Download as pdf or txt
Download as pdf or txt
You are on page 1of 4

ĐỀ 4: TÁC HẠI CỦA THÓI QUEN ĐỔ LỖI

1. MỞ BÀI
- Bạn đi học muộn, đi làm muộn bạn nói rằng đó là do tắc đường. Bạn bị điểm thấp,
điểm kém bạn nghĩ lỗi là ở người dạy, tại đề khó. Bạn không hoàn thành công việc
bạn than trách do hoàn cảnh, do không có thời gian. Bạn làm sai nhưng vì sợ bị
mắng, bị chê trách nên bạn có thể tự lấy lí do tại bạn bè, do bố mẹ, do anh chị, do
thời tiết hôm nay quá mưa, thời tiết hôm nay quá nắng,.. hay thậm chí bạn đổ hết
trách nhiệm lên một chữ “xui” ? Tất cả những điều trên chính là biểu hiện của thói
quen đổ lỗi. Dường như việc đổ lỗi ngày nay không chỉ dừng lại là một hiện tượng,
một thói quen mà nó đã trở thành một căn bệnh đang dần đục khoét đạo đức của
con người.
2. THÂN BÀI
- Giải thích:
+ Khái niệm: Đổ lỗi là hành vi chối bỏ trách nhiệm của mình và đẩy nó cho người khác,
không bao giờ nhận sai về mình và không biết nhận lỗi. Đổ lỗi dường như đã dần trở
thành một phản xạ tự nhiên của con người, thói quen đó như một cây mầm đang
dần lớn lên và cắm rễ sâu trong con người của chúng ta. Đổ lỗi cho người khác, đổ
lỗi cho ngoại cảnh, đổ lỗi cho điều kiện tự nhiên, đổ lỗi cho số phận, v.v… – đó là
những đối tượng bị đổ lỗi phổ biến mà chúng ta vẫn thường hay vịn vào nhằm giảm
thiểu hoặc tránh né trách nhiệm của bản thân.
- Thực trạng:
+ Trong cuộc sống hàng ngày, trẻ con thường muốn làm hài lòng bố mẹ và không dám
đối diện với lỗi lầm của mình nên thường không bao giờ nhận sai, chúng luôn tìm
cách làm thế nào để bố mẹ không biết là mình làm, nghi bị phát hiện làm sai trẻ con
sẽ ngay lập tức tìm người để đổ tội. Bị điểm kém sẽ đổ tại do bài này cô chưa dạy, bị
phê bình sẽ lôi ngay bạn bè vào để biện minh,...
+ Ngay cả người lớn cũng vậy, khi thấy lỗi lầm gây ra bất lợi cho mình, chúng ta sẽ tìm
ngay lí do để đổ lỗi, thậm chí có những người từ sợ hãi mà đổ lỗi thành một thói
quen. Họ đổ luôn than phiền và đổ tội cho mọi thứ trên đời “Sao ông trời lại bất công
đến thế ?”, “Tại sáng nay đồng hồ báo thức kêu sai”,.... và rất nhiều những câu từ
phủ nhận lỗi sai của mình mà các bạn đã quá quen với nó.
+ Đặc biệt việc đổ lỗi còn xảy ra trong chính các doanh nghiệp, các nhà máy phục vụ
cho đời sống xã hội. Nhiều doanh nghiệp làm việc qua loa không đến nơi đến chốn,
thiếu trách nhiệm với công việc đã để lại hậu quả vô cùng nặng nề cho người dân.
Như vụ chủ đầu tư một dự án xây dựng nhà máy năng lượng ở Bình Định, ông đã
cho người phá đi 5,26 ha rừng phòng hộ của người dân nhưng sau đó lại nói rằng
đó là “sự nhầm lẫn”, thậm chí ông còn đổ lỗi cho người dân địa phương đã di dời
mốc dự án nên mới dẫn đến nhầm lẫn. Đây là một hành động vô cùng thiếu trách
nhiệm rất đáng bị lên án, hơn nữa đây còn là lỗi xuất phát từ một chủ đầu tư lớn, chỉ
vì “sự nhầm lẫn” của ông mà người dân đã bị ảnh hưởng và thất thoát rất nhiều.
- Tác hại:
+ Chỉ đơn giản là lời nói đầu môi nhưng lại gây ra rất nhiều tác hại đối với đời sống
con người. Đổ lỗi như một dịch bệnh lây lan trong xã hội đang dần ăn mòn vào bản
tính của con người. Và người trực tiếp hứng chịu mọi hệ quả của “dịch bệnh” đó
không ai khác là những người “nhiễm bệnh”:
● Những người có hành vi đổ lỗi thành thói quen dần sẽ trở thành những kẻ vô
trách nhiệm, nếu bạn chỉ biết đổ lỗi bạn sẽ không bao giờ nhận ra lỗi sai của
mình và luôn cho rằng mình đúng. Cũng vì vậy mà những người hay đổ lỗi
chẳng bao giờ có thể phát triển bản thân, không thể tiến bộ và hoàn thiện
mình.
● Khi ta cứ liên tục đổ lỗi cho người khác, liệu còn có ai chịu đi chung đường
với ta ? Không ai muốn làm việc chung với người không có trách nhiệm cả,
nếu chúng ta chỉ biết phủ nhận toàn bộ trách nhiệm của mình thì sẽ chẳng
còn ai tín nhiệm ta nữa, con người sẽ mất đi những mối quan hệ xung quanh
đời sống.
● Nếu không biết tự chịu trách nhiệm cho việc mình làm thì có lẽ cả đời bạn sẽ
chỉ sống mãi trong nỗi lo sợ của chính mình, bạn không dám bứt phá bản
thân cũng như cho mình một cơ hội sửa sai mà lại đi trốn tránh sai lầm ấy.
Dần dần suy nghĩ của bạn sẽ quen dần với việc không chịu trách nhiệm đối
với bản thân. Thái độ này sẽ trở thành một phần khó sửa trong tính cách của
mỗi người.
● Nhà văn Voltaire đã nói như sau:“Chẳng có bông tuyết nào cảm thấy có
trách nhiệm khi tuyết lở xảy ra.” Nếu một người đổ lỗi, hai người đổ lỗi rồi
rất nhiều người đổ lỗi, cả tập thể chỉ biết đẩy hết trách nhiệm cho nhau rồi
đến cuối cùng có giải quyết được vấn đề không? Rồi tương lai của xã hội sẽ
ra sao nếu bộ phận những kẻ thiếu trách nhiệm, chỉ biết đổ lỗi ngày một tăng
dần ?
● “Sự trưởng thành bắt đầu vào ngày chúng ta chấp nhận trách nhiệm đối
với hành động của bản thân mình.” Chính là như vậy, nếu bạn cứ mãi trốn
tránh trách nhiệm, cứ mãi chỉ biết đổ lỗi là bạn đang tự làm gián đoạn quá
trình trưởng thành của chính mình, chỉ có thể sống dựa vào người khác mà
không biết cố gắng, phấn đấu, rồi bạn sẽ chẳng bao giờ có thể nếm trải được
mùi vị của sự thành công.
● Việc đổ lỗi thực sự rất mất thời gian và vô nghĩa, nó không những không giải
quyết dứt điểm được vấn đề mà có thế khiến cho mọi việc trở nên rắc rối hơn
và đi vào ngõ cụt. Dù có đổ lỗi cho điều gì đi chăng nữa thì sự thật bạn là
người yếu kém, hèn nhát, là kẻ vô trách nhiệm sẽ mãi không thay đổi. Việc
đổ lỗi rất lãng phí thời gian. “Cho dù bạn tìm thấy bao nhiêu lầm lỗi ở
người khác, và dù bạn có trách móc anh ta tới bao nhiêu, điều đó cũng
sẽ không thay đổi con người bạn.” - Jack Canfield.
- Phản biện:
+ Hãy thử nghĩ ngược lại xem, khi bạn chủ động nhận lỗi và chịu trách nhiệm cho lời
nói và hành động của mình thì liệu mọi thứ sẽ nhẹ nhàng hơn không ? Chắc chắn
bạn sẽ không tránh khỏi việc bị khiển trách hay la mắng, nhưng chỉ với việc bạn dám
nhận sai và sửa sai thì mọi người cũng đã có cái nhìn khác về bạn, mọi thứ sẽ được
giải quyết dễ dàng và mọi người cũng sẽ tôn trọng bạn hơn. Không chỉ vậy, qua việc
nhận lỗi lầm của mình bạn còn có thể phát triển bản thân hơn nữa qua những bài
học được rút ra, bản thân mỗi người cũng sẽ tự tin và mạnh mẽ hơn trước rất nhiều,
lúc này con đường đi đến thành công lại dần mở lối. Vậy tại sao chúng ta lại chỉ vì
sự sợ hãi, hèn nhát mà đánh mất cả tương lai phía trước ?
- Nguyên nhân: Vậy nguyên nhân do đâu mà con người có thể hình thành nên một thói quen
xấu đến vậy ?
+ Trong mỗi người luôn có cái tôi. Ai cũng muốn mình là người quan trọng và phải
được tôn trọng. Từ đó chúng ta hình tượng hóa bản thân của chính mình. Chính việc
từ đề cao bản thân đã dẫn đến việc chối bỏ trách nhiệm và khiến con người chúng ta
bị lệch lạc và không thể nhận lấy lỗi lầm của chính mình. Chúng ta cảm thấy thật khó
chịu khi phải nhận lỗi về phía mình. Để cho bản thân cảm thấy dễ chịu hơn, chúng ta
thường hay đổ lỗi cho người khác. Chúng ta đã không suy xét được mọi khía cạnh
của vấn đề. Và từ đó chúng ta luôn sợ hãi trước việc chịu trách nhiệm cho bản thân.
+ Nỗi sợ hãi là nguyên nhân chính dẫn đến việc mất khả năng chịu trách nhiệm cho
bản thân, họ không sẵn lòng nhận trách nhiệm về lựa chọn của mình và thường cố
gắng cách ly bản thân khỏi những tình huống tiêu cực gây ảnh hưởng đến danh dự
của bản thân, nếu mình đồng ý nhận lỗi về phía mình thì bản thân sẽ tỏ ra yếu kém,
bất lực và đánh mất sự tôn trọng từ người khác. Họ nghĩ rằng giá trị bản thân sẽ bị
hạ thấp. Có lẽ vì quá sợ hãi, lo lắng nên họ đã quên mất rằng “Thất bại là kế hoạch
của tự nhiên để chuẩn bị cho bạn sẵn sàng trước những trách nhiệm lớn lao”
+ Hành động đổ lỗi có thể xuất phát từ lòng tham và sự ích kỉ, đố kị hay thậm chí là cả
sự yếu đuối của con người. Bản thân vì không làm tốt bằng người khác, không tài
giỏi bằng người khác nên luôn tìm mọi cách để nâng bản thân lên và dìm người khác
xuống, họ dùng cách chà đạp người khác để che lấp đi những điểm yếu của bản
thân.
=> Nhà chính trị vĩ đại người Hy Lạp - Platon đã từng nói “Người tốt không cần luật pháp
để bảo mình phải hành động có trách nhiệm, còn người xấu tìm đường lách luật.”
Không phải chúng ta bị dồn vào đường cùng nên mới nghĩ đến việc đổ lỗi, đùn đẩy trách
nhiệm, mà do từ trong thâm tâm chúng ta đã muốn che đậy sự sai sót của mình để bản thân
trong mắt mọi người trở nên hoàn hảo hơn nhưng thực chất hành động đó chỉ khiến chúng
ta đã sai nay lại càng sai thêm. Hãy luôn nhớ câu nói của Khổng Tử: “Quá nhi bất cải,
thị vị quá hĩ”, có sai lầm mà không sửa, đấy mới thật sự là sai lầm.
- Giải pháp:
+ Để có thể đánh bại được thói quen đổ lỗi, trước tiên mỗi cá nhân đều phải tự ý thức
rằng đổ lỗi cho người khác là điều không thể, đó là điều trái với đạo đực, đi ngược lại
với lòng tự trọng của chúng ta. Khi ta biết nhận lỗi và sửa sai cũng là lúc ta đang tôn
trọng giá trị bên trong của chính mình.
+ Hãy luôn tin vào bản thân mình, trở nên can đảm hơn đánh bay đi nỗi sợ hãi của
chính mình, hãy nghĩ rằng sai lầm là điều thiết yếu trong cuộc sống, “Thất bại là mẹ
thành công” hãy lấy những thứ sai sót mà bạn mắc phải làm bài học và biến nó
thành hành trang hữu ích của mình trên con đường đi tới thành công.
+ Hãy luôn ghi nhớ quy luật cho và nhận. Hãy cảm nhận được sự cảm thông và lòng
thương người. Điều này sẽ giúp bạn tránh được việc hình tượng hóa bản thân và có
thể chủ động nhận ra lỗi sai của mình.
+ Gia đình và người thân cũng nên giáo dục con trẻ thói quen nhận lỗi và sửa lỗi từ khi
còn nhỏ để các em không hình thành thói hư tật xấu, xã hội cũng nên khắt khe hơn
với những người có thói đổ lỗi, vô trách nhiệm
+ Biết sai và biết sửa sai là điều vô cùng quan trọng, đừng tự dung thứ cho bản thân
mỗi khi mắc sai lầm, “Chúng ta luôn phải gánh chịu mọi trách nhiệm về chính
sự lựa chọn của mình cho đến khi chết đi” - Eleanor Roosevelt, thay vì cứ mãi
chối bỏ trách nhiệm của mình như kẻ hèn nhát, hãy thử một lần đối đầu trực diện với
nó rồi bạn sẽ thấy bản thân mình khác đi rất nhiều.
- Bài học:
3. KẾT BÀI:
- Jim Rohn - Bậc thầy của những người thầy đã nói: “Bạn phải chấp nhận trách
nhiệm cá nhân. Bạn không thể thay đổi hoàn cảnh, mùa hay gió, nhưng bạn có
thể thay đổi bản thân. Đó là thứ mà bạn có thể khống chế.” Hành vi đổ lỗi sẽ tạo
nên một chu trình không lối thoát với vòng lặp của sự đổ lỗi, tranh cãi và cuối cùng là
đi đến thất bại. Mọi lỗi lầm sẽ giúp bạn trưởng thành hơn, hãy tự chịu trách nhiệm
với lời nói và hành động của mình để có thể tự phát triển bản thân từ đó giúp phát
triển xã hội. Đừng để bệnh “đổ lỗi” tàn phá con người của bạn, hãy luôn mạnh mẽ
đối mặt với thất bại để trở nên thành công.

You might also like