Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 19

CHƯƠNG 1

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ NHỮNG QUAN ĐIỂM CƠ BẢN


CỦA CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHÔNG TƯỞNG
1.1. Những khái niệm cơ bản
1.1.1. Chủ nghĩa xã hội
Chủ nghĩa xã hội (với tính cách một học thuyết) là những quan điểm tư tưởng
nói lên nguyện vọng muốn xóa bỏ chế độ xã hội bất công, người áp bức, bóc lột
người và xây dựng một chế độ xã hội mới tốt đẹp hơn, không còn bất công, áp
bức, bóc lột.
Trong giáo trình này chỉ nghiên cứu hai hình thức học thuyết về chủ nghĩa
xã hội: Chủ nghĩa xã hội không tưởng và Chủ nghĩa xã hội khoa học.
1.1.2. Chủ nghĩa xã hội không tưởng
Chủ nghĩa xã hội không tưởng là khái niệm dùng để chỉ những học thuyết,
những quan điểm phản ánh khát vọng về việc giải phóng xã hội khỏi tình trạng
người áp bức, bóc lột người và xây dựng một xã hội thực sự bình đẳng, ấm no,
hạnh phúc. Nhưng, do những hạn chế lịch sử, những học thuyết, những quan điểm
này không thể chỉ ra được cách thức và lực lượng xã hội thực hiện những khát
vọng đó. Vì thế những học thuyết này là không tưởng.
1.2. Điều kiện kinh tế - xã hội cho sự ra đời Chủ nghĩa xã hội không tưởng
1.2.1. Cơ sở kinh tế
Trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, đến một thời điểm, do sự phát
triển của lực lượng sản xuất, đã hình thành chế độ sở hữu tư nhân về ruộng đất và
các tư liệu sản xuất chủ yếu khác. Đây chính là cơ sở kinh tế của sự phân chia giai
cấp, phân chia giầu nghèo, tình trạng bất công, nạn người áp bức, bóc lột người;
là điều kiện kinh tế cho sự xuất hiện, hình thành những tư tưởng mang tính xã hội
chủ nghĩa.
1.2.2. Cơ sở xã hội
Trong xã hội có phân chia giai cấp, mâu thuẫn giai cấp và cuộc đấu tranh
giai cấp chính là cơ sở xã hội làm nảy sinh những nguyện vọng, mong ước muốn
xóa bỏ tình trạng bất công, nạn người áp bức, bóc lột người. Có thể nói những
nguyện vọng, những tư tưởng này đều có tính chất xã hội chủ nghĩa.
Trải qua các thời kỳ, từ thời cổ đại, trung đại rồi đến cận đại, những nguyện
vọng mong ước mang tính xã hội chủ nghĩa nói trên của tầng lớp lao khổ bị áp
bức bóc lột đã được thể hiện dưới nhiều hình thức. Đặc điểm chung của những tư
tưởng xã hội chủ nghĩa trong các thời kỳ này là không tưởng, không chỉ ra được
chính xác, đúng đắn những biện pháp cũng như những lực lượng xã hội tiến hành
biến những ước mơ, nguyện vọng tốt đẹp nói trên thành hiện thực
1.3. Những quan điểm cơ bản của Chủ nghĩa xã hội không tưởng qua các thời
kỳ
1.3.1. Thời kỳ sơ khai
Là thời kỳ nảy sinh những mầm mống và khuynh hướng tư tưởng xã hội chủ
nghĩa thời cổ đại.
Tư tưởng xã hội chủ nghĩa thời kỳ sơ khai thể hiện thông qua các câu chuyện
dân gian như: chuyện thần thoại, chuyện cổ tích, những giáo lý tôn giáo. Chủ
nghĩa xã hội không tưởng trong thời kỳ này, một mặt phản ánh sự bất bình của
đông đảo quần chúng nhân dân đối với các hành vi áp bức, bóc lột của giai cấp
thống trị; mặt khác, nêu lên ước mơ, khát vọng của công chúng bị bóc lột, bị áp
bức về một xã hội bình đẳng, công bằng, bác ái, nhưng rất mơ hồ, vụn vặt, thậm
chí muốn trở về với thời đại “hoàng kim nguyên thủy”:
1.3.1.1. Tư tưởng chủ nghĩa xã hội không tưởng thông qua truyện cổ tích, thần thoại
Những ước mơ, nguyện vọng về một xã hội bình đẳng, không có tình trạng
người áp bức, bóc lột người lần đầu tiên xuất hiện vào thời sơ kỳ của chế độ chiếm
hữu nô lệ được thể hiện thông qua những câu chuyện thần thoại, truyện cổ tích.
- Hầu hết các truyện cổ tích của mọi quốc gia dân tộc đều là sáng tác dân
gian thuộc loại hình tự sự, chủ yếu sử dụng yếu tố nghệ thuật kì ảo để thể hiện cái
nhìn hiện thực của nhân dân với đời sống, bộc lộ quan niệm về đạo đức cũng như
về công lí xã hội và ước mơ một cuộc sống tốt đẹp hơn của nhân dân lao động.
Trong mỗi truyện cổ tích đều có những yếu tố của thực tế, nhưng những yếu
tố ấy lại được hư cấu để xây dựng nên một thế giới khác với thế giới hiện tại - thế
giới cổ tích, mà trong thế giới ấy, mọi điều đều có thể xảy ra. Trong cổ tích, người
ta bay trên không trung, ngồi lên tấm thảm thần biết bay, đi hài bảy dặm, những
xã hội có cuộc sống tuyệt vời. Chủ nhân của các câu chuyện cổ tích là nhân dân
lao động, nên kết thúc những câu chuyện này đều có hậu, nhờ Tiên, nhờ Bụt những
người lao động nghèo khổ đã thoát khỏi bất công và được sống cuộc đời hạnh
phúc. Nói chung, những truyện cổ tích đã mở ra trước mắt con người ta cánh cửa
sổ để nhìn vào một cuộc sống khác, công bằng, bình đẳng, không áp bức, bóc lột,
đẹp như một giấc mơ, không có trong hiện thực.
1.3.1.2. Tư tưởng chủ nghĩa xã hội không tưởng thông qua giáo lý tôn giáo
Tôn giáo không chỉ thể hiện những sự bất lực của con người trong cuộc đấu
tranh với tự nhiên và xã hội, do thiếu hiểu biết dẫn đến sợ hãi và tự đánh mất mình
do đó phải dựa vào thánh thần, mà còn hướng con người đến một hy vọng tuyệt
đối, một cuộc đời thánh thiện, mang tính “Hoàng kim nguyên thủy”, một cuộc đời
mà quá khứ, hiện tại, tương lai cùng chung sống. Nó gieo niềm hi vọng vào con
người, dù có phần ảo tưởng, để yên tâm, tin tưởng để sống và phải sống trong một
thế giới trần gian có nhiều bất công và khổ ải.
- Phật giáo ra đời cách đây hơn 2500 năm ở Ấn Độ trong phong trào đấu
tranh chống những giáo lý Bà la môn (Bramarism) của giai cấp chủ nô thống trị
và chống lại chế độ phân biệt đẳng cấp bất công.
Trong Phật giáo chữ Từ (Từ Bi Hỉ Xả) có nghĩa là ước vọng, mong muốn
cho mọi sinh linh được sống an lành, hạnh phúc. Phật giáo đề cao sự bình đẳng
giữa con người với con người: “Không có đẳng cấp trong dòng máu cùng đỏ,
nước mắt cùng mặn. Mỗi người sinh ra đều có Phật tính và đều có thể trở thành
Phật. Người xuất thân hèn hạ mà biết phát tâm bồ đề, xuất gia tu hành, chứng
được quả thánh, thì quý báu vô cùng, chẳng khác gì hoa sen mọc ở bùn lầy nhơ
bẩn mà vẫn tinh khiết thơm tho”.
Thiên Chúa giáo, trong lịch sử ban đầu của mình, đã phát triển từ một tôn
giáo Do Thái vào thế kỷ thứ nhất và trở thành một tôn giáo phổ biến trên toàn bộ
thế giới Hy Lạp - La Mã và hơn thế nữa, Công giáo La Mã và Chính thống giáo
Đông phương lan rộng ra khắp châu Âu vào thời trung cổ. Kể từ thời kỳ Phục
hưng, Thiên Chúa giáo đã mở rộng khắp thế giới và trở thành tôn giáo lớn nhất
thế giới. Ngày nay trên toàn thế giới có hơn hai tỷ tín đồ Thiên Chúa giáo.
Trước tình trạng bất công, khổ đau của cuộc sống trần thế, Thiên Chúa giáo
khuyên mọi người hãy thực hiện những điều răn của Chúa để khi chết đi sẽ được
lên Thiên Đàng. Thiên Đàng thường được hiểu là nơi chốn của phước hạnh, đôi
khi còn được hiểu là chỗ ở phước hạnh vĩnh cửu.
1.3.1.3. Tư tưởng chủ nghĩa xã hội không tưởng thông qua những quan điểm triết
học thời cổ đại
Trong Triết học thời Cổ đại nổi bật những tư tưởng của Khổng Tử, Lão Tử
(Triết học Phương Đông) về một xã hội lý tưởng tốt đẹp.
Đứng trước xã hội loạn lạc thời Xuân Thu, Khổng Tử đưa ra khái niệm thế
giới Đại Đồng để nói đến một thế giới lý tưởng mà con người có thể đạt tới, thể
hiện cho ước muốn về một xã hội tốt đẹp trong tương lai của con người. Thế giới
này được thể hiện cơ bản bằng việc người người yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau,
nhà nhà an cư lạc nghiệp, không có cách biệt, không có chiến tranh. Thế giới như
vậy được gọi là “thế giới đại đồng”.
Tháng 5 năm 1921, trên Tạp chí Cộng sản, Hồ Chí Minh đã trân trọng viết
về Khổng Tử: “Khổng Tử vĩ đại (551 trước C.N) khởi xướng thuyết đại đồng và
truyền bá sự bình đẳng về tài sản. Ông từng nói: thiên hạ sẽ thái bình khi thế giới
đại đồng. Người ta không sợ thiếu, chỉ sợ có không đều. Bình đẳng sẽ xóa bỏ
nghèo nàn, v.v...
Học trò của Khổng Tử là Mạnh Tử, tiếp tục tư tưởng của thầy và vạch ra
một kế hoạch chi tiết để tổ chức sự sản xuất và tiêu thụ. Sự bảo vệ và phát triển
lành mạnh của trẻ em, sự giáo dục và lao động cưỡng bức đối với người lớn, sự
lên án nghiêm khắc thói ăn bám, sự nghỉ ngơi của người già, không có điều gì đề
án của ông không đề cập đến. Việc thủ tiêu bất bình đẳng về hưởng thụ, hạnh
phúc không phải cho một số đông mà cho tất cả mọi người, đấy là đường lối kinh
tế của vị hiền triết.
Trả lời một câu hỏi của vua, ông đã nói thẳng thắn: dân vi quý, xã tắc thứ
chi, quân vi khinh”1.
Lão Tử là một triết gia và một nhà tư tưởng vĩ đại, có tầm ảnh hưởng rất lớn
và quan trọng đối với nền triết học Đông phương cũng như của nhân loại sau này.
Có thể nói, ông sánh ngang với Khổng Tử và một số tư tưởng gia khác trong lịch
sử triết học cổ đại của Trung Hoa.
Học thuyết của Lão Tử được trình bầy khá đầy đủ trong Đạo Đức Kinh, được
xem như tác phẩm triết học đầu tiên quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn của
Trung Hoa. gồm 81 chương, 5000 chữ. Trong chương 80 của Đạo Đức Kinh, Lão
Tử đã phác họa ra mô hình quốc gia lý tưởng không có áp bức, không có kẻ giầu,
người nghèo với những đặc điểm: Nước nhỏ, dân ít. Dù có khí cụ gấp trăm sức
người cũng không dùng đến. Ai nấy đều coi sự chết là hệ trọng nên không đi đâu
xa. Có thuyền xe mà không ngồi, có binh khí mà không bày. Bỏ hết văn tự, bắt
dân dùng lại lối thắt nút, ghi dấu thời thượng cổ. Thức ăn đạm bạc mà thấy ngon,
quần áo tầm thường mà cho là đẹp, nhà ở thô sơ mà thích, phong tục giản phác
mà lấy làm vui (nghĩa là chỉ lo ăn no mặc ấm, ở yên, sống vui, ghét xa xỉ). Các
nước gần gũi có thể trông thấy nhau, nước này nghe được tiếng gà, tiếng chó của
nước kia mà nhân dân các nước ấy đền già chết cũng không qua lại với nhau.
1.3.2. Những đại biểu của Chủ nghĩa xã hội không tưởng thời kỳ từ thế kỷ XVI
đến thế kỷ XVIII
Chủ nghĩa tư bản ra đời và sau đó phát triển ở một số nước, trước hết là ở
châu Âu. Sự phân hóa giai cấp diễn ra mạnh mẽ và kèm theo đó là những xung
đột giai cấp cũng diễn ra quyết liệt. Giai cấp tư sản từng bước thiết lập địa vị thống
trị của mình, cùng với giai cấp địa chủ quý tộc đã dùng nhiều thủ đoạn áp bức,
bóc lột tàn bạo đối với người lao động.
Thông qua các tác phẩm “văn học nhân đạo” của mình, các nhà nhân đạo
thời cận đại đã lên án, phê phán chế độ xã hội dựa trên chế độ tư hữu, đòi hỏi phải
thay thế chế độ xã hội đó bằng một xã hội mới thực sự công bằng, bác ái.

1 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trij quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 1, tr.35.
1.3.2.1. Tô-mát Mo-rơ (1478-1535):
Người mở đầu các trào lưu xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa thời cận đại.
Tác phẩm chủ yếu của Tô-mát Mo-rơ là tác phẩm Utopia (Không tưởng).
Utopia, theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là “chưa tồn tại ở đâu cả”.
Utopia miêu tả một đất nước trên hòn đảo sống dưới chế độ cộng hoà, nơi
không tồn tại chế độ tư hữu, không có tình trạng người áp bức, bóc lột người, thể
hiện ước mơ về một xã hội lý tưởng cộng sản chủ nghĩa.
Từ nhận thức sâu sắc về thực trạng xã hội đương thời, Tô-mát Mo-rơ đã chỉ
ra sự thống trị của chế độ tư hữu là nguyên nhân chung và nguồn gốc của mọi tệ
nạn, mọi bất công trong xã hội đó. Tô-mát Mo-rơ khẳng định muốn có bình đẳng
trong xã hội thì phải xóa bỏ chế độ tư hữu.
Bên cạnh kể về đất nước địa đàng Utopia, tác giả đã phê phán chế độ bóc lột
tại châu Âu, thể hiện lòng xót thương người dân lao động tại những quốc gia quân
chủ chuyên chế châu Âu, sống còn khổ hơn súc vật và là nạn nhân không lối thoát
của những quy tắc vô lý được ngụy trang bởi pháp luật, công lý.
Có thể nói, trong những điều kiện kinh tế - xã hội lúc bấy giờ, với tác phẩm
Utopia, Tô-mát Mo-rơ không những là người đầu tiên có thái độ dũng cảm phê phán
sự bất công của chế độ quân chủ chuyên chế, mà còn là người lấy nguyên tắc cộng
đồng và bình đẳng xã hội để đối lập với những nguyên tắc do chế độ tư hữu tạo ra.
Chính vì thế mà Tô-mát Mo-rơ đã có một vị trí nổi bật trong hàng ngũ những
đại biểu có tư tưởng cộng sản chủ nghĩa thế kỷ thứ XVI.
1.3.2.2. Tô-ma-đô Cam-pa-nen-la (1568-1639):
Với tác phẩm “Thành phố Mặt trời” (City of The Sun), viết vào mùa hè năm
1601, là một ý tưởng thử nghiệm về xã hội khép kín, mà ở đó pháp luật và kỷ cương
được đề cao cùng với sự thừa nhận quyền bình đẳng của từng cá nhân, đối lập với
xã hội tư bản chủ nghĩa đương thời. Ý tưởng này thể hiện tư tưởng xã hội chủ nghĩa,
phê phán chế độ tư bản chủ nghĩa đương thời, phê phán chế độ tư hữu, coi chế độ
tư hữu là nguồn gốc của mọi sự bất công, của những tệ nạn xã hội.
1.3.2.3. Giê-rắc-đơ Uyn-xten-li (1609-1652):
Nhà lý luận có khuynh hướng cộng sản chủ nghĩa không tưởng và là lãnh tụ
của phái “Đào đất” trên vũ đài chính trị nước Anh những năm 50 của thế kỷ XVII.
Đa số những tác phẩm của Giê-rắc-đơ Uyn-xten-li là dành cho sự luận chứng
những yêu sách của phái “Đào đất”, chủ trương phục hồi chế độ công hữu về
ruộng đất đã có từ thời cổ đại, chống lại chế độ tư hữu, vì cho rằng đây là nguồn
gốc sâu xa của mọi bất công.
Tác phẩm chủ yếu của Giê-rắc-đơ Uyn-xten-li là cuốn “Luật tự do”. Đó là
một cương lĩnh nhằm cải tạo triệt để xã hội bằng cách xóa bỏ chế độ tư hữu về
ruộng đất, xây dựng một chế độ cộng hòa của nền sản xuất nhỏ dựa trên cơ sở sử
dụng chung ruộng đất và những sản phẩm được sản xuất ra.
Căn cứ vào khuynh hướng tư tưởng và quá trình hoạt động thực tiễn của ông,
Giê-rắc-đơ Uyn-xten-li được đánh giá là một đại biểu của chủ nghĩa cộng sản
không tưởng ở nước Anh thế kỷ XVII.
Bên cạnh những yếu tố tích cực có ý nghĩa lịch sử nói trên, hệ tư tưởng của
Giê-rắc-đơ Uyn-xten-li vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa duy tâm, vẫn
mang nặng ảo tưởng muốn đổi mới xã hội bằng con đường cải cách hòa bình.
1.3.3. Những đại biểu của Chủ nghĩa xã hội không tưởng thế kỷ XVIII
1.3.3.1. Giăng Mê-li-ê (1664 -1729):
Tác phẩm tiêu biểu của Giăng Mê-li-ê là cuốn “Những di chúc của tôi” được
viết vào những năm cuối đời.
Xuất phát từ tư tưởng cho rằng tư hữu là cội nguồn của mọi bất hạnh, đau
khổ, của chiến tranh và của mọi tội ác khủng khiếp, Giăng Mê-li-ê khẳng định
rằng, với chế độ công hữu về của cải, sẽ không còn hiện tượng trộm cắp, giết
người, dối trá để bảo vệ của riêng nữa.
Khác với nhiều nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng trước ông, thường có xu
hướng cải tạo xã hội bằng biện pháp hòa bình, cải lương, Giăng Mê-li-ê cho rằng
nông dân chỉ có thể tự giải phóng bằng con đường đấu tranh cách mạng.
Có thể nói rằng, Giăng Mê-li-ê là người đã báo trước một cuộc cách mạng
xã hội để lật đổ chế độ chế độ quân chủ phong kiến đầy rẫy bất công, áp bức, bóc
lột. Và những dự báo, mong ước của ông đã được cuộc cách mạng dân chủ tư sản
Pháp năm 1789 thực hiện.
Với tư tưởng xóa bỏ chế độ tư hữu, xác lập chế độ công hữu về của cải,
Giăng Mê-li-ê được coi là nhà cộng sản chủ nghĩa không tưởng đầu tiên của
nước Pháp.
1.3.3.2. Phơ-răng-xoa Mô-ren-ly (cho đến nay giới sử học vẫn chưa xác định
được chính xác tên thật và ngày tháng năm sinh):
Tác phẩm chủ yếu của Mô-ren-ly là tác phẩm “Bộ luật của tự nhiên”.
Trong tác phẩm này, ông đã trình bầy một cách hệ thống quan điểm chủ
nghĩa cộng sản không tưởng trên cơ sở lý thuyết về quyền bình đẳng tự nhiên. Mô
hình xã hội lý tưởng được Phơ-răng-xoa Mô-ren-ly phác thảo trong tác phẩm là
một xã hội dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, mỗi người đều được đảm
nhiệm một công việc của xã hội tùy theo sức lực, khả năng của mình, và đều được
xã hội chăm sóc. Đó là một xã hội tốt đẹp theo tâm lý hoài cổ về một "thời hoàng
kim" xa xưa mà chế độ công hữu là nét nổi bật nhất.
Phơ-răng-xoa Mô-ren-ly đã đưa ra biện pháp để xóa bỏ chế độ xã hội đương
thời, đầy dối trá, bất công và để có được một xã hội lý tưởng đó là chỉ cần làm cho
mọi người, nhất là những kẻ cầm đầu biết điều, có học thức, có đạo đức, hoặc thay
luật lệ cũ bằng luật lệ mới mà ông đã nêu ra trong "Bộ luật của tự nhiên".
Tuy nhiên, chính Phơ-răng-xoa Mô-ren-ly cũng nhận thấy rằng trong những
điều kiện thực tế đương thời, thì không thể xây dựng được một xã hội như thế,
những điều ông viết ra cũng chỉ là mơ ước mà thôi.
1.3.3.3. Ga-bri-en Bôn-nớt đơ Ma-bly (1709 - 1785):
Gần giống với Phăng-xoa Mô-ren-ly, lý thuyết về quyền tự nhiên theo những
bộ luật tự nhiên là trọng tâm trong tư duy xã hội - chính trị của Ga-bri-en Bôn-nớt
đơ Ma-bly.
Một số trong những tác phẩm nổi tiếng của ông là: Entretiens de Phocion
(Những cuộc đối thoại của Phocion) được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1763;
Historie de France (Lịch sử nước Pháp) xuất bản lần đầu năm 1765, được tái bản
vào tháng 5 năm 1789, Des droits et des devoirs du citoyen (Quyền lợi và Nghĩa
vụ của Công dân), viết vào năm 1758, được xuất bản sau khi ông qua đời.
Những tác phẩm này chứa đựng những tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản và
chủ nghĩa cộng hòa. Ga-bri-en Bôn-nớt đơ Ma-bly cho rằng sở hữu tư nhân hoàn
toàn không phù hợp với sự cảm thông và lòng vị tha, mà chỉ dẫn đến bản năng
chống đối xã hội hoặc tự cao tự đại. Từ đó ông tán thành, ủng hộ việc xóa bỏ sở
hữu tư nhân.
Ph.Ăngghen đã có nhận định rằng, ở nước Pháp vào thế kỷ XVIII, những hệ
thống quan điểm của Ga-bri-en Bôn-nớt đơ Ma-bly và Phrăng-xoa Mô-ren-ly “đã
có những lý luận trực tiếp có tính chất cộng sản chủ nghĩa”2.
1.3.3.4. Grắc-cơ Ba-bớp (1709 - 1797):
Grắc-cơ Ba-bớp đã đưa ra bản “Tuyên ngôn của những người bình dân”.
Đây được coi là một cương lĩnh hành động với những nhiệm vụ, những biện pháp
cụ thể được thực hiện ngay trong tiến trình cách mạng.
Quan niệm của Grắc-cơ Ba-bớp về xã hội cộng sản là mọi người có cuộc sống
hạnh phúc, tất cả mọi người đều sung túc, được học hành, bình đẳng, tự do, hạnh
phúc và chỉ khi nào mọi người có hạnh phúc thì từng người mới có hạnh phúc.
Grắc-cơ Ba-bớp đã nêu lên những tư tưởng dự báo về xã hội tương lai.
Về kinh tế, xã hội cộng sản là một công xã lớn gồm những người công dân
muốn cùng làm việc theo nguyên tắc cộng sản và cùng nhau hưởng thụ thành quả
chung. Quá trình hình thành công xã vừa là quá trình tước đoạt của kẻ giàu vừa là
quá trình tự nguyện hiến tài sản của mọi công dân. Xã hội cộng sản theo tư tưởng
dự báo của Grắc-cơ Ba-bớp sẽ thủ tiêu quyền thừa kế tài sản, tất cả các tài sản tư
nhân sẽ trở thành tài sản công xã khi người sở hữu tài sản ấy qua đời. Đồng thời
nền kinh tế được tổ chức một cách tập trung, thống nhất, trên cơ sở bình đẳng cùng
với việc nhà nước tính toán nhu cầu xã hội để xác định xem sản xuất và tiêu thụ
như thế nào là hợp lí. Grắc-cơ Ba-bớp cũng đề cập đến việc đưa máy móc và áp
dụng các phương pháp giảm nhẹ những công việc nặng nhọc cho người lao động.
Về phân phối, cần phân phối theo số lượng và chất lượng, đồng thời chú ý
thỏa mãn nhu cầu của mỗi thành viên theo phương châm phân phối theo sự phải

2 C.Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1994, t.20, tr.32.
chăng, chân thật. Về chính trị, chính phủ do cách mạng lập ra phải là hình thức
“chuyên chính cách mạng của những người lao động” được coi là điều kiện chính
trị cần thiết để tiến hành công cuộc cải tạo xã hội. “Phái Ba-bớp” quy định những
người lao động không có ích cho xã hội thì không được hưởng bất kỳ quyền lợi
chính trị nào. Lao động có ích là lao động trong các lĩnh vực: chăn nuôi, trồng
trọt, hàng hải, cơ khí, giao thông vận tải, khoa học…Lao động chân tay là tiêu
chuẩn số một để có quyền lợi chính trị. Lao động trí óc phải được chứng minh
thật sự là có ích cho tổ quốc.
Về con đường thực hiện chủ nghĩa cộng sản, Ba-bớp chủ trương lật đổ bằng
bạo lực chế độ hiện tồn. Điều này được thực hiện do một nhóm người có lý tưởng,
không hề sợ sệt, trung thành với nhân dân, căm thù bọn bóc lột và giàu có.
Có thể nói, với sự ra đời của “phái Ba-bớp”, lần đầu tiên trong lịch sử, vấn
đề đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội được đặt ra với tính cách một phong trào thực
tiễn, chứ không chỉ là tư tưởng, lý luận, càng không chỉ là những khát vọng, mơ
ước về một chế độ xã hội mới.
Mặc dù sự nghiệp của Grắc-cơ Ba-bớp chưa thể hoàn thành, bản thân ông bị
chính quyền tư sản đương thời xử tử hình, song những quan điểm tư tưởng của
Grắc-cơ Ba-bớp được coi như một bước phát triển quan trọng trong lịch sử tư
tưởng xã hội chủ nghĩa, một khâu chuyển tiếp từ Chủ nghĩa xã hội không tưởng
sang Chủ nghĩa xã hội khoa học.
1.3.4. Những đại biểu của Chủ nghĩa xã hội không tưởng - phê phán thế kỷ XIX
Từ cuối thế kỷ XVIII đến những thập niên đầu thế kỷ XIX, ở nước Pháp là
một thời kỳ liên tục diễn ra những biến động chính trị, một thời kỳ đấu tranh giai
cấp gay gắt giữa các thế lực mâu thuẫn nhau về lợi ích cơ bản: thế lực phong kiến,
thế lực tư sản, thế lực dân chủ cách mạng v.v… Đây cũng là thời kỳ chủ nghĩa tư
bản đã chiến thắng trong lĩnh vực kinh tế nhưng chưa hoàn toàn thắng lợi về chính
trị; là thời kỳ lực lượng tiền thân của giai cấp vô sản hiện đại bắt đầu thức tỉnh về
sứ mệnh lịch sử của mình.
Trong thời kỳ này, các tư tưởng xã hội chủ nghĩa được thể hiện như là một
học thuyết. Chủ nghĩa xã hội không tưởng – phê phán đã tố cáo, phê phán sâu sắc
xã hội tư bản chủ nghĩa, phủ định nó, đồng thời đề xuất con đường, biện pháp và
những dự đoán thiên tài về xã hội tương lai
Trong hoàn cảnh lịch sử này, ở nước Pháp đã xuất hiện Cô-lô-đơ Hăng-ri
Xanh-xi-mông và Phơ-răng-xoa Ma-ri Sác-lơ Phu-ri-ê.
1.3.4.1. Cô-lô-đơ Hăng-ri Xanh Xi-mông (1760 - 1825)
Một trong những nội dung quan trọng trong học thuyết chính trị của Xanh
Xi-mông là lý luận về giai cấp và xung đột giai cấp, một yếu tố mới mẻ mà trong
lịch sử tư tưởng xã hội chủ nghĩa trước đó chưa hề có.
Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội đương thời và do hạn chế tư duy của
bản thân nên Xanh Xi-mông chưa thể có quan niệm chính xác về nguồn gốc và
những đặc điểm kinh tế - xã hội của các giai cấp.
Mặc dù vậy, như C.Mác nhận xét, với tác phẩm cuối cùng, tác phẩm “Đạo
Cơ Đốc mới”, Xanh Xi-mông đã thể hiện một cách trực tiếp là người phát ngôn
của giai cấp cần lao và coi việc giải phóng giai cấp cần lao, xây dựng một xã hội
mới, lý tưởng là mục đích tối thượng cuối cùng của mình.
Xã hội mới mà Xanh Xi-mông mơ ước xây dựng đó là xã hội đáp ứng được
những nhu cầu vật chất và tinh thần của mọi người. Theo ông "chế độ sở hữu phải
được tổ chức như thế nào để có lợi nhất cho xã hội về mặt tự do và về mặt của
cải". Ông đã nhận thức rõ vị trí và tầm quan trọng của vấn đề sở hữu nhưng chưa
đi tới tư tưởng xóa bỏ chế độ tư hữu.
Trong xã hội mới, tất cả mọi người đều phải làm việc, đều trở thành những
người lao động và mọi công việc được phối hợp một cách có lợi trong khối "liên
hiệp" thống nhất. Xã hội ấy trong khi tìm cách đảm bảo phúc lợi cho toàn thể nhân
dân, trước hết phải cải thiện tình hình của "giai cấp nghèo nhất và đông đảo nhất".
Trong xã hội mới, con người được sống trong trạng thái "hòa bình vĩnh cửu"
và các dân tộc liên kết lại để bảo vệ hạnh phúc chung. Các nhà khoa học, nhà nghệ
thuật và nhà công nghiệp phải đóng vai trò điều khiển và lãnh đạo. Chỉ có họ mới
đảm bảo thỏa mãn những nhu cầu vật chất và tinh thần cho mọi người.
Xanh Xi-mông chủ trương đi tới xã hội mới bằng con đường hòa bình. Ông
khẳng định, các biện pháp hòa bình mới là những biện pháp duy nhất có thể dùng
nhằm mục đích xây dựng, sáng tạo, lập nên những thiết chế vững chắc.
Xanh Xi-mông không chủ trương xóa bỏ chế độ tư hữu. Theo ông, vấn đề
đặt ra chỉ là cần xóa bỏ sự chênh lệch quá đáng về tài sản giữa mọi người, cần phổ
biến hóa chế độ tư hữu, để bảo đảm cho ai cũng có cơ sở vật chất kinh tế, ai cũng
có điều kiện lao động sản xuất và khắc phục được tình trạng phân cực sâu sắc
trong xã hội về giầu nghèo.
Những dự kiến về xã hội mới của Xanh Xi-mông còn mơ hồ, chưa chỉ ra lực
lượng xã hội thật sự sẽ thực hiện sự biến đổi xã hội tư bản chủ nghĩa thành xã hội
xã hội chủ nghĩa, ông còn ảo tưởng về lòng từ thiện của giai cấp tư sản.
Có thể nói rằng, mô hình xã hội tương lai của Xanh Xi-mông còn mang tính
không tưởng và mang sắc thái tôn giáo.
Nhưng có thể nhận thấy ở Xanh Xi-mông là người có công lớn với những tư
tưởng bình đẳng xã hội và có nhiều dự kiến độc đáo, đặc biệt là tấm lòng chân
thành của ông vì sự nghiệp và mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại cần lao vì thế mà
ông được lịch sử thừa nhận là một nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng có vị trí
quan trọng vào đầu thế kỷ XIX.
1.3.4.2. Phơ-răng-xoa Ma-ri Sác-lơ Phu-ri-ê (1772 - 1837)
Một trong những nội dung có giá trị trong học thuyết Phu-ri-ê là sự phê phán,
lên án xã hội tư bản chủ nghĩa. Ông nhận định xã hội tư sản là một “trạng thái vô
chính phủ của công nghiệp” trong đó người lao động được hưởng quá ít còn các
tầng lớp ăn bám thì được hưởng quá nhiều.
Phu-ri-ê công kích kịch liệt chế độ tư bản, chỉ rõ rằng trong xã hội tư bản, sự
thừa thãi của cải ở cực này có được là nhờ sự nghèo khổ ở cực kia. Chủ nghĩa tư
bản làm què quặt con người, đàn áp tư tưởng, tình cảm và ước vọng nhân dân.
Ông phê bình, chỉ trích chế độ tư bản xây dựng trên sự cạnh tranh, sản xuất vô tổ
chức, không có kế hoạch; việc mâu thuẫn, xung đột nhau về quyền lợi giữa các
giai cấp đã gây ra những hành động ác ý đối với nhau. Phu-ri-ê cho rằng chế độ
tư bản phải được thay thế bằng một chế độ xã hội cao hơn, tốt đẹp hơn, đó là chế
độ xã hội chủ nghĩa. Xã hội tương lai được tổ chức theo hình thức Pha-lăng-giơ
(công xã), trong đó mọi người sống trong cộng đồng, lao động được tiến hành
theo kế hoạch, mỗi người đều biết nhiều nghề và làm nghề nào mình thích thú, do
đó lao động là nhu cầu niềm vui đối với con người. Nhưng ông cho là vẫn phải
kinh doanh theo lối tư bản, có nghĩa là vẫn bảo tồn lợi tức cho giai cấp tư sản.
Theo ông, thì sản phẩm bán ra, dành một phần để mua lương thực, thực phẩm
cung cấp cho toàn công xã, còn lại những người lao động và kỹ thuật được hưởng
2/3, còn 1/3 dành cho các nhà tư bản bỏ tiền vào việc xây dựng công xã.
Xã hội mới mà Phu-ri-ê muốn xây dựng phải trải qua 2 giai đoạn: giai đoạn
"xã hội đảm bảo" và tiến lên "xã hội hài hòa". Trong xã hội đó sự thống nhất giữa
lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể được xác lập khi "mỗi con người riêng biệt chỉ
tìm thấy điều có lợi... trong cái lợi của toàn thể quần chúng".
Phu-ri-ê là người đầu tiên chỉ rõ tính tất yếu và ưu việt của việc tổ chức làm
ăn tập thể trong các hiệp hội. Mỗi hiệp hội sản xuất và tiêu thụ khoảng 1600 người.
Hiệp hội được tổ chức một cách tự nguyện, không chịu sự kiểm soát của nhà nước
và sẽ là cơ sở để đi tới "chế độ hài hòa". Trong các hiệp hội mọi người đều phải
lao động. Ở giai đoạn đầu, khi đã đảm bảo đầy đủ điều kiện để sinh sống thì
chuyển sang giai đoạn "hài hòa". Lúc đó mọi người sẽ lao động hoàn toàn tự
nguyện, được thật sự tự do và đời sống sẽ tươi vui, hạnh phúc. Phu-ri-ê lấy trình
độ giải phóng phụ nữ làm tiêu chuẩn đánh giá sự tiến bộ của xã hội.
Muốn xây dựng xã hội mới, cần khám phá ra quy luật vận động cơ bản của
xã hội - những đam mê, dục vọng của nó. Mỗi người đều phải có những đam mê,
dục vọng làm động lực cho hành vi. Quy luật cơ bản của xã hội là sự lôi cuốn các
đam mê, sự thỏa mãn dục vọng. Nhận thức được những đam mê, dục vọng với tất
cả sự đa dạng của nó thì có thể khám phá ra những quy luật của xã hội phù hợp
với bản chất con người.
Con đường xây dựng xã hội mới của Phu-ri-ê chứa nhiều mâu thuẫn, một
mặt ông khẳng định trong các giai đoạn phát triển của nhân loại, cách mạng là
hợp quy luật, nhưng mặt khác ông lại phản đối bạo lực cách mạng.
Cũng như những nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng khác, Phu-ri-ê không
nhận thức được vai trò lịch sử của giai cấp vô sản và phản đối cách mạng bạo lực.
Ông cho rằng có thể tổ chức xã hội chủ nghĩa tương lai bằng con đường tuyên
truyền hòa bình. Trong nhiều năm, ông hướng về những người giàu có kêu gọi họ
cấp tiền để tổ chức công xã, nhưng ông đã thất bại.
Mặc dầu học thuyết của ông có nhiều hạn chế nhưng ông vẫn được đánh giá
là một trong những đại biểu xuất sắc của Chủ nghĩa xã hội không tưởng, tư tưởng
của Phu-ri-ê có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển tư tưởng xã hội chủ nghĩa sau này.
1.3.4.3. Rô-bớc Ô-oen (1771 - 1858)
Ở nước Anh, cuộc cách mạng công nghiệp đã gây nên sự biến đổi lớn trong
sự phát triển lực lượng sản xuất và trong cơ cấu giai cấp - xã hội. Giai cấp tư sản
và giai cấp vô sản hiện đại gắn liền với công nghiệp cơ khí đã bắt đầu hình thành.
Từ nửa sau những năm 30 đến những năm 40 thế kỷ XIX giai cấp công nhân
Anh dần dần lớn mạnh và đã tổ chức những phong trào đấu tranh lớn, tiêu biểu là
phong trào Hiến chương của giai cấp công nhân đòi cải cách tuyển cử.
Trong những điều kiện kinh tế - xã hội như trên đã xuất hiện Rô-bớc Ô-oen,
một nhà cải cách có khuynh hướng cộng sản chủ nghĩa, nhà xã hội chủ nghĩa
không tưởng vĩ đại người Anh. Trong học thuyết của mình, ông đã phê phán
những cơ sở của chế độ tư bản chủ nghĩa; từ đó có những suy nghĩ sâu sắc về xã
hội tư bản và những dự định cải tạo xã hội đó. Học thuyết của ông là một trong
những tiền đề xây dựng học thuyết về chủ nghĩa cộng sản khoa học sau này.
Ô-en xem chế độ tư hữu, hôn nhân tư sản và tôn giáo là ba ác nhân biến toàn
thế giới trở thành sân khấu cạnh tranh nhằm chiếm đoạt của cải và quyền lực. Đó
là "ba trở lực" mà ông tuyên bố cần gạt bỏ trên con đường thực hiện lý tưởng về
một xã hội mới.
Để xây dựng xã hội mới đó, theo quan điểm của Ô-oen, phải thay thế chế độ
tư hữu bằng chế độ công hữu. Nếu như trước đây, chế độ tư hữu đã từng là một
nhu cầu tất yếu hoặc có ích đối với sự phát triển của xã hội, thì ngày nay, khi các
máy móc đã ra đời, nó hoàn toàn không cần thiết nữa và là một tệ nạn không có
gì thể biện bạch được. Nếu có một chế độ xã hội được tổ chức hợp lý, có khoa
học, có máy móc, thì chế độ tư hữu hoàn toàn không cần thiết nữa. Ở đây, từ người
có địa vị cao nhất đến người ở vị trí thấp nhất trong xã hội đều có thể tự bảo đảm
được mọi nhu cầu cần thiết và hạnh phúc của mình, thậm chí còn đầy đủ hơn nhiều
so với mức có thể đạt được bằng cạnh tranh để có tài sản tư hữu. Nếu chế độ công
hữu được tổ chức đúng đắn, mọi người đều được hưởng thụ một nền giáo dục tốt
và có điều kiện sống như nhau thì sẽ không còn những cuộc hôn nhân dựa trên sự
tính toán bằng tiền; sẽ không còn những trẻ em hư, những hành động thô bạo trong
quan hệ giữa người với người; sẽ không còn mâu thuẫn đối kháng về lợi ích giữa
các dân tộc.
Ô-oen coi việc thủ tiêu sự khác nhau về đẳng cấp và giai cấp do con người
xa rời những quy luật tự nhiên là điều kiện cần thiết của sự bình đẳng xã hội. Theo
ông, sự phân chia xã hội hợp lý và tự nhiên chỉ là sự phân chia theo trình độ nắm
được kiến thức và kinh nghiệm của các cá nhân theo lứa tuổi. Mỗi nhóm lứa tuổi
được nhận công việc hoàn toàn phù hợp với khả năng và sức lực của nó, không
một ai được ngoại lệ, không một ai được đặc quyền. Khác với hiệp hội của Phu-
ri-ê, công xã lao động của Ô-oen là một tổ chức lao động "mở", dựa trên chế độ
công hữu về tư liệu sản xuất. Ông nhấn mạnh sự cần thiết của những quan hệ hợp
tác mang tính liên hiệp giữa các thành viên trong từng công xã và giữa các công
xã trong quá trình sản xuất. Liên hiệp các công xã sẽ là một tổ chức hoàn toàn mới
của xã hội loài người với tất cả tính ưu việt của nó. Sự liên kết thành những công
xã lớn sẽ tiết kiệm được thời gian lao động, vốn trong sản xuất và chi phí trong
phân phối của cải, trong việc quản lý địa phương. Sự tiết kiệm này sẽ phù hợp với
sự tiết kiệm đạt được nhờ thay thế lao động chân tay bằng máy móc hoàn hảo.
Nếu tạo ra được những tổ hợp gia đình rộng lớn như vậy, kết hợp với những biện
pháp kinh tế quan trọng khác về mặt sản xuất, bảo quản sản phẩm, phân phối và
tiêu dùng, cũng như về mặt giáo dục và quản lý thì đất đai sẽ cung cấp phương
tiện sống cho số lượng người nhiều hơn ít ra là bốn lần so với trong điều kiện xã
hội đương thời.
Ô-oen cho rằng, chỉ có thể chuyển sang một chế độ xã hội mới bằng con
đường hòa bình, rằng "sự biến đổi đó sẽ xảy ra mà không phải dùng đến bạo lực,
không đổ máu". Theo ông, chỉ bằng cách tuyên truyền và giải thích những chân
lý cơ bản thì mới có thể hoàn thành cuộc cách mạng vĩ đại. Ông dự kiến cuộc cách
mạng đó sẽ diễn ra gần như đồng thời trong tất cả các dân tộc có văn hóa rồi lan
nhanh đến tất cả các dân tộc khác và không gặp phải một sự chống đối nào. Ô-
oen đặt nhiều hy vọng vào sự thức tỉnh của các chính phủ đang cầm quyền. Ông
chủ trương thuyết phục để các chính phủ đó từ bỏ con đường lầm lạc và tạo mọi
điều kiện thuận lợi để ông thực hiện những cải cách của mình. Nhưng, ông càng
trình bày hoàn chỉnh những tư tưởng của mình thì giới thượng lưu tư sản càng có
thái độ lạnh nhạt với ông. Kết quả là ông bị "bỏ rơi" trong môi trường xã hội
đương thời và mất địa vị trong đó.
Là người đề xướng học thuyết về một xã hội mới và can đảm thực hiện trong
thực tế, nhưng học thuyết của Ô-oen vẫn là không tưởng và thể hiện cả tính chất
tư duy siêu hình. Đặc biệt Rô-bớc Ô-oen quan niệm rất sai lầm, rằng đấu tranh
giai cấp là kết quả sự dốt nát của quần chúng. Ông đã viết: “Những nỗi đau khổ
nặng nề của quần chúng hoàn toàn đáp ứng nguyện vọng của họ muốn thủ tiêu
pháp luật mang tính chất giai cấp là chính đáng. Nhưng quần chúng hãy còn quá
dốt nát, họ chưa biết nên thay thế luật pháp đó bằng cái gì”. Chính quan niệm
này là một trong những nguyên nhân làm cho học thuyết của Ô-oen ít có ảnh
hưởng tới công nhân.
Mặc dù còn nhiều hạn chế nhưng những cống hiến của Ô-oen là rất có ý
nghĩa, học thuyết của ông vẫn có giá trị lịch sử và giá trị lý luận to lớn. C.Mác và
Ph.Ăngghen đánh giá cao học thuyết của Ô-oen, coi đó là một trong những tiền
đề lý luận quan trọng để hai ông tiếp thu có phê phán, xây dựng nên học thuyết
về Chủ nghĩa cộng sản khoa học sau này.
1.4. Những giá trị có ý nghĩa lịch sử và những hạn chế của chủ nghĩa xã hội
không tưởng
1.4.1. Những giá trị có ý nghĩa lịch sử
Chủ nghĩa xã hội không tưởng đã có một quá trình hình thành và phát triển
trải qua nhiều thế kỷ dưới nhiều hình thức khác nhau.
Trong quá trình phát triển, Chủ nghĩa xã hội không tưởng đã có những đóng
góp to lớn cho kho tàng tư tưởng nhân loại với những giá trị lịch sử quý báu:
- Một là, các nhà Chủ nghĩa xã hội không tưởng, với những mức độ khác
nhau, đều phê phán, lên án ngày càng sâu sắc, gay gắt hơn tình trạng bất công,
người áp bức bóc lột người trong chế độ quân chủ chuyên chế và chế độ tư bản
chủ nghĩa đương thời; phần nào nói lên tiếng nói của quần chúng nhân dân lao
động, của tầng lớp nghèo khổ, cần lao trong xã hội phản ứng đối với tình trạng bị
áp bức, bóc lột ngày càng nặng nề; đã nêu lên những tư tưởng nhân đạo, nhân văn,
lòng yêu thương, thông cảm và bênh vực đại đa số người lao khổ, mong muốn
giúp đỡ và giải phóng họ.
- Hai là, các nhà Chủ nghĩa xã hội không tưởng đã nêu lên những luận điểm
có giá trị về sự phát triển của xã hội tương lai mà sau này các nhà sáng lập chủ
nghĩa xã hội khoa học đã kế thừa một cách chọn lọc và đã chứng minh trên cơ sở
khoa học.
- Ba là, trong suốt quá trình tồn tại và phát triển bằng những tư tưởng tiến
bộ, và bằng những hoạt động thực tiễn không biết mệt mỏi (tiêu biểu là các hoạt
động thực tiễn mang tính cách mạng của Grắc-cơ Ba-bớp, người đã bị chính
quyền tư sản đương thời xử tử hình; Ô-oen là người đề xướng học thuyết về một
xã hội mới và đem tất cả gia sản của mình để thực hiện học thuyết đó trong thực
tế, v.v..), các nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng đã góp phần thức tỉnh tinh thần
đấu tranh của tầng lớp nhân lao động chống lại ách áp bức, bóc lột của giai cấp
thống trị đương thời.
- Bốn là, các tư tưởng xã hội chủ nghĩa không tưởng, đặc biệt là Chủ nghĩa
xã hội không tưởng - phê phán, với những giá trị nêu trên, đã được C. Mác,
Ph.Ăngghen thừa nhận là một trong ba nguồn gốc của chủ nghĩa xã hội khoa học.
Ph.Ăngghen viết: “Chủ nghĩa xã hội lý luận Đức sẽ không bao giờ quên nó là sự
tiếp nối H. Xanh-xi-mông, S. Phu-ri-ê, R. Ô-oen, ba nhà tư tưởng này bất chấp cả
tính chất ảo tưởng và không tưởng trong các học thuyết của họ đã được liệt vào
những trí tuệ vĩ đại nhất của tất cả mọi thời đại và đã tiên đoán được một cách
thiên tài rất nhiều những chân lý mà ngày nay chúng ta đang chứng kiến sự đúng
đắn một cách khoa học”3.
1.4.2. Những hạn chế và nguyên nhân những hạn chế của chủ nghĩa xã hội
không tưởng
1.4.2.1. Những hạn chế
Bên cạnh những giá trị lịch sử to lớn, chủ nghĩa xã hội không tưởng còn có
những hạn chế không tránh khỏi:
- Thứ nhất, chủ nghĩa xã hội không tưởng phê phán, kết tội, nguyền rủa chủ
nghĩa tư bản nhưng không chỉ ra được bản chất của chủ nghĩa tư bản, không phát
hiện được những quy luật phát triển của chủ nghĩa tư bản, do đó không khẳng định
được tính tất yếu của việc xóa bỏ chủ nghĩa tư bản, thay thế bằng chủ nghĩa xã hội.
- Thứ hai, mơ ước xóa bỏ chủ nghĩa tư bản và xây dựng một chế độ xã hội
tốt đẹp hơn nhưng không chỉ ra được đúng đắn con đường và biện pháp thực hiện
mơ ước đó. Nhiều nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng hy vọng vào lòng tốt của
giai cấp thống trị, muốn dùng những giải pháp hòa bình để thực hiện sự chuyển
biến xã hội từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội.
- Thứ ba, không chỉ ra được đúng đắn lực lượng xã hội thực hiện công cuộc
xóa bỏ chế độ xã hội tư bản chủ nghĩa xây dựng chế độ xã hội mới tiến bộ hơn.
1.4.2.2. Nguyên nhân của những hạn chế
- Nguyên nhân khách quan:
+ Những trào lưu xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa không tưởng ra
đời trong điều kiện phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa chưa phát triển đầy đủ,
nó chưa bộc lộ hết những bản chất của nó.
+ Nền đại công nghiệp cơ khí chỉ mới bắt đầu phát triển ở nước Anh, do đó
giai cấp công nhân mới hình thành chưa thể hiện được vai trò là một lực lượng xã
hội có khả năng đấu tranh với giai cấp tư sản. Mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và

3 C. Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 18, tr. 698.
giai cấp vô sản chưa chín muồi và những biện pháp để giải quyết mâu thuẫn đó
cũng chưa xuất hiện đầy đủ.
Trong những điều kiện kinh tế - xã hội như vậy, lý luận về chủ nghĩa xã hội
và chủ nghĩa cộng sản cũng chưa thể chín muồi, chưa thể chỉ ra bản chất của chủ
nghĩa tư bản, chưa thể nhận thức được đúng đắn, đầy đủ những quy luật vận động
và phát triển của chủ nghĩa tư bản cũng như chưa thể nhận thức được đúng đắn
vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.
- Nguyên nhân chủ quan
+ Các nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng chưa thoát khỏi chủ nghĩa duy
tâm về lịch sử.
Nhiều nhà tư tưởng tư sản thế kỷ XVIII, nhất là những nhà tư tưởng của
“Phái ánh sáng” đã quan niệm lý tính và công lý vĩnh cửu là yếu tố quyết định
xây dựng một xã hội “tự do, bình đẳng, bác ái ”.
Chịu ảnh hưởng của những quan niệm này, các nhà Chủ nghĩa xã hội không
tưởng cho rằng để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn xã hội tư bản chủ nghĩa cũng
cần phải dựa vào lý tính và công lý vĩnh cửu, dựa vào đạo đức và tình thương.
Đối với những nhà Chủ nghĩa xã hội không tưởng, chủ nghĩa xã hội chính là
biểu hiện của lý tính, của chân lý và của chính nghĩa tuyệt đối (công lý vĩnh cửu).
Những nhà Chủ nghĩa xã hội không tưởng cho rằng, lý tính, công lý vĩnh cửu tồn
tại mãi không phụ thuộc vào những điều kiện không gian, thời gian trong tiến
trình lịch sử. Chỉ cần có những người “tài ba xuất chúng” phát hiện ra, thuyết phục
mọi người đi theo là có thể xây dựng được một xã hội mới, tốt đẹp.
Như vậy, có thể nói, về cơ bản những nhà Chủ nghĩa xã hôi không tưởng
chưa thoát khỏi chủ nghĩa duy tâm về lịch sử.

You might also like