Download as doc, pdf, or txt
Download as doc, pdf, or txt
You are on page 1of 57

Để hoàn thành khóa luận “Thực trạng và giải pháp nhằm đảm bảo sinh kế bền

vững cho người dân ở khu vực nhà vườn phường Kim Long, Thành phố Huế, Tỉnh
Thừa Thiên Huế”, trước tiên tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc đến cô
giáo Ths. Trần Thị Xuân. Người giáo viên đã tận tình hướng dẫn, thường xuyên động
viên và giúp đỡ tôi rất nhiều trong suốt quá trình thực hiện đề tài.
Trải qua 4 năm học, tôi xin gửi lòng tri ân sâu sắc nhất tới quý Thầy giáo, Cô
giáo trong Khoa Việt Nam Học – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Huế không
những đã truyền đạt các tri thức quý báu, mà còn chia sẻ kinh nghiệm sống và làm
việc của bản thân cho cá nhân tôi cũng như các bạn sinh viên.
Để có được nguồn thông tin phục cho đề tài, tôi không thể quên sự giúp đỡ nhiệt
tình của quý Ban lãnh đạo các cơ quan phường Kim Long. Tôi cũng không quên gửi
lời cám ơn chân thành đến người dân, và các hộ gia đình đã tham gia khảo sát, giúp
tôi có được những thông tin cần thiết. Sau cùng tôi xin cảm ơn gia đình và bạn bè,
đặc biệt là tập thể lớp Việt Nam Học K12 đã luôn bên cạnh quan tâm và động viên, là
nguồn động lực to lớn trong suốt quá trình thực hiện và hoàn thành khóa luận.
Mặc dù bản thân đã rất cố gắng nhưng vì hạn chế về thời gian, trình độ năng lực
nên bài khóa luận không thể tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong nhận được những
đóng góp và phê bình của thầy cô và bạn đọc để khóa luận hoàn thiện hơn. Tôi xin
chân thành cảm ơn.
Sinh viên
Nguyễn Thị Thúy Anh

1
DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

DFID : Department for International Development


PGS. TS : Phó Giáo Sư- Tiến Sĩ
TS : Tiến Sĩ
KTS : Kiến Trúc Sư

2
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU.....................................................................................................................1
1. Lí do chọn đề tài.....................................................................................................1
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề.....................................................................................2
3. Mục đích nghiên cứu..............................................................................................3
3.1. Mục tiêu chung:..............................................................................................3
3.2. Mục tiêu cụ thể:..............................................................................................3
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.........................................................................4
4.1. Đối tượng nghiên cứu.....................................................................................4
4.2. Phạm vi nghiên cứu........................................................................................4
5. Phương pháp nghiên cứu.......................................................................................4
5.1. Phương pháp tiếp cận liên ngành....................................................................4
5.2. Phương pháp điền dã, điều tra xã hội:............................................................4
5.3. Phương pháp thống kê....................................................................................5
5.4. Phương pháp phân tích tổng hợp:...................................................................5
6. Bố cục của đề tài....................................................................................................6
CHƯƠNG I: TỔNG QUAN VẤN ĐỀ......................................................................7
1.1. Các khái niệm.................................................................................................7
1.1.1. Sinh kế.....................................................................................................7
1.1.2. Sinh kế bền vững......................................................................................8
1.1.3. Nhà vườn..................................................................................................9
1.2. Khung sinh kế bền vững...............................................................................10
1.3. Tổng quan địa bàn nghiên cứu......................................................................12
1.3.1. Vị trí địa lý.............................................................................................13
1.3.2. Đặc điểm khí hậu...................................................................................13
1.3.3. Con người...............................................................................................13
1.3.4. Điều kiện kinh tế- xã hội........................................................................14
1.3.5. Đặc điểm văn hóa...................................................................................15
CHƯƠNG II: THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH SINH KẾ Ở KHU VỰC NHÀ VƯỜN
PHƯỜNG KIM LONG, THÀNH PHỐ HUẾ, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ.............16

3
2.1. Thực trạng tình hình sinh kế ở khu vực nhà vườn Kim Long, Thành Phố Huế
................................................................................................................................... 16
2.1.1. Nguồn lực tự nhiên.................................................................................16
2.1.2. Nguồn lực con người..............................................................................17
2.1.3. Nguồn lực xã hội....................................................................................20
2.1.4. Nguồn lực tài chính................................................................................25
2.1.5. Nguồn lực vật chất.................................................................................29
2.2. Đánh giá nguồn lực sinh kế của các hộ gia đình ở khu vực nhà vườn Kim
Long....................................................................................................................32
2.3. Đánh giá thực trạng sinh kế bền vững của người dân khu vực nhà vườn Kim
Long.................................................................................................................... 34
2.3.1. Điểm mạnh.............................................................................................34
2.3.2. Điểm yếu................................................................................................34
2.3.3. Cơ hội.....................................................................................................35
2.3.4. Thách thức..............................................................................................35
CHƯƠNG III: GIẢI PHÁP SINH KẾ BỀN VỮNG CHO NGƯỜI DÂN KHU
VỰC NHÀ VƯỜN PHƯỜNG KIM LONG, THÀNH PHỐ HUẾ, TỈNH THỪA
THIÊN HUẾ.............................................................................................................37
3.1. Định hướng phát triển sinh kế bền vững.......................................................37
3.2. Đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo sinh kế bền vững...............................37
3.2.1. Giải pháp bền vững về sử dụng tài nguyên thiên nhiên..........................37
3.2.2. Giải pháp bền vững về sử dụng nguồn lực con người............................38
3.2.3. Giải pháp bền vững về sử dụng nguồn lực xã hội..................................39
3.2.4. Giải pháp bền vững về sử dụng nguồn vốn tài chính..............................39
3.2.5. Giải pháp bền vững về sử dụng nguồn lực vật chất................................39
KẾT LUẬN............................................................................................................... 41
TÀI LIỆU THAM KHẢO.......................................................................................43

4
DANH MỤC CÁC BẢNG BIỂU

Biểu đồ 1. Ngành nghề chủ yếu ở địa phương.......................................................17


Biểu đồ 2. Độ tuổi của lực lượng lao động chính..................................................18
Biểu đồ 3. Ý kiến về việc vận dụng các điều kiện tự nhiên có sẵn để đầu tư
phát triển................................................................................................................... 20
Biểu đồ 4. Liên kết hợp tác trong hoạt động kinh tế..............................................21
Biểu đồ 5. Người thường tham gia các cuộc họp tổ dân phố................................23
Biểu đồ 6. Tỉ lệ các hình thức vay vốn được sử dụng............................................25
Biểu đồ 7. Thu nhập bình quân đầu người/ 1 tháng...............................................26
Biểu đồ 8. Kiến trúc nhà ở hiện tại.........................................................................30
Biểu đồ 9. Nguyên nhân khiến kiến trúc nhà vườn truyền thống ngày càng
thay đổi..................................................................................................................... 31
Bảng 1. Đánh giá nguồn vốn sinh kế của các hộ gia đình ở phường Kim Long, Thành
phố Huế...................................................................................................................... 32

5
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Phường Kim Long được biết đến với những ngôi nhà xanh tươi rợp bóng cây,
và những ngôi nhà rường truyền thống có lịch sử từ lâu đời. Bên cạnh đó, nơi đây
cũng nổi tiếng với nhiều điểm đến thú vị khá thu hút du khách trong và ngoài nước
đến tham quan. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của quá
trình đô thị hóa, các nhà vườn nơi đây dần bị biến đổi để phục vụ cho nhu cầu sử
dụng cũng như mục đích kinh tế của các gia chủ.
Sinh kế, sinh kế bền vững có vai trò quan trọng đối với cộng đồng dân cư trong
quá trình đô thị hóa. Sự biến đổi của các nhà vườn dưới tác động của quá trình đô thị
hóa đã làm cho tình hình sinh kế của người dân bị ảnh hưởng. Nghiên cứu về vấn đề
phát triển sinh kế bền vững đã trở thành mục tiêu nghiên cứu với nhiều ý nghĩ khác
nhau. Theo khung sinh kế bền vững do Bộ Phát triển Quốc tế Anh (Department for
International Development- DFID) đưa ra và được rất nhiều các học giả và cơ quan
phát triển, ứng dụng rộng rãi và được coi như là một cách tiếp cận toàn diện về vấn
đề phát triển sinh kế bền vững cho con người trong các hoàn cảnh khác nhau. Tiếp
cận lý thuyết khung sinh kế bền vững DFID trong nghiên cứu phát triển sinh kế bền
vững cho người dân khu vực phường Kim Long là xem xét các phương tiện của
người dân nơi đây để đảm bảo sinh kế ở đây bao gồm: nguồn lực con người, nguồn
lực vật chất, nguồn lực tài chính, nguồn lực tự nhiên và nguồn lực xã hội. Qua đó, đặt
vấn đề nghiên cứu về sinh kế của người dân phường Kim Long trong hoàn cảnh hiện
nay và các chính sách có ảnh hưởng đến sự tiếp cận và sử dụng các tài sản sinh kế mà
cuối cùng ảnh hưởng đên kết quả sinh kế.
Với những thay đổi theo hướng tiêu cực, cũng như nhìn thấy các nguồn lực có
sẵn trong địa phương, vì vậy tôi quyết định chọn đề tài “Thực trạng và giải pháp
nhằm đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân khu vực nhà vườn phường Kim
Long, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế” nhằm tìm hiểu và đưa ra những giải
pháp nâng cao và đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư dưới tác động của
quá trình đô thị hóa trong bối cảnh phát triển và hội nhập.

6
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Cho đến nay trên phạm vi toàn thế giới, nhiều công trình nghiên cứu về việc vận
dụng lý thuyết và phương pháp phát triển sinh kế trong thực tiễn đã được triển khai.
Trong đó nổi bật là ấn phẩm Sustainable livelihoods guidance sheets (Bản hướng dẫn
các chiến lược sinh kế bền vững) của DFID (Department for International
Development) năm 1999. Công trình này bàn sâu về khung sinh kế bền vững như là
một công cụ để nâng cao sự hiểu biết về sinh kế bền vững, đặc biệt là sinh kế của
người nghèo. DFID coi khung sinh kế bền vững là khuôn khổ để phân tích các yếu tố
chính ảnh hưởng đến sinh kế và mối quan hệ giữa các yếu tố đó. Yếu tố đầu tiên
trong khung sinh kế này là bối cảnh dễ bị tổn thương, bao gồm: những cú sốc, các xu
hướng và tính thời vụ. Yếu tố thứ hai là tài sản sinh kế bao gồm 5 loại vốn. 5 loại vốn
này được vận dụng trong môi trường tạo thành bởi nhiều yếu tố như luật pháp, chính
sách, văn hóa, thiết chế, quản trị và để tạo nên chiến lược sinh kế. Và, chiến lược sinh
kế tạo ra kết quả sinh kế, với những chiều cạnh cụ thể như: tạo thu nhập, sự hài lòng
với cuộc sống, việc giảm tổn thương, an ninh lương thực, và sử dụng bền vững các
nguồn lực tài nguyên thiên nhiên (Department for International Development, 1999).
Bên cạnh đó, nhiều cuốn sách về nhân học kinh tế như của Emily A.Schultz-
Robert (2001) đã cuất bản cuốn “Nhân học, một quan điểm về tình trạng nhân sinh”,
trong đó các tác giả đã khái niệm về sinh kế và đề cập đến các phương thức sinh kế.
Ở Việt Nam cũng có khá nhiều nghiên cứu và dự án về sinh kế. Ví dụ như các dự
án: “Dự án sinh kế nông thôn bền vững ở Bình Định” do cơ quan phát triển quốc tế
New Zealand tài trợ một phần kinh phí tiến hành từ năm 2009-2013; Dự án “Cải thiện
sinh kế các tỉnh ven biển miền Trung” do ADB tài trợ từ nguồn quỹ đặc biệt của
chính phủ Nhật Bản kéo dài từ tháng 4/2004- tháng 3/2005; Dự án “Quản lý tổng hợp
các hoạt động vùng đầm phá” của Thừa Thiên Huế…Bên cạnh các dự án về sinh kế,
còn nhiều nghiên cứu sinh kế khác đứng trên nhiều khía cạnh nghiên cứu, như:
Nghiên cứu về “Tác động của đô thị hóa và công nghiệp hóa đến sinh kế nông dân”
được thực hiện bởi TS. Nguyễn Văn Sửu (2007); hay đề tài “Thực trạng và một số
giải pháp phát triển kinh tế- xã hội vùng cồn bãi huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng
Bình” được thực hiện bởi một nhóm nghiên cứu, đứng đầu là PGS.TS Hoàng Mạnh
Quân (Trường Đại Học Nông Lâm Huế) vào năm 2009…

7
Nghiên cứu về nhà vườn Huế cũng được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm bởi nhà
vườn là một trong những nét đặc trưng của văn hóa Huế và là một điểm độc đáo để
du lịch Huế thu hút du khách trong và ngoài nước. Tác giả Nguyễn Hữu Thông
(2008), “Nhà vườn xứ Huế” - một trong số những nhà nghiên cứu nổi tiếng về nhà
vườn, trong tác phẩm đã khẳng định nhà vườn là một trong những nét đặc sắc về mặt
văn hóa không thể thiếu trong tổng thể văn hóa Huế. Tác giả cũng đã chỉ ra những
đặc điểm của nhà vườn Huế, lý do xây dựng cũng như vai trò của chúng. Đề tài thạc
sĩ của KTS. Hoàng Thanh Thủy (1999), “Tâm thức người Việt và nhà vườn xứ Huế”,
trong bài, tác giả đã khái quát nhà dân gian Việt Nam trong đó bao gồm nhà vườn ở
Huế. Nghiên cứu chỉ ra những đặc điểm kiến trúc của nhà vườn xứ Huế, đề cập đến
mối quan hệ giữa tâm thức của các chủ nhân với ngôi nhà của họ. Một nghiên cứu
khác của TS. Trần Đình Hằng (2002) - “Quá trình phân rã nhà vườn xứ Huế: dẫn liệu
cụ thể từ một con đường”, tác giả đã chỉ ra tình trạng chia cắt đất của nhà vườn Huế
thông qua các ví dụ. Tác giả cũng đã chỉ ra những nguyên nhân gây nên tình trạng
trên và hậu quả của nó.
Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào nghiên cứu cụ thể về những thực trạng về vấn
đề sinh kế bền vững cho người dân khu vực nhà vườn ở phường Kim Long, Thành
phố Huế cũng như đưa ra các giải pháp khắc phục các điểm yếu trong sinh kế của
người dân giúp phát triển, đảm bảo sinh kế bền vững cho các nhà vườn nơi đây.
3. Mục đích nghiên cứu
3.1. Mục tiêu chung:
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là tìm hiểu thực trạng tình hình sinh kế của người
dân ở khu vực nhà vườn Kim Long ở thành phố Huế. Từ đó, đưa ra các định hướng,
giải pháp nhằm đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân ở khu vực nhà vườn Kim
Long, ở Thành phố Huế, Tỉnh Thừa Thiên Huế.
3.2. Mục tiêu cụ thể:
- Hệ thống hóa cơ sở lý luận về sinh kế và sinh kế bền vững.
- Trên cơ sở tiếp cận khung sinh kế bền vững, đề tài sẽ phân tích một số vấn
đề lý luận về sinh kế và vận dụng nghiên cứu sinh kế của người dân ở khu vực
nhà vườn Kim Long, Thành phố Huế, Tỉnh Thừa Thiên Huế. Nghiên cứu đánh
giá thực trạng sinh kế của cộng đồng người dân ở khu vực nhà vườn phường Kim

8
Long, xác định những nhân tố thuận lợi và cản trở hộ gia đình tiếp cận các nguồn
lực phát triển sinh kế.
- Đưa ra một số định hướng, giải pháp nhằm nhằm đảm bảo sinh kế bền vững cho
người dân ở khu vực nhà vườn Kim Long, ở Thành phố Huế, Tỉnh Thừa Thiên Huế.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài chính là sinh kế của người dân ở khu vực nhà
vườn Kim Long, Thành phố Huế, Tỉnh Thừa Thiên Huế.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Trong giới hạn đề tài, chúng tôi tập trung nghiên cứu các nhà vườn trên tuyến
đường Vạn Xuân, Phú Mộng, Phạm Thị Liên và Kim Long thuộc địa bàn phường
Kim Long, Thành phố Huế, Tỉnh Thừa Thiên Huế.
5. Phương pháp nghiên cứu
5.1. Phương pháp tiếp cận liên ngành
Nghiên cứu liên ngành là nhu cầu, là thuộc tính của mọi khoa học xã hội và nhân
văn, của các khoa học lịch sử văn hoá Việt Nam. Thuộc tính này do khách quan quy
định, là bản chất của mối liên hệ, phản ánh quá trình quan hệ phổ biến giữa các sự vật
và hiện tượng. Đề tài là sự kết hợp những tri thức từ nhiều chuyên ngành khác nhau
như: kinh tế, văn hóa, xã hội,… để đem lại cái nhìn tổng quát và cụ thể nhất. Sử dụng
phương pháp này trong đề tài giúp cho quá trình tìm hiểu, tìm tài liệu dễ dàng hơn, và
có thể liên kết được những nội dung chuyên ngành ở các ngành khác nhau.
5.2. Phương pháp điền dã, điều tra xã hội:
Điều tra là phương pháp khảo sát một nhóm đối tượng trên diện rộng để phát hiện
các quy luật phân bố và các đặc điểm của đối tượng. Sử dụng phương pháp này để
thu thập thêm các tài liệu liên quan đến đề tài nghiên cứu.
Tài liệu điền dã: Trực tiếp đến các địa điểm nhà vườn ở phường Kim Long để
khảo sát, phỏng vấn điều tra lấy ý kiến và đóng góp của người dân về vấn đề phát
triển sinh kế bền vững. Những tài liệu, số liệu thu thập được sẽ là căn cứ xác thực cho
việc trình bày những quan điểm, luận điểm trong đề tài này. Phương pháp điều tra xã
hội được áp dụng để thu thập số liệu, tóm tắt, trình bày, tính toán và mô tả thực trạng

9
cũng như nhu cầu của người dân các nhà vườn về giải pháp phát triển sinh kế bền
vững trên địa bàn phường Kim Long, thành phố Huế.
5.3. Phương pháp thống kê
Sau khi khảo sát, phỏng vấn lấy ý kiến, số liệu liên quan, phương pháp thống kê
được áp dụng để xử lý số liệu, tóm tắt, trình bày, tính toán và mô tả các đặc trưng
khác nhau để phản ánh một cách tổng quát đối tượng nghiên cứu. Đồng thời qua
phương pháp này có thể đưa ra những nhận định, quan điểm, luận điểm trong đề tài
về vấn đề đang nghiên cứu.
5.4. Phương pháp phân tích tổng hợp:
Phân tích là nghiên cứu các tài liệu, lý luận khác nhau bằng cách phân tích chúng
thành từng bộ phận để tìm hiểu sâu sắc về đối tượng. Tổng hợp là liên kết từng mặt,
từng bộ phận thông tin đã được phân tích tạo ra một hệ thông lý thuyết mới đầy đủ và
sâu sắc về đối tượng. Có thể hiểu đơn giản, phương pháp này dùng để phân tích các
tài liệu, lý luận, ... để từ đó có thể tổng hợp và đưa ra thông tin đầy đủ, dễ hiểu nhưng
sâu sắc về đối tượng đang nghiên cứu.
- Tài liệu thành văn: những tác phẩm báo chí, nghiên cứu khoa học, báo cáo khoa
học, văn bản hội thảo về nhà vườn Huế và cả những tài liệu về sinh kế bền vững cho
người dân.
- Nguồn tài liệu Internet: Tham khảo nhiều thông tin trên một số trang điện tử
để tìm hiểu thêm về sinh kế bền vững cho người dân cũng như các giải pháp mà
những nơi khác đã thực hiện.
- Phân tích định tính: Sử dụng phương pháp trích dẫn văn bản cũng như ý kiến
phát biểu.
- Phân tích định lượng: Để nghiên cứu đề tài này, chúng tôi đã sử dụng phương
pháp thống kê, phân tích để xử lý dữ liệu thu được và lý giải những thực trạng cũng
như định hướng đưa ra giải pháp giúp phát triển sinh kế bền vững cho người dân ở
khu vực nhà vườn phường Kim Long, thành phố Huế, tình Thừa Thiên Huế.
Phương pháp này được sử dụng nhằm phân tích, tổng hợp các tư liệu, thông tin
liên quan đến tâm lí người dân ở các nhà vườn phường Kim Long. Từ đó, có sự khái
quát hóa, mô hình hóa các vấn đề nghiên cứu nhằm đạt được mục tiêu đề ra.

10
6. Bố cục của đề tài
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục, nội dung báo cáo
được chia làm 3 chương:
Chương I: Tổng quan vấn đề
Chương II: Thực trạng tình hình sinh kế ở khu vực nhà vườn phường Kim Long,
thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế
Chương III: Giải pháp sinh kế bền vững cho người dân khu vực nhà vườn
phường Kim Long, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế

11
CHƯƠNG I: TỔNG QUAN VẤN ĐỀ

1.1. Các khái niệm


1.1.1. Sinh kế
Sinh kế được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau. Theo Farrington et al(1999)
định nghĩa: Sinh kế có thể được diễn tả như là sự kết hợp của các nguồn tài nguyên
được sử dụng và các hoạt động được thực hiện để sống. Các tài nguyên đó có thể bao
gồm cả các khả năng và kỹ năng của con người (vốn con người), đất đai, tiền tiết
kiệm và trang thiết bị (vốn tự nhiên, vốn tài chính và vốn vật chất), và các dịch vụ hỗ
trợ chính thức hoặc không chính thức cho các hoạt động (vốn xã hội). Hay theo Bộ
phát triển quốc tế Anh (DFID) vào năm 1999: “Sinh kế bao gồm các khả năng, các tài
sản (bao gồm cả các nguồn lực vật chất, xã hội) và các hoạt động cần thiết để kiếm
sống”. Theo F. Elis (2000) thì sinh kế có thể khái niệm bao gồm tài sản (tự nhiên, vật
chất, con người, tài chính và nguồn vốn xã hội), các hoạt động và những hỗ trợ (qua
các trung gian của các tổ chức và quan hệ xã hội) xác định lẫn nhau mang lại những
lợi ích cá nhân hoặc hộ gia đình.
Theo khái niệm sinh kế của DFID đưa ra thì: “Một sinh kế có thể được miêu tả
như là sự tập hợp các nguồn lực và khả năng con người có được kết hợp với những
quyết định và hoạt động mà họ thực thi nhằm để kiếm sống cũng như để đạt được các
mục tiêu và ước nguyện của họ”.
Ở Việt Nam khái niệm sinh kế được giải thích trong Từ điển Tiếng Việt (2018)
với nghĩa “sinh kế là việc làm để kiếm ăn, để mưu sống”. Trong giới nghiên cứu khái
niệm sinh kế mới chỉ xuất hiện trong thời gian gần đây trên cơ sở tiếp thu nhưng khái
niệm của các tác giả nước ngoài. Trên thực tế khái niệm “sinh kế”, hay “hoạt động
mưu sinh”, “phương cách kiếm sống”, “hoạt động kinh tế”, “tập quán mưu sinh”
được các nhà nghiên cứu sử dụng trong các nghiên cứu của mình khi nghiên cứu về
hoạt động kinh tế của các tộc người gắn với chuyên ngành dân tộc học kinh tế hay
nhân học kinh tế.
Hay theo Bùi Văn Tuấn (2015) định nghĩa: “Sinh kế bao gồm năng lực, tài sản
(dự trữ, nguồn lực, yêu cầu, tiếp cận) và các hoạt động cần có để bảo đảm phương
tiện sinh sống… “Sinh kế” bao gồm các nguồn lực tự nhiên, kinh tế, xã hội và văn

12
hóa mà các cá nhân, hộ gia đình, hoặc nhóm xã hội sở hữu có thể tạo ra thu nhập hoặc
có thể được sử dụng, trao đổi để đáp ứng nhu cầu của họ. Hiểu biết và đánh giá đúng
cũng như biết huy động tối đa các nguồn lực sẽ thúc đẩy quá trình phát triển sinh kế
của cộng đồng.”
Như vậy, chúng ta thấy sinh kế có thể hiểu đơn giản là phương tiện đảm bảo đời
sống của con người, hay hiểu theo cách khác sinh kế bao gồm toàn bộ những hoạt
động của con người để đạt được mục tiêu dựa trên những nguồn lực sẵn có của con
người như các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các nguồn vốn, lao động, trình độ phát
triển của khoa học công nghệ.
1.1.2. Sinh kế bền vững
Theo R. Chamber (1989) và J. E. Taylor (1996) cho rằng: “một sinh kế xem là
bền vững khi nó có thể đối phó và khôi phục trước tác động của những áp lực và
những cú sốc, duy trì hoặc tăng cường những năng lực lẫn tài sản của nó trong hiện
tại và tương lai, trong khi không làm suy thoái nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Định nghĩa sinh kế bền vững được Hanstad (2004) diễn giải rằng: “Một sinh kế
được coi là bền vững khi nó có khả năng ứng phó và phục hồi khi bị tác động, hay có
thể thúc đẩy các khả năng và tài sản ở các thời điểm hiện tại và trong tương lai trong
khi cuộc sống làm xói mòn nền tảng của các nguồn lực tự nhiên”. Tác giả Koos
Neefjes giải thích sinh kế bền vững: “Một sinh kế phải tùy thuộc vào các khả năng
của cải (các nguồn lực vật chất và xã hội) và những hoạt động mà tất cả là cần thiết
để mưu sinh. Sinh kế của một người hay một gia đình là bền vững khi họ có thể
đương đầu và phục hồi trước các căng thẳng, chấn động, và tồn tụ được hoặc nâng
cao thêm các khả năng của cải của mình và cả trong tương lai mà không làm tổn hại
đến các nguồn lực môi trường”
Theo Chambers và Conway (1992): “Một sinh kế được xem là bền vững khi nó
phát huy được tiềm năng con người để từ đó sản xuất và duy trì phương tiện kiếm
sống của họ. Nó phải có khả năng đương đầu và vượt qua áp lực cũng như các thay
đổi bất ngờ”. Hay theo Nguyễn Bá Long (2006) cho rằng: “Sinh kế bền vững không
được khai thác hoặc gây bất lợi cho môi trường hoặc cho các sinh kế khác ở hiện tại
và tương lai trên thực tế thì nó nên thúc đẩy sự hòa hợp giữa chúng và mang lại
những điều tốt đẹp cho các thế hệ tương lai… Sinh kế bền vững, nếu theo nghĩa này,

13
phải hội đủ những nguyên tắc sau: Lấy con người làm trung tâm, dễ tiếp cận, có sự
tham gia của người dân, xây dựng dựa trên sức mạnh con người và đối phó với các
khả năng dễ bị tổn thương, tổng thể, thực hiện ở nhiều cấp, trong mối quan hệ với đối
tác, bền vững và năng động.”
Sau này, các nghiên cứu của Scoones (1998), DFID (2001) và Solesbury (2003)
đã nghiên cứu về sự phát triển tính bền vững của sinh kế trên cả phương diện kinh tế
và thể chế và đã thống nhất đưa ra một số tiêu chí đánh giá tính bền vững của sinh kế
trên 4 phương diện: kinh tế, xã hội, môi trường và thể chế. Theo các tác giả trên, cả 4
phương diện này đều có vai trò quan trọng như nhau và cần tìm ra một cân bằng tối
ưu cho cả 4 phương diện.
Bền vững về kinh tế: đạt được và duy trì một mức phúc lợi kinh tế cơ bản và mức
phúc lợi kinh tế này có thể khác nhau giữa các khu vực.
Bền vững về xã hội: đạt được khi sự phân biệt xã hội được giảm thiểu và công
bằng xã hội được tối đa.
Bền vững về môi trường: được đánh giá thông qua việc sử dụng bền vững hơn
các nguồn lực tự nhiên (đất, nước, rừng, biển,…), không hủy hoại môi trường (ô
nhiễm, suy thoái môi trường).
Bền vững về thể chế: được đánh giá thông qua một số tiêu chí: hệ thống pháp lý
được xây dựng đầy đủ và đồng bộ, quy trình hoạch định chính sách có sự tham gia
của người dân, các cơ quan/tổ chức ở khu vực công và khu vực tư hoạt động có hiệu
quả; từ đó tạo ra môi trường thuận lợi về thể chế và chính sách để giúp các sinh kế
được cải thiện liên tục theo thời gian.
Như vậy, có thể hiểu sinh kế bền vững là một sinh kế mà nó có thể duy trì được
phương tiện kiếm sống cho người dân. Bên cạnh đó, sinh kế bền vững còn có khả
năng đương đầu và phục hồi những tác động, áp lực và trong tương lai không làm ảnh
hưởng đến các nguồn lực môi trường, tài nguyên thiên nhiên.
1.1.3. Nhà vườn
Nói đến nhà vườn Huế, Trần Đức Anh Sơn (2001) trong sách Phong vị xứ Huế, ở
bài viết Thăm vườn cảnh Huế, tác giả có viết: “Vườn Huế giản dị lắm. Đó là chỗ
dừng chân của gió và nắng, là toà lâu đài cho những loài chim, là bóng mát dành cho

14
khách vãng lai, là hoa quả dành cho con trẻ lối xóm. Và sau cùng, là nơi trú ngụ của
những tâm hồn xứ Huế: kín đáo, thanh cao và nồng hậu.”
Hay theo Nguyễn Hữu Thông (2008), định nghĩa: “khái niệm nhà vườn thực tế
đơn giản là dùng để chỉ định ngôi nhà với khu vườn trong thế kết hợp với nhau. Hiểu
một cách nôm na, đó là điểm cư trú kết hợp với diện tích trồng trọt trong khuôn viên
rộng hẹp của từng ngôi nhà. Có thể có những dạng vườn không nhà ở hoặc nằm tách
rời khuôn viên cư trú, trường hợp này người Huế chỉ gọi là vườn nhà”.
Một khu nhà vườn ở Huế chỉ được gọi là nhà vườn khi đáp ứng được ít nhất một
số tiêu chí cụ thể như: diện tích đất vườn, mật độ cây xanh trong khuôn viên, sự đa
dạng phong phú của các chủng loại cây, tính phù hợp của hình thức kiến trúc với
không gian cây xanh xung quanh và yếu tố lịch sử... Bên cạnh đó, những ngôi nhà
vườn truyền thống Huế được quy hoạch trong một không gian thoáng rộng, gắn bó
mật thiết với môi trường tự nhiên, tuân theo quy luật “phong thủy”, bao gồm: cổng
ngõ, bình phong, hòn non bộ, bể cạn, sân, nhà rường, vườn cây… Do đó, có thể nói:
“vườn – nhà” trở nên gắn bó và liên kết với nhau, phản ánh sức sống, lối sống, quan
niệm sống, cũng như những đặc điểm mà con người đã làm nên, qua quá trình thích
ứng về mặt địa lý, lịch sử, xã hội. Nhà vườn Huế có thể ví von giống như một Kinh
thành Huế thu nhỏ, với bình phong như núi Ngự Bình, bể nước tựa dòng sông Hương,
hòn non bộ, hang động, thác nước, các loại cây cảnh, hoa và cây ăn quả… mang
nhiều giá trị văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật đặc sắc.
1.2. Khung sinh kế bền vững
Theo Bùi Văn Tuấn (2015), khung sinh kế là một công cụ được xây dựng nhằm
xem xét những yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến sinh kế của con người, đặc biệt là
những yếu tố gây khó khăn hoặc tạo cơ hội trong sinh kế. Đồng thời, khung sinh kế
cũng nhằm mục đích tìm hiểu xem những yếu tố này liên quan với nhau như thế nào
trong những bối cảnh cụ thể. Khi tiếp cận sinh kế, chúng ta không chỉ miêu tả, phân
tích các khía cạnh kinh tế - xã hội, mà cần phải phân tích khung sinh kế. Khung sinh
kế là một công cụ được xây dựng nhằm phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến sinh
kế của con người và tác động qua lại giữa chúng. Tổ chức phát triển toàn cầu của
Vương Quốc Anh (DFID) đã đưa ra khung sinh kế bền vững như sau:

15
Sơ đồ khung sinh kế bền vững theo DFID (2001)

Phân tích tài sản sinh kế hộ theo DFID (2001) bao gồm 5 nguồn lực chính: (1)
Nguồn lực tự nhiên; (2) Nguồn lực con người; (3) Nguồn lực xã hội; (4) Nguồn lực
tài chính; (5) Nguồn lực vật chất. Trong đó:
Nguồn lực tự nhiên: là các cơ sở các nguồn lực tự nhiên (của một hoặc một cộng
đồng) mà con người trông cậy vào, ví dụ như đất đai, mùa màng, vật nuôi, rừng, nước
và các nguồn tài nguyên ven biển
Nguồn lực con người: bao gồm kỹ năng, kiến thức và sự giáo dục của từng cá
nhân và các thành viên trong gia đình, sức khỏe, thời gian và khả năng làm việc để họ
đạt được những kế quả sinh kế
Nguồn lực xã hội: đề cập đến mạng lưới và mối quan hệ xã hội, các tổ chức xã
hội và các nhóm chính thức cũng như phi chính thức mà con người tham gia để từ đó
được những cơ hội và lợi ích khác nhau
Nguồn lực tài chính: là các nguồn lực tài chính mà con người có được như
thu nhập tiền mặt và các loại hình tiết kiệm khác nhau, tín dụng và các luồng thu
nhập tiền mặt khác như lương hưu, tiền do thân nhân gửi về hay những trợ cấp
của nhà nước

16
Nguồn lực vật chất: bao gồm các công trình hạ tầng và xã hội cơ bản và các tài
sản của hộ gia đình hỗ trợ cho sinh kế, như giao thông, hệ cấp nước và năng lượng,
nhà ở và các đồ dùng dụng cụ trong gia đình
Nguồn vốn sinh kế không chỉ thể hiện ở trạng thái hiện tại mà còn thể hiện khả
năng thay đổi trong tương lai. Chính vì thế khi xem xét nguồn lực, con người không
chỉ xem xét hiện trạng các nguồn lực sinh kế mà cần có sự xem xét khả năng hay cơ
hội thay đổi của nguồn lực đó như thế nào ở trong tương lai.
Theo Nguyễn Thị Hoài Thương (2014), khung sinh kế bền vững bao gồm
những nhân tố chính ảnh hưởng đến sinh kế của con người, và những mối quan
hệ cơ bản giữa chúng. Nó có thể sử dụng để lên kế hoạch cho những hoạt động
phát triển mới và đánh giá sự đóng góp vào sự bền vững sinh kế của những hoạt
động hiện tại. Cụ thể là:
Cung cấp bảng liệt kê những vấn đề quan trọng nhất và phác họa mối liên hệ giữa
những thành phần này.
Tập trung sự chú ý vào các tác động và các quy trình quan trọng.
Nhấn mạnh sự tương tác phức tạp giữa các nhân tố khác nhau, làm ảnh hưởng tới
sinh kế.
1.3. Tổng quan địa bàn nghiên cứu
Theo trang https://kimlong.thuathienhue.gov.vn Phường Kim Long là một
phường nằm ở phía Tây Thành phố Huế, bên bờ của Bắc Sông Hương. Trước đây là
thủ phủ của các Chúa Nguyễn Đàng Trong. Nguyên trước đây là xã Xuân Long, được
tách ra từ xã Hương Long, huyện Hương Trà. Đến năm 1983, được Hội đồng
Bộ trưởng quyết định đổi tên từ xã Xuân Long thành phường Kim Long theo Quyết
định số 03-HĐBT, ngày 06 tháng 01 năm 1983.
Với tổng diện tích tự nhiên là 248,6 ha với tổng dân số: 15.332 nhân khẩu. Toàn
phường được chia làm 22 tổ dân phố với 7 khu vực dân cư. Phường có một Đảng
bộ với hơn 200 đảng viên, sinh hoạt trong 18 chi bộ trực thuộc; Toàn phường có 328
đối tượng đang được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước. Trên địa bàn
phường có 03 cơ quan đơn vị của Tỉnh và Thành phố là Bệnh viện tâm thần Tỉnh,
Trường Trung cấp nghề Huế, Trung tâm y tế thành phố Huế. Về cơ sở giáo dục:
có 01 Trường Trung học cơ sở, 02 trường Tiểu học, 02 trường mầm non công
lập, 02 trường mầm non tư thục.

17
1.3.1. Vị trí địa lý
Phường Kim Long là một phường nằm ở phía Tây Thành phố Huế, bên bờ của
Bắc Sông Hương. Phía Bắc giáp: Phường An Hoà, Đông giáp: Phường Phú Thuận,
Nam giáp: Sông Hương-Phường Đúc, Tây giáp: Phường Hương Long
Khu vực, Tổ dân phố: Có 6 khu vực dân cư với 21 tổ dân phố: Khu vực 1: gồm
có các Tổ Dân phố sau: 1, 2, 3, 4; Khu vực 2: gồm có các Tổ Dân phố sau: 5, 6, 7;
Khu vực 3: gồm có các Tổ Dân phố sau: 8, 9, 10; Khu vực 4: gồm có các Tổ Dân phố
sau: 11, 12, 13; Khu vực 5: gồm có các Tổ Dân phố sau: 14,15, 16, 17; Khu vực 6:
gồm có các Tổ Dân phố sau: 18, 19, 20, 21
Cơ sở Tôn giáo: Phường có 07 cơ sở tôn giáo như sau: Niệm Phật Đường Vạn
Phú, Giáo xứ Kim Long, Đại Chủng Viện, Đan viện Carmel, Dòng Con Đức Mẹ Vô
nhiễm, Dòng Thánh Phao Lô, Dòng Mến Thánh Giá
1.3.2. Đặc điểm khí hậu
Về khí hậu, phường Kim Long thuộc địa bàn Thành phố Huế, nằm trong vùng nội
chí tuyến nên khí hậu khí hậu đặc trưng của vùng đất này là nhiệt đới gió mùa nóng
ẩm. Bên cạnh đó, phường Kim Long cũng chịu tác động của chế độ gió mùa khá đa
dạng. Bởi các đặc điểm địa hình như trên, nhiệt độ nơi đây giảm dần từ Tây sang Đông,
trong khi đó lượng mưa tăng dần từ Đông sang Tây và từ Bắc xuống Nam.
Khí hậu ở phường Kim Long, thành phố Huế mang tính chất chuyển tiếp từ á
xích đới lên nội chí tuyến gió mùa, không có mùa đông và mùa khô rõ rệt. Thời tiết
chỉ lạnh khi gió mùa Đông Bắc tràn về và khô khi có ảnh hưởng của gió Lào. Thời
tiết lạnh là thời kỳ ẩm vì mùa mưa ở đây lệch về Thu Đông. Sang mùa hạ tuy thời tiết
khô nhưng thỉnh thoảng vẫn có mưa rào hoặc mưa giông. Do nằm trong vành đai
nhiệt đới gió mùa nên Huế có lượng bức xạ hàng năm khá lớn, đạt 70 - 85 Kcal/cm².
Nhiệt độ không khí trung bình hàng năm là 25ºC; cao nhất là tháng 8 (28,5ºC); thấp
nhất là tháng 1 và 12 (20,3ºC). Lượng mưa trung bình năm tại đây là 3249mm, độ ẩm
trung bình 87,6%.
1.3.3. Con người
Tính đến năm 2015, dân số phường Kim Long có khoảng 15.688 người. Trải một
quá trình lịch sử lâu dài và nhiều biến động, người dân ở Kim Long cũng từ đó trở
nên xáo trộn tạo nên một nền văn hóa độc đáo với sự hòa quyện giữa các nền văn hóa

18
của nhiều vùng miền khác nhau từ phong tục, tín ngưỡng, tôn giáo, đời sống cho đến
các công trình kiến trúc, nghệ thuật. Tuy nhiên con người Kim Long vẫn giữ được
cho mình nét riêng, nét độc đáo pha lẫn dịu dàng mà nhiều thơ ca đã nhắc đến như:
“Kim Long có gái mỹ miều
Trấm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi”
Hay:
“Nước đầu cầu khúc sâu khúc cạn.
Chèo qua Ngọc Trản đến vạn Kim Long.
Sương sa gió thổi lạnh lùng.
Sóng xao trăng lặn, chạnh lòng nhớ thương”
1.3.4. Điều kiện kinh tế- xã hội
Trước đây, Kim Long là thủ phủ của các Chúa Nguyễn Đàng Trong. Toàn
phường được chia làm 21 tổ dân phố với 6 khu vực dân cư. Nghề nghiệp chính của
người dân là làm vườn, sản xuất nông nghiệp, thương mại dịch vụ, các ngành nghề
sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làm thuê …Có 4 cơ quan đơn vị của Tỉnh và Thành
phố đóng trên địa bàn đó là Trung tâm Bảo trợ Xã hội Kim Long, Trung tâm dạy
nghề, Nam châu hội quán, Trung tâm y tế.Về cơ sở giáo dục và y tế: có 01 Trường
Trung học cơ sở, 02 trường Tiểu học, 02 trường mầm non công lập, 03 trường mầm
non tư thục.
Trước đây Phường Kim Long là một phường thuần nông, tuy nhiên với sự phát triển
của quá trình đô thị hóa, Tỉnh và Thành phố đã thu hồi đất nông nghiệp để quy hoạch
một số khu dân cư, phát triển cơ sở hạ tầng đô thị tạo cho bộ mặt của phường ngày càng
được khang trang hơn. Nông dân đang dần dần chuyển đổi mô hình sản xuất từ trồng
khoai, sắn sang trồng hoa và các nông sản khác theo nhu cầu của thị trường. Một số hộ
tận dụng nông nhàn chuyển sang phát triển các nghề làm bánh in, làm mức, nón lá truyền
thống của Huế. Đồng thời các cơ sở mộc mỹ nghệ, chạm điêu khắc đang dần phát triển.
Hòa chung với sự phát triển của nền kinh tế thị trường các loại hình thương mại, dịch vụ
khác như: kinh doanh ăn uống, giải khát, dịch vụ du lịch, vật liệu xây dựng, vận chuyển
hàng hóa … tiếp tục ra đời và phát triển đã tạo sự chuyển biến rõ nét về lĩnh vực thương
mại trên địa bàn. Năm 2002, được sự quan tâm của tỉnh và thành phố, phường Kim Long
đã xây dựng tuyến du lịch Phú Mộng và đưa vào hoạt động, một số gia đình đã mạnh

19
dạn đầu tư một số dịch vụ du lịch, mặc dầu hiệu quả mang lại chưa cao nhưng bước đầu
cũng đã góp phần quảng bá những vẻ đẹp tự nhiên của nhà vườn Kim Long và thu hút
được nhiều khách du lịch đến tham quan.
1.3.5. Đặc điểm văn hóa
Tự nhiên, con người và lịch sử xã hội là ba yếu tố quan trọng trong việc hình
thành một nền văn hóa. Phường Kim Long cũng vậy, một tự nhiên khắc nghiệt, khí
hậu không thuận lợi, tài nguyên khan hiếm, cùng với quá trình lịch sử với nhiều biến
động, cư dân nơi đây cũng đã tạo nên một nền văn hóa hỗn dung, đa dạng.
Văn hóa ở đây, một nền văn hóa của sự hài hòa và gắn bó giữa môi trường sống
và chủ nhân của nó. Với nhiều địa hình đa dạng, đặc biệt có dòng Sông Hương chảy
qua, thời tiết nơi đây vô cùng khắc nghiệt, sống trong hoàn cảnh thiên nhiên như vậy
nên con người nơi đây thường cùng giúp đỡ, cùng gắn bó, cùng nhau lập nghiệp.
Văn hóa ở vùng đất này là sự hài hòa giữa dòng văn hóa đô thị, văn hóa làng, văn
hóa cung đình và văn hóa dân gian. Là nơi tồn tại thủ phủ của các Chúa Nguyễn trong
suốt những chặng đường dài của lịch sử nên nơi đây có nhiều tinh hoa văn hóa được
hội tụ và phát triển, từ văn hóa cung đình, văn hóa dân gian hòa quyện vào nhau,
cùng tồn tại và phát triển. Văn hóa truyền thống từ những làng quê là những phong
tục, tập quán của cư dân làm ruộng, làm vườn và nghề thủ công. Cuộc sống phần lớn
dựa vào thiên nhiên nên những tín ngưỡng dân gian đóng vai trò vô cùng quan trọng,
các lễ hội, lễ cúng, lễ tế ở làng được tổ chức thường niên. Trong làng cũng có đình
làng - nơi thờ cúng chư thần, cử hành các lễ tế và hội làng.
Trong nghệ thuật kiến trúc và phong cách sống của người dân ở đây cũng vậy, tất
cả đều thể hiện trước hết là ở sự hòa hợp, gắn bó giữa nhà ở với môi trường thiên
nhiên, một bên là tạo hóa của đất trời, một bên là sáng tạo của con người, hòa quyện
với nhau thành một thể thống nhất, vừa hùng vĩ, vừa duyên dáng và lại rất nên thơ.
Các phủ thờ, nhà rường xưa, đình chùa... đều ẩn mình dưới những hàng cây xanh làm
cho không gian càng trở nên xinh đẹp hơn. Nét riêng của văn hóa nơi đây còn được
thể hiện qua cách ăn nói, ăn mặc, ăn uống, ăn học và cả ăn chơi của người Kim Long
tạo nên một thứ văn hóa độc đáo, nền ẩm thực phong phú, những trò chơi đậm nét
truyền thống của cả dân gian lẫn cung đình.

20
CHƯƠNG II: THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH SINH KẾ Ở KHU VỰC NHÀ
VƯỜN PHƯỜNG KIM LONG, THÀNH PHỐ HUẾ, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

2.1. Thực trạng tình hình sinh kế ở khu vực nhà vườn Kim Long, Thành
Phố Huế
2.1.1. Nguồn lực tự nhiên
2.1.1.1. Những nhân tố thúc đẩy
Nguồn tài nguyên đất dồi dào là một thuận lợi lớn cho người dân các vùng nghiên
cứu trong việc tiếp cận nguồn lực tự nhiên. Vốn tự nhiên là các nguồn lực tự nhiên
mà con người có quyền sử dụng gồm: Đất sản xuất nông nghiệp, tài nguyên sinh vật
được phép khai thác, diện tích các ao hồ tự nhiên được phép khai thác. Các điều kiện
tự nhiên có sẵn hay đã được khai thác từ trước như: các loại cây ăn trái, các cây có
giá trị kinh tế trong vườn, các nhà rường được xây dựng theo kiến trúc xưa với tuổi
thọ hàng chục năm … Trong khi đó, có thể thấy, ở phường Kim Long là nơi có số
lượng đất vườn và nhà ở chiếm đa số. Do đó, đây là vùng đất có lợi thế về bề dày lịch
sử về nhà vườn và những ưu đãi mà thiên nhiên đã dành tặng. Bên cạnh đó, diện tích
đất có khả năng khai hoang, phục hóa còn nhiều cùng với sự dồi dào và đa dạng của
các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác
Không có sự phân biệt của các dự án đối với các đối tượng hộ dân nhưng chính
sự khác biệt giữa nguồn lực kinh tế, nhận thức, v.v… của các hộ gia đình dẫn đến
việc khả năng tiếp cận nguồn tài nguyên khác nhau giữa các hộ.
Thêm vào đó, việc người dân có ý thức tốt, tích cực tham gia vào các chính
sách, các hoạt động của dự án là tạo điều kiện tốt hơn cho chính bản thân họ tiếp
cận nguồn vốn.
2.1.1.2. Những nhân tố cản trở
Khí hậu khắc nghiệt là một trong những yếu tố làm ảnh hưởng đến nguồn lực tự
nhiên. Khí hậu tại địa phương nghiên cứu đều gây ra rất nhiều khó khăn cho người
dân. Nằm trên dải đất Miền Trung, một vùng đất dù được thiên nhiên ưu đãi, nhưng
lại chịu khá nhiều khắc nghiệt của thời tiết. Ở Huế và cách riêng là ở phường Kim
Long có 2 mùa chính: mùa mưa và mùa nắng. Lúc nắng thì chói chang, gay gắt, đến
lúc mưa thì kéo dài hết ngày này đến tháng khác, “mưa thối đất thối đai”. Do vậy, với

21
sự thay đổi thời tiết thất thường đã làm ảnh hưởng ít nhiều đến các yếu tố tự nhiên
như cây xanh, đất đai, hoa màu… Đặc biệt trong năm 1999, Thành Phố Huế đón nhận
trận “Đại hồng thủy” gây thiệt hại nghiêm trọng, làm hư hại rất nhiều cây cối cũng
như hoa màu của người dân địa phương. Không những thế, nhưng năm sau đó Huế lại
liên tục đón những cơn bão lớn như: bão số 8 (2005), cơn bão Xangsane(2006), Bão
Lekima- bão số 5 (2007), Cơn bão Ketsana - cơn bão số 9( 2009), gần đây là bão số
10 (2017),… làm đổ gãy không ít cây, và hư hại nhà vườn có tuổi thọ hàng chục năm.
Như vậy có thể thấy, ở phường Kim Long nói riêng và cả thành phố Huế nói chung,
bão lũ xảy ra khá nhiều vào mùa mưa, hạn hán diễn ra thường xuyên vào mùa khô.
Khí hậu khắc nghiệt còn ảnh hưởng xấu một cách gián tiếp tới việc tiếp cận
nguồn tài nguyên của người dân thông qua việc đi lại, vận chuyển, xây dựng hệ
thống thủy lợi, v.v…
Bên cạnh khí hậu khắc nghiệt, người dân địa phương ở đây chưa thực sự chú
trọng và tập trung khai thác tối đa các nguồn lực tự nhiên để tạo sinh kế bền vững cho
mình. Một phần lý do cũng do người dân chưa có kinh nghiệm nhiều trong việc tận
dụng và phát huy giá trị của các nhà vườn và các nguồn lực tự nhiên khác ở đây.
2.1.2. Nguồn lực con người
2.1.2.1. Những nhân tố thúc đẩy
(i) Lực lượng lao động tương đối đông

Biểu đồ 1. Ngành nghề chủ yếu ở địa phương

22
Qua khảo sát thực tế ở phường Kim Long có thể thấy lực lượng lao động ở đây
khá đông (chiếm 70%). Đa số mỗi nhà đều có từ 2-4 người đang trong độ tuổi lao
động. Tuy nhiên lực lượng lao động này đa số thuộc các ngành nghề kinh doanh,
buôn bán, hay lao động làm việc ở các công ty xí nghiệp. Duy chỉ có 22,5% nguồn
lực lao động kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ nhà vườn hay các lĩnh vực
khác liên quan đến nhà vườn. Bên cạnh đó, còn đến 12,5% những người trong độ tuổi
lao động nhưng đang còn thất nghiệp, có đến 42,5% những người chưa có công việc
ổn định, và số còn lại là những người đã và đang có công việc khá ổn định. Như vậy,
các nhân lực lao động ở địa phương vẫn còn khá nhiều và rất thuận lợi cho việc phát
triển các ngành nghề kinh doanh dịch vụ du lịch nhà vườn, trồng trọt chăn nuôi, dựa
trên các nguồn lực tự nhiên có sẵn ở phường Kim Long.
(ii) Lao động trẻ là yếu tố thuận lợi cho việc đào tạo văn hoá và chuyên môn và
nâng cao thu nhập cho người dân

Biểu đồ 2. Độ tuổi của lực lượng lao động chính

Đa số lao động trong các địa phương là lao động trẻ, tập trung chủ yếu ở độ tuổi
dưới 45. Lao động có độ tuổi từ 46 trở lên chiếm tỷ lệ thấp, đặc biệt là lao động ngoài
60 tuổi rất ít, chỉ chiếm 12,5% tổng số lao động trong các hộ điều tra. Lợi thế hiện tại
là lực lượng lao động trẻ vừa có sức khỏe tốt vừa có khả năng tiếp thu các kỹ năng
cần thiết trong các khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng thêm những kiến thức về kinh
doanh dịch vụ và sản xuất nhằm phát triển sinh kế bền vững cho địa phương nơi đây.
Do vậy có thể thấy rằng, nguồn lực lao động ở đây có tiềm năng để phát triền sinh kế
bền vững cho người dân địa phương.

23
(iii) Vùng đất lâu năm có số lượng người cao tuổi khá nhiều với kinh
nghiệm giúp cho nguồn nhân lực trẻ có thêm kiến thức trong việc phát triển
sinh kế bền vững
Từ kết quả điều tra cho thấy số lượng những người lớn tuổi ở phường Kim Long
khá nhiều. Đây là một thuận lợi cho địa phương. Vì những người cao tuổi thường có
rất nhiều kinh nghiệm và có vốn kiến thức hiểu biết trong nhiều lĩnh vực khác nhau,
cũng như am hiểu rõ các đặc điểm, những lợi thế mà vùng đất này đang có. Bên cạnh
đó, những người lớn tuổi sẽ như những vị “cố vấn” trong việc góp ý giúp phát triển
sinh kế bền vững ở nơi này.
2.1.2.2. Những nhân tố cản trở
(i) Trình độ văn hoá và chuyên môn hạn chế của người lao động là một yếu tố
cản trở
Kết quả điều tra cho thấy, đa số lao động có trình độ từ cao đẳng và trung học
phổ thông trở xuống, lực lượng lao động có trình độ từ cao đẳng trở lên thấp, chủ yếu
là các cán bộ của địa phương. Do vậy trình độ văn hoá và chuyên môn thấp của lực
lượng lao động ở các điểm điều tra hiện nay đang là cản trở lớn đến việc tiếp nhận
các loại khoa học kỹ thuật mới nhằm mở rộng quy mô sản xuất, phát triển khinh
doanh các dịch vụ liên quan đến nhà vườn góp phần cải thiện đời sống của các hộ gia
đình ở các nhà vườn trên địa bàn phường Kim Long.
(ii) Nguồn lao động trẻ đi làm ăn xa
Như các địa phương khác, đa số các sinh viên, học sinh, bộ phận trí thức khi lớn
lên đều đi làm ăn xa, hay chủ yếu là làm ở các cơ quan, các hoạt động kinh doanh,
buôn bán. Nên vẫn có rất ít những người trẻ có nhu cầu muốn khai thác và phát triển
các nguồn vốn có sẵn ở địa phương của họ.

24
Biểu đồ 3. Ý kiến về việc vận dụng các điều kiện tự nhiên có sẵn
để đầu tư phát triển
Cụ thể là có đến 17,5% những người không muốn phát triển hay đầu tư kinh
doanh, sản xuất ở địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn có đến 25% những người có ý
tưởng mà mong muốn khai thác đầu tư kinh doanh những điều kiện có sẵn trong địa
phương, mặc dù họ chưa có vốn để đầu tư. Và có đến 27,5% những người đang thực
hiện ý tưởng, đang khai thác những nguồn vốn sẵn có ở địa phương. Bên cạnh đó,
vẫn có ý kiến của một số người cho rằng:” Nên giữ nguyên hiện trạng môi trường
sống ở địa phương”…
2.1.3. Nguồn lực xã hội
Nguồn lực xã hội được xem xét trên các khía cạnh như: quan hệ trong gia đình,
tập quán và văn hóa địa phương, các thiết chế cộng đồng, khả năng tiếp cận và cập
nhật thông tin của người dân đối với sản xuất và đời sống.
2.1.3.1. Những nhân tố thúc đẩy
(i) Mạng lưới quan hệ gia đình, dòng họ, bạn bè của người dân địa phương
khá mạnh
Quá trình đô thị hóa tác động rất mạnh đến sự chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp và
một số tập quán trong lao động sản xuất và sinh hoạt đời sống. Trong bối cảnh ấy,
người dân phường Kim Long dường như đang tìm cách gắn kết với nhau hơn, giúp
nhau trong đời sống và lao động sản xuất, tham gia vào các hoạt động của tập thể, của
dòng họ và hàng xóm, láng giềng. Qua đó, họ tạo dựng được nguồn vốn xã hội với

25
biểu hiện cụ thể là niềm tin, có đi có lại, mở rộng mối quan hệ trong kinh doanh, làm
ăn, buôn bán.

Biểu đồ 4. Liên kết hợp tác trong hoạt động kinh tế

Từ biểu đồ trên, có thể thấy mạng lưới quan hệ gia đình, dòng họ của người dân ở
phường Kim Long khá tốt. Trong khi đó, một cộng đồng có tính đoàn kết chặt chẽ lại
là một yếu tố tích cực trong hoạt động kinh tế. Người dân đã biết cách khai thác
nguồn vốn xã hội của mình trong các hoạt động cộng đồng tại địa phương để tìm
kiếm các lợi ích trong phát triển kinh tế cho gia đình, chuyển đổi và phát triển sinh
kế, thay đổi cuộc sống trong điều kiện mới.
(ii) Các cán bộ địa phương khá tích cực trong việc truyền thông
Việc lan toả thông tin trong cộng đồng và hộ gia đình cũng đóng vai trò quan
trọng đối với việc nâng cao vốn xã hội của người dân. Một khi thông tin được truyền
tải kịp thời, đúng đối tượng sẽ giúp người dân hiểu biết tốt hơn về sản xuất, xu thế thị
trường, hiểu biết xã hội, làm tăng sự tự tin, nâng cao hiệu quả sản xuất...
Có nhiều hình thức hợp tác, hỗ trợ nhau trong làm ăn kinh tế ngay cả khi không
cần huy động nguồn vốn lớn. Nhưng để sản xuất có hiệu quả, sản phẩm có chất lượng
thì cần một lượng tài chính nhất định để duy trì hoạt động. Như những quan điểm lý
thuyết về cố kết cộng đồng - vốn xã hội đã khẳng định, vốn xã hội trong những điều
kiện nhất định có thể được chuyển thành vốn kinh tế. Ở đây, người dân đã huy động
nguồn vốn xã hội của mình trong mạng lưới xã hội để huy động nguồn vốn kinh tế.

26
Hình thức chung vốn để sản xuất - như một loại hình hợp tác này phổ biến nhất trong
các quan hệ giữa anh em họ hàng, và chiếm 23,1%.
Ngoài chung vốn, dựa trên sự tin tưởng và các quan hệ quen biết, các gia đình ở
phường Kim Long cũng cùng nhau tiến hành đầu tư thêm các dịch vụ trong du lịch
như nhà hàng, quán café,… Đây cũng chính là sức mạnh của cộng đồng, dựa vào
cộng đồng mà thúc đẩy sinh kế của người dân. Tuy nhiên vốn xã hội ở đây mới chỉ
dừng lại ở mạng lưới hỗ trợ từ bạn bè, họ hàng, láng giềng mà chưa có sự tham gia
của nhiều hệ thống các tổ chức khác.
(iii) Qua hoạt động kinh doanh du lịch nhà vườn, quan hệ của người dân ngày
càng tốt
Năm 2002, được sự quan tâm của tỉnh và thành phố, phường Kim Long đã xây
dựng tuyến du lịch Phú Mộng và đưa vào hoạt động, một số gia đình đã mạnh dạn
đầu tư một số dịch vụ du lịch. Mặc dù sau nhiều năm hoạt động, đa số các nhà vườn ở
đây đã đóng cửa, và chỉ còn một vài nơi còn đón khách, nhưng qua những hoạt động
này đã giúp người dân địa phương ở đây gắn kết hơn. Nhờ các hoạt động trên, mối
quan hệ giữa các hộ gia đình trong địa phương được cải thiện rõ rệt. Người ta vẫn
quan tâm, hỏi han nhau, không như tình trạng “đèn nhà ai nhà đấy sang” ở nhiều nơi
khác. Qua đó, cũng có thể nhận thấy các mối tương quan ở phường Kim Long khá
tốt. Đây hẳn là một lợi thế giúp phát triển sinh kế bền vững ở địa phương này.
(iv) Phong tục tập quán lạc hậu ở địa phương ngày càng hạn chế
Các phong tục tập quán ở địa phương hầu như không còn xuất hiện các hủ tục.
Các lễ tiệc, đám cưới, đám ma được tổ chức đơn giản hơn nhưng vẫn giữ nguyên
được các nghi thức truyền thống. Đám cưới ngày nay cũng chỉ tổ chức ăn uống đơn
giản, không cầu kì, kéo dài, người dân không tốn kém nhiều chi phí cho họat động
này nữa. Các hủ tục địa phương ngày càng bị mờ nhạt, chỉ còn lại một số phong tục
vẫn duy trì như: cúng, lễ hội…
Không có sự khác biệt lớn về tỷ lệ của các nhóm hộ phân theo trình độ học vấn.
Quan hệ gia đình, dòng tộc, làng xóm… là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến việc ra
quyết định trong các hoạt động kinh doanh, buôn bán của người dân. Các hộ gia đình
thường tham khảo ý kiến của nhiều đối tượng trước khi ra quyết định trong kinh
doanh, sản xuất, buôn bán cũng như đời sống, tuy nhiên mức độ tham khảo của chủ

27
hộ đến các đối tượng có sự khác nhau. Trước khi ra quyết định sản xuất, kinh doanh
100% số chủ hộ đều tham khảo ý kiến cá nhân, đã bàn bạc với những người thân như
vợ hoặc chồng, họ hàng, hàng xóm.. thậm chí nhiều chủ hộ còn tham khảo ý kiến cán
bộ địa phương hoặc cán bộ dự án… Tuy nhiên, một số họ trước khi đưa ra quyết định
chỉ tham khảo ý kiến 1-2 người thân, được tin tưởng. Người được các chủ hộ trao đổi
nhiều nhất chính là vợ hoặc chồng của chủ hộ. Đối tượng thứ 2 mà chủ hộ trao đổi là
cán bộ địa phương - những người có trình độ hiểu biết cao và nắm được chủ chương,
chính sách, các thông tin cần thiết. Đối tượng, thứ ba là họ hàng của chủ hộ, thứ tư là
hàng xóm.
2.1.3.2. Những nhân tố cản trở
(i) Tình trạng mất cân bằng về giới tính vẫn còn

Biểu đồ 5. Người thường tham gia các cuộc họp tổ dân phố

Dựa vào sơ đồ trên cho ta thấy rằng có đến 83% các ý kiến cho biết rằng nam
giới đi họp trong các cuộc họp, thảo luận, truyền đạt các thông tin về các chính sách,
các tin tức, kiến thức về kinh doanh sản xuất. Trong khi đó chỉ có 14% số lượng tham
gia là phụ nữ và 3% không tham gia. Cùng với đó thì số nguời tham gia phát biểu
nam giới cũng chiếm đa số (chiếm 78%). Do hiện nay, thông tin, chính sách hầu hết
được cung cấp qua các cuộc họp ở địa phương, thì đây là điều thiệt thòi cho chị em.
Chưa tính đến việc đi họp tiếp thu ý kiến của mỗi giới khác nhau như thế nào, và cách
truyền đạt lại thông tin ra sao cho các thành viên khác trong hộ gia đình… Qua đó, có
thể dễ dàng nhận ra được, mặc dù tình trạng gia trưởng ở địa phương hầu như không

28
còn, nhưng đa số mọi người vẫn còn dành nhiều sự ưu tiên cũng như các quyền quyết
định cho nam giới.
(ii) Nguồn lực xã hội chỉ dừng lại ở mạng lưới hỗ trợ từ bạn bè, họ hàng,
láng giềng
Từ khảo sát các người dân ở phường Kim Long, rõ ràng mạng lưới xã hội ở địa
phương này khá nhiều và rộng. Như đã đê cập đến ở trên, nhờ có sức mạnh của cộng
đồng, cà cũng dựa vào cộng đồng nên sinh kế của người dân được thúc đẩy phát triển
hơn. Tuy nhiên, sự kết nối này chỉ dừng lại ở mạng lưới hỗ trợ từ bạn bè, họ hàng,
láng giềng mà chưa có sự kết nối với các nguồn vốn từ bên ngoài, từ các chính sách,
hay sự tham gia của nhiều hệ thống các tổ chức khác.
(iii) Khả năng tiếp cận các lớp đào tạo, tập huấn kĩ thuật còn ít, vận dụng kiến
thức còn hạn chế
Tham gia các cuộc họp giúp hộ gia đình tiếp cận nhiều thông tin các chủ trương
đường lối của nhà nước, hoạt động sản xuất, thông tin kinh tế xã hội... Đây là nơi
giúp người dân tiếp nhận và trao đổi các thông tin giữa những người dân trong địa
phương. Tuy nhiên, đa số người dân vẫn chưa nắm bắt được các thông tin về các
chương trình, chính sách hỗ trợ… Bên cạnh đó, các buổi tập huấn để nâng cao kĩ
thuật cho người dân địa phương còn ít cũng một phần do thiếu kinh phí tổ chức, cũng
như gặp phải khó khăn trong vấn đề sắp xếp thời gian phù hợp cho tất cả mọi người
cùng tham gia. Trong các buổi tập huấn được tổ chức, mức độ tham gia đóng góp ý
kiến của người dân khá cao, trong đó đa số người nghèo chỉ thỉnh thoảng phát biểu,
thậm chí hiếm khi hoặc không bao giờ phát biểu ý kiến. Nguyên nhân chủ yếu của
tình trạng này một phần là do nhận thức của người dân còn hạn chế nhưng một phần
cũng là do nội dung khoá học không đáp ứng nhu cầu của họ, nhiều gia đình đi tập
huấn là để điểm danh, nhận tiền thù lao chứ không quan tâm đến nội dung khoá học,
một số khác không có điều kiện để áp dụng các kiến thức đã được tập huấn do thiếu
tư liệu sản xuất nên mức độ quan tâm đến nội dung của các khoá tập huấn giảm dần,
có nhiều trường hợp sau khi kết thúc cuộc họp hoặc khoá tập huấn đã không nắm
được nội dung cuộc họp hoặc nội dung khoá tập huấn, thậm chí có người còn không
biết đến nơi tập trung để làm gì.

29
2.1.4. Nguồn lực tài chính
2.1.4.1. Những nhân tố thúc đẩy
Nguồn lực tài chính hay còn được gọi là vốn tài chính, bao gồm các nguồn lực tài
chính mà hộ gia đình có thể tiếp cận và sử dụng để đạt được mục đích sinh kế của họ.
Quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị ở Kim Long đã tạo nên một dòng vốn tài
chính lớn có thể chia sẻ cho từng hộ gia đình và cả cộng đồng.
(i) Chương trình vay vốn
Vốn tài chính là các nguồn lực tài chính mà con người có được, như nguồn thu
nhập, các loại hình tiết kiệm, tín dụng và các nguồn thu nhập tiền mặt khác như lương
hưu, tiền do người thân gửi về hay những trợ cấp của Nhà nước. Ngoài nguồn vốn
trên, người dân ở các nhà vườn phường Kim Long còn có thể tiếp cận các nguồn vốn
khác ở địa phương để có thể chuyển đổi và phát triển sinh kế hộ gia đình. Chẳng hạn,
57, 5% những người được hỏi có vay vốn để làm ăn.

Biểu đồ 6. Tỉ lệ các hình thức vay vốn được sử dụng

Dựa vào sơ đồ trên có thể thấy, nguồn vốn vay chủ yếu từ các ngân hàng (47,
8%), từ quỹ tín dụng (21, 7%), hoặc vay từ người thân, bạn bè (“vay nóng”, với tỷ lệ
không cao, số lượng ít với thời gian ngắn cho sinh hoạt trước mắt chứ phải cho sản
xuất). Về hiệu quả sử dụng vốn, nghiên cứu cho thấy, trình độ học vấn, loại hình sinh
kế của hộ, số thành viên trong gia đình, việc tham gia tổ chức xã hội là các nhân tố có
ảnh hưởng đến việc sử dụng vốn của cộng đồng.
Qua khảo sát thực tế, thu nhập của các hộ gia đình nhìn chung không đồng
đều. Đa số người dân có thu nhập trên 5 triệu/ 1 tháng (chiếm 40%), đây thường là

30
những người có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp. Tuy nhiên, những người lao
đông có mức thu nhập dưới 2 triệu/ tháng cũng chiếm số lượng khá lớn (35%) và
những người này thường là những người có trình độ trung cấp, hay từ trung học phổ
thông trở xuống. Đây phần lớn là những người chưa có công việc ổn định hay đang bị
thất nghiệp. Chúng ta có thể quan sát biểu đồ dưới để thấy rõ hơn điều này.

Biểu đồ 7. Thu nhập bình quân đầu người/ 1 tháng

Từ sự chênh lệch trong thực tế thu nhập của các hộ gia đình nơi đây, nhìn chung
tỷ lệ hộ vay vốn là khá cao, đặc biệt là tỷ lệ hộ nghèo thường được tạo điều kiện vay
vốn là tương đối lớn. Có được điều này là nhờ có các sự tác động hỗ trợ: Trước tiên
là trên các địa bàn có nhiều nguồn tín dụng mà các hộ nông dân có thể tiếp cận như
Ngân hàng Chính sách Xã hội và các quỹ hỗ trợ phát triển, các dự án; Bên cạnh đó,
có sự đóng góp rất lớn của Ngân hàng Chính sách Xã hội thông qua việc áp dụng
chính sách cho vay tín chấp với lãi suất ưu đãi; Và cuối cùng là sự hỗ trợ của các tổ
chức đoàn thể chính trị xã hội thông qua việc đứng ra bảo lãnh tín chấp cho người
dân vay vốn và hướng dẫn làm thủ tục vay vốn.
Qua điều tra cho thấy, ở các địa phương khác nhau thì tỷ lệ hộ vay được vốn của
các nhóm hộ cũng khác nhau, điều này cho thấy tính đặc thù về nguồn vốn và khả
năng tiếp cận các vốn của nông hộ ở mỗi địa phương. Tuy nhiên cho dù là ở địa
phương nào đi chăng nữa thì hộ cận nghèo và hộ nghèo vẫn là hai nhóm vay nhiều
nhất. Đây chính là yếu tố thuận lợi thúc đẩy hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn tài chính
nhưng vấn đề là ở chỗ hộ nghèo có nhu cầu vay vốn hay không và hộ nghèo có biết
sử dụng vốn vay hay không lại là một vấn đề khác cần được quan tâm.

31
(ii) Được tập huấn để vay vốn có hiệu quả
Với trình độ dân trí như hiện nay việc tập huấn sử dụng vốn sao cho có hiệu quả
là một nhu cầu quan trọng và cần thiết. Thường xuyên mở các lớp tập huấn kiến thức
sử dụng vốn sau khi vay cho các hộ gia đình thực sự là nhân tố hỗ trợ có tác động tích
cực đến hiệu quả sử dụng vốn. Hộ gia đình được tham gia đi họp, tập huấn ở các địa
phương khá nhiều, bình quân đạt 12,5 lần/hộ/1năm. Do đó, để có hiệu quả qua các
khóa huấn luyện, các cán bộ địa phương đã cố gắng truyền đạt bằng nhiều cách khác
nhau với mong muốn tất cả người tham dự có thể nắm được nội dung và cách thức
thực hiện. Như vậy có thể thấy sự quan tâm của chính quyền và các đoàn thể, các dự
án trong việc tập huấn kiến thức sử dụng vốn cho người dân sau khi vay là một nhân
tố hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Mặc dù tỷ lệ được tập huấn còn thấp song đa số các hộ đã sử dụng vốn đúng mục
đích vì sau khi cho vay vốn một thời gian các ngân hàng và các tổ chức tín dụng luôn
có chương trình phối hợp với các địa phương để kiểm tra các hộ vay vốn xem có sử
dụng vốn vay đúng mục đích hay không, trong trường hợp hộ vay vốn không tuân thủ
thoả thuận ban đầu mà sử dụng sai mục đích thì ngân hàng sẽ thu hồi lại vốn, thậm
chí tiến hành xử phạt nên nhiều người không dám sử dụng vốn vay một cách tuỳ tiện.
2.1.4.2. Những nhân tố cản trở
(i) Thiếu vốn
Kết quả từ các cuộc phỏng vấn và kết quả điều tra cho biết có 2 nguyên nhân
chính dẫn đến tình trạng thiếu vốn: Một là, người dân không có tích luỹ từ quá trình
sản xuất; Hai là, người dân không vay được vốn do người dân có tâm lý không dám
vay ngân hàng vì lo sợ không trả được hoặc luôn nghĩ rằng mình thiếu vốn để sản
xuất. hay do một số hộ không có tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng. Bên cạnh đó
cũng có một vài lí do cho biết các hộ gia đình có thể vay được từ tư nhân, các quỹ hỗ
trợ nhưng không thể vay được số lượng lớn và lãi suất vốn vay từ các nguồn khá cao.
Một lý do nữa đó là đối tượng ưu tiên vay vốn ở nguồn vốn này lại là hộ nghèo nên
nhiều hộ giàu và khá không tiếp cận vay vốn được từ nguồn này.
Nguồn vốn mà người dân ở đây có thể dễ dàng vay vốn đó là vay từ họ hàng, anh
em, bạn bè… tuy không mất lãi suất nhưng chỉ vay được số tiền rất ít với thời gian
ngắn để phục vụ chi tiêu sinh hoạt trước mắt chứ không đáp ứng được nhu cầu cho

32
kinh doanh, sản xuất. Một số hộ còn không có nguồn vốn để vay nhưng tỷ lệ này
không nhiều. Như vậy, thiếu vốn là rào cản lớn đối với việc mở rộng quy mô sản xuất
và tăng năng suất cây trồng vật nuôi ở các hộ nông dân điều tra hiện nay. Kết quả
điều tra cho thấy: Các hộ điều tra thiếu cả vốn cho sản xuất và vốn để tiêu dùng, trong
đó thiếu vốn cho sản xuất là chủ yếu.
(ii) Không dùng vốn được do thủ tục
Trình độ học vấn cũng là rào cản đối với việc tiếp cận nguồn vốn nhưng nó
không phải là rào cản trực tiếp mà gián tiếp ảnh hưởng đến khả năng vay vốn của các
gia chủ ở đây.Như đã biết, mặc dù tại các địa phương luôn có các tổ chức đoàn thể hỗ
trợ rất tích cực trong việc làm thủ tục vay vốn cho người dân, các tổ chức đoàn thể
không những giúp đỡ được phụ nữ và người nghèo có trình độ thấp vay vốn mà còn
giúp đỡ được cả những người mù chữ vay vốn. Tuy nhiên với sự hỗ trợ của các tổ
chức đoàn thể, những đối tượng này thường cũng chỉ vay từ 1-2 lần. Như đã trình bày
ở phần trước, có nhiều hộ gia đình vay được vốn, tuy nhiên vẫn còn có khoảng 15,6%
số hộ không vay được vốn. Lý do mà các hộ này không vay được vốn có nhiều song
chủ yếu vẫn là: thủ tục còn rườm rà, phức tạp, thiếu sổ đỏ để thế chấp vay vốn và thời
hạn vay ngắn..., trong đó thời hạn cho vay ngắn được coi là rào cản lớn nhất đối với
khả năng vay vốn của nông hộ. Thông thường thời gian vay vốn của các hộ chỉ được
khoảng 3 năm, với khoảng thời gian này các hộ không kịp quay vòng thì đã phải trả
cả lãi lẫn gốc, trong khi đó một số tổ chức tín dụng cho các hộ nông dân vay vốn với
thời gian dài nhưng yêu cầu phải có tài sản thế chấp, lãi suất lại cao, nếu người nông
dân vay được ở những nguồn vay thì cùng khó có khả năng trả nợ bởi lãi ngân hàng
có thể cao hơn cả lãi của người sản xuất. Bên cạnh đó, không có sổ đỏ hoặc thủ tục
rườm rà, thời gian xét duyệt lâu cũng là những lý do đáng kể để hộ không vay được
vốn. Đây thực sự là rào cản trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay phục vụ cho nhu
cầu sản xuất của bà con nông dân.
Mặc dù các ngân hàng và tổ chức tín dụng đã cố ý làm đơn giản hóa các thủ tục
vay vốn rườm rà, phức tạp và các hộ nông dân luôn có các tổ chức đoàn thể ở bên
cạnh hỗ trợ nhưng vẫn còn tình trạng khó khăn trong khi làm thủ tục vay vốn, nguyên
nhân chính là do năng lực xây dựng phương án xin vay của cả người dân và cán bộ

33
hướng dẫn vẫn còn nhiều hạn chế. Đây cũng là một rào cản làm giảm khả năng tiếp
cận nguồn vốn tài chính của người dân ở phường Kim Long.
2.1.5. Nguồn lực vật chất
2.1.5.1. Nhân tố thúc đẩy
Nguồn lực vật chất ở đây được hiểu là cơ sở hạ tầng, vật chất, kỹ thuật,
phương tiện kinh doanh, sản xuất, phương tiện sinh hoạt hoặc, bao gồm cả những
tài sản của cộng đồng và tài sản của các hộ gia đình. Tài sản của cộng đồng
chính là các yếu tố của cơ sở hạ tầng (kỹ thuật và xã hội) phục vụ sản xuất và
sinh hoạt như: điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế, công trình thủy lợi,
thông tin liên lạc. Còn tài sản của hộ gia đình thì bao gồm tất cả các tài sản phục
vụ sản xuất và sinh hoạt của từng gia đình.
(i) Trang bị đầy đủ các cơ sở hạ tầng, vật chất, kỹ thuật, phương tiện
Đa số ở các nhà vườn trong địa bàn phường Kim Long đã được trang bị đầy đủ
các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho đời sống sinh hoạt và cho mục đích kinh
doanh, buôn bán,… của người dân. Bên cạnh đó, theo xu hướng đô thị hóa hiện nay,
các cở sở hạ tầng, nhà ở cũng được xây dựng theo kiến trúc hiện đại, hệ thống cầu
đường cũng được nâng cấp, mở rộng.
Theo trao đổi với các hộ gia đình ở các nhà vườn, hầu hết mọi người đều mong
muốn cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng theo nhu cầu của cộng đồng, và với phương
châm cả nhà nước và người dân cùng làm. Mặc dù điều kiện sống của người dân chưa
cao, nhưng có đến 60% những người được phỏng vấn đồng ý sẵn sàng đóng góp cả
sức người lẫn vật chất để cùng xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng nơi họ
đang sinh sống và kinh doanh, sản xuất. Người dân có ý thức cao trong việc phát triển
kinh doanh, sản xuất nâng cao thu nhập, từng bước tích lũy, mua sắm công cụ, trang
thiết bị phục vụ sản xuất.
(ii) Người dân có ý thức cao trong việc nâng cấp, sửa chữa các trang thiết bị
Ngoài ra, các cá nhân và hộ gia đình đã nâng cấp, xây dựng, sửa chữa nhà ở và
trang bị những tiện nghi, đồ dùng gia đình – những tiêu chí phản ánh một phần mức
sống đang được cải thiện của họ. Đô thị hóa đã dẫn tới tỷ lệ nhà xây mới theo lối kiến
trúc hiện đại tăng lên đáng kể so với trước khi thu hồi đất.

34
Biểu đồ 8. Kiến trúc nhà ở hiện tại

Qua khảo sát về kiến trúc nhà ở hiện tại của người dân phường Kim Long, số nhà
được xây dựng mới theo kiến trúc hiện đại chiếm 30% trong tổng số 40 nhà được
khảo sát. Trong khi số lượng nhà rường xưa (chiếm 15%) đang dần bị biến đổi và
giảm xuống theo thời gian. Các gia chủ của các ngôi nhà theo lối kiến trúc xưa cũng
đã dần tu sửa, nâng cấp các ngôi nhà của mình theo lối kiến trúc hiện đại hơn, dù vẫn
giữ được một phần của lối kiến trúc nhà rường truyền thống. Kết quả khảo sát cũng
cho thấy nguồn vốn tài sản cá nhân, hộ gia đình có sự tăng lên đáng kể trong quá
trình đô thị hóa. Có thể thấy đáng chú ý là nguồn vốn vật chất ở địa phương đa số chỉ
các là phương tiện sinh hoạt chứ không phải là phương tiện sản xuất.
2.1.4.2. Nhân tố cản trở
(i) Một số trang thiết bị vật tư chung cũng như riêng đã bị quá trình đô thị hóa
làm thay đổi, biến dạng, hao mòn
Mặc dù được đầu tư phát triển nhiều trang thiết bị mới nhưng một số cơ sở vật
chất, máy móc kỹ thuật và một số thiết bị chưa được quan tâm nâng cấp, sửa chữa.
Trong hệ thống truyền thông: Hầu như trong phường, ở các tổ dân phố đều có loa đài
truyền thông nhưng chủ yếu là loa truyền thông đã được lắp lâu năm, hệ thống này
không đảm bảo được việc cung cấp thông tin cho người dân. Tỷ lệ các tổ dân phố có
loa phóng thanh thấp, chất lượng thiết bị kém, thời lượng phát ngắn, không đáp ứng
được nhu cầu thông tin của nhân dân. Đây là một trong những điểm yếu của công tác
truyền thông.

35
(ii) Một số điểm du lịch nhà vườn bị đóng cửa hay dừng hoạt động vì nhiều lý do
Trước những tác động mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa trong giai đoạn hiện nay,
việc ở lại để lưu giữ các nét đặc trưng cũng như giá trị của những ngôi nhà vườn là
điều không dễ đối với các chủ nhân ở đây. Qua khảo sát thực tế ở các ngôi nhà vườn
tại phường Kim Long, ta có biểu đồ nói về nguyên nhân làm cho nhà vườn ngày càng
thay đổi.

Biểu đồ 9. Nguyên nhân khiến kiến trúc nhà vườn truyền thống
ngày càng thay đổi

Như vậy, qua biểu đồ trên có thể thấy các ngôi nhà vườn truyền thống có thể biến
dạng dưới tác động của những nguyên nhân chính như: mục đích kinh tế, gia tăng
nhân khẩu trong nhà, sức khoẻ của gia chủ, mục đích thờ tự, lối sống thay đổi, chi phí
sửa chữa cao, và nhân tố kết hợp. Việc thay đổi kiến trúc của những ngôi nhà vườn
truyền thống để phù hợp với mục đích thờ tự cũng đang dần làm cho nhà vườn bị
biến dạng. Theo quan điểm của các chủ nhân, không gian thờ tự là không gian trang
nghiêm và quan trọng nhất, do đó việc chọn gian chính của căn nhà làm thành từ
đường. Tuy nhiên việc chọn lựa này cũng đã dẫn đến thay đổi, hư hại xuống cấp ở
một số nhà. Lý do là vì các thành viên trong gia đình sống và sinh hoạt ở một nhà
khác độc lập và để ngôi nhà chính chỉ để làm nơi thờ cúng. Trừ những ngày Tết và kỵ
giỗ tổ tiên, hầu hết các ngày quanh năm, nhà chính luôn để trống và thiếu sự chăm
sóc. Hầu như những thay đổi trên đều làm cho các ngôi nhà vườn dần mất đi các giá
trị và vẻ đẹp vốn có. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn lực vật chất ở
phường Kim Long.

36
2.2. Đánh giá nguồn lực sinh kế của các hộ gia đình ở khu vực nhà vườn
Kim Long
Từ những kết quả điều tra, đánh giá về vốn sinh kế các hộ gia đình cho thấy các
nguồn vốn sinh kế của người dân phường Kim Long có những lợi thế và khó khăn
được đánh giá trong bảng 1 dưới đây
Bảng 1. Đánh giá nguồn vốn sinh kế của các hộ gia đình ở phường Kim Long,
Thành phố Huế
Nguồn lực Lợi thế Khó khăn
-Vùng đất được thiên -Khí hậu, thời tiết khắc
nhiên ưu đãi, có nhiều cây nghiệt
xanh, nhiều nhà vườn -Người dân địa phương
-Nguồn nước tốt chưa thực dự chú trọng,
-Một số nhà vườn có kinh tập trung vào việc khai
nghiệm hoạt động du lịch thác các nguồn lực tự
Nguồn lực tự nhiên nhiên có sẵn để phát triển
sinh kế bền vững
-Việc tiếp cận các dự án,
chính sách còn ít. Và còn
thiếu kinh nghiệm trong
kinh doanh du lịch, đặc
biệt là du lịch nhà vườn.
-Chủ hộ đa số là nam, có - Trình độ học vấn của
khả năng quyết định các nguồn lao động chưa cao,
vấn đề phát triển sinh kế hạn chế trong việc sử dụng
-Các lao động chủ yếu các trang thiết bị hiện đại,
trong độ tuổi từ 18-45, là cần có thêm thời gian đào
độ tuổi có sức khỏe tốt, dễ tạo chuyên môn
Nguồn lực con người
tiếp thu và dễ phát triển - Đa số lao động trẻ đi làm
các mối quan hệ xã hội ăn xa
-Số người lớn tuổi cũng
nhiều, có nhiều kinh
nghiệm

Nguồn lực xã hội -Có tính đoàn kết trong -Nguồn lực xã hội chỉ

37
mạng lưới quan hệ gia dừng lại ở mạng lưới hỗ
đình, dòng họ của người trợ từ bạn bè, họ hàng,
dân láng giềng mà chưa có sự
-Biết khai thác, và hỗ trợ tham gia của nhiều hệ
nhau trong việc làm ăn thống các tổ chức khác.
-Các gia đình có mối quan -Khả năng tiếp cận các lớp
hệ khá tốt với phường xã đạo tạo, tập huấn kĩ thuật
địa phương còn ít, vận dụng kiến thức
-Cán bộ địa phương có vai còn hạn chế
trò tích cực trong việc -Tình trạng mất cân bằng
truyền thông về giới tính vẫn còn
-Các hủ tục ở địa phương
gần như biến mất
-Có 2 nguồn lực tài chính -Thu nhập bình quân thấp,
lớn là từ gia đình và từ chi tiêu quản lí chưa phù
cộng đồng hợp
-Số hộ tiếp với nguồn vốn -Thiếu các kỹ năng sử
ngân hàng và tín dụng khá dụng nguồn lực phù hợp
Nguồn lực tài chính
cao -Thiếu vốn và thiếu kĩ
-Có nhiều chương trình năng sử dụng vốn
vay vốn, cũng như các -Các thủ tục vay vốn còn
buổi tập huấn để vay vốn phức tạp
có hiệu quả
-Được trang bị đầy đủ các -Quá trình đô thị hóa làm
cơ sở hạ tầng, vật chất, kỹ thay đổi, biến dạng, hao
thuật, phương tiện nhằm mòn một số trang thiết bị
đáp ứng cho nhu cầu của vật tư chung cũng như
Nguồn lực vật chất mọi người và của từng hộ riêng
gia đình -Các điểm du lịch nhà
-Người dân có ý thức cao vườn cũng dần bị đóng cửa
trong việc xây dựng cơ sở vì nhiều lý do
vật chất

38
2.3. Đánh giá thực trạng sinh kế bền vững của người dân khu vực nhà vườn
Kim Long
2.3.1. Điểm mạnh
Phường Kim Long là một phường nằm khá gần trung tâm thành phố, có điều kiện
tự nhiên tương đối thuận lợi và phù hợp cho việc phát triển trong các lĩnh vực kinh
doanh các dịch vụ du lịch, trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán,… Do vậy nguồn thi nhập
đến từ nhiều khía cạnh, nhiều yếu tố khác nhau tạo nên sự đa dạng trong việc có
nhiều nguồn thu nhập.
Hệ thống cầu đường được nâng cấp, rất thuận lợi cho việc đi lại của người dân
địa phương. Hơn nữa, việc xây dựng đầu tư các tuyến đường cũng giúp cho việc kinh
doanh, buôn bán của người dân nơi đây thuận lợi hơn. Thuận tiện cho việc đi lại,
cũng đồng nghĩa với việc mở ra một lối đi mới giúp công việc Kinh doanh dịch vụ,
hay giao lưu buôn bán phát triển hơn.
Trong khu vực nghiên cứu có nguồn lao động dồi dào, người dân cũng có
tính cần cù chịu khó, ham học hỏi và có nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực
chăn nuôi, buôn bán.
Có vị trí nằm gần sông Hương, nên nguồn nước đảm bảo đầy đủ để phục vụ cho
nhu cầu sinh hoạt, cũng như cho chăn nuôi, trồng trọt và phát triển các mục đích kinh
doanh dịch vụ…
2.3.2. Điểm yếu
Mặc dù có nguồn lao động trẻ nhiều, đa số có trình độ ngang mức cao đẳng, trung
học phổ thông nhưng một số có kỹ năng, có kiến thức lại đi làm ăn xa, số còn lại
đang thất nghiệp hoặc chưa có công việc làm ổn định. Đây là một trong những điểm
hạn chế mà địa phương đang gặp phải. Bên cạnh đó, lối suy nghĩ của người dân nơi
đây chưa thực sự mong muốn khai thác, đầu tư vào những nguồn vốn có sẵn ở địa
phương mình. Những người có ý tưởng, mong muốn phát triển thì lại gặp khó khăn
trong việc tìm kiếm nguồn vốn để đầu tư.
Thời tiết ở đây khá thất thường- mùa mưa thì lũ lụt, thiên tai, mùa hè thì nắng gắt,
khô hạn- không đảm bảo cho việc trồng trọt chăn nuôi sản xuất, cũng như cho các
kinh doanh dịch vụ. Chưa kể đến việc thay đổi thời tiết thất thường trong các khoảng
thời gian giao mùa làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Dù trường hợp này

39
không nhiều, nhưng vẫn có một số thay đổi đến nhịp sinh hoạt của người dân và các
hộ gia đình.
Đa số nguồn vốn chủ yếu là do người dân tự cung tự cấp, nên hầu hết các dịch vụ
kinh doanh, buôn bán đều có quy mô nhỏ. Các hoạt động kinh doanh buôn bán ở đây
mới chỉ trong phạm vi sinh sống chứ chưa mở rộng, phát triển sang các địa phương
khác hay các tỉnh thành, vùng miền lân cận.
2.3.3. Cơ hội
Phường Kim Long cũng là một trong những địa phương đang trong quá trình phát
triển của thành phố, do đó nơi đây được các cấp, các ban ngành trong và ngoài tỉnh
quan tâm, và có nhiều cơ hội thu hút vốn đầu tư, hỗ trợ của các tổ chức cá nhân trong
nhiều linh vực khác nhau.
Tìm hiểu và có những biện pháp giải quyết những khó khăn, thực trạng hiện nay
mà phường đang gặp phải. Từ đó từng bước tạo điều kiện cho các ban tổ chức, những
người hữu trách có khả năng điều hành công việc cách hiệu quả hơn. Bên cạnh đó,cần
phát huy những yếu tố tự nhiên có sẵn, mà chủ yếu các nhà vườn trong khu vực
phường Kim Long để kinh doanh các dịch vụ du lịch và trồng trọt, chăn nuôi theo
hướng hiện đại. Hơn nữa, việc tích cực tuyên truyền, giáo dục, phổ biến về giá trị, các
chính sách bảo tồn và phát triển nhà vườn đến người dân là rất cần thiết. Hỗ trợ, khôi
phục các nhà vườn trong nhóm có tiềm năng khôi phục. Và việc xây dựng thêm một
số hình ảnh nhà vườn mới phù hợp với xu thế thời đại, vừa giữ được nét văn hóa của
nhà vườn cũ, đảm bảo được các yếu tố đặc trưng, không gian xanh, kiến trúc xanh…
cũng đáng được quan tâm đúng mức. Đối với hệ cây có giá trị, cần có những nghiên
cứu của các nhà sinh thái học để bảo tồn và phát triển hợp lý. Hơn thế nữa, cần có
những biện pháp triển khai rõ ràng, cụ thể và có hướng đầu tư phát triển trong lĩnh
vực kinh doanh du lịch nhà vườn
2.3.4. Thách thức
Như đã biết, nguồn nhân lực ở đây đa số có trình độ từ trung cấp, trung học phổ
thông trở xuống. Đây là một trong số những hạn chế làm cho khả năng tiếp thu, học
hỏi của các lao động gặp khó khăn hơn so với những người có trình độ dân trí cao.
Cũng vì trình độ còn chưa cao nên thiếu kinh nghiệm trong việc đầu tư phát triển, dẫn
đến kết quả chưa thực sự thuận lợi và chưa có tính bền vững. Một cản trở trong việc

40
phát triển dịch vụ du lịch nhà vườn ở phường Kim Long là quá trình đô thị hóa là
biến đổi nhiều kiến trúc của các nhà vườn truyền thống. Vì nhiều yếu tố khách quan
và chủ quan mà phần lớn số lượng những ngôi nhà vườn dần dần bị biến dạng, hay
biến mất hoàn toàn. Do đó, việc đầu tư và tận dụng những điều kiện tự nhiên có sẵn
để phát triển sinh kế bền vững cho người dân cũng gặp nhiều khó khăn hạn chế. Tuy
nhiên với những điều kiện, cơ sở vật chất có sẵn ở địa phương như các nhà vườn
xưa còn nguyên trạng, các nhà có chăn nuôi trồng trọt lại đang thu hút nguồn
nhân lực cũng như các nhà đầu tư từ bên ngoài đến cùng góp vốn xây dựng, đổi
mới và phát triển. Nếu những hộ gia đình này có hình thức chăn nuôi phù hợp và
biết cách kết hợp với dịch vụ du lịch để cùng phát triển, thì sẽ thu hút được nhiều
du khách đến từ trong và ngoài nước. Nhưng để có thể có được những mô hình
phát triển nhà vườn theo hướng dịch vụ du lịch lại là một thách đố cho người dân
và cả cán bộ địa phương nơi đây.
Nguồn vốn mà người dân dễ dàng vay mượn là vay từ họ hàng, anh em, bạn bè…
tuy nhiên, nếu vay từ những đối tượng này thì chỉ được một khoản không nhiều với
mục đích chính là để phục vụ chi tiêu sinh hoạt trước mắt chứ chưa hoàn toàn để
dùng cho nhu cầu cho sản xuất. Qua đó, có thể thấy cách sử dụng vốn của người dân
và các hộ gia đình chưa thực sự là hợp lí. Việc dùng vốn sai mục đích làm cho trình
trạng kinh tế của người dân phường Kim Long không những không tốt hơn mà còn
làm ảnh hưởng nhiều đến tình hình kinh tế của mỗi hộ gia đình nữa.
Cùng với sự phát triển của xã hội, mức sống con người cũng dần thay đổi. Nếu
trước đây người ta chỉ lo lắng sao cho có thể “ăn no mặc ấm”, thì ngày nay con người
lại mong muốn được “ăn ngon mặc đẹp”. Dù ở đâu, hoàn cành sống như thế nào thì
nhu cầu ăn uống luôn được con người quan tâm. Kim Long cũng được nhiều người
biết đến với nhiều đặc sản như: bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc, bánh ướt thịt nướng,
mứt gừng,… Kèm theo những yêu cầu, đòi hỏi cao trong nhu cầu ăn uống do đó vệ
sinh an toàn thực phẩm trong kinh doanh ẩm thực gặp không ít thử thách.

41
CHƯƠNG III: GIẢI PHÁP SINH KẾ BỀN VỮNG CHO NGƯỜI DÂN KHU
VỰC NHÀ VƯỜN PHƯỜNG KIM LONG, THÀNH PHỐ HUẾ,
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

3.1. Định hướng phát triển sinh kế bền vững


Quá trình đô thị hóa đã khiến Huế mang đặc điểm của một nền văn hóa đô
thị. Điều dễ nhận thấy, các nguồn lực rất thuận lợi giúp phát triển sinh kế nơi
đây, qua đó có thể giúp ngày càng kích thích quan hệ tương tác văn hóa ở địa
phương diễn ra nhanh hơn. Nhà vườn Huế cũng vậy, lối kiến trúc và cách bài trí
từ ngoại thất đến nội thất nhà ở truyền thống của Huế ngày càng biến dạng,
nhường chỗ cho kiến trúc và lối bài trí hiện đại. Bên cạnh đó, tính thực dụng và
nhu cầu về nhà ở, sinh kế đã khiến nhiều gia đình ở Huế phá bỏ không gian cư
trú truyền thống để chuyển đổi theo mục tiêu mới. Hơn thế nữa, trình độ dân trí
của nguồn lực lao động nơi đây là điều đáng được quan tâm và đầu tư thích hợp.
Vì có được lực lượng lao động có trí thức thì sinh kế ở địa phương mới bến vững
và phát triển. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, việc đón nhận được đầy đủ thông tin
cũng như đầu tư hơn trong việc quảng bá hình ảnh, cung cấp thông tin đến các
nhà đầu tư thì sẽ huy động và thu hút được nhiều nguồn vốn, giúp nâng cấp, đầu
tư và phát triển trong các lĩnh vực kinh doanh, sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi…
3.2. Đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo sinh kế bền vững
Kết quả đánh giá chỉ ra các nguồn lực sinh kế của người dân trong khu vực nhà
vườn phường Kim Long ở mức trung bình. Trong nguồn lực sinh kế, có những nguồn
lực người dân địa phương có thể tự mình cả thiện được, tuy nhiên cũng có những
nguồn lực cần tới sự hỗ trợ từ bên ngoài cho phát triển sinh kế bền vững.
3.2.1. Giải pháp bền vững về sử dụng tài nguyên thiên nhiên
Tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên có sẵn để đầu tư phát triển sinh kế bền
vững và hợp lí. Phát huy thế mạnh của những điểm nhà vườn trong khu vực phường
Kim Long, cần huy động và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương tham
gia các hoạt động đón tiếp và hương dẫn khách tham quan, du lịch, kết hợp với các
dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng. Việc đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp
sạch, an toàn thực phẩm, các loại quà lưu niệm và các món ăn đặc sản dân tộc… Khai
thác, phát triển các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng hay du lịch trải

42
nghiệm tại các homestay ở khu vực này như một giải pháp sinh kế mới, mang lại
nguồn thu nhập ổn định để cải thiện đời sống.
Đối với hệ thống cây xanh đặc biệt là những cây có giá trị, cần có những nghiên
cứu nhằm đưa ra công tác bảo tồn và phát triển hợp lý. Việc khôi phục lại những hàng
rào cây xanh, cây chè tàu sẽ thu hút sự chú ý, giúp tạo ấn tượng trong lòng của du
khách khi đến đây. Bên cạnh đó, cần chú ý đên các loại cây trồng trong vườn như cây
ăn quả, các loại rau, hay các loại hoa, cây cảnh… những loại cây này cũng góp phần
không nhỏ vào việc tạo nên cảnh quan cho ngôi nhà vườn. Do đó, cần có những cách
thức chăm sóc, tưới tiêu phù hợp giúp giữ được hệ thống cây trong vườn dưới sự
khắc nghiệt của thời tiết, hay những tác động của nhiều yếu tố bên ngoài.
3.2.2. Giải pháp bền vững về sử dụng nguồn lực con người
Nâng cao chất lượng nguồn lực lao động thông qua các lớp tập huấn về thị
trường, kinh doanh, các kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt theo các phương pháp
hiện đại. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện sâu, rộng công tác tập huấn kỹ thuật
trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp cho các hộ gia đình ở khu vực nhà vườn phường
Kim Long.
Các hoạt động tập huấn kỹ thuật, truyền đạt kinh nghiệm kinh doanh các dịch vụ
cần có sự hướng dẫn, giám sát việc ứng dụng các kiến thức được trình bày vào thực
tế, không nên chỉ dừng lại ở việc truyền đạt lý thuyết hay chuyển giao kỹ thuật. Hơn
thế nữa, nên hình thành các tổ nhóm tương trợ với quy mô nhỏ để dễ dàng làm việc,
và để sự giúp đỡ được thiết thực, tránh tình trạng hình thức, không hiệu quả.
Giải quyết lao động còn thiếu việc làm thông qua việc mở rộng phát triển các
hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch như: nhà hàng; phát triển du lịch nhà vườn ở
các nhà vườn có tiềm năng hoạt động du lịch; đầu tư các nông trại có quy mô nhỏ để
du khách có thể tham gia du lịch trải nghiệm; mở thêm các dịch vụ massage chăm sóc
khách hàng đi kèm với các dịch vụ nghỉ ngơi ở các nhà nghỉ, homestay …
Việc đầu tư vào các nguồn lực tự nhiên để giải quyết lượng lao động thất nghiệp
ở địa phương là khá hợp lý và cần thiết. Chính vì vậy, phát triển các ngành nghề hiện
có và du nhập thêm các ngành nghề mới là giải pháp hữu hiệu để tăng thu nhập cho
người dân nơi đây. Việc nghiên cứu để phát triển các dịch vụ này sao cho có tính độc
đáo, mới lạ sẽ thu hút được nhiều khách du lịch, và góp phần nâng cao thu nhập, cải
thiện đời sống nhân dân trong khu vực nhà vườn phường Kim Long.

43
3.2.3. Giải pháp bền vững về sử dụng nguồn lực xã hội
Đảm bảo nhóm thương mại dịch vụ, hỗ trợ hình thức cho vay vốn ban đầu, hỗ trợ
phương tiện sinh kế ban đầu để tạo điều kiện cho họ làm dịch vụ và buôn bán; Hình
thành các du lịch có tính thương mại và dịch vụ, liên kết các công ty du lịch lữ hành;
Hình thành các nhóm sinh kế … Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực cán bộ tổ chức,
đoàn thể thông qua các lớp đào tạo, tập huấn về kiến thức khoa học, kỹ thuật kỹ năng
tiếp cận cộng đồng. Hơn thế nữa, nâng cao năng lực tiếp cận thị trường cho các hộ gia
đình. Tạo mối liên kết giữa người dân với chính quyền địa phương, giữa người dân
với cấc doanh nghiệp, các hộ kinh doanh nhằm nâng cao năng lực tiếp cận thị trường
của người dân.
Liên kết với các ban ngành liên quan đến kinh doanh du lịch để triển khai các loại
hình du lịch trải nghiệm, du lịch nghỉ dưỡng dựa vào các lợi thế nhà vườn có sẵn
trong địa phương. Và điều quan trọng là cải thiện hệ thống thông tin, nâng cao khả
năng tiếp cận các dịch vụ và thông tin thị trường cho người dân.
3.2.4. Giải pháp bền vững về sử dụng nguồn vốn tài chính
Đa dạng hóa các hoạt động sinh kế để nâng cao thu nhập bằng cách tăng cường
công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân, ứng dụng các tiến bộ khoa
học kỹ thuật vào sản xuất. Tổ chức cho người trong độ tuổi lao động học nghề và học
cách ứng dụng kỹ thuật vào các cộng việc liên quan và phù hợp. Nhờ đó, từng bước
làm thay đổi tư duy, nhận thức và cách thức kinh doanh, sản xuất của người dân. Bên
cạnh đó, kêu gọi vốn đầu tư từ các tổ chức kinh doanh liên quan trong và ngoài nước.
3.2.5. Giải pháp bền vững về sử dụng nguồn lực vật chất
Qua nhiều thời kì biến đổi, nhiều tác động của quá trình đô thị hóa, các cơ sở
vật chất, trang thiết bị công cộng ở đây cũng dần bị hư hại. Do đó cần kiểm tra
định kì và có nguồn quỹ chung để có thể nâng cấp, sửa chữa, hay thay mới các
thiết bị công cộng nhằm mang lại sự thoải mái khi sử dụng, cũng như đảm bảo an
toàn cho người dùng. Cần tránh và lưu ý sử dụng những trang thiết bị, những cơ
sở vật chất đã xuống cấp.
Từ thực trạng của các nhà vườn ở Huế cho thấy, sự xuống cấp ngày càng nhanh
và sự biến dạng ngày càng phức tạp do kết quả tổng hợp của nhiều nguyên nhân khác
nhau. Vì vậy, để bảo tồn và phát triển nhà vườn Huế cần có sự quan tâm đầu tư của

44
chính quyền địa phương và các chủ nhà vườn nhằm gìn giữ các giá trị truyền thống
văn hóa đặc sắc của đất nước. Qua đó có thể thu hút sự chú ý của du khách đến với
Huế và phát triển hơn trong du lịch nhà vườn ở Thành phố Huế.
Hơn nữa, cần tích cực tuyên truyền, giáo dục, phổ biến về giá trị, các chính sách
bảo tồn và phát triển nhà vườn đến người dân. Nghiên cứu, triển khai áp dụng chính
sách về hỗ trợ nhà ở, đất, mua lại khu nhà vườn, nhằm giảm nhẹ và khắc phục mức
độ biến dạng tại các nhà vườn, hạn chế tình trạng cắt bán, cơi nới, xây thêm nhà ở
trong khuôn viên nhà vườn; Hỗ trợ, khôi phục các nhà vườn trong nhóm có tiềm năng
khôi phục. Bên cạnh đó, xây dựng thêm một số hình ảnh nhà vườn mới phù hợp với
xu thế thời đại, vừa giữ được nét văn hóa của nhà vườn cũ, đảm bảo được các yếu tố
đặc trưng, không gian xanh, kiến trúc xanh… Đối với hệ cây có giá trị, cần có những
nghiên cứu của các nhà sinh thái học để bảo tồn và phát triển hợp lý. Hơn thế nữa,
cần có những biện pháp triển khai rõ ràng, cụ thể và có hướng đầu tư phát triển trong
lĩnh vực kinh doanh du lịch nhà vườn. Nhờ đó mới có thể làm giảm bớt những tác
động tiêu cực của quá trình đô thị hóa đến du lịch nhà vườn.

45
KẾT LUẬN

Từ quá trình nghiên cứu đã làm rõ được các khái niệm về sinh kế, sinh kế
bền vững và khái niệm về nhà vườn. Bên cạnh đó, đề tài giúp tìm hiểu thêm về
các giải pháp nhằm đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân dựa vào các nguồn
lực cơ bản như: Nguồn lực tự nhiên, con người, xã hội, vật chất, tài chính. Nằm
ở vị trí thuận lợi, phường Kim Long có nhiều lợi thế từ các nguồn vốn có sẵn
trong địa phương. Việc tìm hiểu, khảo sát giúp làm rõ hơn những thuận lợi, khó
khăn, cũng như các cơ hội và thách thức mà người dân ở các nhà vườn phường
Kim Long cần cùng nhau đoàn kết, phát triển. Nhờ đó, nguồn sinh kế ở địa
phương mới thực sự được phát triển cách bền vững.
Qua khảo sát, tìm hiểu có thể thấy sinh kế của người dân ở các nhà vườn phường
Kim Long có những nguồn lực khá thuận lợi cho việc đầu tư phát triển sinh kế bền
vững. Trong đó nguồn vốn vật chất và nguồn vốn nhân lực có những ưu điểm có thể
coi là điều kiện cơ bản làm thay đổi cơ hội cho các chiến lược sinh kế của người dân.
Mỗi địa bàn, các hộ gia đình có điều kiện khác nhau về chuyển đổi, phát triển mô
hình sinh kế bền vững. Bên cạnh những thuận lợi cho việc chuyển đổi và nâng cao
sinh kế, người dân phường Kim Long còn gặp không ít khó khăn. Nguồn nhân lực
tuy đông về số lượng nhưng còn hạn chế về trình độ tay nghề. Cơ sở hạ tầng, mạng
lưới giao thông dù đã phát triển rộng, tuy nhiên cần lưu ý đến sự biến đổi kiến trúc
cũng như chất lượng của các ngôi nhà vườn trong khu vực này. Như vậy, theo kết quả
nghiên cứu thì sinh kế của người dân khu vực nhà vườn phường Kim Long trong quá
trình đô thị hóa tuy có nhiều tiềm năng để phát triển, nhưng bên cạnh đó vẫn còn rất
nhiều khó khăn và thách thức cần giải quyết. Để đảm bảo sinh kế bền vững cho người
dân ở các nhà vườn ở địa phương này, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cấp chính
quyền và nhân dân để khắc phục những điểm yếu, nâng cao sinh kế của người dân.
Đặc biệt cần tiếp tục đổi mới chính sách hỗ trợ nguồn vốn; nâng cao chất lượng
nguồn nhân lực; đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật; đa dạng
hóa ngành nghề và nguồn thu nhập cho người dân.
Bên cạnh đó, việc quản lý các nhà vườn của chính quyền địa phương còn tồn tại
một số khó khăn, bất cập, cụ thể: Mặc dù UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành
nhiều chính sách bảo tồn và phát triển nhà vườn, tuy nhiên, việc phổ biến các chính

46
sách đến người dân còn hạn chế. Nhiều quy định mang tính ràng buộc, mức hỗ trợ
thấp, chưa tương xứng so với chi phí để bảo tồn ngôi nhà, quy trình thủ tục chậm trễ
trong khi quyền lợi của người dân rất ít… gây phiền hà cho các chủ nhà vườn. Mặt
khác, đến nay chưa có quy chế rõ ràng về quản lý, khai thác du lịch hiệu quả tại các
nhà vườn, sao cho vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa giữ được nét văn hóa truyền
thống. Về phía người dân, các hoạt động trùng tu, bảo dưỡng còn mang tính tự phát
và lệ thuộc rất lớn vào tình hình kinh tế của gia đình. Do đó, để góp phần giải quyết
các khó khăn từ các tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa, thiết nghĩ cần nghiên
cứu một số vấn đề về các chế độ, các chính sách như vấn đề hỗ trợ đầu tư, tạo thị
trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, nghiên cứu biểu thuế các loại vườn... theo hướng
khuyến khích phát triển vườn phục vụ cho du lịch, nhất là những nhà vườn có giá trị
văn hóa cao. Hơn nữa, cần đẩy nhanh các chính sách hỗ trợ kinh phí tu bổ cho các
ngôi nhà vườn truyền thống của người dân có nằm trong danh sách được cấp phí.
Để giữ gìn và xây dựng được ý thức bảo tồn trong lòng người dân, cần chú ý hơn
trong công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến về giá trị, các chính sách bảo tồn và
phát triển nhà vườn đến người dân, tiến tới xã hội hóa công tác bảo tồn di sản nhà
vườn xứ Huế, giúp người dân nhìn nhận và có thể phát triển du lịch nhà vườn theo
hướng tích cực; Sự kết hợp tốt giữa gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của các nhà
vườn truyền thống với phát triển du lịch nhà vườn sẽ là một lợi thế giúp phát triển
trong dịch vụ du lịch nhà vườn ở Thành phố Huế. Việc sử dụng các nét đặc trưng
trong nhà vườn truyền thống để đưa vào tái khai thác và phục vụ du lịch đã góp phần
quảng bá hình ảnh di sản nhà vườn và tạo nguồn thu nhập cho chủ nhân nhà vườn,
qua đó khuyến khích việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhà vườn truyền thống
được tốt hơn. Hơn thế nữa,cần phát triển việc phối hợp với các doanh nghiệp du lịch
trong và ngoài nước đưa du khách đến với tuyến tham quan nhà vườn Huế bằng các
chương trình homestay, gardentour...Vì các tuyến tham quan này đã và đang là những
dịch vụ được yêu thích của du khách khi đến Huế.

47
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tài liệu sách báo:
Trần Đức Anh Sơn (2001). Phong vị xứ Huế. Nhà xuất bản Thuận Hóa.
R. Chamber, Pacey and L.A Thrupp (eds), Farmer First- Farmer Innovation and
Agricultural Research, London Intermediate Technology Publications, 1989
Chambers, R. and G. R. Conway (1992). Sustainable rural livelihoods: practical
concepts for the 21st century IDS, IDS Discussion, P. 296
J. E. Taylor and T. Reardon. Agroclimatic Shock, Income Inequality, and
Poverty: Evidence from Burkina Faso. World Development, 24, 4 (1996), P. 901-
914.
Scoones (1998), Suitainable Rural Livehood:A Framework for Analysis,
Workingpaper 72, Brighton, UK: institute of Development Studies
Farrington, J., Carney, D., Ashley, C., and Turton, C. (1999). Sustainable
livelihoods in practice: Early applications of concepts in rural areas. Natural
Resource Perspectives No 42, Overseas Development Institute.
Department for International Development (1999), Sustainable Livelihood
Guidance
Frank Ellis (2000) Rural Livelihoods and Diversity in Developing Countries.
Oxford, Oxford University Press.
Emily A.Schultz- Robert (2001), Nhân học, một quan điểm về tình trạng nhân
sinh. Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội
DFID (2001), Sustainable Livehoods Guidance Sheets, DFID report. Dẫn theo
Nguyễn Văn Sửu (2010), “Khung sinh kế bền vững: Một cách phân tích toàn diện về
phát triển và giảm nghèo”, Tạp chí Dân tộc học, Số 2, tr 3-12
Solesbury (2003),Sustainable Livelihoods: A Case Study of the Evolution of
DFDI Policy, Overseas Development Institute , working paper 217
Hanstad, Tim and Robin Nielsn and Jennifer Brown (2004), Land and
livelihoods: Making land rights real for India’s rural poor, LSP working paper 12,
Food and Agriculture Organization Livelihood Support Program.
Hoàng Mạnh Quân, Hoàng Thị Sen, Trương Quang Hoàng (2005), Thực trạng
quản lý rừng và ảnh hưởng của nó đến sinh kế người dân miền núi Thừa Thiên Huế

48
(Trường hợp xã Phú Vinh , huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế, Đề tài nghiên cứu của
Trung tâm phát triển nông thôn Miền Trung, Đại học Nông Lâm Huế.
Nguyễn Bá Long (2006), Kinh nghiệm giải quyết xung đột vùng đệm khu bảo tồn
thiên nhiên ở một số nước trên thế giới và Việt Nam, Tạp chí Nông nghiệp & Nông
thôn, Kỳ 2 tháng 3/2006.
Nguyễn Văn Sửu (2007). Tác động của công nghiệp hóa và đô thị hóa đến sinh
kế nông dân Việt Nam: Trường hợp một làn ven đô Hà Nội, (Đề tài nghiên cứu Khoa
Học), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Nguyễn Hữu Thông (2008), Nhà vườn xứ Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà
xuất bản Văn Nghệ.
Bùi Văn Tuấn (2015), Thực trạng và giải pháp đảm bảo sinh kế bền vững cho
cộng đồng dân cư ven đô Hà Nội trong quá trình đô thị hóa, Hà Nội, Tạp chí Khoa
học ĐHQGHN, Tập 31, Số 5 (2015) 96-108.
Nguyễn Thị Hoài Thương (2014), Thực trạng sinh kế của hộ nông dân sau khi
thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn xã Hưng Đông, Thành Phố Vinh, Tỉnh Nghệ An,
Khóa luận tốt nghiệp, Trường Đại Học Nông Nghiệp Hà Nội.
Hoàng Phê (2016), Từ Điển Tiếng Viêt, Nhà xuất bản Hồng Đức.

Tài liệu Internet:


Giới thiệu chung về Phường Kim Long, Thành Phố Huế, Cổng thông tin
điện tử Thừa Thiên Huế, ngày 16/5/2014
<https://kimlong.thuathienhue.gov.vn/default.aspx?gd=1&cn=143&tm=10&tc=160>

49
PHỤ LỤC 1
BẢNG CÂU HỎI KHẢO SÁT
Tên đề tài: “THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP NHẰM ĐẢM BÁO SINH KẾ
BỀN VỮNG CHO NGƯỜI DÂN Ở KHU VỰC NHÀ VƯỜN PHƯỜNG KIM
LONG, THÀNH PHỐ HUẾ, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ."

GIỚI THIỆU: Xin chào ông/bà. Tôi đến từ Khoa Việt Nam Học- Trường Đại
học Ngoại Ngữ- Đại Học Huế. Tôi đang thực hiện một nghiên cứu khảo sát tìm hiểu
thực trạng sinh kế ở khu vực nhà vườn phường Kim Long. Sự tham gia ý kiến của
ông/bà có ý nghĩa rất quan trọng đối với nghiên cứu. Chỉ có như vậy tôi mới có thể
tìm hiểu được thực trạng sịnh kế ở đây như thế nào, và sự phát triển của nó đang ở
mức độ tích cực hay tiêu cực. Ông/bà không cần phải có kiến thức gì đặc biệt để tham
gia vào đợt khảo sát này, tôi chỉ quan tâm đến ý kiến và suy nghĩ của ông/bà. Rất
mong nhận được sự hợp tác của ông/ bà để tôi có thể hoàn thành tốt đề tài này. Tất cả
những câu trả lời của ông/bà sẽ tuỵêt đối được giữ kín dưới bất kỳ hình thức nào.

Thông tin cá nhân của đối tượng điều tra:


Địa chỉ:  1. Xã/Phường: . Tổ/Thôn:
Giới tính:  1. Nam  2. Nữ
Năm sinh: Năm: …
Tuổi: Tuổi: …
Nghề nghiệp:
Dân tộc:  1. Kinh  2. Khác:............................
 1. Mù chữ/chưa từng học  2. Lớp 1-5 (cấp 1)
 3. Lớp 6-9 (cấp 2)  4. Lớp 10-12 (cấp 3)
Trình độ học vấn:
 5. Trung cấp/cao đẳng  6. Đại học
 7. Trên đại học  8. Không biết
Số lượng thành viên trong
……
gia đình:
Số lượng tạo thu nhập ……
Thu nhập bình quân đầu  1. Dưới 2 triệu  3. Trên 5 triệu
người/ tháng:  2. Từ 2-5 triệu
 1. Hộ nghèo
Gia đình ông/ Bà thuộc diện
 2. Hộ cận nghèo
nào dưới đây:
 3. Không thuộc hai diện trên

50
Câu 1: Ông/ bà đánh giá nguồn nhân lực ở địa phương như thế nào?
 Hầu như không có
 Ít
 Nhiều
 Rất nhiều

Câu 2: Lực lượng lao động chủ yếu ở đây đang ở độ tuổi bao nhiêu?
 Dưới 18 tuổi
 18- 45 tuổi
 46-60 tuổi
 Trên 60

Câu 3: Ngành nghề chủ yếu ở địa phương là gì?


 Làm ở Công ty/ Xí nghiệp/ Cơ quan nhà nước
 Buôn bán
 Làm nông nghiệp (chăn nuôi, trồng lúa,…)
 Kinh doanh dịch vụ du lịch

Câu 4: Tình trạng công việc hiện tại ở địa phương như thế nào?
 Thất nghiệp
 Chưa ổn định
 Khá ổn định
 Rất ổn định

Câu 5: Ông/ bà có suy nghĩ gì về việc tận dụng các điều kiện có sẵn ở địa
phương để đầu tư phát triển?
 Không muốn phát triển
 Đang suy nghĩ, nhưng chưa có ý tưởng
 Có, nhưng chưa có vốn
 Đang thực hiện
 Ý kiến khác

51
Câu 6: Trong hoạt động kinh tế ông/ bà có liên kết, hợp tác với những ai?
 Bà con họ hàng
 Người cùng địa phương mình sinh sống
 Người ngoài địa phương mình sinh sống
 Bạn bè
 Tự mình đầu tư

Câu 7: Hình thức hợp tác như thế nào?


 Cùng chung vốn để sản xuất
 Cùng tham gia sản xuất, kinh doanh
 Cùng trao đổi thông tin, kinh nghiệm
 Hỗ trợ sử dụng, tiêu thụ sản phẩm

Câu 8: Ông/ bà có dùng phương thức vay vốn làm ăn không?


 Có
 Không
(Nếu chọn “có”, trả lời tiếp câu 9)

Câu 9: Ông/ bà sử dụng những hình thức vay vốn nào?


 Ngân hàng
 Quỹ tín dụng
 Người thân, bạn bè
Câu 10: Ông/ bà chủ yếu sửa dụng vốn cho mục đích gì?
 Kinh doanh, sản xuất
 Tiêu dùng
Câu 11: Nguyên nhân nào dẫn đến việc thiếu vốn trong kinh doanh, sản xuất của
người dân ở địa phương mình?
 Không có tích lũy trước từ quá trình sản xuất
 Không dám vay vốn ngân hàng vì sợ mình không trả được

52
 Lo ngại không thể vay được số lượng lớn và lãi suất vốn vay từ các nguồn khá
cao
 Ý kiến khác

Câu 12: Ông/ bà có nhận xét như thế nào về cơ sở vật chất công cộng ở phường
Kim Long
 Rất tốt
 Tốt
 Trung bình
 Kém
 Cần đầu tư, nâng cấp

Câu 13: Để góp phần xây dựng, nâng cấp, đổi mới các trang thiết bị, cơ sở vật
chất giúp phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, kinh doanh của mọi người, ông/ bà có suy
nghĩ như thế nào về việc đóng góp cả sức người lẫn vật chất?
 Chưa suy nghĩ đến
 Chỉ đóng góp vật chất
Chỉ góp sức nâng cấp, xây dựng
Sẵn sàng đóng góp cả hai

Câu 14: Nhà ở hiện tại của ông/ bà thuộc kiểu nhà gì?
 Nhà rường xưa
 Nhà cấp 4
 Nhà rường nhưng được sửa chữa, nâng cấp theo lối kiến trúc hiện đại
 Nhà xây mới hoàn toàn theo kiến trúc hiện đại

Câu 15: Ai là người sẽ tham gia những cuộc họp tổ dân phố, hay các buổi cung
cấp thông tin về các chính sách, các tin tức, kiến thức về kinh doanh sản xuất?
 Người đàn ông, con trai trong gia đình
 Người phụ nữ trong gia đình
 Không tham gia

53
Câu 16: Cũng trong các cuộc hội họp như trên, ai là người thường xuyên phát
biểu, đóng góp ý kiến?
 Nam
 Nữ

Xin chân thành cám ơn sự cộng tác

54
PHỤ LỤC 2
[Tài liệu điền dã 2019]

Hình ảnh 1: Nhà vườn An Hiên- Kim Long- Huế

Hình ảnh 2: Nhà vườn Cát Hương Cư- Phú Mộng- Kim Long

55
Hình ảnh 3: Nhà vườn Phú Mộng Viên trước (trái) và sau (phải) khi sửa chữa
nâng cấp- Kim Long

Hình ảnh 4: Nhà vườn số 42 Phú Mộng- Kim Long

56
Hình 5: Nhà Hàng Huế Tui- 46 Phú Mộng- Kim Long

57

You might also like