Download as doc, pdf, or txt
Download as doc, pdf, or txt
You are on page 1of 6

NỬA SÔNG LÀ CHIỀU

Truyện ngắn của Ngọc Vinh

Tôi là người tới sau cùng trong buổi họp mặt đặc biệt này. Vượt hơn năm mươi cấy số từ một
tỉnh nghèo miền Tây bằng chiếc xe cà tàng mệt đứt hơi nhưng vừa quẹo vào con đường quê mát
rười rượi thì bao mọi mệt mỏi gần như tan biến. Mùi nhãn, mùi sầu riêng chín và cả mùi bông
nguyệt quới tỏa ngát làm lòng thấy phơi phới, thanh thản. Thắng điện thoại: “ Ông tranh thủ về
chơi, Hưng từ Mỹ về, hẹn gặp tại khu du lịch sinh thái của thằng Toàn trong ngày chúa nhật tới”.
Tôi do dự, họ, ba thằng bạn nối khố từ thời phổ thông đứa nào bây giờ cũng thành đạt, tiền bạc
rủng rỉnh, chỉ riêng mình tôi thì quặc quẹo với tiền lương ba đồng ba cắc của một thằng giáo
quèn và chạy theo hụt hơi với cái nền giáo dục nước nhà luôn liên tục đổi mới, thử nghiệm, ngán
tới cổ! Mà khổ, khi chọn ngành sư phạm, tôi không “tư duy thời thượng”, lựa môn học nào khi ra
trường có thể lòn lách dạy thêm để kiếm nhiều tiền hơn như toán, ngoại ngữ, sinh, lý chẳng hạn
mà chọn môn sử, cái môn chẳng ma nào dẫn con đi học thêm. Sử nước nhà nhạt quá chăng? Hay
những ngành học đại học có môn sử khi ra trường sẽ bị hất hủi? Không biết, nhưng chín mươi
chín phần trăm học sinh khi đụng tới môn sử đều le lưỡi! Thắng, một quan chức cấp tỉnh, nghe
đâu tiếng nói của nó rất có trọng lượng trong ngành tư pháp, tài sản có thừa để hai đứa con du
học ở phương Tây. Toàn, sở hữu mấy mẫu vườn cây ăn trái đặc sản cũng là nơi kinh doanh du
lịch sinh thái với chuỗi sản phẩm đặc trưng của vùng sông nước. Và Hưng, một kiều bào lăn lộn
mưu sinh ở Mỹ mới biết được tin tức gần đây. Cuối cùng thì cái sự “thèm” bạn đã thắng lòng tự
kỷ của tôi.
Thắng đón tôi bằng một nụ cười ban ơn:
- Tưởng mầy không về, cơ hội được tận hưởng cuộc sống trong đời không nhiều, cố gắng
tranh thủ chứ.
Tôi đón nhận câu chào của bạn bằng cảm giác của người được bố thí, chợt buồn. Nhưng biết
làm sao, tôi đã có mặt!
Khu du lịch sinh thái vào ngày nghỉ cuối tuần khá đông khách. Thắng lôi tôi đi vòng vèo giữa
những căn nhà mát lợp lá (nói là nhà mát nhưng nó được phủ kín rèm có mục đích), một hình
thức “nông thôn hóa” du lịch để thu hút khách thị thành vốn luôn sống trong cảnh chật chội, tù
túng rồi dừng lại trước căn nhà “VIP”, nghĩa là nó sang trọng hơn những căn nhà mát chúng tôi
vừa đi qua. Tôi kịp nhận ra hai gương mặt quen thuộc là Toàn và Hưng nhưng chưa đoán được
người phụ nữ quay lưng về phía mình là ai. Nàng quay lại, một nụ cười làm sáng cả căn nhà mát
tối om om. Lan. Tôi buộc miệng gọi lớn vì không kìm được sự bất ngờ. Lan vẫn không có gì
khác so với cách đây hơn hai năm khi tôi gặp lại nàng. Vẫn mái tóc búi cao và chiếc áo bà ba phá
cách cổ trái tim không mặc áo nhỏ lộ ra một phần bộ ngực trắng hồng đầy đặn, thách thức; vẫn
nụ cười ẩn buồn với đôi mắt như biết nói và đôi môi gợi cảm ươn ướt có chút kiêu ngạo, gọi mời.
- Ngồi đi, làm gì nhìn như muốn nuốt sống người ta vậy?
- Ít ai nỡ ăn một món ăn đẹp! – Tôi đùa.
Lan kéo tôi ngồi xuống cạnh nàng, giọng ngọt:
- Phương lúc này coi bộ dẽo miệng hơn lần trước rồi nghen.
Lần trước là lúc tôi về tập huấn chuyên môn ở thị xã quê mình. Rất tình cờ tôi gặp lại Thắng
trong bữa cơm trưa ở một nhà hàng. Thắng sởi lởi dù không mấy nhiệt tình. Thắng hẹn chiều tan
sở sẽ dẫn tôi đi chơi, tôi ậm ừ cho bạn vui chứ lòng thì thấy e dè. Tưởng đó là những giao đãi lấy
lòng ai ngờ Thắng đến khách sạn tìm tôi thiệt, đến bằng chiếc xe hơi bản số xanh, loại sang,
nhũn nhặn trong bộ dạng tươm tất.
- Đi chơi bằng xe công không bị ‘dòm ngó” sao? – Tôi ái ngại.
Thắng biện bạch:
- Yên tâm, cha lãnh đạo nào cũng lòn lách lấy xe công đi đây đi đó, mình lâu lâu một lần thì
nhằm nhò gì.
Tôi ngán ngẫm cho hai chữ “tiết kiệm” được trân trọng nhắc đi nhắc lại trong các buổi học
nghị quyết, những buổi diễn thuyết dài lằng nhằng hay những buổi học tập chuyên đề khô khan.
- Bữa nay tôi sẽ tạo cho ông một sự bất ngờ.
Tôi đưa đẩy:
- Gặp lãnh tụ à?
Thắng cười, nụ cười qua kính chiếu hậu có chút trơ trẽn khó che giấu dưới cái trán thấp và đôi
mắt híp gần như nhắm lại. Thắng chạy loanh quanh con sông chảy qua thị xã cho tôi ngắm cảnh
rồi ghé một quán sang trọng ăn cơm chiều. Nhìn những món ăn mà Thắng gọi ra, tôi giật mình.
Bao nhiêu là món ăn xa xỉ với chỉ hai con người thì dồn vào đâu cho hết? Nào nấm mối đầu mùa
xào củ hủ dừa, nấm mối kho lạt, gà gu – ti, tôm kho Tàu và canh chua cá dứa. Thắng khề khà:
- Cứ vui thỏa thích, lo gì!
Bữa cơm kết thúc cũng là lúc trời chạng vạng. Tôi tiếc nuối nhìn bàn ăn chưa vơi được một
phần ba rồi nhớ tới những bữa cơm đạm bạc của mình, buồn bã. Thắng kéo tôi lên xe khi quăng
mấy tấm năm trăm ngàn cho cô tiếp viên mà không cần thối lại.
Xe quẹo vào một con đường nhỏ, ít người, không có đèn đường. Không gian này gợi cho tôi
cái cảm giác thiếu an toàn nhưng Thắng tỉnh queo. Cuối đường thì đã có ánh sáng lờ nhờ từ tấm
bảng hiệu bằng bê ca: DIỄM LAN QUÁN. Quán hơi vắng nhưng không gian quán thật hữu tình.
Một giàn thiên lý được trồng trước cửa quán với mấy cái bàn đá rụng đầy bông. Hai bên là hai
cái mương nhỏ trỗ nhiều bông rau mác, tím ngắt. Cô tiếp viên ngồi bấm điện thoại vừa thấy
chúng tôi đã tràn tới như thấy vàng. Thắng đuổi như đuổi tà:
- Đi dang, kêu chủ quán ra biểu!
Cách hành xử thiếu văn hóa và kênh kiệu của Thắng làm lòng tự trọng của tôi bị tổn thương.
Nhưng tôi chỉ quan tâm tới điều đó thoáng qua, còn lại là thời gian quan sát người phụ nữ từ
trong phòng thu ngân bước ra. Quen quá! Có vài giây bộ nhớ của tôi hoạt động ở mức tối đa. Là
Lan? Đoàn Thị Diễm Lan? Sự bất ngờ làm tôi lúng túng, hay đúng hơn là nét đẹp sang trọng quí
phái của Lan làm tôi choáng váng ngay cái nhìn đầu tiên. Cái mụt rùi duyên bên dưới má phải tố
cáo nàng chính là Lan, hoa khôi của ngôi trường cấp ba niên khóa chúng tôi học. Tôi, Hưng,
Thắng, Toàn và Lan học cùng lớp, chơi chung với nhau suốt ba năm cấp ba. Chơi chung nhưng
lạ là năm chúng tôi mỗi người một cá tính. Hưng luôn trầm tư, sống khép kín, có lẽ là do ảnh
hưởng từ cái lý lịch “thiếu trong sạch” của nó khi ba nó là một sỹ quan ngụy luôn bị kỳ thị trong
thời gian này. Thắng, anh chàng con nhà quan, kiêu ngạo tự cao háo danh và hãnh tiến vì ba nó
là đương kim phó chủ tịch huyện. Thắng học dỡ bẹt nhưng năm nào cũng được lên lớp vì một lý
do gì đó không rõ ràng. Toàn thì không tốt không xấu, dáng dấp nông dân, cùn mằn nhưng chịu
khó và kiệm lời. Còn tôi thì trung bình yếu về mọi phương diện, có hơi yếm thế. Riêng Lan, cô
nàng mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống với bà ngoại nghèo khó, lội bộ suốt ba năm cấp ba để tới
trường. Chịu khó và thông minh nên Lan học nổi trội hơn so với bốn thằng tôi trong lớp. Có
điều, gần hết lớp mười hai bỗng dưng nàng biến mất, biệt tăm. Cả bốn thằng tôi bồn chồn, ngơ
ngẫn. Cả bốn thằng có cùng một tâm sự chăng?
- Ông đang làm thơ à, Phương? – Lan kéo tôi về thực tại.
- À, không. Lan vẫn đẹp như xưa! – Tôi tán tỉnh một cách vụn về.
- Thôi, bây giờ chúng ta xuống ghe du lịch, mang mồi và bia theo vừa lai rai vừa ngắm cảnh
sông nước rồi tâm sự, thằng Hưng đang “thèm” sông rồi nè. – Toàn đề nghị.

Đầu đông, sông Chiên man man một nỗi niềm xa xứ từ vài chiếc ghe thương hồ đơn lẻ, vô
định. Hưng đề nghị không chạy máy mà để chiếc ghe tự trôi theo dòng nước, như vậy thú vị hơn,
lãng mạn hơn. Hưng không phô trương như những kiều bào tôi gặp, vẫn nụ cười thiếu tự tin và
nét buồn ẩn sâu trong đôi mắt một mí kiểu Tàu. Hưng không thành đạt ở xứ người? Hay Hưng
đang khắc khoải một điều gì đó trên sông khi hơn hai mươi năm rồi nó mới trở về cố hương? Kệ
nó! Tôi đang quan tâm tới Lan nhiều hơn và đống đồ ăn bia bọt tràn trề được bày ra trước mặt.
Thắng khai tiệc:
- Vì người đẹp, vì buổi hội ngộ đầy ý nghĩa này, cạn lon!
Tôi hưởng ứng gượng gạo. Không gian này, nếu là những ly rượu cưa đôi, những trầm lắng
suy tư và hoài niệm thì hay biết mấy. Nó không thích hợp cho những ồn ào giả tạo, những phô
trương hình thức. Hưng có cùng suy nghĩ với tôi:
- Phải có chi chai rượu đế thì hay hơn. Kìa, Lan uống chút đỉnh rồi ăn gì đi chứ, tiệc này là
Thắng “bao trọn gói”, mình hỗ trợ “tăng hai”.
Không hẹn mà cả tôi và Lan đều quay qua nhìn Thắng. Thắng lại cười, nụ cười đầy hãnh diện,
tự cao của người thành đạt. Nụ cười mà tôi đã từng bắt gặp tại DIỄM LAN QUÁN. Đêm đó, khi
đã ngà ngà say, Thắng kề tai tôi nói nhỏ:
- Tối nay tôi nhường ông một đêm.
- Nhường? – Tôi ngạc nhiên đến bất ngờ.
Thắng cười nhẹ:
- Yên tâm đi, tuyệt vời!
Tôi nhìn Lan, có một chút ấn tượng không tốt lẻn vào đầu. Lẽ nào... Nhưng rồi khi nhìn nàng
vẫn ngồi vô tư rót bia, nhìn đôi mắt luôn ươn ướt buồn bã của nàng, tôi chạnh lòng.
Thắng về một mình, Lan không cản Thắng cũng không có ý đuổi tôi đi. Cảm giác tôi xáo
trộn. Mừng vì được gặp lại người mình đã từng mơ mộng và có thề có một đêm bên nàng như tôi
từng tưởng tượng. Thất vọng vì, Lan bây giờ không còn ngây thơ trong trắng như ngày xưa. Suy
nghĩ này có từ sự quan sát của tôi và tác động từ Thắng. Câu nói của Thắng ám ảnh tôi.
“Nhường”, có nghĩa là nó đã sở hữu? Mà, theo tôi biết thì Thắng đã có vợ con, vậy Lan là người
thứ ba? Hay, “nhường” vì Lan là của chung thiên hạ? Nhiều dấu chấm hỏi móc trong đầu nhưng
trong cơn say, may là tôi chỉ hỏi Lan một câu ngoại đề:
- Năm ấy tại sao Lan biến mất?
Cũng chính câu hỏi “ngoại đề” ấy mà bây giờ đối diện với Lan ở không gian sông nước hữu
tình này tôi trân trọng nàng hơn, yêu quí nàng hơn.

Ngoại mất đột ngột, Lan hụt hẫng, bơ vơ, không còn nghị lực sống nói chi đến chuyện học
hành và thực hiện ước mơ vào đại học. Người dì ở Sài Gòn bán tống bán tháo miếng đất ở quê,
đem Lan về sống chung với những lời hứa có cánh. Lan mặc cho số phận sắp đặt, bám vào chiếc
phao cuối cùng là dì để hy vọng. Trời ghét hay là định mệnh, không biết, Lan bị ông dượng mấy
lần định cưỡng hiếp. Dì biết, ghen và đuổi Lan ra khỏi nhà. Lan thật sự bị gở tay ra khỏi chiếc
phao cứu mạng giữa bão giông cuộc đời. Đói, khát và tuyệt vọng, lang thang hết công viên này
tới vỉa hè khác, xa lạ với tất cả loài người đang hạnh phúc hay bất hạnh xung quanh.
Đêm đã khuya, cô tiếp viên của quán đã ra về sau một đêm thất trắng. Gió mồ côi lòn dưới
chân bàn, lành lạnh. Mưa. Mưa tháng sáu đến từ từ và dai dẳng. Mưa đêm dễ gợi nhớ, gợi buồn
cho những ai có nhiều tâm sự. Câu chuyện của Lan bắt đầu thu hút tôi. Những toan tính đen tối
lúc Thắng ra về để “nhường” Lan lại cho tôi bây giờ hoàn toàn biến mất. Tôi không kìm được
xúc động:
- Quá khứ của Lan thật buồn...
- Chưa – Lan lau vội nước mắt – đoạn sau mới bi đát. Đến lúc Lan đói gần như gục ngã thì
được một người gánh hàng rong cứu giúp. Lan về phụ hợ bà vài việc lặt vặt ở một ngôi nhà nhỏ
trong con hẻm tồi tàn để kiếm miếng cơm. Bà hứa sẽ tìm cho Lan một công việc thích hợp để
sinh sống. Cuộc đời tưởng đâu sẽ được chuyển sang một trang mới, nào ngờ, gã con trai nghiện
ngập của bà ta đã xô Lan vào bước đường cùng...
- Thôi đừng kể nữa, Lan. Hãy sống cho hiện tại và trân trọng nó.
- Trân trọng? Một người có quá khứ là gái bao, hiện tại đang ngửa tay nhận từng đồng bạc lẻ
từ đám đàn ông phong lưu nhiều tiền thì có đáng trân trọng?
- Nhân phẩm và đạo đức con người không dựa vào công việc họ đang làm mà là tâm hồn của
họ - Tôi an ủi Lan, chân thành.
- Phương không khéo an ủi người khác. Mà thôi, dẫu sao cũng cảm ơn Phương đã chia sẻ.
Còn đêm nay, cũng như những đêm khác Thắng đến, chúng ta uống cho say để quên hết sự đời...

Thắng mang từ thị xã về một thùng đồ ăn nào heo quay, vịt quay, cua biển loại một, ghẹ, gà
nướng... toàn những món ăn cao cấp chỉ có ở nhà hàng sang trọng. Bao nhiêu đó đủ đãi cho một
buổi tiệc lớn. Tôi đã từng chứng kiến sự hoang phí của Thắng nên không bất ngờ. Toàn vẫn
nguyên vẹn là anh nông dân dù đang mang tiếng là nhà doanh nghiệp du lịch. Nó chép miệng:
- Trời, thằng Thắng đãi bạn như đãi lãnh đạo, tụi tao lép vế trước người đẹp rồi nghen.
Thắng trâng tráo:
- Có gì, mầy cho tao cái hóa đơn đỏ tiếp khách, là xong!
Hưng hiền lành:
Là sao?
Câu hỏi của Hưng lạc lỏng, lạc lỏng vì cả tôi, Lan, Thắng và Toàn đều không thể trả lời. Nhìn
đống đồ ăn thừa mứa đang bày ra trước mặt, tôi chợt ngậm ngùi cho những người nông dân tôi
từng gặp. Bữa cơm của họ có khi chỉ là vài con tép rang, mấy con khô mặn hoặc ít con cá lòng
tong, cá bóng kho khô. Có lần, khi dẫn đám học sinh của tôi về một vùng nông thôn sâu dã ngoại
, tôi chứng kiến cảnh đau lòng: một nhà năm miệng ăn mà chỉ có một cái hột vịt đánh ra kho
queo với nước mắm, vài cọng rau muống vườn luộc và chén muối ớt. Vậy mà họ ăn ngon lành,
ăn như thể miếng ăn họ vừa đưa vào miệng là sơn hào hải vị. Ngược lại, một tuần lễ tôi tập huấn
ở thị xã nơi Thắng công tác, mấy lần Thắng dẫn tôi và Lan đi ăn nhà hàng, lần nào cũng vậy,
món ăn đầy tràn, thừa thảy. Có lần Thắng buộc miệng nói vui nhưng rất vô duyên: “ Cứ ăn nhiều
vô, không ăn họ cho... heo ăn cũng vậy!”. Những lần đó, tôi để ý lúc tàn tiệc, Lan thường nhờ cô
tiếp viên mang cho mình vài cái bọc ni - lon, gom tất cả những thức ăn thừa phân loại cho vào
rồi mang về. Tôi ái ngại và có chút xem thường hành động thiếu tế nhị của Lan.
Đêm cuối cùng tập huấn ở thị xã ngủ không được, tôi ra ngồi quán cà phê vỉa hè. Cái hồ lặng
lẽ nằm trong lòng thị xã được tô trét chỉnh sửa như cô gái quê được công nghệ thẩm mỹ làm đẹp
quá trớn, vô duyên. Ở đầu bờ hồ là công viên, một công viên dơ dáy và bẩn thỉu vì người ta
quăng hổ lốn những thứ rác thải ra đó. Rồi phân và nước tiểu của cả chó lẫn người, tạp nham. Ở
đó, lăn lốc vài đứa trẻ bụi đời cong queo ngủ, bà mẹ và hai đứa con nhỏ co ro trên chiếc chiếu
rách. Trong không gian lạnh lẽo và buồn tênh đó tôi chứng kiến một hình ảnh cảm động: Người
phụ nữ trên chiếc xe Hon đa ngừng lại ngay công viên, trên tay tòn ten những túi ni - lon, cô ta
bắt đầu đánh thức những kẻ bất hạnh trong công viên và chia cho họ từng bọc ni – lon, chân tình
và khiêm tốn. Tôi ngờ ngợ, hình ảnh dáng dấp rất quen thuộc: mái tóc búi cao, áo bà ba phá cách
và nhất là bộ ngực đầy đặn thách thức. Bà bán cà phê ngáp dài:
- Hai ba ngày là con nhỏ đem đồ ăn cho đám trẻ bụi đời. Có người nói nó làm láp nhưng tui
thì quí nó lắm, làm phước mà, có đòi hỏi được đền đáp gì đâu.
Tôi bần thần. Những món ăn cao cấp thừa thảy trong các nhà hàng sang trọng múa mái quay
cuồng trong đầu tôi. Tôi hối hận.
Trời trở. Từng đám lục bình trôi xuôi ngang chúng tôi, lang bạt. Trên sông còn có hàng đống
rác thải, lững lờ. Có thứ trông đẹp đẽ, lành lặn nhưng khi nhìn kỹ thì không còn dùng được, có
cái tuy rách cũ nhưng nếu vớt đem về sửa sang lại vẫn còn hữu ích. Mặt trời chiếu xiên, nửa bên
đây nắng, nửa bên kia là chiều. Trong gầm trời xa xa cơn mưa muộn lớt phớt cầu vồng, khung
cảnh làm cho tôi bồi hồi còn Thắng thì vô cảm với lon bia và cái đùi gà nham nhở trên tay.
Hưng nói, xong tiệc này sẽ dẫn bọn tôi đi hát karaoke, Hưng đãi. Toàn ngật ngừ không phản ứng.
Còn Lan, nàng hướng đôi mắt ưu tư về phía chân trời, u ẩn.
Chiếc ghe du lịch của Toàn cập bến. Thắng bảo hất hết đồ ăn thừa xuống sông. Lan cản, bảo
có thể dùng lại được rồi lấy bọc ni lon gom tất cả vào. Toàn và Hưng nhìn Lan lom lom, ánh
nhìn của tôi vào Lan ở nhà hàng của hơn hai năm về trước giờ có trong mắt các bạn tôi. Tôi thẹn.
Phía chân trời tan mây, nắng vẫn xiên và có tiếng bìm bịp kêu xa, nước lớn.
NV

Địa chỉ liên lạc:


Ngọc Vinh, Hội Văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu, Bến Tre.
Điện thoại: 0987695775.
Email: vinhxuan70@gmail.com

You might also like