Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 6

TRAO DUYÊN – 8 CÂU CUỐI

Nguyễn Du ( 1765 – 1820 ) là đại thi hào của dân tộc Việt Nam , danh nhân
văn hóa của thế giới . “ Truyện Kiều” của ông được xem là một kiệt tác của văn
học nhân loại được viết bằng chữ Nôm theo thể thơ lục bát gồm 3254 câu . Đoạn “
Trao duyên” được trích từ câu 723 đến câu 756 nằm trong phần “ Gia biến và lưu
lạc” . 8 câu thơ cuối đoạn trích này đã thể hiện được tâm trạng đau đớn đến cùng
cực của Thúy Kiều khi hướng về tình yêu của mình và Kim Trọng .
Bây giờ trâm gãy gương tan,
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!
Trăm nghìn gửi lạy tình quân
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi.
Phân sao phận bạc như vôi?
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.
Ôi Kim Lang! Hỡi Kim lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!
Nhan đề đoạn trích là Trao duyên nhưng trớ trêu thay đây không phải là cảnh
trao duyên thơ mộng của những đôi nam nữ mà ta thường gặp trong ca dao xưa
nhưng ở đây lại là gửi duyên, gửi tình của mình cho người khác, nhờ người khác
chắp nối mối tình dang dở của mình. Thúy Kiều trước phút dấn thân vào quãng đời
lưu lạc, bán mình cứu cha , nghĩ mình không giữ trọn lời đính ước với người yêu ,
đã nhờ cậy em là Thúy Vân thay mình gắn bó với chàng Kim. Đoạn thơ không chỉ
có chuyện trao duyên mà còn chất chứa bao tâm tư trĩu nặng của Thúy Kiều. Đặc
biệt, khi thể hiện nỗi xót xa của nàng Kiều cho duyên phận với chàng Kim,
Nguyễn Du đã gây được ấn tượng trong tám câu thơ cuối đoạn trích.
Sau khi đã nói hết nỗi lòng của mình với em gái, Kiều đã nhìn lại cuộc đời
mình rồi đau đớn nhận ra sự thật phũ phàng là so với quá khứ thì hiện tại có một sự
đối lập đến xót xa :
Bây giờ trâm gãy gương tan,
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!
Vai trò của lí trí đã theo nàng đến cùng khi đã hoàn tất việc trao duyên và trao kỉ
vật cho Thúy Vân . Dù trong lúc trao kỉ vật , nhắc lại chuyện thề nguyện cũng Kim
Trọngvà xót xa khi nghĩ về phận bạc , Kiều đã không giấu được tình cảm nhưng
nàng đã gắng gượng để vượt qua . Giờ đây mọi thứ đã tan vỡ , bầu tâm sự cùng
Vân đã trút cạn , Kiều chỉ còn tiếng lòng nức nở quên mất mình đang đối diện cùng
em mà độc thoại với nỗi đau của chính mình . Đâu chỉ am tường tâm lí nhân vật,
Nguyễn Du còn khám phá tâm trạng của nhân vật theo dòng thời gian đặc biệt, ở
đó có sự biến đổi tinh vi mà không vịn vào bất cứ thời gian, không gian khách
quan nào. Hai tiếng “bây giờ” thốt lên đầu chỉ là thời gian thực. “Bây giờ” như một
cánh cửa chia cuộc đời Kiều làm hai nửa thế giới. Một nửa thuộc về quá khứ tươi
đẹp, nửa còn lại là những ngày tháng lưu lạc chưa biết về đâu. Thành ngữ “ Trâm
gãy gương tan ” là sự tan vỡ của tình yêu, cũng là sự tan nát trong trái tim Thúy
Kiều. Tình yêu của nàng với Kim Trọng ngày một nâng lên, ngày càng tha thiết thì
nỗi đau, sự dằn vặt trong trái tim nàng càng mạnh mẽ, càng đớn đau hơn. Nguyễn
Du đã sử dụng hình ảnh ước lệ “trâm gãy gương tan” đã mang lại sự biểu đạt rất
hiệu quả. Thông qua hình ảnh ấy, tác giả càng cho ta thấy được sự nhận thức sâu
sắc của nàng Kiều về bi kịch hiện tại. Kiều bàng hoàng chua xót khi so với thời
quá khứ – những năm tháng Kiều đã thật hạnh phúc với mối tình đầu đời như hoa
như mộng, bây giờ còn lại chỉ là những đau đớn tủi phận khi biết bao nhiêu hẹn
ước tươi đẹp trở thành hư vô.
“Trâm” và “gương” vốn tượng trưng cho những hình ảnh đẹp đẽ của người con
gái đến tuổi để ý đến dung nhan của bản thân khi tình yêu gõ cửa trái tim. Nhưng
giờ đây trâm đã gãy, bình đã tan, tình yêu nào có thể chắp vá được nữa, hy vọng
gắn kết mối tình xưa cũng không còn. Kiều đau đớn nghĩ về giây phút hạnh phúc
"muôn vàn ái ân" của hai người trước đây. Đó là những kỉ niệm thắm thiết, những
kí ức nồng đượm mà cả Kim và Kiều có được . Đêm trăng thề nguyện hẹn ước ,
uống chén rượu hồng hẹn ước trăm năm, thưởng ánh trăng vàng, ngâm thơ, đàn
hát,... “ Muôn vàn ái ân ” không thể cân đo đong đếm ở miền kí ức thơ mộng có sự
hiện diện của Thúy Kiều và Kim Trọng mà nàng nhắc đến ở câu thơ tiếp theo như
càng làm tăng thêm sự đối lập so với những đau khổ mà nàng vừa nhắc đến ở câu
thơ trước đó .
Tiếc thương cho tình yêu không trọn, nghĩ về Kim Trọng , Kiều trách móc bản
thân mình phụ bạc chàng, lời dằn vặt nghẹn lòng cất lên :
Trăm nghìn gửi lạy tình quân
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi.
Kiều cất lên lời oán trách số phận , trách sự vô tình , khắc nghiệt của cuộc đời ,
than thở cho số phận éo le , mỏng manh , bạc bẽo của bản thân đã khiến cho tơ
duyên đứt đoạn . Nói ra những lời ấy, Kiều thật mong Kim Trọng cũng chấp nhận
cho duyên tình giữa chàng và nàng chỉ là những kí ức ngắn ngủi dù tươi đẹp biết
bao. Nguyễn Du đã sử dụng số từ “ trăm nghìn ” để ước lệ về sự lớn lao , vô hạn
trong sự đối lập với "ngần ấy thôi" thể hiện sự nhỏ bé , khiêm nhường, bất lực. Tác
giả đã lấy cái hữu hạn “ngần ấy thôi” để đối lại với cái vô hạn “ trăm nghì n” để
nổi lên tiếng lòng của Thủy Kiều đối với Kim Trọng . Đó là sự day dứt, trăn trở,
đau khổ đến khôn nguôi của nàng Kiều. Đặc biệt, hành động " lạy ” một lần nữa
xuất hiện trong trích đoạn "Trao duyên" đã thể hiện nhiều ý nghĩa sâu sắc. Nếu ở
lần lạy thứ nhất với Thúy Vân, Thúy Kiều hiện lên với vị thế của người chịu ơn đối
với ân nhân thì câu thơ “Trăm nghìn gửi lay tình quân" , hành động " lạy " của
Kiều chính là lời xin lỗi sâu sắc và đầy day dứt , là sự bài biệt đầy thiêng liêng với
tình yêu , với người yêu đang còn ở quê xa của nàng. Bởi lẽ mai đây nữa thôi, khi
Kim Trọng trở lại, chờ đón chàng chính là cảnh không từ mà biệt của Thúy Kiều ,
nàng hiểu được nỗi đau đớn và bàng hoàng ấy nhưng cũng chẳng còn cách nào
khác nữa . Đồng thời hai câu thơ này cũng thể hiện sự trận trong tấm lòng chân
thành của Thúy Kiều đối với Kim Trọng , nàng tự thấy mình đã phụ bạc nên chỉ
đành bái lạy , tự đặt mình ở vị thế dưới, xem như lời tạ lỗi to lớn nhất và hy vọng
rằng Kim Trọng có thể hiểu cho những nỗi khổ tâm khi phải lựa chọn giữa chữ tình
với chữ hiếu của nàng. Nàng gọi Kim Trọng là “ tình quân ” , nàng xót xa cho
duyên phận của mình tơ duyên ngắn ngủi . Thật đau khổ biết bao khi đã nhờ em trả
nghĩa cho chàng Kim rồi mà nỗi buồn thương vẫn chất chứa trong lòng nàng Kiều.
Câu thơ chính là sự bất lực đến tuyệt vọng của Thúy Kiều khi nàng phải chấp nhận
dần lòng quên đi mối tình đậm sâu với chàng Kim , mối duyên dẫu ngắn ngủi
nhưng đẹp như ánh trăng rằm , mà có lẽ cả đời Kiều chẳng thể nào quên được.
Sau những lời tâm tình đầy đau xót về tình duyên , Thúy Kiều tự ý thức được
nỗi cô đơn và số phận bạc bẽo của mình giữa cõi đời bất công :
Phân sao phận bạc như vôi?
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng
Lời thơ uất nghẹn , phận gì mà bạc như vôi ? Câu thơ cho thấy thân phận nhỏ bé
hơn bao giờ hết của nàng Kiều. Hơn thế nữa, câu thơ cũng là lời dự cảm, một lời lo
lắng cho tương lai đầy bất trắc phía trước. Hình ảnh “hoa” vốn là biểu trưng cho
người con gái đẹp, ở đây không ai khác chính là nàng Kiều nhưng những bông hoa
ấy lại “đành trôi” trên dòng nước dơ bẩn, nhơ nhớp chảy cuốn xiết, lỡ làng , không
biết cuộc đời sẽ ra sao và đi đâu về đâu. Nỗi đau trào dâng, bao nhiêu tình cảm dồn
nén choán đầy cả tâm trí. Câu thơ chứa chan tình cảm, xót xa đau cho kiếp số phũ
phàng, chua chát – lời thơ như hờn oán, trách móc than thân trách phận. “Phận
bạc” ở đây được sử dụng như một lời nói lên án cả xã hội phong kiến. Nhưng dù
như vậy nàng cũng đành bất lực “đã đành” như một lời thở than, cam chịu số phận
đớn đau. Số phận nàng ta cũng bắt gặp trong rất nhiều tác phẩm như nàng Vũ
Nương bất hạnh bị chồng ruồng rẫy phải tự vẫn để minh oan, hay những người con
gái được phản ánh trong các câu ca dao:
“Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”
Chính Nguyễn Du cũng đã từng thổn thức:
“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”
Trong đỉnh điểm của nỗi đau riêng đang cào xé trong tim mình , Kiều lại nghĩ
đến chàng Kim . Tên Kim Trọng vang lên lúc này như một tiếng kêu đáng thương
của một người đang chới với trước bờ vực thẳm của đời mình:
"Ơi Kim Lang! Hỡi Kim Lang
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây"
Mỗi một thanh âm về tiếng gọi người yêu mà Kiều thốt lên chắc hẳn cũng là ngần
ấy lần nàng quặn thắt tâm can mà đau đớn xót xa. Nhịp thơ 3/3, 2/4/2 vừa da diết
vừa nghẹn ngào như những tiếng nấc không thành tiếng. Những từ diễn tả sự xót
xa tủi phận cứ liên tiếp xuất hiện và được xâu lại thành chuỗi: “ngắn ngủi”, “lỡ
làng”, “thôi thôi”, “Kim lang”, “phận sao phận” đã tạo thành những cơn sóng của
đau thương ồ ạt bủa vây lấy người con gái đáng thương mà nàng đã gắng hết sức
không để cho nó quật ngã. Có lẽ rằng đây là lần cuối cùng nàng có thể gọi Kim
Trọng là “Kim Lang” tha thiết như thế. Thán từ “Ôi, hỡi” là những tiếng kêu đau
đớn, tuyệt vọng của Kiều. Hai lần nhắc đến Kim Lang cho thấy sự tức tưởi, nghẹn
ngào, đau đớn đến mê sảng. Sự đau đớn của Kiều được đẩy lên đỉnh điểm, tình
cảm bây giờ lấn át cả lí trí. Nàng không thể nghĩ được gì nữa chỉ biết kêu tên người
yêu trong nỗi đau đớn đến cùng cực . Rõ ràng trong đau đớn Kiều vẫn hướng về
Kim Trọng, vẫn một lòng thủy chung son sắt với chàng, thế nhưng nàng vẫn nhận
mình là người phụ bạc, khiến nỗi đau như đang dấy lên không ngớt trong lòng
nàng. Việc “trao duyên” đã thành, việc bán mình cũng đã xong, thì bi kịch của
Thuý Kiều cũng đến. “Ôi”, “Hỡi” Kim Lang, Thuý Kiều gọi tên tình nhân lần sau
cuối trong nước mắt nhạt nhòa, nàng ôm nỗi đau giằng xé tâm can khi biết chắc
chắn rằng từ đây nàng đã mất chàng Kim mãi mãi . Sự thật làm cho Thuý Kiều kêu
lên thống thiết “thôi thôi” một cách vật vã, đớn đau đứt từng đoạn ruột . Điều đó
cho ta thấy được tình cảm của Thuý Kiều dành cho Kim Trọng vô cùng lớn , vô
cùng sâu đậm , chung thuỷ sắc son.
Qua 8 câu thơ cuối của “ Trao duyên” , giá trị nhân đạo mà Nguyễn Du gửi
gắm đã được thể hiện rõ. Đó là lời lên án xã hội phong kiến đầy bất công đã đẩy
người phụ nữ vào những bi kịch đớn đau. Là tiếng nói thương cảm trước những số
phận bạc mệnh như Kiều và bày tỏ niềm trân trọng trước những phẩm chất, tình
cảm tốt đẹp của con người trong xã hội. Mặt khác, thành công về nghệ thuật cũng
là một điểm nhấn đầy ấn tượng trong đoạn trích. Bằng thể thơ lục bát nhịp nhàng ,
nghệ thuật khắc họa tâm lí nhân vậ t , sử dụng các từ ngữ tinh tế, đắt giá, các thành
ngữ giàu sức gợi hình , gợi cảm cùng với việc sử dụng các biện pháp tu từ ẩn dụ ,
câu hỏi tu từ , đối lập, Nguyễn Du đã thể hiện rất thành công số phận bi kịch, nội
tâm rối bời, tâm trạng đau khổ, cay đắng, xót xa và tuyệt vọng trong cuộc trao
duyên của Thúy Kiều.
Đoạn thơ trên đã góp một phần không nhỏ vào sự thành công của đoạn trích
“Trao duyên” nói riêng và tác phẩm “Truyện Kiều” nói chung , đồng thời cũng đã
mang đến cho độc giả cái nhìn chân thực về thời đại của tác giả - một thời đại mà
con người bị đồng tiền làm băng hoại đạo đức, bị chính đồng tiền dồn ép tới đường
cùng, không còn lối thoát . Tư tưởng nhân đạo của Nguyễn Du đã vượt qua một số
ràng buộc của ý thức hệ phong kiến và tôn giáo để vươn tới khẳng định giá trị tự
thân của con người. Đó là tư tưởng sâu sắc nhất mà ông đem lại cho văn học Việt
Nam trong thời đại ông đúng như Tố Hữu đã từng ca ngợi:
“Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời ngàn thu
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày”.

You might also like