Download as docx, pdf, or txt
Download as docx, pdf, or txt
You are on page 1of 3

THƯƠNG VỢ

Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh
trăng lừa dối. Nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm
than (Nam Cao). Thật vậy, trong thời đại phong kiến xưa đã có biết bao nhiêu án
văn viết về những khổ cực, những bất hạnh của người phụ nữ. Thế nhưng hình ảnh
người vợ tần tảo, giàu đức hi sinh xuất hiện trong bài thơ được viết bởi chính sự
đồng cảm và biết ơn của chồng mình thì lại vô cùng hiếm hoi. Chính vì thế bài thơ
“Thương Vợ” của nhà thơ Tế Xương như là một món quà đặc biệt và vô giá mà
ông gửi đến người vợ của mình khi bà còn sống, cũng như gửi đến nền văn học
Việt Nam một tác phẩm bất hủ.
“Quanh năm buôn bán ở mom sông, 
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ, âu đành phận,
Năm nắng mười mưa, dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc:
Có chồng hờ hững cũng như không!”
“Thương vợ” là bức chân dung về một người vợ chịu thương chịu khó, tần
tảo, đảm đang, thương chồng thương con và giàu đức hi sinh. Qua đó người
thưởng thơ cũng cảm nhận được một tình yêu thương trân trong vợ và nhân cách
cao đẹp của ông Tú, đồng thời ông cũng phần nào phê bình chế độ phong kiến
đương thời khi nạn mua quan bán tước đã đẩy cuộc sống ông và gia đình vào hoàn
cảnh khó khăn.
“Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng”.
Từ câu thơ đầu tiên, ta đã có thể hiểu về thời gian và không gian làm việc
thường ngày của bà Tú. Bà Tú phải làm việc “quanh năm” suốt tháng, dường như
không có ngày nào nghỉ ngơi, làm việc từ ngày này sang ngày khác, từ năm này
sang năm khác, không quãng trời nắng hay trời mưa. Công việc buôn bán của bà
Tú cũng chẳng nhẹ nhàng gì, phải thức khuya dậy sớm, phải va chạm với nhiều
người. Bà buôn bán ở “mom sông”, một mỏm đất nhô ra ven bờ sông chênh vênh,
nguy hiểm. Bà phải làm việc cật lực, miệt mài ở một nơi nguy hiểm như thế để
đảm bảo kinh tế gia đình, “nuôi đủ” chồng và con. “Nuôi đủ năm con với một
chồng” cách dùng từ hóm hỉnh nhưng lại nhấn mạnh hơn gánh nặng mà bà Tú phải
gánh trên vai. Bà cung cấp, chăm lo cho chồng, cho con không thiếu bất cứ thứ gì.
Ông Tú không phải là một người chồng hời hợt mà ông hiểu được những gánh
nặng mà người vợ mình phải chịu. Ông tự cảm thấy xấu hổ, cảm thấy mình là gánh
nặng khi đem mình lên so sánh với năm người con, chỉ một mình ông mà bà Tú
phải khổ cực đến ngần ấy. Bằng việc khắc hoạ thời gian, không gian làm việc
thường ngày của bà Tú và cách so sánh khập khiễng nhưng có phần dí dỏm, nhà
thơ đã vẽ ra bức chân dung bà Tú tần tảo, đảm đang, chịu thương chịu khó và ẩn
sâu trong đó là tấm lòng tri ân vợ của thi nhân.
“Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông”.
Hai câu thơ sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ để nhân mạnh hai từ láy gợi
hình. Bà Tú phải “lặn lội” sớm hôm, chạy vạy ngược xuôi từ “khi quãng vắng”.
Công việc buôn bán khiến bà Tú phải thức dậy từ khi mọi người vẫn còn đang nằm
trên giường, chăn ấm nệm êm và trở về nhà khi ánh mặt trời đã lặn, khi nhà nhà
đang sum họp trong bữa cơm tối. Thời gian đi và về đều là những lúc vắng người,
là vô cùng nguy hiểm cho một người phụ nữ nhỏ bé như bà. Câu thơ đầu đã vận
dụng hình ảnh ẩn dụ quen thuộc trong ca dao Việt Nam, “con cò”. Ông Tú đã biến
hoá hình ảnh “con cò” thành “thân cò” để hình tượng hoá hình ảnh người vợ bất
hạnh, nhỏ bé, đáng thương nhưng ẩn sâu trong đó lại là sự tần tảo, chịu thương
chịu khó. Công việc buôn bán chưa bao giờ nhẹ nhàng, không thể tránh khỏi những
tiếng kêu ca, kì kèo, phàn nàn “eo sèo” của khách hàng.
Nếu như ở những câu thơ trên, thi nhân chỉ tập trung chủ yếu miêu tả về
chân dung người vợ của mình. Thì đến hai câu luận, nhà thơ dường như đã hoá
thân vào bà Tú, để cảm thông và bày tỏ gánh nặng của bà.
“Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công”.
Nhà thơ đã vận dụng thành công hai thành ngữ tiêu biểu của dân gian “một duyên
hai nợ” và “năm nắng mười mưa”. Ở đây có sự xuất hiện của các số một, hai, năm,
mười như tăng theo cấp số nhân cũng như nỗi nhọc nhằn, vất vả của bà Tú được
nhân lên gấp nhiều lần. Cái duyên thì ít mà cái nợ thì nhiều nhưng bà Tú vẫn gắng
gượng cam chịu, chấp nhận những thiệt thòi về bản thân mà không một lời than
vãn. Bà coi đó như là số phận ông trời sắp đặt nên bà vui vẻ nhận lấy “âu đành
phận”. Vì chồng vì con nên dù trời mưa, trời nắng bà cũng nỗ lực làm việc, không
“dám quản công”. Những lời nói này đều là lời nói của ông Tú thay lời cho bà Tú,
qua đó ta cảm nhận được tấm lòng yêu thương và sự biết ơn của ông dành cho
người vợ của mình.
Cảm nhận được những gánh nặng của người vợ, ông Tú tức giận bản thân vì
không thể giúp được gì cho bà Tú.
“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không”.
Tiếng chửi cay đắng, chua xót của Tế Xương hiện lên rất cụ thể, rõ ràng. Ông chửi
thói đời đen bạc mà thói đời ở đây chính là cái xã hội thực dân nửa phong kiến thối
nát. Ở đó đồng tiền dường như có sức mạnh to lớn, “có tiền mua tiên cũng được”,
mua quan bán tước để ông phải thi tám lần nhưng chỉ đỗ đến tú tài. Không chỉ chửi
sự đời, ông còn tự chửi bản thân mình là một người chồng hờ hững, vô tâm, vô tích
sự. Đằng sau những tiếng giằn vặt bản thân ấy, ta thấy được một cái tôi có ý thức
sâu sắc về bản thân mình. Tiếng chửi ấy là biểu hiện của một người chồng giàu
tình thương vợ, thấu hiểu và luôn tôn trọng, đồng cảm cho người vợ của mình.
Bài thơ là tiếng lòng, là tình cảm trân quý mà Tú Xương dành cho người vợ
hiền thảo của mình. Bài thơ thành công với những ngôn ngữ, hình ảnh giản dị, tự
nhiên, giàu sức biểu cảm, vận dụng sáng tạo hình ảnh ngôn ngữ của văn học dân
gian.
Bài thơ “Thương vợ” đã trở thành một mảnh ghép nhỏ tiêu biểu trong bức
tranh muôn màu của mảng thơ trữ tình đong đầy cảm xúc của Tú Xương. Với
những tình cảm yêu thương quý trọng, tác giả đã ghi lại một cách thật xúc động
hình ảnh người vợ tần tảo, giàu đức hi sinh, xin được lấy những vần thơ tự trào của
Trần Tế Xương để khép lại chân dung một người lận đận, long đông con đường
khoa cử mà tấm lòng vẫn dành trọn yêu thương cho vợ cho con:
“Ngọn đèn xanh mấy quyển vàng
Bốn con làm lính, bố làm quan
Hỏi ra quan ấy ăn lương vợ
Đem chuyện trăm năm giở lại bàn”.

You might also like