Research Approaches (Vietnamese)

You might also like

Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 8

Cách tiếp cận nghiên cứu (Research approaches)

Saturday, September 25, 2021 12:17 PM

1. John W. Creswell và quan điểm về các cách tiếp cận nghiên cứu

John W. Creswell là một nhà nghiên cứu tâm lý giáo dục người Mỹ và là người
nghiên cứu tiên phong ủng hộ phương pháp nghiên cứu hỗn hợp (Mixed Methods
Research). Ông cũng là người sáng lập tờ Journal of Mixed Methods Research, là
một trong những tác gia hàng đầu về phương pháp nghiên cứu (Research
Methods).

Ông xuất bản nhiều đầu sách được xem là best-selling về chủ đề này, chẳng hạn 3
cuốn nổi tiếng nhất của ông là: Educational research: Planning, conducting, and
evaluating quantitative (2008), Qualitative inquiry and research design: Choosing
among five approaches (2007, xuất bản lần đầu 1998), và tiêu biểu nhất là cuốn
Research design: Qualitative, quantitative, and mixed methods approaches.

Cuốn Research Design hiện nay đã tái bản lần thứ 5 (2018) vốn được dựa trên kết
quả của khóa học Creswell dạy về ‘Đề xuất nghiên cứu’ (Research Proposal) cho
các nghiên cứu sinh. Ở lần xuất bản đầu tiên (1994), cuốn sách có tên là Research
Design: Qualitative and Quantitative Approaches vì thời điểm đó ông chưa bao
gồm phương pháp nghiên cứu hỗn hợp (Mixed-Method Research) – hướng tiếp
cận mà phải tới lần tái bản thứ 2 (2003) mới xuất hiện và được duy trì từ đó đến
nay.

Creswell cho rằng có thể phân loại tiếp cận nghiên cứu thành ba phương pháp:
Nghiên cứu định tính (Qualitative Research); Nghiên cứu định lượng (Quantitative
Research) và Hỗn hợp hai phương pháp (Mix Methods Research).

2. Nghiên cứu định lượng và nghiên cứu định tính

Khi nghĩ đến định tính và định lượng, chúng ta thường chỉ nghĩ đây là hai cách tiếp
cận nghiên cứu khác biệt nhau. Thực tế, sự phân biệt giữa định tính và định lượng
cần được đặt trong một chuỗi logic bắt đầu từ sự khác biệt trong hệ hình hay thế
giới quan triết học (paradigms), góc nhìn lý thuyết (theoretical perspectives),
phương pháp luận (methodologies), tới các phương pháp cụ thể (methods).

2.1 Nghiên cứu định lượng

Định lượng lấy thực chứng luận (positivism) làm thế giới quan dựa trên chủ nghĩa
khách quan luận (objectivism). Chủ nghĩa khách quan luận là một dạng nhận thức
luận (epistemology) cho rằng ‘sự vật tồn tại như những thực thể có ý nghĩa, tồn
tại độc lập với nhận thức và kinh nghiệm, và chúng có sự thực và ý nghĩa (truth
and meaning) tồn trọng trong chúng như là các đối tượng (objects) (vì vậy sự thực
và ý nghĩa này ‘khách quan’)’. Và do đó, quan điểm thực chứng luận cho rằng
chúng ta có thể ‘KHÁM PHÁ’ đến bản chất của sự vật, hiện tượng ‘NGOÀI ĐÓ’
bằng cách sử dụng phương pháp khoa học nhằm đo đếm và lượng hóa các thuộc
tính và mối quan hệ giữa chúng với nhau.

Trên nền tảng thế giới quan đó, phương pháp định lượng thường sử dụng thực
nghiệm (experiments) để hướng đến tìm kiếm và đo lường mối quan hệ giữa các
biến số bằng các kỹ thuật và lý thuyết thống kê. Mục tiêu của nghiên cứu định
lượng là phát triển và sử dụng mô hình toán học, lý thuyết hoặc các giả thuyết liên
quan tới các hiện tượng. Quá trình đo lường là trung tâm của nghiên cứu định
lượng bởi vì nó cung cấp các kết nối cơ bản giữa quan sát thực nghiệm và biểu
thức toán học của các mối quan hệ định lượng. Dữ liệu trong nghiên cứu định
lượng là các con số có thể đo lường được. Thống kê, bảng biểu và sơ đồ, thường
được sử dụng để trình bày kết quả của phương pháp này.

Nghiên cứu định lượng được tiến hành bằng cách đưa ra những giả thuyết hoặc
mô hình về các hiện tượng và mối liên hệ giữa các biến số. Mục tiêu và câu hỏi
nghiên cứu được diễn dịch và cụ thể hóa thành hệ thống các chỉ báo và câu hỏi
đóng. Sau đó nhà nghiên cứu sẽ thiết kế các thí nghiệm (đối với khoa học tự
nhiên), các bảng khảo sát hoặc thực nghiệm xã hội (trong khoa học xã hội). Số liệu
đo được từ thí nghiệm, thực hiệm, kết quả khảo sát được xử lý bằng các kỹ thuật
thống kê để từ đó xây dựng các luận cứ để kiểm định giả thiết/ mô hình đặt ra
trong câu hỏi nghiên cứu.

2.2 Nghiên cứu định tính

Định tính lấy thuyết kiến tạo (constructivism) làm cơ sở đề nhìn nhận thế giới xã
hội. Thuyết kiến tạo cho rằng hiện thực không tồn tại độc lập với nhận thức và
kinh nghiệm; đúng hơn, chúng là sản phẩm của nhận thức và kinh nghiệm, hay là
kết quả của các thành viên xã hội ‘tham gia tương tác với các thực tế trong xã
hội’. Và cùng một sự vật, hiện tượng, các thành viên xã hội có thể phát triển các ý
nghĩa khác nhau. Điều này lý giải vì sao trong phân tích định tính thường không có
một mô hình duy nhất giải thích sự vật, hiện tượng; ngược lại, cái hay của định
tính là trình bày nhiều nhận thức khác biệt thậm chí đối lập nhau về sự vật, hiện
tượng đó.

Do đó, chúng ta chỉ có thể hiểu được hiện thực bằng cách tìm hiểu cái ý nghĩa xã
hội mà con người (đối tượng nghiên cứu) quy gán cho nó. Mà muốn hiểu ý nghĩa
xã hội của một nhóm xã hội nào đó, chúng ta cần phải tập sống trong hoàn cảnh,
môi trường mà họ sinh ra, lớn lên, tiếp xúc với người xung quanh và trải nghiệm
những vấn đề chúng ta nghiên cứu.

Nghiên cứu định tính gắn bó mật thiết với các ngành trong khối khoa học xã hội
như nhân chủng học, xã hội học, tâm lý học, ngôn ngữ học, giáo dục, y tế cộng
đồng. Dữ liệu trong nghiên cứu định tính chủ yếu ở dạng văn bản, thu thập từ
hoạt động phỏng vấn, thảo luận, mô tả trải nghiệm về một hoạt động, hiện tượng,
hoặc thông tin một tình huống (case-study) cụ thể. Dữ liệu này được phân tích,
tổng quát hóa bằng các suy luận quy nạp để tìm ra các luận cứ phục vụ nghiên
cứu.

2.3 Không nằm trong chăn sao biết chăn có rận

Chúng ta có thể phân tích sự khác biệt giữa định tính và định lượng từ câu “không
nằm trong chăn sao biết chăn có rận”. Đó là sự khác biệt từ xuất phát điểm.

Nếu như nhà định lượng sẽ đặt câu hỏi là: trong chăn có rận không? Nếu có thì có
bao nhiêu con? Rận ảnh hưởng đến tâm lý của người nằm trong chăn như thế
nào? Có cách nào để đo lường biểu hiện của họ để phán đoán chăn có rận hoặc có
bao nhiêu con hoặc loại rận nào không?
Nhà định tính sẽ quan tâm đến các câu hỏi: nằm trong chăn có rận thì cảm giác
như thế nào? Sự khác biệt giữa tình huống đó với việc chăn không có rận?

Và đề trả lời câu hỏi đó, nhà định lượng sẽ tìm cách đo lường từ những gì họ có
thể quan sát được: Có bao nhiêu con rận xuất hiện trên cái chăn đó? Và nhà định
lượng cũng đo lường cảm giác của người nằm trong chăn bằng các câu hỏi đóng
với các phương án sẵn có, như họ có ngứa không? Họ ngứa ở cấp độ nào? Họ ngủ
ngon không? v.v.
Trong khi đó, nhà định tính họ sẽ vào trong chăn nằm thử. Họ dùng cơ thể của
mình, trải nghiệm cái cảm giác của chính người nằm trong chăn, họ sẽ tìm ra câu
trả lời rằng chăn có rận không bằng cách cảm nhận những điều xảy ra trên cơ thể
mình, bằng cách so sánh trải nghiệm của họ với trải nghiệm của người nằm trong
chăn. Chỉ có cách tự vào trong chăn thì họ mới hiểu được tình cảnh của người
nằm trong chăn có rận mà thôi. Đó là cách tốt nhất để hiểu được cảm giác mà
người trong chăn có thể trải qua.

Về cơ bản, định lượng và định tính chỉ là con đường khác nhau cùng ngắm tới một
đích đến. Cũng như một người mù sử dụng tay của mình để tiếp xúc và cảm nhận,
trong khi người câm điếc sử dụng mắt để đoán ý nghĩa đằng sau hành động của
người khác vậy.

3. Ba thành phần hình thành nên cách tiếp cận nghiên cứu

Theo Creswell (2018), cách tiếp cận nghiên cứu được hình thành từ 03 thành phần có
mối quan hệ đa chiều với nhau (hình 1). Các thành phần đó là: (a) thế giới quan triết
học (philosophical worldviews), (b) thiết kế nghiên cứu (research design), và (c)
phương pháp nghiên cứu (research methods).

Hình 1 - Ba thành phần hình thành nên cách tiếp cận nghiên cứu

• Thế giới quan triết học là nền tảng lý luận chung dẫn dắt nhà nghiên cứu tới bản
chất thực tại và chỉ ra cách để hiểu thực tại đó;

• Cách tiếp cận nghiên cứu tập hợp các lý luận về phương pháp giúp nhà nghiên
cứu thực hiện nghiên cứu và diễn giải bản chất vấn đề;

• Phương pháp nghiên cứu chính là các thành tố hay cách làm cụ thể ở từng công
đoạn cụ thể để đạt tới bản chất vấn đề.

Thế giới quan triết học (Worldviews) theo Creswell bao gồm 4 loại chính gồm:
• Hậu thực chứng (Postpositivist)
• Kiến tạo xã hội (Constructivisit)
• Chuyển đổi (Transformative)
• Thực dụng (Pragmatic)
Cách tiếp cận nghiên cứu (Research approach) có gồm định tính, định lượng và hỗn
hợp như đã nói trong phần một.

Mỗi cách tiếp cận này lại có các cách thiết kế nghiên cứu (Research design) khác
nhau ví dụ: định tính gồm (ethnography, grounded theory methods, case studies, …);
định lượng gồm (experiments, survey, ...).
Mỗi cách thiết kế nghiên cứu lại có các phương pháp (Research methods) khác nhau
về thiết kế câu hỏi nghiên cứu, xây dựng giả thuyết nghiên cứu, khung lý thuyết
nghiên cứu, phương pháp đạt tới các vấn đề đạo đức, phương pháp chọn mẫu
(sampling), thu thập dữ liệu (data collection), phương pháp làm sạch và nâng cao độ
tin cậy (validation, credibility), phương pháp diễn giải và phân tích dữ liệu (data
interpretation and analysis) ...

4. Thế giới quan triết học

Hình 2 - Bốn thế giới quan triết học theo quan điểm của Creswell

Thế giới quan triết học là nền tảng lý luận triết học chung nhất để nhìn nhận bản chất
thực tại. Mỗi thế giới quan đều bàn tới 2 vấn đề cơ bản: bản thể luận (ontology) và
nhận thức luận (epistemology).
Bản thể luận trả lời cho câu hỏi thực tại có bản chất là gì? Còn nhận thức luận trả lời:
làm sao để đạt tới việc nhận thức bản chất đó.
Về cơ bản, có 4 trường phái/thế giới quan lý giải bản thể luận và nhận thức luận khác
nhau.
• Trường phái thực chứng hay hậu thực chứng (positivism/post-positivism): lý giải
bản chất của thực tại là khách quan, muốn nhận thức được bản chất đó thì phải
sử dụng cách tiếp cận khoa học tự nhiên. Do đó, trường phái này làm cơ sở cho
nghiên cứu định lượng. Trong định lượng, hai chiến lược chính là điều tra xã hội
(social survey) và thí nghiệm. Về cơ bản, hai chiến lược này đều hướng tới
lượng hóa vấn đề, sử dụng lý thuyết thống kê theo quy luật số lớn để diễn giải
số liệu.

• Trường phái thứ hai là thuyết kiến tạo (constructivism): trường phái này quan
tâm chủ yếu đến thực tại xã hội (các vấn đề, hiện tượng xoay quanh xã hội loài
người), xem thực tại xã hội được tạo thành chính bởi bản thân con người sống
trong đó. Do đó, khi chúng ta nghiên cứu một nhóm nào đó, thực tại chính là cái
mà nhóm đó tạo thành trong quá trình sinh sống và tương tác với nhau. Để hiểu
được thực tại đó, chúng ta cần phải nghiên cứu cách những con người trong
nhóm đó nhìn nhận thế giới, các kinh nghiệm họ đã trải qua, các quan hệ họ xây
dựng và duy trì, các vấn đề mà họ đang gặp phải. Với quan niệm này, thuyết
kiến tạo là cơ sở cho xây dựng cách tiếp cận nghiên cứu định tính. Trong cách
tiếp cận nghiên cứu định tính, có nhiều chiến lược nghiên cứu, ví dụ điền dã dân
tộc học (ethnography), lý thuyết từ cơ sở (grounded theory methods), nghiên
cứu trường hợp (case studies), nghiên cứu tường thuật (narrative studies), hiện
tượng luận (phenomenology), phương pháp luận dân dã (ethnomethodology),…
Mỗi chiến lược này bao gồm cách thức đặt câu hỏi, chọn mẫu, thu thập dữ liệu
(phương pháp chủ đạo, độ dài ngắn, số lượng), cách thức làm sạch, và diễn giải
dữ liệu khác nhau. Các phương pháp thu thập thông tin phổ biến như phỏng
vấn, quan sát tham dự, phỏng vấn nhóm, nghiên cứu tài liệu, v.v. sẽ được sử
dụng một cách linh hoạt, với yêu cầu khác nhau.
• Trường thứ ba là thuyết chuyển đổi (transformative): Trường phái này chú
trọng vào việc thay đổi (change-oriented), gắn với chính trị. Do đó nghiên cứu
theo trường phái này cần phải tạo ra cơ hội để thay đổi vấn đề nào đó của thực
tại thông qua việc cho phép người tham gia nói lên tiếng nói của mình thông
qua các phương pháp vận động đặc biệt, tổng hợp và chuyển tiếng nói đó tới tới
các nhà lập chính sách, nhằm tạo ra những kết quả có lợi cho các nhóm đó trên
thực tế. Trường phái này là cơ sở cho các nghiên cứu phát triển có sự tham gia
ví dụ như sử dụng phương pháp đánh giá nhanh nông thôn (PRA – participatory
rapid assessment) ví dụ như bản đồ cộng đồng, transect walk, seasonal
calendar,… Trong nghiên cứu kiểu này định tính thường được sử dụng, nhưng
không loại trừ việc sử dụng các phương pháp định lượng để kiểm đếm, đo
lường.

• Trường phái thứ tư là chủ nghĩa thực dụng (pragmatism): cho rằng điều quan
trọng không phải phương pháp, mà là ở vấn đề nghiên cứu – hay là một thực tại
xã hội nào đó. Do đó, để hiểu được thực tại đó thì nhà nghiên cứu có thể sử
dụng bất kỳ phương pháp nào hiệu quả, từ đây xây dựng ra cách kết hợp định
tính định lượng trong thiết kế, thu thập, lý giải thông tin – chính là mixed
methods approach. Trong chiến lược nghiên cứu hỗn hợp, nhà nghiên cứu có
thể sử dụng song song định lượng và định tính (concurrent), hay tuần tự cái
trước cái sau (sequential), hay biến đổi (transformative) sử dụng một thấu kính
lý thuyết và sử dụng linh hoạt định lượng và định tính.

5. Thiết kế nghiên cứu

Dựa trên thế giới quan triết học và cách tiếp cận nghiên cứu, nhà nghiên cứu lựa
chọn thiết kế nghiên cứu (tập hợp các lý luận về phương pháp) để thực hiện nghiên
cứu và diễn giải bản chất vấn đề. Các thiết kế nghiên cứu cũng có quá trình tồn tại và
phát triển lâu dài, hơn nữa các công nghệ điện toán tiên tiến đã được ứng dụng hiệu
quả trong việc phân tích số liệu và xây dựng các mô hình phức tạp, giúp hình thành
các thiết kế nghiên cứu mới để trong lĩnh vực khoa học xã hội. Nhìn chung có ba
nhóm thiết kế nghiên cứu chính (Hình 3) là: Thiết kế nghiên cứu định tính, Thiết kế
nghiên cứu định lượng và Thiết kế nghiên cứu hỗn hợp.

Hình 3 – Ba Thiết kế nghiên cứu theo quan điểm của Creswell

5.1 Thiết kế nghiên cứu định lượng

Thiết kế nghiên cứu định lượng gắn liền với cách tiếp cận định lượng và thế giới quan
hậu thực chứng. Thiết kế nghiên cứu định lượng được phát triển vào cuối thế kỷ 19
và ngày càng hoàn thiện cho tới nay. Các lý luận và phương pháp của thiết kế nghiên
cứu định lượng xoay quanh các thử nghiệm như:
• Thử nghiệm kiểm soát hoàn toàn (true experiments) - thí nghiệm
• Thử nghiệm bán kiểm soát (quasi-experiments)
• Thử nghiệm chủ thể đơn nhất (single-subject experiments).
Trong lĩnh vực khoa học xã hội, các khảo sát có thể được thiết kế để thay thế cho thử
nghiệm. Thiết kế khảo sát có thể xuất hiện trong các nghiên cứu so sánh
(comparative research), nghiên cứu nhân quả (causal research), nghiên cứu tương
quan (correlational design).
5.2 Thiết kế nghiên cứu định tính

Một số phương pháp thiết kế nghiên cứu định tính như:


• Nghiên cứu tường thuật (Narrative research) : là hình thức trong đó nhà nghiên
cứu tìm hiểu cuộc sống của các cá nhân và yêu cầu một hay nhiều cá nhân kể
chuyện về cuộc đời của họ. Thông tin này sau đó được nhà nghiên cứu kể lại hay
được sắp xếp lại theo niên đại tường thuật. Cuối cùng, người tường thuật kết
hợp các quan điểm từ cuộc đời những người tham gia với quan điểm từ cuộc
đời của nhà nghiên cứu trong một bản tường thuật có diễn giải.
• Nghiên cứu hiện tượng (Phenomenological research): học trong đó nhà nghiên
cứu nhận diện “bản chất” của kinh nghiệm con người liên quan đến một hiện
tượng, theo mô tả của những người tham gia nghiên cứu. Việc tìm hiểu “kinh
nghiệm sống” đánh dấu bộ môn hiện tượng học như một bộ môn triết học cũng
như một phương pháp, và qui trình này liên quan đến việc nghiên cứu một số ít
đối tượng thông qua sự tham gia lâu dài và rộng khắp để triển khai phương
thức diễn tiến và mối quan hệ ý nghĩa. Trong quá trình này, nhà nghiên cứu
“gộp” cả kinh nghiệm riêng của họ để tìm hiểu các kinh nghiệm của những
người tham gia vào nghiên cứu.
• Lý thuyết cơ sở (Grounded theory): trong đó nhà nghiên cứu cố gắng đi đến một
lý thuyết trừu tượng chung của một quá trình, một hành động, hay một tương
tác, được đặt cơ sở vững chắc trong quan điểm của những người tham gia
nghiên cứu. Qui trình này liên quan đến việc sử dụng nhiều giai đoạn thu thập
số liệu, sàng lọc và tìm mối quan hệ của các loại thông tin (Strauss & Corbin,
1990, 1998). Hai đặc điểm chính của thiết kế này là liên tục so sánh số liệu của
các loại mới xuất hiện và mẫu lý thuyết của các nhóm khác nhau nhằm tối đa
hoá những điểm tương đồng và dị biệt về thông tin.
• Dân tộc học(Ethnography): trong đó nhà nghiên cứu tìm hiểu một nhóm văn
hoá nguyên sơ trong một bối cảnh tự nhiên trong một thời gian dài, chủ yếu
thông qua thu thập dữ liệu quan sát (Creswell, 1998). Qui trình nghiên cứu có
tính linh hoạt và thường tiến hoá theo bối cảnh nhằm đáp ứng trước thực tế
sống gặp trong bối cảnh thực địa (LeCompte & Schensul, 1999).
• Các nghiên cứu tình huống (Case studies): trong đó nhà nghiên cứu tìm hiểu sâu
xa một chương trình, một biến cố, một hoạt động, một quá trình, hay một hay
nhiều cá nhân. Các tình huống này được giới hạn về thời gian và hoạt động, và
nhà nghiên cứu thu thập thông tin chi tiết bằng nhiều qui trình thu thập số liệu
trong một khoảng thời gian kéo dài (Stake, 1995).

5.3 Thiết kế nghiên cứu hỗn hợp

Khái niệm thiết kế nghiên cứu kết hợp các phương pháp khác nhau có lẽ bắt nguồn
từ năm 1959, khi Campbell và Fiske sử dụng nhiều phương pháp để nghiên cứu giá
trị của các đặc điểm tâm lý học. Phương pháp này khuyến khích việc triển khai “ma
trận đa phương pháp” sử dụng nhiều cách tiếp cận nhằm thu thập dữ liệu trong một
nghiên cứu. Ví dụ có thể kết hợp phương pháp thực địa như quan sát và phỏng vấn
(dữ liệu định tính) với các phương pháp điều tra khảo sát truyền thống (dữ liệu định
lượng). Một số thiết kế nghiên cứu hỗn hợp tiêu biểu bao gồm:
• Các qui trình nối tiếp nhau: trong đó nhà nghiên cứu tìm cách giải thích hay mở
rộng các phát hiện của một phương pháp này bằng một phương pháp khác.
Điều này có thể liên quan đến việc bắt đầu bằng một phương pháp định tính
nhằm mục đích giải thích, rồi tiếp theo bằng một phương pháp định lượng với
một mẫu lớn để nhà nghiên cứu có thể khái quát hoá các kết quả cho một dân
số. Hoặc việc nghiên cứu có thể bắt đầu bằng một phương pháp định lượng
trong đó các lý thuyết hay khái niệm được kiểm định, tiếp theo là một phương
pháp định tính liên quan đến việc tìm hiểu chi tiết bằng một vài tình huống
nghiên cứu hay các cá nhân.
• Các qui trình đồng thời: trong đó nhà nghiên cứu hội tụ các số liệu định tính và
định lượng nhằm trình bày một phân tích toàn diện về vấn đề nghiên cứu. Trong
thiết kế này, nhà nghiên cứu đồng thời thu thập cả hai dạng số liệu khi nghiên
cứu, rồi hoà nhập các thông tin thành một bản diễn giải các kết quả chung.
Đồng thời trong thiết kế này, nhà nghiên cứu cũng đặt một dạng số liệu vào
trong một qui trình thu thập dạng số liệu khác lớn hơn nhằm phân tích các câu
hỏi khác nhau hay các cấp đơn vị trong một tổ chức.
• Các qui trình chuyển hóa: trong đó nhà nghiên cứu sử dụng một lăng kính lý
thuyết như một góc nhìn bao quát trong một thiết kế bao gồm cả số liệu định
lượng và định tính. Lăng kính này giúp mang lại một khung thiết kế cho các chủ
đề đang được quan tâm, các phương pháp thu thập số liệu, và các kết quả hay
thay đổi được dự đoán từ nghiên cứu. Trong phạm vi lăng kính này có thể là
một phương pháp thu thập số liệu liên quan đến một cách tiếp cận nối tiếp hay
đồng thời.

6. Phương pháp nghiên cứu

Thành phần thứ ba của cách tiếp cận nghiên cứu là các phương pháp nghiên cứu
(phương pháp thiết kế câu hỏi nghiên cứu, xây dựng giả thuyết nghiên cứu, phương
pháp thu thập và phân tích số liệu cụ thể). Các phương pháp nghiên cứu được thể
hiện trong hình 4.

7. Cách tiếp cận nghiên cứu

Thế giới quan triết học, thiết kế nghiên cứu, và phương pháp nghiên cứu cùng góp
phần làm cho một cách tiếp cận nghiên cứu có xu hướng là nghiên cứu định tính,
định lượng, hay kết hợp. Ngược lại, khi nhà nghiên cứu lựa chọn một cách tiếp cận
nghiên cứu cụ thể thì thế giới quan, thiết kế và phương pháp nghiên cứu cũng phải
được lựa chọn/thực hiện nhất quán theo cách tiếp cận nghiên cứu.
Hình 5 trình bày về ba cách tiếp cận có thể dùng cho một đề xuất nghiên cứu:
Thông tin về ba cách tiếp cận nghiên cứu bao gồm:
• Tiếp cận định lượng: là cách tiếp cận trong đó nhà nghiên cứu sử dụng thế giới
quan hậu thực chứng (tư duy nguyên nhân - kết quả) để triển khai nghiên cứu.
Nhà nghiên cứu dùng cách tiếp cận này để kiểm định một lý thuyết bằng cách:
xây dựng các giả thuyết, xác định các biến số cần kiểm soát và mối quan hệ giữa
các biến; sử dụng các thiết kế nghiên cứu như thử nghiệm hoặc khảo sát để thu
thập số liệu; sử dụng các phương pháp đo và xử lý số liệu bằng thống kê nhằm
xác nhận hoặc phủ nhận các giả thuyết đó.
• Tiếp cận định tính: là cách tiếp cận trong đó nhà nghiên cứu thường đưa ra các
nhận định tri thức dựa trên thế giới quan xây dựng kiến tạo xã hội. Nhà nghiên
cứu dùng cách tiếp cận này để tìm ra các lý thuyết mới, giải thích ý nghĩa của các
hiện tượng hoặc trải nghiệm. Các thiết kế nghiên cứu thường dùng là tường
thuật, hiện tượng học, dân tộc học, nghiên cứu lý thuyết cơ sở, hay nghiên cứu
tình huống. Nhàn nghiên cứu sử dụng phương pháp thu thập thông tin dạng văn
bản từ các hoạt động phỏng vấn, mô tả trải nghiệm, kinh nghiệm cá nhân.
• Tiếp cận kết hợp: là cách tiếp cận trong đó nhà nghiên cứu có xu hướng đưa ra
nhận định tri thức dựa trên thế giới quan chủ nghĩa thực dụng (ví dụ như định
hướng hệ quả, đặt trọng tâm vào vấn đề, và đa nguyên). Cách tiếp cận này sử
dụng các thiết kế nghiên cứu tiếp nối, đồng thời hoặc chuyển hóa để tìm hiểu
vấn đề nghiên cứu một cách tốt nhất. Phương pháp thập và phân tích thông tin
có thể đến từ cả hai cách tiếp cận định lượng và định tính.

TÀI LIỆU THAM KHẢO


Nội dung bài viết được biên tập từ:
[1] Sách "Research design: Qualitative, quantitative, and mixed methods
approaches" xuất bản lần thứ 5 (2018) của tác giả John W. Creswell.
[2] Bài viết trên Blog của tác giả Kien Nguyen-Trung.
https://kiensociology.wordpress.com

You might also like