Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 7

ÔN TẬP KIẾN THỨC CƠ BẢN

*******
PHÚ SÔNG BẠCH ĐẰNG
(Bạch Đằng giang phú – Trương Hán Siêu)
A/ ÔN TẬP KIẾN THỨC CƠ BẢN
I. Giới thiệu tác giả:
Trương Hán Siêu (? – 1354) là người có học vấn uyên thâm, từng tham gia các cuộc chiến đấu của quân dân
nhà Trần chống quân Mông – Nguyên, được các vua Trần tin cậy và nhân dân kính trọng.
II. Khái quát về thể phú và bài phú:
1. Thể phú:
- Là một thể loại tiếp nhận từ văn học Trung Quốc, được phát triển và Việt hóa ở văn học trung đại Việt
Nam. Nội dung của phú trước hết là thuật, kể, tả một cách khách quan cảnh vật, sự việc, phong tục, bàn chuyện
đời,…để người nghe tự xét, là tưởng tượng nhân vật hư cấu, đối đáp giữa chủ - khách, sau đó mới dùng lời lẽ
khoa trương cho hấp dẫn, truyền cảm. Phú được viết bằng văn vần, văn xuôi hoặc văn biền ngẫu, bằng chữ Hán
hoặc chữ Nôm.
- Phú có 2 loại chính: Phú cổ thể, phú cận thể
- Bố cục chung của bài phú thường gồm 4 đoạn: đoạn mở, đoạn giải thích, đoạn bình luận và đoạn kết.
2. Tác phẩm:
- Thể loại: Phú cổ thể
- Hoàn cảnh ra đời: Khi vương triều nhà Trần đang có biểu hiện suy thoái, cần phải nhìn lại quá khứ anh
hùng để củng cố niềm tin trong hiện tại.
- Bố cục: 3 đoạn
+ Đoạn 1: Từ “Khách có kẻ” đến “…luống còn lưu”: Giới thiệu nhân vật “khách” và tráng chí của ông, cảm
xúc của “khách” khi du ngoạn qua sông Bạch Đằng.
+ Đoạn 2: Từ “Bên sông các bô lão” đến “…anh hùng lưu danh”: Cuộc gặp gỡ bên sông và câu chuyện của
các bô lão.
+ Đoạn 3: Còn lại: Lời ca và cũng là lời bình luận của “khách”.
III. Nội dung, nghệ thuật bài phú:
*Đoạn 1: Hình tượng nhân vật “khách”
Khách có kẻ:
Giương buồm giong gió chơi vơi,
Lướt bể chơi trăng mải miết.
Sớm gõ thuyền chừ Nguyên, Tương,
Chiều lần thăm chừ Vũ Huyệt.
Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt,
Nơi có người đi, đâu mà chẳng biết.
Đầm Vân Mộng chứa vài trăm trong dạ cũng nhiều,
Mà tráng chí bốn phương vẫn còn tha thiết.
Bèn giữa dòng chừ buông chèo,
Học Tử Trường chừ thú tiêu dao.
Qua cửa Đại Than, ngược bến Đông Triều,
Đến sông Bạch Đằng, thuyền bơi một chiều.
Bát ngát sóng kình muôn dặm,
Thướt tha đuôi trĩ một màu.
Nước trời: một sắc, phong cảnh: ba thu,
Bờ lau san sát, bến lách đìu hiu.
Sông chìm giáo gãy, gò đầy xương khô,
Buồn vì cảnh thảm, đứng lặng giờ lâu.
Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá,
Tiếc thay dấu vết luống còn lưu.
Gợi ý phân tích
1. Từ “Khách có kẻ… còn tha thiết”: “Khách” xuất hiện với tư thế của con người có tâm hồn khoáng đạt,
có hoài bão lớn lao. Tráng chí bốn phương của “khách” được gợi lên qua hai địa danh (lấy trong điển cố
Trung Quốc và những địa danh của đất Việt):
- Nhân vật “khách” có thể là chính tác giả, cũng có thể là do tác giả sáng tạo ra theo kết cấu thường gặp của bài
phú. Đó là một nhà nho, một viên quan – tướng của triều đình – một nhà thơ – nghệ sĩ tuy đã già nhưng tráng
chí (ý chí hùng tráng) bốn phương vẫn còn tha thiết, sôi nổi. Ông muốn học danh nhân Trung Hoa xưa, đi khắp
đất nước để thăm ngoạn phong cảnh, mở rộng hiểu biết, di dưỡng tâm hồn, sống cuộc đời tự do, phóng khoáng.
- Nhưng ở đoạn đầu, tất cả những địa danh lừng lẫy mà khách điểm tên và kể rằng đã từng qua thì hoàn toàn là
những điển cố lấy từ văn chương Trung Quốc. Nghĩa là qua đọc sách, và hoàn toàn là tưởng tượng từ sách vở -
những chuyến đi trong trí tưởng tượng. Tất cả chỉ để thể hiện tráng chí hải hồ của bậc đại trượng phu tung
hoành thiên hạ.
2. Từ “Bèn giữa dòng…luống còn lưu”: Cảm xúc vừa vui sướng, tự hào vừa buồn đau, nuối tiếc của
“khách” khi đứng trước dòng sông lịch sử:
- Đến đoạn này, chuyến thăm cảnh Bạch Đằng – nơi chiến trường xưa mới là chuyến đi thực sự với Trương
Hán Siêu. Hành trình chuyến hải hành được vẽ với không gian cụ thể - miền duyên hải đông bắc Đại Việt: từ
Đại Than ngược bến Đông Triều rồi thuyền bơi đến sông Bạch Đằng vào một buổi chiều thu hiu hắt. Cảnh vật
thiên nhiên hiện ra trước mắt khách thật bao la, hùng vĩ, hoành tráng của “sóng kình” (sóng to, dữ như cá kình -
ẩn dụ tượng trưng) lớp lớp; biển trời một sắc xanh xòe đuôi trĩ long lanh rực rỡ. Mặt khác, cảnh vật hai bờ sông
lại vắng vẻ, hoang vu, hiu hắt. Những dấu tích của chiến trường xưa, theo dòng thời gian, ngày càng hoang phế,
điêu tàn: (Bờ lau san sát, bến lách đìu hiu; Sông chìm, giáo gãy, gò đầy xương khô).
- Đó là nỗi buồn vì cảnh vật hiu quạnh, thương cho những anh hùng chiến trận lừng lẫy một thời nay đã đi vào
dĩ vãng và tiếc chỉ còn một vài dấu vết mờ dần theo tháng năm. Đó là cảm hứng hoài cổ thường gặp trong thơ
ca khi viết về đề tài lịch sử. Nhưng nếu căn cứ vào cuộc đời tác giả, vào thời điểm sáng tác bài phú, có lẽ có thể
nghĩ sâu thêm. Phải chăng đó là nỗi buồn tiếc quá khứ hào hùng, một đi không trở lại, trong hiện tại triều đình
nhà Trần đã bắt đầu có dấu hiệu đi xuống, sắp bước sang giai đoạn khủng hoảng mà Trương Hán Siêu – một vị
đại quan – một nhà chính trị - một nghệ sĩ đã linh cảm trong tâm thức, nay gặp dịp, hé mở trong thơ văn?
- Giọng văn thể hiện rất phù hợp: vừa sảng khoái vừa trầm lắng, vừa hào hùng vừa bi thiết.

*Đoạn 2: Hình tượng các bô lão


Bên sông các bô lão, hỏi ý ta sở cầu?
Có kẻ gậy lê chống trước, có người thuyền nhẹ bơi sau,
Vái ta mà thưa rằng:
Đây là nơi chiến địa buổi Trùng Hưng nhị thánh bắt Ô Mã,
Cũng là bãi đất xưa, thuở trước Ngô chúa phá Hoằng Thao.
Đương khi ấy:
Thuyền bè muôn đội, tinh kì phấp phới,
Hùng hổ sáu quân, giáo gươm sáng chói.
Trận đánh được thua chửa phân,
Chiến lũy bắc nam chống đối.
Ánh nhật nguyệt chừ phải mờ,
Bầu trời đất chừ sắp đổi.
Kìa: Tất Liệt thế cường, Lưư Cung chước dối,
Những tưởng gieo roi một lần,
Quét sạch Nam bang bốn cõi!
Thế nhưng: Trời cũng chiều người,
Hung đồ hết lối!
Khác nào khi xưa:
Trận Xích Bích quân Tào Tháo tan tác tro bay
Trận Hợp Phì giặc Bồ Kiên hoàn toàn chết trụi.
Đến nay nước sông tuy chảy hoài,
Mà nhục quân thù khôn rửa nổi!
Tái tạo công lao, nghìn xưa ca ngợi.
Tuy nhiên: Từ có vũ trụ, đã có giang san.
Quả là: Trời đất cho nơi hiểm trở,
Cũng nhờ: nhân tài giữ cuộc điện an.
Hội nào bằng hội Mạnh Tân: như vương sư họ Lã,
Trận nào bằng trận Duy Thủy: như quốc sĩ họ Hàn.
Kìa trận Bạch Đằng mà đại thắng,
Bởi đại vương coi thế giặc nhàn.
Tiếng thơm còn mãi, bia miệng không mòn.
Đến bên sông chừ hổ mặt,
Nhớ người xưa chừ lệ chan.
Rồi vừa đi vừa ca rằng:
Sông Đằng một dải dài ghê,
Luồng to sóng lớn dồn về biển Đông.
Những người bất nghĩa tiêu vong,
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh.
Gợi ý phân tích
1. Từ “Bên sông các bô lão… hoàn toàn chết trụi”:
- Các bô lão địa phương hồ hởi đến gặp vị đại quan: kẻ gậy lê chống trước, người thuyền nhẹ bơi sau, đón
khách bằng cả hai đường bộ, thủy. Vừa gặp đã chuyện trò, thăm hỏi với thái độ nhiệt tình, hiếu khách, tôn kính
khách (vái ta mà thưa rằng…).
- Sau một câu hồi tưởng về việc “Ngô chúa phá Hoằng Thao”, các bô lão đã kể cho “khách” nghe về chiến tích
“Trùng Hưng nhị thánh bắt Ô Mã” (kể theo trình tự diễn biến của sự kiện với thái độ, giọng điệu đầy nhiệt
huyết, tự hào; lời kể ngắn gọn, cô đọng, súc tích):
+ Theo trình tự diễn biến trận đánh, từng cảnh, từng việc hiện ra qua lời thuật kể vắn tắt và rất sinh động như là
đang, vừa diễn ra trong hiện tại (đang khi ấy…). Khí thế quân sĩ và vũ khí, trang bị, thuyền bè, tinh kì cờ quạt,
… tất cả đều mạnh mẽ, oai hùng với khí thế Sát thát (giết giặc Thát Đát – Mông Cổ), chủ động dụ giặc, chủ
động chờ giặc, chủ động tiến công giặc. Tình thế trận đánh quyết liệt, gay go, căng thẳng. Biện pháp khoa
trương phóng đại được sử dụng rất đúng lúc: khí thế, sức mạnh của quân ta làm mờ cả ánh mặt trăng, mặt trời,
làm thay đổi cả trời đất.
+ Tiếp theo là so sánh, liên tưởng địch – ta, xưa – nay và làm nổi bật đại bại của giặc như Tào Tháo đại bại ở
trận Xích Bích, Bồ Kiên đại bại ở trận Hợp Phì (sử dụng điển tích).
+ Giọng văn hào hứng, sôi nổi, khinh bỉ kẻ thù cậy mạnh, hung đồ, lừa dối: nào Lưu Cung, Tất Liệt,… tham
vọng không cùng, kiêu căng ngạo mạn… đã làm trái lòng trời, lòng người…càng chuốc lấy thảm bại mà thôi:
tan tác tro bay, hoàn toàn chết trụi,… Đại tướng Ô Mã Nhi bị quân ta bắt sống.
Đó là sự thật, là qui luật, là chân lí tất yếu, bất biến cũng như dòng sông Bạch Đằng mãi mãi đổ ra biển rộng.
2. Từ “Tuy nhiên… chừ lệ chan”: Sau lời kể về trận chiến là suy ngẫm, bình luận của các bô lão về chiến
thắng trên sông Bạch Đằng:
- Nguyên nhân ta thắng địch thua:
+ Ta thắng vì ta được lòng trời, lòng người, ta có chính nghĩa, nhân nghĩa; giặc cậy mạnh, hung đồ, giả dối, phi
nghĩa, làm trái lòng trời nên đại bại là đương nhiên. Đó là thiên thời.
+ Tiếp theo là địa lợi (địa linh): đất hiểm, sóng nước Bạch Đằng, con nước thủy triều cũng góp phần thắng
giặc.
+ Sau nữa là nhờ có nhân tài (nhân kiệt) - có người tài giỏi giữ nước. Đặc biệt là có Hưng Đạo Đại vương Trần
Quốc Tuấn thần cơ diệu toán, mưu cao mẹo giỏi, biết xem thế giặc kim niên tặc nhàn – năm nay đánh giặc dễ
để bày mưu đặt kế giúp hai vua thắng giặc.
 Khẳng định vị trí, vai trò của con người. Đó là cảm hứng mang giá trị nhân văn có tầm triết lí sâu sắc.
3. Từ “Rồi vừa đi vừa ca rằng:…anh hùng lưu danh”: Lời ca của các bô lão mang ý nghĩa tổng kết, có giá trị
như một tuyên ngôn về chân lí – qui luật của thiên nhiên và lịch sử:
+ Dòng sông Bạch Đằng mênh mông rộng lớn chảy về biển đông.
+ Kẻ bất nghĩa nhất định bị tiêu vong.
+ Người anh hùng nghìn năm lưu danh (có nhân nghĩa thì lưu danh thiên cổ)
 Như thế là các bô lão khẳng định và ca ngợi bài học của nhân dân, bài học chân chính của lịch sử; khẳng
định và ngợi ca sự bất tử của những anh hùng làm nên chiến thắng. Con người là quyết định của sự phát triển
lịch sử bên cạnh các yếu tố quan trọng thiên thời, địa lợi, thời cơ,…

*Đoạn 3: Lời ca và cũng là lời bình luận của “khách”


Khách cũng nối tiếp mà ca rằng:
Anh minh hai vị thánh quân,
Sông đây rửa sạch mấy lần giáp binh.
Giặc tan muôn thuở thăng bình,
Phải đâu đất hiểm cốt mình đức cao.
Gợi ý phân tích
- Ông khẳng định và ca ngợi sự anh minh của “hai vị thánh quân” (hai vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân
Tông) quả xứng đáng là các nhà lãnh đạo tối cao của nhà nước phong kiến hết lòng hết sức vì non sông xã tắc.
Hai vị cùng với Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản,… là
những anh hung thời Trùng Hưng oanh liệt. Là một vị quan tướng đương triều, lời ca ngợi minh quân, thánh
chúa là tất nhiên và dễ hiểu.
- Đồng thời ca ngợi chiến tích của quân và dân ta trên sông Bạch Đằng: Đại thắng quân giặc đem lại hòa bình
bền vững nghìn năm cho đất nước.
- Hai câu cuối vừa biện luận vừa khẳng định chân lí: Trong mối quan hệ giữa địa linh và nhân kiệt, nhân kiệt là
yếu tố quyết định. Ta thắng giặc không chỉ ở “đất hiểm” mà quan trọng hơn là bởi nhân tài có “đức cao”.
*Nghệ thuật cả bài
- Sử dụng thể phú tự do, không bị gò bó vào niêm luật, kết hợp giữa tự sự và trữ tình, có khả năng bộc lộ cảm
xúc phong phú, đa dạng,…
- Kết cấu chặt chẽ, thủ pháp liên ngâm, lối diễn đạt khoa trương,…
IV. Ýnghĩa văn bản:
Bài phú thể hiện niềm tự hào, niềm tin vào con người và vận mệnh quốc gia, dân tộc.

***********************

ĐẠI CÁO BÌNH NGÔ


- Nguyễn Trãi -
A/ ÔN TẬP KIẾN THỨC CƠ BẢN
I. Giới thiệu tác giả, tác phẩm:
Nguyễn Trãi là bậc đại anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới, đồng thời cũng là người phải chịu nỗi
oan khiên thảm khốc nhất trong lịch sử Việt Nam. Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Trãi khá đồ sộ với nhiều tác
phẩm có giá trị ở nhiều thể loại. Ở lĩnh vực văn chính luận, Nguyễn Trãi được xem là nhà văn chính luận kiệt
xuất, văn chính luận của ông đạt tới trình độ nghệ thuật mẫu mực. Một trong những tác phẩm đặc sắc nhất phải
kể đến là "Bình Ngô đại cáo", tác phẩm có giá trị như Bản tuyên ngôn độc lập, là "áng thiên cổ hùng văn" của
dân tộc.
II. Giới thiệu khái quát:
1. Hoàn cảnh ra đời:
Đầu năm 1428, sau khi đại thắng quân Minh, Lê Lợi lên ngôi vua, Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Lợi viết "Đại
cáo bình Ngô" để tuyên bố kết thúc chiến tranh, lập lại hoà bình cho dân tộc.
2. Thể loại:
Cáo là thể văn nghị luận có nguồn gốc từ Trung Quốc cổ xưa, dùng để công bố việc lớn với muôn dân.
3. Bố cục bài cáo:
Gồm 4 phần, được đánh theo số thứ tự trong sgk
+ Phần một: Luận đề chính nghĩa.
+ Phần hai: Tố cáo tội ác của kẻ thù xâm lược.
+ Phần ba: Hồi tưởng về cuộc kháng chiến.
+ Phần bốn: Lời tuyên ngôn độc lập.
4. Nội dung:
"Bình Ngô đại cáo" là bản anh hùng ca tổng kết cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, gian khổ mà
hào hùng của quân dân Đại Việt; là bản tuyên ngôn độc lập sáng chói tư tưởng nhân nghĩa yêu nước và khát
vọng hoà bình.
III. Nội dung, nghệ thuật:
1. Phần một: luận đề chính nghĩa.
" Từng nghe:
............................
Chứng cớ còn ghi"
- Hai câu mở đầu nêu cao tư tưởng nhân nghĩa. Tư tưởng nhân nghĩa vốn là tư tưởng của Nho giáo, nhân nghĩa
là yêu thương con người, trọng lẽ phải nhưng trong hoàn cảnh đất nước có giặc ngoại xâm, Nguyễn Trãi đã vận
dụng một cách phù hợp. Với Nguyễn Trãi, nhân nghĩa là "yên dân", trừng phạt kẻ có tội làm cho nhân dân được
sống yên lành, hạnh phúc trong một nước hoà bình độc lập. Đó là vấn đề cốt yếu làm cơ sở chính nghĩa cho
cuộc kháng chiến, đồng thời cũng là tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt bài cáo.
- Những câu còn lại khẳng định nền độc lập dân tộc, quyền tự chủ và truyền thống lâu đời của nước Đại Việt:
Một dân tộc có tên tuổi: Đại Việt; có nền văn hiến lâu đời; có cương vực lãnh thổ "núi sông bờ cõi đã chia"; có
phong tục tập quán lâu đời "phong tục Bắc Nam cũng khác"; và có sự ý thức về truyền thống đấu tranh dân tộc,
sức mạnh dân tộc "Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập. Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi
bên hùng cứ một phương..."
Tóm lại: Bằng những câu văn ngắn đan xen câu dài và được sắp xếp theo hình thức đối ngẫu đã tạo được âm
hưởng mạnh mẽ, hào sảng cho đoạn cáo. Việt Nam không chỉ là một nước độc lập mà còn có các triều đại sánh
ngang với những triều đại hùng mạnh nhất ở Trung Quốc.
Bằng cách vận dụng sáng tạo tư tưởng Nho giáo và xuất phát từ thực tiễn lịch sử dân tộc, tác giả đã nêu cao
luận đề chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống quân Minh và biểu lộ niềm tự hào dân tộc.
2. Phần hai: Tố cáo tội ác của giặc Minh.
"Vừa rồi:
..................................
Ai bảo thần dân chịu được."
- Tác giả đã vạch trần luận điệu xảo trá và âm mưu thâm độc của kẻ thù:
"Nhân họ Hồ chính sự phiền hà,
Để trong nước lòng dân oán hận.
Quân cuồng Minh đã thừa cơ gây hoạ,
Bọn gian tà bàn nước cầu vinh."
Việc nhà Trần bị cướp ngôi chỉ là một nguyên cớ để giặc Minh gây hoạ. Chúng lấy cớ "phù Trần, diệt Hồ"
để cướp nước ta, chúng đã gây ra vô vàn những tội ác trên đất nước ta.
- Đứng trên lập trường nhân bản, tác giả đã tố cáo chủ trương cai trị vô nhân đạo của giặc:
Chúng huỷ hoại con người một cách man rợ :" nướng dân đen...vùi con đỏ"; chúng bóc lột, phá huỷ nặng nề
cuộc sống của nhân dân bằng "thuế khoá","phu phen" làm "tan tác cả nghề canh cửi"; chúng tận diệt không
thương tiếc sự sống của muôn loài "tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ", lừa dối nhân dân "đủ muôn nghìn kế''.
Với những hành động đó, kẻ thù hiện lên là những con quỷ khát máu người:
" Thằng há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán"
Đó là những hành động bạo ngược làm cho người dân vô tội rơi vào con đường cùng. Lời văn nói lên sự thật
nhưng ẩn chứa trong đó là nỗi đau nhức nhối đến tận tim gan, từng chữ như đúc lại nỗi đau xót, lòng căm thù
giặc của sâu sắc của tác giả.
- Tội ác của giặc được tác giả khái quát bằng hình ảnh rất cô đọng:
" Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi."
Trúc Nam Sơn nhiều nhưng cũng không đủ để ghi hết tội ác của giặc, nước Đông Hải mênh mông nhưng
cũng không đủ để rửa sạch mùi tanh hôi, dơ bẩn của tội ác. Như vậy với hai câu văn giàu hình tượng, lời văn
đanh thép, người đọc đã cảm nhận được một cách sâu sắc tội ác trời không dung, đất không tha của kẻ thù.
Tóm lại: Bằng một đoạn văn biền ngẫu,lời văn giàu hình ảnh, giọng văn đanh thép, thống thiết, đoạn cáo
được xem như một bản cáo trạng đanh thép tố cáo tội ác man rợ của giặc Minh.
3. Phần ba: Hồi tưởng về cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược.
a. Hình ảnh người lãnh tụ nghĩa quân:
- Lãnh tụ nghĩa quân Lam Sơn hiện lên với những đặc điểm của người anh hùng mang đầy đủ phẩm chất và sức
mạnh của cộng đồng trong cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh:
+ Là người khảng khái, tự tin và gần gũi (thể hiện qua cách xưng danh "ta")
+ Lòng căm thù giặc sâu sắc:
"Ngẫm thù lớn há đội trời chung,
Căm giặc nước thề không cùng sống."
+ Trăn trở vì vận mệnh đất nước: " nếm mật, nằm gai, suy xét, đắn đo, trằn trọc, băn khoăn..."
+ Nhiệt huyết cứu nước trở thành hoài bão, có thái độ cầu hiền:
" Tấm lòng cứu nước, vẫn đăm đăm muốn tiến về Đông,
Cỗ xe cầu hiền, thường chăm chăm còn dành phía tả."
+ Có khả năng thu phục lòng người, tạo nên sức mạnh đoàn kết quân dân một lòng:
“ “Tướng sĩ một lòng phụ tử,
Hoà nước sông chén rượu ngọt ngào."
+ Có ý chí quyết tâm kháng chiến, khắc phục khó khăn.
- Phẩm chất của người lãnh tụ nghĩa quân càng được bộc lộ rõ trong hoàn cảnh đầy khó khăn của buồi đầu dấy
binh:
+ Địa bàn hẻo lánh: núi Lam Sơn - chốn hoang dã.
+ Thế ta và giặc không cân sức: " Giữa lúc quân thù đang mạnh"
+ Người tài giỏi hiếm: " Tuấn kiệt như sao buổi sáng,
Nhân tài như lá mùa thu..."
+ Thiếu thốn đủ bề: lương thực hết mấy tuần, vũ khí thiếu, quân sĩ ít...
- Nghệ thuật: Bằng những câu văn dài ngắn và sự đối ngẫu giữa các câu tạo nên sự tương quan không cân sức
giữa ta và địch, qua đó làm nổi bật tài năng, phẩm chất của vị lãnh tụ nghĩa quân - một người có tài mưu lược,
có ý chí, phẩm chất cao đẹp.
b. Quá trình kháng chiến giành thắng lợi:
- Bước sang giau đoạn hai của cuộc kháng chiến là những bước chuyển biến ngày càng thuận lợi của cuộc khởi
nghĩa. Tác giả đã dựng lại một chuỗi những thắng lợi ngày càng to lớn hơn, giòn giã hơn. Thắng lợi bước đầu
là dồn đuổi quân thù trên các chiến trường, thu được Đông Đô, chiếm lại Tây Kinh, sau đó là đánh chặn viện
binh của quân thù với những thắng lợi dồn dập liên tiếp:
" Ngày mười tám, trận Chi Lăng, Liễu Thăng thất thế,
Ngày hai mươi, trận Mã An, Liễu Thăng cụt đầu,
Ngày hăm lăm, bá tước Lương Minh bại trận tử vong,
Ngày hăm tám, thượng thư Lí Khánh cùng kế tự vẫn."
=> Những chiến thắng của quân ta càng giòn giã hơn nhờ việc sử dụng những hình ảnh phóng đại, hào hùng,
giọng sảng khoái có uy thế, đáng tự hào. Đối lập với ta là hình ảnh kẻ thù run sợ, khiếp vía, thất bại thảm hại.
Sự chiến thắng của quân dân ta một lần nữa khẳng định tư tưởng đúng đắn của cuộc kháng chiến, tôn vinh tư
thế chính nghĩa của ta
- Chủ trương khoan hồng của ta theo phương châm hiếu sinh của những người có đạo nhân đã khẳng định lòng
khoan dung, độ lượng của ta, khẳng định cuộc kháng chiến chính nghĩa, vì nhân nghĩa.
Với những chiến thắng vẻ vang, tác giả khẳng định lại một lần nữa tư tưởng của cuộc kháng chiến nhằm tôn
vinh tư thế chính nghĩa của ta: chính nghĩa thắng gian tà, mở lòng khoan dung, độ lượng với quân giặc chứng
tỏ tinh thần nhân đạo sáng ngời của ta, thể hiện truyền thống đạo lí của dân tộc.
Tóm lại, bằng cách sử dụng từ ngữ linh hoạt, phép tu từ liệt kê, phóng đại, tương phản, so sánh làm câu văn
trần thuật trở nên giàu hình ảnh, nhạc điệu; hình ảnh và khí thế hào hùng rung trời chuyển đất, thắng lợi vẻ
vang của quân ta hiện lên trong sự đối lập với kẻ thù hèn nhát, ham sống sợ chết. Với tài năng và cảm hứng dồi
dào, Nguyễn Trãi đã tái hiện một cách sinh động quá trình kháng chiến của ta từ những ngày đầu gian khổ, vất
vả đến khi kết thúc thắng lợi.
Có thể nói đoạn ba là sự chuẩn bị, làm tiền đề cho đoạn thứ tư. Cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc "chưa
từng thấy xưa nay", nó thực sự là một mốc son, mở ra một trang sử mới huy hoàng của đất nước.
4. Phần bốn: Lời tuyên ngôn độc lập
Đoạn kết không dài nhưng có giá trị như một ca khúc khải hoàn tuyên bố hoà bình, khẳng định ý nghĩa của
cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Lời tuyên bố hào hùng của vị lãnh tụ: Bắt đầu một triều đại mới, một nền thái bình vững chắc đã được thiết
lập, từ nay trên đất nước sạch bóng quân thù, vận hội đất nước đã chuyển sang một thời kì thịnh trị, thông suốt.
Từ nay, dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi mở ra một triều đại mới với tương lai vô cùng tốt đẹp, huy hoàng, rạng rỡ.
Có được những thắng lợi vẻ vang như vậy là nhờ phần lớn ở sức mạnh của truyền thống dân tộc, công lao
của tổ tiên và quy luật: thịnh - suy - bỉ - thái. Tác giả nhấn mạnh " Âu cũng nhờ trời đất tổ tông linh thiêng
ngầm giúp đỡ mới được như vậy". Nói như vậy, thực ra tác giả vẫn quy về phẩm chất đạo đức nhân nghĩa như
cái gốc để chiến thắng.
Cuối cùng là lời tuyên cáo:
" Xa gần bá cáo,
Ai nấy đều hay."
Kết thúc bài cáo như một hồi trống ngân vang muôn thuở, tuyên bố với tất cả mọi người về nền độc lập được
lặp lại, một triều đại mới thịnh trị và phát triển.
Như vậy, nhờ sử dụng hình ảnh thơ gắn với cảm hứng vũ trụ bao la vĩnh hằng, lời văn trang nghiêm, trịnh
trọng đã khiến cho lời tuyên ngôn độc lập mang tầm vóc lớn lao, thiêng liêng. Có thể nói đây là Bản tuyên
ngôn độc lập khẳng định tư tưởng nhân nghĩa, yêu thương nhân dân, sáng chói khát vọng hoà bình.
5. Nghệ thuật:
Bút pháp anh hùng ca đậm chất sử thi với các thủ pháp nghệ thuật so sánh, tương phản, liệt kê; giọng văn
biến hoá linh hoạt, hình ảnh sinh động, hoành tráng.
IV. Ý nghĩa văn bản:
"Bình Ngô đại cáo" là bản anh hùng ca tổng kết cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, gian khổ mà
hào hùng của quân dân Đại Việt; là bản tuyên ngôn độc lập sáng chói tư tưởng nhân nghĩa yêu nước và khát
vọng hoà bình.

You might also like