Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 5

5 Phương Pháp Ghi Nhớ Hiệu Quả, Dễ Áp Dụng

Não bộ của chúng ta là “vùng đất” lạ thường mà y học chỉ mới bắt đầu khám phá. Não
người được cấu tạo từ vô số những nơ-ron thần kinh với chung quanh là các chất hóa học cho
phép chúng ta tự chủ điều khiển cơ thể mình một cách có mục đích.

Con người đang sử dụng cỗ máy có trí nhớ phi thường nhất hành tinh, nó có dung lượng
bộ nhớ vượt xa bất kỳ ổ cứng hiện đại nào ngày nay. Khi đối mặt với thử thách tiếp thu thông tin
mới, não người áp dụng một phương pháp xử lý cụ thể dựa trên kinh nghiệm. Lúc đầu nó chứa
tất cả dữ liệu trong bộ nhớ ngắn hạn, nhưng phần này luôn bị quá tải và mất dữ liệu dưới áp lực
dồn dập của thông tin và cảm giác.

Các nghiên cứu chứng minh rằng bộ nhớ ngắn hạn mỗi lần có thể lưu giữ tối đa 7 thông
tin trong lâu nhất là 20 giây. Nghiên cứu quy mô lớn về các phương pháp học tập trong những
thập niên vừa qua đã cho phép các nhà khoa học xác định một vài cách thức giúp não bộ lưu giữ
và nhớ được những thông tin xác thực mà bạn xử lý. Hầu hết các phương pháp tôi liệt kê bên
dưới đều rất đơn giản, bạn có thể áp dụng riêng rẽ hoặc kết hợp chúng với nhau để cải thiện khả
năng tiếp thu cũng như ghi nhớ thông tin quan trọng.

Phương pháp 1: Viết ra giấy

Nghiên cứu của Đại Học Princeton năm 2014 đã thừa nhận phương pháp này, nó dựa trên
những nghiên cứu cho thấy não người có thể nhớ thông tin được viết ra giấy dễ hơn là thông tin
chỉ được nghe qua hay được ghi lại bằng các ghi chú điện tử.
Do hành động ghi ra giấy sử dụng đến những khu vực khác nhau của não nên nó cung
cấp cho bộ nhớ nhiều dữ kiện để đối chiếu hơn khi chúng ta cố nhớ lại thông tin. Cảm giác ấn
bút lên giấy khi viết và tốc độ ghi chép là những yếu tố rất quan trọng trong phương pháp này.
Các nhà khoa học đã khám phá ra rằng tốc độ ghi chép chậm hơn đòi hỏi người học phải sắp xếp
lại thông tin thành những nội dung nhỏ và ngắn hơn, điều này được chứng minh là có lợi hơn so
với việc sử dụng ghi chú điện tử, những người này có thể ghi được nguyên văn nhưng lại ít khi
nhớ được chi tiết.

Phương pháp 2: Sử dụng kỹ thuật ghi nhớ Mnemonics

Đây là phương pháp phổ biến trong những năm gần đây và các nghiên cứu đã công nhận
khả năng giúp tăng cường trí nhớ của nó. Mnemonics bao gồm việc tổng hợp các mảng thông tin
lớn hoặc những ý tưởng phức tạp thành cụm từ hay câu đơn giản hơn, trong đó các ý chính
thường được đại diện bởi chữ cái đầu tiên trong từ đầu tiên của thông tin.

Ví dụ, kỹ thuật ghi nhớ cho một phương pháp khoa học có thể là: “Chú (C = Câu hỏi)
Ngựa (N = Nghiên cứu) Già (G = Giả thuyết) Thường (T = Thí nghiệm) Theo (T = Thu thập dữ
liệu) Phá (P = Phác họa sơ đồ/Phân tích dữ liệu) Khách (K = Kết luận).” Báo cáo của Trung tâm
Nghiên cứu Học tập cho thấy những học sinh áp dụng phương pháp này trước kỳ thi thường có
điểm số tăng trung bình từ 51-85%.
Phương pháp 3: Lập Sơ Đồ Tư Duy

Từ lâu các giáo viên đã chú ý đến lợi ích của phương pháp này, đặc biệt là đối với những
học sinh nhỏ tuổi. Việc vẽ hình khi ghi chú giúp củng cố thông tin trong não bộ, cho phép bạn
ghi nhớ thông tin dễ dàng hơn mà không cần phải liên tưởng. Loại hình sơ đồ tư duy này nếu
được lập đúng cách sẽ tạo ra một mạng lưới khổng lồ gồm các khái niệm gắn liền với những hình
ảnh cụ thể trong tâm trí người học và giúp ích cho những người học năng động. Đồng thời
phương pháp này cũng tự động liên kết cảm giác tiếp xúc như phương pháp 1 và thậm chí áp
dụng cả kỹ thuật Mnemonics hỗ trợ việc nhớ lại thông tin.
Phương pháp 4: Lặp đi lặp lại

Mặc dù mọi người đang tranh cãi về tính hiệu quả của phương pháp lặp đi lặp lại trong
những năm gần đây nhưng nhiều người vẫn ưu tiên áp dụng nó. Não bộ có xu hướng nhớ những
thông tin được ghi nhận nhiều lần. Song có vài cách cải thiện phương pháp khá đơn giản này bao
gồm sử dụng thính giác như lắng nghe các bài hát hoặc chuỗi thông tin lặp đi lặp lại có tận dụng
kỹ thuật Mnemonics, hoặc phương pháp lặp lại thông tin sau những khoảng thời gian cố định
(spaced repetition).

Spaced repetition được Paul Pimsleur, hình tượng tiêu biểu trong lĩnh vực học ngôn ngữ,
ủng hộ. Nó là hoạt động tiếp xúc lại với thông tin sau những khoảng thời gian tăng dần. Lúc đầu
khi cần học một điều gì đó thì việc lặp đi lặp lại kiến thức này thường xuyên sẽ rất hữu ích.
Nhưng qua thời gian, nếu thực hiện phương pháp này cách vài tiếng và sau đó là vài ngày thì
chúng ta sẽ nhớ thông tin lâu hơn. Điều này cũng tương tự như việc tập luyện sức bền cho trí
nhớ.
Phương pháp 5: Ngủ

Có thể bạn từng thấy các nghiên cứu bảo rằng giấc ngủ có vai trò rất quan trọng trong
việc củng cố trí nhớ và lưu giữ chính xác thông tin ta thu được. Lúc nghỉ ngơi, não bộ âm thầm
xử lý kho dữ liệu khổng lồ trong trí nhớ của chúng ta, phân loại và sắp xếp ưu tiên sao cho ta có
thể dễ dàng nhớ lại thông tin khi cần.

Một nghiên cứu ở Đức năm 2011 đã chỉ ra rằng khả năng tiếp thu thông tin của chúng ta
tăng lên ngay trước khi chúng ta đi ngủ. Hãy cố gắng đọc và xem lại các ghi chú ngay trước khi
bạn thiếp đi để tận dụng phương pháp này. Tâm trí của chúng ta có thói quen lưu giữ những sự
việc cuối cùng ta thực hiện hay nhìn thấy trước khi ngủ và hiện tượng này có thể sẽ rất hữu ích
cho bạn khi bạn muốn tiếp thu kiến thức mới.

Tác giả: Kaz Weida

Nguồn dẫn: Ubrand.cool

You might also like