Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 17

TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI THƯƠNG

KHOA LUẬT
-----------------

TIỂU LUẬN
PHÁP LUẬT KINH DOANH QUỐC TẾ

ĐỀ TÀI: PHÂN TÍCH TRANH CHẤP TRONG HỢP ĐỒNG


VÀ CÔNG TY CP PHÁT TRIỂN PHÚ MỸ

Nhóm sinh viên thực hiện: Nhóm 10


Lớp tín chỉ: PLU411(HE2022).1
Giảng viên hướng dẫn: PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hà

STT Họ và tên Mã sinh viên


18 Phan Thị Diệu 1915510031
62 Bùi Thu Nga 1915510114
101 Phạm Cẩm Tú 1915510193

Hà Nội, tháng 8 năm 2022


MỤC LỤC
LỜI MỞ ĐẦU

Trong những năm gần đây, lĩnh vực kinh doanh - thương mại dịch vụ tại Việt Nam đang
phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là hoạt động thương mại dịch vụ. Xã hội ngày càng phát triển, đi
cùng với đó là các dịch vụ ra đời,ví như: dịch vụ sửa tài sản, dịch vụ pháp lý, dịch vụ quảng cáo...
Khi thực hiện dịch vụ, người thuê dịch vụ và người thực hiện dịch vụ sẽ thoả thuận với nhau về
các điều kiện cung ứng dịch vụ. Theo quy định của BLDS thì cả bên thuê dich vụ và bên cung
ứng dịch vụ đều có những quyền và nghĩa vụ nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình dịch vụ được
thực hiện, xảy ra sai sót là điều không tránh khỏi. Không phải thương nhân nào cũng có thể bảo
vệ quyền và lợi ích của mình khi thực hiện các hợp đồng này, dẫn đến việc phát sinh các tranh
chấp thương mại với số lượng và độ phức tạp ngày càng gia tăng. Điều này đòi hỏi các phương
hướng xử lí tranh chấp để đảm bảo quyền lợi, hạn chế thiệt hại cho các bên liên quan.

Nhận thức rõ tầm quan trọng và tính cấp thiết trong việc giải quyết các tranh chấp trong các
hợp đồng thương mại dịch vụ, nhóm em quyết định lựa chọn đề tài “Phân tích tranh chấp hợp
đồng dịch vụ: Quyết định số 26/2013/KDTM-GĐT giữa Công ty TNHH Orange Engineering và
Công ty CP Phát triển Phú Mỹ”.

Đề tài gồm có 3 chương như sau:

Chương 1: Tổng quan về tranh chấp

Chương 2: Phân tích vấn đề pháp lý trong tranh chấp

Chương 3: Bài học kinh nghiệm đối với các bên tham gia và các doanh nghiệp Việt Nam

Trong quá trình nghiên cứu và thực hiện bài tiểu luận, vì kiến thức bản thân còn hạn chế,
chúng em không tránh khỏi những sai sót. Chúng em kính mong nhận được những ý kiến đóng
góp từ thầy để bài tiểu luận của nhóm được hoàn thiện hơn.

Chúng em xin chân thành cảm ơn!


CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ TRANH CHẤP

1.1. Các đương sự trong vụ tranh chấp

Nguyên đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Orange Engineering

 Địa chỉ: 5th FL. Kins Tower, 25-1, Jeongja-dong, Bundang-gu, Seongnam- city,
Kyungki-province, Korea 

 Đại diện theo pháp luật: ông Kang Sang Mun - Giám đốc điều hành 

 Đại diện theo ủy quyền: ông Nguyễn Văn Kiên, địa chỉ: số 79 Đào Duy Anh, Phường 9,
quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh (theo Văn bản ủy quyền ngày 19-11-2010 của
Giám đốc điều hành Công ty).

Bị đơn: Công ty Cổ phần Phát triển Phú Mỹ

 Địa chỉ: xã Phú Mỹ, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương

 Đại diện theo pháp luật: ông Hong Bong Chui - Tổng Giám đốc 

 Đại diện theo ủy quyền: ông Đặng Lương Giao (theo Văn bản ủy quyền ngày 16-02-2011
của Tổng Giám đốc Công ty).

1.2. Nội dung hợp đồng của các bên

Hợp đồng được kí kết vào ngày 15-6-2007 giữa Công ty Orange và Công ty Phú Mỹ có một
số điều khoản cơ bản như sau: 

 Công ty Orange làm nhà thầu cung cấp dịch vụ thiết kế cho Dự án xây dựng công trình
“Câu lạc bộ quốc gia và sân golf Đôi Chim Câu” tại xã Phú Mỹ, thị xã Thủ Dầu Một

 Thời hạn dịch vụ là 3 tháng sau ngày ký kết hợp đồng

 Giá dịch vụ là 400.000.000 KRW (tiền won Hàn Quốc), thanh toán theo 3 đợt như sau:

o Thanh toán lần 1 là 120.000.000 KRW trong vòng 7 ngày sau khi ký kết hợp đồng

o Thanh toán lần 2 là 120.000.000 KRW trên cơ sở chấp nhận theo kế hoạch công việc

o Thanh toán lần 3 là 160.000.000 KRW trên cơ sở chấp nhận CD và bản vẽ chi tiết.

 Điều 12: Về kiểm tra thành quả:

l) Nội dung của hợp đồng được cho là thực hiện chỉ khi khách hàng đồng ý nội dung đó 

2) Khách hàng hoàn thành việc kiểm tra trong 10 ngày kể từ ngày nhận được sản phẩm dịch vụ từ
bên thiết kế và phải thông báo kết quả kiểm tra. Trường hợp không có thông báo khác thì việc
kiểm tra coi như là đã thông qua 
3) Để thực hiện công việc một cách trung thực, bên thiết kế thường xuyên báo quá trình thực hiện
cho khách hàng. Khi có yêu cầu sửa đổi thì lập tức phải chấp hành, do đó trường hợp phải kéo dài
thời gian hợp đồng theo lý do này thì khách hàng và bên thiết kế có thể điều chỉnh thông qua thỏa
thuận giữa hai bên

 Điều 13: Về bàn giao và tiếp nhận sản phẩm dịch vụ: 

l) Nếu bên thiết kế hoàn thành công việc và thông báo cho khách hàng, khách hàng nhận được
thông báo tiếp nhận mà không có lý do gì đặc biệt thì phải hoàn thành việc kiểm tra, 

2) Khi kết quả kiểm tra không đạt thì ngay lập tức bên thiết kế phải tiến hành chỉnh sửa và yêu
cầu kiểm tra lại

 Điều 14: Về chấm dứt hợp đồng của khách hàng: Khách hàng có thể chấm dứt hoặc hủy
một phần hoặc toàn bộ hợp đồng nếu rơi vào một trong những hạng mục dưới đây: 

l) Trường hợp bên thiết kế không thực hiện công việc sau khi ký hợp đồng mà không có lý do
chính đáng 

2) Trường hợp thừa nhận là hoàn toàn không có khả năng hoàn thành công việc trong thời gian
quy định mà không liên quan gì đến trách nhiệm của khách hàng hoặc đến thời hạn hoàn thành
mà không hoàn thành công việc 

3) Trường hợp thừa nhận là không thể đạt mục đích do bên thiết kế vi phạm điều kiện hợp đồng

 Điều 16: Về chấm dứt hoặc hủy hợp đồng theo việc thay đổi phạm vi công việc: 

l) Khi phát sinh lý do hợp pháp thì khách hàng có thể chấm dứt hoặc hủy hợp đồng, 

2) Trong vòng 7 ngày kể từ thời điểm kết thúc hợp đồng căn cứ theo mục 1 Điều 16 của hợp
đồng này, khách hàng phải chi trả số tiền tương ứng với phần công việc

1.3. Diễn biến vụ tranh chấp

Công ty TNHH Orange Engineering có địa chỉ tại Hàn Quốc (Công ty Orange - Nguyên
đơn) và Công ty Phú Mỹ (Bị đơn) ký Hợp đồng với nội dung công ty Phú Mỹ chỉ định Công ty
Orange làm nhà thầu cung cấp dịch vụ thiết kế sân Golf với giá 400.000.000 KRW (tiền Won
Hàn Quốc) được thanh toán thành 3 lần. 

Sau kí kết hợp đồng, công ty Orange đã hoàn thành các công việc theo hợp đồng cà Công ty
Phú Mỹ đã thực hiện thanh toán lần 1 và lần 2

Ngày 20/7, công ty Orange hoàn tất và bàn giao CD và bản vẽ chi tiết. Công ty Orange
không có bất kì phản hồi nào từ công ty Phú Mỹ

Công ty Orange đã bàn giao CD và bộ bản vẽ chi tiết của Dự án theo đúng thỏa thuận trong
hợp đồng nhưng Công ty Phú Mỹ không tiến hành thanh toán lần 3. 

Công ty Phú Mỹ cho rằng CD và bản vẽ của Công ty Orange chưa hoàn chỉnh, không đảm
bảo chất lượng và xem xét đến các yếu tố khí hậu tại Việt Nam nên không thanh toán. 
Công ty Orange khởi kiện yêu cầu Công ty Phú Mỹ thanh toán số tiền còn thiếu và lãi suất
là số tiền 141.969 USD cùng lãi suất chậm thanh toán tính từ ngày 30/9/2007 đến ngày
31/12/2010 là 141.969 USD x 39 tháng x 12%/12 tháng = 55.367 USD.

Tại Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 08/2011/KDTM-ST ngày 07-4-2011,
Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đã quyết định:

“l. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Orange Engineering Co.LTD.

⁻ Chấm dứt hợp đồng dịch vụ giữa Orange Engineering Co.LTD và Công ty cổ phần phát
triển Phú Mỹ ngày 15-6-2007.
⁻ Buộc Công ty cổ phần phát triển Phú Mỹ thanh toán số tiền 3.720.448.347 đồng cho
Orange Engineering Co.LTD.

Kể từ ngày Orange Engineering Co.LTD có đơn yêu cầu thi hành án, nếu Công ty cổ phần
phát triển Phú Mỹ không thanh toán khoản tiền nêu trên, thì ngoài khoản phải thi hành án, Công
ty cổ phần phát triển Phú Mỹ còn phải chịu thêm tiền lãi suất theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng
Nhà nước quy định tại thời điểm thi hành án tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.

2. Về án phí:

⁻ Công ty cổ phần phát triển Phú Mỹ phải nộp 106.408.966 đồng.


⁻ Orange Engineering Co. LTD phải nộp 18.348.611 đồng.

Ngày 19-4-2011, Công ty Phú Mỹ có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và đề nghị xử
bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 127/2011/KDTM-PT ngày 12-8-
2011, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:
Giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Sau khi xét xử phúc thẩm, Công ty Phú Mỹ có đơn đề nghị xét lại bản án phúc thẩm nêu
trên theo thủ tục giám đốc thẩm.

Tại Quyết định số 07/VKSNDTC-V12 ngày 24-2-2012, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân
dân tối cao kháng nghị Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 127/2011/KDTM-PT ngày
12-8-2011 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng hủy
bản án phúc thẩm nêu trên và hủy Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 08/2011/KDTM-
ST ngày 07-4-2011 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân
tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng
Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân
dân tối cao.

Tại Quyết định số 26/2013/KDTM-GĐT, Giám đốc thẩm Hội đồng Tòa án nhân dân
tối cao quyết định: Hủy toàn bộ Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 127/2011/KDTM-
PT ngày 12-8-2011 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và
Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 08/2011/KDTM-ST ngày 07-4-2011 của Tòa án nhân
dân tỉnh Bình Dương; giao nộp hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm
lại theo đúng quy định của pháp luật.
CHƯƠNG 2: PHÂN TÍCH CÁC VẤN ĐỀ PHÁP LÝ TRONG TRANH CHẤP

2.1. Khía cạnh pháp lý việc xác định quan hệ pháp luật có tranh chấp 

2.1.1. Thực tế trong tranh chấp

 Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm đều xác định quan hệ pháp luật tranh chấp là Hợp
đồng cung ứng dịch vụ

Theo Khoản 9, Điều 3 Luật Thương mại 2005, “Hợp đồng cung ứng dịch vụ là sự thỏa
thuận giữa các bên khi tham gia hợp đồng, theo đó một bên được gọi là bên cung ứng dịch vụ thì
bên cung ứng dịch vụ có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho một bên khác và nhận thanh toán từ bên
mà bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện dịch vụ cho đó là bên sử dụng dịch vụ hay còn được gọi là
khách hàng thì bên sử dụng dịch vụ có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung ứng dịch vụ theo thỏa
thuận”. 

 Ngoài ra, hai bản án đều xác định sử dụng Bộ luật dân sự và Luật thương mại 2005 làm
nguồn luật điều chỉnh cho hợp đồng

2.1.2. Nhận xét của Hội đồng thẩm phán

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Xây dựng năm 2003 đã được sửa đổi bổ sung năm
2009 

“1. Hoạt động xây dựng bao gồm lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng công
trình, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình, thi công xây dựng công trình, giám sát thi
công xây dựng công trình, quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, lựa chọn nhà thầu trong
hoạt động xây dựng và các hoạt động khác có liên quan đến xây dựng công trình”; 

Theo quy định tại Phần 1 Thông tư số 02/2005/TT-BXD 1 của Bộ Xây dựng hướng dẫn hợp
đồng trong hoạt động xây dựng. 

1. Hợp đồng trong hoạt động xây dựng (sau đây gọi tắt là hợp đồng xây dựng) là sự thỏa
thuận bằng văn bản giữa Bên giao thầu và Bên nhận thầu để thực hiện toàn bộ hay một hoặc một
số công việc trong hoạt động xây dựng. Hợp đồng xây dựng là văn bản có giá trị pháp lý ràng
buộc về quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng phải có trách nhiệm thực hiện các điều
khoản đã ký kết, là căn cứ để thanh toán và phân xử các tranh chấp (nếu có) trong quan hệ hợp
đồng; 

2. Phạm vi và đối tượng áp dụng:

b. Đối tượng áp dụng: Thông tư này áp dụng đối với Bên giao thầu và Bên nhận thầu là tổ
chức, cá nhân trong và ngoài nước có đủ điều kiện năng lực hoạt động, năng lực hành nghề khi
tham gia ký kết hợp đồng thực hiện các hoạt động xây dựng tại Việt Nam.

3. Các loại hợp đồng: Tuỳ theo quy mô, tính chất của công trình, loại công việc, các mối
quan hệ của các bên, hợp đồng xây dựng có thể có nhiều loại với nội dung khác nhau, cụ thể: 

1
Thông tư của Bộ Xây dựng số 02/2005/TT-BXD ngày 25 tháng 2 năm 2005 Hướng dẫn hợp đồng trong hoạt động
xây dựng
a. Hợp đồng tư vấn: được ký kết giữa Bên giao thầu và Bên nhận thầu để thực hiện các
công việc tư vấn như: lập quy hoạch xây dựng; lập dự án đầu tư xây dựng công trình; khảo sát
xây dựng; thiết kế xây dựng công trình; lựa chọn nhà thầu; giám sát thi công xây dựng công trình;
quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; thẩm tra thiết kế, tổng dự toán, dự toán và các hoạt
động tư vấn khác có liên quan đến xây dựng công trình…

Như vậy, Dịch vụ thiết kế xây dựng công trình là một hoạt động xây dựng (theo quy định
tại Khoản 1 Điều 3 Luật Xây dựng năm 2003 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009). Do vậy, việc
giao kết và thực hiện hợp đồng dịch vụ thiết kế xây dựng phải tuân theo các quy định của pháp
luật về xây dựng. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không áp dụng pháp luật chuyên
ngành mà chỉ căn cứ vào các quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại để xem xét tính
hợp pháp của hợp đồng dịch vụ thiết kế xây dựng nêu trên là chưa đầy đủ và chưa chính xác.

Nội dung các thỏa thuận tại “Hợp đồng dịch vụ”, có căn cứ xác định quan hệ pháp luật có
tranh chấp trong vụ án là hợp đồng dịch vụ trong hoạt động xây dựng, nên phải áp dụng Luật Xây
dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng để giải quyết vụ án.

2.1.3. Đề xuất/Đánh giá của nhóm

Như vậy, hợp đồng giữa Công ty Orange và Công ty Phú Mỹ có đầy đủ điều kiện của một
hợp đồng xây dựng:

⁻ Là thỏa thuận bằng văn bản giữa Bên giao thầu (Công ty Phú Mỹ) và Bên nhận thầu (Công
ty Orange)
⁻ Thực hiện một hoặc một số công việc liên quan đến xây dựng: thiết kế xây dựng công trình
(cung cấp dịch vụ thiết kế cho Dự án xây dựng công trình “Câu lạc bộ quốc gia và sân golf Đôi
Chim Câu”)

Bản án của Hội đồng sơ thẩm và phúc thẩm chưa đủ căn cứ xét xử, việc dựa vào Bộ luật
dân sự 2005 và Luật Thương mại 2005 mà không áp dụng luật chuyên ngành để xác định mối
quan hệ hợp đồng dẫn đến việc xác định chủ thể và nghĩa vụ các bên trong hợp đồng không đúng.
Hội đồng xét xử nên bổ sung Luật xây dựng 2003 sửa đổi bổ sung năm 2009 để xác định lại quan
hệ hợp đồng.

2.2. Khía cạnh pháp lý về tính hợp pháp của hợp đồng

2.2.1. Thực tế trong tranh chấp

 Đối với công ty Orange Engineer: công ty chỉ xuất trình “Giấy chứng nhận đăng ký kinh
doanh” số 129-81-86201 được cấp ngày 09-12-2008 để chứng minh Công ty Orange có
chức năng thực hiện Dịch vụ kỹ thuật và dịch vụ thiết kế, nhưng Hợp đồng dịch vụ đã được
ký kết ngày 15-6-2007

 Đối với Công ty Phú Mỹ: công ty đã trình bày đầy đủ các giấy tờ, tài liệu cần thiết để
chứng minh năng lực hoạt động. Công ty Phú Mỹ là Công ty liên doanh với nước ngoài, có
trụ sở chính tại thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, ngày đăng ký kinh doanh đầu tiên là
06/10/2006. Mã ngành nghề kinh doanh có 9329 bao gồm các hoạt động vui chơi giải trí
khác như kinh doanh sân golf
2.2.2. Nhận xét của HĐ thẩm phán

Theo nhận xét của Tòa án nhân dân tối cao

Theo quy định tại Quy chế Quản lý lao động của nhà thầu nước ngoài trong lĩnh vực xây
dựng tại Việt Nam 2 (ban hành kèm theo Quyết định số 87/2004/QĐ-TTg ngày 19-5-2004 của
Thủ tướng Chính phủ) thì: 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Xây dựng năm 2003 đã được sửa đổi bổ sung năm
2009 thì tổ chức thực hiện thiết kế xây dựng công trình phải đáp ứng các điều kiện sau:

 “a. Có đăng ký hoạt động thiết kế xây dựng công trình; 

  b. Có đủ điều kiện năng lực hoạt động thiết kế xây dựng công trình...”. 

“Điều 2. Giải thích từ ngữ....

1. “Nhà thầu nước ngoài” là tổ chức, cá nhân nước ngoài có năng lực pháp luật dân sự; đối
với cá nhân còn phải có năng lực hành vi dân sự để ký kết và thực hiện hợp đồng. Năng lực pháp
luật dân sự và năng lực hành vi dân sự của nhà thầu nước ngoài được xác định theo pháp luật của
nước mà nhà thầu có quốc tịch…

8. “Tư vấn đầu tư và xây dựng” là các công việc có tính chuyên nghiệp trong hoạt động
đầu tư và xây dựng bao gồm tư vấn lập dự án đầu tư xây dựng, khảo sát xây dựng, thiết kế kiến
trúc, thiết kế kỹ thuật, quản lý dự án đầu tư xây dựng, giám sát thi công xây dựng và các dịch vụ
kỹ thuật, kinh tế-kỹ thuật khác đối với dự án đầu tư xây dựng... 

10. Giấy phép thầu là giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho
nhà thầu nước ngoài theo từng hợp đồng sau khi trúng thầu hoặc được lựa chọn thầu theo quy
định của pháp luật Việt Nam.”

“Điều 3. Nguyên tắc quản lý hoạt động của nhà thầu nước ngoài: 

l. Nhà thầu nước ngoài chỉ được hoạt động tại Việt Nam sau khi được cơ quan nhà nước
có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép thầu;

2. Hoạt động của nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam phải tuân theo các quy định của pháp
luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập”.

Nhưng theo tài liệu có trong hồ sơ thể hiện Công ty Orange đã ký kết và thực hiện Hợp
đồng dịch vụ khi không có “Giấy phép thầu” do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp theo
quy định đã viện dẫn nêu trên. Trong trường hợp này, Tòa án phải làm rõ khi ký kết, thực hiện
Hợp đồng dịch vụ, Công ty Orange và Công ty Phú Mỹ có làm thủ tục để được cấp “Giấy phép
thầu” theo quy định hay không? Nếu đã làm thủ tục thì vì sao không được cơ quan có thẩm
quyền của Việt Nam cấp “Giấy phép thầu”?

2
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 87/2004/QĐ-TTg ngày 19-5-2004 về việc ban hành Quy chế Quản lý hoạt
động của nhà thầu nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam
2.2.3. Đề xuất/Đánh giá của nhóm

Về phía Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm, hai bên còn thiếu sót trong việc thu
thập hồ sơ vụ án khi không thu thập Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép đầu tư
của Công ty Phú Mỹ và không yêu cầu công ty Orange nộp “Giấy chứng nhận đăng ký kinh
doanh” và “Giấy phép thầu”.

Vì vậy, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương cần yêu cầu hai bên cung cấp thêm tài liệu liên
quan để bổ sung vào hồ sơ vụ án.

Về phía công ty Orange, dựa trên thực tế giấy tờ công ty trình bày và mốc thời gian ký kết
hợp đồng, nhóm chúng em kết luận là cho đến khi ký kết hợp đồng tức ngày 15-6-2007, công ty
Orange chưa chứng minh được công ty có đầy đủ năng lực thực hiện thiết kế xây dựng công trình
do chưa có hoặc chưa xuất trình đầy đủ giấy tờ cần thiết cụ thể là “Giấy phép thầu” theo khoản 1
điều 56 và điều 3 Luật Xây dựng năm 2003. 

Do vậy công ty cần phải nộp đầy đủ giấy tờ yêu cầu hoặc trình bày lý do nếu chưa được cấp
“Giấy phép thầu”. Trong trường hợp, công ty Orange chưa được cấp “Giấy phép thầu” trước khi
tiếp hành ký kết hợp đồng, công ty sẽ bị tuyên bố không có đầy đủ năng lực thực hiện thiết kế
công trình và hợp đồng sẽ bị tuyên bố vô hiệu do một bên không chứng minh được năng lực thực
hiện hợp đồng.

2.3. Khía cạnh pháp lý về hoàn thành nghĩa vụ của các bên

2.3.1. Thực tế trong tranh chấp

Ngày 15-6-2007, Công ty trách nhiệm hữu hạn Orange Engineering và Công ty cổ phần
phát triển Phú Mỹ) ký kết hợp đồng dịch vụ 

Sau khi ký kết hợp đồng, Công ty Orange đã triển khai ngay các công việc theo hợp đồng
và Công ty Phú Mỹ cũng đã thực hiện việc thanh toán lần 1 và lần 2 với tổng số tiền là
240.000.000 KRW theo đúng cam kết. Tuy nhiên, công ty Phú Mỹ không tiếp tục thực hiện việc
thanh toán lần 3 với giá trị 160.000.000 KRW (tương đương với 141.969 USD) theo cam kết, nên
Công ty Orange khởi kiện yêu cầu chấm dứt hợp đồng và buộc Công ty Phú Mỹ thanh toán số
tiền đó cùng lãi suất chậm thanh toán. 

Lý lẽ của hai bên về việc hoàn thành nghĩa vụ của mình như sau

Bên công ty Orange Engineering:

Ngày 20-9-2007, Công ty Orange đã hoàn tất và bàn giao cho Công ty Phú Mỹ CD và bộ
bản vẽ chi tiết của Dự án theo đúng khối lượng và tiến độ công việc đã cam kết trong hợp đồng.

Theo quy định tại Hợp đồng thì Công ty Phú Mỹ có nghĩa vụ kiểm tra và thông báo kết quả
kiểm tra sản phẩm do Công ty Orange thực hiện trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận bàn giao,
tuy nhiên Công ty Orange đã không nhận được bất cứ phản hồi nào từ Công ty Phú Mỹ liên quan
đến CD và bộ bản vẽ chi tiết của Dự án do Công ty Orange thực hiện. 

=> Như vậy, Công ty Phú Mỹ đã chấp nhận sản phẩm của Công ty Orange mà không có
khiếu nại gì. Công ty Orange đã hoàn thành công việc theo hợp đồng và Công ty Phú Mỹ cũng đã
sử dụng bộ bản vẽ chi tiết của dự án do Công ty Orange thực hiện để xin Giấy phép xây dựng và
tiến hành xây dựng trên thực tế.

Bên công ty Phú Mỹ

 Tháng 9-2007, Công ty Orange trình bản thảo đầu tiên

 Tuy nhiên, do bản thảo còn sơ sài nên tại cuộc họp qua mạng vào tháng 10-2007, Công ty
Phú Mỹ đã thông báo với Công ty Orange sự trì hoãn thi công xây dựng sân Golf do bản vẽ
chưa hoàn thành

 Đại diện của Công ty Orange là ông Kwon Dong Young - Kiến trúc sư đã đồng ý đệ trình
tất cả các bản vẽ hoàn chỉnh vào cuối tháng 11-2007 và các bên đã đồng ý thi công xây
dựng từ tháng 12-2007

 Đến tháng 11-2007, Công ty Orange trình bản thảo thứ hai nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh

  Do vậy, đầu tháng 12-2007, ông Han Suk Jung - Quản lý dự án của Công ty Phú Mỹ và đại
diện nhà thầu đã sang Hàn Quốc đề nghị Công ty Orange hoàn thành các bản vẽ.

 Trong chuyến công tác này, chính ông Chủ tịch Kang Sang Moon của Công ty Orange đã
phản đối kiến trúc sư trưởng của Công ty Orange về hệ thống thoát nước dưới lòng đất và
đến tháng 01-2008, Công ty Phú Mỹ nhận được kế hoạch về hệ thống thoát nước dưới lòng
đất nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh rõ ràng.

 Công ty Phú Mỹ khẳng định chưa nhận được các gói công việc hoàn chỉnh cũng như bản
chi tiết phối cảnh cây xanh bao gồm cả phần chỉnh sửa cách bố trí khu vực bờ suối và các
chi tiết được yêu cầu bổ sung khác từ Công ty Orange. Thậm chí bản phần mềm trên máy
tính cũng chưa được chỉnh sửa; các bản vẽ của Công ty Orange trình hoàn toàn không xem
xét đến yếu tố tự nhiên, thời tiết của Việt Nam mà lại sử dụng bản vẽ mang đặc trưng của
Hàn Quốc, điều này Công ty Phú Mỹ đã nhiều lần phản ánh nhưng Công ty Orange vẫn
không thể hiện trong bản thiết kế.

 Công ty Orange không bàn giao các bản vẽ thiết kế đúng theo yêu cầu nên Công ty Phú Mỹ
bị tổn thất do chậm triển khai thi công, phải thuê nhà thiết kế khác, phải bồi thường cho
nhà thầu do chậm triển khai thi công...thiệt hại ước tính lên đến 1.800.000 USD, chưa kể
việc Công ty chậm trễ trong việc khai trương và đưa vào kinh doanh. Vì vậy, Công ty
Orange đã vi phạm Điều 13 của hợp đồng đã ký kết. Căn cứ theo Điều 14, Điều 10 của
Hợp đồng thì Công ty Phú Mỹ có quyền chấm dứt hợp đồng và Công ty Orange phải bồi
thường thiệt hại cho Công ty Phú Mỹ. Mặt khác, Công ty Orange không đủ năng lực
chuyên môn để thực hiện công việc theo yêu cầu và không có giấy phép hành nghề thiết kế
theo quy định của pháp luật Việt Nam, nên Công ty Phú Mỹ đề nghị Tòa án không chấp
nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Orange.

2.3.2. Nhận xét của HĐ thẩm phán

Tại Điều 4 của Hợp đồng dịch vụ quy định Công ty Phú Mỹ có nghĩa vụ phải thanh toán
cho Công ty Orange 160.000.000 KRW trên cơ sở chấp nhận CD và bản vẽ chi tiết do Công ty
Orange thực hiện.
Tại Điều 12 của Hợp đồng dịch vụ quy định Công ty Phú Mỹ phải hoàn thành việc kiểm tra
trong 10 ngày kể từ ngày nhận được sản phẩm dịch vụ từ bên thiết kế và phải thông báo kết quả
kiểm tra. Trường hợp không có thông báo khác thì việc kiểm tra coi như là đã thông qua.

Quá trình giải quyết vụ án, hai bên đương sự trình bày thống nhất là Công ty Orange đã bàn
giao cho Công ty Phú Mỹ CD cùng bộ bản vẽ chi tiết của Dự án, nhưng việc bàn giao không
được lập thành văn bản. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm lại không làm
rõ Công ty Orange đã bàn giao sản phẩm thiết kế vào ngày nào; sản phẩm thiết kế được bàn giao
gồm những gì nội dung và khối lượng công việc được Công ty Orange thực hiện có đúng như
thỏa thuận của hai bên không?

Trong vòng 10 ngày sau khi nhận bàn giao, Công ty Phú Mỹ có ý kiến phản hồi về sản
phẩm không (nếu có phản hồi thì phản hồi bằng hình thức nào, nếu không có phản hồi thì sau khi
bàn giao sản phẩm hai bên có thỏa thuận gì khác không)? Có việc Công ty Orange tiếp tục bàn
giao các bản thiết kế sau khi hoàn chỉnh theo yêu cầu của Công ty Phú Mỹ vào tháng 11-2007 và
tháng 01-2008 như trình bày của Công ty Phú Mỹ hay không, nếu có việc bàn giao này thì bàn
giao trên cơ sở thỏa thuận nào giữa hai bên? Công ty Phú Mỹ đã sử dụng một phần hay toàn bộ
sản phẩm thiết kế của Công ty Orange và Công ty Phú Mỹ đã phải thuê Công ty khác hoàn thiện
thiết kế như thế nào…

2.3.3. Đề xuất/Đánh giá của nhóm

Mỗi bên đều có lập luận riêng của mình tuy nhiên cả hai bên không có biên bản bàn giao
nên chưa có cơ sở xác định ngày Công ty Phú Mỹ nhận CD và các bản vẽ thiết kế của Công ty
Orange để chứng minh cho tính đúng đắn của các lập luận mỗi bên. 

Nếu sau ngày Công ty Orange khai là đã bàn giao sản phẩm (20-9-2007) mà hai bên vẫn có
công văn trao đổi với nhau về việc sửa đổi để hoàn thiện thiết kế thì việc khẳng định Công ty
Orange đã hoàn thành nghĩa vụ để buộc Công ty Phú Mỹ thanh toán số tiền còn lại là chưa đủ cơ
sở. Bởi theo điều 4 của Hợp đồng dịch vụ quy định Công ty Phú Mỹ chỉ có nghĩa vụ phải thanh
toán cho Công ty Orange 160.000.000 KRW khi đã chấp nhận CD và bản vẽ chi tiết do Công ty
Orange thực hiện. Trong trường hợp vẫn cần thay đổi, sửa chữa thì công ty Phú Mỹ chưa phải
thanh toán. 

Vì vậy, cần yêu cầu các bên đương sự cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ cũng như sử dụng
các biện pháp thu thập chứng cứ khác để làm rõ các vấn đề nêu trên. 
CHƯƠNG 3: BÀI HỌC KINH NGHIỆM

3.1. Đối với các doanh nghiệp

Doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ pháp luật liên quan đến ngành nghề của mình trước khi tham
gia vào mỗi quốc gia. Đây là một trong số những vấn đề tiên quyết mà doanh nghiệp phải xử lý
trước khi có hoạt động thâm nhập vào mỗi quốc gia.  Để doanh nghiệp hoạt động hợp pháp tại
một quốc gia và được sự bảo vệ của luật pháp quốc gia đó khi có tranh chấp xảy ra, chúng ta phải
đáp ứng những điều kiện mà họ đặt ra. Luật pháp và yêu cầu của mỗi quốc gia với các doanh
nghiệp ở những ngành nghề khác nhau sẽ có những yêu cầu khác nhau. Vì vậy doanh nghiệp cần
phải đầu tư thời gian và công sức vào tìm hiểu và chuẩn bị những giấy tờ được yêu cầu.

Doanh nghiệp phải nắm được văn bản/tài liệu pháp lý quan trọng và không thể thiếu trong
doanh nghiệp mình. Văn bản/tài liệu pháp lý của doanh nghiệp là thứ không thể thiếu của một
doanh nghiệp nhằm xác định tư cách pháp nhân, địa vị pháp lý, tình trạng và hình hài doanh
nghiệp. Việc duy trì và lưu giữ những văn bản/tài liệu pháp lý nêu trên là vô cùng quan trọng để
thực hiện nhiều mục đích khác nhau cho doanh nghiệp, ví dụ như để vay vốn ngân hàng, để nộp
cho cơ quan nhà nước, Tòa án khi bị kiểm tra, thanh tra và tranh chấp (nếu có); để có cơ sở nâng
cao giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp; để chứng minh doanh nghiệp kinh doanh minh bạch.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nắm vững các quyền và nghĩa vụ của một doanh nghiệp.
Nếu doanh nghiệp chủ quan, lơ là và không thực hiện các nghĩa vụ nêu trên, thì hậu quả về lâu
dài mà doanh nghiệp có thể phải nhận là bị thanh tra, kiểm tra, bị xử phạt hành chính, buộc phải
khắc phục vi phạm, bị khách hàng/đối tác tẩy chay sản phẩm, dịch vụ, bị kiện tụng, bị mất uy tín.

3.2. Đối với bên xét xử

 Xác định đúng bộ luật để giải quyết tranh chấp

Một trong những đặc điểm cơ bản của hoạt động xét xử của tòa án là hoạt động áp dụng
pháp luật để giải quyết các cáo buộc và tranh chấp pháp lý nhằm bảo vệ pháp luật và bảo vệ trật
tự hiến pháp. Bảo vệ pháp luật là hoạt động áp dụng trách nhiệm pháp lý đối với các chủ thể vi
phạm pháp luật, xác định các quyền và nghĩa vụ của các bên. (trích footnote: Khái niệm, đặc
điểm, vai trò hoạt động xét xử của Tòa án? (luatminhkhue.vn))

Việc áp dụng pháp luật trong xét xử các vụ án được bảo đảm áp dụng đầy đủ, chính xác,
nhằm bảo đảm công lý, các quyền và lợi ích của Nhà nước, xã hội, công dân được bảo vệ là yếu
tố căn bản để nâng cao chất lượng xét xử các vụ án, trong đó có các tranh chấp quốc tế.

Vì vậy, xác định đúng quan hệ pháp luật và áp dụng đúng bộ luật trong xét xử là vấn đề đòi
hỏi phải được chú trọng và nâng cao chất lượng mới đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra.

Ở trong tranh chấp nêu trên, việc giao kết và thực hiện hợp đồng dịch vụ thiết kế xây dựng
phải tuân theo các quy định của pháp luật về xây dựng. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc
thẩm không áp dụng pháp luật chuyên ngành mà chỉ căn cứ vào các quy định của Bộ luật Dân sự
và Luật Thương mại để xem xét tính hợp pháp của hợp đồng dịch vụ thiết kế xây dựng nêu trên là
chưa đầy đủ và chưa chính xác.
 Kiểm tra tính hợp pháp của mỗi bên tham gia hợp đồng

Hợp pháp là sự phù hợp của hành vi cá nhân, tổ chức thực hiện đối với quy định của pháp
luật, hành vi hợp pháp là những hành vi được tiến hành thực hiện không trái với quy phạm đạo
đức, xã hội, phù hợp với quy định của pháp luật.

Các bên khi tham gia hợp đồng, tùy vào quan hệ pháp luật, sẽ có những quy định riêng về
các điều kiện cần có để có thể tham gia hợp đồng đó một cách hợp pháp. Nếu không đáp ứng đủ
các điều kiện đó, hợp đồng sẽ được xem như vô hiệu.

Vì thế để có thể đưa ra những phán quyết đúng đắn nhất, tòa án cần kiểm tra tính hợp pháp
của mỗi bên khi tham gia hợp đồng. 

 Thu thập đầy đủ các chứng cứ, tài liệu khi giải quyết tranh chấp

Khi tham gia xét xử, mỗi bên đều đưa ra những lập luận của mình để đạt được quyền lợi
hay phần thắng cho bên mình. Tuy nhiên, bên xét xử phải yêu cầu các bên xuất trình được những
tài liệu, chứng cứ, văn bản,...để chứng minh cho lập luận của mình. Đây sẽ là căn cứ quan trọng
để tòa án có thể xét xử tranh chấp một cách đúng đắn, có cơ sở. 
KẾT LUẬN

Như vậy, hiện nay, các tranh chấp hợp đồng dịch vụ diễn ra rất nhiều bởi hợp đồng dịch vụ
là hợp đồng phổ biến, đặc biệt là khi đất nước bước vào nên kinh tế thị trường, nhiều loại hình
doanh nghiệp ra đời, hoạt động thương mại ngày càng phát triển và đa dạng, do đó kéo theo các
tranh chấp trong hợp đồng ngày càng gia tăng. Ngoài ra, nguyên nhân phổ biến dẫn đến tranh
chấp về hợp đồng thương mại dịch vụ là do sự chủ quan của các bên trong việc thiết lập hợp
đồng. Trong thực tế kinh doanh, các bên khi kí kết một hợp đồng dịch vụ thường trao đổi rất
nhanh thông tin dưới hình thức văn bản. Nếu có bất cứ một khó khăn nào phát sinh thì những
thiếu sót, sở hở của một trong các bên dù nhỏ cũng phát sinh tranh chấp. Bởi vậy trước khi tiên
hành ký kết bất cứ hợp đồng nào, các bên cần phải soạn thảo chặt chẽ các văn bản hoặc hợp đồng
dịch vụ, … Mọi chi tiết chưa rõ ràng cần phải làm sáng tỏ ngay để tránh phát sinh những tranh
chấp và thiệt hại không đáng có. Trong hợp đồng thương mại dịch vụ với doanh nghiệp nước
ngoài, các nghĩa vụ, quan hệ trong hợp đồng trở nên phức tạp hơn nên các điều khoản cũng cần
phải chi tiết.

Qua bài nghiên cứu trên, có thể thấy việc giải quyết tranh chấp thương mại giữa Công ty
TNHH Orange Engineering và Công ty CP Phú Mỹ bởi Giám đốc thẩm là hoàn toàn thỏa đáng.
Bản án sơ thẩm, Bản án phúc thẩm, và cả Kháng nghị giám đốc thẩm xác định hợp đồng nêu trên
là hợp đồng hợp pháp, giải quyết tranh chấp theo các quy định về hợp đồng hợp pháp là chưa
chính xác. Cần phải giải quyết xét xử sơ thẩm lại theo hướng tuyên bố hợp đồng vô hiệu và giải
quyết hậu quả của tuyên bố vô hiệu theo quy định của pháp luậy. Tòa án dựa trên cơ sở luật pháp
và điều khoản hợp đồng ký kết đã giải quyết hợp lý, rõ ràng quyền lợi, nghĩa vụ các bên.

Nhờ việc tìm hiểu, nghiên cứu bản án này, em đã có được những kinh nghiệm và kiến thức
nhất định về tính hợp pháp của hợp đồng cùng các vấn đề pháp lý liên quan khác trong bản án.

Cuối cùng, em xin một lần nữa cảm ơn giảng viên PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà đã cung cấp
cho nhóm em những nền tảng kiến thức bổ ích để hoàn thành bài phân tích này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2005), Bộ Luật Dân sự
2. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2005), Luật Thương mại
3. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2009), Luật sửa đổi, bổ sung một
số điều liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản
4. Bộ Xây dựng (2005), Thông tư số 02/2005/TT-BXD Hướng dẫn hợp đồng trong hoạt
động xây dựng
5. Thủ tướng Chính phủ (2004), Quyết định số 87/2004/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế
Quản lý hoạt động của nhà thầu nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam
6. Nguyễn Minh Hằng (2012), Giáo trình Pháp luật Kinh doanh quốc tế
7. Phương Loan (2016),  Giới thiệu ‘án lệ’ - Bài 4: Hợp đồng vô hiệu, xử lý hậu quả ra
sao?  Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh. https://plo.vn/gioi-thieu-an-le-bai-4-hop-dong-vo-hieu-
xu-ly-hau-qua-ra-sao-post381234.amp

You might also like