Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 4

Đẻ bài: Cảm nhận của em về nhân vật anh thanh niên trong tác phẩm lặng lẽ Sa Pa

của Nguyễn Thành Long.

Bài làm

“Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng

Nếu là hoa, tôi sẽ là một đoá hướng dương

Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm

Là người, tôi sẽ chết cho quê hương”

(Tự nguyện – Trương Quốc Khánh)

Trong những năm tháng kháng chiến chống giặc ngoại xâm, dân tộc Việt
Nam ta đã không ngừng anh dũng chiến đấu. Có người sẵn sàng có mặt nơi tiền
tuyến, có người lặng lẽ ở hậu phương để âm thầm dâng hiến cho cách mạng.
Những tấm gương sáng ngời ấy đã nhiều lần được ghi dấu trên thi ca, hay trên
những tập văn xuôi chói lọi. Và truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” là tiêu biểu cho
những tác phẩm ấy. Đó là kết quả nhân một chuyến đi công tác của tác giả tại Lào
Cai năm 1970, kể về nhân vật anh thanh niên, một nhân vật bình dị nhưng mang
phẩm chất anh hùng, ngày đêm âm thầm cống hiến khuất sau màn sương mù của
Sa Pa.

Nói về tác giả, nhà văn Nguyễn Thành Long quê ở Quảng Nam. Ông bắt đầu
viết từ trước kháng chiến chống Pháp và nổi lên như 1 hiện tượng văn học từ
những năm 60. Với sở trường viết truyện ngắn, văn phong lãng mạn và giàu chất
trữ tình, ông đã thành công trong sự nghiệp sáng tác với nhiều tác phẩm tiêu biểu,
nổi bật như tập Giữa trong xanh. Tác phẩm lặng lẽ Sa Pa ra đời năm 1970, nhân 1
chuyến đi công tác đến Lào Cai của tác giả. Khi ấy, kháng chiến chống Mỹ diễn ra
vô cùng ác liệt, đặt ra vấn đề về tinh thần trách nhiệm, bổn phận của mỗi công dân
với đất nước. Tác phẩm kể về một lần gặp gỡ tình cờ của anh thanh niên với bác lái
xe, ông hoạ sĩ, và cô kĩ sư. Chỉ trong những giây phút ngắn ngủi, anh thanh niên đã
để lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng mọi người.

Trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”, anh thanh niên là nhân vật trung tâm, là
hình tượng được khắc hoạ qua lăng kính của ông hoạ sĩ trong một tình huống gặp
gỡ chóng vánh, thế nhưng chỉ trong một khoảnh khắc ấy, hình tượng anh thanh
niên đã hiện ra vô cùng chân thực, sống động, được soi chiếu bằng một thứ ánh
sáng lí tưởng, mang vẻ đẹp lãng mạn.

Anh thanh niên là người có lí tưởng sống cao đẹp, có tinh thần trách nhiệm
lớn lao đối với công việc, bổn phận của chính mình. Lí tưởng ấy được thể hiện qua
hành động lựa chọn của anh. Khi chiến tranh bùng nổ, anh viết đơn xin ra trận, sẵn
sàng có mặt nơi tuyến đầu của mảnh đất anh hùng Trường Sơn, sẵn sàn quăng
mình vào mưa bom, bão đạn để thể hiện bổn phận trách nhiệm của mình với dân
tộc. Nhưng khi không được ra trận, anh xách balo lên đỉnh núi Yên Sơn cao hai
nghìn sáu trăm mét để làm công việc khí tượng, chọn nơi “khỉ ho cò gáy” để thử
thách chính mình. Đó là nơi sống vô cùng gian khổ, quanh năm chỉ có mây mù, cỏ
cây, có mình, núi non và nỗi cô đơn sừng sững. Đó chỉ có thể là lựa chọn của
những con người dám dấn thân, từ bỏ hạnh phúc ở chốn phồn hoa đô hội để làm
tròn bổn phận của chính mình. Đó không phải lựa chọn nông nổi, bồng bột mà xuất
phát từ nhận thức sâu sắc và lí tưởng cao đẹp của đời mình. Trong cuộc trò chuyện
với ông hoạ sĩ, anh kể rằng mình có ba câu hỏi hằng trăn trở: mình là ai? Mình đẻ
ở đâu? Mình vì ai mà làm việc? Đó là những câu hỏi hướng ra cái ngoài mình, đòi
hỏi xác nhận danh vị của bản thân trong thế giới này, thể hiện khát khao muốn thể
hiện bổn phận với quê hương, đất nước, trăn trở tìm mục đích sống của bản thân.
Với tất cả lí tưởng ấy, anh đã đối diện với không gian sống của chính mình một
cách trung thực nhất, đã nếm trải nỗi cô đơn cùng cực. Có lúc anh chia sẽ với tất cả
mọi người cảm giác ấy, rồi lại tự đấu tranh, tự nhủ rằng: nỗi thèm người ấy chẳng
qua chỉ là nỗi nhớ phồn hoa đô hội mà thôi. Để rồi anh tự nhốt mình trong nhà
hàng tháng trời, mặc cho bác lái xe đi qua bấm còi inh ỏi. Nếu anh không phải
người kiên định với lí tưởng, trung thực tận đáy, thì có lẽ cái cảm giác thèm người
kia, và cả sự kiên định ấy, sẽ không len lói trong anh. Không chỉ có lí tưởng sống
cao đẹp, anh còn là người có tinh thần trách nhiệm với mỗi công việc mình làm và
luôn làm tròn bổn phận mình đã lựa chọn. Đó là công việc làm khí tượng kiêm vật
lí địa cầu, là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác đến từng giây từng phút: đo gió,
đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, góp phần dự báo thời tiết hàng
ngày, phục vụ sản xuất, chiến đấu. Anh kể rằng, cái gian khổ nhất là phải dậy vào
“giờ ốp” để lấy thông tin và báo về trạm khí tượng vào lúc bốn giờ sáng, mười một
giờ trưa, bảy giờ tối, lại một giờ sáng. Trong không gian lặng lẽ chỉ có mình với
công việc ấy, anh đã làm việc với tất cả sự tỉ mỉ, chính xác và đầy trách nhiệm,
chưa từng bỏ lỡ một giờ ốp nào. Anh kể lại một lần ghi ốp vào lúc một giờ sáng:
“…Rét, bác ạ. Nửa đêm đang nằm trong chăn, nghe chuông đồng hồ chỉ muốn tắt
đi…”. Anh nhấn mạnh với ông hoạ sĩ “…Những lúc im lạnh cóng mà lại hừng hực
như cháy…”. Sự giãi bày chân thực ấy của anh khiến cho ông hoạ sĩ trong giây lát
thấy bối rối vô cùng vì hình như ông chợt hiểu ra một điều: đâu chỉ có chiến
trường, nơi có mưa bom, bão đạn mới là nơi khốc liệt? Có những nơi không gian
im lặng đến tê người, lạnh lẽo đến vô cùng nhưng cuộc sống vẫn đang ngút cháy,
con người phải đấu tranh với chính mình như anh thanh niên. Anh làm việc không
chỉ bằng lý tính mà còn bằng tất cả hạnh phúc, đam mê của chính mình, thật đáng
ngưỡng mộ làm sao. Trong câu chuyện với ông hoạ sĩ và cô kỹ sư, anh bày tỏ rất
đỗi chân thành và giản dị : “Mình với công việc là đôi, sao gọi là một mình được?”
Thế nên ngay khi vừa gặp mọi người, anh đã giới thiệu đầy say mê về từng việc
anh làm, từng máy móc gắn bó với anh hàng ngày cho ông hoạ sĩ nghe bằng giọng
điệu hồ hởi, phấn chấn: “…Đây là cái thùng đo mưa, đây là cái nhật quang ký…”.
Anh tìm thấy cả niềm hạnh phúc trong mỗi việc mình làm. Anh kể với ông hoạ sĩ
về một lần ghi được chiến tích của anh khi phát hiện được một đám mây khô, góp
phần giúp quân ta hạ được phản lực Mĩ bên cầu Hàm Rồng. Kể từ hôm ấy anh
hạnh phúc vô cùng, hạnh phúc vì thấy mình được chia sẻ trong chiến công của
quân ta, thấy giá trị của công việc mình làm, dẫu là âm thầm lặng lẽ trong cái nhịp
sống vĩ đại này.

Ở góc nhìn đời thường, anh thanh niên là người giản dị trong từng không
gian sống, trong ngôi nhà anh đang ở, trong từng cử chỉ dịu dàng thân thiện với
mọi người. Giây phút ban đẩu, khi mới gặp mà anh xin về trước, bác hoạ sĩ liền
trộm nghĩ trong lòng: “…chắc là cu cậu chưa kịp quét tước dọn dẹp, chưa kịp gấp
chăn đây mà.”. Nhưng khi lên đến đỉnh Yên Sơn, mọi người đều bất ngờ khi thấy
trước mắt là một vườn hoa đẹp đẽ, một ngôi nhà ngăn nắp, gọn gàng như bước vào
không gian của cái đẹp: có hoa, có sách đang đọc dở, gợi những suy tư trong lòng
cô kĩ sư: hoá ra anh sống một mình nhưng lại không hề cô đơn, buông tuồng mà
không gian vẫn đầy ắp cái đẹp, khiến cô cảm nhận được dấu hiệu của cuộc sống
đích thực vẫn đang cuộn chảy trên cái mảnh đất Yên Sơn yên lặng, hoang vu.
Không chỉ là tình yêu với cái đẹp, sự tự chủ mà còn là một thái độ sống tích cực,
một tinh thần khiêm tốn toát ra từ anh, gợi lên những rung động sâu sắc trong lòng
ông hoạ sĩ. Có lẽ lâu lắm rồi, trên hành trình tìm kiếm cái đẹp, ông mới xúc động
trước vẻ đẹp bình dị đến thế. Ông đề nghị xin phép được vẽ chân dung anh nhưng
bất ngờ thay, anh lại ngại ngùng từ chối: “Không, không, bác đừng vẽ cháu…”.
Chính thái độ của anh khiến ông hoạ sĩ chợt nhận ra công việc của mình khó nhọc
biết bao, vì làm sao có thể vẽ được hết vẻ đẹp của những con người như thế? Cuộc
gặp gỡ nhanh chóng kết thúc nhưng những ấn tượng tốt đẹp về sự khiêm tốn, về
những cử chỉ dịu dàng anh trao tặng cho mọi người, và cả sự nhiệt tình, thân thiện:
biếu bác lái xe củ tam thất, gửi cho mọi người giỏ trứng gà, tặng cô kĩ sư một đoá
hoa sẽ trở thành một dấu ấn không thể mờ phai. Đấy là cái đẹp toát ra từ trái tim và
tâm hồn anh để cô kĩ sư rời khỏi đỉnh Yên Sơn vẫn còn mãi thao thức vè những
trang sách anh đọc, để ông hoạ sĩ hiểu ra rằng trong cái tĩnh lặng, vắng vẻ của Sa
Pa vẫn còn những suy nghỉ tốt đẹp nảy nở. Tất cả sẽ vang vọng mãi không thôi.

Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” thành công trong việc khắc hoạ hình tượng
nhân vật anh thanh niên, một nhân vật tiêu biểu, lí tưởng cho thế hệ trẻ trong
những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sẵn sàng dâng hiến cả thanh xuân
cho tổ quốc, sống và cống hiến bằng trái tim và nhiệt huyết, say mê. Họ không
phải những ngôi sao, những anh hùng, vĩ nhân có mặt nơi tuyến đầu Trường Sơn
mà chỉ âm thầm, lặng lẽ trong công việc làm tròn bổn phận. Nhân vật anh thanh
niên được xây dựng và rọi chiếu bằng ánh sáng sử thi-lãng mạn, mang vẻ đẹp
không tì vết, vùa có lí tưởng sống cao đẹp, vừa giàu trách nhiệm, và trọn vẹn trong
cả đời thường. Nhà văn xây dựng nhân vật lí tưởng nhưng lại đặt nhân vật vào một
tình huống cụ thể, khắc hoạ hình tượng qua cái nhìn của các nhân vật khác như bác
lái xe, cô kĩ sư,… khiến nhân vật hiện lên vô cùng chân thực, sống động gần gũi,
mang vẻ đẹp của những ngôi sao xa xôi. Ngôn ngữ biểu đạt gần gũi, giàu chất lãng
mạn, phản ánh đúng phong cách văn học của nhà văn Nguyễn Thành Long.

(Liện hệ vs nv Phương Định)

You might also like