Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 6

BÀI THƠ VỀ TIỂU ĐỘI XE KHÔNG KÍNH

Cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ đã đi qua nhưng còn vọng mãi dư âm trong kí ức
mỗi con người Việt Nam. Trong hai cuộc kháng chiến đầy gian khổ, hình ảnh người chiến sĩ hiện
lên đầy kiêu hãnh. Nếu như trong kháng chiến chống Pháp, những người lính xuất thân từ nông
thôn mang vẻ đẹp chân chất, mộc mạc. Thì đến kháng chiến chống Mỹ, người lính lại hiện lên
với hình ảnh trẻ trung, sôi nổi, vui nhộn với khí thế mới và tinh thần thời đại mới. Và “Bài thơ về
tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật đã đặc tả chân thực, sắc nét hình ảnh người lính
trong thời kháng chiến chống Mỹ bằng vẻ đẹp hào hùng của những người lính lái xe Trường
Sơn.

Bài thơ được sáng tác trong thời kì cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra rất gay go, ác liệt
vào năm 1948. Từ khắp các giảng đường đại học, hàng ngàn sinh viên đã gác bút nghiên để lên
đường đánh giặc, và điểm nóng lúc đó là tuyến đường Trường Sơn – con đường huyết mạch nối
liền hậu phương với tiền tuyến. Ở đó, không lực Hoa Kì ngày đêm trút bom, vãi đạn hòng ngăn
chặn sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam.Vượt qua mưa bom bão đạn của kẻ
thù, đoàn xe vận tải vẫn ngày đêm bất chấp gian khổ và hi sinh để ra trận. Phạm Tiến Duật đã
ghi lại những hình ảnh tiêu biểu của nơi khói lửa Trường Sơn. Có thể nói, hiện thực đã đi thẳng
vào trang thơ của tác giả và mang nguyên vẹn hơi thở của cuộc chiến. Ra đời trong hoàn cảnh
ấy, bài thơ với âm điệu hào hùng, khỏe khoắn đã thực sự trở thành hồi kèn xung trận, trở thành
tiếng hát quyết thắng của tuổi trẻ Việt Nam thời kì chống Mĩ. Cảm hứng từ những chiếc xe
không kính đã làm nền để nhà thơ chiến sĩ khắc họa thành công chân dung người chiến sĩ lái xe:
ung dung tự tại, lạc quan sôi nổi, bất chấp mọi khó khăn gian khổ , tình đồng chí đồng đội gắn
bó tình yêu đất nước thiết tha…

Bài thơ mở đầu với câu thơ mang hình ảnh rất chân thực và độc đáo:
“Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi.”
Hai câu thơ với nét chấm phá nghệ thuật, giúp cho chúng ta dễ dàng hình dung ra bức tranh
hiện thực tàn khốc của chiến tranh. Những chiếc xe quân dụng vốn dĩ có kính, trang bị đầy đủ,
nhưng do bị “bom giật bom rung” nên “kính vỡ đi rồi”. Sự tàn khốc của mưa bom bão đạn đã
khiến những chiếc xe biến dạng, trở nên không được bình thường, kỳ dị và độc đáo. Có thể
thấy, thông qua hình ảnh những chiếc xe không kính, tác giả đã tái hiện lại một cách vô cùng
chân thực sự khốc liệt của cuộc chiến tranh để rồi trên nền của cuộc kháng chiến gian khổ, khốc
liệt ấy, tác giả PTD đã xây dựng thành công hình ảnh những người lính lái xe Trường Sơn với tư
thế ung dung, hiên ngang, luôn sẵn sàng ra trận.
“Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”
Tính từ "ung dung" và điệp từ “nhìn” thể hiện niềm sảng khoái bất tận, tư thế hiên ngang sẵn
sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách của người chiến sĩ lái xe. Nếu như ở hai câu thơ trên,
còn đang là "bom giật", "bom rung" dữ dội, ác liệt, hiểm nguy; thì xuống những câu thơ này là
tư thế "ung dung" của người lính. Nhà thơ đã sử dụng thủ pháp đối lập ở đây, để làm nổi bật tư
thế hiên ngang, quả cảm của các chiến sĩ. Họ không hề run sợ, sợ hãi trước bom đạn của quân
thù, ngược lại, trong cái xe không có kính vì bom đạn ấy, các anh vẫn ung dung, tự tại. Hình ảnh
các anh trở nên đẹp đẽ, phi thường như một bức tượng đài về người chiến sĩ cách mạng.
Điệp ngữ “nhìn” đã nhấn mạnh, khắc sâu vẻ đẹp từ cách quan sát của người chiến sĩ. Một vẻ
đẹp xuất phát từ tâm hồn, tấm lòng của anh. Cách nhìn chăm chú đó biểu lộ niềm yêu thương
của anh với thiên nhiên, cuộc sống và sự quyết tâm, vững vàng trong nhiệm vụ. Anh “nhìn đất”
để thêm gắn bó yêu thương con đường Trường Sơn hào hùng, thân thuộc, để dẫn đưa chiếc xe
đi an toàn, mau đến đích. Anh “nhìn trời” để tâm hồn thêm lạc quan, bay bổng, thêm tin tưởng
vào tương lai. Anh “nhìn thẳng” là nhìn về phía trước, nhìn vào con đường trước mặt cần vượt
qua, nhìn vào nhiệm vụ đầy gian khổ, thử thách của mình để thêm cương quyết, tích cực mà
sẵn sàng đối phó, đương đầu với bao hiểm nguy, gian khổ. Bởi thế, mặc cho bom đạn gào thét,
anh vẫn cứ tiến lên. Anh chiến sĩ lái xe thật dũng cảm, hào hùng biết bao! Vị trí từ "ung dung"
trong câu thơ được đặt lên trước cả cụm chủ vị, trước cả trạng ngữ chỉ nơi chốn (buồng lái) để
làm rõ tư thế đứng trên đầu thù của các chiến sĩ lái xe. Cách sử dụng nhịp thơ hai – hai – bốn,
hình ảnh, ngôn ngữ thơ chân thật, biểu hiện thái độ và tư tưởng người lính: tin tưởng và quyết
tâm vượt qua gian khổ, hoàn thành nhiệm vụ. Và tư thế ung dung, hiên ngang của người lính lái
xe ra trận được khắc hoạ đậm nét hơn qua những hình ảnh hoà nhập vào thiên nhiên
“Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa như ùa vào buồng lái”

Những câu thơ rất thực, thực đến từng chi tiết. Những câu thơ chân thực, sống động, đầy ấn
tượng như chính nhà thơ đang cầm vô lăng mà lái. Tất cả thiên nhiên, vũ trụ như ùa vào buồng
lái của những người lính. Đoạn thơ đã diễn tả về tốc độ chiếc xe đang lao nhanh với cảm giác
mạnh, đột ngột bởi xe không có kính chắn gió nhưng vô cùng lãng mạn. khiến người đọc hình
dung được rõ ràng những ấn tượng, cảm giác như chính mình đang ngồi trên chiếc xe không
kính đó. Cảm giác của người chiến sĩ về cơn gió là cảm giác trực diện. Anh không chỉ cảm thấy
cơn gió vào “xoa” mắt đắng mà đã nhìn thấy cơn gió vô hình. Cơn gió dường như cũng chẳng vô
tình, gió đã vào “xoa” mắt đắng để làm giảm bớt vị đắng, sự khó chịu nơi mắt bởi những ngày
đêm thức trắng để lái xe không ngừng nghỉ. Cảm giác ấy càng phát triển mạnh mẽ hơn khi anh
“nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim”. Sự liên tưởng thật đẹp và độc đáo khi chiếc xe lao
tới, con đường đã chạy ngược về phía người lái. Sự tin tưởng phù hợp với tấm lòng của người
lái xe, đó là tấm lòng nhiệt tình, hăng say trong nhiệm vụ. Trái tim người chiến sĩ luôn dạt dào
tình yêu Tổ quốc quê hương mà cụ thể là con đường thân thuộc gần gũi, con đường hứng chịu
bao đạn bom, máu lửa. Chiếc xe vẫn lao nhanh, tiến lên vì người lính biết rõ mục đích, lí tưởng
công việc cao cả của mình là cống hiến, hoạt động vĩ ai? Để làm gì? Cuộc chiến đấu thật lắm
hiểm nguy, thử thách nhưng tâm hồn người chiến sĩ vẫn luôn lãng mạn, bay bổng khi anh quan
sát từ chiếc xe không kính để thấy “sao trời, cánh chim”... Có lẽ, tâm hồn anh phải hân hoan,
phơi phới yêu đời nên mới có được cảm nhận “... như sa, như ùa vào buồng lái”. Nếu điệp ngữ
“nhìn thấy” diễn tả thái độ quan sát chủ động của người chiến sĩ đối với cảnh vật thì động từ
“thấy” lại nhấn mạnh đến sự xuất hiện bất ngờ, mau lẹ “đột ngột” của cánh chim đêm. Cách
nhìn ấy thật tinh tế và lạc quan. Một ánh sao, một cánh chim lạc đàn cũng làm anh chú ý, xao
xuyến. Nhịp thơ trở nên nhanh gấp, sôi nổi thể hiện tâm hồn yêu đời, yêu thiên nhiên, sự lạc
quan của người chiến sĩ. Đó cũng chính là thái độ chung của người chiến sĩ Giải phóng quân thời
chống Mĩ. Như vậy, với 2 khổ thơ mở đầu, tác giả đã xây dựng thành công hình tượng những
người lính với tư thế ung dung, tràn đầy bản lĩnh trước những khó khăn, gian khổ, hiểm nguy
của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Đối với người chiến sĩ lái xe, chiếc xe “không kính” đem lại những cảm giác khi lao đi trên đời
vắng. Những hiểm nguy của cuộc chiến, những khó khăn của mưa nắng vẫn cứ đổ dồn vào dãy
Trường Sơn. Bụi Trường Sơn thật khốc liệt, mưa Trường Sơn thật dữ dội, thế nhưng những
chiếc xe không có kính vẫn tiếp tục băng qua chiến trường:
“Không có kính ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha
Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa mau khô thôi.”
Hai khổ thơ tả thực đến từng chi tiết, từng hình ảnh và thật cả trong cách diễn tả, câu thơ đậm
chất văn xuôi, mộc mạc như lời nói thường ngày. Nếu như hai khổ đầu bài thơ mang lại cho ta
những cảm giác về những khó khăn thử thách thấy người lính dù sao cũng vẫn mơ hồ thì đến
đây, thử thách, khó khăn ập tới cụ thể, trực tiếp. Đó là “bụi phun tóc trắng” và “mưa tuôn xối
xả” (gió, bụi, mưa tượng trưng cho gian khổ thử thách ở đời). Không có kính chắn gió nhưng
những chiếc xe vẫn chạy và người lính chấp nhận. Trong chiến đấu bao khó khăn của núi rừng
Trường Sơn, bao cơn mưa, gió bụi chỉ là những điều bình thường, không có gì đáng lưu tâm. Từ
“ừ thì” vừa thể hiện thái độ bình thản, ngang tàng, bất chấp. Mặc cho “mưa tuôn, mưa xối”,
thái độ của những người lính vẫn tự tin, ung dung tay lái. Mất đi bộ phận che chắn, người lái và
chiếc xe như đi giữa bụi đất. Điệp ngữ “bụi” và động từ “phun” diễn tả, nhấn mạnh mức độ ghê
gớm đến đáng sợ của bụi: bụi bay, bụi cuốn mù mịt cả không gian, đất trời mỗi lần xe chạy và
kéo dài suốt cả chặng đường dài. Những cơn bụi đó qua khung kính vỡ đã ùa vào buồng lái, phủ
đầy tóc, đầy mặt người lính biến anh thành hình tượng đáng yêu qua cách so sánh của nhà thờ
“tóc trắng như người già”. Cái gian khổ của anh chiến sĩ lái xe được diễn tả sao mà nhẹ nhàng
đến thế. Họ không kêu ca, than vãn mà lại lấy chính cái gian khổ của mình để khôi hài nữa chứ.
Nếu từ ngữ “ừ thì” thể hiện sự chấp nhận, chịu đựng những cơn bụi thì thái độ “chưa cần rửa”
lại là sự thách thức, bất chấp, xem thường mọi gian khổ. Gian khổ này dường như không tác
động, làm lay chuyển, ý chí, quyết tâm anh. Người chiến sĩ xem đó là dịp để rèn luyện ý chí, sức
mạnh của mình. Cội nguồn sức mạnh, nghị lực nơi người chiến sĩ là do mục đích, lí tưởng cao cả
“vì Miền Nam thân yêu”. Dù mưa có “tuôn”, có “xối”, có nhiều đi chăng nữa thì những chiếc xe
vẫn tiếp tục lăn bánh vì nhiệm vụ cấp bách phía trước. Chuyện mưa ướt áo rồi gió lùa làm khô
áo đó là một việc hết sức bình thường. Cấu trúc khổ 4 lặp lại cấu trúc khổ 3 đã tạo nét hài hoà,
nhịp nhàng cho câu thơ. Điệp ngữ “chưa cần rửa”, “chưa cần thay”, “ừ thì” đã thể hiện thái độ
người lính bất chấp gian khó, hồn nhiên, tươi trẻ trước cuộc chiến tranh khốc liệt. Những gian
khổ, ác liệt của cuộc chiến dưới ngòi bút của Phạm Tiến Duật, dưới lời nói của những người lính
Trường Sơn sao mà nhẹ nhàng đến thế!
Sang khổ thơ thứ năm, mưa bụi qua đi... nhịp thơ hơi lắng đọng lại nhường chỗ cho tình đồng
chí, đồng đội nồng ấm:
“Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.”
Từ trong làn mưa bom bão đạn, những chiếc xe cùng chung đặc điểm “không có kính”, cùng
được điều khiển bởi những con người yêu nước nồng nàn đã họp lại thành những tiểu đội, san
sẻ cho nhau tình đồng chí, đồng đội gắn bó. Vẫn giọng thơ thật tự nhiên, gần với văn xuôi,
Phạm Tiến Duật đã khắc hoạ tình cảm cao đẹp của người lính, của tuổi trẻ sôi nổi, nhiệt tình
lãng mạn. Nét duyên dáng của bài thơ là ở chỗ xe không có kính gặp nhiều khó khăn song đôi
khi lại trở nên tiện lợi. Gặp bè bạn trên đường chiến đấu chỉ cần đưa tay qua cửa kính là có thể
nắm được tay của đồng đội. “Từ trong bom rơi”, từ trong ác liệt mà có thể nắm được tay của
đồng đội – điều đó quả thật đầy ý nghĩa. Chính những ô cửa kính vỡ ấy đã khiến cho họ thấy
gần nhau hơn, khiến cái bắt tay ấy càng thêm chặt hơn và khi ấy tình đồng đội lại càng thắm
thiết hơn. Cái bắt tay qua ô cửa kính vỡ như sự chia sẻ, như trao nhau niềm tin chiến thắng của
những người lính Trường Sơn. Phạm Tiến Duật đã xây dựng một tứ thơ thật độc đáo. Chiếc kính
vỡ là tượng trưng cho cuộc chiến tranh khốc liệt, là gian khó, thử thách. Thế nhưng vượt qua
những khó khăn đó, cái bắt tay siết chặt như trao nhau niềm tin tất thắng. Đó là một vẻ đẹp đầy
chất lãng mạn của chủ nghĩa anh hùng ca cách mạng. Nếu như trong bài thơ “Đồng chí”, Chính
Hữu đã từng viết: “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay” để nói về sự cảm thông, san sẻ của
những người cùng chung hoàn cảnh xuất thân, cùng chung mục đích, lý tưởng thì ở “Bài thơ về
tiểu đội xe không kính”, Phạm Tiến Duật đã xây dựng một cái bắt tay với tất cả lòng nhiệt huyết
của những người lính thời chống Mỹ – những người đã giác ngộ lý tưởng cộng sản. Với tuổi trẻ
ngang tàng, sôi nổi, đầy nhiệt tình mà không kém phần kiêu hùng, họ đã trao cho nhau tất cả
niềm tin... rằng một ngày mai bình minh sẽ ló dạng ở miền Nam, rằng một ngày mai nước nhà
sẽ Bắc Nam sum họp... Những người chiến sĩ lái xe dũng cảm vẫn làm tròn nhiệm vụ của mình
với tinh thần vì miền Nam ruột thịt.

Thơ Phạm Tiến duật không chỉ phát hiện tình đồng đội ở những vẻ đẹp hào hùng mà còn nhìn
nhận dưới góc độ những tình cảm thân thương, đầm ấm. Những người lính đã gắn bó với nhau
thành ruột thịt.
“Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đây
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm.”
“Trời xanh thêm” vì lòng người phơi phới, say mê trước những chặng đường đã đi và đang đến.
“Trời xanh thêm” vì lòng người luôn có niềm tin về một ngày mai chiến thắng. Những người lính
lái xe hiên ngang, dũng cảm, lạc quan, trẻ trung sôi nổi, giàu tình đồng chí đồng đội. Vẫn nét bút
tinh nghịch, tươi trẻ, hồn nhiên, những người lính cùng chung bát đũa để thắt thêm tình đồng
chí gắn bó khăng khít. Họ nghỉ ngơi trong chốc lát trên chiếc võng mắc chông chênh. Từ láy
“chông chênh” gợi hình gợi cả tính cách trẻ trung, ngang tàng của người lính. Sinh hoạt của
người lính với cái ăn, cái ngủ được nhà thơ Phạm Tiến Duật miêu tả qua hai hình ảnh “bếp
Hoàng Cầm” và “võng mắc chông chênh” thật độc đáo. Phải sống trong hiện thực cuộc chiến
đấu đó, Phạm Tiến Duật mới có thể viết được những vần thơ đẹp đến thế. Thật khó khăn, gian
khổ nhưng những người lính nghĩ về nó thật cảm động: “nghĩa là gia đình đấy”. Một khái niệm
mới, dù xa nhà đi vào cuộc chiến đấu tử sinh, nhưng người lính vẫn ấm áp mái ấm gia đình, đó
là tình đồng đội. Giọng điệu thơ dung dị, thanh thản mà mạnh mẽ như tính cách ngang tàng,
ngạo nghễ bất chấp hiểm nguy của chiến tranh.
Ngồi bên nhau trong phút chốc, họ lại tiếp tục lên đường theo tiếng gọi của quê hương, của
miền Nam thân yêu. Bốn câu thơ cuối bài đã hoàn thiện bức chân dung tuyệt vời của người lính
lái xe bởi ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam và lòng yêu nước nồng nhiệt của họ:
“Không có kính, rồi xe không có đèn,
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim”
Điệp ngữ “không có” được lặp lại ba lần như nhân lên để tổng kết cho những cái khó khăn, khắc
nghiệt của chiến tranh. Khó khăn nối tiếp khó khăn, càng đi vào sâu tới những chiến trường
nguy hiểm hơn và minh chứng cho sự khóc liệt đó là những chiếc xe mang trên mình đầy
thương tích. Bằng việc sử dụng biện pháp liệt kê “không có kính, không có đèn, không có mui
xe, thùng xe có xước” kết hợp với điệp ngữ ” không có” hai câu đầu của khổ thơ không chỉ nhấn
mạnh sự thiếu thốn về vật chất mà còn diễn tả sự mất mát đau thương dồn dập của tiểu đội xe
không kính do bom đạn của quân thù dội xuống càng về cuối cùng càng ác liệt, nhưng đối lập
với những thứ mất mát ấy là 1 thứ như thép, như đồng đang tồn tại ý chí của người lái xe.
Những chiếc xe không còn nguyên vẹn ấy vẫn tiếp tục đi “xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước”,
người lính lái xe vẫn cứ giữ chắc tay lái, đối diện với con đường vững vàng trên vị trí chiến đấu.
Chữ “vẫn chạy” gợi sự gan góc, kiên cường, vượt lên trên bom đạn, những chiếc xe vẫn tiến về
phía trước vì miền Nam ruột thịt. Đây là mục đích, là lý tưởng sống của những người lái xe
trong thời kì ấy và cũng chính là mục đích lý tưởng của thế hệ thanh niên lớp lớp lên đường
chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Câu thơ cuối cùng như đọng
lại một tâm huyết, cũng như một lời giải thích cho tất cả những điều kì lạ đẹp đẽ: “Chỉ cần trong
xe có một trái tim”. Bài thơ dựng lên cuộc chiến đấu với bao điều không có: không kính, không
đèn, không mui nhưng “chỉ cần trong xe có 1 trái tim”. Tác giả đã sử dụng nghệ thuật tương
phản giữa hoàn cảnh ác liệt của cuộc kháng chiến và phẩm chất của người lính lái xe, ý chí kiên
cường, quyết tâm chiến thắng kẻ thù xâm lược. “Trái tim” là 1 hoán dụ nghệ thuật tu từ để chỉ
người chiến sĩ lái xe Trường Sơn năm xưa. Trái tim ấy luôn sục sôi, căm thù giặc Mỹ bạo tàn.
Yêu thương, căm thù chính là động lực thôi thúc những ngừoi chiến sĩ lái xe khát khao giải
phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trái tim như ngọn đèn, như mặt trời ở cuối bài thơ như
làm ấm, làm sáng rực lên chiến trường nhiều gian khổ. Câu thơ đã bật sáng lên chủ đề, toả sáng
vẻ đẹp hình tượng người lính lái xe thời chống Mỹ.
Hình ảnh người lính lái xe không kính đã được nhà thơ Phạm Tiến duật khắc họa bằng chất liệu
hiện thực sống động của cuộc sống chiến trường. Ngôn ngữ và giọng điệu thơ tự nhiên, khỏe
khoắn, mang cái ngang tàng của những người trẻ. Chọn hình ảnh của những chiếc xe không
kính, Phạm Tiến duật đã xây dựng thành một hình tượng điển hình nhằm phản ánh hiện thực
chiến tranh và biểu dương tinh thần, ý chí của người lính Trường Sơn. Đặc biệt tác giả đã khắc
họa thành công chân dung của người lính lái xe và phẩm chất cao quý của họ. Đó là tư thế hiên
ngang, dũng cảm, là thái độ bất chấp, coi thường hiểm ngụy. Đó là vẻ đẹp của tình đồng chí,
đồng đội và lòng yêu nước nồng nàn, cháy bỏng, ý chí chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng miền
Nam, thống nhất đất nước. Hình ảnh ấy đã giúp ta hiểu thêm, tự hào thêm về những tháng
ngày kháng chiến gian khổ nhưng đầy khí phách, hào hùng, sôi nổi của tuổi trẻ Việt Nam thời
chống Mĩ.

Cùng viết về đề tài người lính nhưng các anh bộ đội trong “Đồng chí” của Chính Hữu lại khác xa
so với “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Người lính trong bài
“Đồng chí” xuất thân là những người nông dân miền quê lam lũ nước mặn đồng chua, đất cày
lên sỏi đá. Họ là những người lính không chuyên, vì yêu nước, vì thù giặc mà ra đi trực tiếp cầm
súng chiến đấu. Trái lại, người lính trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là những chàng trai
trẻ. Họ là những người lính được huấn luyện, đào tạo làm công việc chính là lái xe trên tuyến
đường Trường Sơn. Mặc dù không trực tiếp tham gia chiến đấu nhưng họ đã góp phần không
nhỏ cho cuộc kháng chiến của dân tộc. Tuy xuất thân khác nhau nhưng họ đều có chung lí
tưởng cách mạng, có tâm hồn tinh tế nhạy cảm, luôn lạc quan yêu đời, tinh thần đoàn kết, yêu
thương, gắn bó nhau và tinh thần bất khuất vượt lên mọi khó khăn, thử thách. Họ đều là đại
diện cho phẩm chất, khi phách của con người Việt Nam trong thời đại cách mạng.

Gấp lại những vần thơ, ta không thể nào quên được hình ảnh chiến sĩ lái xe đường Trường Sơn
đã được khắc họa bằng tình cảm mến yêu và cảm phục chân thành của tác giả. Chính những vẻ
đẹp của người lính lái xe và hình tượng những chiếc xe không kính trong bom đạn khốc liệt đó
đã nói lên phẩm chất cao đẹp của thế hệ trẻ trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Dù lớp bụi
thời gian có phủ đầy những trang sách và những đổi mới của cuộc sống làm biến chuyển đi tất
cả, nhưng hình ảnh những người lính cụ Hồ, những chiến sĩ Trường Sơn vẫn sống mãi trong
lòng mọi người với tấm lòng trân trọng trọng, biết ơn.

You might also like