Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 2

KẸO MẦM

Bạn đã bao giờ ăn kẹo mầm chưa? Loại kẹo mà ở những làng quê xưa, bọn
trẻ chúng tôi thích nhất. Điều thú vị hơn là nó được đổi từ tóc rối. Bà tôi, mẹ
tôi và các cô tôi, mỗi lần chải đầu, gội đầu lại chải ra được một tí tóc rối. Đó
là những búp tóc chỉ bé bằng đầu ngón tay thôi, ai chải đầu được tý nào cũng
cuộn lại, gài lên mái gianh trước cửa nhà. Có lẽ đó là một quy định chung cho
mọi người phụ nữ trong nhà, do bà tôi, hoặc ông tôi ra lệnh từ bao giờ chúng
tôi cũng không biết.
Thường thì những ngày hai chín, ba mươi Tết, dù bận đến thế nào, những
người phụ nữ cũng phải gội đầu để đón năm mới. Đó là những ngày có nhiều
tóc rối cài lên mái nhà. Cả trước ngày rằm tháng giêng, mọi người chuẩn bị
tắm gội sạch sẽ để lên chùa lễ Phật, ai chả phải gội đầu.
Và chỉ sau đó vài hôm, thế nào cũng có những bà hàng kẹo mầm đi thu nhặt
những búi tóc rối ấy bằng cái nồi kẹo mầm, đổi kẹo cho trẻ con để lấy tóc rối.
Đó là những ngày hết Tết rồi. Trong mọi nhà chả còn một thứ bánh mứt, kẹo
gì, bọn trẻ con chúng tôi mới mong những bà hàng kẹo mầm xuất hiện trên
đường làng. Với tiếng rao: "Ai tóc rối đổi kẹo không nàỏ". Tiếng rao như một
câu hỏi vu vơ cứ ngân dài trong những ngõ quê. Chắc người lớn chẳng ai để ý
đến tiếng rao ấy. Nhưng bọn trẻ con chúng tôi thì cứ dỏng tai lên nghe, xem
cái tiếng rao của bà hàng kẹo mầm đã gần đến ngõ nhà mình chưa. Và khi đã
chắc chắn là bà hàng kẹo mầm đang đi về phía nhà mình rồi, anh em tôi bắc
cái ghế đẩu trèo lên, đưa tay vào những khe tầu lá cọ moi ra những búi tóc
rối. Chúng tôi gỡ gỡ búi tóc ra, vo lẫn vào nhau thành một nắm tưởng như to
tướng trong lòng bàn tay, với hy vọng sẽ đổi được cái kẹo to.
Bọn trẻ ngồi vây quanh bà hàng kẹo mầm, vừa xem, vừa chờ đến lượt mình,
mỗi thằng cầm một nắm tóc rối bù xù. Bà hàng kẹo đỗ quang gánh, mở cái
mẹt đậy thúng ra, lấy nồi kẹo mầm và một nắm que tăm để lên mẹt. Tay phải
bà ta thoăn thoắt véo kẹo, kéo dài sợi kẹo từ trong nồi ra như làm phép. Tay
trái bà ta cầm cái que tăm, mỗi lần hai tay bà chập vào nhau là một đoạn của
sợi kẹo lại dính vào đầu que tăm que bên trái. Những sợi kẹo nhỏ như tơ tằm,
cứ chập vào lại kéo ra như người biểu diễn một điệu múa. Người xem đến
hoa mắt không nhận ra hai tay bà hàng kẹo vừa xoay que tăm vừa dính sợi
kẹo vào đầu que nữa. Bọn trẻ chúng tôi đứa nào cũng kêu rằng túm tóc của
mình to, bà phải thêm kẹo. Bà hàng kẹo không bao giờ cãi lại bọn trẻ con, bà
nhanh miệng làm vừa lòng bọn trẻ bằng cách càng kéo mỏng sợi kẹo ra và
chập thêm vào đầu que tăm. Mỗi lần thêm như vậy, bà ta lại kèm thêm một
câu nói: "Này to, này!... Này, nhiều này!...". Tay bà ta làm, miệng nói, cứ như
người phù thủy bắt quyết và đọc thần chú. Bà hàng kẹo làm xong một que,
đưa cho đứa nào bà cũng nói thêm một câu: "To nhớ!... Thích nhớ!" cùng với
miệng cười tươi hơn cả cô đào đóng vai Thị Mầu.
Bà hàng kẹo làm rất nhanh, chỉ một lúc sau, hơn một chục đứa chúng tôi đứa
nào cũng có trên tay một que kẹo. Những sợi kẹo xù trên đầu que tăm như
một bối bòng bong. Trông thì to xù như một bông hoa mẫu đơn, tưởng có thể
ăn suốt ngày cũng không hết được. Nhưng chỉ cần cho vào mồm ngậm lại,
xoay một cái là những sợi kẹo tóp lại dính vào nhau, chỉ to bằng cái quả xoan
hay cái hạt táo.
Và đúng như lời bà hàng kẹo nói câu: "Thích nhớ", đứa nào cũng thích thật.
Kẹo ngọt mát, tưởng như chẳng có thứ mứt tết nào bằng. Và chúng tôi coi
đây là ngày "Tết" của trẻ con xóm quê vậy. Bởi đứa nào cũng vui tíu tít.
Chúng tôi đứng nhìn theo bà hàng kẹo gánh hàng đi ngõ khác. Tiếng bà ta lại
ngân dài trên đường làng: "Ai tóc rối... đổi kẹo kh..ộ.ông? Nà..àọ.?". Câu hỏi
vu vơ bay vào trong các ngõ. Và lại có những đứa trẻ chạy ra, tay mỗi đứa
cầm một nắm tóc rối.
Đó là những kỷ niệm của một thời thơ ấu, của lớp người bây giờ đã bạc đầu
cả rồi. Ai còn sống trong những làng quê, ai đã đi ra thành phố? Ai đã đi
nước lạ, quê người? Cuộc sống náo nhiệt, sung túc, tràn trề bánh kẹo ngoại
hôm nay, có ai nhớ về quê làng cái thuở lắng tai nghe tiếng rao ngọt ngào,
câu hỏi vu vơ bay trong lối ngõ quê hương?  
(Ngữ văn 7 trang 138- 139)

You might also like