Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 7

Yêu nước là cảm hứng không bao giờ ngưng trong dòng chảy của văn

chương dân tộc suốt bao thế kỷ qua. Có cái âm vang từ thuở Nam Quốc Sơn Hà
của Lý Thường Kiệt cất lên bên bến sông Như Nguyệt. Có cái khí thế của đội quân
sát Thát nhà Trần trong khúc hùng ca Tụng giá hoàn kinh sư của Trần Quang Khải.
Có cái ngút ngàn của binh tướng Lam Sơn trong Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn
Trãi. Có cái rung chuyển của trận đánh thần tốc gắn với người anh hùng áo vải
Quang Trung trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí của Ngô Gia Văn Phái. Dẫu dừng ở
điểm nào cũng vẫn thấy nguồn cảm hứng ấy cuồn cuộn dân trào. Và Bạch Đằng
Giang Phú của Trương Hán Siêu, một điểm dừng góp vào cho dòng chảy của văn
chương yêu nước một khúc hùng ca bất diệt. Bài Phú Sông Bạch Đằng càng khẳng
định vị trí đỉnh cao nghệ thuật của mình hơn khi âm hưởng yêu nước hào hùng trở
thành nguồn cảm hứng chủ đạo.
Trương Hán Siêu tên chữ là Thăng Phủ là một trí thức kiến văn thâm hậu,
tính tình cương trực, được vua và triều đình nể trọng. Thời trẻ, từng là môn khách
của Trần Hưng Đạo, Trương Hán Siêu sinh năm nào chưa rõ. Có tài liệu ước đoán
ông sinh năm 1275. Quê ở huyện Yên Ninh, lộ Trường Yên, nay là thành phố Ninh
Bình. Biết rằng ông từng phục vụ cả 5 đời vua Trần và chính thức làm quan ở 4 đời
vua, từ Trần Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông đến Dụ Tông, tới chức Tham tri
chính sự vào năm 1351 thời Trần Dụ Tông. Ông từng bài xích (phản đối) Phật,
nhưng vua không trách, còn bổ ông làm quản tự cho một ngôi chùa lớn. Về cuối
đời, ông lại là người sùng đạo Phật và những sáng tác của ông cũng chịu ảnh
hưởng tư tưởng này. Khi mất vào năm 1354, Trương Hán Siêu được truy tặng Thái
Bảo, năm sau lại truy tặng Thái Phó. Năm 1372, ông lại được phối thờ ở Văn Miếu
Thăng Long. Đó là một vinh dự ít người có được. Sáng tác của Trương Hán Siêu
hiện còn 7 bài thơ: Cúc hoa bách vịnh (Vịnh hoa cúc còn 4 bài), Hoá Châu tác,
Dục Thuý sơn, Quá Tống đô. Về văn xuôi ông có 2 bài: Khai Nghiêm tự bi ký và
Dục Thuý sơn linh tế tháp ký hai bài đều được viết bằng chữ Hán. Thơ văn của
ông để lại cho đời không nhiều, trong đó, bài “Bạch Đằng Giang phú” là một trong
những bài phú chữ Hán nổi tiếng bậc nhất từ thời Trần còn lại đến nay.
Bạch Đằng vốn là một nhánh sông đổ ra biển Đông nằm giữa Quảng Ninh
và Hải Phòng, nơi đây đã ghi dấu biết bao chiến công hiển hách trong lịch sử dựng
nước và giữ nước của dân tộc. Trương Hán Siêu nhân dịp dạo chơi sông Bạch
Đằng đã làm bài phú này. Tuy không rõ thời điểm ra đời nhưng dựa vào nội dung,
có thể tác phẩm được viết vào khoảng 50 năm sau cuộc kháng chiến chống quân
Nguyên - Mông thắng lợi. Được làm theo đúng lối phú cổ thể, lời văn của tác
phẩm như dòng lưu thuỷ nhịp nhàng, uyển chuyển đối đáp giữa nhân vật “khách”
và nhân vật các bô lão. Bạch Đằng giang phú thể hiện lòng yêu nước và niềm tự
hào về truyền thống anh hùng bất khuất và truyền thống đạo lý nhân nghĩa sáng
ngời của dân tộc Việt Nam. Do đó, Bạch Đằng giang phú cũng thể hiện tư tưởng
nhân văn cao đẹp của việc đề cao vai trò, vị trí của con người trước lịch sử. Đây là
một áng văn chứa chan niềm tự hào dân tộc, có ý nghĩa tổng kết lại chiến thắng
Bạch Đằng thời bấy giờ.
Một bài phú chuẩn thường gồm bốn phần gồm đoạn mở, giải thích, bình
luận và đoạn kết. Đoạn 1 “Khách có kẻ…luống còn lưu”: Giới thiệu nhân vật
khách và cảm xúc lịch sử của “khách” trước sông Bạch Đằng. Đoạn 2 “Bên sông
các bô lão... nghìn xưa ca ngợi”: Lời của các bô lão kể với khách về những chiến
công lịch sử trên sông Bạch Đằng. Đoạn 3 “Tuy nhiên… chừ lệ chan”: Suy ngẫm
bình luận của các bộ lão về những chiến công xưa. Đoạn 4 “Rồi vừa đi… mình đức
cao”: Lời ca khẳng định vai trò và đức độ của con người
Mở đầu, “Bạch Đằng giang phú”, Trương Hán Siêu viết:
Khách có kẻ:
…….
Học Tử Trường chừ thú tiêu dao.
Trong khung cảnh gió trăng thanh bình, khách tận hưởng khoảnh khắc du
ngoạn đầy say sưa, hồ hởi, ngắm cảnh thiên nhiên qua các động từ mạnh giương,
lướt, chơi, gõ; tính từ láy chơi vơi, mải miết cùng giọng văn nhẹ nhàng phơi phới
càng thấy rõ được niềm vui, tinh thần tràn đầy hứng khởi hòa hợp với gió với
trăng, du ngoạn khắp nơi của con người phóng khoáng, thích đi đây đi đó cho thỏa
chí nam nhi, để thỏa mãn cái tình yêu thiên nhiên cháy bỏng, khát khao biết thêm
những kiến thức mới…Đắm chìm trong giấc mộng được thăm thú muôn nơi,
Trương Hán Siêu thậm chí còn bước nhanh qua cả thời gian và không gian khi chỉ
trong một “sớm”, một “chiều” mà đi qua sông Nguyên, sông Tương, Cửu Giang,
Vũ Huyệt,... những địa danh nổi tiếng của Trung Quốc lại mang tính ước lệ, cả
đầm Vân Mộng bát ngát thì khách cũng cho rằng “chứa vài trăm trong dạ cũng
nhiều”, vẫn chưa đủ để ngưng lại “tráng chí bốn phương vẫn còn tha thiết”. Bằng
cách nói cường điệu cho thấy vốn kiến thức giàu có khi nhắc đến các địa danh nổi
tiếng lấy từ sách vở của Trung Quốc. đi qua bằng trí tưởng tượng phong phú càng
tôn lên tâm hồn nhân vật khách, chủ động tìm đến với thiên nhiên, với không gian
rộng lớn để thưởng thức cảnh sắc, bồi bổ kiến thức về lịch sử và địa lý khắp các
phương, cũng giống như Tử Trường (Tư Mã Thiên) - sử gia vĩ đại của Trung Quốc
với thú tiêu dao du ngoạn thiên nhiên, trau dồi kiến thức để viết nên bộ sử kí bất hủ
một thời. Nhân vật khách muốn học Tử Trường thú tiêu dao với tâm hồn thảnh
thơi, muốn đặt chân tới mọi miền để khám phá vẻ đẹp của những danh lam thắng
cảnh.
Thế nhưng, không vì mải miết chơi xa mà khách quên yêu những thắng cảnh
của đất nước mình. Tác giả đến với thiên nhiên với mong muốn được hiểu biết
nhiều hơn về phong cảnh đất nước mình, với niềm tự hào về những chiến công
hiển hách của cha ông. Và đó là lí do khách dừng chân ở sông Bạch Đằng:
Qua cửa Đại Than, ngược bến Đông Triều,
…..
Tiếc thay dấu yết luống còn lưu!
Cửa Đại Than, bến Đông Triều đều là những địa danh nổi tiếng của nước
nhà và đây cũng là đường dẫn tới dòng sông Bạch Đằng quen thuộc nơi ghi dấu
biết bao chiến công oanh liệt trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm của
dân tộc. Cảnh sắc dòng sông được cây bút sống khắc họa chân thực, sống động,
hùng vĩ, tráng lệ nhưng cũng không kém phần thơ mộng. Trương Hán Siêu đã khắc
họa tinh tế qua từ láy giàu sức gợi cảm “thướt tha” kết hợp thủ pháp so sánh tựa
“đuôi trĩ một màu”. Song, dẫu sao nơi đây cũng từng là nơi diễn ra chiến trường
khốc liệt, biết đâu nó vẫn còn vất vưởng linh hồn của những chiến binh dũng cảm
sẵn sàng ngã xuống vì bốn chữ độc lập - tự do hay thậm chí cả quân thù - những kẻ
vô tình bị cuốn vào chiến tranh vô nghĩa để rồi bỏ mạng tại nơi đất khách quê
người,... Từ láy san sát, đìu hiu đã cực tả khung cảnh hoang vu, lạnh lẽo, thời gian
đã làm mờ đi những chiến tích lịch sử vang dội, nơi đây tưởng như bị người đời
lãng quên đến nỗi mà bờ lau, bến lách mọc đầy, chật kín, chiếm hết bờ sông không
còn chỗ trống để đứng, thậm chí cây lau, cây lách cũng cảm thấy cô đơn, trống
vắng. Chưa hết, dù chiến tranh đã qua nhưng dấu vết vẫn còn đó, gươm chìm giáo
gãy, gò đầy xương khô, khơi gợi lại nỗi đau, sự mất mát. Tác giả đã đứng lặng giờ
lâu khi được đặt chân đến nhân chứng lịch sử vĩ đại, tưởng niệm cho những người
đã khuất - một động thái trữ tình đầy nhân bản. Đó là tâm hồn lớn lao của con
người nhân đạo có thế giới nội tâm sâu lắng, trong ông là lẫn lộn niềm vui, tự hào,
lẫn nỗi buồn, xúc động, nhói đau thương, tiếc nuối khi gợi lại quá khứ một thời hào
hùng.
Sau khi khách đứng trước cảnh sắc sông Bạch Đằng cảm khái về lịch sử ở
đoạn mở, đến phần giải thích các bô lão tiếp lời:
Bên sông các bô lão, hỏi ý ta sở nguyện cầu?
……
Cũng là bãi đất xưa, thuở trước Ngô chúa phá Hoằng Thao.
Nhân vật các bô lão – những người trong cuộc, đã chứng kiến, đã tham gia,
giờ đây được tái hiện để gieo vào lòng khách niềm tự hào, kiêu hành của những
chiến thắng lẫy lừng trên dòng sông lịch sử năm xưa. Các bô lão đến với khách
bằng thái độ nhiệt tình, hiếu khách, tôn kính khách, nhắc về những trận Trùng
Hưng nhị thánh bắt Ô Mã Nhi, trận Ngô chúa (Ngô Quyền) phá Hoằng Tháo. Đó là
những trang sử hào hùng của dân tộc. Giữa lúc Nam Bắc phân tranh, nước ta chưa
có thông thuộc, Dương Đình Nghệ cầm quyền cai trị trong châu, bị kẻ con nuôi là
Kiều Công Tiễn giết để lên thay chân. Tướng của Đình Nghệ là Ngô Quyền dấy
binh đánh Kiều Công Tiễn. Kiều Công Tiễn cầu cứu với Lưu Cung, Lưu Cung bèn
sai con là Hoằng Tháo đem quân sang cứu. Hoằng Tháo đem chiến thuyền từ sông
Bạch Đằng kéo vào. Lúc ấy Ngô Quyền đã giết được Kiều Công Tiễn, và đã ngầm
cắm những cọc gỗ nhọn ở hai bên cửa bể, rồi dụ Hoằng Tháo vào bên trong, đến
khi nước thuỷ triều rút lui, ông mới tung quân ra đánh, giết được Hoằng Tháo. Lại
nói đến đời vua Nhân Tông nhà Trần, niên hiệu Trùng Hưng năm thứ tư (1288),
vua Thế Tổ nhà Nguyên sai Ô Mã Nhi sang xâm lược, kéo binh vào sông Bạch
Đằng. Hưng Đạo Vương là Trần Quốc Tuấn cũng trồng cọc nhọn ở lòng sông từ
trước, chờ lúc thuỷ triều lên thì ra khiêu chiến rồi giả cách thua chạy, đến lúc thuỷ
triều xuống thuyền địch mắc cọc, phá vỡ được quân địch, bắt sống được Ô Mã Nhi.
Trận này vua Nhân Tông và thái thượng hoàng là Thánh Tông cùng ra cầm quân
nên gọi là Trùng Hưng nhị thánh. Những trận đánh vang dội ấy đều diễn ra trên
sông Bạch Đằng và được các bô lão kể lại cụ thể theo trình tự diễn biến tình hình.
Ngay từ đầu, hai bên ta và địch đã tập trung binh lực hùng hậu cho một trận
đánh quyết định:
Đương khi ấy:
Thuyền tàu muôn đội, tinh kì phấp phới.
Hùng hổ sáu quân, giáo gươm sáng chói.
Sáu quân là cách tổ chức quân đội xưa của Trung Quốc, ở đây ý nói quân
đội đông đảo, hùng mạnh, hăm hở, thiện chiến. Ví như quân đội sát thát thời trần
dưới trướng Phạm Ngũ Lão: Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu (Thuật hoài) quả thật
đầy nhuệ khí.
Tiếp đến, trận đánh diễn ra gay go, quyết liệt:
Trận đánh được thua chửa phân,

Bầu trời đất chừ sắp đổi.
Ta với lòng yêu nước, với sức mạnh chính nghĩa, địch thế cường với bao
mưu ma chước quỷ. Lời kể không dài dòng mà cách tác giả gieo những nhịp văn
ngắn bốn và sáu, rất súc tích, cô đọng, khái quát nhưng gợi lại được diễn biến,
không khí của trận đánh hết sức sinh động. Lời kể sử dụng xen cả những câu dài
linh hoạt, phù hợp với tâm trạng và diễn biến trận đánh. Những câu dài, dõng dạc,
gợi không khí trang nghiêm. Những câu ngắn gọn, sắc bén, dụng lên khung cảnh
chiến trận căng thẳng, gấp gáp. Phép đối kết hợp với thủ pháp phóng đại thường
thấy trong văn học trung đại: nhật nguyệt chừ phải mờ, trời đất chừ sắp đổi báo
hiệu một cuộc thuỷ chiến kinh thiên động địa, long trời lở đất. Thái độ, giọng điệu
của các bộ lão trong khi kể về chiến công Bạch Đằng đầy nhiệt huyết, tự hào.
Trong dòng hồi tưởng, các bô lão nhận định về thế trận cả ta và địch:
Kìa:
……
Tái tạo công lao, nghìn xưa ca ngợi
Mượn ý gieo roi một lần, các bô lão kể về sự háo thắng, của quân Nguyên, ỷ
thế quân đông tướng mạnh mà đòi Quét sạch Nam bang bốn cõi. Nhưng rồi cuối
cùng người chính nghĩa chiến thắng, giặc hung đồ hết lối, chuốc nhục muôn đời.
Cuộc chiến của ta là chính nghĩa nên có được sự ưng thuận của ý trời, dẹp tan bọn
hung đồ. Những trận đánh trên Bạch Đằng giang được ví như trận Xích Bích, trận
Hợp Phỉ khi xưa, dù đã qua đến ngàn đời nhưng kẻ bại trận vẫn phải chịu nỗi nhục
nhã.
Sau lời kể về trận chiến là lời suy ngẫm, bình luận của các bô lão về chiến
thắng sông Bạch Đằng. Lời suy ngẫm, bình luận đã chỉ ra nguyên nhân ta thắng
địch thua. Ta thắng giặc vì đất nước ta tồn tại từ ngàn xưa. Trời lại cho ta đất hiểm.
Nhưng điều quyết định là ta có nhân tài giữ cuộc điện an:
Tuy nhiên: Từ có vũ trụ, đã có giang san.
…..
Trận nào bằng trận Duy Thủy: như quốc sĩ họ Hàn.
Theo binh pháp cổ, muốn thắng lợi trong chiến tranh cần phải có ba nhân tố
cơ bản: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Ở đây cũng trên những nguyên tắc chung đó
nhưng các bô lão chỉ rút lại có hai nhân tố: sự trợ giúp của trời và tài năng của
những người chèo lái cuộc chiến. Sự trợ giúp của trời được thể hiện ở hai điểm
quan trọng: Trời cũng chiều người và Trời cho nơi đất hiểm. Như vậy trận đánh
trên sông Bạch Đằng, nói rộng ra là cả cuộc kháng chiến chóng quân Nguyên đã
được sự trợ giúp của trời, cũng có nghĩa là nó đă bao gồm được cả ba nhân tố thiên
thời, địa lợi, nhân hòa. Tuy nhiên, ở đây các bô lão còn nhấn mạnh thêm vai trò
của con người, những người có tài, những nhân vật xuất chúng, đủ sức đảm đương
gánh nặng mà đất nước giao phó. Đó là các bậc sánh với Vương sư họ Lã trong hội
Mạnh Tân, với Quốc sĩ họ Hàn trong trận Duy Thủy và đặc biệt là Đại Vương
Trần Quốc Tuấn, một người có tài thao lược, nhất là có tầm nhìn chiến lược đáng
được muôn đời ngợi ca:
Kìa trận Bạch Đằng mà đại thắng,
Bởi đại vương coi thế giặc nhàn.
Tiếng thơm còn mãi, bia miệng không mòn.
Tuy nhiên, sau khi làm sống lại quá khứ say sưa và bình luận về quá khứ
những người ngày nay cũng đều phải trở về với thời đại và cương vị của mình.
Cũng như khách kết thúc những lời kể, các bô lão bộc lộ tâm trạng, tình cảm:
Đến bên sông chừ hổ mặt.
Nhớ người xưa chừ lệ chan.
Câu văn biền ngẫu về hình thức, nhưng tình ý chỉ là một. Một người từng
trải mấy đời vua Trần, từ thời hưng thịnh đến suy vong, nhìn cảnh mà trông về quá
khứ xa xôi đẹp đẽ, lại chợt nghĩ đến trách nhiệm của mình, giờ đây, cảm thấy hổ
thẹn, hổ mặt với tiền nhân, với những anh hùng chiến sĩ đã hy sinh anh dũng ở đây.
Đó là một sự hổ thẹn của kẻ còn có nhân cách, còn có thiên lương, liêm sỉ, chân
thành mà xúc động. Bởi thế, nên người hoài cổ chừ lệ chan, cũng là một điều phải
lẽ…
Rồi vừa đi vừa ca rằng:
…..
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh.
Có thể xem đây là một tuyên ngôn về chân lí: những người bất nghĩa như
Lưu Cung thì phải tiêu vong, những người anh hùng như Ngô Quyền, Trần Hưng
Đạo thì lưu danh mãi mãi. Đây là một chân lí bất biến vĩnh hằng giống như quy
luật tự nhiên là sông Bạch Đằng mãi mãi đêm ngày cuồn cuộn tuôn về bể Đông
vậy.
Cuối cùng, sau khi nghe lời kể và lời ca của các vị bô lão, khách cũng nối
tiếp bằng bốn câu ca đầy hứng khởi tự hào:
Khách cũng nối tiếp mà ca rằng:
……
Bài đâu đất hiểm, cốt minh đức cao.
Khách đã không tiếc lời ca ngợi sự anh minh của hai vị thánh quân Trần
Nhân Tông và Trần Thánh Tông đồng thời khách cũng ca ngợi chiến tích của sông
Bạch Đằng lịch sử, nơi hai vua đă đến đuổi giặc, rửa giáp binh, vân hồi cuộc sổng
thăng bình muôn thuở cho đất nước. Ở hai câu cuối của lời ca này, khách khẳng
định mạnh mẽ với tất cả lòng tin của mình là chiến công vang dội trên sông Bạch
Đằng của cha ông không phải do đất hiểm trời cho mà chủ yếu là do dân tộc ta có
đức cao, đức lành, địa linh sinh nhân kiệt. Lời ca viết bằng thể lục bát vang vọng
thiết tha nghe như những lời truyền phán thiêng liêng thể hiện một thái độ trang
nghiêm thành kính, tự hào.
Với câu tứ đơn giản mà hấp dẫn, bố cục chặt chẽ, bút pháp đa dạng, lời văn
sinh động, hình tượng nghệ thuật đặc sắc, có tính khái quát. Ngoài ra, ngôn từ của
bài phú trang trọng, tráng lệ vừa có chất sử thi bay bổng, vừa có chất trữ tình sâu
lắng. Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu đã ca ngợi dòng sông Bạch Đằng
hùng vĩ, ca ngợi những người anh hùng đã lập nên những chiến công hiển hách
trên dòng sông lịch sử này với tiếng nói tràn đầy cảm hứng say mê và tự hào về
truyền thông anh hùng bất khuất và truyền thống đạo lí nhân nghĩa sáng ngời của
dân tộc Việt Nam. Đề cao vai trò vị trí của con người, bài phú cũng thể hiện tư
tưởng nhân văn cao đẹp.

You might also like