI giảm 12,5%. Đó cũng là thời
điểm tăng trưởng của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất -2,54% và Mỹ buộc phải thực
107

hiện chính sách kích cầu lớn nhất thế giới tại thời điểm đó trị giá 787 tỷ USD. Sau
khi phục hồi nhẹ từ 2010 đến 2014, DSI lại quay lại giảm nhẹ trong giai đoạn 2015
- 2018. TTKT và DSI của Mỹ biến động cùng chiều với nhau trong giai đoạn 2000 -
2009. Tuy nhiên giai đoạn sau này khi tăng trưởng Mỹ không ổn định, liên tục biến
thiên trong khoảng 1.5% đến 3% thì DSI lại có phần ít biến động hơn. DSI trong
giai đoạn này chia rõ rệt thành hai khoảng thời gian, phục hồi nhẹ từ năm 2011 đến
năm 2014 và giảm trở lại trong giai đoạn 2015 - 2018.
5 0.4

4 0.35

0.3
3
0.25
2
0.2
1
0.15
0
0.1
0
01

2
03
04
05
06
07
08
09
10
11
12
13
14
15
16
17
18
0

0
20

20

20

20

20

20

20

20

20
20

20

20

20

20

20

20

20

20

20
-1
0.05

-2 0

-3 -0.05

g DSI

Hình 4.13: TTKT và DSI của Mỹ thời kỳ 2000 - 2018


Nguồn: Tổng hợp của tác giả
4.1.4.3 Anh
Anh bắt đầu thời kỳ 2000 - 2018 với thâm hụt ngân sách cơ cấu lớn hơn bất kỳ
nước OECD nào (Johnson, 2009). Trong khoảng thời gian này quy tắc nợ quốc gia
không vượt quá 40% thu nhập quốc gia hầu như luôn bị phá vỡ (Johnson, 2009).
Mức chi tiêu lớn của chính phủ tưởng chừng như có thể đổi được tốc độ TTKT cao
tuy nhiên tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm trong giai đoạn 2000 - 2009. Sau
2009, tốc độ TTKT phục hồi dù không bền vững nhưng cũng giúp xác lập xu hướng
đi lên của nền kinh tế. Hệ quả là DSI của Anh chia thành hai giai đoạn rõ rệt trong
thời kỳ 2000 - 2018. Ban đầu DSI giảm từ 2000 đến 2009 đặc biệt trong năm 2009,
DSI giảm xuống còn tương đương với mức giảm 8,4%. Sau năm 2009, DSI của bắt
đầu có dấu hiệu phục hồi cùng với xu hướng phục hồi của tốc độ tăng trưởng tuy
nhiên giống như Mỹ đến cuối thời kỳ Anh vẫn chưa thể đạt được mức DSI lúc ban
đầu.
108

4 0.8

0
2000200120022003200420052006200720082009201020112012201320142015201620172018 0.6
-1

-2

-3

-4

-5 0.4

g DSI

Hình 4.14: TTKT và DSI của Anh thời kỳ 2000 - 2018


Nguồn: Tổng hợp của tác giả
4.1.4.4 Ấn Độ
DSI của Ấn Độ có xu hướng tăng trong cả thời kỳ. Có được điều này là do
năm 2003 - 2004 Ấn Độ giới thiệu Đạo luật về trách nhiệm tài khóa và quản lý ngân
sách (Fiscal Responsibility and Budget Management Act - FRBM) để kiểm soát
thâm hụt ngân sách. Đạo luật yêu cầu chính phủ Ấn Độ phải giảm thâm hụt ngân
sách 0,3% mỗi năm cho đến mức 3,0% GDP. Mục tiêu này đạt được trong năm
2008, một năm trước khủng hoảng. Chính vì điều này DSI của Ấn Độ tăng rất mạnh
trong giai đoạn 2000 - 2007. Tốc độ TTKT trong giai đoạn 2003 - 2008 luôn ở mức
xung quanh 8% cũng góp phần vào điều này. Đến năm 2008 do ảnh hưởng của
khủng hoảng toàn cầu DSI của Ấn Độ giảm 9,4%, cùng lúc đó tốc độ tăng trưởng
giảm từ 8% xuống còn 3%. DSI của Ấn Độ sau đó phục hồi rồi vươn lên mức cao
nhất năm 2010 và có xu hướng giảm nhẹ từ 2011 - 2018 và dù giảm nhưng kết thúc
thời kỳ DSI vẫn cao hơn lúc ban đầu. Lúc này tốc độ tăng trưởng lại có biến động
hoàn toàn ngược chiều so với diễn biến của DSI, khi DSI giảm thì tốc độ tăng
trưởng tăng và ngược lại. Điều này có thể là do trong giai đoạn 2005 - 2015, Ấn Độ
liên tiếp phải hứng chịu những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như lũ lụt, hạn hán
dẫn đến thu và chi ngân sách ở rất nhiều tỉnh gặp vấn đề trong việc cân đối, do đó
cần phải có sự trợ giúp từ ngân sách trung ương dẫn đến DSI có xu hướng giảm
(Nambiar, 2015). Trong khi đó các ngành khác như viễn thông, công nghiệp phần
mềm, thương mại điện tử vẫn tiếp tục bùng nổ kéo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ đi
lên trong giai đoạn này.
109

9 0.6

8
0.5
7
0.4
6

5 0.3

4 0.2
3
0.1
2
0
1

0 -0.1
2000200120022003200420052006200720082009201020112012201320142015201620172018

g DSI

Hình 4.15: TTKT và DSI của Ấn Độ thời kỳ 2000 - 2018


Nguồn: Tổng hợp của tác giả
4.1.4.5 Campuchia
Giống như Ấn Độ, Campuchia chứng kiến DSI cải thiện trong cả thời kỳ 2000
- 2018. Trong giai đoạn 2000 - 2008 nhìn chung DSI của Campuchia tăng trừ hai
năm 2002, 2003. Sau đó DSI sụt giảm vào năm 2009 ở mức tương đối lớn 15,3%.
Tiếp đó DSI phục hồi nhẹ rồi lại giảm về gần mức DSI của năm 2009 trong năm
2013. Từ đây trở đi DSI bắt đầu vào giai đoạn bứt phá tăng lên mức 0,54 cao nhất
trong cả thời kỳ vào năm 2018. Diễn biến của DSI cũng khá tương đồng với diễn
biến của tốc độ TTKT đặc biệt trong giai đoạn 2010 trở đi hai đường biểu diễn
TTKT và DSI gần như song song trừ thời điểm những năm 2001, 2006 đến 2008.
14 0.6

12 0.5

10
0.4
8
0.3
6
0.2
4

2 0.1

0 0
2000200120022003200420052006200720082009201020112012201320142015201620172018

g DSI

Hình 4.16: TTKT và DSI của Campuchia thời kỳ 2000 - 2018


Nguồn: Tổng hợp của tác giả
110

Sau khi xem xét mối quan hệ giữa DSI và tốc độ TTKT qua số liệu tổng thể,
của từng nhóm nước và một số quốc gia chúng ta nhận thấy tuy nhìn chung DSI và
tốc độ TTKT có mối quan hệ cùng chiều nhưng với những nhóm nước khác nhau,
các quốc gia khác nhau mối quan hệ này có những biểu hiện khác nhau. Nhóm nước
HI và UMI có mối quan hệ tỷ lệ thuận thể hiện rõ ràng nhất. Sau đó mối quan hệ
này thể hiện kém hơn ở nhóm nước LMI và LI (ở hai nhóm này có quãng thời gian
trong thời kỳ hai biến thể hiện mối quan hệ ngược chiều). Như vậy có thể thấy về
mặt định tính, ở nhóm nước, quốc gia có thu nhập càng cao thì mối quan hệ tỷ lệ
thuận giữa tốc độ tăng trưởng và DSI càng rõ ràng. Nhưng khi xét ở nhóm nước,
quốc gia có thu nhập thấp mối quan hệ giữa hai biến này xuất hiện thêm cả những
giai đoạn ngược chiều nhau. Điều này cho thấy mối quan hệ giữa NCBV và tốc độ
TTKT có thể thay đổi theo thời gian dưới một số điều kiện nhất định, đặc biệt là ở
các nước có thu nhập thấp. Ngoài ra, với một nền tăng trưởng cao hơn 5% trong quá
khứ, dù sau đó tốc độ tăng trưởng tăng giảm không ổn định những vẫn giữ được ở
mức cao thì DSI của quốc gia vẫn tăng, thậm chí tăng tương đối mạnh. Ngược lại
nếu tốc độ tăng trưởng ở mức thấp và liên tục biến động thì DSI sẽ thể hiện xu
hướng giảm ngay cả trong năm có tốc độ tăng trưởng tăng.
Trong thời kỳ nghiên cứu 2000 - 2018, có 2 thời điểm nền kinh tế thế giới rơi
vào suy thoái và đây cũng là tình hình chung của các nước, đó là năm 2001 và năm
2008 - 2009. Năm 2001 suy thoái nhẹ hơn rất nhiều so với năm 2008 - 2009. Mức
độ giảm của DSI của nhóm nước năm 2001 cũng ít hơn giai đoạn 2008 - 2009.
Trong năm 2008 - 2009, tốc độ tăng trưởng suy giảm ở nhóm HI, UMI là lớn nhất
sau đó là nhóm LMI và cuối cùng nhóm LI. Tuy nhiên mức độ suy giảm DSI lại
không theo thứ tự trên khi LI suy giảm mạnh nhất, sau đó đến UMI và cuối cùng
mức độ suy giảm của LMI và HI là ít nhất và gần như tương đương nhau. Điều này
cho thấy với cùng một quốc gia tốc độ tăng trưởng giảm càng nhiều thì DSI cũng
giảm nhiều tương ứng nhưng nếu cùng một thời điểm mà so với các quốc gia khác
nhau thì điều tương tự chưa chắc đã xảy ra. Quốc gia có tốc độ tăng trưởng giảm
nhiều hơn chưa chắc đã có DSI giảm nhiều tương ứng khi so với quốc gia khác.
Điều này là phù hợp bởi như đã trình bày DSI là một chỉ số tổng hợp và với những
đối tượng khác nhau còn có những yếu tố khác nhau khác ảnh hưởng đến DSI bên
cạnh tốc độ TTKT.
111

4.2 Phân tích lượng hóa mối quan hệ giữa nợ công bền vững và tăng trưởng
kinh tế
4.2.1 Mô hình ước lượng và giả thuyết nghiên cứu
Các mô hình thực nghiệm về giả thuyết ngưỡng nợ công tối ưu đã không thể
cho ra một kết quả thống nhất (Amman & Middleditch, 2020). Panizza và
Prestbitero (2014) nhấn mạnh rằng vấn đề nội sinh trong các mô hình kinh tế lượng
đã ảnh hưởng đến mối liên kết thực sự giữa nợ công và tăng trưởng. Mô hình VAR
và VECM với các biến chuỗi thời gian là mô hình tiêu biểu để xử lý vấn đề nội sinh
và phân tích tương tác lẫn nhau theo thời gian giữa các biến nghiên cứu (Jacob &
cộng sự, 2020).
Ký hiệu DSI là biến đại diện cho mức độ bền vững của nợ công, g là biến đại
diện cho tốc độ tăng trưởng. Mô hình ước lượng VAR giữa DSI và g sẽ có dạng:
DSIt = f(DSIt-1, DSIt-2,…. ,DSIt-p, gt-1, gt-2,….,gt-p) + c + εt
gt = f(gt-1,gt-2,…,gt-3, DSIt-1, DSIt-2,…, DSIt-p)+c’+ε’t
trong đó DSIt-i gt-i là biến trễ bậc i của DSI và g, c và c’ lần lượt là các yếu tố cố
định, εt và ε’t lần lượt là nhiễu trắng của hai phương trình
Nếu hai biến không dừng ở level và dừng ở sai phân đồng thời có ít nhất một
đồng tích hợp giữa hai biến thì mô hình ước lượng VECM giữa DSI và g sẽ có
dạng:
∆DSIt = f(∆DSIt-1, ∆DSIt-2,…. , ∆DSIt-p, ∆gt-1, ∆gt-2,…., ∆gt-p) + π*ECM + εt
∆gt = f(∆gt-1, ∆gt-2,…, ∆gt-3, ∆DSIt-1, ∆DSIt-2,…, ∆DSIt-p)+ π’*ECM’+ε’t
trong đó ∆DSIt-i và ∆gt-i lần lượt là sai phân của DSI và g ở bậc trễ i, ECM là thành
phần hiệu chỉnh sai số được xác định qua phân tích đồng tích hợp, π và π’ lần lượt
là hệ số ứng với thành phần hiệu chỉnh sai số, ε t và ε’t lần lượt là nhiễu trắng của hai
phương trình
Kết quả mô hình sẽ được sử dụng để kiểm định hai giả thuyết chính sau
Giả thuyết 1: Nợ công trong quá khứ càng bền vững/kém bền vững thì tốc độ
TTKT hiện tại càng cao/càng thấp (H1)
Giả thuyết 2: Tăng trưởng trong quá khứ càng cao/càng thấp thì nợ công hiện
tại càng bền vững/kém bền vững (H2)
Giả thuyết 1 dựa trên một loạt các nghiên cứu trong chương 1 chỉ ra tác động
tiêu cực của tỷ lệ nợ công/GDP lên tăng trưởng khi tỷ lệ này tăng cao vượt qua một
ngưỡng nhất định (Reinhar & Rogoff, 2010; Baum & cộng sự, 2013; Egert, 2013;
Pattillo & cộng sự, 2002). Nói cách khác khi NCBV suy giảm do chỉ tiêu quy mô
112

nợ vượt ngưỡng an toàn thì TTKT cũng giảm theo, điều này gợi ý tác động cùng
chiều giữa NCBV và TTKT. Ngoài ra giả thuyết 1 còn dựa trên nghiên cứu tiên
phong của Fischer (1992) về tác động của môi trường vĩ mô bao gồm trạng thái tài
chính công tới TTKT. Ông cho rằng một môi trường vĩ mô ổn định trong đó có nợ
công bền vững sẽ tác động tích cực tới TTKT. Trong khi đó giả thuyết 2 dựa trên
tiêu chuẩn IRGD của lý thuyết cổ điển đã được trình bày ở Chương 2, tiêu chuẩn
cho rằng khi tốc độ TTKT càng cao hay chênh lệch giữa lãi suất đi vay với tốc độ
tăng trưởng càng giảm thì tỷ lệ nợ công/GDP sẽ trở nên ổn định, không có xu
hướng tăng nữa.
Bên cạnh hai giả thuyết trên, ước lượng VAR và VECM có thể dùng kiểm
định thêm hai giả thuyết nữa liên quan đến tính tự tương quan của hai biến
Giả thuyết 3: Nợ công trong quá khứ càng bền vững/kém bền vững thì tác
động càng tích cực/tiêu cực đến mức độ bền vững của nợ công hiện tại (H3)
Giả thuyết 4: Tăng trưởng quá khứ càng cao/càng thấp thì tốc độ tăng trưởng
hiện tại càng cao/càng thấp (H4)
Hai giả thuyết này dựa trên tính chất tự củng cố chính mình của các biến vĩ
mô. Tính chất tự củng cố này được thể hiện qua mô hình số nhân - gia tốc với nền
tảng lý thuyết của trường phái Keynes (Tamara & Marin, 2019) . Mô hình số nhân -
gia tốc cho biết một khi biến vĩ mô tăng hoặc giảm trong điều kiện các yếu tố khác
không đổi sẽ có tác động số nhân theo thời gian đến biến kết quả, biến kết quả thay
đổi cùng chiều đến lượt mình sẽ củng cố cho biến vĩ mô ban đầu tiếp tục tăng, giảm
theo (Bohner & cộng sự, 2010; Ciarli & cộng sự, 2019).
4.2.2 Dữ liệu nghiên cứu và mô tả thống kê các biến
Cách thức xây dựng và tính toán DSI cho 151 quốc gia có đầy đủ số liệu nhất
trong thời kỳ 2000 - 2018 đã được trình bày trong chương 3. Cụ thể trong 151 quốc
gia được chia thành 4 nhóm theo thu nhập trong đó nhóm các nước có thu nhập cao
(HI) có 39 quốc gia; nhóm các nước có thu thập trung bình cao (UMI)) có 38 quốc
gia; nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp (LMI) có 47 quốc gia; nhóm các
nước có thu nhập thấp (LI) có 27 quốc gia. Như vậy nhóm HI chiếm 26%, nhóm MI
(UMI+LMI) nói chung chiếm 56%, nhóm LI chiếm 18%. Cách chia nhóm như vậy
dựa trên tiêu chí phân loại quốc gia theo thu nhập của WB 12. Mỗi quốc gia có 19
quan sát với 151 quốc gia chúng ta có tổng cộng 19*151 quan sát, trong đó HI có
19*39 quan sát, UMI có 19*38 quan sát, LMI có 19*47 quan sát, LI có 19*27 quan

12
Tiêu chí phân loại các nước theo thu nhập của WB cập nhật nhất xem tại
https://datahelpdesk.worldbank.org/knowledgebase/articles/906519-world-bank-country-and-lending-groups
113

sát.
Tương tự như vậy, số liệu về tốc độ TTKT (g) hàng năm của 151 quốc gia
trong thời kỳ 2000 - 2018 sẽ được lấy từ nguồn số liệu World Development Indicator
của WB.
Các số liệu để phân tích trung bình DSI và g của thế giới và của từng nhóm
nước được lấy trung bình cộng có trọng số với trọng số là tỷ trọng GDP của từng
nước trong tổng GDP của thế giới nếu là số liệu trung bình thế giới và trong tổng
GDP của nhóm nước nếu là số liệu trung bình theo nhóm nước.
Tuy nhiên trong bộ số liệu, hầu hết các nước đều có sự chuyển đổi theo hướng
tiến bộ từ nước có thu nhập thấp hơn lên nước có thu nhập cao hơn trong thời kỳ
nghiên cứu. Do đó để quyết định xem trong thời kỳ 2000 - 2018 quốc gia đó thuộc
nhóm nước có mức thu nhập nào, tác giả sẽ tính thu nhập trung bình trong thời kỳ
đối chiếu với tiêu chuẩn phân loại của WB. Khi một quốc gia trong giai đoạn 2000 -
2018 có thu nhập trung bình là cao thì thực tế cho thấy phần nhiều số năm trong
thời kỳ này quốc gia có thu nhập cao. Do đó quốc gia này sẽ đủ điều kiện để có
những đặc điểm chung về thể chế, hệ thống quản lý nợ công, cách thức chi tiêu
công ... của nhóm nước có thu nhập cao. Vì thế xét nước này thuộc nhóm nước có
thu nhập cao trong cả thời kỳ là hợp lý, tương tự là cho các nhóm nước khác.
Nghiên cứu của Nielsen (2011), Felipe và cộng sự (2012), Andrianjaka (2017) cũng
sử dụng cách thức này để phân loại một quốc gia theo thu nhập trong cả một thời kỳ
dài. Chi tiết phân loại các nước theo thu nhập cho cả thời kỳ 2000 - 2018 xem Phụ
lục 1.
Sau đây là Bảng mô tả thống kê các biến:
Bảng 4.3: Mô tả thống kê hai biến TTKT (g) và chỉ số nợ công bền vững (DSI)
Mẫu tổng thể Nhóm HI Nhóm UMI Nhóm LMI Nhóm LI
(2869 quan (741 quan (722 quan (893 quan (513 quan
sát) sát) sát) sát) sát)
g DSI g DSI g DSI g DSI g DSI
Trung bình
3,85 0,36 2,47 0,68 3,69 0,48 4,37 0,24 5,16 -0,06
(Mean)
Trung vị
3,84 0,48 2,53 0,69 3,85 0,53 4,34 0,34 5,56 0,19
(Median)
Lớn nhất 34,47 0,99 25,16 0,99 26,11 0,86 34,5 0,90 26,42 0,65
114

(Max)
Nhỏ nhất
-30,2 -5,64 -14,4 0,37 -14,8 -0,83 -14,8 -1,89 -30,2 -5,65
(Min)
Độ lệch
chuẩn 3,92 0,49 3,08 0,096 3,87 0,24 3,89 0,39 4,44 -3,3
(Std Dev)
Độ lệch
-0,33 -4,09 0,11 -0.53 -0.40 -1,47 0,52 7,96 -2,13 17,75
(Skewness)
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
4.2.3 Kết quả ước lượng
4.2.3.1 Đối với mẫu tổng thể
Đối với dữ liệu của toàn bộ của các quốc gia, luận án thêm vào ba biến giả HI,
UMI, LMI để thể hiện nhóm nước của quốc gia để đặc đính hóa tính chất riêng của
từng nhóm nước. HI = 1 UMI = 0 LMI = 0 nếu quốc gia đó thuộc nhóm nước thu
nhập cao, HI = 0 UMI = 1 LMI = 0 nếu quốc gia đó thuộc nhóm nước thu nhập
trung bình cao, HI = 0 UMI = 0 LMI = 1 nếu quốc gia đó thuộc nhóm nước thu
nhập trung bình thấp, HI = 0 UMI = 0 LMI = 0 nếu quốc gia đó thuộc nhóm nước
thu nhập thấp. Kết quả nghiên cứu theo từng bước với sự trợ giúp của phần mềm
Eviews cụ thể như sau:
Bước 1: Kiểm định tính dừng theo tiêu chuẩn Dickey - Fuller (xem Phụ lục
4A). Kết quả kiểm định cho biết chuối g và DSI là dừng tại chuỗi gốc.
Bước 2: Xác định độ trễ tối ưu cho ước lượng mô hình VAR. Để xác định độ
trễ tối ưu, chúng ta Căn cứ vào các tiêu chuẩn: AIC (Akaike information criterion),
SC (Schwart Bayesian criterion) và HQ (HannanQuinn Information Criterion).
Trong đó, độ trễ được chọn là độ trễ mà tại đó các tiêu chí AIC, SC và HQ có chỉ số
nhỏ nhất. Theo Calderon và Fuentes (2013), Westphal và Rother (2013) mức độ ảnh
hưởng có ý nghĩa của biến số vĩ mô thường tối đa khoảng 5 năm. Do đó để xác định
độ trễ tối ưu tác giả để khoảng trễ kiểm định là 5. Khoảng trễ kiểm định này sẽ được
áp dụng cho tất cả mô hình các nhóm nước ở phía dưới. Kết quả cho thấy độ trễ tố
ưu của mô hình là bậc 5 (xem Phụ lục 4A)
Ước lượng mô hình VAR với độ trễ tối ưu là bậc 5 (xem Phụ lục 4A). Tuy
nhiên, mô hình chỉ đảm bảo độ tin cậy để suy diễn sau khi vượt qua các kiểm định
chuẩn đoán. Nên bước tiếp theo, các kiểm định chuẩn đoán được thực hiện cho mô
hình VAR.
115

Bước 3: Kiểm định tính ổn định. Vì nghiệm của phương trình đặc trưng đều
thực sự nằm trong đường tròn đơn vị, nên hình VAR là ổn định (xem Phụ lục 4A).
Bước 4: Kiểm định quan hệ nhân quả Granger và điều chỉnh ước lượng VAR
(nếu có). Kết quả kiểm định nhân quả Granger cho biết có mối quan hệ nhân quả
hai chiều giữa DSI và g. Nghĩa là cả DSI và g đều là biến nội sinh (xem Phụ lục
4A). Do đó, mô hình cuối cùng được sử dụng để phân tích có nội dung như trong
Bảng 4.4.
116

Bảng 4.4: Kết quả ước lượng VAR cho mẫu tổng thể
Biến số DSI g
DSI(-1) 0,708826*** 0,075360
(0,02037) (0,52443)
DSI(-2) 0,074570*** 0,512688
(0,02187) (0,56236)
DSI(-3) -0,011374 -0,805487*
(0,01879) (0,48234)
DSI(-4) 0,016542 -0,462064
(0,01578) (0,40453)
DSI(-5) -0,051279*** 0,243713
(0,01171) (0,30055)
g(-1) 0,001856*** 0,365228***
(0,00083) (0,02133)
g(-2) -0,000275 0,024266
(0,00078) (0,02025)
g(-3) 0,000131 0,064090***
(0,00069) (0,01777)
g(-4) 0,002582*** 0,055387***
(0,00062) (0,01609)
g(-5) 0,001392*** 0,010653
(0,00054) (0,01406)
C 0,061387*** 2,428577***
(0,00881) (0,22710)
HI 0,110755*** -1,128329***
(0,01111) (0,28638)
UMI 0,065238*** -0,630143***
(0,00987) (0,25448)
LMI 0,031226*** -0,329710*
(0,00878) (0,22642)
R2 0,832066 0,264500
Adjusted R2 0,831026 0,259947
Số quan sát 2896 2896
Ghi chú: Giá trị trong ngoặc đơn là sai số tiêu chuẩn; ***, **, * hệ số có ý
nghĩa ở mức 1%, 5% và 10%
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
117

Kết quả ước lượng VAR cho thấy đối với chiều tác động lên DSI, g quá khứ
có tác động tích cực với g(-1) g(-4) và g(-5) ở mức ý nghĩa 1%; DSI quá khứ có tác
động tích cực với DSI(-1) DSI (-2), tiêu cực với DSI(-5) đều ở mức ý nghĩa 1%.
Các biến HI, UMI, LMI đều có tác động dương đến DSI ở mức ý nghĩa 1%.
Đối với chiều tác động lên g, DSI quá khứ chỉ có tác động tiêu cực với DSI(-
3) ở mức ý nghĩa 10%; g quá khứ có tác động tích cực với g(-1) g(-3) g(-4) ở mức ý
nghĩa 1%. Các biến HI, UMI, LMI đều có tác động âm đến g ở mức ý nghĩa lần lượt
1%, 1% và 10%.
Kết quả từ mô hình cho thấy một số phù hợp với lý thuyết, một số là phát hiện
mới khá thú vị. Những kết quả phù hợp với lý thuyết đó là: DSI quá khứ và g quá
khứ tác động tích cực đến DSI hiện tại; g quá khứ tác động tích cực đến g hiện tại;
quốc gia có thu nhập cao hơn thì DSI cũng cao hơn; quốc gia có thu nhập cao hơn
thì g thấp hơn. Những kết quả trên ủng hộ giả thuyết nghiên cứu H2, H3, H4. Ngoài
ra việc nước càng có thu nhập cao thì DSI càng cao cũng phản ánh đúng thực tế
cũng như phân tích định tính trước đó khi các nước thu nhập có hệ thống quản lý nợ
công cũng như tiềm lực tài chính tốt hơn các nước thu nhập thấp. Các nước thu
nhập càng cao thì g càng thấp cũng phản ánh đúng quy luật kinh tế lợi tức cận biên
giảm dần khi quy mô của nền kinh tế tăng lên thì tốc độ TTKT sẽ giảm trong điều
kiện các yếu tố khác không đổi. Hệ quả của quy luật này đó là các nước có thu nhập
cao quy mô nền kinh tế lớn thì tốc độ TTKT chậm hơn các nước có thu nhập thấp
hơn với quy mô nền kinh tế nhỏ hơn.
Tuy nhiên có những kết quả khá thú vị đó là DSI quá khứ nếu trễ càng xa (trễ
5 năm) sẽ tác động tiêu cực đến DSI hiện tại và DSI quá khứ có tác động tiêu cực
lên g hiện tại. Điều này có thể được giải thích là do việc thúc đẩy DSI ở một thời
điểm quá khứ nào đó được thực hiện quá đà (chẳng hạn như các biện pháp khắc khổ
được thực hiện ở Châu Âu sau khủng hoảng nợ công 2011) khiến cho sau một
khoảng thời gian nhất định mặt trái của việc thực hiện này mới bộc lộ tác động tiêu
cực lên g hiện tại và từ đó lan truyền tới DSI hiện tại (tốc độ TTKT giảm sẽ khiến
năng lực trả nợ giảm theo).
Bước 5: Sau khi diễn giải kết quả để nghiên cứu phản ứng của các chuỗi trước
các cú sốc thì luận án tiến hành xây dựng hàm phản ứng và phân rã phương sai
118

Hình 4.17: Đồ thị hàm phản ứng của DSI và g trước các cú sốc trong mẫu tổng
thể
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Từ đồ thị thấy rằng, một cú sốc của DSI và g tác động lên chính những biến
này có ảnh hưởng rất lâu dài (có thể kéo dài đến 12 năm), sau 5 năm tác động vẫn
còn tương đối lớn, thậm chí cú sốc g tác động lên chính nó sau 4 năm còn có xu
hướng tăng trở lại. Cú sốc từ g ảnh hưởng nhiều nhất đến DSI trong 4 năm đầu, sau
đó gần như không còn ảnh hưởng. Cú sốc từ DSI đến g chỉ đặc biệt cao trong năm
thứ 5, sau đó giảm dần với tác động không đáng kể đến năm thứ 12.
Cuối cùng để xem xét mức độ tác động của cú sốc, luận án thực hiện phân tích
phân rã phương sai
119

Bảng 4.5: Bảng phân rã phương sai trong mẫu tổng thể

Phân rã phương sai lên DSI


 Năm S.E. DSI g
 1  0,129518  100,0000  0,000000
 2  0,161818  99,87645  0,123554
 3  0,180746  99,83611  0,163885
 4  0,190858  99,81840  0,181603
5  0,200595  99,01462  0,985376
6  0,204417  98,84087  1,159127
7  0,206281  98,76659  1,233407
8  0,207039  98,71444  1,285561
9  0,207411  98,63875  1,361248
10  0,207520  98,61212  1,387878
11  0,207553  98,59932  1,400676
12  0,207561  98,59347  1,406531
Phân rã phương sai lên g
 Năm S,E, DSI g
 1  3,358548  7,359762  92,64024
 2  3,588762  7,322912  92,67709
 3  3,631709  7,672991  92,32701
 4  3,661296  7,627323  92,37268
 5  3,704008  7,455589  92,54441
6  3,722634  7,382898  92,61710
7  3,730732  7,353500  92,64650
8  3,734604  7,340100  92,65990
9  3,736957  7,340233  92,65977
10  3,738548  7,336357  92,66364
11  3,739418  7,334108  92,66589
12  3,739822  7,333578  92,66642
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
120

Kết quả phân rã phương sai cho thấy theo thời gian, sự thay đổi của DSI chủ
yếu đến từ biến động của chính biến này khi đóng góp luôn ở mức gần 100% còn
biến động của g gần như không tác động gì lên DSI. Điều tương tự cũng xảy ra với
g, khi g chịu ảnh hưởng lớn nhất từ cú sốc của chính mình dao động quanh mức gần
93%, phần còn lại đến từ ảnh hưởng của biến động từ DSI.
4.2.3.2 Đối với từng nhóm nước
Số lượng các nước trong mỗi nhóm như sau: nhóm các nước có thu nhập cao
(HI) có 39 quốc gia; nhóm các nước có thu thập trung bình cao (UMI)) có 38 quốc
gia; nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp (LMI) có 47 quốc gia; nhóm các
nước có thu nhập thấp (LI) có 27 quốc gia. Mỗi một quốc gia có 19 quan sát theo
năm trong thời kỳ 2000 - 2018.

Kết quả nhóm nước có thu nhập cao (HI)


Có 39 quốc gia có thu nhập cao tập trung chủ yếu ở Châu Âu và Bắc Mỹ
(29/39), còn lại là Châu Á (8/39) và Châu Đại Dương (2/39). Hầu hết các nước
trong nhóm này là các nước tư bản phát triển có thể chế chính trị dân chủ nghị viện
và tập trung chủ yếu ở bắc bán cầu. Kết quả nghiên cứu theo từng bước với sự trợ
giúp của phần mềm Eviews cụ thể như sau:
Bước 1: Kiểm định tính dừng theo tiêu chuẩn Dickey - Fuller (xem Phụ lục
4B). Kết quả kiểm định cho biết chuối g và DSI là dừng tại chuỗi gốc.
Bước 2: Xác định độ trễ tối ưu cho ước lượng mô hình VAR. Với các tiêu
chuẩn tương tự như mô hình mẫu tổng thể, độ trễ tối ưu được xác định là bậc 3
(xem Phụ lục 4B).
Ước lượng mô hình VAR với độ trễ tối ưu là bậc 3 (xem Phụ lục 4B). Tuy
nhiên, mô hình chỉ đảm bảo độ tin cậy để suy diễn sau khi vượt qua các kiểm định
chuẩn đoán. Nên bước tiếp theo, các kiểm định chuẩn đoán được thực hiện cho mô
hình VAR.
Bước 3: Kiểm định tính ổn định. Vì nghiệm của phương trình đặc trưng đều
thực sự nằm trong đường tròn đơn vị, nên hình VAR là ổn định (xem Phụ lục 4B).
Bước 4: Kiểm định quan hệ nhân quả Granger và điều chỉnh ước lượng VAR
(nếu có). Kết quả kiểm định nhân quả Granger cho thấy chỉ có mối quan hệ nhân
quả từ g đến DSI. Nghĩa là DSI sẽ là biến nội sinh còn g là biến ngoại sinh (xem
Phụ lục 4B). Do đó, mô hình cuối cùng được sử dụng để phân tích có dạng như trong
Bảng 4.6.
121
122

Bảng 4.6: Kết quả ước lượng VAR 1 chiều cho nhóm nước HI
Biến số DSI
DSI(-1) 0.664598***
(0,05079)
DSI(-2) 0,202887***
(0,05935)
DSI(-3) 0,049169
(0,04877)
g(-1) 0,001638***
(0,00079)
g(-2) -0,001267*
(0,00083)
g(-3) -0,000836*
(0,00069)
C 0,058595***
(0,01414)
R2 0,788867
Adjusted R2 0,786814
Số quan sát 741
Ghi chú: Giá trị trong ngoặc đơn là sai số tiêu chuẩn; ***, **, * hệ số có ý
nghĩa ở mức 1%, 5% và 10%
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Kết quả ước lượng lại cho thấy DSI quá khứ tác động tích cực lên DSI hiện tại
(H3) với mức ý nghĩa 1%, g(-1) tác động tích cực lên DSI hiện tại (H2) với mức ý
nghĩa 1% nhưng g(-2) và g(-3) lại tác động tiêu cực lên DSI hiện tại với mức ý
nghĩa 10%. Việc g càng xa hiện tại lại có tác động tiêu cực lên DSI khác với giả
thuyết H2 có thể được giải thích là do việc tăng trưởng g quá đà thông qua các gói
kích thích tài khóa sau một thời gian sẽ chuyển hóa thành mất cân bằng lớn trong
cán cân ngân sách từ đó làm giảm DSI ở thời điểm hai ba năm sau đó.
Bước 5: Sau khi diễn giải kết quả, để nghiên cứu phản ứng của các chuỗi trước
các cú sốc thì luận án tiến hành xây dựng hàm phản ứng và phân rã phương sai.
Do ở đây chỉ tồn tại mối quan một chiều từ g lên DSI với biến g trở thành biến
123

ngoại sinh nên luận án chỉ xem xét hàm phản ứng của DSI trước cú sốc của chính
mình. Ngoài ra đối với ước lượng VAR chỉ tồn tại một chiều tác động chúng ta
không phân tích phân rã phương sai.

Hình 4.18: Đồ thị hàm phản ứng của DSI trước cú sốc của chính mình trong
nhóm nước HI
Nguồn: Tác giả tự tổng hợp
Trong nhóm nước HI, một cú sốc của DSI tác động lên chính DSI trong một
thời gian rất dài. Đồ thị cho thấy mặc dù tác động này giảm dần nhưng cho đến năm
thứ 12 vẫn chưa về mức trước khi có cú sốc. Điều này cho thấy mức độ quan trọng
của việc duy trì bền vững nợ công ổn định ở nhóm nước HI.
Kết quả nhóm nước có thu nhập trung bình cao (UMI)
Có 38 quốc gia có thu nhập trung bình cao tập trung chủ yếu ở Châu Âu
(13/38) và Châu Mỹ (12/38), còn là Châu Á (5/38), Châu Phi (3/38) và các quốc
đảo (5/38). Các quốc gia trong nhóm nước UMI đa dạng về tôn giáo và thể chế
chính trị. Có quốc gia theo đường lối xã hội chủ nghĩa (Trung Quốc), có quốc gia
theo chế độ quân chủ lập hiến (Thái Lan) và có quốc gia theo chê độ nghị viện (các
nước Châu Âu). Kết quả nghiên cứu theo từng bước với sự trợ giúp của phần mềm
Eviews cụ thể như sau:
Bước 1: Kiểm định tính dừng theo tiêu chuẩn Dickey - Fuller (xem phụ lục
4C). Kết quả kiểm định cho biết chuối g và DSI là dừng tại chuỗi gốc.
Bước 2: Xác định độ trễ tối ưu cho ước lượng mô hình VAR. Với các tiêu
chuẩn tương tự như mô hình mẫu tổng thể, độ trễ tối ưu được xác định là bậc 5
(xem phụ lục 4C).
124

Ước lượng mô hình VAR với độ trễ tối ưu là bậc 5 (xem phụ lục 4C). Tuy
nhiên, mô hình chỉ đảm bảo độ tin cậy để suy diễn sau khi vượt qua các kiểm định
chuẩn đoán. Nên bước tiếp theo, các kiểm định chuẩn đoán được thực hiện cho mô
hình VAR.
Bước 3: Kiểm định tính ổn định. Vì nghiệm của phương trình đặc trưng đều
thực sự nằm trong đường tròn đơn vị, nên hình VAR là ổn định (xem phụ lục 4C).
Bước 4: Kiểm định quan hệ nhân quả Granger và điều chỉnh ước lượng VAR
(nếu có). Kết quả kiểm định nhân quả Granger cho thấy chỉ có mối quan hệ nhân
quả từ DSI đến g. Nghĩa là g sẽ là biến nội sinh còn DSI là biến ngoại sinh (xem
phụ lục 4C). Do đó, mô hình cuối cùng được sử dụng để phân tích có dạng như trong
Bảng 4.7.
Bảng 4.7: Kết quả ước lượng VAR 1 chiều cho nhóm nước UMI
Biến số g
g(-1) 0,195329***
(0,04556)
g(-2) 0,039015
(0,03546)
g(-3) 0,027671
(0,02747)
g(-4) 0,037537**
(0,02137)
g(-5) 0,001890
(0,01791)
C 1,936988***
(0,42887)
DSI(-1) 4,632560**
(2,68483)
DSI(-2) -0,469684
(3,30913)
DSI(-3) -1,489651
(3,07906)
DSI(-4) -1,897888
(2,21319)
R2 0,119218
Adjusted R2 0,104032
Số quan sát 722
Ghi chú: Giá trị trong ngoặc đơn là sai số tiêu chuẩn; ***, **, * hệ số có ý
125

nghĩa ở mức 1%, 5% và 10%


Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Kết quả ước lượng cho thấy g quá khứ tác động tích cực lên g hiện tại (H4).
Cụ thể g (-1) và g(-4) có tác động tích cực lên g hiện tại lần lượt ở mức ý nghĩa 1%
và 5%. Biến DSI lúc này đóng vai trò như một biến ngoại sinh thì chỉ có DSI(-1) là
có tác động lên g hiện tại ở mức ý nghĩa 5% và tác động này là tác động tích cực
(H1).
Bước 5: Sau khi diễn giải kết quả, để nghiên cứu phản ứng của các chuỗi trước
các cú sốc thì luận án tiến hành xây dựng hàm phản ứng và phân rã phương sai.
Do ở đây chỉ tồn tại mối quan một chiều từ DSI lên g với biến DSI trở thành
biến ngoại sinh nên luận án chỉ xem xét hàm phản ứng của g trước cú sốc của chính
mình. Ngoài ra đối với ước lượng VAR chỉ tồn tại một chiều tác động chúng ta
không phân tích phân rã phương sai.

Hình 4.19: Đồ thị hàm phản ứng của g trước cú sốc của chính mình trong
nhóm nước UMI
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Trong nhóm nước UMI, một cú sốc của g tác động lên chính g sẽ có tác động
giảm dần từ năm thứ 1 đến năm thứ 4 nhưng tăng lên ở năm thứ 5 và sau đó giảm
dần về lúc trước khi có cú sốc vào năm thứ 12. Điều này cho thấy tác động lâu dài
và khó đoán định của một cú sốc tăng trưởng lên kinh tế các nước nhóm UMI.
Kết quả nhóm nước có thu nhập trung bình thấp (LMI)
Có 47 quốc gia có thu nhập trung bình thấp tập trung chủ yếu ở Châu Á
(12/47) và Châu Phi (19/47), còn lại là Châu Mỹ (6/47), Châu Âu (6/47) và các
126

quốc đảo (4/47). Các quốc gia trong nhóm này cũng đa dạng về tôn giáo và thể chế
chính trị giống như nhóm nước UMI. Kết quả nghiên cứu theo từng bước với sự trợ
giúp của phần mềm Eviews cụ thể như sau:
Bước 1: Kiểm định tính dừng theo tiêu chuẩn Dickey - Fuller (xem phụ lục
4D). Kết quả kiểm định cho biết chuối g và DSI là dừng tại chuỗi gốc.
Bước 2: Xác định độ trễ tối ưu cho ước lượng mô hình VAR. Với các tiêu
chuẩn tương tự như mô hình mẫu tổng thể, độ trễ tối ưu được xác định là bậc 4
(xem phụ lục 4D).
Ước lượng mô hình VAR với độ trễ tối ưu là bậc 4 (xem phụ lục 4D). Tuy
nhiên, mô hình chỉ đảm bảo độ tin cậy để suy diễn sau khi vượt qua các kiểm định
chuẩn đoán. Nên bước tiếp theo, các kiểm định chuẩn đoán được thực hiện cho mô
hình VAR.
Bước 3: Kiểm định tính ổn định. Vì nghiệm của phương trình đặc trưng đều
thực sự nằm trong đường tròn đơn vị, nên hình VAR là ổn định (xem phụ lục 4D).
Bước 4: Kiểm định quan hệ nhân quả Granger và điều chỉnh ước lượng VAR
(nếu có). Kết quả kiểm định nhân quả Granger cho thấy chỉ có mối quan hệ nhân
quả từ DSI đến g. Nghĩa là g sẽ là biến nội sinh còn DSI là biến ngoại sinh (xem
phụ lục 4D). Do đó, mô hình cuối cùng được sử dụng để phân tích có dạng như trong
Bảng 4.8.
Bảng 4.8: Kết quả ước lượng VAR 1 chiều cho nhóm nước LMI
Biến số g
g(-1) 0,464813***
(0,03918)
g(-2) 0,035017
(0,04044)
g(-3) 0,117052***
(0,04023)
g(-4) 0,006510
(0,03627)
C 2,027951***
(0,25453)
DSI(-1) -1,475676*
(0,94055)
DSI(-2) 0,125870
(0,83698)
R2 0,288825
127

Adjusted R2 0,282711
Số quan sát 893
Ghi chú: Giá trị trong ngoặc đơn là sai số tiêu chuẩn; ***, **, * hệ số có ý
nghĩa ở mức 1%, 5% và 10%
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Kết quả ước lượng lại cho thấy g quá khứ tác động tích cực lên g hiện tại (H4)
với mức ý nghĩa 1%. Trong khi đó DSI với vai trò là biến ngoại sinh với độ trễ một
thời kỳ DSI(-1) lại tác động tiêu cực lên g hiện tại với mức ý nghĩa 10%. Điều trái
với giả thuyết H1 này có thể được giải thích là do ở các nước LMI để thúc đẩy g
dựa rất lớn vào chi tiêu chính phủ, điều này khiến cho tình trạng ngân sách xấu đi
nhanh chóng và ngay lập tức làm giảm DSI trong năm sau.
Bước 5: Sau khi diễn giải kết quả, để nghiên cứu phản ứng của các chuỗi trước
các cú sốc thì luận án tiến hành xây dựng hàm phản ứng và phân rã phương sai.
Do ở đây chỉ tồn tại mối quan một chiều từ DSI lên g với biến DSI trở thành
biến ngoại sinh nên luận án chỉ xem xét hàm phản ứng của g trước cú sốc của chính
mình. Ngoài ra đối với ước lượng VAR chỉ tồn tại một chiều tác động chúng ta
không phân tích phân rã phương sai.

Hình 4.20: Đồ thị hàm phản ứng của g trước cú sốc của chính mình trong
nhóm nước LMI
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Trong nhóm nước LMI, một cú sốc của g tác động lên chính nó với mức độ
128

giảm rất nhanh trong 3 năm đầu. Sau đó mức độ tác động giảm từ từ và kéo dài cho
đến năm thứ 12, tốc độ tăng trưởng ở nhóm LMI vẫn chưa quay trở về lúc trước khi
có cú sốc. Điều này cho thấy mức độ ảnh hưởng lâu dài của một cú sốc tăng trưởng
lên nhóm nước LMI.
129

Kết quả nhóm nước có thu nhập thấp (LI)


Có 27 quốc gia có thu nhập trung bình thấp chỉ tập trung ở 2 châu lục đó là
Châu Á (9/27) và Châu Phi (18/27). Tất cả những nước này tập trung toàn bộ ở gần
xích đạo và nam bán cầu, chủ yếu theo đạo hồi và có thể chế chính trị kém phát
triển khi một. Kết quả nghiên cứu theo từng bước với sự trợ giúp của phần mềm
Eviews cụ thể như sau:
Bước 1: Kiểm định tính dừng theo tiêu chuẩn Dickey - Fuller (xem Phụ lục
4E). Kết quả kiểm định cho biết chuối g và DSI là dừng tại chuỗi gốc.
Bước 2: Xác định độ trễ tối ưu cho ước lượng mô hình VAR. Với các tiêu
chuẩn tương tự như mô hình mẫu tổng thể, độ trễ tối ưu được xác định là bậc 5
(xem Phụ lục 4E).
Ước lượng mô hình VAR với độ trễ tối ưu là bậc 5 (xem Phụ lục 4E). Tuy
nhiên, mô hình chỉ đảm bảo độ tin cậy để suy diễn sau khi vượt qua các kiểm định
chuẩn đoán. Nên bước tiếp theo, các kiểm định chuẩn đoán được thực hiện cho mô
hình VAR.
Bước 3: Kiểm định tính ổn định. Vì nghiệm của phương trình đặc trưng đều
thực sự nằm trong đường tròn đơn vị, nên hình VAR là ổn định (xem Phụ lục 4E).
Bước 4: Kiểm định quan hệ nhân quả Granger và điều chỉnh ước lượng VAR
(nếu có). Kết quả kiểm định nhân quả Granger cho thấy chỉ có mối quan hệ nhân
quả từ g đến DSI. Nghĩa là DSI sẽ là biến nội sinh còn g là biến ngoại sinh (xem
Phụ lục 4E). Do đó, mô hình cuối cùng được sử dụng để phân tích có dạng như trong
Bảng 4.9.
130

Bảng 4.9: Kết quả ước lượng VAR 1 chiều cho nhóm nước LI
Biến số DSI
DSI(-1) 0,577293***
(0,03935)
DSI(-2) 0,079027***
(0,03457)
DSI(-3) 0,017798
(0,02605)
DSI(-4) 0,020373
(0,02027)
DSI(-5) -0,030303**
(0,01599)
C 0,048700***
(0,02323)
g(-1) 0,005809**
(0,00334)
g(-2) 0,001693
(0,00317)
g(-3) 0,001888
(0,00279)
R2 0,739424
Adjusted R2 0,733775
Số quan sát 513
Ghi chú: Giá trị trong ngoặc đơn là sai số tiêu chuẩn; ***, **, * hệ số có ý
nghĩa ở mức 1%, 5% và 10%
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Kết quả ước lượng cho thấy DSI quá khứ DSI(-1) DSI(-2) tác động tích cực
lên DSI hiện tại (H3) với mức ý nghĩa 1% nhưng DSI(-5) lại tác động tiêu cực với
mức ý nghĩa 5%. Điều trái với giả thuyết H3 này có thể được giải thích đó là các
nước LI thường cải thiện DSI bằng cách giảm chi tiêu công, điều này dần dần khiến
nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào khu vực công ở các nước thu nhập thấp tăng
131

trưởng chậm dần, và sau một khoảng thời gian nhất (5 năm) thì tác động của việc
cải thiện DSI lại là tiêu cực lên nền kinh tế nói chung và DSI nói riêng. Ngoài ra g(-
1) tác động tích cực lên DSI hiện tại với mức ý nghĩa 5% cũng phù hợp với giả
thuyết H2.
Bước 5: Sau khi diễn giải kết quả, để nghiên cứu phản ứng của các chuỗi trước
các cú sốc thì luận án tiến hành xây dựng hàm phản ứng và phân rã phương sai.
Do ở đây chỉ tồn tại mối quan một chiều từ g lên DSI với biến g trở thành biến
ngoại sinh nên luận án chỉ xem xét hàm phản ứng của DSI trước cú sốc của chính
mình. Ngoài ra đối với ước lượng VAR chỉ tồn tại một chiều tác động chúng ta
không phân tích phân rã phương sai.

Hình 4.21: Đồ thị hàm phản ứng của DSI trước cú sốc của chính mình trong
nhóm nước LI
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Trong nhóm nước LI, một cú sốc của DSI tác động lên chính DSI với mức độ
giảm dần từ năm thứ 1 đến năm 4. Tuy nhiên tại năm thứ 5, tác động lại có xu
hướng tăng trở lại và giảm dần cho đến khi DSI quay trở lại trạng thái ban đầu vào
năm thứ 10.
4.2.3.3 Tổng kết các trường hợp
Bảng dưới đây tổng kết kết quả ước lượng mô hình VAR cho các trường hợp
132

Bảng 4.10: Tổng kết kết quả chạy mô hình cho mẫu tổng thể và từng nhóm
nước
Có cả 2 Chỉ có Chỉ có Giả Kết quả khác giả thuyết
chiều chiều g chiều thuyết
tác động DSI tác được
lên DSI động lên chứng
g minh
Tất cả các x 2,3,4 i) DSI trễ càng xa thì
nước tác động tiêu cực đến
DSI hiện tại
ii) DSI trễ tác động tiêu
cực đến g hiện tại
Các nước x 2,3 i) g trễ càng xa thì tác
HI động tiêu cực đến g
hiện tại
Các nước x 1,4
UMI
Các nước x 4 i) DSI trễ tác động tiêu
LMI cực lên g hiện tại
Các nước x 2,3 i) DSI trễ càng xa thì
LI tác động tiêu cực lên
DSI hiện tại
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Mỗi nhóm quốc gia mối quan hệ giữa TTKT và bền vững nợ công lại khác
nhau. Nếu nhóm nước HI và LI (2 nhóm nước có thu nhập cao nhất và thấp nhất)
chỉ tìm thấy bằng chứng về chiều tác động từ TTKT lên bền vững nợ công thì nhóm
nước thu nhập trung bình bao gồm UMI và LMI lại chỉ tìm thấy chiều tác động
ngược lại từ bền vững nợ công lên TTKT. Điều này phản ánh tính khác biệt của
từng nhóm nước trong mối quan hệ giữa BVNC và TTKT.
Hầu hết các trường hợp đều tìm được tác động tích cực từ tốc độ tăng trưởng
quá khứ tới tốc độ tăng trưởng hiện tại (giả thuyết 4), tương tự khi DSI quá khứ
cũng có tác động tích cực lên DSI hiện tại (giả thuyết 3). Trong khi đó giả thuyết 1,
giả thuyết được xem xét nhiều nhất trong lý thuyết và các nghiên cứu thực nghiệm
chỉ tìm thấy trong nhóm nước UMI. Điều này cho thấy chưa chắc việc gia tăng bền
133

vững nợ công đã thúc đẩy tăng trưởng. Thậm chí một số trường hợp còn cho thấy
gia tăng DSI ở bất kỳ thời điểm nào cũng sẽ làm giảm TTKT tương lai (nhóm LMI).
Ở những nhóm nước còn lại (không phải nhóm LMI), có thể ban đầu việc cải
thiện DSI làm gia tăng tăng trưởng ngay sau đó, nhưng thời gian trôi đi tác động
này chuyển thành tiêu cực. Điều tương tự cũng xảy ra với các biến có độ trễ càng
cao thì khả năng chuyển từ tác động tích cực sang tiêu cực càng lớn. Chẳng hạn,
trong nhóm nước HI tốc độ tăng trưởng trễ càng xa thì tác động sẽ chuyển dần sang
tiêu cực lên tăng trưởng hiện tại; trong nhóm nước LI DSI trễ càng xa thì tác động
cũng sẽ chuyển dần sang tiêu cực lên tăng trưởng hiện tại. Điều này hàm ý có khả
năng việc thúc đẩy tăng trưởng hoặc cải thiện DSI được các nước thực hiện có
những thành phần không bền vững, chính sách thể hiện sự nóng vội, do đó trong
ngắn hạn có thể có tác động tích cực tuy nhiên thời gian trôi đi khi những hạn chế
của chính sách bộc lộ dẫn đến tác động chuyển dần thành tiêu cực.
4.2.4 Thảo luận kết quả
Kết quả nghiên cứu ở trên cho thấy mối quan hệ giữa TTKT và mức độ bền
vững nợ công có tính đặc thù. Tùy từng nhóm quốc gia xem xét mà kết quả có thể
khác nhau. Điều này được lý giải sự tác động qua lại giữa TTKT và bền vững nợ
công không phải là trực tiếp mà phải thông qua nhiều yếu tố trung gian như đã chỉ
ra trong Chương 1 tổng quan tình hình nghiên cứu. Một trong những yếu tố đó
chính là thể chế. Yếu tố thể chế được đề cập trong các nghiên cứu thực nghiệm
trong chương 1 là yếu tố có thể làm mức độ tác động giữa tăng trưởng và NCBV
thay đổi (Tarek & Ahmed, 2017; Ibrahim, 2021; Calderon & Fuentes, 2013;
Kourtellos & cộng sự, 2013). Nếu quốc gia thuộc nhóm thu nhập cao, có thể chế
minh bạch, có tính giải trình đặc biệt là tính hiệu quả của chi tiêu chính phủ cao thì
việc gia tăng bền vững nợ công có thể góp phần nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.
Lý do có thể là bởi phần chi tiêu công sau khi bị cắt giảm sẽ được phân bổ hiệu quả
nhất, phần không được chính phủ chi tiêu sẽ được lấp đầy bởi khu vực tư nhân lớn
mạnh. Ngược lại nếu quốc gia thuộc nhóm thu nhập thấp, có thể chế kém minh bạch
thiếu trách nhiệm giải trình đặc biệt là tính hiệu quả của chi tiêu chính phủ thấp thì
việc gia tăng bền vững nợ công lại làm suy giảm nền kinh tế. Lý do là bởi nền kinh
tế các nước kém phát triển thường có khu vực tư nhân nhỏ không đủ sức thay thế
phần chi tiêu chính phủ mất đi, phần chi tiêu chính phủ còn lại do thiếu giám sát
minh bạch cũng sẽ không đạt được hiệu quả cao. Các nghiên cứu của Lindauer và
cộng sự (1992) và Peralta-Alva và cộng sự (2019) cũng khẳng định lý giải trên.
Lindauer và cộng sự (1992) dựa trên số liệu về nợ công và tăng trưởng ở các nước
đang phát triển chỉ ra rằng có rất ít mối liên hệ giữa tăng chi tiêu của chính phủ và
134

tốc độ TTKT, trong một số trường hợp tăng chi tiêu chính phủ có thể khiến cho tốc
độ TTKT suy giảm vài năm sau đó. Trong khi đó nghiên cứu của Peralta-Alva và
cộng sự (2019) cho thấy các kế hoạch củng cố tài khóa ở các nước thu nhập thấp
làm giảm tăng trưởng và phúc lợi ở các nước này do sự phụ thuộc quá lớn của nền
kinh tế vào chi tiêu công. Alesina và cộng sự (2015) cũng tìm thấy hiện tượng
tương tự ở các nước Châu Âu, sau khi một số nước thực hiện chính sách khắc khổ
để củng cố tài khóa thì sau một khoảng thời gian tăng trưởng kinh tế ở các nước này
sụt giảm kéo theo năng lực trả nợ cũng giảm theo.
Kết quả phân tích định lượng cũng phù hợp với phân tích định tính trước đó.
Về cơ bản xu hướng của các điểm biểu thị ở đồ thị mẫu tổng thể và từng nhóm nước
là hướng lên trên do đó kết quả chạy mô hình ước lượng phần lớn các hệ số có ý
nghĩa thống kê đều cho thấy tác động tỷ lệ thuận giữa hai biến. Ngoài ra toàn bộ
mẫu đều sử dụng ước lượng VAR cho thấy mối quan hệ ngắn hạn giữa TTKT và
bền vững nợ công. Điều này thống nhất với kết quả nghiên cứu của Devarajan và
cộng sự (1996) trong đó bền vững nợ công được đại diện bởi quy mô nợ công và
khi quy mô nợ công tăng lên do chính phủ tăng chi tiêu sẽ chỉ có tác động tích cực
tới tăng trưởng trong ngắn hạn. Về mặt dài hạn, trong khi Lof và Malinen (2014)
không tìm thấy bằng chứng cho thấy nợ công có tác động tiêu cực lên tăng trưởng
thì nghiên cứu của Puig và Rivero (2015) lại phát hiện mối quan hệ dài hạn tỷ lệ
nghịch giữa quy mô nợ công và tăng trưởng kinh tế. Để mô hình lượng của luận án
thực sự khẳng định được mối quan hệ trong dài hạn giữa hai biến này thì cần phải
chờ một khoảng thời gian nữa khi số liệu cho mỗi nước đủ dài, ngoài ra nhóm nước
chạy mô hình cần phải khoanh vùng nhỏ hơn với nhiều đặc điểm chung nhất có thể để
mối quan hệ này bộc lộ đủ mạnh.
Về các giả thuyết được kiểm định, giả thuyết 1 nợ công quá khứ càng bền
vững thì tốc độ TTKT càng cao chỉ được tìm thấy trong nhóm nước UMI, điều này
cho thấy không phải cứ thúc đẩy mức độ bền vững nợ công một cách máy móc như
tìm cách tăng nguồn thu của chính phủ, giảm bớt vay nợ trong và ngoài nước sẽ dẫn
đến tốc độ tăng trưởng cao hơn trong tương lai. Chi tiêu chính phủ là một trong
những thành phần quan trọng của tổng cầu giúp gia tăng tăng trưởng trong ngắn hạn
và thậm chí nếu chính phủ chi tiêu hiệu quả cho cơ sở hạ tầng, hoạt động R&D thì
còn là tăng trưởng trong dài hạn. Vì thế gia tăng bền vững nợ công vội vàng khiến
nguồn lực này sụt giảm nhanh thì hoàn toàn không có lợi cho tăng trưởng. Các
nghiên cứu thực nghiệm của Guajardo (2014), Macausland và Theodossious (2016),
Jorda và Taylor (2015) phần nào ủng hộ kết quả trên khi cho thấy chính sách tài
khóa thắt chặt chưa chắc đã làm giảm quy mô nợ công và gián tiếp là làm tăng tốc
135

độ tăng trưởng. Trong khi đó Abukakar (2020) tuy chỉ ra thắt chặt tài khóa sẽ làm
giảm quy mô nợ công nhưng nếu áp dụng kéo dài sẽ gây tác động tiêu cực tới tăng
trưởng.
Giả thuyết 2 tăng trưởng quá khứ càng cao thì mức độ bền vững nợ công hiện
tại sẽ được cải thiện chỉ được tìm thấy trong nhóm nước HI và LI, điều này cho thấy
không phải cứ làm gia tăng tốc độ TTKT sẽ làm gia tăng theo mức độ bền vững nợ
công. Ở nhóm nước HI việc bản thân thu nhập nhóm nước đã cao sẽ giúp cho tăng
trưởng kinh tế dù ít cũng sẽ cải thiện được đáng kể khả năng trả nợ của quốc gia
(Gomez & Sosvilla, 2017; Pegkas & cộng sự, 2020). Còn đối với các nước LI giả
thuyết 2 được khẳng định cũng đến từ chính thu nhập thấp của nhóm này. Việc xuất
phát điểm là những nước thu nhập thấp, các quốc gia này có thể đạt được tốc độ
TTKT bình thường tương đối cao. Tiếp tục gia tăng tốc độ tăng trưởng cao hơn nữa
sẽ giúp thực sự cải thiện năng lực trả nợ của chính phủ như gia tăng nguồn thu thuế,
làm giảm quy mô nợ công/GDP, vay nợ nước ngoài ít hơn. Tất cả những điều này
lại dẫn đến việc DSI được cải thiện. Đây cũng là kết quả được tìm thấy trong nghiên
cứu của Lim (2019) cho 41 nước đang phát triển trong giai đoạn 1952 - 2016.
Một điểm mới của luận án đó là trong mẫu tổng thể và nhóm LMI, kết quả cho
thấy DSI quá khứ có tác động tiêu cực lên g hiện tại . Kết quả tương tự cũng được
tìm thấy trong nghiên cứu của Lof và Malinen (2014) nhưng lại sử dụng số liệu của
20 nền kinh tế phát triển. Đây là dấu hiệu cho thấy việc cải thiện NCBV chưa chắc
đã khiến tốc độ TTKT tăng ở những nước có thu nhập trung bình và thấp. Tuy
nhiên NCBV như phân tích ở chương 2 sẽ tạo môi trường vĩ mô thuận lợi (lạm phát
thấp, lãi suất vừa phải, rủi ro vỡ nợ của chính phủ thấp…) giúp duy trì tăng trưởng
kinh tế ổn định. Hơn nữa, nợ công càng bền vững càng giúp chính phủ có nhiều
không gian chính sách để đối phó với các cú sốc bên ngoài. Đây đều là những điều
kiện để duy trì tăng trưởng bền vững, mà tăng trưởng bền vững lại là một mục tiêu
mà Việt Nam đang hướng tới. Do đó gia tăng NCBV là một việc nên làm ở các
nước LMI, vấn đề lúc là gia tăng NCBV như thế nào để ảnh hưởng tiêu cực nếu có ít
nhất tới TTKT.
Ở chiều ngược lại, trong nhóm HI, g có độ trễ càng xa (hai, ba năm) có tác
động tiêu cực lên DSI hiện tại. Kết quả này thống nhất với các nghiên cứu liên quan
đến các gói kích cầu khôi phục nền kinh tế nhưng để lại hậu quả là quy mô nợ công
tăng rất nhanh sau đó. Tichy (2012) chỉ ra các gói kích thích tài khóa khổng lồ ở
một số nước Châu Âu sau khủng hoảng 2008 - 2009 khi không được điều chỉnh kịp
thời đã khiến nợ công tăng nhanh vượt kiểm soát góp phần vào cuộc khủng hoảng
136

nợ công ngay sau đó. Như vậy có thể thấy những tác động tiêu cực hay có thể gọi là
phản ứng phụ nếu có từ việc tăng g và DSI không bộc lộ ngay sau đó mà cần thời
gian để ngấm vào nền kinh tế và từ đó tạo ra tác động tiêu cực.
Đối với các giả thuyết về tính tự tăng cường của DSI và g. Phần lớn các nhóm
nước nghiên cứu đều cho thấy tính tự củng cố của nợ công bền vững và TTKT.
Trong khi giả thuyết 3 (tính tự củng cố của NCBV) được tìm thấy trong mẫu tổng
thể, nhóm HI và nhóm LI thì giả thuyết 4 (tính tự củng cố của TTKT) được tìm thấy
trong mẫu tổng thể, nhóm UMI và nhóm LMI. Duy chỉ có một trường hợp ở nhóm
LI khi DSI càng trễ xa lại có ảnh hưởng tiêu cực lên DSI hiện tại. Giống như cách
lý giải cho chiều tác động từ g trễ càng xa lên DSI, có thể cách gia tăng DSI không
hợp lý ở các quốc gia LI sẽ khiến cho động lực tăng trưởng kinh tế xấu đi sau một
khoảng thời gian nhất định, từ đó khiến cho DSI trong tương lai giảm. Tuy không
phải là một nước thuộc nhóm LI, nhưng thực tế sau khủng hoảng nợ công giai đoạn
2011 - 2015 cho thấy các chính sách khắc khổ được thực hiện ở Hy Lạp (tăng thuế,
giảm chi tiêu chính phủ) nhằm củng cố tài khóa của nước này ngay lúc đó có thể
giúp các tiêu chí về nợ công được cải thiện nhưng sau một vài năm đã đẩy Hy Lạp
vào một thời kỳ giảm phát dai dẳng, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất Châu Âu (tỷ lệ thất
nghiệp năm 2015 là 25,5%) (Karanasos & cộng sự, 2017). Điều này gián tiếp lại
làm gia tăng trở lại các tiêu chí về quy mô nợ công và rủi ro trả nợ trong ngắn hạn.
Đây cũng là một phát hiện mới của luận án.
137

CHƯƠNG 5 HÀM Ý CHÍNH SÁCH CHO VIỆT NAM


5.1 Thực trạng mối quan hệ giữa nợ công bền vững và tăng trưởng kinh tế của
Việt Nam
5.1.1 Thực trạng nợ công Việt Nam
5.1.1.1 Chỉ số DSI
Xu hướng chung của chỉ số DSI là cải thiện trong cả giai đoạn 2000 - 2018.
Việt Nam từ nước có mức độ NCBV kém năm 2000 (DSI bằng 0,148) đã vươn lên
mức độ NCBV trung bình vào năm 2018 (DSI bằng 0,456). Xu hướng này gián
đoạn vào thời kỳ khủng hoảng 2008 - 2009 khi tình trạng ngân sách xấu đi nhanh
chóng. Tuy nhiên ngay sau đó với chính sách tài khóa hợp lý của chính phủ, đặc
biệt với sự ra đời của Luật quản lý nợ công 2009, 2017, mức độ NCBV của Việt
Nam được cải thiện rõ rệt.
Về đóng góp của các chỉ số thành phần trong chỉ số tổng hợp DSI, tổng thể
CV4 đến CV7 vẫn là các chỉ số đóng góp nhiều nhất vào chỉ số chung trong đó
CV4 một số năm có đóng góp âm. Trong 3 chỉ số còn lại CV3 đóng góp nhiều nhất,
CV1, CV2 là những chỉ số đóng góp không đáng kể. Điều này phù hợp với thực
trạng chung của các nước thu nhập trung bình và thấp khi biến động về nợ nước
ngoài của nợ công sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mức độ NCBV của Việt Nam. Các
phân tích định tính tương tự về tình trạng nợ công của Việt Nam nói chung và các
rủi ro đi kèm trong cùng giai đoạn cũng cho kết quả tương tự. Chi tiết phân tích DSI
của Việt Nam giai đoạn 2000 - 2018 được trình bày trong Phụ lục 3.B5.
Dựa trên số liệu chi tiết hơn được cung cấp ở Bản tin nợ công trong giai đoạn
2011-2018, sau đây tác giả sẽ tiến hành đánh giá sâu hơn về thực trạng về NCBV ở
Việt Nam trong giai đoạn trên liên quan đến các tiêu chí về quy mô nợ công , cơ cấu
nợ công và mô hình quản lý nợ công.
5.1.1.2 Quy mô nợ công
Quy mô nợ công về mặt tuyệt đối gia tăng từ gần 1,1 triệu tỷ VND năm 2011
lên đến hơn 2,7 triệu tỷ VND năm 2018. Quy mô nợ công tương đối vì thế cũng gia
tăng từ 54,9% năm 2011 lên 63,7% năm 2016. Tuy nhiên do đã gần chạm ngưỡng
cho phép của Quốc hội (65%) nên đã có những củng cố ngân sách từ phía chính
138

phủ, kết quả là quy mô nợ công tương đối giảm xuống còn 58,3% năm 2018. Điều
tương tự cũng xảy ra với nợ nước ngoài tuy nhiên mức tăng từ năm 2011 đến năm
2016 ít hơn từ 41,5% lên 44,8% do trước đó có một năm nợ nước ngoài trên GDP
giảm đột ngột (năm 2012). Kết thúc thời kỳ năm 2018, nợ nước ngoài/GDP ở mức
46%.
Bảng 5.1: Nợ công Việt Nam từ 2011 - 2018
2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018
Dư nợ
công
1.093 1.279 1.528 1.826 2.064 2.373 2.587 2.752
(1.000 tỷ
đồng)
Nợ
công/GDP 54,9 50,8 54,5 58,02 61,3 63,7 61,4 58.3
(%)
Nợ nước
ngoài/GD 41,5 37,4 37,3 38,3% 42% 44,8 48,9 46%
P (%)
Nguồn: Tổng hợp từ Bản tin nợ công số 5,6,7 của Bộ Tài chính (BTC) (2017, 2018)
Cùng với sự gia tăng về quy mô nợ công thì tỷ trọng nợ công tính trên thu
nhập của một người cũng chứng kiến sự gia tăng, từ 50,9% năm 2011 tăng lên
54,7% năm 2018. Như vậy có thể nói về mặt quy mô, mức độ NCBV của Việt Nam
đang giảm.
Bảng 5.2: Nợ công/người và GDP/người của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2018
2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018
Nợ 662,0 704,3 788,3 872,1 955,9 1039, 1302, 1415,
công/người 8 6 6 3 7 6 5
(USD)
GDP/người 1300 1771 1960 2028 2109 2215 2277 2570
(USD)
Tỷ trọng nợ 50,9% 39,8% 40,2% 43% 45,3 46,9% 57,2% 54,7%
trên thu nhập %
tính trên 1
người
139

Nguồn: Tổng hợp của tác giả


140

5.1.1.3 Cơ cấu nợ công


Bảng 5.3: Cơ cấu nợ công theo các cấp giai đoạn 2011 - 2018
Chỉ tiêu 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018
A - Nợ 54,9 50,8 54,5 58,0 61,0 63,7 61,4 58,3
công/GDP
(%)
1. Nợ chính 43,2 39,4 42,6 46,4 49,2 53,6 51,8 49,8
phủ/GDP
(%)
2. Nợ được 11,4 10,6 11,1 10,7 11,0 10,3 8,5 7,6
CP bảo
lãnh/GDP
(%)
3. Nợ 0,4 0,8 0,8 0,9 1,8 1,5 1,1 0,9
CQĐP/GD
P (%)
B- Cơ cấu 100 100 100 100 100 100 100 100
nợ công (%)
1. Nợ chính 78,5 77,7 78,2 80,0 80,8 82,8 84,4 85,6
phủ (%)
2. Nợ được 20,7 20,8 20,3 18,5 17,8 15,8 14,6 13,6
chính phủ
bảo lãnh
(%)
3. Nợ chính 0,8 1,5 1,5 1,5 1,4 1,4 1,0 0,8
quyền địa
phương (%)
Nguồn: Tổng hợp từ Bản tin nợ công số 5, số 6, số 7
Về cơ cấu nợ theo đối tượng vay nợ, nợ chính phủ ngày chiếm tỷ trọng cao
hơn. Hai dạng nợ rủi ro hơn trong thanh khoản là nợ được chính phủ bảo lãnh giảm
còn nợ chính quyền địa phương giữ nguyên.
141

Bảng 5.4: Cơ cấu giữa nợ trong nước và nợ nước ngoài của Chính phủ giai
đoạn 2011 - 2018
2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018
Nợ trong 43,3 45,8 50,2 54,6 58,0 59,0 59,7 61,4
nước (%)
Nợ nước 56,7 54,2 49,8 45,4 42,0 41,0 40,3 38,6
ngoài (%)
Ghi chú: (E) là số liệu ước tính
Nguồn: Tổng hợp từ Bản tin nợ công và Cổng thông tin ngân sách của BTC
Cơ cấu nợ theo chủ thể cho vay thì rõ ràng có sự phát triển vượt bậc của
nguồn vay nợ trong nước. Có thể lý do xuất phát từ thị trường TPCP trong nước
được hoàn thiện, mở rộng. Đầu thời kỳ 2011 hơn một nửa nợ công (56,7%) đến từ
chủ nợ nước ngoài nhưng đến cuối thời kỳ năm 2018 con số này chỉ còn 38,6%.
Phần còn lại chiếm số lượng áp đảo là nguồn vốn vay nợ huy động trong nước
chiếm 61,4%
Bảng 5.5: Kỳ hạn và lãi suất bình quân của trái phiếu Chính phủ giai đoạn
2011 - 2018
2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018
Kỳ hạn bình 3,9 3,0 3,2 4,8 7,0 8,77 12,74 12,69
quân (năm)
Lãi suất bình 12% 8,7% 7,8% 6,5% 6% 6,7% 6% 4,71%
quân
Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo của BTC (2015, 2016, 2017) và Cổng thông tin của
BTC (2018)
Về cơ cấu theo kỳ hạn, xuyên suốt trong cả thời kỳ kỳ hạn phát hành trái phiếu
trung bình được gia tăng và lãi suất bình quân của TPCP cũng giảm. Mức độ tăng
giảm của hai yếu tố kể trên thực sự ấn tượng từ 3,9 năm năm 2011 lên 12,6 năm
năm 2018 và từ 12% năm 2011 xuống còn 4,71% năm 2018.
Như vậy, tổng thể về cơ cấu nợ công chúng ta thấy một sự cải thiện rõ rệt chất
lượng. Nợ công Việt Nam đã chuyển biến từ nợ có nguồn gốc nước ngoài chiếm đa
số, kỳ hạn vay ngắn và lãi suất bình quân cao, đối tượng vay có rủi ro lớn vẫn đang
vay tương đối nhiều (năm 2011) sang nợ có nguồn gốc trong nước chiếm đa số, kỳ
hạn vay dài hơn và lãi suất bình quân thấp hơn, đối tượng vay có rủi ro lớn giảm
142

hẳn lượng vay tương đối (năm 2018). Điều này đóng góp một sự gia tăng đáng kể
của mức độ NCBV của Việt Nam.
5.1.1.4 Mô hình quản lý nợ công
Trước năm 2009, Luật về Quản lý Nợ công chưa được ban hành. Hai văn bản
pháp lý cao nhất để quản lý nợ công là Pháp lệnh số 12/1999/PL-UBTVQH10 ngày
27/4/1999 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về phát hành công trái xây dựng Tổ
quốc và Nghị định số 141/2003/NĐ-CP của Chính phủ về phát hành TPCP, TPCP
bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương. Đối với vay nợ nước ngoài, văn bản
pháp lý cao nhất là Nghị định số 134/2005/NĐ-CP ngày 01/11/2005 của Chính phủ
ban hành Quy chế quản lý vay và trả nợ nước ngoài, và Nghị định số 131/2006/NĐ-
CP ngày 09/11/2006 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ
trợ phát triển chính thức. Việt Nam lúc đó cũng chưa có cơ quan chuyên biệt để
quản lý nợ công, càng không có chiến lược quản lý nợ công. Như vậy có thể thấy
trước năm 2009, Việt Nam theo mô hình quản lý nợ công đặc trưng của một nước
kém phát triển, cho dù thực tế lúc đấy đối xử Việt Nam nhận được từ các tổ chức
quốc tế là đối với nước đang phát triển. Điều này cho thấy tại thời điểm đó Việt
Nam đang tụt hậu so với thế giới trong cách thức tổ chức quản lý nợ công.
Thấy rõ được ích lợi của một hệ thống quản lý nợ công bài bản, đặc biệt là sau
cuộc khủng hoảng kinh tế 2008. Việt Nam trong năm 2009 đã ban hành Luật quản
lý nợ công 2009 và mới nhất là là bản sửa đổi năm 2017, từ đó việc quản lý nợ công
mới bắt đầu có tổ chức. Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại thuộc BTC cũng đã
được thành lập theo quyết định của 1168/QĐ-BTC ngày 22/5/2009. Ngay sau đó là
một loạt các văn bản pháp lý bổ sung cho hoạt động quản lý nợ công như Chiến
lược quản lý nợ trung và dài hạn giai đoạn 2011 - 2020 tầm nhìn đến năm 2030 theo
quyết định 958/QĐ- Ttg của thủ tướng chính phủ, Quyết định về quy chế và xử lý
rủi ro đối với danh mục nợ công ban hành năm 2012, Nghị định về nghiệp vụ quản
lý nợ công ban hành năm 2018. Đảng cũng rất quan tâm đến vấn đề này và đã thông
qua Nghị quyết 07/NQ-TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải
pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn,
bền vững. Với những nỗ lực củng cố hệ thống pháp lý kể trên, Việt Nam đã và đang
thực sự xây dựng mô hình quản lý nợ công đặc trưng đối với các nước đang phát
triển trong giai đoạn quản lý nợ theo hệ thống thị trường định hướng. Hình 5.3 dưới
đây mô tả mô hình quản lý nợ công hiện tại của Việt Nam.
143

QUỐC HỘI

Quyết định chỉ tiêu an toàn nợ công


Phê duyệt kê hoạch liên quan đế nợ công (5 năm) do chính phủ đề xuất
Giám sát quản lý nợ công

CHÍNH PHỦ
Thống nhất quản lý nợ công
Báo cáo Quốc hội về kế hoạch liên quan đến nợ công (5 năm) để
phê duyệt
Thực thi chính sách đảm bảo an toàn nợ công

Thủ tướng

Phê duyệt kế hoạch vay trả nợ hàng năm


Phê duyệt chương trình quản lý nợ 3 năm
Bộ Quyết định cấp bậc bảo lãnh chính phủ
KHĐT NHNN

Chủ trì xây dựng danh mục yêu cầu tài trợ
vốn ODA BTC Thẩm định phương án vay lại vốn vay
thương mại nước ngoài của tổ chức tín dụng
Tham gia xây dựng mục tiêu định hướng
Tham gia xây dựng mục tiêu, định hướng
vay, trả nợ, chỉ tiêu giám sát an toàn nợ vay, trả nợ, chỉ tiêu giám sát an toàn nợ
Tham gia xây dựng đề án phát hành TPCP, Giúp chính phủ thống nhất quản lý nợ Tham gia xây dựng phương án huy động vốn
công trái Chủ trì xây dựng mục tiêu, định hướng của chính phủ
vay, trả nợ, chỉ tiêu giám sát an toàn nợ
Quản lý khoản vay chính phủ, quỹ tích lũy
trả nợ
Bộ/ngành Chính quyền địa
Hạch toán thống kê nợ công, công bố thông
khác tin nợ công định kỳ phương

Phê duyệt đề án vay, phát hành trái phiếu Phê duyệt kế hoạch vay và trả nợ của địa
được chính phủ bảo lãnh, trình BTC thẩm phương
định Quyết định danh mục đầu tư và vay vốn
Thanh tra, kiểm tra sử dụng vốn nội bộ Kiểm toán đầu tư
nhà nước Giám sát vay, trả nợ của địa phương

Kiểm toán toàn bộ hoạt động liên quan đến


quản lý, sử dụng nợ công
Công khai kết quả báo cáo trước Quốc hội

Hình 5.1: Mô hình quản lý nợ công ở Việt Nam


Nguồn: Tác giả tổng hợp dựa trên Luật quản lý nợ công 2017
Đây là mô hình quản lý theo Storkey (2006) được nhiều nước đang phát triển
sử dụng, nhất là trong giai đoạn khi mới hình thành thị trường trái phiếu nói riêng
và thị trường vốn nói chung ở trong nước. Cụ thể, Việt Nam đã có một cơ quan
chuyên trách quản lý nợ công trực thuộc BTC, có chiến lược quản lý nợ công với
những chỉ tiêu an toàn được Quốc hội quy định và hoạt động quản lý nợ công được
phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm hướng đến nền tài chính quốc gia
an toàn, bền vững.
144

Hình 5.2: Các mô hình quản lý nợ công phù hợp theo từng giai đoạn phát triển
của nền kinh tế
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ nghiên cứu của Storkey (2006)
Tổng kết lại tuy quy mô nợ công Việt Nam tăng lên nhưng cơ cấu nợ công
chất lượng hơn, mô hình quản lý nợ công ngày càng được củng cố. Tất cả những
điều trên đã giải thích tại sao trong giai đoạn sau khủng hoảng 2008 - 2009, thay vì
DSI duy trì xu hướng giảm dần đều thì Việt Nam lại chứng kiến DSI cải thiện liên
tục tiệm cần dần đến giá trị DSI trước khủng hoảng.
5.1.2 Mối quan hệ giữa nợ công bền vững và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam
Khác với hầu hết các quốc gia được lựa chọn phân tích, DSI của Việt Nam lại
có xu hướng cải thiện trong giai đoạn 2000 - 2018. Kết quả này cũng tương tự
những gì mà Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia đạt được. Tăng trưởng ở mức cao
trong khoảng từ 6% đến 8% giúp giai đoạn 2000 - 2008 chứng kiến mức tăng mạnh
mẽ của DSI. Tuy nhiên đến năm 2009 do ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế
2008 - 2009, DSI của Việt Nam giảm tới 25,4%, mức giảm cao nhất trong tổng số 6
nước khảo sát (bao gồm cả 5 nước ở Chương 4). Nguyên nhân có thể đến từ độ mở
của nền kinh tế tương đối cao đặc biệt sau khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007.
Sau đó DSI phục hồi trên mức trước khủng hoảng vào năm 2011 và lắp lại diễn biến
giảm nhẹ như ở các quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia đã chứng kiến. Điều
này cho thấy quá trình phục hồi hậu tăng trưởng không ổn định của các nước đang
phát triển. Tuy nhiên nhờ tốc độ TTKT tăng tốc trở lại trong giai đoạn 2014 - 2018
145

nên DSI cũng cải thiện theo. Kết thúc thời kỳ năm 2018 DSI của Việt Nam đạt mức
0,456 ngang bằng với DSI năm 2008.
8 0.6

7
0.5
6
0.4
5

4 0.3

3
0.2
2
0.1
1

0 0.0
2000200120022003200420052006200720082009201020112012201320142015201620172018

g DSI

Hình 5.3: TTKT và DSI của Việt Nam thời kỳ 2000 - 2018
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Ngoài ra với tư cách là một nước thuộc nhóm thu nhập trung bình thấp, kết
quả định lượng trong chương 4 cho thấy DSI trễ tác động tiêu cực lên tăng trưởng
vài năm sau đó. Dựa trên đồ thị chúng ta nhận thấy điều này rõ nhất trong giai đoạn
2000 - 2007 khi DSI liên tục gia tăng thời gian đầu 2000 - 2004 và đến 2005, tốc độ
TTKT có dấu hiệu suy giảm ngay trước khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu
2008 - 2009 diễn ra. Giai đoan 2014 - 2018 cũng chứng kiến DSI liên tục được cải
thiện, điều này tiềm tàng có thể dẫn đến sự suy giảm của tăng trưởng giai đoạn sau
đó.
5.2 Một số hàm ý chính sách liên quan đến mối quan hệ giữa nợ công bền vững
và tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam
5.2.1 Mở rộng, nâng cấp các chỉ số được sử dụng trong quản lý nợ công
Chúng ta có thể nhận thấy DSI là một chỉ số hữu hiệu giúp chính phủ quản lý
ngân sách một cách khoa học. Sự biến động của DSI cho chính phủ biết nhiều thông
tin quan trọng như mức độ NCBV của quốc gia chính xác đang ở đâu, đâu là thành
phần khiến bền vững nợ công thay đổi nhiều nhất, nếu thực hiện đúng dự toán ngân
sách cho năm tới thì DSI sẽ ở mức nào, liệu giá trị dự báo của DSI đã rơi vào vùng
nguy hiểm hay chưa. Với những thông tin mà DSI mang lại, chính phủ hoàn toàn có
thể chọn được thời điểm để củng cố NCBV một cách hợp lý từ đó đạt được mục
tiêu ổn định vĩ mô với khả năng hy sinh các mục tiêu khác ít nhất có thể . Ngoài ra
146

việc lượng hóa được DSI sẽ giúp cơ quan tư vấn chính sách cho chính phủ có thể
nghiên cứu cụ thể mối quan hệ giữa NCBV và các biến số vĩ mô khác nhằm đưa ra
chính sách phù hợp trong các vấn đề liên quan.
Trên thực tế, Việt Nam đã sử dụng các chỉ tiêu an toàn nợ công trong kế hoạch
vay, trả nợ công 05 năm và hàng năm cũng như chương trình quản lý nợ công 3
năm. Điều này có được qua quá trình hoàn thiện thể chế về quản lý nợ công khi
Quốc hội thông qua Luật Quản lý nợ công lần đầu tiên năm 2009 và tiếp tục sửa đổi
năm 2017. Đây là những bước thay đổi quan trọng, góp phần hoàn thiện chính sách
quản lý, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ giữa quản lý nợ công, ngân sách và đầu tư công.
Theo Luật quản lý nợ công 2017, các chỉ tiêu an toàn nợ công được sử dụng bao
gồm nợ công so với GDP, nợ của chính phủ so với GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp
của chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước hằng năm, nợ nước ngoài của
quốc gia so với GDP, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với xuất khẩu.
Nghị quyết 23/2021/QH15 về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm
giai đoạn 2021 - 2025 quy định cụ thể các chỉ tiêu an toàn nợ công như sau: trần nợ
công hằng năm không quá 60% GDP, ngưỡng cảnh báo là 55% GDP; trần nợ Chính
phủ hằng năm không quá 50% GDP; ngưỡng cảnh báo là 45% GDP; trần nợ nước
ngoài của quốc gia hằng năm không quá 50% GDP; ngưỡng cảnh báo là 45% GDP;
Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm nghĩa vụ trả nợ đối với các
khoản cho vay lại) không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước; Nghĩa vụ trả nợ
nước ngoài của quốc gia (không bao gồm nghĩa vụ trả nợ gốc ngắn hạn dưới 12
tháng) không quá 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên
nếu so sánh với những tiêu chí để đánh giá mức độ NCBV như các thành phần trong
chỉ số DSI, hoặc các tiêu chí được sử dụng trong hệ thống cảnh báo sớm khủng
hoảng nợ của IMF, EU thì các chỉ tiêu trên cần phải bổ sung thêm một số chỉ tiêu
quan trọng sau: chênh lệch giữa tốc độ tăng trưởng và lãi suất thực (IRGD), tỷ lệ
phần nợ nước ngoài của nợ công trên GDP, xuất khẩu, thu ngân sách và dự trữ
ngoại hối.
Chính phủ Việt Nam sau đó có thể tính đến việc xây dựng DSI hoặc một chỉ
số tương tự để theo dõi mức độ NCBV hoặc thậm chí xây dựng chỉ số này ở quy mô
địa phương như đang làm với Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, Chỉ số công
khai ngân sách tỉnh POBI. Hệ thống nhiều chỉ số xem xét toàn diện các dạng rủi ro
của nợ công cũng có thể được sử dụng như một hệ thống cảnh báo sớm. Hệ thống
này tỏ rõ hiệu quả ở những quốc gia như Hàn Quốc, Thái Lan (ADB, 2011) trong
quá trình quản lý nợ công khi giúp các nhà hoạch định chính sách sớm có những
điều chỉnh cần thiết liên quan đế nợ công trước khi quy mô nợ vượt quá khả năng
147

kiểm soát của chính phủ.


Để làm được điều trên, tác giả đề xuất một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, chính phủ cần nâng cao chất lượng công tác thu thập, xử lý số liệu
liên quan đến ngân sách. Từ tính hữu dụng của việc xây dựng một chỉ số đánh giá
NCBV quốc gia và thậm chí là địa phương trong tương lai, một yêu cầu đặt ra đó là
thu thập và xử lý số liệu về nợ công phải kịp thời, chính xác.. Những xu hướng thay
đổi chỉ số thành phần và chỉ số tổng hợp cần phải được phân tích và có những điều
chỉnh kịp thời để chuẩn bị một nền tảng tài khóa vững vàng trước mỗi đợt khủng
hoảng. Điều này đến lượt nó lại đòi hỏi cải thiện ở khâu thu thập số liệu nợ và chất
lượng của các báo cáo.
Thứ hai, nâng cao năng lực của công chức được phân công nhiệm vụ quản lý
nợ công. Chính phủ cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực trong các
cơ quan quản lý nợ công nói riêng và Bộ Tài chính nói chung. Để làm được điều
này, hệ thống đào tạo nguồn nhân lực tài chính công của Bộ tài chính bao gồm 5 cơ
sở giáo dục đại học (Học viện Tài chính, Trường Đại học Tài chính Marketing,
Trường Đại học Tài chính - Kế toán, Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh
doanh và Trường Cao đẳng Tài chính - Hải quan) cùng với hệ thống các trường đại
học, trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ cần phải cập nhật chương trình, nâng cao chất
lượng giảng dạy, bồi dưỡng liên quan đến chuyên ngành tài chính công. Bên cạnh,
nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo trong nước, Bộ Tài chính cũng nên có
những cơ chế đặc thù để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo từ
nước ngoài. Việc sử dụng nguồn lực này không nhất thiết là phải tuyển dụng mà
bước đầu có thể thông qua hoạt động hợp tác, trao đổi để học hỏi kinh nghiệm và
cập nhật những kiến thức mới nhất trong lĩnh vực tài chính công. Chính phủ đồng
thời cũng phải đầu tư cho hoạt động nghiên cứu vĩ mô, xây dựng mô hình tính toán
phù hợp với bối cảnh Việt Nam, tạo môi trường làm việc thuận lợi cho nguồn nhân
lực chất lượng cao về tài chính công đã được xây dựng.
Thứ ba, ứng dụng công nghệ trong việc quản lý nợ công cũng là một trong
những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng số liệu thu thập và hiệu quả của
quá trình xử lý. Hiện tại Việt Nam đang có hệ thống báo cáo tình hình nợ công quốc
gia định kỳ hàng năm đó là Bản tin nợ công do Cục quản lý nợ và tài chính công
thuộc Bộ tài chính ban hành, Cổng công khai ngân sách Nhà nước, website
https://ckns.mof.gov.vn/SitePages/home.aspx công khai thu chi ngân sách của các
địa phương và tổng thể chính quyền trung ương từ 2004 đến nay, hệ thống mạng
đấu thầu mua sắm công quốc gia tại địa chỉ http://muasamcong.mpi.gov.vn/. Bước
148

đầu đây là những nguồn tập trung số liệu cần thiết cho quản lý nợ công nói chung
và xây dựng NCBV nói riêng. Tuy nhiên do số liệu còn thiếu tính cập nhật và tồn
tại phân mảnh tại nhiều nguồn, vì vậy cần thiết phải xây dựng một hệ thống thông
tin chung tổng thể về nợ công trong đó các số liệu được thu thập một cách kịp thời,
chính xác và đầy đủ, tạo tiền đề để áp dụng những tính toán kỹ thuật liên quan đến
mức độ NCBV trong tương lai. Đây chắc chắn là một hệ thống phức tạp, đòi hỏi có
sự đầu tư nhất định từ chính phủ.
Thứ tư, chính phủ cần quy định trong luật và kế hoạch quản lý nợ công sửa đổi
một hệ thống các chỉ tiêu an toàn nợ công với các chỉ tiêu mới như gợi ý ở trên, đặc
biệt là các chỉ tiêu liên quan đến phần nợ nước ngoài của nợ công cũng như một chỉ
số tổng hợp như chỉ số DSI. Đây sẽ là những chỉ số định lượng quan trọng giúp
đánh giá rõ ràng hiệu quả của công tác thu, chi ngân sách ở các cấp chính quyền,
làm tiền đề để đánh giá hiệu quả quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương.
5.2.2 Điều chỉnh nợ công bền vững một cách hợp lý trong mối quan hệ với tăng
trưởng kinh tế
Việt Nam thuộc nhóm LMI, nhóm quốc gia có kết luận khá thú vị liên quan
đến mối quan hệ giữa nợ công và TTKT. Đó là chỉ tồn tại tác động từ DSI lên tốc
độ TTKT và theo hướng DSI gia tăng sẽ làm giảm TTKT. Tuy nhiên như đã giải
thích ở chương 4 điều này lại rất hợp lý trong bối cảnh một quốc gia đang phát triển
khi vai trò của chi tiêu đầu tư công vẫn còn rất lớn và khu vực tư nhân vẫn chưa đủ
mạnh để thay thế phần chi tiêu nếu chính phủ cắt giảm. Do đó Việt Nam cần phải
hết sức cân nhắc khi thực hiện củng cố tài khóa hay chính là gia tăng NCBV. Rõ
ràng với các tiêu chí nợ công tuy đang ở mức an toàn nhưng có xu hướng tiệm cận
mức trần, cùng với việc hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững trong đó cải thiện
NCBV quốc gia là một trong những điều kiện tiên quyết , Việt Nam không thể
không tính đến chuyện cải thiện mức độ bền vững nợ công. Việc cải thiện gây ra tác
động tiêu cực với tăng trưởng chỉ khi chính phủ làm nó một cách máy móc hoặc quá
đà. Hiểu được đặc điểm của NCBV, chính phủ hoàn toàn có thể vừa củng cố mức
độ an toàn của nợ công vừa tạo ra tác động tiêu cực ít nhất đối với tăng trưởng. Nói
cách khác, củng cố bền vững nợ công không chỉ dùng lại đơn giản ở mức thực hiện
chính sách tài khóa thắt chặt. Như chúng ta đã biết DSI do nhiều thành phần cấu
thành, nếu xác định được thành phần nào gây nên sự sụt giảm của DSI nhiều nhất,
chính phủ chỉ cần tập trung vào thành phần này mà không cần cùng một lúc thắt
chặt toàn bộ không gian tài khóa mà mình đang có. Ví dụ nếu thành phần khiến DSI
giảm nhiều đó là tiêu chuẩn IRGD thì khả năng chính phủ nên cố gắng thực hiện
149

chính sách hạ lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng, một mặt khiến cho chi phí đi vay của
chính phủ giảm đồng thời lợi ích có được từ việc đi vay lại tăng thay vì thực hiện
đồng bộ một chính sách tài khóa thắt chặt. Hoặc nếu nhận biết các yếu tố về nợ
nước ngoài đóng góp tỷ trọng lớn nhất cho NCBV thì chính phủ có thể không cần
phải quyết liệt giảm chi tiêu công hoặc tăng thuế mà chỉ cần phát triển thật tốt thị
trường vốn trong nước đặc biệt là thị trường trái phiếu chính phủ, kể cả trái phiếu
chính phủ yết bằng đồng ngoại tệ từ đó giảm dần nhu cầu vay vốn nước ngoài, qua
đó gia tăng tính bền vững của nợ công. Ở Việt Nam, như phần thực trạng trước đó
đã chỉ ra hiện tại các yếu tố phản ánh NCBV như quy mô nợ công, lãi suất bình
quân, cấu trúc nợ ngắn hạn so với dài hạn, trong nước so với nước ngoài giai đoạn
2011 - 2018 đang rất tốt, việc đánh giá lại GDP năm 2019 khiến cho GDP tăng
trung bình trong giai đoạn 2010 - 2017 25,4%/năm cũng góp phần làm giảm quy mô
nợ. Lúc này, đối với Việt Nam hai yếu tố gây rủi ro lớn nhất cho NCBV đó là hiệu
quả đầu tư công thể hiện qua chỉ số ICOR, chỉ số đã tăng gấp đôi từ 3,5 giai đoạn
1991 - 1995 lên đến 6,21 năm 2018 (NCIF, 2019) và nợ công nước ngoài khi Việt
Nam đã chính thức tốt nghiệp ODA từ năm và bắt đầu phải vay nước ngoài với các
điều khoản vay thương mại (kể từ tháng 7/2017 khi Ngân hàng Thế giới chính thức
ngừng cung cấp vốn IDA (vốn vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế) cho Việt
Nam.
Chính vì thế các giải pháp nâng cao NCBV hợp lý ở Việt Nam ngoài việc tiếp
tục duy trì trạng thái thuận lợi của các chỉ tiêu như quy mô nợ công, cấu trúc nợ
công cũng cần tập trung vào giải quyết hai yếu tố nêu trên.
Để làm được điều trên, tác giả đề xuất một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Nợ công nhiều chưa
hẳn đã là một điều xấu, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nơi
cần rất nhiều vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển hệ thống an sinh xã hội làm
nền tảng cho phát triển trong tương lai. Điều quan trọng ở đây là hiệu quả sử dụng
vốn đầu tư công như thế nào. Thực tế tính toán DSI của Việt Nam cho thấy tiêu
chuẩn IRGD là một trong những nhân tố đóng góp nhiều nhất vào sự sụt giảm của
DSI do đó việc tăng cường hiệu quả sử dụng vốn công là điều tối quan trọng để gia
tăng mức độ NCBV quốc gia, góp phần ổn định vĩ mô nền kinh tế. Để gia tăng mức
độ hiệu quả trong sử dụng ngân sách, chính phủ cần tiếp tục thực hiện một số giải
pháp cụ thể sau đây:
i) Siết chặt pháp luật về phòng chống, đấu tranh với tệ tham nhũng, lãng phí,
kiên quyết đưa ra xét xử và có hình phạt nghiêm khắc đối với các vụ án có liên quan
150

đến tham nhũng tài sản công, ngân sách công. Đây có thể coi là một trong những
nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng xây dựng ở những dự án đầu tư công lớn về
cơ sở hạ tầng thường xuyên có vấn đề. Điều này sẽ làm giảm hiệu quả của công
trình khi đưa vào khai thác dẫn đến lợi ích kinh tế tạo ra không đủ lớn để bù đắp
cho chi phí ban đầu. Xử lý nghiêm tham nhũng, lãng phí sẽ là hành động răn đe
hiệu quả cho những đối tượng công chức có ý định thâm ô ngân quỹ.
ii) Xác định các dự án đầu tư trọng điểm, sau đó tập trung đầu tư dứt điểm,
không đầu tư dàn trải dẫn đến lãng phí. Chính phủ cần tập trung đầu tư cho các
chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, các chương trình
mục tiêu và dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn, lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội
của cả nước và liên vùng, liên địa phương, tập trung ưu tiên đầu tư phát triển hệ
thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, quy mô lớn và hiện đại; phát triển nguồn nhân lực,
đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế
tri thức.
iii) Đẩy mạnh hơn nữa việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ quan
nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và xã hội hóa cung cấp dịch vụ công. Việc tự
chủ tài chính ở các đơn vị sự nghiệp có thu của nhà nước sẽ giúp giảm gánh nặng
ngân sách để từ đó chính phủ phân bổ nguồn vốn đến những nơi cần thiết hơn. Tự
chủ tài chính cũng giúp cho chính đơn vị, cơ quan nhà nước phải cải thiện chất
lượng dịch vụ bởi không còn được ngân sách trợ giúp về trả lương. Xã hội hóa dịch
vụ công là một cách thức khác giúp làm giảm gánh nặng ngân sách khi những dịch
vụ công không thiết yếu trước kia bắt buộc phải được thực hiện bởi các doanh
nghiệp nhà nước nay được đấu thầu cạnh tranh về giá và giao cho doanh nghiệp tư
nhân làm.
iv) Đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tạo nguồn thu
cho ngân sách đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư ở những doanh nghiệp có sự
tham gia góp vốn của khu vực tư nhân. Để làm được điều này, các bộ chủ quản cần
theo sát quá trình thoái vốn, cổ phần hóa ở doanh nghiệp nhà nước nhằm kịp thời xử
lý, báo cáo những vướng mắc lên cấp cao hơn mà doanh nghiệp gặp phải. Đồng thời
cần phải có chế tài rõ ràng cho người đứng đầu doanh nghiệp nếu trong khoảng thời
gian quy định không thể tiến hành cổ phần hóa do những nguyên nhân chủ quan.
v) Hoàn thiện cơ chế, hành lang pháp lý cho hoạt động đối tác công tư (PPP)
nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Hình thức này sẽ góp phần thu hút
vốn đầu tư tư nhân vào một số lĩnh vực đầu tư công phù hợp. Với nguồn ngân sách
luôn được coi là eo hẹp ở Việt Nam, nếu phần nào chi tiêu được san sẻ bởi khu vực
151

tư nhân thì chính phủ có thể điều hướng sang những khoản chi của mình sang các
mục tiêu dài hạn và chiến lược hơn như chi cho khoa học công nghệ, giáo dục, y tế.
Tuy nhiên việc thực thi PPP trong các dự án đầu tư công thời gian qua có nhiều lỗ
hổng, bị tư nhân lợi dụng để thu phần lợi vượt quá không xứng đáng với phần đóng
góp của mình. Cho nên Việt Nam phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện
hệ thống quy phạm pháp luật liên quan đến hình thức PPP chứ chưa cần phải triển
khai một cách ồ ạt.
Khi hiệu quả sử dụng vốn của chính phủ gia tăng cũng như thu thuế tăng nhờ
thu đúng, thu đủ thì không cần phải những điều chỉnh quyết liệt như giảm chi tiêu
công, tăng thuế tuyệt đối mà NCBV của Việt Nam vẫn được củng cố, qua đó tạo ra
ảnh hưởng tiêu cực không đáng kể tới tăng trưởng kinh tế, thậm chí còn có thể gia
tăng tăng trưởng.
Thứ hai, điều tiết thành phần nợ nước ngoài hợp lý. Đối với Việt Nam có lẽ
vấn đề nợ nước ngoài sẽ là vấn đề chính phủ nên tập trung cải thiện để giải quyết để
gia tăng NCBV do tiêu chí nợ nước ngoài/GDP đã có thời điểm vượt ngưỡng trần
do Quốc hội quy định. Trong nợ nước ngoài quốc gia thì thành phần nợ nước ngoài
của nợ công chiếm tỷ trọng lớn, đây cũng là thành phần liên quan trực tiếp đến
NCBV đã được đề xuất tính toán ở phần giải pháp trên. Cải thiện được thành phần
này trực tiếp sẽ cải thiện được tiêu chí tổng thể nợ nước ngoài/GDP. Chính phủ Việt
Nam có thể thực hiện một số giải pháp cụ thể sau đây để cải thiện phần nợ ngoài
của nợ công:
i) Nâng cao tính hiệu quả của hệ thống giám sát nợ nước ngoài. Trước hết việc
đánh giá tính bền vững hay mức độ an toàn của nợ nước ngoài trong nợ công cần
phải được thực hiện dựa trên các ngưỡng được khuyến nghị bởi các tổ chức quốc tế
hoặc từ các nghiên cứu của các nhà kinh tế học uy tín. Sau đó các ngưỡng nợ công
này có thể được kết hợp hoặc thậm chí điều chỉnh hài hòa nếu cần thiết dựa trên đặc
điểm trong nước của Việt Nam sao cho hợp lý nhất có thể. Sau đó cần phải nâng
cấp hệ thống văn bản về quản lý nợ nước ngoài tại Việt Nam, tránh tình trạng chồng
chéo hoặc thiếu quy định liên quan đến những hình thức vay mới. Hiện tại, hai văn
bản cao nhất để quản lý nợ nước ngoài ở Việt Nam là Luật quản lý nợ công 2017 và
Nghị định 134/2005/ NĐ- CP về Quy chế quản lý vay và trả nợ nước ngoài.
ii) Việc hoạch định chiến lược vay phải rõ ràng, hợp lý. Việc hoạch định này
phải đến từ việc xác định chính xác nhu cầu vay vốn nước ngoài. Thông thường nhu
cầu vay vốn nước ngoài được tính toán dựa trên tổng vốn thiếu cho đầu tư công của
toàn xã hội trong kỳ trừ đi vốn giải ngân theo thỏa thuận tài trợ, vốn huy động trong
152

nước, vốn đầu tư liên kết với tư nhân. Nhu cầu vay vốn này sau đó phải được cân
đối với năng lực trả nợ chủ yếu dựa trên dự toán thu ngân sách và xuất khẩu. Sau đó
sẽ là kế hoạch chi tiết của việc quản lý, sử dụng và đánh giá hiệu quả của việc sử
dụng nguồn vốn vay nước ngoài cho từng giai đoạn cụ thể. Vốn vay nước ngoài là
một nguồn vốn không phải lúc nào cũng có do đó cần phải lựa chọn kỹ càng những
ngành, lĩnh vực có hiệu quả sử dụng vốn cao để đầu tư, tránh đầu tư dàn trải. Vốn
vay nước ngoài được ưu đãi như nguồn vốn ODA cần được khai thác tối đa vì đây
là nguồn vốn có lãi suất thấp, thời gian vay và ân hạn dài và trên thực tế việc Việt
Nam vay được nguồn vốn này sẽ ngày càng ít đi. Đồng thời cần nâng cao tính tự
chủ, tự chịu trách nhiệm của các chủ thể sử dụng nguồn vốn vay ODA, hạn chế tối
đa chính phủ phải đứng ra trả nợ trong trường hợp bảo lanh vay nợ nước ngoài
nhưng chủ thể vay (thường là các DNNN) cuối cùng không thể hoàn trả lại khoản
nợ.
iii) Cần cân đối giữa nguồn vốn trong nước và nguồn vốn vay nước ngoài,
giảm thiểu sự phụ thuộc vào bên ngoài. Một quốc gia có nền kinh tế và tài chính
lành mạnh cần dựa chủ yếu vào sức mạnh nội lực, nguồn vốn từ nước ngoài chỉ nên
được xem là nguồn vốn bổ sung cho quá trình phát triển. Tuy nhiên trong bối cảnh
của Việt Nam, khi vừa thiếu vốn vừa thiếu công nghệ thì việc tiếp tục có được
nguồn vốn ODA giá rẻ đồng thời các dự án dùng nguồn vốn này được sử dụng luôn
công nghệ hiện đại từ các nước cung cấp ODA như các dự án đường sắt đô thị
chẳng hạn sẽ là một lợi thế khó có thể bỏ qua của việc vay vốn nước ngoài. Do đó
cũng không thể coi nhẹ nguồn vốn này trong bối cảnh hiện tại của nền kinh tế Việt
Nam. Nhiệm vụ quan trọng trong quản lý nợ nước ngoài một lần nữa giống với giải
pháp tổng thể dành cho nợ công đó là duy trì mức độ vay nợ an toàn (dưới ngưỡng
cảnh báo) và sử dụng nguồn vốn hiệu quả.
Thứ ba, sử dụng hợp lý các công cụ tài trợ thâm hụt ngân sách. Giống như nợ
công, thâm hụt ngân sách là một hiện tượng không thể tránh khỏi đặc biệt ở các
nước đang phát triển như Việt Nam. Để tài trợ thâm hụt ngân sách có rất nhiều cách
như vay NHTW, vay hệ thống ngân hàng thương mại trong nước, vay nước ngoài,
sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối... Tuy nhiên để duy trì NCBV cần cân nhắc lựa chọn
hình thức tài trợ thâm hụt ngân sách cho phù hợp. Nếu quốc gia đang trong tình
trạng lạm phát cao thì không nên tài trợ thâm hụt ngân sách bằng cách vay NHTW
bởi điều này sẽ càng làm trầm trọng thêm tình hình lạm phát. Ở một khía cạnh nào
đó lạm phát cao có thể làm giảm số tiền thực tế mà chính phủ phải trả nợ nhưng
trong dài hạn lạm phát cao sẽ khiến lãi suất ngày càng tăng, từ đó làm gia tăng gánh
nặng nợ nần của chính phủ. Nếu quốc gia đang có tỷ trọng nợ nước ngoài gần vượt
153

ngưỡng an toàn theo khuyến nghị của IMF hoặc theo trần nợ công quốc gia thì
không nên tài trợ thâm hụt bằng hình thức vay nợ nước ngoài vì điều này vừa dẫn
đến rủi ro về mặt chính trị vừa dẫn đến rủi ro vỡ nợ do nợ nước ngoài rất khó đàm
phán tái cấu trúc nợ so với nợ ở trong nước. Nếu quốc gia dựa nhiều vào xuất khẩu
và xuất khẩu cũng là một đại lượng đại diện cho khả năng thanh toán các khoản nợ
nước ngoài ngắn hạn thì không nên tài trợ bằng quỹ dự trữ ngoại hối bởi việc chính
phủ sau khi sử dụng quỹ này để tài trợ thâm hụt bắt buộc phải bán ngoại tệ để đổi
lấy nội tệ, điều này gián tiếp sẽ khiến đồng ngoại tệ giảm giá, đồng nội tệ tăng giá.
Đồng nội tệ tăng giá sẽ làm giảm xuất khẩu ròng.
Do những hệ quả khác nhau của các phương thức tài trợ khác nhau tạo ra, việc
cân nhắc tài trợ thâm hụt ngân sách bằng công cụ nào cho phù hợp cũng góp phần
vào việc duy trì NCBV. Đối với Việt Nam phát triển thị trường trái phiếu trong
nước luôn là một cách thức tài trợ cho thâm hụt ngân sách hiệu quả do thứ nhất,
nguồn vốn nhàn rỗi ở khu vực tư nhân còn nhiều 13; thứ hai, mặt bằng lạm phát và lãi
suất thời gian gần đây có xu hướng giảm14; thứ ba, đồng bộ với các giải pháp kiểm
soát tỷ lệ nợ công nước ngoài ở trên.
5.2.3 Cải cách thể chế về quản lý nợ công
Trong đánh giá gần nhất của WB về chất lượng thể chế và chính sách (CPIA)
năm 2015 Việt Nam chỉ được 3,5/6. Cũng trong đánh giá về các ngưỡng cảnh báo
liên quan đến bền vững nợ công của IMF, các quốc gia có CPIA càng cao thì
ngưỡng càng cao và ngược lại. Hệ quả của việc này đó là nếu có cùng một mức nợ
công như nhau nhưng quốc gia có CPIA cao hơn sẽ ở trạng thái an toàn hơn quốc
gia có CPIA thấp hơn vì mức nợ công hiện tại ở quốc gia có CPIA cao sẽ cách
ngưỡng cảnh báo xa hơn ở quốc gia có CPIA thấp. Điều này chứng tỏ việc cải cách
thể chế nói chung cũng như trong lĩnh vực nợ công nói riêng sẽ giúp gia tăng mức
độ NCBV. Ngoài ra dựa trên tính tương thích giữa mô hình quản lý nợ công và trình
độ phát triển của nền kinh tế đã được phân tích ở phần 5.1, Việt Nam cũng cần phải
hoàn thiện về mặt thể chế về quản lý nợ công khi nền kinh tế đang tiến tới mức thu
nhập trung bình cao. Để thực hiện cải cách thể chế về quản lý nợ công, nhà nước có
thể thực hiện một số giải pháp sau:
Về hệ thống luật pháp, hiện tại các văn bản pháp luật quan trọng chính phủ
Việt Nam đang áp dụng để quản lý nợ công là Luật quản lý nợ công năm 2017,
Nghị định 94/2018/NĐ-CP về nghiệp vụ quản lý nợ công năm 2018, Quyết định
13
Theo Nghĩa (2021) đến năm 2018, tiền tiết kiệm trong dân cư còn vượt cao hơn tổng thu ngân sách nhà nước, khoảng
27% (1.818 nghìn tỷ đồng so với 1.431 nghìn tỷ đồng)
14
Theo Linh và Quỳnh (2021) Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 4%, giảm mạnh so
với giai đoạn 2011 - 2015 (7,65%), trong phạm vi mục tiêu đề ra (dưới 4%)
154

56/2012/QĐ-Ttg về quy chế và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công năm 2012,
Quyết định 856/QĐ-Ttg về chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2021 -
2023 và kế hoạch vay trả nợ công năm 2021, Nghị quyết 23/2021/QH15 về kế
hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Đây đều
là những văn bản có tính cập nhật với những quy định hướng tới việc vay và trả nợ
vay công có trách nhiệm. Hệ thống cũng khá toàn diện khi bao gồm khung pháp lý
là luật cũng như chiến lược quản lý nợ công dài hạn, chương trình quản lý nợ công
trung hạn và kế hoạch vay, trả nợ công từng năm. Tuy nhiên để tiến tới mô hình
quản lý nợ công hiện đại hơn của các nước mới nổi, hệ thống pháp luật trên vẫn cần
phải bổ sung để tạo hành lang pháp lý cho những công cụ quản lý nợ hiện đại hơn.
Về bộ máy quản lý nợ công, thực hiện theo quy định của Luật quản lý nợ công
2009, BTC đã thành lập một cơ quan chuyên trách về quản lý nợ công đó là Cục
quản lý nợ và tài chính đối ngoại. Đây là cơ quan chuyên trách theo dõi, tổng hợp
và phân tích tình hình nợ công và nợ nước quốc gia trong BTC, từ đó giúp BTC
quản lý nhà nước thống nhất về vay, trả nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia;
quản lý nhà nước về tài chính đối với các khoản viện trợ, tài trợ nước ngoài. Phối
hợp trực tiếp với BTC là hai cơ quan Ngân hàng nhà nước Việt Nam và Bộ kế
hoạch đầu tư trong việc cung ứng vốn và phân bổ vốn cho các hoạt động tài chính
công từ cấp trung ương đến địa phương. Nhìn chung như phân tích ở phần thực
trạng nợ công Việt Nam, đây là một mô hình phù hợp với nước đang phát triển. Tuy
nhiên, cùng với việc nền kinh tế ngày càng phát triển, Việt Nam cần chuẩn bị các
bước để chuyển sang mô hình quản lý nợ công của các nước mới nổi (xem hình
5.2). Ở mô hình mới này đòi hỏi cần phải thành lập một cơ quan quản lý nợ công
chuyên biệt độc lập và cách thức quản lý nợ công theo hướng quản lý tài sản - nợ
trong quản trị tài chính hiện đại. Ngoài ra cũng có thể thành lập Hội đồng ngân sách
quốc gia với sự tham gia của nhiều Bộ ban ngành để đưa ra những tư vấn phù hợp
cho Thủ tướng chính phủ trong nhiệm vụ quản lý nợ công. Một số quốc gia còn trao
một số quyền nhất định cho Hội đồng này như quyền thông qua các khoản thu, chi
ngân sách bổ sung trước khi trình ra Quốc hội.
Về công cụ, với việc mô hình quản lý nợ công của Việt Nam đang chuyển dần
sang mô hình của nền kinh tế chuyển đổi, BTC cần xác lập thêm các công cụ tài trợ
nợ mang tính thị trường hơn như trái phiếu hoán đổi lãi suất, hình thành các quỹ đầu
tư quốc gia có thể phát hành trái phiếu chuyển đổi hay chứng chỉ tiền gửi quốc gia.
Các công cụ trên có đặc điểm hoạt động dựa trên cơ chế thị trường, từ đó giảm thiểu
được tối đa các tác động tiêu cực của hoạt động tài trợ ngân sách lên thị trường vốn,
đặc biệt là hiện tượng thoái lui đầu tư.
155

Ngoài ra, chính phủ cần xác định một chiến lược hợp lý liên quan đến NCBV
ứng với các chu kỳ kinh tế. Hiện tại có hai quan điểm liên quan đến chiến lược này.
Quan điểm đầu tiên là quan điểm thuận chu kỳ tức là để nền kinh tế biến đổi tự
nhiên theo chu kỳ kinh tế, từ đó sẽ có thay đổi phù hợp với thu chi ngân sách. Khi
nền kinh tế đi xuống thì chi tiêu chính phủ tự động gia tăng do trợ cấp tăng lên và
thu thuế giảm do thu nhập người dân giảm. NCBV vì thế cũng giảm theo, do đó cần
phải củng cố NCBV bằng cách gia tăng thu thuế trở lại và giảm chi tiêu chính phủ ở
những phần khác. Tuy nhiên hệ quả của chính sách này lại khiến nền kinh tế lún sâu
hơn vào suy thoái. Quan điểm thứ hai là quan điểm chống lại chu kỳ tức là sẽ điều
chỉnh thu chi ngân sách theo hướng đưa nền kinh tế trở lại bình thường. Khi nền
kinh tế đi xuống như phân tích ở trên mức độ NCBV giảm nhưng thay vì việc củng
cố nợ công, chính phủ lại tiếp tục làm nó xấu đi bằng những chính sách kích thích
tài khóa nền kinh tế nhằm giúp nền kinh tế nhanh chóng thoát khỏi suy thoái. Từ
phần phân tích định tính các nước ở Chương 4, đặc biệt cho trường hợp của Việt
Nam ở Chương 5 chúng ta nhận thấy các chỉ tiêu về an toàn nợ công đang ở trạng
thái tốt và DSI có xu hướng hồi phục trong giai đoạn 2000 - 2018 nên đối với
những thời điểm nhất định cần không gian tài khóa để chính phủ gia tăng chi tiêu
điều tiết nền kinh tế, Việt Nam có thể chấp nhận giảm mức độ NCBV để hướng tới
mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế thoát khỏi chu kỳ suy thoái. Nói một cách khác, chiến
lược phù hợp với Việt Nam đó là cố gắng gia tăng mức độ NCBV thời kỳ ổn định
của nền kinh tế và chấp nhận giảm một mức độ nào đó NCBV trong giai đoạn suy
thoái của nền kinh tế. Và đây chính là chiến lược chống chu kỳ. Có thể nói việc gia
tăng mức độ bền vững nợ công khi nền kinh tế tăng trưởng tốt là cách chuẩn bị
không thể tốt hơn nguồn lực tài chính công trước khi nền kinh tế bước vào một cú
sốc suy thoái. Với bộ số liệu đầy đủ hơn tính đến năm 2020, Trường và Bình (2021)
đã chứng tỏ rằng những quốc gia có giai đoạn cải thiện DSI trước khi cuộc khủng
hoảng 2008 - 2009 diễn ra thì mức độ giảm của DSI ít hơn nhiều so với các quốc
gia chứng kiến DSI giảm trong thời kỳ trước đó và khi DSI giảm ít thì sau đó DSI
sẽ có nhiều cơ hội để phục hồi về mức trước khủng hoảng hơn.
Một số cải cách khác về mặt thể chế có thể tính đến như gắn kết các cam kết
về chỉ tiêu ngân sách nói chung, chỉ tiêu an toàn nợ công nói riêng hoặc chỉ số nợ
công tổng hợp như DSI được đưa ra đầu năm của chính phủ với các quyền lợi kinh
tế nhất định. Thậm chí chuyển thành tiêu chí đo lường hiệu quả hoạt động (KPI) để
tính thu nhập tăng thêm cuối năm dành cho bộ máy công quyền. Một số quốc gia đã
thực hiện rất thành công việc xác định các chỉ tiêu về ngân sách hay an toàn nợ
công như một dạng KPI để xác định phần thu nhập tăng thêm cuối năm cho các cơ
156

quan chính phủ trong đó tiêu biểu là Singapore.

KẾT LUẬN
Bền vững nợ công luôn là chủ đề được chính phủ các quốc gia quan tâm, đặc
biệt sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 - 2009 và khủng hoảng nợ công
Châu Âu 2011. Các nghiên cứu đều cho thấy việc phải thực hiện các chính sách tài
khóa mở rộng liên tục nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế thế giới
chưa phục hồi khiến tình hình nợ công ở nhiều nước xấu đi nhanh chóng. Để tránh
nguy cơ vỡ nợ một số quốc gia thực hiện cái gọi là chính sách khắc khổ giảm chi
tiêu công và tăng thuế nhưng vô tình lại đẩy quốc gia của mình quay trở lại suy
thoái. Cân bằng giữa bền vững nợ công và TTKT vì thế luôn là bài toán khó của các
nước, và mối quan hệ giữa hai biến số này có thể rất khác nhau tùy vào đặc điểm
của từng nhóm nước thậm chí là từng quốc gia riêng biệt. Sau khi nghiên cứu mối
quan hệ giữa mức độ NCBV và tốc độ TTKT, luận án tìm ra được một số kết quả
sau:
Thứ nhất về phương pháp để đánh giá mức độ bền vững của nợ công. Để đánh
giá mức độ an toàn nợ công có ba phương pháp truyền thống đó là phương pháp
trần nợ công, phương pháp cây nhị phân và khung đánh giá nợ công DSF của IMF.
Tuy nhiên các phương pháp trên từ đơn giản đến phức tạp đều chỉ đánh giá chủ yếu
mức độ an toàn của nợ công qua từng tiêu chí. Càng nhiều tiêu chí an toàn càng cho
thấy mức độ bền vững của nợ công càng cao, nhưng cụ thể an toàn đến đâu hay
mức độ NCBV quốc gia đang ở mức nào thì các phương pháp trên không giải quyết
được. Luận án cho thấy phương pháp chỉ số hóa với cách thức chuẩn hóa min - max
sẽ khắc phục được vấn đề trên khi mức độ NCBV được lượng hóa thành một con số
cụ thể qua từng năm. Kết quả lượng hóa này sau đó có thể dùng để xem xét xu
hướng biến đổi NCBV của từng quốc gia, nhóm nước, trả lời câu hỏi xu hướng
NCBV hiện nay của quốc gia là như thế nào và xu hướng này do yếu tố nào đóng
góp. Hơn nữa, chúng ta có thể xem xét mối quan hệ giữa NCBV và các biến vĩ mô
khác để hiểu rõ hơn mức độ tương tác của chúng trong nền kinh tế. Việc tính toán
DSI và sử dụng DSI vào trong mô hình kinh tế định lượng cũng mở ra những hướng
nghiên cứu mới liên quan đến chủ đề nợ công bền vững từ đó giúp các nhà hoạch
định chính sách có thêm luận cứ khoa học khi đưa ra các quyết định liên quan đến
ngân sách.
Thứ hai về mối quan hệ giữa NCBV và TTKT. Kết quả cho thấy trong mẫu
157

tổng thể gồm 151 quốc gia, tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa DSI và tốc độ TTKT
(g). Tuy nhiên trong các nhóm nước còn lại chỉ có một chiều tác động được xác
nhận. Giả thuyết 3 và 4 được xác nhận nhiều nhất trong các nhóm nước cho thấy
tính chất tự củng cố của các biến số vĩ mô, nếu biến quá khứ có chất lượng tốt thì sẽ
ảnh hưởng tích cực lên chính biến đó ở hiện tại. Tuy nhiên vẫn có những ngoại lệ.
Chẳng hạn đối với các nhóm HI, g càng xa thì lại có tác động tiêu cực lên g hiện tại
hay trong nhóm LI, DSI càng xa thì lại có tác động tiêu cực lên DSI hiện tại. Tất cả
những kết quả mang yếu tố đặc định theo nhóm kể trên xuất phát từ sự khác biệt về
trình độ phát triển, thể chế và thậm chí là các yếu tố như văn hóa xã hội ở từng
nhóm nước. Điều này gợi mở cho những nghiên cứu sau nếu sử DSI thì cần phải
tiến hành trên một nhóm các quốc gia có nhiều điểm chung nhất có thể để kết quả
có tính thực tiễn cao.
Thứ ba về hàm ý chính sách cho Việt Nam. Sự thay đổi của giá trị DSI trong
thời kỳ 2000 - 2018 tương đối phù hợp với những phân tích định tính liên quan đến
quy mô và cấu trúc nợ công của Việt Nam. Do đó Việt Nam có thể cân nhắc thực
hiện các chính sách nợ công dựa trên các chỉ báo kỹ thuật trong đó có DSI. Để làm
được điều này, Việt Nam cần cải thiện công tác thu thập và xử lý số liệu liên quan
đến ngân sách. Việt Nam là một quốc gia thuộc nhóm LMI, kết quả chạy mô hình
cho thấy việc gia tăng DSI thông qua cắt giảm chi tiêu công sẽ có những ảnh hưởng
tiêu cực tới tăng trưởng. Do đó cần phải cân nhắc việc gia tăng DSI thông qua các
biện pháp phù hợp như nâng cao hiệu quả đầu tư công, lựa chọn hình thức tài trợ
thâm hụt ngân sách hợp lý. Cuối cùng để bắt kịp với trình độ phát triển của nền kinh
tế, Việt Nam cần cải cách thể chế, xây dựng mô hình quản lý nợ công của một nước
chuyển đổi.
Bên cạnh những kết quả đạt được, luận án còn có hạn chế khách quan về mặt
số liệu khi các dữ liệu về nợ công quốc gia chưa được cập nhật nhất đến thời điểm
hiện tại và chỉ sẵn có trong giai đoạn 2000 - 2018. Kết quả là ước lượng VAR được
áp dụng cho tất cả các trường hợp cho thấy chưa có mối quan hệ trong dài hạn giữa
TTKT và mức độ bền vững nợ công. Về phương pháp tính toán DSI, chất lượng chỉ
số sẽ tốt hơn nếu tác giả áp dụng cùng một phương pháp để xác định các giá trị
ngưỡng trong từng nhóm nước. Tuy nhiên việc tác giả thu thập giá trị ngưỡng dựa
trên các nghiên cứu uy tín cùng với việc tuân thủ quy tắc nhóm quốc gia có thu
nhập cao thì giá trị ngưỡng cao hơn cũng góp phần làm giảm hạn chế này.
Hướng nghiên cứu tiếp theo được tác giả đề xuất là tiếp tục cập nhật số liệu
trong giai đoạn 2019 - 2021 để thấy được tác động của đại dịch Covid 19 lên mối
158

quan hệ giữa nợ công bền vững và tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra tác giả có thể đánh
giá mối quan hệ giữa NCBV với các biến số vĩ mô khác như lạm phát, thất nghiệp,
lãi suất. Tác giả cũng sẽ tiếp tục theo dõi tình hình NCBV của các nước trên thế giới
để tìm ra giá trị cảnh báo của DSI khi một quốc gia nào đó sắp rơi vào tình trạng vỡ nợ.

DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC ĐÃ CÔNG BỐ

1. Phạm Xuân Trường, Phương pháp chỉ số đánh giá mức độ bền vững của nợ
công và áp dụng cho trường hợp của Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số
22 tháng 8/2020, trang 16 - 21.
2. Phạm Xuân Trường, Mức độ bền vững nợ công của các nước trong khu vực
Đông Nam Á: cách tiếp cận theo phương pháp chỉ số, Tạp chí Kinh tế và Dự
báo, số 26 tháng 9/2020, trang 20 - 24.
3. Phạm Xuân Trường, Các mô hình quản lý nợ công trên thế giới và hàm ý chính
sách cho Việt Nam, Chuyên san Nghiên cứu chính sách và quản lý ĐHQG Hà Nội,
Vol 37 No 1 4/2021, https://doi.org/10.25073/2588-1116/vnupam.4278.
4. Phạm Xuân Trường, Mối quan hệ giữa nợ công bền vững và tăng trưởng kinh tế
ở các nước trong khu vực Đông Nam Á, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 1
(250) 2021, trang 12 - 25. (đồng tác giả)
5. Phạm Xuân Trường, Education, Industry 4.0 and Earnings: Evidence from
Provincial - Level Data of Vietnam, Journal of Asian Finance, Economics and
Business, Vol 8 No 2 (2021) 0675-0684,
doi:10.13106/jafeb.2021.vol8.no2.0675. (đồng tác giả)
6. Phạm Xuân Trường, The effect of Covid 19 on Public debt sustainability in
selected countries, Kỷ yếu Hội thảo cấp Trường “Socio-economic issues of
Vietnam beyond the pandemic”, Trường Đại học Ngoại Thương, 5/2021. (đồng
tác giả)
7. Phạm Xuân Trường, Phân tích tính bền vững của nợ công Việt Nam và một số
hàm ý chính sách, Tạp chí Quản lý và Kinh tế Quốc tế, số 139, 8/2021.
8. Phạm Xuân Trường, Bài tập Kinh tế vĩ mô cơ bản và nâng cao, NXB Khoa học
Kỹ thuật, 6/2020. (Thành viên biên soạn)
159

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


Tiếng Việt
1. Anh, Phạm Thế. & Hùng, Nguyễn Đức. (2015), “Hiệu ứng ngưỡng của nợ
công và hàm ý chính sách cho Việt Nam”, Tạp chí KT&PT, số 216 (II),
06/2015, tr. 79-86.
2. Chiến lược quản lý nợ trung và dài hạn giai đoạn 2011 - 2020 tầm nhìn đến
năm 2030 theo quyết định 958/QĐ- Ttg, truy cập tại
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-chinh-nha-nuoc/Quyet-dinh-958-QD-
TTg-nam-2012-phe-duyet-Chien-luoc-no-cong-no-nuoc-ngoai-144518.aspx
(02/01/2021).
3. Dao, Hạ Thị Thiều. (2013), Bất ổn kinh tế vĩ mô ở Việt Nam, TPHCM: NXB
Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
4. GSO. (2018), Niên giám thống kê năm 2018, Hà Nội: NXB Thống kê.
5. Hùng, Đào Văn & cộng sự. (2014), Xác định phạm vi nợ công, trần nợ công
an toàn của Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020, Đề tài nghiên cứu cấp Bộ, Học
viện chính sách và phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư.
6. Lan, Nguyễn Thị. (2017), “Đánh giá tính bền vững nợ công của Việt Nam theo
mô hình cây nhị phân”, Tạp chí Kinh tế Đối ngoại số 97/2017, tr. 126 - 145.
7. Linh, Nguyễn Thùy. (2011), Tổng quan kinh tế Thế giới 2001-2010, truy cập
tại https://tinyurl.com/xendjr2a (23/02/2021).
8. Linh, Đinh Ngọc & Quỳnh, Hoàng Như. (2021), Chỉ tiêu kinh tế - xã hội giai
đoạn 2016 - 2020: Nhiều kết quả tích cực, Viện Chiến lược và Chính sách tài
chính, Thông tin phục vụ lãnh đạo số 1 tháng 01/2021.
9. Luật Quản lý nợ công 2017, truy cập tại
http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?
class_id=1&_page=1&mode=detail&document_id=192337 (02/08/2021).
10. Nhung, Võ Thị Phương. (2019), “Quy trình chuẩn hóa, tính toán trong đánh
giá mức độ phát triển bền vững tổng hợp cấp địa phương dựa trên bộ chỉ thị -
160

trường hợp tỉnh Hà Tĩnh”, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ,
55/2019, tr. 127 - 133.
11. NCIF. (2019), Giới thiệu chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR), truy cập
tại http://file.ncif.gov.vn/Media/bantinattachfile/20190624105248/ICOR
%20Final.pdf (20/01/2021)
12. Nghị quyết số 10/2011/QH13 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm
2011 - 2015, truy cập tại http://vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-van-ban-goc.aspx?
dvid=13&ItemID=27120 (23/01/2021).
13. Nghị định số 134/2005/NĐ-CP ngày 01/11/2005 của Chính phủ ban hành Quy
chế quản lý vay và trả nợ nước ngoài, truy cập tại
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/tien-te-ngan-hang/nghi-dinh-134-2005-nd-
cp-quy-che-quan-ly-vay-tra-no-nuoc-ngoai-4892.aspx (02/01/2021).
14. Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09/11/2006 của Chính phủ ban hành Quy
chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức, truy cập tại
https://m.thuvienphapluat.vn/van-ban/tai-chinh-nha-nuoc/nghi-dinh-131-2006-
nd-cp-quy-che-quan-ly-su-dung-nguon-ho-tro-phat-trien-chinh-thuc-
15474.aspx (03/01/2021).
15. Nghị định 94/2018/NĐ-CP về nghiệp vụ quản lý nợ công, truy cập tại
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-chinh-nha-nuoc/Nghi-dinh-94-2018-
ND-CP-nghiep-vu-quan-ly-no-cong-369627.aspx (05/03/2021).
16. Nghị quyết 07/NQ-TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải
pháp cơ cấu lại NSNN, truy cập tại https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-
thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-07-nqtw-ngay-18112016-cua-
bo-chinh-tri-ve-chu-truong-giai-phap-co-cau-lai-ngan-sach-nha-nuoc-quan-ly-
no-2523 (02/02/2021).
17. Nghị quyết số 25/2016/QH14 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn
2016 - 2020, truy cập tại https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-chinh-nha-
nuoc/Nghi-quyet-25-2016-QH14-ke-hoach-tai-chinh-5-nam-quoc-gia-giai-
doan-2016-2020-332843.aspx (02/02/2021).
18. Nghị quyết 23/2021/QH15 về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công
5 năm giai đoạn 2021 - 2025, truy cập tại
https://vanban.chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=203829
(04/03/2021).
19. Nghĩa, Vũ Trọng. (2021), ““Đánh thức” nguồn lực tài chính từ dân cư, xây
161

một nền sản xuất lớn và hiện đại”, Tạp chí Tài chính trực tuyến, truy cập tại
https://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/danh-thuc-nguon-luc-tai-chinh-tu-
dan-cu-xay-mot-nen-san-xuat-lon-va-hien-dai-335761.html (05/03/2021).
20. Quyết định 1168/QĐ-BTC ngày 22/5/2009, truy cập tại
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Quyet-dinh-1168-QD-
BTC-chuc-nang-nhiem-vu-quyen-han-co-cau-to-chuc-Cuc-Quan-ly-no-tai-
chinh-doi-ngoai-98551.aspx?tab=4 (02/01/2021).
21. Quyết định 56/QĐ-Ttg về quy chế và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công
ban hành năm 2012, truy cập tại https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-chinh-
nha-nuoc/Quyet-dinh-56-2012-QD-TTg-Quy-che-quan-ly-xu-ly-rui-ro-doi-
voi-danh-muc-no-cong-154042.aspx (02/01/2021).
22. Quyết định 856/QĐ-Ttg về chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn
2021 - 2023 và kế hoạch vay trả nợ công năm 2021, truy cập tại
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-chinh-nha-nuoc/Quyet-dinh-856-QD-
TTg-2021-Chuong-trinh-quan-ly-no-cong-3-nam-giai-doan-2021-2023-
476790.aspx (03/04/2021).
23. Thạch, Bùi Văn. (2019), Định hướng, Phương pháp xây dựng trần nợ công
của Việt Nam trong tình hình mới, Báo cáo tổng hợp, Đề tài NCKH Mã số
KHBĐ(2016) - 17.
24. Thành, Sử Đình. (2012), “Ngưỡng nợ công - Nghiên cứu thực nghiệm ở Việt
Nam”, Tạp chí KT&PT số 257, 3/2012, tr. 20 -26.
25. Thành, Nguyễn Xuân. & Tuấn, Đỗ Thiên Anh. (2017), Bắt mạch nợ công Việt
Nam, Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright.
26. Thảo, Lê Phan Thị Diệu. & Vinh, Thái Hán. (2016), “Kiểm định tác động của
nợ công đến tăng trưởng kinh tế”, Tạp chí Công nghệ Ngân hàng  số
116 (2015), tr. 35 - 44.
27. Thu, Nguyễn Minh. (2013), Nghiên cứu thống kê đánh giá phát triển bền vững
ở Việt Nam, Luận án tiến sỹ, Trường Đại học Kinh Tế Quốc Dân.
28. Trung, Nguyễn Quang. & Toàn, Trần Phạm Khánh. (2014), “Tác động của chi
tiêu công đến tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia Đông Nam Á”, Tạp chí
Khoa học Trường Đại học mở TP. HCM, 9(2), tr. 50 - 59.
29. Trường, Phạm Xuân. (2020), “Phương pháp chỉ số đánh giá mức độ bền vững
của nợ công và áp dụng cho trường hợp của Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế và
Dự báo, số 22 8/2020, tr. 16 - 21.
162

30. Tuấn, Nguyễn Anh & Chung, Nguyễn Thành. (2017), “Khung đánh giá bền
vững nợ và một số khuyến nghị chính sách cho Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế &
Phát triển, Số 242, tr. 10 - 17.
31. Tuy, Trịnh Quốc. (2019), Tác động của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
tới biến động kinh tế vĩ mô ở Việt Nam, Luận án tiến sỹ, Trường Đại học Kinh
tế Quốc dân.
32. UBTVQH. (2017), Chuyên đề nghiên cứu: Quản lý nợ công một số nước trên
thế giới và những kinh nghiệm Việt Nam có thể tham khảo, Tài liệu phục vụ
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV.
33. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. (2013). Nợ công và tính bền vững ở Việt Nam:
quá khứ, hiện tại và tương lai, Hà Nội: NXB Tri thức.
Tiếng Anh
34. Abbas, S.M.A. & Christensen, J.E. (2007), The Role of Domestic Debt
Markets in Economic Growth : An Empirical Investigation for Low-Income
Countries and Emerging Markets, IMF Working Paper No. 07/127.
35. Abbas, S.M.A., Belhocine, N. Ganainy, A.E. & Horton, M. (2011), “Historical
Patterns and Dynamics of Public Debt—Evidence From a New Database”,
IMF Economic Review, Vol. 59, No. 4, pp. 20 -35.
36. Abukakar, A.B. (2020), “Does fiscal tightening (loosening) reduce public
debt?”, African Development Review 2020, pp. 1-12,
https://doi.org/10.1111/1467-8268.12458.
37. Acemoglu, D. & Robinson, J.A. (2013), The origin of Power, Prosperity and
Poverty: Why nations fail, New York: Crown Publishing Group.
38. ADB. (2011), Early Warning Systems in the Republic of Korea, ADB Working
Paper Series on Regional Economic Integration, 3/2011.
39. Afonso, A. & Jalles, J. (2013), “Growth and productivity: the role of
government debt”, International Review of Economics & Finance, Vol. 25,
Issue. C, pp. 384 - 407.
40. Aimola, A. & Odhiamo, N.M. (2008), “Public debt and Inflation: A review of
international literature”, Folia Oeconomica Stetinensia, Vol. 20, No.1, pp. 9-
24.
41. Ahlborn, M. & Schweickert, R. (2015), Public debt and economic growth:
Economic systems matter, PFH Research Papers 2015/02.
42. Amann, J. & Middleditch, P. (2020), “Revisiting Reinhart and Rogoff After
163

the Crisis: A Time Series Perspective”, Cambridge Journal of Economics,


44(2), pp. 343-370.
43. An, P.T.H., Duong, M.B. & Toan, N.T. (2020), “The impact of Public debt on
economic growth of ASEAN+3 countries”, International Journal of
Economics and Business Administration, Vol. VIII, Issue. 4, pp. 87 -100.
44. Andrianjaka, R.R. (2017), Middle-class Composition and Growth in Middle-
income Countries, Working Paper Series No. 753, ADB Institute.
45. Auerbach, A.J. & Gorodnichenko, Y. (2012), “Measuring the Output
Responses to Fiscal Policy”, American Economic Journal: Economic Policy,
Vol. 4, No. 2, pp. 1-27.
46. Baldacci, E. & Kumar, M. (2010), Fiscal Deficits, Public Debt and Sovereign
Bond Yields, IMF Working Paper WP/10/184.
47. Baduel, B. & Price, R. (2012), Evolution of Debt Sustainability Analysis in
Low- Countries: Some Aggregate Evidence, IMF Working Paper No. 12/167.
48. Ball, L. & Mankiw, G. (1995), What Do Budget Deficits Do?, National
Bureau of Economic Research (NBER), Working Paper No. 5263.
49. Ball, L. & Mazumder, S. (2015), A Phillips curve with Anchored Expectations
and Short-term Unemployment, IMF Working Paper WP/15/39.
50. Baltagi, B.H. (2007), “Forecasting with Panel data”, Journal of
Forecasting, Vol. 27, No. 2, pp. 153 - 173.
51. Banday, U.J. & Aneja, R. (2019), Twin deficit hypothesis and reverse
causality: a case study of China, Palgrave Communications, Palgrave
Macmillan, Vol. 5, No.1, pp. 1-10.
52. Barrett, P. (2018), Interest-Growth Differentials and Debt Limits in Advanced
Economies, IMF Working Paper WP/18/82.
53 . Barro, R. (1974), “Are government bonds net wealth?”, Journal of Political
Economy No 82, pp. 1095-117.
54. Barro, R. (1990), “Government spending in a simple model of endogenous
growth”, Journal of Political Economy, 98, pp. 103 - 125.
55. Baum, A., Westpal, C.C. & Rother, P. (2013), “Debt and growth: New
evidence for the euro area”, Journal of International Money and Finance, Vol.
32 Issue C, pp. 809 - 821.
56. Bernheim, B.D. (1989), “A Neoclassical Perspective on Budget Deficits”,
Journal of Economic Perspectives, Vol 3, No.2 Spring 1989, pp. 55 - 72.
164

57. Berg, A., Berkes, E., Pattillo, C., Presbitero, A.F. & Yakhshilikov, Y. (2014),
Assessing Bias and Accuracy in the World Bank - IMF’s Debt Sustainability
Framework for Low-Income Countries, IMF Working Paper, No. 14/48.
58. Blanchard, O. (2009), Macroeconomics, 5th ed, Upper Saddle River NJ:
Pearson Education, pp. 450-451.
59. Blanchard, O. (2019), “Public debt and low interest rates”, American
Economic Review, No 109, pp. 1197-229.
60. Bohner, M., Gelles, G. & Heim, J. (2010). “Multiplier - accelerator models on
time scales”, International Journal of Statistics and Economics, Vol 4,
Number S10, pp. 45 - 56.
61. Buiter, W.H. (1985), “A guide to public sector debt and deficit”, Economic
Policy, Vol. 1, Issue. 1, pp. 13-61, https://doi.org/10.2307/1344612.
62. Bravo, A.B.S. & Antonio, S. (2002), “Intertemporal sustainability of fiscal
policies: some tests for European countries”, European Journal of Political
Economy, Vol. 18, Issue. 3, pp. 517 - 528.
63. Caner, M., Grennes, T. & Koehler-Geib, F. (2010), Finding the Tipping Point
- when sovereign debt turns bad, WB Policy Research Working Paper, 5391.
64. Calderon, C. & Fuentes, J.R. (2013), Government Debt and Economic
Growth, IDB Working Paper Series No. IDB-WP-424.
65. Calmfors, L. (2020), Fiscal frameworks and fiscal sustainability in the
Nordics, Nordic Council of Ministers, Sweden: Alldupo Offsettryck AB
Publishing House.
66. Canova, F. and Ciccarelli, M. (2009), “Estimating multi-country VAR
models”, International Economic Review, No. 50/2009, pp. 929-960.
67. Caporale, G.M. (1995), “Bubble Finance and Debt Sustainability: a Test of the
Government’s Intertemporal Budget Constraint”, Applied Economics, Vol.27,
Issue. 12, pp. 1135-1143.
68. Carminati, D. (2019), “China’s Belt and Road Initiative: Debt Trap or Soft
Power Catalyst?”, E-International Relations ISSN 2053-8626, pp. 1-3.
69. Cassimon, D., Verbeke, K. & Essers, D. (2016), The IMF - WB Debt
Sustainability Framework: procedures, applications and criticisms, Belgian
Policy Research Group on Financing for Development, Policy Brief No 3
9/2016.52.
70. Cecchetti, S.G., Mohanty, M.S. & Zampolli, F. (2011), The real effects of
165

debt, BIS Working Papers 352.


71. Chang, F. & Chiang, F.C. (2006), “Revisiting the Government Revenue-
Expenditure Nexus: Evidence from 15 OECD Countries Based on the Panel
Data Approach”, Czech Journal of Economics and Finance, Vol. 59, Issue. 2,
pp. 165-172.
72. Checherita, C. & Rother,P. (2010), The impact of high and growing
government debt on economic growth - an empirical investigation for the euro
area, ECB Working Paper No. 1237.
73. Chowdhury, A. & Islam, I. (2010), “Is there an optimal debt to GDP ratio?”,
VOX CEPR policy portal, accessed at
https://voxeu.org/debates/commentaries/there-optimal-debt-gdp-ratio
(20/2/2020).
74. Ciarli, T., Lorentz, A., Valente, M. & Savona, M. (2019), “Structural Changes
and Growth Regimes”, Journal of Evolutionary Economics, 29(1), pp. 119 -
176.
75. Clements, B., Bhattacharya, R. & Nguyen, T.Q. (2003), “External debt, Public
investment and Growth in low-income countries”, IMF Working Paper
WP/03/249.
76. Cline, W.R. (2014), Sustainability of Public Debt in the United States and
Japan, Peter Institute for International Economics Working Paper Series, WP
14-9.
77. Corsetti, G. & Roubini, N. (1991), Fiscal deficits, public debt and government
solvency: evidence from OECD countries, OECD Working Paper 3658.
78. CRS. (2019), China’s Economic Rise: History, Trends, Challenges, and
Implications for the United States, Congressional Research Service Report
RL33534.
79. CRS. (2021), Fiscal Policy: Economic Effects, Congressional Research
Service Report R45723.
80. Cuenin, S. (1987), “The Uses of Performance Indicators in Universities: An
International Survey”, International Journal of Institutional Management in
Higher Education, OECD, Paris, 11-2, pp. 149-162.
81. Debrun, X. (2017), Sovereign Debt: A Guide for Economists and Practitioners
- Chapter 4: Public debt sustainability, IMF published book, accessed at
https://www.imf.org/~/media/Files/News/Seminars/2018/091318SovDebt-
166

conference/chapter-4-debt-sustainability.ashx (22/02/2021).
82. Devarajan, S., Swaroop, V. & Zou, H. (1996), “The composition of public
expenditure and economic growth”, Journal of Monetary Economics 37, pp.
313- 344.
83. Diamond, P.A. (1965), “National Debt in a Neoclassical Growth Model”,
American Economic Review, Vol. 55, pp. 1126-1150.
84. Dickey, D.A. & Fuller, W.A. (1979), “Distribution of the Estimators for
Autoregressive time series with a unit root”, Journal of the American
Statistical Association, Vol. 74, No. 336, pp. 427 - 431.
85. EC. (2020), Debt sustainability monitor 2019, Institutional Paper 120,
Luxembourg: Publications office of European Union.
86. ECB. (2012), Analysing government debt sustainability in the euro area, April
Monthly Bulletin.
87. ECB (2014), Early warning indicators for fiscal stress in European budgetary
surveillance, Monthly Bulletin.
88. Elmendorf, D. & Mankiw, G. (1999), “Government Debt” In J. B. Taylor and
M. Woodford (eds.). Handbook of Macroeconomics, Vol. 1C. Amsterdam,
The Netherlands: North-Holland.
89. Eisner, R. (1984), “A new view of the federal debt and budget deficit”,
American Economic Review, 74(1), March, pp. 11-29.
90. Erce, A. & Mallucci. (2018), Selective Sovereign Defaults, International
Finance Discussion Paper No.1239, Washington D.C: Board of Governors of
the Federal Reserve System.
91. EU. (2016), Sustainability of public finances, European semester thematic
factsheet, accessed at https://ec.europa.eu/info/sites/info/files/european-
semester_thematic-factsheet_public-finance-sustainability_en.pdf
(09/02/2021).
92. Faure, F. & Guerin, P. (2021), “Dealing with Africa’s risk of debt distress”,
Econ Conjoncture No.2, pp. 2 - 11.
93. Fazzari, S., Piero, F. & AnnaMaria, V. (2018), Demand led - growth and
accommodating supply, FMM Working Paper No. 15.
94. Felipe, J., Abdon, A. & Kumar, U. (2012), Tracking the Middle-income Trap:
What Is It, Who Is in It, and Why?, Working Paper No.175, Levy Economics
Institute: New York.
167

95. Fisk, H.E. (1920), English Public Finance From the Revolution of 1688, New
York: Bankers Trust Co.
96. Fischer, S. (1992), “Macroeconomic stability and growth”, Cuadernos de
Economía
Año 29, No. 87 , pp. 171-186.
97. Friedman, M. (1988), The macroeconomics of government finance, Handbook
of monetary economics.
98. Fosu, A.K. (1996), “The Impact of External Debt on Economic Growth in
Sub-Saharan Africa”, Journal of Economic Development, Vol.21, No.1, pp. 93
- 118.
99. Furceri, D. & Zdzienicka, A. (2012), “How costly are debt crises?”, Journal of
International Money and Finance, Vol. 31, Issue. 4, pp. 726 - 742.
100. Gabriele, C. (2019). Learning from trees: A mixed approach to building early
warning systems for systemic banking crises measures, European Stability
Mechanism Working Paper series, 40/2019.105.
101. Gabriel, M. (2019), What is prudent debt?, accessed at
https://www.treasury.govt.nz/publications/speech/what-prudent-debt
(04/02/2021).
102. Gale, W. & Orszag, P. (2003), The Economic Effects of Long-term Fiscal
Discipline, Urban-Brookings Tax Policy Center Discussion Paper No. 8,
Washington, DC: The Brookings Institution.
103. Gómez, P, M., & Sosvilla, R, S. (2018), “Public Debt and Economic Growth:
Further Evidence for the Euro Area”, Acta Oeconomica, 68(2), pp. 209-229.
104. Gramlich, E. (1989), The growth and eficiency of public spending, Cambridge:
Cambridge University Press, https://doi.org/10.1002/pam.4050080320.
105. Granger, C.W.J. & Newbold, P. (1974), “Spurious regressions in
econometrics”, Journal of Econometrics, Vol. 2, Issue. 2, pp. 111 - 120.
106. Greeenidge, K., Craigwell, R., Thomas, C. & Drakes, L. (2012), Threshold
Effects of Sovereign Debt: Evidence from the Caribbean, IMF Working Paper
No. 12/157.
107. Greiner, A. & Semmler, W. (1999), “An Inquiry into the Sustainability of
German Fiscal Policy: some time-series Tests”, Public Finance Review, Vol.
27, Issue. 2, pp. 220-236.
108. Greiner, A. (2014), “Public Debt and the Dynamics of Economic Growth”,
168

Annals of Economics and Finance, Vol. 15, No.1, pp. 185-204.


109. Guajardo, J. (2014), “Expansionary austerity? International evidence”,
Journal of the European Economic Association, Vol. 12, pp. 949-968,
https://doi.org/10.1111/jeea.12083.
110. Gujarati, D.N. (2009), Basic Econometrics, Tata McGraw-Hill Education,
New Delhi.
111. Hamilton, J.D. & Susmel, R. (1994), “Autoregressive conditional
heteroskedasticity and changes in regime”, Journal of Econometrics, No. 64,
pp. 307-333.
112. Haug, A.A. (1991), “Cointegration and government borrowing constraints:
Evidence for the United States”, J.Bus Econ.Stat, 9(1), pp. 97 - 101.
113. Hauner, D. (2008), “Public debt and financial development”, Journal of
Development Economics, Vol. 88, pp. 171 - 183
114. Henisz, W.J. (2000), “The institutional environment for economic growth”,
Economics and politics review, Vol. 12, Issue. 1, pp. 1 - 31.
115. Herndon, T., Ash, Michael. & Pollin, R. (2013), Does high public debt
consistently stifle economic growth? A critique of Reinhart and Rogoff,
Political Economy Research Institute, Working Paper Series No. 322.
116. Ibrahim, C. (2021), "Corruption, public debt and economic growth - evidence
from developing countries", International Journal of Development Issues, Vol.
20, No. 1, pp. 24-37.
117. Imbs, J. & Ranciere, R. (2005), The Overhang Hangover, Policy Research
Working Paper No. 3673, World Bank: Washington DC.
118. IMF. (2000), Making the Global Economy work for all, IMF Annual Report.
119. IMF. (2004), Making the Global Economy work for all, IMF Annual Report.
120. IMF. (2010), IMF Quota and Governance ReformElements of an
Agreement, accessed at
https://www.imf.org/external/np/pp/eng/2010/103110.pdf (20/03/2021).
121. IMF. (2010), Fiscal exit: From Strategy to Implementation, Fiscal Monitor
11/2010.
122. IMF & WB. (2012), Revisiting the Debt Sustainability Framework for Low-
Income Countries, IMF Working Paper, accessed at
https://www.imf.org/external/np/pp/eng/2012/011212.pdf (22/02/2021).
169

123. IMF. (2013), Staff Guidance Note on the application of the joint bank-fund
debt sustainability framework for low-income countries, accessed at
http://www.imf.org/external/np/pp/ eng/2013/110513.pdf (20/02/2020).
124. IMF. (2015a), Defining the Government’s Debt and Deficit, Working Paper,
WP/15/238.
125. IMF. (2015b), Tackling Challenges Together, IMF Annual Report.
126. IMF. (2017a), Guidance note on the bank-fund debt sustainability framework
for low income countries, accessed at
https://www.imf.org/~/media/Files/Publications/PP/2017/pp122617guidance-
note-on-lic-dsf.ashx (21/01/2021).
127. IMF. (2017b), Fiscal rule at Glance, accessed at
https://www.imf.org/external/datamapper/fiscalrules/Fiscal%20Rules%20at
%20a%20Glance%20-%20Background%20Paper.pdf (18/02/2021).
128. IMF. (2017c), Country Report No. 17/141.
129. IMF. (2017d), Joint World Bank - IMF Debt Sustainability Framework for
low-income countries, accessed at
https://www.imf.org/en/About/Factsheets/Sheets/2016/08/01/16/39/Debt-
Sustainability-Framework-for-Low-Income-Countries (10/09/21).
130. IMF. (2018), The Debt Sustainability Framework for Low-Income Countries
Introduction, accessed at https://www.imf.org/external/pubs/ft/dsa/lic.htm
(22/2/2020).
131. IMF. (2019), Our connected world, IMF Annual Report.
132. IMF & WB. (2020), The evolution of public debt vulnerabilities in lower
income economies, IMF Policy Paper No. 22/33.
133. Indonesia’s House of Representatives. (2003), State Finance Law No.17/2003,
Explanation of Article 12 (3), accessed at
https://www.kemenkeu.go.id/sites/default/files/pdf peraturan/law%20no
%2017%20of%202003.pdf (04/02/2021).
134. Ismilhan, M., Metin - Ozcan, K. & Tansel, A. (2002), Macroeconomic
Instability, Capital Accumulation and Growth: The case of Turkey 1963 -
1999, ERC Working Papers in Economics, 02(04).
135. Jacobs, J., Ogawa, K., Sterken, E. & Tokutsu, I. (2020), “Public Debt,
Economic Growth and the RealInterest Rate: A Panel VAR Approach to EU
and OECD Countries”, Applied Economics, 52(12), pp. 1377-1394.
170

136. Jahan, S., Mahmud, A.S. & Papageorgiou, C. (2014), “What is Keynes
Economics?”, Financial and Development, Vol.51, No.3, pp. 53 - 60.
137. Johnstone, J.N. (1981), Indicators of Education Systems, Paris: International
Institute for Educational Planning.
138. Jorda, O., & Taylor, A. M. (2015), “The time for austerity: Estimating the
average treatment effect of fiscal policy”, The Economic Journal, Vol. 126,
pp. 219-255.
139. Johnson, P. (2009), UK fiscal policy before crisis, Publisher: Cambridge
University Press, pp. 409 - 436,
DOI: https://doi.org/10.1017/CBO9781316556191.012.
140. Karagol, E.T. (2012), “The Causality Analysis of External Debt Service and
GNP: The Case of Turkey”, Central Bank Review, Vol. 1, pp. 39-64.
141. Karanasos, M, G., Koutroumpis, P, D., Hatgioannides, J., Karanassou, M. &
Sala, H. (2017), The Greek Dra(ch)ma: 5 years of austerity. The three
economists’ view and a comment, LSE GreeSE Paper No.113.
142. Kickert, W.J.M., Randma-Liiv, T. & Savi, R. (2015), Politics of fiscal
consolidation in Europe: a comparative analysis, International Review of
Administrative Sciences 2015, Vol. 81, No. 3, pp. 562-584.
143. Kappagoda, N. & Alexander, N.C. (2004), Debt sustainability framework for
low income countries: policy and resource implications, Working Paper for G-
24 Technical Group Meeting.
144. Khan, M.S. & Reinhart, C. (1990), “Private investment and Economic growth
in Developing Countries”, World Development, Vol. 18, No.1, pp. 19 - 27.
145. Kourtellos, A., Stengos, T. & Tan, C.M. (2013), “The effect of public debt on
growth in multiple regimes”, Journal of Macroeconomics, 2013, Vol. 38,
Issue. PA, pp. 35-43.
146. Kumar, M. S. & Woo, J. (2010), Public Debt and Growth, IMF Working
Paper
WP/10/174.
147. Levin, A., Lin, C.F. & Chu, C.S.J. (2002), “Unit root tests in panel data:
asymptotic and finite-sample properties”, Journal of Econometrics, Vol. 8,
Issue. 1, pp. 1 - 24.
148. Lim, J. J. (2019), “Growth in the Shadow of Debt”, Journal of Banking and
Finance, 103, pp. 98-112.
171

149. Lindauer, D. & Velenchik, A.D. (1992), “Government spending in developing


countries: Trends, Causes, and Consequences”, The World Bank Research
Observer, Vol. 7, Issue. 1, pp. 59 - 78.
150. Lof, M. & Malinen, T. (2014), “Does sovereign debt weaken economic
growth? A panel VAR analysis”, Economic Letters, Vol. 122 Issue. 3, pp. 403
- 407.
151. Lutkepohl, H. (2005), New Introduction to Multiple Time Series Analysis,
Springer.
152. McKinsey. (2021). Our future lives and livelihoods: sustainable and inclusive
and growing, McKinsey Quaterly, 6/2021.
153. Makrydakis, J.S., Tzavalis, E. & Balfoussias, A. (1999), “Policy Regime
Changes and Long Run Sustainability of Fiscal Policy: An Application to
Greece”, Economic Modelling, Vol.16, Issue. 1, pp.71-86.
154. Mankiw, G. (2016), Principles of Economics, 6th edition, Boston: Cengage.
155. Manasse, P., Nouriel, R. & Schimmelpfennig, A. (2003), Predicting Sovereign
Debt Crises, IMF Working Paper 03/221.
156. Manasse, P. & Roubini, N. (2005), “Rule of thumb” for sovereign debt crisis,
IMF Working Paper, WP/05/42, accessed at
https://www.imf.org/external/pubs/ft/wp/2005/wp0542.pdf (02/02/2021).
157. Manasse, P. (2007), Deficit Limits and Fiscal Rules for Dummies, IMF staff
papers Vol. 54 No. 3.
158. Markman, G., Phan, P.H. & Gianiodis. (2009), “Supply-side innovation and
Technology commercialization”, Journal of Management Studies, Vol. 46,
Issue.. 4, pp. 625 - 649.
159. McCausland, W. D., & Theodossiou, I. (2016), “The consequences of fiscal
stimulus on public debt: A historical perspective”, Cambridge Journal of
Economics, Vol. 40, pp. 1103-1116.
160. Modigliani, F. (1961), “Long-Run Implications of Alternative Fiscal Policies
and the Burden of the National Debt”, The Economic Journal, Vol. 71, Issue.
284, 1 December 1961, 730-755, https://doi.org/10.2307/2228247.
161. Morris, I. (2010), Why the West rules - for now, CA: Farrar, Straus and
Giroux.
162. Mupunga, N. & Ngundu, T. (2020), Escalating public debt level and fiscal
responses in Sub-Saharan African Countries, AERC Research Paper 385.
172

163. Muhlenkamp, H. (2014), Public - Private Partnerships and Government Debt,


CEsifo DICE Report 3/2014.
164. Nambiar, M. (2015), “A decade of disaster risk management in India”,
Economic and Political Weekly, Vol. 50, No. 5, pp. 36 - 40.
165. Nelson, E. (2008), Why Money Growth Determines Inflation in the long run:
answering the Woodford critique, Federal Reserve Bank of St. Louis,
Research Division, Working Paper 2008-013C.
166. Nielsen, L. (2011), Classifications of Countries Based on Their Level of
Development: How it is Done and How it Could be Done, Working Paper
WP/11/31.
167. Nursechafia. & Muthohharoh, M. (2014). “An early-warning signal of
sovereign debt crisis in Indonesia”, Al-Infaq: Jurnal Ekonomi Islam, Vol. 5,
No. 2, pp. 175-188.
168. OECD. (1990), Performnace Indicator for Public Telecommunication
Operators, Chapter 1 Introduction, accessed at
https://www.oecd.org/sti/broadband/2751012.pdf (28/02/2021).
169. OECD. (2004), The OECD-JRC Handbook on Practices for Developing
Composite Indicators, Paper presented at the OECD Committee on Statistics,
7-8 June 2004, OECD, Paris.
170. OECD, 2008, Handbook on Constructing Composite Indicators: Methodology
and user guide, accessed at https://www.oecd.org/sdd/42495745.pdf
(22/1/2021).
171. OIC. (2012), Assessment of Sustainability and Insolvency of the External
Debt, OIC Outlook Series 1/2012.
172. Papadopoulos, A.P. & Sidiropoulos, M.G. (1999), “The sustainability of Fiscal
Policies in the European Union”, International Advances in Economic
Research, Vol. 5, No. 3, pp. 289-307 DOI: 10.1007/BF02296413.
173. Padoan, P.C., Sila, U. & Van den Noord, P. (2012), Avoiding Debt Traps:
Financial Backstops and Structural Reforms, OECD Economics Department
Working Paper No. 976.
174. Panizza, U. & Presbitero, A. (2014), “Public debt and economic growth: Is
there a causal effect?”, Journal of Macroeconomics, Vol. 41, Issue. C, pp. 21-
41.
175. Panizza, U. (2015), Debt Sustainability in Low Income Countries. The Grants
173

versus Loans Debate in a World without Crystal Balls, FERDI Working


Paper, No. 120.
176. Pattillo, C., Poirson, H. & Ricci L. (2004), What Are the Channels through
which External Debt Affects Growth?, IMF Working Paper 04/15.
177. Pattillo, C., Buffie, E.E., Berg, A. & Zanna, L.F. (2012), Public investment,
growth and debt sustainability: putting together the pieces, IMF Working
Paper WP/12/144.
178. Paul, S.G. (1992), “Fiscal Policy in an Endogenous Growth Model”,
Quarterly Journal of Economics 107, pp. 1243-1259.
179. Pegkas, P., Staikouras, C. & Tsamadias, C. (2020), “On the Determinants of
Economic Growth: Empirical Evidence from the Eurozone Countries”,
International Area Studies Review, 23(2), pp. 1-20.

180. Peralta-Alva, A., Tam, X, S., Tang, X. & Tavares, M.M. (2019), The Welfare
Implications of Fiscal Consolidations in Low - income Countries, IMF
Working Paper WP/18/146.
181. Pescatori, A., Sandri, D. & Simon, J. (2014), Debt and growth: Is there a
magic threshold?, IMF Working Paper WP/14/34.
182. Presbitero, A. (2005), The Debt-Growth Nexus: a Dynamic Panel Data
Estimation, Working Papers 243, Universita' Politecnica delle Marche (I),
Dipartimento di Scienze Economiche e Sociali.
183. Puig, M.G. & Rivero, S.S. (2015), Short-run and long-run effects of public
debt on economic performance: Evidence from EMU countries, Research
Institute of Applied Economics, Working Paper 2015/22.
184. Ragot, X. & Pinois, R. (2019), “Public Debt and the world financial market”,
Revue de l’OFCE, Vol. 164, pp. 166 - 188.
185. Reinhart, C.M. & Rogoff, K.S. (2010). “Growth in a time of debt”, American
Economic Review: Papers & Proceedings 100 (May 2010), pp. 573-578.
186. Sakyi, D. & Opoku, E.E.O. (2016), The twin deficits hypothesis in developing
countries, IGC Working paper S-33201-GHA-1.
187. Sajeva, M., Gatelli, D., Tarantola, S. & Hollanders, H. (2005), Methodology
Report on European Innovation Scoreboard, European Commission: Brussels,
Belgium.
188. Salsman, R.M. (2017), The Political Economy of Public Debt: three centuries
174

of theory and evidence, Cheltenham: Edward Elgar Publishing.


189. Schlarek, A. (2004), Debt and Economic Growth in Developing and Industrial
Countries, Working Papers 2005:34, Lund University, Department of
Economics.
190. Senadza, B. (2016), “The twin deficit hypothesis: Evidence from Ghana”,
International Journal of Business and Economic Sciences Applied Research
(IJBESAR), Vol. 9, Issue. 3, pp. 55-62.
191. Seth, A. (2007), Granger causality, Scholarpedia, accessed at
http://www.scholarpedia.org/article/Granger_causality (20/2/2021).
192. Sethi, D., Rao, V.V.S. & Mohanty, A.R. (2020), “Threshold level of fiscal
deficit: revisiting FRBMA limit in Indian states”, Journal of Social and
Economic Development, Volume 22, pp. 233-249.
193. Shloka, M. (2021), “Does Growth Lead to Debt Sustainability? Yes, But Not
Vice-Versa!”, Economic Survey 2000/2021, Vol 1.
194. Sims, C.A. (1980), “Macroeconomics and Reality”, Econometrica, No.48, pp.
1-48.
195. Simons, H. (1944), “On Debt Policy”, Journal of Political Economy LII,
Reprinted in Economic Policy for a Free Society, pp. 226 - 240.
196. Singapore Parliament. (2021), Constitution Article 144(1), accessed at
https://sso.agc.gov.sg/Act/CONS1963 (04/02/2021).
197. Statista. (2018), Global public debt from 2005 to 2017, accessed at
https://www.statista.com/statistics/686067/global-public-debt/ (05/03/2021).
198. Stone, C. (2020), Fiscal Stimulus Needed to Fight Recessions, Center on
Budget and Policy Priorities, accessed at
https://www.cbpp.org/research/economy/fiscal-stimulus-needed-to-fight-
recessions (21/03/2021).
199. Storkey, I. (2006), Sound practice, in: Williams, M. & Brione, P (Eds.),
Government debt management: new trends and challenge, London: Central
Banking Publication Ltd, pp. 300 - 325.
200. Tagavi, M. (2000), “Debt, growth and inflation in large European economies:
a vector auto-regression analysis”, Journal of Evolutionary Economics, Vol.
10, pp. 159 - 173.
201. Talukder, B., Hipel, K.W. & vanLoon, G.W. (2017), “Developing Composite
Indicators for Agricultural Sustainability Assessment: Effect of Normalization
175

and Aggregation Techniques”, Resources, Vol. 6, No. 4, pp. 66 -


77; https://doi.org/10.3390/resources6040066.
202. Tamara, T. & Marin, K. (2019), An expanded multiplier - accelerator model,
MPRA Paper No. 107480.
203. Tantos, S. (2012), “Public Debt Sustainability: The Case of Greece”, Journal
of Reviews on Global Economics, Lifescience Global, Vol. 1, pp. 27-40.
204. Tarek, B, A. & Ahmed, Z. (2017), “Institutional Quality and Public Debt
Accumulation: An empirical analysis”, International Economic Journal, Vol.
31, Issue. 3, pp. 415 - 435.
205. Teles, V. & Mussolini, C.C. (2014), “Public debt and the limits of fiscal policy
to increase economic growth”, European Economic Review, Vol. 66, Issue. C,
pp. 1-15.
206. Tichy, G. (2001), “The Sovereign Debt Crisis: Causes and Consequences”,
Australian Economic Quarterly 2/2012, pp. 95 - 107.
207. Thảo, Phạm Thị Phương. (2018), “Impacts of public debt on economic growth
in six ASEAN countries”, Ritsumeikan Annual Review of International
Studies, 2018. ISSN 1347-8214, Vol.17, pp. 63-88.
208. Trường, Phạm Xuân & Bình, Hoàng Xuân. (2021), The effect of Covid 19 on
public debt sustainability in selected countries, Conference proceedings
“Socio-economic issues of Vietnam beyond the pandemic”, Ha Noi: Foreign
Trade University, 6/2021.
209. TRG. (2020), An Empirical Framework for analyzing EM sovereign debt
restructuring, accessed at https://www.rohatyngroup.com/mcontent/TRG
%20Report%20on%20Sovereign%20Debt%20Restructurings%20-
%20October%202020.pdf (02/09/2021).
210. Trehan, B. & Walsh, C.E. (1991), “Testing Intertemporal Budget Constraints:
Theory and Applications to U.S. Federal Budget and Current Account
Deficits”, Journal of Money, Credit, and Banking, Vol.23, No.2, pp.206-223.
211. Turner, D. & Spinelli, F. (2012), Interest-rate-growth differentials and
government debt dynamics, OECD Journal: Economic Studies, Vol. 2012/1.
http://dx.doi.org/10.1787/eco_studies-2012-5k912k0zkhf8.
212. UN. (2005), In larger freedom: toward development, security and human
rights for all, Report of Secretary - General, A/59/2005.
213. UNCTAD. (2002), External Finance, debt and foreign direct investment,
176

accessed at
https://unctad.org/system/files/official-document/gdscsir20041c2_en.pdf
(03/09/2021).
214. UNCTAD. (2008), Domestic and external public debt in developing countries,
UNCTAD/OSG/DP/2008/3.
215. UNCTAD. (2016), Debt and debt sustainability, accessed at https://debt-and-
finance.unctad.org/Documents/UNCTAD_Munevar.pdf (19/02/2021).
216. Warner, A. M. (1992), “Did the debt crisis cause the investment crisis?”, The
Quarterly Journal of Economics, Vol. 107, No.4, pp. 1161-1186.
217. WB. (2009), Fiscal sustainability of debt, Joint Ministerial on Debt
Sustainability, Working Paper 4/2019.
218. WB. (2017), Government Debt Management: Designing debt management
strategies, Debt management learning & training note.
219. WB. (2020), Facts and Figures of China’s economy: 1980 - 2020, accessed at
https://thedocs.worldbank.org/en/doc/777941604392304764-0070022020/
original/ffs2020en.pdf (30/08/2021).
220. Williams, J.C. (2018). Supporting Strong, Steady, and Sustainable Growth,
Economic Letter, 10/2018207.
221. Whittaker, J. (2020), Modern monetary theory: the rise of economists who say
huge government debt is not a problem, accessed at
https://theconversation.com/modern-monetary-theory-the-rise-of-economists-
who-say-huge-government-debt-is-not-a-problem-141495 (30/08/2021).
222. Westphal, C.C. & Semeano, J.D. (2021), Interest rate-growth differentials on
government debt: an empirical investigation for the euro area, SUERF Policy
Note No 218.
223. Wyplosz, C., Willems, T., Ostry, J.D. & Debrun, X.  (2019), The art of
assessing public debt sustainability: Relevance, simplicity, transparency,
accessed at https://voxeu.org/article/art-assessing-public-debt-sustainability
(21/02/2020).
224. Zenios, S, A. & Panayi, E. (2015). “Was the Cyprus crisis banking or
sovereign debt?”, Banks and Bank Systems, Vol. 10, No. 2, pp. 23-34.
177

PHỤ LỤC

PHỤ LỤC 1: PHÂN LOẠI CÁC NƯỚC THEO THU NHẬP CHO CẢ THỜI KỲ
2000 - 2018
Nhóm các nước có thu nhập cao HI

Áo Đan Mạch Nhật Bản Slovakia

Úc Estonia Hàn Quốc Slovenia

Bahamas Phần Lan Luxemborg Tây Ban Nha

Bahrain Pháp Malta Saint Kitts and


Nevis

Barbados Đức Hà Lan Thụy Điển

Bỉ Hy Lạp New Zealand Thụy Sĩ

Brunei Ai-xơ-len Na Uy UAE

Canada Ai-len Bồ Đào Nha Mỹ

Đảo Syp Israel Ả Rập Xê Út Anh

CH Séc Ý Singapore

Nhóm các nước có thu nhập trung bình cao UMI

Belarus Ecuador Roumani Croatia


178

Bosnia & Gabon Nga Hungary


Herzegovina

Brazil Granada Séc-bi Latvia

Botswana Jamaica Nam Phi Lithunia

Bulgari Kazakhstan Saint Lucas Panama

Trung Quốc Li băng Saint Vincent and Ba Lan


the Grenadines

Colombia Malaysia Thái Lan Seychelles

Costa Rica Maldives Thổ Nhĩ Kỳ Uruguay

Dominica Mauritus Argentina

CH Dominica Mexico Chi-lê

Nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp LMI

Angola Gruzia Nicaragua Việt Nam Jordan

Buhtan Ghana Nigeria Zambia North


Macedonia

Bolivia Honduras Papua New Albani Paraguay


Guinea

Cape Verde Indonesia Philippines Algeria Samoa

Cameroon Ấn Độ Đảo Solomon Armenia Tonga

Congo Lào Sri Lanka Azerbaijan Comoros

Bờ Biển Ngà Lesetho Sudan Belize Haiti

Djibouti Moldova Tunisia Fiji

Ai Cập Mông Cổ Ukraina Guatemala

Slovenia Ma rốc Vanuatu Guyana

Nhóm các nước có thu nhập thấp

Benin Malawi Tajikistan Kyrgyzstan

Burkina Faso Mali Tanzania Myanmar


179

Burundi Mozambique Togo Pakistan

Ethiopia Nepal Uganda

Gambia Niger Yemen

Guinea-Bissau Ruwanda Bangladesh

Liberia Senegal Campuchia

Madagascar Sierra Leone Kenya

PHỤ LỤC 2: QUY TẮC CÂN BẰNG NGÂN SÁCH NHIỀU THỜI KỲ
A. Nền kinh đóng
Xét nền kinh tế đóng, tiền bộ khoản nợ công đều được tài trợ từ nguồn tài chính
trong nước. Đầu tiên ta có khoản nợ năm nay là sự tích lũy của phần nợ năm trước
chưa trả được, ta có: Dt = (1 + it) Dt - 1 - PBt (1)
trong đó Dt là nợ công năm t, D t - 1 là nợ công năm t - 1 chưa trả được; it là lãi suất danh
nghĩa năm t; PBt là thặng dư ngân sách năm t
Cụ thể : PBt = Rt - Gt trong đó Rt là khoản thu thuế thời kỳ t, G t là khoản chi tiêu
của chính phủ thời kỳ t
Áp dụng phương trình (1) cho 2 thời kỳ, ta có:
D1 = (1+i)D0 - PB1
D2 = (1+i)D1 - PB2 = (1+i)[(1+i)D0 - PB1] - PB2 = (1+i)2D0 - (1+i)PB1 - PB2
N
Tổng quát ta có: D N = (1+i) N D 0 - ∑ (1+i)N− j PB j
J =1

Chia cả 2 vế cho (1+i) N ta có:

( ) ( )
N N J
1 1
D 0= D N +∑ PB J (2)
1+ i J =1 1+ i
180

Hay giá trị của khoản nợ hiện tại (ban đầu) bằng giá trị hiện tại của các khoản nợ
trong tương lai cộng với giá trị hiện tại của các khoản thặng dư trong tương lai
Trong điều kiện không có kế hoạch Ponzi (chính phủ không vay để đảo nợ) thì

( ) D =0
N
1
lim N
N → ∞ 1+i

Phương trình (2) trở thành:

( )
N
1 J
D 0=∑ PB J
J=1 1+i

Có thể diễn giải công thức (2) là giá trị của khoản nợ hiện tại (ban đầu) phải được
bù đắp hoàn toàn bằng giá trị hiện tại của các khoản thặng dư ngân sách trong tương
lai.
Chia cả 2 vế của (1) cho PtYt (GDP danh nghĩa năm t) ta có:

Dt ( 1+it ) D t −1 PB t
= − (3)
P t Y t (1+ π t )(1+ gt ) Pt −1 Y t−1 P t Y t

trong đó π t là lạm phát năm t, gt là tăng trưởng sản lượng năm t. Lúc này (3) tương
đương với:

( 1+ it )
dt = d t −1− pbt
(1+ π t )(1+ gt )

trong đó các biến d t d t −1 và pbt là các biến tính trên % GDP

( 1+ it )
Ta lại có =1+r t trong đó rt là lãi suất thực tế
(1+ π t )

1+ r t
Suy ra: d t = d − pbt (4)
1+ g t t −1

1+r t
Trừ cả 2 vế của (4) cho dt-1 ta có: ∆ dt =dt −d t −1=( −1)d t−1− pbt
1+ gt

r t −gt
Hay ∆ dt =dt −d t −1=( ) d − pbt (5)
1+ g t t −1

Cũng có thể biểu diễn điều kiện về sự bền vững của nợ công theo tiêu chuẩn kinh
tế học cổ điển thông qua đồ thị, cụ thể như sau:
Chúng ta sẽ biểu diễn hàm số (4) qua đồ thị với trục tung là d t và trục hoành là dt-1
với giả định hầu hết các chính phủ thời kỳ t đều duy trì thâm hụt ngân sách hay nói
cách khác pbt < 0.
181

1+ r t
Đặt ϕt = ta có d t =ϕ t . d t−1− pb t
1+ g t

Trong trường hợp rt < gt hay ϕt < 1, mối quan hệ giữa dt và dt-1 được biểu diễn theo
đồ thị như sau : đường 45 độ thể hiện dt = dt-1 (kết hợp lý tưởng khi nợ công không gia
tăng), đường thoải hơn thể hiện hàm số dt = f(dt-1) với hệ số góc nhỏ hơn 1.

Hình A.1: Nợ công bền vững với hệ số góc của hàm nợ công nhỏ hơn 1
Nguồn : Tác giả xây dựng từ hàm dt với hệ số góc nhỏ hơn 1
+ dt-1 < dt thì dt - dt-1 > 0 từ đó làm tăng nợ công cho những năm tiếp theo cho đến
khi dt = dt-1 thì nợ công không tăng nữa mà giữ ổn định ở mức d0.
+ dt-1 > dt thì dt - dt-1 < 0 từ đó làm giảm nợ công cho những năm tiếp theo cho đến
khi dt = dt-1 thì nợ công không giảm nữa mà giữ ổn định ở mức d0.
Như vậy mức nợ công d 0 trở nên ổn định, không tăng cho thấy khả năng nợ công
trở nên bền vững trong trường hợp này.
Trong trường hợp rt > gt hay ϕt > 1, mối quan hệ giữa dt và d t-1 được biểu diễn
theo đồ thị như sau: đường 45 độ thể hiện d t = dt-1 (kết hợp lý tưởng khi nợ công không
gia tăng), đường dốc hơn thể hiện hàm số dt = f(dt-1) với hệ số góc lớn hơn 1.
182

Hình A.2: Nợ công kém bền vững với hệ số góc của hàm nợ công lớn hơn 1
Nguồn  : Tác giả xây dựng từ hàm dt với hệ số góc lớn hơn 1
+ Đường số (1) thể hiện pbt là số âm phù hợp với giả định. Tuy nhiên trong
trường hợp này đường biểu diễn hàm số d t = f(dt-1) luôn nằm trên đường 45 độ d t = dt-1,
điều này chứng tỏ ở mọi giá trị d t luôn lớn hơn dt-1, nói cách khác nợ công gia tăng liên
tục năm sau lại lớn hơn năm trước. Điều này khiến cho nợ trở nên không bền vững.
+ Đường số (2) thể hiện pb là số dương, nói cách khác ban đầu chính phủ có
thặng dư ngân sách (một điều hiếm khi xảy ra). Trong trường hợp này một khi vượt
qua mức nợ d0 thì dt luôn nằm trên dt-1 và nợ công sẽ lại không bền vững khi tăng liên
tục.
B. Nền kinh tế mở
Mở rộng mô hình này cho nền kinh tế mở, chúng ta có

Dt +e t Dt =( 1+i t ) Dt −1 + ( 1+ it ) e t Dt −1−PB t
D F D D F F

trong đó DD là nợ công trong nước (vay bằng đồng nội tệ), D F là nợ công nước ngoài
(vay bằng đồng ngoại tệ), iD là lãi suất danh nghĩa của khoản vay trong nước, i F là lãi
suất thực tế của khoản vay nước ngoài, e t là tỷ giá hối đoái yết theo kiểu trực tiếp (1
đơn vị ngoại tệ bằng bao nhiêu đơn vị nội tệ). Biến đổi một cách tương tự như trong
nền kinh tế đóng chúng ta có :

(1+r dt ) d (1+r ft )(1+ ε t ) f


dt = d + d t −1−pb t (6)
(1+ gt ) t−1 (1+ gt )

Trừ cả 2 vế (6) cho dt (d t =d dt −1 + dtf−1 ¿ ta có:

( ) ( r t + ε t −gt ) f
d f
r t −gt
∆ dt =dt −d t −1= d t−1 + d t −1− pbt (7)
1+ g t ( 1+ gt )
Trong đó các biến d, pb ký hiệu viết thường thể hiện tỷ lệ nợ công, cân bằng ngân
sách trên GDP, r là lãi suất thực tế còn ε là tỷ lệ mất giá của đồng nội tệ so với đồng
ngoại tệ.
Áp dụng lập luận như nền kinh tế đóng chúng ta có, nợ công ổn định hay bền
vững theo tiêu chuẩn kinh tế học cổ điển khi cả hai điều sau đây xảy ra :

+ r dt < gt thì nợ công trong nước phần nợ nội địa sẽ ổn định

+ (r tf +ε t ¿ < gt thì nợ công trong nước phần nợ nước ngoài sẽ ổn định

+ Nếu d dt −1 và d ft −1 giảm thì ∆ dt cũng giảm theo và ngược lại.


183

+ Nếu pbt tăng thì ∆ dt cũng giảm theo và ngược lại.

Kết quả thứ ba cho thấy xu hướng thay đổi theo hình xoáy ốc của nợ công, nếu
giảm được nợ quá khứ thì nợ hiện tại cũng giảm theo và ngày càng giảm dần và ngược lại.
Trong trường hợp lý tưởng nếu điều kiện ngang bằng lãi suất được đáp ứng
(interest rate parity conditions) thì r dt =r tf +ε t lúc này chỉ cần tốc độ TTKT trong nước
lớn hơn lãi suất trong nước là đủ để nợ công ổn định (giống với trường hợp nền kinh tế
đóng).

PHỤ LỤC 3: KẾT QUẢ TÍNH TOÁN DSI CHI TIẾT CHO NHÓM NƯỚC VÀ
MỘT SỐ QUỐC GIA
A. Kết quả tính toán theo nhóm nước
A1. Nhóm nước có thu nhập cao (HI)
184

0.700

0.673 0.670
0.661
0.662 0.655 0.669
0.650 0.654 0.657 0.650

0.618 0.618 0.621


0.610
0.605 0.606 0.615 0.611
0.600
0.601

0.573

0.550

0.500
2000 200120022003 2004200520062007 200820092010201120122013 20142015201620172018

Hình A1.1: DSI của nhóm nước HI thời kỳ 2000 - 2018


Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Đối với các nước HI, DSI xuất phát năm 2020 với giá trị tương đối cao 0,673.
Nhưng ngay sau đó do ảnh hưởng của cuộc suy thoái nhẹ ở Mỹ (sự kiện bong bóng
dot.com) và đặc biệt lo ngại về an ninh sau vụ khủng bố 11.9 khiến cho DSI sụt giảm
xuống 0,654 vào năm 2002. Tuy nhiên sau đó là một khoảng thời gian tốt đẹp của nền
kinh tế giúp DSI ở các nước HI tăng lên mức 0.67 vào năm 2007, gần bằng so với thời
điểm ban đầu. Khủng hoảng 2008 - 2009 với một loạt các gói kích cầu quy mô lớn và
giảm thuế sâu khiến thâm hụt ngân sách tại các nước HI gia tăng, nợ công tăng vọt. Về
cơ bản đây là những yếu tố khiến DSI xấu đi nhanh chóng. DSI giảm mạnh từ 0,67
năm 2007 xuống còn 0,573 năm 2009, mức giảm tương đương 15% trong vòng hai
năm. Tiếp đến là một thời kỳ phục hồi dần dần của DSI cho đến năm 2018 DSI đạt
0,621. Tuy nhiên đây là quá trình phục hồi DSI không bằng phẳng, đan xen những năm
tăng có những năm giảm như năm 2012, 2016 cho thấy quá trình phục hồi kinh tế nói
chung của các nước HI sau khủng hoảng 2008 - 2009 vẫn còn nhiều trắc trở khiến cho
các chỉ số thành phần trong DSI không được cải thiện liên tục mà thay vào đó vẫn bị
xấu đi một phần do các chính sách tài khóa mở rộng với hiệu quả thấp. Về xếp hạng
mức độ bền vững, trong suốt cả thời kỳ, DSI bình quân của nhóm HI chỉ một lần rơi
xuống mức nợ công bền vững trung bình (năm 2009) còn lại đều thuộc mức nợ công
bền vững cao.
Về đóng góp cụ thể của các chỉ số từ CV1 đến CV7 vào chỉ số chung, dễ dàng có
thể nhận thấy CV4 tới CV7 là những chỉ số được mặc định với giá trị là 1 đóng góp tới
84% đến 87% cho giá trị chung của DSI. Chỉ số CV1 đến CV3 đóng góp từ 13% đến
16% cho giá trị chung của DSI, trong đó đóng góp CV1 luôn cao hơn hơn hai chỉ số
185

thành phần còn lại. Lý do là bởi lãi suất ở các nước HI rất thấp đặc biệt ở một số nước
còn duy trì lãi suất âm. Ngược lại CV3 cuối giai đoạn còn đóng góp âm vào chỉ số
chung. Đó là do tỷ lệ nợ công/GDP tăng vọt ở các nước Châu Âu, Nhật Bản, Mỹ sau
cuộc khủng hoảng 2008 - 2009, là những nước chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhóm.
Bảng A1.1: Đóng góp của các chỉ số thành phần trong chỉ số tổng hợp DSI bình
quân của các nước HI thời kỳ 2000 - 2018
Đơn vị: %

CV1 CV2 CV3 CV4 CV5 CV6 CV7


 
2000 5,2 6,8 3,1 21,2 21,2 21,2 21,2
2001 4,3 6,0 3,3 21,6 21,6 21,6 21,6
2002 4,7 4,7 3,3 21,8 21,8 21,8 21,8
2003 5,6 4,3 2,8 21,8 21,8 21,8 21,8
2004 6,3 4,9 1,9 21,7 21,7 21,7 21,7
2005 5,8 5,6 2,1 21,6 21,6 21,6 21,6
2006 5,3 6,4 2,9 21,4 21,4 21,4 21,4
2007 4,8 6,4 3,5 21,3 21,3 21,3 21,3
2008 5,0 5,1 2,0 22,0 22,0 22,0 22,0
2009 1,2 0,7 -1,6 24,9 24,9 24,9 24,9
2010 7,0 1,7 -3,2 23,6 23,6 23,6 23,6
2011 6,9 3,0 -4,2 23,6 23,6 23,6 23,6
2012 6,3 3,8 -5,2 23,8 23,8 23,8 23,8
2013 6,0 5,1 -4,5 23,4 23,3 23,4 23,3
2014 6,6 5,3 -4,4 23,1 23,1 23,1 23,1
2015 6,4 5,5 -4,3 23,1 23,1 23,2 23,0
2016 6,2 5,6 -5,2 23,4 23,4 23,4 23,4
2017 7,0 5,7 -4,5 23,0 22,9 23,1 22,6
2018 6,7 5,6 -4,4 23,0 23,0 23,0 23,0
Nguồn: Tổng hợp của tác giả

A2. Nhóm nước có thu nhập trung bình cao (UMI)


186

0.7

0.635 0.628
0.616
0.6 0.596 0.599 0.585
0.562 0.574 0.561
0.530 0.539
0.5 0.505 0.519 0.493
0.507 0.496 0.514 0.493
0.476

0.4

0.3

0.2

0.1

0
2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018

Hình A2.1: DSI bình quân của nhóm nước UMI thời kỳ 2000 - 2018
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Giống như các nước HI, các nước UMI cũng có xuất phát điểm ở mức 0,530 ở
năm 2000 rồi giảm xuống 0,476 trong năm 2001. Nhưng sau đó là một sự phục hồi
mạnh mẽ từ năm 2002 đến năm 2007, thậm chí khác với nhóm nước HI, các nước UMI
đã đạt được DSI bình quân trong năm 2007 cao hơn thời điểm xuất phát 0,635. Tuy bị
tác động ít hơn bởi cuộc khủng hoảng 2008 - 2009 nhưng DSI bình quân của nhóm
nước UMI cũng giảm mạnh từ 0,628 năm 2008 xuống còn 0,493 năm 2009. Sau đó là
một diễn biến trái ngược hẳn với nhóm nước HI, các nước UMI có DSI bình quân phục
hồi mạnh mẽ đến năm 2011 đạt giá trị 0,616. Tuy nhiên sau đó chỉ số này giảm dần đều
đến cuối thời kỳ và thậm chí trong năm 2018 DSI của các nước UMI thấp hơn cả năm
2000 ở mức 0,493. Điều này cho thấy tác động lâu dài của cuộc khủng hoảng 2008 -
2009 lên các nước UMI và sự bất ổn định lớn trong môi trường vĩ mô của nhóm nước
này. Về xếp hạng mức độ bền vững, có thể thấy phần lớn thời gian DSI bình quân của
nhóm thuộc mức nợ công bền vững trung bình, chỉ một vài năm chỉ số này ở mức nợ
công bền vững cao (2007, 2008, 2011).
Đối với đóng góp của từng chỉ số thành phần cụ thể. Giống như nhóm nước HI,
tổng đóng góp của 4 chỉ số thành phần cuối cùng từ CV4 đến CV7 chiếm tỷ trọng
nhiều nhất trong cả thời kỳ từ 75% đến 80%. Điều đó có nghĩa là CV1 đến CV3 chỉ
đóng góp ít hơn nhiều từ 20% đến 25%. Đây là mức đóng góp cao hơn hẳn so với
nhóm nước HI. Trong ba chỉ số CV1 đến CV3, CV3 nhìn chung đóng góp tỷ trọng cao
hơn CV1 và CV2.
187

Bảng A2.1: Đóng góp của các chỉ số thành phần trong chỉ số tổng hợp DSI
bình quân của các nước UMI thời kỳ 2000 - 2018
Đơn vị: %
  CV1 CV2 CV3 CV4 CV5 CV6 CV7
2000 3,7 4,5 14,2 22,2 19,5 19,2 15,5
2001 -5,3 3,3 14,1 24,1 21,5 23,1 18,3
2002 -0,2 2,3 10,1 21,7 21,8 22,6 21,6
2003 4,0 3,5 9,7 20,3 21,1 21,1 20,1
2004 6,0 6,1 10,2 19,0 19,8 19,3 19,7
2005 5,7 7,3 13,2 18,9 19,5 18,3 17,1
2006 6,5 7,6 14,6 18,8 19,5 17,3 15,8
2007 5,7 6,5 14,8 17,9 18,3 18,9 17,9
2008 5,4 5,3 15,5 18,6 19,1 18,8 17,5
2009 -5,6 -1,2 17,5 21,8 22,3 23,6 21,4
2010 9,2 1,9 14,2 21,3 21,4 10,6 21,3
2011 9,6 4,2 13,7 20,5 20,7 10,2 21,0
2012 5,7 3,7 14,4 21,7 22,0 10,0 22,4
2013 4,9 3,2 14,0 22,2 22,5 9,9 23,4
2014 4,5 2,8 13,3 23,0 23,2 9,7 23,5
2015 3,7 1,2 13,1 24,6 24,9 7,9 24,5
2016 4,7 0,7 12,2 24,8 24,6 8,1 24,7
2017 7,0 1,3 11,3 24,0 24,2 7,4 24,8
2018 6,6 1,3 10,0 25,0 25,1 7,4 24,5
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
A3. Nhóm nước có thu nhập trung bình thấp (LMI)
0.7 0 0

0 .6 4 0
0.6 2 4
0.6 0 0
0 .57 8 0.5 6 7
0 .5 4 5
0.5 0 0 0 .5 1 2
0 .4 9 5 0 .4 98
0.4 7 4
0 .4 62
0 .44 9
0 .4 3 2 0 .3 9 8
0.4 0 0 0 .4 1 0 0 .4 0 7
0 .3 9 3
0 .3 8 0

0.3 0 0 0 .29 9
0 .2 82

0.2 0 0

0.1 0 0

0.0 0 0
2 0 0 0 2 0 01 2 0 02 2 0 0 3 20 04 2 0 0 5 2 0 0 6 20 0 7 2 0 0 8 2 0 0 9 20 10 2 01 1 2 0 1 2 2 0 1 3 2 0 1 4 2 0 1 5 2 0 16 2 01 7 2 0 18

Hình A3.1: DSI bình quân của nhóm nước LMI thời kỳ 2000 - 2018
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
188

Các nước LMI cũng lặp lại xu hướng thay đổi DSI bình quân giống như nhóm
nước UMI, xuất phát điểm với mức thấp 0,299 vào năm 2000, sau đó giảm chút ít vào
năm 2001 ở mức 0,282. Giai đoạn từ 2002 - 2008 giống như các nước UMI, các nước
LMI có DSI bình quân cải thiện rất lên mức rất cao so với điểm xuất phát 0,640 năm
2008. Tuy nhiên cũng giống như các nước UMI, các nước LMI cũng chứng kiến sự suy
giảm của DSI trong năm 2009 và sau đó là cả thời kỳ 2010 đến 2018. Đến cuối thời kỳ
DSI bình quân của các nước này ở mức 0,393 cao hơn một chút so với thời điểm xuất
phát năm 2000. Như vậy có thể thấy, cuộc khủng hoảng 2008 - 2009 để lại tác động
khá nặng nề với nhóm các nước này, thậm chí ngay sau khủng hoảng DSI không thể
phục hồi một phần như đã chứng kiến ở nhóm HI và UMI và vẫn tiếp tục xu hướng
giảm đều. Việc phụ thuộc rất lớn vào thị trường nước ngoài sẽ trở thành vấn đề nghiêm
trọng khi nền kinh tế nước ngoài tăng trưởng không tốt. Các nước giàu hơn càng không
ổn định thì nhóm nước này cũng không ổn định theo. Về xếp hạng mức độ bền vững,
DSI bình quân của nhóm đầu thời kỳ và cuối thời kỳ ở mức kém bền vững, trong giai
đoạn giữa từ 2002 - 2015 phần lớn thời gian nhóm ở mức bền vững trung bình trừ hai
năm 2007, 2008 mức độ bền vững được nâng lên ở mức cao.
Về đóng góp của các chỉ số thành phần đến DSI bình quân, đúng với thực tế khi
quốc gia càng nghèo thì phần nợ công nước ngoài đóng vai trò càng quan trọng, do đó
tổng đóng góp từ CV4 đến CV7 là rất lớn từ 84% năm 2000 lên tới tận 94% năm 2018.
Giống với nhóm UMI, CV3 tiếp tục là yếu tố đóng góp nhiều nhất trong 3 chỉ số thành
phần còn lại. Có thể đây là yếu tố được kiểm soát tốt hơn ở nhóm nước LMI do những
nước này cơ bản vẫn được tiếp cận các khoản vay ưu đãi, viện trợ không hoàn lại của
các tổ chức quốc tế, nước giàu nên tỷ lệ nợ công/GDP vẫn được khống chế khá tốt.
189

Bảng A3.1: Đóng góp của các chỉ số thành phần trong chỉ số tổng hợp DSI bình
quân của các nước LMI thời kỳ 2000 - 2018
Đơn vị: %
CV1 CV2 CV3 CV4 CV5 CV6 CV7
2000 0,0 2,5 7,5 15,5 20,8 24,9 24,4
2001 0,0 2,8 10,1 18,3 22,5 24,4 21,0
2002 0,0 1,1 13,8 21,4 20,8 21,9 18,8
2003 0,0 1,2 13,4 21,0 21,6 21,1 19,0
2004 0,0 1,9 13,3 19,2 20,4 20,5 19,8
2005 0,7 1,7 13,4 19,5 20,8 20,0 19,9
2006 1,5 2,0 14,3 20,1 20,9 19,1 18,8
2007 1,3 2,2 12,9 19,5 20,3 19,5 19,7
2008 1,9 1,9 13,1 19,5 20,0 20,0 20,0
2009 -0,5 0,2 9,2 22,0 21,6 22,7 22,2
2010 1,2 0,6 6,4 21,1 20,7 23,3 22,8
2011 2,6 0,9 6,2 21,3 21,6 23,7 23,4
2012 0,0 0,0 6,1 21,7 20,4 25,4 24,7
2013 1,9 -0,2 6,0 22,0 20,4 25,4 24,4
2014 2,0 0,3 5,9 23,1 21,2 24,6 23,2
2015 -0,1 0,3 4,1 23,5 18,8 27,3 24,9
2016 0,5 0,3 3,3 24,8 18,4 27,6 23,7
2017 2,0 0,2 2,8 23,2 18,7 27,2 24,9
2018 0,9 0,6 3,1 23,4 20,2 26,1 24,6
Nguồn: Tổng hợp từ tác giả
A4. Nhóm nước có thu nhập thấp (LI)
0 .40 0
0 .36 7
0.3 45 0 .33 9
0 .3 3 2
0 .30 0 0 .3 0 6
0.28 0
0 .2 66
0.2 39
0 .2 2 4 0 .22 3
0 .20 0 0 .20 2
0 .1 68
0 .1 4 4
0.1 23
0 .10 0
0.0 72
0.03 6
0 .00 0
2 0 00 2 0 0 1 20 02 2 00-0
3 .0
22 8 4 2 0 05 2 006 2 00 7 20 0 8 2 0 09 2 01 0 20 1 1 2 01 2 2 0 1 3 20 14 20 1 5 2 0 1 6 2 0 17 20 18
00

-0 .07 1
-0.100 -0 .09 1

-0.200

Hình A4.1: DSI bình quân của nhóm nước LI thời kỳ 2000 - 2018
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Diễn biến DSI bình quân ở nhóm nước LI khác hẳn so với ba nhóm nước còn lại.
190

Thay vì giảm trong năm 2001, DSI bình quân lại tăng từ 0,168 lên 0,224. Sau đó DSI
sụt giảm mạnh xuống mức -0,091 năm 2002, trước khi phục hồi mạnh mẽ lên mức
0,339 vào năm 2008. Sau đó cũng giống như các nhóm nước khác, DSI bình quân của
nhóm LI giảm mạnh trong năm 2009 xuống còn 0,223. Quá trình phục hồi DSI sau
khủng hoảng diễn ra rất nhanh đến năm 2012 đã ở mức 0,367 cao nhất trong cả thời kỳ.
Tuy nhiên ngay sau đó, DSI bình quân giảm với tốc độ rất lớn, kết thúc thời kỳ DSI ở
mức -0,071, thấp nhất trong tất cả các nhóm nước. Có thể nói, DSI của nhóm LI biến
động mạnh nhất trong các nhóm cho thấy sự bất ổn rất lớn về môi trường vĩ mô và đặc
biệt là môi trường tài khóa ở các nước LI. Việc giảm sâu thậm chí là âm sau năm 2012
lại cho thấy cùng một câu chuyện quốc gia có thu nhập càng thấp thì ảnh hưởng của
khủng hoảng càng lâu dài. Ở đây có thể các nước LI không chỉ chịu tác động kéo dài
của cuộc khủng hoảng 2008 - 2009 mà còn chịu cả tác động lan tỏa của cuộc khủng
hoảng nợ công xuất phát từ Châu Âu bắt đầu từ năm 2011. Về xếp hạng mức độ bền
vững, DSI bình quân của nhóm hoàn toàn nằm ở mức bền vững kém trở xuống, thậm
chí 2002 và 2018 chỉ số này còn âm tức là ở mức không bền vững, phản ánh rủi ro vỡ
nợ lớn ở hầu hết các nước trong nhóm ở hai thời điểm này.
Về đóng góp của các chỉ số thành phần đến DSI bình quân, tổng đóng góp của
CV4 đến CV7 lúc này lên tới hơn 100% chỉ số chung. Lý do là bởi luôn có một đến hai
chỉ số trong số này đóng góp âm vào chỉ số chung. Trong ba chỉ số còn lại giống như
nhóm nước UMI và LMI, CV3 có tỷ trọng đóng góp lớn nhất (tính kể cả lúc chỉ số này
có giá trị âm). Tính bất ổn cực kỳ lớn cũng là điều dễ nhận ra từ việc xem xét đóng góp
của các chỉ số thành phần lên DSI bình quân của nhóm nước này.
Phát hiện ở trên phù hợp với kết luận của Manasse & Roubini (2005) trong
phương pháp cây nhị phân. Hai nhà kinh tế học này nhận thấy rằng các chỉ số phản ánh
gánh nặng nợ nước ngoài (bao gồm cả nghĩa vụ nợ) là tương đối thấp ở những năm
không có khủng hoảng nợ, chúng tăng dần ở những năm trước khi xảy ra khủng hoảng
nợ và hầu hết tăng tiếp trong những năm diễn ra khủng hoảng. Các thước đo này sau đó
giảm trong năm trước khi nước đó thoát khỏi khủng hoảng mặc dù chúng vẫn còn cao
hơn so với mức trước khi khủng hoảng nợ xảy ra. Các thước đo về tổng nợ công cũng
có hiện tượng tương tự nhưng trễ hơn một chút. Từ đó, Manasse & Roubini (2005) đã
kết luận: nợ nước ngoài nói chung và nợ công nước ngoài nói riêng là tác nhân chính
gây ra sự biến động của tổng nợ công bởi chúng thường chiếm tỷ trọng lớn trong tổng
nợ công ở nhiều quốc gia mới nổi, và từ đó khi nợ nước ngoài trong đó có phần nợ
công nước ngoài gặp vấn đề thì khủng hoảng nợ công sẽ xuất hiện ở hầu hết các quốc
gia.
191

Bảng A4.1: Đóng góp của các chỉ số thành phần trong chỉ số tổng hợp DSI bình
quân của các nước LI thời kỳ 2000 - 2018
Đơn vị: %
CV1 CV2 CV3 CV4 CV5 CV6 CV7
2000 2,5 2,2 2,5 32,2 -8,9 42,2 27,3
2001 1,6 1,4 2,7 29,5 0,4 38,4 25,9
2002 5,7 -2,7 87,8 9,4 98,1 -70,6 -27,7
2003 -5,8 -18,2 259,5 -51,8 168,9 -215,9 -36,7
2004 8,4 4,9 -61,6 32,9 -13,8 76,0 53,2
2005 6,3 2,4 -28,4 37,7 15,1 40,3 26,6
2006 3,7 2,1 -17,9 28,8 15,9 35,5 31,9
2007 2,1 2,6 -14,8 30,3 17,7 33,4 28,9
2008 2,0 -1,1 -13,5 31,6 20,5 31,7 28,7
2009 2,8 -1,3 7,6 19,4 -17,3 47,6 41,1
2010 2,3 -1,0 8,8 21,5 -13,0 44,0 37,5
2011 2,3 -0,7 8,2 21,9 -6,2 39,2 35,2
2012 2,3 2,7 16,6 16,8 0,7 32,0 28,9
2013 2,5 2,2 16,3 14,5 -8,9 41,1 32,2
2014 3,5 1,4 15,8 14,8 -19,0 47,7 35,8
2015 6,0 2,7 15,1 17,5 -80,0 86,7 52,0
2016 14,7 5,6 18,3 24,8 -208,3 166,9 77,9
2017 50,0 1,9 20,0 16,3 -456,5 326,1 142,2
2018 -21,3 1,0 49,0 6,0 275,7 -155,9 -54,6
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Sự phù hợp của kết quả tính toán
IMF (2000) đánh giá chính sách tài khóa mở rộng tiếp tục được thực hiện để giúp
các nền kinh tế phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á 1997 - 1998 tuy nhiên
một số chuyên gia cũng cho rằng sự tập trung chính sách nên nhanh chóng chuyển
hướng sang củng cố tài khóa vì nợ công tăng nhanh ở một số nước tạo áp lực lớn lên lãi
suất dài hạn và các kế hoạch ngân sách dành cho việc trả lương hưu. Điều này giải
thích cho việc DSI thế giới có xu hướng giảm nhẹ sau năm 2000.
Bắt đầu kể từ 2003, nền kinh tế thế giới quay trở lại xu hướng tăng trưởng dài hạn
trước đó (IMF, 2004). Với chính sách mang tính hỗ trợ tiếp tục được thực thi ở các
quốc gia công nghiệp phát triển và niềm tin của người dân và doanh nghiệp được phục
hồi tương đối kể từ quý 2 năm 2003, tăng trưởng trên khắp thế giới được củng cố và
mở rộng. Thương mại thế giới cũng gia tăng đặc biệt là ở khu vực Châu Á. Vốn ròng
chảy vào nền kinh tế mới nổi và đang phát triển cũng tăng trở lại trong đó đặc biệt là
dòng vốn FDI. Nhiều quốc gia mới nổi tận dụng cơ hội phát hành trái phiếu với lãi suất
192

thấp. Tăng trưởng cao, lãi suất thấp được tiếp tục duy trì trong những năm tiếp theo
phù hợp với việc DSI tăng liên tục từ 2003 đến 2007 do tăng trưởng cao và lãi suất thấp
là những thành phần đóng góp tích cực vào DSI. Tuy nhiên đến năm 2008 - 2009, cuộc
khủng hoảng toàn cầu nổ ra xuất phát từ biến động trên thị trường bất động sản của Mỹ
đã khiến TTKT thế giới sụt giảm. Vì cuộc khủng hoảng xảy ra vào nửa sau năm 2008
nên tốc độ tăng trưởng toàn cầu từ 5,2% năm 2007 xuống chỉ còn 3,2% năm 2008 và
đến năm 2009 tốc độ tăng trưởng GDP của cả thế giới giảm ở mức -1,1%, trong đó các
nước phát triển bị giảm 3,4%, còn nhóm các thị trường đang lên và các nước đang phát
triển ước tính tăng 1,7% so với năm 2008. Các chính phủ ngay lập tức phải thực hiện
các gói kích cầu lớn nhất trong lịch sử cho đến thời điểm đó. Mỹ tung ra gói kích thích
kinh tế trị giá 800 tỷ USD, Trung Quốc 586 tỷ USD, Nhật Bản 255 tỷ USD, EU 267 tỷ
USD (Linh, 2011). Tăng trưởng suy giảm, gánh nặng nợ công đột ngột tăng trở lại do
chính phủ tăng chi tiêu khiến cho tình hình nợ công xấu đi nhanh chóng. Và một lần
nữa diễn biến của DSI rất phù hợp với tình hình. Trong năm 2008 - 2009 DSI chung
trên toàn thế giới và ở các khu vực giảm sâu. DSI bình quân toàn thế giới giảm 12%,
nhóm nước HI giảm 11,8%, nhóm nước UMI giảm 12,8%, nhóm nước LMI giảm
11,5%, nhóm nước LI giảm 34%.
Sau cuộc khủng hoảng 2008 - 2009, các quốc gia bắt đầu vào công cuộc phục hồi
nền kinh tế. Ở các quốc gia LI tăng trưởng phục hồi mạnh mẽ, lãi suất thấp và nợ nước
ngoài được xóa bỏ tương đối đã làm giảm đáng kể quy mô nợ công ở những nước này
(IMF, 2015b). Đồ thị cũng cho thấy trong giai đoạn 2000 - 2012 đây là nhóm quốc gia
có tốc độ gia tăng DSI nhiều nhất, sau đó đến nhóm nước UMI và HI. Nhóm các nước
HI sở dĩ có DSI cải thiện chậm trong giai đoạn này là do cuộc khủng hoảng nợ công tại
Châu Âu ảnh hưởng phần nào đến quá trình hồi phục các quốc gia toàn khối. Tuy nhiên
cuộc khủng hoảng cũng mang lại ý nghĩa tích cực khi là lời cảnh báo rõ ràng nhất cho
các nước về hậu quả của việc không quan tâm đến củng cố bền vững nợ công một cách
đúng mức.
Sau giai đoạn DSI phục hồi nhẹ, thế giới quay trở lại với những tín hiệu của phục
hồi kinh tế mong manh khi một loạt yếu tố tiêu cực tác động tới nền kinh tế toàn cầu
khi giá dầu giảm, nền kinh tế Trung Quốc sau một thời gian tăng trưởng nóng có dấu
hiệu hạ cánh cứng, mâu thuẫn địa chính trị và xung đột vũ trang xảy ra ở khắp nơi trên
thế giới từ mùa xuân Ả rập, đến bất ổn tại miền Đông Ukcraina. Các nước lại tiếp tục
vay nợ với tốc độ chóng mặt, các khoản chi tăng nhanh bởi các hoạt động giải cứu, hỗ
trợ thất nghiệp và những nỗ lực kích thích kinh tế. Các biện pháp này đã khiến ngân
sách của nhiều nước bị thâm hụt nặng nề, điển hình như Mỹ, các quốc gia A- rập, Châu
Âu và Trung Quốc.  Hệ quả tổng nợ công toàn cầu năm 2014 ước đạt 52,87 nghìn tỷ
USD, sau đó tăng lên 60,99 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2017 (Statista, 2018) . Đây
193

đều là những mức cao nhất trong lịch sử tính tới thời điểm đó.
Qua diễn biến phân tích kể trên chúng ta có thể dự đoán DSI trong giai đoạn sau
năm 2012 của thế giới và các nhóm nước sẽ có xu hướng giảm. Và quả thật như vậy,
DSI của nhóm nước LI giảm mạnh nhất do trong bối cảnh kinh tế không thuận lợi thì
chi tiêu công gia tăng sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến nhóm nước này những nước có
nguồn trả nợ vô cùng hạn chế. Nhóm nước LMI và UMI có mức giảm tương đương
nhau. Duy chỉ có HI là nhóm nước có DSI gia tăng điều này khá khó hiểu khi nhìn vào
tỷ lệ nợ công/GDP và thâm hụt ngân sách ngày càng gia tăng ở nhóm nước này, tuy
nhiên kết quả có thể xuất phát từ việc lãi suất của các nước HI trong giai đoạn này
xuống rất thấp, một số nước thậm chí còn duy trì lãi suất âm do đó tiêu chí chênh lệch
lãi suất và TTKT lại thay đổi theo chiều hướng có lợi cho DSI.
Tóm lại, qua phân tích tình hình kinh tế thế giới và các nhóm nước trong giai
đoạn 2000 - 2018, chúng ta thấy được sự hợp lý trong diễn biến của DSI. DSI thường
giảm khi nền kinh tế suy thoái do chính sách tài khóa mở rộng mà chính phủ áp dụng.
Suy thoái càng nặng nề thì mức giảm DSI càng sâu. Sau thời kỳ suy thoái khi nền kinh
tế phục hồi thì các tiêu chí về nợ công cũng được cải thiện do đó DSI thường tăng sau
khi suy thoái và cuối cùng sự bất ổn của kinh tế thế giới giai đoạn sau của thời kỳ 2000
- 2018 khiến cho DSI giảm theo. LI sức chống chịu ít nhất, năng lực tài chính của chính
phủ cũng kém nhất nên DSI giảm nhiều nhất. Theo sau là hai nhóm nước UMI và LMI.
Đối với nhóm HI, DSI trong giai đoạn này có xu hướng tăng nhẹ.
Ngoài ra, luận án cũng tính toán, đánh giá DSI cho một số quốc gia cụ thể và xem
xét sự phù hợp của kết quả với các báo cáo về nợ công bền vững cho cùng quốc gia của
IMF, WB và các nghiên cứu cùng chủ đề khác (xem Phụ lục 2). Kết quả tính toán và
phân tích DSI ở các quốc gia này cũng cho thấy sự tương đồng với DSI theo nhóm
nước. DSI tăng trong giai đoạn nền kinh tế tăng trưởng ổn định, đặc biệt là sau suy
thoái, tuy nhiên giảm mạnh trong thời kỳ suy thoái. Ở một số quốc gia, DSI có những
diễn biến đặc trưng do nguyên nhân nội tại của quốc gia đó. Phần lớn kết quả về DSI
phù hợp với báo cáo của WB, IMF và đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm
(xem Phụ lục).
B. Kết quả tính toán của một số quốc gia
B1. Trung Quốc
Trái ngược với Việt Nam, Trung Quốc chứng kiến sự gia tăng liên tục của DSI
ngay từ ban đầu mà không trải qua điều chỉnh vào năm 2001. DSI của Trung Quốc tăng
từ 0,475 năm 2000 lên 0,698 năm 2008. Cuộc khủng hoảng 2008 - 2009 khiến DSI của
Trung Quốc giảm nhưng không nhiều xuống còn 0,645 năm 2009. Sau đó là một xu
194

hướng tương tự như Việt Nam khi DSI phục hồi trong năm 2010, 2001 nhưng khác với
Việt Nam, DSI lại giảm dần đều ngay sau đó tới kết thúc thời kỳ năm 2018. Lúc này
DSI của Trung Quốc ở mức 0,634, nhỉn hơn một chút so với năm 2004. Có thể đây
chính là dấu hiệu của hiện tượng “hạ cánh cứng” của nền kinh tế Trung Quốc trong
thời gian gần đây. Về xép hạng mức độ bền vững, giống như Việt Nam, Trung Quốc
cũng chứng kiến sự cải thiện trong mức độ khi khởi đầu ở mức độ bền vững trung bình
và kết thúc thời kỳ ở mức bền vững cao.
Hình B1.1: DSI của Trung Quốc thời kỳ 2000 - 2018

0.8

0.7 0.716 0.727


0.683 0.698 0.697 0.694 0.680
0.665 0.669 0.669
0.645 0.646 0.646 0.653 0.634
0.6 0.616
0.572

0.5 0.510
0.475

0.4

0.3

0.2

0.1

0.0
2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018

Nguồn: Tổng hợp của tác giả


195

Bảng B1.1: Chi tiết giá trị các chỉ số thành phần của DSI Trung Quốc giai đoạn
2000 - 2018
DSI g CV1 CV2 CV3 CV4 CV5 CV6 CV7
2000 0,482 8,490 0,075 -0,056 0,544 0,940 0,693 0,558 0,622
2001 0,510 8,336 0,072 -0,047 0,494 0,970 0,737 0,666 0,682
2002 0,582 9,134 0,095 -0,016 0,648 0,911 0,840 0,773 0,825
2003 0,617 10,038 0,157 -0,004 0,632 0,928 0,925 0,787 0,896
2004 0,663 10,114 0,242 0,018 0,640 0,938 0,946 0,900 0,956
2005 0,665 11,395 0,208 0,020 0,641 0,953 0,964 0,908 0,962
2006 0,678 12,721 0,226 0,032 0,654 0,964 0,976 0,925 0,970
2007 0,692 14,231 0,308 0,067 0,585 0,976 0,984 0,947 0,977
2008 0,691 9,651 0,254 0,041 0,624 0,985 0,989 0,964 0,979
2009 0,638 9,399 0,082 -0,021 0,485 0,987 0,981 0,972 0,977
2010 0,703 10,636 0,419 0,032 0,548 0,985 0,977 0,010 0,984
2011 0,714 9,551 0,395 0,123 0,550 0,988 0,979 0,010 0,988
2012 0,677 7,864 0,154 0,097 0,540 0,986 0,976 0,010 0,994
2013 0,663 7,766 0,144 0,058 0,499 0,986 0,976 0,010 0,993
2014 0,652 7,426 0,096 0,077 0,455 0,984 0,972 0,010 0,991
2015 0,629 7,041 0,099 -0,026 0,438 0,990 0,977 0,010 0,969
2016 0,629 6,849 0,130 -0,052 0,391 0,987 0,971 0,010 0,987
2017 0,637 6,947 0,234 -0,045 0,351 0,984 0,967 0,010 0,988
2018 0,618 6,750 0,194 -0,077 0,293 0,982 0,963 0,010 0,985
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Về sự đóng góp của các chỉ số thành phần, cơ bản CV4 đến CV7 vẫn là những
chỉ số thành phần có đóng góp nhiều nhất vào chỉ số chung, trong đó tổng đóng góp
của 4 chi số thành phần cuối dao động trong khoảng 76% đến 86%. Trong ba chỉ số
còn lại CV3 luôn có tỷ trọng lớn nhất sau đó là CV1 và cuối cùng CV2, thậm chí CV2
có năm 2018 đóng góp âm vào chỉ số chung, cho thấy cán cân ngân sách hiện đang là
vấn đề nổi cộm của Trung Quốc.

Bảng B1.2: Đóng góp của các chỉ số thành phần trong chỉ số tổng hợp DSI của
196

Trung Quốc thời kỳ 2000 - 2018


CV1 CV2 CV3 CV4 CV5 CV6 CV7
2000 2,2 0,6 19,4 27,5 16,0 19,4 14,9
2001 2,0 0,8 17,0 26,8 16,7 20,5 16,1
2002 2,9 0,7 16,2 21,9 19,6 20,3 18,4
2003 4,1 0,9 14,6 20,9 20,8 19,1 19,5
2004 5,6 1,3 13,7 19,7 19,9 19,7 20,1
2005 4,9 1,3 13,7 20,0 20,3 19,7 20,1
2006 5,1 1,5 13,7 19,9 20,2 19,6 20,0
2007 6,7 2,2 12,0 19,8 20,0 19,6 19,8
2008 5,6 1,7 12,8 20,1 20,2 19,9 19,8
2009 2,3 0,5 10,7 21,8 21,6 21,6 21,4
2010 9,5 1,7 10,9 19,5 19,4 19,6 19,4
2011 8,9 3,4 10,8 19,3 19,1 19,2 19,3
2012 4,8 3,0 11,1 20,2 20,0 20,5 20,4
2013 4,7 2,3 10,5 20,6 20,4 20,7 20,8
2014 3,9 2,7 9,7 20,9 20,6 21,2 21,0
2015 4,1 0,7 9,7 21,8 21,5 21,3 21,0
2016 4,7 0,1 8,6 21,7 21,3 21,9 21,6
2017 6,7 0,3 7,7 21,4 21,0 21,5 21,5
2018 6,1 -0,4 6,6 22,0 21,5 22,3 22,0
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Theo tiêu chí xếp loại dựa trên thu nhập bình quân đầu người của cả thời kỳ,
Trung Quốc được xếp vào nhóm UMI cho cả thời kỳ 2000 - 2018. Thể hiện chung của
Trung Quốc so với mức bình quân của nhóm nước UMI ở ba mốc thời điểm quan trọng
như sau. Năm 2000, Trung Quốc nhỉnh hơn một chút so với mức bình quân của nhóm.
Năm 2009, gần như bằng với mức bình quân của nhóm trừ CV1 cao hơn một chút.
Năm 2018, tiếp tục bằng với mức bình quân của nhóm trừ CV6 thấp hơn một chút.
Như vậy về mặt tổng thể có thể nói DSI của Trung Quốc tương đương với DSI bình
quân của nhóm, tuy nhiên có một điểm trừ nhỏ trong năm 2018, thay vì có một chỉ số
cao hơn mức bình quân (các chỉ số còn lại có giá trị ngang bằng) giống như năm 2000,
2009 thì lại có một chỉ số thấp hơn mức bình quân.
197

2000 2009 2018


Trung Quoc DSI trung bình Trung Quoc DSI trung bình Trung Quoc DSI trung bình
CV1 CV1 CV1
1 1 1
CV7 CV2 CV7 CV2 CV7 CV2

0 0 0

-1 -1 -1

CV6 CV3 CV6 CV3 CV6 CV3

CV5 CV4 CV5 CV4 CV5 CV4

Hình B1.2: So sánh DSI của Trung Quốc với DSI bình quân nhóm nước UMI tại 3
năm 2000, 2009, 2018
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Phần tiếp theo tác giả sẽ so sánh kết quả tính toán DSI với xếp hạng tín nhiệm
quốc gia dành cho Trung Quốc và báo cáo đánh giá nợ công hàng năm của IMF. Giống
như ở Việt Nam, tác giả sẽ tìm kiếm sự tương đồng ở khía cạnh kết quả nợ công có bền
vững hay an toàn hay không.
Ở Trung Quốc với giá trị DSI cao hơn hẳn Việt Nam thì xếp hạng tín nhiệm cũng
cao hơn hẳn, luôn được xếp ở hạng A. Tuy nhiên khác với trường hợp của hầu hết các
nước, mặc dù 2008 - 2009 chứng kiến khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ đó chính phủ
phải nới lỏng tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế dẫn đến DSI giảm nhưng xếp hạng tín
nhiệm của Trung Quốc lại tăng lên từ A- (2005) lên AA - (2010) theo đánh giá của
S&P. Lý do có thể nguồn gốc khủng hoảng xuất phát từ Mỹ, một nền kinh tế vận hành
gần như đối lập với Trung Quốc do đó sau sự kiện này có thể uy tín của nền kinh tế
Trung Quốc tốt hơn và được thăng hạng tín nhiệm. Tuy nhiên giai đoạn từ 2011 trở đi
với những vấn đề nội tại của nền kinh tế đặc biệt tác động tiêu cực từ cuộc chiến
thương mại Mỹ Trung, xếp hạng tín nhiệm của Trung Quốc cũng giảm từ mức AA -
(2010) xuống còn A+ (2018) theo đánh giá của S&P, mức giảm nhẹ trong xếp hạng tín
nhiệm này cũng tương đồng với sự thay đổi của DSI trong cùng khoảng thời gian (giảm
nhẹ từ 0,694 năm 2012 xuống 0,634 năm 2018). Đối với các báo cáo của IMF về nợ
công theo điều khoản IV, bản đồ nhiệt bắt đầu được tính toán cho Trung Quốc từ năm
2017, chất lượng màu cũng giảm theo thời gian nhưng có độ trễ hơn một chút, một lần
nữa phù hợp với sự thay đổi của DSI trong những năm này. Trong 15 tiêu chí đánh giá
năm 2017 Trung Quốc có 9 tiêu chí xanh, 1 tiêu chí vàng và 5 tiêu chí đỏ thì đến năm
2018, Trung Quốc có vẻ cải thiện được các tiêu chí khi không còn tiêu chí nào đỏ, số
198

lượng tiêu chí vàng tăng lên thành hai và còn lại là tiêu chí xanh. Đến năm 2019 đa số
các tiêu chí của Trung Quốc đã chuyển đỏ (8 tiêu chí), còn lại là 4 tiêu chí xanh, 1 tiêu
chí vàng và 2 tiêu chí không được đánh giá (xem Phụ lục 4).
B2. Anh
Trái ngược hoàn toàn với Việt Nam và Trung Quốc ngay trong giai đoạn đầu của
thời kỳ Anh đã chứng kiến DSI giảm từ 0,73 năm 2000 xuống còn 0,708 năm 2004,
trước khi phục hồi nhẹ lên mức 0,712 năm 2007. Sau đó Anh chứng kiến mức giảm
DSI tương đối lớn xuống còn 0,62 năm 2009 tương đương với mức giảm 13%. Giai
đoạn sau đó là một chuỗi bất ổn của DSI với những năm tăng giảm đan xen nhưng nhìn
chung xu thế trong giai đoạn bất ổn này là tăng khi vào năm 2018 năm cuố thời kỳ DSI
của Anh bằng 0,645. Tuy nhiên mức này vẫn chưa thể bằng DSI trước khi xảy ra khủng
hoảng. Về xếp hạng mức độ bền vững, mặc dù có lợi thế từ giá trị tuyệt đối của CV4
đến CV7 nhưng DSI bình quân của Anh vẫn giảm cả thời kỳ. Từ nước có mức độ bền
vững nợ công rất cao năm 2000, đến cuối thời kỳ 2008 Anh dừng lại ở mức độ bền
vững nợ công cao.

0.760

0.740
0.730 0.734
0.724 0.721
0.720
0.712 0.712
0.708 0.704
0.700

0.680 0.677

0.660
0.648 0.645
0.640 0.641 0.640 0.639
0.637 0.635 0.631
0.629
0.620 0.620

0.600

0.580

0.560
2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018

Hình B2.1: DSI của Anh thời kỳ 2000 - 2018


Nguồn: Tổng hợp của tác giả
199

Bảng B2.1: Chi tiết giá trị các chỉ số thành phần của DSI Anh giai đoạn 2000 - 2018
DSI g CV1 CV2 CV3 CV4 CV5 CV6 CV7
2000 0,730 3,437 0,160 0,388 0,565 1 1 1 1
2001 0,734 2,974 0,191 0,348 0,596 1 1 1 1
2002 0,724 2,324 0,199 0,274 0,595 1 1 1 1
2003 0,721 3,286 0,237 0,229 0,581 1 1 1 1
2004 0,708 2,374 0,177 0,232 0,546 1 1 1 1
2005 0,712 3,180 0,224 0,229 0,532 1 1 1 1
2006 0,712 2,788 0,220 0,242 0,521 1 1 1 1
2007 0,704 2,431 0,176 0,246 0,509 1 1 1 1
2008 0,677 -0,281 0,164 0,158 0,415 1 1 1 1
2009 0,620 -4,248 0,104 -0,017 0,250 1 1 1 1
2010 0,637 1,950 0,333 0,012 0,115 1 1 1 1
2011 0,641 1,540 0,366 0,074 0,049 1 1 1 1
2012 0,629 1,479 0,326 0,070 0,011 1 1 1 1
2013 0,640 2,139 0,339 0,145 -0,002 1 1 1 1
2014 0,635 2,607 0,324 0,144 -0,024 1 1 1 1
2015 0,631 2,356 0,277 0,178 -0,034 1 1 1 1
2016 0,639 1,918 0,288 0,222 -0,034 1 1 1 1
2017 0,648 1,892 0,309 0,253 -0,025 1 1 1 1
2018 0,645 1,386 0,273 0,260 -0,021 1 1 1 1
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Về sự đóng góp của các chỉ số thành phần, cơ bản CV4 đến CV7 vẫn là những
chỉ số thành phần có đóng góp nhiều nhất vào chỉ số chung, do Anh nằm trong nhóm
HI và trong nhóm này thì CV4 đến CV7 được mặc định có giá trị là 1. Tổng đóng góp
của 4 chi số thành phần cuối dao động trong khoảng 78% đến 88%. Trong ba chỉ số
còn lại CV1 luôn có tỷ trọng lớn nhất sau đó là CV2 và cuối cùng CV3 có những năm
đóng góp âm vào chỉ số chung. Việc CV1 đóng góp nhiều nhất vào 3 chỉ số còn lại là
một sự khác biệt so với trường hợp của Việt Nam, Trung Quốc.
200

Bảng B2.2: Đóng góp của các chỉ số thành phần trong chỉ số tổng hợp DSI của
Anh thời kỳ 2000 - 2018
  CV1 CV2 CV3 CV4 CV5 CV6 CV7
2000 3,1 7,6 11,0 19,6 19,6 19,6 19,6
2001 3,7 6,8 11,6 19,5 19,5 19,5 19,5
2002 3,9 5,4 11,7 19,7 19,7 19,7 19,7
2003 4,7 4,5 11,5 19,8 19,8 19,8 19,8
2004 3,6 4,7 11,0 20,2 20,2 20,2 20,2
2005 4,5 4,6 10,7 20,1 20,1 20,1 20,1
2006 4,4 4,9 10,5 20,1 20,1 20,1 20,1
2007 3,6 5,0 10,3 20,3 20,3 20,3 20,3
2008 3,5 3,3 8,8 21,1 21,1 21,1 21,1
2009 2,4 -0,4 5,8 23,1 23,1 23,1 23,1
2010 7,5 0,3 2,6 22,4 22,4 22,4 22,4
2011 8,1 1,7 1,1 22,3 22,3 22,3 22,3
2012 7,4 1,6 0,2 22,7 22,7 22,7 22,7
2013 7,6 3,2 0,0 22,3 22,3 22,3 22,3
2014 7,3 3,2 -0,5 22,5 22,5 22,5 22,5
2015 6,3 4,0 -0,8 22,6 22,6 22,6 22,6
2016 6,4 5,0 -0,8 22,3 22,3 22,3 22,3
2017 6,8 5,6 -0,6 22,0 22,0 22,0 22,0
2018 6,1 5,8 -0,5 22,2 22,2 22,2 22,2
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Theo tiêu chí xếp loại dựa trên thu nhập bình quân đầu người của cả thời kỳ, Anh
được xếp vào nhóm HI cho cả thời kỳ 2000 - 2018. Thể hiện chung của Anh so với
mức bình quân của nhóm nước HI ở ba mốc thời điểm quan trọng như sau. Năm 2000,
Anh nhỉnh hơn khá nhiều so với mức bình quân của nhóm, đặc biệt ở CV3. Năm 2009
và 2018, vẫn nhỉnh hơn mức bình quân của nhóm ở CV3, nhưng mức độ nhỉn hơn giảm
dần. Như vậy về tổng thể có thể nói DSI của Anh tương đương với DSI bình quân của
nhóm HI, riêng CV3 (nợ công/GDP) luôn có sự thể hiện tốt hơn xuyên suốt cả thời kỳ.
201

2000 2009 2018


Anh DSI trung bình Anh DSI trung bình Anh DSI trung bình

CV1 CV1 CV1

1 1 1
CV7 CV2 CV7 CV2 CV7 CV2

0 0 0

-1
-1 -1
CV6 CV3
CV6 CV3 CV6 CV3

CV5 CV4
CV5 CV4 CV5 CV4

Hình B2.2: So sánh DSI của Anh với DSI bình quân nhóm nước HI tại 3 năm
2000, 2009, 2018
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Phần tiếp theo tác giả sẽ so sánh kết quả tính toán DSI với xếp hạng tín nhiệm
quốc gia dành cho Anh và báo cáo đánh giá nợ công hàng năm của IMF. Giống như ở
Việt Nam, tác giả sẽ tìm kiếm sự tương đồng ở khía cạnh kết quả nợ công có bền vững
hay an toàn hay không.
Nếu không tính các chỉ số thành phần từ CV4 đến CV7 được mặc định bằng 1,
Anh là quốc gia chứng kiến sự sụt giảm DSI mạnh nhất (từ dương thành âm). Đây cũng
là quốc gia thể hiện tệ nhất ở cả hai khía cạnh xếp hạng tín nhiệm và bản đồ nhiệt trong
nhóm các quốc gia. Trong giai đoạn 2000 - 2018, DSI của Anh giảm tới 11.6% từ 0,73
năm 2000 xuống còn 0,645 năm 2018. Điều tương tự cũng đã xảy ra với mức xếp hạng
tín nhiệm của Anh từ AAA năm 2000 do Fitch đánh giá (đây là mức không có rủi ro)
xuống còn AA năm 2018 cũng do Fitch đánh giá (đây là mức bắt đầu xuất hiện rủi ro
nhưng không quá đáng ngại). Bản đồ nhiệt do IMF đánh giá nợ công ở Anh bắt đầu có
từ năm 2014 với 8 tiêu chí xanh, 5 tiêu chí đỏ và 1 tiêu chí vàng (1 tiêu chí không đánh
giá). Do sự đánh giá trễ số liệu, báo cáo năm nay đánh giá dữ liệu của một, hai năm
trước nên Năm 2018 màu các tiêu chí vẫn không đổi tuy nhiên đến năm số lượng tiêu
chí đỏ tăng đột biến lên 10 tiêu chí, chỉ còn lại 2 tiêu chí xanh, không có tiêu chí vàng
(2 tiêu chí không đánh giá) (xem Phụ lục 4).
B3. Indonesia
Indonesia có xuất phát điểm DSI rất thấp vào năm 2000 -0,201. Sau đó giống như
Trung Quốc và Việt Nam, Indonesia đã cải thiện DSI rất tốt, DSI năm 2008 tăng lên ở
mức 0,491. Tuy có suy giảm nhẹ do cuộc khủng hoảng 2009 xuống mức 0,422 nhưng
DSI của Indonesia ngay sau đó lại tăng lên mức cao nhất 0,54 vào năm 2011. Kể từ đây
202

trở đi giống như hầu hết các quốc gia khác Indonesia chứng kiến DSI giảm, đặc biệt là
giảm mạnh trong năm 2014 xuống chỉ còn 0,356 năm đánh dấu tăng trưởng nền kinh tế
thấp nhất trong giai đoạn 2010 - 2015. Đến cuối thời kỳ, DSI phục hồi nhẹ ở mức
0,372, mức này vẫn thấp hơn nhiều so với DSI thời điểm khủng hoảng kinh tế 2008 -
2009. Về mức độ xếp hạng, Indonesia là quốc gia có sự cải thiện lớn nhất trong các
nước khảo sát cho đến lúc này. Từ nước không có bền vững nợ công năm 2000 (giá trị
âm), Indonesia đã đạt đến mức độ bền vững nợ công kém vào cuối thời kỳ năm 2018,
thậm chí có những lúc nước này đã đạt mức nợ công bền vững trung bình (giai đoạn
2010 - 2012).
0.600
0.540
0.500 0.510 0.512
0.491 0.492

0.422
0.400 0.404 0.417 0.394
0.356 0.363 0.368 0.372
0.344
0.300

0.221
0.200

0.100

0.028
0.000
2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018
-0.031

-0.100
-0.121

-0.200 -0.201

-0.300

Hình B3.1: DSI của Indonesia thời kỳ 2000 - 2018


Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Bảng B3.1: Chi tiết giá trị các chỉ số thành phần của DSI Anh giai đoạn 2000 -
2018
DSI g CV1 CV2 CV3 CV4 CV5 CV6 CV7
2000 -0,010 3,841 -0,071 -0,009 -0,607 0,522 -0,376 0,531 -0,061
2001 0,022 4,824 -0,059 -0,025 -0,732 0,566 -0,287 0,593 0,101
2002 -0,023 3,804 -0,064 -0,034 -0,834 0,580 -0,171 0,480 -0,120
2003 0,020 7,860 0,009 0,002 -0,868 0,805 0,264 0,348 -0,417
2004 0,246 7,923 0,047 0,007 -0,845 0,860 0,467 0,722 0,466
2005 0,265 7,923 0,048 0,008 -0,786 0,962 0,684 0,604 0,332
2006 0,399 8,061 0,086 0,036 -0,692 0,974 0,730 0,873 0,790
2007 0,402 7,661 0,031 0,088 -0,616 1,000 0,750 0,846 0,714
2008 0,364 3,087 -0,011 -0,043 -0,585 0,974 0,794 0,747 0,673
2009 0,469 7,862 0,088 -0,045 -0,210 0,866 0,803 0,911 0,872
2010 0,526 8,498 0,242 0,005 -0,114 0,875 0,829 0,934 0,911
2011 0,505 5,241 0,106 0,012 -0,157 0,877 0,861 0,924 0,910
2012 0,498 5,456 0,087 -0,002 -0,145 0,861 0,842 0,930 0,914
2013 0,489 6,386 0,077 -0,009 -0,139 0,861 0,849 0,901 0,885
2014 0,474 7,410 0,040 0,011 -0,129 0,837 0,812 0,885 0,861
2015 0,460 7,996 0,034 0,023 -0,166 0,831 0,768 0,891 0,841
2016 0,452 8,256 0,064 0,032 -0,145 0,858 0,783 0,837 0,738
2017 0,475 7,044 0,058 0,028 -0,148 0,852 0,771 0,911 0,856
2018 0,460 6,120 0,045 0,035 -0,152 0,859 0,797 0,857 0,780
203

Nguồn: Tổng hợp của tác giả


Về sự đóng góp của các chỉ số thành phần, riêng ở Indonesia chỉ số CV3 cũng
đóng góp tương đối nhiều vào chỉ số chung bên cạnh CV4 đến CV7. Thậm chí năm
2018, CV3 đóng góp cao hơn cả mức đóng góp của hầu hết các chỉ số từ CV4 đến CV7
ngoại trừ CV6. Điều đó cho thấy chính phủ Indonesia đã kiểm soát cực kỳ tôt tỷ lệ nợ
công/GDP khiến nó thấp hơn rất nhiều so với ngưỡng của nhóm nước LMI (nhóm mà
Indonesia là một thành viên). Hai chỉ số còn lại CV1 và CV2, thường xuyên có đóng
góp âm vào chỉ số chung cho thấy lãi suất cũng như thâm hụt ngân sách luôn là vấn đề
nhức nhối ở quốc gia này. Có thể thâm hụt ngân sách lớn không dẫn đến tỷ lệ nợ
công/GDP gia tăng nhiều (nghĩa là tuy CV2 âm nhưng CV3 vẫn có giá trị tốt) là do
Indonesia duy trì tốc độ TTKT cao nhưng kể cả. Vậy mà CV1 vẫn có những năm đóng
góp âm thì có thể thấy lãi suất thực tế ở Indonesia cao đến như thế nào, đặc biệt trong
giai đoạn 2014 - 2018.
Bảng B3.2: Đóng góp của các chỉ số thành phần trong chỉ số tổng hợp DSI của
Indonesia thời kỳ 2000 - 2018
CV1 CV2 CV3 CV4 CV5 CV6 CV7
2000 -7,3 -3,3 67,2 36,4 -0,6 27,2 -19,6
2001 0,1 -5,8 71,7 62,8 11,9 -6,8 -34,0
2002 56,1 -38,5 150,5 124,6 42,6 -82,0 -153,4
2003 -48,8 35,7 -84,0 -36,8 -40,0 130,0 143,8
2004 1,5 5,5 10,6 19,6 25,7 15,1 22,1
2005 6,1 4,2 13,7 13,7 19,3 19,4 23,6
2006 3,7 3,6 16,1 17,3 19,0 19,8 20,5
2007 3,7 2,4 17,9 18,9 19,8 18,2 19,1
2008 6,7 2,6 16,3 17,1 17,9 19,8 19,6
2009 0,1 1,8 21,4 19,1 16,7 20,4 20,5
2010 5,3 2,1 18,8 19,0 16,9 19,2 18,7
2011 1,5 1,7 18,4 19,0 18,0 20,9 20,5
2012 -0,3 1,3 19,5 18,8 17,1 22,1 21,4
2013 0,2 1,1 19,3 19,4 17,4 21,8 20,8
2014 -0,5 1,6 26,8 24,8 21,5 14,3 11,5
2015 -1,7 1,0 22,6 20,0 14,1 22,8 21,2
2016 -2,4 1,2 23,8 21,3 12,0 23,6 20,6
2017 -0,2 1,1 22,5 20,8 13,2 22,2 20,5
2018 -0,1 1,8 21,7 19,2 12,8 23,1 21,6
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
204

Theo tiêu chí xếp loại dựa trên thu nhập bình quân đầu người của cả thời kỳ,
Indonesia được xếp vào nhóm LMI cho cả thời kỳ 2000 - 2018. Thể hiện chung của
Indonesia so với mức bình quân của nhóm nước LMI ở ba mốc thời điểm quan trọng
như sau. Năm 2000 Indonesia thể hiện kém hơn nhiều so với mức bình quân của nhóm
nước. Năm 2009 và 2018 cùng có chung một kết quả đó là nhỉnh hơn mức bình quân ở
CV3, thấp hơn mức bình quân ở CV5, còn các chỉ số thành phần khác bằng với mức
bình quân nhóm nước. Như vậy xét một cách tổng thể DSI của Indonesia tương đương
với DSI bình quân của nhóm LMI. Điều này ghi nhận những nỗ lực của Indonesia
trong việc cải thiện nền tảng tài khóa trong suốt thời kỳ.

2000 2009 2018


Indonesia DSI trung bình Indonesia DSI trung bình Indonesia DSI trung bình

CV1 CV1 CV1

1 1 1
CV7 CV2 CV7 CV2 CV7 CV2

0 0 0

-1 -1 -1

CV6 CV3 CV6 CV3 CV6 CV3

CV5 CV4 CV5 CV4


CV5 CV4

Hình B3.2: So sánh DSI của Indonesia với DSI bình quân nhóm nước LMI tại 3
năm 2000, 2009, 2018
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
So sánh kết quả tính toán DSI với xếp hạng tín nhiệm quốc gia dành cho
Indonesia do Fitch thực hiện, tác giả nhận thấy có một sự tương đồng rõ ràng. Cụ thể,
Indonesia liên tục cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia trong khoảng thời gian 2000
đến 2008. Theo Fitch, xếp hạng của Indonesia được cải thiện liên tục từ mức B- năm
2000 lên B+ năm 2003, BB- năm 2005, BB năm 2008. Điều này cũng tương ứng với
quãng thời gian gia tăng vượt bậc DSI từ mức -0,201 năm 2000 lên mức 0,491 năm
2008, trước khi giảm không đáng kể trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2009.
DSI giai đoạn 2014 - 2018 phục hồi nhẹ cũng tương ứng với xếp hạng tín nhiệm của
Indonesia được nâng lên một bậc từ BBB- lên BBB.
B4. Malaysia
Malaysia là quốc gia khác biệt trong số các quốc gia được chọn làm phân tích.
Không giống các quốc gia có xu hướng tăng về DSI rõ ràng trước khủng hoảng, sau đó
DSI phục hồi nhẹ và giảm dần đều cho đến cuối thời kỳ, DSI của Malaysia tăng giảm
205

đan xen. Những năm DSI tăng đó là 2003, 2007, 2008, 2010, 2011, 2013, 2014, 2016,
2017. Xen kẽ với đó là những năm có DSI giảm 2000, 2001, 2002, 2004, 2005, 2006,
2009, 2012, 2015, 2018. Tựu chung lại trong cả thời kỳ DSI của Malaysia giảm nhẹ từ
0,491 năm 2000 xuống 0,47 năm 2018. Tuy chỉ dao động trong biên độ hẹp nhưng điều
này cho thấy sự lúng túng nhất định trong chính sách quản lý nợ công ở Malaysia. Về
xếp hạng mức độ bền vững, Malaysia gần như không có sự cải thiện trong thời kỳ xem
xét. Nước này xuất phát từ mức độ bền vững trung bình và cũng kêt thúc ở mức này.
Trong suốt thời kỳ, Malaysia chưa một lần vượt lên trên mức bền vững này, thậm chí
có 1 năm bị rơi xuống mức mức độ bền vững kém (năm 2003).
0.60 0

0 .5 45 0 .5 4 1 0 .54 3 0.5 50
0 .52 3 0.5 29
0 .5 1 3
0.50 0 0 .49 1 0.49 8 0 .495 0 .4 9 2 0.4 9 6
0 .477 0 .4 76 0 .4 70
0.4 62 0.45 6
0.4 3 0
0.40 0
0 .3 90

0.30 0

0.20 0

0.10 0

0.00 0
2 000 20 01 2 0 02 20 0 3 2 0 04 200 5 20 0 6 2 007 200 8 2 0 09 2 01 0 2 0 11 2 01 2 2 0 13 2 014 201 5 2 016 20 17 2 0 18

Hình B4.1: DSI của Malaysia thời kỳ 2000 - 2018


Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Bảng B4.1: Đóng góp của các chỉ số thành phần trong chỉ số tổng hợp DSI của
Malaysia thời kỳ 2000 - 2018
DSI g CV1 CV2 CV3 CV4 CV5 CV6 CV7
0,49
2000 1 8,859 0,160 -0,055 0,520 0,643 0,933 0,325 0,908
0,43
2001 0 0,518 -0,018 -0,039 0,415 0,539 0,900 0,332 0,880
0,39
2002 0 5,391 0,095 -0,076 0,387 0,537 0,896 0,059 0,831
0,49
2003 8 5,788 0,147 -0,119 0,433 0,714 0,932 0,441 0,936
0,49
2004 5 6,783 0,209 -0,073 0,424 0,634 0,906 0,447 0,915
0,46
2005 2 5,332 0,210 -0,049 0,442 0,632 0,903 0,218 0,878
0,47
2006 7 5,585 0,215 0,003 0,459 0,625 0,901 0,255 0,883
0,49
2007 2 6,299 0,176 -0,011 0,464 0,622 0,907 0,375 0,913
0,49
2008 6 4,832 0,248 -0,091 0,463 0,664 0,915 0,361 0,912
206

0,45
2009 6 -1,514 -0,108 -0,202 0,296 0,652 0,912 0,685 0,956
0,51
2010 3 7,425 0,233 -0,129 0,284 0,690 0,917 0,651 0,947
0,54
2011 5 5,294 0,200 -0,104 0,274 0,701 0,915 0,854 0,978
0,47
2012 6 5,473 0,148 -0,089 0,245 0,625 0,885 0,597 0,922
0,52
2013 3 4,694 0,137 -0,049 0,217 0,658 0,889 0,837 0,973
0,54
2014 1 6,007 0,217 -0,020 0,221 0,715 0,905 0,788 0,960
0,52
2015 9 5,092 0,147 -0,007 0,197 0,699 0,892 0,815 0,959
0,54
2016 3 4,450 0,136 -0,002 0,215 0,703 0,888 0,884 0,976
0,55
2017 0 5,813 0,181 0,008 0,236 0,719 0,891 0,847 0,967
0,47
2018 0 4,770 0,020 -0,040 0,218 0,690 0,873 0,616 0,912
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Về sự đóng góp của các chỉ số thành phần, giống như Indonesia, ở Malaysia chỉ
số CV3 cũng đóng góp tương đối nhiều vào chỉ số chung bên cạnh CV4 đến CV7.
Trong giai đoạn 2009 trở về trước CV3, CV4, CV5 và CV7 đóng góp nhiều nhất vào
chỉ số chung, trong giai đoạn từ 2009 trở về sau lại quay trở về bốn chỉ số truyền thống
CV4 đến CV7. Tổng tỷ trọng đóng góp của 4 chỉ số nhiều nhất luôn dao động từ 80%
đến 90%. Việc tiếp tục có CV3 nằm trong những chỉ số có đóng góp nhiều nhất cho
thấy giống như Indonesia, Malaysia cũng đã làm rất tốt việc trong việc khống chế tỷ lệ
nợ công/GDP. Đây có thể là bài học đến từ cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á 1997 -
1998. Trong hai chỉ số còn lại, CV2 thường xuyên đóng góp âm vào chỉ số chung. Điều
này cho thấy giống như Indonesia, Malaysia cũng phải thường xuyên đối mặt với thâm
hụt ngân sách cao so vói ngưỡng chuẩn của nhóm nước. Tuy nhiên tỷ lệ nợ công/GDP
của Malaysia như phân tích ở trên lại được khống chế tốt, kết quả này có thể là do
nguồn lợi nhuận từ các quỹ đầu tư Nhà nước của Malaysa đã được sử dụng một phần
để trà trợ cho thâm hụt ngân sách.
Bảng B4.2: Đóng góp của các chỉ số thành phần trong chỉ số tổng hợp DSI của
Malaysia thời kỳ 2000 - 2018
CV1 CV2 CV3 CV4 CV5 CV6 CV7
2000 4,7 -1,6 15,1 18,7 27,2 9,5 26,4
2001 -0,6 -1,3 13,8 17,9 29,9 11,0 29,2
2002 3,5 -2,8 14,2 19,7 32,8 2,2 30,4
207

2003 4,2 -3,4 12,4 20,5 26,8 12,7 26,9


2004 6,0 -2,1 12,2 18,3 26,2 12,9 26,4
2005 6,5 -1,5 13,7 19,6 27,9 6,7 27,1
2006 6,4 0,1 13,7 18,7 27,0 7,6 26,4
2007 5,1 -0,3 13,5 18,1 26,3 10,9 26,5
2008 7,1 -2,6 13,3 19,1 26,4 10,4 26,3
2009 -3,4 -6,3 9,3 20,4 28,6 21,5 30,0
2010 6,5 -3,6 7,9 19,2 25,5 18,1 26,4
2011 5,2 -2,7 7,2 18,4 24,0 22,4 25,6
2012 4,4 -2,7 7,4 18,8 26,6 17,9 27,7
2013 3,7 -1,4 5,9 18,0 24,3 22,9 26,6
2014 5,7 -0,5 5,8 18,9 23,9 20,8 25,4
2015 4,0 -0,2 5,3 18,9 24,1 22,0 25,9
2016 3,6 0,0 5,7 18,5 23,4 23,3 25,7
2017 4,7 0,2 6,1 18,7 23,2 22,0 25,1
2018 0,6 -1,2 6,6 21,0 26,6 18,7 27,7
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Theo tiêu chí xếp loại dựa trên thu nhập bình quân đầu người của cả thời kỳ,
Malaysia được xếp vào nhóm UMI cho cả thời kỳ 2000 - 2018. Thể hiện chung của
Malaysia so với mức bình quân của nhóm nước UMI ở ba mốc thời điểm quan trọng
như sau. Năm 2000 nhìn chung Malaysia thể hiện tốt hơn so với bình quân của nhóm
nước, CV5 và CV7 có điểm số cao hơn, CV6 có điểm số thấp hơn, các chỉ số còn lại ở
mức bình quân của nhóm nước. Năm 2009 Malaysia có vẻ tụt lại so với nhóm khi hầu
hết các chỉ số đều nhỏ hơn mức bình quân của nhóm nước. Điều này cho thấy Malaysia
bị ảnh hưởng khá lớn từ cuộc khủng hoảng 2008 - 2009. Năm 2018 Malaysia quay trở
về mức bình quân của nhóm nước ở phần lớn các chỉ số thành phần, chỉ nhỉnh hơn ở
CV6 điều mà Malaysia không làm được ở năm 2000.

2000 2009 2018

Malaysia DSI trung bình Malaysia DSI trung bình Malaysia DSI trung bình
CV1 CV1 CV1
1.0 1.0 1.0
CV7 CV2 CV7 CV2 CV7 CV2

0.0 0.0 0.0

-1.0 -1.0 -1.0

CV6 CV3 CV6 CV3 CV6 CV3

CV5 CV4 CV5 CV4 CV5 CV4


208

Hình B4.2: So sánh DSI của Malaysia với DSI bình quân nhóm nước UMI tại 3
năm 2000, 2009, 2018
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
So sánh kết quả tính toán DSI với xếp hạng tín nhiệm quốc gia dành cho
Malaysia do Fitch thực hiện và đánh giá bền vững nợ công bằng bản đồ nhiệt của IMF,
tác giả nhận thấy có một sự tương đồng rõ rệt. Việc DSI của Malaysia không thay đổi
quá nhiều, biến động trong một phạm vi hẹp được thể hiện qua xếp hạng tín nhiệm
quốc gia ổn định. Do xuất phát điểm của DSI cao nên ngay từ đầu trong thời kỳ nghiên
cứu, Malaysia đã được xếp hạng tín nhiệm ở mức cao BBB (năm 2000) và suốt thời
gian dài khi DSI gần như giữ ở một mức ổn định sau đó từ năm 2004 đến 2018,
Malaysia luôn đạt mức tín nhiệm A- không đổi. Đánh giá bản đồ nhiệt do IMF thực
hiện cũng cho thấy điều tương tự khi giai đoạn 2014 - 2018 màu sắc trên bản đồ nhiệt
của Malaysia gần như không đổi (11 tiêu chí màu xanh, 1 tiêu chí màu vàng và 1 tiêu
chí màu đỏ) (xem Phụ lục).
B5. Việt Nam
Dễ nhận thấy DSI của Việt Nam tăng trong giai đoạn 2000 - 2008. Giống như
tình hình chung, DSI điều chỉnh trong năm 2009 giảm từ 0,455 xuống còn 0,339 tương
đương vơi mức giảm 25,5%. Tuy nhiên khác với đặc điểm chung của nhóm các nước
có thu nhập trung bình và thấp, sau thời gian phục hồi 2010 - 2011, Việt Nam chỉ
chứng kiến DSI giảm trong một thời gian ngắn từ 2012 đến 2014. Trong 4 năm cuối
của thời kỳ DSI Việt Nam được cải thiện dần dần và quay trở về mức trước khi xảy ra
khủng hoảng 0,456. Về xếp hạng mức độ bền vững, DSI của Việt Nam cho thấy xu
hướng cải thiện bền vững trừ thời kỳ khủng hoảng 2008 - 2009. Việt Nam từ nước có
mức độ NCBV kém năm 2000 đã vươn lên mức độ NCBV trung bình vào năm 2018.
209

1.0

0.9

0.8

0.7

0.6

0.5 0.481
0.433 0.413 0.455 0.436 0.437 0.417 0.443 0.456
0.4 0.408 0.410 0.419 0.419
0.339 0.339
0.3 0.282
0.2 0.221
0.191
0.148
0.1

0.0
2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018

Hình B5.1: DSI của Việt Nam thời kỳ 2000 - 2018


Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Về đóng góp của các chỉ số, tổng thể CV4 đến CV7 vẫn là các chỉ số đóng góp
nhiều nhất vào chỉ số chung trong đó CV4 một số năm có đóng góp âm. Trong 3 chỉ số
còn lại CV3 đóng góp nhiều nhất, CV1, CV2 là những chỉ số đóng góp không đáng kể.
Điều này phù hợp với thực trạng chung của các nước thu nhập trung bình và thấp.
210

Bảng B5.1: Đóng góp của các chỉ số thành phần trong chỉ số tổng hợp DSI của
Việt Nam thời kỳ 2000 - 2018
Đơn vị: %
  CV1 CV2 CV3 CV4 CV5 CV6 CV7
2000 -0,2 2,2 41,9 -29,3 32,9 2,1 50,4
2001 -0,5 1,5 30,8 -15,9 28,2 13,1 42,7
2002 2,2 3,9 22,0 -12,8 26,0 18,5 40,1
2003 3,7 3,4 13,9 -13,1 20,8 31,3 40,0
2004 4,2 5,4 12,0 -7,4 21,7 28,6 35,6
2005 7,7 3,4 10,7 2,6 20,6 25,1 29,9
2006 2,4 4,4 8,6 7,9 22,4 25,2 29,0
2007 3,1 1,3 6,9 8,7 24,2 25,6 30,2
2008 5,5 2,7 7,4 10,0 22,7 23,9 27,7
2009 1,2 -4,5 4,0 7,2 25,1 31,1 35,9
2010 4,6 -1,2 7,4 9,9 24,4 25,6 29,4
2011 6,7 1,9 8,1 9,8 23,4 22,9 27,1
2012 2,8 -2,5 7,3 12,1 26,4 24,1 29,8
2013 0,9 -3,2 5,4 13,1 28,1 24,6 31,0
2014 1,7 -2,3 3,5 14,3 29,2 22,5 31,1
2015 0,4 -2,3 1,9 14,0 28,8 25,8 31,4
2016 1,1 -0,2 0,2 14,6 29,0 24,2 31,0
2017 3,4 -0,8 1,1 14,0 28,1 24,2 30,0
2018 2,9 -0,6 2,6 14,7 27,7 23,4 29,1
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Theo tiêu chí xếp loại dựa trên thu nhập bình quân đầu người của cả thời kỳ, Việt
Nam được xếp vào nhóm LMI cho cả thời kỳ 2000 - 2018. Thể hiện chung của Việt
Nam so với mức bình quân của nhóm nước LMI ở ba mốc thời điểm quan trọng như
sau. Năm 2000 năm đầu của thời kỳ, DSI của Việt Nam vượt trội ở các chỉ số CV3,
CV5, CV7, thấp hơn ở các chỉ số CV4, CV6, còn lại CV1 và CV2 khi so với mức trung
bình của nhóm nước. Năm 2009 là năm khủng hoảng, DSI cơ bản là bằng với mức bình
quân của khu vực duy chỉ có CV4 vẫn thấp hơn. Năm 2018 năm cuối của thời kỳ, DSI
nhỉnh hơn một chút so với mức bình quân của nhóm nước trừ chỉ số CV4 vẫn tiếp tục
nhỏ hơn. Như vậy về mặt thể hiện tương đối có thể nói khoảng cách giữa DSI bình
quân nhóm nước LMI đang rút ngắn lại so với DSI của Việt Nam. Từ việc ban đầu có
những chỉ số thành phần kém hẳn so với Việt Nam đến cuối thời kỳ gần như DSI bình
quân nhóm nước LMI đã ngang bằng với Việt Nam. Đặc biệt CV4 của Việt Nam phần
nợ nước ngoài trong nợ công/GDP luôn có thể hiện kém hơn mức trung bình của nhóm
nước trong cả thời kỳ là một điều cần phải lưu ý.
211

2000 2009 2018


Viet Nam DSI trung bình Viet Nam DSI trung bình Viet Nam DSI trung bình
CV1 CV1
1 1
CV1
CV7 CV2 CV7 CV2
1
0 0 CV7 CV2
0

-1 -1
-1
CV6 CV3 CV6 CV3
CV6 CV3

CV5 CV4 CV5 CV4 CV5 CV4

Hình B5.2: So sánh DSI của Việt Nam với DSI bình quân nhóm nước LMI tại 3
năm 2000, 2009, 2018
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Tiếp theo tác giả sẽ đánh giá sự tương đồng giữa phương pháp chỉ số với các
phương pháp khác ở kết quả nợ công Việt Nam có bền vững hay không ở từng thời kỳ
nhất định. Cần lưu ý rằng dù cho cùng một kết quả về khía cạnh nợ công có bền vững
hay không nhưng phương pháp chỉ số vẫn vượt trội hơn các phương pháp khác khi
lượng hóa được mức độ nợ công bền vững thành con số hàng năm.
Trước hết, tác giả so sánh với các kết quả đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín
nhiệm dành cho TPCP. Trong giai đoạn Việt Nam cải thiện DSI (mức độ bền vững nợ
công gia tăng) thì xếp hạng tín nhiệm dành cho TPCP Việt Nam cũng thăng hạng theo.
Cụ thể Moody đánh giá xếp hạng tín nhiệm Việt Nam năm 2003 ở mức B1 triển vọng
tích cực thì đến năm 2008 ở mức Ba3 với triển vọng tiêu cực do ảnh hưởng bởi cuộc
khủng hoảng kinh tế thế giới trong cùng năm. Sau khủng hoảng 2008 - 2009, chính phủ
bắt đầu điều hành chính sách theo hướng thay đổi mô hình TTKT, gia tăng đầu tư công
một cách thận trọng do đó DSI được cải thiện và dần phục hồi về mức trước khủng
hoảng. Kết quả trong giai đoạn từ 2010 - 2018, xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam đã
gia tăng được một bậc theo đánh giá của Fitch từ BB - lên BB.
Tương tự như vậy đánh giá mức độ rủi ro của nợ công thông qua công cụ bản đồ
nhiệt (heat map) của IMF trong các báo cáo về nợ công theo điều khoản IV hàng năm
cũng cho thấy giai đoạn 2016 - 2018, rủi ro về nợ công của Việt Nam đã được cải
thiện. Bản đồ nhiệt là công cụ nhằm trực quan hóa các mức độ rủi ro khi IMF đánh giá
các tiêu chí liên quan đến nợ công. Nếu tiêu chí có màu xanh có nghĩa là rủi ro thấp
(giá trị tiêu chí không vượt ngưỡng cả trong bối cảnh bình thường lẫn có cú sốc), màu
vàng có nghĩa là rủi ro trung bình (giá trị tiêu chí không vượt ngưỡng trong bối cảnh
212

bình thường nhưng vượt ngưỡng trong bối cảnh có cú sốc) và màu đỏ có nghĩa là rủi ro
cao (giá trị tiêu chí vượt ngưỡng trong cả bối cảnh bình thường lẫn có cú sốc). Đối với
Việt Nam hầu hết các tiêu chí (11/15) đều nằm ở vùng xanh trong giai đoạn này. Bốn
tiêu chí còn lại biến chuyển theo thời gian từ màu vàng sang màu xanh và số lượng tiêu
chí màu vàng giảm từ bốn xuống còn hai. Điều này cho thấy mức độ bền vững của nợ
công ở Việt Nam được củng cố theo thời gian (xem Phụ lục 5).
Các nghiên cứu trong nước sử dụng các phương pháp đánh giá khác cũng cho
cùng một kết quả. Lan (2017) sử dụng phương pháp cây nhị phân, Ủy ban Kinh tế của
Quốc hội (2013), Tuấn và Chung (2017) sử dụng khung đánh giá bền vững nợ công của
IMF, Thành và Tuấn (2017) sử dụng hàm phản ứng ngân sách đều cho thấy mức độ
bền vững nợ công của Việt Nam được cải thiện khi xét đến những tiêu chí như quy mô
nợ, cấu trúc nợ, tính thanh khoản tuy nhiên các nghiên cứu cũng chỉ ra nợ công ở Việt
Nam vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro như nợ nước ngoài trong tổng nợ công vẫn lớn, nợ ngắn
hạn trong tổng nợ công vẫn cao và đặc biệt hiệu quả sử dụng nợ được đo lường bởi hệ
số ICOR luôn là nỗi lo của các nhà nghiên cứu vì ICOR cao sẽ dẫn đến tốc độ tăng
trưởng thấp (mô hình Harrod - Domar) mà điều này lại gián tiếp tác động tiêu cực đến
tiêu chuẩn IRGD nếu như lãi suất không đổi. Nói cách khác Việt Nam đang sử dụng nợ
công với lợi ích biên nhỏ hơn chi phí biên dẫn đến gánh nặng nợ ngày càng lớn.
Như vậy, các nghiên cứu sử dụng phương pháp khác có kết quả thống nhất với
diễn biến của DSI trong từng khoảng thời gian tương ứng cho thấy tính hợp lý và chính
xác khi sử dụng DSI để phản ánh mức độ NCBV của Việt Nam.
213

PHỤ LỤC 4: KẾT QUẢ CHẠY MÔ HÌNH


A. Tổng thể các nước
Bảng A.1: Kiểm định tính dừng hai biến g và DSI cho mẫu tổng thể
Thống kê t P-value
G 741,036 0,0000
DSI 455,476 0,0000
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Bảng A.2: Xác định độ trễ tối ưu cho mẫu tổng thể
 Lag LogL LR FPE AIC SC HQ
0 -6447,685 NA   1,531311  6,101878  6,107230  6,103838
1 -4303,913  4281,460  0,202249  4,077496  4,093550  4,083374
2 -4292,555  22,66389  0,200845  4,070534  4,097291  4,080331
3 -4266,708  51,52266  0,196737  4,049865  4,087325  4,063581
4 -4252,334  28,62459  0,194815  4,040051  4,088213  4,057686
5 -4218,500   67,31662*   0,189394*   4,011826*   4,070690*   4,033379*
Nguồn: Tổng hợp của tác giả

Hình A.1: Kiểm định nghiệm đơn vị cho ước lượng VAR mẫu tổng thể
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Bảng A.3: Kiểm định nhân quả Granger cho mẫu tổng thể
Biến phụ thuộc Loại trừ Chi-sq df Thống kê p
g DSI 41,64216 5 0,0000
DSI g 46,43716 5 0,0000
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
214

B. Nhóm nước thu nhập cao (HI)


Bảng B.1: Kiểm định tính dừng hai biến g và DSI cho nhóm nước HI
Thống kê t P-value
g 211,592 0,0000
DSI 110,711 0,0088
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Bảng B.2: Xác định độ trễ tối ưu cho nhóm nước HI
 Lag LogL LR FPE AIC SC HQ
0 -864,0863 NA   0,081816  3,172477  3,188238  3,178638
1 -327,8541  1066,572  0,011645  1,222909  1,270190  1,241391
2 -308,4153  38,52162  0,011005  1,166356  1,245159  1,197161
3 -294,0329  28,39598   0,010594*   1,128326*   1,238649*   1,171452*
4 -293,0268  1,979044  0,010711  1,139292  1,281137  1,194740
5 -288,1357   9,585046*  0,010676  1,136028  1,309394  1,203798
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Bảng B.3: Kết quả ước lượng VAR cho nhóm nước HI
Biến số DSI g
DSI(-1) 0,664598*** 1,320765
(0,05079) (3,20513)
DSI(-2) 0,202887*** -0,631131
(0,05935) (3,74485)
DSI(-3) 0,049169 -1,238970
(0,04877) (3,07714)
g(-1) 0,001638*** 0,443467***
(0,00079) (0,04986)
g(-2) -0,001267* 0,109934***
(0,00083) (0,05252)
g(-3) -0,000836* 0,159156***
(0,00069) (0,04338)
C 0,058595*** 1,543558**
(0,01414) (0,89247)
R 2
0,788867 0,208530
Adjusted R 2
0,786814 0,200833
Số quan sát 741 741
Ghi chú: Giá trị trong ngoặc đơn là sai số tiêu chuẩn; ***, **, * hệ số có ý nghĩa
ở mức 1%, 5% và 10%
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
215

Hình B.1: Kiểm định nghiệm đơn vị cho ước lượng VAR nhóm nước HI
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Bảng B.4: Kiểm định nhân quả Granger cho nhóm nước HI
Biến phụ thuộc Loại trừ Chi-sq df Thống kê p
g DSI 0,486261 3  0,9219
DSI g 8,128306 3  0,0434
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
C. Nhóm nước thu nhập trung bình cao (UMI)
Bảng C.1: Kiểm định tính dừng hai biến g và DSI cho nhóm nước UMI
Thống kê t P-value
g 185,875 0,0000
DSI 136,559 0,0000
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Bảng C.2: Xác định độ trễ tối ưu cho nhóm nước UMI
 Lag LogL LR FPE AIC SC HQ
0 -1381,855 NA   0,622948  5,202462  5,218540  5,208754
1 -666,1467  1423,345  0,042900  2,526867   2,575100*   2,545743*
2 -660,5558  11,07657  0,042644  2,520887  2,601275  2,552347
3 -658,3751  4,304135  0,042937  2,527726  2,640269  2,571770
4 -652,1858  12,16915  0,042585  2,519495  2,664194  2,576123
5 -642,5924   18,79017*   0,041699*   2,498467*  2,675321  2,567679
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
216

Bảng C.3: Kết quả ước lượng VAR cho nhóm nước UMI
Biến số DSI g
DSI(-1) 0,887319*** 3,523299*
(0,05232) (2,79099)
DSI(-2)  0,102498*  0,914562
(0,06672) (3,55883)
DSI(-3) -0,045481 -2,878127
(0,06464) (3,44776)
DSI(-4) -0,092453* -9,452963***
(0,05713) (3,04758)
DSI(-5) 0,077960*** 8,163244***
(0,03607) (1,92410)
g(-1) -0,000686 0,237297***
(0,00098) (0,05248)
g(-2) -0,001243* 0,037392
(0,00097) (0,05157)
g(-3) 0,000850 0,044653
(0,00095) (0,05085)
g(-4)  0,001189* 0,215663***
(0,00089) (0,04756)
g(-5) -0,001115*  -0,063205*
(0,00078) (0,04169)
C 0,044058*** 1,640345
(0,00809) (0,43153)
R2 0,895914 0,158751
Adjusted R2 0,893916 0,142604
Số quan sát 722 722
Ghi chú: Giá trị trong ngoặc đơn là sai số tiêu chuẩn; ***, **, * hệ số có ý nghĩa
ở mức 1%, 5% và 10%
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
217

Hình C.1: Kiểm định nghiệm đơn vị cho ước lượng VAR nhóm nước UMI
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Bảng C.4: Kiểm định nhân quả Granger cho nhóm nước UMI
Biến phụ thuộc Loại trừ Chi-sq df Thống kê p
g DSI 22,13029 5  0,0005
DSI g 6,415623 5  0,2679
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
D. Nhóm nước thu nhập trung bình thấp
Bảng D.1: Kiểm định tính dừng hai biến g và DSI cho nhóm nước LMI
Thống kê t P-value
g 195,846 0,0000
DSI 143,613 0,0008
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Bảng D.2: Xác định độ trễ tối ưu cho nhóm nước LMI
 Lag LogL LR FPE AIC SC HQ
0 -1820,122 NA   0,871632  5,538366  5,552011  5,543656
1 -1261,939  1111,277  0,161729  3,853918   3,894853*  3,869787
2 -1259,297  5,243940  0,162398  3,858046  3,926271  3,884494
3 -1243,904  30,45887  0,156870  3,823416  3,918931  3,860443
4 -1236,114   15,36764*   0,155074*   3,811895*  3,934700   3,859502*
5 -1233,080  5,964798  0,155530  3,814834  3,964929  3,873020
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
218

Bảng D.3: Kết quả ước lượng VAR cho nhóm nước LMI
Biến số DSI g
DSI(-1) 0,711652*** -1,506955*
(0,03723) (0,94252)
DSI(-2) 0,167960*** 2,408751***
(0,04626) (1,17136)
DSI(-3) 0,000660 -2,129573**
(0,04539) (1,14915)
DSI(-4) -0,138067*** -0,126409
(0,03197) (0,80946)
g(-1) 0,001874* 0,467217***
(0,00155) (0,03914)
g(-2) -0,001711 0,001772
(0,00167) (0,04222)
g(-3) -0,001339 0,127994***
(0,00166) (0,04215)
g(-4) 0,001687 0,011025
(0,00144) (0,03653)
C 0,098387*** 2,026811***
(0,01002) (0,25376)
R2 0,764129 0,296617
Adjusted R2 0,761417 0,288532
Số quan sát 893 893
Ghi chú: Giá trị trong ngoặc đơn là sai số tiêu chuẩn; ***, **, * hệ số có ý nghĩa ở
mức 1%, 5% và 10%
Nguồn: Tổng hợp của tác giả

Hình D.1: Kiểm định nghiệm đơn vị cho ước lượng VAR nhóm nước LMI
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
219

Bảng D.4: Kiểm định nhân quả Granger cho nhóm nước LMI
Biến phụ thuộc Loại trừ Chi-sq df Thống kê p
g DSI 18,76317 4 0,0009
DSI g 3,767308 4 0,4384
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
E. Nhóm nước thu nhập thấp (LI)
Bảng E.1: Kiểm định tính dừng hai biến g và DSI cho nhóm nước LI
Thống kê t P-value
g -4,35160 0,0000
DSI -5,21405 0,0000
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Bảng E.2: Xác định độ trễ tối ưu cho nhóm nước LI
 Lag LogL LR FPE AIC SC HQ
0 -1300,407 NA   3,371258
 6,891040  6,911860  6,899303
1 -1005,517  585,0980  0,723387
 5,351943   5,414401*  5,376732
2 -1004,247  2,506448  0,733914
 5,366387  5,470485  5,407702
3 -1001,695  5,009788  0,739561
 5,374048  5,519784  5,431888
4 -981,5985  39,23605  0,679189
 5,288881  5,476257  5,363247
5 -958,7374   44,39158*   0,614692*
  5,189087*  5,418102   5,279979*
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Bảng E.3: Kết quả ước lượng VAR cho nhóm nước LI
Biến số DSI g
DSI(-1) 0,708718*** -0,284653
(0,04839) (0,74816)
DSI(-2) 0,031141 0,783403
(0,05581) (0,86285)
DSI(-3) -0,067198* -1,016209*
(0,05406) (0,83585)
DSI(-4) 0,196697*** -0,163573
(0,05197) (0,80353)
DSI(-5) -0,161899*** 0,214767
(0,03544) (0,54790)
g(-1) 0,007393*** 0,360365***
(0,00330) (0,05104)
g(-2) -0,001888 0,021201
(0,00306) (0,04729)
g(-3) -0,000159 0,038059
(0,00274) (0,04235)
g(-4) 0,015935*** 0,181481***
(0,00292) (0,04519)
g(-5) -0,012952*** 0,074967*
(0,00290) (0,04477)
C 0,030862 1,623871***
(0,02580) (0,39890)
220

R2 0,779329 0,255823
Adjusted R2 0,773316 0,235546
Số quan sát 513 513
Ghi chú: Giá trị trong ngoặc đơn là sai số tiêu chuẩn; ***, **, * hệ số có ý nghĩa ở
mức 1%, 5% và 10%
Nguồn: Tổng hợp của tác giả

Hình E.1: Kiểm định nghiệm đơn vị cho ước lượng VAR nhóm nước LI
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
Bảng E.4: Kiểm định nhân quả Granger cho nhóm nước LI
Biến phụ thuộc Loại trừ Chi-sq df Thống kê p
g DSI 5,520163 5 0,3557
DSI g 47,19186 5 0,0000
Nguồn: Tổng hợp của tác giả
221

PHỤ LỤC 5: BẢN ĐỒ NHIỆT TRONG BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ NỢ CÔNG QUỐC GIA DO IMF TIẾN HÀNH THEO ĐIỀU KHOẢN
IV
Việt Nam
Có cú Có cú Có cú Có cú Có cú Có cú Có cú Có cú Có cú Có cú Rủi ro Rủi ro Rủi ro Rủi ro Rủi ro
sốc về sốc về sốc về sốc về sốc về sốc về sốc về sốc về sốc về sốc về nhận tài trợ khi có phần phần
GDP cán cân lãi suất tỷ giá nợ tiềm GDP cán cân lãi suất tỷ giá nợ tiềm thức vốn thay nợ nợ
thực tế cơ bản (Quy (Quy tàng thực tế cơ bản (Nhu (Nhu tàng của thị nước đổi công công
(Quy (Quy mô nợ) mô nợ) (Quy (Nhu (Nhu cầu tài cầu tài (Nhu trường ngoài trong nắm bằng
mô nợ) mô nợ) mô nợ) cầu tài cầu tài trợ trợ cầu tài nợ giữ bởi ngoại
trợ trợ vốn) vốn) trợ ngắn chủ thể tệ
vốn) vốn) vốn) hạn nước
ngoài
2016 n/a n/a n/a
2017 n/a n/a n/a
2018 n/a n/a n/a
Trung Quốc
Có cú Có cú Có cú Có cú Có cú Có cú Có cú Có cú Có cú Có cú Rủi ro Rủi ro Rủi ro Rủi ro Rủi ro
sốc về sốc về sốc về sốc về sốc về sốc về sốc về sốc về sốc về sốc về nhận tài trợ khi có phần phần
GDP cán cân lãi suất tỷ giá nợ tiềm GDP cán cân lãi suất tỷ giá nợ tiềm thức vốn thay nợ nợ
thực tế cơ bản (Quy (Quy tàng thực tế cơ bản (Nhu (Nhu tàng của thị nước đổi công công
(Quy (Quy mô nợ) mô nợ) (Quy (Nhu (Nhu cầu tài cầu tài (Nhu trường ngoài trong nắm bằng
mô nợ) mô nợ) mô nợ) cầu tài cầu tài trợ trợ cầu tài nợ giữ bởi ngoại
trợ trợ vốn) vốn) trợ ngắn chủ thể tệ
vốn) vốn) vốn) hạn nước
ngoài
2017
2018 n/a
222

Malaysia

Có cú Có cú Có cú Có cú Có cú Có cú Có cú Có cú Có cú Có cú Rủi ro Rủi ro Rủi ro Rủi ro Rủi ro


sốc về sốc về sốc về sốc về sốc về sốc về sốc về sốc về sốc về sốc về nhận tài trợ khi có phần phần
GDP cán cân lãi suất tỷ giá nợ tiềm GDP cán cân lãi suất tỷ giá nợ tiềm thức vốn thay nợ nợ
thực tế cơ bản (Quy (Quy tàng thực tế cơ bản (Nhu (Nhu tàng của thị nước đổi công công
(Quy (Quy mô nợ) mô nợ) (Quy (Nhu (Nhu cầu tài cầu tài (Nhu trường ngoài trong nắm bằng
mô nợ) mô nợ) mô nợ) cầu tài cầu tài trợ trợ cầu tài nợ giữ bởi ngoại
trợ trợ vốn) vốn) trợ ngắn chủ thể tệ
vốn) vốn) vốn) hạn nước
ngoài
2014 n/a n/a
2015 n/a n/a
2016 n/a n/a
2017 n/a n/a
2018 n/a n/a

Anh

Có cú Có cú Có cú Có cú Có cú Có cú Có cú Có cú Có cú Có cú Rủi ro Rủi ro Rủi ro Rủi ro Rủi ro


sốc về sốc về sốc về sốc về sốc về sốc về sốc về sốc về sốc về sốc về nhận tài trợ khi có phần phần
GDP cán cân lãi suất tỷ giá nợ tiềm GDP cán cân lãi suất tỷ giá nợ tiềm thức vốn thay nợ nợ
thực tế cơ bản (Quy (Quy tàng thực tế cơ bản (Nhu (Nhu tàng của thị nước đổi công công
(Quy (Quy mô nợ) mô nợ) (Quy (Nhu (Nhu cầu tài cầu tài (Nhu trường ngoài trong nắm bằng
mô nợ) mô nợ) mô nợ) cầu tài cầu tài trợ trợ cầu tài nợ giữ bởi ngoại
trợ trợ vốn) vốn) trợ ngắn chủ thể tệ
vốn) vốn) vốn) hạn nước
ngoài
2014 n/a
2016 n/a
2017 n/a n/a
2018 n/a n/a
223

PHỤ LỤC 6: DSI CỦA CÁC NƯỚC TUYÊN BỐ VỠ NỢ TRONG


THỜI KỲ 2000 - 2018
Quốc gia (mã quốc gia) Năm vỡ nợ trong nước Năm vỡ nợ nước ngoài
Angola (AGO) 2003 (-0,157), 2018(0,032)
Antigua-Barbuda 2008 (n/a)
Argentina 2001 (-0,07), 2002 (-0,331) 2001 (-0,07)
Belize 2006 (-0,181), 2012 (0,192)
Cameroon 2004 (-0,254)
Cote d’Ivoire 2010 (0,327) 2000 (-0,735)
Cyprus 2013 (0,542 tính CV4 đến
CV7 bằng 1) (-0,07 không
tính CV4 đến CV7)
Dominica 2003 (0,157) 2003 (0,157)
Dominican Rep 2004 (0,343) 2004 (0,343)
Ecuador 2008 (0,493)
Greece 2011 (0,4 tính CV4 đến CV7 2011 (0,4 tính CV4 đến CV7
bằng 1) (-0,404 không tính bằng 1) (-0,404 không tính
CV4 đến CV7) CV4 đến CV7)
Jamaica 2010 (0,008), 2013 (0,109)
Madagascar 2002 (-0,694)
Moldova 2001 (-0,167), 2002 (-0,148)
Mongolia 2003 (-0,894)
Nicaragua 2003 (-1,295), 2008 (0,484)
Nigeria 2004 (0,351)
Paraguay 2002 (0,27)
Sierra Leone 2005 (-1,217)
St. Kitts and Nevis 2012 (0,591 tính CV4 đến 2011 (0,58 tính CV4 đến
CV7 bằng 1) (0,047 không CV7 bằng 1) (0,02 không
tính CV4 đến CV7) tính CV4 đến CV7)
Suriname 2009 (n/a)
Ukraine 2000 (0,211)
Uruguay 2003 (0,341 tính CV4 đến 2003 (0,341 tính CV4 đến
CV7 bằng 1) (-0,538 không CV7 bằng 1) (-0,538 không
tính CV4 đến CV7) tính CV4 đến CV7)
Venezuela 2002 (n/a)
Zimbabwe 2001 (n/a), 2010 (n/a)
Ghi chú: số trong ( ) ngay sau năm vỡ nợ là DSI của quốc gia tại cùng thời điểm
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ nghiên cứu của Erce & Mallucci (2018) và kết quả tính toán
DSI của luận án

You might also like